Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:05:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch  (Đọc 2350 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« vào lúc: 17 Tháng Mười, 2021, 10:25:39 am »

- Tên sách: Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch
- Tác giả: Cao Kim
- Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
- Năm xuất bản:
- Người số hóa: giangtvx, dungnuocgiunuoc



LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa vào quá khứ. Đất nước Việt Nam tươi đẹp đang từng ngày, từng giờ đổi mới nhưng ký ức hào hùng về một thời đạn lửa vẫn còn vọng mãi. Bởi đó là những năm tháng mà cả dân tộc ta đã làm nên một HUYỀN THOẠI. Huyền thoại của hai mươi năm "Máu nở thành hoa". Thử hỏi có "cuộc sinh nở nào đau đớn vậy - Rất tự hào mà xót tận trong da" (Tố Hữu - Việt Nam, Máu và Hoa).


Tự hào bởi từ trong cuộc trường chinh ấy, giữa những ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, giữa cái mất và cái còn, giữa tận cùng đau thương và hy vọng, chúng ta đã hun đúc nên những GIÁ TRỊ SỐNG đích thực và thiêng liêng. Đó chính là tình yêu đối với Tố quốc; tình cảm của lãnh tụ đối với nhân dân, của nhân dân đối với lãnh tụ; tình cảm đồng chí, đồng đội keo sơn gắn bó; tình cảm quân - dân cá nước; tình cảm hậu phương - tiền tuyến; tình cảm ruột thịt của miền Bắc đối với miền Nam đi trước về sau; tình cảm của cả dân tộc một lòng thủy chung đi theo cách mạng... Tất cả những giá trị ấy đã hun đúc nên sức mạnh Việt Nam, làm nên một "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ".


Xót xa vì trong cuộc trường chinh ấy, có biết bao mất mát, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ ta, bao nhiêu chàng trai, cô gái đã hy sinh cả tuổi xuân. Và đã hơn nửa thế kỷ đi qua, vẫn còn đâu đó những niềm vui không có cơ hội được tái sinh, những kiếp người, những số phận vì chiến tranh mà côi cút, neo đơn; vì chiến tranh mà không cất nổi bước chân đi về tương lai, hòa nhập cộng đồng...


Dù biết không có hình thức nghệ thuật nào, kể cả thi ca, có thể diễn tả hết được hiện thực của chiến tranh. Và những câu chuyện về nữ chiến sĩ giao liên mật giữa đô thành Sài Gòn trong cuốn sách này cũng không nằm ngoài sự bất lực ấy. Nhưng những hình ảnh giản dị mà vô cùng thông minh, gan dạ, những bước chân đi về như con thoi giữa mọi hiểm nguy trong vùng địch hậu của nhân vật nữ chiến sĩ giao liên Minh Nguyệt (Sáu Thắm) cùng đồng đội vẫn gợi lại những tình cảm mến thương, sự khâm phục trong mỗi chúng ta, bởi trước hết người ghi lại ký ức ấy là nhân chứng của chiến tranh. Tác giả từng là người lính trên mặt trận báo chí ở chiến trường miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và cảm xúc của tác giả được viết ra từ trong khói lửa, trong những năm tháng cùng nằm gai nếm mật với đồng bào, đồng chí, đồng đội mình giữa sào huyệt địch.


Hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, dân tộc Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của hội nhập và phát triển. Điều đó lại càng không cho phép chúng ta lãng quên quá khứ, không được quên những sự hy sinh, mất mát của đồng bào, chiến sĩ ta, không được quên những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc của riêng mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.


Chẳng còn bao lâu nữa là tròn 50 năm sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân (1968 - 2018). Chúng ta không thể nào quên những hy sinh, mất mát của những năm tháng ấy. Ngày nay, có rất nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ không đi qua chiến tranh, mới chỉ hiếu được phần nào về sự hy sinh của thế hệ cha ông. Có lẽ vì vậy trách nhiệm của mỗi chúng ta là cần phải làm thật nhiều điều thiết thực và ý nghĩa để sự hy sinh vô giá ấy luôn được trân quý, tự hào, tạo thêm sức mạnh cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới.


Cuốn sách "Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch" của tác giả - nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) là một trong những thông điệp Nhà xuất bản muốn gửi bạn đọc. Tác giả là một trong những nhà báo cách mạng vừa cầm bút, vừa cầm súng tại chiến trường, từng trực tiếp đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, giữa sự sống và cái chết để ghi lại các hình ảnh chân thực nhất về những con người bình dị, hoạt động thầm lặng mà sự hy sinh của họ có thể chúng ta không bao giờ viết hết được. Cuốn sách như một lời tri ân để lịch sử mãi nhớ và biết ơn về họ.

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 05:08:33 pm »

Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch

Chiến tranh đang dần lùi xa. Mỗi lần giở lại những trang ghi chép tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi lại nhớ đến các chiến sĩ biệt động và giao liên mật tại nội đô mà tôi từng đồng cam, cộng khổ và viết về họ. Đó là những chàng trai, cô gái dễ thương, sống trung thực, hồn nhiên, vô tư, giàu tình cảm và đầy mưu trí, dũng cảm, lúc nào cũng sẵn sàng xả thân vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.


Minh Nguyệt, nữ đội viên nhỏ tuổi nhất của Tổ giao liên mật C30 (thuộc đơn vị giao liên T4) là một chiến sĩ trong số đó.

Tôi gặp Minh Nguyệt (Sáu Thắm) lần đầu vào cuối năm 1966 và gặp lại em tại Sài Gòn - Gia Định giữa đợt chống càn ác liệt ở vùng ven đô sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968. Là con gái Sài Gòn chính gốc, có dáng mảnh mai, xinh xắn, nhanh nhẹn, thông minh và gan dạ, em được mọi người trong đơn vị thương mến ví như "cánh chim nhỏ" nơi đô thành ngày ấy.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 05:09:06 pm »

Dọc ngang khắp chôn đô thành

Cư trú tại quận Ba, gia đình Minh Nguyệt là một trong nhiều gia đình sớm bị chính quyền Sài Gòn liệt vào danh sách "những gia đình Việt Cộng" và luôn bị theo dõi, đe dọa, khủng bố gắt gao. Cả nhà em có tới bảy người (gồm ba, má, chị Hai, chị Ba, anh Tư, anh Năm và Nguyệt) theo cách mạng, hoạt động kháng chiến. Noi gương ba, má và các anh chị, ngay từ khi đang là nữ sinh Trường Trung học Gia Long, Nguyệt đã hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Liên tiếp trong những năm từ 1964 đến 1967, Nguyệt vừa đi học vừa làm giao liên, bí mật chuyển tài liệu của tổ chức tới các cơ sở. Em rất vui khi được góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc kháng chiến chông xâm lược, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.


Mấy tháng trước khi ta mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968, Nguyệt bận rộn bởi luôn được giao việc cần cấp phải chạy đua với thời gian. Như "cánh chim nhỏ" tinh nhanh, sáng đi học, chiều tối em len lỏi khắp các ngõ ngách của đô thành. Biết tự bảo vệ mình và cơ sở cách mạng, Nguyệt luôn thay đổi cách ăn mặc và phương tiện đi lại cho phù hợp với từng chuyến công tác: lúc đi bộ, lúc đi xích lô, xe đạp, xe gắn máy, lúc đi xe đò, xe lam hoặc taxi... Một số lần, Nguyệt tương kế, tựu kế "nhờ" cả sĩ quan địch (từng là bạn học một thời) dùng xe quân sự Mỹ chở em đi làm nhiệm vụ mà chúng không hay đang ngồi cùng "Việt Cộng". Tận dụng lợi thế hợp pháp của nữ sinh và sự sơ hở của địch, không những em tiếp nhận, vận chuyển kịp thời, an toàn mọi tài liệu, hàng hóa do tổ chức giao mà còn khai thác thông tin từ một số sĩ quan, binh lính địch cung cấp cho lãnh đạo, chỉ huy. Nhiều lần, Nguyệt bị bọn mật thám theo dõi, chặn đường và bọn cảnh sát bao vây, rượt đuổi, nhưng lần nào em cũng biết dựa vào bà con, cô bác, khéo đánh lạc hướng kẻ địch, rồi mau lẹ biến mất trước sự ngơ ngác của chúng. Không ít lần, khi chuyển xong tài liệu, Nguyệt lánh vô nhà thờ Tân Định hay nhà thờ Chúa Cứu Thế, lẫn trong đám đông con chiên nghe cha giảng đạo. Hàng chục lần em vô chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, mượn áo ni cô, ngồi cùng các tăng ni, phật tử và nhà sư tụng kinh, niệm Phật. Nơi Nguyệt thường ghé nhiều nhất sau mỗi chuyến đi là các rạp hát: có lúc em vô rạp Long Phụng cạnh chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành); có lúc lại vô rạp Nam Quang bên chợ Đuổi, rạp Thanh Vân giáp chợ Hòa Hưng, hoặc rạp Đại Nam (nay là rạp Công Nhân) gần chợ cầu Muối... Nguyệt thản nhiên mua vé vô ghế ngồi như mọi người, giả bộ xem biểu diễn nghệ thuật, nhưng thực ra em kiếm chỗ để chợp mắt, trấn tĩnh sau những giờ phút căng thẳng, hồi hộp và cắt đứt sự đeo bám của bọn mật thám.


Một hôm, giữa khu Chợ Lớn đông đúc, Nguyệt không may bị địch phát hiện và đón bắt khi em từ một cửa hàng ăn sáng bước ra. Chúng đẩy em lên xe Jeép đậu sẵn, đưa thẳng về Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn. Tay bị còng, vừa nhìn thấy mặt tên chiêu hồi, em bị chúng xô té sấp xuống chân tường đau điếng. Rồi chúng xúm lại xét hỏi, hăm dọa em. Giữa hang ổ của bọn quỷ dữ, sự nguy hiểm tính mạng ập đến quá nhanh, cảnh tra tấn, tù đày tưởng không thể tránh khỏi, nhưng em vẫn bình tĩnh nghĩ cách thoát thân. Biết chúng không có bằng chứng rõ rệt nào để giam giữ mình, em vừa nói lý lẽ với bọn sĩ quan địch, vừa dồn thêm tội chết cho kẻ chiêu hồi chỉ điểm là đứa vu cáo em và lừa gạt cả cảnh sát. Quả nhiên, bọn nó nghi ngờ nhau, cho kiểm tra lại thẻ học sinh và trường học của Nguyệt. Cuối cùng, chúng phải thả em về...


Cuối mùa Xuân năm 1967, Nguyệt được tổ chức đưa ra chiến khu học tập, rèn luyện một thời gian rồi lại trở về đô thành tiếp tục làm giao liên mật thuộc đơn vị giao liên T4 do ông Tư Tăng chỉ huy. Có sẵn giấy tờ hợp pháp là học sinh đang sống và học tại Sài Gòn, lần này, Nguyệt không chỉ hoạt động ở nội đô mà còn ra cả vùng ngoại ô phía bắc. Cứ đôi ba tuần hoặc một vài tháng, vào chủ nhật, trong những vai khác nhau, em tìm cách "qua mặt" các chốt kiểm soát của địch, mang tài liệu và một số hàng hóa (do cơ sở đóng gói, sắp đặt sẵn), lên xe đò như người thành phố về quê dự đám cưới, đám tang hay đám giỗ, để tới điểm hẹn ở huyện Hóc Môn hoặc Củ Chi. Giao "hàng" xong, em nhận tài liệu của tổ chức, rồi ra bắt xe đò hoặc xe ngựa và lại tìm cách vượt qua các chốt địch thường chặn xe xét hỏi, trở về trong ngày, kịp trao cho nơi nhận.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 05:10:27 pm »

Chim khôn thoát hiểm

Đầu mùa khô năm 1967, Minh Nguyệt được tổ chức giao nhiệm vụ mang một số "hàng" từ nội đô lên huyện Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. "Hàng" gồm toàn văn phòng phẩm (giấy sáp, giấy đánh máy, giấy viết, sổ sách, bút bi, mực in) cùng các loại thuốc chữa bệnh, nhiều nhất là thuốc trị sốt rét. Mỗi thứ đều được cơ sở đóng gói, ngụy trang cẩn thận. Trước lúc Nguyệt lên đường, người phụ trách tổ công tác dặn dò em rất kỹ:

- Anh chị em mình ở trển đang rất cần những thứ này. Bọn địch coi đây là hàng cấm, ai mang nhiều đều bị chúng quy tội tiếp tay cho "Việt Cộng". Nguyệt hết sức cố gắng nhưng cần khéo léo và cẩn thận, nghe!

Ngồi trên xe đò với dáng một cô gái thị thành về thăm quê, Minh Nguyệt lo nghĩ đủ thứ. Khác với mọi lần, chuyến này không những em mang nhiều đồ hơn, đi xa hơn, mà lại tới ngay vùng "tam giác sắt" dày đặc các lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn, nơi thường xuyên có chiến sự. Biết bao sự bất trắc khó lường, nhưng do bình tĩnh, gan dạ và có kinh nghiệm hoạt động sau nhiều lần đi lại vùng ngoại ô phía bắc thành phố, Nguyệt lần lượt vượt qua các chốt kiểm soát của địch, đến điểm hẹn tại làng 14 Dầu Tiếng an toàn. Mừng thầm vì hoàn thành nhiệm vụ giao "hàng" cho cơ sở đầy đủ và đúng hẹn, Nguyệt tưởng khi trở về nội đô sẽ nhẹ nhàng, suôn sẻ, nhưng không ngờ, ngay sau đó, em phải đối mặt với một tình huống cực kỳ nguy hiểm.


Chuyện xảy ra không liên quan đến số "hàng" do Nguyệt mới mang đến. Giao "hàng" xong, Nguyệt rời Dầu Tiếng quay về bằng lối khác. Em lên xe lôi rẽ vô con đường đất đỏ gập ghềnh đầy cát bụi - nơi bọn địch rất ngán phải đi xe qua vì chúng thường bị du kích và bộ đội ta đắp mô, gài mìn, phục kích, tấn công bất ngờ. Vừa tới xã Thanh An, huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), tình cờ Nguyệt gặp mấy bạn gái thân thiết từ chiến khu Bình Long tới. Bạn bè thời chiến, sống chết có nhau, lâu ngày gặp lại, ai cũng mừng rớt nước mắt. Mọi người chưa kịp hỏi nhau đôi câu thì một tốp trực thăng (máy bay lên thẳng) Mỹ, toàn loại "cá rô", "cá lẹp" từ đâu phành phạch lao tới quần đảo nhiều vòng trên đầu xóm và bìa rừng. Tiếng rít của đàn máy bay bay thấp và tiếng súng nổ gây náo động. Có lẽ địch phát hiện thấy đơn vị nào của ta và chúng định bao vây? Nguyệt đoán vậy và giục các bạn mình chạy lẹ vô rừng trước khi máy bay lượn lại. Em cũng rẽ nhanh vô đầu xóm. Quả nhiên, cả tốp máy bay ào ào sà xuống và đổ quân giữa trảng cỏ. Bọn lính Sài Gòn do sĩ quan Mỹ chỉ huy, hình thành hai mũi, vừa chặn bìa rừng vừa tiến vô xóm. Chắc có kẻ chỉ điểm nên chúng hung hăng sục vào từng nhà để tìm "Việt Cộng"


Nguyệt lánh trong một gia đình người quen. Em đứng phía sau nhà, định tìm cách ra khỏi vòng vây của địch, nhưng bọn chúng đã chặn hết lối. Nguyệt vội vô nhà tắm, múc nước xối xuống chân như đang tắm giặt. Ai dè, có bàn tay bất ngờ kéo mạnh tâm rèm cửa nhà tắm. Nguyệt giật mình nhìn ra: một thằng sĩ quan Mỹ cao, to, đeo lon trung tá, xuất hiện trước mặt. Nó chĩa súng ngắn vô em và la lên:

- Vixi! Vixi! (Việt Cộng! Việt Cộng!)

Nguyệt nhanh trí khoát tay và đáp lại nó bằng tiếng Anh:

- Nô Vixi! (không phải Việt Cộng!)

Ngạc nhiên thấy cô gái ở nơi heo hút, xa thị thành mà biết nói tiếng Anh, thằng Mỹ hạ súng xuống và kéo tay em vô nhà. Nó hỏi tên và nơi cư ngụ, em trả lời vanh vách. Thằng Mỹ gật đầu, rồi đưa tay chào em và quay đi. Em cũng chào lại nó, vẻ thân thiện. Nguyệt tưởng nó đi luôn, nhưng lát sau, nó quay lại cùng một viên thông dịch. Thằng Mỹ chỉ vô Nguyệt và biểu viên thông dịch rằng cô gái có vẻ không phải "Việt Cộng" vì là học sinh Sài Gòn và biết tiếng Anh. Viên thông dịch thốt lên: "Trời ơi, sếp lầm rồi! Việt Cộng ở khắp nơi và họ đâu có dốt nát! Nhiều Việt Cộng nói tiếng Anh như gió đó sếp! Tên sĩ quan Mỹ đổi sắc mặt. Nó nhún vai, trợn mắt và ra lệnh bắt ngay "tên nữ Việt Cộng". Bọn chúng kè tay Nguyệt, đẩy em lên xe Jeép và đưa tới giam giữ tại xã.


Trời tôi dần. Trước khi bay về nghỉ đêm tại thị xã Tây Ninh, tên sĩ quan Mỹ giao cho bọn lính Sài Gòn ở lại canh giữ Nguyệt cẩn thận để ngày mai nó gặp.

Nguyệt bị chúng còng tay, đẩy vô góc một ngôi nhà nhỏ chật chội - nơi tụ tập của bọn bảo an, dân vệ, muỗi nhiều như vãi trấu. Ba tên lính, mỗi tên một khẩu AR15, thay nhau canh chừng và kèm sát em. Suốt đêm ngồi bệt dưới nền nhà ẩm thấp trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi và bị muỗi rừng bu tới hành hạ, Nguyệt không sao chợp mắt nổi.


Hôm sau, mặt trời vừa tỏa nắng, tên sĩ quan Mỹ đã đáp máy bay trực thăng từ Tây Ninh đến. Nó xộc tới nơi giam giữ Nguyệt, ngó nhìn một lát và ra lệnh tên lính mở còng cho em. Nó sai khiến, dặn dò bọn lính, rồi lại vội bay đi. Nguyệt nghĩ, rất có thể chúng sẽ đưa em về Sài Gòn hoặc có âm mưu ác độc gì đó. Thấy tay mình không còn bị còng và thằng Mỹ đang vắng mặt, Nguyệt nảy ý định tìm cách thoát thân.


Lựa lúc mấy tên lính gác đang uể oải vì thức đêm, Nguyệt giả bộ nhăn nhó như đau bụng và nói:

- Mấy ông ơi, tôi là đàn bà, con gái đang có kinh. Bị mấy ông giam cầm từ hôm qua tới giờ không cho tắm rửa, thay đồ, tôi chịu hết nổi. Chắc mấy ông cũng thấy gớm...

- Vậy bây giờ cô muốn gì? - Một tên hỏi Nguyệt.

- Mấy ông cho tôi lại quán đằng kia mua băng vệ sinh; quán chỉ cách đây chừng vài trăm mét thôi - Nguyệt trả lời.

- Không, không thể cho cô được tự đi - Nó lắc đầu lia lịa.

- Vậy mấy ông dẫn tôi đi cho yên tâm - Nguyệt gợi ý luôn.

Vẻ như không muốn để cô gái làm dơ dáy nơi làm việc của chính quyền xã, bọn nó nhìn nhau và gật đầu.

Ba thằng lính, thằng nào cũng súng đạn lăm lăm, dẫn Nguyệt đến quán tạp hóa. Nguyệt vô mua hai miếng băng vệ sinh và lanh trí nói với bà chủ quán:

- Bác ơi, cảm phiền bác, cho cháu vô nhà tắm thay đồ một chút.

Thấy Nguyệt bị lính đi kèm, lúc đầu bà chủ quán cũng ngần ngại, nhưng khi nghe em nói mình đang có kinh, bị bắt vô cớ, từ hôm qua tới giờ chưa được thay đồ, bà la lớn:

- Trời đất ơi! Mấy ông lính "quốc gia" sao ác quá! Đàn bà có kinh mà không cho thay đồ thì chết người ta.

Mấy tên lính đưa mắt nhìn nhau, tên nọ hỏi tên kia. Một thằng hỏi chủ quán về cửa hậu ngôi nhà. Khi nghe bà chủ nói không có cửa hậu, nó mới cho Nguyệt đi thay đồ. Nguyệt để lại đôi dép ngoài cửa làm tin với bọn lính rồi lẳng lặng vô nhà tắm. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Nguyệt: bằng mọi cách, sống chết gì lúc này em cũng phải thoát khỏi tay địch. Nhìn gian nhà tắm trống lốc, bức tường bao không cao và không có mái lợp, phía sau là đồng ruộng, Nguyệt tính ngay đến cách vượt tường. Em với tay, định vọt lên liền, nhưng không có thế đứng và rất khó bám. Ngó vô góc bếp thấy mấy chiếc ghế nhỏ của gia đình chủ quán dùng để ngồi ăn cơm, Nguyệt lấy ba chiếc kê chồng lên nhau cạnh tường nhà tắm. Rồi lập tức, em leo lên và nhảy tót xuống phía ngoài.


Chân vừa chạm đất, Nguyệt run lên vì lo lắng, hồi hộp và do thiếu ăn, thiếu ngủ từ hôm qua dồn lại. Nhưng đây là phút sống chết, không có đường lui, em phải liều mạng, phải tranh thủ từng giây, nếu không sẽ mất cơ hội. Cố trấn tĩnh, Nguyệt dồn hết sức lực, cúi người lao nhanh giữa khu ruộng hoang. Chạy được chừng vài trăm mét, em nghe tiếng súng AR15 nổ rộ lên từ phía quán tạp hóa. Bọn địch đã phát hiện "Việt Cộng" chạy trốn. Chúng la lôi, báo động ầm ĩ. Các họng súng đều tập trung chĩa về phía Nguyệt, xả đạn không tiếc. Mặc đạn bay chiu chiu, ràn rạt đằng trước, đằng sau, trên đầu, dưới chân như bủa vây quanh mình, Nguyệt vẫn chạy, hướng tới khu vườn rậm của xóm trước mặt, cắt qua góc đồng trống, em chạy chênh chếch, lúc ẩn, lúc hiện bên các lùm cây. Có lúc em nằm xuống, lăn mấy vòng tránh đạn rồi lại bật dậy chạy tiếp. "Trong giây phút này, rất có thể mình sẽ ngã xuống vì dính đạn kẻ thù, mình xác định rồi. Nhưng không sao, mình cứ chạy, ráng chạy nữa, chạy mới thoát, nhất định không để địch bắt lại...". Suy nghĩ ấy theo sát từng bước chân trần rớm máu của Nguyệt, giúp em thêm sức mạnh vượt lên.


Chỉ trong chốc lát, Nguyệt lọt vô xóm Xoài, một xóm nhỏ, nhà dân thưa thớt, có nhiều cây xanh. Tiếng la ó của địch nghe nhỏ dần, nhưng tiếng súng bắn đuổi từ phía sau vẫn nổ ran và đạn vẫn bay tới vèo vèo. Mệt đến đứt ruột, đứt gan, đôi chân như rã rời, muốn khuỵu xuống mà em không thể dừng bước. Men theo bờ vườn, vượt qua một đoạn rào kẽm gai của "ấp chiến lược" cũ bị phá đổ, Nguyệt cố chạy vô ngôi nhà gần đó, nhưng cửa chốt chặt. Em tạt luôn qua hai, ba nhà khác, nhà nào cũng cửa đóng, then cài. (Em biết, lâu nay, mỗi khi nghe súng nổ ran, bà con nơi đây thường đóng cửa, ở trong nhà hoặc xuống hầm đề phòng những chuyện khó lường).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 05:11:17 pm »

Nguyệt tiếp tục chạy sâu vô xóm. Chợt em phát hiện có một gia đình vẫn mở hé cửa. Không ngần ngại, em phóng thẳng tới, gõ cửa và lách vô. Trong nhà chỉ có hai người, đều là phụ nữ: chị chủ nhà đang sắc thuốc cho mẹ già bị bệnh nằm mệt trên giường. Mùi thuốc bắc sực nức. Nguyệt vừa nói vừa thở:

- Chị ơi, cứu em với! Em đi nhổ củ mì mướn cho người ta, bị lính chọc ghẹo, em không chịu, chúng nó rượt bắt em. Chị cho em trốn vô nhà một chút, chị ơi!

- Em có phải " Việt Cộng " không? - Chị chủ nhà hỏi.

- Em chuyên đi làm mướn kiếm sống, đâu có biêt "Việt Cộng" là gì... - Nguyệt ngập ngừng đáp.

Chị chủ nhà nhìn Nguyệt, nghĩ ngợi giây lát rồi vội chốt cửa, giục em:

- Em lên giường nằm chung với má chị, lẹ lên! Nằm ở phía trong, quay mặt vô vách.

Theo lời chị, Nguyệt lách vô bên bà cụ bệnh nặng đang nằm bất động. Chị chủ nhà cẩn thận lấy tấm mền đắp cho Nguyệt và dặn:

- Tiếng súng nổ ác như vậy là chúng nghi có "Việt Cộng" đó. Chút nữa, chắc tụi nó sẽ đi xét từng nhà. Khi nào chúng tới, em nhớ phải làm bộ rên lên, nghe!

Đúng như phán đoán của chủ nhà, chừng ba mươi phút sau, một tốp lính địch hùng hổ đập cửa, ập vô nhà chị. Nhìn thấy bà già ốm nhom, teo tóp, da dẻ xám đen, mắt nhắm nghiền, nằm bất động bên một người đàn bà khác đang rên rỉ, tên cầm đầu tốp lính hỏi chủ nhà:

- Bà có thấy tên "Việt Cộng" nào chạy vô đây không?

- Không. Tôi không thấy gì hết trơn! - Chị chủ nhà trả lời, vẻ ngạc nhiên.

- Nhà này có mấy người? - Nó lại hỏi.

- Gia đình tôi có ba mẹ con. Má và em tôi bị bệnh nặng nằm đó; còn tôi đang sắc thuốc. Chắc mấy ông cũng ngửi thấy mùi thuốc bắc - Chị đáp.

- Vậy chồng bà đâu?

- Ổng ly dị tôi, đi ở với vợ bé từ lâu rồi!

Không hiểu do ngán ngẩm về sự lạnh lẽo và gia cảnh chủ nhà hay khó chịu bởi mùi hôi hám của người bệnh pha trộn với mùi thuốc bắc, bọn lính chỉ ngó nghiêng một lát rồi lắc đầu, kéo nhau đi.

Chị chủ nhà và Nguyệt thở phào. Nguyệt định ngồi dậy, nhưng chị biểu em cứ nằm chút nữa, đề phòng tụi nó quay lại. Em ngoan ngoãn nghe chị. Lần này, do quá mệt, Nguyệt thiếp đi lúc nào không hay. Chừng gần ba giờ chiều, chị chủ nhà mới gọi em dậy.

- Tụi lính rút hết rồi! Thấy em ngủ ngon quá, chị không gọi. Từ nãy tới giờ, chị em mình cũng chưa kịp biết tên nhau. Chị là Tư Trân, còn em tên gì?

- Dạ, em tên Nguyệt - Nguyệt đáp.

- Chị mới nấu cơm, em dậy ăn kẻo đói - chị ân cần bảo Nguyệt.

- Chị Tư ơi, chị tốt với em quá! Em cảm ơn chị nhiều - Nguyệt rưng rưng ôm lấy chị Tư Trân như người chị ruột.

Bữa cơm chỉ có miếng cá lóc khô với rau lang luộc chấm mắm nêm mà Nguyệt ăn thấy ngon lạ lùng. Chị Tư khéo léo gợi chuyện, Nguyệt vẫn nói em đi làm mướn kiếm sống và bị bọn lính chọc ghẹo, rượt bắt. "Nhìn em rất dễ thương. Dáng em là học sinh thành thị chứ không phải người đi nhổ củ mì mướn" - Chị Tư nói vậy. Chị cũng kể sơ sơ về chồng mình và bà má bệnh tật, giống như hồi trưa nói với tụi lính địch.


Cơm nước xong, Nguyệt phụ với chị Tư sắc thuốc cho má, nhưng chị không chịu. Chị đưa quần áo của mình cho Nguyệt thay và giục em đi tắm.

Đêm ấy, Nguyệt ngủ lại nhà chị Tư. Trong câu chuyện rủ rỉ, nhỏ to, em ngạc nhiên thấy chị chỉ kể về quân Giải phóng miền Nam, về tội ác giặc Mỹ và chuyện bà con quê mình nổi dậy phá "ấp chiến lược" do Mỹ và chính quyền Sài Gòn lập ra. Chắc chị Tư là người đằng mình, nếu không phải cơ sở mật cũng là người thân "Việt Cộng". Nguyệt nghĩ vậy và cứ lặng thinh nghe chị "tuyên truyền cách mạng". Giữa lúc bị kẻ thù truy đuổi, gặp được người như chị Tư chở che, giúp đỡ và chỉ bảo nhiều điều, Nguyệt mừng lắm. Nhưng theo nguyên tắc hoạt động bí mật, em không thể thổ lộ với chị về mình. Hình như chị Tư cũng nhận ra điều đó.


Sáng hôm sau, chị Tư dậy rất sớm, lo cho Nguyệt trở về Sài Gòn. Để tránh địch phát hiện Nguyệt trên đường từ xóm Xoài ra tỉnh lộ, chị chọn đôi dép Thái cho em đi, đưa bộ quần áo khác của mình cho Nguyệt mặc và giữ lại giặt giũ, cất giấu bộ đồ của em dính đầy đất, có nhiều chỗ rách do vướng rào kẽm gai khi chạy trốn địch hôm qua, cẩn thận hơn, chị còn lấy tấm khăn rằn sọc đỏ sậm trùm lên đầu em như mấy bà, mấy chị đứng tuổi. Không để Nguyệt đi một mình (phần vì không biết đường, phần vì đề phòng bất trắc), chị Tư dùng xe đạp chở em vòng qua lối vắng, xa nơi tụ tập của bọn bảo an, dân vệ, rồi đạp thẳng ra tỉnh lộ.


Rất may, một chiếc xe đò vừa tới. Chị Tư hối Nguyệt mau lẹ lên xe kẻo lỡ chuyến. Nghẹn ngào chia tay chị Tư kính yêu, Nguyệt hẹn nhất định sẽ có dịp trở lại thăm chị, người cứu mạng mà suốt đời em mang ơn.

(Sau này Nguyệt mới hay, chị Tư Trân có chồng là bộ đội Giải phóng và chưa có con. Anh Tư Tấn - chồng chị, hy sinh anh dũng trong chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chuyện anh bỏ vợ đi theo vợ bé do chị nghĩ ra chỉ để che mắt địch. Còn cụ bà bị bệnh nặng mà chị Tư lo chạy chữa chính là mẹ chồng chị. Lúc Nguyệt chạy trốn bọn địch ở quán tạp hóa, nghe tiếng súng rộ lên, đoán có người đằng mình bị chúng rượt bắt, chị Tư chủ động mở hé cửa để cứu anh em mình.

Giữ đúng lời hẹn, Nguyệt đã về thăm chị Tư Trân và kết tình chị em).
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2021, 07:04:36 am »

Đưa "người yêu" vê thăm "quê nội"

Theo hẹn, chiều ngày 15-11-1967, Minh Nguyệt đến gặp ông Sáu Khánh tại quán ăn "Hải Đường" ở chân cầu Sài Gòn. Vốn có dáng cao, to, lại mang vỏ bọc là "nhà thầu khoán", hôm ấy, ông Sáu Khánh bệ vệ trong bộ đồ tây màu sáng, đội nón nỉ, đeo kính râm, đi giày da và xách ca táp đen. Nhìn "nhà thầu khoán", không ai nghĩ đó là Tổ trưởng tổ giao liên mật C30, người chỉ huy trực tiếp của Nguyệt.


Chọn nơi khuất trong góc quán, trong khi ngồi đợi nhà hàng làm món ăn, ông Sáu Khánh và Nguyệt tranh thủ từng phút để bàn công chuyện. Ông Sáu cho hay, giữa tuần tới, Nguyệt có nhiệm vụ mang một số dụng cụ y tế, trong đó có khoảng 30 ông chích (tiêm), 20 cái pen, 20 cái kéo, cùng một số thuốc men, bông băng... tới xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi để đưa vô căn cứ kháng chiến. Biết Nguyệt rất lo về sự nguy hiểm khi mang số lượng lớn "hàng quốc cấm" giữa nơi ngày đêm địch kiểm soát gắt gao, ông Sáu bảo Nguyệt cứ yên tâm, tổ chức sẽ chuẩn bị cho Nguyệt đến mức tối đa. Dự định, "hàng" sẽ được gom và để ở cơ sở trong chợ Củ Chi, Nguyệt chỉ việc nhận tại đó và xách đi. Khó nhất là con đường từ chợ huyện đến xã Trung Lập Thượng. Tuy chặng đường chỉ dài chừng hơn 20 ki-lô-mét nhưng xe quân sự của bọn Mỹ đi lại nhiều, phải qua một số trạm khám xét của cảnh sát và luôn có bọn bảo an, dân vệ tuần tra, canh gác hoặc mật thám theo dõi. Nếu đi lẻ như mọi lần và mang số "hàng" lớn, Nguyệt rất dễ lộ và bị địch bắt. Muốn vượt chặng đường đầy nguy hiểm ấy, cần phải có cách làm mới, táo bạo, bất ngờ. Ông Sáu và Nguyệt bàn tính tới mấy phương án liền. Chợt ông hỏi:

- Nguyệt nè, cháu có thể tận dụng lợi thế về mối quan hệ hiện nay của mình, kiếm cách dụ một người nào trong số bạn học cũ hiện đang là sĩ quan cảnh sát Sài Gòn để cùng cháu chuyển số "hàng" này.

- Ôi, hay quá! Vậy mà cháu chưa nghĩ tới! Cách đó có thể được đó, chú Sáu! - Nguyệt nói với vẻ tự tin.

Thực ra, phương án này, thủ trưởng Tư Tăng và ông Sáu Khánh đã tính từ Củ Chi. Sở dĩ hôm nay ông Sáu bàn với Nguyệt vì ông muốn trực tiếp nghe thêm ý kiến của Nguyệt. Khi thấy cách làm đó phù hợp, ông mới nói chi tiết về nhiệm vụ mà Nguyệt được giao.

- Đây là lần đầu đơn vị mình chuyển "hàng" bằng cách mới, Nguyệt cần hết sức bình tĩnh, linh hoạt và luôn cảnh giác. Dù lựa ai, cháu cũng đừng quên, tuy là bạn học cũ nhưng đó là sĩ quan cảnh sát Sài Gòn do Mỹ đào tạo. Bọn Mỹ nhiều mưu kế lắm - Ông Sáu dặn - Nguyệt nhớ nè: chỉ còn bốn hôm nữa là đến ngày làm đám giỗ bên nội tại nhà ông Năm Hóa. Các cô, chú đợi cháu về. Mọi việc ở xã đã có chú và chú Tư Tăng lo. Ráng lên, nghe Nguyệt!

- Dạ, cháu nhớ. Mấy chú yên tâm!

Đêm ấy về nhà, Nguyệt không sao ngủ được. Em nghĩ tới mấy bạn trai cùng học trung học và ra trường trước em, là sĩ quan cảnh sát Sài Gòn. Trong số người muôn làm thân với Nguyệt có Nghĩa, con một gia đình quan chức cỡ bự. Nghĩa hơn em hai tuổi, hiện là thiếu tá an ninh, làm việc tại Tổng Nha cảnh sát. Lâu nay, Nghĩa vẫn săn đón, làm mọi việc để gây cảm tình với Nguyệt và mong chinh phục được trái tim em. Nhiều lần, sắp đến giờ tan học, Nghĩa đến tận trường đón Nguyệt đi ăn trưa. Thỉnh thoảng, vào chủ nhật, Nghĩa còn rủ Nguyệt tới rạp xem phim hay đi chơi. Đôi lần, Nghĩa ngỏ ý yêu Nguyệt, nhưng em chỉ nói mình còn đang đi học, chưa nghĩ chuyện yêu đương. Thực sự, Nguyệt không yêu Nghĩa, vì không hợp. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình Nguyệt trái ngược hoàn toàn với gia đình Nghĩa. Trong khi ba, má cùng các anh, chị Nguyệt và bản thân em gian khổ theo cách mạng, ủng hộ kháng chiến chống Mỹ xâm lược thì ba, má Nghĩa là những nhân vật chống Cộng có vai vế trong bộ máy chính quyền Sài Gòn. Nghĩa được gia đình cưng chiều từ nhỏ và sớm được Mỹ đào tạo tại Trường Sĩ quan Đà Lạt. Để tránh sự nghi ngờ, dị nghị, hoặc hiểu lầm của mọi người đối với mình và giảm bớt phức tạp, nguy hiểm trong công tác, năm rồi, Nguyệt đã báo cáo tổ chức chuyện này và quyết định cắt luôn mối quan hệ của mình với Nghĩa. Nguyệt tưởng thái độ dứt khoát, quan điểm rõ ràng của em được hoan nghênh, nhưng Ban chỉ huy đơn vị lại có ý khác.

- Chú biết Nguyệt không yêu Nghĩa và hiểu sự thành thực của cháu. Nhưng theo chú, Nguyệt chưa nên buông bỏ mối quan hệ này. Cháu cần giữ vững liên hệ với Nghĩa để từng bước cảm hóa nó, qua đó nắm thông tin về hoạt động của đối phương và hướng Nghĩa vào những việc có lợi cho ta. Quan trọng là cháu phải giữ quan hệ cho đúng mực, bảo đảm an toàn, tuyệt đối không được để lộ mình, gia đình và tổ chức - Thủ trưởng Tư Tăng khuyên, cũng là giao nhiệm vụ cho Nguyệt như vậy.


Nguyệt làm đúng theo ông Tư Tăng dặn. Đến bây giờ, chuẩn bị cho chuyến đưa số "hàng" quan trọng về Củ Chi, Nguyệt càng thấy người chỉ huy của mình biết nhìn xa. Nguyệt lo lắng, băn khoăn khi nghĩ về dự định đưa Nghĩa "vào cuộc". Thời gian không còn nhiều. Em chưa biết gặp Nghĩa lúc nào và cần nói sao để Nghĩa nghe dễ lọt tai, không chút nghi ngờ. Liệu Nghĩa có nhận lời không?


Hôm sau, Nguyệt vẫn tới trường. Thiệt may, khi sắp tan học, từ cửa sổ nhìn ra, Nguyệt thấy Nghĩa trong sắc phục sĩ quan cảnh sát, đang dừng xe Jeép ở cổng. Nghĩa đến rất đúng lúc. Dù biết Nghĩa đợi mình, nhưng khi gặp, Nguyệt vẫn giả bộ hỏi:

- Ủa, Nghĩa tới hồi nào? Định kiếm ai đó?

- Nghĩa mới tới. Tính mời Nguyệt cùng đi ăn trưa, được không? - Nghĩa vừa nói vừa cười.

- Hay quá! Nguyệt cũng đang đói bụng nè!

- Nguyệt hồn nhiên đáp lại bằng ánh mắt đầy thiện cảm và nụ cười thật dễ thương.

Vui thích trước cử chỉ của "phái đẹp", Nghĩa đón Nguyệt lên xe và đưa tới một nhà hàng quen thuộc gần đó. Trong lúc ngồi ăn vui vẻ, Nguyệt định nói với Nghĩa việc mình cần, nhưng giữa chỗ đông người ăn uống ồn ào, nhất là có mấy sĩ quan quân đội Sài Gòn lầm lì ngồi kế bên, em thấy không tiện.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2021, 07:06:06 am »

Xong bữa, Nghĩa rủ Nguyệt đi uống sinh tố, Nguyệt nói em thích ăn kem. Chiều ý "người yêu", Nghĩa đưa Nguyệt tới thẳng quán kem ở bến Bạch Đằng. Nguyệt kéo tay Nghĩa tới một bàn sát mé sông để ngồi hóng gió. Vốn không ưa cảnh sát nên vừa thấy có thiếu tá dắt gái bước vào, những người ăn kem vội tản ra chỗ khác, để mặc hai người trò chuyện. Nguyệt cho đây là dịp tốt đối với em. Lựa lúc Nghĩa đang hào hứng, muốn tiếp tục thể hiện sự tin cậy của mình, Nguyệt mạnh dạn nói:

- Mấy bữa nữa, Nguyệt về đám giỗ trên Củ Chi. Đi một mình buồn lắm. Nguyệt muốn Nghĩa cùng đi, chịu không?

- Ủa, Nguyệt lên trển giỗ ai? - Nghĩa hỏi.

- Giỗ ông cố nội. Nghĩa đi không? - Nguyệt trả lời và hỏi lại.

Tưởng Nguyệt tạo cơ hội để Nghĩa làm quen dần với gia đình "người yêu", không chút đắn đo, Nghĩa gật đầu:

- Được! Nghĩa thích đi với Nguyệt mà!

- Vậy Nghĩa hứa đi! - Nguyệt muốn "chốt" lại, không cho Nghĩa đổi ý.

Nghĩa nắm tay Nguyệt:

- OK! Nghĩa hứa. Được chưa?

Nguyệt cười vui và dặn Nghĩa hai hôm sau tới đón mình tại nhà cậu út Đông, cậu ruột em ở gần cầu Ông Lãnh.
"Vậy là có "bùa" hộ mệnh rồi". Nguyệt mừng thầm khi ra về. Tuy có phần yên tâm nhưng em vẫn lo: lo Nghĩa có thể kiếm cớ hủy chuyến đi Củ Chi vì lý do nào đó; lo cả chuyện Nghĩa có thể lợi dụng Nguyệt để toan tính một âm mứu đen tối, đưa Nguyệt vô bẫy rồi phá hoại cơ sở cách mạng. Dù sao, Nguyệt vẫn luôn cảnh giác.


Nguyệt hồi hộp mong tới "ngày giỗ ông cố nội". Và ngày giỗ đã đến.

Hôm đó là chủ nhật, 19 tháng 11 năm 1967, tức ngày 18 tháng 10 năm Đinh Mùi. Nguyệt dậy sớm hơn mọi ngày để chải đầu và sửa soạn những thứ cần thiết. Em không mặc áo dài như hằng ngày đến trường hay mặc đồ kiểu cách như lúc cùng Nghĩa tới câu lạc bộ sĩ quan Sài Gòn, mà chỉ giản dị với chiếc áo sơ mi trắng và quần tây màu xanh dương như nhiều người thành thị về thăm quê thường mặc.


Đúng 6 giờ sáng, Nghĩa đánh xe Jeép tới đón Nguyệt. Lần này, Nghĩa vẫn mang sắc phục sĩ quan cảnh sát, đeo kiếng đen, nhưng không tự lái xe một mình mà có tài xế riêng (cũng là cảnh sát) đi cùng. Nguyệt vui vẻ đưa tay để Nghĩa dắt lên xe. Rất phấn chấn, Nghĩa nói tài xế lái xe đến quán hủ tiếu. Ăn sáng xong, ba người mới lên đường, nhằm hướng ngoại ô.


Ngồi bên Nghĩa trên xe Jeép như một nhân tình của sĩ quan cảnh sát Sài Gòn, ngông nghênh giữa đường đúng lúc nhiều người qua lại, Nguyệt ngại lắm. Nhưng em vẫn bình tĩnh, không quên vai diễn mà mình đang đảm trách. Trong khi Nghĩa tỏ ra thích thú được Nguyệt đưa về thăm "quê nội" thì Nguyệt lặng im, đăm đăm nhìn phía trước. Nguyệt gượng cười khi Nghĩa đưa tay vuốt nhẹ mái tóc đen mượt mà, buông dài bên bờ vai của em và tán tỉnh. Chắc Nghĩa cho rằng Nguyệt ít nói vì em mắc cỡ và giữ ý tứ khi có tài xế cùng ngồi trên xe. Nghĩa đâu hay, lúc đó, đầu óc Nguyệt căng như dây đờn bởi lo lắng về công chuyện đang diễn ra.


Xe chạy đến gần chợ Củ Chi. Nguyệt nói tài xế cho dừng xe bên cổng chợ. Em bước xuống và dặn Nghĩa:

- Nghĩa ngồi đợi chút, Nguyệt vô chợ mua ít trái cây và mấy thứ về đám giỗ rồi đi tiếp.

- Nghĩa đi cùng Nguyệt vô chợ xách đồ, được không? - Nghĩa tỏ ra sốt sắng.

- Thôi, Nghĩa khỏi đi! - Nguyệt khoát tay - Bây giờ mà Nghĩa vô chợ, bà con tưởng cảnh sát đến bố ráp, tìm bắt "Việt Cộng", họ dẹp hết hàng hóa thì làm sao Nguyệt mua đồ?

Nghe Nguyệt nói có lý, Nghĩa gật đầu cười và cùng tài xế ngồi đợi trên xe.

Nguyệt lẳng lặng đi giữa đám đông. Em quẹo qua dãy hàng bông và hỏi tới sạp hàng của bà Hai Huê, một cơ sở tại chợ.

- Con chào dì Hai. - Nguyệt lên tiếng.

- Cô mua gì? - Bà Hai Huê hỏi lại.

- Dạ, con là cháu của chú Sáu Khánh tới nhờ dì bán cho ít đồ làm đám giỗ.

Nhận ra đúng mật khẩu và tín hiệu liên lạc, bà Hai Huê mừng rỡ:

- Vô đây! Con vô đây với dì!

Bà Hai dắt Nguyệt vào nhà và đưa thẳng em lên tầng lầu. Hai dì cháu vừa rì rầm trò chuyện vừa xếp các gói "hàng" được bọc sẵn khéo léo như những gói bánh ngọt cùng một số trái cây vô chiếc giỏ đệm loại lớn. Nguyệt xách giỏ xuống tầng trệt, bà Hai lại đặt thêm vô đó hai hộp đèn cầy màu trắng, hai bó nhang to và trên cùng là hai bó bông thọ vàng rực. Nguyệt chào bà Hai và xách giỏ đồ ra cổng chợ.


Đang cùng tài xế đợi trên xe, vừa nhìn thấy Nguyệt từ trong đám đông tới, Nghĩa vội nhảy xuống phụ Nguyệt xách đồ. Nguyệt bình thản đưa giỏ cho Nghĩa xách và nhắc Nghĩa cần nhẹ tay kẻo hư đồ cúng giỗ. Theo đúng ý Nguyệt, Nghĩa đặt giỏ đồ ngay sau ghế ngồi của hai người, rồi quay lại dắt Nguyệt lên.

- Sao Nguyệt mua nhiều đồ dữ vậy? - Nghĩa hỏi.

Nguyệt cười cười, giọng thân mật:

- Chừng này ăn nhằm gì! Nghĩa chưa biết đó. Mấy năm trước, mỗi lần về quê, Nguyệt còn mua nhiều hơn. Đám giỗ bên nội Nguyệt đông người lắm!

Nghe Nguyệt nói vậy, Nghĩa chỉ biết vậy.

Chiếc xe Jeép tiếp tục phóng đi. Đây chính là chặng đường nhiều trở ngại nhất, dễ phát sinh những tình huống khó lường, đòi hỏi Nguyệt phải đặc biệt chú ý. Ngồi bên Nghĩa, tuy có "bình phong" che chắn, nhưng Nguyệt vẫn thấy như ngồi bên đống lửa. Cố giấu sự lo lắng và tránh những câu hỏi vu vơ từ Nghĩa, Nguyệt hướng Nghĩa vào những chuyện về bạn bè thời còn nhỏ. Thỉnh thoảng, Nguyệt phải tránh ánh mắt đầy vẻ coi thường của những người trên xe ngựa hoặc bà con nông dân gánh trái cây đi ngược chiều khi họ thấy một cô gái trẻ đang cặp kè với sĩ quan cảnh sát.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2021, 07:07:30 am »

Xe Jeép lần lượt qua tất cả các tốp lính tuần tra và ba chốt gác. Đến ngã tư chợ Phước Hiệp, xe quẹo tay mặt và đi nữa. Khi gần tới trạm kiểm soát bên đường, đột nhiên một tốp lính từ trong trạm nhào ra định chặn xe. Nghĩa cho tài xế dừng lại.

- Ê! Có chuyện gì đó, tụi bay? - Nghĩa hỏi, giọng hách dịch.

Nhận ra người trên xe là sĩ quan cảnh sát mang lon thiếu tá, bọn lính vội đứng nghiêm, đưa tay chào và luýnh quýnh đáp:

- Dạ, dạ không có gì. Mời thiếu tá đi ạ!

Không thèm nói thêm câu nào với lũ lính, Nghĩa biểu tài xế đi tiếp.

Chiếc xe lao trên đoạn đường đất đá lởm chởm do nhiều chỗ bị đào xới nham nhở, cuốn theo những đám bụi đất mù mịt. Nguyệt lặng nhìn mấy xóm, ấp nghèo thưa thớt, xác xơ hai bên đường và những đồng ruộng bỏ hoang, sắp tới nơi rồi. Nguyệt hồi hộp nhận ra điểm hẹn đang hiện dần phía trước.


Khoảng 10 giờ 30 phút, xe quẹo vô khu đất rộng, tới sát một ngôi nhà lá giữa vườn cây thấp của ấp Ràng, thuộc xã Trung Lập Thượng. Đó chính là nhà ông Năm Hóa, nơi làm đám giỗ. Ngó lướt vô nhà, Nguyệt thấy có khá đông người.

Đang trò chuyện ồn ào, thấy chiếc xe Jeép chở thiếu tá cảnh sát đậu ngay trước cửa, nhiều người trong nhà ông Năm Hóa nhốn nháo đứng dậy, ngơ ngác nhìn. Tưởng xe cảnh sát đến vây bắt "Việt Cộng", vài người vội lánh ra phía sau, sợ bị khám xét. Chỉ có ông Tư Tăng, ông Sáu Khánh và ông Năm Hóa (chủ nhà) là hiểu rõ sự xuất hiện khác thường của chiếc xe Jeép chở viên thiếu tá cảnh sát và cô gái trẻ. Cả ba ông đều mặc bộ bà ba đen cũ kỹ, đầu quấn khăn rằn, chân đất, xuề xòa, mộc mạc như những ông già quê Nam Bộ. Ông Tư Tăng (còn gọi ông Hai) đúng dáng một vị cao niên có vai vế quan trọng nhất trong đám giỗ. Bình tĩnh bước ra cửa, ông Hai nói lớn cho cả nhà cùng nghe, để mọi người yên tâm:

- Mấy đứa cháu nhà mình từ Sài Gòn về rồi nè! Chắc chút nữa xong đám giỗ, tụi nó còn đi công chuyện nên đánh xe về đây luôn.

Nhìn Nguyệt và Nghĩa đang ngồi trên xe, ông Hai mỉm cười, vẫy tay và thân mật gọi:

- Vô đây, vô đây, mấy cháu.

Người tài xế vội mở cửa xe cho sếp. Nghĩa bước xuống trước rồi đưa tay đón Nguyệt ra. Thong thả cùng Nghĩa vô nhà, Nguyệt tươi cười, tíu tít chào hỏi hết người này tới người nọ: "Con chào ông Năm, bà Bảy"; "con chào ông Hai, ông Sáu"; "con chào chú Ba, cô Chín; chào cô Bảy, thím Mười, anh út...". Nhìn người nào cũng lạ hoắc, không rõ là ai, nhưng Nghĩa vẫn khẽ cúi đầu chào như Nguyệt và nhận từ họ những nụ cười thân thiện. Trong lúc Nguyệt và Nghĩa đang gặp gỡ bà con thì người tài xế khệ nệ xách giỏ đồ của Nguyệt từ xe Jeép vô theo. Ông Năm Hóa đón nhận giỏ đồ và lấy ra mấy bó nhang, đèn cầy và hai bó bông thọ đặt lên bàn thờ. Ông chỉ để lại những gói giống như bánh ngọt trong giỏ và đưa cho ông Sáu Khánh cất kỹ trong nhà.

Nguyệt kéo Nghĩa tới gần mấy ông già và giới thiệu với "người yêu":

- Đây là chú Hai (Tư Tăng). Đây là chú Năm (Năm Hóa), em chú Hai, hai người anh em con bác, con chú. Còn đây là cô Bảy, cô Chín... bên nội.

Nguyệt nói vậy, Nghĩa cũng chỉ biết vậy. (Thực ra, ông Tư và ông Năm không có họ hàng gì với nhau. Ông Tư Tăng là chỉ huy trưởng đơn vị giao liên T4, thủ trưởng của Nguyệt. Ông Năm Hóa là cơ sở mật tại đây và cũng không có họ với Nguyệt. Xã Trung Lập Thượng không phải quê nội hay quê ngoại của Nguyệt mà chỉ là nơi em thường bí mật lui tới giao và nhận tài liệu. Nguyệt biết, nhân dịp nhà ông Năm có giỗ, ông Tư Tăng và ông Sáu Khánh đã đưa tiền nhờ ông Năm sắp đồ cúng nhiều hơn mọi năm để mời thêm một số bà con trong xã (cơ sở của ta) cho đám giỗ thêm đông đảo và làm nơi đón Nguyệt, Nghĩa từ Sài Gòn tới. Sau đám giỗ, ông Tư còn có họp kín).


Ông Năm Hóa đưa Nguyệt và Nghĩa tới trước bàn thờ nghi ngút khói nhang. Trên bàn, các loại bánh, trái và lễ mặn bày chật kín. Ông Năm quỳ chân, hướng lên bàn thờ, chắp tay vái và lẩm nhẩm khấn. Nguyệt và Nghĩa cùng mọi người lần lượt thắp nhang kính cẩn vái vong linh "ông cố nội".


Tuần nhang vừa cháy hết cũng là lúc mọi người quây quần quanh các bàn ăn. Nguyệt và Nghĩa được xếp ngồi ăn chung bàn cùng ông Tư, ông Sáu, ông Năm Hóa và mấy người đứng tuổi. Bữa ăn diễn ra vui vẻ vì toàn nghe ông Tư, ông Sáu vừa uống rượu vừa kể chuyện các bà vợ đánh ghen.


Do không uống rượu, Nguyệt buông đũa sớm hơn mọi người. Em lặng lẽ đứng dậy xuống nhà sau như người đi rửa tay. Nguyệt gặp gỡ và khen mấy dì, mấy cô, mấy chị nấu các món ăn ngon. Lát sau, Nguyệt thấy ông Tư Tăng cũng giả bộ đi vệ sinh để tranh thủ gặp em. Vẻ hài lòng, ông cười và nói nhỏ với Nguyệt:

- Hôm nay, Nguyệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cháu đóng vai rất đạt. Đi với thiếu tá cảnh sát ngụy mà không ai biết đây là "Việt Cộng"! Chính chú cũng ngạc nhiên về sự khéo léo của cháu đó. Về Sài Gòn, Nguyệt nhớ đi học bình thường; mấy chú sẽ giao nhiệm vụ mới cho cháu.

Được thủ trưởng động viên kịp thời, Nguyệt thấy vui và thêm tự tin.

Nguyệt cùng Nghĩa ra về trong sự lưu luyến của bà con trong họ. Ông Năm Hóa sai vợ con mang ra hai túi lớn, một túi nhỏ đựng đầy trái cây và ba cặp bánh tét. Ông Năm trao quà tận tay từng người.

- Đây là phần quà của cháu Nghĩa; đây là của Nguyệt. Còn đây của tài xế - ông Năm nói.

- Dạ, dạ, chúng con cảm ơn chú! Chú Năm chu đáo quá!

- Chúng con chào mấy chú, mấy cô, mấy thím, mấy anh chị...

Nguyệt và Nghĩa ríu rít chào mọi người rồi lên xe. Chiếc xe Jeép chầm chậm quay đầu ra khỏi khu đất gồ ghề và phóng đi. Ngồi bên Nguyệt, ngây ngất chút men rượu đế, Nghĩa cứ tấm tắc khen bà con vùng quê hiền lành và sống tình cảm. Còn Nguyệt chỉ kể với Nghĩa về các món ăn ngon chỉ có ở Củ Chi.


Xe Nghĩa chạy thẳng vô nội đô và đưa Nguyệt về tận nhà cậu Út ở gần cầu Ông Lãnh. Lúc ấy, Nguyệt mới thở phào.

(Từ chuyến đầu tiên cùng "người yêu" về quê an toàn, mấy tháng sau, Nguyệt còn được tổ chức sắp đặt đưa Nghĩa đi tiếp với em ba chuyến nữa để chuyển một số "hàng" quan trọng từ nội đô tới ba xã khác ở Củ Chi. Trong đó, một lần Nguyệt và Nghĩa về "đám giỗ", một lần về "đám cưới" và một lần đến thăm bà cô, ông bác bị đau bệnh. Các chuyến đi thường vào chủ nhật với "kịch bản" không giống nhau. Lần nào Nguyệt cũng căng đầu óc, lo đến thót tim khi phải xử lý những tình huống bất ngờ.


Chuyển "hàng" theo cách mới tuy đầy mạo hiểm nhưng mọi thứ của tổ chức giao đều được Nguyệt đưa tới điểm hẹn kịp thời và an toàn. Có điều thú vị, dù là sĩ quan an ninh làm việc tại Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn, trong cả bốn chuyến "vi vu" với Nguyệt, thiếu tá Nghĩa vẫn không hay mình đi với "Việt Cộng" và làm việc cho "Việt Cộng".
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2021, 06:53:47 am »

Nhiệm vụ đặc biệt

Mấy tháng cuối năm 1967, các đội biệt động thành và cơ sở giao liên mật của ta ráo riết chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng phối hợp với các lực lượng võ trang giải phóng thực hiện kế hoạch đánh lớn tại nội đô.

Thời gian đó, Minh Nguyệt khá bận rộn. Em liên tục bắt xe đò, xe ngựa, chuyển tài liệu khẩn từ nội đô ra vùng ven Sài Gòn và ngược lại.

Trưa ngày 30 tháng 11, Nguyệt đến nhà má Tám "vú sữa", một cơ sở tại ấp Bến Vua, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi để gặp thủ trưởng Tư Tăng (Nguyễn Văn Tăng), người chỉ huy đường dây giao liên T4, đang chờ em tại đó. Ông Tư Tăng thân mật bảo em:

- Hôm nay, Nguyệt vô trỏng, có việc mới. Mấy chú đang phân vân, chưa rõ giao cho cháu việc này có khó quá không?

- Dạ, chú Tư cứ cho hay. Nếu được, cháu sẽ ráng làm. - Nguyệt trả lời chân thành.

- Chú cần Nguyệt kiếm cho mấy chiếc nón (mũ) quân cảnh của địch - ông Tư nói - Chắc cháu cũng đoán biết ta kiếm loại nón này để làm gì rồi. Các cơ sở đã chuẩn bị gần đủ những thứ cần thiết cho đơn vị chiến đấu, chỉ còn thiếu ba chiếc nón quân cảnh.

- Thứ nón của Mỹ có hai chữ "QC" màu trắng, tụi quân cảnh vẫn đội, phải không chú? - Nguyệt hỏi.

- Đó, đúng thứ đó. Mấy chú cần đủ ba chiếc

- Ông nhắc lại rành rọt.

- Việc này cũng khó, chú Tư! Để cháu tính coi có cách nào... - Nguyệt suy nghĩ và trả lời.

- Chú biết, Nguyệt quen một số bạn học cũ hiện là sĩ quan địch và cháu đang tìm cách cảm hóa họ - ông gợi ý - Nơi ấy, biết đâu cháu có thể kiếm ra món "hàng" này? Cũng có thể nhờ mua lại của những người chuyên lấy đồ Mỹ bán ở chợ trời... Cháu cứ nghĩ, coi cách nào được việc và an toàn.

Dừng lại giây lát, ông Tư Tăng dặn Nguyệt:

- Đây là nhiệm vụ do cấp trên giao. Thời gian gấp lắm. Ráng làm, nghe Nguyệt! Chú tin ở cháu!

- Vậy trong bao lâu phải có "hàng", thưa chú?

- Chậm nhất là nửa tháng. Tốt nhất trong một tuần, càng sớm càng hay.

- Dạ, cháu nhớ rồi, chú Tư!

Hôm ấy, Nguyệt không về nội đô ngay mà ghé qua nhà chú Mười Lễ, một cơ sở ở xã Trung Lập Thượng và nghỉ đêm tại đó để chờ nhận tài liệu. Suốt đêm, Nguyệt trăn trở nghĩ cách để kiếm cho được ba chiếc nón quân cảnh của địch. Em hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao. Sắp tới, chắc các chiến sĩ biệt động ta sẽ cải trang thành lính quân cảnh địch, đột nhập và tấn công mục tiêu nào đó của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chính ông Tư Tăng, một cán bộ biệt động dạn dày kinh nghiệm trận mạc nơi đô thành, nhiều lần từng cùng đồng đội cải trang như vậy để đánh địch bất ngờ. Việc cải trang đòi hỏi phải đồng bộ, giống như thiệt, nếu khác lạ có thể gặp nguy hiểm. Loại nón mà Nguyệt cần là thứ nón nhà binh do Mỹ sản xuất, chúng quản rất chặt, đụng vô dễ bị bắt. Tuy vậy, được góp phần phục vụ anh em đằng mình chiến đấu, Nguyệt đâu sợ. Không thể để vì thiếu ba chiếc nón quân cảnh mà ta phải giảm ba tay súng. Nhưng kiếm "hàng" ở đâu và bằng cách nào đây? Nếu gặp nhóm bạn học cũ là sĩ quan cảnh sát, quân đội Sài Gòn để hỏi xin nón quân cảnh, em sẽ bị chúng nghi ngờ. Còn nhờ người ra chợ mua của kẻ lấy cắp đồ Mỹ, em rất dễ bị bọn mật thám theo dõi.


Nguyệt nghĩ tới nhóm bạn gái hồi cùng học trường Gia Long. Em nhớ Minh Thu, một nữ sinh hiền lành, tốt bụng. Tuy Thu hơn tuổi Nguyệt và học khác lớp nhưng hai đứa hợp tính nhau. Do hoàn cảnh gia đình, Thu lấy chồng sớm, không thể học tiếp hoặc tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn như các bạn. Nguyệt biết rõ cả Đạt - chồng Thu. Hồi còn ở bậc tiểu học, Đạt học cùng trường với Thu và Nguyệt. Khi lên trung học, do nam và nữ không được học chung, Đạt học tại Trường Võ Trường Toản (của nam sinh), còn Thu và Nguyệt học tại Trường Gia Long (dành cho nữ sinh). Đạt bị ép buộc vào làm lính cho quân đội Sài Gòn và đang ở đơn vị quân tiếp vụ. Vợ chồng Minh Thu chính là nơi Nguyệt có thể tìm kiếm nguồn "hàng" mà em cần. Nguyệt chỉ băn khoăn: gần ba năm nay, em chưa gặp vợ chồng Thu, không rõ bạn mình ra sao?...


Sáng hôm sau, nhận tài liệu do ông Ba Chí cử người mang tới, Nguyệt tức tốc ra bến xe Củ Chi về Sài Gòn. Em đến cơ sở tại đường Kỳ Đồng và một cơ sở khác trong bệnh viện Chợ Rẫy trao xong tài liệu rồi vội đón xe buýt, đến ngay nhà Minh Thu ở đường cống Quỳnh. Nghĩ tới việc gặp Thu để nhờ vợ chồng bạn kiếm cho chiếc nón quân cảnh, Nguyệt hồi hộp lắm.


Gần trưa, Nguyệt tới cửa nhà Thu và nhấn chuông. Lúc đó, Thu đi chợ, chồng Thu đi làm; chỉ có bé gái, con của Thu ra mở cửa. Nguyệt ngồi chờ tại thềm nhà chừng hai mươi phút thì Thu đạp xe về. Quá mừng vì bất ngờ gặp nhau giữa thời loạn lạc, Minh Thu và Minh Nguyệt nói cười ríu rít.

- Mày đi đâu mất tiêu mà bữa nay mới thấy mặt? - Thu hỏi, có ý trách bạn.

- Ôi, lu bu quá mày ơi! Tối ngày tao vừa đi học vừa phụ với má và đi làm mướn kiếm sống -   Nguyệt thủng thẳng trả lời và hỏi lại - Hồi này, anh Đạt (chồng Thu) còn làm "quân tiếp vụ" không?

- Vẫn ở bển. Bây giờ, ảnh là đại úy, chuyên trông coi quân trang, quân dụng. Chút nữa, ảnh về nhà nghỉ trưa, mày sẽ gặp. Bữa nay, Nguyệt đến chơi, chắc còn chuyện gì?

Mừng thầm vì biết rõ nơi có nguồn "hàng" mình đang cần, nhân lúc Thu gợi hỏi, Nguyệt nói luôn:

- Thu nè, bà già tao biểu kiếm cho má chiếc nón quân cảnh mà tao kiểm chưa ra. Mày có không?

- Ủa, má xin nón quân cảnh làm gì? - Thu hỏi lại.

- Để giã cua đồng - Nguyệt đáp.

- Trời đất! Thứ nón đó của nhà binh, tụi cảnh sát thấy mình xài là nó bắt liền.

- Má tao lại thích giã cua bằng nón quân cảnh, tao mới khó.

- Gì mà khó ! Nếu má thích, tao có nón cho má - Thu cười.

Vừa lúc đó, Đạt về. Đã lâu không gặp, nay nhìn Đạt trong trang phục quân đội Sài Gòn, Nguyệt thấy lạ. Đạt cũng không nhớ Nguyệt. Đến khi Thu gợi rõ tên Minh Nguyệt, bạn học cũ của cả hai vợ chồng, Đạt mới nhận ra. Thu kể lại với chồng chuyện Nguyệt tới thăm và muốn xin một chiếc nón Mỹ để bà già giã cua. Lưỡng lự giây lát, Đạt khẽ mỉm cười, gật đầu và nhắc Nguyệt hãy giữ kín chuyện này kẻo gặp rắc rốì.


Vợ chồng Đạt mời Nguyệt ở lại ăn cơm và thưởng thức món bánh xèo. Do mới ăn tại nơi làm việc nên Đạt vô phòng nghỉ trưa, để Thu cùng ăn và trò chuyện với Nguyệt.

Cơm nước xong, Thu kéo tay Nguyệt tới trước chiếc tủ lớn không khóa của gia đình và mở ra. Nhìn vô tủ, Nguyệt ngạc nhiên thây toàn đồ quân trang, quân dụng, gồm quần, áo, dây thắt lưng, giày da và nón các loại.

- Mấy thứ này do anh Đạt thỉnh thoảng mang về đó. Có cả nón quân cảnh nè. Mày lựa một cái cho má đi - Thu khoe bạn và lấy ra 4 - 5 chiếc nón quân cảnh để Nguyệt coi.

Nguyệt hiểu ngay: đây là những đồ Mỹ do Đạt lén gom lại để bán dần cho tụi lính kiểng hoặc những tên lính lỡ đánh mất đồ, sợ tiêu mạng.

- Mày cho tao cái này, nghe! - Nguyệt vừa nói vừa lựa một chiếc nón còn mới.

Thu lấy giấy báo bọc kín chiếc nón, bỏ vô giỏ xách của Nguyệt và dặn bạn hết sức cẩn thận, đừng để lũ cảnh sát dòm ngó thấy.

Nguyệt mừng lắm. Em không nghĩ việc tìm kiếm "hàng" lại diễn ra mau lẹ như vậy. Chia tay Thu, Nguyệt xách túi rảo bước một đoạn rồi vẫy xe taxi. Em không về nhà mình mà đến nghỉ tại nhà cậu Út ở gần cầu Ông Lãnh.

Ngay sáng hôm sau, Nguyệt đáp xe đò mang "hàng" tới ấp Bến Vua tại Củ Chi và trao tận tay cho người chỉ huy. Nhận chiếc nón quân cảnh đầu tiên và nghe Nguyệt kể lại chuyện xin nón tại nhà bạn gái, thủ trưởng Tư Tăng rất thích thú với cách làm khôn khéo của em. Ông động viên Nguyệt liên hệ với Minh Thu để tiếp tục kiếm cách xin nón. Ông đưa cho Nguyệt một ngàn năm trăm đồng (loại tiền của chính quyền Sài Gòn) và dặn: "Cháu cầm số tiền này làm lộ phí và mua quà cho con của vợ chồng Thu. Hãy ráng lên, nghe Nguyệt!".
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2021, 06:55:34 am »

Ba hôm sau, chừng 9 giờ sáng, Nguyệt xách một giỏ đầy trái cây trở lại nhà Thu. Lúc ấy, Đạt vắng nhà; hai đứa con Thu đi học chưa về. Thu giữ Nguyệt ở lại chơi lâu hơn và cùng ăn cơm trưa. Nguyệt kể:

- Bữa hổm, mày gởi cho má tao cái nón quân cảnh, bả khoái quá trời! Má biểu, cái thứ nón Mỹ nó làm bằng hợp chất gì đó, vừa cứng vừa mềm, lại nhẹ, đội rất êm mà giã cua thì quá đã!

- Vậy hả? Má khoái là tao vui rồi - Thu cười.

Tiện dịp, Nguyệt "làm tới":

Nhưng tao đang khó xử đây, mày ơi!

- Lại chuyện gì? - Thu hỏi.

- Bởi má khoái cái nón đó nên chị Ba tao cũng khoái luôn. Chỉ biểu tao phải kiếm cho chị một cái y trang nón của má. Tao ngại quá!

- Khỏi lo, Tao sẽ gởi mày cái nón nữa cho chị Ba.

Nghe Thu nói, Nguyệt mừng hết biết. Cơm trưa xong, Thu lại mở tủ để Nguyệt lựa lấy một chiếc nón mà bạn thích. Nguyệt dòm khắp tủ và thấy vẫn còn tới 3-4 chiếc nón quân cảnh, cả cũ lẫn mới. Em đang rất cần thêm một chiếc nữa như vậy, cần lắm! Minh Thu thật tốt với mình, nhưng còn Đạt, dù là bạn học cũ nhưng anh ta đang mang lon đại úy quân đội Sài Gòn. Phải rất thận trọng, lúc này không thể để họ gợn chút nghi ngờ...


Cũng như lần trước, Thu lấy giấy báo bọc kín chiếc nón quân cảnh và đặt vô giỏ xách của bạn. Nguyệt xếp thêm gói lá dứa thơm (loại lá để nấu chè) cho phủ kín miệng túi. Em cảm ơn Thu và không quên gởi lời thăm Đạt. Thu dặn Nguyệt nhớ đến chơi luôn, tới ngày nào cũng được, vì: "Thu thường ở nhà một mình, buồn lắm!".


Có "hàng", Nguyệt lên xe đò, mang ngay ra ngoại ô. Em lần lượt "qua mặt" các trạm kiểm soát của địch, chuyển trót lọt chiếc nón quân cảnh thứ hai tới cơ sở tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Nhận thêm chiếc nón mới, thủ trưởng Tư Tăng và mọi người trong tổ đều vui. Ông Tư tỏ vẻ tâm đắc với "kịch bản" mà Nguyệt vừa thể hiện tại gia đình Minh Thu. Trước lúc em trở lại nội đô, ông động viên:

- Chú biết, mấy hôm rồi, Nguyệt rất cố gắng và khéo lắm mới kiếm được hai chiếc nón quân cảnh. Nhưng còn chiếc nón thứ ba, có thể khó kiếm hơn hai chiếc trước. Cháu cần linh hoạt, khéo léo hơn, bảo đảm an toàn, nghe! Chú rất hy vọng và tin ở Nguyệt.

Hơn một tuần lễ sau, Nguyệt lại tới thăm Thu khi Đạt vắng nhà và hai đứa con nhỏ của Thu còn đi học. Nguyệt đến đúng lúc Thu mới từ chợ về. Ngạc nhiên thấy Nguyệt xách một bao đầy bắp, khoai lang, khoai mì, lại một giỏ trái cây và gói lá chuối tươi, Thu hỏi:

- Mày mang cái gì đi đâu mà nhiều dữ vậy?

- Mang cho mày đó. Tao biết mày vẫn khoái những thứ này, đúng không?

- Còn gói lá chuối?

- Tao mua lá cho chị Ba gói bánh - Nguyệt nói - Thu nè, bữa trước, mày cho chị Ba cái nón quân cảnh để giã cua, chị khoái lắm. Má và chị Ba tao đều cảm ơn mày.

Nguyệt đưa cả bao khoai, bắp và một số trái cây cho Thu, chỉ để lại trong giỏ của mình ít trái và gói lá chuối. Thu vui vẻ nhận quà và biểu Nguyệt ngồi nghỉ, để Thu xuống bếp sửa soạn bữa trưa, mời Nguyệt cùng ăn. Nguyệt theo Thu vào bếp định cùng nấu nướng và chuyện trò cho vui, nhưng Thu không nghe. Nguyệt định phụ với Thu làm món cá lóc, Thu cũng không chịu.

- Bạn bè với nhau, nếu tao có điều gì không ưng, mày bỏ qua cho tao, nghe Thu! Tưởng Nguyệt nói vậy là có ý nhận về mình những thiếu sót do mấy năm ít đến thăm bạn bè, Thu nói:

- Có gì mà không ưng! Thời buổi chiến tranh, đàn bà, con gái như bọn mình còn sống và gặp lại nhau là tốt rồi!

Nguyệt lững thững đi tới, đi lui, ngó khắp nhà Thu. Lúc này, trong đầu em chỉ nghĩ đến chiếc nón quân cảnh thứ ba. Đã hai lần Nguyệt xin nón của vợ chồng Thu: lần đầu nói xin cho má, lần hai xin cho chị Ba - những người mà Thu đều gặp khi đến thăm gia đình Nguyệt tại nội đô. Không lẽ, lần này Nguyệt lại xin tiếp cho chị Hai? Nguyệt thấy hơi kỳ và chắc không ổn. Bởi chưa lần nào Thu gặp chị Hai, chỉ nghe láng máng chị lấy chồng và sống ở tận Cần Thơ. Mắc mớ gì chị Hai phải xin nón quân cảnh từ Sài Gòn về miền Tây để giã cua? Nếu Nguyệt hỏi xin thêm chiếc nón thứ ba, có thể Thu sẽ nghi ngờ và kiếm cớ từ chối. Thời gian ở nhà Thu và cơ hội kiếm chiếc nón quân cảnh không còn nhiều. Vậy làm cách nào đây?


Nguyệt vừa suy nghĩ vừa tiếp tục đi ra, đi vô, bước tới, bước lui. Mấy lần, Nguyệt dừng lại trước tủ đựng quân trang, quân dụng của vợ chồng Thu, rồi em lại quay xuống bếp. Thấy Thu hí húi làm cá lóc ở phía hè sau nhà, Nguyệt ra coi, nhưng bị Thu "đuổi "vô, không cho bạn đến gần chỗ cá muối tanh hôi. Nguyệt quay trở lại phòng trên. Một ý định táo bạo nảy ra trong đầu em: phải đánh liều thôi, nếu chậm trễ, khi chồng và các con của Thu về, Nguyệt không thể làm được gì.


Nguyệt đến trước tủ đựng quân trang, quân dụng. Rất mau lẹ, em mở tủ, lấy một chiếc nón quân cảnh còn mới, rồi khép tủ lại. "Thu ơi! Mong mày hiểu cho tao và đừng giận tao, nghe! Tao không phải là đứa bạn xấu, không có thói trộm cắp. Thứ nón này, vợ chồng mày gom được của quân cướp nước và đã cho tao hai cái. Nay, bất đắc dĩ, tao phải "trưng dụng" thêm một cái nữa, tất cả chỉ để phục vụ kháng chiến chông xâm lược. Việc hệ trọng lắm, tao không thể cho mày biết trước. Rồi vợ chồng mày sẽ hiểu thêm về tao" - Nguyệt thầm nhắn bạn. Em lật ngửa chiếc nón quân cảnh, bỏ vô giỏ xách, xếp tiếp lên đó mớ trái cây và phủ kín giỏ bằng gói lá chuôi tươi mang theo hồi nãy. Trong gian bếp, Thu vẫn đang cắm cúi làm cá. Không thể nói lời nào với Thu, Nguyệt lặng lẽ xách giỏ ra cổng. Tự nhiên, trông ngực Nguyệt đập rộn lên. Em hồi hộp lắm. Lúc này mà Thu chạy ra hoặc Đạt đi làm về, Nguyệt thiệt khó xử, có thể em còn gặp rắc rối.


Cố lấy lại bình tĩnh, Nguyệt đóng cổng, cài chốt phía trong cẩn thận rồi mới rảo bước. Không về theo lối cũ như hai lần trước, em rẽ qua một ngõ mới. Vừa đi, Nguyệt vừa để ý quan sát mọi động tĩnh xung quanh. Lòng vòng một đoạn, không thấy có dấu hiệu gì khả nghi, em vẫy chiếc xe taxi, phóng về nhà cậu Út ở khu cầu Ông Lãnh.


Cùng cậu mợ và cả nhà ăn trưa xong, Nguyệt vội xách giỏ đi liền. Em không lên xe đò như mọi lần mà ngồi xe lam. Qua chợ Sài Gòn, Nguyệt chuyển sang chiếc xe lam khác, rồi dông thẳng ra ngoại ô. Đến gần bến xe Củ Chi, Nguyệt lại rời xe lam và đón xe ngựa đi tiếp.


Lần lượt vượt qua các điểm kiểm soát dọc đường và bọn cảnh sát tại bến xe, khoảng 3 giờ chiều, khi về tới cơ sở ở ấp Bến Vua, xã Nhuận Đức, Nguyệt cảm thấy nhẹ người. Đón Nguyệt trở lại an toàn cùng món "hàng" độc, thủ trưởng Tư Tăng và mọi người trong tổ công tác mừng rớt nước mắt. Một lần nữa, ông Tư Tăng biểu dương "cánh chim nhỏ" Minh Nguyệt hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ đặc biệt", kiếm đủ ba chiếc nón quân cảnh trong thời gian sớm nhất.


Chiều tối hôm đó, tại nhà má Tám "vú sữa", Nguyệt được má và các cô, chú trong tổ "chiêu đãi" một bữa bánh xèo ngon lành.

(Sau này Nguyệt mới biết, trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mâu Thân năm 1968, các chiến sĩ biệt động thành cải trang rất giống lính quân cảnh, đột nhập Tổng Nha Cảnh sát địch, đánh đòn bất ngờ, gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Trong những chiếc nón quân cảnh mà chiến sĩ ta đội hôm đó, có ba chiếc do Nguyệt mang về từ nhà vợ chồng Minh Thu.


Cuối năm 1975, sau khi Sài Gòn được giải phóng, Nguyệt đến thăm Thu và Đạt. Thấy Nguyệt chững chạc, khỏe khoắn trong trang phục của quân Giải phóng, lại đội nón tai bèo, cổ quấn khăn rằn Nam Bộ, vợ chồng Thu đều ngạc nhiên. Nhắc lại chuyện Nguyệt "biến mất" cùng chiếc nón quân cảnh thứ ba trong tủ gần tám năm trước, Thu và Đạt dần hiểu ra và không nhịn được cười. Vợ chồng Thu rất cảm phục sự mưu trí, gan dạ của Nguyệt và thấy vui vì mình cũng được góp phần nhỏ bé với cách mạng. Tuy có chút mặc cảm về hoàn cảnh riêng, nhưng vợ chồng Thu không giận Nguyệt điều gì. Thu chỉ trách bạn chưa thật tin mình trong lúc khó khăn.
Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM