Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 03:40:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ cây giáo đến khẩu súng - Tập 1  (Đọc 3176 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:07:54 pm »

CHE PHỐ CÓ THÀNH, GIỮ LÀNG CÓ LŨY


"Thành phố" và "lũy tre làng" là những từ ngữ hết sức quen thuộc. "Thành phố" là "khu vực tập trung đông dân cư quy mô lớn, thường có công nghiệp và thương nghiệp...". Còn "làng" "vừa là một đơn vị hành chính, vừa là một địa bàn cư tụ có tính chất cha truyền con nối của người nông dân". Qua hai định nghĩa trên của từ điển chúng ta thấy "thành phố" và "làng” đều là những điểm quần cư, dù là hoạt động công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp hay nông nghiệp. Để bảo vệ cho mình, những người dân ở đấy đều xây dựng nên những bức tường cao, gọi là "thành" hoặc đắp những bờ đất lớn, gọi là "lũy". Những từ đó vốn là những thuật ngữ quân sự.


Lịch sử cổ đại thế giới ghi rõ khi kim loại - nhất là sắt - ra đời, công việc sản xuất đã tăng lên không ngừng. Của cải xã hội ngày càng dồi dào, các ngành nghề xuất hiện nhiều hơn làm cho thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp. Sự tách rời đó dẫn đến một nền sản xuất hàng hóa đồng thời thương nghiệp cũng ra đời. Vào thời điểm đó, trong xã hội hình thành những trung tâm của bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc mà người ta gọi là thành thị. Của cải ngày một tăng đã khêu gợi lòng tham của những kẻ muốn xâm chiếm, tước đoạt khiến cho nhu cầu phòng vệ được đặt ra. Vì vậy, thành thị buộc phải có những bức tường thành bao quanh chúng và đã trở thành một bộ phận hữu cơ của thành thị. Chả thế mà bằng cách hoán dụ, người Pháp đã xem tường thành như là thành phố. "L’ennemi est sous nos murs" (Quân địch đang ở trong thành phố của chúng ta). Dịch theo nghĩa đen là "Quân địch đang ở dưới những bức tường của chúng ta". Từ mục đích quân sự, tường thành ra đời và được phát triển về chất liệu xây dựng từ thấp lên cao, từ gỗ đến đá. Nếu như buổi sơ khai, thành chỉ là những hàng rào gỗ thì tiến lên một bước nữa ở khoảng cách giữa các hàng cọc gỗ, người ta đã đắp đất. Chính thế mà trong tiếng Hán bộ phận cấu thành của từ "thành" và từ "lũy" đều có từ "thổ" (đất). Loại thành đất này vẫn còn phổ biến ở các nước vùng Trung Á và Đông Âu trong quá trình chống lại sự xâm lược của người Mông Cổ vào thế kỷ XIII. Bước tiếp theo là việc xây dựng những bức tường đá thay cho những bức tường bằng đất nện. Hệ thống tường đá này vững bền hơn, đồng thời, cũng gây nhiều khó khăn cho sức tiến công của đối phương. Cho đến cuối thời trung đại, tường đá là thủ đoạn bố phòng duy nhất của các dân tộc văn minh nhất, ở thời trung đại, thành lũy là nét đặc trưng của tác chiến phòng ngự. Chúng được chia ra nhiều loại: thành hoàng, thành trì và thành quách. "Thành hoàng" là loại thành chung quanh có hào sâu nhưng không có nước. "Thành trì” là loại thành chung quanh có hào sâu và có nước. "Thành quách" là loại thành có nhiều lớp, lớp trong và lớp ngoài. Theo tiếng Hán, "hoàng" là "rãnh đào quanh thành, không có nước", "trì" là ao, "quách" là "lớp thành ngoài".


Nếu như thành - nhất là quân thành - một địa điểm ở nơi "thế hiểm, xung quanh có xây tường kín" cần phải xây dựng quy mô lớn với nhiều kiểu loại khác nhau như dưới thời phong kiến Tây Âu, thì lũy lại đơn giản hơn nhiều. Lũy "thường đắp bằng đất" để "bảo vệ một vị trí", ở Việt Nam, mỗi làng đã trở thành một vị trí bảo vệ và trên đất nước, có bao nhiêu làng thì có bấy nhiêu bờ lũy. Làng Việt Nam không giống làng của người Đức, hình thành từ sự phân hóa của thị tộc và bộ lạc, cũng không giống làng của người Pháp thời trung đại, hình thành từ sự tập hợp cư dân dưới sự bảo hộ của những thủ lĩnh quân sự. Ở Việt Nam, làng hình thành trong quá trình tự nguyện liên kết giữa những người nông dân lao động trên con đường đi chinh phục những vùng đất gieo trồng. Tại đấy, họ phải thường xuyên chiến đấu kiên cường chống thiên tai và xâm lược. Do đó, nhu câu hình thành lớp lũy tre để bảo vệ cũng là điều tất yếu. Ở Việt Nam, trong quá trình dựng nước và giữ nước, việc "xây thành" không nhiều - có chăng chỉ là một số nơi tiêu biểu như thành Cổ Loa, thành Tây Giai - nhưng việc "trồng tre đắp lũy" lại là công việc thường xuyên và phổ biến. "Lũy tre làng" đã trở thành một hình ảnh gắn chặt với quê hương trong tâm trí của tất cả mọi người dân Việt, sở dĩ có hiện tượng đó là vì thứ nhất, về kinh tế, xá hội phong kiến Việt Nam không sao tạo được một hoạt động thương nghiệp có chất lượng cao để lập nên những thành thị theo đúng tiêu chuẩn của nó, ngay đến Hà Nội, một thành thị vào loại lớn và tiêu biểu nhất cho cả nước ở thời điểm đó. Tận giữa thế kỷ XIX, vẫn còn có những làng nông nghiệp mới, hình thành ngay giữa chốn đế đô phồn hoa này với những tên Tân Khai, Tân Lập. Vì vậy, bức tường thành để bảo vệ những phường buôn, những phố xá đó chỉ là một hàng rào bằng tre. Thứ hai, về quân sự, ở Việt Nam, trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, chiến tranh vận động là chủ yếu. Việc xây dựng thành quách để thực hiện tác chiến phòng ngự là điều rất hãn hữu. Thông thường, các binh đoàn chủ lực cơ động trên phạm vi cả nước đã lấy lũy tre làng làm những điểm trú quân tác chiến, còn các lực lượng vũ trang địa phương và dân binh thì lại dựa vào lũy tre làng, làm thế ỷ dốc, để từng bước chặn địch và tiêu hao chúng, tạo thế cho quân triều đình giáng những đòn quyết định. Nhờ vào hàng nghìn, vạn lũy tre làng đó mà nhân dân ta đã ba lần đánh tan quân Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII, đánh tan quân Minh ở thế kỷ XV...


Phát huy truyền thống, lũy chiến đấu, ở thế kỷ XVII, Đào Duy Từ đã dựa vào địa hình hiểm trở vùng cửa sông Nhật Lệ, xây dựng nên một hệ thống chiến lũy phòng ngự, giúp chúa Nguyễn chống lại chúa Trịnh tới 145 năm (1630-1775). Ở thời hiện đại, ngay cả khi chiến tranh đã diễn ra trên không gian ba chiều, khi không quân đã xuất hiện, các lũy tre làng ở Việt Nam vẫn còn giữ nguyên giá trị chiến đấu chống lại quân xâm lược trong ba mươi năm chiến tranh giải phóng như Cảnh Dương, Nguyên Xá, Củ Chi, Ấp Bắc...


Tóm lại, ở tất cả mọi điểm quần cư, dù là đô thị, phố phường trong thời cổ đại, đến thời cận đại, từ phương Đông sang phương Tây hay là ở thôn ấp, xóm làng của Việt Nam từ thời trung đại cho tới ngay cả thời hiện đại, để duy trì sự sống bình yên, bao giờ cũng phải có những hàng rào bảo vệ. Từ đó, "thành" và "lũy" đã ra đời. Đấy là một việc làm tự nhiên của con người qua bao thế hệ và vì thế mà thời gian đã xóa nhòa mất ranh giới giữa ngôn ngữ quân sự và ngôn ngữ dân sự để trở thành ngôn ngữ đời thường, điều mà rất ít người để ý.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #21 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:08:32 pm »

SÂU HÀO, CAO THÀNH


"Thành cao hào sâu" vốn là một vấn đề được các nhà quân sự sử dụng nhiều trong việc bố phòng đất nước, đúng như lời nhận xét của Ph.Ăng-ghen: ..."Cho đến cuối thời trung cổ, tường đá là thủ đoạn bố phòng duy nhất của các dân tộc văn minh nhất. Những bức thành ấy đã được xây cao đến mức bắc thang lên để vượt qua cũng còn khó khăn". Và "chắc chắn rằng ngay từ thời kỳ rất sớm, người ta đã đào hào vây quanh bức tường và coi đó là vật chướng ngại chủ yếu khi tiến vào thành". Thành và hào đã được đề cập tới, lần này chúng ta tìm hiểu đến "độ cao của thành" và "độ sâu của hào" để rồi từ đó tìm hiểu tiếp đến chiều thứ ba của không gian trong hoạt động quân sự.


Cao và sâu vốn là hai phía nằm trên một chiều của không gian ba chiều bên cạnh chiều dọc và chiều ngang. Đó là một chiều mà phải trải qua ba ngàn năm tiến hành chiến tranh, loài người mới đủ khả năng vươn tới. Thực tế lịch sử quân sự cho ta thấy từ đầu thế kỷ XX về trước, chiến tranh chỉ diễn ra trên mặt phẳng, trên hai chiều của không gian: chiều dọc và chiều ngang. Tính cách của Từ Hải, một nhân vật trong Truyện Kiều, được xem là "đấng anh hùng", dưới ngòi bút của Nguyễn Du, đã nói lên điều đó qua một từ ngữ gốc Hán là "tung hoành" và một từ ngữ thuần Việt là "dọc ngang". "Bấy lâu bể sở, sông Ngô tung hoành", "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai". Biết rằng bên tiến công, cũng như trong mọi hành động đấu tranh vũ trang, con người không đủ sức vươn tới chiều không gian thứ ba, bên phòng ngự đã lấy "thành cao hào sâu" để ngăn chặn, xem đó như là một "vùng cấm". Ví như Vạn lý trường thành ở Trung Quốc được bắt đầu xây dựng từ cuối thế kỷ III trước công nguyên, dài 6.700km, cao trung bình từ 7 đến 8m, dày từ 5 đến 6m. Thành Đại La ở Việt Nam được xây dựng từ năm 866 cũng cao gần 8m, dày tới 7,5m. Nếu tính cả bức tường nhỏ trên mặt thành thì chiều cao đạt tới 10m. Đến thế kỷ XVII, dựa vào địa hình vùng cửa sông Nhật Lệ, Quảng Bình, Đào Duy Từ đã xây dựng tuyến phòng ngự Lũy Thầy, cao tới 6m, giúp quân Nguyễn chống lại quân Trịnh. Không chỉ xây thành, dựng lũy mà các thống soái quân sự tài giỏi còn biết lợi dụng địa vật, địa hình, tạo cho mình độ cao và độ sâu sẵn có trong thiên nhiên để phòng ngự. Vị trí của dãy núi Tam Điệp trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân Mãn Thanh, tác dụng của dòng sông Như Nguyệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược Tống năm 1077... là những minh chứng sinh động. Thực tế chiến trận của lịch sử đã cho ta thấy những công trình phòng ngự đó không phải không có những đóng góp đáng kể vào chiến thắng cuối cùng. Nếu như Ngô Tam Quế, viên tướng nhà Minh, không phản bội Tổ quốc, dẫn đường cho quân Mãn Thanh qua cửa ải Sơn Hải Quan tiến vào trung nguyên thì chắc gì chúng đã vượt qua được Vạn lý trường thành; và nếu như Lũy Thầy thiếu kiên cố, rõ ràng là quân Nguyễn không thể trụ vững suốt 42 năm trước 7 lần tiến công mãnh liệt của quân Trịnh để rồi tồn tại sau đó 102 năm nữa. Nhằm chống lại "thành cao hào sâu", một biểu hiện của sự lợi dụng về chiều không gian thứ ba mà con người chưa đủ sức làm chủ, quân đội bên tiến công đã tìm mọi cách hoặc triệt phá bằng máy bắn đá hoặc chiếm lĩnh bằng cách dùng thang leo lên tường thành và bằng cách dùng tháp vây hãm, buộc đối phương đầu hàng. Bắt đầu từ thế kỷ XIV cho đến cuối thế kỷ XVI, ở châu Âu, việc đưa pháo binh cơ động cùng bộ binh đã làm thay đổi hẳn cách thức tiến công vào các cứ điểm phòng ngự, thế nhưng việc xây dựng "thành cao hào sâu" chưa phải đã chấm dứt. Ngay trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), quân Pháp vẫn còn xây dựng hệ thống chiến lũy Ma-gi-nổ để chống lại quân Đức. Nhưng đâu chỉ có thế mà con người nói chung, giới quân sự nói riêng, đều không muốn dừng lại ở đấy mà từ bao đời nay luôn suy nghĩ tới việc chiếm lĩnh chiều không gian thứ ba, nghĩa là muốn được bay cao như con chim, lặn sâu như con cá. Đó chính là tư tưởng làm cơ sở cho việc xuất hiện máy bay và tàu ngầm. Và đến khi các phương tiện kỹ thuật này xuất hiện, lập tức giới quân sự đưa ngay chúng vào sử dụng. Thật vậy, chiếc máy bay có người lái đầu tiên trong lịch sử, dưới hình thức tàu lượn, ra đời năm 1891 thì chỉ sau đó hai chục năm, năm 1910, máy bay quân sư đã bắt đầu được sản xuất. Còn mẫu tàu ngầm đầu tiên được chế tạo năm 1620 thì đến Chiến tranh giành độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (1775-1783), các nhà quân sự đã đưa vào các trận chiến đấu trên biển.


Ngày nay, việc chiếm lĩnh chiều không gian thứ ba của con người đã trở thành hiện thực trong đấu tranh vũ trang ngót một thế kỷ. Máy bay chiến đấu phản lực đã đạt tới trần bay chừng 20 km. Rất có thể trong một tương lai không xa lắm sẽ xuất hiện loại máy bay vừa hoạt động trong khí quyển lại vừa hoạt động trên khoảng không vũ trụ. Còn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã lặn xuống độ sâu tới 400m. Thế nhưng việc quay lại tìm hiểu "thành cao hào sâu" cũng giúp chúng ta biết được một giai đoạn lịch sử của hoạt động quân sự.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:09:17 pm »

THEO CHÂN NGƯỜI Ả-RẬP, THUỐC NỔ ĐẾN CHÂU ÂU


Ngày nay, mọi người đều thừa nhận rằng sự ra đời của thuốc nổ bắt nguồn từ các nước phương Đông: Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này, do điều kiện thiên nhiên, ở trong lòng đất có rất nhiều diêm tiêu. Vì vậy, từ rất xa xưa, nhân dân Trung Quốc đã biết chế tạo thuốc nổ từ sự hỗn hợp của chất muối đó với lưu huỳnh và than củi. Theo biên niên sử, hỏa pháo đã có từ Trung Quốc từ năm 618 trước Công nguyên. Gần đây, một số báo chí châu Âu lại cho rằng sự kiện đó có thể xuất hiện sớm hơn chừng 1300 năm nữa. Còn như ở Ấn Độ, tập hồi ký đầu tiên viết về hỏa pháo hầu như cũng hoàn toàn trùng hợp với thời kỳ xác định chắc chắn sự xuất hiện của nó ở Trung Quốc.


Từ hai nước này, người Ả-rập có được diêm tiêu và các chất nổ khác vào thế kỷ IV đến thế kỷ VIII qua "con đường tơ lụa" từ Á sang Âu. Vì vậy, đến thế kỷ VII, khi người Ả-rập mở "cuộc tiến quân lớn" vào Bắc Phi, Tây Âu và Tây Nam Á để thành lập đế quốc Ả-rập, kéo dài chừng hơn nửa thế kỷ - tính từ các hoàng đế thuộc triều đại O-mê-i-át (661-750) đến năm 732, khi quân đội Ả-rập bị quân Đội Pháp, dưới sự chỉ huy của thừa tướng Sác-lơ Mác-ten, đánh bại tại trận Poa-chi-ê, chặn đứng hẳn bước tiến, không cho quân xâm lược tiến sâu vào nội địa Tây Âu, thì vũ khí nóng cũng đã xuất hiện. Vào thời điểm đó, điều chắc chắn là những cư dân thuộc chủng tộc Hy Lạp trong đế quốc Bi-dăng-ti-um lần đầu tiên biết đến thuốc nổ - sau này trở thành "lửa Hi Lạp" - là nhờ người Ả-rập, kẻ địch của họ. Ở đây có một điều cần được làm sáng tỏ là cụm từ "lửa Hy Lạp". Nói đến "Hy Lạp", nhiều người nghĩ ngay đến một nhà nước cổ đại châu Âu, ở trên bờ bắc Địa Trung Hải, nơi bắt nguồn nền văn minh châu Âu hiện đại và đã bị nhà nước La Mã thôn tính vào năm 30 trước công nguyên. Gần đây trên báo chí đã có sự ngộ nhận đáng tiếc như vậy. Sự thật không phải thế. "Lửa Hy Lạp" ở đây là loại vũ khí nóng của người Hy Lạp đầu thời trung đại. Chính sợ người đọc nhầm lẫn, Ph.Ăng-ghen đã phải nói rõ là "những người Hy Lạp thành Bi-dăng-ti-um". Vậy thành Bi-dăng-ti-um ở đâu? Số là vào cuối thời kỳ đế chế La Mã, phần Đông bộ của đế quốc tỏ ra bền vững và an toàn hơn phần Tây bộ. Từ đó, xu hướng chung là muốn chuyển dần trung tâm chính trị của đế quốc sang phía Đông. Vì thế, năm 324, hoàng đế La Mã Công-xtan-ti-nútx đã xây dựng một kinh đô mới ở mỏm đất nằm giữa Hắc Hải và eo biển Bô-xpho ngày nay, trên nền cũ của thành bang Hy Lạp Bi-dăng-ti-um rồi lấy tên mình đặt cho nó là Công-xtan-ti-nô-pô-lít (thường vẫn gọi là Công-xtan-ti-nốp, nay là It-xtan-bun, thủ đô nước Thổ Nhĩ Kỳ). Tiếp đó, năm 395, hoàng đế kế vị Tê-ô-đô-di-út lại đem chia đế quốc La Mã cho hai người con trai: người con thứ được phần Tây bộ, kinh đô là Rô-ma, người con cả được phần Đông bộ, kinh đô là Công-xtan-ti-nốp. Sau khi đế quốc La Mã - cũng là phần Tây bộ - bị diệt vong vào năm 476, loài người bước sang thời trung đại, phần Đông bộ còn lại được gọi là đế quốc Bi-dăng-ti-um, theo tên cũ của thành bang Hy Lạp. Như thế, "lửa Hy Lạp" có thể xuất hiện đầu tiên ở châu Âu vào cuối thế kỷ VII - đầu thế kỷ VIII,   vì năm 717, khi bắn cháy các thuyền chiến của quân đội Ả-rập, chặn đứng đối phương trước kinh thành Công-xtan-ti-nốp, quân đội đế quốc Bi-dăng-ti-um, dưới sự chỉ huy của hoàng đế Lê-Ô III I-xâu-ri-an, đã dùng đến "lửa Hy Lạp". Thế nhưng từ thời điểm đó, mặc dù thuốc nổ đã đặt chân đến địa đầu của châu Âu, suốt một thời gian dài, tới hơn một trăm năm sau, các dân tộc phương Tây vẫn chưa hề biết gì về vũ khí nóng. Trong khi đó thì người Ả-rập hình như lại đã nhanh chóng làm cho những hiểu biết của mình trở nên phong phú hơn từ những kiến thức học được của người Trung Quốc. Điều đáng chú ý là trong thời gian bị người Ả-rập thống trị, người Tây Ban Nha đã có được những bí quyết về thuốc nổ. Chính thế mà trong quá trình đấu tranh giành lại lãnh thổ trên bán đảo Pi-rê-nê, năm 1118, liên quân giải phóng Tây Ban Nha đã biết sử dụng hỏa pháo đánh chiếm lại thành phố Xa-ra-gốt từ tay người Ả-rập. Đến đầu thế kỷ XIV thì sự hiểu biết về pháo binh của người Ả-rập đã chuyển sang người Tây Ban Nha. Và việc sử dụng pháo binh của các dân tộc khác ở châu Âu là do người Tây Ban Nha truyền đến. Kế đó vào khoảng năm 1350, súng ống được sử dụng ở tất cả các nước miền Tây, Nam và Trung Âu. Cũng từ đấy, thời đại vũ khí nóng bắt đầu.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:09:56 pm »

TÌM CỘI NGUỒN CỦA VŨ KHÍ NÓNG


Ngày nay, mọi người đều thừa nhận rằng sự ra đời của thuốc nổ đã làm cho toàn bộ hệ thống tiến hành chiến tranh thay đổi. Những phát minh đó bắt nguồn từ các nước phương Đông, Trung Quốc và Ấn Độ.

Do điều kiện thiên nhiên, ở hai nước này, trong lòng đất có rất nhiều diêm tiêu. Theo sử sách ghi lại thì nhân dân Trung Quốc đá biết dùng thuốc nổ để chế tạo hỏa pháo từ năm 618 trước Công nguyên. Thế nhưng cũng phải đến năm 1232, các nhà nghiên cứu mới có được trường hợp đáng tin cậy đầu tiên về việc sử dụng rộng rãi súng và thuốc nổ. Đó là khi bị quân Mông Cổ vây đánh, nhân dân Phủ Khai Phong đã phòng ngự bằng các khẩu đại bác bắn đạn tròn bằng đá. Lịch sử kỹ thuật quân sự cũng xác nhận rằng ở giai đoạn pháo nòng trơn, đạn pháo là sỏi đá, sắt vụn hoặc chất cháy. Ngay thư tịch Trung Quốc cũng ghi rõ: "Ngày xưa, tên "súng đại pháo" là lấy tên gọi từ máy bắn đá". Còn như ở Ấn Độ thì tập hồi ký đầu tiên viết về hỏa pháo hầu như cũng toàn trùng hợp với thời kỳ xác định chắc chắn sự xuất hiện của nó ở Trung Quốc.


Từ Trung Quốc và Ấn Độ, người Ả-rập có được diêm tiêu và các chất nổ khác qua con đường thương mại từ Á sang Âu. Vì vậy, đến thế kỷ VII, khi người Ả-rập mở cuộc tiến công to lớn vào Bắc Phi, Tây Âu và Tây Nam Á để thành lập đế quốc Ả-rập thì vũ khí nóng cũng đã xuất hiện. Vào thời điểm đó, điều chắc chắn là những cư dân thuộc chủng tộc Hy Lạp trong đế quốc Bi-dăng-ti-um lần đầu tiên biết đến thuốc nổ - sau này trở thành "lửa Hy Lạp" - là nhờ kẻ địch của mình, người Ả-rập. Trong quá trình bị người Ả-rập thống trị, người Tây Ban Nha đã có được những bí quyết về thuốc nổ. Đến đầu thế kỷ XIV, sự hiểu biết về pháo binh đã chuyển từ người Ả-rập sang người Tây Ban Nha. Việc sử dụng pháo binh của các dân tộc khác ở châu Âu là do người Tây Ban Nha truyền đến. Vào khoảng năm 1350, súng ống được dùng rộng rãi ở tất cả các nước miền Tây, Nam và Trung Âu. Từ đấy, thời đại vũ khí nóng bắt đầu. Tuy vậy, những khẩu pháo của châu Âu lúc ấy trông rất nặng nề, đồ sộ, vận chuyển hết sức vất vả, khó khăn. Mãi đến giữa thế kỷ XV, châu lục này mới có những bước phát triển đáng kể trong việc chế tạo và sử dụng pháo binh, bắt đầu từ những đóng góp của anh em nhà Buy-rô (Bureau) vào khoảng năm 1450. Nhờ đó, những khẩu pháo mở cửa đột phá được chế tạo. Người Pháp sử dụng ngay loại vũ khí này cơ động chiến đấu cùng với bộ binh và kỵ binh. Binh chủng mới ra đời đã nhanh chóng giúp vua Sác-lơ (Charles) VIII (1470-1498) gIành được những chiến thắng đáng ngạc nhiên ở I-ta-li-a.


Những đóng góp củA anh em nhà Buy-rô vào binh chủng pháo binh giữa thế kỷ XV thật to lớn nhưng tính về thời gian thì chậm hơn 50 năm so với những phát kiến về thần cơ sang - pháo của Hồ Nguyên Trừng ở Việt Nam. Súng thần cơ (máy móc như thần) gồm một bộ phận ống trơn làm nòng, đúc bằng sắt, bên trong có những mũi tên cũng bằng sắt, đạn chì và thuốc súng, có ngòi châm lửa để bắn. Phía sau là phần báng. Thần cơ có nhiều loại, kích, cỡ lớn, nhỏ khác nhau. Loại nhỏ - thần cơ sang - tức súng bộ binh - bắn xa từ 600 đến 700m, làm vũ khí tiến công. Loại lớn - thần cơ pháo - kéo bằng xe hoặc đặt trên giá gỗ, làm vũ khí phòng ngự. Ra đời, thần cơ đã là một thành phần quan trọng trong việc trang bị vũ khí cho quân đội. Từ đó, nhiều hình thức và phương pháp sử dụng hỏa lực, kết hợp hỏa lực với bạch khí, kết hợp hỏa lực với vận động, đột kích để đánh địch cũng ra đời theo. Với tính năng, tác dụng như vậy nên quân đội nhà Minh sau khi đánh Giao Chỉ, đã học tập được phép đúc súng thần cơ sang - pháo (các súng máy các cỡ)... và đưa vào chiến đấu. Loại vũ khí này được xem là "trọng khí của nhà nước", vì vậy, Thiên triều quy định mỗi khi "tế binh khí phải tế Trừng". Trên thực tế, nhà Minh không hoàn toàn học tập kỹ thuật đúc súng của Hồ Nguyền Trừng. Từ giữa thế kỷ XIV, người Trung Quốc đã có những khẩu thần công phát huy được tác dụng trong chiến đấu phòng ngự và công thành. Điều mà quân đội nhà Minh học được ở Giao Chỉ chính là kỹ thuật chế tạo thần cơ dã chiến, loại đại bác gọn nhẹ, cơ động thuận tiện, dễ dàng. 


Ở Việt Nam, súng ống chính thức ra đời khi nào, hiện nay chưa rõ. Chỉ biết rằng mùa xuân năm 1390, tướng nhà Trần là Trần Khát Chân đã dùng hỏa pháo bắn trúng thuyền chiến quân xâm lược Chăm-pa, giết chết Chế Bồng Nga tại ngã ba sông Luộc. Đến đầu thế kỷ XV, Hồ Nguyên Trừng đã nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật đúc súng mà chế tạo ra thần cơ sang - pháo. Do địa hình sông ngòi ở nước ta, việc chuyển quân phần lớn bằng thuyền, vả lại, vận động chiến vốn là cách đánh phổ biến của dân tộc ta. Từ những thực tiễn đó nên khi thần cơ ra đời, Hồ Nguyên Trừng đã đưa ngay nó cơ động cùng quân đội. Khách quan mà xét, phần đóng góp của người Việt Nam họ Hồ này vào sự phát triển pháo binh trên phạm vi toàn thế giới đáng được trân trọng. Tuy thế, sự đóng góp đó cũng chỉ nằm trong lĩnh vực cơ động của pháo. Ông không phải là người đầu tiên sử dụng vũ khí nóng trên hành tinh này như có người ngộ nhận rằng thế giới còn đang thai nghén về súng đại bác thì chúng ta lại càng tự hào về những sáng chế, phát minh của ông.


Tóm lại, chúng ta có thể kết luận rằng, vũ khí nóng ra đời từ châu Á. Làm cho những kiến thức về vũ khí nóng được phong phú và đưa những kiến thức vào châu Âu để nó được phát triển mạnh mẽ tại các nước này, dẫn tới sự thay đổi hẳn bộ mặt của chiến tranh cũng là người châu Á. Đặc biệt là trong quá trình phát triển này, việc trực tiếp tìm tòi, cải tiến cách sử dụng vũ khí nóng, đưa nó cơ động cùng bộ đội là thành tựu của người Việt Nam - một dân tộc cũng lại ở châu Á, mà người đóng góp nhiều công sức nhất là Hồ Nguyên Trừng.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #24 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:10:32 pm »

HÒN ĐÁ VÀ KHẨU ĐẠI BÁC


Hòn đá và khẩu đại bác tưởng là hai vật rất khác nhau nhưng lại có "khá nhiều duyên nợ" với nhau. Không phải không có lý do mà trong tiếng Hán có ba từ "pháo" (đại bác) thì đã có hai từ thuộc bộ "thạch" (đá). Xét về dạng tự, ở trong khẩu đại bác có hòn đá.


Ngược dòng lịch sử quân sự, chúng ta thấy, ngay từ thời cổ đại, người Hy Lạp đã biết dùng máy bắn đá. Nó hoạt động theo nguyên lý của cây cung, bao gồm một chiếc khung bằng gỗ và một bộ phận mềm dẻo, dễ uốn, đủ sức co giãn, được lắp thừng to bện bằng lông hoặc lõi dây. Máy bắn đá chia thành nhiều loại, loại nhỏ dùng trong hoạt động dã chiến, loại lớn dùng để công thành. Có nhứng trường hợp máy bắn đá đưa tới mục tiêu những hòn đá lớn xa tới 1/4 dặm. Trong thời gian vây đánh Giê-ru-xa-lem, người La Mã đã dùng tới 300 máy bắn đá như thế.


Sang thời trung đại, khoảng một thời gian dài, trước thế kỷ XIV, khi thuốc nổ còn chưa được sử dụng vào chiến tranh thì bên cạnh gươm giáo, cung tên bằng kim loại, trên chiến địa nhiều nơi ở châu Âu, đá vẫn còn được sử dụng làm vũ khí. Ví như trận Ha-xting, một trận đánh lớn ở nước Anh năm 1066, rìu đá vẫn còn được dùng để chiến đấu. Hơn 270 năm sau, năm 1339, tại trận Lao-pen, một trận đánh quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của các bang ở Thụy Sĩ, bộ binh của họ không có một thứ vũ khí nào khác ngoài đá để chiến đấu ở cự ly xa.


Đó là ở châu Âu. Còn ở châu Á, thì máy bắn đá xuất hiện lần đầu tiên trong quân đội nhà Tống (960-1279), vẫn được gọi là "pháo thạch cơ", sau đó gọi tắt là "pháo". Loại này đưa viên đạn đi theo nguyên lý đòn bẩy, gồm một cần bật và một giá đỡ. Đầu cần bật có buộc những giỏ đựng đạn. Đầu giá đỡ, người ta bện nhiều sợi dây để khi ’’bắn’’ có thể giật mạnh, tạo sức đẩy, hất các viên đạn đá ở đầu cần bật đi xa.


Sau khi thuốc nổ xuất hiện, việc bắn pháo cũng có sự thay đổi. Để đưa viên đạn đi, người ta không phải dựa trên nguyên lý của cây cung như ở châu Âu, cũng không phải dựa trên nguyên lý đòn bẩy như ở châu Á nữa, mà dựa vào năng lượng của hợp chất diêm tiêu, lưu huỳnh và than củi. Thời đại của vũ khí nóng, của súng ống kim loại bắt đầu. Tuy thế nhưng những khẩu pháo sử dụng thuốc nổ có mặt lần đầu tiên ở Trung Quốc trong trận phòng ngự Phủ Khai Phong chống lại quân xâm lược Mông Cổ năm 1232 cxng bắn bằng những viên đạn đá hình tròn. Hơn 100 năm sau, khoảng năm 1350, khi súng đại bác được dùng phổ biến ở tất cả các nước miền Tây, Nam và Trung Âu, thì những viên đạn cũng vẫn còn là những hòn đá như mấy ngàn năm trước. Mãi đến thế kỷ XV, nhờ công nghiệp luyện kim phát triển, ở nước Pháp và nước Đức, khẩu pháo mới được đúc bằng sắt, đồng và đồng đen và mới bắt đầu bắn đi những viên đạn kim loại, mở đường cho những viên đạn xuyên, những trái nổ ra đời.


Quá trình hình thành những viên đạn đó kể từ khi thuốc nổ đi vào châu Âu phải mất tới một, vài thế kỷ nhưng tất cả đều bắt đầu từ những viên đạn đá cổ truyền.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:11:11 pm »

CHIẾC BÁNH XE TRONG CHIẾN TRẬN


Trong các thứ binh khí - kỹ thuật của người lính, chiếc bánh xe được xếp vào bậc "tuổi thọ cao nhất". Vì từ khi loài người có chiến tranh đến nay, suốt hơn ba ngàn năm lịch sử, cái vật mang theo hình tròn đầy đặn đó lúc nào cũng có mặt trên khắp các nẻo đường chinh chiến.


Theo lịch sử thế giới, bánh xe xuất hiện đầu tiên ở vùng Lưỡng Hà (Trung Cận Đông) vào cuối thời kỳ đồ đá mới, khoảng ba ngàn năm trước Công nguyên. Ngược lại, ở châu Mỹ, trước khi Crít-xtốp Cô-lông (1450-1506) tìm ra châu lục này, năm 1492, thì thổ dân ở đây lại chưa hề biết đến bánh xe.


Loài người đưa bánh xe vào chiến trận qua chiếc xe chiến đầu tiên - có hai bánh, do hai hoặc bốn ngựa kéo. Khoảng 1.500 năm trước Công nguyên, quân đội Ai Cập dưới thời Tân vương quốc đã có binh chủng xe chiến bên cạnh binh chủng bộ binh. Dưới thời cổ đại, trên quy mô toàn thế giới, ở Đông Á, quân đội các nước thời Xuân Thu, Chiến quốc, ở Tây Á, quân đội nước At-xi-ri và ở châu Âu, quân đội các nước Hy Lạp, La Mã cũng đã sử dụng nhiều xe chiến. Có xe chiến, việc cơ động của quân đội đả trở nên nhanh chóng, việc đột kích đạt hiệu quả cao hơn. Từ năng lượng của bắp thịt người - ngựa, những chiếc bánh xe chiến đầu tiên trong lịch sử quân sự đã lăn trên các nẻo đường hành quân hơn ba ngàn năm (1.500 năm trước và 1.800 năm sau Công nguyên) mặc dù đến thế kỷ X, kỵ binh ra đời, đã giữ vị trí quyết định trong tác chiến. Tuy thế nhưng sự kiện đó không thể nào phủ định được vai trò vận tải quân sự của những cỗ xe ngựa (và cả những cỗ xe trâu, xe bò).


Vào thế kỷ XVIII, sự phát minh máy hơi nước của Giêm Oát (1736-1819) đã dẫn tới sự ra đời của tàu thủy đi trên sông biển và tàu hỏa đi trên đất liền. Bánh xe quay vòng trên đường chinh chiến ở thời điểm này đã chuyển từ bánh xe ngựa sang bánh xe - đúng ra là guồng nước - của tàu thủy (vì vậy trong tiếng Hán có từ "luân thuyền" - thuyền chạy bằng bánh xe - và "giang luân" - bánh xe đi trên sông) và bánh xe của tàu hỏa. Từ hai phương tiện giao thông mới này, trong hoạt động quân sự đã có những biến đổi đáng kể. Với quan niệm đề cao "sức mạnh trên biển", các nước tư bản Tây Âu đã sử dụng tàu chiến, đại bác đi xâm chiếm thuộc địa và dùng loại vũ khí này để chống đối nhau. Bên cạnh đó, các nhà lý luận của giai cấp tư sản như A.Ma-han (Mỹ) và Ph.Cô-lông (Anh) còn đề ra học thuyết quân sự "lực lượng hải quân", "chiến tranh bang hải quân". Còn xe lửa, một phương tiện chưa từng thấy lại có giá thành rẻ nhất đã đáp ứng được những nhu cầu vận tải quân sự đối với những quân đội đông người thời ấy. Không những thế, phương tiện cơ động bằng thứ xe chiến khổng lồ này cùng với phương tiện chỉ huy bằng điện tín đã là hai nhân tố chủ yếu giúp cho một hình thức tác chiến mới ra đời ở thế kỷ XIX là chiến dịch.


Trở lên trên, chúng ta đã thấy chiếc bánh xe quay vòng trong chiến trận chuyển từ năng lượng sinh vật sang năng lượng cơ giới đã đưa tới những biến đổi lớn trong việc tiến hành chiến tranh. Nhưng năng lượng quay vòng bánh xe của máy hơi nước, của động cơ đốt ngoài, mới chỉ là bước đầu, phải chờ đến khi năng lượng quay vòng đó chuyển sang động cơ đốt trong. Loại động cơ này được phát minh đã dẫn đến sự ra đời của ô tô và, tiếp sau đó còn là xe tăng, xe thiết giáp, máy kéo, máy bay... Nhờ sự quay vòng của những chiếc bánh xe ô tô, hàng sư đoàn đền hàng quân đoàn với đầy đủ vũ khí trang bị đã có thể cơ động một cách nhanh chóng, kịp thời qua những đoạn đường dài là điều hoàn toàn có thể thực hiện được trong một thời gian tương đối ngắn. Ngày nay, khi mà yếu tố bất ngờ đã trở thành một nguyên tắc của chiến tranh thì người ta chú ý rất nhiều đến việc nâng cao khả năng cơ động lực lượng bằng nhiều phương thức khác nhau, kể cả bằng đường không, nhưng vì quá tốn kém cho nên cơ động bằng đường bộ, nhất là bằng ô tô có một vị trí to lớn, thậm chí ở một số trường hợp nó còn là chủ yếu. Qua đó, chúng ta thấy rõ nếu như những chiếc bánh ô tô xoay tròn đã giúp cho bộ đội nâng cao được khả năng cơ động thì những chiếc bánh xe tăng, xe thiết giáp lại giúp cho bộ đội hạn chế được sự sát thương của bom đạn đối phương và tăng cường được sức chiến đấu trong những tình huống phức tạp của máu lửa.


Như vậy là chiếc bánh xe quay vòng trong chiến trận bắt đầu từ chiếc bánh xe ngựa đến chiếc bánh xe của tàu thủy dưới nước, chiếc bánh xe lửa trên đường ray, chiếc bánh lốp cao su của ô tô trên đường cái, chiếc bánh xe răng cưa quay trong vòng xích của xe tăng, xe thiết giáp đã nối tiếp nhau đi cùng người lính qua mọi nẻo đường của chiến tranh dù là trên chiến trường đã có tới ba thời đại vũ khí, vũ khí lạnh, vũ khí nóng và vũ khí hạt nhân. Cho đến đầu thế kỷ này, khi máy bay chiến đấu ra đời, một bộ phận quân đội đã chiến đấu trên không trung, nhiều người ngỡ rằng chiếc bánh xe sẽ không đi cùng người lính nữa. Nhưng không! Chưa từng có người phi công nào trước khi vút lên bầu trời cao rộng mà lại không để đôi bánh xe máy bay của mình lướt nhanh trên đường băng và cũng không một chiến sĩ lái máy bay nào trước khi hạ cánh đã dám quên kiểm tra kỹ lưỡng đôi bánh xe lắp dưới ghế ngồi để tiếp đất.


Tóm lại, ở thời đại nào, chiếc bánh xe cũng vẫn có mặt trong chiến trận, sở dĩ như vậy là vì nhiệm vụ vĩnh hằng của nó là phục vụ cho khả năng cơ động của các lực lượng chiến đấu. Bởi lẽ "đi" và "đánh" - hành quân và tác chiến - là điều muôn thủa của chiến tranh. Có quân đội nào trên thế giới đánh mà lại không đi và không đi mà có thể đánh được. Để đi được nhanh, mau chóng rút ngắn thời gian, thu hẹp không gian, chiếc bánh xe, vì vậy, ngày càng được hoàn thiện. Từ việc đẽo gọt tấm gỗ tròn thô kệch lúc ban đầu, bánh xe chiến được lắp ghép thêm phần kim loại lên vành nhằm làm giảm dần độ ma sát, bớt gập ghềnh khi lăn trên mặt đường và ngày nay những chiếc bánh xe cơ giới đã được chế tác từ kim loại và cao su để đạt tới tốc độ cao trong giao thông cũng như trong cơ động tác chiến. Tất cả các loại bánh xe đó dĩ nhiên đều là hình tròn duy có điều khoa học - kỹ thuật càng phát triển thì hình tròn bánh xe càng hoàn chỉnh tới mức độ chính xác rất cao, vành vạnh hết mức và càng ngày, tần số vòng quay của các bánh xe đó càng mãi mãi tăng lên, không nghỉ, không ngừng.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #26 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:11:39 pm »

NỐI GIÁO CHO GIẶC


Nối giáo cho giặc nghĩa là "ví hành động tiếp tay cho giặc hoặc giúp đỡ, khuyến khích kẻ có hành động sai trái". Bên cạnh tổ hợp trên, tiếng Việt còn có những thành ngữ tương ứng "vẽ đường cho hươu chạy", "rước voi về giày mồ"...

Những cụm từ trên được hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa khái quát. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu thành ngữ này về phía nghĩa đen qua từng từ cụ thể để tìm ra xuất xứ của nó. "Cho giặc" chắc chắn rằng đã quá rõ, còn lại "nối giáo" là gì? Vấn đề đặt ra là ở thời đại bạch khí, vũ khí cá nhân gồm có giáo, gươm, rìu, chiến, cung tên... Nhưng tại sao người ta chỉ nói "nối giáo" mà không hề nói "nối gươm", "nối rìu", "nối tên"...? Như đã trình bày trong các bài "Gậy gộc, gậy tầm vông", "Cây giáo và khẩu súng cầm tay - những vũ khí cơ bản", cây giáo là vũ khí cá nhân, trang bị cho tất cả mọi người lính, từ bộ binh đến kỵ binh. Đó là loại vũ khí đóng vai trò quyết định trên chiến địa. Cây giáo chúng ta đang nói ở đây là cây giáo kim loại, ra đời cùng với chiến tranh. Trên thực tế lịch sử loài người, trước khi cây giáo kim loại ra đời, đã có cây giáo gỗ rồi cây giáo có mũi bằng đá hoặc xương thú. Sang thời đại hỏa khí, khi khẩu súng cầm tay được trang bị rộng rãi, chiếc giáo bị loại bỏ thì một hình thức hóa thân của nó được cắm trên nòng súng, đó là chiếc lưỡi lê. Như vậy, chỉ tính riêng cây giáo kim loại, trên quy mô toàn thế giới, tuổi thọ của nó cũng đã tới hơn ba ngàn năm. Hãy tính từ trong các quân đội cổ đại như quân đội Ai Cập (Bắc Phi), quân đội Atsiri (Lưỡng Hà), quân đội nhà Thương (Trung Quốc)... vũ khí trang bị cho tuyệt đại đa số lính chiến - dù là đồng hay sát - đã thấy có mặt cây giáo. Riêng ở Việt Nam, trong các di chỉ khảo cổ thuộc giai đoạn Đồng Đậu dưới thời đại Hùng Vương, người ta đã tìm thấy khá nhiều mũi giáo bằng đồng: loại có chuôi tra cán, loại có họng lắp thân, loại đúc theo hình búp đa... Ngay ở thế kỷ này, trong những thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gậy tầm vông, dao, kiếm, nhất là cây giáo, vẫn giữ một vị trí đáng kể.


Như chúng ta đã biết, dưới thời đại vũ khí lạnh, giáo là vũ khí đánh gần, cách sử dụng là đâm. Cung tên là vũ khí đánh xa, cách sử dụng là bắn. Cung tên có ưu điểm là sát thương địch từ xa nhưng mỗi lần hành động, dù trúng hay trượt, mũi tên bay khỏi cây cung, sẽ "một đi không trở lại", nghĩa là một mũi tên dùng thường không quá một lần. Trái lại, cây giáo không sát thương địch được từ xa nhưng nó lại luôn luôn nằm trong tay người chiến binh. Chủ nhân của nó có thể đâm bao nhiêu lần cũng được, không bị hạn chế. Chỉ một điều là trong hành động, người lính lúc nào cũng phải vươn người, với tay ra phía trước để đưa phương tiện sát thương tới mục tiêu. Thực chất việc làm đó là "nối dài cây giáo" một cách có ý thức mặc dù loại vũ khí này của bộ binh La Mã đã gần 2m và của kỵ binh trung đại đã dài từ 4 đến 6m. Vì trong chiến đấu, thiếu động tác đó, mũi nhọn của vũ khí không bao giờ "hoàn thành được nhiệm vụ".


Đến đây, ai cũng thấy rõ công lao to lớn của cây giáo trên chiến địa. Cho nên trong tiếng Hán, đã không ít từ liên quan đến hoạt động quân sự có mang theo thành phần loại vũ khí này, dưới dạng chữ "qua". Ví như "qua" trong "can qua", "vũ" trong "vũ lực", "nhung" trong "binh nhung", "chiến" trong "chiến tranh", "phạt" trong "chinh phạt", "tiêm" trong "tiêm kích", "giới" trong "cảnh giới", v.v.


Tóm lại, nối giáo cho giặc là một thành ngữ như chúng ta đã biết và lấy một hành động quân sự cụ thể làm nội dung. Hành động đó phản ánh sự phát huy sức mạnh của một loại vũ khí chủ lực dưới thời bạch khí mà vật tiêu biểu, nhất thiết phải là cây giáo trong tay người lính chiến.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #27 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2021, 07:37:25 am »

"XUẤT KỲ BẤT Ý", CÁCH ĐÁNH SỞ TRƯỜNG CỦA NGƯỜI VIỆT


Trong "Từ điển tiếng Việt" xuất bản gần nhất, "xuất kỳ bất ý" được định nghĩa: "Bất thình lình, thừa lúc ta không ngờ, làm cho không kịp đối phó. Xuất kỳ bất ý rút súng ra bắn".


Cụm từ gốc Hán này vốn là một thuật ngữ quân sự, lần đầu tiên được Tôn Tử nêu ra trong cuốn "Binh pháp thập tam thiên" nổi tiếng dưới thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên).

"Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý"

(Tiến công theo lối kỳ, (đối phương) không phòng bị, Ra quân theo lối kỳ, (đối phương) chẳng để ý). Ở cuốn binh thư trên, tác giả còn viết tiếp:

"Trong tác chiến nói chung là dùng chính để đối địch, dùng kỳ để đánh thắng. Cho nên người giỏi dùng kỳ thì biến hóa vô cùng như trời đất, cuồn cuộn vô tận như sông ngòi, xoay vần mãi mãi như mặt trăng, mặt trời, thay đổi khôn cùng như thời tiết bốn mùa. Thanh âm chỉ có năm nhưng có thể tạo thành những bản nhạc nghe không nhàm, màu sắc chỉ có năm nhưng có thể tạo thành những hình ảnh xem không chán, mùi vị chỉ có năm nhưng có thể tạo thành những món ăn nếm không ngán. Thế tác chiến không ngoài kỳ và chính, nhưng kỳ và chính biến hóa khôn lường. Sự biến hóa giữa kỳ và chính như chuyên động tuần hoàn, không có đầu mối, không ai biết thế nào mà hạn định".


Vậy "chính - kỳ" là gì? Đó là hai thủ đoạn tác chiến chủ yếu trên chiến địa, nội dung chứa đựng nhiều nghĩa.

Về mặt bố trí lực lượng cảnh giới là "chính”, lực lượng tập trung cơ động là "kỳ", lực lượng kiềm chế là "chính", lực lượng đột kích là "kỳ"; lực lượng tiến công vỗ mặt là "chính", lực lượng đánh cạnh sườn, bao vây vu hồi là "kỳ".


Về mặt tác chiến, đánh một cách đường đường, chính chính, có quy củ, công khai, theo nguyên tắc chung, đánh dàn trận thông thường của quân đội chính quy là "chính"; đánh một cách linh hoạt, khác lạ, theo kiểu bí mật, bất ngờ, vượt ra ngoài lối đánh thông thường như phục kích, tập kích là "kỳ".


Bằng cách đánh theo lối kỳ, năm 206 trước Công nguyên, 5 vạn quân Tây Hán, dưới sự chỉ huy của Hàn Tín, đã chiến thắng Trần Dư cùng 10 vạn quân Triệu, bắt sống vua Triệu tại Tỉnh Hình (thường gọi là Bối thủy trận).


Lối đánh "chính - kỳ" vào Việt Nam từ bao giờ, hiện nay chưa xác định được nhưng rõ ràng nó mang một màu sắc hoàn toàn mới.

Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn cũng đã bàn nhiều về lối đánh này.

"Quân chính thì bộ khúc rõ ràng, đúng theo pháp độ. Quân kỳ thì không cần pháp độ bó buộc, nghìn biến muôn hóa..."

Mặc dù ông từng là người "soạn chép binh pháp các nhà" nhưng trước quan điểm của Tôn Tử "phương pháp dùng binh, quân gấp 10 thì bao vây, gấp 5 thì tiến đánh..." ông đã đưa ra một cách lập luận khác hẳn:

"Quân gấp 10 thì bao vây, gấp 5 thi tiến đánh, đó là quân chính...".

"Phàm thắng địch phải là nhờ ở kỳ".

Từ đó, ông xác định vai trò của người chỉ huy tác chiến:

"... Tướng hay dùng chính mà không dùng kỳ là tướng giữ gìn, hay dùng kỳ mà không dùng chính mới là tướng chiến đấu...".


Sau đó hai thế kỷ, thế kỷ XV, trên cơ sở tư tưởng quân sự Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi đưa ra một nhận xét khái quát:

"Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục
Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ".

Qua cách lập luận của hai nhà tư tưởng quân sự lớn của dân tộc, chúng ta thấy rõ dù là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay chiến tranh giải phóng dân tộc, nhân dân ta đều không muốn thực hiện cách đánh theo lối "đúng pháp độ", "bộ khúc rõ ràng" mà thiên về lối đánh "nghìn biến, muôn hóa", lối dùng mai phục, "đánh bất ngờ".


Xuất phát từ tư tưởng chỉ đạo đó, các trận đánh lớn, quyết định thắng lợi các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc đều được tiến hành bằng cách đánh theo lối kỳ.

Đó là trận giương đông, kích tây, đánh tháng quân Tống trên bờ bắc sông Như Nguyệt năm 1077, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lý Thường Kiệt.

Đó là trận thủy chiến, đánh thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1288, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Quốc Tuấn.

Đó là trận mai phục, đánh thắng quân Minh trên ải Chi Lăng năm 1427, dưới sự chỉ huy của các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú...

Đó là trận thắng quân Mãn Thanh năm 1789 tại Ngọc Hồi - Đống Đa, dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Quang Trung.

Chắc ai cũng còn nhớ câu nói tại đây của đô đốc Đặng Tiến Đông với nhà vua:

"Chúa thượng đem chính binh đánh phía trước, thần đem kỳ binh lẻn đánh phía sau, đang đêm nhân khi giặc không phòng bị mà tiến công nên dễ thắng lợi".


Tóm lại, do điều kiện thường xuyên tiến hành chiến tranh yêu nước, bảo vệ độc lập tự do tới hàng ngàn năm, trong hoàn cảnh phải luôn luôn "lấy ít thắng nhiều", nhân dân ta không thể đánh theo lối thông thường mà phải đánh theo lối "lạ lùng", lối khác thường mới có thể chiến thắng được quân xâm lược, phép đánh theo lối kỳ như vậy đã thấm sâu vào máu thịt của bao nhiêu thế hệ và từ đó đã đi vào lối sống thường ngày, lâu đời, trở thành ngôn ngữ dân sự.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #28 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2021, 07:38:13 am »

"TÀI THAO LƯỢC" CỤM TỪ ĐÓ BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?


Để chỉ những tài năng quân sự kiệt xuất, thường nhân dân ta gọi đấy là "tài thao lược". Cụm từ đó bắt nguồn từ đâu?

"Thao" và "lược" là tên gọi tắt hai cuốn binh thư cổ của Trưng Quốc: "Lục thao" và "Tam lược".

"Lục thao" là sáu phép bình thiên hạ, gồm có văn thao (thu phục lòng người), võ thao (bình thiên hạ, giữ nước), long thao (tuyển chọn tướng sĩ), hổ thao (hành quân, tiến thoái động tĩnh), báo thao (chiến đấu với địch theo trạng thái biến hóa của chúng), khuyển thao (huấn luyện quân sĩ). Đó là cuốn sách đã có từ đầu thời Chiến Quốc, ghi tên tác giả là Khương Tử Nha, một khai quốc công thần nhà Chu (thế kỷ XI đến năm 771 trước Công nguyên) nhưng có thể là do người đời sau giả thác. "Tam lược" là ba kế sách về quân sự. Thứ nhất là thượng lược, còn gọi là tướng lược (mưu lược làm tướng), thứ hai là trung lược, còn gọi là quân lược (mưu lược của binh sĩ), thứ ba là hạ lược, còn gọi là trận lược (mưu lược đánh trận). Giới sử học quân sự nghi vấn liệu nó có phải do Hoàng Thạch Công viết rồi trao lại cho học trò là Trương Lương - một võ tướng lừng danh, đã từng giúp Lưu Bang lập ra nhà Hán (206 đến 24 trước Công nguyên) hay không? Nhưng dù đúng hay sai, việc đó để các nhà khoa học xác minh. Chỉ biết từ xưa đến nay, dư luận rộng rãi vẫn cho rằng hai cuốn sách đó là có thật và do chính hai tác giả trên viết ra. Giữa hai thời điểm ra đời các cuốn sách đó - bao trùm lên cả thời Xuân Thu - Chiến Quốc, thời kỳ chiến tranh xảy ra liên miên ở Trung Quốc - còn xuất hiện bốn cuốn binh thư khác nửa là "Binh pháp thập tam thiên" của Tôn Tử, "Binh pháp" của Ngô Khởi, "Tư Mã pháp" của Điền Nhương Thư và "Uất Liễu tử" của Uất Liễu. Còn cuốn binh thư thứ bảy, " Lý Vệ Công vấn đối" (hoặc "Đường - Lý vấn đối"), thì do học trò của Lý Tĩnh ghi chép lại những lời hỏi đáp của Lý Thế Dân, vua Thái Tông nhà Đường, với tướng là Lý Tĩnh mà thành. Cuốn sách ra đời khoảng 1044 - 1060 dưới thời Tống Thần Tông (1023-1064), sau cuốn "Tam lược" một ngàn năm.


Như vậy là bảy cuốn binh thư cổ ra đời vào hai giai đoạn: giai đoạn trước Công nguyên và giai đoạn thế kỷ XI, cách nhau một thời gian rất xa. Có thể nói rằng khi cuốn binh thư thứ bảy ra đời, nội dung kiến thức quân sự của sáu cuốn binh thư thời cổ đại đã được các nhà quân sự nghiên cứu, thực hiện và gọi thâu tóm lại là "thao lược" vì nó bắt đầu bằng "thao" và kết thúc bằng "lược", vả lại, cuốn binh thư ra đời sau cùng này, trên thực chất không có gì mới. Nội dung chủ yếu của nó chỉ là sự bàn luận về những quan điểm, ý tứ của sáu cuốn binh thư ra đời trước nó.


Về hình thức, cách gọi này là phương pháp hoán dụ, một biện pháp tư từ, dùng một bộ phận để chỉ toàn thể, lấy phần am hiểu binh pháp của những người có tài năng quân sự kiệt xuất để chỉ chung cho lớp người đó. Trong văn học cũng có những trường hợp tương tự. Hội "Tao Đàn" do Lê Thánh Tông thành lập năm 1495 cũng là cách gọi rút ra từ tên tập thơ "Lý Tao" của Khuất Nguyên thời Chiến Quốc.


Về nội dung, cách gọi trên còn thể hiện một quan niệm về xem xét, đánh giá tài năng con người của nhân dân ta. Trong thực tiễn, nếu chỉ hành động mà không có kiến thức, không có sự hiểu biết về những hành động đó thì chưa hẳn là một con người tài năng. Tục ngữ vẫn có câu "Một người hay lo bằng một kho người hay làm". Trần Quốc Tuấn cũng thường dạy cấp dưới: "Người làm tướng không nên lấy giỏi cung đao cưỡi bắn làm tài mà phải lấy thông suốt cổ kim làm giỏi". Không những thế, ông còn nói rõ, đối với người "tướng chỉ huy được cả thiên hạ", bên cạnh lòng nhân từ, sự tín nghĩa, coi bốn biển như một nhà, phải có đủ kiến thức "trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người...".


Như vậy, rõ ràng là trong mọi lĩnh vực, bên cạnh việc thành thạo về thực hành, nhân dân ta vẫn chủ trương có sự am hiểu nhiều về lý luận. Ngay cả trong lĩnh vực quân sự, lĩnh vực được xem là phải sử dụng nhiều đến vũ lực, đến sức mạnh nhưng người Việt Nam vẫn cho rằng cùng với việc tinh thông võ nghệ, cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về binh thư, binh pháp. Thế mới là người thực sự có tài năng quân sự.


Âu đây cũng là cách nói về truyền thống trọng kiến thức của dân tộc đã có từ bao đời nay.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #29 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2021, 07:39:32 am »

ĐỘI HÌNH CHIẾN ĐẤU PHA-LĂNG (HY LẠP) VÀ
"TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI" (TRUNG QUỐC)


Đội hình chiến đấu là sự bố trí thế trận của phân đội, binh đội, binh đoàn cùng các phương tiện tăng cường của các đơn vị đó để tiến hành các trận chiến đấu.

Ngay từ thời cổ đại, đội hình chiến đấu đã ra đời. Ở Hy Lạp, cơ sở của đội hình chiến đấu là pha-lăng. Đó là thế trận siết chặt dày đặc thành một khối dọc của bộ binh nặng trang bị giáo, lao, kiếm và khiên mộc. Pha-lăng còn được tổ chức từ 8 đến 25 hàng ngang. Được hoạt động như một thế trận chiến thuật thống nhất, ở trong đội hình pha-lăng, các chiến binh chĩa giáo về phía trước và che kín toàn bộ chính diện bằng dãy khiên mộc của mình.


Ở Trung Quốc, đội hình chiến đấu đầu tiên, ra đời từ thời Xuân Thu (770 đến 476 trước Công nguyên) là trận đồ bát quái hay bát quái, có nghĩa là "thế trận tám chướng ngại". Nó cũng còn có tên gọi nữa là "trận đồ cửu cung". Do đó, trong thuật ngữ quân sự cổ Trung Quốc có cụm từ "trận đồ cửu cung bát quái”. Đây là kiểu đội hình chiến đấụ của bộ binh người Hán ở Hoa Hạ chống lại người-ngựa của dân du mục phương Bắc.


Đội hình này xếp theo hình chữ "tỉnh", có 9 ô vuông, 8 ô bao quanh 1 ô ở giữa. Tỉnh (#) là giếng, một vật rất quen thuộc với người Hán, vốn cư dân vùng đất hoàng thổ, rất màu mỡ song ít sông ngòi, phải lấy giếng làm nguồn nước sinh hoạt. Tám đội đó bố trí trên 8 ô là: 1 đội tiền vệ, 4 đội chủ lực, 2 đội cạnh sườn (bên phải và bên trái) và 1 đội hậu vệ. Đội tiền vệ có nhiệm vụ tuần tra canh gác, cảnh giới chống lại sự đột kích bất ngờ của địch. Hai đội cạnh sườn, trong tiến công sẽ đột kích vào hai bên sườn quân địch còn trong phòng ngự thì yểm hộ, không cho địch tập kích vào sườn đội hình. Các đội chủ lực chiến đấu trong đội hình nhằm áp đảo địch, truy kích khi thắng lợi, trong phòng ngự, đập tan sức tiến công của chúng. Đội hậu vệ bảo đảm an toàn phía sau, làm lực lượng dự bị cho trận đánh, khi cần thiết sẽ phối hợp với các đội chủ lực phát huy chiến quả. Việc chỉ huy được tiến hành bằng cách phát khẩu lệnh bằng miệng, bằng các tín hiệu âm thanh và màu sắc vào ban ngày hoặc bằng ánh lửa vào ban đêm. Người chỉ huy ở chính giữa đội hình, bên ngoài 8 ô, nghĩa là ở ô thứ 9. Vì vậy, tất cả 9 ô đó được gọi là "cửu cung", 9 ngôi nhà lớn, 9 nơi trú quân (8 nơi của binh sĩ và 1 nơi của người chỉ huy).


So với đội hình pha-lăng, đội hình bát quái ưu việt hơn. Thứ nhất, đội hình pha-lăng chỉ bố trí được trên địa hình bằng phẳng rộng rãi của đồng bằng châu Âu. Phải đợi đến khi người La Mã thay đội hình pha-lăng bằng đội hình ma-níp thì đội hình chiến đấu này mới đủ sức tác chiến ở địa hình bị chia cắt. Trái lại, đội hình bát quái rất linh hoạt, cơ động, có thể phát huy tác dụng trên địa hình mấp mô ở phía bắc Trung Quốc. Thứ hai, đội hình pha-lăng xếp theo khối vuông với số lượng gần như ngang nhau cả phía trước lẫn chiều sâu, rất xơ cứng, chỉ có thể công kích chính diện, dễ bị hở sườn và không truy kích được khi địch rút chạy. Do đó, trong hội chiến Ma-ra-tông (490 trước Công nguyên), quân Ba Tư thua chạy, quân Hy Lạp đành bó tay. Vì vậy, các tướng soái thời cổ đại đã nghiên cứu kỹ những mặt yếu của pha-lăng địch, nhất là việc dàn đều lực lượng ở chính diện, đồng thời cải tiến thế trận của mình để giành thắng lợi. Trong hội chiến Lớt (371 trước Công nguyên), tướng Ê-pa-mi-nông-đát (khoảng 420-362 trước Công nguyên) là người đầu tiên biết phân bố không đồng đều lực lượng dọc theo chính diện và đã tạo ra một quả đấm mạnh ở phía sườn trái bằng cách bố trí tại đây một khối dọc gồm 50 hàng ngang. Nhờ vậy, ông đã thành công trong việc chia cát pha-lăng của quân Xpác-tơ (có ưu thế về số lượng) và đánh tan đối phương. Trong hội chiến Ac-ben-la (331 trước Công nguyên), A-lếch-xăng-đrơ Ma-xê-đoan (356-323 trước Công nguyên) lại có bước cải tiến mới bằng cách phối hợp các binh chủng lại với nhau trên chiến địa. Tuy lấy pha-lăng bộ binh làm cơ sở của đội hình chiến đấu song ở hai cạnh sườn, ông đã tăng cường kỵ binh. Là một bộ phận độc lập của đội hình chiến đấu, kỵ binh có nhiệm vụ chủ yếu là đột kích vào cạnh sườn và sau lưng địch nhằm kết hợp với đột kích chính diện cửa pha-lăng. A-lếch-xăng-đrơ Ma-xê-đoan cũng là người đầu tiên có tư tưởng dùng bộ binh trung làm lực lượng dự bị. Những nội dung công việc mà Ê-pa-mi-nông-đát và A-lếch-xăng-đrơ cải tiến trong đội hình pha-lăng thì đội hình bát quái đã có sẵn từ đầu. Lực lượng của nó được bố trí kín kẽ cả trên 8 hướng, cho nên không chỉ công kích chính diện, mà còn có thể công kích vào cả hai bên sườn. Không những thế, đội hình bát quái còn có đội hậu vệ làm lực lượng dự bị cho trận đánh trong mọi tình huống.


Với ưu điểm như vậy, "trận đồ cửu cung bát quái" có sức sống rất lâu bền. Trên cơ sở đội hình này, đến thời Tam Quốc, thế kỷ III, Gia Cát Lượng đã sử dụng lực lượng trong chiến đấu, tạo nên thế trận "bát môn kim tỏa" (tám cửa được chốt giữ bằng khóa vàng) khiến Tư Mã Y và hai con trai suýt bị thiêu cháy nếu không có trận mưa rào, còn Lục Tốn sở dĩ thoát chết là nhờ có người chỉ đường ra. Phỏng theo trận đồ của Gia Cát, đến đời Đường, thế kỷ VIII, Lý Tĩnh cải tạo thành trận đồ Lục Hoa, lực lượng bố trí xòe ra như sáu bông hoa, tạo nên thế trận liên hoàn, doanh lớn bọc lấy doanh nhỏ như những cánh hoa ngoài che chở những cánh hoa trong, gọi là Lý Vệ Công binh pháp.


Ở Việt Nam, vào thế kỷ VIII, Trần Quốc Tuấn cúng đã thu góp binh pháp mọi nhà, làm ra "đồ bát quái cửu cung" gọi là " Vạn Kiếp tông bí truyền thư". Đây là một trong những tác phẩm lý luận quân sự của ông, tiếc rằng, hiện nay đã thất truyền. Đến thế kỷ XVII, Đào Duy Từ đã nghiên cứu, tìm hiểu, đưa "trận đồ cửu cung bát quái" vào tập "Hổ trướng khu cơ" làm tài liệu giáo dục quân sĩ. Thế trận biến hóa thật khôn lường, có nhất biến, nhị biến rồi tứ biến, thập biến, có trận vuông, trận tròn lại có trận thẳng, trận cong...


Tóm lại, so với đội hình pha-lăng, ngay từ lúc ra đời đội hình bát quái đã có nhiều ưu điểm hơn. Chính vì thế mà nó được kế thừa, phát triển và tồn tại tới gần ba thiên niên kỷ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM