Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:44:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: PHÙNG CHÍ KIÊN ... Nhà chính trị, quân sự song toàn  (Đọc 3972 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2022, 02:31:25 pm »


GƯƠNG HY SINH NHỚ TIẾC ANH PHÙNG1
SÓNG BIỂN

Anh Phùng hay Lý đã vĩnh biệt chúng ta được hai năm rồi! Anh người Nghệ An (Trung Kỳ). Sang Tàu năm 1926, anh vào học Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Đông). Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm giáo quan một trường quân sự chính trị do Đảng Cộng sản Tàu lập nên ở miền Hải - Lục Phong (thuộc tỉnh Quảng Đông). Rồi anh giữ chức Liên trưởng Hồng quân Tàu và chiến đấu nhiều năm ở miền ấy.

Đến năm 1933, Đảng giới thiệu anh sang Nga học. Năm 1934 anh lại về Tàu. Sau cuộc Đại biểu đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao (Quảng Đông) năm 1935 anh được cử vào Thường vụ Trung ương. Mùa hạ năm 1937 anh về nước, đến cuối năm ấy anh lại ra Hồng Kông phụ trách liên lạc giữa Đảng và Quốc tế. Cuộc chiến tranh Trung - Nhật phát triển đến miền Hoa Nam. Đường giao thông bị gián đoạn. Anh phải bỏ Hồng Kông về Sán Đầu (Quảng Đông) cùng các đồng chí cộng sản Tàu tổ chức đội quân du kích chống Nhật ở đó.

Cuối mùa thu năm 1939, cuộc Âu chiến lần thứ hai lại bùng nổ, anh liền bỏ Sán Đầu về Vân Nam, tìm mối liên lạc với Đảng trong nước.

Cuộc hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 1 năm 1941, cử anh về phụ trách chỉ huy vùng đặc biệt khu Bắc Sơn, Đình Cả. Khi anh về tới vùng này, vì không rõ tình hình... nên anh kéo một bộ đội du kích từ Bắc Sơn ra biên thuỳ vào khoảng tháng 7 tây.

- Đi đến địa phận châu Na Rì (Bắc Kạn), bộ đội anh bị một toán lính mai phục vệ đường đánh úp. Anh đi tiên phong bị chết tại trận, hy sinh năm 36 tuổi.

- Thôi! Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ.

Anh Phùng! Chỉ vì Tổ quốc, đồng bào... nên, trong mười mấy năm lận đận anh phải vật lộn với bao sự thế biến thiên, trên đương đời đầy cát bụi, và rốt cuộc anh phải gửi tính mạng trên bãi xa trường!

Than ôi! Rồi đây trong những đêm trường lặng lẽ, văng vẳng bên tai những tiếng dế kêu, cú rúc của núi rừng, khác nào như những bản đàn luyến tiếc một chiến sĩ bất hạnh đã hy sinh trên trường cứu quốc giữa tuổi thanh xuân chứa chan hy vọng...

Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí!

Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ.

Chúng ta càng nhớ đến anh càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta.
_____________________________________________________
1. Đăng trên báo Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền, cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Trường Chinh làm Chủ bút (số 2, ra ngày 26.8.1943). Tư liệu này do Lê Thị Mai - Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng cung cấp.
2. Thực tế là tháng 5 năm 1941.
3. Thực ra, đồng chí Phùng Chí Kiên sinh năm 1901, hy sinh năm 1941, lúc 40 tuổi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2022, 02:33:11 pm »


THOÁT MỘT NGƯỜI LÀ CÓ LỢI CHO CÁCH MẠNG

HÀ KHAI LẠC

Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5.1941) đồng chí Chu Văn Tấn đưa một đoàn cán bộ từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Bắc Sơn để chuẩn bị về xuôi. Trong đoàn cán bộ có anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... và còn một đồng chí có khuôn mặt hơi tròn, rất giống người Trung Quốc. Anh Tấn giới thiệu đó là đồng chí Phùng mà sau này tôi mới biết đồng chí Phùng là Phùng Chí Kiên, người đã từng được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta năm 1935, nay là Ủy viên Trung ương, được Đảng cử về phụ trách khu du kích Bắc Sơn - Võ Nhai. Anh rất giỏi về quân sự, đã tốt nghiệp Trường Hoàng Phố và làm cán bộ giảng dạy quân sự ở trường võ bị Hải - Lục Phong ở Quảng Đông, Trung Quốc và cũng đã cùng sát cánh với Hồng quân Trung Hoa, đánh Nhật ở Sán Đầu (Trung Quốc).

Cần nói thêm là đoàn cán bộ ta từ Pắc Bó về Bắc Sơn đã bị lộ tung tích, bọn địch truy lùng ráo riết, quyết bắt cho kỳ được những cán bộ quan trọng của Đảng ta. Địch khủng bố Bắc Sơn và khủng bố cả Võ Nhai. Đến đâu, bọn Pháp cũng giở những thủ đoạn rất tàn ác như: đốt nhà, dồn làng, giết dân vô tội. Đội du kích chúng tôi hoạt động hết sức khó khăn và thường là phải thay đổi chỗ ở. Các lớp huấn luyện về quân sự do anh Phùng Chí Kiên mở, có khi vừa tập trung đã phải phân tán. Từng đoàn lính lê-dương liên tiếp càn rừng. Bọn mật thám thì giả dạng làm thường dân, thường đi sâu vào trong rừng để dò xét vết tích cán bộ hoạt động cách mạng. Tất cả các ngả đường rừng đều bị canh gác nghiêm ngặt; chúng rắc tro buộc cỏ để phát hiện dấu vết du kích.

Trước tình hình hoạt động ngày càng khó khăn, nguy hiểm, hai anh Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri (anh Tri là Xứ ủy viên, cũng ở trong Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn - Võ Nhai), quyết định rút quân ra khỏi vòng vây địch để bảo toàn lực lượng. Các đồng chí chia lực lượng ra làm hai nhóm, đi làm hai đường về vùng biên giới, với ý định sẽ củng cố lại đội ngũ, rèn luyện thêm cho đội viên về chính trị, quân sự và xây dựng cho mọi người một ý chí sắt đá, chờ dịp trở về đánh địch những đòn quyết liệt.

Một toán 7 người, gồm các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Mã Thành Kính, Bế Sơn Cương, Lâm, Thành và tôi đi về phía Cao Bằng.

Sau mấy ngày len lỏi trong rừng, phải tránh các đường cái lớn, lội dọc theo con suối để không để lại dấu vết trên đường mòn, ngày 14 tháng 8 năm 1941, chúng tôi đến Yên Hùng thuộc châu Bình Gia, Lạng Sơn, rồi đi qua Nà Ban, Sắc Sái thuộc Cư Lễ, châu Na Rì. Đến đây chúng tôi phát hiện ra có một tên mật thám cứ lẵng nhẵng theo sau. Thấy rằng tung tích có thể bị lộ vì tên chó săn đó, chúng tôi buộc lòng phải thanh toán nó. Chúng tôi lại phải đi ngoằn ngoèo vào rừng rậm, leo qua những đoạn đường rất hiểm trở để đánh lạc hướng đánh hơi của bọn tay sai Pháp.

Ngày 16 và ngày 17 tháng 8 năm 1941, chúng tôi đến được Pò Kíp, xã Văn Học thuộc châu Na Rì. Đây là vùng khá quen thuộc vì tôi đã làm gạch, ngói mấy năm ở xã này. Hồi đó tôi lấy tên là Tảo. Xã này có tên chánh Thượng phản động, cần phải đề phòng. Riêng tôi thì hồi đó còn rất ngây thơ và kém cảnh giác về chính trị nên cho rằng hồi còn làm thợ đóng gạch ở đây, tôi đã làm không công cho bọn chúng hàng vạn gạch, ngói, chắc chúng cũng phải nghĩ đến ơn xưa mà dành cho chúng tôi mọi sự dễ dàng. Tôi đã tính lầm! đến trạm gác Pò Kíp thì chúng tôi chạm trán chánh tổng Lương Thượng và 5 tuần đinh. Tên chánh Thượng ngăn chúng tôi lại, đòi xét hỏi giấy tờ. Lúc đầu nói dối là đi buôn lậu ở biên giới, đề nghị nó cho đi rồi sau này sẽ hậu tạ.

Chánh Thượng, mặt đỏ gay, nó vung ba-toong một vòng rồi quắc mắt quát: "Chúng mày có biết Thượng này làm gì ở đây không?". Tôi gãi tai, vờ nói nịnh cho qua chuyện: "Dạ đất này ai mà không biết tiếng cụ Chánh!" tên Thượng sừng sộ, nó hà cả hơi rượu vào mặt tôi: "Ở đâu cũng vậy, đất có thổ công sông có hà bá", sao chúng mày không nghĩ đến trình tao trước? Tất cả phải đứng yên cho tao khám thẻ và khám người xem có đồ quốc cấm không đã".

Chúng tôi ôn tồn nói chuyện và khuyên chúng nên để chúng tôi đi. Chánh Thượng không nghe. Nó chỉ ba toong vào mặt tôi giọng lè nhè: "Thằng Tảo kia, mày cũng đi với lũ ăn mày này à? Ông thì bắt trói cả lũ xem chúng mày có phải là buôn lậu không?". Nói xong nó hô tuần đinh khám xét chúng tôi.

Đứng trước tình thế đó, anh Lâm đưa mắt dò hỏi anh Phùng Chí Kiên, còn tay thì luồn vào áo, rút ra khẩu súng ngắn. Anh Kiên khẽ gật đầu. Thế là anh Lâm chĩa thẳng súng vào mặt chánh Thượng bóp cò. Tiếc thay, đạn không nổ. Tên chánh Thượng hốt hoảng nhảy lùi về phía sau hai bước, nó quát tuần đinh: "Cứ xông vào, súng giả đấy!". Ngay lúc đó, đồng chí Sơn Cương đã lia khẩu pạchoọc khiến chánh Thượng ngã khuỵu xuống. Bọn tuần đinh chạy rẽ ra hai bên. Anh Kiên hạ lệnh: "Chúng ta đi thôi!".

Chúng tôi chạy vào rừng, rút sang lối Pò Mát, tên chánh Thượng tuy bị thương nhưng vẫn rất cay cú, hô tuần đinh đuổi theo chúng tôi. Bọn tuần đinh trù trừ không quyết tâm, nhưng có hai tên xách súng kíp, xông lên. Hai đứa bám rất sát chúng tôi. Cực chẳng đã chúng tôi đành nổ súng trừng trị bọn chúng. Tên trương tuần Nông Văn Tạc bị thương ở cánh tay, còn tên tuần đinh Bế Văn Lê đã bị viên đạn của anh Mã Thành Kính kết liễu cuộc đời. Thế là bọn chúng đành bỏ dở cuộc săn đuổi.

Chúng tôi tạm ngừng chân để hội ý. Đầu tiên có một ý kiến nêu lên là rẽ qua đường Khuổi Lếch, Khuổi Cạn lên Nậm Chẳng (Lạng Sơn) rồi đi Pắc Bó (Cao Bằng), nhưng lại có vài ý kiến đề nghị anh Kiên cho đi lối Ngân Sơn. Anh em có ý định hết sức táo bạo là phục kích ngang đường, chặn bắt một ô tô địch, phóng thẳng lên lối Cao Bằng. Đây là một việc làm mà địch không thể ngờ tới được. Ngồi ô tô vừa đỡ mệt lại vừa đánh lạc hướng theo dõi của địch. Bọn tuần đinh, lính canh sẽ không dám ngăn bắt một ô tô đương chạy vì không thể nào chúng đoán được ô tô đó có chúng tôi và người lái lại là anh Bế Sơn Cương. Lúc đầu, anh Phùng Chí Kiên trù trừ, cho kế ấy phiêu lưu, nhưng rồi chúng tôi mỗi người nói một câu, phân tích thêm là ta chỉ cần vượt mấy chặng nguy hiểm rồi lao xe xuống vực, chúng ta lại đi bộ. Sau này khi bọn địch phát hiện thì ta đã cao chạy, xa bay rồi. Cuối cùng anh Kiên miễn cưỡng tán thành. Thế là chúng tôi đi về phía Ngân Sơn, định men theo đường cái lớn để chặn bắt ô tô.

Buổi chiều 20 tháng 8, chúng tôi đến nhà một người Dao ở hẻo lánh trong rừng thuộc xóm Khâu Long, châu Ngân Sơn, định nấu cơm ăn rồi lại tiếp tục đi. Chúng tôi không ngờ tên chủ nhà đã đi báo cho Chánh mục Bằng, Chánh mục Bằng đi báo cho tên châu ủy Bảo. Cơm chưa chín đã có tin quân địch bao vây. Ai nấy vội vã luồn rừng đi về phía Khau Phàn, định vượt đường số 3 phụ.

Lúc này khoảng 4 giờ chiều, xung quanh chúng tôi là quân lính của bọn khét tiếng gian ác vùng này như: Châu ủy Bảo, châu đoàn Phát, quản Lợi và đội Quận. Bọn chúng đi dàn hàng ngang để lùng tìm. Khi phát hiện ra chúng tôi, bọn địch nổ súng liền. Chúng tôi nằm rạp xuống cỏ, tìm mô đất hay hốc cây để nổ súng bắn trả. Hai anh Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri đều đã bị thương. Chúng tôi vừa bắn vừa lùi nhưng quân địch đã lố nhố ở khắp nơi: ở trên đỉnh núi cao và ngay dưới khe suối. Mặt anh Kiên đầy máu me. Anh bị một vết thương khá nặng ở đầu. Đôi lúc anh như không còn bò đi được nữa. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nghe được tiếng anh Kiên hạ lệnh: "Tập trung súng bắn một loạt rồi mở đường máu chạy đi". Tôi ôm lấy vai anh Kiên cố dìu anh đi, nhưng anh gạt tay ra và dặn nhỏ: "phải chạy ngay, thoát một người là có lợi cho cách mạng, dùng dằng ở đây thì chết hết. Về Cao Bằng nhớ báo cáo lại với cấp trên, tôi ở lại bắn bọn chúng để các đồng chí chạy". Thì giờ lúc này cấp bách quá! Làn đạn của địch cứ chíu chíu ở trên đầu, có viên cắm phập vào bụi cỏ trước mặt chúng tôi. Tôi xông lại cứ kéo anh Kiên đi. Một toán lính rời chỗ nấp, khom lưng lao đến định bắt sống chúng tôi. Anh Kiên quát lên: "Các đồng chí phải rút ngay!". Nói xong, anh quay phắt người về phía bọn lính đương chạy tới và nổ súng. Tôi vừa chạy vừa ngoái lại, còn thấy tay anh Kiên vẫn chĩa súng về phía địch nhưng đầu anh đã ngả sang một bên.

Nhờ loạt đạn anh Kiên, chúng tôi thoát vòng vây, chúng tôi lặng lẽ đi tìm nhau và rất hoảng sợ vì ngoài anh Phùng Chí Kiên, còn anh Lương Văn Tri cũng không thấy đâu nữa. Về sau này chúng tôi mới được đồng bào trong vùng kể lại là đồng chí Tri bị thương ở cánh tay, máu ra nhiều quá, anh đuối sức và ngã xuống một hố đào vàng rồi không leo lên được. Anh bị bắt và bị chết ở nhà giam Cao Bằng.

Về anh Phùng Chí Kiên thì sau khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, anh bị quân địch bắt được. Bọn địch reo hò là bắt được giặc cỏ Cộng sản. Anh Kiên đã tập trung tất cả sức lực còn lại để nói với binh lính (đây là quần chúng nói lại), đại ý: "Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp, đuổi Nhật chứ không phải là giặc cướp. Chúng ta là người Việt Nam, cần đoàn kết nhau lại, chống quân thù...”. Bọn Bảo, Phát rất sợ những lời chính nghĩa đó ảnh hưởng đến bọn tay chân, chúng đánh chết anh Kiên và sau đó, theo lệnh quan thầy Pháp, chúng cho chặt đầu anh, đem bêu ở đầu cầu Ngân Sơn, hòng uy hiếp tinh thần quần chúng.

Làm cách mạng là không thể tránh khỏi sự gian khổ hy sinh, tổn thất để đi đến thắng lợi cuối cùng. Sự hy sinh của các anh Lương Văn Tri, Phùng Chí Kiên là một tổn thất của Đảng ta. Nhưng qua sự hy sinh ấy, nhân dân Ngân Sơn đã tận mắt thấy rõ tội ác của giặc, thấy được ý chí sắt đá của con người Cộng sản. Chính cái chết đó đã góp phần không nhỏ, thức tỉnh tinh thần giác ngộ của nhân dân. Vì vậy, chỉ một năm, sau khi các anh Tri và Kiên chết, cán bộ của Đảng đã gieo được hạt giống cách mạng vào đất Ngân Sơn, nơi có phong trào sớm nhất của tỉnh Bắc Kạn cũ.

(Nguồn: Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Ty Văn hoá thông tin Bắc Thái, Những ngày sôi động, 1987).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2022, 02:37:25 pm »


NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA PHÙNG CHÍ KIÊN
(Qua bản khai của Trương Phước Đạt)1

1. Nguyễn Ái Quốc đưa Trương Phước Đạt, Mạnh Vãn Liễu và Trần Văn Điệm đi Thượng Hải để sang Nga

... Ngày 28 (2.1931) Nguyễn Ái Quốc đến gặp chúng tôi và ra lệnh cho chúng tôi đi Thượng Hải, tại đó sẽ gặp những đồng chí khác. Rồi đến lượt Lương (Hồ Tùng Mậu) đến cùng một người tên là Can ở phòng bên cạnh chúng tôi mà chúng tôi chưa được gặp trước đó (Trương Phước Đạt nhận ra các bức ảnh của Mạnh Văn Liễu; khó khăn nhận ra bức ảnh anh ta mặc trang phục học viên trường Hoàng Phố). Can (Mạnh Văn Liễu) sẽ là bạn đồng hành của chúng tôi. Lương (Hồ Tùng Mậu) trao cho chúng tôi ba vé đi Thượng Hải và 20 đôla cho tất cả mấy người. Can (Mạnh Văn Liễu) nói và viết thạo tiếng Tàu nên được nhận các chỉ thị và địa chỉ ở Thượng Hải.

Ngày hôm sau, Can (Mạnh Văn Liễu) dẫn chúng tôi lên một chiếc tàu đi Thượng Hải trong 5 ngày. Trong chuyến đi chúng tôi lấy các tên do Nguyễn Ái Quốc đặt cho: An - Trương Phước Đạt; Ban - Trần Văn Điệm; Can - Mạnh Văn Liễu. Tôi có cơ sở để nghĩ rằng ba tên ấy bắt đầu bằng ba chữ cái đầu tiên (A, B, C) đã được chọn có suy nghĩ, để cho chúng tôi thuận tiện liên lạc thư tín bí mật.

Ngay khi đến Thượng Hải, Can (Mạnh Văn Liễu) đã đi tìm khách sạn Trung Quốc Phạm điếm, nơi chúng tôi phải chờ đợi các đồng chí đã được báo trước từ Hồng Kông. Chẳng có ai đến cả. Ngày hôm sau, Can (Mạnh Văn Liễu) viết thư về một địa chỉ tôi không biết, và Hoàng (Lê Quảng Đạt) đến gặp chúng tôi. Hôm ấy anh ta chỉ hỏi tên chúng tôi và vài điều về tình hình trong nước. Ngày hôm sau, Lưu Quốc Long đến gặp. Anh ta dẫn chúng tôi ban đầu đến Trung Quốc Lữ quán, rồi hai ngày trước khi chúng tôi lên đường đi miền Bắc, đến khách sạn Nguyên Nguyên Thuận ký, toạ lạc cũng trong Tô giới Quốc tế như các khách sạn trước. Hoàng (Lê Quảng Đạt) trao tiền cho chúng tôi (100 đôla) để mua sắm quần áo cho có dáng vẻ thị dân hơn.

Khoảng ngày 8 tháng 3, Hoàng (Lê Quảng Đạt) đưa đến khách sạn chúng tôi một người Tàu tôi không biết tên, người này đã nói chuyện lâu bằng tiếng Trung Quốc với Hoàng (Lê Quảng Đạt), Quốc Long và Can (Mạnh Văn Liễu). Người Tàu ấy đi rồi thì 3 đồng chí nói trên còn tiếp tục trò chuyện và viết bằng tiếng Trung. Ban (Trần Văn Điệm) và tôi không biết tiếng Tàu và chữ Hán nên không biết họ nói những gì.

Ngày hôm sau, người Tàu trở lại và trao cho Hoàng ba mảnh giấy trắng độ: 25mm X 5mm, trên đó có in những con số đánh bằng máy chữ. Hoàng giao cho chúng tôi và dặn phải cất giấu cẩn thận trong người. Ban (Trần Văn Điệm) và tôi chỉ biết đấy là dấu hiệu để nhận ra nhau mà chúng tôi phải xuất trình khi đến nơi đã định. Nhưng chỉ có Can (Mạnh Văn Liễu) mới biết chúng tôi đi về đâu.

2. Lên đường đi Hải Sâm Uy, do Lưu Quốc Long dẫn đầu (10.3.1931).

Người Tàu đã trao 200 đôla cho Lưu Quốc Long, người sẽ đi cùng chúng ta. Long mua bốn vé tàu đi Đại Liêu hết 84 đôla, còn lại thì đổi sang tiền Nhật. Để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi phải chia thành hai nhóm: một nhóm gồm Can (Mạnh Văn Liễu) và tôi, nhóm kia có Lưu Quốc Long và Ban (Trần Văn Điệm). Chúng tôi giả vẻ nhóm này không biết nhóm kia.

Ngày 10 tháng 3, chúng tôi lên tàu để đến Đại Liên vào ngày 13 và tại đó chúng tôi chia tay nhau. Can (Mạnh Văn Liễu) và tôi vào khách sạn trong ngày. Buổi tối, chúng tôi lên tàu hoả đi Hàng Châu (Tchang Tchouen) và đến nơi vào tối hôm sau. Nhận thấy Quốc Long và Ban (Trần Văn Điệm) cũng đi cùng chuyến tàu hoả với chúng tôi. Đến Hàng Châu, người bạn đường của tôi lấy vé khác khi Kharbine và ngày hôm sau thì đến nơi vào khoảng 9 giờ.

Chúng tôi ở trọ riêng biệt. Nhóm chúng tôi vào một khách sạn. Long đến đó ba giờ sau để cho biết chắc ngày hôm sau liên lạc viên Tàu sẽ đến tìm chúng tôi. Đúng vậy, ngày hôm sau Quốc Long đến cùng với một người Tàu, anh này thu các mảnh giấy nhận thực của chúng tôi và nói rằng chúng tôi còn phải đi một ngày tàu hoả nữa. Cho đến lúc ấy, tôi cứ tưởng Kharbine là điểm đến của mình. Can (Mạnh Văn Liễu) làm thông ngôn cho những người điều người Tàu nói, còn chưa cho tôi biết rằng chúng tôi đang đi sang Nga.

Thật ra, chúng tôi phải đi đến Ngũ Trạm, ga biên giới Nga đi về phía Vladivostock. Tại đó, chúng tôi sẽ gặp một người liên lạc trong một cửa hiệu xác định, nơi mà Can (Mạnh Văn Liễu) sẽ trả 20 c.(xu) cho một món hàng nào đó. Tờ 20 c. này có mang một dấu hiệu riêng do người Tàu ở Kharbine đã trao cho anh ta. Rồi còn phải mất 3 giờ đi bộ mới vượt được biên giới.

Sau ba ngày ở lại Kharbine, ngày nào cũng đổi khách sạn, chúng tôi từ biệt Lưu Quốc Long mà tôi sẽ không còn bao giờ gặp lại nữa (khi tôi trở lại Thượng Hải thì nghe nói anh ta đã bị bắt), và buổi sáng ngày 19 tháng 3 cả ba chúng tôi ra đi Ngũ Trạm.

3. Mạnh Vãn Liễu và Trần Văn Điệm đi sang Nga tháng 4 năm 1932.

Vào tháng 4 năm 1932, Can (Mạnh Văn Liễu) và Ban (Trần Văn Điệm) lại đi sang Nga theo cùng con đường mà chúng tôi đã đi lần trước; cơ quan liên lạc tại Ngũ Trạm đã được lập lại. Vào ngày 14 hoặc 15 tháng 4, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã phái họ đi cùng với một người Tàu mà tôi không biết tên. Từ Kharbine, Can (Mạnh Văn Liễu) viết thư cho tôi bằng chữ Hán cho biết chuyến đi suôn sẻ cho đến lúc đó. Về sau người liên lạc của Đảng cộng sản Trung Quốc cho biết họ đã đến Mạc Tư Khoa an toàn.

Về phần mình, tôi ở lại Thượng Hải. Người ta không nói vì sao tôi không được gửi đi Mạc Tư Khoa. Nhưng tôi nghĩ rằng Can (Mạnh Văn Liễu) hồi còn ở nhà tù Kharbine đã trách tôi có xu hướng tờ rốt kít, nên đã báo cáo mật không tốt về tôi.

4. Tiểu sử của Mạnh Vân Liễu.

Can (Mạnh Văn Liễu) đã có tư tưởng giác ngộ cách mạng năm 1925 hồi ở Nghệ An. Đây là thời kỳ tuyển người đi Quảng Châu; anh sang Tàu. Năm 1926 anh vào Trường Hoàng Phố, năm 1927 tham gia với cộng sản chiếm Quảng Châu. Tháng Giêng năm 1928, bị bắt ở Quảng Châu và cầm tù 10 tháng. Năm 1929 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Châu và được phái vào vùng cộng sản ở Đông Giang (Tong Kiang) với quân hàm Liên trưởng. Đồng thời anh là đại biểu Đảng cộng sản trong Hồng quân, tức là làm các chức vụ chính trị. Ba người đồng hương tôi không biết tên cũng trong đội quân của anh.

Năm 1930, trong một cuộc hành quân, anh bị thương nơi tay trái. Khi dưỡng bệnh, anh được chỉ định dạy lý luận chính trị cho đám "tân binh", nhưng chỉ trong 3 tháng, nơi anh xin trở lại quân đội. Lúc đó anh mang chức phó dinh trưởng, chỉ huy một đội từ 300 đến 500 quân. Thời đó anh tìm cách nhập vào Hồng quân Giang Tây (Kiang si), hoặc Hồng quân Foukien, nhằm liên lạc trực tiếp với Tổng tư lệnh Hồng quân. Tuy có những thắng lợi, nhưng cuối cùng hầu như hoàn toàn thất bại vì bị quân chính phủ bao vây.

Năm 1930, Mạnh Văn Liễu nghe nói có khoảng 20 người Trung Kỳ được lệnh Đảng cộng sản Đông Dương phái đi từ Đông Dương và Xiêm đến Hồng quân Đông Giang (Tong Kiang) để học tập võ bị. Mạnh Văn Liễu không biết họ được phiên chế vào những đơn vị nào, và không hề thuộc quyền chỉ huy của mình.

Tháng Chạp năm 1930, Tỉnh ủy Quảng Đông vẫn liên lạc với Hồng quân Đông Giang (Tong Kiang), gọi Can (Mạnh Văn Liễu) về Hồng Kông và cho bắt liên lạc với Lương (Hồ Tùng Mậu). Lúc đó Can (Mạnh Văn Liễu) được chỉ định đi sang Nga với Ban (Trần Văn Điệm) và tôi (Trương Phước Đạt). Có thể nói rằng đó là do Tỉnh ủy Quảng Đông (Kouangtoung) đã làm theo ý của Nguyễn Ái Quốc.

(Nguồn: Bảo tàng Xô-viết Nghệ Tĩnh).
___________________________________________________
1. Trích trong Hồ sơ Nguyễn Ái Quốc. Tập tài liệu này nguyên văn bằng tiếng Pháp, đã được dịch sang tiếng Việt, do đồng chí Lê Thị Hạnh Phúc, Giám đốc Bảo tàng Xô-viết Nghệ Tĩnh cung cấp (8.2008). Chúng tôi trích một số đoạn có liên quan đến hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2022, 04:54:42 pm »


TÀI LIỆU CỦA MẬT THÁM PHÁP VỀ PHÙNG CHÍ KIÊN


Những năm tháng hoạt động cách mạng bí mật của đồng chí Phùng Chí Kiên lúc ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài, luôn luôn bị mật thám và chính quyền thực dân Pháp theo dõi, truy tìm. Tài liệu của mật thám Pháp mà chúng tôi thu thập được, tuy còn ít ỏi, nhưng là bằng chứng lịch sử đích thực nói lên một phần điều đó. Các tài liệu này nguyên bản bằng tiếng Pháp, do vậy, khi dịch ra tiếng Việt chắc không tránh khỏi những sai sót, mong bạn đọc chỉ dẫn để hoàn thiện thêm.

1. Những tháng đầu năm 1929, khi Phùng Chí Kiên đang hoạt động ở trung Quốc, thì tại quê nhà, mật thám Pháp ở Vinh tiến hành điều tra về Phùng Chí Kiên qua Tri phủ Diễn Châu và Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng.

Ngày 9 tháng 4 năm 1929, tại Vinh, Chánh mật thám Vinh Vích-to Bi-lê (Victor Billet) tra hỏi Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng, ông Nguyễn Đức Hinh về Phùng Chí Kiên. Nội dung Bản cung như sau:

Hỏi: Hộ tịch ông?
Trả lời: Nguyễn Đức Hinh, 33 tuổi, cày, hiện là Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần, phủ Diễn Châu, Nghệ An.

Hỏi: Tôi biết có một người bản xứ tên là Nguyễn Vợi tức Vị, quê ở làng Mỹ Quan Thượng, đã bỏ làng ra đi vào khoảng tháng 11 năm 1926, ông có biết thì cho tôi biết căn cước chính xác của người ấy và nói cho tôi biết người ấy ra đi trong hoàn cảnh (điều kiện) nào?
Trả lời: Cách đây một năm khi tôi được cử làm Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng, tôi có biết tên Nguyễn Vợi tức Vị, con trai Nguyễn Khoản, tức Dốc và Trần Thị Cúc, cày, ở làng Mỹ Quan Thượng. Tôi không biết hoàn cảnh mà anh ta đi.

Hỏi: Nguyễn Vợi tức Vị ra đi lúc nào?
Trả lời: Tôi cũng không biết.

Hỏi: Trước khi đi, Nguyễn Vợi, tức Vị đã làm gì?
Trả lời: Anh ta buôn gạo với cha mẹ.

Hỏi: Theo ông vừa khai, Nguyễn Vợi tức Nguyễn Văn Nhị có mặt ở đây có phải là anh em ruột của Nguyễn Vợi tức Vị không?
Trả lời: Vâng. Tên Nguyễn Vợi tức Nguyễn Văn Nhị là anh cả của tên Nguyễn Vợi, tức Vị.

Hỏi: Khi ông nhận làm Lý trưởng và ông biết Nguyễn Vợi bỏ đi, tại sao ông không báo cho Tri phủ Diễn Châu biết?
Trả lời: Tôi chỉ biết việc này vào ngày 1 tháng 4 năm 1929 nghĩa là ngày Tri phủ Diễn Châu báo tôi điều tra về việc này.

Hỏi: Kết quả điều tra của ông như thế nào?
Trả lời: Kết quả là tôi biết Nguyễn Vợi tức Vị đã đi ra nước ngoài.

Hỏi: Ông đã báo cho Tri phủ Diễn Châu chưa?
Trả lời: Tôi đã báo cho Tri phủ Diễn Châu ngày 8 tháng 4 (Avril).

Hỏi: [....] Nguyễn Vợi tức Nguyễn Văn Nhị ra nước ngoài năm 1926, nhưng đã báo chắc chắn cho quan biết người thật mới tìm ra, tức là tên Nguyễn Vợi tức Vị chưa?
Trả lời: Vâng, Tri phủ Diễn Châu báo cáo theo lời khai của tên Nguyễn Khoản, tức Dốc, cha của Nguyễn Vợi tức Nguyễn Văn Nhị và Nguyễn Vợi tức Vị.

Hỏi: Như vậy, ông đã nhận được lệnh của Tri phủ là phải tiến hành điều tra về tên Nguyễn Vợi tức Vị?
Trả lời: Vâng, nhưng tôi chưa có thì giờ báo cáo với tri phủ.

Hỏi: Như vậy ông đã tham gia bắt tên Nguyễn Vợi tức Nguyễn Văn Nhị và ông biết như thế là ông biết tên này từ khi còn nhỏ?
Trả lời: Lúc ấy, tôi còn chưa biết Nguyễn Khoản tức Dốc có 1 người con đã đi ra nước ngoài.

Hỏi: Nguyễn Vợi tức Vị học ở trường nào?
Trả lời: Anh ta học chữ Hán với Tư Thấu ở làng tôi và học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ ở Trường tiểu học Đông Xương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2022, 04:55:54 pm »


2. Tháng 1 năm 1931, theo yêu cầu của các nhà chức trách phong kiến, thực dân, Tri phủ Diễn Châu có bản Báo cáo với Công sứ Vinh về nhân thân Phùng Chí Kiên. Bản báo cáo (bằng tiếng Việt) như sau:

Phủ Diễn Châu ngày 9 tháng 1 năm 1931.

Kính phúc trình về khoản tên Nguyễn Hào mà quan lớn ủy tôi dò xét như sau: Nguyễn Hào ấy là con Nguyễn Khoản (59 tuổi) và Trần Thị Thúc, đều còn, lúc bé nó tên là Nguyễn Vĩ có đi học trường tổng, biết chữ ít nhiều. Tháng 6 năm Khải Định thứ 10 (1925), theo làm tài phú (thư ký) cho một người Trung Quốc buôn gạo, ngô ở ga Yên Lý, đến cuối năm ấy nó bỏ đi biệt không thấy về, qua cuối năm Bảo Đại thứ hai (1927) có người làng nó (Mỹ Quan) tên là Nguyễn Quế xuất dương về, thuật lại rằng có gặp nó ở Tàu, tỉnh Quảng Đông vào ngạch lính võ nghệ, từ đó không thấy tin tức gì nó nữa.

Giấy căn cước số A. 193634 là của tên Nguyễn Hào, chú nó tuổi xấp xỉ với nó và diện mạo cũng tương tự nhau, nên khi nó đi nó cắp lấy mà đi, không phải tên nó và căn cước của nó. Chú nó trước đi lính {...} hiện bây giờ đăng lính tại Nam Định.

3. Ngày 10 tháng 10 năm 1931, Chánh mật thám Trung Kỳ, Sô-nhi có Mật thư số 2449 gửi Chánh mật thám Vinh và Hà Tĩnh yêu cầu cung cấp thông tin về Phùng Chí Kiên. Nội dung bức mật thư như sau:

Huế, ngày 10 tháng 10 năm 1931.

Gửi các ông Chánh mật thám Vinh và Hà Tĩnh.

Một thám tử của Mật thám Đông Dương báo tin là những người tham gia Hồng quân bị bắt có tên Mạnh Văn Liễu, cựu học sinh trường Hoàng Phố, tham gia Đảng Thanh niên, được Nguyễn Ái Quốc chỉ định đi học ở Mạc Tư Khoa. Mạnh Văn Liễu đã cùng đi với một người Nam Kỳ và một người Trung Kỳ không rõ tên vào tháng 2 năm 1931, theo hướng đến Vơ-la-đi-vô-xtốc, nhưng đến biên giới Nga - Mãn Châu thì cả ba đều bị bắt.

Mạnh Văn Liễu lấy căn cước ở Vinh, ngày 14 tháng 2 năm 1925 với cái tên là Nguyễn Hào, số hiệu căn cước là A.93634 do Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng Nguyễn Khải giới thiệu. Các ông phải cho tôi biết là căn cước mang số hiệu A.93634 có đúng không và trong trường hợp ấy thông báo cho tôi những tin tức về Nguyễn Hào, anh em bà con của y. Mạnh Văn Liễu khi thì làm như một người Bắc Kỳ nói giọng Ninh Bình, khi thì làm như một người Trung Kỳ nói giọng Nghệ Tĩnh.

Nếu không đúng, phải chỉ thị truy nã Lý trưởng Nguyễn Khải là người đã đảm bảo tính chất xác thực của những điều đã ghi trong căn cước và cho tôi biết ngay những tồn ghi về việc này.

Đính theo đây một bản hồ sơ về Mạnh Văn Liễu.

Chánh Mật thám Trung Kỳ.
Đã ký: Sô-nhi.

4. Ngày 30 tháng 10 năm 1938, Chánh Mật thám Trung Kỳ, Sô-nhi gửi ông Phái viên mật thám ở Vinh bức Mật thư số 4572, liên quan đến về Phùng Chí Kiên. Nội dung như sau:

"Tiếp theo thông báo số 599/SS và 991/SS ngày 22 tháng 3 và ngày 12 tháng 4 năm 1938.

Ngày 25 tháng 10 vừa qua, cảnh sát Hương Cảng đã lục soát nhà Mạnh Văn Liễu tức Phùng, 71 phố Đại Nam và đã giữ nhiều tài liệu trong đó có một bức thư viết bằng Quốc ngữ.

Bức thư này viết chưa xong, gửi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương không đề ngày và có thể đã viết trong ba tháng trở lại đây. Bức thư này có nhiều điều hướng dẫn cần thiết nói về hoạt động của Ban Chỉ huy ở ngoài và nêu bật sự quan trọng của cơ quan này trong một thời gian không hạn định, trong việc liên lạc giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cơ quan Phương Nam của Đảng này.

Ngoài ra tài liệu cho biết chắc chắn sự có mặt ở Đông Dương của Lê Hồng Phong tức Hải Đông, có lẽ được giao trách nhiệm liên lạc với Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm mục đích nối lại sự liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Đệ tam Quốc tế đã bị đứt.

Bức thư đó còn nêu ra một số những vấn đề sau đây:

1- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương định gửi sang Trung Quốc một số đảng viên để dự một lớp huấn luyện, nhưng Ban Chỉ huy ở ngoài khuyên nên mở lớp này ở trong nước.

2- Một tổ chức liên lạc viên đã được lập ra trên các chuyến tàu thủy chạy đường Hương Cảng -Sài Gòn.

Ngày 25 tháng 10 năm 1938, trong người Mạnh Văn Liễu thấy có một giấy chứng nhận cấp ở Sài Gòn ngày 18 tháng 10 năm 1937 cho Phùng Nguôn Bình, 36 tuổi, Hoa kiều Akas mang thẻ căn cước số 117076. Nó đã khai nó đi Sài Gòn năm 1937.

Cơ quan Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương do Mạnh Văn Liễu phụ trách, từ khi trở về Hương Cảng sau hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Chánh Mật thám Trung Kỳ.
Sô-nhi.


 

5. Ngày 16 tháng 12 năm 1938, Chánh Mật thám Trung Kỳ, Sô-nhi có Mật thư số 4762 gửi cho Chánh mật thám trưởng các tỉnh Trung Kỳ thông báo Phùng Chí Kiên có khả năng trở về Đông Dương. Toàn văn như sau:

Mật thư số 4762.
Huế ngày 16 tháng 12 năm 1938.

Chánh Mật thám Trung Kỳ.

Gửi Chánh mật thám các tỉnh Trung Kỳ.

Nguyễn Hào tức Mạnh Văn Liễu tức Mai Văn Liễu

Tiếp theo thông báo số 1152 ngày 18 tháng 5 năm 1934.

Tên xuất dương Nguyễn Hào, tức Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, ủy viên Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương bị các nhà chức trách Anh bắt ở Hương Cảng ngày 25 tháng 10 năm 1938, đã bị trục xuất về Sán Đầu ngày 6 tháng 12 vừa rồi.

Nguyễn Hào tức Mạnh Văn Liễu có ý định về Đông Dương với một căn cước giả làm người Trung Quốc.

Chánh mật thám Trung Kỳ.
Sô-nhi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2022, 04:57:50 pm »


6. Ngày 9 tháng 1 năm 1939, Chánh mật thám Trung Kỳ, Sô-nhi, có Mật thư số 92, thông báo cho Chánh mật thám các tỉnh Trung Kỳ về Phùng Chí Kiên. Mật thư như sau:

Mật thư số 92.
Huế ngày 9 tháng 1 năm 1939.

Chánh mật thám Trung Kỳ.

Gửi các ông Chánh mật thám các tỉnh Trung Kỳ.

Tiếp theo thông báo số 4762 ngày 16 tháng 12 năm 38.

Lúc bị bắt ở Hồng Kông, ngày 25 tháng 10 năm 1938, trong người tên Nguyễn Hào tức Mạnh Văn Liễu, tức Phùng bắt được một giấy chứng nhận của bang Hoa kiều cấp ở Sài Gòn ngày 18 tháng 10 năm 1937 cho Phùng Nguôn Bình, 36 tuổi, là người Hoa kiều Akas mang thẻ căn cước số 117076.

Nguyễn Hào tức Mạnh Văn Liễu đã cho biết rõ nó đã sang đó bằng một giấy căn cước giả làm người Hoa kiều ở Sài Gòn năm 1937.

Các ông thấy ở đây bức ảnh chụp của Nguyễn Hào tức Mạnh Văn Liễu giao cho cơ quan nhập cảnh khi đến Nam Kỳ dưới cái tên Hoa kiều Phùng Nguôn Bình.

Chánh mật thám Trung Kỳ.
Sô-nhi


7. Ngày 18 tháng 12 năm 1941, tức chỉ sau 20 ngày, khi đồng chí Phùng Chí Kiên về Pắc Bó, Cao Bằng (28.1.1941) cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí khác, mật thám Pháp ở Trung Kỳ đã phán đoán Phùng Chí Kiên đã về nước. Bức Mật thư số 908C của viên Chánh mật thám Trung Kỳ, Sô-nhi đã nói lên điều đó.

Mật thư số 908 C.
Huế ngày 18 tháng 2 năm 1941.

Gửi các ông Chánh mật thám các tỉnh Trung Kỳ và ông Công sứ Vinh.

Nguyễn Hào, bí danh Mạnh Văn Liễu, tức Phùng.

Sự có mặt của Mạnh Văn Liễu tức Phùng đã được phát hiện ở Vân Nam.

Tên này có ý định đi thăm bà con, bạn bè nhân dịp năm mới sau đó sẽ đi Hồng Kông.

"Bà con bạn bè" mà Mạnh Văn Liễu có ý định gặp có thể là những đảng viên Cộng sản Đông Dương.

Yêu cầu ông Chánh mật thám Vinh cho kiểm soát chỗ ở của những người bà con của Mạnh Văn Liễu và yêu cầu tất cả các ông cho tích cực tầm nã tên này vì có thể nó đã về Đông Dương.

Chánh mật thám Trung Kỳ.
Sô-nhi


8. Ngày 2 tháng 12 năm 1941, Chánh mật thám miền (Le chef locan des service de police) Rô-be Pê-rô-sê (Robert Perroche), gửi Thông báo số 8801C tới Cảnh sát trưởng Trung Kỳ, về việc nhận dạng Phùng Chí Kiên đã bị bắn chết ngày 22 tháng 8 năm 1941. Nội dung bức thông báo như sau:

Huế ngày 2 tháng 12 năm 1941.

Gửi các ông Cảnh sát trưởng Trung Kỳ.

Việc nhận dạng tên phiến loạn bị giết.

Ở Khau Pan, tỉnh Bắc Kạn (Bắc Kỳ) ngày 22 tháng 8 năm 1941.

Tên phiến loạn Tư Thịnh, bị bắt ở Bắc Sơn ngày 21 tháng 8 năm 1941 đã khai ra rằng những vật và tài liệu tìm được trong xác một tên phiến loạn đã bị giết ở Khau Pan (Bắc Kạn) ngày 22 tháng 8 năm 1941 là của tên Phùng, quê ở Trung Kỳ và tên này đã tham gia cuộc Hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương ở hải ngoại tháng 5 vừa rồi.

Ngoài ra, cuộc thẩm tra các tang vật bắt được trong quá trình chúng ta tiến hành dẹp loạn ở vùng này đã khám phá ra trong người tên phiến loạn bị giết ở Khau Pan, một con dấu có những chữ Hán sau đây: Phùng Quốc Nghiêu ấn - con dấu của Phùng Quốc Nghiêu.

Những tang vật trên đây cho phép chúng ta nhận ra Phùng Quốc Nghiêu là tên của tên phiến loạn bị giết.

Đến nay chưa có gì đích xác về căn cước của tên An Nam này, vì vậy tôi yêu cầu các ông báo cho tôi biết tất cả những điều gì các ông biết hoặc thu thập được về vấn đề này.

Tên phiến loạn này có đặc điểm sau đây: khoảng 38 tuổi, cao 1m65, thân hình vừa phải, mặt bầu dục, gò má cao, tóc hất ngược ra đằng sau.

Chánh mật thám miền (Le chef locan des service de police)
Rô-be Pê-rô-sê (Robert PERROCHE).


9. Ngày 8 tháng 12 năm 1941, thanh tra an ninh Vây-ren (R. Veyrenc), có bản Báo cáo gửi ông Chánh mật thám Trung Kỳ, về việc nhận dạng Phùng Chí Kiên đã bị giết ngày 22 tháng 8 năm 1941 tại Khau Pan, Bắc Kạn. Toàn văn bản Báo cáo như sau:

Vinh ngày 8 tháng 12 năm 1941.

Kính gửi ông Chánh mật thám Trung Kỳ, Huế.

Việc nhận dạng tên Phùng, tức Phùng Quốc Nghiêu bị giết ngày 22 tháng 8 năm 1941 ở Khau Pan (Bắc Kạn).

Trả lời mật thư số 8801-C ngày 2 tháng 12 năm 1941 của ngài.

Tôi xin báo cùng ngài rõ tên Phùng tức Phùng Quốc Nghiêu, nói trong mật thư trên của ngài, có thể đúng là tên xuất dương đã được chúng ta biết rõ là Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, tức Ma (A-8310), quê ở Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần, phủ Diễn Châu (Nghệ An).

Thật vậy, tên này đã tham gia một cuộc hội nghị ở Long Châu trong tháng 5 năm 1941 (xem thông báo của tôi số 1497 ngày 10 tháng 6 năm 1941).

Thanh tra an ninh.
Vây-ren
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2022, 05:15:47 pm »


NHỮNG TÀI LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN CUỘC ĐỜI
VÀ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN

I. Tài liệu, sách báo tiếng Việt.

1. M.T.H, Phùng Chí Kiên - một đảng viên trọn vẹn, trung dũng, Tạp chí Xưa và Nay, số 83 (131), tháng 1 năm 2001, tr. 27 và tr. 44.

2. Con đường giải phóng, tập bài giảng lớp đào tạo cán bộ ở Nậm Quang, Tĩnh Tây (Trung Quốc), do các đồng chí Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng biên soạn theo tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu H2C7/3.

3. Lê Quảng Ba, A Voóc Hồ, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1977.

4. Chu Đức Tính, Về ngày Bác Hồ về nước năm 1941, Tạp chí Xưa và Nay, số 83 (131), 2001, tr. 15.

5. Đặng Phong, Đón Tết Côn Minh, gặp những dấu ấn của Bác Hồ, Tạp chí Xưa và Nay, số 86, tháng 2.2002, tr. 4-5 và 15.

6. Trần Trọng Thơ, Phùng Chí Kiên đã hy sinh như thế nào? Tạp chí Xưa và Nay, số 244, tháng 9. 2005, tr. 15-17.

7. Tiểu Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An, Phùng Chí Kiên (1901-1941), Nghệ An - những tấm gương cộng sản, Nxb Nghệ An, tr. 69-78.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5 (1947-1947), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 790.

9. Đức Vượng, Nguyễn Đình Nhơn, Người chỉ huy trưởng Đội du kích Bắc Sơn, Những người cộng sản, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 172-184.

10. Đức Vượng - Nguyễn Đình Nhơn, Đồng chí Phùng Chí Kiên, Những người cộng sản trẻ tuổi, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 149-159.

11. Đỗ Quang Hưng, Phùng Chí Kiên (1901-1941) - Một cán bộ quân sự, chính trị tài ba, Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 6.2001.

12. Phan Xuân Tần, Phùng Chí Kiên - Nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên của Đảng, Đặc san Sự kiện - Nhân chứng, tr. 16-17.

13. Nông Danh, Hồi ức đội công tác Phùng Chí Kiên, Tạp chí Xưa và Nay, số 249, tháng 12.2005.

14. Tô Kiên, Những người cách mạng Việt Nam tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, Tạp chí Xưa và Nay, số 111, tháng 3.2002, tr. 6-7.

15. Đỗ Quang Hưng, Phùng Chí Kiên - Tư liệu mới từ kho lưu trũ Quốc tế Cộng sản, Đặc san Sự kiện - Nhân chứng, tr. 24.

16. Vũ Anh, "Những ngày gần Bác", Đầu nguồn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 221- 274.

17. Lê Quảng Ba, "Bác Hồ về nước", Đầu nguồn - hồi ký về Bác Hồ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 197.

18. Chu Văn Tấn, "Một lòng theo Bác", Đầu nguồn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 135-162.

19. Lê Quảng Ba (Hoàng Thế Dũng ghi), Bác Hồ và Đội du kích Pắc Bó, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1994.

20. Võ Nguyên Giáp, "Từ Pắc Bó đến Tân Trào", Đầu nguồn, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1975, tr. 39- 90.

21. Võ Nguyên Giáp, Thư gửi đồng chí Nông Đức Mạnh và đồng chí Phùng Quang Thanh, ngày 18.12.2007.

22. Võ Nguyên Giáp, Bài nói về Phùng Chí Kiên, tháng 11.2002.

23. Hoàng Văn Hoan, "Một bước ngoặt lịch sử quan trọng", Đầu nguồn, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1975, tr. 39-90.

24. Đặng Văn Cáp, "Con đường dẫn tôi đến với Bác", Đầu nguồn, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1975, tr. 321-348.

25. Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Diễn Yên, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Yên (1930-2007), Nxb Văn hoá - Thông tin, 2007, tr. 46.

26. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 4 (1932-1934), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 519, 523-524.

27. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Khu tự trị Việt Bắc, Lịch sử Cứu quốc quân, Nxb Việt Bắc, 1975, tr. 42- 43.

28. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, Lịch sử Đảng bộ Bắc Kạn, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 61-62.

29. Bộ Quốc phòng, Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 810-811.

30. Sóng Biển, Gương hy sinh nhớ tiếc anh Phùng, Báo Cờ giải phóng, cơ quan truyên truyền cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, số 2, ngày 26.8.1943.

31. Đinh Xuân Lâm, Danh nhân lịch sử Việt Nam, tr. 192.

32. Lê Mậu Hãn, Đảng Cộng sản Việt Nam, các Đại hội và Hội nghị Trung ương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 26.

33. Hà Huy Tập - Người cộng sản kiên trung, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 565.

34. Chu Văn Tấn, Kỷ niệm cứu quốc quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.37.

35. Đào Xuân Trường, "Người con ưu tú của giai cấp công nhân, người cộng sản kiên cường bất khuất", Trần Đăng Ninh - con người và lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 111.

36. Báo cáo của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 5.4.1938 (bằng tiếng Việt), lưu trữ lịch sử hiện đại Cộng hoà Liên bang Nga, ký hiệu 495 - 10.a - 140 (Tài liệu do GS, TS Đỗ Quang Hưng công bố).

II - Tài liệu tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt.

Trong một số bài viết, một số người đã sử dụng tài liệu của phía Pháp, bao gồm các báo cáo, công văn của bọn thực dân và Mật thám Pháp (đã dịch sang tiếng Việt).

1. Báo cáo của Garíc, quyền Công sứ Bắc Kạn, gửi Thống sứ Bắc Kỳ ở Hà Nội, ngày 29.8.1941 (lưu Viện lịch sử Đảng).

2. Báo.cáo "Về hoạt động chính trị của người Bản xứ ở Bắc Kỳ", tháng 8.1941, của sở Mật thám Bắc Kỳ (lưu Viện lịch sử Đảng).

3. Báo cáo "Về hoạt động chính trị của người Bản xứ ở Bắc Kỳ từ 1 đến 25.10.1941”, của sở Mật thám Bắc Kỳ (lưu Viện lịch sử Đảng).

4. Thông tư 5595-SG của sở Mật thám Đông Dương, năm 1930 (lưu Viện lịch sử Đảng).

5. Công văn 5701-SG (26.11.1938) của Chánh Thanh tra Debort, gửi các chánh sở cảnh sát địa phương Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

6. Hồ sơ của Tổng nha Mật thám Đông Dương, số 5595 ngày 3.10.1930.

7. Công văn của Mật thám Huế gửi Mật thám Sài Gòn, ngày 8.9.1937. Hồ sơ số 4480/CN-MT-C (Hồ sơ Mật thám Pháp, bản tiếng Pháp). Lưu tại bảo tàng Xô-viết Nghệ Tĩnh.

8. Mật điện số 1765, ngày 24.5.1935 của Le Chef des service de Police en Annam, Ch. Du BASTY.

9. Bản khai của Nguyễn Đức Hinh, Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng với BILLET, ngày 4.9.1929.

10. Mật điện số 2449, ngày 10.10.1931, của Chánh Mật thám Trung Kỳ (Le Chef des Services de Police en Annam), L. SOGNY.

11. Mật điện số 1765, ngày 24.5.1935, của Ch. DU BASTY, Le Chef des Services de Police en Annam.

12. Mật điện số 911, ngày 22.3.1936, của L. LIVERSET, P. Le Chef des Services de Police en Annam.

13. Mật điện số 599, ngày 22.3.1938, của Thanh tra an ninh (Le Commissaire de la Suretes) gửi Chánh Mật thám Trung Kỳ (Le Chef des Services de Police en Annam), L. SOGNY.

14. Mật điện số 4572, ngày 30.12.1938, của Chánh Mật thám Trung Kỳ (Le Chef des Services de Police en Annam), L. SOGNY.

15. Mật điện số 4762, ngày 16.12.1938, của Chánh Mật thám Trung Kỳ (Le Chef des Services de Police en Annam), L. SOGNY.

16. Mật điện số 92, ngày 9.1.1939, của Chánh Mật thám Trung Kỳ (Le Chef des Services de Police en Annam), L. SOGNY.

III. Tài liệu tiếng Nga đã dịch sang tiếng Việt

1. A.A Xôcôlốp, Quốc tế cộng sản và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999 (Bản tiếng Việt), tr. 246.

2. Bản nhận xét về tư cách đạo đức, ngày 22.11.1933, do Ri-bli-na, cán bộ Bộ Phương Đông, ký tên, Lưu trữ lịch sử hiện đại Cộng hoà Liên bang Nga, ký hiệu phông 532-1-384 (Tài liệu do GS, TS Đỗ Quang Hưng công bố).

Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM