Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 11 Tháng Mười Hai, 2023, 10:20:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ đội Tăng thiết giáp qua những kỷ vật lịch sử  (Đọc 3144 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« vào lúc: 12 Tháng Tám, 2021, 10:52:32 am »

Tên sách: Bộ đội Tăng thiết giáp qua những kỷ vật lịch sử
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2009
Số hoá: ptlinh, quansuvn


Chỉ đạo nội dung
   ĐẢNG ỦY, BINH CHỦNG TĂNG THIẾT GIÁP

Tổ chức thực hiện
   CỤC CHÍNH TRỊ BINH CHỦNG TĂNG THIẾT GIÁP

Ban biên soạn:
   Đại tá TRỊNH ĐÌNH SINH
   Đại tá LÊ VĂN VIỆT
   Thượng tá NGUYỄN VĂN HƯNG
   Đại úy MAI THỊ NGỌC

« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:10:22 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 01:39:35 pm »

LỜI GIỚI THIỆU


Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mà thường xuyên trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, lực lượng Tăng thiết giáp đã trở thành một Binh chủng chiến đấu hùng mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Việt Nam, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Tăng thiết giáp đã xây đắp nên truyền thống Binh chủng anh hùng “Đã ra quân là đánh thắng” lập nhiều chiến công xuất sắc trong các trận đánh then chốt và chiến dịch lớn như: Tà Mây - Làng Vây; Đường 9 - Nam Lào; Quảng Trị; Đắc Tô - Tân Cảnh; Lộc Ninh; Cửa Việt; Phước Long; Buôn Ma Thuột, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.


Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bộ đội Tăng thiết giáp không ngừng đề cao cảnh giác cách mạng, khắc phục khó khăn, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.


50 năm qua, lực lượng Tăng thiết giáp đã có 34 lượt tập thể và 11 cá nhân được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ” trong đó có 9 tập thể được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ đổi mới. Binh chủng đã được tặng thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 4 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba. Ngoài ra còn có hơn 2.000 đơn vị và nhiều cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại.


Nhân kỷ niệm 50 năm truyền thống bộ độiTăng thiết giáp, để tôn vinh những chiến công của bộ đội Tăng thiết giáp và tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã không tiếc máu xương đóng góp cho sự nghiệp giải phóng và xây cìựng bảo vệ Tổ quốc. Binh chủng Tăng thiết giáp lựa chọn và giới thiệu 50 hiện vật được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, trong cuốn “Bộ đội Tăng thiết giáp qua những kỷ vật lịch sử” mỗi hiện vật là một câu chuyện kể cảm động, phản ánh khái quát những chiến công, những tấm gương tiêu biểu của bộ đội Tăng thiết giáp trong xây dựng và chiến đấu, về tình quân dân thủy chung son sắt và tình cảm quốc tế cao đẹp.


Hy vọng cuốn sách “Bộ đội Tăng thiết giáp qua những kỷ vật lịch sử” sẽ góp phần giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, truyền thống anh hùng của bộ đội Tăng thiết giáp nói riêng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; khơi dậy, tiếp thêm niềm tin, ý chí cho thế hệ trẻ hôm nay, động viên và khích lệ họ viết tiếp trang sử vẻ vang đó bằng những thành tích mới, chiến công mới của bộ đội Tăng thiết giáp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Trong quá trình biên soạn mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng các thông tin vê hiện vật có thể còn chưa thật đầy đủ, rất mong nhận được nhiều ỷ kiến bổ sung, đóng góp của các đồng chí và các bạn cho cuốn sách ngày càng hoàn chỉnh.


Nhân dịp cuốn sách được xuất bản, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp xin chân thành cảm ơn: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội và các thế hệ cán bộ chiến sĩ Tăng thiết giáp đã giúp đỡ cung cấp thông tin, tư liệu, hiện vật để cuốn sách được hoàn thành.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


ĐẢNG ỦY, BINH CHỦNG TĂNG THIẾT GIÁP
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 01:40:25 pm »

CHIẾC HUY HIỆU “VẬN ĐỘNG VIÊN CẤP 2”
CỦA NHỮNG HỌC VIÊN XE TĂNG VIỆT NAM ĐẦU TIÊN

Lê Hải Minh



Vào một ngày đầu thu năm 2006, chúng tôi đến thăm nhà bác Đào Văn Bàn tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bác từng là một trong những học viên đầu tiên của quân đội ta được cử sang học tập tại trường xe tăng Số 4 ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc và được nhà trường trao tặng Huy hiệu "Vận động viên cấp 2". Chiếc huy hiệu này bác Bàn tặng cho Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp từ những ngày đầu mới thành lập. Chúng tôi đến gặp bác chính vì kỷ vật này.


Bác đon đả mời chúng tôi uống nước. Nhìn nước da đỏ hồng săn chắc và dáng vẻ nhanh nhẹn của bác, chúng tôi tấm tắc khen:

- Bác ơi! Ở tuổi 74 như bác mấy ai có được. Những cán bộ thời kỳ đầu của Binh chủng ta mà còn khoẻ như bác là quý nhất đấy ạ!

Bác Bàn cười cởi mở:

- Vâng! Theo quan niệm dân gian thì đó là nhờ giời, còn thực tế là do bản thân chịu khó lao động, luyện tập thể dục thể thao. Tôi sinh năm 1933 tại quê hương Hà Nam, khi xưa là vùng đồng chiêm trũng, vì thế tôi biết bơi từ khi mới lên 3 tuổi. Sau này vào bộ đội, trải qua hơn 40 năm quân ngũ, lúc thì học tập ở trường, khi thì chiến đấu ngoài mặt trận, dù ở môi trường nào tôi cũng có ý thức tự rèn luyện sức khoẻ.


Huy hiệu “Vận động viên cấp 2” của đồng chí Đào Văn Bàn, một trong những học viên Việt Nam đầu tiên của Quân đội ta được cử sang Trung Quốc học về Tăng thiết giáp.

Chúng tôi háo hức đề nghị bác kể về quá trình rèn luyện để đạt được danh hiệu “Vận động viên cấp 2” bác cùng đồng đội, trong những tháng ngày đầu tiên học tập về kiến thức xe tăng trên đất bạn!

Khuôn mặt rặng rỡ, ánh mắt sáng lên niềm tự hào, bác Đào Văn Bàn say sưa kể:

Từ giữa năm 1955, Đảng ta đã có chủ trương cử cán bộ sang đào tạo tại Trung Quốc để chuẩn bị cho sự ra đời của lực lượng Tăng thiết giáp Việt Nam, tôi rất vinh dự đã được lựa chọn để tham gia khóa học đầu tiên ấy.


Mục tiêu của chúng tôi khi được cử sang Trung Quốc học tập là làm sao trong thời gian ngắn nhất, tiếp thu được nhiều nhất những kiến thức về Tăng thiết giáp để về nước xây dựng lực lượng. Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ để không phụ lòng tin của Đảng và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân đội giao cho.


Lúc mới sang Trung Quốc, Đoàn học viên Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất là thời tiết khí hậu khắc nghiệt; nhất là về mùa đông nhiệt độ thường xuống dưới 0°c. Do chưa quen khí hậu nên các học viên của ta thường bị cảm cúm và đau khớp, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập. Trước tình hình đó, bạn đã đưa ra một chương trình luyện tập, nâng cao trình độ và rèn luyện thể chất cho học viên Việt Nam. Bước đầu chúng tôi phải tự rèn luyện để ổn định sức khỏe, sau đó phải thực hiện nghiêm ngặt theo chương trình quy định với khối lượng và cường độ cao, mục tiêu cuối cùng là phải đạt được tiêu chuẩn vận động viên cấp 1 rồi vận động viên cấp 2.


Xác định việc rèn luyện thể thao chính là yếu tố cơ bản để có sức khỏe đáp ứng nhiệm vụ học tập nên tôi đã tham gia tích cực, nhất là các môn xà đơn, xà kép, nhảy cao, nhảy xa, chạy đường dài, bóng chuyền, bóng rổ. Cũng nhờ luyện tập thể thao mà tôi đã làm quen dần với khí hậu mùa đông khắc nghiệt ở thành phố Từ Châu, khắc phục được bệnh viêm khớp dạng thấp, vì thế tôi thường xuyên đạt kết quả tốt trong huấn luyện đào tạo, nhất là môn lái xe tăng và thông tin vô tuyến điện, tôi đã đạt trình độ cấp 2.


Tồi nhớ mãi những ngày nắng ấm, cứ đến giờ thể thao là chúng tôi rủ nhau đi tập môn nhảy xa theo tiêu chuẩn vận động viên cấp 1 và cấp 2 của bạn. Mới đầu, kết quả không mấy khả quan, học nhảy xa rất khó, ai nhảy tốt lắm cũng chỉ được hơn 3m, không đạt được tiêu chuẩn, tuy vậy chúng tôi vẫn kiên trì bảo nhau phải cố gắng rèn luyện để có sức khỏe mà học tập. Với ý chí quyết tâm cao và sự nỗ lực rèn luyện, năm 1957 tôi đạt tiêu chuẩn vận động viên cấp 1, năm 1958 đạt tiêu chuẩn vận động viên cấp 2, 100% học viên Việt Nam đạt được tiêu chuẩn vận động viên cấp 1, hơn 20% đạt tiêu chuẩn vận động viên cấp 2. Tiêu chuẩn vận động viên cấp 2 lúc bấy giờ do nước bạn quy định, ngoài việc đạt loại giỏi các môn phối hợp, học viên phải đạt thành tích nhảy xa từ 5m trở lên. Nói thì dễ vậy nhưng để làm việc đó chúng tôi phải khổ công rèn luyện rất nhiều.


Cùng chế độ học tập và rèn luyện như nhau, nhưng trình độ và sức khoẻ của đoàn học viên Việt Nam hơn hẳn học viên nước bạn. Cán bộ chiến sỹ của chúng ta đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực học tập và rèn luyện để vừa có kiến thức, vừa có sức khoẻ, vì thế học viên của ta đã hoàn thành tốt chương trình học tập ở nước bạn.


Kể đến đây, bác nheo nheo mắt, nhớ lại kỷ niệm cũ: Hơn 40 năm trong quân ngũ, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm, nhưng những năm tháng học tập trên đất bạn Trung Quốc đã để lại những ký ức thật khó quên. Chiếc huy hiệu “Vận động viên cấp 2” ấy có ý nghĩa rất lớn đối với tôi và các đồng chí học viên lúc bấy giờ. Nó thể hiện ý chí, quyết tâm của những người chiến sĩ xe tăng đầu tiên khi vinh dự được nhận nhiệm vụ mà quân đội giao cho.


Câu chuyên của bác kể làm chúng tôi thật sự xúc động. Chia tay bác lòng chúng tôi xen lẫn sự cảm phục và tự hào, những năm tháng ấy; ý chí, quyết tâm ấy là sự khởi đầu của trang sử vàng chói lọi mà bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam anh hùng đã viết nên trong nửa thế kỷ qua. Câu chuyện về những học viên xe tăng Việt Nam đã đạt được huy hiệu “Vận động viên cấp 2” trên đất bạn Trung Quốc sẽ được chúng tôi kể lại cho khách thăm quan; là điểm khởi nguồn cho những câu chuyên kể về những người chiến sĩ xe tăng năm xưa.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:11:02 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 01:41:09 pm »

TẤM BẰNG KHEN CỦA ĐỒNG CHÍ VŨ ĐỨC HÙNG


Nguyễn Thu Hiền


Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp hiện đang trưng bày tấm Bằng khen trong phong trào “Đại nhảy vọt”, đây là phần thưởng cao quý do Trường xe tăng số 4 quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tặng cho đồng chí Vũ Đức Hùng - nguyên là học viên kỹ thuật xe tăng đầu tiên của quân đội ta.


Vũ Đức Hùng sinh ra và lớn lên trên quê hương “Đất võ” Bình Định, năm 1954 nhập ngũ, là chiến sĩ bộ binh. Từ giữa năm 1955, nhiều cán bộ ưu tú trọng toàn quân được lựa chọn gửi về học tập tại Trường Văn hóa Quân đội, rồi được cử sang Trung Quốc học tập và trở thành một trong những chiến sĩ xe tăng đầu tiên của quân đội ta. Đồng chí tâm sự: “Được cử sang Trung Quốc học tập khóa đầu tiên, tôi cũng như tất cả đồng chí trong đoàn đều thấy rất vinh dự và phấn khởi, đồng thời cũng xác đinh đây là trọng trách, là nhiệm vụ lớn lao mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội tin tưởng giao cho.


Trong quá trình học tập ở Trung Quốc, đoàn học viên Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt, học tập, thời tiết, khí hậu... Nhưng với tinh thần yêu nước, vì Tổ quốc thân yêu, anh em đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ, luôn đạt thành tích cao trong học tập, luôn dẫn đầu trong mọi phong trào hoạt động của Nhà trường. Trong từng giai đoạn học tập đều có kiểm tra, cuối kỳ có thi sát hạch lấy bằng quốc gia cấp III, tất cả đều đạt loại giỏi. Nhà trường tiếp tục nâng chỉ tiêu huấn luyện cho học viên Việt Nam lên mức cao hơn, đó là thi tiêu chuẩn nhà nước cấp II: 100% đạt khá, giỏi. Từ đó động viên, khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, ra sức thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc. Trong kỳ thi sát hạch tiêu chuẩn quốc gia cấp I có 100% đạt giỏi.


Những năm đó, ở nước bạn đang phát động phong trào “Đại nhảy vọt”, phong trào đó đã được cụ thể hóa vào chương trình học tập của Nhà trường với các đợt thi đua cao điểm như: “Đạt thành tích học tập cao, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt". Đoàn học viên Việt Nam đã tích cực hưởng ứng và luôn dẫn đầu. Vũ Đức Hùng là một trong những học viên luôn đi đầu trong phong trào “Đại nhảy vọt”, lập nhiều thành tích xuất sắc trong các môn thi, nắm vững kỹ thuật, chiến thuật xe tăng, xe thiết giáp và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài, nhất là về chỉ huy kỹ thuật xe tăng. Ngoài việc học tập, đồng chí còn tích cực tham gia phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe, tăng gia sản xuất.


Để ghi nhận thành tích học tập và tình đoàn kết giữa quân đội hai nước Việt Nam - Trung Quốc, kết thúc khoá học nhà trường đã tổ chức lễ tuyên dương thành tích của đoàn học viên Việt Nam trong phong trào “Đại nhảy vọt” với sự đánh giá cao: “Tư tưởng dẫn đầu, tích cực, trách nhiệm, sở trường đi sâu nghiên cứu, nỗ lực học tập, thành tích vượt trội” và trao tặng Bằng khen cho đồng chí Vũ Đức Hùng cùng những học viên xuất sắc của Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí Vũ Đức Hùng còn được công nhận là học viên xuất sắc trong 5 môn quân sự. Đây là niềm vinh dự lớn của đồng chí cũng như của khóa học viên đầu tiên về chỉ huy - kỹ thuật xe tăng của quân đội ta.


Thành tích học tập đó đã có giá trị to lớn đối với mỗi học viên, cũng như quá trình hình thành, phát triển của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng xe tăng của ta chưa có điều kiện để xuất quân, nhưng với phương châm "Lấy xe địch đánh địch”, nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ Tăng thiết giáp được cử vào chiến trường tham gia chiến đấu. Trong thời gian này, đồng chí Hùng được giao phụ trách đội thu hồi, sửa chữa xe tăng lấy được của địch. Với kiến thức đã học ở Trung Quốc và thực tế chiến trường, đồng chí đã vận dung, nghiên cứu, ứng dụng, chỉ huy đơn vị sửa chữa nhiều xe tăng thu được của địch đưa vào huấn luyện và trang bị cho các đơn vị của ta tham gia đánh địch ở Xa Mát, Lộc Ninh trong chiến dịch Nguyễn Huệ - trên chiến trường miền Đông Nam Bộ giành thắng lợi to lớn.


Sau hơn 40 năm gìn giữ những kỷ vật quý giá của đời mình, ngày 27 tháng 5 năm 2003 đồng chí đã trao lại tấm Bằng khen cho Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp lưu giữ. Mỗi lần có dịp đến thăm Bảo tàng, đứng trước những kỷ vật đó, đồng chí không khỏi bồi bồi, xúc động, nhớ lại những năm tháng sống và học tập ở Trung Quốc. Những năm tháng ấy, tuy đầy gian nan vất vả nhưng rất đáng tự hào của thế hệ những người đặt nền móng đầu tiên xây dựng lực lượng Tăng thiết giáp Việt Nam Anh hùng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:11:53 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 01:42:23 pm »

CÂU CHUYÊN TỪ MỘT TẤM ẢNH LỊCH SỬ


Nguyễn Mai Hùng


Cầm tấm hình trên tay, theo địa chỉ đường Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi tìm gặp ông Dương Đằng Giang, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn xe tăng 202, người đã được Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiêm vụ khảo sát địa điểm xây dựng doanh trại cho đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Thấy chúng tôi đến, ông vui mừng như được gặp lại người thân qua bao ngày xa cách. Sau một hồi trò chuyên, chúng tôi đưa cho ông tấm ảnh, ông ngắm nhìn rất kỹ và quay sang nói: “Trong ảnh là những cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn xe tăng 202 và công nhân Công trường 92 của Bộ đang hăng hái lao động, xây dựng doanh trại cho đơn vị xe tăng đầu tiên tại thôn Hữu Thủ, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày đó cách đây đã gần nửa thế kỷ, mà sao cứ ngỡ như mới hôm qua, thật gian nan nhưng cũng tràn đầy tự hào và trách nhiệm". Câu chuyên của ông đã đưa chúng tôi về với không khí của những ngày đầu xây dựng.


Sau khi các khóa đào tạo về chỉ huy, kỹ thuật xe tăng tại Trung Quốc chuẩn bị kết thúc, để chuẩn bị mọi yếu tố cho việc xây dựng một doanh trại cho đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội ta. Theo sự chỉ đạo của Bộ, việc cấp thiết lúc này là nghiên cứu, xác định địa điểm xây dựng doanh trại cho đơn vị xe tăng. Thời điểm này, ông Dương Đằng Giang được cử về nước báo cáo tình hình với Bộ và được Bộ cử lên tỉnh Vĩnh Phúc tìm địa điểm xây dựng. Qua mấy ngày khảo sát, xem xét, nghiên cứu thực địa thấy khu vực núi Đinh thuộc xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trên trục đường từ Vĩnh Yên lên khu nghỉ mát Tam Đảo, giao thông thuận tiện, địa hình phù hợp cho xe tăng cơ động và huấn luyện kỹ, chiến thuật, bắn pháo tăng, đồng thời giữ được bí mật, có điều kiện để chăm sóc bảo dưỡng xe máy và nuôi giấu bộ đội. Về yêu cầu quân sự thì nơi đây thật lý tưởng cho việc xây dựng doanh trại chính quy của quân đội, vì vậy khu vực núi Đinh được Bộ chấp nhận.


Tháng 8 năm 1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập công trường 92 để thực hiện nhiệm vụ xây dựng doanh trại cho đơn vị xe tăng đầu tiên. Dự kiến thiết kế gồm: khu sinh hoạt, khu kỹ thuật, kho xe, xưởng sửa chữa, khu giảng đường (khoảng 20 lớp học). Ngoài ra còn xây dựng được bãi bắn nhỏ, có sườn núi Đinh làm khối chắn, bãi tập lái và bãi chiến thuật phân đội.


Lúc này, cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 202 lần lượt về nước đảm nhận xây dựng cơ sở vật chất cho huấn luyện. Để khắc phục khó khăn trước mắt, bộ đội ta đã dựng lán để ở và kết hợp ở nhờ nhà dân. Nhân dân thôn Hữu Thủ, xã Kim Long rất yêu quý bộ đội xe tăng, chăm lo từng bát cơm, củ sắn, bát nước chè xanh, cổ vũ động viên tinh thần lao động của bộ đội, tình cảm quân dân gắn bó ngày một nhân lên, sâu sắc và bền chặt.


Để việc xây dựng doanh trại hoàn thành, kịp đón nhận những chiếc xe tăng do Liên Xô viện trợ, toàn Trung đoàn đã lao động khẩn trương cả ngày lẫn đêm, phát cây, san đất, đào hào, mỗi người một nhiệm vụ, tiếng cuốc xẻng, tiếng cười nói râm ran suốt đêm cứ như những giàn nhạc giao hưởng rộn ràng chào đón một sự kiện trọng đại sắp đến. Tiến độ xây dựng ngày một gấp rút, khí thế thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất, từng bước kiến tạo cảnh quan, môi trường, hướng về chào mừng Đại hội Đảng bộ Trung đoàn lần thứ nhất và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.


Đầu năm 1964, một số công trình lớn tuy đã được hoàn thành, nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Trung đoàn vừa xây dựng, vừa tổ chức các đoàn cán bộ, chiến sỹ vào Nam nghiên cứu chiến trường, nghiên cứu cách lấy xe địch đánh địch, đồng thời chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng phối hợp với bộ đội phòng không chống các cuộc không kích của máy bay Mỹ trên miền Bắc. Toàn Trung đoàn thực sự sôi động, mỗi người làm việc bằng hai, vừa xây dựng vừa trực tiếp tham gia huấn luyện, kể cả những khi mưa dầm nắng gắt cũng không làm giảm cường độ và tinh thần hăng say lao động với ý chí quyết tâm cao, tất cả hướng ra tiền tuyến.


Trải qua gần 5 năm lao động khẩn trương, liên tục, khu doanh trại chính quy đã hoàn thành, với tổng diện tích 22.540m2 có khu sinh hoạt, khu lớp học kỹ thuật, chiến thuật, thông tin, pháo, kho, xưởng, trường bắn, bãi lái, trạm bơm nước. Xung quanh các dãy nhà có cây xanh bao phủ, lối đi rải nhựa. Đó là kết quả của quá trình lao động liên tục. Biết bao mồ hôi, công sức và tâm lực của công nhân Công trường 92 và cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn đã đổ xuống cho một cơ sở quân sự ra đời. Khu doanh trại được hoàn thành không những góp phần ổn định nơi ăn, chốn ở của bộ đội mà còn tạo điều kiện nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng đơn vị chính quy, bảo đảm cho việc quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại sắp tới.


Khép lại câu chuyện, đọng mãi trong tôi hình ảnh về lực lượng công nhân Công trường 92 và những người lính xe tăng hăng hái lao động quên mình, biểu hiện khát vọng mãnh liệt cho một cái “nôi” của đội quân chiến đấu, hiện đại và đầy sức mạnh. Mảnh đất trung du, nơi có rừng cọ, đồi chè cùng những người mẹ, người chị đã từng nhường cơm sẻ áo, nơi đó luôn khắc ghi trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, chiến sỹ xe tăng Việt Nam. Với ý chí kiên cường và tinh thần thép, họ đã nối tiếp nhau viết nên những bản trường ca bất hủ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Miền quê Hữu Thủ - Kim Long, doanh trại của đơn vị xe tăng đầu tiên, nay là vị trí đóng quân của Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp, nơi đào tạo những cán bộ Tăng thiết giáp cho toàn quân và quân đội các nước Lào, Campuchia. Tấm hình về công tác xây dựng doanh trại xe tăng ngày ấy hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, số 108 - đường Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy- Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:12:23 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2021, 07:02:38 am »

CHUYỆN KỂ VỀ CHIẾC XE TĂNG T34 SỐ HIỆU 114


Phạm Tuấn Trung


Nằm trong quần thể trưng bày của Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp có những “con voi thép” đồ sộ đang nghỉ ngơi hiền lành dưới giàn lá ngụy trang xanh mướt tựa như quang cảnh khu trú quân của một đơn vị xe tăng thời đánh Mỹ, đó là cảm nhận của những người đã từng đến tham quan Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp. Trong đó, có một chiếc xe tăng với hình dáng thô mộc, nằm ẩn mình một cách kín đáo, đó là xe tăng T34 số hiệu 114, chiếc xe đã gắn liền với tên tuổi và sự kiện quan trọng trorig lịch sử Trung đoàn xe tăng 202 nói riêng và của Binh chủng Tăng thiết giáp nói chung.


Trong một lần đi công tác, các cán bộ, nhân viên Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp đã gặp gỡ đồng chí Đào Văn Bàn - nguyên chiến sĩ lái xe tăng - người đã lái chiếc xe số hiệu 114 - chiếc xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam in vết xích trên lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay đồng chí là Đại tá quân đội đã nghỉ hưu hiện sinh sống tại nhà số 10 - Ngõ 7 - Đường Trường Chinh - Thành phố Phủ Lý.


Đồng chí Đào Văn Bàn nguyên là chiến sĩ bộ binh thuộc Sư đoàn 325. Sau khi Đảng, nhà nước và quân đội ta có chủ trương tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo ở nước ngoài, đồng chí được lựa chọn đi học tại Trường Văn hóa Quân đội tại Kiến An (Hải Phòng). Sau đó đồng chí được gửi sang Trung Quốc để đào tạo về kỹ thuật xe tăng. Kết thúc khóa học, các học viên xe tăng Việt Nam được sắp xếp, biên chế thành các kíp xe để nhận một nhiệm vụ quan trọng: Nhận xe tăng do Liên Xô viện trợ và tham gia diễn tập hiệp đồng chiến đấu cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Cuối tháng 8 năm 1959, các lớp đào tạo học viên xe tăng Việt Nam đã tập trung tại Quế Lâm - Trung Quốc để tiếp nhận gần 100 xe tăng T34 và pháo tự hành CAY-76 do Liên Xô viện trợ. Đồng chí Đào Huy Vũ - Đoàn trưởng - đã công bố quyết định biên chế và giao trang bị cho từng người, từng phân đội. Xe tăng 114 được biên chế: đồng chí Trần Xuân Kiểu - Trưởng xe, Đào Văn Bàn - Lái xe, Lê Cối - Pháo thủ.


Sau khi ổn định biên chế tổ chức, tại Quế Lâm - Trung Quốc, lễ công bố Nghị định số 449/NĐ ngày 5 tháng 10 năm 1959 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký về việc thành lập Trung đoàn xe tăng 202 - Trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được tiến hành. Ngay sau khi thành lập, kíp xe 114 vinh dự được tham gia diễn tập thực binh bắn đạn thật cùng với Sư đoàn bộ binh La Thịnh Giáo của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (đây là đơn vị Chí Nguyện Quân vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Triều Tiên trở về) và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau diễn tập, Trung đoàn trở về huấn luyện, chăm sóc, bảo dưỡng xe, chờ ngày trở về nước.


Đúng 17 giờ ngày 13 tháng 7 năm 1960, chuyến tàu chở xe tăng đầu tiên xuất phát từ Quế Lâm- Trung Quốc đã dừng bánh an toàn tại ga Vĩnh Yên, xe tăng số 114 dưới bàn tay điều khiển của Trung sĩ Đào Văn Bàn và sự chỉ huy của cán bộ kỹ thuật Hà Văn Đa, đã đặt 2 dải xích lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, đánh dấu một mốc son trong lịch sử của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam. Từ đây, mặc dù trong điều kiện đất nước còn nghèo nhưng quân đội ta đã được Đảng và nhân dân giao cho sử dụng những chiếc xe tăng hiện đại. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sỹ trong Trung đoàn đều ý thức được việc để xe hư hỏng là không hoàn thành nhiệm vụ, là có tội với Tổ quốc, với nhân dân. Với khẩu hiệu “Xe chưa sạch, người chưa nghỉ”, kíp xe 114 đã cùng cả Trung đoàn thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng xe chuẩn bị cho huấn luyện và sẵn sàng tham gia chiến đấu. Bước vào mùa huấn luyện, do chưa có lái xe nên mặc dù là cán bộ kỹ thuật nhưng đồng chí Đào Văn Bàn cũng như các đồng chí đi học ở Trung Quốc về đều tham gia huấn luyện cho tân binh. Kíp xe 114 vinh dự được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia đào tạo những kíp lái xe tăng đầu tiên của Binh chủng và nhiều khóa học tiếp theo. Đến đầu năm 1961, sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, chiếc xe 114 được biên chế vào Đại đội để nhận công tác khác. Sau khi được bàn giao lại cho Trung đoàn, xe tăng 114 được vinh dự trở thành "Chiếc xe của Chính ủy” với thành viên kíp xe 5 người, trong đó có đồng chí Đặng Quang Long - Chính ủy Trung đoàn. Năm 1963, Chính ủy Đặng Quang Long được cấp trên điều vào Nam chiến đấu, trước giờ phút chia tay, kíp xe 114 quây quần, dặn dò, hứa hẹn nhau tiếp tục bảo quản, giữ gìn xe thật tốt. Sau hàng chục năm tham gia huấn luyện và chiến đấu, những đồng đội trên “Chiếc xe của Chính ủy” đã thực hiện tốt lòi hứa của mình và kíp xe 114 luôn là một trong những xe dẫn đầu đơn vị trong tất cả các mặt công tác. Tất cả các thành viên của xe tăng 114 đều luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.


Sau nửa thế kỷ chiến đấu, xây dựng, Binh chủng ngày càng phát triển mạnh, được trang bị nhiều chủng loại xe tăng hiện đại hơn, nhưng không ai có thể quên hình ảnh chiếc xe tăng T34 số hiệu 114 in những vết xích đầu tiên trên đất nước Việt Nam, chiếc xe đã trở thành hiện vật tiêu biểu cho quá trình xây dựng, trưởng thành của Binh chủng và được đưa về trưng bày tại Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:13:18 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2021, 07:03:27 am »

CHIẾC SẮC CỐT VÀ CÂU CHUYỆN VỀ
TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG TĂNG THIẾT GIÁP ĐẦU TIÊN


Mỹ Dung


Chiếc sắc cốt bằng da, màu đen, có kích thước 28cmx20cm mang số đăng ký 893/da 12, hiện đang được trưng bày trang trọng ở Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp. Tuy cũ kỹ nhưng nguyên vẹn, chiếc sắc cốt như chứa đầy những câu chuyện cảm động về người chỉ huy xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông chính là Thiếu tướng Đào Huy Vũ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 202 Trung đoàn đầu tiên của Binh chủng Thiết giáp (nay là Binh chủng Tăng thiết giáp).


Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia các chiến dịch lớn: Hòa Bình, Quang Trung, Tây Bắc, Điện Biên Phủ, Thượng Lào... Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Hòa bình lập lại, do yêu cầu phát triển của quân đội, năm 1956, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn cán bộ, chiến sĩ sang Trung Quốc học lái và kỹ thuật xe tăng. Kết thúc khóa học, trờ về nước, tháng 10 năm 1959, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 202, đơn vị xe tăng đầu tiên của quân đội ta. Tháng 6 năm 1965, ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Binh chủng Thiết giáp (sau này là tư lệnh).


Khi trao chiếc sắc cốt này cho Bảo tàng, ông kể: “Tháng 6 năm 1965, tôi được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Binh chủng Thiết giáp, Ban Bảo mật trang bị cho tôi chiếc sắc cốt này. Tôi dùng đựng tài liệu, sổ ghi chép khi đi công tác, họp hành, xuống kiểm tra anh em luyện tập ở thao trường. Nó rất chắc chắn, thuận tiện, có nhiều ngăn đựng được nhiều thứ cần dùng. Ngày ấy, đất nước ta còn nghèo, lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội ta còn thiếu thốn nhiều thứ, chiếc sắc cốt bằng da màu đen này thật quý".


Những ngày đầu Trung đoàn 202 thành lập, xe tăng của ta phần lớn là của Liên Xô viện trợ, để nắm tính năng kỹ thuật xe tăng, anh em lái xe tăng phải biết tiếng Nga. Trong sắc cốt này, ông luôn mang theo cuốn sách tự học tiếng Nga. Những lúc rỗi rãi, sẵn có cuốn sách trong sắc cốt, ông tranh thủ học một vài từ mới. Nhờ chịu khó học tập, ông có điều kiện tham khảo tài liệu về tính năng kỹ thuật xe tăng của nước bạn, nắm được những kiến thức đó phổ biến cho anh em. Kết thúc năm đầu huấn luyện, Trung đoàn dành điểm cao trong bắn pháo, lái xe và bản thân ông cũng “tốt nghiệp” một chương trình ngoại ngữ. Nhờ có vốn kiến thức tiếng Nga, ông có thể trực tiếp làm việc với cố vấn Liên Xô, không phải qua phiên dịch như một năm trước đó.


Những người lính thiết giáp được chung sống, gần gũi với ông còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về ông, nhất là đức tính cần kiệm. Anh em kể lại rằng: Từ khu vực đóng quân đến các đơn vị và bãi tập khoảng 5km, người ta thường thấy ông đi bộ, khi cần đi xe thì ông tự lái lấy. Ông nói: “Phải thực sự tiết kiệm, tiết kiệm xăng xe, tiết kiệm sức người... Nói học tập đạo đức, tác phong của Bác Hồ mà không làm từ những việc cụ thể thì chỉ là nói suông. Căn hầm của ông cũng vậy, chỉ đơn sơ, bình dị như mọi căn hầm của pháo thủ, lái xe vì “Thủ trưởng tự làm lấy những việc có thể làm được, ngại tốn công sức của bộ đội vào những việc chưa cần thiết...".


Ông là con người của hành động. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng đều toàn tàm, toàn ý xây dựng đơn vị, xây dựng Binh chủng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu để đánh thắng kẻ thù. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng xe tăng của ta chưa có điều kiện xuất quân nhưng với quyết tâm xe chưa đi được thì người cứ đi, lấy xe địch đánh địch. Để có thể phát huy khả năng của lính xe tăng ở chiến trường, ông chỉ huy đơn vị ra sức huấn luyện về xe tăng, xe thiết giáp và tập luyện hành quân mang vác nặng. Để làm gương cho anh em, ông cũng luyện tập như mọi người, cũng đeo ba lô gạch trên lưng, mang vác nặng tập leo núi... Ông rất quan tâm, đi sâu đi sát tìm hiểu tâm tư của anh em, động viên họ hăng say rèn luyện. Ông thuộc lòng tên của từng người trong đơn vị cũng như lý lịch từng xe tăng trong Trung đoàn. Ông như người anh cả luôn thương yêu giúp đỡ anh em trong đơn vị. Tình cảm và sự tận tụy của ông đã in đậm trong ký ức của những người lính xe tăng.


Đầu năm 1967, khi được cấp trên thông báo chuẩn bị đưa xe tăng vào chiến trường, trên cương vị Phó Tư lệnh Binh chủng, ông đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị về nghệ thuật quân sự. Tiếng gọi tiền tuyến luôn thôi thúc, ông muốn ra chiến trường để thấy tận mắt thực tế chiến đấu, để tìm lối vào trận cho xe tăng Việt Nam, mà nhiều người còn đang nghi ngại về khả năng tham chiến của nó. Ông đã trực tiếp dẫn đầu một nhóm cán bộ Thiết giáp bí mật vào chiến trường nghiên cứu tình hình. Sau khi Thường vụ Đảng ủy Binh chủng quyết định phương án hành quân bằng xích, ông lại là người trực tiếp điều hành, chỉ huy toàn bộ cuộc hành quân. Chiến thắng trận đầu ở Làng Vây đã khích lệ bộ đội Thiết giáp tiếp tục ra quân chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường.


Tháng 6 năm 1970, ông tham gia đoàn cán bộ sang chiến trường nước bạn Lào. Ông là vị chỉ huy gan dạ và quyết đoán. Trong chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, ông ra lệnh cho anh em lái xe tăng bật đèn pha xe rọi đường, bất chấp máy bay địch săn đuổi đánh phá ngăn chặn. Nhờ vậy mà xe tăng đã đi nhanh, kịp thời đến đích, xung trận thắng lợi. Tại chiến trường này, quân thù đã cướp đi con mắt trái của ông.


Kinh nghiệm trận mạc cùng với những kiến thức học được ở nhà trường đã giúp ông có kinh nghiệm luyện quân, dùng quân khá sắc sảo. Ông am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực, đăc biêt là khoa học nghệ thuật quân sự. Ông là người có khả năng đặc biệt về sử dụng lực lượng xe tăng - thiết giáp trên chiến trường. Có thể nói từ trận đầu ở Làng Vây cho đến cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đều có sự đóng góp to lớn của ông. Ông thường xông pha đi đầu trong đội hình chiến đấu, thần tốc, táo bạo của Binh chủng Tăng thiết giáp anh hùng. Nhớ lại khi đội hình cánh quân Duyên Hải chuẩn bị tiến công Phan Rang, ông đề nghị với Thường vụ Đảng ủy Binh chủng được trực tiếp đi với Lữ đoàn xe tăng 203. Ông đề xuất: "Đây là lần đầu tiên ta sử dụng tập trung cả lữ đoàn, lại vận dụng hình thức tác chiến đánh địch trong hành tiến, vì vậy sẽ có nhiều cái mới nảy sinh”. Thường vụ Đảng ủy Binh chủng đã thảo luận và nhất trí phương án: “Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp đi trong đội hình chiến đấu của Lữ đoàn”. Phương án này đã được Trung tướng Lê Trọng Tấn, chỉ huy cánh quân "Duyên Hải" phê chuẩn.


Suốt cuộc đời là "Bộ đội Cụ Hồ", Thiếu tướng Đào Huy Vũ đã nêu tấm gương sáng về đức tính "Cần, kiệm, liêm, chính", ông là người chỉ huy dũng cảm, hết lòng thương yêu bộ đội.


Chiếc sắc cốt đã gắn bó với vị tướng tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp đi suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên khắp các chiến trường. Bây giờ nó trở thành một hiện vật quý gắn với tên tuổi của vị tướng dũng cảm và tài năng của Binh chủng Tăng thiết giáp.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:13:59 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2021, 07:19:20 am »

CHIẾC CẶP VÀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN NĂM XƯA


Nguyễn Thảo Hiền

   “Chiếc cặp mẹ trao đã bạc màu
   Hai nghìn đồng bạc dạ lo âu
   Đem về Thiết giáp năm năm chín
   Xây dựng Xe tăng lúc thủa đầu
   Mấy chục năm trường bao biến đổi
   Trải bao chinh chiến vẫn bền lâu
   Ngày nay ngân sách trăm nghìn tỷ
   Binh chủng đi lên thế mạnh giàu"



Đó là những dòng cảm xúc của Đại tá Tạ Văn Cộng - Nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Binh chủng Thiết giáp, là cán bộ phụ trách công tác tài chính đầu tiên của Trung đoàn xe tăng 202 khi ông trao kỷ vật của đời mình cho Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Sơn Thị - Lâm Thao - Phú Thọ, là người con của đất Tổ Vua Hùng, sớm giác ngộ cách mạng, năm 1947 ông rời quê hương lên đường nhập ngũ vào Cục Quân nhu Bộ Quốc phòng. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, khi làm liên lạc, lúc làm anh nuôi, quản lý, kế toán v.v... đồng chí luôn phát huy tinh thần trách nhiệm ở mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, tháng 10 năm 1958, đồng chí được cử đi học khóa bổ túc đầu tiên về công tác tài chính của Quân đội nhân dân Việt Nam. Là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu và nhiều kinh nghiệm công tác, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ tài chính, tháng 10 năm 1959, đồng chí được Bộ Quốc phòng điều động về làm Chủ nhiệm tài vụ Trung đoàn xe tăng 202 và được giao 2.000 đồng tiền mặt, cùng phương tiện đựng tiền. Đó là chiếc cặp bằng da, màu trắng ngà, có chiều dài 40cm, chiều rộng 30cm, khóa ở giữa, hai ngăn bên trong và hai túi nhỏ bên ngoài. Đây là niềm vinh dự lớn, đồng chí luôn ý thức giữ gìn chiếc cặp cẩn thận, coi nó như “chiếc két cơ động” dùng đựng tiền để nuôi những người lính “thép”.


Những ngày đầu thành lập, Trung đoàn bắt tay vào xây dựng lực lượng, xây dựng doanh trại, cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, phải đóng quân ở nhà dân. Để đảm bảo an toàn, đồng chí đã để chiếc cặp vào vỏ hòm đựng súng AK, và cùng các đồng chí trong bộ phận tài vụ giữ gìn cẩn thận từng đồng quĩ vốn của Trung đoàn.


Trong những năm chiến tranh ác liệt, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, chiếc cặp như người bạn đồng hành cùng vào Nam, ra Bắc tham gia chiến đấu, chiếc cặp dựng tiền và công văn, tài liệu luôn được đồng chí giữ gìn cẩn thận. Sau ngày chiến thắng, mặc dù trang thiết bị phục vụ công tác nghiệp vụ có hiện đại hơn, nhưng đồng chí vẫn sử dụng chiếc cặp để đựng công văn, giấy tờ và nhiều tài liệu quan trọng.


Nhớ về những năm tháng gian nan, vất vả mà oai hùng, lớn lên và trưởng thành trong ngôi nhà Tăng Thiết giáp, với 5 năm phụ trách công tác tài vụ cấp Trung đoàn và 26 năm phụ trách công tác Hậu cần các cấp của Binh chủng, đồng chí đã coi “Chiếc cặp da" như một kỷ vật quý báu, giúp mình cất giữ kinh phí, tài liêu mật của cơ quan, đảm bảo an toàn, bí mật.


Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngành Tài chính quân đội (25.3.1946 - 25.3.2001), đồng chí đã trao lại chiếc cặp cho Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp làm hiện vật truyền thống, tuy không còn nguyên vẹn, (da đã bạc màu, khóa đã bị hỏng, quai đã quấn lại bằng những sợi chỉ dù), nhưng nó chứa đựng bao kỷ niệm của người lính thép trong cuộc đời quân ngũ, coi đó như một lời nhắn nhủ cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:14:34 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2021, 07:20:47 am »

CÓ NHỮNG QUYẾT TÂM THƯ NHƯ THẾ


Nguyễn Duy


Thua đau ở miền Nam, Mỹ tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc. Trước những tội ác dã man của địch ở cả hai miền Nam - Bắc, hàng triệu thanh niên nô nức lên đường tham gia tòng quân giết giặc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.


Hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước sục sôi khí thế đánh Mỹ với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... Trên công sự chiến đấu, trong nhà máy, hầm mỏ, đình làng, trường học... khẩu hiệu “Tất cả cho tỉền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ” được treo khắp nơi. Nó trở thành phương châm hành động cho mọi người dân Việt Nam. Hòa trong dòng chảy đó, những người chiến sỹ xe tăng của Trung đoàn 202 ngày đêm miệt mài nghiên cứu sử dụng thành thạo những chiếc xe tăng hiện đại đầu tiên do Liên Xô viện trợ cho quân đội ta. Trong thâm tâm mỗi người ai nấy đều nung nấu quyết tâm được trực tiếp vào Nam chiến đấu, trả thù cho đồng bào miền Nam đang rên xiết trong các ấp chiến lược, trại tập trung của Mỹ nguỵ, trả thù cho những em bé, những người dân vô tội ở miền Bắc bị bom đạn Mỹ giết chết. Ý chí quyết tâm của họ được thể hiện qua những lá đơn tình nguyện vào chiến trường. Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp hiện lưu giữ hàng trăm lá đơn tình nguyên vào Nam chiến đấu của những chiến sỹ xe tăng. Xin được dẫn một số đoạn trong những lá đơn của các chiến sỹ xe tăng hồi đó.


Ngày 18.01.1966

“...Tôi đã được nghe trên đài, trên báo và thấy rõ tội ác của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai đối với đồng bào ta ở cả hai miên Nam, Bắc. Tội ác của chúng vô cùng man rợ. Ở miền Nam chúng thực hiện âm mưu đốt sạch, giết sạch. Ở miền Bắc, chúng tiếp tục bắn phá, phá hoại công cuộc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Âm mưu của chúng ngày càng thâm độc, tội ác của chúng chồng chất cao hơn núi, dài hơn sông. Chí căm thủ hàng ngày đang nung nấu trong toàn dân cả nước và đang sục sôi trong lòng những người chiến sỹ như tôi. Vì vậy tôi không thể nào làm ngơ và ngồi yên nhìn những cảnh khổ đau của nhân dân cả nước...
Trung sỹ Vũ Ngọc Lành


Ngày 26.01.1966

"... Tôi tha thiết kính mong Đảng ủy và Thủ trưởng cấp trên giao cho tôi nhiệm vụ đi chiến đấu, ở bất cứ chiến trường nào, làm bất cứ nhiệm vụ gì, tôi cũng xin kiên quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù có phải hy sinh cả tính mạng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại, để giết hết lũ giặc Mỹ, trả thù cho đồng bào ta ở cả hai miền..."
Chiến sỹ Lý Văn Dừa


Khi đọc và được nghe giới thiệu những lời tâm huyết trong tập đơn tình nguyện đi chiến đấu của 62 chiến sỹ thuộc Trung đoàn xe tăng 202, rất nhiều khách tham quan Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp xúc động rơi nước mắt. Những lá đơn viết bằng máu, thời gian đã làm phai màu nhưng trong đó chứa đựng nhiệt huyết chiến đấu sục sôi của một thời đánh Mỹ. Hàng triệu, triệu thanh niên Việt Nam đã ra trận với lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược và ý chí quyết tâm được trực tiếp cầm súng giết giặc, giải phóng miền Nam.


Ngày 27.01.1966

"... Tôi là một quân nhân, được Đảng và Quân đội trực tiếp lãnh đạo, rèn luyện. Trước những tội ác của giặc Mỹ đã gây ra, tôi tha thiết đề nghị Đảng ủy và Thủ trưởng cho tôi đi bất cứ nơi nào, bất cứ chiến trường nào, để giết hết lũ giặc Mỹ, trả thù cho đồng bào cả nước, đố là nguyện vọng duy nhất của tôi..."
Chiến sỹ Trần Hồng Kỳ


Máu chảy ruột mềm, những người lính xe tăng không thể ngồi yên khi thấy những người dân vô tội bị giặc Mỹ giết hại. Hơn lúc nào hết, các anh muốn được chia lửa với đồng đội nơi chiến trường, được sẻ chia bớt nỗi đau của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Trong mỗi lá đơn, chúng ta thấy như có lửa, như thấy nỗi niềm trăn trở của các anh. Các anh không sợ hiểm nguy gian khổ, không sợ hy sinh, coi việc được cầm súng chiến đấu giải phóng đất nước là thiêng liêng, là hạnh phúc, là niềm tự hào của người lính.

Chiến sỹ Lý Văn Dừa viết:

“... Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, đã từng cố truyền thống chống giặc ngoại xâm lâu đời, chưa hề biết khuất phục trước bất cứ một kẻ thù nào, vì vậy giặc Mỹ đã gây nợ máu thì nhất định phải trả bằng máu...


Chiến trường yêu cầu, những người lính xe tăng có mặt trong đoàn quân trùng trùng điệp điệp hành quân vào miền Nam chiến đấu. Các anh đã vượt Trường Sơn vào Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và trên đất bạn. Chiến tranh ác liệt, những người lính đã trải qua bao gian khổ hy sinh nhưng trong họ có một niềm tin bất diệt, tin vào ngày mai đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà. Họ đã chiến đấu quên mình, bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ thù, chịu đựng những mùa đói cơm, thiếu nước, những trận sốt rét rừng hành hạ để giành giật từng mỏm núi, khúc sông, những xóm ấp thân yêu từ tay quân thù.


Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, non sông thu về một mối, Nam - Bắc đã sum họp một nhà, trong chiến công chung đó có chiến công của những người lính xe tăng. Trong số những người lính xe tăng viết đơn tình nguyện năm xưa, có nhiều đồng chí “Đã ra đi từ đó không về”. Tên các anh đã khắc vào đá, máu của các anh đã hoà vào màu xanh của cỏ cây, sông núi, để cho dân tộc Việt Nam được mãi mãi trường tồn.


Những lá đơn xin vào chiến trường miền Nam chiến đấu của những người lính xe tăng với những dòng xúc cảm mãnh liệt trong họ đã làm thế hộ trẻ hôm nay trân trọng, cảm phục. Chân lý không ở đâu xa, hãy đọc và cảm nhận trong mỗi quyết tâm thư, ở đó có những điều bình dị nhất, chân thật nhất, lý tưởng cao đẹp nhất của người lính.


Những lá đơn tình nguyện đi chiến đấu sẽ mãi là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là thông điệp về ý chí và niềm tin sắt son của lớp trẻ Binh chủng thép anh hùng. Chúng ta nguyện cố gắng hết mình để góp phần làm cho sức sống của những quyết tâm thư đó ngày càng lan tỏa mãnh liệt và có sức sống kỳ diệu trên đất nước tươi đẹp, hòa bình.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:15:21 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6429



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2021, 07:21:37 am »

ĐÔI CỜ LỆNH VÀ CHIẾC MŨ SẮT CỦA LIỆT SỸ NGUYỄN BÁ CỐ


Quý Dương


Đây là những kỷ vật còn lại của liệt sỹ Nguyễn Bá Cố - Khẩu đội phó Khẩu đội 4, Đại đội 12 pháo cao xạ, Đoàn 510. Anh đã hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ bảo vệ sân bay Đa Phúc ngày 19 tháng 12 năm 1967. Đôi cờ lệnh bằng vải phin đỏ, xanh và chiếc mũ sắt do Liên Xô sản xuất, anh được trang bị sau khi tham gia huấn luyện giỏi, được giao nhiệm vụ là Khẩu đội phó Khẩu đội 4, thuộc Đại đội pháo cao xạ 57 ly Đại đội 12, Đoàn 510.


Năm 1965, sau khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam, coi đây là lực lượng chủ yếu trong các cuộc hành quân tìm diệt bộ đội chủ lực Quân giải phóng, là chỗ dựa nòng cốt cho chính quyền và ngụy quân Sài Gòn. Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tăng cường phong tỏa đường biển, ngăn chặn biên giới bằng hàng rào điện tử Mac Namara, mở rộng đánh phá ác liệt các tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta bằng không quân, tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa.


Sinh ra tại một làng quê trù phú ở Bắc Ninh, Nguyễn Bá Cố được học tập, rèn luyện dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Anh tự hào là người con của quê hương Kinh Bắc vốn nổi tiếng về truyền thống đánh giặc giữ nước từ ngàn xưa. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh tạm biệt quê hương, gia đình lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Binh chủng Thiết giáp (nay là Binh chủng Tăng thiết giáp).


Trước tình hình cả nước có chiến tranh, Đảng ủy Binh chủng Tăng thiết giáp ra nghị quyết lãnh đạo trong đó có nội dung tăng cường nhiêm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phối hợp cùng quân dân miền Bắc đập tan nhiều cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương lớn của miền Nam, với tư tưởng chỉ đạo "Chiến đấu phòng không là nhiệm vụ cấp thiết, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ bắn máy bay bảo vệ mục tiêu".


Để quán triệt nghị quyết của Đảng ủy đề ra, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã điều 6 đại đội của Trung đoàn tăng 202, 5 đại đội của Trung đoàn tăng 203, 2 đại đội pháo cao xạ tự hành 2 nòng 57 ly thực hiện nhiệm vụ mới. Các đơn vị này tập hợp thành một đơn vị lấy phiên hiệu là Đoàn 510. Cái tên Đoàn 510 có ý nghĩa sâu sắc vì đó là ngày kỷ niệm thành lập Trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội ta.


Qua hơn 1 năm làm nhiệm vụ, Đoàn 510 tham gia nhiều trận đánh với quyết tâm cao đạt thành tích xuất sắc bắn rơi 5 máy bay Mỹ và góp phần cùng các đơn vị bạn bắn rơi 10 chiếc khác.

Ngày 19 tháng 2 năm 1967, đế quốc Mỹ cho nhiều tốp máy bay từ Hạm đội 7, từ Thái Lan đánh phá sân bay Đa Phúc. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom, đạn nổ như xé tai, khói bốc lên đen kín cả khoảng trời. Mặc cho địch điên cuồng bắn phá, Khẩu đội 4 dưới sự chỉ huy của Khẩu đội phó Nguyễn Bá Cố phối hợp chặt chẽ với dân quân Núi Đôi và các đơn vị bạn kịp thời nổ súng chiến đấu với máy bay Mỹ bảo vệ sân bay Đa Phúc. Lưới lửa phòng không của ta từ mặt đất bắn lên, bủa vây máy bay Mỹ làm chúng hoảng loạn, buộc phải phóng bom bừa bãi. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, địch đánh phá suốt 2 giờ liên tục, cán bộ, chiến sỹ Đại đội 12 đa chiến đấu dũng cảm quyết tâm không rời trận địa để bảo vệ bằng được mục tiêu.


Xung quanh trận địa pháo của Đại đội 12 đều bị trúng bom, đất bị cày xới, mảnh bom văng tứ tung. Nhiều chiến sỹ của Đại đội 12 bị thương vì mảnh bom nhưng không một ai chịu rời mâm pháo. Dưới sự chỉ huy linh hoạt, mưu trí của Khẩu đội phó Nguyễn Bá Cố, Khẩu đội 4 của anh liên tiếp nhả đạn. Nguyễn Bá Cố bị nhiều vết thương vào người, máu chảy đầm đìa nhưng anh vẫn chỉ huy đơn vị nổ súng. Lúc này, trọng trách của người chỉ huy khẩu đội không cho phép anh gục ngã. Vết thương vào chân quá nặng làm anh không thể đứng vững, anh cố gắng dựa mình vào thành công sự tiếp tục phất cờ chỉ huy chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Anh đã anh dũng hy sinh ngay bên thành công sự, đôi cờ lệnh vẫn nắm chặt trong tay.


Tấm gương chiến đấu hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Bá Cố tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ, động viên đồng đội quyết tâm chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ sân bay Đa Phúc, bảo vệ những mục tiêu quan trọng của Thủ đô yêu dấu. Trước khi hy sinh, Nguyễn Bá Cố đã đề đạt nguyện vọng của mình với cấp trên được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ý nguyện đó của anh chưa được thực hiện nhưng chiến công của anh và đồng đội đã góp phần chia lửa cùng đồng bào miền Nam ngay trên đất Bắc thân yêu.


Với thành tích dũng cảm chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ, Đại đội 12 vinh dự được Quốc hội, Chính phủ trao tặng Huân chương chiến công hạng Hai, Bộ tư lệnh Phòng không Không quân gửi thư khen ngợi và tặng danh hiệu “Cồn Cỏ đất liền".


Những di vật của liệt sỹ Nguyễn Bá Cố đang được lưu giữ và trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp. Anh đã đi xa, nhưng tấm gương chiến đấu quả cảm của anh sẽ còn sống mãi trong lòng lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ xe tăng Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Chín, 2021, 10:15:54 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM