Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:10:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu của Liên khu III - Đống Đa - Quận V Hà Nội  (Đọc 3422 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #60 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2021, 07:49:31 am »

CHÚNG TÔI ĐÁNH PHÁP XÂM LƯỢC


Đại tá Lê Quang Chúc*
Nguyên Đại đội phó Đại đội 3 - Quận V Hà Nội


Trong khí thế sục sôi của Cách mạng tháng Tám 1945, ba anh em tôi cùng hoà chung vào sóng người Hà Nội, tham gia tổng khởi nghĩa. Sau ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ba anh em tôi cùng gia nhập đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, dù em trai tôi lúc đó mới 14 tuổi.


Hơn một năm trước ngày nổ súng chống Pháp là thời gian rất quý báu. Chúng tôi được giáo dục về chính trị, được huấn luyện. Những vấn đề cơ bản về quân sự, rèn luyện quân phong quân kỷ, học chiến thuật du kích, tập dã ngoại... Công tác xã hội cũng khá sôi nổi như tham gia chống giặc đói (mỗi tháng nhịn ăn một bữa), chống giặc dốt (buổi tối đi dạy bình dân học vụ), dạy thiếu nhi hát, vận động Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, chống bọn Việt quốc, Việt cách phá hoại trên các đường phố; vận động nhân dân bãi thị chống âm mưu của thực dân Pháp.


Bản lĩnh của người chiến binh còn rất khiêm tốn song ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện nếp sống đoàn kết đồng đội, nhất là lòng yêu cách mạng, ghét Việt quốc, Việt cách, ghét thực dân thì được kế là tốt.

Trưa ngày 19 tháng 12 năm 1946, mẹ tôi đến thăm ba anh em chúng tôi ở Đấu Xảo - nay là Cung Văn hoá Hữu nghị trên đường Trần Hưng Đạo. Chỉ sau đó mấy tiếng đồng hồ, súng kháng chiến chống Pháp đã nổ, gia đình tôi ly tán mỗi người một nơi.


Em rể tôi là Phạm Văn Chương hy sinh ngay sáng 20-12-1946 ở khu vực hồ Ha-le (Thiền Quang), được hai đồng đội là đồng chí Thọ và đồng chí Tôn thuộc Trung đội Ký Con khiêng về Bệnh viện Bạch Mai, nay vẫn không tìm được mộ.


Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, gia đình tôi mới được gặp lại nhau.

Mẹ tôi và em trai tôi cũng đã mất lâu rồi. Những người thân yêu nhất trong gia đình tôi hồi đó nay không còn ai. Nhưng những kỷ niệm sống và chiến đấu những ngày đầu kháng chiến ở Hà Nội, cho dù đã qua 55 năm - từ một thanh niên mới độ trưởng thành, nay đã ngoại 70, tôi vẫn còn nhớ như mới ngày nào đây thôi. Tôi lược ghi lại một số trận tôi được trực tiếp đánh địch thời kỳ đó.


Ngày đầu, trận đầu đối mặt với lính Pháp bằng quả lựu đạn Phan Đình Phùng.

Chập chiều ngày 19-12-1946, tổ tôi - tôi là tiểu đội trưởng - đã triển khai xong ở ngã tư Hàng Lọng - nay là dường Lê Duẩn - sẵn sàng đánh địch. 20 giờ 3 phút đêm 19-12-1946, đèn tắt, súng đã nổ nhưng khu vực chúng tôi còn yên tĩnh. Chúng tôi có một đêm xem xét địa hình, luồn qua các nhà dân theo đường mở đã chuẩn bị sẵn. Nhân dân ở đây đã sơ tán hết.


8 giờ sáng ngày 20-12-1946, quân Pháp đã từ phía Đường Thành ra Hàng Lọng, tiến về phía ga Hàng Cỏ. Bộ binh đi sát dãy phố, cứ cách 5 - 6 mét một tên, lưng dựa vào nhà, mặt quay sang phía đối diện. Dừng lại trước mặt tôi bố trí nhìn xuống đường là một háp-tơ-rac trên đặt trọng liên 13,2 do ba tên lính Pháp điều khiển. Chúng bắn vương vãi hướng chúng sắp đi tới. Tôi nằm ở tầng hai, xem lại trụ ẩn nấp, bệ tường hoa, nơi thật rắn rồi đập lựu đạn mực. Lần đầu đập chưa thấy bép, tôi đập lại lần hai thật mạnh rồi thả lựu đạn xuống thùng xe ngay trước mặt. Lựu đạn nổ, tôi không kiểm tra được kết quả do bọn lính bên đường bắn sang xối xả vào chỗ tôi bố trí. Tôi cơ động sang vị trí khác. Suốt dọc đường Hàng Lọng tới ga Hàng Cỏ, chúng tiến tới đâu đều bị chúng ta chặn đánh. Chỉ với lựu đạn, súng trường, quân thưa không đủ sức đánh bật chúng trở lại nhưng cũng buộc chúng phải dè chừng, không dám xông vào nhà, tiến rất chậm chạp.


Trận thứ hai đánh xe tăng địch bằng súng trường.

Sau trận đánh ở Hàng Lọng, tiểu đội tôi đã nhanh chóng tập hợp thêm anh em Tự vệ Sao vuông, tổ chức thành một trung đội do tôi làm Trung đội trưởng, có chính trị viên và Trung đội phó, mấy chị cứu thương, cấp dưỡng. Chúng tôi được phối thuộc vào Đại đội 29 (đồng chí Lưu Vân làm Đại đội trưởng), Tiểu đoàn523.


Cả Trung đội bố trí dọc phố Hàng Bột trên - nay là phố Tôn Đức Thắng - Từ Trung đội trưởng trở xuống, mỗi người chiếm lĩnh một hố cá nhân ngay trên vỉa hè. Đã tọt xuống hố cá nhân thì cứ ém ở đó tối ngày, bất di bất dịch. Đến bữa, chị em cấp dưỡng thả xuống mỗi hố một suất cơm nắm, còn nước uống thì hãy đợi đến tối.


Sáng 23-12-1946 xuất hiện xe tăng địch tiến từ phía Hàng Bột trên xuống. Trên mặt đường la liệt bát úp, nghi binh. Giả thiết dưới bát úp nào cũng có mìn thì mìn úp bát lên trên chắc hẳn mìn không to, không đủ sức phá hỏng xe tăng, và địch cũng hiểu rõ quân ta lấy đâu ra mà nhiều mìn như thế; giá mà có B40, B41, mìn định bướng, mìn đánh tăng như bây giờ thì khỏi nói. Tăng địch cứ lù đù bò qua; vào tầm súng, ta cứ nhè vào tăng mà đùng đoàng, trọng liên của địch hối hả bắn trả.


Đánh bộ binh địch trong công sự, ngoài công sự.

Ngày 24-12-1946, Đại đội trưởng Lưu Vân lệnh cho trung đội tôi xung phong vào Tu viện Jeanne d'Arc (nay là Viện Bảo tàng Mỹ thuật). Địch có ổ đề kháng rất lợi hại ở đây. Chúng có FM Thompson, quan sát được xa, phát hiện bóng quân ta là chúng bắn. Quân ta được bổ sung thêm đạn mousqueton, 7-9 và chỉ có thế thôi. Tuy ta đông hơn nhưng hoả lực kém bạch binh không sao đột phá được tường vừa dày, vừa cao cổng chắc. Ta áp sát nhưng chúng bắn rát không tiến lên được nên chỉ đánh từng đợt rồi lại nghỉ. Đồng chí Lưu Vân nổi giận, tay lăm lăm khẩu súng ngắn, tìm Trung đội trưởng để trừng trị vì không chiếm được điểm chốt của địch. Cũng may lúc đó tôi đang nằm đối đầu với địch mà không đối diện với Đại đội trưởng nên chẳng xảy ra chuyện gì cả.


Những ngày tiếp theo bộ binh địch cố lấn chiếm sang trận địa ta. Chúng luồn qua sân Septo (sân vận động Hà Nội bây giờ) thì bị trung đội chặn đánh. Trên những điểm cao thuận lợi, dễ phát hiện chúng từ xa; tên nào xuất hiện, chúng tôi đàng hoàng làm đúng yếu lĩnh xạ kích, tỉa liền, buộc chúng phải quay lại, nhiều ngày vẫn không vượt qua được sân Hàng Đẫy. Cầm cự dài ngày ở khu Hàng Bột, chúng tôi rút dần về Cầu Mới, Ngã Tư Sở.


Ăn Tết kháng chiến đầu tiên ở Phùng Khoang.

Bộ đội và nhân dân luôn bên nhau cùng đánh giặc. Khi địch tràn qua, quân ta luôn trở lại và dân cũng trở lại, trừ ông bà già và trẻ em sơ tán.

Địch đã lấn chiếm đến Ngã Tư Sở. Ban ngày chúng nống rộng, kiểm soát xung quanh. Ban đêm, co vào một số nhà dân vững chắc, tổ chức hình thành điểm đề kháng, công sự chưa có gì đáng kể.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #61 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2021, 07:51:57 am »

Chúng tôi đón Tết Đinh Hợi bằng trận tập kích địch ở Ngã Tư Sở. Trong đội hình của đại đội, trung đội tôi lặng lẽ trong đêm tiến về điểm địch chốt không khó khăn gì. Địch đi lại, hút thuốc. Ta nằm im chờ lệnh. Đúng giờ đón giao thừa, quân ta nhằm vào địch, đồng loạt nổ súng. Địch rút vào trong nhà, chốt chặt cửa lại. Ta tiếp cận, thả lựu đạn vào cửa sổ. Rút lên tầng trên, địch bắn và thả lựu đạn xuống. Ta đánh tiếp, không rõ thương vong của địch. Bên ta, một chiến sĩ bị thương nhẹ ở tay do lựu đạn của ta nổ nhanh trong cửa sổ. Cả đại đội không đánh chiếm được điểm nào, gần sáng thì rút về làng Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) ăn Tết, cũng đủ bánh chưng, thịt lợn. Quân dân vui vẻ chúc nhau năm mới, năm kháng chiến chống Pháp đầu tiên ở Hà Nội.


Sau Tết, trung đội tôi trở về đội hình Đại đội 3, Quận V, đồng chí Việt Châu làm Đại đội trưởng, đồng chí Bùi Văn Phi chính trị viên. Đơn vị đóng quân ở khu vực Quang Tó, Cự Đà Khúc Thuỷ, Tam Hưng...

Địch đã tràn xuống Ngã Tư Vọng, trường bay Bạch Mai nhưng do lực lượng có hạn, ban ngày còn cơ động quanh khu vực, đêm trụ lại một số điểm.

Vượt qua cánh đồng Định Công thượng, trung đội tôi tập kích vào sân bay Bạch Mai. Bí mật tiếp cận, vượt qua đường bảng, đột nhập vào một số hăng ga để máy bay, không gặp địch; chúng tôi phá gỡ một cửa máy bay Air - France mang về làng Động Giã.


Đêm đêm, chúng tôi vẫn liên tục hoạt động: tập kích vào Ngã Tư Vọng, Thịnh Liệt, Thạch Bích, đặt mìn cài lựu đạn, cắt dây điện thoại của địch. Do luôn bị ta tập kích nên địch đã đóng thành những vị trí nhất định, có công sự, có hàng rào nhưng cũng chỉ vài hàng tre nứa, chưa có gì vững chắc lắm. Quân ta vẫn súng trường, lựu đạn và còn học thêm cả bắn cung nỏ ở làng Ước Lễ, vậy mà vẫn luôn chủ động tiếp cận địch, thông thường bắn nhau đến gần sáng thì rút lui để bảo toàn lực lượng.


Trong trận đánh của quân ta ở Cự Đà do đồng chí Sự chỉ huy, trung đội tôi cũng đã tham chiến. Đóng quân ở khu vực này, ban ngày đặt cảnh giới ở câu Quang Tó, có tổ luôn sâu giáp nội thành để nắm địch. Đêm hôm trước khi xảy ra trận Cự Đà, đơn vị tôi vừa bàn giao nhiệm vụ chống giữ Cự Đà, Khúc Thuỷ cho đồng chí Sự. Đơn vị bạn vừa giải quân, đơn vị tôi vừa rút sang Hữu Lê bên sông Nhuệ ngang Cự Đà thì tờ mờ sáng, cũng là lúc xe tăng, thiết giáp và bộ binh địch tấn công vào Cự Đà. Xe tăng địch vượt qua ruộng vườn, xông vào giữa làng Cự Đà. Đơn vị đồng chí Sự dựa vào những nhà hai tầng, đánh trả quyết liệt. Chúng bắn AT, nổ mìn vào những ổ đề kháng của ta nhưng không kết quả, buộc phải dừng lại. Đơn vị tôi nằm đối diện với Cự Đà, cách một con sông nhỏ, quan sát rõ tây đen, tây trắng đi lại sục đồ và kiếm ăn. Chúng tôi cứ nhè từng tên bắn tỉa. Cả ngày, chúng không tiến được xuống Khúc Thuỷ, phải rút về.


Đánh địch nhảy dù xuống Bồ Nâu, Úc Lý.

Sau buổi họp chiều ở Bồ Nâu về, tôi thấy một Đa-cô-ta lượn vòng cánh đồng Bồ Nâu, Úc Lý. Tôi cho là chuyện thường, không quan tâm lắm.

Sớm hôm sau (không nhớ ngày tháng), nhiều đợt Đa-cô-ta thả một tiểu đoàn Âu Phi xuống cánh đồng, đúng nơi chúng vừa lượn trinh sát chiều hôm trước.

Lượng sức mình, chúng tôi không tiếp cận đánh địch khi chúng mới nhảy dù xuống giữa cánh đồng, vẫn trông rõ khi chúng tiếp đất, gấp dù, tập trung lại thành từng bộ phận. Qua Bồ Nâu. Úc Lý không gặp quân ta, chúng vượt qua cánh đồng, tiến về phía quân ta. Các làng đã tổ chức rào làng kháng chiến, có công sự và có ít hầm bí mật. Địch đi ngoài rìa làng, trang bị nhẹ. Quân ta bố trí trong công sự, dưới luỹ tre rào, chờ địch đến thật gần mới đồng loạt nổ súng. Qua rìa làng Động Giã xuống làng Khê Tang, ta vận động đánh tiếp, chúng không vào được làng. Cuối ngày, chúng tập trung tại làng Đan Thầm để rồi hôm sau rút hết, có thể do vấp trận Cự Đà, xe tăng và bộ binh cũng không tiến sâu được vào hậu phương ta nên chúng dùng chiến thuật nhảy dù tuy không xa trung tâm Hà Nội bao xa.


Gọi là đánh quân nhảy dù, xem ra cũng giống những trận chống càn khác, có chăng chỉ là do chúng nhảy dù từ máy bay xuống.

Cuối năm 1947, tôi đã là Đảng viên, là cán bộ Đại đội bậc phó, được Quận V cử đi học lục quân khoá IV.

Nhìn lại một năm chiến đấu trong khu vực Liên khu III - Đống Đa - Quận V Hà Nội, lúc mới kháng chiến chống Pháp còn đánh giữ trong nội thành, sau lui dân ra ngoại thành, vẫn nhập thành đánh địch. Kinh qua nhiều hình thức tác chiến như tập kích, chống càn, đánh ngày, đánh đêm, đánh xe tăng, xe bọc thép, đánh quân dù... với trang bị thô sơ xoay tròn cả năm đánh địch, ta thương vong ít nhưng cũng không có trận nào đánh lớn, không tiêu diệt được cứ điểm nào, song đối chiếu với sự chỉ đạo của cấp trên, của Thành, của Quận, quân ta đã luôn luôn quấy rối đánh tiêu hao địch, làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên không thực hiện được ý đồ đánh nhanh, giải quyết nhanh.


Một đơn vị nhỏ là thế. Cả đại đội, cả lực lượng của Quận, của Thành cùng Liên khu I, Liên khu II, các đơn vị bạn và nhân dân nội ngoại thành đánh lại giặc Pháp, làm cho chúng không thể nhanh chóng chiếm lĩnh được Hà Nội.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #62 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2021, 07:58:55 am »

THOÁT KHỎI VÒNG VÂY CỦA QUÂN PHÁP NHẢY DÙ BỒ NÂU


Lê Tuấn*
Nguyên chuyên viên 4 Phòng Tổng hợp Bộ Công an
Nguyên Trưởng Công an Quận V


Rạng sáng 27-6-1947, anh Hưng là giao thông của Công an Quận V chạy vào báo tin quân Pháp "Thả võng" (thả lính dù).

Chúng tôi đã nhanh chóng thu dọn tài liệu, phương tiện, tập trung chờ lệnh.

Tôi quyết định trời chưa sáng hẳn, tất cả tản ra, đi lẫn vào dân. Thoát ra khỏi làng. Địa điểm tập trung là trạm giao thông ở làng Quảng Bị bên kia sông Đáy. Còn 3 em giao thông theo tôi (Quý Đoan, Hưng).

Tôi phán đoán nên thoát ra phía sau làng, nơi đó là đồng chiêm trũng, chưa gặt hết. Còn phía đường qua chợ về phía Ước Lễ hay sang Úc Lý đều là đồng khô, chắc địch sẽ nhảy dù xuống đó trước, và còn phải tập trung quân mới vào làng được. Tôi bảo cho mọi người biết rõ điêu đó và phải thoát nhanh.




Một lát sau mọi tiếng ồn ào nổi lên, tiếng dân gọi nhau, tiếng máy bay gầm rú, tiếng chó sủa khắp nơi.

Đến bờ tre, tôi liền chui vào, hai tay nâng cành tre để các em giao thông chui ra trước, tôi ra sau cùng, tôi không còn thấy cảm giác đau đơn vì gai cào.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #63 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2021, 07:59:47 am »

Trời đã sáng, sương chưa tan, tôi nhìn lên trời thấy mấy chiếc Dacota quần đảo một vùng rộng quanh làng và tiếp tục thả dù. Một số tên lính rơi xuống ruộng nước, lội bì bõm tìm lên chỗ khô ráo tập trung. Tôi báo các em làm theo tôi: lách người mình sát ven bờ ruộng, không làm cây lúa đổ rạp, địch nhìn thấy rõ sẽ bắn ngay.


Trên vùng trời quê như vỡ ra, dù trắng, đỏ khắp nơi. Tiếng máy bay xen lẫn tiếng súng nổ, chưa rõ địch nhằm bắn nơi nào, nhưng chỗ tôi nằm vẫn yên lặng. Tôi nằm sát bờ ruộng, quan sát hướng địch tiến vào làng để tính đường thoát an toàn. Tôi thấy những tên đã nhảy xuống đất, liền gỡ dù rồi lên đường tiến về phía chợ là bãi rộng trước đình làng Bồ Nâu. Trên đường từ Bồ Nâu lên Làng Sái bọn lính Pháp và da đen đang tập trung tiến về phía chợ. Có vài tên lính da đen nổ súng vu vơ về phía đồng nước.


Nhìn lên phía con đường từ Hà Đông đi Vân Đình không thấy xe và bộ binh địch, tôi yên tâm từ từ bò về phía cánh đồng nước đây cỏ lác, có chỗ nước sâu đến cổ 3 em giao thông, nhưng các em không thấy sợ, mà lo cho các anh chị trong cơ quan không biết ra sao. Còn tôi phải cõng từng em qua đoạn nước sâu, vừa lội vừa khoả nước gạt những con đỉa trâu to như ngón tay cái đang lao vào chúng tôi, nhưng cũng không xuể, quanh người chúng tôi đều có vệt máu đỏ loang trên áo quần.


Đến chỗ gò cao chúng tôi ngôi nghỉ vắt nước quần áo và gạt những con đỉa trâu đang bám chặt những bắp chân làm chảy những dòng máu đỏ tươi, trong khi các em quá sợ những con vật nhỏ mà sao hung dữ thế, lao nhanh, bám chặt, dứt mãi không ra. Tôi đang gạt đỉa cho các em thì chợt thấy bà hàng xóm nơi đóng cơ quan, đang lội về phía chúng tôi, cho biết dân làng không ai việc gì, nhưng lợn, gà, chó chắc mất hết. Nói xong bà thọc tay vào bị cói đội trên đầu lấy ra một nắm khoai lang luộc đã phơi khô dặn chỉ nhấm dần thôi, đừng nhai rồi nuốt cả... Tôi cảm ơn bà và dặn bà nói lại với mọi người nên đứng tản ra đường, cụm lại dễ dị địch bắn.


Đến trưa chúng tôi đến được làng Chuông và qua sông Đáy sang trạm giao thông ở Quảng Bị. Tạm thay quần áo mượn, tôi viết báo cáo tình hình về Ty Công an.

Đến gần tối, tôi quyết định trở lại làng Bồ Nâu nắm tình hình, cùng với một giao thông là em Quý. Vượt qua đường cái, chúng tôi lao mình vào cánh đồng nước nhẹ nhàng trườn đi. Đêm ấy trăng thượng tuần chỉ mỏng như lưỡi liềm, toả ánh sáng mờ ảo; trời đầy sao, tiếng ếch nhái kêu râm ran, chúng tôi cứ bò dần đến sát bìa làng mới dừng lại. Đến chỗ ruộng xâm xấp nước, tôi nhìn lên thấy hiện trên nên trời bóng tên lính gác, nhưng nó trên cao nhìn xuống đồng nước không phát hiện được chúng tôi. Chúng tôi lại bò trệch sang hướng khác sát chân bãi tha ma. Trong làng vẫn yên lặng chỉ thấy một quầng sáng ánh lửa phía trước đình. Em Quý kéo tay tôi ra hiệu về một chỗ có hai người ngôi gác. Tôi khẽ kéo em Quý lùi lại và rút. Chúng tôi bì bõm đến sáng thì về tới Quảng Bị.


Ngày hôm sau không thấy anh em về địa điểm tập trung, tôi bày cách cho em Hưng mới lên 10 tuôi, cởi trần truồng cho đỉa cắn chảy máu vài chỗ rồi cứ thế tiến vào làng Bồ Nâu vừa đi vừa khóc gọi mẹ khắp các ngõ xóm, đến đình. Giặc không nghi ngờ em mà còn trêu đùa nhại lại "Mê ơi! Hu hu!...".


Đến hôm thứ ba thì địch rút quân. Đến chiều nhân dân kéo nhau về làng. Biết chắc địch đã rút, tôi và 3 em giao thông về ngay làng Bồ Nâu.

Tối hôm ấy chúng tôi gặp nhau đầy đủ, không ai bị sa vào tay giặc, vui vẻ kể lại chuyện mình thoát ra khỏi vòng vây của địch. Duy có anh Thực tức Tâm (đại tá công an đã chuyến sang Hải quan) không kịp rút nên liều trốn vào nhà dân, sát chuồng lợn. Anh lấy dây khoai đắp kín lên người ngôi thu lu một góc. Anh kể lại anh nhìn thấy rõ mồn một lính Pháp và lính da đen bắn chết con lợn trong chuồng vác ra đình làm thịt trong lòng vô cùng lo sợ chúng phát hiện ra. Đến tối, anh theo chân một số bà con thoát ra khỏi làng mà địch cũng không kiểm soát. Đến Ngã tư Vác anh vào nghỉ ở một làng, chờ địch rút lại về cơ quan.


Đêm hôm ấy văn phòng Công an Quận lại hoạt động bình thường, đánh máy báo cáo gửi về Ty. Ngày hôm sau tôi cho cơ quan rút xuống đóng ở làng Ước Lễ.

Trong báo cáo tôi có nhận xét:

1. Địch có ý định nhảy dù để bắt sống cơ quan Công an và Quận đội V đóng ở Bồ Nâu và Úc Lý. Có thể cơ quan đóng quân không giữ được bí mật.

2. Địch nhảy dù xuống bao vây làng Bồ Nâu, không có bộ binh đi kèm, kiểu như chúng thực tập một chiến thuật nhảy dù đột ngột bắt sống cán bộ đầu não ở một địa phương.

3. Trong trận này chỉ có một người điên ở làng Bồ Nâu vẫn sống cạnh chợ, chạy ra vừa cười vừa hô "xung phong" bị chúng bắn chết. Thiệt hại 2 ngôi nhà nhỏ bị chủng đốt cháy, lợn, gà, chó bị thiệt hại nhiều.

Trong cuộc họp rút kinh nghiệm, anh Nguyễn Tài cho biết báo chí trong Hà Nội đã đăng tin quân Pháp nhảy dù xuống làng Bồ Nâu thuộc huyện Thanh Oai, Hà Đông đã bắt sống được trưởng Công an Quận V Lê Tuấn (tin này đã giúp chúng tôi tương kê tựu kế thực hiện một kế hoạch nghiệp vụ khác). Hội nghị thống nhất nhận định có thể địch sẽ nhằm vào các địa điểm trên chiến khu Việt Bắc.


Đúng 4 tháng sau, ngày 7-10-1947 quân Pháp nhảy dù Bắc Cạn và cũng đưa tin bắt sống được Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến tên Va-luy, Tống tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tức tốc bay ngay ra Hà Nội để rồi lại lập tức bay vào Sài Gòn mà không dự tiệc đón, vì tin đó là nhầm!


Trong trận quân Pháp nhảy dù Bồ Nâu ấy, cán bộ chiến sĩ Công an Quận V đã tỏ ra quân sự hoá tốt, bình tĩnh ứng phó tình hình, có kế hoạch bảo toàn lực lượng thoát khỏi vòng vây địch, cũng có thể ghi nhận đó là một thắng lợi lớn.

TỐNG THỊ HOÀ ghi
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #64 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:56:50 am »

KÝ ỨC VỀ CÔNG AN Ở QUẬN V HÀ NỘI TỪ 4-1947 - 1949


Lê Tuấn


Sau những ngày chiến đấu ở Lào về Hà Nội, rồi phụ trách tiểu khu 6 thuộc Liên khu II, đến 3-1947 tôi được anh Lê Hữu Qua, Trưởng ty Công an Hà Nội gọi về giao công tác Trưởng Công an quận V.

Tôi chính thức nhận nhiệm vụ tháng 4-1947. Cơ quan Công an quận V đóng tại làng Bối Khê, tại nhà ông chủ hiệu thuốc Hồng Khê.

Tôi lúc đó mới 22 tuổi, quen chỉ huy chiến đấu, nay là Trưởng Công an thì thật chưa biết làm gì và cơ quan ở xa Hà Nội thì làm như thế nào.

Cán bộ Công an đều thuộc Sở Công an Bắc Bộ, có một số anh mới từ tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu chuyển sang. Quân số trên 50 người, chia làm 4 trạm đóng rải rác ở các làng bao quanh Hà Đông: Đa Sĩ, Mậu Lương, Cự Đà, Khúc Thuỷ. Nhiệm vụ là thu thập tin tức hoạt động của địch. Có một trạm giao thông với độ 7, 8 em làm liên lạc; một văn phòng với 6, 7 nhân viên.


Anh Nguyễn Tài, phó Trưởng ty Công an Hà Nội đưa cho tôi cuốn "Service de Renseignements" của Pháp nói về cách tổ chức Phòng Nhì (2e Bureau), cách tổ chức bộ máy, cách tuyển người, cách điều tra thu tin, các hệ thống liên lạc... Tôi nghiên cứu để xây dựng tổ chức của ta và cách hoạt động. Chủ yếu lúc đó là tình hình hoạt động quân sự của Pháp. Tin thu được đều báo cáo về Ty và quận V, lúc đó Bí thư là anh Hà Đăng Ấn, Chủ tịch là anh Thi. Ngược lại có chủ trương gì thì các anh trực tiếp gặp tôi thông báo. Chất lượng tin lúc đó còn kém, chỉ nắm được ở vùng giáp ranh, còn hậu địch chưa nắm được. Lúc này tôi đã hình dung ra Công an phải tích cực đưa người vào nội thành.


Tháng 5-1947, giặc càn quét Bối Khê. Công an quận V lại chuyển ngay sang làng Hống, cầu Chiếc.

Trong năm 1947 dân chúng hồi cư nhiều. Tôi giao nhiệm vụ cho trinh sát phát hiện những gia đình gốc Hà Nội đang định hồi cư để nghiên cứu. Tôi đã gặp một bà gồng gánh dắt díu 4,5 em nhỏ, ngôi khóc vì bố mẹ mắc kẹt trong nội thành, anh trai đi kháng chiến không biết đâu. Tôi đưa cả gia đình về trụ sở hỏi kỹ thì biết đó là các em anh Trần Phi Hiển đang công tác ở đội Tuyên truyền xung phong Hà Nội. Anh Hiển đã được gặp lại các em và bà vú nuôi, bố mẹ còn ở 48 Henri d'Orléans (Phùng Hưng bây giờ). Anh Hiển xin cho các em nhỏ về, em lớn là Diệu Tân ở lại làm giao thông. Tôi thấy đây là cơ hội tốt để đưa cán bộ vào nội thành, liên bố trí chị Chén là cơ sở đầu tiên vào hoạt động hậu địch.


Từ cách đó tôi đã đưa được nhiều cơ sở vào Hà Nội ban ngày lên các phố tương đối đông (Hoàn Kiếm bây giờ), tối về các phố phía Nam Hà Nội trú tại các nhà vắng chủ, ít người. Anh Ấn rất hài lòng và chỉ đạo tiếp các ngành đoàn thể, theo cách đó mà xây dựng cơ sở nội thành. Từ 1947 đến 1948 Công an đã đưa được khá nhiều cơ sở và cán bộ. Ví dụ: Bảo Hùng (đại tá Công an nghỉ hưu), cô Đoan, cô Quý, cô Xuân, cô Vân (chủ nhiệm hợp tác xã Thành phố, nghỉ hưu). Tuy nhiên cũng có người cầu an bỏ nhiệm vụ.


Trước tình hình Pháp phát thẻ căn cước (titre d’identité) cho dân để kiểm soát, ta chưa làm được giống thế, phải mua hoặc nhờ người thân quen mua hộ. Có thẻ căn cước là có điều kiện hợp pháp để hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, ở ngoại thành, ta phải phá việc làm này. Chúng tôi đã vận động người chụp ảnh là anh Mai bỏ nghề, ta thu một vali cuộn phim, 3 máy ảnh. Địch lại cử tên khác. Ta phải "chụp ảnh", "lấy căn cước" như dân vùng địch tạm chiếm bằng cách khống chế lý trưởng bắt phải nhận là dân để phát thẻ.


Trong năm 1947, Công an đã tiến sát vào nội thành. Các trạm tình báo đã xây dựng được cơ sở vững chắc ở ngay Phương Liệt, Khương Thượng, Bạch Mai v.v... Phạm vi quận V ở ngoại thành thì bên này từ Phương Liệt đến Văn Điển rẽ theo Sông Nhuệ qua Đa Sĩ, Mậu Lương, Hống, Rùa, Trù, Chẩy. Phía Bắc theo thị xã Hà Đông đến Ba La Bông Đỏ, Thạch Bích, bên này sông Đáy đến Chuông, Vác, Tía, Đông Quan. Nhưng trong nội thành thì không có ranh giới. Do hoàn cảnh dân nội thành tản cư, nay hồi cư, thì ở quận V lại vào Nam Hà Nội.


Các trạm thu tin ngày càng tiến sát nội thành, ngược lại cơ quan quận tránh địch càn quét cứ phải lùi xa mãi. Thường tôi vẫn ra đầu làng Văn Quán nhìn về Hà Nội, lấy cột vô tuyến điện Bạch Mai làm chuẩn. Bỗng một hôm, khoảng 9-1947, tôi không nhìn thấy nữa. Ngay hôm sau anh em đã báo tin về là địch đã cho lính công binh đặt mìn phá cột vô tuyến điện vì sợ ta dùng vật đó làm chuẩn để pháo kích; và địch cũng xây dựng ở đây một vị trí có lô cốt canh gác kiểm soát ngay từ Phương Liệt chặn đường ta thâm nhập vào nội thành.


Cuối 1947 anh Phạm Dụ về làm Chủ tịch thay anh Thi. Anh ngỏ ý muốn vào ven nội quan sát tình hình nhân dân.

Tôi đã tổ chức cho Phó trạm tình báo ở vùng này là Trần Hoàng Bá (đại tá Bộ Nội vụ đã nghỉ hưu) nắm tình hình để đưa tôi và anh Dụ vào thăm dân.

Anh Bá cùng một số nhân viên phụ trách Cầu Giấy - Ngã Tư Sở đưa chúng tôi đi đêm qua Khúc Thuỷ, đường số 7 (Văn Điển - Hà Đông) vào làng Mọc sang làng Láng, bên này Cống Mọc.

Chúng tôi được bố trí ở ngay nhà lý trưởng, ngày làm việc cho địch, tối làm việc cho ta. Sáng hôm sau chúng tôi thăm mấy nhà dân về đời sống và tư tưởng của họ. Đến quá trưa đang ăn cơm, có tin địch đổ quân vây quét. Chúng tôi phải chạy lội qua đồng nước giữa Láng Hạ và lăng Hoàng Cao Khải.
Chúng càn vào làng, không thấy gì, đến chiều chúng rút. Cơ sở lại đón chúng tôi vào làng. Công an phát hiện ra kẻ báo cho địch về càn quét là một người trước ở bộ đội, bỏ ngũ, trốn về quê là Mọc Trung Kính, muốn lập công với giặc.


Ngay tối hôm ấy chúng tôi rút ra vùng kháng chiến. Trước khi rút, anh Dụ nói cần phải xử bắn tên này để làm gương cho bọn tay sai địch phản bội ta. Chúng tôi leo qua tường vào nhà gọi anh ta nói rõ cho biết mình là ai, muốn đi thăm dân yêu cầu anh ta dẫn đường. Đến quán gạch gần đường giáp bốt Cầu Mới, tôi tuyên bố tội anh ta và nổ súng, viết một mảnh giấy nội dung "những kẻ phản bội Tổ quốc sẽ bị xử như thế này" và cài vào áo tím của hắn. Địch ở bốt Cầu Mới nghe tiếng súng nổ, chúng bắn liên thanh loạn xạ. Chúng tôi rút an toàn. Về cơ quan báo cáo lên ty là đội hành động đã vào ven nội trừng trị Việt gian.


Anh Qua, anh Tài đã phê bình tôi chủ quan, liều lĩnh.

Cuối xuân sang hạ 1947, trong trận địch nhảy dù Bồ Nâu, tôi đã bố trí cho toàn cơ quan phân tán, cất giấu tài liệu, phương tiện, tản ra cánh đồng, hẹn địa điểm gặp nhau. Ngày hôm sau không có một nhân viên nào đến điểm hẹn. Tôi cử em Hưng giao thông nhỏ tuổi nhất trở về làng Bồ Nâu nắm tình hình có ai bị địch bắt không (Hưng hiện ở Mọc Trung Kính làm nghề sửa xe máy). Tôi bày cho em trần truồng lội ruộng cho đỉa bám cắn, đầy người máu chảy, cứ thế đi thẳng vào làng vừa đi vừa khóc vừa gọi "mẹ ơi!". Địch không nghi ngờ gì cười hô hô doạ dẫm em, nhại theo "mẹ ơi!".


Em đi khắp nơi trong làng, chỗ địch đóng quân không thấy anh chị Công an nào bị bắt, lại trở ra báo cáo cho tôi.

Mọi người đều nghĩ tôi bị địch bắt. Sau này gặp lại nhau vui mừng quá và bàn luôn đến tin của địch tung ra "đã bắt được Trưởng Công an quận V Lê Tuấn" thành tin của ta để giữ bí mật cho tôi sau này. Báo Cứu quốc bèn đưa tin trong vụ Pháp nhảy dù Bồ Nâu, Lê Tuấn, trưởng Công an quận V bị mất tích. Tin đó làm cho anh tôi là Lê Khởi Nghĩa - thư ký cho đồng chí Phạm Văn Đồng - buôn bã thở dài, khiến đồng chí Phạm Văn Đồng phải "chia buồn" về "cái chết" của tôi.


Mùa hạ năm 1947, sau khi vào công tác ở ven nội về, tôi được tin địch nổ súng dữ dội ở Cự Đà. Trận này Vũ Văn Sự, cán bộ quận đội chiến đấu rất dũng cảm, địch không tràn xuống được Công an quận V, cũng có cán bộ nằm tại Cự Đà báo cáo về "Pháp cho cả trẻ con Tây (con bọn Tây bị giết đêm 19-12-1946) cầm súng đi đầu bắn vung mạng miệng hò hét chửi rủa.


Đầu năm 1948 Thành uỷ có chủ trương cho các quận tích cực bao vây kinh tế địch, không cho dân mang lương thực thực phẩm vào các chợ gần bốt địch, vào nội thành; và bắt những người mang hàng từ nội thành ra, đồng thời cũng bằng công tác nghiệp vụ mà phát hiện số người địch lợi dụng làm tay sai. Các trạm bao vây kinh tế địch đóng sát ven nội ngăn chặn từ xa. Nhưng rất khó khăn. Đường đi muôn ngả, không chặn xuể, tuy có hạn chế được. Ví dụ Công an quận V theo dõi một đám tang từ Cống Thần mà sao cứ đi ngược mãi không thấy rẽ vào làng nào, người khiêng quan tài thì đi nhanh như chạy. Qua Trừ Chẩy thì trạm bao vây kinh tế ngăn lại xét hỏi, thì ra trong quan tài toàn trứng gà trứng vịt. Cũng có thuyền buôn gạo ngược Sông Nhuệ qua làng Rùa thì bị giữ lại, ta tịch thu cả gạo và thuyền chuyển Uỷ ban quận giải quyết. Hoặc hàng nội thành ra là thuốc lá Cotab, Phillip Moris, tân dược, bách hoá v.v... tất cả đều chuyển về Ủy ban quận và ty Công an. Trong công tác này, Công an quận V không có ai vi phạm.


Cho đến lúc này tôi đã nắm rõ nhiệm vụ cụ thể của Công an chủ yếu mấy việc lớn là:

1. Xây dựng mạng lưới, đường giây bí mật giao thông vào nội thành, có từng chặng cơ sở nhân dân tốt ở các làng hẻo lánh địch ít sục sạo. Ở nơi này đều có hầm bí mật cho cán bộ lên công tác, hầm bí mật cho trinh sát, hầm cho cơ sở...

2. Xây dựng cơ sở tai mắt trong nội thành, tung người vào làm trong các cơ quan của Pháp, nguỵ quyền.

3. Điều tra âm mưu địch xây dựng các làng tề. Bám sát các bốt địch nắm tình hình chuyển quân, chuẩn bị càn quét vùng nào để báo trước.

4. Ngăn chặn mang hàng vào vì dân đang đói.

5. Ngăn chặn bọn buôn lậu trong nội thành ra, chủ yếu phát hiện gián điệp.

6. Tổ chức đội hành động chuyên phục kích lại địch để đánh địch, bảo vệ đường dây liên lạc vào nội thành được thông suốt.

Ngoài ra còn phải xây dựng tổ chức Công an ngày càng hợp lý, cán bộ phải được nâng cao trình độ, phục vụ công tác yêu cầu ngày một cao.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #65 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:59:54 am »

Qua công tác dân vận, Công an còn giác ngộ cả những nhà sư có lòng yêu nước. Cụ thể 1948 tôi gặp ni cô tên Trang trụ trì ở một ngôi chùa gần Đông Quan (không nhớ rõ). Nhà sư xin được tham gia công tác. Tôi đã nói rõ để nhà sư suy nghĩ công tác Công an rất gian khổ, không chịu đựng được thì nên ở lại coi chùa. Nhà sư ấy đã quyết tâm và làm công tác cho Công an quận V suốt cuộc kháng chiến, tiếp cận thân nhân nguỵ quyền thường hay lễ bái để lấy tin. Sau hoà bình, hoàn thành nhiệm vụ, lại tiếp tục đi tu.

Cũng có chú tiểu khi cơ quan đóng ở chùa, hợp tính tình các em giao thông, thường chơi đùa với nhau. Khi cơ quan chuyển đi, chú cũng nằng nặc theo đi đòi được công tác. Chú tiểu ấy sau này là Trần An, phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã nghỉ hưu.


Cũng năm 1948, Công an quận V đã phối hợp với trinh sát Ty Công an Hà Nội điều tra vụ án tên Việt Dũng, quận đội trưởng quận V, VI bí mật làm việc cho địch, báo cho địch những kế hoạch tác chiến của ta, nhất là trận Hoành Bồ ta thiệt hại rất nhiều mà địch không thiệt hại gì. Vụ này còn có tên Bảo giữ điện đài. Việt Dũng ra sao không rõ. Tên Bảo thì năm 1962 làm đơn khiếu oan, có lẽ y nghĩ rằng sự việc trôi qua đã lâu không ai nhớ. Nhưng tôi đã không để lọt một kẻ phản bội mà lại khiếu oan!


Cơ sở ở nội thành đã mạnh. Nhiều tin cho thấy những tên tay sai làm việc cho địch đã gây nhiều tác hại cho cách mạng, nhất là những tên phản bội, vì những tên này hiểu biết khá rõ về cán bộ, về địa hình, về sự việc, về cơ sở của ta, rất nguy hiểm cho cán bộ hoạt động hậu địch.


Mùa thu năm 1947, tại làng Viên Nội bên bờ sông Đáy, Công an Hà Nội họp với 3 quận IV, V, VI để bàn cách chống lại hoạt động phá hoại này. Tất cả nhất trí thành lập đội hành động lấy tên là đội Thanh Việt, có nghĩa là thanh niên Việt Nam và cũng có nghĩa là thanh trừng Việt gian. Đội Thanh Việt được thành lập. Anh Kim Tấn làm trưởng ban, Lê Tuấn phó ban. Mỗi quận có một đội Thanh Việt của mình. Công an quận V đã trừng trị tên trưởng phố Hàm Long gian ác khét tiếng với dân hồi cư; ném lựu đạn vào các bốt giặc, đặt mìn phá nhà máy nước đá.


Hoạt động của các đội Thanh Việt đã có tác dụng lớn, làm bọn tay sai phải nhụt chí chùn tay, và các đầu mối nội thành dễ dàng hoạt động hơn.

Cũng thời gian này Công an quận V đóng ở làng Ước Lễ. Trại giam ở chùa Sở. Địch cho máy bay "bà già" thám thính chỉ điểm cho địch pháo kích nhưng chỉ sập vài nhà ngói, cháy mấy nhà tranh. Cơ quan Công an quận V và trại giam vẫn an toàn.


Vào gần tết đầu năm 1948, tôi được anh Trần Hoàng Bá, phó trạm một trạm trinh sát nội thành tổ chức bảo vệ tôi vào sát nội thành thăm hỏi cơ sở.

Sáng 23 Tết tôi đã vào làng Phương Liệt, vào nhà lý trưởng. Ông này làm cho địch nhưng theo ta. Ông làm cỗ cúng và nhất định mời tôi ở lại ăn cơm. Bữa cơm có thêm anh Hiệp, một cơ sở tình báo của ta ở nội thành, là người làng. Biết tin tôi vào thăm anh cũng ra đón (nay anh về hưu ở trường trung học nông nghiệp Việt Yên, Hà Bắc).


Bữa cơm vừa xong thì có tiếng gọi cổng. Chúng tôi rút lên gác. Hai tên sĩ quan Pháp không mang súng bước vào. Nghe chúng nói với chủ nhà thì tôi biết là chúng vào đây kiếm ăn. Thời cơ rất thuận lợi để có thể bắt sống chúng và tước đoạt vũ khí. Nhưng nghĩ đến bảo vệ cơ sở nội thành, chúng tôi không làm.


Đến khuya, chúng tôi mới ra về. Chúng tôi rút ra vùng kháng chiến, ông lý trưởng tiễn ra khỏi làng. Tôi đi sau anh Bá một quãng. Thỉnh thoảng trên đường số 1,   cứ cách độ 1km lại có bóng một người mặc quần áo trắng bên đường. Có tới 4,5 người như vậy. Hỏi ra thì anh Bá cho biết đó là dân vệ của làng, địch bắt mặc quần áo trắng ban đêm để khi đi tuần chúng dễ nhận ra và kiểm soát được. Nay họ đứng gác cho mình đi, có địch họ sẽ báo cho mình biết mà tránh.


Chúng tôi đi đến Đuôi Cá, rẽ vào cánh đồng Huỳnh Cung qua các làng Cự Đà, Khúc Thuỷ, xuôi về Thanh Oai an toàn.

23 Tết ông Táo lên chầu trời, còn tôi, quận trưởng Công an quận V lên "chầu cơ sở ven nội" như thế đấy.

Đó là một trong nhiều sự việc còn in sâu trong ký ức không thể phai mờ.

Còn nhiều lần đụng độ với địch phục kích trong những lần vào cơ sở ven nội.

Như lần vào Yên Sở, một làng ven sông Hồng, gặp Tây lùn phục kích. Tên này gian ác nổi tiếng không kém tên Marcel. Anh Bùi Đức Việt đã đánh trọng thương một tên đội Pháp bằng đòn gánh. Hai bên quần nhau dưới ao, anh Việt đã dùng dao đâm chết nó, máu loang cả mặt ao. Nhưng rồi máu dân lành cũng đổ. Tuy vậy dân vẫn đón tiếp chúng tôi bằng thịt trâu bị địch bắn chết và một bát cơm trắng bong giữa mâm bánh đúc ngô vàng rộn có rất nhiều mày ngô.


Bà mẹ già nói với tôi, dân làng quanh năm ăn ngô giã rập nấu bánh đúc, thương ông quận trưởng gian khổ vì dân nên có ít gạo trắng nấu cơm mời ông.

Ôi! tấm lòng yêu nước thương cán bộ của những người dân vùng tạm chiếm, khiến lòng tôi vô cùng xúc động, ăn qua quýt miếng cơm cho bà mẹ yên lòng.

Bước chân tôi như được tiếp thêm sức mạnh tiến sâu mãi vào vùng địch hậu.

Còn anh Bùi Đức Việt sau công tác ở vùng giới tuyến bên bờ Hiền Lương. Năm 1960 anh đã hy sinh khi vượt sông Bến Hải.

1949 tôi chuyển sang công tác khác.

Hơn 50 năm đã trôi qua. Lại trải qua nhiều công tác nữa. Thời gian có thể không chính xác, nhưng sự kiện và con người thì không thể nào sai, vì từ trong sâu thẳm trái tim những đồng đội của tôi đã cùng tôi vào sinh ra tử vẫn đậm nét trong tôi.


Ghi lại đôi dòng ký ức cũng là để tưởng niệm những đồng chí đã khuất.

TỐNG THỊ HÒA ghi
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #66 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 08:08:07 am »

MỘT SỐ CÔNG TÁC CỦA CÔNG AN QUẬN V HÀ NỘI (1946-1948)


Đại tá Trần Hoàng Bá *
Nguyên cán bộ Công an quận V Hà Nội


Từ 11-1946 đến 3-1947

Sau Cách mạng tháng 8-1945, Sở Công an Bắc Bộ kiêm nhiệm luôn chức năng của Công an Hà Nội. Mọi hoạt động lúc này là chống các phần tử phản động trong nước, chống đặc vụ Tưởng; gián điệp và tay sai của Pháp.


Cuối tháng 10-1946 anh em trinh sát thuộc Phòng Bảo vệ Chính trị Sở được bổ sung cho các quận, huyện. Tôi và 20 đồng chí được bổ sung về tiểu khu Văn Miếu thuộc Liên khu III làm các nhiệm vụ:

1. Phối hợp với tự vệ, các đoàn thể cứu quốc, nắm lại lực lượng, đánh giá thực chất đội ngũ có khả năng trụ lại và chiến đấu.

2. Rà soát lại những phần tử nghi vấn, Pháp kiều, những nhà kiên cố có khả năng địch sẽ đóng quân để tiến công lực lượng ta. Với những người đó thì phải bắt buộc họ tản cư sớm; hoặc có kế hoạch tước vũ khí của Pháp kiều, khi chiến sự nổ ra thì phải tiêu diệt và phá huỷ các căn cứ đó.

3. Vận động nhân dân đi tản cư

20 chúng tôi với số cán bộ Công an chia khu vực để thực hiện nhiệm vụ trên. Cụ thế là:

a/ Từ Giám đến hết Hàng Bột, Hào Nam.

b/ Từ nhà Dầu Shell (số 1 Khâm Thiên) đến Ô Chợ Dừa, Xã Đàn bao gồm cả các làng Văn Chương, sau Ga.

c/ Từ Ô Chợ Dừa (nhà máy Tóc nay là khu Công ty Vệ sinh) đến Cầu Giấy quặt về Láng, Ngã Tư Sở.

Tin tức tập hợp được đều báo cáo cho chỉ huy Công an đại diện Ban Bảo vệ Liên khu III đóng ở trụ sở Công an quận Đống Đa bây giờ.

Khoảng 15-12-1946 lệnh trên truyền xuống đắp các ụ chiến đấu: đầu phố Khâm Thiên, phía dưới nhà thờ Hàng Bột, đầu phố Nam Đồng, đầu Ngã Tư Sở. Trong phố thì đục tường thông các nhà.

Chiều 19-12-1946, tất cả các đơn vị Công an, quân đội tiểu đoàn An Giao, tự vệ... được phổ biến chuẩn bị chiến đấu nhưng chưa nói giờ nào. Cán bộ chiến sĩ sẵn sàng gọn nhẹ tư trang, sẵn sàng vũ khí chiến đấu. Chúng tôi chuyển địa điểm xuống tập trung ở Ngã Tư Sở.


Tối 19-12-1946, khi có tiếng súng nổ liên hồi trong thành phố, chúng tôi cùng với bộ đội, tự vệ vây đánh nhà Deléveaux, khu nhà sĩ quan Pháp ở đầu phố Hàng Bột. Các tổ Công an luôn theo lỗ tường trong các nhà đi nắm tình hình ở Hàng Bột, Khâm Thiên, đồng thời tiếp tục vận động dân đi tản cư.


Ngày 20-12-1946, mặt trận Hàng Bột, Khâm Thiên tương đối yên tĩnh.

Đến 30-12-1946 quân Pháp với lực lượng đông, nhiều xe cơ giới phá dần các ụ chướng ngại trên đường Hàng Bột, Khâm Thiên đến gần Ô Chợ Dừa.

Do chiến sự ngày một lan rộng, một số Công an, bộ đội tự vệ dân dân được chuyển đi bổ sung cho địa phương khác. Công an Liên khu III chỉ còn khoảng 20 và nhiệm vụ chủ yếu là điều tra quân báo mặt trận báo cáo cho Liên khu tình hình ở vùng đai Khương Trung, Khương Hạ, Hạ Đình, Mọc Quan Nhân, Trung Kính, đồng thời sàng lọc số dân từ trong Thành ra và ngăn họ vào Thành. Sự thật họ bị nghẽn lúc đánh nhau nay mới ra được hoặc trở về thu vén của cải đi tản cư. Nhưng do ấu trĩ về nghề nghiệp nên cứ thấy ai mang trong người bất cứ vật gì có 3 màu xanh, trang, đỏ là đều giữ lại đưa về nơi thẩm vấn để phân loại.


Địch tấn công chiếm thị xã Hà Đông 3-1947, Công an Quận V sát nhập với Công an Thanh Oai, chia thành nhiều đơn vị đóng rải rác sát các khu vực Hà Đông, Ngã Tư Sở để:

- Điều tra tình hình địch.

- Xây dựng mạng lưới báo tin trong nhân dân, mục đích hạn chế địch dồn dân về vùng chúng tạm chiếm, vũ trang giải thoát cho nhân dân không theo địch đi lính lập tề; bao vây kinh tế địch không để hàng ngoại nhập vào vùng ta và không cho mang lương thực thực phẩm vùng tự do đem vào chợ gần đồn bốt địch. Thỉnh thoảng ta chôn mìn trên đường Cầu Mới đi Hà Đông; gài mìn, ném lựu đạn khi chúng ép dân ra làm lại Cầu Mới (đã bị ta phá).

Khoảng tháng 3,4-1947, ta không cho địch lập chợ Lủ bằng cách ném lựu đạn vào địch, đồng chí Nguyễn Tử Quát đã dùng súng bắn một tên lính nguỵ bảo vệ chợ, nhưng tiếc thay súng không nổ, đồng chí Quát hy sinh tại trận.


Chiếm được Hà Đông, Cầu Giấy, địch mở rộng ra vùng xung quanh như Bương Cấn, Chương Mỹ (chùa Trầm), Thanh Oai (Khúc Thuỷ, Cự Đà).

Khoảng tháng 4-1947, địch tấn công ra Cự Đà trước khi nhảy dù Bồ Nâu 7-1947, có ý chộp cơ quan đầu não Khu XI Trung ương ở Chương Mỹ và quận V ở Cự Đà, ở Bương Cấn để thăm dò lực lượng ta. Ở quận V ta cũng bố trí phòng ngự ở Cự Đà và Nhân Hoà ở bên kia sông Cự Đà nên chúng không dám đi nữa và rút ngay. Những trận thăm dò đó địch không thiệt hại gì. Nhưng ở Nhân Hoà có đồng chí Tiến công an bị đạn lạc, vết thương nặng mất nhiều máu nên hy sinh.


Tuy chiếm được thị xã Hà Đông, đóng quân ở Ngã Tư Sở, trường bay Bạch Mai và cố ra sức bình định khu vực quận V của ta, nhưng cán bộ Công an từ căn cứ Cầu Chiếc, Đan Thâm (gần Sái, Cự Đà) vẫn len lỏi lên tận Cầu Mới, Mọc, Lủ để hoạt động, không cho địch dồn dân, lập tề. Công an cũng gài mìn buộc địch không dám ra ngoài khu vực đóng quân nên ta đi lại không chỉ ban đêm mà cả ban ngày. Cho mãi tới đầu 1948 chúng đóng đồn Quang Liệt ta mới chịu rút vào bí mật, hoạt động vào ban đêm và vẫn bôn tập từ ngoài vào các khu vực quận V, mở rộng phạm vi nắm dân cả ở Láng, Vạn Phúc là khu vực triển lãm Thành Công bây giờ.


Cũng từ những hoạt động điều tra địch, nắm dân, vận động nhân dân không chịu lập tề, Công an quận V còn làm nhiệm vụ vận động lính nguỵ, lôi kéo lính nguỵ phản chiến nữa. Công an đã có thành tích dùng 2 phụ nữ cứu quốc lôi kéo được 2 lính nguỵ mang súng ra hàng ta (có một chị sau đó được ta tác thành lấy một hàng binh đó - gia đình chị Vòng anh Thái nay còn sống).


Từ 4-1947 đến 12-1948

Sau khi nhảy dù ở Bồ Nâu hòng chộp cơ quan đầu não của Thanh Oai và quận V, địch tiến đến đóng bốt ở Thạch Bích thì trên chủ trương tách Lưỡng Hà thành hai tỉnh Hà Đông và Hà Nội. Ở Hà Nội, thành lập ở ngoại thành thành 3 quận IV, V, VI. Địa giới quận V từ đường Tàu Bay (nay là Trường Chinh) qua Ngã Tư ra Láng đến Cầu Giấy trở xuống và lấy đường 1 làm ranh giới giữa quận V và VI cũng như Dịch Vọng, Trung Kính, Mọc, Mễ Trì thuộc quận V và lấy đường 7 để làm ranh giới giữa quận V với Thanh Oai (Hà Đông).


Lực lượng Công an quận V lúc này chỉ còn 10 đồng chí trong biên chế và 5 là tạm tuyển hưởng phụ cấp. Xét về địa bàn thì quận V hoàn toàn bị đồn bốt địch bao vây và nhân dân hầu như đã và đang hồi cư về để cùng cán bộ ta giữ làng, giữ đất và làm ăn để tự cung tự cấp. Địch thì bằng nhiều thủ đoạn vây ráp khủng bố bắt bớ những người nghi đã và đang làm việc cho ta. Đi đôi với những hành động bạo lực đó, chúng ra sức mị dân, tung hàng hoá ra bán, cho tay chân tuyên truyền có chính phủ (bù nhìn), có quân đội riêng v.v... Đồng thời tìm mọi đối tượng tiêu cực, lạc hậu để làm tay sai cho chúng, trước mắt là lập tề, cấp giấy thông hành cho dân để tự do ra vào nội thành làm ăn, buôn bán. Cán bộ ta lúc này gần như bán công khai hoạt động, có nhiều nơi đã phải đào hầm bí mật để ở. Cán bộ làm công tác vũ trang nay cũng khó khăn tập hợp trong các đội tự vệ, làm du kích... Công an ta phải vừa ra sức điều tra những tên làm chỉ điểm cho địch để bắt đưa về hậu phương xử lý, bằng nhiều cách thuyết phục những người mà địch đưa vào làm tiên chỉ, lý trưởng hoặc hương lý, làm trương tuần canh gác không cho Việt Minh vào làng. Nhờ quần chúng đùm bọc nên có nhiều thôn xã không lập được hội tề. Xã Đại Kim (gồm 2 thôn Lủ, Đại Từ là những nới quần chúng kiên cường đã tự động giải tán nhiều hội tề; tối đến là đóng hết các cửa cống vào thôn xóm và đã báo cho cán bộ ta những ám hiệu mỗi khi có địch đi tuần tra, vây ráp. Mỗi khi có cán bộ tới, đúng ám hiệu, khẩu hiệu mới mở cổng. Tết âm lịch Mậu Tý (2-1948), công an đã cùng cán bộ xã Khương Hạ còn tổ chức mít tinh chúc mừng năm mới. Khoảng 2 hay 4 Tết (không nhớ rõ ngày) tôi đã cùng đồng chí Lê Tuấn (quận trưởng Công an quận V) đã ra thôn Phương Liệt cạnh sân bay Bạch Mai để thăm một cơ sở. Sau đó cả hai chúng tôi được cơ sở dẫn ra đường cái để vào nội thành. Vào thời gian này, do Công an hướng dẫn, Quận trưởng Công an Lê Tuấn và Chủ tịch quận Phạm Dụ đã lên thăm, động viên đồng bào. Chúng tôi đều có cơ sở ở các xã từ Vạn Phúc, Láng, Mọc, Mễ Trì, Thượng Hạ Đình, Lủ và Thanh Liệt (có bốt Quang), và Kim Lủ được coi như "chiến khu" của ta. Ở Kim Lủ từ già trẻ, gái trai đều biết tên tôi, một cán bộ Công an quận V.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #67 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 08:08:45 am »

Công tác diệt tề trừ gian ở quận V có nhiều kinh nghiệm, như để phá tề, diệt tề chúng tôi chủ yếu dùng lực lượng quần chúng; còn quận IV thì dùng lực lượng vũ trang, lập làng chiến đấu để phá tề, đánh địch, nên bị tổn thất nhiều. Có thể kinh nghiệm này đã được cấp trên chú ý phân tích khi xác định phương châm công tác vùng địch. Cũng nên thấy rằng, địch rất chủ trọng địa bàn trọng điểm này. Chúng đặt Ngã Tư Sở là Đại lý Hoàn Long, có Ty Công an nguỵ, lập đơn vị mật thám không quân ở sân bay Bạch Mai. Tàn ác nhất là tên Marcel Tây lai trước ở phố Hàng Bột, lập ra bọn mật thám Phòng Nhì. Chúng luôn phục kích trên mọi ngả đường, ban ngày liên tục tuần tra. Hoạt động của Công an quận gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng bị tổn thất không đáng kể, chỉ có đồng chí Mỳ ở Hạ Đình bị địch bắt và ta mất một tiểu liên, một giao thông bị bắt, sau được thả vì chúng không tìm được tài liệu, đồng chí Dân (sau này là Phó Giám đốc Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu) bị địch bắn thương nhưng không bị bắt. Cũng có đồng chí hy sinh, do địch phục kích trên đường ra vào vùng tự do.


Trong việc địch lập tề, Công an quận V cũng có cách đánh khác, chẳng hạn người ra làm tề là do ta chọn, rồi để quần chúng giới thiệu với địch, được địch đồng ý, thì sau một thời gian ta phá bằng cách bố trí "tề" chạy vào nội thành, để quần chúng nói dối địch do Việt Minh bắt. Có thể nói, hầu hết tề là do ta chọn người, rồi ta lại phá bằng cách vận động họ khước từ với địch, hoặc để trốn vào Thành v.v... Chủ ý của ta là kéo dài thời gian không có nguỵ quyền. Cứ thế, lặp đi lặp lại. Có nơi tới năm rưỡi mà địch không lập được tề nguỵ, như ở Kim Lủ, Đại Từ, Định Công, Hạ Đình, Mọc Quan Nhân, Nhân Chính... Nhân đó, ta đã xây dựng các tổ chức quần chúng, chính quyền ta ở xã, và bám trụ được ở địa bàn.


Tôi còn nhớ việc chuyển thư của Chính phủ ta gửi Bollaert - Cao uỷ Pháp ở Đông Dương (sau này y đọc diễn văn muốn cùng ta cứu vãn hoà bình ở Việt Nam) vào khoảng giữa năm 1947. Khi đó Thành uỷ trao nhiệm vụ cho Công an quận V, còn tôi là người đã bố trí quần chúng đưa thư vào Ngã Tư Sở giao cho Đại lý Hoàn Long để chuyển về Hà Nội.


Còn việc xây dựng cơ sở ở các thôn, xóm, xã trong quận, chúng tôi có sáng kiến dùng người thân ở thôn này có người nhà, họ hàng, thông gia... ở thôn khác để bắc cầu tạo dựng cơ sở, thông qua giác ngộ giáo dục họ trở thành cơ sở nuôi dấu cán bộ ta; qua đó anh em đỡ phải ngủ ở ngoài ruộng lúa, bờ mương...


Với thành tích đó, tôi đã được Ty Công an Hà Nội cấp giấy khen và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Hà Nội có thư khen đặc biệt về thành tích phá tề trừ gian (nay vẫn còn lưu) và đi báo cáo ỏ một hội nghị Thành.


Công an quận V cũng là lực lượng có thành tích đáng kể trong việc bán công phiếu kháng chiến. Chúng tôi bán cho nhân dân trong quận và qua quần chúng bán cả trong nội thành.

Để thực hiện ý đồ bình định cho được nội và ngoại thành Hà Nội, gây thanh thế cho bọn bù nhìn, tạo điều kiện đàm phá với ta trên thế mạnh, và cũng để làm áp lực cho phái hữu ở Pháp dốc tiền của vào chiến tranh, nên hành động xâm lược của Pháp nguy hiểm hơn, thâm độc hơn. Từ giữa năm 1948, sau khi đã đẩy lùi hoạt động của ta ở quận IV, địch quay sang quận V và quận VI. Chúng ra sức càn quét vây ráp, phục kích, tung gián điệp ra các vùng Yên Duyên, sở Thượng (quận VI) và các thôn xã ven đường 6 (Cầu Mới, Hà Đông... thuộc quận V) để quét vét cán bộ, cơ sở ta, đi đôi với việc khủng bố dân, ép cho được việc lập tề. Chúng thẳng tay san bằng thôn Khương Trung, đuổi dân Khương Trung vào nội thành hoặc ra Ngã Tư Sở để làm trắng khu vực bảo vệ sân bay Bạch Mai. Đồng thời đưa những tên tay sai vốn đang cộng tác với chúng ở nội thành, có quê quán ở vùng ven các địa phương ven sông Hồng, đường 1, vùng xung quanh Ngã Tư Sở và lập đội bảo an, lập tề, đi đôi với việc cấp phát "giấy thông hành" cho dân... Chỉ trong vòng 2 tháng sau thì hầu như mọi thôn xóm, xã đều đã có tề và hoạt động của tề nguỵ lúc này lại khá phản động, đã bắt bớ những quần chúng nghi là người của Việt Minh, với thanh niên thì ép vào bảo chính đoàn, các cụ già, phụ lão nếu thấy ai có vẻ "bướng" là đánh đập. Hàng tuần (có nơi chỉ vài ba ngày) chúng lại vây làng, bắt mọi người tập trung ở đình, chùa v.v... để kiểm tra giấy thông hành, ai không có chúng nghi là Việt Minh, thấy ai ghẻ lở hoặc nước da xanh xao chúng cũng cho là Việt Minh để rồi bắt bớ đánh đập. Có trường hợp chúng đánh hoặc bắn tại nơi tập trung. Hành vi dã man bạo lực đó chẳng mấy chốc đã làm quần chúng sợ sệt, tiêu cực đi đến không dám nuôi giấu cán bộ hoặc nếu vì sự xót xa, có ý chí đấu tranh thì cũng chỉ dám đưa cơm ra một chỗ hẹn ở ngoài thôn xóm để nuôi dưỡng, tiếp tế cho cán bộ ta... Tình hình trên còn làm cho một số cán bộ tạm tuyển không trong biên chế của lực lượng Công an quận V cũng dao động đi đến tiêu cực, lúc đầu nhận giấy thông hành của lý trưởng cấp, sau rồi có người lờ đi không nhận việc, có người chạy vào nội thành tìm việc để sinh sống vừa là cầu an, vừa để tránh cho gia đình không bị khủng bố. Các đoàn thể quần chúng như phụ nữ, phụ lão cũng dần dần tan rã và cán bộ các ngành: quân sự, phụ nữ, cán bộ Đảng ở địa phương hầu như ra vùng tự do, về căn cứ... Riêng lực lượng Công an quận V, sớm có ý thức công tác nên đã sơ tán sang thôn Triều Khúc, sang Văn Quán xã Tân Triều, lúc đó thuộc thị xã Hà Đông, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội xây dựng cơ sở, đào hầm bí mật để tối đến lại bôn tập về địa bàn để tiếp tục nắm dân, giữ cơ sở... Tuy vậy, với lực lượng cán bộ Công an quận V chỉ còn lại rất ít 6 - 7 đồng chí (vì một số trong biên chế lại điều động về Ty, đại bộ phận tạm tuyển thì hết tác dụng) nên việc khôi phục lại cơ sở, phong trào không có kết quả mấy.


Cũng do điều kiện chính trị như trên và do có chủ trương và phương châm công tác vùng địch nên số cán bộ còn lại đã được chuyển hướng công tác... Những cán bộ xây dựng phong trào cũng bằng cách này cách khác để hợp pháp hoá sự hoạt động của mình.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #68 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 08:11:10 am »

SƯ BÀ TRANG, MỘT NỮ CHIẾN SĨ TÌNH BÁO XUẤT SẮC


Lê Tuấn


Bước chân qua cổng Tam quan của ngôi chùa bên đường từ Đông Quan ra Tía, tôi hơi ngỡ ngàng vì cái bề thế rộng rãi của ngôi chùa này.

Chiếc sân gạch Bát Tràng đỏ au, thênh thang dưới bóng rợp của mấy cây ngọc lan cành lá xanh thẫm, lấm tấm những búp nụ trắng ngà, e ấp dưới tán lá um tùm, toả hương thơm ngan ngát, càng làm cho cảnh chùa thêm u tịch trang nghiêm. Tôi hơi rụt rè bước đến chỗ "trai phòng" thấy một bác nông dân đứng tuổi, từ sân sau chạy ra chào đón:

- Thưa! Ông là...

- Vâng! Tôi là quận trưởng Công an Quận V, Hà Nội, đến xin gặp vị sư trụ trì ở chùa này.

- Thưa ông! Sư bà chúng tôi cũng đã dặn chúng tôi là sẽ có khách quý đến thăm chùa. Đang nắng nôi thế này, ông không để mát trời hãy đi!

- Cơ quan tôi ở xa lắm. Đi từ sáng sớm đến đây, mong được gặp nhà chùa để bàn công việc, xong rồi còn về cho kịp trước trời tối.

- Sư bà chúng tôi đang tụng kinh. Xin mời ông ngồi nghỉ ở "trai phòng" để tôi lên báo cho sư bà biết.

- Ông cứ để sư bà tụng kinh cho xong. Tôi ngồi chờ một lúc cũng được.

- Giờ này không phải lúc tụng kinh, nhưng có lẽ sư bà chúng tôi muốn cầu xin đức Phật điều lành...

"Trai phòng" là gian nhà tiếp khách thập phương, thoáng đãng, nối liền sân trước với sân sau, rồi đến dãy nhà bếp, chuồng trâu, chuồng lợn, ao cá và vườn rau... Tôi ngôi xuống ghế tràng kỷ bằng gỗ gụ đã lên nước đen bóng, thấy bàn ghế, nên nhà sạch như li, như lau, không chút bụi bẩn, cảm thấy thoải mái với không khí thanh bình, nhẹ lâng lâng ở vùng hậu phương yên tĩnh. Gió mát thổi lộng làm tôi thấy hết nỗi nhọc nhằn mệt đường xa... Bác Mộc đem siêu nước sôi. Bác pha ấm chè xanh, đặt trong chiếc khay vuông bằng gỗ trắc chân quỳ, trong có đĩa Thất hiền, đặt bốn chiếc chén nhỏ, sóng sánh màu vàng tươi của nước chè, bốc mùi thơm ngai ngái. Tôi nhấp ngụm nước chát, thấy vị ngọt trong cổ họng và làm dịu ngay cơn khát. Chợt có tiếng chào: "A di đà Phật!".


Tôi quay lại, chưa kịp đáp lễ, bác Mộc đã đỡ lời:

- Sư bà trụ trì chùa chúng tôi.

Trước mặt tôi là sư bà? Đây chí là cô thôn nữ xinh xắn, dưới chiếc khăn nâu và bộ áo dài màu nâu, chân chất của đồng quê. "Sư bà" là chức vụ của người tu hành đã lên cấp mà không do tuổi tác... Vì sư bà lắm hơn tôi vài ba tuổi, độ 27, 28 là cùng, nên tôi không biết xưng hô thế nào mà chỉ gọi chung chung:

- Thưa nhà chùa! Tôi là Lê Tuấn, được anh Thuyên cho biết ý định của nhà chùa muốn trực tiếp gặp tôi để hiểu rõ về công việc...

- Thưa ông quận! Tuy tôi đã rũ bỏ cuộc đời trần tục, nhưng nước nhà đang gặp nạn chiến tranh, tôi suy nghĩ nhiều thấy mình không thể cứ núp dưới bóng Phật để sống an nhàn, sáng chiều kinh kệ... mà muốn được đóng góp chút công sức nhỏ mọn vào việc cứu nước. Cụ Hồ đã dạy "Nước nhà chưa được độc lập thì cuộc sống của nhân dân ta còn lầm than, cực khổ...". Tôi nhập thiền, cắt tóc, khoác áo nâu sống, cũng mong cứu khổ cho dân bằng lời kinh kệ... Nhưng thời thế này, muốn giúp dân khỏi khổ chỉ còn cách phải hoạt động thực tế. Tôi mong được gặp ông quận để biết rõ hoàn cảnh dốt nát của tôi, ngoài cầu kinh, niệm Phật, sớm chiều với tiếng mõ, tiếng chuông, còn có thể làm được việc gì khác nữa?

- Thưa nhà chùa! Lòng yêu nước của nhà chùa thật đáng quý. Người ta ở hoàn cảnh nào cũng có thể góp sức mình cho cuộc kháng chiến của toàn dân... Ở chỗ chúng tôi có chú tiểu Kính, cũng đã theo chúng tôi làm giao thông liên lạc (sau này là Phó Giám đốc Công an Hà Nội Trần An). Nhà chùa đã cho tôi biết rõ ý định của mình, nhưng tôi cũng xin nói rõ: công việc của công an chúng tôi, hoạt động trong lòng địch có nhiều khó khăn, nguy hiểm chưa lường hết được... Chỉ sơ xẩy một chút là bị tra tấn, tù đày ngay... Nhà chùa đã nghĩ đến như vậy chưa.

- Thưa ông quận, tôi đã núp dưới bóng Phật từ ngày còn trẻ tuổi, đã có suy nghĩ kỹ về những lời anh Thuyên gợi ý, tôi cảm thấy mình đã thoát tục là coi nhẹ cuộc đời vật chất của bản thể con người, thì một khi đã quyết đóng góp sức mình vào công cuộc kháng chiến cứu nước, sẽ không ngần ngại gì trước mọi chuyện nguy hiểm, dù có phải hy sinh cũng cam lòng... Xin ông quận cứ cho biết hoàn cảnh tôi có thể làm được việc gì có lợi cho kháng chiến...

- Nhà chùa có thể "hoàn tục" (trở về với đời sống thường dân) tham gia vào các đoàn thể Phụ nữ Cứu quốc hoạt động ngay ở địa phương, cũng là kháng chiến, đỡ phải dấn thân vào nơi hang hùm nọc rắn làm chi...

Sư bà cười để lộ hai hàm răng đen nhánh, đều đặn như hạt na:

- Anh Thuyên cũng đã khuyên tôi như vậy. Nhưng khi lòng mình đã định cởi bỏ chiếc áo nâu sông này thì phải được đặt mình vào nơi đầu sóng, ngọn gió mới bõ công quay về nơi trần tục!

- Công việc của công an chúng tôi cần hoạt động điệp báo trong nội thành... mà ở hoàn cảnh nào cũng được. Ngay như hoàn cảnh nhà chùa càng thích hợp với nhiệm vụ này, khi nhà chùa đã có quyết tâm như vậy...

- Xin ông quận cứ cho tôi biết rõ công việc...

- Nhà chùa có quen biết vị sư nào trụ trì ở chùa trong nội thành như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Thiền Quang, chùa Chân Tiên...

- Tôi có quen với sư cụ chùa Chân Tiên!

- Thế thì tốt quá! Nay nhà chùa lại có thể đến xin ở chùa ấy có được không?

- Có nghĩa là... tôi lại vẫn đi tu...

Sư bà mỉm cười, hơi cau mày suy nghĩ... Tôi chờ đợi, nhấp ngụm nước chè xanh chát, đưa mắt lướt nhìn quang cảnh chùa thấy rõ tấm lòng của sư bà, dứt bỏ ngôi chùa to lớn nguy nga như thế này, có nghĩa là sư bà cũng không màng chi đến lợi lộc của khách thập phương đến lễ.

- Ông quận có nói đến một chú tiểu nào cũng đã bỏ chùa đi làm giao thông... Không... Tôi đã cởi bỏ chiếc áo nâu này là không muốn quay về với cảnh Phật trong lúc nước nhà còn chiến tranh. Tôi mong ông quận cứ giao cho tôi bất cứ công việc gì cũng được. Tôi nghĩ nhiều rồi... Nếu ở chùa này thì tôi cũng tham gia được nhiều việc thiện khác... Nhưng tôi đã nói với ông quận từ trước là khi rời bỏ cảnh chùa, dấn thân lại vào cuộc đời thì phải là nơi gian nguy nhất. Tôi đã quyết tâm như vậy và nguyện đem hết sức mình để làm nhiệm vụ... Mong ông quận hiểu rõ cho lòng chân thành của tôi...

Tôi không còn lý do gì để từ chối một yêu cầu chính đáng, tha thiết và quyết tâm như vậy của nhà chùa, nên nói ngay:

- Nhà chùa cứ thu xếp công việc chu đáo, vài ba hôm nữa đến gặp tôi ở làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai. Trạm liên lạc của tôi đóng ngay ở ngôi chùa ngoài đầu làng...

Nói xong, tôi đứng dậy, xin phép nhà chùa ra về, thì bác Mộc đã rối rít:

"Đang trưa nắng thế này, ông đừng về vội. Sư bà cháu mời ông ở lại xơi tạm bữa cơm rau nhà chùa".

- Xin mời ông quận ở lại ăn bữa cơm thanh đạm... Trời nắng, nóng quá, tôi đã bảo bác Mộc làm cơm xong rồi và thu xếp để ông quận nghỉ lại qua trưa...

Mấy bà vãi đã đến từ bao giờ, vẫn ngồi xếp dưới nền gạch nghe câu chuyện, cũng lên tiếng chào mời tôi ở lại và vội vã xuống bếp... Chỉ một loáng, bác Mộc đã bưng chiếc mâm gỗ sơn son còn mới chưa tróc sơn, có lẽ chỉ dành trong dịp lễ hội, nay có khách quý là tôi nên đã được đem ra dùng. ... Trong mâm chỉ có bát rau muống, bát dưa chua, bát cà dầm tương... Tôi lúng túng nhìn mâm cơm chỉ có một bát, một đôi đũa... ông Mộc như hiểu ý tôi nên nói ngay:

- Sư bà và chúng cháu đã ăn cơm từ sáng sớm. Đến trưa có nồi khoai lang luộc, đến chiều tối mới ăn cơm... Xin mời ông xơi cơm rau nhà chùa. Chúng cháu xin vô phép...

Ăn cơm xong, tôi được một bà vãi dẫn đến gian buông che mành mành ngoài cửa để nghỉ trưa. Trong buồng tịnh không có con ruồi nào và không khí mát dịu, yên tĩnh đã ru tôi vào giấc ngủ trưa hè ngon lành...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #69 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 08:12:38 am »

Mấy hôm sau, lúc tôi đang bận làm việc thì em giao thông vào báo có người chờ gặp tôi ở dưới nhà ngang. Tôi nghỉ làm việc, xuống nhà ngang, nhận ngay ra sư bà với quần láng đen, áo nâu non, chiếc khăn vuông đen chít mỏ quạ... trông rõ một phụ nữ nông thôn xinh đẹp...

- Xin lỗi nhà chùa, bây giờ tôi phải gọi là gì?

- Tên em là Trang... Anh cứ gọi em như vậy.

Chị "sư bà" nói nhỏ nhẹ, ngượng ngùng trong dáng điệu bẽn lẽn của cô gái đồng quê, của một nhà sư mới học lại tiếng nói của đời trần tục...

- Chị Trang ạ! Chị ở lại đây học qua vài điểm cơ bản về nguyên tắc hoạt động bí mật trong lòng địch tạm chiếm, nhưng tôi đề nghị, tóc chị chưa dài, ăn mặc thế này vào vùng địch dễ bị chúng sinh nghi. Chị cứ ăn mặc quần áo nhà sư vào đến trong ấy, khi có nơi ăn chốn ở chu đáo yên ổn tại nhà cơ sở, chị sẽ cải trang lại, để tóc cho hợp với người thành thị và để chờ liên lạc của tôi vào giao nhiệm vụ...


Chị Trang thấy tôi nói có lý nên ưng thuận ngay... Sau đấy chị được cài vào gia đình một nhà buôn lớn, là cơ sở kháng chiến ở phố Hàng Bồ... Những ngày rằm, mồng một, chị hay đi lễ chùa Quán Sứ. Chị dùng vốn liếng hiểu biết về đạo Phật nên quan hệ được nhiều bà vợ của bọn nguỵ quân, nguỵ quyền cao cấp. Chị đã lợi dụng mối quan hệ rộng rãi này để moi tin tức tình báo. Và cũng từ đấy, suốt những năm tháng hoạt động bí mật trong nội thành, chị Trang đã cung cấp cho điệp báo nhiều tin tức có giá trị. Có một lần chị ra vùng Tự do gặp lại tôi để xin chỉ thị mới về một chủ trương khác, tôi thấy chị tươi tỉnh, hoạt bát trong bộ quần áo người thanh nữ tỉnh thành, tôi thấy mừng cho chị... Khi xong việc, tôi nói đùa, gợi ý: "Chị Trang cũng nên nghĩ đến việc lập gia đình sau này chứ! Tôi sẽ giới thiệu với chị một cán bộ thật tốt!...".

- Em là phụ nữ, cũng có trái tim, nhưng người mà em gửi gắm tâm hồn chỉ có thể trong mong ước mà không thể xây dựng hạnh phúc được. Anh cứ để cho em được suy nghĩ về cuộc đời của mình...

Tôi cũng không dám gợi sâu thêm, chắc phải là đau buồn nên mới làm cho chị cắt tóc đi tu... Một cuộc tình duyên ép uổng nào chăng?

Thế rồi, chị lại trở vào nội thành để hoạt động bí mật... cho đến ngày hoà bình lập lại. Chị đến gặp tôi và anh Thuyên, nét mặt buồn, ngập ngừng chào tôi để từ biệt. Chị lại quay về với cảnh Thiền êm ả ở làng quê. Tôi và anh Thuyên khuyên nhủ chị thế nào cũng không được đành để chị theo ý nguyện của mình cũng như lúc chị cương quyết cởi bỏ áo nâu sồng, lăn mình vào công tác điệp báo của ngành công an mà không ai ngăn được ý nghĩ sắt đá của chị. Chị là con người có ý chí độc lập, có tư tưởng dũng cảm để quyết định dứt khoát những bước đi của cuộc đời mình...


Tôi hỏi chị có trở về chùa cũ nữa hay không? Chị cho biết sẽ trở lại thăm cảnh cũ, người cũ nếu còn, lễ Phật để xin lại trở về làm con của Người... Chị không rõ sẽ ở lại chùa nào, nhưng tin chắc là nơi cửa Phật nào cũng rộng mở với chị...

Hơn 40 năm qua, một lần tôi và anh Thuyên rủ nhau đi chơi ra ngoại thành vãn cảnh...

- Anh Tuân còn nhớ đến chị Trang không?

- Nhớ chứ ! Nhưng biết tìm chị ở nơi đâu!

- Tôi biết nơi chị ở rồi... Chị lại đi tu ở chùa Ngãi Cầu. Hôm nay tôi đến rủ anh đi chơi về thăm chị Trang đấy...

Tôi và anh Thuyên đạp xe về chùa Ngãi Cầu, hỏi thăm một bà vãi về sư bà Trang. Bà vãi không biết "Sư Trang là ai" nên chúng tôi chưa biết có nên quay về hay đi hỏi thăm ở chùa khác, thì chợt có tiếng nói nhè nhẹ: "Ôi ! Anh Tuấn, anh Thuyên!".


Sư cụ Trang đây rồi! Đã gần nửa đời người, trông chị có già đi, nhưng nét mặt và hình dáng thì không thay đổi mấy. Chị Trang tíu tít mời hai chúng tôi vào trai phòng, pha trà, lấy oản chuối bày cả lên bàn mời mọc ân cần...

- Chị Trang ạ! Chúng tôi đi tìm chị trong suốt gần 44 năm trời rồi đấy. Tôi vẫn nhớ ngôi chùa ở gần Tía, chén nước chè xanh, bữa cơm thanh đạm của buổi đầu gặp chị trưa hè năm xưa...

- Anh nhớ lâu đấy. Tôi cũng không quên được từ ngày xa rời cảnh Phật đi công tác với các anh và buổi trưa hè gặp anh lần đầu mà cứ lưu lại cho tôi một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời... Tôi đã qua mấy chùa rồi và nay đến gửi mình dưới cửa Phật nơi này... Hơn 76 tuổi rồi, còn gì.

Chị hỏi thăm tôi và anh Thuyên về gia đình và công tác và những anh chị em cùng công tác ngày trước. Tôi nói rõ hoàn cảnh từng người để chị biết... Anh Thuyên thì đã có chắt gọi bằng cụ, còn tôi đã có 6 cháu nội, ngoại... Chúng tôi đã về hưu và vẫn sống ung dung với cuộc đời ngoài vòng danh lợi của người cán bộ kháng chiến năm xưa...

- A di đà Phật!

Những tiếng niệm Phật của mấy bà vãi già trong làng ra thắp hương lễ Phật, chúng tôi vội từ giã chị Trang đế chị còn tiếp các vãi và đi thắp hương...

Một năm sau, có dịp, tôi và anh Thuyên lại rủ nhau về Ngãi Cầu thăm sư cụ Trang... Nhưng đến nơi thấy ra tiếp đón là một sư thầy khác còn trẻ tuổi. Chúng tôi có hỏi đến sư cụ Trang thì sư thầy trả lời:

- Cụ chúng tôi đã lại đi trụ trì nơi khác... Chính toà nhà ba gian còn mới màu ngói đỏ, tường vôi trắng này và cả khu vườn chuối rộng ngoài kia là do cụ tôi gây dựng nên... Trước đây chùa này nghèo khổ lắm... Đầu năm nay, cụ tôi đi lễ chùa ở vùng Ninh Bình về và sau đó cụ tôi lại quyết định ra đi và nói sẽ đến ngôi chùa nhỏ điêu tàn nào đấy ở vùng non nước để gây dựng lại cảnh Phật cho khang trang cũng như ở đây trước kia. Tính tình cụ tôi là như vậy. Cứ nơi nào khó khăn thì lại lao đến...

Chuyện trò một lúc chúng tôi hỏi thăm Sư thầy về chùa mà sư cụ Trang đang trụ trì thì chính sư thầy cũng không biết đích xác nơi nào.

Trên đường ra về, anh Thuyên cứ lẩm bẩm: "Tấm lòng của chị Trang thật đáng quý... Luôn tự nguyện đến những nơi khó khăn nhất để cáng đáng công việc...".

Tôi không nói gì, nhưng trong lòng cứ thầm nghĩ mãi một câu: "Thế là cánh chim Hạc lại bay về với non nước thiên nhiên... Chúng tôi là người trần tục biết tìm chị ở nơi đâu!".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM