Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:17:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền sóng vỗ - Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh  (Đọc 4067 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2021, 09:30:15 am »

Trước đây, tôi được rèn luyện ở trường hạ sĩ quan, cũng như trải qua chiến đấu học tập của cá nhân, nhờ vậy đã cùng các đồng chí trong ban chỉ huy đại đội lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, được trung đoàn khen thưởng.

Hằng năm, từng tiểu đoàn thay nhau trực sẵn sàng chiến đấu ở sát khu giới tuyến quân sự tạm thời tại phía bắc sông Bến Hải, Vĩnh Linh. Mỗi lần như vậy là một lần thiết thực, thực hiện hành quân mang vác nặng luyện tập cơ động chiến đấu, duy trì ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cho mình, khi kẻ thù đang ra sức phá hoại Hiệp định đình chiến, lăm le tiến công miền Bắc.

Tháng 6 năm 1957, vào thời điểm phong trào huấn luyện, xây dựng đơn vị đang diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, thì một niềm vinh dự lớn đã đến với chúng tôi, là được đón Bác Hồ kính yêu về thăm nhân dân tỉnh Quảng Bình và Sư đoàn 325. Sau khi biểu dương những thành tích của đơn vị đạt được trong thời gian qua, Bác đã ân cần dặn dò cán bộ, chiến sĩ phải tích cực cố gắng học tập quân sự, chính trị, nghiệp vụ, xây dựng đơn vị tiến bộ, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tổ chức kỷ luật...; giữ vững đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân.

Niềm mong ước lớn nhất trong đời tôi là được một lần gặp Bác, thì nay đã trở thành hiện thực. Mãi về sau, nhiều anh em chúng tôi vẫn nghĩ là mình đang mơ, bởi niềm hạnh phúc quá lớn, quá bất ngờ. Càng phấn khởi hơn khi được khắc ghi vào tâm khảm những lời căn dặn đầy tình yêu thương của Bác.

Sau gần hai năm gắn bó với cán bộ, chiến sĩ đại đội 40, trong năm 1956, tôi được điều động về Tổng cục Chính trị cùng một số đồng chí khác đi làm phái viên tổ chức thí điểm các chi đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ở các Sư đoàn 308, 316, 332... Đến năm 1957, tôi trở lại làm Trợ lý thanh niên ở Ban chính trị Trung đoàn 101.

Năm 1957, lần đầu tiên tôi được nghỉ phép về thăm gia đình sau bảy năm nhập ngũ. Gặp lại người thân sau mấy năm xa cách, vui buồn lẫn lộn. Vui vì có hòa bình rồi gặp được nhau để thổ lộ tình cảm mà bấy lâu chưa có tin tức gì cho nhau, kể cả khi tôi nói đã mấy lần hành quân qua làng mình mà không có điều kiện ghé thăm gia đình, đến lúc này cả nhà mới biết. Cha tôi là người vui hơn cả vì đã có lần không còn hy vọng gặp lại con. Vui là vậy nhưng rồi không nói ra mà trong lòng cũng thoáng hiện một nỗi buồn gia đình đoàn tụ sau chiến tranh thiếu vắng người mẹ và đứa em gái chết vì chiến tranh, mặc dầu đã có người mẹ kế hiền từ chăm lo con chồng như người mẹ đẻ. Hơn nữa, sau chiến tranh kinh tế gia đình sa sút thiếu đói trầm trọng cũng thêm điều lo nghĩ. Về đơn vị những tồn tại đó lại bị cuốn đi bởi công việc và phong trào, khí thế đang đi lên của đơn vị.

Theo thói thường của những người làm cha, làm mẹ, cha tôi và mẹ kế vào thời gian này nhiều lần khuyên tôi lấy vợ khi không còn sớm nữa. Thế là dự định thành sự thật. Được sự đồng ý của gia đình hai bên, năm 1958, đám cưới giữa tôi và cô Trần Thị Lý ở làng bên được tổ chức.

Ai cũng biết cưới vợ, gả chồng là việc hệ trọng và là niềm hạnh phúc của đời người nên làm cha, làm mẹ dù nghèo nhưng ai cũng muốn tổ chức lễ cưới của con mình sánh với họ hàng, làng xã. Được trên cho nghỉ phép về đến nhà trước hai ngày đã thấy gia đình chuẩn bị mọi thứ làm cỗ bàn mời khách ngày cưới. Đang trong phong trào vận động cưới xin tiết kiệm theo đời sống mới, tôi đề nghị bố, mẹ tôi đừng làm cỗ bàn gì hết mà tổ chức cưới theo đời sống mới với tiệc trà, bánh, kẹo. Bố mẹ tôi nói là mọi thứ đã chuẩn bị cả rồi, hơn nữa đã thống nhất với họ nhà gái, cận ngày rồi không thể thay đổi được. Tôi nhất quyết thưa với bố mẹ tôi là: nếu không thay đổi thì con xin hoãn cưới, trở về đơn vị. Chiều theo ý con, bố tôi lại phải sang trao đổi lại với họ nhà gái cho cưới theo đời sống mới và may quá bố mẹ vợ và người yêu của tôi cũng đồng ý. Đám cưới của chúng tôi có đông đủ họ hàng bà con, đại diện chính quyền địa phương, đông vui và ấm cúng. Phần tôi vừa mừng, song lại vừa băn khoăn là mình hành xử có cực đoan làm khổ bố mẹ, anh chị em trong gia đình không?

Thông cảm với hoàn cảnh của bộ đội, đâu có tuần trăng mật, mấy ngày sau tôi trở lại đơn vị, nhà tôi nén một thoáng buồn, vui vẻ tiễn tôi lên đường.

Tôi xin kể thêm về gia đình vợ. Bố vợ tôi là ông Trần Gia (1902-1992) và mẹ vợ tôi là bà Hoàng Thị Em (1907-1983) ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, cách nhà tôi không xa. Ông bà sinh được bảy gái, một trai: Trần Thị Bổn (1923), Trần Thị Lài (1930), Trần Thị Quế (1943), Trần Thị Huệ (1946-1962), Trần Thị Hương (1947), Trần Thị Lương (1954), Trần Hữu Đính (1948-2003) và vợ tôi Trần Thị Lý (1940). Gia đình làm nghề nông. Mấy chục năm tôi đi bộ đội xa nhà, gia đình tôi con nhỏ neo đơn, nhưng được bố mẹ vợ quan tâm, động viên, đỡ đần nhiều để vượt qua những lúc khó khăn như người ta thường nói “cháu bên nội, tội bên ngoại”.

Thời gian này tôi có quyết định rời khỏi Trung đoàn bộ binh 101 để nhận nhiệm vụ mới. Ra đi với một tình cảm lưu luyến, nhớ biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội đã cùng chiến đấu và công tác, chia ngọt, sẻ bùi. Có những anh em cùng tôi rất nhiều ngày ở Tiểu đoàn 436 như Trương Thanh Hùng, Hồ Ngọc Kế, Lê Minh Liên, Nguyễn Văn Ngôn... Nhớ Tiểu đoàn 436 Trung đoàn 101, nơi đã từng rèn luyện, bồi dưỡng mình từ những ngày đầu làm “lính Cụ Hồ”.

Cuối năm 1958, tôi được trên cho đi học thêm ở trường văn hóa quân đội tại Lạng Sơn. Việc học tập cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ở đây theo một chương trình riêng nhằm phục vụ cho việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn sau này, vì vậy nhà trường chỉ tập trung vào các môn cơ bản như toán, lý, hóa, văn; cuối chương trình có thêm môn ngoại ngữ. Đến đầu năm 1961 thì tôi hoàn thành chương trình văn hóa 10/10.

Trong thời gian học tập tại đây, một lần nữa tôi lại có vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu khi Người đến thăm trường. Lần này thấy Bác tóc bạc, da dẻ hồng hào, mạnh khỏe như một ông tiên, học viên chúng tôi ai cũng mừng, cũng vui. Trong lúc nói chuyện, nhiều lần Bác phải ra hiệu ngừng vỗ tay để Người nói tiếp.

Cuối năm 1958, triển khai thực hiện quy định quân hàm và phong quân hàm các cấp của sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc các quân, binh chủng trong toàn quân, tôi được phong quân hàm thượng úy do Bộ trưởng Bộ quốc phòng Võ Nguyên Giáp ký (20-11-1958).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:31:17 am »



Lãnh đạo xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình, địa phương từng gắn bó với bộ đội Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1999)



Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thăm Bộ tư lệnh Hải quân tại Hải Phòng (1997)



Với đồng chí Trần Đình Luyến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của huyện Quảng Trạch (1999)



Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh cùng vợ và một số gia đình CCB Việt Nam đến viếng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Matxcơva, Liên bang Nga



Bộ tư lệnh Hải quân năm 1986. Từ trái qua phải: Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng, Phó đô đốc Giáp Văn Cương, Đại tá Mai Xuân Vĩnh



Một số đồng chí trong Bộ tư lệnh Hải quân các thời kỳ. Từ trái qua phải: Đại tá Trương Tải, Chuẩn đô đốc Huỳnh Kim, Chuẩn đô đốc Phạm Minh, Đại tá Hoàng Phúc, Thiếu tướng Hoàng Trà, Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh, Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang, Chuẩn đô đốc Đoàn Bá Khánh, Phó đô đốc Lê Văn Xuân, Chuẩn đô đốc Phạm Huấn
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:32:51 am »

Chương ba

TRỞ THÀNH NGƯỜI LÍNH BIỂN

Tháng 6 năm 1961, tôi được cử đi học đào tạo sĩ quan chỉ huy Hải quân ở Liên Xô.

Việc hết sức mới mẻ, nhưng cũng không quá bất ngờ vì những ngày học thêm văn hóa tôi cũng đã hiểu được định hướng của trên nếu hoàn thành tốt việc học văn hóa. Đoàn đi học hải quân lần này có năm người (các đồng chí Minh, Rô, Thiệu, Bài và tôi) đều đã là sĩ quan bộ binh đi học, được coi như đào tạo chuyển quân chủng, để kịp đáp ứng với Hải quân ta mới thành lập.

Sau chặng hành trình mười ngày bằng chuyến tàu hỏa liên vận, chúng tôi mới đến nơi học. Lần đầu tiên ngồi trên tàu hỏa dài ngày, phải chuyển tàu tới bốn lần. Từ ga Bằng Tường đến Bắc Kinh, qua Mãn Châu Lý (Trung Quốc), tới Mạc Tư Khoa (Liên Xô). Ngoại ngữ tiếng Nga chỉ mới bập bẹ năm, ba tiếng, giao tiếp trên tàu của nước bạn chủ yếu là ra hiệu và nói tiếng một. Trường đầu tiên chung tôi học là Trường Hải quân Ki-rốp ở thủ đô Ba-cu, nằm bên bờ biển Caxpiên thuộc nước Cộng hòa A-déc-bai-kan, nơi khai thác dầu khí lớn nhất của Liên Xô lúc bấy giờ. Trường Hải quân Ki-rôp là nơi đào tạo sĩ quan chỉ huy hải quân cho toàn Liên bang Xô viết. Chương trình học tập, đào tạo có chất lượng tốt với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm. Cơ sở nhà trường được xây dựng trên một khu vực rộng, bao gồm đầy đủ giảng đường đến những nơi thực tập, luyện tập cho tất cả các môn học; nơi ăn ở cho hàng nghìn học viên. Bệnh xá nhà trường tương đương như một bệnh viện; nhà câu lạc bộ đa năng cho luyện tập thể dục thể thao, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, sàn nhảy... Có thể nói nhà trường đào tạo sĩ quan hải quân rất chính quy về mọi mặt. Ở trường này nếu học hệ 5 năm tốt nghiệp ra trường là sĩ quan chỉ huy - kỹ sư.

Cán bộ của nhà trường từ các giảng viên đến cán bộ khung phụ trách đơn vị học viên đều rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi học tập với tình đồng chí. Năm đầu học các môn cơ bản, có những môn khó như lý thuyết, bài tập về cơ học, sức bền vật liệu, luyện kim, hình họa, xác xuất... do vốn liếng tiếng Nga của chúng tôi còn kém, các thầy giáo đã tận tình đến phụ đạo cho chúng tôi trong những giờ tự học. Đại tá Đô-rô-sen-cô, người phụ trách học viên Việt Nam là một người rất nhiệt tình và mẫu mực.

Học viên Việt Nam học ở trường này có ba người học trước chúng tôi một năm và sau chúng tôi lần lượt có rất nhiều người đến học ở đây. Lần đầu tiên làm học viên học ở nước ngoài, xin kể chuyện vui. Số là khi mới đến trường vào lúc đang chuẩn bị, chưa khai giảng, năm anh em chúng tôi được nhà trường cấp cho mỗi người bảy đồng rúp (tiền của Liên Xô) để tiêu vặt. Mới đầu chưa quen phong thổ, tiếng Nga bập bẹ từng chữ, phố xá ở đây chưa biết ra sao, nhưng ngày nghỉ, nhân có bảy đồng rúp trong túi, mấy anh em rủ nhau ra thành phố Ba-cu, nơi cách xa trường 20km, vào một cửa hàng ăn lớn. Ngồi vào bàn đọc quyển giới thiệu món ăn, chỉ hiểu được chữ của một ít món. Thế là gọi các món: gà quay, bíttết phương Đông, thịt nướng và một chai rượu nho. Đợi mấy phút thấy nhà hàng bưng lên mỗi người một con gà quay to. Mấy anh em nhìn nhau, gay to, cứ tưởng rằng quen như ở ta, mỗi người một đùi gà quay thôi, ai ngờ cả con gà, tiền đâu đủ để trả. Muốn nói với nhà hàng để hoãn các món còn lại, nhưng không đủ tiếng tăm nên đành im lặng, cứ ăn.

Ai cũng nghĩ mình là người nước ngoài sẽ rất xấu hổ khi không có đủ tiền để trả cho nhà hàng. Một sáng kiến nẩy ra là ăn được quá nửa bữa, cử một người quay lại trường mượn thêm tiền của anh em học viên Việt Nam mình. Mấy anh em còn lại cứ lai rai vì nhà hàng này có cả dàn nhạc, phục vụ khách vừa ăn, vừa nhảy nên ngồi ăn lâu bao nhiêu cũng được. Cuối cùng thanh toán tiền với nhà hàng vừa đúng mỗi người bảy rúp. Thật hú vía! May sao có tiền mượn thêm để có tiền đi xe buýt về trường. Mấy anh em cứ nhìn nhau ôm bụng mà cười vì chuyện vừa xảy ra.

Học về hải quân là việc mới mẻ đối với chúng tôi. Chương trình học tập nhiều lại học bằng tiếng Nga, kỷ luật, nội quy của trường hết sức chặt chẽ, nhưng mấy anh em chúng tôi đều là sĩ quan nên bảo nhau học thật tốt. Vì vậy năm nào chúng tôi cũng đạt xuất sắc, có tên trong bảng danh dự của nhà trường. Học cùng trường với chúng tôi còn có học viên từ một số nước xã hội chủ nghĩa và một số nước dân tộc chủ nghĩa có xu hướng chống đế quốc, thực dân. Vì vậy ở đây ngoài việc học tập còn thấy cả bóng dáng của phong trào đoàn kết quốc tế chống đế quốc.

Tuy nhiên, đây là thời điểm mà tình hình thế giới có nhiều biến động và ngay cả nội bộ phe xã hội chủ nghĩa cũng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình bất ổn của phong trào cộng sản quốc tế do chủ nghĩa xét lại gây nên, đến giữa năm 1964, tất cả học viên của Việt Nam đang học ở Liên Xô, dù chưa hết khóa học đều được lệnh trở về nước. Thấy rõ sự cần thiết phải đào tạo cán bộ để xây dựng các quân chủng, binh chủng còn non trẻ, cấp trên chủ trương để chúng tôi đi học tiếp ở Trung Quốc.

Từ đầu năm 1964, sau khi bị thua đau trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ liền giở trò “trả đũa”, chúng liều lĩnh gia tăng các hoạt động phá hoại ra miền Bắc nước ta. Đứng trước nguy cơ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại hoàn toàn, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và chuẩn bị mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:33:09 am »

Cùng với việc chuẩn bị ráo riết kế hoạch đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam hòng cứu nguy cho quân ngụy Sài Gòn, đế quốc Mỹ mở các cuộc tiến công bằng không quân vào hành lang vận chuyển chi viện Bắc - Nam của ta ở biên giới Việt - Lào. Đi đôi với hành động phiêu lưu quân sự này, chúng đẩy mạnh các hoạt động quấy rối, phá hoại bằng tàu biệt kích ra vùng biển miền Bắc nước ta. Mỹ đưa tàu khu trục vào vịnh Bắc Bộ hoạt động khiêu khích, trinh sát chuẩn bị cho kế hoạch đánh phá vùng biển và bờ biển miền Bắc nước ta. Trung tuần tháng 4 năm 1964, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam.

Trước âm mưu điên cuồng mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta của đế quốc Mỹ, theo lệnh của trên, để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao nhất đầu tháng 7 năm 1964, toàn Quân chủng Hải quân đã chuyển vào trạng thái thời chiến. Lúc này, tôi không đi học tiếp nữa mà trở về Quân chủng Hải quân nhận nhiệm vụ Trợ lý tác chiến ở Khu tuần phòng 2.

Trước khi trở về Hải Phòng, tôi đến bệnh viện Bạch Mai khi biết tin cha tôi đưa em gái Mai Thị Hoa ra chữa bệnh ở đó. Gặp cha và gặp em, lòng tôi nặng trĩu một nỗi buồn khôn tả. Em tôi mắc bệnh hiểm nghèo không thể qua khỏi và mất khi mới 12 tuổi.

Tình hình trên vùng biển miền Bắc ngày càng căng thẳng. Từ ngày 31 tháng 7 năm 1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ngày càng hoạt động sâu vào vùng biển nước ta từ Quảng Bình đến Thanh Hóa xâm phạm chủ quyền lãnh hải của ta. Sau nhiều lần khiêu khích, ngày 2 tháng 8 năm 1964, chúng bị tàu phóng lôi của Hải quân ta đánh đuổi.

Với ý đồ nham hiểm chuẩn bị “leo thang” mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, sau lần tàu Ma-đốc bị đánh đuổi, chính quyền Mỹ dựng lên sự kiện “vịnh Bắc Bộ” vu cáo Hải quân nhân dân Việt Nam cố ý tiến công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế để lấy cớ ngày 5 tháng 8 năm 1964, giặc Mỹ dùng lực lượng không quân tập kích vào lực lượng hải quân ta suốt dải ven biển miền Bắc từ Hòn Gai, Bãi Cháy đến Lạch Trường, Cửa Hội, sông Gianh. Trong trận dầu thử lửa này, cùng với lực lượng phòng không và nhân dân địa phương, bộ đội hải quân đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, góp phần quan trọng đập tan cuộc tập kích lớn bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái An-vơ-rét.

Cùng với thành tích đánh đuổi tàu Ma-đốc ngày 2 tháng 8, chiến thắng ngày 5 tháng 8 năm 1964, đã mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam. Và từ đó ngày 5 tháng 8 năm 1964 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Thực hiện ý đồ mở rộng chiến tranh phá hoại nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, từ ngày 7 tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ công khai đánh phá trên toàn miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Sau trận ngày 28 tháng 4 năm 1965, máy bay Mỹ tập kích vào tàu của hải quân ta ở sông Gianh, Quảng Bình, cấp trên chủ trương làm mục tiêu tàu giả để phục kích đánh bọn cướp trời. Tôi được giao phụ trách một số cán bộ, chiến sĩ hải quân (trong đó có đồng chí Hưng, sau này là Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 hải quân) làm mục tiêu giả ở sông Gianh tại địa phận xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Yêu cầu đặt ra là phải làm thế nào để máy bay trinh sát của Mỹ kể cả quan sát bằng mắt thường và bằng kỹ thuật cũng không thể phân biệt được mục tiêu giả. Sau khi làm kế hoạch định hình và các đặc điểm của tàu ta (tàu 79 tấn), trong ba ngày chúng tôi đã làm xong mục tiêu giả bằng tre, nứa. Trên mô hình tàu có đầy đủ đài chỉ huy, có súng pháo, có chiến sĩ hải quân ngồi ở mâm pháo... Tàu được sơn phết màu ghi, đứng gần cũng trông giống như tàu thật. Duy chỉ có trên mặt boong được lắp các tấm tôn sắt để đánh lừa rađa trên máy bay của địch.

Tham gia trận phục kích này gồm pháo cao xạ  37mm và 14,5mm (có 36 nòng pháo) của một số đơn vị thuộc Quân khu 4 và Quân chủng Hải quân do đồng chí Nguyễn Dưỡng, chỉ huy trưởng căn cứ 2 chỉ huy.

7 giờ sáng ngày 14 tháng 7 năm 1965, hai chiếc máy bay AD6 bay trinh sát dọc sông Gianh. Phát hiện được “mục tiêu”, chúng liền vòng lại hạ thấp độ cao quan sát rồi vọt lên cao gọi đồng bọn và bắn đạn khói chỉ thị mục tiêu cho máy bay ném bom từ tàu sân bay ngoài biển ập vào đánh phá.

Suốt một giờ, nhiều tốp máy bay địch hùng hổ lao xuống ném bom và bắn phá vào mục tiêu giả. Tiếng nổ dữ dội, khói bom mù mịt. Lúc này, trận địa pháo cao xạ của ta bắt đầu khai hỏa, từng loạt đạn căng như ngọn roi quất vỗ mặt vào bọn kẻ cướp. Kết quả, các đơn vị phòng không của ta đã bắn cháy và bắn bị thương bốn chiếc máy bay của Mỹ. Từ sau trận đánh, địch bay trinh sát lại mục tiêu, chiếc tàu giả không bị chìm mà trơ ra những cọc tre, khung tre. Những ngày sau đó bọn giặc lái Mỹ không còn ngó ngàng gì đến mục tiêu này nữa, có lẽ chúng biết là đã bị ta đánh lừa một vố đau.

Từ tháng 5 năm 1965, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường đánh phá các mục tiêu ven biển bằng không quân và hải quân. Địch dùng máy bay trinh sát sục sạo những nơi mà chúng nghi ta ngụy trang che giấu của tàu hải quân ở ven biển và trong các cửa sông trên địa bàn Quân khu 4. Máy bay Mỹ tấn công vào tàu hải quân ta ở Lạch Trường, Thanh Hóa trong các ngày 21 và 26 tháng 5 năm 1965, ở sông Lam, Nghệ An vào ngày 31 tháng 8 và các đài trạm rađa của ta.

Dọc theo bờ sông Gianh, ngày 28 tháng 4 năm 1965, hầu hết các điểm ngụy trang trú đậu của tàu ta đều bị máy bay địch phát hiện và đánh phá. Để bảo đảm cho các tàu có nơi ngụy trang trú đậu ở sông Gianh, làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía Nam của miền Bắc, Quân chủng Hải quân chủ trương đào ụ kết hợp ngụy trang cho tàu trú đậu ở khu vực này.

Cuối năm 1965, sau khi điều tra khảo sát địa hình, địa chất và thế phòng không, chúng tôi đã xác định được vị trí tại một con hói thuộc khu vực xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tôi được cấp trên giao chỉ huy việc làm ụ tàu này, sử dụng lực lượng thủ công của Phân đội 5 tàu tuần tiễu và lực lượng dân công xã Tiến Hóa. Giúp việc về kỹ thuật công trình có hai kỹ sư công binh là đồng chí Lê Văn Vu và đồng chí Xiêm. Vì nằm trong khu vực máy bay địch đánh phá suốt ngày nên công việc lao động làm ụ tàu chỉ tiến hành vào ban đêm. Công cụ lao động không có gì hơn ngoài cuốc, xẻng để đào vét từng mét đất, bùn. Gặp một trận mưa to, đập ngăn nước để bơm khô công trình bị vỡ là mất toi cả chục ngày công sức của anh em. Lao động suốt đêm rất vất vả, nhưng không lo bằng công tác bảo đảm an toàn phòng tránh máy bay địch cho cả hàng trăm con người đang làm việc tại công trường. Hơn ba tháng lao động, ụ trú đậu tàu đã thành hình, chưa làm kịp công tác ngụy trang thì có lệnh trên cho tạm dừng để chờ kế hoạch mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:34:04 am »

*
* *

Đầu năm 1966, khi Khu tuần phòng 2 giải thể, hầu hết cơ quan, đơn vị đều được chuyển ra Bắc thành lập đơn vị mới. Trên địa bàn Quân khu 4 lúc này, lực lượng hải quân chỉ còn lại Tiểu đoàn 8 rađa bờ biển trực thuộc Phòng thông tin rađa của Bộ tham mưu Quân chủng. Lúc này tôi là đại úy, được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này. Lại thêm một nhiệm vụ mới mẻ và không kém phần xa lạ.

Vốn dĩ tôi được học đào tạo bài bản để chỉ huy tàu chứ không hề được học chút gì về chuyên ngành rađa, thành thử khi nhận nhiệm vụ này cũng tự thấy hơi bị tréo giò. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ và cân nhắc, tôi nghĩ đã là cán bộ khi được trên tin tưởng giao nhiệm vụ thì dù khó khăn đến đâu cũng phải phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Để chỉ huy điều  hành được đơn vị, tôi phải xuống cùng cán bộ, chiến sĩ ở các đại đội để quan sát, học tập kỹ thuật và nắm những yêu cầu chỉ huy điều khiển hoạt động của rađa. Được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của anh em trong tiểu đoàn, tôi có thêm tự tin để hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Tiểu đoàn 8 có năm trạm rađa tạo thành những con “mắt thần” rải dọc bờ biển từ Nghệ An vào đến Vĩnh Linh. Lực lượng rađa hải quân có nhiệm vụ quan sát nắm chắc tình hình mặt biển, cũng như mọi hoạt động của địch trên biển. Từ đó, kịp thời phát hiện thông báo và hiệp đồng dẫn đường cho lực lượng của ta đánh địch trên biển, cũng như công tác phòng tránh của nhân dân ven biển.

Từ năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc với một cường độ đánh phá hết sức ác liệt suốt ngày đêm. Đi đôi với việc sử dụng máy bay từ các căn cứ không quân trên đất liền và từ tàu sân bay trên biển để ném bom bắn phá, Mỹ-ngụy còn dùng nhiều tàu khu trục, tàu biệt kích vào gần bờ của ta để đánh phá trục giao thông và các mục tiêu ven biển của ta, trong đó các trạm rađa hải quân là một trong những mục tiêu chủ yếu đánh phá của địch. Tàu biệt kích ngụy lén lút đột nhập vào gần các thôn xóm ven biển để đánh phá, uy hiếp tàu thuyền đánh cá ven bờ của ngư dân ta.

Đêm 23 tháng 4 năm 1966, trạm rađa 535 hải quân phát hiện ba tàu biệt kích ngụy xâm nhập vào ở phía đông Ròn, thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Đơn vị đã kịp thời thông báo và chỉ thị mục tiêu cho đại đội 10 pháo bờ biển bắn chìm hai chiếc.

Trong các năm 1967-1968, thực hiện chiến dịch “Rồng biển”, hải quân Mỹ đã dùng nhiều tàu khu trục, tàu tuần dương trong đó có tàu trang bị nhiều loại pháo hạng nặng như tàu Niu-giơ-đi, tàu Niu-póc-niu, tàu Can-be-ra... bắn phá dữ dội vào khu vực ven biển từ Vĩnh Linh đến Ninh Bình. Chúng bắn phá vào khu đông dân cư, cầu đường, bến phà, bến cảng, chân hàng, nhằm ngăn chặn tuyên giao thông vận chuyển hàng ra phía trước của ta dọc ven biển và trục giao thông quốc lộ 1, gây ra nhiều tội ác với nhân dân ta.

Nguy hiểm hơn, giặc Mỹ đã dùng tàu chiến kết hợp với máy bay từ các tàu sân bay tấn công vào các trạm rađa hải quân và các trận địa pháo bờ biển của ta. Trước đó, để chủ động tham gia chống chiến dịch “Rồng biển” của hải quân Mỹ, lãnh đạo chỉ huy Tiểu đoàn 8 đã chỉ đạo cụ thể kịp thời cho các đại đội về nhiệm vụ quan sát nắm địch trên biển, nhấn mạnh về công tác ngụy trang, phòng tránh địch đánh vào đơn vị rađa của ta. Để giáng trả hành động man rợ của địch, các đơn vị tàu hải quân, không quân và pháo binh bờ biển đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị rađa quan sát của hải quân, đánh hàng trăm trận, bắn cháy và bắn bị thương nhiều tàu khu trục địch. Ngay từ đầu chiến dịch “Rồng biển” của địch, ngày 25 tháng 10 năm 1967, các đại đội rađa 530, 540 của Tiểu đoàn 8 đã phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho lực lượng pháo binh bờ biển Vĩnh Linh, Quảng Bình bắn cháy hai tàu khu trục Mỹ: Men-xphin và Uốc-cơ.

Chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam ngày càng ác liệt với một cường độ không lúc nào ngơi. Đến mức ngày nào, đêm nào nếu trong khoảng thời gian ngắn nào đó không nghe tiếng máy bay của địch gầm rú ném bom hoặc không thấy tàu sân bay, tàu khu trục địch trên biển gần hoặc bắn phá ven bờ là chúng tôi cũng như mọi người lại xuất hiện một “thắc mắc” là không hiểu sao hôm nay không thấy máy bay, tàu chiến địch đánh phá?

Ngoài việc không quân Mỹ tăng cường trinh sát phát hiện và đánh phá hệ thống rađa ven biển của ta, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của ta, cùng với việc việc gây nhiễu, chúng còn dùng loại tên lửa không đối đất bắn chụp theo sóng phát rađa. Thực tế, địch đã phá hỏng một số rađa của ta, nhất là với hệ thống ăngten. Chúng tôi phải nhiều lần rút kinh nghiệm bằng cách tăng cường công sự bảo vệ khí tài và vị trí đặt ăngten sao cho khi máy bay Mỹ phóng tên lửa chụp sóng phát không trúng được vào chỗ đặt máy rađa. Điều quan trọng là phải luôn thay đổi phương án hoạt động của các trạm rađa. Các trắc thủ phải điều khiển quay ăngten nhanh và không theo quy luật để vừa sục sạo phát hiện được mục tiêu, lại vừa hạn chế địch bắn theo sóng phát của ta. Muốn vậy, các trắc thủ phải được huấn luyện giỏi về trình độ phát hiện, phân biệt mục tiêu, nhớ một lúc nhiều mục tiêu và gạn lọc nhanh được mục tiêu giả do mây hoặc do địch gây nhiễu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:34:29 am »

Một yêu cầu của quan sát mặt biển là phải nắm chắc thường xuyên tình hình, không để sót lọt mục tiêu, bảo đảm chính xác kịp thời, báo cáo thông báo lên trên và các đơn vị hiệp đồng tác chiến. Có nhiều trắc thủ giỏi như đồng chí Vững (trạm rađa 525) và các đồng chí Diện, Kiện, Minh (trạm rađa 535)... Mặc dù các trạm rađa luôn là một trong những mục tiêu đánh phá chủ yếu của địch, nhưng do ta có nhiều biện pháp ngụy trang, phòng tránh nên vẫn duy trì được hoạt động liên tục, quan sát nắm bắt tình hình mặt biển trên địa bàn Quân khu 4, nơi địch tập trung đánh phá ác liệt nhất, một cách kịp thời.

Thông thường, vị trí đặt các đài trạm rađa hầu hết đều ở trên đỉnh núi cao, do vậy, điều kiện sinh hoạt ăn, ở của bộ đội hết sức khó khăn. Có những vị trí suốt thời gian trong nửa năm luôn bị mây mù bao phủ, độ ẩm lớn không những gây ra nhiều bệnh tật cho cán bộ, chiến sĩ, mà còn dễ làm hư hỏng linh kiện điện tử của máy rađa, máy thông tin. Để bảo đảm bí mật, không có đường lộ thiên vào các chân núi có đặt trạm rađa nên mọi việc vận chuyển lương thực, nhiên liệu, vật tư... đều trên vai người lính. Có nơi lên đến hàng trăm, hàng nghìn mét so với mực nước biển. Mặc dù, cường độ làm việc suốt ngày đêm trong khu vực địch đánh phá ác liệt, sinh hoạt vật chất và tinh thần rất thiếu thốn nhưng bộ đội ở các đơn vị rađa hải quân lúc nào cũng hăng hái, điềm tĩnh, lấy hiệu quả hoạt động phục vụ đánh địch trên biển và bảo vệ an toàn cho nhân dân ven biển, làm niềm phấn khởi. Luôn tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nên ai nấy đều rất lạc quan.

Địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn 8 rađa trải dọc ven biển dài gần 300km. Các trục đường giao thông hàng ngày bị địch đánh phá chia cắt, các tổ cơ công phải thường xuyên cơ động vượt qua nhiều cung đường nguy hiểm đến các đơn vị để kịp thời sửa chữa các hỏng hóc của máy rađa và máy thông tin trong điều kiện linh kiện quá thiếu, phụ tùng mới thay thế không có. Anh em phải tìm mọi cách để phục hồi duy trì cái cũ, bảo đảm hoạt động cho các đài, trạm.

Khó khăn là thế nhưng một số đồng chí thợ sửa chữa giỏi của tiểu đoàn không bao giờ chịu bó tay. Các đồng chí phụ trách sửa chữa máy rađa, thông tin như: Trung, Khanh, Lượng, Đại... lúc nào cũng vui vẻ, hết lòng vì nhiệm vụ. Nhiều cán bộ luôn gương mẫu, dũng cảm, tận tụy, bám sát trực tiếp lãnh đạo chỉ huy các trạm rađa như đồng chí Tứ (trạm 520); các đồng chí Lê, Can, Lục (trạm 525); các đồng chí Nghĩa, Ngộ (trạm 535); các đồng chí Minh, Toản, Bát... (trạm 530); các đồng chí Vạn, Ưu, Thoan, Quý... (trạm 540)...

Sát cánh với tôi trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn 8 rađa qua từng thời kỳ có các đồng chí Hoàng, Lý, Huynh, Vang, Cúc, Mã... là cán bộ chính trị; đồng chí Nhiễu, cán bộ quân sự. Tôi và các đồng chí Lý, Nhiễu ở trong Ban chỉ huy tiểu đoàn từ ngày thành lập cho đến khi sáp nhập tiểu đoàn vào đơn vị Sông Gianh.

Thông thường, Ban chỉ huy tiểu đoàn có ba hoặc bốn đồng chí, nhưng địa bàn hoạt động của đơn vị quá rộng, nên không mấy khi ở nhà đông đủ mà phải thường xuyên phân công nhau xuống cùng hoạt động với các trạm. Phải mất hàng tháng mới đi hết đến các trạm, trong điều kiện máy bay Mỹ tập trung đánh phá các tuyến giao thông thủy, bộ hết sức ác liệt. Hầu hết cầu đường chính đều bị phá hỏng, có nơi phải đi đường vòng tránh. Nhiều lúc gặp máy bay địch đánh phá anh em phải dừng lại ẩn nấp cách chỗ chúng đánh chừng 200-300m. Nguy hiểm là vậy, song không một ai chùn bước. Khi máy bay vừa dứt ném bom, lập tức phải nhanh chóng vượt qua. Có những lần ngồi trên đò, trên phà qua sông, máy bay địch đến đánh phá, không còn cách nào khác là phải ngồi yên, mặc kệ chúng nó, coi như “đánh bạc” vậy!

Có lần tôi và đồng chí Lý, chính trị viên tiểu đoàn trên đường từ Quảng Bình theo quốc lộ 1 ra trạm rađa 525 ở Hà Tĩnh. Vừa mới vượt qua trận đánh phá của địch ở chân phía nam Đèo Ngang đến xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, bà con ở đây cho biết:

- Mấy hôm nay cứ khoảng 30 phút một lần máy bay Mỹ lại ném bom tọa độ ở Đèo Con. Các chú phải tính toán làm sao để khi nó vừa ném bom xong, thì phải vượt qua ngay để tránh lần bom tiếp theo.

Thật cám ơn sự quan tâm chân tình và tinh thần cảnh giác cao độ của người dân địa phương. Khi hai chúng tôi đến gần Đèo Con thì địch vừa ném bom tọa độ xong. Nhớ lời dặn của bà con, chúng tôi vượt nhanh, nhưng lần này không phải sau 30 phút, mà khi chúng tôi vừa chạm đến Đèo Con thì bom nổ inh tai, nhức óc. Mảnh bom bay vèo vèo, nhiều mảnh rơi ngay trên đường quốc lộ số 1 quanh tôi và đồng chí Lý, nhưng rất may chúng tôi không hề hấn gì.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:35:07 am »

Lần khác, tôi và đồng chí Ngô Quang Trà trợ lý hậu cần tiểu đoàn vừa đến cách cầu Họ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chưa đầy 300 mét, thì đột nhiên nghe tiếng máy bay gầm rú trên đầu. Ngẩng lên đã thấy bốn chiếc máy bay Mỹ xồng xộc lao xuống cắt bom, chúng tôi chỉ kịp vất xe đạp và lăn xuống vệ đường. Tốp máy bay vừa thả bom xong, chúng tôi nhảy lên xe nhanh chóng vượt qua cây cầu còn nồng nặc mùi thuốc súng. Ngó thấy một quả bom chưa nổ nằm trên mặt đất, nhưng nó quá gần rồi, không kịp tránh nữa và hai chúng tôi cứ thế vượt qua. Nếu là bom từ trường thì cũng đành phó thác cho “may, rủi” vậy.

Từ năm 1967, địch đánh phá khu vực Vĩnh Linh rất ác liệt bằng pháo mặt đất ở bờ nam sông Bến Hải bắn sang, bằng pháo hạm tàu từ ngoài biển bắn vào bằng máy bay ném bom nhất là ném bom tọa độ. Nhân dân Vĩnh Linh không chỉ đào địa đạo, xây dựng công sự chiến đấu và phòng tránh mà còn đào cả một hệ thống hào giao thông liên hoàn để bảo đảm an toàn cho việc đi lại trong khu vực...

Buổi chiều ngày 21 tháng 3 năm 1967, tôi đang công tác ở trạm rađa 540 ở Vĩnh Linh. Tại đây tôi cùng với Ban chỉ huy trạm họp bàn triển khai nhiệm vụ trinh sát mặt biển phục vụ cho chiến đấu và vận tải chi viện đảo Cồn Cỏ. Nơi chúng tôi ngồi họp cạnh  giao thông hào sâu 1,7 mét, bất ngờ một quả bom tọa độ rơi đúng vào vị trí. Hai đồng chí Thoan và Quý ngồi gần mép hào bị thương và bị đất chuồi xuống hố bom. Chiến sĩ Bao đang đi dưới hào bị mảnh bom cắt làm ba. Thật là đau xót!

Tôi và đồng chí Vạn trạm trưởng khi được anh em đến cấp cứu tỉnh lại, thấy quần áo mình bị rách toạc, mảnh vải dù ngụy trang bị xé thành nhiều mảnh nhỏ bay móc trên ngọn bụi tre gần đó. Chiếc điện thoại đặt ngay phía sau lưng bị vỡ toác, vậy mà chúng tôi may mắn không bị dính mảnh bom nào. Tôi bị chảy máu tai và mắt sau đó bị mờ, một thời gian nhìn không rõ chữ.

Đến khi tỉnh lại rồi mà nhiều người vẫn còn bàng hoàng, chưa nhận ra là mình bị bom hay bị đạn pháo 175mm của địch từ phía nam sông Bến Hải bắn sang. Không nghe tiếng máy bay và khi bom nổ cũng không kịp nghe tiếng nổ! Nếu có chết thì cũng chẳng có cảm giác gì? Nguyên nhân là quả bom do máy bay ném tọa độ lao xuống đúng giữa giao thông hào, mảnh bom và sức ép vọt lên cao, chúng tôi ngồi sát miệng hố bom là góc chết nên an toàn. Các chiến sĩ ở gần đó thấy bom nổ đúng vị trí họp thì đinh ninh là thủ trưởng và ban chỉ huy trạm chết hết rồi, nhưng lạ thay chúng tôi vẫn sống. Anh em nói đùa với nhau, quả thật “sống, chết cũng có số”.

Thời kỳ đầu của chiến tranh phá hoại, không quân và hải quân Mỹ thường tập trung đánh phá giao thông cầu, phà, đường sá, phương tiện giao thông, các trận địa, mục tiêu quân sự, chân hàng... dần dà chúng chuyển sang ném bom và bắn phá bừa bãi vào cả thôn xóm, khu dân cư, chẳng chừa nơi nào. Không quân Mỹ ném đủ loại bom khoan, bom phá, bom cháy, bom bi, bom từ trường... bắn các loại rốc két, đạn 20mm... dùng đủ các loại máy bay, từ F105, F4, F8, AD6 cho đến “siêu pháo đài bay” B52... Chúng đánh phá suốt ngày đêm không ngớt. Ban đêm hễ đánh chỗ nào là ở đó chúng thả đèn dù sáng rực cả một góc trời. Giặc Mỹ đánh phá điên cuồng, hành động của chúng hết sức dã man, tàn ác, giết hại nhiều dân thường. Có khi chúng thả bom xăng đốt cháy nhà dân cả một thôn. Tội ác của chúng không sao kể xiết.

Các cầu, phà từ phía nam Hà Nội trở vào khu Bốn đều bị giặc Mỹ đánh sập hoặc gây hư hỏng, bởi chúng đánh với mức hủy diệt. Một số nơi bị san phẳng như thị xã Đồng Hới, thị trấn Ba Đồn, cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh, Bến Thủy (Nghệ An). Nhiều nơi chúng đánh đi, đánh lại nhiều lần. Có những thôn xóm bị bom của máy bay B52 san bình địa, nhưng quân dân miền Bắc không hề nao núng. Cảm động biết bao khi nhân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình tự nguyện dỡ nhà lấy gỗ, ván, đá lát đường chống lầy cho xe qua những nơi trọng điểm đánh phá giao thông của quân Mỹ.

Giặc Mỹ dựa vào sức mạnh phương tiện chiến tranh hòng khuất phục nhân dân ta, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với công cuộc giải phóng miền Nam. Quân và dân miền Bắc đã vô cùng anh dũng, mưu trí giáng trả một cách quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong hơn bốn năm (từ 5-8-1964 đến 1-11-1968) quân và dân miền Bắc trong đó có Hải quân ta đã bắn rơi 3.243 máy bay chiến đấu các loại, 143 lần bắn chìm, bắn bị thương tàu biệt kích, tàu khu trục của Mỹ-ngụy.

Mặc dù địch đánh phá ác liệt như vậy nhưng sở chỉ huy của Tiểu đoàn 8 vẫn liên tục giữ vững chỉ huy các đơn vị, bám sát nắm chắc tình hình mặt biển, không để sót lọt mục tiêu tàu địch xâm phạm vùng biển của ta. Kịp thời báo cáo về Sở chỉ huy Quân chủng và thông báo đến các đơn vị hiệp đồng. Trong cuộc chiến tranh phá hoại, không thể xác định được nơi nào bảo đảm tuyệt đối an toàn, vì vậy ở đâu, trước hết tiểu đoàn phải làm công sự phòng tránh và ngụy trang giữ bí mật hoạt động của mình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:35:54 am »

Nhiều lần máy bay Mỹ đánh cách sở chỉ huy tiểu đoàn chừng 200-300 mét, nhưng công tác chỉ huy vẫn bảo đảm bình thường. Năm 1968, có lần ở khu vực ven rừng thuộc xã Quảng Kim (Quảng Trạch, Quảng Bình), để tránh bom địch, tôi yêu cầu các bộ phận của tiểu đoàn bộ phải đào hạ âm nền nhà ở, làm hầm, làm giao thông hào. Đất núi nhiều đá, rất khó đào, có anh em chủ quan, ngại khó, tôi kiên quyết yêu cầu làm bằng được. Sau một tháng mới làm xong hầm hào. Vào một đêm máy bay thả bom tạ và bom bi đúng vào khu vực đặt sở chỉ huy tiểu đoàn. May nhờ có công sự vững chắc và đúng quy cách nên không ai bị thương vong. Đến lúc này những anh em chủ quan, ngại khó mới thấy hết giá trị của việc làm công sự phòng tránh. Cũng nhân lúc này tôi có mấy vần thơ mộc mạc với tiêu đề “Yêu quá quê tôi ”.

Xẻ giữa rừng xanh những nóc nhà,
Mà cho giặc Mỹ cố tìm ta,
Ung dung ngồi mát bên bờ suối,
Nào khác lầu cao những mấy tòa.

Cây cao bóng mát lá xum xuê,
Chiến đấu bốn phương lại đi về,
Leo đèo, lội suối chân có mỏi,
Tưởng rằng gay quá, hóa vui ghê.

Trên cao gỗ quý, táu, lim, kiền.
Xen lẫn môn, khoai, chuối vô biên,
Dưới khe nước chảy cá, cua, ếch,
Tạo hóa đất này quá ưu tiên.

Trung nước, hiếu dân tựa sắt son,
Độc lập tự do nghĩa sống còn,
Kiên cường chống Mỹ không hề mỏi,
Yêu quá quê tôi, thắng lợi giòn.


Hoạt động cũng như sinh hoạt của các đơn vị rađa bờ biển của Hải quân nhìn bề ngoài trông thầm lặng với yêu cầu bảo đảm bí mật nhưng bên trong cán bộ, chiến sĩ luôn phải làm việc với một cường độ cao. Suốt ngày đêm kịp thời theo dõi, phát hiện và nắm chắc tình hình, phân biệt chính xác được hết mọi loại mục tiêu trên khu vực biển được giao trong mọi thời tiết, cũng như trong điều kiện đánh phá ác liệt của địch. Khi phát hiện được mục tiêu phải kịp thời báo cáo lên trên và thông báo đến các đối tượng hiệp đồng để kịp thời phòng tránh, đánh địch. Khi có những mục tiêu nguy hiểm như tàu khu trục, tàu tuần dương Mỹ vào gần để pháo kích vào bờ, tàu biệt kích ra vùng biển miền Bắc để chặn đánh tàu vận tải và tàu đánh cá của ta, đổ bộ “người nhái” vào bờ để phá hoại mục tiêu hoặc bắt dân để khai thác tin tức, thả đồ tâm lý chiến... các đơn vị rađa phải dùng mọi biện pháp để bám sát và theo dõi liên tục trong nhiều giờ, đồng thời kịp thời báo cáo, thông báo đến các đối tượng hiệp đồng cho kỳ được.

Trong những năm 1966-1967, các trạm rađa đã hiệp đồng thông báo mục tiêu chính xác cho các đơn vị pháo bờ biển Quảng Bình, Vĩnh Linh bắn bị thương nhiều tàu khu trục Mỹ và bắn chìm nhiều tàu biệt kích ngụy. Riêng trạm 540 còn làm tốt nhiệm vụ nắm tình hình mặt biển, phục vụ lực lượng vận tải tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong tình hình địch ngày đêm ra sức ngăn chặn và tập trung đánh phá đảo, có ngày chúng đánh phá suốt 8 giờ liền. Để làm được như vậy, đòi hỏi trình độ kỹ thuật của cán bộ chỉ huy, của trắc thủ rađa, của chiến sĩ thông tin lúc bấy giờ phải được huấn luyện tốt và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Chỉ cần vệt quét thoáng qua trên màn huỳnh quang là đã nhận biết được ngay đó là mục tiêu gì. Nếu dừng vệt quét trong vài giây là có thể bị tên lửa từ máy bay Mỹ bám theo sóng phát của ta, đánh thẳng vào trạm rađa. Hầu hết các trạm rađa đều bị máy bay địch  đánh phá như vậy. Để sót lọt mục tiêu hoặc phải phán đoán sai mục tiêu là một khuyết điểm mà cả ca trực hôm đó đều day dứt với trách nhiệm của mình chứ chưa nói đến quở trách của cấp trên.

Ăngten của rađa phải để lộ trần với ngụy trang khéo léo không bị che khuất để thu, phát sóng quan sát mục tiêu, vì vậy rất dễ lộ với máy bay địch. Các chiến sĩ ta đã hết sức khôn khéo ngụy trang bằng nhiều cách kể cả ngụy trang bằng các khối đá lớn màu đen như ở trạm 525, anh em đã đặt ăngten trên đỉnh núi xen lẫn với những tảng đá lớn, bọn giặc lái Mỹ không thể nào phát hiện được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:36:32 am »

Toàn bộ các trục đường giao thông ở địa bàn Quân khu 4, ngày đêm bị máy bay và tàu chiến Mỹ đánh  phá, băm nát. Các trọng điểm đánh phá giao thông ác liệt của địch trên quốc lộ 1 như cầu Treo, cầu Hạ Vàng, cầu Cổ Ngựa, cầu Nghèn, cầu Già, cầu Phủ, cầu Họ, cầu Rác, Đèo Con (Hà Tĩnh); Đèo Ngang, Ròn, Tú Loan, cầu Càng, phà Gianh, khe Nước, Chánh Hòa, Quán Hàu (Quảng Bình)... và nhiều trọng điểm khác trên đường 22, đường 15. Các chiến sĩ lái xe vận tải của tiểu đoàn như Hải, Dinh, Trung, Tuệ, trên đường đến các trạm rađa nhiều lần gặp địch đánh phá đã dũng cảm vượt qua... Có lần thùng xe bị bom phạt mất chỉ còn đầu xe, anh em vẫn dũng cảm vượt qua bom đạn, đưa xe về sửa chữa để chạy tiếp. Nhiều lần địch đánh phá bị tắc đường ở quốc lộ 1 hoặc đường 22,  trong đêm tối không đèn, anh em lái xe chạy vòng tránh bàng qua những quả đồi và bãi cát trống không có vết xe với đường dài 5-7km vẫn đưa xe về đến đúng vị trí đã định.

Một lần, ban đêm chúng tôi đi từ Nghệ An vào Quảng Bình bằng ô tô vận tải do đồng chí Dinh lái trên đường 22. Bất ngờ gặp một đoàn xe vận tải vừa bị máy bay Mỹ chặn đánh, nhiều xe cháy sáng rực cả một đoạn đường dài gần cây số. Tình thế đặt ra lúc này nếu xe chúng tôi dừng lại thì sẽ chịu chung số phận, còn nếu chạy tiếp liệu có vượt qua được cung đường lửa này không? Không chút chần chừ, tôi lệnh cho đồng chí Dinh nhấn ga lợi dụng ánh lửa đang soi rõ mặt đường dùng tốc độ cao vượt thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Kết quả xe chúng tôi vượt qua cung đường này an toàn nhờ tay lái vững vàng của đồng chí Dinh.

Trong điều kiện địch đánh phá giao thông với cường độ rất cao, cầu đường hư hỏng nhiều, việc vận chuyển tiếp tế lương thực của toàn tuyến trên địa bàn Quân khu 4 gặp nhiều khó khăn, tiểu đoàn đã chủ động hạ mức tiêu chuẩn gạo ăn để bảo đảm hoạt động chiến đấu lâu dài. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều đồng tình, vui vẻ.

Trong năm 1968, thực hiện chiến dịch vận tải lớn (VT5) nhằm đáp ứng nhu cầu chi viện vật chất cho tiền tuyến lớn miền Nam bằng hàng trăm chiếc thuyền của các ngành, các địa phương chuyển hàng chục tấn hàng hóa từ phía Bắc vào chân hàng ở Quảng Bình. Các trạm rađa Tiểu đoàn 8 có nhiệm vụ tham gia bảo vệ các tàu thuyền vận tải bằng cách quan sát nắm tình hình mặt biển, theo dõi đường đi của tàu vận tải, đồng thời kịp thời phát hiện, thông báo để tàu thuyền ta phòng tránh và đánh địch mỗi khi chúng ngăn chặn hoặc tập kích.

Liên tục trong ba tháng, các trạm rađa của Hải quân ở  phía Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch vận tải VT5. Phải nói trong điều kiện hết sức gian khổ và vất vả, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 không một ai lùi bước. Anh em đồng lòng với ý chí quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Là một trong những cán bộ chỉ huy của tiểu đoàn, tôi thực sự phấn khởi và tự hào trước thành tích hoạt động chiến đấu của tiểu đoàn.

Trong các năm từ 1967-1969, đơn vị đều được cấp trên biểu dương khen ngợi. Người chỉ huy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân, còn có một yếu tố hết sức quan trọng cũng mang tính quyết định là sự đồng lòng, đoàn kết giúp đỡ, sự động viên chân tình của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Bài học “trên thuận, dưới hòa, khó khăn gì cũng vượt qua hết” tuy không mới nhưng tôi vẫn luôn nhớ nằm lòng.

Tiểu đoàn 8 rađa Hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt đã được sự thương yêu đùm bọc, động viên giúp đỡ của các đơn vị bạn, của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, giúp đỡ của nhân dân địa phương cả về vật chất và tinh thần, coi bộ đội như con em ruột thịt của mình, đã giành một tình cảm hết sức cảm động. Tiêu biểu như gia đình ông Dinh và gia đình bà Hiệu ở xã Phúc Lộc, Can Lộc, Hà Tình; gia đình mẹ Luân ở xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình; gia đình mẹ Thắm ở xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình; gia đình mẹ Niên ở xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình... Những nơi này đã tự nhiên thành như gia đình, như cơ sở, như nơi đón tiếp đỡ đầu và là nơi dừng chân của cán bộ chiến sĩ mỗi khi ra vào đơn vị. Tình nghĩa đó lưu giữ mãi trong tâm khảm của chúng tôi không bao giờ phai mờ được.

Cũng trong năm 1968, đoàn cán bộ Quân chủng Hải quân do đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát dẫn đầu vào Vĩnh Linh kiểm tra tình hình chiến đấu của Trung đoàn 126 đặc công hải quân đang chiến đấu ở khu vực Cửa Việt, bắc Quảng Trị. Tôi được chỉ định đi cùng đoàn với tư cách là người chỉ huy các đơn vị rađa hải quân ở phía nam Quân khu 4, tháp tùng Tư lệnh để nhận những chỉ thị cần thiết trong mối quan hệ hiệp đồng chiến đấu. Thời kỳ này chiến tranh phá hoại của Mỹ đang ở mức cao điểm, chúng đánh phá mang tính chất hủy diệt nhất là các trục đường giao thông. Kể cả đường giao thông nông thôn, bến đò... Vì vậy đoàn phải chia nhỏ từng tổ đi bằng xe đạp vòng tránh theo đường làng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 09:36:56 am »

Từ đường 22 bắc sông Gianh trở vào vượt qua nhiều trọng điểm đánh phá của địch. Vì đi vòng tránh theo đường làng nên tôi cử đồng chí Thụ, chiến sĩ thông tin quen thuộc đường dẫn đoàn. Tổ chúng tôi đi cùng Tư lệnh có đồng chí Nguyễn Bá Đạt, bí thư Tư lệnh, tôi và đồng chí Thụ. Đến thôn Quảng Cư xã Xuân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, không thể đi bằng xe đạp được nữa. Cả đoàn lên đò qua sông Kiến Giang đi bộ xuống ven biển để vào Vĩnh Linh. Toàn bộ xe đạp và một số hành lý giao cho đồng chí Thụ ở lại trông giữ. Quãng đường chỉ hơn 100km mà phải đi ba ngày bằng xe đạp vì đang đi gặp địch đánh phá phía trước dừng lại, hết đánh lại tiếp tục đi. Khu vực Vĩnh Linh ngày nào cũng bị máy bay B52 và các loại máy bay khác ném bom rải thảm, pháo chụp, pháo bầy đủ loại, đủ cỡ từ bờ nam sông Bến Hải bắn sang, từ tàu chiến ngoài biển bắn vào. Nhưng quân dân Vĩnh Linh vẫn tích cực xây dựng hầm, hào liên thôn, kiên cường bám trụ chiến đấu.

Khi đoàn quay về đến Quảng Cư thì xe đạp và hành lý đã để dưới hào sâu mà vẫn bị bom bi phá hỏng một số. Chiếc áo đồng chí Thụ phơi trên cửa hầm phòng tránh, bị bom bi xuyên lỗ chỗ như tấm bia bắn tập. Những ngày vừa qua ở Quảng Cư có bến đò ngang đã bị máy bay địch đánh phá nhiều lần. Trên đường ra buổi sáng, buổi trưa dừng lại ăn cơm nắm nhưng không lúc nào trọn vẹn. Vừa dở cơm ra máy bay địch đã lại ném bom, bắn phá rất gần phía sau, lại phải thu dọn nhanh để tránh. Đến thôn Vạn Xuân, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, vừa chập tối chưa kịp tìm nơi nghỉ đã bị địch đánh ở đầu thôn. Tối hôm đó tưởng rằng phải nhịn ăn vì trời tối nấu cơm, có ánh lửa là dễ bị địch đánh, nhưng các mẹ chiến sĩ ở đây đã hết lòng tìm mọi cách che ánh lửa để nấu cơm cho bộ đội, mặc cho máy bay gầm rú. Nghĩa cử của dân đối với bộ đội thật vô bờ bến.

Chiều hôm sau ra đến bờ sông Gianh lúc này trên mặt sông rộng vắng lặng, không người, không thuyền đò qua lại, vì ban ngày máy bay địch đánh phá, với dưới sông đang còn thủy lôi và bom từ trường chưa rà phá hết. Không chờ đợi được nữa, nếu cứ đứng đây dễ bị bom đạn địch, tôi đề nghị đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát cho tôi bơi qua sông để tìm đò ngang. Lúc đầu đồng chí Tư lệnh không đồng ý vì sông rộng, nguy hiểm. Bàn đi, bàn lại không còn cách gì hơn, cuối cùng Tư lệnh cũng đồng ý và cho thêm đồng chí Thụ cùng bơi. Khi bơi trong người không có một thứ gì bằng kim loại để tránh thủy lôi và bom từ trường. Rất may qua sông, gặp được bác Dột, bí thư chi bộ ở xóm Đồng, xã Quảng Phúc, Quảng Trạch. Không chút ngần ngại, bác lấy thuyền qua chở đoàn cán bộ qua sông. Cả chuyến đi qua nhiều nơi địch bắn phá, tôi rất lo mình là người tháp tùng còn có nhiệm vụ dẫn đường bảo đảm an toàn cho đoàn, nhất là đối với đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát, nhưng rất may và rất mừng mọi người đều an toàn.

Qua chuyến đi này, đồng chí Nguyễn Bá Phát nói: “Có đi tận những nơi như Quảng Bình, Vĩnh Linh mới thấy hết tính chất ác liệt của chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra, cũng như sự kiên cường chiến đấu, hy sinh của quân và dân ta”.

Do yêu cầu phát triển của tình hình chiến đấu ngày 26 tháng 7 năm 1969, Bộ tư lệnh Hải quân quyết định thành lập Tiểu đoàn Sông Gianh. Lực lượng của tiểu đoàn có một phân đội tàu chiến đấu, một phân đội công binh, hàng hải có trang bị ca nô rà phá thủy lôi, một trung đội thông tin tiêu đồ tình hình mặt biển, cơ quan phục vụ và bao gồm cả các trạm rađa của Tiểu đoàn 8 (tiểu đoàn đã giải thể). Ngoài ra, còn có một số tàu tuần tiễu nhỏ của Tiểu đoàn 136, Trung đoàn 172, là lực lượng phối thuộc, do đồng chí Trần Châu làm tiểu đoàn trưởng và tôi làm tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn Sông Gianh ngoài việc trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân, còn có nhiệm vụ phối thuộc chiến đấu với Bộ tư lệnh Quân khu 4.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra (1-11-1968), máy bay, tàu chiến Mỹ tập trung đánh phá ác liệt hơn ở địa bàn Quân khu 4 với ý đồ ngăn chặn toàn bộ hệ thống giao thông, phá các phương tiện vận tải hòng cắt đứt chi viện của hậu phương miền Bắc cho miền Nam. Địch đánh phá liên tục ngày đêm. Dùng máy bay B52 ném bom rải thảm những nơi chúng nghi tập kết chân hàng, kho bãi, các trận địa pháo, tên lửa phòng không. Nhiều trạm rađa hải quân ta bị địch bắn phá bằng tên lửa.

Đầu năm 1971, Mỹ-ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra đường 9 - Nam Lào với ý đồ triệt phá kho tàng dự trữ chiến lược, cắt đứt tuyến chi viện 559. Lúc này, địch càng tập trung đánh phá mạnh hơn ở khu vực Vĩnh Linh đi đôi với dùng máy bay B52 ném bom rải thảm, máy bay ném bom tọa độ còn có đủ loại pháo chụp, pháo bầy từ bờ nam sông Bến Hải sang, từ tàu chiến ngoài biển bắn vào. Từ phía biển tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu biệt kích của Mỹ-ngụy liên tục hoạt động bằng pháo kích, bằng đỗ bộ biệt kích vào bờ để phá hoại ở địa bàn nam Quân khu 4. Mặc dù địch bắn phá ác liệt đến thế, gây nhiều thiệt hại nhưng quân và dân ta không hề nao núng vẫn bám trụ sản xuất và chiến đấu, vẫn không ngừng tuyến chi viện miền Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM