Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 02:54:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ đội Tăng thiết giáp qua những kỷ vật lịch sử  (Đọc 3563 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2021, 02:54:30 pm »

XE THIẾT GIÁP M113 SỐ HIỆU 033 - CHIẾN TÍCH CỦA
MỘT THỜI “LẤY XE TĂNG ĐỊCH ĐÁNH ĐỊCH”


Phạm Tuấn Trung


Trong bộ sưu tập xe tăng, thiết giáp đang được trưng bằy tại Bảo tàng, có một chiếc xe thiết giáp M113 chiến lợi phẩm mang nhãn hiệu USA ARMY- số hiệu 033. Chiếc xe gợi lên trong ký ức của những người cựu chiến binh năm xưa niềm tự hào, xúc động, tạo nên trong lòng lớp trẻ hôm nay sự khâm phục ngỡ ngàng bởi những chiến tích như huyền thoại.


Ngày 25 tháng 5 năm 1971, tại khu rừng thuộc chiến khu Long Nguyên - miền Đông Nam bộ, sở chỉ huy tiền phương cơ giới Miền ra quyết định thành lập đội thu gom xe tăng, thiết giáp, trang bị khí tài của địch, tổ chức sửa chữa để huấn luyện và tham gia chiến đấu. Đội được mang phiên hiệu là Đội 33 (với ý nghĩa kỷ niệm ngày thành lập Chỉ huy sở Tiền phương cơ giới Miền ngày 3 tháng 3 năm 1971). Đội 33 gồm 9 đồng chí do Vũ Đức Hùng làm đội trưởng. Nòng cốt của đội là những cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn xe tăng 202 được bí mật đưa vào chiến trường từ những năm 1964-1965, có nhiệm vụ nghiên cứu cách đánh xe tăng địch, lấy xe địch trang bị cho mình, dùng xe địch đánh địch, làm cơ sở để phát triển lực lượng tăng thiết giáp B2.


Ngày 26 tháng 5 năm 1971, Đội 33 cơ động về đóng quân tại phum Xa-át, cách Sơnun về phía tây 30 km. Ngày 28 tháng 5 năm 1971 Đội 33 được lệnh đi thu hồi xe tăng, thiết giáp của địch trên chiến trường Sơnun (Sau khi bị Quân giải phóng miền Nam chặn đánh tan tác, cả chiến đoàn quân ngụy Sài Gòn đã rút chạy và bỏ lại xe pháo rải khắp từ Ngã 3 Tấn Lộc đến Sơnun, trong đó có khá nhiều xe tăng, xe thiết giáp). Nhưng việc thu hồi lại không đơn giản chút nào, bởi vì Đội 33 ra quân nhưng không được trang bị dụng cụ, phương tiện kỹ thuật bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, trước khi rút chạy, địch đã cho phá hỏng máy móc cùng các thiết bị, những chiếc xe nằm lại chỉ là những đống sắt không hơn không kém. Để phá hủy trang bị kỹ thuật bỏ lại, địch còn tổ chức đánh phá rất ác liệt bằng không quân, pháo binh, nên công việc của tổ thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Mặc cho máy bay địch quần đảo, đánh phá, toàn đội vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Vũ Đức Hùng phân công cho anh em sửa chữa những chiếc xe hỏng nhẹ, đồng thời tìm kiếm những chiếc xe địch vứt bỏ rải rác trong rừng. Thật bất ngờ, tổ tìm kiếm đã phát hiện thấy một xe thiết giáp chở quân M113 của Mỹ còn khá nguyên vẹn. Đội 33 đã tập trung sửa chữa, khôi phục chiếc xe chiến lợi phẩm này thành chiếc xe hoạt động tốt. Chiếc xe M113 gắn bó từ ngày đầu với Đội, được đặt cho số hiệu 033 để kỷ niệm ngày thành lập đơn vị. Xe thiết giáp M113 đã được bộ đội ta sử dụng để vận chuyển hàng chục tấn phụ tùng thu gom được từ những chiếc xe hỏng nặng, để lắp dồn ghép cho những xe hỏng nhẹ. Từ những yêu cầu bức xúc của chiến trường (đang cần nhiều xe tăng, xe thiết giáp cho những trận đánh lớn sau này), xe M113 số hiệu 033 còn được sử dụng vào việc vận chuyển người, phương tiện, máy móc phục vụ cho tìm kiếm, sửa chữa xe. Đặc biệt, trong một lần đi thu hồi xe địch, tổ của đồng chí Hùng còn phát hiện một trận địa gồm 3 khẩu pháo 105 mm còn nguyên do địch bỏ lại. Lúc này, xe 033 do đồng chí Hùng điều khiển vừa kéo một xe M113 bị hỏng hộp số, vừa kéo toàn bộ 3 khẩu pháo vượt suối, vượt đèo về địa điểm tập kết an toàn và bàn giao lại cho Đoàn pháo binh Biên Hòa sử dụng.


Sau thời gian ngắn tìm kiếm, thu gom, sửa chữa, với tinh thần không quản ngại hy sinh gian khổ, Đội 33 đã có trong tay hàng chục xe tăng, xe thiết giáp chiến lợi phẩm quý giá.

Tháng 6 năm 1971, cán bộ, chiến sĩ của J16 cũ đã lần lượt trở về Đội 33, quân số đã lên đến 62 đồng chí. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển cho nhiệm vụ chiến đấu mới, ngày 15 tháng 1 năm 1972, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn M26 quyết đinh chuyển Đội 33 thành Đại đội chiến đấu 33.


Trận đầu ra quân đánh địch của Đại đội 33 là tiêu diệt căn cứ Sa Mát - tỉnh Tây Ninh (gần sát biên giới Campuchia). Ngày 1 tháng 4 năm 1972, với tinh thần “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Nguyễn Huệ", những chiếc xe tăng, xe thiết giáp chiến lợi phẩm thu được của địch được các chiến sĩ Đại đội 33 quả cảm điều khiển, đã dẫn dắt bộ binh tiến công từ các hướng. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoang mang không hiểu quân giải phóng lấy đâu ra nhiều xe tăng, xe bọc thép của Mỹ đến thế. Lúc này, các xe trong đội hình tiến công, phát huy tối đa hoả lực của súng máy, ĐKZ, súng bộ binh, xông thẳng vào hướng chính diện của căn cứ địch. Như những mũi tên thép, xe tăng ta dũng mãnh xông lên, dùng hỏa lực dập tắt các hỏa điểm của địch, tạo điều kiện cho bộ binh và các xe khác vượt của mở. Với khí thế áp đảo, toàn Đại đội cùng với bộ binh tiêu diệt gọn từng công sự, khu xe, trận địa pháo, đến sở chỉ huy của địch. Đây là trận đầu ra quân đánh thắng địch giòn giã của Đại đội 33 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.


Phấn khởi, tự hào về chiến thắng vừa giành được, Đại đội 33 tiếp tục vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo. Từ chủ trương đúng đắn và sáng tạo “Lấy vũ khí địch đánh địch”, Đại đội 33 đã thu hồi được một số lượng lớn xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ - ngụy. “Bộ sưu tập” của Đại đội ngày càng phong phú với nhiều chủng loại: M24; M41; M48; M113; M113 phun lửa; xe cẩu... Từ chiếc xe chiến lợi phẩm đầu tiên, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 33 đã xây dựng đơn vị ngày càng phát triển vững mạnh, tham gia nhiều trận đánh lớn và lập nhiều chiến công. Những năm gian khổ xây dựng và chiến đấu của Đại đội 33 được đền đáp. 23 giờ 30 phút ngày 4 tháng 4 năm 1975, đơn vị được lệnh cùng các cánh quân từ hướng Tây Nam tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn. Dọc đường tiến công, xe 033 đã cùng các xe trong đơn vị dùng hỏa lực tiêu diệt các ổ đề kháng, xe tăng địch, mở đường cho mũi tiến công của đơn vị thần tốc tiến vào tham gia giải phóng Sài Gòn.


Xe thiết giáp M113 số hiệu 033 như một chứng tích của chiến tranh, khắc ghi những phẩm chất anh hùng và sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 33 miền Đông Nam Bộ, cũng như tính đúng đắn, kỳ diệu của chiến tranh nhân dân Việt Nam, sự sáng tạo của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam: “Lấy xe tăng địch đánh địch".
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:43:23 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2021, 02:55:27 pm »

PANÔ “CHÀO MỪNG QUAN KHÁCH”


Thu Linh


Trong Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp hiện đang trưng bày một hiện vật “đặc biệt”, nói đặc biệt bởi lẽ hiện vật này không phải là súng đạn hay phương tiện kỹ thuật làm vũ khí phục vụ chiến tranh, mà đó là một hiện vật in đậm dấu ấn của một trận đánh then chốt trong chiến dịch lớn, bẻ gãy hoàn toàn âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ. Đó là tấm pa nô “Chào mừng quơn khách” do cán bộ, chiến sỹ Đại đội 9 - Tiểu đoàn tăng 198 - Trung đoàn 203 thu được trong trận đánh điểm cao 543 - chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.


Năm 1971, mặc dù trong thế bị động và thất bại, Mỹ - ngụy vẫn mạo hiểm mở cuộc hành binh Lam Sơn 719 với lực lượng lớn ra vùng Đông Nam Lào, lúc cao điểm chúng huy động tới 55.000 quân và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Riêng lực lượng thiết giáp có 4 thiết đoàn, 2 chi đoàn với gần 600 xe tăng, thiết giáp các loại. Mục đích cuộc hành binh này nhằm đánh vào tuyến vận chuyển chiến lược của ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, gây khó khăn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân 3 nước Đông Dương.


Trước âm mưu mới của địch, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi, nêu rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là “Tập trung lực lượng kiên quỵết tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho liền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào, Campuchia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của Đế quốc Mỹ và tay sai”.


Quán triệt quyết tâm của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương chủ trương mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Trong chiến dịch này, bộ đội Tăng thiết giáp đã tham gia với quyết tâm chiến đấu “Đã đánh là thắng, càng đánh càng mạnh...”. Điển hình là trận tiến công điểm cao 543.


Ngày 18 tháng 2 năm 1971, Đại đội tăng 9 thuộc Tiểu đoàn tăng 198 gồm 9 xe tăng bơi PT-76 nhận lệnh phối thuộc cho Trung đoàn bộ binh 64 thuộc Sư đoàn 320, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn dù 3 của quân ngụy trên Điểm cao 543. Sau khi nhận nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ khẩn trương làm công tác chuẩn bị để đảm bảo cho trận đánh thắng lợi.


Điểm cao 543 nằm ở phía bắc Đường 9 và tây bắc ngã 3 Bản Đông, cách Đường 9 bảy km. Đây là căn cứ mạnh của địch với lực lượng gồm có sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3, Tiểu đoàn dù 3, Tiểu đoàn pháo, 1 đại đội công binh... Địa hình thấp dần về phía Đông nam với độ dốc thoải và thấp, xe tăng có thể cơ động được. Tuy nhiên, trên điểm cao có nhiều cây to, nếu chặt cây mở đường thì sẽ bị máy bay địch phát hiện. Vì vậy, để giữ bí mật, khi mở đường cho xe tăng lực lượng công binh không chặt đổ ngay mà chỉ cưa đứt 3 phần 4 thân cây về hướng tiến của xe tăng, khi có lệnh xuất kích xe tăng húc đổ cây để tiến.


Đúng 11 giờ 30 phút ngày 25 tháng 2 năm 1971, pháo chiến dịch bắt đầu phát hỏa, Đại đội tăng 9 được lệnh xuất kích. Xe tăng 555 dẫn đầu đội hình tiến công đột phá qua cửa mở dẫn dắt bộ binh xung phong dùng pháo, súng máy bắn chế áp khu vực sở chỉ huy và các hỏa điểm địch.


Thấy xe tăng ta xuất hiện, địch tập trung hỏa lực bắn phá chặn đường. Các chiến sỹ xe tăng vừa sửa chữa vừa tích cực dùng súng 12ly7 gắn trên xe bắn trả máy bay địch. Với những loạt đạn chính xác, xe 546 và 563 đã bắn rơi tại chỗ một máy bay phản lực F4, buộc những chiếc khác phải bốc lên cao và vòng sang hướng khác. Lợi dụng thời cơ có lợi, xe tăng 555 tăng tốc độ, dũng mãnh xông lên Điểm cao 543, đánh thẳng vào Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3. Phát huy sức cơ động và tận dụng hỏa lực mạnh trên xe, các chiến sỹ xe tăng 555 kết hợp dùng pháo, súng máy với lựu đạn diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều công sự và hỏa lực địch.


Trận đánh diễn ra ác liệt và kéo dài. Sau 5 giờ chiến đấu hết sức dũng cảm và mưu trí, Đại đội tăng 9 đã phối hợp với lực lượng bộ binh và các đơn vị bạn, tiêu diệt Tiểu đoàn dù 3, Tiểu đoàn pháo và một số lực lượng khác, bắt sống tên đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 cùng toàn bộ ban tham mưu của chúng trên điểm cao 543.


Trong trận đánh này, xe tăng đã phát huy sức mạnh, kết hợp với bộ binh vây lấn, tiêu diệt gọn quân địch, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi. Thắng lợi của Bộ đội Tăng thiết giáp đã góp phần đập tan cuộc hành binh Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy bảo vệ vững chắc con đường chi viện của hậu phương với tiền tuyến. Trận đánh ở Điểm cao 543 đã cổ vũ mạnh mẽ cho bộ đội ta trên toàn mặt trận, gây niềm tin tưởng trong cán bộ, chiến sỹ về sức mạnh của tác chiến hiệp đồng binh chủng. Với những thành tích xuất sắc đạt được trong chiến đấu, sau trận đánh Đại đội tăng 9 và tập thể kíp xe tăng 555 vinh dự được đón nhận Huân chương Quân công hạng 3.


Tấm panô làm bằng gỗ có kích thước 80 x 120cm được thiết kế công phu với biểu tượng chim ưng xoè cánh ôm gọn hình chiếc dù hàm ý nói lên sức mạnh cơ động của lực lượng nhảy dù ngụy, bên dưới là chữ số 3 cách điệu, giữa là hàng chữ “TĐND” thể hiện phiên hiệu của "Tiểu đoàn nhảy dù số 3". Điều đáng nói là hàng chữ "Chào mừng quan khách” là lời chào đón các lực lượng của địch trong cuộc hành binh Lam Sơn 719. Những “quan khách” đầu tiên và cuối cùng của chúng lại chính là những cán bộ, chiến sỹ của Đại đội tăng 9. Và như thế, tấm panô đã thành bằng chứng cho sự thất bại thảm hại của Mỹ - ngụy và là minh chứng cho chiến công của những người chiến sỹ xe tăng Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:44:05 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2021, 02:56:09 pm »

NÒNG SÚNG ĐẠI LIÊN M50
CỦA ANH HÙNG LIỆT SĨ ĐINH VĂN HÒE


Bảo Anh


Tại gian trưng bày về bộ đội Tăng thiết giáp trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 có trưng bày một nòng súng đại liên M50, loại súng được trang bị trên xe thiết giáp M113 của Mỹ. Hiện vật này gắn với những chiến công của Anh hùng, liệt sĩ Đinh Văn Hòe - nguyên là Trung đội phó thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 66, Trung đoàn 202, Binh chủng Tăng thiết giáp.


Đinh Văn Hòe sinh năm 1950, tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mang trong mình truyền thống của quê hương cách mạng, anh đã sớm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ với mong muốn được trở thành người chiến sĩ xe tăng.


Ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, Đinh Văn Hòe đã sớm bộc lộ chí khí cách mạng, dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm 1969 đến năm 1971, anh được biên chế vào Sư đoàn 304, tham gia chiến đấu với cương vị chiến sĩ súng máy cao xạ 12ly7, trực tiếp chiến đấu 3 trận, diệt 75 tên, bắn rơi 2 máy bay địch.


Đến năm 1972, anh được điều động giữ chức vụ Trung đội phó thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 66, Trung đoàn 202 Binh chủng Thiết giáp. Được về Binh chủng “thép”, anh càng có điều kiện phát huy khả năng làm chủ các loại vũ khí, các trang thiết bị hiện đại. Vậy là mong ước trở thành người lính xe tăng đã trở thành hiện thực, điều đó càng thôi thúc anh phấn đấu hơn trong học tập, công tác và chiến đấu.


Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Đinh Văn Hòe tham gia chiến đấu trong đội hình của Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 66, Trung đoàn 202. Với tinh thần “Vào trận là tiến công, đã đánh là tiêu diệt địch”, ngày 1 tháng 5 năm 1972, trong một lần đi trinh sát trận địa, gặp một tốp máy bay địch đang quần đảo và bắn phá vào trận địa của ta. Trước tình thế có thể diệt địch tại chỗ, Đinh Văn Hòe đã nhảy lên một chiếc xe bọc thép M113 bị hỏng bên đường, trên xe còn một khẩu đại liên M50 và một dây đạn còn nguyên. Anh lắp đạn, hướng nòng súng vào máy bay địch và ngắm bắn. Với 11 viên đạn, Đinh Văn Hòe đã hạ một máy bay trực thăng và làm rối loạn đội hình bay của địch buộc chúng phải rút chạy.


Tham gia trận đánh vào quận lỵ Hải Lăng của Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 66 phối thuộc với Trung đoàn bộ binh 27 ngày 2 tháng 5 năm 1972, Đinh Văn Hòe tiếp tục chiến đấu dũng cảm và lập công xuất sắc. Hôm ấy, mũi tiến công của anh bất ngờ gặp khó khăn, trong 3 xe chiến đấu thì 1 xe bị trúng đạn, 1 xe bị sa lầy, trước tình thế nguy hiểm đó nếu không xử trí linh hoạt có thể bị địch chiếm lĩnh trận địa, người và xe của ta sẽ rơi vào tay địch, Đinh Văn Hòe đã nhanh chóng sử dụng súng B41 tiêu diệt được 1 xe tăng, dùng súng 14ly5 bắn rơi 1 máy bay vũ trang của địch. Cùng lúc anh đã hạ lệnh dùng lựu đạn khói ngụy trang cho kíp xe đang tổ chức cứu kéo lên khỏi bãi lầy. Trong hoàn cảnh chiến đấu mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, Hòe đã quên đi chính bản thân mình, chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng và anh đã anh dũng hy sinh.


Tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của Đinh Văn Hòe đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội Thiết giáp trong chiến đấu, thực hiện quyết tâm “Mỗi xe là một mũi tiến công, mỗi chiến sĩ xe tăng là một dũng sĩ diệt Mỹ".


10 giờ ngày 2 tháng 5, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ Hải Lăng. Trận Hải Lăng đã kết thúc đợt 2 chiến dịch tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trên chiến trường Trị Thiên, lần đầu tiên có lực lượng bộ binh cơ giới tham gia đã gây được tiếng vang lớn, hoạt động tác chiến của bộ đội Thiết giáp trên chiến trường có nhiều đổi mới, khả năng phối hợp tốt giữa xe tăng và bộ binh đã góp phần vào thắng lợi to lớn của chiến dịch.


Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, liệt sỹ Đinh Vãn Hòe đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 23 tháng 9 năm 1973.


Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại đã kết thúc thắng lợi, trong khúc khải hoàn ca của ngày vui chiến thắng, chúng ta mãi mãi không quên những người con ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:47:51 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2021, 02:26:13 pm »

CỜ ĐƠN VỊ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN CỦA
ĐẠI ĐỘI TĂNG 7 - TlỂU ĐOÀN 4 - TRUNG ĐOÀN TĂNG 201


Mỹ Anh


Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp hiện đang lưu giữ lá cờ Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là phần thưởng cao quý mà Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng cho Đại đội tăng 7 - Tiểu đoàn tăng 4 - Trung đoàn tăng 201 - Binh chủng Thiết giáp vì những chiến công xuất sắc trong thời gian xây dựng, chiến đấu từ tháng 11 năm 1971 đến tháng 12 năm 1972.


Năm 1971, sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược tại mặt trận Đường 9 - Nam Lào, ta chủ trương tiếp tục tiến công, giữ vững, phát triển thế và lực đã có, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972.


Ngày 18 tháng 11 năm 1971, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn tăng 201, trong đó có 4 tiểu đoàn chiến đấu. Đại đội tăng 7 được thành lập ngày 28 tháng 2 năm 1972 trên cơ sở Đại đội 10 - Tiểu đoàn tăng 4 và nằm trong biên chế của Tiểu đoàn tăng 4. Sau khi thành lập, cán bộ, chiến sĩ Đại đội tăng 7 đã nhanh chóng ổn định tư tưởng, tổ chức, khắc phục khó khăn, phát động phong trào thi đua “Rèn luyện tốt, lập công lớn” và đã đạt được kết quả tốt: Pháo thủ bắn bài 2 đều đạt loại giỏi; Cán bộ và trưởng xe đã nâng được trình độ sử dụng phương tiện chỉ huy trên xe; Chiến thuật 1 xe và trung đội đạt khá.


Ngày 10 tháng 3 năm 1972, Đại đội tăng 7 được lệnh hành quân vào mặt trận Quảng Trị. Do làm tốt công tác chuẩn bị, nên chỉ sau 3 ngày hành quân, đơn vị đã vượt hơn 700km, đến địa điểm tập kết tại Vĩnh Linh, đảm bảo 100% người và xe an toàn. Tại đây, Đại đội 7 được giao nhiệm vụ phối thuộc với Tiểu đoàn 512 - Trung đoàn 203 tham gia chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Xuân Khai - Trợ lý quân lực Bộ tư lệnh được ủy quyền truyền đạt mệnh lệnh bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Thái (lúc này là Đại đội trưởng Đại đội 6 - Tiểu đoàn 512 - Trung đoàn tăng 203) làm Đại đội trưởng Đại đội tăng 7.


Ngày 29 tháng 3 năm 1972 đại đội được giao nhiệm vụ đánh vào chốt phòng ngự của địch ở Quán Ngang và căn cứ Đông Hà, vì đây là trận đánh đầu tiên của Đại đội tăng 7 hiệp đồng với bộ binh nên có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, đơn vị đã hạ quyết tâm chiến đấu, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”, giành thắng lợi ngay từ trận đầu để cổ vũ tinh thần cho bộ đội và rút kinh 9 nghiệm cho các trận đánh sau.


10 giờ 30 phút ngày 2 tháng 4 năm 1972, đơn vị nổ súng tiến công Quán Ngang. Do đã hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn bộ binh 48 nên sau gần 1 giờ chiến đấu quyết liệt với quân địch, đại đội đã góp phần tiêu diệt hơn 200 tên địch, bắn sập 10 lô cốt, bắn cháy 2 kho xăng dầu, đạn dược, phá hủy 1 trận địa pháo, yểm trợ đắc lực cho bộ binh đánh chiếm cửa ngõ quan trọng của Quảng Trị, mở thông đường cho quân ta truy kích địch đến cầu Đông Hà và chốt giữ tại bờ Bắc sông Thạch Hãn.


Sau khi cầu Đông Hà bị đánh sập, ngày 9 tháng 4, Đại đội tăng 7 được lệnh quay về đội hình tiểu đoàn cùng đại đội tăng 6 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 308 tiến công điểm cao 30 bên ngoài căn cứ Đông Hà.


Sau khi các cứ điểm bảo vệ vòng ngoài lần lượt bị quân ta tiêu diệt, địch co cụm về bảo vệ Đông Hà, với chiến thuật “Phòng ngự vỏ thép”, chúng bố trí hàng chục xe tăng, xe thiết giáp trong công sự xung quanh căn cứ, gây cho ta rất nhiều khó khăn trong các đợt tiến công tiếp theo. Sau nhiều lần trinh sát, nghiên cứu trận địa, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thái đã chỉ huy đơn vị đưa xe tăng lên các điểm cao xung quanh căn cứ để dễ quan sát, phát hiện xe tăng trong hầm của địch. Ngày 27 tháng 4 năm 1972, trận đánh căn cứ Đông Hà bắt đầu. Đồng chí Nguyễn Văn Thái ngồi trên xe tăng T54 số hiệu 901 chỉ huy chiến đấu. Khi thấy pháo thủ trên xe bắn không có hiệu quả, đồng chí đã xuống thay vị trí và ngắm bắn trực tiếp ở cự ly 1000m, tiêu diệt liên tiếp 5 xe tăng trong hầm của địch, các xe khác tiêu diệt thêm 2 xe. Chớp thời cơ, xe tăng dẫn dắt bộ binh ta xông lên đánh chiếm điểm cao 37. Trong quá trình cơ động, xe 901 bị dây thép gai cuốn vào bánh chủ động không di chuyển được đã đứng tại chỗ bắn yểm trợ cho các xe khác đánh chiếm cửa mở. Ngay lập tức, đồng chí Nguyễn Văn Thái chuyển sang xe tăng T54 số hiệu 992 chỉ huy các xe trong đơn vị tiếp tục truy kích địch, dẫn dắt bộ binh thọc sâu đánh chiếm điểm cao 26, tiêu diệt toàn bộ Sở chỉ huy chiến đoàn 20 ngụy. Tối 28 tháng 4 năm 1972, quân ta làm chủ hoàn toàn khu vực Đông Hà - Lai Phước. Ngày 15 tháng 6 năm 1972, Đại đội tăng 7 được tăng cường người và xe, đánh vào Mỹ Chánh, 3 xe tăng của đại đội đã diệt 35 tên địch, yểm trợ đắc lực cho bộ binh đánh chiếm các điểm cao. Ngày 20 tháng 8 năm 1972, đại đội nhận nhiệm vụ đánh chiếm điểm cao 105, các kíp xe đã tiêu diệt 1 đại đội bộ binh địch...


Sau 1 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đại đội tăng 7 đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tham gia chiến đấu 7 trận, tiêu diệt gần 1000 tên địch; Bắn cháy 14 xe tăng; Bắn sập 20 lô cốt; Phá hủy 3 kho đạn, kho xăng dầu; Tiêu diệt 2 trận địa pháo và súng cối; phá vỡ chiến thuật "phòng ngự vỏ thép” của địch, góp phần giải phóng thị xã Quảng Trị. Đơn vị đã kết hợp chặt chẽ chiến đấu và xây dựng, càng đánh càng mạnh, trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt và luôn là lá cờ đầu của Binh chủng Tăng thiết giáp trên mặt trận Quảng Trị, được các đơn vị bạn khen ngợi và học tập.


Với những chiến công xuất sắc đó, đơn vị đã liên tục nhận được các phần thưởng cao quý do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng:

- 1 Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba.

- 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Hai.

- 7 xe được tặng Huân chương chiến công giải phóng (trong đó có xe tăng T54 số hiệu 992 được tặng thưởng 2 lần).

- 45% cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương.

- 50% cán bộ, chiến sĩ được tặng Bằng khen, Giấy khen.


Đặc biệt, ngày 20 tháng 12 năm 1972, tập thể cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7 - Tiểu đoàn 4 - Lữ đoàn tăng 201 vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng.


Hiện nay, Đại đội tăng 7 nằm trong biên chế Tiểu đoàn tăng 1 - Lữ đoàn tăng 201 Binh chủng Tăng thiết giáp. Phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh, trong những năm qua cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7 luôn đạt nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng với danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:03:59 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2021, 02:26:56 pm »

CỜ “ĐÁNH GIỎI” TRONG TRẬN LỘC NINH


Lê Huy



Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Đại đội tăng 10 thuộc Tiểu đoàn tăng 20 - Đoàn Thiết giáp M26 miền Đông Nam Bộ. Đơn vị có thành tích xuất sắc tiêu diệt địch ở Lộc Ninh trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Lá cờ được thêu chỉ vàng trên chất liệu vải sa tanh màu đỏ, kích thước 45cm x 67cm, được trưng bày trang trọng tại phần trưng bày “Bộ đội Tăng Thiết giáp trong cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972” của Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp.


Tháng 10 năm 1970, Đại đội tăng 10 được thành lập. Sau hơn một năm huấn luyện chuẩn bị lực lượng, trang bị kỹ thuật, đến tháng 11 năm 1971, Đại đội 10 nhận lệnh hành quân bằng xích vượt hơn 2000 km vào chiến trường miền Đông Nam bộ thực hiện nhiệm vụ phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 5 tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh, trận tiến công mở đầu cho chiến dịch Nguyễn Huệ - Xuân hè năm 1972.


Lực lượng địch ở Lộc Ninh gồm có Sở chỉ huy Chiến đoàn 9 của ngụy, chi khu Lộc Ninh, sân bay dã chiến, khu kho tiếp liệu. Quân số hơn 1000 tên, bố trí thành 3 cụm cứ điểm nối tiếp nhau theo hướng Đông Bắc - Tây nam với hệ thống phòng ngự kiên cố, mạng lưới bảo vệ vòng ngoài dày đặc và có lực lượng chi viện, ứng cứu mạnh.


Lực lượng ta tham gia chiến đấu gồm có 2 Trung đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn bộ binh 5, Đại đội tăng 10, Đại đội pháo phòng không 52 thuộc Tiểu đoàn tăng 20, cùng một số phân đội hỏa lực và lực lượng bảo đảm khác.


Đúng 24 giờ ngày 6 tháng 4 năm 1972, dưới sự yểm trợ của pháo binh, Đại đội tăng 10 được lệnh xuất kích. Khi tiến đến làng Mười, thấy xe tăng ta xuất hiện, quân địch hoảng sợ bỏ chạy về Lộc Ninh báo tin.


Sáng ngày 7 tháng 4, sau khi pháo binh bắn cấp tập lần cuối vào Sở chỉ huy Chiến đoàn 9 ngụy, các trung đội xe tăng cùng đại đội pháo phòng không vào tuyến triển khai trận địa bắn. Máy bay C130 địch xuất hiên chịếu đèn pha vào đội hình xe tăng của ta liền bị pháo cao xạ bắn rơi ngay tại chỗ.


Dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Đại đội tăng 10, xe tăng chia làm 2 mũi tiến công dẫn dắt bộ binh xung phong đánh chiếm Sở chỉ huy Chiến đoàn 9. Đại đội trưởng dẫn đầu mũi trái nhanh chóng tiêu diệt một xe M48 ở gần cửa mở, tạo điều kiên cho mũi phải vượt qua hàng rào, phối hợp với mũi trái đánh chiếm đầu cầu. Thấy xe tăng ta xuất hiện và tiến công mãnh liệt, binh lính địch hoảng hốt bỏ chạy ra phía cổng chính liền bị bộ binh ta tiêu diệt, số còn lại co cụm vào giữa trung tâm Sở chỉ huy để đối phó. Tên đại tá Nguyễn Công Vĩnh - Chỉ huy Chiến đoàn 9 ngụy, vội vàng hạ lệnh cho Bộ Tham mưu của chúng rút ra khỏi căn cứ. Không cho địch kịp tháo lui, xe tăng ta tiếp tục dẫn dắt bộ binh ào ạt xông lên đánh thẳng vào sở chỉ huy Chiến đoàn 9 theo hướng Tây bắc và chia cắt tiêu diệt địch tháo chạy ở phía Nam. Với sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, xe tăng và bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống phần lớn quân địch, trong đó có tên đại tá Nguyễn Công Vĩnh - Chỉ huy trưởng Chiến đoàn 9 ngụy.


Trưa ngày 7 tháng 4, quân ta đã chiếm được chi khu và làm chủ cụm cứ điểm Lộc Ninh. Kết quả ta diệt và bắt sống hơn 1000 tên thu nhiều vũ khí trang bị của chúng. Riêng Đại đội tăng 10 và Đại đội pháo phòng không 52 đã diệt 150 tên địch, bắn rơi 1 máy bay C130, bắn sập 15 lô cốt, ụ súng, bắn hỏng 7 khẩu pháo và súng cối, 15 súng máy, diệt 1 xe M48.


Trận Lộc Ninh là trận đánh hiệp đồng binh chủng lần đầu tiên có xe tăng tham gia chiến đấu trên chiến trường Miền Đông Nam Bộ, đã thắng nhanh, diệt gọn, tiêu diệt một lực lượng lớn sinh, hoả lực của Sư đoàn bộ binh 5 ngụy. Góp phần làm tan rã ngụy quyền địa phương, mở rộng vùng giải phóng, làm bàn đạp cho quân ta tiến công xuống phía Nam, thực hiện đúng khẩu hiệu của chiến dịch “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Nguyễn Huệ, diệt gọn như Điện Biên".


Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong Chiến dịch Nguyễn Huệ - Xuân hè năm 1972, Đại đội tăng 10 - Tiểu đoàn tăng 20 - Đoàn Thiết giáp M26 - miền Đông Nam Bộ đã vinh dự được tặng cờ “Đánh giỏi" do Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng và một Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Đại đội tăng 10 đã góp phần tô thắm thêm truyền thống anh hùng của lực lượng Tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:04:34 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2021, 02:27:52 pm »

LÁ THƯ CUỐI CÙNG CỦA NGƯỜI LÍNH XE TĂNG CẢM TỬ


Mai Ngọc


Đã bao lần tôi được cầm, ngắm, đọc và cảm nhận đến từng nét chữ, từng lời viết trong lá thư của người chiến sỹ xe tăng viết cho anh trai mình trước khi bước vào chiến dịch Tây Nguyên (năm 1972). Mỗi lần xem thư và giới thiêu trận đánh căn cứ Đắc Tô - Tân cảnh cho khách tham quan là một lần trong tôi lại trào dâng xúc động, sự hoài cảm khôn nguôi về một con người.


Tôi không cùng thế hệ nhưng xin được gọi bằng “Anh” để tưởng nhớ anh, một thời trai trẻ hào hùng.


Anh Nguyễn Đắc Lượng sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo vùng trung du Phú Thọ. Rời ghế nhà trường, anh xung phong nhập ngũ. Tạm biệt quê hương, gia đình, Nguyễn Đắc Lượng hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu trong đội hình “Lính xe tăng". Anh mang theo mình tình yêu và nỗi nhớ quê hương cùng những người thân yêu da diết. Nhưng miền Nam đau thương và anh dũng đang chờ những chàng trai như anh ra trận. Là người lính tuổi đôi mươi, anh xác định rõ trách nhiệm của mình, sẵn sàng cống hiến và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân mà quên đi hạnh phúc riêng mình. Tình yêu ấy, lý tưởng ấy quyện chặt trong anh; để những khi rảnh rỗi, anh lại gói vào những cánh thư, gửi về hậu phương, nơi những người thân đau đáu ngóng trông. Những lá thư vượt Trường Sơn, vượt qua bao nhiêu đèo cao, suối sâu, vực thẳm, vượt qua bom đạn ác liệt của kẻ thù, được đổi bằng máu của những chiến sỹ quân bưu mới đến được đất Bắc. Sự khốc liệt của chiến tranh đã làm cho những cánh thư đi về không trọn vẹn, chỉ có 3 lá thư tới đúng địa chỉ. Gia đình đón nhận, nâng niu, gìn giữ đến giờ. Anh Nguyễn Đắc Lực khi trao những bức thư này cho Bảo tàng Tăng thiết giáp đã nói: “Đó là kỷ vật cuối cùng của người em trai yêu quỷ của tôi”.


Thời gian trôi qua hơn một phần ba thế kỷ, những phong bì thư đã cũ sờn các góc, nhưng những nét chữ trong thư vẫn tươi nguyên màu mực, lá thư cuối anh viết cho người anh trai của mình vào ngày 31 tháng 10 năm 1971, khi đang ở chân dãy núi Trường Sơn. Nội dung thư mộc mạc, giản dị, chứa chan tình cảm của người chiến sỹ ở độ tuổi đôi mươi, nhưng ở đó toát lên một tinh thần lạc quan cách mạng, bản lĩnh và nghị lực, một ý chí và lý tưởng sống cao đẹp; những dòng thư ngắn ngủi anh viết tuy chưa nói hết những điều muốn nói, nhưng tôi biết, chứa đựng trong đó là đầy ắp ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, tình yêu quê hương cháy bỏng, ngọn lửa cách mạng nhiệt thành, bầu nhiệt huyết và con tim tha thiết được sống và hiến dâng giá trị đích thực của con người cho lý tưởng. Lý tưởng ấy luôn được thắp sáng và hun đúc bằng một niềm tin mãnh liệt, đó là đất nước nhất định độc lập, Bắc - Nam xum họp một nhà, trong niềm vui chung của dân tộc có niềm vui riêng của anh và gia đình.


Chúng ta hãy cùng đọc và suy ngẫm: “Anh yêu quý! Đơn vị em hiện đang ở chân dãy Trường Sơn, đợt này em đi cố thể đến ngày thống nhất đất nước em mới về. Lúc này giữa cánh rừng Trường Sơn bao la, em rất nhớ và muốn được về thăm quê hương và gia đình. Nhưng tuổi trẻ phải cống hiến và hy sinh, em và những đồng đội phải làm tròn nhiệm vụ Tổ quốc giao cho. Còn chuyện hạnh phúc riêng của em, em sẽ đợi đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn, lúc đố sẽ vui hơn rất nhiều anh nhỉ...”.


Anh viết lá thư này trước khi đơn vị bước vào trận đánh, đó là trận tiến công căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh mà anh linh cảm thấy sự khốc liệt và những mất mát, hy sinh...


Ngày 24 tháng 4 năm 1972, Nguyễn Đắc Lượng cùng kíp xe tăng mang số hiệu 377 thuộc Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn tăng 297, tham gia trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh. Sau khi quân ta thắng lợi giòn giã và làm chủ Tân Cảnh, trung đội 3 được lệnh tiến công căn cứ Đắc Tô 2. Kíp xe 377 dẫn đầu đội hình vượt qua nhiều đợt bắn phá ác liệt của máy bay địch, đến Đắc Tô 2 sớm nhất. Thấy xe tăng ta ít, quân địch trong căn cứ cho xe tăng ra phản kích. Với ý chí quyết tâm cao độ, lòng căm thù giặc đến tận xương tủy, xe 377 đã nhanh chóng làm chủ tình thế, lao thẳng vào đội hình xe tăng địch, bắn cháy liên tiếp 7 xe tăng M41, làm quân địch hoảng loạn, tạo thời cơ cho xe tăng và bộ binh ta tiến lên tiêu diệt địch và làm chủ căn cứ Đắc Tô 2. Nhưng cả kíp xe 377 đã anh dũng hy sinh, các anh đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ thân yêu khi tuổi đời còn rất trẻ.


Ngày cả nước tưng bừng mừng chiến thắng, ca khúc khải hoàn, người anh trai của anh giở lá thư cuối cùng ra đọc. Nước mắt anh đã thấm nhòe nét chữ, anh nhớ thương người em yêu quý mình... Tây nguyên được giải phóng, cuộc sống mới đã làm đổi thay diện mạo nơi đây. Những tòa nhà công sở, trường học, bệnh viện, những rừng cao su, cà phê bạt ngàn... Tây nguyên ngày càng giàu, đẹp. Tổ quốc không quên những người con cảm tử. Chiến công của anh cùng kíp xe tăng 337 đã hóa thành bất tử. Ngày 9 tháng 1 năm 2009, kíp xe 377 được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Ở một vị trí đẹp nhất của Kon Tum, chiếc xe tăng 377 được tôn vinh sừng sững giữa núi rừng. Ngàv ngày, các em học sinh và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đặt dưới chân tượng đài những bông hoa rừng thơm ngát với tấm lòng thành kính...


Một cựu chiến binh, sau khi đọc bức thư của liệt sỹ Nguyễn Đắc Lượng đã viết trong sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng “... Lá thư của liệt sỹ Nguyễn Đắc Lượng đã làm chúng tôi hết sức xúc động, bởi lẽ nội dung trong thư và trận đánh vào cân cứ Đắc Tô - Tân Cảnh đã đánh thức lý tưởng sống cao đẹp, biết gạt bỏ những ham muốn tầm thường để cống hiến, hy sinh trọn đời cho non sông đất nước".


Bạn Hoàng Trung Dũng, sinh viên trường Đại học Ngoại thương đã ngậm ngùi khi nghe giới thiệu về bức thư và xin được tận mắt đọc từng nét chữ trong thư, sau một hồi im lặng đã viết: “Tôi đã được học, được đọc, được nghe giảng rất nhiều về đạo lý cuộc sống, về chí khí quả cảm và những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dân tộc. Nhưng trên thực tế vẫn còn một số bộ phận trong xã hội đang sống vô trách nhiệm và thiếu bản lĩnh. Trong khi chúng ta hàng ngày kêu gọi sự đóng góp hảo tâm cho những người nghèo, những người nhiễm chất độc của chiến tranh, những gia đình đói rét do bão lũ gây ra. Cho đến hôm nay, khi được đọc bức thư của người chiến sỹ xe tăng cảm tứ thì tôi càng thêm tin rằng vẫn còn có những tâm hồn cao đẹp, biết cống hiến hết thảy đời mình cho Tổ quốc thân yêu như các liệt sỹ, thành viên kíp xe tăng 377. Cám ơn các chị, các anh Bảo tàng Tăng thiết giáp, cám ơn liệt sỹ Nguyễn Đắc Lượng, anh đã giúp tôi tìm lại chính mình, chúng tôi nguyện phấn đấu hết mình để thật xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh, mong rằng Bảo tàng tiếp tục là nơi để thế hệ trẻ chúng tôi soi mình trong đó”.


Đất nước đang trên đường đổi mới rất cần tài năng và trí tuệ của thế hệ trẻ. Những dòng suy nghĩ của bạn sinh viên và nội dung bức thư của Liệt sỹ Nguyễn Đắc Lượng có một sức mạnh lan tỏa mãnh liệt trong tôi, sức mạnh ấy đã cho tôi thêm nhiều lần cảm nhận sâu xa hơn về sự đồng cảm của các thế hệ, họ tôn trọng lịch sử, tôn trọng những giá trị đích thực của cuộc sống.


Bức thư đã góp phần tiếp thêm nghị lực, niềm tin và ý chí cho tôi và thế hệ trẻ hôm nay sống và cống hiến xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. Chúng tôi nguyện sẽ trân trọng và gìn giữ bức thư của anh như một trách nhiệm thiêng liêng khi được anh trao gửi.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:05:01 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2021, 02:28:39 pm »

NẮM CƠM CHƯA KỊP ĂN CỦA KÍP XE TĂNG ANH HÙNG


Lưu Hiếu Minh

   "Tôi gặp vầng than trong Bảo tàng truyền thống,
   Không, đó là nắm cơm của kíp xe đánh vào Tân Cảnh - Đắc Tô
   Các anh chưa kịp ăn khi mê mải diệt thù
   Hai bảy năm nắm cơm còn đó
   Lặng lẽ vào bất tử!...."



Đó là những xúc cảm của đồng chí Trọng Quyết trước nắm cơm cháy đen như than khi anh đến thăm Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp. Đó là nắm cơm chưa kịp ăn của những người chiến sĩ xe tăng trong trận chiến Đắc Tô - Tân Cảnh.


Nắm cơm cháy thành than là di vật còn lại của cả kíp xe đã lập công xuất sắc và anh dũng hy sinh trong trận Đắc Tô 2, mặt trận Tây Nguyên ngày 24 tháng 4 năm 1972. Kíp chiến đấu trên xe hôm đó gồm 4 thành viên: Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - Trung đội trưởng Trung đội tăng 3 - Trưởng xe; Đồng chí Cao Trần Vịnh - Lái xe; Đồng chí Nguyễn Đắc Lượng - Pháo thủ số 1 ; Đồng chí Hoàng Văn Ái - Pháo thủ số 2.


Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công căn cứ Tân Cảnh. Từ hướng đông bắc và tây bắc xe tăng ta nhanh chóng tiêu diệt các lô cốt, hỏa điểm sát cửa mở và yểm trợ lẫn nhau vượt qua các lớp hàng rào thép gai, dùng hỏa lực chi viện dẫn dắt bộ binh xung phong vào cứ điểm. Ta lần lượt đánh chiếm các vị trí quan trọng như khu cố vấn Mỹ, khu binh sỹ ngụy, Sở chỉ huy Trung đoàn 42 ngụy. Sự xuất hiện của một lực lượng lớn bộ binh tinh nhuệ và xe tăng ta đã khiến địch thực sự hoảng loạn. Bất chấp lệnh của quan thầy Mỹ, địch ở căn cứ Tân Cảnh đã vứt bỏ tất cả xe pháo rút chạy. Đến 8h ngày 24 tháng 4 năm 1972, quân địch ở căn cứ Tân Cảnh cơ bản bị tiêu diệt và bị bắt sống.


Trong lúc địch đang hoang mang vì mất Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định điều 1 trung đội xe tăng và 1 xe cao xạ 57 ly tự hành hiệp đồng với Trung đoàn bộ binh 1 đánh thẳng vào căn cứ Đắc Tô 2. Suốt nửa buổi sáng chiến đấu liên tục, không có thời gian chuẩn bị, cơm chưa kịp ăn, Trung đội tăng 3 gồm các xe 377, 354, 369 vừa củng cố đội hình cơ động, vừa nắm địch, bắt liên lạc hiệp đồng với bộ binh. Xe 377 dẫn đầu đội hình vọt lên với tốc độ cao, khéo léo di chuyển vượt qua các đợt ngăn chặn, đánh phá ác liệt của máy bay địch, tiếp cận mục tiêu sớm nhất. Quân địch trong căn cứ thấy quân ta chỉ có một xe tăng, không có bộ binh đi kèm liền cho 10 xe M41 chia làm 2 mũi bao vây xe 377. Lúc này, Xe 377 rơi vào tình thế vô cùng hiểm nghèo, một mình giữa vòng vây xe tăng địch. Nguyễn Nhân Triển đã hội ý chớp nhoáng với kíp xe và các anh đã đi đến quyết định đánh cảm tử. Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy xe 377 tả xung hữu đột, lao thẳng vào đội hình xe tăng địch bắn cháy liên tiếp 7 xe M41, làm địch rối loạn đội hình. Trong lúc hỗn chiến, xe 377 bị trúng đạn bốc cháy. Đúng lúc ấy xe 354 và 369 có bộ binh đi cùng kịp thời chi viện làm chủ căn cứ Đắc Tô 2.


Cụm căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh là tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở Bắc Tây Nguyên đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Tập thể xe 377 đã lập một kỷ lục, liên tiếp bắn cháy 07 xe tăng địch trong một trận đánh, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội Tăng thiết giáp trong chiến đấu.


Trận đánh kết thúc, đồng đội tìm thấy xe 377 đang bốc cháy giữa ngổn ngang xác xe tăng địch, cả kíp xe 4 người đã anh dũng hy sinh, hoá thân vào chiến thắng. Bên cạnh thi thể không còn nguyên vẹn của các anh, chỉ còn đó những nắm cơm đã cháy thành than mà các anh chưa kịp ăn giữa hai trận đánh. Thương tiếc khôn nguôi, đồng đội đã để các anh nằm lại với đất mẹ Tây Nguyên, với Đắc Tô - Tân Cảnh, nơi các anh đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Hơn 36 năm đã trôi qua kể từ ngày 24 tháng 4 năm ấy, các anh Triển, Ái, Lượng, Vịnh đã cùng bao đồng đội khác hóa thân vào đất mẹ, mãi mãi thanh xuân cùng điệp trùng hoa lá Tây Nguyên.


Với những thành tích đặc biệt xuất sắc ngày 9 tháng 1 năm 2009, Kíp xe tăng 377 đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Chiếc xe tăng 377 đã trở thành tượng đài chiến thắng trong lòng cán bộ chiến sỹ Tăng thiết giáp và đồng bào các dân tộc Tâỵ Nguyên, ở trung tâm huyện lỵ Đắc Tô, xe 377 đã được tôn vinh trong quần thể tượng đài chiến thắng. Nắm cơm cháy trong Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, di vật còn lại của kíp xe 377 là minh chứng về tinh thần kiên quyết tấn công tiêu diệt địch, “một xe cũng tiến công, một người cũng chiến đấu” thể hiện cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội xe tăng trong chiến đấu.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:05:28 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2021, 08:04:30 pm »

LÁ CỜ GIẢI PHÓNG VÀ XE K63 SỐ HIỆU R059
TRONG TRẬN ĐÁNH BẢO VỆ CẢNG CỬA VIỆT


Trung Anh



“... Đến thăm Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, qua những hình ảnh của Binh chủng, tôi rất xúc động hồi tưởng lại những ngày tháng phối thuộc với Đại đội 1 - Tiểu đoàn 66 - Trung đoàn Bộ binh cơ giới 202 tại cửa Việt. Những ấn tượng này có lẽ không bao giờ quên trong tâm tư, tình cảm của những người lính đã một thời cùng chia sẻ với nhau tại mảnh đất cửa Việt... Chính chiếc xe K63 số 059 đã cùng chúng tôi chiến đấu bảo vệ Cửa Việt từ đêm 28 đến rạng ngày 31 tháng 1 năm 1973...”.


Những dòng cảm tưởng nêu trên của đồng chí Lê Xuân Tường - cựu chiến binh Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 khi đến thăm Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, đã đưa chúng tôi, những nhân viên bảo tàng ngược dòng lịch sử. Trong trận chiến đấu chống quân ngụy lấn chiếm vùng giải phóng tại Cửa Viẹt, kíp xe K63 số hiệu R059, Đại đội 1, Tiểu đoàn 66, Trung đoàn bộ binh cơ giới 202 ngày 31 tháng 1 năm 1973, đã lập công xuất sắc và được ví như “dàn tên lửa 8 nòng". Trong trận đánh này, lá cờ giải phóng cùng kíp xe K63 số hiệu R059 đã làm nên một câu chuyện đầy thú vị.


Năm 1972, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn mặt trận với “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Nguyễn Huệ". Trên mặt trận Quảng Trị, địch bị đánh ở La Vang, Ái Tử, Đông Hà... Ta chọc thủng nhiều tuyến phòng ngự vững chắc đã làm cho tâm lý bại trận lan rộng từ sĩ quan tới binh lính ngụy.


Ngày 27 tháng 4 năm 1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 66 được lệnh tiến công địch tại làng Ngô Xá Đông, cầu Ba Bến. Lực lượng tham gia chiến đấu gồm 4 xe thiết giáp K63 số hiệu: R616; R612; R652; R625, tất cả các xe đều được phát một lá cờ giải phóng mới để cắm lên xe. Hôm ấy, mặc dù trời mưa to, nước sông chảy mạnh nhưng Đại đội 1 vẫn tổ chức cho các xe vượt sông Thạch Hãn an toàn. Lúc này, cờ giải phóng trên các xe đều bị ướt và rũ xuống, nhận thấy điều đó, kíp xe 616 bàn bạc với nhau: “Để lá cờ ướt như vậy, khi chiến đấu cờ không tung bay được sẽ làm mất đi khí thế hùng dũng của xe ta” và thống nhất thay bằng lá cờ giải phóng khác. Đồng chí Nguyễn Văn Nương - Trung đội phó trưởng xe, được giao nhiệm vụ giữ lá cờ bị ướt. Nâng niu và trân trọng, đồng chí Nương cất lá cờ vào túi cá nhân của mình thật cẩn thận.


Ngày 28 tháng 4 năm 1972, kíp xe R616 cùng các lực lượng khác tham gia phản kích đánh địch và lập công xuất sắc: diệt 50 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, thu hồi 1 xe M113, riêng đồng chí Nương bắn cháy 1 xe tăng M41 của địch.

Sau trận đánh, đồng chí Nguyễn Văn Nương người được giao nhiệm vụ giữ lá cờ của xe 616 bị thương nặng và được chuyển về tuyến sau, lúc này Đại đội J được tăng cường thêm một số xe K63 và xe cao xạ tự hành 23mm để tăng cường sức chiến đấu. Sau một thời gian điều trị, đồng chí Nguyễn Văn Nương đã trở về đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu và được biên chế vào kíp xe K63 số 059 với vị trí trưởng xe.


Những ngày cuối tháng 1 năm 1973, Đại đội 1 được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Trung đoàn 101, Sư đoàn bộ binh 325 lập các chốt phòng thủ tại cảng Cửa Việt để chặn đứng các cuộc lấn chiếm đất của địch. Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Nương đã lấy lá cờ giải phóng của xe 616 mà anh vẫn cất giữ, treo lên vách hầm nơi đơn vị đóng quân tại xóm Mồ - Triệu Phong- Quảng Trị. Từ ngày 27 tháng 1 đến 30 tháng 1 năm 1973,   Đại đội 1 đã chiến đấu kiên cường cùng các đơn vị bạn bẻ gãy nhiều cuộc tấn công quy mô lớn, với nhiều xe tăng của địch. Đến cuối ngày 31 tháng 1, các xe trong đơn vị đã bị địch bắn hỏng, bắn cháy, Đại đội 1 chỉ còn lại 1 xe thiết giáp K63 số R059 còn chiến đấu được và 1 pháo cao xạ tự hành 23 mm bị hỏng máy. Với tinh thần quyết tâm “còn một xe, một người cũng tiến công”, Đại đội 1 và đơn vị bộ binh đã thống nhất phương án đánh địch: “Dùng xe 059 chở 8 xạ thủ B40, dưới sự chỉ viện của hỏa lực pháo binh, dùng tốc độ cao, lao vào giữa đội hình địch, các chiến sĩ sử dụng B40 sẽ ra ngoài tiêu diệt xe tăng địch”. Để thể hiện quyết tâm đó, trung đội phó Nguyễn Văn Nương đã tháo lá cờ trên vách hầm xuống và treo lên ăng ten trên xe R059, lá cờ giải phóng tung bay trước gió như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1.


5 giờ 30 phút ngày 31 tháng 1 năm 1973, các loại hỏa lực pháo binh, tên lửa chống tăng của ta khai hỏa bắn phá vào đội hình địch. Một số xe tăng địch bốc cháy làm cho bộ binh của chúng hoảng loạn, một số bị tiêu diệt, một số chui vào hầm tránh đạn. Cùng lúc đó, xe R059 được lệnh xuất kích, đồng chí lái xe điều khiển xe chạy dích dắc để tránh đạn, rồi lao thẳng vào đội hình 35 chiếc xe tăng địch, các chiến sĩ trên xe lao xuống, nâng súng xiết cò, 8 quả đạn B40 thiêu cháy ngay lập tức 5 xe tăng địch. Một xe tăng M48 của địch quay nòng pháo chĩa vào xe 059 nhả đạn, lái xe Vũ Văn Nhật chuyển hướng đột ngột làm quả đạn đi sượt thành xe. Mất mục tiêu, tên lái xe của địch nâng cửa lái lên để quan sát, ngay lập tức xạ thủ 12ly7 trên xe 059 quét một loạt đạn làm tên địch chết úp mặt trên cửa lái, chiếc xe đứng khựng lại, bọn địch trong xe nhốn nháo mở cửa tìm đường thoát thân. Chớp thời cơ, lái xe Vũ Văn Nhật đề nghị trưởng xe Nguyễn Văn Nương cho lên cướp xe tăng M48 của địch. Giao cần lái cho trưởng xe, bất chấp đạn bay dày đặc, anh nhảy lên rút lá cờ giải phóng trên xe mình, cùng đồng đội lao sang cắm lên tháp pháo chiếc xe tăng M48, nhìn các chiến sĩ của ta súng trong tay sẵn sàng nhả đạn, những tên địch trong xe run sợ giơ tay xin hàng. Với kinh nghiệm học hỏi được, anh nổ máy cho xe quay lại và rú ga lao lên với tốc độ cao. Bọn địch hoảng sợ bỏ chạy, chớp thời cơ, xe 059 cùng các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 101 thừa thắng xông lên, tiến công như vũ bão, đánh vào Sở chỉ huy lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ngụy, diệt tên lữ đoàn phó. Sau trận đánh, lái xe Vũ Văn Nhật đã điều khiển chiếc xe tăng M48 kéo về cho đơn vị thêm 3 xe tăng chiến lợi phẩm nữa. Tập thể xe K63 số hiệu R059 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Hai.


Giờ đây, mỗi lần đến Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, khách tham quan như được sống lại trong không khí của cuộc chiến đấu bảo vệ vùng đất Cửa Việt năm xưa qua câu chuyện như huyền thoại mà có thật về lá cờ giải phóng cùng kíp xe R059 và những chiến công xuất sắc của Đại đội 1 - Tiểu đoàn 66 - Trung đoàn bộ binh 202 do các hướng dẫn viên kể lại. Những hiện vật lịch sử đó vừa là bài học kinh nghiệm quý báu về sự dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, tinh thần kiên quyết tiến công địch và giành chiến thắng của thế hệ cha anh, đồng thời là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tăng thiết giáp mai sau phấn đấu, rèn luyện không ngừng, cùng nhau viết tiếp những trang sử vẻ vang của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam Anh hùng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:06:27 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2021, 08:06:19 pm »

BẢN BÁO CÁO
“TRẬN PHẢN KÍCH TIÊU DIỆT ĐỊCH TẠI CẢNG CỬA VIỆT”


Thảo My


Tại Đại hội thi đua quyết thắng Binh chủng Thiết giáp năm 1974, đồng chí Thượng úy Hoàng Ngọc Thành - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 66 bộ binh cơ giới - Trung đoàn 202 đã vinh dự thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 66 và Đại đội 1 -   Tiểu đoàn 397 - Trung đoàn tăng 203 đọc bản báo cáo “Trận phản kích tiêu diệt địch lấn chiếm trái phép cảng Cửa Việt". Nội dung bản báo cáo là toàn bộ diễn biến, kết quả, ý nghĩa quá trình chuẩn bị và tham gia chiến đấu diễn ra từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 1 năm 1973 và những thành tích của đơn vị trong trận đánh này.


Cảng Cửa Việt nằm ở phía đông vùng giải phóng Quảng Trị, là đầu mối giao thông đường thủy trọng yếu, một vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế. Từ giữa tháng 1 năm 1973, địch đã sử dụng máy bay đánh phá ác liệt ra khu vực Quảng Trị nhằm lấn chiếm để khống chế đường tiếp vận của ta, nhưng chúng đã bị bộ binh, pháo binh ta chặn đánh thiệt hại nặng phải co cụm lại. Mặc dù bị tổn thất nhưng chúng vẫn tập trung một lực lượng lớn, âm mưu tạo thê bất ngờ tiến công ngay trong đêm 27 rạng ngày 28, trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực. Từ đêm 27 tháng 1 địch dùng pháo binh, máy bay, xe tăng thiết giáp và lực lượng lính thủy đánh bộ hòng chiếm phía Nam cảng Cửa Việt theo đường biển. Cảnh giác cao trước âm mưu của kẻ thù, Tiểu đoàn 66 bộ binh cơ giới thuộc Trung đoàn xe tăng 202 được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 101 - Sư đoàn bộ binh 325, Tiểu đoàn 47 và Tiêu đoàn 10 - Sư đoàn bộ binh 320 sẵn sàng tiêu diệt địch bảo vệ vững chắc vùng giải phóng bắc và nam Cửa Việt. Được lệnh nổ súng, Tiểu đoàn 66 bộ binh cơ giới đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh chiến đấu liên tục, bẻ gãy 6 đợt tiến công của chúng, bắn cháy 15 xe tăng thiết giáp, diệt 200 tên địch, bắn rơi 1 máy bay.


Đêm 30, Đại đội tăng 1 Trung đoàn xe tăng 203 được tăng cường cho Tiểu đoàn 66 bộ binh cơ giới tiêu diệt địch ở bờ nam Cửa Việt. Với cách đánh thọc sâu táo bạo, chia cắt đội hình địch trong thời gian ngắn. 12 giờ 30 phút ngày 31 tháng 1, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt. Cuộc hành quân lấn chiếm của quân ngụy ra cảng Cửa Việt bị đập tan, ta giành thắng lợi giòn giã, diệt và bắt 2530 tên, phá hủy và thu 125 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 5 máy bay. Riêng Tiểu đoàn 66 bộ binh cơ giới và Đại đội tăng 1 - Trung đoàn xe tăng 203 đã diệt và thu 26 xe tăng, xe bọc thép của địch.


Trận phản kích cảng Cửa Việt là một trận đánh thắng lợi trọn vẹn, triệt để, tiêu diệt nhiều sinh lực và vũ khí trang bị của địch, giữ vững và bảo vệ được khu vực có tính chất quan trọng về quân sự, chính trị và kinh tế, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiếm lại vùng mới giải phóng của ta.


Đánh giá thành tích của Tiểu đoàn 66 bộ binh cơ giới trong Hội nghị cán bộ tháng 2 năm 1973, Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 320 nhận xét “Tiểu đoàn 66 Bộ binh cơ giới là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận cửa Việt”.


Với những thành tích đã đạt được, Đại đội 1 - Tiểu đoàn 66 bộ binh cơ giới được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ngày 23 tháng 9 năm 1973.


Bản báo cáo “Trận phản kích tiêu diệt địch lấn chiếm trái phép cảng Cửa Việt” đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp với số đăng ký 494/Gi90.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:07:02 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2021, 08:07:32 pm »

CHIẾC XE TĂNG MANG SỐ HIỆU 985
BlỂU TƯỢNG CỦA CHIẾN THẮNG BUÔN MA THUỘT


Trần Thanh Hằng


Cứ vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm chiến thắng mùa xuân năm 1975, những người chiến sỹ xe tăng thuộc Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn tăng 273 năm xưa lại về Hà Nội tề tựu đông đủ bên chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 985 đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong trận đánh điểm huyệt vào Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, xe 985 đã gắn với tên tuổi Trung đội trưởng Nguyễn Hải Phòng, lái xe Giang Văn Thanh, trưởng xe Mai Trọng Hoạt, lái xe Phùng Văn Tính... Ký ức xa xưa dội về, họ bồi hồi nhớ lại thủa nào.


Ngày 17 tháng 1 năm 1975, xe tăng 985 trong đội hình Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn 2, được lệnh hành quân xuống phía nam Tây Nguyên, chuẩn bị cho trận đánh lớn. Lái xe, pháo thủ khẩn trương lo thu xếp chuẩn bị, xe được lau chùi, bơm dầu mỡ, nguỵ trang kín đáo. Đạn pháo cũng được cố định thêm 10 viên, nâng tổng số đạn mang theo trong xe là 44 viên. Để chuẩn bị cho chặng đường hành quân với chiều dài 300 km, anh em có sáng kiến lấy thùng lương khô lót nilon rồi đổ nước vào, nâng lượng nước dự trữ cho người và xe lên 120-150 lít, ngoài ra còn chuẩn bị gạo, thực phẩm đảm bảo đủ ăn đường.


Dạo đó là mùa khô, để tránh máy bay địch ban ngày họ dừng chân bên cánh rừng khộp bạt ngàn nhưng trụi lá bởi chất độc hóa học của Mỹ. Suối khe quanh vùng khô cạn, nước dự trữ mang theo cũng vơi dần, những chiếc bi đông đã dốc ngược, cái khát như làm cháy cổ họng. Trên đầu, máy bay địch rà đi, rà lại, ngó nghiêng tìm mục tiêu. Dưới đất, bọn thám báo, biệt kích nống ra đánh hơi thăm dò. Kỷ luật hành quân được trên phổ biến rất nghiêm ngặt, nên không ai hút thuốc, không dùng điện đài liên lạc. Ngày nghỉ, đêm hành quân, những chiếc xe lầm lũi đi trong đêm tối, bánh xích lần mò trên những con đường mới mở. Họ phải khắc phục cái nắng, cái khát, cái đói, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, xóa sạch dấu vết củi lửa, dấu bánh xe lăn trên đường với phương châm: “Đi không dấu, nấu không khói". Cuối tháng 2, họ đã đến địa điểm tập kết tại buôn La vằn, cách Buôn Ma Thuột 80 km về phía bắc.


Đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng 3, xe tăng 985 cùng đại đội tăng 4 được lệnh xuất kích tiến vào vị trí tập kết ở bắc Ia Tui, Buôn Dung, cách Buôn Ma Thuột 40 km về phía bắc. Đúng 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, cuộc tiến công vào mục tiêu then chốt bắt đầu. 5 giờ 30 phút ngày 10 tháng 2, trong khi pháo của ta nã đạn vào các mục tiêu của địch trong thị xã, pháo binh nổ súng đè đầu quân địch xuống, từ 4 hướng, xe tăng, xe thiết giáp của ta bật đèn, tăng tốc vượt rừng tiến vào thị xã.


Từ hướng Đông Bắc, xe tăng 985 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Kiều Văn Cẩm, hiệp đồng với các lực lượng của Trung đoàn bộ binh 95B, vượt qua khu vực sân bay, đánh chiếm Ngã Sáu. Tại đây, địch huy động bộ binh, xe tăng phản kích mãnh liệt. Xe tăng 985 của ta dũng mãnh xông lên cùng bộ binh chiếm được Ngã Sáu và tiến vào tiểu khu Đắc Lắc, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, ta và địch giằng co nhau từng tấc đất, phải 3 lần tổ chức đột kích mới đánh chiếm được mục tiêu được giao. 15 giờ, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, cờ giải phóng tung bay trên tiểu khu Đắc Lắc báo tin chiến thắng.


Chiếm được tiểu khu Đắc Lắc, xe tăng được lệnh quay trở lại Ngã Sáu cùng đặc công đánh địch phản kích. 19 giờ, khu vực này đã im tiếng súng. Ngày mở màn chiến dịch kết thúc thắng lợi, xe tăng và bộ binh đánh chiếm được phần lớn thị xã Buôn Ma Thuột, trừ sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.


Sáng ngày 11 tháng 3, trên hướng Đông Bắc, Đại đội tăng 4 gồm các xe 982, 987, 988, 985 chia thành 2 mũi, hiệp đồng với 2 tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 95B từ Tiểu khu Đắc Lắc đánh sang hậu cứ của Sư đoàn 23 ngụy. Tại đây, các mũi tiến công của ta bị máy bay và bộ binh địch ngăn chặn, chống trả quyết liệt, xe tăng 982 bị địch bắn hỏng, pháo thủ trên xe bị thương nặng và nhiều chiến sỹ bộ binh đã hy sinh, thông tin liên lạc giữa các xe bị mất, trận đánh gặp nhiều khó khăn, xe tăng 985 cùng 3 xe còn lại của Đại đội 4 được lệnh quay trở về vị trí tạm dừng.


Đến 10 giờ ngày 11 tháng 3, sau khi củng cố, xốc lại đội hình, xe tăng 985 cùng 2 xe của Đại đội tăng 4 chia thành 2 mũi, phối hợp với bộ binh tiến công. Ở mũi tiến công phía nam trường tiểu học Nguyễn Du, chiến sự diễn ra ác liệt, bộ binh và xe tăng nhiều lần tổ chức xung phong nhưng địch chống trả quyết liệt, hai xe tăng 988, 982 bị trúng đạn, hỏng nặng, nhiều đồng chí trên xe bị thương, hy sinh. Trong tình thế hiểm nghèo, xe tăng 985 do Trung đội trưởng Nguyễn Hải Phòng chỉ huy đảm nhiệm mũi tiến công phát triển theo đường 14, vượt qua bom đạn địch tiến thẳng về phía cổng chính của Sư đoàn bộ binh 23 ngụy, dùng pháo tăng diệt 1 xe M-113 ra ngăn chặn, tạo điều kiện cho bộ binh ta xông lên tiêu diệt địch. Cùng lúc đó, xe tăng của Đại đội tăng 9 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng từ phía tây lao tới, bắn phát đạn pháo phá sập một góc cổng chính rồi dùng sức mạnh xô đổ cổng sắt, bộ binh và xe tăng từ các mũi ào vào, đánh chiếm những mục tiêu bên trong của căn cứ Sư đoàn 23 ngụy.


11 giờ ngày 11 tháng 3 năm 1975, quân địch ở thị xã Buôn Ma Thuật bị tiêu diệt hoàn toàn, ta làm chủ trận địa. Trận đánh đòn điểm huyệt thắng lợi, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, ống kính của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã kịp chớp được hình ảnh xe tăng 985 tiến vào cổng chính căn cứ Sư đoàn 23 ngụy, bức ảnh được lan truyền khắp thế giới, trở thành niềm tự hào của những người lính xe tăng.


Mới ngày nào, khi đang làm nhiệm vụ phòng thủ nam Quân khu 4, đóng quân ở huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình, họ được lệnh lên đường vào chiến trường Tây Nguyên, tính đến nay đã trên 30 năm. Họ không thể nào quên ngày 3 tháng 2 năm 1973, tại một góc rừng săng lẻ, huyện 67, tỉnh Kon Tum, chứng kiến giờ phút long trọng lễ thành lập Trung đoàn xe tăng 273 mang bí danh là Đoàn Sơn Lâm, theo quyết định số 442/QĐ. Đồng chí Lê Ngọ là Trung đoàn trưởng, Chính ủy là đồng chí Mai Sinh Giá, các đồng chí Trung đoàn phó, Phó chính ủy Trung đoàn Đỗ Phùng, Vũ Đình Tư.


Giờ đây cứ mỗi lần gặp nhau, họ đều ôn lại những chiến công vang dội trên chiến trường Tây Nguyên, nhớ lại những năm tháng sống chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ... Nhớ lại đồng đội của mình đã ngã xuống vì sự bình yên cho đất nước. Họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi, tay bắt mặt mừng sung sướng, nhìn những tấm huân chương trên ngực áo, họ tự hào là người lính xe tăng đã có một phần đóng góp vào chiến công chung của dân tộc.


Chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 985, sau khi đã lập nên những chiến công góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng Sài Gòn đưa non sông về một mối, nay trở thành hiện vật bảo tàng, mãi mãi sống với thời gian và tên tuổi của những người lính xe tăng ngày ấy.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 11:07:36 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM