Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:04:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền sóng vỗ - Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh  (Đọc 4282 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:35:12 am »

Như phần trên đã nói, lần đầu tiên làm nhà bê tông cốt thép trên bãi san hô ngập nước ta chưa có kinh nghiệm, lại không có điều kiện thời gian khảo sát thăm dò địa chất một cách đầy đủ, nhưng được sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, sự hỗ trợ của Bộ tư lệnh Công binh, trực tiếp là Bộ tham mưu Hải quân, các đồng chí công binh hải quân đã mạnh dạn, sáng tạo nghiên cứu thiết kế và lập biện pháp thi công đã thành công trong việc xây dựng nhà cấp 1.

Việc xây dựng nhà lâu bền bằng bê tông cốt thép ở các bãi đá san hô ngập nước đòi hỏi không những về kỹ thuật xây dựng mà còn yêu cầu một khối lượng hàng trăm tấn vật liệu xi măng, sắt thép... cho mỗi nhà.

Việc vận chuyển và bốc dỡ lên đảo có nhiều sóng gió, không có thiết bị cầu cảng, hoàn toàn thu công bằng sức người. Yêu cầu vật liệu không được thấm nước mặn, nên xi măng và cát, đá từng bao đều phải được bọc kỹ bằng bao ni lông kín hai, ba lớp rất công phu, tốn kém. Các đồng chí Lê Thương Uyển - Trung đoàn trưởng và Trần Văn Thắng - Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 131 hải quân, đồng chí Phan Năng Giả - Trưởng phòng Công binh hải quân và một số cán bộ kỹ thuật của phòng là những đồng chí trực tiếp nghiên cứu thiết kế và chỉ huy thi công đầu tiên nhà cấp 1 (C1) ở các bãi đá san hô ngập nước ở quần đảo Trường Sa.

Kết quả trong năm 1988, ta làm được tám nhà cấp 1. Trong đó, Trung đoàn 131 có sự phối hợp vận chuyển người, vật liệu xây dựng của các tàu vận tải của Lữ đoàn 125, Cục kinh tế Hải quân, Vùng 4, Tổng cục Hậu cần và Quân khu 5 đã làm được năm nhà ở Tiên Nữ (31-5), Đá Lớn nam (22-7), Đá Đông đông (9-8), Núi Le (20-8), Đá Lát bắc (4-9).

Theo thiết kế kỹ thuật của Hải quân, tỉnh Bình Trị Thiên đã huy động tàu Thuận An 2 và 67 công nhân, kỹ sư, có sự phối hợp tàu vận chuyển vật liệu của hải quân, làm xong nhà cấp 1 ở Đá Nam ngày 4 tháng 8 năm 1988. Tỉnh Nghĩa Bình huy động năm tàu: Quy Nhơn 1, Quy Nhơn 2, Lại Giang, Sông Côn, Ba Tơ và 109 công nhân, kỹ sư có sự phối hợp của Trung đoàn công binh 83 giai đoạn đầu, đã làm xong nhà cấp 1 ở Đá Lớn (bắc) ngày 4 tháng 8 năm 1988. Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng huy động bốn tàu: Sông Thu, Vĩnh Điện, Hà Thân, Phú Vinh và 130 công nhân, kỹ sư làm xong nhà cấp 1 ở Tốc Tan A ngày 8 tháng 8 năm 1988.

Các địa phương còn lại như Phú Khánh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Hải phòng, Quảng Ninh do triển khai chậm, lại bị ảnh hưởng thời tiết nên không thực hiện được như kế hoạch đã đề ra.

Do không thể triển khai làm nhà cấp 1 ở tất cả các nơi mới đóng giữ, trong năm 1988, theo đề nghị của Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Công binh đã thiết kế sản xuất bảy nhà khung sắt. Trong đó, Bộ tư lệnh Công binh thi công xong hai nhà khung sắt ở Đá Tây, Đá Thị vào ngày 12 tháng 7 năm 1988. Còn lại ba nhà khung sắt do Trung đoàn công binh 83 làm xong ở Đá Đông B (31-10) và Trung đoàn công binh 131 làm xong ở Tốc Tan C (31-10) và Thuyền Chài C (1-11-1988).

Sau khi đối phương gây ra đụng độ đổ máu ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, đầu tháng 5 năm 1988, trong một buổi trao đổi về tình hình ở quần đảo Trường Sa có đồng chí Trần Quang Khuê - Phó tham mưu trưởng Vùng 4 cùng dự, với góc độ là cơ quan tham mưu, tôi đề nghị với Tư lệnh Giáp Văn Cương:

- Ta phải tổ chức quân đóng giữ Cô Lin và Len Đao vì khu vực Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao nằm trong cụm Sinh Tồn, trên hành lang của ta đi từ Nam Yết, Sơn Ca qua Sinh Tồn đến Tốc Tan, Phan Vinh, Tiên Nữ, Núi Le... ở cụm Sinh Tồn, đối phương đã chiếm Huygơ, Gạc Ma, nếu để họ chiếm thêm Cô Lin, Len Đao không những chiếm phần lớn cụm Sinh Tồn thường xuyên đối mặt căng thẳng với các đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông của ta mà sẽ gây khó khăn cho hành lang đi lại của tàu thuyền ta ở khu vực này. Đối phương có sức mạnh hải quân, nhưng trước tình hình khu vực và thế giới, sau cuộc đụng độ 14 tháng 3 họ chưa thể làm tới được. Thời điểm này nếu ta có biện pháp tổ chức đóng giữ đúng cách thì đối phương không kịp đẩy ta ra được.

Hiện nay, tàu HQ-505 của ta đang ở Cô Lin, thường xuyên có các tàu chiến đối phương đến khiêu khích hòng đẩy ta ra khỏi nơi đây. Nếu ta không nhanh chóng kiên quyết làm nhà đóng giữ thì đối phương dễ thừa cơ để chiếm những nơi này.

Ban đầu Tư lệnh còn xem xét, vì lúc này tình hình đang căng thẳng nhưng sau đó đồng chí đem trao đổi lấy ý kiến trong Bộ tư lệnh Quân chủng và nhận được sự nhất trí về chủ trương đóng giữ Cô Lin, Len Đao, làm nhà cấp 2 với một kế hoạch, biện pháp cụ thể chặt chẽ nhất là tránh kích thích sự chú ý của đối phương. Tại Sở chỉ huy, tôi trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện kế hoạch này.

Đồng chí Lê Văn Thư - Phó chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng Vùng 4, đồng chí Phạm Công Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 và đồng chí Trần Đình Dần - Phó trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng Trung đoàn công binh 83 được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức việc xây nhà và đóng giữ hai nơi này. Quá trình tổ chức thực hiện như sau:

Tàu HQ-613 có nhiệm vụ chở quân và vật liệu đi xây dựng nhà cấp 2 ở Cô Lin và Len Đao, đến Sinh Tồn lúc 10 giờ ngày 23 tháng 6 năm 1988.

Lúc này ở Cô Lin ta có các tàu HQ-505, HQ-965, HQ-462 và ở Len Đao có các tàu HQ-706, HQ-187.

16 giờ ngày 23 tháng 6, tàu HQ-462, từ Cô Lin đến Len Đao, tiến hành ủi lên bãi cạn Len Đao lúc 1 giờ ngày 24 tháng 6 đã vào vị trí quy định.

14 giờ ngày 25 tháng 6, tàu HQ-706, từ Len Đao về Sinh Tồn gặp HQ-613 để nhận khung nhà sắt và bộ đội công binh Trung đoàn 83 do đồng chí Cù Kim Tài - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 886, chỉ huy thi công xong nhà cấp 2 ở Len Đao.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:35:54 am »

Khi công bỉnh ta đang làm nhà trên đảo thì tàu 727 của đối phương vào gần khiêu khích. Ta gọi loa yêu cầu họ đi khỏi nơi này, không được xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngày 7 tháng 7 năm 1988, bộ phận này đã làm xong nhà khung sắt (cấp 2) cho bộ đội đóng giữ đảo.

17 giờ ngày 27 tháng 6 năm 1988, tàu HQ-613 đã chuyển bộ phận công binh của Tiểu đoàn 887 Trung đoàn công binh 83 do đồng chí Nguyễn Văn Tuân đại đội trưởng đại đội 7 chỉ huy cùng khung nhà sắt sang tàu HQ-965 đang trực ở Cô Lin để làm nhà cấp 2 ở Cô Lin. Đến ngày 10 tháng 7 thì hoàn thành nhà ở cho bộ đội đóng giữ.

Như vậy, trong hơn 8 tháng (từ cuối tháng 10 năm 1987 đến tháng 7 năm 1988) trong chống tranh chấp, bảo vệ chủ quyền của ta ở quần đảo Trường Sa, Hải quân Việt Nam đã cảnh giác, không bị bất ngờ trước âm mưu xâm chiếm biển đảo của đối phương, chủ động nhanh chóng huy động lực lượng và phương tiện, kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách chạy đua với thời gian kịp thời đóng giữ thêm 12 bãi cạn với 23 điểm đóng giữ (có thêm một điểm ở đảo Phan Vinh). Nếu tính cả chín đảo ta đã đóng giữ trước đây thì đến thời điểm này ta đã đóng giữ 21 đảo và bãi cạn với 32 điểm đóng giữ và chặn đứng được các hành động mở rộng xâm chiếm của đối phương. Trong 10 tháng (từ 1-1 đến 31-10-1988) ta làm xong 16 nhà cấp 3, bảy nhà cấp 2 và tám nhà cấp 1 với khối lượng vận chuyển vật liệu 37.281 tấn.

Từ tháng 4 năm 1988, hai đoàn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn công binh 83 do đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tỉnh chỉ huy làm nhiệm vụ phá đá, đào mở luồng ở đảo Đá Lớn và đồng chí Phó trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng Trần Đình Dần chỉ huy đào mở luồng ở Đá Đông, Đá Tây với một khối lượng đào đắp rất lớn, kết hợp thiết bị phao tiêu dẫn đường cho tàu vào lòng hồ để bảo đảm an toàn khi có sóng to, gió lớn.

Nhằm tăng cường công tác phòng không và bảo đảm cho lực lượng không quân hoạt động ở khu vực Trường Sa, ngày 29 tháng 4 năm 1988, Quân chủng Không quân đã tiến hành lắp đặt trạm rađa dẫn đường. Đến ngày 27 tháng 6 năm 1988, Quân chủng Phòng không hoàn thành việc lắp đặt rađa đối không ở đảo Trường Sa.

Song song với việc tiến hành đóng giữ và củng cố mọi mặt những nơi mới đóng giữ, ta khẩn trương tăng cường sức phòng thủ cho các đảo cũ, trang bị thêm vũ khí và củng cố công sự chiến đấu. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng và nêu cao tinh thần cảnh giác, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Công tác huấn luyện quân sự chiến đấu giữ đảo được tích cực tập luyện, có tiến hành kiểm tra bắn đạn thật nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu.

Có thể nói công tác lãnh đạo chỉ huy điều hành bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Sở chỉ huy phía trước được tiến hành một cách toàn diện trong tình hình xảy ra tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa năm 1988. Duy trì các kíp trực chỉ huy, trực ban, trực chiến trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm chỉ huy liên tục trong mọi tình huống. Huy động một số lượng lớn máy thông tin bảo đảm thông tin liên lạc chỉ huy trực tiếp đến 96 đầu mối, kể cả đến từng tàu, từng điểm đảo.

Các đồng trí trực ban các ngành ở Sở chỉ huy có lúc làm việc liên tục cả ngày đêm không lúc nào tỏ ra mệt mỏi, mặc dù sinh hoạt đời sống vật chất còn nhiều khó khăn.

Bộ phận hậu cần phục vụ Sở chỉ huy do đồng chí thiếu tá Ngô Thế Uy - Phó phòng hành chính cơ quan Bộ tư lệnh phụ trách rất chủ động, tích cực tận tụy khắc phục khó khăn trong điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn để bảo đảm tốt việc ăn ở cho cán bộ, chiến sĩ cơ quan và một số đơn vị trực thuộc với một tinh thần “Tất cả cho Trường Sa”.

Tuy về chủ quan có lúc, có nơi vẫn còn những hạn chế nhưng trong hoàn cảnh kinh tế đất nước sau chiến tranh còn nhiều khó khăn, phương tiện tàu thuyền của Hải quân ta còn yếu, môi trường biển hết sức khắc nghiệt trong mùa biển động, trong lúc đó trang bị tàu thuyền của hải quân Trung Quốc, đối tượng tranh chấp chủ quyền lớn hơn ta nhiều lần, với trên 100 tàu các loại, trong đó có 7 tàu khu trục tên lửa; 17 tàu hộ vệ tên lửa, 4 tàu hộ vệ pháo, 23 tàu chiến đấu tuần tiễu(1).

Với tinh thần cảnh giác, kiên cường dũng cảm, mưu trí sáng tạo; với quyết tâm cao không ngại hy sinh, gian khổ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại hiểm nguy; được sự chỉ đạo của trên, sự giúp đỡ của các quân, binh chủng và sự ủng hộ của nhân dân cả nước, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa. Có bốn đơn vị và năm cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều đơn vị và cá nhân được khen trong đợt hoạt động này.


(1) Bảy tàu khu trục tên lửa có số hiệu: 109, 110, 133, 134, 162, 163, 164. 17 tàu hộ vệ tên lửa mang số: 506, 508, 510, 511, 512, 513, 531, 543, 545, 560, 551, 552, 553, 554, 556, 557, 558. Bốn tàu hộ vệ pháo: 501, 502, 503, 529.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:36:49 am »

*
*   *

Năm nào cũng vậy, Quân chủng Hải quân thường cử đoàn cán bộ ra Trường Sa để thăm hỏi bộ đội, đồng thời kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị. Năm nay, tình hình tranh chấp ở quần đảo Trường Sa ngày càng quyết liệt. Sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988, đối phương nổ súng gây đổ máu ở khu vực Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, thì tình hình tranh chấp không chỉ có “khẩu chiến bằng lý lẽ” mà đối phương đã dùng sức mạnh quân sự để xâm chiếm, càng làm cho tình hình tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trưởng Sa đến đỉnh cao trong thế bí của họ. Nếu ta lùi bước thì họ càng lấn tới bằng vũ lực coi như việc hiển nhiên đã rồi.

Từ trước đến nay Việt Nam vẫn chủ trương giải quyết việc tranh chấp trên biển Đông là: “Không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hòa hình...”. Mặc dù, lúc này đối phương đem nhiều tàu chiến nghênh ngang khống chế mặt biển khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng việc bảo vệ chủ quyền ở khu vực này ta vẫn tiến hành theo kế hoạch. Vì vậy, cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1988, tôi dẫn đoàn cán bộ của Quân chủng Hải quân và Vùng 4 đi thăm bộ đội Trường Sa. Chuyến đi nhằm kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và nói rõ cho cán bộ, chiến sĩ hiểu về tình hình đối phương tranh chấp chủ quyền ở một số đảo vừa qua; đồng thời truyền đạt chủ trương, quyết tâm của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng, động viên bộ đội luôn luôn vững vàng có quyết tâm cao, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trước tình hình mới đòi hỏi phải đề cao cảnh giác, hoàn thiện mọi việc để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hơn nữa.

Đoàn gồm trên 60 người đi trên chiếc tàu vận tải HQ-613 do đồng chí Cao Đức Tại làm thuyền trưởng và ba thuyền phó là Phạm Lê Quỳnh, Trần Văn Cương, Hà Văn Quynh. Trong đoàn còn có các đồng chí cán bộ của cơ quan Quân chủng và của Vùng 4. Điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây và sau đó từ bắc xuống nam lần lượt đến các đảo ta đóng giữ. Khi đi qua Subi nơi đối phương mới chiếm giữ ngày 23 tháng 3 năm 1988, tàu ta vẫn đi theo hải trình định sẵn. Khi qua đây có hai tàu vận tải có vũ trang của đối phương đang ở Subi, tôi liền nói với đồng chí Tại thuyền trưởng:

- Cứ đi bình thường, không chuyển hướng gì cả. Tất cả anh em trên tàu bình thản làm việc của mình, đừng làm gì để đối phương hiểu nhầm ta khiêu khích. Đường ta đi, ta cứ đi...

Và cứ thế, tàu ta đi qua, đối phương không có hành động gì thêm. Lần lượt đến các đảo Sơn Ca, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn... rồi đến tàu HQ-505 đang ở Cô Lin. Gặp chúng tôi, anh em tàu HQ-505 và tất cả chúng tôi ai nấy đều vui mừng như bạn bè, đồng chí, người thân lâu ngày gặp lại. Tôi cùng một số anh em tàu HQ-505 đi kiểm tra một lượt khắp tàu này. Cuộc đụng độ để lại một số vết cháy, vết đạn trên thân tàu HQ-505, nhưng cán bộ, chiến sĩ của tàu vẫn vững vàng đứng trên đảo Cô Lin để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, mặc dù những ngày qua, tàu đối phương không ngừng có những hành động khiêu khích uy hiếp.

Cuộc hành trình qua Len Đao rồi đến Sinh Tồn Đông, phải nói rằng đi đến đảo nào trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng hết thảy cán bộ chiến sĩ bảo vệ đảo cũng như các đơn vị công binh làm nhiệm vụ xây dựng các công trình trên đảo đều đầy ắp quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nói chuyện với anh em, tôi thông báo tình hình tranh chấp chủ quyền vừa qua. Thay mặt Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng, tôi biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của các đơn vị, đồng thời yêu cầu cán bộ chiến sĩ ta phải cảnh giác sẵn sàng chiến đấu hơn nữa trong thời gian tới.

Rời đảo Sinh Tồn Đông, trước khi đi về đảo Phan Vinh, chúng tôi đến kiểm tra bãi đá Ba Đầu vì có tin ở đây, có ai đó đã đặt bia chủ quyền. Trên đường đi về Phan Vinh cách xa Ba Đầu khoảng 30 hải lý, tổ quan sát trên tàu báo cáo mạn phải cách 25 hải lý có một tàu lạ đang đi về hướng tàu ta. Ngồi ở đài chỉ huy, tôi nhắc đồng chí Tại thuyền trưởng quan sát theo dõi liên tục mục tiêu này là loại tàu gì? Khoảng 15 phút sau, mục tiêu lộ rõ là một tàu chiến. Đồng chí thuyền trưởng xin ý kiến xử lý. Tôi lệnh cho đồng chí Tại:

- Tàu ta cứ đi bình thường, theo kế hoạch với hướng và tốc độ không đổi. Chú ý theo dõi liên tục, nhận dạng mục tiêu, báo cáo hai phút một lần. Lệnh cho tất cả anh em trên tàu bình tĩnh, trừ những người đang làm nhiệm vụ điều khiển tàu, còn lại tất cả ở tại vị trí của mình, không đi lại lộn xộn. Tất cả đều làm theo lệnh.

Tuy còn ở xa nhưng có thể nhận biết đây là tàu đối phương đang tranh chấp chủ quyền với ta ở khu vực quần đảo Trường Sa. Sau khi xác định mục tiêu này là tàu khu trục tên lửa chạy với tốc độ rất cao theo hướng tiếp cận tàu ta, thuyền trưởng Tại báo cáo:

- Tàu khu trục đi với tốc độ này, có khả năng chặn đánh tàu ta, hoặc húc vào tàu ta, đề nghị thủ trưởng cho tàu ta chuyển hướng đi...

Tôi nói loa to để toàn tàu cùng nghe:

- Bình tĩnh, cứ đi theo hướng và tốc độ không đổi. Biển của ta, chủ quyền của ta, ta cứ đi. Mọi người bình tĩnh, tất cả xử lý theo lệnh của tôi. Ta không có hành động gì khiêu khích, nhưng nếu đối phương có hành động nhảy sang tàu ta, thì kiên quyết đánh trả bằng vũ khí bộ binh đã được trang bị, theo phương án kế hoạch đã được phổ biến quán triệt trước lúc đi. Từng bộ phận, từng tổ, từng người phải sẵn sàng chấp hành theo mệnh lệnh.... Nếu tàu đối phương vào gần, ta dùng loa phản đối như đã hướng dẫn. (Phần này ta đã có chuẩn bị trước lúc đi và đồng chí Tú cán bộ địch vận cùng đi trên tàu).

Tiếp đó, khi mục tiêu đã ở cự ly gần, tôi giải thích thêm để anh em vững tâm hơn:

- Tàu ta là tàu vận tải nhỏ đang đi trên vùng biển của ta, đối phương không có lý do gì để đánh tàu ta được. Tàu đối phương là tàu chiến lớn, đi với tốc độ cao để hòng uy hỉếp ta. Ta cứ bình tĩnh mà đi. Biển đảo của ta, chủ quyền của ta. Nếu đối phương cố tình húc cho tàu ta chìm, thì tàu của chúng không chìm cũng thủng ruột. Chưa có thằng thuyền trưởng nào đang đi trên đại dương lại cậy sức mạnh, có đầy đủ trang bị và vũ khí mạnh hơn để khống chế đối phương mà lại chọn biện pháp hạ sách là “húc tàu” cả.

Quay sang đồng chí Tại thuyền trưởng, tôi bảo:

- Mình đang ngồi ở đài chỉ huy với cậu đây. Cậu cứ bình tĩnh chỉ huy anh em lái tàu. Có việc gì mình sẽ xử lý.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:40:14 am »

Tàu đối phương vẫn hùng hục chạy về phía tàu ta với tốc độ cao. Ở cự ly dùng ống nhòm quan sát thấy tàu khu trục tên lửa này là của Trung Quốc, mang số hiệu 101, là một trong những con tàu của họ đang tham gia tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của ta. Mặc nó, tàu ta vẫn bình thản chạy với hướng và tốc độ không đổi.

Khi cách tàu ta khoảng một hải lý, tàu 101 giảm tốc độ và khi vào cách ta dưới 500m, đối phương chuyển hướng đi song song với tàu ta. Trước tình huống này, tôi nói to:

- Chỉ có nguyên thủ quốc gia, khi đi trên biển mới có tàu chiến lớn hộ tống. Hôm nay tất cả chúng ta đều là “nguyên thủ” đi trên biển có tàu khu trục tên lửa đi hộ tống, như vậy có oai không?

Nghe vậy, cả tàu cười phá lên làm tan bầu không khí căng thẳng. Chạy song song với tàu ta, với khoảng cách 500m, đối phương không biết làm gì hơn khi tàu ta vẫn thản nhiên đi theo kế hoạch. Bám theo tàu ta chừng năm hải lý, tàu đối phương chuyển hướng xa dần và mờ dần. Đọng lại trong tâm trí chúng tôi vẫn là: “Biển, đảo của ta, chủ quyền của ta!”.

Trong chuyến đi đáng nhớ này, tôi có mấy câu thơ kỷ niệm tiêu đề “Mến anh chiến sĩ Trường Sa”.

Đi qua quần đảo Trường Sa
Bao nhiêu kỷ niệm thật là khó quên
Song Tử gần với Đá Nam
Sơn Ca, Núi Thị dặm đường là bao
Xa xa Nam Yết đảo cao
(1)
Nhìn về Đá Lớn hướng vào, hướng ra(2)
Cô Lin mười bốn tháng ba
Len Đao cùng hận Gạc Ma căm hờn.
Qua đây nhìn cụm Sinh Tồn
Đảo nối liền đảo, sóng cồn bãi che
Tốc Tan, Tiên Nữ, Núi Le
Tàu xuôi sóng nước, hướng về Phan Vinh.
Thương nhau biết mấy là tình
(3)
Đá Đông cách trở đội hình liền nhau
An Bang nghĩa nặng, tình sâu
Thuyền Chài nối bước bắc cầu sang ngang
(4)
Bốn mùa nắng sớm chói chang
Đá Tây, Đá Giữa nhìn sang, sáng trời
(5)
Con tàu nhẹ lướt biển khơi
Trường Sa, Đá Lát đầy, vơi thủy triều
Đường đi đến đảo còn nhiều
Dừng chân nghỉ lại buổi chiều đảo xa.
Mến anh chiến sĩ Trường Sa
Ngày đêm giữ đảo của ta kiên cường
Gửi anh tất cả mến thương
Gửi anh tình mẹ - Mẹ hiền Việt Nam

Sau chuyến đi thăm và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu ở các đảo, điều đáng mừng chúng tôi báo cáo lại với Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng là: Cán bộ, chiến sĩ ở đảo rất phẫn nộ đối với hành động của đối phương xâm chiếm chủ quyền lãnh thổ biển đảo của ta vừa qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả, gian khổ, nhưng anh em đều tỏ rõ quyết tâm nêu cao tinh thần cảnh giác không ngừng nỗ lực làm mọi việc để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc. Có nơi chỉ có chiếc tàu nhỏ bé hoặc chiếc nhà cao chân mới dựng lên giữa biển cả mênh mông, nhưng tinh thần người chiến sĩ không hề nghĩ mình đơn lẻ và gửi lời thề quyết tâm chiến đấu giữ đảo, giữ biển đến cùng với Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng và nhân dân cả nước.

Đến đảo và chia tay với cán bộ, chiến sĩ ở đảo trong thời điểm này, để lại trong lòng tôi và mọi người một niềm tin kiêu hãnh, một ký ức, một dấu ấn, một tình đồng chí và bạn chiến đấu không bao giờ phai lạt.


(1) Nam Yết có độ cao hơn các đảo xung quanh.
(2) Khi tàu của ta từ bờ ra khu vực Nam Yết, Sinh Tồn, thường lầy đảo Lớn làm chuẩn để chuyển hướng.
(3) Đối phương chiếm Châu Viên làm ngăn cách giữa Đá Đông với các đảo Phan Vinh, Tốc Tan...
(4) Từ đảo Trường Sa đi Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, ta thưởng lấy đầu bắc của đảo Thuyền Chài làm điểm chuyển hướng.
(5) Đá Giữa là tên gọi cũ của Trường Sa Đông.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:42:02 am »

*
*   *

Với mục đích tăng cường khả năng chiến đấu chi viện đảo, từ ngày 26 đến 29 tháng 10 năm 1988, Quân chủng Hải quân được Bộ Quốc phòng cho tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng chiến đấu chi viện cho lực lượng giữ đảo do đồng chí Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo và tôi với cương vị là Chuẩn đô đốc Phó tư lệnh Tham mưu trưởng được phân công trực tiếp chỉ huy cuộc diễn tập này.

Cuộc diễn tập được tiến hành trên vùng biển thuộc địa phận các tỉnh Phú Khánh, Thuận Hải với sự tham gia lực lượng hải quân trên 30 tàu gồm các tàu tên lửa của Lữ đoàn 172 (Vùng 1), tàu phóng lôi của Lữ đoàn 162 (Vùng 3), tàu 159 AE của Lừ đoàn 171, tàu quét mìn của Lữ đoàn 161 (Vùng 3), tàu vận tài của Lữ đoàn 955 (Vùng 4)...; Tiểu đoàn đặc công nước 861; các trạm rađa của Tiểu đoàn rađa 451 (Vùng 4), các Trạm kỹ thuật vũ khí tên lửa, ngư lôi 63, 67 (Vùng 3), cũng các bộ phận của Sở chỉ huy cơ quan Quân chủng... Lực lượng không quân phối hợp tham gia diễn tập có máy bay MiG-21 của Sư đoàn không quân 372, trực thăng và Sở chỉ huy cơ động.

Trong số lực lượng tham gia diễn tập này có tàu tên lửa HQ-358, HQ-360, các tàu phóng lôi HQ-334, HQ-335; máy bay MiG-21 thực hành bắn đạn thật.

Đồng chí Chuẩn đô đốc Phạm Minh - Phó tư lệnh Quân chủng được phân công chỉ huy lực lượng tàu làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn trường bắn.

Tư lệnh Giáp Văn Cương và Bộ trưởng Quốc phòng đi bằng trực thăng Mi-8 để quan sát theo dõi cuộc diễn tập.

Diễn tập trên biển vào mùa sóng to gió lớn, gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần “Tất cả cho Trường Sa” cán bộ, chiến sĩ đã khắc phục khó khăn, hoàn thành cuộc diễn tập, nâng cao trình độ chiến đấu hiệp đồng của các lực lượng từ diễn tập trên bản đồ đến diễn tập thực binh phân đoạn, tổng hợp và thực hành bắn đạn thật. Khi bắn đạn thật, tàu tên lửa HQ-358 và các tàu phóng lôi HQ-334, HQ-395 đều đạt giỏi hoàn toàn trúng mục tiêu. Riêng tàu HQ-360 có một quả tên lửa không phóng được do trục trặc về kỹ thuật, chỉ huy đã kịp thời ra lệnh dừng bắn để bảo đảm an toàn. Các máy bay MiG-21 của không quân thực hành bắn tên lửa đạt giỏi.

Khó khăn lớn nhất là việc bảo đảm an toàn bắn đạn thật với điều kiện không có một mục tiêu tàu, thuyền, phương tiện nổi nào xuất hiện trên dải bắn của vùng biển rộng, dài có diện tích trên 900 km2. Mặc dù đã có thông báo trước cấm mọi tàu thuyền hoạt động trong dải bắn nhưng việc này rất khó thực hiện. Với quan sát của các trạm rađa và hàng chục tàu cảnh giới kết hợp với máy bay trực thăng ngăn chặn, nhưng hôm đó tôi cũng chỉ chọn được khoảng thời gian ba phút an toàn sạch trường bắn để ra lệnh bắn, vì tàu thuyền của dân ta không ngừng xâm nhập vào khu vực trường bắn. Khu vực này thường xuyên có nhiều tàu, thuyền dân đánh bắt hải sản và hôm nay có thể có một số tàu không nhận được lệnh cấm biển.

Cuộc diễn tập tại thời điểm đang căng thẳng trên vùng biển đã thành công và bảo đảm an toàn tuyệt đối, Thời gian này để bảo đảm phục vụ lãnh đạo chỉ huy của Quân chủng bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam nên phần lớn cơ quan của Quân chủng đều ở Sở chỉ huy tại Thành phố Hồ Chí Minh và thay nhau trực ở Sở chỉ huy Cam Ranh. Tôi vẫn được phân công thường trực chỉ huy tai Cam Ranh để theo dõi, đôn đốc tiếp tục giải quyết công việc bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Trước hết, tập trung củng cố những nơi mới đóng giữ mà trong đó ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, tư tưởng chính trị, cần phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công trình công sự chiến đấu và cải thiện sinh hoạt của bộ đội cùng như tăng sự hiện diện của tàu ta trên quần đảo, nhất là những nơi chi mới có nhà cấp 3.

Củng vào lúc này, tuy là sự bình thường nhưng cũng để lại ấn tượng “Tất cả đang vì Trường Sa” bởi nhiều chuyến xe đưa cán bộ, chiến sĩ và chở vật chất hậu cần, kỹ thuật trên tuyến đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phú Khánh và ngược lại rất quen thuộc với các quán hàng ăn ở thị xã Phan Thiết và những câu chuyện tiếu lâm ngồi trên xe đường dài quên hết mệt mỏi. Từ ấn tượng này tôi chợt nhớ lại những ngày hành quân đi chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mọi người ắp đầy lòng tự hào vào thắng lợi cuối cũng như hôm nay. Chỉ có khác là ngày trước đi bộ hai chân leo núi vượt sông, vượt suối, còn nay được đi bằng ôtô trên đường nhựa dù còn nhiều ổ gà, ổ trâu.

Mặc dù năm 1988, trong tình hình bận nhiều công việc trong công tác tham mưu chỉ huy đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Đảng bộ Bộ tham mưu vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt đảng đều đặn. Tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ 4 theo nhiệm kỳ. Tại đại hội này, tôi và đồng chí Trần Trọng Duyệt lại được bầu làm Bí thư và Phó bí thư Đảng ủy Bộ tham mưu.

Cũng cần nói thêm là trong lúc tình hình tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa đang căng thẳng thì ngày 10 tháng 7 năm 1988, một máy bay của Mỹ bay từ Xingapo đi Subic (Philippin) bị rơi ở khu vực đảo Đá Lớn. Trên máy bay có ba người Mỹ, gồm: Richard Kamanrer, Stein Necker, Michael Rneel, họ may mắn gặp được tàu HQ-11 do đồng chí Nguyễn Quang Tạo làm thuyền trưởng, có đồng chí Chữ Minh Toa - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 chỉ huy đang trực bảo vệ đảo ở đó cứu sống. Cán bộ, chiến sĩ ta không những cứu sống ba người Mỹ mà còn đối xử rất tử tế với họ. Nhưng có lẽ quân đội Mỹ chưa hiểu được truyền thống nhân đạo của người Việt Nam nên đã dùng máy bay có những hành động đe dọa khi ta cho tàu vận tải đưa ba người của họ về đất liền để trao trả cho Mỹ. Sở chỉ huy Quân chủng đã liên tục xử lý đúng đắn trước tình huống đó. Khi ta chuyển giao những người Mỹ gặp nạn cho cơ quan hữu trách, họ rất cảm kích và tỏ lòng biết ơn cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã cứu sống và đối xử rất nhân đạo.

Tình hình ở quần đảo Trường Sa đang hết sức căng thẳng, nhưng chúng ta luôn cảnh giác coi trọng việc bảo vệ chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhất là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của đất nước. Nơi đây không chí có tiềm năng lớn về dầu khí và nguồn tài nguyên thiên nhiên biển đa dạng và giàu có, mà còn là vùng biển nằm trên một đầu mối giao thông hàng hải, hàng không quốc tế. Biển Đông mang tính chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quân sự hết sức quan trọng.

Biển Đông nối thông với mọi hướng. Từ đây qua eo biển Ma-lăc-ca có thể đến Ấn Độ Dương, đến Trung Đông, đến châu Âu, châu Phi. Vượt qua eo biển Ba Si có thể đi vào Thái Bình Dương, đến các cảng của Nhật, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ. Qua các eo biển giữa Phiìippin, Inđônêxia có thể đến Ôxtrâylia và Niu-di-lân rất thuận tiện cho vận chuyển lưu thông hàng hóa thương mại kinh tế, du lịch cũng như cơ động của các lực lượng quân sự.

Trước mắt ở thềm lục địa phía Nam của ta, tài nguyên dầu khí là nguồn lợi kích thích tham vọng của đối phương đang tự nhận chủ quyền vùng biển, thềm lục địa này là của họ. Với luận điệu cho rằng vùng này là ngoại vi của quần đảo Trường Sa, mà quần đảo này thuộc chủ quyền của họ, thực tế, đối phương đã có nhiều lần lén lút thăm dò khảo sát ở đây. Phải khẳng định nơi này là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo như Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, không phải là vùng tranh chấp.

Đặc điểm địa hình thềm lục địa ở phía đông nam nước ta có nhiều bãi san hô đang ngập nước từ trên dưới 5 - 20m như các bãi: Ba Kè, Quế Đường, Huyền Trân, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, là những nơi mà trước đây chúng ta đã có nhận định là đối phương có thể chiếm làm vị trí đứng chân để tranh chấp chủ quyền với ta. Trước hết là tranh chấp khai thác nguồn lợi dầu khí, bởi hiện nay chúng ta đang khai thác dầu khí ở khu vực này(1). Khi xảy ra tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, vấn đề này thêm một lần nữa được khẳng định.


(1) Từ 1986-1989, ta đã khai thác được 2.5 triệu tấn dầu thô ở thềm lục địa phía Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:42:27 am »

*
*   *

Cuối tháng 5 năm 1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương giao cho tôi chuẩn bị thêm những tình hình và các số liệu có liên quan đến khu vực này để đồng chí trực tiếp báo cáo xin chủ trương chỉ đạo của trên.

Sau khi có chủ trương chỉ đạo của trên, tháng 10 năm 1988, Quân chủng Hải quân đã triển khai kế hoạch bảo vệ chủ quyền ở vùng biển và thềm lục địa phía Nam gọi là DKl mà trước hết là tăng cường tuần tra chốt giữ và tiếp sau đó đóng giữ các bãi san hô ngập nước bằng công trình nhà “Trạm kinh tế-khoa học-dịch vụ”. Việc thiết kế và thi công nhà trạm này do Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tảo thực hiện Quân chủng Hải quân tổ chức bảo vệ công trình này trong quá trình di chuyển cũng như thi công trên biển và tiếp nhận công trình này để làm nhiệm vụ bảo vệ. Đồng chí Hoàng Hữu Thái - Phó tư lệnh Quân chủng được Tư lệnh phân công trực tiếp chỉ đạo điều hành công việc này. Đến tháng 3 năm 1989, đồng chí Thái bị ốm, lúc này đồng chí Tư lệnh đang bận tham gia đoàn của Bộ Quốc phòng đi thăm một số nước nên Tư lệnh Quân chủng lại giao cho tôi nhiệm vụ này khi tôi đang ở Cam Ranh.

Như trên đã nói việc thiết kế, thi công nhà “Trạm kinh tế-khoa học-dịch vụ”, Nhà nước trực tiếp giao cho Bộ Giao thông vận tải, còn Hải quân không được phân công tham gia đoạn này mà chỉ cử người theo dõi tiên độ để nhận và sử dụng công trình.

Từ nhận thức xây dựng một công trình trên biển hở nhiều sóng gió lớn là một việc hết sức khó khăn, nhất là việc bảo đảm an toàn và bền vững của công trình có liên quan đến cấu tạo địa chất, sóng gió, dòng chảy... Để nắm được tình hình, tôi và đồng chí Phan Năng Giả - Trưởng phòng Công binh Hải quân đến tận nơi đang hàn ráp công trình để tìm hiểu kỹ hơn. Chúng tôi được đồng chí Thịnh, kỹ sư của Bộ Giao thông vận tải - người đang điều khiển thi công công trình này, hướng dẫn đi xem và giải thích thiết kế kết cấu của công trình nhà trạm.

Chúng tôi thắc mắc là tại sao nhà trạm này cao hàng chục mét được đứng vững bằng cách cắm vào mặt pông tông có trám đầy vữa xi măng, đá với khối lượng lớn làm trọng lực là chân đế của nhà trạm liệu có đứng vững không? Chưa dựa trên tính toán khoa học, nhưng tôi hình dung là làm như thế này nhà trạm đặt trên nền đá san hô chịu sự tác động lớn của sóng gió và dòng chảy sẽ dễ bị trượt, xê dịch và xê dịch trượt dần đến vũng sâu thì nhà sẽ đổ, rất nguy hiểm. Kỹ sư Thịnh giải thích là ở pông tông chân đế có cột bê tông cắm vào nền san hô để cố định vị trí chân đế. Nhưng với thiết kế và thiết bị thi công còn thô sơ như thế này, thì sẽ gặp khó khăn khi đóng cọc cố định qua thân của pông tông chân đế. Thấy tôi còn băn khoăn, kỹ sư Thịnh khẳng định và hứa bảo đảm là nhà dịch vụ này sẽ đứng bền vững trên biển vì đã tính toán đầy đủ các thông số, tác động của sóng gió, dòng chảy... trên biển. Việc thiết kế kỹ thuật bảo đảm an toàn cho công trình đã qua nhiều lần bảo vệ, phản biện do các cơ quan chức năng Nhà nước trực tiếp đánh giá nghiệm thu.

Qua những giải thích của kỹ sư Thịnh, tôi chưa thật tin lắm nhưng nghĩ rằng mình chưa có điều kiện để tính toán kỹ thuật cụ thể, hơn nữa thiết kế của công trình này đã được trên xem xét phê duyệt. Lý lẽ của mình đang ở mức cảm tính, chưa qua những tính toán khoa học, trong khi thời gian giao cho Hải quân tổ chức hạ đặt công trình này trên biển đang đòi hỏi hết sức cấp bách, không được chậm trễ. Nếu để chậm sẽ mất thời cơ ngăn chặn tranh chấp của đối phương nên tôi nghĩ là không có thời gian lùi, để bàn nữa mà cứ phải làm đi đã, tuy chưa thật tin lắm.

Đầu tháng 6 năm 1989, tiến hành kéo nổi công trình nhà trạm đầu tiên đặt ở bãi Phúc Tần gọi là nhà DK1/3. Lần đầu chưa có kinh nghiệm kéo một loại công trình cao lênh khênh trên biển như thế này, nên tôi phải thông qua một kế hoạch đi biển rất chặt chẽ, nhất là công tác bảo đảm an toàn trước sóng gió và đề phòng đối phương chống phá khi tình hình trên biển đang còn căng thẳng. Trước đó, tôi đã hiệp đồng với không quân về kế hoạch phối hợp bảo vệ an toàn cho công việc này. Ta phải thuê tàu kéo Đại Lãnh có mã lực lớn của Công ty trục vớt Bộ Giao thông vận tải kéo công trình này. Thuyền trưởng tàu Đại Lãnh yêu cầu Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân phải ký bảo đảm an toàn với đồng chí ấy. Thực ra, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hải quân đi trên tàu kéo Đại Lãnh và có cả tàu hải quân đi theo bảo vệ thì cũng chẳng cần ký kết gì hơn nữa.

Mặt khác, nếu có ký kết gì thì cán bộ cơ quan Quân chủng đủ thẩm quyền để ký với tàu Đại Lãnh, nhưng trước sự yêu cầu gay gắt của vị thuyền trưởng, mặt khác trong tình hình yêu cầu cấp bách của công tác bảo vệ chủ quyền trên đảo, tôi đồng ý trực tiếp ký bảo đảm an toàn với tàu Đại Lãnh. Ngày 10 tháng 6 năm 1989 nhà DKl/3 được đặt lên bãi Phúc Tần. Khi đặt vào vị trí đã định mới đổ bê tông chân đè, mà chưa kịp đổ bê tông cọc cố định pông tông nên nhà bị lắc mạnh có nhiều khả năng mất an toàn. Trước tình hình đó, tôi và một số cán bộ tham mưu khẩn trương trực tiếp đi ra Phúc Tần để xem xét giải quyết. Sau khi đóng cọc cố định, công trình đỡ rung lắc.

Tiếp đó, ngày 16 tháng 6 năm 1989, nhà DK1/4 được đặt lên bãi Bà Kè cũng bị nghiêng trượt khỏi vị trí đã định ngay từ đầu, nên không sử dụng được.

Việc thiết kế thi công nhà trạm ở DKl theo cách này không bảo đảm, nên sau đó, xây dựng nhà trạm theo cách đóng cọc chân như đã làm nhà trạm DKl/1 tại Tư Chính (3-7-1989). Thực tế nhà DKl/3 ở Phúc Tần bị ảnh hưởng cơn bão số 10 (4-12-1990), trượt dịch dần ra rìa bãi san hô, gặp vũng sâu và bị đổ sập chìm xuống biển.

Quá trình thực hiện chứng tỏ sự băn khoăn về độ tin cậy bảo đảm an toàn cho công trình khi đang thi công lắp ráp trên đất liền không phải không có cơ sở. Tuy nhiên ta không đủ khả năng và điều kiện để xoay chuyển khắc phục với tình hình thực tế lúc bấy giờ như đã nói ở phần trên.

Dù chưa được trọn vẹn, nhưng những công trình đầu tiên như thế này cũng đóng vai trò tác dụng nhất định trong lịch sử, kịp thời góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tôi nghĩ như vậy.

Để tăng cường cho việc bảo vệ chủ quyền ở vùng biển và thềm lục địa phía Nam, thời gian sau này, chúng ta đã xây dựng các nhà “Trạm kinh tế-khoa học-dịch vụ” DK1/6 ở bãi Phúc Nguyên (11-1990), DKl/7 ở bãi Huyền Trân (11-1991), DKl/8 ở bãi Quế Đường (11-991) và DK1/10 ở bãi Cà Mau (4-994).

Tháng 8 tháng 1989, Quân chủng Hải quân thành lập Tiểu đoàn DK1 thuộc Lữ đoàn 171 để lãnh đạo, quản lý các trạm DKl này.

Công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ta là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Tuy mới là khởi đầu, nhưng những việc làm và động thái đấu tranh nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian qua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trực tiếp là Quân chủng Hải quân đã có một sự nỗ lực vượt bậc. Tất cả với một tinh thần tích cực chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:44:14 am »



Tại lễ kỷ niệm 35 năm đường Hồ Chí Minh trên biển và thành lập Lữ đoàn 125 Hải quân (23.10.1961-23.10.1996)



Tư lệnh Hải quân kiểm tra các chế độ hoạt động tàu ngầm P4 của Trung đoàn tàu ngầm M96 Hải quân (1999)



Gặp gỡ cán bộ Lữ đoàn tàu chiến đấu M70 (1998)



Thăm cán bộ Đoàn tên lửa bờ S79 (2000)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:45:55 am »



Sau buổi lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Cục cảnh sát biển (31.8.1998)



Kiểm tra kết quả trên bia bắn đạn thật trong diễn tập chiến đấu bảo vệ căn cứ của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126



Thăm trạn ra đa 590 hải quân (1995)



Đi xuồng chuyển tải vào nhà dàn Trạm kinh tế-khoa học-dịch vụ DK1
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2021, 09:11:19 am »

Chương bảy

Ở BỘ TƯ LỆNH HẢI QUÂN

Đất nước đã thanh bình, nhưng Hải quân ta với chức trách và nhiệm vụ của mình trong hơn 10 năm qua chưa có một ngày hòa bình thực sự vì đang tập trung để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình còn nhiều tranh chấp.

Để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam, sau diễn tập CQ-88, tháng 1 năm 1989, Quân chủng Hải quân quyết định chuyển một phần lực lượng của Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn tàu 171 vào địa bàn Vùng 4 để sẵn sàng cơ động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.

Từ CQ-88, công tác hậu cần hải quân đã chuyển sang hoạt động hậu cần thời chiến để kịp báo đảm hậu cần của sự điều chuyển sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, nhất là việc bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam, huy động hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men... kịp thời đáp ứng cho các lực lượng.

Năm 1989, ngoài việc tập trung bảo vệ chủ quyền biển đảo, công tác tham mưu chỉ huy còn phải hoàn thành một số công việc khác. Trong đó, Bộ tham mưu cùng các Cục chính trị, hậu cần, kỹ thuật lập kế hoạch chỉ đạo giúp Vùng 5 Hải quân rút quân ở Campuchia về nước sau 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế (1979-1989). Vùng 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên đất bạn. Qua bảy đợt rút quân (từ 1-3-1989 đến 25-9-1989), Vùng 5 đã hoàn thành tốt việc rút quân theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Hải quân, thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta.

Cũng trong năm 1989, Bộ tham mưu cũng chủ trì kế hoạch di chuyển các Sở chỉ huy của Quân chủng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cam Ranh về Hải Phòng, đảm bảo duy trì công tác chỉ huy của Quân chủng được liên tục, chặt chẽ cũng như ổn định mọi nền nếp công tác và sinh hoạt.

Tháng 4 năm 1989, tôi tháp tùng Thượng tướng Đoàn Khuê - Tổng Tham mưu trưởng, đi thăm và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của bộ đội đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Ngoài việc thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp kiểm tra bắn đạn thật của một số đảo. Qua tình hình tôi báo cáo và trực tiếp kiểm tra, đồng chí Đoàn Khuê biểu dương cán bộ chiến sĩ Hải quân đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong điều kiện có nhiều khó khăn.

Một vinh dự lớn cho cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên quốc phòng hải quân là ngày 13 tháng 12 năm 1989, Quân chủng Hải quân được Hội đồng Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Để tăng khả năng hiệp đồng chiến đấu chi viện trên biển, cuối năm 1989, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân làm công tác chuẩn bị diễn tập CV-90 hiệp đồng chiến đấu giữa hải quân và không quân vào đầu năm 1990. Tư lệnh Giáp Văn Cương tiếp tục giao cho tôi chủ trì làm kế hoạch và trực tiếp chỉ huy cuộc diễn tập này, trong đó nhấn mạnh luyện tập công tác kiểm tra chuẩn bị kỹ thuật, vũ khí, đạn... Cuộc diễn tập được tiến hành qua các giai đoạn: luyện tập công tác tham mưu chỉ huy trên bản đồ; diễn tập thực binh, hành quân chiến đấu trên biển và bắn đạn thật.

Diễn tập lần này được tiến hành thực binh trên vùng biển của các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, vào thời gian cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1990.

Tham gia diễn tập lần này có các đơn vị của Vùng 1, Vùng 3, Vùng 4, bao gồm các tàu tên lửa HQ-357, HQ-358, HQ-360, HQ-361; các tàu phóng lôi HQ-331, HQ-335, HQ-312, HQ-315; các tàu quét mìn HQ-852, HQ-861, HQ-862, HQ-863 và nhiều tàu phù trợ khác làm nhiệm vụ cảnh giới đảm bảo an toàn và bảo đảm hậu cần. Ngoài ra, còn có các trạm rađa bờ của Vùng 4 và các trạm bảo đảm kỹ thuật, vũ khí của Vùng 3. Tham gia diễn tập có cơ quan của Bộ tư lệnh Quân chủng và của các vùng hải quân.

Lực lượng không quân tham gia có các máy bay MiG-21, trực thăng Mi-8 và Sở chỉ huy hiệp đồng.

Sở chỉ huy diễn tập thực binh bắn đạn đặt tại đảo Cù Lao Thu. Tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy diễn tập thực binh này.

Kết quả bắn đạn thật các tàu tên lửa HQ-358, HQ-361; các tàu phóng lôi HQ-331, HQ-335 và các máy bay MiG-21 của không quân đều bắn trúng mục tiêu, đạt loại giỏi. Cuộc diễn tập đạt kết quả rất tốt và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cán bộ, chiến sĩ và nhất là anh em ở các tàu, trải qua nhiều khó khăn, vất vả, song mọi người đều rất phấn khởi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2021, 09:11:55 am »

Đồng chí Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng Hải quân là người trực tiếp duyệt kế hoạch diễn tập này. Vậy nhưng khi bước vào diễn tập thì chẳng may Tư lệnh bị ốm nặng, không tham gia được. Và đồng chí Giáp Văn Cương đã ra đi mãi mãi khi cuộc diễn tập đang vào giai đoạn thực binh bắn đạn thật. Đồng chí mất đi để lại nhiều tiếc thương cho cán bộ, chiến sĩ hải quân.

Sau khi đồng chí Giáp Văn Cương mất, đồng chí Hoàng Hữu Thái - Phó tư lệnh được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Năm 1990, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân chủ trương tăng cường sức phòng thủ ở quần đảo Trường Sa và DK1 bằng tăng cường trang bị, xây dựng công sự chiến đấu lâu bền, tăng cường công tác kỹ thuật, hậu cần và coi trọng hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng và xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng hơn nữa lực lượng chiến đấu chi viện đảo.

Để tăng cường sẵn sàng chiến đấu ở các vùng biển, ngày 27 tháng 7 năm 1990, Quân chủng điều Lữ đoàn tàu tên lửa 172 từ Vùng 1 về trực thuộc Vùng 3. Tôi trực tiếp chỉ đạo Vùng 1 và Vùng 3 tổ chức thực hiện việc này. Ngày 4 tháng 10 năm 1990, sáp nhập Lữ đoàn 162 tàu phóng lôi và Lữ đoàn 172 tàu tên lửa thành một Lữ đoàn tàu tên lửa, tàu phóng lôi, lấy phiên hiệu là Lữ đoàn 172 trực thuộc Vùng 3.

Cuối năm 1990 đầu năm 1991, các đơn vị trong quân đội đang tập trung chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quân lần thứ V, và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Thời gian này tôi được cử đi học lớp chính trị của cán bộ quân sự cao cấp tại Học viện Chính trị-Quân sự. Được học tập bồi dưỡng lý luận chính trị cũng là một dịp tốt, trước đó năm 1986, tôi đã được học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Vì đi học vào thời kỳ đơn vị của mình đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, nên học viên của lớp học này vẫn không cắt đảng số ở đơn vị. Tổng cục Chính trị hướng dẫn là số học viên này vẫn ứng cử hoặc được đề cử đi dự Đại hội Đảng ở đơn vị mình. Hướng dẫn này cũng được thông báo cho các đơn vị biết. Sau đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy Quân chủng có gửi công văn cho Học viện Chính trị - Quân sự, thông báo ngày đại hội Đảng các cấp của Hải quân để tôi có thể về dự. Được sự đồng ý của Học viện, tôi lần lượt về tham dự từ đại hội chi bộ đến Đại hội Đảng bộ Quân chủng Hải quân (vòng 1).

Tuy nhiên, ngày 24 tháng 3 năm 1991, trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng khóa 7 một ngày, tôi bất ngờ nhận được quyết định là thôi kiêm chức Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân và một quyết định nữa là thôi làm Bí thư Đảng ủy Bộ tham mưu. Cả hai quyết định này đều do đồng chí Bí thư Đảng ủy Quân chủng công bố, trong khi tôi không hề được bàn bạc trao đổi gì cả ở Thường vụ Đảng ủy Quân chủng cũng như ở Đảng ủy Bộ tham mưu và cũng không hề được hỏi ý kiến gì về vấn đề này, mặc dù lúc này tôi đang là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân chủng và là Bí thư Đảng ủy Bộ tham mưu.

Trước những vấn đề này, tuy có lấn cấn song tôi vẫn tự nhủ: Lúc này cần tập trung cho thành công của Đại hội Đảng, có ý kiến gì thì đừng xuất phát từ lợi ích cá nhân, phải vì sự đoàn kết của Đảng bộ. Trước hết, bình tĩnh trao đổi ý kiến với các đồng chí. “Sự tín nhiệm của đại hội với mình là do mình có xứng đáng hay không!”. Kết quả ở Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng Hải quân khóa 7 (vòng 1) diễn ra từ ngày 25 đến 30 tháng 3 năm 1991, tôi trúng cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quân khóa V vào thời gian từ 23 đến 27 tháng 4 năm 1991.

Tại Đại hội Đảng bộ Quân chủng (vòng 2) từ 24 đến 28 tháng 9 năm 1991, tôi trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ và tiếp tục được bầu làm ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân chủng.

Ngày 20 tháng 6 năm 1991, kết thúc khóa học ở Học viện Chính trị - Quân sự với kết quả xuất sắc, tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua và được nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng.

Cuối năm 1991, thực hiện quyết định của Bộ Tổng tham mưu, tôi và Đại tá Nguyễn Vũ Bảo - Phó tham mưu trưởng Quân chủng cùng các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Phòng tổ chức - động viên, nghiên cứu và ra quyết định tổ chức biên chế một số đơn vị. Chấn chỉnh Công ty hải sản Biển Đông thành Tổng công ty Biển Đông. Nâng cấp khung đào tạo thợ kỹ thuật thành Trường trung cấp kỹ thuật tàu Hải quân là nơi đào tạo hằng năm tốt nghiệp cho ra trường hàng trăm quân nhân chuyên nghiệp phụ trách công tác kỹ thuật của các ngành trên tàu hải quân.

Tháng 8 năm 1991, tôi được phân công làm trưởng đoàn đi thăm hữu nghị Hải quân Inđônêxia với mục đích quan hệ và tham quan tìm hiểu về tổ chức hoạt động của các nhà máy đóng, sửa chữa tàu hải quân, cảng vận tải Container để có thể tham khảo học tập hoặc liên doanh, liên kết kinh tế với nhà máy đóng tàu Ba Son và vận tải Container ở Tân Cảng của ta. Trong đoàn có một số cán bộ của cơ quan Quân chủng và nhà máy Ba Son cùng đi.

Trong chuyến đi này, đoàn ta đã đến chào xã giao Đại tướng Tinis - Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Inđônêxia. Thăm hữu nghị Đô đốc Tư lệnh Hải quân Inđônêxia; Phó đô đốc Tanto Koeswanto - Tư lệnh Hải quân ở Su-ra-bay-a; Chuẩn đô đốc Tonny Soekton - Giám đốc Học viện Hải quân. Ngoài ra, đoàn còn tham quan một số nhà máy đóng sửa chữa tàu, cảng Container, đặc biệt là có buổi gặp gỡ với một số thương gia Inđônêxia.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM