Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:09:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hà Nội 60 ngày khói lửa  (Đọc 2733 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« vào lúc: 17 Tháng Mười, 2021, 01:12:38 pm »

- Tên sách: Hà Nội 60 ngày khói lửa
- Tác giả: Vương Thừa Vũ
- Nhà xuất bản: Hà Nội
- Năm xuất bản: 2006
- Người số hóa: giangtvx, vnmilitaryhistory
 

Tham gia biên tập trong lần tái bản

ĐẠI TÁ: TẠ DUY ĐỨC - CCB Trung đoàn thủ đô

ĐẠI TÁ HOÀNG KIM HIÊN - CCB Trung đoàn thủ đô

PHÒNG LỊCH SỬ ĐẢNG - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
 


CÙNG BẠN ĐỌC THÂN MẾN!


Cuốn sách này được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản lần đầu năm 1964, nay được Nhà xuất bản Hà Nội tái bản theo chủ trương của Thành uỷ và đáp ứng nguyện vọng của các cựu chiến binh Hà Nội và Sư đoàn 308 Anh hùng. Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19-12-1946).


Cuốn sách do Trung tướng Vương Thừa Vũ, nguyên chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội mùa đông năm 1946, viết về một sự kiện lịch sử trọng đại và oai hùng của Thủ đô Hà Nội góp phần tô thắm truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam mà mỗi chúng ta đều có quyền tự hào, có trách nhiệm giữ gìn và phát triển.


Cuốn sách này là một bản tường trình chân thực, đầy đủ, cặn kẽ của một nhân chứng lịch sử quan trọng và giúp chúng ta hiểu rõ:

60 năm trước đây dưới sự lãnh đạo kiên quyết và tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vào 20 giờ 03 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946, quân và dân thủ đô Hà Nội đã nhất tề đứng lên nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xám lược.


Cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội mùa Đông năm 1946 nhằm bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, ngay từ đầu đã thu hút đông đảo nhân dân toàn Thành phố tham gia với đủ các thành phần xã hội tiêu biểu: công nhân, thợ thủ công, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nông dân, dân nghèo... Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" đã thúc đẩy quân dân Hà Nội kết thành sức mạnh vô cùng to lớn vượt qua mọi thử thách hiểm nguy, tạo nên "yếu tố quyết định hàng đầu trong trận tổng giao chiến đầu tiên" giữa những vệ quốc quân, tự vệ, những người Hà Nội trong tay chỉ có bom ba càng, súng khai hậu, lựu đạn, chai xăng cơ-rếp... với đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp được trang bị vũ khí tối tân và các phương tiện chiến tranh hiện đại.


Cuộc chiến đấu hào hùng của quân dân Hà Nội mùa Đông năm 1946 là biểu hiện tập trung, là bức tranh hoành tráng của cuộc chiến tranh nhân dân theo đường lối, tư tưởng quân sự đúng đắn, ưu việt của Đảng và Hồ Chủ tịch. Nêu cao ý chí chiến đấu "sống chết với Thủ đô", "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", quân dân Hà Nội đã phát huy cao độ nghệ thuật quân sự của cha ông "lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều", sử dụng mọi vũ khí có trong tay, đặc biệt chiến thuật "trùng độc chiến" kết hợp trong đánh - ngoài vây; trong - ngoài cùng đánh ở Liên khu I (nay là quận Hoàn Kiếm) và các Liên khu II, III, cùng các vành đai ngoại thành; phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội Vệ Quốc Đoàn với dân quân tự vệ, giữa tác chiến tập trung với lối đánh du kích phân tán nhỏ lẻ, ra sức tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch. Bằng gần 200 trận chiến đấu quyết liệt diễn ra trong suốt 60 ngày đêm, quân dân thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó: làm thất bại kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và kìm chân chúng trong 2 tháng trời, gấp đôi thời gian quy định, tạo điều kiện cho cả nước triển khai thế trận chiến lược trường kỳ kháng chiến của Đảng ta.


Trận chiến 60 ngày đêm của quân dân Hà Nội mùa Đông năm 1946 đã gây cho quân địch thất bại nặng nề, đồng thời thực hiện xuất sắc chủ trương bảo toàn lực lượng ta để kháng chiến lâu dài. Đã có những đơn vị chủ lực của ta được sinh ra trong lửa đạn mà điển hình là trung đoàn Thủ đô anh hùng. Ra đời ngày 6 tháng 01 năm 1947 từ cuộc chiến đấu bám trụ kiên cường giữa vòng vây bốn bề của địch ở Liên khu I - khu vực 36 phố phường cổ kính, trung đoàn Thủ đô đã lập nên nhiều chiến tích kỳ diệu. Tết Đinh Hợi, trung đoàn được Bác Hồ gửi thư khen tặng: "Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Sau hai tháng chiến đấu oanh liệt, được lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, trung đoàn Thủ đô đã thực hiện cuộc rút quân "thần kỳ" an toàn ra khỏi Hà Nội để đi tiếp cuộc trường chinh giải phóng dân tộc với một lời thề "Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù". Và lời thề thiêng liêng đó đã trở thành hiện thực vào cái ngày "trùng trùng quân đi như sóng" giữa bầu trời thu lồng lộng nắng vàng rực rỡ tháng 10 năm 1954, khi "năm cửa ô đón mừng" trung đoàn Thủ đô trong đội hình Đại đoàn chủ lực 308 Quân Tiên Phong tiến về giải phóng Hà Nội mến yêu.


Trận chiến oai hùng 60 ngày đêm của Thủ đô Hà Nội mở đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp lủ một trong những trang sử chói lọi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.

60 năm đã đi qua. Hà Nội ngày nay đã trở thành Thủ đô anh hùng của nước Việt Nam độc lập và thống nhất đang xây dựng cuộc sống văn minh hạnh phúc. Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh, vào sức mạnh vô địch của đại đoàn kết dân tộc, quân và dân Hà Nội nhất tâm kế tục, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vận dụng những bài học quý báu của cuộc chiến đấu oanh liệt 60 ngày đêm, mùa Đông năm 1946 vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thủ đô xã hội chủ nghĩa yêu quý giàu mạnh, hiện đại, văn minh, xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của đồng bào cả nước và bạn bè trên toàn thế giới.


Giờ đây, khi cuốn sách này (tái bản lần thứ 2) đến với bạn đọc thì tác giả của nó - Trung tướng Vương Thừa Vũ, một người con ưu tú của Hà Nội, đã vĩnh viễn đi xa. Để tưởng niệm và tri ân tác giả, chúng tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc gần xa.


Mùa Đông năm 2006
BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY HÀ NỘI
BAN LIÊN LẠC CỰU CHIẾN BINH
TRUNG ĐOÀN THỦ ĐÔ ANH HÙNG
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2021, 01:13:20 pm »

Lời nói đầu


Cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống bọn thực dân xâm lược Pháp ở thủ đô Hà Nội trong suốt hai tháng trời vào thời kỳ đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến đấu quyết liệt giữa hai lực lượng quá chênh lệch nhau về trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh, giữa một đội quân xâm lược thiện chiến và một dân tộc bị áp bức vừa mới trỗi dậy. Pháp là một nước tư bản vốn đã phát triển từ lâu, có một nền kinh tế công nghiệp hiện đại, lại là một đế quốc chiếm nhiều thuộc địa trên thế giới, nên có một đạo quân viễn chinh nhà nghề, trang bị đầy đủ vũ khí tối tân và phương tiện hiện đại, có bộ tham mưu giàu kinh nghiệm trong chiến tranh xâm lược, có "truyền thống" rất hung ác và xảo quyệt. Nước Việt Nam thì mới thoát khỏi ách thống trị tàn bạo hơn 80 năm của thực dân Pháp, với một nền kinh tế lạc hậu bị kìm hãm, vơ vét kiệt quệ, với một quân đội rất giàu nhiệt tình cách mạng nhưng mới phát triển và trang bị rất thô sơ.


Dưới sự lãnh đạo kiên quyết và tài tình của Đảng ta, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy truyền thống chống ngoại xâm lâu đời, không hề nao núng trước một kẻ địch mạnh hơn gấp bội. Quân và dân thủ đô Hà Nội, với hai bàn tay trắng, đã nêu cao khí tiết của một dân tộc anh hùng, sáng tạo ra trăm phương nghìn kế kiên quyết đánh bại kẻ thù xâm lược và với tinh thần anh dũng phi thường, đã giam chân giặc Pháp hai tháng trời trong thành phố. Đó là một thắng lợi to lớn trong lịch sử chiến tranh chống xâm lược. Bọn tư sản phản động cùng một số nhà quân sự tư sản trong và ngoài nước cho rằng: "Việt Nam được mấy hơi (!) mà cũng đối địch với đế quốc Pháp". Trước ngày Hà Nội kháng chiến, họ khuyên chúng ta nên đầu hàng(!). Nhưng chúng ta đã đứng lên và đã chiến thắng, đã làm đảo lộn những "lý luận" và mơ ước của họ. Mặt khác, qua thời gian chiến đấu, chúng ta đã thấy được bản chất của bọn thực dân xâm lược là ngoài mạnh trong yếu. Ta đã giáng vào đầu chúng những nhát búa có sức mạnh vô địch. Đó là lòng tự cường và tinh thần quật khởi của một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ. Chúng ta càng tin tưởng vào khả năng của mình, tin tưởng vào tiền đồ chính nghĩa tất thắng. Quân và dân thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Hồ Chủ tịch khen ngợi: Đồng bào thủ đô Hà Nội đã cùng bộ đội và dân quân tự vệ chiến đấu giam chân địch được một tháng, đã là thắng lợi, lại giam chân địch được hai tháng, là đại thắng lợi.


Cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội đã đưa lại thắng lợi to lớn bước đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc. Dưới sự lãnh đạo tài tình và dũng cảm của Đảng, quân và dân Hà Nội đã chiến đấu trong hoàn cảnh gian nan hiểm nghèo, lấy tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", mưu trí và dùng vũ khí thô sơ để cản bước tiến của địch. Quân và dân thủ đô Hà Nội đã đem xương máu của mình để giữ vững từng căn nhà, từng góc phố, đã tô thắm trang sử anh hùng của thủ đô Hà Nội, góp phần xứng đáng của mình vào lịch sử vẻ vang của một dân tộc anh hùng. Chúng ta có quyền tự hào với truyền thống anh hùng ấy.


Từ ngày tiếng súng kháng chiến ở Hà Nội bùng nổ đến nay (năm 1964) đã gần 20 năm. Những người trực tiếp chiến đấu ở Hà Nội đến nay mỗi người công tác một nơi, có người đã khuất. Tài liệu lưu lại không được đầy đủ. Những người không được trực tiếp chiến đấu ở Hà Nội thì chỉ được nghe người này, người khác kể chuyện lại với từng sự việc, từng thời gian, ở từng địa phương riêng lẻ.


Trong cuốn sách này, tôi không có ý định trình bày các vấn đề của toàn bộ mặt trận, mà chỉ ghi lại sự việc theo trình tự thời gian, với những tài liệu cụ thể còn giữ được, có tham khảo đối chiếu với một số tài liệu khác, để chúng ta cùng nhau nhớ lại sự chỉ đạo vô cùng tài tình và sáng suốt của Đảng ta, tinh thần anh dũng tuyệt vời của quân và dân ta. Ngoài ra, qua tài liệu đó, chúng la khẳng định một số vấn đề về tính chất chiến tranh nhân dân, về hình thức tác chiến và vấn đề chủ động để một đơn vị ở lại Liên khu I giam chân và tiêu hao địch, rồi chủ động rút ra sau khi nhiệm vụ đó đã được hoàn thành, v.v...


Lâu ngày, tôi cũng quên mất nhiều sự việc cụ thể nên chỉ viết được một phần nhỏ bé trong toàn bộ cuộc chiến đấu anh dũng đó. Tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Văn Trân, Trần Độ và tất cả các đồng chí khác cùng Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã nhiệt tình giúp đỡ, bổ sung ý kiến để tôi hoàn thành cuốn sách này.


Hà Nội, tháng 9 năm 1964
TÁC GIẢ
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2021, 08:55:22 am »

Phần thứ nhất
VÀI NÉT VỀ HÀ NỘI



HÀ NỘI, THĂNG LONG XƯA

Năm 1010 (tức năm Canh Tuất), Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ đã thiên đô từ thành Hoa Lư1 (Hoa Lư là kinh đô nước ta dưới thời Đinh và Tiền Lê, nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) về Thăng Long.

Thăng Long nghĩa là rồng bay. Con rồng là tượng trưng cho sức mạnh vô địch, khi trở mình thì rung chuyển trời đất, khi phủ phục thì uy nghi và kiên cường.

Thủ đô nước ta mang cái tên đẹp đẽ và oai hùng đó hơn 800 năm, mãi đến năm 1831 mới đổi là Hà Nội. Hà Nội nằm bên hữu ngạn sông Hồng, phía trước có các sông Cầu, sông Kinh Thày, sông Thái Bình che chở. Sau lưng tựa vào dãy núi Tam Đảo cao ngất, quanh năm mây mù bao phủ. Bên trái, bên phải có dãy núi Đông Triều và Trường Sơn. Tam Điệp chạy dài ra sát biển Đông, như hai cánh tay rắn chắc, khuỳnh ra sẵn sàng bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Hà Nội là hợp điểm của các đường giao thông thủy bộ, nối liền trung du với đồng bằng, núi rừng với bờ biển. Có lẽ, đó cũng là yêu tố quan trọng để Hà Nội bền vững và phát triển. Và có lẽ đó cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến các đội quân xâm lược trước kia cố tình đánh chiếm Hà Nội rồi tỏa ra xâm chiếm dần cả nước ta.


Hà Nội có khu 36 phố phường. Đó là những nơi tiêu biểu cho cố đô Thăng Long. Và đó cũng là những "đám lửa" thiêu quân giặc ngay trong lòng Hà Nội những ngày đầu kháng chiến. Xung quanh những phố phường chi chít ấy, ở phía nam và phía tây, có biết bao biệt thự, lâu đài vừa kiên cố, vừa lộng lẫy, có đường lớn rộng thênh thang, có vườn hoa đủ màu sắc, có những hàng cây cổ thụ xòe bóng mát che kín mặt đường. Trước Cách mạng tháng Tám, đây không phải là những nơi nhân dân ta được ở mà lại là những nơi bọn viên chức trong chính quyền thực dân Pháp chiếm cứ.


Hà Nội qua các triều đại, sự phát triển có khác nhau, nhưng đến năm 1946 thì có diện tích khoảng 152 cây số vuông bao gồm: 20 chợ, 4 bến sông, 4 bến ô tô, 3 ga xe lửa, 18 đường phố, 4 dốc và 24 đại lộ, 249 phố, 55 ngõ với trên 39 vạn người. Trong đó có trên một vạn năm ngàn đồng bào theo đạo Thiên chúa và một số đồng bào theo đạo Cao đài, Tin lành. Ở Hà Nội lúc này, ngoài nhân dân ta, còn có trên một vạn Hoa kiều và hàng trăm ngoại kiều An, Pháp, Anh, Nhật v.v... cư trú.


Từ xưa, Hà Nội đã có nhiều danh lam thắng cảnh và đã là đầu mối sản xuất và lưu thống hàng hóa của bốn phương, Hà Nội ngày càng thịnh vượng, dán số ngày càng đông đúc, phố phường ngày càng phát triển.

Từ Thăng Long đến Hà Nội, Thủ đô của ta có gần một ngàn năm lịch sử. Đó là một niềm tự hào của dân tộc ta, một dân tộc anh hùng, có truyền thống đấu tranh bất khuất, đã từng lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh.

Trở lại trang sử cũ: Năm 1257, sau trận Đông Bộ Đầu1 (Nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông), cửa ngõ phía nam của kinh thành Thăng Long, quân ta đã đánh cho quân Nguyên tan tác phải bỏ chạy về Vân Nam. Năm 1285, sát kinh thành, trong trận Chương Dương lừng lẫy, 50 vạn quân Nguyên đại bại, quân dân ta chiếm lại Thăng Long. Lần thứ ba, năm 1287, Trần Quốc Tuấn tiêu diệt hoàn toàn thủy quân cửa giặc ở sông Bạch Đằng. Chủ tướng quân Nguyên là Thoát Hoan hồn bay phách lạc, phải rời bỏ Thăng Long đem quân bộ tháo chạy. Tuy nhiều lần thất bại, nhưng bọn phong kiến phương bắc vẫn không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng. Năm 1406, nhà Minh lại đem quân giày xéo đất nước ta. Cha con Hồ Quý Ly không được nhân dân và các tầng lớp xã hội tiến bộ lúc ấy ủng hộ nên có chống cự song thất bại. Không chịu khuất phục dưới ách thống trị hà khắc của quân Minh, năm 1418, Lê Lợi, tiêu biểu cho lực lượng xã hội tiến bộ đương thời, khởi nghĩa ở đất Lam Sơn. Năm 1426, sau chín năm kháng chiến gian khổ, quân ta đã chiếm lại hầu khắp đất đai cả nước và tiến tới vây hãm quân Minh tại kinh thành Thăng Long. Cuộc chiến đấu bao vây quân địch ở Thủ đô diễn ra suốt một năm trời. Vòng vây của quân dân ta ngày càng siết chặt. Trong lúc vây hãm địch, quân dân ta đã tổ chức nhiều đợt tấn công vào thành và đã ba lần đánh tan viện binh của giặc từ Trung Quốc kéo sang. Quân Minh càng đánh càng thua, cuối cùng chúng phải xin giảng hòa và rút về nước. Mùa xuân năm 1428, vừa tròn 10 năm kiên trì chống giặc, dân tộc ta đại thắng, kinh đô Thăng Long yêu quý lại được giải phóng.


Hơn 300 năm sau, Thăng Long lại ghi vào sử sách những chiến công vô cùng oanh liệt. Năm 1788, nhà Thanh đã cho Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang xâm lược nước ta và đánh chiếm Thăng Long. Nhân dân cả nước ta vùng dậy chống giặc. Sau một năm anh dũng kháng chiến, quân ta đã tiến về giải phóng Thăng Long. Sáng ngày 5 tháng giêng âm lịch năm 1789, sau khi quân ta diệt các đồn Hạ Hồi và Ngọc Hồi, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đốc quân đánh vào kinh thành. Tại đồn Loa Sơn (gò Đống Đa), xác giặc chất cao như núi, 20 vạn quân Thanh tan vỡ, xéo lên nhau mà chạy. Trưa mồng 5, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào thành Thăng Long, ăn mừng thắng trận.


Chiến công hiển hách ấy, chấm dứt nạn xâm lược của phong kiến Trung Quốc đồng thời cũng thủ tiêu tận gốc nạn tương tàn giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn đã diễn ra trong mấy năm, mở đường cho cuộc khôi phục nền thống nhất nước nhà ở đầu thế kỷ XIX.

Gần 100 năm sau khi thoát khỏi ách chiếm đóng của nhà Thanh, ngày 20 tháng 11 năm 1873, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Mặc dầu nhà nước phong kiến chống cự yếu ớt, nhưng cả Hà Nội vẫn vùng lên chống giặc.

Ngày 20 tháng 4 năm 1882, thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Ngay từ phút đầu, người dân Hà Nội đã tự tay châm lửa đốt nhà mình, hàng dãy phố lửa bốc ngùn ngụt cản bước tiến của giặc. Hàng ngàn người tự vũ trang bằng giáo mác, gậy gộc kéo đến trước đình Quảng Văn (Cửa Nam bây giờ) xin đi đánh giặc. Mặt khác khắp nơi đều nhất loạt đánh chiêng, khua trống, gõ mõ, hò reo để hư trương thanh thế và hỗ trợ cho tinh thần chiến đấu của quan quân trong thành. Tướng sĩ của Hoàng Diệu xông lên mặt thành chém đầu quân giặc đến phút cuối cùng.


Nhưng, căm giận thay! Triều đình nhà Nguyễn Gia Long đã phản bội dân tộc, quỳ gối đầu hàng, dâng Tổ quốc ta cho giặc. Hà Nội nung nấu hận thù. Sau đó, các phong trào yêu nước, các tổ chức chống thực dân Pháp thống trị liên tiếp nổi lên. Đông Kinh Nghĩa Thục, nhóm sĩ phu yêu nước tiến bộ xuất hiện khoảng tháng 3 năm 1907. Năm 1908, vụ Hà thành đầu độc của binh sĩ Việt Nam làm nội ứng phối hợp với nghĩa quân Đề Thám đã làm cho thực dân Pháp giật mình hoảng sợ. Tiếp đó, Nguyễn Văn Túy - một công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm - và một chiến sĩ Việt Nam Quang Phục hội ném bom khách sạn "Gà vàng" (Coq d’or) ở phố Tràng Tiền ngày 26 tháng 4 năm 1913 giết hai tên trung tá Pháp Mônggơrãng (Montgrand), Sapuy (Chapuis) và một số lính Pháp. Hành động đó đã gây chấn động trong toàn quốc.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2021, 08:55:52 am »

Tư bản Pháp đặt chân tới Hà Nội. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và bắt đầu bổ nhát cuốc đầu tiên đào mồ chôn giai cấp bóc lột và bọn đế quốc xâm lược. Các cuộc đấu tranh từ thấp đến cao của công nhân liên tiếp nổ ra. Năm 1919, đã có bãi công đòi đuổi một tên giám đốc người Pháp. Đặc biệt thời kỳ này, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội - tiền thân chủ yếu của Đảng Cộng sản Đông Dương - xuất hiện và nãm 1926, đặt trụ sở bí mật của Kỳ bộ Bắc kỳ tại Hà Nội. Từ đó phong trào bãi công ngày càng lan rộng. Ngày 9 tháng 5 năm 1927 ở Hà Nội, đã nổ ra mấy cuộc biểu tình của một vạn rưỡi lao động, học sinh và những người buôn bán nhỏ... phản đối tờ "Dân báo" thóa mạ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển. Tổ chức lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam được củng cố. Đến nay, nhìn lại dĩ vãng, giai cấp công nhân và nhân dân Thủ đô lấy làm tự hào về những sự kiện lịch sử còn lưu truyền: tháng 3 năm 1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long, chi bộ cộng sản đầu tiên của Đông Dương được thành lập và sau đó Đảng Cộng sản Đông Dương1 (Thời kỳ này, 3 tổ chức cộng sản ở Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ chưa hợp nhất) ra đời trong một cuộc hội nghị vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 ở phố Khâm Thiên. Từ đó, phong trào đấu tranh lại nổ ra liên tục với mục đích và tính chất rõ rệt hơn hẳn các năm về trước, ở Hà Nội, bọn thực dân Pháp dăng ra cả một màng lưới nhà tù, cảnh sát, mật thám, v.v... tưởng như không ai có thể lọt được qua mắt chúng. Vậy mà đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương đã viết bản luận cương chính trị nổi tiếng ở ngay trong căn nhà của một tên công chức cao cấp Pháp - số 90 Hàng Bông Thợ Nhuộm. Người bồi của tên Pháp nhận đồng chí là người nhà. Sự việc ấy nói lên rằng dù trong hoàn cảnh nào, người chiến sĩ cách mạng cũng luôn luôn được sự ủng hộ của quần chúng cần lao.


Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Bọn thực dân Pháp thẳng tay đàn áp nhân dân ta. Hà Nội những ngày này tràn ngập không khí khủng bố, nhưng các chiến sĩ cộng sản vẫn một lòng một dạ trung thành với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, của dân tộc. Năm 1936, Chính phủ mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền; lợi dụng thuận lợi khách quan đó, phong trào cách mạng ở Hà Nội được đẩy mạnh. Nhóm cộng sản công khai ra tờ báo "Lao động" (Le travail) viết bằng chữ Pháp. Hàng loạt tổ chức cơ sở của Đảng, tổ chức quần chúng được thành lập trong hàng ngũ công nhân. Đốm lửa đấu tranh ngày càng lan rộng. Uy tín của Đảng ngày càng cao. Đế quốc Pháp thống trị và bóc lột nhân dân và giai cấp vô sản Việt Nam thì giai cấp vô sản Việt Nam và giai cấp vô sản Pháp càng siết chặt hàng ngũ vững bước đấu tranh. Nhân dân Pháp nhiệt tình ủng hộ nhân dân Việt Nam.


Ngày mồng 1 tháng 5 năm 1938, trên 2 vạn người thuộc đủ các tầng lớp nhân dân Hà Nội tham dự cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, hô vang khẩu hiệu đấu tranh cho tự do dân chủ.

Những năm sau, mặc gông cùm, máy chém, mặc lưỡi lê, họng súng dã man của kẻ thù, phong trào cách mạng ờ Hà Nội không hề lùi bước. Lòng dân Hà Nội hận thù càng chứa chất, khí thế đấu tranh càng sôi sục. Tấm gương hy sinh cao cả với khí phách anh hùng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Tổng bí thư của Đảng, mãi mãi còn sáng chói. Tại Bạch Mai, trước giờ bị xử bắn, đồng chí đã lớn tiếng tố cáo và lên án giai cấp thống trị và bọn đế quốc thực dân xâm lược, đồng chí vẫn vững lòng tin: Cách mạng của giai cấp vô sản nhất định thành công, dân tộc Việt Nam nhất định thắng!


Sang thời kỳ tiền khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, phong trào cách mạng ở Hà Nội cuồn cuộn dâng lên như bão biển. Thời cơ đã đến! Cả dân tộc vùng lên! Cả Hà Nội quật khởi! Các cuộc mít tinh tuần hành thị uy liên tiếp nổ ra, bừng bừng khí thế khởi nghĩa.


Bão táp cách mạng nối lên như trời long đất lở. Sáng sớm ngày 19 tháng Tám năm 1945, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, hơn 20 vạn nhân dân Hà Nội vùng lên khởi nghĩa đập tan chính quyền bù nhìn. Chính quyền cách mạng ra đời. Bầu trời thủ đô Hà Nội rực sáng. Ngàn vạn cờ đỏ sao vàng tung bay, Hà Nội giải phóng! Giai cấp vô sản đã mở ra cho Hà Nội một trang sử mới, một trang sử mà nhân dân lao động nắm chính quyền.


Nhớ lại những chiến công hiển hách, những sự tích anh hùng của thủ đô Việt Nam, ta sẽ thấy trong "60 ngày khói lửa" mùa Đông năm 1946, nhân dân Hà Nội đã tỏ ra xứng đáng với truyền thống kiên cường, bất khuất của cha ông.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2021, 08:58:08 am »

TRƯỚC NGÀY KHỞI CHIẾN

Năm 1945, Đồng minh thắng phát xít Đức - Ý - Nhật. Chiến tranh thế giói lần thứ hai kết thúc, ở Việt Nam, Cách mạng tháng Tám thành công. Theo hiệp ước của Đồng minh, quân đội Tưởng Giới Thạch vào giải giáp quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc; quân đội Anh giải giáp quân đội phát xít Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam. Nhưng sự thật không phải chỉ có như thế. Con cú vọ bị đánh đuổi bay xa, nhưng vẫn quay cổ lại tiếc miếng mồi béo bở. Quân Pháp theo sau quân Anh trở lại Nam Bộ với mục đích lập lại nền đô hộ cũ. Được quân Anh dung túng, giúp sức, quân Pháp khiêu khích và tiến đánh Sài Gòn vào ngày 23 tháng 9 năm 1945.


Nhưng giặc Pháp đã lầm. Sài Gòn không bao giờ khoanh tay khuất phục. Cả Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Nhân dân cả nước chi viện cho Nam Bộ, quyết không bao giờ để cho thực dân Pháp chiếm miền Nam ruột thịt của mình.

Ngày 19 tháng 11 năm 1945, quân Pháp đổ bộ vào Nha Trang. Đầu tháng 5 năm 1946, chúng huy động 15.000 quân đánh chiếm Tây Nguyên và dùng miền này làm bàn đạp tiến đánh các miền khác ở Trung Bộ. Giặc Pháp sấn sổ như một tên cướp giật. Trong khoảng thời gian ngắn, chúng tung quân đi đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ...


Trước hành động xâm lược của giặc Pháp, ngày 25 tháng 11 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị kháng chiến, kiến quốc, vạch ra đường lối kháng chiến và chỉ rõ cần triệt để vận dụng chiến tranh du kích trên khắp miền Nam.

Ở Bắc Bộ, hai mươi vạn quân Tưởng Giới Thạch tiến vào, đem theo "một đàn chó sói" - bọn "cõng rắn cắn gà nhà" - Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng Đồng minh của Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần với mưu đồ: Lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính quyền bù nhìn tay sai đế quốc.


Trong lúc đó, 3.000 tàn binh Pháp đã bị Nhật đánh bại ngày 9 tháng 3 năm 1945, phải chạy trốn sang đất Trung Quốc, nay lại vượt biên giới tiến vào Lai Châu rồi tiến đánh Quỳnh Nhai, Tuần Giáo. Bọn Pháp từ Thượng Lào tiến qua Điện Biên Phủ, rồi dần dần lấn tới Sơn La, Hòa Bình.


Giữa lúc Tổ quốc lâm vào cảnh vô cùng hiểm nghèo, tình hình trở nên vô cùng phức tạp: nước ta sau gần một thế kỷ bị đế quốc Pháp thống trị, bị vơ vét tận xương tủy, chính quyền nhân dân mới thành lập, lực lượng vũ trang của ta mới tổ chức, quần chúng mới thoát khỏi gông cùm nô lệ, tuy bừng bừng khí thế đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhưng tổ chức đội ngũ chưa được củng cố thì thù trong giặc ngoài xúm lại định xâu xé nước ta. Nhưng Đảng và Hồ Chủ tịch đã khéo léo lái con thuyền Tổ quốc vượt qua cơn sóng gió. Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp được ký kết ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946. Ta hòa hoãn với Pháp để tranh thủ thời gian xây dựng đất nước, xây dựng lực lượng, đồng thời gạt 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ra ngoài. Bọn "chó săn" bàng hoàng như bị sét đánh ngang đầu, một số trở về con đường chính nghĩa, một số cuốn gói chạy theo quân Tưởng, một số ngoan cố dần dần bị ta tiễu trừ, số còn lại quay ra bí mật bắt tay với giặc Pháp.


Nhưng, như mọi người đều biết, bọn đế quốc không dễ dàng nhả miếng mồi ngon.

Theo hiệp định sơ bộ, quân đội Pháp cùng với quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm nhiệm vụ tiếp phòng thay cho quân Tưởng Giới Thạch rút về nước. Ngày 1 tháng 3 năm 1946, quân Pháp, do tướng Lơcléc (Leclerc) chỉ huy, xuất phát từ Nam Bộ đổ bộ lên Hải Phòng, gồm các đơn vị sư đoàn bộ binh thuộc địa thứ 9(9e DIC), sư đoàn thiết giáp thứ 2 (2e DB) và một lữ đoàn lính thủy đánh bộ, tổng cộng là 15.000 tên. Sớm ngày 6 tháng 3, chúng vào Hải Phòng... Đến ngày 18 tháng 3, Lơcléc tiến vào Hà Nội cùng với một số đơn vị của sư đoàn thiết giáp thứ 2 gồm khoảng 1.000 tên với 200 xe. Sau đó 4.000 quân Pháp bị Nhật giam trong thành được giải thoát1 (Tướng Giăng Mác-săng, Thảm kịch Đông-dương (Le drame indochinois), Nhà xuất bản J.Peyrounet. Pa-ri. 10-1953, tr.61, 62, 63. Về số 4.000 quân Pháp bị giam trong thành, trong cuốn Số phận Đông-dương (Le destin de rindochine) của Xa-bát-chi-ê cũng nói như vậy).


Bản chất ăn cướp, dù khoác áo cà sa, nói năng lịch sự đến thế nào chăng nữa thì sớm muộn vẫn lòi mặt ăn cướp. Hiệp định sơ bộ ký chưa ráo mực, thực dân Pháp đã tiến hành hàng loạt âm mưu lật đổ Chính phủ ta, định đánh úp Hà Nội để tiến tới thôn tính cả nước ta. Tờ báo "Đề huề" (L’Entente) của chúng xuất bản tại Hà Nội trắng trợn vu khống Chính phủ ta. Chúng liên tiếp tăng quân tới Hà Nội, nhưng vẫn già mồm chối cãi quanh co. Tại nước Pháp, báo "Giải phóng", báo "Du kích" và báo "Chiến đấu" cũng tố cáo hành động mập mờ, bí ổi ấy của bọn Pháp ở Việt Nam.


Trước ngày khởi chiến, ở Hà Nội, lực lượng của giặc Pháp lên tới khoảng 6.500 quân, đa số là lính lê dương, lính tinh nhuệ thiện chiến và 62 xe tăng, xe bọc sắt, 19 máy bay, 42 pháo, 5.000 súng trường, 600 liên thanh nhẹ, 180 liên thanh nặng1 (Phụ lục - Vị trí và lực lượng địch trước ngày khởi chiến (trang 208)). Chúng bố trí các cứ điểm, chẹn các cửa ngõ của thành phố, thành một vành đai bao vây Hà Nội, khống chế các vị trí chiến thuật. Giặc Pháp âm mưu dùng quân cơ động mạnh trong thành tấn công chia cắt Hà Nội ra từng mảng, bao vây tiêu diệt ta ở từng khu vực. Nơi nào có cơ quan đầu não, có nhà máy, hoặc bộ đội của ta thì chúng đưa nhiều lực lượng đến đóng kèm ngay bên cạnh, với lý do để bảo vệ an ninh(!), nhưng thực chất là để thực hiện âm mưu bất ngờ, nhanh chóng tiêu diệt quân đội và cơ quan Chính phủ ta. Ví dụ như giặc Pháp đưa 200 quân tới chiếm đóng khách sạn Mêtơrôpôn cách Bắc Bộ phủ2 (Nay là Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao) vài chục thước. Vì Bắc Bộ phủ là nơi làm việc của Hồ Chủ tịch và một số cơ quan Chính phủ ta. Ngoài ra  chúng còn đưa quân tới chiếm đóng nhiều nơi khác như nhà ngân hàng, máy điện, máy nước, ga xe lửa, cầu Long Biên, v.v... cùng với âm mưu đen tối như vậy.


Rõ ràng kẻ cướp đã lộ mặt! Chúng đã đem vào Hà Nội một lực lượng quân sự lớn mạnh, chuẩn bị một màn cướp đoạt chớp nhoáng, với thái độ hung hăng, kẻ cả, chủ quan kiêu ngạo. Nhưng cũng từ đó, chúng bắt đầu chuẩn bị lao đầu vào một rừng lửa rực cháy ngất trời, để tự thiêu hủy mình một cách thảm hại.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2021, 08:59:41 am »

Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta đã chủ động chuẩn bị mọi mặt về chính trị, kinh tế và quốc phòng, để sẵn sàng đối phó một cuộc chiến tranh xâm lược mới do lòng tham vô đáy của bọn đế quốc quay lại hòng bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta. Đảng và Chính phủ đã phát triển mau chóng các lực lượng vũ trang chủ lực và tự vệ, lập các kho dự trữ lương thực, các xưởng chế tạo vũ khí đạn dược theo phương pháp thủ công, đã kêu gọi nhân dân tự rèn đúc vũ khí thô sơ, sẵn sàng xông ra tiền tuyến bảo vệ Tổ quốc. Các lớp đào tạo cán bộ quân sự và chính trị liên tiếp được mở ra ở các địa phương và trung ương, cho tới tháng 12 năm 1946, ở Hà Nội, chúng ta đã xây dựng được một lực lượng vũ trang tập trung - Vệ Quốc Đoàn - có 5 tiểu đoàn gồm 2.515 người, 1.500 súng trường (trong đó có một nửa là súng khai hậu và súng bắn chim, một nửa gồm đủ các loại súng trường Nhật, Mỹ, Mútxcơtông, Anhđôsinoa...) Trung, đại liên có 4 khẩu, bom ba càng1 (Là loại bom do công binh xưởng Việt Nam chế tạo, có cán dài khoảng 3 mét, dùng sức người lao vào xe tăng, xe bọc sắt của địch. Bom nổ, xe cơ giới của địch bị phá hủy) 80 quả, lựu đạn 1.000 quả, đạn các loại 2 vạn viên, badôca 1 khẩu, étxăng crếp 200 chai, 7 khẩu pháo cao xạ 75 ly cũ của Pháp ta đem dùng làm pháo mặt đất để bắn gián tiếp và một sơn pháo 75 ly, 1 pháo 25 ly đặt ở các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Ba Đê, Thủ Khối. Ngoài số súng nói trên, phần lớn các đơn vị bộ đội chủ lực đều trang bị bằng dao găm, mã tấu, giáo, mác, kiếm và các loại vũ khí cũ. Nếu tính trung bình thì 2 người mới có 1 khẩu súng trường, mỗi chiến sĩ có được 8 viên đạn, 5 chiến sĩ mới có 2 quả lựu đạn, 600 người mới có 1 khẩu súng máy. Lúc ấy, lực lượng chính quy chỉ khác các lực lượng dân quân tự vệ là sống tập trung, còn các mặt trang bị, học tập, chế độ, v.v.. thì mỗi đơn vị một vẻ. Ngay cả đến việc ăn, mặc cũng mỗi người, mỗi đơn vị tùy khả năng của mình, của địa phương mà cải tiến. Các chiến sĩ đều là những thanh niên mới nhập ngũ được một vài tháng, mới học tập được một số động tác chiến đấu lăn, lê, bò, bắn súng, ném lựu đạn... đã phải phân tán nơi 5 người, nơi 1 tiếu đội, 1 trung đội để canh gác bảo vệ cơ quan, công xưởng, nhà máy1 (Phụ lục - Vị trí và lực lượng của ta trước ngày giặc Pháp khởi chiến). Cấp chỉ huy trừ một vài đồng chí hoạt động cách mạng từ thời kỳ bí mật có học tại trường Hoàng Phố hoặc Liễu Châu ở Trung Quốc và một số là cựu binh sĩ tiến bộ, còn phần lớn là những thanh niên và hội viên cứu quốc mới chỉ được huấn luyện cấp tốc từ 15 đến 30 ngày. Hồi đó, theo chủ trương của trên, đồng chí Trần Độ có mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho các chính trị viên đại đội, trung đội Vệ Quốc Đoàn lấy tên là trường Bắc Sơn, chương trình huấn luyện gồm tài liệu "Công tác chính trị trong bộ đội" và cuốn sách "Chính trị giáo đạo viên" dịch của Trung Quốc do đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa cho. Nhưng cũng có nhiều đồng chí không được qua lớp huấn luyện nào.


Ngoài lực lượng Vệ Quốc Đoàn kể trên, ở Hà Nội còn có 8 trung đội "công an xung phong" do Mặt trận Việt Minh tổ chức lãnh đạo và có khoảng 6.000 thanh niên yêu nước xung phong gia nhập tự vệ chiến đấu. Dần dần tới trước ngày nổ súng, lực lượng tự vệ ở Hà Nội có tới 8.500 người. Các chiến sĩ tự vệ chủ yếu lấy tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và mưu mẹo, sử dụng phương tiện, vũ khí thô sơ sẵn có hoặc do mình tạo ra để đánh lại xe tăng, pháo binh và máy bay chiến đấu của giặc. Cán bộ chỉ huy do anh em bầu ra, có một số được học quân sự hoặc chính trị từ 2 đến 3 ngày, còn hầu hết không học qua trường, lớp nào.


Xem như vậy thì về mặt quân số và trang bị, rõ ràng bộ đội tập trung của ta lúc ấy còn rất yếu. Nếu so sánh với giặc Pháp thì binh lực của chúng hơn ta 3 lần. Vũ khí bộ binh của chúng không những tối tân hơn, tốt hơn, mà còn nhiều hơn ta gấp 9 lần, pháo binh gấp 6 lần. Còn xe tăng và máy bay thì giặc Pháp hoàn toàn chiếm ưu thế tuyệt đối, ta chưa có gì. Về phương tiện vận chuyển cơ động, giặc Pháp có ô tô vận tải, canô, tàu thủy... Phía Việt Nam dựa vào đôi vai để gồng gánh, đeo, vác và đôi chân đi bộ. Giặc Pháp còn hơn ta về mặt kỹ thuật và tổ chức chỉ huy. Vì chúng là một quân đội nhà nghề chuyên đi xâm lược, có bộ máy chỉ đạo chiến tranh và cơ quan tham mưu giàu kinh nghiệm... Nếu theo đường lối quân sự tiến hành chiến tranh tự vệ bằng cách lấy chính quy chọi chính quy, lấy chủ lực chọi chủ lực, đánh giá quân đội ta chỉ ở mấy khẩu súng kíp, mấy con dao thì quả là dễ mất tin tưởng đi đến đầu hàng thỏa hiệp, hoặc ngược lại "dốc túi đánh một canh" đi đến khánh kiệt lực lượng. Và nếu làm như vậy thì cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta sẽ đi đến đâu? Thủ đô của chúng ta sẽ nằm trong tình trạng như thế nào?


Nhưng Đảng ta đã vận dụng tài tình tư tưởng quân sự Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước nhà, đã tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng và đã động viên toàn dân vũ trang đứng lên kháng chiến lâu dài, đánh giặc trên mọi mặt, bằng mọi hình thức quyết giành thắng lợi cuối cùng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2021, 09:02:33 am »

GIẶC PHÁP TRỞ MẶT

Ngày nay, ai tin rằng bọn tư bản đế quốc đã thay đổi bản chất bóc lột và xâm lược thì không khác gì gà trống vì nghe lời đường mật của cáo già nên đã thiệt thân, cừu non tin lời nịnh hót của chó sói nên đã bị cắn xé.

Vừa đặt chân tới Hà Nội, giặc Pháp đã trở mặt xé bỏ hiệp định sơ bộ. Ngày 27 tháng 3 năm 1946, chúng đánh chiếm Nha Tài chính Việt Nam1 (Nay là trụ sở Bộ Ngoại giao), hạ cờ đỏ sao vàng xuống, kéo cờ tam tài lên. Thật là một hành động vô cùng láo xược! Nếu ta lùi bước này, kẻ thù sẽ tiến thêm bước nữa. Nhưng không, chúng ta không lùi bước. Suốt ngày 29 tháng 3, làn sóng công phẫn của nhân dân Hà Nội dâng lên cuồn cuộn, hàng chục vạn người đã xuống đường biểu tình phản đối hành động xâm lược của giặc Pháp. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân thủ đô, giặc Pháp đã phải hạ cờ tam tài và rút khỏi Nha Tài chính. Tuy nhiên chúng vẫn tiến hành những mưu đồ thâm độc, chúng vạch ra một chương trình hành động tháng 5 năm 1946 theo kiểu "ném đá giấu tay":

"- Ngày 6 tháng 5 năm 1946, lúc quân Tàu1 (Những chữ Tàu ở đây là chỉ quân đội Tưởng Giới Thạch) rút khỏi Việt Nam, sẽ ám sát một số lính Tàu quan trọng để gây ác cảm giữa Tàu và Việt Nam.

- Ngày 19 tháng 5 năm 1946, ra lệnh cho đàn bà, trẻ con, người già yếu (Pháp kiều) vào Sài Gòn để đến ngày 10 tháng 6 năm 1946, đợi khi Tàu rút sẽ uy hiếp Việt Nam. Tiếp tục tích trữ lương thực và phân phối vũ khí cho các địa điểm trong Hà Nội.

- Ngày 22 tháng 5 năm 1946, đợi khi Tàu rút lui sẽ can thiệp vào nội trị Việt Nam, giữ sự trị an.

- Phiên họp ngày 25 tháng 5 năm 1946, bàn về chủ trương đánh chiếm Trung, Bắc Bộ.

- Vì không thể chỉ chờ mong ở Pháp quốc tiếp tế cho quân đội Pháp ở đây, ngày 29 tháng 5 năm 1946 bàn đến vấn đề tự túc ở Đông Dương"2 (Tài liệu ta bắt được của giặc Pháp năm 1946).

Chương trình hành động của giặc Pháp như thế, nhưng chúng vẫn la lối ầm ĩ là "bị khiêu khích, bị tấn công"(!). Với Thủ đôạn "vừa ăn cướp vừa la làng" ấy, giặc Pháp cũng không thể lừa bịp được ai. Kẻ cướp vẫn hiện nguyên hình là kẻ cướp. Ngày 2 tháng 5 năm 1946, chúng bắt giam 15 công nhân trong thành, lập tức 2.000 anh chị em công nhân khác đã đấu tranh đình công kéo dài 2 tuần lễ. Ngày 18 tháng 5, giặc Pháp phải nhượng bộ, thả tất cả 15 người. Trong tháng 5 năm 1946, giặc Pháp đã phân phát đầy đủ vũ khí cho các kiều dân và công chức Pháp. Ngày 8 tháng 5 năm 1946, nhiều sĩ quan và binh lính Pháp mặc thường phục giả là kiều dân đến xem xét các vị trí quan trọng, bí mật bố trí thành ổ chiến đấu. "Ở khách sạn Xpơlăngdít (Splendide), khách sạn Mêtơrôpôn (Métropole) đều có bố trí súng trường, súng máy và rất đông quân. Khách sạn Côngtinăngtan (Continental, trước ga xe lửa), khách sạn Técminuýt đờ la ga (Terminus de la gare) mỗi nơi có 40 súng trường. Tiệm ăn Giêrăng (Gérand) phố Triệu Quang Phục (trước cửa trại Vệ Quốc Đoàn) và nhà Phái đoàn Anh (Mission Anglaise) đều có vũ khí đạn dược. Nhà Ănggiê (Anger) - 17 Trần Hưng Đạo - nhà số 9 phố Nguyễn Văn Trạch và nhà thờ Liễu Giai, mỗi nơi đều có từ 2 đến 4 súng máy loại nặng"1 (Tài liệu ta bắt được của Pháp năm 1946).


Song song với việc bí mật lập các ổ tác chiến ở các khu phố, hành động khiêu khích của giặc Pháp ngày càng trắng trợn. Chúng cho quân lấn sang chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ. Xe tăng, xe bọc sắt kéo đến trước cổng Bắc Bộ phủ, nơi Chính phủ ta làm việc, gầm gừ lồng lộn như một bầy thú dữ hòng đe dọa, uy hiếp ta. Tháng 6, chúng ra sức vận động, thúc ép thanh niên kiều dân Pháp vào quân đội thực dân Pháp và tiếp tục bí mật đưa quân đến ở rải rác trong các nhà bọn tay chân của chúng trong thành phố. Hành động lén lút ấy giấu sao nổi những người dân đang cảnh giác theo dõi kẻ thù và sẵn sàng chiến đấu, thà chết không chịu làm nô lệ. Nhưng toàn dân ta vẫn làm theo yêu cầu của Đảng và Bác Hồ, nén căm giận, tránh âm mưu khiêu khích của giặc, kiên trì tranh thủ điều kiện hòa binh để gấp rút xây dựng đất nước, xây dựng lực lượng. Đảng ta kịp thời đề ra những khẩu hiệu đấu tranh: "Quân đội Pháp không được khiêu khích để lấy cớ nhúng tay vào nội trị Việt Nam, quân đội Pháp phải tôn trọng nển độc lập của Việt Nam", "Phản đối chiến tranh xâm lược, binh lính Pháp hãy đòi hồi hương!", "Nhân dân Việt - Pháp đoàn kết đấu tranh chống thực dân phản động Pháp âm mưu chiếm Việt Nam".


Ngày 6 tháng 7, hội nghị Việt - Pháp họp ở Phôngtennơbơlô (Fontainebleau). Tại hội nghị này, trưởng phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đồng chí Phạm Văn Đồng lên tiếng phản đối việc thành lập chính phủ Nam kỳ tự trị và việc Đácgiăngliơ1 (Cao ủy Pháp ờ Đông Dương) thừa nhận chính phủ ấy. Trong khi đó ở Hà Nội, quân đội thực dân Pháp chuẩn bị đánh úp Chính phủ ta vào ngày 14 tháng 7. Đó là một kế hoạch xâm lược dưới hình thức một trò hề đảo chính do bọn thực dân Pháp chủ mưu và được bọn phản động tay sai giúp sức thực hiện. Kế hoạch ấy rất dã man, không những vì âm mưu đen tối xâm lược nước ta mà còn biểu hiện sự phân biệt chủng tộc một cách độc ác: Quân Pháp sẽ tổ chức lễ kỷ niệm cách mạng tư sản dân quyền Pháp ở Hà Nội một cách rầm rộ. Chúng sẽ diễu binh trên khắp các đường phố, chủ yếu ở khu vực tập trung các cơ quan của Đảng và Chính phủ ta. Các lực lượng vũ trang của Pháp sẵn sàng chiến đấu, nhân cơ hội đó sẽ hành động. Bọn Đại Việt2 (Đảng phái phản động làm tay sai cho giặc Pháp) đã chuyển mìn và lựu đạn bố trí sẵn ở một số nơi trong thành phố. Khi quân Pháp diễu qua, một số tên Đại Việt sẽ ném lựu đạn và bắn súng vào các đoàn diễu binh, nhưng chỉ được bắn vào các toán gồm lính Marốc và Xênêgan, tuyệt đối không được bắn vào lính Pháp. Bọn Pháp nhân việc ấy mà đổ vấy cho ta cố tình đánh chúng và lập tức tiến quân bao vây các cơ quan Chính phủ ta, bắt các lãnh đạo và nhân viên Chính phủ, đồng thời bọn Đại Việt tuyên bố đảo chính, lập chính phủ bù nhìn, v.v...


Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Giặc Pháp không ngờ sự việc diễn ra đã hoàn toàn ngược lại. Ngày 12 tháng 7, nhân dân và công an Hà Nội đã khám phá và tóm cổ những tên đầu sỏ phản động trong các vụ Ôn Như Hầu1 (Phụ lục - Vụ Ôn Như Hầu... (trang 217)), khu vực đường Quán Thánh, Châu Long. Tất cả những truyền đơn, báo cáo, yết thị và kế hoạch lật đổ của bọn phản động Quốc dân đảng2 (Lúc này bọn Đại Việt và Quốc dân đảng đã hợp nhất và lấy tên Quốc dân đảng. Chi tiết xem phụ lục, Vụ Ôn Như Hầu...) làm tay sai cho giặc Pháp đều bị phơi trần. Cả "thầy" lẫn "tớ" hết đường chối cãi. Ngày 14 tháng 7, không thấy mặt Xanhtơni bén mảng đến khẩn khoản để nghị với Chính phủ ta xin "diễu binh khắp thành phố Hà Nội" như mấy hôm trước nữa. Âm mưu đó đã bị thất bại nhưng quân Pháp vẫn xúc tiến âm mưu đen tối khác: tiếp tục bãi bỏ lệnh thuyên chuyển quân đội ở Bắc Bộ và Nam Bộ, tiếp tục tăng quân và vũ khí đưa từ Nam Bộ ra Bắc. Ngoài ra chúng còn tạm (?) bãi bỏ việc cho hồi hương binh lính hết hạn tại ngũ, còn tiếp tục tuyển thổ phỉ, tuyển tay sai. "Vụ Tham Hoan" là một chứng cớ. Tên Tham Hoan là một công chức cao cấp ngành bưu điện trong thời kỳ Pháp còn đô hộ nước ta. Hắn là tư sản, bố vợ là tổng đốc, Tham Hoan chuyên nghề tuyển người làm nội ứng cho giặc Pháp. Chính Xanhtơni trực tiếp giao nhiệm vụ cho hắn: "Ai muốn theo Pháp thì chi cần ký tên vào một bản danh sách là sẽ được Pháp cấp ngay 500 đồng và một tạ gạo". Khi bắt Tham Hoan, ta bắt được cả bản danh sách ấy giấu trong người hắn.


Lợi dụng chính quyền ta mới thành lập chưa được một năm, mọi tổ chức của ta chưa kịp củng cố vững chắc, chúng đã ráo riết chuẩn bị một cuộc tấn công chớp nhoáng, tiếp tục khiêu khích, lấn dần. Bốn giờ chiều ngày 29 tháng 8 năm 1946, chúng chiếm Nha Thuế quan của ta. Xe nhà binh Pháp mở hết tốc lực chạy khắp thành phố, cán người, bắt cóc, bắn bừa bãi vào nhân dân đi qua đường phố.


Để làm dịu bớt không khí căng thẳng và tranh thủ thời gian xây dựng đất nước, xây dựng lực lượng quốc phòng, sẵn sàng đối phó với việc đế quốc Pháp bất ngờ trở mặt tấn công xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 14 tháng 9 năm 1946, Hồ Chủ tịch ký với Mutê (Marius Moutet), bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp, một tạm ước. Nhưng tạm ước vừa ký xong, giặc Pháp lại xúc tiến những âm mưu mới. "Ngày 29 tháng 9 năm 1946, một phái đoàn kinh tế Pháp do Lôrăng (Laurent) làm trưởng đoàn đã sang Singapore điều đình với nhà đương cục Anh, ký một bản hiệp ước cùng nhau chia sẻ quyền lợi kinh tế ở Á Đông và thỏa thuận để một đại biểu Anh được dự vào phần kiểm soát tài chính các ngân hàng Việt Nam. Viên đại biểu Anh đó là Tơribo Uynsơn (Tribor Wilson)"1 (Tài liệu lưu trữ cơ quan Bộ Tổng tham mưu). Bọn thực dân Pháp lại ký kết với bọn Tưởng Giới Thạch một hiệp ước thương mại nhằm bóp nghẹt kinh tế của ta, che chở cho bọn Tưởng Giới Thạch tự do xuất, nhập khẩu những hàng hóa mà Chính phủ ta ngăn cấm, giúp đỡ bọn đặc vụ, thổ phỉ hoạt động phá hoại. Giặc Pháp còn "thành lập một uỷ ban kiểm soát hàng hóa xuất nhập cảng ở Việt Nam. Ủy ban này bắt đầu làm việc ngày 15 tháng 10 năm 1946... và thành lập cơ quan thương chính song hành với Nha Thuế quan Việt Nam"1 (Thông tư của Bộ Kinh tế Pháp ngày 14 tháng 10 năm 1946). Chúng đòi những hàng hóa của ta phải có giấy phép của Pháp cấp mới được vận chuyển trên miền duyên hải. Ta muốn thông thương với nước ngoài phải cho Pháp kiểm soát, phải đưa sổ cho Pháp ký thuận mới được đi. Thật là những hành động hoàn toàn vô lý của những tên cướp biển. Ở các nơi khác, giặc Pháp ráo riết mở rộng phạm vi chiếm đóng hòng cô lập Hà Nội. Tại Sơn La suốt bốn ngày, từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 11, hai máy bay khu trục của giặc Pháp mỗi ngày hai lần bắn phá vào nhân dân và các làng mạc, quân Pháp ở Mường Krieng tấn công xuống bản Mong. Tại Hòn Gai, ngày 8 tháng 11, giặc Pháp đổ bộ vào làng Tài Xá gần vùng Cẩm Phả bến. Ở Hải Ninh, giặc Pháp cho máy bay bắn xuống những vùng đồng bào ta đang gặt, đồng thời chúng đưa bọn thổ phỉ đi cướp phá 270 mẫu lúa của nhân dân.


Tình hình ấy buộc chúng ta phải hết sức cảnh giác chuẩn bị đề phòng, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế mà giặc Pháp có thể gây ra.

Hà Nội nằm trong tình trạng bị thúc ép, đe dọa và uy hiếp nghiêm trọng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2021, 07:18:21 am »

Phần thứ hai
HÀ NỘI NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN


HÀ NỘI SỤC SÔI

Giặc Pháp tổ chức ngày càng nhiều những cuộc diễu binh thị uy trên các đường phố và nhiều cuộc tập trận giả chiến thuật tấn công ở các vườn hoa Hà Nội. Chúng vẫn âm mưu dùng áp lực quân sự bắt ta phải nhượng bộ từng bước và cuối cùng phải đầu hàng(!), nếu không, một màn kịch xâm lăng chớp nhoáng và tàn bạo sẽ xảy ra. Tháng 11 năm 1946, không khí thủ đô Hà Nội đã trở nên vô cùng căng thẳng. Giữa lúc ấy, tại ngôi nhà ở gần đầu cầu thị xã Hà Đông về phía Hà Nội, có một cuộc họp quan trọng. Sau khi phân tích tình hình, đồng chí Trường Chinh nói: "Giặc Pháp chuẩn bị gấp rút lắm, trước sau thế nào nó cũng đánh ta. Trung ương giao cho đồng chí Vương Thừa Vũ làm khu trưởng khu XI (khu Hà Nội), tổ chức chuẩn bị sẵn sàng đề phòng chúng trở mặt gây chiến". Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng đã nhấn mạnh: "Nếu giặc Pháp cố tình tấn công đánh chiếm Hà Nội, thì ta phải làm thế nào cho khéo, giữ được lực lượng để đánh lâu dài và phải hết sức tranh thủ chuẩn bị, nhưng cũng hết sức tránh mắc mưu khiêu khích của giặc, vì để kháng chiến bùng nổ sớm là không có lợi".


Bảy ngày sau, 19 tháng 11 năm 1946, tại Lò Lợn, Hà Nội, trụ sở của cơ quan chỉ huy khu XI, đồng chí Lê Quảng Ba, nguyên chỉ huy trưởng của khu, chính thức bàn giao nhiệm vụ. Các cán bộ, chiến sĩ đứng trước quốc kỳ màu đỏ chói lọi nghiêm trang làm lễ chào cờ, đọc mười lời thề danh dự. Những tiếng hô "xin thề!" thốt ra từ đáy lòng các chiến sĩ, những cánh tay rắn chắc, bàn tay nắm chặt nhất loạt giơ lên: "... thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí..."1 (Một đoạn của lời thề thứ 3, trong 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam). Lòng mọi người sôi sục căm thù khi nghĩ tới một ngày nào đó, giặc Pháp man rợ sẽ nổ súng đánh úp Chính phủ, quân đội và nhân dân ta. Bom đạn của chúng sẽ trút xuống phố xá, làng mạc yên lành. Hà Nội, khói lửa sẽ nghi ngút bốc lên rực trời. Cảnh tàn khốc sẽ diễn ra...


Nhưng không! Hà Nội nhất định không chịu khoanh tay đợi giờ chết. Thủ đô Hà Nội sẽ đứng lên! Cả nước sẽ đứng lên! Quyết không cam tâm chịu làm thân trâu ngựa. Hà Nội nhất định thắng!

Mỗi người dân Hà Nội đều sẵn có trong mình một dòng máu anh hùng: "đánh giặc, cứu nước!". Giặc Pháp càng lấn tới, nhân dân Hà Nội càng căm thù sôi sục.

Hàng ngày, nhân dân các khu phố kéo đến gặp cơ quan chính quyền, gặp Bộ chỉ huy khu tình nguyện xin đi đánh giặc. Người nào cũng biểu lộ ý chí sắt đá của mình. "Giặc Pháp lấn át ta quá lắm, không chịu được nữa rồi. Trước sau thế nào nó cũng đánh mình. Đánh! nhất định ta phải đánh!". Đó là lời nói của một cụ già đã ngoài 60 tuổi, khi cụ đến xin chính quyền cho đi đánh giặc. Ở Hà Nội, không riêng gì người lớn mà cả các em nhỏ cũng rất căm thù hành động hung bạo của quân cướp nước. Em Minh, 15 tuổi, cũng như trăm ngàn em bé khác, sẵn có trong người dòng máu của Trần Quốc Toản, trước cảnh Tổ quốc lâm nguy đã nhất quyết xin gia nhập đội ngũ chiến đấu. Khi được vào tự vệ, Minh sung sướng tìm đến tâm tình với đồng chí Trần Độ: "Cậu ạ, cháu được vào tự vệ khu phố rồi. Cháu có hai quả lựu đạn và một con dao găm. Bọn Tây gặp cháu mà sinh sự là cháu choảng liền". Thật đáng tự hào, mặc dầu trang bị, kỹ thuật quân sự của ta còn rất thô sơ, nhưng từ em bé đến ông già, với tinh thần yêu nước rất cao, chẳng ai sợ giặc Pháp. Toàn dân một lòng nhất định không chịu làm nô lệ. Giữa lúc nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược sắp nổ ra ngày càng rõ rệt, lòng căm thù của nhân dân Hà Nội đối với giặc Pháp ngày càng sôi sục thì Đảng ủy mặt trận Hà Nội được thành lập gồm đồng chí Nguyễn Văn Trân (bí thư) và các đồng chí Lê Hoàng, Khuất Duy Tiến, Lê Quang Đạo, Nguyễn Tài, Ngô Ngọc Du (ủy viên). Đồng chí Trần Quốc Hoàn hồi đó là phó bí thư xứ ủy Bắc kỳ được Trung ương cử về làm phái viên chỉ đạo và trực tiếp tham gia Đảng ủy mặt trận Hà Nội. Cùng lúc ấy, ủy ban bảo vệ thành phố cũng được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Trân (chủ tịch), Vương Thừa Vũ (phó chủ tịch kiêm chỉ huy trưởng khu XI), Trần Độ (chính trị ủy viên), Lê Hữu Qua (công an). Cơ quan giúp Bộ chỉ huy có đồng chí Khánh làm tham mưu phó, đồng chí Trương Công Cần làm chủ nhiệm chính trị và một số đồng chí khác.


Cơ quan lãnh đạo của Hà Nội được kiện toàn, quần chúng nhân dân các tầng lớp đoàn kết gắn bó xung quanh Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, tin tưởng vô bờ bến vào Đảng và Bác. Trung ương trực tiếp chỉ đạo, hàng ngày, hàng giờ chăm lo tới tình hình Hà Nội. Một chỉ thị phát ra, muôn người như một, nhất tề hưởng ứng. Chúng ta kiên trì hòa bình nhưng sẵn sàng đánh trả lại, nếu giặc Pháp cố tình nổ súng hòng cướp đoạt Thủ đô của ta, xâm chiếm tổ quốc chúng ta.


Chúng ta kiên quyết giữ vững chủ quyền, thành thật hợp tác với Pháp trên nguyên tắc tự do và bình đẳng. Nhưng thực dân Pháp lại không muốn thế. Chúng tiếp tục uy hiếp và tấn công ta về mọi mặt: Ngày 20 tháng 11 năm 1946, chúng khiêu khích phá rối trị an, gây chuyện đánh chiếm Hải Phòng, khống chế cửa ngõ ngoại thương, chiếm lĩnh một số vị trí quân sự quan trọng ở miền Bắc nước ta. Và cũng trong ngày đó (20-11-1946), quân Pháp ngang nhiên đánh chiếm Lạng Sơn, khống chế đường biên giới Việt - Trung. Tháng 11, ở Tiên Yên, giặc Pháp đánh về Đình Lập, Móng Cái nhằm kiểm soát miền bờ biển và làm chủ con đường giao thông chiến lược Hải Phòng - Móng Cái và Móng Cái - Lạng Sơn. Ngoài ra, thực dân Pháp còn nổ súng đánh chiếm nhiều nơi khác để cô lập Hà Nội và khống chế khu tam giác đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hà Nội, giặc Pháp ngang nhiên phá rối trật tự trị an. Lính Pháp đi chơi, bỗng nhiên xả hàng tràng súng máy vào làng Nhân Thôn, đốt làng Ái Mộ (Gia Lâm). Chúng còn láo xược dùng vũ lực đuổi các chiến sĩ của ta gác nhà Đông Dương ngân hàng ra vỉa hè. Một xe gíp của Pháp qua bờ hồ Hoàn Kiếm bắn súng trường vào đồn công an, nhà Gôđa, ném lựu đạn vào chỗ chiến sĩ ta gác ở Tòa thị chính. Hàng ngày, xảy ra hàng chục vụ xe nhà binh Pháp mở hết tốc lực phóng bạt mạng trong thành phố đâm vào xe của Vệ Quốc Đoàn, đè bẹp xe bò, xe xích lô, chồm lên vỉa hè húc đổ tủ kính, quán hàng. Mỗi ngày xảy ra hàng chục vụ lính Pháp đi cướp thuốc lá, cướp quần áo, mua hàng không trả tiền còn đánh đập người có của, chặn đường ăn cướp, bắt cóc phụ nữ bỏ lên ôtô chạy vào thành. Tại phố Hàng Bông, lính Pháp giơ súng hăm dọa rồi lột áo, móc túi cướp tất cả tiền bạc của một thanh niên, liền sau đó chúng xộc vào cướp 27 chiếc đồng hồ của một cửa hàng của người Hoa kiều. Mặt khác, xe tăng, xe bọc sắt của chúng luôn luôn gầm rú trên các đường phố để khiêu khích. Lòng căm hờn uất ức của đồng bào thủ đô dâng lên tột độ. Có anh đạp xích lô đã rút guốc đập vào mặt giặc Pháp. Có những chủ hàng đã dùng chai lọ ném vào bọn cướp của, ăn quịt. Không khí Hà Nội ngày càng ngột ngạt. Tình hình ngày càng khẩn cấp. Âm mưu gây chiến tranh cướp nước ta một lần nữa của bọn thực dân Pháp ngày càng trắng trợn. Sự sống của Tổ quốc ta chỉ trong gang tấc. Ta đã nhiều lần lên tiếng phản đối chúng. Dân tộc ta có lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm. Chúng ta không thể để cho giặc Pháp muốn sao được vậy.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2021, 07:19:58 am »

"Phải chiến đấu để tự vệ!

... Một số người Pháp ngoan cố và tham lam bất chấp cả công lý và tự do, đã chống lại ý muốn hòa bình của nhân dân Pháp, từ hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 đến tạm ước 14 tháng 9. Họ cố theo đuổi chính sách thực dân hòng bắt dân Việt Nam trở lại đời nô lệ. Họ tuyên bố thân thiện nhưng vẫn hành động xâm lấn. Họ nói hòa bình hôm trước rồi lại gây chiến hôm sau...

... Máu người Việt và Pháp đang đổ ở Hải Phòng, Kiến An, Sơn La và Lạng Sơn.

Lami, người Pháp có trách nhiệm dàn xếp sự xung đột ở đây cũng đã công nhiên vỗ trắng chữ ký của mình và thừa nhận việc làm ngang ngược của quân đội Pháp.

Hỡi toàn thể nhân dân Việt Nam! Chúng ta tin ở tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Pháp, nhưng chúng ta phải ngờ vực thái độ của một số những nhà đại diện Pháp ở đây.

Tình thế bắt buộc chúng ta phải chuẩn bị chiến đấu để tự vệ. Hãy đoàn kết muôn người như một. Hãy sẵn sàng chờ lệnh Chính phủ. Hãy nghiêng mình trước cái chết anh dũng của đồng bào Hải Phòng, Kiến An và Lạng Sơn. Chúng ta hãy noi gương hy sinh cảm tử để bảo vệ chủ quyền của đồng bào những nơi đó. Chúng ta hết sức tránh khiêu khích, nhưng một khi cần phải chiến đấu để tự vệ, chúng ta phải chiến đấu thực oanh liệt, thực bền bỉ, làm cho những kẻ gây chiến phải lìa bỏ chính sách võ lực của họ, làm cho họ phải tôn trọng chủ quyển Việt Nam"1 (Báo Cứu quốc, số 416, ngày 25 tháng 11 năm 1946).


Theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, lòng căm thù giặc Pháp của nhân dân Thủ đô, cũng như nhân dân cả nước, càng sôi sục. Khắp nơi rầm rộ chuẩn bị kháng chiến. Từ trẻ đến già, người sắm dao, người đúc kiếm, mỗi người tự tìm lấy một thứ vũ khí để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Tại trụ sở Ủy ban các khu phố, hàng ngày người kéo đến đông nghịt, nô nức xung phong vào tự vệ, cứu thương. Nhân dân xe thóc, gánh gạo, vận chuyển quần áo thuốc men rầm rập trên các đường phố đem đến ủy ban, ủng hộ Chính phủ làm quỹ kháng chiến. Chị em phụ nữ hăng hái không kém gì nam giới. Có chị cắt tóc ngắn, mặc âu phục, nai nịt gọn gàng cũng vác súng luyện tập, tuần tra canh gác ngày đêm. Nhiều phụ nữ Hoa kiều cũng xung phong đi cứu thương, nấu ăn và vào tự vệ. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các bà mẹ và chị em phụ nữ đi quyên bông, quyên vải, quyên len, may chăn, đan áo gửi tặng bộ đội.

"...
   Để cho chiến sĩ anh hùng,
   Mùa đông tháng giá lạnh lùng sao đang?
   Chị em! Nào hãy sửa sang
   Người giúp của, kẻ sẵn sàng giúp công
   Đan, may chăn áo mùa đông,
   Tặng người chiến sĩ tỏ lòng biết ơn"1 (Báo Cứu quốc, số 416, ngày 25 tháng 11 năm 1946).


Trong những ngày căng thẳng ấy, Đảng ủy, ủy ban và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội làm việc suốt ngày, suốt đêm với tinh thần khẩn trương để tránh bị động, lúng túng. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân lăn lộn với quần chúng, tổ chức các đoàn thể, giáo dục, vận động nhân dân sẵn sàng kháng chiến. Mỗi người một việc mải mê quên ăn, quên ngủ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy và đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng trực tiếp tới thực địa duyệt những ý định chuẩn bị chiến đấu tự vệ của Bộ chỉ huy mặt trận.


Cứ sau ba ngày, Bộ chỉ huy mặt trận báo cáo tổng hợp tình hình với Bộ Tổng chỉ huy một lần. Đồng chí Tổng chỉ huy luôn luôn nhắc nhở: "Nếu giặc Pháp cố tình đánh chiếm Hà Nội, thì nhiệm vụ mặt trận Hà Nội là phải chiến đấu giam chân địch tại Hà Nội một thời gian nhất định để hậu phương ta kịp thời huy động lực lượng kháng chiến, phải tiêu hao địch, hết sức giữ gìn lực lượng mình để còn chiến đấu lâu dài, thực hiện phương châm chiến lược: toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến".


Sau mỗi lần nhận chỉ thị trực tiếp của đồng chí Tổng chỉ huy, các đồng chí trong Bộ chỉ huy Hà Nội người nào cũng tăng thêm tin tưởng, quyết tâm càng thêm vững chắc, nhất là tinh thần làm việc cụ thể, sâu sát của các đồng chí cấp trên đã nhắc nhở những cán bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội càng phải đề cao trách nhiệm hơn nữa.


Hồi ấy, có một sĩ quan trong quân đội phát xít Nhật sang hàng ta được ở gần Bộ chỉ huy Hà Nội để góp ý kiến. Sĩ quan hàng binh ấy lấy tên Việt Nam là Ái Việt. Khi được tham gia bàn bạc kế hoạch tác chiến với Bộ chỉ huy ở ngôi nhà hai tầng, phía bắc Ngã Tư Sở chừng hai trăm mét, Ái Việt đề ra ý kiến chia thành từng tuyến để chiến đấu.

- Tuyến thứ nhất bám sát lấy các cửa ô, như ô Đống Mác, ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, ô Yên Phụ.

- Tuyến thứ hai: Đường Đuôi Cá, Giáp Bát, Thanh Liệt, vòng ra Mọc Quan Nhân, Cầu Giấy, Chèm.

- Tuyến thứ ba: Văn Điển, sông Nhuệ, Hà Đông...

Mỗi lần mọi người đứng xúm quanh bản đổ là một lần tranh luận sôi nổi, gay gắt. Bộ chỉ huy mặt trận và đồng chí Trần Quốc Hoàn đều không đồng ý đánh như thế. Vì mấy lý do sau đây: một là hỏa lực của ta còn yếu, toàn là súng kíp, súng trường, dao găm, mã tấu mà diện đối diện với kẻ thù có vũ khí tối tân thì hoàn toàn không có lợi; hai là địa hình rộng mênh mông mỗi vòng cung từ 15 đến 30 cây số, lực lượng ta vẻn vẹn có 5 tiểu đoàn, rải mành mành ra như vậy biết bao nhiêu cho vừa, nhất định không thể giam chân giặc ở Hà Nội được; ba là bộ đội ta hầu hết là những thanh niên hôm qua còn trong nhà máy, ngoài đồng ruộng, trên ghế nhà trường..., hôm nay cầm súng đánh giặc, tuy rất giàu lòng yêu nước nhưng kỹ thuật, chiến thuật còn hết sức non yếu. Mặt khác toàn dân ta ai ai cũng kháng chiến, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh đều có nhiệm vụ đánh giặc cứu nước, như vậy lại càng không thể "bày binh bố trận" theo kiểu vỗ ngực, khua dao, múa kiếm được.


Tuy nhiên sau đó, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội vẫn đem ý kiến của Ái Việt báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu.

Đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái nói:

- Ái Việt bố trí như thế không phù hợp với quan điểm và cách đánh của ta. Ý kiến đó để tham khảo. Còn ý kiến quyết định là tùy ở Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận. Sau đó báo cáo lên Bộ Tổng chỉ huy để duyệt.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2021, 07:21:11 am »

Nhận được chỉ thị của đồng chí Tổng tham mưu trưởng, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận lại họp bàn bạc cặn kẽ, nghe ngóng ý kiến của cán bộ và chiến sĩ. Có ý kiến là tập trung lực lượng tấn công vào thành, tiêu diệt địch để giành chủ động. Lại có ý kiến khác là tập trung một phần lực lượng tiêu diệt địch ở trường Bưởi. Lực lượng còn lại để một phần bảo vệ các cơ quan, công xưởng, một phần làm đội dự bị.


Hội nghị cho rằng, ý kiến thứ nhất thì hơi mạo hiểm, vả lại cũng không đủ sức tấn công tiêu diệt tức khắc một ngàn tên giặc trong thành, ý kiến thứ hai cũng không thực hiện được tiêu hao địch và đánh lâu dài giam chân địch tại Hà Nội. Vì lực lượng ta có hạn, mà còn phải canh gác bảo vệ nhiều nơi quan trọng, và đánh như thế tự mình sẽ tạo nhiều sơ hở cho địch phát huy ưu thế trang bị kỹ thuật, phát triển tấn công nhanh chóng. Sau đó được Trung ương trực tiếp giúp đỡ ý kiến, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội đi đến nhất trí là chuẩn bị làm sao để khi địch nổ súng gây chiến, ta có thể nhanh chóng quật trả lại để giành chủ động tiêu diệt một bộ phận địch, rồi thu quân để có lực lượng trong đánh ra, ngoài đánh vào, giằng co như giàn gai để giam chân địch. Bố trí lực lượng để lại trong lòng địch, hồi đó ta gọi là thuật "trùng độc chiến". Có lực lượng ta ở bên trong, thì địch không rảnh tay đánh thúc hậu phương ta. Ngược lại, có lực lượng bên ngoài thì địch cũng không rảnh tay tiêu diệt lực lượng bên trong của ta. Vấn đề chia liên khu cũng được bàn bạc rất sôi nổi. Để liên khu như khu hành chính hiện thời hay chia lại? Để như khu hành chính thì Liên khu I rộng lên tới đường Cổ Ngư1 (Nay là đường Thanh Niên), Yên Phụ. Chia lại cũng có ba ý kiến khác nhau. Một là chia cắt ngang từ tây sang đông làm 3 liên khu. Hai là chia đọc từ nam lên bắc, lấy đường xe điện và xe hỏa phân chia làm ba. Để như khu hành chính và hai cách chia như trên đều không thực hiện được nhiệm vụ giam chân địch, không phá được ý định tốc quyết, tốc thắng của địch, không thực hiện được trong đánh ra ngoài đánh vào, giằng co phân tán lực lượng địch. Cuối cùng chỉ có cách chia thứ ba là được nhiều cán bộ đồng ý và biến thành quyết định của ủy ban bảo vệ thành phố và Bộ chỉ huy mặt trận: Liên khu I, khi nổ súng, vẫn giữ như khu hành chính cũ là phía nam và tây nam theo đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi và đường Cột Cờ1 (Nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1964). Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội đã quyết định đổi tên đường Cột Cờ là đường Điện Biên Phủ), phía tây bắc từ đường Cổ Ngư tới Yên Phụ. Phía bắc và đông bắc là dọc sông Hồng từ Yên Phụ đến Nhà Hát Lớn. Sau 3 ngày chiến đấu tiêu hao địch, Liên khu I thu hẹp lại. Giới tuyến phía nam dọc theo đường phố Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông; phía tây theo đại lộ Phùng Hưng; phía bắc và đông bắc theo đường xe lửa tới cầu Long Biên, ven theo sông Hồng trở về Lò Sũ. Khu này dân cư đông đúc, nhà cửa liền nhau san sát. Bộ binh theo đường đục tường từ nhà nọ sang nhà kia để cơ động, có thể liên hoàn tác chiến hỗ trợ lẫn nhau và có thể len lỏi quật những đòn bất ngờ vào sau lưng địch. Ở đây đường sá lại chật hẹp, ngang, dọc phức tạp, cơ giới khó vận chuyển, tiện cho ta bố trí chướng ngại ngăn chặn xe tăng địch. Độ chênh mặt đất cao hơn các khu khác cũng có tác dụng quan sát và khống chế rộng. Do đó hình thành hạt nhân bên trong tổ chức phòng thủ kiên cố để thu hút lực lượng địch rất tốt. Sau khi chiến đấu tự vệ ba ngày tại những khu vực của mình, tiểu đoàn 101 rút vào Liên khu I thực hiện ý định "trùng độc chiến", cố gắng chiến đấu trong lòng địch 15 ngày để phối hợp với ngoại tuyến, về quân sự do đồng chí Nguyễn Văn Triệu và đồng chí Toàn Vinh phụ trách, về Đảng và chính quyền do đồng chí Lê Trung Toản và đồng chí Hoàng Phương phụ trách. Căn cứ chỉ huy của tiểu đoàn đặt ở Hàng Bè.


Liên khu II, phía tây lấy dọc phố Hàng Lọng1 (Nay là đường Lê Duẩn), Kim Liên làm giới tuyến; phía bắc giáp Liên khu I; phía đông ven sông Hồng về Vĩnh Tuy; phía nam tiếp giáp các làng mạc ngoại thành. Phần lớn khu này do bọn viên chức lớp trên và kiều dân Pháp ở, nên nhà cửa thưa, kiểu kiến trúc kiên cố và rộng rãi, còn đại lộ vận chuyển chiến xa thuận lợi. Ở đây, ta có tiểu đoàn 77 và 212 phụ trách, về quân sự có đồng chí Bùi Sinh và Quang Tuần chỉ huy. Về Đảng và chính quyền có đồng chí Đào và đồng chí Hồng Cơ phụ trách. Căn cứ chỉ huy đặt tại Chợ Hôm và trại Hàn Lân.


Liên khu III lấy đường phố Hàng Lọng và đại lộ Phùng Hưng làm giới tuyến phía đông, bao gồm các khu phố phía tây và tây bắc Hà Nội, đặc điểm chung giống Liên khu II và do tiểu đoàn 145, 523 phụ trách, về quân sự có đồng chí An Giao chỉ huy, về Đảng và chính quyền có đồng chí Phong và Trinh phụ trách. Căn cứ chỉ huy đặt tại ô Cầu Giấy.


Sau khi chiến đấu 3 ngày tại khu vực bố trí của mình, trừ tiểu đoàn 101 theo kế hoạch sẽ rút vào Liên khu I, còn bốn tiểu đoàn thu gọn lực lượng rút ra bám các cửa ô, riêng phía tây và tây bắc rút ra phía Kim Mã, Ngọc Hà, Yên Phụ, bắt đầu thực hiện kế hoạch đánh ép từ ngoài vào. Như vậy tiểu đoàn 101 ở lại Liên khu I như hạt nhân. Quân địch ở bao quanh như cùi. Bốn tiểu đoàn của ta bọc xung quanh như vỏ. Đó là một ý định tác chiến táo bạo và rất nguy hiểm cho địch. Trước mặt, sau lưng chúng đều có lực lượng của ta giằng co lôi kéo chúng, làm cho kẻ địch phải hao tổn lực lượng, bị động lúng túng, như thế ta sẽ giam chân kẻ địch được lâu hơn. Ý định phòng thủ Hà Nội vô cùng độc đáo ấy được Trung ương trực tiếp chi đạo và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội tiến hành, kẻ địch không bao giờ nghĩ tới. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà giặc Pháp từ chủ động lâm vào thế bị động.


Theo chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy, tiểu đoàn 101 vừa chiến đấu, vừa lấy quân số tại chỗ để xây dựng lực lượng, tác chiến giam chân địch khoảng 2 tuần lễ thì rời Liên khu I ra ngoài. Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận dự kiến phương án cho đơn vị đó, sau khi làm tròn nhiệm vụ sẽ rời Liên khu I ra ngoài theo ba đường: Một là mở đường máu phá vây rút về Vĩnh Tuy. Hai là phân tán nhỏ rút theo đường cống ngầm và các phố hẻo lánh. Ba là bí mật rút qua sông Hồng về phía đông hoặc đông bắc. Bộ chỉ huy bàn bạc nhiều và có thỉnh thị ý kiến của trên, nhưng không thể quyết định dứt khoát được, chủ yếu căn cứ vào tình hình thực tế lúc đó, do Liên khu I báo cáo, sẽ quyết định.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM