Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:49:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ cây giáo đến khẩu súng - Tập 2  (Đọc 1953 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #40 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2022, 08:06:23 am »

ĐÔI BỜ SÔNG HỒNG VÀ QUỐC ĐÔ NGƯỜI VIỆT


Vào cuối thế kỉ III trước công nguyên, do sự phát triển lớn mạnh của đất nước, người Việt Nam bắt đầu dời đô xuống đồng bằng Bắc Bộ. Quá trình này kéo dài tới hàng mấy thiên niên kỉ nhưng phần lớn đều diễn ra trên phạm vi đất đai của tam giác châu sông Hồng. Và hai vị trí lừng danh nhất đều nằm ngay trên hai bên bờ Bắc, Nam dòng sông này. Đó là Cổ Loa và Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.


Như lịch sử đã ghi lại, khi Thục Phán dời Phong Châu xuống đồng bằng thì nơi định đô được nghĩ đến đầu tiên là vùng Hà Nội ngày nay. Thế nhưng do điều kiện thiên nhiên đương thời của nước ta ông chỉ có thể dừng lại ở Cổ Loa, một địa điểm nằm trên bờ Bắc sông Hồng. Vì đây là cái gờ miệng của trung du, cái cổ họng của đồng bằng trong khi ở phía trước nó là cả miền đồng trũng mênh mông ngập nước, mùa mưa phải đi lại bằng thuyền. Đó là miền đồng bằng Bắc Bộ sau này, nơi mà phù sa sông Hồng chưa đủ tháng năm bồi tích. Thật vậy, vào những năm đầu công nguyên, khi tiến quân vào đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, từ miền biển Quảng Ninh đi tới hồ Lãng Bạc (Bắc Ninh), viên tướng xâm lược Mã Viện đã trông thấy cả một vùng "dưới thì nước, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt" (Hậu Hán thư). Tài liệu khảo cổ học còn cho hay: khi Cổ Loa được dùng làm nơi định đô thì cũng là lúc dân tộc ta bước vào thời đại sắt chừng hơn hai thế kỉ. Với những nông cụ kim loại mới, Cổ Loa được xem là nơi thử nghiệm thành công bước quá độ từ mô hình nông nghiệp lúa nước miền chân núi, vốn của người Tày - Thái cổ, đến mô hình nông nghiệp lúa nước miền đồng bằng. Vào đời Đông Hán, Cổ Loa thuộc huyện Tây Vu, có 32.000 hộ (Hậu Hán thư), chiếm khoảng một phần ba số hộ của quận Giao Chỉ (92.440 hộ) và gần bằng số hộ của quận Cửu Chân (35.743 hộ). Có thể nói Cổ Loa lúc ấy là một vùng trù phú, dân cư đông đúc. Nhưng ở đây có một điều đáng quan tâm là sau mười năm chiến thắng quân Tần xâm lược, việc định đô ở một vùng đất đồng bằng, dân tộc ta đã tỏ rõ ý chí mạnh mẽ, tự tin, lòng quyết tâm bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Vì Cổ Loa không chỉ là một kinh thành mà còn là một quân thành. Tòa thành được xây dựng trên bờ bắc sông Hoàng Giang. Ngày nay, con sông chỉ còn những đoạn đã bị bồi lấp nhưng xưa kia nó là một con sông lớn, nối liền sông Hồng với sông Cầu. Dấu vết của dòng sông cũ còn rõ nét với những đoạn gọi là sông Thiếp hay Ngũ Huyện Khê (chảy qua năm huyện: Yên Lãng, Võ Giàng, Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du). Từ Cổ Loa, theo Hoàng Giang, thuyền bè có thể ngược lên tận miền núi rừng phía Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc hay xuôi xuống khắp các vùng đồng bằng và ra biển. Không những thế, bên trong thành Cổ Loa còn có cả một mạng lưới giao thông thủy liên hoàn, thuyền bè có thể vào ra một cách thuận tiện. Ưu việt về quân sự của Cổ Loa đã khiến cho hơn hai trăm năm sau, Mã Viện - mặc dù gần đấy đã có thành Luy Lâu - vẫn chọn nơi này làm chỗ giấu quân. Năm 571, sau khi lên ngôi vua và nhất là những năm chuẩn bị đất nước chống quân Tùy xâm lược, Lí Phật Tử cũng lấy Cổ Loa làm quốc đô và làm căn cứ quân sự. Ngay cả Ngô Quyền, năm 939, sau khi mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc vẫn quay về định đô ở Cổ Loa. Nhìn chung lại, thế mạnh của Cổ Loa là tính chất địa - quân sự mà sông Hoàng Giang có một vị trí đáng kể. Do đó, đến thế kỉ X, khi con sông này bị cạn dòng và thu hẹp thì Cổ Loa cũng mất luôn vai trò lịch sử của một quốc đô trên bờ Bắc sông Hồng. Phải chờ tới khi quốc đô dời về bờ Nam sông Hồng thì nơi mới này mới được xem là "thắng địa".


Người đầu tiên thực hiện định đô trên phía bờ Nam sông Hồng vào năm 544 là Lí Bí. Tiếp đó, 63 năm, sau khi diệt Lí Phật Tử, chiếm lại đất nước ta, năm 607, chính quyền đô hộ nhà Tùy đã dời nhiệm sở từ Long Biên (Bắc Ninh) về Hà Nội ngày nay, lúc ấy mang tên Tống Bình. Từ vùng đất đã trở thành trung tâm của cả miền Bắc Việt Nam, các viên thái thú kế tiếp nhau củng cố và mở rộng dinh lũy của chúng bằng cách xây dựng "Tử thành" (thành con), "La thành" (thành bao quanh) rồi "Đại La" (thành lớn). Mấy trăm năm, tính từ khi Lí Bí nhận ra vị trí quan trọng của Hà Nội cổ đến khi nó mang tên Đại La rồi Thăng Long, vùng đất lịch sử này càng dày gian nan nhưng cũng càng cao danh vọng. Sở dĩ Đinh, Lê phải rút về Hoa Lư vì lúc ấy đất nước mới giành quyền độc lập, quốc gia phong kiến tập quyền chưa đủ thời gian củng cố, dân tình chưa ổn định, các thế lực cát cứ chưa hẳn đã suy yếu. Cho nên quốc đô tuy nhỏ hẹp, ẩm thấp, giao thông không tiện nhưng lại là "quê nhà", là nơi núi non hiểm trở, thích hợp cho việc phòng ngự về quân sự.


Đến đầu thế kỷ XI, tình hình đất nước đã đặt ra những yêu cầu mới cho sự phát triển về mọi mặt. Các thế lực chống đối đã bị đè bẹp. Chính quyền Trung ương đã được củng cố và ngày càng gia tăng. Sức mạnh và lòng tin của nhân dân cả nước trong việc bảo vệ nền độc lập đã được thử thách. Những tiền đề cần thiết cho bước nhảy vọt về kinh tế, cho bước phát triển huy hoàng về văn hóa đã từng phần được chuẩn bị dưới các triều đại Ngô, Đinh, Lê. Vả lại, đất nước ta lại luôn luôn đứng trước hiểm họa xâm lược từ phương Bắc, vì thế việc định đô ở phía bờ Nam sông Hồng là điều hết sức hợp lí. Nếu như thế núi non hiểm trở của Hoa Lư chỉ thuận lợi cho phòng ngự, khó khăn cho tiến công, còn Cổ Loa có thể dựa vào thế sông ngòi như sông Cầu ở phía trước, sông Hồng ở phía sau để triển khai lực lượng, nhưng giờ đây, khúc sông nối liền hai con sông đó đã trở thành bãi bồi thì Thăng Long lại có đủ mọi điều kiện để phát huy thế "tiến có thể đánh, lui có thể giữ" bằng cách dựa vào chính hai con hào thiên nhiên là sông Cầu ở xa là sông Hồng ở gần. Lịch sử đã chứng minh tuyến phòng ngự công Cầu (Như Nguyệt) đã góp phần không nhỏ làm thất bại cuộc chiến tranh của quân xâm lược Tống ở thế kỷ XI. Các nhà địa lí thường cho rằng các dòng sông từ Tây Bắc và Việt Bắc hội tụ về vùng Thăng Long - Hà Nội rồi lan tỏa xuống phía Đông ra biển đã làm cho Hà Nội trở thành quốc đô thiên nhiên của người Việt. Chính nhờ hệ thống sông ngòi đó với trục chính là sông Hồng mà trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược Mông - Nguyên, nhất là trong cuộc chiến tranh năm 1285, Thống soái Trần Quốc Tuấn đã dễ dàng, nhanh chóng cho quân chủ lực rút ra biển rồi theo sông Mã vào tập kết ở Châu Ái. Và cũng bằng hệ thống đường thủy này, quân ta đã phản công giành lại đất nước. Đến thế kỷ XV, Đông Quan không còn là quốc đô nhưng với tinh thần Thăng Long, nhân dân ta đã đấu tranh liên tục hai mươi năm, lật đổ ách thống trị ngoại bang để rồi lại trở về định đô trên vùng đất lịch sử ấy với tên Đông Đô dưới triều Lê. Nhưng chưa hết, những trang cuối cùng của lịch sử quân sự trung đại Việt Nam còn ghi rõ: vào đầu năm 1789, chỉ trong vòng năm ngày đêm, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Đông Đô đã đánh tan 29 vạn tên xâm lược Mãn Thanh mà phần lớn bị dìm xác xuống đáy sông Hồng khi chủ tướng chúng định mở một đường máu tháo chạy sang bờ Bắc. Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước Cộng hòa dân chủ vẫn xem Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của cả nước mặc dù Huế đã trở thành quốc đô trước đó 157 năm (nhà Tây Sơn: 1788 - 1802; nhà Nguyễn: 1802-1945). Dưới chính quyền cách mạng, tuy hơn nửa thế kỉ, thực ra chỉ trong thời gian chưa đến ba mươi năm (1945-1972) mà Hà Nội đã cùng nhân dân cả nước đánh thắng hai đế quốc to ngay trên bờ Nam sông Hồng.


Tóm lại, không một thời nào, không một nhà lãnh đạo tối cao nào có thể theo ý riêng mình để định đô ở nơi này hoặc dời đô đi nơi khác mà phải tùy thuộc vào điều kiện khách quan và chủ quan của đất nước. Thời điểm cuối thiên niên kỉ I trước công nguyên quốc đô của người Việt chỉ có thể dừng lại trên bờ Bắc sông Hồng. Nhưng rồi trước những biến động của lịch sử, ba lần định đô (Thục Phán: 208 đến 179 trước công nguyên, Lí Phật Tử: 571-603, Ngô Quyền: 939-944), cộng lại, Cổ Loa cũng chỉ tồn tại 66 năm cho đến thế kỉ X. Trái lại, sang đầu thiên niên kỉ II, khi Lí Công Uẩn đưa quốc đô về bờ Nam sông Hồng thì quả nhiên vùng đất lịch sử này đã hội tụ được mọi tinh hoa của dân tộc, xác định được độ bền vững muôn đời cho một vị trí theo đúng tinh thần của "Chiếu dời đô" là "Đồ đại" (mưu toan việc lớn) và "Chính trung" (ở nơi chính giữa). Nếu không như vậy thì tại sao, từ đấy trở đi, gần một ngàn năm, ba lần thay đổi, người Việt Nam vẫn cứ quay về Hà Nội: Thăng Long thời Lí - Trần: 387 năm (1010-1397), Đông Đô thời Lê: 360 năm (1428-1788) và thời đại chúng ta, thủ đô Hà Nội - với trung tâm ở phía bờ Nam sông Hồng - đã có 55 năm và nhất định sẽ là mãi mãi.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM