Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:53:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Âm vang Điện Biên  (Đọc 2670 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:34:19 am »

NGƯỜI ĐÀ GÓP CÔNG VÀO "TIẾNG NỔ NGÀN CÂN"


PHAN THẾ HẠO


Đầu năm 1952 Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320) chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh tiến vào Thái Bình, cùng nhân dân vùng hậu địch đánh giặc Pháp. Đồn bốt, tháp canh của địch bị nhổ hàng loạt, những binh đoàn cơ động mạnh bị thất bại trong các trận càn. Bọn lính Pháp, vệ sĩ, Lê dương, bảo an, tề ngụy tan rã từng mảng. Cũng như các làng khác ở vùng này, làng Thọ Cách, xã An Thọ, huyện Thụy Anh (nay là xã Thụy Quỳnh - huyện Thái Thụy) được giải phóng.


Đây là quê hương nơi chôn rau, cắt rốn của anh thanh niên Nguyễn Đức Nhứ. Phấn khởi như chim sổ lồng, Nhứ cùng đông đảo trai làng náo nức tòng quân. Nhứ được nhận vào Đại đội 52 - Tiểu đoàn 346 - Trung đoàn 57 - Đại đoàn 304. Sau mấy tháng huấn luyện, Nhứ được dự chiến dịch Hòa Bình, là xạ thủ súng trung liên Bờrennô.


Vào những ngày giáp tết Giáp Ngọ (1954), đơn vị Nhứ được lệnh hành quân đi tham gia chiến dịch Trần Đình (Điện Biên). Trời rét cắt da cắt thịt, áo quần không đủ ấm, ăn uống kham khổ, thiếu thốn... Nhưng tinh thần toàn đơn vị hào hứng được có mặt trong một chiến dịch lớn. Công việc hàng ngày rất khẩn trương: Đào hầm trú quân, hầm chiến đấu, hầm đặt pháo, làm trận địa giả, chặt cây, bổ củi, vận chuyển gạo muối vv... chạy đua với thời gian cho kịp ngày giờ mở màn chiến dịch. Nhận những món quà nhân dân gửi đến: bánh chưng, thuốc lá, thuốc lào, bánh kẹo..., bộ đội mới chợt nhớ ra là Tết đã đến và hiểu rằng hậu phương đang gửi gắm niềm tin, ngóng trông, chờ đợi bộ đội chiến thắng, lập công.


Mở đầu chiến dịch, đơn vị Nhứ được giao nhiệm vụ diệt địch ở cứ điểm đồi Him Lam. Vòng vây chiến hào ngày càng thít chặt bọn giặc trong các boong ke, lô cốt. Nhiều lần chúng nống ra nhưng bị đánh bật trở lại và bị thương vong nặng nề.


Lần lượt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt. Bản Kéo đầu hàng. Viên tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ tự sát. Cánh cửa vào khu trung tâm đã mở. Khẩu trung liên do Nhứ làm xạ thủ chính, đã góp phần lập chiến công trong các trận mở đầu. Tiểu đội của anh Nhứ có hai đồng đội đã nằm lại, sau này an táng ở nghĩa ừang đồi Độc Lập.


Đơn vị của Nhứ ra vòng ngoài chấn chỉnh đội ngũ, nghỉ ngơi ít ngày rồi chuyển sang chiến đấu ở khu đồi A1. Đại đội của Nhứ phối hợp với bộ đội công binh, ngày đêm vừa đào khoét hầm dưới tầng sâu, vừa chiến đấu với bọn địch nống ra. Căn hầm cứ mỗi ngày dài thêm, thọc sâu vào lô cốt A1, từng quãng có hầm nhánh chọc lỗ thông hơi lấy ánh sáng và không khí. Kẻ địch dù biết nhưng đành bất lực vô hiệu hóa pháo của chúng. Hầm ngày càng sâu, càng xa, bộ đội ta dùng những cánh vải dù của địch thả lạc ra ngoài hàng rào khâu thành bao, xúc đất vào bao rồi buộc dây, phát tín hiệu cho người ngoài cửa hầm kéo đất đá ra đổ vào rừng. Công việc cứ như thế, bao nhiêu ngày đêm, Nhứ không nhớ rõ. Hầm đào xong, chuyển bộc phá vào, từng bọc từng bọc, chuyển mãi, chuyển mãi. Sau này mới biết tất cả là một tấn thuốc nổ đưa vào hầm, sát chân lô cốt trung tâm đồi A1. Lệnh khẩn cấp: "Tất cả khẩn trương ra khỏi hầm và vượt xa cửa". Mấy chục phút sau một tiếng nổ ùng ục, nghe rất nặng chấn động núi rừng, tưởng chừng quả đồi nứt toác. Đó là tiếng nổ của 1.000 kg bộc phá mà chính Nhứ đã góp sức chuyển vào hầm. Tiếng súng, tiếng gào rú của xe tăng địch im bặt. Lúc ấy là tảng sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954. Cứ điểm đồi A1, yết hầu của địch đã bị đánh sập. Sân bay, cầu Mường Thanh và sở chỉ huy của Đờ-cát chịu chung số phận vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Trên đồi A1, lô cốt bê tông cốt sắt bị nứt, chiếc xe tăng nằm gục trước cửa hầm là những dấu hiệu của chiến tích "Tiếng nổ ngàn cân". Trong trận này, Nhứ bị chẩn động thần kinh rất mạnh, ù tai nhức đầu, hơn chục năm sau anh bị điếc hẳn.


Chiều và đêm ngày 7 tháng 5 năm 1954, tiếng bom đạn, máy bay, xe tăng địch im bặt. Thay vào đó là tiếng reo hò như sấm dậy vang động núi rừng. Bộ đội, dân công, đồng bào các dân tộc, ôm nhau mừng vui khôn xiết. Núi rừng như chật lại, lửa đỏ sáng rực trời Điện Biên soi rõ cảnh vật, cả núi rừng Tây Bắc đêm nay không ngủ mừng trận Đại thắng.

(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Đức Nhứ)
P.T.H
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #51 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:36:28 am »

THỜI TUỔI TRẺ ĐẸP NHẤT


TRẦN HỒNG SƠN

Nữ đại tá, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Thành, nguyên là chủ nhiệm khoa sản quân y Viện 175, hiện ở tại 105/11 Nguyễn Kiệm phường 3, quận Gò vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Về cuộc sống đời thường chị vẫn luôn giữ được phong thái "Bộ đội Cụ Hồ". Chị có khuôn mặt đôn hậu, ít hói, miệng luôn nở nụ cười vui vẻ thân tình. Là cựu chiến binh sinh hoạt hội cùng chị, cho nên thường được nghe chị kể lại những mẩu chuyện chiến đấu, cũng như những nỗi vui buồn riêng tư của chị. Tuy nay đã ở vào tuổi 70 nhưng chị còn rất minh mẫn và đầy ắp những kỷ niệm của thời thanh xuân.


Chị sinh ra trong môt gia đình nghèo khổ, lúc bảy tuổi phải đi làm con nuôi, cho nên vừa đến tuổi thành niên chị đã lấy chồng để mong sớm có nơi tương tựa. Chồng chị đi bộ đội. Ít lâu sau, vào năm 1952 chị cũng đi thanh niên hỏa tuyến. Năm 1953 chị được chuyển vào quân đội và cuộc đời binh nghiệp của chị bắt đầu từ đấy. Chị được về Đại đoàn 316 chiến đấu ở tuyến trước, mặt trận Điện Biên. Bộ đội "kéo pháo vào rồi kéo pháo ra" thì Thành và các chị em cùng đơn vị cũng "vác đạn vào rồi vác đạn ra" theo pháo. Thông thường chị em phân công nhau cử hai người khiêng một thùng đạn. Riêng chị Thành "đánh" một lần hai thùng đạn. Đường đi gập ghềnh dốc núi phải hết sức cẩn thận, chỉ cần một sơ ý nhỏ, trượt chân là lập tức người và đạn sẽ lao xuống vực sâu.


Vào chiến đấu, với nhiệm vụ cứu thương, chị đã không quản ngày đêm vượt qua mưa đạn, đến từng chiến hào, từng vị trí chiến đấu để sơ cứu cho thương binh. Lúc thì chị cõng, lúc thì vác từng thương binh chạy dưới bom đạn địch, nhanh nhẹn, dũng cảm không quản hy sinh. Vào giai đoạn đánh lớn, bộ đội ta bị thương nhiều, thương binh nhiều quá tải, phải đào thêm nhiều hầm. Chị cẩn thận đến từng căn hầm đánh dấu hướng nằm của thương binh để phòng khi sập hầm, thì lập tức đào bới phía đầu trước để kịp thời cứu thương binh khỏi bị ngạt thở...


Mùa đông đến, cái rét lạnh của núi rừng Tây Bắc thật ác nghiệt. Chị em mỗi người chỉ có hai bộ quần áo vải mỏng và chiếc chăn đơn. Nhưng thấy anh em thương binh rét lạnh, chị em đã nhường chăn đắp cho thương binh, còn chị em tối lại nằm úp thìa với nhau cố quên đi giá lạnh mà ngủ. Vào chiến dịch, công tác bận rộn, ba mươi tết vẫn đi công tác. Tối đến, đơn vị được chia mỗi người một lạng thịt, một lạng gạo, chị em chung nhau nấu ăn gọi là "Tết Điện Biên".


Đơn vị thường xuyên cơ động truy kích địch. Một lần chị đau chân chân, đơn vị cho ở lại về tuyến sau tạm nghỉ. Nghe tin, chị đã gặp cán bộ chỉ huy nằng nặc xin ở lại. Thấy chị hăng hái nhiệt tình, đơn vị để chị cùng hành quân. Anh em thấy chân chị đau, giày đã rách, nên đã để con trâu cho chị cưỡi. Con trâu bướng bỉnh không chịu đi theo đường cùng bộ đội mà cứ luồn rừng mà đi. Mặt mũi tay chân chị bị gai cào chảy máu, quần áo rách bươm...


Giữa chiến dịch, tại mặt trận, đơn vị tổ chức hội nghị thi đua nhằm động viên kịp thời khí thế chiến đấu của bộ đội. Chị Thành được cử đi dự đại hội, chị được bầu là Chiến sĩ Thi đua, được tặng huy hiệu Bác Hồ và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.


Chiến dịch Điện Biên kết thúc. Sau bao năm xa cách, chị được gặp lại chồng và được chuyển về công tác với chồng ở Sư đoàn 312. Một thời gian sau, chị sinh con rồi được chuyển về Hà Nội. Trong hoàn cảnh chồng đi xa, vừa làm việc vừa chăm sóc con, chị vẫn tranh thủ học bổ túc văn hóa để thi vào đại học y khoa. Nhiều khi không gửi con cho ai được, chị phải nhốt con trong nhà để đi học. Nhờ kiên trì, bền bỉ và thông minh, ở vào tuổi ba mươi chị đã thi đậu vào trường đại học y khoa Hà Nội vào loại khá. Sau một thời gian đèn sách, chị đã tốt nghiệp, nhận bằng bác sĩ và về công tác ở Viện Quân y 108. Từ bác sĩ, dần dần chị lên làm phó chủ nhiệm khoa. Sau gần 20 năm công tác tại Viện Quân y 108, chị đã có 12 năm được bầu là Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng. Năm 1973, được tin chồng hy sinh, chị rất buồn, song đã biến đau thương thành sức mạnh để vươn lên chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công lần thứ hai.


Cuối năm 1984 chị được cử đi cùng đoàn chuyên gia quân sự sang công tác tại nước bạn Lào. Sau gần 4 năm công tác ở Lào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chị được tặng Huân chương Chiến công lần thứ ba.


Về nước năm 1988, chị được chuyển vào công tác tại Viện Quân y 175 thành phố Hồ Chí Minh. Với cương vị chủ nhiệm khoa sản, chị đã cùng với cán bộ đơn vị chăm lo bồi dưỡng kèm cặp lớp thầy thuốc trẻ, luôn luôn thể hiện đức tính khiêm tốn hòa đồng, được mọi người yêu mến, quý trọng, tôn vinh là người chị cả của khoa và đơn vị.


Năm 1998 chị về nghỉ hưu. Sau 48 năm công tác chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chị đã có 17 năm là Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng. Chị đã có mặt trong mọi giai đoạn chiến tranh quyết liệt, từ trận Điện Biên lịch sử 1954 đến cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược với trận Điện Biên Phủ trên không, cuộc chiến ưanh ở biên giới Tây Nam, luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương các loại và hàng chục huy hiệu mà trong đó có 2 huy hiệu chị trân trọng hơn cả là huy hiệu Bác Hồ và huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ.


Về gia đình riêng, chồng chị là trung tá Dương Ngọc Lâm đã từng tham gia chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên cùng chị, về công tác ở Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hy sinh năm 1973 trong khi đi làm nhiệm vụ, lúc mới ngoài 40 tuổi. Các con chị, con gái đầu Lan Thanh là bác sĩ chủ nhiệm phòng khám quân y Viện 175, con trai Dương Ngọc Lân tốt nghiệp đại học.


Trong cuộc sống đời thường, chị Nguyễn Thị Thành luôn luôn giữ vững phẩm giá "Bộ đội Cụ Hồ" được mọi người thương yêu quý mến. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, chị nhớ lại biết bao kỷ niệm buồn vui như một cuộn phim dài ghi lại một thời đã qua. Chị tự hào có một thời tuổi trẻ thật đẹp gắn với một tên gọi vẻ vang, đó là "Điện Biên Phủ".

TsH.S
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #52 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:37:44 am »

ĐEM SỨC TRẺ ĐIỆN BIÊN VỀ XÂY DỰNG QUÊ NHÀ


NGUYỄN BỔNG


Nghe tin có khách, cụ Phan Ngọc Thực chiến sĩ Điện Biên năm xưa đang buộc lại giàn trầu cho cụ bà đon đả đón tôi vào nhà. Cụ bà cũng là chiến sĩ Điện Biên, miệng đang bỏm bẻm nhai trầu, vui vẻ mời tôi chén nước vối nóng.


Qua chuyện hàn huyên, theo yêu cầu của tôi, cụ Thực đã vui lòng kể lại cuộc đời của cụ, từ một "chiến sĩ" Điện Biên tuổi 20, đến nay, nghỉ hưu về công tác ở quê nhà.

Sau đây là câu chuyện của cụ Thực:

"Tôi nhập ngũ cuối 1950, được vào đơn vị trinh sát của Đại đoàn 312. Năm 1954, tôi được tham gia chiến dịch Điện Biên. Hồi ấy quân ta đang vây ép đồi Độc Lập. Bữa ăn trên trận địa thường là cơm vắt, muối rang. Các mế gửi cho thuốc hút nguyên lá và thú vị nhất là có cả trầu cau. Chao ôi! Nhai miếng trầu tôi như được tiếp sức, người nóng lên. Ở đây chỉ có mình tôi ăn trầu. Mấy miếng chưa ăn đến, tôi cất vào túi ngực. Tinh cờ có đoàn tải thương đi ngang qua, dừng lại tạm nghỉ. Nhìn mấy chị em quần áo ướt sũng, tím tái môi, má mà thương. Chợt nhớ ra, tôi moi mấy miếng trầu trao cho chị em. Họ cảm ơn rối rít. Một cô tinh nghịch, tặng tôi một cái liếc mắt tưởng chừng còn dài hơn cả chiến hào.


Mặc dù đã được chỉnh quân, thế mà tôi không thể tưởng tượng được, tại sao chỉ cơm vắt, xẻng tay mà bộ đội ta lại có thể đào được nhiều hầm hào trong sỏi đá dưới đạn bom đến thế. Lính trinh sát chúng tôi nằm nhiều hơn ngồi, bò nhiều hơn đi, đi bằng tay nhiều hơn bằng chân. Riêng chỉ hai con mắt thì không được chớp khi đã bắt được mục tiêu. Tôi đã chiến đấu 8 trận, hai lần bị thương vì sức ép bom. Từ tiểu đội phó, tôi lên trung đội trưởng, thay đồng chí trung đội trưởng hy sinh. Trận cuối cùng tôi dự là trận đồi Độc Lập. Ta và địch nhìn rõ cúc áo nhau. Đêm ta đào hào, ngày chúng nó có phi pháo yểm trợ, lấn ra lấp hào. Lại đào, lại vây, lại chui sâu vào lòng đất. Giành giật nhau từng tấc đất dưới bùng nhùng dây thép gai và khói pháo, đạn, mìn khét lẹt.


Sáng 30 tháng 4 năm 1954, ta mở đợt xung phong độn thổ xuyên rào. Địch bị bất ngờ, bắn như vãi đạn rồi bỏ chạy. Trung đội tôi vồ được 3 tên địch, tiêu diệt 12 tên. Do hỏa lực của địch quá mạnh, quân ta phải tạm dừng. 5 chiến sĩ bị thương, hy sinh 2. Trung đội chỉ còn 11 tay súng, 2 khẩu trường Mát và khẩu Tôm-xông thu được của địch là còn đạn. Chờ tiếp viện, phải bắn chính xác, dè sẻn từng viên đạn. Quả lựu đạn "chầy" cuối cùng của chúng tôi đã tọng đúng ổ súng máy của địch. Chớp thời cơ, tôi vọt lên khỏi chiến hào, vung tay ném một hòn đất giả lựu đạn để bọn địch phải cúi xuống. Chúng tôi hô xung phong! Rồi xông lên đánh giáp lá cà với bọn Lê dương. Bất ngờ tôi trúng đạn, đổ vật xuống, chân phải tê dại, máu đầm đìa.


Thế là, giữa lúc Điện Biên sắp giải phóng đến nơi rồi mà tôi phải ngậm ngùi, rời trận địa. Lời hứa của thủ trưởng Nguyễn Chuông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi Đại tướng về thăm đơn vị ngày đầu chiến dịch vẫn văng vẳng bên tai tôi: "Đoàn kết, anh dũng chiến đấu, lập công đầu, giải phóng Điện Biên". Nước mắt tôi trào ra.


Tại Viện K34, thương binh chuyển về chật cứng. Thiếu thốn trăm bề. Các bác sĩ, y tá, hộ lý ở đây không có khái niệm nghỉ. Họ phải giành giật với thần chết sự sống mỏng manh của các thương binh. Cô hộ lý vừa động viên tôi vừa nhẹ nhàng thay băng. Mảng lá chuối tươi hơ lửa thay bông được áp vào vết thương và băng lại bằng mọi thứ vải. Dùng lá chuối băng như vậy ngăn được vi khuẩn và khi thay băng không bị dính, đỡ đau, nhanh lành.


Tôi bỗng nhận ra một cô hộ lý quen quen. Đúng rồi, chính là cái cô hộ lý mà tôi đã biếu miếng trầu ở chiến hào bữa nọ. Cô cũng nhận ra tôi và vui mừng như gặp lại một người thân tự bao giờ. Vết thương của tôi dần lên da non và tình yêu giữa hai chúng tôi cũng bắt đầu từ đấy, rồi sau này chúng tôi thành vợ chồng.


Năm 1957, tôi phục viên về làm xã đội trưởng được 4 năm rồi lại vào "Thanh niên xung phong", ngược Na Mèo - Sầm Nưa sang giúp nước bạn Lào. Năm 1962, tôi chuyển ngành về Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn. Năm 1973 sang công tác tại Chi cục kiểm lâm Bắc Thái cho đến 1983 thì về hưu. Bà nhà tôi cũng mãi đến năm 1983 mới về nghỉ, cả quá trình công tác, tôi và bà ấy cứ như vợ chồng ngâu. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn có hai con, hai chú bộ đội đánh Mỹ, nay đã phục viên, có vợ con.


Giờ đây đã về già, nhưng mỗi khi nghĩ đến Điện Biên tôi lại thấy rạo rực sức trẻ tuổi đôi mươi. Biết bao chiến sĩ đồng bào đã cống hiến sức người sức của cho Điện Biên. Bao máu đào đổ xuống ở tuổi đôi mươi. Họ trẻ mãi với Điện Biên.


Hàng năm, vào ngày 7 tháng 5, hội quân tình nguyện chúng tôi họp mặt. Chúng tôi hứa với nhau, dù hoàn cảnh nào cũng phải sống xứng đáng với những gì đã có. Có thể "già" nhưng không chấp nhận "nua". Chúng tôi thường động viên thế hệ trẻ trân trọng và phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, của quê hương, đất nước. Tôi thấy thế hệ trẻ ngày nay sống đẹp, không hề hổ thẹn với cha anh. Cho đến giờ tôi vẫn tin là tôi nhìn đúng tuổi trẻ và kỳ vọng ở họ. Trong cấp ủy Đảng, tôi được giao công tác tổ chức, tôi đã trực tiếp theo dõi, giúp đỡ, xác minh lý lịch cho hàng chục thanh niên ưu tú vào Đảng. Đồng chí nào cũng có chí tiến thủ mạnh mẽ. Tình cờ, tôi có diễm phúc là năm 1962 được xác minh lý lịch cho anh Nông Đức Mạnh, khi cấp ủy xét kết nạp anh vào Đảng. Nay anh là Tổng Bí thư của Đảng. Tôi có hai năm liền công tác cùng đồng chí Mạnh ở đội điều tra rừng nên rất tin tưởng ở chàng trai đầy nghị lực này. Và điều đó đã đúng. Thế hệ trẻ ở thời đại nào cũng đóng vai trò quyết định đối với lịch sử và vận mệnh đất nước. Tôi tin điều ấy ngay từ khi hăm hở làm anh bộ đội Cụ Hồ. Đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua, tôi vừa có dịp thăm lại Điện Biên.


Quá khứ với tương lai là một. Điện Biên năm xưa đâu phải chi là ký ức. Thành phố miền Tây ấy đang vươn lên sau nửa thế kỷ chuyển mình để tiến lên ngang tầm với lịch sử. Vừa rồi, ở Điện Biên, một anh bạn trẻ cùng leo lên đồi A1 đã tặng tôi bài thơ như sau:

Hoa Ban
Ngỡ là mây trắng trên cao
Lại là lấp lánh ngàn sao trên trời
Tưởng qua hết dốc thì thôi
Càng đi càng thấy ngời ngời hoa
Ban Nghiêng trời một vẻ hồng nhan
Thơm hương áo lụa, áo làn mây say
Ngẩn ngơ trời đất miền Tây
Làn hương gió thoảng thơm đầy Điện Biên.

N.B
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #53 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:39:04 am »

CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN,
ANH HÙNG LƯU VIẾT THOẢNG TRONG THỜI ĐỔI MỚI


NGUYỄN QUANG TIẾN


Một ngày đầu thu, chúng tôi về thăm làng kháng chiến Cảnh Thụy, xã cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tình Bắc Giang. Cảnh Thụy là một trong bốn xã anh hùng của huyện Yên Dũng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Ong Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cảnh Thụy, đưa chúng tôi về thăm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Viết Thoảng, một chiến sĩ Điện Biên năm xưa.


Ra đón chúng tôi là một ông già mái tóc đã bạc, khoảng ngoài tám mươi tuổi, nhưng da đỏ hồng hào, cặp mắt tinh anh, bước chân nhanh nhẹn. Chính đây là anh hùng quân đội Lưu Viết Thoảng. Qua lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Cựu chiến binh xã, biết chúng tôi là những người làm báo, bác Thoảng vui vẻ kể chuyện Điện Biên theo yêu cầu của chúng tôi.


Năm 1944, anh Lưu Viết Thoảng tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đội tự vệ đỏ. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và Ủy ban khởi nghĩa, ngày 18 tháng 8 năm 1945 anh đã cùng lực lượng thanh niên, đội tự vệ và nhân dân địa phương đứng lên cướp chính quyền, bắt tri huyện Yên Dũng Nguyễn Khắc Dậu chiu tội trước nhân dân.


Sau Cách mạng tháng Tám, xã Cảnh Thụy xây dựng được một đội du kích trẻ, khỏe và một đội bạch đầu quân, xây dựng làng kháng chiến, đào hào, đắp luỹ, rào làng chiến đấu, đặt hầm chông cạm bẫy, bám đất, bám làng với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời", hợp đồng chặt chẽ với bộ đội địa phương bảo vệ quê hương Cảnh Thụy. Nhiều cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra giữa ta và địch. Quân Pháp có máy bay yểm trợ mở nhiều đợt càn quét với quy mô rộng lớn vào làng kháng chiến. Song chúng đều phải chịu thất bại trước sức mạnh chiến đấu của bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân Cảnh Thụy.


Hậu phương được củng cố vững chắc, mùa xuân 1949, anh Thoảng và một số trai làng tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, vào tiểu đoàn 60 công binh thuộc Sư đoàn 308. Sau đó lại chuyển sang Sư đoàn pháo binh 351. Năm 1949 anh tham gia chiến dịch Quảng Hồng (Quảng Ninh); năm 1950, tham gia chiến dịch biên giới Cao Bắc Lạng; năm 1951 tham gia chiến dịch đường số 6 Hòa Bình; năm 1952 tham gia chiến dịch đồng bằng Hà Nam Ninh; năm 1953 tham gia chiến dịch Điện Biên cho đến ngày giải phóng Điện Biên ngày 7 tháng 5 năm 1954.


Anh làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm ở các trọng điểm trên quốc lộ 6, quốc lộ 16, đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin, dốc Cun Hòa Bình, rồi về Hát Lót tham gia mở đường cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa Điện Biên, tham gia đào hầm hào giao thông ở lòng chảo Điện Biên, mở đường cho bộ đội ta tấn công đồi A1, đồi Him Lam và Bản Kéo.


Hơn 20 ngày đêm lao động khẩn trương, bộ đội ta đã đào hàng trăm kilômét hào giao thông như chiếc dây thòng lọng khổng lồ xiết chặt tập đoàn cứ điểm cố thủ của giặc Pháp ở Điện Biên. Đặc biệt đào chiếc hầm sâu 49 mét vào trong lòng cứ điểm đồi A1, cần có 48 chiến sĩ mang vác, vận chuyển gần 1 tấn thuốc nổ vào hầm sâu đồi A1, bình quân mỗi chiến sĩ vác 20   ki-lô-gam thuổc nổ. Đơn vị lấy tinh thần xung phong. Vừa dứt lời của chỉ huy, hàng trăm cánh tay giơ lên xin làm nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm này. Sau đó, trung đoàn trưởng và chính ủy trung đoàn giao nhiệm vụ cho ba đảng viên: Lưu Viết Thoảng là tổ trưởng Đảng, Phú Xuân Khung là đội trưởng và Nguyễn Văn Bạch là tổ viên, nhiệm vụ đặc biệt: trực tiếp xếp khối thuốc nổ gần 1 tấn vào trong hầm.


Đúng 21 giờ ngày 6 tháng 5 năm 1954, chiến sĩ Nguyễn Văn Bạch giật nụ xoè. Một tia chớp và một tiếng nổ chuyển đất. Cả lòng chảo Điện Biên mịt mù trong khói lửa. Đồi A1, pháo đài thép của quân đội Pháp ở Điện Biên tan tành, cả lòng chảo Điện Biên bặt im tiếng súng.


Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch được các chiến sĩ ta cắm lên đỉnh nóc hầm tướng Đờ-cát. Toàn bộ Bộ chỉ huy quân sự, hơn 1 vạn sĩ quan, binh lính địch bị bắt sống lũ lượt kéo cờ trắng ra hàng.


Đến 16 giờ ngày 8 tháng 5, cán bộ ta đã kiểm tra sức công phá của khối thuốc nổ: Một miệng hố rộng gần 50 mét, sâu hơn 30 mét. Sau trận này, đội trưởng Khung được ra gặp Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng khen ngợi tổ chiến đấu ba người: Thoảng, Khung và Bạch. Ban chỉ huy Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tặng giấy khen cho ba chiến sĩ ngay tại trận địa.


Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, hòa bình lập lại ở Đông Dương nhưng miền Nam vẫn còn đế quốc xâm lược, đất nước còn bị chia cắt. Lưu Viết Thoảng lại cùng đơn vị tiếp tục xây dựng bộ đội công binh. Anh được điều về Cục Công binh thuộc Bộ tư lệnh Công binh xây dựng những công trình quan trọng đặc biệt để bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ và cơ quan Nhà nước.


Một vinh dự lớn lao đến với Lưu Viết Thoảng: Năm 1956 anh được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuối năm 1989, Anh hùng Lưu Viết Thoảng về nghỉ hưu tại quê nhà với cấp hàm Đại tá. Ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trần Phú thị xã Bắc Giang một thời gian rồi chuyển về quê: thôn Đông, xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng.


Buổi đầu gia đình ông có nhiều khó khăn. Vợ già yếu, con gái lớn đi lấy chồng, con trai đi bộ đội, hai vợ chồng già sống trong một nếp nhà tranh đơn sơ. Không chịu cảnh đói nghèo, được vợ con ủng hộ, ông đào ao lấy đất đóng hơn một vạn gạch xây dựng ba gian nhà ngói. Ông quyết định phá toàn bộ khu vườn tạp, quy hoạch lại sản xuất theo mô hình kinh tế VAC, vay vốn ngân hàng và bà con lối xóm, ông đầu tư hơn 50 triệu đồng đào 120m2 ao chăn nuôi ba ba, 300m2 nuôi cá, xây 60m2 chuồng lợn và hơn 500m2 vườn sản xuất rau giống, rau ăn. Đến nay, vườn ao chuồng của ông có gần 1 tạ ba ba thịt, 1,5 tấn lợn hơi, hàng tạ cá và vài ba tạ rau xanh, bình quân thu nhập kinh tế vườn ao chuồng đạt 25-30 triệu đồng/năm.


Sau nhiều năm phái đấu làm kinh tế, ông đã tích lũy vốn liếng xây dựng cho con trai một cơ ngơi khang trang đẹp đẽ với hơn 150m2 nhà cao tầng, có khuôn viên xanh, sạch, đẹp, đầy đủ tiện nghi, với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Ông nói: "Có chí làm quan, có gan làm giầu". Ông đã xóa được đói, giảm được nghèo, trở nên khá giả. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn giúp đỡ bà con trong xóm tiền vốn, vật tư, giống và cách làm ăn để cùng phát triển kinh tế, cùng xoá đói giảm nghèo đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông đóng góp hàng triệu đồng xây dựng trường mầm non và nhà văn hoá, bê tông hoá đường làng ngõ xóm.


Hàng năm, vào các ngày lễ lớn của dân tộc, của quân đội, cũng như vào dịp Đại hội Đảng bộ, Đại hội Cựu chiến binh các cấp, Đại hội thi đua yêu nước, ông được mời về dự. Ông thường đi nói chuyện truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" cho học sinh, sinh viên các trường học và thanh thiếu niên ở nhiều nơi trong tỉnh.


Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Tuổi cao chí càng cao", ông luôn rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, sống giản dị thật thà, chất phác, thân ái đoàn kết, hòa nhập với cộng đồng dân cư, quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các đoàn thể trong sạch vững mạnh, khu dân cư tiên tiến, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Ông luôn là đảng viên đủ tư cách loại một, hội viên Cựu chiến binh xuất sắc, ông bà mẫu mực, được Đảng tin, dân mến, mọi người noi theo học tập.


Hơn 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng và 40 tuổi quân, Anh hùng Lưu Viết Thoảng, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, vẫn giữ vững và phát huy tốt đẹp phẩm chất người anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Q.T
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #54 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:40:29 am »

VỀ ĐỜI THƯỜNG, VẪN LÀ "CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN"


BÙI VĂN THỌ


Năm 1954, bước vào chiến dịch Điện Biên, anh thanh niên Bùi Quang Thiệu đã là tiểu đội trưởng quân báo của Đại đoàn 312.

Trước khi vào bộ đội, Bùi Quang Thiệu đã có một quá tình hoạt động cách mạng rất sớm, từ tuổi thiếu niên: mười bốn tuổi (1940) là liên lạc viên của chi bộ Đảng xã Thượng Trưng, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (cũ); mười bảy tuổi (1943) được kết nạp vào Đảng, là đội viên Đội tuyên truyền; mười chín tuổi (1945) tham gia khởi nghĩa ở huyện; hai mươi tuổi (1946) vào bộ đội địa phương huyện; hai mươi bốn tuổi (1950) vào Đại đoàn 312.


Ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta nổ súng, mở màn chiến dịch Điện Biên, diệt cứ điểm đồi Him Lam. Ở đơn vị của Thiệu, xuất hiện gương anh hùng Tô Vĩnh Diện tác động rất lớn, nâng cao khí thế chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Đêm 14 tháng 3, quân ta đánh đồi Độc Lập. Cuộc chiến diễn ra rất gay go, quyết liệt. Sau 3 giờ xung trận, bộ đội ta được lệnh tạm ngừng tiến công. Tổ quân báo Đại đoàn 312 do Quang Thiệu chỉ huy, được Phó tư lệnh Đàm Quang Trung giao nhiệm vụ trinh sát nắm chắc tình hình địch. Tổ của Thiệu đã đột kích mau lẹ, bắt được ba tên lính Âu Phi giải lên cấp trên khai thác. Có thêm thông tin, đêm 15 tháng 3, quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm đồi Độc Lập, ngày 17 tháng 3, địch bỏ chạy khỏi Bản Kéo.


Ngày 30 tháng 3 quân ta mở chiến dịch đợt 2. Đại đoàn 312 đánh vào cứ điểm đồi A1. Cuộc chiến giằng co ác liệt gần 30 ngày đêm. Đây là cứ điểm quan trọng số 1 bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh của Pháp từ phía đông. Tổ quân báo có nhiệm vụ cùng đài quan sát thu nhận thông tin và kiểm tra thật chính xác cứ liệu để cấp trên chọn mục tiêu đánh lô cốt hỏa lực địch trên đồi A1. Phương án tác chiến được vạch ra. Bộ đội ngày đêm đào những hào giao thông từ chân đồi lên đúng ngầm đáy lô cốt hỏa lực địch. Tổ "Cảm tử quân" của đồng chí Bạch, quê Vĩnh Phúc kéo dây cháy chậm, ôm bộc phá đặt vào vị trí đã định. Tổ cảm tử từ đường hầm trở về vị trí an toàn thì dây cháy chậm được châm lửa. 10 phút... 15 phút, quá giờ đã định rồi mà khối bộc phá ngàn cân chưa nổ. Hồi hộp... hồi hộp; cả đơn vị nín thở. Đồng chí Bạch lại lao vào đường hầm, thì ra dây đứt. Bạch nối dây và châm lửa. 5 phút sau lô cốt hỏa lực địch trên đồi A1 nổ tung. Bộ đội ta ào ào tiến vào khu trung tâm Mường Thanh.


Ngày 7 tháng 5 cờ Quyết thắng của Hồ Chủ tịch đã phấp phới tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát.

Trên đây là quá trình tham gia chiến đấu lập công của tiểu đội trưởng quân báo Bùi Quang Thiệu trong chiến dịch Điện Biên theo chính lời kể của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. 50 năm đã trôi qua từ ngày ấy.


Hôm nay, tôi đến với Bùi Quang Thiệu, ông đã gần tám mươi tuổi. Xin lại được ghi tiếp đôi điều về ông từ khi ông nghỉ về sống ở quê nhà.

Thành thói quen, 4 giờ sáng ông Thiệu dậy tập thể dục dưỡng sinh cùng các cựu chiến binh, sức khỏe ông tốt, tinh thần sảng khoái, đầu óc minh mẫn. Ông tích cực tham gia mọi hoạt động góp phần xây dựng thôn làng phồn thịnh.


Ủy ban nhân dân phát động phong trào làm đường bê tông đưa xuống thôn xóm bàn thực hiện. Dự toán mỗi nhân khẩu đóng góp 90.000 đồng. Hôm họp hội nghị toàn dân, ông Thiệu đã nêu ý kiến: "Căn cứ vào tình hình thực tế thôn ta, mức 90.000 đồng cao quá, chỉ nên đặt mức mỗi nhân khẩu 50.000 đồng, số tiền còn thiếu so với dự toán thì kêu gọi anh em, con cháu công tác ở xa gửi về giúp đỡ. Đồng thời vận động người có lương trong thôn ủng hộ thêm, cả Hội nghị đều đồng thanh nhất trí với ông. Tiền thu theo đầu khẩu trong ba ngày đã huy động đủ. Thư gửi đi, tiền ủng hộ lần lượt gửi về. Qua một tháng thi công, đường bê tông đã hoàn thành, ủy ban nhân dân xã xuống nghiệm thu thanh toán dứt điểm, số tiền còn dư đưa vào trang bị điện chiếu sáng công cộng, đêm về đèn đường điện sáng như là phố huyện.


Đối với việc làng việc thôn, ông Thiệu quan tâm như vậy, đối với việc gia đình, việc họ ông cũng rất chu đáo. Giỗ tổ họ Bùi mỗi năm tổ chức một lần, ông động viên con cháu dòng họ xa gần về đông đủ để ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông đồng thời tuyên dương thành tích học tập của những con cháu trong năm học vừa qua đạt kết quả xuất sắc.


Họp hội đồng gia tộc, ông nêu ý kiến:

- Trong gia đình có nếp sống ăn ở thuận hòa thì ngoài xã hội sẽ được trật tự văn minh. Dòng họ và xóm thôn là một gia đình lổn, phi nội tác ngoại đều là anh em, vì cây dây quấn có tình máu thịt, nghĩa láng giềng, phải biết yêu thương đùm bọc lấy nhau.


Lời của ông đậm bản chất anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Ông Thiệu còn quan tâm đến nhiều công việc quan trọng khác của địa phương. Ông vận động bà con xây dựng quỹ khuyến học, mỗi nhân khẩu góp một nghìn đồng/năm, động viên con cháu học tập. Ông nêu gương cháu Bùi Xuân Tùng con ông Nông Soạn ở xóm Chùa là sinh viên đại học được chọn vào lớp tài năng trẻ, hai năm liền nhận học bổng Quốc tế.


Ông hoan nghênh và tham gia việc tạo lập Hương ước để thắt chặt tình đoàn kết và nêu cao trật tự, kỷ cương trong cuộc sống của thôn làng.


Ông gương mẫu và tích cực vận động bà con các đoàn thể, các ngành, các giới ra sức xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt quan tâm đến thực hiện chính sách đối với liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, phong trào giúp đõ người nghèo, về chuyện xây dựng hạnh phúc gia đình của thanh niên, ông nêu ý kiến:

- Trai gái đã trưởng thành tìm hiểu nhau để xây dựng hạnh phúc là quyền lợi chính đáng của tuổi trẻ. Khi trai gái đã thuận tình thành lứa đôi, chúng ta ủng hộ. ủy ban xã nên tổ chức lễ đăng ký kết hôn trang trọng và tiết kiệm...

Cuộc sống hiện nay của ông Bùi Quang Thiệu ở quê nhà là như thế.

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà bà con khắp thôn làng, già trẻ, lớn bé, mọi người đều yêu quý ông, "Anh bộ đội Cụ Hồ", "Người Chiến sĩ Điện Biên" năm xưa, nay vẫn là "Bộ đội Cụ Hồ", "Chiến sĩ Điện Biên".

B.V.T
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #55 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 07:41:38 am »

CHIẾN SĨ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN NĂM XƯA
NAY LÀ ANH HÙNG LAO ĐỘNG


NGUYỄN ĐỨC DONG ghi


Phạm Duy Chúc sinh ra trong một gia đình bần nông ở thôn La Hào, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Cuối năm 1952 Chúc xung phong đi dân công phục vụ chiến dịch Tu Vũ và Hòa Bình, thời gian 3 tháng. Trong đợt này Chúc được đơn vị khen thưởng vì đã có thành tích giúp đỡ đồng đội ốm mệt, chuyển được 15 gánh gạo qua sông an toàn. Không may cuối đợt, Chúc bị thương phải về địa phương chữa chạy. Cuối tháng 11 năm 1953 vết thương đã lành, sức đã hồi phục, Phạm Duy Chúc lại xung phong đi phục vụ chiến dịch Điện Biên. Tiểu đoàn dân công huyện Thanh Thủy lên đường, có nhiệm vụ tải gạo từ kho Sem Sụ lên Điện Biên. Chúc được giao làm tổ trưởng tổ tiền trạm. Đi tiền trạm là đối mặt với khó khăn, gian khổ và nguy hiểm. Phải đi ban ngày, phải tính độ đường đúng cho đoàn dân công sao cho đi một đêm là vừa đúng đến chỗ nghỉ. Chỗ nghỉ phải kín đáo, an toàn, gần nguồn nước để dân công tiện tắm giặt, nấu ăn. Tuy đi tiền trạm, anh em vẫn phải mang vác đủ số gạo như mọi dân công khác. Chọn được chỗ nghỉ rồi phải chuẩn bị bêp nấu củi đốt để dân công đến là nấu ăn được ngay trước khi trời sáng.


Do công tác tiền trạm tiến hành tốt nên chưa đầy 20 ngày, tiểu đoàn dân công Thanh Thủy đã vượt qua mọi khó khăn lên đến đất Lai Châu. Các địa danh Đèo Cón, Mường Cơi, Sơn La, cánh đồng Quang Huy, Tông Cao, đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo, bước chân của Chúc và đoàn dân công đã đi qua an toàn. Từ đá Sơn La trở xuống, dân công hành quân đêm được đốt đuốc, nhưng từ Tuần Giáo trở lên phải đi mò. Một hôm, ở chân đèo Cò Chạy thuộc Lai Châu, đoàn dân công và một đơn vị pháo binh bị máy bay giặc phát hiện. Hàng đàn quạ sắt địch xúm đến ném bom đủ loại, đại bác địch từ trong bắn ra trúng đội hình của hai đơn vị quân ta. Chúc cùng một số anh em bình tĩnh, dũng cảm di chuyển dưới làn bom đạn địch, hướng dẫn anh em dân công rút khỏi nơi bị địch đánh phá Trận này tiểu đoàn dân công thiệt hại một số hàng và 4 chiến sĩ dân công hy sinh trong đó có tiểu đoàn trưởng Mai. Một số anh em dân công dao động, đơn vị phải rút vào khe núi để nghỉ ngơi và củng cố lại lực lượng. Anh Chúc cùng hai anh nữa xung phong trở lại nơi vừa bị đánh phá để thu lượm hàng và chôn cất liệt sĩ. Hai anh em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Đơn vị được lệnh bàn giao hàng, đại bộ phận trở lại tuyến sau. Một trung đội gồm những anh em khỏe mạnh, dũng cảm, nhanh nhẹn được cùng bộ đội vượt đèo Cò vào hỏa tuyến. Phạm Duy Chúc có mặt trong đội này. Từ đây dân công hỏa tuyến thực sự vào trận, ra vào phải đi giữa hai làn đạn pháo của ta và địch, lúc vào vác đạn, gạo, lúc ra cáng thương binh. Có đêm Chúc ra, vào hai lần, có lần anh cởi áo mình đắp cho thương binh. Tinh hình ác liệt như vậy nên một vài anh em dao động muốn xin rút ra phía sau. Chúc đã kịp thời động viên và hăng hái đi đầu để anh em theo. Ngoài hỏa tuyến bộ đội không thiếu đạn nhưng cơm ăn có bữa chưa no vì thiếu gạo. về cứ, Chúc đã nghĩ ra cách: cắt chân quần dài của mình khâu thành cái bao đựng khoảng 10 ki-lô-gam gạo thắt quanh lưng. Buổi đầu vẫn vác được hòm đạn 30 ki-lô-gam, lại mang thêm được bao gạo 10 ki-lô-gam nữa. Cứ như vậy, sau một tuần Chúc đã mang vượt kế hoạch 7 bao gạo ra hỏa tuyến cho bộ đội. Ngày 10 tháng 2 năm 1954, Tổng cục Cung cấp tổ chức lễ trao giấy khen cho Phạm Duy Chúc vì đã có tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, giúp đỡ anh em đồng đội, vận tải vượt kế hoạch 66%. Tổng Cục trưởng Trần Đăng Ninh đến tận đơn vị trao quyết định cùng giấy khen và phát động đợt thi đua trong dân công hỏa tuyến học tập và làm theo gương Phạm Duy Chúc. Thế là rất nhiều những bao gạo vượt kế hoạch kiểu Phạm Duy Chúc được đưa vào tận cứ và bộ đội được ăn no hơn trước.


Gần kết thúc chiến dịch, đoàn dân công hỏa tuyến của Chúc được lệnh rút về phía sau. Trở về đến địa phương cũng là lúc chiến dịch Điện Biên kết thúc thắng lợi. Với thành tích phục vụ chiến dịch từ 20 tháng 12 năm 1953 đến hết tháng 5 năm 1954, Chúc được ba giấy khen của Tổng cục Cung cấp, của Ban Cán sự dân công, của Tinh đoàn Thanh niên Cứu quốc tình Phú Thọ. Ngày 10 tháng 3 năm 1954 Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 83 tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba cho Phạm Duy Chúc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký. Vinh dự lớn nhất đối với Phạm Duy Chúc là được Bác Hồ tặng ảnh có chữ ký của Người.


Trở về địa phương, Phạm Duy Chúc tiếp tục lập được nhiều thành tích trong phong trào khai hoang phục hóa, cải tiến nông cụ, cải tiến kỹ thuật, phong trào xây dựng tổ vần công, tổ đổi công và tiến lên xây dựng Hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao. Nhiều năm liền làm chủ nhiệm Hợp tác xã thôn đến toàn xã, anh đã hết lòng phấn đấu cùng Đảng bộ đưa Hdp tác xã nông nghiệp Xuân Lộc trở thành lá cờ đầu của các hợp tác xã huyện Thanh Thủy nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung. Liên tục từ 1954 đến 1958 anh đều được bầu là Chiến sĩ Thi đua ngành nông nghiệp cấp tỉnh và toàn quốc. Từ 1958 đến 1962 anh được tặng ba Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba. Năm 1962, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, rất nhiều lần anh được gặp Bác Hồ. Năm 1964, Phạm Duy Chúc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa in (1864 đến 1971).


Nay tuổi cao sức yếu, cụ Phạm Duy Chúc nghỉ tại quê nhà. Các con cụ đều vào bộ đội, chuyển ngành sang công nhân, ở xa. Hai vợ chồng người anh hùng là hai bạn dân công Điện Biên năm xưa vẫn ở ngôi nhà cũ tại thôn La Hào, xã Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ.

N.Đ.D
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM