Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:59:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến sĩ trinh sát  (Đọc 7531 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 08:01:23 am »

Tết năm 1975 ở hậu cứ khá bình yên. Hầu hết anh em các hướng đã trở về. Anh "Thái điếc" quản lý của đơn vị đang chuẩn bị cưới vợ. Anh Thái yêu chị Chạy, một chiến sĩ Đại đội 3 vận tải. Đơn vị đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho anh chị thật đơn giản nhưng vui vẻ. Ai cũng nói câu: "Lính mà em".


Sau Tết ít ngày, tổ trinh sát lại ra đi. Các anh đi xuống các huyện phía nam của Quảng Nam khu vực Tam Kỳ, Phước Lâm còn tôi chưa được phân công nên cũng hơi buồn, ở nhà chơi với mấy anh em đau yếu.

Anh Dần kể lại trường hợp anh bị thương do địch phục. Anh đi đầu tiên nên dính không biết bao nhiêu viên bi của mìn Clây-mo. Điền, Liêm đi sau bị trúng vào ngực, vào đầu nên hy sinh ngay. Địch nghĩ cả nhóm đều chết nên chúng rút ngay không kiểm tra kỹ. Anh Tự chính trị viên phó hay gọi tôi lên uống nước. Cậu Trò liên lạc có giọng nói e é như con gái, được cái chịu khó cứ lục sục cả ngày, phục vụ xê Bộ thật chu đáo. Cậu ta làm việc thật kiên nhẫn. Tôi phàn nàn với anh Tự là có phải bị treo giò không? Ở Phước Lâm chuẩn bị bắt tù binh thì bị gọi về, mà việc theo dõi địch chỉ có tôi và anh Khoát thế mà... Anh Tự cắt lời: Việc gọi cậu về là do ý kiến của Phòng Chính trị sư đoàn đấy. Tớ chưa thể nói trước gì được... Anh có vẻ bí mật làm tôi hơi sốt ruột.

Anh lảng sang việc khác:

- À! Đánh Nông Sơn, Trung đoàn trưởng 31 đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng ba cho cậu. Tớ mới lên nhận hôm qua. Tiện thể các ông ấy đưa luôn cả giấy chứng nhận Huân chương Chiến công hạng ba do đồng chí Phó sư đoàn trưởng Long Châu Sa đề nghị khen khi phục vụ trinh sát núi Vàng năm 1972. Sau đó anh nói lan man một số chuyện khác về anh và quê hương anh. Anh Tự quê Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nhập ngũ từ năm 1967 sức khỏe rất kém. Anh mới được đi học Trường Quân chính Quân khu năm kia. Năm ngoái được điều về làm chính trị viên phó. Lần đầu tiên tôi gặp anh khi anh dẫn một số trinh sát xuống Sơn Phúc bổ sung cho chúng tôi. Sau đó, tôi và anh trở về đại đội. Tôi đã quên mất cái chi tiết mà anh Tự cho là va chạm. Anh Tự kể: "Tớ gốc lính thông tin, việc chui đồn, đột điểm chưa hề làm nên lúng túng lắm. Việc tớ lúng túng không có nghĩa là sợ chết. Hôm ở Sơn Phước cậu hét làm tớ phát ớn. Nhưng tớ cũng phải thừa nhận cậu chẳng nể tớ là chính trị viên phó. Thực tình tớ rất cáu. Nhất là mấy cậu lính trân trân nhìn tớ như khiêu khích "Anh làm sao thế”, "Sao kém vậy?" nhưng lại thấy cậu hay hay. Sau này, mấy anh đại đội hay nói nhiều về cậu, nay mới có dịp tâm sự... Tôi nghe anh nói thấy ngượng, hơi đỏ mặt. Anh chẳng để ý đến thái độ của tôi. Nhược điểm của anh Tự là ở chỗ đó. Anh nói tiếp:

- Này! Anh em hình như họ nói câu "nguy hiểm chết người" khi nhìn thấy tớ là thế nào nhỉ?

Tôi chưa nghe thấy nên hỏi lại:

- Nhưng mà ai nói?

Anh lưỡng lự một lúc rồi nói:

- Mấy cậu dân Hải Phòng.

Tôi nhìn anh rồi phá lên cười. Anh có vẻ sửng sốt. Rồi anh trở lại vẻ băn khoăn. Tôi giải thích chẳng biết có trùng với ý của mấy cậu lính dân Hải Phòng không?

- Tại anh gầy quá, chân tay khẳng khiu, mặt thì hốc hác, mắt anh sâu quá, má anh tóp quá. Tóm lại, hình dáng anh cái gì cũng "quá" một tý.

- Thế thì đã sao? Liên quan gì đến "nguy hiểm chết người". - Anh cắt ngang đoạn mô tả của tôi.

- Anh không biết đâu, ở ngoài Bắc có các đường dây điện cao thế, tôi hơi do dự một tý tiếp: Người ta vẽ lên đó một chiếc đầu lâu có hai xương chéo nhau, phía dưới để "nguy hiểm chết người". Đó là biển báo nguy hiểm của ngành điện lực. - Tôi chờ xem anh cáu thế nào.

Anh yên lặng một lúc rồi nói như hỏi: ’’Đúng thế chứ?”. Tôi cũng nói không khẳng định lắm: "Chắc thế!". Anh có vẻ đỡ căng thẳng hơn một chút nói:

- Tớ lại cứ lo các cậu ấy nói mình thâm độc, là diện "nguy hiểm" nếu thế thì anh em nghĩ sai về tớ quá. Oan tớ quá. - Anh lại nói: "Cậu thấy ở cột điện ngoài ấy có thế thật à?".

Tôi cười: "Thật mà!”. Tôi đã hiểu về anh, coi trọng tâm hồn hơn thể xác. Anh bằng lòng với cách ví von tượng hình của các cậu Khôi, Bé là lính Hải Phòng. Tối đó anh Giáo từ Phòng Chính trị sư đoàn về nói oang oang: Mấy thằng khẩn trương làm cỗ tiễn chân cậu Chiến ra Bắc học, để phục vụ quân đội lâu dài. Anh Nhỡ trung đội trưởng cũng báo với tôi như vậy. Tối đó, mấy anh em ôm yếu và chỉ huy đại đội liên hoan, chúc tôi ngày mai lên đường. Đó là ngày 2 tháng 3 năm 1975. Anh Tự tặng tôi chiếc Album, bên trong ghi mấy dòng lưu niệm và tấm hình Bác Hồ. Tôi trân trọng nhận món quà của anh Tự và cảm ơn anh. Anh Giáo và các anh em khác ghi những dòng chữ chân thành vào các miếng giấy nhỏ mà anh Tự đã cắt bỏ vào chiếc túi bên trong. Anh Thái tặng tôi một khăn voan và gửi ba chiếc cho em gái Nguyễn Thu Dương ở chợ Cồn - Hải Hậu. Lên sư đoàn, anh Tru đại đội trưởng cũ, nay là trợ lý Ban 2 gửi tôi đem giùm về cho vợ anh ở xã Nhuê Khúc, thị xã Phúc Yên. Anh Thi trợ lý Ban 3 thông tin nhờ tôi đem về cho vợ anh ở làng Huệ Trì xã An Phụ, huyện Kim Môn, Hải Dương. Quà các anh gửi đều là rađio Nationna 3 pin. Anh Đồng trợ lý ban tặng tôi chiếc đài Phi-lip loại 9V nhưng tôi không nhận, nói để các anh dùng nghe tin tức.


Tôi sang Phòng Chính trị. Đồng chí trưởng ban cán bộ đọc cho tôi nghe đoạn nhận xét. Tôi biết ơn và ghi nhận những đánh giá của trên đối với mình, điều mà trong chiến đấu tôi không để ý và chính những nhận xét đó đã chắp cánh, nâng đỡ, giúp cho tôi thêm nghị lực, có niềm tin mãnh liệt vào tập thể, vào tổ chức, nó đã chi phối tôi suốt cả cuộc đời.

Anh hỏi lại tôi các giấy chứng nhận đã đủ chưa:

- Bốn giấy chứng nhận Chiến sĩ thi đua: 1971, 1972, 1973, 1974.

- Hai Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba: 1972, 1974.

- Một quyết định B bậc phó.

- Hồ sơ sinh hoạt Đảng.

Riêng hồ sơ cán bộ do Trưởng đoàn cầm.

Anh nói: Các đồng chí đi học lúc đơn vị đang vào chiến dịch quyết liệt, phải thật cố gắng để ra đến nơi và học tập cho tốt nhé. Học rồi sau phục vụ quân đội tốt hơn.

Đoàn cán bộ Sư đoàn 2 đi ra Bắc, rời sư đoàn bộ ngày 6 tháng 3 năm 1975. Chúng tôi không thể biết rằng chỉ sau đó 3 ngày chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Cuộc tấn công bất ngờ của ta vào Buôn Ma Thuột đã mở ra giai đoạn sụp đổ hoàn toàn của chế độ ngụy Sài Gòn ở Việt Nam. Chúng tôi phải đi bộ một ngày, sau đó lên ô tô theo đường số 14 ra Bắc. Trên đường, chúng tôi gặp một số đoàn bộ đội hành quân bằng ô tô gấp gáp vào chiến trường. Nhìn những chiến sĩ mặt đỏ au, tươi rói hồn hậu hỏi chúng tôi khi hai xe tránh nhau: "Còn giặc không các anh ơi". Chúng tôi la to lên: "Nhanh lên thì còn đấy". Vượt ra khỏi đông Trường Sơn, con đường số 9 đưa chúng tôi đến bờ sông Thạch Hãn, dừng ở đó nghe đài loan tin chiến thắng Buôn Ma Thuột, rồi tin giặc chạy tháo thân ở Cheo Reo, Phú Bổn làm nức lòng người. Chúng tôi không thể ngờ cuộc kháng chiến ác liệt của dân tộc ta đã hoàn toàn thắng lợi trong mùa Xuân 1975. Trên đường ra Bắc, tâm hồn chúng tôi tràn đầy hạnh phúc. Niềm vui sướng cứ tăng dần lên theo các bản tin thông báo chiến thắng. Thiên nhiên miền Trung non xanh nước biếc nay càng đẹp đẽ nhân lên giữa trời nắng gió thanh bình. Tôi đã hứng chí làm bài thơ:

   Không khuất tán rừng trời cao quá
   Đất rộng mênh mang biển sóng xô
   Gió ào phần phật tà áo lính
   Vuốt ngược tóc dài đỏ loe hoe
   Nhìn thấu dọc ngang dài rộng quá
   Rừng vàng biển bạc đất quê ta.
   Cũng lắm gian nan cho điều ấy
   Muôn người dân Việt đã xông pha.


Khi về đến Tổng cục Chính trị thì chiến dịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu. Đoàn 871 là nơi đón nhận, nuôi dưỡng, giúp chúng tôi chuẩn bị mọi mặt để bước vào môi trường công tác mới.

Chúng tôi đón nhận tin chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 tại Hà Nội cùng trong niềm vui chung của nhân dân Thủ đô, những người lính từ chiến trường ra đây lại có một nỗi lòng riêng kỳ lạ:

   Xa chiến trường mấy bữa
   Đêm về rét nhức xương
   Hay là xa tuyến lửa
   Mà thêm nhớ, thêm thương
   Xa chiến trường mấy bữa
   Đêm về rét nhức xương
   Thương anh em, đồng chí
   Nhớ! Nhắc nhở gọi mình.


Chẳng phải vì tiếc không có mặt trong đoàn quân kiêu hùng rầm rập tiến vào thành phố trước sự hân hoan chào đón của đồng bào mà chỉ một chút thoáng thấy hình như mình chưa được trọn vẹn lắm trong việc góp phần làm nên chiến thắng hoàn toàn của dân tộc. Chỉ một thoáng thôi, còn sau đó chúng tôi lại bị cuốn hút vào cái không khí sôi động hào hùng theo lời hát: ''Việt Nam trên đường chúng ta đi" của nhạc sĩ Huy Du do ca sĩ Doãn Tần thể hiện được phát đi phát lại liên tục trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam làm nôn nao, xao động mọi tâm hồn.


Cả dân tộc Việt Nam tự hào cùng ca vang bài: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Vâng! Hơn ai hết, chúng tôi, những người lính hiểu cái giá mà quân và dân ta đã phải trả để có được chiến thắng oai hùng của dân tộc hôm nay.


Sài Gòn 1999
TỪ VĂN CHIẾN
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2021, 08:02:23 am »

Hơn 4 năm ở chiến trường miền Trung Trung Bộ - Nam Lào và Tây Nguyên gian khổ, ác liệt nhưng trung dũng kiên cường. Đây là quãng đời hoạt động đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi đã sống đẹp trong khó khăn gian khổ với anh em đồng chí, được biết đến hàng chục cán bộ, chiến sĩ trong đại đội trinh sát thân thương đã ra đi mãi mãi không về. Họ đã ngã xuống cho Tổ quốc để hôm nay nước nhà độc lập. Có những người tôi chỉ mới biết tên còn quê hương, gia đình ở đâu chưa kịp biết. Hôm nay, một chút ký ức với các anh lần lượt hiện về.

1. Nguyễn Văn Thu - Đại đội trưởng - Bình Định - hy sinh 19-2-1971.

2. Nguyễn Văn Dăm - Tiểu đội trưởng - Hà Nam Ninh (Lào) - hy sinh 19-2-1971.

3. Bùi Văn É - Đại đội trưởng - Hòa Bình (Lào) - hy sinh 19-2-1971.

4. Nguyễn Ngọc Lan - chiến sĩ - Hưng Yên (Lào) - hy sinh 19-2-1971.

5. Đồng chí Mười - Đại đội trưởng - Đà Nắng (Lào) - hy sinh 19-2-1971.

6. Nguyễn Văn Thể - chiến sĩ - Hà Tây (Lào) - hy sinh 19-2-1971.

7. Đồng chí May - chiến sĩ - Hải Dương (Lào) - hy sinh 19-2-1971.

8. Ngô Tấn Đê - Tiểu đội phó - Quảng Ngãi (Bình Đinh) - hy sinh 5-8-1972.

9. Lương Thanh Xương - Đại đội trưởng - Hải Phòng (Kon Tum) - hy sinh tháng 6-1972.

10. Huỳnh Lớn - chiến sĩ - Nam Hà (Kon Tum) - hy sinh tháng 6-1972.

11. Đào Tất Triện - chiến sĩ - Hưng Yên (Kon Tum) - hy sinh tháng 6-1972.

12. Nguyễn Văn Quân - Đại đội trưởng (Hải Dương) - hy sinh tháng 6-1972.

13. Kiều Văn Rĩ - Đại đội phó (Hà Tây) - hy sinh tháng 6-1972.

14. Nguyễn Văn Thực - chiến sĩ (Hưng Yên) - hy sinh tháng 6-1972.

15. Nguyễn Xuân Du - chiến sĩ (Hưng Yên) - hy sinh tháng 6-1972.

16. Trần Văn Quang - chiến sĩ (Nam Hà) - hy sinh tháng 6-1972.

17. Trần Đình Thoại - Đại đội trưởng (Ninh Bình) - hy sinh tháng 5-1973.

18. Đỗ Xuân Xem - chiến sĩ - Tế Tân - Nông Cống - Thanh Hóa - hy sinh 17-2-1973.

19. Nguyễn Văn Liêm - chiến sĩ (Quảng Nam) - hy sinh tháng 11-1973.

20. Nguyễn Văn Điền - chiến sĩ (Hà Bắc) - hy sinh tháng 12-1973.

21. Đồng chí Đổng - Tiểu đội trưởng - miền Nam - hy sinh tháng 6-1971.

22. Nguyễn Văn Hương - Đại đội trưởng (Hà Bắc) - hy sinh tháng 12-1973.

23. Đồng chí Hường - chiến sĩ - hy sinh tháng 10-1970.

24. Nguyễn Trưởng - Tiểu đội trưởng (Nam Hà) - hy sinh tháng 10-1970.

25. Trương Vũ Sáng - chiến sĩ - Bảo Lý, Lý Nhân, Nam Hà - hy sinh tháng 4-1972.

26. Nguyễn Văn Đào - chiến sĩ (Quảng Ngãi) - hy sinh tháng 3-1973.

27. Nguyễn Văn Đình - chiến sĩ (Quảng Nam) - hy sinh 1973.

28. Huỳnh Ngọc Sơn - chiến sĩ (Quảng Nam) - hy sinh 1970.

29. Nguyễn Đức Mạnh - Đại đội phó (Quảng Ngãi) - hy sinh 17-2-1973.

Và một số anh em bổ sung về các đơn vị hy sinh không nhớ tên và quê quán: Nam, Hòa, Tĩnh...
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM