Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:41:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ba lần gắn bó với đất nước Chùa tháp  (Đọc 2835 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 12 Tháng Tám, 2021, 10:51:20 am »

Tên sách: Ba lần gắn bó với đất nước Chùa tháp
Tác giả: Phùng Đình Ấm
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2009
Số hoá: ptlinh, quansuvn


LỜI GIỚI THIỆU


Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2007


Đồng chí Thiếu tướng Phùng Đình Ấm tham gia quân đội từ năm 1947, khi đồng chí 18 tuổi và liên tục 50 năm ở trong quân ngũ. Phần lớn thời gian đồng chí trực tiếp ở các chiến trường Liên khu 5, Tây Nguyên, Nam Lào và Campuchia.


Trải qua thử thách trong khói lửa, đồng chí đã tỏ rõ là một cán bộ, đảng viên kiên định, vững vàng, liêm khiết, giản dị, tận tâm, tận lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có 19 năm là chiến sĩ tình nguyện quân và chuyên gia Việt Nam ở Campuchia, đặc biệt là thời kỳ giúp bạn những năm 1978-1991. Để giúp bạn được tốt, phải hiểu rõ nhân dân bạn, hiểu rõ truyền thống của dân tộc Campuchia. Muốn vậy phải học tiếng, học chữ nước bạn. Đồng chí đã rất nỗ lực, kiên trì, bền bỉ và chỉ trong thời gian ngắn đồng chí đã thông thạo cả nói và cả chữ Campuchia, viết và dịch các văn bản từ chữ Campuchia sang chữ Việt Nam rất chuẩn xác, cố gắng tự học và sớm biết tiếng, biết chữ Khme đã tạo thêm sự thuận lợi khi phối hợp cùng bạn chiến đấu và công tác. Đồng chỉ đã giành được tình cảm chân thành của Nhà nước và nhân dân Campuchia. Đồng chí đã góp phần quan trọng cùng tình nguyện quân và chuyền gia Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, giúp bạn chống bọn diệt chủng, hồi sinh đất nước, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị láng giềng Việt Nam - Campuchia bước sang trang sử mới.


Cuốn hồi ức của đồng chí tuy mới nói được một phần nhỏ, nhưng tôi tin rằng nó có ích cho bạn đọc, sẽ tìm thấy ở đồng chí Phùng Đình Ấm một nhân cách của con người Việt Nam, của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, của người đảng viên cộng sản Việt Nam, họ đã thực hiện đúng tinh thần "giúp bạn là tự giúp mình”, đó là đường lối quốc tế trong sáng, thủy chung của Đảng và Nhà nước ta.


LÊ KHẢ PHIÊU
Nguyên Chủ nhiệm Cục Chính trị
Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia
Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2021, 03:07:45 pm »

LỜI NÓI ĐẦU


Truyền thống quân đội ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đảnh thắng”1 (Trích bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chiêu đãi mừng quân đội ta tròn 20 tuổi (22.12.1944 - 22.12.1964), Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11 (1963-1965), Nxb CTQG, H.2002, tr.350). Trung thành với truyền thống đó, quân đội ta đã làm tròn nhiệm vụ chiến đấu giải phóng và bảo vệ đất nước, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt với hai dân tộc Lào và Campuchia, hai nước láng giềng, cùng có chung kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.


Tháng 4.1947, vừa tròn 18 tuổi, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ Bộ đội Cụ Hồ. Ngót 50 năm trong quân ngũ, trừ 14 năm hoạt động công tác ở hậu phương, thời bình, còn lại 36 năm lăn lộn ở chiến trường, trong đó có 19 năm làm chiến sĩ tình nguyện quân chiến đấu trên chiến trường Campuchia, gắn liền nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc thiêng liêng với nghĩa vụ quốc tế cao cả.


Trong cả ba thời kỳ liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ bọn phản động, diệt chủng Pôn Pốt, tôi đều có mặt trên chiến trường Campuchia, góp phần nhỏ công sức vào việc thực hiện đường lối quốc tế của Đảng, lời dạy “giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình” của Bác Hồ, vào truyền thống của Quân đội nhân dân anh hùng và xây đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia.


Với cuốn sách “Ba lần gắn bó với đất nước Chùa Tháp" này, tôi muốn kể lại những gì tôi đã trải qua trong những năm tháng đầy tình nghĩa mặn nồng chung thủy của nhân dân và cách mạng Campuchia đối với người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam được xây đắp, vun vén bằng xương máu và lòng nhân hậu của cả hai dân tộc.


Nhưng với một không gian rộng và thời gian khả dài, nhiều sự kiện không thể nhớ đầy đủ, chính xác được và khả năng cũng có hạn, nên chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, mong các vị độc giả gần xa thông cảm và lượng thứ, góp ý bổ sung để cuốn sách được hoàn hảo hơn.

Tác giả xin chân thành cảm ơn.

Thiếu tướng Phùng Đình Ấm
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2021, 03:08:29 pm »

I. Đất nước Campuchia

1. Mối quan hệ lâu đời giữa hai dân tộc

Đất nuớc Campuchia nằm trên bán đảo Đông Dương, rộng 181.000 km2, biên giới gắn liền với hai nước Việt Nam và Lào, có chung dòng sông Mêkông hùng vĩ và dựa lưng vào dãy Trường Sơn trùng điệp.

Campuchia là một Vương quốc, trong lịch sử dân tộc có thời kỳ hưng thịnh với nền văn hóa Ăngkor phát triển rực rỡ huy hoàng. Tự hào là một đất nước Chùa Tháp, với nhiều đền đài đồ sộ trải qua các thế hệ: Ăngkor Thôm và Ăngkor Wat, thời xưa Việt Nam gọi là “Đế Thiên”, “Đế Thích”, là hai đền đài nổi tiếng, liệt vào hạng “kỳ quan thứ bảy” của thế giới. Là một nước, theo thống kê năm 1945 có dân số hơn 4 triệu người, với 21 dân tộc, trong đó dân tộc Khme là đông hơn cả. Hơn 90% nhân dân Campuchia theo đạo Phật, cả nước tôn đạo Phật là “Quốc giáo độc tôn”. Nền kinh tế Campuchia giàu tài nguyên nhưng chưa được khai thác. Quốc trưởng Sihanúc thường nói: “Nền kinh tế Campuchia dựa vào hai bầu sữa là nông nghiệp và du lịch”.


Do đất đai, sông núi, biên giới liền nhau, nên từ lâu đời nhân dân Việt Nam - Campuchia nói chung có mối quan hệ mật thiết với nhau trong làm ăn sinh sống cũng như trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngược dòng lịch sử, từ thời xa xưa các triều đại phong kiến của hai nước cũng có những liên minh chiến đấu chống quân xâm lược và có mối quan hệ hữu hảo: năm 1618, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái thứ hai của mình là Ngọc Vạn công chúa, cho vua Chey Chella II của Campuchia. Năm 1962, Ngọc Vạn công chúa được phong làm Hoàng hậu, với danh hiệu Somđech Préa Pcáccácyo Dey Préavorcác Ksattrey. Năm 1705, quân Xiêm xâm lược Campuchia, vua Nặc Ông Yêm của Campuchia sang Việt Nam liên minh với chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cử Cai cơ Nguyễn Cửu Vân sang giúp đánh bại quân Xiêm, xong rút quân về nước. Năm 1772, quân Xiêm kéo sang đánh chiếm Hà Tiên của Việt Nam và Phnôm Pênh của Campuchia. Chúa Nguyễn đánh tan quân Xiêm ở Hà Tiên và cử tướng Nguyễn Hữu Đàm đưa quân thủy bộ lên phối hợp với Campuchia đánh tan quân Xiêm khỏi Phnôm Pênh rồi rút về nước. Năm 1785, quân Xiêm đưa 4 vạn thủy quân sang lấy danh nghĩa cứu viện cho Nguyễn Ánh, bị quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ, vị anh hùng thiên tài quân sự, áo vải cờ đào đánh cho đại bại, tan tác ở Rạch Gầm - Xoài Mút (Mỹ Tho). Một bộ phận quân Xiêm sống sót đã bỏ ghe, thuyền, chạy bộ băng qua đất Campuchia để thoát về nước, đã bị quân và dân Campuchia phối hợp với Việt Nam chặn đánh, gây cho chúng thiệt hại, chẳng còn được mấy tên chạy thoát. Đầu thế kỷ XIX, năm 1807, quân Xiêm lại xâm chiếm Campuchia. Theo yêu cầu của vua Angchan II, tướng Lê Văn Duyệt từ thành Gia Định đưa quân sang chi viện, đánh đuổi quân Xiêm, khôi phục độc lập chủ quyền cho Campuchia, xong rút hết quân về nước1 (Sau này kẻ xấu bịa ra chuyện quân tướng Lê Văn Duyệt lên Campuchia, chặt đầu người Khme chụm lại làm ông táo nấu nước chè (trà) để uống, thành một truyền thuyết gọi là "tức tè ôông". Bọn Pôn Pốt lợi dụng truyền thuyết này để kích động tâm lý hận thù Việt Nam trong nhân dân Campuchia).


Bên cạnh những cuộc liên minh đã đi vào huyền thoại ấy, trong quan hệ cư trú làm ăn giữa hai dân tộc cũng ngày càng tốt đẹp. Đến năm 1945, trong tổng số hơn 4 triệu dân Campuchia có đến 350.000 Việt Kiều làm ăn sinh sống và mang quốc tịch của Vương quốc. Giữa người Campuchia và người Việt Nam còn có nhiều mối quan hệ hôn nhân, gia đình, nhiều mối tình đầy hạnh phúc nảy nở trong mối quan hệ hữu hảo giữa hai dân tộc.


Giữa thế kỷ XIX, ba nước Việt - Campuchia - Lào bắt đầu nằm vào lăng kính nhòm ngó của một số nước Phương Tây. Nguyễn Ánh, đưa con là hoàng tử Cảnh sang Pháp làm con tin, để viện binh đánh Tây Sơn. Từ đó thực dân Pháp từng bước tiến hành âm mưu xâm chiếm ba nước. Việt - Campuchia - Lào cùng có kẻ thù chung.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2021, 03:09:18 pm »

2. Ba nước Đông Dương đoàn kết chống kẻ thù chung

Ngày 1.9.1858, thực dân Pháp và quân liên minh Tây Ban Nha đưa 2.500 quân với 13 chiến thuyền, trang bị hiện đại đổ bộ đánh chiếm Đà Nẵng, với ý đồ vượt Hải Vân, chiếm kinh thành Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Nhưng chúng bị quân dân ta chặn đánh, không thực hiện được ý đồ, chúng phải từ bỏ kế hoạch và chuyển vào tấn công Gia Định. Tháng 2.1859, bước chân xâm lược đầu tiên của giặc Pháp và liên quân Tây Ban Nha đặt lên đất Gia Định, bị 5.800 nông dân với gươm giáo, gậy gộc phối hợp với lính triều đình chống lại. Năm 1861, đồn Kỳ Hòa của Gia Định bị thất thủ. Trong lúc nhân dân Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Thủ Khoa Huân chống Pháp, thì triều đình nhà Nguyễn khiếp nhược, thậm chí cản trở cuộc chiến đấu của nghĩa quân.


Ngày 5.6.1862, triều đình Tự Đức cử Phan Thanh Giản làm chánh sứ và Lâm Duy Hiệp làm phó sứ, dại diện triều đình mở cuộc ký “Hòa ước 1862” gồm 12 điều khoản với đoàn đại diện nước Pháp, cắt 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) giao cho thực dân Pháp, trước sự căm phẫn của nghĩa quân và nhân dân các tỉnh phía Nam. Cái câu “Phan - Lâm mãi quốc, Triều đình khi dân!” mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc.


Sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông của Việt Nam, thực dân Pháp nghĩ ngay đến Campuchia. Ngày 11.8.1863, đô đốc Đơ la Gơ-răng-đi-e (De La Grandière) đến Phnôm Pênh uy hiếp vua Nôrôđôm, bắt buộc phải ký hiệp ước “Bảo hộ”, để người Pháp được tự do đi lại, truyền đạo, buôn bán và cư trú trên đất Campuchia và đặt một “Khâm sai bên cạnh nhà vua để thực hiện quyền Bảo hộ của nước Pháp”.


Ngày 6.6.1884, triều đình nhà Nguyễn hoàn toàn bất lực, bị thực dân Pháp buộc phải đầu hàng và ký một hiệp ước đặt toàn bộ nước Việt Nam dưới quyền bảo hộ của chúng.

Lập tức, đêm 17.6.1884 một phái đoàn Pháp có bộ binh đi kèm, xông thẳng vào Hoàng cung, đến tận nơi vua Nôrôđôm đang ngủ, buộc phải ký văn bản điều ước 11 điểm chúng vạch sẵn, đặt quyền bảo hộ hoàn toàn đất nước Campuchia.

Sau khi đã chiếm hai nước Việt Nam, Campuchia, đến 1893 quân Pháp đánh chiếm nước Lào, đặt ba nước dưới quyền cai trị của toàn quyền Đông Dương (Ba nước Đông Dương còn có tên là Đông Pháp)

Từ đó, ba nước Việt, Campuchia, Lào cùng chịu một ách thống trị, một kẻ thù chung là thực dân Pháp. Trong suốt hơn 80 năm nô lệ, nhân dân ba nước liên tục có những cuộc khởi nghĩa vũ trang của những người yêu nước lãnh đạo. Có những cuộc có sự liên minh chặt chẽ với nhau, như cuộc khởi nghĩa của Achar Svar (1864-1866) phối hợp với nghĩa quân của Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân) ở Châu Đốc, Hà Tiên (Việt Nam) và Kampốt (Campuchia). Cuộc nổi dậy của Achar Pôkômpô (1865-1867) phối hợp với nghĩa quân của Trương Quyền ở Tây Ninh. Liên quân Khơme - Việt, tiến công tiêu diệt trại lính Pháp ở Tây Ninh, sau đó 2 bên hoạt động để hỗ trợ phong trào cho nhau. Cuộc nổi dậy của Sivottha (1885-1895) liên minh với nghĩa quân Việt Nam đánh chiếm Kampốt rồi đánh sang Hà Tiên ...


Từ khi Đảng ta ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập đã nhận rõ ba nước Đông Dương cùng có chung kẻ thù, mỗi nước không thể giành thắng lợi, giải phóng riêng cho mình được. Đầu năm 1930, trong thư gởi những người Cộng sản Đông Dương, Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của những người Cộng sản Đông Dương là sáng lập một Đảng có tính chất quần chúng ở Đông Dương”. Trong Nghị quyết Hội nghị 8 của Trung ương Đảng (khóa I) cũng đã viết: “Pháp, Nhật ngày nay không chỉ là kẻ thù của Công Nông mà còn là kẻ thù chung của dân tộc Đông Dương. Trong lúc này, khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp, Nhật”.


Vì cùng chung một kẻ thù, cùng chung một cảnh ngộ mất nước và làm nô lệ cho thực dân Pháp, nên để đánh bại thực dân Pháp, giải phóng cho ba nước và cho mỗi nước, ba dân tộc Đông Dương phải liên minh nhau lại, chịu sự lãnh đạo của một Đảng. Trong kháng chiến đánh Pháp, Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã chỉ rõ: “Về quân sự, Việt Nam - Lào - Campuchia là một chiến trường, phải đánh theo một chiến lược chung”. Hồ Chủ tịch, vị cha già của dân tộc và Quân đội ta cũng thường nhắc: “Giúp bạn cũng là tự giúp mình, Việt Nam kháng chiến có thành công thì Lào, Miên (Campuchia) mới thắng lợi và Lào, Miên có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi!”1 (Trong Hội nghị liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương họp tháng 9-1952, Hồ Chủ tịch nói: "Việt Nam, Lào, Miên như anh em một nhà. Cả ba dân tộc đoàn kết chặt chẽ thì nhất định đánh bại thực dân Pháp. Nhân dân Việt Nam hết lòng thành thật giúp đỡ nhân dân Lào, nhân dân Miên một cách vô điều kiện. Sự thật thì chưa tìm ra chữ gì thay thế chữ "giúp", chứ thật ra không phải là "giúp", mà là nghĩa vụ quốc tế (tổng kết kháng chiến chống Pháp)). 


Thấm nhuần quan điểm quốc tế của Đảng và Bác Hồ: “giúp bạn là tự giúp mình”, “nghĩa vụ quốc tế gắn liền với lợi ích dân tộc”, đoàn kết với nhân dân Lào, Campuchia cùng chống kẻ thù chung là một trong những truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2021, 08:51:52 pm »

II. Trên đất nước Chùa Tháp
(lần thứ nhất)


1. Vượt Trường Sơn

Sau chiến dịch hè 1950 của nam Tây Nguyên kết thúc, Tiểu Đoàn 365 - Tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 803, chủ lực của Liên khu 5, rút về Phú Yên để củng cố và xây dựng, được lệnh tách ra một bộ phận nòng cốt, từ tổ trưởng tổ 3/3 đến các cấp tiểu đội, trung đội, đại đội đến tiểu đoàn, để tiếp nhận tân binh của các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi tổ chức huấn luyện, thành lập tiểu đoàn thứ 2, lấy phiên hiệu là 365B, gồm các đại đội 211B, 212B và 213B cùng cơ quan Tiểu đoàn bộ. Đồng chí Bùi Dư (có biệt hiệu là “Dư u”) sang làm quyền chính trị viên Tiểu Đoàn. Tôi, nguyên là Trưởng Ban công tác Chính trị Đại đội 212, được Liên khu đề bạt làm Chính trị viên đại đội 212B  và sau đó, đại đội 212 B được liên khu 5 điều động bổ sung trực thuộc Trung đoàn 84 Tây Nguyên, để chuẩn bị biệt phái sang làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Đông Bắc Campuchia (lúc đó gọi là Đông bắc Miên), giúp bạn kháng chiến chống Pháp.


Ý định của cấp trên là trong thời gian đại đội 212B tổ chức huấn luyện và xây dựng đơn vị hoàn chỉnh, trung đoàn 84 đưa một đội vũ trang tuyên truyền đi trước mở đường và đại đội 212B sẽ tiến theo sau, xuyên qua vùng địch hậu nam Tây Nguyên, tiến qua vùng Bô Khâm - Bô Keo bên kia biên giới Việt Nam - Campuchia.


Những ngày đầu xây dựng đại đội 212B, Ban chỉ huy đại đội chỉ có mình tôi phải lo cả về quân sự và chính trị. Ba tháng sau, Liên khu 5 bổ sung về đại đội trưởng Hồ Quang Trung, từ chiến trường Quảng Nam vào. Anh quê ở Đà Nẵng, tham gia “tiếp phòng quân” từ đầu 1946. Tuổi lớn hơn tôi một con giáp, người cao to, vốn là một cầu thủ bóng đá của đội bóng đá Đà Nẵng từ hồi Pháp thuộc. Chúng tôi sống chung và công tác với nhau rất tâm đầu ý hợp. Về tuổi tác chênh lệch nhau, chúng tôi đối xử với nhau như hai anh em. Nhờ thế, đơn vị rất mau tiến bộ, trưởng thành.


Sau 3 tháng huấn luyện quân sự và học tập chính trị, chúng tôi chuyển quân từ Tuy Hòa ra Đồng Xuân, trú quân tại làng Tân Lập, xã Xuân Sơn, Hà Bằng, ăn Tết Canh Dần và chuẩn bị lên đường sang Đông Bắc Campuchia. Ăn tết xong, mệnh lệnh hành quân có thay đổi. Cấp trên cho biết, con đường xuyên qua nam Tây Nguyên để đến Đông Bắc Campuchia còn gặp khó khăn chưa thể thực hiện được, trong khi chiến trường đòi hỏi sự có mặt của lực lượng vũ trang tăng cường sớm. Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Đông Bắc Campuchia nhanh chóng sử dụng con đường xuyên qua Hạ Lào để đến chiến trường. Thế là chúng tôi rời Xuân Sơn - Hà Bằng, tạm biệt Phú Yên đầy kỷ niệm thân thương để làm cuộc hành quân, kết hợp cả phương tiện “xe goòng” (Wa-gông xe lửa cải tạo thành xe chạy trên đường ray sắt do người đẩy) và đi bộ ra Bình Định, trú quân tại An Thường, cách Bồng Sơn hơn 10 cây số về phía tây, để tiếp tục công việc chuẩn bị.


Ở đây, đơn vị được đón đồng chí Bùi San - Phó Bí thư Liên khu ủy 5 đến thăm. Đồng chí giáo dục chúng tôi về tinh thần quốc tế vô sản và vinh dự của một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, chiến đấu vì nhân dân ba nước Đông Dương, cùng kháng chiến chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp. Tất cả chúng tôi, cán bộ cũng như chiến sĩ, ai nấy đều khắc cốt ghi tâm lời huấn thị ấy và hăm hở mong được sớm lên đường. Riêng tôi, ngoài những nhận thức được Đảng dạy dỗ, tôi còn có cái háo hức của một cán bộ trẻ với tuổi hai mươi hai. Tôi muốn làm một chuyến đi xa, xa đặc biệt cho thỏa thích lòng ham muốn hiểu biết những chuyện lạ ở cái xứ gọi là “đất Chùa Tháp” này. Tôi quyết định giấu hẳn về chuyến đi xa với nhiệm vụ đặc biệt ấy, không cho mẹ tôi biết. Sợ rằng mẹ sẽ không muốn cho tôi đi xa, mẹ sẽ tìm đến đơn vị, sẽ khóc, sẽ khuyên tôi xin cấp trên ở lại Việt Nam, chiến đấu trên bất cứ chiến trường nào (vì quan niệm của người dân lúc này nghe nói “đi Miên, đi Lèo (Lào)” là cái gì ghê gớm lắm). Nhưng rồi mẹ tôi cũng phát hiện ra địa điểm trú quân của tôi và đến thăm. Mẹ con được sống cạnh nhau hai ngày. Hiểu ý tôi, suốt hai ngày mẹ không khóc, cũng không hé một lời nào cản bước tôi. Mẹ chỉ cầu mong tôi ra đi chân cứng đá mềm, đến chiến trường vạn sự bình an. Một ước ao da diết của mẹ là muốn sớm có cháu nội. Tôi nhớ lại, cái hồi đầu năm 1947, nghe tin đơn vị tôi ở Bồng Sơn, sắp hành quân vào mặt trận Phú Khánh, mẹ tôi cũng tìm đến thăm, gặp lúc đơn vị tôi xảy ra sự cố, vì một bất cẩn làm nổ quả mìn tự tạo bằng quả đạn 105 ly, cả tổ mìn không một ai sống sót. Tôi ngỡ là mẹ sẽ run sợ, có thái độ làm nhụt ý chí tôi trước khi lên đường. Nhưng không, mẹ tôi vẫn bình tĩnh, khuyên tôi an tâm lên đường, hết lòng chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ. Lần này cũng vậy, tôi càng hiểu hơn tấm lòng của mẹ. Mẹ là một bà mẹ dũng cảm, đã nâng bước chân tôi ra chiến trường hết sức thanh thản, đầy nghị lực. Tôi vô cùng biết ơn mẹ. Mẹ đã cho tôi dũng khí trước khi lên đường đến chiến trường xa.


Gần tới ngày hành quân ra Quảng Nam, cấp trên bổ sung Ban chỉ huy Đại đội 212B hai đại đội phó là đồng chí Thái Mật và Phan Văn Dưỡng. Đồng chí Phan Trử được bổ sung làm Trưởng Ban công tác chính trị đại đội (bộ đội lúc này chưa có biên chế cấp Phó Chính trị viên)


Đến Quảng Nam, sau khi chuẩn bị chu đáo, chúng tôi làm một cuộc hành quân dài ngày. Từ Tam Kỳ qua Đèo Le, lên Sé, đến Bến Giằng và bắt đầu trèo núi, vượt đỉnh Trường Sơn. Cùng hành quân với chúng tôi có một Đại đội thứ 2, hầu hết là cán bộ Dân, Chính, Đảng và một bộ phận cơ quan của Quân tình nguyện Việt Nam ở Đông Bắc Campuchia, do đồng chí Võ Toàn (đồng chí Võ Chí Công) và đồng chí Trần Hoài Ân (sau này là Thiếu tướng, đã mất) lãnh đạo.


Cuộc hành quân khá vất vả. Đại đội 212 B chúng tôi hầu hết là chiến sĩ mới, tuy được huấn luyện bài bản, nhưng chưa tham gia chiến đấu. Đây là lần đầu tiên các chiến sĩ trẻ lên đường ra trận, lại đi đến chiến trường xa, vượt qua bao sông núi, có những dốc cao chót vót như đỉnh núi Công-tơrơn, Tăng Đam, Aró, Đắk Úc... những trận mưa đầu mùa đổ xuống làm đường trơn như mỡ, từng đàn vắt lổm ngổm, bu bám trông rất tởm, có người bị vắt cắn chảy máu đỏ cả bàn chân... thế nhưng tất cả đều hăng hái, suốt tháng trời hành quân chỉ rơi rớt lại năm, bảy đồng chí vì đuối sức. Nhưng khi khỏe lại, anh em vẫn tích cực đuổi kịp đơn vị. Ai cũng mong nhanh chóng vượt đỉnh Trường Sơn, đến chiến trường nước bạn.


Rời Hạ Lào, chúng tôi vượt sông Mê Kông bằng những chiếc thuyền độc mộc và hành quân một ngày đường nữa mới tới được địa đầu Đông Bắc Campuchia.

Làng đầu tiên chúng tôi dừng chân ở Đông Bắc Campuchia là Na Va và Khâm Phốc, thuộc huyện Siêm Pang, tỉnh Stưng Treng. Stưng Treng có nghĩa là sông nhiều cây đế. Ở đây cũng như ở Hạ Lào, đồng bào đón chúng tôi như những người thân. Đồng bào không cho chúng tôi nấu cơm chiều, mỗi nhà đều bưng cơm và thức ăn đến để nuôi bộ đội Ít-xa-rắc (theo tiếng Balây, Ít-xa-rắc có nghĩa là tự do). Đồng bào nói: “Chúng con là Việt Nam, nhưng đã tình nguyện sang đây, đoàn kết với nhân dân Campuchia đánh đuổi thằng Phalăng (tức giặc Pháp) thì các con cũng đều là bộ đội Ít-xa-rắc cả thôi!”


Những ngày đầu tiên đến Đông Bắc Campuchia, chúng tôi rất phấn khởi trước phong trào chung của Miền. Được sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, phối hợp với lực lượng kháng chiến Campuchia, cơ sở cách mạng đang mở rộng. Phum, bản (làng) nào cũng có chính quyền Ít-xa-rắc, dù chỉ mới là tổ chức. Ủy ban dân tộc giải phóng ở các Huyện Siêm Pang, Vơnsai, Bôkeo... đã có điều kiện thành lập. Thời cơ Ủy ban Dân tộc Giải phóng miền Đông Bắc Campchia ra mắt nhân dân đã chín muồi. Đó là thành quả của đại đội 105 và các tổ võ trang tuyên truyền do các đồng chí Quỳnh, Cận, Ngọc, Nhãn, Tài, Mưu, Đường (sau này đồng chí Đường được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) phụ trách, dưới sự chỉ huy của đồng chí Tống Đình Phương, Trần Thanh Hòe, cùng đồng chí Xi Đà cán bộ Campuchia tiến lên đây từ đầu năm 1950. Lực lượng chúng tôi đến là nhằm thêm sức mạnh để phát huy thành quả đó, đưa vùng Đông Bắc theo kịp phong trào Ít-xa-rắc chung cả nước. Do đó, sau cuộc hội nghị cán bộ tại làng Chăn Tú, thành lập Ban cán sự Đảng và tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng miền Đông Bắc Campuchia xong, Ban cán sự giải thể đại đội 212B, chúng tôi đưa đi tăng cường cho các chiến trường... có bộ phận về Vơn Sai, Bô Keo, Lom Phát thuộc Rát-ta-na-ki-ri ngày nay. Có bộ phận ở lại Xiêm Pang, hoặc sang Pha-la-khanh thuộc tỉnh Stưng Treng. Đặc biệt, có một trung đội được điều động về tây sông Mê Công, sang hoạt động tận Kông Pông Thơm, theo lời yêu cầu của các đồng chí Ít-xa-rắc vùng Tây Bắc. Ở đây, phong trào quần chúng kháng chiến chống Pháp mạnh nhưng lực lượng vũ trang còn hạn chế, cần được tăng cường. Trung đội này do đồng chí Võ Thể làm trung đội trưởng và đồng chí Nguyễn Thần làm Trung đội phó. Chúng tôi chia tay nhau trong niềm lưu luyến khôn nguôi.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2021, 08:53:27 pm »

2. Tà Phưn và căn cứ miền Đông Bắc - Xê Mo

Sau khi đơn vị đã phân tán, tôi nhận quyết định của Ban cán sự về phụ trách Văn phòng miền Đông Bắc.

Với danh nghĩa Văn phòng, chúng tôi phục vụ đồng thời cho hai cơ quan: Ban cán sự Đảng và Ủy ban Dân tộc Giải phóng Miền. Văn phòng Miền chỉ có một chi bộ Đảng, các đồng chí đảng viên Việt Nam, Campuchia cùng sinh hoạt chung với nhau. Ban cán sự Đảng lúc bấy giờ do đồng chí Võ Toàn làm Bí thư.


Chủ tịch ủy ban Dân tộc Giải phóng miền Đông Bắc Campuchia lúc bấy giờ là đồng chí Xi đà, tên thật là Kim Xêng. Tôi quen biết đồng chí Kim Xêng từ năm 1948, ở mặt trận Khánh Hòa. Quê đồng chí ở Kông Pông Chàm, bị Pháp bắt lính đưa sang Việt Nam, đến Khánh Hòa, đồng chí được giác ngộ và tìm cách chạy sang hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành chiến sĩ cách mạng. Đồng chí được bổ sung về trung đội tôi một thời gian, lúc đó tôi là Chính trị viên trung đội. Sau đó đồng chí được điều về Khu bộ Liên khu 5. Nay gặp lại, đồng chí đã là đảng viên. Tháng trước, đồng chí đã lên tận mặt trận Hạ Lào đón chúng tôi, gặp nhau chúng tôi mừng vô hạn.


Ban cán sự và Ủy ban Miền vẫn đóng trụ sở ngay tại làng Xê Mo, riêng tôi ở trong một gia đình nông dân nghèo, tên ông là Tà Phưn. Hai vợ chồng Tà Phưn hiếm con, chỉ có một cô gái rượu tên Văn Ni. Với cái tuổi mười lăm, Văn Ni hồn nhiên cởi mở. Cô thích hát và múa Lâm vông. Văn Ni rất mến bộ đội Việt Nam. Mỗi ngày đi chơi ở đâu về, cô cũng cố tìm cho được một chùm hoa Chăm-pa tặng cho chúng tôi. Ở đây giao dịch hàng ngày nhân dân dùng tiếng và chữ Lào, còn tiếng và chữ Campuchia phổ thông dành để dùng trong văn tự và công việc hành chính của nhà nước. Để thuận lợi cho việc tiếp xúc, gần gũi đồng bào tôi, siêng học tiếng và chữ Lào, học được tiếng nào đem ra ứng dụng tiếng đó, có tiếng phát âm sai, đồng bào lăn ra cười rồi giúp tôi sửa giọng nói lại cho đúng. Thấy tôi ham thích, Văn Ni tích cực dạy cho tôi cả tiếng và chữ. Lúc nào Văn Ni cũng coi tôi như người anh, còn vợ chồng Tà Phưn thì thương yêu tôi như con trai của ông bà. Một lần, tôi cùng các đồng chí cơ quan vào rừng chuẩn bị mật khu cho Ban cán sự và Ủy ban Mặt trận, khi về thì trên nhà sàn Tà Phim đã đặt sẵn cỗ tháp làm bằng lá chuối trên một đĩa đầy gạo, trứng gà luộc và những sợi chỉ trắng, lại còn có cả mấy đòn bánh “khậu tụm” gói bằng nếp trộn nước cốt dừa, nhân chuối và nhiều quả cam, chuối nữa. Tôi không biết trong nhà có lễ gì, vì tôi không nghe ông bà nói. Vợ chồng Tà Phưn nắm tay tôi, kéo lại trước cỗ tháp, làm theo phong tục đồng bào tôi ngồi xếp hai chân về phía sau, như người ta thường ngồi trong chùa khi làm lễ, hai tay tôi đặt lên vành đĩa đặt cỗ tháp. Bà Phưn khoác chiếc khăn màu hồng nhạt chéo qua ngực. Chiếc khăn bà vẫn dùng trong những ngày dự lễ. Đốt bảy ngọn nến cháy đều lên, chắp hai bàn tay đưa lên ngang trán, miệng vái. Bấy giờ tôi đã biết tiếng Lào bập bẹ nghe được lời bà. Bà vái: “Cầu trời cầu Phật, cầu thần Tê-vê-đa phù hộ cho đứa con Việt Nam ở tận xa xôi đến đất nước này, giữ cho nó bình yên trước làn đạn mũi tên, cho nó được luôn luôn khỏe mạnh và giành được nhiều thắng lợi, giết được nhiều thằng giặc Pha-lăng...”


Hai ông bà Tà Phưn và Văn Ni lần lượt cột chỉ cổ tay cho tôi. Xong bà Phưn nói: “Kể từ nay, con là con người Campuchia. Con phải có một cái tên thật đẹp. Mẹ đặt tên cho con là Khâm Tằn, Khâm là vàng, Tằn là nén”. Bà giải thích: “Con từ mường Việt sang đây, đoàn kết giúp Campuchia đánh Pha lăng giành độc lập. Cha mẹ quí con cũng như vàng nén vậy”. Tôi không dám từ chối tấm lòng tốt của mẹ. Tôi chắp tay xá, sung sướng nhận cái tên của hai ông bà đặt cho mình. Không bao lâu cái tên Khâm Tằn của tôi cả làng Xê Mo đều biết. Từ đó đến đâu người ta cũng gọi tôi là Khâm Tằn. Còn cái tên Ấm mà đồng bào ở đây thường đọc là “Am” thì chỉ người quen thân mới gọi đến. Gia đình Tà Phưn và căn cứ Xê Mo sau này là chỗ dựa của tôi trong những ngày khắc nghiệt nhất của chiến trường.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2021, 02:39:42 pm »

3. Bước ngoặt của chiến trường

Bước vào những ngày cuối năm 1951, địch phản kích mạnh, chúng mở những cuộc hành quân dài ngày, càn quét liên tục. Từ trận chiến ác liệt không cân sức ở làng Ka-lanh, đại đội trưởng Quế, một cán bộ trẻ, xông xáo đã hy sinh. Địch lấy được cuốn sổ tay của đồng chí, chúng biết nhiều cơ mật, cơ sở bị vỡ ở nhiều nơi, căn cứ của Ban cán sự tạm lui về miền núi, tiếp giáp khu Hạ Lào đóng tại làng Kher. Tôi được quyết định làm Đội trưởng vũ trang công tác tả ngạn Xê Công thuộc huyện Xiêm Pang, trụ lại đồng bằng để gầy dựng cơ sở. Đội của chúng tôi vẻn vẹn có bảy đồng chí. Tôi là đội trưởng kiêm Bí thư chi bộ. Đồng chí Khâm Đeng quê ở Nava, một cán bộ Campuchia nhanh nhẹn, tháo vát và đồng chí Trung đội trưởng Đỗ Văn Hy làm đội phó.


Đội công tác lúc này tổ chức theo hình thức kết hợp nhau giữa Việt Nam và Campuchia. Đội viên của đội gồm các đồng chí Trung đội phó Lương, chiến sĩ Lư, Thìn, cán bộ Hưởng và y tá Sâm. Vũ khí chỉ có một khẩu PMmas, một khẩu Sten, ba súng trường Anh-đô-sinoa, mỗi khẩu súng chỉ có ba đến năm viên đạn.


Chiến trường đồng bằng tả ngạn Xê Công lúc này không phải như những ngày đầu năm 1950, khi lực lượng Ít-xa-rắc mới tiến về. Lúc đó địch bất ngờ, ta có kế hoạch nghi binh giỏi mười thành trăm, hư hư, thực thực. Bọn chúng hốt hoảng, hoang mang. Chỉ có đại đội 105 và một số cán bộ vũ trang tuyên truyền mà trong thời gian ngắn đã làm chủ tình thế một vùng rộng lớn. Từ Xiêm Pang sang Vơn Sai đến tận Bô Khâm, Bô Keo, ảnh hưởng tận bên kia sông Mê Kông. Ở Vơn Sai, ta bao vây đồn, địch rút chạy. Huyện trưởng là A Nha Còn đi theo cách mạng. Tể tổng... tề xã co rúm lại đầu hàng, ngụy quyền tan rã hàng mảng. Những ngày ấy, khí thế cách mạng lên cao. Ai cũng muốn rước Ít-xa-rắc về làng mình. Đến đâu, Ít-xa-rắc và nhân dân cũng tổ chức lễ uống nước ăn thề để đoàn kết đánh Tây cứu nước. Bây giờ, phong trào đang đi vào bước ngoặt, trừ làng Xê Mo, hầu hết các làng ở đây đều bị địch gom dân lại lập thành “gum”1 (Khu tập trung có tổ chức vũ trang phản động chống cách mạng) để kiểm soát chặt, với những quy định cực kỳ hà khắc. Vận động quần chúng phá gum là một nhiệm vụ cấp bách của đội.    Cuộc họp toàn đội vũ trang công tác tại khu rừng bắc làng Xê Mo, ngay trong ngôi nhà Văn phòng căn cứ cũ của Ban cán sự. Chúng tôi bàn kế hoạch vũ trang tuyên truyền vào gum Chăn Tú. Trước bảy khuôn mặt đăm chiêu của các đồng chí cán bộ, đội viên thân yêu, tôi trịnh trọng đọc lại chỉ thị của Ban cán sự Miền về nhiệm vụ, quyết tâm nắm và giành lại kỳ được nhân dân, phá tan khu gum Chăn Tú. Tôi nói chậm rãi:

- Cái gum Chăn Tú như cây gai khổng lồ cắm ngay giữa rốn vùng tả ngạn Xê Công. Phá được nó, bung dân về lại làng cũ là ta có thể khôi phục lại toàn bộ cơ sở trên địa bàn mà Đảng giao cho chúng ta đảm nhiệm. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề, nhưng chúng ta phải bắt đầu từ tranh thủ lòng dân. Tôi dứt lời thì đồng chí Lương nói:

- Tầm quan trọng đó nhất trí rồi. Nhưng tôi xin hỏi, hai tháng nay chúng ta không thể liên lạc với người dân nào trong gum, cả chú bé Xi Tha, con ông già Phửi cũng bặt tin. Mới tuần trước, tổ chúng tôi gặp năm người Na Phô về làng cũ lấy dầu làm cà boong. Vừa thấy chúng tôi họ quay đầu chạy như chạy tà. Có người vứt cả khăn cà ma. Vậy ta căn cứ vào tình hình nào để đột nhập vào gum?


Tôi để cho Trung đội phó Lương nói hết ý kiến, tôi biết anh vốn là một cán bộ đơn vị chủ lực, quen đánh tập trung hơn đi làm nhiệm vụ lẻ trong vùng địch hậu. Anh cũng có cái lý của anh. Nhưng anh mới thấy hiện tượng bên ngoài của những người dân đau khổ đó.

- Đồng bào sợ liên lụy nên họ chạy. Cái bụng họ không giết mình đâu. Tôi biết mà!

Người phát biểu đó là Khâm Đeng. Khâm Đeng có nghĩa là vàng đỏ, Khâm Đeng người làng Na Va. Chàng trai làng Na Va ấy nhập đội quân Ít-xa-rắc đã hơn một năm, tính tình vui vẻ hoạt bát.


Tôi tán thành câu phát biểu của đồng chí Khâm Đeng và kể lại tỉ mỉ ý kiến của đồng chí Ty Pheng đã nói với tôi đêm gặp nhau trong làng Xê Mo. Bảy gương mặt của toàn đội đồng loạt sáng lên. Tôi phác họa ra kế hoạch:

- Theo hiệp đồng giữa tôi và đồng chí Ty Pheng, trước đêm đột nhập vào Chăn Tú, Ty Pheng và anh Lốt, một cơ sở giả vờ đi làm ăn đến đó để nắm tình hình. Nếu có địch từ đồn Xiêm Pang đến thì Ty Pheng và anh Lốt lập tức di về bằng con đường tắt, đến làng cũ Phôn- gia-nàng đặt ám hiệu, để báo cho mình đình chỉ việc đột nhập. Nếu không có địch từ đồn đến, hai người ngủ lại trong làng Chăn Tú để tiếp tục sau khi chúng mình vào “gum” các anh nắm tình hình báo lại.

- Nhưng nếu khi mình vào gum, dân bị bọn xấu kích động cả làng nổi mõ, đốt đuốc vây bắt mình thì sao? Một chiến sĩ người ốm, dong dỏng cao, tên là Thìn hỏi.

- Làm gì có chuyện đó! - Trung đội trưởng Hy đáp lại.

- Biết đâu đấy! - chiến sĩ Thìn trả lời.


Thật ra câu nói của Trung đội trưởng Hy chưa thể giải đáp cho Thìn. Tôi biết anh em trong đội tuy tin dân làng Chăn Tú, nhưng lòng tin đó có mức độ. Tôi phải nói sao đây cho toàn bộ đội nhất trí hoàn toàn với nhận định của đồng chí Ty Pheng về làng Chăn Tú. Cuộc họp diễn ra rất sôi nổi và cuối cùng toàn đội đi đến kết luận thống nhất: “Đột nhập vũ trang tuyên truyền vào gum Chăn Tú là cần thiết, dù rằng phải gánh chịu hy sinh. Nếu xảy ra tình huống phức tạp như dân làng bị bọn xấu kích động, thấy ta vào gum, họ đốt đuốc, nổi mõ vây bắt thì toàn đội phải bình tĩnh, không hoang mang hốt hoảng, phải kiên trì giải thích cho nhân dân biết rằng mình là bạn của họ, đến đây cùng họ đoàn kết đánh đuổi Pha Lăng, giành độc lập cho cả hai dân tộc. Giả sử tình huống xấu nhất ta không thể nào nói cho đồng bào hiểu hết được lòng dạ của mình, bị đồng bào vây bức bách quá, dù một người nào trong đội bị dân bắt đi nữa thì ta cũng chỉ được quyền bắn chỉ thiên để giải vây, nhất thiết không được bắn chết một người dân nào, dầu bị bắt làm tù binh hoặc thậm chí phải hy sinh. Không phải ta thủ tiêu chiến đấu mà vì lợi ích lâu dài, nếu bắn một người dân nào chết trong cuộc xô xát này là ta đã bị mắc mưu địch, đẩy dân trong gum đứng về phía chúng, sự tổn thất ấy to lớn không thể lường trước được.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2021, 02:40:33 pm »

Để bảo đảm thắng lợi cho nhiệm vụ trước khi đội chuẩn bị lên đường, giữa khu rừng Phôn-gia-nàng, nhân danh đội trưởng và bí thư chi bộ, tôi nói:

- Vào Chăn Tú, nếu đồng chí nào xét thấy mình có thể thực hiện được những điều quyết định trong cuộc họp của đội thì hãy hành quân. Đồng chí nào xét thấy mình còn do dự thì ở lại căn cứ, sẽ đi công tác vào dịp khác.


Tất cả sáu người như một đều nắm chặt tay, giơ cao, đồng thanh hô “quyết tâm!”. Rất tiếc là hôm chúng tôi lên đường tiến hành cuộc đột nhập vũ trang tuyên truyền vào gum Chăn Tú lại vắng mặt đồng chí Khâm Đeng, vì có giấy cấp trên triệu tập đồng chí đi dự một khóa học tập.


Đến làng cũ Phôn-gia-nàng, không thấy ám hiệu của đồng chí Ty Pheng và anh Lốt, chúng tôi càng phấn khởi. Vốn thông thạo địa thế, chúng tôi bỏ tất cả đường mòn, xuyên rừng đến thẳng Chăn Tú. Mặt trời còn cao, tôi cho toàn đội dừng lại ven rừng tìm chỗ núp, chờ trời tối. Tôi và Trung đội truởng Hy len lỏi theo các bụi rậm vào sát ven làng, chọn một ụ mối để nhô lên quan sát tình hình động tĩnh trong gum.


Gum Chăn Tú nằm vắt ngang qua hai bờ suôi Xê Mo. Bên cạnh những nóc nhà cũ, mọc lên thêm hàng trăm ngôi nhà mới của dân các làng Nong Xẻng, Phôn-gia-nàng, Vân Phuông, Na Phô xung quanh dồn về, làm cho Chăn Tú vốn đã là một làng lớn càng lớn lên gấp bội.


Chiều về, tiếng chày giã gạo thùm thụp, tiếng chuông kêu leng keng ở cổ con bò, tiếng mõ kêu lốc cốc ở cổ trâu, tiếng í ới gọi nhau của các cô gái... những tiếng quen thuộc ấy gợi lên trong lòng tôi một cái gì da diết... Tôi nhớ lại những ngày gần đây, chỉ mới cách đây một mùa mưa, cũng ở cái làng Chăn Tú này, các mẹ các chị thương yêu bộ đội Việt Nam, chăm sóc các anh bộ đội Việt Nam từng miếng ăn, miếng uống, những cà tip xôi, những con cá nướng, những bát canh chua. Rồi dưới đêm trăng, giữa sân chùa, các cô gái các chàng trai làng hòa cùng các anh bộ đội Việt Minh, bộ đội Ít-xa-rắc trong những điệu múa lâm vông hài hòa tha thiết, thế mà hôm nay cũng cái làng Chăn Tú ấy... Chao ôi, tim tôi như thắt lại.


Tôi đang mải suy nghĩ thì từ phía sau lưng có tiếng leng keng của mấy chú bò đi ăn rong trên đường về làng. Tôi quay lại, một tiếng kêu thảng thốt:

- Anh Khâm Tằn! thằng bé Xi Tha, con ông già Phửi ở Phôn-gia-nàng từ trên lưng con bò mộng phát hiện ra tôi, kêu lên và tụt xuống khỏi lưng bò rồi lủi mất hút.

- Lộ rồi, ta lui thôi! Trung đội trưởng Hy giục.

- Khoan đã ...


Tôi khoát tay cho Trung đội trưởng Hy nấp kín vào ụ môi và dán mắt vào làng trông theo chú bé. Tôi vẫn tin chú bé con ông già Phửi này. Trong những ngày gom dân lập gum của địch ác liệt, ông già Phửi vẫn kiên quyết ở lại làng cũ. Bà Phửi chết từ lâu. Ông già sống cảnh gà trông nuôi con, đứa gái đầu là Xảo Xun, đứa gái thứ hai là Xảo Nhi, còn thằng Xi Tha là út... Một hồi khá lâu, chú bé từ trong làng ra, tôi thoáng thấy theo sau là một cô gái. Đúng là Xảo Nhi rồi. Sau Xảo Nhi không có người lạ mặt nào khác.


Với tinh thần cảnh giác của một chiến sĩ địch hậu, chúng tôi di chuyển địa điểm để đề phòng bất trắc. Khi hai chị em đến chỗ Xi Tha đã thấy tôi lúc nãy, nhìn trước nhìn sau rồi cả hai khẽ gọi:

- Anh Khâm Tằn ơi, em đây mà! Tôi nghe rất rõ tiếng hai chị em Xi Tha, nhưng một hồi sau mới lên tiếng trả lời.


Từ bụi rậm, tôi bước ra. Xi Tha nhảy lại ôm chầm lấy tôi, em mừng rỡ áp đôi má vào ngực tôi. Nước gì ấm ấm trên lòng ngực tôi? Trời ơi! Chú bé khóc. Những giọt nước từ đôi mắt ngây thơ của chú thấm qua làn áo mỏng, đem hơi ấm truyền cho quả tim tôi. Lòng tôi rung động, hai tay vuốt lên mái tóc hoe nắng của chú bé. Còn Xảo Nhi, hai bàn tay xinh xắn mềm dịu cứ nắm chặt lấy bàn tay tôi.

- Anh Khâm Tằn ơi, gia đình em, mấy chị em của em bị dồn về Chăn Tú nhưng lòng em vẫn nghĩ về các anh...

- Cảm ơn Xi Tha!

Tôi cảm động quá đặt nhẹ một cái hôn lên chiếc má đầy lông măng của chú bé, lòng tràn đầy sung sướng. Tôi quay lại trêu Xảo Nhi:

- Xảo Nhi về làng Chăn Tú vui quá, quên các anh ở ngoài rừng hết rồi!

- Không quên đâu, em vẫn nhớ các anh mãi, nhưng biết làm sao đi thăm các anh được. Thân em chẳng khác nào con chim nhốt trong lồng, con cá thả trong chậu...

- Còn Phò thế nào? (Phò là cha, ý chúng tôi muốn hỏi cụ thân sinh của Xảo Nhi và Xi Tha)

- Phò nhớ các anh lắm, có lúc Phò bảo cứ liều đi Phôn-gia-nàng tìm thăm các anh rồi ra sao thì ra.

- Tội nghiệp Phò quá! Bây giờ anh muốn gặp Phò có chút việc được không?

- Sao không được! Thôi để chúng em về làng bảo Phò ra gặp anh. Hôm nay làng không có lính huyện đến đâu.


Nói xong, chị em Xảo Nhi vội vã về làng.

Tôi nói với các đồng chí trong đội rằng: ta liên lạc với ông già Phửi, coi như chuyến đột nhập Chăn Tú của chúng ta chắc chắn thành công! Anh em ai nấy đều vui...


Vào mùa khô 1952, một sự kiện mới lại đến với địa bàn hoạt động của chúng tôi. Ban cán sự và Ủy ban Dân tộc Giải phóng Đông Bắc Campuchia chuyển hướng, dời cơ quan về phía đông - đông bắc Vơn Sai, tiếp giáp Bô Keo và Lom Phát. Nhiều cán bộ chủ chốt của bạn được tổ chức tham quan ở Lào và Việt Nam. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ ta luân phiên về nước nghỉ dưỡng và học tập. Các đội vũ trang công tác của hai huyện Xiêm Pang và Vơn Sai được thống nhất lại. Ban lãnh đạo đội được chỉ định gồm ba người: tôi làm Bí thư cùng hai ủy viên là đồng chí Phan Trữ và Huỳnh Văn Thức. Nhưng sau đó đồng chí Phan Trữ trong một chuyến công tác đã bị thương về khu Hạ Lào điều trị dài ngày, còn lại tôi và đồng chí Thức. Đồng chí Thức quê ở xã Ân Tín, Hoàn Ân (Bình Định) đến chiến trường Đông Bắc Campuchia cùng lúc với tôi, nhưng hành quân trong đội hình đại đội dân chính đảng. Đồng chí nói tiếng Brâu rất sõi, thông thạo vùng bắc Vơn Sai và đã kết “xiều” (làm bạn) với ông Chánh Niết, một tộc trưởng có tên tuổi vùng này, rất thuận lợi cho công tác.


Cuộc họp thống nhất đội vũ trang công tác hai huyện tổ chức tại làng của Nai-koong Grạ. Grạ là tên của ông già đứng đầu thị tộc, còn Nai-koong là một chức danh hành chính do Pháp đặt cho ông, để nắm dân cả vùng núi bắc Xiêm Pang, lớn hơn chức chánh tổng. Hội nghị nhất trí chia đội thành hai bộ phận. Một bộ phận hoạt động ở Xiêm Pang do tôi phụ trách. Một bộ phận hoạt động ở Vơn Sai do đồng chí Thức phụ trách và đề cử đồng chí Thay, một cán bộ địa phương làm đội phó, cùng đồng chí Thức chỉ đạo cánh hoạt động ở hướng Vơn Sai. Căn cứ của đội đặt tại một nhánh của thượng nguồn con suối Xà-mõn, vùng dân tộc Brâu.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2021, 02:41:20 pm »

Theo thư chỉ đạo của Ban cán sự, nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi lúc bấy giờ là: “Ra sức tuyên truyền vận động cách mạng, vạch trần âm mưu địch, giáo dục chính sách ta, xây dựng vững chắc căn cứ địa miền núi, gây dựng, khôi phục cơ sở đồng bằng, tạo điều kiện đưa cách mạng phát triển”. Phương châm, phương thức hoạt động có thể tóm tắt gọn bốn chữ: “Kiên trì, bí mật”.


Để thực hiện nhiệm vụ trên, chi bộ chúng tôi đã quyết nghị: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đội phải triệt để quần chúng hóa”. Nghĩa là phải nói tiếng Brâu, để tóc dài chấm vai, chít khăn đỏ, ở trần, đóng khố, đi chân không. Thực ra thì lúc này chúng tôi cũng không có dép để đi nữa. Ba lô là chiếc gùi đi rẫy của đồng bào Brâu. Đi đâu cũng phì phà ống vố dài theo kiểu của địa phương và vai súng, vai chà gạc. Chà gạc là một kiểu rựa của đồng bào. Chúng tôi dùng chà gạc có hai tác dụng. Một là nghi binh lúc đi đường, hai là đến đâu xáp vào phát rẫy với dân. Phải tập cách ăn ở chan hòa với quần chúng, đặc biệt là ăn món “đắc-rét”, nấu bằng chất chưa tiêu hóa hết trong ruột của con nai. Lúc đầu, mới ăn mùi vị rất khó chịu, nhưng ăn lâu thành quen, cảm thấy ngon. Mọi người đều phải học tiếng nói của dân tộc Brâu, để thuận lợi cho việc tiếp xúc với quần chúng và dễ dàng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, gắn bó với quần chúng.


Nhân dân dân tộc Brâu khu vực chúng tôi hoạt động có nhiều phong tục tập quán khá độc đáo và phức tạp. Ngoài các tục lệ cà răng, căng tai như nhân dân thường nói để phân biệt sự khác nhau giữa con khỉ và con người, còn có tục lệ xăm râu cho con gái và những tục lệ kiêng cữ khác. Nhân dân sợ liên lụy, không muốn Ít-xa-rắc vào làng, vào rẫy. Họ chặt một cành là tươi, treo ngược ở cổng làng, hoặc ở cửa nhà rẫy, thì dù có gấp đến mấy chúng tôi cũng không dám phá cái tục lệ ấy. Nhưng do cuộc sống bị nhiều tầng lớp áp bức của giặc Pháp, của bọn phong kiến dưới xuôi, của bọn Nai-koong, tà-xẻn miền núi, họ dễ gần gũi cách mạng, thương cán bộ Ít-xa-rắc, thương bộ đội Việt Minh. Thấy chỉ có đi với Ít-xa-rắc, với Việt Minh thì người Brâu mới được giải phóng, mới có cuộc sống tự do, bình đẳng, không bị ai khinh miệt. Nhân dân rất thật thà. Đã tin ai, thì tin thực sự. Nhưng ai đã làm cho họ mất lòng tin thì về sau khó bề khôi phục lại lòng tin cho họ. Vốn trình độ kiến thức còn thấp, nặng nề mê tín thần quyền và hay cả tin, nên dễ bị bọn xấu lừa mị, kích động. Có khi vì bị kích động mà giữa thị tộc này và thị tộc kia đã dẫn đến xô xát nhau bằng vũ lực. Lợi dụng nhược điểm này, giặc Pháp tuyên truyền xuyên tạc và lừa mị nhiều cách, để kích động nhân dân chống Việt Minh và Ít-xa-rắc.


Hôm đó, tôi đi công tác ở làng Bượi, Nai-koong cho du kích mật đến tìm. Gặp tôi, anh ta chẳng nói chẳng rằng gì cả, miệng thở hổn hển, mình đẫm mồ hôi, đặt chiếc tà lẹp xuống, mở nắp lấy đưa cho tôi cái tín hiệu “hỏa tốc” của ông Grạ. Đó là một mũi tên nhỏ, ở đuôi cánh có cột kèm một hòn than và một chiếc lông gà. Ông Nai-koong Grạ thường bảo: đấy là làm theo cái phong tục người Brâu. Cái hòn than tượng trưng công việc gấp nóng như lửa. Chiếc lông gà tượng trưng công việc gấp phải chạy nhanh như chim bay. Người nhận được tín hiệu phải đến nhanh mục tiêu như chiếc tên bắn vào đích.


Gặp Nai-koong Grạ, việc đầu tiên ông báo cho tôi biết là địch đã đánh vào cái căn cứ nào đó của tôi ở Huội Xà-mỏn. Việc thứ hai là ông khuyên tôi không nên lui tới rẫy làng của ông nữa. Tôi ngạc nhiên về thái độ của ông. Ông nói: “Khâm Tằn ạ! thằng Tây nó giỏi lắm. Các con ngồi đâu, ở đâu, nó có cái máy, thấy hết. Các con gặp ai, nói gì, nó có cái máy nghe hết. Người ta nói nó nghe được cả chuyện bên Tây, bên Tàu nữa. Đấy, thì cái căn cứ của các con bí mật, dân làng không biết mà thằng Tây nó biết để đến đánh...!”. Ông tỏ vẻ hoang mang thực sự.


Tôi biết, bọn Pháp lừa ông Nai-koong Grạ. Chúng đã dùng ống nhòm quan sát và máy thu thanh để bịp, làm cho nhân dân sợ. Tôi tìm cách giải thích, nhưng một lần ông Grạ không thể tiếp thu ngay được. Công việc cấp tốc là chúng tôi phải về xem địch đánh vào căn cứ ngọn suôi Xà-mỏn như thế nào...


Nói là căn cứ, nhưng đây chỉ là một cái nhà ở tạm, làm bằng cây rừng lợp lá trung quân. Chúng tôi cất lên nhưng có mấy khi ở. Toàn đội đã phân tán đi hoạt động ở hai huyện, mỗi tháng cán bộ gặp nhau một lần để đánh giá tình hình, bổ sung nhiệm vụ. Từng quý mới tập trung toàn đội sinh hoạt một lần. Căn cứ bỏ trống, chỉ còn ở đó khoảng năm, bảy chục ký gạo và một cà tho mười hai ký muối, là nguồn dự trữ của đội mà thôi. Thế mà làm sao bọn điệp biết đưa địch đến đánh. Vả lại, theo ông Nai-koong Grạ cho biết là sau khi đánh vào căn cứ, địch hành quân qua làng ông. Ông thấy chúng thu được đồ đạc của chúng tôi, ngoài gạo và muối ra còn có cả vải bạt ni lông, một ít quần áo và một khẩu súng trường không có “cui-lát” nữa. Thật là một chuyện lạ. Hai chúng tôi dò từng bước về căn cứ. Nhìn thấy dấu vết phá phách của địch, chúng tôi nghĩ: hình như những ngày chúng tôi đi vắng, có bộ phận nào lại ở đây. Chúng tôi đến hộp thư bí mật được đặt ở cái bộng cây gần đó, thấy có một lá thư, nhìn nét chữ quen quen, đúng là nét chữ của đồng chí Phạm Thục.


Tôi bóc vội bức thư xem. Đồng chí Thục báo cho biết, Ban cán sự bổ sung về đội vũ trang công tác liên huyện thêm ba đồng chí gồm: Hứa Anh quân y sĩ1 (Hứa Anh sau này là bác sĩ, công tác ở Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương), Hà Văn Tý đội viên và đồng chí Thục được bổ sung vào Ban lãnh đạo. Ba anh em được đồng chí Chương và Xuất liên lạc viên dẫn đường đến thẳng căn cứ, nằm chờ tôi về. Chẳng may mới ở ba hôm thì bị địch tập kích. Tất cả đều an toàn, chỉ mất đồ đạc cá nhân và khẩu súng trường đồng chí Chương đang tháo lau chùi, khi địch bắn chỉ cầm được cái cơ bẩm.


Cuối cùng đồng chí Thục ghi: “Chúng tôi đợi Khâm Tằn ở ngọn suối Tà Ngâu”.

Đọc thư đồng chí Thục tôi vừa phấn khởi, vừa lo. Phấn khởi là đội được tăng lực lượng và trên phân công đồng chí Thục về tham gia ban lãnh đạo. Được đồng chí tăng cường vào ban lãnh đạo, tôi an tâm. Nhưng lo vì người đông, lương thực thiếu và đặc biệt là muối. Thiếu gạo chúng tôi có thể dựa vào củ rừng, vì đã từng quen ăn củ nầng, khoai chụp để sống, mà thiên nhiên ở đây sẵn sàng cung cấp. Nhưng thiếu muối thì thật khó giải quyết. Bọn địch ở đây tiến hành “chiến dịch bao vây muối”. Chúng kiểm soát rất nghiêm ngặt, có thể bắt bỏ tù, thậm chí xử bắn bất kì ai tiếp tế muối cho Ít-xa-rắc, Việt Minh. Nhân dân, nhất là ở vùng núi thiếu muối nghiêm trọng. Lợi dụng tình hình đó, bọn giặc treo giải thưởng bằng muối cho bất cứ ai giết được Việt Minh, Ít-xa-rắc cắt tai đem về nộp cho quan Pha-lăng. Mỗi cặp tai là một bao muối trăm kí lô. Nhưng nhân dân thà ăn nhạt chứ không ai làm việc đó. Chúng tôi đã hết sức khéo léo tổ chức cơ sở mua và ki cóp dành dụm được một cà tho mười hai ký muối làm “vốn liếng” sống cho đội, nay người tăng cường mà cà tho muối ấy đã bị địch lấy mất, phải lâu lắm mới tìm cách có lại được. Bây giờ trước mắt phải chịu ăn nhạt.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2021, 02:42:03 pm »

Chúng tôi gặp bộ phận đồng chí Thục tại ngọn suối Tà Ngâu đúng như thư hẹn.

Suốt mùa mưa năm 1952, công tác củng cố căn cứ địa miền núi, tạo điều kiện khôi phục lại cơ sở đồng bằng của chúng tôi đi vào chiều hướng tốt. Nhờ sự lãnh đạo của ban cán sự, có đường lối đoàn kết dân tộc đúng đắn của mặt trận Ít-xa-rắc và việc vận dụng phương châm, phương thức hoạt động của chúng tôi phù hợp, tình hình ngày càng thuận lợi và phát triển. Mặc dù địch vẫn tiếp tục càn quét đánh phá, nhất là ở huyện Xiêm Pang có tên xếp Xuôn, trưởng đồn, mới được thăng hàm thiếu úy. Sau cuộc hành quân bất ngờ do y trực tiếp chỉ huy, từ Xiêm Pang đi theo đường Hạt Hài, thọc lên Sâm Poi của Hạ Lào, vòng lên vùng núi La Ve, Brâu trở về Xiêm Pang, y hung hăng tuyên bố là đã đuổi Việt Minh và Ít-xa-rắc ra khỏi lãnh thổ. Trước tiệc rượu mừng thăng quan đủ mặt bọn tề tổng, tề xã và tên thiếu úy Pháp, y ngạo mạn nói rằng: “Trong huyện Xiêm Pang từ nay không còn bóng dáng một tên Ít-xa-rắc hay Việt Minh nào cả”. Và y thề: “Bao giờ nước sông Xê Công chảy ngược về Lào, thì đồn Xiêm Pang mới có thể mất!”. Y có biết đâu, sông Xê Công không bao giờ chảy ngược, nhưng đốm lửa cách mạng đang âm ỉ cháy khắp rừng, làng mạc, chỉ chờ cơn gió lớn sẽ bùng lên đốt trụi cái đồn Xiêm Pang tàn ác của y.


Những tin tức ấy, do cơ sở nhân dân miền núi đi liên lạc với cơ sở và móc nối với người tốt dưới đồng bằng về báo lại cho đội. Mỗi lần như vậy, cơ sở ở đồng bằng thường gửi cho chúng tôi ít thức ăn, vật dùng. Thỉnh thoảng được nửa lon muối. Muối coi như hàng chiến lược. Cơ sở mang được muối từ đồng bằng về phải là người có gan và nhiều mưu trí, do đó, muối là vật vô giá đối với chúng tôi. Mỗi khi nhận được số muối ít ỏi đó, chúng tôi chia nhau toàn đội, cho từng khẩu phần, đựng vào những tuýp thuốc Đa-giê-năng cũ để dành, lúc ăn cơm xong dùng tăm chấm muối xỉa răng, hoặc bốc một hạt ngậm cho “mặn miệng” để uống nước, cho đỡ nhớ muối.


Tình trạng thiếu muối kéo dài gần ba tháng, chúng tôi phải ăn cơm chủ yếu với tro rễ tranh. Rễ tranh rửa sạch phơi khô, đốt cháy, lấy tro đem ngâm, lọc lấy nước, nấu sắc lại để ăn. Lúc đầu khó ăn, nhưng lâu cũng quen dần. Cái chất chát chát mặn mặn của nó cũng giúp chúng tôi ăn được cơm... Tuy vậy, thiếu muối lâu trong người thấy khó chịu, có đồng chí bị phù thũng, chân sưng húp, leo dốc rũ đầu gối. Các đồng chí khỏe phải nhường muối cho người ốm. Có thể nói đây là những ngày tháng chúng tôi cho là gian khổ nhất.


Đói muối, thèm muối, chúng tôi khao khát được một bữa ăn mặn, dù chỉ cơm vắt với muối thôi, nhưng được ăn thoải mái, đầy đủ, mỗi người ăn một bữa có thể hết cả ký gạo. Có lần tôi và đồng chí tiểu đội phó Dương Văn Kiều đi công tác, ghé ngủ đêm ở chòi rẫy của nguời dân làng Bượi. Nhà rẫy bỏ trống chỉ có mình tôi và Kiều. Tôi đang lụi cụi nấu cơm tôi. Kiều đi hái rau rừng để làm canh. Khi về, Kiều phát hiện ra hơi mặn của muối. Anh sục tìm trên giàn bếp của chòi rẫy, thấy một ông ba đẹt1 (Ba đẹt là loại mắm đặc sản của đồng bào vùng này). Kiều đưa ông ba đẹt đến gần ngửi một cách thú vị, xuýt xoa:

- Anh Khâm Tằn! Ba đẹt ngon quá, hình như họ bỏ muối hơi nhiều một chút. Hay là ... (anh ngập ngừng) ta lén lấy một ít... ăn thử!


Tôi biết lòng dạ của Dương Vân Kiều, anh là một tiểu đội phó xuất sắc, chiến đấu tốt, công tác cần cù, kỷ luật nghiêm. Nhưng đã mấy tháng qua đội thiếu muối, ăn nhạt lâu ngày, hôm nay thấy mùi ba đẹt anh thèm. Không phải anh thèm chất cá của ba đẹt, mà cái chính là anh thèm muối. Muối! Ôi cái tiếng muối với cái mùi vị mặn của nó, kích thích vị giác con người vô cùng. Nghe Kiều nói giọng anh không được tự nhiên và sắc mặt anh bỗng đỏ ửng rồi tái dần đi. Đọc qua nét mặt đó, tôi biết anh tự thấy với câu nói vừa rồi là mình đã vi phạm một trong những điều kỷ luật sắt của đội. Hiểu rõ tâm trạng của Kiều, tôi an ủi anh:

- Kiều ơi! Tôi và Kiều đều khao khát một bữa ăn mặn miệng, nhưng có thể nào mình vi phạm kỷ luật được. Giả sử mai đây nhân dân ra rẫy thấy mất ba đẹt, họ sẽ nghĩ gì? Họ sẽ nghi chúng mình chứ còn ai vào đây nữa. Như phong tục ở đây Kiều đã biết, của bỏ đâu còn nguyên đó, trong nhân dân không có người ăn cắp.

Mà khi nhân dân đã biết chúng ta lấy ba đẹt của họ, thì uy tín của chúng ta, chính nghĩa cách mạng còn gì nữa.

Kiều lặng lẽ đặt ống ba đẹt lên giàn bếp. Anh cười vui vẻ. Bữa ăn tôi dọn ra, bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi vừa hít cái hơi mặn của ông mắm vừa ăn cơm nhạt với canh rau rừng nấu với nước rễ tranh. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ánh mắt của Kiều liếc nhìn ống ba đẹt trên giàn bếp, nhưng rồi bữa cơm nhạt vẫn cứ đi qua..

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục chuyến công tác xuống đồng bằng móc nối cơ sở ở Xê Mo.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM