Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:13:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến sĩ trinh sát  (Đọc 7529 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2021, 07:11:19 am »

Buổi trưa, gần lúc ăn cơm, tôi để ý thấy chị Cúc, Thuần, Liên thỉnh thoảng nhìn nhau rồi cười. Chị Cúc thì cười kẻ cả bao dung như vốn có, còn Liên và nhất là Thuần thì đỏ mặt có vẻ "dị". Tôi chẳng để ý. Mặc xác các cậu, ăn xong leo lên võng nằm ngả lưng rồi ngủ lịm như chết, xế chiều tỉnh dậy chỉ còn chị Cúc ngồi viết lách gì đấy. Thấy tôi dậy, chị nói: Anh Dũng và mấy anh có lệnh đi công tác gấp. Anh Düng dặn anh cứ ở đây sẽ có anh em khác đến để làm một việc khác. Tôi thì cũng đã quen với cái mệnh lệnh bất thường, chẳng khi nào giải thích này rồi. Cúc hỏi tôi còn gạo không? Tôi nhắc bao đựng gạo ra. Mấy thằng thật tốt bụng dồn gạo để lại cũng được ba bốn lon, cả chủ khách chắc được vài ngày. Tôi đưa Cúc: Còn đây. Cúc nhanh nhẹn nấu cơm. Kể ra cũng chẳng có gì lắm để mất nhiểu thời gian. Cơm ăn dã chiến với muối là chủ yếu, có rau rác gì bao giờ đâu, nay cầu kỳ hơn là có thêm món mắm cá hộp. Cúc vừa đun bếp vừa nhìn tôi cười vẻ tinh quái rồi nói:

- Anh có biết chuyện gì không?

- Chuyện gì? Bố ai đoán được. - Tôi dấm dẳng.

- Chuyện của bọn em mà anh không thấy có gì lạ sao?

- Ai mà biết được. Chuyện gì vậy? - Tôi ngồi dậy có vẻ quan tâm. Cúc vui vẻ nói:

- Hồi hôm anh đi công tác, ba đứa em ở nhà, đêm xuống thấy sợ bảo anh Thuần, Liên mắc võng hai bên, em xen vào giữa. Mấy anh cứ nói chuyện vui lan man. Bỗng em thấy một bàn tay đưa sang võng em chạm đến đùi em. Em cầm lấy bàn tay ấy, tay anh Liên, giữ yên không cho di chuyển thêm nữa. Lúc sau anh Thuần lại đưa tay sang, em lại cầm tay anh Thuần. Chắc anh này sợ anh kia biết nên nhẹ nhàng lắm. Em thấy vui đưa hai bàn tay của hai người chập vào nhau. Hai ông tướng giật nảy mình khi ba bàn tay chạm vào nhau. Thế là mọi người rút tay lại. Không khí trở nên nặng nề quá. Em đành kể câu chuyện "Tay ải tay ai, tay ẻm tay em... tay ổng tay ông" thế là cả ba anh em lại có cớ để cười phá lên. Sau đó em ngủ đến sáng đấy anh ạ. Chuyện của thanh niên mà... Tôi thấy Cúc thật già dặn và không thể ngờ khi Cúc nói: "Em mới 19 tuổi". Cúc dân Đại Lộc, lên Xanh từ năm 1969, lúc đó chưa đầy 15 tuổi. Một cô gái thật bản lĩnh và thành thật. Bữa cơm tối chủ nhà là thiểu số, còn khách số đông hơn. Đó là ba cô gái phong trào. Có lẽ Cúc là phụ trách. Cơm xong, tối xuống muỗi dĩn nhiều, không thể ngồi tán gẫu được. Cúc bảo mấy bạn về lán. Tôi vội mời hai chị sang đây mà nghỉ. Cúc bảo chúng nó đi rồi. Cúc buộc đầu dây võng vào cột dưới võng tôi một chút, đầu kia mắc vào một chiếc cọc phía ngoài gần võng của tôi. Cúc giải thích: "Em nhát đêm lắm, cho em nằm chung với”. Tôi không hiểu lắm (nằm gần) về từ "chung" theo ý cô nên có vẻ thấy ngường ngượng. Cô leo lên võng quay đầu cùng chiều với tôi. Cô gái Quảng Đà thật vô tư, tự nhiên nói, hỏi đủ thứ chuyện: miền Bắc, đơn vị, v.v... sau đó cô im lặng, chỉ còn tiếng thở đều đều thoải mái. Còn tôi cứ trằn trọc nghe đủ thứ âm thanh, tiếng giun dế kêu khi trời tạnh mưa, tiếng lá cây rụng rơi xuống mái tăng lán du kích. Đêm rừng sao mà mênh mông, dài thế, thật là:

   Em tin anh như con chiên tin Chúa
   Chẳng e gì ta trái dấu âm dương.
   Đêm mưa rừng tăng che một mái
   Hai võng cùng một cột đung đưa
   Em chuyện hoài rồi đi vào giấc ngủ
   Suốt đêm dài anh trăn trở nghe mưa...


Trận lũ lụt tháng 10 năm 1973 làm cả vùng hạ lưu sông Thu Bồn ngập nước. Nhân dân hầu hết trong vùng địch kiểm soát. Lụt làm cho đời sống của họ đã khó khăn nay càng khó khăn thêm. Nhóm cán bộ phụ nữ Quảng Đà cũng đã qua sông lên khu, còn tôi thì trở về đơn vị.


Tôi được đơn vị cử đại diện đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của Sư đoàn. Trong đại hội có nhiều báo cáo điển hình về tinh thần chiến đấu rất ngoan cường của các đồng chí bộ đội đặc công, bộ binh. Các gương tận tụy, chu đáo với thương binh của các chiến sĩ vận tải Tiểu đoàn 19 và quân y. Tôi nhớ một báo cáo của một đồng chí bộ binh tên Trì. Đồng chí kể về thực hiện chính sách dân vận. Tiểu đội đồng chí chốt giữ một ấp nhỏ gần ngã ba Thạch Trụ, khu vực này ta mới giải phóng trước ngày ký kết Hiệp định Pa-ri. Dân vùng địch chiếm chưa thật hiểu bộ đội nên có phần e sợ. Tổ ba người của Trì đào công sự chiến đấu ở vườn một nhà dân. Công sự đào còn dở dang, buổi trưa anh em nghỉ ăn cơm, Trì ở lại cảnh giới và tranh thủ đào, sửa xong vách hầm thì phát hiện một chiếc bình sành. Khi lấy chiếc bình ra, anh mở nắp thì thấy bên trong toàn là vàng lá. Chắc là dân chôn giấu để chạy loạn. Anh báo cáo đại đội và giao chiếc bình đó cho chỉ huy. Buổi chiều, một ông già đến nói là chủ căn nhà này. Mấy hôm trước súng đạn đì đùm cùng con cháu chạy lánh sang Phổ Linh, nay thấy tạm yên nên quay về lấy đi một số đồ. Ông cụ vào nhà chắc nhìn thấy mọi thứ còn y nguyên không bị phá phách gì nên đã mạnh dạn thổ lộ về việc muốn tìm lại số tiền mới chôn mấy ngày trước đây. Trì dẫn ông cụ lên chỉ huy đại đội. Số tài sản được trả lại cho ông cụ đầy đủ. Ông cụ biết ơn xúc động vô cùng, cụ chỉ nói ngắn gọn có mấy câu: "Các anh thật là khác hẳn với các sắc lính cộng hòa”. Qua các anh mà hiểu rõ hơn về vẻ đẹp của người chiến sĩ quân giải phóng. Một niềm tin, niềm tự hào trong tôi lại được dịp bồi đắp, củng cố vững chắc hơn. Niềm tin vào sự tất thắng của quân đội và nhân dân ta. Tôi phụ trách tổ công tác có anh Tịu, Thao và Niên là những chiến sĩ của Tiểu đội 3 đơn vị Sư đoàn 711. Tịu là tiểu đội trưởng của các đồng chí này. Đoàn chúng tôi vượt đèo Le sang Sơn Phúc. Tịu là người Ninh Bình, đi B từ năm 1969. Anh có dáng vóc to khỏe và nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, hơi nhỏ, khi cười chỉ còn ti hí. Anh em bảo Tịu rất nóng tính. Tịu đi công tác với tôi lần này là lần thứ hai. Hồi chuẩn bị đột điểm Nông Sơn, sau hôm nhỡ dở anh Tròn không đưa Tịu đi nữa nên tôi chưa hiểu Tịu nhiều. Thực ra đôi lúc Tịu cũng cãi lại ai đó, khi anh ta cho là nhận xét hay phê phán không đúng. Trò đời là vậy, có khi chỉ thấy có một lần gây chuyện khác thường, hành vi ấy dù là xấu hay tốt đều để lại một dấu ấn khó quên. Không biết từ bao giờ, ngoài nóng tính, anh còn bị coi là kém kỷ luật nữa. Sự việc tôi thấy chỉ có thế này, khi tôi còn là tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, lúc cán bộ đại đội, tiểu đội đi họp ở phòng tham mưu, đại đội giao cho tôi phụ trách toàn đơn vị, chỉ có vài ngày thôi, tôi triển khai công việc tại đơn vị. Tiểu đội của Tịu được giao làm luống trồng rau, xong thì rào chắn gà. Tịu làm xong công việc, cậu ta nói với tôi sang đại đội vệ binh tối về. Tôi đồng ý để cậu ta đi. Tôi chẳng biết anh Nhỡ có quy định gì với Tịu về việc đi sang đại đội vệ binh. Chỉ thấy khi Tịu về thì anh Nhỡ tiểu đội trưởng nói Tịu vô kỷ luật. Tịu cãi lại: "Khi đã báo cáo người phụ trách, nói vô kỷ luật là nói bậy". Thế là cuộc cãi lộn diễn ra khá lâu. Tịu mặt đỏ tía tai chạy sang tiểu đội tôi, vừa đi vừa xỉ vả anh Nhỡ. Tôi vỗ vai cùng Tịu quay lại Tiểu đội 3. Anh Nhỡ cũng nóng nảy chẳng ít độ hơn cậu Tịu. Cái dáng thư sinh trắng trẻo hay cười để lộ cái răng khểnh trên khuôn mặt hơi gầy đã biến mất. Anh đang lầu bầu: "Cán bộ mà kỷ luật kém, còn làm được cái gì". Tôi bước vào gần anh nhỏ nhẹ:

- Xin lỗi anh Nhỡ, đáng lẽ khi các anh họp về, tôi phải báo cáo ngay với anh về việc đồng chí Tịu xin phép đi vắng, vì phải báo cáo tình hình trong ngày với đại đội, thành ra chưa kịp sang anh thì cậu Tịu đến.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2021, 07:13:12 am »

Anh Nhỡ nhìn tôi giây lát rồi nói:

- Tôi đã cấm thằng cha Tịu sang đại đội vệ binh nhưng nó không nghe. - Anh nói và nhìn thắng vào mặt Tịu. Tôi vỗ vai ấn Tịu ngồi xuống chiếc ghế tre có cái bàn để uống nước nói với Tịu: Thôi, tôi thấy giữa các ông ngoài trách nhiệm trên dưới còn có cả tình nghĩa anh em nữa đấy. Làm gì mà văng ra đủ thứ, anh Giáo biết lại mắng cho. Tịu có vẻ đã hạ nhiệt độ tý chút nhưng chưa chịu im hẳn:

- Chẳng biết đầu cua tai nheo gì. Nạt nộ cái con c.

Tôi ngồi nói chuyện một lúc nữa với anh Nhỡ, sau yên hẳn mới về tiểu đội của mình.

Sơn Phúc là xã nằm ở phía bắc núi Chòm, phía đông là đèo Le, Hòn Tàu, phía bắc tiếp giáp với vùng núi Chúa, phía tây tiếp giáp xã Sơn Ninh, tây bắc là khu vực Trung Phước. Tổ chúng tôi đến đầy chủ yếu đi địa hình. Hậu cứ của chúng tôi đóng ở vườn thơm dưới chân núi Chòm. Toàn bộ khu vực này trước đây là làng mạc đông đúc, nay dân đã bỏ đi từ lâu. Những vườn cau già cây cao sin sít, vườn mít quả sai, trái chín rụng xuống gốc thành nhiều lốp bùn xốp. Những vườn thơm khá nhiều trái. Tập quán ăn trái cây vùng này cũng lạ. Không nhất thiết phải ăn trái chín, mít thường hái xanh xào nấu, quả mít chín đạp bỏ cùi xơ, chỉ lấy hạt đem rang tán nhỏ làm bột, quả dứa xào nấu với nhiều loại thực phẩm thịt, cá, có vị chua thơm ngon. Mấy hôm đầu chúng tôi đi địa hình khu vực núi Chòm từ các làng hoang ở chân núi lên đến đỉnh giông núi. Trên giông núi Chòm còn có một con đường mòn đi từ đèo Le theo sống núi đến tận xã Sơn Phước, sát bờ sông Thu Bồn. Từ đường này có rất nhiều rẽ đi sang căn cứ Bàn Thùng, căn cứ pháo binh của Mỹ đã bị huỷ bỏ, nhiều nhánh chạy xuống sườn nam đến Sơn Thạch, v.v... Các xã Sơn Ninh, Sơn Phước đều có đường nhánh lên đỉnh giống núi Chòm. Mấy ngày leo núi ăn quả "thơm" rộp lưỡi. Cả phía bắc núi Chòm là vùng đồng ruộng xen đồi núi. Cánh đồng này nếu thanh bình thì sẽ là lúa vàng bát ngát nhưng giờ đây chỉ là cánh đồng hoang đầy cỏ dại. Đồng cỏ hoang nhiều lần ngập nước nên bùn lầy là nơi sinh sống tiện lợi của lươn. Lươn nhiều vô kể. Tịu và Thao tối nào cũng đi đặt trúm lươn. Cái ống tre một đầu cho chiếc hom tre, bỏ vào trong đó ít ốc đập nát hay giun, cắm chúc đầu xuống gần sát đất thế mà sáng nào Thao và Tịu cũng mang về hàng ký lươn béo mập. Ngày nào chúng tôi cũng có món lươn om chuối, xào thơm, mít xanh, v.v... Tối khuya thì được tăng cường món cháo lươn. Tịu và Thao đều là tay nấu nướng khá. Cái món lươn này là phức tạp lắm. Thế mà các cậu ấy làm ăn cứ ngon lẹm, không có tanh tưởi gì. Gần chỗ ở có một con suối nhỏ nước nóng trong xanh. Đó là nước chảy ra từ mỏ E-xi-ti-len. Ngày nào tôi cũng ra đó ngâm mình một lúc. Ăn uống khá, tắm nước nóng ban đêm chỉ có ngủ do đó anh em tôi ai cũng tăng ký. Đặc biệt không ai một lần lên cơn sốt rét. Gần đến tết năm 1974, anh Tự, chính trị viên phó dẫn vài anh em nữa xuống tăng cường cho chúng tôi. Được mấy ngày anh Tự cùng tôi về đơn vị còn anh em ở lại do Tịu chỉ huy.


Trước tết ít ngày, anh Pha được trên điều xuống làm chính trị viên đội trinh sát Trung đoàn 1. Đơn vị tổ chức liên hoan vui vẻ tiễn anh đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới. Cái tết đầu tiên tương đối vui, chu đáo trong chiến trường miền Mam, lại ở gần dân. Tuy nhiên, nắng nóng quá nên không thấy không khí ngày tết quê nhà. Hầu như dân ở đây không có tục đi thăm hỏi, chúc tụng nhau ngày tết, cán bộ, chiến sĩ vui nghỉ tết ngay trong đơn vị. Sau tết, đơn vị lại tổ chức huấn luyện. Các khoa mục bám địch hành quân dã ngoại, võ thuật, điều tra địch trong căn cứ vững chắc. Sau gần hai tháng cung cố huấn luyện, chúng tôi lại lên đường.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 07:52:03 am »

7

Nông Sơn 1974.

Lực lượng chuẩn bị chiến trường không chỉ có tổ trinh sát của sư đoàn mà còn có cả cán bộ trung đoàn và các cơ quan giúp việc của họ. Khu vực đoàn công tác tập kết ở dãy núi cao rừng già phía tây bắc Hòn Kẽm, cách căn cứ Nông Sơn chừng 10km, bộ phận trinh sát hỗn hợp của chúng tôi gồm 6 đồng chí của sư đoàn là: Trung, Thảo, Thuần, Liên, Niên và tôi. Tổ của anh Thanh có 4 người là trinh sát Tiểu đoàn 32 Quân khu 5, tổ đồng chí Vụ có 3 người. Đơn vị đánh Nông Sơn được quân khu tăng cường hỏa lực và các đơn vị kỹ thuật.


Những ngày đầu tôi ngồi đài quan sát. Nhiệm vụ chủ yếu là theo dõi địch trên căn cứ Nông Sơn. Địch hàng ngày tổ chức lực lượng đi vào khu vực điểm cao 322 để khai thác gỗ. Buổi chiều nào cũng có gỗ chuyển về. Có lẽ việc làm công sự ở căn cứ này quy mô lớn. Một số điểm ở sườn tây, tây nam, nam Nông Sơn có dải đất mới đổ ra. Rõ ràng địch đào địa đạo vào trong núi. Theo tính toán các cửa hầm đều thấp hơn đỉnh núi ít nhất là 10 mét, như vậy những địa đạo này thật sự vững chắc không thể có loại bom pháo nào có thể làm sập được. Một số chiến hào được triển khai ra phía ngoài hàng rào tại điểm nhô ra của Nông Sơn ở hướng tây nam. Tổ trinh sát chúng tôi có nhiệm vụ cụ thể là: nắm chắc về địa hình, địch, dân phục vụ cho sư đoàn xây dựng quyết tâm chiến đấu. Công việc này đã làm từ giữa năm 1973, nay tiếp tục cụ thể thêm và trực tiếp phục vụ cho Sư đoàn 31 chiến đấu, phục vụ cho các hướng tấn công, lựa chọn đường hành quân, địa điểm tập kết, đường hành quân chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công, khu vực trận địa xuất phát tấn công, điểm lựa chọn cửa mở đột phá đánh chiếm đầu cầu dẫn bộ binh tiếp cận, chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công trước ngày giờ nổ súng, v.v...


Trinh sát phải chuẩn bị các nội dung đó trên ba hướng: hướng đông bộ đội chiếm lĩnh sườn đông, nam, bắc của bình độ 200, tấn công theo giông bình độ 200 lên Nông Sơn. Hướng này anh Tròn đã dẫn tôi vào từ năm ngoái. Hướng thứ hai theo triển núi tây bắc Nông Sơn, chiếm lĩnh khu vực mỏm nhô ra nơi trận địa pháo cũ của địch và sườn núi phía bắc Nông Sơn.


Trên các hướng chỉ có hướng đông là chúng tôi đã thực hiện đột nhập, còn chưa được điều tra. Đoàn cán bộ Sư đoàn 31 do chúng tôi dẫn đường đi theo con đường mòn ngược lên phía bắc qua khe suối Vàng vòng lên các dãy núi cao 575, dừng lại ở chân núi phía bắc dãy núi Hoa Ngân sừng sững. Dãy Hoa Ngân có điểm cao nhất là 800 mét. Tiểu đoàn bộ binh được phân công đảm nhiệm hướng này là Tiểu đoàn 8. Anh Bột, tiểu đoàn phó, tham mưu trưởng chỉ huy bộ phận đi chuẩn bị. Anh Bột đã vào B mấy năm mà dáng dấp vẫn trẻ trung, da trắng như bột, chẳng hề nhuộm màu chinh chiến. Đi cùng với anh còn có thủ trưởng Trí là trung đoàn trưởng và một số cán bộ tác chiến của trung đoàn. Trinh sát trung đoàn cả ba đồng chí là Vụ, Quảng và Thắng đều đi theo hướng này.


Sau một ngày ổn định nơi tập kết, trưởng đoàn phổ biến một số tình hình khu vực này. Một số quy định phải thực hiện nghiêm ngặt. Đây là khu vực thuộc huyện Giàng. Buổi sáng, tổ trinh sát chúng tôi leo lên đỉnh núi Hoa Ngân, rừng già, cây rất lớn che kín cả tầm nhìn ra bên ngoài. Tôi dẫn Lập, Thuần tụt xuống sườn nam một chút, chọn một nơi có thể quan sát được Nông Sơn. Từ độ cao 800 mét nhìn xuống Nông Sơn có độ cao dưới 300 mét quả là nơi quan sát lý tưởng. Nhìn vào ống nhòm thấy rõ hầu hết bề mặt của cái hình "dạ dày bò" của căn cứ Nông Sơn. Từ chân núi phía nam Hoa Ngân phải qua một cánh đồi núi, ruộng rẫy thấp và cánh đồng lúa nước. Cánh đồng này kẹp giữa dãy Hoa Ngân ở phía bắc và Nông Sơn điểm cao 322 ở phía nam, còn phía tây được chắn bởi dãy núi cao có điểm cao 555. Phía đông cánh đồng là sông Thu Bồn uốn khúc. Chân núi đông bắc Nông Sơn ra tận sát bờ sông ấp Đại Thái Bình, dân cư đông đúc, chủ yếu là khu dân cư do chính quyền ngụy kiểm soát. Từ ấp có con đường nhựa chạy theo chân núi Nông Sơn về phía tây vào đến khu mỏ than đã bỏ, không còn khai thác nữa. Để lại đây là những đống đất đá lần than đen ngòm và một cái hồ nước khá rộng, dài chạy dọc dưới chân yên ngựa từ Nông Sơn đến điểm cao 322. Từ con đường vào mỏ có một con đường nhựa theo sườn núi phía bắc chạy về phía đông và vòng lên điểm cao Nông Sơn cây cối nhỏ thấp. Ở các thung khe núi, từ lưng chừng lên tới đỉnh không có cây cối gì, chỉ là đồi trọc. Thỉnh thoảng có vài bụi mua thưa thớt. Ban ngày, dân đi từ ấp ra làm đồng, vào núi đốt than, kiếm lâm sản, v.v... Họ làm việc cả ngày cho đến 17 giờ thì không còn ai ngoài ấp nữa.


18 giờ mặt trời đã lặn khuất dưới cây rừng. Tổ trinh sát chúng tôi xuống núi, vì quan sát cả ngày nên biết chắc đường hành tiến đến Nông Sơn không có địch phục kích, không bị gài mìn nên việc tiềm nhập thật dễ dàng nhanh chóng. Đêm đó kiểm tra con đường hành quân đến nơi tạm dừng, đó là con đường mòn cũ cũng dễ đi. Kiểm tra sườn núi phía bắc, đất đai ít sỏi đá, dễ đào công sự và độ dốc thoai thoải bộ binh vận động dễ dàng. Từ hàng rào ngoài cùng đến lô cốt đầu cầu chỉ 40 mét. Trong tầm bắn hiệu quả của B-40, B-41, ở phía này có một lối mòn địch vẫn đi lại ra vào căn cứ để lên xuống ấp cho gần, khu đồi nhô ra là trận địa pháo cũ của địch. Con đường nhựa từ chân núi phía bắc đi qua sườn nam của mỏm nhô ra rồi bám theo sườn đông núi Nông Sơn lên phía bình độ 200, tạo ra một tả ly cao dần lên phía đỉnh núi, tạo ra phía đông một vách thành dựng đứng con ngươi không thể leo lên được, chỉ lên đến đỉnh bình độ 200 mới có thể vận động theo đường để vào căn cứ. Ở trận địa pháo cũ này cách đỉnh Nông Sơn 500 mét có thể đặt cối chế áp địch trên căn cứ, không thể dùng hỏa lực bắn thẳng được. Hỏa lực bắn thẳng chỉ có thể để kiểm soát con đường từ ấp lên và từ căn cứ xuống. Tả ly cả con đường bộ đội có thể đào hầm ếch, địch trên căn cứ không thể làm gì được họ. Xong các việc, chúng tôi rút lui về căn cứ phía bắc Hoa Ngân thì trời sáng. Tôi cử Trung và hai đồng chí trinh sát Sư đoàn 31 lên đài quan sát để đêm xuống dẫn cán bộ đi nghiên cứu. Tôi báo cáo tình hình ghi nhớ được với đồng chí phụ trách rồi về võng nằm, treo mình trên đoạn khe suối có nhiều hang đá lỏm chởm. Dòng nước suối lộ thiên, thỉnh thoảng gặp một tảng đá chắn ngang thì chảy chồm lên, tung tia nước trắng xóa tạo thành sương mù. Tôi ngủ đến trưa, dậy ăn cơm rồi chuẩn bị lên đài quan sát. Đêm thứ hai dẫn đoàn cán bộ của sư đoàn, thủ trưởng Nã gặp tôi khẽ nói: "Cậu đấy à". Tôi biết thủ trưởng vẫn nhớ cái anh chàng bị đùa, phải đuổi theo ô tô lên dốc hôm nào. Tôi tự nhủ: "Trí nhớ của thủ trưởng tốt thật. Còn tôi, thật sự không nhớ mặt lắm thành thực mà nói chỉ nhớ tên vì cả sư đoàn chỉ có một người". Đi theo thủ trưởng có một số cán bộ tham mưu và các ban sư đoàn. Điểm nghiên cứu đầu tiên là trận địa pháo cũ của địch. Sau khi giao nhiệm vụ cho các đồng chí đi cùng, thủ trưởng đập vào vai tôi nói:

- Cậu và chiến sĩ nữa đi với tôi lên trên kia xem sao.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 07:52:34 am »

Tôi và Trung dẫn đường tiếp cận hàng rào ngoài cùng. Thủ trưởng bò đến bên tôi ra hiệu không phải chui vào, nằm một lúc, thủ trưởng ngồi dậy nhìn vào trong đồn dùng động tác đẩy hai bàn tay từ ngực ra phía trước, ý nói đặt mìn thổi phá rào mở cửa để bộ binh xung phong, mà quả mìn phải được đặt từ chỗ này. Xong việc, chúng tôi xuống núi không đến trận địa pháo mà rẽ trái để xuống con đường mòn, đi luôn về căn cứ. Các bộ phận khác theo hợp đồng, xong việc cứ thế rút về, không phải chờ đón nhau.


Đêm thứ ba tôi, Trung, Vụ, Quảng và Thắng bảo đảm đưa đoàn cán bộ của Sư đoàn 31 vào điều nghiên. Thực chất là trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ trên thực địa cho các đơn vị phối thuộc và thuộc quyền. Đoàn thật đông người. Dừng lại ở trận địa pháo, thủ trưởng Trí phân công vị trí cho các bộ phận, phân công trinh sát cảnh giới. Tôi phân công cậu Quảng cảnh giới cho khu vực trận địa pháo, tín hiệu liên lạc tróc lưỡi cộng 5 (hỏi 2 thì trả lời 3 hoặc ngược lại). Vụ và Thắng đi theo đường nhựa lên phía sườn đông gần bình độ 200 làm các việc theo yêu cầu của trung đoàn trưởng, xong việc liên lạc với Quảng để rút về. Cậu Quảng sẽ dẫn mọi người đến chỗ tôi cách chỗ Quảng 100 mét để xuống con đường mòn về căn cứ. Tôi và Trung dẫn anh Trí sư trưởng, anh Bột tiểu đoàn phó và vài cán bộ đại đội lên vị trí mà hôm qua sư phó Nã đã nghiên cứu. Xong việc cả đoàn quay xuống. Đến chỗ hẹn với Quảng, tôi bảo Trung dẫn đoàn cán bộ đi về trước, còn mình ngồi chờ nhóm của Quảng. Nơi Quảng cách hàng rào ngoài cùng ở hướng bắc này khoảng 300 mét. Tôi đang nằm nghỉ và suy nghĩ miên man thì nghe tiếng AK điểm xạ hai phát từ phía Quảng. Linh tính báo rằng đã xảy ra việc không lành, chỉ vài phút, Quảng chạy đến chỗ tôi hớt hải nói:

- Có địch... Tôi đã bắn ngã một tên biệt động.

- Ở đâu? - Tôi nói rít lên. Không chờ Quảng nói thêm, tôi nghiêm giọng: Mày bắn anh em mình rồi, bám lại xem sao ngay! - Tôi xách súng chạy lao đến chỗ có sự cố, không để ý đến sự phản ứng của địch. Quảng theo sát tôi nhảy xuống mặt đường. Vụ đang ngồi bên Thắng, được đặt dựa vào tả ly. Thắng bị viên đạn xuyên ngang gáy, sờ vào vết thương máu chỉ còn đủ để chảy ri rỉ nhưng áo sau lưng Thắng cứng lại vì đẫm máu. Thắng không nói được, thở khò khè. Chúng tôi thay nhau cõng Thắng theo đường tiềm nhập để quay về căn cứ. Đến chân núi trời đã mờ sáng, khi dừng lại thì Thắng đã tắt thở. Tôi quyết định giấu cậu ta vào bụi cây sau đường mòn ngụy trang lại. Tuy đã kiệt sức nhưng mọi người phải chạy thục mạng để vào được rừng trước khi sương mù bị mặt trời xua tan. Vào rừng, chúng tôi phải cố lên núi cao, rẽ vào cách đường mòn hơn chục mét mới dám lăn ra nghỉ. Lên đến đài quan sát, nhìn xuống cánh đồng đã có dân đi làm. Con đường từ ấp đến khu mỏ cũ, người người đi vẫn bình thường. Trên căn cứ không thấy có hiện tượng gì lạ. Tôi bảo Vụ: Cậu ở đây theo dõi xem chúng nó làm gì, chỗ Thắng nằm có người lai vãng đến không. Quan sát kỹ để đêm nay phải vào đưa cậu ấy về. Vụ gật đầu vẻ buồn tênh, còn Quảng thì y như đứa mất hồn. Tôi và Vụ không ai nói câu nào nữa với cậu ấy. Đêm sau, trinh sát đưa Thắng về phía bắc Hoa Ngân, Sư đoàn 31 tổ chức mai táng Thắng. Thắng 21 tuổi, quê ở Vụ Bản, Nam Hà. Đến lúc người ta đọc mấy lời điếu vĩnh biệt, thì cậu Quảng òa khóc, tiếng khóc thật là thảm thiết.


Quảng và Thắng cùng làng, cùng đi học phổ thông, năm 1970 Thắng đi bộ đội còn Quảng đi đại học sư phạm. Đang học năm thứ hai, giữa năm 1972 Quảng nhập ngũ. Đầu năm 1973 vào chiến trường, tình cờ Quảng được bổ sung vào đội trinh sát Sư đoàn 31, Thắng đã là tiểu đội trưởng.


Cuối năm 1974, tập huấn công tác trinh sát toàn sư đoàn, tôi gặp lại Quảng. Quảng kể lại sự việc mà theo Quảng đó là đêm hãi hùng nhất:

... Nhìn theo con đường từ Nông Sơn xuống, thấy có bóng người. Có thể các cậu ấy đi hơi xa nhau nên chỉ thấy một người. Quảng suy đoán không phải nhóm của Vụ nên tróc tróc (tặc lưõi) hai cái, chẳng thấy trả lời mà tăng tốc độ nhanh hơn lao về phía mình, mình hoảng quá bóp cò. Thấy nó ngã vội quay lại chỗ hẹn để báo tin và cũng sợ địch phản ứng nện cối hay xả súng vào chỗ mình. Đến khi nghe anh rít lên, em bỗng thấy nghi, nghĩ hay có thể là Thắng. Khi đúng là Thắng rồi, mới thấy tự trách mình, dằn vặt ghê gớm. Điều dăn vặt vì làm chết một đồng đội đã đành, ở đây còn sự tiếc nếu mình bình tĩnh hơn thì...- Quảng trầm ngâm lúc sau nói tiếp: "Tiếc là em không chú ý lắm đến cái tình "không việc vì phải quan trọng quá như thế" của Thắng. Có lẽ tính giản đơn cố hữu của Thắng đã làm cho cậu ấy có hành vi bất chấp quy định như vậy. Chắc chắn là Thắng đã nghe được tín hiệu thì nó mới tăng tốc độ lên chứ! Có lẽ Thắng vui mừng vì anh em đã an toàn gặp nhau nên quên hết nghĩa vụ trả lời và đáng tiếc là em không đón bắt được tình cảm của bạn, đã gây ra chuyện tày đình. Đơn vị phê bình em là mất bình tĩnh, hình thức kỷ luật cảnh cáo". Quảng ngừng lời, anh chàng chớp chớp mắt liên hồi. Đôi mắt to hơi lồi ra, hoe hoe. Quả thực, về hình thức tạo nên vẻ không hiền lành của con người Quảng. Quảng lại lên tiếng: ngày nghỉ phép để đi B, mẹ Thắng cứ dặn đi dặn lại: "Nếu gặp nhau, anh em che chở cho nhau". Sự việc như vậy sẽ nói sao đây với bà và họ hàng. Tôi chẳng biết nói gì để an ủi Quảng. Có lẽ bằng sự cố gắng trong công tác của mỗi người để có thể nguôi đi những điều mà ta tự thấy không hài lòng với chính bản thân mình.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 07:53:45 am »

Tây nam Nông Sơn.

Trở lại Tí Xẻ vài ngày. Nhóm trinh sát của chúng tôi lại tiếp cận vào căn cứ Nông Sơn. Sườn núi phía đông nam lên Nông Sơn khá thoai thoải, lên đến gần hàng rào của địch có mỏm nhô ra. Độ cao của mỏm nhô ra quãng bình độ 200, dài chừng 200 mét, bề ngang 40 mét. Trên mặt nó không có cây cối, chỉ lưa thưa cỏ dại. Các sườn đông tây đều dốc đứng, lau lách mọc um tùm, dưới sâu có khe, cây rừng to hơn, rậm rạp hơn. Từ hàng rào ngoài cùng lên đến lô cốt đầu cầu, độ dốc lớn hơn, tạo ra một cấp núi cao hơn bình độ điểm nhô ra. Ngoài hàng rào, địch mới đào một con hào nông choèn. Từ trên căn cứ cũng có một đường mòn cắt ngang các lớp rào đi qua điểm nhô ra theo giông núi xuống ấp không người về phía khe Diễn. Từ hàng rào ngoài cùng đến lô cốt đầu cầu chỉ chừng 60 mét. Trên hướng này, địch bố trí 6 lớp rào, khoảng cách mỗi lớp chừng 5 mét, độ dốc hơi lớn nhưng vẫn có thể vận động nhanh được.


Phần điều tra các hướng của căn cứ Nông Sơn đã xong. Chúng tôi lại ngồi đài quan sát theo dõi địch trên căn cứ. Lúc này chúng vẫn củng cố công sự, không thấy từng toán lính đi vác gỗ ở điểm cao 322 về như trước nữa. Do hàng ngày lo công việc của mình nên tôi ít chú ý, quả thực để chuẩn bị cho trận đánh này, biết bao lực lượng được huy động, bao nhiêu cán bộ của Quân khu 5, Sư đoàn 2, các đơn vị tăng, pháo cao xạ 37ly, pháo 122 nòng dài, B.70 tên lửa của Bộ phải lặn lội khảo sát từng khúc sông, khe suối, những sình lầy, khu rừng rậm, những con đường, v.v... Đại đội trinh sát sư đoàn phải chia ra làm chục nhóm, mũi để chuẩn bị cho trận đánh này - một trận đánh sức mạnh, chắc thắng mà những cán bộ cấp thấp như chúng tôi khó mà cảm nhận được đầy đủ. Bản báo cáo được anh Đồng, trợ lý Ban 2 tổng hợp viết, tôi không thể quên các nội dung sau:

- Căn cứ Nông Sơn nằm trên độ cao 275 mét. Căn cứ do Mỹ xây dựng từ năm 1958, Hệ thống công sự chiến đấu được xây dựng ngầm bằng bê tông cốt thép, các lô cốt là bê tông đúc sẵn. Từ năm 1970 đến nay, căn cứ này được Mỹ bàn giao cho tiểu đoàn 69 biệt động quân chốt giữ.


Nông Sơn nằm trong vùng bán sơn địa hiểm trở. Con sông Thu Bồn ôm trọn phía nam, đông và đông bắc căn cứ rồi chảy về phía bắc, hợp với sông Vu Gia đổ ra cửa Hội An, Đà Nẵng. Sát bờ sông, dưới chân Nông Sơn là các ấp Bình Khương, Đại Thái Bình các ấp này hầu hết là gia đình binh sĩ, do tề ngụy kiểm soát. Bờ hữu sông Thu Bồn dưới chân núi Cà Tang cao trên 400 mét là khu dân cư tập trung Trung Phước. Trên đỉnh Cà Tang có một trung đội địch chốt giữ. Xuôi dòng nước là huyện Duy Xuyên, xã Vĩnh Trinh tiếp đến An Hòa, Đức Dục. Đây là khu vực địch hết sức coi trọng xây dựng chính quyền cơ sở. Toàn khu có 7 mâm tề xã. Lực lượng bảo an, dân phòng được lập ra bố trí ở các xã ấp, tạo ra vành đai vững chắc để bảo vệ phía tây nam thành phố Đà Nẵng. Hoạt động của du kích ở đây hạn chế. Cơ sở nằm vùng không hoạt động được, dân cư khu vực Nông Sơn, Trung Phước ước khoảng 17 ngàn người.


Địa hình phía tây Nông Sơn là rừng già, nối liền với dãy núi có điểm cao 322 là một yên ngựa. Sườn tây cứ điểm Nông Sơn dốc dựng đứng. Sườn đông, đoạn từ sau ấp Khương Bình đến bình độ 200 khá dốc. Từ bình độ 200 đến căn cứ khá bằng phẳng có chiều dài gần 800 mét thì gặp một con đường nhựa đi vào cổng căn cứ. Trên hình độ 200 khi tấn công địch, ta có thể triển khai hỏa lực đi cùng. Hướng này súng bắn thẳng chỉ phá hủy được lô cốt, nhà cửa ở phía đông căn cứ. Sườn tây nam dốc thoải đều lên đến đỉnh căn cứ. Các mỏm nhô ra ở phía bắc, nam đều nằm ngoài hàng rào.


Các điểm nhô ra đều là đồi trọc, cỏ cây thưa thớt. Xung quanh sườn của các mỏm nhô ra có thể ém quân chuẩn bị xuất phát tấn công được, vì đều cách hàng rào ngoài cùng của căn cứ từ 200 đến 800 mét. Trên mặt bằng các điểm nhô ra có thể đặt các trận địa cối hay ĐKZ. Các thung, khe phía tây bắc, đông bắc, đông nam và tây nam đều có thể chọn được vị trí ém quân hoàn toàn bí mật kể cả ban ngày. Hàng rào căn cứ ở phía bắc và tây nam phải bí mật dùng thuốc nổ để mở cửa, hàng rào phía đông có thể cắt dỡ mở cửa.


Sông Thu Bồn, mùa khô nhiều đoạn khu vực Tí Xé lội bộ được, ngập ngang ngực. Khe Diễn trừ mùa mưa có lũ còn quanh năm nước chỉ trên dưới 1 mét. Trên các quả đồi phía tây nam - nam căn cứ, các làng bỏ trống có thể tập kết bộ đội và bố trí hỏa lực của trên.


Chiều ngày 15 tháng 7 năm 1974 tôi lên đài quan sát. Tại đây, thủ trưởng Nã giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị thuộc quyền, tôi vẫn nhớ rõ mệnh lệnh chiến đấu của sư đoàn:

- Hướng tấn công chủ yếu do Tiểu đoàn 9 Sư đoàn 31 đảm nhiệm. Lực lượng của tiểu đoàn công binh, được tăng cường trung đội ĐKZ-75 và cối 82. Có nhiệm vụ chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công khu vực bình độ 200, tấn công vào các lô cốt đầu cầu đông căn cứ, nhanh chóng đánh chiếm chỉ huy sở và khu thông tin địch, bắt liên lạc với mũi thứ yếu 1 ở trận địa pháo địch và tiểu đoàn 8 ở phía bắc đánh lên. Khi hoàn thành nhiệm vụ, làm chủ trận địa thì rút về Tí Lở theo hướng tây nam Nông Sơn.   

- Hướng tấn công thứ yếu 1, sẵn sàng là chủ yếu "khi Tiểu đoàn 9 gặp khó khăn. Do Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm. Lực lượng là toàn bộ tiểu đoàn được tăng cường trung đội công binh, mìn ĐH-10 và rồng lửa (nếu cần) chiếm lĩnh trận địa pháo, hỗ trợ cho các hướng, chủ động bắt liên lạc với các hướng khác, khi làm chủ trận địa rút theo đội hình của Tiểu đoàn 9.

- Hướng tấn công thứ yếu 2, do Tiểu đoàn 8 (thiếu Tiểu đoàn 9) chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công ở trận địa pháo cũ, phía bắc Nông Sơn. Tấn công vào bắc căn cứ, phát triển tiêu diệt địch ở phía bắc căn cứ, bắt liên lạc với các hướng ở sở chỉ huy và trận địa pháo. Khi làm chủ trận địa, tổ chức chốt, tảo trừ địch ẩn nấp, bắt tù binh, thu vũ khí, tài liệu, củng cố trận địa, công sự đánh địch, đề phòng phi pháo. Rút khỏi căn cứ khi có lệnh của sư đoàn.


Hỏa lực quân khu:

- Cối 120ly đặt ở phía tây ấp không người, phía bắc khe Diễn cách đỉnh Nông Sơn 1.500 mét bắn theo mệnh lệnh của sư đoàn.

- Hai trận địa cao xạ 37ly bố trí trên điểm cao 558 có nhiệm vụ bắn tất cả các loại máy bay của địch bay trong khu vực, bảo vệ các trận địa hỏa lực.

- Hai đại đội pháo 85 nòng dài đặt tại đồi Không Tên hữu ngạn sông Thu Bồn cách Nông Sơn 1.200 mét, bắn vào các mục tiêu đã chuẩn bị trong căn cứ và theo lệnh của sư đoàn khi cần thiết.

- Đại đội hỏa tiễn điều khiển B72, bố trí tại đồi lớn phía tây bắc đồi Không Tên, cách Nông Sơn 1.200 mét bắn các mục tiêu cơ động trên căn cứ và dưới sông Thu Bồn.

- Các đơn vị tăng trong ngày N vẫn ở tại nơi tập kết chỉ có lệnh mới xuất phát.

- Yêu cầu các đơn vị hỏa lực trong biên chế của Sư đoàn 31, của trung đoàn và quân khu, phải chiếm lĩnh trận địa đúng các vị trí và cự ly đã quy định. Làm tốt công sự đảm bảo chiến đấu thời gian dài. Xạ kích phải chính xác không cho phép các trái nổ rơi ra phía ngoài hàng rào căn cứ.

- Thông tin liên lạc phải thông suốt giữa chỉ huy sư đoàn với các trận địa hỏa lực của trên và chỉ huy Sư đoàn 31, chỉ huy hướng chủ yếu và thứ yếu 1.

- Hiệu lệnh nổ mìn phá rào cho hai hướng thứ yếu là 0 giờ ngày N. Khi đặc công nổ mìn đánh Cà Tang.

- Đúng ngày N-2, hướng thứ yếu 1 phải bí mật tập kết bộ phận mở cửa đánh chiếm đầu cầu, nơi tập kết là khe Hội Thủy của hai sườn núi tây nam và tây căn cứ Nông Sơn.

- Trên các hướng khác, trước 24 giờ ngày N-1 chiếm lĩnh an toàn vào trận địa xuất phát tấn công sẵn sàng chiến đấu. Chú ý đào công sự để tránh phi pháo.

- Các trận địa hỏa lực chỉ nổ súng khi có lệnh.

- Bộ binh các hướng xung phong, lúc pháo ngừng bắn 17 giờ ngày N.

Mọi người nghe mệnh lệnh im như thóc. Khi thủ trưởng dừng lời mới ồn ào hẳn lên không có ai hỏi gì về nhiệm vụ. Chỉ có tiếng xuýt xoa vui vẻ, tin tưởng vì một trận đánh theo mọi người thì chủ yếu là hỏa lực.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 07:54:36 am »

17 giờ ngày 16 tháng 7 năm 1974 tôi và Trung đi khỏi sở chỉ huy của sư đoàn về phía bắc núi Dùi Chiêng. Tiểu đoàn 7 đã ém quân ở khu vực này. Vài cậu bộ binh phàn nàn cơm khê không thèm ăn. Nhân đó tôi bắt chuyện với cánh lính, họ nêu ra nhiều thứ cần kiêng trước khi ra trận. Nào là: không ăn thịt chó, cơm khê cháy... Theo các cậu ấy "có kiêng có lành". Họ còn nêu một lô xích xông các sự việc để chứng minh. Lúc này tôi mới biết thêm các khía cạnh tinh thần sâu xa của người lính. Nơi mà anh em đã chứng kiến nhiều lần hơn những cái chết của đồng đội. Theo các anh là rất nhiều kiểu cách đem đến cái 1 chết. Phụ trách bộ phận khi làm nhiệm vụ mở cửa hướng tây nam là anh Hưng, tiểu đoàn phó. Anh Quang Trung, trung đội trưởng công binh. Một tiểu đội bộ binh, ba công binh, hai trinh sát sư đoàn và gần một tiểu đội trinh sát tiểu đoàn. Trinh sát tiểu đoàn cậu tiểu đội trưởng tên là Thiệu. Bộ phận công binh đem theo hai quả mìn ĐH-10: một trái 30kg và một trái 10kg. Sức thổi của nó rất mạnh, có thể dọn sạch hàng rào từ 10 đến 40 mét. Các quả mìn được đóng vào một giá gỗ thật chắc chắn. Cái giá có hai chân và một cây chống để cơ động khi đặt định hướng thổi mục tiêu. Hai chiến sĩ công binh được đặc trách mang vác bảo quản mìn.


Đoàn hơn 10 người. Khi trời tối hẳn, theo lối đi quen thuộc, tôi dẫn anh em vượt qua ấp không người rồi rẽ vào khe núi, theo khe này đi lên sườn tây của mỏm nhô ra. Đoàn dừng lại ở khe mọc dày cây cối, che kín mít lòng khe. Đoạn này trên cao có nhiều tảng đá lớn chồng xếp chen nhau tạo ra nhiều hang hốc nhưng không có tý nước nào. Đêm 16 qua đi - nhanh chóng. Chúng tôi ăn cơm vắt và muối rang chờ 1 đến tối 17 mới tiếp cận hàng rào địch để đặt mìn chờ giờ mở cửa. Chỗ chúng tôi nằm suốt một ngày dưới khe này chỉ cách địch chừng 200 mét.


Sáng ngày 17 lớp sương mù mỏng biến mất, ánh nắng mặt trời buổi sáng còn khuất sườn núi chưa soi được vào chúng tôi. Về trưa, mặt đất mỏm nhô ra được đốt nóng dần lên. Mặt trời giội lửa xuống đỉnh đầu. Tuy cây cối che khuất không có giọt nắng nào nhưng không khí và mặt đất đều bị đốt nóng. Không khí oi nồng. Bi đông nước của tôi đã hết. Uống ít nước như tôi mà đã hết nước rồi thì những chàng "nhái" sẽ gay go lắm đây. Tôi bỗng thấy nóng lên hầm hập, cái nóng của người ốm. Tôi lo lắng, nếu sốt thì nguy. Tôi mệt quá, lăn ra không còn quan tâm gì đến tình hình xung quanh. Mọi việc anh Hưng phải lo toan xoay xở. Tôi nghe văng vẳng tiếng phành phạch của trực thăng lượn đi lượn lại không phải ầm ĩ suốt mấy tiếng đồng hồ, đến quãng 15 giờ thì im hẳn. Anh Hưng căng thẳng theo dõi địch. Địch đổ thêm quân xuống Nông Sơn, không biết vì lý do gì. Ai cũng lo lắng. Anh Hưng đi đến từng người nhắc nấp kín, chú ý không để cháy nổ, cấm hút thuốc, sẵn sàng chiến đấu, v.v...


Cơn sốt kéo dài hành hạ, không đi đái, không còn mồ hôi mà cũng lạ chỉ sốt không có cơn rét run, gần tháng nay do thức đêm nhiều, nhiều đêm thức trắng, ngày lại đi quan sát trên đài nên tôi hầu như không ngủ. Cả năm 1973 cứ đi công tác thì không sao, hễ nghỉ ở đơn vị là lên cơn sốt, nay mới tạm ở đây, đã phải nghỉ ngơi đâu mà đã phản ứng thế này, có cơ hỏng việc mất. Chết cái hướng này cậu Trung chưa đi nên không thể để cậu ta tự xoay xở được. Trinh sát tiểu đoàn và anh Hưng đều trông cả vào mình. Nghĩ thế, tôi bảo Trung: Đừng nói với lão Hưng là tớ sốt nhé. Trung lo lắng mấp máy:

- Địch đổ quân thêm anh ạ! Không biết có phải bị lộ không?

Tôi càu nhàu:

- Đổ thêm xuống chỉ tăng thêm xác chết chứ làm được cái đếch gì! Thôi, theo dõi địch đi, cậu bảo anh Hưng là tớ đang ngủ.

Tôi đã ngủ được một giấc thực sự. Khi có ngươi lay gọi dậy, nhìn Hưng có lẽ anh hơi cười. Anh lắc đầu nói với tôi:

- Lính tớ mấy đứa bị xỉu đi vì khát nước. Chắc đêm nay bộ đội lên mới có nước uống.

19 giờ ngày 17, anh Hưng kiểm tra từng người để tiếp tục xuất phát. Khí trời buổi tối dịu hẳn đi. Khi lên khỏi khe, có gió thổi từ sông lên, hơi nước mát lạnh làm người như khỏe ra. Tôi cắt cơn sốt từ lúc còn đang ngủ nên bây giờ cố được. Riêng cơn khát cũng tự giác lui đi. Chỉ có đôi môi khô dính vào nhau. Nước miếng quánh lại. Tôi dẫn đoàn xung kích bò lên sườn dốc, đến độ phẳng của mỏm nhô ra thì phát hiện địch đã triển khai lực lượng trên mỏm. Tôi suy nghĩ: nếu chỉ do có thêm một đơn vị mới xuống, chúng phải tạm thời nằm đây thì may. Trường hợp bị lộ thì nguy hiểm lắm. Tôi và Trung quay lại chỗ Hưng ngồi báo cáo sự việc. Hưng suy nghĩ một lúc rồi do dự nêu ý kiến:

- Hay là ta bố trí mìn thổi tại đây để diệt bọn địch này? Vì nó án ngữ lối ta vào hàng rào rồi.

Tôi băn khoăn nêu câu hỏi:

- Còn phá rào?

Hưng nói vẻ thiếu kiên quyết:

- Dùng bộc phá đánh liên tục.

Tôi không tán thành nói: Anh Hưng và bộ phận ở lại, Trung sẽ dẫn anh lên đặt quả mìn 10kg để diệt bọn địch nống ra. Tôi sẽ dẫn anh Quang, cậu Thiệu đem quả ĐH-10 30kg vào đặt ở hàng rào. Anh nhớ khi đến giờ nổ súng để chúng tôi cho nổ mìn trước.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 07:55:14 am »

Bị bất ngờ vì ý kiến đề xuất như một mệnh lệnh, anh Hưng gật đầu đẩy cậu Quang về phía tôi.

Tôi xách súng đi trước vòng xuống phía đông mỏm nhô ra. Quang đeo mìn như con rùa đi ở giữa, cậu Thiệu đi sau. Đã mấy lần vào đây tôi rất rõ địa hình. Nếu đi trên mặt bằng của mỏm nhô ra từ chỗ Hưng ngồi đến hàng rào chỉ mất mấy phút, đi vòng sườn gần mỏm quá e gạt bẻ lau lách gây tiếng động, địch thì chả rõ bố trí thế nào dễ bị lộ lắm. Tôi chọn đi vòng hơi sâu xuống sườn núi vì thời gian còn hơn hai tiếng nữa mới đến giờ nổ súng. Nghĩ sao làm vậy, đoạn đường hơn 200 mét thẳng, vòng vèo thì cũng chỉ thêm 100 mét nửa. Thế mà ngốn gần hai giờ đồng hồ. Vì sườn dốc quá, lại phải rẽ cây mà đi, có quãng cõng quả mìn cồng kềnh không thể chui như chồn, cáo được. Tôi nhanh chóng bò lên đoạn hào. May quá địch không nằm sát hàng rào. Có lẽ chỉ có một tổ địch ở phía ngoài gần chỗ anh Hưng mà thôi. Tôi làm hiệu để anh Quang và cậu Thiệu vào. Tôi đẩy Thiệu sang bên trái cảnh giới. Anh Quang nhanh chóng đặt giá mìn ngắm hướng tầm để quả mìn thổi được hàng rào đặt theo sườn núi, tầm của chiều thổi là tà dương nên quả mìn phải ngửa ra phía sau. Xong việc tôi và Quang lui về chỗ nấp để chờ điểm hỏa. Cậu Thiệu từ hào vượt theo sau bọn tôi. Tôi thấy hắn vội vã, sợ hắn đá vào dây điện kéo bật khỏi kíp nổ thì gay, tôi vỗ vai Quang lên kiểm tra lại ngay. Vừa nằm xuống thì đồn Cà Tang một chóp lửa sáng lóe, tiếp sau một tiếng nổ ầm, Quang điểm hỏa, một chớp lửa nhoàng trước mặt tôi. Tiếng nổ đanh chói óc, đất đá tung lên ào ào. Phía sau quả mìn của anh Hưng cũng phát nổ. Vài tiếng kêu oai oái rồi im bặt. Tôi dẫn Quang và Thiệu men theo gần đỉnh đồi đi ra nên rất nhanh. Trên Nông Sơn chỉ có một tiếng hỏi "Có can chi không”, không có tiếng một người nào nữa. Tôi chia tay anh Hưng. Anh đang bận hướng dẫn cho các tốp bộ binh của tiểu đoàn vừa tiếp cận vị trí nhanh chóng đào hố cá nhân để chiến đấu và tránh phi pháo. Anh nói: "Cậu Trung đang chờ ở dưới dốc". Tôi mệt mỏi lững thững theo con đường mòn đến nơi Trung đang ngồi. Thấy tôi đến hắn mừng rỡ nói như reo:

- Chờ anh lâu quá!

Không nói gì thêm, hai đứa lần theo đường mòn xuống núi, lội theo khe Diễn uống vài ngụm nước mát ruột rồi đi vào làng cũ có cây cối tre pheo rậm rạp, có hào chiến đấu và hầm tránh bom đạn. Đây là khu vực có bố trí trận địa cối 160ly. Thấy một chiếc võng có người nằm, tôi bảo sao chủ quan treo võng thế này, thấy anh ta làm thinh, tôi cố đập vào anh ta vài cái nữa nhưng anh ta chẳng thèm nhúc nhích. Đắn đo một tý tôi cũng chủ quan như anh ta mắc một đầu võng chung, còn đầu kia vào một cây khác, bảo Trung ngủ một tý đã. Trung thận trọng hơn, cậu ta rải ni lông ra nằm ngủ dưới hầm. Nửa đêm, tôi bỗng nghe tiếng người láo nháo ở đầu võng:

- Một, sao đây lại hai?

- Không biết! Ta cứ khiêng một đi, rồi báo cáo để cặp khác đến mang đi.

Tôi chẳng rõ đầu cua tai nheo gì, bèn mở võng ngồi dậy. Một anh chàng gầy đét há hốc miệng nhìn tôi chỉ kêu được ớ ớ... mãi mới nói ”Còn sống". Tôi phì cười, còn lâu mới chết nhá. Tôi chỉ, thằng cha nào đây khinh người quá, ngủ y như chết.


Hai anh lính cáng thương nhìn nhau rồi cùng sờ, tay mở mép võng ra, cùng kêu lên: "Đúng rồi". Tôi không hiểu vội đứng dậy ngó vào thì ra đó là một tử sĩ.

- Chúng tớ đến để khiêng anh bạn này. Hôm qua bị mấy bố công binh bắn nhầm đấy. Lính tráng kiểu quái gì, vừa hỏi mật khẩu vừa bóp cò thì bố ai kịp trả lời.

Tôi chợt nghĩ đến trường hợp của Quảng cũng như thế. Thật buồn quá.

Tôi và Trung đi luôn về đài quan sát, nơi đặt chỉ huy sở. Các nhóm trinh sát đều chia đi các hướng, có lẽ tập kết về đâu đó. Lúc này thấy đói cồn cào, quên khuấy đi mất, suốt từ buổi tối gượng gạo ăn bát cơm khê, hôm 16 đến giờ chưa có thêm hạt cơm vào bụng. Lần mò kiếm lương khô của mấy cậu thông tin, ăn nhanh như máy nghiền, bụi lương khô xộc lên mũi ho sặc sụa. Ăn đã chắc dạ nhưng không thể nào ngủ được, đành ngồi chờ trời sáng. Đúng 5 giờ ngày 18 tháng 4 năm 1974, những tiếng nổ đầu nòng để pa của pháo cối ta từ các phía liên tục phát ra thì trên căn cứ Nông Sơn bắt đầu rung lên bần bật bởi những trái pháo cối nổ liên hồi, những chớp lửa, những đụn khói làm cả bề mặt của căn cứ chìm đi nhợt nhạt. Pháo bắn liên hồi và trúng đích, dường như sau ít phút cấp tập, pháo ta bắn giảm nhịp độ hơn nhưng hầu như không có một phút nào im tiếng nổ. Cuộc pháo kích kéo dài suốt cả ngày. Đến tận 17 giờ pháo ngừng bắn, khi hỏa lực ngừng là lúc các hướng bộ binh xung phong, ở hướng tây nam nhìn rõ bộ binh ta hàng một chạy băng băng qua khu vực hàng rào, vài đồng chí đã lên đến lô cốt đầu cầu, bỗng thấy một vầng lửa bùng và tiếng nổ lớn, mấy chiến sĩ chạy lên trước chìm đi trong khỏi lửa. Sau tiếng nổ, bộ binh ở hướng này vẫn xông vào căn cứ không thấy có sư kháng cự nào của địch, ở phía đông, nơi bình độ 200 thấy có một tốp bộ binh phải giạt sang sườn nam của bình độ 200. Rõ ràng từ cổng vào căn cứ địch có ổ đề kháng, súng bắn thẳng nên bộ binh, không thể vận động trên đỉnh giông được, nhưng hiện tượng đó xảy ra không lâu, lại thấy anh em xông lên như nước chảy. Hình như toàn bộ lực lượng địch đã bị tiêu diệt, trên căn cứ không còn một ổ đề kháng nào. Nhìn lên Nông Sơn, bóng người thưa dần, từng tốp bộ đội đang theo hướng tây nam rút về nơi tập kết theo quy định chứng tỏ ta hoàn toàn làm chủ. Một số cán bộ địch vận được phái đến khu vực Nông Sơn. Các đơn vị bộ binh của Sư đoàn 1 cũng nhanh chóng làm chủ các khu vực ấp Khương Bình, Đại Thái Bình, khu dân cư Trung Phước. Khu vực Cà Tang cũng hoàn toàn được giải phóng. Khoảng 20 giờ, chúng tôi đến ấp Khương Bình, thấy các đội công tác của địa phương đang gọi loa vận động các gia đình cùng kêu gọi binh sĩ ngụy ra hàng quân giải phóng. Tiếng hú gọi người thân: "Anh ơi... Con ơi... Ba ơi..." vang động các vách núi, bờ sông. Đến 22 giờ, theo thống kê của du kích đã có gần 400 tên ra hàng. Như vậy, hai tiểu đoàn đóng trên núi Nông Sơn đã bị diệt gọn. Chủ yếu bị bắt, một số bảo an ở các ấp thấy hỏa lực ta bắn suốt ngày sợ phát khiếp chẳng hề chống cự. Theo số lượng địch ra hàng thì số bị sát thương chủ yếu lúc pháo cấp tập ban đầu, còn sau này chúng chui hết xuống địa đạo nằm nghe tiếng nổ mà phát khiếp, hầu như không còn ý chí để kháng cự, trừ có một tổ để kháng ở hướng đông, nó cũng nhanh chóng bị ĐKZ diệt ngay. Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước thật vang dội, làm sạch địch ở bờ tây sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam, giải phóng 17.000 dân. Lực lượng ta thương vong ít. Địch bị bắt gần như toàn bộ. Một trận đánh hợp đồng binh hỏa lực tuyệt đẹp làm cho bọn địch ở An Hòa, Đức Dục phải kinh hồn khiếp vía. Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước đóng góp một chiến công vào chuỗi chiến công liên tiếp của quân giải phóng khắp vùng, miền, chiến trường miền Nam năm 1974, để chuẩn bị cho những chiến thắng lớn năm 1975.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #57 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 07:56:32 am »

Sáng ngày 19 tháng 7, tôi và Trung leo lên đỉnh đồn Nông Sơn. Cái căn cứ mà trước đây tôi phải mò mẫm trong đêm tối như chồn, cáo để tìm hiểu nó từ ba hướng và đã phải chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống. Nay được ngạo nghễ đứng trên đỉnh căn cứ giữa ban ngày, được đón gió trời lồng lộng trong nắng ấm ban mai. Thấy rất đỗi tự hào.


Nhìn ra xa bên sông Thu Bồn là khu An Hoà, Đức Dục. Xa hơn là thành phố Đà Nẵng, một khu liên hợp quân sự của Mỹ - ngụy. Nơi đó vẫn còn hàng vạn đồng bào vẫn bị kìm kẹp dưới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, sự tồn tại của nó chính là lý do để chúng tôi tiếp tục chiến đấu.


Trong im lặng, nhìn cảnh đổ nát hoang tàn của căn cứ địch. Nơi một trận địa pháo bao nhiêu năm trời không ngừng việc gây ra những cảnh đổ máu cho nhân dân các xã vùng Sơn Phúc, Sơn Ninh, Sơn Phước, cho dân lành và khách bộ hành qua sông Tí Lở, Tí Bồi.


Nhìn xuống ấp Trung Phước, nơi bến sông, tôi bất giác nhớ đến bài thơ của một chiến sĩ miền Nam tập kết in trên những trang sách học trò:

Đò Trung Phước quay đi
Chị đứng hoài trên bến

Thế mà đã gần hai mươi năm rồi vùng này mới được giải thoát khỏi cảnh:

Giờ đây quân Mỹ, Diệm
Giết hại đồng bào ta...

Không rõ anh chiến sĩ ấy và người chị gái đó hôm nay họ ở đâu. Họ có được hưởng cái cảm giác hạnh phúc khi quê hương được giải phóng hay không? Niềm hứng khởi suy tư làm tôi quên cả ý thức địch tình, khi Trung đến nói ở phía kia anh em mình vừa lôi lên một tên ngụy, hắn bị điếc đặc, sợ đến nỗi không nói được, chân tay run như cầy sấy. Tôi và Trung về ấp, qua sông về đơn vị. Trung làm dân vận lúc nào không rõ mà được bà con tặng cho một gùi quýt. Những trái quýt tròn nhỏ như bóng đèn, vỏ xanh lét, những múi vàng mọng nước, ngọt lịm. Chúng tôi đi về nơi tập kết mới của đại đội ở chân phía nam núi Chúa. Đơn vị chuẩn bị để bước vào rút kinh nghiệm, bình công đợt công tác phục vụ chiến dịch, cả đại đội mọi người đều an toàn.


Tôi không dự sinh hoạt ở đơn vị được vì đi công tác gấp. Thế là một hướng mới sư đoàn sẽ tác chiến lại được chuẩn bị. Địa bàn hoạt động của chúng tôi ở nam Duy Xuyên, đây là khu vực rộng lớn gồm: núi Chúa ở phía nam, Kỳ Vĩ ở phía đông, Văn Chỉ ở phía tây; phía bắc là An Hòa, Đức Dục - thành phố Đà Nẵng. Địa điểm này Sư đoàn 304 của đồng chí Hoàng Đan đang đánh quận lỵ Thượng Đức, thời gian kéo dài từ ngày 16 tháng 7 đến nay đã hơn một tuần mà chưa thể dứt điểm được. Các trung đoàn bộ binh gặp khó khăn. Địch ở quân khu 1 tập trung lo đối phó Thượng Đức.


Sau khi mất Nông Sơn, địch tập trung lực lượng về phòng thủ sườn đông nam Đức Dục, nơi mà chúng cho rằng quân giải phóng sẽ chọn làm hướng chủ yếu tấn công vào quận lỵ, vì phía tây bắc có con sông Thu Bồn che chắn, khu vực bờ hữu sông đồng ruộng bằng phẳng, rất khó cho việc triển khai binh hỏa lực của quân giải phóng.


Hiểu được vị trí của khu vực Kỳ Vĩ và Văn Chỉ, ta và địch giành giữ rất quyết liệt. Khi địch đưa lực lượng lên chốt Văn Chỉ, chúng thường xuyên dùng phi cơ và pháo binh oanh tạc. Nhiều mỏm đá trên Văn Chỉ đã biến thành vôi do đạn rốc-két từ những chiếc trực thăng bắn xuống. Từ Văn Chỉ nhìn tà âm xuống quận lỵ Đức Dục nên địch cố sống cố chết để giữ điểm cao này. Làm nhiệm vụ ở đây trinh sát chủ yếu đi địa hình, theo dõi các hoạt động, các cuộc hành quân dã ngoại của địch, đột nhập do các toán trinh sát khác. Chúng tôi được khuyên khích nếu bắt được tù binh thì tích cực tận dụng để khai thác thêm về tình hình địch. Một đơn vị đã tóm được một tù binh nhưng tên lính này không hiểu biết mấy về tình hình. Hình như lính ngụy chỉ được huấn luyện để bắn súng, ném lựu đạn và chấp hành lệnh chỉ huy trực tiếp. Nói chung, hắn chỉ biết hàng tháng có quyền nhận 18.000 đồng lương (2.000đ/1 tạ gạo) tên lính ngụy khai rằng:

- Em bị bắt lần thứ ba. Em chỉ biết bắn súng và nhận lương vì không biết làm gì để sống và nuôi sáu người trong nhà.

Trả lời câu hỏi của bộ đội đã bắn giết nhiều du kích và dân chưa, hắn nói rất tự nhiên:

- Hổng có! Em là lính bảo an chỉ quanh quẩn ở quận.

- Không đi càn à?

- Có! Thường thì chúng em nổ súng từ xa để du kích tránh đi, để không phải đụng độ.

- Còn khi chốt giữ các mục tiêu? - Tôi hỏi.

- Chúng em nổ súng cho nhanh, để chóng hết đạn, hết đạn là có quyền được rút lui, không bị ra tòa án binh. Hắn ngừng giây lát, nói kể cũng lô gíc:

- Chúng em sợ chết, hoặc tàn phế, vợ con hổng ai lo nên ai cũng nghĩ làm thế nào để sống được, rất ít lính ham công danh.

Khi tôi hỏi: Tại sao hố chiến đấu và hào làm sơ sài thế? Hắn nói: "Chỉ huy chỉ cho đào vậy".

- Tại sao?

- Sợ hào sâu, hầm chắc lính trốn xuống tránh đạn hoặc ngồi lút đầu dưới mặt đất, súng chổng lên trời mà bóp cò thì không nhằm vào đối phương được...

Chúng tôi đã hiểu nguồn cội của những chiến hào nông choèn. Không phải chỉ do binh lính ngụy lười lao động, hay coi thường ta không có nhiều vũ khí sát thương mà còn có lý do buộc binh lính phải nhằm vào đối phương bắn. Quan điểm dùng hỏa lực làm áo giáp bảo vệ mình. Thảo nào lính địch không có cách thức bắn điểm xạ, chỉ thấy chúng kéo cò súng để đạn đi hàng loạt dài.


Quan điểm vũ khí luận chi phối quyết định yếu tố tinh thần của địch, sẽ làm cho chúng thật tốn kém và sẽ không tránh khỏi bị thất bại. Một quan điểm về chiến tranh như thế, một quân đội hầu hết những binh sĩ như binh sĩ quèn vừa khai thác, làm sao có thể đương đầu được với cách đánh mỗi viên đạn một quân thù như chúng ta được, thực ra từ khi đi chiến đấu, bản thân tôi chưa phải bắn một phát súng nào vào kẻ thù.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #58 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 07:57:22 am »

Lúc này, trên toàn chiến trường miền Nam đã có các trận đánh, quân giải phóng giành thắng lợi lớn, giải phóng nhiều quận huyện, diệt nhiều sinh lực địch. Tinh thần chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ nâng lên rõ rệt, quyết tâm chiến đấu được củng cố, niềm tin vào thắng lợi được tăng lên, đơn vị tổ chức một đợt huấn luyện quân sự, tôi được phân công khoa mục võ thuật và đánh bắt tù binh. Tài liệu huấn luyện do Cục II - Bộ Tổng tham mưu biên soạn. Hai đồng chí trợ giáo là Lập và Viện. Lập và Viện được đi tập huấn hơn hai tháng ở quân khu với các nội dung kỹ thuật, công tác tham mưu chỉ huy. Các đồng chí Thùy, Thuần tham gia đội mẫu. Các đồng chí trợ giáo và đội mẫu hăng hái thực hiện các động tác thuần thục, đã tạo ra không khí hứng thú cho người học, nên kết quả huấn luyện rất tốt. Chính trong đợt huấn luyện này, cho tôi thời gian lâu hơn rất quý giá để nhận biết những đồng chí luôn ở lại hậu cứ nhưng chính họ đã góp phần thực sự to lớn vào việc xây dựng đời sống vật chất và tinh thần lành mạnh cho cả đơn vị mà anh Hà Huy Giáo là tiêu biểu.


Từ tháng 10 năm 1974 trên chiến trường miền Nam đã có thêm những chiến thắng lớn như: Đắc Pét, Sơn Hà, Bến Héc - Plây cần, Bình Long, Phước Long, v.v... Đại đội trinh sát lại được tung đi nhiều hướng để chuẩn bị chiến trường, tổ chức nào biết việc của mình một cách sơ lược dưới sự chỉ đạo của Ban 2.


Toán trinh sát chúng tôi do anh Đồng, trợ lý Ban 2 chỉ đạo. Anh là người Tam Kỳ - bộ đội tập kết, được đào tạo trinh sát tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Anh trở lại chiến trường từ năm 1965. Anh Đồng quả là vui nhộn, hay nói lái, kiểu nói lái miền Nam đảo chữ của các từ ghép. Tôi không bắt chước được. Anh em hay nói đùa anh Đồng "già không đều". Con người anh về hình thức thì già trước tuổi. Anh đã một lần bị anh em bộ đội mình bắn nhầm vì anh đã hù anh em trinh sát bằng cách giả là địch. Anh đã phải trả giá cho cái tính vui đùa của mình là bị gãy một cánh tay cánh tay đã bị tật khoèo, mỗi khi có người hỏi tay anh tại sao vậy là mặt anh đỏ tía lên.


Anh Tròn đại đội phó là chỉ huy chung. Anh chàng người Thổ to béo này thật giản dị, chân thành, cực kỳ gương mẫu. Anh là người nói năng hà tiện nhưng làm việc thì thật cụ thể đến từng chi tiết nhỏ. Các lần đi chỉ huy điều tra căn cứ địch, hay bám địch dã ngoại, các anh bên ban đều biết việc anh hay tranh vị trí của chiến sĩ như: đi đầu trong các đêm tiềm nhập hay chui rào. Anh không bao giờ cãi lại. Vâng, dạ nhưng rồi anh vẫn không sửa được cái "ưu điểm" hơi quá mức cần thiết ấy. Tôi đồng ý với anh vì thấy các tổ đi công tác với anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và quan trọng hơn cả là không lần nào bị địch phục, vấp mìn, v.v... không có cán bộ, chiến sĩ bị thương vong. Chiến sĩ tin anh, có thể nói: "Em tin anh như vua tin vệ sĩ".


Khi ở đơn vị, anh là thợ săn số 1. Anh đã cùng đồng chí A Phủ người Mèo lặn lội trong rừng bắn được những chú lợn rừng hay mang về, tạo điều kiện để đơn vị luôn có các bữa ăn tươi. Năm nào anh cũng được bình chọn là chiến sĩ thi đua của đơn vị. Tổ có các chiến sĩ: anh Khoát, tiểu đội phó, người đảng viên tận tụy, thạo việc hậu cần; Trung trố, Thể, Dũng, Thảo. Trong số này trừ anh Khoát là lính cũ ở tiểu đoàn vận tải bổ sung về còn toàn bộ là dân đặc công khá về võ thuật. Địa bàn hoat động của tổ là huyện Phước Lâm, nơi đây không rõ ai từ bao giờ đã có câu: "Bà già cắt cổ đặc công". Anh Đồng giải thích câu đó bằng câu chuyện:

"Có ba chiến sĩ đặc công - năm 1968 đánh vào quận lỵ Phước Lâm, bị lạc vào một nhà dân, chỉ có một bà già. Bà ta nhận nuôi giấu nhưng đêm đến bà già định cắt cổ lính ta, nhưng do được phổ biến về tình hình dân ở đây chưa rõ gì về cách mạng và bộ đội. Họ hiểu ta như tội phạm, nên phải cảnh giác. Anh em mình không để bà cụ yếu ớt kia làm việc đó. Họ ngăn bà cụ hành động và giải thích cho cụ hiểu. Bà cụ đã giác ngộ nuôi giấu họ. Cả ba chiến sĩ đã trở về đơn vị an toàn. Câu chuyện thực đó đã được truyền tụng ở các đơn vị trong sư đoàn. Họ gọt giũa khái quát ngắn gọn nên chẳng ai hiểu được sự tình ra làm sao, thành ra chỉ còn một ý nhắc cán bộ cơ sở và chiến sĩ ta phải cảnh giác. Dân trong vùng giác ngộ cách mạng còn thấp kém. Cùng hoạt động với chúng tôi có tổ trinh sát của quân khu do anh Thanh, đại đội trưởng phụ trách. Các tổ viên có anh Thanh tiểu đội trưởng, anh Ngự và Nhừ là giáo viên võ thuật. Ngự và Nhừ to béo, khỏe như voi, ngoài ra còn mấy anh nữa tôi không nhớ hết tên.


Mấy ngày đầu ngồi đài quan sát, trời những tháng cuối năm nhưng ở vùng rừng núi này vẫn có những trận mưa rả rích. Đường mòn trong rừng đã mờ đi gần như mất lối, chứng tỏ đã từ lâu ít người đi lại. Những con vắt từ lớp lá mục ngẩng gần hết thân đế tìm cách bám vào chân tay các chiến sĩ. Anh Đồng đã nhắc từ trước, mỗi chúng tôi đã bôi thuốc chống vắt vào người nên hành quân an toàn tuyệt đối. Lũ vắt nâu, vắt xanh đành nhịn đói. Tôi, anh Khoát, Dũng trố ngồi trên một sườn điểm cao. Trước dãy núi này là ruộng rẫy của dân, đã đốt xong, nhiều chỗ đã dọn tương đối sạch. Cây cành đã được gom lại để chuẩn bị tỉa hạt. Phía đông đài là quận Phước Lâm. Từ quận có con đường nhựa chạy sang phía tây qua trước đài quan sát. Con đường nằm giữa thung lũng, tạo bởi dãy núi đài quan sát và dãy núi khá cao chạy song song với đường, toàn bộ sườn nam của nó áp sát đường là rẫy, dân đã tỉa ngô nhiều vụ. Nay đang để hoang. Trên dãy núi đối diện đài quan sát bên kia đường có một đại đội địch chốt giữ. Chạy về phía tây đến điểm con đường nhựa từ quận chạy vắt qua cũng có một trung đội địch chốt giữ. Mỏm núi đối diện bên này đường, địch lúc có lúc không. Trên con đường nhựa trước đài, hàng ngày cứ 7 giờ 30 phút có một tiểu đội ngụy hành quân từ quận Phước Lâm đến đồi Không Tên. Bọn này hôm thì lên phía đồi có một tiểu đội chốt, hôm thì sang mỏm đối diện. Chúng ở đó suốt cả ngày đến 16 giờ 30 phút thì hành quân trở lại quân lỵ. Toán địch này đi như vậy đã lâu chưa. Để làm gì? Sau hai ngày ngồi quan sát thấy hàng ngày dân đi làm đồng bình thường, đi về đúng giờ. Tốp lính đi về theo quy luật, thời gian, hai ngày liền không đổi. Các con đường mòn, khe suối không có gì nghi ngờ rằng có địch phục hay gài mìn, đặt bẫy. Đặc biệt dân ở đây không lên rừng khai thác lâm sản. Tất cả điều đó nói lên hoạt động của du kích xuống các khu dân cư, địch không nhiều nhưng hình như dân cũng có hiểu vùng núi do quân giải phóng kiểm soát nên việc lên các khu rừng phía nam đường hầu như không có. Địch chỉ chốt giữ an ninh trên các cao điểm phía bắc con đường.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #59 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 07:59:19 am »

Sang ngày thứ ba, lúc 18 giờ tôi mới được giao phụ trách một tổ tiềm nhập qua đường nhựa lên điều tra trung đội địch chốt ở mỏm núi phía bắc đèo, nơi mà tốp địch tuần đường hầu như hôm nào cũng dừng ở đó. Tổ có anh Khoát và cậu Thảo. Theo đường mòn tôi dẫn anh em qua đường cái, lên núi rất nhanh chóng. Lên đến sườn phía đông nam của chốt địch, đội hình hành tiến giãn thưa ra. Vị trí này chúng phòng thủ rất sơ sài, vài đống cây cành do dân phát rẫy, được kéo tấp lên làm vật cản xung quanh đồn, loại rào rừng hươu, nai này chỉ khó cho chúng tôi, trinh sát phải bí mật chui vào, chui ra, còn với bộ binh thì họ đạp phứa lên, rào này ngăn sao được.


Tôi và anh Khoát ngồi xuống đống cây que hỗn độn ấy nhìn vào bên trong. Chẳng có một cái nhà bạt nào. Lô cốt không có, chỉ có mấy đụn bao cát tấp lại thành công sự chiến đấu. Các con hào nông choèn. Các tốp địch im như thóc, không thấy nói chuyện hoặc đi lại gì cả. Chúng ở thế này mấy ngày được thay thế. Ở đây chắc chắn không thể tắm táp gì được, hàng ngày không có xe tiếp tế gì bao giờ. Kể ra bọn lính ngụy này cũng khổ thật. Ngày dãi dầu nắng gió, đêm sương, lại còn phải xát thuốc chống muỗi, dĩn, vắt. Các loại thuốc làm cho da người ta đen sạm đi. Bọn địch có câu: "Da màu chiến trường, quân trường" là vậy. Tổ chúng tôi về đến cứ trời vừa sáng. Mục đích xác minh xem đêm địch có chốt lại đó không mà thôi. Tôi ghi lại chi tiết đoạn đường từ chỗ đài quan sát đến chốt của địch đi hết bao nhiêu giờ, từ chỗ có rừng ẩn nấp được đến đường nhựa cự ly bao nhiêu, v.v... Cả việc ý thức phòng thủ của địch cũng như tốp lính đi dường đều kém cảnh giác, kiểu ấy bị phục kích thì chỉ có ù té chạy. Đêm thứ tư tôi nghỉ lại ở lán. Tổ trinh sát quân khu không biết các đêm rồi đi đâu? Làm gì? Chỉ biết mọi người đến đây không thể chỉ ngồi trong lán của mình. Sáng sớm ngày thứ năm, anh Đồng gọi tôi đến. Anh nói: "Trinh sát quân khu hồi hôm vào điểm của địch bị lộ, một đồng chí không về. Cậu lên đài ngay, quan sát xem có hiện tượng gì lạ không? Chủ yếu là cái điểm có một đại đội địch chốt giữ ấy.


Tôi, anh Khoát và Thảo lên đài. Tôi không nói gì với hai người vì không được phép. Họ vẫn coi đó là việc bình thường. Tôi thì biết rất rõ anh Đồng và mọi người bây giờ sẽ dỡ bỏ lán đến một thung khe khác. Ấy là phương án đề phòng nếu anh em mình lọt vào tay giặc, có thể nơi tập kết của đoàn công tác bị lộ. Địch có thể tổ chức vây bắt hay oanh tạc gây sát thương cho ta. Quãng gần 8 giờ sáng, thấy căn cứ lâm thời của địch có vẻ nhốn nháo. Địch tụ tập đông. Trên đỉnh núi nhìn xuống sườn phía nam, bốn tên lính khiêng lên trước hàng quân một người, chính xác là đã chết. Chúng tìm kiếm gì đó một lúc rồi giải tán. Còn mấy tên đi xuống đoạn yên ngựa gần rẫy của dân đào hố. Chúng chôn người chết xuống đó. Sau đấy mọi việc trở lại bình thường. Tôi bảo Thảo chạy nhanh về nói với anh Đồng sự việc trông thấy. Tôi biết như vậy anh Đồng sẽ không di chuyển hậu cứ nữa. Khi Thảo đi rồi, tôi nói với anh Khoát người chúng chôn đó là đồng chí Ngự, trinh sát của quân khu vào đó hồi hôm không trở về. Chúng tôi ghi nhớ địa chỉ nơi địch chôn anh.


Bọn lính tuần đường vẫn đi như mọi khi, lẫn với dân đi chợ, đi làm. Có lẽ chúng không biết gì về việc có quân giải phóng đột nhập. Bọn địch lo ngại để binh sĩ biết sẽ hoang mang, dao động. Nhìn toán lính đi lại có quy luật này, tôi chợt hiểu ra nhiệm vụ của hai toán trinh sát Quân khu 5 và Sư đoàn 2 là nghiên cứu để đánh bắt tù binh địch. Đối tượng là một tên chỉ huy trong toán lính này để khai thác tình hình quận lỵ Phước Lâm. Các cụm địch trên các dãy núi này không phải là mục tiêu chính của hoạt động trinh sát và như vậy nơi sẽ có đánh lớn của ta sẽ là quận lỵ Phước Lâm, Khâm Đức. Ngày hôm sau khi anh Ngự hy sinh, anh Đồng dặn tôi ghi chép tỉ mỉ hơn về đội hình tiểu đội địch, số lượng, đội hình cự ly từng tên, thời gian đi về. Nói chung các chỉ số đó mấy ngày sau đều không đổi. Có buổi sáng có lúc chúng nhập vào dân đi trên đường. Những khi đó chúng mất cảnh giác nhất. Có tên địch treo súng vào đầu đòn gánh của dân. Có thể do đi lại như thế hết ngày này qua ngày khác chẳng có chuyện gì nên sinh ra bình thường hóa, bọn địch không cảnh giác gì nữa.


Tôi hiểu được ý định của Ban 2 là sẽ đánh bắt tù binh trong vài ba ngày tới. Thời gian bắt là ban ngày rồi, còn giờ nào thì chưa thể chắc chắn. Khoa mục đánh bắt tù binh trong đội hình hành tiến tôi đã hai lần huấn luyện cán bộ, chiến sĩ nhưng chưa một lần thực nghiệm. Theo địa hình này, việc bắt sống tù binh trong đội hình hành tiến ban ngày là khó thực hiện, vì lẽ ruộng rẫy trống trải, phía hai đầu dừng chân của địch đều là điểm có lực lượng bố phòng trong căn cứ lâm thời và vững chắc. Đoạn có khả năng thực hiện nhất thì được phát quang nằm trong tầm kiểm soát của hỏa lực bắn thẳng của địch ở điểm chốt đại đội và chốt trên đồi Không Tên.


Trường hợp ta bí mật ém sát đường từ ban đêm thì thật dễ dàng nhưng khi diễn ra cuộc đánh bắt thì cả người bắt lẫn tù binh đều sẽ bị hỏa lực địch trên các điểm cao tiêu diệt. Theo dõi toán địch này thêm một ngày sau nữa, tôi được trên gọi về nhận nhiệm vụ mới. Anh em ở lại tổ chức đánh bắt tù binh nhưng cuộc đánh bắt không thành công. Anh Nhừ là người chụp bắt tên tù binh đã bị hy sinh cùng với tên chỉ huy địch, chính do đạn đại liên trên căn cứ bắn xuống. Ta có thêm ba đồng chí bị thương, địch bị tiêu diệt hơn một nửa số đi trên đường.


Gần Tết, có một số anh em ở các tổ hy sinh như các anh Liêm, Đình, Điền. Anh Dần bị thương thủng bụng không còn khả năng chiến đấu tiếp nữa. Tôi nghỉ ngơi ít ngày để chuẩn bị đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua của sư đoàn, vẫn như mọi khi tôi lại được nghe các báo cáo điển hình về gương chiến đấu dũng cảm, tinh thần vượt khó, phục vụ quên mình; tinh thần sẵn sàng hy sinh cho chiến thắng của từng trận đánh. Những việc chiến sĩ ta đã làm, nhưng nếu con người bình thường trong hoàn cảnh bình thường sẽ không thể làm nổi.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM