Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:45:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007  (Đọc 5398 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #70 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 11:12:52 am »

II. LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM HOÁ CHIẾN TRANH CỦA MỸ Ở MIỀN NAM VIỆT NAM
VÀ CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT TĂNG CƯỜNG Ở LÀO (1969 - 1973)



1. Bước đầu đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt tăng cường của Mỹ ở Lào

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Việt Nam trong năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, đồng thời tác động mạnh mẽ đến tình hình và chính sách của nước Mỹ, làm dấy lên phong trào chống chiến tranh ở Mỹ cũng như trên thế giới. Đế quốc Mỹ buộc phải từ bỏ chiến lược Chiến tranh cục bộ, tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Pari và rút dần quân Mỹ, thực hiện “phi Mỹ hoá” cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 tạo bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, làm thay đổi thế trận có lợi cho cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Trước tình hình thế giới và chiến tranh ở Việt Nam có những biến động không có lợi cho Mỹ, khi Níchxơn (R.Nixon) chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ (ngày 20 tháng 1 năm 1969), giới cầm quyền Mỹ đã đưa ra chiến lược toàn cầu mới mang tên “Học thuyết Níchxơn” dựa trên ba nguyên tắc: “Sức mạnh của Mỹ, chia sẻ trách nhiệm và thương lượng trên thế mạnh” nhằm tiếp tục thực hiện chính sách bá chủ toàn cầu. Ở Đông Dương, cái gọi là “chia sẻ trách nhiệm” của Níchxơn thực chất là nhằm huy động sự tham gia tập thể của các lực lượng tay sai ở Đông Dương và Đông Nam Á vào việc thực hiện chính sách “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”, “dùng người châu Á đánh người châu Á”. Chính quyền Níchxơn đã dựng lên một liên minh quân sự khu vực Băng Cốc - Viêng Chăn - Phnôm Pênh - Sài Gòn, trong đó Thái Lan nổi lên như một tên lính xung kích của Mỹ.

Đối với Việt Nam, Mỹ điều chỉnh chủ trương “phi Mỹ hoá” thành chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh nhằm tiếp tục âm mưu bám giữ miền Nam, từng bước giảm bớt sự dính líu trực tiếp nhưng vẫn phải giành thế mạnh trên chiến trường để ép đối phương ở bàn hội nghị theo những điều kiện của Mỹ. Mỹ đã đẩy mạnh viện trợ vũ khí, trang bị để hiện đại hoá, tăng cường sức chiến đấu cho nguỵ quân. Mỹ cũng rất chú trọng kế hoạch bình định, coi đây là “mục tiêu của Việt Nam hoá chiến tranh”, “xác định sự tồn vong của chế độ Việt Nam cộng hoà”. Chúng chủ trương: bước một, từ đầu năm 1969 đến giữa năm 1970, tranh thủ thời gian đồng loạt phản kích, truy quét, bình định để lực lượng kháng chiến không kịp trở tay đối phó; bước hai, từ giữa năm 1970 đến hết tháng 6 năm 1971, bình định được tất cả các vùng đông dân quan trọng, làm cho lực lượng chủ lực và địa phương của Việt Nam suy yếu, quân Mỹ rút được một phần lực lượng chiến đấu; bước ba, đến ngày 30 tháng 6 năm 1972, cơ bản bình định được miền Nam Việt Nam. Các căn cứ của Việt Nam ở Lào, Campuchia hoàn toàn bị xoá bỏ. Quân nguỵ đủ sức ngăn chặn được “xâm lăng từ bên ngoài vào” và bảo đảm an ninh bên trong. Mỹ sẽ rút hết lực lượng chiến đấu ra khỏi miền Nam.

Ở Lào, thông qua việc nắm Phuma và chính phủ tay sai dưới cái mác “liên hiệp trung lập”, đế quốc Mỹ chủ trương đẩy cuộc chiến tranh lên mức độ cao hơn bằng chiến lược Chiến tranh đặc biệt tăng cường. Thực chất của chiến lược này là “dùng người Lào đánh người Lào” bằng vũ khí của Mỹ và có sự tham gia của một bộ phận không quân Mỹ cùng đội quân tay sai chư hầu. Chúng đã tăng cường viện trợ quân sự cho các lực lượng tay sai thân Mỹ, tích cực phát triển quân nguỵ Lào, nhất là lực lượng đặc biệt của Vàng Pao. Tăng cường không quân đánh phá tuyến vận tải chiến lược và trực tiếp chi viện cho quân nguỵ Lào trong các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Công khai đưa quân Thái Lan và quân nguỵ Sài Gòn vào chiến đấu ở chiến trường Lào1.

Sau khi dừng ném bom miền Bắc Việt Nam, Mỹ đã tăng cường không quân ném bom, đánh phá có tính huỷ diệt vùng giải phóng Lào, trực tiếp chi viện cho quân nguỵ và quân Vàng Pao chiến đấu. Chúng không phân biệt mục tiêu chính trị, văn hoá, xã hội. Hàng trăm chùa chiền, bệnh viện, trường học, nhà ở cùng hàng ngàn người dân vô tội đã bị bom đạn Mỹ đốt phá, giết hại. Từ năm 1964 đến 1971, máy bay Mỹ ném trung bình 3.000 tấn bom/ngày xuống các làng bản; theo ước tính sơ bộ, mỗi năm Mỹ cũng phải chi khoảng 2 tỷ USD cho hoạt động này, chưa kể đến việc phải chi cho 50.000 nhân viên tham gia vào cuộc chiến tranh này . Cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ đã làm cho hàng ngàn người dân phải rời bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn của mình để sống trong các hang hốc hoặc di tản về đồng bằng dọc sông Mê Công. Trong các vụ ném bom nói trên, điển hình là vụ không quân Mỹ bắn tên lửa vào hang Thặm Piu (Xiêng Khoảng), làm chết hơn 370 người dân vô tội đang lánh nạn trong hang, mà phần lớn là người già và trẻ em.

Ý đồ của chính quyền Níchxơn đối với Lào là: đánh chiếm, thu hẹp vùng giải phóng, chiếm lại một số địa bàn chiến lược trọng yếu để thoát khỏi thế bị động cố thủ, phá hoại hậu phương cách mạng, đồng thời chia cắt chiến trường Đông Dương nhằm ngăn chặn sự chi viện, giúp đỡ lẫn nhau của cách mạng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Chúng tăng cường bình định vùng kiểm soát, nối vùng chúng kiểm soát với Thái Lan tạo thành tuyến phòng thủ sông Mê Công, đồng thời làm bàn đạp tiêu diệt cách mạng Lào và cách mạng ba nước Đông Dương. Đầu năm 1969, ngoài việc tăng cường đánh phá bằng không quân vào vùng giải phóng Lào, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân mang tên Xámắckhi 1, 2, 3 với lực lượng 22 tiểu đoàn bộ binh, chủ yếu là quân Vàng Pao, có sự tham gia của hai tiểu đoàn pháo binh Thái Lan và được máy bay Mỹ chi viện đánh ra khu vực Phả Thí, Na Khằng - Thặm La (Hủa Phăn) và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Chiến trường Lào từ trước đến nay luôn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với chiến trường ba nước Đông Dương. Trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn bán đảo Đông Dương, vị trí của Lào càng trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là đối với Việt Nam.

   Trước tình hình Mỹ thực hiện Chiến tranh đặc biệt tăng cường ở Lào, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã xác định: tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Trung ương 15 và 16, quyết tâm đánh bại các bước leo thang của Mỹ và bè lũ tay sai trong bất kỳ tình huống nào; phát động toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết tâm vượt qua mọi gian lao, thử thách, kiên cường đánh giặc, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch. Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã đề ra nhiều chính sách cụ thể về xây dựng hậu phương, chính sách đối với cán bộ hoạt động trong vùng địch chiếm đóng nhằm huy động sức người, sức của cho cuộc chiến đấu chống xâm lược; công bố 10 điểm lập lại hoà bình ở Lào (ngày 8 tháng 3 năm 1969), đồng thời đẩy mạnh hoạt động quân sự trên khắp chiến trường.

Xác định đúng tầm quan trọng của chiến trường Lào, trên cơ sở Nghị quyết 16 của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, cuối năm 1968 đầu năm 1969, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có một số cuộc gặp gỡ trao đổi với Quân uỷ Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Lào. Sau khi thống nhất các nội dung giúp Lào trên lĩnh vực quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chỉ thị cho các đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện thực hiện tốt các chủ trương giúp Lào, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu là: đẩy mạnh đấu tranh ở cả hai vùng (nông thôn và thành thị), trên cả ba mặt quân sự, chính trị, ngoại giao; củng cố vững chắc các địa bàn đứng chân, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; tập trung đánh mạnh vào hai lực lượng chiến lược của địch (lực lượng đặc biệt Vàng Pao và quân chủ lực Viêng Chăn), giải phóng thêm một số vùng trọng điểm, tạo điều kiện mở rộng vùng giải phóng, tạo thành thế liên hoàn...

Trong thời gian này, Đoàn 959 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đoàn chuyên gia quân sự giúp Trung ương Đảng, cơ quan Quân uỷ Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào; Đoàn 463 giúp cơ quan và các đơn vị thuộc Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng; Đoàn 565 giúp Nam Lào; các đoàn quân tình nguyện 766 chiến đấu ở căn cứ địa Sầm Nưa, 866 ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, 335 ở Bắc Lào, 968 ở Nam Lào. Ngoài ra, còn có các đơn vị chủ lực như Sư đoàn 316, Sư đoàn 312, Sư đoàn 338 và một số đơn vị binh chủng sang từng thời gian theo yêu cầu của Lào.



------------------------------------------------------------------
1. Mỹ đã tăng số tiền viện trợ cho quân sự Lào lên gấp hai lần so với trước (dưới thời Giônxơn mỗi năm khoảng 60 - 70 triệu USD, thời Níchxơn mỗi năm là 146 - 255 triệu USD, tài khoá 1970 - 1971 Mỹ đã chi 350 triệu USD), phát triển quân nguỵ Lào từ 130 lên 150 tiểu đoàn, “lực lượng đặc biệt” Vàng Pao tăng từ 64 lên 86 tiểu đoàn. Số cố vấn Mỹ tăng tới 12.000 tên. Từ năm 1969, lính Thái Lan chính thức tham chiến ở Lào và đến năm 1972 đã lên tới 40.000 tên. Dẫn theo Lược sử Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.209.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #71 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 02:55:57 pm »

Ở Bắc Lào, Đoàn 335 (gồm hai tiểu đoàn) tích cực giúp triển khai các kế hoạch chiến đấu chống địch lấn chiếm, tiễu phỉ và củng cố các đơn vị vũ trang. Đoàn đã giúp Bắc Lào xây dựng thêm một số đơn vị chủ lực, khẩn trương huấn luyện nâng cao sức mạnh chiến đấu của ba thứ quân; giúp đưa lực lượng lớn vào vùng địch hậu, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch. Những tháng đầu năm 1969, Đoàn 335 sử dụng lực lượng nhỏ, cùng các tiểu đoàn, đại đội địa phương Lào tổ chức các đội công tác, các đội vũ trang tuyên truyền phát động nhân dân thu phục phỉ, truy quét lực lượng phản động ngầm hoạt động ở khu vực giáp ranh ba tỉnh Bắc Lào; triệt phá hang ổ quan trọng của bọn phỉ ở Nặm Miệng, Pa Mao, Khăm Ngừm; cử cán bộ, chiến sĩ giúp tuyển quân, huấn luyện lực lượng vũ trang, xây dựng chính quyền cơ sở; tổ chức một số trận đánh vào các kho tàng, sân bay Luổng Phạbang, phá huỷ hai kho đạn, một kho xăng và bốn máy bay T28 của địch.

   Tại tỉnh Hủa Phăn, khi địch đánh ra Phả Thí, bộ đội tình nguyện Việt Nam1 đã cùng quân giải phóng Lào mở chiến dịch phản công Phả Thí (bắt đầu từ giữa tháng 3 năm 1969), đánh bật địch khỏi khu vực này, sau đó tiếp tục tiến công phỉ ở Mương Hiềm - Na Khằng, loại khỏi vòng chiến đấu 507 tên, thu 165 súng các loại, bắn rơi hai máy bay, giải phóng toàn bộ khu vực Mương Hiềm, Na Khằng, Hỉn Đa với trên 5.000 dân.

   Khi địch mở các cuộc hành quân Xámắckhi đánh chiếm khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Bộ Chỉ huy tối cao Lào quyết định phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở tiếp chiến dịch tiến công Mương Xủi2  nhằm thu hồi lại khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Tổng Chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Lào, trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch. Qua 20 ngày chiến đấu (từ ngày 14 tháng 6 đến 4 tháng 7 năm 1969), ta tiêu diệt được một lực lượng quan trọng địch lấn chiếm, loại khỏi vòng chiến đấu 1.312 tên địch, đánh tan rã sáu tiểu đoàn bộ binh, diệt một tiểu đoàn pháo binh Thái Lan, bắn rơi tám máy bay, thu nhiều súng, pháo; thu hồi vùng nam Cánh đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng, giải phóng thêm Mương Xủi, vùng giải phóng Lào mở rộng đến Xála Phu Khun.
 
   Ngay sau chiến dịch Mương Xủi, đầu tháng 7 năm 1969, Đoàn chuyên gia quân sự 959 giúp Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào tổ chức Hội nghị quân sự toàn quân để bàn về cách đánh của lực lượng vũ trang. Hội nghị đã tổng kết kinh nghiệm và rút ra những kết luận về nguyên tắc xây dựng, phương thức tác chiến của quân đội, về phương hướng, nhiệm vụ của quân đội Lào trong thời gian tới. Sau Hội nghị, chuyên gia còn giúp tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ và bộ đội theo nội dung mà Hội nghị đã đề ra, đồng thời giúp tuyển chọn cán bộ đi học để nâng cao khả năng chiến đấu của bộ đội.

   Ngày 18 tháng 7 năm 1969, tại Hà Nội, Đoàn cán bộ đại diện Quân uỷ Trung ương Việt Nam, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu, hội đàm với Đoàn cán bộ Quân uỷ Trung ương Lào, do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon dẫn đầu. Hai đoàn đã thông báo về nhận định tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ trên các chiến trường, đề ra chủ trương chiến lược và biện pháp hoạt động cụ thể trong mùa khô 1969 - 1970 và những năm tiếp theo. Hai đoàn đã thống nhất đánh giá: địch thua phải xuống thang, rút dần quân Mỹ, nhưng chúng còn ngoan cố kéo dài chiến tranh. Vì vậy, phải chuẩn bị tư tưởng kiên trì đánh lâu dài, trên cơ sở đánh lâu dài mà tranh thủ xây dựng, củng cố lực lượng ta, phải nâng cao chất lượng ba thứ quân, coi trọng đấu tranh chính trị ở cả nông thôn và đô thị, chú trọng xây dựng vùng giải phóng, vùng căn cứ nông thôn và đô thị, chú trọng sản xuất, bồi dưỡng sức dân.

   Trên cơ sở đánh giá, dự kiến những âm mưu lâu dài của Mỹ trên chiến trường ba nước Đông Dương, trong đó có chiến trường Lào, hai đoàn đã xác định bốn vấn đề tác chiến lớn: quét phỉ ở vùng giải phóng; đánh địch lấn chiếm; đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu; tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng. Trong đó, ở Nam Lào, nhiệm vụ tăng cường lực lượng bảo vệ tuyến hành lang vận chuyển, bảo đảm việc chi viện cho chiến trường thông suốt trong mọi tình huống được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam và các đơn vị quân giải phóng nhân dân Lào.

   Cuối tháng 7 năm 1969, lợi dụng thời tiết đang giữa mùa mưa và các đơn vị bộ đội Việt Nam - Lào đang tập trung về Mương Khăm để củng cố, Mỹ - nguỵ sử dụng 18 tiểu đoàn và 52 đại đội thuộc lực lượng đặc biệt Vàng Pao cùng 5.000 quân Thái Lan, dưới sự chỉ huy của hàng trăm cố vấn Mỹ, mở cuộc hành quân Cù Kiệt đánh ra Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Trong cuộc hành quân này, Mỹ đã huy động từ 100 đến 150 lượt máy bay mỗi ngày, chi viện trực tiếp cho quân ngụy Lào và tổ chức từng đợt oanh tạc, tập trung đánh phá có tính huỷ diệt vùng giải phóng Cánh đồng Chum và Sầm Nưa. Quân địch đi đến đâu cũng thực hiện “đốt sạch, giết sạch”, gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân Mương Pẹc, Mương Khun, Mương Khăm. Cù Kiệt là cuộc hành quân lớn điển hình của Học thuyết Níchxơn ở Lào theo công thức quân nguỵ Lào + quân Thái Lan + hậu cần và hoả lực tối đa của không quân Mỹ.

   Cùng phối hợp với cuộc hành quân Cù Kiệt, trên hướng Nam Lào, chúng còn huy động năm tiểu đoàn đánh ra thị trấn Mương Phin, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các toán phỉ ở Hủa Phăn, Bolikhămxay, Luổng Nặm Thà; dùng máy bay rải chất độc xuống vùng căn cứ Nhọt Ngừm, Phu Phalavẹc (tỉnh Viêng Chăn Đông)...

   Trước cuộc tiến công lớn của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum (do đồng chí Xỉ Phon làm tư lệnh, đồng chí Xámản Vinhakệt làm chính uỷ) quyết định đưa toàn bộ cơ quan, cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân Xiêng Khoảng ra phía Bạn Ban - Noỏng Pết để bảo đảm an toàn; các đơn vị còn lại tổ chức gọn nhẹ, sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam kiên quyết chiến đấu để chặn địch, bảo vệ nhân dân, đồng thời tạo điều kiện mở chiến dịch phản công tiêu diệt địch.

   Ở hướng nam, sau khi bị Trung đoàn 174 ngăn chặn, địch tăng cường quân đánh phá ra đường 7B. Phát hiện ý đồ chiếm các điểm cao ở Phu Nốc Cốc (núi chim đầu đàn) để cắt đường vận chuyển của ta từ Mường Xén (Việt Nam) sang Xiêng Khoảng, Trung đoàn 866 đã triển khai lực lượng bảo vệ các kho trạm ở khu vực Na Đu, Bạn Thặm; tiếp đó, triển khai bảo vệ kho tàng và Viện 952 của mặt trận ở khu vực Phu Hoọc, Noỏng Pết. Cuộc chiến đấu cầm chân địch có hiệu quả của các đơn vị trong trung đoàn đã tạo điều kiện để nhân dân các bản của huyện Mương Pẹc sơ tán về phía Bạn Xon để đi Then Phun, ra đường 7B rồi sang Nghệ An.

   Tại khu vực điểm cao 1505, Lạt Huồng, sau khi địch dùng trực thăng đổ quân xuống chiếm Phu Tôn, Cang Xẻng - Phu Hủa Xàng, chúng dùng cối 106,7 ly và pháo 105 mm từ trung tâm Cánh đồng Chum bắn phá rất ác liệt các điểm cao xung quanh. Tiểu đoàn 924 thuộc Trung đoàn 866 đã kiên quyết giữ vững điểm cao 1505, Bạn Thặm, đồng thời giúp nhân dân và cơ quan bạn sơ tán khỏi khu vực. Tuy lực lượng chiến đấu có hạn nhưng các đại đội vẫn cử ra một số tổ công tác để hướng dẫn và giúp dân sơ tán. Trong bom đạn ác liệt, bộ đội tình nguyện đã chiến đấu quên mình, giúp đỡ nhân dân, nhường cơm sẻ áo hoặc sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm để bảo vệ nhân dân. Ở xưởng may của tỉnh Xiêng Khoảng, khi địch càn đến gần, anh chị em công nhân được lệnh di chuyển nhưng có một chị tàn tật không đi được phải bò vào rừng lánh nạn. Biết tin đó, tổ công tác của trung đoàn đã vào rừng tìm kiếm, cứu được chị đưa về nơi sơ tán an toàn. Trong những ngày ác liệt này, bộ đội Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở đảng, chính quyền đưa hơn 16.000 dân và gia đình cán bộ đi sơ tán ở Mường Xén, Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhân dân Nghệ An đã nhiệt tình đón tiếp, nhường cơm sẻ áo, cùng nhân dân Lào xây dựng nhà cửa, bệnh xá, trường học, ổn định cuộc sống nơi sơ tán. Những tấm gương trong sáng, quên mình của bộ đội tình nguyện, sự đón tiếp tận tình của nhân dân Nghệ An trong những ngày gian khó này đã góp phần làm cho tình đoàn kết chiến đấu của quân dân Việt Nam - Lào càng thêm keo sơn, gắn bó.

   Trước hành động lấn chiếm quy mô lớn của địch, mặc dù quân dân hai nước đang rất đau buồn khi nghe tin “Bác Hồ kính yêu đã từ trần”, song Quân uỷ Trung ương hai Đảng đã thống nhất mở chiến dịch phản công Toàn Thắng, nhằm đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt, khôi phục, mở rộng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, tạo thế và lực mới cho cách mạng Lào. Ngày 13 tháng 9, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ và chỉ thị cho các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tham gia chiến dịch3 (chiến dịch có mật danh 139, là số ghép của ngày 13 tháng 9). Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: đồng chí Vũ Lập làm tư lệnh, đồng chí Huỳnh Đắc Hương làm chính uỷ; phía Lào có đồng chí Xỉ Phon, Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, làm phó tư lệnh về quân sự.

   Sau sáu tháng chiến đấu liên tục (từ ngày 25 tháng 10 năm 1969 đến 25 tháng 4 năm 1970), các lực lượng tham gia chiến dịch đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công lấn chiếm của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 6.668 tên, bắn rơi và phá huỷ 117 máy bay, thu 597 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng một vùng rộng khoảng 6.000 km2 với hơn 16.000 dân, nối liền vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Mương Xủi, Xảm Thông, nam Cang Xẻng - Xen Chồ với Sầm Nưa và bốn tỉnh Bắc Lào.

   Thắng lợi của chiến dịch 139 đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt có ý nghĩa rất to lớn. Ta đã giữ vững và mở rộng được vùng chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, giáng một đòn đau vào lực lượng đặc biệt Vàng Pao và quân Thái Lan, bước đầu đánh bại Học thuyết Níchxơn ở Lào, tạo chuyển biến mới về tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, mở ra triển vọng cho cuộc đấu tranh của Lào trên cả ba lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao; đồng thời, thắng lợi này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, chiến đấu ngoan cường của quân dân hai nước. Trong Hội nghị tổng kết chiến dịch, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon đã khẳng định: “Sự hy sinh chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam là vô cùng to lớn... Chúng ta phải luôn ghi nhớ mối tình ruột thịt Lào - Việt Nam, ghi nhớ công ơn Bác Hồ”.




------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Đại đoàn 316, các trung đoàn bộ binh 766 và 866 của Việt Nam; các tiểu đoàn 613, 705 và 585, bộ đội địa phương, dân quân du kích tỉnh Sầm Nưa.

2. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Tiểu đoàn 1, 2, 13, tiểu đoàn pháo binh, đại đội xe tăng, đại đội cao xạ Pathết Lào. Tiểu đoàn 4, 5, 6 bộ đội trung lập Lào cùng Sư đoàn 316 quân tình nguyện Việt Nam. Dẫn theo Lịch sử Quân đội nhân dân Lào (1945 - 1975), bản dịch tiếng Việt, tr.198.

3. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: quân tình nguyện Việt Nam có hai sư đoàn bộ binh (312 và 316), Đoàn 866, Trung đoàn pháo binh 16, một đại đội xe tăng, Trung đoàn công binh 45, 12 đội đặc công, 5 tiểu đoàn phòng không; quân giải phóng nhân dân Lào có các tiểu đoàn 1, 2, 13, 24, 701, Pắtchây, đơn vị pháo mặt đất, đại đội xe tăng, đại đội đặc công, các đơn vị bảo đảm (công binh, thông tin, vận tải, quân y); lực lượng trung lập yêu nước có các tiểu đoàn 15, 16, 46, 48, Tiểu đoàn dù 1 và một số đơn vị bảo đảm chiến đấu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #72 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:01:16 pm »

Ở Nam Lào, từ đầu năm 1969, địch cũng tăng cường các cuộc hành quân đánh chiếm vùng giải phóng. Do Nam Lào có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nơi có tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn, nên sau khi ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, địch đã tập trung phần lớn bom đạn đánh phá tuyến vận chuyển, đồng thời mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm ra khu vực này hòng phá các kho tàng, cơ sở hậu cần của ta. Sự đánh phá điên cuồng của địch đã gây cho Việt Nam và Lào nhiều khó khăn. Ở nhiều nơi, bộ đội Lào, Việt Nam bị bật ra khỏi dân. Tình hình vận chuyển vào Nam cuối năm 1968 đầu năm 1969 đạt hiệu quả thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch tác chiến của bộ đội Việt Nam trên các chiến trường, bộ đội nhiều nơi thiếu gạo, thiếu đạn trầm trọng.

Trước tình hình đó, cuối năm 1968 đầu năm 1969, được sự uỷ nhiệm của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng Tham mưu trưởng đã vào Quân khu 4 cùng với Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ cho lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào: 1) Giữ vững và mở rộng tuyến vận tải chiến lược, cùng lực lượng vũ trang Lào tiến công có trọng điểm, bằng những phương thức thích hợp để tạo bàn đạp đưa lực lượng áp sát các căn cứ lớn, tạo điều kiện giải phóng một loạt vị trí dọc hành lang, đánh thông đường vận chuyển từ Trung Lào vào nam đường 9 và đi suốt vào Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; 2) Tích cực giúp Lào củng cố vùng giải phóng, chống lấn chiếm, ra sức tiễu phỉ, thu phục phỉ; 3) Đẩy mạnh xây dựng căn cứ kháng chiến ở Nam Lào, tiến lên giải phóng cao nguyên Bôlavên, tạo thời cơ để giành thắng lợi quyết định.

Thực hiện chủ trương trên, mùa khô 1968 - 1969, Đoàn chuyên gia quân sự 565 và Đoàn quân tình nguyện 968 đã phối hợp với Quân khu Nam Lào mở chiến dịch tiến công giải phóng thị trấn Thà Teng thuộc tỉnh Xalavăn, nhằm tạo thế tiến công giải phóng thị xã Pạc Xoòng, thị xã Áttapư khi có thời cơ. Trong gần bốn tháng đầu năm 1969 đánh địch tại mặt trận Thà Teng, Đoàn chuyên gia quân sự 565 đã phối hợp với quân dân Lào và các đơn vị quân tình nguyện trên địa bàn tác chiến loại khỏi vòng chiến đấu 1.022 tên địch, bắn cháy 13 máy bay, phá huỷ 32 xe quân sự, thu hàng trăm khẩu súng và nhiều phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng gần một vạn dân ở 537 bản, mở rộng vùng giải phóng Nam Lào liên hoàn từ đông đường 9 xuống tỉnh Áttapư. Tạo điều kiện uy hiếp địch trên các thị xã Pạc Xoòng, Xalavăn, Áttapư, góp phần bảo vệ, giữ vững hành lang tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn qua địa bàn Trung - Hạ Lào.

Trong sáu tháng đầu năm 1969, với sự giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam, lực lượng vũ trang ba thứ quân trên chiến trường Nam Lào đã có bước phát triển vững chắc, toàn diện. Quân chủ lực phát triển thêm được một tiểu đoàn, du kích phát triển được hơn 1.000 người. Đặc biệt, do làm tốt công tác tuyên truyền giác ngộ, nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất ủng hộ kháng chiến, đã có gần 2.000 người tình nguyện đi dân công phục vụ hoả tuyến, nhiều người trực tiếp cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Sau Hội nghị quân chính toàn quân (tháng 7 năm 1969), để giúp triển khai các nhiệm vụ đã được Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào xác định, Đoàn chuyên gia 565 đã cử một số cán bộ xuống các tỉnh đội giúp mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho cán bộ chỉ huy các đơn vị ở Nam Lào. Các lớp bồi dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện và đánh địch bảo vệ vùng giải phóng.

Phối hợp chặt chẽ với chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng trong chiến dịch 139, ở Nam Lào, các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động giúp bộ đội Lào đánh địch, giành nhiều thắng lợi. Khi địch tập trung quân đánh ra Mương Phin (Xavẳnnakhệt), Đoàn 565 cùng Đoàn 968 quân tình nguyện, Tiểu đoàn 46 địa phương Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với quân giải phóng Lào giải phóng thị trấn Mương Phin, giữ thông hành lang Mương Phin - Na Khao - Tăng Vải - Bun Xạng chạy dọc tỉnh lộ 11, phía nam đường 9 với chiều dài khoảng 70 km.

Tháng 3 năm 1970, Việt Nam và Lào thành lập Mặt trận X để thực hiện nhiệm vụ tiến công giải phóng thị xã Áttapư, tiến tới giải phóng thị xã Xalavăn, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào. Đại tá Hoàng Kiện, Phó Tư lệnh Quân khu 4 được cử làm tư lệnh, kiêm chính uỷ mặt trận. Sau một thời gian ngắn đánh địch, ngày 29 tháng 4 năm 1970, các đơn vị tham gia chiến dịch1 đã giải phóng thị xã Áttapư, loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn, năm đại đội địch, diệt 200 tên, bắt hơn 700 tên, bắn rơi hai trực thăng, thu hàng trăm súng các loại. Áttapư giải phóng đã tạo thế liên hoàn cho hành lang chiến lược tây Trường Sơn đến vùng Đông Bắc Campuchia. Sau thắng lợi này, Bộ Tư lệnh 559 đã mở thêm tuyến đường dọc theo sông Xê Xan, từ Nặm Bạc - Áttapư - S’tung T’reng - Cratié - Tây Ninh để chi viện cho Nam Bộ, với cự ly và thời gian rút ngắn gần một nửa.

Cùng với tiến công địch về quân sự, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã chủ trương đẩy mạnh tiến công về chính trị và ngoại giao. Ngày 6 tháng 3 năm 1970, Neo Lào Hắc Xạt đưa ra giải pháp năm điểm để giải quyết vấn đề Lào và cử phái viên đến Viêng Chăn trao công hàm về giải pháp năm điểm đó cho chính phủ của Phuma. Giải pháp của Lào đã nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Đây là đòn tiến công ngoại giao sắc bén và kịp thời, làm cho địch ngày càng lún sâu vào tình thế bị động, lúng túng.

Tiếp đó, Lào và Việt Nam đã tích cực đóng góp cho thành công của Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương họp từ ngày 24 đến 25 tháng 4 năm 1970. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận thống nhất chống Mỹ, khẳng định lập trường đoàn kết chống Mỹ của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tháng 4 năm 1970, sau khi Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương thống nhất cương lĩnh đấu tranh, chuyên gia Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Lào kịp thời soạn thảo các tài liệu giáo dục và đi xuống cơ sở giáo dục, vận động bộ đội, nhân dân nâng cao nhận thức chính trị, đoàn kết hiệp đồng chiến đấu chống các âm mưu xuyên tạc, chia rẽ của kẻ thù.

Mặc dù bị tổn thất nặng nề, nhưng được Mỹ tiếp tay, quân nguỵ Lào tiếp tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của các lực lượng vũ trang yêu nước Lào, đồng thời Mỹ tiếp tục dùng không quân mở nhiều đợt đánh phá tuyến hành lang vận chuyển chiến lược tây Trường Sơn.

Trước âm mưu, thủ đoạn chiến tranh mới của địch, ngày 7 tháng 5 năm 1970, Thường trực Quân uỷ Trung ương Việt Nam ra nghị quyết xác định phương hướng giúp đỡ cách mạng Lào, trong đó nhấn mạnh: phải tiếp tục hoàn chỉnh thế trận liên hoàn vùng giải phóng Bắc Lào, mở rộng vùng giải phóng Trung, Hạ Lào, xây dựng thành căn cứ địa vững chắc, đồng thời chuẩn bị tốt mọi mặt sẵn sàng đánh bại các âm mưu của địch tiến công ra hành lang vận chuyển chiến lược, bảo vệ vững chắc cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho tàng của ta ở khu vực này. Đi đôi với sẵn sàng chiến đấu, đập tan các hành động tiến công của địch ra khu vực hành lang vận chuyển chiến lược, phải đẩy mạnh mọi hoạt động nhằm giải phóng khu vực Xalavăn, tiến tới làm chủ hoàn toàn cao nguyên Bôlavên. Đẩy mạnh mọi mặt hoạt động ra giáp sông Mê Công với phương thức thích hợp nhằm mở rộng quyền làm chủ vùng nông thôn. Trên cơ sở xác định chiến trường Trung, Hạ Lào sắp tới sẽ là chiến trường trọng điểm, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn chuyên gia 565 và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện 968 phải nhanh chóng cùng Lào giải phóng thị xã Xalavăn, Noỏng Bua, Bạn Khoộc.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 19 tháng 5 năm 1970, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Mặt trận Z, do đồng chí Hoàng Biền Sơn, Đoàn trưởng 968, làm tư lệnh, để cùng các lực lượng Lào tiến công giải phóng thị xã Xalavăn. Từ ngày 9 đến 25 tháng 6, các đơn vị của Mặt trận Z (bốn tiểu đoàn bộ binh, một đại đội đặc công) cùng Tiểu đoàn 12 quân giải phóng Lào và lực lượng vũ trang tỉnh Xalavăn đã tiến công giải phóng thị xã và các căn cứ Bạn Khoộc, Noỏng Bua, đập tan các đợt phản kích của địch hòng chiếm lại thị xã2.

Sau Áttapư, Xalavăn là thị xã thứ hai ở Hạ Lào được giải phóng. Đây là thắng lợi to lớn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào đẩy mạnh hoạt động ra giáp sông Mê Công, mở rộng quyền làm chủ vùng đồng bằng rộng lớn, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược tây Trường Sơn, bảo vệ vững chắc cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho tàng của hai nước ở khu vực này.

 Sau chiến thắng mùa khô 1969 - 1970, ngày 25 tháng 6 năm 1970, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp nhận định tình hình và xác định nhiệm vụ trong hai năm tới của cách mạng Lào là: tiếp tục động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh bền bỉ lâu dài, phát huy thắng lợi đã giành được, chủ động tấn công địch về mọi mặt; tăng cường đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em... Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào cũng nhấn mạnh hướng Trung, Hạ Lào trong hai năm tới sẽ càng trở nên đặc biệt quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tuyến vận tải chiến lược 559 của Việt Nam.

Để kịp thời giúp Lào triển khai các chủ trương mà Nghị quyết Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào đề ra, ngày 15 tháng 7 năm 1970, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (trên cơ sở biên chế tổ chức của Đoàn chuyên gia quân sự 959 có bổ sung một số lực lượng), gọi tắt là Bộ Tư lệnh 959, trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, ngày 29 tháng 7 năm 1970, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 119/QĐ chuyển giao lực lượng tình nguyện Nam Lào (Đoàn 968), trước đây do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ huy, nay thuộc quyền lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 (Binh đoàn Trường Sơn) và điều động một số lực lượng tăng cường cho Đoàn chuyên gia quân sự 565 để đáp ứng tình hình mới ở Nam Lào.

Theo yêu cầu của Lào, Quân uỷ Trung ương Việt Nam chủ trương tăng cường cán bộ cho các đoàn chuyên gia quân sự ở Lào có đủ số lượng và chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu giúp Lào từ trung ương đến tỉnh, trong đó chú trọng tăng cường chuyên gia các tỉnh đội, giúp Lào đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, công tác quân sự địa phương. Tổ chức một số đơn vị độc lập, kết hợp với các đội công tác cơ sở ở các vùng mới giải phóng để trong một thời gian nhất định giúp truy quét phỉ, phá các cơ sở ngầm của địch, xây dựng và củng cố vững chắc cơ sở cách mạng ở các vùng mới giải phóng. Ở Nam Lào, sau khi Quân uỷ Trung ương quyết định Đoàn quân tình nguyện 968 và Đoàn chuyên gia quân sự 565 cùng thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy của Đoàn 5593, đồng chí Hà Tuấn Khanh được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Đoàn 559, phụ trách khối chuyên gia. Về tổ chức, Đoàn 565 giữ nguyên các tổ chuyên gia ở Nam Lào. Riêng 11 huyện trên đường Trường Sơn do các binh trạm sư đoàn khu vực phụ trách. Ngoài nhiệm vụ chuyên gia giúp quân khu và các tỉnh Nam Lào, Đoàn 565 còn hình thành khung chuyên gia giúp tổ chức hai cụm chủ lực ở đường 9 và Hạ Lào.

Bước vào mùa khô năm 1970, quân nguỵ Viêng Chăn phối hợp với quân Thái Lan tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét các căn cứ du kích của ta, như: cuộc hành quân Kăn Nha Kiệt đánh vào hành lang Tạt Hây, Mương Noòng, Mương Phin (Xavẳnnakhệt); cuộc hành quân Thánôngkiệt với lực lượng 17 tiểu đoàn đánh vào Thà Thôm, Thà Viêng, hòng chiếm lại vùng Xiêng Khoảng - Cánh đồng Chum; đưa Trung đoàn 3 quân Thái Lan vào cao nguyên Bôlavên hỗ trợ cho các lực lượng ở Xalavăn. Các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm của địch đều bị lực lượng bộ đội địa phương, du kích và chủ lực Lào kết hợp với quân tình nguyện Việt Nam ngăn chặn và đánh thiệt hại nặng. Gần 4.500 tên địch bị diệt, 30 máy bay bị bắn rơi, trong đó riêng ở khu vực nam Xiêng Khoảng, ta đã diệt hơn 3.000 tên địch, bắn rơi 24 máy bay.




-----------------------------------------------------------------
1. Lực lượng thuộc Mặt trận X có hai tiểu đoàn bộ binh (2 và 3), Đại đội đặc công S4 của Đoàn 968; Trung đoàn 24 Mặt trận B3 (Tây Nguyên - Việt Nam); lực lượng vũ trang của Lào và chuyên gia quân sự sang hoạt động ở Hạ Lào.

2. Trong chiến dịch này, bộ đội Việt Nam - Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu 657 tên nguỵ Lào, gọi hàng 250 tên, bắn rơi hai máy bay, thu và phá huỷ hơn 700 súng các loại, 187 ôtô và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch; giải phóng một khu vực rộng khoảng 3.600 km2 với 80 bản và trên một vạn dân.

3. Trước đó, Đoàn chuyên gia 565 thuộc quyền lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559, Đoàn 968 thuộc quyền lãnh đạo chỉ huy của Quân khu 4. Đến tháng 10 năm 1970, cả hai đoàn về đội hình Đoàn 559.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #73 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:07:15 pm »

2. Chiến thắng đường 9 - Nam Lào và Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân Lào

Sau hai năm thực hiện Học thuyết Níchxơn, với nguồn viện trợ quân sự lớn1, Mỹ đã xây dựng ở ba nước Đông Dương một đội quân tay sai có số lượng đông và trang bị mạnh hơn nhiều so với trước đây2 . Để thực hiện ý đồ rút quân Mỹ về nước nhằm xoa dịu dư luận và phong trào chống chiến tranh đang bùng phát mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ, đồng thời tạo một tình thế chiến lược có lợi cho Mỹ - ngụy trên chiến trường Đông Dương, đế quốc Mỹ quyết định mở ba cuộc hành quân lớn: cuộc hành quân Lam Sơn 719, đánh sang đường 9 - Nam Lào; cuộc hành quân Toàn Thắng 171 đánh sang Đông Bắc Campuchia; và cuộc hành quân Quang Trung 4 đánh vào vùng ngã ba biên giới Tây Nguyên Việt Nam - Nam Lào - Campuchia. Trong đó, hướng đường 9 - Nam Lào là hướng tiến công chủ yếu của địch.

 Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra đường 9 - Nam Lào là cuộc hành quân có quy mô lớn nhất trong ba cuộc hành quân trong năm 1971 đánh phá tuyến vận tải chiến lược của ba nước Đông Dương3 . Trong cuộc hành quân này, đế quốc Mỹ dự định sử dụng một khối lượng lớn máy bay trực thăng đổ quân chốt giữ các điểm cao dọc theo nam - bắc đường 9, đồng thời sử dụng bộ binh cơ động dọc theo đường 9, thọc lên Xê Pôn, hợp điểm với quân nguỵ Lào và quân Thái Lan từ Mương Phin sang chốt chặn lâu dài, hình thành hàng rào Mắc Namara kiểu mới, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược tây Trường Sơn, phá huỷ kho tàng, căn cứ chiến lược ba nước Đông Dương, đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào.

Ngày 31 tháng 1 năm 1971, Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn bắt đầu cuộc hành quân. Chúng đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm hơn 40.000 quân nguỵ Sài Gòn, trên 6.000 quân Mỹ, với một lực lượng lớn không quân, xe tăng, thiết giáp, pháo binh yểm trợ4 . Trong khi bộ binh, cơ giới địch tiến chậm chạp theo đường 9 về phía tây, thì một lực lượng lớn trực thăng đổ quân đánh chiếm các điểm cao dọc theo đường 9. Quân nguỵ Lào phối hợp hoạt động ở phía tây đường 9, sử dụng hai binh đoàn cơ động (GM) đánh ra Mương Noòng, Mương Phin. Mục tiêu đầu tiên của địch trong cuộc hành quân này là nhanh chóng đánh chiếm Xê Pôn, chiếm giữ đường 9 đoạn Bạn Đông - Xê Pôn lập thành tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương, lùng sục đánh phá kho tàng, đường sá xung quanh Xê Pôn, tiếp đó chuyển xuống đánh phá kho tàng khu vực Sa Đi - Mương Noòng đến A Túc, A Sầu, A Lưới.

Trước âm mưu của địch, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương Việt Nam quyết định mở chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào5 để đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ngày 4 tháng 2 năm 1971, Bộ Chỉ huy chiến dịch đường 9 - Nam Lào được thành lập, do đồng chí Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu phó làm tư lệnh và đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm chính uỷ. Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam còn cử Thượng tư¬ớng Văn Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng vào chiến trường làm đại diện của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận.

Với phương châm chỉ đạo đúng đắn, kế hoạch tác chiến được chuẩn bị kỹ càng, bộ đội Việt Nam đã chủ động đón đánh từng cánh quân địch, kết hợp với lực lượng phòng không tại chỗ được tổ chức rộng khắp và bố trí dày đặc ở những nơi dự kiến địch sẽ đổ quân, bắn rơi nhiều máy bay lên thẳng của địch, tạo thời cơ đánh những trận hiệp đồng binh chủng lớn, tiêu diệt từng trung đoàn, lữ đoàn địch. Từ ngày 12 tháng 2 đến 3 tháng 3 năm 1971, lực lượng chủ lực Việt Nam tiến công dồn dập, bẻ gãy cánh quân chủ lực phía bắc đường 9 của địch, tiêu diệt những cụm cứ điểm then chốt ở các điểm cao 500, 543, đập tan cuộc phản kích lớn của Lữ đoàn dù số 3 và Trung đoàn thiết giáp số 17 quân nguỵ Sài Gòn, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ cùng Ban Tham mưu lữ đoàn, đánh thiệt hại nặng Liên đoàn biệt động quân số 1.




-------------------------------------------------------------------
1. Dưới thời Giônxơn, viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ cho quân nguỵ Lào khoảng 60 - 70 triệu USD, thời Níchxơn tăng lên 350 triệu USD trong tài khoá 1970 - 1971.

2. Năm 1968, quân nguỵ Lào mới có gần 30 vạn tên. Năm 1970 tăng lên 60 vạn, đầu năm 1970 là 63 vạn tên được tổ chức thành 183 tiểu đoàn, trong đó có 113 tiểu đoàn đặc biệt. Thành phần binh chủng kỹ thuật (xe tăng, pháo binh, không quân, công binh) trong các đơn vị chiến đấu tăng 2,5 lần so với năm 1968.

3. Ngay từ giữa năm 1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng không quân đánh phá nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển của ta trên tuyến đường chiến lược tây Trường Sơn. Từ năm 1966 đến 1971, số máy bay Mỹ đánh phá ở Lào đã lên tới 531.000 lượt chiếc, trong đó 388.000 lượt chiếc đánh vào tuyến đường chiến lược và 143.000 lượt chiếc đánh ở Bắc Lào. Số bom đạn Mỹ ném xuống đất Lào từ năm 1965 đến 1971 lên tới 1.644.000 tấn. Vào từng thời điểm, từng địa bàn, đế quốc Mỹ và tay sai còn tiến hành nhiều cuộc hành quân với mọi quy mô để chặn bằng được tuyến chi viện chiến lược. Từ khi Lon Non lên nắm chính quyền ở Campuchia (tháng 3 năm 1970), cảng Xihanúc Vin bị khoá chặt, các đoàn hậu cần của Việt Nam đứng chân trên đất Campuchia gặp khó khăn, tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn của Đoàn 559 trở thành tuyến vận chuyển chi viện chiến lược duy nhất của ba nước Đông Dương; do vậy, ngăn chặn bằng được tuyến 559 tây Trường Sơn đã trở thành một mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ.

4. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch lúc cao nhất là 55.000 quân, gồm 15 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn thiết giáp, 578 xe tăng, xe bọc thép, 318 pháo, 700 máy bay các loại. Ngoài ra, còn có 2 binh đoàn quân nguỵ Lào.

5. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 5 sư đoàn bộ binh; 4 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp; 4 trung đoàn pháo binh; 4 trung đoàn phòng không; 3 trung đoàn công binh; một số tiểu đoàn đặc công và lực lượng chiến đấu tại chỗ của các mặt trận B4, B5, Đoàn 559, các đơn vị bộ đội tình nguyện và bộ đội Trung - Hạ Lào, tổng số khoảng 60.000 quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #74 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:11:54 pm »

Về phía Lào, tháng 6 năm 1970, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã họp và đưa ra nhận định: hướng Trung, Hạ Lào trong hai năm tới sẽ càng trở nên đặc biệt quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tuyến vận tải chiến l¬ược 559 của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 10 năm 1970, Quân uỷ Trung ương Lào đã ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch quân sự mùa khô 1970 - 1971, trong đó xác định: “Phải chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tiến công quy mô lớn của quân nguỵ Sài Gòn và một số quân Mỹ, quân Thái Lan vào Trung, Hạ Lào và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng... phải phối hợp chặt chẽ với chiến trường miền Nam Việt Nam và Campuchia sẵn sàng đón thời cơ giành thắng lợi lớn hơn...” . Đồng thời, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào quyết định thành lập năm cụm chiến đấu (tương đương trung đoàn) bố trí sẵn ở những khu vực quan trọng, trong đó hướng Nam Lào bố trí hai cụm.

Dự đoán trước âm mưu của địch ở khu vực đường 9 - Nam Lào, đầu mùa khô 1970 - 1971, Đoàn chuyên gia quân sự 565 và quân tình nguyện ở Hạ Lào tổ chức các lực lượng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào nắm chắc địch, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sau lưng địch, phá bước chuẩn bị chiến trường của chúng. Ngày 20 tháng 11 năm 1970, lực lượng tình nguyện Đoàn 968 đã phối hợp với bộ đội Lào mở đợt tiến công dãy điểm cao phía đông Bôlavên, các cứ điểm PS38, LS165, Phu Lẳng Kẹo. Sau khi làm chủ ba căn cứ phía đông Bôlavên, đầu tháng 1 năm 1971, Đoàn 968 tiếp tục tiến công tiêu diệt căn cứ Huội Xài, đồng thời cùng các đơn vị Lào khẩn trương chuẩn bị chiến trường, tổ chức các lực lượng chiến đấu sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực Việt Nam, tiến hành sơ tán nhân dân và kho tàng. Những hoạt động này đã góp phần tích cực tạo nên sức mạnh để bộ đội hai nước bước vào cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù khi chúng mở cuộc hành quân lớn đánh ra đường 9 - Nam Lào.

Phối hợp với bộ đội chủ lực ở hướng chính, ở phía nam, từ ngày 7 tháng 3 năm 1971, bộ đội tình nguyện thuộc Đoàn 968 cùng bộ đội Lào tiến công căn cứ LS165 (Nặm Tiêng), căn cứ PS22 (Nặm Lực), bao vây căn cứ PS38 (In Thi). Ở phía tây đường 9, các tổ công tác của Đoàn chuyên gia quân sự 565 đã cùng các đại đội 91, 93 quân giải phóng nhân dân Lào và du kích chặn đánh tiêu diệt nhiều sinh lực của GM33 khi chúng từ Huội Mừn, Tùm Lan tiến ra hỗ trợ cho cánh quân nguỵ Sài Gòn đánh vào Mương Noòng. Một tổ chuyên gia khác cùng Tiểu đoàn 14 Quân khu Trung Lào tổ chức các trận phục kích GM31 ở khu vực Đoông Mốt, Huội Xála, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn và sở chỉ huy GM31... Các hoạt động của bộ đội Lào và quân tình nguyện Việt Nam ở Lào đã góp phần phân tán sự đối phó của địch, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực Việt Nam đánh những trận tiêu diệt lớn, giành thắng lợi cho chiến dịch.

Ngày 23 tháng 3 năm 1971, sau khi giải phóng Bạn Đông, chiến dịch phản công đư¬ờng 9 - Nam Lào kết thúc. Kết quả, quân dân Việt Nam - Lào đã tiêu diệt và làm bị thương 19.960 tên, bắt 1.142 tù binh, bắn rơi, phá huỷ 556 máy bay, 1.138 xe quân sự, 112 khẩu pháo cối, thu 2 máy bay trực thăng và nhiều vũ khí, phương tiện quân sự.

Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào toàn thắng. Cuộc hành quân Lam Sơn 719, cố gắng cuối cùng trong cơn “giãy chết” trong chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ đã thất bại thảm hại. Âm mưu cắt đứt tuyến đường Trường Sơn bằng sức mạnh tổng lực trong tổng thể chiến lược chiến tranh ngăn chặn của Mỹ hoàn toàn thất bại. Địch hy vọng làm chủ và biến đường 9 thành “lưỡi dao” cắt ngang tuyến vận tải quân sự Trường Sơn, song ta đã làm chủ con đường này từ Bạn Đông đến Mương Phin. Bộ Chỉ huy tiền phương Trường Sơn vẫn trụ vững tại huyện lỵ Xê Pôn, sát cánh cùng các cấp uỷ và chính quyền địa phương Lào trong suốt chiến dịch.

Thắng lợi ở đường 9 - Nam Lào đã đánh gục vai trò nòng cốt của quân nguỵ Sài Gòn trong âm mưu “dùng người Đông Dương, đánh người Đông Dương” của Mỹ, mở ra triển vọng mới cho cách mạng Lào và toàn bộ chiến trường Đông Dương. Chiến thắng đường 9 - Nam Lào không chỉ khẳng định sức mạnh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam, mà còn là sự khẳng định sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết Việt Nam - Lào trong suốt cuộc kháng chiến.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 đã có những lời nói cảm động về sự ác liệt và hình ảnh những người chiến sĩ Việt Nam - Lào trong chiến dịch này: “Trong cuộc chiến này, khi mà đối phương huy động tối đa sức mạnh tổng lực hòng xoá con đường Trường Sơn; khi mà biết bao đồng chí, đồng bào ngã xuống, nằm lại vĩnh viễn với những đồi lau xơ xác, những bìa rừng khuất nẻo... vì sự sống của con đường, vì sự toàn thắng của chiến dịch, nếu như ai đó thi vị hoá hết thảy sẽ là tội lỗi. Nhưng nếu không tìm thấy cội nguồn chiến thắng từ những bước chân nhún nhảy của những chàng trai, cô gái Pa Cô trên đường tải đạn, trong âm vang réo rắt tiếng đàn ta lư, hay điệu lăm vông của những nam nữ chiến sĩ quân giải phóng Lào sau từng trận đánh..., thì cũng khó lý giải hết tầm thế của chiến công này..., và vì sao ta chiến thắng!” .

Tại Mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, trong thời gian diễn ra chiến dịch phản công ở đường 9 - Nam Lào, Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng phối hợp cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch 74B (từ ngày 21 tháng 2 đến 30 tháng 4 năm 1971), giải phóng được Mương Xủi, Buôm Loộng, loại khỏi vòng chiến đấu 2.800 tên.

Phối hợp với đấu tranh quân sự trên mặt trận đường 9, quân dân Lào đã đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ngoại giao và xây dựng cơ sở ở vùng địch tạm chiếm. Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Lào đòi chấm dứt chiến tranh, thực hiện hoà hợp dân tộc phát triển rộng rãi trong các đô thị. Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, ngay sau chiến thắng đường 9 - Nam Lào, ngày 27 tháng 3 năm 1971, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã đưa ra sáng kiến hoà bình mới, bổ sung cho giải pháp chính trị năm điểm (đưa ra ngày 26 tháng 3 năm 1970), đòi Mỹ phải chấm dứt ném bom hoàn toàn và không điều kiện ở Lào thì mới có ngừng bắn và thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời. Những hoạt động mạnh mẽ của quân dân Lào đã đẩy quân ngụy Lào vào thế bị động, lúng túng.

Tháng 7 năm 1971, lợi dụng mùa mưa, địch huy động 21 tiểu đoàn quân đặc biệt Vàng Pao, 10 tiểu đoàn lính Thái Lan (sau đó tăng lên 33 tiểu đoàn) lấn chiếm tây nam Cánh đồng Chum, đồng thời sử dụng hai trung đoàn của Sư đoàn 1 ngụy Viêng Chăn (thời gian này địch thành lập hai sư đoàn làm thí điểm) từ Xála Phu Khun tiến đánh Mương Xủi. Mục tiêu của chúng là chiếm lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, tiến sát biên giới Lào - Việt Nam, uy hiếp Sầm Nưa và miền Bắc Việt Nam. Sau cuộc hành quân Cù Kiệt thì cuộc hành quân này được coi là thử nghiệm lớn thứ hai nhằm kiểm chứng sức mạnh và vai trò của “lực lượng đặc biệt” trong chiến lược mới Chiến tranh đặc biệt tăng cường. Tuy nhiên, các cánh quân của chúng đã bị các lực lượng thuộc Quân khu Cánh đồng Chum, lực lượng trung lập và dân quân du kích địa phương Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam chặn đánh quyết liệt, loại khỏi vòng chiến đấu 7.118 tên, buộc phải dừng lại phòng ngự trước sân bay Cánh đồng Chum.

Kiên quyết không để địch lấn sâu vào vùng Xiêng Khoảng, Quân uỷ Trung ương Lào và Việt Nam đã thống nhất tập trung lực lượng để bảo vệ và củng cố khu vực chiến lược trọng yếu này. Hai bên đã quyết định mở chiến dịch tiến công mùa khô 1971 - 1972 (chiến dịch mang mật danh Z) nhằm giải phóng Xảm Thông - Loòng Chẹng, đập tan hệ thống phòng ngự của địch ở tuyến ngoài, phát triển vào hậu cứ Na Xịa của Quân khu 2 Vàng Pao; trên cơ sở đó, tổ chức phòng thủ vững chắc và lâu dài khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng - Mương Xủi 1.

Ngày 18 tháng 12 năm 1971, chiến dịch mở màn. Qua hơn 110 ngày đêm (từ ngày 18 tháng 12 năm 1971 đến 5 tháng 4 năm 1972) chiến đấu quyết liệt, gian khổ, bộ đội Lào - Việt Nam đã đập tan tập đoàn phòng ngự lớn nhất từ trước tới nay của địch từ Cánh đồng Chum đến Mương Xủi, uy hiếp “thủ đô Loòng Chẹng” của Vàng Pao, buộc địch phải dùng 18 tiểu đoàn để giữ Loòng Chẹng. Chiến dịch đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên, trong đó có 3.532 lính Thái Lan; giải phóng một vùng rộng lớn với hơn 1 vạn dân từ Ka Xỷ đến Xála Phu Khun, Kìu Kachăm, Bạn Na, Thặm Lửng, Phu Phả Xây; đánh bại nỗ lực lớn nhất của Mỹ trong việc áp dụng công thức “quân Thái Lan làm nòng cốt phối hợp với quân Vàng Pao dưới sự chi viện của không quân Mỹ”.

Ở Hạ Lào, mùa mưa năm 1971, địch huy động các binh đoàn 30, 33, 40, 42 quân phái hữu, 11 tiểu đoàn quân đặc biệt Vàng Pao và bốn tiểu đoàn quân Thái Lan, được sự chi viện của không quân Mỹ, tiến công chiếm lại Xalavăn, Pạc Xoòng, Lao Ngam, Bạn Phôn, Thà Teng và có ý định tiến công chiếm lại Áttapư. Trước tình hình trên, cuối tháng 11 năm 1971, Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam đã điều Trung đoàn 141 (Sư đoàn 2 Quân khu 5) tăng cường cho Hạ Lào, đồng thời giao nhiệm vụ cho các lực lượng quân tình nguyện Đoàn 968 phối hợp với chuyên gia quân sự và quân dân Hạ Lào thực hiện tốt các nhiệm vụ: kiên quyết bảo đảm và giữ vững tuyến chi viện chiến lược Đoàn 559; giải phóng và giữ vững những khu vực then chốt ở Hạ Lào; chuẩn bị tốt mọi mặt, giữ vững thắng lợi để tiếp tục phát triển tiến công...

Từ ngày 6 tháng 12, các đơn vị của Đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam phối hợp cùng Tiểu đoàn 11, Đại đội 26 của tỉnh Xalavăn nổ súng tiến công Xalavăn, Thà Teng, Pạc Xoòng. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống 2.400 tên địch (trong đó có 300 lính Thái Lan), bắn rơi tám máy bay Mỹ, thu hồi toàn bộ khu vực cao nguyên Bôlavên, Xalavăn.

Đầu năm 1972, cùng với chiến dịch phản công đánh bại cuộc phản kích quy mô lớn của địch ra khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, dồn chúng vào Loòng Chẹng, bộ đội Lào - Việt Nam còn quét và thu phục phỉ ở Luổng Phạbang, Luổng Nặm Thà; đánh bại cuộc hành quân của quân nguỵ Lào phối hợp với quân Thái Lan ra vùng Xalavăn, Mương Pha Lan, Pạc Xoòng, dồn địch ra bờ sông Mê Công. Đây là những thắng lợi có tầm quan trọng chiến lược, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Lào.



------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 2 sư đoàn bộ binh (316, 312), 2 trung đoàn quân tình nguyện (335, 866), 2 tiểu đoàn pháo binh (42, 16), 4 tiểu đoàn phòng không, 2 tiểu đoàn trinh sát đặc công, 1 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 3 tiểu đoàn công binh. Phía Lào có: các tiểu đoàn 1, 2, 13, Pắtchây, tiểu đoàn pháo binh, Đại đội nữ pháo binh 769, đại đội xe tăng, các tiểu đoàn 15, 48, 116 trung lập, 3 đại đội địa phương, 1 đại đội pháo binh, lực lượng dân quân du kích địa phương. Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Vũ Lập làm tư lệnh, đồng chí Huỳnh Đắc Hương làm chính uỷ. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, đại diện Bộ Quốc phòng và Quân uỷ Trung ương đi cùng trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #75 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:15:29 pm »

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Nhân dân Lào

Nhận thức rõ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân các bộ tộc Lào đang ở giai đoạn bước ngoặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II để xác định đường lối đưa cách mạng tiến nhanh trong giai đoạn mới. Sau một thời gian họp trù bị, Đại hội chính thức khai mạc ngày 3 tháng 2 và kết thúc ngày 6 tháng 2 năm 1972 tại Viêng Xây, tỉnh Hủa Phăn. Về dự Đại hội lần này có 125 đại biểu đại diện cho hàng vạn đảng viên trong cả nước. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã trình bày báo cáo chính trị, tổng kết công tác lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào trong 26 năm qua và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Lào.

Đại hội đã phân tích tình hình thế giới và tình hình trong nước, tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo trong nhiệm kỳ qua và đề ra nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới là: “Đoàn kết nhân dân các bộ tộc, đánh đổ đế quốc xâm lược, tập đoàn tư sản mại bản quan liêu, quân phiệt và giai cấp phong kiến, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, làm cho nước Lào thành một nước hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới”.

Đại hội đã thông qua bản sửa đổi điều lệ Đảng và quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Đại hội đã nhất trí suy tôn đồng chí Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng và quyết định đặt tượng của Người ở vị trí trang nghiêm của Đại hội. Đại hội còn thông qua bản Nghị quyết “Tăng cường đoàn kết Lào - Việt Nam”, trong đó xác định tình đoàn kết Lào - Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần quốc tế vô sản, là mối quan hệ đặc biệt. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 23 ủy viên chính thức và sáu ủy viên dự khuyết. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

 Đại hội II của Đảng là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, có tầm quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân các bộ tộc Lào; đánh dấu sự trưởng thành về chính trị và tổ chức của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Lào. Nghị quyết của Đại hội là bó đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Lào vững bước tiến lên chiến thắng kẻ thù, đưa cách mạng Lào tiến lên giai đoạn mới.

Trong quá trình Lào chuẩn bị Đại hội, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, mà trực tiếp là các đồng chí chuyên gia, đã góp phần cùng Trung ương Lào nghiên cứu đường lối cách mạng Lào, đề ra cương lĩnh chính trị và điều lệ sửa đổi. Ngay từ năm 1970, đại diện Đảng Nhân dân Lào và đại diện Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là các đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Lê Duẩn, đã tiến hành hội đàm để trao đổi về bản dự thảo cương lĩnh chính trị của Đảng Nhân dân Lào. Chuyên gia Việt Nam cũng đã cử nhiều tổ công tác xuống cơ sở nghiên cứu các mặt kinh tế, xã hội Lào làm cơ sở để Trung ương Lào xây dựng cương lĩnh. Chuyên gia còn góp phần cùng các cơ quan trung ương và địa phương Lào tổ chức đại hội các cấp và tổ chức đại hội thành công, an toàn. Trong điều kiện vùng giải phóng Lào phân tán, giao thông khó khăn, chiến tranh ác liệt, việc tổ chức Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân Lào là một cố gắng rất lớn của toàn quân, toàn dân Lào, cũng như đội ngũ chuyên gia Việt Nam.

Đảng Lao động Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu, do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu, đến dự Đại hội Đảng Nhân dân Lào. Sau thời gian tham dự Đại hội, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dành thời gian thăm hỏi, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo đoàn chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam về tình hình bộ đội Việt Nam ở Lào thời gian qua và nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng chí căn dặn cán bộ các đoàn chuyên gia và quân tình nguyện tập trung mọi nỗ lực giúp Lào tốt hơn nữa, làm cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào ngày càng thêm keo sơn, gắn bó.

 Sau Đại hội, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương tiến hành chỉnh huấn Đảng lần thứ ba. Đội ngũ chuyên gia Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giáo dục, tuyên truyền của Trung ương Lào biên soạn tài liệu, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng; tiếp đó cùng các cơ quan tổ chức tiến hành chỉnh huấn sâu rộng trong toàn Đảng. Nhiệm vụ chỉnh huấn Đảng trong quân đội được Tổng Quân uỷ Lào xác định vào đầu mùa mưa năm 1972. Để kịp thời giúp triển khai đợt chỉnh huấn Đảng trong các lực lượng vũ trang Lào, chuyên gia quân sự đã phối hợp với các cơ quan chức năng xuống các đơn vị cơ sở tổ chức sinh hoạt chính trị, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng, nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang.    
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #76 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:21:22 pm »

3. Phối hợp đẩy mạnh tiến công, buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Pari và Hiệp định Viêng Chăn

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của lực lượng cách mạng Đông Dương, mà đặc biệt là các chiến trường đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên trong Xuân - Hè 1971 đã làm thất bại nặng nề chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ. Trên chiến trường miền Nam, địch phải chuyển hẳn vào thế phòng ngự, quân Mỹ tiếp tục rút khỏi chiến trường, quân nguỵ bị sa sút về tinh thần, thiếu quân cơ động, sức chiến đấu giảm.

Để thúc đẩy chiều hướng phát triển của tình hình có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng 5 năm 1971, chủ trương: phát triển thế tiến công chiến lược trên toàn chiến trường, đánh bại chiến lược Đông Dương hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi có tính quyết định trong năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua; trước mắt, mở các chiến dịch tiến công lớn của bộ đội chủ lực trên các hướng chiến lược quan trọng là miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trị - Thiên, đồng thời đẩy mạnh tiến công quân sự rộng khắp, kết hợp với quần chúng nổi dậy phá kế hoạch “bình định” của chúng ở nông thôn rừng núi và nông thôn đồng bằng, thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng ở các đô thị, làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Công tác chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược được tiến hành khẩn trương. Từ giữa năm 1971, toàn bộ lực lượng trên toàn tuyến 559 tập trung xây dựng, cải tạo hệ thống cầu đường nhằm tạo ra một thế trận mới có chính diện vượt khẩu, kéo dài 250 km, với sáu tuyến cắt ngang dãy Trường Sơn, nối mạng tây Trường Sơn với tuyến đông Trường Sơn chạy sát sườn địch, nhanh chóng tiếp cận chiến trường, đồng thời lợi dụng sự trái ngược thời tiết đông và tây Trường Sơn để vận chuyển cả hai mùa; có tuyến đường kín mang ý nghĩa chiến lược, gây cho địch bất ngờ, có khả năng vô hiệu hoá đối tượng cực kỳ nguy hiểm là máy bay AC130; đồng thời cho phép vận tải ban ngày theo đội hình lớn, chạy thẳng cung dài từ đầu tuyến theo đường tây Trường Sơn trên đất Lào đến vùng ngã ba biên giới (Tây Nguyên).

Từ ngày 20 tháng 10 đến 15 tháng 11 năm 1971, trên 20.000 bộ đội cùng 1.200 xe, 250 khẩu pháo và hàng trăm tấn khí tài công binh, thông tin nhập tuyến, vượt cửa khẩu sang Lào, hành quân vào các chiến trường chuẩn bị cho cuộc tiến công. Đường ống xăng dầu của Việt Nam cũng dẫn được hơn 1 vạn tấn vào miền Nam. Các đơn vị: Sư đoàn 320, các trung đoàn 24B, 27, 271; 20 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh, cao xạ, vận tải cơ giới; 9 tiểu đoàn và 44 đại đội bộ đội địa phương lần lượt hành quân vào chiến trường. Đến đầu năm 1972, các khối chủ lực của các mặt trận Trị -  Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đã được bổ sung nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật, như súng cối 160 mm, pháo nòng dài 122 mm và 130 mm, tên lửa B72, tên lửa A72. Ở miền Đông Nam Bộ đã thành lập Đoàn pháo binh 75, Trung đoàn thiết giáp 26, bảo đảm đủ lương thực cho bộ đội cả năm 1972. Vùng ngã ba biên giới như bừng lên một sức sống mới. Bộ đội đi lại nhộn nhịp, nhiều khu trú quân mới mọc lên và từ hành lang chiến lược, những chiếc xe tăng, xe kéo pháo, xe vận tải nối đuôi nhau rẽ vào chiến trường. Đường tây Trường Sơn và quân, dân Lào trên tuyến đường đã góp phần không nhỏ trong việc chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam.

Ngày 30 tháng 3 năm 1972, cuộc tiến công chiến lược mở màn. Trên hướng chủ yếu Trị - Thiên, trong năm ngày đầu chiến dịch, bộ đội Việt Nam đã phá vỡ tuyến phòng thủ cơ bản của địch; giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh và Cam Lộ; diệt và bắt toàn bộ Trung đoàn 56 địch. Tiếp đó, tiến công tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Đông Hà - Lai Phước, các cụm quân địch ở Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị (tỉnh đầu tiên được giải phóng ở miền Nam). Trên hướng Tây Nguyên, các sư đoàn chủ lực Việt Nam có xe tăng và pháo binh hạng nặng đã tiến công giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh và vùng đất đai rộng lớn, áp sát thị xã Kon Tum. Trên hướng miền Đông Nam Bộ, chiến trường sát nách Sài Gòn, bộ binh và xe tăng Việt Nam cũng dồn dập tiến công giải phóng thị xã Lộc Ninh, đập tan toàn bộ hệ thống phòng thủ phía trước trên vòng cung phía bắc Sài Gòn của địch. Trên cả ba hướng, bộ đội Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 vạn tên địch, đẩy quân nguỵ trước nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng.

Phối hợp với chiến trường Việt Nam, lực lượng vũ trang của Lào đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường. Tại Hạ Lào, Tiểu đoàn 11 và các đơn vị địa phương phối hợp với Đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Pạc Xoòng, Huội Coòng, đánh thiệt hại bốn tiểu đoàn của quân phái hữu và hai tiểu đoàn quân Thái Lan. Đại đội 26 và bộ đội huyện đã tập kích và giải phóng thị trấn Khôngxêđôn (phía bắc Pạc Xê 50 km). Tiểu đoàn địa phương Chămpaxắc chiếm thị trấn Phia Phay (nam Pạc Xê 45 km). Tại Trung Lào, quân giải phóng Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh bại nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch, bảo vệ được vùng giải phóng, đồng thời liên tục tổ chức tiến công địch ở Xê Nô, Thà Khẹc, Mương Pha Lan, Đồng Hến... Tại Bắc Lào, bộ đội Lào, Việt Nam tiến công giải phóng Pạc U, Pạc Xương, tập kích địch ở Xiêng Ngân và sân bay Luổng Phạbang...

Trên chiến trường trọng điểm Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, sau chiến dịch phản công thắng lợi, Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào cùng Quân uỷ Trung ương Việt Nam quyết định tổ chức chiến dịch phòng ngự nhằm đánh bại âm mưu giành lại địa bàn quan trọng này trong mùa mưa của địch, đồng thời góp phần bảo vệ sườn phải cho cuộc tiến công chiến lược của Việt Nam ở Trị - Thiên, Tây Nguyên. Phạm vi phòng ngự nằm trong tứ giác Mương Xủi - Noỏng Pết - Thặm Lửng - Xiêng Khoảng.

Đây là chiến dịch phòng ngự có quy mô lớn nhất1 và diễn ra trong thời gian dài nhất trên chiến trường Lào (từ ngày 20 tháng 5 đến 15 tháng 11 năm 1972). Với nhiều cách đánh linh hoạt, sáng tạo và tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, quân tình nguyện Việt Nam cùng quân dân Lào đã đánh bại các đợt tiến công của 8 binh đoàn cơ động của Vàng Pao, 9 tiểu đoàn đặc biệt (BS), 4 tiểu đoàn tình nguyện (BV), 18 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo binh của Thái Lan, 2 binh đoàn, 2 lữ đoàn bộ binh nguỵ và có sự chi viện tối đa của không quân Mỹ; loại khỏi vòng chiến đấu 5.631 tên địch, bắn rơi 38 máy bay, đánh thiệt hại nặng 3 binh đoàn nguỵ và 3 tiểu đoàn lính Thái Lan.

Thắng lợi của chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ta đã đánh bại cố gắng cao nhất của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai muốn chiếm địa bàn chiến lược để giành thế có lợi cho giải pháp chính trị của chúng. Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng góp phần tạo thế hơn hẳn của cách mạng Lào trong đàm phán tìm giải pháp chính trị.

Phối hợp chặt chẽ với quân, dân Cánh đồng Chum, ở Hạ Lào mùa mưa năm 1972, quân tình nguyện Việt Nam cùng các đơn vị quân giải phóng nhân dân Lào đã đập tan cuộc hành quân Sư tử đen của quân phái hữu Viêng Chăn vào khu vực Khôngxêđôn, đường 23, Pạc Xoòng, Xalavăn, Thà Teng, Bôlavên, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều đơn vị của các binh đoàn 32, 41, 42, bảo vệ được vùng giải phóng và tuyến vận tải chiến lược 559. Bước vào mùa khô 1972 - 1973, địch tăng cường quân ở Hạ Lào lên 35 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn cơ giới, một trung đoàn và 11 tiểu đoàn quân Thái Lan, tổ chức phòng thủ trên cả hai hướng Pạc Xê, Khôngxêđôn, đồng thời mở một số cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng và phá tuyến vận chuyển chiến lược 559.

Theo dõi các diễn biến về địch, sáng ngày 18 tháng 10 năm 1972, Trung đoàn 9 nổ súng tấn công ngã ba Lao Ngam. Trung đoàn 39 tiến công Lữ đoàn 22 ở Cút Ta Bèng, Cút Nặm Ly, Na Káxao, Phu Khoổng. Ở hướng Xalavăn, ngày 19 và 20 tháng 10, địch dùng trực thăng đổ GM41, GM42 xuống tây nam thị xã. Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 19 chiến đấu ngoan cường, song đến chiều ngày 26 tháng 10, địch vẫn chiếm được thị xã. Do yêu cầu hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và ngoại giao trên bàn đàm phán của bạn, quân tình nguyện Việt Nam cùng các đơn vị quân giải phóng Lào đã tập trung lực lượng giải phóng thị xã Xalavăn vào ngày 15 tháng 11. Những ngày cuối năm 1972 đầu năm 1973, địch tập trung quân hai lần đánh chiếm lại thị xã Xalavăn nhưng đều bị thất bại. Đầu tháng 1 năm 1973, địch lại tập trung quân ở Pạc Xê theo đường 23 đánh chiếm lại thị xã Pạc Xoòng. Trong thời điểm chuẩn bị có giải pháp chính trị về Lào, theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy tối cao Lào, quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào đã kiên quyết tiến công đẩy địch ra khỏi thị xã Pạc Xoòng, giữ vững thị xã Xalavăn.




----------------------------------------------------------------
1. Lực lượng Việt Nam tham gia chiến dịch gồm Sư đoàn 316 (có 2 trung đoàn 174 và 149), 2 trung đoàn độc lập (335 và 866), 2 tiểu đoàn đặc công (27, 41), 1 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, 2 tiểu đoàn cao xạ 37 ly, 2 tiểu đoàn súng phòng không 14,5 mm và 12,7 mm, Tiểu đoàn pháo binh 42... (đến tháng 10 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu tăng cường thêm Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 308C). Lực lượng của Lào có 7 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội pháo xe kéo, 1 đại đội pháo mang vác, 2 đại đội cao xạ, 1 đại đội công binh, cùng 1 đại đội (Quân khu), 1 đại đội của tỉnh và 8 trung đội của hai huyện Mương Pẹc và Mương Khăm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #77 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:26:10 pm »

Trong thời điểm chuẩn bị có hiệp định ngừng bắn, diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ có nhiều phức tạp, công tác chính trị đã được các chuyên gia Việt Nam đặc biệt coi trọng. Chuyên gia đã giúp tổ chức các đội công tác bám sát từng đơn vị, nhất là ở những địa bàn quan trọng, tiến hành giáo dục để bộ đội thấy rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ thù; quán triệt và tổ chức tốt công tác xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng trong nhân dân, công tác binh vận, địch vận... Đặc biệt, về công tác xây dựng đảng trong lực lượng vũ trang, chuyên gia Việt Nam đã giúp kiện toàn tổ chức các cấp uỷ, phát triển đảng viên có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Số lượng đảng viên của Lào năm 1972 so với năm 1962 tăng lên 7,15 lần. Tỷ lệ lãnh đạo trong quân đội đạt 20 - 21%.

Trên lĩnh vực xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, tháng 6 năm 1969, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra nghị quyết giúp Lào phát triển kinh tế, văn hoá ở vùng giải phóng, xác định: giúp Lào xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân, phát triển văn hoá dân tộc trong vùng giải phóng là một nội dung hết sức quan trọng trong công tác chi viện cho cách mạng Lào hiện nay; nội dung giúp Lào xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá bao gồm các mặt như giúp ý kiến, kinh nghiệm, đường lối, phương châm, chính sách, kế hoạch và chuyên gia; phương châm giúp là toàn diện, cơ bản, liên tục, lâu dài, lấy việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật làm khâu quan trọng nhất để tạo điều kiện cho bạn ngày càng phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tiến lên một cách vững chắc; trực tiếp xây dựng một số công trình kinh tế, văn hoá để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng giải phóng...

Sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị, các bộ, ngành của Việt Nam đã chú trọng tăng cường đội ngũ chuyên gia cũng như cơ sở vật chất giúp Lào. Một số địa phương giáp biên giới cũng mở rộng quan hệ giúp đỡ bạn. Ngay từ tháng 5 năm 1967, tỉnh Thanh Hoá đã ký kết hiệp định giúp tỉnh Hủa Phăn phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Tiếp đó, tháng 6 năm 1967, tỉnh đã cử đoàn cán bộ đầu tiên sang giúp Lào. Cuối năm 1969, hai đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá và Hủa Phăn tiến hành hội đàm để nhận định về sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá trong ba năm qua, đồng thời ký hiệp định tiếp tục hợp tác giúp đỡ nhau về mọi mặt trong hai năm 1970 - 1971. Theo hiệp định, trong hai năm 1970 - 1971, Thanh Hoá sẽ giúp Hủa Phăn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là trọng tâm, nhằm nhanh chóng tự túc được lương thực - thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân.

Tiếp tục giúp Lào xây dựng vùng giải phóng vững mạnh, chuyên gia chính trị đã cùng các cơ quan của Lào nghiên cứu, tham mưu để Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đề ra nghị quyết (tháng 8 năm 1971) phát triển kinh tế trong ba năm (1971 - 1973). Nội dung chính của nghị quyết là tập trung mọi lực lượng cán bộ, bộ đội, nhân dân đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu chiến đấu và đời sống của nhân dân về lương thực, thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt; tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế vững mạnh khi có điều kiện. Chú ý phát triển toàn diện nông nghiệp, thủ công nghiệp nhưng nông nghiệp là chủ yếu...

Sau Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân cách mạng Lào, các bộ, ngành của Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác, giúp đỡ với các bộ, ngành của Lào như lâm nghiệp, công nghiệp nhẹ, thủ công nghiệp và địa chất (tháng 2 năm 1972), giao thông vận tải (tháng 4 năm 1972) và thuỷ lợi (tháng 5 năm 1972), nhằm nâng cao tốc độ phát triển kinh tế trong vùng giải phóng Lào.

Được sự giúp đỡ của Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa, đến cuối năm 1972, vùng giải phóng Lào chẳng những được giữ vững mà còn được mở rộng và củng cố, đã nối liền từ Bắc đến Nam và từng bước xây dựng theo quy mô một quốc gia. Nhân dân các bộ tộc Lào trong vùng giải phóng từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ đất nước và đang tích cực tham gia xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng cuộc đời mới của mình. Sản xuất phát triển, mạng lưới giao thông và lưu thông phân phối ngày càng mở rộng. Mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng đời sống nhân dân trong vùng giải phóng cơ bản được giữ vững. Vùng giải phóng đã có nền tài chính riêng, có một số xí nghiệp công nghiệp nhỏ, có thương nghiệp quốc doanh, nhiều tỉnh đã bước đầu tự túc được lương thực...

Trước những thắng lợi to lớn về mọi mặt của cách mạng ba nước Đông Dương, tháng 10 năm 1972, trên bàn Hội nghị Pari, Mỹ đã nhất trí với dự thảo văn bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Nhưng với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, ngày 18 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích lớn1 bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số cơ sở công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam, hòng bắt nhân dân Việt Nam phải khuất phục và ký Hiệp định Pari có lợi cho Mỹ - ngụy.

Dự đoán trước âm mưu của Mỹ, nhân dân Việt Nam anh hùng trong 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 pháo đài bay B52, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt. Chiến dịch phòng không đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ trong tháng 12 năm 1972 ở Hà Nội, Hải Phòng là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B52, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, đánh bại cố gắng cuối cùng của đế quốc Mỹ trong năm 1972.

Nỗ lực cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam bị thất bại, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari (ngày 27 tháng 1 năm 1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Hiệp định này buộc Mỹ và chư hầu không những phải rút khỏi Đông Dương, mà còn phải cam kết tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, mở ra cục diện mới cho cuộc đấu tranh cách mạng trên toàn bộ bán đảo Đông Dương.

Trước khi chính thức ký kết Hiệp định Pari, ngày 20 tháng 1 năm 1973, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất dẫn đầu, và Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào làm trưởng đoàn, đã tiến hành hội đàm tại Hà Nội, thông báo về việc ký kết Hiệp định Pari và phương hướng đấu tranh trong hội đàm ký kết Hiệp định Viêng Chăn của Lào. Đồng chí Lê Duẩn đã thông báo cho Đoàn đại biểu Lào về việc Việt Nam và Mỹ sắp ký kết các hiệp định và khẳng định đây là một thắng lợi rất to lớn và quan trọng của cách mạng Việt Nam cũng như ba nước Đông Dương.

Về tình hình Lào, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: các vấn đề cơ bản giữa Lào và Việt Nam đều giống nhau. Tuy nhiên, ở Lào, phía Phuma và bọn phản động muốn hoà bình, còn Thiệu thì lại không muốn; Lào có vùng giải phóng rộng lớn, có tiền lệ là đã thành lập Chính phủ liên hiệp từ năm 1957, mà miền Nam Việt Nam không có. Với những đặc điểm trên, ta phải tranh thủ hoà bình, giữ cho được hoà bình lâu dài. Có hoà bình ta sẽ tranh thủ được nhân dân. Tiếp theo, đồng chí Cayxỏn khẳng định, thắng lợi của Việt Nam đã tạo sức ép rất lớn đối với quân ngụy Lào, đồng thời cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân Lào đi theo cách mạng. Nếu Mỹ chịu ký Hiệp định Pari về Việt Nam, sẽ có tác động đưa cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị Viêng Chăn ở Lào đi đến thắng lợi. Trong hội đàm, hai bên cũng đã trao đổi về tình hình quân sự, xác định yêu cầu phải đạt được khi ký Hiệp định Viêng Chăn .

Trên chiến trường Lào, thất bại của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã tác động sâu sắc đến tinh thần quân ngụy Lào, buộc chúng phải ngồi vào đàm phán với đại diện Mặt trận Lào yêu nước và chấp nhận giải pháp năm điểm của Mặt trận. Để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị, chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp Quân khu Cánh đồng Chum tổ chức tiến công giải phóng Xála Phu Khun, truy kích địch đến Kìu Kachăm, Ka Xỷ. Những chiến thắng về quân sự của quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng nhân dân Lào cuối năm 1972 đầu năm 1973 đã trực tiếp góp phần quan trọng buộc chính quyền Viêng Chăn phải nhanh chóng ký kết hiệp định ngừng bắn với những điều khoản có lợi cho cách mạng Lào.

Ngày 21 tháng 2 năm 1973, Hiệp định Viêng Chăn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Lào được ký kết. Mỹ và ngụy quyền Lào phải công nhận quyền dân tộc cơ bản, quyền tự do dân chủ của nhân dân các bộ tộc Lào, công nhận vùng giải phóng của Mặt trận Lào yêu nước, trung lập hoá hai thành phố Viêng Chăn và Luổng Phạbang, thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời và Hội đồng Tư vấn liên hiệp chính trị quốc gia. Đây là một thắng lợi to lớn, toàn diện, vững chắc, có ý nghĩa chiến l¬ược không những trên chiến trường Lào, chiến trường Đông Dương, mà còn là thất bại của chiến l¬ược toàn cầu của đế quốc Mỹ. Thắng lợi này tạo ra những điều kiện mới hết sức cơ bản để đưa cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Từ năm 1969 đến đầu năm 1973 là giai đoạn cực kỳ khó khăn và cũng là giai đoạn giành thắng lợi quyết định của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Trước thất bại nặng nề của Mỹ trong chiến lược Chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, đồng thời mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, tiến hành một loạt các biện pháp tàn bạo và thâm độc về quân sự, chính trị, ngoại giao. Chúng vừa từng bước rút quân Mỹ, vừa ra sức củng cố và tăng cường ngụy quân, ngụy quyền; vừa xuống thang chiến tranh, vừa phản công và tiến công rất quyết liệt hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Những âm mưu, thủ đoạn và hành động chiến tranh mới của Mỹ, ngụy đặt sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trước tình thế mới, vừa thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Song, trong khó khăn ác liệt, quân và dân Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc vẫn giữ vững ý chí quyết tâm, kiên cường và bền bỉ kháng chiến, từng bước khôi phục lại thế liên hoàn làm chủ và tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược; từ đó, tổ chức phản công và tiến công địch, giành thắng lợi ngày một to lớn, toàn diện, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ về nước.

Tại Lào, Mỹ tiến hành Chiến tranh đặc biệt tăng cường với sự tham gia ngày càng nhiều của không quân Mỹ, quân đánh thuê Thái Lan và quân ngụy Sài Gòn, hòng thu hẹp vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng cách mạng Lào, chia cắt Đông Dương, chia cắt hành lang vận chuyển chiến lược tây Trường Sơn. Trước âm mưu thủ đoạn mới của kẻ thù, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là vùng đất chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và khu vực hành lang tây Trường Sơn. Vừa đánh địch, bảo vệ vùng giải phóng, quân và dân Lào tiếp tục xây dựng vùng giải phóng theo quy mô một quốc gia; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn mạnh; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và ngoại giao, dồn địch vào thế bất lợi, buộc địch phải ký Hiệp định Viêng Chăn với những điều khoản có lợi cho cách mạng Lào.

Trong giai đoạn này, hai Đảng tiếp tục có những cuộc hội đàm thường kỳ nhằm phối hợp hành động trên các mặt đấu tranh, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng Mỹ. Hai Đảng đã tăng cường phối hợp, mở rộng liên minh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, trong đó liên minh chiến đấu giữa quân và dân hai nước trong giai đoạn này là yếu tố quyết định nhất tạo nên thắng lợi của cách mạng hai nước. Quân và dân hai nước đã cùng chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Lào, đặc biệt là cùng chiến đấu đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở khu vực đường 9 - Nam Lào, bảo vệ hành lang chiến lược tây Trường Sơn, góp phần vào sự phát triển thế và lực của cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo điều kiện cho quân và dân hai nước vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, giành thắng lợi quyết định, đưa cách mạng hai nước bước vào giai đoạn mới với những thuận lợi rất cơ bản.




------------------------------------------------------------------
1. Cuộc tập kích mang mật danh cuộc hành quân Lainơbếchcơ II. Trong cuộc tập kích, Mỹ sử dụng hầu hết số máy bay của Tập đoàn Không quân số 8, gồm: Liên đội 43 và 76 ở Guyam; Liên đội 307 ở Utapao (Thái Lan), với 193 chiếc B52, chiếm 50% số máy bay B52 hiện có của Mỹ; hai đại đội F111A gồm 48 chiếc, cùng 999 máy bay chiến đấu các loại bố trí ở Thái Lan, miền Nam Việt Nam và trên 6 tàu sân bay ở biển Đông. Ngoài ra, còn có một số máy bay tiếp dầu KC135 và các máy bay bảo đảm khác. Số tàu chiến ở vịnh Bắc Bộ tăng từ 18 lên 66 tàu, chiếm 60% tổng số tàu chiến đấu và tàu đổ bộ của Hạm đội 7. Toàn bộ lực lượng này được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Tập đoàn Không quân chiến lược lâm thời số 57, sở chỉ huy đặt tại Guyam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #78 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2021, 10:26:32 am »

III. GIỮ VỮNG LIÊN MINH VIỆT NAM - LÀO, PHỐI HỢP ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN (1973 - 1975)


1. Tiếp tục giữ vững liên minh Việt Nam - Lào trong tình hình mới

Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết (tháng 1 năm 1973), đế quốc Mỹ buộc phải rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấm dứt mọi dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Tuy vậy, đế quốc Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn vẫn âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, tiếp tục thực hiện chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, dưới hình thức mới “quân ngụy cộng viện trợ kinh tế, quân sự và cố vấn Mỹ”. Đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ cho Sài Gòn1, tiếp tục dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam. Mỹ còn tiếp tục duy trì lực lượng không quân, hải quân Mỹ ở các vùng phụ cận Việt Nam làm “lực lượng răn đe” để hỗ trợ cho quân nguỵ, đồng thời tiếp tục tăng cường các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Được sự hậu thuẫn của Mỹ, quân nguỵ Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định Pari, liên tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Địch tập trung lực lượng lớn tiến công có trọng điểm các vùng giải phóng quan trọng của Việt Nam ở Cửa Việt (Quảng Trị), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Đại Lộc (tây Quảng Nam), bắc Kon Tum, nam - bắc đường 4, Chương Thiện (Nam Bộ)...

Trước tình hình trên, tháng 7 năm 1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xác định: cách mạng miền Nam chỉ có thể giành được thắng lợi bằng con đường bạo lực cách mạng; nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao..., phải kiên quyết phản công và tiến công địch.

Dưới ánh sáng Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, từ cuối năm 1973, bộ đội Việt Nam đã kiên quyết phản công và tiến công địch, giành được những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường. Khu 9: đánh bại nhiều cuộc hành quân lấn chiếm của địch, xoá bỏ nhiều đồn bốt, giải phóng hơn 400 ấp với gần 80 vạn dân. Khu 8: vượt qua thời kỳ khó khăn, chuyển sang tiến công tiêu diệt nhiều đồn bốt địch, giải phóng thêm 200 ấp với trên 10 vạn dân. Khu 7: tiếp tục duy trì thế tiến công, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm giải toả của địch, giữ vững các lõm giải phóng, bàn đạp ở vùng ven và phía bắc Sài Gòn. Ở Tây Nguyên, sau trận tiến công Chư Nghé (tháng 9 năm 1973), bộ đội tiếp tục tiến công đánh chiếm Đắc Pét, Măng Bút, Măng Đen, Iaxúp, mở rộng thêm được vùng giải phóng và hành lang chiến lược. Ở Trị - Thiên, bộ đội tiêu diệt lớn quân địch lấn chiếm Cửa Việt, áp sát vùng giáp ranh, uy hiếp địch ở nông thôn, đồng bằng. Khu 5: tiến hành tổ chức các chiến dịch tiến công tiêu diệt các chi khu, quận lỵ của địch như Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức, mở rộng bàn đạp ở vùng giáp ranh và đồng bằng...

Cùng với việc kiên quyết phản công, tiến công địch, từ sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Việt Nam tranh thủ tận dụng những điều kiện có lợi để củng cố và xây dựng lực lượng về mọi mặt. Các quân đoàn chủ lực được thành lập trên cơ sở các đơn vị quân binh chủng hợp thành, đứng chân trên các địa bàn chiến lược 2, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng tiêu diệt lớn quân địch.

Việt Nam cũng tập trung mở rộng, nâng cấp đường Trường Sơn, bảo đảm cho tác chiến lớn. Trên toàn tuyến, các đơn vị đã mở mới 5.560 km đường, đưa tổng số chiều dài tuyến đường này lên đến 16.790 km. Tại các chiến trường, các quân khu, địa phương đã mở mới và nâng cấp 6.000 km đường chiến dịch, nối thông hệ thống đường này với đường chiến lược Trường Sơn. Đường ống dẫn dầu đi theo đường Trường Sơn cũng vươn tới Bù Gia Mập, Nam Bộ. Lượng dự trữ vật chất của Việt Nam ở chiến trường miền Nam đã có 700.000 tấn đạn, 107.000 tấn xăng dầu, 80.000 tấn lương thực - thực phẩm, 2.400 tấn thuốc và 5.400 tấn vật chất khác. Đến mùa Hè năm 1974, đường đông và tây Trường Sơn hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc. Đồng thời, tuyến hành lang Đông - Tây Trường Sơn hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch rộng trên 130.000 km2, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường.

 Tại Lào, theo Hiệp định Viêng Chăn (tháng 2 năm 1973), cục diện nước Lào sẽ hình thành ba vùng với hai chính quyền song song tồn tại, đó là: vùng giải phóng với 4/5 đất đai và hơn một nửa số dân do Pathết Lào quản lý; vùng do chính quyền phái hữu chiếm đóng; vùng thứ ba là vùng “trung lập hoá” gồm hai đô thị Viêng Chăn và Luổng Phạbang, có lực lượng của cả hai bên cùng tham gia quản lý, bảo vệ; Chính phủ liên hiệp lâm thời lần thứ ba và Hội đồng Chính trị hiệp thương được thành lập với thành phần đại biểu của hai bên ngang nhau.

Với Hiệp định Viêng Chăn, cách mạng Lào bước vào thời kỳ mới với thế và lực lớn hơn hẳn so với hai lần hoà hợp trước. Lực lượng vũ trang với hơn 3 vạn quân tập trung cùng hơn 5 vạn dân quân du kích trên khắp mọi miền của đất nước đã vượt qua gian lao, thử thách, hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề, chiến thắng địch trong những trận đọ sức quyết định. Hiệp định Viêng Chăn lại tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý để nhân dân Lào thực hiện hoà hợp dân tộc và hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước. Mặt khác, sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (ngày 2 tháng 3 năm 1973), cục diện trên chiến trường Đông Dương đã có sự thay đổi lớn có lợi cho các lực lượng cách mạng, làm cho chính quyền nguỵ Lào hoang mang, lo sợ.

Tuy vậy, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu thôn tính Lào. Chúng khai thác triệt để những điều khoản có lợi của Hiệp định, cố tách quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Lào và ngăn cản sự chi viện của nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào. Mặt khác, chúng ra sức phá hoại, gây trở ngại cho việc thi hành Hiệp định. Trong tài khoá 1973 - 1974, đế quốc Mỹ viện trợ cho chính quyền Viêng Chăn 310 triệu USD và để ở Lào 2.000 nhân viên CIA, cố vấn quân sự đội lốt dân sự, duy trì 10 vạn quân nguỵ tiếp tục đánh phá cách mạng Lào. Chúng vẫn ngang nhiên giữ lại 20 tiểu đoàn quân Thái Lan ở Lào, dùng quân Thái Lan thay thế cho quân nguỵ Lào trong nhiệm vụ chiếm đóng, thúc ép quân nguỵ Lào, phối hợp với quân Thái Lan mở nhiều cuộc càn quét, hòng chiếm lại nhiều vị trí chiến lược trong vùng giải phóng như Thà Thôm, Thà Viêng (nam Xiêng Khoảng), Na Xê, Thặm La (Thà Khẹc), Pạc Thà (Xaynhabuli). Mỹ còn chỉ đạo lực lượng Vàng Pao sáp nhập vào quân phái hữu để tránh phải giải thể “lực lượng đặc biệt”; tổ chức “lực lượng phát triển nông thôn” nhằm khống chế vùng nông thôn do chúng kiểm soát; xúi giục một số sĩ quan phản động do tướng Thạo Ma cầm đầu, phối hợp với Phủi Xánánicon làm đảo chính ở Viêng Chăn (ngày 20 tháng 8 năm 1973) nhằm ngăn cản việc thi hành Hiệp định, gây lại tình hình căng thẳng ở Lào.

Để đánh bại các âm mưu thủ đoạn của địch và xây dựng vùng giải phóng trong điều kiện mới, ngay sau khi Hiệp định Viêng Chăn được ký kết (tháng 4 năm 1973), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã gửi điện tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam yêu cầu Việt Nam tiếp tục viện trợ cho Lào trong năm 1973, cụ thể: tiếp tục cử chuyên gia giúp các ngành hành chính sự nghiệp, kinh tế, văn hoá...; giúp cơ quan đại diện Neo Lào Hắc Xạt tại Hà Nội; tiếp tục giúp tiếp nhận, bảo quản, đóng gói và vận chuyển các thiết bị vật tư hàng hoá của các nước anh em gửi giúp Lào và vận chuyển hàng hoá của Lào trao đổi với các nước bạn; tiếp tục tiếp nhận đào tạo học sinh, thực tập sinh và nghiên cứu sinh Lào; tiếp tục giúp đỡ một số vật tư thiết bị, lương thực - thực phẩm, giúp xây dựng một số cơ sở kinh tế, văn hoá trong vùng giải phóng; giúp xây dựng một số sân bay ở Thà Khoổng, Xalavăn, Mương Mày... và xây dựng hai thị trấn Sầm Nưa và Na Kay; giúp khai thác mỏ mănggan ở Na Kay; giúp xây dựng một số cơ sở chăn nuôi.

Về phía Việt Nam, để đáp ứng tình hình mới ở cả hai nước, ngày 21 tháng 4 năm 1973, Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Bộ Tư¬ lệnh Mặt trận 316 thành Bộ T¬ư lệnh Mặt trận 31 và Sư đoàn 316 trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Mặt trận 31 (có Trung đoàn 335 ở Bắc Lào và Trung đoàn 866 ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng) có nhiệm vụ: giữ vững vùng giải phóng, làm hậu thuẫn vững chắc cho đấu tranh chính trị của Lào, tham gia công tác vận động quần chúng, vận động binh lính địch... Sư đoàn 316 được tăng cường thêm một số đơn vị, trở thành sư đoàn chủ lực của Bộ. Sau khi tái lập lại (tháng 5 năm 1973), sư đoàn vừa củng cố, huấn luyện, vừa tham gia bảo vệ vùng giải phóng Lào, tạo áp lực cho nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở vùng địch tạm chiếm. Tháng 12 năm 1973, sư đoàn được lệnh hành quân về nước nhận nhiệm vụ mới. Riêng Trung đoàn 174, theo yêu cầu của Lào, ở lại thêm sáu tháng nữa, giúp gây áp lực cho đấu tranh thi hành Hiệp định Viêng Chăn.

Do Nam Lào có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước, nên Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho Đoàn 565: “Chuyên gia giúp địa phương, cụ thể là vùng Nam Lào xây dựng lực lượng từ tỉnh xuống các đại đội, cùng các địa phương phát động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng giải phóng, trong vùng địch hậu. Ngoài ra, Đoàn chuyên gia 565 còn giúp vận chuyển hàng hoá, phục vụ các chiến trường Nam Lào, xây dựng cơ sở vững chắc ở vùng giải phóng và vùng địch hậu, phối hợp với bộ đội địa phương, bảo vệ tuyến vận tải hành lang 559” . Đoàn 968 quân tình nguyện được bổ sung thêm một số trung đoàn bộ binh và đơn vị binh chủng để chuyển thành Sư đoàn 968 , giúp bạn bố trí lực lượng, huấn luyện quân sự, tổ chức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Viêng Chăn.



--------------------------------------------------------------------
1. Mỹ viện trợ cho chính quyền nguỵ Sài Gòn sau Hiệp định Pari: 652 máy bay các loại, 70 khẩu pháo mặt đất và pháo phòng không các loại, 220 xe tăng, xe thiết giáp cùng nhiều khí tài, vật chất khác. Hồ sơ TK-19, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

2. Quân đoàn 1 được thành lập tháng 10 năm 1973 ở miền Bắc, Quân đoàn 2 được thành lập tháng 5 năm 1974 ở Trị - Thiên, Quân đoàn 4 được thành lập tháng 7 năm 1974 ở Đông Nam Bộ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #79 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2021, 09:57:38 am »

Trước sự phát triển nhanh chóng của cách mạng ba nước Đông Dương và yêu cầu của cách mạng Lào, trong Hội nghị lần thứ 21 (tháng 7 năm 1973), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục xác định: “Đoàn kết ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với ba nước Đông Dương. Lợi ích dân tộc chân chính của mỗi nước gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc đấu tranh chung cho hoà bình và độc lập dân tộc không những trước mắt mà cả lâu dài về sau. Đoàn kết, hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ và xây dựng đất nước theo con đường của mỗi nước là nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa nhân dân ta với nhân dân hai nước Lào và Campuchia theo tinh thần quốc tế vô sản chân chính” .

Trên tinh thần đó, trong giai đoạn cách mạng mới, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương giúp Lào phát huy thắng lợi đã đạt được, củng cố và đẩy mạnh các hoạt động buộc đế quốc Mỹ phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Viêng Chăn. Trung ương đã chỉ thị cho các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia sang giúp Lào: “Phải tăng cường đội ngũ cán bộ, chuyên gia nhằm thực hiện tốt việc tiếp quản hai thành phố Viêng Chăn, Luổng Phạbang... Hướng dẫn bạn ra sức phát động quần chúng đấu tranh với ba hình thức. Mở cấp tốc các lớp, các đợt huấn luyện ngắn hạn, đào tạo cho bạn những kiến thức cơ bản về quân sự, chính trị, kinh nghiệm đấu tranh binh vận... Củng cố hệ thống tổ chức từ tỉnh đến các huyện” .

Với tinh thần cảnh giác cao độ, đồng thời được sự giúp đỡ tận tình của Việt Nam, quân và dân Lào đã đánh bại mọi thủ đoạn phá hoại việc thi hành Hiệp định Viêng Chăn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, buộc chúng phải ký Nghị định thư, giải quyết những vấn đề cụ thể về chính trị và quân sự để thi hành Hiệp định Viêng Chăn vào ngày 14 tháng 9 năm 19731, tạo điều kiện thuận lợi để quân dân Lào đẩy mạnh cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi trọn vẹn.

Trước tình hình mới, ngày 4 tháng 10 năm 1973, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào họp, xác định: tiếp tục giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập, hoà hợp dân tộc..., đoàn kết nhân dân cả nước, phát huy thắng lợi đã giành được..., dựa trên cơ sở pháp lý của Hiệp định và Nghị định thư Viêng Chăn, đấu tranh buộc đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh và đầy đủ mọi điều kiện đã ký; tiếp tục nâng cao cảnh giác, đánh bại mọi âm mưu phá hoại của bọn tay sai cực đoan, duy trì hoà bình lâu dài, tạo điều kiện tăng cường củng cố cách mạng về mọi mặt, tiến lên giành những thắng lợi to lớn trong việc xây dựng một nước Lào độc lập, dân chủ, trung lập thống nhất và thịnh vượng.

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 10 năm 1973), theo yêu cầu của Lào, chuyên gia Việt Nam giúp Quân uỷ Trung ương Lào lập kế hoạch đưa toàn bộ đơn vị bộ đội chủ lực và các tiểu đoàn tập trung của các quân khu, tỉnh lên phía trước tiếp cận với đối phương. Nhanh chóng triển khai thế trận, gây áp lực hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh, đồng thời nắm chắc tình hình đối phương, sẵn sàng chiến đấu, đánh bại các âm mưu lấn chiếm của địch.

Đoàn 959 giúp Quân uỷ Lào xây dựng kế hoạch phân chia chiến trường từ Bắc xuống Nam Lào thành bốn khu vực: khu vực Hạ Lào đối tượng là Quân khu 4 của địch, thành phố Xalavăn và Pạc Xê; Trung Lào đối tượng là Quân khu 3 của địch, thành phố Xavẳnnakhệt và Thà Khẹc; Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đối tượng là Quân khu 2 và Quân khu 5 của địch, hướng hoạt động là Xảm Thông, Loòng Chẹng và Thủ đô Viêng Chăn; Bắc Lào trọng tâm hoạt động hướng vào Quân khu 1 của địch và thành phố Luổng Phạbang. Đoàn đã xây dựng kế hoạch giúp Bộ Tổng Tham mưu Lào thành lập các Ban Chỉ huy Mặt trận thống nhất ở từng khu vực, tổ chức hệ thống thông tin liên lạc từ Bộ đến thẳng Mặt trận và xây dựng mạng lưới hậu cần riêng cho từng khu vực; cử một số cán bộ xuống các mặt trận giúp triển khai lực lượng, đưa cán bộ có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vào thành phố Viêng Chăn, dựa vào Đại sứ quán Việt Nam, giúp bộ phận hoạt động nội thành của Lào chỉ đạo công tác vận động binh lính địch và đấu tranh thi hành các điều khoản của Hiệp định Viêng Chăn.

Đoàn còn phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Quân khu Tây Bắc, Quân khu 3 và Tổng cục Hậu cần giúp Lào chuẩn bị và đưa các tiểu đoàn quân giải phóng nhân dân Lào vào làm nhiệm vụ cảnh vệ và cảnh sát liên hiệp ở hai thành phố Viêng Chăn và Luổng Phạbang theo quy định của Nghị định thư. Chỉ trong ba tháng, các đơn vị trong nước cùng Tổng cục Hậu cần và Đoàn 959 đã giúp Lào xây dựng hoàn chỉnh hai đơn vị làm nhiệm vụ cảnh sát liên hiệp, hai đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ; đưa các đơn vị này cùng hàng nghìn tấn hàng hoá, trang bị vào hai thành phố Viêng Chăn và Luổng Phạbang an toàn, tạo điều kiện cho Hoàng thân Xuphanuvông và đoàn cán bộ Neo Lào Hắc Xạt tham gia thành lập Chính phủ liên hiệp.

Theo quy định của Nghị định thư, tháng 1 năm 1974, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 15 vào thành phố Viêng Chăn và hai tiểu đoàn (406 và 409) vào Luổng Phạbang. Các đơn vị của Pathết Lào vào Viêng Chăn và Luổng Phạbang đã được nhân dân chào đón nồng nhiệt. Quân phái hữu đã đưa ra những điều kiện vô lý để ngăn cản các tiểu đoàn này vào hai thành phố trung lập. Nhưng trước sự kiên trì đấu tranh của phái đoàn Neo Lào Hắc Xạt trong các tổ chức liên hợp, cuối cùng lực lượng phái hữu cũng phải để cho các tiểu đoàn vào hai thành phố như đã thoả thuận ở Nghị định thư.

Song song với việc đưa quân vào bảo vệ an ninh hai thành phố trên, bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào đã cảnh giác đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm của địch ra các vùng giải phóng ở Luổng Phạbang, tây Mương Xủi - Xála Phu Khun, đông và nam Thà Khẹc, nam đường 9, nam Pạc Xê, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của nhân dân ở vùng địch tạm chiếm.

Tại khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, đầu năm 1974, Mặt trận 31 cử nhiều tổ công tác cùng các cán bộ Lào làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, củng cố các đội du kích trong các bản làng. Mặc dù hoạt động sâu trong vùng địch, kẻ thù ráo riết cản phá, đời sống khó khăn, thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ của Mặt trận luôn kiên trì bám dân tuyên truyền vận động, gây dựng được nhiều cơ sở trong quần chúng, dìu dắt nhiều tổ du kích trong các bản làng ngư¬ời Lào Xủng, tạo ra lực l-ượng tại chỗ để giành chính quyền khi thời cơ đến.

Tại Nam Lào, trên cơ sở lực lượng chuyên gia đã có tại các tỉnh, Đoàn chuyên gia quân sự 565 khẩn trương giúp các địa phương xây dựng lực lượng, tiến công địch bằng ba mũi giáp công (nổi dậy của quần chúng, binh biến trong quân nguỵ, hậu thuẫn của lực lượng vũ trang cách mạng). Theo yêu cầu của Lào, ở bảy tỉnh thuộc Nam Lào (Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt, Xalavăn, Áttapư, Chămpaxắc, Távên Oọc và Xiphănđon), Trường Quân chính Quân khu và Đặc khu Bôlavên đều bố trí các tổ chuyên gia Việt Nam có cấp tương đương cán bộ Lào. Ở các đơn vị, vẫn duy trì chuyên gia ở cấp tiểu đoàn. Ngoài công tác huấn luyện và chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, Đoàn chuyên gia quân sự 565 còn giúp Nam Lào điều chỉnh một bước về tổ chức lực lượng, trong đó tập trung kiện toàn hai cụm chủ lực ở Hạ Lào và Trung Lào (phát triển lực lượng mỗi cụm lên tương đương một lữ đoàn). Tiếp đó, xây dựng lực lượng, tạo thế vững chắc cho các tỉnh thuộc trung ương để tiến tới giải thể Quân khu Nam Lào. Ở tất cả các đơn vị của Nam Lào, việc phối hợp làm việc của chuyên gia ta với chỉ huy của các đơn vị ngày càng có hiệu quả. Tuy địch vẫn duy trì bọn phỉ hoạt động quấy rối, ra sức tuyên truyền chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Lào, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nên cán bộ, nhân dân Lào ngày càng tin tưởng ở chuyên gia quân sự Việt Nam, khắc phục được các biểu hiện mất đoàn kết chia rẽ trong nội bộ một vài đơn vị Lào. Về xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, chuyên gia Việt Nam đã giúp tổ chức phòng ngự vững chắc các vị trí quan trọng như: Mương Pha Lan, Đồng Hến, Kẹng Koọc, Khôngxêđôn, Pạc Xoòng, Bôlavên. Đoàn cũng đã giúp Tiểu đoàn 11 thuộc vùng Nam Lào và bộ đội tỉnh Khăm Muộn thực hiện tốt công tác binh vận đối với quân nguỵ Lào2; triển khai nhiều đợt hoạt động kết hợp phong trào đấu tranh của quần chúng với sử dụng lực lượng vũ trang, giải phóng vùng Khăm Muộn và bắc Xavẳnnakhệt... Những hoạt động này đã thiết thực góp phần củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng và mở rộng vùng giải phóng.

 Trên mặt trận đối ngoại, từ cuối năm 1973, Đảng Lao động Việt Nam đã tổ chức các đoàn đại biểu đại diện cho Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức vùng giải phóng Lào, như: chuyến thăm của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương dẫn dầu, từ ngày 2 đến 6 tháng 11 năm 1973; chuyến thăm của Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu (tháng 1 năm 1974); chuyến thăm của Đoàn đại biểu phụ nữ giải phóng miền Nam, do bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu (tháng 4 năm 1974)...

Việt Nam cũng giúp Lào đón nhiều đoàn đại biểu của các nước đến thăm vùng giải phóng Lào, như: Đoàn đại biểu Quốc hội Thuỵ Điển, Đoàn đại biểu kinh tế Cuba (tháng 1 năm 1974); Đoàn đại biểu Đảng Công nhân xã hội thống nhất Hunggari, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Bungari (tháng 2 năm 1974); Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba (tháng 2 năm 1974)...

Các chuyến thăm chính thức của Việt Nam cũng như việc giúp Lào đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, không chỉ có ý nghĩa thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, mà còn góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Lào trên trường quốc tế, tạo thế và lực cho cuộc đấu tranh ở trong nước.

Sau gần một năm lãnh đạo cách mạng trong điều kiện hoà bình, trong các ngày 10 và 11 tháng 12 năm 1973, Đoàn đại biểu cấp cao hai Đảng đã có cuộc hội đàm tại Đồ Sơn bàn về tình hình cách mạng hai nước và phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Đoàn Việt Nam có các đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương; Nguyễn Duy Trinh, Uỷ viên Bộ Chính trị; Hoàng Anh, Bí thư Ban Bí thư; Nguyễn Đôn, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào gồm các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư; Xuphanuvông, Nủhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Khăm Tày Xiphănđon, Xỉxổmphon Lòvănxay, Uỷ viên Bộ Chính trị. Tham dự hội đàm còn có các đồng chí Đặng Thí, Bộ trưởng; Đào Việt Hưng và Nguyễn Chính Giao, Uỷ viên Ban Công tác miền Tây.

Trong cuộc hội đàm, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã trình bày hai vấn đề: tình hình nhiệm vụ, phương hướng công tác lớn của cách mạng Lào và làm thế nào để Đảng Lao động Việt Nam giúp cách mạng Lào có hiệu quả hơn trong thời kỳ mới. Đồng chí đã khái quát quá trình phát triển của cách mạng Lào và khẳng định sự giúp đỡ to lớn của Việt Nam cũng như những cống hiến to lớn của đội ngũ chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Lào. Về vấn đề chuyên gia trong thời kỳ mới, đồng chí nói: “hiện nay tổ chức chuyên gia ở Lào, trên Trung ương có Đoàn chuyên gia, Đoàn 959, ở các tỉnh uỷ, huyện uỷ, một số xã, một số tiểu đoàn đều có tổ chuyên gia; các cơ quan trung ương như: Tuyên giáo, Tổ chức, Kinh tế, Tài chính... đều có tổ chuyên gia... Vì vậy, nảy sinh tình trạng ỷ vào chuyên gia Việt Nam của cán bộ Lào. Thêm nữa, trong thời gian qua, do yêu cầu của phía Lào, số lượng chuyên gia Việt Nam tăng nhiều, nên một số chuyên gia không đáp ứng được yêu cầu, kinh nghiệm công tác không phù hợp với đặc điểm của Lào.

Phương hướng thời gian tới nên: tập trung vào giúp những vấn đề cơ bản nhất, những khâu then chốt nhất, tạo điều kiện cho Lào nhanh chóng đảm đương công việc một cách độc lập, tự chủ; hai Đảng trao đổi với nhau toàn diện về các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, nhưng chuyên gia thì không nên giúp toàn diện nữa. Về kinh tế, văn hoá nên tăng cường giúp, nhưng chính trị, quân sự thì từng bước giảm bớt, đi đến bỏ hẳn chuyên gia; yêu cầu Việt Nam giúp một số chuyên gia nghiên cứu cơ bản cho trung ương về kinh tế và quân sự; cần bỏ hệ thống dọc của chuyên gia, bỏ các đoàn chuyên gia ở trung ương cũng như các địa phương. Tất cả chuyên gia do phía Lào trực tiếp chỉ đạo, giao công tác” .

Riêng về quân sự, đồng chí Khăm Tày đề nghị: quân tình nguyện cần ở lại chiến đấu với Lào, lực lượng này bố trí ở các khu vực chiến lược như Luổng Phạbang, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, cao nguyên Bôlavên và vùng bắc Hỉn Hợp; cần có tổ chuyên gia quân sự giúp công tác tổng kết, tổng hợp tình hình và tổ chuyên gia giúp các cụm chủ lực cần thiết.

Hai đoàn thống nhất xác định: vấn đề quan trọng quyết định nhất trong tình hình hiện nay để đưa cách mạng Lào tiến lên là phải củng cố, xây dựng vùng giải phóng, nắm chắc lực lượng vũ trang, đi đôi với việc sử dụng Chính phủ liên hiệp, đẩy mạnh đấu tranh chính trị trong hai thành phố trung lập và trong vùng đối phương quản lý. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định và Nghị định thư Viêng Chăn, cần phải bố trí lại lực lượng, đưa các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, đề phòng địch bất ngờ tiến công lấn chiếm; đưa bộ đội giải phóng Lào lên phía trước, trực tiếp tiếp xúc với địch, gây áp lực, làm chỗ dựa cho quần chúng đấu tranh và sẵn sàng tiến công địch khi cần thiết.

Về vấn đề chuyên gia, hai bên nhất trí rút phần lớn chuyên gia Việt Nam về nước, nhưng phải bàn bạc cụ thể, làm từng bước thận trọng.




-----------------------------------------------------------------
1. Nghị định thư quy định: việc tổ chức Chính phủ lâm thời, tỷ lệ phân phối các bộ; việc thành lập Hội đồng Chính trị liên hiệp, các nguyên tắc, lề lối làm việc; quy định về cơ cấu chính quyền và lực lượng hỗn hợp hai bên đưa vào hai thành phố trung lập; quy định kế hoạch cụ thể về việc rút hết quân đội nước ngoài...

2. Sáu tháng đầu năm 1973, tỉnh Khăm Muộn đã vận động được hàng trăm binh sĩ địch bỏ ngũ, trong đó có hơn 50 người chạy sang hàng ngũ quân giải phóng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM