Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:07:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ đội Tăng thiết giáp qua những kỷ vật lịch sử  (Đọc 3494 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2021, 08:08:36 pm »

CHIẾC DÙ BỌC VÕNG CỦA ANH HÙNG ĐOÀN SINH HƯỞNG


Hoàng Dương


Nhân dịp khánh thành Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, trong dòng người vào tham quan có một người đàn ông đứng tuổi. Dáng gầy nhỏ, mái tóc đầy sương tuyết, nói giọng Hà Tĩnh. Ông dừng lại rất lâu bên chiếc tủ kính trưng bày bộ sưu tập gồm 40 kỷ vật của anh hùng Đoàn Sinh Hưởng như chiếc bật lửa, đèn pin, bộ tăng võng, ba lô... Mỗi hiện vật là một câu chuyện xúc động, một trang nhật ký in đậm dấu ấn của người anh hùng. Vị khách ngắm nhìn rất kỹ chiếc dù bọc võng rồi nói với chúng tôi:

''Trong điều kiện khẩn trương và ác liệt, mỗi sáng kiến dù nhỏ nhất ở chiến trường cũng mang lại ý nghĩa lớn. Chiếc dù bọc vống của đồng chí Đoàn Sinh Hưởng đã được anh em trong đơn vị áp dụng có kết quả".


Người khách tại bảo tàng sáng thu ấy là bác Lê Ngọ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn xe tăng 273, thủ trưởng cũ của đồng chí Đoàn Sinh Hưởng.

Chiếc dù bọc võng bằng sợi hóa học, màu tím, hình chữ nhật, có kích thước 180cm x 80cm. Nhìn kỹ, chiếc dù này được chủ nhân của nó khâu bằng tay với mũi chỉ, đường kim còn vụng. Những năm tháng ở chiến trường vô cùng gian khổ, ác liệt, và nhiều khi ăn đói, mặc rách, muỗi mòng và sên, vắt. Những thứ côn trùng độc hại trong những cánh rừng già luôn ẩm ướt đã gặm nhấm dần sức lực bộ đội mà nguy hại nhất là căn bệnh sốt rét. Để giữ sức khoẻ cho chiến đấu lâu dài, đồng chí Đoàn Sinh Hưởng lúc đó là chiến sỹ Sư đoàn 308 đã có sáng kiến làm chiếc dù bọc võng. Vật liệu để làm cũng đơn giản, dễ kiếm, dễ làm, chỉ là những mảnh dù pháo sáng, chiếc màn tuyn cũ. Dù pháo sáng vốn có màu trắng, để che mắt địch, đồng chí Đoàn Sinh Hưởng đã lấy thuốc pháo sáng nhuộm thành màu tím. Nhờ có chiếc dù bọc võng, khi ngủ anh không lo bị côn trùng đốt. Thấy có tác dụng tốt, anh em trong đơn vị học tập làm theo mỗi người một chiếc. Từ khi có dù bọc võng giấc ngủ đến với bộ đội ngon hơn và như có phép lạ, tỷ lệ sốt rét trong đơn vị giảm hẳn, sức khỏe bảo đảm, bộ đội ta chiến đấu càng hăng say lập nhiều chiến công mới.


Đồng chí Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949 tại Bình Ngọc, Hải Ninh, Quảng Ninh. Làng quê ấy đã đi vào thơ Tố Hữu "Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Nơi đó có một mái Đình cổ xưa, ghi lại dấu ấn tinh thần chống giặc ngoại xâm và giữ vững chủ quyền đất nước của ông cha ta. Tháng 9 năm 1966, cùng một lúc đồng chí Đoàn Sinh Hưởng nhận được giấy báo vào học Trường Âm nhạc Việt Nam và giấy gọi nhập ngũ. Ngày ấy, giặc Mỹ đã leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc bằng không quân và hải quân. Cũng như bao chàng trai khác, Đoàn Sinh Hưởng gác lại ươc mơ trở thành ca sĩ để lên đường nhập ngũ. Vào bộ đội, là chiến sỹ của Sư đoàn "Quân Tiên Phong", chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, sau đó được về học tại trường Sỹ quan Lục quân, ra trường với quân hàm thiếu úy, đồng chí được điều động về chiến đấu trong lực lượng Tăng thiết giáp.


Trung đoàn 273 (sau này là Lữ đoàn 273) là đơn vị xe tăng chủ lực trên chiến trường Tây Nguyên. Vốn nổi tiếng là chiến trường gian khổ, ác liệt vào bậc nhất, đồng chí Đoàn Sinh Hưởng cũng như bao đồng đội đều chịu nhiều cơn đói, cơn khát, và những trận sốt rét rừng... Chiếc dù bọc võng - sáng kiến của anh lại một lần nữa được phát huy tác dụng. Ngày ấy, trên chiến trường Tây Nguyên bộ đội ta truyền tụng câu ca dao: "Tây Nguyên ai một lần ở đó. Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau". Được công tác, học tập, rèn luyện trong một đơn vị có truyền thống đánh giặc giỏi, Đoàn Sinh Hưởng trưởng thành rất nhanh. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đồng chí là Đại đội trưởng Đại đội tăng 9 - Trung đoàn xe tăng 273 tiến công vào Buôn Ma Thuột, trong trận đánh có ý nghĩa này đại đội do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã khoan một mũi hiểm hóc vào căn cứ Sư đoàn 23 ngụy. Sau khi giành thắng lợi ở Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 273 nhanh chóng truy kích địch ở Tuy Hòa, góp phần giải phóng hàng loạt các tỉnh ven biển miền Trung, Nha Trang, Khánh Hòa, Ninh Hòa... Đặc biệt trong trận đánh Cầu Bông ngày 29 tháng 4 năm 1975, Đại đội tăng 9 được trang bị toàn bộ xe chiến lợi phẩm thu được của địch, dưới sự chỉ huy mưu trí, dũng cảm của Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng, đơn vị đã nổ súng đánh vỗ mặt vào Thiết đoàn ngụy gồm 22 chiếc, tiêu diệt 11 xe và 100 tên địch, mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng sân bay Tân Sân Nhất. Trận đánh Cầu Bông là trận đánh xuất sắc, ở đó các chiến sĩ Tăng thiết giáp không chỉ thắng địch bằng lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì Tổ quốc mà thắng bằng khả năng làm chủ trang thiết bị, lấy vũ khí địch đánh địch. Với thành tích chiến đấu xuất sắc, thiếu úy - Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng được tặng 2 huân chương chiến công hạng nhì, hai huân chương chiến công hạng ba, hai lần được tặng chiến sĩ thi đua... Ngày 12 tháng 9 năm 1975, đồng chí vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Hơn 30 năm sau ngày được phong danh hiệu cao quý, Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng đã có những bước tiến dài trên con đường binh nghiệp, được đào tạo đầy đủ về khoa học quân sự cả trong và ngoài nước có học vị Tiến sĩ, được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao các trọng trách: Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng 273, Sư trưởng Sư đoàn 320, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp. Từ tháng 4 năm 2005, Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng là Tư lệnh Quân khu IV, một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong thế trận quốc phòng an ninh của nước ta.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:08:06 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2021, 08:14:39 pm »

HIỆN VẬT GẮN VỚI CHIẾN CÔNG CỦA NGƯỜI ANH HÙNG


Thu Thủy - Mỹ Hạnh


Ở phòng trưng bày “Bộ đội Tăng thiết giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975” của Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp đang trưng bày 2 hiện vật của - Anh hùng Trần Hùng Vách, đó là khẩu súng M79 và chiếc áo xuân hè anh đã sử dụng trong chiến đấu, lập thành tích xuất sắc trong chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.


Sinh ra và lớn lên tại miền quê trung du Tam Quan - Tam Đảo - Vĩnh Phúc, mảnh đất đã nuôi dưỡng những người lính xe tăng Việt Nam từ thủa ban đầu. Từ nhỏ còn chăn trâu, cắt cỏ anh thường được xem các chú bộ đội huấn luyện, lái những chiếc xe tăng, xe bọc thép và ước ao một ngày lớn lên mình cũng được lái những chiếc xe tăng oai hùng đó.


Mơ ước của anh trở thành hiện thực. Vào năm 1967 anh lên đường nhập ngũ, làm chiến sỹ vệ binh thành đội Hụế, tham gia chiến đấu 6 trận, diệt được 8 tên Mỹ. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan Thiết giáp và được biên chế vào Đại đội tăng 6 - Tiểu đoàn tăng 2 - Lữ đoàn xe tăng 273, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và Nam bộ, trên cương vị là Trung đội trưởng anh đã chỉ huy đơn vị đánh 5 trận, trận nào đơn vị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng anh đã tiêu diệt và làm bị thương 75 tên địch, bắn cháy 2 xe quân sự, phá hủy 10 súng đại liên, 2 súng M72, 6 lô cốt của địch.


Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ngày 10 tháng 3 năm 1975, đơn vị anh được giao nhiệm vụ phối hợp với sư đoàn bộ binh 316, tham gia đánh giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột - trận đánh mở màn trong chiến dịch Tây Nguyên. Trên cương vị là Trung đội trưởng, đi đầu mũi chủ công, cùng với bộ binh đánh vào thị xã. Trên đường tiến công, xe của anh bị trúng đạn, hư hỏng nặng, đồng chí pháo thủ hy sinh, trên xe chỉ còn hai người, mặc dù bị thương nhưng với tinh thần dũng cảm và mưu trí, nén đau tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Với cách đánh sáng tạo, độc đáo “Đánh thẳng vào trong, đánh ra vòng ngoài, đánh địch phản công” xe tăng và bộ binh đã hiệp đồng chặt chẽ, tiến công vào thị xã. Chỉ sau hơn một ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng hoàn toàn Thị xã Buôn Ma Thuột. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là thắng lợi trọn vẹn, giòn giã đã làm rung chuyên toàn bộ chiến trường Tây Nguyên, mở màn cho những thắng lợi lớn của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.


Sau khi thua lớn ở Buôn Ma Thuột, quân địch rút chạy theo đường 7 về thị xã Tuy Hòa. Ngày 1 tháng 4 năm 1975, đơn vị anh được lệnh tiến công truy kích địch, trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, địch tổ chức phản kích mạnh, đồng đội bị thương vong, súng 12ly7 trên xe lại bị hỏng, trước tình thế đó anh đã bình tĩnh nhảy xuống, lấy súng M79 của địch lên xe tiếp tục chiến đấu, cùng đồng đội đánh tan nhiều tốp địch.


Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị anh tham gia tiến công trên hướng Tây - Tây Bắc Sài Gòn, anh đã cùng đồng đội chiến đấu với tinh thần quả cảm, 3 lần bị thương, máu thấm ướt áo, anh nén đau tiếp tục chỉ huy trung đội dũng mãnh xông lên ở ngã ba Bà Quẹo, ngã tư Bảy Hiền cùng bộ binh đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, góp phần vào thắng lợi chung của Quân đoàn 3 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Với những thành tích trong chiến đấu, Trần Hùng Vách được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hừng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 15 tháng 1 năm 1976.


Trở về cuộc sống đời thường ở quê nhà với rất nhiều khó khăn nhưng anh luôn là trụ cột vững chắc trong gia đình và là người chồng, người cha mẫu mực, là tấm gương tiêu biểu trong lòng bà con hàng xóm. Mỗi dịp đến thăm Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, đứng trước kỷ vật của mình và đồng đội, anh tâm sự "Thật vinh dự và tự hào được là người con của Binh chủng Thép anh hùng, với tôi những ngày tháng chiến đấu và công tác bên đồng đội thân yêu sẽ mãi mãi in đậm trong ký ức tôi và không bao giờ phai nhạt”.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:08:28 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2021, 08:16:26 pm »

CHUYỆN KỂ VỀ CHIẾC XE TĂNG LỊCH SỬ


Lê Việt Hải


Hằng năm, cứ mỗi độ tháng tư về, chúng tôi lại được chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy xúc động của các cựu chiến binh Tăng thiết giáp là thành viên của kíp xe 390 - chiếc xe mang dấu ấn lịch sử đã húc đổ cánh cổng Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn (nay là Dinh Độc Lập) tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn, trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.


Bên con chiến mã năm xưa, họ đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và nhớ về thời khắc lịch sử trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Anh Vũ Đăng Toàn, nguyên Chính trị viên Đại đội Tăng 4 - trưởng xe 390 nói: Chúng tôi xúc động lắm - lần nào gặp nhau chúng tôi cũng cùng nhau sống lại tâm trạng bồi hồi của những ngày ấy, gần lắm, như vừa mới xảy ra hôm qua thôi.


Năm 1972, xe tăng T59 mang số hiệu 390 lên tàu hỏa từ ga Vĩnh Yên bắt đầu cuộc hành quân Nam tiến, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Được biên chế vào đội hình chiến đấu của Lữ đoàn xe tăng 203, xe tăng 390 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung, sau đó nhận lệnh thần tốc hành quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Ngày 26 tháng 4 năm 1975, xe tăng 390 tham gia chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch ở căn cứ Nước Trong. Ngày 29 tháng 4, căn cứ Nước Trong bị tiêu diệt, 14 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng thọc sâu của Lữ đoàn tăng 203 được lệnh xuất phát tiến công theo trục đường 15, xa lộ Biên Hòa Sài Gòn, vừa tiến, vừa đánh địch. Lúc này kíp xe 390 được bổ sung và kiẹn toàn gồm 4 thành viên: Đồng chí Vũ Đăng Toàn: Chính trị viên Đại đội 4 Trưởng xe. Đồng chí Lê Văn Phượng: Đại đội phó Đại đội 4 (kiêm nạp đạn). Đồng chí Ngô Sĩ Nguyên: Pháo thủ. Đồng chí Nguyễn Văn Tập: lái xe.


Đến 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đại đội tăng 4 vượt qua cầu Sài Gòn, tiến đến cầu Thị Nghè thì gặp xe tăng, thiết giáp địch ra đánh chặn. Xe tăng mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Đại đội tăng 4 Bùi Quang Thận chỉ huy đã nhanh chóng nổ súng, bắn cháy 2 xe M41 và một xe M113 rồi vọt lên. Vừa qua cầu Thị Nghè được một đoạn thì lại bị xe M113 của địch lao ra chặn. Đồng chí Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy xe tăng 390 đi đầu nổ súng, bằng một phát đạn bắn “Xuyên táo” diệt luôn 2 xe M113, số địch ngồi trên xe bọc thép bánh hơi V100 thấy thế hoảng sợ bỏ chạy.


Được nhân dân chỉ đường, xe tăng 390 vượt qua cầu Thị Nghè theo đại lộ Hồng Thập Tự, tiến vào đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn.

Như sống lại những giây phút lịch sử hào hùng ấy, đồng chí Thiếu úy Lê Văn Phượng - nguyên là Đại đội phó, Đại đội tăng 4 nhớ lại: Theo phương án tác chiến, xe tăng 390 đến ngã tư thứ 7 thì rẽ trái là vào đến Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, nhưng xe đã chạy quá một đoạn nên phải quay lại, rẽ phải theo đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ khỏi nghĩa). Khi chỉ còn cách Dinh Tổng thống nguỵ khoảng 30m, các anh nhìn thấy xe 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, đi từ phía đường Thống Nhất đến, húc vào cổng phụ. Đồng chí Vũ Đăng Toàn quyết định cho xe lao thẳng vào cổng chính, húc đổ cánh cổng thép, xích xe chồm lên cánh cửa bên phải, còn cánh bên trái tung bản lề, nghiêng sang một bên. Vì cảnh giác với mìn chống tăng nên đồng chí Tập cho xe chồm lên bãi cỏ trước sân rồi dừng lại. Lúc đó Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm lá cờ giải phóng từ ngoài cổng chạy vào trong Dinh. Đồng chí Toàn, đồng chí Tập và pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên xách súng AK chạy theo đồng chí Thận vào Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn.


Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhanh chóng leo lên tầng thượng, hạ lá cờ ba sọc của ngụy quyền Sài Gòn xuống, kéo cờ cách mạng lên trên nóc “Dinh Độc Lập” vào lúc 11 gờ 30 phút, đánh dấu thời điểm thành phô Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hình ảnh 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 húc đổ cánh cổng Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 sẽ mãi mãi in đậm trong lòng những người lính xe tăng và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam.


Trong niềm vui đoàn tụ, với ký ức hào hùng ấy, thoáng trong ánh mắt những người chiến binh xe tăng vẫn đằm sâu nỗi niềm tiếc nuối, đồng chí Vũ Đãng Toàn - trưởng xe 390 năm ấy đã xúc động nói: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào là những người lính xe tăng đầu tiên tới được Dinh Độc lập. Có được thời khắc lịch sử ấy, chiến công ấy, không biết bao nhiêu đồng đội, đồng chí của tôi đã hy sinh, biết bao nhiêu máu và nước mắt của đồng bào ta đã đổ để mở đường cho chúng tôi vào giải phóng thành phố mang tên Bác. Mãi mãi tôi không bao giờ quên hình ảnh các chiến sĩ bộ bỉnh đi theo xe đã hy sinh hết, quanh tháp pháo là những chiếc ba lô của họ còn nhuộm đây thuốc súng và máu...”


Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đại đội tăng 4 trong đó có xe tăng 390 được lệnh ra bảo vệ cảng Nhà Rồng, và được trở về làm nhiệm vụ huấn luyện tại đơn vị tiền thân là Lữ đoàn 203. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống của bộ đội Tăng thiết giáp, xe tăng 390 được đưa về trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp và trở thành hiện vật của bảo tàng, và câu chuyện kể về chiếc xe tăng lịch sử và sẽ như một khúc ca truyền thống tiếp lửa cho các thế hệ trẻ Tăng thiết giáp mai sau.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:09:03 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2021, 08:13:50 pm »

KHẨU SÚNG NGẮN K54 CỦA ANH HÙNG
LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN - LIỆT SĨ HOÀNG THỌ MẠC


Nga Trung


Đến Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, ở phòng trưng bày hiện vật năm 1975, khách tham quan thường dừng lại rất lâu trước một khẩu súng ngắn K54. Đó là khẩu súng đã gắn liền với tên tuổi của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc, một tấm gương tiêu biểu của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam. Tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của anh đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào, thành phong trào hành động cách mạng cho lớp lớp thế hệ đoàn viên thanh niên trong Binh chủng Tăng thiết giáp noi theo.


Hoàng Thọ Mạc sinh năm 1947 trong một gia đình có truyền thống cách mạng thuộc xã Xuân Trường - huyện Xuân Thủy - tỉnh Nam Định. Phát huy truyền thống cách mang của quê hương, gia đinh và nhất là người cha thân yêu (là một liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp), năm 1965 Hoàng Thọ Mạc đã tình nguyên tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Tháng 6 năm 1967 anh được chuyển sang bộ đội chủ lực và năm 1972 được điều về Trung đoàn bộ binh cơ giới 202. Với tinh thần tích cực học tập, rèn luyện, anh đã nhanh chóng làm chủ nhiều loại vũ khí, trang bị và phát triển thành một sĩ quan chỉ huy mẫu mực về mọi mặt. Thiếu úy Hoàng Thọ Mạc được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 3 - Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 66 - Trung đoàn bộ binh cơ giới 202 và trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường. Khẩu súng K54 anh luôn mang theo để chiến đấu và tham gia 5 chiến dịch lớn, lập được nhiều chiến công xuất sắc.


Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị anh phối thuộc cho Sư đoàn 320B tiến công trên hướng Bắc Sài gòn, có nhiệm vụ: Đánh chiếm Chi khu Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình và nhanh chóng tiến về Sài Gòn. 18 giờ ngày 25 tháng 4 năm 1975, tại vị trí tập kết chiến đấu, trong lễ tuyên thệ xuất quân, Hoàng Thọ Mạc đã thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ trong Đại đội hứa quyết tâm: “Được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài gòn, giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước là một vinh dự lớn, là khát vọng cháy bỏng của tôi. Dù phải hy sinh, tôi cũng kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ".


Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau khi đánh chiếm Lái Thiêu, tiêu diệt 1 xe tăng M41; 2 pháo tự hành 175 mm của địch, xe thiết giáp K63 số hiệu 454 do Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc trực tiếp chỉ huy vọt lên, dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn 1 tiến về cầu Vĩnh Bình (cây cầu nằm trên quốc lộ 13 bắc qua sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 5 km), đây là cây cầu có một vị trí rất quan trọng, nếu ta chiếm và giữ được là mở toang cánh cửa phía Bắc cho đại quân “thần tốc” tiến vào Sài Gòn. Chính vì vậy ở đây địch lập tuyến phòng thủ với nhiều loại vật cản, công sự kiên cố và chống trả điên cuồng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng mét cầu.


Nhận thấy khoảng cách giữa ta và địch khó có thể phát huy hỏa lực của pháo xe tăng, Hoàng Thọ Mạc đã tổ chức bắn chế áp địch và hội ý chớp nhoáng với chỉ huy các đơn vị bạn, nhanh chóng tìm ra cách đánh chiếm cầu hiệu quả nhất. Vừa chỉ huy đơn vị chiến đấu kiên quyết, linh hoạt, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, anh liên tiếp xối đạn vào các hỏa điểm địch. Lợi dụng thời gian hỏa lực địch bị chế áp, anh lao từ trên xe xuống mặt cầu, rút khẩu K54 ra khỏi bao, khoát tay ra hiệu cho đồng đội phía sau tiến lên, lợi dụng địa hình, địa vật tiếp cận tuyến phòng thủ của địch. Súng ngắn hết đạn, anh sử dụng các loại vũ khí bộ binh khác như AK; lựu đạn; B40... cùng đồng đội bắn cháy 1 xe thiết giáp M113; 2 xe tăng M41 và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Một quả đạn M79 của địch bay tới nổ ngay phía trước, mảnh đạn găm vào ngực, máu tuôn ra ướt đẫm, anh gắng gượng và bình tĩnh tự băng bó cho mình rồi tiếp tục chiến đấu. Ngay lúc ấy, một chiến sĩ trẻ lao lên tiếp cận mục tiêu nhưng bị địch phát hiện và tập trung hỏa lực bắn xối xả. Một quả đạn M79 khác bay tới nổ, mảnh đạn văng khắp nơi, trong khoảnh khắc ấy Hoàng Thọ Mạc đã lao vọt tới, xô người chiến sĩ ngã xuống và lấy thân mình nằm đè lên, che đạn cho đồng đội... Trước hành động dũng cảm và đầy tính nhân văn đó của Đại đội trưởng, không ai bảo ai, tất cả đồng đội của anh đều bật dậy, lao về phía quân thù. Ngọn lửa căm thù rực cháy như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ xe tăng và bộ binh ào qua cầu như cơn lốc, đè bẹp sự kháng cự của địch, cùng các cánh quân khác tiến vào giải phóng Sài Gòn.


Người Đại đội trưởng xe tăng dũng cảm, mưu trí đã ngã xuống ở độ tuổi tràn đầy hứa hẹn và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ. Anh ngã xuống cách Sài Gòn 5km và trước giờ toàn thắng chỉ hơn 1 giờ. Sau trận đánh, Hoàng Thọ Mạc được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong suốt thời gian tham gia chiến đấu, ngày 23 tháng 9 năm 1975 Nhà nước đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc. Những di vật của anh như khẩu súng ngắn K54, súng tiểu liên AK... được đơn vị trân trọng lưu giữ và trao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt nam và Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:09:31 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2021, 08:14:48 pm »

CỜ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN


Thu Mỹ


Tại một vị trí trang trọng của gian khánh tiết Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp đang trưng bày lá cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phần thưởng cao quý mà Nhà nước tặng cho Binh chủng Thiết giáp ngày 20 tháng 10 năm 1976.


Ra đời sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lớn lên trong khói lửa đạn bom của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ trung đoàn xe tăng 202, thành lập ngày 5 tháng 10 năm 1959, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, được nhân dân thương yêu đùm bọc, được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam đã trưởng thành lớn mạnh, phát triển thành một Binh chủng chiến đấu anh hùng lập nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vai trò là lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân Việt Nam.


Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn xe tăng 202 bước vào chương trình huấn luyện chính quy của một đơn vị được trang bị vũ khí hiện đại. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bộ đội Tăng thiết giáp đã tham gia chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc.


Đầu năm 1964 tình hình cách mạng miền Nam có sự phát triển mới, sau thất bại của cuộc chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh, đưa quân viễn chinh Mỹ vào trực tiếp tác chiến trên chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng vũ trang trở nên khẩn trương hơn. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng lần lượt cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 202 đã lên đường vào miền Nam chiến đấu, xe chưa xuất trận thì người ra trận trước, với mục đích nghiên cứu chiến trường, tìm cách lấy xe địch để đánh địch và xây dựng lực lượng Tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ.


Năm 1967, cách mạng nước ta có bước phát triển mới, xuất hiện thời cơ chiến lược lớn, Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 12 năm 1967 xác định "Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước cao nhất bằng phương pháp tổng khởi nghĩa tổng công kích giành thắng lợi quyết định".


Ngày 5 tháng 8 năm 1967, Bộ tư lệnh Thiết giáp nhận lệnh cử 2 đại đội xe tăng PT 76 (lấy phiên hiệu tiểu đoàn tăng 198 thiếu) vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu tiêu diệt địch ở cứ điểm Tà Mây - Làng Vây trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh ngày 7 tháng 2 năm 1968. Xe tăng thiết giáp lần đầu tiên ra trận, nhưng với tinh thần dũng cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng ngay trong trận đầu, bộ đội Tăng thiết giáp đã phát huy được sức mạnh của xe tăng trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng. Trận đánh Tà Mây - Làng Vây đã góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ chiến lược của địch trên Đường 9, góp phần vào chiến công vang dội của quân và dân cả nước trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Với người lính xe tăng Việt Nam, trận đánh này là một mốc son chói lọi, đặt nền móng cho trang sử vàng truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam anh hùng.


Thắng lợi trận đầu, bộ đội Tăng thiết giáp càng thêm tin tưởng và phấn khởi tiếp tục tham gia chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971, bảo vệ vững chắc con đường chi viện của hậu phương với tiền tuyến. Tiêu biểu là trận đánh: Tiêu diệt Lữ dù số 3 ngụy, bắt sống tên đại tá Nguyễn Văn Thọ ở điểm cao 543 của Đại đội tăng 9 - Tiểu đoàn tăng 198 - Trung đoàn xe tăng 203 và trận đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 147 lính thuỷ đánh bộ trên điểm cao 550 của Tiểu đoàn tăng 297 và Tiểu đoàn tăng 397 thuộc Trung đoàn 202 và Trung đoàn 203.


Thực hiên chủ trương của Đảng quyết tâm giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, bộ đội Tăng thiết giáp tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường: Trị Thiên, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ với nhiều trận đánh xuất sắc đạt hiệu suất chiến đấu cao như: Trận tiến công căn cứ Đông Hà của Tiểu đoàn tăng 512 thuộc Trung đoàn tăng 203 (ngày 28 tháng 4 năm 1972); trận tiến công địch ở quận lỵ Hải Lăng của Tiểu đoàn 66 BBCG Trung đoàn tăng 202 (ngày 02 tháng 5 năm 1972); trận tiến công căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh của Đại đội tăng 7 Tiểu đoàn tăng 297 Mặt trận Tây Nguyên (ngày 24 tháng 4 năm 1972)... góp phần mở rộng vùng giải phóng và làm tiêu hao nhiều sinh lực địch tạo bàn đạp cho quân ta phát triển xuống phía Nam, làm chuyển biến cục diên chiến tranh.


Bước sang năm 1975, trước những thời cơ và thuận lợi lớn, Bộ chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Bộ đội Tăng thiết giáp đã lập công xuất sắc trong chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Tham gia giải phóng Sài Gòn, với vai trò là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân, bộ đội Tăng thiết giáp đã ra quân với một lực lượng lớn nhất gồm 398 xe tăng, thiết giáp các loại, tham gia trên cả 5 hướng tiến công của chiến dịch. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập báo hiệu giờ toàn thắng cho toàn dân tộc. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Bộ đội Tăng thiết giáp đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao cho và tự hào là lực lượng đầu tiên có mặt tại sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bộ đội Tăng thiết giáp cùng quân dân cả nước thực hiện trọn vẹn di chúc của Bác Hồ "Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc sẽ xum họp một nhà...".


Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Tăng thiết giáp vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Độc Lập. Đặc biệt; ngày 20 tháng 10 năm 1976, Binh chủng Thiết giáp được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thật xứng đáng với lời khen của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng “Bộ đội Thiết giáp của ta, tuổi trẻ mà nhiều chiến công, đa ra quân là đánh thắng”.


Trong các chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, bộ đội Tăng thiết giáp đã vận dụng sáng tạo các quan điểm tư tưởng quân sự của Đảng, kế thừa, phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta, tiếp thu có chọn lọc kiến thức khoa học quân sự hiện đại của thế giới, xây dựng nên nghệ thuật tác chiến độc đáo của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam đó là “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.


Sau 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phát huy những truyền thống quý báu, đã có 34 lượt tập thể và 11 cá nhân của lực lượng Tăng thiết giáp được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, điều đó đã khẳng định được vai trò, vị trí, sức mạnh và truyền thống của bộ đội xe tăng trong chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào và Campuchia, góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử vàng của Quân đội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.


Lá cờ “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn khích lệ những người lính xe tăng tiếp bước trên con đường cách mạng mà Đảng và Bầc Hồ đã lựa chọn. Ngày nay, Bộ đội Tăng thiết giáp không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:09:56 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2021, 08:15:31 pm »

KỶ VẬT THIÊNG LIÊNG GIỮA HAI THẾ HỆ


Mỹ Dương


Tấm vải dù ấy màu cỏ úa, chỉ rộng 144cm, dài 152cm đã cũ và bị rách lỗ chỗ. Tấm vải dù đã được Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Tâm dùng trong suốt mấy năm chiến đấu trên biên giới Tây Nam và trên chiến trường Campuchia.


Anh kể: "Trước ngày lên đường đi chiến đấu, anh được về thăm nhà. Cha anh đã tặng tấm vải dù, vật kỷ niệm đời quân ngũ của ông cùng đồng đội trong một trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù” và căn dặn: “Cha mong con hãy đi tiếp con đường mà cha đã hiến dâng cả tuổi xuân cho đất nước, con hãy sống và chiến đấu sao cho thật xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình".


Đồng chí Nguyễn Đình Tâm sinh năm 1957 ở xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Tây. Xưa kia, vùng quê này thuộc tổng Hà Đông, một vùng quê yên bình và trù phú. Đầu năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết định, anh lên đường nhập ngũ vào Lữ đoàn xe tăng 201. Sau một tháng huấn luyện cấp tốc, cả tiểu đoàn của anh hành quân vào chi viện cho Lữ đoàn 273 mặt trận Tây Nguyên. Năm 1976, anh được cử đi đào tạo trưởng xe tại Trường hạ sĩ quan xe tăng 1. Vừa ra trưởng, cũng là lúc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Anh cùng đồng đội trong lữ đoàn bị cuốn vào cuộc chiến đấu mới. Từ tháng 12 năm 1977 đến tháng 8 năm 1979, trên cương vị chỉ huy: Trưởng xe rồi trung đội trưởng, đại đội phó, anh thường xuyên có mặt ở những nơi gian khổ và ác liệt nhất, chiến đấu mưu trí dũng cảm; 4 lần bị thương vẫn không rời vị trí chiến đấu, đã chỉ huy đơn vị bắn cháy 5 xe tăng địch, diệt 85 tên, thu 1 xe M113, 34 súng các loại, góp phần chi viện cho bộ binh diệt nhiều sinh lực địch, đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Đặc biệt trận đánh vào điểm cao 105 Bắc Công Pông Chàm ngày 19 tháng 7 năm 1978 làm anh nhớ mãi. Theo hiệp đồng, đúng giờ G phải có một đơn vị Bộ binh phối hợp cùng với đơn vị xe tăng tiến công. Khi hiệu lệnh trận đánh đã phát ra, bộ đội xe tăng xuất phát đến vị trí hiệp đồng nhưng chưa thấy bộ binh. Đại đội xe tăng do anh chỉ huy xuất kích được một quãng thì lọt vào ổ phục kích của địch. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, mặc dù bị thương vào tay nhưng Nguyễn Đình Tâm vẫn tiếp tục chiến đấu, chỉ huy đại đội nổ súng tiêu diệt từng mục tiêu. Nghe tiếng súng, đơn vị bộ binh đã đến chi viện kịp thời. Tiếp đó, đơn vị của anh tham gia các trận chiến đấu ác liệt vượt sông Công Pông Chàm, Công Pông Thom, Xiêm Riệp và tiến vào Bát Tam Băng... giải phóng hoàn toàn Campuchia. Có trận Nguyễn Đình Tâm đã chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi lớn, thu 6 xe tăng và nhiều vũ khí trang bị khác của địch. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Anh được tặng thưởng một Huân chương chiến công hạng Nhất, hai Huân chương chiến công hạng Ba. Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Nguyễn Đình Tâm được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lúc đó anh là Đại đội phó chỉ huy Đại đội 8 - nểu đoàn 3 - Lữ đoàn xe tăng 273.


Tấm vải dù người cha tặng trước ngày lên đường chiến đấu đã theo anh đi suốt mấy mùa chiến dịch. Anh dùng để đắp trong những đêm đông giá rét nơi biên giới Tây Nam và trên đất bạn Campuchia. Nó cũng trở thành vật ngụy trang mỗi lần đi trinh sát. Trong những trận chiến đấu sống mái với kẻ thù, hơi ấm của người cha, tình yêu của quê hương đất nước toả ra từ tấm vải dù như tiếp thêm cho anh sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng. Anh tâm sự. “Có tấm vải dù của người cha bên mình, tôi như vững tâm hơn để vượt qua mọi gian khổ hy sinh".


Cùng với những kỷ vật quý khác của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đại tá Nguyễn Đình Tàm - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng thiết giáp hiện đang trưng bày trang trọng tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, tấm vải dù như có một đời sống riêng luôn nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là lớp trẻ hôm nay đừng bao giờ quên đi quá khứ hào hùng, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh của dân tộc.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:10:32 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2021, 08:17:38 pm »

KỶ VẬT CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ XE TĂNG
QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM


Minh Hải


Cuối tháng 6 năm 2007, tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp diễn ra cuộc gặp mặt rất cảm động của các cựu chiến binh đã từng công tác, chiến đấu thuộc lữ đoàn xe tăng 203. Trong không khí đầm ấm của những người đã từng kinh qua lửa đạn chiến tranh, chúng tôi đã gặp và trao đổi với Đồng chí Đoàn Văn Môn (hiện là Bí thư Đảng ủy - Đại tá - Chính ủy Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp) để tìm hiểu thông tin về những hiện vật cá nhân đồng chí đã tặng cho Bảo tàng. Đứng lặng trước những kỷ vật thiêng liêng, đã một thời gắn bó trong thời gian đi làm nhiệm vụ tại nước bạn Campuchia, đồng chí bồi hồi nhớ lại:


Với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình", sau năm 1979, lực lượng Tăng thiết giáp quân tình nguyện Việt Nam cùng với các quân, binh chủng khác tiếp tục làm nghĩa vụ Quốc tế trên đất bạn Campuchia, đứng chân trên các địa bàn chiến lược quan trọng và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: vừa đánh địch vừa giúp bạn củng cố, xây dựng lực lượng để bảo vệ chính quyền cách mạng, tạo điều kiện cho quân tình nguyện Việt Nam rút về nước.


Tháng 9 năm 1989, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam rút hết về nước theo thoả thuận giữa hai Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam, Campuchia. Nhưng sau đó, tình hình nước bạn có nhiều diễn biến phức tạp, bạn tiếp tục đề nghị ta cử lực lượng sang giúp bạn bảo vệ sân bay Puchentông và một số kho vũ khí. Thực hiện chủ trương trên, Tiểu đoàn tăng M42 (xe hệ 2 thu được của Mỹ) mang phiên hiệu 1089 được thành lập, để làm nhiệm vụ giũp bạn, đơn vị gồm 14 sỹ quan, 75 hạ sỹ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp, được trang bị 15 xe tăng M42, 3 xe tải, 1 xe chở vật tư và trang bị kỹ thuật.


Trong thời gian này, mặc dù bị lực lượng cách mạng truy quét và trấn áp dữ dội, nhưng bọn phản động Khơ me đỏ vẫn chưa chịu từ bỏ ý đồ phá hoại cách mạng, giành lại quyền kiểm soát đất nước Campuchia. Chúng đã khôi phục lực lượng và xây dựng được một số căn cứ quân sự, bố trí dọc biên giới Campuchia - Thái Lan và sâu trong nội địa. Từ các căn cứ trên, hàng ngày địch tăng cường quấy phá, gây tội ác với nhân dân, mặt khác chúng tiếp tục dùng các thủ đoạn ngoại giao, tâm lý hòng ép ta và bạn phải đi tới những thoả thuận có lợi cho chúng. Vì vậy, khi sang nhận nhiệm vụ, đoàn cán bộ của ta phải tuyệt đối giữ bí mật, toàn bộ quân trang, quân dụng của Tiểu đoàn tăng 1089 là trang bị của quân đội cách mạng Campuchia, để thuận tiện khi thực hiện nhiệm vụ.


Lúc này, đồng chí Đoàn Văn Môn mang cấp bậc thiếu tá, giữ chức Phó Tiểu đoàn trưởng về chính trị Tiểu đoàn 1089. Trong số quân tư trang cá nhân do nước bạn trang bị, khi về nước đồng chí vẫn còn giữ được 1 chiếc mũ mềm, 1 bi đông đựng nước, 1 bộ quân hàm, 1 khăn cà ma và một con dao găm (hiện nay những hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp).


Đồng chí xúc động nói: “Đây là những kỷ vật đã gắn bó với tôi trong những lần băng rừng, vượt đèo, lội suối đi báo cáo tình hình đơn vị với đoàn chuyên gia quân sự Bộ Quốc phòng của ta tại Campuchia. Có hai lân những kỷ vật đó đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc về những năm tháng chiến đấu và làm nhiệm vụ tại nước bạn”.


Lần thứ nhất, vào tháng 6 năm 1990, theo yêu cầu của phía bạn, ta đã điều một đại đội xe tăng lên U Đông thuộc tỉnh Công-pông-sư-phu làm nhiệm vụ bảo vệ kho vũ khí. Để chuẩn bị cho công tác chuyển quân được bí mật, an toàn, tôi đã cùng lực lượng trinh sát luồn sâu vào khu vực giáp ranh, cách sân bay Pu-chen-tông khoảng 100 km tìm hiểu địa hình và nắm tình hình hoạt động của bọn Pônpốt. Khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi đã được quán triệt: Bằng mọi cách phải giữ được bí mật, an toàn và nắm chắc được tình hình địch, không được chủ quan vì thời gian này địch hoạt động ráo riết, liều mạng, tàn ác và khát máu. Mặc dù đoạn đường chỉ khoảng 100 km nhưng vừa đi, vừa phải nắm tình hình, lại phải tuyệt đối giữ bí mật, tránh đụng độ với thám báo nên đoàn phải đi mất gần 1 tuần. Lúc này thời tiết nước bạn đang vào mùa khô, nguồn nước sạch rất khan hiếm. Trong khi đó tổ trinh sát chỉ mang theo 3 bi đông nước sạch để uống, chúng tôi không dám dùng nước suối vì sợ địch rải chất độc, không dám vào nhà dân xin nước vì sợ lộ bí mật. Những lúc khát quá phải chặt chuối rừng nhai chọ đỡ khát. Chỉ với 3 bi đông nước cho gần 7 ngày hành quân, chúng tôi phải sử dụng thật dè sẻn và chia nhau đến giọt nước cuối cùng. Vượt qua tất cả những khó khăn ấy, chúng tôi đã đi đến điểm trinh sát đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối. Chính chiếc bi đông này đã góp phần giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ được giao.


Sau lần đó chừng hai tháng những vật dụng trên lại cùng tôi đi làm một nhiệm vụ quan trọng khác là đón đoàn chuyên gia quân sự của ta do đồng chí Trung tá Nguyễn Việt Hùng - Phó hiệu trưởng - Trưởng phòng Huấn luyện - Trường Sỹ quan Chỉ huy Kỹ thuật Tăng làm trưởng đoàn (trong chuyến công tác sang giúp bạn xây dựng chương trình huấn luyện chuyên ngành Tăng thiết giáp tại Trường lục quân của bạn) về thăm và triển khai nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. Chuyến đi ấy, tôi cùng 4 chiến sĩ trong trung đội trinh sát của tiểu đoàn, được trang bị 4 khẩu súng AK với đủ cơ số đạn, riêng tôi còn mang theo 1 con dao găm để phòng thân và sử dụng trong sinh hoạt. Trên đường đi, nhóm chúng tôi đã nhiều lần gặp thú dữ và đụng độ với bọn địch, buộc phải nổ súng tiêu diệt. Nhiệm vụ chưa hoàn thành mà số đạn mang theo đã gần hết. Trong tình huống ấy, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng dùng dao găm để chiến đấu trong trường hợp gặp địch và bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho cấp trên. Và cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đón Thủ trưởng Hùng về đơn vị an toàn, trước sự mừng vui của toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Từ đó con dao găm luôn được tôi giữ bên mình và trở thành vật kỷ niệm thiêng liêng của đời quân ngũ, nó đã gợi lại trong tôi bao kỷ niệm của một thời sống, chiến đấu trên đất nước Chùa Tháp.


Với mong muốn được gửi gắm những hành trang, ký ức trong cuộc đời binh nghiệp, đồng chí Đoàn Văn Môn đã trao tặng những hiện vật trên cho Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp lưu giữ làm tư liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Truyền thống chính là chiếc cầu nối liền giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, những kỷ vật đó sẽ góp phần nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hãy biết tựa mình vào truyền thống để vững bước tiến lên trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:11:14 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2021, 08:18:40 pm »

NHỮNG KÝ ỨC VỀ SẢN PHẨM NGHIÊN CỨU
CHẾ THỬ LẮP TRÊN XE M113


Đào Duy Lợi


Đứng trước gian trưng bày các hiện vật lịch sử của bộ đội Tăng thiết giáp trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, thượng tá chuyên nghiệp Nguyễn Phú Nho - nguyên trợ lý phòng Nghiên cứu và phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Binh chủng bồi hồi ngắm nhìn những hiện vật là mắt xích, chốt xích và hình ảnh những chiếc xe M113 chạy thử nghiệm lắp đặt các sản phẩm của đề tài nghiên cứu. Trong đầu anh chợt hiện lên những hình ảnh như một cuốn phim quay chậm, vẽ lại ký ức có lẽ không bao giờ quên về những năm tháng cùng đồng đội, đồng chí trong cơ quan, đơn vị của Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp kiên trì, nhiệt thành thực hiện những nhiệm vụ kỹ thuật, đề tài nghiên cứu, dự án liên quan đến loại xe M113. Đây là chiến lợi phẩm thu được của địch mà bộ đội ta đã sử dụng có hiệu quả trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của lũ PônPốt - YêngXari năm 1979. Chính vì vậy Bộ Quốc phòng cũng như Binh chủng Tăng Thiết giáp trong nhiều năm đã có sự quan tâm đặc biệt đối với xe M113. Từ những năm 1978, 1980, xe M113 đã được cải tiến lắp đặt súng ĐKZ, súng 12ly7 hoặc súng cối để tăng cường sức mạnh hỏa lực, rồi có cả đề án thay thế hệ thống động - truyền lực cũ bằng hệ thống động - truyền lực mới của Liên Xô,v.v... Cuối thập kỷ 80, sau khi các đơn vị quân tình nguyện của ta rút về nước, nhu cầu bảo đảm vật tư kỹ thuật cho xe M113 rất cấp thiết, lượng phụ tùng dự trữ trọng các kho đã cạn kiệt, nhất là các chi tiết, cụm chi tiết của hệ thống vận hành. Trước tình hình đó, năm 1992, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Binh chủng mở các đề tài nghiên cứu, sửa chữa, phục hồi, chế thử các phụ tùng vật tư có liên quan đến xe M113. Anh bồi hồi nhớ lại những cuộc thử nghiệm các sản phẩm chế thử và xe M113 sau cải tiến thử...


Tháng 5 năm 1993, một nhóm sỹ quan của Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, của Cục Quản lý Khoa học Công nghệ Bộ Quốc phòng và Xí nghiệp Liên hiệp Z751 đứng trên bờ sông, mồ hôi nhễ nhại đang chờ chiếc xe M113 số 934 lắp các mắt xích và vè bơi sản phẩm chế thử của đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu phục hồi mắt xích và khả năng bơi của xe M113”, đang rẽ nước từ bờ bên kia sang. Kia rồi chiếc xe đội cả bèo trên tấm chắn sóng đang sùng sục lội nước leo lên bờ. Sau khi xác định lại vận tốc dòng chảy, tốc độ bơi nước của xe theo tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm tra các mắt xích sửa chữa phục hồi, đoàn cán bộ Hội đồng nghiệm thu đã khẳng định chất lượng các chi tiết chế thử như bạc lót chốt xích, đế cao su và vè bơi... đã đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra. Đây là thành công bước đầu của việc nghiên cứu sản xuất các chi tiết phụ, lắp ghép với thân mắt xích cũ tận dụng lại để tạo ra nguồn vật tư bảo đảm cho xe M113 hoạt động.


Tháng 6 năm 1996, chiếc xe M113 số hiệu 935 lắp hai dải xích - sản phẩm chế thử của đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu chế tạo thân mắt xích với đệm tỳ cao su của xe M113” được phép chạy thử lần cuối trước khi được Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Quốc phòng nghiệm thu. Sau gần 30 phút chiếc xe gầm rú chạy trên khoảng đất rộng đầy những hố rãnh, gạch vụn trong Xí nghiệp Liên hiệp Z751 và trên đoạn đường nội bộ có nhiều cua gấp của xí nghiệp sửa chữa tăng thiết giáp, trước khi dừng lại theo yêu cầu của đoàn kiểm tra nó còn kịp quay vòng gấp đến 3 lần để lại những vòng tròn đồng tâm mờ màu đen do vệt cao su đế mắt xích bị chà sát mạnh lên mặt đường tạo ra mùi cao su cháy khét lẹt rồi mới dừng lại hẳn. Sau khi các thành viên Hội đồng kiểm tra kỹ cho thấy, không một mắt xích nào bị bong tróc đế cao su, phần kim loại ở các tai của thân mắt xích không bị nứt vỡ...”.


Tháng 6 năm 2001, trên bãi lái của Trường 700 - Biên Hòa - Đồng Nai, sau cơn mưa rào bất chợt, làm lầy lội thêm những vũng bùn đất đỏ, chiếc xe M113 số 937 lắp các chốt xích - sản phẩm chế thử của đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu chế tạo chốt xích và đai ốc chốt xích xe M113" chạy tung hoành qua các vật cản nhân tạo và tự nhiên. Cả hai dải xích của xe chìm trong bùn đỏ, nghiến xào xạo khi nó chạy qua các đống đá gan gà rắn đanh. Một đụn khói đen phun ra từ miệng ống xả lẫn các tàn lửa đỏ khi nó gồng mình leo lên miệng cái "hố bom" ngập nước mưa và bùn, cả thân xe như được phủ một lớp sơn màu nâu đỏ. Sau hơn 20 km chạy thử trước sự chứng kiến của Tổ nghiệm thu kỹ thuật và lội qua một ngầm nước sạch, các chốt xích và các đai ốc lại được kiểm tra bằng mắt một cách kỹ lưỡng. Không có chi tiết nào bị vỡ hỏng, ngoại trừ 3 cái đai ốc bị mòn vẹt do cà sát quá mạnh vào những phiến đá nào đó nằm cứng trên nền đường.


Những đoạn “phim” trong đầu anh lại hiện về chầm chậm nhưng rất rõ ràng về những mái tóc điểm bạc những khuôn mặt khắc khổ, tận tụy của cả một thế hệ cán bộ kỹ thuật từng trải cùng thời với anh trong Binh chủng như anh Mỹ, anh Thiệp, anh Việt, anh Châu... cùng các đồng nghiệp trẻ tuổi cần cù sáng tạo vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rồi các anh Bính, anh Thịnh, anh Hưng, anh La, anh Hoàng, anh Hân... những cán bộ kỹ thuật có trình độ và kinh nghiệm trong công nghệ chế tạo, cùng với đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề của Xí nghiệp Liên hiệp Z751 đã tâm huyết phối hợp với cán bộ Binh chủng Tăng Thiết giáp tạo ra các sản phẩm có giá trị cho quân đội.


Đến nay nhiều sản phẩm đã được ứng dụng đưa vào sản xuất loạt nhỏ đáp ứng nhu cầu vật tư kỹ thuật thiết yếu cho xe M113... một loại xe thiết giáp chở quân có tính năng chiến đấu kỹ thuật ưu việt mà nhiều năm qua các nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn quốc, Singapo... đã cải tiến nâng cấp thành nhiều kiểu, với nhiều chức năng chiến đấu và phục vụ chiến đấu khác nhau, chúng vẫn có mặt bên cạnh thế hệ xe chiến đấu bộ binh và xe chở quân hiện đại trong các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây.


Anh nhớ lại gần đây trong một dịp vào cơ quan Binh chủng dự đám cưới con gái một đồng đội cũ, anh ghé thăm phòng Nghiên cứu Kỹ thuật, qua chuyện trò thăm hỏi về đời thường và cả công việc đang làm, anh cảm nhận rằng thế hệ cán bộ kỹ thuật trẻ của Binh chủng vẫn đang nung nấu ý chí cải tiến nâng cấp các loại xe tăng, thiết giáp hiện có thuộc Binh chủng như xe T54/T55, M-113, BMP-1. Lòng quyết tâm, nghị lực và kiến thức thì có thừa nhưng vấn đề cuối cùng vẫn là công nghệ, thiết bị, đối tác hợp tác và ngân sách.


Anh tin tưởng, rồi ngày mai đây những chiếc xe tăng, xe thiết giáp được hiện đại hóa sẽ là những vũ khí có thể đương đầu thắng lợi trong cuộc chiến tranh công nghệ cao nếu nó bắt buộc xảy ra. 
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:11:42 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #38 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2021, 08:19:38 pm »

ĐỀ TÀI
“BỘ KẸP NÒNG 23mm BẮN THAY PHÁO TĂNG 1OOmm”


Nguyễn Văn Minh


Hơn 40 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lớn mạnh của Binh chủng Tăng thiết giáp có phần đóng góp không nhỏ của hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự chuyên ngành Tăng thiết giáp, với việc triển khai thành công và có hiệu quả nhiều đề tài có giá trị cao, được nghiệm thu cấp Binh chủng - Tổng Cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng và ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của bộ đội Tăng thiết giáp.


Trước đây hàng năm các đơn vị Tăng thiết giáp toàn quân thường sử dụng đạn pháo tăng 100mm để bắn thực hành, tiêu tốn hàng nghìn viên đạn, làm giảm tuổi thọ, thậm chí làm hỏng nòng pháo do sử dụng nhiều để bắn. Ngoài ra, phải tiêu tốn lượng kinh phí rất lớn để vận chuyển đạn pháo, cộng với tiêu hao vật tư, kỹ thuật đảm bảo trước và sau bắn, làm bia bắn tập...


Để khắc phục những nhược điểm trên việc sử dụng vũ khí cỡ nhỏ, thay cho vũ khí cỡ lớn trong huấn luyện bắn đạn thật trở thành vấn đề cấp thiết. Sau khi được Bộ Quốc phòng phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật và đưa vào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đề tài "Thiết kế chế tạo bộ kẹp nòng bắn thay pháo tăng 1OOmm từ pháo cao xạ 23mm”, do Binh chủng Tăng thiết giáp quản lý, được phép triển khai ở Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp. Sau khi được giao nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường họp và ra quyết định thành lập ban đề tài gồm 04 đồng chí: Đại úy Nguyễn Văn Minh - Chủ đề tài (Nay là Đại tá Trưởng phòng Quân khí), Thiếu tá Nguyễn Tất Chính - Ủy viên, Thiếu tá Nguyễn Khắc Nguyệt - Ủy viên; đồng chí Nguyễn Văn Hoài - Kỹ sư - Giáo viên khoa cơ sở. Các đồng chí đã trăn trở, nghiên cứu và xây dựng đề tài với mục tiêu đặt ra là: Thiết kế chế tạo bộ giá kẹp nòng và cơ cấu hất vỏ đạn, cho phép sử dụng nòng và đạn cao xạ 23mm nguyên thủy, bắn thay pháo tăng 100 nhưng vẫn đảm bảo sự làm việc chắc chắn, tin cậy, an toàn cho người sử dụng và cho pháo; mô phỏng các động tác sử dụng vũ khí, gây được hiệu quả tâm lý cần thiết, phản ánh trung thực trình độ người bắn, quy trình sử dụng đơn giản giá thành hạ, dự trữ được một lượng đạn pháo tăng đáng kể cho sẵn sàng chiến đấu.


Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích cấu tạo của pháo tăng 100mm, đề tài đã chọn phương pháp kẹp đồng trục 23mm trong lòng pháo tăng, với phương án là: Lợi dụng mặt côn lớn trong buồng đạn pháo tăng 100mm để định vị dọc trục cho thiết bị kẹp nòng, dùng các mặt trụ và côn nhỏ để định vị đồng trục nòng kẹp với nòng pháo tăng, lợi dụng các bể mặt ma sát và quá trình ì để chống xoay cho thiết bị, nối loa che lửa của nòng 23mm bằng ống thép đến miệng pháo tăng và cố định bằng đai ốc để tạo liên kết cứng giữa nòng pháo tăng với thiết bị kẹp nòng, bộ phận nạp và hất vỏ đạn được tận dụng từ phần đáy vỏ đạn pháo tăng và được gia công theo kết cấu.


Ngay từ khi đăng ký mở đề tài, được sự chỉ đạo kịp thời, sự quan tâm sâu sắc của Thủ trưởng Bộ tư lệnh cũng như các cơ quan đơn vị có liên quan. Đặc biệt là Ban Giám hiệu nhà trường và các cơ quan đơn vị trong Trường sỹ quan Tăng thiết giáp, đề tài được triển khai rất thuận lợi, các đồng chí trong Ban đề tài đã nỗ lực phấn đấu, khẩn trương nghiên cứu, phân tích thử nghiệm; đã bắn đạn thật nhiều lần để kiểm tra sự làm việc, độ bền của các chi tiết, đồng thời tính toán, kiểm nghiệm, xây dựng bảng bắn, quy tắc bắn, xây dựng quy trình, số liệu hiệu chỉnh thiết bị kẹp nòng và xây dựng điều kiện cho các bài bắn dùng kẹp nòng bắn thay pháo tăng. Đề tài được Hội đồng khoa học cấp Binh chủng nghiêm thu và đã được đưa vào áp dụng, sản xuất với số lượng gần 100 bộ, trang bị cho các đơn vị Tăng thiết giáp toàn quân. Với việc sử dụng kẹp nòng cao xạ 23mm bắn thay pháo tăng 100mm theo phương án của đề tài, kết quả đem lại trong huấn luyện vẫn tương đương với bắn pháo tăng như: Đã rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, yếu lĩnh sử dụng vũ khí, rèn luyện ổn định tâm lý người bắn (Vẫn tạo chớp lửa và tiếng nổ đầu nòng). Do có ống bảo vệ nòng pháo tăng nên trong quá trình bắn, áp suất khí thuốc và nhiệt độ sinh ra do thuốc của đạn 23mm cháy không tác dụng trực tiếp vào nòng pháo tăng, góp phần nâng cao tuổi thọ của nòng pháo.


Đồng thời sử dụng thiết bị kẹp nòng 23mm để bắn thay pháo tăng 100mm cho tất cả các bài bắn trong giáo trình, tiết kiệm pháo và đạn. Nhờ sử dụng đạn 23mm nên có thể tăng số lượt tập, để tạo kỹ năng bắn thành thạo cho thành viên kíp xe tăng; giải pháp đã khắc phục tình trạng thiếu pháo 100mm trong huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng, huấn luyện thực hành bắn pháo trên xe tăng trong những năm qua. Tại hội thi sáng tạo kỹ thuật Binh chủng Tăng thiết giáp lần thứ nhất tổ chức vào tháng 10 năm 2008, thiết bị kẹp nòng 23mm đã được ban tổ chức tặng giải nhất và được Bộ quốc phòng cho phép được sản xuất hàng loạt, phục vụ cho các đơn vị Tăng thiết giáp toàn quân, nâng cao hiệu quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.


Với ý nghĩa quan trọng như vậy, để phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, sản phẩm đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp. Đây chính là biểu tượng sâu đậm về tính năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm của thế hệ trẻ bộ đội Tăng thiết giáp hôm nay, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn cuộc vận động "Quản lý, khai thác vũ khí trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” trong Binh chủng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:12:55 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #39 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2021, 05:08:11 pm »

BỘ THIẾT BỊ THAY NÒNG PHÁO TĂNG T-34
TRÊN ĐẢO RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO


Nguyễn Đình Bính


Ngày đó cách đây đã 10 năm và một buổi sáng cuối thu năm 1996, khi tôi cùng một số đồng chí: Giáp Văn Thuần, Nguyễn Quốc Khởi và Nguyễn Văn Trọng đang thực hiện sửa chữa pháo cho xe tăng của Trường bắn Cam Lâm thì được lệnh triệu tập về vị trí chỉ huy của Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 để nhận nhiệm vụ đột xuất. Tại đây các đồng chí Phạm Vân Lợi - Giám đốc, Nguyễn Văn Viết - Phó Giám đốc kỹ thuật, Nguyễn Văn Dậu - Phó Giám đốc chính trị và đặc biệt có đồng chí Phùng Công Thịnh là trợ lý phòng Quân khí Cục Kỹ thuật Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp đang chờ chúng tôi.


Mở đầu cuộc họp đồng chí Thịnh nói ngay: “Lần này Binh chủng giao cho Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 và Phòng Quân khí một nhiệm vụ hết sức khó khăn là phải thay bằng được nòng pháo cho xe tăng T34 số 135 tại đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa".


Mới nghe đến đây tôi hết sức hồi hộp và băn khoăn trăn trở. Bởi vì muốn thay được nòng pháo cho xe tăng cần phải dùng cần cẩu có sức nâng ít nhất là 7 tấn. Trong những lần đi sửa chữa dã ngoại tại đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn Đông và đi qua các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã cho thấy việc vận chuyển xe cần cẩu ra đảo cẩu tháp pháo để thay nòng pháo là không thể, vì đảo Nam Yết không có cầu cảng, xe không thể cơ động từ tàu xuống đảo được. Hơn nữa việc vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ, phụ tùng vật tư từ trên tàu vào đảo đều bằng sức lực khuân vác của bộ đội. Thông thường tàu phải neo đậu ở vị trí có mực nước sâu khoảng 15-20m cách xa đảo 2,3 km. Để vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ, phụ tùng vật tư vào đảo, bộ đội phải chuyển hàng từ trên tàu xuống xuồng sau đó chèo xuồng vào đảo và bốc dỡ hàng từ xuồng đưa lên đảo. Sự vận chuyển đó hết sức khó khăn nhất là khâu đưa hàng từ trên tàu xuống xuồng. Chúng ta hãy tưởng tượng để đưa một hòm phụ tùng nặng khoảng 60 kg từ trên bong tàu xuống xuồng cần ít nhất là bốn người, hai đứng ở trên tàu dùng dây chão buộc hòm phụ tùng đưa qua lan can tàu rồi thả từ từ xuống ở một vị trí thích hợp và giữ nguyên ở tư thế đó, còn hai đứng ở dưới xuồng cùng lắc lư lên xuống với xuồng, (biên độ dao động lên xuống khoảng 2m khi sóng nhỏ, nếu sóng to biên độ có thể lớn hơn) chờ khi sóng biển nâng xuồng lên thì cùng đỡ hòm dụng cụ, đồng thời hai người trên tàu nhả dây giữ hòm dụng cụ để hai người đứng dưới xuồng đỡ lấy và tụt xuống cùng với xuồng (xuồng bị hạ xuống mức thấp hơn vị trí ban đầu do sóng biển). Sóng biển gây chòng chành nên bốc dỡ hàng từ tàu xuống rất khó khăn thậm chí bị sóng hất rơi xuống biển.


Đồng chí Thịnh nói tiếp: “Việc đưa xe cẩu ra ngoài đảo là không thể, vậy các đồng chí thử nghĩ xem có phương án nào để thay được nòng pháo mà không cần dùng cẩu. Trong lúc tôi và đồng chí Viết đang tập trung suy nghĩ và chưa đưa ra được phương án nào thì đồng chí Thịnh lại nói: “Đối với pháo 100mm trên xe T54, đã có dụng cụ chuyên dùng gồm bộ bản lề, xe goòng, bộ cột chống và các thanh ray cho phép lắp khớp bản lề vào tháp pháo và thân xe để kích tháp pháo lật lên, sau đó rút lùi nòng pháo ra phía sau. Ta có thể chế tạo bộ thiết bị tương tự như vậy để thay cho pháo 85mm trên xe T34 được không? Không thấy ai có ý kiến gì khác, đồng chí Lợi nói: “Trước mắt các đồng chí cứ suy nghĩ xem có phương án nào hay hơn không, Xưởng giao nhiệm vụ cho đồng chí Viết chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy cùng với đồng chí Bính và thợ của phân xưởng 3 thực hiện theo phương án của đồng chí Thịnh". Buổi họp nhanh chóng kết thúc, chúng tôi nhận nhiệm vụ vừa mừng, vừa lo, mừng vì được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ khó khăn này còn lo vì chưa biết làm ra sao.


“Cậu xuống xưởng với tớ đi” - Anh Viết vỗ nhẹ vai tôi, chúng tôi cùng nhau đi vào gian nhà kho đặt tháp pháo xe tăng T34. Cả hai chúng tôi đều biết rằng xe T34 không được thiết kế chế tạo để lắp bộ bản lề như xe T54, nhưng chúng tôi vẫn xem xét để có thể chế tạo và lắp bộ bản lề vào chỗ nào cho hợp lý. “Không có chỗ nào có thể lắp bộ bản lề như xe T54 đâu anh Viết ạ”. Tôi nói. Sau đó chúng tôi xuống phòng sửa chữa vũ khí xem xét bộ bản lề của pháo 100mm rồi về nghỉ. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi gồm: Thịnh, Viết, Bính, Thuần có mặt tại khu kho xe của Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp cùng nhau xem xét kỹ lưỡng cấu tạo của tháp pháo xe T34. Thật khó, không thể có chỗ nào để lắp bản lề cả, không thể khoan và ta rô ren trên tháp pháo để lắp bản lề được. Nếu chế tạo bản lề chỉ có thể dựa vào sự liên kết giữa tháp pháo và thân xe thông qua vành lăn tháp pháo để lắp bản lề. Anh Thuần nói: “Nếu với kết cấu lắp ráp giữa thân xe và tháp pháo như thế này thì không thể chế tạo được bản lề lắp vào tháp pháo và thân xe để kích tháp pháo lên được".

Anh Viết nói: “Được chúng ta cứ phải nghiên cứu và làm đã, anh Thịnh cứ tin tưởng ở chúng em".

Anh Thịnh vui vẻ nói: “Anh hết sức ủng hộ các chú, chiều nay anh phải về phòng, quá trình làm có gì khó khăn, vướng mắc các chú cứ báo cáo lên phòng, Phòng sẽ có phương hướng giải quyết tiếp".

Ngay buổi tối hôm ấy tôi và anh Viết cùng nhau thảo luận:

Việc khó nhất là chế tạo bộ bản lề; kết cấu, khả năng chịu tải như thế nào cho an toàn cần phải tính đến. Còn lại thanh ray, xe goòng, trụ chống thì hoàn toàn đơn giản có thể chế tạo được ngay. Bộ bản lề thì như thế nào? Chúng tôi vẽ bản thiết kế rồi nghiên cứu động học của khớp nối bản lề. Trong trường hợp này chỉ có thể chế tạo khớp nối bản lề ngược, tức là quá trình mở ra của bản lề ngược là quá trình đóng lại của bản lề thuận. Về tính toán khả năng chịu tải! Xem xét vấn đề này anh Viết nói: Phần thép chế tạo bản lề mình tận dụng phần thép chế tạo mặt bích tháp pháo (thép chế tạo mặt bích để làm ụ bê tông lắp đặt tháp pháo T34 ngoài đảo Trường Sa), và tận dụng vành lăn tháp pháo T34 cũ, còn chốt quay mình thử dùng chốt xích T54 xem sao.


Tôi nói: “Được đấy anh ạ! Chốt xích T54 chịu tải trọng động lớn thế mà lực nén của tháp T34 lên chốt khi kích tháp pháo không thể lớn tới 5 tấn đâu, vấn đề là chế tạo bộ bản lề này như thế nào để có thể lắp vào tháp pháo và kích nó lên được". “Đồng ý, thép chế tạo mình đã tận dụng toàn thép tốt để chịu lực rồi, cụ thể ngày mai sẽ tiếp tục đo đạc ở xe” - anh Viết đồng ý.

Quá trình chế tạo thiết bị thay nòng pháo cứ như vậy diễn ra, chúng tôi vừa làm vừa nghiên cứu. Mỗi người một việc, làm cái dễ trước, cái khó sau. Để chế tạo bộ thanh ray, xe goòng chúng tôi trực tiếp đo trên xe, đo chiều dài nòng pháo và kết cấu của hộp khóa nòng. Đối với bộ bản lề, chúng tôi mượn xe T34 của Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp làm vật nghiên cứu. Tổ thợ do đồng chí Viết và tôi trực tiếp chỉ huy nhiều lần thực hành tháo, kê kích tháp pháo, đo đạc tính toán và đã chế tạo thành công bộ bản lề. Để lắp bộ bản lề này vào tháp pháo và thân xe cần phải tháo hết các bu lông cố định vành lăn trên và dưới của tháp pháo, sau đó dùng kích, kích tháp pháo đều lên khoảng 25 cm, dùng gỗ kê các góc, tháo nhấc vành lăn ra ngoài. Lắp bản lề vào vị trí của vành lăn trên và dưới của tháp pháo, lúc này bản lề đang ở vị trí mở. Dùng kích thủy lực kích đều đuôi tháp pháo lên đến đâu dùng gỗ kê đến đó để bảo đảm an toàn. Khi kích tháp pháo lên đủ độ cao để rút nòng pháo về phía sau phải dùng cột trụ chống cố định chắc chắn bằng bu lông để giữ chắc tháp pháo rồi mới lắp đặt thanh ray, xe goòng và tháo liên kết giữa thân pháo với máng pháo. Quay cơ cấu tầm hạ đuôi pháo đặt vào xe goòng và kéo đẩy nòng pháo tụt về phía sau. Đến đây chúng tôi đã khẳng định thao tác thực hành thử nghiêm trên đất liền của chúng tôi đã thành công. Việc thay nòng pháo ở đảo Nam Yết sẽ thực hiện được. Nhưng trườc khi ra đảo, để khẳng định chắc chắn việc thay nòng pháo là được, chúng tôi đã báo cáo chỉ huy Xưởng, và thủ trưởng Phòng Quân khí tổ chức trình diễn dùng bộ “Thiết bị thay nòng pháo” mà chúng tôi vừa chế tạo xong thay thử nòng pháo trong đất liền cho các đồng chí có liên quan kiểm tra xem xét.


Mấy hôm sau vào một buổi sáng tiết thu nắng hoe vàng, tổ của chúng tôi gồm có Viết, Thuần, Trọng, Khởi và tôi thực hành thay nòng pháo dã ngoại cho xe T34 tại kho xe của Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp dưới sự quan sát và chứng kiến của các đại diện cơ quan cấp trên gồm: Đồng chí Thịnh - Phòng Quân khí, đồng chí Tụê - Phó trưởng Phòng Quân khí và đồng chí Hòa - Phó trưởng Phòng Tăng thiết giáp Quân chủng Hải Quân. Công việc tháo, lắp thiết bị vào xe và thực hành các thao tác thay nòng pháo hết sức khẩn trương, chính xác, 11 giờ 15 phút nòng pháo đã được thay thế. Mệt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng ai cũng phấn khởi.


Thay mặt cho phòng Tăng thiết giáp Quân chủng Hải Quân, đồng chí Hòa nói với chúng tôi: “Xe tăng T34 số 135 ngoài đảo Nam Yết sẽ đáp ứng được nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển của chúng ta, tháng 3 sang năm sóng yên biển lặng, các đồng chí có thể lên đường ra đảo thực hiện nhiệm vụ này. Tôi xin cảm ơn sự lao động nhiệt tình và sáng tạo của các đồng chí!".


Tháng 3 năm 1997 đại diện cho tổ thợ nghiên cứu chế tạo “Thiết bị thay nòng pháo dã ngoại cho xe tăng trên đảo” của Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32, đồng chí Giáp Văn Thuần thợ vũ khí bậc 7/7 đã ra đảo Nam Yết thực hiện nhiệm vụ thay nòng pháo cho xe T34 số 135 và sửa chữa vũ khí cho các xe tăng trên đảo. Sau 6 tháng công tác ngoài đảo đồng chí Thuần trở về đất liền cùng với niềm vui tất cả xe tăng trên đảo đều có trạng thái kỹ thuật tốt, sẵn sàng thực hiện nổ súng khi có lệnh.


Trong bữa cơm liên hoan nhỏ đón đồng chí Thuần đã hoàn thành nhiệm vụ từ đảo xa trở về đất liền gồm có ban chỉ huy Xưởng, đồng chí Thuần và tôi, với bao câu chuyện hàn huyên về cuộc sống của những người lính đảo, những người lính thợ và chúng tôi vừa là những người chỉ huy kỹ thuật của Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 đồng thời cũng là những người thợ, tôi nhớ mãi một điều tâm đắc nhất và nó cũng là bài học cho tôi trong cuộc sống, công tác sau này đó là điều đồng chí giám đốc Xưởng sửa chữa Tăng thiết giáp X32 nói với tôi: “Qua việc thay nòng pháo cho xe tăng trên đảo vừa rồi, nếu mọi việc không mạnh dạn làm thì cái gì cũng khó, muốn thành công cũng phải mạnh dạn, và có sự chuẩn bị chu đáo".


Các bạn ạ tôi thật sự xúc động viết lên những dòng kỷ niệm này khi nhìn thấy mô hình "Thiết bị thay nòng pháo dã ngoại tại đảo Trường Sa” tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp. Một thành tích nho nhỏ của chúng tôi nhưng nó là một bài học đáng trân trọng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:13:17 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM