nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #70 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 08:12:10 am » |
|
VI NHỮNG CUỘC TIẾP XÚC ĐẦU TIÊN Tháng 4 năm 1944, nhân một bước liên lạc với Luân Đôn trước khi tiến hành cuộc đổ bộ của Đồng minh lên bờ biển nước Pháp, tôi có nói chuyện với đại tá Passy và phó của ông là Manuel trong ban giám đốc sở Nghiên cứu và tìm hiểu, gọi tắt là DGER, tức cơ quan chỉ huy các hoạt động mật thám, tình báo và hoạt động phá hoại của nước Pháp tự do đang kháng chiến chống Đức. Được biết tôi rất hiểu rõ tình hình Đông Dương và đang có nhiệm vụ liên quan đến Đông Dương, Passy đã hỏi tôi, sau khi nước Pháp được giải phóng, liệu tôi có đồng ý chấp nhận được trao một nhiệm vụ tương tự như tôi đã tiến hành trong vùng lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp bị chiếm đóng không (tức là chỉ huy các mạng lưới tình báo chống Nhật ở Đông Dương). Tôi hoàn toàn chấp nhận và sau đó tôi đã trở về Pháp để củng cố lại mạng lưới tình báo vừa mới bị Hiến binh Đức hủy hoại trong cuộc vây bắt cuối cùng. Việc củng cố lại mạng lưới tình báo trên đất Pháp, việc quân Đồng minh đổ bộ lên đất Pháp, rồi việc tôi bị mật thám Đức bắt giữ ngay trước khi quân Đồng minh đổ bộ, việc tôi vượt ngục, việc thủ đô Paris được giải phóng, tất cả sự việc đó hầu như đã làm tôi lãng quên những dự định sẽ tiến hành tại Đông Dương sau cuộc nói chuyện với Passy ở Luân Đôn hồi tháng 4 năm 1944. Mãi gần một năm sau, tức sau vụ đảo chính của Nhật Bản ở Đông Dương hồi tháng 3 năm 1945, khi tôi được gọi về Paris, những dự án công tác tại Đông Đương mới lại được nhắc tới. Tôi xung phong tình nguyện lên đường công tác ngay. Nhật Bản đã làm tan rã lực lượng của Pháp ở Đông Dương, nội dung công tác trước kia định giao cho tôi không còn lý do bám giữ nữa. Vì vậy, theo sự ủy nhiệm của đại tá Passy, tôi không phải bí mật nhảy dù xuống Đông Dương bắt liên lạc với lực lượng kháng Nhật, mà là chỉ huy cơ quan, tình báo có tên mật là Phái đoàn quân sự số 5, đặt trụ sở tại Côn Minh, một thành phố thuộc tỉnh Vân Nam ở miền Nam Trung Quốc. Ban tham mưu Phái đoàn 5 cố tìm mọi cách để có thể thu lượm được tát cả các tin tức tình báo có thể thu được về tình hình Đông Dương, chủ yếu là tình hình Bắc Kỳ, Bắc Trung Kỳ và Lào. Để làm được việc này phải bố trí dọc theo tuyến biên giới Trung Quốc giáp Bắc Kỳ một số đội biệt kích thám báo trang bị nhẹ, gồm những người đã hiểu biết sâu tình hình địa phương và các dân tộc sống trong vùng đó. Những đội công tác này sẽ thu thập các tin tức tình báo nhằm phục vụ cho cuộc tiến công mà quân đội Đồng minh đang chuẩn bị tiến hành chống Nhật. Đối với những người Pháp chúng tôi, việc thu lượm những tin tình báo này phải dựa vào dân chúng Việt Nam có cảm tình và thái độ của các phong trào dân tộc chủ nghĩa đối với chúng tôi. Những việc này tôi đã nói kỹ trong tập sách đầu, nhan đề: "Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ" xuất bản năm 1967. Có cần thiết để nhắc lại rằng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một tổ chức mà các bạn Đồng minh Mỹ của chúng tôi gọi một cách thiện cảm là Mặt trận Việt Minh? Chính nhờ có Mỹ làm trung gian nên cuối tháng 7 năm 1945 tôi đã nhận được thông điệp Việt Minh gửi Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, gồm 5 điều yêu sách (Tóm tắt là: Tổ chức phổ thông bỏ phiếu để bầu ra một quốc hội trong khi chờ đợi được độc lập; trao độc lập cho Việt Nam trong thời hạn sớm nhất là 5 năm, lâu nhất là 10 năm; trao trả lại các tài nguyên cho người Việt Nam, có đền bù, bồi thường đối với chủ cũ là người Pháp; trao cho người dân Đông Dương tất cả các quyền tự do mà Liên hợp quốc đã ban bố; nghiêm cấm buôn bán thuốc phiện). Rõ ràng đây là sáng kiến đầu tiên của Hồ Chí Minh nhằm giảm bớt sự nghi kỵ của chúng tôi đối với ông, cũng như đối với phong trào mà ông là người tổ chức và chỉ đạo. Cũng nhân dịp này, những người Mỹ đang ở gần Hồ Chi Minh cho biết, ông Hồ muốn gặp tôi. Có thể lúc này, vị Chủ tịch tương lai của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biết hồi cuối tháng 7 năm 1945 tôi có tiếp xúc với Nguyễn Tường Tam, một trong những thủ lãnh của Việt Nam Quốc dân đảng, là một đảng dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Có thể lúc đó Hồ Chí Minh nghĩ rằng Nguyễn Tường Tam không chỉ hài lòng về sự ủng hộ của Quốc dân đảng Trung Quốc mà còn muốn gặp tôi để cầu cạnh "nước Pháp mới". Những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc lúc đó cũng chưa nhìn rõ lắm những tình cảm của "nước Pháp mới" đối với thuộc địa to lớn của Pháp ở châu Á này. Bản tuyên bố ngày 24 tháng 3 năm 1945 của tướng De Gaulle đã đề xuất ý tưởng thành lập một Liên bang Đông Dương gồm 5 Nhà nước tự trị là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Campuchia, không làm cho những nhà lãnh đạo của Việt Nam thích thú vì nó lùi xa so với nền độc lập mà Việt Nam đã đạt được sau khi Nhật Bản tiến hành đảo chính. Hơn nữa, nó còn duy trì và củng cố sự chia cắt ba "kỳ" thuộc nước Việt Nam là vương quốc An-nam cũ mà tất cả những người theo chủ nghĩa dân tộc đều muốn thống nhất. Tôi đã nói với Nguyễn Tường Tam là, nếu chúng tôi không thể thỏa thuận được về những nhượng bộ, có thể buộc chúng tôi phải sử dụng vũ lực, thì ngược lại, chúng tôi vẫn trung thành với bản Tuyên bố Brazzaville và sẵn sàng nghiên cứu với ngươi Đông Dương những thay đổi có thể sửa được theo diễn biến tình hình, cũng như theo sự trưởng thành của những người dân được bảo hộ. Đối với Hồ Chí Minh, phản ứng đầu tiên sau khi tôi nhận được thư là nhận lời ngay đến gặp ông hoặc ở Côn Minh là nơi ông có thể sẵn sàng tới, hoặc ở Cao Bằng là nơi tôi sẽ đến đó. Nhưng mãi đến ngày 15 tháng 10 năm 1945 tôi mới được gặp Hồ Chí Minh lần đầu, rất chậm và cũng có thể nói là quá chậm. Những trận mưa lũ kéo dài ở Việt Nam và vùng Thượng du Bắc Kỳ đã ngăn cản việc thực hiện dự án gặp gỡ. Ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử Mỹ hủy diệt thành phố Hiroshima và Nagasaki đã tạo thời cơ nhảy vọt không được để mất thời gian. Ngay từ ngày 10, Hồ Chí Minh sau khi đã chuyển các lực lượng du kích thành Giải phóng quân lập tức ra lệnh Tổng khởi nghĩa và ngày 13 thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng. Tại Trung Kỳ và Nam Kỳ cũng như tại Bắc Kỳ, các uỷ ban Việt Minh sôi nổi hoạt động nhằm kiểm soát các thành phố và vùng nông thôn. Ngày 14 tháng 8, Nhật Bản đề nghị ngừng bắn. Ngày 16, hai mươi ngàn người Việt Nam biểu tình tràn ngập quảng trường Nhà hát lớn. Lần đầu tiên, cờ đỏ có ngôi sao vàng ở giữa đồng loạt xuất hiện công khai tại thủ đô, sau đó trở thành Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17 và 18, những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, buộc Khâm sai Phan Kế Toại phải trao chính quyền cho Ủy ban cách mạng Hà Nội. Ngày 20 toàn bộ xứ Bắc Kỳ nằm trong tay Việt Minh. Ngày 21, Hoàng đẽ Bảo Đại thoái vị, trở thành công dân Vĩnh Thụy. Nền Cộng hòa dân chủ của Việt Nam được công bố. Hà Nội được chọn làm thủ đô, thay cho cố đô Huế. Trong khi đó, tôi nhận được điện từ Paris gửi tới Côn Minh: "Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp vừa nhận được tin Nhật Bản đầu hàng. Hãy hoạt động gấp trong thời hạn nhanh nhất". Từ ngày 9 tháng 8 tôi đã quyết định trở về Hà Nội, nhưng sau nhiều lần bị trì hoãn, mãi tối ngày 22 mới đi được. Tôi và vài cộng sự viên phải khó nhọc lắm mới mượn được một chiếc máy bay Mỹ, cùng ngồi trong máy bay dưới sự canh gác của một nhóm người Mỹ đứng đầu là Patti. Chuyện xảy ra trong những tuần tiếp theo tôi đã kể. Mãi tới ngày 27 tháng 8 tôi mới có được cuộc tiếp xúc đầu tiên với hai thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Võ Nguyên Giáp và Dương Đức Kiền. Tôi có ấn tượng ông Giáp là một người cực kỳ thông minh, cứng rắn và ôn hòa. Ngày 2 tháng 9 Hồ Chí Minh xuất hiện công khai tại thủ đô trong ngày lễ Độc lập. Nhiều người dân Việt Nam phát hiện được, lãnh tụ của mình chính là nhà cách mang nổi tiếng Nguyễn Ái Quốc. Ngày 7 tháng 9, tôi được tin sư đoàn thiết giáp số 2 do Leclerc chỉ huy được cử sang Đông Dương. Ngày 8, tôi có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Cao ủy Pháp là đô đốc d'Argenlieu qua bức điện ông gửi cho tôi từ Chandernagor là nơi ông tạm đặt trụ sở làm việc trong thời gian chờ đợi đên Sài Gòn. Ngày 9 tháng 9 những đơn vị đầu tiên của đội quân Lư Hán tiến vào Hà Nội. Cuối tháng 9 tôi đi Chandernagor báo cáo tình hình với đô đốc Thierry d'Argenlieu. Sau khi trình bày những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng ở xứ Bắc Kỳ, tôi đề nghị xin từ chức để ông cử một đại diện chính thức của nước Pháp tới thay thế. Nhưng đô đốc không đồng ý. Ông chỉ thị cho tôi cứ tiếp tục công việc dù chưa được chỉ định chính thức và cứ quay trở lại Hà Nội với các quyền hành ông trao cho tôi. Tôi đành lại đi Hà Nội với chức vụ uỷ viên cộng hòa Pháp ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Cao ủy còn trao cho tôi vài cộng sự viên mới, một số dụng cụ và thuốc men cần thiết. Trong thời gian tôi vắng mặt tại Hà Nội, tướng Allessandri là đại diện quân sự Pháp tại Bắc Đông Dương và cố vấn chính trị của ông là Léon Pignon đã tiếp xúc với Hồ Chí Minh. Trong bức điện gửi đi Chandernagor, cả hai nước đều nhận định Hồ Chí Minh là nhân vật "hùng mạnh và được kính nể". Sau khi trở lại Hà Nội, tôi có một số cuộc tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo Việt Nam, chủ yếu là Nguyễn Hải Thần, thủ lĩnh Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội mà chúng tôi đã có dịp gặp tại Quảng Tây năm 1943, trong khi ông ta đang tranh chấp với Hồ Chí Minh. Những cuộc dàn xếp giữa Nguyễn Hải Thần với Hồ Chí Minh hồi đó đã thất bại. Ngoài ra, Việt Nam Quốc dân đảng là một đảng dân tộc chủ nghĩa khác, có khả năng kình địch với Việt Minh, lại đã có thời liên minh lỏng lẻo với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội. Còn Hoàng đế Bảo Đại thì luôn lảng tránh những đề nghị tiếp xúc của tôi. Tất cả chỉ còn lại có Hồ Chí Minh là người tôi phải gặp, là người tôi phải đối thoại.
|
|
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:11:21 am gửi bởi nhinrathegioi »
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #71 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 08:13:13 am » |
|
VII ĐỐI THOẠI VỚI HỒ CHÍ MINH Ngay trong cuộc gặp đầu tiên vào ngày 15 tháng 10 năm 1945, tôi đã có ấn tượng giống như tướng Allessandri và Léon Pignon, tin chắc Hồ Chí Minh là nhân vật hàng đầu của Việt Nam và chẳng bao lâu nữa sẽ nổi bật trên vũ đài chính trị châu Á. Mới thoạt nhìn, ông không có vẻ gì đặc biệt. Đó là một người tầm thước, có thể nói là nhỏ bé, gầy gò, mảnh dẻ. Tóc ông hồi đó chưa bạc trắng như một số người mô tả, mà hãy còn khá đen nhạt, cũng như bộ râu cằm nhà Nho, cùng với vầng trán cao rộng làm cho ông có vẻ giống như một trong những nhà trí thức An-nam mà ta thường gặp tại Quartier Latin, hơn là một nhà chỉ huy quân sự hoặc nhà lãnh đạo một chính đảng. Điều gây ấn tượng nhất chính là cặp mắt sáng ngời, sắc sảo, linh hoạt, rực cháy một ngọn lửa khác thường. Tất cả nghị lực hình như đều tập trung trong cái nhìn của ông. Ông thường mặc một bộ đồng phục bằng vải kaki màu sáng, thường gọi là bộ "đại cán", nhưng không ủi, và ít khi ông cài khuy cổ. Chân ông thường đi đôi giầy vải Vân Nam hoặc dép thuộc loại "dân nghèo". Rõ ràng, ông không quan tâm đến trang phục bên ngoài. Chúng tôi cùng thỏa thuận với nhau những cuộc nói chuyện sẽ được giữ kín, không để cho dân chúng Việt Nam hoặc dân chúng Pháp biết, sợ họ bị kích động. Chỉ đến tối khuya tôi mới từ trụ sở đặt tại một nhánh thuộc Ngân hàng Đông Dương, đi tới một biệt thự (thường là một ngôi nhà nhỏ trong phố Paul Bert) là nơi ông chờ tôi, chứ không phải là nơi ông ở vì có thể ông không ở một nơi nào cố định mà thường thay đổi chỗ thường xuyên, ông thường đi với Hoàng Minh Giám sau đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Tôi cũng thường có Léon Pignon đi theo. Những cuộc nói chuyện này kéo dài suốt sáu tháng. Vấn đề đưa ra tranh luận chủ yếu và tế nhị: đó là việc Hồ Chí Minh chấp nhận để quân đội Pháp quay trở lại Bắc Kỳ làm nhiệm vụ thay thế quân đội Trung Quốc. Và quả thật, hi vọng thiết lập lại chủ quyền Pháp dưới một hình thức nào đó tại Đông Dương cũng không đạt được nếu chúng tôi không trở lại đứng chân tại Hà Nội, thủ đô hành chính và tinh thần của Liên bang Đông Dương, trung tâm thần kinh của bán đảo sôi động này. Nhưng, vấn đề không phải là đổ bộ bằng vũ lực, giống và đơn giản như kiểu đổ bộ đánh chiếm thuộc địa ngày xưa. Nếu làm như vậy, các đơn vị quân Pháp sẽ vấp phải, không chỉ sự thù địch của các tổ chức dân tộc chủ nghĩa người Việt Nam đã có thời gian chuẩn bị để tiến hành một cuộc chiến tranh du kích, mà cả hai trăm ngàn binh lính Trung Quốc đã ập vào Bắc Kỳ với ý đồ bám giữ càng lâu càng tốt. Ngoài hai lực lượng đối địch này còn phải tính thêm ba mươi nghìn quân Nhật Bản trên danh nghĩa là tù binh, nhưng việc giải giáp đang tiến hành rất chậm, rất đáng lo ngại. Cuối cùng còn dẫn đến nguy cơ một cuộc tổng nổi dậy biến vùng Đồng bằng Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ thành một lò lửa đe dọa tính mạng ba mươi nghìn người Pháp đang sống ở đó. Nước Pháp, sau bốn năm chiến tranh và thiếu thốn, có ý định và các phương tiện lao vào một cuộc phiêu lưu như vậy không? Chắc chắn là không. Chuyến về Paris công tác hồi tháng 7 của tôi đã khẳng định điều đó. Còn Hồ Chí Minh, vì lý do gì ông cũng muốn thương lượng trái với ý kiến của những phần tử "cực đoan". Theo tôi, trước hết, đó là lý do chính trị. Hồ Chí Minh nhất định là một nhà lãnh đạo mạnh nhất rồi, nhưng ông vẫn còn có hai đối thủ là Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và Quốc dân đảng được Quốc dân đảng Trung Quốc ủng hộ. Hai đảng phái này thường công khai thể hiện sự chống đối, thậm chí tại các tỉnh biên giới còn đôi khi đi tới xung đột vũ trang. Tướng Tiêu Văn, mà chúng tôi đã gặp ở Quảng Tày năm 1942 là người chưa chút nào để mất hi vọng lôi kéo xứ Bắc Kỳ là nơi có hai trăm bốn mươi ngàn người Hoa sinh sống, vào quỹ đạo Trung Hoa. Tiêu Văn đã đến Hà Nội trong hàng ngũ đạo quân Vân Nam của Lư Hán và đang tìm mọi cách để thực hiện các mưu đồ của mình. Trong tình hình đó, tôi nghĩ rằng nhất định Hồ Chí Minh không thể loại trừ mối đe dọa này nếu không dựa vào Pháp. Hơn nữa, tôi cho rằng Hồ Chí Minh cũng rất hiểu, muốn xây dựng một Việt Nam theo hình ảnh những khát vọng của mình, hoặc chỉ muốn xây dựng đất nước một cách đơn giản, ông vẫn phải tìm kiếm sự hỗ trợ của một cường quốc. Cường quốc này không phải là Trung Quốc vì Quốc dân đảng cầm quyền đang nâng đỡ các đối thủ của ông. Trung Quốc hồi đó chưa phải là cộng sản, Mao Trạch Đông đang gặp nhiều trở ngại, đang ở tít miền Bắc Trung Quốc, không thể làm gì được cho Hồ Chí Minh. Còn Nga thì sao? Nước Nga hồi đó, từng bị Đức chiếm đóng, đang có nhiều vấn đề giải quyết sau chiến tranh vì đang phải hướng nỗ lực về Đông Âu. Chỉ còn có Pháp là nơi tất cả giới tri thức Việt Nam hồi đó đều thông thạo ngôn ngữ, văn hóa, việc hợp tác sẽ dễ dàng thuận lợi hơn nhiều. Pháp cũng là nước Hồ Chí Minh có nhiều gắn bó. Năm 1945 Pháp không còn là một nước bại trận nữa - ít nhất cũng trong phạm vi châu Âu. Cuối cùng, nước Pháp hồi đó đang là nơi Đảng Cộng sản thu được nhiều thắng lợi, chiếm được nhiều ghế trong Quốc hội và cả một số ghế trong chính quyền. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, Hồ Chí Minh còn là một người thực tế. Chính sách "giành thắng lợi theo từng bậc thang liên tiếp" như trong thông điệp 5 điểm gửi tới Côn Minh hồi tháng 7 năm 1945 là biện pháp tốt nhất để đòi độc lập cho đất nước. Tại sao lại không tiết kiệm xương máu cho một cuộc chiến tranh, nếu có thể được? Nhưng không phải chỉ có lý do chính trị. Đây còn có những tinh tế trong tâm hồn châu Á, một sự hài lòng trong con người từng luôn luôn chiến đấu chống Pháp trong vòng bí mật nay đàng hoàng đàm phán ngang hàng với những đại diện của cường quốc đã cai trị đất nước ông. Tôi nghĩ, con người, suốt cuộc đòi đấu tranh chống "chủ nghĩa đế quốc" Pháp này rất có thể có một niềm tự hào nào đó được góp phần vào việc làm cho Việt Nam trở thành viên đá tảng đầu tiên xây dựng khối Liên hiệp Pháp. Liệu Hồ Chí Minh có nghĩ rằng trong khi áp dụng biện pháp thương lượng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phi thực dân hóa các thuộc địa khác của Pháp ở châu Á và châu Phi, như Jean Lacouture đã viết không? Rất có thể. Từ thuở xa xưa, khi còn là một thanh niên, Hồ Chí Minh đã từng tranh đấu tại Paris cho việc giải phóng "các dân tộc bị áp bức" và ông luôn đặt vấn đề thuộc địa trong tổng thể cuộc đấu tranh của mình. Nhất định là hồi đó, Hồ Chí Minh tìm cách thuyết phục chúng tôi là ông ghê tởm, không muốn sử dụng các biện pháp bạo lực.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #72 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 08:13:45 am » |
|
Để đạt được mục đích của mình, Hồ Chí Minh đã khôn ngoan tỏ ra đòi hỏi ít hơn một số đối thủ của ông. Trong khi những người này đòi hỏi phải đạt được độc lập hoàn toàn và ngay lập tức, coi đó như điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng, thì Hồ Chí Minh lại làm cho mọi người hiểu rằng không thể có được tất cả trong cùng một lúc, và chỉ nên đòi hỏi một nền độc lập tương đối, dựa trên sự tin tưởng trong lời cam kết của Pháp là sẽ trao độc lập hoàn toàn cho Việt Nam trong một thời gian nhất định. Hồ Chí Minh đã chờ đợi điều này suốt ba mươi nhăm năm. Ông có thể chờ thêm vài năm nữa. Nhẫn nại là đức tính của người châu Á.
Nhưng không phải vì thế mà những cuộc nói chuyện giữa chúng tôi đã diễn ra dễ dàng. Hồ Chí Minh tranh luận từng câu một, từng chữ một, trong các bản dự thảo hiệp định. Ông hút rất nhiều, đủ các loại thuốc lá Trung Quốc, Mỹ và cả thuốc lá loại nặng nhãn hiệu Gauloises của Pháp. Léon Pignon còn hút nhiều hơn. Tôi cũng hút nhiều bằng thuốc lá rời đặt trong tẩu. Những cuộc thảo luận của chúng tôi đã kéo dài mãi tới đêm khuya trong bầu không khí sặc khói thuốc. Mặc dù cả hai bên đều thông thạo tiếng Pháp, tôi vẫn có cảm giác như không cùng chung tiếng nói. Rất nhiều lần, sau khi kết thúc một buổi họp, các cộng sự viên và tôi đều cảm thấy thất vọng, cho rằng không bao giờ có thể đi tới thỏa thuận được.
Sẽ nhàm chán nếu kể lại những chi tiết trong những cuộc đàm phán hầu như kéo dài vô tận mà chúng tôi đã tiến hành với Hồ Chí Minh và các cố vấn của ông trước khi đạt được kết quả. Vấn đề chúng tôi phải tranh luận nhiều nhất là nội dung danh từ "độc lập". (Tôi còn nhớ, hồi đó tướng Leclerc đang tạm quyền chức vụ Cao uỷ ở Sài Gòn thay d'Argenlieu về Pháp công tác. Sau khi tôi báo cáo với Leclerc về tình hình cuộc đàm phán, ông đã điện ngay về Paris, đề nghị Chính phủ không nên ngần ngại, cứ tuyên bố từ ngữ "độc lập" cho Việt Nam).
Quy chế tương lai của Nam Kỳ cũng là một điểm tranh cãi mãi. Hồ Chí Minh muốn Nam Kỳ phải chính thức sáp nhập vào Nhà nước Việt Nam (theo quan điểm nổi tiếng: Thống nhất ba kỳ). Ngược lại, chúng tôi lại đặt hi vọng sẽ tổ chức trưng cầu ý dân để dân chúng Nam Kỳ được tự do bày tỏ nguyện vọng của mình.
Những cuộc tranh cãi này đôi khi đã dẫn đến việc ngừng họp kéo dài nhiều tuần, cho tới khi có một sự trung gian thiện chí làm hai bên trở lại gặp nhau. Vai trò này thường do Louis Caput nắm giữ. Ông là một đảng viên thuộc nhóm Xã hội Pháp ở Đông Dương, đã làm công tác giảng dạy lâu năm, được Hồ Chí Minh rất tín nhiệm vì đã ủng hộ một số khát vọng của Hồ Chí Minh.
Trước lúc ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, công thức "Nhà nước tự do trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp" đã được hai bên chấp nhận.
Nhưng vẫn còn vấn đề tranh cãi là địa điểm hội nghị tiếp theo. Đô đốc Thierry d'Argenlieu muốn họp trên lãnh thổ Đông Dương, là nơi tất cả các chuyên viên đang có mặt, cho nên đề nghị lấy Đà Lạt làm nơi tiến hành hội nghị. Hồ Chi Minh muốn họp tại Paris không chỉ vì lý do uy tín; ông muốn dân chúng Pháp được chứng kiến và một mặt nào đó là đảm bảo cho Hiệp định vừa ký kết. Họp ở Đà Lạt với đô đốc Cao ủy chẳng khác gì trước đây đã ký kết những hiệp ước bảo hộ với các đô đốc - thống đốc của Pháp. Ngược lại được tiếp đón ở Paris và hội đàm trực tiếp với Chính phủ Pháp, tức được công nhận là một nguyên thủ quốc gia của một nhà nước độc lập. Tướng Leclerc và tôi cùng ngả theo hướng Paris vì nhiều lý do khác nhau, mà lý do chính là nhằm tách Hồ Chí Minh khỏi sức ép của những người chung quanh và khỏi ảnh hưởng của Quốc dân đảng Trung Quốc. Nhưng chúng tôi cũng muốn cả hai bên đều được tách khỏi bầu không khí nóng bỏng và "thực dân" của những sự luyến tiếc quá khứ đang bao trùm xứ Bắc Kỳ.
Có thể nói, đây là một thử nghiệm đầu tiên về phi thực dân hóa một cách hòa bình. Hồi đó, cụm từ "phi thực dân hóa" hãy còn chưa thông dụng. Đó là điều đáng tiếc, và việc ý định này vấp phải phản ứng mãnh liệt của nhiều giới vì nhiều lý do hoặc cao cả, hoặc thiếu trong sáng, cũng là lẽ dĩ nhiên.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #73 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 08:15:01 am » |
|
VIII ĐI PHÁP Sau khi đã quyết định là cuộc họp sẽ tổ chức nếu không ở Paris thì ít nhất cũng ở Fontainebleau, Hồ Chí Minh có vẻ hài lòng một cách chính đáng nhưng cùng lúc đó, có lẽ ông cũng chưa lường trước được tất cả những gì sẽ xảy ra. Nhiều đồng chí của ông nghĩ rằng chuyến đi Pháp này là một sự nguy hiểm trầm trọng. Nguy cơ bị rơi vào một cái bẫy ám ảnh nhiều người. Sau này, một số người cùng đi với Hồ Chí Minh bộc lộ với tôi, đã có lúc họ nghĩ rằng sẽ bị bắt giữ, nhất là khi hội nghị đi đến chỗ thất bại (những rủi ro ập đến với vua Maroc và với Ben Bell trong những cuộc hòa đàm với Pháp sau này khẳng định sự lo ngại của họ là đúng đắn). Hồ Chí Minh, dù giữ vị trí cao nhất trong chuyến đi tới Pháp có thể tự hỏi liệu có bị rơi vào miệng chó sói hay không. Tôi nghĩ rằng, tại Hà Nội, chúng tôi là những người đối thoại Pháp đã gây cho ông một niềm tin đủ để làm tắt mọi nghi ngờ. Nhưng các nhà cầm quyền ở Mẫu quốc liệu có cho ông niềm tin đó không? Tôi tự hỏi, liệu nước Pháp đã có bao giờ đánh giá đúng phẩm chất trung thực của Hồ Chí Minh trong việc nhận lời đi tới một nước hồi đó hãy còn là cường quốc bảo hộ, một cường quốc mà ông đã đánh đuổi trong gần ba mươi năm vì đã bị kết án tử hình. Chắc hẳn, Hồ Chí Minh nghĩ rằng ông sẽ tìm thấy những người bạn ở Pháp. Như tôi đã viết ở phần trên, cánh cực tả ở Pháp sau khi chiến tranh kết thúc đã nắm giữ được một số ghế trong chính quyền. Trên thực tế, Chính phủ của George Bidault là người tiếp đón Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm một bộ phận quan trọng là cộng sản. Có tới bẩy đảng viên cộng sản là bộ trưởng, bên cạnh đó còn có sáu đảng viên Đảng Xã hội. Nhưng Hồ Chí Minh cũng hiểu rằng, tại chính quốc cũng như tại Đông Dương vẫn còn một số nhân vật không chấp nhận chính sách tìm kiếm một Tạm ước mới, với những người trước kia là dân bảo hộ, nổi lên chống lại chính quyền Pháp. Ông hiểu rằng, những nhân vật cổ hủ này, nếu không chiếm đa số, vẫn có thể tác động đến diễn biến tình hình. Họ vẫn có thể chờ cơ hội rất dễ xảy ra, để kích thích quân đội Pháp, tạm thời chiếm ưu thế về sức mạnh, nếu không phải là số lượng, lập lại nguyên trạng bằng vũ lực, như ý muốn của họ. Về những vấn đề liên quan đến sự đón tiếp và kết quả của những cuộc đàm phán ở Pháp đối với Hồ Chí Minh cũng có thể là một chủ để đáng lo ngại. Tôi nghĩ, hẳn là vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hỏa không thể quên được kỷ niệm ngày 7 tháng 3 hãy còn gần gũi. Ngày hôm đó, đứng trên bao lơn Nhà hát lớn Hà Nội, ông đã khéo léo giải thích cho dân chúng hiểu những lý do dẫn ông đi tới thỏa thuận với nước Pháp. Ông hiểu rằng, lúc này những kẻ thù của ông đang lợi dụng việc ông đi vắng vì những lý do rất dễ hiểu. Ông cũng biết, và đây cũng là vấn đề không kém quan trọng, là đội quân của Lư Hán đang bực tức vì Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt làm sụp đổ những tham vọng cố hữu cảa họ đối với Bắc Kỳ, nhất định sẽ lợi dụng ông vắng mặt để đảo lộn tình hình, có lợi cho các đảng phái đối lập do Trung Quốc giật dây. Vì tất cả những lý do đó, trước khi lên đường Hồ Chí Minh đã căn dặn những người thay ông ở lại phía sau, cần "sẵn sàng đôi phó với mọi tình huống". Từ tháng 4 năm 1946, trước khi Hồ Chí Minh lên đường, tôi đã đi Paris để chuẩn bị cuộc đón tiếp, đồng thời cũng để giải thích với công luận và với chính phủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc hội đàm đã được ấn định, làm cho mọi người lường trước chúng tôi sẽ bị rơi vào vực thẳm như thế nào hoặc sẽ đạt được những chiều hướng phát triển như thế nào, nếu tiếp tục cuộc chơi này. Hồi 18 giờ 30 ngày 25 tháng 4 tôi đã tới gặp Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc đó là Maurice Thorez, lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp, ông tán thành những điều khoản ghi trong Hiệp định ngày 6 tháng 3 mà ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Ông nói: "Chúng tôi không thấy có điều gì phải xem xét lại nữa. Tất cả đều đáng hài lòng. Và nếu có những kẻ nào không tôn trọng thì ta phải áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả súng đạn". Tôi hiểu, Maurice Thorez muốn ám chỉ các đảng phái Việt Nam thân Quốc dân đảng Trung Quốc mà mọi người phải tính đến chuyện họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ. Hồ Chí Minh đáp máy bay đi Paris ngày 31 tháng 5, có tướng Salan tháp tùng. Lúc này xảy ra một việc bất trắc nữa làm lung lay tòa lâu đài dễ đổ vỡ của sự hòa hợp. Nội các Félix Gouin vừa mới bị lật đổ. Nước Pháp chưa có chính phủ để đón tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng tôi phải cho hai chiếc máy bay chở Chủ tịch và các thành viên trong đoàn đàm phán, chuyển hướng bay về Biarritz ở miền Nam nước Pháp. Ngay khi vừa được chỉ định thành lập chính phủ mới, Georges Bidault là Chủ tịch Hội đồng Chính phủ đã triệu tập tôi đến họp để bàn việc tổ chức lịch trình của Hồ Chí Minh tại Pháp. Trong một cuộc họp liên bộ mà tôi được tham dự, hội nghị đã quyết định Hồ Chí Minh và tôi không dự cuộc hội đàm ở Fontainebleau. Trong thời gian chờ đợi ổn định chính phủ để có thể đón tiếp Hồ Chí Minh, cần phải làm cho ông khuây khoả. Có lẽ, trong thời gian buộc phải dừng chân ở vùng bờ biển xứ Basque từ ngày 12 đến 22 tháng 6 cũng là lúc Hồ Chí Minh thể hiện tính cách của mình một cách hoàn hảo để cho tôi càng đánh giá cao sự tự chủ của ông. Thật vậy, ông không sốt ruột lo lắng về mười ngày nhàn rỗi, chờ đợi thành lập xong một chính phủ mới của Pháp, ông cũng thường xuyên có được những tin tức mà ông quan tâm nhất, liên quan đến tình hình Nam Kỳ. Ngày 1 tháng 6, đô đốc Thierry d'Argenlieu đi trước những quyết định có thể đạt được ở Hội nghị Fontainebleau đã tuyên bố Nam Kỳ là một xứ cộng hòa tự trị. Hồ Chí Minh đã nhận được tin này trong lúc đang bay trên vùng trời Trung Đông trong cuộc hành trình đi Pháp. Có lẽ, cũng không cần phải nhắc lại rằng, Nam Kỳ là một thuộc địa của Pháp, khác với Bắc Kỳ và Trung Kỳ là hai xứ bảo hộ. Điều đó giải thích lý do đô đốc d'Argenlieu muốn đảm bảo cho Nam Kỳ một quy chế đặc biệt trong tương lai. Nhưng đối với Hồ Chí Minh, mục đích tối cao của ông là hợp nhất ba kỳ trong một nước Việt Nam thống nhất. Nam Kỳ tự trị riêng rẽ là một biện pháp không thể tiếp nhận được cả về nội dung lẫn hình thức. Đây là một vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, là một "cú đâm sau lưng" làm nghi ngờ những thiện chí của chúng tôi. Ở Hà Nội, phe đối lập tố cáo rằng chúng tôi đã tìm cách đưa Chủ tịch đi xa nước Việt Nam để dễ đánh lừa, và đã ví Nam Kỳ như Alsace - Lorraine của Pháp. Ngay khi máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Parme - Biarritz, Hồ Chí Minh đã tỏ ra bực tức tới mức đòi quay trở lại Hà Nội. Tôi đã hết sức làm yên lòng ông, bằng cách cam đoan rằng quyết định về Nam Kỳ chỉ là tạm thời và không tổn hại gì đến kết quả trưng cầu ý dân đã được ấn định trong thỏa thuận ngày 6 tháng 3.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #74 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 08:15:42 am » |
|
Sau đó, coi như không có vấn đề gì. Hồ Chí Minh đã kìm hãm được sự nóng ruột, tỏ ra hài lòng với tất cả những gì chúng tôi nghĩ ra để ông giải trí. Những người được gần gũi với ông đều có ấn tượng sâu sắc về tâm trạng thoải mái và tấm lòng nhân hậu của ông. Ông vui đùa với người này, người khác, trêu chọc cả một số cộng sự viên của tôi. Tóm lại, ông xử sự như một người đi nghỉ mát, không chú ý gì đến thời gian và càng không phải là một vị Nguyên thủ quốc gia thường phải đăm chiêu khi mở tập hồ sơ do nhân viên phục vụ mang lại trong đó quyết định vận mệnh của nhân dân ông và tất nhiên, cả của ông.
Nhiều lần tôi đưa ông đến Hendaye, là nơi bà chị tôi có một biệt thự. Hồ Chí Minh chơi đùa với các cháu tôi trên bờ biển, có vẻ như thật sự thích thú được sống bên lũ trẻ. Ông thật sự là "Bác Hồ" nhân hậu.
Khi chúng tôi dẫn ông đến làng Biriatou ăn cơm, ông hoàn toàn là một khách du lịch, tò mò chu ý đến mọi thứ, muốn xem, muốn hiếu mọi thứ. Trong cuốn sổ vàng của khách sạn ông ghi dòng chữ lưu niệm hiện nay vẫn còn được lưu giữ: "Biển và đại dương không ngăn cách được những người anh em quý mến nhau".
Một buổi sáng, chúng tôi xuống một chiếc tàu đánh cá ở Saint Jean de Luz, đi ra khơi trước lúc rạng đông. Đánh được nhiều cá, nhưng chuyến đi biển có vẻ quá dài khi tàu đi vào vịnh Biscaye có nhiều sóng. Nhân viên trong tàu do không biêt Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước kia đã nhiều năm đi biển, tỏ vẻ sửng sốt trước sự thích nghi của ông trên tàu và thấy ông hoàn toàn không bị say sóng. Bản thân ông cũng đánh được nhiều cá ngừ và ông rất thích chuyến ra khơi kéo dài suốt ngày, ông nhanh chóng làm cho mọi người thoải mái vì tính giản dị và những câu bông đùa của ông.
Sau này, mỗi lần gặp tôi, ông vẫn thường nhắc lại những ngày sống trên vùng bờ biển xứ Basque mà ông coi là những kỷ niệm đẹp đẽ trong đời.
Cuối cùng, ngày 22 tháng 6 chúng tôi rời Biarritz đáp máy bay tới sân bay Bourget. Đến 16 giờ chúng tôi đã bay trên vùng trời Paris. Sân bay Bourget đông nghịt người. Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet cùng đông đảo quan chức dân sự, quân sự, đại diện chính phủ, đang đứng đón chào.
Trở thành người đứng đầu Nhà nước, được đón tiếp với đầy đủ nghi lễ tại một đất nước mà ông đã từng đấu tranh không ngừng, đấu tranh hết sức, trong gần ba mươi năm chống lại chính quyền, việc này đòi hỏi nhân vật được đặt trong tình huống này một mức độ tinh tế và khôn khéo đặc biệt. Một lần nữa, bản chất tự nhiên lại giúp Hồ Chí Minh vượt qua thử thách, ông không cần tìm cách thích nghi với những thủ tục lễ tân mà ông không bao giờ quan tâm đến, ông không cần tìm cách đối xử kiểu cách với những người đối thoại, hoặc với những nhân vật sang trọng. Con người ông như thế nào, ông vẫn thể hiện y nguyên như thế. Ông tuân theo sự hướng dẫn của Jacques Dumaine, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, cố truyền đạt tới ông những nghi thức xã giao. Nhưng ông vẫn giữ nguyên tính cách của cá nhân ông, hình ảnh của sự giản dị cao độ không ai có thể tước bỏ được.
Trung thành với những thói quen của mình, Hồ Chí Minh giữ nguyên trang phục đơn giản: đôi giày vải Vân Nam, bộ áo cứng thường mặc, nhưng lần này ông đã chú ý cài đủ các cúc áo, đến tận cổ. Ngoài ra, ông không chịu theo một số thủ tục lễ tân. Vì vậy, trong giấy mời tới dự đại tiệc chiêu đãi tại khách sạn Royal - Monceau mà Chủ tịch Georges Bidault cũng tới dự vào ngày 4 tháng 7 có ghi rõ: "mặc lễ phục", nhưng riêng ông vẫn không rời bộ quần áo quen thuộc đã làm ông nổi tiếng trước cả Mao Trạch Đông.
Ông đã tiếp nhận với nụ cưòi quen thuộc gian phòng dành cho ông trong khách sạn Royal - Monceau trên đại lộ Hoche. Nhưng, trước tiện nghi sang trọng của phòng ngủ, có vẻ như ông vẫn thích ngả lưng trên tấm thảm sàn nhà.
Trong những ngày ở Paris ông vẫn giữ thái độ yêu mến thành phố và nhân dân sống ở đây. Ông thích vi hành ra ngoài khách sạn, trà trộn trong những người qua lại, thăm lại những nơi trước kia ông đã sống, đã lao động, đã ấp ủ hoạt động chống đối... Nếu có lần ông đề nghị với tôi tổ chức cho ông đi xem bộ phim Cuộc chiến đấu đường sắt, thì đó không phải là để "có những ý niệm" như nhiều người, trong đó có tôi, lúc đó đã nghĩ như vậy, mà chỉ do ông có cảm tình với cuộc chiến đấu của nhân dân Pháp chống bọn chiếm đóng, và vào thời kỳ đó cũng mới chỉ có duy nhất một cuốn phim này thể hiện hình ảnh đó. Vả lại, hoàn cành diễn, ra cuộc chiến đấu của công nhân đường sắt Pháp khác hẳn hoàn cảnh ở Việt Nam trong thời điểm Pháp và Việt Nam đang tìm kiếm một tạm ước để sống.
Hồ Chí Minh cũng đề nghị được đi thăm những vùng bờ biển mà trước kia quân Đồng minh đã đổ bộ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong chuyến đi ngắn tới vùng bờ biển Normandie ở miền Bắc nước Pháp, một tai nạn đã xảy ra và tôi lại được một lần nữa, nhận xét tính tự chủ luôn thường trực trong ông. Tôi vừa mới rời khỏi chiếc xe ô tô của mình để chuyển sang cùng ngồi với Hồ Chí Minh, thì chiếc xe trước đó chở tôi vụt quay ngang không rõ vì lý do gì, rơi luôn xuống hố cùng với những cộng sự viên của ông Hồ và cả những cộng sự viên của tôi. Dĩ nhiên, lúc đó tôi nghĩ ngay đến một vụ mưu hại. Có thể Hồ Chí Minh cũng nghĩ như vậy. Nhưng ông vẫn thản nhiên, không để lộ một nét gì bối rối trên gương mặt. Ông bình tĩnh tham gia kéo những người cùng đi với chúng tôi ra khỏi chiếc xe bị nạn. May mắn làm sao, những người này chỉ bị thương nhẹ. Ngược lại, chiếc xe của tôi đã biến thành hàng đồng nát và tôi rất tiếc. Chiếc Buick này vốn là ô tô của Tổng tư lệnh quân đội Nhật Bản tại Đông Dương mà tướng Leclerc đã trao lại cho tôi.
Khi tới Normandie, tôi mời Hồ Chí Minh nghỉ đêm tại một trang trại của tôi. Sáng hôm sau, lúc đó hãy còn sớm, tôi thức giấc thấy ông Hồ đã biến mất! Tôi phải chạy ra đồng để tìm kiếm. Thì ra, ông còn dậy sớm trước tôi, đang đi thăm mọi nơi, từ chuồng gà đến chuồng bò, ngắm nhìn súc vật, hỏi người quản lý các phương pháp chăn nuôi v.v...
Cuộc họp liên bộ trước khi Hồ Chí Minh tới Paris đã quy định tất cả mọi cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp đều phải thông qua tôi. Nguyên tắc này, mới đầu được tôn trọng nhưng sau đó đã bị thả lỏng một cách nguy hiểm. Hồ Chí Minh thường vượt qua tôi để đạt được những điều mà tôi có đủ lý do can ngăn ông. Tôi được báo tin ông đã dành phần lớn thời gian để đi dạo mát, để đi nơi này nơi khác, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người. Những người cùng đi với Hồ Chí Minh cũng giữ kín những hoạt động và những sợi dây liên hệ giữa họ với những người khác.
Hồ Chí Minh có vẻ thành thật xúc động trước sự tiếp đón ở Paris. Nhưng ông cũng rất tiếc vì không được gặp tướng De Gaulle và tướng Leclerc. (Đúng là tướng De Gaulle lúc nay rút lui về nghỉ tại Colombey sau khi rời bỏ chính quyền và tự đặt ra nguyên tắc không muốn dính líu gì vào công việc quốc gia). Trước khi rời Paris, Hồ Chí Minh đã nhờ tôi chuyển một tặng phẩm gửi tặng tướng De Gaulle. Trong giọng nói và cặp mắt của ông lộ rõ vẻ xúc động đã không thể gặp gỡ, nói chuyện với nhân vật mà ông thường ca ngợi là người cầm đầu lực lượng kháng chiến đã giải phóng nước Pháp.
Hồ Chí Minh cũng muốn gặp lại tướng Leclerc. Nhưng không hiểu vì những lý do gì tôi chưa được biết, tướng Leclerc không mấy khi có mặt tại thủ đô. (Hẳn là lúc đó, Leclerc đang bị một số kình địch chỉ trích thái độ "tự do" của ông đối với Đông Dương).
|
|
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #75 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 08:17:08 am » |
|
IX HÒA BÌNH BỊ BỎ LỞ Lúc này, mọi người đã nói tới thất bại của Hội nghị Fontainebleau đang tới gần. Về phía chúng tôi, có thể đã phạm sai lầm vì đã không cử một nhân vật chính trị hàng đầu đứng đầu đoàn đại biểu Pháp. Mặt khác đã không soạn thảo một thời gian biểu chính xác để cắt đứt những sự chậm trễ kéo dài ở châu Á (như sau này Pierre Mendès - France đã làm tại hội nghị Genève). Những tham vọng chính trị ở Pháp cũng giữ vai trò trong vấn đề này. Thật vậy, trong khi các nghị sĩ cộng sản ủng hộ mạnh mẽ những yêu sách của Việt Nam thì cánh hữu lại cổ vũ những nhà thương lượng Pháp không khoan nhượng và kêu gọi phản lại những điều đã cam kết. Kết quả là: tình hình mỗi ngày một thêm căng thẳng và cả hai phía đều bi quan. Không cần phải suy nghĩ nhiều cũng thấy ngay phía Việt Nam cũng tăng thêm sự hoài nghi thường có của họ, ngày càng nghi ngờ chúng tôi đi chệch hướng những thỏa thuận ngày 6 tháng 3. Nhưng tất cả những vấn đề này dù về hình thức hoặc về bầu không khí tạo ra cũng chưa đủ để làm cho hội nghị tan vỡ, nếu không xuất hiện những vấn đề cơ bản mà cả hai bên đều khác nhau về quan điểm tới mức không thể nào giải quyết được. Chủ yếu, đó là những vấn đề hợp nhất ba "kỳ", vấn đề thuế quan, đối ngoại, vị trí của tiếng Pháp. Trên thực tế, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn đạt được tất cả những đặc quyền của một nhà nước độc lập, nhưng phía Pháp lại muốn chỉ thừa nhận Việt Nam là một nhà nước tự trị nằm trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp. Như tôi đã viết, nếu Hồ Chí Minh chấp nhận khối Liên hiệp Pháp thì ông lại không muốn có Liên bang Đông Dương, ngại rằng cái liên bang này sẽ ngoạm mất Việt Nam. Thất bại của Hội nghị Fontainebleau đã nhìn thấy rõ khi Paris nhận được tin một cuộc họp "liên bang" ngày 1 tháng 8 đã được đô đốc d'Argenlieu quyết định tại Đà Lạt, không chỉ gồm có Campuchia và Lào, mà cả xứ Nam Kỳ có vẻ như sẽ bị tách rời vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Tin này đã khiến các đại biểu Việt Nam ngừng ngay cuộc đàm phán, mà chỉ nhờ có sự can thiệp của Hồ Chí Minh vài ngày sau mới được nối lại. Nhưng niềm tin đã chết. Đầu tháng 9 đoàn Việt Nam dẫn đầu là Phạm Văn Đồng đóng sập cánh của hội nghị, xuống tàu trở về Bắc Kỳ. Nhưng riêng Hồ Chí Minh vẫn ở lại. Sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức, Chính phủ Pháp thông báo cho vị khách của mình rõ, ông không thể sử dụng lâu hơn nữa khách sạn Royal Monceau. Đây là một thái độ hợp lý, phù hợp với thông lệ, nhưng vẫn ít nhiều bị chỉ trích là chúng tôi muốn gây sức ép với Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ông trở về nước ngay, vì chuyến đi đã kéo quá dài. Nhưng Hồ Chí Minh chưa đi vội. Như tôi đã viết, ông chuyển đến Soisy-sous-Montmorency, ở nhà ông Raymond Aubrac. Những người trong gia đình Aubrac đã cung cấp cho Hồ Chí Minh chỗ ăn, chỗ ở, chỗ hoạt động với một tình cảm như đã từng bộc lộ trong thời gian ông ở thăm chính thức Paris. Rất nhiều người đã tới thăm Hồ Chí Minh tại Soisy. Mọi người thường nhìn thấy nhà hoạt động cách mạng lão thành của Việt Nam ngồi trên bãi cỏ hoặc trên bậc thềm trong vườn nhà Aubrac, thân mật tiếp chuyện các nhà báo hoặc khách tới thăm thuộc đủ mọi tầng lớp. Thời kỳ "hậu Fontaineblau" bắt đầu. Nhưng liệu còn một dịp may nào trong việc Hồ Chí Minh hãy còn ở Pháp, cho phép tránh sử dụng vũ lực không? Bởi vì, trong suốt thời gian này tình hình Đông Dương không ngừng xấu thêm. Từ khi ông Hồ đi vắng, nhiều sự cố liên tiếp đã xảy ra, đặt sự kiên nhẫn của Pháp, ngay cả những người không muốn sử dụng vũ lực, đứng trước thử thách. Ngày 2 tháng 9, Hồ Chí Minh nhờ tôi chuyển một bức điện về nước, căn dặn việc tiến hành lễ kỷ niệm ngày Độc lập không được có một biểu hiện nào không hữu nghị với nước Pháp. Tại sao, cuối cùng ông lại mong mỏi ký với Marius Moutet bản Tạm ước nghèo nàn ngày 14 tháng 9, được soạn thảo vội vã ngay trong phòng làm việc của tôi, có những hứa hẹn ít hơn điều ông muốn tìm kiếm? Sau khi ký bản Tạm ước, Hồ Chí Minh quyết định trở về xứ Bắc Kỳ, nhưng hình như ông vẫn còn luyến tiếc. Trước kia, ông nán lại nước Pháp là nhằm có được một hiệp định có lợi hơn, đó là điều dễ hiểu. Nhưng bây giờ sau khi bản Tạm ước đã ký và biết rõ rằng không còn tìm kiếm được gì hơn nữa, ông vẫn cứ chọn phương tiện chậm nhất để về nước, trong khi tình hình thời cuộc lại đòi hỏi phải trở về gấp, quả là rất lạ. Ông từ chối máy bay để chọn tàu thủy. Mặc dù tôi không tán thành, nhưng Bộ Hải quân vẫn dành cho ông chiếc tàu Dumont d'Urville để ông trở về Đông Dương. Đó là điều duy nhất khiến tôi thật sự bối rối. Hồ Chí Minh lo ngại một vụ mưu hại dễ thực hiện bằng máy bay chăng? Nhưng vụ này do ai âm mưu tiến hành? Ông có mong muốn sự đổ vỡ không thể nào hàn gắn được sẽ xảy ra do ông vắng mặt không? Hoặc là, ít nhất, ông có hiểu rằng sự đổ vỡ đó đang tới gần và ông không muốn bảo lãnh? Quả thật, chỉ hai tháng sau, chiến tranh đả bùng nổ vào tối 19 tháng 12. Tôi tiễn chân Hồ Chí Minh đến tận quân cảng Toulon. Hôm sau, 19 tháng 9 tôi chia tay ông trên bến cảng. Tôi tin chắc, không bao giờ gặp lại ông nữa. Như tôi đã viết, lúc này tôi chỉ muốn được nghỉ công tác để quán xuyến những việc kinh doanh riêng mà bấy lâu tôi đã phải bỏ dở để phục vụ đất nước. Nhưng không có người thay tôi đảm đương nhiệm vụ ở Đông Dương. Cũng cần phải nói rằng, vị trí này ngày càng kém hấp dẫn. Tướng Morlière đã thay tôi tạm quyền chức vụ ở Hà Nội, đã cố hết sức làm mọi việc, nhưng tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Hồ Chí Minh về tới Hải Phòng ngày 21 tháng 10. Ông đã cố nắm guồng lái, cố duy trì quan hệ hữu nghị Việt - Pháp, về đến Hà Nội, ông đã cho cử Quốc thiều Pháp ngay sau Quốc thiều Việt Nam tại sân ga là nơi mọi người tập trung đón ông. Ngày 20 tháng 11 xảy ra vụ đụng độ ở Hải Phòng như tôi đã viết. Chính phủ Pháp lại yêu cầu tôi trở lại Bắc Kỳ càng nhanh càng tốt. Tôi được cử làm Thống đốc Bắc Kỳ, được trao Toàn quyền dân sự và quân sự. Tôi rời sân bay Orly ngày 23 tháng 11, tới Sài Gòn ngày 26. Tại đây, tướng Valluy tạm giữ chức Quyền cao uỷ thay d'Argenlieu vắng mặt, khuyên tôi chờ kết thúc những hoạt động quân sự của Pháp tại Hải Phòng đã, rồi sẽ ra Hà Nội sau. Vì vậy, mãi đến ngày 2 tháng 12 tôi mới đáp máy bay ra Hà Nội. Trong túi tôi mang theo bản "hướng dẫn công tác" của Phủ Cao ủy ở Sài Gòn, nội dung có ghi như sau: "Danh dự quân sự không bị xúc phạm, uy thế phục hồi đang được nâng cao, vì vậy, nếu áp đặt những điều kiện khắc nghiệt sẽ là sai lầm về chính trị. Từ nay trở đi không nên đẩy sự việc đến cùng, buộc Hồ Chí Minh và chính phủ của ông ta phải lao vào những giải pháp tuyệt vọng. Chính vì lẽ đó, tôi (Cao ủy Đông Dương) cho rằng việc Thống đốc đặt trụ sở làm việc tại dinh Toàn quyền trong lúc này là quá sớm và không hợp thời, có thể bị coi như một biểu hiện khiêu khích, có nghĩa là quay trở về với các biện pháp bạo lực". Ngày 12 tháng 12, ông Léon Blum thuộc Đảng Xã hội lên nắm quyền ở Pháp. Ngày 15 tháng 12, Hồ Chí Minh gửi cho Léon Blum một công hàm nhưng Sài Gòn đã chậm trễ trong việc "chuyển thư" nên mãi tới ngày 26 tháng 12 Paris mới nhận được.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #76 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2022, 08:18:13 am » |
|
Sáng ngày 19 tháng 12 tôi cũng đã gửi Hồ Chí Minh một bức thư, nhưng không hiểu sao, ông cũng không nhận được. Ngược lại, do một sự trùng hợp kỳ lạ, trong buổi sáng 19 tháng 12 Hồ Chí Minh cũng gửi thư cho tôi, yêu cầu tôi nhanh chóng gặp Hoàng Minh Giám "để cùng tìm ra một giải pháp nhằm cải thiện bầu không khí..." Tôi trả lời, tôi sẽ gặp Hoàng Minh Giám vào sáng mai, 20 tháng 12.
Nhưng tối 19 tháng 12 chiến tranh đã bùng nổ. Đối với tôi, không còn buổi gặp ngày 20 tháng 12 nữa.
Mãi tới bốn tháng sau, tức là sau khi tôi đã trở về Pháp điều trị các vết thương buổi tối 19 tháng 12 như đã viết, rồi lại quay lại Bắc Kỳ, tôi mới ngạc nhiên khi nhận được thư của Hồ Chí Minh viết ngày 24 tháng 2 năm 1947. Ai đã giữ lại lá thư này? Tôi tự hỏi như vậy. Dù sao, nội dung lá thư rất đáng chú ý. Đây là lời kêu gọi cuối cùng của Hồ Chí Minh nhằm cứu vãn hòa bình. Nếu chúng tôi công nhận "độc lập và thống nhất" của Việt Nam, liệu có đủ để chấm dứt xung đột, thiết lập một sự hợp tác được không?
Toàn văn bức thư như sau:
Gửi ông Sainteny, Ủy viên Cộng hòa.
Bạn thân mến,
Tôi vừa nhận được tin ông sắp trở về Pháp. Tôi gửi tới ông và bà Sainteny những lời chúc lên đường bình an và sức khỏe tốt.
Tôi tin chắc rằng, cũng như tôi, ông rất tiếc công việc chung vì hòa bình của chúng ta đã bị phá hủy bởi cuộc chiến tranh anh em này. Tôi đã hiểu ông khá rõ để nói với ông, là ông không phải chịu trách nhiệm về chính sách vũ lực và tái chinh phục này.
Vì vậy, tôi muốn được nhắc lại với ông, mặc dù mọi việc đã xảy ra, giữa ông và tôi, chúng ta vẫn còn là bạn. Và tôi cũng có thể khẳng định với ông, nhân dân hai nước chúng ta cũng vẫn là bạn của nhau.
Đã xảy ra khá nhiều chết chóc và tàn phá! Ông và tôi, chúng ta phải làm gì bây giờ? Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, lập tức những cuộc xung đột sẽ ngừng, hòa bình và niềm tin cậy lẫn nhau sẽ trở lại, chúng ta sẽ lại có thể bắt tay vào công việc xây dựng lại vì lợi ích chung của hai nước chúng ta.
Về phần tôi, tôi sẵn sàng cộng tác vì hòa bình, một nền hòa bình chính đáng và danh dự cho hai nước chúng ta. Tôi mong rằng, về phía ông, ông cũng sẽ làm việc theo hướng đó.
Chúng ta hãy cùng cầu mong Thượng đế ban cho chúng ta sự thành công.
Người bạn tận tụy của ông 24/2/47
Hồ Chi Minh1 (Toàn văn thư đánh máy trên giấy có tiêu đề: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - Chủ tịch Chính phủ, kèm theo chữ ký đã được Sainteny in lại trong sách - ND)
Những câu hỏi và những nuối tiếc đan xen với nhau. Chúng tôi đã không đáp ứng được những gì Hồ Chí Minh yêu cầu. Trên thực tế ở Pháp không có một chính sách về Đông Dương. Mà làm thế nào có được một hệ thống chính sách này, trong hoàn cảnh cứ trung bình ba tháng một lần lại thay đổi chính phủ?
Từ lâu lắm, nước Pháp, qua những đại diện sáng suốt nhất của mình đã hiểu rõ đòi hỏi của người Việt Nam. Nước Pháp biết rõ, người Việt Nam không bao giờ từ bỏ việc đòi độc lập. Nước Pháp còn biết rõ, những khát vọng của người Việt Nam có cơ sở vững chắc. Dân tộc này đã trưởng thành, họ dễ dàng hấp thụ ngôn ngữ và văn hóa Pháp một cách đáng ngạc nhiên. Sự hấp thụ nhanh chóng này làm cho họ trở thành những người có khả năng nhất so với tất cả các dân tộc đang được Pháp "bảo hộ", có thể tự đảm đương vận mệnh của mình.
Tôi nghĩ rằng, một ngày nào đó, nước Pháp sẽ phải đề cập tiến trình trao cho người Việt Nam, nếu không phải là nền dộc lập, thì ít nhất cũng là một chế độ tự trị tiến bộ, và từ đó nước Pháp có thể duy trì cùng với dân tộc đã ràng buộc với Pháp và Pháp cũng ràng buộc với họ, những quan hệ có lợi.
Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi giải tỏa những sự nóng lòng sốt ruột, lại cũng làm đảo lộn vấn đề. Bị dồn ép một cách thô bạo vào chân tường, chúng ta buộc phải hoàn thành nóng một cuộc giải phẫu mà đáng lẽ chỉ có thể hoàn thành bằng phương pháp lạnh. Những biện pháp nửa vời do tính kiêu ngạo và những lợi ích dân tộc của chúng ta, không thể chấp nhận được nữa. Phải cho tất cả, và cho ngay lập tức.
Người ta đã nói xấu hành động của đô đốc Thierry d'Argenlieu rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng, vào năm 1945 không một người nào như ông lại dám nghĩ đến việc cải cách các vị trí của chứng ta ở Đông Dương mà lại không rơi vào thế trao đất nước này cho cộng sản. Chính do đó và cũng chỉ vì lý do đó, ông đã nhìn thấy vấn đề.
Về phần tôi, như tôi đã viết, tôi cho rằng Hồ Chí Minh cũng theo chủ nghĩa dân tộc như theo chủ nghĩa cộng sản và ta phải tận dụng sự may mắn đó. Trong mọi trường hợp, hồi đó chúng ta đã có thể, thay sự loại trừ Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam, bằng việc để cho Nam Kỳ quyết đinh vận mệnh qua trưng cầu ý dân đã dự tính. Kết quả trưng cầu dân ý có thể sẽ khác với việc tuyên bố Nam Kỳ tự trị, hoặc cũng có thể diễn biến theo những điều kiện đáng hài lòng hơn.
Tôi thường được nghe nói: "Vâng. Những giải pháp này của ông không thể kéo dài tới mười năm được. Những người Việt Nam "cứng rắn" sẽ gậm nhấm dần dần số ít vị trí mà ta còn giữ được rồi sẽ đặt toàn bộ đất nước dưới chế độ cộng sản". Điều đó cũng có thể, nhưng sau đó sẽ ra sao? Có phải là chúng ta đang đi tới những kết quả tồi tệ hơn, đó là chiến tranh hay sao? Đáng lẽ, chúng ta đã tiết kiệm được cuộc chiến tranh này, đã có thể không phải phơi bày và làm thoái hóa tinh thần quân đội, và có thể chúng ta vẫn giữ được một vị trí nào đó ở Việt Nam, nếu không phải là kinh tế thì ít nhất cũng trong lĩnh vực văn hóa và tinh thần. Tôi có thể tin chắc điều này, bởi vì, như chúng ta đã thấy ngay cả sau cuộc chiến tranh thảm khốc này, những sợi dây liên hệ cùng dệt với Việt Nam suốt tám mươi năm chung sống vẫn không hề bị đứt.
Hơn nữa, Ấn Độ là một thí dụ để tôi càng củng cố thêm quan điểm của mình. Khi tôi nghĩ đến câu đô đốc Anh quốc Mountbatten nói rằng: "Tôi chỉ làm ở Ấn Độ những gì ông Sainteny muốn làm ở Đông Dương", tôi cảm thấy, cay đắng hơn là muốn khoe khoang. Chiến tranh đã làm nhiễm độc tất cả mọi vấn đề rồi rốt cuộc vẫn không phục vụ được việc tưởng rằng có thể ngăn chặn được chủ nghĩa cộng sản bằng vũ lực. Ngày nay, chúng ta càng hiểu rõ hơn điều đó.
Điều đáng buồn nhất, chắc chắn là kinh nghiệm Đông Dương giai đoạn 1945 - 1947 đã không rút được thành bài học cho chúng tôi, cũng như cho các bạn Đồng minh của chúng tôi. Bởi vì từ cuộc xung đột Pháp - Việt đã lại xảy ra cuộc xung đột Mỹ - Việt đến nay đã kéo dài bẩy năm1 (Tức là năm 1970, khi Sainteny viết những dòng này - ND) và đang đe dọa hòa bình thế giới.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #77 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:12:39 am » |
|
X TÁM NĂM SAU Ngày 21 tháng 7 năm 1954. Bóng đêm ập xuống Địa Trung Hải. Chiếc thuyền nhỏ căng buồm đón làn gió nhẹ, rời bên San Remo đi về phía đảo Corse. Trong không khí tĩnh lặng, đài thu thanh trên thuyền chợt báo tin Hiệp định Pháp - Việt vừa được ký kết tại Genève. Chiến tranh Đông Dương đã kết thúc. Bản tin bấy lâu chờ đợi làm tôi chìm đắm trong suy tưởng, cho tới khi người cùng đi với tôi nói to: "Tôi có cảm tưởng là cuộc hành trình của chúng ta sẽ bị rút ngắn!" Suốt đêm hôm đó tôi ngồi sau guồng lái, suy nghĩ miên man chung quanh sự kiện vừa loan báo. Như vậy là đã phải mất tám nám chiến tranh để rồi lại quay trở về điểm xuất phát đầu năm 1946, trước khi tôi ký những thỏa thuận với Hồ Chí Minh! Tuy nhiên, có điều khác trước, đó là hiện nay chúng tôi đang ở trong thế bại trận. Ngày 24 tháng 7 thuyền vừa cập bến Ajaccio thì cảm nghĩ của người cùng đi với tôi đã trở thành sự thật: huyện trưởng đảo Corse đang đợi trên bến, báo tin ông Guy La Chambre, Bộ trưởng Bộ các nước liên kết muốn gặp tôi. Ngay tối hôm đó, tôi quay trở lại Paris trong chuyến bay cuối cùng của Air France. Ngày hôm sau, 25 tháng 7, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Pierre Mendès France nhắn tin qua Chánh văn phòng Philippe Bauđet là ông muốn cử tôi làm đại diện Chính phủ Pháp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận với ông Phạm Văn Đồng tại Genève, ngay sau khi hai ông vào ký hiệp định Pháp - Việt. Nhiệm vụ này hứa hẹn nhiều tế nhị. Việc các lực lượng Liên hiệp Pháp đóng tại Bắc vĩ tuyến 17 phải rút hết xuống miền Nam đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Lịch rút quân đã được vạch ra, quy định chặt chẽ thời điểm rút hết khỏi từng vùng. Hạn chót là đến ngày 19 tháng 5 năm 1955, tức ba trăm ngày sau khi ký Hiệp định Genève phải rút khỏi Hải Phòng là khu vực cuối cùng. Trên thực tế, mặc dù đã có những giải thích nảy sinh trong khoảng thời gian mười tháng quân đội hai bên chung sống với nhau mà các thỏa thuận đã ấn định, những cuộc rút quân vẫn cần phải được tiến hành không có sự cố nghiêm trọng và phải thực hiện đúng kỳ hạn. Đạt được thành công là do tính tích cực của hai bộ tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang hai bên. Ngược lại, người ta có quyền được hỏi, liệu tình cảm của những người Việt Nam sẽ ra sao khi họ tạm thời phải sống chia cắt. Đây là một giải pháp "hợp thời" như đã thực hiện ở Triều Tiền sau khi ngừng bắn. Nhưng ở Việt Nam, cũng gợi nhớ đến hình ảnh xa xưa với bức tường thành còn lại ở Đồng Hới, ghi nhận sự phân tranh giũa chúa Trịnh ở miền Bắc với chúa Nguyễn ờ miền Nam. Đại diện Pháp ở Nam vĩ tuyến 17 lúc này là tướng Ely, Tổng cao ủy, một nhân vật vững vàng, được kính nể, thật sự là một đại sứ và có lẽ còn hơn thế nữa, bởi vì ông còn được lĩnh nhiệm vụ Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Pháp còn đóng tại năm vùng lãnh thổ thuộc Liên bang Đông Dương cũ. Ở miền Bắc, đại diện Pháp, chức vụ lúc đó chưa được ấn định rõ rệt, có những nhiệm vụ chủ yếu như sau: - Cố tìm cách tiếp xúc với những người hôm qua là kẻ thù, ngày xưa là dân bảo hộ của Pháp. - Tránh những sự cố bao giờ cũng đáng lo ngại, xảy ra trong thời điểm Pháp rút quân. - Tạo điều kiện thuận lợi cho những thực dân Pháp muốn rời khỏi Bắc Kỳ. - Bảo đảm an toàn cho việc giữ lại những người muốn ở lại Bắc Kỳ. - Đối với những người đi cũng như những người ở đều phải giải tỏa tranh chấp giữa hai bên Pháp - Việt, đừng để sự việc trở thành nghiêm trọng. - Bố trí các cơ sở văn hóa để có thể tiếp tục hoạt động ở Bắc Việt Nam trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi đã từ chối đề cử của ông Mendès France, và lại quay về đảo Corse. Thật vậy, lúc đó tôi nghĩ rằng có đi Hà Nội cũng chẳng giúp ích gì được. Hơn nữa, sau khi tôi từ Hà Nội trở về Pháp năm 1947, người ta đã tiến hành những biện pháp làm mất uy tín của tôi trong chính sách hòa giải có gắn tên tôi vào đó, dẫn tôi đến quyết định lánh xa các vấn đề Đông Dương. Trong khi tiến hành Hội nghị Genève, tôi đã từ chối lời yêu cầu tham dự, giúp đỡ ông Georges Bidault. Nhưng sau khi tôi đã về Paris hồi tháng 8, ông Pierre Mendès France vẫn ngỏ ý muốn tin cậy tôi. Ngày 15 tháng 8 tôi tới gặp ông Pierre Mendès France là người tôi ít quen biết, nhưng đã từng có lần nói chuyện với ông rất lâu về các vấn đề châu Á, từ ngày ông chưa làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông tiếp tôi rất đơn giản. Chúng tôi trao đổi nhiều về những khía cạnh và những tiến triển dự kiến trong nhiệm vụ mà ông định giao cho tôi. Mendès France hoàn toàn đồng ý nguyện vọng của tôi, tức là tôi sẽ tới Hà Nội như một người "tiếp tục chứ không phải thanh toán" những vấn đề cũ. Hơn nữa, ông Mendès France trong cuộc họp ở Genève cũng đã rất xúc động khi đoàn đại biểu Việt Nam nhiều lần khẳng định là họ mong muốn giữ lại trong đất nước họ một sự hiện diện nào đó của Pháp là nước mà họ thừa nhận vẫn còn cần đến. Khả năng đó đã tạo điều kiện cho nước Pháp trở lại Bắc Kỳ, đi sâu vào châu Á cộng sản và đặc biệt là đến tận biên giới giáp Trung Quốc hiện đã thuộc về Mao Trạch Đông. Mendès France rất thích thú điều này. Ông nói với tôi: "Đến Hà Nội, ông có thể đứng trên bao lơn nhìn vào Trung Quốc". Chính vì vậy tôi đã nghe lời ông và nhiệm vụ này cũng làm tôi thích thú. Tôi nhớ lại, thời kỳ đó người ta thường nói nhiều đến "chung sống hòa bình" và những quan hệ sắp tới với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể là một kinh nghiệm nhằm rút ra nhiều điều phong phú và quý giá.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #78 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:14:48 am » |
|
Nhưng, cuộc chơi này cũng báo trước nhiều khó khăn. Ngày 15 tháng 8 năm 1954 khi rời khỏi trụ sở làm việc của ông Mendès France giữa lúc trời đang nắng chói chang tôi vẫn nghĩ tới những giông tố đang đợi tôi ở đầu bên kia trái đất. Liệu tôi có thực hiện được lời yêu cầu "cứu vãn những gì còn có thể cứu vãn", nối lại sợi dây liên hệ với những người hôm qua còn là những người đối đầu, tiếp tục cuộc đối thoại đã bị đứt quãng từ ngày 3 tháng 12 năm 1946 với Hồ Chí Minh. Thà rằng hồi đó cứ được ở lại Bắc Kỳ dù phải từ bỏ quyền lợi còn hơn là sau tám năm chiến tranh mới quay trở lại!
Ngày 27 tháng 8 tôi tới Sài Gòn. Trong khi chờ tiẽp tục cuộc hành trình tới Hà Nội, tôi có buổi nói chuyện với tướng Ely. Ông tỏ ra không tin tưởng lắm về những kết quả trong sứ mệnh của tôi và ngờ rằng sẽ gặp nhiều vấn đề quan trọng ở Nam Việt Nam.
Liền sau đó tôi gặp Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm là người tôi biết rõ và có những quan hệ tốt, dù ông ta không ưa Pháp, ông thân mật tiếp tôi nhưng công khai tỏ vẻ thất vọng trước việc tôi đi làm nhiệm vụ bên cạnh những người anh em thù địch với ông, tức là những người cộng sản ở Bắc Việt Nam. Ông cho rằng việc tôi giữ chức đại diện Pháp tại Hà Nội, có nghĩa là trên thực tế, nước Pháp đã công nhận Chính phủ Hà Nội. Từ buổi đó, quan hệ giữa Ngô Đình Diệm với tôi ngày càng căng thẳng tới mức ông đã cấm không cho tôi kéo dài sự có mặt ở Nam Việt Nam. Đây là một trong những khó khăn mà tôi sẽ còn gặp phải.
Ngày 31 tháng 8 năm 1954 tôi tới Hà Nội. Ra đón tôi tại sân bay chỉ có một số quan chức người Pháp vì lúc này Hà Nội vẫn còn là khu tập kết của lực lượng Pháp chờ rút vào Nam, Chính phủ Hồ Chí Minh chưa trở về tiếp quản.
Trong hai ngày 5 và 6 tháng 9 tôi thăm một số sĩ quan chủ chốt còn sống sót tại Điện Biên Phủ vừa tới Hà Nội vài ngày trước trong đợt trao trả tù binh, hiện đang nằm điều trị tại viện quân y Lannessan1 (Nay là Viện quân y 108 - ND). Đó là Castries, Lalande, Langlais, Bigeard, Blanchet... và nhiều người khác.
Qua những câu trao đổi với họ, tôi dễ dàng nhận thấy họ ca ngợi phẩm chất chiến đấu của đối phương (hỡi ôi, trong lúc đó Chính phủ và nhiều chỉ huy quân sự Pháp lại coi nhẹ những giá trị này). Đây cũng là vấn đề làm họ cảm thấy cay đắng vì đã hy sinh vô ích trong cuộc chiến tranh kéo dài tám năm. Họ nhờ tôi chuyển thư tới gia đình. Vài hôm sau, trong dịp về Pháp tôi đã chuyển những lá thư này tới từng địa chỉ trong tâm trạng xúc động.
Tôi đã nhân dịp này đề nghị với Chủ tịch Mendès France cho tôi nghiên cứu tình hình tại chỗ trước khi chấp nhận lời đề cử.
Những cảm tưởng mà tôi thu lượm được ở Hà Nội đủ để khuyên khích tôi lao vào nhiệm vụ mà nhiều người coi đó là sứ mệnh hy sinh. Ngày 6 tháng 10, tôi lại lên đường đi Hà Nội với chức danh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chọn, là "Tổng đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".
Khi tới Hà Nội ngày 8 tháng 10, lúc đi bên cầu Doumer tôi gặp đại tá Lefebvre d'Argencé đang dẫn đơn vị cuối cùng rút khỏi thành phố. Rất nhiều báo chí đã đăng tấm ảnh này. Có điều, những tấm ảnh này không ghi được những dòng nước mắt chảy trên má người lính già, lúc ông đứng nghiêm chào chúng tôi và tôi ôm chặt lấy ông.
Phải có niềm tin mãnh liệt vào tương lai mới có thể quên được hình ảnh này.
Trong chương trình làm việc, không dự kiến việc tôi phải gặp Hồ Chí Minh ngay trong buổi đầu tiên cũng như trong thời gian ngắn đầu tiên của tôi tại Hà Nội. Paris đã chỉ thị cho tôi tránh "mọi cuộc tiếp xúc cá nhân và trực tiếp" với ông, trước khi tình hình trở nên sáng sủa. Hơn nữa, mãi tới ngày 10 tháng 10 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới bí mật trở lại thủ đô. Đó cũng là ngày các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam, chủ yếu là sư đoàn 308 nổi tiếng đã tràn ngập Điện Biên Phủ, tiến vào tiếp quản Hà Nội.
Sau khi tôi tới Hà Nội được vài hôm, Phạm Văn Đồng lúc đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo tin cho tôi biết, ngày 17 tháng 10 sẽ tiếp tôi ở Phủ Thủ tướng.
Dinh thự đã từng được đặt trụ sở làm việc của các Thống sứ Pháp tại Bắc Kỳ, nội thất không thay đổi mấy và bây giờ lại được chọn làm nơi làm việc của người đứng đầu ngành hành pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cả Phạm Văn Đồng cũng hầu như không thay đổi. Vẫn tầm vóc cao lớn (so với người Việt Nam) thanh mảnh, trầm tĩnh, vẫn những gò má hóp sâu, cái nhìn chăm chú và rực lửa. Ông mặc bộ đồng phục màu sẫm, cài tất cả các cúc áo, thể hiện vẻ thanh tao khắc khổ. Người du kích chiến khu này đã trở thành người đúng đầu Chính phủ. Tiếng Pháp của ông, nếu còn đượm một chút âm điệu Việt Nam, vẫn luôn luôn uyên bác hiếm thấy, người nghe nhanh chóng nhận ra ông đã từng là một giáo sư.
Chúng tôi đang nói chuyện chung chung, ôn lại những kỷ niệm cũ, thì chợt cửa mở. Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện một cách kín đáo, theo thói quen của ông mà tôi đã từng biết rất rõ.
Phạm Văn Đồng, có lẽ đoán trước sự bất ngờ dành cho tôi, đã đứng lên và mỉm cười.
Hồ Chí Minh! Nhưng có phải là Hồ Chí Minh thật không?
Tôi đã từng được nghe nhiều lần, những nguồn tin khác nhau nhưng rất đáng tin là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị thiệt mạng trong một trận ném bom hồi đang chiến tranh, và một người giống hệt ông đã được chọn để xuất hiện trước công chúng.
Chỉ một thoáng nhìn, tôi đã hiểu ngay đó chỉ là những tin đồn nhảm. Đúng là Hồ Chí Minh thật đang đứng trước mặt tôi, Hồ Chí Minh hôm nay cũng như ngày trước vẫn là người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tám năm - và là tám năm dài dằng dặc - đã trôi qua kể từ năm 1946, điểm thêm cho cng một ít vệt mới. Đôi vai ông hơi trễ xuống, râu tóc ông đã bạc trắng, da ông có vẻ sẫm hơn, nhẵn hơn. Nếu người ông vẫn mảnh dẻ thì mặt ông lại đầy đặn hơn. Riêng có một điểm không hề thay đổi, đó là ánh lửa và sự linh lợi trong cái nhìn cũng như thái độ vừa từ tốn vừa hoạt bát của ông.
Vậy là chúng tôi lại giáp mặt nhau, tám năm sau buổi gặp gỡ ngày 3 tháng 12 năm 1946, lúc đó ông đang yếu mệt, và không che giấu tôi sự lo ngại trước diễn biến tình hình.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
nhinrathegioi
Thành viên

Bài viết: 1023
|
 |
« Trả lời #79 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:17:18 am » |
|
Hồ Chí Minh có vẻ cũng xúc động như tôi. Có lẽ, cũng như tôi, ông đang thấy diễu qua trong trí nhớ những hình ảnh cuộc chiến đấu mà nhân dân Việt Nam đứng lên chống lại đạo quân viễn chinh của Pháp. Hồi đó, chỉ cách đây vài trăm mét, ngày 19 tháng 12 tôi đã bị thương nằm vật trên đường Borgnis Desbordes1 (Nay là phố Tràng Thi) khi chiếc xe bọc thép có vũ trang của tôi bị trúng mìn. Chắc hẳn lúc đó ông cũng nghĩ như tôi đang nghĩ. Nhưng chỉ vài giây sau, ông đã giơ cao hai cánh tay, xòe rộng hai bàn tay, nói với tôi: "Thế nào, ta ôm hôn nhau chứ?". Chúng tôi liền ôm choàng lấy nhau.
Ông tiếp tục nói với tôi:
- Ông thấy đấy, chúng ta đã đánh nhau, đã "chọi" nhau như ông vẫn thường nói ở Paris, trong suốt tám năm, nhưng mà là chiến đãu một cách đàng hoàng, thẳng thắn. Bây giờ hết chiến tranh rồi. Các ông cần phải tiếp tục thẳng thắn, và cùng với sự thẳng thắn đó, chúng ta sẽ cùng nhau thỏa thuận, cùng nhau cộng tác. Ông nghĩ thế nào? Mỗi bên một nửa.
"Cộng tác với nhau". Chắc chắn, đây là điều ông hi vọng. Nhưng mà là, cộng tác dưới một số điều kiện, mà trước hết là sự bình đẳng trong quan hệ ngoại giao. Đây là một vấn đề tế nhị mà nếu không có một giải pháp thỏa đáng thì có thể gây tổn hại, thậm chí có thể khiến cho dự định chung sống hòa bình không thê nào thực hiện được.
Thật vậy. Với chức vụ "Tổng đại diện" của Cộng hòa Pháp, thực chất tôi được thừa nhận lúc nào nước Pháp cũng đón nhận một Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến làm việc tại Paris. Ngay trong lúc này, thư ủy nhiệm trao cho tôi vẫn còn đang soạn thảo kỹ lưỡng và mãi tới ngày 16 tháng 12 tôi mới có thể trình Hồ Chí Minh. Văn bản này được viết rất thận trọng, đã hạn chế rất nhiều mức độ nhiệm vụ của tôi và có thể làm cho Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thất vọng.
Tuy nhiên, ông vẫn cứ coi tôi như một đại sứ thực thụ. Thậm chí, ông còn thừa nhận tôi là một trưởng đoàn ngoại giao trong nhiều năm tôi làm việc ở Bắc Kỳ, chứng minh tầm quan trọng của nhiệm vụ tôi tiến hành cũng như những lợi ích của Pháp đang còn giữ được ở đây. Nhưng, đây chỉ là một cử chỉ xã giao, thiện chí, và có lẽ là sự tín nhiệm cá nhân. Ngày 20 tháng 12, trong bữa "tiệc trà" do ông Phạm Văn Đồng tổ chức để chào mừng tôi sau khi tôi trình thư ủy nhiệm, có mời cả nhiều quan chức Pháp tại Hà Nội, Hồ Chí Minh còn thể hiện thiện chí của ông bằng cách lại bất ngờ xuất hiện, ngồi nói chuyện với chúng tôi một lúc và đề nghị tôi giới thiệu từng người Pháp có mặt với ông.
Tôi dần dần mất đi sự ưu ái đó, khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thấy nước Pháp vẫn chưa đối xử lại bằng quan hệ ngoại giao bình đẳng. Bắt đầu là việc Pháp không cho đặt tại Paris một văn phòng tùy viên thương mại Việt Nam năm 1956, mở đường cho một chuỗi sự kiện đáng tiếc kéo dài. Cho mãi tới năm 1966, khi tướng De Gaulle quay lại nắm chính quyền, Chính phủ Pháp mới mời một Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đại diện cho nước mình tại Pháp. (Đó là ông Mai Văn Bộ, ngày 17 tháng 5 năm 1961 được tiếp nhận là Trưởng phái đoàn thương mại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Pháp, ngày 1 tháng 8 năm 1966 được nâng lên làm Quyền Tổng đại diện và đến ngày 23 tháng 5 năm 1967 mối chính thức là Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là người có phẩm chất công tác được tín nhiệm cao và có nhiều bầu bạn tại Pháp).
Những lý do gì đã ngăn cản Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mendès France và những người kế tục ông, từ sau Hội nghị Genève 1954, không thiết lập quy chế bình đẳng ngoại giao mà Hà Nội chờ đợi? Mọi người ngờ rằng, đó là những phản ứng không nói ra của chính quyền miền Nam Việt Nam và cả của chính quyền Mỹ trước kia đã từng ủng hộ Việt Minh và lãnh tụ của Việt Minh là Hồ Chí Minh (mặc dù đã biết rõ quá khứ và những khát vọng của ông) nay muốn cân bằng đối chọi lại ảnh hưởng của Bắc Việt bằng việc biến Nam Việt thành một pháo đài chống cộng, không chì riêng cho Đông Dương mà cả khu vực Đông Nam Á. Đây chính là chính sách chống cộng do Ngoại trường Mỹ Foster Dulles khởi xướng và khai sinh ra hiệp ước Manilla.
Có lẽ do Ngô Đình Diệm báo động, chính quyền Mỹ đã lo ngại về sự có mặt của tôi ở Bắc Việt Nam tới mức đã thông qua đại sứ Pháp ở Washington buộc Bộ Ngoại giao Pháp phải gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ một bức điện làm dịu tình hình, nói rõ đã hạn chế sứ mệnh của tôi ở Hà Nội, nhằm làm yên lòng Mỹ. Từ ngày 16 tháng 9, ông Jean Daridan là Phó Tổng cao ủy Pháp ở Sài Gòn đã gửi cho tôi một bức thư cá nhân, nói rằng Chính phủ Pháp có vẻ tiếc về bước tiến về phía Hà Nội, và phải đợi tướng Ely từ Washington trở về mới có được những chỉ thị về hoạt động của tôi ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hồi đó, Pháp chưa có những sức mạnh về vật chất và tinh thần để có thể làm trái ý Mỹ. Chúng tôi cũng không muốn làm tổn hại những lợi ích. quan trọng đang còn giữ được ở Nam Việt Nam, đồng thời cũng nghĩ đến những cơ may giữ được những lợi ích này ở miền Bắc cộng sản, nếu để cho chính quyền Bắc Việt được hưởng sự bình đẳng về ngoại giao.
Đó là điều dễ hiểu. Còn điều ít hiểu rõ hơn, đó là sự thiếu thống nhất ý kiến trong chính sách đối ngoại của Pháp. Bởi vì, hoạt động của tôi ở miền Bắc cũng không kém hữu ích so với đại sứ ở miền Nam Việt Nam, căn cứ vào những lý do mà tôi đã viết. Tại sao chúng ta lại không có được những cơ quan đại diện ngang nhau ở hai miền của xứ Đông Dương cũ? Hơn nữa, dù cho ta có nhân nhượng chính quyền Nam Việt Nam, tới mức loại bỏ cơ quan đại diện Pháp ở Hà Nội, thì cũng chưa chắc họ sẽ tỏ ra thích ứng hơn đối với ta. Ngược lại, những nhà cầm quyền Nam Việt Nam còn có thể coi cử chỉ này là một dấu hiệu yếu kém và sẽ còn đưa ra nhiều yêu sách hơn nữa, gây thêm nhiều khó khăn nữa.
Cuối cùng, trong trường hợp phải tổ chức Tổng tuyển cử như Hiệp định Genève ấn định, và nếu Việt Minh giành được thắng lợi như nhiều nhà quan sát nước ngoài đã dự báo, trở thành ông chủ của toàn bộ nước Việt Nam thống nhất, thì điều đó sẽ càng chứng minh sai lầm to lớn của chúng ta là ngay từ đầu đã không có một đại diện xứng đáng bên cạnh họ.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
|