Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:54:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ đội Tăng thiết giáp qua những kỷ vật lịch sử  (Đọc 3500 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2021, 05:09:01 pm »

QUÀ TẶNG CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH ĐẢO


Hà Minh Hoa


Những bông hoa đá, những đóa san hô, những giọt nước mắt, cùng những cái bắt tay xiết chặt, vẫn còn lắng đọng và thẳm sâu trong tâm hồn của người chiến sĩ, nghệ sĩ đoàn nghệ thuật Binh chủng Tăng thiết giáp.

Năm 1996 Đoàn nghệ thuật Tăng thiết giáp đã được ra thăm, mang theo lời ca, tiếng hát và tình cảm ấm nồng của những người lính xe tăng đến với cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió thân thương này. Năm 2003 đoàn có dịp trở lại Trường Sa, chúng tôi gặp lại những người lính năm xưa và cả những chiến sỹ lần đầu ra đảo. Sự đón tiếp nồng hậu, cởi mở, của bao ngày mong đợi dành cho đoàn, làm chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. Nơi đảo xa, các anh rất thiếu thốn tình cảm, cho dù những cánh thư từ đất liền ra đảo đã phần nào vơi đi nỗi nhớ. Vừa mới đặt chân lên đảo, cả đoàn đã tỏa xuống từng phòng ở của cán bộ, chiến sỹ. Sau những cái bắt tay, chào hỏi, là câu chuyên không dứt giữa đất liền và hải đảo. Háo hức hơn cả là những chàng lính trẻ lần đầu được nghe hát và giao lưu trực tiếp với văn công, đặc biệt là các nữ diễn viên xinh đẹp của đoàn. Những ánh mắt, nụ cười, lòi ca, tiếng hát hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rầm của biển lại vang lên, làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn của người chiến sỹ noi đầu sóng, ngọn gió. Khoảng cách giữa diễn viên và khán giả thật gần gũi, ấm áp; cứ như vậy chúng tôi đàn và hát với biển khơi. Khi chúng tôi hát những bài hát về người lính, những bài hát ca ngợi Tổ quốc, họ cùng vỗ tay, hòa nhịp theo; tiếng hát của chúng tôi bay cao, vang xa, át cả tiếng sóng biển ì ầm vỗ vào bờ xa. Những làn điệu dân ca quan họ, những câu hò ví dặm cất lên như mang cả hồn quê đến với người lính đảo. Đặc biệt bài hát “Gần lắm Trường Sa ơi” được ca sĩ Hằng Nga thể hiện khá thành công, làm xúc động tâm hồn người chiến sỹ. Ở đảo không có những đóa hoa tươi rực rỡ, các anh chỉ tặng chúng tôi “Những con ốc biển”, “những nhành san hô”, nó là của tạo hóa, nhưng dưới bàn tay khéo léo, họ đã ghép thành những bông hoa rất đẹp, chứa đựng bao tình cảm của người lính đảo xa.


Ra thăm và biểu diễn phục vụ đảo lần này, ngoài những lời ca tiếng hát, điệu múa, đoàn mang theo cả những món quà rất giản dị nhưng đầy ý nghĩa gồm những con tem, phong bì thư, những cuốn sách, cây đàn... Cảm động trước tình cảm chân thành của đoàn, đồng chí Thượng tá Đỗ Khắc Phương - Phó Đảo trưởng chính trị - Đảo Trường Sa Lớn đã tặng đoàn “Nắm đất Trường Sa”, đó là kỷ vật quý báu, đầy ý nghĩa, như nhắn nhủ với đất liền rằng; chúng tôi sẽ vượt mọi khó khăn, gian khổ, vững chắc tay súng để bảo vệ từng tất đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.


Mười hai ngày đêm trên đảo là một hành trình biết bao những kỷ niệm vui buồn của người lính - người nghệ sĩ. Những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt lăn trên gò má ửng hồng của các nữ diễn viên và ánh mắt lưu luyến như chẳng muốn rời xa. Ngày xa đảo về đất liền đã đến, có lẽ chẳng bao giờ quên ngày hôm đó, những người lính đảo ra tiễn chúng tôi, bịn rịn chia tay như những người thân yêu, những con ốc nhỏ xinh dúi vội vào tay như gửi vào đó biết bao tâm tư tình cảm. Cả người ở, người về đều không muốn bước. Trong lòng ai cũng mang một nỗi buồn khó tả. Chúng tôi nhớ những người lính biển, nhớ cái mặn nồng của gió đảo Trường Sa, nhớ những người đồng chí đồng đội ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.


Nếu có dịp tham quan Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, mời các đồng chí đến với phòng trưng bày "Bộ đội Tăng thiết giáp trong thời kỳ đổi mới ở đó có "Nắm đất Trường Sa" và "Những con ốc biển”, "Những nhành san hô", của những người chiến sĩ đảo Trường Sa tặng Đoàn Nghệ thuật Tăng thiết giáp trong đợt lưu diễn phục vụ trên đảo năm 2003. Tuy giản dị, nhưng chứa đựng bao tình cảm của người chiến sỹ Trường Sa gửi gắm cho những người lính xe tăng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:13:44 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2021, 05:09:51 pm »

HUY CHƯƠNG VÀNG
PHIM PHÓNG SỰ “VƯỜN THỨ SÁU” CỦA BỘ ĐỘI XE TĂNG


Nguyễn Phương Huyền


Trong tăng gia sản xuất của quân đội thường nói đến “5 vườn”, “3 giàn". Đến đơn vị nào ta cũng gặp vườn rau, vườn cây ăn quả, vườn rau gia vị, vườn chè và vườn thuốc nam. Riêng ở Binh chủng Tăng thiết giáp có thêm “Vườn thứ sáu" - vườn rau dại ăn được.


Đúng như tên gọi của nó, vườn rau dại chỉ trồng những cây rau sống hoang dại ăn được. Nắm rau dại, lá rừng chẳng to tát gì nhưng nhìn lại lịch sử mấy cuộc kháng chiến ta thấy cây rừng Việt Bắc, lá rau dại Trường Sơn đã góp phần chăm nuôi bộ đội ta vượt qua khó khăn, thiếu thốn đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.


Từ truyền thống đánh giặc của cha anh, bằng thực tiễn kinh nghiệm trong những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn, Tây Nguyên, Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng đã có ý tưởng trồng các loại rau dại, cây rừng thành thao trường xanh; đưa bài học hậu cần vào huấn luyện sát thực tế để giáo dục bộ đội. Ngày 6 tháng 3 năm 1999, Tư lệnh đã có chỉ thị về việc "Tổ chức trồng một số loại rau dại ăn được ở Việt Nam phục vụ huấn luyện giã ngoại của bộ đội”. Ngay sau đó, Cục Hậu cần đã có hướng dẫn “Triển khai thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Binh chủng về việc trồng một số loại rau dại”. Các đơn vị trong Binh chủng đã hưởng ứng cuộc vận động và chấp hành chỉ thị làm vườn thứ sáu hết sức hào hứng.


Những nơi đóng quân đất đai cằn cỗi, bằng mồ hôi công sức và lòng nhiệt tình của cán bộ, chiến sỹ đã khai phá những thửa đất hoang, đất bạc màu để phủ lên một màu xanh tươi tốt. Đến nay, các Lữ đoàn, nhà trường mỗi tiểu đoàn đều có vườn rau dại từ 100 -150 m2 với (60 - 80 loại rau). Các kho, xưởng cũng đều có vườn rau dại trên dưới 100 m2. Lữ đoàn xe tăng 201, Lữ đoàn 215 còn có nhiều loại rau dại ít gặp và khó phân biệt để huấn luyện bộ đội.


Nhiều năm qua, cây rau dại không chỉ đưa vào bữa ăn, cải thiện đời sống bộ đội mà còn đi vào trang giáo án huấn luyện bộ đội. Hàng trăm cây rau dại ăn được sống cùng nhiều loại cây lá khác đã hướng dẫn cho bộ đội nhận biết được từng loại cây rau dại ăn được. Bài học thực hành về cây rau dại cũng lắm công phu, học tại bãi tập, học trong thực tế, học trong sách của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, học trong kinh nghiệm của những đồng chí đã trải qua chiến đấu. Trong diễn tập giờ đây đã có thêm bài học về rau dại. Nhiều đoàn đến thăm quan học tập tại các đơn vị trong Binh chủng, bài giới thiệu về rau dại bao giờ cũng làm khách tham quan thích thú và hết lời khen ngợi về ý tưởng sáng tạo, cách làm hay. Chỉ là những cây rau dại, nhưng khi vào trang giáo án huấn luyện lại sinh động hẳn lên, nhất là đối với cán bộ Hậu cần. Đây chính là cuộc xác định trữ lượng rau lá ăn được trên từng vùng đất, địa hình khác nhau; tình huống giả định nữa là vùng đang có chiến sự, vùng rừng đang có nhiều loại rau lá mang độc tố. Nếu nhầm lẫn có thể gây ra tai họa lớn. Những tốp cán bộ, vai nặng trĩu ba lô, cuốc xẻng, dao rựa ... Họ trải tấm bản đồ nơi đơn vị trú quân, tất cả cúi xuống để xem xét, đánh dấu, sau đó mới hướng dẫn bộ đội đi tìm rau lá ăn được.


Mùa diễn tập cuối năm 2000, các mẹ, các chị người dân tộc Thái ở bản Đá Bạc mang đến cho bộ đội nào rau, nào quả và còn chỉ cho bộ đội nhiều loại rau lá mới ở trong rừng ăn được. Đưa tay ra đỡ những bó lá lằng từ tay các mẹ, các chị, các em, những người lính xe tăng vô cùng xúc động. Đây chính là lá rừng đã gắn bó thân thiết với bữa cơm, bữa cỗ của đồng bào dân tộc Mường, Thái từ bao đời nay.


Từ ý tưởng của người chỉ huy và nhìn những vườu rau dại giờ đây đã lên xanh tốt. Đó là thành quả, công sức lao động của những người lính xe tăng đã vun trồng sau những giờ huấn luyện vất vả ngoài thao trường bãi tập. Những người làm phim đã thực hiện Phóng sự “Vườn thứ sáu” tại Lữ đoàn xe tăng 215 và thực sự bất ngờ: “Nghệ An đất cần, sỏi đá đến nước cũng không đủ để sinh hoạt nói chi đến việc trồng rau”? Ấy thế mà cây rau dại ở đây dưới bàn tay chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ cây vẫn lên xanh tốt. Phóng sự nhằm phổ biến kinh nghiệm và dạy cho bộ đội về cách nhận biết các loại rau rừng, rau dại ăn được. Điều đó đã khắc phục được tình trạng thiếu rau xanh trong thực hiện nhiệm vụ hành quân dã ngoại, song điều quan trọng hơn là đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ có được những kiến thức cơ bản để vượt qua khó khăn thử thách trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.


Phóng sự “Vườn thứ sáu” đã đem đến Liên hoan Truyền hình toàn quân lần thứ 4 một tác phẩm báo chí ấn tượng, được Ban giám khảo đánh giá cao về tính phát hiện vấn đề, tìm thấy cái mới, cách làm hay, sáng tạo độc đáo ở Binh chủng Tăng thiết giáp. Khán giả màn ảnh nhỏ thấy được toàn cảnh bức tranh sinh động của những vườn rau dại. Tuy mỗi cây rau dại rất nhỏ bé nhưng sức sống của nó thì cực kỳ mãnh liệt và tác dụng của nó thì lại không nhỏ. Trong chiến tranh, cây rau dại còn góp phần nuôi sống bộ đội ta và đồng hành cùng người lính trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.


Phóng sự "Vườn thứ sáu” đạt huy chương vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quân lần 4 được tổ chức vào tháng 6 năm 2001, tại Quân chủng Phòng không - Không quân. Tấm huy chương vàng "Vườn thứ sáu ” của bộ đội xe tăng cùng với hàng ngàn hiện vật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, mỗi hiện vật ở đây là một câu chuyện cảm động trong chiến đấu... và tấm huy chương vàng nói về một cách làm hay, một ý tưởng sáng tạo của những người lính xe tăng đã góp phần làm sáng mãi truyền thống Binh chủng Tăng thiết giáp Anh hùng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:14:12 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2021, 05:10:33 pm »

NHỮNG CHIẾC MŨ XE TĂNG CẢI TIẾN


Nguyễn Đức Thiện


Cuối năm 1997, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo chuyển cấp kỹ sư chuyên ngành thông tin, tôi được trên điều về nhận công tác tại Xưởng sửa chữa Thông tin - Bộ Tham mưu - Binh chủng Tăng thiết giáp, với cương vị là Phó Giám đốc về kỹ thuật. Sau một thời gian ngắn tìm hiểu, tôi nhanh chóng quen với công việc, hiểu rõ hơn về chức năng nhiệm vụ của xưởng là đảm bảo kỹ thuật thông tin Tăng thiết giáp cho toàn quân. Nhìn những chiếc mũ công tác xe tăng của các đơn vị đem về sửa chữa, nhiều chiếc sờn rách, xác sơ, tôi không khỏi chạnh lòng. Câu hỏi: tại sao ta không sản xuất mới mũ công tác của xe tăng, trong khi ở xưởng có cả một tổ gần chục thợ bảo quản và khâu vá mũ, trong đó có nhiều đồng chí là thợ may có hạng? Thế rồi trong tôi đã hình thành một ý tưởng mới, đó là phải tìm cách sản xuất mũ công tác xe tăng trên cơ sở tận dụng những nguyên liệu phụ kiện cũ đặc chủng nhưng còn tốt như tai nghe, ống nói, ốp tai, đệm dạ chống va đập (trong các mũ cũ của Liên Xô cũ); còn thân mũ và các phụ kiện khác hay hỏng nhất thì có thể làm mới hoàn toàn để vừa nhanh lại vừa hạ giá thành. Tôi đem ý tưởng này đề xuất với Ban Giám đốc xưởng và Chủ nhiệm thông tin Binh chủng. Những đề xuất của tôi không những được cấp trên ủng hộ mà còn động viên, khích lệ, đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh và quyết tâm. Tôi đã cùng Ban Kỹ thuật của xưởng và Quản đốc phân xưởng 2 nghiên cứu cấu tạo, cách ghép nối các chi tiết và phác thảo một quy trình may một chiếc mũ công tác của xe tăng. Công việc may thử sản phẩm đầu tiên được giao cho một thợ may “Cự phách” của xưởng thực hiện.


Những tưởng mọi việc đều suôn sẻ, nào ngờ tác phẩm đầu tiên là một cái mũ dúm dó, một số vị trí không chiết góc được (trong khi đó thợ may đã phải loay hoay gần nửa ngày). Chúng tôi lại phải điều chỉnh lại quy trình may và chiếc mũ thứ hai có khá hơn chút ít, thế nhưng phải đến chiếc thứ ba mới cho kết quả như ý. Chiếc mũ thứ ba ra đời chẳng khác chiếc mũ “Zin” chút nào, như hai giọt nước vậy, chúng tôi chuyền tay nhau sản phẩm của mình trong niềm vui khôn xiết. Tôi cho sản xuất thêm ba chiếc nữa “cho đủ mỗi thành viên kíp xe một chiếc" rồi chuyển lên Ban Giám đốc và Chủ nhiệm thông tin Binh chủng xin ý kiến chỉ đạo. Vốn là người thận trọng và kín đáo, chẳng mấy khi khen cấp dưới trước mặt bao giờ (vì ông cho rằng như vậy dễ làm cho cấp dưới sinh bệnh tự kiêu) Chủ nhiệm thông tin Binh chủng đã xem đi, xem lại từng mũi kim, đường chỉ và đội thử đồng chí nói “Các đồng chí không những phải làm được mà phải làm tốt hơn mũ của nước ngoài”, nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ chúng tôi hiểu rằng ông đang rất hài lòng. Với sự quyết tâm và nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên kỹ thuật Xưởng sửa chữa thông tin, chúng tôi đã có thể sản xuất được mũ công tác xe tăng với chất lượng tốt và giá thành hạ chưa bằng 1/5 chi phí mua một chiếc mũ mới nhập ngoại (một chiếc mũ mới nhập ngoại khi đó giá khoảng 52-55 USD) trên cơ sở sử dụng lại một số linh kiện, phụ kiện cũ còn tốt. Những tháng sau đó chúng tôi được giao sản xuất và phục hồi hàng trăm mũ công tác để giao cho các đơn vị Tăng Thiết giáp trong Binh chủng, được Chủ nhiệm thông tin Binh chủng đánh giá cao. Kết quả đạt được tuy nhỏ bé song đã thể hiên tình cảm và trách nhiệm của người thợ, người cán bộ kỹ thuật thông tin gửi gắm tới những chiếc sỹ xe tăng đang ngày đêm luyện tập trên thao trường, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sãn sàng chiến đấu của bộ đội tăng thiết giáp trong điều kiện khó khăn về vật tư, phụ tùng thay thế.


Hiện nay sáng kiến cải tiến này đã được một số đơn vị trong Binh chủng sử dụng đạt hiệu quả, thiết thực cho thành viên kíp xe trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. “Những chiếc mũ xe tăng cải tiến mới” số đăng ký BTTG-768/B57 đã trở thành hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục về tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tập thể cán bộ, nhân viên Xưởng sửa chữa thông tin - Binh chủng Tăng thiết giáp Anh hùng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:14:30 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2021, 02:13:15 pm »

CHIẾC GHẾ LÁI XE TĂNG T54 CẢI TIẾN


Phạm Tuấn Trung


Đó là chiếc ghế lái xe tăng T54 được trưng bày trong Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp. Một số khách tham quan đã hỏi nhân viên Bảo tàng: "Chiếc ghế bằng sắt này có gì đặc biệt mà lại được trưng bày trang trọng như vậy”. Vâng, xin trả lời ngay: Đặc biệt là ở chỗ, người chế tạo ra nó đã phải trăn trở và dày công nghiên cứu cải tiến để sử dụng thuận tiện và phù hợp với vóc dáng của những chiến sĩ lái xe tăng Việt Nam.


Tác giả của chiếc ghế lái là Nguyễn Văn Nam - Thiếu tá chuyên nghiệp, công tác tại Phòng Kỹ thuật Trường hạ sĩ quan xe tăng II. Từ năm 1998, cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” diễn ra sôi nổi ở khắp các đơn vị trong Binh chủng. Là nhà trường đào tạo thành viên kíp xe cho lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân, cán bộ, chiến sĩ trong nhà trường đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, đào tạo. Từ thực tiễn nhiều năm tham gia huấn luyện lái xe tăng T54, Nguyễn Văn Nam nhận thấy chiếc ghế lái nguyên bản của Liên Xô phù hợp với người Châu Âu, có vóc dáng to, cao; cấu tạo chỉ có 2 nấc (cao và thấp), điều chỉnh xa và gần bằng ốc cố định chân ghế. Trong khi đó, vóc dáng của các chiến sĩ lái xe tăng Việt Nam nhỏ bé, thao tác để chuyển vị trí ghế lái rất chậm và khó khăn, nhiều chiến sĩ đã phải dùng nhiều lớp đệm cho ghế lái cao lên mới quan sát được.


Tháng 3 năm 1998, với quyết tâm nghiên cứu, cải tiến chiếc ghế lái với mục tiêu “Thao tác được thuận tiện, nhanh gọn, phủ hợp với chiến sĩ lái xe Việt Nam”, Nguyễn Văn Nam đã không quản khó khăn, vất vả, nghiên cứu, đầu tư và chế tạo thử mô hình ghế lái T54 cải tiến. Trên cơ sở ghế lái T54 của Liên Xô, anh đã thiết kế chiếc ghế có nhiều nấc nâng, hạ độ cao cố định bằng vấu cam, kết hợp với rãnh khuyết trên thân ghế. Việc tiến, lùi ghế được thực hiện theo kiểu trượt ngăn kéo, với 2 thớt ghế (trên và dưới). Thớt trên có tấm tựa lưng, lò xo đẩy, ổ bi. Thớt dưới liền với thân ghế dưới, có khóa hãm.


Sau nhiều lần thử, chiếc ghế lái cải tiến đã được hoàn thành và được kiểm nghiệm thực tế trên xe tăng T54. Khi thao tác, nâng, hạ xuống đến vị trí phù hợp, khóa tay khóa lại, vấu cam sẽ đẩy vào đáy ghế nén thanh hãm vào rãnh răng giữ ghế ở vị trí cố định. Khi thao tác tiến, lùi: Dùng tay phải bóp khóa hãm ở phía trước bên phải, dùng sức của lưng người lái đẩy ghế về sau hay tiến về trước đến vị trí phù hợp, nhả tay khóa ra ghế được hãm lại tại vị trí đã lựa chọn, đều được thao tác một cách nhanh, gọn và dễ dàng.


Sau khi thử nghiệm, hội đồng khoa học kỹ thuật Binh chủng đã nhất trí đánh giá: Ghế lái T54 cải tiến của đồng chí Nguyễn Văn Nam đơn giản, chi phí ít, hiệu quả cao, có thể áp dụng lắp đặt trên xe huấn luyện, xe chiến đấu. Chiếc ghế cải tiến rất thuận tiện cho người lái xe trong thao tác sử dụng, tạo được vị trí ngồi của lái xe phù hợp, nhanh chóng, nhất là trong trường hợp xe phục vụ huấn luyện, đổi tập lái xe sau từng vòng lái... Sáng kiến cải tiến của Nguyễn Văn Nam thành công đã tạo nên một không khí thi đua sôi nổi trong toàn trường; nhiều sáng kiến mới đã nảy sinh và mạnh dạn thực hiện trên cơ sở tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có của đơn vị, giá thành rẻ nhưng hiệu quả cao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới cho Binh chủng và đào tạo thành viên kíp xe Tăng thiết giáp cho toàn quân, cũng như những nhiệm vụ chính trị quan trọng khác của nhà trường.


Khi được biết sáng kiến của mình được giải thưởng, Nguyễn Văn Nam đã xúc động nói: “Tôi thật sự bất ngờ khi sáng kiến của mình được đánh giá cao, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm những sản phẩm thiết thực giảm bớt những khó khăn, vất vả của đồng chí, đồng đội đang ngày đêm luyện tập trên thao trường".
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:14:56 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #44 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2021, 02:14:02 pm »

CÂU CHUYỆN VỀ THIẾT BỊ CHẾ TẠO BẠC GỖ ÉP CHỐNG XOAY


Vũ Duy Thông


Tới thăm Bảo tàng lực lượng tăng thiết giáp, những người làm công tác kỹ thuật chúng tôi ai cũng đều dừng lại ở hiện vật “Thiết bị chế lạo bạc gỗ ép chống xoay” cho giá tháo, lắp hãm lùi đẩy lên của pháo tăng, sản phẩm mang nhãn hiệu "Made in X32” chính hiệu, gây cho chúng tôi sự bất ngờ và rất ấn tượng. Chúng tôi xem, sờ vào giá ép bằng thép mát rượi và nhớ lại...


Giá tháo lắp hãm lùi đẩy lên trước đây do Liên Xô cung cấp đồng bộ, từ khi Liên Xô chuyển đổi thể chế chính trị nguồn hàng này không còn nữa. Hiện nay chưa có cơ sở nào sản xuất bạc gỗ ép chuyên dùng cho thiết bị này. Để đáp ứng yêu cầu sử dụng ở các đơn vị và các xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp trong toàn quân, Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 đã chủ động đặt hàng ở Nhà máy gỗ cầu Đuống, Nhà máy Z133 và một số cơ sở khác nhưng những cơ sở trên đều không đảm nhiệm được vì yêu cầu về kinh tế và kỹ thuật.


Đứng trước thách thức này, phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân với những thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua, giám đốc Nguyễn Văn Viết không chịu bó tay trước những khó khăn thực tế của đơn vị. Sau nhiều đêm dài trăn trở suy nghĩ và tìm tòi, anh nhận thấy việc nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị chế tạo bạc gỗ cho giá tháo, lắp hãm lùi đẩy lên đưa giá về trạng thái làm việc tốt là một việc làm cấp thiết. 


Để sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật cần thiết, Giám đốc cùng tổ thợ sửa chữa vũ khí đã nghiên cứu lấy mẫu bạc gỗ ép chống xoay của Liên Xô để xác định kết cấu của bạc và loại keo kết dính; xác định độ bền; khả năng chịu lực, độ kẹp chặt và độ đàn hồi của bạc. Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu nói về keo kết dính của nước ngoài và tìm hiểu quy trình chế biến gỗ ép của một số cơ sở chế biến, sản xuất gỗ trong nước và khả năng công nghệ của Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32. Trên cơ sờ đó, đã tiến hành tính toán, thiết kế chế tạo thiết bị sản xuất bạc gỗ ép chống xoay phù hợp điều kiện thực tế của xưởng.


Từ đặc điểm kết cấu, yêu cầu kỹ thuật của bạc gỗ ép bó hãm chống xoay và khả năng công nghệ hiện có và đảm bảo được tính kinh tế và khả năng tự sản xuất được bạc, xưởng đã tận dụng vật tư khí tài sẵn có của đơn vị để chế tạo thiết bị như: khung giá, máy ép và quả lô trong có chứa nhiên liệu để tạo nhiệt; hai kích thủy lực 15 tấn và bộ phận làm mát cho kích. Trong quá trình vận hành, khi lực ép đạt 18-20 kg/cm và nhiệt độ 85- 100°c, tắt lửa và giữ nguyên lực ép khoảng 15- 30 phút tuỳ theo chiều dày của bạc gỗ ép; hạ kích lấy sản phẩm ra. Qua kiểm nghiệm thực tế, sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương như bạc gỗ ép chống xoay của Liên Xô chế tạo trước đây.


Thành công của đề tài có ý nghĩa rất thiết thực, giải quyết kịp thời nguồn vật tư trước đây phải nhập ngoại từ Liên Xô, đáp ứng nhu cầu trang bị dụng cụ cho các đơn vị Tăng thiết giáp toàn quân, kịp thời phục vụ tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa pháo. Quy trình kỹ thuật sản xuất bạc gỗ ép bó hãm chống xoay đơn giản, dễ thao tác, thợ vũ khí từ bậc 3 trở lên đều có thể tự mình vận hành sản xuất được. Hiện nay Xưởng 32 đã sản xuất số lượng các bạc gỗ ép chống xoay đủ để cung cấp cho Binh chủng và các đơn vị Tăng thiết giáp toàn quân. Sáng kiến được Tổng cục Chính trị tặng bằng khen về “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2002.


Chuyện phát minh sáng kiến “Thiết bị chế tạo Bạc gỗ ép chống xoay” của Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 đã khẳng định một điều: hoạt động sáng kiến là hoạt động sáng tạo, tích cực, tự giác của những người lính thợ nhiệt huyết hôm nay được thực hiện bằng cơ sở vật chất kỹ thuật và tiềm năng hiện có của đơn vị nhằm tìm tòi những giải pháp kỹ thuật, giải pháp tổ chức sản xuất vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn cao. Trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách bảo đảm cho quốc phòng hạn hẹp thì việc phát huy nội lực, tinh thần lao động cần cù sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng ở mọi cấp, mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề lại được nhân lên góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chất lượng tổng hợp của lực lượng Tăng thiết giáp. Sáng kiến đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Binh chủng nói chung và nhiệm vụ cụ thể của Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 nói riêng, gắn với hội thi, hội thao chuyên ngành kỹ thuật Tăng thiết giáp, gắn với cuộc vận động lớn "Quản lý khơi thác vũ khí, trang bị, kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông". Đây là điểm sáng cần thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác nhằm phổ biến các sáng kiến có khả năng áp dụng trong toàn quân bằng các hình thức thích hợp như: tổ chức thao diễn kỹ thuật, tham quan, mở hội nghị chuyên đề, đăng tập san, báo, câu lạc bộ khoa học công nghệ...


Thiết bị chế tạo bạc gỗ ép chống xoay là một trong nhiều công trình có giá trị trong phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, là một trong những phong tào tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Binh chủng Tăng thiết giáp anh hùng, khắc phục mọi khó khăn, lao động sáng tạo, tạo ra năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả lớn góp phần đưa phong trào sáng kiến lên đỉnh cao mới tương xứng với tiềm năng hiện có của Binh chủng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:15:21 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2021, 02:15:04 pm »

CÂU CHUYỆN VỀ NGHIÊN CỨU LẮP ĐẶT
HỆ THỐNG THỦY LỰC TRỢ LỰC LÁI XE TĂNG T54/T55


Đào Duy Lợi


Vào một sáng nắng gắt cuối tháng 7 năm 2005, sau khi được nghe Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ của Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật - Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp trong một buổi tập huấn giới thiệu khái quát về tính năng, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hệ thống thủy lực trợ lực tay lái xe tăng T54/T55, Thượng úy chuyên nghiệp Lâm, “chuyên gia” lái xe thử sau sửa chữa của Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 mới về nhận công tác được hơn một năm còn bán tin bán nghi về hiệu quả của hệ thống này. Anh thoáng nghĩ: "Hai cái xi lanh thủy lực bé con con thế kia mà lại làm giảm lực kéo cần lái từ 30-35 kg xuống còn 10-12 kg được sao?". Bụng bảo dạ anh thầm nghĩ "Được rồi, ta sẽ lái thử xem!". Và không phải chờ đợi lâu, ngay chiều hôm đó khi trời chiều Tam Đảo đã nhạt nắng, chiếc xe tăng T-54 vừa được lắp trợ lực lái xuất xưởng cần chạy thử gấp để kịp bàn giao cho Trường Hạ sỹ quan xe tăng II vào chiều hôm sau. Theo lệnh của Thượng tá Nguyễn Văn Viết - Giám đốc Xưởng sửa chữa. Tăng thiết giáp X32, anh trèo lên xe và nhẹ nhàng luồn vào buồng lái. Anh kiểm tra sơ bộ một lượt rồi kéo thử cần lái bên trái rồi bên phải, quái sao chúng vẫn nặng thế và anh lại nghi ngờ. Được lệnh nổ máy, anh bấm còi, bơm dầu nhờn bằng điện và khởi động động cơ. Chiếc xe tăng T-54 rung lên, một màn khói xám tỏa ra trùm lên cây bàng già trước sân phân xưởng I. Khi chế độ nhiệt động cơ đạt tới giá trị sử dụng, anh sốt ruột và lại kéo thử cần lái bên trái, nó làm sao thế này và quá nhẹ so với khi anh kéo cần lái được trợ lực bằng lò xo. Giám đốc Viết lại lệnh cho anh thợ Bắc cầm lực kế lên đo thử. Móc lực kế vào cần lái và kéo hết cỡ, lực kế chỉ 10 kg ở cần bên trái, 11 kg ở cần bên phải. "Thật là tuyệt!" - Lâm nghĩ. Thợ Bắc nói: "Ông không cần phải dùng lực lớn để kéo mà chỉ cần một ngón tay trỏ kéo là xe tăng có thể chuyển hướng được, nhưng vấn đề là ở chỗ ông phải có cảm giác đúng khi kéo cần lái về vị trí chuyển hướng và hãm dừng, đừng có nhầm, chú ý theo dõi đồng hồ báo áp suất dấu thủy lực!".


Xuất phát! Theo tiếng hô của Phó Quản đốc Tĩnh, Lâm gài số 1, tăng chân dầu chiếc xe từ từ chuyển động, anh kéo nhẹ cần lái bên trái về nấc 1 rồi nấc 2, chiếc xe quay một vòng rất đẹp, anh lại nhả cần lái, vào số 2 và điều khiển chiếc xe nặng nề trườn qua cửa phía sau xưởng. Lâm vào số 3, tăng chân dầu chiếc xe chồm lên rồi lao xuống một cái hào nông ngập nước, bùn đất văng lên từ hai dải xích sau xe. Sau hơn hai mươi phút lái quần thảo trên bãi đất rộng gần Núi Đinh, hết chuyển hướng lại quay vòng tại chỗ Lâm được lệnh lái xe quay về xưởng. Xuống xe mọi người xúm lại hỏi cảm giác thế nào, vì đây là lần đầu tiên Lâm lái xe lắp trợ lực lái thủy lực. Lâm nói luôn "Tốt! Nhưng để thật sự có cảm giác ở hai vị trí phải tiếp tục rèn luyện để quen dần".


Giám đốc Viết ra lệnh tắt máy, kiểm tra độ kín của hệ thống thủy lực, thợ Phương và thợ Bắc sau 10 phút dùng đèn công tác sục sạo các ngóc ngách rồi báo cáo không có dầu thủy lực nhỏ giọt ở các vị trí lắp nối, trên cán Piston của Xilanh thủy lực không có dầu chảy.


Buổi tối hôm đó sau khi cơm nước xong, ngồi nói chuyện với anh Quang, anh Bắc - những người thợ hàng đầu của Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 đã từng gắn bó với "Trợ lực lái" anh được biết: để có thể lắp được một hệ thống mới lên xe tăng và để nó hoạt động bình thường, tin cậy như những hệ thống khác của xe, mà đó lại là hệ thống thủy lực thì yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi rất cao, sai một ly là hệ thống hoạt động trục trặc ngay hoặc xảy ra sự cố hư hỏng làm xe ngừng hoạt động. Tìm hiểu sâu hơn Lâm còn biết từ năm 1994, theo đề nghị của thiếu tá Nguyễn Xuân Thiện cán bộ của Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự - một tiến sỹ kỹ thuật mới tu luyện từ Tiệp Khắc trở về, đến Cục Kỹ thuật đề nghị phối hợp mở đề tài nghiên cứu chế tạo một hệ thống trợ lực thủy lực lắp cho xe tăng T54/T55 với mục đích làm giảm lực điều khiển cần lái từ 30-35 kg xuống 10-12 kg. Việc giảm lực kéo cần lái sẽ mang lại hiệu quả lớn là giảm nhẹ cường độ lao động của chiến sỹ lái xe tăng Việt Nam vốn có hình thể và sức khỏe khiêm tốn, đặc biệt là khi lái xe hành quân đường dài trên đường đồi núi hiểm trở...


Sau khi được thủ trưởng Cục Kỹ thuật đồng ý, một nhóm cán bộ của phòng Nghiên cứu được triệu tập làm thuyết minh đề tài. Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật đã phê chuẩn cho phép mở đề tài. Như vậy từ năm 1994 đến tận năm 2006 dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng Binh chủng mà trực tiếp là thủ trưởng Cục Kỹ thuật, đề tài này đã qua các giai đoạn nghiên cứu chế thử ở cấp Tổng cục Kỹ thuật, được áp dụng thử ở các cấp Bộ Quốc phòng, rồi đưa lên ở cấp Nhà nước để nghiên cứu sâu hơn về công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình, được Bộ Quốc phòng cho phép chế thử loạt "O" vào năm 2002, trong hai năm 2005 và 2006, Bộ Quốc phòng cho phép đưa vào sản xuất ứng dụng thử loạt nhỏ. Như vậy là sau hơn 12 năm nghiên cứu sáng tạo, một tập thể cán bộ kỹ thuật của Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật và Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 - Cục Kỹ thuật Binh chủng mà tiêu biểu là các đồng chí Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Văn Viết... đã cùng đồng chí Nguyễn Xuân Thiện (nay là đại tá, chuyên viên thuộc Phòng Khoa học Công nghệ & Môi trường Tổng cục Kỹ thuật) đã say mê, kiên trì tìm tòi, sáng tạo trong tính toán thiết kế, chế thử phụ tùng vật tư để tạo nên hệ thống này. Riêng các đối tác phối hợp với Cục Kỹ thuật để thực hiện đề tài cũng rất nhiều, mới đầu là Trường Kỹ thuật Vinhempic, nhà máy Điêzel Sông Công, rồi sau đó là Z125, Z153, Z133, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Viện Công nghệ - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32, Xưởng XI, mà trong đó Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 là đơn vị cơ sở có nhiều đóng góp trong việc lắp đặt hệ thống thủy lực vào hàng chục xe tăng T54, T59, T55 và chế tạo ra các thiết bị phục vụ lắp đặt như: máy uốn ống, bộ nguồn thủy lực, thiết bị thử các cụm thủy lực và các bộ dưỡng gá lắp... đồng thời đã đào tạo được một nhóm thợ lành nghề tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong lắp đặt, sửa chữa và điều chỉnh hệ thống trợ lực thủy lực. Trong hệ thống thủy lực thì cụm máy chi tiết nào cũng quan trọng nhưng khó khăn nhất vẫn là việc thiết kế, chế tạo và kiểm tra chất lượng cụm Xilanh thủy lực. Cụm Xilanh này khác về cả kết cấu, nguyên lý hoạt động so với các Xilanh thủy lực thông thường khác. Nó được điều khiển bằng van trượt ở bên trong, tạo ra lực tác dụng cả hai chiều; công nghệ chế tạo các chi tiết của nó đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao, nhất là các cặp chi tiết chuyển động cần có độ kín cao mà kết cấu lại không có gioăng đệm làm kín do vậy khe hở lắp ghép cần chính xác đến phần nghìn milimét như cặp con trượt và Piston. Vì vậy phải mất gần 10 năm với sự đầu tư nhiều công sức của Ban đề tài và của cán bộ, công nhân Nhà máy Z125, đến năm 2005 thì công nghệ chế tạo cụm xilanh thủy lực mới ổn định thực sự.


Câu chuyện về quá trình chế tạo và lắp đặt hệ thống thủy lực trợ lực lái nếu kể đủ thì còn rất dài. Tính đến năm 2006 đã có hơn 30 xe tăng T54/T55 trong nhóm xe huấn luyện lái, huấn luyện bắn và chiến thuật của Trường Hạ sỹ quan xe tăng II, Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp, Trường bắn Cam Lâm và Lữ đoàn 201 đã được lắp hệ thống thủy lực trợ lực lái... Đến nay nhiều xe đã được đưa vào sử dụng nhất là số xe lắp đặt năm 2006 đã chạy hàng trăm kilômét mà hầu như không xuất hiện hư hỏng.


Sau khi nghe những thông tin trên, Lâm rất tự hào về những nỗ lực bền bỉ của ngành kỹ thuật Tăng thiết giáp đã góp phần đáng kể trong lĩnh vực tự lực nghiên cứu cải tiến để nâng cao tính năng kỹ thuật của các loại xe tăng thiết giáp hiện có của Binh chủng. Anh trầm ngâm hy vọng rằng mai đây anh và các đồng đội lái xe tăng của anh trong Binh chủng sẽ được lái những chiếc xe tăng T54/T55 đã được lắp hệ thống trợ lực lái hoàn hảo. Cụm hệ thống thủy lực trợ lực lái chế thử lần đầu tiên hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, có số đăng ký: BTLLTTG: 797/K3-188.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:15:47 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #46 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 07:30:21 am »

ĐÔI LỘC BÌNH ẤM TÌNH QUÂN DÂN


Nguyễn Phương Huyền


Tôi đến thăm Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống của bộ đội xe tăng. Đứng trước bao hiện vật, di vật của các liệt sĩ mà mỗi hiện vật đều gắn liền với những chiến công hiển hách của bộ đội xe tăng, ẩn chứa trong đó là những câu chuyên cảm động của những người đã sống mãi tuổi thanh xuân. Và ở đây, không chỉ có những hiện vật truyền thống của bộ đội Tăng thiết giáp, mà còn có rất nhiều tặng phẩm có ý nghĩa, biểu trưng của tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa bộ đội Tăng thiết giáp với nhân dân cả nước. Tôi thực sự bị thu hút khi nhìn thấy đôi Lộc bình bằng gốm rất đẹp cao gần 2m, mỗi chiếc được đặt trên một chiếc trống bằng gốm màu chì cao 80cm có in hình hoa văn như trống đồng Đông Sơn, ở giữa in nổi hình chiếc xe tăng trên nền màu hồng, phía trên và dưới là những con hạc xanh. Đặc biệt là trên mỗi chiếc Lộc bình có dòng chữ in đậm:

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai
Kính tặng
Binh chủng Tăng thiết giáp nhân dịp kỷ niệm
45 năm ngày truyền thống (05.10.1959 - 05.10.2004).

Đôi Lộc bình được đặt hai bên của gian trưng bày chính của Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp làm cho bức tranh tổng thể càng thêm sinh động.

Qua hướng dẫn viên Bảo tàng tôi được biết: Ngay từ những năm 1964; 1965, khi mà bộ đội Tăng thiết giáp còn non trẻ, đang ở trong giai đoạn huấn luyện và xây dựng lực lượng, song với tầm nhìn xa trông rộng, Đảng ta mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương, một bộ phận cán bộ chiến sỹ Tăng thiết giáp đã được điều vào Nam chiến đấu với phương châm “Lấy xe địch đánh địch”, đây cũng là những cán bộ chiến sĩ đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng lực lượng Tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ. “Miền Đông gian lao mà anh dũng” đã ôm ấp, chở che, đùm bọc những người lính tăng thiết giáp trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tình đất và tình người nơi đây đã tiếp thêm cho cán bộ, chiến sĩ tăng thiết giáp sức mạnh để lập nên những chiến công vang dội. Những địa danh như: Bình Long, Phước Long, Xa Mát, Lộc Ninh, căn cứ Nước Trong, Biên Hòa... luôn gắn liền với những chiến công vang dội và thành tích xuất sắc trong quá trình chiến đấu xây dựng và trưởng thành của bộ đội Tăng thiết giáp.


Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng tình cảm giữa đảng bộ, chính quyền và nhân dân miền Đông Nam Bộ nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng với bộ đội Tăng thiết giáp ngày càng thêm gắn bó keo sơn. Hàng năm, dẫu công việc bộn bề nhưng Đảng ủy và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp vẫn tạo điều kiện và thời gian cho đoàn nghệ thuật Binh chủng vào biểu diễn và phục vụ cán bộ và nhân dân, các tỉnh, thành phố thuộc miền Đông Nam Bộ "miền đất gian lao mà anh dũng". Đối với những người chiến sĩ, nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật Binh chủng khi được về với nhân dân miền Đông, họ như được về với ngôi nhà thân yêu của mình, bởi nơi đây, biết bao thế hệ cán bộ chiến sĩ Tăng thiết giáp đã từng sống và chiến đấu, dưới sự chở che đùm bọc của nhân dân, trong thời chiến cũng như trong thời bình, hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ xe tăng vẫn luôn in đậm trong trái tim của cán bộ và nhân dân miền Đông Nam Bộ.


Với nghĩa tình trước sau thủy chung, dẫu cách xa hàng ngàn cây số nhưng trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống của bộ đội Tăng thiết giáp, Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tặng Binh chủng đôi Lộc bình “Gốm sứ” sản phẩm từ đất, từ nước miền Đông do chính bàn tay khéo léo của người dân Đồng Nai làm ra, đã thể hiện được tình đất, tình người sâu nặng của vùng đất nổi tiếng về nghề gốm, đó cũng là sản phẩm được kết tinh từ tình cảm của mối tình quân dân cá nước giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân miền Đông với bộ đội xe tăng.


Để đôi Lộc bình này được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, nó đã phải trải qua một hành trình rất gian nan. Vào đêm 22 giờ ngày 7 tháng 9 năm 2004, chiếc xe vận tải đi từ Đồng Nai ra đến Hà Nội, người lái xe lần đầu tiên ra Bắc lại đi trên một chiếc xe tải lớn cồng kềnh nên có chút bỡ ngỡ, khi xe của đoàn đi đến đường Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân - Hà Nội, thì trời đổ trận mưa rào, con đường phía trước mịt mù trắng xóa trong mưa, lái xe đã điều khiển xe nhầm vào đường ngược chiều, bị các chiến sỹ Cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe. Sau một hồi trình bày, giải thích, các đồng chí công an đã cảm động trước những tình cảm mà nhân dân tỉnh Đồng Nai dành cho bộ đội Tăng thiết giáp và đồng ý cho xe tiếp tục cơ động về Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp.


Sau hơn 3 tiếng bốc giỡ, đôi Lộc bình đã được xếp đặt vào đúng vị trí trưng bày, khi ấy chuông đồng hồ báo điểm một ngày mới bắt đầu. Ngày 8 tháng 9 năm 2004, đó chính là ngày cắt băng khánh thành Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp.


Giờ đây mỗi khi đến Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp được nhìn, được ngắm và tìm hiểu về những hiện vật của bộ đội xe tăng, mỗi hiện vật là một chiến công... Đôi Lộc bình ấy là câu chuyện xũc động về tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân miền Đông Nam Bộ với bộ đội Tăng thiết giáp nói chung, đó chính là biểu tượng tình đoàn kết, gắn bó thủy chung son sắc của nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng giành cho bộ đội Tăng thiết giáp suốt mấy chục năm qua.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:16:05 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 07:31:15 am »

“CÚP VÀNG VÔ ĐỊCH” GIẢI BẮN SÚNG
QUÂN DỤNG NÂNG CAO TOÀN QUÂN LẦN 2


Lê Hải Anh


Trong số gần 300 hiện vật Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp mới sưu tầm trong năm 2008, có một hiện vật rất đặc biệt; đó là chiếc “Cúp vàng vô địch” giải bắn súng ngắn, mà đội tuyển bắn súng nam của Binh chủng Tăng thiết giáp giành được tại Hội thi bắn súng Quân dụng nâng cao toàn quân lần thứ 2.


Tháng 4 năm 2008, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng đã có chỉ thị gửi các cơ quan đơn vị trong toàn quân về việc tổ chức thi bắn súng quân dụng nâng cao toàn quân lần thứ 2.

Có thể nói thi bắn súng quân dụng nâng cao là một nội dung rất mới và rất khó đối với toàn quân (năm 2000 nước ta mới tham khảo nội dung thi đấu này tại đấu trường khu vực các nước ASEAN). Với Binh chủng Tăng thiết giáp, bắn súng quân dụng nâng cao cũng mới được đưa vào huấn luyện từ mấy năm trước đây. Tuy nhiên do thực hiện tốt quan điểm, phương châm, phương pháp huấn luyện nên kết quả thực hành bắn súng quân dụng của Binh chủng cũng tương đối khả quan, trong Hội thi bắn súng quân dụng nâng cao lần thứ nhất do Bộ Quốc phòng tổ chức năm 2005, Binh chủng đã tham gia dự thi và đạt thành tích tương đối cao (Đạt giải nhất đồng đội bắn súng ngắn K54 bài 1).


Là một Binh chủng kỹ thuật chiến đấu được trang bị các loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại, trong công tác huấn luyện, đào tạo, bên cạnh việc huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại súng pháo trên xe tăng, Binh chủng luôn quan tâm huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị khác. Riêng nội dung bắn súng ngắn K54 và súng tiểu liên AK đã trở thành nội dung bắt buộc trong các đợt tập huấn và kiểm tra quân sự hằng năm cho các đối tượng. Trong huấn luyện, Binh chủng Tăng thiết giáp đã lãnh đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 93, Nghị quyết 86 của Đảng ủy quân sự Trung ương, Nghị quyết 871 của Đảng ủy Binh chủng về đổi mới công tác Huấn luyện, đào tạo, coi trọng huấn luyện thực hành, chống tiêu cực, bệnh thành tích. Nên tại các đơn vị, nhà trường trong toàn Binh chủng có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ bắn giỏi được kiểm nghiệm qua thực tế kiểm tra huấn luyện quân sự hằng năm. Vì thế, Binh chủng luôn có nguồn vận động viên dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhanh cho các nhiệm vụ và tham gia các hội thi, hội thao. Với những thế mạnh như vậy, Đảng uỷ Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đã xác định quyết tâm giành được thứ hạng tốt nhất trong hội thi lần này. Thực hiện quyết tâm của Bộ Tư lệnh, tháng 7 năm 2008, Phòng Quân huấn nhà trường đã tổ chức thi tuyển vận động viên tại các lữ đoàn, nhà trường; sau gần một tháng thi tuyển, đã lựa chọn được 18 cán bộ, chiến sĩ vào đội tuyển bắn súng nam của Binh chủng, đưa về tập trung huấn luyện tại Lữ đoàn xe tăng 201.


Những ngày luyện tập đầu tiên là những ngày nắng lửa ở thao trường, với hàng loạt khó khăn nảy sinh. Trước hết là sự khắc nghiệt về thời tiết, đội tuyển luyện tập đúng vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm, vì vậy phải xây dựng kế hoạch luyện tập hết sức tỉ mỉ, khoa học làm sao vừa đảm bảo thời gian luyện tập, vừa đảm bảo sức khoẻ cho vận động viên. Đội tuyển của ta toàn những gương mặt mới, cơ hội cọ sát với các giải đấu lớn chưa nhiều, tâm lý thi đấu chưa được rèn luyện, động tác kỹ thuật chưa chuẩn xác, thành thạo. Hơn nữa, súng tốt để dùng cho luyện tập và thi đấu không nhiều, đạn thì khác lô, hai yếu tố này cũng gây ảnh hưởng đến tốc độ bắn và chất lượng luyện tập. Với tinh thần luyện tập nghiêm tũc nhất, với quyết tâm cao nhất của cả vận động viên và huấn luyện viên, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và động viên kịp thời của Đảng uỷ, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, đội tuyển đã từng bước vượt qua khó khăn; thời gian học lý thuyết và luyện tập trong ngày đựơc bố trí hợp lý khâu nào yếu, động tác nào còn yếu thì phải luyện tập nhiều lần cho tới khi thuần thục. Bài nào đạt khá tiếp tục luyện tập nâng cao, bài nào còn yếu, huấn luyện viên kiên trì rèn rũa cho vận động viên tập cả ngày nghỉ, giờ nghỉ cho đến khi đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó bản thân các đồng chí là vận động viên cũng nỗ lực rất nhiều, mỗi người luôn tự rút kinh nghiệm, thấy được những hạn chế của mình để tự rèn, tự nâng cao kết quả trong từng buổi tập.


Sau gần 4 tháng luyện tập, đội tuyển bắn súng nam của Binh chủng Tăng thiết giáp đã đạt trình độ chuẩn tốt, đường ngắm chính xác, phản xạ nhanh, yếu lĩnh và sự tự tin trong thi đấu được nâng lên rõ rệt. Các bài bắn súng ngắn thi đấu được luyện tập bài bản như: bắn nhanh, chính xác vào mục tiêu cố định; bắn nhanh vào mục tiêu ẩn hiện; đồng đội vận động bắn bia kim loại. Đầu tháng 10 đội tuyển bắn súng nam của Binh chủng được kiện toàn gồm 12 vận động viên, trong đó đội bắn súng ngắn là 5 vận động viên, đội bắn súng tiểu liên AK 5 vận động viên và 2 đồng chí là vận động viên dự bị.


Ngày 25 tháng 10 năm 2008, toàn đội bước vào thi đấu tại Trường bắn Miếu Môn. Sau 6 ngày đọ sức căng thẳng, sự cố gắng, nỗ lực của các đồng chí huấn luyện viên, vận động viên đã được đền đáp xứng đáng, Đội bắn súng nam của Binh chủng đạt giải nhì toàn đoàn 2 môn bắn súng ngắn K54 và súng Tiểu liên AK, giải ba đồng đội súng ngắn nam bài 1, giải Nhì cá nhân bắn súng ngắn bài 2. Đặc biệt, đội tuyển nam của Binh chủng đã giành ngôi quán quân súng ngắn K54 bài 5, đoạt được Cúp vô địch, vinh danh trong bảng vàng thành tích của toàn quân, đội bắn súng ngắn của Binh chủng gồm 5 đồng chí (Trung úy Bùi Đức Mạnh, Thiếu úy chuyên nghiệp Lê Xuân Tiến, Chuẩn úy chuyên nghiệp Đặng Đức Vinh, Thượng sỹ Nguyễn Hữu Nam, Hạ sỹ Hoàng Ngọc Tâm) đã cùng nhau đoàn kết, thống nhất thi đấu thuyết phục vượt qua 25 đội tuyển của các quân khu, quân đoàn; các quân, binh chủng bạn, thắng tuyệt đối 8/8 trận (đấu loại vòng bảng) giành cúp vàng xứng đáng trước sự thán phục của các xạ thủ toàn quân.


Chiếc cúp vô địch giải bắn súng ngắn của Hội thi bắn súng Quân dụng nâng cao toàn Quân lần thứ 2, đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp là thành tích thiết thực chào mừng 50 năm ngày truyền thống bộ đội Tăng thiết giáp. Đó cũng chính là biểu trưng cho sức đột kích mới của bộ đội Tăng thiết giáp trong thời kỳ mới, kế tục xứng đáng truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam anh hùng trong nửa thế kỷ qua.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:16:26 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #48 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2021, 08:06:16 am »

CHIẾC BÚT CỦA NGƯỜI CHÍNH ỦY


Lê Hải Minh


Trầm ngâm hồi lâu trước những hiện vật tiêu biểu của Đại tá Nguyễn Đức Cường - Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp, trong gian trưng bày chuyên đề "Bộ đội Tăng thiết giáp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, một cựu chiến binh tâm đắc nói: "Đây chính là kết tinh của những phẩm chất tuyệt vời, là hiện thân của một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng”.


Từ lời tâm sự ấy, chúng tôi tìm đến nhà người cựu chiến binh, đó là Thiếu tướng Hoàng Đăng Huệ, nguyên Bí thư Đảng uỷ - Phó tư lệnh Chính trị Binh chủng Tăng thiết giáp. Là một trong những người làm công tác cán bộ đầu tiên của Binh chủng thép, có nhiều năm trực tiếp và chủ trì ngành công tác cán bộ, ông hiểu rất tường tận về người học trò của mình. Ông nói: "Có hai kỷ niệm sâu sắc với Cường; một là, khi phát hiện đưa Cường về làm công tác cán bộ ở cơ quan chiến dịch, Đảng ủy Lữ đoàn xe tăng 215 còn kéo dài thời gian chưa thực hiện quyết định điều động và muốn giữ lại vì đây là một người cán bộ tốt, một chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. Hai là, khi quyết định bổ nhiệm Cường giữ chức Phó trưởng Phòng Cán bộ, một quyết định khó khăn trong chủ trương đột phá tạo nguồn cán bộ trẻ cho quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ trì. Thực tế cho thấy, cả hai lần quyết định ấy đều chính xác tuyệt đối".


Gần 40 năm gắn bó với Binh chủng Tăng thiết giáp, hơn ai hết, ông thấu hiểu vai trò của người chủ trì ngành cán bộ nói riêng, chủ trì về chính trị của Binh chủng nói chung; đau đáu kiếm tìm và chính ông đã phát hiện ra Nguyễn Đức Cường có tố chất, khả năng đảm trách những công việc ấy. Vì vậy, năm 1995, trên cương vị Bí thư Đảng ủy - Phó tư lệnh Chính trị Binh chủng, sau khi trao quyết đinh bổ nhiệm Phó trưởng phòng Cán bộ cho Nguyễn Đức Cường, ông đã tặng người đồng chí, người học trò của mình một vật kỷ niệm có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đó là chiếc bút đã gắn bó với ông suốt quá trình công tác. Chiếc bút do Chính ủy Sư đoàn 312 tặng ông năm 1959, sau khi ông nhận quyết định điều động của Bộ Quốc phòng về làm Trợ lý Cán bộ của Trung đoàn xe tăng 202, đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội ta; chiếc bút ấy ông đã dùng để ghi hồ sơ những cán bộ đầu tiên của Trung đoàn xe tăng 202, đơn vị tiền thân của Binh chủng Tăng thiết giáp; và giờ đây, ông cũng dành riêng chiếc bút này để ký Quyết định bổ nhiệm chức Phó trưởng Phòng Cán bộ cho Nguyễn Đức Cường.


Nhớ lại kỷ niệm xưa, ông bồi hồi xúc động: "Khi trao chiếc bút, tôi dặn Cường: Chiếc bút này đã theo chú suốt một đời quân ngũ, nay trao lại cho cháu làm vật kỷ niệm. Cháu hãy dùng chiếc bút này để tự học, tự rèn, tự phấn đấu vươn lên; đồng thời phải luôn ghi nhớ, trước khi đặt bút với bất kỳ một quyết định nào, cũng đều phải xuất phát từ cái tâm, cái đức của người cạch mạng”. Lặng yên trong giây lát, mắt ông chợt ánh lên niềm tự hào, phấn khởi: "Giờ đây, tôi đã hoàn toàn yên tâm vì đã trao trọng trách cho người xứng đáng, đủ đức, đủ tài kế tục sự nghiệp phát triển lực lượng Tăng thiết giáp Việt Nam".


Ngược dòng thời gian, về miền quê Kinh Bắc, nơi những làn điệu quan họ trữ tình, mượt mà đã nuôi dưỡng tâm hồn chàng thanh niên Nguyễn Đức Cường, anh yêu cái cốt cách và tinh thần dân tộc, trong lòng luôn ấp ủ bao hoài bão được cống hiến và xây dựng quê hương. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1976, anh lên đường tòng quân, tham gia phục vụ chiến đấu tại biên giới Tây Nam và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 1978 được điều động đi đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Tăng thiết giáp. Từ đây, anh đã chọn cho mình một quyết định lớn của cuộc đời, gắn bó với con đường binh nghiệp.


Những năm tháng học tập, công tác của đồng chí Nguyễn Đức Cường là một quá trình phấn đấu liên tục, không mệt mỏi, luôn được tổ chức và cấp trên tin tưởng, đánh giá cao về trình độ, năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, được đồng chí, đồng đội tín nhiệm, yêu quý gán cho tên trìu mến "con người của công việc". Luôn có tư duy, trí tuệ sắc sảo, bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới. Có phương pháp đánh giá cán bộ khách quan, toàn diện, tham mưu đúng, trúng và hiệu quả trong sử dụng đội ngũ cán bộ, bảo đảm đúng quan điểm của Đảng, được người, được việc, được cho tổ chức, biết tạo môi trường công tác thuận lợi để cán bộ phát huy hết khả năng và tâm huyết.


Nói về phẩm chất, năng lực của Nguyễn Đức Cường, Thiếu tướng Hoàng Đăng Huệ khẳng định: "Cường rất toàn diện, nhưng nổi bật nhất là bốn phẩm chất quý hiếm: Một là, tính Đảng, tính tổ chức tuyệt đối, trong mọi suy nghĩ, hành động của Cường, mục đích cao nhất là nhiệm vụ Đảng và tổ chức phân công; hai là, tầm nhìn hiện đại, mọi tư duy, trí tuệ của Cường đều có chiều sâu, bề rộng, tầm xa, cố tính dự báo, vượt trước, vượt trên chính cương vị đang đảm nhiệm; ba là, lương tâm trong sáng, trong con người Cường, lợi ích tập thể luôn được đặt lên trên, lên trước lợi ích cá nhân, Cường tìm đến, gọi đến để chủ động chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hay đang lúng túng trong giải quyết các mối quan hệ của bản thân và gia đình, chứ không đợi họ phải yêu cầu, trọng vọng, điều ấy ở những người có chức, có quyền ngày nay không dễ kiếm tìm; bốn là, khả năng ứng xử đặc biệt, thu hút nhân tâm, xử lý hài hòa các mối quan hệ".


Những phẩm chất ấy được Nguyễn Đức Cường phát huy tối đa và hiệu quả, vì vậy, trong những năm qua, trên các cương vị, trọng trách được giao như: Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Cán bộ; Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng; Phó hiệu trưởng Chính trị - Bí thư Đảng ủy Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp; Phó chính ủy, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Binh chủng, đều được đánh giá là hoàn thành xuất sắc; hiện nay, trên cương vị là người chủ trì về chính trị và chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị của Binh chủng, đồng chí đã tập trung chỉ đạo xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh. Đẩy mạnh công tác Đảng, công tác chính trị trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng cơ quan, quản lý, rèn luyện kỷ luật và các mặt công tác hậu cần, kỹ thuật. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận vững mạnh, có cơ cấu, số lượng hợp lí, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng phát triển của Binh chủng và Quân đội trong giai đoạn mới, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất, giữ vững ổn định chính trị nội bộ, trên dưới đồng lòng, làm cơ sở để Binh chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Nói về đồng chí Nguyễn Đức Cường - Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên là Phó hiệu trưởng Chính trị - Bí thư Đảng ủy Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp, người đã một thời kề vai sát cánh cùng Ban Giám hiệu, lãnh đạo, chỉ huy, và đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường xây dựng đơn vị cơ sở, Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp cỏi mở, chân thành: "Anh Cường là người uyên bác và nhân văn cao cả lắm; luôn vững vàng về chính trị; thao lược, sâu sắc về quân sự; tinh thông về kỹ thuật và hậu cần tài chính - Anh ấy đã thổi luồng gió mới vào Đảng ủy, Ban Giám hiệu, góp phần làm thay da, đổi thịt toàn bộ cơ thể Nhà trường bằng chính tài năng, trí tuệ và sự gương mẫu của mình; Anh ấy thực sự là hạt nhân có sức hút mãnh liệt để xây dựng mối đoàn kết trong sáng của Nhà trường trước đây và Binh chủng Tăng thiết giáp ngày nay".


Sự tận tụy, sáng suốt trong công tác và sắc sảo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chính ủy Nguyễn Đức Cường đã góp phần xây dựng các tập thể vững mạnh: Phòng cán bộ 15 năm liền đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, được tặng thưởng Huân chuơng Chiến công hạng Ba; Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp được tặng cờ thi đua của Chính phủ, và mới đây Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước ta được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; Cục Chính trị được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; Binh chủng 2 lần được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng.


Bản thân đồng chí Nguyễn Đức Cường được bầu là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở 9 năm liên tục (1982-1990) ở đơn vị, 15 năm liên tục (1991-2006) ở cơ quan Binh chủng, năm 2000 và 2003 là Chiến sỹ thi đua cấp Binh chủng, năm 2004 là Chiến sỹ thi đua cấp toàn quân. Đến năm 2005, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đồng chí đã được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2006 được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba thời kỳ đổi mới; năm 2009 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và nhiều phần thưởng cao quý khác.


Trong thực hiện bước 2 cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở Binh chủng, đồng chí đã chỉ đạo chuyển trọng tâm từ "học tập" sang "làm theo" đạt nhiều kết quả tốt, góp phần xây dựng đảng bộ Binh chủng trong sạch, vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng không ngừng được nâng lên. Cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác được giao.


Thay cho lời kết, chúng tôi xin dẫn lời tâm sự của Thiếu tướng Hoàng Đăng Huệ "Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng Tăng thiết giáp đã trao đổi và cùng chung ý nghĩ với tôi, Nguyễn Đức Cường xứng đáng là một Chiến sỹ thi đua toàn quốc tiêu biểu, là người chủ trì về chính trị của Binh chủng Tăng thiết giáp anh hùng, và hơn hết, xứng đáng là một tấm gương ngời sáng để cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Tăng thiết giáp noi theo".
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:16:44 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #49 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2021, 08:07:14 am »

CHIẾC ĐÈN DẦU VÀ HŨ SÀNH ĐỰNG GẠO
CỦA MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ TÝ


Vũ Sen - Nguyễn Văn Dinh



Tại phòng trưng bày “bộ đội Tăng thiết giáp trong thời kỳ đổi mới” của Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp có hai hiện vật đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều khách tham quan, đó là chiếc đèn dầu và chiếc hũ sành của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tý.    Chiếc đèn dầu và chiếc hũ sành là hai vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình nông thôn Việt Nam. Nhưng với Mẹ Tý, hai vật dụng đó không chỉ là tài sản có giá trị sử dụng mà còn gắn liền với những năm tháng thăng trầm của cuộc đời Mẹ và là kỷ niệm về người con trai duy nhất đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Mẹ Nguyễn Thị Tý, sinh ra trên quê hương giàu truyền thống cách mạng huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, lớn lên trong cảnh đất nước đang chịu ách đô hộ của thực dân Pháp. Thấu hiểu hết nỗi cơ cực của người dân mất nước, Mẹ đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực ủng hộ, tham gia các phong trào hoạt động chống Pháp tại địa phương.


Cách mạng tháng Tám (năm 1945) thành công, nước Yiệt Nam dân chủ cộng hòa ra đời nhưng phải đương đầu với biết bao khó khăn, thử thách, thù trong, giặc ngoài, đặc biệt là giặc đói. Trước tình hình cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân “lá lành đùm lá rách”, và phát động phong trào “hũ gạo tiết kiệm". Gia đình Mẹ Tý tuy rất nghèo, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của người dân một nước độc lập, Mẹ đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Bác Hồ. Bữa nào có gạo ăn, Mẹ bớt lại một nắm, cho vào chiếc hũ sành để tiết kiệm. Mỗi lần hũ đầy Mẹ lại có được 1,5 kg gạo mang tới cho những gia đình khó khăn hơn, qua gần 1 năm mẹ đã tích kiệm được hơn 10 hũ gạo, góp phần vào cuộc cứu đói chung của cả nước.


Sau này, chiếc hũ sành vẫn được Mẹ Tý sử dụng để đựng gạo, gia đình neo người, nhà chỉ có 2 mẹ con, cuộc sống với bao khó khăn vất vả dồn cả lên đôi vai người mẹ. Mẹ Tý đã tần tảo sớm hôm chắt chiu từng nắm gạo, củ khoai để nuôi người con trai duy nhất của mình khôn lớn...


Cùng với chiếc hũ sành, chiếc đèn dầu của Mẹ Tý là một kỷ vật thiêng liêng về người con trai đuy nhất - liệt sỹ Phùng Văn Hải.

Vào những năm 1968, 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt” Mẹ đã gạt nước mắt, động viên và tiễn người con trai độc nhất lên đường đi chiến đấu. Thương mẹ già sớm hôm đơn chiếc, trước khi ra tiền tuyến, người con trai đã rọi lại mái tranh nhà để yên tâm những ngày mưa gió, mẹ già không phải vất vả. Nhà nghèo, biết mẹ ước ao từ lâu có chiếc đèn dầu thắp lên cho cửa nhà ấm áp, Anh đã mua cho mẹ chiếc đèn dầu này. Những việc làm của người con tuy nhỏ bé về vật chất nhưng cũng phần nào sưởi ấm lòng mẹ. Đe rồi khi Anh đi xa, hằng đêm bên ánh đèn dầu, Mẹ luôn cầu mong cho con trai chân cứng, đá mềm, tránh được hòn tên mũi đạn của kẻ thù. Anh sáng của ngọn đèn như thắp lên niềm tin trong Mẹ, con trai Mẹ sẽ trở về. Những năm tháng đợi con về, Mẹ đã sống trong   tình thương yêu, đùm bọc của bà con làng xóm, chiếc hũ sành và cây đèn dầu nhu tiếp thêm sức mạnh cho Mẹ, làm vơi đi nỗi nhớ con.


Đất nước thống nhất, người con trai duy nhất của mẹ đã mãi mãi không về. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người Mẹ mất con, nhưng mẹ hiểu rằng con trai Mẹ đã hy sinh cho dân, cho nước. Chiếc đèn giờ đây đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của người con trai, Mẹ đã nâng niu và luôn đặt cạnh di ảnh của anh. Những đêm nhớ con không ngủ, Mẹ lại thắp đèn ngồi nhai trầu, bóng mẹ đơn côi in trên vách tường, nhà lại càng thêm hưu quạnh, mẹ lại càng nhớ con hơn...


Mẹ Tý cũng như biết bao bà Mẹ Việt Nam đã chịu hy sinh thầm lặng, hiến dâng những người thân yêu nhất cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Có nỗi đau nào to lớn hơn? Có sự hy sinh nào cao cả hơn thế cho cách mạng? Thời gian dẫu vô tận nhưng đếm được! Còn lòng Mẹ thương con thì tuyệt đối vô cùng... Năm tháng trôi đi, người ta có thể quên đi nhiều điều, nhưng các mẹ vẫn không thể nào quên được nỗi đau, vẫn âm thầm chịu đựng với những giọt nước mắt chảy ngầm.


Là những người chiến sỹ trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường, bộ đội Tăng Thiết giáp hiểu sâu sắc hơn ai hết sự cống hiến hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sỹ, các đồng chí thương, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Day dứt và xót xa trước những nỗi đau không gì so sánh nổi của những người Mẹ Việt Nam. Vì vậy, trong mấy chục năm qua, để tỏ lòng tri ân và chia sẻ trước sự hy sinh và cống hiến lớn lao ấy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Binh chủng đã đặc biệt quan tâm đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đoàn kết quân dân, chính sách hậu phương quân đội. Không những trong phạm vi Binh chủng mà còn trên khắp các miền quê Bắc, Trung, Nam của đất nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, truyền thống “lá lành đùm lá rách, uống nước nhớ nguồn” đã được cán bộ, chiến sỹ toàn Binh chủng phát huy. Với những việc làm sáng tạo, thiết thực và sâu nặng nghĩa tình đã góp phần động viên, giúp đỡ kịp thời các đối tượng chính sách, nhất là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh nặng và các gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn.


Trong 10 năm qua, các cơ quan đơn vị trong toàn Binh chủng đã nhận phụng dưỡng suốt đời 28 Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây tặng 55 nhà tình nghĩa frị giá gần 1,5 tỷ đồng, xây tặng 20 nhà đồng đội. Tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho các thân nhân liệt sỹ trong đơn vị và trên địa bàn đóng quân, tổ chức khám chữa bệnh cho hàng ngàn đối tượng chính sách, thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng và những người có công với cách mạng. Xây dựng quỹ đền ơn, đáp nghĩa của Binh chủng lên tới 2 tỷ đồng. Tham gia xác minh được 271 mộ liệt sỹ, xây dựng nhà bia tưởng niệm ở bến Đá Hải Lăng- Quảng Trị và tham gia xây dựng nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ huyện Triệu Phong.


Trong những năm tới, Binh chủng tiếp tục thực hiện tốt công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa với những việc làm thiết thực, có hiệu quả như: xây dựng quỹ đồng đội; xây dựng nhà bán trú dân nuôi; quỹ đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt để hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của bộ đội Tăng thiết giáp (5.10.1959 -5.10.2009) Binh chủng đã triển khai xây dựng 21 nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội, nhà đồng đội cùng nhiều việc làm thiết thực khác.


“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống văn hóa, nhân nghĩa, thủy chung của dân tộc Việt Nam. Đạo lý ấy đã in đậm trong tiềm thức của mỗi cán bộ chiến sỹ Tăng thiết giáp, những việc làm ấy đã góp phần thiết thực giảm bớt khó khăn về đời sống của những gia đình chính sách, tạo sự ổn định về tình hình chính trị ở địa phương. Khẳng định bộ đội Tăng thiết giáp nói riêng, Bộ đội Cụ Hồ nói chung, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:17:19 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM