Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:53:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu của Liên khu III - Đống Đa - Quận V Hà Nội  (Đọc 3291 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« vào lúc: 17 Tháng Mười, 2021, 01:08:00 pm »

- Tên sách: Cuộc chiến đấu của Liên khu III - Đống Đa - Quận V Hà Nội
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Văn hóa Thông tin
- Năm xuất bản: 2001
- Người số hóa: giangtvx, vnmilitaryhistory
 


Liên khu III nằm phía Tây Nam nội thành, trên con đường huyết mạch nối liền trung tâm thành phố với Khu an toàn của Thành phố và của Trung ương.

Trong 5 đợt chiến đấu ác liệt của 60 ngày đêm, quân dân Liên khu III, về sau là Liên khu III - Đống Đa đã cùng với Liên khu II phối hợp chiến đấu mật thiết, có bài bản, có hiệu suất chiến đấu cao với Liên khu I dưới sự lãnh đạo và chỉ huy của Khu uỷ và Bộ chỉ huy Hà Nội.


Chúng tôi hoan nghênh cố gắng của Trung tướng Đỗ Trình, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu III - Đống Đa hồi đầu kháng chiến đã chủ trì cùng các bạn chiến đấu cũ của Liên khu III - Đống Đa - Quận V Hà Nội thu thập và tổng hợp tư liệu cùng hồi ký cá nhân biên soạn nên tập sách "Cuộc chiến đấu của Liên khu III - Đống Đa - Quận V Hà Nội".


Tâp sách này, cùng với các tài liệu, hồi ký của các cán bộ, chiến sĩ Liên khu I, Liên khu II và vành đai ngoại thành sẽ góp phần quan trọng vào việc tái hiện thiên anh hùng ca toàn vẹn của Thủ đô Hà Nội.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Hà Nội ngày 19-12-2001
NGUYỄN VĂN TRÂN
Nguyên Bí thư Khu uỷ, Chủ tịch
Ủy ban Kháng chiến Khu XI (Hà Nội)
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2021, 01:09:06 pm »

Lời mở đầu


Từ đầu năm 1946, để bảo vệ Thủ đô chống xâm lược, nội thành Hà Nội được chia làm ba Liên khu. Liên khu I nằm ở trung tâm phía Đông Bắc thành phố, Liên khu II ở phía Đông Nam, Liên khu III ở phía Tây Nam. Các Liên khu I, II, III đều giáp với vành đai đở các khu ngoại thành.


Do nhu cầu của kháng chiến phát triển, Liên khu III trở thành Liên khu III - Đống Đa, rồi sau đổi thành Quận V.

Trong 60 ngày đêm khói lửa, Liên khu III, Liên khu III - Đống Đa đã cùng với Liên khu II phối hợp chiến đấu mật thiết với Liên khu I theo kế hoạch trong đánh ra, ngoài đánh vào của Khu XI (Hà Nội). Quân dân Liên khu III Đống Đa đã chiến đấu anh dũng và sáng tạo, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của cả Thủ đô.


Sau 60 ngày đêm, quân dân Quận V đã tiếp tục chiến đấu thắng lợi ở mặt trận Tây Nam thủ đô, chặn đánh địch mở rộng chiến thắng, xây dựng lực lượng và cơ sở cách mạng, đẩy mạnh đấu tranh các mặt, trở thành bàn đạp quan trọng để đưa lực lượng trở lại chiến đấu ở địch hậu Thủ đô.


Trong thời gian qua, đã có nhiều tài liệu được công bố về cuộc kháng chiến ở Thủ đô, đặc biệt là về cuộc kháng chiến ở Liên khu I. Về cuộc kháng chiến ở Liên khu III và Liên khu III - Đống Đa, Quận V, năm 1994 Quận ủy Đống Đa đã xuất bản sách: Đống Đa trong nhũng năm đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp. Sách có giá trị, nhưng mô tả cuộc đấu tranh vô cùng phong phú của quân dân Đống Đa Quận V trong thời gian dài từ thời chuẩn bị cuộc Cách mạng tháng Tám cho đến hết kháng chiến chống Pháp nên trong cuốn sách này, cuộc đấu tranh và chiến đấu trong mỗi thời kỳ chỉ được đề cập trên những nét chính.


Nhằm mục đích làm rõ hơn cuộc chiến đấu của quân dân Liên khu III - Đống Đa trong 60 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội, làm rõ hơn sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ giữa Liên khu III - Đống Đa và Liên khu I và tác dụng của sự phối hợp đó, vị trí của Liên khu III - Đống Đa qua 5 đợt khác nhau của 60 ngày đêm chiến đấu và của Quận V thời gian sau đó, các bạn chiến đấu của Liên khu III - Đống Đa - Quận V đã thu thập và sắp xếp tư liệu, kết hợp với hồi ức và suy nghĩ của mỗi người, in thành một quyển sách để Kỷ niệm 55 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-2001) ở Thủ đô, góp phần tái hiện thiên anh hùng ca toàn vẹn của Thủ đô Hà Nội.


Chúng tôi rất cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Khu uỷ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khu XI (Hà Nội), Thành uỷ và Ủy ban Nhân dân Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Đảng uỷ Quận Đống Đa, Công an Thành phố Hà Nội, Công an Quận Đống Đa, Ban Giám đốc Nhà máy bia Hà Nội, các bạn chiến đấu Liên khu III - Đống Đa - Quận V cùng nhiều cơ quan khác đã vui lòng tích cực giúp đỡ chúng tôi trong việc xuất bản cuốn sách này.


Cuộc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội đã đi qua 55 năm. Các anh chị em tham gia biên soạn đã cố gắng đối chiếu tư liệu, bảo đảm tính khách quan xác thực, nhưng chắc chắn khó tránh khỏi những chỗ chưa rõ ràng. Mong các bạn đọc, nhất là các đồng chí đã chiến đấu ở Hà Nội thời gian đó góp ý kiến nhận xét để sau này quyển sách được hoàn chỉnh hơn.


TM Ban liên lạc bạn chiến đấu
Liên khu III - Đống Đa - Quận V
Trung tướng GSTS ĐỖ TRÌNH
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2021, 07:15:56 am »

LIÊN KHU III - ĐỐNG ĐA TRONG 60 NGÀY ĐÊM KHÓI LỬA Ở HÀ NỘI


Trung tướng GS-TS Đỗ Trình*
(Nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu III - Đống Đa - Hà Nội)


Để bảo vệ thủ đô chống xâm lược, nội thành Hà Nội từ đầu 1946 được chia làm 3 liên khu: Liên khu I, Liên khu II và Liên khu III.

Liên khu III nằm ở phía Tây Nam nội thành, Đông giáp Liên khu II lấy đường Hàng Lọng làm giới tuyến, Bắc giáp Liên khu I, đường giới tuyến đi từ phố cửa Nam, qua phía Bắc các phố Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Ngọc Khánh ngày nay, Tây Nam giáp khu Đống Đa ngoại thành. Đường Hàng Bột chạy từ sát Văn Miếu, gặp phố Khâm Thiên, đường La Thành ở Ô Chợ Dừa, rồi chạy ra Ngã Tư Sở, Hà Đông, là đường huyết mạch nối liên Liên khu III một bên với Liên khu I và một bên với khu an toàn của Hà Nội và của Trung ương. Đặc biệt, khu vực đầu Hàng Bột trên, Văn Miếu là nơi kế cận với Cửa Nam và cửa Tây thành Hà Nội, thường là nơi xuất phát của các lực lượng địch tiến công ra các cửa ô và ra ngoại thành.


Liên khu III gồm các tiểu khu Văn Miếu, Hỏa Xa, Thăng Long (Kim Mã).

Lực lượng vũ trang hoạt động ở Liên khu III gồm tiểu đoàn 523 (tiểu đoàn trưởng là đồng chí An Giao - uỷ viên Ủy ban Kháng chiến Liên khu), tiểu đoàn 56 (tiểu đoàn trưởng là đồng chí Anh Đệ), một phân đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, một đội công binh của thành, các đội tự vệ công nhân hoả xa, các đơn vị tự vệ phố Hàng Bột, phố Khâm Thiên, phố Kim Mã, Sơn Tây, dân quân các xã Hào Nam, khu Văn Chương, Giảng Võ. Các đơn vị tiểu đoàn 523 và tiểu đoàn 56 cũng phối hợp chiến đấu với các đơn vị của tiểu đoàn 145 (tiểu đoàn trưởng là đồng chí Trắc Vi Nam) hoạt động ở khu vực đường Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Ngọc Hà thuộc Liên khu I.


Các đoàn thể quần chúng của Mặt trận Việt Minh Liên khu III gồm Công nhân cứu quốc (tiểu khu hoả xa), Việt Nam cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Cựu binh sĩ cứu quốc...

Đảng uỷ Liên khu III gồm các đồng chí Đỗ Trình bí thư (kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến với bí danh Lê Minh Trầm), Minh Quang phó bí thư, và các uỷ viên Nguyễn Kỷ và Hà Đăng Ấn.

Đầu tháng 1 năm 1947, khu Đống Đa ngoại thành được sáp nhập với Liên khu III thành Liên khu III - Đống Đa.

Vào giữa tháng 12-1946, tình hình chính trị, quân sự ở thủ đô Hà Nội diễn ra rất khẩn trương. Tối 18-12, tướng Moóc-li-e của Pháp đã gửi tối hậu thư cho chính phủ ta, chúng định sáng 20-12-1946 sẽ tiến hành cuộc đảo chính quân sự, bắt chính phủ ta, tiêu diệt lực lượng ta, đánh chiếm thủ đô Hà Nội trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Theo quyết định của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta buộc phải đánh trả để tự vệ, nhằm kìm chân quân Pháp ở Hà Nội càng lâu càng tốt, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang kháng chiến.


Sau mấy ngày đêm lúng túng chống đỡ, giặc Pháp cố giành lại chủ động. Trước hết chúng dồn sức đánh ra phía ngoài, đẩy các lực lượng của Liên khu II, Liên khu III ra các cửa ô, rồi ra đến vùng ngoại thành. Sau đó chúng quay lại tập trung lực lượng đánh vào Liên khu I, là nơi có nhiều mục tiêu đầu não của chúng, mưu toan tiêu diệt lực lượng ta, đánh chiếm Hà Nội trong một thời gian ngắn. Nhưng cuộc chiến đấu đã kéo dài ngoài dự kiến của chúng. Và chúng hoàn toàn bị bất ngờ khi Trung đoàn Thủ đô an toàn rút khỏi Liên khu I.


Quân dân Liên khu III - Đống Đa đã cùng với quân dân Liên khu I. Liên khu II, quân dân các quận ngoại thành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và chính phủ giao cho, kìm chân giặc Pháp ở Thủ đô trong 60 ngày đêm, bảo toàn được lực lượng mình, đập tan mưu đồ chiến lược của chúng.


Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Hà Nội từ 20 giờ 3 phút đêm 19 tháng 12 năm 1946 đến 24 giờ ngày 17 tháng 2 năm 1947 được chia làm 5 đợt. Trong mỗi đợt, quân dân Liên khu III - Đống Đa đã sát cánh với Liên khu II và vành đai ngoại thành, phối hợp chiến đấu với quân dân Liên khu I theo cách đánh "trong đánh ra ngoài đánh vào" của Bộ chỉ huy Khu XI, dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ XI.


Đợt 1: Từ 19-12-1946 đến 23-12-1946. Các Liên khu đánh địch trong thành phố: Tích cức tiến công địch, đập tan âm mưu đảo chính của quân Pháp.

Sau khi đèn điện thành phố tắt vào 20 giờ 3 phút, trong lúc pháo binh ta ở các pháo đài Láng, Xuân Tảo đang bắn, đạn pháo đang bay ào ào qua đầu, Khu hậu cần Pháp trong thành dang bốc cháy, thì đại đội 29, tiểu đoàn 523 phối hợp với một trung đội tự vệ thành khu Văn Miếu bắt đầu tiến công nhà Đơ-lê-vô (Deléveaux), nay là nhà số 9 phố Cát Linh.


Đây là một ổ chiến đấu tiền tiêu của Pháp khống chế đường Hàng Bột, đường giao thông nối liên nội thành với Khu an toàn của thành phố và của Trung ương ở Hà Đông. Ta đánh tầng một, địch rút lên gác chống cự. Ta đưa một quả bom 50 kilô vào đặt, nhưng bom không nổ. Đại đội trưởng Lưu Vân cùng một số chiến sĩ và tự vệ khu phố trèo lên mái nhà, dỡ ngói thả lựu đạn xuống, diệt được vài tên và gọi một số ra hàng.


Địch đưa xe háp-tờ-rắc đến cứu viện. Khẩu ba-dô-ca của mặt trận kịp cơ động đến bắn cháy được một xe.

Chiều 20-12 số địch còn lại ở nhà Đơ-lê-vô lên xe chạy thoát. Vì xe cắm cờ Hồng thập tự, các chiến sĩ ta không kịp bắn.

Trong đêm 19-12-1946, nhiều phân đội của tiểu đoàn 523 phối hợp với tự vệ thành phố Hàng Bột đã tiến công tiêu diệt các ổ chiến đấu và khu nhà hạ sĩ quan của Pháp ở khu vực Hàng Bột trên, giữa nhà Đơ-lê-vô và Văn Miếu và ở khu vực Kim Mã. Ta bắt được nhiều tù binh.

Ở khu vực nhà ga và đầu phố Khâm Thiên (giáp Hàng Lọng) tình hình có khó khăn.

Ở nhà dầu Sen, tiểu đội bộ đội gác chung với lính Pháp chuẩn bị chiến đấu trước 20 giờ, bị lộ. Địch sinh nghi, đã chuẩn bị sẵn sàng. Khi đèn tắt, súng các nơi bắt đầu nổ, chúng chủ động tiến công trước. Ta phải rút ra ngoài. Sau đó đại đội 27 tiểu đoàn 523 được điều đến đánh, gặp địch tăng viện, ta phải rút.


Ở nhà ga Hàng Cỏ, bộ đội và tự vệ bao vây địch, triển khai đội hình, áp sát địch, nghe đâu có tiếng địch là đánh vào. Địch có hoả lực mạnh, lại chiếm vị trí trên cao bắn xuống, ta không tiến được. Sau hơn một giờ phải chuyển sang bao vây. Trung đội 50 thuộc đại đội 27 tiến vào ga, gặp địch từ nhà Đêpô tiến sang, chiến đấu gây cho chúng tổn thất. Đánh đến 2 giờ sáng 20-12 quân ta rút.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2021, 07:16:31 am »

Cũng tối 19-12-1946, một trung đội của đại đội 1 tiểu đoàn 56 phối hợp với các phân đội của tiểu đoàn 145 và tự vệ Ngọc Hà - Đội Cấn đã tiến công đánh chiếm nhà máy bia Ô-men (tức nhà máy bia Hà Nội ngày nay), diệt tiểu đội quân Pháp canh gác ở đây. Sau đó phát triển tiến công, diệt 2 ổ chiến đấu nhỏ của địch ở dốc Ngọc Hà.


Như vậy trong đêm 19-12, tuy có chỗ tiến công địch chưa thắng lợi, nhưng trong những giờ phút nổ súng đầu tiên, trong trạng thái từ thời bình chuyển sang thời chiến, các lực lượng vũ trang Liên khu III đã nổ súng được ngay, gần như đồng loạt sau khi có hiệu lệnh đèn tắt và pháo bắn, tiêu diệt được nhiều ổ chiến đấu của địch, cùng quân dân Liên khu I và Liên khu II thực hiện một đợt tiến công phủ đầu quân địch rất bất ngờ, chỉ mấy giờ trước khi quân Pháp định mở cuộc tiến công để đảo chính đánh chiếm các cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô. Đó là một thành công bước đầu, mở đầu giờn giã cuộc kháng chiến toàn quốc, buộc địch phải bị động đối phó.


Đồng thời với việc đánh địch, các lực lượng tự vệ và đoàn viên các đoàn thể Việt Minh cùng đông đảo nhân dân các khu phố đã khẩn trương tham gia hoàn chỉnh việc chuẩn bị chiến trường đánh địch. Việc đầu tiên là tăng cường hoàn chỉnh hai ba-ri-cát đầu phố Khâm Thiên và Hàng Bột. Ba-ri-cát Khâm Thiên đã chắn ngang đường phố Khâm Thiên từ trước ngày 19-12-1946, nay được tăng cường bằng gỗ, đất và tà vẹt. Ba-ri-cát đầu Hàng Bột được đắp một nửa từ trước 19-12 để xe ôtô của ta có thể chạy qua khi các cơ quan chính phủ rút khỏi nội thành, nay được đắp thêm, hoàn toàn chắn ngang đường. Dọc hai phố Khâm Thiên và Hàng Bột, tự vệ và nhân dân đục tường từ nhà nọ thông sang nhà kia. Bàn, ghế, sập, tủ, giường v.v... được xếp trên mặt đường làm chướng ngại vật. Nồi niêu, xoong chảo, xô chậu, rổ rá được úp xuống mặt đường để nghi binh làm mìn. Đồng chí Hà Đăng Ấn, chỉ huy tiểu khu hoả xa đã điều động 5 toa tàu hàng chở đầy đá có đầu máy đẩy lên phía bắc, cắt từng toa chắn ngang đường ở các ba-ri-e Sinh Từ, chợ cửa Nam, đường Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Trần Phú ngày nay, đánh trật bánh xe, tạo nên những vật chướng ngại khó khắc phục. Trong khu Văn Miếu, trên đường Hàng Bột, một số cây to và cột điện đã được ngả xuống đường để chặn xe cơ giới của địch. Một số toa xe điện được lật đổ, chắn con đường từ Ô Chợ Dừa đi ra Thái Hà Ấp.


Các đội tuyên truyền ban đêm đi giải thích cho dân chủ trương toàn quốc kháng chiến. Đoàn thể phụ nữ tổ chức nhiều nhóm các chị đi tiếp tế cho bộ đội ở những nơi đang chiến đấu.

Sáng 20-12-1946 đồng chí Tổng chỉ huy đến thăm phố Khâm Thiên. Sau đó, đồng chí đã chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu điều hai tiểu đoàn của Chiến khu 2 tăng cường cho Hà Nội. Một trong hai tiểu đoàn đó là tiểu đoàn 56, những ngày tiếp theo về chiến đấu ở Liên khu II, rồi đến đầu tháng 1-1947 về chiến đấu trên địa bàn Liên khu III.


Ngày 21 và 22-12-1946, quân Pháp ở Phủ Toàn quyền nống ra phố Ngọc Hà và Kim Mã hòng đẩy quân ta ra xa, nhưng bị ta đẩy lùi. Trong trận đánh diễn ra ở phố Sơn Tây gần chùa Kim Mã (nay là Nhà hát chèo Trung ương), đồng chí Vơn, một chiến sĩ tự vệ bắn tỉa rất giỏi, người đã bắn chết 4 - 5 tên địch trong những trận trước, đã anh dũng hy sinh.


Sau ba ngày chiến đấu, đến ngày 23 tháng 12, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định điều chỉnh lại lực lượng theo thế trận đã xác định từ trước. Các lực lượng Liên khu I co về khu vực cố thủ để đánh dài ngày. Liên khu II và Liên khu III bố trí lại lực lượng để đánh địch tiến công trên các trục đường ra cửa ô.


Đêm 23-12 trung đội 50, đại đội 27 cùng tự vệ tiến công nhà dầu Sen lần thứ hai, không gặp địch, chuyển sang bắn quấy rối địch đóng trên gác cao quán cơm hoả xa. 23 giờ 30 phút, quân ta rút.

Các đơn vị bộ đội và tự vệ thuộc Liên khu III tiếp tục tăng cường chiến luỹ, công sự, hầm hố, đường giao thông qua các nhà dọc hai phố Khâm Thiên và Hàng Bột, đặt thêm chướng ngại, tiếp tục động viên chiến đấu trong các lực lượng vũ trang và nhân dân, bổ sung đạn dược, lương thực. Các đoàn thể quần chúng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, tiếp tục hướng dẫn việc tản cư dân. Ủy ban Kháng chiến tiếp tục phát hành tờ báo "Thép", động viên quân dân Liên khu III hăng hái kháng chiến.


Các hoạt động chiến đấu và tăng cường thế trận phòng thủ của Liên khu III có tác dụng phối hợp hành động với Liên khu I và Liên khu II, bất ngờ đồng loạt đánh địch, dồn chúng vào thế bị động đối phó, đập tan kế hoạch đánh chiếm Hà Nội trong 24 tiếng đồng hồ của chúng. Đồng thời cũng là chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sẽ còn tiếp diễn.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2021, 07:17:48 am »

Đợt 2. Từ 24-12-1946 đến 14-1-1947: Liên khu III chặn đánh địch nống ra các cửa ô (trong lúc Liên khu I trụ bám đánh trong lòng địch)

Sau 3 ngày đêm bị động đôi phó, quân Pháp điều chỉnh lực lượng, chuẩn bị đánh nống ra các cửa ô hòng đẩy các lực lượng Liên khu II, Liên khu III ra xa, cô lập các lực lượng chiến đấu của Liên khu I.

Đêm 24 rạng 25-1-1947 đại đội 27 của tiểu đoàn 523 được tăng cường một khẩu pháo 37 ly với 6 viên đạn và một khẩu trọng liên 12,7 ly với 175 viên đạn, phối hợp với tự vệ hoả xa đã tiến công khu nhà dầu Sen và nhà ga.

Mục đích của trận đánh là tiêu diệt địch, đánh chiếm một mục tiêu quan trọng có thể làm bàn đạp cho địch khi chúng tiến công ra Ô Chợ Dừa.

Trên hướng tiến công chủ yếu là nhà dầu Sen, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 25-12-1946, chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh cho pháo 37 ly và trọng liên 12,7 ly bắn vào các ụ súng của địch, khống chế sân nhà dầu. Tiểu đội quyết tử làm nhiệm vụ đột kích liên tục xung phong, vượt qua hàng rào đánh chiếm sân nhà dầu cùng các mũi tiến công khác. Lúc đó địch từ gác cao quán cơm hoả xa bắn vào quân ta. Ngay sau đó, thấy một xe thiết giáp ở quán cơm hoả xa bắn lên các cửa số nhà gác mà địch không bắn trả lại. Sau lại thấy xe thiết giáp tiến ra giữa đường bắn vào các ụ súng của địch ở nhà dầu Sen, rồi bắn ra ngã tư. Lúc đó, biết rằng bên quán cơm hoả xa quân ta đã làm chủ và cướp được xe thiết giáp.


Trong khu nhà 5 gian sát sân nhà dầu, nhiều tên địch bị thương vong do hoả lực trực tiếp của ta và do súng máy từ xe thiết giáp bắn sang. Chúng tháo chạy tán loạn theo đường xe lửa về phía nhà ga. Ta làm chủ vị trí, thu chiến lợi phẩm và rút lui.


Trên hướng thứ yếu là quán cơm hoả xa, bộ đội và tự vệ hoả xa cùng phối hợp đánh. Sau khi nghe tiếng súng bên nhà dầu nổ, quân ta đã áp sát tường nhà, bắt đầu bắn súng và ném lựu đạn lên các cửa sổ ở gác hai rồi vượt tường vào trong sân, đánh vào các nhà. Một tổ nhảy vào nhà số 2 phát hiện trên sân có một xe háp-tơ-rắc, ném một quả lựu đạn lên thùng xe và nhảy lên thùng xe. Sau khi hai tự vệ gạt xác tên lính da đen sang một bên, đồng chí Nguyễn Vũ Giáp, quân khí viên của tiểu đoàn 523 chiếm khẩu 12,7 ly trên xe, ngước nòng súng lên bắn vào các cửa sổ đang có súng bắn ra, rồi bắn sang các ụ súng của địch và cống nhà dầu Sen. Sau đó đồng chí Giáp giao súng 12,7 cho đồng chí Triệu bắn và nổ máy lái xe ra đường, đến ngã tư Khâm Thiên Hàng Lọng. Đồng chí Triệu tiếp tục bắn. Lúc này có tiếng súng từ Hàng Lọng bắn tổới và tiếng động cơ cơ giới rú từ phía ga. Xe háp-tơ-rắc dừng ở ngã tư Khâm Thiên, Hàng Lọng, bắn vào quân địch đang từ nhà ga tiến xuống. Bọn này phải rút lui. Anh em lái xe về nhà dầu và quán cơm hoả xa, lúc này đã im tiếng súng, tìm cách tháo khẩu súng máy trên xe mà không được, anh em đành gài lựu đạn vào ổ súng để phá và ném lựu đạn vào đầu máy để phá xe.


Các hướng đã hoàn thành nhiệm vụ. Anh em thu chiến lợi phẩm và rút lui an toàn.

Trận tiến công nhà dầu Sen là một trận đánh hay, đạt kết quả khá, có sự phối hợp mật thiết giữa bộ đội và tự vệ hoả xa, biết cướp vũ khí và phương tiện của địch để đánh lại chúng ngay trong trận đánh. Cán bộ và chiến sĩ tỏ ra mưu trí, linh hoạt. Nếu anh em có phương án đốt cháy kho dầu của địch ở nhà Sen thì thắng lợi sẽ còn lớn hơn.


Ngày 27-12-1946 quân Pháp đánh thông đường số 5 và tăng thêm quân cho Hà Nội.

Ngày 30-12 địch huy động 600 quân, có 30 xe tăng, thiết giáp và vận tải tiến đánh Ô Chợ Dừa từ hai hướng, một hướng từ nhà Gian Đa theo đường Hàng Bột, một hướng từ nhà Sen theo đường Khâm Thiên.

Thống nhất với Ủy ban Kháng chiến Liên khu III, tiểu đoàn trưởng 523 bố trí một đại đội ở đường Hàng Bột và xóm Văn Chương, một đại đội dọc đường Khâm Thiên và xóm Thổ Quan, còn một đại đội đứng ở 3 chỗ: một trung đội ở Thịnh Hào, một trung đội ở Ô Chợ Dừa và một trung đội ở Kim Liên. Mỗi đơn vị Vệ quốc Đoàn đều có kế hoạch phối hợp hành động với lực lượng tự vệ ở các khu phố Khâm Thiên, Hàng Bột.


Từ 25-12-1946 Va-luy đã chỉ thị cho quân Pháp: "Đừng ngần ngại gì mà không đánh mạnh bằng bom và pháo..., phải sớm kết thúc, phải làm cho kẻ thù hiểu rõ ưu thế áp đảo của các phương tiện của ta".

Từ 5 giờ sáng ngày 30-12, địch tiến hành hoả lực chuẩn bị rất lâu bằng pháo binh và không quân. Bom nổ trúng vào sở chỉ huy của tiểu đoàn 523 và Ủy ban Kháng chiến Liên khu III ở nhà máy Tóc, nhưng không gây thiệt hại về người.


Tiếp đó, 300 bộ binh có 4 xe tăng và 2 xe thiết giáp mở đường tiến vào Hàng Bột. Đại đội 29 và trung đội tự vệ Hàng Bột dựa vào chiến luỹ và công sự đào ở các nhà hai bên đường dùng súng trường và lựu đạn chặn đánh địch.

Địch dùng xe ủi phá ba-ri-cát. Đến 10 giờ chúng vẫn chưa tiến được đến ụ ba-ri-cát thứ hai nên cho một bộ phận có xe tăng dẫn đầu từ Nhà Tiền (nay là nhà In Tiến Bộ) tiến xuống xóm Thịnh Hào ở phía Tây Hàng Bột. Ở Thịnh Hào, ta đánh địch, chặn chúng được khoảng 20 phút rồi phải rút. Địch từ Thịnh Hào thọc ngang ra đường Hàng Bột. Ở đây ta tiếp tục chặn đánh, gây cho chúng nhiều thương vong.


Trên đường Khâm Thiên, bộ đội, tự vệ, công nhân đường sắt dựa vào chiến luỹ và công sự đường phố ngoan cường đánh địch. Chúng không tiến được. Địch cho một bộ phận từ Sinh Từ tiến qua xóm Văn Chương xuống cắt ngang đường Khâm Thiên. Nhưng ta vẫn chặn được địch, giữ vững Ô Chợ Dừa. Quân địch bị diệt 30 tên, ta hy sinh 35 đồng chí, bị thương 20 người.


Đêm 30-12, đại đội 29 tiểu đoàn 523 lui về chặn địch ở Thái Hà Ấp. Đại đội 4 của tiểu đoàn 56 lên thay, tổ chức phòng ngự ở Ô Chợ Dừa.

Sở chỉ huy của Ủy ban Kháng chiến Liên khu III và của tiểu đoàn 523 chuyển về Thái Hà Ấp.

Ngày 6-1-1947, Pháp huy động gần 1.000 quân, 7 xe tăng, 10 xe bọc thép, xe ủi đất cùng pháo binh, máy bay yểm trợ đánh ra Ô Chợ Dừa, Giảng Võ.

Trên hướng Giảng Võ - Đê La Thành, quân địch chia làm hai cánh. Cánh thứ nhất theo đường Hàng Bột, làng Hào Nam dọc theo Đê La Thành có xe tăng dẫn đầu đánh vào trận địa trung đội 1, đại đội 2, tiểu đoàn 56. Trung đội đã dùng hoả lực bắn chặn, từng bước lui dần về phía ngã tư Giảng Võ. Ở đầu dốc làng Hoàng Cầu đã diễn ra trận đánh giáp la cà, quân ta dùng lưỡi lê, kiếm, dao xông ra đánh địch. Tiểu đội trưởng Nguyễn Phúc Lai đã anh dũng đâm bom ba càng tiêu diệt một xe tăng địch.


Cánh quân thứ hai từ nhà Tiền (phố Nguyễn Thái Học), nhà Năm Diệm (phố Cát Linh) tiến dọc đường Giảng Võ, có xe tăng yểm trợ, chia làm 2 mũi: một mũi triển khai tiến công vào làng Giảng Võ, một mũi tiến thẳng xuống ngã tư hợp vây với cánh quân thứ nhất. Tại làng Giảng Võ, địch đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của trung đội 2 (đại đội 2), trung đội quyết tử và trung đội cựu binh sĩ cứu quốc làng Giảng Võ. Dựa vào luỹ tre dày đặc, các trận địa, ụ súng, giao thông hào, ngõ ngách trong làng, quân và dân Giảng Võ đã đánh bật ba đợt xung phong đột nhập vào làng của địch.


Ở khu ngã tư Giảng Võ, cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Đại đội trưởng Vũ Công Định đã trực tiếp chỉ huy trung đội 3 chiến đấu và huy động tất cả lực lượng còn lại của đại đội ra chiến hào. Tiểu đội nữ cứu thương của Liên khu III phối thuộc cũng cầm súng, dao, kiếm chiến đấu cùng bộ đội.


Hoả lực của ta đã cản phá nhiều đợt tiến công của dịch. Địch đã dùng pháo binh, xe tăng bắn phá trận địa ta và các chướng ngại vật. Nhiều nơi đã diễn ra trận giáp la cà, vật lộn giữa ta và địch. Đến trưa, đại đội trưởng Vũ Công Định bị trọng thương, gãy đùi. Thấy quân ta khó giữ được trận địa, để bảo toàn lực lượng, đại đội trưởng hạ lệnh rút lui. Riêng mình ở lại với một số lựu đạn, tiểu liên bắn cản địch, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Chính trị viên Lê Chí Thực dẫn bộ đội rút về phía Nam. Anh đi cuối, bắn yểm hộ. Quân địch đông hơn xông lên định bắt sống. Anh đập lựu đạn nổ và hy sinh. Những tên địch xông lên gần anh cũng tan xác.


Trên hướng Ô Chợ Dừa, địch từ Khâm Thiên, Hàng Bột tiến công, cùng với thời gian tiến công Giảng Võ. Đại đội 4, tiểu đoàn 56 phòng ngự ở khu vực này. Địch tập trung tiến công trung đội 1, được bố trí bên dãy số lẻ của đường Hàng Bột (tức khu vực, cơ quan Đảng uỷ và uỷ ban nhân dân Quận Đống Đa ngày nay). Trung đội 1 đã chiến đấu quyết liệt, lợi dụng đường xuyên tường, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng căn gác. Chiến sĩ Trần Văn Phúc ném quả đạn pháo từ ban công nhà gác đã phá một xe ủi đất. Nhiều tên địch bị chết và bị thương.


Đến trưa, địch chiếm được dãy phố số lẻ và tổ chức đánh sang bên dãy số chẵn. Đại đội 4 đã kịp thời điều động lực lượng đánh chặn, địch không đánh sang được, cuối cùng phải rút lui về Khâm Thiên.

Tiểu đoàn 56 đã phá được cuộc tiến công của địch đánh ra Ô Chợ Dừa, Giảng Võ. Quân địch bị thương vong khoảng một đại đội, để lại 30 xác chết, 1 xe tăng và 1 xe ủi đất bị phá. Ta đã buộc địch phải ngừng cuộc tiến công ra các cửa ô trên hướng Liên khu III. Cuộc chặn đánh địch ở Giảng Võ và Ô Chợ Dừa là một trận đánh phòng ngự cấp đại đội rất kiên cường, nổi bật trong 60 ngày đêm chiến đấu ở Thủ đô. Cán bộ và chiến sĩ đã nêu cao tinh thần quyết tử, chiến đấu cực kỳ anh dũng và mưu trí, phối hợp mật thiết chiến đấu của bộ đội, của tự vệ, của tổ chức chính quyền và của các đoàn thể cứu quốc.


Nhìn chung lại, trong đợt 2, quân dân Liên khu III đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đánh chiếm nhà dầu Sen và quán cơm hoả xa, thủ tiêu một bàn đạp trên hướng quan trọng mà địch sẽ phải dùng khi nống ra các cửa ô, và khi địch tiến công ra, thì đã chặn đánh địch thiệt hại và đẩy lùi chúng về phía trong. Như vậy, những hoạt động đó đã có tác dụng cùng với Liên khu II tạo điều kiện thuận lợi cho Liên khu I trụ bám dài ngày, tranh thủ thời gian, củng cố lực lượng và thế trận đánh trong lòng dịch.


Đầu tháng 1 năm 1947, căn cứ tình hình diễn biến cuộc kháng chiến ở Thủ đô, Ủy ban Kháng chiến Hà Nội quyết định sáp nhập Khu Đống Đa với Liên khu III để tiện việc lãnh đạo và chỉ huy tác chiến trên một trục đường từ Ô Chợ Dừa đến Ngã Tư Sở. Đồng chí Đỗ Trình vẫn tiếp tục làm Bí thư Liên khu uỷ kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu III - Đống Đa. Sở chỉ huy của Ủy ban Kháng chiến Liên khu III - Đống Đa và của tiểu đoàn 523 chuyển về Thái Hà Ấp.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2021, 07:18:26 am »

Đợt 3. Từ 15-1-1947 đến 5-2-1947: Đánh địch tiến công ra ngoại thành (trong lúc Liên khu I tiếp tục đánh địch).

Ngày 13-1-1947, đại diện chính quyền ta và Pháp, với sự có mặt của các lãnh sự Mỹ, Anh, Trung Hoa, đã gặp nhau ở Ô Chợ Dừa. Hai bên thoả thuận sẽ ngừng bắn ngày 15-1 để dân tản cư ra khỏi Liên khu I.

Vi phạm thoả thuận đó, ngày 15-1-1947, lợi dụng lúc ta ngừng bắn, Pháp huy động trên 1.000 quân cùng khoảng 150 xe cơ giới các loại tiến công về phía nam Hà Nội với âm mưu tiêu diệt chủ lực của ta, mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Quân dân Liên khu II kiên cường ngăn chặn địch ở ngã tư Trung Hiền, Ô Cầu Dền, nhà thương Vọng. Một toán quân địch đánh vào phía đông trường bay Bạch Mai phối hợp với toán quân từ phía tây nhà thương Vọng tạt xuống. Hai trung đội thuộc đại đội 29 tiểu đoàn 523 chặn địch từng bước, tới Khương Trung giặc Pháp bị ta bắn chết hơn 20 tên. Chúng phải lui về trường bay Bạch Mai.


Ngày 16-1-1947, một toán quân địch từ Ô Chợ Dừa địch tiến thẳng nối liền với quân Pháp ở Ngã Tư Sở. Nhưng tới gò Đống Đa, bị chặn lại quyết liệt, quân địch phải đi vòng đường cánh đồng để bắt liên lạc với bọn Ngã Tư Sở.

Quân dân Liên khu III - Đống Đa (cũng như Liên khu II) đã kiên quyết đánh chặn những toán, những cánh quân địch tiến công ra ngoại thành. Mặt khác, theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến và Bộ chỉ huy khu XI, các đơn vị bộ đội và tự vệ, dân quân cử những nhóm, những tổ còn sung sức vòng về sau lưng địch, ban đêm tập kích vào những nơi sơ hở của chúng. Ngay trong đêm 15-1, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho các tiểu đoàn 523, 56 và các tiểu đoàn thuộc Liên khu II dùng những bộ phận ban ngày chưa phải chiến đấu vòng vào sau lưng địch, tiến công ở Ô Chợ Dừa, ga Hàng Cỏ, Ô Cầu Dền v.v... Ban đêm, trên các mặt trận Hà Nội, tiếng súng lại nổ ran. Các chiến sĩ bí mật bò, lọt vào giữa vị trí giặc ném lựu đạn, tẩm ét-xăng vào chăn đốt cháy vị trí giặc rồi rút lui. Ở nội ngoại thành, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc nhà một số vị trí của địch, trên ngọn tre, ụ đất, chướng ngại vật... Các đội tuyên truyền xung phong ban đêm ca hát sát vị trí địch, kêu gọi lính Âu Phi, lính Pháp phản chiến, đòi hồi hương... Cả Hà Nội sôi sục đấu tranh, nhất là trong dịp chào mừng một tháng toàn quốc kháng chiến.


Đầu tháng 2 năm 1947, Sở chỉ huy của Ủy ban Kháng chiến Liên khu III - Đống Đa và của tiểu đoàn 523 chuyển về làng Nhân Mục.

Như vậy, tính từ 19 tháng 12 năm 1946 đến 25 tháng 1 năm 1947, quân dân Liên khu III và Liên khu II đã chống lại 8 cuộc tiến công của địch, đánh mấy chục trận, tiêu hao tiêu diệt hàng ngàn tên và điều quan trọng là làm chậm bước tiến của địch. Từ giữa thành phố đến vành đai ngoại thành, đường dài khoảng 5km, địch phải đi mất 40 ngày, bình quân mỗi ngày chúng chỉ tiến được 120 mét. Đó là một thành tích rất quan trọng, vì nó có tác dụng ngăn chặn, kìm chân lực lượng quan trọng của địch, làm chậm bước tiến của chúng, kéo dài thời gian tiến công của dịch ra ngoại thành, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên khu I có thểm thời gian củng cố lực lượng và thế trận, trụ bám vững chắc, đánh địch và giam chân chúng ở Hà Nội dài ngày hơn nữa1 (Theo "Tổng kết 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Thủ đô Hà Nội", NXB Quân đội Nhân dân. HN 1997, tr.149).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2021, 07:19:02 am »

Đợt 4. Từ 6-2-1947 đến 14-2-1947. Đánh địch tiến công Liên khu I.

Sau khi nhận được quân tăng viện, từ ngày 6-2-1947, địch tập trung lực lượng đánh Liên khu I, với quyết tâm tiêu diệt Trung đoàn Thủ đô.

Chúng tập trung đánh nhà Xô-va rồi Trường Ke ở phía Đông, đánh Hàng Thiếc ở phía Tây Nam Liên khu. Sau đó chúng chuyển hướng, tiến công khu vực Đồng Xuân ở phía Bắc. Quân dân Liên khu I đánh trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tiến công, gây cho địch thương vong lớn.


Ở vành đai ngoại thành, giặc Pháp củng cố các vị trí mới đóng, cho từng tốp nhỏ thọc ra ngoài thăm dò các làng mạc xung quanh vị trí chiếm đóng.

Để phối hợp với Liên khu I, quân dân Liên khu III - Đống Đa một mặt tiến công các vị trí địch đóng ở vành đai, chặn đánh các tốp địch thọc ra ngoài, mặt khác tích cực tiến công sâu vào các điểm quan trọng của địch bố trí gần Liên khu I, tiếp tục cùng quân dân Liên khu I giữ vững thế trận "nội công, ngoại kích".


Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội ra lệnh cho đồng chí chỉ huy bộ đội ở Liên khu III - Đống Đa điều động các đơn vị tiến công vào Hàng Bột, Ô Cầu Giấy, Kim Mã, trong lúc các đơn vị của Liên khu II tiến công vào Ô Cầu Dền. Đồng thời ra lệnh cho các lực lượng ở ngoại thành tiếp tục hoạt động mạnh, phục kích, tập kích, quấy rối, nghi binh. Quân dân Liên khu III - Đống Đa đã nghiêm chỉnh thi hành lệnh đó.


Các hoạt động của quân dân Liên khu III - Đống Đa cùng với Liên khu II đã có tác dụng chia lửa với Liên khu I, ngăn chặn, kìm chân lực lượng địch đánh ra ngoại thành, kéo dài thời gian kháng chiến và không cho chúng điều động lực lượng này để quay về tiến công Liên khu I.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2021, 07:19:54 am »

Đợt 5. Từ 15-2-1947 đến 17-2-1947. Tích cực đánh địch ở vòng ngoài, để phối hợp khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I.

Sáng 15-2-1947 Hồ Chủ tịch, Ban Thường vụ Trung ương Đảng phê chuẩn đề nghị của Bộ Tổng chỉ huy cho rút Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Liên khu I. Bác Hồ khen ngợi: "Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi".


Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho quân ta tiếp tục nổ súng trên toàn mặt trận, chú trọng đánh mạnh ở vòng ngoài, thực hiện thu hút lực lượng của địch ra các mặt trận bên ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn Thủ đô rời khỏi Liên khu I về căn cứ.


Đêm 15-2 các đơn vị Liên khu III - Đống Đa đánh vào Hàng Bột, Cầu Giấy, Kim Mã, trong lúc Liên khu II đánh Ô Cầu Dền. Các đơn vị vận dụng các cách đánh tập kích, biệt kích, quấy rối, nghi binh.

Đêm 16-2 các đơn vị lại tiếp tục nổ súng ở Liên khu I cũng như trên toàn ngoại thành.

Đêm 17-2 nhiều tốp nhỏ bộ đội, tự vệ, dân quân Liên khu III - Đống Đa áp sát các vị trí của Pháp hoạt động quấy rối.

20 giờ tối 17-2-1947, theo kế hoạch, Trung đoàn Thủ đô bắt đầu bí mật rút quân. Đến 24 giờ bộ phận cuối cùng rút khỏi Liên khu I.

Khoảng 11 giờ đêm ngày 18-2, tuyệt đại bộ phận của Trung đoàn sang tới Dâu Canh.

Các hoạt động chiến đấu của Liên khu III - Đống Đa, cũng như của Liên khu II có tác dụng nghi binh, thu hút sự chú ý của địch, phục vụ cho việc Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I được bí mật, an toàn.

Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I, quân dân Liên khu III - Đống Đa (về sau đôi thành quận V của Hà Nội) vẫn tiếp tục chiến đấu hết sức anh dũng, đánh địch tiến công ra trên đất chiến khu 2, lập nhiều chiến công, điển hình là trận đánh địch ở Cự Đà Khúc Thuỷ ngày 27-3-1947, trận tập kích sân bay Bạch Mai ngày 18-1-1950. Đồng thời xây dựng cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh các mặt, tiếp tục động viên và tổ chức cho dân tản cư và trở thành bàn đạp quan trọng để thành uỷ Hà Nội đưa lực lượng trở lại xây dựng cơ sở và đẩy mạnh đấu tranh trong lòng địch ở nội thành.


Trong hoàn cảnh mới, các tổ chức kháng chiến được kiện, toàn thêm: Đảng uỷ quận V được thành lập, Bí thư Đảng uỷ lúc đầu là đồng chí Minh Quang, sau là đồng chí Nguyễn Kỷ. Quận uỷ viên là các đồng chí Hồ Trúc, Hà Đăng Ấn. Trong hội nghị toàn đảng bộ tháng 4-1947, đồng chí Hồ Trúc được cử làm bí thư quận uỷ. Ủy ban Kháng chiến quận do đồng chí Hà Đăng Ấn làm Chủ tịch.


Quận bộ Việt Minh do đồng chí Ước làm chủ nhiệm. Phụ nữ quận do đồng chí Nguyễn Kim Phượng làm bí thư. Các bộ phận trực thuộc của quận, chuyên trách từng mặt công tác được thành lập như ban Quân báo do đồng chí Lê Trần Lợi phụ trách, ban Tiếp tế do đồng chí Ước phụ trách, ban Tuyên truyền xung phong do đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh phụ trách, ban Ca kịch do đồng chí Nguyễn Kim (Quế) phụ trách, Đội uý lạo thương binh có các đồng chí Thái Tiên, Hồng Ngọc tham gia.


Như vậy, quân dân Liên khu III - Đống Đa, sát cánh với Liên khu II và các quận ngoại thành đã phối hợp chặt chẽ với quân dân Liên khu I, làm tròn nhiệm vụ Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Khu ủy XI giao cho, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của quân dân cả Thủ đô, kiên cường đánh địch. Kìm chân chúng trong nửa tháng, rồi trong một tháng, rồi trong 60 ngày đêm, góp phần tích cực bảo đảm cho cả nước chuyển vào kháng chiến.


Ta gây cho địch tổn thất đáng kể về người và trang bị kỹ thuật. Đồng thời lại bảo toàn và phát triển lực lượng ta.

Qua chiến đấu ác liệt dài ngày, quân và dân Liên khu III - Đống Đa - Quận V đều được thử thách, dày dạn, ngày càng vững vàng, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới với khí thế mới. Đảng viên, cán bộ, đoàn viên các đoàn thể cứu quốc đều được rèn luyện, sẵn sàng đảm nhiệm những công việc nặng nề hơn. Tổ chức lực lượng vũ trang phát triển mạnh. Ban chỉ huy quận đội Quận V được thành lập do đồng chí Lê Thanh làm quận đội trưởng, đồng chí Hồ Trúc làm chính trị viên. Các đơn vị vũ trang tập trung của quận được xây dựng gồm 2 đại đội, đội nữ du kích và trường huấn luyện. Đại đội 2 do đồng chí Ngọc già làm đại đội trưởng, đồng chí Phương làm chính trị viên. Đại đội 3 do đồng chí Bùi Văn Phi (Vũ Tiến) làm đại đội trưởng. Đội nữ du kích do đồng chí Nguyễn Kim Thoa làm đội trưởng kiêm chính trị viên. Trường huấn luyện do đồng chí Lam Sơn làm giám đốc.


Các đơn vị bộ đội đều trưởng thành: Sau 60 ngày đêm, tiểu đoàn 523 cùng với tiểu đoàn 145 và một tiểu đoàn khác của Hà Nội được tập hợp lại thành Trung đoàn 80 (Trung đoàn Thăng Long), trung đoàn này về sau được chấn chỉnh thành Trung đoàn 48, trung đoàn chủ công của đại đoàn 320. Tiểu đoàn 56 trở thành cốt cán để xây dựng trung đoàn 35 có nhiệm vụ đánh địch trên đường số 6 Hà Đông - Hoà Bình.


Liên khu I đánh địch từ trong ra, từ nơi quan trọng nhất của Thủ đô, vượt qua những cuộc chiến đấu ác liệt nhất do mật độ cao của quân số và bom đạn địch. Quân dân Liên khu III - Đống Đa đánh địch từ ngoài vào, phối hợp chặt chẽ với quân dân Liên khu I đã kiên cường chiến đấu, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, góp phần xứng đáng vào "đại thắng lợi" của quân dân Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 nám 2001
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2021, 09:05:24 am »

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (1946-1947)


Hồ Trúc*
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục
Nguyên Chính trị viên Quận đội V, Bí thư Quản ủy V - Hà Nội


Năm 1946, tôi ở nhờ gia đình một đồng chí ở phố Trịnh Hoài Đức và sinh hoạt ở chi bộ khu Thăng Long.

Những ngày đầu tháng 11 ở Hà Nội đã bàn tới việc có thể phải đánh nhau với Pháp. Sang tháng 12 (1946) thì việc chuẩn bị đã trở nên sôi động. Đồng bào đã bắt đầu rời Hà Nội, tản cư ra vùng quê. Tôi được giao tập hợp số anh em học sinh lớn chuẩn bị cho công tác tuyên truyền địch vận. Chúng tôi có một số tập trung ở một ngôi nhà ngõ Đội Cấn. Còn một số thì vẫn đi đi về về, không ở hẳn nơi tập trung. Anh em bắt đầu tập huấn luyện quân sự và chuẩn bị các phương tiện cho công tác sẽ nhận khi xảy ra cuộc kháng chiến. Cũng có kế hoạch mỗi người dự trữ một ít lương khô dùng cho 2, 3 ngày đầu kháng chiến, nhưng rồi cứ cạn dần, đến hôm 19-12-1946 thì coi như chẳng còn gì.


Đêm hôm ấy (tức đêm 19-12-1946) đã được báo trước, anh em tề tựu đủ mặt, chỉ có vài người không có liên lạc là vắng. Tuy biết trước, nhưng lúc tắt đèn, ai nấy vô cùng hồi hộp và phát súng ở Láng đầu tiên nổ đã bay qua đầu chúng tôi mà rót vào Thành. Tiếng nổ vang rền và ai nấy đều phấn khởi vì là súng của ta. Ta đã dùng đại bác để đánh địch bất ngờ. Phút bỡ ngỡ lúc đầu tan dần khi thấy địch không phản pháo. Thế là đổ ra đường, ồn ào gặp gỡ nhau, vác loa đi tuyên truyền trong Tiểu khu, thoả lòng tức tối bọn lính Pháp lộng hành bấy lâu, tự hào ta có súng lớn bắn vào đầu chúng.


Chưa làm được gì, thì khoảng 10, 11 giờ đã thấy các bà các chị gánh cơm nóng, đậu kho đi khao quân. Xem ra nhiều người tin tưởng hồ hởi, có thể quân Pháp bị cú bất ngờ, khéo mà quị sớm, vì người ta nhớ tới đêm 9-3 ở Hà Nội (đêm 9-3-1945 quân Nhật đảo chính quân Pháp). Nhưng rồi tiếng súng lớn súng nhỏ kéo dài mãi đến sáng, có thể máy bay địch sẽ bắn phá và lo cho pháo đài Láng. Cuộc chiến đấu tiếp diễn, dòng người ra đi từ đêm tiếp tục, phố xá vắng dần. Tin tức truyền nhau nói về các trận đêm qua làm náo nức lòng người. Chúng tôi có được tin thắng lợi nào là phát thanh bằng loa kịp thời, cả những tin chưa chắc chắn như bom ba càng đánh xe tăng, một chiến sĩ bắn giỏi chỉ bắn một viên đạn hạ hai lính Pháp, rồi có cả "Việt Nam mới" chiến đấu cùng ta v.v... cũng phát lên để cổ vũ nhau.


Đi đến đâu cũng thấy đục phá tường để luồn xuyên từ nhà nọ sang nhà kia. Đến những chỗ trống nhà, phải vượt qua thật nhanh. Qua các ngã ba ngã tư phải cúi thấp người chạy, đề phòng đạn địch bắn tỉa. Cứ thế anh em lên sát trận địa để tán phát truyền đơn hoặc gọi loa địch vận bằng tiếng Pháp. Cũng có nơi địch bắn vào chỗ loa ta vừa phát ra, nhưng không ai việc gì. Chúng tôi được chứng kiến cảnh các gia đình tản cư vội vã: chăn màn, quần áo, ấm chén, cả thư từ, ảnh vợ chồng mới cưới, tung toé khắp nơi.


Vài ngày sau, bắt đầu lan ra chuyện bắt Việt gian ở xa, ở gần. Nào "nó" có huy hiệu tam tài giấu kín; nào quần áo, khăn quàng có 3 mầu, rồi người ta xử lý tên này tên nọ. Đặc biệt là chuyện súng "tắc bọp" của bọn chỉ điểm lọt vào hậu phương ta, ra hiệu cho địch bắn tới. Cứ nghe tiếng "tắc bọp" là đổ xô đi hòng tìm, xì xào nghi kỵ, mất khá nhiều thì giờ.


Cái chết gây xúc động đầu tiên đến với chúng tôi là anh Vơn, một người lính tàu bay của Pháp, bắn rất giỏi, đã hạ được 4, 5 tên địch sau vài ngày chiến đấu. Nghe nói anh rất gan dạ, luôn dũng cảm đứng thẳng chỉ huy anh em. Xác anh được đưa về ngôi chùa gần Núi Bò. Anh em rất thương tiếc anh Vơn và đã mặc niệm anh tại chỗ. Một hôm, tôi từ Nhổn đạp xe về Tiểu khu, dọc đường thấy khiêng ra ngoài nhiều đồng chí bị thương máu me khắp mình, thì ra hôm ấy địch tấn công ra Tiểu khu Thăng Long. Ta đánh trả, nhưng vũ khí đạn dược thiếu, cơ bản là dùng lựu đạn. Nhưng lựu đạn thì quả nổ quá sớm, quả ném ra lăn long lóc không nổ, nên trận đó bị thương vong khá nhiều. Ta đã phải nghi binh, lấy ống bơ, nồi đất để doạ xe tăng. Tôi chạy cả ngày mới xin viện trợ được 70 viên đạn "mút" cũng không đủ dùng. Tuy vậy tinh thần anh em không hề sa sút, chẳng ai chịu rút lui.


Súng đạn thì như vậy, còn ăn uống thì ra sao, lúc này không nhớ lại hết được. Chỉ biết hàng ngày có quang gánh tiếp tế, cơm nhiều nhưng thức ăn rất thiếu. Chúng tôi đã phải "tiêu thổ những thứ mà gia đình tản cư để lại như cà, dưa, tương, mắm... Sau này cũng có bữa ăn thịt chó vì "chiến dịch diệt cẩu" để khỏi ảnh hưởng đến hành quân đêm của du kích. Còn lúc ấy, thậm chí quà ủy lạo chiến sĩ cũng toàn là bỏng ngô, một bữa xôi đậu đen ở ngã ba Cầu Giấy cũng được coi như một bữa tiệc ngon vô cùng.


Địch đánh lan rộng, phải chuyển máy in, hộp chữ ra xa. Dân công không huy động được, phải xin chỗ anh Phong Nhã mấy chục em ở Đội Hoàng Hùng đi khuân vác. Trời mưa, đường lầy, các em vất vả lắm mới chuyển hết về Tây Mỗ.

Hình ảnh các em ướt như chuột lột, vất vả đến gần tối mới ổn định. Thế mà làm xong nhiệm vụ, các em nhất định đốt đuốc trở về vị trí, không chịu ngủ lại đêm. Tinh thần các em thật là cao vô cùng. Tờ báo "Thép lửa" của chúng tôi phải đình bản và nhập vào báo Thủ đô. Nhưng nhà in do bác Bình, anh Sự, anh Long phụ trách sau vẫn đưa về Cự Đà in xong cuốn "Du kích Nga", phát không cho các đơn vị, rồi mới chuyển hẳn đi nơi khác.


Đầu tháng 2 năm 1947 thì có lệnh tập kết về Cự Đà, Khúc Thuỷ. Chính ở đây mới tập hợp nhau lại thành Quận V. Ở đây có Quận uỷ mới do anh Kỷ làm Bí thư, tôi được cử làm Chính trị viên Quận. Thời kỳ này đánh dấu việc xây dựng các Trung đội, đại đội du kích. Việc huấn luyện được triển khai, có anh Lam Sơn phụ trách, có mấy anh Việt Nam mới giúp sức. Cũng có lập cả đội nữ du kích do chị Kim Thoa phụ trách. Vì có ít súng, nên có anh em đã ở trong đội du kích mà chưa được sờ vào khẩu súng lục. Do đó có chuyện một du kích mân mê khẩu "côn bát", cướp cò làm chết một chị cứu thương (hình như tên là Lan) ở ngay nhà dân ở Khúc Thuỷ, làm bà con cũng run sợ lây. Công tác huấn luyện làm anh em mệt nhọc vì tập theo kiểu quân đội đế quốc. Lại còn phải học chính trị nữa. Chúng tôi có mang theo cuốn "Người chính trị viên trong quân đội" cứ cóp y nguyên để huấn luyện; kèm theo là các lời răn đe "bắn bỏ" vì thấy có một số hành vi lấy vải vóc, màn thờ của dân để làm khăn quàng và túi sách.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2021, 09:06:26 am »

Cự Đà lúc đó chỉ xa Hà Nội có nửa giờ chim bay, nhưng tập trung rất đông người tản cư, quà bánh sầm uất, nhất là xung quanh khu đình làng. Rồi bên kia bờ sông còn mở hội hè 2, 3 ngày trống chiêng lu bù. Sở dĩ như vậy là vì các đường dẫn tới Cự Đà đã bị đào phá, ta chặn đánh úp địch hành quân, còn bản thân địch cũng chưa có tiếp viện để nống ra qua vòng đai.


Lúc này, ta đã có một cơ quan tiếp phẩm đàng hoàng, đã lấy thóc về xay, đã có người đi lĩnh thức ăn, gạo nước cho từng đơn vị. Tôi nhớ chuyện này vì có một hôm thấy đồng chí Ước hớt hơ hớt hải về xin người lên vận chuyển mắm muối tương cà gạo để chạy giặc sắp tiến quân đến gần. Tết năm ấy là một Tết khá rôm rả, có đủ bánh chưng, kẹo bánh của hậu phương ủng hộ.


Rồi có tin Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Liên khu I vài ngày sau Tết. Địch như vậy là được rảnh tay ở phía sau lưng. Và chỉ nửa tháng sau, ngày 2-3-1947 chúng đã mở cuộc tấn công ra Hà Đông, đe doạ Cự Đà. Ta để quân đóng dọc sông Nhuệ, còn bản doanh rút Xuống Bối Khê, rồi về vùng Bồ Nâu, Tri Lễ. Ta vẫn từ Cự Đà xuất quân vào quấy rối ngoại ô nội thành và sân bay. Đấy là lý do địch hành quân nhiều phía đánh vào Cự Đà. Trận quyết liệt diễn ra vào ngày 27-3, khi địch ập từ Hà Đông, Mậu Lương, Đa Sĩ xuống Cự Đà. Để cản bước địch, 2 đồng chí Sự và Tự đã chiếm giữ ngôi nhà ở bên sông Nhuệ đánh lại địch từ sáng đến chiều ngày 27. Địch có súng to, súng nhỏ, có cả xe tăng thiết giáp đi theo, nhưng không dùng được vì địa bàn chung quanh ngôi nhà khó xoay trở. Chúng bắn phá từ xa rồi vào gần giáp ngôi nhà. Các đồng chí Sự và Tự sử dụng lựu đạn là chính, quyết ghìm chân chúng. Từ tầng dưới lên tầng trên, rồi lên hẳn tầng thượng. Địch không làm sao chiếm được ngôi nhà bèn chất rơm... đốt. Có lúc súng xì-ten của ta bắn được vài viên thì tắc, đồng chí Sự ức quá ứa nước mắt, phải dựa vào quả lựu đạn cuối cùng. Trời đã gần tối, địch không thắng được ta. Ta cũng đinh ninh sắp đến giờ phút hy sinh, hai anh đã ghi lại lời trối trăng quyết tử. Đúng lúc ấy thì địch rút lui sợ khi đêm đến ta tập trung bao vây chúng. Thắng lợi này được cả báo ta và báo địch đăng tin. Tiếng vang về ý nghĩa trận này cổ vũ tinh thần Quận V rất nhiều. Đến gần một năm sau, khi tôi là Trưởng ban Tuyên huấn Hà Nội lên họp Hội nghị Tuyên huấn ở Trung ương tại Đại Từ (1948) còn phải kể lể tỉ mỉ về trận này cho các đại biểu. Nó nổi lên tinh thần quyết tử của ta, ít thắng nhiều, gieo rắc niềm tin có thể thắng địch nếu gan dạ và thông minh.


Về nơi tập kết mới khoảng cuối tháng 3, lẻ tẻ có cha mẹ đem con ở tuổi thiếu niên xin cho theo kháng chiến, cũng có một ít người bắt được liên lạc với gia đình xin rút lui về hậu phương. Nói về các em thì phải nói đến công lao liên lạc của các em và cả việc lấy tin tức từ các em đem về. Tôi nhớ có một lần theo anh em lên quấy rối sân bay Bạch Mai. Từ căn cứ lên đến Cự Đà thì trời tối, trăng lưỡi liềm bị mây che lúc khuất lúc hiện. Chú bé 14 tuổi người miền Trung đã dẫn đường cho chúng tôi, chú thoăn thoắt qua các bờ ruộng đường làng đưa chúng tôi đến chỗ dấu thuyền. Chú chở đi chở về qua sông Nhuệ và luồn lau lách đi vào phía sân bay. Lúc trở về, tôi mệt quá không còn sức đi ra khỏi vùng tầm súng của địch, ngủ ngồi ngay bên một quán nhỏ. Trong khi đó chú liên lạc vẫn nhanh nhẹn đi vận động mua ăn cho anh em. Phải nói là trong cuộc chiến đấu, các em chuyển biến rất nhanh và nhiều em đã dũng cảm thông minh có khi hơn cả người lớn.


Thời kỳ đầu về Ước Lễ, Tri Lễ cũng là thời kỳ xả hơi. Dân tản cư về đây khá đông. Việc ăn xài lu bù, anh em ta sau những ngày gian khổ cũng bị cuốn vào môi trường đó, có đồng tiền nào cũng bị hút vào quà bánh, cà phê. Có đồng chí bán cả quần áo, xe đạp để khao lẫn nhau, chuyện tiếu lâm, chuyện tầm phào phát triển. Vào lúc đó có "Thư của Bác Hồ gửi các đồng chí Bắc Bộ và Trung Bộ". Quận uỷ tổ chức học tập, kết quả dẹp được các xu hướng tự do vô kỷ luật, được nhận thức về trường kỳ kháng chiến, về tư cách người chiến sĩ cách mạng, ổn định được tư tưởng, bắt đầu phát triển được nhiều đảng viên... Có lúc quan niệm còn ấu trĩ, đem cả súng xì-ten, lựu đạn chầy bày lên bàn thờ Tổ quốc đế làm lễ kết nạp Đảng. Buổi ra quân một đại đội mới cũng làm quá long trọng, động viên quá mức, có phần kích động, dẫn đến vài hôm sau trong một trận với địch đã thương vong gần một trung đội. Tính chất tiểu tư sản còn rất nặng nề trong chỉ đạo. Việc đánh Thạch Bích cũng chứng tỏ sự chỉ đạo không vững vàng ấy. Chỉ vì một đồng chí bị địch giết dã man, vì nhân dân các làng bên uất ức kêu ca lãnh đạo mà hai cấp uỷ Thanh Oai và Quận V đã chủ trương đánh vào làng Công giáo có số phản động ấy (đồn Thạch Bích). Hậu quả phải vài ba năm sau mới tạm giải quyết được.


Về Tri Lễ, Ước Lễ một thời gian, có chủ trưởng giảm biên chế, vì số người phải cáng đáng quá đông, không chịu nổi. Đây là bước khó khăn. Nhiều anh chị em đã gắn bó 3, 4 tháng rồi, công tác chiến đấu rất tốt. Công chức có, học sinh có, thương gia cũng có. Lại có cả thành phần trước vốn là lưu manh đã làm quân báo tình báo rất đắc lực. Thậm chí có cả chị em vốn là cô đầu nhà thổ, xung phong vào các đội cứu thương, rất tận tuỵ thương yêu anh em. Có trận bom, có nhiều thương vong, các chị nhặt từng mảnh ruột, từng bàn tay, vừa làm vừa khóc, tình nghĩa đồng đội rất sâu sắc. Nay cho ai về sản xuất, ai ở lại. Nhưng rồi cũng ổn thoả, an tâm, người về gia đình sản xuất, người bổ sung sang quân đội chính quy, người vào tình báo, quân báo, người hoà lẫn vào dân hồi cư để làm nhân mối hoạt động nội thành của ta. Những cuộc chia tay liên tiếp thật vô cùng xúc động. Một hôm xuống kiểm tra quân số một trung đội được báo cáo đã giảm biên. Anh em điểm danh đến số 22, bỗng có một chú bé lao ra, tay cầm cái quạt nan, điểm tiếp 23. Thì ra trung đội phải nói dối trên, dấu quân số, chia khẩu phân để nuôi em liên lạc. Còn em thì đinh ninh mình vẫn là chiến sĩ trong đơn vị. Có hôm phải tiếp riêng một chị trước là me Tây nay xin được vào thành làm nghề cũ cốt để làm việc cho ta. Hôm tiễn chị ra Ba La Bông Đỏ, chị khóc rất lâu, tiếc không ở lại được với anh chị em để chiến đấu công khai.


Sang tháng 6, trời bắt đầu nóng. Chúng tôi đang họp ở Quế Sơn, cách Bồ Nâu một cánh đồng thì có máy bay Dakota lượn quanh. Chúng tôi đề phòng bị ném bom, nên rút ra ngoài sân đình. Máy bay lượn lại, hạ tháp, cánh cửa bên mở ra, rồi bay thẳng đi. Vì chưa có kinh nghiệm nên không dự đoán được tình hình. Và hôm sau, chúng đã nhảy dù xuống Bồ Nâu, Úc Lý. Tiếng súng bắn liên hồi, từng cột khói bắt đầu bốc lên. Quân ta bố trí ở Tri Lễ, đợi đánh địch tràn vào. Nhưng địch chỉ phá phách ở Bồ Nâu. Hôm sau chúng rút, ta đánh vuốt đuôi. Xem ra địch cũng không cố tình sục sạo nhiều. Một đơn vị tuyên truyền xung phong của ta nằm dưới hầm đình làng Bồ Nâu không bị phát hiện. Cán bộ ta trốn trong cột rơm cũng thoát, các tài liệu máy chữ cũng dấu kịp, ta không mất một người nào. Nhân dân cũng thiệt hại phần nào.


Xem ra, đó là một cuộc tập nhảy dù chuẩn bị cho Thu Đông đánh lên Việt Bắc là chính.

Sau trận này, ta mới cảnh giác hơn: bí mật từ việc dùng giấy vệ sinh đến sắp xếp ba lô, tập báo động, di chuyển ban đêm v.v...

Vào tháng 9-1947, Khu uỷ XI quyết định lập Thành ủy Hà Nội, cũng là lúc tôi thôi giữ chức Bí thư Quận ủy, được điều động lên Tuyên huấn Khu XI và sang đầu năm 1948 thì về làm Trưởng ban Tuyên huấn Hà Nội.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM