Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 12:48:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007  (Đọc 5483 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #50 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 10:37:12 am »

Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1956, cùng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân các bộ tộc Lào, được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, cuộc chiến đấu bảo vệ hai tỉnh tập kết của lực lượng Pathết Lào giành được nhiều thắng lợi, đã có tác động mạnh đến Chính phủ Vương quốc Lào do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng. Sau khi Chính phủ Vương quốc Lào ra tuyên bố thực hiện chính sách hoà bình trung lập, giải quyết vấn đề Lào theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ, từ ngày 1 đến 5 tháng 8 năm 1956, Đoàn đại biểu Neo Lào Hắc Xạt do Hoàng thân Xuphanuvông làm trưởng đoàn đã tiến hành đàm phán với phía Chính phủ Vương quốc Lào tại Thủ đô Viêng Chăn.

Vào thời điểm này, công tác tiếp tế cho miền Tây để sang Lào gặp rất nhiều khó khăn do mưa lũ kéo dài, đường 217 mới làm từ Làng Tra đến biên giới Việt - Lào bị hư hỏng nặng. Đường dài 90 km, nhưng xe chỉ còn chạy được đến Km 17. Lương thực bị nghẽn lại dọc đường, trong khi đó các cơ quan, đơn vị Pathết Lào gạo chỉ còn đủ ăn đến ngày 5 tháng 9, thực phẩm đã hết từ ngày 8 tháng 8.

Trước tình hình đó, ngày 19 tháng 8 năm 1956, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Thông tri số 50-TT/TW về việc thực hiện kịp thời công tác tiếp tế miền Tây “theo đề nghị... các ngành giao thông, lao động, tài chính, thương nghiệp, Văn phòng kinh tế Thủ tướng phủ, Tổng cục Hậu cần, Ban Biên chính Trung ương và đại biểu Ban Cán sự miền Tây, Trung ương... phải kịp thời có kế hoạch khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo việc tiếp tế cho miền Tây đúng theo số lượng và chất lượng đã quy định”.

Chấp hành chỉ thị của Ban Bí thư, các bộ, ban, ngành đã ra sức khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo tốt việc vận chuyển cho miền Tây. Đến cuối tháng 8 năm 1956, việc đảm bảo lương thực, thực phẩm cho các đơn vị Pathết Lào cơ bản đã được giải quyết.

Việc đảm bảo tiếp tế kịp thời cho miền Tây, cho Lào trong thời điểm cách mạng Lào đứng trước những khó khăn thử thách lớn đã góp phần đắc lực củng cố hậu phương, tạo niềm tin vững chắc để nhân dân hai tỉnh tập kết và lực lượng vũ trang Pathết Lào yên tâm chiến đấu, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng Lào vừa giành được.

Đến tháng 8 năm 1956, với tinh thần vượt mọi khó khăn, tích cực chủ động triển khai các kế hoạch đề ra, cách mạng Lào đã giành được nhiều thành tựu trên các mặt công tác.

Về xây dựng đảng, đến tháng 8 năm 1956, bộ máy lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào đã hình thành từ trung ương xuống các địa phương. Ban Chỉ đạo Trung ương gồm tám đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư; các đồng chí Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Nủhắc Phumxavẳn, Phun Xipaxợt, Bun Phôm Mahả Xây, Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Khăm Xẻng là uỷ viên; hệ thống cơ quan trung ương gồm các ban: Tổ chức, Tuyên huấn, Mặt trận, Vận động sản xuất, Kinh tài và Văn phòng; các chi bộ cơ sở gồm 76 chi bộ (trong đó 30 nông thôn, 25 cơ quan, 21 bộ đội) với tổng số 428 đảng viên.

Để giúp Đảng Nhân dân Lào chỉ đạo các hoạt động, Ban Cán sự miền Tây đã tổ chức các ban cán sự ở tây nam gồm bốn tỉnh Hạ Lào: Khăm Muộn, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Phôngxalỳ; ba khu thuộc Sầm Nưa và ba ban phụ trách (Huội Xài, Luổng Phạbang, Liên huyện 90) 1.

Về phân công giúp các cơ quan trung ương của Đảng Nhân dân Lào, Ban Cán sự miền Tây phân công: đồng chí Nguyễn Khang, Trung ương ủy viên, Bí thư, phụ trách chung; các đồng chí Nguyễn Chính Giao, Võ Thúc Đồng, Đào Việt Hưng phụ trách công tác tổ chức và tuyên huấn; Đinh Văn Khanh, phụ trách văn phòng kinh tế, mặt trận; Mai Văn Quang phụ trách Phôngxalỳ; Chu Huy Mân phụ trách đoàn cố vấn quân sự.

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1956, Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Lào do Hoàng thân Xuvănna Phuma - Thủ tướng Chính phủ - làm trưởng đoàn thăm hữu nghị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 2.

Trên cơ sở kết quả các cuộc hội đàm, ngày 29 tháng 8, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Xuvănna Phuma đã ký Tuyên bố chung tại Hà Nội. Đoàn đại biểu Chính phủ hai nước khẳng định: “Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, xa xưa vốn đã có mối quan hệ giao hữu, nay tiếp tục nối lại và phát triển mối bang giao đó dựa trên năm nguyên tắc chung sống hoà bình; các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ 1954 cần được thực hiện ở Việt Nam và Lào để củng cố hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới; Vương quốc Lào kiên quyết thực hiện chính sách hoà bình trung lập; Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận chính sách hoà bình trung lập của Vương quốc Lào”.

Bày tỏ sự hợp tác với Chính phủ Vương quốc Lào, ngày 30 tháng 8 năm 1956, Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố hoan nghênh bản Tuyên bố chung ký kết giữa phái đoàn Chính phủ Vương quốc Lào với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bản tuyên bố trên một lần nữa xác nhận chính sách đối ngoại được ký kết tại Viêng Chăn giữa đại diện Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào, đảm bảo nước Lào đi theo con đường hoà bình, trung lập.

Ngày 25 tháng 9 năm 1956, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào ra nghị quyết “về tình hình mới, nhiệm vụ mới”. Trên cơ sở nhận định tình hình và dự kiến các khả năng có thể xảy ra, nghị quyết đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là: đoàn kết toàn dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ, cô lập bọn tay sai đầu sỏ thân Mỹ, đòi Chính phủ Vương quốc Lào thực hiện nghiêm chỉnh những điều đã ký kết giữa hai bên ở Viêng Chăn; gấp rút củng cố cơ sở và chính quyền các cấp ở hai tỉnh, xây dựng hai tỉnh tập kết thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh trong cả nước; kịp thời chấn chỉnh chính sách, củng cố mở rộng mặt trận để tập hợp rộng rãi mọi lực lượng chống Mỹ xâm lược, tán thành hoà bình trung lập và công khai hoá mặt trận và các tổ chức chính trị khác của Neo Lào Hắc Xạt; đặc biệt chú ý xây dựng Đảng Nhân dân Lào thành chính đảng tiền phong và vững mạnh của dân tộc; thống nhất tư tưởng, tăng cường đoàn kết nội bộ. Và yêu cầu: “cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước cần chuẩn bị đề phòng tình hình có thể diễn biến xấu, không có lợi cho cách mạng. Phải nâng cao cảnh giác, giữ vững ý chí chiến đấu” .

Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước, từ ngày 12 đến 15 tháng 10 năm 1956, Uỷ ban Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã tiến hành Hội nghị mở rộng để sửa đổi, bổ sung chương trình hoạt động do đại hội đề ra hồi tháng 1 năm 1956 cho phù hợp với chuyển biến mới của cách mạng. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu của nhân dân các bộ tộc Lào trong giai đoạn này là:

- Đoàn kết toàn dân, ủng hộ Chính phủ Vương quốc do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng, đòi triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954 và các hiệp định đã được ký kết giữa hai bên, thực hiện chính sách hoà bình trung lập, đấu tranh xây dựng một nước Lào hoà bình, dân chủ, thống nhất, độc lập và thịnh vượng, góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới.

- Kiên quyết chống lại âm mưu của mọi thế lực phản động ngoại quốc và bọn tay sai bán nước đầu sỏ ngoan cố, phá hoại hoà bình, trung lập, hoà hợp dân tộc, biến Lào thành một thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự.

- Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của chính phủ và nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Neo Lào Hắc Xạt xác định, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và ngoại giao, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào đặc biệt chú trọng sắp xếp cán bộ, chiến sĩ và nhân viên ở hai tỉnh tập kết, trong đó bố trí cán bộ nòng cốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng vào các vị trí chủ chốt của tỉnh, huyện, xã, trong các đơn vị vũ trang, cảnh giác đề phòng địch cài cắm người vào các tổ chức của Pathết Lào...

Thực hiện thoả thuận giữa hai bên, từ ngày 16 tháng 11 đến 24 tháng 12 năm 1956, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào tiếp tục họp tại Viêng Chăn để thảo luận một số nội dung quan trọng về hoà hợp dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi công dân Lào, bảo đảm quyền hoạt động hợp pháp của Neo Lào Hắc Xạt.




------------------------------------------------------------------
1. Các ban cán sự biên chế ba đến bảy người, các ban phụ trách có từ một đến ba người; mỗi huyện có một bộ phận do một đến ba cán bộ phụ trách.

2. Thành phần Đoàn đại biểu Chính phủ Vương quốc Lào gồm có các vị: Hoàng thân Xuvănna Phuma - Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng các bộ ngoại giao, quốc phòng, thông tin - trưởng đoàn; Cátài Đônxảxổlít - Phó Thủ tướng; Lượm Inxỉxiêngmẩy - Bộ trưởng Bộ Tài chính, kinh tế, kế hoạch; Thoong Xệtthỉ Vôngnarạt - Thứ trưởng Bộ Thông tin; Chạu Xổmxạnít - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Cứu tế; Xỉ Xúc Ná Chămpaxắc - Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #51 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 02:08:25 pm »

Trong khi Hội nghị hiệp thương đang tiến hành thì đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phá hoại đàm phán ở Viêng Chăn, phá hoại hoà bình trung lập.

Trước âm mưu mới của đế quốc Mỹ và tay sai, để đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra, ngày 28 tháng 11 năm 1956, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị về tình hình mới và những công tác cần kíp của các cấp, các ngành, trong đó nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của ta là phải tích cực thi hành nhiệm vụ đã đề ra trong nghị quyết tháng 8 năm 1956, cụ thể là: mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người bất cứ ở đâu, làm việc gì đều phải làm công tác mặt trận, thực hiện việc đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc để chống âm mưu phá hoại hoà bình trung lập, lật đổ chính phủ của Phuma, chống nguy cơ chia cắt đất nước, đấu tranh ủng hộ và thúc đẩy chính phủ nhà vua thực hiện những điều đã ký kết ở Viêng Chăn, kiên quyết đi theo con đường hoà bình trung lập. Tiếp tục củng cố cơ sở hai tỉnh, giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng trong toàn quốc để tiến tới xây dựng một nước Lào hoà bình, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”.

Sau hơn một tháng hiệp thương, ngày 24 tháng 12 năm 1956, đại diện phái đoàn Neo Lào Hắc Xạt và đại diện phái đoàn Chính phủ Vương quốc Lào tại Hội nghị hiệp thương chính trị ở Viêng Chăn đã ký hiệp định về bảo đảm quyền công dân, cấm phân biệt đối xử, trả thù người của Neo Lào Hắc Xạt và người kháng chiến cũ.

Trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được trong các cuộc hội đàm, ngày 28 tháng 12 năm 1956, tại Thủ đô Viêng Chăn, Hoàng thân Xuphanuvông đại diện cho Neo Lào Hắc Xạt và Hoàng thân Xuvănna Phuma đại diện cho Chính phủ Vương quốc Lào ký Tuyên bố chung thoả thuận thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc có Neo Lào Hắc Xạt tham gia và nâng tổng số nghị sĩ quốc hội từ 39 lên 60 đại biểu.

Song song với việc giúp Neo Lào Hắc Xạt đấu tranh thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc, xây dựng cơ sở đảng và phát triển lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh1, Đảng, Nhà nước Việt Nam còn tăng cường giúp đỡ cách mạng Lào về kinh tế, giáo dục, y tế.

Về viện trợ: năm 1956, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã giúp Chính phủ Kháng chiến Lào: 535 triệu đồng ngân hàng, 30 vạn đồng tiền Lào, 31 nghìn bạt (tiền Thái Lan), 2.525 tấn gạo, 26 tấn lúa, 7.500 tấn muối, 64.421 nông cụ, 91.600 mét vải, 18.764 lít xăng dầu. Ngoài ra, Việt Nam còn giúp Lào dụng cụ y tế, thuốc men, quần áo, giày dép, phương tiện máy móc thông tin, v.v., tổng cộng là 75 tấn với giá trị 745 triệu đồng.

Về công tác xây dựng tổ chức quần chúng, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng giải phóng của Pathết Lào, tính đến cuối năm 1956, Neo Lào Hắc Xạt đã xây dựng được tổ chức quần chúng ở 5.422 bản trong tổng số 9.500 bản ở cả 12 tỉnh. So với cuối năm 1955, phong trào phát triển nhiều và mạnh hơn, nhất là ở Huội Xài, Viêng Chăn, Sầm Nưa, Phôngxalỳ. Trong năm 1956 đã xây dựng được cơ sở cách mạng ở 35 thị trấn và thị xã trong số 59 thị trấn và thị xã toàn Lào. Ở Sầm Nưa, đến cuối năm 1956, toàn tỉnh đã có 1.214 tổ đoàn kết sản xuất, thu hút được trên 12.000 gia đình, khoảng 70% dân số (toàn tỉnh có 105.516 người, trong đó có 17.668 người Mèo). Trong năm đã tiến hành vận động đoàn kết sản xuất, cải thiện dân sinh, củng cố cơ sở trong ba đợt. Riêng hai đợt đầu kết thúc ngày 10 tháng 12 đã làm trong 42 xã, 313 bản với 39.686 người thuộc bốn huyện: Mương Xôi, Sằm Tớ, Xiêng Khọ và Mương Xăm. Về chính quyền, toàn tỉnh đã có chính quyền trong 915 bản, 114 xã, 6 huyện. Đối phương còn kiểm soát 6 xã và 59 bản, ước độ 4.000 dân.

Ở Phôngxalỳ, đến cuối năm 1956, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.000 tổ đoàn kết sản xuất với gần 20.000 hội viên và chấn chỉnh xong các uỷ ban mặt trận chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện.

Cùng với việc vận động nhân dân tăng gia sản xuất, hai tỉnh đã chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục, ấn hành thêm các sách giáo khoa, mở các lớp để bổ túc giáo viên. Đến cuối năm 1956, hai tỉnh đã chấn chỉnh được 89 trường tiểu học và vỡ lòng với 5.765 học sinh, hàng nghìn tổ học chữ với hàng vạn học viên.

Ngày 22 tháng 2 năm 1957, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị về “công tác vận động quần chúng đấu tranh đòi phía Chính phủ Vương quốc thi hành các hiệp định đã được ký kết giữa các bên”. Sau khi vạch rõ âm mưu của Mỹ và bọn tay sai, chỉ thị đã xác định một số nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là: đẩy mạnh đấu tranh đòi thi hành các điều đã được ký kết giữa hai bên; tăng cường củng cố hai tỉnh để làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh trước mắt và lâu dài; củng cố và phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và bán vũ trang; vận động đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện dân sinh.

Đầu tháng 3 năm 1957, Đảng Nhân dân Lào tổ chức Hội nghị cán bộ đảng toàn quốc, rút kinh nghiệm xây dựng đảng và thảo luận nghị quyết mới của Ban Chỉ đạo Trung ương. Hội nghị chỉ rõ: do lãnh đạo chưa sát và có phần thiếu tập thể dân chủ, do tổ chức và sinh hoạt chưa hợp lý, do đảng phát triển mau, sự giáo dục chưa chủ động, do phương pháp công tác không khéo léo, lộ bí mật, nên lẻ tẻ một số địa phương và cả ở các cơ quan trung ương đã xảy ra hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, giữa Đảng và quần chúng, không có lợi cho tình hình và công tác hiện nay.

Từ đó, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục bồi dưỡng cán bộ và chỉnh đốn bộ máy nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cũng trong thời gian này, Ban Cán sự miền Tây sơ kết công tác giúp cách mạng Lào. Theo chủ trương của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ban Cán sự đã giúp Đảng Nhân dân Lào xác định đúng tình hình, chống các tư tưởng lệch lạc (lạc quan cho rằng việc hợp tác với Chính phủ Vương quốc diễn ra dễ dàng, hoặc tư tưởng bi quan, thiếu tin tưởng), giúp Đảng Nhân dân Lào đánh giá phong trào cơ sở từng tỉnh và tình hình công tác của trung ương cũng như mỗi ngành để có kế hoạch chỉ đạo cho sát, đúng; giúp mở các hội nghị đảng và mặt trận ở trung ương để thống nhất nhận định tình hình, thông suốt nhiệm vụ và thông suốt tư tưởng; gợi ý để phía Lào đề đạt kế hoạch củng cố lực lượng ở hai tỉnh, đề phòng địch lấn ra và âm mưu gây phỉ điệp ở hai tỉnh; góp ý kiến chấn chỉnh tổ chức lề lối làm việc và tăng cường quan hệ trên dưới, v.v..

Để đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào, kiên quyết đập tan các âm mưu phá hoại của Mỹ và tay sai, ngày 4 tháng 5 năm 1957, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị bổ sung tình hình nhiệm vụ cho cấp uỷ hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ.
Sau khi vạch trần những âm mưu thủ đoạn của Mỹ và tay sai, những khó khăn chúng đang gặp phải, chỉ ra những thuận lợi cơ bản của cách mạng Lào, chỉ thị đã đề ra một số công tác trước mắt cho quân dân hai tỉnh tập kết là:

- Bằng mọi hình thức tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách hoà bình trung lập và sự cần thiết phải thành lập Chính phủ liên hiệp.

- Ra sức củng cố lực lượng vũ trang và bán vũ trang vững mạnh, giữ vững khu tập kết làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị.

- Tích cực vận động nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang chống âm mưu lấn chiếm, phá hoại của địch.

- Phối hợp chặt chẽ giữa chính trị với quân sự, giữa hậu phương với tiền phương, giữa hai tỉnh tập kết với phong trào đấu tranh trong cả nước và tại Hội nghị hiệp thương chính trị ở Viêng Chăn.

Ngày 23 tháng 5 năm 1957, đồng chí Chu Huy Mân báo cáo và đề nghị với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng một số vấn đề về tình hình lực lượng Lào. Căn cứ vào đề nghị của đồng chí Chu Huy Mân, ngày 11 tháng 6 năm 1957, Tổng Quân uỷ ra Quyết định số 110/TQU về tổ chức và xác định nhiệm vụ mới của Đoàn 100 ở Lào2.




-----------------------------------------------------------------
1. Đến tháng 12 năm 1956, số lượng đảng viên trong cả nước đã lên đến 2.289 đồng chí, sinh hoạt trong 334 chi bộ (182 chi bộ nông thôn, 88 chi bộ cơ quan và 64 chi bộ trong các đơn vị bộ đội); lực lượng vũ trang Pathết Lào đã có 7.518 người (trong đó có 313 người thuộc bộ đội địa phương Sầm Nưa, Phôngxalỳ) được tổ chức thành 9 tiểu đoàn chủ lực, 11 đại đội độc lập, 3 đại đội vận tải, một đại đội công binh, một đại đội bảo vệ, một đội quân báo và một số cán bộ, chiến sĩ các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần. Về cán bộ, có 74 cán bộ tiểu đoàn, 275 cán bộ đại đội, 585 cán bộ trung đội, 1.467 cán bộ tiểu đội.

2. Theo đó, Đoàn 100 vẫn là một đơn vị trực thuộc Tổng Quân uỷ nhưng để chỉ đạo được tập trung và thống nhất, Tổng Quân uỷ giao cho Bộ Tổng Tham mưu chịu trách nhiệm theo dõi chung, từng thời kỳ nghe báo cáo tình hình và giải quyết các công việc cho Đoàn 100.
Về tổ chức, Tổng Quân uỷ phân công đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng chịu trách nhiệm theo dõi Đoàn 100; cử đồng chí Đinh Văn Tuy làm đoàn trưởng thay đồng chí Chu Huy Mân, đồng chí Lê Tự Lập làm phó đoàn trưởng thứ nhất, đồng chí Đức Phương làm phó đoàn trưởng thứ hai.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #52 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 02:14:58 pm »

Cùng với việc giúp quân đội Pathết Lào trên lĩnh vực quân sự, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Lào cũng được đẩy mạnh trong các nhà trường, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam giúp cách mạng Lào. Ngày 22 tháng 6 năm 1957, Ban Biên chính Trung ương quyết định thành lập ở hai trường (T50 và T51), mỗi nơi một ban cán sự Việt thuộc Ban Biên chính Trung ương1 để giúp ban phụ trách hai trường trong việc điều khiển nhà trường, trong công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị văn hoá cho cán bộ Lào. Trong hai tháng 7 và 8 năm 1957, Tiểu ban Phụ vận Trung ương Việt Nam còn mời 19 đồng chí đoàn cán bộ Pathết Lào làm công tác phụ vận sang nghiên cứu phương pháp tổ chức các hoạt động công đoàn, thanh niên, phụ nữ của Việt Nam.

Vừa nghiên cứu học tập lý luận, đoàn vừa dự một số buổi nói chuyện về hoạt động quốc tế của phụ nữ Việt Nam, nghe báo cáo của các cơ sở phụ nữ ở Hà Nội, Hải Phòng, tham quan các nhà máy xi măng, khu mỏ Cẩm Phả, Cửa Ông, Vịnh Hạ Long, v.v.. Những hoạt động trên đã góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tình đoàn kết keo sơn Việt - Lào.

 Thắng lợi của cách mạng Lào có tác động tích cực đến xu hướng và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân ở đô thị, ở một vài nơi đã chuyển thành phong trào chống đế quốc Mỹ và tay sai, ủng hộ đường lối hoà bình trung lập, mong hai bên chóng hợp tác để thống nhất quốc gia.

Ngày 2 tháng 11 năm 1957, Hoàng thân Xuphanuvông đại diện Neo Lào Hắc Xạt và Hoàng thân Xuvănna Phuma đại diện Chính phủ Vương quốc Lào ký tuyên bố chung thoả thuận thành lập Chính phủ liên hiệp có Neo Lào Hắc Xạt tham gia và công nhận các hiệp nghị đã được ký kết từ ngày 24 tháng 12 năm 1956 đến 2 tháng 11 năm 1957. Cũng trong ngày 2 tháng 11, tại Hội nghị hiệp thương chính trị, hai phái đoàn Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào ký hiệp định thoả thuận tổ chức sáp nhập hai tỉnh tập kết vào Vương quốc Lào. Cùng thời gian này tại Viêng Chăn, Hội nghị liên hiệp quân sự giữa Neo Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào ký hiệp định giải quyết lực lượng vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt 2.

Nhân dịp ký kết các hiệp định về hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, thành lập Chính phủ liên hiệp giữa Neo Lào Hắc Xạt với Chính phủ Vương quốc Lào, ngày 15 tháng 11 năm 1957, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi thư cho các cấp bộ đảng và toàn thể đảng viên trong cả nước kêu gọi toàn thể đảng viên: “quyết tâm, bền bỉ đấu tranh cho một nước Lào hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc, nhân dân có quyền tự do dân chủ; mỗi đảng viên dù ở cương vị công tác nào, phải là nòng cốt, xung phong gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; củng cố sự đoàn kết và thống nhất nội bộ, đoàn kết hoà hợp với mọi người yêu nước, dựa vào nhân dân, tin tưởng ở lực lượng của nhân dân trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ; luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ bí mật, bảo vệ Đảng, giữ vững kỷ luật”.

Sau khi Quốc hội Vương quốc Lào thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp dân tộc có Neo Lào Hắc Xạt tham gia, trong tháng 11 năm 1957, Hội nghị Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào xác định nhiệm vụ và phương châm đấu tranh của cách mạng Lào trong thời gian sắp tới: nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là tập trung mọi lực lượng đấu tranh đòi thực hiện các hiệp định đã ký để củng cố và phát triển những thắng lợi đã giành được.

Về phương châm, Hội nghị chủ trương: chuyển phương châm đấu tranh từ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự bảo vệ hai tỉnh tập kết, sang đấu tranh công khai hợp pháp trên toàn quốc, kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh nghị trường và đấu tranh pháp lý, buộc phía Vương quốc phải thực hiện đúng đắn các thoả thuận giữa hai bên.

Ngày 18 tháng 12 năm 1957, Neo Lào Hắc Xạt tổ chức lễ chuyển giao tỉnh Sầm Nưa và tỉnh Phôngxalỳ cho Chính phủ liên hiệp dân tộc, tiếp đó ngày 25 tháng 12 năm 1957, cơ quan đại diện Neo Lào Hắc Xạt chính thức ra mắt và hoạt động công khai hợp pháp tại Thủ đô Viêng Chăn.

 Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 quân đội Pathết Lào gồm 1.500 cán bộ, chiến sĩ sáp nhập với quân đội Vương quốc. Lựa chọn 330 người trong số lực lượng còn lại (trong đó có gần 700 đảng viên) cho đi đào tạo tại Việt Nam, chuẩn bị lực lượng cán bộ lâu dài. Số còn lại phục viên về các địa phương (10 tỉnh) để làm lực lượng nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước.

Nhân dịp giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh thực hiện hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, thành lập Chính phủ liên hiệp, ngày 10 tháng 1 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu rõ: “Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ thực hiện hoà bình thống nhất nước Lào của Neo Lào Hắc Xạt đã giành được thắng lợi to lớn. Trong kháng chiến cũng như trong đấu tranh thực hiện hoà bình, thống nhất đất nước, cách mạng Lào luôn được sự giúp đỡ tận tình của cách mạng Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam. Sở dĩ cách mạng Lào đạt được những thắng lợi to lớn đó là do tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời cũng do sự đóng góp quan trọng của đồng chí và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hết lòng theo dõi giúp đỡ chúng tôi trong mỗi giai đoạn của cách mạng. Trước nhiệt tình và sự giúp đỡ vô điều kiện đó, chúng tôi xin thành thực tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam”. Cũng trong dịp này, Neo Lào Hắc Xạt gửi thư cho Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc Lào - Việt.

Nhằm phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, ngày 10 tháng 1 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào đã có cuộc trao đổi với Ban Cán sự miền Tây (trực thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam) về những việc hai bên đã làm được và những mặt còn tồn tại trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ.

Thực hiện thoả thuận giữa hai bên, ngày 18 tháng 1 năm 1958, Tiểu đoàn 1 và 2 của Neo Lào Hắc Xạt (mỗi tiểu đoàn biên chế 750 cán bộ, chiến sĩ), sáp nhập với quân đội Vương quốc Lào. Sau khi sáp nhập, Tiểu đoàn 1 đóng quân tại Xiêng Ngân (tỉnh Luổng Phạbang), Tiểu đoàn 2 đóng tại Cánh đồng Chum (tỉnh Xiêng Khoảng).

Theo hiệp định được ký kết giữa hai bên về tổng tuyển cử bổ sung có Neo Lào Hắc Xạt tham gia và luật bầu cử sửa đổi tiến bộ do phía Neo Lào Hắc Xạt đề nghị, bảy giờ sáng ngày 4 tháng 5 năm 1958, cả nước Lào đã tiến hành tuyển cử bổ sung để bầu thêm 21 nghị sĩ 3.

Mặc dù bọn tay sai phản động có những hành động gian lận, đe doạ nhân dân ở một số địa phương thuộc các tỉnh Luổng Phạbang, Sầm Nưa, Viêng Chăn, nhưng với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, cuộc bỏ phiếu vẫn được tiến hành đúng quy định. Các ứng cử viên của Neo Lào Hắc Xạt và Đảng Hoà bình trung lập đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử này, trong đó Hoàng thân Xuphanuvông thu được số phiếu cao nhất (37.389 phiếu) trong số 21 ứng cử viên đắc cử. Bà Khăm Pheng Búpphả, cán bộ Hội Phụ nữ Neo Lào Hắc Xạt, là đại biểu đầu tiên giành được số phiếu cao nhất ở tỉnh Luổng Phạbang 4. Trong những ngày này, các trụ sở cơ quan đại diện của Neo Lào Hắc Xạt công khai hoạt động, báo Lào Hắc Xạt phát hành rộng rãi, tạo nên một khí thế cách mạng sôi nổi, làm nức lòng quần chúng trong cả nước.

 Lần đầu tiên tất cả các cử tri trong toàn quốc được quyền đi bỏ phiếu. Các ứng cử viên của Pathết Lào và phía Hoà bình trung lập đều giành thắng lợi với 13/21 ghế trong Quốc hội. Kết quả này, cùng với việc thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lần thứ nhất và sửa đổi hiến pháp, là thắng lợi quan trọng của đường lối hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất đúng đắn của Đảng Nhân dân Lào.




----------------------------------------------------------------
1. T50, Nguyễn Văn Bình - trưởng Ban Cán sự; các đồng chí Bạch Nhật, Vũ Phi Hùng, Mai Huy Chước là ủy viên Ban Cán sự. T51, Lê Quỳnh Vân - trưởng ban; các đồng chí Châu Văn Phép, Nguyễn Ngọc Tình là uỷ viên.

2. Hai bên thoả thuận: Chính phủ Vương quốc Lào bảo đảm sáp nhập tất cả quân đội, vũ khí của Neo Lào Hắc Xạt vào quân đội quốc gia; những người tình nguyện ở lại quân đội sẽ được đưa vào quân thường trực của Vương quốc Lào. Các đơn vị quân đội của Neo Lào Hắc Xạt gia nhập quân đội quốc gia sẽ được hưởng quyền lợi bình đẳng về mọi mặt. Sau khi sáp nhập với quân đội quốc gia, các đơn vị quân đội của Neo Lào Hắc Xạt sẽ đóng tại quân khu cũ của mình. Sĩ quan và chuyên viên kỹ thuật được biên chế vào các đơn vị của họ; những người xin giải ngũ sẽ đăng ký làm quân dự bị quốc gia; Chính phủ Vương quốc Lào nhận giải quyết quyền lợi, chính sách đối với các chiến sĩ giải ngũ, thương binh và các gia đình của quân nhân; thời hạn sáp nhập các đơn vị vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt vào quân đội quốc gia là 60 ngày kể từ ngày thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc.

3. Số đại biểu bổ sung được chia ra trong các tỉnh như sau: Nặm Thà 1; Viêng Chăn 2; Luổng Phạbang 4; Khăm Muộn 2; Phôngxalỳ 1; Xavẳnnakhệt 3; Sầm Nưa 1; Xalavăn 2; Xaynhabuli 1; Chămpaxắc 2; Xiêng Khoảng 1; Áttapư 1. Số ứng cử viên của các đảng phái ra tranh cử trong 12 tỉnh có 105 người gồm: Neo Lào Hắc Xạt (Mặt trận Lào yêu nước): 13 người; Đảng Xạt Kaonạ (Quốc gia tiến bộ): 32 người; Đảng Páxathipatây (Dân chủ): 4 người; Đảng Xểli (Tự do): 5 người; Đảng Lao Luôm Xẳm Phăn (Lào liên minh): 5 người; Đảng Xẳntiphạp Pên Kang (Hoà bình trung lập): 4 người; không đảng phái: 42 người.

4. Kết quả cụ thể: Neo Lào Hắc Xạt, 9 ghế; không đảng phái, 5 ghế; Đảng Hoà bình trung lập, 4 ghế; Đảng Quốc gia tiến bộ, 3 ghế. Ngày 13 tháng 5 năm 1958, Quốc hội Vương quốc Lào thông qua kết quả cuộc tổng tuyển cử.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #53 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 02:21:11 pm »

III. PHỐI HỢP CHUYỂN HƯỚNG ĐẤU TRANH CHỐNG CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA MỸ Ở LÀO

1. Đế quốc Mỹ và tay sai tăng cường các hoạt động phá hoại Chính phủ liên hiệp và hoà hợp dân tộc


Trước thắng lợi của lực lượng Pathết Lào, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đẩy mạnh các hoạt động lật lọng, từng bước xoá bỏ các hiệp ước hoà hợp dân tộc đã được ký kết để cuối cùng trắng trợn xoá bỏ Chính phủ liên hiệp và hoà hợp dân tộc.

Ngày 18 tháng 8 năm 1958, Quốc hội Vương quốc Lào thông qua chính phủ do Phủi Xánánicon thành lập gồm chín thành viên 1. Cùng ngày Phủi Xánánicon tuyên bố đứng về thế giới tự do, chống lại sự xâm nhập và phát triển của chủ nghĩa cộng sản và cho thực thi hàng loạt chính sách cực kỳ phản động. Chúng gạt hết người của Neo Lào Hắc Xạt ra khỏi Quốc hội và Chính phủ; nhiều công chức của Neo Lào Hắc Xạt bị cách chức hoặc bị bắt giam; tờ báo Lào Hắc Xạt bị đóng cửa.

Thực thi âm mưu của Mỹ, ngày 8 tháng 5 năm 1959, cùng với việc ngừng cung cấp lương thực thực phẩm, sử dụng bốn tiểu đoàn do Khăm Xúc chỉ huy triển khai bao vây Tiểu đoàn 2 Pathết Lào, quân đội Vương quốc Lào còn dùng các loa phóng thanh liên tục doạ dẫm sẽ tấn công tiêu diệt Tiểu đoàn 2, nếu không chấp hành mệnh lệnh của tổng chỉ huy. Tiếp đó, ngày 9 tháng 5, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Vương quốc Lào Uộn Rathicun ra lệnh cho tất cả sĩ quan hai tiểu đoàn 1 và 2 Pathết Lào phải tập trung tại sân bay Xiêng Khoảng để bay về căn cứ Chinaimô (Viêng Chăn) làm lễ phong quân hàm.

Được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, bất chấp dư luận phản đối mạnh mẽ ở trong nước và thế giới, ngày 26 tháng 7 năm 1959, Chính phủ phản động Phủi Xánánicon ra lệnh bắt giam 16 nhà lãnh đạo, cán bộ của Neo Lào Hắc Xạt khi vào Thủ đô Viêng Chăn tham gia Hội nghị hiệp thương chính trị và Chính phủ liên hiệp dân tộc (trong đó có Hoàng thân Xuphanuvông và các ông: Phumi Vôngvichít, Nủhắc Phumxavẳn, Phun Xipaxợt, Xỉthôn Cômmađăm). Cùng với hành động trên, Chính phủ phản động Phủi Xánánicon còn điều quân đội tăng cường uy hiếp tỉnh Sầm Nưa.

Sau khi dùng tám máy bay C46 chở vũ khí, quân dụng viện trợ khẩn cấp cho quân đội Lào và hối thúc Liên hợp quốc cử một tiểu ban gồm bốn nước (Nhật Bản, Tuynidi, Italia và Áchentina) đến điều tra tình hình Lào, ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định đưa thêm quân vào Lào dưới danh nghĩa “các đơn vị liên lạc”. Các đơn vị này đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tham mưu Mỹ ở Thái Bình Dương.
Việc Mỹ đẩy mạnh can thiệp quân sự, tăng cường viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh, đôn quân nguỵ tăng lên nhanh chóng từ 25.000 tên (năm 1955) lên 44.000 tên (năm 1959), liên minh với nguỵ quyền Nam Việt Nam, chính quyền Thái Lan, đã bộc lộ dã tâm phá hoại Chính phủ liên hiệp, phá hoại sự hoà hợp dân tộc để phát động cuộc chiến tranh với quy mô lớn hơn nhằm tiêu diệt lực lượng Neo Lào Hắc Xạt và lực lượng hoà bình trung lập ở Lào.

2. Đảng Lao động Việt Nam phối hợp giúp Đảng Nhân dân Lào chuyển hướng đấu tranh

Trước tình hình căng thẳng do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây ra ở Lào, ngày 28 tháng 8 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị cho các cấp bộ đảng về “tình hình nhiệm vụ mới”.

Phân tích âm mưu, thủ đoạn mới của Mỹ và tay sai, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào chủ trương: “Tập hợp mọi lực lượng, kiên quyết đấu tranh buộc chính phủ do Phủi Xánánicon làm thủ tướng phải từ chức để thành lập Chính phủ liên hiệp có đại diện Neo Lào Hắc Xạt và các nhân sĩ tiến bộ tham gia, thi hành chính sách hoà bình trung lập như chương trình của Chính phủ liên hiệp trước đó. Bằng mọi cách làm cho tình hình bớt căng thẳng đồng thời ra sức củng cố lực lượng, đề phòng tình hình xấu có thể xảy ra” .

 Về một số công tác trước mắt, chỉ thị xác định:

- Tiếp tục chuyển hướng hoạt động để làm tình hình bớt căng thẳng và bảo tồn lực lượng.

- Kịp thời lãnh đạo thông suốt tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước tình hình hiện nay.

- Tích cực củng cố và phát triển lực lượng về mọi mặt để phát huy tinh thần đấu tranh bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.

- Ra sức tranh thủ quân đội, cảnh sát và công chức phía Vương quốc.

- Củng cố đường dây liên lạc công khai và bí mật giữa trung ương với địa phương, giữa tỉnh với huyện để đảm bảo sự lãnh đạo kịp thời của Đảng.

Trước việc Mỹ và bọn tay sai ra sức thi hành chính sách khủng bố đối với cán bộ cách mạng và những người có tư tưởng hoà bình, tiến bộ, đã có nhiều cán bộ Pathết Lào và thường dân Lào ở các tỉnh biên giới chạy sang đất Việt Nam để tránh sự đàn áp, bắt bớ của địch. Để tạo điều kiện giúp cách mạng Lào, ngày 13 tháng 12 năm 1958, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị số 120/CT-TW về chủ trương đối với cán bộ và nhân dân Lào chạy qua biên giới, trong đó nêu rõ: “Xuất phát từ lợi ích của cách mạng Lào và mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng và nhân dân hai nước, đồng thời căn cứ ở tình hình trên, chủ trương của ta là hết lòng giúp đỡ cho số cán bộ và thường dân Lào vì tránh khủng bố mà chạy sang biên giới ta về mọi mặt tinh thần, vật chất theo khả năng của ta... Để thực hiện tốt chủ trương trên, cần coi trọng công tác điều tra, nghiên cứu để đối xử thận trọng với từng người cho chính xác, tránh nhầm lẫn giữa người tốt, kẻ xấu và bọn gián điệp. Đồng thời cần chú ý động viên tinh thần cán bộ và nhân dân bạn, hết sức tránh những gì có thể làm tổn thương đến tinh thần và tình cảm của bạn” .

 Cùng với việc giúp đỡ cán bộ, nhân dân Lào ở các tỉnh biên giới, ngày 23 tháng 12 năm 1958, Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương gửi Công văn số 418/BLL đến Khu uỷ Việt Bắc yêu cầu cung cấp đủ tiêu chuẩn phụ cấp cho các đồng chí cán bộ, học sinh Lào ở Thái Nguyên. Trong lúc điều kiện kinh tế của Việt Nam sau hoà bình còn rất nhiều khó khăn, những việc làm nghĩa tình đó càng làm cho quan hệ vừa là đồng chí vừa là anh em giữa hai Đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào thêm keo sơn, gắn bó.

Sau khi Chính phủ Vương quốc Lào cho quân đội tăng cường hoạt động vũ trang ở biên giới giáp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh của Việt Nam, trong các ngày 28 tháng 12 năm 1958 và 1 tháng 1 năm 1959, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã gửi công hàm cho Chính phủ Vương quốc Lào phản đối hành động khiêu khích của quân đội Vương quốc Lào ở vùng Hướng Lập (Nghệ An) và yêu cầu sớm có biện pháp chấm dứt.

Ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phản đối các hoạt động khiêu khích của quân đội Vương quốc Lào, ngày 11 tháng 1 năm 1959, Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt đã gửi thư cho Chủ tịch Uỷ ban quốc tế ở Lào Tura Sinh Bah tố cáo những hành động vi phạm Hiệp định Giơnevơ và Hiệp định Viêng Chăn của phía Chính phủ Vương quốc Lào sau khi Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Lào ngừng hoạt động.

Để giúp Trung ương Đảng Nhân dân Lào kịp thời đấu tranh chống địch đàn áp khủng bố, ngày 30 tháng 1 năm 1959, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư trao đổi ý kiến với Trung ương Đảng Nhân dân Lào2 về phương hướng đấu tranh của cách mạng Lào, trong đó nhấn mạnh cần rút ngay một bộ phận bí mật chuyển ra vùng căn cứ để lãnh đạo phong trào đấu tranh, kiên quyết bảo vệ cho được lực lượng của cách mạng Lào.

Theo dõi sát những diễn biến mới ở Lào, ngày 15 tháng 3 năm 1959, Ban Cán sự miền Tây đã có báo cáo tình hình và dự kiến các nội dung giúp cách mạng Lào để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam. Về âm mưu của Mỹ, Ban Cán sự miền Tây nhận định: “Sự xâm nhập và hoạt động của đế quốc Mỹ có tính chất toàn diện, nhanh, trắng trợn nhưng kín đáo với một kế hoạch từng bước với những thủ đoạn tương đối khôn khéo, xảo quyệt và thâm độc hơn trước. Hiện nay Mỹ đã nắm chính phủ trung ương và đang tích cực xuống nắm cấp tỉnh...” .

Về tình hình Lào, Ban Cán sự miền Tây nêu rõ: sau khi hợp tác thống nhất, cách mạng Lào giành thắng lợi trong tổng tuyển cử bổ sung. Phong trào lúc đó lên mạnh ở nông thôn và thành thị. Cơ sở của Lào được mở rộng, ảnh hưởng và uy tín của Lào lan rộng khắp nơi. Lào đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của cách mạng một cách rộng rãi và công khai. Các tầng lớp nhân dân tán thành đường lối, chính sách của cách mạng và ủng hộ Pathết Lào. Nhưng từ khi Phủi Xánánicon lên làm thủ tướng đến nay và qua các cuộc khủng bố liên tiếp, phong trào xẹp xuống, cơ sở cũ ở nhiều nơi bị thu hẹp lại.

Trên cơ sở đó, Ban Cán sự miền Tây đề xuất phương hướng phối hợp với cách mạng Lào trong thời gian tới là “tích cực ra sức củng cố và bảo tồn lực lượng của cách mạng Lào, đoàn kết và tập hợp lực lượng yêu nước, yêu hoà bình, tiếp tục đấu tranh chính trị để duy trì địa vị hợp pháp của Neo Lào Hắc Xạt và chống mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình hình xấu, nghĩa là cần thiết thì chuyển sang đấu tranh vũ trang...”.




--------------------------------------------------------------------
1. Chín thành viên gồm: 1. Phủi Xánánicon, Thủ tướng kiêm các bộ Kế hoạch, Công chính, viễn thông; 2. Cátài Đônxảxổlít, Phó Thủ tướng kiêm các bộ Quốc phòng, Cựu binh, Nội vụ; 3. Bôngxụ Vănnạvông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, y tế, lễ nghi; 4. Khăm Phăn Pănnha, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; 5. Lưỡmrada Xổmbặt, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, tài chính; 6. Xỉxúc Chămpaxắc, Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền; 7. Kholạnhốt Xụvănnạvông, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; 8. Tănchun Lạmuntin, Thứ trưởng Bộ Y tế; 9. Panxỉxu Phănthoong, Thứ trưởng Bộ Công chính, viễn thông.

2. Từ năm 1959, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gọi là Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo gọi là Tổng Bí thư.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #54 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2021, 02:26:13 pm »

Sau khi nắm tình hình mọi mặt về Lào, ngày 4 tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện Đảng Nhân dân Lào về tình hình, chủ trương và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào. Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nhất trí với chủ trương của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời nhấn mạnh phải tích cực xây dựng, phát triển lực lượng để chuyển sang đấu tranh vũ trang khi cần.

 Căn cứ vào chủ trương đã được hai Đảng, hai quân đội thống nhất, ngày 11 tháng 5 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Cục Tác chiến giúp Bộ Chỉ huy tối cao Lào soạn thảo dự án chủ trương đấu tranh vũ trang của cách mạng Lào.

Ngày 13 tháng 5 năm 1959, trước hành động đe doạ dùng vũ lực của Chính phủ Vương quốc Lào, cùng với việc động viên cán bộ, chiến sĩ hai tiểu đoàn giữ vững tinh thần chiến đấu và có các biện pháp phòng vệ cần thiết, Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt, đã gửi thư cho Uỷ ban quốc tế ở Lào tố cáo hành động bao vây hai tiểu đoàn vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt, giam lỏng tại gia (nội bất xuất, ngoại bất nhập) các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt và tuyên bố tình trạng giới nghiêm, thiết quân luật của Chính phủ Vương quốc Lào.

Sau khi Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Vương quốc Lào ra lệnh cho hai tiểu đoàn 1 và 2 Pathết Lào phải đầu hàng trong vòng 24 giờ, nếu không thực hiện sẽ bị tiêu diệt, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt đóng tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đã dũng cảm, mưu trí, bí mật lợi dụng đêm tối vượt qua vòng vây của địch ra vùng núi phía đông và rút dần về vùng biên giới giáp Việt Nam.

Biết rõ trên đường hành quân, Tiểu đoàn 2 gặp rất nhiều khó khăn về đạn dược, lương thực, số người đi theo đông (91 gia đình, phần lớn là vợ con cán bộ, chiến sĩ), quân nguỵ Viêng Chăn đã sử dụng Tiểu đoàn 10 truy kích hòng tiêu diệt lực lượng Pathết Lào. Dự đoán đúng âm mưu và thủ đoạn tác chiến của địch, chỉ huy Tiểu đoàn 2 đã tổ chức lực lượng phục kích đánh tan tiểu đoàn địch ở Xiêng Khoảng. Không cam chịu thất bại, quân ngụy Viêng Chăn tiếp tục cho Tiểu đoàn dù số 2 nhảy dù xuống Mương Ngan chặn đường hành quân của Tiểu đoàn 2 Pathết Lào. Nhờ sự giúp đỡ che chở của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đã đánh lui được quân địch ở Mương Ngan, tiếp tục hành quân ra vùng căn cứ.

Trải qua 15 ngày đêm vừa hành quân vừa chiến đấu dũng cảm, mưu trí, ngày 2 tháng 6 năm 1959, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 Pathết Lào đã vượt qua vòng vây của quân thù, bảo toàn được lực lượng, trở về căn cứ ở vùng núi Kày Khẳn, biên giới Lào - Việt Nam.

Việc Tiểu đoàn 2 phá vây, bảo toàn được lực lượng trở về căn cứ là một thắng lợi của cách mạng Lào. Từ thời điểm này, Tiểu đoàn 2 cùng nhân dân các dân tộc Lào trong cả nước thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang tự vệ kết hợp với phong trào khởi nghĩa của quần chúng, đòi phía chính quyền Vương quốc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ và các hiệp định Viêng Chăn.

Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 1 vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt đóng ở huyện Xiêng Ngân (tỉnh Luổng Phạbang), do nhiều nguyên nhân, trong đó trở ngại nhất là thông tin liên lạc nên việc rút quân không thực hiện được theo ý định. Sau khi Tiểu đoàn 2 đã vượt vòng vây trở về căn cứ, địch càng tăng cường đối phó hết sức nghiêm ngặt. Do vậy, đến đầu năm 1960, Tiểu đoàn 1 mới rút ra được nhưng quân số thiếu hụt gần một nửa (về hoà hợp dân tộc, tiểu đoàn biên chế 750 cán bộ, chiến sĩ, quá trình rút quân nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong, một số bị địch bắt giam nên khi về đến căn cứ quân số của tiểu đoàn chỉ còn hơn 400 người). Tuy có bị thiệt hại về lực lượng nhưng về cơ bản Pathết Lào vẫn duy trì được lực lượng vũ trang, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ của quân giải phóng nhân dân Lào sau này.

Trong quá trình diễn ra sự kiện Tiểu đoàn 2 Pathết Lào chiến đấu phá vây, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân uỷ Trung ương Việt Nam, từ trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 6 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo các quân khu, các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ giúp cách mạng Lào tạo mọi điều kiện giúp đỡ Tiểu đoàn 2 và các lực lượng Pathết Lào chiến đấu, bảo vệ lực lượng trên đường hành quân ra vùng biên giới Việt - Lào.

Ngày 20 tháng 5 năm 1959, Tổng Quân uỷ họp bàn về tình hình Lào. Trên cơ sở phân tích âm mưu của địch ở Lào trong thời gian tới, Tổng Quân uỷ đề ra một số công tác cần tiến hành, trong đó nhấn mạnh: “tổ chức bộ đội vũ trang giải phóng Lào; tổ chức cơ quan chỉ đạo, chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam ở Lào; chuẩn bị cho việc giải phóng một khu vực ở Lào làm căn cứ cho phong trào cách mạng toàn quốc và căn cứ chỉ đạo của cách mạng Lào; đào tạo đội ngũ cán bộ của cách mạng Lào; chuẩn bị về sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào; chuẩn bị kế hoạch hoạt động quân sự để thực hiện chủ trương giải phóng một khu vực làm căn cứ hoặc chỗ đứng cho các lực lượng cách mạng Lào”.

 Cũng trong thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện chỉ thị các đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Đôn (Quân khu 4), yêu cầu Quân khu chuẩn bị điện đài, cán bộ và bộ đội để sẵn sàng thực hiện kế hoạch giúp đỡ Tiểu đoàn 2 Pathết Lào. Tiếp đó, ngày 30 tháng 5, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân khu 4, trong đó yêu cầu “tổ chức nhiều tổ nhỏ (3 - 4 người) phái vào phân tán hoạt động trên một khu vực tương đối rộng để giúp Tiểu đoàn 2 Pathết Lào khi Tiểu đoàn 2 về đến biên giới. Để giúp Tiểu đoàn 2 tác chiến, cần chi viện cho bạn hoả lực (cối 82 hoặc ĐKZ), bộc phá đạn dược, lương thực và điều tra vị trí địch; đôn đốc các vùng, các đồn biên phòng bảo đảm tiếp tế và nắm tình hình giúp bạn”.

Ngày 1 tháng 6 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam điện gửi đồng chí Tùng, Trưởng Ban Trinh sát Z20c: “Để yểm hộ Tiểu đoàn 2 rút quân, cần nắm vững tình hình địch, dùng bộ đội Tiểu đoàn 2 tiêu diệt quân truy kích nhưng phải chắc thắng mới đánh, không chắc thì đánh tiêu hao; lực lượng sử dụng ở mức trung đội tăng cường. Để tiến tới diệt địch ở Then Phun và Mương Ngạt, cần chuẩn bị điều tra địch, nắm nhân dân, lập tổ vũ trang, làm công tác tư tưởng và động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2”. Riêng Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu đã cử một trung đội trinh sát do đồng chí Tâm chỉ huy đi đón và hỗ trợ dẫn đường cho Tiểu đoàn 2 về Mường Xén. Những hoạt động trên của các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần tích cực giúp đỡ để Tiểu đoàn 2 Pathết Lào rút lui thành công về vùng biên giới giáp Việt Nam.

Ngày 3 tháng 6 năm 1959, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra nghị quyết về tình hình nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào, trong đó nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào các mặt chính trị, kinh tế và quân sự của Lào. Theo lệnh đế quốc Mỹ, chính phủ Phủi Xánánicon đã gây tình hình nghiêm trọng ở Lào. Chúng ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ và các hiệp định Viêng Chăn. Trắng trợn hơn là chúng đã bao vây hai tiểu đoàn vũ trang 1 và 2, giam lỏng các lãnh tụ của Neo Lào Hắc Xạt, tấn công các lực lượng vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt. Khả năng hoà bình, thực hiện hoà hợp dân tộc đã mất. Dù bọn tay sai phản động ra sức khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng, song lực lượng cách mạng vẫn ngày càng lớn mạnh. Các lực lượng nhân dân ngày càng ủng hộ đường lối đúng đắn của Neo Lào Hắc Xạt”.

Trên cơ sở phân tích tình hình, âm mưu của địch, nghị quyết vạch ra một số nhiệm vụ và hình thức đấu tranh, đó là:

- Chuyển sang hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp với các hình thức đấu tranh khác.

- Đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước, yêu hoà bình với phương châm đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết được, trung lập mọi lực lượng có thể trung lập được, phân hoá mọi lực lượng có thể phân hoá được.

- Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Viêng Chăn và các hiệp nghị đã được ký kết giữa hai bên để xây dựng một nước Lào hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Nghị quyết xác định: “tiếng súng chiến đấu tự vệ của Tiểu đoàn 2 Pathết Lào báo hiệu cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn từ đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị”.

Cũng trong thời gian này, Tổng Quân uỷ Việt Nam chỉ thị cho Quân khu Tây Bắc đ¬ưa lực lượng sang phối hợp với quân đội Pathết Lào tiến công một số cứ điểm của địch sát biên giới và vận động nhân dân Lào chuẩn bị cho những hoạt động lớn sau này.

Ngày 2 tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nhận định về tình hình Lào và đề ra chủ trương giúp cách mạng Lào đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển lực lượng trong tình hình mới.

Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam xác định nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đối với cách mạng Lào là: “tích cực ủng hộ cách mạng Lào phải được coi là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân ta, là một công tác có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Chúng ta cần phải thống nhất tư tưởng trong Đảng và trong cán bộ về tình hình và nhiệm vụ của cách mạng Lào, về nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta đối với cách mạng Lào”.

Từ nhận định trên, để giúp Đảng Nhân dân Lào xây dựng phát triển lực lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho đoàn cán bộ Việt Nam (Đoàn 959) giúp Lào xây dựng phát triển Tiểu đoàn 2 thành ba tiểu đoàn (1, 2, 3). Quân số mỗi tiểu đoàn khoảng 200 người. Căn cứ vào tình hình thực tế, đoàn cán bộ Việt Nam đã cử ba tổ cán bộ giúp xây dựng ba tiểu đoàn, mỗi tổ có một đồng chí phụ trách và bộ phận cơ yếu điện đài. Ngoài ra theo yêu cầu của Lào, Đoàn 959 còn bổ sung vũ khí, trang bị, quân trang, quân dụng và tổ chức huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật cho các đơn vị Pathết Lào.

Ngày 3 tháng 7 năm 1959, hai Bộ Chính trị Việt Nam và Lào họp bàn quyết định mở đợt hoạt động quân sự trong mùa mưa năm 1959 nhằm củng cố căn cứ, cải thiện thế đứng chân của các đơn vị Pathết Lào. Để kịp thời nắm tình hình chỉ đạo các mặt công tác giúp Lào, ngày 6 tháng 7 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Ban Công tác Lào (CP31) do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Khang làm phó ban, đồng chí Nguyễn Chính Giao làm uỷ viên thường trực và một số uỷ viên khác như Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Đức Dương, Lê Chưởng. Nhiệm vụ chính của Ban là chủ động theo dõi, nghiên cứu, hướng dẫn mọi diễn biến về Lào, qua đó đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương thực hiện kế hoạch viện trợ cho Lào. Tiếp đó, ngày 11 tháng 7 năm 1959, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 147-CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác củng cố và mở mang miền Tây, các tỉnh Liên khu 4 cũ.

Bộ Chính trị hai Đảng xác định cách mạng Lào chuyển hướng đấu tranh từ công khai hợp pháp sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu. Quán triệt tinh thần đó, ngày 15 tháng 7 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã xác định phương hướng hoạt động quân sự và giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang trong thời gian tới.

Về hoạt động quân sự, hướng hoạt động quân sự chủ yếu là Thượng Lào, lấy hai tỉnh Phôngxalỳ và Sầm Nưa làm căn cứ; Trung Lào là hướng hoạt động phối hợp; ở Hạ Lào, xây dựng lực lượng chính trị quân sự bí mật rồi tiến tới đấu tranh vũ trang.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, phấn đấu đến cuối năm 1959, mỗi tỉnh của Lào có từ hai trung đội đến một đại đội; mỗi huyện có từ một tiểu đội đến một trung đội bộ đội địa phương; bộ đội chủ lực có từ ba đến năm tiểu đoàn ở cơ sở, tổ chức lực lượng du kích để hoạt động vũ trang tuyên truyền.

Trong mùa mưa, dùng lực lượng quân sự mở các đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền, đánh nhỏ ở vùng sâu, vùng biên giới và vùng trọng điểm. Phương châm hoạt động là kết hợp quân sự với chính trị, tác chiến tuyên truyền với xây dựng.

Để giúp lực lượng Pathết Lào hoạt động và xây dựng theo phương châm trên, “cần trang bị súng cho lực lượng bộ đội chủ lực, cấp dưỡng hoàn toàn cho cơ quan lãnh đạo, cho bộ đội chủ lực, một phần cho bộ đội địa phương và giúp đỡ nhân dân bạn phát triển sản xuất để tự túc”.

Thực hiện chủ trương giúp lực lượng Pathết Lào mở đợt hoạt động trong mùa mưa năm 1959, ngày 18 tháng 7 năm 1959, Tổng Quân uỷ Việt Nam chỉ thị cho Quân khu Tây Bắc và Quân khu 4 cử một số đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn, phối hợp với các đơn vị Pathết Lào tiến công một số cứ điểm của địch ở sát biên giới Việt - Lào, sau đó chia thành ba bộ phận theo ba hướng trở về Lào chiến đấu. Bộ phận thứ nhất gồm Tiểu đoàn 2, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, trực tiếp chỉ đạo; đồng chí Lê Chưởng, phụ trách - đoàn trưởng đoàn cán bộ Việt Nam giúp Lào - cùng đi với tiểu đoàn tiến từ đông nam Sầm Nưa lên vùng đông nam Xiêng Khoảng (hướng chủ yếu). Bộ phận thứ hai gồm Tiểu đoàn 4, do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân Lào, trực tiếp chỉ đạo, tiến từ Mương Xon - bắc Sầm Nưa, Phôngxalỳ - Luổng Phạbang đến Xiêng Ngân (hướng thứ yếu). Bộ phận thứ ba do một đại đội của Tiểu đoàn 1 phụ trách từ bắc đường 8 đến đường 12 - Khăm Muộn (hướng phối hợp). Các tiểu đoàn 1, 2, 4 đều có một tổ chuyên gia và bộ phận điện đài đi cùng theo từng hướng.

Được sự hỗ trợ của các đơn vị Pathết Lào, nhân dân các địa phương đã nổi dậy đập tan ách kìm kẹp của địch, giải phóng các huyện Mương Xăm, Sằm Tớ, Mương Xon (tỉnh Sầm Nưa), Xốp Nao, Xốp Hùn (tỉnh Phôngxalỳ); Pạc Khao, Xốp Văn (tỉnh Luổng Phạbang), khu vực Xảm Chè (Xiêng Khoảng), vùng Khăm Cợt, Bolịkhăn (tỉnh Bolikhămxay), Na Pê, Na Hương, Lắc Xao (tỉnh Khăm Muộn). Phối hợp chặt chẽ với hoạt động vũ trang, công tác tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ được triển khai rộng khắp. Ngày 2 tháng 8 năm 1959, Uỷ ban Trung ương Neo Lào Hắc Xạt kêu gọi nhân dân cả nước đẩy mạnh phong trào đấu tranh, đòi nhà cầm quyền Vương quốc Lào trả tự do cho các nhà lãnh đạo Neo Lào Hắc Xạt, đòi đình chỉ chiến tranh, lập Chính phủ liên hiệp và thực hiện đường lối hoà bình trung lập.

Từ ngày 18 tháng 8 đến 15 tháng 9 năm 1959, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các đơn vị Pathết Lào mở đợt hai hoạt động trong mùa mưa. Trong đợt hoạt động này, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam (chủ yếu là lực lượng Quân khu 4 tác chiến ở các tỉnh Xiêng Khoảng, Liên huyện 90 và Khăm Muộn) đã vận dụng nhiều hình thức tác chiến linh hoạt như phục kích, tập kích, bao vây, bắn tỉa, địch vận, phá hoại cầu đường, đốt kho tàng của địch, đánh cứ điểm bằng đặc công kết hợp hoả lực, v.v.. Đi đôi với tác chiến, các đơn vị tình nguyện Việt Nam đã tích cực giúp Lào củng cố cơ sở, phát động nhân dân ủng hộ kháng chiến, tham gia các lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng. Các đơn vị quân tình nguyện phối hợp chiến đấu chặt chẽ với lực lượng Pathết Lào và nhân dân địa phương đánh 40 trận, giải phóng thêm 13 điểm. Sau đợt hoạt động này, các tiểu đoàn 1, 2, 4 Pathết Lào được lệnh rút ra hoạt động ở vùng biên giới Việt - Lào, sau đó sang tập trung ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ (Việt Nam) để chấn chỉnh lực lượng. Theo yêu cầu của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã giúp xây dựng hai tiểu đoàn 1 và 2 Pathết Lào thành hai tiểu đoàn chủ lực mạnh, quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 người; đồng thời bổ sung vũ khí, trang bị và cử các tổ chuyên gia giúp hai tiểu đoàn cả về quân sự, chính trị và chuyên môn kỹ thuật.

Do yêu cầu chi viện chiến trường Lào ngày càng lớn, ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra Quyết định số 446/QĐ-QP thành lập Đoàn 959 (còn gọi là Đoàn Công tác miền Tây). Nhiệm vụ của Đoàn là làm chuyên gia về quân sự cho Quân uỷ Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Quân đội Pathết Lào, tổ chức chi viện vật chất của Việt Nam cho cách mạng Lào và trực tiếp chỉ huy các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam hoạt động ở khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn. Thiếu tướng Lê Chưởng - Uỷ viên Ban Công tác Lào, phụ trách - đoàn trưởng đoàn cán bộ Việt Nam được cử làm đoàn trưởng kiêm bí thư Đoàn uỷ Đoàn 959. Đồng chí Lê Tiến Phục, cán bộ quân đội và các đồng chí Đinh Văn Khanh, Mai Văn Quang, Đào Ngọc Hưng (cán bộ dân chính) làm uỷ viên Đoàn uỷ.

Với sự chuyển hướng đấu tranh kịp thời và sáng tạo của Đảng Nhân dân Lào cùng với sự phối hợp giúp đỡ toàn diện, có hiệu quả của Việt Nam, cách mạng Lào đã đồng loạt đấu tranh bằng nhiều hình thức, chủ yếu là quân sự và đã giành được những thắng lợi quan trọng, tạo điều kiện để xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng vũ trang, tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai ở Lào trong giai đoạn mới.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #55 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 03:33:42 pm »

IV. PHỐI HỢP CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ VÀ MỞ RỘNG VÙNG GIẢI PHÓNG, ĐẤU TRANH ĐÒI THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP LẦN THỨ HAI, TIẾN TỚI HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ VỀ LÀO, THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA HAI NƯỚC


1. Tiếp tục xây dựng lực lượng, liên minh với lực lượng trung lập thực hiện hoà hợp dân tộc

Trước sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ vào Lào, phá hoại nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ 1954 và các hiệp định Viêng Chăn, ngày 20 tháng 9 năm 1959, Trung ương Đảng Nhân dân Lào tiến hành Hội nghị lần thứ hai, ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cụ thể trước mắt của cách mạng Lào. Đánh giá về âm mưu của Mỹ và tay sai cũng như chuyển biến của tình hình Lào từ khi Tiểu đoàn 2 phá vòng vây trở về căn cứ và quân dân Lào trong cả nước chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu, Nghị quyết chỉ rõ: “Địch đã dùng lực lượng vũ trang tấn công Neo Lào Hắc Xạt gây lại cuộc chiến tranh, buộc nhân dân ta phải chiến đấu tự vệ. Với chủ trương chuyển hướng đấu tranh đúng đắn và kịp thời, quân dân Lào đã nổi dậy, đẩy mạnh hoạt động vũ trang chống lại đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vùng đất đai rộng lớn đã được giải phóng, ảnh hưởng của Neo Lào Hắc Xạt ngày càng được nâng cao ở trong nước và thế giới” .

Để chủ động đối phó với các âm mưu của địch, giành thắng lợi trong mọi tình huống, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ cụ thể trước mắt của Đảng Nhân dân Lào trong giai đoạn mới là: “Phát động quần chúng trong toàn quốc đẩy mạnh chiến tranh du kích; ra sức củng cố và tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt. Mở rộng các khu căn cứ ở miền núi, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động vào vùng đồng bằng và đô thị; phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng rãi, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, các hiệp định Viêng Chăn và đòi Uỷ ban quốc tế ở Lào hoạt động trở lại”2. Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ hai, dựa vào lực lượng quần chúng, đồng thời dựa vào cơ sở pháp lý của Hiệp định Giơnevơ để phát động một phong trào đấu tranh mạnh mẽ trên toàn quốc, cuối tháng 9 năm 1959, ở Luổng Phạbang đã có hàng nghìn người ký kiến nghị phản đối chính phủ Phủi Xánánicon. Tiếp đó, ngày 1 tháng 10, một số giới ở Viêng Chăn mít tinh đòi chính phủ chấm dứt chính sách vũ lực, trả tự do cho Hoàng thân Xuphanuvông và các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt bị bắt giam. Phong trào ở Viêng Chăn rất mạnh, nhất là trong giới trí thức, sư sãi, sinh viên, học sinh. Ở các nơi khác, phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng cũng thu được những thắng lợi đáng kể.

Ngày 22 tháng 10 năm 1959, tại vùng căn cứ địa Sầm Nưa, Neo Lào Hắc Xạt khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III nhằm đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ từ Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt tại căn cứ địa Sầm Nưa (ngày 10 tháng 1 năm 1958) đến hội nghị này.

 Trong hơn một năm ra hoạt động công khai hợp pháp ở một số đô thị lớn và qua bốn tháng chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang, cách mạng Lào từ chỗ bị địch lật lọng, bị khủng bố trên toàn quốc đã từng bước giành lại được những thắng lợi quan trọng, uy tín của Neo Lào Hắc Xạt được phục hồi ở trong nước và trên thế giới. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đại hội kêu gọi quân dân các dân tộc Lào đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng Nhân dân Lào, Neo Lào Hắc Xạt, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với các hình thức đấu tranh khác, từng bước làm thất bại âm mưu gây lại chiến tranh ở Lào của đế quốc Mỹ và bọn tay sai cực đoan phản động. Trước mắt, yêu cầu Mỹ và Chính phủ Vương quốc phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954, các hiệp định Viêng Chăn đã được hai bên ký kết, đưa nước Lào đi theo đường lối hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, thực hiện các quyền dân chủ. Đại hội còn thông qua một số chính sách quan trọng như: vận động viên chức, chính sách đối với sư sãi và thông qua tuyên bố: Neo Lào Hắc Xạt sẵn sàng đàm phán với nhà cầm quyền Lào để giải quyết vấn đề tranh chấp ở Lào.

 Trước âm mưu mở rộng chiến tranh, tiến công lực lượng cách mạng Lào của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, xuất phát từ đặc điểm chiến trường, nhiệm vụ cách mạng, phương châm hoạt động vũ trang đã được các Nghị quyết Trung ương hai và ba xác định, ngày 6 tháng 11 năm 1959, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị về việc tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các đại đội độc lập.

Cùng với đẩy mạnh hoạt động của đại đội độc lập, vấn đề khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân trong các vùng giải phóng cũng được Đảng và Neo Lào Hắc Xạt tập trung lãnh đạo. Ngày 25 tháng 12 năm 1959, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra chỉ thị về việc tích cực vận động tăng gia, sản xuất lương thực, thực phẩm, trong đó yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải “ra sức đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, chống đói, cải thiện đời sống nhân dân, cán bộ, bộ đội, từng bước thực hiện tự cấp tự túc nhằm thực hiện tốt phương châm đấu tranh trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh, nhất định thắng lợi” .

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, cùng với việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, các địa phương đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Đến cuối năm 1959, chiến tranh du kích đã phát triển ở khắp nơi. Lực lượng vũ trang Pathết Lào được sự giúp đỡ của Việt Nam đã phát triển, xây dựng Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 thành hai tiểu đoàn chủ lực mạnh, quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 người. Ngoài ra, Đoàn 959 còn giúp các tỉnh của Lào xây dựng được hơn 100 trung đội bộ đội địa phương và tổ chức thêm nhiều trung đội, tiểu đội du kích chiến đấu tại chỗ. Với lực lượng đó, bộ đội Pathết Lào không chỉ đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, mà còn mở rộng vùng giải phóng, làm chủ nhiều địa bàn quan trọng ở đông bắc Luổng Phạbang, đông bắc Pạc Xan, miền đông Khăm Muộn, miền đông Hạ Lào và toàn bộ vùng nông thôn Thượng Lào.

Trong khi cách mạng Lào có bước phát triển mới thì Chính phủ Vương quốc Lào do Phủi Xánánicon làm thủ tướng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Phủi Xánánicon phải đệ đơn xin từ chức và đưa Kúpaxít Aphay (Chủ tịch Hội đồng nhà vua) lên làm thủ tướng. Ngày 5 tháng 2 năm 1960, Chính phủ Vương quốc Lào cho sửa đổi Luật tổng tuyển cử1 nhằm hạn chế quyền tự do dân chủ, ngăn cản Neo Lào Hắc Xạt và các đảng phái tiến bộ khác tham gia tổng tuyển cử.

Trước tình hình trên, cùng với việc chỉ thị cho đảng uỷ các cấp phải lãnh đạo nhân dân kiên quyết đấu tranh vạch mặt và đánh đổ bọn phản động cầm đầu “Uỷ ban bảo vệ quyền lợi quốc gia”; tranh thủ liên minh với những người tiến bộ để tập hợp lực lượng chống Mỹ; phát triển du kích chiến tranh, chống địch càn quét, củng cố căn cứ địa và mở rộng hoạt động vào các vùng đồng bằng, đô thị, Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định di chuyển một số cơ quan lãnh đạo của Đảng và Bộ Quốc phòng Lào đóng trên đất Việt Nam (khu vực Lam Sơn, Thanh Hoá) về nước để trực tiếp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ.




-----------------------------------------------------------------
1. Trong Luật tổng tuyển cử sửa đổi, chính phủ phản động đã đưa ra một số điều kiện vô lý đối với những người ứng cử như: phải có bằng tiểu học hoặc bằng cao đẳng Phật học bậc 9 (mahả 9); nếu là công chức phải có thâm niên 15 năm trở lên; là nhà buôn phải có môn bài cấp 10 và đã liên tục kinh doanh 5 năm; phải là công dân Lào đã sinh sống liên tục 5 năm trên đất nước Lào tính đến ngày 1 tháng 1 năm 1960; người ra ứng cử phải ký quỹ 5.000 kíp và tiền bảo đảm 20.000 kíp; về khu vực bầu cử, không dựa vào đơn vị hành chính hiện hành mà dựa vào địa hình để cắt hoặc nhập các xã, mường nhằm bảo đảm mỗi khu vực có từ 25.000 đến 30.000 cử tri. Thực chất đây là âm mưu làm đảo lộn các vùng cơ sở của Neo Lào Hắc Xạt.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #56 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 03:38:45 pm »

Ngày 3 tháng 3 năm 1960, Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố phản đối cuộc tổng tuyển cử do chính phủ phản động bất hợp pháp tổ chức (dự định vào ngày 24 tháng 4 năm 1960).

Để nhân dân trong cả nước thấy rõ đường lối chính trị của Neo Lào Hắc Xạt trong cuộc tổng tuyển cử và để tập hợp lực lượng quần chúng, ngày 1 tháng 4 năm 1960, Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đề ra chương trình chính trị gồm 10 điểm 1, thể hiện các mặt đối nội, đối ngoại nhằm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954 và các hiệp định Viêng Chăn, xây dựng nước Lào hoà bình, trung lập và phát triển thịnh vượng.

Tháng 4 năm 1960, các thế lực phản động tay sai thân Mỹ tổ chức tổng tuyển cử và bầu chính phủ mới, đưa Xổmxanít lên làm thủ tướng (nhưng thực tế quyền hành vẫn do Phumi Nòxavẳn nắm giữ). Bất chấp sự phản đối của nhân dân trong nước và dư luận quốc tế, đầu tháng 5 năm 1960, Uỷ ban bảo vệ quyền lợi quốc gia họp hội nghị tại Viêng Chăn quyết định thành lập Đảng chính trị mới lấy tên là “Pạxaxẳngkhôm (Xã hội dân chủ)” do Phumi Nòxavẳn làm chủ tịch.

Trước những diễn biến phức tạp ở Lào do Mỹ và tay sai gây ra, ngày 5 tháng 5 năm 1960, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã họp bàn về tổng tuyển cử và hướng đấu tranh ở Lào. Một vấn đề lớn được Bộ Chính trị quan tâm là phải tìm mọi cách giải thoát cho các cán bộ của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đang bị bọn tay sai thân Mỹ bắt giam, đưa các đồng chí này trở về tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng đang diễn ra sôi động trong cả nước Lào.

Trước đó một năm (tháng 5 năm 1959), ngay khi Hoàng thân Xuphanuvông và một số nhà lãnh đạo của Neo Lào Hắc Xạt mới bị chính quyền Phủi Xánánicon bắt giam lỏng ở Viêng Chăn, theo yêu cầu của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Quân uỷ Trung ương Việt Nam đã giao cho Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam lập một tổ công tác đặc biệt gồm chín đồng chí có năng lực và thông thạo tỉnh Viêng Chăn trước đây, do đồng chí Phan Dĩnh (nguyên Uỷ viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Viêng Chăn) làm tổ trưởng, bí mật trở lại Viêng Chăn, bắt liên lạc với các đồng chí cán bộ Lào hoạt động bí mật trong nội thành để tổ chức cuộc giải thoát cho các đồng chí bị giam, kết hợp với việc truyền đạt, triển khai nghị quyết của Trung ương Đảng Nhân dân Lào chuyển hướng chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh quân sự - chính trị kết hợp, nhưng quân sự là chủ yếu. Quán triệt chỉ thị của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, là “phải gắn chặt việc giải thoát các đồng chí lãnh đạo bị giam giữ với việc triển khai nghị quyết chuyển hướng chiến lược, phát động trở lại chiến tranh du kích song song với đấu tranh chính trị trên toàn quốc Lào, có chuyển hướng như vậy mới phục hồi và duy trì được cơ sở quần chúng yêu nước và phong trào đấu tranh của nhân dân, có phong trào đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị của nhân dân mới có điều kiện để giải thoát các đồng chí bị bắt giam được”1, các đồng chí trong tổ công tác đặc biệt Việt Nam và Tỉnh uỷ Viêng Chăn cùng các đồng chí cán bộ Lào hoạt động bí mật trong nội thành Viêng Chăn đã tìm cách tiếp cận nhà tù Phôn Khêng để xây dựng các phương án giải cứu các đồng chí bị giam.

Sau nhiều tháng chuẩn bị cơ sở bên trong và bên ngoài trại giam, tổ chức giao thông liên lạc, theo dõi, nghiên cứu bản đồ, thực địa, nhiều lần bàn bạc, cân nhắc các phương án với sự hỗ trợ của tổ công tác đặc biệt Việt Nam, cuối cùng Ban Chỉ đạo quyết định lựa chọn phương án: cho các đồng chí trong tù cải trang thành lính hiến binh địch, chọn thời cơ cùng đi lẫn vào tiểu đội hiến binh đã được giác ngộ đi tuần ban đêm để thoát ra ngoài về căn cứ của tỉnh uỷ bằng đường bí mật được chuẩn bị sẵn.

Đêm 23 rạng ngày 24 tháng 5 năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Viêng Chăn, cơ sở ở nội thành phối hợp với binh lính, sĩ quan gác trại giam đã đưa Hoàng thân Xuphanuvông và 15 đồng chí bị bắt (Nủhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Phun Xipaxợt, Mừn Xổmvichít, Ma Khảy Khămphithun, Xỉxanạ Xixản, Xỉngcapô Xỉkhốt Chunlamany, Khăm Phải Búpphả, Maha Xổmbun Vông Nôbunthăm, Xỉthôn Cômmađăm, Khăm Phẹt Phômmạvăn, Phạu Phimphachăn, Phukhâu, Bua Xỉ Chalơnxúc, Manạvông Isản) ra khỏi trại giam Phôn Khêng về căn cứ an toàn.

Cuộc vượt ngục thành công chẳng những là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với lực lượng cách mạng và nhân dân trong cả nước Lào, mà còn giáng một đòn đau vào bọn tay sai phản động thân Mỹ, làm cho hàng ngũ chúng phân hoá, tinh thần binh lính địch hoang mang, dẫn đến những biến động lớn trên chính trường Lào, góp phần tạo ra cục diện so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào sau này.

Tháng 6 năm 1960, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra nghị quyết xác định nhiệm vụ cơ bản và trước mắt của cách mạng Lào. Đánh giá về khả năng can thiệp và âm mưu thủ đoạn của Mỹ và tay sai, nghị quyết chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ có thể can thiệp sâu hơn nữa vào Lào, bọn tay sai phản động có thể đàn áp phong trào cách mạng Lào trắng trợn hơn nữa; do nắm được lực lượng quân đội, chiếm được đa số ghế trong quốc hội, bọn phản động có thể sửa đổi hiến pháp, đặt Neo Lào Hắc Xạt ra ngoài vòng pháp luật, xoá bỏ quyền tự do dân chủ, ráo riết thực hiện kế hoạch củng cố nông thôn, dồn dân vào các làng “chấn hưng”, mua chuộc, gây chia rẽ dân tộc” .

Về nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Lào, nghị quyết xác định: “Đánh đổ đế quốc và phong kiến để giành độc lập cho đất nước, tự do dân chủ cho nhân dân. Hai nhiệm vụ đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng nhiệm vụ trước mắt là chống đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân các dân tộc Lào; đối với phong kiến, cần tập trung chống bọn phong kiến làm tay sai cho đế quốc Mỹ và tư sản mại bản thân Mỹ... Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Đảng Nhân dân Lào cần nêu cao ngọn cờ hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ. Tranh thủ đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng trung gian yêu nước, yêu hoà bình; ra sức xây dựng lực lượng về mọi mặt để tiến lên đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ xâm lược, chấm dứt chiến tranh, giành thắng lợi to lớn hơn” .

Nghị quyết của Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã góp phần tích cực thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước Lào, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp nhân sĩ, trí thức, binh lính và cảnh sát của chính quyền Vương quốc, thôi thúc họ đứng lên chống lại chính quyền tay sai phản động.

Ngày 9 tháng 8 năm 1960, trong lúc hầu hết các bộ trưởng của Chính phủ Xổmxanít đi dự lễ hoả táng Vua Lào (Xỉxávàngvông) thì Tiểu đoàn dù 2, một số đơn vị cơ giới, Tiểu đoàn bộ binh số 25, một số phi đội không quân phối hợp với đông đảo học sinh, sinh viên ở Viêng Chăn dưới sự chỉ huy của Đại uý Koongle và Thạo Đươn Xúnnalạt đã nổi dậy làm đảo chính lật đổ chính phủ của Xổmxanít.

Ngay sau khi xảy ra cuộc đảo chính, Koongle đã cử Trung uý Đươn Xúnnalạt làm đại diện, bí mật đáp máy bay sang Hà Nội đưa thư và xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ khẩn cấp.

 Cũng trong thời gian này, Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố hoàn toàn ủng hộ cuộc đảo chính và các chủ trương, chính sách lớn do “Uỷ ban đảo chính” tuyên bố trong các thông cáo số 2 và số 4, đồng thời nêu rõ quan điểm: sẵn sàng tiếp xúc, đàm phán với Uỷ ban đảo chính hoặc một chính phủ sẽ được thành lập ra nay mai, bảo đảm thực hiện đường lối, chính sách do Uỷ ban đảo chính đã công bố, nhằm nhanh chóng giải quyết tình hình rối ren ở trong nước, lập lại trật tự an ninh, thực hiện hoà hợp dân tộc. Trung ương Đảng Nhân dân Lào chỉ thị cho đoàn cán bộ vượt ngục tổ chức thành hai bộ phận: một bộ phận do đồng chí Xuphanuvông dẫn đầu tiếp tục hành quân về Sầm Nưa, lúc này đã được giải phóng. Một bộ phận do đồng chí Nủhắc Phumxavẳn lãnh đạo quay trở lại nội thành Viêng Chăn để đại diện cho Trung ương Neo Lào Hắc Xạt vào hợp tác với Uỷ ban đảo chính của Koongle. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cũng lệnh cho tổ công tác đặc biệt chia làm hai: tổ đồng chí Quý và Vinh đi theo phục vụ đoàn của Chủ tịch Xuphanuvông về căn cứ phía bắc; tổ đồng chí Dĩnh và đồng chí Khiết trở lại nội thành Viêng Chăn giúp bộ phận đồng chí Nủhắc Phumxavẳn và tiếp tục xây dựng căn cứ, chỉ đạo nội thành.

Cùng với việc gửi điện cho Tỉnh uỷ Viêng Chăn chỉ rõ: đây là sự kiện chính trị rất quan trọng có lợi cho phong trào đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân các dân tộc Lào, yêu cầu tỉnh uỷ phát động phong trào quần chúng rộng rãi nổi dậy ủng hộ cuộc đảo chính bằng mọi hình thức, Trung ương Đảng Nhân dân Lào còn chỉ thị tỉnh uỷ các tỉnh trong toàn quốc xác định nhiệm vụ mới của các địa phương sau cuộc đảo chính, trong đó nhấn mạnh: phải triệt để lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang, dao động, đẩy mạnh hoạt động, phát triển lực lượng, mở rộng ảnh hưởng của Neo Lào Hắc Xạt; bằng mọi cách bắt liên lạc với các đơn vị quân đội Vương quốc, giúp đỡ họ nổi dậy chống lại bọn phản động Xổmxanít - Phumi Nòxavẳn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Neo Lào Hắc Xạt, ngày 13 tháng 8 năm 1960, hơn 10.000 người dân Thủ đô Viêng Chăn đã biểu tình trước trụ sở Quốc hội Lào, đòi Chính phủ Xổmxanít từ chức, ủng hộ đường lối của Uỷ ban đảo chính. Những người biểu tình nêu khẩu hiệu “chính phủ phải từ chức”, “tống cổ Mỹ và những tên tay sai của chúng”, “nước Lào độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình, trung lập muôn năm”.

Theo yêu cầu của Uỷ ban đảo chính, ngày 17 tháng 8 năm 1960, Vua Lào cử Hoàng thân Xuvănna Phuma thành lập Chính phủ mới. Ngay sau khi Chính phủ mới được Quốc hội Lào nhất trí biểu quyết tán thành, ngày 18 tháng 8 năm 1960, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên bố hoan nghênh chính sách hoà bình trung lập của Chính phủ Vương quốc Lào do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng và Uỷ ban đảo chính do Đại uý Koongle đứng đầu. Tiếp đó, ngày 19 tháng 8 năm 1960, Hoàng thân Xuphanuvông công bố lập trường của Neo Lào Hắc Xạt, hoan nghênh cuộc đảo chính ngày 9 tháng 8 và hoàn toàn ủng hộ chính sách trung lập và hoà hợp dân tộc của Chính phủ mới, đồng thời kêu gọi: “toàn thể đồng bào ở nông thôn và thành phố... đồng tâm hiệp lực ủng hộ chính sách của Uỷ ban đảo chính, đả phá mọi âm mưu mới của đế quốc và bè lũ tay sai, tập trung mọi lực lượng và khả năng xây dựng nước Lào yêu quý của chúng ta thành một nước hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng” .

Phối hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh của nhân dân các địa phương trong cả nước, đầu tháng 9 năm 1960, Bộ Chỉ huy tối cao Pathết Lào sử dụng Tiểu đoàn 1 Pathết Lào phối hợp với Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam tấn công các vị trí địch ở vòng ngoài sát biên giới Việt - Lào.

 Trong các ngày từ 16 đến 19 tháng 9, quân đội Thái Lan từ bên kia sông Mê Công liên tiếp bắn súng cối, liên thanh sang Viêng Chăn, đồng thời tiếp tay cho quân phiến loạn Phumi Nòxavẳn đánh chiếm thị trấn Pạc Xan (cách Viêng Chăn 150 km về phía nam).

Để kịp thời trừng trị các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, từ ngày 26 đến 30 tháng 9 năm 1960, bộ đội Pathết Lào và Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam đánh chiếm điểm cao Huội Thầu và dùng súng cối bắn vào sân bay Sầm Nưa. Tiếp đó, truy kích tiêu diệt quân địch ở Mương Pơn. Ngày 30 tháng 9, liên quân Lào - Việt giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa với 11 vạn dân 2.

Sau giải phóng, Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định chuyển một bộ phận quan trọng các cơ quan của Trung ương, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao vào Sầm Nưa, xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ địa kháng chiến của Trung ương và cả nước.



-------------------------------------------------------------------
1. Chương trình chính trị 10 điểm gồm:
- Hai bên đình chỉ ngay tức khắc các cuộc xung đột vũ trang, các cuộc hành quân càn quét, khủng bố nhân dân. Đại diện hai bên gặp nhau để đàm phán nhằm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954 và các hiệp định Viêng Chăn.
- Thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, trung lập, thực sự chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị theo nguyên tắc chung sống hoà bình.
- Tôn trọng hiến pháp hiện hành, nhà vua, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân.
- Bảo đảm quyền tự do hoạt động của Neo Lào Hắc Xạt và các đảng phái chính trị khác. Trả lại quyền tự do ngay cho Hoàng thân Xuphanuvông và các cán bộ khác của Neo Lào Hắc Xạt bị bắt giam trái phép.
- Thành lập Chính phủ liên hiệp có đại biểu của Neo Lào Hắc Xạt, các đảng phái chính trị tiến bộ và đại biểu các dân tộc tham gia.
- Tất cả các dân tộc ở Lào đều có quyền bình đẳng, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
- Nam, nữ đều có quyền bình đẳng.
- Nâng giá đồng Kíp lên ngang giá trước đây. Tranh thủ sự viện trợ không có điều kiện ràng buộc của tất cả các nước để xây dựng nền kinh tế quốc gia, không nhận viện trợ quân sự.
- Cải thiện đời sống các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tiếp tế muối, vải, nông cụ cho nhân dân các bộ tộc. Xoá bỏ chế độ cuông, lam, các thứ thuế bất công, giảm nhẹ các loại thuế quá nặng nề. Chống bắt phu, bắt lính.
- Phát triển nền văn hoá, giáo dục dân tộc. Phát triển y tế, phòng bệnh chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.


2. Trong đợt chiến đấu này, liên quân Lào - Việt đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch (gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và một đại đội dù), hơn 1.000 dân vệ tan rã và đầu hàng. Lực lượng cách mạng Lào xây dựng được hàng trăm trung đội du kích, cơ sở cách mạng ở Sầm Nưa và các vùng xung quanh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 03:44:51 pm »

2. Sát cánh bên nhau chiến đấu chống chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ; thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lần thứ hai; Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào; thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước

Từ ngày 5 đến 10 tháng 9 năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam được tiến hành tại Hà Nội. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào do Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản dẫn đầu dự Đại hội. Nghị quyết Đại hội đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đồng thời chỉ rõ Đông Dương là một chiến trường, nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia phải kiên quyết sát cánh bên nhau chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Chúng ta ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Lào để thực hiện đường lối hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc, và mong sẽ xây dựng được quan hệ hữu nghị lâu dài và bền chặt với Vương quốc Lào” .

Trong khi Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào tham dự Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam thì ở Lào, được sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, tập đoàn phản động Thái Lan và chính quyền Sài Gòn, ngày 10 tháng 9 năm 1960, bọn Phumi - Bun Ùm thành lập Uỷ ban cách mạng, mưu toan chia cắt đất nước, chống lại chính phủ hợp pháp do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm thủ tướng.

Trước tình hình trên, ngày 13 tháng 9 năm 1960, Neo Lào Hắc Xạt ra tuyên bố nêu rõ lập trường cùng nhân dân cả nước kiên quyết chống lại mọi âm mưu và hành động bán nước, chia cắt lãnh thổ của bọn phản động Phumi - Bun Ùm, đồng thời sẵn sàng hợp tác với tất cả các lực lượng chính trị, đảng phái, chính quyền các cấp, các tổ chức tán thành đấu tranh cho một nước Lào hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc và chính phủ hợp pháp. Cùng ngày, hơn 30.000 nhân dân Thủ đô Viêng Chăn họp mít tinh phản đối bọn phiến loạn, ủng hộ đường lối hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc của Chính phủ Vương quốc Lào và Uỷ ban đảo chính.

Cùng với việc tuyên bố một số nguyên tắc căn bản trong cuộc đàm phán giữa Neo Lào Hắc Xạt với Chính phủ Vương quốc Lào và đề nghị gồm sáu điểm để giải quyết vấn đề Lào, ngày 20 tháng 10 năm 1960, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra Nghị quyết lần thứ năm về tình hình và chủ trương công tác mới của cách mạng Lào. So sánh ba lực lượng ở Lào, Trung ương Đảng Nhân dân Lào chủ trương: “Ra sức phát động nhân dân, tăng cường lực lượng về mọi mặt, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất để đấu tranh cho hoà bình, trung lập, hoà hợp dân tộc. Tích cực mở rộng, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ra sức củng cố và xây dựng căn cứ địa Sầm Nưa. Kiên quyết cùng lực lượng đảo chính bảo vệ Thủ đô Viêng Chăn. Đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị chống lại mọi hoạt động của đế quốc Mỹ và bè lũ Phumi Nòxavẳn, thúc đẩy chính phủ Phuma từng bước thực hiện chính sách hoà bình, trung lập thực sự và thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc” . Về phương châm hoạt động, Nghị quyết chỉ rõ: “phải kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và quân sự, vừa đánh vừa đàm, ra sức tăng cường về mọi mặt” .

 Thống nhất cao với đánh giá và chủ trương của Đảng Nhân dân Lào, ngày 12 tháng 11 năm 1960, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết về công tác giúp Đảng Nhân dân Lào. Sau khi phân tích tình hình, so sánh lực lượng các bên ở Lào, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam thống nhất với Trung ương Đảng Nhân dân Lào chủ trương: chiến đấu bảo toàn lực lượng, kéo dài thời gian cầm cự để tạo thế tấn công mới, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thành lập một chính phủ mới nếu Chính phủ Phuma sụp đổ. Củng cố hậu phương Viêng Chăn, củng cố căn cứ địa Sầm Nưa.

Theo đề nghị của Đảng Nhân dân Lào và yêu cầu của chính phủ của Phuma do Uỷ ban đảo chính thành lập, ngày 7 tháng 12 năm 1960, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định cử Thiếu tướng Chu Huy Mân sang Viêng Chăn vừa trực tiếp giúp Trung ương Đảng Nhân dân Lào, vừa là phái viên của Chính phủ Việt Nam làm việc với đại diện Chính phủ Phuma và Uỷ ban đảo chính Koongle. Sau khi đến Viêng Chăn, được các đồng chí cán bộ lãnh đạo Lào và tổ công tác đặc biệt ở Viêng Chăn thông báo tình hình “quân địch ở sát cửa thủ đô, có thể ngày mai chúng sẽ trực tiếp đánh Viêng Chăn”, đồng chí Chu Huy Mân bắt tay ngay vào việc nắm tình hình, giúp các đồng chí lãnh đạo Lào tổ chức lực lượng đánh địch.

Trước tình hình địch tập trung lực lượng và hoả lực đánh chiếm Thủ đô Viêng Chăn, theo đề nghị của Neo Lào Hắc Xạt và đồng chí Chu Huy Mân, ngày 9 tháng 12 năm 1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chi viện pháo binh giúp cách mạng Lào. Lực lượng pháo binh chi viện gồm 29 đồng chí được trang bị 2 khẩu pháo 105 ly, 2 khẩu cối 120 ly và một số đạn. Đồng chí Lê Kích, Chủ nhiệm pháo binh Quân khu Tây Bắc được phân công chỉ huy chung về pháo binh và làm tham mưu về hoả lực cho đồng chí Chu Huy Mân.

Cùng với chỉ thị tổ chức lực lượng pháo binh chi viện cho quân dân Lào đánh địch bảo vệ Thủ đô Viêng Chăn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn chỉ thị cho Quân khu 4: “địch tăng cường lực lượng ở phía Nam, có âm mưu đánh chiếm thành phố trong đêm 9 tháng 12, yêu cầu Quân khu giúp bạn hành động hết sức nhanh chóng, phô trương thanh thế, uy hiếp hướng Thà Khẹc, buộc địch phải rút một phần lực lượng về, phối hợp bảo vệ Viêng Chăn” 1. Tiếp đó, ngày 10 tháng 12, đồng chí Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã bí mật bay vào Viêng Chăn để cùng đồng chí Chu Huy Mân bàn các phương án bảo vệ Viêng Chăn và bảo toàn lực lượng.

Sau các hoạt động thăm dò, vào hồi 14 giờ ngày 13 tháng 12 năm 1960, quân phiến loạn Phumi Nòxavẳn có cố vấn Mỹ và các đơn vị pháo binh Thái Lan, quân nguỵ Sài Gòn tham gia từ các hướng nam, tây nam, đông nam đồng loạt mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Thủ đô Viêng Chăn. Đồng thời với việc mở cuộc tấn công lớn vào Thủ đô Viêng Chăn, ngày 13 tháng 12 năm 1960, tại Xavẳnnakhệt, Phumi Nòxavẳn tuyên bố thành lập một chính phủ lâm thời do Bun Ùm làm thủ tướng và Phumi Nòxavẳn làm phó thủ tướng.

Trước tình hình nghiêm trọng ở Lào do bọn phiến loạn Phumi Nòxavẳn gây ra, ngày 17 tháng 12 năm 1960, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhân danh là một nước tham gia Hội nghị Giơnevơ 1954, đã đề nghị họp lại Hội nghị Giơnevơ và khôi phục sự hoạt động của Uỷ ban quốc tế ở Lào.

 Được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, thanh niên, học sinh Thủ đô Viêng Chăn, các lực lượng vũ trang trung lập yêu nước và bộ đội Pathết Lào được sự chi viện của pháo binh Việt Nam đã chiến đấu anh dũng bảo vệ Thủ đô Viêng Chăn, chặn đứng các mũi tiến công của địch trong suốt bảy ngày đêm, tiêu diệt hơn 400 tên và làm nhiều tên khác bị thương.

Để bảo toàn lực lượng tiếp tục chiến đấu lâu dài, sau khi tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, trong hai ngày 17 và 18 tháng 12 năm 1960, đồng chí Chu Huy Mân, Cố vấn - Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam đã trao đổi ý kiến với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, dự kiến ba phương án rút khỏi Viêng Chăn ra vùng giải phóng của Neo Lào Hắc Xạt.

Ta nhận định, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là địa bàn chiến lược, một vùng cao nguyên rộng lớn, địch sơ hở, dùng lực lượng không lớn đánh đòn bất ngờ chớp nhoáng có thể giành thắng lợi. Thực hiện phương án này chính là quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của lực lượng kháng chiến Lào, từ Viêng Chăn tiến lên Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nối liền với tỉnh Sầm Nưa, mở rộng căn cứ địa, tạo thế và lực mới cho cách mạng Lào phát triển. Qua trao đổi, các bên thống nhất thực hiện phương án thứ ba: sử dụng lực lượng quân trung lập kết hợp lực lượng Pathết Lào rút lui từ Viêng Chăn, có pháo binh Việt Nam yểm trợ, vừa hành quân vừa tác chiến lên thẳng Cánh đồng Chum và tỉnh Xiêng Khoảng. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam mở các cuộc tấn công phối hợp ở Bạn Ban, Noỏng Hét... buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện cho hướng Cánh đồng Chum.

Thực hiện chủ trương giải phóng tỉnh Xiêng Khoảng, mở rộng căn cứ địa miền Thượng Lào để chuyển các cơ quan thuộc Chính phủ hoà hợp dân tộc, lực lượng trung lập yêu nước và lực lượng đảo chính từ Viêng Chăn lên, ngày 23 tháng 12 năm 1960, Bộ Chỉ huy Quân đội Pathết Lào đã khẩn trương tập hợp lực lượng, tổ chức ba mũi tiến công vào thị xã Xiêng Khoảng. Tiếp đó, ngày 24 tháng 12, bộ đội Pathết Lào và lực lượng đảo chính tấn công các đồn địch ở Hỉn Hợp, thị trấn Văng Viêng, huyện lỵ Ka Xỷ.

Trong hai ngày 27 và 28 tháng 12 năm 1960, các đơn vị Pathết Lào, lực lượng đảo chính tiến công, làm chủ Xála Phu Khun, một căn cứ lớn của địch án ngữ ngã ba tiếp giáp giữa quốc lộ 13 và đường 7. Sau khi tiêu diệt căn cứ Xála Phu Khun, bộ đội Pathết Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục tấn công tiêu diệt các đồn bốt địch trên đường 7. Ngày 30 và 31 tháng 12 năm 1960, bộ đội Pathết Lào, quân tình nguyện Việt Nam tấn công giải phóng Noỏng Hét (một huyện biên giới giáp Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Tiếp đó, các lực lượng Pathết Lào và quân tình nguyện Việt Nam đánh chiếm thị trấn Bạn Ban (huyện Mương Khăm). Sau khi Noỏng Hét, Bạn Ban thất thủ, các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt Vàng Pao vội vã rút về sào huyệt ở Pà Đông, Xảm Thông, Loòng Chẹng. Phát huy thắng lợi, đêm 31 tháng 12 năm 1960, bộ đội Pathết Lào, lực lượng trung lập đồng loạt tấn công giải phóng Cánh đồng Chum.

Tiếp đó, một số đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam, bộ đội Pathết Lào và lực lượng trung lập, được sự chi viện của pháo binh Việt Nam, tiến đánh thị xã Xiêng Khoảng. Chiều ngày 1 tháng 1 năm 1961, lực lượng Pathết Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam làm chủ thị xã, thu nhiều vũ khí, đạn dược, đồng thời tổ chức truy kích địch về Thà Thôm, Mương Xủi.

Với việc giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nối liền Cánh đồng Chum với Sầm Nưa, cách mạng Lào đã tạo được căn cứ địa vững chắc, tạo điều kiện cho Chính phủ hợp pháp của Hoàng thân Xuvănna Phuma đặt trụ sở chính thức ở Khăng Khay (Xiêng Khoảng).



-----------------------------------------------------------------
1. Điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo hoạt động ở Lào tháng 12 năm 1960, lưu tại Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #58 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 03:52:24 pm »

Sau khi lực lượng vũ trang Pathết Lào, lực lượng trung lập yêu nước và bộ đội tình nguyện Việt Nam giải phóng Cánh đồng Chum, Phumi Nòxavẳn ra lệnh cho các tiểu đoàn dù 1 (1BP), 11 (11BP) và Tiểu đoàn 5 (5BI) nhảy dù mở các cuộc phản kích hòng chiếm lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Được sự chi viện của pháo binh quân tình nguyện Việt Nam, từ ngày 2 đến 5 tháng 1 năm 1961, các đơn vị Pathết Lào đã đập tan các cuộc phản kích của địch, diệt và bắt hơn 100 tên, buộc lực lượng còn lại phải tháo chạy khỏi Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

 Mặc dù bị thất bại trong các cuộc phản kích chiếm lại Cánh đồng Chum, nhưng được sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh thân Mỹ, từ ngày 5 đến 20 tháng 1 năm 1961, Phumi Nòxavẳn tiếp tục mở hai cuộc hành quân Xản Nông và Phu Phiêng hòng đánh chiếm lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và ngã ba Xála Phu Khun, Mương Xủi. Được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, các lực lượng vũ trang Pathết Lào đã đập tan hai cuộc hành quân của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Ngày 6 tháng 1 năm 1961, đại diện lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào tiến hành hội đàm thống nhất quan hệ giữa hai Đảng theo năm nguyên tắc chung. Tinh thần cốt lõi của năm nguyên tắc là: sự nghiệp cách mạng Lào do nhân dân các bộ tộc Lào tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào; quan hệ giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào là quan hệ đồng chí, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; chống tư tưởng nước lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi; chống bao biện làm thay; chống ỷ lại, tự ti và mọi biểu hiện làm phương hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Hai Đảng thống nhất tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế, giúp đỡ nhau vì lợi ích của phong trào cách mạng thế giới và lợi ích của hai Đảng, hai nước và của mỗi quốc gia. Về quan hệ nhà nước, hai Đảng làm hết sức mình để tranh thủ những lực lượng tiến bộ, cô lập và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Lào và cách mạng Việt Nam của đế quốc Mỹ và tay sai.

Trên cơ sở thoả thuận giữa hai Đảng, ngày 9 tháng 1 năm 1961, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ quốc tế của chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Lào trong năm năm (1961 - 1965) với những công tác cụ thể là: “giúp đỡ các lực lượng vũ trang cách mạng Lào về chuyên gia quân sự, đào tạo cán bộ; củng cố, xây dựng vùng giải phóng và phát triển lực lượng vũ trang của bạn; Khi bạn có yêu cầu, tổ chức bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu với bộ đội bạn” .
 Căn cứ vào nhiệm vụ trên, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định biên chế thời chiến cho Sư đoàn 325, Lữ đoàn 341, Trung đoàn 224 thuộc Quân khu 4; Lữ đoàn 316, Lữ đoàn 335 và Trung đoàn 148 thuộc Quân khu Tây Bắc, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào.

Sau khi Thái tử Xihanúc nêu sáng kiến triệu tập một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Lào, đã có nhiều nước lên tiếng ủng hộ 1. Trong khi đó, Mỹ, các nước chư hầu và bọn phản động ở Lào mưu toan đưa Liên hợp quốc hoặc khối quân sự SEATO can thiệp vào Lào. Không những thế, từ ngày 24 đến 26 tháng 1 năm 1961, Phumi Nòxavẳn còn huy động GM11 từ Luổng Phạbang, các GM51, GM52 từ Phôn Hoộng có hoả lực pháo binh chi viện tấn công theo hai hướng dọc theo đường 13 đánh chiếm ngã ba Xála Phu Khun để làm bàn đạp hòng đánh chiếm lại Cánh đồng Chum.

Trước việc Mỹ ngang nhiên câu kết, tiếp tay cho bọn phản động thân Mỹ phá hoại hiệp định, để giúp quân đội Pathết Lào đối phó có hiệu quả với các hoạt động của địch, trong các buổi gặp và làm việc (ngày 10 và 15 tháng 2 năm 1961) với Đoàn đại biểu Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và Lào, trong đó nhấn mạnh: “lực lượng Pathết Lào cần phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam, kiên quyết đập tan các hoạt động phiêu lưu quân sự của địch, giữ vững vùng giải phóng và các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng Nhân dân Lào trong mọi tình huống” .

Thực hiện chủ trương trên, ngày 23 tháng 2 năm 1961, Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam, tiểu đoàn Pathết Lào và một đại đội của lực lượng trung lập phối hợp tổ chức thành Mặt trận A do đồng chí Nguyễn Hoà làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phạm Nghiêm (Chính uỷ Lữ đoàn 316) làm chính uỷ, đồng chí Ay (chỉ huy lực lượng Pathết Lào và trung lập) làm chỉ huy phó. Ngay trong buổi ra quân đầu tiên, liên quân Lào - Việt trong Mặt trận A đã đẩy lùi các cuộc tấn công của hai tiểu đoàn địch vào Phu Sủng, Xála Phu Khun.

Trên hướng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, sau khi đẩy lùi các cuộc tấn công của hai tiểu đoàn địch vào Phu Sủng, từ ngày 4 tháng 3 đến 22 tháng 4, liên quân Lào - Việt tiến công quân địch ở Xála Phu Kẹng, Phả Cọc, cao điểm Vành Khăn, Phả Hỉn, Phả Tòng Chinh, Phả Hom, Phả Tặng. Sau khi giải phóng Văng Viêng, cắm cờ phân chia ranh giới giữa Pathết Lào và lực lượng phái hữu ở giữa cầu Hỉn Hợp trên sông Nặm Lịch, các lực lượng Pathết Lào đã triển khai lực lượng phòng ngự bảo vệ các mục tiêu. Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam đóng quân ở Văng Viêng làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng Pathết Lào phòng ngự, truy quét tàn quân địch, xây dựng chính quyền, mặt trận và củng cố vùng giải phóng.

 Ở hướng Trung Lào, lợi dụng lúc địch tập trung lực lượng lớn lên phía bắc nhằm chiếm lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, sơ hở hướng Trung, Hạ Lào, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 được lệnh phối hợp với lực lượng Pathết Lào tiến công giải phóng đường 8.

Trên hướng Hạ Lào, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (Việt Nam) sử dụng Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), được tăng cường Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 95), một đại đội cao xạ và một số đơn vị bảo đảm cùng Tiểu đoàn 19 (bộ đội biên phòng), Tiểu đoàn 927 (tỉnh Hà Tĩnh), Tiểu đoàn 6 (Vận tải 559) và một tiểu đoàn Pathết Lào tiến đánh các vị trí địch ở khu vực đường 9 - Nam Lào, chiếm thị trấn Mương Phin, Xê Pôn, Thà Khoổng, đập tan tuyến phòng thủ dài hơn 100 km của địch, loại khỏi chiến đấu 400 tên địch. Trong đợt hoạt động này, liên quân Lào - Việt đã giải phóng được Xê Pôn (một vị trí quan trọng ở Nam Lào), góp phần mở rộng vùng giải phóng của Lào ở tỉnh Xavẳnnakhệt, nối với căn cứ kháng chiến của Việt Nam ở phía tây tỉnh Quảng Nam và tây tỉnh Quảng Bình.

Những tháng đầu năm 1961, cùng với những thắng lợi giòn giã trên các hướng chiến trường, việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang Pathết Lào cũng có bước chuyển biến rõ rệt. Bộ đội Pathết Lào được củng cố và nhanh chóng phát triển từ hai tiểu đoàn lên 10 tiểu đoàn và cơ động phần lớn lực lượng (sáu trong tổng số 10 tiểu đoàn) về khu vực Cánh đồng Chum, phối hợp cùng quân đội của Koongle đánh lui các đợt tấn công của địch, giữ vững địa bàn có ý nghĩa chiến lược này.

Cũng trong thời gian này, ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh đánh phá ngăn chặn, gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển của Đoàn 559 trên tuyến đông Trường Sơn. Để đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam và Lào, trên cơ sở đề nghị của Đoàn 559, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Tỉnh uỷ Xavẳnnakhệt, Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thảo luận và đi đến thống nhất chủ trương mở đường vận chuyển chiến lược sang phía tây Trường Sơn. Tháng 4 năm 1961, đồng chí Võ Bẩm “trực tiếp dẫn một nhóm cán bộ trinh sát soi đường dọc theo biên giới và sang đất bạn” .

Được sự giúp đỡ tận tình của các bộ tộc Lào trên tuyến tây Trường Sơn, chỉ trong một thời gian ngắn, các đoàn công tác thuộc Đoàn 559 và Quân khu 4 đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi, Cà Tu và Lào Thơng, phục vụ cho việc mở tuyến đường mới dọc tây Trường Sơn trên đất Lào.

Việc chuyển hướng vận chuyển chiến lược sang tây Trường Sơn2 không chỉ tạo ra thế và lực mới cho cách mạng hai nước, mà còn là hành động cao đẹp thể hiện ý chí quyết tâm cao của hai Đảng và nhân dân hai nước Việt - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho hai dân tộc.

Từ ngày 26 đến 28 tháng 4 năm 1961, Hoàng thân Xuvănna Phuma, Thủ tướng Vương quốc Lào và Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt dẫn đầu Đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ Vương quốc và Neo Lào Hắc Xạt thăm Việt Nam. Trong ba ngày ở thăm và làm việc tại Việt Nam, Đoàn đã tiến hành hội đàm với Đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, ký hiệp định về trao đổi và hợp tác kinh tế, văn hoá. Cùng ngày, đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ Vương quốc Lào ký hiệp nghị về việc trao đổi hàng hoá giữa hai nước Việt Nam - Lào.




------------------------------------------------------------------
1. Tính đến ngày 18 tháng 1 năm 1961, Neo Lào Hắc Xạt, lực lượng trung lập yêu nước Lào và chính phủ các nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Inđônêxia và Ấn Độ đều tuyên bố tán thành và hoan nghênh sáng kiến của Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc.

2. Đến đầu tháng 5, một tuyến đường giao liên hành quân mới được hình thành, bắt đầu từ Vítthúlu (cao điểm 592) chạy ngang qua động Vàng Vàng, vượt biên giới sang bản Tạt Hây (cao điểm 1034) thuộc đất Lào, vượt sông Xê Pôn (tại khu vực Bạn Kẹng) qua Sa Đi, Mương Noòng vào tới La Hạp. Đến hết tháng 6, đường mới từ Lằng Khằng (đường 12) đã băng qua nhiều cánh rừng, sông suối vào tới Pạc Pha Năng và cuối năm 1961, đã nối thông với đường 9 ở Mương Phin. Là trục nối đường 12 với đường 9 nên đường này có tên là đường 129.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2021, 03:59:44 pm »

Trong khi dư luận quốc tế hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn của đồng Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương thì ngày 29 tháng 4 năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennơđi triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia để bàn về vấn đề Lào. Cùng ngày, Mỹ ra tuyên bố yêu cầu các nước trong khối quân sự SEATO can thiệp vào Lào và đe dọa sẽ đưa vấn đề Lào ra Liên hợp quốc. Cùng với tuyên bố trên, Mỹ và chính quyền tay sai còn ép Vua Lào Xỉxávàng Vắtthana ký Dụ số 90 cách chức ông Kínim Phônxêna, Bộ trưởng và ông Khăm Phượn, Thứ trưởng trong Chính phủ Vương quốc Lào.

Trước những diễn biến mới của tình hình Lào, ngày 30 tháng 4 năm 1961, Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp thông qua Nghị quyết (lần thứ sáu) về tình hình, nhiệm vụ của quân dân Lào.

Sau khi phân tích, nhận định tình hình một cách toàn diện, nghị quyết đề ra chủ trương, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Lào là: “đoàn kết toàn dân, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến tới xây dựng nước Lào thành một quốc gia hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng” .

Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1961, chấp hành chỉ thị của cấp trên về đẩy mạnh hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam ở Lào trước ngày ngừng bắn, Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc đã tích cực giúp Pathết Lào “mở thêm vùng giải phóng Trung - Hạ Lào; giữ vững các nơi ta giữ được, nhất là Mahả Xây, Nhômmalạt, Văng Viêng, Mương Xài; tích cực quét phỉ để củng cố hậu phương...” , đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Pathết Lào tổ chức tấn công địch giải phóng Xê Pôn, Xála Phu Khun.

Thắng lợi của đấu tranh quân sự và chính trị đã tác động mạnh mẽ đến đấu tranh ngoại giao. Ngày 3 tháng 5 năm 1961, đại diện ba phái (Neo Lào Hắc Xạt, Phuma và Bun Ùm - Phumi) gặp nhau ở Hỉn Hợp, sau đó ở Na Mon (ngày 13 tháng 5), thoả thuận công bố lệnh ngừng bắn, tiếp đó ngày 16 tháng 5 năm 1961 khai mạc Hội nghị quốc tế tại Giơnevơ bàn về vấn đề Lào gồm 14 nước tham dự.

Từ chỗ rất khó khăn nhưng nhờ sự đoàn kết, phối hợp hoạt động của cách mạng Lào - Việt, cách mạng Lào đã giành được thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực. Vùng giải phóng của Neo Lào Hắc Xạt được mở rộng, chiếm hai phần ba diện tích đất đai và một phần ba dân số cả nước, trong đó có những địa bàn quan trọng như Sầm Nưa, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Xê Pôn. Lực lượng vũ trang Pathết Lào đã tổ chức được 10 tiểu đoàn, 34 đại đội độc lập và 70 trung đội bộ đội địa phương. Các ban chỉ huy quân sự cấp huyện và cấp tỉnh đã hình thành ở hầu hết các vùng giải phóng của Lào.

Nhằm giúp Neo Lào Hắc Xạt củng cố vùng giải phóng, tăng cường hơn nữa thực lực cách mạng để có thể “vừa đánh vừa đàm” với địch, tháng 6 năm 1961, Quân khu 4 phối hợp với quân đội Pathết Lào mở chiến dịch Thà Khoổng giải phóng sáu huyện nam, bắc đường 9 - một vùng đất rộng lớn, đông dân thuộc Nam Lào.

Sau chiến dịch này, cùng với việc giúp các đơn vị Pathết Lào củng cố giữ vững vùng giải phóng, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở Lào tiến hành điều chỉnh lại lực lượng 1.

Trước bước phát triển mới của cách mạng Lào, ngày 9 tháng 7 năm 1961, Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hội đàm để thống nhất một số nguyên tắc trong quan hệ giữa hai Đảng, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam còn có quan hệ với Chính phủ Vương quốc Lào và bàn về phương hư¬ớng của cách mạng Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và căn dặn: “Nhất trí nhưng không miễn cưỡng, phải bàn bạc phân minh, nêu cho hết ý kiến nhưng quyết định là Đảng Lào, vì cách mạng Lào là do người Lào làm lấy... giúp nhiều mấy cũng chỉ được 1/10 còn tự lực là 9/10” .

Ngày 20 tháng 7 năm 1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ bảy (khoá I). Trong Báo cáo chính trị đọc tại Hội nghị, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhận định: “cách mạng Lào đang trên đà thắng lợi về chính trị cũng như quân sự, ảnh hưởng và địa vị của Pathết Lào ngày càng được nâng cao trong nước cũng như trên thế giới, đường lối đúng đắn của ta ngày càng được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Địch đang ở thế bị động và cô lập nhưng lực lượng của địch chưa bị tiêu diệt, lực lượng ta chưa hơn hẳn địch. Cuộc đấu tranh sẽ còn lâu dài phức tạp” .

Phân tích âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai, Hội nghị quyết định chủ trương: “ra sức củng cố thắng lợi, tăng cường lực lượng mọi mặt; đồng thời ra sức phát động phong trào đấu tranh của nhân dân các vùng do phái Phumi - Bun Ùm kiểm soát, tập hợp thật đông đảo mọi lực lượng yêu nước chống Mỹ, đòi thành lập Chính phủ liên hiệp do Phuma làm thủ tướng và có Pathết Lào tham gia với địa vị xứng đáng”2.
Về phương châm đấu tranh, trên cơ sở nhận định tình hình đã thay đổi, việc thực hiện ngừng bắn được thực hiện trên các chiến trường chính, Hội nghị Na Mon và Giơnevơ đã khai mạc, do đó phương châm đấu tranh phải trở lại lấy đấu tranh chính trị làm chính, phải mạnh bạo tấn công địch về chính trị nhưng phải ra sức xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang làm lực lượng hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu tấn công của địch.

Sau cuộc hội đàm giữa hai Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào, tháng 8 năm 1961, trên cơ sở quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang đã được hai bên nhất trí, ngày 4 tháng 9 năm 1961, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức hội nghị bàn về nhiệm vụ Đoàn 959 giúp cách mạng Lào.

Sau hội nghị này, ngày 9 tháng 9 năm 1961, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký quyết định về việc Cục Truyền thanh Việt Nam giúp Neo Lào Hắc Xạt xây dựng một đài phát thanh.

Những ngày cuối tháng 9 năm 1961, Phumi Nòxavẳn huy động ba binh đoàn và một số tiểu đoàn độc lập tấn công ra đường 8, đường 9, đường 12 lấn chiếm vùng Mương Phin (Xavẳnnakhệt) và Mahả Xây (đường 12, tỉnh Khăm Muộn) nhằm phá hành lang vận chuyển của lực lượng Pathết Lào xuống Hạ Lào và từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.

Kịp thời đối phó lại các hoạt động lấn chiếm của địch, ngày 18 tháng 11 năm 1961, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ đạo Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc tăng cường phối hợp giúp bộ đội Pathết Lào đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu, ngăn chặn địch bảo vệ hành lang vận chuyển.

Ngày 22 tháng 11 năm 1961, tại một địa điểm của tỉnh Sầm Nưa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị toàn thể lần thứ tám. Trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa các phe phái ở Lào, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là: “ra sức đấu tranh đòi thành lập Chính phủ liên hiệp trên nguyên tắc bảo đảm thực hiện chính sách hoà bình, trung lập, bảo đảm việc củng cố và phát triển mặt trận với Hoàng thân Phuma, với các lực lượng yêu nước khác và thân với phe xã hội chủ nghĩa” .

Sau bảy tháng họp, ngày 14 tháng 12 năm 1961, Hội nghị 14 nước tại Giơnevơ đã thông qua bản tuyên bố về nền trung lập của Lào và nghị định thư về bản tuyên bố đó. Các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Không can thiệp vào công việc nội bộ và không lôi kéo Lào vào các liên minh trái với nền trung lập của Lào. Quân đội và nhân viên nước ngoài phải rút khỏi Lào, không được lập căn cứ quân sự ở Lào hoặc dùng lãnh thổ Lào vào mục đích quân sự. Các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ đã trao đổi ý kiến trong trường hợp độc lập, chủ quyền và trung lập của Lào bị xâm phạm, v.v.. Tiếp đó, ngày 3 tháng 2 năm 1962, tại Giơnevơ đã khai mạc Hội nghị cấp cao ba phái ở Lào để thảo luận về tổ chức Chính phủ liên hiệp và cử một phái đoàn thống nhất của Chính phủ Lào dự Hội nghị quốc tế 14 nước ở Giơnevơ.

Theo thoả thuận bước đầu, Chính phủ liên hiệp Lào sẽ gồm 18 ghế phân chia theo tỷ lệ 10 - 4 - 4 2. Đạt được kết quả trên là một thắng lợi của liên minh các lực lượng yêu nước Lào.

 Ngày 20 tháng 2 năm 1962, Quân uỷ Trung ương Việt Nam ra Nghị quyết số 28/QUTƯ về công tác quân sự ở Lào. Trên cơ sở phân tích tình hình địch, ta, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào tiếp tục tranh thủ giúp Lào củng cố căn cứ địa, tích cực tiêu diệt địch bảo vệ vùng giải phóng; đẩy mạnh hoạt động quân sự vùng sau lưng địch, đồng thời củng cố liên minh với lực lượng Koongle nhằm làm cơ sở cho đấu tranh chính trị; tích cực chống càn, tiễu phỉ ở vùng trọng điểm, chú trọng bảo vệ đường giao thông của ta.

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1962, địch tập trung ở khu vực Nặm Thà - Mương Xỉnh một lực lượng lớn quân đội hòng tạo thế uy hiếp quân đội Pathết Lào ở khu vực Thượng Lào. Để tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo đà phát triển cho cách mạng Lào, ngày 10 tháng 4 năm 1962, Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ của bộ đội Pathết Lào cùng các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch tấn công Nặm Thà nhằm: “tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng Luổng Nặm Thà và Mương Xỉnh, mở rộng khu căn cứ Thượng Lào, đồng thời rèn luyện cho bộ đội trưởng thành lên một bước. Sau khi giải phóng Mương Xỉnh, Nặm Thà, hướng Mương Xỉnh phát triển đến Mương Long, hướng Nặm Thà phát triển đến Viêng Phu Kha” .




----------------------------------------------------------------
1. Các đơn vị giúp Lào ở các tỉnh Phôngxalỳ, Sầm Nưa, Luổng Phạbang rút về nước 1.203 người và hai tiểu đoàn công binh làm đường. Ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, các đơn vị quân tình nguyện rút 2.373 người, ở Trung - Hạ Lào rút 1.872 người. Để đề phòng bất trắc và bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, đến tháng 6 năm 1961, theo yêu cầu của Đảng Nhân dân Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn duy trì bốn tiểu đoàn quân tình nguyện ở Mương Xài, Cánh đồng Chum, đường 12, đường 9 và một số nhân viên kỹ thuật.

2. Phái Phuma giữ ghế thủ tướng kiêm chức một bộ trưởng và 7 ghế bộ trưởng, 2 ghế thứ trưởng; Neo Lào Hắc Xạt giữ một ghế phó thủ tướng kiêm một bộ trưởng, một ghế bộ trưởng và 2 ghế thứ trưởng; phái Bun Ùm giữ một ghế phó thủ tướng kiêm một bộ trưởng, một ghế bộ trưởng và 2 ghế thứ trưởng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM