Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:34:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền sóng vỗ - Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh  (Đọc 4053 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:22:33 am »

Cùng lúc này, Quân chủng báo cáo tình hình mọi mặt lên trên và đề nghị:

- Cho không quân tiến hành trinh sát và chi viện chiến đấu.

- Đề nghị Nhà nước trưng dụng gấp cho Hải quân bốn tàu vận tải vào Cam Ranh vận chuyển xây dựng nhà đóng giữ đảo.

Trước tình hình hết sức khẩn trương, ngày 15 tháng 2 năm 1988, Đảng ủy Quân chủng họp bất thường, thống nhất nhận định và chủ trương:

“Đối phương đã đưa nhiều lực lượng hải quân xâm chiếm một số điểm để khẳng định chủ quyền của họ ở quần đảo Trường Sa, ngăn chặn các hoạt động đóng giữ của ta ở các bãi cạn đá san hô và có thể xâm chiếm, đánh chiếm cả những nơi ta đang đóng giữ. Tình hình ngày càng khẩn trương, nhất trí với những biện pháp xử lý của ta vừa qua và chủ trương nhanh chóng đóng giữ các bãi cạn cần thiết còn lại. Lệnh cho các nơi ta đang đóng giữ phải hết sức cảnh giác, sẵn sàng đánh trả nếu đối phương đến đánh chiếm. Thống nhất huy động lực lượng toàn Quân chủng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa”.

Trong đêm 14 tháng 2 và tiếp sau đó, các đơn vị làm nhiệm vụ đóng giữ Đá Lớn đã khẩn trương triển khai chấp hành lệnh của Quân chủng:

1 giờ 30 phút ngày 15 tháng 2 năm 1988, tàu HQ-701 đã ủi bãi vào tây nam Đá Lớn.

9 giờ 15 phút cùng ngày, tàu HQ-671 ủi bãi, nhưng gặp bờ bồi san hô cao không ủi vào được, tàu bị hỏng máy phải sửa chữa và sau đó phải cấp cứu tàu HQ-701 vì khi ủi bãi tàu bị thủng, nước vào nhiều, có nguy cơ chìm. Tàu HQ-671 không ủi bãi nữa mà dừng lại đó để giữ đảo.

Tàu HQ-505 đến Đá Lớn lúc 6 giờ 30 phút ngày 17 tháng 2 năm 1988 và ngày 20 tháng 2, ta đã đưa tàu HQ556 vào bãi cạn phía nam Đá Lớn. Đến ngày 13 tháng 3 năm 1988, số cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 làm nhiệm vụ đóng giữ đảo đã làm xong nhà cấp 3A ở phần nam Đá Lớn.

Tàu HQ-614 đang ở Đá Lát được lệnh không đi đóng giữ Đá Lớn nữa mà sẽ cùng tàu HQ-851 giữ Châu Viên. Ngày 16 tháng 2, tàu HQ-614 đã đến Đá Đông. Đồng thời, tàu HQ-661 đang ở Đá Lát cũng được lệnh qua giữ Đá Đông.

Lúc này thời tiết xấu, biển động, cán bộ chiến sĩ hải quân phải khắc phục vượt qua sóng gió lớn rất vất vả, nguy hiểm, tranh thủ từng giờ, từng phút kiên cường quyết tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trong tình hình đối phương đang có những hành động tranh chấp quyết liệt.

Mấy tháng qua, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật… đều hoạt động khẩn trương theo sát tình hình để phục vụ kịp thời cho Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng lãnh đạo, chỉ huy bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Ở cơ quan Quân chủng, ngoài Bộ tư lệnh, cán bộ cục và một số trưởng phòng có liên quan phải trực tiếp tham gia giao ban hàng ngày để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị của chỉ huy. Trong đó nổi lên là cơ quan kỹ thuật có nhiều khó khăn, bận rộn chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật tàu, thuyền trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tàu thuyền quá thiếu thốn; các cán bộ lãnh đạo chỉ huy, các cán bộ ngành tàu của Cục kỹ thuật phải phân công nhau thường xuyên xuống tận các xưởng trạm các đơn vị tàu để hỗ trợ giải quyết khắc phục bảo đảm kỹ thuật tàu thuyền.

Tại Sở chỉ huy, ngoài kíp trực ban tăng cường, các sĩ quan tác chiến, quân báo, thông tin... lúc nào cũng có mặt đầy đủ làm công tác tham mưu phục vụ cho Bộ tư lệnh Quân chủng xử lý tình hình và Bộ tham mưu điều hành chỉ đạo theo dõi đơn vị thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh Quân chủng.

Do tình hình cấp bách phải nắm tình hình kịp thời, thông tin liên lạc kịp thời và nhất là trực tiếp xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, vì vậy vấn đề cấp thiết là phải thiết lập một Sở chỉ huy tại Cam Ranh. Sáng 16 tháng 2 năm 1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương nói với tôi như vậy và hỏi tôi: “Bộ tham mưu đã sẵn sàng tổ chức Sở chỉ huy tại Cam Ranh chưa?”. Tôi trả lời: “Tư lệnh yêu cầu lúc nào, cơ quan sẵn sàng triển khai lúc đó”. Tôi vừa dứt lời, đồng chí Cương chỉ thị ngay: “Sáng mai (17-2-1988) di chuyển Sở chỉ huy vào Vùng 4”. Sau đó, Tư lệnh thống nhất với tôi, lấy Thành phố Hồ Chí Minh làm Sở chỉ huy cơ bản, Hải Phòng là Sở chỉ huy hậu phương, Sở chỉ huy Quân chủng ở Cam Ranh cùng Vùng 4 trực tiếp chỉ huy bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Tình hình gấp rút, nên ngay sau cuộc hội ý của Bộ tư lệnh và báo cáo cấp trên về việc di chuyển Sở chỉ huy, đồng thời xin máy bay của không quân vận tải di chuyển, tôi mời thủ trưởng các Cục họp vừa phổ biến vừa thống nhất kế hoạch di chuyển Sở chỉ huy. Hội ý Bộ tham mưu có các đồng chí Phó tham mưu trưởng: Nguyễn Vũ Bảo, Trần Dực, Vũ Mạnh Hiền... cùng một sô đồng chí trưởng phòng. Thời gian chuẩn bị ngắn nhưng các phương án lập Sở chỉ huy, di chuyển Sở chỉ huy, Bộ tham mưu đã chủ động có kế hoạch từ trước, nên tiến hành thuận lợi. Chỉ có công tác bảo đảm hậu cần ăn, ở cần phải có kế hoạch tiếp khi đến Cam Ranh vì đang trong tình hình chung kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:25:31 am »

*
*   *

Đang vui Tết cổ truyền, sáng mồng một Tết Mậu Thìn (17-2-1988), ai cũng ngạc nhiên thấy nhiều cán bộ hải quân mang ba lô ra khỏi nhà đi công tác mà không có người thân đưa tiễn.

Di chuyển đợt dầu này có Tư lệnh, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng và phần nhiều là cán bộ cơ quan tham mưu trên 60 người. 7 giờ sáng 17 tháng 2 năm 1988, chúng tôi đã có mặt ở sân bay Gia Lâm. Đến gần 10 giờ sáng, chiếc AN-26 đã lượn vòng tròn trên bầu trời sân bay Cam Ranh, phía dưới không một bóng người. Khoảng 10 phút sau máy bay mới hạ cánh được. Không quân thì không hiểu tại sao máy bay không liên lạc được với sân bay, còn Vùng 4 dù đã có điện báo trước mà vẫn thấy vắng hoe. Có lẽ nhiều người đang mải vui Tết, đón xuân, tôi nghĩ vậy.

Đến sân bay Cam Ranh vào gần trưa, ai nấy bụng đói meo. Được ăn bữa trưa đượm hương vị Tết, có cả bánh chưng thật ấm cúng tuyệt vời. Tất cả do đồng chí Ngô Thế Uy - Phó trưởng phòng hành chính phụ trách công tác hậu cần của Sở chỉ huy chủ động chuẩn bị rất kín đáo, không mấy người biết.

Về đến nơi, sau khi thống nhất với Vùng 4 hải quân, các ngành, các bộ phận nhanh chóng hiệp đồng với các bộ phận của Sở chỉ huy Vùng 4 triển khai. Sở chỉ huy phía trước của Quân chủng bắt đầu làm việc từ 1 giờ sáng ngày 18 tháng 2 năm 1988. Các đồng chí của từng ngành nghiệp vụ của Bộ tham mưu ở Sở chỉ huy như đồng chí Nguyễn Cảo - Phó trưởng phòng Tác chiến, đồng chí Nguyễn Hoàng Nhiễu - Trưởng phòng Thông tin, đồng chí Nguyễn Ngọc Tranh - Trường phòng Quân báo... ngay từ ngày đầu đã hướng dẫn và huy động các cán bộ cùng ngành ở Vùng 4 tham gia làm công tác nghiệp vụ ở Sở chỉ huy. Sở chỉ huy Quân chủng thay Sở chỉ huy Vùng 4 trực tiếp chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, chống địch xâm chiếm quần đảo Trường Sa thông suốt và liên tục ngay từ đầu.

Kể từ thời điểm này, trong Bộ tư lệnh Quân chủng, đồng chí Tư lệnh Giáp Văn Cương và tôi thường trực chỉ huy tại Sở chỉ huy Cam Ranh.

Trước những diễn biến mới, chiều 18 tháng 2 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp tại Vùng 4 và quyết nghị:

“Đối phương tranh chấp quyết liệt, đã xâm chiếm Chữ Thập và tiếp tục mở rộng xâm chiếm một số bãi cạn phía đông. Vừa qua ta đã có sự nỗ lực đóng giữ được bốn bãi cạn: Đá Tây, Đá Lát, Đá Lớn, Tiên Nữ, và có kế hoạch đóng giữ tiếp sáu bãi cạn nữa: Châu Viên, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le, Đá Thị, Ga Ven, nhưng có khó khăn phương tiện, kỹ thuật tàu thuyền, trở ngại về thời tiết, đồng thời cũng do chưa đánh giá đúng đối phương nên còn tư tưởng chập chờn, kể cả trong chỉ huy đã ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ.

Để kịp ngăn chặn đối phương mở rộng xâm chiếm, ta phải kiên quyết đóng giữ nhanh, đóng giữ đồng thời tất cả các nơi đã có kế hoạch đóng giữ; nếu cần, có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi, đóng giữ”.

Yêu cầu tăng quân số đóng giữ và xây dựng để triển khai cùng một lúc nhiều nơi nên Quân chủng đã lệnh điều thêm tiểu đoàn thứ 2 của Trung đoàn công binh 83, hai tiểu đoàn của Trung đoàn công binh 131 một tiểu đoàn của Lữ đoàn hải quân đánh bộ 147 đồng thời huy động 800 cán bộ, giáo viên, học viên Trường Sĩ quan chỉ huy-kỹ thuật Hải quân tham gia chuyển tải, xếp dỡ vật liệu xây dựng tại cảng Nha Trang và ngoài đảo.

Yêu cầu vận chuyển một khối lượng lớn vật liệu xây dựng nhà cho bộ đội đóng giữ ở các bãi cạn, phải huy động nhiều tàu vận tải của Quân chủng, của Nhà nước, của các địa phương, đồng thời phải tổ chức bến bãi, cầu cảng và cần có sự điều hành tập trung thống nhất nên đã thành lập Sở chỉ huy vận tải chuyên trách chỉ huy công việc này.

Khó khăn khi triển khai Sở chỉ huy ở Cam Ranh, như việc bảo đảm thông tin liên lạc, công tác nắm tình hình địch... thì có một vấn đề nổi lên là xây dựng công trình trên bãi đá san hô ngập nước ta chưa hề trải qua. Vừa rồi Bộ tham mưu chỉ đạo mà trực tiếp là Phòng công binh đã phối hợp với Vùng 4, Trung đoàn công binh 83 đã thiết kế thi công nhà cao chân (nhà cấp 3 - C3) có kết quả tốt trong việc góp phần kịp thời cho bộ đội đóng giữ, chống tranh chấp, xâm chiếm. Đến bây giờ xây dựng nhà kiên cố có kết hợp công sự chiến đấu (nhà cấp 1 - C1) trên nền đá san hô trong tình thế ta phải chạy đua với thời gian không có điều kiện khảo sát tình hình địa chất, không có thời gian nghiên cứu thử nghiệm.

Lúc bấy giờ, các đồng chí trung tá Phan Năng Giả - Trưởng phòng Công binh, trung tá Nguyễn Văn Tỉnh - Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 83, trung tá Lê Thượng Uyển - Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 131 đã cùng nhiều cán bộ công binh và các cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 6 đo đạc biển thuộc Bộ tham mưu với một quyết tâm cao, mạnh dạn sáng tạo, chạy đua với thời gian, vừa nghiên cứu địa hình, vừa thiết kế, vừa vật lộn với môi trường khắc nghiệt để thi công nhà cấp 1. Việc xây dựng nhà Cl kịp thời cho bộ đội đóng giữ đảo là cả sự cố gắng vượt bậc ngoài suy nghĩ từ trước tới nay.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:27:46 am »

Khi việc chống tranh chấp, xâm chiếm quần đảo Trường Sa của ta đã thành một vấn đề lớn, vừa cấp bách, hết sức quan trọng, có nhiều lực lượng tham gia, nhiều việc cùng một lúc phải làm như một chiến dịch dài ngày có quân, có dân, có hậu phương, có tiền tuyến, vì vậy tôi đề nghị đặt một “mật danh” chung cho hoạt động bảo vệ chủ quyền này là “CQ” (chủ quyền) được chấp nhận và từ đó nói đi “CQ” có nghĩa là đi bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Lúc này đang là năm 1988 nên gọi “CQ-88”.

Sau khi đã đóng giữ Đá Lớn, Bộ tư lệnh Quân chủng nhắc Vùng 4 nhanh chóng đóng giữ Châu Viên như đã lệnh. Chiều tối ngày 14 tháng 2 năm 1988, thấy nhiều khả năng địch sẽ chiếm Châu Viên, Vùng 4 đã điện cho đồng chí Thư: “HQ-851 phải giữ bằng được Đá Đông và Châu Viên, mà trước hết là Châu Viên”. Lúc này Sở chỉ huy không liên lạc trực tiếp được với tàu HQ-851, mà phải liên lạc vu hồi qua đảo Trường Sa, nhận được báo cáo của đồng chí Thư: “Dự kiến hai tàu HQ-851 và HQ-614 ngày 17 tháng 2 sẽ đi khảo sát Châu Viên”.

Ngày 18 tháng 2 năm 1988, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh tiếp cho đồng chí Thư: “Các tàu HQ-614 và HQ-661 khẩn trương đến đóng giữ Châu Viên và triển khai làm nhà. Tàu HQ-851 trực ở Đá Đông, nếu cần ủi bãi”.

Lúc này, Tư lệnh Giáp Văn Cương và tôi liên tục có mặt trực tại Sở chỉ huy để theo dõi và xử lý tình hình. Các đồng chí trực chỉ huy của Vùng 4 và cơ quan của Quân chủng đều có mặt để báo cáo tình hình, nhận chỉ thị và truyền đạt mệnh lệnh của Tư lệnh, đồng thời nhận được báo cáo của đồng chí Thư về tình hình đóng giữ Châu Viên. Sự việc chống tranh chấp ở Châu Viên đã diễn ra như sau:

9 giờ ngày 18 tháng 2 năm 1988, biên đội tàu HQ-614, HQ-851(1) và HQ-614 do đồng chí Lê Văn Thư - Phó chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng Vùng 4 chỉ huy. Sở chỉ huy cơ động của Vùng 4 đặt trên tàu HQ-614. Tại Sở chỉ huy này còn có đồng chí Nguyễn Văn Dân - Phó tham mưu trưởng Vùng và Lê Xuân Bạ - Phó chủ nhiệm chính trị Vùng) do đồng chí Lê Văn Thư chỉ huy. Khi đến khảo sát, đóng giữ bãi đá Châu Viên phát hiện trên bãi có một cột bê tông nhỏ. Đến 9 giờ 40 phút, phát hiện hai tàu lạ, trong đó có một tàu khu trục từ phía bắc xuống cách Châu Viên khoảng năm hải lý thì quay ngược lại hướng cũ.

14 giờ 30 phút, tàu khu trục số 162 và tàu kéo số 147 của Trung Quốc đến đông nam Châu Viên dùng xuồng máy đưa quân lên cắm cờ và cho nhiều xuồng đưa vật liệu xây dựng lên bãi Châu Viên. Đến 19 giờ 30 phút, đối phương có thêm tàu hộ vệ tên lửa 508....

Vào lúc 20 giờ cùng ngày, sau hội ý nhanh của chỉ huy, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho đồng chí Thư: “Các tàu HQ-851 và HQ-614 đứng vững ở Châu Viên, bình tĩnh xử lý tình huống để bảo vệ đảo. Cho cắm cờ càng nhiều càng tốt. Tàu HQ-614 chuyển gấp vật liệu lên làm nhà, tàu HQ-851 yểm hộ. Tìm cách bảo đảm an toàn cho tàu HQ-851 ủi bãi. Trường hợp đối phương nổ súng, phải đánh trả quyết liệt”.

Cùng lúc, Quân chủng báo cáo diễn biến tình hình ở Châu Viên lên cấp trên và nhận được chỉ thị: “Cứ đóng giữ và cắm cờ tranh chấp, bình tĩnh đối phó với mọi hoạt động của đối phương, không mắc mưu, khiêu khích, nghiên cứu tăng thêm tàu cho Châu Viên để bộ đội bám trụ vững chắc”.

22 giờ 10 phút, Sở chỉ huy nhận được báo cáo của đồng chí Thư: “Sóng gió to, tàu rê neo, không ủi bãi được. Dựa vào thế tàu lớn, tàu đối phương ép tàu ta liên tục, thông tin liên lạc bị nhiễu, không bám đảo được. Đã cho HQ-851 và HQ-614 về Đá Đông lúc 20 giờ, đề nghị Sở chỉ huy theo dõi”.

Nhận được báo cáo này, 23 giờ ngày 18 tháng 2 năm 1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương điện chỉ thị cho đồng chí Thư (không liên lạc trực tiếp được, phải qua đảo Trường Sa chuyển): “Đối phương chưa có gì trên đảo, chúng chưa dám bắn vào ta đâu, phải cho HQ-851 và HQ-614 quay trở lại Châu Viên nhanh chóng làm nhà đóng xen kẽ với đối phương, tôi sẽ tăng cường lực lượng cho anh”.

24 giờ ngày 18 tháng 2, Sở chỉ huy nhận báo cáo: “Ở Châu Viên, Trung Quốc đã có bảy tàu (tàu khu trục số 162 và bốn tàu hộ vệ số 502, 503, 508, 556, tàu kéo số 147 và một tàu chưa rõ số)”. Trong khi hai tàu ta về Đá Đông, có hai tàu đối phương bám theo ba hải lý rồi quay lại. Đề phòng đối phương tranh chấp Đá Đông như ở Châu Viên đồng chí Thư đề nghị:

- 5 giờ ngày 19 tháng 2, tàu HQ-614 triển khai lực lượng cắm cờ và làm nhà ở Đá Đông; tàu HQ-661 chốt giữ phía đông đảo, sẵn sàng ủi bãi; tàu HQ-851 chốt giữ đảo để chi viện hai tàu và sẵn sàng ủi bãi”.


(1) Tàu HQ-851 là tàu rà quét thủy lôi có lượng giãn nước 810 tấn. Tàu HQ-614 là tàu vận tải có lượng giãn nước 510 tấn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:28:32 am »

Nhận được báo cáo của đồng chí Thư, Sở chỉ huy lệnh tiếp: “Tiếp tục đóng giữ Châu Viên”.

Chấp hành lệnh của Sở chỉ huy, 5 giờ sáng ngày 19 tháng 2 năm 1988, hai tàu HQ-851 và HQ-614 đã quay lại Châu Viên.

Trên đường ta đến Châu Viên, đối phương đưa ba tàu ra ngăn chặn. Tàu ta vẫn tiếp tục trực chỉ hướng đã định, nhưng khi còn cách Châu Viên khoảng bốn hải lý, tàu đối phương ngăn chặn tàu ta tiếp cận đảo, trong đó có tàu hộ vệ 508 luôn kèm sát tàu HQ-851 của ta. Thấy không thể tiếp cận vào đảo được, lúc 8 giờ 40 phút cùng ngày, đồng chí Thư cho tàu HQ-614 quay về Đá Đông làm nhà, tàu HQ-851 vẫn ở lại cơ động cách Châu Viên bốn hải lý, để có thời cơ thì cho tàu tiếp tục tiếp cận đảo.

8 giờ 5 phút ngày 19 tháng 2, Sở chỉ huy lệnh tiếp cho đồng chí Thư: “Cứ cho biên đội kiên quyết đi thẳng vào đảo”.

Đồng chí Thư báo cáo: “Tàu địch kèm chặt và chặn đầu, tàu ta kiên trì luồn lách để tiếp cận đảo, nhưng không được”.

11 giờ ngày 19 tháng 2, tàu HQ-851 hỏng máy thả trôi cách Châu Viên khoáng bốn hải lý. Tàu hộ vệ 508 của đối phương vẫn kèm sát tàu ta. Đến 17 giờ cùng ngày, tàu HQ-851 tạm khắc phục được máy chính trái đi về Đá Đông. Lúc này, Châu Viên đã bị phía đối phương xâm chiếm.

Trước đó, lúc 10 giờ 30 phút ngày 19 tháng 2, Quân chủng có đề nghị cấp trên cho máy bay trinh sát khu vực Chữ Thập, Châu Viên, Đá Đông và tuyến Cam Ranh, Trường Sa. Máy bay chiến đấu sẵn sàng đánh trả nếu đối phương nổ súng vào tàu ta.

Nhằm đối phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra, 17 giờ 30 phút ngày 21 tháng 2, Quân chủng đã lệnh cho Vùng 1 hải quân và Vùng 3 từ trạng thái thường xuyên sẵn sàng chiến đấu lên tăng cường; Vùng 4, Lữ đoàn 162, Hải đội 131 từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường lên cao.

10 giờ 25 phút ngày 23 tháng 2, Quân chủng lệnh cho Lữ đoàn 125 (bộ phận phía Nam) chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đồng thời điều các tàu HQ-601, HQ-709, HQ-719, HQ 532, HQ-965, HQ-652, HQ-653 cùng một số nhân viên kỹ thuật của Vùng 1, Vùng 3, Lữ đoàn 147 tăng cường cho Vùng 4. Một mặt, Quản chúng đề nghị trên bổ sung một số nhân viên, chiến sĩ kỹ thuật, mặt khác, lệnh cho các đơn vị:

- Tàu HQ-661 cắm cờ, đứng gác Đá Đông. Tìm cách cho tàu vào lòng hồ Đá Đông, nêu không được thì tìm chỗ thuận tiện ủi bãi.

- Đồng chí Phạm Công Phán đang ở Đá Lát (tàu HQ-712) cấp tốc làm xong nhà, triển khai các tổ chiến đấu lên chốt giữ trên xác các tàu bị cạn trước đây tại đảo. Cảnh giác theo dõi mọi động tĩnh của đối phương.

- Lữ đoàn 171 cho tàu HQ-13 ra ngay Trường Sa để sẵn sàng cơ động chiến đấu chi viện; dùng tàu HQ-965 kéo tàu HQ-07 ra đóng giữ Tốc Tan.

Theo lệnh điều động của Sở chỉ huy Quân chủng, trong các ngày từ 22 đến 27 tháng 2 năm 1988, các tàu HQ-652, HQ-709, HQ-719, HQ-532, HQ-967, HQ-901, HQ-903 và tàu kéo Đại Lãnh đã lần lượt đến Cam Ranh khẩn trương nhận nhiệm vụ.

Lúc này trực ở Sở chỉ huy, tôi liên tục theo dõi chỉ đạo các đơn vị chấp hành mệnh lệnh đi đóng giữ đảo bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

23 giờ ngày 19 tháng 2 năm 1988, tàu HQ-601 do đồng chí Phạm Hồng Sơn làm thuyền trưởng xuất phát chở quân và vật liệu làm nhà đóng giữ ở tây Đá Lát, đến ngày 3 tháng 3 năm 1988 đã làm xong nhà cấp 3. Cùng thời gian, tàu HQ-605 do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng xuất phát chở quân và vật liệu làm nhà đóng giữ đảo ở tây Đá Đông. Ngày 10 tháng 3, làm xong nhà cấp 3.

16 giờ ngày 22 tháng 2, tàu HQ-13 do đồng chí Hoàng Đăng Trân làm thuyền trưởng đến đảo Trường Sa và 6 giờ ngày 27 tháng 2, tàu này đã đến Tốc Tan làm nhiệm vụ bảo vệ đảo.

Tàu HQ-713 do đồng chí Nhuận làm thuyền trưởng xuất phát ngày 22 tháng 2 và tàu HQ-07 do đồng chí Nguyễn Viết Chức làm thuyền trưởng xuất phát ngày 24 tháng 2, hai tàu này đi bảo vệ Tốc Tan. Đến ngày 27 tháng 2, cả hai tàu đã vào đứng ở trong lòng hồ Tốc Tan. 10 giờ 30 phút cùng ngày, tàu Đại Lãnh kéo tàu HQ-852 và pông tông Đ02 đi Đá Lớn. 8 giờ ngày 29 tháng 2 đến đảo và ngày 1 tháng 3 năm 1988 đã đưa Đ02 vào vị trí bắc đảo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:29:28 am »

17 giờ 30 phút ngày 27 tháng 2, tàu HQ-652 đi bảo vệ Đá Đông và đến đảo ngày 2 tháng 3. Vào lúc 7 giờ ngày 28 tháng 2 năm 1988, tàu HQ-613 đưa quân đi đóng giữ Núi Le và đến ngày 23 tháng 3 thì làm xong nhà cấp 3.

Trong lúc này các tàu HQ-961 và HQ-965 làm nhiệm vụ kéo pông tông và tàu đi giữ đảo nhưng dọc đường máy bị trục trặc kỹ thuật phải quay lại. Tàu HQ-931 đang đứng bảo vệ Tiên Nữ bị giông gió xô vào bãi cạn phải cấp cứu kéo về.

Từ ngày 2 đến ngày 3 tháng 3 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng họp mở rộng có cả lãnh đạo chỉ huy của các Cục, Vùng 4 hải quân và đồng chí Phạm Quang Nho - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125... để nghe Bộ tham mưu báo cáo tình hình hoạt động đóng giữ đảo bảo vệ chủ quyền, chống đối phương xâm chiếm ở quần đảo Trường Sa và nghe phổ biến chỉ thị của trên về vấn đề Trường Sa. Bản chỉ thị nêu rõ:

“... Phải tranh thủ giữ thêm một số bãi đá ngầm...; tổ chức đóng giữ các đảo không dùng nhiều người; có thể dùng mọi loại tàu để giữ đảo, kể cả loại tàu hộ vệ chống ngầm 159. Công việc của ba năm (1988-1990) sẽ làm xong trong năm 1988…”.

Cấp trên đã có kế hoạch chi viện cho Trường Sa. Để giữ chủ quyền, ta sẽ cho tàu đánh cá của các tỉnh Thuận Hải, Phú Khánh ra hoạt động đánh bắt thủy sản ở Trường Sa. Về ngoại giao, cho công bố tư liệu chủ quyền Trường Sa...

Sau khi soát xét mọi công việc đã thực hiện trong thời gian qua và quán triệt chi thị của cấp trên, nhất là qua vụ Trung Quốc xâm chiếm trái phép Châu Viên, Quân chủng đã thống nhất nhận định đánh giá tình hình, đồng thời chủ trương:

“Đối phương đã đưa lực lượng Hải quân xàm chiếm quần đảo Trường Sa mạnh hơn ta nhiều lần, chúng sẽ mở rộng xâm chiếm, kể cả đóng xen kẽ vào những đảo ta đang đóng giữ như: Đá Lớn, Phan Vinh, Tốc Tan, Đá Đông, Thuyền Chài... và có thể gây cớ đề đánh vào các đảo cũ của ta. Vỉ vậy, ta phải:

- Nhanh chóng hoàn thiện việc đóng giữ các đảo: Tốc Tan, Núi Le, Đá Đông, Đá Thị, Len Đao, Phan Vinh B, Thuyền Chài C...; nếu có điều kiện sẽ đóng xen kẽ ở Châu Viên, Chữ Thập.

- Không bị khiêu khích khi đối phương ngăn chặn, nhưng ta vẫn kiên quyết duy trì cho tàu đi lại bình thường trên tất cả các hành lang từ trước đến nay ta vẫn đi.

Sau khi làm nhà cấp 3, nhanh chóng làm nhà cấp 1 và tăng cường khả năng chiến đấu. Mỗi điểm đóng giữ có một nhà cấp 3, một nhà cấp 1, một pông tông.

- Tăng thêm trang bị vũ khí cho các đảo đã đóng giữ trước đây.

- Để tăng cường chỉ huy trực tiếp: chia quần đảo Trường Sa thành năm khu vực. Khu vực 1 gồm các đảo: Trường Sa, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông. Sở chỉ huy đặt tại đảo Trường Sa. Khu vực 2 gồm: Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn. Sở chỉ huy đặt tại Nam Yết. Khu vực 3 gồm: các đảo Phan Vinh, Tiên Nữ, Tốc Tan, Núi Le. Sở chỉ huy tại Phan Vinh. Khu vực 4 gồm các đảo: Thuyền Chài, An Bang. Sở chỉ huy tại nam Thuyền Chài. Khu vực 5 là đảo Song Tử Tây”.

Sở chỉ huy phía trước của Quân chủng cũng được tăng cường cán bộ và phương tiện thông tin liên lạc. Lúc này ta triển khai nhiều đầu mối, nhưng thiếu máy thông tin liên lạc đường xa, trong khi Hải quân có nhiều máy P.609 liên lạc đường ngắn, liên lạc giữa máy bay và tàu. Đồng chí Nhiễu - Trưởng phòng thông tin Quân chủng đã quan hệ với Phòng thông tin Không quân và được cấp trên đồng ý đem máy thông tin P.609 đổi lấy 30 máy thông tin liên lạc đường dài 102E mà không quân chưa cần dùng đến để trang bị cho một số đơn vị hải quân.

Các ngành trực ở Sở chỉ huy lúc nào cũng theo sát tình hình vừa làm tham mưu chỉ huy vừa chỉ đạo đôn đốc giúp đỡ các đơn vị tổ chức thực hiện chỉ thị mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân chủng. Đến lúc này, đồng chí Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng kiêm luôn Chỉ huy trưởng Vùng 4 hải quân để trực tiếp chỉ huy lực lượng làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:30:28 am »

Tính đến đầu tháng 3 năm 1988, các lực lượng của ta đã cơ bản đứng chân phần lớn các nơi ta dự kiến đóng giữ và mỗi nơi đều có nhà cấp 3, pông tông đóng giữ và tàu làm nhiệm vụ bảo vệ, cụ thể:

- Đá Lớn: một nhà cấp 3, pông tông Đ02, các tàu làm nhiệm vụ đóng giữ HQ-556. HQ-701, các tàu làm nhiệm vụ bảo vệ HQ-505, HQ-852.

- Đá Lát: hai nhà cấp 3 và tàu bảo vệ HQ-712.

- Đá Tây: một nhà cấp 3.

- Đá Đông: hai nhà cấp 3 và các tàu bảo vệ HQ-851, HQ-652, HQ 661, HQ-605, HQ-614.

- Tốc Tan: pông tông 532 và các tàu bảo vệ HQ-07, HQ-713.

- Núi Le: đang làm nhà C3 và các tàu bảo vệ HQ-13, HQ-613.

- Tiên Nữ: một nhà cấp 3.

Tuy chưa đóng giữ hết các nơi theo dự kiến kế hoạch nhưng đến giai đoạn này, mặc dù đối phương dùng sức mạnh để tranh chấp ngăn chặn, ta gặp nhiều khó khăn về tàu thuyền, thời tiết, v.v..., nhưng ta đã huy động lực lượng tối đa để giữ chủ quyền quần đảo Trường Sa với cường độ hoạt động lớn và tốc độ tương đối nhanh, bước đầu ngăn chặn được việc mở rộng xâm chiếm của đối phương.

Ngày 4 tháng 3 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng tiếp tục họp bàn thực hiện chỉ thị của trên: “Phải đóng giữ thêm một số bãi đá ngầm chưa có đối phương”.

Vừa qua, ta đóng giữ Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lớn, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ; đối phương đã chiếm giữ Chữ Thập (31-1), Châu Viên (18-2), Gaven (26-2), Huygơ (28-2). Lúc này còn một số bãi cạn đá san hô ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết mà khả năng đối phương có thể tiếp tục xâm chiếm như: Đá Thị, Ét-mân, Ba Đầu, Đá Rốt, Gạc Ma, Cô Lin, Len Đạo, Én Đất và một số bãi đá ở đông kinh tuyến 115 độ như Vành Khăn, Suối Ngọc, Suối Ngà, Cỏ Mây

Soát xét lại khả năng hiện tại thì ta chưa đủ sức đóng giữ hết tất cả các bãi cạn đá san hô được. Thấy vị trí ở bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, nếu đối phương chiếm giữ sẽ khống chế hành lang đi lại của ta ở khu vực 2 và khu vực 3. Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng thống nhất: trước hết phải đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, còn các nơi khác có kế hoạch sau.

Việc đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, trong thời điểm này có thể để xảy ra các tình huống tranh chấp, vì xung quanh khu vực này có những điểm Trung Quốc đã chiếm giữ và một số lượng lớn tàu chiến của họ đang đứng bảo vệ các nơi đó. Ở Gaven có tàu hộ vệ pháo 503, hai tàu vận tải đổ bộ, một tàu kéo, một tàu đo đạc. Huygơ có tàu hộ vệ pháo 502 và một tàu vận tải. Chữ Thập có tàu hộ vệ tên lửa 510, một tàu đổ bộ và hai tàu vận tải. Châu Viên có tàu hộ vệ tên lửa 551. Ngoài ra, còn có ba tàu hộ vệ tên lửa đang cơ động quanh khu vực này là 531, 553 và 556.

Với tình hình và dự đoán như trên, việc đóng giữ ba nơi này được ta tiến hành hết sức khẩn trương, bí mật và tập trung. Diễn biến như sau:

11 giờ ngày 12 tháng 3, tàu HQ-671 do đồng chí Cúc làm thuyền trưởng, từ Đá Lớn đi Nam Yết qua phía nam Gaven để quan sát, thu hút sự chú ý của đối phương. 15 giờ cùng ngày, đến Nam Yết. 9 giờ ngày 13 tháng 3, tàu HQ-671 trở về Đá Lớn.

Tàu HQ-605 đang ở Đá Đông đến Tốc Tan trước 7 giờ ngày 13 tháng 3 gặp đồng chí Ngô Tiến Cai, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (ở tàu Đại Lãnh) nhận nhiệm vụ sẵn sàng đóng giữ Len Đao.

Tàu HQ-13 từ Núi Le đến Tốc Tan nhận dầu ở tàu HQ-07 và ở đó sẵn sàng đợi lệnh. Sở chỉ huy sẽ điều tàu HQ-13 lên chi viện cho các tàu của ta đang làm nhiệm vụ ở Gạc Ma, Cô Lin khi cần.

14 giờ ngày 13 tháng 3, tàu HQ-17 từ Trường Sa lên Đá Lớn sẵn sàng chi viện cho các tàu của ta. 8 giờ cùng ngày, đến Đá Lớn. Tàu HQ-961 kéo pông tông Đ04 xuất phát từ Vũng Tàu lúc 23 giờ ngày 12 tháng 3 đi Tốc Tan và khi cần sẽ điều tàu HQ-961 lên Len Đao.

Đội hình chính đi đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao là các tàu vận tải. Tàu HQ-604(1) do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng. Tàu HQ-505 do thiếu tá Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng. Tàu HQ-605 do đại úy Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng.


(1) Tàu HQ-604 và HQ-605 là tàu vận tài có lượng giãn nước 770 tấn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:31:56 am »

20 giờ ngày 11 tháng 3 năm 1988, tàu HQ-604 xuất phát từ Cam Ranh đi Đá Lớn, chở theo hai khung nhà cấp 3, hai đội xây dựng của Trung đoàn công binh 83 cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đóng giữ đảo của Lữ đoàn 146 do thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy, bộ phận đo đạc biển của Tiểu đoàn 6 hàng hải, hai học viên Trường sĩ quan chỉ huy-kỹ thuật Hải quân. Tất cả do trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy, đến Đá Lớn lúc 9 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3. Tại đây hai đồng chí Thông, Trừ đã gặp tàu HQ-505 để thống nhất kế hoạch đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin.

12 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1988, biên đội hai tàu HQ-604 và HQ-505 xuất phát từ Đá Lớn đi Cô Lin, Gạc Ma. Trước đó, 18 giờ ngày 12 tháng 3, Sở chỉ huy lệnh cho tàu HQ-605 phải có mặt ở Len Đao sau 18 giờ ngày 13 tháng 3 và không được muộn hơn 6 giờ ngày 14 tháng 3 năm 1988. Sau đó, Sở chỉ huy nhận được báo cáo của tàu HQ-605 với nội dung: 22 giờ ngày 13 tháng 3, xuất phát từ Tốc Tan đi Len Đao.

Tại Sở chỉ huy lúc này kíp trực ban có đông đủ các đồng chí chỉ huy và sĩ quan tham mưu các ngành của Quân chủng cũng như của Vùng 4. Ngay từ đầu tại Sở chỉ huy Quân chủng, tôi đã khẩn trương truyền đạt mệnh lệnh của Tư lệnh và hướng dẫn kế hoạch cho các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch đóng giữ đảo. Sở chỉ huy cũng tăng cường mọi biện pháp liên tục theo dõi nắm chắc mọi tình hình để xử lý các tình huống. Trực chỉ huy liên tục tại Sở chỉ huy Quân chủng có Tư lệnh Giáp Văn Cương và tôi.

Chỉ huy Vùng 4 và các Lữ đoàn tàu 125, 171, Lữ đoàn đóng giữ đảo 146; các Trung đoàn công binh 83, 131… luôn ở tư thế sẵn sàng triển khai chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị của Quân chủng.

Để nghi binh răn đe đối phương, Sở chỉ huy báo cho đảo Sinh Tồn sẽ có tàu nước và tàu hàng đến tiếp tế; đồng thời lệnh cho đảo Nam Yết bắn thử các loại súng về phía nam 15km, đảo Song Tử Tây bắn thử các loại súng về phía bắc 4km. Trong các ngày 9 và ngày 10 tháng 3, không quân ta cho máy bay luyện tập ở khu vực 1. Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1988, tàu HQ-604 đến Gạc Ma và tàu HQ-505 đến Cô Lin thả neo an toàn.

17 giờ 30 phút, Sở chỉ huy nhận báo cáo của hai đồng chí Thông và Trừ: “Lúc 17 giờ ngày 13 tháng 3, tàu hộ vệ 502 của đối phương từ phía Huygơ đến gần tàu ta 50m gọi loa tuyên bố đây là lãnh hải của họ, ta phải rời ngay. Mặc họ la hét, chúng tôi vẫn kiên quyết bám đảo, không rời một tấc.

Và tiếp đó, lại nhận được báo cáo: “18 giờ 10 phút ngày 13 tháng 3, tàu đối phương giãn ra cách tàu ta 500m và sau đó đi về hướng tây cách ta khoảng 6 hải lý. Hai tàu ta vẫn kiên quyết bám giữ đảo và dự kiến 2 giờ ngày 14 tháng 3, tiến hành khảo sát bãi cạn và đưa vật liệu lên làm nhà”.

Trước tình hình này, Bộ tư lệnh Quân chủng thống nhất xứ lý:

- 21 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1988, lệnh cho các đồng chí Thông, Trừ (tàu HQ-604) và đóng chí Lễ (tàu HQ-505) quyết giữ Gạc Ma, Cô Lin và cho phép tàu ủi bãi để giữ bằng được hai bãi này.

- 22 giờ 5 phút ngày 13 tháng 3, lệnh tiếp: “Khẩn trương thả các xuồng máy, xuồng nhôm để bám giữ đảo, đồng thời chuyển vật liệu lên làm nhà”.

- 22 giờ 20 phút, Sở chỉ huy báo cáo tình hình tranh chấp ở Gạc Ma, Cô Lin và đề nghị cấp trên, sáng 14 tháng 3 cho máy bay chiến đấu sẵn sàng chi viện, đồng thời máy bay trinh sát tuyến Sơn Ca -Nam Yết - Sinh Tồn - Đá Lớn.

- 23 giờ ngày 13 tháng 3, lệnh cho tàu HQ-671 do đồng chí Cúc làm thuyền trưởng đi ngay từ Đá Lớn đến cùng HQ-604 giữ Gạc Ma và tàu HQ-931 do đồng chí Thủy làm thuyền trưởng ngưng tiếp nước ở Đá Đông đi ngay đến cùng HQ-505 giữ Cô Lin.

0 giờ ngày 14 tháng 3, lệnh cho các đồng chí Thông, Trừ, Lễ “dùng tất cả loại xuồng đưa quân đổ bộ lên đảo ngay trong đêm nay, cắm hai cờ ở mỗi đảo. Khi nước ngập dựa vào các mô đá trụ lại trên đảo. Tổ chức bốn tổ chiến đấu ở Gạc Ma và hai tổ chiến đấu ở Cô Lin. Mỗi đảo phải có xuồng máy, phao cá nhân, bơi chèo để đảm bảo an toàn. Đồng chí Lễ tăng cường xuồng máy LCVP cho tàu HQ-604 để vận chuyển vật liệu lên đảo làm nhà ngay trong đêm nay và ngày mai. Chú ý đề phòng đối phương lén lút đổ bộ lên đảo”.

Cùng thời gian này, Sở chỉ huy năm lần nhận được báo cáo của đồng chí Lễ: “Hai tàu ta vẫn neo ở vị trí cũ an toàn. Có nhiều tàu đối phương xuất hiện ở cự ly 6 hải lý, riêng tàu hộ vệ 502 vào gần tàu HQ-604 khoảng ba hải lý. Các tàu đối phương không lên đèn”
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:32:17 am »

2 giờ 35 phút ngày 14 tháng 3, Sở chỉ huy nhận được báo cáo của các đồng chí Thông, Trừ:

“Lúc 0 giờ 30 phút ngày 14 tháng 3, tàu đối phương thả trôi ở phía tây nam cách ta năm hai lý. Dự kiến: 1 giờ ngày 14 tháng 3, dùng xuồng cao su khảo sát Gạc Ma; 6 giờ chuyển hàng lên”. (Thực tế đến 3 giờ 14-3, anh em ta mới lên cắm cờ ở Gạc Ma).

Trong lức chưa nhận được báo cáo của các đồng chí Thông, Trừ, Tư lệnh Quân chủng đã có lệnh tiếp:

“Đã có lệnh đổ bộ lên đảo, các đồng chí thi hành ngay, không được để đối phương chiếm mục tiêu. Chuẩn bị vị trí để khi cần các đồng chí tự quyết định cho tàu ủi bãi”.

Lệnh cho đồng chí Sơn ở tàu HQ-605: “Tới mục tiêu cho đổ bộ quân lên giữ đảo. Cắm cờ ở hai đầu đảo. Khảo sát vị trí để khi cần cho tàu ủi bãi”.

Do tình hình thông tin khó khăn nên mãi đến 7 giờ 5 phút ngày 14 tháng 3, Sở chỉ huy mới nhận được báo cáo của đồng chí Lễ: “5 giờ 30 phút ngày 14 tháng 3 có ba tàu Trung Quốc đến gần Gạc Ma, Cô Lin. 6 giờ 30 phút, tàu HQ-505 của ta đã cắm hai cờ ở Cô Lin. Tàu hộ vệ 502 của họ vẫn ép sát tàu HQ-604 của ta”.

1 giờ 45 phút ngày 14 tháng 3, Sở chỉ huy nhận được báo cáo của đồng chí Trừ: “4 giờ 35 phút ngày 14 tháng 3, phát hiện ba tàu đối phương đang tiến gần về Gạc Ma. 5 giờ 5 phút, tàu đối phương thả ba xuồng máy có 12 tên đến vị trí ta cắm cờ; anh em ta đứng xung quanh bảo vệ cờ, sau một giờ đối phương vẫn không dám đến gần”. (Điện số 16).

Tiếp đó, nhận được điện số 17 của đồng chí Trừ gửi lúc 6 giờ 45 phút ngày 14 tháng 3: “Tàu 556 đối phương đi về hướng Len Đao. Ở Gạc Ma, họ thả thêm ba xuồng và đưa quân lên đảo cắm cờ. Ta đang khẩn trương bốc hàng lên đảo, tình hình tranh chấp rất quyết liệt, tàu đối phương tiếp cận sát đảo”.

Sau bức điện báo cáo này, Sở chỉ huy mất liên lạc với tàu HQ-604. Thực tế khi Trung Quốc đưa 40 lính hùng hổ đổ bộ lên vị trí cắm cờ của ta ở Gạc Ma, một số cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 146 và của Trung đoàn công binh 83 đo thiếu úy Trần Văn Phương (Lữ đoàn 146) chỉ huy đã bình tĩnh, dũng cảm đứng vây quanh kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc không cho đối phương lao vào. Lập tức, đối phương điên cuồng nổ súng, đồng chí Phương ngã xuống. Ngay lúc đó, binh nhất Nguyễn Văn Lanh (Trung đoàn 83) xông lên cùng anh em xiết chặt xung quanh bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Đối phương cho lính lao vào, hai bên giằng co đánh nhau bằng tay không. Khi đồng chí Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay tên chỉ huy của đối phương thì một tên lính từ phía sau dùng lê đâm lén đồng chí bị thương ngã xuống. Một dòng máu nhuộm đỏ dưới chân cột cờ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh vẫn hiên ngang bay trước gió. Trước hành động dũng cảm của các đồng chí Phương, Lanh và sự kiên cường anh dũng bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ ta, đối phương phải rút quân về tàu của chúng.

Một khi không thể tranh chấp được với ta trên đảo Gạc Ma thì đến 7 giờ 50 phút ngày 14 tháng 3 hai tàu hộ vệ của đối phương 502 và 531 điên cuồng dùng pháo tập trung bắn vào tàu vận tải HQ-604 của ta, làm tàu bốc cháy và chìm ở phía nam Gạc Ma khoảng 300m. Các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ và một số chiến sĩ ta hy sinh tại đây.

Khi đối phương bắn vào tàu vận tải HQ-604 thì tàu vận tải đổ bộ HQ-505 của ta bình tĩnh nhổ neo ủi bãi, kiên quyết giữ đảo. Tàu ta đang ủi bãi thì 8 giờ 15 phút ngày 14 tháng 3, hai tàu đối phương (502 và 531) lại điên cuồng bắn vào tàu HQ-505 làm hỏng lái. Tuy nhiên, tàu ta vẫn tiếp tục kiên cường ủi bãi, bất chấp tàu địch tiếp tục điên cuồng bắn vào tàu ta. Đến 8 giờ 19 phút cùng ngày, tàu HQ-505 lên cạn được hai phần ba thân tàu. Tàu bốc cháy, anh em vẫn kiên cường dập lửa bảo vệ tàu, bảo vệ đảo. Từ đó trở đi, tàu HQ- 505 mất liên lạc với Sở chỉ huy. Trong thời gian tàu HQ-505 nằm cạn ở Cô Lin, tàu chiến đối phương ngày nào cũng vào gần dùng mọi thủ đoạn khiêu khích đe dọa, nhưng cán bộ, chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh kiên cường giữ tàu, giữ đảo.

Riêng với tàu HQ-605, sau khi tàu xuất phát từ Tốc Tan đi Len Đao (22 giờ 23-3-1988), Sở chỉ huy cùng mất liên lạc với tàu. Thông tin chỉ huy trên biển chỉ có liên lạc bằng vô tuyến, ngoại trừ máy móc hư hỏng, nếu bị địch chế áp điện tử cũng bị mất liên lạc.

Liên tục trong gần một tháng, cán bộ và chiến sĩ thông tin ở Sở chỉ huy cũng như ớ các tàu, các đảo mặc dù có khó khăn về trang bị khí tài, nhưng với tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo đã không quản ngày đêm tích cực tận tụy khắc phục mọi khó khăn giữ vững mạch máu liên lạc phục vụ chỉ huy. Đến lúc này, thông tin ớ Sở chỉ huy vẫn không ngừng canh liên lạc với các đài đối đã mất liên lạc.

17 giờ 40 phút ngày 14 tháng 3 năm 1988, qua thông tin của đảo Sinh Tồn, Sở chỉ huy nhận được báo cáo tình hình của tàu vận tải HQ-605:

“Vào lúc 5 giờ ngày 14 tháng 3. anh em đã lên cắm cờ ở Len Đao. Đến 8 giờ 20 phút cùng ngày, tàu hộ vệ 556 của đối phương từ phía Gạc Ma đến bắn vào tàu HQ-605, tàu bốc cháy, cán bộ chiến sĩ tàu cố dập lửa nhưng cháy lớn quá không dập được, một đồng chí hy sinh không lấy được thi thể, 18 đồng chí phải rời tàu bơi xuồng về đảo Sinh Tồn. trong đó có bốn đồng chí bị thương, về đến Sinh Tồn hy sinh một đồng chí. Sau đó tàu vận tải HQ-605 bị chìm tại Len Đao”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:33:04 am »

Sau khi các tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505 bi đối phương bắn chìm, bắn cháy, Sở chỉ huy lệnh cho tàu HQ-931 ở Đá Đông, tàu HQ-671 ở Đá Lớn treo cờ Chữ thập đỏ đến ngay khu vực Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao làm nhiệm vụ cấp cứu, cứu hộ. Nếu bị đối phương dùng vũ khí uy hiếp, hoặc có hành động ngăn chặn, cản trở vẫn cứ bình tĩnh làm nhiệm vụ cấp cứu đưa anh em về đảo Sinh Tồn. Trên đường đi, mặc dù nhiều lần bị đối phương ngăn chặn và khiêu khích, tàu HQ-671 vẫn trực chỉ vào khu vực Cô Lin - Gạc Ma. 15 giờ ngày 14 tháng 3, tàu HQ-671 cập đuôi tàu HQ-505 đưa toàn bộ số cán bộ, chiến sĩ đi trên tàu HQ-604 đã cứu được về đến Sinh Tồn lúc 22 giờ cùng ngày.

Tàu HQ-931 từ Đá Đông lên Len Đao cũng bị đối phương ngăn chặn vây ép, nhưng ta vẫn bình tĩnh tránh mọi khiêu khích. 13 giờ ngày 14 tháng 3, đến Len Đao, lúc này tàu HQ-605 vẫn đang cháy. Quan sát kỹ khu vực này không có người, trên đảo Len Đao lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trước gió. Chiếu tối, tàu HQ-931 đi về đảo Sinh Tồn.

Cùng lúc Sở chỉ huy lệnh cho hai tàu HQ-671 và HQ-931 thì đồng thời cũng lệnh cho các tàu HQ-13 và HQ-961 dừng lại ở Tốc Tan, không lên khu vực Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao để tránh gây thêm tình hình căng thẳng ở khu vực này.

Sáng 15 tháng 3 năm 1988, cho hai tàu HQ-671 và HQ-931 trở lại Gạc Ma - Cô Lin tiếp tục tìm kiếm, cấp cứu nhưng không phát hiện thêm người nào nữa. Chiều cùng ngày, đưa bớt số anh em của tàu HQ-505 về Sinh Tồn. Chỉ để lại một số đồng chí chốt giữ tàu, bảo vệ đảo Cô Lin. Sở chỉ huy điều tàu HQ-614 đến Sinh Tồn lúc 18 giờ ngày 16 tháng 3 để cùng với tàu HQ-671 và HQ-931 tham gia cấp cứu, cứu hộ.

Theo đề nghị của Quân chủng Hải quân, sáng ngày 16 tháng 3, máy bay AN-26 của không quân thả dù năm kiện hàng gồm thuốc men, quần áo... cho số anh em các tàu HQ-604, HQ-605, HQ-505 đang ở Sinh Tồn,

14 giờ ngày 16 tháng 3, từ Sinh Tồn tàu HQ-671 đã đưa các đồng chí thương binh về Cam Ranh lúc 4 giờ 30 phút ngày 18 tháng 3 năm 1988.

Tiếp sau đó các tàu Đại Lãnh kéo tàu HQ-462 cùng tổ chiến sĩ đặc công lặn của Đoàn 861, các tàu HQ-614, HQ-187, HQ-965... đến khu vực Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao để làm nhiệm vụ tim kiếm, cấp cứu, cứu hộ. Một số lần tàu đối phương vào gần đe dọa, khiêu khích nhưng các tàu của ta vẫn bình tĩnh vượt qua mọi ngăn chặn để làm nhiệm vụ của mình, không lùi bước, không một chút do dự,

Sau sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988, ngày hôm sau. Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng họp mở rộng có sự tham gia của Thường vụ Đảng ủy Vùng 4 để đánh giá kết quả hoạt động bảo vệ chủ quyền của ta từ cuối năm 1987 đến nay, nhất là việc đụng độ xảy ra tranh chấp chủ quyền ở khu vực Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao, đồng thời đề ra chủ trương, biện pháp đẩy mạnh hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta ở quần đảo Trường Sa khẩn trương hơn, toàn diện hơn, vững chắc hơn trong thời gian tới. Hội nghị kết luận:

“Vừa qua đối phương đã sử dụng một lực lượng hải quân tương đối lớn để thực hiện ý đồ tranh chấp xâm chiếm quần đảo Trường Sa của ta, ở biển Đông. Sau hơn một tháng, đối phương tiến hành xâm chiếm ở quần đảo Trường Sa và thấy ta chống xâm chiếm bằng triển khai chiếm lĩnh các nơi nhanh chóng hơn, đối phương đã dùng thủ đoạn lấy sức mạnh quân sự để đẩy ta ra ở một số nơi nhưng không thành công, mà ta lại củng cố nhanh các vị trí đã đóng giữ, do đó đối phương chủ trương tăng thêm lực lượng điên cuồng nổ súng vào tàu ta để uy hiếp và thăm dò thái độ của ta Vì vậy, trận đánh vừa qua ở Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao là có chủ trương của nhà cầm quyền đối phương và có sự chuẩn bị. Hiện nay nếu ta không tấn công về chính trị, ngoại giao, pháp lý và không có biện pháp đối phó tích cực về quân sự thì đối phương còn tiếp tục lũng đoạn khu vực này.

Về ta, vừa qua đã nhanh chóng triển khai đóng giữ những nơi cần thiết, nhưng gặp khó khăn về số, chất lượng tàu thuyền, thời tiết xấu kéo dài, sóng gió lớn liên tục lại hoạt động bảo vệ, chống tranh chấp chủ quyền trên một vùng biển rất rộng lớn, địa hình, địa chất rất phức tạp, do đó tốc độ triển khai có lúc chưa thực hiện được như kế hoạch thời gian đã đề ra.

Trận đánh ngày 14 tháng 3 năm 1988, có gây cho ta một số tổn thất, song đây là thắng lợi của ta. Nếu cứ để đối phương lặng lẽ chiếm hết nơi này đến nơi khác, mà ta không có phản ứng gì, thì vô hình trung đã thừa nhận chủ quyền của họ.

Ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trên biển, đảo và tinh thần chấp hành mệnh lệnh của cán bộ, chiến sĩ ta rất tốt. Đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên cường, dũng cảm hy sinh trong chiến đấu và tích cực trong lao động; triệt để chấp hành nhiệm vụ trên giao, xử lý tình huống đúng đắn, kiên quyết và mềm dẻo. Tuy nhiên, trong cán bộ và nhân dân vẫn còn một số nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước ở khu vực này”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:34:39 am »

Trước tình hình như vậy, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng chủ trương:

- Tiếp tục triển khai đóng giữ một số điểm cần thiết nữa.

- Củng cố các nơi mới đóng giữ, nhanh chóng xây dựng nhà lâu bền và tăng thêm phương tiện nổi bảo đảm sinh hoạt của bộ đội ở nơi mới đóng giữ,

- Tăng cường khả năng phòng thủ và điều kiện sinh hoạt cho bộ đội ở các đảo cũ.

Đề nghị với cấp trên:

- Đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta.

- Động viên phong trào đấu tranh chính trị trong cả nước và quốc tế, đồng thời tuyên truyền trong nội bộ để đi đến thống nhất nhận định tình hình như đã nói trên đối với các cấp, các ngành và trong nhân dân.

- Đưa hoạt động kinh tế để hỗ trợ cho đấu tranh của hải quân, bảo vệ chủ quyền trên biển đảo.

Để thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy và kế hoạch đã được Bộ tư lệnh Quân chủng chuẩn y, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật dồn sức chỉ đạo, giúp đỡ các đơn vị triển khai một cách khẩn trương tích cực mọi nhiệm vụ, mọi công việc cho hoạt động bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Vùng 4 và các đơn vị tăng cường như Lữ đoàn 125, các Trung đoàn công binh 83, 131, Cục kinh tế và một số đơn vị của Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126, 147, của Vùng 1, Vùng 3, của Trường sĩ quan chỉ huy-kỹ thuật Hải quân..., sau khi được phân công nhiệm vụ với khí thế “Tất cả vì Trường Sa” ra sức khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo đề nghị của Quân chủng, để tăng cường lực lượng tàu vận chuyển phương tiện, vật liệu khấn trương xây dựng công trình chiến đấu ở đảo, tháng 3 năm 1988, Lữ đoàn 125 đã nhận được ba tàu vận tải (Hạ Long 01, Bạch Đằng, Sông Thao) từ Bộ Giao thông vận tải chuyển qua. Đến ngày 28 tháng 4 năm 1988, Bộ Tổng tham mưu đã có quyết định thành lập Trung đoàn tàu vận tải 955 (về sau nâng lên thành lữ đoàn) trực thuộc Vùng 4 để làm nhiệm vụ vận chuyển phục vụ sẵn sàng chiến đấu ở quần đảo Trường Sa.

Những ngày qua ở Sở chỉ huy phía trước, các kíp trực ban tác chiến, thông tin, quân báo... có các sĩ quan tác chiến của Quân chủng như các đồng chí Cảo, Vinh, Tuyết, Nhu, Hán, Hùng...; sĩ quan tác chiến Vùng 4 như các đồng chí Sửu. Thao, Rèm, Ban, Liễu...; sĩ quan quân báo có các đồng chí Tranh, Dũng, Thành...; sĩ quan thông tin như các đồng chí Nhiễu, Khánh, Bơi... đã làm việc với một cường độ rất cao suốt ngày đêm, nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi, bây giờ đang sẵn sàng tham mưu phục vụ chỉ huy hoạt động trong tình hình mới.

Với kế hoạch đã thống nhất, Tư lệnh Giáp Văn Cương phân công tôi liên tục trực chỉ huy theo dõi điều hành hoạt động của các lực lượng. Đồng chí Tư lệnh chủ trì giao ban buổi sáng hàng ngày để kiểm tra chỉ đạo mọi hoạt động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa đang diễn ra. Do đó, sự chỉ huy, chỉ đạo của Quân chủng được tiến hành rất chặt chẽ.

Đề phòng đối phương xâm chiếm xen kẽ trước hết ta phải nhanh chóng triển khai lực lượng của Lữ đoàn 146 đóng giữ một số nơi cần thiết bằng nhà C3. Sử dụng một số đơn vị của Trung đoàn công binh 83, 131 cùng các tàu vận tải của Lữ đoàn 125, Cục kinh tế Hải quân và Quân khu 5 vận chuyển quân cùng vật liệu để làm xong 10 nhà cấp 3.

Cụ thể, Lữ đoàn 146 làm xong nhà C3 ở Đá Lớn A (19-3-1988). Trung đoàn 83 làm xong bảy nhà C3 ở Núi Le (22-3-1988), ở Đá Thị (3-4-1988), ở Tốc Tan A và Tốc Tan B (4-4-1988), ở Đá Nam (7-4-1988); ở Thuyền Chài C và Phan Vinh B (21-4-1988). Trung đoàn 131 làm xong hai nhà C3 ở Đá Lớn B và Đá Lớn C (29-3-1988).

Song song với việc làm nhà cấp 3, cần phải làm nhà cấp 1 (bằng bê tông cốt thép) và cấp 2 (nhà khung sắt) để bảo đảm sinh hoạt và chiến đấu lâu dài cho bộ đội đóng giữ đảo. Việc này đòi hỏi không những ngân sách lớn mà phải có nhiều lực lượng đảm bảo việc sản xuất, vận chuyển một khối lượng lớn vật liệu trong điều kiện biển sóng gió lớn, đảo không có nước ngọt, phải có nhiều lực lượng thi công, trong bối cảnh thiếu kinh nghiệm xây dựng công trình trên các bãi san hô ngập nước, địa hình, địa chất rất phức tạp. Trong một thời gian cấp bách, một mình Quân chủng Hải quân làm không xuể.

Theo đề nghị của Bộ tư lệnh Hải quân, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giao nhiệm vụ cho sáu tỉnh và thành phố, mỗi địa phương xây dựng một nhà cấp 1 cho hải quân (Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Thành phố Hồ Chí Minh). Và theo đề nghị trực tiếp của Hải quân, các tỉnh Bình Trị Thiên và Quảng Ninh, mỗi tỉnh nhận làm một nhà cấp 1.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM