macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #80 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:30:40 am » |
|
Năm 1790 hình thành một âm mưu liên kết trên qui mô lớn giữa bọn phong kiến phản động trong nước và bọn can thiệp nước ngoài:Lê Duy Chỉ từ Bảo Lạc, đảnh chiếm Cao Bằng, Tuyên Quang rồi đánh xuống Thăng Long. Phong kiến Xiêm đang thống trị Lạn Xang sẽ xúi giục và giúp đỡ một số tù trưởng ở Trấn Ninh, Trịnh Cao, Qui Hợp từ phía Tây tiến công vào Nghệ An, Thanh Hóa. Nguyễn Ánh từ Gia Định sẽ đánh ra vùng Bình Thuận... Trong kế hoạch này, vương triều Bangkok đóng vai trò liên kết và thúc đẩy bọn phong kiến phản động trong nước ta thông qua số quân Xiêm và lực lượng thân Xiêm ở Vạn Tượng. Lúc bấy giờ, nước Lạn Xang phân chia làm ba tiểu quốc: Vạn Tượng (Viên Chăn), Nam Chướng (Luông Phabang) và Champassak (Hạ Lào). Quang Trung đã cử sử giả sang thông hiếu với Vạn Tượng. Nhưng vua Vạn Tượng do Xiêm lập, đã bắt sứ giả của Tây Sơn giải sang Xiêm. Tháng 6-1791, vua Xiêm phái sứ giả sang Gia Định báo tin cho Nguyễn Ánh biết để khuyến khích hành động phối hợp của Nguyễn Ánh. Trước âm mưu nguy hiểm và thái độ ngoan cố của kẻ thù, Quang Trung chủ trương phải kiên quyết và chủ động phá tan kế hoạch phối hợp của chúng. Giữa năm 1791, đốc trấn Nghệ An là Trần Quang Diệu được lệnh đem 5.000 quân tinh nhuệ tiến sang Vạn Tượng (1). Sau 4 tháng chiến đấu, quân Tây Sơn đã đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi Vạn Tượng và truy kích đến tận biên giới Xiêm, rồi rút về nước. Cùng lúc đó, một đạo quân Tây Sơn khác xuất phát từ Thăng Long, tiến lên san bằng căn cứ Bảo Lạc, bắt sống Lê Duy Chỉ và đồng bọn đem về Phú Xuân trị tội. Bằng hành động tiến công kiên quyết và chủ động của quân Tây Sơn, một mưu đồ phối hợp của bọn phong kiến phản động trong nước với phong kiến Xiêm đã bị trừ khử từ trong trứng nước. Trong cuộc tiến công sang Vạn Tượng, điều đặc biệt đáng được lưu ý là quân Tây Sơn đã được nhân dân Lào đồng tình, hưởng ứng. Nhân dân vùng Viên Chăn đến nay còn lưu truyền một bài vè dân gian ngợi ca triều đình «Phù Xun» (Phú Xuân) cử binh tướng sang giúp Lào đánh đuổi giặc Xiêm tàn ác, giải phóng thủ đô Viên Chăn (2). Biên niên sử Lào cũng ghi nhận sự kiện trên và cho biết thêm, chậu Mường Xiêng Khoảng đem 5.000 quân phối hợp với quân Tây Sơn. Những văn bản đời Tây Sơn mới phát hiện ở Nghệ Tĩnh gần đây càng khẳng định sự liên minh, hợp tác giữa quân Tây Sơn với những lực lượng yêu nước Lào trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Xiêm. Theo những tư liệu này, nhiều người dân Quy Hợp đã tự nguyện gia nhập «nghĩa binh» Tây Sơn. Cũng theo những tư liệu nảy, năm 1792 quân Xiêm trở lại chiếm Viên Chăn, nhưng nhiều chúa Lào yêu nước vẫn giữ liên lạc mật thiết với chính quyền Tây Sơn qua đốc trấn Nghệ An là Bình Nhật Hầu và yêu cầu quân Tây Sơn sang dẹp giặc Xiêm để người Lào được «yên mường yên nước» (3). Như vậy là trong yêu cầu khách quan của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán và chủ nghĩa bành trướng Đại Thái từ cuối thế kỷ 18, nhân dân ba nước Đông Dương đã có những mối quan hệ gắn bó với nhau. Phong trào Tây Sơn trong khi tiến hành cuộc đấu tranh chống Xiêm, chống Thanh, bảo vệ độc lập dân tộc, đã có những hành động liên minh, phối hợp nhất định với nhân dân Chân Lạp, Lạn Xang, nhằm chống lại họa xâm lược bành trướng của phong kiến Xiêm. Đó là một trong những trang sử đẹp có ý nghĩa vun trồng truyền thống đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương trong lịch sử. * * * 200 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút với những nét đặc sắc của nó, vẫn để lại những dấu ấn và âm vang mãi mãi trong lịch sử và trong lòng dân. Đó là một chiến công lớn, oanh liệt đầu tiên của nhân dân miền Nam, bất chấp những khó khăn, phức tạp của hoàn cảnh lịch sử và sự phản bội của bè lũ phong kiến trong nước, vẫn quyết vươn lên bảo vệ quê hương và cuộc sống, bảo vệ lợi ích dân tộc, làm tròn sứ mạng thành đồng phía nam của Tổ quốc. Đó cũng là đòn giáng trả đích đáng của dân tộc ta vào tham vọng bành trướng của phong kiến Xiêm, để lại cho vương triều Bangkok một bài học có ý nghĩa lâu đài. Đó cũng là bước chuyển biến lớn lao, đưa phong trào Tây Sơn tiến lên những đỉnh cao mới của phong trào dân tộc, bên trong thì đánh bại thù trong giặc ngoài, bảo vệ độc lập dân tộc, khôi phục quốc gia thống nhất, bên ngoài thì mở rộng sự liên kết với Chân Lạp, Lạn Xang nhằm chống lại những thế lực bành trướng đang đe dọa vận mạng của ba nước Đông Dương. (1) Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, phần Ngụy Tây liệt truyện Q.30 chép cuộc hành quân này vào năm Canh Tý 1790 với số quân 5.000 nhưng phần Ngoại quốc liệt truyện, Q.33 lại chép vào năm Tân Hợi 1791 với số quân 1 vạn. Theo những bản văn thời Tây Sơn mới phát hiện ở Nghệ Tĩnh thì năm 1791 mới chính xác. Xem Trần Văn Quí Tư liệu về thời Tây Sơn mới phát hiện, NCLS, số 2-1981.(2) Tư liệu do đồng chí Đào Văn Tiến đã công tác ở Lào cung cấp. Xem thêm Văn Linh, Đất nước hoa Chămpa anh hùng, Hà Nội 1972.(3) Tư liệu Cục lưu trữ trung ương.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #81 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:37:16 am » |
|
NHẬN ĐỊNH LẠI MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ GIA LONG CỦA TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG | Giáo sư PHAN ĐẠI DOÃN | | (Khoa sử — Đại học Tổng Hợp Hà Nội)
|
I Lịch sử Việt Nam bước vào nửa sau thế kỷ XVIII như có điều «nghịch lý». Trên đất nước ta đã xẩy ra bao nhiêu biến cố quan trọng. Ở các trung tâm đất nước: Thăng Long, Phú Xuân, Gia Định cũng trải qua những thời điểm sôi động, có lúc huy hoàng tráng lệ, có lúc nặng nề tối tăm. Mỗi biến cố như một định hướng lịch sử. Những tập đoàn xã hội khác nhau, mâu thuẫn và chống đối, loại trừ nhau triệt để, một mất một còn của thế lưỡng phân. Giữa những biến cố sâu sắc, đổ xương máu đó nổi bật lên cuộc chiến tranh giữa hai thế lực Tây Sơn — Nguyễn Huệ và tập đoàn Nguyễn Gia Long. Trong trường hợp này, lịch sử diễn ra dưới hình thức như cách nói của F. Ăng-ghen «là kết quả cuối cùng luôn phát sinh từ những xung đột giữa nhiều ý chí cá nhân, mỗi ý chí cá nhân này lại do nhiều điều kiện sinh sống đặc biệt tạo ra. Do đó có rất nhiều lực chống đối lẫn nhau, một loạt vô tận những bình hành lực» (1). Hai thế lực lịch sử không thể điều hòa đó đã tạo ra một hợp lực bình hành không cân sức và cuối cùng tập đoàn Nguyễn Gia Long đã thắng thế. Như một «phi lô-gích» là xu hướng chống đối, phản động lại thắng thế, mà xu hướng có nhiều tích cực, tiến bộ lại bị thất bại, bị tiêu diệt. Sử học, dù bất kỳ thời nào cũng vậy, không thể bỏ qua sự kiện lịch sử này. Giới sử học Miền Nam cũ cũng đã để nhiều bút mực nghiên cứu nó. Có bài viết đã cung cấp một số tư liệu mới, đề ra ít nhiều nhận định đúng đắn, khách quan. Nhưng cạnh đó cũng không ít tác giả tìm cách bóp méo lịch sử bằng những lập luận khác nhau, thậm chí còn nhằm phục vụ cho ý đồ chính trị đen tối. Tiêu biểu cho những người này có Nguyễn Phương và đặc biệt là Tạ Chí Đại Trường. Báo cáo này chỉ đề cập một vấn đề là nhận định lại những nhận định về Gia Long của một số tác phẩm sử học Miền Nam trước đây, trước hết và chủ yếu là tập sách Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802(1) của Tại Chí Đại Trường, tiêu biểu nhất cho ngôn luận chính thống của chính quyền Sài Gòn. Cuốn Lịch sử nội chiến dày 413 trang, khổ 15×21cm. Nhà xuất bản Văn Sử học, Sài Gòn, năm 1973. Ngoài bìa sách có băng quảng cáo ghi rõ «Giải nhất biên khảo Việt sử văn học nghệ thuật 1970» và kèm theo một đoạn trích diễn văn của Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa trong buổi lễ trao giải thưởng ngày 19-1-1971: «môn biên khảo về Việt sử mới thiết lập đã phát hiện một tác phẩm nghiên cứu khá công phu và có tính cách khoa học của ông Tạ Chí Đại Trường». Trước hết, tác giả cho rằng cuộc giao tranh giữa Tây Sơn và tập đoàn Nguyễn Ánh không phải là chiến tranh có ý nghĩa cách mạng chống lại chiến tranh phản cách mạng, không phải là chiến tranh có ý nghĩa dân tộc dân chủ chống lại chiến tranh phản dân tộc dân chủ. Theo tác giả, chiến tranh từ 1771 đến 1803 «chỉ là sự nối tiếp lịch sử phân tranh của Đại Việt» trước đó, chỉ là «nội chiến» của một bên là Tây Sơn man rợ «có tính chất rừng rú thật đặc biệt» (tr.39) với một bên là Nguyễn Ánh văn minh «đã làm dồi dào sinh lực quốc gia» (tr.39). Tạ Chí Đại Trường đã viết về Tây Sơn với những lời thóa mạ: «Họ đi từ rừng núi phía Tây, lấy sức mạnh cường bạo của đám người Thượng, Trung Hoa khách thương liều lĩnh, nông dân Việt đi khai đất hoang làm tâm tính trở thành hung dữ rồi truyền tấm lòng hăng hái nhiệt thành, tính chất vong mạng đó cho dân đồng bằng hiền lành chân chất gây nên cuộc đảo lộn dữ dội trong nước» (tr.212). Quân đội của Nguyễn Huệ, theo ông ta, chẳng qua là «một hệ thống quân chính tàn nhẫn trên đám dân Bắc Hà, Phú Xuân» (tr. 55) mà sức lực thì là «Qui Nhơn mới Việt hóa chỉ mang lại cường bạo, Phú Xuân, Thăng Long thì đầy dấu vết các cựu triều, lại tàn tạ với đám nông dân mệt mỏi» (tr. 213). Tại Chí Đại Trường còn mạt sát Tây Sơn là những con người «hiếu sát» (tr.135). «Tây Sơn phải đánh ồ ạt để lấp liếm cái yếu kém kỹ thuật của họ, cho nên họ phải tàn sát» (tr.136). «chiến tranh tàn sát vẫn là vết nhơ cho Tây Sơn» (tr.135). (1) C. Mác và F. Ăng-ghen tuyển tập, tập II. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 797.(2) Dưới đây xin gọi tắt là Lịch sử nội chiến.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #82 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:42:09 am » |
|
II Trong khi không tiếc lời mạt sát Tây Sơn, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử của phong trào Tây Sơn thì Tại Chí Đại Trường lại tô vẽ cho Nguyễn Ánh — Gia Long nhưng hào quang sáng chói, đẹp nhất thế kỷ. Ông ta viết «vượt lên trên hết những kẻ là những khuôn mặt làm nên lịch sử: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ và chót hết, vinh dự thay trong lịch sử tàn nhẫn, Nguyễn Phúc Ánh. Nhưng ta cũng thấy biến chuyển từ từ trong con người tạo thành Gia Long» (tr.346). Trong tiến trình lịch sử cụ thể, theo tác giả Lịch sử nội chiến thì Nguyễn Ánh là người nhiều công lao nhất: chấm dứt nội chiến, thống nhất quốc gia, tìm được lối thoát cho đất nước và mở ra một thời kỳ cận đại ở Việt Nam (tr.345). Về sự kiện thống nhất đất nước, xóa bỏ sự phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài, Tạ Chí Đại Trường không thể phủ nhận được công lao Nguyễn Huệ, nhưng rồi qui công cho Nguyễn Ánh. Ông ta viết «Tất nhiên đã có những điều kiện chủ quan và khách quan đem đến sự thành công của họ (chỉ Tây Sơn) giúp họ từ một tiền đồn di dân hẻo lánh ào xuống xô đổ ngôi vị Nguyễn, trườn ra đất Bắc chấm dứt Lê Trịnh, cũng như sau này có những điều kiện mới nảy sinh đưa đẩy họ thất bại, trao công trình thống nhất bước đầu mà họ mở lối kiến tạo vào tay một ông hoàng còn sót lại (chỉ Nguyễn Ánh) của Nam Hà» (tr. 44). Đặc biệt là hoạt động của Nguyễn Ánh rước quân Xiêm về giày xéo đất nước, gây bao nhiêu tội ác đến nỗi y cũng phải than vãn về tội cướp bóc dân chúng, phá hoại làng xóm thì tác giả tập sách lại không một lời phân tích, phê phán. Thậm chí qui công lao tạo nên chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút vào một hàng tướng (tr.125). Lập luận đề cao Nguyễn Ánh, tìm nguyên nhân thắng lợi của Nguyễn Ánh được xoay xung quanh hai điểm cơ bản có liên quan chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Đó là «sức mạnh Nam Hà và sức mạnh Tây phương» (1), và xét cho cùng là văn hóa này chiến thắng văn hóa kia. Thực ra, đây không phải là vấn đề mới, không phải là «phát hiện» của ông Trường, mà trước đó nhiều người đã viết như Phạm Văn Tuyền (Văn học Miền Nam), Nguyễn Phương (Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn), ông Trường chỉ là người tái hiện cụ thể hơn, hệ thống hơn. Theo Đại Trường thì chính do sức mạnh Nam Hà mà cuộc loạn Tây Sơn bùng lên, nhưng Tây Sơn yếu kém không phát huy được, lại hủy hoại sức mạnh đó, chỉ có Nguyễn Ánh mới là trung tâm tiêu biểu thu hút, kết hợp. Tác giả Lịch sử nội chiến viết: «Chúng ta đã thấy sức mạnh của Nam Hà. Tuy nhiên các phần tử không phải đã được nhất hóa — cũng như ở Bắc Hà — các nhóm sẽ hướng về trung ương (chỉ tập đoàn Nguyễn Ánh) mà dần dần biến đổi» (tr. 239). Ông Trường lại hết sức đề cao nhân tố phương Tây, coi như một sức mạnh quyết định thắng lợi của Nguyễn Ánh, văn minh phương Tây đi vào đất Việt: «Họ tạo ra một lực lượng lớn dần với thời gian… và xô đổ mọi trật tự cũ, gây ra ảnh hưởng vô cùng to tát» (tr. 359). Sức mạnh của Nam Hà mà Nguyễn Ánh là tiêu biểu đã khiến cho Ánh vượt lên trên tất cả nhân vật lịch sử khác lại được nhân lên bằng sức mạnh của phương Tây thành vô địch. Tác giả tập sách mô tả khá kỹ việc làm của Nguyễn Ánh liên kết với Bút-tu-kê (Bồ Đào Nha) và với giám mục Bá-đa-lộc. Tác giả nói nhiều về thỏa ước Véc-xay ngày 18-11-1787 giữa hầu tướng Mông-mô-ranh và Phi-nhô Đờ Bê-hen thay mặt Nguyễn ánh. Tác giả viết «Bá-đa-lộc đã hành động cương quyết trợ giúp Nguyễn Phúc Ánh, cho nên, chính trong khung cảnh đó, có những tham vọng để phục vụ cá nhân, quốc gia hay tôn giáo từ bên ngoài sẵn sàng nhảy vào can thiệp mà chiến tranh chấm dứt phân chia ở Đại Việt thấy thêm một yếu tố quyết định vậy» (tr.82). Hoặc là «May mắn hơn Tây Sơn, Nguyễn Ánh ở Gia Định có những điều kiện lôi kéo đám thương nhân Trung Hoa lại thêm đám giáo sĩ phương Tây» (tr.106). Rõ ràng việc đón dẫn 5 vạn quân Xiêm, cầu cứu quân Pháp để có thêm một số vũ khí và binh lính đánh Tây Sơn là vết nhơ nhục của tập đoàn Nguyễn Ánh. Nhưng ý kiến ông Trường thì ngược lại, ông ta viết «Quan trọng hơn nữa là việc quân nhân, giáo sĩ Tây phương có mặt ở Gia Định cũng tức là đã mở cửa cho văn minh Tây phương tràn vào» (tr.207). Trong khi «Tây Sơn bị ném bên lề một phần nào thì Gia Định (chỉ Nguyễn Ánh) thay mặt Đại Việt nhận lãnh tất cả những ưu thế được đưa đến» (tr.354). Một giáo sĩ Cơ đốc, mấy lính Pháp, một ít vũ khí và tàu thuyền của phương Tây mà «lớn» đến thế kia ư! Cả Đại Việt nhận lãnh! (ông Đại Trường quả thật hồ đồ). (1) Xin xem thêm: Nguyễn Phan Quang — «Một số quan điểm xuyên tạc phong trào Tây Sơn trên sách báo Miền Nam thời Mỹ ngụy», trong sách Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn — Nguyễn Huệ, Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1988, tr. 88 — 101.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #83 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:44:25 am » |
|
III Việc đề cao Nguyễn Ánh — tiêu biểu cho sức mạnh Nam Hà và phương Tây của Tại Chí Đại Trường có phải là kết quả của nghiên cứu khoa học nghiêm túc hay mang một ý đồ phục vụ cho yêu cầu chính trị của Mỹ ngụy trước đây? Đây là vấn đề được đặt ra ngay sau khi đọc xong tập Lịch sử nội chiến. Đề cao Gia Long đâu phải chỉ có một mình Tạ Chí Đại Trường mà trước tiên là các sử thần nhà Nguyễn. Vào nửa đầu thế kỷ này có Trần Trọng Kim: Kim đề cao Nguyễn Ánh nhưng cũng không mạt sát Nguyễn Huệ như ông Trường. Phần «công phu có tính cách khoa học» (như lời của quốc vụ khanh văn hóa chính quyền Sài Gòn) đề cao Nguyễn Ánh là nhằm thể hiện ý đồ chính trị của Mỹ ngụy mà thôi. Lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII, có nhiều sự kiện chồng chất, nhiều biến động đau thương và chiến thắng huy hoàng, đối với nhà sử học còn nhiều vấn đề cần tìm hiểu. Tất nhiên, có một số vấn đề đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm suy nghĩ mới có thể giải quyết được; nhưng rõ ràng có những vấn đề thuộc phạm trù dân tộc như công lao của Tây Sơn trong việc lật đổ các thế lực phong kiến Đàng Trong — Đàng Ngoài, xóa bỏ ranh giới sông Gianh đặt cơ sở thống nhất đất nước và đặc biệt là hai lần đánh tan quân xâm lược Xiêm Thanh thì đã được khẳng định và đang được tiếp tục làm sáng tỏ thêm. Đồng thời, cũng trên phạm trù dân tộc, giới sử học Mác xít cũng đã vạch trần, một cách chính xác, đầy thuyết phục, bộ mặt phản động tiêu cực của Nguyễn Ánh như rước quân Xiêm vào giày xéo đất nước, cầu cứu một số quân Pháp và sẵn sàng nhường mấy vùng đất cho chúng (1). Bất cứ một người Việt Nam nào có lương tri cũng đều thấy công lao của Tây Sơn và tội lỗi của Nguyễn Ánh. Một nhà nho đầu thế kỷ này là Lê Dư khi đề lời bạ cho tập Tây Sơn thủy mạt khảo cũng viết: «ông Vũ hoàng đế (chỉ Nguyễn Huệ) là một người dân chay thế mà công nghiệp chói lọi, thật là các vị đế vương khác không thể bì kịp. Những người đọc sách chỉ đọc qua bộ Đông Hoa toàn lục (của nhà Thanh) một lần thì sẽ biết đương thời ấy vua nhà Thanh dụng tâm rất là nguy hiểm, nếu không có vua Quang Trung là một người tài trí anh hùng mà chống chọi lại thì vận mệnh nước ta lúc ấy thật không thể tưởng tượng được». Việc ca ngợi Nguyễn Ánh — Gia Long đã khiến cho ông Tại Chí Đại Trường không thấy được ý nghĩa các sự kiện Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm, quân Thanh, bảo vệ Tổ quốc là vinh quang. Ngược lại, như ông ta nói Nguyễn Ánh có «con đường thật dài, thật đầy gian nan mà cũng đầy vinh quang» đã tìm cho đất nước «con đường thoát trong thống nhất và yên nghỉ, mở ra một giai đoạn Nguyễn Ánh — Gia Long» (tr. 343). Là sai lầm trong phương pháp suy nghĩ hay chính là do «ý tưởng hướng dẫn» mà Tạ Chí Đại Trường có những lập luận như trên? Khi dựng lên cái gọi là sức mạnh Nam Hà, đất Bắc kiệt cằn và sức mạnh của Tây phương là có mục đích chính trị. Mặc dầu tác giả chỉ viết chuyện lịch sử, chuyện quá khứ, nhưng người đọc liên tưởng ngay và hiểu rõ ý đồ của tác giả là mượn chuyện để nói những vấn đề hiện đại. Có thể cho rằng, tác giả qua tập sách Lịch sử nội chiến chứng minh cho sức mạnh của chính quyền Sài Gòn, của văn hóa phương Tây — Mỹ là lực lượng sẽ chiến thắng tất cả (2). Chính tác giả tập sách nói «Cho nên, lịch sử, nhìn qua là lịch sử chiến tranh mà thực mang đầy ý nghĩa văn hóa», «là biến động kết hợp sự thu nhận văn hóa phương Nam và văn hóa kỹ thuật Tây phương do thương thuyền đưa đến» (tr. 38, 39). Phải chăng đây mới là ý đồ thực sự của ông Tạ Chí Đại Trường trong việc gọi là đề cao Nguyễn Ánh — Gia Long rồi đưa đến hạ thấp mạt sát phong trào Tây Sơn Nguyễn Huệ một cách không căn cứ, không còn tinh thần dân tộc?Năm 1792, Quang Trung Nguyễn Huệ mất; năm 1802 triều Tây Sơn bị đổ. Triều Nguyễn đã dùng hết các biện pháp xóa bỏ triệt để ảnh hưởng và di tích của vương triều này, nhưng lịch sử khách quan đã ghi nhận những cống hiến vĩ đại chống ngoại xâm và bước đầu thống nhất đất nước. Phong trào Tây Sơn và cả vương triều Quang Trung còn có nhiều hạn chế lịch sử và thời đại, giai cấp và con người, nhưng công lao và tên tuổi của Nguyễn Huệ — Quang Trung vô cùng to lớn mới thực là vượt lên trên các nhân vật lịch sử ở thế kỷ XVIII. Các sử thần triều Nguyễn cố ý xuyên tạc phong trào Tây Sơn, bôi nhọ Nguyễn Huệ, đề cao Gia Long; các nhà sử học thực dân Pháp tiêu biểu như G. Ta-bu-lê (3) đề cao nhân tố phương Tây, còn Tạ Chí Đại Trường thì tổng hợp cả hai luận điểm trên. Thực chất tập sách Lịch sử nội chiến ở Việt nam từ 1771 đến 1802, nhằm phục vụ cho ngụy quyền Sài Gòn trước đây là như vậy. Hà Nội — Tháng 5-1984. (1) Nhưng thỏa ước Véc-xay không thực hiện được.(2) Chúng tôi hoàn toàn không có ý nghĩ coi thường văn hóa phương Tây. Đóng góp của văn hóa phương Tây cho kho tàng văn hóa nhân loại là to lớn. Song đây không phải là nội dung của bài viết này.(3) G. Taboulet, La geste Française en Indochine, Paris, 1956, tom I, page 210.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 10:29:47 am » |
|
CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT DƯỚI CON MẮT CỦA CÁC SỬ GIA MIỀN NAM TRƯỚC GIẢI PHÓNG | TRẦN THU LƯƠNG | | (Khoa sử — Đại học Tổng hợp | | Thành phố Hồ Chí Minh) |
Trong lịch sử Việt Nam có hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân nhưng không có cuộc khởi nghĩa nào có tính dân tộc, tính giai cấp và có tầm vóc rộng lớn như cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Vì vậy, các công trình nghiên cứu về đối tượng này khá phong phú, không phải chỉ giới sử học Mác xít quan tâm mà giới sử học miền Nam trước giải phóng cũng rất chú trọng (1). Phong trào Tây Sơn đã ghi vào lịch sử dân tộc thắng lợi của sự nghiệp lập lại nền thống nhất đất nước và chiến công hiển hách của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm: chống Xiêm ở phương Nam và chống Thanh ở phía Bắc. Tuy nhiên việc đánh giá những đặc điểm, tính chất của phong trào Tây Sơn cũng như những đóng góp của họ đối với việc bảo vệ độc lập ở cuối thế kỷ XVIII không phải hoàn toàn thống nhất giữa các nhà sử học ở hai miền. Năm nay nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, một trong những chiến công chống ngoại xâm oanh liệt nhất của phong trào Tây Sơn, chúng ta thử nhìn lại tầm vóc của chiến thắng này, dưới con mắt của các sử gia miền Nam trước giải phóng. Vào năm 1784, khi mà phong trào nông dân Tây Sơn vừa phải chống đỡ với sức ép mạnh mẽ từ phía Bắc của tập đoàn phong kiến Trịnh thì bọn phong kiến phản động Nguyễn Ánh đã rước 5 vạn quân xâm lược Xiêm gồm cả thủy bộ với 300 chiến thuyền kéo vào xâm lược Nam bộ. Sau gần 4 tháng, đến cuối mùa đông năm 1784 quân xâm lược Xiêm và bọn phong kiến phản động đã chiếm trọn một miền đất phía Nam của đất nước từ Hậu Giang trở vào, bành trướng lên miền Tiền Giang và một rẻo biên giới miền đông, lăm le chiếm đóng cả miền đồng bằng Nam bộ. Nguy cơ ngoại xâm đã che tối bầu trời phương Nam, quân xâm lược Xiêm tàn bạo đã thẳng tay cướp bóc và giết hại nhân dân ta. Chính vua Xiêm đã thú nhận điều đó trong khi đổ lỗi cho hai tên cầm đầu đạo quân xâm lược «hai tên súc sinh Chiêu Tăng và Chiêu Sương làm việc kiêu căng hung hãn... tàn hại nhân dân nước ấy...» (2). Chính Nguyễn Ánh cũng không thể chối cãi: «Nay thì quân Xiêm kiêu rông ngỗ ngược hãm hiếp đàn bà, cướp của người ta, giết chóc chẳng tha già trẻ...» (3). Chính vào lúc đó, Nguyễn Huệ đã kéo quân vào phương Nam tiêu diệt bọn chúng bằng chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút vào đầu năm 1785. Đó là một trận đánh tiêu diệt rất độc đáo và xuất sắc xảy ra ở địa bàn phương Nam của Tổ quốc, nhưng không phải ngay từ đầu, Rạch Gầm — Xoài Mút đã được chú trọng nghiên cứu. Đối với nhà Nguyễn, vì coi Tây Sơn là kẻ tử thù nên sử Nguyễn đã ghi chép về phong trào đó với sự bóp méo xuyên tạc. Riêng về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút thì tài liệu rất ít ỏi, quyển «Đại Nam chính biên liệt truyện, sợ tập» quyển 30 nói về Rạch Gầm — Xoài Mút có mấy câu. Nói nhiều hơn cả có lẽ là «Đại Nam thực lục chính biên» (đệ nhất kỷ): «Tháng 12 giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc nghe tin quân giặc cáo cấp tức thì sai Nguyễn Văn Huệ đem binh thuyền vào cứu Sài Gòn. Huệ đến đánh vài trận không được muốn đem quân về. Có tên phản thần là Lê Xuân Giác bày kế cho Huệ đem hết quân mạnh mai phục ở Rạch Gầm và sông Xoài Mút, thình lình xông ra đánh giết. Quân Xiêm đang khốn vì gặp phục binh Tây Sơn thì lại bị hai mặt quân thủy lục do Nguyễn Huệ thúc đến công kích rất dữ dội cho nên chết và bị thương không biết bao nhiêu mà kể, quân Xiêm đại bại chỉ còn vài ngàn tàn binh nheo nhóc chạy về» (4). Như vậy, tuy không phủ nhận được kết quả rực rỡ của trận đánh, song rõ ràng sử nhà Nguyễn đã hạ thấp tầm vóc và xuyên tạc thực chất trận Rạch Gầm — Xoài Mút, coi đó chỉ là kết quả mưu kế của tên phản thần Lê Xuân Giác, đồng thời sử nhà Nguyễn đã che giấu tội rước quân Xiêm về giày xéo đất nước của Nguyễn Ánh. (1) Xem Tập san Sử Địa, số Đặc khảo về Quang Trung, 9-10 năm 1968, Tập san Sử Địa, số đặc khảo về Chiến thắng Đống Đa, số 13 năm 1968.(2) Mạc thị gia phả. (3) Những bức thư chữ Nôm của Nguyễn Ánh do giáo sỹ Cadière sưu tập, Tập san Sử Địa, số 11, Sài Gòn, 1968.(4) «Đại Nam thực lục chính biên» (Đệ nhất kỷ), tr.54.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #85 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 10:34:49 am » |
|
Các sử gia miền Nam trước giải phóng không tiến xa hơn sử học nhà Nguyễn trong lĩnh vực này bao nhiêu mặc dù họ không phải hoàn toàn nhìn phong trào Tây Sơn dưới góc độ là «giặc» như sử Nguyễn.
Rạch Gầm — Xoài Mút là một trận quyết chiến chiến lược độc đáo xảy ra ở địa bàn phương Nam, nhưng nhìn chung giới sử học miền Nam trước giải phóng ít chú trọng nghiên cứu về nó trừ một hai bài(1) đề cập trực tiếp tới trận đánh này (mà cũng rất sơ lược), còn lại Rạch Gầm — Xoài Mút chỉ được kể đến theo thứ tự thời gian diễn biến của phong trào Tây Sơn, như một sự kiện bình thường chứ không riêng thành một đối tượng đi sâu nghiên cứu. Nhìn tổng quát, ta có thể đánh giá chung: Ở miền Nam trước giải phóng chưa chú trọng nghiên cứu chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút đúng mức với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó, mặc dù ít nhiều rải rác trong các công trình nghiên cứu về Tây Sơn Nguyễn Huệ, các sử gia miền Nam đã có đề cập đến.
Cụ thể, khi nghiên cứu về Rạch Gầm — Xoài Mút các tác giả không đánh giá đúng và đầy đủ dã tâm xâm lược của quân Xiêm đối với nước ta, chỉ nhắc tới sự kiện Nguyễn Ánh sang Xiêm và sau đó vua Xiêm cử binh sang xâm lược như một diễn biến bình thường. Cũng có tác giả lý giải lý do xâm lược của quân Xiêm là vì «lòng tốt», vì «tự nguyện».
«Năm Giáp Thìn 1781 Nguyễn Ánh sang Xiêm tại Vọng Các, vua Xiêm khoản đãi rất hậu, nguyện ra sức định ngày cử binh»(2). Tạ Chí Đại Trường thì cho rằng vì quân Tây Sơn mâu thuẫn với Xiêm nên vua Xiêm giúp Nguyễn Ánh, nhưng vì sao lại có mâu thuẫn giữa Tây Sơn và Xiêm và mâu thuẫn đó như thế nào thì tác giả không phân tích và chứng minh xác đáng được:
«Trương Văn Đa nghe tin điệp viên báo rằng quân Xiêm sẽ tiến theo đường Lào đánh Quy Nhơn nên quyết định khai chiến. Xiêm cũng đòi hỏi Tây Sơn trả lại những kẻ thù của Xiêm mà Tây Sơn bắt giữ (?) không thì chiến tranh. Và chiến tranh đã xảy ra. Tây Sơn bị Xiêm vây, hai bên đánh nhau vài lần... Để phân tán lực lượng Tây Sơn, Xiêm vương nghĩ tới Nguyễn Ánh và đó là cớ quan trọng nhất (tôi nhấn mạnh) để giải thích việc Nguyễn Ánh được rước mời vào Vọng Các»(3). Nguyễn Phương khi phân tích về nguyên nhân xâm lược của Xiêm vẫn không đi được vào thực chất của vấn đề:
«Khi Nguyễn Ánh sang Xiêm vào mùa Xuân Giáp Thìn 1784 chúa đã được Xiêm vương tiếp đãi tử tế. P’hut Yod Fa tên của vua Xiêm là người mà năm 1782 Nguyễn Ánh đã có ý sai phái đoàn Nguyễn Hữu Thụy sang cầu cứu nhưng không may Nguyễn Hữu Thụy bị nạn dọc đường, nay vua rất sẵn sàng giúp đỡ. Chẳng những vua cho Nguyễn Ánh hai vạn quân và 300 chiến thuyền mà còn cho hai em là Chiêu Tăng và Chiêu Sương cầm quân đi đánh giúp nữa. Hỏi lòng tốt đó của vua Xiêm có kèm theo điều kiện gì không? Lịch sử không cho biết là Nguyễn Ánh đã hứa hẹn với vua Xiêm những gì, nhưng có một điều chắc chắn vua Xiêm không quên khi cho binh sĩ của ông khi sang Gia Định đánh giặc là để họ có một dịp ăn cướp làm giàu như sau này chúng ta sẽ thấy»(4).
Tóm lại, các sử gia miền Nam trước giải phóng đã không nhìn thấy dã tâm xâm lược của quân Xiêm, không thấy nguy cơ ngoại xâm đe dọa từ phương Nam đối với dân tộc ta.
Lịch sử dân tộc ta sáng chói những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm. Có thể nói hầu như suốt trong chiều dài của lịch sử, dân tộc ta luôn luôn phải cầm vũ khí chiến đấu chống xâm lược. Trước thời kỳ cận đại thì tai họa xâm lăng mà chúng ta luôn luôn phải đối phó là họa xâm lăng từ phương Bắc và họa xâm lăng từ phương Nam. Nạn xâm lăng từ phương Bắc vì to lớn hơn phương Nam nên đã được chú trọng xem xét phân tích, song không phải vì thế mà có thể bỏ qua không phân tích về họa xâm lăng phương Nam được. Đối tượng đe dọa phương Nam là quân Xiêm, bởi vì trong những nước phương Nam gần nước ta thời đó chỉ có Xiêm là tương đối mạnh và có dã tâm xâm lược nước ta hơn cả. Trong lịch sử trung đại Xiêm đã nhiều lần lộ rõ dã tâm đó.
Thời kỳ Mạc Cửu phát triển ở Hà Tiên, quyền lợi của Xiêm ở vịnh Thái Lan bị đụng chạm, Xiêm đã mang quân tấn công đất Mang Khâm và Chân Lạp. Mạc Cửu thua và bị bắt về Xiêm, sau này nhân Xiêm có nội loạn Mạc Cửu mới trở về Hà Tiên được. Sau đó Mạc Cửu quy thuận nhà Nguyễn. Con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ đã kế nghiệp cha khai phá đất phía Nam. Xiêm càng tức giận và mang quân xâm lược nhưng Mạc Thiên Tứ đã đẩy lui được các cuộc tấn công này.
(1) Khuông Việt «Trận Rạch Gầm» Đại Việt tạp chí số 25, năm 1943. Tại Chí Đại Trường, «Chiến thắng Nguyễn Huệ trước viện binh Xiêm La», Sử Địa, số 9 — 10, năm 1968. (2) Bao la cư sĩ «Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Thái Lan», Văn hóa nguyệt san số 41, năm 1959, tr. 620. (3) Tạ Chí Đại Trường «Chiến thắng Nguyễn Huệ trước viện binh Xiêm La», Sử Địa số 9-10, 1968, tr.55. (4) Nguyễn Phương «Tây Sơn lấy Nam Hà» Tạp chí Đại Học, năm 1962, tr. 781.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #86 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 10:37:29 am » |
|
Để chống giặc Xiêm, Mạc Thiên Tứ cho xây cất tại trấn lỵ một thành vuông, gọi là Phương thành, chung quanh bao bọc chiến lũy trồng tre gai vì thế còn có tên là Trúc bằng thành (nay còn di tích là «bờ đồn nhỏ» và «bờ đồn lớn» của Hà Tiên).
Vào cuối thế kỷ XVIII nước Xiêm dưới vương triều Chakkri I cũng khá thịnh đạt. Sau khi thoát khỏi họa xâm lăng của Miến Điện và chấm dứt những xung đột bên trong, các vương triều Xiêm ra sức củng cố đất nước về mọi mặt. Lúc đó Xiêm đã lấn chiếm đất phía Nam của Miến Điện khống chế các vương triều Chân Lạp, Vạn Tượng. Đối với nước ta, Xiêm muốn lấn chiếm vùng đất Nam bộ. Vì vậy, năm 1771 Xiêm đã xâm lược nước ta. Vua Xiêm đã đích thân chỉ huy 20.000 quân tràn xuống bao vây Hà Tiên. Với cuộc xâm lược này Hà Tiên đã bị quân Xiêm chiếm đóng 3 năm và trở nên điêu tàn, do đó sau này Mạc Thiên Tứ phải cho con là Mạc Tử Hoàng về chỉnh đốn lại. Đúng thời gian đó chúa Trịnh đang đe dọa vượt sông Gianh và bão táp khởi nghĩa Tây Sơn bắt đầu bùng nổ.
Như vậy, Xiêm đã nuôi một dã tâm xâm lược nước ta lâu dài và thực tế đã mấy lần đem quân xâm lược không thắng lợi. Những thất bại ban đầu đó chưa làm chúng nản chí, trái lại khi thấy nội tình nước ta biến động, chế độ Trịnh — Nguyễn đang bị chao đảo trước bão táp khởi nghĩa nông dân thì tham vọng đó càng được thôi thúc. Cho nên có thể nói, nếu họa xâm lăng thường xuyên đe dọa ở phương Bắc đối với nước ta là Trung Quốc thì họa xâm lăng không kém phần nguy hiểm ở phương Nam chính là Xiêm.
Trong thực tế, khi Tây Sơn khởi nghĩa thì Xiêm đã phối hợp với nhà Thanh để tạo thế gọng kìm xâm lược từ cả hai phía đất nước ta. Sử quán triều Thanh còn ghi rõ:
«Xuống dụ bảo Xiêm La nhân lúc thiên binh tiến đánh An Nam đem quân sang chiếm lấy đất Quảng Nam»(1). Rõ ràng độc lập của dân tộc ta lúc đó đang đứng trước những đe dọa nguy hiểm.
Phía Bắc hàng chục vạn quân Thanh
Phía Nam hàng vạn quân Xiêm.
Kẻ thù nào cũng hung hãn thâm độc và nuôi một dã tâm xâm lược nước ta. Đó là ta chưa kể đến mối đe dọa của làn sóng xâm lược các nước phương Tây đang tràn vào các nước Đông Nam Á mà nước ta với vị trí chiến lược lợi hại, lại giàu tài nguyên và nhân lực, không thể không trở thành miếng mồi ngon đầy quyến rũ.
Như vậy, tiêu diệt quân xâm lược Xiêm là ngăn chặn nguy cơ xâm lược từ phương Nam, tức là tạo điều kiện để chống nguy cơ xâm lược phương Bắc và nguy cơ xâm lược của các nước phương Tây.
Các sử gia miền Nam trước giải phóng khi nghiên cứu về phong trào Tây Sơn nói chung và chiến thắng Rạch Gầm — Xoài mút nói riêng đã hoàn toàn không đánh giá đúng mức mối nguy hiểm của sự liên kết trên một quy mô khá lớn giữa bọn phản động trong nước và thế lực xâm lược từ bên ngoài, đe dọa nghiêm trọng độc lập của dân tộc ta lúc đó. Phạm Viết Tuyền còn khẳng định: «Sự cầu cứu Xiêm La dù sao cũng không có hậu quả gì lớn và lâu dài»(2).
Chính vì không thấy được dã tâm xâm lược đó của Xiêm La và nguy cơ ngoại xâm đối với độc lập dân tộc nên các sử gia miền Nam trước giải phóng đã không đánh giá đúng tầm vóc của trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm — Xoài Mút.
Trận Rạch Gầm — Xoài Mút không phải chỉ độc đáo và chói lọi ở hiệu quả của trận đánh (tiêu diệt 4/5 đội quân xâm lược) mà chính nó là đòn quyết định đánh tan dã tâm xâm lược của Xiêm khiến cho chúng rã rời ý chí. «Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn (tháng 1-1785) miệng tuy nói khoác mà lòng sợ Tây Sơn như cọp»(3).
(1) Sử quán triều Thanh (Trung Quốc): Đại Thanh thực lục. Sách in đời Thanh. Quyển 1514, tờ 56. (2) Phạm Viết Tuyền — «Một vài ý kiến về sự nghiệp Gia Long» Đại Học số 8, 1959, tr.67. (3) Đại Nam thực lục. Bản dịch Nxb Sử học Hà Nội, 1962, tr.65.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #87 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 10:40:54 am » |
|
Sau khi bị đại bại ở Rạch Gầm — Xoài Mút, bọn xâm lược Xiêm vẫn còn cay cú. Vương triều Chakkri vẫn nuôi dưỡng thế lực phong kiến Việt Nam phản động, chúng cho Nguyễn Ánh và đồng bọn lưu vong trú ngụ ở thành Vọng Các; giúp chúng khai khẩn đồn điền, đóng thuyền chuẩn bị lực lượng. Đến 1790 bọn phong kiến Xiêm thúc ép vương triều Chậu Nạn của Vạn Tượng, cùng một số tù trưởng vùng Trấn Ninh, Trình Cao, Quy Hợp đánh phá Nghệ An để phối hợp với Lê Duy Chỉ từ Cao Bằng, Tuyên Quang đánh xuống Thăng Long. Chỉ sau khi quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Uyển chỉ huy chủ động tấn công sang Vạn Tượng truy kích quân Xiêm tới tận biên giới thì tham vọng bành trướng của Xiêm mới hoàn toàn bị bóp nát. Như vậy, chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút 1785 cùng với cuộc chiến đấu đập tan lực lượng quân sự của phong kiến Xiêm trên đất Vạn Tượng của phong trào Tây Sơn đã xóa bỏ được mối đe dọa ngoại xâm từ phương Nam trong thời kỳ đó, đập tan âm mưu liên kết giữa bọn phong kiến phản động trong nước và bọn xâm lược bên ngoài bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc.
Vì không phân tích được dã tâm xâm lược của Xiêm và sự đe dọa của nó đối với độc lập dân tộc, nên các sử gia miền Nam trước giải phóng không vạch rõ được bản chất cực kỳ phản động của Nguyễn Ánh khi y «cõng rắn cắn gà nhà».
Chúng ta đã biết, Nguyễn Ánh sau mấy phen bị quân Tây Sơn tấn công truy kích cho tơi tả suýt chết mấy lần, y đã nuôi mối hờn căm không đội trời chung với quân khởi nghĩa, tìm mọi cách để khôi phục vương quyền, không từ một thủ đoạn hèn hạ nào, kể cả việc rước quân ngoại xâm về giày xéo đất nước.
Trong tình thế lúc đó Nguyễn Ánh khó có thể cầu cứu Trung Quốc bởi vì Trung Quốc ở phía Bắc xa xôi mà Tây Sơn đã án ngữ ở giữa lại còn Lê Trịnh nữa, do đó hắn đã cầu cứu kẻ thù xâm lược từ phương Nam. Ở phương Nam lúc này chỉ có Xiêm là tương đối mạnh, còn Chân Lạp thì nội tình phức tạp rối ren, các hoàng tử tranh ngôi hỗn độn nên suy yếu.
Bị quân Tây Sơn truy kích gắt gao, Nguyễn Ánh chỉ còn lẩn lút ở vùng Rạch Giá, Hà Tiên và các đảo Côn Lôn, Phú Quốc. Tất cả những vùng đó đều giáp vịnh Xiêm La hoặc nằm trong vịnh Xiêm La, do đó chỉ có đường sang Xiêm là thuận lợi hơn cả. Vì vậy Nguyễn Ánh đã quyết định cầu cứu Xiêm. Bản chất cực kỳ phản động của Nguyễn Ánh chính là ở chỗ đó, mặc dù biết quyền lợi độc lập dân tộc có thể vì thế mà bị xâm phạm, y vẫn cam tâm rước chúng về giày xéo đất nước.
Còn bọn phong kiến Xiêm, như đã phân tích trên, lúc này là lúc chúng đang lăm le muốn thực hiện tham vọng chiếm Nam Bộ, vì thế khi thấy Nguyễn Ánh cầu cứu vua Xiêm rất mừng rỡ. Đọc lại sử cũ, các sử gia miền Nam cũng thừa nhận rằng:
«Năm Giáp Thìn 1784 Nguyễn Ánh sang Xiêm trú ngụ tại Vọng Các, vua Xiêm khoản đãi rất hậu nguyện ra sức định ngày cử binh»(1).
Nhưng, tội rước quân xâm lược Xiêm của Nguyễn Ánh không những không bị lên án mà còn được che giấu. Phạm Viết Tuyền trong bài «Một vài ý kiến về sự nghiệp của Gia Long» đã viết:
«Trong cơn nguy biến người anh hùng phải nhờ cậy đến nước ngoài cũng là chuyện thường… Nguyễn Ánh trong lúc bị Trịnh và nhất là nhà Tây Sơn chủ trương tận diệt đã phải cầu cứu Tiêm La và Pháp đó cũng là lẽ tự nhiên»(2).
Đúng, đó chỉ là «lẽ tự nhiên» của những kẻ bán nước, bán rẻ quyền lợi của Tổ quốc dân tộc để mưu cầu lợi ích cá nhân chứ không thể là «lẽ tự nhiên» đối với những người dân yêu nước được. Nguyễn Phương đã biến tội rước quân xâm lược của Nguyễn Ánh thành nhu cầu chính đáng cho «sự nghiệp» thống nhất đất nước:
«Còn tội mời quân ngoại quốc vào ư? thì Nguyễn Ánh có lẽ không nghĩ đến việc tránh trút vì ngay sau khi quân xâm lược Xiêm bị bại Nguyễn Ánh đã quyết định đi cầu viện nước Pháp và sự cầu viện sau này đã mở đường cho Nguyễn Ánh có lực lượng để toàn thắng cùng thống nhất đất nước»(3).
Vì bào chữa cho Nguyễn Ánh, cho cuộc chiến tranh xâm lược của quân Xiêm, nên các sử gia nói trên không thấy được ý nghĩa to lớn của chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút trong lịch sử dân tộc. Họ không thể thấy chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút không những chỉ tiêu diệt quân xâm lược Xiêm mà còn tiêu diệt cả đám quân phản động của Nguyễn Ánh.
(1) Bao La cư sĩ — «Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Thái Lan». Tập san Văn hóa Nguyệt san, số 44, năm 1959, tr.620. (2) Phạm Viết Tuyền — «Một vài ý kiến về sự nghiệp Gia Long» Đại Học số 8, 1959, tr.67. (3) Nguyễn Phương — «Chung quanh vấn đề ai đã thống nhất Việt Nam — Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh». Tạp chí Đại Học, số 35—36, tháng 10 - 12 năm 1963, tr.683.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #88 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 10:44:17 am » |
|
Nguyễn Phương còn than thở: «Quân Xiêm thất bại là tất cả hy vọng của Nguyễn Ánh cũng biến thành mây khói. Thật là một kinh nghiệm tủi nhục vì kết quả quân sự chỉ là con số không mà dân gian bị thiệt thòi đau đớn»(1).
Với cách nhìn nhận và phân tích như vậy nên họ càng không thể nhận rõ những ý nghĩa lịch sử sâu xa hơn của Rạch Gầm — Xoài Mút: Chiến thắng đó cùng với chiến thắng Đống Đa chống quân xâm lược Thanh đã đưa phong trào Tây Sơn lên một tầm vóc cao cả, từ một cuộc khởi nghĩa nông dân đã vươn lên làm nhiệm vụ đấu tranh giữ gìn độc lập của Tổ quốc, thể hiện tính quật khởi và năng động cách mạng của nông dân Việt Nam nói riêng và nhân dân ta nói chung.
Lúc bấy giờ trong nước chế độ phong kiến đã suy tàn, nhưng một giai cấp mới tiêu biểu cho một phương thức sản xuất mới có thể đảm đương sức mệnh dân tộc lại chưa xuất hiện. Mầm mống tư bản chủ nghĩa đã nảy sinh trong một số ngành kinh tế nhưng còn quá non kém. Trong khi đó cuộc đấu tranh giai cấp đang phát triển tới mức quyết liệt. Bão táp bắt đầu phát ra từ cung đình với hành động thoán đoạt của Mạc Đăng Dung 1527 rồi đến chiến tranh Nam — Bắc triều 1529 — 1592 và hành động ly khai của Nguyễn Hoàng. Rồi bão táp của bảy lần nội chiến Trịnh — Nguyễn đã làm cho đất nước chia cắt điêu linh kiệt quệ. Mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp đã dồn nén và làm bùng lên phong trào khởi nghĩa nông dân rầm rộ mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn.
Khởi nghĩa Tây Sơn đã lật nhào chế độ phản động Trịnh — Nguyễn. Những thế lực phản động cả phương Đông lẫn phương Tây âm mưu lợi dụng «đục nước béo cò» để lăm le xâm lược. Một hoàn cảnh lịch sử như vậy rất dễ làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng mất phương hướng, đất nước rã rời trở thành miếng mồi ngon cho bọn xâm lược.
Nhưng với lòng yêu nước thiết tha, tính năng động cách mạng được phát huy cao độ, nhân dân ta đã cố gắng vươn lên làm chủ vận mạng đất nước và đã bảo vệ được một cách xuất sắc độc lập của dân tộc.
Những cố gắng đó của khởi nghĩa Tây Sơn, kết tinh ở những trận quyết chiến chiến lược như Rạch Gầm — Xoài Mút, Ngọc Hồi — Đống Đa, đánh đuổi 5 vạn quân xâm lược Xiêm và tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Thanh.
Đó là điều mà không một sử gia nào của miền Nam trước giải phóng đánh giá đúng tầm vóc của nó.
Về diễn biến của trận đánh, các sử gia miền Nam trước giải phóng nghiên cứu rất sơ lược, tất cả chỉ nhắc lại hệt như việc mô tả cắt xén bóp méo của sử Nguyễn mặc dù họ có thừa nhận kết quả chiến thắng của quân Tây Sơn, sự đại bại của quân Xiêm — Nguyễn.
Ta đã biết sau khi nhận được tin tức của Trương Văn Đa cấp báo về tình hình của quân xâm lược Xiêm, Nguyễn Huệ đã kéo quân vào thẳng Mỹ Tho và chỉ hơn 10 ngày thăm dò, chuẩn bị, trận quyết chiến chiến lược đã xảy ra với kết quả quân xâm lược Xiêm và bọn phong kiến phản động hoàn toàn đại bại. Thời gian thần tốc và kết quả đặc sắc của trận tiêu diệt (tiêu diệt 4/5 số lượng quân giặc) đã khiến cho những người không nghiên cứu kỹ trận đánh tưởng như quá dễ dàng thuận lợi cho quân Tây Sơn và Nguyễn Huệ.
Phạm Văn Sơn tự cho là «Nghiên cứu rộng rãi về Quang Trung Nguyễn Huệ» đã khẳng định:
«Vua Quang Trung là một nhân vật lịch sử mà những điểm khiến ta phải chú ý nếu ta nghiên cứu rộng rãi sự nghiệp của ngài:
1 — Diệt xâm lăng, ngài đánh bại hai quân Tầu Xiêm dễ như xua gà…»(2)
Nếu coi những chiến thắng đó là «dễ như xua gà» thì có gì đáng ca ngợi. Lịch sử của những âm mưu đen tối và nguy cơ ngoại xâm từ hai mặt của đất nước, với tình thế rối ren của nội chiến đã đặt phong trào Tây Sơn Nguyễn Huệ trước những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, thì những chiến thắng mà phong trào Tây Sơn lập được để bảo vệ độc lập dân tộc không «dễ như xua gà» như Phạm Văn Sơn nói, mà đó là những kỳ tích kết tinh tài năng, tài thao lược, tinh thần dũng cảm xả thân vì Tổ quốc của đội quân khởi nghĩa nông dân, đứng đầu là Nguyễn Huệ. Vả lại, mặc dù Xiêm lúc đó không phải là một nước lớn, đội quân xâm lược Xiêm chưa phải là đội quân xâm lược thiện chiến nhất, song cuộc kháng chiến chống Xiêm vẫn có những khó khăn phức tạp riêng của nó, vì chúng được bọn phong kiến phản động trong nước tiếp sức và chúng đã chiếm được nửa đất Gia Định trong khi phong trào Tây Sơn mới chỉ giải phóng phần lớn đất Đàng Trong và đang phải đối phó với thù trong giặc ngoài.
(1) Nguyễn Phương — «Tây Sơn lấy Nam Hà». Tạp chí Đại Học, số 5, năm 1962, tr.783. (2) Phạm Văn Sơn — «Để so sánh các anh hùng trước Nguyễn Huệ với Nguyễn Huệ», Tập san Sử Địa số 9 — 10, 1968, tr.150.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
macbupda
Moderator

Bài viết: 11893
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #89 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 10:47:17 am » |
|
Sử nhà Nguyễn đã cố tình xuyên tạc cho rằng Nguyễn Huệ kéo quân vào giao chiến với quân Xiêm Nguyễn đang thua, may nhờ có mưu kế của «tên phản thần Lê Xuân Giác» bày kế phục binh ở Rạch Gầm — Xoài Mút mà chiến thắng được quân Xiêm(1).
Các sử gia miền Nam trước giải phóng đã hoàn toàn lặp lại và nhấn mạnh vào điều đó nghĩa là họ cũng cho rằng chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút chỉ nhờ «may mắn» do mưu kế của tên hàng thần mà có được.
«Nói cho đúng hơn sự thắng trận này là một sự may mắn cho vị tướng Tây Sơn hơn là kết quả của tài thao lược. Vì đang thua mãi Nguyễn Huệ đã tính nước rút lui thì một tên phản thần của Nguyễn Ánh đến bày mưu cho Nguyễn Huệ»(2).
Hoặc là chỉ vì «Quân Xiêm không hiểu địa thế bị quân Tây Sơn vây đánh thua chạy»(3).
«Các tướng Xiêm một đằng vì thắng luôn nên ít đề phòng, đằng khác không quen địa thế nên lỡ ra hữu sự không biết đàng xoay xở»(4).
Tóm lại, chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút dưới con mắt họ chỉ là sự «ngẫu nhiên may mắn» và công lao chủ yếu thuộc về tên hàng thần, vì vậy Nguyễn Phương mới khẳng định: «Ai cũng thấy được Lê Xuân Giác có công không kém gì Nguyễn Huệ»(5).
Tạ Chí Đại Trường còn đi xa hơn nữa. Tác giả đã mô tả xuyên tạc bản chất của nghĩa quân Tây Sơn, mô tả họ như những người hung bạo man rợ.
«Họ đi từ vùng rừng núi phía Tây, lấy sức mạnh cường bạo của đám người thượng, Trung Hoa khách thương liều lĩnh, nông dân Việt Nam đi khai thác đất hoang tâm tính trở nên hung dữ, rồi truyền tấm lòng hăng hái thành tính chất vong mạng đó cho dân đồng bằng hiền lành chân chất, gây nên một cuộc đảo lộn dữ dội nhất trong nước»(6). Sức mạnh quật khởi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa dưới con mắt của Tạ Chí Đại Trường biến thành sức mạnh của toán quân dốt nát ô hợp.
«Tây Sơn phải đánh ồ ạt để lấp liếm cái yếu kỹ thuật của họ, cho nên phải tàn sát»(7).
Từ sự xuyên tạc đó tác giả cho rằng chiến thắng 5 vạn quân xâm lược Xiêm ở Rạch Gầm — Xoài Mút chỉ là thành tích của đội quân dốt nát hung bạo và may mắn nhờ vào mưu kế của tên hàng thần Lê Xuân Giác.
Các công trình nghiên cứu của sử học Mác xít về trận Rạch Gầm — Xoài Mút đã cho chúng ta thấy rõ đó chính là kết quả thiên tài quân sự của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và tinh thần chiến đấu dũng cảm hy sinh của nghĩa quân, đồng thời là kết quả của sự ủng hộ hết lòng của nhân dân đối với nghĩa quân Tây Sơn. Cả quá trình chuẩn bị công phu cho trận đánh, từ việc đánh thăm dò, trá hàng để khích lòng kiêu ngạo của giặc, việc chọn trận địa mai phục, cách nhử quân giặc, chiến thuật chặn đầu khóa đuôi, kết hợp thủy quân với pháo binh, lợi dụng thủy triều, v.v…. đã bác bỏ hoàn toàn sự xuyên tạc của các sử gia miền Nam về thực chất của chiến thắng này.
Cũng rải rác đây đó trong một vài nghiên cứu của các tác giả ở miền Nam trước 1975 có ít dòng ca ngợi chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút. Song cách ca ngợi đó cũng chỉ là cách nhìn phiến diện. Chỉ thấy vai trò cá nhân Nguyễn Huệ mà hoàn toàn bỏ qua sự tham gia ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân.
(1) Đại Nam thực lục chính biên. Sách đã dẫn, tr.54. (2) Nguyễn Phương — «Chung quanh vấn đề ai đã thống nhất Việt Nam — Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh». Tạp chí Đại Học, số 35—36, tháng 10 - 12 năm 1963, tr.683. (3) Bao La cư sĩ — «Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Thái Lan». Tập san Văn hóa Nguyệt san, số 41, 1959. (4) Nguyễn Phương — «Tây Sơn lấy Nam Hà». Tạp chí Đại Học, số 5 1962, tr.783. (5) Nguyễn Phương — «Chung quanh vấn đề ai đã thống nhất Việt Nam — Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh». Tạp chí Đại Học, số 35 — 36, tháng 10 — 12, 1963, tr.683. (6), (7) Tạ Chí Đại Trường — «Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802», Nxb Văn Sử học, Sàigòn 1973, tr. 212 và 136.
|
|
|
Logged
|
Tự hào thay, mác búp đa Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng. Thô sơ, gian khổ đã từng Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
|
|
|
|