Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:27:36 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007  (Đọc 5502 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #120 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 07:44:09 am »

3. Tình cảm cách mạng thủy chung, trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là một nhân tố trọng yếu tạo nên độ bền vững và phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dành nhiều năm nghiên cứu lý luận cách mạng và thực tiễn xã hội của các nước đế quốc và thuộc địa. Bằng phương pháp tư duy độc lập của mình, Người đã nhận xét về cuộc cách mạng tư sản Pháp và cách mạng tư sản Mỹ là những cuộc cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hoà, dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục (tước đoạt) công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cuối cùng, Người cho rằng chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, nghĩa là dân chúng được hưởng tự do, hạnh phúc thật, không phải tự do giả dối như chủ nghĩa đế quốc Pháp khoe khoang bên An Nam. Từ đó, Người kết luận: muốn cách mạng thành công phải có công nông làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất.

Viết về Tư cách của một đảng chân chính cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người nêu rõ: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” .

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại lời căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” .

Những luận điểm nhất quán về bản chất và nhiệm vụ cơ bản của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là cơ sở vững chắc của tình cảm thuỷ chung, trong sáng, của tư duy chính trị và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào được áp dụng đối với cả hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào trong quá trình hai Đảng lãnh đạo vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo gắn bó chặt chẽ với nhau như một quy luật sống còn và được thực hiện bằng trách nhiệm giúp bạn là mình tự giúp mình.

Tuân theo quy luật ấy và thấm nhuần, giữ vững các nguyên tắc hoạt động do hai Đảng nhất trí đề ra và thực hiện như đã viết, công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm lâu dài, gian khổ và ác liệt đã thành công. Trên chặng đường xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới tại Lào và Việt Nam đã giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, đó cũng là thành quả của quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước; cũng là kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển bền vững của mối quan hệ đó.

Trước sự biến đổi nhanh chóng của thời cuộc, của tính chất đa phương, đa dạng trong quan hệ quốc tế, trong công tác xây dựng đảng của hai Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn cho hai dân tộc càng cần thường xuyên quan tâm giữ vững, nâng cao tình cảm cách mạng thuỷ chung, trong sáng của hai Đảng, một nhân tố trọng yếu tạo nên độ bền vững và phát triển của quan hệ Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào.

Hơn thế nữa, tình cảm cao quý đó cần được gắn kết chặt chẽ với những quan điểm, nguyên tắc đoàn kết, hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong tư duy và hành động của hệ thống tổ chức đảng từ trung ương đến các cấp bộ đảng và tỏa rộng trong nhân dân, từ thế hệ trước qua thế hệ sau để bảo vệ, phát triển mối quan hệ đặc biệt này lên tầm phong phú hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

4. Khai thác, phát huy các nhân tố, điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Việt Nam và Lào sống bên nhau tại hai triền Đông, Tây dãy Trường Sơn hùng vĩ, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài động vật, thực vật có giá trị kinh tế cao và quý hiếm, là địa bàn có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh tự nhiên như hang động kỳ thú, rừng nguyên sinh hoang sơ và nhiều địa điểm thích hợp với du lịch, nghỉ dưỡng.

Đây cũng là nơi có nhiều dòng sông chảy qua với độ dốc lớn, là lợi thế xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện, cung cấp điện cho sản xuất, đời sống của nội địa và xuất khẩu.

Về mặt địa - quân sự và địa - kinh tế, dãy Trường Sơn là một tường thành hiểm yếu, vững chắc với núi rừng bao la kín đáo che khuất, tạo thuận lợi cho hai nước tựa lưng vào nhau trong chiến tranh bảo vệ nền độc lập của đất nước. Tại đây, có nhiều vị trí thuận lợi khống chế một địa bàn rộng lớn của hai nước.

Về hoạt động kinh tế, hai nước bổ sung cho nhau bằng thế mạnh của mỗi nước là rất hợp lý. Việt Nam có bờ biển dài, nhiều cảng biển rất gần Lào, có thể ưu tiên cho Lào sử dụng xuất nhập khẩu hàng hoá, tạo thuận lợi cho nước bạn phát triển kinh tế và mở rộng giao lưu quốc tế. Còn Lào thì giúp Việt Nam qua đường bộ, đi về phía Tây vào sâu lục địa châu Á.

Trong hai nước, Lào có nhiều đất đai chưa khai thác và nguồn tài nguyên rừng, khoáng sản phong phú, Việt Nam có nguồn nhân công lớn, trên cơ sở đó, hai nước cần tăng cường hợp tác về nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm bổ sung, tạo thế mạnh cho mỗi bên và gia tăng hiệu quả hợp tác.

Các điều kiện đó cần được khảo sát, đánh giá một cách tổng thể và lập quy hoạch cho việc khai thác giá trị kinh tế, văn hoá có lợi nhất cho hai nước theo hướng vừa sử dụng, khai thác vừa bảo vệ và nâng cao giá trị lâu bền của nó.

Ngoài những điều kiện trên, hai nước Việt Nam, Lào còn có một ưu thế nổi trội vô cùng quý giá là quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai Đảng, hai dân tộc cần luôn luôn vun đắp, bảo vệ và phát huy trong mọi hoạt động chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hoá, giáo dục, đào tạo nhân lực, nhân tài.

Trước hết, nhiều giá trị lý luận và hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực trên cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thấu đáo và đề xuất các phương án vận dụng, phát triển trong hiện tại và tương lai. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư nghiên cứu tư tưởng và phương pháp Hồ Chí Minh, các luận điểm và hoạt động thực tiễn của đồng chí Cayxỏn Phômvihản và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hoạt động của các cấp bộ đảng, lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp địa phương, các tầng lớp nhân dân trong quá trình phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Qua đó, tổng kết, phân tích, đánh giá nội hàm của quy luật hình thành, phát triển và giá trị thời đại của nó; các quan điểm, nguyên tắc và phương pháp xây dựng, bảo vệ và vun đắp mối quan hệ đó ở cấp độ vĩ mô và vi mô trong mọi lĩnh vực của đời sống...

Để có thể thực hiện đạt kết quả tốt công tác nghiên cứu chủ đề quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, cần củng cố các đơn vị nghiên cứu và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành về kiến thức, phương pháp nghiên cứu, ngoại ngữ.

Nên tổ chức biên soạn các loại bài giảng chuyên đề cho những đơn vị đào tạo, cán bộ lãnh đạo, quản lý, các trường đại học, cao đẳng và sách giáo khoa phổ thông với hình thức và mức độ thích hợp. Cũng cần khuyến khích, động viên các ngành văn hoá, nghệ thuật sáng tác, biểu diễn rộng rãi các tác phẩm thuộc đề tài quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Nhân tố quan trọng nhất là giữ gìn sự trong sáng của hai đảng mácxít - lênninnít vốn cùng một gốc là Đảng Cộng sản Đông Dương do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, rồi phát triển thành Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Các Đảng đó đều được trưởng thành vững vàng qua đấu tranh gian khổ và hy sinh, qua biết bao thử thách khắc nghiệt chống kẻ thù chung và đối phó với các mưu đồ, thủ đoạn chia rẽ, phá hoại tình đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do các thế lực thù địch gây ra. Hai Đảng đã đảm đương xuất sắc vai trò lãnh đạo hai nước, làm nên nhiều kỳ tích trong lịch sử của hai dân tộc Việt Nam, Lào.
Hiện thực lịch sử đó càng cho chúng ta thấy rõ yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là nhiệm vụ then chốt cho sự phát triển của hai nước Việt Nam, Lào, cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đồng thời, cần mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các ngành, các địa phương của hai nước Việt Nam, Lào, nhất là các tỉnh tại địa bàn biên giới hai nước, nơi thường xuyên và trực tiếp giao lưu, phối hợp với chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ do Trung ương Đảng, Nhà nước của nước sở tại giao cho trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa... Cần phát triển công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn nghiệp vụ của các ngành, các cấp phục vụ nhiệm vụ cách mạng của hai nước và thắt chặt hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Mặt khác, cũng cần thực hiện những chủ trương, biện pháp đấu tranh hữu hiệu chống các thủ đoạn chia rẽ dân tộc và phá vỡ quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do các thế lực thù địch gây ra.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #121 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 01:58:20 pm »

Chương X
PHẤN ĐẤU ĐƯA QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM LÊN TẦM CAO MỚI


I. QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI


1. Các nước lớn và các nước phát triển tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra với tốc độ nhanh và ngày càng sâu sắc

Bước sang thế kỷ XXI, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc trong thế giới hiện đại trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, khoa học, công nghệ, thương mại... Đó là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh. Toàn cầu hóa vừa có thời cơ cho sự hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng là những thách thức to lớn, nhiều khi hoàn toàn mới mẻ đối với các nước còn đang ở tình trạng chậm phát triển. Thế giới đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương.

Ở Việt Nam, đứng trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, từ Đại hội lần thứ IX (tháng 4 năm 2001), Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường” . Tới Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4 năm 2006), quan điểm này được làm rõ hơn: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” ...

Ở Lào, trên cơ sở nhận thức quá trình toàn cầu hóa và sự hội nhập giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á diễn ra vừa hợp tác, vừa ganh đua khốc liệt, Đại hội lần thứ VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 3 năm 2006) chủ trương: “Kiên định quan điểm chủ động và thái độ tích cực trong hội nhập quốc tế và khu vực bằng việc phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc và tiềm năng của đất nước, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước nhằm đảm bảo lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi bên” .

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là từ sau Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần thứ VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào, hai nước đã chủ động và tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những kết quả bước đầu đó đã góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở mỗi nước; đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng có hiệu quả hơn, tạo nên vị thế chiến lược rất quan trọng cho cả hai nước trong khu vực.

Đến cuối năm 2007, Việt Nam và Lào cùng là thành viên đầy đủ của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV)... Như vậy, cả Việt Nam và Lào đã không thể tách rời và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các chuyển biến ngày càng sôi động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Nhiều cơ hội đang mở ra cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; đồng thời mối quan hệ này cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, nhất là khi có các đối tác mạnh, nhiều tiềm năng tham gia trực tiếp và ngày càng gia tăng vào tiến trình hội nhập của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN...

Trước hết, quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới chịu sự tác động trực tiếp của quá trình hội nhập quốc tế và khu vực đang diễn ra ngày càng sôi động với tốc độ nhanh và ngày càng sâu sắc. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đang là xu thế phổ biến hiện nay và trụ lực chính của tiến trình này là tự do hóa thương mại. Khu vực Đông Nam Á nói chung và Tiểu vùng Mê Công nói riêng đang gia tăng mạnh mẽ các lộ trình hội nhập trên nhiều cấp độ. Mặc dù thuộc nhóm các nước thành viên mới của ASEAN và cũng là các đối tác yếu trong hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), nhưng các nước này cũng đang cam kết mạnh mẽ việc thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) phấn đấu đạt đến mức thuế 0% vào năm 2012 trên 12 lĩnh vực ưu tiên đã được tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 tại Viêng Chăn (tháng 10 năm 2004). Thông qua tiếp cận của toàn ASEAN như là một đầu mối phối hợp cho các sáng kiến hợp tác Đông Á và ý tưởng về cộng đồng Đông Á, Việt Nam và Lào cũng đã và đang thể hiện sự tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác Đông Á. Trên cơ sở mở rộng khuôn khổ của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), các phương thức hợp tác ASEAN+1, ASEAN+3... đã được Việt Nam và Lào tích cực hưởng ứng.

ASEAN là một trong những khu vực có nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất thế giới và ngày càng khẳng định vai trò trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không ngừng thu hút, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới, từng bước khẳng định vị thế quốc tế của mình.

Vị trí địa - chiến lược của Đông Nam Á ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã trở thành địa bàn tranh chấp ảnh hưởng và quyền lực giữa các nước lớn trên thế giới. Cùng với sự phát triển như vũ bão của quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, Đông Nam Á ngày càng trở nên sống động không chỉ bởi sự gia tăng hợp tác và liên kết nội khối, mà còn trở thành nơi hội tụ của các sáng kiến mới thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là đối với các nước lớn và các nước phát triển. Trước xu thế đó, các nhà lãnh đạo ASEAN càng nhận thức rõ hơn tính bức thiết trong việc đẩy nhanh tiến trình hội nhập trong nội khối cũng như ngoài khu vực. Chính vì vậy, việc hướng tới một cộng đồng ASEAN (AC) bền chặt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, là phương cách giúp khối liên kết chặt chẽ, xích lại gần nhau hơn vì một hiệp hội thống nhất; đồng thời mở rộng quan hệ đối tác, đối thoại chiến lược với các nước, các tổ chức quốc tế; gia tăng vị thế và sức hấp dẫn của ASEAN trên trường quốc tế.

Những năm qua, ASEAN từng bước tạo được quan hệ khá sâu rộng với nhiều đối tác quan trọng, đạt được nhiều thỏa thuận với hầu hết các bên đối thoại trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn cầu. Thúc đẩy nhanh tiến trình hoàn tất việc xây dựng các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với mục tiêu rõ ràng. Trước mắt là tiến hành các cuộc đàm phán tự do hóa thương mại với Hàn Quốc năm 2008, Ôxtrâylia và Niu Dilân năm 2009, Trung Quốc năm 2010, Ấn Độ năm 2011, Nhật Bản năm 2012.

Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh và vị trí quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới của các nước ASEAN, các nước lớn và phát triển ngày càng quan tâm và tăng cường mở rộng quan hệ, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vào khu vực này, góp phần tạo ra một diện mạo mới cho khu vực - một vùng đệm năng động nằm giữa hai trung tâm tăng trưởng mạnh là Trung Quốc và Ấn Độ; đồng thời đã và đang lôi cuốn sự tham gia của hầu hết các nước lớn vào tiến trình này.

Trước hết phải kể đến Trung Quốc, một quốc gia rộng lớn với hơn 1,3 tỷ dân, có chung đường biên giới với ba quốc gia (Việt Nam, Lào, Mianma) và lợi ích trên biển Đông với 9/10 quốc gia Đông Nam Á. Tháng 11 năm 2002, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc được ký kết tại Phnôm Pênh tạo nền tảng pháp lý quan trọng để tăng cường hợp tác kinh tế nhiều mặt giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) trong vòng 10 năm 1.

Những năm gần đây, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN không ngừng được mở rộng và phát triển theo hướng quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và thịnh vượng. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2005 đạt 130,4 tỷ USD, trong đó trao đổi buôn bán với Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma, Campuchia đạt 32 tỷ USD (theo nguồn của NCIEC); riêng với Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại năm 2007 đạt gần 17 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2009, vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước ASEAN sẽ đạt 150 tỷ USD. Với lợi thế 1,9 tỷ dân (chiếm 1/3 dân số thế giới), tổng quy mô kinh tế khoảng 6.000 tỷ USD, Khu vực mậu dịch Trung Quốc - ASEAN được đánh giá là thị trường lớn nhất, là hành lang kinh tế quan trọng của thế giới. Từ tháng 1 năm 2010, Trung Quốc và ASEAN sẽ có khu vực mậu dịch tự do, từ đây 90% các mặt hàng giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ có thuế suất bằng 0, mở cửa thực chất về thị trường, thể hiện thiện chí của ASEAN và Trung Quốc trong việc tự do hóa, đẩy mạnh việc thực hiện những biện pháp tích cực giúp nền kinh tế toàn cầu sớm ổn định và phát triển.

Như vậy, những dự án hợp tác mới của Trung Quốc sẽ tác động rất lớn đến các chiều hướng phát triển của toàn ASEAN và các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).

Mỹ và ASEAN có quan hệ từ lâu. Những năm gần đây, Mỹ dành viện trợ giúp ASEAN thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, môi trường. Mỹ đánh giá cao vai trò của ASEAN trong việc phát huy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giữ vị trí trung tâm trong tiến trình xây dựng các cơ chế liên kết toàn vùng. Tháng 6 năm 2007, Mỹ đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) với ASEAN (tiền thân của Hiệp định tự do thương mại đầy đủ). Ngày 22 tháng 6 năm 2007, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đã được ký kết trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tháng 7 năm 2009, Mỹ đã ký với ASEAN Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), hứa hẹn mang lại cho hiệp hội ASEAN nhiều cơ hội thu hút đầu tư và phát triển. Từ tháng 9 năm 2010, Mỹ và ASEAN tuyên bố xây dựng quan hệ đối tác tăng cường,...

Nhật Bản cũng là nước sớm có quan hệ với các nước ASEAN, đặc biệt là những năm gần đây phát triển theo hướng đối tác chiến lược.
Đối với dự án phát triển tam giác Lào - Campuchia - Việt Nam, Nhật Bản đã tiến hành tài trợ và đầu tư vào khu vực này với cơ chế hợp tác Lào - Campuchia - Việt Nam + Nhật Bản (LCV+J). Từ sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tại Viêng Chăn (tháng 11 năm 2004), Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho ba nước thông qua việc hỗ trợ các dự án nhỏ trong lĩnh vực phát triển nông thôn và an sinh xã hội. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai tại Malaixia (tháng 12 năm 2005), Nhật Bản cam kết hỗ trợ 2 tỷ yên cho 16 dự án của ba nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, dân sinh... Tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba tại Philíppin (tháng 1 năm 2007), Nhật Bản hỗ trợ ba nước 20 triệu USD trong khoản hỗ trợ 52 triệu USD cho thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản. Cũng trong năm 2007, ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đề nghị Nhật Bản hỗ trợ 12 dự án hạ tầng. Nhật Bản cũng đang tích cực đàm phán để xây dựng khu vực mậu dịch tự do giữa Nhật Bản và ASEAN vào năm 2012 và đến giữa năm 2008, Nhật Bản tiến hành bãi bỏ thuế quan đánh vào 90% lượng hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Hàn Quốc trở thành bên đối thoại chính thức của ASEAN từ năm 1991. Năm 2005, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện. ASEAN - Hàn Quốc, hình thành khu vực mậu dịch tự do song phương vào năm 2009. Kim ngạch thương mại và đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào ASEAN ngày càng được mở rộng và tăng cường theo hướng đối tác chiến lược.

Ấn Độ trở thành bên đối thoại đầy đủ của ASEAN năm 1995, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ cũng đang được xúc tiến, tạo nền tảng quan trọng cho gia tăng thương mại hai chiều, với mục tiêu phấn đấu đạt 70 tỷ USD vào hai năm 2010 - 2011. Hai bên đưa ra đề xuất khởi động lại Hội đồng kinh doanh ASEAN - Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã khẳng định tiếp tục hợp tác và hỗ trợ cho ASEAN về khoa học - công nghệ và quyết tâm phát triển quan hệ Ấn Độ - ASEAN lên tầm cao mới trở thành quan hệ đối tác vì hoà bình, phát triển và thịnh vượng.

Ôxtrâylia là nước công nghiệp đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại chính thức với ASEAN. Dự kiến đến đầu năm 2009 hai bên sẽ ký Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Ôxtrâylia - Niu Dilân (AANZFTA). Hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư cho cả hai bên. Trong đó kim ngạch thương mại Ôxtrâylia - ASEAN đến năm 2008 đạt hơn 100 tỷ AUD. Riêng đối với Việt Nam, đến năm 2007, Ôxtrâylia là đối tác thương mại lớn thứ bảy và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đều và khá cao, từ mức 32 triệu USD năm 1990 lên 4,56 tỷ USD năm 2007, dự kiến năm 2008 đạt 7 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến hết năm 2007, Ôxtrâylia có gần 200 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đạt hơn 1 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, giáo dục, công nghiệp chế biến, nông - lâm - ngư nghiệp; đứng thứ 20 trong tổng số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Ôxtrâylia những năm qua phát triển mạnh. Đến hết năm 2007 đã có hơn 15.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Ôxtrâylia, ngoài ra còn có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Học viện Hoàng gia Menbơn (Melbourne-RMIT) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hợp tác và đầu tư của Ôxtrâylia vào Việt Nam trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, lao động, viễn thông, nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp, du lịch, thể thao... ngày càng phát triển và với quy mô ngày càng lớn.

Liên bang Nga luôn coi ASEAN như một đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình và gần đây đang tăng cường và mở rộng chương trình phát triển hợp tác với ASEAN đến năm 2015 theo hướng quan hệ đối tác toàn diện. Đặc biệt, Việt Nam và Lào là những quốc gia có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống nên Nga rất chú ý và xúc tiến chuẩn bị những chương trình hợp tác rộng lớn trên nhiều lĩnh vực: chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục đào tạo...

Liên minh châu Âu (EU) cùng với ASEAN đã thỏa thuận nhất trí tái khởi động đàm phán về xây dựng khu vực mậu dịch tự do bao gồm 37 nền kinh tế với hơn 1 tỷ người tiêu dùng. Với EU, ASEAN là một tổ chức quan trọng giúp thúc đẩy việc hội nhập giữa EU với châu Á.

Đối với EU, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU. EU đánh giá cao sự năng động và tốc độ phát triển nhanh của kinh tế Việt Nam và ngày càng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Đến hết năm 2007, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt gần 12 tỷ euro. Quan hệ ASEAN - EU đang được xây dựng theo hướng đối tác tăng cường.

Như vậy là sự gia tăng điều chỉnh chiến lược hợp tác của các nước lớn và các nước phát triển đối với ASEAN nói chung và các nước thuộc Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) nói riêng sẽ tác động rất lớn đến các chiều hướng phát triển của toàn ASEAN và GMS. Hội nhập khu vực rõ ràng đã tạo ra cho Việt Nam và Lào những vị thế địa - chính trị mới. Các nước lớn và phát triển quan tâm đến khu vực này là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước GMS, trong đó có Việt Nam và Lào.

Tuy nhiên, đây cũng sẽ là tâm điểm của sự tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của các nước lớn và các nền kinh tế phát triển, tác động tiêu cực đến các nước ASEAN và GMS, trong đó có Việt Nam và Lào. Mặt khác, vượt ra ngoài những nội dung hội nhập kinh tế, các vấn đề về chính trị và an ninh nảy sinh trong sự tương tác về quan hệ lợi ích chiến lược giữa các nước lớn với nhau và những tham vọng của các nước này đối với khu vực rất có thể sẽ đẩy các nước trong khu vực tới những bất ổn khó lường. Đặc biệt là các hiệu ứng khủng hoảng chính trị, các vấn đề về xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền ở biển Đông... sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, an ninh nội bộ mỗi nước trong khu vực. Nói tóm lại, bên cạnh những cơ hội lớn của các quá trình hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu sắc, các nước trong khu vực (ASEAN), trong đó có Việt Nam và Lào, cũng phải đối mặt với những thách thức, bất lợi vô cùng to lớn. Để ổn định và phát triển, đặc biệt là trong sự hợp tác, các nước này phải tính đến những thực tế đó.




-----------------------------------------------------------------
1. Thực hiện Hiệp định khung, các nước ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành Chương trình thu hoạch sớm để cùng cắt giảm thuế quan nhanh đối với các mặt hàng nông sản. Các nước ASEAN cũ (sáu nước) và Trung Quốc thực hiện cắt giảm thuế quan xuống 0% từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 1 năm 2006. Đối với Việt Nam và Lào thì được ưu tiên kéo dài hơn (Việt Nam từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 1 năm 2008, Lào từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 1 năm 2009). Tháng 11 năm 2004, hai bên đã ký Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp (dự kiến đến tháng 1 năm 2010 chính thức thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc).

Dựa trên trụ chính là Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Trung Quốc đã và đang triển khai mạnh chiến lược “một trục, hai cánh” với khu vực ASEAN. Nghĩa là chủ động xây dựng: Hành lang kinh tế Côn Minh - Madawy (Mianma) để thông ra Ấn Độ Dương; hành lang kinh tế xuyên Á, bắt đầu từ Nam Ninh vào Việt Nam rẽ sang Lào qua Thái Lan, Malaixia, sang Xingapo và Hành lang kinh tế trên biển nối từ Hải Nam (Trung Quốc) xuống Malaixia.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #122 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 02:04:36 pm »

2. Hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) diễn ra mạnh mẽ và ngày càng có hiệu quả

Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) được thành lập năm 1992 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ, bao gồm các nước: Thái Lan, Mianma, Lào, Campuchia, Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đến năm 2005, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) cũng tham gia vào tổ chức này.

Các bên đã triển khai hợp tác trên chín lĩnh vực trọng điểm gồm: giao thông vận tải, năng lượng, bưu chính viễn thông, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Mục đích của chương trình là đẩy mạnh quan hệ kinh tế dựa trên nền văn hóa và lịch sử chung. Chương trình GMS xây dựng chiến lược ba mũi nhọn để đạt được tầm nhìn về một tiểu vùng thịnh vượng, hội nhập và đoàn kết. Nghĩa là: tăng cường tính kết nối thông qua phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và hành lang kinh tế xuyên quốc gia; nâng cao tính cạnh tranh thông qua giao thương hàng hóa và đi lại qua biên giới của người dân, các thị trường hội nhập và quy trình sản xuất, do đó tạo điều kiện dễ dàng cho tiểu vùng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu; xây dựng tính cộng đồng vững mạnh hơn thông qua những chương trình giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội chung.

GMS đã trải qua Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tại Phnôm Pênh vào năm 2002. Tại đây, các nhà lãnh đạo các nước GMS đưa ra cam kết chung về thúc đẩy hợp tác trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Lần thứ hai vào tháng 7 năm 2005, tại Côn Minh (Trung Quốc), Hội nghị ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thực hiện tầm nhìn của hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhằm phát huy hết tiềm năng to lớn tạo ra sự phát triển bền vững cho tất cả các nước trong khu vực. Tăng cường hơn nữa tính liên kết, khả năng cạnh tranh, tính cộng đồng để tăng cường quan hệ đối tác vì sự phồn vinh và thịnh vượng chung. Các nước trong tiểu vùng đã ký kết các văn kiện hợp tác về giao thông vận tải, mua bán điện, phối hợp kiểm soát bệnh dịch động vật, xây dựng siêu xa lộ thông tin các nước GMS.

Tính đến hết năm 2007, hơn 100 dự án phát triển ở tất cả các lĩnh vực như: phát triển hạ tầng, môi trường, giải quyết các vấn đề đầu tư cũng như sáng kiến hỗ trợ về thể chế... đã được triển khai và ngày càng phát huy tác dụng, nhất là đối với các vấn đề tăng trưởng, giảm nghèo và hội nhập khu vực của GMS. Bên cạnh sáng kiến của ADB là các sáng kiến ACMECS (Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công) 1, Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam 2 do chính các nước này đề xuất. Ngoài ra còn một số chương trình lớn khác về thu hẹp chênh lệch phát triển cho các thành viên mới của ASEAN (trong đó có Việt Nam và Lào) do các tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCAP và WB đề xuất và cung cấp tài chính. Ngoài các chương trình hợp tác khu vực mang tính chính thống, nhiều chương trình song phương giữa các nước tiểu vùng với các nước bên ngoài, nhất là từ các nước phát triển, cũng nhằm mục đích hỗ trợ hội nhập khu vực.

Chiến lược hợp tác mới của GMS do ADB đề xuất và hỗ trợ giai đoạn 2004 - 2008 tập trung vào bốn lĩnh vực: tăng cường mối liên kết và triển khai các hoạt động du lịch xuyên quốc gia; hội nhập thị trường quốc gia để tăng hiệu quả kinh tế và phát triển khu vực tư nhân, nhất là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; giải quyết vấn đề phát triển nguồn nhân lực thông qua y tế, các vấn đề kinh tế - xã hội và xây dựng năng lực cùng các mối liên kết khu vực; quản lý môi trường và các nguồn tài nguyên chung nhằm giúp bảo đảm phát triển bền vững và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tổng số vốn chương trình cho vay là 725 triệu USD và chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong các năm 2004 - 2006 là 25,5 triệu USD. Điểm đặc biệt là chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ là nền tảng của đối thoại và tham vấn khu vực, sẽ ngày càng trở nên quan trọng để hỗ trợ các hoạt động cần thiết nhằm thiết thực điều phối và hài hòa hóa về thể chế và chính sách. Chiến lược này sẽ được thực hiện thông qua 11 chương trình ưu tiên, trong đó ba chương trình là phát triển các hành lang kinh tế với việc phát triển cơ sở hạ tầng theo khu vực địa lý gắn trực tiếp với thương mại, đầu tư và cơ hội sản xuất, tám chương trình khác có liên quan đến viễn thông, thương mại, điện, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, kiểm soát và bảo vệ nguồn nước, phát triển du lịch.

Cho đến nay, chương trình hợp tác GMS với sự hỗ trợ và tham gia của ADB vẫn là trụ lực chính trong tiến trình hợp tác của tiểu khu vực này. Đây sẽ là cơ hội lớn và là điều kiện quan trọng để các nước GMS nâng cao năng lực phát triển toàn diện; đồng thời nó cũng đặt ra một thực tế là các nước GMS sẽ không thể phát triển đơn lẻ, biệt lập mà luôn phải gắn kết trong chương trình phát triển tổng thể của GMS, gia tăng hơn nữa sự phối hợp giữa chính sách quốc gia và chính sách khu vực.

Hiện nay, các nước GMS đã có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt được nhiều thành tựu đáng kể về kinh tế, xã hội, nhất là đã tiến một bước dài trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, ngày càng tạo ra nhiều điều kiện để thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng và các nước ngoài khu vực.

Từ một khu vực đói nghèo, chậm phát triển, song nhờ tích cực mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế thị trường, khu vực GMS với tiềm năng to lớn của mình đã bắt đầu trở thành một khu vực có tốc độ tăng trưởng cao và năng động.

Đặc biệt, từ năm 2005, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) tham gia vào chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) thì những hoạt động hợp tác của Tiểu vùng ngày càng sôi động và mở rộng. Từ năm 2006, tổng kim ngạch mậu dịch giữa Quảng Tây và GMS đạt 1,55 tỷ USD; 80% các dự án của Quảng Tây đầu tư vào ASEAN là đầu tư vào GMS; đồng thời các nước GMS cũng là các nhà đầu tư quan trọng vào Quảng Tây. Quảng Tây luôn coi việc nhanh chóng hội nhập và hợp tác với GMS là một bộ phận quan trọng trong chính sách mở rộng cửa với nước ngoài của mình và đã đạt được những kết quả tốt.

Từ năm 2005 đến nay, hợp tác GMS không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ năm quốc gia và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mà đã được mở rộng rất nhiều (hình thành cơ cấu 5 + 2, nghĩa là: Thái Lan, Lào, Campuchia, Mianma, Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây), gắn liền với chương trình xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ hoàn thành vào năm 2010. Nghĩa là hợp tác GMS chỉ là một bộ phận của chương trình xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Bởi lẽ, cùng với GMS còn có chương trình hợp tác kinh tế khu vực vịnh Bắc Bộ 3 mới bắt đầu được bàn thảo và triển khai.

Trải qua hơn 15 năm (1992 - 2007), hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) đã có được những kết quả bước đầu làm tiền đề cho các bước mở rộng hợp tác tiếp theo. Đã tiến hành xây dựng Hành lang Đông - Tây xuyên suốt bốn nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Mianma (dự kiến năm 2009 sẽ thông xe toàn tuyến, lúc đó các phương tiện vận tải của bốn nước đi trên hành lang này sẽ không phải chuyển tải) và Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Xây dựng đường cao tốc từ Côn Minh qua Tây Bắc Lào tới Băng Cốc (dự kiến năm 2010 sẽ thông xe toàn tuyến). Các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Mianma đã ký Hiệp định thông tàu thương mại sông Lan Thương - Mê Công. Tàu thuyền của bốn nước đều có thể tự do đi lại trên đoạn sông dài 886 km giữa cảng Tư Mao (Trung Quốc) và cảng Luổng Phạbang (Lào). Ngoài ra, một số hành lang kinh tế khác cũng bắt đầu được xây dựng như: Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Côn Minh - Băng Cốc); Hành lang kinh tế phía Nam gồm Thái Lan - Campuchia - Việt Nam cũng chuẩn bị được khởi công...

Có thể khẳng định rằng, những thành tựu kinh tế, xã hội của các nước GMS đang tạo ra nền tảng mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo của toàn khu vực cũng như của từng nước thành viên. Cùng với Thái Lan và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, Việt Nam cũng đã phối hợp với Lào tham gia ngày càng sâu vào các chương trình hợp tác của GMS và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sau khi gia nhập WTO (tháng 1 năm 2007), Việt Nam đang hướng tới một chiến lược tăng tốc phát triển để phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Campuchia cũng đã sớm ổn định chính trị, xã hội và bắt đầu bứt phá phát triển nhờ vị thế mới sau khi gia nhập WTO (năm 2004). Với mục tiêu thoát ra khỏi danh sách các nước chưa phát triển vào năm 2020, đã được Đại hội lần thứ VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào thông qua (tháng 3 năm 2006), Lào đang có một quyết tâm chính trị lớn là nhanh chóng gia nhập WTO, phát huy lợi thế so sánh để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy cùng với sự khởi sắc của các nước GMS và trên đà tiếp tục triển khai các sáng kiến trong Hội nghị cấp cao GMS lần thứ hai, Lào và các nước trong khu vực đang nỗ lực xây dựng các chương trình hợp tác mới một cách thực chất và hiệu quả hơn. Những chương trình đó sẽ được bàn thảo và thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba tại Viêng Chăn vào tháng 3 năm 2008. Đó là các vấn đề: tăng cường kết nối giao thông; tạo thuận lợi cho thương mại và giao thông tiểu vùng; hợp tác công - tư để tăng cường đầu tư và thương mại; phát triển nguồn nhân lực; quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; hợp tác phát triển GMS nhằm tiếp tục tăng cường kết nối, đặc biệt là kết nối giao thông, thông tin, truyền thông... đi đôi với hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch... tại Tiểu vùng. Hội nghị cũng sẽ thông qua Chương trình hành động Viêng Chăn để phát triển GMS giai đoạn 2008 - 2012.

Đây sẽ là một dấu mốc quan trọng để các nước GMS tận dụng tốt hơn vị thế địa - chiến lược và tác động tích cực của các chuyển động hội nhập đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong khu vực.



----------------------------------------------------------------
1. ACMECS được thành lập tháng 11 năm 2003 nhằm mục đích tăng cường hoạt động hợp tác kinh tế giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á lục địa bao gồm Thái Lan, Mianma, Campuchia, Lào, Việt Nam (năm 2004). Đến nay, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất đã tổ chức tại Mianma (năm 2003), lần thứ hai tại Thái Lan (năm 2005) và lần thứ ba tại Việt Nam (năm 2008).

2. Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được đưa ra tại cuộc gặp của Thủ tướng ba nước tại Viêng Chăn (tháng 10 năm 1999) nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước để đưa khu vực trở thành khu vực ổn định về chính trị, vững chắc về an ninh, phát triển mạnh về kinh tế. Cuộc gặp lần thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh (năm 2002) tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực... Cuộc gặp lần thứ ba tại Campuchia (năm 2004) khẳng định vai trò của tam giác phối hợp với phát triển cơ sở hạ tầng đường giao thông, xúc tiến hàng loạt dự án... Cuộc gặp lần thứ tư tại Đà Lạt (năm 2006) chủ trương mở rộng việc huy động nguồn lực từ bên ngoài (Nhật Bản).

3. Chương trình này do Trung Quốc đề xuất năm 2006, ban đầu gồm bảy nước là Trung Quốc, Brunây, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xingapo và Việt Nam, sau đó thêm Thái Lan. Hợp tác kinh tế khu vực vịnh Bắc Bộ là một loại hình hợp tác kinh tế tiểu vùng trên biển. Hợp tác trên biển cũng bao gồm hợp tác ven biển từ Quảng Đông, Quảng Tây, ven bờ phía bắc vịnh Bắc Bộ cho tới bờ tây Thái Bình Dương về phía nam, qua Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Xingapo.

Hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ gồm hai bộ phận là toàn vịnh Bắc Bộ và vành đai vịnh Bắc Bộ, tức là vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, đây vừa là khu vực trọng điểm của hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ, vừa là bộ phận quan trọng của “Hai hành lang, một vành đai” giữa Trung Quốc và Việt Nam.
(Nguồn: Tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương đương đại, Trung Quốc, số 3-2009. Dẫn từ tạp chí Các vấn đề quốc tế, số 1 - 2010).

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #123 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 02:08:47 pm »

3. Công cuộc đổi mới và kết quả hợp tác Việt Nam và Lào đòi hỏi phải tăng cường hợp tác toàn diện trong giai đoạn mới

Các nước Việt Nam và Lào đang trên đường đổi mới đất nước, phát triển với tốc độ ngày càng nhanh và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Việt Nam sau Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4 năm 2006) đang tập trung sức đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu: đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Để đạt được mục tiêu do Đại hội lần thứ X đề ra, cả nước tập trung mọi nỗ lực theo hướng giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất; chuyển mạnh sang kinh tế thị trường; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng kinh tế đối ngoại; phát triển mạnh khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng văn hóa, đạo đức và lối sống; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đến hết năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO và thực hiện cam kết PNTR với Mỹ (quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn), do đó, thị trường xuất khẩu mở rộng, các rào cản thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên WTO được dỡ bỏ hoặc hạn chế. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Quan hệ ngoại giao, các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu được củng cố và tăng cường thông qua các cuộc thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với sự tham gia ngày càng rộng rãi của các doanh nghiệp. Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng bảo đảm đã tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam năm 2007 vẫn tiếp tục phát triển toàn diện và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thành tựu lớn nhất năm 2007 của nền kinh tế Việt Nam là các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các dự án đạt 20,3 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến thời điểm này. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ là thành tựu nổi bật nhất, cơ bản nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tổng sản phẩm trong nước tăng 8,44% (kế hoạch 8 - 8,5%). Việt Nam đứng vị trí thứ ba về tốc độ tăng GDP năm 2007 của các nước châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và cao nhất trong các nước ASEAN1.
Do kinh tế tăng trưởng cao nên tình hình tài chính lành mạnh, thu chi ngân sách nhà nước cân đối. Các ngành sản xuất và dịch vụ tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng cao: sản xuất công nghiệp tăng trưởng đạt 17%; khu vực ngoài nhà nước tăng 20,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18%.

Trong năm 2007, cả nước đã thu hút 350 lượt dự án, đặc biệt là đã có 52 địa phương thu hút vốn FDI. Xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến thời điểm này, đạt 47,7 tỷ USD, và tăng trưởng với tốc độ cao, tăng 21% so với năm 2006. Du lịch phát triển mạnh, cả nước đón 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19% so với năm 2006 và cũng là mức cao nhất từ trước đến lúc này.

Những thành tựu trên đây đã nâng vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới: quy mô nền kinh tế đã lớn mạnh hơn rất nhiều, thu nhập quốc dân theo GDP tính trên đầu người đạt 835 USD năm 2007.

Ở Lào, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII (năm 2001) và Đại hội lần thứ VIII (tháng 3 năm 2006) Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trong năm 2007, cả nước tập trung sức tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới và đạt được những thành tựu khả quan. Nền kinh tế Lào tiếp tục phát triển và đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, gần 7,5%. Ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng 27% GDP và có nhiều ngành mũi nhọn. Về năng lượng, Lào có 11 nhà máy thủy điện với sản lượng 1.541 triệu kW/h. Ngành công nghiệp khai khoáng cũng phát triển mạnh. Trước đây Lào chỉ khai thác than, muối mỏ, thiếc, sắt..., nay đã có ngành khai thác vàng, kali, đồng, bôxít.

Về nông nghiệp, từ một nước thiếu lương thực (có năm phải nhập tới 1 triệu tấn lương thực), đến năm 2007 đã đạt bình quân đầu người 472 kg/người (tương đương với Việt Nam).

Giao thông vận tải cũng có những bước tiến vượt bậc. Các tuyến giao thông huyết mạch đã được nâng cấp. Đường 13 từ Viêng Chăn đi Nam Lào đã được mở rộng và hiện đại hóa. Các tuyến đường nối với Việt Nam, Thái Lan và ra biển đều được nâng cấp, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập với khu vực. Xuất khẩu của Lào năm 2007 cũng được đẩy mạnh. Ngoài những mặt hàng chủ yếu như điện, dệt may, gỗ và khoáng sản, Lào cũng đã mở rộng việc xuất khẩu gạo, ngô, cà phê, chuối, thuốc lá... Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD. Các ngành du lịch, văn hóa, xã hội cũng có những bước tiến quan trọng.

Cùng với những thành quả to lớn trong công cuộc đổi mới ở mỗi nước những năm qua, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào cũng đạt được những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Về chính trị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cơ bản đã quán triệt và thể hiện được tinh thần nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Nhìn chung, hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước đến năm 2007 có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đã đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Tuy nhiên, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt được hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành nguồn sức mạnh dẫn đến thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của hai nước, song chưa trở thành động lực để thúc đẩy hợp tác toàn diện trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của mỗi nước. Trên một số lĩnh vực còn có những tồn tại cần tiếp tục khắc phục: hợp tác đào tạo đáp ứng được nhu cầu về số lượng nhưng chất lượng chưa thực sự chuyển biến như mong muốn; hợp tác thương mại chưa vững chắc, thị phần và sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường mỗi bên còn thấp; hợp tác đầu tư sôi động nhưng tổ chức triển khai một số dự án còn chậm; hợp tác trong lĩnh vực giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu, tiềm năng về giao lưu kinh tế và sự gia tăng các dự án đầu tư giữa hai nước; cơ chế, chính sách trong hợp tác có thông thoáng hơn nhưng việc điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách hợp tác còn chậm, chưa đồng bộ; hợp tác giữa các địa phương được mở rộng nhưng hạn chế về nguồn lực...

Những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới và những chuyển biến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam và Lào trong những năm qua đã tạo nên những điều kiện vật chất to lớn thúc đẩy việc tiếp tục tăng cường sự hợp tác Việt Nam - Lào trong giai đoạn mới. Mặt khác, bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như tình hình phát triển hiện nay của các nước GMS đang mang lại cơ hội lớn và nhiều yêu cầu mới cho sự phát triển hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai bên cần phải tính đến.
Trong bối cảnh mới, trên quan điểm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, Việt Nam cũng như Lào phải thực hiện chiến lược đối ngoại đa phương, rộng mở, tiếp cận với mọi quan hệ đối tác và các điều kiện bên ngoài nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Do đó, trong khi duy trì quan hệ đặc biệt với nhau, cả Việt Nam và Lào đều đang nỗ lực xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược mới. Ngày nay, trong quan hệ quốc tế, quan hệ đa phương đang trở thành xu thế chủ đạo, là điều kiện để thúc đẩy các quan hệ song phương. Đi theo đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã và đang lấy thị trường của các nền kinh tế lớn và phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển của mình. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác này chiếm trên 70% và theo đó mức xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN chỉ chiếm 20%. Điều này cho thấy rằng mối quan tâm của Việt Nam với thị trường khu vực không hoàn toàn là vì mục đích kinh tế. Cũng như vậy, với 2/3 tổng chu chuyển thương mại mà Lào thực hiện với các nước láng giềng, Lào sẽ phải tìm kiếm các ưu tiên mới để huy động và phân bổ nguồn lực tốt hơn cho mục tiêu thoát khỏi nhóm các nước nghèo (chậm phát triển) vào năm 2020.

Như vậy, điều kiện mới của quốc tế và khu vực đang làm thay đổi mạnh tư duy phát triển nói chung, tư duy đối ngoại nói riêng ở các nước đi sau. Một mặt, thực hiện quan hệ song phương tốt với các nước láng giềng là nhằm tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của các bên, nghĩa là phải đứng trên quan điểm tổng thể về lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội... trong tiếp cận phát triển. Mặt khác, chú trọng quan hệ rộng mở với các đối tác giàu tiềm năng và sức mạnh kinh tế, công nghệ là điều kiện quan trọng nhằm tạo ra bứt phá và vượt trước trong phát triển ở các nước này. Trong thực tế, quan hệ với các đối tác lớn, các nước nhỏ đi sau thường gặp nhiều bất lợi, hay bị gây sức ép và dễ bị cuốn vào tính toán lợi ích của các nước phát triển và các nước lớn. Do đó, các nước này cần ưu tiên đẩy mạnh các lộ trình hội nhập đa phương quốc tế và khu vực. Ví dụ, Việt Nam và Lào là thành viên đầy đủ của ASEAN, sẽ gia tăng vị thế của các nước này trong quan hệ với các nước lớn. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với các chiều hướng phát triển của khu vực, nghĩa là phải được đặt trong tổng thể của các lộ trình hội nhập đa phương khu vực đã và đang phát huy hiệu quả tốt hiện nay trong ASEAN nói chung và GMS nói riêng.

Trong chương trình hợp tác GMS thì quan hệ Việt Nam - Lào với Trung Quốc và Thái Lan là quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới quá trình hội nhập khu vực nói chung và GMS nói riêng của cả Việt Nam và Lào, đặc biệt là trong mối quan hệ song phương Lào - Thái Lan và Lào - Trung Quốc.

Lào và Thái Lan gần gũi về địa lý, văn hóa và quan hệ huyết thống có nhiều thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa. Với chi phí thấp trong lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư giữa hai bên và đặc biệt không bị ngăn trở bởi rào cản ngôn ngữ, quan hệ kinh tế Lào - Thái những năm gần đây có những bước phát triển tốt và đang có sức thuyết phục đối với một bộ phận đáng kể nhân dân các bộ tộc Lào. Trong điều kiện các xung đột lịch sử sắc tộc... không còn nổi cộm như trước kia, nhờ các tiến trình mở cửa và hội nhập sâu rộng giữa hai bên nên đã mở ra một cửa ngõ nối thông nền kinh tế Lào với các nền kinh tế ASEAN hải đảo. Cùng với Hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam dưới sự tài trợ của ADB đang triển khai tích cực hiện nay, Thái Lan là một phần quan trọng để Lào thực thi chiến lược hội nhập và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, quan hệ Lào - Thái cũng có những khó khăn do tình hình bất ổn về chính trị, an ninh từ phía Thái Lan.

Quan hệ song phương Lào - Trung Quốc có nhiều thuận lợi hơn. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh, tiềm lực mạnh và đang bắt đầu thể hiện vai trò dẫn dắt và chi phối các tiến trình phát triển ở Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, đặc biệt là sau khi xây dựng xong Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN vào đầu năm 2010, với chiến lược “một trục, hai cánh” đang được tích cực triển khai.

Hiện nay, Lào và Trung Quốc đang cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, không chỉ thúc đẩy thương mại, dành các điều kiện ưu đãi nhất cho xuất khẩu của Lào sang Trung Quốc, mà Trung Quốc còn đang đẩy nhanh việc đầu tư vào Lào. Năm 2005, Trung Quốc phê duyệt 33 dự án đầu tư vào Lào; tám tháng năm 2006, Trung Quốc đã phê duyệt thêm 39 dự án trong đó tập trung vào các ngành mỏ và thủy điện. Đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã đầu tư 23 dự án trồng cao su vào năm tỉnh Bắc Lào với diện tích 122.000 ha.
Sự liên kết mật thiết giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế Lào đang làm cho quan hệ song phương Lào - Trung Quốc trở nên nổi trội trong hệ thống các quan hệ của Lào với bên ngoài. Với Hành lang kinh tế xuyên Á và Hành lang kinh tế Đông - Tây từ Nam Ninh (Trung Quốc) đi Hà Nội qua Hà Tĩnh (đường 8 ) và Quảng Trị (đường 9) sang Lào - Thái Lan - Malaixia - Xingapo, cùng với Hành lang kinh tế Côn Minh qua chín tỉnh Tây Bắc của Lào đến Băng Cốc (chưa kể Hiệp định thông tàu thương mại sông Lan Thương - Mê Công từ cảng Tư Mao (Trung Quốc) đến cảng Luổng Phạbang) đã tạo nên một môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển của Lào. Lào đang đứng trước những cơ hội to lớn do sự phát triển của Trung Quốc và chiến lược khu vực của Trung Quốc mang lại.

So với quan hệ Lào - Thái Lan và Lào - Trung Quốc thì quan hệ Lào - Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng cũng có những ưu thế và thuận lợi rất cơ bản. Trước hết, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt đã được hai Đảng và nhân dân mỗi nước dày công vun đắp, trở thành quy luật phát triển và nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước. Quan hệ đặc biệt đó vượt lên khỏi các lợi ích kinh tế thông thường và được nhân dân hai nước đồng tình, ủng hộ.

Thứ hai, theo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, con đường tiến ra biển qua Việt Nam là con đường ngắn nhất, ít tốn kém nhất để Lào nối thông với thế giới, tiếp cận các đối tác lớn bên ngoài Đông Á như Mỹ, Nhật Bản, EU... để cân bằng quan hệ và đẩy mạnh chiến lược phát triển của mình.

Thứ ba, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và chủ chốt của Lào được đào tạo tại Việt Nam. Sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, nhất là trong điều kiện Việt Nam là nước đã thành công trong đổi mới và phát triển, sẽ rất hữu ích cho công cuộc phát triển của Lào.

Thứ tư, mô hình phát triển của Lào và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Để thoát nghèo và phát triển, đồng thời đảm bảo được chính sách phát triển toàn diện cho nhân dân các bộ tộc Lào, phía Lào rất cần nghiên cứu kinh nghiệm bổ ích từ Việt Nam về phát triển và xóa đói giảm nghèo (ở Lào không có mục tiêu xóa đói) trong khi vẫn giữ được ổn định chính trị - xã hội.

Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như sự phát triển của các nước GMS, mối quan hệ song phương Lào - Thái Lan, Lào - Trung Quốc, Lào - Việt Nam đang mang lại cơ hội lớn và nhiều yêu cầu mới, trong đó chứa đựng những yếu tố ngoài kinh tế diễn ra nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

Vì vậy, trong thời gian tới cả Việt Nam và Lào phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đổi mới quan hệ hợp tác toàn diện phù hợp với bối cảnh đã trình bày ở trên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #124 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 02:12:38 pm »

II. TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TOÀN DIỆN, ĐƯA QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM LÊN TẦM CAO MỚI


1. Bổ sung và điều chỉnh cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức chỉ đạo hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới

Trong thời gian qua, việc bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách hợp tác giữa hai nước còn chậm, thiếu đồng bộ. Các bộ, ban, ngành, địa phương mỗi bên còn thiếu hướng dẫn, đôn đốc thực hiện và chưa cùng nhau tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời nên tính cập nhật và hiệu quả của cơ chế, chính sách còn thấp... Vì vậy, trong thời gian tới hai bên cần sớm cùng nhau rà soát lại tổng thể các cơ chế, chính sách chương trình và tổ chức thực hiện để bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới của sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay và những năm tới, càng cần phải đẩy nhanh việc điều chỉnh kịp thời, linh hoạt những nội dung đã thỏa thuận bằng các văn bản hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị thực hiện có hiệu quả những mục tiêu chiến lược hợp tác đã đặt ra.

Khắc phục ngay những yếu kém trong hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý và quy trình cấp phát ODA giữa hai nước nhằm nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải và kéo dài dự án, không phục vụ kịp thời cho nhu cầu, mục tiêu hợp tác đã được thỏa thuận giữa hai bên.

Cùng với việc khuyến khích các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội hai bên hợp tác bằng khả năng của mình, cần quản lý và thực hiện thống nhất các chương trình hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ. Tránh những thỏa thuận riêng giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức hai bên vượt quá khả năng của mình, làm ảnh hưởng tới kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ đã ký kết.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay cũng như những năm trước mắt, cần có những điều chỉnh thích hợp trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Trước hết là tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào theo hướng hai nước phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước, với khu vực và đa phương khác.

Vị thế của Việt Nam ngày càng có trọng lượng trong ASEAN và cũng đã có sự phát triển đi trước một bước so với Lào trong tiến trình thực hiện các cam kết AFTA/AEC và WTO. Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho Lào trong việc điều chỉnh chính sách và thể chế kinh tế nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực. Ví dụ, Việt Nam cần ủng hộ mạnh mẽ tiến trình gia nhập WTO của Lào. Với việc Việt Nam giúp Lào tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 (tháng 10 năm 2004) và Hội nghị cấp cao GMS lần thứ ba (tháng 3 năm 2008), quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và hiệu quả hơn trước các yêu cầu hợp tác hiện nay và do vậy, vai trò của cả Việt Nam và Lào trong quan hệ đa phương và song phương trong khu vực cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực ASEAN.

Trong quá trình tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, Việt Nam - Lào luôn luôn tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của nhau. Như đã trình bày ở trên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, ngoài quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, mỗi nước đều có những quan hệ đa phương và song phương khác trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Mỗi bên cần ủng hộ và phối hợp với nhau để tận dụng mọi mối quan hệ này phục vụ lợi ích cho tất cả các bên.

Hiện nay, việc phát triển bất kỳ một tuyến hành lang kinh tế nào trong khu vực cũng luôn phải đặt trong mạng lưới của tất cả các hành lang kinh tế đã được ADB đề xuất và hỗ trợ, cũng như được các nước thành viên GMS hưởng ứng. Do đó, Việt Nam sẽ là con đường ngắn nhất để Lào tiếp cận một số thị trường phía Đông Nam của Trung Quốc thông qua chiến lược “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” 1. Và cũng tương tự như vậy, Lào sẽ là nơi trung chuyển quan trọng cho Việt Nam trong việc tiếp cận với thị trường Đông Bắc Thái Lan và Mianma. Như vậy, tính đa dạng trong tiếp cận đa phương về quan hệ đối ngoại không cản trở quan hệ song phương; trái lại nó sẽ làm cho quan hệ song phương Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam ngày càng hiệu quả và trở nên đặc biệt có ý nghĩa hơn trong sự nghiệp phát triển của mỗi nước.

Trong quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác kinh tế trong thời gian tới, cần phải chú trọng tính thực chất, hiệu quả và chất lượng. Có nghĩa là, các chương trình hợp tác, nhất là từ phía Việt Nam (các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào) phải phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Lào. Việt Nam là chỗ dựa tin cậy của Lào trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và cho đến nay, các chương trình hợp tác về quốc phòng, an ninh giữa hai nước luôn đem lại hiệu quả, góp phần quan trọng đối với việc tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế những năm qua, một số dự án triển khai chậm, chưa bảo đảm chất lượng như yêu cầu đặt ra... Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên những dự án hợp tác với Lào phù hợp với các quy hoạch và kế hoạch phát triển của Lào đã được vạch ra tại kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và tầm nhìn đến 2020 của Lào. Đó là các dự án hợp tác về phát triển thủy điện với Lào, các dự án xây dựng tuyến đường giao thông hướng ra biển nhằm tận dụng tối đa các cảng biển Việt Nam để phát triển dịch vụ du lịch, vận tải..., các dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...

Đặc biệt, Việt Nam nên lựa chọn những lĩnh vực mà mình có thế mạnh để đầu tư vào Lào. Đó là các dự án mà Việt Nam có lợi thế về kỹ thuật và nguồn nhân lực, có kinh nghiệm tổ chức thực hiện tốt hơn các đối tác khác và luôn được phía Lào tin cậy (thủy điện, cầu, cống, đường giao thông, nông, lâm nghiệp...). Có như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực và chất lượng. Nhân dân các bộ tộc Lào đã từng kề vai sát cánh, thủy chung gắn bó với Việt Nam suốt mấy chục năm qua sẽ luôn hy vọng, vững tin và mong muốn có được những kết quả hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, nhất là về hợp tác kinh tế với Việt Nam, giữ mãi tình cảm thủy chung, trong sáng và sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam trong mỗi bước đường phát triển đi lên của Lào.

Trong sự phát triển chung của các quan hệ đa phương trong khuôn khổ ASEAN, GMS, và yêu cầu của việc tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước, Việt Nam và Lào cần phải phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, tạo động lực thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hợp tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước, đưa hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới ngang tầm với quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt giữa hai nước chúng ta.

Tính chất đặc biệt được thể hiện ở điểm khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường khác, nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả quan hệ song phương theo khuôn khổ FTA, tức là đã dành ưu đãi cao nhất cho nhau ngay cả khi hai bên đều chưa phải là thành viên của WTO. Quan hệ này cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa cho dù mức độ phát triển của Lào chưa cao, Lào chưa phải là thành viên của WTO và Việt Nam không có nhiều nguồn lực như các nước láng giềng khác. Cần có một nhận thức thống nhất trong cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn, nhất là các nỗ lực của Việt Nam đang sánh bước cùng với Lào trên các cấp độ hội nhập, từ ASEAN/AEC đến GMS, từ Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) đến khuôn khổ hợp tác Đông Á, WTO. Quan hệ với Việt Nam, Lào có điều kiện vươn ra phía biển, tức là vươn ra thế giới, tiếp cận với các nền kinh tế lớn và phát triển vì mục tiêu nhanh chóng thoát nghèo và sánh bước phát triển cùng các nước trong khu vực.

Để tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước, phía Lào cần tích cực, chủ động hơn nữa đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam. Nghị quyết Đại hội VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng đã khẳng định: “Chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam và Trung Quốc”. Phía Lào cần chủ động lựa chọn các hạng mục có nhu cầu đầu tư và phát triển đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước; đồng thời cũng là những dự án mà phía đối tác Việt Nam và Trung Quốc có tiềm năng và thế mạnh. Riêng với Việt Nam, phía Lào cần thống nhất nhận thức và hành động trên quan điểm tiếp cận tổng thể về lợi ích trong quan hệ hợp tác đặc biệt với Việt Nam. Có thể lợi ích trước mắt trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không lớn bằng quan hệ với các nước khác, nhưng xét theo mục tiêu tổng thể (toàn diện) giữ vững an ninh và phát triển bền vững trong tương lai, quan hệ đối tác đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ là trụ cột chính để bứt phá và phát triển.




-----------------------------------------------------------------
1. Hai hành lang kinh tế:   
- Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
- Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Quảng Ninh.
Vành đai kinh tế vùng vịnh Bắc Bộ đã được Chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc cam kết thực hiện (tháng 7 năm 2004).

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #125 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 02:14:18 pm »

2. Tiếp tục thực hiện những chương trình hợp tác đã ký kết và chuẩn bị xây dựng chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

Hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong những năm qua đã được lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục: hợp tác giáo dục, đào tạo đáp ứng được nhu cầu về số lượng, nhưng chất lượng còn có vấn đề, còn thiếu một kế hoạch cụ thể; hợp tác thương mại chưa vững chắc, thị phần và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Lào còn thấp; hợp tác đầu tư sôi động và đạt mức vốn đăng ký cao, nhưng vốn thực hiện còn thấp và chậm, còn để mất thời cơ; vốn viện trợ triển khai chậm, dàn trải; cơ chế chính sách đã thông thoáng hơn, nhưng việc thực hiện chưa thống nhất (giữa mong muốn của hai Chính phủ và việc thi hành của các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương hai bên); việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện những hiệp ước hợp tác đã được ký kết giữa hai bên chưa thường xuyên; hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp được mở rộng, nhưng hạn chế về nguồn lực nên chưa đáp ứng được mong muốn giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước... Đây là những vấn đề được đặt ra trong quá trình xây dựng chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thời gian tới.

Để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới, trước mắt cần tập trung tiếp tục thực hiện những định hướng lớn đã được thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị, tháng 1 năm 2008 tại Viêng Chăn và tiếp tục thực hiện sáu chương trình mục tiêu đã được thỏa thuận tại Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ giai đoạn 2006 - 2010.

Chính phủ Việt Nam cũng đã đề ra những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu trong kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010. Theo đó, yêu cầu các chương trình hợp tác phát triển với Lào giai đoạn này phải được triển khai theo nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất trên cơ sở Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai Chính phủ giai đoạn 2006 - 2010 và Hiệp định hợp tác hằng năm. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các chương trình hợp tác trong Hiệp định với Lào phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương mình. Việc ký kết các nội dung hợp tác với Lào không nằm trong các chương trình mục tiêu của Hiệp định phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Các chương trình dự án sử dụng vốn viện trợ phải được thực hiện theo “Quy chế tài chính và quản lý các dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào”... Với tinh thần đó, năm 2007 hai bên đã triển khai thực hiện nhiều thỏa thuận, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, các bộ, ban, ngành, địa phương hai bên đã có nhiều hoạt động giúp đỡ lẫn nhau và có kết quả tốt. Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước có chuyển biến tích cực. Những năm còn lại của giai đoạn 2006 - 2010 hy vọng sự hợp tác toàn diện giữa hai bên sẽ được tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo những tiền đề vật chất cần thiết cho việc xây dựng chiến lược hợp tác giữa hai nước giai đoạn 2011 - 2020.

Chiến lược hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới (2011 - 2015 và tầm nhìn đến 2020) được xây dựng và thực hiện trong bối cảnh quốc tế, khu vực và ở từng nước có những thuận lợi và khó khăn đan xen cùng những chuyển biến rất mau lẹ, tác động trực tiếp đến quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Thuận lợi cơ bản trong quan hệ hợp tác là sự ổn định về chính trị của hai bên, kinh tế cũng có những bước phát triển khả quan trước sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ mỗi nước, đây là nhân tố quyết định tới quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa hai nước được hai bên đánh giá là ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp.

Trong những năm qua, quan hệ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù kinh tế thế giới từ cuối năm 2007 bắt đầu có nhiều biến động lớn, phức tạp; giá cả nhiên liệu, vật tư, xăng dầu, phôi thép... tăng liên tục chưa có điểm dừng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, nền kinh tế của cả hai nước vẫn có tốc độ tăng trưởng tương đối khá so với các nước trong khu vực (năm 2007 ở Việt Nam là 8,4% và Lào là 7,5%). Đây là một lợi thế để Việt Nam và Lào khẳng định vai trò của mình trong các hoạt động của tổ chức hợp tác khu vực như ASEAN, GMS, CLV, CLVM... Trong quan hệ hợp tác, hai nước đã và đang nhận được sự ủng hộ của các nước và các tổ chức kinh tế thế giới trên nhiều lĩnh vực, góp phần củng cố và thúc đẩy nền kinh tế của mỗi nước, trong đó chủ yếu là Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Do ảnh hưởng của suy thoái chung toàn cầu, trong thời gian tới thị trường xuất khẩu của mỗi nước còn bị thu hẹp, do đó ảnh hưởng lớn tới việc làm của người lao động, lao động dư thừa ở mỗi nước sẽ tăng lên. Hợp tác hai nước sẽ được đặt ra trước bối cảnh cần phải tăng cường, dành ưu tiên, ưu đãi cho đầu tư vào mỗi nước. Trước hết là các dự án thủy điện và trồng cây công nghiệp, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động và tạo nguồn lực bổ sung cho nhau phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của mỗi nước trong giai đoạn trước mắt (2011 - 2015); đồng thời tạo điều kiện để hội nhập kinh tế thế giới của những năm sau này. Như vậy, hợp tác toàn diện giữa hai nước giai đoạn 2011 - 2020 trước bối cảnh quốc tế, khu vực và tình hình thực tế của mỗi nước vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Nhằm tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, định hướng cơ bản hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2020 là: “Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành động lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của mỗi nước”. Trong đó, không ngừng nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác kinh tế ngang tầm với quan hệ truyền thống giữa hai nước. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo “Coi trọng, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước và coi đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược to lớn, thiết thực phục vụ cho lợi ích đảm bảo ổn định an ninh, chính trị và phát triển của mỗi nước”. Đồng thời, coi hợp tác và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ chiến lược lâu dài giữa hai nước nhằm hình thành một thế hệ mới kế cận có đầy đủ năng lực và nhận thức một cách sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, tạo lòng tin vững chắc lâu dài lẫn nhau, góp phần tăng cường mối quan hệ bền vững giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Đặc biệt coi trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, trước hết là đội ngũ cán bộ các cấp của các địa phương Lào, cán bộ làm việc ở các dự án giữa hai nước; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và bồi dưỡng, giữa số lượng và chất lượng đào tạo, giữa đào tạo chính quy các bậc học với đào tạo nghề.

Thường xuyên phối hợp và cụ thể hóa quan điểm về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên tinh thần các tuyên bố chung và thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước vào nội dung hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tinh thần quan hệ đặc biệt theo luật pháp của mỗi nước nhằm tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, trên cơ sở:

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã ký kết. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát huy những tiềm năng, lợi thế của hai nước nhằm bổ sung nguồn lực cho nhau, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước theo từng giai đoạn, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi nước, trong đó đối với Lào là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển vào năm 2020.

Trước mắt, ưu tiên và có cơ chế đặc biệt để doanh nghiệp hai nước có điều kiện triển khai các dự án trực tiếp bổ sung, khuyến khích hỗ trợ nguồn lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế mỗi nước; các dự án trực tiếp giải quyết việc làm; các dự án có ảnh hưởng tích cực đến việc cải thiện đời sống dân cư trong khu vực dự án, các dự án phục vụ giảm nghèo và các dự án có đóng góp thiết thực vào việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

- Phấn đấu tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD năm 2020. Quan tâm đặc biệt, bảo đảm kết nối giao thông đường bộ trên các trục huyết mạch và các tuyến kết nối qua biên giới với các cảng biển của Việt Nam để phục vụ đầu tư, thương mại và hội nhập giữa hai nước, trên nguyên tắc đầu tư đồng bộ và đồng thời giữa hai bên.

- Tăng cường và nâng cao vai trò hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp hai nước, gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới giữa hai nước nhằm phát triển các địa phương khu vực biên giới trở thành hậu phương chiến lược vững chắc, ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác lâu dài, tạo sự gắn bó, tin tưởng lẫn nhau, góp phần củng cố ngày càng vững chắc mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa các dân tộc và nhân dân hai nước.

- Nâng cao chất lượng hợp tác và sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ của Việt Nam dành cho Lào. Tránh dàn trải, tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào các chương trình, dự án phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của Lào nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước. Các chương trình, dự án mang tính xã hội có tác động trực tiếp vào việc tăng cường quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, hai bên phối hợp chặt chẽ việc rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản thỏa thuận, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế của mỗi nước, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và thông lệ quốc tế, tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế cũng như hội nhập quốc tế và khu vực của mỗi nước.

Thường xuyên trao đổi thông tin và phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện những thỏa thuận song phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời việc thực hiện những nội dung thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã ký kết. Điều chỉnh linh hoạt các nội dung đã cam kết phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời điểm.

Phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong các khuôn khổ hợp tác đa phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế vào mục tiêu thúc đẩy, tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #126 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 02:17:42 pm »

3. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

Trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thống nhất đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí trước hết tiếp tục củng cố, tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Duy trì các cuộc gặp cấp cao truyền thống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả và thiết thực về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cho toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân hai nước.

Đồng chí Chummaly Xaynhaxỏn, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã nói rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước Lào về vấn đề này: “Trong điều kiện mới, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng tăng cường và phát triển, nở hoa, kết trái và cùng tồn tại mãi mãi với sự phát triển của hai nước chúng ta.

Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào sẽ làm hết sức mình để cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em nâng niu, gìn giữ và vun đắp mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, để cho mối quan hệ đó trở thành tài sản vô giá cho con cháu mai sau.

Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào coi đó vừa là nghĩa vụ quan trọng, vừa là vinh dự cao cả của mình, khẳng định chắc chắn rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc, mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước có sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng, tính quy luật của tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam cũng như nghĩa vụ cần phải vun đắp và xây dựng tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững
”. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú và thiết thực về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, trước mắt, sớm hoàn thành công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào để làm tài liệu giáo dục cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên hôm nay và mai sau . Như vậy là, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, mà nhiệm vụ trước tiên là tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Đối tượng của việc tuyên truyền, giáo dục là hết thảy cán bộ, đảng viên, nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ; từ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, mặt trận đến những người dân bình thường của hai nước... từ trung ương đến địa phương, bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp.

Về nội dung, phải làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông kính yêu xây dựng, vun đắp và đã được các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân dân hai nước tiếp tục củng cố, phát triển trong gần 80 năm qua. Mối quan hệ đặc biệt đó đã trở thành tài sản vô cùng quý báu của hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước trước đây và ngày nay. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần khẳng định quyết tâm và coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm cùng nhau tiếp tục bảo vệ, phát triển và nâng lên tầm cao mới mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi bên, bổ sung cho nhau; đồng thời dành cho nhau ưu tiên, ưu đãi hợp lý, không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Việc tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú và thiết thực, hiệu quả. Trước mắt cần dựa trên kết quả của công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007)” để làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, giáo dục. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vì, cùng với bộ sách lịch sử là những bộ sách hồi ký, văn kiện, sách ảnh, biên niên sự kiện, những cuốn phim tư liệu mà sau khi hoàn thành không chỉ là những công trình tổng kết có giá trị lịch sử về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và cũng chính Người cùng với Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận, nhân dân và quân đội hai nước không ngừng củng cố và phát triển, mà còn là những công trình đáp ứng công tác tuyên truyền, giáo dục lâu dài hết sức có ý nghĩa đối với thế hệ hôm nay và các thế hệ con em hai nước Việt Nam và Lào mai sau.

Các công trình khoa học về lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước càng có tác dụng tuyên truyền và giáo dục hơn, bởi nó dựng lại bức tranh lịch sử sinh động những chặng đường cách mạng vẻ vang mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đã đi suốt chiều dài lịch sử mấy chục năm qua; thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa quốc tế cao cả, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt thủy chung, trong sáng, chí nghĩa, chí tình luôn luôn kề vai sát cánh trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến những ngày xây dựng đất nước trong hòa bình.

Lịch sử hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cũng sẽ được tái hiện một cách rõ ràng, sinh động và quan trọng hơn, từ thực tiễn lịch sử đúc kết những bài học quý giá trong gần 80 năm xây dựng và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mẫu mực, hiếm có trong lịch sử nhân loại.

Lịch sử về quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng và quân dân hai nước chúng ta là sự thật đầy sức thuyết phục không một ai và mãi mãi không bao giờ phủ nhận được, bởi vì, đó là thành quả kết tinh từ xương máu hy sinh, từ lao động sáng tạo, từ niềm tin không gì lay chuyển nổi, từ sự chia ngọt sẻ bùi, chung lưng đấu cật, gắn bó keo sơn như anh em ruột thịt của các thế hệ chiến sĩ cách mạng và quân dân hai nước .
Các công trình khoa học về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ là tài liệu rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người, từ cán bộ, đảng viên đến người dân thường của hai nước chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng về tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa lớn lao của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam để mãi mãi biết ơn những chiến sĩ cách mạng tiền bối và các thế hệ anh hùng liệt sĩ cùng đồng bào, chiến sĩ hai nước đã chiến đấu hy sinh, lao động sáng tạo, xây dựng, bồi đắp, bảo vệ tình đoàn kết, quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước chúng ta; phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở thành động lực thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn mới.

Để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, cả hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thông tin, phát thanh truyền hình... Phối hợp tổ chức trọng thể hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước; duy trì các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các địa phương, ban, ngành, đơn vị... đặc biệt là thế hệ trẻ của hai nước.

Trong bối cảnh hiện nay và tương lai gần, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ yếu, nhưng xung đột dân tộc, tôn giáo, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, khủng bố... vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất rất phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh việc thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” mà mũi nhọn là tư tưởng, văn hóa nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và chế độ dân chủ nhân dân ở Lào, phá hoại mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Vì vậy, hai bên cần tăng cường hợp tác trong công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thiết thực... kể cả việc phối hợp và trao đổi kinh nghiệm đấu tranh chống các tư tưởng sai trái, phản động trong cuộc đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam và Lào; đồng thời đấu tranh với những luận điệu nhằm xuyên tạc quan hệ Việt Nam - Lào, bảo vệ sự trong sáng của mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hiện nay.

Với mong muốn và quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; đồng thời dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau phù hợp với tính chất của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, đưa quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên một tầm cao mới vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #127 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 02:24:23 pm »

KẾT LUẬN


Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Người về con đường cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, là thời điểm xuất hiện quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Cũng từ đây, cuộc đấu tranh của hai dân tộc chống chế độ thuộc địa, từng bước tiến triển trong quan hệ đoàn kết đặc biệt giành được nhiều thắng lợi quan trọng.

Các chặng đường thắng lợi của hai dân tộc diễn ra nối tiếp nhau như Cách mạng tháng Tám 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn năm 1975, tiếp đó là quá trình tìm tòi, thử nghiệm để đi tới quyết định đổi mới con đường xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào cuối năm 1986. Đường lối đổi mới khơi dậy nguồn lực lao động sáng tạo, đẩy mạnh sản xuất phát triển, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập tổ chức ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác, đưa tới sự tăng trưởng nhanh về năng suất lao động, của cải xã hội, ổn định chính trị trong sự biến động hiểm nghèo của chủ nghĩa xã hội với sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Sự kiểm nghiệm khách quan đó của lịch sử càng làm sáng tỏ giá trị cao quý của tư tưởng Hồ Chí Minh và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự thiết lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một sáng tạo lý luận cách mạng giải phóng dân tộc

Hầu hết các nước châu Á, đến những năm đầu thập  niên 20 thế kỷ XX, sống trong tình trạng biệt lập, không tự biết sức mạnh vốn có của mình, càng không biết đoàn kết với các dân tộc khác để tạo ra sức mạnh chiến thắng chủ nghĩa thực dân phương Tây. Do vậy, sự thiết lập quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở thành một giải pháp có ý nghĩa lịch sử của nhân dân châu Á trong sự nghiệp đấu tranh lật đổ chế độ thuộc địa. Điều đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho biết, sau nhiều năm ngẫm nghĩ, Người tìm thấy “nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP... do đó họ THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU” .

Nguyễn Ái Quốc còn phân tích làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa việc tìm kiếm con đường tự giải phóng và nhận thức về tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Người viết: “Miền Cận Đông và miền Viễn Đông, từ Xyri tới Triều Tiên - chúng tôi chỉ nói đến những nước thuộc địa và nửa thuộc địa có một diện tích rộng hơn 15 triệu km2, với số dân hơn 1.200 triệu người, tất cả những nước rộng lớn ấy ngày nay đều đang ở dưới ách của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Và mặc dù số lượng của họ đáng lẽ phải làm cho họ có sức mạnh, các dân tộc bị áp bức đó vẫn chưa thực sự mưu đồ tự giải phóng khỏi ách đó, và vì họ chưa hiểu giá trị của sự đoàn kết quốc tế, nên họ chưa biết đoàn kết nhau lại để đấu tranh... Họ có sẵn một sức mạnh to lớn mà họ chưa biết!” .

Nét đặc sắc của quan hệ giúp nhau giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là sự thực hiện quan điểm, nguyên tắc và trách nhiệm do lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhất trí.

Trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cả hai Đảng và hai dân tộc đều nhất trí thực hiện lời chỉ dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình”, và thực hiện các nguyên tắc như trên đã viết. Nhân dân hai nước cùng sát cánh bên nhau chiến đấu, công tác và do vậy, thắng lợi của mình, có phần đóng góp của bạn. Tại cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào, tháng 12 năm 1973. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thể hiện rõ tinh thần ấy: “Đặc biệt trong quá trình giúp đỡ, ta đã xây dựng tình đoàn kết hiếm có trong lịch sử”. Sự đoàn kết vì tình, vì nghĩa, vì dân tộc, vì quốc tế cho nên đoàn kết trở thành truyền thống, thành mẫu mực.

Trong tình hình quốc tế, trong tình hình quan hệ của đảng, các nước đều có vấn đề phức tạp, mà giữa hai Đảng chúng ta đến nay đều thuỷ chung gắn bó là một điều vô cùng quý báu.

Nhân dịp kết thúc một giai đoạn cách mạng, thay mặt Đảng Nhân dân cách mạng Lào, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thay mặt toàn thể nhân dân Lào, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng Lao động Việt Nam, với Ban Chấp hành Trung ương Đảng và với tất cả cán bộ, chuyên gia, bộ đội, công nhân đã và đang công tác ở Lào, có những người đã lăn lộn 10, 20 năm xa quê hương, xa gia đình, tận tuỵ hy sinh vì cách mạng Lào. Lịch sử hai Đảng, hai nước sẽ ghi mãi mãi công ơn to lớn này. Đây không những là một tấm gương lớn cho hai Đảng, hai nước chúng ta, mà còn là một gương, một kinh nghiệm quý báu cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng. Nó Mác - Lênin lắm, nó rất chân chính, nó rất đúng nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tôi nghĩ không có lời văn, không có báo chí nào có thể nói hết.
Có thể nói đây là những điểm rất cơ bản. Chỉ có hai Đảng, hai dân tộc cùng một cảnh ngộ chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, cùng một vận mệnh gắn bó với nhau mới hiểu hết tình nghĩa này” .

Về phía Việt Nam, Trung ương Đảng nhiều lần tự xác định trách nhiệm của mình đối với cách mạng Lào và điều đó cũng là trách nhiệm đối với quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị ngày 21, 22 tháng 4 năm 1967 viết: “Vị trí cách mạng Lào rất quan trọng và gắn liền với Việt Nam, quan hệ giữa ta và Lào là quan hệ đặc biệt. Quan hệ giữa ta và Lào khác với quan hệ giữa ta với các nước khác. Đối với Lào không phải là giúp mà thôi, mà ta phải xem mình có nhiệm vụ tham gia làm cách mạng ở Lào” .

Bộ Chính trị chủ trương quán triệt trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ sang giúp Lào và các ngành, các địa phương có quan hệ về ý nghĩa, nhiệm vụ giúp cách mạng Lào, tham gia cách mạng Lào.

Trong quá trình giúp đỡ nhau, mỗi bên đều dốc hết sức của mình, giúp toàn diện, nhưng không dàn đều, mà chú trọng tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất. Theo ý kiến của Bác Hồ, trong những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX, Việt Nam cần chú trọng tập trung giúp Đảng Lào xây dựng đường lối, cương lĩnh, đào tạo cán bộ. Người chỉ đạo thành lập một tổ cán bộ Việt Nam cùng bạn nghiên cứu, đi khảo sát thực tế ở nhiều tỉnh, kể cả ở vùng địch hậu Viêng Chăn. Kết quả nghiên cứu đã giúp Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra Nghị quyết xây dựng vùng giải phóng như quy mô quốc gia được ghi trong kế hoạch ba năm từ 1968 đến 1970; năm 1972, Đại hội II Đảng Nhân dân cách mạng Lào công bố Cương lĩnh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng Nhân dân Lào và nhân dân Lào giúp Nam mở tuyến đường vận tải chiến lược, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia.

Đây không chỉ là con đường vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng, lương thực, xăng dầu và bộ đội, cán bộ từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam đến Lào, Campuchia mà còn là chiến trường đọ sức ác liệt, nơi thử thách ý chí và bản lĩnh cách mạng của lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước vì độc lập, tự do, chống các mưu đồ, kế hoạch nham hiểm, tàn bạo và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của đế quốc Mỹ.

Trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều chiến dịch lớn do quân đội, nhân dân Việt Nam và quân đội Lào tiến hành như chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ - nguỵ hòng ngăn chặn đường tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, triệt phá hoàn toàn hệ thống hậu cần của ta tại Nam Lào. Chúng đã bị thất bại thảm hại trước sức phối hợp chiến đấu của bộ đội Việt Nam và quân, dân Lào. Tiếp đó, quân đội Việt Nam, Lào còn mở nhiều chiến dịch tiêu hao tiêu diệt địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng của cách mạng Lào, giữ vững mạch máu giao thông trên đường Hồ Chí Minh, khẩn trương chuẩn bị lực lượng đón thời cơ giải phóng miền Nam Việt Nam.

Từ thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta càng thấu hiểu, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và nhân dân Lào đã chấp nhận những hy sinh to lớn khi giúp Việt Nam mở đường tây Trường Sơn, tận dụng lợi thế thiên nhiên và vị thế địa - quân sự của dãy Trường Sơn. Và chỉ có quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào mới đáp ứng được yêu cầu đó của bạn bè, đồng chí.

Hai bên thường xuyên quan tâm học hỏi lẫn nhau, cổ vũ những sáng tạo và thành công của bạn. Tại cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, tháng 12 năm 1973, đồng chí Lê Duẩn nói: “Đảng chúng tôi đánh giá rất cao thắng lợi mà Đảng và nhân dân Lào vừa giành được. Thắng lợi của các đồng chí đưa đất nước Lào phát triển một bước nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử đất nước Lào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cách mạng ở Đông Dương và ảnh hưởng tốt đến phong trào của nhân dân các nước trên thế giới. Đảng Lào và nhân dân Lào đã làm được một việc vĩ đại trong hoàn cảnh hết sức khó khăn phức tạp” .

Những kỳ tích của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là sự thể hiện thành công đạt tới trình độ mẫu mực, đúng đắn, hài hoà mối quan hệ dân tộc và quốc tế; tạo thuận lợi cho hai bên tự chủ phát triển nội lực của mình và chung sức nhân lên sức mạnh của khối liên minh, hợp tác của hai dân tộc. Đó chính là di sản văn hoá phi vật thể của hai dân tộc Việt Nam, Lào như Chủ tịch Xuphanuvông đánh giá trong diễn văn đọc tại cuộc míttinh trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu nhân dân Lào tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội ngày 25 tháng 5 năm 1971: “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đoá hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp lên với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi” .

Trong tình hình đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, cần ra sức bảo vệ, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là sự tổng hợp phẩm chất cách mạng trong sáng, trách nhiệm cao cả và tình cảm sắt son, nồng thắm mà hai dân tộc Việt Nam, Lào dành cho nhau, gắn bó bền chặt với nhau, chiến đấu, hy sinh, lao động sáng tạo vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan hệ đó trải qua nhiều chặng đường gian nan, ác liệt do chủ nghĩa đế quốc xâm lược gây ra. Trong chín năm (1945 - 1954), đế quốc Pháp sử dụng các kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”, chia cắt, bao vây chiến trường Việt Nam, Lào trong nhiều năm (1945 - 1949)... nhưng chúng đều bị nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đoàn kết chiến đấu và đánh bại.
Đế quốc Mỹ không rút kinh nghiệm thất bại của thực dân Pháp, liều lĩnh lao vào cuộc chiến xâm lược Đông Dương kéo dài hơn 20 năm với cường độ gia tăng gấp bội. Chúng sử dụng nhiều chiến lược chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới; đánh phá dữ dội lãnh thổ Việt Nam và Lào, nhất là đường Hồ Chí Minh, hòng bóp nghẹt con đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia. Song chúng càng bị thất bại thảm hại.

Sau chiến thắng chống ngoại xâm, quan hệ Việt Nam - Lào vẫn phải đối đầu với nhiều thách thức mới do nhiều kẻ thù gây ra và do hậu quả chiến tranh. Đồng thời, lúc bấy giờ, tại Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đã phạm phải “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.

Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa “tả” khuynh vừa hữu khuynh” .

Về phía Lào, Đảng và Nhà nước cũng mắc phải những nhược điểm mà Đại hội IV Đảng Nhân dân cách mạng Lào chỉ rõ: đó là tư tưởng chủ quan, nóng vội trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa như muốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa; vội vàng chuyển các nhà máy, xí nghiệp không cần thiết sang sở hữu nhà nước; nóng vội đưa nông dân vào làm ăn tập thể mà không xem xét các điều kiện, nguyên tắc và năng lực tổ chức, quản lý, đi đôi với việc chậm giải quyết cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính bao cấp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh .

Trước những sai lầm, nhược điểm trong công cuộc xây dựng đất nước, hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam, Lào đã hợp tác trao đổi kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn để xác định chủ trương, chính sách khắc phục khó khăn, mở đường đổi mới, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên các chặng đường cách mạng đầy gian khổ, phức tạp và thắng lợi vẻ vang của hai dân tộc Việt Nam, Lào đều hiện rõ vai trò quan trọng, giá trị cách mạng, nhân văn và hiệu quả to lớn của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Nhìn về tương lai, chúng ta càng thấy rõ sự cần thiết phải ra sức bảo vệ, phát triển quan hệ đặc biệt đó - tài sản quý giá nhất của hai dân tộc Việt Nam, Lào. Trước hết cần học tập, thấm nhuần những quan điểm, nguyên tắc và phương pháp xây dựng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và vận dụng trong mọi hoạt động liên quan với mối quan hệ đó. Đồng thời, cần cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng chống các quan điểm, thủ đoạn hạ thấp hoặc phá hoại quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Lời phát biểu sau đây của đồng chí Cayxỏn Phômvihản chính là lời chỉ dẫn cho phương hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta: “chúng ta phải nhận thức rằng mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam tuy là quý hơn ngọc quý nhất, song cũng phải thường xuyên chăm lo vun đắp cho trong sáng hơn nữa.

Để tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết Lào - Việt trong hoàn cảnh mới, cán bộ đảng viên cần nhận thức, quán triệt quan điểm, thái độ cũng như phương pháp nhận xét và giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tế thường xảy ra” .

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #128 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 02:45:23 pm »

TÀI LIỆU THAM KHẢO



1. Tài liệu tiếng Việt

1.      Ai Minh: “Công việc vận động cách mạng Ai-Lao”, Tạp chí Quân sự tập san (2), 1948, tr. 8-9.

2.      Bài nói của đồng chí Viêng Xay trước Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 13 tháng 4 năm 1974. Thư viện Viện lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4829.

3.      Bài phát biểu của đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn nói về chuyên gia. Thư viện Viện lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4300.

4.      Bài phát biểu của anh Văn với cán bộ chuyên gia ở Lào. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4550.

5.      Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

6.      Ban Chỉ đạo nghiên cứu lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

7.      Ban Công tác miền Tây (CP38): Biên niên những sự kiện lịch sử Lào (lưu tại Viện Lịch sử Đảng).

8.      Ban Công tác miền Tây: Biên niên sử Lào 1921 - 1954, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy 78 trang), số ký hiệu: TL-809.

9.      Ban Liên lạc quân tình nguyện Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia: Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia (1948 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.

10.      Ban Nghiên cứu lịch sử quân sự: Chủ trương công tác cho Ban xung phong Lào Bắc năm 1948, Hà Nội, 1997, Tài liệu lưu tại Thư viện Quân đội (bản đánh máy 4 trang), số ký hiệu: 355(V09)/4.T.3305.

11.      Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

12.      Ban Tổng kết Lào - Học viện Quân sự cao cấp: Kế hoạch tổng kết hoạt động và tác chiến của các lực lượng vũ trang tình nguyện Việt Nam thực hiện sự liên minh chiến đấu Việt - Lào trong chiến tranh giải phóng trên chiến trường Lào từ 1945 đến 1975, 1979, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (bản đánh máy 6 trang), số ký hiệu: TK-629.

13.      Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy Thanh Hóa: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào tại các tỉnh biên giới và một số địa phương, Hà Nội, 2009.

14.      Ban Tuyên giáo Trung ương: Hội thảo quốc tế Việt Nam - Lào về Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước: Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Lào (kỷ yếu), Hà Nội, tháng 8 năm 2007.

15.      Bản thoả thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn từ nay đến năm 2000, Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1995.

16.      Bản thoả thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn từ năm 2001 đến 2010, Hà Nội, ngày 6 tháng 2 năm 2001.

17.      Bảo tàng Hồ Chí Minh: Tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, truyền thống và triển vọng (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

18.      Báo cáo tổng hợp của thời kỳ 1946 - 1954, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đấu tranh giành, giữ độc lập dân tộc của nhân dân Lào, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy 96 trang), số ký hiệu: TL-1017.

19.      Báo cáo tổng kết thời kỳ 1930 - 1946 ở Lào, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (bản đánh máy 67 trang), số ký hiệu: TK-616.

20.      Báo cáo tổng kết phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào từ 1945 đến nay, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (bản đánh máy), số ký hiệu: TK-620.

21.      Báo cáo tổng kết 10 năm làm công tác chuyên gia giúp cách mạng Lào. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-636.

22.      Báo cáo tổng kết của lực lượng trung lập ở Lào 1963 - 1971. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4269.

23.      Báo cáo thực hiện kế hoạch hợp tác văn hóa với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 1984, Hồ sơ số 520, Vụ châu Á 2, Phông Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

24.      Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 - 2003 của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Đoàn chuyên gia cao cấp Chính phủ Lào - Đoàn chuyên gia cao cấp Chính phủ Việt Nam (2004), Viêng Chăn, ngày 21 tháng 2 năm 2004.

25.      Báo cáo tình hình thực hiện một số nội dung hợp tác với Lào năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào, Hà Nội, ngày 5 tháng 10 năm 2004.

26.      Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Quản lý dự án đầu tư nước ngoài, Hà Nội, 2002.

27.      Báo cáo tổng kết ba năm hoạt động từ 1992 - 1995 và phương hướng hợp tác từ 1996 - 2000 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về chương trình phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 12 năm 1995.

28.      “Báo cáo tổng kết 10 năm hợp tác giáo dục và đào tạo với Việt Nam của Bộ Giáo dục Lào” trong Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 10 năm hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Lào tại Cửa Lò, Nghệ An, Hà Nội, tháng 8 năm 2002, tr. 69.

29.      Báo cáo tổng kết quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào thời kỳ 1996 - 2000 và năm 1996, tài liệu lưu tại Vụ châu Á 2, Bộ Ngoại giao.

30.      Báo cáo về hợp tác Lào và Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp năm 1999 - 2000 và giai đoạn 2001 - 2005, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

31.      Báo Cứu quốc (cơ quan của Tổng bộ Việt Minh - Việt Nam) số 68 (16 tháng 10 năm 1945), số 131 (ngày 2 tháng 1 năm 1946).

32.      Biên bản hội đàm giữa hai Đảng Việt Nam - Lào (8.61). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4286- 4291.

33.      Biên bản hội đàm giữa hai Đảng Việt Nam - Lào (1.73). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4556-4557.

34.      Biên bản hội đàm giữa hai Đảng (12.73). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4565-4567.

35.      Biên bản trao đổi ý kiến giữa Trung ương Đảng Lào - Việt Nam (5.67). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-  4568-4571.

36.      Biên bản kỳ họp lần thứ 18 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 14 tháng 1 năm 1996.

37.      Biên bản làm việc một số nội dung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào năm 2004, Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2004.

38.      Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.

39.      Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, t. 1, 2.

40.      Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết biên soạn lịch sử: Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Ban Tổng kết Bộ Tổng tham mưu xuất bản, 1991.

41.      Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, 2003, t. 3, 6.

42.      Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào 1945 - 1975 (Đoàn 100, Đoàn 959), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.

43.      Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào (sách ảnh bằng ba thứ tiếng Việt Nam, Lào, Anh), Hà Nội, 2007.

44.      Bộ Giáo dục và Đào tạo: Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 10 năm hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Lào, Cửa Lò, Nghệ An, tháng 8 năm 2002.

45.      Bua Khăm Thípphavong: Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc phát triển kinh tế ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Luận án Tiến sĩ kinh tế học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2001.

46.      Bùi Văn Vân: “Vài nét về thành tích tự túc của Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (1945 - 1954)”, Tạp chí Lịch sử quân sự (4), 1987, tr. 29-32.

47.      Chỉ thị của Ban Bí thư số 21-CT/TW ngày 18 tháng 10 năm 1977 về việc tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương, Phông lưu trữ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Phông số 82, Đơn vị bảo quản 2375.

48.      Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam số 09-CT/TW ngày 3 tháng 7 năm 1987 về việc quan hệ Đảng ta với Đảng Lào và Đảng Campuchia, Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

49.      Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào số 24/BBT, ngày 20 tháng 5 năm 1987 về việc triển khai kết quả của cuộc hội đàm giữa Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào với Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

50.      Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến năm 2000 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

51.      Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Hiệp định hàng năm về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, từ 1996 đến 2007 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

52.      Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thời kỳ 2006 - 2010 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

53.      Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào: Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2001 - 2010 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

54.      Chu Huy Mân: “Liên minh ba nước không ngừng lớn mạnh”, Tạp chí Cộng sản (8 ), 1985, tr. 12-18.

55.      Chu Huy Mân: Trên chiến trường Lào, giúp bạn là tự giúp mình (Hồi ký).

56.      Chủ tịch Hồ Chí Minh và vấn đề đoàn kết hợp tác ba nước Đông Dương (Trích các bài nói và viết 1920 - 1969), Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, số ký hiệu: TL-9.

57.      Chương Sổm Bun Khăn: “Thành tựu của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong đổi mới” trong Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr. 586-592.

58.      Con đường tình nghĩa - từ công trường Lào Cai 114 đến Công ty đường 126, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 2001.

59.      Công tác hậu cần, vận tải sáu tháng năm 1967 ở Xiêng Khoảng. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-618.

60.      Cơ chế chung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 7 tháng 4 năm 1994.

61.      Cờ giải phóng, số 11 (ngày 25 tháng 3 năm 1945), số 27 (ngày 21 tháng 10 năm 1945).

62.      Cục Chính trị - Quân khu Tây Bắc: Tổng kết công tác giúp bạn ở bốn tỉnh Bắc Lào của Quân khu Tây Bắc, 1996, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (bản đánh máy), số ký hiệu: TK-677.

63.      Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy), TL-281.

64.      “Diễn văn chào mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đón tiếp Quốc vương Lào đến thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 10 tháng 3 năm 1963”. Báo Nhân dân, ngày 11 tháng 3 năm 1963, tr.1.

65.      Diễn văn của Hoàng thân Chủ tịch Xuphanuvông tại buổi mít tinh trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu nhân dân Lào tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, tối 25 tháng 5 năm 1971”. Báo Nhân dân, ngày 2 tháng 6 năm 1971, tr.4.

66.      Dương Phú Hiệp: “Việc lựa chọn con đường phát triển trong tiến trình đổi mới ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”, trong Tìm hiểu lịch sử văn hóa Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, t.3, tr.341-353.

67.      Đại hội IV Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987.

68.      Đại hội V Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991.

69.      Đảng Nhân dân cách mạng Lào (1972), Cương lĩnh của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Neo Lào Hắc Xạt. (Bản dịch của Nguyễn Văn Vinh).

70.      Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Văn kiện Đại hội lần thứ VI Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Chính trị quốc gia và Nhà xuất bản và phát hành sách Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hà Nội, 1996.

71.      Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội VII Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Bản tiếng Việt lưu tại Viện Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

72.      Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội VIII Đảng Nhân dân cách mạng Lào (Tài liệu nội bộ).

73.      Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Thỏa thuận hàng năm giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào từ 1996 - 2002. Lưu tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

74.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987.

75.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991.

76.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

77.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

78.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

79.      Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, từ tập 1 đến tập 54.

80.      Đặng Thanh Toán - Nguyễn Thị Phương Nam: “Bước đầu tìm hiểu quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (41)/ 2000, tr.43-51.

81.      Đề cương báo cáo về tình hình Lào, đường lối, chủ trương của Đảng bạn và sự phân công tổ chức giúp bạn của Đảng ta. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4388.

82.      Đề cương tổng kết sự thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Đảng ta về mặt quân sự đối với chiến tranh cách mạng Lào 45 - 75. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4405.

83.      Đinh Xuân Lâm: “Đường biên giới Việt - Lào ngày nay - sản phẩm của truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6 (51)/ 2001, tr.70-76.

84.      Đinh Ngọc Bảo - Viêngvichít Xútthiđệt: “Những thành tựu trong công tác đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh Lào ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội 25 năm qua”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (55)/ 2002, tr.30-37.

85.      Đỗ Đình Hãng: Quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia trong kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1993.

86.      Đồng chí Cayxỏn Phômvihản trả lời phỏng vấn của báo Nhân dân: “Lúc này hơn lúc nào khác càng phải tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt”, do nhà báo Hữu Thọ thực hiện ngày 4 tháng 7 năm 1989, tại Viêng Chăn, Báo Nhân dân, ngày 5 tháng 7 năm 1989, tr.3.

87.      Hà Minh Tân: “Cơ sở khách quan bền vững của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào”, Tạp chí Cộng sản, số 18, tháng 12 năm 1995, tr.56-57.

88.      Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977, Hồ sơ số 514/3, Vụ Á châu 2, Bộ Ngoại giao.

89.      Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Viêng Chăn, ngày 14 tháng 1 năm 1996.

90.      Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Viêng Chăn, ngày 9 tháng 3 năm 1998.

91.      Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 1996.

92.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào thời kỳ 1992 - 1995, Viêng Chăn, ngày 15 tháng 2 năm 1992.

93.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1993, Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1993.

94.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1994, Viêng Chăn, ngày 7 tháng 4 năm 1994.

95.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1995, Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1995.

96.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1996, Viêng Chăn, ngày 14 tháng 1 năm 1996.

97.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1997, Hà Nội, ngày 11 tháng 1 năm 1997.

98.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1998, Viêng Chăn, ngày 9 tháng 3 năm 1998.

99.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 1999, Hà Nội, tháng 1 năm 1999.

100.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào năm 2002, Viêng Chăn, ngày 15 tháng 1 năm 2002.

101.      Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003, Hà Nội, ngày 9 tháng 1 năm 2003.

102.      Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng - điện giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Hà Nội, tháng 7 năm 1998.

103.      Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 18 tháng 7 năm 1977.

104.      Hoàng Văn Thái: Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983.

105.      Hoàng Thị Minh Hoa - Nguyễn Văn Cường: “Khái quát về quan hệ kinh tế, thương mại với Lào và Campuchia giai đoạn 1991 - 2005”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (107)/2009, tr.21-28.

106.      Hoạt động cách mạng của Chủ tịch Khăm Tày Xiphănđon (Tóm tắt), Viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, 1999.

107.      Học viện Quan hệ quốc tế: Hội thảo khoa học “40 năm quan hệ đặc biệt Việt - Lào Thành tựu và triển vọng”, Hà Nội, 2002, 112 trang.

108.      Houmphanh Rattanavong: “Na Kay - Quy Hợp một con đường lịch sử của mối quan hệ Lào - Việt Nam” trong Viện Nghiên cứu văn hóa Lào - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Quan hệ lịch sử Việt - Lào qua tư liệu Quy Hợp (TK. XVII-XIX), The Toyota Foudation tài trợ, Vientiane, 2000.

109.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 12 tập, xuất bản lần thứ hai, 2009.

110.      Hồ Chí Minh: Thiếp gửi Ban xung phong Lào Bắc, Tài liệu lưu tại Thư viện Quân đội, Hà Nội.

111.      Hồi ức của đồng chí Vũ Hữu Bỉnh, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

112.      Hồi ký của đồng chí Nguyễn Tam Khôi kể về hoạt động tại Trung Lào từ 1945 - 1954, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy 15 trang), số ký hiệu: TL324.

113.      Hồi ký Nguyễn Đình Hin về hoạt động ở Lào, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

114.      Hội đàm giữa Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Lào, tháng 4 năm 1963, Tài liệu lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

115.      Hội đàm giữa đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Xỉxávạt 14.5.74. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4831.

116.      Huỳnh Đắc Hương: Chung một chiến hào, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1972.

117.      Cayxỏn Phômvihản: Mãi mãi đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam anh hùng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982.

118.      Cayxỏn Phômvihản: “Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vĩ đại”, Báo Nhân dân, ngày 15 tháng 5 năm 1990, tr.1, 4.

119.      Cayxỏn Phômvihản: “Diễn văn chào mừng Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản” đọc ngày 15 tháng 12 năm 1976, tại Hà Nội. Báo Nhân dân, ngày 16 tháng 12 năm 1976, tr. 8.

120.      Cayxỏn Phômvihản: 25 năm chiến đấu và thắng lợi của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980.

121.      Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

122.      Cayxỏn Phômvihản: 30 năm Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.

123.      Cayxỏn Phômvihản: Xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978.

124.      Cayxỏn Phômvihản: Một vài kinh nghiệm chính trị và một số vấn đề về phương hướng mới của cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, 1979.

125.      Cayxỏn Phômvihản: Cương lĩnh chính trị của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Neo Lào Hắc Xạt, Viêng Chăn (tiếng Lào).

126.      Cayxỏn Phômvihản: Mười năm xây dựng đảng và hai mươi năm đấu tranh cách mạng, Nxb. Neo Lào Hắc Xạt, Viêng Chăn, 1965 (tiếng Lào).

127.      Cayxỏn Phômvihản: Bước ngoặt lịch sử, Nxb. Neo Lào Hắc Xạt, Viêng Chăn, 1972 (tiếng Lào).

128.      Cayxỏn Phômvihản: Một vài kinh nghiệm chính và một số vấn đề về kinh nghiệm mới của cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979.

129.      Cayxỏn Phômvihản: Một số vấn đề quản lý kinh tế hiện nay ở Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990.

130.      Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #129 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 03:04:26 pm »

131.      Kế hoạch hợp tác năm 1996 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Bộ Giáo dục nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1995.

132.      Kết luận của Chủ tịch đoàn tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Nặm Bạc. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4368.

133.      Khay Kham Van Na Vong Sy: Mở rộng quan hệ kinh tế giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với các nước láng giềng trong giai đoạn hiện nay, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2002.

134.      Khăm Pheng Thip Muntaly: “Các tộc người Lào hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (60), 2003, tr.45-51.

135.      Khóa họp I Ủy ban hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam - Lào, Hồ sơ Q9-6. Phông Lưu trữ Bộ Ngoại giao.

136.      Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Thực tiễn tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, truyền thống và triển vọng, Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2002.

137.      Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Các sự kiện lịch sử Trung Lào trong quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lao Bảo, ngày 8 và 9 tháng 9 năm 2009.
138.      Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Căn cứ địa Sầm Nưa - biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008.

139.      Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đánh bại chiến dịch Cù Kiệt của đế quốc Mỹ tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Xiêng Khoảng, ngày 13 và 14 tháng 9 năm 2010.

140.      Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước: Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Lào, Hà Nội, tháng 8 năm 2007, 344 trang.

141.      Leebouapao Leeber: “Phát triển kinh tế Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào: thách thức và triển vọng” trong Hội thảo hợp tác kinh tế các nước Đông Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, Hà Nội, ngày 11 và 12 tháng 7 năm 2001.

142.      Lê Quý Đôn Toàn tập, Bản dịch, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1978.

143.      Lê Mạnh Trinh: Cuộc sống chung và riêng của cuộc đời tôi 50 năm đầu thế kỷ XX. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

144.      Lê Ngôn, tức Tài: Hồi ký về phong trào cách mạng ở Lào. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

145.      Lê Trọng Khánh: “Nhân dân chiến tranh ở Hạ Lào và Đông Miên”, Tạp chí Quân chính tập san (30), 1952, tr. 55-64.

146.      Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

147.      Lê Đình Chỉnh: Quan hệ đặc biệt hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong giai đoạn 1954 - 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

148.      V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 39.

149.      V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 41.

150.      Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945 - 1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

151.      Lịch sử Quân đội nhân dân Lào 1945 - 1995, Cục Nghiên cứu lịch sử Bộ Quốc phòng Lào ấn hành, 1998.

152.      Lịch sử Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

153.      Liên minh đoàn kết chiến đấu đời đời bền vững, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984.

154.      Lực lượng vũ trang ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1955 đến 1975, Bản số 1, tập thống kê số liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam, tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

155.      Lược ghi bài nói chuyện của đồng chí Kỷ, Vụ Nghiên cứu cơ bản/CP về phương hướng phát triển kinh tế ở Lào (72). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4549.

156.      Lược ghi ý kiến trao đổi giữa đồng chí Cayxỏn và một số đồng chí lãnh đạo Việt Nam tại Sài Gòn (7.75). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4562-4564.

157.      Lương Ninh - Nguyễn Lệ Thi: “Mối quan hệ Việt Nam - Lào những năm đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (73)/2005, tr.39-45.

158.      Lưu Văn Lợi: Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945 -1995, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, t.1.

159.      Mahả Xila Viravông: Lịch sử Lào từ thượng cổ đến giữa thế kỷ XIX, Nxb. Bộ Giáo dục, Viêng Chăn, 1957 (Bản dịch lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á).

160.      Một số vấn đề về tổ chức chỉ huy và xây dựng lực lượng quân tình nguyện Việt Nam hoạt động trên đất bạn. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4400-4401.

161.      Một số nội dung chủ yếu của khung định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006 - 2010 của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2005), Đoàn chuyên gia cao cấp Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đoàn chuyên gia cao cấp Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Viêng Chăn, ngày 20 tháng 1 năm 2005.

162.      Nghị quyết Trung ương Đảng Nhân dân Lào từ Nghị quyết 1 đến Nghị quyết 17 (Phần chủ trương, phương châm, nhiệm vụ 1959 - 1968). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4280.

163.      Nghị quyết Trung ương Đảng Nhân dân Lào 3.8.68 và một số chỉ thị, nghị quyết khác. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4299.

164.      Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 1 tháng 5 năm 1996.

165.      Nghiêm Thị Hải Yến: Quá trình xâm lược và chính sách cai trị của Pháp ở Lào (1885 - 1945) - Đặc điểm và hệ quả, Luận án Tiến sĩ lịch sử chuyên ngành Lịch sử thế giới cận và hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2009.

166.      Ngô Đăng Tri: “Mối quan hệ giữa Thanh - Nghệ - Tĩnh với Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (2), 1994, tr.87-94.

167.      Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.

168.      Nguyễn Chính Giao: Nhớ lại quãng đời 50 năm hoạt động cách mạng (1929 - 1979), Hà Nội, 2001, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
169.      Nguyễn Hào Hùng: “Tình đoàn kết truyền thống Việt Nam - Lào trong lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9 (102)/2008, tr.24-34.

170.      Nguyễn Tài kể, Thế Tập ghi: “Nhớ lại ngày đưa Bác Hồ từ Thái Lan sang gây dựng cơ sở cách mạng ở Lào”, Tạp chí Cộng sản, số 372, tháng 12 năm 1986.

171.      Nguyễn Văn Khoan (sưu tầm và biên soạn): Việt - Lào hai nước chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

172.      Nguyễn Văn Vinh: Những sự kiện lịch sử ở Lào 1353 - 1975, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2008.

173.      Nguyễn Hùng Phi - Bua Xỉ Chalơnxúc: Lịch sử Lào hiện đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.I, II.

174.      Nguyễn Thị Thu Hà: Hồ Chí Minh và Xuphanuvông - Cuộc gặp lịch sử tháng 9 năm 1945, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, số ký hiệu: TL-1203(22).

175.      Nguyễn Bá Linh, Phạm Sang, Bua Khăm: Hồ Chí Minh với nhân dân Lào. Nhân dân Lào với Hồ Chí Minh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004.

176.      Nguyễn Văn Nhật: “Mấy nét về tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù của nhân dân ba nước Đông Dương từ 1945 đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1, 1981, tr.45-56.

177.      Nguyễn Tiến Ngọc: “Tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào là tất yếu khách quan, là nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng hai nước”, Hội thảo khoa học quốc tế về quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

178.      Nguyễn Đình Bá: “Hợp tác đầu tư Việt Nam và Lào, thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (55)/2002, tr.44-47.

179.      Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005 (tái bản có chỉnh lý và bổ sung).

180.      Nguyễn Hoàng Giáp: “Tổng quan 10 năm hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Lào (1991 - 2001)”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, số 1/2002, tr.42-47.

181.      Nguyễn Ngọc Lan: “Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giao thông vận tải”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (59)/2003, tr.63-66.

182.      Nguyễn Xuân Thắng: “Hợp tác Việt - Lào trong bối cảnh quốc tế mới”, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.593-610.

183.      Nguyễn Sỹ Tuấn: “Hợp tác giáo dục và khoa học Việt Nam - Lào vì mục tiêu phát triển nguồn nhân lực”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (66)/2004, tr.11-18.

184.      Nguyễn Trãi Toàn tập, Bản dịch, in lần thứ hai, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.

185.      Những tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ (từ năm 1945 đến năm 1954), Tập II (1949-1950), Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1995, Tài liệu lưu tại Thư viện Quân đội, số ký hiệu: K355(V)/24819.

186.      Những sự kiện chính về thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Lào về quân sự trong 25 năm qua. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4890.

187.      Nou Hak: “Tình hình kháng chiến Lào trong năm vừa qua”, Báo Nhân dân, ngày 11-15 tháng 3 năm 1953, tr.2.

188.      Núphon Khemmalay: Cuộc liên minh chiến đấu Lào - Việt 1930-1954, Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1980.

189.      Ông Hoàng đỏ kiên cường, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1992.

190.      Ôxácăn Thămmạthêva (Chủ biên): Lịch sử Lào từ thượng cổ đến nay, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Viêng Chăn, 2000, Bản dịch lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

191.      V. Pavlopxki: Lào trong cuộc đấu tranh vì tự do, 1974 (bản dịch của Viện Sử học Việt Nam).

192.      Phạm Đức Dương: “Quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt từ cảm nhận đến nhận thức” trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế các sự kiện lịch sử Trung Lào trong quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Lao Bảo, ngày 8, 9 tháng 9 năm 2009.

193.      Phạm Đức Thành (Chủ biên): Cộng đồng người Việt ở Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.

194.      Phạm Văn Đồng: “Ba dân tộc Việt - Miên - Lào đoàn kết đấu tranh đến cùng”, Báo Nhân dân, ngày 7 tháng 4 năm 1951, tr.1.

195.      Phạm Nguyên Long: Một số vấn đề về liên minh ba nước Đông Dương, Tài liệu lưu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy), số ký hiệu: TL-493.

196.      Phạm Sang: Hồ Chí Minh với cách mạng giải phóng dân tộc ở Lào, Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, 1994.

197.      Phạm Thị Hồng Thanh: “Quan hệ thương mại Việt Nam - Lào”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 46/2002, tr.30-35.

198.      Phạm Đức Thành: “Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (66)/2004, tr.3-10.

199.      Phan Linh (tức Phan Dị): Hồi ký về phong trào cách mạng ở Lào. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

200.      Phan Dĩnh: Cuộc vượt ngục kỳ diệu, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.

201.      Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Bản dịch, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960 - 1964.

202.      Phan Thượng Hiền: “Về quy luật liên minh ba nước Đông Dương”, Tạp chí Cộng sản, số 2, 1987, tr.97-102.

203.      Phăn Khăm Vi Pha Vanh: “Nhân dân Lào coi cán bộ chiến sĩ tình nguyện Việt Nam như người con ưu tú của mình” trong Hội thảo Khoa học quốc tế “Tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào”, Viêng Chăn, tháng 7 năm 2007, tr.1-4.

204.      Phòng tổng kết chiến tranh - Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào: Ghi chép những sự kiện lịch sử cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, quyển 1 (1945 - 1954), Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy), số ký hiệu: TL-1045.

205.      Phumi Vôngvichít: Nhớ lại đời tôi trong quá trình lịch sử đất nước Lào (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

206.      Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.

207.      Quân khu IV - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.

208.      Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia 1948 - 1954, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.

209.      Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1954 - 1975), Hồ sơ 781, TK-937, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

210.      Quốc dân Đại hội Lào, một thắng lợi chung của ba dân tộc Việt - Miên - Lào, Liên minh đoàn kết chiến đấu đời đời bền vững, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984.

211.      Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Bản dịch, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963.

212.      Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tiền biên, Bản dịch, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962.

213.      Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.

214.      Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1965.

215.      Quyết định của Bộ Chính trị số 35 QĐ/TW, ngày 30 tháng 12 năm 1987 Về đổi mới phương thức quan hệ giữa Đảng ta với Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Tài liệu lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

216.      Xômsỉxayvang: Mối quan hệ giữa hai mặt trận - một nhân tố lớn thắt chặt hai Đảng, hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt - Lào, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (bản đánh máy 9 trang), số ký hiệu: TL-1203(8 ).

217.      Sự kiện về quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào từ cuối năm 1954 đến năm 1964, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

218.      Sự kiện quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường 65 - 75. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-934.

219.      Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hoá qua lại biên giới giữa hai nước, Cửa Lò, Nghệ An, ngày 23 tháng 8 năm 1999.

220.      Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới và khuyến khích phát triển hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Lào, Viêng Chăn, ngày 13 tháng 8 năm 2002.

221.      Thoả thuận về quy chế tài chính và quản lý các dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn, ngày 9 tháng 3 năm 1998.

222.      Tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Truyền thống và triển vọng (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

223.      Tình hình, chủ trương, phương hướng của cách mạng Lào. Nội dung cách giúp Lào của chuyên gia ta. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4380.

224.      Tóm tắt những ý kiến đã nhất trí giữa hai Đảng Việt Nam - Lào (5.67). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4560.

225.      Tổ chức và xây dựng các lực lượng tình nguyện Việt Nam hoạt động chiến đấu ở Lào (1945 - 1954), Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số ký hiệu: TK-4410.

226.      Tổng kết chiến tranh nhân dân ở Lào chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng (1945 -1975), Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

227.      Tổng kết lực lượng vũ trang Việt Nam chiến đấu ở Lào trong chiến tranh giải phóng (45 - 75). Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-775.

228.      Tổng kết về việc thực hiện kế hoạch hợp tác và giúp đỡ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Lào trong năm 2001 - 2002 và kế hoạch hợp tác nông nghiệp và lâm nghiệp với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

229.      Trao đổi ý kiến giữa đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Cayxỏn ngày 3.4.73. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4828.

230.      Trần Văn Quý: “Tư liệu lịch sử về quan hệ Việt - Lào mới phát hiện ở Quy Hợp, Hương Khê, Nghệ Tĩnh” trong Viện Nghiên cứu văn hóa Lào - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Quan hệ lịch sử Việt - Lào qua tư liệu Quy Hợp (TK. XVII-XIX), (bằng ba ngữ: Hán Nôm, Việt và Lào), The Toyota Foundation tài trợ, Viêng Chăn, 2000.

231.      Trần Xuân Cầu: “Cách mạng tháng Tám ở Lào 1945”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4, 1975, tr. 15-20.

232.      Trần Công Hàm: Quan hệ đoàn kết, hợp tác liên minh chiến đấu Việt - Lào trong thế kỷ XX, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, số ký hiệu: TL-1203(7).

233.      Trần Bảo Minh: Thuỷ điện Lào - Tiềm năng và triển vọng hợp tác, Tư liệu Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, Hà Nội, 1995.

234.      Trần Bảo Minh: “Thực hiện hợp tác giúp đỡ của Việt Nam dành cho Lào”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (55)/2002, tr.38-43.
235.      Trần Công Tấn: Hoàng thân Xuphanuvông và đất nước Triệu voi, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995.

236.      Trần Cao Thành: “Quan hệ Việt Nam - Lào” trong Vũ Dương Ninh (chủ biên): Việt Nam - ASEAN – Quan hệ đa phương và song phương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.193-244.

237.      Trung tướng Doãn Tuế: Kể về đồng đội, Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.

238.      Từ Thanh Thuỷ: “Tình hình trao đổi hàng hoá của Việt Nam qua các cửa khẩu và biên giới Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, số 5/1998, tr.67-70.

239.      Tự kiểm thảo của Ban Cán sự miền Tây qua hai năm giúp bạn. Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4449.

240.      Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Biên bản kỳ họp hàng năm từ 1996 đến 2007 (Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam).

241.      Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Kinh tế thế giới: Vấn đề hợp tác kinh tế giữa các nước Đông Dương và cộng đồng xã hội chủ nghĩa, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 1988.

242.      Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào - Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.

243.      Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào: Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

244.      Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1945 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

245.      Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Bộ Thông tin Văn hoá Lào: Hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam - Lào. Hiện trạng và triển vọng”, 2004, Tài liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

246.      Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: “Cộng đồng người Việt ở Lào”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, số đặc biệt, 2007.

247.      Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào: Hội thảo khoa học quốc tế về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

248.      Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào: Kỷ yếu Hội thảo quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác giữa Lào và Việt Nam, (Bản dịch tiếng Việt), Viêng Chăn, 2002.

249.      Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long, Sở Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1987.

250.      Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

251.      Võ Bẩm: Những nẻo đường kháng chiến, Hồi ức, Duy Tường thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.

252.      Vũ Dương Huân (Chủ biên), Nguyễn Đình Thụ, Mai Sĩ Hùng: Quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Hà Nội, 2003, 131 trang.

253.      Xỉlửa Bun Khăm: Xây dựng và phát triển nền văn hóa thẩm mỹ ở Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

254.      Xỉngcapô Xỉkhốt Chunlamany, Khăm Ma Phôm Coong…: Chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc, Tập truyện và ký, (Người dịch Hùng Phi), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980.

255.      Sỉng Thoong Sỉnghảpănnha: Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Lào (1945 - 1954), Luận án Phó tiến sĩ lịch sử, Thư viện Quốc gia, Hà Nội, 1991, số ký hiệu: L-3587.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM