Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:25:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ cây giáo đến khẩu súng - Tập 1  (Đọc 3092 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #10 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2021, 09:51:11 am »

"SƯ ĐOÀN" - "SỰ PHẬN CHIA" VÀ THU NHỎ


Những người am hiểu tiếng Pháp nói rằng "division" nếu trong toán học, có nghĩa là "sự phân chia" thì trong quân sự lại có nghĩa là "sư đoàn", Muốn hiểu rõ được hiện tượng ngôn ngữ này, chúng ta cần tìm hiểu về sự phát triển của kỹ thuật quân sự và chiến thuật của nước Pháp vào cuối thế kỷ XVIII.


Thời điểm đó, pháo binh đã trở thành một binh chủng độc lập, phục tùng những quy tắc chiến đấu riêng. Ngay ở nước Pháp, từ năm 1671, trung đoàn pháo binh cũng đã được thành lập. Song song với sự kiện trên là súng cầm tay - nhất là súng trường có cắm lưỡi lê - được trang bị đến từng người lính, đã vĩnh viễn đưa cây giáo "đi vào quá khứ". Loại hỏa khí cá nhân này vừa làm nhiệm vụ xạ kích lại vừa làm nhiệm vụ đột kích khiến cho hiệu suất chiến đấu của bộ đội được nâng lên rõ rệt. Như vậy, về mặt kỹ thuật quân sự, sự phát sinh và phát triển của hỏa khí đã dẫn tới sự hình thành binh chủng pháo binh - bên cạnh bộ binh và kỵ binh - cùng với sự trang bị rộng rãi hỏa khí cá nhân cho người lính không phải là không tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nghệ thuât quân sự - bắt đầu từ chiến thuật và cơ cấu tổ chức quân sự sau này.


Cũng vào những năm cuối thế kỷ XVIII, cuộc chiến tranh của khối liên minh các nước phong kiến châu Âu chống nước Cộng hòa Pháp đã làm cho quân đội nước này bị tổn thất nặng nề. Trước một kẻ thù có ưu thế lớn về số lượng, nước Pháp đã phải tuyển mộ vào quân đội những thanh niên tình nguyện giết giặc, cứu nước của dân tộc với một quy mô rộng lớn. Nhưng dù có tạo được một ưu thế về số lượng nhưng không đủ thời gian huấn luyện cho binh sĩ nên nước Pháp cách mạng vẫn phải chịu sự thất bại sau cuộc chiến. Yêu cầu bức xúc đặt ra lúc bấy giờ là phải xây dựng một hệ thống chiến thuật mới mà nội dung cơ bản là: Thứ nhất, mỗi công dân, khi cần thiết, đều có nghĩa vụ tòng quân. Do đó, việc xây dựng quân đội được tiến hành bằng biện pháp cưỡng bức tuyển mộ đã làm cho quân số nước Pháp tăng lên rất nhiều. Thứ hai, việc cung cấp hậu cần hoàn toàn dựa vào sự huy động của nhân dân trên đường hành quân, sở dĩ có tình trạng đó là vì nhà nước cộng hòa mới ra đời, không đủ kinh phí cung cấp lều trại và xe cộ vận chuyển quân trang, quân dụng cho những binh sĩ đang cầm súng ở phía trước giống như quân đội các nước phong kiến châu Âu đương thời. Vả lại lúc bấy giờ, quân đội cách mạng Pháp phải thực hiện đóng quân dã ngoại. Đồ đạc cá nhân người lính đã trở nên đơn giản hơn để họ có thể tự mang gọn trên mình.


Nhờ vậy, họ đã tổ chức được một đội hình chiến đấu cơ động, nhẹ nhàng so với các quân đội đối phương. Thứ ba, về tổ chức chiến thuật, những phiên chế không lớn lắm - có tính độc lập nhất định trong tác chiến, theo nguyên tắc "phân chia quân đội" với sự hiệp đồng giữa ba binh chủng - bộ binh, kỵ binh, pháo binh - đã hình thành. Thời đó, hình thức phiên chế này được gọi là "đầu quân đội" hoặc "phân đoàn", sau gọi là "sư đoàn". Trong khi đó, phần lớn các quân đội châu Âu, trung đoàn vẫn là tổ chức cao nhất. Mỗi sư đoàn như vậy đã trở thành một quân đội thực sự với quy mô thu nhỏ lại, có khả năng tác chiến độc lập và có thể đề kháng mãnh liệt thậm chí với một đối phương có ưu thế về số lượng. Sức mạnh của sư đoàn chính là kết quả của sự hỗ trợ và kết hợp với nhau giữa ba binh chủng - dưới hình thức ba trung đoàn - vào trong một đơn vị chiến đấu. Tại đây, bộ binh giữ vai trò chủ yếu, được trang bị súng trường có lưỡi lê, vừa dùng hỏa khí để đánh xa lại vừa dùng bạch khí để đánh gần nhằm kết thúc trận đánh với sự hiệp đồng của pháo binh - ở giai đoạn chuẩn bị và chi viện cho mọi hành động của bộ binh. Còn kỵ binh, thì "làm tai, mắt" - như tuần tra, trinh sát, bảo vệ cạnh sườn... nối tiếp và hoàn tất mọi hành động của bộ binh trong truy kích khi quân địch rút chạy. Sự kết hợp ba binh chủng - sau thêm binh chủng công binh - trong một cơ cấu tổ chức quân sự mới như vậy - được mệnh danh là "binh đoàn chiến thuật cơ bản" - đã thể hiện rõ một ưu thế lớn về chiến thuật của quân đội hiện đại. Hơn hai trăm năm nay, ưu thế này vẫn giữ nguyên giá trị.


Ở nước ta, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu của chiến tranh, những sư đoàn bộ binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng được thành lập, lúc đầu mang tên là đại đoàn. Phiên chế mới này - đoàn lớn - để phân biệt với trung đoàn - đoàn vừa - và tiểu đoàn - đoàn nhỏ. Sư đoàn 308 thành lập vào tháng 8 năm 1949 tại Thái Nguyên. Sư đoàn 304 thành lập vào tháng 3 năm 1950 tại Liên khu 4. Đây cũng chính là những phiên chế được hình thành theo nguyên tâc "phân chia quân đội" có sự hiệp đồng của các binh chủng để tác chiến trên những chiến trường nhất định - chủ yếu là chiến trường Bắc Bộ - và đã góp phần không nhỏ, đưa cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài và gian khổ của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2021, 09:53:21 am »

BINH ĐỘI, BINH ĐOÀN, QUÂN ĐOÀN, QUÂN ĐỘI


Như chúng ta đã thấy, quân đội lớn hơn quân đoàn nhưng trái lại, binh đội lại nhỏ hơn binh đoàn. Về vấn đề này có hai cách hiểu.

Thứ nhất, trong cấp đội, theo phiên chế hành chính, có số quân ổn định, từ nhỏ đến lớn, bao gồm tiểu đội, trung đội, đại đội. Tiểu đội là đơn vị nhỏ nhất, trung đội là đơn vị trung gian giữa tiểu đội và đại đội. Đại đội là đơn vị cơ sở.


Trong cấp đoàn, theo phiên chế hành chính, từ nhỏ đến lớn có tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn. Tiểu đoàn là đơn vị trung gian giữa đại đội và trung đoàn. Trung đoàn là đơn vị cơ bản, là bộ đội nên không phải không có lý mà người ta thường gọi trung đoàn là đơn vị. Trung đoàn có từ rất lâu đời. Trong suốt chiều dài lịch sử quân sự, loại phiên chế này có một vị trí rất quan trọng, ở phương Đông nó xuất hiện cùng chiến tranh với tên là quân. Còn ở phương Tây, từ thời cổ đại Hi Lạp, nó là pha-lăng và đến thời La Mã nó là lê-gi-ông. Sang thời trung đại, ở phương Tây, trung đoàn có tên gọi là régiment và ở Nga là polk. Còn ở Trung Quốc và Việt Nam có tên gọi là quân. Đến thế kỷ XVIII, trung đoàn là phiên chế hành chính cao nhất và phổ biến trên phạm vi toàn thế giới. Còn sư đoàn và quân đoàn đến Cách mang tư sản Pháp (1789-1792) mới xuất hiện. Riêng ở Việt Nam, sư đoàn đầu tiên ra đời trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là sư đoàn 308 được thành lập ở Thái Nguyên vào tháng 8 năm 1949. Và quân đoàn ra đời vào những năm kết thúc cuộc chiến tranh giai phóng ở thế kỷ XX này. Đó là quân đoàn 1, thành lập vào tháng 10 năm 1973. Sự thật thì vào tháng 10 năm 1970, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, một phiên chế tương đương cấp quân đoàn, binh đoàn 70, đã ra đời nhưng đó chỉ là phiên chế tác chiến, chưa phải là phiên chế hành chính với số quân ổn định như ba năm sau đó.


Thứ hai, theo phiên chế tác chiến là tổ chức theo nhiệm vụ, không có số quân ổn định, đội nhỏ hơn đoàn. Cấp đội nhằm sử dụng trong tác chiến chiến thuật, tính từ trung đoàn trở xuống nên trung đoàn gọi là binh đội và các cấp dưới của nói gọi là phẤn Đội, tính từ tiểu đoàn đến tiểu đội. Cấp đoàn nhằm sử dụng trong tác chiến chiến dịch nên gọi chung là binh đoàn, gồm từ nhỏ đến lớn: sư đoàn, quân đoàn. Quân đội một số nước còn có tập đoàn quân, phương diện quân, dã chiến quân. Riêng sư đoàn, khi mới ra đời, gọi là phân đoàn, cấp dưới của binh đoàn, tương tự như phẤn Đội, cấp dưới của binh đội, và chỉ dùng trong tác chiến chiến thuật nên có tên gọi là binh đoàn chiến thuật cơ bản. Ở Việt Nam, sư đoàn, khi mới ra đời có tên gọi là đại đoàn, lại được sử dụng trong tác chiến chiến dịch từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp cho đến cuối những năm kháng chiến chống Mỹ, trước khi quân đoàn chính thức ra đời. Quân đoàn, về phiên chế tác chiến chiến dịch trong các quân đội trên thế giới thì là cấp thấp nhất nhưng về phiên chế hành chính lại là cấp cao nhất. Nó được xem là phiên chế hoàn chỉnh, độc lập, một sự thu nhỏ của quân đội, với sự kết hợp chặt chẽ của bộ binh, kỵ binh và pháo binh, sau có thêm công binh, những binh chủng đã có mặt ở cuối thế kỷ XVIII, khi loại phiên chế mới này xuất hiện.


Bao trùm lên tất cả các cấp, từ phiên chế hành chính đến phiên chế tác chiến, là quân đội. Quân đội vốn là hai từ khác nhau nhưng được để sóng đôi: "quân" và "đội", "quân" là cấp cao nhất và "đội" là cấp thấp nhất. "Quân" đã được nói đến nhiều còn "đội”? Đó là phiên chế nhỏ nhất, khoảng trên dưới 10 người. Thời Đinh - Lê, gọi là ngũ 10 người, vì vậy có cụm từ đội ngũ, quân ngũ, nhập ngũ... Thời Lý, gọi là giáp, 15 người. Thời Nguyễn gọi là thập, 10 người. Chúng là những phiên chế đã có mặt cách đây khoảng ba mươi thế kỉ để dân tộc ta gọi tên, nhằm thâu tóm một hệ thống phiên chế của "một tập đoàn người vũ trang, có tổ chức do nhà nước xây dựng nên để dùng vào cuộc chiến tranh tiến công hay chiến tranh phòng ngự" như Ph.Ăng-ghen đã từng định nghĩa về quân đội.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2021, 01:13:49 pm »

BƯỚC THĂNG TRẦM CỦA NGƯỜI LÍNH BỘ BINH


Bất cứ lúc nào và ở đâu, người lính đầu tiên của mọi quân đội đều là bộ binh, chính Ph.Ăng-ghen cũng xác nhận điều đó:

"Đối với tất cả các dân tộc, chỉ trừ những bộ lạc du mục, phần lớn quân đội, nếu như không phải là toàn bộ, bao giờ cũng chỉ gồm có lính đi bộ".

Đó là những quân đội đầu tiên ở châu Á như Át-xi-ri, Ba Tư, Ba-bi-lon, Trung Quốc; ở châu Phi như Ai Cập và ở châu Âu như Hy-lạp... Ra đời cùng với những nhà nước đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những người lính bộ binh trong các quân đội đó, vũ khí cơ bản của họ là cây giáo và cơ động chiến đấu bằng đôi chân.


Ở một số nước như Ai Cập, Trung Quốc, Hy Lạp... khi kỵ binh chưa ra đời, đã có những chiến xa do ngựa kéo. Tuy thế nhưng việc cơ động bằng chiến xa bao giờ cũng dành riêng cho những kẻ cầm quyền. Như thời vinh quang của hệ thống quân sự Hi Lạp (thế kỷ XI-thế kỷ IX trước Công nguyên), theo Hô-me mô tả, thì phải là giai cấp chủ nô và các cấp chỉ huy chiến đấu mới được ngồi trên xe chiến. Còn ở thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên) của Trung Quốc cũng vậy. Chỉ có tầng lớp quý tộc mới được điều khiển chiến xa.


Như vậy, cho mãi đến thời kỳ sau này của lịch sử cổ đại, bộ binh vẫn giữ vai trò chủ yếu của mình trên chiến trường.

Bước sang thời trung đại, lực lượng sản xuất phát triển mạnh hơn thời cổ đại. Các quan hệ kinh tế - xã hội phong kiến đã trực tiếp tạo ra tổ chức quân sự của nó. Chính cơ cấu đẳng cấp chiếm hữu ruộng đất đã trao cho tầng lớp quý tộc quyền thống trị những người nông dân. Sự phụ thuộc vào ruộng đất của nông dân dưới chế độ phong kiến đã làm suy sụp hoàn toàn binh chủng bộ binh. Sự phục vụ trong bộ binh bắt đầu bị coi khinh như một thứ nô lệ, nông nô, nên chất lượng của bộ binh tất yếu bị giảm sút. Đến cuối thế kỷ X, kỵ binh lại là binh chủng duy nhất của quân đội.


Bộ binh thời đó, một phần lấy từ trong đám đầy tớ, một phần lấy từ nông dân, đại đa số là lính cầm giáo, thiếu phương tiện phòng hộ, lại ô hợp lộn xộn, không được tổ chức thì làm sao địch nổi với các kỵ binh hiệp sĩ cùng với ngựa chiến được giáp sắt che kín từ đầu đến chân.


Không những thế, với tài năng quân sự kiệt xuất, Thành-cát-tư Hãn cùng với học trò và con cháu ông ta đã sử dụng kỵ binh ở quy mô chiến lược, làm cho kỵ binh Mông Cổ trở thành một quân đội lừng danh, trăm trận trăm thắng, suốt từ Âu sang Á ở thế kỷ XIII.


Vào thế kỷ XIV, khi bắt đầu có sự sụp đổ của chế độ phong kiến và sự phát triển của thành thị, thành phần quân đội mới có sự thay đổi. Lúc đó, quân đội phong kiến không còn nữa. Những quân đội mới được xây dựng nên từ những người lính đánh thuê, những người mà chỗ độ phong kiến tan rã đã trao lại cho họ quyền được tự do phục vụ cho bất cứ ai có tiền muốn sai khiến họ.


Những người lính đánh thuê đó họp lại thành các khối bộ binh. Cũng như xưa kia, họ được trang bị lưỡi gươm, cây giáo và chiến đấu thành từng khối đông dày đặc. Vì được trang bị và huấn luyện tốt hơn bộ binh phong kiến nên trên chiền địa, họ đã tỏ ra vững vàng và có kỷ luật hơn. Những tân binh được tuyển mộ đều đặn và tuy là lính đánh thuê nhưng họ vẫn hơn hẳn những tân binh tuyển mộ bất thường từ trong đám đông vô kỷ luật của tầng lớp đày tớ, dưới chế độ phong kiến. Vai trò bộ binh bắt đầu được phục hồi.


Cùng với sự thay đổi thành phần quân đội là sự phát triển của hỏa khí vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI. Hai sự kiện lớn lao đó đã góp phần tích cực cho bộ binh có thêm chất lượng mới. Sự hiệu quả của hỏa lực và tính cơ động của pháo binh đã chấm đứt sự thống trị lâu dài của cây giáo trong bộ binh. Từng bước thay thế cho cây giáo là khẩu súng hỏa mai. 1/3 bộ binh là lính bắn súng được phối thuộc với lính cầm giáo. Cho đến nửa cuối thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, cùng với việc sử dụng rộng rãi lưỡi lê thì các cây giáo cũng bị loại trừ triệt để khỏi chiến địa. Khẩu súng cầm tay đã có đủ hai chức năng, vừa là bạch khí, vừa là hỏa khí, vừa để đâm lại vừa để bắn. Lính bắn súng đã thực sự đóng vai trò nòng cốt của trận đánh. Ngay những đội kỵ binh đáng sợ nhất thời bấy giờ cũng phải lùi bước trước hỏa lực chính xác của lính bắn súng.


Từ đây, vũ khí cơ bản của người lính bộ binh đã chuyển hẳn từ cây giáo sang khẩu súng và binh chủng kỵ binh đã phải trao lại vị trí chủ yếu trên chiến địa cho binh chủng bộ binh. Sự thay đổi diệu kỳ đó đã được hoàn tất đúng vào những năm đầu của cuộc "Chiến tranh giành quyền thừa kế" ở Tây Ban Nha (1701 - 1714).


Bắt đầu từ thời điểm huy hoàng ấy, vai trò của người lĩnh bộ binh trên chiến trường được khẳng định và hoàn thiện dần. Ngày nay, khoa học, kỹ thuật phát triển như vũ bão, những vũ khí hiện đại, tinh khôn lần lượt ra đời nhưng cũng không thể phủ định được vai trò quyết định của người lính bộ binh. Chính họ mới là những người cuối cùng đến tiếp nhận phần đất đai đã đánh chiếm được sau chiến thắng và cũng chính họ là những người chịu trách nhiệm giải quyết mọi hậu quả trên chiến trường.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2021, 01:14:31 pm »

CÂY GIÁO VÀ KHẨU SÚNG CẦM TAY - NHỮNG VŨ KHÍ CƠ BẢN


Từ mấy ngàn năm nay, khi xã hội loài người có chiến tranh đến nay, trên chiến địa, mọi người lính đều nhất thiết được trang bị một loại vũ khí cá nhân. Thuật ngữ quân sự gọi đó là vũ khí cơ bản. Chính vì vậy, "cây giáo" và "khẩu súng cầm tay", tiếng Hán đều có tên gọi chung là "thương" hoặc "sang". Khác nhau chỉ là dạng tự.


Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy trước thế kỷ XIV, trên chiến trường, người lính chiến đấu bằng vũ khí thô sơ như giáo, gươm, lao, phóng, cung tên... Đó là bạch khí hay vũ khí lạnh. Giáo gươm đánh gần, gọi là vũ khí đột kích, dùng để đâm, chém. Lao, phóng, cung tên đánh xa, gọi là vũ khí xạ kích, dùng để ném bắn. Vũ khí đột kích, nhất là cây giáo đóng vai trò chủ yếu. Vũ khí xạ kích chỉ để hỗ trợ. Tất cả mọi người lính đều được trang bị cây giáo khi chiến đấu trong đội hình tập thể. Thanh gươm trang bị cho những người chỉ huy hoặc những chiến binh chiến đấu ở ngoài đội hình. Để đột phá, nghĩa là tiến công, chọc thủng tuyến phòng ngự, làm rối loạn hàng ngũ nhằm tiêu diệt đối phương trong chiến đấu, sự thắng bại nhất nhất đều phụ thuộc vào "sức đâm" của những cây giáo. Các nhà quân sự gọi đây là xung lực. Như vậy, ở thời đại bạch khí, cây giáo là vũ khí cơ bản của người lính. Cây giáo gồm hai phần: phần cán bằng gỗ vẫn dài hơn, nhiều hơn phần mũi bằng kim loại. Vì vậy chữ "thương" là giáo thuộc bộ "mộc".


Từ giữa thế kỷ XIV trở đi, thuốc nổ được dùng phổ biến trên các chiến trường Tây, Nam và Trung Âu dưới hình thức những khẩu đại bác. Hơn 300 năm sau, khẩu súng cầm tay được trang bị rộng rãi cho hết thảy mọi người lính. Thời đại hỏa khí - vũ khí nóng - bắt đầu. Thay cho cây giáo, khẩu súng - tính từ súng trường - trở thành vũ khí cơ bản. Nếu như trong thời đại bạch khí, "đâm chém" là chính, thì bây giờ "bắn" lại ở vị trí hàng đầu dù cho trên đầu nòng súng có thêm chiếc lưỡi lê, vật hóa thân và kế thừa chức năng của mũi giáo. Từ thời điểm ấy, trên phạm vi toàn thế giới - trước hết từ châu Âu - việc đột phá hoàn toàn phụ thuộc vào "sức lửa" của tất cả những nòng súng tuy trên thực tế chiến trường, ở một số nơi, xung lực vẫn còn được sử dụng. Lấy bắn làm chính, khẩu súng trường nổ từng phát một được cải tiến dần thành khẩu súng liên thanh, bắn nhiều phát liên tiếp, bao gồm đại liên thanh, trung liên thanh và tiểu liên thanh với cỡ nòng to nhỏ khác nhau. Theo cách rút gọn của ngôn ngữ, người ta gọi chúng là đại liên, trung liên và tiểu liên. Trong cơ cấu khẩu súng cầm tay, từ súng trường đến súng tiểu liên, trừ phần báng gỗ ra, kim loại vẫn chiếm phần lớn, nên chữ "thương" thứ hai thuộc về bộ "kim". Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), súng liên thanh được sử dụng rộng rãi. Ngày nay quân đội các nước được trang bị nhiều kiểu loai tiểu liên khác nhau nhưng vào những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên chiến trường Việt Nam hai loại tiểu liên phổ biến trong quân đội hai bên là súng AR15 và súng AK47.


Đến đây - để thay cho lời kết luận - có một điều cần lưu ý rằng từ giữa những năm 40, nhất là từ giữa những năm 50, loài người đã bước sang thời đại vũ khí hạt nhân. Tuy thế, nhưng khẩu súng cầm tay truyền thống của người lính từ 300 năm nay vẫn chưa thể nào thay thế được. Thậm chí có nơi, người lính vẫn còn chiến đấu bằng gươm, giáo, cung tên. Hiện tượng đó nói lên rằng "cây giáo" và "khẩu súng cầm tay" cho đến cuối thế kỷ này vẫn là vũ khí cơ bản của người lính, giữ vị trí quyết định trên chiến trường.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2021, 01:15:06 pm »

GẬY GỘC, GẬY TẦM VÔNG


"Gậy gộc", nói khái quát, theo từ điển tiếng Việt, là công cụ "dùng để đánh... "Dùng gậy gộc đánh cướp". Về nghĩa cụ thể, "gậy" là "đoạn tre, gỗ... tròn, cầm vừa tay, thường dùng để chống khi đi hoặc để đánh. Chống gậy. Phang cho một gậy". "Gộc" là "phần gốc và rễ, thường là của cây đã già cỗi, còn lại sau khi bị chặt đốn đi. Đào gộc tre. Đun bằng củi gộc". Còn "tầm vông" là một loại "tre, thân nhỏ cứng, không có gai" ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi vót nhọn, hơ lửa, đầu gậy đanh lại, nhọn cứng như một lưỡi giáo. Tre già là bà lim (tục ngử). Vũ khí bằng chất liệu tre, rắn đanh, khó gẫy, tuy đơn sơ nhưng cũng là một thứ vũ khí lợi hại.


Như vậy, về lý luận "gậy" được xem là loại vũ khí thô sơ, lâu đời nhất trên chiến địa và tại trường đấu mà chất liệu thường lấy từ loại cây thân mộc. Chả thế mà ngày nay, trong võ nghệ vẫn có những vận động viên chuyên sử dụng gậy (côn) và tay không (quyền) để thi đấu. Nhân vật Từ Hải - một người hoạt động trong lĩnh vực quân sự - từng được Nguyễn Du miêu tả là "côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài". Trong quá trình phát triển của vũ khí, chiếc gậy được cắm thêm những mẩu xương thú, những mảnh đá nhọn và khi kim loại ra đời, người ta thay vào đấy những mũi nhọn bằng đồng, bằng sắt thép để tạo nên những cây giáo. Do đó, trong tiếng Hán, "thương" là cây giáo, được xếp vào bộ "mộc" như chúng tôi đã có dịp trình bày (Ngôn ngữ và Đời sống, số 3-1996). Cúng theo tiếng Hán, "trượng" là "gậy" nhưng "trượng" cũng là tên gọi chung của vũ khí thời xưa. Khi quân đội hai bên đối địch bắt đầu giao tranh, người ta gọi là "khai trượng" và đánh đòn bằng gậy thì gọi là "trượng đả".


Trở lên trên đã trình bày, "gậy" vốn là loại vũ khí đột kích cổ nhất nhưng trong thực tế chiến đấu cũng tồn tại lâu nhất và đã trở thành loại vũ khí phổ biến, thông dụng nhất của quần chúng vũ trang ở khắp mọi nơi trên hành tinh này. Dưới thời cận đại, những người nông dân trong Đại Cách mạng tư sản Pháp (1789) từng dùng gậy gộc, búa rìu phá tan nhà ngục Bastille. Và những năm 70 của thế kỷ này, quần chúng cách mạng Chi-lê dưới thời cố Tổng thống A-giăng-đê cũng vác gậy gộc, xem như một thứ vũ khí, tuần hành trên đường phố thủ đô Xan-ti-a-gô.


Ở Việt Nam, chiếc gậy cũng có một sức sống khá mãnh liệt. Theo ghi chép của Trần Cương Trung (Trần Phu) - sứ thần nhà Nguyên sang thăm nước ta năm 1293 - dân binh Đại Việt, khi được tin báo thì kéo đi hết, vũ khí tự trang bị lấy nhưng cũng "có người chỉ cầm gậy mà thôi". Đến cuối thế kỷ XIX, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống thực dân Pháp, chiếc gậy - mà tiêu biểu là "gậy tầm vông" - đã được dùng làm vũ khí của nghĩa quân như lời "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu "Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ". Tiếp bước cha anh, với chiếc gậy tầm vông truyền thống, những người nông dân yêu nước trên vùng châu thổ của dòng sông "chín rồng" bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Và cũng từ thời điểm này, "gậy tầm vông" đã trở thành biểu tượng của chiến tranh toàn dân. Tuy vậy cũng có một số người cho rằng "gậy tầm vông" được ghi lại trong sử sách, trong thơ ca là phản ánh một thực tế chiến đấu những ngày đầu của cuộc chiến tranh giải phóng lần thứ nhất rồi sau đó và cho đến ngày nay, có giá trị như một loại vũ khí thô sơ chứ thực ra trên chiến trường nếu chỉ riêng "gậy tầm vông" ở Nam Bộ và "gậy gộc" trên cả nước làm sao đủ sức đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi. Còn theo quy luật phát triển của chiến tranh giải phóng, du kích chiến nhất thiết phải tiến lên vận động chiến. Dân quân, du kích xóm làng tuy có góp phần rất lớn, rất quan trọng vào việc tiêu hao quân xâm lược nhưng phần quyết định số phận cuộc chiến tranh chính là những đòn tiêu diệt lớn của các lực lượng chính quy. Nói như vậy chẳng sai nhưng không phải đã hoàn toàn đúng. Trước hết, chúng ta phải thấy "gậy tầm vông" ra đời giữa thế kỷ XX này - cũng như từ giữa thế kỷ XIX trước đây - là một tất yếu lịch sử. Theo truyền thống nghìn đời trên đất nước thượng võ này, khi "sơn hà nguy biến", mọi người dân đều tự trang bị cho mình một thứ vũ khí bên cạnh lòng yêu nước nồng nàn vốn có sẵn.


Chúng không hẳn là súng gươm mà có thể là công cụ lao động như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước". Nghĩa là ai có thứ gì, dùng thứ đó, miễn là có thể sát thương quân xâm lược. Chất liệu vũ khí của những người "thợ cày đánh giặc" này đâu có nhất thiết là sắt thép.


Thường ngày, họ không phải là lính chiến nên theo nếp suy nghĩ cổ truyền của các bậc tiền bối, trước những kẻ thù đụng chạm đến quê hương, xóm làng, đất nước thì chỉ có việc là "chặt tre nên gậy, gặp đâu đánh què". "Tre nên gậy" ở đồng bằng sông Cửu Long chính là cây gậy tầm vông. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Chất liệu này sẵn có trong vườn, trên bờ dậu sau nhà từ hàng cây trước ngõ. Không những thế, "gậy tầm vông" còn có giá trị mở đầu vì trong những cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài của dân tộc suốt ba mươi năm qua, do hoàn cảnh lịch sử quy định, đồng bào Nam Bộ phải chịu "đi trước, về sau". Không chỉ "mở đầu", những người nông dân trên vùng đất "Thành đồng Tổ quốc" còn biết "đánh thắng trận đầu" ngay từ ở Thị Nghè, ở Cầu Bến Phân... trước khi các đoàn quân "Nam tiến" kịp đến nơi. Chả thế mà mãi cho đến cuối tháng 10-1945 - tức là sau một tháng gây hấn ở Sài Gòn - giặc Pháp, được thêm lực lượng tăng viện, lại có quân Anh giúp sức, mới phá được vòng vây, đánh rộng ra các tinh Nam Bộ. Từ những chiến thắng đó nên khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ thì "gậy tầm vông" đã trở thành hiện tượng phổ biến, có mặt rộng khắp ở mọi bản làng, thôn xóm trên thế "cài răng lược" giữa ta và địch, bên cạnh các đơn vị bộ đội chủ lực. Đó cũng lại là một đặc điểm nữa của truyền thống chiến tranh nhân dân Việt Nam, chiến tranh được tiến hành tại chỗ, theo bề mặt, không bao giờ có chiến tuyến rạch ròi như mọi cuộc chiến tranh cổ kim đông tây trên thế giới. Ở Việt Nam, chiến tranh tiến hành theo chiến tuyến chỉ diễn ra mỗi một lần trên bờ bắc sông Như Nguyệt vào năm 1077 trong cuộc Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược Tống, dưới sự lãnh đạo của Thống soái Thái úy Lý Thường Kiệt. Còn như các binh đoàn chủ lực trong cuộc kháng chiến chống Pháp sở dĩ có được những chiến thắng ở Việt Bắc, ở Biên giới, ở Điện Biên... chính là nhờ sự phối hợp tác chiến chặt chẽ bằng cách kìm chân địch ở trước mặt, ở sau lưng, dàn mỏng lực lượng chúng ra trên phạm vi cả nước của "gậy gộc", của những chiếc "gậy tầm vông" huyền diệu.


Tóm lại, "gậy gộc" là một thứ vũ khí thô sơ lâu đời nhất, xuất hiện trước vũ khí lạnh rất xa và đã tồn tai cho đến tận ngày nay. Ở thế kỷ XX này, "gậy gộc" nói chung và ”gậy tầm vông" nói riêng đã trở thành loại vũ khí thần kỳ trong tay những người Việt Nam yêu nước. Không những thế "gậy tầm vông" còn là niềm vinh hạnh, là biểu tượng chiến thắng của chiến tranh giải phóng suốt mấy chục năm qua.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2021, 01:15:58 pm »

"ĐÂM" RA ĐỜI TRƯỚC "CHÉM"


Thường ngày, người ta vẫn nói "đâm chém" - hai động tác của người lính khi sử dụng vũ khí lạnh - đi liền với nhau nhưng quá trình phát triển của xã hội loài người đã chứng minh rằng, động tác "đâm" đã ra đời trước động tác "chém" ít ra cũng tới hàng vài chục thiên niên kỷ.


Để làm rõ, chúng ta hãy tìm hiểu định nghĩa hai từ này trong "Từ điển tiếng Việt". "Đâm" là "đưa nhanh cho mũi nhọn chạm mạnh vào nhằm làm cho thủng, làm tổn thương. Dùng giáo đâm". "Chém" là "làm cho đứt bằng cách bổ mạnh lưỡi gươm, dao vào. Chém đầu, chém tre đẵn gỗ". Theo các định nghĩa trên, mục đích của "đâm" là "làm cho thủng", còn mục đích của "chém" là "làm cho đứt". Để "làm cho thủng", công cụ không nhất thiết là vũ khí, miễn là có "mũi nhọn", còn để "làm cho đứt", công cụ phải là "gươm, đao" nghĩa là phải có "iưỡi sâc". Muốn tạo nên các công cụ có "mũi nhọn" không khó lắm, có thể đập vỡ một hòn đá, bẻ gãy một cành cây nhưng công cụ "chém" nhất thiết phải được chế tác từ kim loại, thậm chí phải là sắt mới đủ sức "làm cho đứt" được. Mà trong lịch sử tiến hóa nhân loại, khi thanh kiếm sắt ra đời là lúc loài người bước đến "ngưỡng cửa của thời đại văn minh", thời đại mà chiến tranh "đã trở thành những chức năng thường xuyên trong sinh hoạt của nhân dân”. Như vậy, động tác "chém" là kết quả ra đời của thanh kiếm sắt cùng với chiến tranh, còn động tác "đâm'' có thể được gây ra ngay từ những công cụ không hẳn là kim loại, khi mà xã hội loài người chưa có loại nguyên liệu đó và cũng chưa xuất hiện chiến tranh. Hay nói một cách khác, khi loài người bắt đầu biết sử dụng công cụ lao động thì đã biết thực hiện động tác "đâm" để chọc lỗ, tra hạt giống khi gieo trồng hoặc sát thương con thú khi săn bắt. Thời điểm đó chắc chắn là trước khi vũ khí lạnh ra đời rất xa.


Đó là nói về chất liệu của công cụ "đâm - chém”. Còn sau khi thanh kiếm, lưỡi gươm ra đời thì bản thân các loại vũ khí đó bao giờ cũng có "mũi nhọn" và ”lưỡi sắc". Trong quá trình chiến đấu, khi nào người lính cũng thực hiện động tác "đâm” trước khi thực hiện động tác "chém".


Trong đội hình chiến đấu cũng vậy. Những người chiến binh cầm giáo luôn luôn được bố trí thành một bộ phận ở phía trước. Họ thực hiện động tác "đâm" là chính, còn người chỉ huy mang gươm, kiếm bao giờ cũng ở phía sau như trong đội hình pha-lăng của người Hy Lạp, đội hình ma-níp của người La Mã hoặc ở chính giữa như trong đội hình bát quái của người Hoa Hạ.


Nếu như ”đâm" là dùng "mũi nhọn" để chọc thủng thì bất cứ một phương thức tác chiến nào trong tiến công cũng đều phải để việc đột phá bằng lực lượng xung kích lên hàng đầu. Trong một trận đánh mà không "làm cho thủng" được tuyến phòng ngự của đối phương thì xem như là thất bại.


Tóm lại, "đâm - chém" tuy là hai động tác sử dụng vũ khí lạnh của người lính trong chiến tranh nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, động tác "đâm" đã ra đời trước động tác "chém" rất lâu. Còn khi dao kiếm đã xuất hiện thì việc sử dụng chúng, người lính cũng thực hiện động tác "đâm" trước động tác "chém". Ngay trong đội hình chiến đấu cũng vậy, những người lính đều được bố trí ở phía trước để thực hiện động tác "đâm" bằng những mũi giáo nhọn. Và nếu như "đâm" nhằm mục đích "làm cho thủng" thì bất cứ một phương thức tác chiến nào, việc đầu tiên cũng là chọc thủng để phá vỡ tuyến phòng ngự của địch để rồi sau đó mới xông lên chém giết, tiêu diệt chúng.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2021, 01:16:28 pm »

TẠI SAO NGƯỜI LÍNH THƯỜNG XUYÊN ĐỘI MŨ?


Thường ngày, ở những chốn thâm nghiêm như đền chùa, lăng tẩm, dinh thự... hoặc tại những buổi lễ trang trọng như chào cờ, đưa tang, đón tiếp cấp trên... ai nấy đều ngả mũ, nón để thể hiện sự kính trọng nhưng trái lại, các quân nhân vẫn đội mũ trên đầu. Hiện tượng đó nói lên điều gì ? Để làm rõ, chúng ta hãy tìm hiểu kỹ về trang bị cá nhân người lính.


Lịch sử quân sự đã ghi rõ, sự trang bị trên bao giờ cũng hình thành hai phần: vũ khí và phương tiện phòng hộ. Vũ khí để đánh địch, để tiến công; phương tiện phòng hộ để giữ mình, để phòng ngự. Tiến công và phòng ngự vốn là hai mặt quan hệ hữu cơ với nhau trong hành trang của một chiến binh. Về vũ khí, dưới thời bạch khí, đó là gươm giáo, cung tên; dưới thời hỏa khí, đó là súng đạn, cụ thể là súng cầm tay, kể từ súng hỏa mai, súng trường cắm lưỡi lê, súng ngắn, lựu đạn và ngày nay là súng tiểu liên. Bây giờ, chúng ta đi sâu vào phương tiện phòng hộ. Ai cúng thấy rõ là thân thể con người chia làm ba phần: đầu, mình và chân tay. Từ đó, phương tiện phòng hộ cũng có các phần tương ứng là "giáp" và "trụ". "Giáp" để giữ mình và chân tay, còn "trụ" để che đầu. Phương tiện này lúc đầu chỉ đơn giản có chiếc mộc ghép bằng gỗ dày hoặc chiếc khiên đan bằng sợi mây. Từ gốc Hán gọi chung các công cụ này là "thuẫn" và từ đó xuất hiện cụm từ "mâu thuẫn", "mâu" (một loại giáo có lưỡi nhọn, dài và cong như hình con rắn) đâm và "thuẫn" đỡ. Chiếc mộc, chiếc khiên làm cơ sở cho giáp trụ phát triển dần lên thành chiếc mũ đội đầu và tấm kim loại che ngực. Tất cả bộ binh nặng của quân đội Hy Lạp cổ đại đều được trang bị mũ và giáp che ngực. Trong các ngôi mộ cổ thuộc thời đại Hùng Vương, người ta cũng tìm thấy các tấm đồng che ngực của chiến binh. Đến thời trung đại, "giáp trụ" đã trở thành phương tiện phòng hộ hoàn chỉnh: mũ đội đầu, giáp che toàn bộ thân mình và chân tay, nhất là từ thế kỷ X trở đi, khi kỵ binh trở thành quân chủ lực trên chiến trường châu Âu. Sức chở của con ngựa chiến có thể mang trên lưng một chiến binh với đủ vũ khí và giáp trụ kim loại tới 300 kg như kỵ binh Nga, kỵ binh Giéc-ma-ni, kỵ binh Tơ-tông... Loại giáp trụ này đã đứng vững suốt 700 năm, mãi cho tới khi hỏa khí ra đời, nhất là khi súng cầm tay được trang bị rộng rãi cho người lính bộ binh vào thế kỷ XVII. Như chúng ta đã biết, trong cơ thể con người, đầu là "cơ quan đầu não" nên việc bảo vệ nó chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Vì dưới thời vũ khí lạnh, mục tiêu của gươm giáo là nhằm vào ngực và đầu. Giết chết cũng có nghĩa làm cho đối phương "mất đầu". Chả thế mà luật pháp của triều đại Tần Thủy Hoàng (258-210 trước Công nguyên, ở Trung Quốc) quy định cho người lính hễ giết giặc, phải chém lấy đầu đem về làm vật chứng mới được thăng lên một cấp. Vì vậy, thời ấy, người ta gọi đầu giặc là "thủ cấp". Hiện nay, ngôn ngữ thường ngày vẫn lưu hành từ ngữ "võ biền". Từ ngữ này chỉ một khái niệm khái quát, có ý chê bai loại quan võ dốt nát về học thức. Vậy "biền" là gì? "Biền" là một từ gốc Hán, nghĩa đen là "chiếc mũ". Đây là phương pháp hoán dụ trong ngôn ngữ, lấy một bộ phận - mũ đội đầu (người lính) - để chỉ toàn bộ con người (hoạt động quân sự). Theo đó trong tiếng Hán còn có cụm từ "biền mâu" để chỉ toàn bộ trang bị người lính: "biền" tượng trưng cho toàn bộ phương tiện phòng hộ, "mâu" là vũ khí. Việc bảo vệ đầu trong chiến đấu đã được xem trọng ngay từ thời cổ đại qua thời trung đại và lại càng được đặc biệt chú ý ở thời cận đại, khi mà bộ áo giáp kim loại bị viên đạn của hỏa khí làm vô hiệu hóa. Ở thời đại chúng ta đang sống, việc tập trung vào bảo vệ đầu không chỉ trong lĩnh vực quân sự, mà còn lan sang cả lĩnh vực lao động sản xuất, lĩnh vực thi đấu thể thao... Chính thế mà ngày nay, tất cả mọi qưẤn Đội hiện đại, nhất là bộ binh, đều được trang bị mũ sắt, một phương tiện phòng hộ không thể nào thiếu vắng. Vì vậy, việc đội mũ nói chung trong mọi trường hợp đều là sự thể hiện hành động sẵn sàng chiến đấu của người lính và đã đi vào đời sống thường ngày, kể cả những lễ nghi trang trọng nhất.


Tóm lại, từ rất xa xưa, đội mũ đã là hành động chiến đấu trong thời chiến và sẵn sàng chiến đấu trong thời bình của người lính. Mà chiến đấu và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu là một nghĩa vụ thiêng liêng, một phẩm chất trong sáng, cao đẹp trong sự nghiệp đấu tranh vũ trang bảo vệ Tổ quốc đối với mọi quân nhân.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #17 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:05:34 pm »

CHIẾC NỎ LIỄU VÀ KHẨU SÚNG THẦN CƠ


Ở thời đại bạch khí, khi thuốc súng chưa có, từ thế kỷ XIV trở về trước, việc sử dụng vũ khí, từ đột kích đến xạ kích, tất cả đều từ sức lực trực tiếp của con người. Cung tên thường bắn phát một. Thế nhưng người dân nước Âu Lạc (từ năm 208 đến nắm 179 trước Công nguyên), với đàu óc sáng tạo của mình đã biết chế ra một loại vũ khí xạ kích mới có khả năng bắn nhiều mũi tên cùng một lúc. Đó là chiếc nỏ liễu.

"Vua (An Dương Vương) sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy nỏ...". (Đại Việt sử ký toàn thư).

Nỏ vốn là một loại vũ khí rất độc đáo của cư dân Đông Nam Á. So với cung, nỏ có ưu thế hơn. Nó có báng tì ngắm, người bắn có thể giương được những cánh cung khỏe hơn. Được đặt trên đường rãnh cố định, mũi tên khi bắn ra bao giờ cũng bay theo đúng hướng. Trên cơ sở đó, người Việt cổ cải tiến chiếc lẫy để có thể bắn một phát được nhiều mũi tên. Đó chính là loại nỏ liễu. Theo sử cũ "tên bắn như mưa, trúng ai nấy chết" vì đầu mũi tên đồng đã sắc lại tẩm thuốc độc. Chiếc lẫy nỏ đơn giản nhưng kỳ diệu - tưởng như có phép thần - là một sáng tạo lớn của tổ tiên ta. Chỉ một cải tiến về cơ khí đã làm cho hiệu suất chiến đấu của vũ khí thay đổi hẳn. Sức mạnh đó còn được nhân lên gấp bội khi vũ khí đem trang bị cho cả một đội quân: nỏ binh.    


Cùng với việc cải tiến lẫy nỏ là việc chế tạo những mũi tên đồng thau. Kho tên đồng được phát hiện ở vùng Cổ Loa năm 1959 cho thấy: đầu mũi tên bằng đồng thau, loại tốt, có ba ngạnh, nhọn sắc, có đuôi dài tới 4 - 5cm. Việc sản xuất những mũi tên đồng cũng đòi hỏi một trình độ kỹ thuật luyện kim cao. Thông thường các sản phẩm bằng đồng thau bao gồm các thành phần kim loại chính là đồng đỏ (Cu), thiếc (Zn) và sau này thêm thành phần chì (Pt). Trong chế tạo vũ khí, người Việt cổ chú ý tăng thêm tỉ lệ thành phần hai kim loại sau. Thiếc làm tăng độ cứng còn chì làm tăng độ bền dai. Với phương pháp đó, thành phần chì được tăng lên trong hợp kim đúc để sản xuất ra những mũi tên đồng. Đây là những vật phẩm tuy hình thức bé nhưng cần trọng lượng cao, đảm bảo độ nặng, cân bằng với chuôi tên có kích thước lớn để bay xa và lao chính xác tới mục tiêu.


Trong đền cổ Loa ngày nay có chiếc nỏ thờ là "nỏ liên châu", có dàn cắm hàng chục mũi tên. Trong lịch sử, nỏ liễu đã trở thành nỗi kinh hoàng với quân xâm lược Triệu Đà.

Mười tám thế kỷ sau, đầu thế kỷ XV, khi xã hội loài người bước vào thời đại hỏa khí, một người Việt Nam là Hồ Nguyên Trừng đã đóng góp cho nền kỹ thuật quân sự dân tộc một phát minh mới. Đó là khẩu súng thần cơ (máy móc như thần).

Súng thần cơ gồm bộ phận ống trơn làm nòng, đúc bằng sắt, bên trong có mũi tên cũng bằng sắt, đạn chì và thuốc súng, có ngòi châm lửa để bắn. Phía sau là phần báng. Thần cơ có nhiều loại với những kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau. Loại nhỏ - thần cơ sang - tức súng bộ binh - bắn xa từ 600 đến 700m, làm vũ khí tiến công. Loại lớn - thần cơ pháo - kéo bằng xe hoặc đặt trên giá gỗ, làm vũ khí phòng ngự. Ra đời, thần cơ đã là một thành phần quan trọng trong việc trang bị vũ khí cho quân đội. Từ đó, nhiều hình thức và phương pháp sử dụng hỏa lực, kết hợp hỏa lực với bạch khí, kết hợp hỏa lực với vận động, đột kích để đánh địch cũng ra đời theo. Với tính năng, tác dụng như vậy nên quân Minh đã học tập và đem sử dụng trong chiến đấu.


"Đến đời Thành Tổ nhà Minh (1403-1424), đánh nước Giao Chi được phép đúc thần cơ sang pháo (các súng máy các cỡ)"... (Lê Quí Đôn, Vân đài loại ngữ).

Loại vũ khí này được xem là "trọng khí của nhà nước".

Trong quân đội nhà Minh bắt đầu có thêm "thần cơ doanh", một đội quân chuyên sử dụng súng thần cơ. Vì vậy, Thiên triều quy định mỗi khi "tế binh khí phải tế Trừng".

Trên thực tế nhà Minh không hoàn toàn học tập kỹ thuật đúc súng của Hồ Nguyên Trừng. Từ giữa thế kỷ XIV, người Trung Quốc đã có những khẩu súng thần công với những cái tên oai hùng như "Vô địch đại tướng quân", "bắn xuyên trăm lỗ, âm vang chín tầng mây". Điều mà nhà Minh học được ở Hồ Nguyên Trừng chính là kỹ thuật chế tạo thần cơ dã chiến.


Ở Việt Nam, súng ống có thể ra đời trước đó từ nhiều thế kỷ. Vì mùa xuân năm 1390, tướng nhà Trần là Trần Khát Chân đã dùng hỏa pháo bắn trúng thuyền quân xâm lược Chăm-pa, giết chết Chế Bồng Nga tại ngã ba sông Luộc. Đầu thế kỷ XV, Hồ Nguyên Trừng đã nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật đúc súng mà chế tạo ra súng thần cơ. Do địa hình sông ngòi ở nước ta, việc chuyển quân phần lớn là bằng thuyền, vả lại, vận động chiến vốn là cách đánh phổ biến trong mọi cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc ta. Từ những thực tiễn đó nên khi thần cơ ra đời, Hồ Nguyên Trừng đã đưa ngay loại vũ khí này cơ động cùng quân đội.


Tầm cỡ sáng chế của Hồ Nguyên Trừng có thể sánh ngang những cải tiến của anh em nhà Buy-rô, người Pháp, ở giữa thế kỷ XV. Chính từ những cải tiến ấy vua Pháp Sác-lơ VIII đã đưa pháo thành một binh chủng cơ động cùng bộ binh, mở đường cho quân đội các nước châu Âu bước vào thời kỳ pháo dã chiến, tham gia mọi trận đánh trên chiến trường. Nhưng so với phát minh của Hồ Nguyên Trừng, sự kiện cách mạng đó trong lịch sử quân sự thế giới còn diễn ra muộn hơn năm mươi năm.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:06:07 pm »

KHẨU SÚNG TRƯỜNG VỚI CHIẾC LƯỠI LÊ


Ngày nay, khẩu súng trường với chiếc lưỡi lê không còn nhiều giá trị chiến đấu nữa. Trên chiến trường, trong hành động cá nhân, người lính hoàn toàn sử dụng súng tiểu liên. Vậy tại sao người lính cầm súng trường có lưỡi lê tuốt trần vẫn có mặt trong những lễ nghi trang trọng? Chúng ta hãy đi ngược dòng lịch sử quân sự thế giới.


Kể từ khi thuốc nổ được sử dụng phổ biến trên chiến trường vào thế kỷ XIV cho đến khi người lính bộ binh được trang bị khẩu súng cầm tay phải mất gần 300 năm. Tuy mới chỉ là khẩu súng hỏa mai có ngòi, từ thế kỷ XVI trở đi, sau mũi giáo, khẩu súng cá nhân này đã trở thành vũ khí thứ hai của người lính. Bởi thế, theo tiếng Hán, "thương" (cũng đọc là "sang") nghĩa là mũi giáo và cũng có nghĩa là khẩu súng cầm tay. Sự khác nhau chỉ là dạng tự. "Thương" là giáo thuộc bộ "mộc" và "thương" là súng thuộc bộ "kim", ở thế kỷ XVI, súng hỏa mai còn rất nặng nề, khi bắn phải đặt trên nạng gỗ. Trong giáp chiến, người lính cầm súng không có khả năng tự vệ mà phải dựa vào sức mạnh của người lính cầm giáo.


Cùng với việc ra đời của khẩu súng hỏa mai, kỵ binh cũng được cải tiến. Binh chủng này không còn giáp trụ nặng nề như kỵ binh hiệp sĩ thời trung đại mà đã có sức cơ động cao, sức đột kích mạnh. Trước đòn sấm sét của kỵ binh, lính cầm giáo tỏ ra bất lực. Vốn là một lực lượng tiến công chủ yếu thì đến thế kỷ XVI, họ chỉ còn đơn thuần là một lực lượng phòng ngự để bảo vệ cho lính cầm súng. Với lý do đó, vào khoảng nửa sau của thế kỷ XVII, số lượng lính cầm giáo giảm đi rất nhiều so với lính cầm súng và bị loại dần khỏi chiến địa. Từ đấy, người lĩnh cầm súng thực sự đóng vai trò chủ chốt của bộ binh. Họ đã có thể dựa vào hỏa lực của mình để chống lại kỵ binh đối "phương một cách hiệu quả. Trong giao tranh, nhiều phen, kỵ binh đã phải chùn bước trước sự giáng trả quyết liệt, chính xác của lính cầm súng. Tuy ngọn giáo bị loại khỏi vòng chiến nhưng đâu có phải đã thiếu hẳn những trận giáp lá cà? Thực tế chiến trường thấy cần sự có mặt một loại vũ khí mới, tương đương như mũi giáo. Đáp ứng nhu cầu đó, chiếc lưỡi lê cắm trên đầu ngọn súng ra đời. Lưỡi lê, sự hóa thân của mũi giáo, là một phát minh đáng kể của người Pháp khoảng năm 1640 và phải đấu tranh suốt 60 năm với mũi giáo, đến năm 1699, mới được hoàn thiện. Mặc dù chưa hoàn toàn thay thế cho mũi giáo nhưng lưỡi lê ra đời cũng đã cho phép người lính cầm súng có thể tự vệ, không như trước kia, phải núp dưới "ô bảo hộ" của người lính cầm giáo. Cùng với sự ra đời của lưỡi lê, quá trình nạp đạn cho súng hỏa mai cũng đã đơn giản hơn nên việc bắn cũng nhanh hơn khiến hiệu suất chiến đấu được nâng lên rõ rệt, đủ sức khắc phục những nhược điểm mà lưỡi lê chưa làm nổi. Cho đến thế kỷ XVIII, trong binh chủng bộ binh đã hoàn toàn vắng mặt lính cầm giáo mà chỉ gồm độc nhất một loại lính, đó là linh cầm súng trường đầu cắm lưỡi lê. Loại vũ khí này đã trở thành thông dụng và tiện lợi suốt 200 năm cho đến tận đầu thế kỷ chúng ta đang sống.


Như trên đã nói, khẩu súng trường với chiếc lưỡi lê hiện chỉ còn là dấu vết của "một thời vang bóng" nhưng nó vẫn là vật đại diện chung cho vũ khí cơ bản của người linh bộ binh, ở đấy có cả vũ khí đột kích, chiến đấu ở cự ly gần, lẫn vũ khí xạ kích, chiến đấu ở cự ly xa, có cả vũ khí của thời đại bạch khí lẫn vũ khí của thời đại hỏa khí.


Tóm lại, khẩu súng trường với chiếc lưỡi lê còn tồn tại đến thế kỷ XX này là một chứng tích quý báu rất lâu đời của lịch sử kỹ thuật quân sự và đã được nhiều thế hệ nâng niu, trân trọng. Tiêu binh cầm súng trường có lưỡi lê tuốt trần được xếp vào các buổi lễ vẫn thường là một nghi thức trang trọng. Đó là buổi tang lễ những người chỉ huy quân đội, là việc canh gác những chốn tôn nghiêm như lăng tẩm, đền đài, dinh thự hoặc là việc đón tiếp các quan khách nước ngoài ở hàng thủ tướng chính phủ và ở hàng nguyên thủ quốc gia.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2021, 04:06:50 pm »

THÀNH LŨY Ở HÀ NỘI TRƯỚC KINH THÀNH THĂNG LONG


Ai cũng hiểu từ năm 1010, Hà Nội được đặt tên là Thăng Long và là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam nhưng ít người biết rằng, gần 500 năm, trước khi có kinh thành này, tại đây, một số thành lũy đã được dựng lên.

Công việc đó được tiến hành lần đầu tiên ở Hà Nội cổ là từ bàn tay Lý Bí. Năm 545, ông dựng thành lũy bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch để chống quân xâm lược nhà Lương. Hà Nội có thành lũy là từ bấy giờ.

Năm 607, sau khi Lý Phật Tử bị nhà Tùy tiêu diệt, đất nước ta bị thôn tính, chính quyền đô hộ phương Bắc dời nhiệm sở từ Long Biên (Yên Phong, Bác Ninh) về Tống Bình, tên của Hà Nội gốc được đặt ra dưới thời Tống thuộc Nam Triều (Trung Quốc) (420-589) vào nửa đầu thế kỷ V, một cái tên tủi nhục của Hà Nội cổ, chỉ một vùng đất bị "nhà Tống bình định". Từ đấy, Hà Nội cổ trở thành vị trí trung tâm của đất nước, nhất là sau năm 679, khi toàn bộ đất Giao Châu bị nhà Đường đổi thành "An Nam đô hộ phủ". Lũ thống trị ngoại bang liên tiếp củng cố và mở rộng Tống Bình thành dinh lũy chủ yếu của chúng. Một hệ thống thành lũy ngày càng đồ sộ liên tiếp mọc lên trên vùng đất này. Năm 621, Thái thú Khâu Hòa bắt đầu xây dựng "Tử thành" (thành con) bên bờ sông Tô Lịch. Chu vi tòa thành không quá 2km. 130 năm sau, năm 757, La thành xuất hiện trên đất Hà Nội cổ. Người đắp tòa thành này là Kinh lược sứ Trương Bá Nghi. Nghĩa đen "La thành" là "tường bao quanh". Đúng vậy, La thành được xây nên nhằm quây kín phủ thành đô hộ sau phong trào Mai Thúc Loan (năm 722) và những cuộc cướp bóc của bọn cướp biển Chà Và. Tuy thế nhưng tòa quân thành này chỉ cao vài thước, nhỏ hẹp và không vững chắc lắm. Năm 791, sau phong trào Phùng Hưng (766-791) - một phong trào làm rung chuyển đất trời Tống Bình - tiếp đó, năm 801, những viên quan đô hộ như Triệu Xương, Bùi Thái lại xây đắp, củng cố thêm La thành. Năm 808, Đô hộ Trương Châu sửa sang lại La thành và đặt cho nó một cái tên mới là "An Nam La thành". Thành có ba cổng, trên có lầu cao theo phong cách môn lâu phương Bắc. Trong thành có mười tòa nhà, dựng theo cung điện phong kiến Trung Hoa, hai bên có lầu giáp trượng làm kho vũ khí. Đấy là một tòa thành xây dựng phía bờ nam sông Tô Lịch, có quy mô lớn đầu tiên trên đất Hà Nội cổ. Tất cả những thành lũy của bọn thống trị phương Bắc được xây dựng như vậy nhưng trước khí thiêng đất nước Giao Chỉ và nhất là sợ nhân dân bản địa nên đã có lần, như năm 825, Đô hộ Lý Nguyên Hỉ đã tâu xin dời phủ đô hộ sang phía bờ bắc sông Hồng. Như vậy, qua nhiều lần xây dựng, đến năm 863, đất Hà Nội cổ đã có ba tòa thành. Thứ nhất là thành Giao Châu, hay thành Giao Chỉ tức phủ thành đô hộ, chu vi hơn 6km, lấy hào thiên nhiên phía bắc là sông Tô Lịch, phía đông là sông Hồng. Thành này cũng gọi là "cựu thành" (thành cũ) hay "thành cũ Tô Lịch" vì nằm trên bờ sông Tô Lịch, được xây đắp và sửa sang trong nửa thế kỷ, từ năm 757 đến năm 808. Thứ hai là "tử thành" (thành con), được bọc trong tòa thành chính nói trên. Thứ ba là "kim thành" (thành mới). Thành này cũng gọi là La thành nhưng xây đắp từ thời Đô hộ Lý Nguyên Hỉ, vào năm 825. Sang thời Đô hộ Điền Tảo, từ năm 835, hàng năm nhân dân phải nộp tiền làm lũy gỗ quanh thành. Đến năm 858, Kinh lược sứ Vương Thức thu tiền thuế một năm của An Nam, mua tre gỗ trồng quanh 12 dặm thành, đào hào rào lũy, bên ngoài trồng tre gai. Vì vậy, thành mới có tên gọi là Lặc Trúc (rào chân bằng tre). Việc kẻ thống trị nước ngoài liên tiếp đắp thành Hà Nội cổ chứng tỏ chúng phải luôn luôn đương đầu với những cuộc nổi dậy của nhân dân. Mặt khác, Hà Nội và lưu vực sông Hồng ở thế kỷ VIII - thế kỷ IX luôn luôn bị quân Chà Và, Côn Lôn ở vùng biển phía Nam và quân Nam Chiếu ở nội địa phía Tây Bắc đến cướp phá. Bất lực, lũ quan cai trị nhà Đường sợ hãi, bỏ thành chạy về nước. Trước tình hình đó, các hào trưởng, người Việt ở khắp nơi đã lãnh đạo con em đứng lên chống giặc, giữ làng liên tiếp trong ba năm. Lợi dụng thành quả ấy, nhà Đường cướp thời cơ, cử Cao Biền đem đại quân sang, mở trận tổng công kích, đuổi lũ giặc Nam Chiếu ra khỏi đất nước ta. Tiếp đó, viên Tiết độ sứ kiêm nghề phù thủy này đáp lại và mở rộng "An Nam la thành" nên từ đó thành có tên mới là "Đại La". Thành này theo "Đại Việt sử ký toàn thư" có "vòng quanh là 1982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, tường nhỏ trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc... đê vòng quanh thành dài 2.125 trượng 8 thước, thân cao 1 trượng 5 thước, chân rộng 2 trượng"... Từ một danh từ chung, Đại La đã trở thành một danh từ riêng, một tên gọi của Hà Nội cổ trước Thăng Long.


Tóm lại, trải qua 321 năm, từ tòa thành đầu tiên được Lý Bí xây dựng lên trên đất Hà Nội cổ, năm 545, đến thành Đại La, được Cao Biền sửa sang và xây đắp lại vào năm 866, những chủ nhân của chúng đều không đạt tới mục đích đã đề ra, kể cả phía ta lẫn phía địch. Lý Bí định xây dựng tòa thành "bằng tre gỗ" làm hàng rào hòng che chân cho một quân đội mới nhen nhóm thì làm sao có thể "trụ vững" trước một đạo quân xâm lược nhà nghề ngay cả khi quân đội đó phòng ngự thành Gia Ninh (Việt Trì). Còn dĩ nhiên, tất cả mọi tòa thành của chính quyền đô hộ, không riêng ở Hà Nội cổ, dù vững chắc đến đâu cũng không ngăn cản được sức quật khởi của cả một dân tộc. Chỉ sau năm 1010, khi Đại La mang tên là Thăng Long và trở thành kinh đô của nhà nước Đại Việt, kinh thành đó mới được xem là "thắng địa", là "đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời" (Lý Công uẩn, Chiếu dời đô).

(Theo Trần Quốc Vượng, vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM