Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:03:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kỷ yếu... kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút  (Đọc 16502 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 07:33:02 am »

Tên sách: Kỷ yếu hội nghị khoa học lịch sử nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút
Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang xuất bản
12-1984
Số hóa: macbupda

KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC LỊCH SỬ NHÂN KỶ NIỆM
LẦN THỨ 200 NGÀY CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT


(Tổ chức tại thành phố Mỹ Tho — tỉnh Tiền Giang,
Ngày 28 và 29 tháng 12 năm 1984)

VỚI CÁC THAM LUẬN CỦA

HOÀI ANH — NGUYỄN THỨ CHI — PHAN ĐẠI DOÃN — NGUYỄN ANH DŨNG — TÔN THỊ ĐIỆP — TRÁC QUAN ĐỒ — DƯƠNG VĂN HUỀ - NGUYỄN QUỐC HÙNG — ĐINH VĂN KÍNH — PHAN HUY LÊ — MAI QUỐC LIÊN — NGUYỄN LỘC — HUỲNH LỨA — TRẦN THU LƯƠNG — ĐỖ HỮU NGHIÊM — PHẠM NGUYỄN — ĐỖ VĂN NHUNG — LÊ VĂN PHẨM — NGUYỄN DANH PHIỆT — HỒ LY PHƯƠNG — NGUYỄN PHAN QUANG — NGUYỄN VIẾT TÁ — VĂN TÂN — PHAN HUY THIỆP — NGUYỄN KHẮC THUẦN — NGUYỄN NGỌC THỤY — TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG — TRẦN VĂN TRÀ.

LỜI NÓI ĐẦU

Đúng 200 năm trước, vào đêm 18 rạng 19 tháng 1 năm 1785 (tức đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng chạp năm Giáp Thìn) trên khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút đã xảy ra trận quyết chiến chiến lược của quân đội Tây Sơn dưới sự lãnh đạo thiên tài của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đập ta 5 vạn quân Xiêm và hàng ngàn quân bản bộ của Nguyễn Ánh, chôn vùi mộng bành trước đại Thái của vương quốc Xiêm La dưới thời Cha-Kri I cầm quyền xuống đáy sông sâu.

Năm nay, nhân dân Tiền Giang tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng nói trên nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc mà Tiền Giang đã vinh hạnh được Nguyễn Huệ chọn làm địa bàn để chiến đấu và chiến thắng.

Nhân dịp này, Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân, Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tiền Giang cùng với Trường Đại Học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị khoa học về CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT, nhằm tìm hiểu, khảo cứu nhiều khía cạnh xung quanh chiến thắng này mà từ lâu nhiều ngành, nhiều giới trong tỉnh và cả nước đã quan tâm,

Hội nghị khai mạc và làm việc trong hai ngày: 28 và 29 tháng 12 năm 1984 với sự có mặt của đông đảo các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường đại học, các nhà nghiên cứu và nhiều cán bộ lão thành, cùng đại biểu của nhiều tỉnh bạn.

Đây là hội nghị khoa học lịch sử đầu tiên, có quy mô lớn về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút. Nhân dịp này chúng tôi xin trân trọng cảm ơn tác giả các báo cáo khoa học cùng tất cả các cơ quan, đoàn thể và cá nhân — những người đã cộng tác đắc lực và có hiệu quả với chúng tôi trên nhiều phương diện và mức độ khác nhau, góp phần làm cho hội nghị thu được kết quả tốt đẹp.

Sau đây, chúng tôi xin vui mừng giới thiệu nguyên văn hoặc trích đoạn các báo cáo khoa học của hội nghị. Chúng tôi mong mỏi nhận được nhiều ý kiến đóng góp chân thành của các nhà nghiên cứu và của bạn đọc gần xa.


                                                                                                                                                                           
BAN TUYÊN HUẤN TỈNH ỦY
TỈNH TIỀN GIANG
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Hai, 2022, 08:09:39 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 07:35:49 am »

LỜI CHÀO MỪNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU TỈNH
NGHĨA BÌNH — QUÊ HƯƠNG CỦA PHONG TRÀO TÂY SƠN

                                                                                                                                                         
(do đồng chí NAM HÀ, Phó chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Nghĩa Bình, trưởng đoàn đại
biểu tỉnh Nghĩa Bình trình bày)

Thưa các đồng chí,

… Chúng tôi rất cảm động và phấn khởi được Thường Vụ Tỉnh Ủy và UBND Tỉnh Tiền Giang mời tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 200 và về dự hội nghị khoa học về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút — một trong những trận chiến thắng oanh liệt nhất của phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ; và cũng là một trong những trận thủy chiến lớn nhất, lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Thay mặt Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Nghĩa Bình chúng tôi chân thành cảm ơn và hết sức hoan nghênh chủ trương tổ chức lễ hội nầy, chúng tôi xin gởi đến Tỉnh Ủy, UBND, Mặt Trận Tỉnh Tiền Giang, gửi đến các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn lời chúc sức khỏe và lời thăm hỏi nồng nhiệt nhất. Chúc Hội Nghị khoa học về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút thành công tốt đẹp.

Kính thưa các đồng chí.

Nhân Hội nghị Khoa học về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, với tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Bình, tôi xin phát biểu một vài ý kiến.

Rạch Gầm, Xoài Mút — nơi cách đây 200 năm đã chôn vùi gần 5 vạn quân Xiêm, nơi ghi nhận một chiến công hiển hách sau 13 năm từ khi có sự dấy nghĩa của phong trào nông dân Tây Sơn năm 1771, đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng và chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta như những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa bất tử. Bằng chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, quân đội Tây Sơn đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi vùng đất Gia Định, thu hồi những phần đất bị chiếm đóng và làm tiêu tan tham vọng của vua Xiêm đối với phần lãnh thổ cực Nam đất nước ta mà sau nầy các sử thần nhà Nguyễn cho dầu cố tránh né sự thật cũng phải ghi nhận: «Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp».

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút kết thúc cuộc kháng chiến chống Xiêm thắng lợi, đã đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới, làm chủ toàn bộ đất Đàng Trong và có điều kiện mở rộng lực lượng tiến ra Đàng Ngoài lật đổ nền thống trị của tập đoàn phong kiến phản động vua Lê, chúa Trịnh, lập lại nền thống nhất đất nước, tiến tới đánh tan gần 30 vạn quân Thanh, bảo vệ độc lập dân tộc

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút còn giáng một đòn đích đáng, vạch trần chân tướng phản bội của Nguyễn Ánh, đập tan lực lượng quân sự và ảnh hưởng chính trị của bè lũ phản động nầy. Kết quả chiến thắng chẳng những nói lên sự chiến đấu ngoan cường, mưu trí của quân đội Tây Sơn mà còn nói lên nhận thức chính trị vững vàng, sự tham gia, cổ vũ mạnh mẽ của nhân dân vùng Gia Định lúc bấy giờ. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn có những tướng lĩnh địa phương đã đóng góp vào chiến công chung.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút đã mở ra trang sử oanh liệt đầu tiên về sự nghiệp chống xâm lăng của nhân dân miền Nam và đã nêu cao truyền thống thủy chiến lâu đời, ưu việt của quân dân ta, kế thừa và phát huy kinh nghiệm phong phú trong đại phá quân Nam Hán năm 938 và tiêu diệt quân Mông Nguyên năm 1288 ở Bạch Đằng Giang.

Và nói đến chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút là nói đến thiên tài quân sự tuyệt vời của Nguyễn Huệ, người anh hùng nông dân, vị tướng tài ba của quân đội Tây Sơn mới 32 tuổi. Với Rạch Gầm — Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã làm phong phú thêm kho tàng khoa học quân sự của tổ tiên. Nguyễn Huệ chẳng những đã quyết tâm đánh nhanh, diệt gọn, triệt để mà còn biết huy động, sử dụng, kết hợp nhuần nhuyễn các thứ quân thủy, bộ, biết dùng cả lối đánh tấn công và mai phục, biết bố trí thế trận chặt chẽ, tạo ra cho địch sự chủ quan, dẫn đến những bất ngờ không đối phó kịp, và đặc biệt là Nguyễn Huệ đã lợi dụng thành công những yếu tố tự nhiên để xây dựng thế trận, hướng cho địch tiếp nhận trận đánh trong thế đã được chuẩn bị sẵn hoàn toàn có lợi cho ta. Ở đây tiêu biểu là lợi dụng địa hình sông nước, tình hình thủy triều và sức gió đúng vào thời điểm quân giặc đã hoàn toàn lọt vào trận địa phục kích mà phản công, tiêu diệt, đánh cho chúng không còn manh giáp.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, với sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ quả là một chiến thắng đáng tự hào, đáng ghi nhớ, là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với bọn xâm lược trước đây và bọn bành trướng, phản động hiện nay. Đến Rạch Gầm — Xoài Mút hôm nay chúng ta vẫn còn nghe lời truyền tụng về sự tan tác, tháo chạy của quân giặc, làm nổi bật và sáng mãi muôn đời hùng khí của ông cha ta, của nhân dân vùng Gia Định thuở trước.

Kính thưa các đồng chí,

Đối với Nghĩa Bình, nơi xuất phát của phong trào nông dân Tây Sơn là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, trong những năm qua, nhất là từ sau ngày giải phóng đến nay, tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng tự hào và trách nhiệm phát huy truyền thống Tây Sơn — Nguyễn Huệ trong sự nghiệp xây dựng quê hương, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, năm 1976, Tỉnh Ủy và UBND tỉnh đã dựng tượng đài Quang Trung giữa công viên, điểm trung tâm của thị xã Qui Nhơn; năm 1977, Ban nghiên cứu lịch sử Tây Sơn được thành lập; năm 1978, một hội nghị Khoa học về phong trào Tây Sơn được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự, văn hóa trong cả nước. Năm 1979, tại đất Tây Sơn — Nhà Bảo tàng Quang Trung đã được xây dựng với tầm cỡ quốc gia và hiện nay đã trở thành một trong những nơi tham quan, tìm hiểu lịch sử của cả nước. Về mặt tư liệu, ngoài những hiện vật ở nhà Bảo tàng hiện nay bước đầu chúng tôi đã xây dựng một thư mục chuyên đề về Quang Trung — Nguyễn Huệ, về phong trào Tây Sơn nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ và nhân dân trong Tỉnh.

Tuy nhiên, sự nghiệp Quang Trung — Nguyễn Huệ, sự nghiệp của phong trào nông dân Tây Sơn quá rộng lớn, lại đã trải qua bao bước thăng trầm của dân tộc, nên việc nghiên cứu, sưu tầm đòi hỏi phải có thời gian và sức lực không ít mới thực hiện được. Nhân Hội nghị Khoa học lịch sử nầy, chúng tôi tin tưởng và mong muốn hai Tỉnh chúng ta: Tiền Giang và Nghĩa Bình và các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và địa phương sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc nghiên cứu sưu tầm, làm sáng tỏ thêm sự nghiệp của Tây Sơn — Nguyễn Huệ, nhằm góp phần phát huy đến đỉnh cao truyền thống của cha ông trong việc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta hôm nay.

Một lần nữa, xin cảm ơn và xin chúc sức khỏe các đồng chí đại biểu, các đồng chí và các bạn. Chúc Hội nghị Khoa học lịch sử về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút thành công tốt đẹp. Kính chúc các đồng chí sang năm 1985 đạt nhiều thành tích mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 07:37:12 am »

LỜI CHÀO MỪNG CỦA BAN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ

Kính thưa quí vị đại biểu

Kính thưa quí vị khách quí

Thưa tất cả các đồng chí và các bạn.

Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi được đón tiếp các đồng chí từ mọi miền của đất nước về đây tham dự hội nghị khoa học lịch sử về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng này (19-1-1785 — 19-1-1985).

Sự có mặt của các đồng chí là nguồn động viên cổ vũ to lớn đối với chúng tôi; là dịp để gặp gỡ thân mật, trao đổi ý kiến giữa tất cả chúng ta; là điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề mà chúng ta hằng quan tâm xung quanh trận chiến đấu và chiến thắng nầy.

Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng những đại biểu đại diện cho các bộ, các ban ngành của trung ương, các viện nghiên cứu khoa học xã hội, khoa học lịch sử, khoa học quân sự ở thủ đô, ở thành phố Hồ Chí Minh, ở quân khu 7 và 9; đã không quản ngại khó khăn vất vả về phương tiện đi lại, sự xa xôi cách trở về không gian, sự cập rập ngắn ngủi về thời gian và đặc biệt là khắc phục những công việc bề bộn trong những ngày cuối năm để về dự với chúng tôi, mang đến với chúng tôi những tình cảm đẹp đẽ và chân tình, thể hiện mối quan tâm sâu sắc giữa trung ương và địa phương.

Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng những địa biểu đại diện cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành và Đặc khu anh em từ Nghĩa Bình trở vào tới Minh Hải. Sự có mặt của các đồng chí không chỉ nói lên tình nghĩa thân thiết giữa các địa phương với nhau, đã từng đồng cam cộng khổ trong thời kỳ đánh Mỹ cũng như trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, mà còn là biểu hiện mối tương đồng, chất kết dính, gắn chúng ta lại với nhau trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng tập thể các tác giả tham gia báo cáo khoa học ở hội nghị nầy, gồm các nhà nghiên cứu ở các viện, các giáo sư và các cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, các đồng chí lãnh đạo quân đội và làm sử quân sự của trung ương và các quân khu 7, 9… Chúng tôi tin tưởng rằng với những ý kiến phân tích, đánh giá, nhận định, một cách khoa học và khách quan, các đồng chí sẽ làm phong phú thêm cho hội nghị, góp phần làm cho hội nghị thành công tốt đẹp. Đặc biệt chúng tôi xin cảm ơn khoa sử trường đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong suốt quá trình để đi đến hội nghị hôm nay.

Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí cán bộ cao niên của tỉnh, đã không ngần ngại tuổi cao sức yếu, về dự với chúng tôi, mang đến cho chúng tôi tình cảm ưu ái của lớp người đi trước, thể hiện sự chăm sóc, vun bồi thế hệ đi sau và chắc chắn sẽ chỉ bảo chúng tôi những điều quí báu.

Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang; các đại diện của Huyện ủy, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành trong tỉnh, đã có mặt đông đủ để lãnh đạo và đóng góp cho hội nghị của chúng ta. Đặc biệt chúng tôi chào mừng đại biểu của Xã ủy và Ủy ban Nhân dân hai xã Kim Sơn và Bình Đức đại diện cho nhân dân Rạch Gầm và Xoài Mút, nơi mà Long Nhương Nguyễn Huệ chọn làm địa bàn quyết chiến chiến lược để chiến thắng bọn Xiêm — Nguyễn 200 năm xưa.

Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng các bạn phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, thông tấn xã Việt Nam, đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương của thành phố Hồ Chí Minh và của tỉnh nhà, đã đến với chúng tôi, để ghi lại hình ảnh và sự kiện mà hội nghị của chúng ta sẽ tiến hành. Chúng tôi tin tưởng rằng với phương tiện hiện đại và phương pháp thể hiện Mác xít, các bạn sẽ giúp cho khán thính giả, độc giả nhiều thông tin chính xác và kịp thời.

Xin kính chúc các đồng chí sức khỏe và chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin quí vị đại biểu cho phép hội nghị được bắt đầu vào chương trình chính.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 07:39:03 am »

DIỄN VĂN KHAI MẠC HỘI NGHỊ

                                                                                                                                                       
(của đồng chí LÊ VĂN PHẨM, Ủy viên Ban
Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam, bí thư tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang)

Kính thưa đoàn chủ tịch

Kính thưa quí vị đại biểu

Kính thưa các đồng chí và các bạn

Trong không khí phấn khởi của những ngày cuối năm, giữa lúc các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế, văn hóa trong tỉnh kết thúc hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1984, chuẩn bị bước vào một năm mới đầy lạc quan và tin tưởng; giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tưng bừng kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và chuẩn bị ngày hội mừng công, tổng kết công tác tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, công bố tỉnh hoàn thành cơ bản hợp tác hóa chủ yếu với hình thức tập đoàn sản xuất, hôm nay, giữa lòng thành phố Mỹ Tho thân yêu, chúng ta phấn khởi tiến hành hội nghị khoa học lịch sử về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng này.

Thay mặt Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang, tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả các đồng chí đại biểu, chào mừng các đồng chí giáo sư, các nhà sử học đã mang đến cho nhân dân Tiền Giang tình cảm nồng thắm, mang đến cho hội nghị khoa học những đóng góp về sưu tầm nghiên cứu khoa học, làm cho cuộc hội nghị của chúng ta đáp ứng được lòng mong muốn của đồng bào trong tỉnh và đồng bào cả nước.

Chúng tôi chân thành chúc sức khỏe các đồng chí và bày tỏ lòng tin tưởng rằng hội nghị khoa học sẽ thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí và các bạn.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút là một trận thủy chiến đầu tiên và lớn nhất ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc; trận quyết chiến chiến lược giữa đội quân nông dân Tây Sơn do anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ chỉ huy với tập đoàn phong kiến Xiêm — Nguyễn, đã đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược và mấy ngàn quân bản bộ của Nguyễn Ánh, làm thất bại âm mưu bành trướng bá quyền đại Thái của vương quốc Xiêm La dưới thời Chất-tri I cầm quyền.

Võ công lừng lẫy của nghĩa quân Tây Sơn trong chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, mãi mãi là niềm tự hào bất diệt của mỗi người Việt Nam chúng ta; một tấm gương sáng chói về lòng dũng cảm, chí hy sinh của nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; một kỳ công rực rỡ về tài thao lược của tổ tiên ta. Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút đã đem vinh quang về cho dân tộc và đã làm cho kẻ thù xâm lược phải nhớ mãi về sau — như chúng tự thú: «sợ Tây Sơn như sợ cọp».

Từ ấy đến nay đã 200 năm. Dẫu bị chính quyền phong kiến thực dân, đế quốc cố tình bưng bít và xuyên tạc, dẫu bị các sử gia bồi bút của chúng bóp méo và bôi bác, sức sống mãnh liệt của trận Rạch Gầm — Xoài Mút vẫn tồn tại mãi mãi trong ký ức bất diệt của nhân dân ta, ghi vào lịch sử của dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất.

Năm nay, chúng ta tổ chức kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút và tổ chức hội nghị khoa học nầy không ngoài mục đích ôn lại truyền thống của cha ông, tìm hiểu giá trị và âm vang của trận đánh, nhận định đánh giá tài thao lược của tổ tiên, môi trường và hoàn cảnh xã hội của hai thế kỷ trước v.v… đồng thời để khẳng định một vấn đề có tính thời sự và thời đại, rằng: một dân tộc dù đất không rộng, người không đông, nếu biết đoàn kết đứng lên chống giặc giữ nước, có đường lối đúng đắn, thì dân tộc đó nhất định sẽ chiến thắng.

Thưa các đồng chí và các bạn

Trong hoàn cảnh có nhiều công việc bề bộn của những ngày năm hết tết đến này, chúng tôi tổ chức hội nghị như hôm nay, chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, cả về nội dung và hình thức, ăn nghỉ và đi lại, tiếp xúc và thăm hỏi, giải trí và sức khỏe… chúng tôi mong rằng các đồng chí và các bạn thật sự thông cảm và mạnh dạn đóng góp cho chúng tôi. Về phần mình, chúng tôi hết sức cố gắng phục vụ các đồng chí, khắc phục những gì có thể khắc phục được để đáp ứng nhu cầu của đại biểu hội nghị, làm cho hội nghị đạt kết quả tốt đẹp và thành công rực rỡ.

Một lần nữa xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các đồng chí.

Chúc những ngày các đồng chí lưu lại ở Tiền Giang vui tươi và sức khỏe.

Tôi xin tuyên bố khai mạc hội nghị của chúng ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 07:44:00 am »

RẠCH GẦM — XOÀI MÚT, QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT CỦA CHÚNG TA

Báo cáo của Ban Tổ chức Hội nghị do đồng
chí NGUYỄN KHẮC THUẦN, Phó chủ
nhiệm Bộ môn lịch sử dân tộc trường đại
học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Phó
ban tổ chức hội nghị, chấp bút soạn thảo và trình bày

Đúng hai trăm năm trước đây, vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng 1 năm 1785 (tức đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng chạp năm Giáp Thìn), trên khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, một trận ác chiến đã diễn ra giữa quân đội Tây Sơn với quân xâm lược Xiêm La do tên bán nước Nguyễn Ánh nhục nhã rước về. Và kỳ diệu thay, chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, năm vạn quân Xiêm hung hãn cùng với hàng ngàn quân bản bộ của Nguyễn Ánh đã bị đánh tan tành!

Võ công lừng lẫy ấy chẳng những đã đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lăng của lũ cướp nước mà còn trừng trị đích đáng hành động bán nước đê hèn của tập đoàn Nguyễn Ánh; chẳng những đã tạo ra bước ngoặt trọng đại cho toàn bộ quá trình phát triển nhảy vọt sau đó của phong trào Tây Sơn, mà còn làm rạng rỡ với những trang sử oai hùng của dân tộc.

Rạch Gầm — Xoài Mút là một trong ba trận thủy chiến lớn nhất, và là một trong những trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất nhất của lịch sử nước nhà.

Nhưng tiếc thay, cũng như tất cả những cống hiến vĩ đại khác của phong trào Tây Sơn, sự kiện có ý nghĩa và tầm vóc lịch sử lớn lao này, ngay từ khi vừa mới diễn ra, đã bị các thế lực phản động ở trong cũng như ngoài nước cố tình bóp méo và xuyên tác. Nghịch lý ấy đã tồn tại trong sách vở trên ngót 150 năm trời!

Phải đợi đến sau cách mạng tháng Tám, bất công này mới được xóa bỏ. Giới sử học Mác-xít nước ta đã trả lại vinh quang ngàn đời bất diệt cho phong trào Tây Sơn nói chung và cho trận Rạch Gầm — Xoài Mút nói riêng.

Đến nay, tuy công cuộc nghiên cứu đang tiếp tục, tuy nhiều vấn đề đặt ra vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng, nhưng rõ ràng, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Hàng loạt các giáo trình được dùng để giảng dạy chính thức trong các trường đại học, cao đẳng và trung học, hàng loạt các luận văn có giá trị được công bố trên nhiều tạp chí khoa học trong thời gian qua(1), tự nó đã nói lên điều đó.

Năm 1976, tác phẩm Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc ra đời(2) đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của quá trình nghiên cứu về trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Các tác giả Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm và Trần Bá Chi đã giành hẳn một chương (chương V từ trang 311 đến trang 350) để trình bày về trận quyết chiến chiến lược này. Tác phẩm chẳng những đã tổng kết một cách sinh động toàn bộ thành tựu nghiên cứu trước đó của giới sử học Mác-xít nước ta về đề tài này, mà còn có công bổ sung và chỉnh lý rất nhiều tài liệu thư tịch có giá trị. Một công trình kết tinh sức lao động công phu và nghiêm túc của một tập thể tác giả như vậy, lại được ra mắt bạn đọc cả nước vào mùa Xuân đầu tiên sau trận đại thắng mùa Xuân năm 1975, thật có ý nghĩa biết dường nào.

Cuối năm 1976, lần đầu tiên trên mảnh đất vinh hạnh được Nguyễn Huệ chọn làm địa bàn tiêu diệt quân Xiêm — Nguyễn, Tỉnh Ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức trọng thể, lễ kỷ niệm lần thứ 192 ngày chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút. Sự kiện này không phải chỉ tỏ rõ một tấm lòng thành kính đối với các vị anh hùng tiền bối, mà quan trọng hơn, đã bộ lộ rất sớm, một nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về ý nghĩa và giá trị đặc biệt của tinh hoa truyền thống dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới.

Nhân dịp này, giáo sư Nguyễn Công Bình, giáo sư Nguyễn Đổng Chi(3) cùng nhiều cán bộ nghiên cứu khác đã công bố một số kết quả khảo cứu mới của mình(1). Công cuộc nghiên cứu về trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm — Xoài Mút tiến thêm một bước rất đáng kể. Đây là lần đầu tiên, việc tổ chức khảo sát thực địa được tiến hành. Các công trình mới này, vì thế mà có sức hấp dẫn rất đặc biệt.

Từ đó, tám năm đã trôi qua...

Trong bề bộn của hàng loạt đề tài vừa có ý nghĩa khoa học lại có ý nghĩa chính trị và thời sự lớn lao, tám năm chưa phải là khoảng thời gian đủ để chúng ta hoàn thiện những khía cạnh mà các tác giả đi trước chưa kịp hoàn thiện, nhưng rõ ràng là, từ hôm nay và từ Tiền Giang, thực tiễn sôi động đang đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp mới. Trong bối cảnh đó, thật đáng khích lệ biết bao khi Tỉnh Ủy và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang quyết định tổ chức Hội nghị Khoa học Lịch sử về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, nhân kỷ niệm trọng thể lần thứ 200 ngày nổ ra trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất này.

Xin cho phép tôi được thay mặt Ban Tổ Chức Hội Nghị, kính gửi đến Tỉnh ủy và Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Tiền Giang lời cảm ơn chân thành nhất của chúng tôi. Cũng nhân dịp này, xin cho phép tôi được thay mặt Ban Tổ Chức Hội Nghị, nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cảm ơn các trung tâm nghiên cứu và đào tạo, các cơ quan hữu quan, các giáo sư, các nhà nghiên cứu cùng tất cả các tác giả khác đã vui lòng cộng tác chặt chẽ và có hiệu quả với chúng tôi, để hôm nay, chúng ta có thể tiến hành được cuộc Hội Nghị Khoa học này, đúng như kế hoạch đã định.

Như trên đã nói, các tác giả đi trước chẳng những đã để lại chúng ta những thành tựu, mà còn có công gợi cho chúng ta một số vấn đề cần tiếp tục thảo luận thêm. Trong công tác nghiên cứu, cả hai phần di sản mà chúng ta được vinh hạnh thừa hưởng này đều là rất đáng quý. Nhưng, đứng trước khá nhiều vấn đề đặt ra từ những công trình khảo cứu đã được công bố, việc chọn lựa những vấn đề nào nổi bật nhất để cùng nhau trao đổi, thảo luận trước là điều cần thiết và cũng thật tự nhiên. Xuất phát từ ý muốn khiêm nhượng và chân thành ấy, các đồng chí trong Ban Tổ chức Hội nghị có bàn bạc và nhất trí giao cho tôi soạn thảo bản báo cáo có tính chất đề dẫn này.

Sau đây, tôi xin lần lượt nêu lên những vấn đề mà Ban Tổ chức Hội nghị chúng tôi cho là nổi bật nhất.


(1) Xem Thư mục về phong trào Tây Sơn, Ban tuyên huấn tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang xuất bản, 8-1984.
(2) Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976.
(3) Giáo sư Nguyễn Đổng Chi vừa vĩnh biệt chúng ta vào 7-1984.
(4) Xem Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, Ban Tuyên Giáo và Ty Thông Tin Văn Hóa Tiền Giang xuất bản, 1-1977.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 07:49:01 am »

I — MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG QUANH PHƯƠNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU VỀ TRẬN RẠCH GẦM — XOÀI MÚT HIỆN NAY

Trước khi bước vào trình bày chương V (chương viết về trận Rạch Gầm — Xoài Mút), các tác giả Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc(1) có chân tình tâm sự: «Viết chương này (tức chương V — N.K.T.) trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi chưa có điều kiện tiến hành khảo sát và sưu tầm tài liệu có liên quan đến chiến thắng tại vùng Rạch Gầm — Xoài Mút. Do đó, so với những chương khác của tập sách, chương này có hạn chế lớn về nguồn tư liệu địa phương mà chúng tôi chưa nghiên cứu được»(2).

Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như vậy, các tác giả đành phải tạm thời giới hạn nguồn tài liệu của mình trong khuôn khổ di sản thư tịch. Đây cũng là đặc điểm chung, thể hiện những hạn chế tất yếu của các công trình khảo cứu về trận Rạch Gầm — Xoài Mút trước năm 1975.

Tuy thiếu hẳn nguồn tài liệu khảo sát thực địa, nhưng bù lại, các tác giả Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc đã có công thu tập và chỉnh lý một khối lượng thư tịch rất lớn lao. Những kết luận khoa học trên cơ sở thư tịch nêu lên ở đây đều giàu sức thuyết phục. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng quá trình khảo sát thực địa vẫn thường đồng thời là quá trình phát hiện thêm thư tịch mới. Đành rằng, những thư tịch quan trọng nhất đều đã được các tác giả thu tập và giới thiệu, song điều ấy không có nghĩa là khâu thư tịch đã hoàn thiện. Hiện tại, còn một số thư tịch có giá trị bổ sung, thậm chí là cả một số thư tịch có giá trị bổ sung, thậm chí là cả chỉnh lý một số chi tiết trong hiểu biết của chúng ta chung quanh đề tài này, nhưng vẫn chưa được khai thác. Chúng tôi muốn nói đến kho Văn Khố của Hội Truyền Giáo Ngoại quốc ở Paris (Archives des Missions Étrangères de Paris), đến những cuốn đặc khảo địa phương được biên soạn sớm nhất (như Monographie de la province de Mỹ Tho)(3), đến các thư tịch Hán Nôm thời Gia Long (như Nguyễn Triều long hưng sự tích)(4), và đến những ghi chép đầu tiên bằng chữ quốc ngữ (như Sử ký Đại Nam Việt)(5)... v.v...

Tóm lại, tiếp tục hoàn thiện khâu tài liệu thư tịch là một trong những khuynh hướng quan trọng của chúng ta.

Nhưng, yêu cầu bức thiết nhất, nổi bật nhất hiện nay vẫn là tổ chức khảo sát thực địa. Tây Sơn luôn luôn hành quân thần tốc. Rạch Gầm — Xoài Mút là trận thủy chiến. Một trận thủy chiến thần tốc diễn ra cách đây hai thế kỷ thì chắc chắn dấu tích để lại không nhiều. Đã thế, triều Nguyễn còn ra sức tìm đủ mọi cách để xóa sạch dấu vết của Tây Sơn. Những sự thực khách quan ấy tuy có hạn chế khả năng phát hiện tài liệu, nhất là tài liệu hiện vật, nhưng hoàn toàn không thể làm bế tắc công tác khảo sát thực địa, càng không thể làm cho công tác khảo sát thực địa của chúng ta trở nên vô nghĩa. Ngược lại, càng đi khảo sát, chúng ta càng thấy thêm nhiều vấn đề lý thú mới đặt ra. Những kết quả khảo sát mới về trận Rạch Gầm — Xoài Mút trong mấy năm qua tự nó đã nói lên điều đó.

Trong nhận thức về phương hướng nghiên cứu, chúng ta vẫn thường nói đến sự hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành khoa học có liên quan. Nhưng, nhìn lại quá trình nghiên cứu đề tài này, chúng ta có thể thấy ngay rằng sự tham gia của các ngành khoa khác chưa nhiều. Không ít vấn đề nằm ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của các nhà nghiên cứu lịch sử, hiện tại vẫn còn gần như để trống. Chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có mặt của các chuyên gia về quân sự. Rạch Gầm — Xoài Mút là một sự kiện quân sự đặc sắc. Muốn nghiên cứu tốt sự kiện quân sự đặc sắc ấy, tất yếu phải có sự tham gia của các nhà quân sự.

Tóm lại là, tiếp tục hoàn thiện tài liệu thư tịch, đồng thời tổ chức tốt công tác khảo sát thực địa và phối hợp nhiều ngành khoa học có liên quan cùng tham gia nghiên cứu là ba vấn đề nổi bật nhất chung quanh phương hướng nghiên cứu trận Rạch Gầm — Xoài Mút hiện nay.


(1) Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976.
(2) Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Sách đã dẫn, trang 311.
(3) Publications de la Société des Études Indochinoises, Impr. Ménard, Saigon, 1902.
(4) Tác giả: Trần Văn Tuấn. Xem bản dịch của Trung Tâm Học liệu Sài Gòn, 1968.
(5) Khuyết danh. Đã được Bộ Quốc gia Giáo dục (chế độ cũ) xuất bản, Sài Gòn, 1960
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 07:54:08 am »

II. — MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHUNG QUANH DIỄN TIẾN LỊCH SỬ CỦA TRẬN RẠCH GẦM — XOÀI MÚT

1) Về cuộc xâm lăng của quân Xiêm La

Trong lịch sử bang giao với nước ta, Xiêm La (tên cũ của Thái Lan ngày nay) đã từng rất nhiều lần trắng trợn can thiệp thô bạo hoặc trực tiếp đem quân sang cướp phá và xâm lược nước ta. Chúng tôi cho rằng, phải đặt cuộc xâm lăng của quân Xiêm năm 1784 trong toàn bộ tham vọng bành trướng xấu xa ấy của chúng mới có thể thấy hết ý nghĩa cũng như tầm vóc thắng lợi của Tây Sơn trong trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Và bây giờ, cũng đã đến lúc phải có một biên niên những hành vi can thiệp và xâm lăng có hệ thống của quân Xiêm đối với nước ta trong nhận thức lịch sử của mỗi người. Sự kiện năm 1784 không phải là một sự kiện cá biệt. Sự kiện đó có gắn liền với tội bán nước nhục nhã của Nguyễn Ánh, nhưng cội nguồn sâu xa của nó lại là ở những mưu đồ chính trị xấu xa của bọn thống trị Xiêm La.

Năm 1784, cuộc xâm lăng của quân Xiêm đã diễn ra như thế nào? Trước năm 1965, do căn cứ vào ghi chép của chính sử nhà Nguyễn nên chúng ta tưởng rằng tổng số quân Xiêm do Nguyễn Ánh rước về là hai vạn. Hai vạn thủy binh. Từ năm 1965, khi phát hiện ra Mạc thị gia phả(1), chúng ta phủ định con số hai vạn nói trên và cho rằng tổng số quân Xiêm do hai cháu của vua Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy, chia làm hai đạo cùng tiến sang nước ta. Đạo thủy binh gồm hai vạn do trực tiếp cầm đầu, còn đạo bộ binh gồm ba vạn thì giao cho các tướng Lục Côn, Sa Uyển và Chiêu Thùy Biện(2) quản lãnh. Ở đây, vấn đề hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ là hai đạo quân thủy bộ này đã tham gia và phối hợp với nhau như thế nào trong quá trình xâm lăng nước ta cũng như trong trận Rạch Gầm — Xoài Mút? Và, nếu có bộ binh Xiêm La tham chiến đông đảo thì Tây Sơn đã đối phó ra sao? Trận Rạch Gầm — Xoài Mút, do vậy, ngoài đặc trưng nổi bật là thủy chiến như đã biết, liệu còn những vấn đề gì đặt ra nữa không?

2) Một số vấn đề chung quanh hoạt động của quân đội Tây Sơn ở Gia Định do phò mã Trương Văn Đa chỉ huy và về sự có mặt của Nguyễn Huệ cùng đại binh Tây Sơn ở Mỹ Tho vào đầu năm 1785.

Ngay khi quân Xiêm — Nguyễn tràn vào Gia Định, phò mã Trương Văn Đa đã chủ động tổ chức đánh trả rất quyết liệt, đồng thời cử đô úy Đặng Văn Trấn về cấp báo với bộ chỉ huy tối cao ở Quy Nhơn. Hoạt động của quân đội Tây Sơn ở Gia Định trước khi Nguyễn Huệ đem đại binh vào, chẳng những đã tỏ rõ một chuyển biến rất mới về chất trong nhận thức của đội quân nông dân trước sự cấu kết cực kỳ nguy hiểm giữa kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc, mà thực sự, cuộc chiến đấu không cân sức nhưng rất ngoan cường của họ còn góp phần to lớn vào việc tạo ra cục diện chiến trường đặc biệt ở Tiền Giang vào đầu năm 1785. Như vậy, tiền đề thắng lợi của trận Rạch Gầm — Xoài Mút đã xuất hiện ngay trong những hoạt động của quân đội Tây Sơn, nhưng, hiểu biết của chúng ta chung quanh nhân vật Trương Văn Đa và cuộc chiến đấu trước tháng 1 năm 1785 do ông lãnh đạo, quả là chưa nhiều.

Về sự có mặt của Nguyễn Huệ ở Tiền Giang vào đầu năm 1785, hiện có hai vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ. Một là, Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn đến Mỹ Tho vào thời điểm cụ thể nào? hai là, đại binh Tây Sơn cùng đi với Nguyễn Huệ có tổng số bao nhiêu?

Nhiều tác giả đã mạnh dạn nêu lên những đoán định của mình. Đành ý kiến doán định nào cũng có những cơ sở đáng tin cậy riêng, song, trước sau thì đó cũng chỉ mới là những ý kiến đoán định mà thôi. Sẽ thật là phi lý nếu chúng ta đòi hỏi phải có một con số chính xác, nhưng, chừng nào những ý kiến đoán định còn cách biệt nhau quá xa thì vấn đề này còn phải tiếp tục được thảo luận thêm(3).

Căn cứ vào nhiều thư tịch khác nhau, chúng ta có thể nói trận Rạch Gầm — Xoài Mút nổ ra vào tháng chạp năm Giáp Thìn (tức tháng 1 năm 1785). Nhưng, nếu hỏi thêm rằng, trận Rạch Gầm — Xoài Mút nổ ra ngày cụ thể nào của tháng chạp năm Giáp Thìn thì quả thật khó mà trả lời chính xác được. Hiện nay, dựa trên những kết quả chung về phân tích thư tịch, chúng ta tạm thời nói trận Rạch Gầm — Xoài Mút nổ rao và đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng chạp năm Giáp Thìn (đêm 18 rạng 19 tháng 1 năm 1785), nhưng điều này không có nghĩa là vấn đề thời điểm của trận Rạch Gầm — Xoài Mút đã được giải quyết triệt để. Riêng khía cạnh này, ý kiến nêu ra tuy sai biệt nhau không quá xa, nhưng dẫu sao thì vẫn còn có sai biệt(4).


(1) Xem: Ca Văn Thỉnh «Mạc thị gia phả» và trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Nghiên Cứu Lịch Sử số 79, Hà Nội, 1965.
(2) Còn phiên âm là Chiêu Thùy Bền, Chiều Thùy Bèn…
(3) Ví dụ: các tác giả Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc đoán định tổng số quân Tây Sơn tham trận có khoảng 2 vạn (kể cả quân của phò mã Trương Văn Đa). Nhưng Nguyễn Đổng Chi, trong báo cáo in ở Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút (Tiền Giang, 1977), lại đoán định quân Tây Sơn có đến 5 vạn
(4) Đêm mùng 8 rạng ngày 9 tháng chap Giáp Thìn và đêm mùng 9 rạng mùng 10 tháng chạp Giáp Thìn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 07:57:32 am »

3) Về không gian của trận Rạch Gầm — Xoài Mút

Cách nhà nghiên cứu đều nói dại bản doanh của Tây Sơn đặt ở Mỹ Tho. Trên bản đồ hiện đại, Mỹ Tho là tên một thành phố có quy mô kiến thiết ngày càng rộng lớn. Khái niệm đồn Mỹ Tho xưa tất nhiên là không thể bao hoàn toàn bộ thành phố Mỹ Tho ngày nay rồi. Vậy thì, đồn Mỹ Tho xưa nằm ở đâu? Bản đồ của các tác giả Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc ghi rõ đại bản doanh Tây Sơn nằm bên hữu ngạn sông Bảo Định. Theo chúng tôi, sự đoán định nầy cần cân nhắc thêm. Cũng có tác giả cho rằng đồn Mỹ Tho phải nằm bên tả ngạn sông Bảo Định, nhưng, ý kiến này lại chưa được giải thích cặn kẽ. Gần đây, nhiều đoàn khảo sát thực địa cho rằng, đồn Mỹ Tho xưa có nhiều khả năng nằm bên tả ngạn sông Bảo Định hơn. Theo chúng tôi, đây là điều rất đáng suy nghĩ.

Đối đầu với đại bản doanh Tây Sơn ở Mỹ Tho là lực lượng Xiêm — Nguyễn ở Trà Tân. Nhưng, Trà Tân là tên của vùng đất cụ thể nào? Các địa danh Trà Tân, Trà Luật, Tà Luật, Trà Luộc, Trà Suốt, Trà Lọt… liên hệ với nhau như thế nào? Nhiều tác giả cho rằng Trà Tân xưa chính là khu vực vàm Trà Tân ngày nay(1). Nhiều đoàn khảo sát tại Tiền Giang từ sau năm 1975 đến nay cũng có nhận định như vậy. Nhưng, cũng có một số tác giả lại cho rằng Trà Tân xưa chính là khu vực Trà Lọt ngày nay(2). Sự chỉ định khác nhau này dẫn đến những cách hiểu cũng rất khác nhau về không gia trận Rạch Gầm — Xoài Mút.

Một khi đồn Mỹ Tho được coi là địa bản doanh, Rạch Gầm — Xoài Mút là những vị trí ém quân mai phục thì chốt tiền tiêu của quân đội Tây Sơn sẽ ở đâu? Hồ sơ khảo sát của Khoa Sử trường đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh (5-1984) có nói đến một con rạch ở phía trên rạch Gầm và thông lưu với Rạch Gầm, có tên là rạch Rau Răm. Phải chăng, đây là chốt tiền tiêu của Tây Sơn? Nếu quả đúng như vậy thì rõ ràng đây là một vị trí quan trọng mà các công trình nghiên cứu về trận Rạch Gầm — Xoài Mút từ trước tới nay chưa hề nhắc tới.

Rạch Gầm và Xoài Mút là những chi lưu của Tiền Giang. Ngay nay do những biến đổi tự nhiên của địa hình, rạch Xoài Mút chỉ còn là một con rạch rất nhỏ. Nhưng, theo thư tịch cũ, xưa kia cả Rạch Gầm lẫn Xoài Mút đều là những chi lưu đáng kể của Tiền Giang. Trên cả hai chi lưu đáng kể ấy, Nguyễn Huệ đã bố trí mai phục binh thuyền ở vị trí cụ thể nào? Vấn đề này, gần như chưa có ai bàn tới, và vì lẽ đó, chúng ta chỉ nói đến Rạch Gầm và Xoài Mút một cách chung chung.

Cũng chung quanh không gian cụ thể của trận Rạch Gầm — Xoài Mút, có một vấn đề thật đơn giản, nhưng tiếc thay, lại từng được trình bày một cách phức tạp, đó là mối tương quan địa lý giữa các vị trí Mỹ Tho, Xoài Mút, cù lao Thới Sơn, Rạch Gầm, Trà Tân… Các công trình chỉ dựa trên thư tịch thì rõ ràng là phải ước đoán khoảng cách giữa các vị trí trên. Nhưng, các công trình khảo sát thực địa mà vẫn phải ước đoán (và ước đoán sai biệt nhau quá xa) là điều cần sớm được giải quyết.

Vấn đề không gian và vấn đề thời gian của trận Rạch Gầm — Xoài Mút có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Không giải quyết triệt để vấn đề này thì vấn đề kia thực sự cũng chỉ có ý nghĩa tạm thời như là tương truyền mà thôi. Mặt khác, chừng nào chưa giải quyết triệt để đồng thời cả hai vấn đề này thì các vấn đề liên quan khác cũng chưa thể giải quyết trọn vẹn được.

4) Về những diễn biến của chiến trường Gia Định sau khi quân Xiêm — Nguyễn đại bại ở Rạch Gầm — Xoài Mút

Khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút là nơi được Nguyễn Huệ chọn làm quyết chiến điểm, nhưng trận Rạch Gầm — Xoài Mút, hiểu theo ý nghĩa đầy đủ của nó, thì không phải chỉ diễn ra trong phạm vi khu vực quyết chiến điểm nói trên. Cuộc truy đuổi ráo riết quân đội Tây Sơn, khiến cho bè lũ Nguyễn Ánh phải chạy bán sống bán chết, để rồi rốt cuộc phải lưu vong nhục nhã, khiến cho «Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp»(3), rõ ràng là những hoạt động không thể tách rời trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Chúng ta có thể nói rằng, cùng với trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm — Xoài Mút, những cuộc truy đuổi ráo riết này của quân đội Tây Sơn đã thực sự góp phần rất quan trọng vào việc hoàn thành triệt để sứ mạng bảo vệ trọn vẹn biên cương phía Nam lúc bấy giờ. Thắng lợi của cuộc truy đuổi, chẳng những phản ánh ảnh hưởng mạnh mẽ mà còn nói lên tầm vóc lớn lao của trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Từ nhận thức như vậy, chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để từng bước dựng lại một cách có hệ thống những diễn biến lịch sử của chiến trường Gia Định sau trận giao tranh kịch liệt ở Tiền Giang.

5) Về sự đóng góp của nhân dân Tiền Giang trong trận Rạch Gầm — Xoài Mút

Cho đến nay mà nói, do thời gian có hạn, các đoàn khảo sát của chúng ta chưa thể giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Và đây cũng là một khiếm khuyết cần sớm được khắc phục. Ở một vùng đất có quá nhiều biến cố lớn lao như miền Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng, việc thu thập tài liệu dân gian về Tây Sơn không phải là dễ. Tuy nhiên, cả về lý luận lẫn thực tiễn, chúng tôi thấy khả năng thu tập được tài liệu này vẫn còn. Về lý luận, Rạch Gầm — Xoài Mút là trận mai phục kết hợp với bao vây tiêu diệt. Muốn mai phục được mở một vùng rất có dân như Rạch Gầm — Xoài Mút thì vấn đề cốt lõi đầu tiên là phải nắm được lòng dân. Nơi ẩn náu kín đáo nhất, lợi hại nhất của quân đội không phải là địa hình hiểm trở mà chính là lòng dân. Thắng lợi của trận Rạch Gầm — Xoài Mút, do vậy không phải chỉ là thắng lợi của quân đội Tây Sơn mà nhất định còn phải là thắng lợi của nhân dân Tiền Giang lúc bấy giờ. Về mặt thực tiễn, kết quả khảo sát của một số đoàn trong thời gian qua đã thực sự mở ra những triển vọng rất tốt đẹp. Tuy chưa nhiều nhưng bước đầu chúng ta cũng đã sơ bộ nắm được việc nhân dân Tiền Giang và các vùng lân cận đã cung cấp vỏ dừa khô cho Nguyễn Huệ để Nguyễn Huệ làm nghi binh như thế nào, việc nhân dân một số nơi đã ủng hộ Tây Sơn ra sao… v.v… Dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn nói trên, chúng tôi mong muốn tất cả các đoàn khảo sát sau này sẽ nhanh chóng làm nổi rõ những cống hiến của nhân dân Tiền Giang trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập rất đặc biệt này.

*
*   *

Trên đây là một số vấn đề mà Ban Tổ Chức chúng tôi cho là nổi bật nhất, do đó, cần được tập trung thảo luận trước nhất để sớm được giải quyết thỏa đáng nhất. Từ diễn đàn của cuộc thảo luận quan trọng này, chúng tôi hy vọng rằng, trong một thời gian không xa nữa, chúng ta sẽ có những công trình nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc mọi khía cạnh của trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Chúc Hội Nghị Khoa Học Lịch sử về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút của chúng ta thành công tốt đẹp. Chúc tất cả quý vị có mặt hôm nay dồi dào sức khỏe để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của chúng ta, nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu về trận Rạch Gầm — Xoài Mút.


(1) Xem bản đồ in trong Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 1976
(2) Xem các báo cáo in trong Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, Tiền Giang, 1977.
(3) Vũ Thế Dinh: Mạc thị gia phả
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 08:00:16 am »

QUAN HỆ GIỮA THÁI LAN VÀ CÁC NƯỚC TRÊN BÁN ĐẢO TRUNG ẤN
Ở NỬA CUỐI THẾ KỶ XVIII

ĐỖ VĂN NHUNG
(Phó chủ nhiệm bộ môn lịch sử Thế giới
                                                                                                                                             
Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh)

Vào nửa cuối thế kỷ thứ XVIII, Thái Lan trở thành một vương quốc lớn mạnh trong số các nước ở vùng Đông Nam Á, trong khi đó thì các nước láng giềng của Thái Lan lại rơi vào một thời kỳ khủng hoảng kéo dài và bị suy yếu. Tình hình ấy đã kích thích tham vọng bành trướng của giai cấp phong kiến cầm quyền ở Thái Lan và tạo thời cơ thuận lợi cho nó thực hiện chính sách xâm lược đối với các nước này.

Về tình hình phát triển nội tại của Thái Lan thì cho tới thế kỷ thứ XVIII, giai cấp phong kiến Thái Lan đã tiến được những bước dài trên con đường xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền, xóa bỏ tình trạng cát cứ phong kiến. Trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài giữa các vua của A-yu-thay-a và các thủ lĩnh địa phương, cho tới lúc này hầu hết các vùng ở lưu vực sông Chao Phia (hoặc thường gọi là Mê-nam Chao Phơ-ray-a) đều bị đặt dưới quyền kiểm soát của người đứng đầu vương quốc A-yu-thay-a. Vương quốc này đã đóng vai trò là trung tâm qui tụ của quốc gia thống nhất trung ương tập quyền Thái Lan(1) với thủ đô là A-yu-thay-a.

Sự thống nhất quốc gia, dù chỉ là mới được xây dựng, đã đem lại cho Thái Lan nguồn sức mạnh mới. Không những nó tạo thuận lợi cho nền kinh tế trong nước phát triển mà còn giúp cho chính quyền trung ương có thể huy động được tới mức cần thiết nguồn nhân lực và vật lực của tất cả các miền trong nước để đương đầu với kẻ thù từ bên ngoài kéo đến xâm lược Thái Lan. Do đó, Thái Lan lúc này có đủ sức mạnh để đẩy lùi hoặc làm thất bại tất cả các cuộc xâm lăng từ ngoài tới, giữ vững và củng cố nền độc lập và thống nhất quốc gia. Giai cấp phong kiến cầm quyền ở Thái Lan đã khôn khéo lợi dụng những chiến thắng chống ngoại xâm đó để đề cao vai trò và củng cố địa vị thống trị của nói đối với nhân dân lao động ở trong nước và sử dụng sức mạnh đó để mở rộng phạm vi quyền lực của nó sang các nước láng giềng ở phía Đông.

Ở nửa cuối thế kỷ thứ XVIII, mối đe dọa lớn và thường xuyên đối với Thái Lan là những cuộc xâm lăng của Miến Điện ở phía Tây. Vào thời kỳ này nước Miến Điện, sau một thời gian loạn lạc và bị chia cắt về chính trị, đã được thống nhất dưới quyền lực của vua A-la-ung-pay-a (1753). Cũng giống như phần lớn các ông vua phong kiến khác trong lịch sử thế giới, A-la-ung-pay-a cũng theo đuổi một chính sách cổ truyền là một mặt tìm mọi cách để củng cố địa vị thống trị của mình ở trong nước, một mặt khác thì ra sức mở rộng phạm vi thống trị của mình ra các vùng chung quanh. Do đó, năm 1780, A-la-ung-pay-a đã đem quân sang xâm lược nước Thái Lan. Quân Miến Điện tiến vào lãnh thổ của Thái Lan từ phía Tây Nam, lần lượt đánh chiếm các tỉnh Phét-cha-bu-rai, Rat-cha-bu-ri, Xu-phan-bu-ri và bao vây kinh thành A-yu-thay-a. Trước quân thù xâm lược, nhân dân Thái Lan đã chiến đấu rất kiên cường khiến cho quân Miến Điện không chiếm nổi A-yu-thay-a. Trong một trận tấn công của quân Miến Điện với ý định đánh chiếm kinh thành này, A-la-ung-pay-a bị trọng thương. Quân Miến Điện bị mất chủ tướng và thấy rằng chúng không đủ sức để khuất phục Thái Lan đã phải rút về nước. Dọc đường, A-la-ung-pay-a đã chết vì vết thương quá nặng.

Con trai của A-la-ung-pya-ya là Mang-a (hoặc còn gọi là Hsin-hy-u-sin) lên nối ngôi vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách xâm lược của cha trước kia. Năm 1765, Mang-ra điều quân tiến đánh Thái Lan từ hai hướng: một cánh quân tiến từ phía Bắc xuống, qua đường Chiềng-mai; cánh quân thứ hai đánh thốc từ phía Nam lên, qua đường Xu-phan-bu-ri là đường gần nhất để tới kinh đô A-yu-thay-a làm cho đối phương không kịp trở tay đối phó. Tháng 2 năm 1766, quân Miến Điện đã tiến tới A-yu-thay-a và bao vây kinh đô Thái Lan một lần nữa.

Trước sự đe dọa của kẻ thù, một bộ phận của giai cấp phong kiến Thái Lan mà đại biểu là vua Ê-ka-tai (1788 — 1767) đã tỏ ra khiếp nhược, muốn đầu hàng, không dám kiên quyết dựa vào nhân dân để kháng chiến. Do bộ phận lãnh đạo yếu hèn, mất tinh thần chiến đấu nên A-yu-thay-a đã bị thất thủ vào tháng 4 năm 1767. Quân Miến Điện cướp phá kinh đô Thái Lan rất nặng nề khiến cho thành phố này không thể phục hồi được nữa. Chúng còn bắt đem đi 30.000 người, trong số đó có nhiều quan chức cấp cao trong triều đình Thái Lan và cả những người thuộc hoàng tộc.


(1) Trong thời kỳ cổ đại, người Thái Lan gọi tên nước của họ là Mường Thái và tự nhận mình là người Thái. Danh từ Thái có nghĩa là Tự do. Danh xưng Xiêm xuất hiện lần đầu trong một minh văn bằng tiếng Chàm ở đầu thế kỷ XI. Sau đấy người nước ngoài đều theo nhau gọi nước này là Xiêm. Từ năm 1939 trở đi, danh xưng Thái Lan bắt đầu được chính phủ nước này sử dụng và tới năm 1949 thì tên gọi đã được coi là chính thức.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 08:02:23 am »

Người có công lớn trong việc tổ chức cuộc kháng chiến của nhân dân Thái lan đánh đuổi quân xâm lược, giành lại chủ quyền đã mất là Phià Tak (hoặc còn gọi là Tak Sin: 1767 — 1782). Vào lúc kinh thành A-yu-thay-a sắp rơi vào tay quân địch, bộ phận lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Thái Lan tỏ ra nao núng, hoang mang. Phià Tak đã thấy trước tình hình nên rút về Chon-bu-ri và Ray-ong để tập hợp lực lượng cứu nguy cho đất nước. Các tỉnh Chon-bu-ri, Ray-ong, Chan-ta-bu-ri đã trở thành căn cứ địa vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của nhân dân Thái Lan với sự lãnh đạo của Phià Tak. Tháng 10 năm 1767 quân Thái Lan mở cuộc đại tấn công vào đại bản doanh của quân Miến Điện ở Pò-xam-tông là một địa điểm gần A-yu-thay-a, đánh tan quân xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước của họ.

Chiến thắng chống ngoại xâm đã nâng cao uy tín và quyền lực của Phià Tak trước nhân dân trong nước. Ông lên ngôi vua và chọn Thon Bu-ri làm thủ đô, vì nhận thấy kinh thành A-yu-thay-a rất dễ bị quân Miến Điện tấn công và khó giữ khi bị địch bao vây. Mối quan tâm chủ yếu của Phià Tak là ổn định lại trật tự trong nước sau một thời loạn lạc và tăng cường nhà nước trung ương tập quyền, củng cố nền thống nhất quốc gia, vì lúc này xu hướng cát cứ địa phương chưa phải đã mất hẳn.

Con trai của cựu vương Bô-rô-ma-kốt là Tép-pi-pít muốn tách các tỉnh ở phía Đông thành một vùng độc lập. Tổng đốc Phít-xa-nu-lốc tên là Buang cũng tuyên bố độc lập và còn mở rộng quyền kiểm soát của y tới tận Na-khôn Sa-van. Ở phía Bắc, một nhà sư là Buan tự lập làm người cai quản Sa-vang-bu-ri, thoát ly sự điều khiển của triều đình Thon Bu-ri. Các tỉnh phái cực Nam cũng bị tách thành một vùng độc lập dưới quyền cai quản của tổng đốc Na-khôn Si Tha-ma-rát là Pra Pa-lát.

Phià Tak đã kiên quyết đấu tranh chống lại những tên phong kiến lớn âm mưu cát cứ, đồng thời nhân đà thắng lợi, ông đã giải phóng Chiềng Mai khỏi ách chiếm đóng của quân Miến Điện vào năm 1775, đẩy biên giới của Thái Lan lùi xa hơn trước về phía Bắc.

Thắng lợi mà Phià Tak thu được trong cuộc đấu tranh chống lại bọn phong kiến lớn nói trên đã góp phần củng cố nền thống nhất quốc gia và chế độ trung ương tập quyền khiến cho Thái Lan có đủ sức mạnh làm thất bại cuộc xâm lăng lần thứ hai của Miến Điện trong nửa cuối thế kỷ thứ XVIII, tức cuộc xâm lăng vào năm 1775-1776.

Dưới sự thống trị của giai cấp phong kiến tham lam và ích kỷ, nước Thái Lan lớn mạnh đã trở thành một mối đe dọa thường trực đối với các nước trên bán đảo Đông Dương. Ở phần trên, chúng ta thấy Thái Lan là nạn nhân của chính sách xâm lược của bọn phong kiến Miến Điện. Trong phần này chúng ta sẽ thấy bọn phong kiến Thái Lan đã trở thành những kẻ gieo tai họa cho các dân tộc sống trên bán đảo Đông Dương.

Nước láng giềng gần gũi nhất với Thái Lan là Cam-pu-chia đã trở thành đối tượng xâm lược của bọn phong kiến cầm quyền ở Thái Lan. Thực ra không phải mãi tới lúc này giai cấp phong kiến Thái Lan mới đưa quân sang xâm lược Cam-pu-chia. Trong những thế kỷ trước, quân xâm lược Thái Lan đã nhiều lần giày xéo lãnh thổ Cam-pu-chia và lấn chiếm đất đai. Bước sang thế kỷ thứ XVIII, các phe phái phong kiến ở Cam-pu-chia tranh giành nhau quyền vị, gây ra những cuộc nội chiến tương tàn, xô đẩy đất nước vào tình trạng suy yếu, tạo cơ hội cho kẻ thù bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Cam-pu-chia để thực hiện những tham vọng của chúng.

Năm 1736, vua Cam-pu-chia là Pra Sa-tha II (1722 — 1736) bị bọn phong kiến trong triều lật đổ. Thô-mô-rê-a-chê-a là kẻ vốn từ lâu âm mưu tranh đoạt ngôi vua nhưng chưa thực hiện được, liền lợi dụng lúc triều đình lộn xộn, đến vùng Căm-pốt dấy binh và kêu gọi vua Thái Lan giúp sức. Nhân cơ hội đó, vua Thái Lan là Ê-ka-tát liền can thiệp vào công việc nội bộ của Cam-pu-chia bằng cách điều một đạo quân sang Cam-pu-chia giúp Thô-mô-rê-a-chê-a. Đạo quân này được giao cho một người anh em của Thô-mô-rê-a-chê-a là Ang Tông chỉ huy. Ang Tông được vua Ê-ka-tát nuôi dưỡng, giúp đỡ và sử dụng như một công cụ để thực hiện những tham vọng của giai cấp phong kiến Thái Lan tiến vào chiếm đóng các tỉnh ở phía Bắc Cam-pu-chia và làm áp lực hỗ rợ cho Thô-mô-rê-a-chê-a. Nhờ có sự giúp đỡ bằng quân sự của triều đình Thái Lan, Thô-mô-rê-a-chê-a đã đánh bại được các phe phong kiến đối lập và lên làm vua vào năm 1728.

Thô-mô-rê-a-chê-a mất vào năm 1747, Ang Tông dựa vào thế lực của bọn phong kiến Thái Lan nên đã buộc được các triều thần phế bỏ các con của Thô-mô-rê-a-chê-a để đưa ông lên làm vua. Tuy nhiên địa vị của ông không vững chắc. Ít lâu sau, một trong số những người con của Thô-mô-rê-a-chê-a là Pra Út-tây II (1758 — 1775) đã lật đổ Ang Tông để giành lại ngôi vua. Vì sợ Pra Út-tây II sẽ giết mình để trừ hậu họa nên con trai của An Tông là Ang Non đã chạy sang triều đình Thái Lan nương nhờ, với ý định dựa vào binh lực của Thái Lan để trả thù và giành lại ngôi vua.

Vua Thái Lan lúc bấy giờ là Phià Tak đã mượn cớ tôn phò An Non, đưa quân sang đánh Cam-pu-chia năm 1769. Lần thứ nhất, vua Thái Lan vì thiếu chuẩn bị chu đáo nên bị thất bại. Lần thứ hai vào năm sau (1770), Phià Tak chuẩn bị chu đáo hơn. Y chia quân làm hai đạo tiến đánh Cam-pu-chia từ hai hướng: một đạo binh từ phía Bắc xuống, tràn vào chiếm đóng các tỉnh Ăng-ko (tức Xiêm Riệp), Bát-tăm-băng và Puyếc-sát; đạo thứ hai do chính Phià Tak chỉ huy, có cả Ang Non đi theo, tiến đánh từ phía Nam lên, qua đường Phnông Pênh để kẹp kinh thành U-đông giữa hai gọng kìm. Vua Út-tây không đủ sức chống lại quân xâm lược Thái Lan, đã cùng với triều thần bỏ chạy sang Việt Nam nhờ chúa Nguyễn giúp đỡ. Liên quân Việt — Cam-pu-chia đã đánh bại quân Thái Lan, buộc chúng phải rút về nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM