Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:59:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: PHÙNG CHÍ KIÊN ... Nhà chính trị, quân sự song toàn  (Đọc 3994 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 09:27:24 pm »


Cũng qua các dòng hồi ức của các nhà hoạt động cách mạng, chúng ta được biết vai trò của Phùng Chí Kiên bên cạnh Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1940, 1941.

Hồi ký "Những ngày gần Bác", đồng chí Vũ Anh, người từng hoạt động với Phùng Chí Kiên tại Chi bộ hải ngoại ở Vân Nam, Trung Quốc, kể lại: "Chúng tôi ngồi trên chiếc giường con, Bác ngồi ngoài chân bỏ thõng xuống đất... Anh Kiên bắt đầu báo cáo cho Bác nghe về tình hình Vân Nam, về Bộ Hải ngoại do anh làm bí thư, về tờ báo Đ.T. Anh nói rõ mạch lạc... Bác vừa hút thuốc, vừa nghe anh Kiên nói với vẻ chăm chú đặc biệt"1. Cũng trong hồi ký này, đồng chí Vũ Anh kể lại câu chuyện khá thú vị: "Tháng 4 năm 1940, Bác đề nghị cho Bác đi thăm một số cơ sở dọc đường xe lửa Côn Minh - Hồ Khẩu. Anh Phùng Chí Kiên cùng đi với Bác... Trong thời kỳ ấy, bọn Nhật ném bom xuống đường xe lửa Côn Minh - Hồ Khẩu. Người ở ga Xì Xuyên chết rất nhiều. Nhân dân tổ chức làm chay. Họ mời Bác và anh Kiên đến cúng giúp. Anh Kiên hồi hộp nhìn Bác. Làm thế nào bây giờ? Không biết đọc kinh cầu nguyện thì mất hết uy tín. Nhưng Bác rất bình tĩnh. Bác bảo anh Kiên: Ta cứ đi rồi sẽ tìm cách, không cách này thì cách khác, lo gì?

Hai người đến gần, các sư sãi ra đón tiếp rất niềm nở. Giữa lúc họ đang bận rộn, được hai ông thầy cúng nhân dân tin yêu và giới thiệu đến cúng giúp thì còn gì bằng.

Bác nháy anh Kiên đến trước bàn thờ, quỳ xuống, lật sách cúng ra. Bác làm mọi việc một cách tự nhiên, thành thạo. Lúc anh Kiên lật sách cúng định đọc thì đã nghe Bác đọc những bài ca cách mạng. Đó là những bài tố cáo tội ác của bọn phát xít Nhật, bọn thực dân gây cướp bóc giết hại nòi giống Việt Nam. Anh Kiên nghe thế cũng đọc theo. Các bà, các ông lạy sì sụp, không ai nghi ngờ gì cả. Ngược lại họ rất tin tưởng và thán phục. Tối đến chạy đàn, Bác và anh Kiên cũng chạy. Một số đảng viên đến dự, không nhịn được cười. Cúng xong Bác và anh Kiên về, không ăn uống gì. Nhân dân càng phục, họ mang phẩm chuối đến tận nhà biếu hai ông thầy cúng "tốt bụng"..."2.

Bên cạnh những chi tiết thú vị như trên, hồi ký của đồng chí Vũ Anh nhắc đến những quyết định quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, có sự tham dự của Phùng Chí Kiên, đó là khi Pa-ri thất thủ (6.1940), tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến, Bác triệu tập ngay cuộc họp vào "một đêm tháng 6, trời Côn Minh oi bức và nồng nực không khác gì mùa hè ở ta. Bác, anh Kiên, anh Hoan và tôi ngồi trong ngôi nhà nhỏ (anh Kiên vẫn hay dùng làm cơ quan họp và toà soạn của báo Đ.T.) trao đổi, thảo luận rất nhiều về tình hình hiện tại. Cuộc họp cũng đề ra những yêu cầu mới cho những hoạt động sắp tới. Bác phân tích cho chúng tôi thấy rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa bọn thực dân ở chính quốc và bọn thực dân ở Đông Dương. Cuối cùng Bác nhận định: Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng. Hội nghị tán thành và thông qua đề nghị của Bác. Chúng tôi sẽ chuyển về nước hoạt động...

Đây là một cuộc họp rất quan trọng, mở đầu cho một thời kỳ của cách mạng Việt Nam - Bác và bộ Hải ngoại chuẩn bị về nước"3.

Về vấn đề chuẩn bị về nước, ông Đặng Văn Cáp kể lại: "Ở Côn Minh một thời gian, Bác và các đồng chí chuyển về Quảng Tây để chuẩn bị về nước. Tại Liễu Châu, Bác triệu tập các đồng chí Lý Quang Hoa (Hoàng Văn Hoan), Phùng Chí Kiên và tôi đến để bàn một số việc. Tại một phòng trong một khách sạn, Bác giao trách nhiệm cho chúng tôi chuẩn bị về biên giới. Chúng tôi bố trí xong các công tác chuẩn bị thì vừa vặn các đồng chí Trịnh Đông Hải (Vũ Anh), Dương Hoài Nam đưa Nguyễn Hải Thần về Liễu Châu và đồng chí Lâm Bá Kiệt từ Quế Lâm cũng vừa về tới.

Việc chuẩn bị về nước rất khẩn trương.

Chúng tôi giao dịch với chính quyền địa phương lấy giấy thông hành. Tôi nhớ trong chuyến đi ấy có Bác, các đồng chí Lâm Bá Kiệt, Lý Quang Hoa, Phùng Chí Kiên, Đỗ Đăng Trình, Lộc, Hiền, Dương và tôi. Ngoài ra còn có tên Căn không phải người của chúng tôi cùng đi theo danh sách ghi trong giấy cấp. Có người lạ Bác bảo chúng tôi cảnh giác. Bác đóng vai kí giả một tờ báo nước ngoài (Báo Dân Thanh, Hương Cảng), chỉ biết tiếng mẹ đẻ và nhiều thứ tiếng khác nhưng không biết tiếng Việt Nam. Cần gì Bác đều nói qua các "phiên dịch" là các đồng chí Lâm Bá Kiệt, Lý Quang Hoa, Phùng Chí Kiên. Cử chỉ của Bác lúc này rõ ra là một nhà báo đi tìm hiểu tình hình..."4.

Sau một thời gian xây dựng cơ sở, đầu năm 1941, Phùng Chí Kiên đã cùng một số đồng chí khác tổ chức đưa Nguyễn Ái Quốc về nước. Ông Đặng Văn Cáp kể lại: "Sau Tết, Bác cử các đồng chí Dương Hoài Nam và Lâm Bá Kiệt đi Tĩnh Tây. Anh em chúng tôi gồm các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Lộc, Thế An và tôi theo Bác từ Nậm Quang về nước".
___________________________________________________
1. Vũ Anh, Những ngày gần Bác, in trong tập Đầu nguồn (Hồi ký về Bác Hồ), Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 255.
2, 3. Vũ Anh, Những ngày gần Bác... Sđd, tr. 230.
4. Đặng Văn Cáp, Con đường dẫn tôi đến với Bác,... Sđd, tr. 327.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 09:31:42 pm »


Trong hồi ký của mình, đồng chí Vũ Anh kể lại thời điểm Bác Hồ về nước: "Buổi trưa ngày 8 tháng 2 năm 19411 tôi ra đón Bác ở chân một ngọn núi đá cạnh mấy đám ruộng vừa gặt. Mặt trời ngả sang chiều thì Bác và đoàn về đến bên này cột mốc. Anh Lê Quảng Ba dẫn đường đi trước, Bác đi sau rồi đến anh Phùng Chí Kiên"2.

Như vậy, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc vượt qua biên giới Việt - Trung tại khu vực cột mốc 108, về Pắc Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Bao năm xa cách, giờ đây khi đã tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc, Người trở về để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Sau khi về nước, đồng chí Phùng Chí Kiên còn có những tháng ngày hoạt động bên cạnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại khu vực Pắc Bó (Cao Bằng). Đồng chí Lê Quảng Ba kể lại: "Bác gọi tôi bảo dẫn Bác và anh Phùng Chí Kiên đi xem xét địa thế quanh hang. Bác lanh lẹ tươi tỉnh như không phải vừa đi bộ từ sáng tới đây. Chúng tôi đứng lại bên bờ suối, rửa tay rửa mặt... Sau khi đã tổng kết kinh nghiệm tổ chức thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng, tháng 5 năm 1941 Trung ương Đảng ta đã họp Hội nghị lần thứ Tám ở Khuổi Nậm (Pác Bó). Bác chuẩn bị Hội nghị này từ khi Người còn ở Tĩnh Tây. Ở đây đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đến nhận chỉ thị của Bác. Các đồng chí Vũ Anh, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Hoan được phái đi rất sớm, tổ chức đường qua Lạng Sơn đón các đại biểu... Lần này, ngoài Bác, đồng chí Phùng Chí Kiên, đồng chí Vũ Anh, lần đầu tiên chúng tôi được gặp các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt...”3.

Nhắc đến quãng thời gian sau khi về nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại "Anh Phùng Chí Kiên ở lại với Bác tại Pác Bó một thời gian thì lên đường về Bắc Sơn. Cuối tháng 9 năm 1940, khi chúng tôi còn ở Trung Quốc, nhân lúc quân đội Nhật tràn vào Lạng Sơn, bọn Pháp rút chạy, nhân dân Bắc Sơn dưới sự lãnh đạo của một số đồng chí đảng viên tại địa phương đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị địch tập trung đàn áp, Trung ương đã quyết định tăng cường cán bộ, duy trì phong trào tại đây. Vào đầu năm 1941, đội du kích Bắc Sơn đã thành lập. Theo quyết định của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pắc Bó, xây dựng Bắc Sơn, Vũ Nhai và Cao Bằng thành hai trung tâm khởi nghĩa tại Việt Bắc, anh Phùng Chí Kiên được cử về cùng các anh Huy4, Chu Văn Tấn mở rộng khu căn cứ và chỉ huy đội du kích Bắc Sơn".

Đồng chí Dương Đại Lâm vẫn không quên những giây phút thiêng liêng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình khi nhắc đến đồng chí Phùng Chí Kiên trong những tháng ngày ở Pắc Bó. Trong hồi ký "Bác Hồ đến bản tôi": "Đêm 11 tháng 5 năm 1941 (tức là ba tháng sau khi Người về Pác Bó quê tôi), dưới vầng sáng của mảnh trăng non chiếu mờ tỏ vào trong túp nhà sàn chỉ đủ để mọi người trông thấy mặt nhau, hai đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm đã nghiêm trang giới thiệu tôi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Thay mặt cấp trên, đồng chí Phùng Chí Kiên công nhận tôi là một đảng viên và nhắc nhở tôi những nhiệm vụ nặng nề mà từ nay phải cùng các đồng chí gánh vác"5.

Hồi ký của đồng chí Đặng Văn Cáp cho biết thêm về đồng chí Phùng Chí Kiên trong và sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Trong hội nghị, "ngoài Bác ra, còn có các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, từ tháng 5 năm 1941 đến tháng 10 năm 1941 tôi được cử đi huấn luyện các lớp quân sự. Phong trào quần chúng đang dâng lên cuồn cuộn, các hội cứu quốc đều tổ chức ra những đội tự vệ võ trang trong nam nữ thanh niên. Đồng chí nào có một chút hiểu biết về quân sự đều được Bác giao cho đi huấn luyện. Cuối tháng 5 năm 1941, Bác giao trách nhiệm cho đồng chí Phùng Chí Kiên và tôi đi Bắc Sơn mở lớp. Mở được 20 ngày thì bị Tây ập vào lùng sục. Chúng tôi phải phân tán vì lạc nhau. Đồng chí Phùng Chí Kiên đi đường Cao Bằng đến Ngân Sơn bị phục kích và bị Tây bắn chết. Nghe tin đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh, Bác lặng đi, rất đau xót".

Cụ Lô Quang Thành, lão thành cách mạng, chứng nhân đội công tác Bắc Sơn kể lại những giây phút cuối cùng của đồng chí Phùng Chí Kiên. Đó là khi rút đến Ngân Sơn, đội ở trọ trong nhà dân và bị lộ. "Sáng hôm sau có bọn tuần đinh mang súng kíp đến gác nhà cấm người ra vào, một lúc sau có tên chánh tổng to béo để ria mép đến kiểm tra căn cước, chúng nghi chúng tôi buôn lậu, Sơn Cương định đút tiền cho chánh tổng để nó bỏ qua nhưng nó không nhận. Thấy anh Phùng nháy mắt ra hiệu, Sơn Cương bất ngờ rút khẩu pạchoọc giấu trong áo bắn vào bụng tên chánh tổng, hắn rống lên và ngã xuống, chúng tôi thoát khỏi vòng vây bọn tuần đinh ra khỏi làng nhảy xuống mấy thửa ruộng bậc thang vừa đi vừa bắn trả địch, anh Kính bắn chết tên tuần đinh cản đường. Thực ra bọn địch bị bất ngờ vì chúng tôi ra tay trước, chúng tôi tản đội hình men theo khe và rút lên các sườn đồi có địch án ngữ, đi một lúc gặp một toán địch phục kích, một phát súng kíp nổ, anh Phùng bị thương vào đầu, chúng tôi tính cấp cứu anh Phùng nên ném quả lựu đạn mỏ vịt vào tốp địch nhưng quả lựu đạn thối không nổ, vũ khí ít, địch đuổi gấp, chúng tôi đành đau xót tiếp tục rút, chỗ anh Phùng bị nạn sau này chúng tôi biết đó là Khau Gạu (đồi con Cú)"6.

Trên đây là những dòng hồi ức của các nhà hoạt động cách mạng lão thành đã có thời gian cùng hoạt động cách mạng bên cạnh đồng chí Phùng Chí Kiên. Qua đó, chúng ta thấy rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi cùng những đóng góp quan trọng của đồng chí Phùng Chí Kiên đối với Đảng, với cách mạng trong những tháng ngày gian khó. Cùng với thời gian, những trang hồi ký, những dòng hồi ức cách mạng đó sẽ là những nguồn sử liệu quý báu cho các thế hệ tiếp sau, cho các nhà sử học tìm hiểu, nghiên cứu về một giai đoạn cách mạng đầy chông gai, thử thách của Đảng và dân tộc ta nói chung, cũng như về cuộc đời cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên.

Xin được lấy lời cụ Lô Quang Thành trong hồi ức của cụ thay cho lời kết: "Vô cùng thương nhớ vì phải vĩnh biệt anh Phùng và anh Huy, những cán bộ cốt cán của Đảng ta khi còn gian khó đã chiến đấu và hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trân trọng những đức tính cao đẹp và công lao to lớn của các đồng chí đối với Tổ quốc".
_____________________________________________
1. Thực ra là ngày 28 tháng 1 năm 1941.
2. Vũ Anh, Những ngày gần Bác... Sđd, tr. 250
3. Lê Quảng Ba, Bác Hồ và đội du kích Pắc Bó, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội 1994, tr. 85, 102.
4. Tên gọi của đồng chí Lương Văn Tri, cán bộ lãnh đạo cứu quốc quân cùng đồng chí Phùng Chí Kiên, bị bắt và hy sinh trong nhà tù ở Cao Bằng khi đang cùng cứu quốc quân rút về Cao Bằng.
5. Đặng Văn Cáp, Con đường dẫn tôi đến với Bác... Sđd, tr.336.
6. Hồi ức về đội công tác Phùng Chí Kiên, Nông Danh ghi theo lời kể của cụ Lô Quang Thành, Tạp chí Xưa và Nay, số 249, tháng 12 năm 2005, tr. 7-8.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 09:38:48 pm »


VỀ SỰ HY SINH CỦA ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN

ThS TRẦN TRỌNG THƠ*

Đồng chí Phùng Chí Kiên có tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, trong quá trình hoạt động cách mạng còn mang các tên: Mạnh Văn Liễu, Nguyễn Hào, Như Bách, Can (hoặc Kan), Phùng Nguôn Bình, Mã Hữu Giác, Lý, Phùng... Đồng chí đã đảm trách những cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, là Ủy viên Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, Thường vụ Trung ương Đảng khoá I (1935), Ủy viên Trung ương Đảng do Hội nghị lần thứ Tám (5.1941) bầu. Đồng chí Phùng Chí Kiên có nhiều đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương trong khôi phục và phát triển phong trào cách mạng, nhất là trong việc góp phần tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ nhất (3.1935), trong chắp mối liên lạc để đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước vào đầu năm 1941 trực tiếp lãnh đạo công cuộc chuẩn bị khởi nghiã vũ trang giành chính quyền, trong xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng lúc còn trứng nước.

Những đóng góp to lớn của đồng chí Phùng Chí Kiên đối với cách mạng nước ta hy vọng sẽ được các cấp lãnh đạo, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học nghiên cứu thấu đáo, đánh giá xác đáng, tương xứng với công lao to lớn của đồng chí. Góp phần nhỏ vào nhiệm vụ trên đây, trong tham luận này, chúng tôi xin cung cấp một số tài liệu liên quan đến sự hy sinh dũng cảm của đồng chí Phùng Chí Kiên, đồng thời bổ sung một số tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của nhân vật lịch sử rất nổi tiếng này.

Sau Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5.1941), với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một cán bộ quân sự xuất sắc, đã từng học tại trường quân sự Hoàng Phố và tham gia chiến đấu trong lực lượng quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí được Trung ương Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và lực lượng Cứu quốc quân ở đây.

Từ giữa năm 1941, địch ráo riết bao vây, truy lùng lực lượng Cứu quốc quân, khủng bố ác liệt phong trào cách mạng vùng Bắc Sơn - Võ Nhai. Để bảo toàn lực lượng, Ban chỉ huy lực lượng Cứu quốc quân do đồng chí đứng đầu quyết định chia thành hai bộ phận rút lên biên giới Việt - Trung1. Trong quá trình di chuyển, đồng chí Phùng Chí Kiên đã hy sinh anh dũng tại Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn vào tháng 8 năm 1941.

Cho đến nay, sự kiện đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh đã được phản ánh trong nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, song, nhìn chung còn rất vắn tắt và có nhiều điểm chưa thống nhất.

Về thời gian đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh, có sách viết là ngày 20 tháng 8 năm 19412; có sách viết là ngày 21 tháng 8 năm 19413; có sách viết là ngày 22 tháng 8 năm 19414.

Về sự hy sinh của đồng chí: nhiều công trình viết đồng chí "hy sinh tại trận" hoặc "hy sinh" khi bị phục kích ở Khau Pan, nhưng cũng có công trình viết đồng chí bị chặt đầu sau khi bị bắt hoặc dùng báng súng sát hại.

Trong bài "Phùng Chí Kiên - Một đảng viên trọn vẹn trung dũng" (đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số 83 tháng 1 năm 2001, tr.44), tác giả M.T.H. viết: “Biết không thể khai thác mua chuộc gì, ngày 21 tháng 8 năm 1941, giặc Pháp đưa ông ra chặt đầu và bêu đầu ở đầu cầu Ngân Sơn hòng khủng bố tinh thần cách mạng của nhân dân ta ở vùng này".

Sách "Nghệ An - Những tấm gương cộng sản" (do Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Nghệ An, xuất bản năm 1998, Tập 1, tr. 77-78), có đoạn: "Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng thì đồng chí bị sa vào tay giặc. Bọn châu đoàn gán cho Phùng Chí Kiên là "tướng cướp" để cho lũ tay sai mặc sức hành hung. Đồng chí đã bình tĩnh giải thích: Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp, đuổi Nhật để giải phóng cho đồng bào. Chúng ta là người Việt Nam, cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung. Lời giải thích của đồng chí đã làm xiêu lòng một số lính dõng. Nhưng bọn châu đoàn gian ác đã chặt đầu đồng chí rồi đem cắm ở cầu Ngân Sơn (21.8.1941) để hòng uy hiếp tinh thần cán bộ và nhân dân địa phương".
_______________________________________________
* Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
1. Theo đồng chí Trường Chinh thì Cứu quốc quân không báo cáo Trung ương về chủ trương này.
2. Nguyễn Đình Nhơn - Đức Vượng, Những người cộng sản, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1987, tr. 38.
3. Tiểu Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Nghệ An, Nghệ An - Những tấm gương cộng sản, Nxb Nghệ An, 1998, Tập 1, tr.78; M.T.H: Phùng Chí Kiên - Một đảng viên trọn vẹn trung dũng, Tạp chí Xưa và Nay, số 83, tháng 1 năm 2001, tr .4.
4. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng khu tự trị Việt Bắc, Lịch sử Cứu quốc quân, Nxb Việt Bắc, 1975, tr. 42-43; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 61-62.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 10:01:02 pm »


Tác giả Nông Danh, trong bài "Hồi ức về đội công tác Phùng Chí Kiên" (đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số 249, tháng 12 năm 2005, tr. 7-8)1, viết: “về sau có điều kiện xác minh các đồng đội biết anh bị thương địch khiêng về huyện lỵ Ngân Sơn, đến chỗ nghỉ anh vẫy bọn lính dõng vào để nói chuyện tuyên tuyền cách mạng và bị tên xã đoàn dùng báng súng sát hại".

Vậy đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh chính xác là vào ngày nào? Đồng chí có bị địch bắt, bị hành hung rồi mới đem chặt đầu hay không? Trước khi chết đồng chí có "bình tĩnh giải thích", "tuyên truyền cách mạng" hay không? nhóm của đồng chí bị địch phục kích hay truy kích?

Để góp phần làm sáng rõ những câu hỏi trên, xin giới thiệu một số thông tin có liên quan đến sự hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên qua một số tài liệu của chính quyền thuộc địa đương thời, giúp thế hệ hôm nay có thêm tư liệu, thêm những hiểu biết đúng và đầy đủ về gương hy sinh anh dũng của một Ủy viên Trung ương Đảng, một cán bộ chỉ huy quân sự tài ba của nhân dân ta thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành tự do, độc lập cho dân tộc.

Trong báo cáo gửi Thống sứ Bắc Kỳ ở Hà Nội (29.8.1941)2, Quyền công sứ Bắc Kạn là Garíc đã trình bày khá chi tiết về việc truy bắt Cứu quốc quân ở châu Na Rì và Ngân Sơn thuộc tỉnh Bắc Kạn từ ngày 19 đến ngày 25 tháng 8 năm 1941, trong đó chúng đã bắn chết đồng chí Phùng Chí Kiên.

Theo báo cáo này thì vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 19 tháng 8 năm 1941, bảy chiến sĩ Cứu quốc quân (chính quyền thuộc địa gọi là "những kẻ phiến loạn") mang súng lục tự động Môde (Mauser) từ châu Bình Gia (Lạng Sơn) đi vào địa phận tổng Lương Thượng (châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị 5 tuần đinh làng Văn Học chặn lại. Bọn tuần đinh kiểm soát thẻ thì chỉ có 4 người có thẻ được cấp trong năm 1940-1941, ba người còn lại không có thẻ. Khi tên chánh tổng Nông Văn Thượng tới, để đánh lừa y và bọn tuần đinh, Hoàng Doãn Tô (tức Tạo) - một trong bảy chiến sĩ Cứu quốc quân và đã từng có thời gian làm gạch ở làng Văn Học tự nhận là những người buôn lậu đến từ Cao Bằng và đang trên đường đi Ngân Sơn. Tuy nhiên lời nói của đồng chí không qua mặt được tên Chánh Thượng. Trước tình hình đó, các chiến sĩ Cứu quốc quân liền chủ động đánh địch, bắn bị thương tên Chánh Thượng và 1 tên tuần đinh, bắn chết 1 tên tuần đinh khác rồi di chuyển về hướng Vũ Loan (châu Na Rì, Bắc Kạn). Trong chiến đấu, 1 chiến sĩ Cứu quốc quân bị thương, phải bỏ lại hành lý, địch thu được gồm: 1 bao súng tự động Môde, cỡ 7,63; 2 kẹp đạn với 20 viên đạn cỡ 7,63; 1 ống nhòm Huét kiểu quân đội; 2 viên đạn Smith và Wesson cỡ 32; 1 tờ báo "Quân du kích", số 1 ra ngày 1 tháng 6 năm 1941.

Những tin tức trên nhanh chóng được báo đến Quyền công sứ Bắc Kạn là Garíc. Nhận định đây là lực lượng Cứu quốc quân ở vùng Bắc Sơn, Bình Gia đang tìm cách thoát khỏi vòng vây để lên biên giới, Garíc lập tức điều động các lực lượng đàn áp ở Bắc Kạn tiến hành bao vây, truy kích. Đơn vị lính bản xứ đóng ở Yên Lạc (Na Rì, Bắc Kạn) và đơn vị Gađông (Gadon) đóng ở Na Rì được huy động đến lùng sục ở vùng Vũ Loan; viên đồn trưởng Ngân Sơn chỉ huy 10 lính bản xứ và 15 lính dõng tiến về phía Lương Thượng; tri châu Ngân Sơn được lệnh bố trí 20 dân binh chốt giữ ở đường Đèo Giàng để kiểm soát các đường phụ, đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ tất cả các đường từ Thượng Quan đến Bằng Khẩu. Quyền công sứ Bắc Kạn Garíc cũng điện yêu cầu viên chỉ huy Đạo quan binh II đóng ở Cao Bằng thiết lập các trạm gác ở vùng địa giới Bắc Kạn - Cao Bằng, trên các con đường từ Ngân Sơn đi Nguyên Bình và Thạch An để đề phòng các chiến sĩ Cứu quốc quân thoát khỏi sự truy lùng của chúng ở Bắc Kạn. Đích thân Garíc cùng tên Bố chánh Bắc Kạn đến Ngân Sơn để chỉ huy việc truy lùng.

Đến Ngân Sơn lúc 9 giờ ngày 22 tháng 8 năm 1941, Garíc nhận được tin báo: chập tối ngày 21 tháng 8, các chiến sĩ Cứu quốc quân xuất hiện ở xóm Khau Long (xã Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Kạn). Qua phân tích, địch suy đoán vị trí của lực lượng Cứu quốc quân do đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy có thể đang ở tại Khau Pan (xã Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Kạn), cách Khau Long khoảng 10km. Garíc lập tức điều động lực lượng triển khai bao vây và lùng sục vùng Khau Pan. Hai đội lính dõng do chánh tổng và phó đoàn Ngân Sơn chỉ huy được điều ngay đến xóm Lũng Vài. Garíc cùng tên bố chánh Bắc Kạn đến Bằng Khẩu (Ngân Sơn) tổ chức tất cả lính cơ và lính dõng đang đóng ở đây thành 3 đội, do các tên châu ủy Bằng Khẩu, phó quản cơ Bắc Kạn, một tổng đoàn ở Ngân Sơn chỉ huy. Chúng nhanh chóng tiến về Khuổi Mang. Từ vị trí này, 3 đội lính dõng và lính cơ nói trên dàn hàng ngang càn quyét vùng Khau Pan theo hướng từ tây bắc đến đông nam. Đồng thời, địch cũng điều một lực lượng khác từ Ngân Sơn càn quét vùng Khau Pan theo chiều ngược lại. Địch hy vọng hai cánh quân nói trên sẽ dồn lực lượng Cứu quốc quân vào dãy núi mà các đồng chí đã ở chập tối hôm trước để tiêu diệt. Các lực lượng địch ở Lương Thượng gồm: dân binh của châu Ngân Sơn và đơn vị lính chính quy Xêléttin (Célestine) cũng được điều động tới để bao vây vùng Khau Pan.

Đến Khuổi Mang vào giữa trưa ngày 22 tháng 8 năm 1941, cánh quân địch càn từ hướng tây bắc xuống phái hai tên, một là người Mán (Dao) và một là người Thổ đi do thám, tìm kiếm lực lượng Cứu quốc quân trên khắp các đường mòn gần Khau Pan và Lũng Vài. Vào lúc 17 hoặc 18 giờ cùng ngày, hai tên do thám phát hiện ra bảy chiến sĩ Cứu quốc quân đang di chuyển trên một con đường mòn trong rừng cách Khau Pan 3km, tất cả đều mang bị trên lưng và đều có súng. Nhận được tin báo, quân địch liền tổ chức bao vây lực lượng Cứu quốc quân trên cả ba mặt. Mũi thứ nhất do tên châu ủy Bằng Khẩu chỉ huy đi phía dưới khe; mũi thứ hai do tên phó quản cơ tiến theo sườn đồi; mũi thứ ba do tên tổng đoàn chỉ huy tiến trên đỉnh đồi rậm. Khi đã áp sát đến cự ly ngắn, chúng nổ súng vào lực lượng Cứu quốc quân. Tuy bị địch tấn công bất ngờ từ ba hướng, song, lực lượng Cứu quốc quân đã nhanh chóng tìm các vị trí ẩn nấp và bắn trả mãnh liệt vào bộ phận địch trên đỉnh đồi. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã bắn hết cả băng đạn về phía địch, bị trúng đạn và ngã xuống. Vì quân địch đông nên lực lượng ta vừa chiến đấu vừa rút vào rừng rậm. Do trời tối và cơn mưa rào ập xuống nên địch chỉ truy đuổi khoảng nửa giờ rồi rút lui, mang theo xác đồng chí Phùng Chí Kiên về điếm canh.

Theo mô tả của địch thì lúc đó đồng chí Phùng Chí Kiên lúc đó ăn mặc kiểu Tàu, "trước khi chết đã nói mấy câu không đầu đuôi và không rõ ràng mà giọng nói hình như chứng tỏ (...) không phải là người Bắc Kỳ mà là người Trung Kỳ". Trong hành lý mang theo của đồng chí, địch thu được nhiều tài liệu: bản đồ Lạng Sơn, Cao Bằng tỷ lệ 1/400.000, bản đồ châu Âu in ở Thượng Hải, thẻ cộng sản3, truyền đơn ký tên Nguyễn Ái Quốc, sơ đồ cắt dọc quả lựu đạn, sổ tay chép bài hát cộng sản, các bài học đánh du kích, một nhật ký đi đường và một cuổn sổ tay bắt đầu ghi chép từ ngày 20 tháng 4 năm 1941. Garíc viết trong báo cáo: "Tên phiến loạn (tức đồng chí Phùng Chí Kiên - TG) bị bắn chết ở Khau Pan mang 1 súng lục Môde 10 phát cỡ 7.63 và 60 viên đạn để trọn trong 6 băng đựng trong 3 túi đạn, trước khi chết, hắn đã bắn hết cả băng đạn vào dân binh chúng ta (tức bọn lính cơ và lính dõng - TG ). Vì phải cấp tốc đuổi theo bọn còn lại nên không chụp ảnh hắn được (...) hình như hắn không phải là một tên tầm thường"4. Nhận dạng sơ bộ và các tài liệu tìm thấy trên người đồng chí Phùng Chí Kiên được gửi cho mật thám Pháp ở Bắc Sơn theo yêu cầu của công sứ Lạng Sơn rồi được chuyển về Sở mật thám trung ương.
_________________________________________
1. Tác giả viết theo hồi ức của cụ Lô Quang Thành, một nhân chứng lịch sử trong đội công tác của đồng chí Phùng Chí Kiên.
2, 4. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
3. Theo hiểu biết của chúng tôi, thời kỳ này chưa có thẻ đảng viên. Không rõ "thẻ cộng sản'' mà mật thám Pháp tìm thấy trong hành lý mang theo của đồng chí Phùng Chí Kiên là loại thẻ gì. Cần nghiên cứu thêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 10:08:24 pm »


Ngoài báo cáo của Garíc, trong các báo cáo hàng tháng "Về hoạt động chính trị của người bản xứ ở Bắc Kỳ” trong năm 1941, Sở mật thám Bắc Kỳ cũng nhiều lần đề cập đến sự kiện hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên. Trong báo cáo tháng 8 năm 1941, chúng viết: "Ngày 19 tháng 8, 30 tên phiến loạn mang vũ khí tự động đã chạm trán với tuần đinh làng Văn Học, châu Na Rì (Bắc Kạn), 1 lính dõng bị giết, 1 hào lý bị thương, bọn phiến loạn bị thương 1. Trong cuộc đuổi bắt sau đấy, lính dõng ở Ngân Sơn đã bắn chết 1 tên mang súng lục 10 phát và nhiều đạn, 1 bản đồ và ít truyền đơn1. Báo cáo tháng 9 năm 1941 của chúng có đoạn: "Trong số giấy tờ lấy được trong người tên phiến loạn bị bắn chết ở Khau Pan, châu Ngân Sơn (Bắc Kạn)... có 1 bản thống kê, theo đó thì số lượng đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương ở châu Bắc Sơn có 37 người, 23 chính thức, 14 dự bị và 202 cảm tình. Con số đó ăn khớp với những tin tức thu được của mật thám"2.

Đến cuối tháng 10 năm 1941, mật thám Pháp mới bước đầu đoán định nhân thân của người bị chúng bắn chết ở Khau Pan. Trong Báo cáo "Về hoạt động chính trị của người bản xứ ở Bắc Kỳ từ 1 đến 25 tháng 10 năm 1941", sở mật thám Bắc Kỳ khi đề cập về việc đàn áp ở Bắc Sơn đã liệt kê danh sách gần 30 chiến sĩ Cứu quốc quân và viết: “Một tên chưa xác định được, có thể là "Phùng" đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương bị bắn chết ở Khau Phan (Bắc Kạn)". Tiếp đó, trong báo cáo "Về hoạt động chính trị của người bản xứ ở Bắc Kỳ từ 25-10 đến 25-11-1941” sở mật thám Bắc Kỳ ghi: "Một nhóm gồm có Huy Còm, 3 người Tàu3, 7 người Thổ Cao Bằng và Hoàng Doãn Tạo rời Bắc Sơn ngày 8 tháng 8, qua Bắc Kạn đi về phía biên giới Trung Quốc. Ngày 19 tháng 8, trong 1 cuộc chạm trán của chúng với tuần đinh Pó Kim, châu Na Rì (Bắc Kạn), tuần đinh Bế Văn Lễ bị giết, chánh tổng Nông Văn Thượng bị thương, một tên phiến loạn bị thương được đồng bọn đưa đi. Bị lực lượng cảnh sát Bắc Kạn truy đuổi, bọn phiến loạn chạy đến Khau Pan, châu Ngân Sơn. 1 tên bị thương, 1 tên bị giết không rõ được lý lịch, có lẽ là 1 đại biểu hội nghị hải ngoại (tức Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương 5.1941-TG) tên là Phùng"4.

Thực ra, đồng chí Phùng Chí Kiên không phải là nhân vật xa lạ gì với mật thám Pháp. Ngay từ năm 1930, trong Thông tư số 5595-SG của Sở Mật thám Đông Dương gửi các phái viên chính phủ bảo hộ tại Xiêng Khoảng, Thà Khẹt, Savanakhẹt, các công sứ Pháp ở Vinh, Thanh Hoá, các chánh các sở cảnh sát và mật thám Trung Kỳ, Ai Lao, Bắc Kỳ về việc theo dõi và truy bắt 47 người tham gia Hội Việt Nam cách mệnh thanh niên và Đảng Cộng sản theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương, thì đồng chí Phùng Chí Kiên (tên trong tài liệu địch là Mạnh Văn Liễu) đứng thứ 8. Trong hồ sơ này, ngoài bức ảnh bán thân chụp thẳng từ phía trước, chúng ghi trích yếu lý lịch và các đặc điểm nhận dạng của đồng chí như sau: "Mạnh Văn Liễu tức Nguyễn Hào, tức Như Bách, 26 tuổi, nguyên quán ở Bắc Kỳ, nói giọng Ninh Bình, cựu học sinh trường quân sự Hoàng Phố, tham gia Đảng Thanh niên, rời Quảng Tây đến Nam Kinh vào tháng 10 năm 1929, hiện không rỗ cư trú ở đâu, cũng có thể đang ở Đông Dương. Đặc điểm nhận dạng: chiều cao trung bình, khá vạm vỡ, da mặt nâu, mắt đen, miệng rộng, môi mỏng, tai to5.

Trong các thông tri mật số 5046-SG ngày 4 tháng 12 năm 1935 và số 5441-SG ngày 28 tháng 12 năm 1935 gửi các Chánh mật thám Bắc Kỳ (ở Hà Nội), Trung Kỳ (ở Huế), Nam Kỳ (ở Sài Gòn), Cao Miên (ở Phnôm Pênh), Ai Lao (ở Viêng Chăn), thông báo về những tài liệu thu được tại bản Noọng Bua (Thái Lan) trong cuộc khám xét ngày 6 tháng 6 năm 1935, Sở Mật thám Đông Dương nhận định rằng: Lý tức Nguyễn Hào, tức Mạnh Văn Liễu, tức Can là "Ủy viên của Ban Chỉ huy ở ngoài" của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong công văn số 5701-SG (26.11.1938) gửi các chánh sở cảnh sát địa phương Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Chánh thanh tra mật thám Debord thông báo rằng ngày 25 tháng 10 năm 1938, cảnh sát Hồng Kông đã lục soát nơi ở và bắt giữ Mạnh Văn Liễu tức Phùng, tức Kan, tức Nguyễn Hào, sinh 1901 tại Mỹ Quan Thượng, phủ Diễn Châu, Nghệ An. Y viết: "Có lẽ Mạnh Văn Liễu đã lãnh đạo Ban Chỉ huy ở ngoài từ khi quay trở lại Hồng Kông sau khi Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra hồi tháng 8, 9 năm 1938"6 .

Trong các báo cáo mật, thông tư mật về hoạt động của "Hội nghị hải ngoại của Đảng cộng sản Đông Dương" (tức Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương tháng 5.1941-TG), sở mật thám Bắc Kỳ nhiều lần nhắc đến tên một đại biểu tham dự tên là "Phùng" hoặc "". Chúng viết: "Lý tức Mã Hữu Giác, người Trung Kỳ, lưu vong sang Trung Quốc từ lâu và theo học trường quân sự Hoàng Phố, có thể là tên lưu vong đã quen thuộc tức Mạnh Văn Liễu"7.

Đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh là một tổn thất lớn cho Đảng và cho phong trào cách mạng của nhân dân ta. Hai năm sau, trong bài "Nhớ tiếc anh Phùng", báo "Cờ giải phóng" - cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Đông Dương, số 2 (26.8.1943), viết đồng chí Phùng Chí Kiên "bị chết tại trận" và "Cái chết của anh thật... thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo... nỗi thương tiếc cho các đồng chí! Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông cây cỏ. Chúng ta càng nhớ đến anh càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta".

Qua các tài liệu trên, có thể thấy rằng đồng chí Phùng Chí Kiên bị bắn trọng thương vào lúc 18 giờ ngày 22 tháng 8 năm 1941 và hy sinh ngay sau đó, chứ không phải địch bắt được đồng chí, biết không khai thác được gì mới đem chặt đầu; trước khi tắt thở, đồng chí có nói mấy câu nhưng địch nghe không rõ; đích thân tên công sứ Bắc Kạn điều động và chỉ huy các lực lượng trấn áp ở địa phương gồm: quân đội, mật thám, lính cơ, lính dõng, tuần đinh... bao vây, truy kích và bắn chết đồng chí Phùng Chí Kiên chứ không phải chỉ bọn châu đoàn phục kích và bắn đồng chí như nhiều sách đã viết.
________________________________________________
1, 2, 4 - 7. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
3. Có lẽ mật thám Pháp nhầm lẫn vì trong bộ phận Cứu quốc quân do đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy rút lên biên giới không có người Trung Quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2021, 08:44:12 pm »


MỘT CÁCH TIẾP CẬN VỀ ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN

Đại tá, TS TRẦN VĂN THỨC*

Đồng chí Phùng Chí Kiên một cán bộ lãnh đạo tiền bối, cao cấp của Đảng, hy sinh anh dũng trong chiến đấu khi tuổi đời mới 40, tuổi đang độ trưởng thành và độ chín của một tài năng lớn cả về quân sự và chính trị. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên thật vẻ vang và lớn lao, gắn liền với những kỳ tích lịch sử Việt Nam trong những thập niên trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ghi nhận một cách đầy đủ và chính xác, toàn diện những đóng góp của đồng chí Phùng Chí Kiên là điều cần thiết. Bài viết này của chúng tôi nhằm góp một phần làm sáng tỏ thêm một số chi tiết về đồng chí Phùng Chí Kiên.

1. Các cương vị về Đảng của đồng chí Phùng Chí Kiên.

- Đồng chí Phùng Chí Kiên là thành viên của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương viết tắt là BCHON (có tài liệu viết là Ban Hải ngoại của Đảng) mà Phùng Chí Kiên là một thành viên, có vai trò và vị trí rất quan trọng. Tuy vậy, trong nhiều tài liệu viết về BCHON còn nhiều chỗ sai lệch, thiếu chính xác. Chúng tôi thông tin thêm về BCHON, để bạn đọc hiểu về BCHON, cũng là để hiểu thêm về Phùng Chí Kiên.

"Ngày 20 tháng 12 năm 1934, Đông phương Bộ Quốc tế Cộng sản chỉ thị cho Xinhitrơkin và Ban chỉ huy ở ngoài (điện qua Đinh Trân, do Miphơ ký) nêu rõ "nay lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương như một cơ quan lâm thời, tồn tại song song với Trung ương, có những nhiệm vụ đặc biệt"1.

"BCHON của Đảng Cộng sản Đông Dương, được "Thành lập tháng 3 năm 1934, theo quyết định của Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản. Thành phần BCHON gồm 3 đồng chí: Lê Hồng Phong - Thư ký, Hà Huy Tập làm tuyên truyền cổ động và tham gia biên tập Tạp chí Bônsơvích và Nguyễn Văn Dựt. Từ sau Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương (27 - 31.3.1935), BCHON gồm các đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký và Phùng Chí Kiên; đến tháng 3 năm 1936, tăng cường thêm Rêmi (Trần Văn Khiết). Sau tháng 7 năm 1936, Hà Huy Tập về nước công tác, BCHON còn lại Lê Hồng Phong và Phùng Chí Kiên. Đến khi Lê Hồng Phong về nước, chỉ còn Phùng Chí Kiên. BCHON là cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, tồn tại song song với Ban Chấp ủy Trung ương của Đảng, nhưng có nhiệm vụ đặc biệt"2.

"Can3 (tức Phùng Chí Kiên - TVT) phải ở lại Trung tâm ở ngoài4, để làm việc với Min5 cho đến khi chúng tôi (Đông phương Bộ - TVT) tìm được người thay thế đặc biệt".

Hội nghị BCHON của Đảng cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức Đảng ở trong nước, họp từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 6 năm 1934, ra quyết nghị xác định nhiệm vụ của BCHON là:

"Đại diện của Đảng trong quan hệ và liên lạc với Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản anh em.

5. Ban Chỉ huy ở ngoài chỉ đạo đường lối chính trị chung của Trung ương Đảng. Ban có quyền cử đại biểu để tham gia công tác và kiểm tra toàn bộ công tác của cấp ủy đảng trong nước.

6. Những nghị quyết quan trọng nhất của Trung ương phải được bàn bạc nhất trí với Ban Chỉ huy ở ngoài. Trong trường hợp Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương không đồng ý với Ban Chỉ huy ở ngoài, Trung ương có quyền khiếu nại nghị quyết lên Quốc tế Cộng sản. Trước khi Quốc tế Cộng sản quyết định vấn đề tranh cãi thì Trung ương có nhiệm vụ phải thực hiện các chỉ thị của Ban Chỉ huy ở ngoài.

7. Trong trường hợp Trung ương Đảng bị vỡ và mất liên lạc và để tránh mất sự lãnh đạo thường xuyên, các Xứ ủy Đảng (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Cao Miên) phải liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài. Trong trường hợp Trung ương bị vỡ, Ban Chỉ huy ở ngoài có thể thay thế Trung ương lãnh đạo trực tiếp tất cả các tổ chức đảng ở trong nước"6.

Thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, Ban Chỉ huy ở ngoài xúc tiến công tác chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng; xây dựng các văn kiện Đại hội I dựa trên tư tưởng chỉ đạo của các nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và các chỉ thị của các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản; góp phần quan trọng tổ chức Đại hội. Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương (3.1935) thành công đánh dấu sự khôi phục hoạt động của Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị điều kiện cho bước phát triển mới ở thời kỳ tiếp theo. Sau đó, Ban Chỉ huy ở ngoài tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình cho đến tháng 5 năm 1941, khi Ban Chấp hành Trung ương chính thức được thành lập.
_________________________________________
* Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 4 (1932-1934), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 519.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 4 (1932-1934), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 523-524.
3. Phùng Chí Kiên.
4. Ban Chỉ huy ở ngoài.
5. Min: Nguyễn Vĩnh Xuyên, học Trường Đại học Phương Đông năm 1930.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 4 (1932-1934), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 523-524.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2021, 08:46:13 pm »


- Đồng chí Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khoá 1 (1935).

Đồng chí Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ hay chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khoá 1 (1935). Đây là một vấn đề mà các tài liệu đã công bố thường có thông tin không nhất quán.

Một số tài liệu, sách báo viết đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng khoá 1. Ví như cuốn Nghệ An - những tấm gương cộng sản, Tập 1, của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, Nxb Nghệ An ấn hành năm 1998, viết: "Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) tháng Ba năm 1935, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng" (tr.72). Sách Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Yên (1930-2007), Nxb Văn hoá thông tin, 2007, viết: "Tháng 3 năm 1935, ông (Phùng Chí Kiên - TVT) tham gia soạn thảo đề cương Đại hội lần thứ nhất tại Ma Cao, được đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng phụ trách Ban Hải ngoại" (tr. 46). Trên Bia mộ của Phùng Chí Kiên tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội cũng ghi Phùng Chí Kiên là Ủy viên Trung ương Đảng.

Ở một số sách, bài viết khác lại viết Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khoá 1 (1935). Cụ thể là: sách Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5 (1947-1949), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.780 - 790, phần Bản chỉ dẫn tên người, viết "Phùng Chí Kiên... được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương (1935). Báo Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Trường Chinh là chủ bút (số 2 ra ngày 26 tháng 8 năm 1943), đăng bài Gương hy sinh nhớ tiếc anh Phùng của tác giả Sóng Biển, viết: "Sau cuộc Đại biểu đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao (Quảng Đông), năm 1935 anh được cử vào Thường vụ Trung ương". Sách Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, của Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, cũng viết là năm 1935, Phùng Chí Kiên được "Đại hội bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương" (tr. 810). Thư gửi các đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 18 tháng 12 năm 2007, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn: "Trở lại hoạt động ở Trung Quốc, đồng chí (Phùng Chí Kiên - TVT) tham gia chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng tại Ma Cao, được bầu vào Trung ương, sau đó được bầu vào Ban Thường vự Trung ương Đảng". Trong Bài Công hiến của Hà Huy Tập trong việc khôi phục Ban lãnh đạo Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1932-1936 của Trần Hải, in trong cuốn Hà Huy Tập - người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 573 viết: "Ngày 31 tháng 5 (đúng ra là tháng 3 - TVT) năm 1935, Đại hội họp phiên cuối cùng để bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Đảng. Ban chấp hành Trung ương mới gồm 13 đồng chí do đồng chí Lítvinốp (Lê Hồng Phong), làm Tổng Thư ký và Ban Thường vụ gồm các đồng chí Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên và Đinh Thanh"1.

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phùng Chí Kiên, do Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phan Văn Khải ký (Quyết định số 1228/QĐ-TT) ngày 10 tháng 11 năm 2003, ghi rõ Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng.

Căn cứ vào những tài lệu trên (và một số tài liệu khác nữa) chúng tôi khẳng định rằng, đồng chí Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khoá 1 (1935).
______________________________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 5, (1935), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.194, thì Ban thường vụ có 5 người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2021, 08:47:11 pm »


2. Đồng chí Phùng Chí Kiên được truy phong cấp tướng từ năm 1947.

Khi viết về Phùng Chí Kiên, một số sách, bài viết không nhắc tới Phùng Chí Kiên là một vị tướng, nhưng ở một số sách, bài viết khác thì lại viết đồng chí Phùng Chí Kiên được truy phong quân hàm tướng theo sắc lệnh số 89/SL, ngày 23 tháng 9 năm 1947. Sách Những người cộng sản của Đức Vượng và Nguyễn Đình Nhơn, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1987, tr. 183, viết: "Ngày 23 tháng 9 năm 1947, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hội đồng Chính phủ và Bộ quốc phòng đã truy phong cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên". Sách Danh nhân lịch sử Việt Nam, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1988 của Đinh Xuân Lâm và Chương Thâu, tr. 194, viết: "Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Hội đồng Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã truy tặng quân hàm cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên".

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, ngày 18 tháng 12 năm 2007, có viết "năm 1947 Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm tướng đầu tiên" cho đồng chí Phùng Chí Kiên.

Một số bài viết gần đây viết rằng năm 2003, đồng chí Phùng Chí Kiên được Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.

Như vậy, đồng chí Phùng Chí Kiên là người đầu tiên được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức phong quân hàm cấp tướng.

3. Về sự hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên.

Sự kiện đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh đã được phản ánh, ghi lại trong nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, trong nhiều văn bản, tuy nhiên còn có một số điểm khác nhau.

Về thời gian đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh, có tài liệu viết là ngày 21 tháng 8 năm 1941, có tài liệu viết là ngày 22 tháng 8 năm 1941.

Các tài liệu viết đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh ngày 21 tháng 8 năm 1941 gồm có: Nghệ An - những tấm gương cộng sản, Tập 1, của Tiểu ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1999, tr. 78; Phùng Chí Kiên - một đảng viên trọn vẹn trung dũng của M.T.H, đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số 83, tháng 1 năm 200, tr. 4; Phùng Chí Kiên - nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên của Đảng, của Phan Xuân Tần, đăng trên Sự kiện và Nhân chứng (Nguyệt san báo Quân đội nhân dân), tr. 16-17.

Các tài liệu viết đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh ngày 22 tháng 8 năm 1941 gồm có: Lịch sử Cứu quốc quân của Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Khu tự trị Việt Bắc, Nxb Việt Bắc, 1975, tr. 42-43; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, Tập 1, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 61-62. Sách Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, của Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, Nxb QĐND, Hà Nội, 2005, viết Phùng Chí Kiên hy sinh ngày 22 tháng 8 năm 1941 (tr. 811).

Thông báo số 8801C của Cảnh sát trưởng khu vực, Rôbe Pêrôsê (Robert Perroche), gửi Cảnh sát trưởng các tỉnh Trung Kỳ, ngày 2 tháng 12 năm 1941 về việc nhận dạng nguòi bị giết tại ở Khau Pàn, tỉnh Bắc Kạn ngày 22 tháng 8 năm 1941, là Phùng Chí Kiên.

Báo cáo của thanh tra an ninh Vâyren (R.Veyren), ngày 8 tháng 12 năm 1941, gửi Chánh mật thám Trung Kỳ, về việc nhận dạng người bị giết tại Khau Pàn, Bắc Kạn ngày 22 tháng 8 năm 1941 là Phùng, tức Phùng Quốc Nghiêu, tức Phùng Chí Kiên.

Vậy, ngày hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên chính xác là ngày nào? Căn cứ theo tài liệu của mật thám, cảnh sát và giới chức trách Pháp thì ngày hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên là ngày 22 tháng 8 năm 1941.

Về sự hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên, cũng là một vấn đề mà các tài liệu viết có nhiều chi tiết khác nhau: Sách Nghệ An - những tấm gương cộng sản, tập 1, của Tiểu Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, xuất bản năm 1998, tr. 77-78 viết: "Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng thì đồng chí bị sa vào tay giặc. Bọn châu đoàn gán cho Phùng Chí Kiên là "tướng cướp" để cho lũ tay sai mặc sức hành hung. Đồng chí đã bình tĩnh giải thích: Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp, đuổi Nhật để giải phóng cho đồng bào. Chúng ta là người Việt Nam, cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung. Lời giải thích của đồng chí đã làm xiêu lòng một số lính dõng. Nhưng bọn châu đoàn gian ác đã chặt đầu đồng chí rồi đem cắm ở cầu Ngân Sơn (21.8.1941) để hòng uy hiếp tinh thần cán bộ và nhân dân địa phương". Phan Xuân Tần trong bài Phùng Chí Kiên - nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên của Đảng, đăng trên Sự kiên & Nhân chứng, tr.17, cũng viết về sự hy sinh của Phùng Chí Kiên tương tự như vậy.

Sự hy sinh của Phùng Chí Kiên như thế nào còn là vấn đề cần được nghiên cứu và xác định thêm cho thật chính xác. Về vấn đề này, tác giả Trần Trọng Thơ, đã có sự xác định trong bài Phùng Chí Kiên đã hy sinh như thế nào? đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số 244, tháng 9 năm 2005, tr. 16-17. Trong bài này, Trần Trọng Thơ, dựa theo các tài liệu, báo cáo của Quyền Công sứ Bắc Kạn gửi Thông sứ Bắc Kỳ (29.8.1941), báo cáo "Về hoạt động chính trị của người bản xứ ở Bắc Kỳ", tháng 8 năm 1941, của Sở Mật thám Bắc Kỳ, v.v, xác định: "Qua các tài liệu trên, có thể thấy rằng đồng chí Phùng Chí Kiên bị bắn trọng thương vào lúc 18 giờ ngày 22 tháng 8 năm 1941 và hy sinh ngay sau đó, chứ không phải địch bắt đồng chí, biết không khai thác được gì mới đem chặt đầu, trước khi đồng chí tắt thở, đồng chí có nói mấy câu nhưng địch nghe không rõ, không có chuyện đồng chí bình tĩnh giải thích làm xiêu lòng một số lĩnh dõng; đích thân tên công sứ Bắc Kạn điều động và chỉ huy các lực lượng trấn áp ở địa phương: quân đội, mật thám, lính cơ, lính dõng, tuần đinh, chỉ điểm... bao vây, truy kích và bắn chết đồng chí Phùng Chí Kiên chứ không phải bọn châu đoàn phục kích và bắn đồng chí như nhiều sách đã viết".

Theo chúng tôi đây là một căn cứ để xác định, nhưng cần được kiểm định thêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2022, 11:51:49 am »

 
PHÙNG CHÍ KIÊN - NHỮNG THÔNG TIN TÔI ĐƯỢC BIẾT

NGUYỄN DOANH HẰNG*

Đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh năm 1941. Vào năm đó, tôi mới 16 tuổi, nên những thông tin mà tôi được biết về Phùng Chí Kiên đều là nghe kể lại và được biết qua sách báo. Những hồi tưởng của tôi về Phùng Chí Kiên có phần tản mát nhưng hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm những công lao, đóng góp của Phùng Chí Kiên.

1. Thời điểm trước ngày 1 tháng 1 năm 1942 tại châu Ngân Sơn và cả tỉnh Bắc Kạn chưa có tổ chức cách mạng, chưa có người tham gia các hội cứu quốc.

Vào năm 1941, tôi là một thanh niên 16 tuổi. Tháng 5 năm 1941, khi cùng mấy thanh niên đi đãi vàng tại Lũng Đẩy, xã Kim Hỉ, châu Na Rì, tôi bị ngã nước sốt rét phải về nhà chữa bệnh bằng thuốc nam. Một buổi tối, được người trong bản cho biết: "quân lính bao vây rừng Khau Pàn (vùng rừng mỏ vàng Pác Làng) đã nổ súng bắn trúng một người cộng sản, lấy được khẩu súng pạchoọc (súng thập), trong túi ba lô có cả tài liệu, bản đồ... Hai ngày sau lại được tin quân lính đã đánh chết nguời cộng sản, họ cắt lấy đầu mang về châu lỵ Ngân Sơn bêu tại đầu cầu cách Ngân Sơn chừng 150m để khủng bố quần chúng. Từ rừng Khau Pàn ra đến quốc lộ 3 khoảng 6km, từ quốc lộ 3 đến cầu Ngân Sơn khoảng 6km. Nơi chôn thi thể đồng chí Phùng Chí Kiên lúc đó là rừng Khau Pàn, chứ không phải là Lũng Sao, như đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đã viết tại trang 47 trong tác phẩm "Những chặng đường lịch sử". Tôi cũng được tin số người trong đội quân cộng sản đã thoát khỏi vòng vây tại rừng Khau Pàn, vượt qua đèo Tổng Lằn (đèo Cao Bắc), theo đường mòn lên xã Bạch Đằng thuộc phủ Hoà An (tỉnh Cao Bằng).

2. Đến đầu năm 1942, mới có mấy thanh niên từ các xã Kim Mã, Tam Lạng (Nam Châu, Nguyên Bình) sang các xã Cốc Đán, Thượng Ân (bắc Ngân Sơn) tuyên truyền tổ chức các hội cứu quốc, mỗi xã đã có từ 10 đến 15 người tham gia Thanh niên cứu quốc và Nông dân cứu quốc... Ngày 25 tháng 6 năm Tân Tỵ (6.8.1941), quan Tri châu cùng quân lính đã đến xã Tam Lạng tìm bắt hai cán bộ người Kinh là đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) và đồng chí Đinh (Lê Thiết Hùng) cùng những cán bộ xã. Ba hội viên trung kiên là Phùng (Lạc), Đội (Trọng Khánh), Pàng (Quang Toản) được chuyển vào bí mật, cùng cán bộ người Kinh vào rừng tìm nơi tạm trú. Sau đó được giới thiệu gia nhập Đảng Cộng sản, thành lập chi bộ Đảng, củng cố lại cơ sở, và có định hướng công tác theo đường Nam tiến, phát triển Hội cứu quốc vào vùng dân tộc Dao hai bên sườn núi Khau Giáng.

3. Đến tháng 2 năm 1943, các đồng chí mới bắt được liên lạc với cơ sở xã Thượng Ngân. Tháng 5 năm 1943 (tháng 4 năm Quý Mùi) chúng tôi mới đón được hai cán bộ là đồng chí Trọng Khánh và đồng chí Văn từ gia đình ông Lý Tuân Ban (Khưa Tòng Chu) ở xóm Khoản Nam xuống mở lớp huấn luyện cho mười hội viên cứu quốc làm công tác phát triển hội. Trong vòng 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10.1943), 8/10 xã châu Ngân Sơn đã cơ bản tổ chức được Hội Cứu quốc. Riêng xã Thượng Ân (quê hương tôi) đã tổ chức được hai đêm mít tinh toàn xã vào đêm Rằm tháng bảy và đêm hạ tuần tháng 8 (9.1943). Đêm hôm đó có đoàn cán bộ bí mật Nam tiến, chúng tôi giới thiệu đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) ra mắt trước quần chúng và nói chuyện về chiến dịch Stalingrat, Hồng quân Liên Xô đã đại thắng, tiêu diệt trên ba mươi vạn quân phát xít Hítle... Trên cơ sở đó, chúng tôi vận động "Hội ta cần ra sức củng cố, tập luyện tự vệ cho tốt để đón thời cơ". Các đồng chí thấy việc chúng tôi làm đạt nhiều kết quả nên ngày hôm sau triệu tập hai cán bộ địa phương là Đồng Văn Hàm (Bằng), Doanh Thắng Hỷ (Hằng) đến giới thiệu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Chính hai đồng chí Văn và Nghĩa đã giới thiệu chúng tôi vào Đảng. Sau lễ kết nạp, đồng chí Văn thay mặt Đảng cấp trên tuyên bố thành lập chi bộ mang tên Chi bộ Chí Kiên, gồm ba đảng viên do đồng chí Nghĩa là Bí thư. Đó là chi bộ đầu tiên tại châu Ngân Sơn và tỉnh Bắc Kạn. Từ giờ phút đó, chúng tôi biết người cán bộ cộng sản bị quân địch sát hại tháng 8 năm 1941 tại rừng Khau Pàn (Ngân Sơn) là đồng chí Phùng Chí Kiên, và những năm sau đọc tác phẩm "Từ nhân dân mà ra" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mới biết đồng chí Phùng Chí Kiên là một cán bộ cộng sản cộng tác với Bác Hồ từ Trung Quốc trước năm 1940, và đến ngày mồng 2 tết Tân Tỵ (28.1.1941), về nước chúc tết quần chúng làng Pắc Bó, xã Trường Hà; cùng Bác Hồ chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp từ 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941 tại Pắc Bó.

4. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 4 tháng 4 năm 1946, cán bộ xã Bằng Đức (Ngân Sơn) đã lập mộ đồng chí Phùng Chí Kiên tại Khau Giàng cạnh đường cái vào mỏ vàng Pác Làng. Đến năm 1964, mộ đồng chí Kiên cùng mộ cán bộ bị địch sát hại từ 1941 đến 1945 và cán bộ chiến sĩ trong ba năm đánh quân Pháp xâm lược chiếm đóng Ngân Sơn, Bắc Kạn từ tháng 10 năm 1947 đến 17 tháng 8 năm 1949 được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngân Sơn. Đồng chí Quốc Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện được giao làm nhiệm vụ quy tập mộ cho biết, khi tiến hành có ông Phó Vẹo (phó cạo, cắt tóc) ở phố Ngân Sơn tiết lộ đầu người cộng sản bị địch giết hại tại rừng Khau Phàn tháng 8 năm 1941 được chôn bên cạnh Trường học cấp I xã Vân Trung. Đồng chí Toản đã cho bới xung quanh trường nhưng không thấy gì.
_____________________________________________
* Cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2022, 11:52:28 am »


5. Năm 1950, khi tôi được Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn cử đi học khoá III Trường Nguyễn Ái Quốc tại xã Bình Thành, huyện Định Hoá (từ 20.2 đến 5.6.1950). Học cùng khoá với tôi có đồng chí đồng chí Hà Khai Lạc - Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Lạng Sơn, vốn là cán bộ du kích Bắc Sơn, người đã dẫn đường cho Đội du kích Bắc Sơn hành quân tránh cuộc càn của địch vào tháng 8 năm 1941. Trong thời gian hơn 3 tháng cùng sinh hoạt trong đảng bộ, tôi được đồng chí Lạc cho biết về cuộc hành trình đó như sau:

Đồng chí Lạc là người dân tộc Tày ở châu Bắc Sơn. Thời thanh niên, đồng chí đã đến xã Văn Học, Bắc Châu, Na Rì đóng ngói, lợp nhà cho các gia đình Tổng đoàn họ Vi và Chánh tổng Nông Văn Thượng. Những năm sau làm nghề buôn bán thuốc phiện, nên đồng chí thông thuộc con đường mòn từ châu Bắc Sơn qua Bình Gia (Lạng Sơn), lên các châu Na Rì, Ngân Sơn (Bắc Kạn) đến các châu Nguyên Bình, Bảo Lạc (Cao Bằng). Dọc đường mòn này nhiều tổng đoàn, châu đoàn là trùm buôn bán thuổc phiện lậu...

- Ngày 27 tháng 9 năm 1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Đội du kích Bắc Sơn được thành lập do đồng chí Huy còm (Lương Văn Tri) chỉ huy. Đến tháng 6 năm 1941, có thêm các đồng chí Chí Kiên, Sơn Cương, Thành Kính... đến tăng cường, do đồng chí Kiên chỉ huy. Tháng 7, tháng 8 năm 1941, quân địch tập trung lực lượng lớn từ Lạng Sơn tiến xuổng; từ Bắc Giang và Thái Nguyên tiến sang, bao vây Bắc Sơn, nhằm tiêu diệt Đội du kích Bắc Sơn. Các đồng chí chỉ huy thấy lực lượng Đội quá nhỏ bé với vài khẩu súng trường không đủ sức đương đầu với lực lượng địch, nên đã chủ trương rút quân lên biên giới để bảo toàn lực lượng. Đội chia làm hai tổ, rút theo hai hướng: Hướng thứ nhất, theo đường Bắc Sơn, Bình Gia đến Điềm He, Thoát Lãng có các đồng chí Hoàng Văn Thái, Đặng Văn Cáp... Hướng thứ hai gồm các đồng chí Chí Kiên, Huy, Khai Lạc, Sơn Cương, Thành Kính... do đồng chí Khai Lạc dẫn đường từ Bắc Sơn, Bình Gia đến Na Rì, Ngân Sơn theo tuyến đường mòn thời buôn thuốc phiện lậu đồng chí Khai Lạc đã đi. Đêm 16 tháng 8 năm 1941, đi từ Bắc Sơn. Đêm 18 tháng 8 năm 1941, đến bản Pò Kép, xã Văn Học, bắc Na Rì và nghỉ tại đó. Đồng chí Khai Lạc đã thông tin cho chánh tổng Nông Văn Thượng là chúng tôi đã đến đây. Không ngờ hắn lại cùng tốp lính dõng đến kiểm tra. Chúng buộc tất cả mọi người trên nhà sàn xuống. Ta buộc phải nổ súng, tên chánh tổng bị trúng đạn vào đùi. Sau đó, ta rút ra vòng ngoài lại bị địch vây chặn. Ta lại nổ súng giết chết một tuần đinh. Các đồng chí của ta nhanh chóng rút vào rừng.

Trong các ngày 20 và 21 tháng 8, đoàn theo đường mòn xuống núi về các xã Vũ Loan (cực bắc Na Rì), Cao Môn (cực tây Tràng Định), Quang Trung (tây Thạch An), Mường Quan, Bằng Đức (bắc Ngân Sơn).

Sáng sớm ngày 22 tháng 8 năm 1941, đội của anh Kiên đến một gia đình người Dao ven đường, vào hỏi mua gạo. Chủ nhà cho biết không sẵn gạo, rồi lên gác lấy xuống hai cụm lúa nếp bảo các đồng chí tự xay giã rồi lén tìm cách đi báo cho địch. Cơm vừa chín, chưa kịp ăn thì phát hiện thấy có lính đến gần nhà, thế là các đồng chí tức tốc rút vào rừng ẩn náu. Từ trưa đến chiều không thấy động tĩnh gì. Đến 17 giờ, khi cả đội hành quân tìm đường lên Cao Bằng thì địch phục kích, bất ngờ nổ súng. Đồng chí Phùng Chí Kiên trúng đạn. Đi một quãng nữa thì đồng chí Huy lại sa xuống hố sâu (hố đào vàng). Anh em định kéo lên, đồng chí bảo phải đi nhanh không bị địch bắt hết. Anh Sơn Cương đi lối nào cũng không thấy. Trong đội chỉ còn có Khai Lạc, Thành Kính, Trang... Hôm sau Đội mới vượt được vòng vây lên đèo Tổng Lằn (đèo Cao Bắc) lên Hoà An. Sau đó mới biết anh Huy (Lương Văn Tri) bị lính dõng gác cầu Tài Hồ Xìn (dưới thị xã Cao Bằng 22km) bắt ngày 26 tháng 8 năm 1941, giải lên trại giam ở Cao Bằng.

6. Những thông tin được biết thêm như sau:

Sáng 18 tháng 8 năm 1941, sau khi rút chạy sang xã Văn Học, phía bắc châu Na Rì, cả đội rút vào rừng. Tổng lý xã Văn Học đã báo cáo lên đồn Pháp ở Yên Lạc. Đồn tức tốc báo cáo lên tỉnh Bắc Kạn. Quan tỉnh liền lệnh cho hai tiểu đội lính cơ động do quân cơ Nông Ích Lợi chỉ huy, chiều ngày 20 tháng 8 năm 1941 đi xe lên nhà Bang tá Tần ở Bằng Đức, đồng thời lệnh cho châu đoàn Ngân Sơn tập trung sẵn lính dõng 7 xã phía bắc Ngân Sơn. Sáng ngày 22 tháng 8 năm 1941, khi nhận được mật báo từ gia đình tên chánh Mán Chu Ứng Ban, làng Phiêng Nhượng, quân lính từ nhà Bang tá đến ngay rừng Khau Phàn, đến nhà mụ chủ thì được biết đội đã vào rừng ẩn náu. Địch đã tiến hành bao vây hai vòng: vòng trong là lính cơ động, vòng ngoài là lính dõng, mai phục suốt từ trưa đến chiều. Khoảng 17 giờ, khi phát hiện quân ta hành quân, chúng mới nổ súng và bắn trúng một cán bộ của ta. Chúng bắt rồi tra khảo đến đêm. Biết không khai thác được gì, chúng mới đánh chết người cộng sản.

Đến hạ tuần tháng 9 năm 1943, khi thành lập chi bộ Đảng, tại đám ruộng đối diện thác nước Coỏng Tát, đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) cho chi bộ mang tên Chí Kiên, chúng tôi mới biết người cộng sản bị địch bắt rồi giết ở Khau Phàn là đồng chí Phùng Chí Kiên.

7. Tại nghĩa trang Ngân Sơn - Phủ Thông có mộ những cán bộ bị địch sát hại và bị cắt đầu đem bêu tại các nơi để khủng bố tinh thần quần chúng làm cách mạng. Đó là các đồng chí:

- Đồng chí Phùng Chí Kiên, bị quân địch sát hại ngày 22 tháng 8 năm 1941 (30 tháng 6 năm Tân Tỵ), bị cắt đầu đem đến Ngân Sơn bêu một số ngày.

- Đồng chí Mỹ Thanh (Năm), cán bộ con đường quần chúng Nam tiến bị bắn chết tại hang đá bản Loãng (xã Nà Phạc) ngày 24 tháng 12 năm 1944, chúng cắt đầu đem bêu tại cầu Ngân Sơn một số ngày, rồi đưa đi đâu không ai biết.

- Đồng chí  Đồng Văn Hàm (Bằng), Bí thư Ban cán sự tỉnh Bắc Kạn, đảng viên chi bộ Chí Kiên, bị địch bắn vỡ đầu ngày 18 tháng 3 năm Giáp Thân (10.4.1944)

- Đồng chí Đức Xuân (tức Bế Văn Đàn), cán bộ bí mật Nam tiến bị địch bắn chết đêm 8 tháng 1 năm 1944 (13 tháng Chạp năm Quý Mùi), địch cắt đầu đem bêu tại chợ thị xã Bắc Kạn rồi chúng chôn đâu không ai biết. Mộ đồng chí Đức Xuân hiện được quy tập tại nghĩa trang Phủ Thông, huyện Bạch Thông.

- Đồng chí Hồng Giang, cán bộ bí mật bị địch sát hại tại Ba Bể, rồi ném xuống hang sâu không tìm được thi thể.

Đó là tất cả những gì tôi biết được về đồng chí Phùng Chí Kiên, người cộng sản kiên cường, một cán bộ quân sự xuất sắc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM