Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:47:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ  (Đọc 5689 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #40 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 05:09:15 pm »

Sĩ quan Trung Quốc ở tất cả mọi cấp đều là các "nhà buôn" đúng nghĩa và công khai. Đó là điều quan tâm chủ yếu của họ. Nhiều người trong bọn họ chỉ khoác bộ quân phục để đi buôn.

Cần nhấn mạnh thêm, những chuyện buôn bán này vẫn được họ coi là hoàn toàn bình thường. Một sĩ quan Trung Quốc, được hỏi về số tiền lương của mình, đã trả lời: "Tuỳ theo từng tháng, bởi vì chúng tôi còn có một khoản phụ thu, một tỷ lệ hoa hồng phần trăm trên các phi vụ buôn bán của ban tham mưu".


Trong vòng vài tháng, các quân nhân Trung Quốc đã dính líu đến nhiều vụ áp - phe đủ loại. Nếu các sĩ quan hải quân "tịch thu" động cơ các tàu hoa tiêu bến cảng Hải Phòng, đưa về Trung Quốc ba chiếc tàu nạo vét của sở Công chính và các sà-lúp rồi bán lại cho các nhà buôn, thì các tướng lục quân lại thích săn lùng ô tô, các cấp úy lại chộp lấy những con ngựa đua, còn lính thường thì đem bán đồ đạc, khung cửa, ống nước, gạch ngói nơi đóng quân.


Việc vận chuyển về Trung Quốc tất cả các chiến lợi phẩm tạp nham này thật không thể nào định giá được, nhưng sơ bộ cũng ước lượng lên tới 250 triệu đồng Đông Dương, tiến hành bằng các đường thuỷ, đường bộ và cả đường hàng không. Không hiếm thấy tại Gia Lâm một vị tướng Trung Quốc khi lên máy bay trở về Côn Minh đã mang theo thảm len, tác phẩm nghệ thuật,... chưa tính đến các ngoại tệ và kim loại quý cất trong hành lý của mọi quân nhân khi quay về nước. Cả một chiếc đàn dương cầm cũng được nhìn thấy đưa lên khoang máy bay của công ty hàng không Trung Quốc.


Rất dễ hiểu, nếu các sĩ quan hoặc viên chức cai trị người Pháp cố gắng lập lại đôi chút trật tự trong các vụ lộn xộn hái ra tiền này thì họ sẽ bị coi như những kẻ quấy rầy. Người Trung Quốc buộc phải chấp nhận sự có mặt của các nhà chức trách người Pháp này, nhưng không có gì ngăn cản được họ làm thất bại nhiệm vụ của người Pháp.


Những câu trả lời dây dưa hoặc thủ đoạn không tiếp nhận là sự chờ đón không thay đổi trước những phản kháng chính đáng nhất của chúng tôi. Ngày 10 tháng 10 rồi tiếp đó là ngày 29 tháng 1 năm 1946 tôi đòi phía Trung Quốc trao trả lại những máy ảnh và máy thu thanh bị Nhật Bản tịch thu không có biên lai chứng nhận. Nhà đương cục Trung Quốc trả lời: "Các máy thu thanh và chụp hình đã được quân đội Nhật Bản giao nộp cho Trung Quốc, không phải là những thứ có thể trả lại cho Pháp". Đúng là Bộ tư lệnh Trung Quốc khó mà trả lại được những vật dụng này vì nó đã được đem bán hết rồi.


Các kho tàng chứa đựng tất cả vật liệu của tư nhân hoặc các công ty kinh doanh trước kia bị Nhật Bản tịch thu cũng chịu chung số phận. Các vật liệu đường sắt, dù nằm trong khu vực công hay tư (như các vật liệu của công ty mỏ Decauville và các công ty nạo vét v.v...) đều bị tháo gỡ, đưa về Trung Quốc.


Các nhà đương cục Trung Quốc giải thích quan điểm của họ như sau: "Quân đội Trung Quốc được lệnh vào Đông Dương tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản, có quyền sở hữu tất cả các tài sản Nhật Bản, Chính phủ Trung Quốc tuyệt đối có quyền phân phối các tài sản đó".


Chính phủ Trung Quốc gánh chịu tất cả! Vậy mà họ đã hoàn toàn xa lạ trước việc buôn bán đang trở thành đặc quyền của các nhà chức trách quân sự địa phương.

Vì vậy, tất cả những thứ gì mà Nhật Ban đã "mó tay" đều là chiến lợi phẩm của Trung Quốc, và tất cả mọi kẻ chiếm được, từ binh nhì đến tổng tư lệnh đều thu gom chiến lợi phẩm này để rồi lại tuồn ra thị trường tại chỗ, hoặc đưa về Trung Quốc.


Các hiệp định ký kết tại Trùng Khánh về việc quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Quốc chỉ càng làm tăng thêm nhịp độ những "vật phẩm" thu gom này và tất cả mọi lý do đều được tận dụng để làm chậm việc hồi hương của quân chiếm đóng.


Việc thay quân vẫn được tiến hành, nhưng rất chậm, do những tiếc nuối của các vị tướng Tàu trước sự kết thúc một quá trình chiếm đóng nhiều bổng lộc.

Ở Hà Nội 15 nghìn quân vẫn cố bám giữ dưới nhiều lý do luôn luôn mới mẻ. Ở Hải Phòng: 14.000. Ở Lào, tướng Lữ chỉ huy sư đoàn 93 Độc lập vẫn ở lại mãi đến tháng 6 năm 1946 với lý do đây là sư đoàn độc lập, không phải tuân theo mệnh lệnh của Lư Hán và ông ta tự mình đặt ra thời gian biểu cho việc rút quân.


Trên thực tế, viên tướng này đã chờ vụ thu hoạch thuốc phiện, và chỉ rời khời Lào sau khi đã tịch thu lúa gạo, trâu bò, cướp bóc dân chúng, chiếm đoạt vụ thu hoạch quý báu.

Trong khi chờ ngày lui quân, quân lính của ông ta đã thường xuyên tiến công làm thiệt hại nặng các đơn vị quân Pháp ở Lào.

Trong vùng đồng bằng Bắc Kỳ, lính Trung Quốc bực tức vì sắp phải ra đi, càng đẩy mạnh những việc gây rối. Đêm 14 rạng 15 tháng 5 năm 1946, một máy bay Pháp bị rơi cách Hà Nội vài kilômét. Lính Trung Quốc đóng tại Hà Đông đã ngăn đoàn xe cứu thương của Pháp được các nhà chức trách Pháp tại Hà Nội đưa tới chỗ máy bay gặp nạn. Những chiếc xe chữ thập đỏ này phải chờ suốt nửa ngày mới được đi tiếp sau khi đã nhiều lần khẩn cầu Bộ tư lệnh quân đội Trung Quốc can thiệp. Một phi công bị thương đã chết do cứu chậm quá.


Ngày 21 tháng 4, nhân dịp lễ Phục sinh, một vụ va chạm nhỏ đã xảy ra giữa một xe tải Pháp với một xe tải Trung Quốc ở ngã tư đường phố Hà Nội. Vụ va chạm bình thường này đã bùng nổ thành một sự cố cực kỳ nghiêm trọng. Trong khi các sĩ quan liên lạc đang có mặt tại chỗ để dàn xếp thì ba chiếc xe tải chở đầy lính Trung Quốc do một sĩ quan cấp cao chỉ huy chạy tới. Lính trên xe nhảy xuống đất, nổ súng vào những người đi dạo trong buổi đẹp trời của mùa xuân Bắc Kỳ. Nửa giờ sau, lính tuần tra của Pháp đi trên xe bọc thép mới tới. Lính Trung Quốc liền núp trong những căn hộ gần đó, từ trên mái nhà và sau khung cửa sổ tiếp tục bắn ra, trong khi binh lính Trung Quốc đóng trong thành Hà Nội cũng toả ra ngoài phố bắn loạn xạ không cần phân biệt vào những đội lính tuần tra, những quân nhân đi lẻ và cả dân thường người Pháp.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #41 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 05:09:53 pm »

Chỉ riêng một sự việc này cũng đủ nói nhiều về thái độ điên khùng của binh lính Trung Quốc. Đây là một bằng chứng trích trong báo cáo của một sĩ quan Pháp:

"Khoảng 16 giờ tôi rời khỏi nhà, đi xe tới địa điểm cấp trên triệu tập. Cách nhà 100 mét, tôi nhìn thấy khoảng 30 lính Trung Quốc đứng chắn đường. Tôi giơ tay phải lên cao rồi bất đầu hãm phanh, dừng xe cách chỗ họ đứng khoảng 10 mét. Chợt tôi vấp phải những làn đạn bắn đi từ ba khẩu tiểu liên Thompson. Tôi vội bỏ chiếc xe Jeep nhày ra ngoài, nằm úp bụng xuống đất, núp sau một gốc cây to. Súng tiểu liên vẫn tiếp tục bắn khoảng hai phút nữa rồi binh lính Trung Quốc xông đến chỗ tôi, lấy chân đá, lấy báng súng nện vào bụng, lẩy tay tát. Bọn họ có hai sĩ quan (một đại uý và một trung uý). Tôi bị lôi đi đứng sát vào tường, hai tay giơ cao, trong khi bốn tên lính Trung Quốc chĩa tiểu liên vào người. Do một phản xạ mà lúc đó chính tôi cũnq không rõ tại sao lại làm được như thế, tôi nằm lăn ra đất trong khi các làn đạn bay qua trên đầu. Tôi nhảy tiếp vào một hành lang cách đó khoảng một mét về phía tay phải. Tôi nhảy tiếp qua một bức tường thấp trong khi làn đạn thứ hai đuổi theo. Tôi lao vào một phố khác. Nhìn thấy một căn hộ cửa mở toang trước mặt, tôi liền chạy luôn vào đó. Tôi đã ở trong nhà của người Pháp, ở bên ngoài, tiếng súng vẫn nổ kéo dài suốt 5 giờ. Từ cửa sổ ngôi nhà tôi đang trú ẩn, tôi nhìn thấy một chiếc xe Jeep chạy qua đang bị lính Trung Quốc đứng sau gốc cây nhằm bắn như một mục tiêu di động. Người lái xe gục xuống trong khi tiếng còi điện trong xe vẫn kêu. Bất chấp đạn bắn, một số người Pháp trong nhà đã lao ra lôi người bị nạn vào cấp cứu.
Khoảng 17 giờ 30, một chiếc xe cứu thương đi tới. Tôi lợi dụng chiếc xe để thoát khỏi nơi trú ẩn.

Tôi xin thề đã kể lại đúng y nguyên sự việc quái gở đã xảy ra".

Trong cơn điên khùng tập thể, lính Trung Quốc còn bắn vào xe chở lãnh sự Anh và tiến công lãnh sự quán Mỹ mà chính quân Pháp đã tới giải vây.


Người ta có thể hình dung được những phản kháng của Pháp là rất mạnh mẽ. Mỹ và Anh cũng cùng phản kháng. Nhưng, mười hai người Pháp đã bị chết, ba mươi người Pháp nữa đang bị thương, bẩy người Việt bị chết, mười bốn người Việt khác bị thương, đó là tổn thất do cơn điên dại bột phát của Trung Quốc.


Những lệnh báo động liên tiếp được phát đi trong khoảng thời gian ấn định để đạo quân chiếm đóng của Trung Quốc tập trung, tập hợp, chuẩn bị lên đường về nước. Có một số đơn vị đã lên đường trở về, lại đột nhiên quay lại như tiếc rẻ, dự định chiếm lại những nơi đóng quân cũ. Một số đơn vị khác lại quyết định đi xuống Hải Phòng để về nước bằng tàu biển, trong khi lộ trình của họ phải dùng đường bộ.


Tóm lại, tất cả bọn họ đều tìm cách tranh thủ thời gian, tìm cách gây ra sự cố vì nghĩ rằng do những sự cố này sẽ được giữ lại trên lãnh thổ Bắc Kỳ. Cuối cùng, mãi tới ngày 18 tháng 9 năm 1946 trung đoàn cuối cùng của sư đoàn danh dự của Tưởng Giới Thạch mới rời Hải Phòng sau khi đã được dùng làm đơn vị bảo vệ cho việc xuống tàu rời khỏi thành phố chiến lợi phẩm này.


Cùng với sự ra đi của 3.200 lính thuộc đơn vị này, cũng chấm dứt sự chiếm đóng miền Bắc Đông Dương của các đội quân do Lư Hán chỉ huy. Nếu tôi đã nhấn mạnh đến thái độ của Trung Quốc trong thời gian này, nếu tôi đã nêu lên hết cả các chi tiết, thì đó không phải là tôi muốn soạn thảo một bản cáo trạng, mà chỉ muốn để mọi người biết rằng, nếu trên trái đất này có một khu vực thể hiện "luật pháp thuộc về kẻ mạnh nhất" thì đó là châu Á. Dựa vào sức mạnh của họ, những người Trung Hoa có trong tay luật pháp của họ. Các đội quân của Trung Quốc đều sống trên người dân, vì vậy không còn nghi ngờ gì nữa, dù là quân của Vân Nam hay quân của Chính phủ Trùng Khánh, những đơn vị này đều có thái độ xử sự như nhau.


Tôi nghĩ, việc tóm tắt tình hình đã xảy ra của các đội quân Tưởng Giới Thạch sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những khó khăn mà chúng tôi phải vật lộn.

Nước Pháp, hỡi ôi, sẽ còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại khác để lấy lại vị trí của mình.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #42 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2021, 02:51:27 pm »

XI
SỢI DÂY CĂNG


Ngay từ khi tới Hà Nội ngày 22 tháng 8 năm 1945, chúng tôi đã phải lao vào một cuộc đấu tranh trên tất cả mọi lĩnh vực, mọi vấn đề, nhỏ nhặt nhất cũng như thiết yếu nhất, không thể nào kế lại hết ở đây những chi tiết. Đó là thời kỳ căng thẳng thần kinh đối với những người Pháp trong những ngày quá dài sống dưới khí hậu Bắc Kỳ. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn của đàn nhện, chúng tôi đã thiết lập lại, đã "giành lại" tất cả những gì trước kia là của Pháp, tấn cả những gì tiêu biểu cho công trình xây dựng của Pháp. Các sở bưu điện, tài chính, bệnh viện đều thu lại được trong tay, sắp xếp lại trật tự để vận hành1 (Sainteny lại bịa đặt. Cho đến khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1945 với Pháp, chính Pháp vẫn phải long trọng thừa nhận không có "nền tài chính riêng". Các sở bưu điện truyền thống, giao thông công chính... và mọi cơ quan khác lẫn do chính phủ ta quản lý - ND).


Mặc dù có sự căng thẳng bao trùm lên những ý định của chúng tôi, muốn tiếp cận với chính phủ cách mạng, tuy nhiên những cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi với những người chủ mới của Việt Nam đang để ngỏ hy vọng có thể đạt được một thoả thuận. Chúng tôi vẫn kiên trì để ngỏ cửa cho những cuộc thương lượng.


Ngày 28 tháng 9 năm 1945, khi tôi đang ở Chandernagor, Allessandri và Pignon đã gặp Hồ Chí Minh. Sau cuộc gặp đầu tiên này, họ đã gửi tới Chandernagor một bức điện đánh giá nhà cách mạng lão thành này là một "nhân vật hùng mạnh và được kính nể".


Ngày 6 tháng 10, họ lại có cuộc nói chuyện nữa với Hồ Chí Minh, người càng ngày càng tỏ rõ là người đứng đầu mới của đất nước Việt Nam.

Khi quay trở lại Hà Nội, tôi cũng đã tiến hành và tiếp tục những cuộc tiếp xúc cá nhân với Hồ Chí Minh. Cùng trong lúc đó, tôi cũng đã thử phát huy các mối quan hệ bằng cách tìm gặp những thủ lĩnh khác của những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc là những người cống khai hoặc bí mật thù địch chống đối chính phủ cách mạng. Ngày 12 và 15 tháng 10 tôi đã cùng với Léon Pignon tiếp xúc với Nguyền Hải Thần, thủ lĩnh Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội thân Quốc dân đảng Trung Quốc, có đảng kỳ rập khuôn theo lá cờ của Trung Hoa Dân quốc. Những lá cờ này được mang theo hành lý của đạo quân Lư Hán đã tung bay ở một số vùng khu vực biên giới. Nhưng tại Hà Nội những lá cờ của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội hãy còn rất thưa thớt.


Những cuộc nói chuyện bí mật của chúng tôi với Nguyễn Hải Thần chẳng đem lại một kết quà nào. Nguyễn Hải Thần nhanh chóng lộ rõ mặt là một nhân vật lu mờ, không có một uy thế nào mà cũng chẳng có một lực lượng nào.

Với Bảo Đại, nay trở thành ông Vĩnh Thuỵ, cố vấn tối cao của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi kém phấn khởi hơn nữa! Ý đồ của tôi đối với Bảo Đại lớn hơn là chuyện muốn gặp lại một cựu hoàng mà cá nhân tôi đã quen biết từ nhiều năm nay. Nhưng Bảo Đại đã lẩn tránh hai cuộc gặp đã hẹn trước. Tõi đành phải chờ đến tận ngày 7 tháng 3 năm 1946 mới được gặp ông vua cũ này khi ông cùng dự với Hồ Chí Minh buổi lễ đón tiếp các nhà ngoại giao nhân dịp Hiệp định Sơ bộ Pháp-Việt vừa được ký kết ngày 6 tháng 3 năm 1946.


Ngoài những câu nói xã giao tẻ nhạt, Bảo Đại từ chối mọi cuộc tiếp xúc.

Còn Việt Nam Quốc dân đảng là đảng phái hồi đó đã đồng ý hoặc buộc phải đứng về phía Việt Minh, cũng tỏ vẻ không muõn tự do tiếp xúc trực tiếp với Pháp.

Vì vậy, chúng tôi chỉ tiếp tục nói chuyện với một mình Hồ Chí Minh. Những cuộc nói chuyện này đã ít nhiều bị đứt nhịp với diễn biến căng thẳng hoặc dồn dập của tình hình.

Cũng như Allessandri và Pignon, ngay từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên với Hồ Chí Minh, tôi đã có ấn tượng đây là một nhân vật khắc khổ, có gương mặt thể hiện rõ tất cả sự thông minh, nghị lực, tinh khôn và tế nhị. Đó là nhân vật hàng đầu nhanh chóng nổi bật rõ nét trên sân khấu chính trị châu Á, không ai sánh kịp. Tôi xin tóm tắt rất sơ lược những gì hồi đó tôi được biết về nhân vật này:


Nguyễn Văn Thành, tức Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Cung, Lý Thuỵ rồi từ 1944 là Hồ Chí Minh, sinh năm 1892 tại tỉnh Nghệ An. Ông là con trai một vị quan lại bị cách chức vì những lý do mà hiện nay vẫn đang còn tranh luận.


Năm mười chín tuổi, Hồ Chí Minh từ biệt gia đình xuống tàu Latouche Tréville làm bồi bếp, khởi đầu một cuộc hành trình dài đưa ông đến Mỹ, Anh, Đức, rồi Paris là nơi ông định cư ở đó. Ông làm rất nhiều nghề, đặt biệt là nghề thợ ảnh. Đó là những cách để ông kiếm sống và để có điều kiện say sưa tham gia các vấn đề chính trị. Ông nghiền ngẫm các tác phẩm Karl Marx và tiếp tục nghiên cứu nhiều ngoại ngữ. Chính vì vậy cho nên ngoài tiếng Việt và nhiều thổ ngữ ở Đông Dương, ông còn nói thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Ông cũng nghiên cứu những ngôn ngữ cơ bản của tiếng Đức.


Năm 1918, ông mở đầu sự nghiệp chính trị của mình bằng cách gửi "Bản yêu sách của nhân dân An-nam" tới Tổng thống Pháp Clemenceau, Thủ tướng Anh Lloyd George và Tổng thống Mỹ Wilson. Từ đó trở đi, con đường dài của người chiến sĩ đấu tranh đã dẫn Hồ Chí Minh tới trung tâm của tổ chức Mác-xít và cách mạng, ở đâu, ông cũng được mọi người chú ý vì tính thông minh, niềm tin tưởng, sự chân thành và cuộc sống khổ hạnh của mình.


Năm 1920 ông dự hội nghị Tours bên cạnh Marcel Cachin. Tại hội nghị này, một bộ phận của Đảng Xã hội Pháp đã chuyển thành Đảng Cộng sản, tách rời khỏi Đệ nhị quốc tế xã hội để gia nhập Đệ tam quốc tế, còn gọi là Quốc tế cộng sản.

Năm 1921 ông thành lập Hội liên hiệp quốc tế các thuộc địa, năm 1922 xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ).

Năm 1923 Hồ Chí Minh đi Matxcơva và đến năm 1925 lại từ Matxcơva Liên Xô đi Quảng Châu Trung Quốc làm việc bên cạnh Borodine. Tại đây ông đã cùng với nhà cách mạng Ấn Độ Koy thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức. Ông đã liên hợp chung quanh mình tất cả những đồng bào của ông có khát vọng đấu tranh chống chính quyền thực dân của Pháp. Ông đã huấn luyện họ, chỉ thị cho họ về nước hoạt động bí mật với nhiệm vụ tạo thành những mầm mống đầu tiên của các phong trào chống Pháp. Sau đó, ông còn tiến hành hoạt động trong các tầng lớp nhân dân Đông Dương tại Thái Lan.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #43 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2021, 02:52:34 pm »

Năm 1927, cánh hữu của Quốc dân đảng Trung Quốc phát động cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh tạm lui dần về Quảng Tây rồi lại trở về Matxcơva.

Cuối năm 1927, sau một thời gian ngắn ở Berlin, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương, ồng về Thái Lan hoạt động rất bí mật cho tới năm 1930 mới sang Hồng Công là nơi các đảng phái ở Đông Dương tới họp nhằm đạt được một sự thoả thuận chỉ trong vài giờ và chỉ với uy tín của mình, Hồ Chí Minh đã thực hiện được sự thống nhất, ông trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Đông Dương và phụ trách tất cả những đảng cộng sản ở Inđônêxia, Thái Lan, Malaixia. Hoạt động của ông thật lớn rộng và do đó, hồi tháng 6 năm 1932 ông đã bị các nhà chức trách người Anh ở Hồng Công bắt giữ lúc ông đang ở Cửu Long. Năm 1933 ông được trả lại tự do nhưng chưa trở về nước vội. Từ bên ngoài, ông chỉ đạo toàn bộ hoạt động cách mạng ở Đông Dương, có liên hệ chặt chẽ với Quốc tế cộng sản và uốn nắn các phong trào cho phù hợp với những diễn biến chính trị ở Pháp. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian từ 1936 đến 1938 là lúc Mặt trận bình dân lên cầm quyền ở Pháp, ông đã chỉ thị hợp tác với Pháp.


Tháng 6 năm 1940, khi Chính phủ Pháp ký Hiệp định ngừng bắn với Đức rồi đến tháng 9 năm đó khi quân đội Nhật Bản tiến vào Bắc Kỳ, Hồ Chí Minh lúc đó đang ở Vân Nam đã phát động cuộc đấu tranh chống Nhật Bản chiếm đóng. Ông cũng lợi dụng đồng thời việc Pháp suy yếu để chuẩn bị phong trào khởi nghĩa.


Tháng 5 năm 1941, Hồ Chí Minh vượt qua tất cả mọi khó khăn trở ngại đã thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.

Việt Minh là tác phẩm của Hồ Chí Minh. Vượt qua nhiều gió to sóng lớn Việt Nam Độc lập Đồng minh đã khiến cho giới cầm quyền của Quốc dân đảng Trung Quốc nể sợ. Chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mệnh Đồng minh hoàn toàn thân Trung Quốc, thậm chí còn bắt giữ Hồ Chí Minh hơn một năm.


Năm 1944, Hồ Chí Minh về nước qua địa phận Quân khu 2 của Pháp đã dấy lên cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên và sau khi Nhật Bản đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945 đã đẩy mạnh hoạt động cách mạng phát triển kỳ diệu.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, ông lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền và tuyên bố nến độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Đó là con người mà nước Pháp phải đối mặt và tôi phải thương lượng đàm phán hơn mười sáu tháng.

Do thông minh, học rộng, hoạt động phi thường, cuộc sống khổ hạnh, tuyệt đối vô tư không chút vụ lợi cá nhân, ông đã đạt được uy tín và sự gần gũi nhân dân không ai sánh kịp. Rất đáng tiếc là nước Pháp đã coi nhẹ, không hiểu hết giá trị và sức mạnh của nhân vật này.


Những lời nói của ông, những cử chỉ của ông, thái độ của ông, con người thật của ông, tất cả đều khẳng định ông không muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp bạo lực.

Có thể khẳng định suốt thời kỳ đó Hồ Chí Minh có khát vọng trở thành một Gandhi của Đông Dương. Chính tư tưởng này đã khiến ông trở thành một nhân vật hiền từ, nhân hậu, được gọi là Bác Hồ, một người yêu thích trẻ em, sẵn sàng chụp ảnh cùng bầy trẻ thơ, nói chuyện thân mật với nông dân trong suốt chặng đường dài đi thăm nước Pháp, thăm hỏi những người Pháp bị thương và ốm đau tại bệnh viện Lanessan v.v...


Thế nhưng, cũng phải khẳng định không chút hoài nghi là Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích thật sự, một mục đích cuối cùng, đó là: Độc lập của Việt Nam.

Hồ Chí Minh không che giấu những tình cảm đó. Ngày 6 tháng 3 năm 1946, sau khi ký những thoả thuận Việt-Pháp tại Hà Nội, khi tôi bày tỏ niềm vui mừng vì đã tách xa được bóng ma xung đột vũ trang, ông trả lời:

- Về phần tôi, tôi chưa hài lòng. Bởi vì, xét cho cùng, chính các ông là người hiện nay đang được lợi. Ông đã biết đấy, tôi còn muốn được hơn thế này. Nhưng, cuối cùng, tôi cũng nghĩ rằng không thể đạt được tất cả mọi thứ chỉ trong một ngày.

Để đạt được những mục đích cuối cùng, Hồ Chí Minh khôn khéo tỏ ra ít đòi hỏi hơn các đối thủ của ông. Trong khi những người này đòi bằng được nền độc lập hoàn toàn và ngay lập tức, coi đó như điều kiện sơ bộ cho mọi cuộc đàm phán, mọi sự thoả thuận thì Hồ Chí Minh lại tuyên bố rằng, ông nhận thức rất rõ không thể đạt được tất cả ngay tức khắc, ông biết tạm thừa nhận một nền độc lập tương đối, tin vào lời tuyên bố của nước Pháp là một thời gian ngắn sắp tới sẽ trao trả độc lập hoàn toàn cho đất nước của ông. Về điểm này, ông rất thành thật. Ông đã đấu tranh cho mục đích này trong ba mươi nhăm năm, ông biết chờ thêm một thời gian nữa.


Đó chính là chính sách giành thắng lợi từng bước đã từng được Mặt trận Việt Minh bày tỏ trong thư gửi cảc nhà chức trách Pháp tại Côn Minh hồi tháng 7 năm 1945.

Để khuyến khích Chính phủ Pháp đàm phán với mình, ông đã gạt bỏ những người đối thoại khác và tỏ ra ít đòi hỏi hơn họ. Độc lập hoàn toàn hay độc lập được hứa hẹn có thời hạn, ông sẵn sàng đi tới một thoả thuận đặc biệt có lợi cho Pháp là nước được ông dành cho một quy chế đặc biệt và rộng rãi ở Việt Nam.


Ông sẵn sàng nhượng bộ Pháp, để Pháp tiếp tục giữ lại những quyền lợi thiết yếu về kinh tế và tài chính, ông dự tính và hoàn toàn cảm thấy Việt Nam rồi sẽ đạt được tất cả từ sự thoả thuận này. Ông nói:

- Chúng tôi muốn tự mình cai quản đất nước mình và nếu tôi đề nghị các ông rút hết các quan cai trị người Pháp về nước thì ngược lại chúng tôi lại cần đến các ông để xây dựng một nước Việt Nam độc lập và hùng mạnh.

Cuối cùng và đây chính là sự tinh tế trong tâm hồn châu Á của Hồ Chí Minh, nhân vật đã từng suốt đời chiến đấu chống đế quốc Pháp, nay lại vui vẻ đề xuất ý tưởng Việt Nam sẽ là nước đầu tiên tham gia xây dựng khối Liên hiệp Pháp mà các kế hoạch thành lập mới vừa soạn thảo xong. Ông muốn giành độc lập cho đất nước của mình và cũng muốn chính nước Pháp tự trao nền độc lập cho Việt Nam.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #44 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2021, 02:53:53 pm »

Ông cũng hiểu rất rõ, để xây dựng một nước Việt Nam theo mô hình những khát vọng của mình, Việt Nam cần phải dựa vào một nước lớn. Ông không muốn dựa vào nước Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch (cũng không nên quên là vào thời điểm đó Mao Trạch Đông hãy còn xa mới làm chủ nhân của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc hồi đó đang trôi theo chủ nghĩa cộng sản thì Tưởng Giới Thạch cũng hãy còn rất mạnh và Mao Trạch Đông cũng mới chỉ thiết lập được chính quyền không quá "vài vết đỏ" trong lãnh thổ rộng lớn mênh mông, uy quyền không thấm vào đâu so với Hồ Chí Minh). Trái với một bộ phận quan trọng trong Đảng của ông, hồi đó, ông cũng không nghiêng về phía đi tìm chỗ dựa ở Matxcơva, dù ông quen biết rất rõ. Về phía Hoa Kỳ, ông cũng đã ngỏ lời nhưng không được đáp ứng. Chỉ còn lại có nước Pháp là nơi tất cả giới trí thức Việt Nam đều hiểu biết ngôn ngữ và văn hoá Pháp, bởi vì tất cả những người lãnh đạo thế hệ mới này của Việt Nam đều trưởng thành từ những trường đại học của Pháp.


Sự gần gũi, sự thoả thuận mà ông hy vọng đạt được với Pháp, không phải xuất phát từ tình cảm mà ông tìm đến, mà là từ sự bắt buộc và lợi ích dân tộc.

Cuối cùng, cũng không nên quên rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam trong khoảng 1945 và đầu 1946 đã "chơi" canh bạc giữ gìn được chính quyền cách mạng dựa vào những thắng lợi của các đảng viên cộng sản Pháp trong cuộc bầu cử vào nước Pháp vừa được giải phóng. Chính từ những nghị sĩ cộng sản này, Hồ Chí Minh tin rằng những khát vọng của Việt Nam sẽ được Chính phủ Pháp ủng hộ và sẽ được thoả mãn không khó khăn gì.


Việc những người cộng sản Pháp bị sút giảm thế lực rồi bị loại khỏi quốc hội hồi mùa xuân 1947 đã buộc những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam phải thay đổi chiến thuật.

Còn trước đó, Hồ Chí Minh vẫn cần đến sự ủng hộ của Pháp để giữ vững chính quyền và khoá miệng những phần tử chống đối. Những kẻ chống đối này là một lực lượng đáng gờm vì họ cùng chung một mục đích như Hồ Chí Minh. Nhưng trên thực tế, có thể ngay từ đầu họ đã bất đồng với Hồ Chí Minh về các phương pháp để đạt mục đích.


Hồ Chí Minh cho rằng cần phải tiến hành theo cách lấn dần từng bước liên tiếp. Ông ghê tởm bạo lực và nghĩ có thể chắc chắn đạt được mục đích bằng thương lượng, ông không ngần ngại cho Pháp những nhượng bộ vì thành thật nghĩ rằng, thương lượng vẫn ít thiệt hại hơn xung đột đẫm máu.


Quan điểm của Hồ Chí Minh đã vấp phải sự chống đối của các phần tử cực đoan. Các đảng phái dân tộc chủ nghĩa Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng được đội quân chiếm đóng của Lư Hán nâng đỡ một cách khôn khéo đã chống lại Hồ Chí Minh tại nhiều tỉnh, thành nhất là ở khu vực biên giới, đi tới xung đột vũ trang. Tình hình này có thể dẫn đến lật đổ chính quyền cách mạng để thay bằng một chính quyền tay sai của Quốc dân đảng Trung Hoa.


Trung thành với những ý tưởng dân chủ, Chính phủ Việt Nam cho rằng cần phải tiến hành tổng tuyển cử để bầu ra đại biểu quốc hội, thành lập một đại hội tư vấn toàn quốc.

Cuộc tổng tuyển cử dự định tiến hành vào ngày 23 tháng 12, đã được Hồ Chí Minh tổ chức nhằm được nhân dân tán thành việc nắm chính quyền. Nhưng sau đó đã phải hoãn lại đến ngày 6 tháng 1 năm 1946.

Sự chống đối của các đảng phái thân Quốc dân đảng Trung Quốc như Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng được dàn dựng một cách khéo léo bởi viên tướng mật vụ nổi tiếng Tiêu Văn khiến Hồ Chí Minh lo lắng.

Tiêu Văn chính là tay sai đáng gờm của các đại lãnh chúa miền Tây Nam Trung Quốc, hiện đang cầm đầu hoạt động phá hoại trên lãnh thổ Đông Dương, nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Tiêu Văn lo ngại Việt Minh củng cố được chính quyền và từ đó người Việt Nam sẽ gần gũi người Pháp, quay lưng lại chế độ Quốc dân đảng Trung Quốc.


Do sức ép của Tiêu Văn, Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã phải tổ chức lại chính quyền, nhận thành lập một chính phủ liên hiệp đoàn kết dân tộc trong đó Nguyễn Hải Thần cầm đầu đảng Việt Cách, được giữ chức Phó chủ tịch.

Hồ Chí Minh khôn khéo thoả hiệp với các địch thủ của mình, chấp nhận cho họ được 70 ghế đại biển (mà 50 đại biểu là của Việt Nam Quốc dân đảng) trong Quốc hội sắp tới của Việt Nam. Với chiến thuật này các đại biểu Việt Minh là những người duy nhất được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội. Quốc hội đầu tiên của Việt Nam gồm 329 đại biểu trong đó hơn 250 là Việt Minh hoặc cảm tình với Việt Minh. Những đại biểu độc lập hoặc không đảng phái sẽ là tấm màn che phủ cho các đại biểu cộng sản với số lượng hạn chế.


Khi lực lượng đối lập nhận ra đã bị nhà cách mạng cao tuổi này xỏ mũi thì đã quá muộn. Ngay cả Tiêu Văn cũng được báo động quá nhiều về ưu thế chính trị và khả năng của các đại biểu Việt Minh trong Quốc hội. Vì vậy, Tiêu Văn đã chạy đua với Pháp, tìm cách sát gần Việt Minh, lôi kéo Việt Minh vào dòng xoáy Trung Quốc và tăng cường các trở ngại ngăn chặn một sự thoả thuận Pháp-Việt.


Cuộc tổng tuyển cử, như đã chờ đợi, đã cho Việt Minh một đa số tuyệt đối với 97% phiếu bầu.

Bây giờ, tôi xin trở lại những cuộc nói chuyện giữa tôi với người đứng đầu chính phủ mới của Việt Nam.

Chúng tôi đã thoả thuận với nhau, tạm giữ kín những cuộc nói chuyện này. Trụ sở Chính phủ Việt Nam và nơi làm việc của tôi đều gần nhau. Thường thường, vào ban đêm tôi mới tới chỗ ở của Hồ Chí Minh, một biệt thự trong công viên nhỏ phố Paul Bert1 (Nay là phố Tràng Tiền - ND).


Léon Pignon cùng đi với tôi rất thường xuyên mang đến những cuộc họp này một trí nhớ rất tốt và một sự hiểu biết rộng lớn về các vấn đề Đông Dương. Hồ Chí Minh cũng thường cho Hoàng Minh Giám, một nhân vật có uy tín của Đảng xã hội Đông Dương, một trong những nhaan vật có quan hệ tích cực nhất giữa Chính phủ Cách mạng Việt Nam và cơ quan Ủy viên Cộng hoà Pháp cùng dự họp. Sau khi hội nghị Fontainebleau thất bại, Giám quay về Việt Nam và trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong suốt thời kỳ đó, ông đã hoạt động rất tích cực và khó biết được khuynh hướng chính xác.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #45 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2021, 02:55:06 pm »

Những cuộc nói chuyện giữa tôi với Hồ Chí Minh và những cộng sự của ông kéo dài gần bảy tháng, xen kẽ bởi những nhịp độ hy vọng và thất vọng. Phủ cao uỷ ở Sài Gòn luôn hỏi và lo ngại và những cuộc nói chuyện tiến triển chậm. Tướng Leclerc muốn hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất đai của mình, đã ấn định Hà Nội là điểm cuối cùng, đang mong chờ quân Pháp được thay thế quân đội Trung Quốc hình như muốn ở lại Bắc Kỳ vĩnh viễn.


Leclerc biết và hiểu rõ nhiệm vụ của ông chỉ có thể kết thúc sau khi quân đội viễn chinh do ông chỉ huy đã chiếm lại toàn bộ phần lãnh thổ Đông Dương ở phía Bắc vĩ tuyến 16 và chủ yếu là chiếm lại Hà Nội, thủ đô trí tuệ và hành chính, trung tâm thần kinh của bán đảo sôi động này.


Người đứng đầu đội quân viễn chinh hiểu rõ mối nguy nếu khi ông đưa quân ra Bắc, Chính phủ Việt Nam rời bỏ Hà Nội rút lên chiến khu đặt tại một khu vực nào đó trong vùng Thượng du, dựa vào biên giới Hoa Việt và dựa vào Trung Quốc để tiến hành kháng chiến chống lại sự quay trở lại của nước Pháp.


Ông cũng hiểu rằng việc đổ bộ lên miền Bắc có nguy cơ vấp phải sự ác cảm, nếu không nói là thù địch của 180.000 quân Trung Quốc được trang bị tốt, đã quyết định bám giữ xứ Bắc Kỳ lâu nhất nếu có thể.

Cũng đáng sợ, nếu thêm vào đạo quân đó của Trung Quốc còn có 30.000 quân Nhật Bản đang là tù binh trên lý thuyết, nhưng việc giải giáp tiến hành rất chậm. Dù đó là tác phong làm việc kiểu châu Á, nhưng không kém phần đáng lo ngại. Leclerc cũng không muốn mạo hiểm đối đầu với một cuộc tổng nổi dậy ở đồng bằng Bắc Kỳ và các tỉnh miền Bắc Trung Kỳ, tự động hoặc bị Chính phủ Cách mạng Việt Nam lôi kéo vào cuộc chiến đấu.


Sự sáng suốt của Leclerc về điểm này đã thể hiện rõ trong từng lá thư cá nhân hoặc từng công văn ông viết gửi cho tôi trong thời kỳ đó. Nhất là, trong báo cáo sáng suốt ngày 27 tháng 3 năm 1946 gửi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp, Leclerc đã trình bày rõ.


Để chuấn bị cho quân đội viễn chinh tiến ra Bắc, nhất thiết phải đạt được hai kết quả ngoại giao.

Một là, một thoả thuận Pháp-Hoa xác nhận việc các đội quân Trung Quốc chiếm đóng Bắc Kỳ rút về nước, thay bằng quân đội viễn chinh Pháp (Hiệp định này sau đó đã được ký tại Trùng Khánh. Đại diện Pháp là đại tá Crépin, được Leclerc uỷ nhiệm đã thoả thuận với Chính phu Trung Quốc về việc thay quân và vấn đề như là Pháp chịu nhượng bộ Trung Quốc trong các lĩnh vực lãnh thổ và kinh tế).


Hai là, một thoả thuận Pháp-Việt trong đó có điều khoản chấp nhận các đội quân Pháp trở lại Bắc Kỳ, nhằm tránh một cuộc nổi dậy khi đội quân này kéo tới.

Hiệp định Pháp-Việt này sẽ giữ lại Hà Nội một chính phủ đáng ngại, đúng vậy, nhưng không đáng sợ bằng để cho chính phủ này rút lên vùng rừng núi Thượng du tiến hành chiến tranh du kích.

Leclerc đã hiểu rõ rất nhanh và biết nhìn xa. Tình hình sau ngày 19 tháng 12 năm 1946, sau ngày chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ, sẽ góp phần chứng minh cho những nhận định đó.

Để theo dõi và thúc đẩy những cuộc nói chuyện với Hồ Chí Minh, Leclerc đã cử một sĩ quan quân báo, trưởng phòng nhì là đại tá Repiton Préneuf thường xuyên liên lạc với tôi tại Hà Nội.

Sau một thời gian dài công tác tại Đông Dương, đạt được một sự tinh tế hiếm có, Repiton cũng là ngươi được tham dự cùng với Leclerc buổi nói chuyện giữa thủ trưởng của mình với các nhà chức trách Đồng minh ở khu vực Viễn Đông. Repiton đã đi theo Leclerc, được mệnh danh là người giải phóng Strasbourg và được cử làm đại diện nước Pháp dự lễ ký chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản ở Tokyo. Repiton là người đặc biệt có khả năng biết đặt vấn đề Đông Dương trong bối cảnh chung của châu Á.


Về phần tôi, ngay từ những ngày đầu tôi không ngừng lo ngại về những hậu quả không lường trước được, nếu xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện ở Việt Nam.

Trong một báo cáo gửi về nước hồi cuối tháng 12 năm 1945, tôi đã tóm tắt những nhân định của minh như sau:

Cuối cùng, cũng cần phải nói rõ không cần giấu giếm, cứ cho rằng Trung Quốc có thể lùi bước không dám đương đầu với một cuộc, xung đột vũ trang với Pháp thì những đơn vị không chính quy của họ vẫn có thể dốc hết sức trợ giúp các lực lượng vũ trang cách mạng người Việt Nam tại các khu vực biên giới mà mọi người đều rõ sự thâm nhập.


Vì vậy, có thể nhận định rằng, nếu muốn dùng sức mạnh vũ khí để khôi phục lại chủ quyền Pháp thì phải sẵn sàng đương đầu với một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn".

Nước Pháp hồi đó liệu đã có ý muốn và nhất là có những phương tiện để lao vào một cuộc phiêu lưu có nguy cơ dẫn nước Pháp "định cư’? trong một cuộc chiến tranh kéo dài vô tận?

Tất cả những gì tôi đã thãy được, nghe được trong chuyến về Pháp ngắn ngày hồi tháng 3 mà Leclerc và nhiều tướng lĩnh, đô đốc đã bộc lộ cảm tưởng trong khi nói chuyện với tôi là phải cố tìm mọi cách tránh giải pháp vũ lực.

Mười ba tháng sau, tức ngày 13 tháng 2 năm 1947 khi chiến tranh đã bùng nổ, trong bản báo cáo về tình hình quân sự tại Bắc Kỳ, tôi đã viết:

"Chúng ta không có phương tiện, cũng không có ý định dấn thân vào một cuộc chiến tranh kéo dài. Vậy mà, tôi thấy rằng hiện nay hình như lại có chủ trương tiến hành những hoạt động quân sự làm phân tán lực lượng của chúng ta và đấy lùi những kết quả đã đạt được ra xa...".

Lúc đó, tôi đã chuẩn bị tiếp nhận quan điểm của tướng Leclerc, trùng hợp hoàn toàn với quan điểm của tôi.

Vì vậy, tôi đã làm việc không ngừng để đạt được hai Hiệp định Pháp-Việt và Pháp - Hoa ký kết tại Hà Nội và tại Trùng Khánh.

Sẽ dài dòng nếu nhắc lại ở đây chi tiết những buổi nói chuyện rất nhiều và rất dài, trong đó Hồ Chí Minh và các cố vấn của ông tranh luận với tôi từng câu, từng chữ để đi tới bản Hiệp định Pháp-Việt. Đã biết bao lần chúng tôi có cảm tưởng không thể nào đạt được thỏa thuận, trước cảm giác thất vọng vì chúng tôi không bao giờ có được tiếng nói chung. Hồ Chí Minh đòi phải được suy nghĩ cẩn thận, phải tham khảo ý kiến các cộng sự, các cố vấn, đôi khi cả cố vấn của ông, tức Bảo Đại.


Về phía tôi, tôi cũng phải thường xuyên hỏi ý kiến Phủ Cao uỷ đặt tại Sài Gòn, trước khi chấp nhận một câu, một chữ trong đàm phán.

Chỉ riêng việc định nghĩa nội dung từ "Độc lập" đã làm những cuộc đối thoại giữa chúng tôi vấp váp nhiều nhất và cũng nhiều lần đứt đoạn.

Nhiều lần, những cuộc đối thoại đứt đoạn này kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, cho tới khi một người trung gian có thiện chí đã tìm cách để những người đối thoại Pháp và Việt Nam lại giáp mặt nhau. Đó là Louis Caput được các giới Việt Nam, phe xã hội hoặc Mác-xít tín nhiệm, coi như một người chân thành, trung thực. Tình hữu nghị của Caput đối với Việt Nam được thể hiện trong việc ông đã ủng hộ nhiều khát vọng của nhân dân Việt Nam, nhưng ông cũng thuộc phái không kém phần hăng hái trong việc bảo vệ sự có mặt và những quyền lợi của Pháp ở Đông Dương.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #46 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2021, 02:56:08 pm »

Mãi tới ngày 16 tháng 2, sau một cuộc họp kéo dài vừa mới được nối lại, lần đầu tiên chúng tôi mới có cảm giác là có khả nàng đạt được thoả thuận. Hồ Chí Minh đã định rõ các khát vọng của ông và những điều kiện do ông đề xuất. Tôi quyết định đi Sài Gòn thỉnh thị ý kiến tướng Leclerc lúc này đang tạm quyền chức vụ Cao uỷ thay đô đốc D’Argenlieu về Pháp công tác, trước khi đệ trình Chính phủ Pháp.


Ngày 18 tháng 2, tôi đi Sài Gòn. Tướng Leclerc là người hiểu rõ sự cần thiết phải đạt được hiệp định, ngày 14 đã điện về Pháp nói rõ, để đạt được hiệp định này thì không ngần ngại tuyên bố danh từ "Độc lập" cho Việt Nam. Trong cuộc gặp tướng Leclerc, chúng tôi đều hiểu ngay là có thể đi tới đích.

Những nét đại cương của đề án này lập tức được điện cho đô đốc d’Argenlieu để ông có thể trình bày với Chính phủ Pháp - Leclerc kết thúc bức điện bằng một câu như sau:

"Tôi nhắc lại, các đề nghị cụ thể của Chính phủ Pháp cần phải được gửi tới ngay, nếu không có thể bỏ lỡ mất cơ hội".

Cũng xin nhấn mạnh, trong bức điện này không có vấn đề phải tuyên bố ngay danh tù "Độc lập".

Phản ứng đầu tiên cùa Paris là thuận lợi. Tôi quay trở lại Hà Nội ngay. Hôm sau, tôi nhận được bản dự thảo Hiệp định về nguyên tắc mà đô đõc D’Argenlieu uỷ nhiệm cho tôi nhân danh Chính phủ Pháp chuyển tới Hồ Chí Minh.

Điện trả lời của Chính phủ Pháp phê chuẩn những điểm đề nghị mà chúng tôi đã gửi đi trong bức điện ngày 18. Có một vài điểm cần xác định thêm, nhưng nội dung cơ bản đã được duyệt.

Đó là công nhận Việt Nam "là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp" mà Chính phủ Hồ Chí Minh đã chọn, trước khi ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3.

Hồi đó, có lời đồn đại nói rằng Chính phủ Pháp đã bị đặt trước "một việc đã rồi". Lời đồn đại này do một số nghị sĩ Pháp đưa ra trong cuộc họp Quốc hội Pháp, nói rằng Chính phủ Pháp chẳng được biết tin gì về những cuộc đàm phán diễn ra tại Hà Nội và mãi tới ngày 7 tháng 3, sau khi hiệp định đã ký kết, mới được báo cáo. Việc chính phủ duyệt y những đề nghị của chúng tôi trước khi ký hiệp định một lần nũa đã chứng minh những lời đồn đại này là không chính xác.


Ngay trước khi ký kết hiệp định, tôi đã gặp Hồ Chí Minh nhiều lần sau khi Chính phủ Pháp từ Paris đã điện trả lời những đề nghị của chúng tôi trình lên chính phủ ngày 18 tháng 2. Đến khi bản hiệp định có thể được ký, tôi cũng đòi nhấn mạnh với vị Chủ tịch Chính phủ Việt Nam là, bên cạnh chữ ký của người đứng đầu chính phủ hiện hành, nên có thêm chữ ký của các đảng phái để phản ánh đầy đủ chính kiến của công luận Việt Nam hồi đó.


Thật vậy, ngày 31 tháng 10 năm 1945, chính phủ cũ của Việt Nam đã từ chức. Số đại biểu Quốc hội cũng đã giảm từ 444 xuống 291. Chính phủ mới thành lập ngày 3 tháng 11 gồm đại đa số là thành phần thân Việt Minh. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Quốc hội Việt Nam họp tại Nhà hát lớn Hà Nội đã biểu quyết bằng hình thức giơ tay, công nhận chính phủ mới, gồm có:

Chủ tịch: Hồ Chí Minh (Việt Minh)

Phó chủ tịch: Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội)

Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc dân đảng)

Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách mạng lão thành ở Huế, thuộc chủ nghĩa dân tộc đi theo chủ nghĩa cộng sản, cựu Tổng biên tập tờ Tiếng Dân.

Cứu tế: Chu Bá Phượng (không đảng phái)

Tài chính: Lê Văn Hiến (Việt Minh)

Quốc phòng: Phan Anh, nguyên Bộ trường Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim

Y tế: Trương Đình Tri, cựu đại úy bác sĩ (Đồng minh hội)

Giáo dục: Đặng Thai Mai (Việt Minh)

Tư pháp: Vũ Đình Hoè (Việt Minh)

Công chính: Trần Đăng Khoa (Nam Kỳ)

Nông nghiệp: Bồ Xuân Luật vốn là trung sĩ lính cảnh vệ Đông Dương, chạy sang Trung Quốc năm 1940 (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội).

Bảo Đại vẫn là cố vấn tối cao của chinh phù này, một chính phủ được thành lập dưới sức ép của tình hình thời cuộc và của những đòi hỏi cấp bách.

Cùng trong lúc tiếp tục đàm phán nhằm cho phép quân đội Pháp trở lại Bắc Kỳ, chúng tôi cững phải tính trước đến khả năng thất bại và chuẩn bị các biện pháp ứng phó.

Đạo quân viễn chinh Pháp đã xuống tàu, nhưng vì những lý do về thuỷ triều, chỉ có thể đổ bộ lên Hải Phòng trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3. Nếu đến thời hạn cuối cùng Hiệp định vẫn chưa được ký kết thì vẫn cứ phải đổ bộ bằng vũ lực và sẽ gặp nhiều rủi ro cho dân chúng Pháp.


Chúng tôi đã thoả thuận với tướng Leclerc, dù thế nào cũng phải đổ bộ đúng hạn định và phải chuẩn bị sẵn những hoạt động quân sự để bảo vệ dân chúng Pháp đang sống tại Hà Nội chống lại những phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam như: nhảy dù biệt kích xuống các điểm nhạy cảm, thả dù vũ khí xuống các binh sĩ Pháp đang bị nhốt tập trung trong thành Hà Nội v.v...


Leclerc đã cử ra Hà Nội trung uý hải quân Philippe Quennouelle, là một trong những trợ lý của thiếu tá Pouchardier, chỉ huy đội biệt kích đã được chỉ định sẽ nhảy dù xuống Hà Nội. Bước ngoặt trong cuộc đàm phán đã cho phép chúng tôi tiết kiệm được các hoạt động quân sự. Sau khi tới Hà Nội, Quennouelle đáng lẽ tham gia đội biệt kích dù thì lại ở bên cạnh tôi để cùng tham gia đàm phán... Hồ Chí Minh rất vui khi gặp Quennouelle và đã có nhã ý gọi viên sĩ quan này một cách rất hóm hỉnh là "Ông nhảy dù".


Đối với tôi "ông nhảy dù" quả là một cộng sự quý, một đồng đội khó ai sánh kịp. Sau này, trong đêm 19 rạng ngày 20 tháng 12 năm 1946, khi bùng nổ chiến tranh, Quennouelle cùng với vài binh sĩ nữa đã bảo vệ trụ sở làm việc của tôi trước sự tiến công của Việt Minh.


Theo dự kiến, Hiệp định sẽ được ký kết chậm nhất là vào đêm ngày 5 rạng ngày 6 tháng 3 năm 1946. Nhưng, mãi tới quá nửa đêm, các nhà thương lượng đôi bên vẫn còn sa lầy trong bế tắc. Pignon và tôi rút về nhà riêng, sau khi đề nghị Hồ Chí Minh suy nghĩ thêm. Tôi cũng nói rất rõ với Hồ Chí Minh, để lại đến hôm sau thì chắc chắn là quá chậm. Hồ Chí Minh cũng biết, các tàu chiến của Pháp chở Leclerc và đội quân viễn chinh đã tới sát bờ biển Bắc Kỳ.


Trong khi đó, từ tối ngày 5 tháng 3, Leclerc đã cho người mang đến cho tôi một thư riêng, trong đó ông đề nghị tôi bằng bất cứ giá nào cũng phải đi đến ký kết. Leclerc đã được báo tin về những ý đồ của các chỉ huy đội quân Lư Hán chiếm đóng Bắc Kỳ đang muốn chống lại quân Pháp đổ bộ, vi phạm hoặc cố làm ra vẻ không biết gì về những thoả thuận đã đạt được giữa Pháp và Trung Quốc tại Trùng Khánh. Vì vậy, ông ngại sẽ xảy ra điều tệ hại nếu đổ bộ mà không có sự thoả thuận.


(Trong lá thư viết tay của đại tá Lecomte là người tham dự cuộc hội đàm giữa đại diện hai ban tham mưu Pháp - Hoa cũng cho biết, trong cuộc họp này phía Pháp đã vấp phải mọi lý do trì hoãn cuộc đổ bộ. Các tướng lĩnh Trung Quốc được biết về giải pháp bó buộc của Leclerc phải đổ bộ đúng hạn định, đã lường được sự thoả thuận của Trung Quốc. Nhưng họ cũng không thể chấp nhận sự nguy hiểm đó. Vì vậy, một người trong hàng ngũ của họ là tướng Tchao có ý thức hơn về thảm kịch đang có nguy cơ xảy ra đã tự chân chinh đi gặp Hồ Chí Minh, đề nghị Hồ Chí Minh thoả thuận với tôi và không ra lệnh chống lại cuộc đồ bộ để tránh một sự bùng nổ chiến tranh toàn diện).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #47 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2021, 08:09:52 am »

XII
HIỆP ĐỊNH 6-3


Cuối cùng, vào lúc rạng đông ngày 6 tháng 3, Hoàng Minh Giám đến chỗ tôi và nói: "Chủ tịch chấp nhận các điều kiện".

Chúng tôi thoả thuận, đến buổi trưa sẽ họp một lần nữa để hoàn chỉnh các Hiệp định Sơ bộ và đến buổi chiều sẽ chính thức ký vào 16 giờ.

Khoảng 9 giờ, tôi được tin binh lính của Lư Hán bắn vào các đơn vị quân Pháp đang ngược dòng sông.

Những tin tức đầu tiên không được rõ lắm, nhưng vẫn có thể hình dung được hiểm hoạ. Sư đoàn quân Trung Quốc viện cớ không nhận được "một cách đầy đủ chính thức'' về thoả thuận giữa Chính phủ Trùng Khánh và Pháp về việc quân Pháp đổ bộ nên đã nổ súng. (Cần nhớ rằng, hôm đó là ngày 6 tháng 3 và thoả thuận Pháp - Hoa đã được ký kết tại Trùng Khánh từ ngày 28 tháng 2!). Một lần nữa, lại có một đơn vị lính Trung Quốc không chịu phụ thuộc vào ban tham mưu của Lư Hán với lý do chỉ tiếp nhận huấn thị của Chính phủ Trung ương ở Trùng Khánh.


Điều đó, ít nhiều cũng là lời giải thích có tính chất tương đối chính thức mà Ban chỉ huy quân đội Tưởng Giới Thạch tại Hà Nội thường sử dụng thay cho lời xin lỗi. Có thể đặt ra câu hỏi một cách đơn giản là, nếu không có sự tiếp tay của ban tham mưu Lư Hán tại Hà Nội và sự xúi giục của các cơ quan mật vụ của tướng Tiêu Văn thì làm sao tướng Uông chỉ huy sư đoàn 130 lại có thể tự ý gây ra sự cố có thể huỷ hoại những cuộc đàm phán Pháp - Việt đang diễn ra tại Hà Nội, kéo dài thèm tình hình căng thẳng và nhân đó cũng kéo dài thêm thời gian đóng quân của Trung Quốc tại Bắc Kỳ.


Những tin tức về cuộc đánh úp này sau đó dần dần được biết rõ hơn. Ở đây tôi chỉ tóm tắt là, giữa lúc các tàu chiến Pháp đang từ từ ngược sông Sài Gòn để cập bến cảng thì bị quân đội Trung Quốc ở hai bên bờ sông bắn thẳng vào họ.


Điều được biết ít hơn, đó là thái độ đáng ca ngợi của các lính thuỷ và lính bộ trên tàu chiến. Họ không hề một chút dao động, binh lính chờ lệnh chống trả. Họ đã chờ lệnh này tới hai mươi phứt, dưới làn đạn súng máy như hoả ngục, giữ nghiêm kỷ luật trong sự bình tĩnh tuyệt vời, chỉ tiến hành thu lượm xác chết và băng bó cho những người bị thương.


Mấy hôm sau, tôi được gặp tại Hà Nội những quan sát viên nước ngoài đã có mặt tại Hải Phòng lúc súng nổ. Họ rất ca ngợi thái độ của đội quân dự bị. Tuỳ viên hải quân Anh nói với tôi, theo ý kiến của riêng ông, thì duy nhất chỉ có quân đội Pháp mới giữ được kỷ luật tới mức dũng cảm như vậy. Nhận xét này là lời cải chính đối với những người sau đó đã vu cáo đạo quân viễn chinh Pháp và đặc biệt là các đơn vị thuộc sư đoàn thiết giáp số 2.


Đến 12 giờ 30 ngày 6 tháng 3, khi Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Pignon và tôi tiếp tục cuộc họp tranh luận cuối cùng thì những cuộc xung đột dữ dội ở Hải Phòng, cách Hà Nội hơn một trăm kilômét đã hoàn toàn chấm dứt.


Các thành viên trong Chính phủ Việt Nam có được biết tin về cuộc xung đột ở Hải Phòng không? Có thể có. Nhưng vẫn có thể nghĩ rằng vì không được biết gì về cuộc đụng độ này, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng không biết tình hình nghiêm trọng do sự việc này gây ra. Hồi đó, họ chưa có mạng lưới thông tin vố tuyến, còn hệ thống thông tin liên lạc của Trung Quốc thì rất tồi.


Về phần tôi, sở dĩ tôi được biết tin này, đó là nhờ các điện đài xách tay mà tôi đã bí mật mang từ Côn Minh về Hà Nội hồi tháng 8 năm 1945. Một số máy đã được đặt tại Hải Phòng. Từ những thiết bị này, trung tá hải quân Legendre, người có hiểu biết sâu sắc về tính cách đội quân của Tường Giới Thạch, ngày hôm đó đã thông báo rất kịp thời cho tôi về bước ngoặt bi thảm của những sự cố ngay khi mới xảy ra.


Tại Hà Nội, đến 13 giờ ngày 6 tháng 3 đã đạt được thoả thuận các điều khoản trong Hiệp định Sơ bộ. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào hồi 16 giờ 30 để ký chính thức.

Trong khi chờ đợi giờ phút lịch sử này, chúng tôi sống trong lo sợ, hồi hộp theo dõi sự phát triển của các hoạt động quân sự tại Hải Phòng và những cuộc đàm phán tiếp theo, chỉ lo các nhà lãnh đạo Việt Nam khống ký nếu họ được biết tin quân đội Trung Quốc chống lại cuộc đổ bộ của Pháp1 (Sainteny lại suy diễn. Ngay sau khi giành được chính quyền, các đường dây điện thoại trong hệ thống bưu điện của ta vẫn hoạt động đều đặn. Tin về cuộc xung đột ở Hải Phòng đã được báo cáo về Hà Nội từ buổi sáng - ND).


Phía Trung Quốc cũng xúc động vì sự chống trả của Pháp đã phá huỷ hàng mấy trăm tấn vũ khí và đạn dược chiến lợi phẩm của Trung Quốc chất đống ở Hải Phòng chờ đưa về Mãn Châu2 (Sainteny tự mâu thuẫn. Phần trước viết: quân Pháp không chống trả. Đến phần này lại khoe đã phá huỷ hàng mấy trăm tấn súng đạn của đội quân Mãn Châu - ND). "Sự cố" Hải Phòng có thể lan rộng thành một đám cháy lớn. Có thể tính đến một cuộc nổi dậy ở vùng đồng bằng do dân chúng phấn khích vì bị lối cuốn vào cuộc tuyên truyền chống Pháp, hoặc sự can thiệp của toàn bộ số quân Trung Quốc đến "ứng cứu" cho sư đoàn 130 của họ đang bị Leclerc "đánh".


Cuối cùng, còn phải tính đến số tù binh Nhật đang tập trung tại Hồng Gai. Trừ số đã chạy theo Việt Minh, số còn lại đang đặt dưới sự quản lý của Trung Quốc và được Trung Quốc đối xử một cách khoan dung rất đáng lo ngại. (Những tin tức tình báo cho biết, phần lớn số tù binh Nhật Bản tại Hồng Gai mà Trung Quốc có nhiệm vụ giải giáp, vẫn được giữ lại vũ khí).


Tất cả những lực lượng chống đối vô kỷ luật, bố trí phân tán và trang bị kém này, Leclerc dứt khoát không thể nào chõng lại được khi chỉ có trong tay khoảng 2000 quân đổ bộ, rút từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ bình định tại Nam Kỳ. May mắn làm sao, đội quân viễn chinh còn có những vũ khí hiện đại và một lực lượng pháo binh rất mạnh của hạm đội.


Ở Bắc Kỳ, 30.000 người Pháp có thể bất ngờ trở thành nạn nhân trong cuộc tổng nổi dậy giữa lúc họ tưởng rằng đã đến đoạn chốt của những đau khổ dai dẳng. Thảm hoạ lo lắng từ tám tháng nay và thường đã may mắn tránh khỏi, thì nay viên tướng Mãn Châu Uông Huân chỉ huy sư đoàn 130 thuộc quân đoàn 53 đóng tại vùng Hải Phòng, có thể lại gây ra bằng cách đột ngột phá hoại toàn bộ sự kiên trì được tiến hành với biết bao nỗ lực và hy sinh.


Đó là sự lo sợ rất dễ hình dung khi chúng tôi chờ đợi giờ phút ký bản Hiệp định Sơ bộ ghi nhận thoả thuận để quân đội Pháp trở lại Bắc Kỳ một cách hoà bình.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #48 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2021, 08:12:02 am »

Tuy nhiên, đến 16 giờ các đại biểu Việt Nam đã tới chỗ hẹn. Đó là một biệt thự mà Hồ Chi Minh đã chọn làm nhà ở. Đây cũng là nơi tiến hành lễ ký Hiệp định.

Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch Quân uỷ hội, Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao và thủ lĩnh Việt Nam Quốc dân đảng, Hoàng Minh Giám, Tống thư ký và là cộng sự viên đắc lực của Hồ Chí Minh, các quan sát viên các nước Đồng minh: Anh, Mỹ, Hoa và cả Pháp nữa vì Hồ Chí Minh muốn Louis Caput (thư ký nhóm Mác-xit Pháp - An-nam) cũng được mời tới dự. Tôi được cử thay mặt Cao uỷ Pháp ở Đông Dương là người đã trao cho tôi các quyền hẹn được Chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp uỷ nhiệm. Cùng đi với tôi có tướng Salan, ông Léon Pignon và vài cộng sự viên cơ quan ủy viên Cộng hoà Pháp tại Hà Nội.


Bản Hiệp định được đọc to trước mặt cử toạ đứng trong phòng. Hồ Chí Minh ký đầu tiên. Liền sau đó, Vũ Hồng Khanh cũng đặt bút ký. Hồ Chí Minh đã buộc được một con người khét tiếng chống Pháp, cầm đầu một lực lượng đối lập hiếu chiến phải ký tên phía dưới chữ ký của ông coi đó như một đảm bảo chống lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc là ông phản bội sự nghiệp giành độc lập của Việt Nam.


Đến lượt tôi ký thay mặt cho nước Pháp.

Như vậy là đã kết thúc một trong những thời kỳ bi thảm nhất mà người Pháp phải trải qua ở Viễn Đông.

Ngày 2 tháng 4, bản Hiệp định Sơ bộ này được bổ sung thêm bằng những điều khoản phụ, do tướng Salan và các uỷ viên hội đồng quốc phòng Việt Nam là Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh soạn thảo và ký tên, chi tiết hoá những điều kiện về việc quân đội Pháp trở lại khu vực Bắc vĩ tuyến 16, việc thay thế quân đội chiếm đóng của Tướng Giới Thạch, việc bố trí nơi đóng quân và thành lập ban chỉ huy hỗn hợp các đơn vị tiếp phòng quân Pháp - Việt.


Hiệp định 6 tháng 3 năm 1946, sau vài lần được phân tích, phê phán, dù sao cũng mang lại quyền được sống cho gần ba mươi nghìn người Pháp, thay đội quân chiếm đóng của Lư Hán bằng đội quân của Leclerc, giữ Việt Nam trong Liên bang Đông Dương.


Hiệp định ngày 6 tháng 3 mới chỉ phác hoạ sơ bộ những nét đại cương và ghi nhận trong tương lai cần đàm phán tiếp những điều khoản đầy đủ hơn để củng cố sự thoả thuận Pháp - Việt. Đây mới chỉ là một cái khung. Sau này cần phải ghi thêm những điều khoản chính xác để đảm bảo một sự hoà đồng tin cậy và một sự hợp tác có kết quả.


8 giờ sáng ngày 7 tháng 3, tôi cho kéo quốc kỳ Pháp tại mặt tiền trụ sở cơ quan Ủy viên Cộng hoà Pháp vừa mới dọn tới ít lâu tại Viện Radium phố Richaud.

Việc cần làm bây giờ là phài tuyên bố, giải thích, để dân chúng Pháp, Việt Nam và người Hoa chấp nhận ý nghĩa, tinh thần, tầm vóc bản Hiệp định vừa ký kết. Tôi nói "chấp nhận" là vì trước khi những từ ngữ chính xác của bản Hiệp định được công bố thì từ hai phía Pháp và Việt Nam đã có những lời phê phán theo từng mức độ từ nhẹ nhàng dè dặt đến dữ dội nhất.


Về phía Pháp, một số kẻ khó bảo bị kích động bởi tư tưởng phục thù rửa hận rất dễ hiểu, không thể chấp nhận bỏ qua cơ hội: "trừng trị" những người An-nam. Người ta sẽ bỏ qua sự trả thù hởi lòng hởi dạ bấy lâu nóng ruột chờ đợi hay sao?


Tuy nhiên, đây chỉ là ý nghĩ của thiểu số. Còn đại đa số người Pháp thì, với tinh thần nhạy cảm trước những thực tế và những quyền lợi của Pháp, họ hiểu ngay thời điểm trả đũa đã qua, bây giờ phải nghĩ đến công việc tái thiết, không nên mất thời giờ nhiều lại quá khứ. Sự nghiệp, công trình của Pháp đã bị lung lay, cần phải củng cố bằng cách cứu vãn những gì có thể cứu được.


Cuối cùng, đồng bào của chúng tôi đã từng quá đau khổ, quá mệt mỏi, cho nên đều đồng ý tiếp thu sự hoà dịu được ghi trong bản Hiệp định, để tận hưởng quyền được sống trên dải đất này. Mãi về sau, chỉ sau khi được núp dưới sự che chở của những cỗ xe bọc thép do tướng Leclerc mang tới, an ninh đã được đảm bảo, đến lúc đó mới lại nảy sinh những lời chỉ trích, phản kháng. Đó là phản ứng tất nhiên, nhưng thật nguy hiểm!


Về phía Việt Nam, tình hình trái ngược hẳn. Hiệp định ngày 6 tháng 3 vừa mới ký đã bị lực lượng đối lập gồm những phần tử cực đoan dân tộc chủ nghĩa, thân Quốc dân đảng Trung Quốc tạo thành phe quá khích, khai thác để chống lại Hồ Chí Minh.


Hồ Chí Minh không lạ gì tâm trạng này. Ông đề nghị với tôi, cùng ra một bản thông các chung, dán trên các đường phố Hà Nội, nội dung như sau: ''Chính phủ Pháp thừa nhận Việt Nam tự thành lập một chính phủ riêng của minh và để cho Việt Nam hoàn toàn tự do trong việc thiết lập chính quyền. Chính phủ Việt Nam không phản đối việc quân đội Pháp trở lại một cách hòa bình để thay thế quân đội Trung Quốc làm nhiệm vụ ở khu vực Đồng Dương từ Bắc vĩ tuyến 16 trở lên.


Việc đầu tiên thực hiện Hiệp định Sơ bộ là đình chỉ mọi cuộc xung đột trên toàn lãnh thổ Đông Dương, 24 giờ sau khi bản thông cáo này được truyền đi trên các làn sóng đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Sài Gòn.

J.R. Sainteny
Ủy viên Cộng hoà Pháp
tại Bắc Đông Dương
Đại diện Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Pháp
                                                                     
Hồ Chí Minh
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
      
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #49 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2021, 08:12:58 am »

Một thông cáo ban hành lệnh đình chỉ các xung đột vũ trang liền sau đó cũng được công bố.

Ngược lại, về phía các Đồng minh của chúng tôi, bản Hiệp định 6 tháng 3 đã được tiếp nhận thoả đáng. Nếu những người Mỹ ở Hà Nội đánh giá bản Hiệp định được ký kết này là "French Victory" (thắng lợi của Pháp) thì họ cũng rất hài lòng được thấy vấn đề Pháp - Việt được giải quyết không đổ máu.


Ở Trùng Khánh, Tưởng Giối Thạch tuyên bố: "Nước Pháp độ lượng một lần nữa đã biết nêu gương".

Tôi không được biết rõ những tình cảm cá nhân của Mahatma Gandhi, nhưng Pandit Nehru tại New Delhi đã công khai bộc lộ sự tán thành nhiệt liệt.

Về phía Hà Lan, họ tìm cách lợi dụng những ảnh hưởng của Hiệp định Pháp - Việt để thử giải quyết vấn đề Inđônêxia đáng lo ngại. Vì vậy, Toàn quyền Hà Lan là Van Mook đã cử hai cộng sự viên chủ chốt là ông Jonkheer Baud và thiếu tá Kooy tỏới Hà Nội một thời gian để nghiên cứu.


Từ Paris, nhiều quan chức gửi đến tôi những công điện, công văn, thư riêng tỏ vẻ nhẹ nhõm trước việc Hiệp định Sơ bộ được công bố.

Cuối buổi sáng ngày 7 tháng 3 năm 1946 tôi tới dinh Thống sứ cũ là nơi hiện đang đặt trụ sở làm việc của chính phủ mới của Việt Nam, gọi là Bắc Bộ phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tôi. Chung quanh ông có Huỳnh Thúc Kháng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ, tức Cựu hoàng Bảo Đại. Theo thông lệ, tiếp theo chuyến thăm xã giao này của tôi là chuyến thăm đáp lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong buổi chiều hôm đó, tới gặp đại diện Pháp tại trụ sở cơ quan Ủy viên Cộng hoà Pháp, ông đến vào lúc 15 giờ, có Bảo Đại đi cùng. Dân chúng Hà Nội đã có thể nhìn thấy ông vua cũ và ông Chủ tịch mới cùng ngồi bên cạnh nhau trong xe, đi qua những đường phố dẫn đến trụ sở của cơ quan tôi.


Sự kiện này được bình luận sôi nổi. Theo tôi, đây là dịp duy nhất để Bảo Đại và Hồ Chí Minh cùng nói chuyện trực diện với đại diện Pháp. Đó cũng là dịp cuối cùng hai nhân vật này cùng công khai xuất hiện. Bởi vì, ngày 9 có tin Bảo Đại đã đột ngột rời Hà Nội, đi Côn Minh bằng một chiếc máy bay Mỹ.


Ngày 8 tháng 3 tôi đi Hải Phòng. Leclerc đã bắt đầu sốt ruột. Ông đang ở trên chiến hạm Sénégalais hoặc Emile Bertin, chưa vào thành phố Hải Phòng và chỉ rời khỏi đội tàu để đi thẳng tới Hà Nội khi có thời cơ thuận tiện, ông luôn đi đi lại lại trèn boong-tàu, chống chiếc gậy chỉ huy đã trở thành. huyền thoại. Trong chuyến đi này chúng tôi không chỉ muốn thu xếp nhanh chóng các thể thức chi tiết về việc đóng quân của đội quân viễn chinh Pháp trong thành phố Hải Phòng mà còn chuẩn bị điều kiện cho đội quân Pháp tiến về thủ đô xứ Bắc Kỳ.


Bộ tư lệnh Lư Hán tại Hà Nội tỏ vẻ dè dặt rất nhiều trước việc để cho quân Pháp tiến vào Hà Nội, lo ngại những hậu quả có thể xảy ra. Những phản ứng của dân chúng Việt Nam sẽ như thẽ nào? Dù cho hết sức nóng ruột xuất phát từ lẽ thường tình của Pháp, chúng tôi cũng không được quên là Trung Quốc đang chịu trách nhiệm trước các nước Đồng minh về việc giữ gìn trật tự tại khu vực Bắc Đông Dương. Nếu Pháp muốn hành động quá nhanh thì phía Trung Quốc là người bảo vệ trật tự phải tìm cách tránh né trách nhiệm này. Vì vậy, phải chờ sự chấp thuận của Trùng Khánh.


Từ đó đã mở ra một loạt những cuộc hội đàm mới giữa Pháp và Trung Quốc, đôi khi cả Pháp - Việt, trong đó mỗi khi vượt qua được một chống đối, một khó khăn, thì lại lập tức nảy sinh một trở ngại khác.


Ngày 9 tháng 3, tôi gặp Leclerc tại Hải Phòng. Cùng đi với tôi có Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh cùng là thành viên cấp Bộ trưởng trong Hội đồng quốc phòng, gọi là Quân sự uỷ viên hội, được Chính phủ Việt Nam cử tới, bày tỏ sự "hoan nghênh quân đội Pháp và người chỉ huy nổi tiếng của đạo quân này".


Hôm trước, trên chiến hạm Emile Bertin, tướng Leclerc đã tiếp Repiton và Phan Mỹ là hai thành viên của tổ chức liên lạc Pháp - Việt vừa mới phôi thai được thành lập.

Buổi tiếp ngày 9 tháng 3 tiến hành trên chiến hạm Sénégalais. Tại đây, người giải phóng Paris và Strasbourg đang cố kìm hãm sự sốt ruột. Võ Nguyên Giáp với tư cách là một người kháng chiến Việt Nam, chào mừng Leclerc là người giải phóng vĩ đại của nước Pháp. Leclerc nói vài câu đáp lại có vẻ không thoải mái lắm. Giáp xác nhận Chính phủ Việt Nam đã quyết định đón nhận các đội quân Pháp tiến vào Bắc Kỳ một cách hữu nghị, như đã ghi nhận trong Hiệp định ký ngày 6 tháng 3, nhưng muốn rằng tất cả chi tiết cụ thể của việc trở lại này phải được dàn xếp tỉ mỉ dựa trên một sự thoả thuận chung. Buổi nói chuyện kết thúc, tôi đề nghị trở về Hà Nội bằng đường bộ, trên chiếc xe ô tô của phái đoàn Anh quốc do tuỳ viên hải quân Anh tự cầm lái.


Khi đi qua nhà máy xi-măng, chúng tôi nhìn thấy việc đổ bộ đang được tiến hành khẩn trương. Những chiếc xe tăng của Pháp đang được cẩu từ tàu chiến lên bờ, dưới ánh sáng của những chiếc đèn pha cực mạnh chiếu đi từ một chiếc tàu đổ bộ.


Trong khi đó, tại Hà Nội, những người Pháp nóng lòng chờ đợi những người tới giải phóng cho họ. Thế nhưng, cuộc tiến quân về Hà Nội vẫn còn gặp hàng ngàn trở ngại, lúc thì từ phía các nhà chức trách Việt Nam, lúc thì từ Ban tham mưu quân đội Lư Hán. Những cuộc họp lại nối tiếp nhau mà chưa có một giải pháp nào xuất hiện. Ban chỉ huy của Lư Hán vẫn bám giữ lập trường không thay đổi là còn phải chờ lệnh từ Trùng Khánh đang bị chậm trễ do trục trặc về phương tiện thông tin vô tuyến hoặc hệ thống bưu điện. (Đây là cách viện lý do hay là sự thật? Thật khó mà nói được). Nhưng, điều chắc chắn là đội quân chiếm đóng của Tưởng Giới Thạch chẳng vui vẻ gì mà kết thúc cuộc sống của họ trên mảnh đất hứa này.


Ngày 16 tháng 3, giữa lúc đang tiếp tục một trong nhiều cuộc họp không đếm xuể, tôi đích thân tới tổng hành dinh của tướng Lư Hán, mời Lư Hán gặp riêng trong phòng khách bên cạnh phòng họp. Sau vài đợt nói chuyện, Tư lệnh tối cao của đạo quân chiếm đóng đồng ý để quân Pháp tiến ngay vào Hà Nội. Thời gian được ấn định vào ngày 18 tháng 3.


Như vậy là, mười hai ngày sau khi đổ bộ lên Hải Phòng, những đơn vị đầu tiên của quân đội Pháp đã tới cầu Doumer hồi 13 giờ ngày 18 tháng 3 năm 1946. Các sĩ quan liên lạc người Việt Nam cùng ngồi trên những chiếc xe bọc thép của quân đội viễn chinh và một trăm kilômét từ Hải Phòng về Hà Nội đã không gặp sự cố gì đáng kể giữa Pháp với Việt Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM