Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:56:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến sĩ trinh sát  (Đọc 7545 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 07:24:50 am »

Tên sách: Chiến sĩ trinh sát
Tác giả: Từ Văn Chiến
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2005
Số hoá: ptlinh, quansuvn


1


Tôi là con trai của một người mẹ góa chồng sớm. Mẹ luôn nói với tôi rằng:

"Phải cố gắng học hành con ạ.
Có học thì làm việc mới đỡ vất vả hơn, cuộc sống mới đỡ khổ hơn".

Cái nguyện vọng giản đơn, thực tế nhỏ nhoi của mẹ đã làm tôi nhiều lần phải thất vọng trong việc thuyết phục mẹ cho đi bộ đội. Vì thế tôi vẫn còn ngồi ghế nhà trường, trong khi các bạn cùng trang lứa cứ lần lượt rời khỏi quê hương để thực hiện khẩu hiệu: "Quân không thiếu một người", "Tất cả để diệt Mỹ ở Khe Sanh". Những bài ca sôi động, vang vọng, hào hùng trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam như giục giã mọi người: Hãy xông ra tiền tuyến... Rồi phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang" đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp mọi xóm làng miền Bắc... Những cảnh náo nức tiễn đưa thanh niên tòng quân đánh giặc... khiến tôi không thể cố nén lòng học hết lớp 10 được nữa. Vì ngay từ tháng 2 năm 1970, anh Nguyễn Xuân Kính, cán bộ Sư đoàn 350 đã về tận xã tôi liên hệ tuyển quân, tôi đã đăng ký nhập ngũ.


Như mọi lần mẹ tôi lại khuyên can, nhưng do kiên trì vận động, cuối cùng mẹ cũng đồng ý. Thế là ngày 18 tháng 4 năm 1970, tôi kiêu hãnh trở thành chiến sĩ, chiến sĩ của C4 - D629 - E2 tỉnh Hải Dương.

Trước ngày nhập ngũ, tối 17 làng xóm nhộn nhịp như ngày hội. Các gia đình ngày mai có người ra trận, đèn thắp sáng choang, người vào ra nhộn nhịp nhà đến quá khuya mới hết khách.

Tiếng là nhiều bạn gái thế mà lúc chia tay, tôi không có một ai công khai bùi ngùi, bịn rịn. Điều đó, chẳng có gì phải buồn phiền. Tuy nhiên, cũng có một bức thư chia tay của H. đã làm tôi suy nghĩ. Thật là:

Chiều nay chúng bạn đến nhà
Những lời chúc tụng phòng trà trôi đi
Đêm nằm chẳng khép được mi
Hình như bạn nói câu gì? Qua thư
Điều gì nửa thực nửa hư
Điều gì vương một chút dư âm buồn.
Chút vui, chút nhớ, chút thương
Chút gì gợn nhớ vấn vương trong lòng
Cái gì tựa mớ bòng bong
Cái gì luyến láy ở trong thư nàng
Phải mình mắc nợ rồi chăng?


Lớp 8c của tôi có chín bạn gái, tám bạn đều đến chia tay, còn H. đi một mình nhưng không đi được phải ghi mấy lời cáo lỗi.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 07:26:41 am »

Tôi nhập ngũ ngày 18 tháng 4 nảm 1970. Sáng hôm ấy xã tập trung thanh niên nhập ngũ. Đi đợt này xã có 11 anh em. Thôn Vũ Xá 9 đứa gồm: Lịch, Vi, Thoan, Yên, Viễn, Cao Yên, Đúc, Vinh và tôi. Thôn Phượng Hoàng có anh Hoạt, thôn Pháp Chế có cậu Lấp. Dự lễ tiễn có đông đủ các cơ quan đoàn thể và bà con. Tôi được thay mặt những người ra đi phát biểu ý kiến. Tôi hứa trước Đảng bộ, Ủy ban và nhân dân xã nhà rằng: sẽ đi đến nơi, làm tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ để xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.


Chúng tôi được người nhà đèo xe đạp đi đến nơi tập trung của huyện tại sân kho xã Hiệp Sơn. Bà con Hiệp Sơn dự lễ ra quân rất đông, kín cả sân kho. Tôi thấy nhiều bạn cùng lớp cũng có mặt đưa tiễn, một số bạn cùng đợt nhập ngũ đó là: Vằng, Lâm, Thiều, Dũng và mấy bạn khác nữa.


Tôi được biên chế về một đơn vị bộ binh, cùng với số anh em trong xã. Cậu Vằng, Lâm cùng lớp được biên chế về đơn vị đặc công.

Sau khi biên chế xong, chúng tôi được lệnh hành quân. Đơn vị tôi là Đại đội 4, Tiểu đoàn 629, Trung đoàn 2 tỉnh đội Hải Dương. Đại đội trưởng là anh Nguyễn Xuân Kính, anh Đặng Thanh Vân chính trị viên, anh Nguyễn Khánh Toàn chính trị viên phó, anh Nguyễn Văn Mịch đại đội phó. Đại đội hành quân bộ qua phà Thái, theo đường số 5, đến ngã ba Hàng, rẽ phải qua bến Bình sang đường 18, qua Sao Đỏ rồi dừng lại ở thôn Thạch Thủy, xã cổ Thành, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và đóng quân tại đó.


Thạch Thủy là một xóm nhỏ, con đường 18 chạy chia đôi làng. Ruộng để cấy lúa ít, phần nhiều là đồi, trồng màu, khoai, sắn... Các khu đồi núi cao được trồng các loại bạch đàn, liễu, cây đã lớn tạo nên những cánh rừng đẹp đẽ. Nhân dân Thạch Thủy yêu quý bộ đội. Mới vào lính xa nhà non nớt và bỡ ngờ, nay được chăm nom chu đáo, tôi bất giác liên tưởng đến câu thơ của Tố Hữu:

"Có bà cụ từ tâm làm mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra
Cho con nào áo, nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi".


Sáu tháng huấn luyện, trong hoàn cảnh nước ta những ngày ấy bà con nhân dân tính theo định suất được 9 đến 10kg lúa 1 tháng, đâu có đủ ăn. Bộ đội được ưu tiên "Ăn no đánh thắng" nhưng làm gì đủ gạo theo tiêu chuẩn; buổi sáng thường là một cái bánh bột mì hấp, nếu có bột nở thì to bằng nắm tay dễ ăn một chút, khi hết bột nở, bánh chắc như đất sét, khó ăn lắm. Nhưng chẳng ai "bỏ mứa" bao giờ. Các chú lính ở nhà dân đều được bổ sung thêm đặc sản như khoai sọ, khoai lang, sắn luộc... Tôi là liên lạc cho anh Vân ở nhà chị Yến, cùng chung sân với nhà em Liệu, được mẹ Vấn, mẹ Thoại, chị Nguyệt, chị Yến, em Liệu thương yêu như người thân trong nhà, tự ngẫm ai dám làm gì để mọi người buồn lòng được.


Tôi nhớ mãi những kỷ niệm giản dị của những ngày đơn vị đi thao trường. Tôi ở nhà làm thống kê quân lực. Em Liệu hay từ nơi làm việc ghé về, không quên đem theo một bình óc đậu để "anh uống cho mát". Những lần như thế, Liệu bao giờ cũng hồn nhiên, vui vẻ, kể tôi nghe mọi chuyện làm tôi rất vui. Hôm đi B, Liệu đưa một cây mía lựng mật, tím đỏ để tôi làm gậy và nói: "Anh đi chân cứng đá mềm, nhớ ngày trở lại". Còn chị Yến, có lẽ do Liệu gọi bằng chị nên tôi gọi theo thì phải. Yến bằng tuổi tôi, cái tuổi con mèo "cao số", nhưng Yến đã quen gọi bằng chị rồi thì không nên điều chỉnh làm gì. Có lẽ thế nên Yến ít nói hẳn đi. Trong hành động, Yến rất tỉ mỉ, giúp tôi mọi việc cá nhân. Nhiều lần tắm xong tôi có thói quen hay ngâm quần áo để đấy, Yến thường "tiện tay" giặt hộ. Lâu thành quen. Nếu khi nào tôi không quên, tự tay giặt lấy quần áo của mình là chị Yến giận ngay, Do vậy tôi thường nhờ chị luôn. Hôm đi B, trong đêm liên hoan văn nghệ, Yến, Mừng và tôi tam ca bài: "Ai yêu miền Nam như tấm lòng miền Bắc" của nhạc sĩ Văn Ký, chúng tôi hát rất đều và say sưa. Bây giờ mới nghe người ta nói cần phải kiêng những trường hợp ba như thế.


Trong sáu tháng huấn luyện, mẹ tôi, các chị em và bạn bè đến thăm tôi vài lần. Nhiều bạn gửi thư đến thăm hỏi, động viên người lính, trao đổi việc học hành, sự nghiệp, tương lai... Tôi có cảm giác mình thật sự đã là người lớn và có phần "quan trọng" đối với mọi người.


H. người bạn gái, ba năm học chung lớp ở cấp III với tôi bao giờ cũng dịu dàng và lúng túng khi gặp mặt bạn cũng gửi một lá thư báo tin trượt tốt nghiệp. Buồn quá, làm gì đây? Và băn khoăn không biết có là bạn của tôi nữa không? Thư tôi viết cho H. tất nhiên không thể thiếu việc cho gửi lời hỏi thăm sức khỏe hai bác và em Hài. Sau là lời khuyên bạn nên đi học tiếp và việc trượt tốt nghiệp vừa qua không có gì là trở ngại cho tình bạn đã có của chúng ta. Có lẽ cụm từ "tình bạn đã có của chúng ta" không có gì chứng tỏ cho sự phát triển, trong bức thư lính đầu đời của tôi đã làm bạn thất vọng, vì thế mà tôi không còn cơ hội nào được đọc những dòng thư của H. nữa.


Sau này, trong chiến trường, nhiều lúc tái hiện hình ảnh H. cô bạn học, mập lẳn, da trắng, môi đỏ, cái miệng xinh "tệ", tóc hơi quăn, mắt màu hạt dẻ long lanh, luôn bối rối mỗi khi gặp mặt... Về phía tôi, quả thật cũng chẳng tự nhiên gì, cái cảm giác ở bên nhau thường là những lời như thiếu như thừa. Rồi cái lần H. nghỉ học vì em trai phải đi viện mới có mấy ngày thôi, tôi ngơ ngẩn nhiều". Thực sự mà nói thì hai đứa có chú ý đến nhau và mấy đứa con gái đã nhận thấy điều đó. Chả thế một lần H. đã nói nhỏ với tôi: "Sợ thầy chủ nhiệm biết", "Các bạn chế quấy, nên hay lảng tránh, không phải "ghét” đâu. Đừng hiểu lầm".

Thực là:

"Chưa một lời yêu
Chưa một nụ hôn
Chúng nó đã ồn
Mình yêu nhau đấy
Sợ thầy bạn thấy
Nên tự lừa mình... "


Trong ba năm học, tôi đến nhà H. và H. đến nhà tôi nhiều lần. Khi đến nhà H., chúng tôi rất tự nhiên vui vẻ, bố mẹ của H. tiếp đón tôi rất niềm nở, thân tình. Còn H. đến nhà tôi, bao giờ H. cũng bị lũ bạn gái áp tải tấn công. Mấy đứa bạn như Hồi A, Hồi B hay hỏi đùa mẹ tôi: "Bác có chấm cái H. làm con dâu không?", làm H. vô cùng bẽn lẽn, chẳng dám vui đùa, chuyện trò gì cả, có lẽ điều đó làm mẹ tôi thấy "Con bé dễ thương...".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 07:27:52 am »

Ngày tôi đi bộ đội, mẹ phàn nàn rằng: "Có nhớn mà chẳng có khôn". Bẵng đi gần năm năm trời, khi từ chiến trường về đến nhà, mẹ tôi đã nói ngay:

- Cô bạn hồi còn đi học hay đến đây, bây giờ thế nào?

Thì ra mẹ tôi đã nghĩ rằng có thể chúng tôi yêu nhau nên hỏi như vậy. Thú thực tôi bị bất ngờ và chính tôi, quả không biết cô ấy giờ ra sao nũa. Tôi chỉ ẫm ờ trả lời cho qua chuyện: "Con sẽ đi thăm sau".

Điều cũng bất ngờ và vô cùng xúc động, đó là lúc tôi đến nhà gặp mẹ H., khi tôi vừa cất tiếng chào thì mẹ H. đang gẩy rơm ngừng tay nạng nhìn tôi vài giây rồi vui vẻ hỏi:

- Anh có phải là Chiến không?

Tôi sửng sốt chưa kịp trả lời- Bà nói tiếp:

- Em nó nhắc đến anh luôn.

Tôi trở nên bối rối. Thực sự tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Tôi vào nhà bà chỉ tấm ảnh của H. chụp chung với Hòa treo ở cột nhà. Bà vồn vã nói:

- Ngày anh ở nhà nó bé tẹo, gầy gò, thế mà bây giờ nó béo thế đấy...

Bà lấy quyển nhật ký thời học sinh của H. đưa cho tôi... Tôi đã hiểu tất cả. Hình như đã làm xong các việc rất cần thiết ấy, lúc này bà mới mời tôi uống nước và hỏi chuyện mấy năm đi "sang Nam”, chuyện của các cụ ở nhà... Sau đó bà nhờ tôi giúp mang cho H. chiếc màn đã mua, nhưng "chưa có ai mang cho nó được”. Bà thở dài:

- Mấy năm trước, nó muốn làm nông dân nên không chịu đi học sư phạm. Sau này, nó nghĩ thế nào lại đi học sư phạm, thành ra năm nay mới được ra trường đấy. Tuổi lớn tướng rồi! Nghe đâu cô nào chưa chồng ra trường sẽ phải "sang Nam"...

- Ngày mai anh qua đây rồi đi Hưng Yên. Trường nó học ở Chợ Gạo, thị xã Hưng Yên.

Tôi như một chiếc máy vâng dạ theo các vấn đề bà nêu ra. Tôi gặp H. ngay hôm sau, tại lớp sinh hóa, ở Trường sư phạm 10 + 3 thị xã Hưng Yên. Đó là ngày 10 tháng 5 năm 1975.


Chỉ gặp lại H. tôi mới thấy cái lý do mẹ tôi phàn nàn "Có nhớn mà không có khôn". Trong số bạn gái cũng còn một người phải nói tới, đó là N. Cô có thể kém tôi một tuổi, học hết cấp II, N. đi học Trung cấp Dược, thời đó thường có câu "Nhất Y, nhì Dược". Người bạn gái đầu tiên gọi tôi bằng anh? Em chính là N. Học sinh nông thôn bạn bè chỉ "mày, tao, mi, tố" có thể vì thế mà tôi đã coi N. như em thật sự, còn N. tôi không dám chắc. Tôi quan tâm giúp đỡ, bảo vệ không để em bị bắt nạt. Nói với N. những điều rất người lớn, nhắc chú ý trong quan hệ bạn bè, nam nữ để tránh sự phiến toái...


N. tin cậy ở nơi tôi và luôn quan tâm, lo lắng cho tôi. Có thể nói, N. vui khi thấy tôi gặp điều lành, lo khi tôi gặp chuyện không suôn sẻ. Chúng tôi sống thật vô tư, trung thực suốt những năm cùng đi học một lớp ở trường cấp II Bạch Đằng. Cái ngày bạn bè chúng tôi "đội mũ rơm đi học đường dài" cả những lần đi học tránh giờ cao điểm phải đi từ khi gà gáy mà vẫn vô tư vậy.


Ngày học cấp III xa nhà, chỉ nghỉ hè tôi mới có nhiều thời gian cùng lao động với thanh niên ở thôn, như làm đường, làm thủy lợi, chống úng lụt. Những lần như thế, N. lúc nào cũng gần gũi bên tôi, sau lần hỏi ý kiến về việc chọn nghề, tôi tham gia, thế là N. đi học Trung cấp Dược. Trước hôm đi B một ngày, từ đơn vị tôi đạp xe đến Trường trung cấp Dược, đoạn đường 50km, tôi đến với N. chỉ được một lúc buổi trưa. N. tiễn tôi ra đường, nói nhiều chuyện rất nghiêm túc:

- T. hay đến đây chơi, em không thích tiếp. T. cũng biết điều đó nhưng vẫn chưa lùi bước.

Tôi nắm tay N. nói nhỏ:

- Mai anh đi rồi. Có lẽ ngày cưới của em anh không có mặt được... đừng buồn nhé...

N. nói thảng thốt nhưng quả quyết:

- Em sẽ đợi đến ngày thống nhất. Anh về em mới lấy chồng.

Tôi không nói gì thêm, chào em rồi lên xe, đạp một mạch về đơn vị. Đó là ngày 9 tháng 10 năm 1970.

Trên đường Trường Sơn, tôi viết cho N. hai lá thư. Kể chuyện hành quân, chuyện đất nước Vạn Tượng. Đây là người bạn gái duy nhất mà tôi viết thư từ chiến trường về, sau này đi chiến đấu tôi không viết thêm một lá thư nào cho N. nữa vì những năm chiến tranh có khi thư chưa đến tay người nhận thì người gửi đã hy sinh rồi. Nghĩ như vậy sẽ tốt hơn. Năm 1972 chiến tranh rất ác liệt. Một số đồng chí cùng đi bị thương, về làng đồn tôi đã hy sinh, sau này bạn bè tôi nhiều người nhắc đến tin đồn ấy.


Tháng 4 năm 1975, khi tôi chưa về nhà, người bạn đầu tiên đến thăm chính là N. Em đi cùng chồng, cũng là bạn học với tôi. Hai bạn đang nghỉ phép để tổ chức lễ cưới. Họ vừa cưới được bốn ngày. Tôi buột miệng nói với N.

- Thế là em lấy chồng lúc anh chưa về đấy nhé!

N. không nói gì, nhìn tôi. Tôi hiểu cái nhìn đó có ý rằng cần có điều phải nói, nhưng chưa phải lúc này. N. lấy chồng, cũng là diện muộn màng, so với hoàn cảnh chung lúc bấy giờ. Quả thật cho đến nay tôi vẫn chưa được em giải thích về cái nhìn chiều hôm ấy, mặc dù sau đó, chúng tôi có gặp nhau đôi ba lần.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 07:29:03 am »

Sau sáu tháng huấn luyện, tôi đã trở thành người lính thật sự. Đại đội có hai đồng chí trước khi đi B đơn vị công bố ở lại nhận nhiệm vụ mới. Đó là Lê Văn Đúc vì mẹ mới mất, có ba em còn nhỏ. Đúc được cử đi học y tá, cũng tương tự như Đúc còn có đồng chí Thân Văn Thơ. Cán bộ khung có sự điều chỉnh, anh Nguyễn Xuân Kính vì sức khỏe yếu không hành quân được, anh Nguyễn Văn Hoàn về thay. Anh Nguyễn Văn Mịch lớn tuổi, anh Nguyễn Văn Hoàn làm đại đội phó. Các anh Đặng Thanh Vân, Nguyễn Khánh Toàn vẫn giữ chức vụ cũ. Sau một thời gian xuống A12, B4 để rèn luyện, trước khi hành quân, đại đội rút tôi về xê Bộ. Các đồng chí Trần Văn Bách và Vũ Quý Dương vẫn tiếp tục làm liên lạc đại đội. Như vậy xê Bộ có 4 liên lạc: Trần Văn Mừng và ba chúng tôi Chiến, Bách, Dương.


B1 - Thiếu úy Nguyễn Văn Thành - B trưởng; B2 - chuẩn úy Nguyễn Văn Huấn - B trưởng; B3 - Thiếu úy Trần Văn Đức - B trưởng; B4 - Thượng sĩ Nguyễn Văn Rư - B trưởng.

Đơn vị lên đường đủ quân số, ngày đầu hành quân bộ đến ga Lưu Xá, Cẩm Giàng thì dừng lại nghỉ qua đêm đến 10 giờ ngày 11 lên tầu. Đêm rạng sáng 12 chúng tôi đến ga Vinh và được đưa đến nghỉ trong các nhà dân, những cô gái thôn quê duyên dáng trong bộ áo nâu, quần đen, giọng nói thánh thót, lạ tai vui vẻ. Các gia đình miền Trung đời sống còn rất khó khăn, bữa ăn chỉ thấy khoai lang. Mùa đông về nhưng các cụ già vẫn phong phanh một manh áo mỏng với nhiều miếng vá, nhiều em nhỏ vẫn cởi truồng. Nhà chủ yếu lợp bằng lá cọ và cỏ tranh, cả vách và mái, rất ít có nhà xây lợp ngói. Nhưng tình người dân miền Trung đầm ấm, sẵn sàng nhường chỗ ở ngủ và những miếng cơm củ khoai cho bộ đội đã làm vui lòng các chiến sĩ trẻ trên đường ra trận. Đoàn quân đi qua huyện Cẩm Xuyên, Lệ Thủy, Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình. Những xóm làng nghèo khó, những người dân khắc khổ. Càng vào sâu, những biểu hiện lạc hậu của người dân càng đậm nét. Cảnh hoang sơ nguyên thủy càng bộc lộ rõ ràng hơn. Nhưng vẫn giống mọi nơi, người dân đều hết lòng cho mặt trận, hết lòng vì những đứa con đi chiến đấu. Họ biết "thế nào cũng có đứa không về...".


Đơn vị nghỉ một ngày ở một bản dân cư thưa thớt bên đông Trường Sơn để chuẩn bị lương thực, thực phẩm. Tôi bất giác, nhớ đến câu thơ của Tố Hữu:

   "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa
   Ai chưa đến đó như chưa rõ mình".


Bước chân leo lên dải Trường Sơn hùng vĩ của Tổ quốc. Đường mòn, rừng rậm âm u, núi cao, dốc đứng. Bây giờ khỏi phải tưởng tượng. Đoàn quân lầm lũi đi trong mưa đêm, chỉ có tiếng chân lép nhép, thỉnh thoảng có tiếng "uỵch" của ai đó vừa bị ngã. Bầu trời đen ngòm, thỉnh thoảng mới có một đốm sáng của ngọn đèn dù do một chiếc C-130 bắn ra lạc lõng trên bầu trời mênh mông.


Một vài lần anh Hoàn cho nghỉ giải lao nhưng đường lầy nhão chẳng ai bỏ được quai ba lô ra khỏi vai, mọi người đều dựa vào vách ta luy bên đường để nghỉ. Anh Hoàn ra lệnh: các B phải nhắc chiến sĩ giữ đội hình. Nghỉ tại chỗ, kiểm tra không để ai ngủ quên lại trên đường đi.


Trời về khuya, mưa đã tạnh nhưng do ngày đầu đi bộ, đường trơn, dốc, mang vác nặng nên ai cũng mệt, buồn ngủ khủng khiếp. Mãi đến quá nửa đêm mới có lệnh dừng chân hạ trại, đó là một quả đồi cây cối chen chúc, tôi mò mẫm lấy tăng võng trong ba lô ra vội vã mắc dây võng lên hai cây to, buộc dây căng tăng lên trên hai đầu dây võng, căng đều bốn góc tăng, thế là đã xong một chỗ ngủ. Toàn khu vực lao xao một lúc rồi im lặng, không có nước rửa chân, tôi bẻ lá cây lau hai cẳng chân, bàn chân rồi xỏ vào đôi bít tất, ngả lưng ngủ đến khi anh Hoàn gọi dậy để chuẩn bị đi tiếp. Lúc này tôi mới thấy đây là bãi khách đã đón nhiều đoàn hành quân qua, có rất nhiều chỗ mắc võng đã làm sẵn, đủ cả cọc phụ dây, căng tăng, giá để ba lô... thế mà hôm qua tôi không biết để tận dụng. May mà trời đã hết mưa, chứ không tránh sao cho khỏi ướt. Bữa ăn đầu tiên trên đường Trường Sơn của chúng tôi tự tay các chiến sĩ ở các tiểu đội nấu. Xê Bộ Trần Mừng tỏ ra tháo vát nhất, tôi thì cũng tạm được, còn Bách và Dương mới lên xê Bộ nên có nhiều bỡ ngõ. Mặt khác, ở gia đình hai cậu ấy vốn được săn sóc chu đáo nên cũng có phần lười.


Những bữa ăn Trường Sơn: đồ hộp với rau, măng rừng, tuy nấu nướng tạm bợ nhưng sao ăn ngon miệng thế, chẳng bao giờ thừa miếng cháy nào. Trong hành quân, nấu ăn là vất vả nhất, thao tác trong cảnh mưa gió thất thường, thời gian phải khẩn trương. Để có cơm chín, nước sôi, món ăn "phong phú", quả là một cuộc thử thách, tập dượt cho bao chiến sĩ, những người mới cách vài ngày chỉ quen nhận phần ăn từ nhà bếp, được chia sẵn trong các xoong 6, xoong 8, đĩa 4 ngăn và được quyền phàn nàn, trách cứ các chiến sĩ nuôi quân, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phải mất đến ba, bốn ngày, đại đội mới khắc phục được các tình trạng mà nhiều tiểu đội phải khổ sở như: nấu cơm chín nhưng chưa kịp ăn đã phải hành quân, những ăng gô canh bị đổ làm tắt bếp, những bếp nấu quá khói bị đại đội bắt dập lửa khi cơm còn chưa chín...


Tuy nhiên bếp xê Bộ không có tình trạng trên, nên các anh đại đội khoái lắm, luôn lấy đó để nhắc các bê phải học tập. Qua đó thấy các anh rất tự hào vì có những chiến sĩ "cận vệ" như bọn tôi.

Sau 10 ngày hành quân trên đất Lào, đơn vị được lênh dừng lại để chuẩn bị giao quân, lúc đó là trung tuần tháng 11 năm 1970. Tranh thủ ngày nghỉ, tôi viết thư về cho mẹ và các chị, có cả thư cho Nam. Tôi kể những điều mới lạ về đất nước, con người những nơi tôi đã đi qua, tôi đã nhìn, nghe thấy, với tinh thần lạc quan pha chút tự hào.

"Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng".


Nơi tiểu đoàn dừng chân là trạm 13 thuộc Binh trạm 12 nằm trên địa hạt tỉnh Xa-van-na-khét. Chúng tôi được bổ sung về Sư đoàn bộ binh số 2, Quân khu 5. Mấy hôm dừng lại, tôi đi các bê gặp anh em cùng làng và bạn bè thân quen, chúng tôi nhắc nhở nhau để củng cố niềm tin, chuẩn bị tư tưởng cho những ngày thực sự gian khổ sắp tới. Tôi đề nghị với các bạn hãy tin cho nhau khi có điều kiện. Anh Hoan, đại đội phó tâm sự với tôi:

- Tiểu đoàn chọn 10 chiến sĩ trẻ để bổ sung cho một đơn vị quan trọng nào đó trên Bộ tư lệnh. Xê ta, chúng tớ chọn cậu, còn 9 đồng chí khác do các xê cử. Bọn mình rất tiếc là không được công tác tiếp với cậu để giúp đỡ cậu được nhiều hơn nữa. Thấy cậu xông xáo, dũng cảm mình rất quý. Cậu hãy cố gắng để tiến bộ...


Xê chia làm 8 khối, cùng về Sư đoàn 2. Bê 3 và cậu Mừng, Bách được bổ sung vào tiểu đoàn công binh của sư đoàn. Bê 1 của anh Thành về Trung đoàn 1.

Bê 2 của anh tuấn về Trung đoàn 141.

Chiến dịch đầu tiên ở Nam Lào tháng 3 năm 1971, trong làng đã có mấy đứa hy sinh đó là Cao Văn Thoăn, Ngô Quang Vinh. Nguyễn Văn Lịch bị thương nặng phải chuyển ra Bắc. Các chiến dịch trong năm 1972, các bạn hy sinh gồm: Nguyễn Đức Vy, Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Văn Lấp. Bị thương phải chuyển ra Bắc điều trị là Nguyễn Trọng Viễn và anh Hoạt. Duy nhất còn tôi ở chiến trường cho đến tháng 4 năm 1975.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2021, 08:59:14 pm »

2
   

Những ngày đầu là quân giải phóng.

Người đón mười chiến sĩ mới chúng tôi từ Tiểu đoàn 629 về Đại đội 21 của sư đoàn là anh Vượng. Anh nói tiếng Bắc, mặc bộ đồ bà ba đen, người gầy, da xanh, không đoán được anh bao nhiêu tuổi. Kể từ khi vào đây (1965), không nhận được thư nhà. Tiếng anh nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng toát lên niềm tự hào về cái đơn vị mà anh đang sống và công tác. Anh nói:

- Sư đoàn vừa hành quân từ Quảng Nam ra, ở đây sẽ có điều kiện để củng cố, huấn luyện tốt hơn ở "trỏng". Anh em mình về đơn vị bây giờ là thuận lợi rồi. Đơn vị mình là đại đội trinh sát của Sư đoàn 2 "Sư đoàn thép anh hùng".

Chúng tôi theo anh Vượng đi trên đường mòn trong rừng. Đến gần tối thì về tới đơn vị. Chúng tôi được đưa đến nhà Ban chỉ huy đại đội. Anh Xuyên người Hải Phòng là chính trị viên. Dáng anh mảnh khảnh, da xanh bủng do sốt rét nhiều, có thể bị lao nữa (?), nói chuyện với chúng tôi tiếng anh nhỏ, thỉnh thoảng lại ho húng hắng. Anh là người nghiêm nghị, chắc chắn.


Anh Thu xê trưởng, người nhỏ thó, trẻ hơn anh Xuyên đến năm sáu tuổi. Tạng thư sinh, da xanh, chỉ có đôi môi đỏ tươi và có cái miệng luôn mỉm cười vui vẻ, giọng nói miền Trung nghe lạ tai.

Anh Vũ thì thấp, mập nhưng da tím tái, anh là chính trị viên phó, anh có vẻ nghiêm nghị, ít nói.

Anh Nguyễn Đình Trụ đại đội phó, quê ở Kim Anh, Vĩnh Phúc, vào Nam từ năm 1967. Anh em cho rằng anh hay quan trọng hóa vấn đề. Còn 10 anh em tôi tuy cùng nhập ngũ một ngày, cùng huấn luyện ở Tiểu đoàn 629, cùng về Đại đội 21 nhưng mỗi đứa ở một xê nên chẳng biết nhau. Tuy nhiên tôi cũng biết gần hết tên họ.

- Nguyễn Văn Thuần, dân Phả Lại, Chí Linh, đẹp trai, tóc hơi quăn, da trắng hồng, mắt sáng, thông minh, lanh lợi.

- Trần Văn May nhà ngay thị trấn Kim Thành. Bố May là liệt sĩ, mẹ là cửa hàng trưởng cửa hàng mua bán ga Phú Thái. May béo tốt, khỏe mạnh, có vẻ chậm chạp một chút.

- Nguyễn Văn Thể - trắng trẻo, môi trên hơi ngắn lại bị kéo hơi tớn lên một tý, đôi má núm đồng tiền, không rõ trong hai chi tiết ấy, cái nào là nguyên nhân chính cho việc hắn hay cười như vậy. Thể hay nói chuyện u và hay kể về những cái quen thân, chỉ thôn Bằng Quân, Cẩm Định, Cẩm Giàng, Hải Dương nhà y mới có. Tôi nhớ cái địa danh ấy đến nỗi hình như mình đã về đấy mấy lần rồi.

- Nguyễn Văn Cảo, thân hình nhỏ bé nhanh nhẹn, hay nói khôi hài, thâm thúy. Cảo là người Thu Lãng, Ngọc Liên, Cẩm Giàng.

- Bùi Văn Nghị, béo mập, da đen bánh mật, nói chuyện cứ nhìn thẳng vào người đối thoại, trung thực, vui vẻ.

- Trần Văn Đan to cao, chắc khỏe, ít nói, không biết ở huyện nào?

- Nguyễn Văn Thành, to, mập, trắng trẻo, nói năng đi đứng hơi chậm, hiền lành.

- Nguyễn Văn Tỉnh nhỏ con đen chắc, tóc quăn. Thái dương phải có một vết sẹo to nhẵn bóng, mắt trái bị ve, có vẻ thông minh lanh lợi.

Còn một bạn nữa là Hòa không tài nào nhớ được. Tôi và May được phân công về B1, tôi A1 còn May A2.

Đơn vị vừa ở Quảng Nam ra đến nơi dừng chân gọi là K300. Đến hôm trước thì hôm sau đại đội có một bộ phận được phái đi công tác ngay. Anh Dự, Bê trưởng B1 phụ trách tổ công tác này. Nghe nói phải vài tháng sau anh Dự mới về.

Phụ trách B thay anh Dự là Phan Rị đang là trung đội phó. Anh Rị kể chuyện anh là con một thương gia ở Đà Nẵng, bố mẹ anh thường đi làm ăn qua các nước Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan... Anh theo quân giải phóng từ Mậu Thân 1968, tạng người béo khỏe, tính nóng, nói năng to tát. Những ngày huấn luyện các khoa mục trinh sát như võ thuật, vượt vật cản, hành tiến đột nhập vào căn cứ địch. Đánh bắt tù binh, đi xuyên sơn theo góc phương vị, sử dụng bản đồ, các phương pháp đo cự ly, xác định điểm đứng, sử dụng các khí tài địa bàn, ống nhòm... Trong huấn luyện tôi tỏ ra là chiến sĩ tiếp thu nhanh, thực hành khá chuẩn xác và thành thạo. Đến mức các anh cán bộ B là huấn luyện viên phải ngạc nhiên. Còn tôi thì hiểu được vì đã học võ thuật từ cấp II, là tân binh mới ở Bắc vào, sức khỏe còn tốt, mới gác sách bút nửa năm nay. Các anh em cựu binh bị sốt rét nhiều, gầy yếu. Các môn học đòi hỏi về thể lực, nhanh nhẹn này, các anh gặp khó khăn là lẽ đương nhiên.


Ngoài các ngày tập luyện, các tiểu đội phải tiếp tục củng cố nơi ăn ở, đào hầm bò để ngủ, hầm chữ A để tránh bom pháo. Sư đoàn quy định các hầm phải có nắp gỗ phi từ 20cm trở lên. Các việc khác như kiếm củi, hái rau giúp nhà bếp... các lần đi gùi gạo. Mỗi người đi cõng gạo một lần mang khoảng 35kg. Đường đi về khoảng 5 đến 6 tiếng đi bộ... các việc đó tôi đều làm tốt. Đợt huấn luyện tại K800 từ tháng 11 năm 1970 đến tháng 2 năm 1971. Tuy ngắn ngủi nhưng đem lại cho tôi nhiều điều bổ ích; giúp tôi chuẩn bị tốt tâm thế để sống chiến đấu cùng anh em đồng chí. Có thể nói cán bộ, chiến sĩ trong A1 và cả B1 của tôi đều gần gũi giúp đỡ tôi tận tình. Cán bộ A như anh Nguyễn Văn Tịnh A trưởng, anh Nguyễn Văn Luận A phó; anh Quân A trưởng A2, anh Pha, các anh Phan Rị, anh Dự rất quý mến tôi. Các anh chiến sĩ lớn tuổi vào B trước như Đào Tất Triện, Lê Trung Thực, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thể, Lê Văn Tú, cùng ăn, cùng ngủ chung trong gian hầm bò đều nhất mực chăm sóc tôi chân thành. Các anh nói đủ mọi chuyện về gia đình, quê hương mình và đơn vị trong những năm tháng trước đây cho tôi nghe. Chính vì vậy mà tôi nhập cuộc tự nhiên, nhanh chóng. Tôi thấy tình cảm thật quý giá của những ngày đầu tiên làm lính giải phóng quân.


Những người lính cũ trên mỗi cương vị của mình đã thể hiện tình cảm bằng cách rất riêng nhưng đều tập trung vào mục đích để cậu lính mới này yên lòng. Không bị dao động trước những khó khăn ban đầu là phải sống với những người xa lạ, ngược lại có lẽ vì tình cảm ấy mà tôi đã sống đúng mực, sống cho phải lẽ nên càng được tin yêu chăng. Thực tình mà nói tôi nghĩ là lính mới chưa bị sốt rét, ốm đau gì, là người ít tuổi nhất nên sẽ rất xấu hổ nếu như chỉ biết đón nhận sự săn sóc của mọi người.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2021, 09:00:35 pm »

Tết đầu tiên xa Tổ quốc trên đất nước Lào. Trong cánh rừng già, anh em chúng tôi, những chiến sĩ ở tiểu đội không có đài, sách, báo gì, do vậy không có một chút thông tin nào về quê hương, gia đình, thỉnh thoảng được chính trị viên phổ biến một số tình hình trong các buổi sinh hoạt đại đội.


Thời gian rảnh rỗi, các buổi tối lính ta tha hồ mà nói chuyện phiếm. Mọi chuyện kể mãi rồi cũng hết. Chuẩn bị đến Tết có lẽ ai cũng nhớ đến nhà, mỗi người góp mỗi câu chuyện về Tết ở quê mình. Càng gần Tết tôi thấy nhớ nhà quá, nhớ mẹ, các chị, các cháu và cả những người bạn, nỗi nhớ đến nao lòng. Trong khu vực đóng quân, thỉnh thoảng anh em thấy những tờ truyền đơn của địch ném từ máy bay xuống. Nội dung là những câu văn kiểu "con cóc" nhằm khuấy nên cái nhớ, cái buồn, cái thiệt thòi về hưởng thụ của những người lính giải phóng trong các khu rừng. Tôi nhớ bài "Mùng một Tết":

   "Tiếng pháo nổ từng tràng pháo nổ
   Trên bàn thờ mâm cỗ đã bày xong
   Mẹ tôi sửa lại mâm hồng ngủ quả
   Cha tôi xếp lại khoanh giò vừa bóc lá
   Anh tôi thêm đĩa cá để lên mâm ..."



Cảnh Tết nhất huyên náo, cái tục làm lễ ở nhà thờ họ sáng mùng một, rồi việc thăm viếng bà con họ hàng, bè bạn, chúc nhau những điểu tốt lành ở quê tôi. Cái hương sắc tết nhất bao năm đã ngấm vào tôi. Giờ đây trong hoàn cảnh mới, quả thật khó tránh khỏi nỗi buồn đơn côi của con người.


Để chuẩn bị cho Tết năm con lợn 1971, đại đội cử tôi đi nhận nhu yếu phẩm, bánh kẹo, thuốc lá từ miền Bắc gửi vào. Nơi nhận hàng ngược ra phía Bắc đến một trạm đông Trường Sơn. Tôi đã đi đến nơi về đến chốn.

Theo các anh cựu binh thì Tết này quá đầy đủ, lại vui nữa. Năm ngoái cơm không có ăn, sốt run cầm cập không thuốc uống, Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Huy Chương đi kiểm tra thấy anh em mình khổ quá đã khóc. Tiêu chuẩn Tết mỗi chiến sĩ được ăn tươi trong các ngày Tết. Thực phẩm ngoài đồ hộp còn được tăng cường mấy con heo của đồng bào Lào đem đổi lấy gạo, muối... Tiêu chuẩn một chiến sĩ: Thuốc Trường Sơn đỏ 10 bao, một lạng thuốc lào Vĩnh Bảo, hai lạng kẹo Hải Châu, Hà Nội...


Trong ngày Tết, đại đội tổ chức thi đấu bóng chuyển giữa các B, tôi trước đây chơi bóng đá, nay mới tham gia bóng chuyền thế mà cũng "đánh được". Anh Quý B trưởng nói vậy. Tôi đến các trung đội tổ chức hái hoa dân chủ, kể chuyện trinh sát. Tôi nhớ một chuyện không tốt. Một tội ác của một con người, chuyện do anh Trần Ngọc Pha kể: 

- Ở B3 có tên Tam, quê Hà Bắc. Đơn vị cử hắn cùng hai đồng chí đi mua hàng ở Hiệp Đức, chỉ vì muốn cướp số tiền mua hàng do một chiến sĩ cùng đi. Y đã nhẫn tâm bắn chết hai đồng chí của mình, rồi làm hiện trường giả nói là tổ bị địch phục kích. Khi Tam báo cáo sự việc đại đội đã phân tích tình hình, báo cáo đề nghị trên điều tra làm rõ. Tên Tam đã bị bắt về tội giết người, cướp của. Đây là một sự việc gây kinh hoàng cho toàn đơn vị. Một bài học cho chỉ huy các cấp ở các đơn vị trong việc quản lý, giáo dục cán bộ chiến sĩ. Qua đó phê phán lối sống ham lợi, vô tình, bất nghĩa. Anh Xuyên chính trị viên kể về gương dũng cảm, gan dạ của đồng chí Lương Văn Tịnh là tiểu đội phó. Đó là việc Tịnh bò vào tận phòng ngủ của xê bảo an trong ấp chiến lược, thực hiện tai nghe, mắt thấy, chân đi đến, tay sờ vào.

Anh Trụ thì hết lòi ca tụng anh Tịnh. Anh nói:

- Một lần khác Tịnh bò vào đồn giặc, con chó Béc-giê to như con bê xông ra, thế là cu Tịnh nằm "giả chết". Đằng hắng một cái anh nói tiếp: Khi chó bỏ đi lại thấy sợ, tưởng rằng Tịnh sợ quá vỡ tim chết thật, còn nó bò ra chỗ mình cười khì rồi nói:

- Đúng là ngu như chó anh nhỉ!

Anh Phan Rị kể về đồng chí Huỳnh Văn Sơn là thiếu nhi ở Đà Nẵng theo đơn vị từ năm 1968, là chiến sĩ rất gan dạ, dũng cảm, kiên cường. Sơn có nguyện vọng tha thiết được trở thành đảng viên "Đảng nhân dân cách mạng” trong một lần đột nhập vào căn cứ địch, tổ bị vướng mìn, đồng chí số 1 bị thương nặng, Sơn cũng bị thương nhưng rất bình tĩnh, đã mang được thương binh ra khỏi căn cứ địch đưa về đơn vị an toàn. Lần khác, Sơn cùng tổ đi bám địch và bị thương nặng, biết không sống được, Sơn kiên quyết từ chối băng bó, đưa cuộn băng Trung Quốc cho đồng chí Ba. Sơn nói:

- Ba cầm cuộn băng này, mình không cần nữa. Mình muốn trở thành đảng viên nhưng không đủ thời gian nữa... cho mình chào tất cả anh em nhé!...

Nghe kể về anh Sơn như vậy tôi xúc động quá, chảy nước mắt và rất tiếc là không được một lần gặp anh.

Những mẩu chuyện khác về việc khắc phục đói rét trong các lần bị địch càn. Những trận pháo hóa học tấn công trong hang đá, không có phương tiện gì chống đỡ, những thân hình gầy yếu muốn xỉu đi, nước mắt giàn giụa nhưng vẫn sẵn sàng nhả đạn vào quân thù... Tất cả những điều đó đã làm tôi thêm yêu mến, tự hào về cái đơn vị nhỏ bé của mình, tự hào về Sư đoàn 2 anh hùng "Trung dũng kiên cường" của Khu 5 bất khuất.


Là chiến sĩ, chúng tôi không thể biết ý định, chiến lược của trên, việc cả sư đoàn ra đứng chân trên đất Lào không phải chỉ vì những khó khăn về đảm bảo hậu cần, về những cuộc càn liên miên của địch khi bắt đầu "Việt Nam hóa chiến tranh". Mà ở đây còn có nhiều điều chúng tôi chưa biết. Đó là để đón và đập tan một cuộc phiêu lưu quân sự của quân ngụy Sài Gòn, nhằm phá hoại, ngăn chặn con đường tiếp tế từ hậu phương lớn vào tiền tuyến. Con đường mòn chiến lược mang tên Bác kính yêu: Đường Hồ Chí Minh.


Cụ thể, để chuẩn bị cho điều bí mật ấy, đại đội trinh sát sư đoàn ngay từ tháng 9 năm 1970 đến tháng 1 năm 1971, liên tục có các tổ đi địa hình. Tổ anh Dự cũng đã gặp một số tổ trinh sát của các đơn vị khác đang triển khai công tác trên các khu được phân công. Khu vực tổ anh Dự đảm nhiệm kéo dài từ tây đèo Lao Bảo, theo đường số 9 về Bản Đông đến thị trấn Chê Pôn...
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2021, 09:13:14 pm »

Cuối tháng 12 năm 1970, một toán trinh sát khác do anh Trụ phụ trách bảo đảm cho đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn cùng đoàn cán bộ cơ quan của sư đoàn đi chuẩn bị chiến trường. Sau 3 ngày Tết, cả đơn vị được lệnh hành quân đi chiến đấu ở hậu cứ có hai ba đồng chí đau yếu. Đơn vị hành quân đến khu doanh trại cũ D24, một đơn vị thuộc Đoàn 559. Chúng tôi nhanh chóng đào thêm hầm hố, cũng phải làm hầm bò để ngủ, hầm chữ A để tránh bom đạn, hầm chiến đấu, hầm cho tổ nuôi quân và hầm làm bếp Hoàng Cầm, lập một chòi quan sát ngay trước nhà chỉ huy đại đội. Trong vòng hai ngày các việc như hầm hố, bếp núc đã xong. Các tổ công tác lần lượt đi làm nhiệm vụ...

Ngày 7 tháng 2 năm 1971, lần đầu tiên tôi được đi công tác phục vụ chiến đấu. Tổ chỉ có hai anh em.

Anh É tiểu đội trưởng, làm tổ trưởng, tôi là tổ viên.

Anh É to lớn, mập đen, lông mày chổi xể, mặt hơi gãy, mắt sâu. Coi anh thật dữ tướng, rất tiết kiệm nói cười. Anh sinh ra ở Hòa Bình, là người dân tộc Mường, tính trung thực, chất phác. Do có sức khỏe hơn người, lại ham làm nên các việc nặng nhọc anh đều chủ động làm cả, chiến sĩ trong tiểu đội đau ốm anh luôn tạo điều kiện cho nghỉ ngơi. Đối với tôi anh hay hỏi han, tâm sự, chẳng rõ do tôi là lính mới hay vì bổn phận anh là cán bộ đảng viên phải vậy? Nhưng trong trò chuyện với anh, tôi rất thoải mái. Tôi kể anh nghe về hoàn cảnh gia đình, về việc đi bộ đội còn anh kể về gia đình cho tôi nghe, tiếng anh lơ lớ: Miềng ở trên núi cao, lạc hậu lắm, người lớn, trẻ con nhiều người không có chữ. Miềng may mắn được đi học ở trường dân tộc nội trú nên biết được ít chữ. Miềng vào Đảng từ phong trào ở quê. Vợ miềng làm rẫy, con gái đã ba tuổi. Năm 1969 nhập ngũ rồi đi B ngay, đến nay không được tin tức gì về nhà, chắc chúng nó tốt cả thôi...


Anh É dẫn tôi đi chọn một điểm để đặt đài quan sát, theo điểm đánh dấu bằng chì đỏ của thủ trưởng ban 2 trên tấm bản đồ tỷ lệ 1/100.000. Hai anh em xuyên sơn để đi đến nơi đã được xác định. Anh É nói với tôi:

- Khi chiến dịch đã bắt đầu thì dù là hậu cứ của ta cũng có thể có biệt kích, thám báo, các loại máy bay trinh sát trên không của địch thường hoạt động để phát hiện ta. Trên đường đi, có thể bất ngờ gặp máy bay, phi pháo địch bắn dọn bãi đổ quân. Các tình huống ấy đều có thể xảy ra nên phải có ý thức địch tình. Đây là tình huông chiến đấu thực sự, không được chủ quan.

Hành trang của chúng tôi gọn nhẹ: một chiếc võng ni lông bọc bằng dù pháo sáng đã được nhuộm bằng thuốc đạn khói của Mỹ thành màu xanh, có tác dụng chống muỗi. Võng được gấp bó nhỏ lại bằng cổ chân đeo chéo qua vai sau lưng.


Trên thắt lưng, loại USA được giắt vào rất nhiều thứ: một túi con hai vắt cơm, một bi đông USA đựng đầy nước, một túi đựng ve thuốc chống vắt bằng nhựa nhãn USA, một túi vải anh Triện khâu cho bên trong để các gói nhỏ muối, tiêu, bột ngọt, một chiếc ni lông gấp nhỏ, 2 trái lựu đạn USA, một ăng gô Trung Quốc. Riêng cái dây lưng USA ấy cũng phải gần ba ký rồi. Trên tay cầm một khẩu AK báng gấp có lắp hai băng đạn trở đầu, trước ngực đeo lủng lẳng một chiếc ống nhòm bội số 8 nhân 30. Đó là trang bị cần thiết tối thiểu cho một chiến sĩ trinh sát. Mọi thứ phải được buộc chặt chẽ, không gây tiếng động, khi chạy, nhảy không bị rơi. Khi gặp địch thì tao ngộ chiến được. Khi xuất phát, anh É dặn:

- Đi cách tớ từ 5 đến 10 mét, tùy theo địa hình nhé.

Từ sáng đến tối chúng tôi đã đi qua và dừng lại không nhớ được bao nhiêu lần, chỉ biết mỗi lần dừng lại đều là một đỉnh núi. Chúng tôi thường cắt ngang những con suối, đường mòn, đường dây trần. Đường xuyên đều băng qua các sườn núi dốc đứng, cây rậm nên tốn sức lắm. Tôi chợt có suy nghĩ tuy đi góc phương vị nhưng cũng có thể lợi dụng đường mòn, hay khe suối có lẽ thế đỡ vất vả hơn.

Anh É không biết có hiểu được suy nghĩ của tôi không, anh dừng lại chờ tôi đến gần nói:

- Đi thế này tránh địch phục kích, tránh được máy bay trinh sát, tránh bom B-52.

Tuy chú ý chọn đường đi hiểm hóc như vậy nhưng cũng có lúc chúng tôi phải chạy bở hơi tai, vì gặp một cái rẫy lớn trong lúc đang băng qua thì trên đầu có bọn trực thăng cán gáo và tầu gầy ập đến. Những lúc ngồi chờ máy bay quay đầu anh É lại chỉ cái UH1B (tầu gầy) dẫn giải:

- Tầu gầy là trực thăng vũ trang, nó đi bảo vệ cho chiếc "cán gáo" làm nhiệm vụ trinh sát. Tầu gầy có hai tên phi công ngồi hàng dọc trang bị hỏa lực cực mạnh gồm: Rốc-két phóng lựu 40ly, súng máy 7,62ly bắn hàng trăm phát/phút. Khi phát hiện mục tiêu hắn truy đuổi oanh tạc rất dữ dội. Tránh nó phải có mưu và nhanh nhẹn, chỉ được vận động khi nó bay qua, lúc mình nhìn thấy đuôi nó, khi nó vòng lại phải nấp ngay vì nó quan sát tốt phía trước, hai bên và chụp thẳng xuống. Trong ngày hôm đó chúng tôi gặp tầu gầy đến ba lần, chúng trinh sát chủ yếu theo đường dây trần, đường mòn, những nơi có nương rẫy sông suối.


Dừng lại, anh É bảo tôi cảnh giới, anh trải bản đồ ra xem lại rồi quyết định nghỉ. Lúc này tôi mới thấy mệt chân tay mặt mũi sây sát, rớm máu vì gai cây cào móc. Từ đây, chúng tôi nhìn thấy một số bản, hầu hết các bản dân đã bỏ đi. Con sông Chê Pôn uốn khúc chảy dọc theo chân dãy núi, bên nam ngạn có các cao điểm 748, 728 và 660, thỉnh thoảng có những đoạn đường số 9 lộ ra khỏi cánh rừng già do bị bom B-52 phạt đi, tạo ra những khoảng trống, đất đỏ ối, có vài bản thấy còn dân ở. Đó là bản A Lây Nhầy, bản Xăng Ký... một số cao điểm có thể quan sát được toàn tuyến đường 9 từ Bản Đông về thị trấn Chê Pôn.


Tại điểm đứng của chúng tôi cũng quan sát được khu vực nói trên và các tuyến đường nhánh rẽ vào khu vực trạm 16. Dốc Nguyễn Chí Thanh, tuy nhiên, đặt đài bờ nam sông quan sát đến các mục tiêu nói trên sẽ gần hơn.

Chiều đó, hai anh em kiểm tra khu vực, đào hầm ngụy trang, ăn cơm tối bằng các vắt cơm còn lại, uống nước suối rồi đi ngủ. Do mệt, tôi lăn ra ngủ ngay không kịp chuyện trò gì với anh É. Sáng sau anh É gọi tôi dậy về đơn vị. Vị trí này sư đoàn có bố trí một tổ đài do anh Dũng tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 phụ trách. Đài này gần chỉ huy sở của sư đoàn phía bắc đường số 9. Chỉ một lần đi công tác cùng anh É, thấy anh nói ít làm nhiểu. Nói và làm đều dứt khoát, nhanh chóng. Anh là chiến sĩ xuyên sơn giỏi. Hai ngày công tác cùng anh, những động tác nấp tránh máy bay, cách vận động qua bãi trắng, dừng lại xem bản đồ, lấy góc phương vị, xác định vị trí đứng trên thực địa, đánh dấu đường đi... Đó là những bài học trực quan sinh động đối với tôi.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2021, 09:14:00 pm »

Trưa ngày 10 tháng 2 năm 1971 tôi được đồng chí B phó Nguyễn Văn Mười thông báo:

- Đồng chí Chiến chuẩn bị đi công tác.

Một giờ sau đó tôi đã sẵn sàng lên đường thì anh Mười thông báo lại: Đồng chí Chiến ở lại nhận công tác khác. Đồng chí Lan đi thay.

Tổ công tác của anh Mười gồm có: anh Thu - đại đội trưởng, anh Mười B phó làm tổ trưởng, anh Dầm trợ lý ban 2 đi cùng, anh É và đồng chí Lan là tổ viên. Tôi cũng không rõ đi làm nhiệm vụ cụ thể ở đâu. Khi chiến dịch kết thúc không có ai trở về. Đại đội thông báo cả tổ đã hy sinh tại Bản Đông. Trường hợp hy sinh của tổ xảy ra như thế nào không rõ nên không có điều kiện để rút kinh nghiệm.


Cũng xin nói đôi điều về các anh, tuy rằng tôi mới được sống gần các anh có vài tháng, chủ yếu trong huấn luyện ở K300.

Anh Nguyễn Văn Mười sinh ra và lớn lên ở Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Anh đi theo quân giải phóng từ khi 13, 14 tuổi. Lúc huấn luyện ở K300 thấy anh là cán bộ tiểu đội gương mẫu, chân thật. Do có sức khỏe và là người phải lao động vất vả từ tấm bé nên anh chẳng nề hà bất cứ công việc gì. Là đứa bé côi cút phải đi ở đợ, nghèo khổ, tủi nhục nên tính tình anh trầm lặng, ôn hòa, nhẫn nại không cáu gắt bao giờ. Anh kể rất thực:

- Từ bé chẳng bao giờ được ăn no, ở làng bao giờ mình cũng thèm ăn. Khi quê mình được giải phóng (1964), mình đi theo bộ đội đến nay, đơn vị thiếu thốn. Nhớ lần đầu mình được ăn no thì cũng là lần suýt chết, đó là hôm đơn vị bắn được một con voi, thịt voi ăn không ngán ngấy, lại lạ miệng. Tớ ăn đến nỗi sờ vào cổ họng nắn thấy thịt, bụng căng ra, thở khó quá...

Cánh lính mới chúng tôi nghe anh kể cười vui vẻ. Thấy anh chân thực quá không ai nỡ trêu chọc. Ở cái tuổi 22, anh vẫn hồn nhiên, không có một chút riêng tư nào; chỉ có một cách bằng coi đơn vị là nhà, đồng đội là anh em và làm sao để hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

Nguyễn Ngọc Lan là chiến sĩ cùng A1 với tôi, Lan nhập ngũ năm 1969, vào chiến trường tháng 2 năm 1970. Quê Lan ở Văn Giang, Hưng Yên. Lan béo, đen lùn, chậm chạp, ít nói nhưng hay cười. Khi cười mắt cứ nhắm tít lại, chẳng thèm để ý đến trời cao đất dày gì cả. Cái tật cười "tít" mắt là cái cớ để anh pha tán và trêu chọc, để mọi người được những trận cười đến nổ ruột. Lan hay trò chuyện với tôi:

- Mình chưa có người yêu - Có lẽ thế nên những lúc cánh lính nói chuyện rất sôi nổi về đề tài bạn gái thì Lan chỉ là người dỏng tai lên mà nghe. Lan kể chuyện hào hứng nhất vẫn là chuyện Tết ở quê.

- Quê mình Tết nhất cầu kỳ lắm, nhà nào cũng phải chuẩn bị đủ các loại bánh trái, giò chả, các loại chè, thôn xóm rậm rịch hàng tháng trời. Lễ nghi, ăn uống không đơn giản như quê cậu đâu. Chỉ có mỗi loại bánh chưng thì phải. Ngày đóng quân ở thôn Than huyện nhà cậu, Tết đến vèo một cái là hết. Mình có cái thú là hay leo lên núi, vì từ bé đến khi đi bộ đội đóng quân ở đó mới biết đến núi. Ngày nghỉ xin phép đại đội leo lên núi An Phụ chơi mà háo hức cứ như đi xem hội. Đâu có hình dung được là sẽ phải leo núi đến ớn như bây giờ. Chẳng hiểu vì lý do gì, mặc dù Lan nói chuyện rất vui vẻ nhưng tôi cảm thấy một tình cảm thương thương anh. Một thanh niên chưa từng biết đến cổ tay con gái tròn dẹt ra sao, không biết rồi...

Anh Nguyễn Văn Dăm người Hà Nam Ninh trước là B trưởng ở đại đội. Anh mới được điều lên ban 2 trước khi tôi về đại đội nên không biết gì về anh.

Anh Nguyễn Văn Thu con người thư sinh có cái miệng luôn như cười rất tươi ấy tuy là đại đội trưởng nhưng có vài ba lần anh xuống hầm bò của A1 chơi và tán chuyện. Anh tâm sự:

- Mình ở quê đã đính hôn. Tục quê tớ đã đính hôn thì coi như vợ chồng rồi. Từ ngày đi đến nay không liên hệ được với nhà...

Hồi ở K300 có cô Bun Liêng xinh đẹp rất thích anh Thu, thường ngày Bun Liêng ghé thăm anh Thu và dần cô trở nên thân thiết gần gũi với cả đơn vị, cả đơn vị coi cô như người em gái, đặt cho cô cái tên Việt "Dung". Bun Liêng rất vui thích với cái tên ấy.


Qua các mẩu chuyện của Dung và các cô gài Lào, tôi biết một số tiếng Lào, tập tục, lễ giáo người Lào. Nét nổi bật của người Lào là thủy chung, trung thực và nhân hậu.

Kết thúc chiến dịch Dung nhiều lần đến đơn vị, cô rất buồn và lo lắng vì không gặp được anh Thu. Cô không được thông báo về anh Thu cho đến khi đơn vị chúng tôi hành quân đi chuẩn bị chiến dịch Tây Lào tháng 6 năm 1971. Sau này chúng tôi không được gặp Dung lần nào nữa vì đầu năm 1972 đơn vị rời đất Lào về tác chiến ở vùng Tây Nguyên của Tổ quốc.


Người cuối cùng của tổ là anh Bùi Văn É. Anh từng phụ trách tôi đi xác định vị trí đài quan sát. Các anh ra đi trong những ngày đầu tiên quân ngụy Sài Gòn đổ xuống đất Lào. Trên những cánh rừng già âm u trước đây, nay luôn phải rung lên dưới làn bom rải thảm của B-52, B-57 và các loại bom pháo Mỹ, ngụy. Bầu trời lúc nào cũng vo vo tiếng kêu đến nẫu ruột của OV10 thỉnh thoảng lại bổ nhào, phóng một quả đạn khói chỉ điểm, thế là chỉ sau vài phút có từ 2 đến 3 chiếc trực thăng vũ trang bay đến oanh tạc hoặc mấy chiếc phản lực ào đến trút bom. Vì thế nhiều cánh rừng xanh đã bị thay bằng màu đất đỏ ổi bị cày xới lên nhiều lần.


Cả tổ các anh không về trong những ngày ác liệt ấy. Sư đoàn báo tin các anh hy sinh ở Bản Đông. Là chiến sĩ tôi không biết đơn vị báo tử các anh như thế nào. Mãi đến tháng 4 năm 1996, một lần về lại Sư đoàn 2 gặp ban chính sách, được biết các anh hy sinh vào ngày 19 tháng 2 năm 1971. Đơn vị đã báo tử các anh. Riêng anh Thu và anh Dăm lúc đó không thấy xác nên đơn vị báo mất tích. Tôi đề nghị sư trưởng và sư phó chính trị Sư 2 là cần xác minh sớm đối với trường hợp anh Thu và anh Dăm để báo cho gia đình, vì vấn đề còn liên quan đến chính sách đối với gia đình có công. Thực tế thời gian đã có đến 25 năm rồi.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2021, 07:41:53 am »

3

Tổ đài trên 723

Ngày 20 tháng 2 năm 1971 anh Nguyễn Văn Phải được đại đội cử đi công tác. Tổ viên dưới quyền anh có 4 đồng chí nữa là: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Văn Phượng và tôi. Nhiệm vụ của tổ lập đài quan sát trên điểm cao 728. Phạm vi quan sát địch trên không, dưới mặt đất, khu vực từ Bản Đông theo trục đường số 9 về thị trấn Chê Pôn. Vị trí dự bị của đài là điểm cao 748 và sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo chỉ thị của ban 2.


Anh Phải là người Yên Lãng, Hải Phòng, nhập ngũ năm 1967 vào Nam năm 1968, tuy nhỏ con nhưng nhanh nhẹn như một chú mèo. Anh giỏi môn bình địa, là giáo viên võ thuật, nói chuyện hay pha trò, cái răng khểnh chìa ra khi cười thì không ai có thể quên được.


Anh Tý là người ở Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây, nhập ngũ và đi B năm 1969, Tý trầm tĩnh, điềm đạm. Anh là chiến sĩ thông tin 2 oát.


Hoài Nam quê ở xã Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên, nhập ngũ năm 1969, đi B đầu năm 1970, to mập, môi đỏ, mặt hơi gãy, mắt sáng. Nam học hết lớp 10, hay kể chuyện về nhân tài ở quê. Quê anh có "ông lang Hanh chữa gãy xương, nắn chỉnh sai khớp rất giỏi".


Tổ hành quân từ hậu cứ D24 băng qua đường 9 vượt sông Chê Pôn, ngược dốc Nguyễn Chí Thanh đến đỉnh rẽ phải, qua một bản người Lào. Bản này dân đang ở, họ vừa mới thu hoạch lúa và hoa màu ở rẫy về. Trên rẫy nhiều rau quả như đu đủ, bí đỏ, bí đao... Những người dân Lào đen cháy đang giã gạo, làm việc nhà. Họ nhìn chúng tôi đi qua không nói năng gì. Kỳ thực nhiều lúc gặp người Lào nhất là đàn ông tôi vẫn có cảm giác sờ sợ thế nào ấy. Đàn ông thường cởi trần, đóng khố, đàn bà cũng đôi khi không mặc áo, coi kỳ cục lắm. Đặc biệt con gái chưa chồng thì rất kín đáo, không để hở ngực bao giờ. 


Chúng tôi vượt sườn Tây Nam, lên điểm cao 723, đi qua một rẫy cũ, chọn bìa rừng cổ nhiều hang đá làm nơi ăn nghỉ. Đài quan sát thì đặt ở mỏm nhô ra nằm phía Đông Bắc điểm cao. Hàng ngày, anh Phải dẫn tôi và anh Tý lên đài quan sát. Nam và Phượng ở nơi nghỉ lo công tác đảm bảo và sẵn sàng làm nhiệm vụ khác. Từ đài quan sát, chúng tôi nhìn rõ Bản Đông, các điểm cao xung quanh Bản Đông, dọc đường số 9, các điểm cao và yên ngựa thuộc 660, 748 và thị trấn Chê Pôn. Vị trí này gần Bản Đông và Chê Pôn hơn vị trí đặt đài ở phía bắc đường số 9 mà anh É và tôi chọn trước đây. Hàng ngày chúng tôi thực hiện báo cáo về ban 2 sư đoàn theo quy định, cứ sau một giờ lần bằng chiếc máy 2 oát K-63 do Trung Quốc viện trợ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2021, 07:42:43 am »

Trên đỉnh điểm cao 723 cây cối thưa thớt nguyên là một cái rẫy cũ, có nhiều tảng đá lô nhô. Chúng tôi tận dụng làm hầm tránh bom pháo và nơi ngồi quan sát, sườn đông điểm cao là rừng già dốc đứng, phía nam thoải hơn, tạo thành yên ngựa nối với điểm cao 660, phía tây là điểm cao 748, phía tây nam là vùng giải phóng Lào, ở đây tập trung nhiều kho tàng của ta, từ đường 9 qua đây có ngầm Tha Mé, đượng Ha Me. Trước, trong và sau chiến dịch, khu vực này vẫn là một trong những trọng điểm oanh tạc của máy bay địch. Trong thời gian này, địch "nhảy cóc" lùng sục kho tàng của ta, củng cố và mở rộng Bản Đông. Toàn bộ khu Bản Đông cách đây gần 3 tuần cây cối rậm rạp là thế, nay không còn màu xanh của lá, chỉ còn lai màu đỏ của đất bị cày xới do bom đạn, và máy ủi của địch. Trên nền đất đỏ ấy là các trận địa pháo, ụ súng bằng bê tông đúc sẵn và bao cát xếp chồng lên. Những bãi xe tăng màu đen xám, những bãi đỗ trực thăng lổn nhổn những thùng hàng và bọn lính ngụy lăng xăng đi lại.


Dọc con đường số 9 chạy về phía Lao Bảo và ngược lại thị trấn Chê Pôn, các cao điểm hai bên đường, các khe suối có thể tập kết bộ đội, hay chốt giữa đều bị địch trinh sát, theo dõi thường xuyên và thường oanh tạc bằng B-52. Các trận oanh tạc đã đốn đi từng cánh rừng lớn rất khốc liệt.


Hàng ngày, chúng tôi báo cáo về sư đoàn từng chuyến trực thăng cẩu hàng đến như: Lô cốt bằng bê tông đúc sẵn, xe tăng, trọng pháo, hàng hóa quân dụng khác. Những chiếc cần cẩu bay CH-57, CH-34 trông giống những con cào cào bay từ phía đông sang Bản Đông, treo lủng lẳng dưới bụng nó những hàng hóa nói trên.


Khu vực phía nam đường 9 và tây Bản Đông như: 660, 723, 748 và thị trấn Chê Pôn, địch thường xuyên trinh sát bằng L19, OV10. Những phi cơ này bay kiên trì đến sốt ruột. Nghe tiếng vo vo, i ỉ của nó tức anh ách, hình như cả ngày nó bay như thế, thỉnh thoảng lại phóng xuống một quả đạn khói thế rồi chỉ ít phút máy bay phản lực lại đến trút bom bắn phá hủy diệt sự sống. Còn khi không nghe tiếng máy bay trinh sát, bầu trời trở nên yên ắng thì thường là mặt đất bị rung lên bởi những trận B-52 rải thảm.


Những trận B-52 rải xuống các khu vực xung quanh Bản Đông hàng ngày cứ tăng lên. Có lẽ, địch tăng cường biện pháp an ninh cho căn cứ này, tăng cường trấn an cho các binh sĩ Việt Nam cộng hòa trong một căn cứ dã chiến lâm thời bị cô lập tuyệt đối với hậu phương, đường tiếp tế duy nhất là đường không... điều bất lợi đó chẳng một nhà quân sự nào lại không biết. Còn những chiến binh làm sao lại không kinh sợ khi phải tác chiến với một đối tượng đáng gờm là Quân đội nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống quyết chiến, quyết thắng. Khi căn cứ Bản Đông tạm thời ổn định thì trận địa pháo của chúng ngày nào cũng hoạt động. Những loạt pháo bắn vu vơ lên những ngọn đồi, khe suối, những cánh rừng già của đất nước Lào này một cách bất lực, càng chứng tỏ tâm trạng lo sợ của những kẻ đi ăn trộm. Bằng Ống nhòm chúng tôi, nhìn chụp xuống căn cứ Bản Đông thấy rõ mọi hành động, cử chỉ, thấy cả ruột gan, tâm trạng của kẻ địch. Còn chúng chẳng thể thấy chúng tôi, những chiến sĩ giải phóng quân, tên đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam.


Từ khi địch đổ quân xuống Bản Đông chiều ngày 10 tháng 2 đến nay, sư đoàn chưa đánh trận nào, trong khi các sư đoàn khác đã tác chiến. Khu vực mà sư đoàn được phân công địch chưa đổ quân xuống. Trên đài quan sát, chúng tôi vẫn báo cáo tình hình địch về sư đoàn đều đặn.

- Địch đổ quân X lần chiếc UH1A hay CH34 xuống tọa độ X... Y.

- Chở đến cao điểm N loại hàng hóa gì. Và phi pháo địch oanh tạc lúc giờ Z, bao nhiêu lần chiếc CH34 chuyển quân... Ngoài theo dõi địch trên đài, còn tổ chức đi trinh sát khu vực quanh điểm cao 660. Mục đích xem có thấy dấu hiệu gì của địch đã đến hoặc sẽ đổ quân xuống đây không. Đi thực địa, chúng tôi được biết sư đoàn đã chuẩn bị điểm quyết chiến với địch tại điểm cao 660 và điểm đón lõng ở khu vực trạm 16, chân dốc Nguyễn Chí Thanh, phía đông bắc điểm cao 728. Cụ thể là các đơn vị của Trung đoàn bộ binh số 1 sư đoàn đang tập kết sẵn sàng đánh địch theo kế hoạch của trên.


Sau hôm trinh sát thực địa, anh Phải cử Nam và Phượng về hậu cứ để lấy gạo, thực phẩm. Ở lại đài chỉ còn ba anh em: anh Phải, anh Tý và tôi. Sáng ngày 2 tháng 8 năm 1971, có một trung đội 16 đồng chí công binh của sư đoàn do anh Đông chỉ huy làm nhiệm vụ chốt giữ điểm cao. Các đồng chí lên đến điểm cao là bắt tay vào việc làm hầm hào chiến đấu ngay. Công việc tiếp tục luôn cả đêm hôm đó. Trong số anh em D15 có nhiều chiến sĩ cùng Tiểu đoàn 629 với tôi. Anh em cũng lần đầu đi chiến dịch. Vì các bạn phải làm công sự chiến đấu quá gấp tôi không gặp được ai trong số họ. Buổi chiều hôm đó, có một tổ trinh sát của Bộ cũng lên điểm cao. Các anh liên hệ với anh Phải và được đưa đến bố trí cách chỗ nghỉ của chúng tôi vài trăm mét. Như vậy đến ngày 2 tháng 3, trên điểm cao 723 lực lượng ta có hơn hai mươi người.


Tối hôm ấy, bộ phận trinh sát chúng tôi về nơi nghỉ, còn anh em D15 đang tiếp tục làm hầm. Như mọi khi, chúng tôi mỗi người về chỗ ngủ của mình. Quãng 20 giờ, pháo địch từ Bản Đông nã đến cấp tập, lần đầu tiên tôi được nghe tiếng xé không khí "Xoèn xoẹt” của đầu đạn pháo. Sau tiếng đề pa ục ục đầu nòng, rồi tiếng nổ đến choáng óc của đầu đạn. Không rõ nó sẽ rơi vào chỗ nào. Tôi thấy ớn như muốn nổi da gà. Anh Phải chạy vào hầm tôi nhắc: - Cứ ngồi yên, há miệng ra. Nó nện đúng đầu mình đấy. Thấy anh bịt tai, há miệng, tôi cũng làm theo. Anh lại nói như giỡn:

- Vua chiến trường bắn vào hang này cũng chẳng ăn thua, chứ loại 105 này nhằm nhò gì. Chẳng khác nào gãi ghẻ.

Trận pháo bất thần này có khoảng 20 trái nổ trên khu vực của chúng tôi, sau đó im ắng đến sáng. Là lính mới, tôi chưa thể đưa ra một nhận định gì về trận pháo kích đó nên nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Anh Phải là tiểu đội trưởng, chiến sĩ trinh sát kỳ cựu. Công tác đài quan sát anh đã có nhiều kinh nghiệm. Từ việc tổ chức đảm bảo bí mật cho đài, đến các thao tác xác định tọa độ trên thực địa, đo cự ly, giao hội anh đều làm rất giỏi, độ chính xác cao. Ví dụ như trận tập kích pháo binh của ta vào Bản Đông mấy hôm trước, anh Phải đã giúp pháo 122 chỉnh bắn những trái nổ rơi đúng vào các khẩu pháo địch, bắt chúng phải câm họng. Nhìn những công sự bao cát, nhà bạt, bãi hàng của địch tung lên, bốc cháy, những tên lính chạy thục mạng tìm đến các lô cốt bê tông để ẩn nấp, tôi thấy sướng cái bụng và thán phục pháo binh ta tài quá. Lần đầu tiên tôi được xem một trận pháo kích trên thực địa giống như xem bắn pháo trong phim "Lá cờ chuẩn".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM