Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:30:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007  (Đọc 5528 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 04:04:35 pm »

Để thống nhất chỉ huy, ngày 15 tháng 4 năm 1962, hai Bộ Quốc phòng Lào và Việt Nam đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Nặm Thà 1. Tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch phía Việt Nam có Thiếu tướng Bằng Giang (Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào) làm tư lệnh. Phía Lào có đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pathết Lào.

Ngày 24 tháng 4 năm 1962, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 335 quân tình nguyện Việt Nam nổ súng tiến công các cao điểm 1620, 1680 thuộc ngoại vi Nặm Thà, đánh tan Tiểu đoàn dù 55 của địch. Tiếp đó, ngày 3 tháng 5 năm 1962, lực lượng vũ trang tỉnh Luổng Nặm Thà phối hợp với Tiểu đoàn 2 quân tình nguyện Việt Nam tấn công cứ điểm Mương Xỉnh. Trận này, liên quân Lào - Việt diệt 35 tên, bắt 194 tù binh, bắn hỏng một máy bay, thu 12 ôtô vận tải, 279 súng các loại. Sau khi giải phóng Mương Xỉnh, liên quân Lào - Việt phát triển đánh chiếm Mương Long, một mũi đánh chiếm Bạn Kha; một mũi phát triển xuống Viêng Phu Kha hình thành thế bao vây chiến dịch tiêu diệt quân địch bỏ chạy từ Nặm Thà.

Sau khi tấn công tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi, đêm 4 tháng 5, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 701 Pathết Lào cùng lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Luổng Nặm Thà phối hợp với năm tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam tấn công cụm cứ điểm Nặm Thà, đến trưa ngày 6 tháng 5, liên quân Lào - Việt hoàn toàn làm chủ chiến trường 2.

Chiến thắng Nặm Thà có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự và chính trị. Liên quân Lào - Việt không chỉ tiêu diệt được một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch vừa mới được xây dựng, mà còn giáng đòn mạnh về chính trị, đánh vào âm mưu của Mỹ và chính quyền tay sai Phumi Nòxavẳn, làm cho tinh thần đội quân đánh thuê thêm hoang mang, dao động. Uy tín của Neo Lào Hắc Xạt, quân đội Pathết Lào được nâng cao, khu giải phóng được mở rộng thành căn cứ liên hoàn đến tận biên giới Trung Quốc.

 Ngay sau chiến dịch, Quân uỷ Trung ương Việt Nam điện khen ngợi bộ đội tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào: “Các đồng chí đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào thắng lợi to lớn của cách mạng Lào, làm xoay chuyển tình thế có lợi cho cách mạng Lào” .

Từ ngày 7 đến 9 tháng 6 năm 1962, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị toàn thể lần thứ chín (khoá I). So sánh tương quan lực lượng giữa các phái, Hội nghị nhận định tình hình Lào có thể diễn ra theo ba khả năng:

- Chính phủ liên hiệp được thành lập, Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Lào thành công.
- Hội nghị Giơnevơ kéo dài, Chính phủ liên hiệp không thành lập được, tiếp tục trong tình trạng vừa đánh vừa đàm.
- Các cuộc đàm phán bị cắt đứt, chiến sự mở rộng, địch thực hiện được âm mưu chia cắt đất đai.

Căn cứ vào tương quan lực lượng hiện tại, khả năng thứ nhất còn có một số khó khăn và khả năng thứ hai đang diễn ra.

Sau khi phân tích cụ thể tình hình các mặt của cách mạng, Hội nghị quyết định: ra sức tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt, ra sức củng cố lực lượng vũ trang, củng cố căn cứ địa, xây dựng kinh tế và cải thiện dân sinh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ mà Neo Lào Hắc Xạt là nòng cốt. Trước hết, phải củng cố mặt trận với Hoàng thân Phuma và lực lượng trung lập yêu nước, thúc đẩy mọi hình thức đấu tranh, phân hoá địch đến tột độ, phá hoại mọi âm mưu mới của Mỹ - Phumi, tiến lên giành thắng lợi mới.

Về phương châm hoạt động, chính trị kết hợp với quân sự, tuỳ trường hợp, tuỳ tình hình từng nơi, có lúc nặng về mặt này nhẹ về mặt kia...
Từ ngày 9 đến 12 tháng 6 năm 1962, Hội nghị cấp cao ba phái họp tại Cánh đồng Chum. Sau ba ngày thảo luận, trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được trong các bản tuyên bố chung Hỉn Hợp, Duyrích, Cánh đồng Chum và Giơnevơ, ba Hoàng thân Xuphanuvông, Xuvănna Phuma và Bun Ùm đại diện ba phái đã thoả thuận lập một chính phủ liên hiệp gồm 19 người do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng.
Ngày 2 tháng 7 năm 1962, sau một thời gian gián đoạn, Hội nghị quốc tế 14 nước tại Giơnevơ họp trở lại để bàn các vấn đề bảo đảm hoà bình, trung lập, chủ quyền, thống nhất của Lào. Ngày 23 tháng 7, Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết. Các nước tham gia ký kết Hiệp định Giơnevơ thừa nhận tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào; cam kết không can thiệp bằng bất cứ cách nào vào công việc nội bộ của Lào; không đề nghị hoặc thúc ép Lào tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào không phù hợp với nền trung lập của Lào.

Việc ký Hiệp định Giơnevơ 1962, giải quyết hoà bình vấn đề Lào là một thắng lợi to lớn của lực lượng cách mạng Lào liên minh với những người trung lập yêu nước, của phe xã hội chủ nghĩa và phong trào hoà bình dân chủ thế giới. Bằng việc long trọng xác nhận những nguyên tắc căn bản của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Hội nghị quốc tế Giơnevơ 1962 về Lào đã mặc nhiên lên án sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ vào Lào, đồng thời nêu ra những việc cụ thể cần làm để giúp Lào bảo đảm nền hoà bình, trung lập và xây dựng một nước Lào độc lập, thống nhất, dân chủ và phồn vinh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Lào được quốc tế cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Pathết Lào có vùng giải phóng rộng lớn chiếm 2/3 đất đai và hơn 1/3 dân số toàn quốc.   
 
Sau Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào, thực hiện cam kết của mình, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện và đại bộ phận chuyên gia quân sự về nước 3. Trong thời gian này, các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân Lào, Neo Lào Hắc Xạt đã tổ chức nhiều chuyến đi nắm tình hình ở các tỉnh, các quân khu để điều chỉnh bố trí lại lực lượng, đồng thời thăm hỏi động viên các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phối hợp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng trong thời gian vừa qua. Đây cũng là lúc Chính phủ liên hiệp Lào thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Do vậy, trong buổi họp với cán bộ quân đội Lào, khoảng giữa tháng 9 năm 1962, tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, có các đồng chí Xỉngcapô Xỉkhốt Chunlamany, Xámản Vinhakệt, Xiphon tham dự, Hoàng thân Xuphanuvông nói: “Sau khi đặt quan hệ ngoại giao với các nước, chúng ta có thêm nhiều bạn bè, nhưng người bạn cùng sống chết, chung một chiến hào với ta chỉ có Việt Nam” .

Ngày 5 tháng 9 năm 1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam Lê Văn Hiến và Đại sứ Lào Thạo Pheng là những sứ giả đầu tiên của hai nước. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đầu năm 1963, Vua Lào Xỉxávàng Vắtthana dẫn đầu Đoàn đại biểu Hoàng gia Lào sang thăm Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi Vua Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “... hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em... Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được” .

Với tình cảm chân thành đó, trong buổi lễ tiễn đưa Nhà vua Lào lên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng khắc hoạ sâu đậm hơn nghĩa tình nồng thắm của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam: “Cuộc đi thăm nước Việt Nam của Nhà vua và các vị làm cho hai nước chúng ta đã gần nhau về địa dư lại càng gần nhau về tình nghĩa. Sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc anh em đã tiến lên một giai đoạn mới mẻ và tốt đẹp.

Hôm nay, Nhà vua và các vị rời đất nước chúng tôi, song những hình ảnh đẹp đẽ của cuộc đi thăm vẫn lưu lại lâu dài trong lòng chúng tôi.
Thật là:

Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt - Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long
.




------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng tham gia chiến dịch có Lữ đoàn bộ binh 316 đã đứng chân ở địa bàn chiến dịch, Lữ đoàn 335, Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 330), một tiểu đoàn sơn pháo 75 mm (13 khẩu), một tiểu đoàn súng cối 120 mm (12 khẩu), một tiểu đoàn phòng không 12,7 mm (12 khẩu); Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 701 Pathết Lào, đại đội địa phương Na Mô, đại đội địa phương Nặm Thà, một số trung đội địa phương huyện và dân quân du kích các xã. Tổng quân số tham gia chiến dịch khoảng 7.800 người.

2. Toàn chiến dịch, liên quân Lào - Việt loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.800 tên thuộc lực lượng cơ động chiến lược của quân nguỵ Viêng Chăn, trong đó GM11 bị tiêu diệt hoàn toàn; GM15 và GM18 bị thiệt hại nặng, thu 400 súng và gần 600 tấn đạn, giải phóng một khu vực gần 8.000 km2 với hơn 7 vạn dân.

3. Theo đó, Đoàn 959 với quân số 3.085 người (giữa năm 1962) rút gọn còn một bộ phận chuyên gia quân sự gồm 49 người do các đồng chí Nguyễn Hoà - tham mưu trưởng; Lê Xuân - chủ nhiệm hậu cần; Hà Minh Tân - phụ trách phòng chính trị của Đoàn ở lại giúp ba cơ quan thuộc Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Pathết Lào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2021, 11:12:19 am »

*
*     *


Thời kỳ 1954 - 1962 là thời kỳ cuộc đấu tranh cách mạng ở Lào và Việt Nam đứng trước những khó khăn, thử thách mới với nhiều diễn biến phức tạp do sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ vào các nước Đông Dương. Phát huy truyền thống hữu nghị và hợp tác trong kháng chiến chống Pháp, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, với sự dốc sức tự vươn lên của cách mạng Lào và tiếp nhận sự giúp đỡ chân tình, không điều kiện của Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào không ngừng lớn mạnh, bảo vệ vững chắc hai tỉnh tập kết, mở rộng vùng giải phóng, phát triển cơ sở và phong trào quần chúng, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, chi viện của phe xã hội chủ nghĩa, của dư luận hoà bình tiến bộ trên thế giới, từng bước đấu tranh đòi đế quốc Mỹ và Chính phủ Vương quốc Lào thực hiện Hiệp định Giơnevơ, tiến tới thành lập Chính phủ liên hiệp lần thứ nhất (tháng 11 năm 1957).

Sau khi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tiến hành lật đổ Chính phủ liên hiệp dân tộc, xoá bỏ các hiệp định hoà hợp dân tộc, đưa cố vấn và phương tiện chiến tranh vào Lào, thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt, mở các chiến dịch khủng bố và tấn công quân sự trên toàn quốc, Trung ương Đảng Nhân dân Lào, với sự giúp đỡ của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đã kịp thời chuyển hướng từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu kết hợp với đấu tranh chính trị.

Lực lượng cách mạng Lào liên tiếp giành những thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải chấp nhận thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái; tiếp đó Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào được ký kết, Vương quốc Lào và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thiết lập quan hệ ngoại giao.

Có được những thành công trên trước hết là do Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào ngay từ đầu đã xác định đúng đắn tầm quan trọng có ý nghĩa đặc biệt của mối quan hệ chiến lược cách mạng giữa hai Đảng và nhân dân hai nước trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Trên cơ sở đó, hai Đảng đã sớm thống nhất chủ trương, đường lối chính trị, quân sự để lãnh đạo nhân dân hai nước đấu tranh giành độc lập, tự do cho mỗi nước.

Để đảm bảo sự thống nhất về đường lối chính trị, quân sự, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, thông qua các cuộc hội đàm cấp cao, hai Đảng đã thống nhất ý kiến, cùng nhau rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, đưa cách mạng hai nước tiến lên. Trên cơ sở thống nhất về đường lối chính trị, quân sự, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, lực lượng vũ trang và mặt trận dân tộc thống nhất ở hai nước đã phát huy tích cực vai trò của mình trong việc tập hợp đông đảo lực lượng các tầng lớp nhân dân yêu nước, tranh thủ các tầng lớp trung gian, cô lập và phân hoá kẻ thù, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính của dân tộc là đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, được sự giúp đỡ có hiệu quả của Việt Nam, các lực lượng cách mạng Lào đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc hai tỉnh tập kết, kết hợp đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở 10 tỉnh, tích cực xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, tạo ra thế và lực đưa cách mạng Lào từng bước đi lên. Quân đội Pathết Lào được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội tình nguyện Việt Nam đã chống lại có hiệu quả các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, bảo vệ căn cứ địa cách mạng ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ, làm thất bại âm mưu bao vây, cô lập, tiêu diệt lực lượng cách mạng của đế quốc Mỹ và tay sai.

Cùng với sự thống nhất về đường lối chính trị, quân sự, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn quan hệ chiến đấu bảo vệ độc lập của Việt Nam và Lào là quan hệ bình đẳng giữa hai dân tộc, là mối quan hệ của những người anh em, đồng chí sống chết có nhau, cùng chống kẻ thù chung. Để củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt này, vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra là hai bên đều phải tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc trong quan hệ quốc gia và quốc tế. Để “phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và độc lập của nhau, trước hết với các nước xã hội chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa”  như chính sách đối ngoại của Đảng Nhân dân Lào đã xác định. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của Lào, kiên quyết chống tư tưởng nước lớn, tư tưởng ban ơn... Quán triệt tinh thần đó, trong quá trình giúp cách mạng Lào, các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình là giúp cách mạng Lào thực hiện mục tiêu chiến lược không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn là trách nhiệm của cách mạng Việt Nam và coi “giúp bạn là mình tự giúp mình”.

Ghi nhận sự giúp đỡ của Việt Nam cho sự nghiệp giải phóng của Lào, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu rõ: nhiều đồng chí Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Sầm Nưa, Cánh đồng Chum..., nhiều cán bộ Việt Nam đã sang Lào hoạt động từ lúc cách mạng mới bắt đầu cho đến khi tóc bạc, coi nhân dân Lào như nhân dân mình, coi sự nghiệp cách mạng Lào như sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đối với Việt Nam, sự hết lòng yêu quý, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào luôn là một nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Mỹ ở Lào đã phối hợp và hỗ trợ tích cực cho cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Đặc biệt, nhân dân Lào đã cùng chia sẻ với nhân dân Việt Nam trước bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, tạo mọi điều kiện để bộ đội Việt Nam mở đường Trường Sơn và mở các chiến dịch lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể nói, mối quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 1954 - 1962 đã được hai Đảng và nhân dân hai nước củng cố, phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ cách mạng của mỗi nước. Việt Nam luôn là hậu phương, là chỗ dựa vững chắc trong sự nghiệp đấu tranh của cách mạng Lào. Về phần mình, Đảng Nhân dân Lào cũng thường xuyên giáo dục nhân dân nêu cao tinh thần chiến đấu “đồng thời góp hết mình vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Campuchia anh em, sẵn sàng nhận phần khó khăn về mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp cách mạng của nhân dân hai nước anh em phát triển và giành thắng lợi” . Mối quan hệ tốt đẹp đó là cơ sở vững chắc để quân dân hai nước tiếp tục sát cánh bên nhau chiến đấu và giành nhiều thắng lợi mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai, giành độc lập, tự do cho mỗi nước.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2021, 11:21:40 am »

Chương VI
PHÁT TRIỂN LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU, ĐÁNH THẮNG CÁC CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH
CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN (1963 - 1975)



I. PHỐI HỢP XÂY DỰNG VÙNG GIẢI PHÓNG LÀO, XÂY DỰNG TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC TÂY TRƯỜNG SƠN,
TỪNG BƯỚC ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT Ở LÀO VÀ CHIẾN TRANH CỤC BỘ Ở VIỆT NAM (1963 - 1968)


1. Phối hợp giữ vững địa bàn Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và mở thông tuyến vận tải tây Trường Sơn

Từ năm 1963, tình hình cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng. Ngay từ đầu năm 1963, quân dân tỉnh Mỹ Tho đã lập nên chiến thắng Ấp Bắc vang dội 1, lần đầu tiên một tiểu đoàn quân giải phóng miền Nam cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh bại các biện pháp chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Bộ đội chủ lực của miền Nam và các khu đều được tăng cường nhanh chóng. Phong trào phá ấp chiến lược, phong trào đấu tranh chính trị của đông đảo quần chúng cách mạng dâng lên mạnh mẽ, chính quyền Sài Gòn lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên, quốc sách “ấp chiến lược” của Mỹ, nguỵ đứng trước nguy cơ bị phá sản, báo hiệu sự thất bại không tránh khỏi của chiến lược Chiến tranh đặc biệt ở miền Nam.

Ở miền Bắc, nhân dân hăng hái tham gia công cuộc lao động, xây dựng đất nước, đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất - xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Hình thái kinh tế - xã hội mới, với quan hệ sản xuất mới và những cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội bước đầu được thiết lập. Đặc biệt, 10 triệu nông dân tham gia hợp tác xã, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, không những đã đưa sản lượng nông nghiệp năm 1963 cao hơn hai lần năm 1939 (là năm có sản lượng cao nhất trong thời Pháp chiếm đóng), mà quan trọng hơn là đã tạo điều kiện để Đảng, Nhà nước Việt Nam củng cố phát triển nông thôn - địa bàn chiến lược rộng lớn nhất của căn cứ địa miền Bắc, tạo nên sự nhất trí cao về chính trị, tinh thần, động viên và tổ chức được hàng triệu thanh niên ra tiền tuyến chiến đấu. Đúng như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3 năm 1964): “... miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới” .

Tháng 12 năm 1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ chín (khoá III) để xác định những vấn đề về đường lối chiến tranh cách mạng miền Nam cũng như đường lối đoàn kết quốc tế. Hội nghị đã biểu thị tinh thần kiên quyết bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và hướng mọi hoạt động quốc tế của toàn Đảng, toàn dân vào việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Về cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng đã quyết định nhiều vấn đề chiến lược nhằm thúc đẩy cuộc chiến tranh cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn, như: nhấn mạnh yêu cầu mới của đấu tranh vũ trang để chủ động và kịp thời đối phó với hành động tăng cường chiến tranh leo thang của địch; xác định đấu tranh vũ trang ngày càng đóng vai trò quyết định trực tiếp tiêu diệt lực lượng quân sự địch; quyết định đưa từng đơn vị chủ lực (tiểu đoàn, trung đoàn) từ miền Bắc vào miền Nam, lập các khối chủ lực ở chiến trường, tăng dần quy mô tác chiến tập trung ở miền Nam. Như vậy, từ đây, việc chi viện từ miền Bắc vào miền Nam qua tuyến đường Trường Sơn sẽ ngày một tăng cao.

Tại Lào, sau khi Hiệp định Giơnevơ 1962 được ký kết, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược Lào. Trước tình hình mới, đế quốc Mỹ đã thực hiện chính sách hai mặt: một mặt, dùng mọi thủ đoạn để khống chế Chính phủ liên hiệp, phá vỡ sự hợp tác giữa Neo Lào Hắc Xạt với lực lượng trung lập; mặt khác, chúng ra sức củng cố lực lượng phái hữu để phục vụ cho ý đồ xâm lược đã vạch ra. Theo Hiệp định, ngày 7 tháng 10 năm 1962 là thời hạn cuối cùng cho việc rút quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài (cụ thể là Mỹ) ra khỏi lãnh thổ Lào, nhưng chính quyền Kennơđi chỉ cho rút 666 tên, còn phần lớn nhân viên trong các đoàn cố vấn quân sự như PEO (Programs Evaluation Office - Cơ quan đánh giá chương trình viện trợ), MAAG (Military Assistance Advisory Group - Phái đoàn cố vấn quân sự), PAG (Police Advisory Group - Phái đoàn cố vấn cảnh sát) và cơ quan viện trợ USOM (United States Operation Mission - Phái đoàn công tác của Mỹ) chuyển sang khoác áo dân sự dưới cái tên USAID (United States Assistance International Development - Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ), đồng thời duy trì một số lớn nhân viên quân sự Nam Việt Nam và Thái Lan ở các đơn vị của phái hữu. Chúng tăng cường viện trợ cho Phumi Nòxavẳn, tăng số quân nguỵ Viêng Chăn từ 54.000 tên năm 1962 lên 63.000 tên vào cuối năm 1963; xúc tiến khôi phục lại các binh đoàn cơ động (GM) bị tan rã trong chiến dịch Nặm Thà; tổ chức khôi phục lực lượng phỉ dưới tên gọi “lực lượng đặc biệt” lên tới 17.000 tên do Vàng Pao chỉ huy và đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của CIA và cố vấn Mỹ .

 Dưới sự giật dây của Mỹ, lực lượng phái hữu ra sức thao túng, phá hoại Chính phủ liên hiệp, lôi kéo mua chuộc Hoàng thân Phuma và Koongle; tung hàng trăm sĩ quan và binh sĩ của Phumi Nòxavẳn vào lực lượng trung lập nhằm gây rối nội bộ, lôi kéo lực lượng này. Do bị lôi kéo, mua chuộc nên nội bộ lực lượng trung lập diễn biến phức tạp. Một bộ phận phản bội cách mạng, đi theo phái hữu. Một bộ phận có xu hướng tiến bộ tách ra, do Đại tá Đươn Xúnnalạt chỉ huy, tiếp tục đứng về phe cách mạng, chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động. Bộ phận tiến bộ thường xuyên bị lực lượng trung lập phản bội, đe dọa khủng bố.

Trắng trợn hơn, đầu năm 1963, đế quốc Mỹ và tay sai còn tổ chức ám sát ông Kínim Phônxêna, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (ngày 1 tháng 4 năm 1963), uy hiếp các thành viên Neo Lào Hắc Xạt ở Viêng Chăn, buộc các thành viên của Neo Lào Hắc Xạt trong Chính phủ liên hiệp phải rút về Khăng Khay (ngày 14 tháng 4 năm 1963).

Sau khi lôi kéo được Koongle và một bộ phận lực lượng trung lập (tháng 3 năm 1963), địch mở nhiều đợt tiến công hòng chiếm toàn bộ khu vực Xiêng Khoảng, biến nơi này thành khu vực chiến trường ác liệt. Cuối năm 1963, chúng mở rộng chiến tranh ra cả nước, trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1962, làm cho Chính phủ liên hiệp chỉ còn trên danh nghĩa. Tháng 11 năm 1963, địch chiếm được khu vực Na Kay - đường 9; tháng 12, chúng tiến công uy hiếp đường 7 và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Tình hình Lào ngày càng căng thẳng.

Không chỉ thế, dọc biên giới Lào - Việt Nam từ đường 9 đến Apa Chai, lực lượng vũ trang và bán vũ trang của bọn phản động Lào đóng thành bảy vùng lớn với 89 vị trí có quân. Các khu vực này trở thành bàn đạp để bọn biệt kích Mỹ, nguỵ ở miền Nam xâm nhập phá hoại miền Bắc Việt Nam và uy hiếp tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn. Thêm nữa, trước sự kích động, dụ dỗ, cưỡng ép của Mỹ, nguỵ, một số phần tử phản động tề nguỵ cũ trong các dân tộc Thái, Mông ở khu vực biên giới bắt đầu ngóc đầu hoạt động trở lại. Rải rác ở một số vùng tại Thanh Hoá, Điện Biên, Sơn La đã có hiện tượng xưng vua. Những hành động cấu kết giữa Mỹ, nguỵ Sài Gòn với nguỵ Lào đều nhằm thực hiện âm mưu đánh phá, cắt đường tiếp tế giữa Việt Nam và Lào, giữa miền Bắc với miền Nam, cô lập cách mạng Lào, cách mạng miền Nam, đồng thời làm cho tình hình an ninh biên giới hai nước trở nên phức tạp, căng thẳng.

Trước tình hình có chiều hướng phức tạp, ngày 15 tháng 2 năm 1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ 11 . Sau khi xem xét kỹ tình hình mọi mặt từ sau khi thành lập Chính phủ liên hiệp, Hội nghị đã đề ra hai nhiệm vụ cho cách mạng Lào trong thời gian trước mắt, đó là đấu tranh duy trì Chính phủ liên hiệp, bảo vệ hoà bình và ra sức củng cố, phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt. Hội nghị cũng xác định nhiệm vụ của quân đội là phải tích cực hoạt động quân sự, làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, làm chuyển biến tình hình có lợi cho cách mạng.

Để giúp Lào thực hiện nhiệm vụ do Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương đề ra, ngày 18 tháng 6 năm 1963, Thường trực Quân uỷ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định phương hướng giúp Lào về quân sự, ra sức củng cố lực lượng vũ trang, lấy việc huấn luyện làm trung tâm, giữ vững và củng cố vùng giải phóng, phối hợp với lực lượng vũ trang trung lập tiến bộ giữ vững địa bàn quan trọng, nhất là khu vực Cánh đồng Chum; tăng cường giúp về vật chất kỹ thuật, phương tiện thông tin chỉ huy và một số chuyên gia quân sự để bảo đảm tác chiến, giữ vững khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Thường trực Quân uỷ Trung ương cũng đã quyết nghị những nguyên tắc tổ chức cơ quan công tác ở Lào, như: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm trực tiếp giúp Thường trực Quân uỷ Trung ương chỉ đạo công tác Lào, các cơ quan phải tổ chức bộ phận chuyên trách công tác Lào...

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã tổ chức một số đoàn chuyên gia quân sự để giúp Lào giữ vững khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và một số địa bàn quan trọng khác, như: ngày 15 tháng 4 năm 1963, thành lập Đoàn 463 chuyên gia quân sự Việt Nam bên cạnh Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, do Trung tá Nguyễn Bình Sơn làm trưởng đoàn; ngày 28 tháng 5 năm 1963, thành lập Đoàn công tác đặc biệt ở Lào (Đoàn 5), do Thượng tá Nguyễn Hữu An làm trưởng đoàn; ngày 18 tháng 7 năm 1963, quyết định thành lập Đoàn công tác đặc biệt thứ hai, do Trung tá Lê Kích làm chỉ huy trưởng.

Để có phương hướng giúp đỡ nhau toàn diện hơn, tháng 7 năm 1963, Bộ Chính trị của hai Đảng đã có cuộc hội đàm, trao đổi bàn về phương hướng phát triển của cách mạng Lào. Tham dự cuộc hội đàm có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào.

 Trong cuộc hội đàm, hai bên đã thống nhất nhận định thắng lợi của cách mạng Lào trong thời gian vừa qua là rất to lớn. Hiện nay, Mỹ - nguỵ đang ra sức phá hoại Chính phủ liên hiệp, tiến công lấn chiếm vùng giải phóng. Tuy nhiên, chúng vẫn đang trong thế phòng thủ, thực hiện chính sách hai mặt lợi dụng Hoàng thân Phuma, lôi kéo Koongle giương cao ngọn cờ trung lập và thân phương Tây để chống lại Pathết Lào. Hai Đảng thống nhất trong lúc này cần phải tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng cả về quân sự và chính trị, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Sau cuộc hội đàm, phía Lào đã có công hàm chính thức đề nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tăng cường lực lượng chuyên gia sang giúp Lào toàn diện, từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện. Trong đó, về quân sự, giúp thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng chính trị tư tưởng, tổ chức đảng trong quân đội và củng cố phát triển phong trào chiến tranh du kích.

Tháng 12 năm 1963, Quân uỷ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam có phiên họp bàn về phương hướng giúp cách mạng Lào, xác định: tình hình Lào hiện nay đang có tính giằng co phức tạp; phương châm đấu tranh của cách mạng Lào trong giai đoạn tới là quân sự kết hợp chính trị, lấy đấu tranh chính trị làm chính, đấu tranh quân sự thích đáng làm áp lực để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, tranh thủ đưa cách mạng Lào tiến lên.




----------------------------------------------------------------------
1. Trong trận đánh, quân dân Ấp Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 450 tên địch (trong đó có 9 cố vấn Mỹ), bắn rơi, bắn hỏng 9 máy bay trực thăng, phá huỷ 3 xe M113 và 2 tàu trên sông.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2021, 11:27:08 am »

Đối với công tác giúp Lào, Quân uỷ Trung ương (Việt Nam) khẳng định sự giúp đỡ của Việt Nam về nhiều mặt là nhân tố quan trọng tạo điều kiện cho cách mạng Lào giành được thắng lợi và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiếu sót, khuyết điểm: nhận thức về công tác giúp Lào chưa thật đầy đủ nên lúc cần thiết Việt Nam đưa lực lượng sang giúp Lào thì giành thắng lợi nhanh chóng, nhưng sau khi lực lượng Việt Nam rút hết thì Lào lại hết sức khó khăn trong việc củng cố và giữ vững thắng lợi đã giành được. Trong công tác giúp Lào còn nặng về đối phó với tình hình trước mắt, chưa có kế hoạch giúp lâu dài và toàn diện; những chủ trương đề ra giúp Lào thì đúng nhưng chưa có kế hoạch giúp cụ thể trong tổ chức thực hiện, chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ giúp Lào một cách lâu dài và cơ bản.

Nhằm khắc phục những khuyết điểm trên, Quân uỷ Trung ương chủ trương phải tăng cường hệ thống cố vấn và chuyên gia trực tiếp giúp Lào cả ở trung ương và đơn vị cơ sở. Cần phải có cố vấn giúp Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh, cố vấn giúp các quân khu (liên tỉnh) và tỉnh, cố vấn và chuyên gia giúp các đơn vị tiểu đoàn chiến đấu, cố vấn về công tác huấn luyện và nhà trường, cố vấn và chuyên gia giúp lực lượng trung lập tiến bộ.

Ngoài lực lượng chuyên gia và cố vấn, Việt Nam cũng cần giúp một số đội công tác và một số đơn vị bộ đội để phối hợp cùng Lào tiễu phỉ và củng cố cơ sở, củng cố khu giải phóng. Giúp đỡ lương thực và các nhu cầu vật chất khác, đồng thời giúp sửa chữa những khí tài, phương tiện hư hỏng và xây dựng cho Lào những cơ sở sửa chữa cần thiết...

Đáp ứng yêu cầu của Lào, đồng thời thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, cuối năm 1963 và đầu năm 1964, hơn 2.000 cán bộ các cấp của quân đội được điều động tăng cường cho Đoàn 959 để thực hiện nhiệm vụ chuyên gia giúp Lào. Hầu hết các cán bộ được điều động trong thời gian này đều là các đồng chí đã công tác ở Lào, rút về nước trong năm 1962.

Ở miền Nam Việt Nam, bước sang năm 1963, lực lượng vũ trang cách mạng phát triển nhanh, nhu cầu vận chuyển lực lượng và vật chất từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam tăng nhanh. Trong khi đó, Mỹ - nguỵ tập trung đánh phá quyết liệt tuyến hành lang đông Trường Sơn. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1963, địch mở liên tiếp bốn cuộc càn vào miền tây Trị - Thiên, dọc theo đường 9...

Nhận thấy tuyến hành lang đông Trường Sơn bị đánh chặn quyết liệt, đồng thời được sự ủng hộ, nhất trí của Trung ương Đảng, Mặt trận và Bộ Chỉ huy Quân đội Lào, ngày 24 tháng 1 năm 1964, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã quyết định giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 chuyển toàn bộ hoạt động sang tuyến tây Trường Sơn, chuyển hàng và dẫn quân từ làng Ho vào khu vực ngã ba biên giới. Chỉ tiêu vận chuyển năm 1964 của Đoàn là 1.000 tấn hàng cho miền Nam và Lào, 220 tấn gạo bảo đảm giao liên hành quân.

Trước đòi hỏi phải kiên quyết giữ vững vùng giải phóng Lào, đồng thời giữ vững tuyến vận tải tây Trường Sơn, đầu năm 1964, bộ đội Lào - Việt đã mở hoạt động quân sự, chủ yếu ở khu vực đường 9 - Trung Lào và Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Từ ngày 27 tháng 1 đến 12 tháng 2 năm 1964, các đơn vị tình nguyện của Quân khu 4 Việt Nam cùng bộ đội Lào mở chiến dịch 128, tiến công quân địch ở Na Kay, loại khỏi vòng chiến đấu gần 900 tên, giải phóng toàn bộ khu vực cao nguyên Na Kay và các vùng lân cận trên tuyến biên giới Việt - Lào từ đường 8 đến đường 12 với chiều dài gần 700 km, mở thông hành lang tuyến vận tải tây Trường Sơn từ bắc xuống nam, tạo thế vững chắc cho vùng giải phóng Trung Lào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển trên đường tây Trường Sơn. Đây là hoạt động quân sự lớn đầu tiên ở Lào, sau khi địch phá vỡ Hiệp định Giơnevơ 1962.

Sau chiến dịch 128, ngày 17 tháng 3 năm 1964, Trung ương Đảng Nhân dân Lào tổ chức Hội nghị lần thứ 12 và chỉ rõ : do âm mưu phá hoại của địch, Chính phủ liên hiệp chỉ còn là hình thức; đế quốc Mỹ và tay sai đã gây tình hình căng thẳng ở Lào; nhiệm vụ trước mắt của Đảng là đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự làm thất bại mọi âm mưu của địch; ra sức củng cố, tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt. Hội nghị đã đề ra năm nhiệm vụ lớn là: tăng cường xây dựng mặt trận thống nhất chống Mỹ và tay sai; ra sức đẩy mạnh đấu tranh trong hậu phương địch bằng chính trị, kết hợp với vũ trang và vận động binh lính địch; xây dựng, củng cố vùng giải phóng về mọi mặt; ra sức củng cố lực lượng bán vũ trang; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bồi dưỡng cán bộ.

Sau Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Đảng bộ các cấp trong cả nước Lào đã chuyển hướng lãnh đạo phù hợp với tình hình mới. Từng bộ phận đã lãnh đạo theo định hướng kháng chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh; ở vùng địch tạm chiếm, cơ sở chính trị đã có bước phát triển; lực lượng vũ trang và bán vũ trang đã được củng cố và phát triển.

Trước sự lớn mạnh của cách mạng Lào, đế quốc Mỹ ồ ạt tăng viện trợ cho phái hữu nhằm tăng cường sức mạnh và thúc ép phái hữu đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm vùng giải phóng. Ngày 19 tháng 4 năm 1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng bọn cực hữu, hiếu chiến Kúpaxít Aphay và Xihổ Lamphatacun làm đảo chính quân sự, lật đổ Chính phủ liên hiệp ba phái. Chúng tổ chức chính phủ mới không có Neo Lào Hắc Xạt và vẫn để Phuma làm thủ tướng để sử dụng danh nghĩa “trung lập” và “Chính phủ liên hiệp” giả hiệu. Chúng còn sáp nhập quân của Koongle trung lập vào lực lượng phái hữu nhằm biến Chính phủ liên hiệp thành một chính quyền bù nhìn, là công cụ phục vụ cho âm mưu của đế quốc Mỹ. Tại khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, chúng đã triển khai một lực lượng lớn quân chủ lực1 nhằm chiếm giữ lâu dài địa bàn chiến lược này, từng bước tiêu diệt lực lượng Pathết Lào và uy hiếp vùng biên giới miền Bắc Việt Nam.

Trước âm mưu thâm độc của địch, đồng thời tận dụng thời cơ sau đảo chính, nội bộ chính quyền Viêng Chăn vẫn lục đục, Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định mở chiến dịch 74A, tiến công quét bọn phái hữu ra khỏi Cánh đồng Chum. Đầu tháng 3 năm 1964, Bộ Tư lệnh chiến dịch 74A (chiến dịch đường 7 và đường 4) được thành lập do Thiếu tướng Nguyễn Bằng Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc làm tư lệnh. Phía Lào có các đồng chí Xỉngcapô, phó tư lệnh và Xámản Vinhakệt, chính uỷ Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Pathết Lào), Đại tá Đươn Xúnnalạt (trung lập) tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch 2.

Ngày 27 tháng 4 năm 1964, chiến dịch mở màn. Sau khi tiến công tiêu diệt các vị trí địch ở Phả Kha, Phu Noỏng, Noỏng Khạng, Mương Pơn..., ngày 15 tháng 5 năm 1964, bộ đội Việt - Lào tiến công vào khu vực Cánh đồng Chum. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Tổng Chỉ huy Quân đội Pathết Lào trực tiếp đến đài quan sát chiến dịch ở đồi Bạn Gion để chỉ đạo, chỉ huy. Sau gần hai tháng tiến công, ngày 8 tháng 6 năm 1964, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ta đã quét sạch địch ra khỏi Cánh đồng Chum, chiếm được Phu Cút - dãy điểm cao khống chế vô cùng quan trọng, bảo vệ cửa ngõ phía tây Cánh đồng Chum, giải phóng 28 tàxẻng với 30.000 dân; loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, thu hàng trăm súng, bắn cháy 19 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 4 máy bay.

Đây là thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính trị và quân sự. Từ đây, vùng giải phóng Lào đã nối liền từ Trung Lào đến Sầm Nưa, đường 7 nối với Việt Nam đã được mở thông, lực lượng vũ trang Lào có bước trưởng thành vượt bậc, càng tự tin vào khả năng chiến đấu của mình. Qua chiến dịch, một số sĩ quan trung lập đã nhận rõ âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, sự phản bội của Koongle và Phuma, đồng thời cũng thấy được đường lối đúng đắn của Mặt trận Lào yêu nước nên đã từ bỏ quân đội phái hữu trở về hợp tác với cách mạng. Sự phân hoá tất yếu trong lực lượng trung lập đã tạo nên một liên minh vững chắc hơn giữa lực lượng trung lập yêu nước và Pathết Lào, góp phần tạo thế và lực mới cho cách mạng Lào.

Từ giữa năm 1964, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn, đẩy chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn thất bại, đế quốc Mỹ quyết định tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế - quốc phòng, cắt đứt sự chi viện của quốc tế cho Việt Nam, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, làm lay chuyển quyết tâm đánh Mỹ của nhân dân Việt Nam, hỗ trợ các chiến lược chiến tranh của Mỹ và cứu nguy cho sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn ở miền Nam.

Sau khi tiến hành các hoạt động khiêu khích và dựng lên Sự kiện vịnh Bắc Bộ để đánh lừa dư luận quốc tế và gây áp lực trước Quốc hội Mỹ, ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ huy động 64 lần các máy bay A1, A4, F4, F8 đánh phá vào hàng loạt các mục tiêu quân sự và dân sự ở một số vùng ven biển miền Bắc Việt Nam, như cửa sông Gianh, Vinh, Bến Thuỷ, Lạch Trường (Thanh Hoá) và thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh). Do có sự chuẩn bị từ trước và với tinh thần cảnh giác cao, quân dân miền Bắc đã ngoan cường đánh trả, bắn rơi tám máy bay, bắn hỏng nhiều chiếc khác, bắt sống một phi công. Cuộc tiến công đầu tiên của Mỹ bằng không quân đã bị thất bại.

Sau thất bại, ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ liên tục cho tàu chiến và máy bay khiêu khích, bắn phá các vị trí từ nam sông Gianh trở vào. Tại Lào, Mỹ thực hiện kế hoạch bí mật do Lêônaongơ, Đại sứ Mỹ ở Lào trực tiếp chỉ huy. Chúng sử dụng 25 - 40 máy bay mang nhãn hiệu không quân Hoàng gia Lào nhưng do phi công Mỹ và Thái Lan điều khiển, thực hiện các phi vụ ném bom một số vị trí trên tuyến hành lang tây Trường Sơn, như: Mương Phin, Xê Pôn, Cha Ky, Mương Noòng, Cù Bai, Lằng Khằng, Xẻng Phăn, Ta Long, Ca Vát... Bộ binh địch nống ra Na Bò, Noỏng Bua, Đoông Mốt, Xê Kuncam (khu vực đường 9) và thọc sâu vào một số điểm trên tuyến hành lang.

Địch đánh phá ác liệt, thời tiết phức tạp, khiến cho việc vận chuyển hàng hoá và dẫn quân của Đoàn 559 trên tuyến tây Trường Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Trong quý III năm 1964, chỉ có 1.065 cán bộ, chiến sĩ hành quân vào Nam, 336 người hành quân ra Bắc. Có thời điểm đường tắc, khách qua tuyến dồn ứ hàng nghìn người ở các trạm giao liên gần một tháng. Tình hình bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội trở thành vấn đề “nước sôi, lửa bỏng”.

Trước tình hình đó, chỉ huy Đoàn 559 cùng Đoàn chuyên gia 763 ở Hạ Lào trực tiếp đề xuất với Tỉnh uỷ Távên Oọc của Lào vận động nhân dân địa phương giúp đỡ. Với tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, nhân dân tỉnh Távên Oọc, đặc biệt là các huyện Cà Lươn, Xê Camản... đã nhanh chóng thu gom thóc, giã gạo phục vụ bộ đội Việt Nam. Mặc dù là địa phương nghèo, nhân dân sống phân tán, nhưng chỉ trong thời gian nửa tháng, bạn đã huy động được hơn 30 tấn lương thực, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho Đoàn 559.

Cũng trong năm 1964, quân dân tỉnh Távên Oọc còn tạo điều kiện và giúp Đoàn 559 khai thác tuyến vận tải đường sông từ Bạc đi Pạc Káđin. Tuyến đường sông này hiểm trở, nhiều ghềnh thác, vận chuyển vào ban đêm rất khó khăn. Nhưng để vận chuyển được ban ngày thì ta phải nhổ được đồn Phu Lakay do quân nguỵ Lào chiếm giữ ở bờ tây sông Xê Coong.

Được sự đồng ý của Tỉnh uỷ Távên Oọc, một trung đội của Trung đoàn 70 thuộc Đoàn 559 phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh vừa dùng tiếng nổ uy hiếp, vừa tuyên truyền địch vận, đã nhanh chóng đánh chiếm đồn, khai thông tuyến đường sông, bảo đảm vận chuyển bằng thuyền ban ngày, tạo nguồn hàng để vận chuyển tiếp vào tàxẻng thuộc tỉnh Áttapư (khu vực ngã ba biên giới).




----------------------------------------------------------------
1. Gồm: 13 tiểu đoàn bộ binh thuộc GM13 và GM17, cùng 3 tiểu đoàn hỗn hợp, 54 đại đội phỉ, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly và 85 ly, 2 đại đội súng cối 120 ly và 106,7 ly, một đại đội súng máy phòng không 12,7 ly, 37 xe tăng và thiết giáp.

2. Lực lượng tham gia chiến dịch có Lữ đoàn 316 và Lữ đoàn 335 (Quân khu Tây Bắc), Tiểu đoàn 8 (Sư đoàn 304), Tiểu đoàn 925 (Quân khu 4), 14 đại đội biên phòng; phía Lào có 7 tiểu đoàn Pathết Lào và trung lập yêu nước (13, 1, 2, 15, Pắtchây, 701, 500).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #64 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:37:40 am »

Giữa năm 1964, trước tình hình chiến tranh ở Lào có nhiều khả năng lan rộng, hai Đảng chủ trương củng cố tổ chức chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Ngày 30 tháng 6 năm 1964, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự giúp Lào, lấy phiên hiệu là Đoàn 664. Theo quyết định, Đoàn 664 là một bộ phận của cơ quan Tổng Cố vấn và là một đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đoàn có hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, gồm: đoàn chuyên gia bên cạnh cơ quan Tổng Tư lệnh Lào; tổ (hoặc đoàn) chuyên gia bên cạnh Bộ Tư lệnh các quân khu và tỉnh đội; tổ chuyên gia ở các đơn vị từ cấp tiểu đoàn và tương đương trở lên... Đoàn 664 có nhiệm vụ giúp Lào nghiên cứu toàn diện kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang; giúp xây dựng kế hoạch tác chiến, xây dựng và củng cố các vùng căn cứ...

Tiếp đó, trong những tháng cuối năm 1964, Thường trực Quân uỷ và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã có các quyết định kiện toàn tổ chức Đoàn chuyên gia quân sự ở Lào, như: ngày 21 tháng 10, ra quyết định cử Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn kiêm bí thư Đảng uỷ Đoàn 664; ngày 27 tháng 11, Tổng Tham mưu trưởng ký quyết định thay phiên hiệu Đoàn 664 thành Đoàn 959.

Trong tháng 8 năm 1964, cán bộ chuyên gia và nhân viên kỹ thuật của Việt Nam đã giúp Lào xây dựng mới ba tiểu đoàn pháo phòng không 37 mm và năm đại đội súng máy phòng không 12,7 mm, bố trí ở ba khu vực trọng điểm là Sầm Nưa, Cánh đồng Chum và Trung Lào. Đầu tháng 9 năm 1964, Việt Nam giúp Lào huấn luyện 1.450 chiến sĩ mới ở Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc, sau đó đưa sang bàn giao ở Sầm Nưa và Khăng Khay.

Trong hai ngày 17 và 18 tháng 10 năm 1964, Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam và Đoàn đại biểu Quân giải phóng nhân dân Lào đã có cuộc hội đàm để kiểm điểm tình hình và bàn chủ trương hoạt động trong mùa khô tới. Phía Việt Nam có đồng chí Trần Quý Hai, Tổng Tham mưu phó làm trưởng đoàn. Phía Lào, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon làm trưởng đoàn. Hai đoàn đã thống nhất kết luận: để củng cố thắng lợi của cách mạng Lào, phải củng cố toàn diện vùng giải phóng Lào, kiên quyết đánh địch lấn chiếm, truy quét phỉ; tăng cường đoàn kết dân tộc, tranh thủ lực lượng trung lập tiến bộ... Phía Lào đề nghị Việt Nam đưa quân tình nguyện và chuyên gia sang giúp lâu dài, ở Lào ít nhất là ba năm, không nên vừa đưa sang lại chuyển về ngay.

Mùa mưa năm 1964, Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh quân giải phóng Lào quyết định tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao ý chí chiến đấu và năng lực lãnh đạo, chỉ huy cho cán bộ cơ sở. Đội ngũ chuyên gia các cấp đã cùng các cán bộ Lào tổ chức quán triệt các nghị quyết 10, 11, 12 của Trung ương Đảng Nhân dân Lào; tổ chức triển khai cuộc vận động “xây dựng chi bộ bốn biết”; triển khai chế độ đại hội ở các chi bộ, xây dựng các tổ chức quần chúng, các chế độ sinh hoạt ở đơn vị... Đợt sinh hoạt chính trị này đã góp phần nâng cao một bước chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó nâng cao một bước hiệu quả chiến đấu ở các đơn vị bộ đội Lào.

Cùng với tổ chức sinh hoạt chính trị, bộ đội Lào đã cùng bộ đội tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đánh bại nhiều cuộc tấn công lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, ta đã bẻ gãy cuộc hành quân Xảm Xỏn của hơn bốn binh đoàn (từ ngày 25 tháng 7 đến 26 tháng 10 năm 1964); ở Trung Lào, ta đánh bại các cuộc hành quân Xỏn Xây I, Xỏn Xây II (từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 3 năm 1965), diệt hơn 500 tên địch...

Cuối năm 1964, Trung ương Đảng Nhân dân Lào mở “cuộc vận động thu phục phỉ” nhằm ổn định vùng giải phóng. Để giúp Lào thực hiện “cuộc vận động thu phục phỉ”, Việt Nam đã giúp Lào các sản phẩm thiết yếu như muối, vải, quần áo, thuốc men..., đồng thời tại Lào, các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã sát cánh cùng quân dân Lào triển khai có hiệu quả cuộc vận động nêu trên. Do có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và làm thí điểm ở Sầm Nưa trước, sau đó mới triển khai trên toàn quốc nên Lào đã giải quyết được nhiều ổ phỉ lâu đời1 như Thặm La, Na Khằng, Hủa Mường, Mương Hiềm, Phả Thí, Giang Tơi, Khoa Phát, Chòm Văn, Thà Teng, Nha Hớn..., tạo được sự ổn định mọi mặt cho các vùng giải phóng.

Như vậy, sau khi Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào được ký kết, Việt Nam đã rút toàn bộ chuyên gia và quân tình nguyện về nước. Nhưng đến cuối tháng 4 năm 1963, theo yêu cầu của cách mạng Lào, Việt Nam lại cử chuyên gia cố vấn giúp từ trung ương đến tỉnh đội, tiểu đoàn và một số đại đội. Trong năm 1964, Việt Nam đã cử nhiều đơn vị tình nguyện sang phối hợp tác chiến cùng với bộ đội Lào. Quân khu 4 là đơn vị có lực lượng quân tình nguyện sang giúp Lào nhiều nhất, gồm 4 tiểu đoàn biên phòng, một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 325 và một số đơn vị phòng không. Quân khu 3 có 2 trung đoàn của Sư đoàn 304 và Tiểu đoàn bộ binh 923. Quân khu Tây Bắc có Lữ đoàn 316 và Tiểu đoàn 325... Chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân dân Lào chiến đấu giữ vững vùng giải phóng, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang Lào và chiến đấu bảo vệ thông suốt tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn, góp phần đẩy mạnh cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam.




----------------------------------------------------------------
1. Từ năm 1965 đến 1969, chúng ta đã thu phục được 5.138 tên phỉ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #65 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:48:52 am »

 2. Xây dựng vùng giải phóng Lào về mọi mặt theo quy mô một quốc gia, phát triển, bảo vệ tuyến vận tải tây Trường Sơn, góp phần đánh bại bước đầu chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam

Bước vào năm 1965, tình hình Đông Dương đã có những chuyển biến mới. Nhân dân Việt Nam giành được nhiều thắng lợi trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam bị thất bại nặng nề, nguỵ quyền Sài Gòn lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên. Ở Lào, vùng giải phóng đã chiếm 2/3 đất đai và 1/2 dân số, nối liền với miền Bắc Việt Nam và vùng căn cứ phía tây miền Nam, tạo ra hành lang chiến lược tây Trường Sơn của cách mạng Đông Dương.

Để cứu vãn thất bại ở miền Nam Việt Nam, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ đã thực hiện bước leo thang chiến tranh, tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ, ồ ạt đưa quân vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc.

Nhằm phối hợp với chiến lược Chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở Lào, tăng cường Chiến tranh đặc biệt, phát triển các binh đoàn cơ động, thúc quân phái hữu tiến công vùng giải phóng Lào. Địch chủ trương biến cuộc chiến tranh ở Lào diễn biến ngày càng ác liệt hơn bằng những phương thức tác chiến mới, dùng lực lượng cơ động kết hợp với lực lượng đặc biệt tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, lấn chiếm vùng giải phóng. Mỹ còn lập ra Trung tâm hành quân liên hợp do Mỹ trực tiếp nắm, tăng cường hoạt động của không quân Mỹ1 nhằm tăng hiệu quả các cuộc hành quân quy mô lớn của quân nguỵ.

Trước các hành động của Mỹ và tay sai, Việt Nam và Lào đã phối hợp đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận ngoại giao. Đoàn đại biểu của hai nước đã tham dự Hội nghị nhân dân Đông Dương họp tại Phnôm Pênh từ ngày 1 đến 9 tháng 3 năm 1965 và thống nhất ra nghị quyết về vấn đề Lào, khẳng định tình hình căng thẳng tại Lào là do đế quốc Mỹ gây ra; nghiêm khắc lên án Mỹ và quân đội thân Mỹ đã dùng máy bay đánh phá và tiến công vùng giải phóng Lào; đòi Mỹ chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ của Lào để tiến công Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chấm dứt các hành động khiêu khích và xâm lược Việt Nam.

Tại Lào, tháng 5 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ 13, ra nghị quyết về tình hình cách mạng Lào , đề ra sáu nhiệm vụ lớn: “Phát triển chiến tranh nhân dân, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; củng cố và phát triển các tổ chức cách mạng, cố gắng giải quyết đời sống cho nhân dân; ra sức củng cố phát triển vùng giải phóng toàn diện theo quy mô một quốc gia, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh của nhân dân; đẩy mạnh hoạt động trong vùng địch tạm chiếm; tăng cường đấu tranh chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các nước anh em...; ra sức bồi dưỡng cán bộ, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng”.

Về quân sự, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 chỉ rõ: phải đẩy mạnh hoạt động quân sự, phát động chiến tranh nhân dân sâu rộng, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; ra sức củng cố và tăng cường lực lượng vũ trang, nhanh chóng giải quyết tình trạng mất cân đối giữa ba thứ quân trong lực lượng vũ trang.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 13 của Đảng Nhân dân Lào, từ ngày 22 đến 29 tháng 6 năm 1965, tại Hà Nội diễn ra cuộc hội đàm giữa đại diện Đảng Lao động Việt Nam với đại diện Đảng Nhân dân Lào. Phía Việt Nam có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, và một số đồng chí uỷ viên Trung ương khác. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào gồm các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nủhắc Phumxavẳn, Hoàng thân Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Khăm Tày Xiphănđon, Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong cuộc hội đàm, đồng chí Cayxỏn nhấn mạnh: xuất phát từ đặc điểm riêng của Lào, nhiệm vụ dân tộc hiện nay của cách mạng Lào là giành độc lập dân tộc, thực hiện sự thống nhất quốc gia, củng cố ý thức quốc gia dân tộc; nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là bảo vệ vững chắc khu giải phóng và mở rộng có trọng điểm; xây dựng khu giải phóng một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, quân sự... với quy mô một quốc gia để làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh lâu dài, đồng thời để phát huy ảnh hưởng chính trị của Neo Lào Hắc Xạt trong cả nước và trên thế giới.

Đồng chí Lê Duẩn nhất trí với những ý kiến do đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày, đồng thời nhấn mạnh: Lào là tiền đồn của phong trào giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa; cách mạng Lào không chỉ là cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, mà còn thể hiện cả cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phe. Vì vậy, cách mạng Lào còn phải đấu tranh lâu dài và không thể tách khỏi nhân tố xã hội chủ nghĩa. Về mối quan hệ giữa cách mạng ba nước Đông Dương, chủ yếu là cách mạng Việt Nam và Lào, đồng chí Lê Duẩn phân tích: do tình hình cụ thể của mỗi nước cho nên hình thức tiến lên có khác nhau, nhưng có những vấn đề khách quan ràng buộc ba nước với nhau, không thể tách rời nhau được. Đối với hai nước Việt Nam và Lào, càng có mối quan hệ chặt chẽ hơn. Tuy là hai dân tộc, hai quốc gia nhưng cùng một mục tiêu cách mạng, cùng kẻ thù, cùng trận tuyến chống Mỹ xâm lược2.

Sau khi thống nhất với nhau về tình hình cách mạng Lào, đại diện hai Đảng đã xác định những nội dung cần giúp Lào trong thời gian tới, trong đó tập trung giúp xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia và giúp xây dựng lực lượng vũ trang.

Sau cuộc hội đàm giữa hai Đảng, ngày 3 tháng 7 năm 1965, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết về giúp đỡ cách mạng Lào và đẩy mạnh hoạt động trong thời gian tới. Nghị quyết nhấn mạnh: “Hiện nay, trước âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của Mỹ và tay sai, vận mệnh của hai dân tộc và sự nghiệp cách mạng của hai nước đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cách mạng hai nước và sự giúp đỡ tích cực hơn nữa của Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân ta đối với cách mạng Lào. Ta cần phải nỗ lực đáp ứng đến mức cao nhất mọi yêu cầu đối với công cuộc phát triển cách mạng của bạn”.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng Việt Nam khẩn trương tăng cường lực lượng sang giúp Lào đẩy mạnh hoạt động tác chiến, củng cố, mở rộng vùng giải phóng. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1965, Bộ Tổng Tham mưu đã cử hơn 100 trinh sát đặc công thuộc Cục Tình báo, theo chế độ tình nguyện sang tăng cường cho Đoàn 559 và Đoàn 763; cử một bộ phận Trung đoàn 203 thuộc Quân khu 3 (gồm ba đại đội cao xạ 37 mm và một đại đội 14,5 mm) sang tăng cường cho khu vực Sầm Nưa, Mương Hùn và Xa Lới; cử nhiều đơn vị bộ binh, phòng không tăng cường cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến vận tải tây Trường Sơn trên đất Trung và Hạ Lào.

Về lực lượng chuyên gia, Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trương tăng thêm chuyên gia về công tác chính trị, công tác dân quân, công tác hậu cần và chuyên gia giúp một số huyện trọng điểm. Tổng số chuyên gia trong vài năm lên tới 8.500 người, trong đó đội ngũ chuyên gia quân sự và nhân viên kỹ thuật khoảng 2.000 người. Về tổ chức, Đoàn chuyên gia quân sự 959 tiếp tục giúp ba cơ quan của quân giải phóng nhân dân Lào, đồng thời thành lập thêm đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện ở khu vực Nam Lào.




-----------------------------------------------------------------
1. Hãng thông tấn AFP ngày 6 tháng 1 năm 1966 cho biết: mỗi ngày có tới 300 lượt máy bay ném gần 1.000 tấn bom, rốckét xuống vùng giải phóng Lào. Dẫn theo Lịch sử Lào, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.201.

2. Vào thời điểm này, đồng chí Lê Duẩn nhận định về cách mạng Lào như sau: cách mạng Lào liên hệ chặt chẽ với cách mạng miền Nam. Hạ Lào là con đường đi vào miền Nam, sống chết Mỹ cũng phải cố giữ cho được... Nếu Việt Nam đánh thắng Mỹ trong Chiến tranh đặc biệt thì cách mạng Lào có thể vừa giữ vững và phát triển lực lượng, vừa đấu tranh hoà bình trong Chính phủ liên hiệp. Còn nếu xảy ra Chiến tranh cục bộ thì Hạ Lào và miền Nam trở thành chiến trường chung. Thông báo tình hình Lào, tháng 7 năm 1965, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương, phông 82, đơn vị bảo quản 1058.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #66 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:52:33 am »

Thực hiện chủ trương trên, ngày 19 tháng 5 năm 1965, tại xã Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh (thuộc Quân khu 4), Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam mang phiên hiệu Đoàn 565  được thành lập với hai nhiệm vụ chủ yếu: chuyên gia giúp địa phương xây dựng lực lượng từ tỉnh đến các đại đội, cùng các địa phương trên địa bàn phát triển quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng giải phóng, trong vùng địch hậu; bộ đội tình nguyện phối hợp với lực lượng địa phương đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, diệt phỉ, bảo vệ và mở rộng địa bàn, bảo vệ tuyến hành lang 559...

 Đoàn 565 được tổ chức trên cơ sở lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện đang hoạt động tại Nam Lào, có tăng cường đội ngũ chuyên gia, một số đơn vị tình nguyện và Đoàn 763 (Hạ Lào) đang hoạt động tại huyện Đắc Chưng, tỉnh Távên Oọc (nay là tỉnh Xê Coong).

Cùng với việc tăng cường đội ngũ chuyên gia và quân tình nguyện sang Lào, ngày 17 tháng 9 năm 1965, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ra chỉ thị về nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị đối với bộ đội đang phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào, nhấn mạnh: phải làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt và nhất trí cao với mọi chủ trương, nhiệm vụ giúp Lào, coi sự nghiệp cách mạng của nước Lào như sự nghiệp cách mạng của Việt Nam; “Thực sự khiêm tốn, tôn trọng bạn, kiên nhẫn, tận tình hướng dẫn giúp đỡ bạn tiến bộ, thực hiện miệng nói tay làm, đồng cam cộng khổ cùng với quân và dân bạn chiến đấu, công tác và sản xuất. Kiên quyết chống mọi biểu hiện tư tưởng nước lớn, ban ơn, xem thường bạn, tạm bợ, ngại khó ngại khổ, thiếu an tâm làm nhiệm vụ giúp bạn” .

Tại Lào, cán bộ chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã cùng cán bộ, chiến sĩ Lào triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Hội nghị Trung ương lần thứ 13 Đảng Nhân dân Lào đề ra. Chuyên gia Việt Nam cùng các cơ quan trung ương Lào tổ chức Hội nghị chính trị liên hiệp toàn quốc giữa Neo Lào Hắc Xạt và các lực lượng trung lập yêu nước tại Sầm Nưa từ ngày 3 đến 13 tháng 10 năm 1965. Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung về “lập trường bốn điểm và giải pháp năm điểm” của nhân dân Lào; khẳng định mục tiêu của Mặt trận Lào yêu nước và lực lượng trung lập là đấu tranh cho một nước Lào hoà bình, trung lập, độc lập, tự do và thịnh vượng; kêu gọi toàn thể nhân dân Lào mang hết sức mình, không ngại hy sinh, cùng với nhân dân Việt Nam và Campuchia anh em đứng vững trên trận tuyến chống Mỹ ở Đông Dương; ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoà bình, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam ...

Thành công của Hội nghị chính trị liên hiệp toàn quốc là một thắng lợi lớn của khối đại đoàn kết các bộ tộc Lào trên mặt trận chống Mỹ, đồng thời cũng khẳng định sự ủng hộ tinh thần to lớn của nhân dân Lào đối với cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam.

Để thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng Nhân dân Lào, cuối năm 1965, chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Tổng Quân uỷ, Trung ương Lào tiến hành cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng lực lượng vũ trang”. Chuyên gia quân sự đã phối hợp với chuyên gia dân chính xuống từng địa phương giúp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân; phân công cán bộ, đảng viên ở từng địa phương cùng bộ đội thâm nhập, vận động từng gia đình động viên con em đi bộ đội, tham gia du kích.

Do làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên cuộc vận động thu được kết quả tốt. Ngay trong vùng tạm chiếm cũng có nhiều thanh niên bí mật ra vùng giải phóng xin nhập ngũ. Trong đợt vận động đã có 5.000 thanh niên vào bộ đội và 2 vạn người tham gia du kích, đưa tổng số quân của Lào trong năm 1966 lên 22.500 người và 44.000 du kích (trong đó có 8.700 du kích nữ). Việt Nam đã giúp Lào xây dựng thêm năm tiểu đoàn bộ binh, nâng số đơn vị chủ lực lên 22 tiểu đoàn; thành lập thêm một tiểu đoàn cao xạ 37 ly và một số đại đội súng máy cao xạ 12,8 ly..., giúp Lào bố trí các tiểu đoàn chủ lực cho từng khu vực để tạo thế trận tại chỗ: Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng bố trí 10 tiểu đoàn (có ba tiểu đoàn binh chủng); Nam Lào tám tiểu đoàn; Sầm Nưa ba tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn cao xạ 37 ly; Bắc Lào hai tiểu đoàn; giúp Lào kiện toàn các đơn vị pháo mặt đất, tổ chức thêm một đại đội công binh, đại đội hoá học và đặc biệt là thành lập đơn vị pháo binh nữ ở Cánh đồng Chum; giúp tổ chức mỗi tiểu đoàn có một đại đội tinh nhuệ, biết đánh theo kiểu đặc công, mỗi xã, mỗi huyện có một tiểu đội hoặc trung đội du kích nòng cốt, cơ động chiến đấu trong khu vực.

Cùng với tăng cường đội ngũ chuyên gia quân sự, Việt Nam cũng từng bước tăng cường đội ngũ chuyên gia chính trị, kinh tế và văn hoá để giúp Lào xây dựng vùng giải phóng. Sau khi Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết năm 1962, Việt Nam đã rút phần lớn đội ngũ chuyên gia về nước, chỉ để lại một bộ phận nhỏ ở Trung ương và các tỉnh. Từ năm 1964, trước tình hình mới, theo yêu cầu của Lào, Việt Nam đã tăng cường thêm lực lượng chuyên gia chính trị, kinh tế và văn hoá (nhất là chuyên gia kinh tế và văn hoá) để giúp Lào một cách toàn diện, mà trước mắt là giúp xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt như quy mô một quốc gia. Năm 1964, tổng số chuyên gia chính trị, kinh tế và văn hoá Việt Nam hỗ trợ cho Lào là 279 người.

Nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia chính trị, kinh tế và văn hoá được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quy định là: “Thực hiện đường lối, chủ trương giúp bạn của Trung ương Đảng ta, theo dõi, nghiên cứu giúp ý kiến với Trung ương bạn trong các chủ trương, chính sách và kế hoạch công tác theo tình hình, đường lối, phương châm của Đảng bạn” . Nhiệm vụ này được xác định từ tình hình cách mạng Lào và đề nghị của Trung ương Đảng Nhân dân Lào trong thư của đồng chí Cayxỏn Phômvihản gửi Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 20 tháng 7 năm 1963: “Xây dựng đảng, đào tạo cán bộ, đặc biệt là củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức lãnh đạo của Đảng; nghiên cứu một số chính sách cụ thể, tổng kết một số kinh nghiệm; xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị, tư tưởng, đặc biệt là lực lượng du kích; củng cố, phát triển phong trào du kích chiến tranh trong toàn quốc; giúp tổ chức thực hiện xây dựng thí điểm, tổ chức các hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm”.

Về phạm vi và phương pháp giúp, Trung ương Đảng Nhân dân Lào xác định: giúp Trung ương, khu, tỉnh và một số huyện quan trọng; giúp các ngành xung quanh Trung ương như Tuyên huấn, Tổ chức, Dân vận, Quân sự, Kinh tế, Văn hoá, Công an...; “trường hợp Lào chưa có người thì Việt Nam làm giúp, đồng thời cùng nhau ra sức đào tạo cán bộ Lào”.

Từ năm 1964, Việt Nam đã cố gắng bố trí chuyên gia theo yêu cầu trên của Lào. Để tăng cường hiệu lực giúp Lào, tháng 7 năm 1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết về chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức giúp Lào, nhằm tập trung các mặt công tác lớn giúp Lào thành một mối, trong đó giao cho Ban Công tác miền Tây vừa nghiên cứu công tác Lào, vừa làm chuyên gia giúp Đảng Nhân dân Lào. Về mặt chuyên gia, Ban Công tác miền Tây cử một đoàn chuyên gia giúp Trung ương Lào, đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng chuyên gia Việt Nam ở các khu, tỉnh...

Để đảm bảo nguyên tắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào, Nghị quyết xác định một trong những yêu cầu về kiện toàn tổ chức là: “tổ chức giúp bạn của ta phải đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương ta trong công tác giúp bạn, đồng thời bảo đảm cho các bộ phận chuyên gia của ta trực tiếp giúp bạn, tôn trọng sự lãnh đạo độc lập và chủ quyền của bạn ở các cấp cũng như hệ thống lãnh đạo của bạn từ trung ương đến các cấp” .

Cùng với việc cử chuyên gia, Việt Nam còn giúp Lào về mọi mặt để bạn có điều kiện vừa đánh địch, vừa phát triển vùng giải phóng, đồng thời quy định trách nhiệm của các tỉnh thực hiện kế hoạch giúp đỡ các tỉnh thuộc vùng giải phóng Lào xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá .
Năm 1965, Việt Nam đã giúp Lào xây dựng đài phát thanh tại Hoà Bình, đồng thời cải tiến bộ phận kỹ thuật của Đài Tiếng nói Pathết Lào đang đặt tại Hà Nội. Bộ Thuỷ lợi đề ra phương hướng viện trợ cho vùng giải phóng Lào trong hai năm 1966 - 1967, đó là: nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các đập nước nhỏ; nghiên cứu xây dựng những trạm thuỷ điện nhỏ; cử các đoàn cán bộ khảo sát thống kê các công trình tại các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt, Xalavăn, Áttapư...; triển khai xây dựng các công trình có yêu cầu vật tư, cán bộ kỹ thuật viện trợ từ Việt Nam sang; tích cực đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật cho Lào...

Ngay trong quý I năm 1966, ngành thuỷ lợi cùng cán bộ, công nhân Lào khởi công xây dựng 10 công trình thuỷ lợi nhỏ ở các vùng thuộc ba tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Khăm Muộn để bước đầu có thể tưới cho 2.500 ha ruộng. Đến cuối năm 1967, số cán bộ ngành thuỷ lợi Việt Nam được điều sang giúp vùng giải phóng Lào lên tới 339 người (không kể số công nhân được tạm điều chuyển sang giúp xây dựng các công trình lớn).

Cũng trong ba tháng đầu năm 1966, ngành thương nghiệp, nông nghiệp Việt Nam có năm đoàn cán bộ kỹ thuật sang vùng giải phóng thuộc các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng giúp phát triển các ngành chăn nuôi, may mặc và sản xuất bánh kẹo. Bộ Giao thông đã cử cán bộ, công nhân sang xây dựng quãng đường từ Sầm Nưa đi Bạn Ban. Tháng 7 năm 1966, Việt Nam còn cử đoàn cán bộ tài chính, thương nghiệp gồm sáu đồng chí, đi theo tuyến đường Vân Nam - Trung Quốc để sang giúp các tỉnh Bắc Lào.

Đáp ứng yêu cầu của Lào, số chuyên gia các ngành của Việt Nam được điều sang công tác ở Lào ngày càng tăng. Giữa năm 1965, tổng số chuyên gia Việt Nam ở Lào là 1.298 người; đến tháng 6 năm 1966, số chuyên gia tăng lên 2.705 người2. Ngoài ra, còn có khoảng 22.000 người thuộc các đơn vị chủ lực, tình nguyện, công binh và hậu cần, cùng xấp xỉ 1.800 người thuộc các đội công tác và các đội công nhân làm đường 42 (Phôngxalỳ), bảo dưỡng đường 217 (Na Mèo - Sầm Nưa).

Trong kế hoạch hai năm 1966 - 1967, Việt Nam giúp đỡ Lào xây dựng kinh tế, văn hoá trong vùng giải phóng, cụ thể là: xây dựng trên 100 công trình lớn, nhỏ thuộc 15 ngành như nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, bưu điện, y tế, giáo dục, địa chất, tuyên huấn, dệt; ngân sách dự chi trong hai năm 1966 - 1967 là 90 triệu đồng (trong đó, sáu tháng đầu năm 1966 đã chi hết 20 - 25 triệu đồng); lực lượng cán bộ, công nhân được điều sang xây dựng các ngành kinh tế, văn hoá ở Lào tính đến cuối năm 1967 lên tới 15.000 người (kể cả công binh).




-----------------------------------------------------------------
1. Đại tá Đồng Sĩ Nguyên (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4), Tư lệnh kiêm Chính uỷ; Thượng tá Lê Kích (nguyên Đoàn trưởng Đoàn 763), Phó Tư lệnh Đoàn 565.

2. Cụ thể, gồm: dân - chính - đảng là 463 người; quân sự và nhân viên kỹ thuật quân sự là 1.513 người; kinh tế, văn hoá là 466 người; phục vụ là 263 người.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #67 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:55:41 am »

Dưới ánh sáng Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào về xây dựng vùng giải phóng toàn diện theo mô hình một quốc gia, được sự giúp đỡ về mọi mặt của Việt Nam, quân dân Lào đã xây dựng vùng giải phóng Lào không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Lào.

Việc cấp thiết đầu tiên trong xây dựng vùng giải phóng là xây dựng chính quyền cách mạng và cơ quan Neo Lào Hắc Xạt các cấp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu tranh thành lập Chính phủ liên hiệp, Trung ương Đảng Nhân dân Lào chủ trương không xây dựng chính quyền ở cấp trung ương, mà chỉ xây dựng chính quyền ở cấp tỉnh trở xuống. Uỷ ban Trung ương Neo Lào Hắc Xạt vừa lãnh đạo công tác mặt trận, vừa quản lý điều hành các hoạt động của đất nước. Chính quyền trong vùng giải phóng phải là chính quyền đại diện cho nhân dân. Tháng 7 năm 1970, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra Chỉ thị về công tác bầu cử chính quyền cơ sở trong vùng giải phóng, xác định: “Chính quyền trong khu giải phóng phải do dân trong tàxẻng, bản bầu ra bằng phiếu bầu phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và phiếu kín. Mọi công dân Lào từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử”. Đây là bước tiến quan trọng của Lào trong công cuộc xây dựng vùng giải phóng, thể hiện tính hơn hẳn của vùng giải phóng Lào, góp phần tạo uy tín chính trị của Neo Lào Hắc Xạt đối với nhân dân Lào và nhân dân thế giới.

Bên cạnh việc thiết lập chính quyền cách mạng, về chính trị, Đảng Nhân dân Lào hết sức quan tâm xây dựng ý thức quốc gia, dân tộc thống nhất, tinh thần đoàn kết giữa các bộ tộc; chú trọng giáo dục quan điểm giai cấp đúng đắn để xoá dần sự cách biệt giữa các bộ tộc, thực hiện quyền bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; quan tâm xoá bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột trong các nhóm dân tộc ít người, đưa nhiều tù trưởng, tộc trưởng có năng lực, uy tín vào cơ quan Neo Lào Hắc Xạt các cấp.

Cùng với việc chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên , Đảng Nhân dân Lào hết sức chú trọng củng cố, phát triển khối đoàn kết liên minh công nông, chú trọng xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm vận động mọi tầng lớp thanh niên, phụ nữ, sư sãi... tham gia kháng chiến. Thông qua chính quyền cách mạng và các tổ chức quần chúng, nhân dân các bộ tộc Lào ngày càng tham gia tích cực vào việc xây dựng vùng giải phóng. Phong trào du kích được đẩy mạnh, mạng lưới du kích phát triển rộng, lực lượng phụ nữ tham gia du kích ngày càng đông. Nhân dân các bộ tộc Lào đóng góp hàng chục vạn ngày công để phục vụ các chiến dịch. Du kích trở thành lực lượng quan trọng bảo vệ làng bản, bảo vệ vùng giải phóng. Nhiều khu du kích liên hoàn ra đời, như ở Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Phôngxalỳ, Áttapư, Xalavăn, Viêng Chăn Tây, Viêng Chăn Đông, Uđômxay ..., hình thành thế cài răng lược, liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thế vững chắc cho căn cứ Trung ương.

Về kinh tế, Đảng Nhân dân Lào chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng giải phóng. Chuyên gia Việt Nam cùng cán bộ Lào đi vào từng bản làng phát động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đồng thời tích cực đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ, các phòng thí nghiệm phục vụ sản xuất và hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Trong hai năm 1966 - 1967, vùng giải phóng Lào đã xây dựng được 25 công trình thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ ở các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt, Xalavăn, Áttapư, bảo đảm tưới cho 3.452 ha ruộng, đồng thời còn vận động nhân dân làm thuỷ lợi nhỏ nhằm đảm bảo nước cho những vùng đồng ruộng nhỏ hẹp.

Do có sự quan tâm thích đáng cho sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng trọt và năng suất lúa, cây hoa màu ở vùng giải phóng Lào tăng lên đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện, sự đóng góp của nhân dân cho cách mạng cũng tăng lên. Trong hai năm 1966 - 1967, nhân dân tại chín tỉnh trong vùng giải phóng đã đóng góp 5.472 tấn thóc (đạt 99,8% kế hoạch), bán cho chính quyền 2.883 tấn lương thực (đạt 64,9% kế hoạch). Việc đóng góp thóc cứu nước là một thành công bước đầu của đường lối xây dựng kinh tế trong vùng giải phóng của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời cũng thể hiện tính ưu việt của chế độ mới ở vùng giải phóng.

Cùng với nông nghiệp, Việt Nam còn giúp Lào phục hồi phát triển tiểu thủ công nghiệp để đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất, chiến đấu; xây dựng một số cơ sở công nghiệp nhẹ, như xí nghiệp dệt vải, dệt kim, may mặc, sửa chữa ôtô, chế biến gỗ, luyện thép, sản xuất bánh kẹo, dược phẩm...; giúp tổ chức mạng lưới thương nghiệp từ trung ương đến địa phương. Nhiều mặt hàng lâm - thổ sản truyền thống được khuyến khích khai thác để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, trao đổi các mặt hàng công nghiệp cần thiết. Nhiều cửa hàng của nhà nước được xây dựng, mậu dịch biên giới với Việt Nam không ngừng phát triển.

Về giao thông, được sự giúp đỡ của Việt Nam, nhân dân Lào đã xây dựng xong tuyến đường Sầm Nưa đi Bạn Ban, dài 158 km. Tuyến đường này không chỉ phục vụ công tác vận chuyển cho chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, mà còn thỏa mãn nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế ở vùng giải phóng.

Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục, Đảng Nhân dân Lào đã ban hành nghị quyết về chuyển hướng giáo dục (tháng 5 năm 1967), trong đó chỉ ra vị trí, chức năng quan trọng của công tác giáo dục trong sự nghiệp cách mạng, đồng thời xác định: công tác giáo dục - đào tạo phải góp phần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cán bộ khoa học, nâng cao nhận thức cho thanh niên, đào tạo họ trở thành các cán bộ, chiến sĩ cách mạng; giáo dục còn là công cụ nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng, góp phần đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống của toàn xã hội; văn hoá cánh mạng là công cụ đấu tranh chống lại nền giáo dục nô dịch của đế quốc, phong kiến.

Mặc dù điều kiện chiến tranh hết sức ác liệt, nhưng do có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào và sự giúp đỡ của Việt Nam mà trực tiếp là đội ngũ chuyên gia giáo dục, sự nghiệp văn hoá - giáo dục ở vùng giải phóng Lào không ngừng phát triển. Số trường phổ thông và bổ túc được tăng lên, từng bước xoá bỏ nạn mù chữ. Tính đến năm 1967, vùng giải phóng đã có 400 trường cấp I, cấp II với 36.000 học sinh và khoảng 1.500 giáo viên, gồm đủ các dân tộc.

Việt Nam còn giúp Lào xây dựng một số trường dạy nghề sơ cấp và trung cấp, đào tạo dạy nghề, trung học và đại học nhằm tạo nguồn cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và quản lý đất nước sau này. Tính đến tháng 8 năm 1966, Việt Nam đã giúp đào tạo tại Việt Nam 2.520 học sinh, sinh viên Lào, trong đó có 1.200 người được đào tạo kiến thức quân sự; 640 học sinh phổ thông (cấp I, II và III); 215 sơ cấp chuyên nghiệp, 372 trung cấp chuyên nghiệp; 82 học sinh ngành nghệ thuật; 11 sinh viên đại học các ngành. Đây là sự giúp đỡ hết sức quý báu của Việt Nam, đồng thời là nỗ lực to lớn của Đảng Nhân dân Lào trong thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ phục vụ cho việc xây dựng, củng cố vùng giải phóng.

Việt Nam cũng giúp Lào trong phát triển văn hoá, văn nghệ cách mạng. Trên cơ sở phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Lào đã phát huy sáng tạo, phản ánh sinh động hoạt động sản xuất và chiến đấu của quân dân bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần tích cực tuyên truyền giác ngộ, cổ vũ nhân dân. Nhiều tác phẩm văn hoá - văn nghệ xuất sắc ra đời, sống mãi trong tâm trí nhiều thế hệ. Từ năm 1965 đến 1968, Nhà xuất bản Neo Lào Hắc Xạt đã phát hành hàng trăm tác phẩm lý luận, chính trị, thơ ca, truyện ký, phổ biến khoa học kỹ thuật... Báo chí, đài phát thanh hoạt động thường xuyên và có hiệu quả.

Về y tế, Việt Nam giúp Lào tổ chức mạng lưới y tế từ trung ương xuống đến xã, vừa làm nhiệm vụ chữa bệnh vừa hướng dẫn nhân dân phòng bệnh có kết quả. Nhiều bệnh viện, trạm xá được xây dựng; nhiều xã đã có trạm xá, nhiều bản có tủ thuốc chữa bệnh và y tá tại chỗ.
Những thành tựu về xây dựng kinh tế, văn hoá - xã hội và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân trong vùng giải phóng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân các bộ tộc Lào, tạo ra những biến đổi sâu sắc trong quan hệ xã hội: nhân dân đã bước đầu ý thức được mình là người làm chủ đất nước, làm chủ bản làng, đặc biệt là ý thức dân tộc, ý thức quốc gia ngày càng được củng cố vững chắc, chính vấn đề đó đã góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết các bộ tộc Lào. Nhân dân Lào đã ý thức được phải có trách nhiệm với cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc. Thắng lợi của việc xây dựng chế độ mới của Đảng Nhân dân Lào đã củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.




------------------------------------------------------------------
1. Lực lượng đảng viên cũng phát triển không ngừng: từ năm 1959 đến 1965, Lào đã phát triển được hàng ngàn đảng viên, cơ sở đảng ở căn cứ được củng cố. Trong số 5.681 bản ở Nam Lào, có 2.082 bản được giải phóng; 3.343 bản có cơ sở, chiếm 58,8%; số bản có đảng viên là 1.925, chiếm 22,79%.

2. Đến năm 1968, ta đã có 44.313 du kích, trong đó có 8.350 nữ du kích. Du kích đã phối hợp với bộ đội địa phương đánh 1.052 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 5.149 tên địch. Dẫn theo Biên niên sự kiện Lào, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-937, tr.228.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #68 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 10:57:19 am »

Phát triển mạng lưới đường tây Trường Sơn góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam

Từ sau khi chuyển toàn bộ hoạt động sang tuyến tây Trường Sơn trên đất Lào (tháng 1 năm 1964), Đoàn 559 đã tổ chức nghiên cứu, phát triển mạng lưới đường cơ giới nhằm tăng cường xe hoạt động trên tuyến, bảo đảm vận chuyển một khối lượng hàng lớn gấp ba lần năm 1963 và bảo đảm cho bộ đội hành quân vào chiến trường tăng gấp hai lần. Đoàn đã tổ chức được đội vận tải ôtô 264 chạy cung Mương Phin - Xê Pôn; bắt đầu mở đường vận tải cơ giới từ Mương Noòng đi Bạc. Việc vận chuyển cho miền Nam có điều kiện thuận lợi hơn, các trung đoàn chủ lực có thể hành quân theo đường tây Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên, rồi tiến sâu vào các chiến trường khác để chiến đấu dài ngày.

Đến giữa tháng 3 năm 1965, Đoàn 559 được tăng cường khá toàn diện cả về lực lượng, phương tiện vận tải cơ giới và phương tiện thi công cầu đường. Được sự giúp đỡ của quân và dân Lào, đường 559 từ tây Trường Sơn đến Tây Nguyên được củng cố và thường xuyên thông suốt. Đa phần việc vận tải hàng qua đường tây Trường Sơn trên đất Lào vào đến Tây Nguyên đã sử dụng phương tiện cơ giới. Đầu năm 1966, Tổng cục Hậu cần tổ chức hai đoàn xe chở 1.000 tấn đạn từ Hà Nội vào tàxẻng Hạ Lào (khu vực ngã ba biên giới). Chuyến vận tải này khẳng định rằng việc vận chuyển hàng hoá từ miền Bắc theo đường tây Trường Sơn trên đất Lào đến cửa ngõ Tây Nguyên đã có thể thực hiện hoàn toàn bằng phương tiện cơ giới. Không dừng lại ở đây, bộ đội Đoàn 559 còn mở đường 128 vận chuyển cơ giới từ tàxẻng vào nam đường 19 và các đường hành lang chạy xuống phía đông. Đây là những điều kiện quyết định đối với hoạt động tác chiến lớn ở chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Khu 5 Việt Nam.

Do có sự chi viện mạnh mẽ của miền Bắc, lực lượng vũ trang ba thứ quân Việt Nam ở chiến trường Khu 5, Nam Bộ và đặc biệt là Tây Nguyên đã có bước phát triển hơn hẳn. Các căn cứ kháng chiến của hai nước Việt Nam, Lào dọc hành lang chiến lược tây Trường Sơn phát triển mạnh. Riêng ở Tây Nguyên, lực lượng chủ lực đã có bốn trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn đặc công, một tiểu đoàn pháo cối, một tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 mm.

Do có lực lượng lớn mạnh và có căn cứ đứng chân trên đất Lào nên ngay khi quân Mỹ vừa nhảy vào miền Nam, Mặt trận Tây Nguyên đã quyết định mở chiến dịch Plâyme (từ ngày 19 tháng 10 đến 26 tháng 11 năm 1965), ở khu vực từ Bầu Cạn - Plâyme đến Đức Cơ - Ia Đrăng, vùng rừng núi gần ngã ba biên giới, nhằm đánh đòn phủ đầu quân chủ lực Mỹ. Lực lượng tham gia chiến dịch có bốn trung đoàn bộ binh cùng một số tiểu đoàn hoả lực, đặc công, trong đó có trung đoàn được huấn luyện cơ bản ở miền Bắc, vừa hành quân theo đường tây Trường Sơn vào đến vùng căn cứ ngã ba biên giới. Trong chiến dịch, bộ đội Việt Nam, với cách đánh thông minh, sáng tạo, qua 38 ngày đêm chiến đấu, đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.900 tên địch (trong đó có 1.700 tên Mỹ), phá huỷ 88 xe quân sự, 5 pháo, bắn rơi 59 máy bay.

Chiến dịch Plâyme là chiến dịch đánh Mỹ đầu tiên của Mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến dịch thể hiện trình độ, khả năng đánh lớn của bộ đội Tây Nguyên đã có bước phát triển mới, đồng thời cũng thể hiện sự chi viện lớn của miền Bắc đối với Tây Nguyên và miền Nam, cũng như sự giúp đỡ vô giá của nhân dân Lào đối với cuộc chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Nguyên (bộ đội Việt Nam sau khi đánh địch đã rút quân an toàn về căn cứ ở vùng rừng núi Hạ Lào, trước sự truy quét điên cuồng của Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ).

Cay cú vì với lực lượng quân sự hùng hậu, phương tiện hiện đại nhưng không thể “tìm diệt” được bộ đội chủ lực Việt Nam ở vùng ngã ba biên giới, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay B52 oanh tạc vùng giải phóng Lào và trắng trợn tuyên bố: quân đội Mỹ từ miền Nam Việt Nam có quyền bất cứ lúc nào cũng có thể bắn phá và xâm phạm lãnh thổ Lào với lý do là để “tự vệ” và “truy kích Việt cộng”.

Trước hành động trên của Mỹ, ngày 17 tháng 1 năm 1966, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố cực lực lên án âm mưu và hành động của Mỹ. Yêu cầu Mỹ phải từ bỏ âm mưu đưa lục quân Mỹ vào Lào và chấm dứt các hành động ném bom bắn phá vùng giải phóng Lào. Đồng thời, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt cũng đòi chính quyền Viêng Chăn phải ngừng chiến dịch vu khống Neo Lào Hắc Xạt và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà .

Sau chiến thắng Plâyme, từ cuối năm 1965, Mặt trận Tây Nguyên Việt Nam thành lập Sư đoàn bộ binh 1. Đến năm 1967, khối chủ lực của Tây Nguyên tổ chức thành một sư đoàn và bốn trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo binh hỗn hợp. Do có sự chi viện lớn của miền Bắc và căn cứ đứng chân ở Hạ Lào, trong giai đoạn này, Tây Nguyên đã tổ chức nhiều chiến dịch quy mô từ một sư đoàn đến gần hai sư đoàn, như: chiến dịch Sa Thầy 1 (năm 1966), quy mô một sư đoàn tăng cường; chiến dịch Sa Thầy 2 (năm 1967), lực lượng gồm một sư đoàn và hai trung đoàn bộ binh cùng trung đoàn pháo binh; chiến dịch Đắc Tô (năm 1967), quy mô một sư đoàn và hai trung đoàn bộ binh... Các chiến dịch này đều đã giành thắng lợi vang dội, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, đồng thời góp phần nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực trên chiến trường Tây Nguyên.

Tại Lào, năm 1965, Pathết Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã đánh 1.840 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 9.277 tên, trong đó bắt 2.662 tên, thu 2.566 súng các loại, phá 7 xe, 108 máy vô tuyến điện, bắn rơi 218 máy bay các loại. Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1965, các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội và nhân dân các tỉnh Xalavăn, Xavẳnnakhệt, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Phôngxalỳ, Luổng Phạbang, Uđômxay đã tuyên truyền, vận động được hàng trăm phỉ, giải phóng 16.000 dân khỏi sự kìm kẹp của địch. Những tháng cuối năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 Việt Nam đã điều Tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 341 sang tỉnh Áttapư (Hạ Lào), Tiểu đoàn 4 sang Trung Lào phối hợp với Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện 565 giúp xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang.

   Tháng 7 năm 1966, trước tình hình địch tăng cường các hoạt động quân sự uy hiếp căn cứ địa Sầm Nưa, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cử hai trung đoàn quân tình nguyện sang Sầm Nưa và Xiêng Khoảng làm nhiệm vụ giúp Lào tổ chức lực lượng phòng thủ dài ngày, bảo vệ vững chắc và mở rộng vành đai vùng giải phóng Sầm Nưa. Đoàn 766 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo phòng không 37 mm, đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào, có nhiệm vụ cùng lực lượng vũ trang Lào đánh địch lấn chiếm Sầm Nưa, chống không quân địch oanh tạc, truy quét phỉ, trừ gian, củng cố cơ sở, bảo vệ căn cứ địa cách mạng ở khu vực Viêng Xây, Na Kay. Đoàn 866 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm và hai đội công tác, có nhiệm vụ bảo vệ hành lang đường 6 và đường 4.

   Cũng trong năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu còn cử Trung đoàn công binh 217 sang giúp Lào bảo đảm giao thông, mở đường mới và xây dựng các công trình bảo đảm an toàn cho các lãnh tụ và các cơ quan trung ương Lào tại căn cứ Na Kay. Với lực lượng gồm tám tiểu đoàn (hơn 5.000 người), trong điều kiện địch thường xuyên ném bom đánh phá và sử dụng lực lượng phỉ, biệt kích đến phá hoại, trung đoàn đã xây dựng, sửa chữa, bảo đảm giao thông trên tám tuyến đường với chiều dài 647 km, thuộc hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, Tiểu đoàn 6 của trung đoàn được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình phòng thủ vĩnh cửu của trung ương. Trong suốt sáu năm khoét núi, xây hầm, tiểu đoàn đã xây dựng được 51 công trình lớn nhỏ, cải tạo nhiều hang động, bảo đảm an toàn cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo và cơ quan trung ương.

Về tác chiến, đầu năm 1966, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Lào đã đánh lui cuộc hành quân “In Ta” của địch càn vào khu vực Lao Ngam - Thà Teng và bắc cao nguyên Bôlavên; đánh bại cuộc càn của địch vào khu vực Phu Văng, tỉnh Khăm Muộn. Tại mặt trận Phu Cút, lực lượng vũ trang hai nước đã đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của địch, diệt gần 600 tên, giữ vững điểm cao Phu Cút, cánh cửa phía tây của Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Từ ngày 4 tháng 2 đến 24 tháng 4 năm 1966, quân giải phóng nhân dân Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của ba binh đoàn quân Phumi Nòxavẳn cấu kết với quân Koongle, giữ vững được khu chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #69 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 11:04:39 am »

3. Cùng quân dân Lào phát triển lực lượng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh về mọi mặt

Nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai Đảng hơn nữa, tháng 8 năm 1967, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào do đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Cayxỏn Phômvihản dẫn đầu, đã tiến hành hội đàm tại Hà Nội. Trong cuộc hội đàm, Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào khẳng định: từ sau cuộc hội đàm giữa hai Đảng (năm 1965), mặc dù Việt Nam có nhiều khó khăn do Mỹ tăng cường chiến tranh ở miền Nam, đánh phá ác liệt ở miền Bắc, nhưng Đảng và nhân dân Việt Nam đã cố gắng rất lớn để giúp Đảng và nhân dân Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng, chống các cuộc tấn công lấn chiếm của địch... Về phương pháp giúp trong hai năm cũng có nhiều tiến bộ.

Để thực hiện nhiệm vụ trong ba năm tới, hai Đảng thống nhất cần tiếp tục giúp đỡ Lào đẩy mạnh tiến công cả về quân sự, chính trị và xây dựng kinh tế, văn hoá. Trong quân sự, chú trọng giúp Lào xây dựng bộ đội đặc công, bộ đội địa phương, dân quân du kích, xây dựng tổ tình báo chiến lược. Trong kinh tế, giúp xây dựng thêm một số công trình thuỷ lợi, chăn nuôi, phát triển cây công nghiệp, một số cơ sở công nghiệp địa phương như dệt, rèn, cơ khí... Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa để đáp ứng các yêu cầu của cách mạng Lào.

Sau cuộc hội đàm, ngày 10 tháng 10 năm 1967, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết tăng cường giúp đỡ cách mạng Lào. Sau khi phân tích vị trí chiến lược của Lào, mối quan hệ láng giềng gắn bó về nhiều mặt giữa hai dân tộc trong lịch sử, trong cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược, Bộ Chính trị xác định: nhiệm vụ giúp cách mạng Lào là nhiệm vụ quốc tế quan trọng nhất của Đảng; cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sang trực tiếp giúp cách mạng Lào đã được Đảng và nhân dân Lào đánh giá cao, đã góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc; tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, cũng có một số nhược điểm như sự giúp đỡ chưa đầy đủ về các mặt, quân số lớn nhưng chất lượng không đều, giúp xây dựng kinh tế, văn hoá còn chậm.

Trước sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị chủ trương kiên quyết huy động thêm lực lượng để đẩy mạnh công tác giúp cách mạng Lào nhằm giúp Đảng Nhân dân Lào phát triển lực lượng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh về mọi mặt một cách mạnh mẽ và đều khắp. Bộ Chính trị đã xác định một số việc trước mắt cần giải quyết là: phát huy đến mức cao nhất khả năng của đội ngũ chuyên gia; tích cực giúp Lào phát triển kinh tế, văn hoá, coi đó là khâu đòn bẩy quan trọng nhất trong việc xây dựng vùng giải phóng, củng cố, tăng cường lực lượng cách mạng Lào về mọi mặt; cải tiến hơn nữa các tổ chức giúp Lào nhằm giúp Trung ương và Quân uỷ Trung ương chỉ đạo công tác, phát huy được hiệu lực của các lực lượng sang giúp Lào.

Tại Lào, trong năm 1967, Đoàn chuyên gia quân sự 959 đã giúp Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào triệu tập Hội nghị cán bộ quân chính trong toàn quân tại Na Kay - Sầm Nưa (từ ngày 20 đến 30 tháng 7 năm 1967). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đồng chí Khăm Tày Xiphănđon chủ trì hội nghị. Trong hội nghị, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào chủ trương phải hết sức coi trọng xây dựng chất lượng chính trị, nâng cao bản chất của quân đội cách mạng, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, phấn đấu trở thành “Đơn vị ba giỏi”, “Chiến sĩ ba giỏi”1. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng đối với quân đội. Trước yêu cầu phát triển lực lượng vũ trang cách mạng trong giai đoạn mới, hội nghị thống nhất đổi tên bộ đội Pathết Lào thành Quân đội giải phóng nhân dân Lào. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon được cử làm tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang.

Sau hội nghị, Đoàn chuyên gia quân sự 959 tiếp tục cử một số chuyên gia cùng cán bộ Lào xuống các đơn vị giúp Lào nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị các phương án tác chiến và bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Các đoàn chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam, theo địa bàn và nhiệm vụ được giao, tiếp tục giúp Lào tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, củng cố chính quyền cách mạng.

Về phía địch, bị thất bại liên tiếp trong mùa khô 1965 - 1966, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược Lào. Chúng tăng cường viện trợ quân sự và hối thúc bọn tay sai tiếp tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Từ tháng 8 năm 1967, dưới sự hối thúc của Mỹ, quân nguỵ Lào đã mở cuộc tiến công lấn chiếm Nặm Bạc, một vùng đất đông dân, có vị trí chiến lược, nằm dọc sông Nặm U, thuộc tỉnh Luổng Phạbang, nhằm biến nơi đây thành căn cứ lâu dài, bảo vệ Luổng Phạbang, mở rộng và phát triển vùng hoạt động của bọn phỉ, thu hẹp, chia cắt vùng giải phóng Thượng Lào và uy hiếp vùng Tây Bắc Việt Nam. Địch đã thể nghiệm phương thức tác chiến mới: tập trung các binh đoàn quân nguỵ Viêng Chăn làm lực lượng tiến công và chiếm đóng, kết hợp với “lực lượng đặc biệt” của Vàng Pao đóng chốt trên các điểm cao, cắm sâu vào vùng giải phóng. Công thức này đã được thể hiện trong các cuộc hành quân Thêvađa I, II ở Hạ Lào nhưng với quy mô nhỏ, nên Mỹ coi Nặm Bạc là chiến trường thể nghiệm quan trọng. Sau khi chiếm được Nặm Bạc, quân địch tổ chức nống ra xung quanh để mở rộng phạm vi kiểm soát. Chúng tập trung ở đây 10 tiểu đoàn bộ binh của các binh đoàn 11, 12, 15, 23 và Tiểu đoàn dù 99. Trước khi ta tiến công, địch còn tăng thêm hai binh đoàn và một số đơn vị pháo binh.

Nhận thấy đây là cơ hội diệt quân chủ lực địch, tạo điều kiện giúp Lào mở rộng vùng giải phóng, xây dựng và phát triển lực lượng, đồng thời để nghi binh tạo điều kiện cho chiến trường miền Nam Việt Nam chuẩn bị Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và đẩy địch ra xa vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Chỉ huy quân giải phóng Lào quyết định mở chiến dịch tiến công giải phóng Nặm Bạc. Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm: đồng chí Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc làm tư lệnh; đồng chí Huỳnh Đắc Hương, Phó Chính uỷ Quân khu làm chính uỷ. Phía Lào có đồng chí Xỉxổmphon Lòvănxay, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Lào, thay mặt Quân uỷ tham gia Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Ngày 12 tháng 1 năm 1968, bộ đội Việt - Lào2 bắt đầu tiến công vào tập đoàn cứ điểm Nặm Bạc. Sau 10 ngày chiến đấu, chiến dịch Nặm Bạc toàn thắng, loại khỏi vòng chiến đấu 3.200 tên, trong đó bắt sống 2.000 tên (có 84 sĩ quan, 335 hạ sĩ quan); đánh thiệt hại nhiều binh đoàn; bắn rơi, phá huỷ 14 máy bay, thu nhiều vũ khí; giải phóng hoàn toàn khu vực Nặm Bạc - Khăm Đeng với trên một vạn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn, tạo thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào. Cũng trong thời gian này, bộ đội Lào - Việt Nam còn tiến công giải quyết xong ổ phỉ lâu đời ở Phả Thí, loại khỏi vòng chiến đấu 812 tên (cả đợt), diệt đài rađa dẫn đường cho máy bay Mỹ ném bom vùng giải phóng Lào và miền Bắc Việt Nam (đài TACAN).

Chiến thắng Nặm Bạc đã phá tan căn cứ chiến lược và kế hoạch tiến công vùng giải phóng của quân nguỵ Lào, đánh dấu sự lớn mạnh về trình độ tác chiến của quân đội giải phóng nhân dân Lào, góp phần làm thay đổi một bước quan trọng tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, đồng thời còn có ý nghĩa nghi binh, phối hợp với chiến trường miền Nam Việt Nam trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968 ở Việt Nam, trước những yêu cầu mới trên chiến trường ba nước Đông Dương, để đáp ứng nhiệm vụ tác chiến trên địa bàn Trung - Hạ Lào, cũng như nhiệm vụ bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Lào thống nhất chủ trương kiện toàn các lực lượng chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào, phát triển lên một bước mới để đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược đang đặt ra.

Theo chủ trương đó, ngày 28 tháng 6 năm 1968, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 98/TM-QĐ tách Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam 565 tại Nam Lào thành hai lực lượng: lực lượng chuyên gia quân sự mang phiên hiệu Đoàn 565 trực thuộc Đoàn chuyên gia quân sự 959 (Lào) và lực lượng quân tình nguyện Nam Lào mang phiên hiệu Đoàn 968 trực thuộc Quân khu 4 (Việt Nam). Biên chế các cơ quan Đoàn 565 cơ bản vẫn giữ nguyên các phòng ban. Bộ Chỉ huy Đoàn 968 ban đầu có các đồng chí: Thượng tá Hà Tuấn Khanh (phụ trách Tư lệnh), Thượng tá Phạm Sinh (Chính uỷ). Các đơn vị tình nguyện thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 968 gồm năm tiểu đoàn bộ binh (1, 2, 3, 4, 5), Đại đội S4 đặc công, Đại đội 5 cao xạ, Đại đội 6 pháo hỗn hợp... và Đội điều trị 49 quân y.

Về phía Lào, ngày 3 tháng 8 năm 1968, Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ 16 đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh kháng chiến trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh: quân và dân Lào phải tiếp tục tấn công địch, ra sức xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng địch hậu, mở rộng đấu tranh cả ba mặt quân sự, chính trị, ngoại giao để củng cố thắng lợi đã giành được, nỗ lực vươn lên giành thắng lợi có tính chất quyết định...

Trên chiến trường, phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, Xuân Hè 1968 ở miền Nam Việt Nam, quân và dân Lào cũng giành được thắng lợi to lớn, toàn diện, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra một tình thế mới có lợi cho cách mạng Lào. Trên địa bàn Nam Lào, vùng giải phóng dọc tuyến hành lang chiến lược được giữ vững và mở rộng, nối thông với các vùng giải phóng của Việt Nam ở Quảng Trị, Thừa Thiên, tạo điều kiện cho công tác vận chuyển phát triển sâu vào các chiến trường. Tại Xiêng Khoảng, địch bị mất Thà Thôm, Thà Viêng. Trên bốn tỉnh Bắc Lào, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân dân Lào tiễu phỉ, bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời tiến hành đánh giao thông trên sông Mê Công.

Năm 1968 kết thúc bằng cuộc hội đàm giữa hai Đảng tại Hà Nội vào tháng 12. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào gồm các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Nủhắc Phumxavẳn, Xuphanuvông, Khăm Tày Xiphănđon và Phumi Vôngvichít; Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam gồm các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh và Lê Văn Lương. Trong cuộc hội đàm, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã khẳng định sự lớn mạnh của cách mạng Lào, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ chân thành của Việt Nam. Đồng chí nêu rõ: đây là lần thứ ba hai Đảng tiến hành hội đàm. Cứ mỗi lần hội đàm, càng làm sáng tỏ mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, về mối quan hệ của hai dân tộc và vận mệnh hai nước. Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư. Các đồng chí đã giúp chúng tôi cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào và nền độc lập của Lào... Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Giai đoạn 1963 - 1968 đối với cách mạng Lào là giai đoạn đầy thử thách, hy sinh, gian khổ. Đế quốc Mỹ và tay sai ký Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào không phải để chấm dứt chiến tranh ở Lào mà là để thực hiện âm mưu tách Việt Nam ra khỏi Lào, chia rẽ các lực lượng kháng chiến Lào. Khi không thực hiện được âm mưu trên, chúng đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định, tiến hành lấn chiếm vùng giải phóng Lào, làm chiến tranh lan rộng ra khắp đất nước Lào.

Được sự giúp đỡ về mọi mặt của Việt Nam, quân và dân Lào đã đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng, kiên quyết đánh địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng. Được chăm lo xây dựng, lực lượng vũ trang Lào đã không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt đập tan các cuộc tiến công lấn chiếm của địch, tiến hành các chiến dịch thu phục phỉ, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, làm cho hậu phương cách mạng ngày càng lớn mạnh. Tính đến cuối năm 1967 và đầu năm 1968, vùng giải phóng của Lào trải rộng trên 68 huyện, chiếm 58%, với 667 tàxẻng cùng 909.290 dân3. Vùng tranh chấp giữa ta và địch là 71 tàxẻng, trong đó chúng ta đã xây dựng căn cứ du kích ở 35 tàxẻng, còn lại 36 tàxẻng đều có du kích của ta hoạt động.

Đặc biệt, dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 của Đảng Nhân dân Lào, quân dân Lào được sự giúp đỡ của Việt Nam đã ra sức xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia. Những thành tựu về xây dựng kinh tế, văn hoá - xã hội và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân trong vùng giải phóng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân các bộ tộc Lào, tạo ra những biến đổi sâu sắc trong quan hệ xã hội, tạo nên sức mạnh đoàn kết các bộ tộc Lào. Vùng giải phóng Lào ngày càng được mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và hỗ trợ thiết thực cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia.

Cách mạng Lào phát triển, vùng giải phóng Lào vững mạnh chính là những điều kiện tiên quyết để quân dân Lào tạo điều kiện và cùng góp công sức xây dựng tuyến đường chiến lược tây Trường Sơn và các căn cứ đứng chân của bộ đội chủ lực ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng tạo điều kiện cho Việt Nam đánh thắng Chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc, đồng thời cũng góp phần trực tiếp cho việc xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng Lào và Campuchia.





------------------------------------------------------------------
1. Tiêu chuẩn “Đơn vị ba giỏi” và “Chiến sĩ ba giỏi”: chiến đấu giỏi, xây dựng cơ sở giỏi và tăng gia sản xuất giỏi.

2. Phía Lào có Tiểu đoàn 409 và đại đội địa phương Luổng Phạbang; phía Việt Nam có Sư đoàn 316, Trung đoàn 5, Trung đoàn 335.

3. Toàn bộ nước Lào thời gian này có 18 tỉnh, 117 huyện, 1.077 xã với dân số khoảng 2.804.290 người.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM