Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:39:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền sóng vỗ - Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh  (Đọc 4054 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:51:04 am »

Trước tình hình rất khẩn trương đó, đất nước sau chiến tranh còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như sinh hoạt, nhưng vẫn phải tổ chức các cuộc diễn tập của bộ đội rất tốn kém để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu kịp thời cùng các quân binh chủng chống mọi tấn công của địch. Phòng tác chiến là cơ quan trung tâm làm tham mưu kế hoạch tổ chức các cuộc diễn tập theo chủ trương và ý định của Bộ tư lệnh Quân chủng. Một vấn đề lớn là làm tham mưu kế hoạch sao cho phù hợp sát với yêu cầu vừa phòng thủ tốt tại chỗ, vừa sẵn sàng tấn công địch trong mọi trường hợp. Do yêu cầu khẩn trương của tình hình nên tôi cùng anh em trong phòng tác chiến làm việc không quản ngày, đêm để đáp ứng với sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân chủng. Các cuộc diễn tập phòng thủ các đảo Phú Quốc, Hòn Đốc; diễn tập đánh chiếm lại đảo khi bị địch chiếm gồm nhiều lực lượng tàu, hải quân đánh bộ, lực lượng phòng thủ đảo... tham gia được diễn ra ở vùng biển Tây Nam, suốt từ giữa năm 1977 đến đầu năm 1978. Cơ quan tác chiến đã cùng hiệp đồng với các cơ quan khác của Quân chủng phục vụ có kết quả tốt theo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.

Sang năm 1978, khi bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đem quân tấn công xâm lược giết hại đồng bào ta ở biên giới đất liền ngày một leo thang, thì trên vùng biển Tây Nam chúng đem tàu thuyền chiến xâm nhập vào vùng biển của ta hoạt động khiêu khích, bắt và bắn giết ngư dân ta, nhất là ở khu vực biển Phú Quốc, Hòn Đốc gây nên tình hình rất căng thẳng. Trên cơ sở kế hoạch bảo vệ vùng biển đảo đã được xây dựng, lực lượng tàu của Hạm đội 171, Vùng 5 và lực lượng phòng thủ đảo đã nhiều lần chặn đánh diệt nhiều tàu của bọn phản động Campuchia xâm nhập quấy phá ở vùng biển của ta.

Qua những lần đầu chặn đánh tàu địch, tôi và anh em ở phòng tác chiến của Quân chủng cùng cán bộ Vùng 5 và Hạm đội 171, trực tiếp cùng cán bộ chỉ huy tàu kịp thời tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về thủ đoạn hoạt động liều lĩnh của địch và kỹ chiến thuật chiến đấu của ta phục vụ cho sự chỉ đạo tác chiến của Bộ tư lệnh Quân chủng trong việc bảo vệ vững chắc vùng biển đảo ở khu vực biển Tây Nam. Trong tháng 4 và 5 năm 1978, các tàu chiến đấu của Vung 5 và Hạm đội 171 đã chặn đánh và bắn chìm 12 tàu của bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, khi chúng lợi dụng đêm tối xâm nhập bắn phá sâu vào vùng biển của ta.

Trong thời điểm rất khẩn trương, song song với việc chống tàu địch xâm nhập quấy phá trên vùng biển Tây Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân chủng, cơ quan tác chiến của Quân chủng đã cùng với các cơ quan khác trong Bộ tham mưu và các Cục khác, giúp Vùng 5 làm kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ ở các đảo Phú Quốc, Hòn Đốc, Thổ Chu, trong đó có việc tăng cường bố trí lực lượng pháo 130mm, 105mm, 85mm và pháo cao xạ 37mm trên các đảo. Rất gần với các đảo của địch, do đó việc đưa pháo vào trận địa không có bến cặp tàu và đường kéo pháo làm sẵn, có nơi là rừng như ở đảo Phú Quốc, lại phải tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật nên gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức.

Tôi nhớ khi đưa pháo 130mm của Tiểu đoàn 21 do đồng chí Kính làm tiểu đoàn trưởng vào Gành Dầu, bắc đảo Phú Quốc, tiến hành suốt cả đêm đến sáng mà pháo chưa được kéo hết vào các trận địa vì phải vượt qua đường nhiều gốc cây và đất lún. Trong những lúc này không chỉ chúng tôi là cơ quan tác chiến và chỉ huy trưởng Vùng 5 như đồng chí Nguyễn Dưỡng phải theo sát đơn vị mà ngay cả Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng theo sát trực tiếp chỉ đạo đơn vị thực hiện kế hoạch kéo pháo vào trận địa. Cán bộ, chiến sĩ quên cả mệt nhọc, ai cũng biểu lộ vui vẻ, phấn khởi khi hoàn thành được nhiệm vụ.

Kế hoạch tăng cường lực lượng Vùng 5 đã đạt được như: có Hải đoàn tàu 127 (đến tháng 12-1979 là Lữ đoàn tàu 127) mới thành lập, Trung đoàn bộ binh 101 được nâng lên thành lữ đoàn, có các tiểu đoàn phòng thủ ở các đảo Hòn Đốc, Thổ Chu... Đến lúc này sức chiến đấu bảo vệ biển đảo của Vùng 5 hải quân ở khu vực biển Tây Nam đã được tăng lên nhiều. Các đơn vị của Vùng 5 đã chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, làm nòng cốt phối hợp với các lực lượng bảo vệ vững chắc vùng biển đảo của tổ quốc.

Thời gian này tình hình biên giới Tây Nam nóng lên từng ngày. Pôn Pốt - Iêng Xari cho quân đột nhập phá hoại, bắn giết dân ta nhiều nơi ở biên giới, chúng gây ra cảnh tàn sát hết sức dã man. Chấp hành lệnh của Bộ Tổng tham mưu. Từ ngày 16 tháng 4 năm 1978, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới chống xâm lược của bọn phản động Pôn Pốt ở khu vực Châu Đốc (An Giang) dọc tuyến kênh Vĩnh Tế. Với trách nhiệm là Trưởng phòng Tác chiến của Quân chủng, tôi cùng đi với lữ đoàn thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ huy lữ đoàn có đồng chí Trần Sĩ Kịch.

Dọc tuyến sát kênh Vĩnh Tế phần lớn là ruộng lúa đã gặt, cánh đồng trơ trọi rất dễ lộ, nên mọi việc bố trí phòng thủ làm công sự trận địa đều phải tiến hành vào ban đêm. Bọn Pôn Pốt cũng thường đột nhập bắn phá vào ban đêm. Vì vậy đồng bào phải sơ tán hết. Từ khi có Lữ đoàn 126 về làm nhiệm vụ ở đây, chặn diệt được quân xâm nhập đánh phá của địch, bảo vệ được vùng biên giới nên đồng bào rất tin tưởng, dần dần hồi cư tiếp tục công việc sản xuất và ổn định cuộc sống. Trong 5 tháng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới Lữ đoàn 126 đã chặn đánh địch nhiều trận, diệt hơn 1.000 tên địch.

Từ cuối năm 1977, tình hình tranh chấp chủ quyền ở vùng biển đảo của ta ngày càng tăng. Từ sau ngày giải phóng năm 1975, Hải quân được trên giao nhiệm vụ làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển đảo rộng lớn của Tổ quốc mà trong đó khu vực quần đảo Trường Sa là một trọng điểm. Vào thời gian đó, chúng ta đã đóng giữ trên năm đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, nhưng để ổn định tình hình khu vực này, chúng ta chủ trương không tổ chức đóng thêm các đảo nào nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:52:12 am »

Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của ta đã ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước tình hình tranh chấp chủ quyền ở vùng biển đảo ngày càng nóng lên nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa, chúng ta vẫn luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, yêu cầu các bên không nên làm gì gây thêm tình hình căng thẳng, làm mất ổn định tình hình ở khu vực này.

Thế nhưng ngày 2 tháng 3 năm 1978, Phillipin lại mở rộng chiếm đóng bằng việc đem quân đóng giữ thêm đảo Loai-ta tây (Panata). Một số nước khác cũng đem tàu dưới nhiều dạng, nhiều hình thức tiến hành hoạt động trinh sát và lén chôn ngầm bia chủ quyền trên một số đảo và bãi đá ngầm... Những hành động trên ngày càng làm cho việc tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Trường Sa tăng thêm căng thẳng, phức tạp.

Trước tình hình đó, để bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ. Quân chủng Hải quân sau khi cân nhắc kỹ đã đề nghị trên cho phép đóng giữ một số đảo chưa có người đóng giữ gần các đảo ta đang đóng giữ, vì nếu để đối phương lấn chiếm đóng giữ làm việc đã rồi, sẽ rất khó khăn cho ta. Không những ta không bảo vệ được chủ quyền ở những đảo đó mà còn trở thành bị bao vây trong tình hình tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Trường Sa ngày càng gay gắt. Việc đóng giữ thêm một số đảo lúc này phải được cân nhắc kỹ vì nó có quan hệ đến ổn định tình hình khu vực đang tranh chấp. Đồng chí Giáp Văn Cương, có tôi tháp tùng trực tiếp báo cáo xin ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Bí thư về việc này.

Sau khi được trên cho phép, dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân chủng, cơ quan tác chiến phối hợp với Vùng 4 lập kế hoạch sử dụng các tàu HQ601, HQ605, HQ606... của Lữ đoàn 125 cùng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 146 tiến hành đóng giữ trọn vẹn các đảo: An Bang (10-3-1978), Sinh Tồn Đông (Gơ-ri-sân) (15-3-1978), Phan Vinh (Hòn Sập) (30-3-1978); Thuyền Chài (1-4-1978); Trường Sa Đông (Đá Giữa) (2-4-1978).

Có một tình huống xảy ra, là sau mấy ngày ta đóng giữ đảo An Bang, Mailaixia đã đưa tàu chiến và tàu đổ bộ đến uy hiếp bằng cách dàn hàng ngang từ xa chĩa súng tiến vào đảo nhiều lần, nhưng bộ đội ta do đồng chí Dân chỉ huy vẫn vững vàng sẵn sàng chiến đấu, tránh khiêu khích, giữ vững liên lạc với sở chỉ huy, cờ đỏ sao vàng vẫn bay phần phật trước gió. Sau nhiều lần uy hiếp dọa dẫm không được, đối phương phải rút lui.

Để đề phòng tranh chấp, song song với việc đóng giữ các đảo nói trên, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1978, chúng tôi cùng cơ quan quân báo lập kế hoạch khảo sát 19 bãi đá ngầm và đồng chí Võ Xuân Triều phó phòng Quân báo được phân công trực tiếp chỉ huy đội khảo sát này. Qua khảo sát có thêm nhiều tư liệu, thông tin để Quân chủng bổ sung vào kế hoạch tác chiến phòng thủ bảo vệ biển đảo của ta.

Cũng trong năm 1978, khi Đảng và Nhà nước Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện, trong đó có hợp tác quốc phòng, an ninh, Quân chủng Hải quân có trách nhiệm làm tham mưu cho Nhà nước, Bộ Quốc phòng và trực tiếp bàn bạc với bạn về quy chế hoạt động trong việc bảo đảm kỹ thuật cho tàu hải quân của bạn ở vịnh Cam Ranh. Đồng chí Nguyễn Bá Đạt, chánh văn phòng Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân chủng và tôi được cử làm chuyên viên phục vụ cho Bộ tư lệnh đàm phán với Hải quân Liên Xô. Tinh thần hữu nghị nói chung chung thì dễ, nhưng đi vào cụ thể nhiều vấn đề liên quan đến chủ quyền đến an ninh trật tự, đến các mặt bảo đảm hoạt động... mới thấy hết sức phức tạp, mặc dầu ta và bạn ai cũng hiểu dựa trên tình đồng chí để bàn bạc, đàm phán. Qua đợt phục vụ này tuy vất vả hàng tháng trời nhưng cũng tạo điều kiện cho mình được cọ xát nâng cao trình độ nhận thức, nghiệp vụ.

Thấy trước, không chóng thì chầy, tình hình tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa cũng sẽ diễn ra phức tạp, uy hiếp đến phòng giữ chủ quyền của ta nên từ tháng 3 năm 1976, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương triển khai nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo, trong đó có một yêu cầu cấp bách là phải xây dựng ở đảo các công trình, công sự chiến đấu. Trung đoàn công binh 83 là đơn vị đầu tiên được giao làm nhiệm vụ thi công xây dựng. Cơ quan tác chiến và công binh của Quân chủng có nhiệm vụ không những làm kế hoạch, thiết kế công trình mà đã phối hợp với Vùng 4 trực tiếp tổ chức thực hiện và liên tục theo dõi chỉ đạo kiểm tra đôn đốc công việc này. Lần đầu tiên xây dựng công trình, công sự trực tiếp với nước biển ở đảo san hô, chưa có kinh nghiệm nên chưa bảo đảm chất lượng và tuổi thọ của công trình. Qua thực tế là những bài học sống động nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ tham mưu chỉ huy chúng tôi về những yêu cầu kỹ thuật xây dựng công sự ở đảo san hô.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:52:22 am »

Trong khi ở biên giới Tây Nam đang phải chống tấn công xâm lấn của bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, việc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa ngày càng tăng lên thì tình hình ở biên giới và vùng biển phía Bắc cũng diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải khẩn trương tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Quân chủng Hải quân có nhiệm vụ hiệp đồng với các quân khu ven biển bảo vệ chủ quyền biển đảo ở vịnh Bắc Bộ, đồng thời chống địch tấn công đổ bộ đường biển, đặc biệt bảo vệ quần đảo đông bắc và đảo Bạch Long Vĩ.

Tháng 9 năm 1978, sau khi chỉ đạo làm các công việc sẵn sàng chiến đấu ở vùng biển Tây Nam và Trường Sa, Tư lệnh Giáp Văn Cương chỉ thị cho tôi ra Hải Phòng và giao cho tôi làm kế hoạch đi khảo sát vùng biển phía Bắc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Văn - Phó phòng Tác chiến vào thay tôi cùng một số cán bộ tác chiến tiếp tục phục vụ chỉ đạo công tác sẵn sàng chiến đấu của Bộ tư lệnh Quân chủng ở khu vực biển Tây Nam. Tham gia khảo sát cùng Tư lệnh còn có một số cán bộ của Quân chủng và chỉ huy Vùng 1. Qua các khu vực từ Trà Cổ, Mũi Ngọc, các đảo: Vĩnh Thực, Cái Chiên, Vạn Mặc, Vạn Vược, Bò Vàng, Đá Dựng, Thoi Dây, Cái Bầu, Hòn Chín, Vạn Hoa, Sậu Đông... Cho đến các đảo Thanh Lân, Cô Tô, Ngọc Vừng, Thượng, Hạ Mai, Cát Bà, Long Châu; đến các luồng lạch ở các Cửa Tán, Cửa Đại, Cửa Tiểu, Cửa Mô, Cửa Nội, Cửa Đối, Lạch Miều, Cửa Vạn...

Đoàn không chỉ khảo sát địa hình để làm kế hoạch tác chiến, mà còn quan hệ tìm hiểu tình hình các đơn vị phòng thủ bảo vệ tại một số đảo của Sư đoàn 242, Đặc khu Quảng Ninh để có quan hệ trong hiệp đồng chiến đấu. Qua nhiều địa hình phức tạp của từng đảo, bến bãi, luồng lạch để bổ sung đầy đủ hơn vào tình hình và số liệu mà trước đây ta đã có.

Cơ quan tác chiến chủ trì phối hợp với một số cơ quan khác phục vụ Bộ tư lệnh Quân chủng làm kế hoạch tác chiến và mệnh lệnh chiến đấu cho các đơn vị với yêu cầu rất khẩn trương vì tình hình bảo vệ biên giới đất liền cũng như vùng biển phía Bắc đang nóng lên từng ngày.

Từ tháng 10 năm 1978, Vùng 1, Vùng 3 hải quân và một số đơn vị đã nhận được mệnh lệnh mới của Tư lệnh Hải quân, khẩn trương triển khai kế hoạch sần sàng chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu bảo vệ biển đảo. Khi chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (17-2-1979), trong nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân hiệp đồng với các Quân khu chiến đấu bảo vệ biển đảo, cơ quan tác chiến của Quân chủng dưới sự chỉ đạo của Bộ Tham mưu tổ chức các bộ phận đi xuống cơ sở để theo dõi và giúp đỡ các đơn vị triển khai kế hoạch sẵn sàng chiến đấu. Khẩn trương đưa một số đơn vị mới được thành lập và nâng cấp vào làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu như các Lữ đoàn tàu 161, 170, 127, 125... Lữ đoàn hải quân đánh bộ 147, Trung đoàn 952 ở đảo Bạch Long Vĩ.

Ngày 7 tháng 1 năm 1979, đáp lời kêu gọi của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân nước bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari. Trong bộ đội tình nguyện Việt Nam có các lực lượng của Hải quân như Vùng 5, Hạm đội 171 và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126... cùng tham gia phối hợp giải phóng các cảng Ream, Kôngpông Xom, tỉnh Cô Công và các đảo. Sau ngày giải phóng, Vùng 5 hải quân giúp bạn Campuchia bảo vệ các đảo gồm có tiểu đoàn 562 ở đảo Cô Tang, 563 ở đảo Vai, 572 ở đảo Côrông - Salem, tiểu đoàn 573 ở đảo Phú Dự và đại đội 2 ở đảo Cô Công.

Tháng 12 năm 1979, khi Lữ đoàn 170 có kế hoạch hiệp đồng chiến đấu bảo vệ quần đảo đông bắc với Sư đoàn 242, đặc khu Quảng Ninh, tôi đến gặp đồng chí Thọ - Chỉ huy trưởng và đồng chí Phương - Chính ủy của Lữ đoàn tại khu vực đảo Chàng Ngọ để kiểm tra và thống nhất tổ chức sở chỉ huy phía trước của lữ đoàn ở khu vực này. Sau đó cùng với đoàn của cơ quan Quân chủng kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của đảo Bạch Long Vĩ nhằm bổ sung kế hoạch chiến đấu và tăng cường lực lượng, nâng cao khả năng chiến đấu phòng thủ của đảo.

Lúc này do sự tàn phá của chiến tranh, nền kinh tế của đất nước chưa kịp phục hồi, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch ra sức thực hiện âm mưu “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” nhằm lũng đoạn cả về tư tưởng, chính trị cũng như phá hoại sự phục hồi kinh tế của ta. Chúng gây ra tình hình xâm nhập trái phép của bọn phản động chống phá quốc phòng an ninh và lừa đảo kích động một số người dân di cư bất hợp pháp ở nhiều địa phương ven biển, ảnh hưởng nhiều đến an ninh trật tự. Quân chủng Hải quân ngoài việc cảnh giác chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” tác động vào đơn vị mình, còn có nhiệm vụ tích cực tham gia cùng các lực lượng chống mọi âm mưu hành động của chiến tranh phá hoại nhiều mặt, để gìn giữ an ninh trật tự ven biển, trên biển. Cũng từ năm 1979, trên vùng biển của ta ở vịnh Bắc Bộ cho đến vùng biển ở các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi có nhiều tàu cá nước ngoài lợi dụng tình hình xâm nhập hoạt động trái phép mà ta phải thường xuyên điều động lực lượng xua đuổi. Căn cứ vào kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng, cơ quan tác chiến phải thêm một mảng công việc cấp thiết để phục vụ Quân chủng kịp thời chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị làm nhiệm vụ trước tình hình nói trên.

Việc chống xâm nhập tàu cá cửa nước ngoài đánh trộm hải sản trên vùng biển của ta hết sức phức tạp. Ở vịnh Bắc Bộ, hàng ngày có hàng trăm tàu cá nước ngoài xâm nhập. Chủ trương của ta là chỉ xua đuổi, tránh gây tình hình căng thẳng. Trên vùng biển rộng mênh mông, ta không thể đủ tàu để thường xuyên có mặt ở mọi khu vực và không có máy bay tuần tra. Vì vậy đuổi được khu vực này, họ lại xâm nhập vào khu vực khác.

Lực lượng rađa quan sát biển và tàu của ta phải liên tục hoạt động. Trực ban tác chiến cũng phải theo nhịp độ đó để phục vụ Quân chủng chỉ huy, chỉ đạo công việc này nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự trên biển.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:54:37 am »



Được gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng và cố vấn Võ Chí Công tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996)



Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và làm việc với Quân chủng Hải quân (1995)



Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Quân chủng Hải quân và qua máy VTĐ trực tiếp nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa (1995)



Phó thủ tướng Trần Đức Lương, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và các hải đảo,
đến kiểm tra đóng tàu tuần tra cao tốc tại Nhà máy đóng tàu Sông Cấm, Hải Phòng (1997)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:56:43 am »



Với đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1998)



Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Quân chủng Hải quân và dự lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ,
thành lập Cục cảnh sát biển Việt Nam (1998)




Các đại biểu của Đảng bộ Quân đội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII chụp ảnh lưu niệm trước Lắng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1996)



Đồng chí Lê Danh Xương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm Bộ tư lệnh Hải quân (1998)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:09:51 am »

Chương năm

ĐƯỜNG RA BIỂN LỚN

Tháng 8 năm 1980, tôi được trên cử đi học trường quân sự cao cấp ở Liên Xô. Đang cuốn hút vào công tác chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu ở cơ quan tác chiến của Quân chủng, tin đó là một điều mừng vì được trên cho đi học để nâng cao trình độ phục vụ lâu dài trong quân đội. Tuy nhiên, tôi cũng có đôi chút băn khoăn là trong bối cảnh cơ quan tác chiến đã và đang phục vụ lãnh đạo, chỉ huy của Quân chủng vào thời điểm tình hình bảo vệ chủ quyền biển, đảo đang còn hết sức khó khăn phức tạp, rất tiếc là mình không được cùng anh em cán bộ tác chiến tiếp tục làm công việc này.

Thực ra, có mình hay không có mình chẳng có gì đáng nói, nhưng đây là một thứ tình cảm của trách nhiệm tự nhiên thông thường của người cán bộ khi thôi làm nhiệm vụ mà mình đang say sưa làm để nhận nhiệm vụ khác.

Trước khi đi học, tôi được phép về thăm nhà mấy ngày. Vừa được cử đi học, tôi lại vừa được đề bạt chức Phó tham mưu trưởng Quân chủng. Cổ nhân có câu “Phúc bất trùng lai” nhưng lần này đối với mình thì dường như là “Phúc trùng lai”, về thăm nhà trong hoàn cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn, gia đình cũng nằm trong hoàn cảnh đó, nhưng một việc xảy ra khó khăn hơn là vợ tôi đột nhiên bị ốm nặng phải vào viện mổ cấp cứu, các con đang tuổi đi học, chưa tự lực được, phải nhờ người đem vợ đi bệnh viện cùng lúc tôi lên đường trở về đơn vị để kịp ngày đi học. Chưa hết, còn người anh ruột lại mắc bệnh hiểm nghèo đang ở vào giai đoạn cuối. Lúc này mới thật là “Họa vô đơn chí”.

Trước tình hình như vậy, có nên xin trên thôi đi học để lo những việc đột xuất của gia đình mới xảy ra. Việc công, việc tư những lúc này nhiều phân vân, khó xử. Cuối cùng tôi chọn phương án là xác định quyết tâm đi học theo quyết định của trên, mặc dù chân bước đi mà lòng chưa thanh thản.

Vào học trường Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô mang tên Vô-rô-si-lôp(1) là trường đào tạo cán bộ quân sự cao cấp chỉ huy tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược. Đây là Trường Quân sự binh hợp chủng thành cao cấp nhất của Liên Xô lúc bấy giờ. Các giáo viên giảng lý thuyết cho đến hướng dẫn bài tập đều là cấp tướng của các quân, binh chủng. Bắt đầu khóa học, chúng tôi được đi tham quan diễn tập thực binh ở một số đơn vị của các quân, binh chủng của bạn và ôn tập chiến thuật chiến đấu của sư đoàn bộ binh. Những việc đó, nhằm ôn tập kiến thức cơ sở cho học viên để đi vào học chỉ huy-tham mưu ở cấp cao hơn.

Đi học khóa này, có 11 người ở các quân binh chủng như các đồng chí Nguyễn Minh Long, Đỗ Phú Vàng, Lê Văn Nhân, Nguyễn Đáng, Từ Văn Biền ở bộ binh; Nguyễn Văn Thực ở Phòng không, Nguyễn Tiến Sâm ở Không quân, Nguyễn Văn Phác ở Tăng thiết giáp; Nguyễn Phượng ở Hậu cần. Hải quân có đồng chí Lê Kế Lâm và tôi. Cả 11 người học cùng một lớp. Học chung chương trình với sĩ quan các nước trong khối quân sự Vác-sa-va như: Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan... Chương trình học tập rất nặng, ngoài việc học về chiến dịch, chiến lược quân sự, còn học lý luận chính trị, học lịch sử quân sự của Liên Xô và có cả phần giới thiệu về “chiến tranh cục bộ” ở Việt Nam, trong khi ở Việt Nam chúng tôi chưa kịp nghe phần tổng kết này.

Tài liệu học tập ở đây, qua những lần rút kinh nghiệm diễn tập quân sự của khối quân sự Vác-sa-va đều được sửa đổi bổ sung. Sau khi học lý thuyết về từng chiến dịch tấn công, phản công, phòng ngự... thì thực hành diễn tập trên bản đồ và ra thực địa kéo dài hàng tháng; diễn tập sử dụng lực lượng từng quân, binh chủng hợp thành. Khối lượng học nhiều như vậy, nhưng đều là tài liệu tối mật, tuyệt mật, hết giờ học ở lớp là phải gửi lại thư viện, tuyệt đối không được mang bất cứ thứ gì về nhà nghỉ, vì vậy không có gì để tranh thủ học thêm ngoài giờ được! Chúng tôi phải đề nghị nhà trường cho đến lớp học thêm một buổi vào ngày chủ nhật. Có điều, học trực tiếp bằng tiếng Nga, trong lúc trình độ ngoại ngữ của chúng tôi chưa thật thành thạo lắm, cho nên kết quả học tập, khi kiểm tra thi cử bị hạn chế phần nào. Bù lại, học viên Việt Nam hầu hết đã trải qua chiến đấu trong chiến tranh nên có kinh nghiệm thực tế giúp tiếp thu nhanh.

Có thể nói qua hai năm học tập ở trường này đã mở rộng và nâng cao kiến thức cho mình rất nhiều về chỉ huy-tham mưu chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng kể cả tổ chức huấn luyện diễn tập khi có nhiều lực lượng tham gia một cách chính quy bài bản.

Những ngày học ở Học viện Vô-rô-si-lốp, cường độ học tập rất cao, chế độ học tập của nhà trường rất nghiêm túc, chính quy, chặt chẽ. Đội ngũ giáo viên và cán bộ phụ trách có trình độ cao trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn như thượng tướng Đi-mi-tơ-rốp, trung tướng Cô-lốp; các thiếu tướng Lô-ma-tren-cô, Ê-gu-rơ-nốp, Ma-kho-rin... Từ các giáo viên đến những người phục vụ học tập của nhà trường không những tận tình truyền đạt kiến thức cho học viên, giúp đỡ chúng tôi trong học tập với nghĩa tình thầy trò mà còn mang đậm tình đồng chí, tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam. Tình nghĩa của những người anh em Xôviết mãi mãi đọng lại trong ký ức của chúng tôi.


(1) Vô-rô-si-lôp: Nguyên soái Liên Xô (1881-1969). Hai lần Anh hùng Liên Xô (1956, 1968), Anh hùng Lao động XHCN (1960). Trong chiến tranh giữ nước (1941-1945) ủy viên Ủy ban Quốc phòng và Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao, kiêm Tư lệnh phương diện quân... Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên xỏ (1953-1960).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:10:47 am »

Tháng 7 năm 1982, tôi được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Tuy đã hiểu về nghiệp vụ và trước đây đã quen biết các đơn vị trong Quân chủng nhưng tình hình có nhiều thay đổi. Trong Bộ tư lệnh Quân chủng lúc bấy giờ có Tư lệnh Đoàn Bá Khánh, Chính ủy Trần Văn Giang và các anh Nguyễn Dưỡng - Phó tư lệnh phụ trách công tác huấn luyện; Huỳnh Kim phụ trách hậu cần; Hoàng Phúc phụ trách kỹ thuật; Phạm Huấn phụ trách lục quân của hải quân.

Mới thay đổi chức trách, nhiệm vụ nên tôi phải có thời gian tiếp cận các anh trong Bộ tư lệnh cũng như các đơn vị trong Quân chủng để hiểu thêm tình hình và tranh thủ sự giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian này Quân chủng đang tổng kết công tác huấn luyện quân sự năm 1982 và chuẩn bị cho cuộc diễn tập chỉ huy-tham mưu có thực binh bắn đạn thật hiệp đồng giữa hải quân với không quân theo kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng với tên gọi là diễn tập BM83 vào đầu tháng 3 năm 1983. Ngoài diễn tập chỉ huy-tham mưu trên bản đồ thì có huấn luyện diễn tập thực binh phân đoạn của từng phân đội, từng binh chủng về chiến, kỹ thuật, trước khi đi vào diễn tập thực binh tổng hợp hiệp đồng quân, binh chủng.

Tham gia bắn đạn thật của hải quân có tàu tên lửa 205U, tàu phóng ngư lôi 206, đơn vị tên lửa bờ biển; không quân có máy bay MiG-21, máy bay vận tải - ném bom AN-26, máy bay trực thăng vũ trang Mi-24. Đây là cuộc diễn tập hiệp đồng giữa hải quân và không quân với quy mô lớn nhất từ trước cho đến lúc này với sự tham gia hàng chục tàu và máy bay các loại, cùng với việc sử dụng ba tàu của hải quân làm bia bắn đạn thật ở khu vực biển Hải Phòng - Thái Bình; có sự chỉ đạo, kiểm tra của Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn và đặc biệt có sự quan sát diễn tập của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đây là lần đầu tiên đoàn tên lửa bờ biển của hải quân ta tiến hành bắn đạn thật, phải có sự chuẩn bị tốt không những về kỹ thuật, vũ khí mà cả kế hoạch bảo đảm an toàn trên vùng biển rộng có nhiều tàu, thuyền của dân ta cũng như của nước ngoài hoạt động.

Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc diễn tập này. Đồng chí Chuẩn đô đốc Đoàn Bá Khánh - Tư lệnh Hải quân là người chỉ đạo và Đại tá Nguyễn Dưỡng - Phó tư lệnh về huấn luyện quân sự được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc diễn tập này. Mặc dù mới nhận nhiệm vụ, không nằm trong Ban chỉ đạo cuộc diễn tập nhưng với cương vị là Đại tá Phó tư lệnh Tham mưu trưởng, tôi và đồng chí Thượng tá Lê Kế Lâm - Phó tham mưu trưởng kiêm Trưởng phòng tác chiến vẫn chủ động cùng với đồng chí Nguyễn Dưỡng tích cực khẩn trương chuẩn bị cuộc diễn tập. Khi giữa chừng làm công tác chuẩn bị thì cũng bất ngờ tôi được trên chỉ định thay đồng chí Dưỡng trực tiếp chỉ huy cuộc diễn tập này.

Được sự đồng thuận và ủng hộ của các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân chủng và anh em trong cơ quan tham mưu và tôi cũng tự nhận thức được đây cũng là một dịp tốt để học tập, thử thách, rèn luyện, cố gắng làm tốt chức trách của mình. Được sự ủng hộ của mọi người và sự nghiêm chỉnh chấp hành kế hoạch diễn tập của các lực lượng tham gia diễn tập nên việc chỉ huy diễn tập đúng theo kế hoạch, đạt kết quả rất tốt.

Việc phối hợp diễn tập giữa các tàu hải quân cũng như máy bay của không quân diễn tiến đúng theo kế hoạch hiệp đồng. Các tên lửa tàu và tên lửa bờ biển của hải quân đều bắn trúng mục tiêu. Những quả đạn tên lửa P15Y từ tàu tên lửa liên tiếp bay lao vào mục tiêu nhấn chìm tàu bia. Những loạt bom từ máy bay AN-26 và đạn rốc két từ máy bay trực thăng Mi-24 dội vào mục tiêu trông rất đẹp mắt. Đồng chí Phùng Thế Tài - Phó tổng tham mưu trưởng nhận xét: “Việc tổ chức chỉ huy diễn tập này rất tốt. Những người khó tính nhất cũng không thể có lời chê được”.

Có một tình huống gay cấn là còn hơn một giờ nữa là đến giờ G bắn đạn thật mà tổ bốn người đi định vị tàu bia cho máy bay ném bom và bắn tên lửa vẫn chưa rời khỏi tàu bia, rất nguy hiểm vì ở khu vực đặt tàu bia có sóng cồn lớn nên tàu làm nhiệm vụ thu quân ở tàu bia không thể cặp vào tàu bia được để thu quân. Một việc xảy ra ngoài kế hoạch, nếu không kịp thời khắc phục sẽ lỡ kế hoạch diễn tập và mất an toàn. Vì vậy chỉ huy diễn tập phải điều máy bay trực thăng nhanh chóng đến cẩu tổ chuẩn bị bia rời khỏi tàu bia. Vừa giải quyết xong việc này thì cũng vừa đến giờ phát hỏa. Cả sở chỉ huy thở phào sau những phút căng thẳng.

Công tác bảo đảm an toàn cho bắn đạn thật trên biển là một việc cực kỳ khó khăn do ta chưa quản lý được hết tàu thuyền làm ăn của dân. Mặc dù được thông báo trước là cấm tàu thuyền vào khu vực bắn, nhưng vì chưa nhận thức hết sự nguy hiểm nên vẫn có thuyền dân lén lút ra biển hành nghề. Đạn tên lửa dễ lao vào bất kỳ tàu thuyền nào đang ở trong tuyến bay của tên lửa. Kết hợp với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm “sạch” trường bắn và người chỉ huy chọn thời điểm kịp thời ra lệnh bắn, khi đã sạch trường bắn phải hết sức đúng lúc để bảo đảm an toàn; khoảng thời gian đó phải tính từng phút từng giây do điều kiện thực tế buộc ta phải làm như vậy.

Công tác an toàn cho bắn đạn thật hôm đó đã được bảo đảm tuyệt đối. Nhìn chung, đây là một cuộc diễn tập lớn, có nhiều lực lượng của hải quân, không quân phối hợp bắn đạn thật có nhiều mục tiêu trên một trường bắn rộng lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, có sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt, nên đã thành công hết sức tốt đẹp.

Cũng trong năm 1983, Hải quân tham gia diễn tập chỉ huy tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược toàn quân do Bộ Tổng tham mưu chủ trì, trong đó có luyện tập kiểm tra làm công tác tham mưu theo phương pháp song song và nối tiếp theo từng chức trách của cán bộ chỉ huy tham mưu đang thực tế đảm nhiệm. Lúc này đồng chí Đoàn Bá Khánh là Tư lệnh và tôi Phó tư lệnh Tham mưu trưởng. Cán bộ tham mưu có đồng chí Lê Kế Lâm - Phó tham mưu trưởng, Trưởng phòng Tác chiến mới được bổ nhiệm một lần cùng tôi về Bộ tham mưu cũng được phân công tập trung vào việc điều hành diễn tập.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:11:09 am »

Cuộc diễn tập diễn ra nhiều ngày, chỉ huy tham mưu Quân chủng, không những trình diễn để cấp trên kiểm tra mà còn phải hướng dẫn, kiểm tra tất cả các cơ quan của Quân chủng về công tác tham mưu chỉ huy của từng ngành, từng bộ phận, làm đầy đủ mọi việc, mọi văn kiện về công tác chỉ huy tham mưu.

Cuộc diễn tập công tác chỉ huy tham mưu lần này có thể nói lần đầu của toàn quân có đủ các quân binh chủng tham gia với quy mô lớn. Tư lệnh Đoàn Bá Khánh và tôi, từng người được báo cáo trình diễn, kiểm tra ở Bộ Tổng tham mưu với kết quả tốt. Các cơ quan của Quân chủng với sự tập trung huấn luyện cũng đã trình diễn kiểm tra tốt trước Tư lệnh Quân chủng. Cuộc diễn tập đã đem lại kết quả tốt, trình độ chỉ huy tham mưu của cán bộ được nâng lên nhiều.

Năm 1983, Bộ tham mưu Hải quân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, do có nhiều thành tích trong xây dựng và chiến đấu. Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu vì nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng của Bộ tham mưu Quân chủng. Tôi mới về lại làm tham mưu trưởng cũng rất vinh dự.

Cuối năm 1983, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng “Về nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc trong những năm 1983-1990” và Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp và nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân trong ba năm 1983-1985”, Bộ tham mưu chủ trì lập kế hoạch tổ chức lực lượng hải quân trong ba năm (1983-1985) thông qua Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng để báo cáo Bộ Quốc phòng. Trong đó ngoài tăng cường một số đơn vị chiến đấu, rút gọn một số cơ quan, đơn vị phục vụ, thanh lí một số vũ khí trang bị hư hỏng, có đề nghị tổ chức biên chế của Cục tham mưu Lục quân... Khi Bộ Tổng tham mưu ra quyết định tổ chức biên chế cho hải quân, Bộ tham mưu đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt ở từng đơn vị theo chỉ đạo của Tư lệnh Quân chủng.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch”, bộ đội hải quân làm nhiệm vụ trên biển đã tích cực cùng các lực lượng ngăn chặn âm mưu, hành động này của địch, trong đó nổi lên là chống cướp tàu, thuyền để vượt biên bằng đường biển.

Đi đôi với việc duy trì nghiêm lực lượng trực chiến sẵn sàng và liên tục nắm tình hình mặt biển sẵn sàng ngăn chặn các hiện tượng vượt biên trái phép, Tư lệnh Giáp Văn Cương giao cho tôi nghiên cứu đề xuất bổ sung điều lệnh và quy chế quản lý, sử dụng lực lượng nhất là đối với lực lượng tàu cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Trong đó có việc là Sở chỉ huy Quân chủng phải nắm được từng tàu lớn, nhỏ của hải quân bất cứ lúc nào đang ở đâu, hoạt động gì trên các căn cứ và vùng biển Việt Nam. Việc này đòi hỏi các cấp chỉ huy từ tàu đến Hải đội, Hải đoàn, Lữ đoàn, Vùng hải quân phải thông suốt và chấp hành nghiêm trong lúc bảo đảm thông tin liên lạc của hải quân vừa thiếu, vừa lạc hậu là một việc rất khó khăn. Tuy vậy, từ khi có những quy định cụ thể về quản lý điều động sử dụng tàu cùng với việc giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong việc quản lý bộ đội đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ an ninh trật tự trên biển và ven biển.

Trong tình hình các thế lực thù địch đang ra sức đẩy mạnh chiến tranh phá hoại nhiều mặt làm suy yếu Việt Nam và gây mất ổn định chính trị. Tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến rất phức tạp, tàu thuyền nước ngoài xâm nhập hoạt động trinh sát, đánh trộm hải sản trên khắp vùng biển nước ta ngày càng tăng. Với sự tác động của bọn phản động, tình hình vượt biên trái phép bằng đường biển không giảm. Là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển. Hải quân Việt Nam đã phải cùng các lực lượng tập trung làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, gìn giữ an ninh trật tự trên biển, sẵn sàng chống địch tấn công xâm lược từ hướng biển trong tình hình như đã nói trên. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã có nghị quyết và nhiều biện pháp, kế hoạch để lãnh đạo chỉ huy các đơn vị trong toàn Quân chủng thực hiện tốt nhiệm vụ.

Vào thời điểm từ sau khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện (3-11-1978) đến nay Hải quân đã được bạn viện trợ một số phương tiện, vũ khí chiến đấu. Trong đó có các tàu hộ vệ chống ngầm, tàu tên lửa, tàu phóng lôi, tàu tuần tiễu săn ngầm, tàu rà quét thủy lôi, tàu đổ bộ...; các đơn vị tên lửa, pháo binh bờ biển, xe tăng, xe bọc thép...; lực lượng hải quân được mở rộng và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Với chức trách tham mưu tác chiến, tôi tập trung củng cố biên chế tổ chức, huấn luyện lực lượng mới bổ sung vào chỉ huy chỉ đạo nắm chắc tình hình trên biển, nhanh chóng ổn định, củng cố biên chế tổ chức, huấn luyện lực lượng mới bổ sung, thúc đẩy việc tăng cường xây dựng công trình chiến đấu ở các đảo trước hết tập trung xây dựng ở đảo Bạch Long Vĩ và các đảo ở quần đảo Trường Sa.

Bước sang năm 1984, mọi công tác này được đẩy mạnh. Khi tàu đánh cá và các tàu hoạt động khác của nước ngoài xâm nhập sâu vào các vùng biển của ta hằng ngày có hàng trăm lần chiếc. Quân chủng đã lệnh cho lực lượng tàu Vùng 1 hải quân, truy quét xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm ở khu vực biển Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Thanh Lân và điều một số tàu của Vùng 3 (các tàu HQ-272, HQ-273, HQ-277, HQ-278) mà bạn vừa viện trợ vào tham gia truy quét xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm ở vùng biển Tây Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:12:01 am »

*
* *

Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang cách mạng càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước yêu cầu đó, hải quân là một thành phần của quân đội đòi hỏi phải tăng cường và nâng cao trình độ sẵn sàng chiến  đấu. Ngoài yếu tố tinh thần chính trị, tư tưởng trang bị, hải quân đang ra sức huấn luyện kỹ, chiến thuật hiệp đồng tác chiến trên biển.

Theo kế hoạch huấn luyện quân sự năm 1984 đã báo cáo Bộ Tổng tham mưu, đồng chí Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng đã chỉ đạo Bộ tham mưu Hải quân lập kế hoạch diễn tập hiệp đồng chiến đấu đổ bộ đường biển với Hải quân Liên Xô mang mật danh “HN-84”, mà trong đó có thực nghiệm một số trang bị mới được Liên Xô viện trợ. Cuộc diễn tập hiệp đồng chiến đấu này diễn ra vào thời điểm đỉnh cao của sự hợp tác hữu nghị giữa ta và Liên Xô.

Căn cứ vào ý định của Tư lệnh Quân chủng, tôi cùng đồng chí Lê Kế Lâm - Phó tham mưu trưởng hướng dẫn cán bộ tham mưu tác chiến, huấn luyện, có sự tham gia của cán bộ các Cục tham mưu Lục quân và Cục huấn luyện Nhà trường làm các văn kiện diễn tập báo cáo Tư lệnh chuẩn duyệt. Khi làm kế hoạch diễn tập hiệp đồng với lực lượng của Hải quân Liên Xô có cố vấn quân sự của bạn cùng tham gia. Các văn kiện từ quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy đến các kế hoạch chiến đấu từ cấp Quân chủng đến các đơn vị tham gia diễn tập đều thống nhất làm theo những quy định mới sau khi đã được tập huấn. Đây cũng là dịp để huấn luyện nâng cao trình độ của cán bộ tham mưu chỉ huy các cấp, các ngành.

Cuộc diễn tập có nhiều lực lượng tham gia như Lữ đoàn hải quân đánh bộ 147; các tàu chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Vùng 1, của Cục kinh tế; các tàu đổ bộ của Lữ đoàn 125; máy bay trực thăng săn ngầm Ka-25, các đài trạm rađa... Về phía bạn có tàu sân bay Minck chở máy bay cất cánh thẳng đứng YAK-38 một số tàu chiến khác.

Diễn tập đổ bộ đường biển ở bãi biển huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

Để tiến tới diễn tập tổng hợp, Bộ tham mưu phải chỉ đạo kế hoạch tập luyện hiệp đồng phân đoạn của từng đơn vị. Mấy ngày trước đó, tôi cùng các đồng chí cán bộ huấn luyện tàu và cán bộ Cục tham mưu Lục quân xuống trực tiếp Lữ đoàn 147 kiểm tra huấn luyện hiệp đồng giữa xe tăng, xe lội nước, bộ binh với các tàu đổ bộ của Lữ đoàn 125. Những cuộc kiểm tra huấn luyện phân đoạn này rất bổ ích để kịp thời phát hiện khắc phục những tồn tại về kỹ, chiến thuật chiến đấu của bộ đội.

Trước lúc diễn tập mười ngày, đồng chí Tư lệnh Giáp Văn Cương và tôi vào trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị thao trường đổ bộ ở bãi biển các xã Quảng Nham, Quảng Thạch, Quảng Thái... Tại đây, mà đồng chí Trương Đăng Thái cán bộ tham mưu Lục quân được cử vào trước làm công tác chuẩn bị.

Ngày 14 tháng 4 năm 1984, cuộc diễn tập thực binh “HN-84” bắt đầu. Đồng chí Phó đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng vừa là Trưởng ban chỉ đạo diễn tập vừa là người chỉ huy diễn tập và tôi được phân công làm Tham mưu trưởng diễn tập với Sở chỉ huy diễn tập ở tàu đổ bộ LST 505.

Cuộc diễn tập gặp một trở ngại lớn là suốt cả thời gian hành quân trên biển cho đến khi thực hành đổ bộ, trên biển trời mù dày đặc, tầm nhìn dưới 100m. Để bảo đảm an toàn đội hình hành quân, các tàu phải kết hợp chặt chẽ quan sát rađa và quan sát mắt với liên tục dùng còi tàu phát tín hiệu để tránh va chạm. Đến thời gian triển khai đội hình thực hành đổ bộ rồi mà trời mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 100m nên người chỉ huy không thể quan sát được đội hình đổ bộ cũng như bãi đổ bộ.

Đồng chí Trần Sĩ Kịch - Lữ đoàn trưởng hải quân đánh bộ 147 và chỉ huy Lữ đoàn tàu 125 báo cáo là các đơn vị đã đến khu vực đổ bộ rồi, đang chuẩn bị chuyển vào tuyến xuất phát tấn công. Tôi đề nghị và được Tư lệnh Giáp Văn Cương đồng ý lệnh cho các đơn vị tiến hành đổ bộ ngay, đồng thời lệnh cho nổ các bãi bộc phá làm pháo hỏa chuẩn bị ở trong bờ để cho quân đổ bộ theo hướng pháo nổ mà tiến vào, vì trời sương mù không quan sát được bờ, nếu để chậm tàu bị trôi dạt ra ngoài hướng bãi đổ bộ. Đổ bộ vào bờ rồi trời mới giảm mù. Đồng chí Giáp Văn Cương và tôi đi máy bay trực thăng Ka-25 từ tàu LST 505 vào bờ vừa hạ cánh xuống thì các xe tăng đổ bộ đang phát triển vào tung thâm.

Trời sương mù quá dày đặc, không quan sát được bờ để điều chỉnh hướng và tốc độ nên có xe tăng bị trôi dạt vào phía nam ra ngoài rìa bãi đổ bộ. Cuộc diễn tập đổ bộ đường biển đạt được yêu cầu cả về giai đoạn hành quân trên biển và thực hành chiến thuật đổ bộ đường biển, bảo đảm an toàn trong điều kiện sương mù dày đặc. Tuy vậy, kết quả của diễn tập cũng bị hạn chế bởi ảnh hưởng của sương mù.

Qua đây để thấy một bài học lớn của hải quân hoạt động trên biển, chịu sự chi phối lớn của thời tiết. Yếu tố thời tiết có tác động lớn đến hiệu quả và bảo đảm an toàn hoạt động trên biển của hải quân. Vì vậy, yêu cầu chỉ huy hoạt động của hải quân luôn phải nắm chắc thời tiết. Cũng vì thời tiết xấu, sương mù quá dày đặc, nên máy bay của bạn cũng không bay diễn tập hiệp đồng với ta được.

Trong năm 1984, công tác tổ chức biên chế của Quân chủng có những thay đổi mà Bộ tham mưu Hải quân theo chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu và Tư lệnh Hải quân phải vừa nghiên cứu đề xuất, vừa phải tổ chức thực hiện khi có quyết định của trên. Tôi và đồng chí Nguyễn Vũ Bảo - Phó tham mưu trưởng kiêm Trưởng phòng Tổ chức động viên với chức trách của Bộ tham mưu tập trung chỉ đạo công việc này. Đó là chấn chỉnh tổ chức biên chế Lữ đoàn tàu 162 và chuyển Lữ đoàn 162 từ trực thuộc Vùng 1 về trực thuộc Vùng 3. Chuyển Lữ đoàn tàu 171 trực thuộc Bộ tư lệnh Quân chủng về trực thuộc Vùng 4. Chấn chỉnh tổ chức biên chế Trung đoàn công binh 83 và chuyển trung đoàn này từ Vùng 4 về trực thuộc Bộ tư lệnh Quân chủng; giải thể Đoàn 403 đào tạo hạ sĩ quan; chấn chỉnh tổ chức biên chế của Bộ tham mưu Hải quân...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2021, 09:12:31 am »

Trước đây khi Bộ Tổng tham mưu có ý định điều lực lượng không quân hải quân về Quân chủng Không quân, tôi đề đạt với đồng chí Đoàn Bá Khánh - Tư lệnh Hải quân lúc bấy giờ là phải đề nghị với cấp trên không nên chuyển, vì lẽ không quân hải quân là một thành phần đồng bộ không thể thiếu của Quân chủng Hải quân và hoạt động tác chiến của hải quân. Ban đầu tuy còn nhỏ bé nhưng trong tương lai nó là một thành phần chủ yếu của hải quân. Tác chiến trên chiến trường biển, nếu hải quân không có lực lượng không quân thì điều tất yếu sẽ không chỉ gặp nhiều khó khăn mà có khi còn bị tổn thất.

Cũng là không quân nhưng lực lượng không quân hải quân có đặc thù riêng, đối tượng tác chiến của nó là hải quân đối phương, do vậy nó phải phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tàu và các lực lượng khác của hải quân theo kỹ chiến thuật chiến đấu, đặc thù của hải quân ở chiến trường biển.

Muốn cho không quân hải quân hoạt động có hiệu quả, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác của hải quân thì phải thấy rõ hoàn cảnh đặc điểm của hoạt động hải quân, phải thống nhất theo một chương trình và kế hoạch huấn luyện của hải quân... Muốn vậy, không quân hải quân phải tổ chức biên chế trực thuộc Quân chủng Hải quân. Nếu lực lượng này chuyển sang Quân chủng Không quân thì ai chỉ đạo huấn luyện tác chiến theo đặc điểm của hải quân? Giả sử ở Quân chủng Không quân có tổ chức một đơn vị chỉ đạo không quân hải quân thì chắc hẳn cũng không thuận lợi bằng việc tăng cường một số cán bộ không quân cho Quân chủng Hải quân, hoặc theo ngành dọc Quân chủng Không quân giúp đỡ xây dựng lực lượng Không quân Hải quân. Nếu để không quân hải quân ở Quân chủng Không quân thì khi xảy ra tác chiến trên biển cần có lực lượng không quân lại phải điều lực lượng này về phối thuộc, như vậy sẽ không thuận lợi cho chỉ huy hiệp đồng và hiệu quả tác chiến không cao. Đây là lực lượng không quân mà Hải quân Liên Xô sẽ trực tiếp giúp Hải quân Việt Nam xây dựng dần. Nếu chuyển về Quân chủng Không quân thì khả năng bạn sẽ không trực tiếp giúp đỡ nữa.

Với nhiều lý do như đã nói trên, chúng tôi thiết tha đề nghị trên không nên điều lực lượng không quân hải quân, bước đầu mới thành lập gồm một số máy bay thủy phi cơ BE-12 trinh sát biển và chống ngầm, một số trực thăng chống ngầm Ka-25, đơn vị bảo đảm kỹ thuật... về trực thuộc Quân chủng Không quân. Tuy bước đầu có nhiều khó khăn nhưng nhất định sẽ trưởng thành đi lên.

Khi đề đạt không được trên chấp thuận, chúng tôi vẫn nghiêm chỉnh chấp hành và động viên anh em cán bộ chiến sĩ không quân hải quân với một tình cảm hẹn gặp lại và tổ chức bàn giao chu đáo cho Quân chủng Không quân, còn ở Quân chủng Hải quân thì tổ chức Phòng không quân trực thuộc Tham mưu trưởng Hải quân.

Cuối năm (10-12-1984), với thành tích sau nhiều năm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ tham mưu Hải quân được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Đây là một vinh dự lớn cho cán bộ, chiến sĩ công nhân viên quốc phòng của Bộ tham mưu.

Để không ngừng củng cố và tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo nhất là khu vực quần đảo Trường Sa, năm nào Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân cũng có ít nhất một lần đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo ở quần đảo Trường Sa.

Năm 1985, Bộ tư lệnh Quân chủng triển khai các hoạt động tiến tới kỷ niệm 30 năm thành lập Quân chủng. Tôi được phân công cùng với một số cán bộ các cơ quan quân chủng và Vùng 4 hải quân đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và thăm hỏi bộ đội ở quần đảo Trường Sa. Vào thời điểm này, bộ đội ở đảo gặp nhiều khó khăn thiếu thốn cả về đời sống vật chất, tinh thần. Một số công trình chiến đấu và bảo đảm sinh hoạt được xây dựng từ những năm cuối thập niên 70, sau ngày thống nhất đất nước. Do chưa có kinh nghiệm xây dựng ở môi trường biển đảo, đến nay nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và có chỗ không sử dụng được nữa. Tuy nhiên, do nền kinh tế đất nước đang gặp khủng hoảng nên việc khắc phục mang tính chắp vá. Mặc dù vậy, tinh thần khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ với một quyết tâm rất cao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo. Việc huấn luyện và thực hiện các chế độ sẵn sàng chiến đấu được duy trì chặt chẽ.

Qua kiểm tra thực tế về tổ chức sẵn sàng chiến đấu và đời sống bộ đội ở đảo, cũng như tập hợp những ý kiến đề đạt của anh em, chúng tôi tổng hợp báo cáo và đề nghị với Tư lệnh và Thường vụ Đảng ủy Quân chủng sắp tới phải quy hoạch lại bố trí chiến đấu ở các đảo cho hợp lý hơn và đề nghị Quân chủng cũng như Bộ Quốc phòng quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội ở đảo.

Sau khi lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Tư lệnh Quân chủng, tôi đề nghị đồng chí Phạm Huấn - Phó tư lệnh Quân chủng kiêm Cục trưởng Cục tham mưu Lục quân, cử đồng chí Thượng tá Kính - Trưởng phòng Binh chủng bộ binh, pháo binh của Cục này cùng tham gia với cán bộ của Bộ tham mưu, nghiên cứu xây dựng đề án quy hoạch bố trí phòng thủ ở các đảo để trình trên phê duyệt trong những năm tới.

Cuối năm 1985, thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) về tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy Quân chủng Hải quân, trong đó tôi được chỉ định là Đảng ủy viên và được Đảng ủy bầu vào Ban thường vụ Đảng ủy Quân chủng. Khi Đảng ủy Quân chủng quyết định thành lập Đảng ủy Bộ tham mưu, tôi được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy (30-10-1985).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM