Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:55:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu của Liên khu III - Đống Đa - Quận V Hà Nội  (Đọc 3296 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #30 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2021, 07:32:40 am »

IV. TIẾN HÀNH CUỘC KHÁNG CHIẾN 19-12-1946 - 30-12-1946

Sau vụ Yên Ninh, thái độ quân Pháp càng hung hăng. Thanh niên, tự vệ, phụ nữ Cứu quốc phải tự kiềm chế và giải thích cho dân hiểu để tránh các vụ khiêu khích theo lệnh trên. Ví dụ:

- 20 giờ ngày 17-12, một xe cơ giới đến gần trước ụ đèn pha bật sáng trưng, một tên xuống ụ đặt mìn vào ụ. Tự vệ được lệnh không bắn. Chúng lên xe đi thì mìn nổ rất lớn.

- Một tối khoảng 20 giờ, một xe jép đỗ ở ngoài ngõ Văn Hương, một tên da đen vào, tên da trắng ngồi xe gục xuống tay lái chợt ngẩng đầu lên, nó nhìn thấy anh Ca đội mũ sao vuông, sợ quá y phóng xe chạy, tên da đen đành đi bộ về nhưng không ai làm gì chúng.

- Có lần chúng tiếp tế cho bọn ở Bích Câu, khi về vòng qua phố Đoàn Thị Điểm - Hàng Bột, thấy tự vệ, đến đầu Cát Linh chúng quay lại. Không thấy tự vệ có phản ứng gì chúng lại đi.


Đến 19-12-1946 anh Phi Hùng khu trưởng tự vệ ba lần báo cho anh Nguyễn Hữu Thành đại đội trưởng tự vệ chuẩn bị, khi đèn thành phố tắt, pháo đài Láng bắn vào Thành là mở màn cuộc chiến.

19 giờ Trung đội 57 Vệ quốc đoàn và tự vệ đang tiến dần đến vị trí tập kết chuẩn bị đánh nhà Deléveaux.

Đánh nhà Deléveaux.

Khi quả đạn đầu tiên từ pháo đài Láng bay vun vút vào Thành thì những đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ đã được phân công rầm rập áp sát mục tiêu tiến công: nhà Deléveaux và khu nhà hạ sĩ quan Pháp.


Chỉ huy trực tiếp đánh nhà Deléveaux là Đại đội trưởng Lưu Vân. Khẩu đại liên đặt phía trước nhà Deléveaux bắn mở đầu, tiếp đó là súng các loại từ hai phía Bích Câu - Hàng Bột do Trung đội 56, 57 và tự vệ đồng loạt bắn vào.


Bên trong địch dùng tiểu liên bắn ra. Xạ thủ đại liên là chiến sĩ Vọng vệ quốc đoàn trúng đạn hy sinh.

Các cửa nhà chúng đóng chặt. Ta vừa bắn uy hiếp vừa tiến sát chân tường tìm cách phá xông vào, chưa được phía nào thì anh Phạm Gia Nho tiểu đội trưởng tự vệ hy sinh.

Địch rút lên tầng cao bắn xuống. Sau đó địch bắn thưa thớt có lẽ vì thấy lực lượng ta đông. Khoảng 30 phút sau, Vệ quốc đoàn, tự vệ dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Lưu Vân theo đường ống máng phía Hàng Bột leo lên mái nhà dỡ ngói ném lựu đạn xuống gọi hàng. Bên trong địch không bắn trả. Sau đó một tên Pháp vợ Việt Nam và một người Việt ra hàng mang theo một khẩu súng trường.


Tiếp tục bao vây gọi hàng. Địch vẫn im lặng. Cùng lúc đó tự vệ mang đến một quả bom 50kg đặt sát chân tường phía Hàng Bột, giật cho sập nhà, nhưng bom không nổ, phải khiêng ra. Lại có lệnh cho tự vệ đến chợ dỡ các lều quán mang chất cửa nhà nó đốt, nhưng cửa nhà ấy bằng gỗ quí, tốt, nguyên liệu đem đến không đủ gây cháy.


Lúc đó đã gần sáng, lệnh của Đại đội trưởng Lưu Vân cho rút lực lượng về bố trí dọc đường đề phòng hôm sau địch có thể thoát ra và lực lượng trong thành ra ứng cứu. Để lại một tổ bao vây theo dõi nhà Deléveaux.


Kết quả trận đánh đêm đầu tiên nbà Deléveaux ta thu được: 1 súng trường, 1 môtô ba bánh, gọi hàng ba tên (1 Pháp, 2 Việt Nam). Bên ta hai người hy sinh (1 Vệ quốc đoàn, 1 Tự vệ).

Tại khu nhà hạ sĩ quan Pháp, chính trị viên Trần Hải chỉ huy chiến đấu.

Lực lượng ta có một bộ phận của trung đội 56 và tự vệ đã tiến đánh khu nhà hạ sĩ quan Pháp.

Tại đây bọn Pháp đều được trang bị tiểu liên stel, súng ngắn nhưng khi bắt đầu đèn tắt, súng nổ, bọn này vẫn im lặng. Ta bao vây gọi hàng, chưa nổ súng. Chúng không bắn cũng không hàng. Không chần chừ, tự vệ vào các nhà lân cận mang giát giường, chăn bông chất đống trước cửa nhà đổ dầu và xăng. Khi chúng nghe có lệnh cho đốt thì bọn vợ chúng từ trên gác sợ hãi kêu khóc xin ra hàng. Sau đó cửa nhà dưới mở, lần lượt 3 tên hạ sĩ quan Pháp hai tay giơ cao cùng vũ khí ra trước, tiếp sau là vợ con chúng. Ta thu được một tiểu liên Stel, một súng ngắn, giải về tiểu đoàn bộ ở nhà máy Tóc.


Đốt trạm biến thế điện do Đại đội trưởng tự vệ Nguyễn Hữu Thành chỉ huy. Đội phá hoại mở cửa vào trạm biến thế đặt mìn rồi đốt. Kết quả kém phải dùng xà beng phá thủng máy cho dầu chảy ra chất rơm ném lựu đạn. Lửa cháy bùng lên đến 23 giờ mới hết.


Đốt xong trạm biến thế, đội phá hoại đặt mìn vào các lỗ đục sẵn ở cây nhưng cũng như ở trạm biến thế, cuối cùng phải dùng cưa, cưa một ít là cây đổ. Tiếp đó dùng búa tạ, xà beng đánh đổ cột đèn ở gần nhà anh Đại (khoảng số 21 hay 23 Hàng Bột, phía dưới nhà "Săm" Thái Lai).


Cùng lúc đánh ở các điểm, đội phá hoại phá đoạn đường giữa hai cái hầm trước ụ chướng ngại đề phòng địch có đưa xe tăng đến cũng không vượt qua được. Kết quả chỗ đường còn lại bị phá băng, anh em lấy xà beng cuốc chim phá nốt cho sâu xuống.

Kết quả trận đánh tại nhà hạ sĩ quan Pháp, ta thu một tiểu liên Stel, một súng ngắn, 3 hàng binh và vợ con chúng. Đạt yêu cầu các điểm cần phá huỷ ngăn chặn địch.


Các trận đánh tiêp theo.

Ngày 20-12-1946 đường phố yên tĩnh, 4 anh tự vệ: Nhã, Lập, Thọ, Lộc đi hàng một lên đầu phố. Gàn đến Phan Phù Tiên, địch trong Văn Miếu bắn ra, anh Nhã bị trúng đạn vào hông, 3 anh kia không việc gì. Chị Thiện và Lê băng anh Nhã cõng về trạm. Tự vệ cử một tiểu đội vào Văn Miếu lùng sục nhưng không bắt được tên nào.


Chiều 20-12-1946, bọn nhà Deléveaux bị bao vây suốt đêm, lại không có quân ứng cứu, nên chúng bất ngờ dùng xe ô tô cắm cờ Hồng thập tự chạy vọt ra cửa thẳng đường vào Thành. Quân ta nhìn thấy xe có dấu Hồng thập tự nên không bắn và không truy đuổi, do nhận thức ấu trĩ. Tuy vậy trên trận địa ta không còn một ổ tác chiến tiền tiêu nào của địch nữa.


Đêm 20-12-1946, tại nhà Jeanne d’Arc ở vị trí khá kiên cố nên Ban chỉ huy tiểu đoàn tăng cường cho thêm lực lượng trợ chiến gồm 1 khẩu 37 ly với 5 viên đạn, 1 khẩu 12,7 ly và 75 viên đạn. Kế hoạch là Trung đội 56 và tự vệ áp sát tường nhà này thì khẩu 37 ly bắt đầu bắn, sau đó đến khẩu 12,7 ly yểm trợ cho các đơn vị xông vào. Nhưng đại bác 37 ly bắn vào được một phát thì mối hàn bệ súng rời ra, khẩu 12,7 ly bắn được vài phát thì hóc, chữa mãi không được phải cho 2 khẩu đó về phía sau.


Ta tiếp tục bao vây, súng trường, lựu đạn từ ngoài bắn, ném vào phía trong. Hoả lực địch bắn liên tục không cho ta đột nhập. Cuộc bao vây chiến đấu kéo dài thì cùng lúc đó chĩ huy được báo cáo quả bom chôn tại Ngã tư Văn Miếu giật không nổ. Đề phòng lực lượng cơ giới địch trong Thành kéo ra chi viện, nên cho các lực lượng rút về bố trí giữ trận địa đường phố sẵn sàng chống địch tấn công sáng hôm sau.


Từ ngày 21-12-1946, tự vệ được lệnh nghi binh, lập bãi mìn giả bằng cách úp các nồi, xoong, chậu trên mặt đường từ Ngã tư Cát Linh - Hàng Bột đến ngõ Văn Chương. Việc này đã phát huy tác dụng tốt, làm chậm bước khi chúng tiến đánh ta 30-12-1946.


Trận đánh xe tăng địch.

Từ 12-12-1946 đến cuối tháng 12-1946, hàng ngày từ 7 giờ đến 16 giờ đều có 2 xe tăng hoặc thiết giáp từ trong Thành ra án ngữ tại Ngã tư Cát Linh - Hàng Bột không dám tiến sâu vào trận địa ta. Chúng đã dùng đại bác 37 ly, hai trung liên 12,7 ly bắn dọc phố và vào các điểm cao nghi ta bố trí chiến đấu. Kết hợp, tại nhà Jeanne d'Arc địch cũng thỉnh thoảng dùng cối 82 ly bắn sâu vào trận địa ta, gây khó khăn cho ta trong việc di chuyển, tiếp tế, thông tin liên lạc.

Tình hình trên là điều bất lợi cho ta.

Do nôn nóng muốn thanh toán càng sớm càng tốt nên dù ban ngày đồng chí Thọ, trung đội phó dùng tổ 3 người chọn lựu đạn Nhật bất thân vượt qua đường áp sát xe tăng, dùng lựu đạn phá. Nhưng mới vọt lên tiến giữa ngã tư thì bị địch phát hiện, dùng đại liên trên xe bắn chặn làm đồng chí Thọ bị thương ở chân. Một tổ chiến đấu của Trung đội 56 bố trí tại nhà cao đầu phố bắn yểm trợ cho tổ đánh xe tăng rút nhưng lại bị địch phát hiện và khẩu 37 ly bắn vào nhà đó làm Chính trị viên Trung đội 56 là Nguyễn Thế Lĩnh và tự vệ Nguyễn Chí Chung hy sinh.


Ngày 23-12-1946, trong khi quân Pháp tiến đánh Hàng Bông, Phủ Doãn, Chợ Hôm thuộc Liên khu I và Liên khu II thì đồng thời chúng hướng sang đánh Liên khu III nhằm dãn lực lượng ta.


Từ sáng sớm, để kiềm chế lực lượng cơ động của ta, quân Pháp cho 2 xe tăng từ cửa Tây xộc ra án ngữ ngã tư Cát Linh - Hàng Bột. Lực lượng ta bắn trả làm địch bị thương một số và phải rút quân.

Trận đánh chiều 28-12-1946 chống địch với đông lực lượng, hoả lực mạnh, có cơ giới yểm trợ từ bãi Septo định đánh chiếm tiêu diệt lực lượng ta phía phố Bích Câu (sườn trái của đại đội).

Khoảng 14 giờ ngày 28-12, trên đường phố đang yên tĩnh thì phát hiện có tiếng xe cơ giới hoạt động phía bãi Septo, sau đó có khoảng 5 chiếc GMC chở lính Pháp, có một số là nữ chạy từ đường Hùng Vương - Nguyễn Thái Học vào đổ quân tại bãi Septo.


Ta phán đoán mấy hôm nay địch không đánh sâu vào trận địa ta bố trí dọc Hàng Bột, có thể chúng dùng lực lượng đông đánh vào sườn trái trận địa ta mà ở đây địa hình trống trải, địch có xe cơ giới vận động áp sát để nhanh chóng tiêu diệt lực lượng ta và có thể chiếm các nhà cao tầng do ta đang bố trí để uy hiếp toàn bộ đường phố này.


Do vậy, ta tranh thủ lúc chúng mới từ xe xuống, hàng ngũ còn lộn xộn đã lệnh cho Trung đội 57 và tự vệ Việt Nam Cứu quốc đồng loạt nổ súng. Bị bất thân, đội ngũ chúng hỗn loạn, kêu la gọi nhau ầm ĩ, chạy toán loạn trên bãi phẳng, nhiều tên chui vào gầm xe, nấp sau xe tránh đạn.


Ta tiếp tục bắn và cho một số chiến sĩ Vệ quôc đoàn và tự vệ nhanh chóng từ trong nhà vận động ra để cướp một số súng. Nhưng cơ số đạn của ta có hạn nên bắn thưa thớt.

Địch sau giây phút hỗn loạn đã củng cố lại đội hình, chỉ huy các hoả lực súng trường, tiểu, trung, đại liên, cối 82 ly bắn mạnh về phía ta và bắn chặn, nên số Vệ quốc đoàn và tự vệ này phải quay lại vị trí chiến đấu.


Hai bên bắn nhau giằng co kéo dài khoảng 40 phút, địch tranh thủ chuyển số bị thương lên xe, sau đó rút khỏi bãi Septo vào Thành. Số địch bị thương độ 10 tên. Trận này ta không có ai bị thương vong gì.


Trong những ngày này ta vừa đánh chặn địch không cho chúng nống ra, vừa đánh tiêu hao địch, vừa tiếp tục củng cố công sự, đào giao thông hào để bí mật lực lượng chiến đấu cơ động. Ta đã hạn chế thương vong và địch không tiến được một mét đất nào.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #31 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2021, 07:33:51 am »

Trận đánh ngày 30-12-1946 giành giật từng căn nhà, từng ngõ hẻm trên đường phố Hàng Bột.

Sau 10 ngày địch dồn sức quyết liệt đánh bao vây Liên khu I, đánh sâu đẩy dãn lực lượng ta ở Liên khu II, ngày 30-12-1946, từ tờ mờ sáng quân địch đã mở trận đánh hợp vây lớn vào sâu địa bàn Liên khu III, theo hướng Hàng Bột - Ô Chợ Dừa có khoảng 500 quân. Cánh quân theo đường Hàng Lọng xuống Kim Liên có khoảng 200 tên. Cả hai cánh quân đều có xe tăng, xe bọc thép, xe ủi và các xe cơ giới khác yểm trợ. Hướng Khâm Thiên quân Pháp dùng xe cơ giới hợp với bộ binh húc san luỹ chướng ngại dọc phố, tràn vào các làng xung quanh: Thổ Quan, Văn Chương đốt phá.


Ở mặt trận phố Hàng Bột, quân Pháp tấn công từ hai hướng: Bãi Septo vào khu nhà cao tầng phố Bích Câu - sườn trái của Đại đội 29 - và dọc phố Hàng Bột.

+ Tại phố Bích Câu, địch dùng ưu thế cơ động của cơ giới, xe tăng thọc nhanh qua bãi Septo vào phố Bích Câu vây khu nhà cao tầng nơi Trung đội 57 và một tổ tự vệ bố trí chiến đấu. Lực lượng bộ binh địch tiến chậm ở phía sau.


Về phía ta do không có chướng ngại vật nên khi chiến sĩ gác trận địa nghe tiếng xe tăng thì cũng là lúc địch áp sát, bao vây nhanh và dùng hoả lực 37 ly trung liên 12,7 ly bắn mạnh vào các cửa ra vào, lối rút về phía sau của đơn vị. Sau một hồi bắn và dùng lựu đạn đánh trả địch, cơ số đạn đã hết, thấy không thể tiếp tục chiến đấu ở đây được nên Trung đội trưởng Hoàng Dung lệnh cho các chiến sĩ nhanh chóng vượt qua tường và một số ở tầng trên đã nhảy xuống yểm hộ cho nhau thoát khỏi sự bao vây của địch, và tập trung bố trí chiến đấu ở nhà trẻ mồ côi.


Riêng hướng này Trung đội trưởng và một số chiến sĩ bị thương nhẹ do trúng đạn và nhảy từ trên cao xuống.

Từ hướng Hàng Bột xe tăng địch dừng lại ở Ngã tư Hàng Bột - Cát Linh, tập trung hoả lực bắn mạnh trên đoạn đường có các vật nghi giả bãi mìn, không dám tiến nhanh thọc sâu, dùng xe háp trắc kéo cây và cột đèn ngang đường. Bộ binh đi men theo hai bên hè phố thì bị Vệ quốc đoàn và tự vệ từ các hố cá nhân và trong nhà bắn, ném lựu đạn ra. Địch dừng lại từ xa ném lựu đạn vào các hố cá nhân gây cho ta bị thương vong một số, phải rút lực lượng ở đây vào, tổ chức đánh từ trong nhà ra, buộc địch không tiến nhanh được. Địch cũng chuyển cách đánh từ xa, ngoài bắn vào và cũng chiếm nhà, diễn ra cuộc chiến từng căn nhà qua các lỗ đục tường thông nhau.


Đồng thời trên trời máy bay địch ném bom Nhà máy Tóc nhưng ở tiểu đoàn bộ và Liên khu ủy III không ai việc gì.

Để hạn chế sự tiến công của địch, anh em tự vệ đã thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đốt một số nhà cao tầng như nhà cụ Tống Bá Nho, anh Liêm, anh Nguyễn Hữu Thành.

Cuộc chiến đấu diễn ta từ mờ sáng đến khoảng 12 giờ, phía Bích Câu địch đã chiếm được nhà cao tầng và bắn vào trại trẻ mồ côi. Dọc đường Hàng Bột địch đã đến được hai bên phố. Đại đội 2 và tự vệ rút xuống chặn địch ở ngõ Văn Hương. Khoảng gần 12 giờ trưa địch đánh thọc sâu vào ngõ Văn Chương, tại đây có trạm cứu thương, Trung đội 56 do Trung đội phó Chu Thế Hùng chỉ huy đã cùng anh Bạch Hải tự vệ chặn đánh để trạm kịp thời di chuyển thương binh về phía sau.


Xe tăng của địch tiến đến gần ụ, anh Ngô Mai quyết tử quân của tự vệ ôm bom ba càng xông ra bị trúng đạn vào đùi, đồng đội yểm trợ đưa về tuyến sau.

Bộ binh địch tiếp tục giành giật từng căn nhà với ta.

Hướng Khâm Thiên gần 12 giờ trưa địch cũng đã nhanh chóng phát triển chiếm nhà cao tầng gần ngã tư Hàng Bột - Khâm Thiên với ý đồ phối hợp lực lượng của chúng ở đường phố Hàng Bột bao vây tiêu diệt lực lượng Vệ quốc đoàn và tự vệ và để chiếm đóng ngã tư Ô Chợ Dừa, đẩy lùi lực lượng của ta ra xa hơn. Nhưng đến chiều 29, tự vệ, cứu thương, tiếp tế đã rút qua đê La Thành tiếp tục bố trí dọc đường Thái Hà Ấp. Lập tức Đại đội 4 Tiểu đoàn 56 do anh Trần Quân Lập chỉ huy được lệnh thay thế Tiểu đoàn 523 đóng giữ trận địa Ô Chợ Dừa, Đê La Thành tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ ngã tư vành đai Hà Nội.


Song song hoạt động chiến đấu là đội cứu thương đã được học tập chuyên môn, quân sự luôn cùng tự vệ lên mặt trận làm nhiệm vụ. Trong tự vệ cũng có một số anh tải thương vì số chị em Phụ nữ Cứu quốc lúc đó còn khoảng 20 người, một số chị là tiểu thương, còn lại là học sinh. Trong khi làm nhiệm vụ có một chị bị đạn "tắc bọp" bắn vào đùi. Các chị đã cùng tự vệ làm lễ truy điệu gây ý chí căm thù giặc và chôn cất anh Tiểu đội trưởng Phạm Gia Nho, anh Nguyễn Chí Chung, xạ thủ Vọng, Chính trị viên Trung đội 56 Nguyễn Thế Lĩnh và Trung đội trưởng 56 Nguyễn Văn Phả ở trại chuối phố Trương Vĩnh Ký.


Ban Tiếp tế do bà Tống Thị Hiền phụ trách đã cùng tự vệ đi thu chiến lợi phẩm tại nhà Deléveaux, nhà hạ sĩ quan Pháp và lương thực của các gia đình để lại đã bảo đảm cho lực lượng chiến đấu những bữa ăn mà trong không khí chiến đấu hào hùng ai cũng thấy ngon, vui, ấm tình gia đình.


Trên đường phố Hàng Bột ngày 30-12-1946, cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch diễn ra từ mờ sáng đến chiều; Từ ngã tư Cát Linh - Hàng Bột đến ngã tư Ô Chợ Dừa - Khâm Thiên không quá 400m địch đã phải huy động một lực lượng khá đông quân thiện chiến có tăng và các loại xe cơ giới yểm trợ, phải mất hơn 10 tiếng đồng hồ mới đẩy lùi được lực lượng ta.

Chúng ta vẫn giữ được Ô Chợ Dừa và đã bảo toàn lực lượng ra khỏi Hàng Bột.


KẾT LUẬN CHUNG

Tại mặt trận Hàng Bột trên, từ 19-12-1946 đến 30-12-1946, cuộc chiến đấu giữa ta và quân Pháp đã diễn ra rất ác liệt giữa hai lực lượng không cân sức. Một bên là quân thiện chiến nhà nghề, vừa đông, vừa có hoả lực mạnh hơn ta gấp nhiều lần, có các loại cơ giới yểm trợ, hung hăng hiếu thắng. Một bên là quân đội nhân dân non trẻ chưa qua chiến đấu, tự vệ là thanh niên học sinh còn đang trên ghế nhà trường với vũ khí vừa ít, vừa thô sơ, nhưng sức mạnh là lòng yêu nước sâu sắc, có chí căm thù giặc, quyết giữ từng tấc đất.


Với sự hy sinh của 3 chiến sĩ Vệ quốc đoàn và 2 Tự vệ, một số bị thương, Đại đội 29 và tự vệ Hàng Bột ngay từ đầu đã nhổ được hai mũi dao nhọn cắm bên sườn ta, đã khiến cho địch phải hao tổn nhiều trong 10 ngày để chỉ tiến được 400m.


Các anh đã góp phần vào nhiệm vụ chung của quân dân Thủ đô.

Dân Hàng Bột tự hào đã triệt để tản cư, tạo điều kiện cho chiến đấu thuận lợi; có gia đình 3 người, 2 người ở lại tham gia kháng chiến. Những người kháng chiến đã chiến đấu đến phút chót, không ai đào ngũ, tất cả cho kháng chiến.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2021, 07:32:59 am »

15 NGÀY CHẶN ĐÁNH ĐỊCH Ở ĐƯỜNG ĐỘI CẤN - NGỌC HÀ
(Từ 19/12/1946 đến 3/1/1947)


Đại tá Nguyễn Đăng Đào *
Đại tá Nguyễn Đăng Đào, 72 tuổi nguyên chiến sĩ Đại đội I Tiểu đoàn 56.
Viết dựa thêm tài liệu của đồng chí Việt Hồng, 74 tuổi, nguyên Chính trị viên Trung đội 2, Đại đội I từ Bà Rịa - Vũng Tàu gửi ra cung cấp


Chiều 19-12-1946, đại đội 1 Tiểu đoàn 56 được lệnh cấp tốc hành quân vào tập kết ở nhà thờ Liễu Giai phối thuộc với Tiểu đoàn 145. Đại đội đảm nhiệm trục đường Đội Cấn - nhà thờ Liễu Giai, tuyến trước cánh trái đến dốc Ngọc Hà tiếp giáp đường Hoàng Hoa Thám, cánh phải tiếp giáp với ngã ba đầu đường Sơn Tây. Đại đội được tăng cường hai tiểu đội tự vệ chiến đấu của Đội Cấn - Ngọc Hà vừa phối hợp chiến đấu, vừa dẫn đường. 19 giờ các đơn vị phải xuất phát nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí, tổ chức chiến đấu và nổ súng tiến công địch theo quy định thống nhất ám tín hiệu của Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội.


Đại đội trưởng Thế Môn và Chính trị viên Tế Độ giao nhiệm vụ cho Trung đội 1 do Trung đội trưởng Nguyễn Tấn chỉ huy tiến thẳng lên phố Đội Cấn chiếm lĩnh trại con gái (khu gia binh cũ, nay là trạm 354 và bên kia đường là khu Bảo tàng Hồ Chí Minh) bố trí lực lượng hai bên chiến luỹ đầu phố. Trung đội 2 do Trung đội trưởng Đặng Chung Đình chỉ huy, có đại đội phó Trần Dương Oai đi cùng, đi xuyên Ngọc Hà đánh chiếm nhà bia Hô-men (nay là Nhà máy bia Hà Nội), cạnh đường Hoàng Hoa Thám. Trung đội 3 thiếu một tiểu đội bố trí ở ụ chiến luỹ giữa phố Đội Cấn làm dự bị của đại đội.


1. Đánh chiếm nhà máy bia Ômen và vườn hoa La-pho

20 giờ ngày 19-12-1946, Trung đội 2 tiếp cận nhà máy bia đúng lúc đèn điện tắt. Đại đội phó Dương Oai nhắc trung đội trưởng chú ý bắt liên lạc với đơn vị tiểu đoàn 145 và tự vệ chiến đấu Lam Sơn. Một cuộc "hội chiến" giữa ba đơn vị mới chỉ được báo trước đây mấy tiếng lúc chiều tối. Cứ chủ động nổ súng, ngoài bắn vào là ta, trong bắn ra là địch. Mũi tấn công của trung đội vừa nổ súng thì phía đơn vị bạn cũng bắt đầu bắn. Quân Pháp ở đây có khoảng một tiểu đội. Trận đánh diễn ra khá nhanh, bọn gác cổng bị tiêu diệt trước, ba mặt cùng đột nhập, 11 tên lính Pháp vừa Tây trắng vừa Tây đen bị tiêu diệt. Vũ khí thu được trang bị ngay cho anh em tự vệ chiến đấu của đại đội Lam Sơn. Ngay sau đó Đại đội phó Dương Oai chủ động đề xuất chủ trương ba đơn vị phối hợp bố trí phòng ngự, sẵn sàng đánh địch tấn công chiếm lại. Phạm vi nhà may bia rất rộng, mỗi đơn vị để một tiểu đội đảm nhiệm một khu vực, chỉ huy chung do cán bộ đơn vị của Tiểu đoàn 145. Toàn bộ số bia phân phát hết, nếu không sẽ mất vào tay địch. Ngày hôm sau hàng trăm két bia được chuyển đến các đơn vị toàn tuyến.


Phát huy thắng lợi ở nhà máy bia, Đại đội phó Dương Oai tổ chức lực lượng còn lại của Trung đội 2 phối hợp với đơn vị tự vệ chiến đấu Lam Sơn tiến đánh địch ở vườn hoa La-pho (vườn ươm cây ngày nay) gần dốc Ngọc Hà. Ở đây địch đã đề phòng, khi ta nổ súng, chúng rút lên gác ném lựu đạn, bắn súng xuống. Chiến sĩ bắn trung liên của Trung đội 2 đặt ngay trên mặt đường, ngang tầm với tầng hai, nhả đạn phá toang cửa sổ. Một tổ tự vệ chiến đấu có sáng kiến ôm rơm vào đốt câu thang, ta xung phong lên tiêu diệt 4 tên. Trong trận này, Chính trị viên Trần Việt Hồng bị thương đưa về trạm cứu thương Cống Vị điều trị.


Cũng trong đêm 19-12-1946, ở dốc Ngọc Hà, một tổ chiến đấu của Trung đội 1 cùng với một tổ tự vệ chiến đấu Đội Cấn lên chiếm lĩnh, đã tiêu diệt một ổ đề kháng bí mật ở trong lâu đài của chị vợ Bảo Đại.


Sáng 20-12-1946, phản ứng đầu tiên của địch là cho 2 xe bọc thép từ Phủ Chủ tịch tiến ra đường Chùa Một Cột trên đường Lê Hồng Phong, bắn hàng tràng đại liên vào trận địa của Trung đội 1 ở đầu đường Đội Cấn và trại Con gái. Khoảng nửa tiếng sau, không thấy ta động tĩnh gì, chúng quay về phía Cột Cờ.


Chiều 25-12-1946, một xe tăng, 2 xe bọc thép không có bộ binh đi cùng từ đường Cột Cờ tiến ra bắn phá ụ chiến luỹ và bắn đạn lửa làm cháy mấy nhà trong trại Con gái. Sau một hồi bắn phá không thấy ta bắn trả, chúng lại rút về. Ngay đêm ấy, đại đội trưởng điều lực lượng ở tuyến sau lên cùng với Trung đội 1 đắp thêm ụ đất, đá, gạch và các vật chướng ngại củng cố chiến luỹ vững chắc thêm và đào giao thông hào ở hai đầu chiến luỹ thông vào nhà, điều chỉnh lại lực lượng, rút tiểu đội bố trí ở trại Con gái về phía trong chiến luỹ.


Đêm 28-12-1946, Trung đội trưởng Trung đội 1 cho một tổ chiến đấu bí mật luôn qua các dãy nhà trại Con gái vào quấy rối địch ở trường Nhà Thờ đạo đến phố Lê Hồng Phong. 3 giờ sáng rút về vị trí ở căn nhà hai tầng bên trong cụm chiến đấu đầu phố Đội Cấn. Vừa nằm ấm chỗ, thì tai hoạ khôn lường ập đến, hàng loạt đạn tiểu liên của địch nổ ran cả trên gác cả dưới nhà, cả 7 chiến sĩ, 4 ở trên gác, 3 ở dưới nhà không kịp trở tay, đều bị hy sinh. Thật là một giá quá đắt về tư tưởng chủ quan đơn giản không cảnh giác. Không ngờ rằng khi tổ quấy rối rút về, có một nhóm địch lập tức bí mật theo hút và lặng lẽ lọt vào trận địa ta, nổ súng bắn ta và nhanh chóng rút.


Đã hơn một tuần lễ, anh em ta thường ăn cơm nắm với thức ăn khô thiếu chất rau, trong khi ở các vườn của nhân dân trong làng Ngọc Hà còn rất nhiều bắp cải, xu hào, hành, tỏi, khi tản cư chưa kịp mang theo. Một vài tối lác đác có bà con về chặt nhổ rau. Được sự đồng ý của bà con: "Các chú cứ lấy mà ăn, nếu không địch cũng cướp mất". Được lời như cởi tấm lòng, các chị em cấp dưỡng nhẹ đi nỗi băn khoăn bộ đội thiếu rau mà cán bộ chỉ huy không cho lấy của dân. Thế là một kế hoạch "thu hoạch" rau được ban ra: Lần lượt đơn vị tuyến trước nhổ rau, chuyển về cho cấp dưỡng, nhổ ruộng nào hết ruộng ấy. Tuyến sau tiếp nhận nấu luộc chuyển cho tuyến trước. Mấy bộ phận ở gần bếp cấp dưỡng, được hưởng nước luộc bắp cải ngọt như pha đường.


2. Chặn đánh cuộc tấn công của địch ngày 3-1-1947

Sáng sớm ngày 3-1-1947, một chiếc máy bay thám thính "bà già" lượn đi, lượn lại, bay rất chậm nghiêng ngó, có lúc bay xuống thấp nhìn rõ cả tên cầm lái. Khoảng 20 phút nó bay đi, lập tức từng loạt đạn đại bác và súng cối rơi xuống dãy nhà đường Đội Cấn và trong làng Ngọc Hà, Vạn Phúc.


Một xe tăng và hai xe bọc thép từ phía trại Con gái xông tới bắn xối xả vào trận địa của ta. Anh em vẫn nằm im chờ bộ binh tiến lại gần mới nổ súng. Khoảng một đại đội lính Âu Phi tiến theo hai đường: đường Ông Ích Khiêm men theo dãy phố đánh cào cánh phải ụ chiến luỹ; và đường Chùa Một Cột tiến đánh cánh trái. Ở đây có Tiểu đội 2 là tiểu đội hoả lực của Trung đội 1 với khẩu trung liên duy nhất của đại đội do một cựu binh sĩ chuyên trách sử dụng, bố trí có góc bắn rất rộng khống chế cả ngã ba. Bọn địch chủ quan, hò hét xông lên. Lập tức khẩu trung liên nổ ròn và bắn hết cả băng, đồng thời súng trường, lựu đạn đồng loạt xả đạn vào đội hình địch. Hơn 10 tên địch to cao đổ gục, cả hai mũi tấn công khựng lại. Chúng nằm rạp xuống mặt đường, tạt vào các mép nhà bắn trả loạn xạ. Liền sau đó, chiếc xe tăng và hai xe bọc thép chạy ngang, chạy dọc, phát động máy nổ gầm rú hết cỡ để kích động lại tinh thần quần chúng và bắn dữ dội liên hồi vào vị trí của ta. Anh em ta lại nằm im chờ đợi đợt tấn công thứ hai của địch. Chúng phát hiện cánh trái giáp đường Sơn Tây có quãng trống thúc bộ binh tấn công, đánh tạt sườn quân ta. Cùng lúc đó một xe bọc thép có khẩu đại liên tiến sát vào cụm chiến luỹ bắn đạn Dum Dum. Một chiến sĩ tự vệ chiến đấu nấp dưới giao thông hào khi thấy chiếc xe tiến đến gần đã chớp thời cơ khoảnh khắc bất thần nhảy lên ném quả thủ pháo và bồi thêm chai xăng cờ rếp trúng khẩu đại liên, tiêu diệt tên bắn súng rồi nhanh như chớp nhảy xuống giao thông hào luồn vào trong nhà thông ra vườn, rút về tuyến hai ở giữa phố.


9 giờ địch chiếm được chiến luỹ đầu phố nhưng bị chặn lại ở chiến luỹ 2 giữa phố.

Ở phía dốc Ngọc Hà, đầu đường Hoàng Hoa Thám, địch cũng đã chiếm được. Tiểu đội thuộc trung đội 2 bố trí ở nhà chị vợ Báo Đại đã rút vào trong làng Ngọc Hà. Đến trưa, chiếc máy bay "bà già" lại xuất hiện chỉ điểm cho đại bác và cối 81 bắn vào toàn bộ khu vực phòng ngự. Địch thay đổi chiến thuật, không đánh chiếm hai bên dãy nhà dọc phố, dừng lại ở chiến luỹ 2, chế áp ta bằng đại liên. Chúng tập trung lực lượng bộ binh tổ chức mũi "vu hồi" cánh trái xuyên qua làng Vạn Phúc đánh vào sau Nhà thờ Liễu Giai định bao vây tiêu diệt ta ở đường Đội Cấn. Để tránh bị tiêu hao, giữ được lực lượng, Đại đội 1 được lệnh rút về Cống Vị Hai ngày sau, đại đội chuyển về Thái Hà Ấp - Ngã Tư Sở - Cầu Mới, lại trở về chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 56.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2021, 07:35:58 am »

TRẬN ĐÁNH NHÀ DELÉVEAUX - SỐ 9 CÁT LINH


Trích Bản giới thiệu di tích
của Ban Quản lý di tích danh thắng -
Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội


Phố Cát Linh dài 725 mét đi từ phố Tôn Đức Thắng đến phố Giảng Võ.

Đây nguyên là đất của thôn An Trạch thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận.

Thời Pháp phố này có tên là đường Cát Linh (Route de Cát Linh) nay là phố Cát Linh, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.

Hiện nay số nhà 9 Cát Linh thuộc phố Cát Linh, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Nhà số 9 Cát Linh nằm ở đầu đường phía bên trái đi từ đường Tôn Đức Thắng sang - quay mặt về hướng Bắc.


Sau khi ta ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946, thực dân Pháp đã bất chấp những điều khoản trong hiệp ước, chúng ngang nhiên nổ súng đánh chiếm Hải Phòng và một số nơi khác trên toàn quốc.


Tại Hà Nội quân Pháp tăng cường các hoạt động khiêu khích và lấn chiếm, chúng tăng cường phân phát vũ khí cho các khu vực đóng quân và khu phố người Âu. Từ đầu tháng 12-1946 chúng bí mật đưa thêm quân số, vũ khí từ Hải Phòng lên Hà Nội. Ngày ngày bọn lính Pháp ngang nhiên cướp phá, hành hung dân chúng, bắn vào xe điện đang chạy, ném lựu đạn vào đám đông... Âm mưu của chúng đã bộc lộ rõ: Chúng muốn cướp nước ta, thống trị dân tộc ta một lần nữa. Kẻ thù xảo quyệt còn muốôn đẩy chúng ta vào hoàn cảnh bắt buộc phải nổ súng, chấp nhận một cuộc chiến tranh không tuyên bố khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo.


Trước hành động khiêu khích đặc biệt nghiêm trọng của thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã chỉ ra rằng: "Không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định cũng phải đánh Pháp". Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khu XI đã giáo dục quần chúng nhận rõ kẻ thù nguy hiểm đang đe doạ đến nền độc lập của dân tộc ta là thực dân Pháp, kêu gọi quần chúng tích cực chuẩn bị kháng chiến.


Trong lúc quân và dân cả nước ra sức chuẩn bị kháng chiến, Chính phủ ta vẫn kiên trì đấu tranh ngoại giao kéo dài thêm thời gian hoà hoãn để chuẩn bị thêm lực lượng cách mạng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, đặc biệt là những ngày cuối tháng 12-1946 tại Hà Nội thường xuyên xảy ra những vụ gây hấn, khiêu khích của quân viễn chinh Pháp.


Trước tình hình đó, trong 2 ngày 18 và 19-12-1946 Thường vụ Trung ương Đảng đã họp phiên bất thường tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Hội nghị đã phân tích sâu sắc tình hình cách mạng cả nước và đi đến quyết định: Động viên sức người, sức của của cả dân tộc tiến hành cuộc chiến tranh yêu nước chính nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời định ra những nội dung cơ bản về đường lối kháng chiến.


Sáng 19-12-1946 thực dân Pháp lại gửi cho ta "tối hậu thư" thứ ba đời ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi tước vũ khí của lực lượng vũ trang nhân dân ta và đe doạ: Nếu những yêu cầu trên trong 24 giờ không được thực hiện thì quân Pháp sẽ hành động.


Trưa ngày 19-12-1946 Thường vụ Trung ương Đảng thông báo tình hình tại Hà Nội cho các tỉnh và chỉ huy trưởng 12 chiến khu trong cả nước. Chỉ thị của Trung ương "tất cả hãy sẵn sàng".


Quyết giành quyền chủ động trong chiến tranh, phá tan ngay từ đầu âm mưu đánh úp của thực dân Pháp. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy quyết định mở cuộc tiến công lớn trên quy mô toàn quốc. Cuộc tiến công sẽ bắt đầu vào lúc 20 giờ ngày 19-12-1946.


Tại Hà Nội, đúng 20 giờ ngày 19-12-1946 công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ phá máy. 20 giờ 3 phút đèn điện toàn thành phố vụt tắt, trung đội pháo binh ở pháo đài Láng bắn quả đạn đầu tiên vào thành Hà Nội làm hiệu lệnh tiến công. Lập tức các pháo đài Xuân Canh, Xuân Tảo nhả đạn vào các mục tiêu đã định trước. Các lực lượng vũ trang của nhân dân Thủ đô đồng loạt tiến công vào các vị trí đóng quân của giặc Pháp trong toàn thành phố như Nhà máy đèn Bờ Hồ, khách sạn Mê-tơ-rô-phôn, tập kích nhà tướng Pháp Moóc-lie, tiêu diệt lính Pháp ở cầu Long Biên...


Tại Liên khu III, Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu cùng các đồng bào thủ đô tiến công uy hiếp địch ở sở xe điện, nhà giặt, đánh địch bật ra khỏi nhà máy bia Ô-men (nay là nhà máy bia Hà Nội) và nhà Đờ lê vô (Deléveaux).


Ở nhà Đờ lê vô (tức số 9 Cát Linh hiện nay), chủ ngôi nhà là Henri Deléveaux làm nghề thuộc da bò là một tên rất xảo quyệt.

Đây là một ngôi nhà hai tầng được xây kiên cố, có mái ngói chìa ra ngoài, các cửa đều bằng lim mặt tiền trông ra phố Cát Linh - ba mặt khác sát với nhà dân. Muốn tấn công ngôi nhà này, trước mắt chỉ có phương pháp tấn công chính diện. Ta vừa kiên quyết nổ súng tiến công, vừa kêu gọi địch hạ vũ khí đầu hàng. Nhưng dựa vào công sự kiên cố, hoả lực mạnh, địch vẫn ngoan cố chống cự. Sau nhiều giờ chiến đấu lực lượng địch bị tiêu hao nặng, ta thu nhiều vũ khí, đạn dược.


Trong cuốn sách "Tổng kết 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Thủ đô Hà Nội" trang 115 đã viết về trận đánh nhà Đờ lê vô như sau: "Một trung đội của Đại đội 29, tiểu đoàn 523 cùng một trung đội tự vệ tiến công địch ở nhà Đờ lê vô (Deléveaux - số 9 Cát Linh hiện nay). Địch co lên gác ngoan cố chống cự, ta đặt bom không nổ, đại đội trưởng Lưu Vân cùng một số chiến sĩ leo lên dỡ mái ngói thả lựu đạn diệt được vài tên và gọi một số tên ra hàng. Địch đưa xe cơ giới đến cứu viện, khẩu Ba-dô-ca của mặt trận cơ động đến kịp bắn huỷ được một xe. Ngày 25 địch ở nhà Đờ lê vô lên xe chạy thoát vì xe cắm cờ Hồng thập tự nên ta không bắn".


Còn trong tài liệu "Những trận đánh trên đường phố Hàng Bột từ 19-12-1946 đến 30-12-1946 của Trung tướng Đỗ Trình - Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu Liên khu III, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu III tường thuật trận đánh nhà Đờ lê vô như sau:

... "Chỉ huy trực tiếp là Đại đội trưởng Lưu Vân, khẩu đại liên do một chiến sĩ vệ quốc đoàn là xạ thủ Vọng phụ trách đặt trước cửa chính lúc này đã đóng chặt. Súng các loại từ hai phía Bích Câu, Hàng Bột do trung đội 56, 57 và tự vệ đồng loạt bắn vào. Bên trong địch dùng tiểu liên bắn ra. Xạ thủ đại liên trúng đạn hy sinh. Ta vừa bắn vừa áp sát chân tường, leo đường ống máng tìm cách vào nhà thì tiểu đội trưởng Phạm Gia Nho trúng đạn hy sinh. Địch rút lên tầng cao bắn xuống, sau đó bắn thưa dần vì thấy lực lượng ta đông. Đạn ta vẫn tiếp tục nổ xen lẫn tiếng loa gọi địch hàng. Bên trong địch không bắn trả. Từ trên cao Đại đội trưởng Lưu Vân ném lựu đạn khói, lát sau một tên Pháp và vợ Việt Nam ra hàng mang theo một khẩu súng trường.


Cùng lúc đó tự vệ mang đến một quả bom 50kg đặt sát chân tường phía Hàng Bột giật cho sập nhà nhưng bom không nổ phải khiêng ra. Lại có lệnh cho tự vệ đi dỡ các lều quán ở chợ mang chất ở cửa nhà nó để đốt nhưng cửa nhà ấy bằng gỗ quá tốt, nguyên liệu mang đến không đủ gây cháy.


Sau hai giờ chiến đấu đội giao thông đã mang tin báo cáo từ Liên khu III và tiểu đoàn 523 lên chỉ huy trưởng mặt trận Vương Thừa Vũ là Đại đội 29 đang vây đánh nhà Đờ lê vô. Đó là báo cáo đầu tiên của đêm đầu toàn quốc kháng chiến.


Vì không nắm chắc số lượng địch, vả lại gần sáng, Đại đội trưởng Lưu Vân cho lực lượng bao vây giải quyết sau. Các lực lượng khác về bố trí dọc đường đề phòng hôm sau địch có thể thoát ra vì lực lượng trong Thành có thể ra ứng cứu.


Hôm sau nhà Đờ lê vô thấy khu nhà hạ sĩ quan đã bị tiêu diệt gọn trong đêm trước rồi, chúng ở vào thế cô lập bị bao vây và không thể chờ địch từ trong Thành ra ứng cứu nên chiều 20-12 chúng bất thân dùng xe ô tô vẽ chữ thập đỏ chạy vụt ra vào Thành. Quân ta thấy xe có dấu thập đỏ nên không bắn.


Kết quả trận đánh đêm đầu tiên ở nhà Đờ lê vô ta thu:

- 1 súng trường.

- 1 mô tô ba bánh.

- Gọi hàng 3 tên (1 Pháp, 2 Việt Nam).

Bên ta hy sinh hai đồng chí".


Có thể nói trận đánh nhà Đờ lê vô đêm 19 rạng ngày 20-12-1946 ta đã đánh cho địch một đòn bất ngờ làm cho tinh thần địch hoang mang, lo sợ. Tuy kết quả trận đánh thu được không lớn song đây là một trận đánh cùng với hàng loạt trận đánh mở màn trên các đường phố đêm 19 rạng ngày 20-12-1946 mở đầu cho cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô.


Ngôi nhà số 9 phố Cát Linh hiện nay là cửa hàng kinh doanh lương thực thuộc Liên hiệp các công ty lương thực Hà Nội. Nhìn chung kiến trúc ngôi nhà vẫn giữ nguyên như cũ song phần nội thất ở cả 2 tầng thì đã bị cải tạo rất nhiều để làm nơi làm việc, bán hàng của cửa hàng lương thực.


Ngôi nhà số 9 Cát Linh là nơi diễn ra trận đánh đêm 19 rạng ngày 20-12-1946 mở đầu cho hàng loạt cuộc tiến công của quân dân Thủ đô vào lực lượng địch trong lòng Hà Nội nhằm uy hiếp, giam chân và tiêu hao lực lượng địch, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19-12-1946 đến 18-2-1947) của quân và dân Hà Nội.


Đây là một trận đánh bất ngờ phủ đầu có sức động viên to lớn đối với nhân dân Thủ đô, làm cho địch phải bàng hoàng khiếp sợ, gây cho địch nhiều tổn thất, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về việc lãnh đạo và thực hành chiến tranh nhân dân ở thành phố.


Cuộc chiến đấu ở nhà Đờ lê vô của quân dân Liên khu III đã góp phần làm thất bại âm mưu tiêu diệt lực lượng ta và làm thất bại hoàn toàn âm mưu đánh chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ của địch.

Với trận đánh nhà Đờ lê vô, ngôi nhà số 9 Cát Linh đã đi vào lịch sử cách mạng vẻ vang của Hà Nội như một mốc son đánh dấu cho hàng loạt cuộc tiến công mở đầu của quân dân Thủ đô vào các vị trí của địch đêm 19 rạng ngày 20-12-1946 góp phần thắng lợi vào cuộc chiến đấu 60 ngày đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp của quân dân Thủ đô Hà Nội.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2021, 07:37:05 am »

Nhớ lại


Nguyễn Văn Mậu* (hồi ký)
Nguyễn Văn Mậu - Chủ tịch Ủy ban HCKC tiểu khu Hàng Bột 1945 -1946


Cụ Mậu sinh ngày 25-5-1906, cụ cư trú tại số nhà 28B An Trạch phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Tuổi đã cao, cụ nhớ lại một vài kỷ niệm sâu sắc thời kỳ đầu kháng chiến toàn quốc 19-12-1946.

"1945 tôi sinh hoạt trong tổ Việt Nam Cứu quốc Hội do đồng chí Nguyễn Quốc Chương, bí danh Hồng phụ trách. Tôi đã tham gia Ủy ban hành chính khu Văn Miếu thuộc Liên khu III, và Trương ban bảo vệ khu phố Hàng Bột. 1946 tôi được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tiểu khu Hàng Bột.


Chúng tôi đã cho tự vệ Hàng Bột và An Trạch (anh em Việt Nam Cứu quốc khi kháng chiến chuyển sang Tự vệ) đắp ụ ngăn đường ở phố Đoàn Thị Điểm - Hàng Bột và cống Huy Văn; bắc cầu làm đường trong các ngõ xóm cho dân tản cư; đục thông tường nhà suốt hai dãy phố Hàng Bột trên và Hàng Bột dưới; tổ chức Ban tiếp tế phục vụ bộ đội và tự vệ. Các lực lượng tự vệ triển khai tiêu diệt ngay từ giờ đầu các ổ tác chiến của địch như: khu nhà hạ sĩ quan Pháp ở dãy nhà Cố Hồng (cô đạo Pháp tên Việt là Hồng xây dựng) 7 gian khu nhà sĩ quan Pháp ở giữa hai phố Bích Câu và Đặng Trần Côn.


Trong đêm 19-12-1946, Vệ quốc đoàn đại đội Lưu Vân và tự vệ Hàng Bột đã bắt sống 7 tên hạ sĩ quan tại dãy nhà Cố Hồng. Anh em tự vệ (Việt Nam Cứu quốc) bắt 4 tên tại Bích Câu và Đặng Trần Côn, trong đó có tên Massei là thanh tra trại lính khố xanh (Inspecteur de la garde indigène). Tất cả bọn này đều được dẫn về Tiểu đoàn bộ 523.


Riêng nhà Deléveaux ta đánh rất mạnh, nhưng mấy tiểu đội địch không chịu ra hàng. Ta khiêng bom đến nhưng giật không nổ. Tự vệ dỡ hết lều quán ở chợ Phan Văn Trị đem chất đống rồi đốt, bom vẫn không nổ, lại phải khiêng đi.


Ta giữ được mặt trận Hàng Bột 11 ngày. Đến 30-12 quân địch mở một trận hợp vây lớn định chia cắt Hàng Bột với các tiểu khu khác thì trên cho lệnh rút khỏi Đê La Thành.

Trong trận đánh nhà Deléveaux ta hy sinh 1 tự vệ là anh Phạm Gia Nho. Trong trận đánh ở nhà Tế bần cuối Bích Câu - Đoàn Thị Điểm 30-12, ta hy sinh một tiểu đội trưởng tự vệ (Việt Nam Cứu quốc) là anh Nguyễn Xuân Khánh, tìm không thấy xác. Trong trận đánh Cầu Mới 6-1-1947 ta hy sinh 2 tự vệ là anh Trương Văn Thức và Phạm Văn Điển".

TỐNG THỊ HOÀ ghi
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2021, 07:40:54 am »

THỜI THANH NIÊN SÔI NỔI


Nguyễn Hữu Thành* (trích hồi ký)
Nguyễn Xuân Hồng
Nguyễn Hữu Thành - nguyên Liên Đại đội trưởng Tự vệ Hoàng Diệu
phố Hàng Bột, Kim Mã và Nguyễn Xuân Hồng, Đại đội phó


Những ngày của cái thời 1945 - 1946 sôi nổi khí thế cách mạng Tổng khởi nghĩa ấy, cách đây đã 50 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ những sự kiện khó có thể quên. Nhưng với khoảng thời gian lâu như thế, không ai dám bảo đảm tất cả các sự kiện đều được nhớ chính xác. Dù sao tôi cũng xin viết ra đây với trách nhiệm trước các đồng chí đã hy sinh, đã quá cố, góp phần vào bản báo cáo đề nghị gắn biển trận đánh nhà Deléveaux số 9 phố Cát Linh.


Từ 19-8-1945 đến 19-12-1946

Trong lúc quân Nhật còn chiếm đóng, rất nhiều người phố tôi đã trông thấy 4 chữ rất to trên bức tường Văn Miếu phía đường Hàng Bột "Đánh Pháp đuổi Nhật", mọi người rủ nhau đi xem trầm trồ khen ngợi cảm phục. Ai cũng mong Việt Minh sớm về.


19-8-1945 nhân dân phố tôi náo nức đón mừng cách mạng. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở tất cả các nhà.

Mấy ngày sau có tin quân Pháp đang tiến về Hoà Bình. Đó là bọn tàn quân bại trận trước quân Nhật (9-3-1945) đã chạy sang Trung Quốc. Không ai bảo ai mọi người đều xuống đường trong tay người nào cũng có một vật gì đó, người cầm cái xẻng, hoặc con dao thái thịt, cái gậy. Tôi cũng vớ được cái then chặn cửa to tướng. Ai nấy tự xếp thành hàng, chẳng có ai chỉ huy, chỉ có ông Đỗ Đức Long ở số 3 phố Hàng Bột (chủ hãng thuộc da) đi ngoài hàng hô một, hai. Thế mà đoàn người khá dài tuần hành qua các phố Hàng Bột, Cát Linh, Bích Câu, Đặng Trần Côn, vừa đi vừa hô khẩu hiệu "đả đảo thực dân Pháp". Có ai đó mang một lá cờ đỏ sao vàng chạy lên hàng đầu, làm tăng thêm khí thế. Bọn Tây lai ở đầu phố đóng chặt cửa không dám ra ngoài. Đoàn tuần hành đi 2 vòng rồi giải tán.


Lập đoàn Thanh niên. Cũng trong tháng 8, có chỉ thị thành lập Đoàn Thanh niên. Có khoảng 30 người ghi tên, bầu anh Phạm Giao, sinh viên trường Luật làm đoàn trưởng. Rồi thành lập Ủy ban Hành chính phố Hàng Bột, ông Nguyễn Văn Mậu ở làng An Trạch làm Chủ tịch, ông Phạm Gia Nhung (chú anh Phạm Giao) thông phán Sở Tài chính làm Phó chủ tịch. Một tháng sau bận học tiếp anh Giao xin thôi. Anh Nguyễn Hữu Chấn (anh tôi) lên thay, rồi bận học cũng xin thôi. Anh em bầu tôi (Nguyễn Hữu Thành) lên thay. Tất cả chúng tôi đều từ 17 đến 25 tuổi, mặc toàn quần áo trắng mũ calô trắng, cùng lúc đó thành lập Đoàn Phụ nữ, có việc cùng chung hoạt động.


Năm đó nước lên to, lụt ở nhiều nơi. Chúng tôi được lệnh đi đắp đê chống lụt ở Trần Nhật Duật, Gia Lâm và đê Đông Lao (Hà Đông). Lần đầu tiên lao động tập thể ai cũng rất vui tuy rất mệt, bùn đất đầy người vẫn đi qua các phố. Giá như thường ngày thì ngượng lắm lắm nhưng hôm ấy ai cũng tỏ ra rất hãnh diện được lấm bùn đất như vậy.


Sau khi thành lập Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, chúng tôi được lệnh thành lập Đội Thiếu niên tiền phong (cả nam và nữ) và Đội Nhi đồng tháng 8. Được gia đình khuyến khích, chỉ một thời gian ngắn đã có khoảng 30 em ghi tên. Ban đầu anh Bảo phụ trách, sau không phù hợp, nên lại giao anh Chung độ 16 tuổi ở khoảng số nhà 80, rồi cũng bổ sung thêm anh Hợp, anh Hạnh ở phố Hàng Cháo. Hoạt động chính là ca hát, diễn kịch, tập đi một, hai. Trang phục là quân âu áo sơ mi nâu, mũ calô nâu viền vàng do gia đình tự may.


Trong số các em, chúng tôi chọn vài em lớn luôn nhanh nhẹn lập một đội thiếu nhi trinh sát. Các em này thường có hoàn cảnh riêng, làm việc vặt, có điều kiện la cà nhiều nơi biết nhiều chuyện. Các em đã giúp chúng tôi khám phá nhiều vụ trộm, phát hiện kẻ phao tin nhảm, kẻ rải truyền đơn phản động.


Cứu đói

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ toàn dân lập "hũ gạo cứu đói", thanh niên, phụ nữ đi tuyên truyền vận động và thu nhận gạo cứu đói. Thanh niên dùng xe bò chở gạo quyên góp được, thực tế các gia đình nộp số lượng nhiều hơn "mỗi người, mỗi ngày, một nắm". Chở đi nộp ở đâu, không nhớ. Lại có lần được lệnh chở một tấn gạo vào làng Tây Mỗ. Gạo lấy từ đâu, không nhớ, chỉ biết rằng đi mượn xe bò, ai cũng sẵn sàng cho mượn, chở gạo vào Hà Đông đi cách đó khoảng 5km. Tới nơi lúc 9 giờ dân dã xếp hàng chờ. Các vị phụ trách thôn, làng gọi tên, chúng tôi đong gạo cho từng người. Đến một giờ trưa mới xong.


Ra về mà lòng nặng trĩu, đói cũng chẳng muốn ăn khi nhìn cả một vùng rộng lớn, lúa bị hạn chết khô vàng rực toàn rơm. Đến lúc đó số người chết đói đã vãn hẳn rồi.


Được gặp Bác.

Một tuần sau, tôi được gọi lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, không ai nói rõ có việc gì. Đến nơi có 2 anh nữa, cỡ tuổi tôi đã chờ ở đấy. Có một người phổ biến 3 chúng tôi được vinh dự sang Bắc Bộ Phủ gặp Bác. Không thể hiểu nổi tại sao lại có 3 người và trong đó lại có tôi. Chỉ nhớ rất hồi hộp được gặp Bác, nằm mơ cũng không thấy. Thế mà lại là thật. Ông này dẫn 3 chúng tôi đi bộ sang Bắc Bộ Phủ. Đến cổng đã thấy cụ Nguyễn Văn Tố. Bộ trương Bộ Cứu tế, khăn xếp áo the đứng đón. Cụ đưa chúng tôi vào nhà. Qua một hành lang dài. Chúng tôi vào một phòng nhỏ. Cụ Tố sang một phòng khác bằng một cửa thông. Một lát sau có một thanh niên trạc 30 tuổi (sau này biết là anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác) vào báo "Bác đến". Vừa nói xong thì Bác vào. Chúng tôi đứng cả dậy, chẳng biết làm thế nào đành chào theo kiểu Việt Minh. Bác bắt tay từng người. Tôi nhìn thấy hai gò má Bác ửng đỏ nhưng gầy. Bác ngồi ngay chỗ chúng tôi và bảo báo cáo việc đi cứu đói. Tôi xin phép nói trước về chính sách của Đảng thương dân, dân phấn khởi, cuộc cứu đói diễn ra mĩ mãn. Bác nhìn tôi không nói gì. Anh bạn ngồi cạnh tôi nói về mùa màng thất bát, dân khổ cực. Tôi còn nhớ một câu đại ý: lúa ngoài đồng bị hạn chết khô đến nỗi cháu tưởng tượng rằng chỉ cần một que diêm thôi thì cả cánh đồng sẽ bùng cháy (và một câu gì nữa). Anh bạn nói xong, xung quanh vẫn yên lặng không một tiếng động. Tôi nhìn lên thấy Bác xịu mặt xuống. Bác rút khăn tay chấm nước mắt. Xong Bác nghẹn ngào nói "Các chú là thanh niên, mong các chú cố gắng". Nói xong Bác bắt tay từng người rồi đi ra.


Tổ chức Tuần lễ vàng tại sân vận động Hàng Đẫy (Septo) là địa điểm trong khu vực Hàng Bột trên nên đoàn thanh niên chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ trong suốt thời gian đó.

Chúng tôi vận động gia đình và bản thân mỗi người đóng góp riêng. Giữa lúc ấy có lệnh khám nhà Deléveaux nghi có vũ khí, chúng tôi cũng phải cử 5 thanh niên đi hỗ trợ vòng ngoài.

Mặc dù Đoàn Thanh niên có làm được một số việc nhưng đoàn viên cũng chỉ có 30 người. Hăng hái tích cực nhất là Lộc, Sinh, Đại, Phúc Nghiêm và Lập. Nhất là anh Lập cả lúc đó và sau này có nhiều ý kiến hay đóng góp cho chúng tôi.


Trong một cuộc họp của Đoàn Thanh niên, chúng tôi mời được nhiều vị nhân sĩ trí thức, thương gia trong phố tới dự, ông Khuất Duy Tiến, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố cũng đến dự. Sau khi tôi trình bày xong báo cáo hoạt động của Đoàn, ông Khuất Duy Tiến cho ý kiến nên có nhiều hình thức thể thao văn nghệ v.v... thu hút đông đảo thanh niên vào Đoàn.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #36 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2021, 07:42:49 am »

Thành lập Tự vệ Hoàng Diệu phố Hàng Bột

Ít lâu sau có chỉ thị đổi tên Đoàn Thanh niên thành Đại đội tự vệ Hoàng Diệu. Tôi trở thành Đại đội trưởng. Chúng tôi lại tiếp tục vận động các gia đình nhấn mạnh lòng yêu nước trước tình hình nước sôi lửa bỏng. Không gia đình nào từ chối. Chỉ vài ba ngày thanh niên hăng hái ghi tên tới 120 người. Rất đáng biểu dương là ông Đỗ Đức Long nhà doanh nghiệp số 3 Hàng Bột và ông Đoàn Phú Tư (em ruột ông Đoàn Phú Tứ, nhà thơ có tên tuổi) cũng tham gia.


Chúng tôi mở đại hội bầu ra ban chỉ huy đại đội, các trung đội, tiểu đội. Không khí sôi nổi thân mật vui vẻ. Đại đội có 4 trung đội, trung đội có 4 tiểu đội.

Các trung đội trưởng là Nhã, Lập, Hồng, Ngọc bố trí suốt từ đầu Hàng Bột giáp phố Nguyễn Thái Học đến Nhà thờ Hàng Bột. Trung đội anh Ngô Đoàn Ngọc ở phố Hàng Cháo; anh Nguyễn Xuân Hồng ở phía Quốc Tử Giám, anh Tống Lập từ bên chẵn ngã tư Cát Linh - Hàng Bột (nhà "Săm" Thái Lai nay là trụ sở Công an phường Quốc Tử Giám) đến chợ (nay là phố Phan Văn Trị). Anh Phạm Văn Nhã bên số lẻ từ ngõ Thông Phong xuống. Sau này còn tổ chức lễ phong quân hàm cho các cấp Tự vệ.


Để có tiền sắm vũ khí, chúng tôi phải dựa vào uỷ ban lúc này đã được đổi tên là Ủy ban bảo vệ, tổ chức các cuộc họp ở Nhà Tế bần (nay là trường Trung cấp Y tế phố Đoàn Thị Điểm); các buổi diễn kịch có bán vé như vở "Hội nghị Diên Hồng", các buổi ca múa nhạc. Trong các buổi ấy Đoàn Phụ nữ Cứu quốc tổ chức bán bánh ngọt, các đồ lưu niệm đan, thêu do các chị tự làm. Kết quả tốt đẹp. Chúng tôi còn tổ chức tại rạp Tố Như một đêm diễn vở cải lương "Mạnh Lệ Quân thoát hài". Số tiên thu được rất khá. Toàn bộ các số tiên thu được đều dùng mua vũ khí và thuốc men. Gia đình nào, người nào đi dự đều ủng hộ rất nhiệt tình vì mỗi người dân đều hiểu rằng việc làm này nhằm bảo vệ an ninh khu phố và chuẩn bị kháng chiến.


Có tiền rồi, chúng tôi nhờ anh Voòng rèn cho 10 cái mác búp đa. Lưỡi mác được gắn vào đầu gậy bằng hóp dài độ 1.60m. Số này để ở trụ sở cho trung đội trực chiến đi tuần tra.

Mua được hai khẩu súng kiểu Pháp, 10 quả mìn, một số lựu đạn của lính Nhật và Tầu sắp về nước. Trên cấp cho gần 10 quả lựu đạn Phan Đình Phùng. Cá nhân tự trang bị lựu đạn, kiếm, súng ngắn.

Trang phục tự vệ đều tự lo thống nhất quần áo, mũ calô bằng kaki, trên mũ đều gắn phù hiệu vuông màu đỏ có sao vàng. Phù hiệu chỉ huy có vành vàng. Giây có gì dùng nấy.

Chúng tôi luyện tập quân sự do tôi huấn luyện. Động tác chính là đi đều. Sau có ông quản Chấn và ông Cai Phúc giúp đỡ. Các ông dạy từ động tác cơ bản đến đánh trận địa chiến, đánh trên đường phố. Quân Tầu còn đang đóng ở Bích Câu thấy chúng tôi hét "xung phong" to quá, chúng nháo nhác không hiểu ra sao. Sau chúng tôi phải đi xa hơn, có lần dã ngoại về Cổ Bi quê tôi cách Hà Nội 15km.


Để đảm bảo an ninh trật tự, trước cửa trụ sở Tự vệ (đóng ở đình nay là 69 Hàng Bột Câu lạc bộ hưu trí) có đắp một ụ cát nhỏ, có 3 lỗ châu mai. Mỗi tối có một trung đội trực, cắt cử một tiểu đội đi tuần tra. Ban ngày, các anh em ở gần, rỗi rãi cũng đến trụ sở. Ban chỉ huy đại đội thay nhau có mặt, nhiều nhất là Đại đội trưởng Thành, Đại đội phó Tống Văn Lập.


Chúng tôi bắt được nhiều vụ trộm, thu hồi tài sản trả lại người mất. Cảnh cáo một số tên "anh chị" (nhưng không phải là phản động). Đặc biệt có một vụ chúng tôi tìm đến tận nơi ẩn náu của tên trộm, kiên quyết bắt mặc dù nó chống trả chúng tôi không kém, rồi tự lập Toà án nhân dân để xét xử. Việc này có ý kiến tham gia góp phần quyết định của anh Hồng Chương, lãnh đạo Việt Nam Cứu quốc Hội, trụ sở tai làng An Trạch. Sáng hôm sau có hai anh công an trên Ty Liêm phóng đến xem xét báo cáo rằng chúng tôi lập Toà án nhân dân không có ý đồ xấu nhờ vào nội dung biên bản anh Đoàn Phú Tư viết rất chính xác, có lý, có tình, nên chí bị phê bình mà không kỷ luật.


Từ đó danh tiếng Tự vệ Hàng Bột nổi như cồn và cũng từ đấy phố tôi không xảy ra một vụ trộm nào nữa.

Chúng tôi còn phải giải quyết những vụ rắc rối đối với dân của bọn quân Tâu phù, rồi quân Tàu của Tiêu Văn, Lư Hán. Chúng có khoảng một tiểu đoàn đóng rải rác, sau tập trung vào phố Bích Câu và Đoàn Thị Điểm.


Tôi, Lập, Ngọc, Nhã phải nhờ một ông biết tiếng Trung Quốc để giao dịch, hoặc bút đàm chữ Hán. Họ cũng có một thiếu úy biết tiếng Anh, chúng tôi cử anh Phạm Giao nói chuyện. Mỗi bên một người trực tại chợ, do vậy chúng giảm hẳn quấy nhiễu dân. Có lần còn cứu được một ông thầy cúng bị chúng bắt trói nghi ăn cắp của nó. Nhiều lần chúng tôi tổ chức đe doạ ngầm bọn Việt gian ở toà báo "Vì Nước" dựa vào thế quân Tầu gọi loa phản tuyên truyền. Thấy chúng tôi ngày nào cũng có đông tự vệ, thái độ rất căng, chúng phải giảm và rút chạy đi nơi khác khi quân Tầu về nước.


Các em trinh sát thiếu nhi còn phát hiện cho chúng tôi những tên Việt Cách rải truyền đơn của Nguyễn Hải Thần; hoặc Việt gian đi tuyên truyền Tây đã đến Hoà Bình. Bắt và xử lý đúng đối tượng giải về Ty Liêm phóng.


Chúng tôi còn được tham dự cuộc tuần hành biểu dương lực lượng sau khi quân Lư Hán đến Hà Nội. Tự vệ Hàng Bột được cử 30 người đi đầu đoàn tuần hành gồm 20 vạn quần chúng diễu qua phủ Chủ tịch hô vang các khẩu hiệu "ủng hộ Hồ Chủ tịch", "ủng hộ Chính phủ VNDCCH" v.v... Đoàn đi từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới dứt. Tôi nhìn thấy có Bác Hồ, Hà Ứng Khâm và Nguyễn Hải Thần đứng trên thềm.


Trong lúc quân Tầu đang chờ rút, thì quân Pháp đã vào Hà Nội, đóng ở trong Thành. Ít lâu sau chúng bắt đầu đưa quân đi chiếm đóng một số nơi khác; chúng còn liên lạc với Pháp kiều, Pháp lai như Deléveaux và một trung đội đóng ở phố Bích Câu, có xe ô tô thường xuyên đến tiếp tế.


Truớc tình hình đó chúng tôi phải thay đổi cách bố trí: Các tiểu đội trưởng gan dạ chiếm giữ các vị trí xung yếu, như Tiểu đội Đỗ Đức Long đóng tại nhà ông ở số 3 Hàng Bột (ngã tư Hàng Bột - Cát Linh); tiểu đội Ngô Đoàn Ngọc ở một nhà sát sân vận động Septo; tiểu đội Phạm Gia Nho ở đền Sòng; một bộ phận trực bên nhà số 8. Một mặt kiềm chế bọn Pháp lai, một mặt thông qua người nhà và người làm cho nó để nó biết chúng tôi không hại chúng nó nếu nó không đánh lại chúng tôi. Có lẽ một phần vì thế mà khi xảy ra chiến sự, chúng không dám chống cự.


Chúng tôi còn tham dự một cuộc biểu dương lực lượng vũ trang. Một trung đội được cử đi, nhưng sao và quân hàm thì đút túi. Các nơi khác cũng thế. Đúng giờ quy định tất cả đều mũ calô gắn sao vàng trên nên đỏ hình vuông và đeo quân hàm. Phút chốc cả thành phố đầy quân đội. Tin đồn Việt Minh quân đông như kiến.


Chúng tôi thực hiện bất hợp tác với Pháp: giải thích cho dân không đi làm, không bán hàng cho Pháp, bảo cho người làm của gia đình Pháp kiều về nói lại với chủ biết.

Lúc này các khẩu hiệu chiến đấu bảo vệ Thủ đô được kẻ khắp nơi.

Ngày 12-12-1946 chúng tôi được lệnh đục thông các tường nhà. Trung đội nào đóng ở đâu thì giải thích và cùng chủ nhà đục tường, xong lại lấy bàn, tủ kê vào khi cần chỉ đẩy mạnh là được.

Sau khi Đại đội 29 về phố thì chúng tôi đào thêm các hố cá nhân trước nhà, nhưng không có lối thông vào nhà, chiến sự xảy đến không dùng được.

Ngày 15-12-1946 chúng tôi được lệnh đắp ụ trên đường Hàng Bột, cách phố Đoàn Thị Điểm độ 5m, để giữa đường khoáng 2m để dân tản cư. Sau này mới biết là đường đi của Trung ương, Chính phủ ra ngoại thành, chỉ khi nổ súng mới phá nốt đoạn đó.


Để làm ụ, chúng tôi đã xin ông chủ xưởng gỗ, thường gọi là ông cai Thiệu ở 25 phố Đoàn Thị Điểm. Ông nhiệt tình giúp đỡ. Chúng tôi đào 8 cái hố, mỗi hố chôn một cây gỗ to bằng người ôm. Những cây gỗ khác nhét vào giữa 4 cái cột, khi xong thành 2 ụ nhỏ, cao quá đầu người. Khoảng cách giữa 2 ụ đúng như yêu cầu và tàu điện vẫn chạy qua.


Trước mỗi ụ còn đào một cái hố rộng bằng cái ụ sâu hơn 1m lấy đất đắp lên ụ. Hai bên hè còn đào hố rộng bằng cả cái hè hơn 2m, sâu hơn 1m. Ở đoạn đường còn lại giữa 2 hố, chúng tôi đục sẵn một lỗ mìn, khi nổ súng sẽ phá nốt. Như vậy xe tăng địch có đến được cũng khó vượt qua được.


Đến lúc này dân đã đi tản cư nhiều. Chỉ còn ít người ở lại. Người ra đi dặn dò nơi để lương thực thực phẩm cứ lấy mà dùng, trao chìa khoá giữ nhà hộ.

Trong thời gian đó, nhiều lần địch khiêu khích chúng tôi, lúc ban ngày, lúc ban tối. Chúng tôi giải thích cho mọi người triệt để chấp hành lệnh trên, hết sức kiềm chế không mắc mưu chúng. Đáng kể là 20 giờ ngày 17-12-1946, anh Phúc Nghiêm vào báo cáo có một xe gíp đỗ trước cửa trụ sở tự vệ, một tên Pháp xuống xe đến chỗ ụ không rõ làm gì. Anh Phúc Nghiêm vẫn chĩa súng nhưng không bắn, tiểu đội anh Nho đã vào vị trí, anh Ngô Mai đã bám sát tôi. Mấy phút sau khi chúng lên xe đi rồi thì mìn nổ. Lập tức đội tuần tra đi để ổn định trật tự và trấn an dư luận.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2021, 07:45:11 am »

Những chuẩn bị cuối cùng

Khoảng 15-12-1946 chúng tôi thành lập đội cảm tử do tôi đứng đầu, nhiệm vụ là phá hoại những nơi cần thiết.

Đội được phát 10 lọ, trong mỗi lọ có một miếng phốt-pho to gần bằng ngón tay út ngâm trong nước. Loại này khi định đốt xe thì lừa lúc địch không chú ý, ta lấy miếng phốt-pho ra đặt cạnh nắp thùng xăng. Khoảng 10 phút sau miếng ấy sẽ tự bốc cháy. Nhiều lần chúng tôi định làm nhưng bọn Pháp lại cảnh giác, chúng tôi không thực hiện được.


Đội này còn nhận được 10 thỏi mìn dẻo để phá trạm biến thế điện và cây.

Chúng tôi được bác thợ điện phụ trách trông nom trạm biến thế điện ở đầu phố Quốc Tử Giám gần sát Hàng Bột hướng dẫn cách mở trạm, đóng mở cầu dao và trao cho chìa khoá thứ hai. Chúng tôi đục sẵn lỗ mìn ở giữa sàn trạm.


Hai cây to gần đền Sòng phố Hàng Bột và trước ụ chướng ngại chúng tôi cũng đục khoảng 15 lỗ trên mặt đường.

Đại đội còn được trao một quả bom ba càng. Có một chuyện rất cảm động là sau khi được nghe nói mục đích, ý nghĩa và sự nguy hiểm cho người đánh bom, tôi hỏi "Ai xung phong cầm bom ba càng?" thì lập tức anh Ngô Mai đứng phắt dậy. Sau anh còn một anh khác nữa trẻ hơn. Tôi bèn trao bom cho anh Ngô Mai, anh kia hai quả lựu đạn để yểm hộ. Anh Ngô Mai đã đứng tuổi, buôn bán vặt ở chợ. Trước 19-8-1945, anh gần như một tay "anh chị" nhưng đứng đắn và không làm hại ai.


Bắt đầu từ 16-12-1946 hầu như ngày nào tự vệ cũng tập trung toàn đội ở vị trí quy định. Tình hình rất căng thẳng, hầu như không còn ai đi làm, người đi tản cư nhiều, phố vắng hẳn, chỉ có ít người đi lại ngoài đường.


Ngày 18-12-1946, chúng tôi đi nghe ngóng tình hình để tận mắt chứng kiến sự chuẩn bị của nhân dân ta. Thành, Lập, Lộc, Sinh đi lên Sinh Từ, Cửa Nam, Hàng Bông; đường vắng ngắt, càng đi càng thấy rợn người, chỉ có xe bọn Pháp chạy mà chúng cũng không để ý gì đến chúng tôi.


Giờ nổ súng

3 giờ chiều anh Phi Hùng thông báo có thể tối nay đánh. Đến 7 giờ tối lại báo là 8 giờ. Gần 8 giờ tôi lại nhắc lại là đúng 8 giờ tối pháo đài Láng sẽ bắn mở màn.

Trong khi ấy trung đội Vệ quốc đoàn của Đại đội 29 do anh Lưu Vân. Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy và trung đội tự vệ phối hợp đánh nhà Deléveaux đang tiến dần đến vị trí tập kết.

Đúng 8 giờ tối 19-12-1946, đèn điện toàn thành phố tắt. Pháo của ta ở Láng bắt đầu bắn. Nhìn những viên đạn đại bác sáng xanh lừ đừ bay trên không hướng vào Thành Hà Nội rồi rơi xuống các vị trí đóng quân của Pháp làm thành những tiếng nổ rung chuyển cả đất.


Vệ quốc đoàn và Tự vệ rất nhanh chiếm lĩnh các ổ chiến đấu. Súng máy, súng trường thi nhau bắn vào nhà Deléveaux. Một số Tự vệ thì áp sát nhà và ném lựu đạn vào sân. Anh Sinh dùng bít tất buộc vào đuôi mìn cũng ném vào nhà nó. Bọn Tây lai trong nhà kêu là inh ỏi và rút lên gác. Chúng cũng tổ chức bắn lại ban đầu nhiều sau thưa dần. Phía ta cũng vậy, đạn có ít nên phải dè sẻn. Trong chiến đấu, tiểu đội trưởng Phạm Gia Nho khi xung phong lên phá cửa nhà chúng, chẳng may bị trúng đạn, hy sinh tại chỗ.


Có một câu chuyện rất cảm động về anh Nho. Anh từ đâu đến buôn bán guốc ở chợ, hay uống rượu, uống say thì không nể ai. Hôm 15-12-1946, anh nói với tôi: "Từ nay anh không uống rượu nữa, cho vợ về quê viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác". Từ đó ai mời rượu cũng không uống nữa. Vốn tính ngay thẳng nên khi anh mất anh chị em ai cũng tiếc.


Cùng lúc Vệ quốc đoàn và Tự vệ đánh nhà Deléveaux thì cũng là lúc đội phá hoại bắt đầu các công việc.

- Phá trạm biến thế điện

Đội cảm tử mở cửa trạm, vào đặt mìn rồi đốt. Sau một tiếng nổ to, mìn chỉ phá được một miếng bằng cái thúng ở sàn. Chúng tôi phải dùng xà beng chọc thủng máy, dầu trong máy chảy ra, một bộ phận đã lấy rơm nhét vào trạm rồi ném quả lựu đạn vào. Dầu bùng lên cháy đến 23 giờ mới hết.


- Chặt cây

Trong khi trạm bùng cháy to, đội đi đặt mìn vào các lỗ cây rồi đốt. Cũng do chưa có kinh nghiệm như khi đốt trạm, cây chỉ bung ra một mảng. Đội phải cùng chủ nhà gần đó cưa cho cây đổ, rồi dùng búa tạ, xà beng đánh đổ cột đèn.


- Phá đường

Một bộ phận xuống phá đoạn đường giữa hai cái hầm trước ụ, chướng ngại ở phía dưới phố Đoàn Thị Điểm đã nói trên. Cần phá ngay để lỡ địch có đưa xe tăng đến cũng không vượt qua được. Lần này rút kinh nghiệm, chính tay tôi nhồi mìn và đốt. Kết quả mìn phá băng chỗ đường còn lại. Đội lấy xà beng cuốc chim phá nốt cho sâu xuống.


Đốt cửa nhà Deléveaux và đặt bom

Dùng sức phá cửa không được, Vệ quốc đoàn cho khiêng đến một quả bom đặt ở chân tường nhà Deléveaux. Đại đội trưởng Lưu Vân cho giật bom. Nhưng giật mấy lần mà bom không nổ lại phải khiêng ra. Sau đó, không rõ lệnh của ai, Tự vệ đến chợ dỡ hết lều quán đem đến đốt ở cửa nhà nó, nhưng cửa bằng gỗ tốt quá nên không cháy được cửa. Lúc ấy đã gần sáng, anh em chỉ bao vây không đánh tiếp.


Đến hôm sau 20-12-1946 thì bọn địch trong nhà Deléveaux mở toang cửa và tất cả đi trên xe ô tô chạy ra. Nhìn thấy phía trước xe có biển kẻ dấu hiệu Hồng thập tự, quân ta tôn trọng luật quốc tế nên không bắn. Chúng chạy thoát vào Thành. Quân ta vào chiếm nhà Deléveaux.


Cùng với Tự vệ và Vệ quốc đoàn, các chị cứu thương cũng lên mặt trận xử lý kịp thời các thương binh và tử sĩ đưa về trạm đóng ở trại nhà ông Đỗ Lợi trong ngõ Văn Hương.

Lúc này bộ phận tiếp tế sẵn sàng vào việc: đi thu lương thực, thực phẩm, lo đầy đủ cơm nước cho chiến sĩ ở tất cả các chốt và tại đại đội bộ Tự vệ ở Văn Chương.

Sau ngày 19-12-1946 và khi nhà Deléveaux đã rút chạy, xuất hiện tại mặt trận loại đối tượng bắn súng "tắc bọp", bắn lén rồi chạy ngay, ta khó bắt được chúng. Hậu quá là anh Phạm Văn Nhã bị bắn trúng vào mông trong khi cùng anh Lập, Thọ, Lộc đi lên phía đầu phố Hàng Bột. Lùng sục trong Văn Miếu không bắt được tên nào. Và một chị cứu thương bị bắn vào đùi, may vào phần mềm (chị Liên lấy chồng Nhật).


Trận địa mìn giả

Đêm 23-12-1946, theo sáng kiến của anh Lưu Vân, đội phá hoại đã đem các rổ rá, nồi, xoong, chậu v.v... úp đầy tại ngã tư Cát Linh từ trước cửa nhà ông Đỗ Đức Long 3 Hàng Bột. Anh em lấy cuốc chim, xà beng đào be bét như vừa chôn mìn. Bọn địch rất sợ, chỉ dám đứng xa bắn vào nơi nghi binh. Bọn chúng thường dùng xe thiết giáp đi trước yểm hộ, bộ binh tiến sau, nhưng cũng chưa xuống được đến ụ chướng ngại. Xe tăng ở đầu phố Cát Linh bắn đại bác thẳng vào ụ, ụ vẫn không đổ. Chúng bắn vào trận địa mìn giả, rồi cho nhặt hết rổ rá, xoong, chậu, dùng xe háp-trắc kéo cây và cột đèn sang bên đường. Có mấy lần chúng tiến xuống đều bị lựu đạn và chai xăng ném ra làm chúng phải rút.


Các trận chiến ngày càng ác liệt. Địch dùng tăng, xe thiết giáp chiếm Ngã tư Cát Linh - Hàng Bột bắn vào các nơi nghi có quân ta đóng.

Chúng chiếm Văn Miếu. Có lúc xe tăng địch đã tiên gần đến ụ. Anh Ngô Mai, một quyết tử quân Tự vệ cầm bom ba cang từ trong nhà xông ra nhưng bị trúng đạn vào đùi. Đồng đội bắn yểm hộ đem vào được và đưa về tuyến sau. Tuy vậy địch cũng sợ phải rút.


Địch còn dùng cối bắn, kể cả bom máy bay ném vào trận địa ta. Ta vẫn trụ vững.

Đến ngày 30-12-1946, địch tràn vào như báo cáo đã nêu và đánh qua được ụ Khâm Thiên. Trên cho lệnh chúng tôi rút về Nam Đồng. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tích cực, thiệt hại về người rất ít.


Hai đồng chí Tự vệ Hàng Bột hy sinh là anh Phạm Gia Nho và anh Nguyễn Văn Chung, học sinh, con trai thứ của ông Phán Mạc ở 11 phố Đoàn Thị Điểm. Một nữ cứu thương bị thương nhẹ có lẽ chị Liên ở phố Hàng Cháo, vợ một anh người Nhật - người Việt Nam mới - thường gọi là chị Liên Nhật.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2021, 07:45:40 am »

Kết luận

Xưa nay có một câu nói đã trở thành nổi tiếng: "Một trận đánh được chuẩn bị chu đáo coi như trận đánh ấy thắng lợi một nửa". Chúng tôi không dám tự hào, nhưng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, những thanh niên, phụ nữ, phụ lão, thiếu nhi và các tầng lớp khác ở Hàng Bột đã được giáo dục thấm nhuần chủ trương chính sách của trên, thực hiện nghiêm chỉnh có trách nhiệm với mọi kế hoạch việc làm theo chỉ thị từng thời điểm.


Ngay từ 19-8-1945 đến 30-12-1946, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Chính phủ VNDCCH nhân dân Hàng Bột đã vùng lên giành chính quyền và sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ phút đầu giờ đầu của cuộc kháng chiến, không một ai chần chừ hoặc rời bỏ hàng ngũ.

Ngay từ lúc Đại đội 29 chiếm lĩnh địa bàn Hàng Bột thì mọi việc đã và đang được tiếp tục chuẩn bị giữa Vệ quốc đoàn, Tự vệ và các đoàn thể đã được phối hợp thống nhất, chặt chẽ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban kháng chiến Liên khu III thuộc Mặt trận Hà Nội. Do vậy khi pháo đài Láng bắn vào Thành là các lực lượng tiến công ngay, dù khi có lệnh rút về Nam Đông cũng là vừa đánh vừa rút, tiếp tục làm địch chậm tiến công và bảo toàn lực lượng.


Bao vây và nhổ được những ổ tác chiến tiền tiêu của địch trong lòng trân địa Hàng Bột (nhà hạ sĩ quan Pháp đầu phố và nhà Deléveaux số 9 phố Cát Linh), chúng tôi đánh giá là một thắng lợi lớn như là nhổ được con dao găm cắm bên cạnh sườn ta, mà trước 19-12-1946 Hàng Bột là con đường huyết mạch của Trung ương và Chính phủ rút ra An toàn khu để có thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài.


Điều có ý nghĩa lớn lao nữa là một đoạn đường khoảng 400m từ đầu phố đến ụ chướng ngại gần cuối Hàng Bột trên mà địch phải mất 12 ngày mới tới được. Quân và dân Hàng Bột đã cùng với toàn Liên khu III góp phân thắng lợi đập tan kế hoạch của thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội trong 24 giờ.

TỐNG THỊ HOÀ ghi
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #39 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2021, 07:50:38 am »

ĐẠI ĐỘI 29 TIỂU ĐOÀN 523 VỚI NHỮNG TRẬN CHIẾN ĐẤU CHỐNG PHÁP TRÊN ĐƯỜNG PHỐ HÀNG BỘT LIÊN KHU III
đêm 19-12-1346 đến 30-12-1946


Lưu Vân
Đại úy Trần Hải
Lưu Vân - nguyên Đại đội trưởng c29, D523.
Trần Hải - nguyên Chính trị viên c29, D523


Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nổ ra trên toàn quốc đến nay đã 55 năm. Biết bao con người với những hoàn cảnh khác nhau đã đứng chung trong chiến hào ở giờ phút lịch sử ấy đều góp phần nhỏ bé của mình vào thắng lợi to lớn của đất nước, của thủ đô thân yêu.


Tôi thay mặt cho tất cả đồng đội (bộ đội và tự vệ), những người còn sống và những người đã ngã xuống ngay trên mảnh đất này, ghi lại một số trận đánh trên đường phố Hàng Bột thân thương của chúng tôi.

I. Vị trí quan trọng của đường phố Hàng Bột, hình thái chiếm đóng và bố trí chuẩn bị chiến đấu của địch ngay sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946.

1. Sau đảo chính Nhật - Pháp 9-3-1945, quân Pháp bị bắt làm tù binh và nhốt trong Thành khoảng 1.500 tên. Tháng 11-1945 bọn chỉ huy Pháp đã được sự đồng loã của phái đoàn Mỹ - Anh - Tưởng, trên danh nghĩa vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật và đã trang bị vũ khí cho số tù binh này.


2. Chuẩn bị cho âm mưu và hành động xâm lược của chúng và bảo đảm an toàn cho lực lượng của chúng đã ở trong Thành nên sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 thì ngày 27-3-1946 chúng đã chiếm đóng trái phép Nha Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao); tiếp đến đưa từng tiểu đội, trung đội lính mũ đỏ đến chiếm đóng tu viện Jeanne d’Arc (nay là Viện Bảo tàng Mỹ thuật). Tại đây có khoảng một trung đội và có một khẩu súng cối 82 ly. Đầu phố Hàng Bột trông sang Văn Miếu có một dãy nhà hạ sĩ quan Pháp ở từ trước 9-3-1945, nay cũng được trang bị lựu đạn, tiểu liên, súng ngắn, thực chất là các ổ tác chiến. Sâu hơn nữa là nhà tên Tây lai Henri Deléveaux số 9 phố Cát Linh (nay là cửa hàng lương thực). Lực lượng của chúng tại đây có khoảng một tiểu đội có vũ khí súng trường, tiểu liên, lựu đạn, một xe mô tô 3 bánh, một xe cứu thương. Bên ngoài là nơi thu mua lương thực thực phẩm cho lực lượng trong Thành, nhưng thực chất là cơ sở thu thập tình báo. Có một số người Việt giúp việc cho chúng.

Như vậy lực lượng chủ lực trong Thành đã có các vị trí tiền tiêu làm nhiệm vụ phát hiện, án ngữ, kìm chế mọi hoạt động của ta, mặt khác là điểm đầu cầu xuất phát tiến công sâu vào hậu phương ta một cách nhanh chóng khi cần.


3. Hàng Bột nằm trên trục đường Hà Nội - Hà Đông. Đầu phố là đầu mối giao thông quan trọng tiếp giáp nội thành gần các vị trí quan trọng của địch: Phủ Toàn quyền, cửa Tây thành Hà Nội và cũng không cách xa đầu mối giao thông lớn là khu Ga Hà Nội, Nhà Dầu Shell. Phía sau là các ngã tư Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở đi Hà Đông nối liên với nhiều trục đường đi các hướng ra vào nội ngoại thành. Đặc biệt có sân bay Bạch Mai là một mục tiêu có tầm chiến lược mà chúng rất muốn chiếm đóng sử dụng.


4. Với ta trục đường Hà Nội - Hà Đông có vị trí hết sức quan trọng trong tình thế bấy giờ. Vùng hậu phương là Hà Đông - Sơn Tây là địa bàn cơ sở cách mạng, đầu mối thuận lợi trong khi cần di chuyển lên phía Bắc hoặc vào phía Nam rất cơ động khi nổ ra chiến tranh. Do đó tháng 11-1946, lệnh trực tiếp của Chỉ huy trưởng Khu XI giao cho Ban chỉ huy Tiểu đoàn 523 và các Đại đội 27, Đại đội 29 phải bảo vệ đường giao thông quan trọng này của Trung ương. Cụ thể suốt các tháng 10, 11 đến trước đêm 19-12-1946 các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, các lãnh tụ của Đảng, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội, Trường Đào tạo cán bộ quân sự, chỉ huy sở Tiểu đoàn 523 đều đóng quân và làm việc rải rác từ Ô Chợ Dừa, Thái Hà - Ngã Tư Sở vào đến thị xã Hà Đông.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM