Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:29:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Âm vang Điện Biên  (Đọc 2675 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #40 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2022, 09:14:11 am »

NGƯỜI CHIẾN SĨ QUAY PHIM TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN


ĐẶNG QUANG PHONG


Về phường Nghĩa Tân, quận cầu Giấy, thủ đô Hà Nội, tôi chú ý tới một bác cao tuổi ở cùng tổ dân phố. Bác sinh hoạt giản dị, tính tình vui vẻ, cởi mở, hay lam hay làm. Khu tập thể có một bồn hoa để hoang phế lâu ngày, nhiều hộ dân thường lợi dụng đêm khuya mang phế thải đổ bừa vào đấy. Bác và đứa cháu nội xách từng xô đất san lấp bồn hoa, mồ hôi công sức bỏ ra rất lớn, giờ đây bồn hoa trông đã mát mắt. Tôi mến bác lắm. Sau này, tham gia Ban công tác Mặt trận Tổ quốc, tôi có dịp chuyện và tâm sự cùng bác.


Bác là Nguyễn Như Ái, quê chính ở Tiên Sơn, Bắc Ninh, tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945, một thời đã từng là du kích đường 5 nổi tiếng. Tháng 3 năm 1954 bác tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, là thành viên của một đoàn quay phim do đồng chí Nguyễn Tiến Lợi làm trưởng đoàn và đồng chí Nguyễn Phụ Cấn phó đoàn. Ngày 13 tháng 3 năm 1954, chiến dịch Điện Biên bắt đầu. Bác Nguyễn Như Ái cùng ba người phụ quay bắt đầu làm việc, theo sát lính xung kích. Trong trận mở màn oanh liệt này, bác Ái và đồng đội ghi lại đầy đủ hình ảnh chiến đấu vô cùng dũng cảm của bộ đội ta. Những cảnh bộ đội ta đánh chiếm lô cốt boong ke, diệt các hỏa điểm lợi hại của giặc đều được chiếc máy quay KS 35mm của bác Ái thu vào ống kính. Quay xong trận "Him Lam" bác quay tiếp trận đồi "Đồc Lập" rồi trận tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng giặc Đờ- cát ngày 7 tháng 5 năm 1954.


Suốt 55 ngày đêm không rời máy quay, đoàn làm phim đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quay được những thước phim vô cùng quý giá, sau ngày hòa bình trình chiếu cho nhân dân cả nước xem. Bộ phim chiến thắng Điện Biên Phủ này được gửi ra nước ngoài để bè bạn năm châu hiểu rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.


Bác Nguyễn Như Ái còn được cử sang nước bạn Lào giúp xây dựng đội ngũ phóng viên quay phim, trong các chiến dịch lớn của bộ đội Pathét Lào và quân tình nguyện Việt Nam. Những thước phim quý ghi lại những trận đánh ác liệt của liên quân Việt - Lào do bác Ái và học trò của bác quay đến nay vẫn được lưu giữ, niêm cất tại Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa.


Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết chẩm dứt cuộc chiến đẫm máu ở Đông Dương, đánh dấu sự thảm bại của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Lúc này tại căn cứ địa chiến khu Việt Bắc, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ chỉ thị cho lực lượng vũ trang chuẩn bị về giải phóng Thủ đô.


Bác Nguyễn Như Ái về đoàn làm phim của đạo diễn Mai Lộc và đạo diễn Roman Karmen, nghệ sĩ công huân nổi tiếng của Liên Xô tham gia làm bộ phim "Tiếp quản Thủ đô". Bộ phim ghi lại những cảnh sinh động: xe nhà binh Pháp vội vã rút lui qua cầu Long Biên, nhân dân Hà Nội bí mật may cờ đỏ sao vàng, mong mỏi khắc khoải từng ngày, từng giờ "Bộ đội Cụ Hồ" về giải phóng Thủ đô, những lá cờ đỏ, những dải băng khẩu hiệu, những tán ảnh Bác Hồ đều được nhân dân trân trọng giữ gìn chờ ngày chiến thắng... Cảnh ngày 10 tháng 10 năm 1954, cả Hà Nội tràn ngập cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng tiến vào năm cửa ô về giải phóng Thủ đô yêu quý, những nụ cười, những giọt nước mắt, những ông bố, bà mẹ, những người vợ thảo hiền dõi mắt tìm trong hàng quân bóng dáng thân thương của con em mình, cảnh bộ đội ta tiếp quản các công sở, dinh thự, người lính Pháp cuối cùng rời khỏi cầu Long Biên...


Tiếp sau đó là bộ phim "Việt Nam trên đường thắng lợi" ghi lại sự kiện ngày 1 tháng 1 năm 1955 Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô. Cả Hà Nội tưng bừng cờ hoa đón mừng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, những nụ cười rạng rõ trên môi em thơ, những giọt nước mắt trên má người vợ, người mẹ tần tảo sớm khuya nuôi chồng, nuôi con đánh giặc. Bộ phim này đã được trình chiếu rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 12 nước xã hội chủ nghĩa.


Sau đó, bác Ái được cử sang Pháp, Vương quốc Anh và Italia làm bộ phim "Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc". Vì có công giúp nước bạn Lào, bác Ái đã được Chính phủ Lào tặng thưởng nhiều huân chương cao quý Chính phủ Việt Nam tặng bác danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" ngành điện ảnh.


Nghệ sĩ Như Ái làm việc cần cù, thận trọng, nghiêm túc, chính xác. Những bộ phim tài liệu như "Kim Liên quê bác", "Hùng Vương dựng nước", "Thầy trò chúng tôi" gây xúc động manh trong lòng khán giả. Sau này nghệ sĩ Như Ái được điều động sang làm phim khoa học. Những phim bác làm như "Phù sa, nguồn phân bón vô tận", "Đời sống con tằm", "Cá chép lai", "Ong mật với cây trồng", "Chọn giống lúa" được bà con nông dân hoan nghênh và coi như những "cẩm nang" quý giá của nghề nông. Có thể nói, về với nông dân, nghệ sĩ Như Ái là một "lão nông", cầm máy quay, bác là một nhà khoa học "cẩn trọng, chuẩn xác". Nhiều bộ phim khoa học và tài liệu thời sự do bác quay và kiêm đạo diễn được đánh giá cao trong các đợt liên hoan phim, được nhận những lời khen tặng, những giải thưởng cao quý như Bông sen bạc năm 1980, bằng khen và Bông sen bạc năm 1983.


Năm nay, nghệ sĩ Như Ái đã bước sang tuổi 78, đôi chân "Trường chinh vạn dặm" đã yếu, đi lại khó khăn, nhiều lúc bác phải di chuyển bằng xe lăn. Trong dịp hè năm 2000-2001, nghệ sĩ Như Ái có một quyết định mới: hướng dẫn cho các cháu học sinh trong phường và trong tổ dân phố học chụp ảnh bằng chính chiếc máy ảnh của bác. Học trò của bác không nhiều song các cháu đến với bác đều là những cháu yêu thích nhiếp ảnh. Sáng sáng ông cháu có mặt tại hồ Nghĩa Tân, vừa tận hưởng khí trời mát mẻ của buổi sớm mai vừa tập luyện chụp ảnh. Trong số những học trò đáng yêu của bác chắc chắn sẽ có một số "nhiếp ảnh gia" tên tuổi mai sau. Nhà nhiếp ảnh lão thành Như Ái đã có lần tâm sự: "Khi đã bén duyên với nhiếp ảnh thì mê lắm và quả thật để đến được với nghệ thuật cần phải có cái tâm". Việc hướng dẫn những thế hệ kế tiếp tiếp cận với nhiếp ảnh cũng là cái tâm của nghệ sĩ Như Ái.


Đến nay sức khỏe lão nghệ sĩ đã yếu, ông đã nhiều lần phải nằm viện. Các cụ trong Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh vẫn thường xuyên qua lại thăm ông. Các nghệ sĩ đồng nghiệp đã một thời kề vai sát cánh với ông hoàn thành các bộ phim "Chiến thắng Điện Biên" năm 1954 và trận "Điện Biên trên không" tháng 12 năm 1972 vẫn luôn nhớ tới ông, một tán gương sáng trong làng quay phim, nhiếp ảnh.

Đ.P.Q
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2022, 09:15:18 am »

ĐOÀN TÂN BINH RA TRẬN


VŨ ĐÌNH PHẠM


Cuối năm 1953, Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương cử một đoàn cán bộ cấp tốc vào Khu 4 tuyển quân bổ sung cho chiến dịch Điện Biên. Đoàn tôi có các anh Nguyễn Thuận An, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Như Tuân, Trần Trọng Bút v.v... hành quân bộ từ Lạng Sơn vào Thanh Hóa. Đối tượng tuyển quân là thanh niên ba tính Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là vùng tự do, nhân dân đã qua giảm tô, cải cách ruộng đất, đa số thanh niên đã học hết cấp hai hoặc đang học cấp ba phổ thông, sẵn sàng tình nguyện nhập ngũ. Biết chúng tôi từ chiến khu Việt Bắc về, nhân dân rất quý mến và ân tình giúp đỡ. Chúng tôi mỗi người phụ trách một đại đội 200 quân, chuyên lo công tác hậu cần, quân nhu và mọi phương tiện cho cuộc hành quân ra mặt trận.


Tôi được biên chế vào đại đội 425, đội 44 do đồng chí Cẩn làm đại đội trưởng, cán bộ khung là người địa phương, đảm nhận công tác chính trị và tổ chức. Tôi được phân công làm quản trị trưởng đại đội, rất lo vì nhiệm vụ nặng nề, là chủ tài khoản, nắm giữ khoản tài chính rất lớn.


Được nhân dân hướng dẫn, tôi cùng cán bộ địa phương và dân quân đi các nơi, tậu bò, mua lợn, thức ăn khô mang về chế biến. Anh em trong tổ tiếp phẩm và nuôi quân giết bò, mổ lợn, băm hết xương, rang khô cho muối mặn làm món "muối Việt Minh", đóng vào thùng sắt tây giao cho từng trung đội.


Cục Quân nhu trang bị cho các đơn vị quân trang, quân dụng... phát đến từng chiến sĩ. Những phương tiện thông thường đơn vị phải tự túc theo kinh nghiệm ở Việt Bắc, các tiểu đội làm mũ nan, đan sọt, ống đựng nước, máng đựng thức ăn... Các tổ văn nghệ đục gỗ, căng dây thép làm đàn, dùng ống nứa khoét sáo, dùng vỏ dừa làm hồ, nhị... Không khí tấp nập, nhộn nhip như một công trường. Những bài ca, điệu hò, tiếng cười rộn rã âm vang cả khu rừng. Chúng tôi được vui Tết cùng nhân dân địa phương, vật chất tuy đơn sơ nhưng tình nghĩa quân, dân thật đậm đà sâu sắc. Đồng bào đến thăm hỏi, chúc xuân từng đơn vị, từng chiến sĩ, chăm sóc như những người thân trong nhà, các bạn trẻ địa phương đến cùng vui văn nghệ, nhảy "son mì", hát bài "Yêu hòa bình tổ quốc chúng ta..." "hò lơ, hò lờ"...


Mặc dù có sự khác nhau buổi đầu về tiếng nói, về phong tục, tập quán. Song sự đồng nhất về lòng yêu nước, yêu đồng bào, đồng chí nhanh chóng hòa nhập mọi người. Cách mạng thực sự là ngày hội của quần chúng, ngày hội ra quân.


Biết chúng tôi sắp lên đường hành quân lên Điện Biên, cán bộ và nhân dân rất thương nhớ, tiễn chân và cho chúng tôi nhiều thứ: cá, mắm, tương, võng đay... Các bạn trẻ tặng khăn mặt, sổ tay, lọ dầu xoa...


Trung tuần tháng 2 năm 1954, các đại đội lên đường ra trận. Các chiến sĩ với tư trang gọn nhẹ: mỗi người khoác một bao gạo và mang 25 kilôgam "hàng". Tốc độ hành quân trung bình là 7 kilômét/giờ.

Hành quân ban ngày chúng tôi không theo đường mòn để tránh sự phát hiện của máy bay địch. Theo dân quân dẫn đường, đội tiền trạm đi trước phát cây, mở lối cho các đơn vị sau. vất vả nhất vẫn là tiểu đội nuôi quân mang lỉnh kỉnh xoong, chảo, cuốc, xẻng để đào bếp "Hoàng Cầm".


Đến đất Sơn La, thời tiết giá lạnh, rét buốt thâu đêm, ban ngày khoảng 10 giờ sáng mới tan sương, nhìn rõ mặt người. Đã có chiến sĩ bị sốt rét nặng, rụng tóc. Việc phòng chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, một số ít chiến sĩ không đủ sức tiếp tục hành quân, đơn vị cử cán bộ đưa anh em về địa phương. Tuy vậy, nhờ sự giúp đỡ của dân bản, sự chăm lo của các cấp chỉ huy về mọi mặt: ăn, ở, phòng bệnh..., các đơn vị vẫn giữ được khí thế, bảo đảm tốc độ hành quân.


Càng gần tới đích, càng nhận được nhiều tin chiến thắng từ mặt trận báo về, càng thôi thúc bước chân thần tốc.

Đơn vị phát động đợt thi đua "nước rút" đẩy nhanh tốc độ hành quân, đảm bảo an toàn quân số. Đất Sơn La đúng là nơi rừng thiêng, nước độc, địa hình hiểm trở, nhiều lũng sâu, núi đá "tai mèo", những khu rừng già, lớp lớp lá khô chứa nhiều muỗi, vắt, có cả hổ, báo. Đã có lần chúng tôi vấp phải xương người bị hổ ăn thịt vương vãi ở bìa rừng, khe suối... Đơn vị quy định khi nghỉ đêm, từng tiểu đội, từng "tổ tam tam" phải nghiêm chỉnh canh gác kịp thời phát hiện bọn phỉ và thú dữ đến quậy phá, bảo đảm an toàn tuyệt đối của đơn vị.


Đến ngã ba Tuần Giáo, các đơn vị dừng lại tổ chức các trung, tiểu đội thành những đơn vị chiến đấu sẵn sàng bổ sung quân cho các binh chủng khác nhau.

Các cán bộ khung từ mặt trận về nhận quân, mừng vui khôn xiết. Các anh gặp từng chiến sĩ, kể nhiều chuyện đánh nhau với địch ở phía trước. Các chiến sĩ trẻ hồ hởi ôm lấy cán bộ: "Các anh đi! Chúng em được trực tiếp chiến đấu ngay chứ?". Tất cả cùng hô vang "Quyết chiến, quyết thắng!".

Tổ thông tin nhanh chóng vẽ khẩu hiệu và cất tiếng hò:

Hành trang mang nặng lời thề,
Không thắng giặc Pháp, không về quê hương.
Mau lên xốc tới Điện Biên!


V.Đ.P
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2022, 09:16:14 am »

MỘT GIA ĐÌNH CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN


PHẠM KIM NGUYÊN


Khi được biết, ở thôn Mỹ Cụ, xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ (Thái Bình) có hai vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Đình Pho, đều là chiến sĩ Điện Biên, chúng tôi đến ngay gia đình xin gặp hai ông bà. Thấy chúng tôi cũng là "Bộ đội Cụ Hồ", hai bác đều chuyện trò rất cởi mở. Mở đầu câu chuyện, chúng tôi hỏi: "Hai bác làm bạn với nhau vào thời điểm nào của chiến dịch Điện Biên? Bác Pho cười và kể: Quê tôi ở Thái Bình, còn quê bà ấy ở tận huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cả hai chúng tôi đều ở tuổi 18. Suốt thời gian của chiến dịch, hai người đều có mặt phục vụ chiến đấu nhưng chưa gặp nhau. Mãi đến năm 1958, khi trở lại Điện Biên lần thứ hai, cùng về công tác ở Đội điều trị 2 (ĐĐT2) tại Sơn La, chúng tôi mới quen nhau, yêu nhau và đến năm 1959 thành vợ, thành chồng". Hai chiến sĩ Điện Biên thành một gia đình "lính Điện Biên", câu chuyện thật là hấp dẫn.


Năm 1952, anh thanh niên 17 tuổi Nguyễn Đình Pho nhập ngũ vào Đoàn 77 thuộc Bộ Quốc phòng. Ngày đó, Đoàn 77 có nhiệm vụ quản giữ tù binh Pháp. Có lần, một tù binh xì xồ một tràng dài. Đại đội trưởng không biết tiếng Pháp nên chẳng hiểu nó nói gì. Đứng bên cạnh, chiến sĩ mới Nguyễn Đình Pho nói với đại đội trưởng: ‘Thằng Tây nó xin đi ngoài đấy, anh ạ!". Đại đội trưởng ngạc nhiên hỏi Pho: "Sao cậu biết?". Pho trả lời: "Hồi ở nhà em đã qua lớp Thành chung 2 có được học tiếng Pháp". Thế là ngay sau đó, Nguyễn Đình Pho được điều về Cục binh vận học thêm, và tháng 8 năm 1953 thì được điều đi làm phiên dịch ở mặt trận Điện Biên Phủ. Suốt thời gian chiến dịch, từ Mường Pồn, Hát Lót đến Rừng Sác, cứ ở đâu có tù binh Pháp thì anh có mặt. Có thời gian suốt 3 tháng ròng rã, tù binh Pháp quá nhiều, anh em phiên dịch phải làm việc liên tục ngày đêm. Được tiếp xúc với những cán bộ như Pho, những tù binh vốn bị bắt ép đi lính, hiểu rõ về chính nghĩa, chính sách nhân đạo của chính phủ Việt Nam tỏ ý vui mừng vì do bị bắt, họ đã thoát khỏi cuộc chiến tranh phi nghĩa do quân Pháp gây ra. Có tù binh, khi nhận được quà của gia đình từ bên Pháp gửi sang, đã đem thuốc lá, cà phê biếu đơn vị. Chiến dịch Điện Biên kết thúc. Biết Pho trước đây từng làm y tá, cấp trên đã chuyển anh về Đội điều trị 2. Ở đây, anh gặp cô cứu thương trẻ Bùi Thị Xuân đã từng phục vụ chiến dịch Điện Biên. Sau này cô y tá Xuân đã trở thành bạn đời của anh.


Năm 1958 Nguyễn Đình Pho được cử đi học trung cấp quân y, trường do bác sĩ Lê Thế Trung làm hiệu trưởng. Năm 1961 ra trường, anh về làm giáo viên ở trường y tá tại Thuận Châu. Năm 1966 anh chuyển ngành, với quân hàm chuẩn uý và được cử đi học ở trường Đại học y Thái Bình. Tốt nghiệp, bác sĩ Nguyễn Đình Pho về công tác ở bệnh viện huyện nhà, năm 1975 tham gia tiếp quản Sài Gòn, rồi về làm trưởng phòng y tế huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Năm 1984, bác sĩ Nguyễn Đình Pho nghỉ hưu ở quê, xã Quỳnh Hồng (Thái Bình) còn bác gái Bùi Thị Xuân, hoàn cảnh trở thành chiến sĩ Điện Biên cũng tương tự như của chồng - bác Nguyễn Đình Pho. Năm 1951, cô gái trẻ Bùi Thị Xuân, quê Hạ Hòa, Phú Thọ xung phong đi dân công tải đạn, phục vụ chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Gần 2 năm sau, qua một lớp cứu thương cấp tốc, tháng 3 năm 1953, cô cứu thương trẻ cùng đơn vị đi phục vụ chiến dịch Điện Biên. Bùi Thị Xuân cùng với đồng đội phục vụ thương binh từ mặt trận chuyển về. Suốt ngày, anh chị em bận rộn với việc lau rửa, băng bó vết thương, bảo đảm cơm nước, thuốc men, giặt giũ cho thương binh. Có thời gian, hàng tháng trời, mỗi ngày hàng chục lần chị em bế, cõng thương binh đi, vượt quả đồi cao năm chục mét, hàng trăm mét tới suối để tắm rửa cho anh em. Hàng ngày, chị em gánh nặng tới năm, sáu chục cân gồm cơm nước, đồ dùng lên xuống quả đồi để phục vụ việc ăn uống cho thương binh. Có những thương binh nặng, vì quá đau đớn, lúc mê man, đã quát mắng, làm chị Xuân phát khóc. Nhưng nghĩ đến bệnh tình của đồng đội và trách nhiệm của mình, chị lại tự động viên mình vượt qua khó khăn, vui vẻ làm nhiệm vụ.


Sau chiến dịch hai đợt liền, Bùi Thị Xuân cùng anh chị em cứu thương tham gia cuộc hành quân bằng cáng đưa thương binh nặng, từ mặt trận về tận Yên Bái chữa trị. Tiếp theo, chị được phục vụ đoàn bộ đội tiếp quản Thù đô. Rồi cùng Đội điều trị 9 về công tác ở trại tù binh Pháp ở Tuyên Quang, đi phục vụ cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ở Quảng Ninh, Thanh Hóa rồi về công tác ở ĐĐT2 ở Sơn La. Năm 1958 chị đi học lớp y tá ở Thuận Châu; ở đây chị đã quen Nguyễn Đình Pho và năm 1959 xây dựng gia đình với anh. Năm 1960 chị Xuân chuyển ngành với quân hàm chuẩn uý, về công tác ở khoa dưỡng nhi bệnh viện C Hà Nội. Năm 1968, chị chuyển về bệnh viện đa khoa Thái Bình; rồi về công tác ở bệnh viện quê chồng.


Là những chiến sĩ có mặt từ đầu đến cuối chiến dịch Điện Biên đóng góp một phần công sức cho thắng lợi, hai bác Nguyễn Đình Pho và Bùi Thị Xuân được Cục Quân y tặng bằng khen. Những năm tháng sau này, ưong điều kiện còn nhiều khó khăn, ở bất cứ nơi nào, hai vợ chồng bác Pho - Xuân đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Hai bác nuôi dạy 6 người con khôn lớn, trưởng thành. Anh con trai đầu Nguyễn Mạnh Hùng, hiện là thượng tá, chính ủy Lữ đoàn 141, Sư đoàn 312. Các anh chị khác đều đã yên bề gia thất, có công ăn, việc làm.


Chia tay với vợ chồng bác Pho - Xuân, chúng tôi ngắm lại hai người đồng đội đã ở tuổi 70, lòng dạt dào những cảm xúc trìu mến. Cuộc sống của hai bác thật đẹp. Cách đây 50 năm, họ là những người lính trẻ có mặt trong chiến dịch lịch sử Điện Biên, cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng và kháng chiến. Hôm nay, hai cựu chiến sĩ Điện Biên, đang sống giản dị án cúng trong một gia đình ngập tràn hạnh phúc.

P.K.N
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2022, 09:18:23 am »

NGƯỜI CẤT LÊN LỜI HÔ BẤT HỦ "BÁM THẮT LƯNG MỸ MÀ ĐÁNH!"


NGUYỄN QUỐC HOÀN


Năm 1947, anh thanh niên mười bảy tuổi Lê Xuân Phôi với chiếc quần đùi, tấm áo nâu vải mộc nhuộm bùn và bàn chân đất từ thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vượt qua bao đồn bốt giặc ra vùng tự do, tình nguyện vào bộ đội chiến đấu.


Từ một chiến sĩ liên lạc, anh trưởng thành khá nhanh trên các cương vị chỉ huy, được cấp trên tin tưởng, cấp dưới quý mến. Anh tham gia các chiến dịch lớn như: Trung Du, đồng bằng Bắc Bộ, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Trong trận tập kích cụm quân địch ở Bản Ban, tỉnh Xiêng Khoảng (chiến dịch Thượng Lào tháng 5 năm 1953) là trung đội trưởng xung kích, anh xông xáo dẫn đầu đơn vị dũng mãnh thọc sâu, chia cắt đội hình địch, diệt hàng chục tên, làm chủ trận địa, thu nhiều vũ khí, được nêu gương cho toàn mặt trận học tập.


Trận đánh địch ở Bản Bông phối hợp với chiến dịch Điện Biên, là trung đội trưởng đại liên, hỏa lực chính đi cùng đội hình xung kích, anh mưu trí chỉ huy đơn vị chi viện có hiệu quả cho bộ binh đánh chiếm mục tiêu. Trận đánh diễn ra rất quyết liệt. Địch ỷ vào công sự hệ thống hầm hào vững chắc và các loại vũ khí mạnh chống trả điên cuồng. Giữa lúc trận đánh đang diễn ra rất gay go, đồng chí chỉ huy đơn vị bộ binh bạn và nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, Lê Xuân Phôi đã mạnh dạn, kịp thời lên thay thế, trực tiếp chỉ huy cả hai đơn vị chiến đấu, đánh lui và chặn đứng nhiều đợt phản kích của đối phương, diệt gần 100 tên địch, giữ vững trận địa.


Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong đoàn quân chiến thắng trở về có anh cán bộ trẻ Lê Xuân Phôi. Anh cùng đơn vị say sưa rèn luyện về mọi mặt, sẵn sàng vào cuộc chiến đấu mới chống giặc Mỹ xâm lược.


Tháng 3 năm 1965, Tiểu đoàn 8 do anh chỉ huy hối hả lên đường ra mặt trận. Tháng 10 năm 1965, đơn vị anh có mặt trên địa bàn Tây Nguyên vào thời điểm Mỹ trực tiếp đưa những quân chủ lực lên chiếm đóng, lập căn cứ và mở chiến dịch "Tìm diệt đối phương".


Trên địa bàn Tây Nguyên, Mỹ đã có tới 3 sư đoàn: Sư đoàn không vận số 1, Sư đoàn 25 tía chớp nhiệt đới và Sư đoàn bộ binh số 4, chưa kể các sư đoàn của ngụy trực tiếp tham chiến. Chúng mở chiến dịch Plây Me kéo dài hai tháng.


Tại thung lũng la Đrăng, quân ta chủ động đánh địch liên tục, tiêu hao và tiêu diệt nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ - ngụy.

Tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 9, Trung đoàn 65 của ta chiến đấu ngoan cường diệt gọn 2 đại đội Mỹ. Nhưng cả hai đơn vị đều bị hao tổn đáng kể. Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh điều động gấp tiểu đoàn 8 bộ binh do đại uý tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi chỉ huy, từ miền Bắc vào trực tiếp tham gia chiến đấu. Mặc dầu lúc này đơn vị đang cách nơi diễn ra chiến sự vài chục kilômét, lập tức cắt rừng hành quân cấp tốc tới đích. Tất cả cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược! Suốt đêm, cả đơn vị không ai chợp mắt và đến trưa hôm sau 17 tháng 10 năm 1965, tiểu đoàn 8 như một tuấn mã phi nước đại đã tới thung lũng la Đrăng. Lúc này, từ cán bộ đến chiến sĩ mệt rã rời, bởi cường độ cơ động quá cao. Nhưng khi thấy quân Mỹ lố nhố như những cái bia thịt lồ lộ, Lê Xuân Phôi nói với anh em: "Thời cơ diệt Mỹ đã tới, phải cố lên, chớp lấy ngay đừng bỏ lỡ!". Anh nhanh chóng triển khai bộ đội chiến đấu, luôn có mặt những nơi gay cấn nhất của trận đánh. Vượt lên đầu đội hình, anh hô lớn: "Bám thắt lưng Mỹ mà đánh!". Khẩu lệnh ấy đã nhanh chóng truyền đi khắp toàn đơn vị như một luồng sức mạnh kỳ lạ, cổ vũ toàn tiểu đoàn xông tới.


Trận đánh kéo dài 8 giờ. Tiểu đoàn 8 của Lê Xuân Phôi diệt gọn đại đội hành quân của Lữ đoàn 3 và toàn bộ lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 1, thuộc sư đoàn "kỵ binh không vận số 1" của Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 400 tên. Lê Xuân Phôi đã tỏ rõ bản lĩnh của một chỉ huy kiên cường, linh hoạt và thông minh cùng đồng đội giết giặc lập công. Gần kết thúc trận đánh, anh bị thương nặng, nhưng không cho ai biết, tự tay xé dù ngụy trang băng vết thương, tiếp tục chỉ huy chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Toàn đơn vị không nén nổi sự xúc động và căm thù đã nhằm thẳng quân thù mà xông lên như vũ bão.


Trận đánh quyết định này đã buộc quân Mỹ phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên uy danh đội quân xâm lược Mỹ bị đánh sập, lần đầu tiên chúng phải rút lui chiến dịch ở chiến trường Việt Nam. "Bám thắt lưng Mỹ mà đánh" khẩu lệnh của tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi đã lan nhanh trên toàn chiến trường đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta.


Đánh giá công lao và tầm vóc chiến công của Lê Xuân Phôi, ngày 3 tháng 8 năm 1996, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh ký quyết định truy tặng Lê Xuân Phôi danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".


Tháng 10 năm 1994, gần 20 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, có dịp gặp Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chúng tôi hỏi:

- Thưa Thượng tướng, nguyên là Chính ủy Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đồng chí đánh giá như thế nào về lời hô của đại úy, tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi: "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh"?

Ông vui vẻ trả lời:

- Lời hô ấy của tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nó được thể hiện ngay bằng hành động là tiểu đoàn 8 do anh chỉ huy đã "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh", dũng cảm tiếp cận và tiêu diệt địch. Lời hô ấy của Lê Xuân Phôi đã kịp thời phổ biến rộng rãi trên cả nước, trở thành hành động chiến đấu trên toàn chiến trường đánh Mỹ và diệt Mỹ.


Lời hô ấy của liệt sĩ Lê Xuân Phôi có ý nghĩa hết sức to lớn. Có thể ví với lời anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trên pháp trường trước họng súng quân thù: "Còn bọn cướp nước và lũ tay sai bán nước thì không ai có tự do và hạnh phúc" hoặc lời hô của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn"... Những lời hô ấy có sức cổ vũ quân và dân cả nước, đặc biệt là lớp trẻ hăng hái xông lên, bất chấp gian khổ, hy sinh làm tròn sứ mệnh lịch sử giao phó.


Khi tôi viết bài này, anh hùng liệt sĩ Lê Xuân Phôi đã ngã xuống 38 năm giữa đất trời Tây Nguyên mênh mông. Đất nước đã gần 30 năm hoàn toàn giải phóng đang tiến tới kỷ niệm 50 năm (7-5-1954 - 7-5-2004) ngày giải phóng Điện Biên và 60 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2004) mà bên tai như văng vẳng lời hô hào hùng của anh "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh!".

N.Q.H
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2022, 09:19:29 am »

QUẢN LÝ TÙ BINH Ở ĐIỆN BIÊN


PHẠM NHƠN


Dừng chân ăn Tết với nhân dân Mường Ảng được ít lâu, đơn vị tôi hành quân lên phía trưđc. Sau những đêm leo đèo lội suối luồn rừng đi trắng đêm, chúng tôi đến vị trí tập kết.

Vị trí này gần địch, từ các đỉnh cao có thể nhìn thấy sân bay Mường Thanh, phải hết sức giữ bí mật. Phải đào công sự đứng bắn, tổ ba người phải có hầm nghỉ ngơi, khu vực trú quân phải thay lá ngụy trang hàng ngày. Đại đội trưởng đưa cho tôi mấy tờ báo Quân đội nhân dân in tại mặt trận dặn, xem xong nhớ chuyển sang trung đội khác.


Một lần, tôi được đọc trên một tờ báo bài thơ của người em gái ở địch hậu gửi cho anh trai ở mặt trận, đến nay tôi còn nhớ mấy câu:

   "Em viết thư cho anh
   Trong làng còn lửa đỏ
   Tay viết lòng còn nhớ
   Thầy giáo bị giặc giết
   Tiếng súng bờ sông khuya
   Tưởng chừng như xé ruột".


Tôi cầm một tờ báo khác xem, thấy một bức tranh châm biếm vẽ lũ lính Tây râu ria xồm xoàm mỗi thằng một góc hầm trật đít ngồi lên vỏ đồ hộp trông vừa thảm hại vừa buồn cười. Bên cạnh bức tranh là bài thơ:

   Bọn lính Tây ở Điện Biên Phủ
   Bị ta vây ăn ngủ không yên.
   Tám giờ tối đã tắt đèn
   Lăm lăm súng đạn ở bên cạnh người.
   Động một tiếng lá rơi sột soạt,
   Là bắn liền hàng loạt liên thanh.
   Một đêm gió mát trăng thanh,
   Khắp miền đồng ruộng hiền lành như không.
   Có thằng đội dáng chừng thổ tả,
   Bụng trương phình nhăn nhó kêu la,
   Rón chân mở cửa chui ra,
   Tim nơi tháo cống cho qua cơn buồn.
   Bọn quan lính luồn trong lô cốt,
   Thấy bóng người hoảng hốt bắn liền
   Đì đùng xối xả rồi ỉm.
   Lũ Tây lại ngủ lại chìm trong mê.
   Sáng bừng mắt dậy ô kìa!
   Thằng đội chết cứng bết bê cứt vàng!
   Cả lô cốt phát tang chôn cất
   Cúng vòng hoa chu tất nọ kia
   Phân công thằng lấp hố xia
   Thằng đi đào huyệt xây bia dựng mồ
   ...



Đọc đi đọc lại bài thơ mấy lần, toan cất báo đi ngủ thì trung đội trưởng bảo mai đi quan sát địa hình xung quanh, trèo lên đỉnh cao xem "Trần Đình" cho rõ mày ngang mũi dọc. Sáng hôm sau, bố trí công việc cho các tiểu đội xong, hai anh em lên đỉnh đồi, chọn một cây cao nhất, trèo lên tận ngọn. Mây mù tan, nhìn xuống sân bay chúng tôi thấy mấy chiếc máy bay "Hen cát", "bà già" lên xuống, chao lượn hối hả, những chiếc xe tăng, cái thì có hầm và ngụy trang, cái còn nằm trơ trên mặt đất. Bọn lính đứa đào hầm, đứa đi lại lô nhô. Tôi nói với trung đội trưởng: "Mình đánh chắc, tiến chắc như thế này chỉ sợ địch rút chạy như Nà Sản thì tốn công mà lại bực mình". Trung đội trưởng bảo tôi: "Cậu đừng lo, ở đây ta đã bao vây chặt cả dưới đất và trên ười. Tướng Na Va chỉ còn một đường là đào hố chui xuống đất!".


Thế rồi việc mong ngày mong đêm đã đến. Ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập. Lính Lê dương và Âu Phi thất trận bị giải ra nằm ngổn ngang dưới tán rừng, mặt mũi đứa nào đứa nấy chưa hết bàng hoàng khiếp sợ. Cấp trên lệnh cho đại đội cử hai trung đội giải tù binh về xuôi. Trung đội tôi thì làm nhiệm vụ quản lý, khai thác bọn tù binh còn lại. Trước mắt chúng tôi tuy giờ là một lũ tù binh thất trận, hỗn tạp và ươn hèn. Công việc bây giờ là quản lý tù binh, vừa trông coi tù binh vừa học tiếng, học lẫn nhau. Tiếng Pháp có những từ cuối cùng là vần "ê" như "a lề, măng giê, ca bi nê, pờ ri gion ni ê". Một vài anh em hay lẫn lộn giữa "ăn" và "ỉa", giữa "đi" và "ngồi", đôi khi làm anh em ta và cả đến tù binh cũng phải phì cười. Vì số quân của chúng tôi ít, tù binh thì quá đông nên chúng tôi quản lý không xuể, có lần để tù binh ăn cắp gà, lợn của dân hoặc trêu ghẹo phụ nữ. Những hình thức phạt như cắt phần cơm, hành quân đeo giầy lên cổ cũng làm chúng sợ và bớt liều lĩnh.


Thế rồi chiến dịch Điện Biên toàn thắng, trung đội tôi ở lại ngã ba Tuần Giáo quản lý số tù binh chưa trả ở Mường Thanh, cấp trên thông cảm với chúng tôi những người ở lại với núi rừng, ưu tiên cho chúng tôi từ đồ hộp, cát cút, bánh lương khô đến cái thắt lưng, đôi giầy, khẩu súng và hẹn sẽ cho người và phương tiện lên đón chúng tôi về xuôi. Nửa vui vì những chiến thắng dồn dập, nửa buồn vì còn phải xa đồng bằng, xa làng quê, dòng sông, cây đa, giếng nước, con đò. Cái buồn rồi cũng qua mau. Chúng tôi làm lán trại, biên chế tù binh thành từng tổ, cho học chính sách, hướng dẫn chúng lao động để cải thiện đời sống hàng ngày. Mọi việc ổn định, quen dần, chúng tôi dạy cho tù binh đi hái phơi sa-nhân để bán cho mậu dịch, đi bắt cua đồng về ăn hoặc làm mắm, tăng chất đạm chống phù nề và kiết lỵ cho tù binh Âu Phi.


Tháng 8 năm 1954 cấp trên cho ô tô lên đón chúng tôi về thị xã Tuyên Quang. Đợt trao trả tù binh Điện Biên cuối cùng thực hiện ở thị xã Tuyên Quang. Mấy hôm ấy đẹp trời. Những chiếc máy bay lên thẳng chở tù binh bay thấp một vòng. Bọn tù binh vẫy tay chào từ biệt. Nhiệm vụ công tác cuối cùng của chúng tôi trong chiến dịch Điện Biên đến lúc ấy đã hoàn thành tốt đẹp.


Chúng tôi cùng với nhân dân thị xã Tuyên Quang hân hoan đón mừng ngày Quốc Khánh hòa bình, sau chín năm kháng chiến chống Pháp.

P.N
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #45 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:28:00 am »

ĐỘI ĐIỀU TRỊ HỎA TUYẾN TRÊN MẶT TRẬN LÀO


TRẦN BÍCH THỌ


Năm 1951 tôi vừa tròn 19 tuổi, là một chiến sĩ trong Ban Quân y thuộc Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 Quân khu 4 Bình Trị Thiên. Đội điều trị chúng tôi được giao nhiệm vụ đi phục vụ mặt trận Trung Hạ Lào. Chuyển tải, cứu chữa thương binh ở các bản Na Vang, Na Hảo và xây dựng cơ sở quân y trên đất bạn Lào.


Đội điều trị "hỏa tuyến" của chúng tôi là một đội cơ động độc lập tác chiến. Bộ đội đánh đâu chúng tôi có mặt ở đấy từ mở màn trận đánh cho đến khi kết thúc. Cả đội có 12 người, hy sinh 3 người, còn lại 9 người: 2 y sĩ, 4 y tá, 2 hộ lý, 1 dược tá, có dân công phụ giúp vừa sơ cứu vừa chuyển tải thương binh vượt rào về các trạm trung chuyển ở hậu cứ.


Ngoài ra, chúng tôi còn phải chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho thương binh. Có khi vừa hành quân tới chỗ mới, dựng xong lán, chưa kịp làm gì đã bị bom napan thả xuống cháy trụi, anh chị em lại hì hục dựng lại lán khác. Chúng tôi tiếp nhận điều trị cả cho các đội viên thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Bọn trẻ chúng tôi đều vô tư nghịch ngợm không sợ gì mưa bom bão đạn, được ngơi tay là có thể cười đùa ca hát. Có khi một đoàn cấp trên nào đó đến kiểm fra, cũng chẳng cần biết cấp tên đó là ai.


Cơm vắt lội rừng, ba lô trên vai, xẻng chiến bên hông, dừng chân là đào hầm trú ẩn, chặt lá làm lán cho thương binh. Có khi đang hành quân, mưa rừng rùng rùng trút xuống. Cáng thương binh trên vai lên đèo xuống dốc vẫn hát, vẫn cười, sẵn sàng phục vụ thương binh chu đáo nhất. Qua rừng bạt ngàn, hẻm đá tai mèo, suối sâu dốc thẳm vẫn đảm bảo hành quân tôi đích an toàn. Trên đất bạn, nắng rừng như nung, đến cỏ dại cũng khô ròn, nhiều khi thèm một ngọn rau phải nuốt nước bọt cố quên. Thức ăn chủ yếu là lương khô, cơm nắm, muối vừng, mắm mặn; mắm kem để dành cho thương binh. Bắn được con thú rừng thì đó là niềm hạnh phúc. Những bi đông nước mang theo có khi mình phải nhịn để nhường cho thương binh, vất vả, gian khó là vậy cho nên khi có lệnh nghỉ thì bất cứ hốc đá gác cây, khe nước, chỗ nào chúng tôi cũng có thể treo võng, lót lá rừng hoặc trải ni lông xuống mà ngủ được ngay thật ngon lành. Nhiều đêm thức trắng với thương binh nặng, sáng ra lại đi vác gạo, chuẩn bị lương thực thực phẩm cho đội và dự trữ nuôi thương binh. Mặt trận ngày càng mở rộng, Trung đoàn 101 đánh Khămhe Phummalat nồi tiến vào thị xã Thà Khẹt. Vào Thà Khẹt, đội điều trị chúng tôi tiếp nhận một số thương binh nặng trong đó có hai lính ngụy Lào là Taopờn trung sĩ lái xe và Xipamần đại uý tác chiến. Khi chúng tôi rửa vết thương băng bó cho chúng, chúng khóc như cha chết xin đừng giết. Chúng tôi giải thích: "Bộ đội Việt Nam đến Lào để giúp nhân dân Lào đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh ngụy, giải phóng Lào để Lào được độc lập".


Ít hôm sau chúng tôi tiến theo đại đoàn tiếp tục cáng tải thương binh vượt sông Xêbăngphay và Xêbănghiêng xuống Hạ Lào rồi chuyển thương binh nặng về nước cho đến khi kết thúc chiến dịch.

24 năm sau, năm 1978 tôi có việc vào bệnh viện Việt Nam - Cuba tình cờ gặp lại anh Taopờn (lính ngụy Lào năm xưa). Anh ta nhận ra tôi ngay. Qua chuyện trò anh ta cho biết chính nữ y tá Dung đã chuyển anh về Việt Nam. Dung và Taopờn đã xây dựng hạnh phúc với nhau được ba người con hiện đang là cán bộ công nhân viên ở Xí nghiệp ô tô 1-5 tại Hà Nội. Thật bất ngờ và thú vị.


Từ bấy cho đến nay đã 50 năm rồi, hồi trước tôi vừa tròn 19 tuổi, nay đã ngoài 70. Ngồi nhớ lại biết bao kỷ niệm của một thời tuổi trẻ gian khổ nhưng thật đẹp, thật đáng tự hào.

T.B.T
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #46 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:29:38 am »

ĐỌC THƯ NHÀ TRONG CHIẾN HÀO


PHAN VĂN TỶ


Hôm đó là ngày 4 tháng 4 nam 1954. Trong giao thông hào trục ở trận địa Hồng Cúm, tôi nhận được thư người bạn gái từ Hà Tĩnh gửi ra. Tiểu đội trưởng Hà Xuân Vượng chạy đến chỗ tôi:

- Tỷ, có thư!

Tôi cuống quýt lên:

- Đâu? Đâu? Thư đâu?

Từ bàn tay còn lấm bùn đất, anh Vượng đưa thư cho tôi. Trời tối om. Anh em trong tổ - Tĩnh và Ái - dừng cuốc chui vào hầm ếch bật lửa soi. Tôi thốt lên:

- Thư của Nụ rồi!

Nụ là một cô gái mới tuổi 16, có đôi mắt to, đen, bộ ngực nở nang nhú lên trong chiếc áo cánh nâu non, cặp vai tròn, mái tóc dài xõa đến thắt lưng. Nụ là một cô gái quê xinh đẹp. Lúc tôi đi bộ đội, Nụ ra tiễn chân với đôi mắt trìu mến, long lanh tràn đầy hứa hẹn. Tuy Nụ không nói một lời nào nhưng thay cho lời nói là một chiếc khăn vải trắng, mỏng, to bằng hai bàn tay có thêu một trái tim bằng chi đỏ, vật kỷ niệm mà tôi lưu giữ trong suốt thời gian chiến dịch. Nhận được thư từ phương xa gửi đến, tôi trân trọng đến mức không dám xé phong bì mà cứ lần theo vết dán để bóc ra. Thư của riêng tôi nhưng cả tổ đòi được nghe.


Thư viết: "Từ đất Nghi Xuân, em viết thư thăm anh..." - Lửa phụt tắt vì đạn pháo địch câu đến. Tiếng nổ ùng oàng. Anh em trong tổ lại bật lửa châm vào đóm để tôi dò đọc:   "... Mong anh được mạnh giỏi, chắc tay súng, bắn chết nhiều Tây...". Đóm tàn, lại bật lửa: "... ở quê ta cha mẹ bên anh và bên em vẫn bình thường. Một ngày chạy xuống hầm không biết mấy lần mà kể. Tây thả bom nhiều lắm"... Pháo địch bắn rung cả hầm, đất cát rơi xuống làm tắt hết đóm. Lại bật lửa để dò đọc. "... Tuy vậy, hết tiếng bom, dân làng lại ra đồng thu hoạch khoai, lạc. Khoai, lạc năm nay nhiều củ lắm. Được mùa mà! Tha hồ ăn. Em làm khoai gieo (khoai lang lược cắt nhỏ phơi khô) để gửi cho anh đó...". Chợt anh Hà Xuân Vượng đi qua, nói:

- Tranh thủ đào đi không trời sắp sáng rồi đấy!

Tôi gấp thư cẩn thận bỏ vào túi áo ngực và cùng anh em tiếp tục đào hào. Lá thư sao mà ấm vậy, nó như tiếp sức mạnh cho tôi và cả tổ của tôi. Chỉ có vài tiếng đồng hồ mà tổ tôi đào được 3 thước hào. Trời mờ sáng thì chúng tôi đã ngụy trang xong. Nói đến ngụy trang cũng gay go lắm. Phải đi đào cỏ, chặt cành lá che kín phần đất mới đào lên. Đất Điện Biên là đất màu vàng, địch dễ phát hiện. Sáng rõ mặt người, toàn tổ lại chui vào hầm ếch. Anh nuôi lần mò phát cho mỗi người một nắm cơm xôi và một miếng cá khô nướng. Chúng tôi lau tay vào khăn âm ẩm sương rồi ăn hết suất cơm một cách ngon lành. Rồi lại giở thư ra đọc tiếp. Lúc này có ánh sáng mặt trời nên đọc thông hơn. "... Anh ơi! Ở quê ta trên trời thì Tây thả bom xuống, dưới biển chúng lại bắn pháo lên. Tuy vậy cả làng vẫn cày cấy, thu hoạch bình thường. Không biết ở ngoài đó có mưa không chứ ở quê đã mưa dông rồi. Em chỉ nghe tin truyền mồm là anh đang đánh trận ở Điện Biên Phủ. Tây đông và mạnh lắm, cả một tập đoàn cứ điểm cơ mà. Không biết ta có đánh được không? Ở làng người ta huy động dân công đi Điện Biên hết đợt này đến đợt khác chẳng biết anh có gặp được ai không?...". Đọc đến đây cả tổ sững sờ. Anh Tình buột miệng:

- Sao mình không gặp ai cả?

- Họ ở sau, ta gặp sao được! - Ái trả lời vậy rồi lẩm bẩm:

- Lá thư này vượt 900 cây số mới đến tay Tỷ đó. Ở hậu phương họ lo cho ta nhiều quá!

Lòng tôi bỗng rộn lên nỗi nhớ. Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ em, nhớ bạn bè và đặc biệt là nhớ Nụ. Nụ nhuần nhị, hay cười tủm. Cứ cười là không giấu đâu được hai lúm đồng tiền hai bên má. Tôi mới được một lần cầm bàn tay nhỏ nhắn của Nụ. Chỉ một chốc thôi thì Nụ đã nhìn tôi tần ngần, rút vội tay ra rồi nhìn trước, nhìn sau...


Ôi ! Cứ hình dung đến vẻ mặt thèn thẹn của Nụ thì lòng tôi lại chộn rộn lên, rạo rực. Nhớ đến da diết. Nhớ đến lòng man mác khôn nguôi!

- Còn nữa không? Đọc đi chứ! - Tĩnh nhắc.

"... Em ở nhà cứ mường tượng anh nằm trong hào giao thông lầy lội, ăn uống khổ sở mà thương. Chúng em tuy khoai, sắn độn cơm nhưng cũng còn có phản, có chiếu mà nằm, mà ngủ...". Máy bay địch lại lồng lộn, rít lên. Lá ngụy trang trên giao thông hào bay lập sập. Tổ tản ra mỗi người một hầm. Đạn pháo nổ tới tấp, xới đất lên. Cả trận địa Hồng Cúm rung động. Tôi gấp nhanh thư để vào túi áo ngực. Súng, đạn, cuốc xẻng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Im lặng! Chờ đợi! Một phút... hai phút... không thấy gì. Anh Tĩnh, anh Ái lại chạy đến:

- Còn không? Đọc tiếp đi!

Tĩnh hỏi:

- Thư đâu rồi? Nụ viết hay quá, nghe mà sướng cả người. Lại còn hỏi "Không biết ta có đánh được không".

Tôi lấy thư ra tiếp tục đọc: "... Ở làng, ai cũng nhắc đến anh, riêng em chỉ mong anh mạnh khỏe, không ốm đau là em mừng lắm. Chẳng biết khi nào tìm gặp được anh đây! Cứ nghĩ đến lúc được gặp nhau thì vui biết chừng nào!..." Tôi ngẩn ngơ! Cả tổ ngơ ngẩn.

- Sao mà hay vậy!

Anh Vượng chạy qua truyền lệnh:

- Nó tấn công. Toàn tổ ra vị trí chiến đấu!

Chúng tôi mỗi người chạy đến bệ súng của mình nhằm thẳng về phía địch. Đạn đã lên nòng. Pháo nó lại trần từng thước đất. Bụi tung mù mịt. Sau đó là từng tốp Tây vừa chạy vừa bắn xối xả về phía chúng tôi. Chúng tôi vừa tránh đạn vừa quan sát, chờ lệnh. Địch tiến lên ào ạt. Ta im lặng.

Bốn mươi mét... Ba mươi mét... Hai nhăm mét...

- Bắn!

Lập tức chúng tôi xả đạn liên hồi, nhằm thẳng kẻ thù. Đồng thời ném lựu đạn tới tấp. Địch không tiến lên được phải rút lui về cố thủ.

Tôi chạy đến chỗ Ái. Ôi! Máu me! Ái gục xuống bên bệ súng, bê bết máu và đất. Ái chết rồi!

Mới đó Ái nói: "Sao mà hay vậy", vậy mà giờ không còn nữa!

Lá thư! Một lá thư vượt gần ngàn cây số đến với tôi không biết bao nhiêu là công lao của các chiến sĩ quân bưu. Thư cho biết sau tôi là cả một hậu phương lớn đang hướng về Điện Biên. Quê tôi cũng bị bom đạn cày xới. Gia đình tôi, Nụ của tôi đang chắt chiu từng miếng khoai gieo để gửi ra cho tôi.

Thật cảm động! Cái tình, cái nghĩa lớn lao là vậy làm sao chúng tôi lại không đánh được Tây kia chứ?

Tôi năm nay đã 73 tuổi, nhưng không thể nào quên được cái chết anh dũng của Ái. Cuộc sống yên bình của tôi và mọi người hôm nay là có sự đóng góp xương máu của những chiến sĩ như Phan Văn Ái, đồng đội của tôi!

P.V.T
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #47 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:30:57 am »

MỘT KỶ NIỆM "SUÝT CHẾT"


NGUYỄN MINH CHÍ


Câu chuyện xảy ra cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, bây giờ cứ mỗi lần nghĩ đến tôi lại thấy đó là một kỷ niệm đáng nhớ của một thời được vinh dự làm lính Cụ Hồ đi đắnh giặc.

Đó là vào khoảng tháng 3 năm 1954, khi mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước sang giai đoạn gay go ác liệt nhất. Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", mọi người ra trận phục vụ chiến dịch Điện Biên cứ đông vui như đi hội: Bộ đội, dân công, thanh niên xung phong có già, có trẻ, có nam, có nữ, đủ mọi tầng lớp, mọi phương tiện: ô tô, xe ngựa, xe thồ, quang sọt, gồng gánh...


Sau nhiều ngày đêm vất vả đi bộ hành quân từ hậu phương ra tiền tuyến, ngày nghỉ đêm đi, lên đến đỉnh đèo Cò Nòi, từ dưổi suối vọng lên giọng hò của một chị dân công Thanh Hóa, nghe lanh lảnh:

"Nghe tin anh đã gần về,
Lấy bốn hòn gạch mà kê chân giường".

Nghe câu hò chọc tức ngồ ngộ ấy của chị, cả đơn vị tôi chưa biết ứng xử như thế nào thì đại đội trưởng Ngân, một cán bộ Lục quân học ở Trung Quốc về người dong dỏng cao, đầu cạo trọc lóc, gọi tôi: "Chí đâu? Chí đâu? Đối! Đối đi!" Tất nhiên là tôi phải đối rồi, vì tôi là cây văn nghệ của đại đội. Tôi liền đối:

Thương em anh cũng muốn thương
Đây không có gạch, kê giường vào đâu?

Thế là tất cả dân công, bộ đội được một trận cười rất thoải mái. Cứ như thế, ít ra anh em chúng tôi cũng đi được dăm bảy cây số không biết mệt. Đơn vị đi ngược theo dòng suối cách đường cái 3 ki-lô-mét, làm lán trại trên một bãi đá dưới các gốc cây to có cành lá xum xuê.


Nơi tôi và Thanh làm việc hàng ngày là một căn hầm nhỏ đào sâu vào chân núi cạnh đường cái, trên nóc hầm là những cây gỗ ken dày để che mảnh bom đạn của địch. Trong hầm có một máy điện thoại để điều hành xe lên và xuống đèo, một đèn dầu Hoa Kỳ nhỏ bằng quả hồng xiêm, một khẩu K50, một khẩu các bin. Cách đó vài chục mét dựng một lán, đủ cho năm, bảy người nằm nghỉ khi chờ việc. Hàng ngày, tôi và Thanh vẫn lên đó nằm ngủ khi xong ca trực.


Như thường lệ, đêm nào cũng vậy, cô y tá đơn vị bạn ra đường cái chờ đón thương binh ở tuyến trước đưa về trạm, để hôm sau chuyển ngay anh em về hậu phương điều trị. Đêm ấy, cô chờ mãi đến hơn 3 giờ sáng chẳng thấy thương binh về, cô đành ngồi chờ ở lán đợi trời sáng mới dám về đơn vị.
Theo phân công tôi đi ngủ trước còn Thanh ở lại hầm để trực máy điện thoại. Sau nhiều ngày đêm làm việc căng thẳng, tôi chỉ kịp mắc màn là lăn ra ngủ như chết. Khi tôi tỉnh giấc dậy thì cha mẹ ơi: Người tôi đang ôm nằm ngủ không phải là thằng Thanh mọi hôm, mà là một người con gái, có mái tóc dài tôi sờ lên người cô ta thì đụng phải một cái gì đó không bình thường. Ở tuổi mười tám đôi mươi, đây là lần đầu tiên trong đời tay tôi chạm phải "vật lạ". Sợ quá, toàn thân tôi run lên. Tôi nín thở, co người lại, cố rón rén lăn ra khỏi màn.


Tôi đi xuống hầm làm việc. Thanh vẫn ngồi đó bên chiếc máy điện thoại và ngọn đèn dầu toả ánh sáng chỉ bằng hạt ngô. Thấy tôi, Thanh bảo "Bây giờ mày gác, tao lên lán ngủ". Tôi lo quá, nếu Thanh lên đó bây giờ thấy người con gái vẫn nằm trong màn tôi thì chuyện gì sẽ xảy ra? "Tình ngay, lý gian", tôi bảo Thanh: "Trời sắp sáng rồi mày tranh thủ ngồi đây mà ngủ. Và tôi phịa ra chuyện ở lán có nhiều kiến. Thanh nghe lời tôi, ngồi dựa lưng vào đường hầm ngủ một giấc ngon lành. Thật là hú vía! Tôi thở phào.

Khi những con gà rừng cất tiếng gáy báo hiệu một buổi sáng bắt đầu, tôi vội chạy lên lán gọi cô y tá dậy. Đến nơi thì thấy cô đang gấp chăn màn. Cô cười nói:

- Đêm qua em giành mất chỗ ngủ của anh.

Tôi cười và nói:

- Tôi bận làm nhiệm vụ.

Rồi tôi giục cô y tá đi ra nhanh lên kẻo thằng Thanh mà biết thì rách việc. Cô chào tôi và ra về. Cuộc "rút lui" an toàn.

Đấy, câu chuyện chỉ có vậy. Đã năm mươi năm trôi qua, mỗi lần nghĩ đến tôi lại toát mồ hôi, nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ ấy của thời chiến tranh, những con người thời ấy thật trong sáng.

Ở tuổi 70, tôi vẫn có mong ước được gặp lại Bùi Ngọc Thanh, dân tộc Mường, huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa, một con người hiền như đất, thật như đếm, đối với đồng đội thì chân tình cởi mở, đối với công việc thì hăng hái hoàn thành mặc dầu bom rơi, đạn nổ. Tôi cũng muốn tìm lại người con gái ấy quê ở huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ có đôi mắt đen, khuôn mặt bầu bầu, nước da trắng, mỗi lần gặp tôi cô cũng hay nhìn nhưng ít khi nhìn thẳng; nếu bây giờ còn sống thì cũng phải bà nội, bà ngoại rồi. Nếu được gặp lại tôi sẽ "hỏi tội" bà ấy tại sao đêm hôm đó lại tự ý chui vào màn tôi mà không hề bẩm báo? Chắc bà cũng sẽ buồn cười mà thưa: "Vì tiết trời Tây Bắc quá rét, muỗi nhiều, lại nhiều đêm mất ngủ, thôi đành liều mạng dùng chính sách con sư tử: Đầu gửi hai chân, sau gửi cả mình và cuối cùng là đuổi chủ nhân ra khỏi màn để chiếm chỗ".

Đấy là câu chuyện kỷ niệm "suýt chết" của tôi năm mươi năm trước!

N.M.C
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #48 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:32:12 am »

TRẬN TRUY KÍCH ĐỊCH, PHÁ PHÒNG TUYẾN SÔNG NẬM HU


NGUYỄN HIỀN


Cuối thu năm 1953, sau một thời gian dài chỉnh huấn chính trị, huấn luyện quân sự, toàn trung đoàn Thủ Đô ai nấy đều nóng lòng đi chiến đấu lập công, không khí chuẩn bị thật sôi nổi. Điều băn khoăn nổi lên lúc này là mở chiến dịch ở đâu? Đồng bằng hay rừng núi? Chỗ nào cũng râm ran bàn tán tiếng nhỏ, tiếng to. Các chiến sĩ hỏi: "Chuyến này đánh đồng bằng hay rừng núi đấy chính trị viên?". Trong đơn vị, hình thành hai phe, phe "đồng bằng", phe "rừng núi", phe nào cũng có lý lẽ khá là "sắc bén".


Trung tuần tháng 11 năm ấy theo lệnh cấp trên, trung đoàn tiến quân theo hướng Tây, vượt Sông Lô, Sông Hồng rồi hướng lên Tây Bắc, Sơn La. Phe "miền núi" được thể, phe "đồng bằng" vẫn chưa chịu: rồi các cậu xem, đến đường 6 rẽ quay ngoặt về Hòa Bình rồi xuống đồng bằng cho mà xem. Tranh luận cho vui thôi, chứ quân ta lúc nào cũng đã xác định "Đâu có giặc thì ta cứ đi". Cũng có anh chẳng vào phe nào cả: "Úi dà, đồng bằng hay miền núi cũng là đánh giặc, Bác Hồ bảo đi là đi, bảo đánh là thắng!".


Đến đường 6, bộ đội ta vẫn cứ rầm rập tiến lên hướng Bắc. Đến đây thì phe "đồng bằng" hết lý, mục tiêu đã rõ, chấm dứt tranh cãi. Hàng tháng trời hành quân, đêm đi, ngày nghỉ. Cứ 4 giờ chiều, cơm nước, ngụy trang xong xuôi, quân ta đã rập rình ở cửa rừng. Đường số 6 tấp nập bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, như con rắn khổng lồ trườn ngược lên phía Pha Đin. Bộ đội dân công gặp nhau vui như trẩy hội, hò hát, nói cười, suốt đêm quên mệt mỏi. Vượt đèo Pha Đin dài hơn 30 ki-lô-mét ngay trong đêm là một thách thức lớn. Vậy mà không ai chịu rời đơn vị, từng tiểu đội phân công người mang vác đỡ cho những anh em đau chân, yếu mệt.


Chiến dịch Trần Đình (tên mật chiến dịch Điện Biên) to và quan trọng lắm, ai cũng sợ không được tham gia nên phải cố bám đơn vị. Vượt đèo vào vị trí tập kết, đơn vị phải lội tắt rừng vừa đi vừa phát cây. Tiểu đoàn 18 ở khe Hồng Lếch phía Tây Mường Thanh gần sở chỉ huy trung đoàn được lệnh chỉ sau 1 ngày, công sự, hầm trú ẩn phải xong để tiếp đó làm chiến hào, đường cơ động chuẩn bị tấn công theo phương án "đánh nhanh, thắng nhanh"; máy bay bà già, khu trục quần đảo suốt ngày, thỉnh thoảng lại bắn vu vơ vào những nơi nó nghi ngờ.


Đại đội 263 của tôi có nhiệm vụ đánh tiêu diệt trận địa pháo sát sân bay của địch, sau đó phát triển cùng tiểu đoàn đánh cắt sân bay. Mọi người đều phấn khỏi tin tưởng. Cán bộ chiến sĩ đã đầy đủ trang bị, nai nịt gọn gàng. Đội hình đã dàn ra cửa rừng chờ mặt trời xuống núi là vào vị trí xuất phát tiến công.


Khoảng bảy tám giờ tối bỗng có lệnh: Dừng tấn công, trở về vị trí cũ, để lại bộc phá, chuẩn bị lương thực nhận nhiệm vụ mới! Lệnh hành quân, dòng người lại chuyển động trong đêm tối, người sau sờ ba lô người trước, bám nhau theo tiếng bước chân loạt soạt những mảnh gỗ mục phát sáng cài trên ba lô người đi trước. Cứ thế mò mẫm vượt núi đá Hồng Lếch đi ngược về hướng Tây sang Thượng Lào. Suốt đêm có lẽ cũng chỉ đi được vài cây số. Cán bộ chiến sĩ lúc này lại rộ tư tưởng: Lo không được tham gia đánh Điện Biên.


Sau này anh em được biết khi Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nhận lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi: "Sư đoàn đồng chí còn bao nhiêu lương thực?". Đại đoàn trưởng trả lời: "Chúng tôi còn 2 lạng gạo mỗi người nhưng "Quân lệnh như sơn", xin chấp hành mệnh lệnh cùa Đại tướng". Ý chí và quyết tâm của người chỉ huy đã trở thành lòng dũng cảm, ý thức tổ chức kỷ luật của mọi cán bộ chiến sĩ: không sợ đói, mệt, chỉ sợ không được tham gia đánh trận Điện Biên. Vừa hành quân, bộ đội vừa được phổ biến về tình hình và nhiệm vụ: Thay đổi cách đánh, chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến thắng". Hoãn tiến công. Kéo pháo ra chuẩn bị tiến công theo cách đánh mới. Đại đoàn 308 có nhiệm vụ tái công phá tan phòng tuyến sông Nạm Hù từ Luông Pha Băng đến Mường Ngòi, Mường Khoa nối với Điện Biên Phủ. Phòng tuyến này là nơi xung yếu và sơ hở của địch. Quân ta tấn công vào đây còn để gây cho địch tâm lý chủ quan cho rằng Việt Minh không đánh được tập đoàn cứ điểm Điện Biên nên chuyển hướng tấn công sang Lào.


Suốt đêm 26 sang ngày 27, ngày 28 tháng 1, đơn vị đi miết theo đường mòn trên núi, đội hình kéo dài, nhiều cây số, đói khát, chân đau, thỉnh thoảng nhai một nhúm gạo rang với nước suối. Đã xuất hiện tư tưởng chán nản, mệt mỏi. Sang ngày 29, trinh sát báo tin địch đã bỏ chạy khỏi Mường Khoa. Quên hết mệt mỏi, toàn đơn vị tức tốc truy kích, quyết tâm thực hiện mục đích tiêu diệt sinh lực địch, phá tan âm mưu của chúng, theo đường mòn, vết tích địch trên đường còn mới: dấu giầy đinh, mẩu thuốc lá, cây cỏ bên đường gẫy dập, vỏ đồ hộp... Đến khoảng 9-10 giờ tổ trinh sát phát hiện có một toán địch đang nghỉ, toán truy kích chạy đầu gồm tôi - chính trị viên đại đội, trung đội trưởng Nhạn, tiểu đội trưởng trinh sát Nghệ, tiểu đội trưởng Thêm, khoảng mươi chiến sĩ. Chúng tôi quyết định tấn công, bí mật tiếp cận, đánh bất ngờ áp đảo bọn địch đang hoang mang, chọn thế núi thuận lợi tập trung hỏa lực trung liên và tiểu liên vào khúc giữa đội hình địch bắn xối xả. Bọn địch hoảng loạn chạy dạt sang hai bên nhảy thục mạng xuống khe đá, quân ta vọt lên vượt qua đội hình phía sau của địch truy đuổi bọn đi trước. Máy bay "bà già", khu trục của địch lồng lộn ưên đầu nhưng không dám bắn. Nghe tiếng súng nổ, lực lượng phía sau của ta chạy lên cùng sục bắt tù binh suốt buổi chiều. Tiếng súng âm vang núi rừng đại ngàn. Trận đánh ngày đầu tiên này quân ta diệt hàng trăm địch, bắt sống 40 lính Tabo và lính PMT. Chúng khai là thuộc Tiểu đoàn 2 Tabo, Trung đoàn Lê dương số 3.


Chiến công đầu của đơn vị làm tăng thêm quyết tâm chiến đấu và vơi đi cái đói mệt. Anh nuôi gồng gánh cồng kềnh không theo kịp bộ đội và có kịp cũng chẳng có gạo để nấu cơm. Quân ta thu lương thực của địch ăn để lấy sức truy đuổi. Nghỉ vài tiếng mai táng một liệt sĩ, giao tù binh cho lực lượng đi sau, khi con gà rừng gáy te te lại thúc nhau dậy đuổi địch. Bọn chúng ở phía trước còn 1 tiểu đoàn chưa chạy thoát, thỉnh thoảng lại có mấy tên giơ tay hàng.


Khoảng 8 - 9 giờ sáng ngày 31 mới gặp được một bản người Mông gọi là bản Giang Tơi. Đến nơi thấy bà con đang mổ lợn, con trai, con gái mặc quần áo mới. Thì ra đồng bào chuẩn bị ăn tết. Hỏi thằng Tây có chạy qua đây không, họ chỉ ngược chỉ xuôi lung tung. Thấy có dấu hiệu đáng ngờ, tôi cử tiểu đội trưởng trinh sát Nghệ dẫn mấy chiến sĩ vào nhà dân lấy cớ xin nước để nắm tình hình. Một loáng sau, đồng chí Nghệ ra báo cáo "có địch". Chúng tôi bèn sục vào các nhà gọi hàng: "Hô lê manh!". Hàng chục tên lính Tây, đứa thì rúc vào đống ngô góc nhà, đứa thì nằm trên giường lấy váy phụ nữ trùm kín. Giao tù binh cho lực lượng đi sau, chúng tôi tiếp tục đuổi địch theo vết tích để lại trên đường, càng đuổi càng khỏe.


Khoảng 12 giờ ngày 31 tháng 1, đến gần bản Long Ngà, tổ trinh sát đụng với tổ cảnh giới của địch, chúng bắn loạn xạ rồi chạy vào bản. Lúc này, lực lượng phía sau của ta đã chạy lên kịp. Đại đội trưởng Vi hạ lệnh tấn công ngay bằng hai mũi phía trước và phía sau. Địch chống lại yếu ớt rồi bỏ chạy, có đứa bỏ cả súng, cơm thịt đổ tung toé. Bọn tù binh khai còn khoảng gần hai đại đội đang cố chạy về Mường Sài. Quân ta lập tức lại truy đuổi. Đã có vài anh em bị thương nhẹ, riêng đại đội trưởng Vi bị thương nặng phải đưa về phía sau.


Sáng ngày 1 tháng 2, cách Mường Sài khoảng 1 ki-lô-mét, chúng tôi bắt gặp một lực lượng gồm một đại đội địch đang tìm đường vào cứ điểm. Chúng tôi tấn công, diệt hàng chục tên, bắt sống một số, còn mấy thằng chạy thục mạng vào cứ điểm lại bị quân bên trong Mường Sài hoảng loạn xả súng bắn ra, có tên chết, có tên bị thương. Chúng tôi được lệnh tạm ngừng, ở Mường Sài đã hình thành một tập đoàn cứ điểm, mới được tăng thêm ba tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh.


Sau khi tập hợp quân, Trung đoàn chuyển sang bao vây, vừa xây dựng trận địa vừa cử người cùng các đồng chí bộ đội Pathét Lào vào bản nhờ dân giúp đỡ lương thực. Mỗi người được một nắm cơm nếp của bà con Lào ăn mừng thắng lợi và đón xuân.


Cuộc tấn công phá tan phòng tuyến sông Nậm Hu bằng một trận truy kích diễn ra 5 - 6 ngày trên hơn 200 ki-lô-mét đường rừng Thượng Lào. Hai tiểu đoàn Lê dương ở Mường Khoa bỏ chạy, bị quân ta đuổi kịp và đánh liên tiếp trên dọc đường, bắt sống hàng trăm tên, số ít thoát chết cố chạy về Mường Sài. Trung đoàn Thủ Đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh trung đoàn bàn giao lại nhiệm vụ bao vây Mường Khoa cho một đơn vị bạn rồi gấp rút hành quân về Điện Biên Phủ. Cuộc tấn công thắng lợi lớn, phòng tuyến sông Nậm Hu tan vỡ. Hậu phương chiến dịch mở rộng tạo được thế vững chắc cho quân ta tấn công Điện Biên Phủ. Toàn trung đoàn lại mải miết hành quân về Điện Biên Phủ trong không khí chiến thắng, đơn vị vui mừng náo nức là vẫn còn được tham gia đánh Điện Biên Phủ.


Trở về khe Hồng Lếch nghỉ ngơi tắm giặt, vá quần áo, một ngày sau đó đơn vị lại tiếp tục đào hào chuẩn bị trận đánh mới. Lính ta phấn khởi bàn tán. "Đại tướng mình thánh thật". "Thánh thật", tức là anh em hiểu rằng việc điều binh của ta đã làm cho tướng Nava lúng túng bị động điều quân lung tung. Quân ta đánh vào Muờng Thanh là hoàn toàn yên tâm về phía sau, cứ việc ra sức mà đào hào giao thông dũi sâu vào giữa cánh đồng Mường Thanh. Ai cũng mong tới ngày được tấn công vào trung tâm Mường Thanh. Các mũi, các hướng ngày càng khép kín bao vây chặt lấy Mường Thanh. Nghe tin chiến thắng Him Lam, Độc Lập, rồi đồn bản Kéo địch ra hàng, càng sốt ruột muốn được chiến đấu lập công.


Lãnh đạo luôn nhắc nhở kiên trì phương châm "đánh chắc, tiến chắc".

N.H.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #49 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:33:15 am »

VĂN CÔNG ĐI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN


NGÔ THỊ NGỌC DIỆP


Trung tuần tháng 12 năm 1953, đội văn công Đại đoàn 308 chúng tôi được lệnh lên đường đi chiến dịch. Ai nấy đều náo nức chuẩn bị hành trang, tranh thủ tập thêm một số tiết mục gọn nhẹ để vừa đi đường, vừa biểu diễn động viên bộ đội. Tôi tuy là "phái yếu" nhưng đang ở độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu" nên trang bị cũng không kém mọi người: Ba lô, bao gạo trên vai; ống nước, cuốc, xẻng, lựu đạn ngang lưng. Chúng tôi hành quân từ Thái Nguyên qua đèo Khế sang Tuyên Quang, vượt sông Lô sang Yên Bái, tiếp tục vượt sông Hồng, sông Đà ngược đường lên Tây Bắc.


Lúc này chúng tôi mới chính thức được biết về nhiệm vụ của đơn vị là tham gia chiến dịch Trần Đình, khi đến địa điểm tập kết mới biết đó là bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi hành quân trong đội hình các đơn vị chiến đấu của Trung đoàn Thủ Đô. Để phục vụ bộ đội trên chặng đường dài, cứ mỗi đêm hành quân chúng tôi lại chia lẻ ra từng tổ từ một đến hai người đi cùng một tiểu đội chiến đấu; đến chặng nghỉ mới về tập trung. Sáng ra chúng tôi dậy sớm, đào hầm tránh máy bay và tranh thủ tập tiết mục để 5 giờ chiều lại phân tán xuống các đơn vị chiến đấu.


Cứ như thế cuộc hành quân kéo dài đêm này qua đêm khác trên chặng đường từ Thái Nguyên tới Điện Biên Phủ. Mỗi khi bộ đội được lệnh dừng chân nghỉ 10 phút, chúng tôi cùng các chiến sĩ hát vang bài "Qua miền Tây Bắc" của nhạc sĩ Nguyễn Thành. Có lần, tôi và nghệ sĩ Xuân Thức tranh thủ múa điệu "Khoe giầy" của Trung Quốc. Nhớ lại, chính điệu múa "Khoe giầy" này, tôi và nghệ sĩ Lượng đã múa để Bác Hồ xem khi Người đến thăm Đại đoàn sau chiến dịch Tây Bắc (1952). Khi chúng tôi múa xong, Bác cười vui, hỏi: "Múa khoe giầy" sao các cháu lại đi dép?". Tôi còn đang lúng túng thì Bác đã nói tiếp: "Thôi được, sau cải cách ruộng đất thì các cháu tha hồ có giầy mà khoe"... Giờ đây khi chúng tôi múa điệu "Xoè hoa" của dân tộc Thái, đúng ra trên tay mỗi diễn viên phải có một chùm nhạc, nhưng vì trang bị của văn công lúc này còn thiếu thốn, chúng tôi phải trang bị cho mỗi diễn viên một xâu nắp bật lửa để khi múa rung lên tiếng xủng xoảng thay cho tiếng các quả nhạc. Múa dưới ánh trăng mờ mà các chiến sĩ vẫn phát hiện ra chúng tôi đã thay quả nhạc bằng một xâu nắp bật lửa và từ đó họ gọi điệu múa này là "Xoè bật lửa"...


Vào chiến dịch, chúng tôi biểu diễn phục vụ các đơn vị của Đại đoàn thường là vào ban ngày vì ban đêm không được đốt lửa. Khi thì chúng tôi vào các lán thương binh hát, khi thì phục vụ dân công. Dân công rất vui nhộn, người người gánh gạo, đạn dược, hàng đoàn xe đạp thồ đông như kiến từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Phú Thọ lên, ai cũng hò "a li hò lờ" rất say sưa.


Chuẩn bị tổng công kích, bộ đội đào hào giao thông cắt sân bay Mường Thanh để đánh lấn vào chỉ huy sở của địch. Chúng tôi bám sát phục vụ bộ đội, ban ngày ở hầm trú ẩn, dưới lùm cây thì hát, ban đêm, đi theo bộ đội đào hào cũng hát hò, đọc thơ ca.


Thời gian này, tôi và nghệ sĩ Phùng Đệ được giao nhiệm vụ thêu lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" cho đơn vị. Chúng tôi chỉ được giao một mảnh vải đỏ, còn các nguyên liệu khác phải tự lo. Thật nan giải, giữa rừng đại ngàn, lấy đâu ra những thứ đó? Nhưng "trong cái khó đã ló cái khôn". Hai anh em bàn cách lấy cuộn băng cứu thương cá nhân nhuộm vàng bằng thuốc ký ninh vàng (thuốc chống sốt rét) giã nhỏ hòa với nước rồi tước những sợi dọc ra làm chi thêu màu vàng, còn ngôi sao vàng và chữ "Quyết chiến quyết thắng" thì lấy giấy báo cắt làm ruột, cuộn băng vàng cắt theo rộng hơn rồi gập lại khâu lặn mũi. Thế là ngôi sao và dòng chữ "Quyết chiến quyết thắng" màu vàng tươi hiện lên trên nền cờ đỏ cũng tươm ra phết. Còn tua cờ thì sao? Chúng tôi lấy ruột dây dù bộ đội cho văn công đan võng làm tua, trông cũng mềm ra trò... Thật chẳng may, giữa lúc vội nhất, tôi bị lên cơn sốt rét đến ghê người. Nó cứ đeo đẳng tôi suốt đợt hành quân ra hỏa tuyến nhưng tôi vẫn vừa "khâu" cờ vừa đi. Cũng không nhớ sau bao nhiêu ngày chúng tôi đã hoàn thành lá cờ. Rồi lá cờ đã kịp thời được mang ra tận chiến hào trao cho đơn vị chủ công của Đại đoàn trước giờ xuất kích.


Ngày 7 tháng 5 năm 1954, tin quân ta thắng trận, tướng Đờ-cát và toàn bộ chỉ huy quân địch đã đầu hàng làm chúng tôi vui sướng tột cùng, ai cũng nhảy lên reo hò.

Chúng tôi được dự cuộc mít tinh mừng chiến thắng do Bộ chỉ huy mặt trận tổ chức tại Mường Phăng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc diễn văn, có cả bắn súng chào mừng, bắn pháo sáng xanh đỏ sáng rực một góc trời.


Hôm sau chúng tôi còn được biểu diễn phục vụ Bộ chỉ huy mặt trận và Đại tưóng Võ Nguyên Giáp rồi mới kéo quân về khu căn cứ ở Thái Nguyên dưới chân núi Hổng, dự đại hội văn công toàn quân. Sau Hội nghị Giơnevơ (1954) chúng tôi được về tập trung thành lập Đoàn văn công Tổng cục Chính trị và về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.


Thấm thoắt đã 50 năm, mỗi lần kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ là lòng tôi lại trào dâng niềm tự hào vui sướng vì mình đã có vinh dự góp phần nhỏ bé vào trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc, làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.

N.T.N.D
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM