Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:15:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch  (Đọc 2393 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #20 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2021, 05:08:05 pm »

Phụ lục


Nhà báo KIM TOÀN và dấu ấn trong lòng đồng nghiệp*
(Bài đăng trên tuần báo "Nhà báo và Công luận", cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, số ra đầu tháng 6 - 2012)


Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi tôi còn là học trò trường huyện Tiên Lãng, anh Kim Toàn đã là phóng viên báo của Đảng bộ Tỉnh ủy Kiến An. Hồi đó, miền Bắc nước ta đang sôi nổi trong phong trào "Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, lửa Thành Công, cờ Ba nhất" và "Trống Bắc Lý". Khắp nơi, hầu như ở đâu mọi người cũng hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập thật tốt vì miền Nam ruột thịt. Năm 1961, hợp tác xã nông nghiệp quê tôi được chọn làm điểm tổ chức hội thao kỹ thuật cải tiến công cụ sản xuất của tỉnh và được đón Phó Thủ tướng Phạm Hùng về thăm. Là phóng viên đi cùng Phó Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh về dự ngày hội thao của nông dân quê tôi, anh Kim Toàn đã kịp thời có bài ghi nhanh kèm ảnh đăng Báo Kiến An nhan đề "Ngọc Động vui hội làm mùa". Bài báo ấy của anh là sự động viên, cổ vũ thiết thực không chỉ đối với bà con hợp tác xã quê tôi mà đối với Đảng bộ và nhân dân toàn huyện Tiên Lãng. Tôi có ấn tượng tốt về anh và thích thú nghề làm báo cũng từ đó.


Năm 1963, khi tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng hợp nhất, Báo Kiến An và Báo Hải Phòng kiến thiết hợp nhất thành Báo Hải Phòng, anh Kim Toàn tiếp tục làm phóng viên tờ báo xuất bản hằng ngày của Đảng bộ thành phố Cảng. Từ năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, anh Kim Toàn là một trong những phóng viên chủ lực của Báo Hải Phòng xông xáo đi nhiều, viết khỏe. Bài và ảnh của anh liên tục xuất hiện trên báo Đảng.


Năm 1965, giặc Mỹ ồ ạt đổ quân vào xâm lược miền Nam và cho máy bay, tàu chiến điên cuồng ném bom, đánh phá miền Bắc nước ta, khi đọc Báo Hải Phòng, tôi thấy vắng tên anh Kim Toàn. Mãi tới năm 1968, trong một cuộc họp mặt cộng tác viên do Ban Biên tập Báo tổ chức tại Tòa soạn ở số 2, phố Đà Nẵng, tôi mới biết anh cùng một số nhà báo quê miền Nam sau khi học xong lớp báo chí đặc biệt do Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức đã bí mật vượt Trường Sơn đi B từ trước đó ba năm. Anh Huỳnh Ngọc Lý, người từng cùng Tòa soạn với anh Kim Toàn hồi ở Báo Kiến An, bảo tôi: "Kim Toàn đang công tác tại Báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ở chiến trường, Kim Toàn vẫn luôn có bài gửi ra đăng Báo Hải Phòng và nhiêu báo của trung ương. Người tại trận viết bài gửi về là quý lắm!".


Ngày nhà báo Thép Mới - Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, còn sống, mấy lần tôi được nghe ông kể về những năm ông hoạt động báo chí tại chiến trường miền Nam, nhất là hồi làm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng. Nhớ lại một thời vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt khi làm Báo Giải Phóng, ông khen ngợi nhiều nhà báo nhiệt tình, dũng cảm, năng động và chân thành, luôn đi đầu trước mọi hiểm nguy, trong đó có các nhà báo từ miền Bắc chi viện miền Nam như: Thái Duy (Trần Đình Vân), Vũ Tuất Việt, Kim Toàn, Thế Phiệt..

Ông kể về nhà báo Kim Toàn:

"Từ ngày vào Báo Giải Phóng, Kim Toàn lấy bút danh là Cao Kim. Cậu ấy là phóng viên xông xáo, viết nhiều thể loại, chụp ảnh và trình bày báo đều được. Cao Kim có giọng hát truyền cảm, thỉnh thoảng lại múa hát cùng Văn công Giải phóng. Đi chiến dịch, cậu ấy thường học ca vọng cổ cùng các cô giao liên và còn dạy các cô hát chèo, hát dân ca Quan họ. Tay máy, tay súng, Cao Kim đi nhiều nơi, không chỉ ở vùng giải phóng mà cả vùng đang tranh chấp và vùng địch kiểm soát. Nhiều tháng, cậu ấy lăn lộn ở đồng bằng Nam Bộ, sát cánh cùng bộ đội, du kích và nhân dân đánh Mỹ, diệt ác, phá kìm, nhất là tại vùng ven sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Cậu ấy còn bám trụ tại các tỉnh Bình Long, Phước Long ở Nam Tây Nguyên, hàng năm trời "nằm vùng" trong các làng thuộc đồn điền cao su và các sóc của đồng bào dân tộc Stiêng, Tà-mung, Châu-ro cùng cán bộ địa phương xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức huấn luyện công tác báo chí. Cao Kim vốn gầy nhom, sau nhiều tháng hoạt động ở vùng rừng núi - nơi dày đặc bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ, lại phải cùng anh em làm rẫy, tự túc lương thực để sống và luôn bị sốt rét nên càng gầy còm. Có lần, tại cơ quan Báo ở chiến khu, tuy bị sốt rét và viêm gan nặng, cậu ấy vẫn ngồi cạnh hầm viết bài, cố giấu những cơn đau. Tôi phải buộc cậu ta nằm lên võng và cử bốn anh em đồng nghiệp thay nhau khiêng gấp tới bệnh viện Liên cơ trong rừng để cấp cứu mới qua nguy kịch.


Nguy hiểm và ác liệt nhất phải kể đến chuyến công tác cuối năm 1967, Cao Kim cùng tôi bí mật đột nhập Sài Gòn - Gia Định trước khi ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 lịch sử. Tôi đã dặn Cao Kim "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Để tránh bọn địch theo dõi, phát hiện, lúc đó không nhất thiết phải vào quá sâu trong nội đô, nhưng cậu ấy ít chịu ở vòng ngoài. Tôi và Cao Kim có những kỷ niệm nhớ đời trong thời gian hoạt động giữa sào huyệt địch. Hết đợt một của cuộc Tổng tiến công, tôi trở về chiến khu, còn Cao Kim được phân công tiếp tục ở lại, nhập vào Đội vũ trang tuyên truyền T4 (Đặc khu Sài Gòn - Gia Định), vừa chiến đấu vừa hoạt động báo chí. Thời điểm đó, Mỹ - ngụy phản kích dữ dội chưa từng thấy. Các trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt, cả ban ngày và ban đêm, ở khắp nội đô, ngoại ô và vùng phụ cận. Anh em khối Tuyên huấn - Báo chí của ta tổn thất không nhỏ.


Cuối tháng 3-1968, Ban Biên tập Báo Giải Phóng nhận được giấy báo tử của Ban Quân y Phân khu 3 (mặt trận phía Tây Nam Sài Gòn - Gia Định), báo rằng nhà báo Cao Kim đã hy sinh trong trận chiến đấu chống càn tại xã Bình Chánh, huyện Tân Trụ ngày 8-3-1968; an táng tại ấp Nhứt, xã Long Định, huyện cần Đước, tỉnh Long An gần đó. Đính kèm giấy báo tử là giấy của Đảng ủy Ban Tuyên huấn Trung ương Cục giới thiệu đảng viên Cao Kim sinh hoạt Đảng với cấp ủy mặt trận T4. Cả Tòa soạn làm lễ truy điệu Cao Kim trong nỗi đau buồn, tiếc thương người đồng chí, đồng nghiệp thân thiết.


Ba tháng sau, anh chị em Tòa soạn ngỡ ngàng khi thấy Cao Kim xuất hiện tại căn cứ của Báo tại rừng Tây Ninh, vai đeo bòng tư trang, vai khoác súng AK và máy ảnh, người gầy đét, da đen sạm. Thì ra, trước trận chống càn ở Bình Chánh, Tân Trụ, Cao Kim nộp giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng của mình cho anh Hai Ca - bí thư chi bộ kiêm đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền T4. Trong một trận giáp chiến giữa đồng bưng sình lầy với lực lượng địch đông đảo, có máy bay, pháo binh và xe lội nước yểm trợ, Cao Kim và một số chiến sĩ bị thương khi cùng đơn vị đánh trả các đợt phản kích và vượt khỏi vòng vây của chúng. Riêng đội trưởng Hai Ca bị thương rất nặng, lúc đưa tới trạm quân y tiền phương thì hy sinh. Người ta tìm trong túi ngực Hai Ca thấy có giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng ướt đẫm máu, mang tên Cao Kim. Ai cũng bảo người đó là Cao Kim nên Ban Quân y Phân khu mới viết giấy báo tử gửi về Báo Giải Phóng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #21 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2021, 05:08:53 pm »

Năm 1973, được cử trở lại tỉnh Bình Phước và làm phóng viên thường trú của Báo Giải Phóng tại vùng giải phóng Lộc Ninh để phản ánh về các cuộc trao trả tù binh và khí thế đấu tranh của quân, dân ta đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, có lần Cao Kim còn bị vùi lấp dưới hầm vì bọn Mỹ - ngụy lật lọng, trắng trợn cho máy bay ném bom hủy diệt thị trấn Lộc Ninh, gây thêm tang tóc đối với đồng bào ta. May mà cậu ấy được đồng đội và bà con đào đất kéo lên, cứu chữa kịp thời. Năm sau, trên đường hành quân ở miền Trung, Cao Kim lại suýt phải báo tử do đột ngột bị xuất huyết toàn thân. Dù kiệt sức vì mất máu quá nhiều, phải cấp cứu tại bệnh viện Quân y gần nửa tháng, cậu ấy vẫn lạc quan, tự tin và chiến thắng bệnh tật."


Kể đến đây, nhà báo Thép Mới mỉm cười, giọng ông trầm xuống:" Chiến tranh là như thế. Đó là nơi thể hiện, bộc lộ rõ nhất bản lĩnh, phẩm chất, tính cách con người, trên mọi lĩnh vực. Những người thực sự dũng cảm, xông xáo, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và lập công xuất sắc thường rất ít kể về bản thân. Ngược lại, kẻ nhút nhát, chuyên xu nịnh, cơ hội, bè phái, lúc cần xung trận là lảng tránh, gặp thất bại thì hoảng hốt, dao động và đổ lỗi cho người khác, khi chiến thắng thì tranh công, vỗ ngực khoác lác, coi mình như chứng nhân lịch sử và đòi hỏi đủ thứ. Ở Báo Giải Phóng có nhiều nhà báo đáng quý như Cao Kim. Nhưng cá biệt cũng có người thuộc dạng như tôi vừa nói. Làm báo cách mạng mà thiếu bản lĩnh, không biết tự trọng và tôn trọng sự thật, cứ ngộ nhận lịch sử, thật có lỗi với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và đồng nghiệp"...


Tôi gặp lại anh Kim Toàn - nhà báo Cao Kim - sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất. Đó là thời gian anh vừa "nâng cấp" sức khỏe vừa tiếp tục hoàn chỉnh chương trình học tập lý luận chính trị, nghiệp vụ. Anh là một trong 12 nhà báo Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh được Ban Tuyên huân Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam chọn cử đi học lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ dành cho lãnh đạo các cơ quan báo chí do Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) tổ chức tại Praha (Tiệp Khắc) và được cấp Thẻ Nhà báo Quốc tế.


Trở về thành phố Cảng quê hương, anh Kim Toàn làm ủy viên Ban Biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập Báo Hải Phòng. Nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập tờ báo của Đảng bộ địa phương vào những năm đầu thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, phải vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, anh cùng Ban Biên tập vừa quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tờ nhật báo, vừa tích cực xây dựng, đào tạo lại đội ngũ người làm báo tại chỗ và tìm mọi cách từng bước đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất Tòa báo. Với phẩm chất, năng lực và nhiệt huyết báo chí của bản thân, hai khóa liền anh được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Anh còn làm Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố; ba khóa liền (khóa 5,6,7) được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam (riêng khóa 6, anh là ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phía Bắc). Anh chăm lo giúp đỡ lớp nhà báo trẻ kế cận để Báo Hải Phòng và tổ chức Hội Nhà báo địa phương luôn dồi dào nguồn cán bộ lãnh đạo. Các nhà báo Nguyễn Quân, Trịnh Lệnh, Kim Cúc, Quốc Hòa, Trọng Nghĩa... từ phóng viên và cán bộ cấp phòng lần lượt được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Báo. Khi anh Kim Toàn nghỉ hưu, nhà báo Nguyễn Quân được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập; nhà báo Trịnh Lệnh được điều động làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng và kế vị anh làm Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố. Khi nhà báo Nguyễn Quân nghỉ hưu, nhà báo Trọng Nghĩa được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập kế tiếp (tất nhiên, cùng với tầm nhìn và cách sắp xếp cán bộ của người đứng đầu cơ quan Báo và tập thể Ban Biên tập theo quy hoạch, còn phải có sự nỗ lực cá nhân của từng thành viên trong đội ngũ kế cận mới thành sự kế tục xứng đáng sau này).


Mỗi khi nhắc đến nhà báo Kim Toàn, tôi và nhiều người còn nhớ những kỷ niệm và ấn tượng tốt đẹp về anh - một thành viên nhiệt tình, có trách nhiệm của Ban lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều năm gắn bó với các hoạt động của Hội. Ngày 12 tháng 7 năm 1996, anh Kim Toàn là một trong 20 nhà báo Việt Nam xuất sắc được Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) tặng thưởng Huy chương cao quý của OIJ nhân kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập tổ chức báo chí quốc tế lớn này.


Không chỉ các nhà báo cao tuổi mà nhiều nhà báo trẻ, đồng chí, đồng nghiệp từng sống và làm việc với nhà báo Kim Toàn ở mọi miền mà tôi quen biết đều quý mến anh - một người luôn lạc quan, yêu đời, sống khiêm tốn, giản dị, trọng tình nghĩa và lúc nào cũng tâm huyết với nghề.


Về hưu đã hơn mười năm, ngòi bút nhà báo Kim Toàn vẫn liên tục hoạt động. Dù tuổi cao, sức khỏe kém trước, anh vẫn không rời máy vi tính và máy ảnh. Tên anh luôn xuất hiện trên báo chí, cả trong Nam và ngoài Bắc, với những bài đầy ắp kỷ niệm về đồng chí, đồng nghiệp, Tổ quốc và nhân dân, gắn với một đời làm báo sôi nổi.


KHÁNH TOÀN
(Nguyên uỷ viên Thường vụ thường trực Hội Nhà báo Việt Nam,
nguyên Tổng Biên tập tạp chí "Người Làm Báo")
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM