Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:25:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007  (Đọc 5380 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 04:46:29 pm »

Tháng 10 năm 1946, Chiến khu 4 (Việt Nam), giúp các lực lượng kháng chiến Lào thuộc các tỉnh Xavẳnnakhệt, Khăm Muộn, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, tổ chức hội nghị tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nhằm thống nhất lực lượng, thành lập Uỷ ban giải phóng Đông Lào  để chỉ đạo cuộc đấu tranh tại vùng phía Đông Lào. Hội nghị đề ra phương hướng công tác vận động nhân dân xây dựng cơ sở, tổ chức các đơn vị vũ trang Lào Ítxalạ và quyết định tập trung củng cố các lực lượng vũ trang Lào, phát động chiến tranh du kích chống thực dân Pháp và tay sai. Uỷ ban giải phóng Đông Lào quyết định phân chia lực lượng vũ trang thành hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất, chịu trách nhiệm khu vực Xiêng Khoảng, Sầm Nưa (Hủa Phăn). Bộ phận thứ hai chịu trách nhiệm khu vực đường 8, 9. Các lực lượng này của Lào phối hợp với các lực lượng vũ trang của Chiến khu 4 và của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp với nhau xây dựng cơ sở dọc biên giới hai nước từ Hủa Phăn xuống Khăm Muộn.

Để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, từ tháng 3 năm 1946, Xứ uỷ Ai Lao thông qua phái viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Viêng Chăn, đã bàn bạc, thống nhất với Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ, chủ trương vừa chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, cản bước tiến của chúng, vừa chủ động tổ chức cho nhân dân Lào và Việt kiều di tản ra khỏi thành phố, chuyển Chính phủ lên Luổng Phạbang và đưa lực lượng vũ trang về vùng nông thôn, miền núi, tiến hành kháng chiến lâu dài. Theo đó, từ cuối tháng 3 năm 1946, đa số nhân dân Lào ở Viêng Chăn và hầu hết bà con Việt kiều đã vượt sông Mê Công tản cư sang Thái Lan. Đầu tháng 4 năm 1946, một bộ phận các cơ quan của Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ chuyển lên kinh đô Luổng Phạbang. Ban Chỉ huy liên quân Lào - Việt ở Viêng Chăn tổ chức lại lực lượng chiến đấu cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Đại bộ phận vẫn tiếp tục chiến đấu nhằm tiêu hao sinh lực địch, ngăn cản bước tiến quân của chúng. Một lực lượng được cử đi theo làm nhiệm vụ bảo vệ dân và cơ quan Chính phủ. Đến cuối tháng 4, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ nhân dân và Chính phủ tản cư an toàn sang Thái Lan và lên Luổng Phạbang, liên quân Lào - Việt rút ra khỏi Thủ đô Viêng Chăn, sau đó rút sang Thái Lan.

Giữa tháng 5 năm 1946, quân Pháp tiến công vào kinh đô Luổng Phạbang. Nhà vua Xỉxávàngvông đầu hàng Pháp và lệnh cho lực lượng vũ trang Lào hạ vũ khí, chấp nhận sự thống trị của Pháp. Lực lượng vũ trang Lào Ítxalạ và những người Lào chống Pháp rút khỏi kinh đô, tản vào rừng.

Có thể nói, cuộc chiến đấu bảo vệ các thành phố, thị xã ở bắc vĩ tuyến 16 của Lào, đến giữa tháng 5 năm 1946, về cơ bản đã suy yếu, chỉ còn những hoạt động nhỏ lẻ, phân tán. Chính phủ độc lập Lào, sau một thời gian hoạt động, phải lánh sang Thái Lan, nhưng đã có những đóng góp quan trọng trong việc đề cao danh nghĩa độc lập của nước Lào và tăng cường quan hệ đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Liên quân Lào - Việt đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, tích cực, chủ động đánh địch, nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp.

Sau khi chiếm được Thủ đô Viêng Chăn và kinh đô Luổng Phạbang, Pháp cho lập Chính phủ và bầu Quốc hội Viêng Chăn; ký hiệp định (ngày 28 tháng 7 năm 1946) công nhận Lào “độc lập, thống nhất và tự trị trong khối Liên hiệp Pháp”; thành lập các đảng phái chính trị làm công cụ phá hoại cách mạng Lào, chia rẽ nội bộ Lào, chia rẽ tình đoàn kết, thân thiện Lào - Việt Nam.

Bằng chính sách thâm độc đó cùng với sức mạnh quân sự, đến cuối năm 1946, quân Pháp đã từng bước kiểm soát được tình hình ở Lào, thiết lập bộ máy chính quyền tay sai, gây cho phong trào kháng chiến của Lào nhiều khó khăn, đồng thời uy hiếp phong trào cách mạng Việt Nam từ phía tây.

Nhằm từng bước phối hợp xây dựng lực lượng cơ sở kháng chiến ở Lào, cuối năm 1946, các lực lượng vũ trang cách mạng Lào và lực lượng Việt kiều chuyển hướng trở về hoạt động ở vùng nông thôn, rừng núi, tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở chính trị, phát động chiến tranh du kích, thiết lập các khu căn cứ, chuẩn bị điều kiện để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Lào từng bước tiến lên.

Tại Hạ Lào, thực hiện chủ trương đưa lực lượng về hoạt động trên đất Lào, Hoàng thân Xuphanuvông trên danh nghĩa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ và Tổng Chỉ huy liên quân Lào - Việt, lệnh cho các lực lượng của Lào tản cư sang ămphơ (tổng) Phi Bun (Thái Lan) tổ chức huấn luyện quân sự, củng cố tổ chức để trở về vùng Hạ Lào1  tham gia kháng chiến chống Pháp.

Để tăng cường xây dựng lực lượng, thúc đẩy phong trào kháng chiến chuẩn bị mở mặt trận Hạ Lào, Hoàng thân Xuphanuvông đã hiệp thương với đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thu xếp cho lực lượng tiền trạm sang liên lạc với Chính phủ Việt Nam tại miền Nam Trung Bộ, nhờ Việt Nam giúp xây dựng chỗ đứng chân ở vùng biên giới phía đông Hạ Lào. Đội tiền trạm xuất phát từ tháng 5 năm 1948 gồm một trung đội Lào do ông Xổm Manôviêng chỉ huy, cùng một trung đội Việt kiều giải phóng quân, vượt vùng địch kiểm soát sang Liên khu 5 (Việt Nam). Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ thị cho Đảng bộ và chính quyền địa phương Liên khu 5 về việc tăng cường giúp đỡ Hạ Lào. Tháng 3 năm 1948, đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc đó là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Nam Trung Bộ, giao nhiệm vụ cho Tỉnh uỷ Quảng Nam (Việt Nam) cùng Trung đoàn 93 tổ chức một trung đội đến biên giới phía tây Quảng Nam giáp Xalavăn nắm tình hình và chuẩn bị địa bàn giúp đỡ lực lượng kháng chiến Lào. Đầu tháng 7 năm 1948, tổ công tác và trung đội trên đã đón đơn vị của ông Xổm Manôviêng cùng đơn vị Việt kiều về huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) để củng cố lực lượng, huấn luyện và trang bị vũ khí.

Ngày 10 tháng 7 năm 1948, đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký quyết định thành lập Khu đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ Lào xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ ở Hạ Lào. Khu đặc biệt do đồng chí Trần Công Khanh làm khu trưởng, đồng chí Nguyễn Chính Cầu (tức Nguyễn Chính Giao) làm chính uỷ.

Ban lãnh đạo Khu đặc biệt tổ chức bộ phận đón tiếp lực lượng của Lào sang và chuẩn bị lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phối hợp, giúp đỡ cách mạng Lào. Căn cứ của Khu đặc biệt được đặt tại Tà Ngô (huyện Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam), gần biên giới Việt Nam - Lào.

Lực lượng của Liên khu 5 (Việt Nam) được cử đi giúp Lào gồm có một đại đội được tuyển chọn gồm cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần, chủ yếu là của Phòng Chính trị Liên khu 5.

Sau một thời gian chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần, ngày 19 tháng 8 năm 1948, đơn vị của ông Xổm Manôviêng cùng đoàn cán bộ của Liên khu 5 (Việt Nam) làm lễ xuất quân từ làng Đề An, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đi Tà Ngô, huyện Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam để sang Hạ Lào hoạt động. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã ân cần dặn dò đoàn công tác rằng chỉ có vận động nhân dân Lào kháng chiến thì Việt Nam và Lào mới có thể đánh thắng giặc Pháp xâm lược.

Sau khi dừng chân ở Tà Ngô, đoàn cán bộ Lào - Việt chia thành ba bộ phận, hành quân sang vùng phía đông hai tỉnh Xalavăn và Áttapư theo ba hướng tây, tây bắc và tây nam. Mỗi bộ phận gồm một tiểu đội người Lào, hai tiểu đội người Việt Nam và tổ dân vận, làm nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình địch, dân cư, gây dựng cơ sở, phát động nhân dân kháng chiến. Đoàn cán bộ Lào - Việt, từ cán bộ đến chiến sĩ, ai cũng có quyết tâm cao, hăng say công tác, nhưng có điều trở ngại là anh em người Việt không biết tiếng Lào, không hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các bộ tộc Lào, người Lào không biết tiếng Việt, nên trong tiếp xúc, công tác gặp nhiều khó khăn. Nhiều anh em (cả người Lào và Việt) hầu như chưa có kinh nghiệm làm công tác vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số, nhiều người chỉ muốn được cầm súng đánh địch, ít coi trọng công tác dân vận, vận động quần chúng nhân dân.

Thời gian đầu, các đội công tác Lào - Việt tiến hành khảo sát tình hình và vận động nhân dân ở vùng biên giới phía đông các tỉnh Xalavăn và Áttapư. Sau khoảng nửa năm công tác, phạm vi hoạt động chỉ mở rộng được trong khoảng bốn, năm ngày đường đi bộ mỗi chiều, vận động được khoảng 50 bản, cùng chừng 5.000 dân gồm nhiều bộ tộc, ngôn ngữ và phong tục, tập quán khác nhau.

Phát hiện thấy lực lượng Lào - Việt hoạt động, quân địch tổ chức nhiều cuộc càn quét, từ Áttapư, Xalavăn đến tận biên giới Việt - Lào, các đội công tác Việt - Lào tổ chức một số trận đánh ở Đắc Rai, Đắc Ranh, Măng Dơn, Tăng Dưi, Măng Hà, gây cho địch một số thiệt hại, buộc chúng phải rút ngắn thời gian hoạt động.

Một khó khăn khác của đoàn công tác là trong vùng hoạt động, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, trình độ dân trí thấp. Nhân dân thường xuyên mắc phải nhiều bệnh tật, nhất là sốt rét và đường ruột. Các bộ tộc sống đơn lẻ, thiếu hiểu biết nhau, thường có mâu thuẫn và sự hiềm khích. Mặc dầu đã hết sức cố gắng nhưng các đội công tác Lào - Việt chỉ gây được cơ sở ở một vài bản. Một số nơi dân sống biệt lập, “cắm lá” không tiếp xúc với đoàn công tác. Do hoạt động khó khăn về mọi mặt nên trong đoàn công tác xuất hiện tư tưởng bi quan, chán nản, không muốn tiếp tục công tác ở vùng này. Số anh em người Lào muốn được trở về cầm súng chiến đấu như hồi đầu kháng chiến ở vùng Chămpaxắc. Một số anh em người Việt cũng muốn trở về nước.

Tình hình trên nếu không có phương hướng, biện pháp giải quyết thì sẽ khó có thể thúc đẩy phong trào kháng chiến ở Hạ Lào phát triển. Nhận rõ tình hình và thấy được việc cấp bách phải xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng đẩy mạnh kháng chiến ở Hạ Lào, cuối năm 1948, Hoàng thân Xuphanuvông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ độc lập Lào đã giao cho đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, đại diện Chính phủ Lào cùng ông Xỉthôn Cômmađăm, khu trưởng quân sự, đưa một trung đội của đơn vị Xaychắccaphắt và một trung đội Việt kiều từ Thái Lan di chuyển về phía biên giới Việt - Lào, sang Liên khu 5 (Việt Nam) chuyển công văn của Chính phủ Lào đến đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Nam Trung Bộ, nhờ giúp đỡ thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào.




-----------------------------------------------------------------
1. Hạ Lào, khái niệm này có nhiều nguồn tài liệu giải thích khác nhau, theo nguồn tài liệu này bao gồm ba tỉnh là Chămpaxắc, Xalavăn và Áttapư, chiếm khoảng 1/6 diện tích Lào. Đây là vùng rừng núi xen lẫn đồng bằng và cao nguyên, có biên giới giáp các tỉnh vùng Tây Nguyên (Việt Nam), đông bắc Campuchia và Thái Lan. Hạ Lào nằm ở phía nam vĩ tuyến 16, vì thế ngay từ tháng 9 năm 1945, Pháp đã đưa quân chiếm đóng (núp sau lưng quân Anh, với danh nghĩa lực lượng Đồng minh vào giải giáp quân Nhật), được tập đoàn lãnh chúa Bun Ùm, giúp đỡ, nên đến cuối tháng 10 năm 1945, quân Pháp đã chiếm xong Hạ Lào và thiết lập bộ máy nguỵ quyền tay sai. Căm thù, chán ghét bọn thực dân Pháp và chế độ bóc lột tàn tệ của lãnh chúa phong kiến địa phương nên một số viên chức và thanh niên Lào có tinh thần yêu nước ở Hạ Lào đã di tản sang các tổng Bun và Bùng Vai, thuộc huyện Valin, tỉnh Uđon, Thái Lan. Phong trào cách mạng và sự phối hợp chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã phát triển từ khi Pháp trở lại xâm chiếm Hạ Lào. Hạ Lào là nơi xuất xứ nhiều cán bộ cách mạng của Lào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 04:50:19 pm »

Tây Lào 1, từ khi phải chuyển lực lượng sang Thái Lan (năm 1946), cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị liên quân Lào - Việt ở từng khu vực đã tập hợp, củng cố lực lượng vũ trang Việt kiều, các đội công tác cơ sở, chuẩn bị điều kiện để trở về hoạt động ở mặt trận phía tây Lào.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Ai Lao, các tổ chức đoàn thể Việt kiều yêu nước ở Lào, Thái Lan, vận động đồng bào ủng hộ tiền, của để mua sắm vũ khí chuyển từ Thái Lan về Lào; đồng thời động viên nhân dân Lào cùng Việt kiều gửi con em tham gia xây dựng các đơn vị liên quân Lào - Việt. Sinh ra và lớn lên trên đất Lào, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu tập quán của các bộ tộc Lào là điều kiện thuận lợi để thanh niên Việt kiều gia nhập các đơn vị vũ trang liên quân, sát cánh chiến đấu với anh em người Lào.

Đầu năm 1947, Đặc ủy kiều bào và Tổng hội Việt kiều cứu quốc quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Lào - Miên, do đồng chí Vũ Hữu Bỉnh làm tư lệnh (sau gọi là mặt trận miền Tây) nhằm giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào, Miên từ phía tây. Bộ Tư lệnh chủ trương thành lập bốn đặc khu trên đất Lào, Miên. Đặc khu 1 là Viêng Chăn. Đặc khu 2 là Pạc Xan - Thà Khẹc. Đặc khu 3 là Xavẳnnakhệt. Đặc khu 4 là Báttamboong (Bắc Miên) 2. Ở các đặc khu, đảng uỷ và ban chỉ huy quân sự nhanh chóng tập hợp, củng cố lực lượng vũ trang Việt kiều và các đội công tác cơ sở, chuẩn bị sẵn sàng trở lại Lào hoạt động khi có điều kiện thuận lợi.

Từ giữa năm 1947, các đơn vị Việt kiều giải phóng quân và đội công tác cơ sở (ở Thái Lan) được bổ sung thêm quân số, vũ khí và tổ chức thành ba lực lượng về Nam Bộ (Việt Nam), Campuchia và Lào, trực tiếp tham gia kháng chiến.

Lực lượng trở về Lào được tổ chức thành các đơn vị vũ trang tuyên truyền và các đội công tác cơ sở hoạt động dọc theo lưu vực sông Mê Công từ Viêng Chăn xuống khu vực Trung Lào.

Phía bộ đội Việt kiều được phái về Viêng Chăn (Đặc khu 1) hoạt động, lúc đầu có 70 người. Ban Chỉ huy Đặc khu 1 tổ chức hai đơn vị Việt kiều giải phóng quân trở lại chiến trường Viêng Chăn tìm cách phối hợp với lực lượng Lào Ítxalạ, nhằm vào hai hướng là vùng Nặm Tòn - Phôn Hoộng ở phía tây bắc, bắc Viêng Chăn và vùng Thà Boốc - Pạc Xan ở phía đông và đông bắc Viêng Chăn hoạt động. Đây là hai địa bàn rừng núi có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, xa trung tâm đầu não của địch, mặt khác ở đây có thể dựa vào cơ sở Việt kiều ở ven sông Mê Công bên phía Thái Lan để bảo đảm giao thông liên lạc, chỉ huy, tiếp tế và có thể thực hiện tác chiến tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng kháng chiến. Bộ đội Việt kiều trở về Viêng Chăn được cán bộ và nhân dân Lào gọi là “Thà hãn ai noọng” (bộ đội anh em), hoặc gọi chung là “Thà hãn Ítxalạ” như bộ đội Lào.

Đơn vị Nặm Tòn - Phôn Hoộng có 40 người, biên chế thành ba phân đội và một cơ quan chỉ huy. Phạm vi hoạt động tương đối rộng, từ vùng Nặm Tòn đến đường 13, từ ngoại thành Viêng Chăn lên Phôn Hoộng, sang Nặm Lịch, khu vực Bạn Cơn và đường 10. Nhiệm vụ của đơn vị là phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ tại địa phương, thực hiện công tác vũ trang tuyên truyền, tác chiến tiêu hao địch và đánh phá giao thông, kìm chế hoạt động của địch, gây thanh thế cho bộ đội Lào Ítxalạ và phong trào kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào. Trong năm 1947, đơn vị phân chia thành nhiều tổ, nhóm nhỏ vào từng làng, bản, tuyên truyền, vạch rõ âm mưu, hành động phá hoại của giặc Pháp, giải thích chủ trương của Chính phủ Lào Ítxalạ là kháng chiến, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập, tự do thực sự cho Lào. Đồng thời, tổ chức tập kích đồn Hủa Khủa trên đường 13 cách Viêng Chăn 20 km về phía bắc; phục kích đoàn xe chở quân của địch gần làng Thồng Măng trên đường 10, đoạn Thà Ngòn - Bạn Cơn; phục kích đoàn canô chở quân ở khu vực Kẹng Mọ, trên sông Mê Công; đánh địch ở giữa bản Noỏng Khỏn và bản Háy Càbạc.

Đơn vị Thà Boốc - Pạc Xan có 30 người. Phạm vi hoạt động dọc theo đường 13 từ Pạc Xan - Thà Boốc - Pạc Ngừm ngược lên Viêng Chăn, dọc đường 4, từ Pạc Xan - Mương Cầu lên Thà Viêng và các vùng thượng lưu sông Nặm Xăn, Nặm Nghiệp, các vùng núi cao Phu Phalavẹc, Phu Mừn, Phu Ngu. Nhiệm vụ của đơn vị này là phối hợp với lực lượng Lào Ítxalạ tại địa phương làm công tác vũ trang tuyên truyền và đánh địch, gây tiếng vang cho phong trào kháng chiến, tạo niềm tin trong nhân dân và lực lượng vũ trang Lào - Việt. Các cán bộ, chiến sĩ đơn vị Thà Boốc - Pạc Xan đã tiến hành các hoạt động vũ trang tuyên truyền qua nhiều làng, bản trên địa bàn rừng núi ở vùng thượng nguồn các sông Nặm Xăn, Nặm Nghiệp, xây dựng cơ sở và tổ chức đánh địch ở Bạn Hày (trên đường 13), phá cầu ở Thà Boốc, phục kích đánh ca nô và xe cơ giới địch khi chúng chở quân xuống tăng cường cho đồn Pạc Xan.

Ngoài hai đơn vị trên ở Viêng Chăn, phía Tây Lào còn có một bộ phận phụ trách đường giao thông Việt - Lào - Thái gồm 30 người. Cuối năm 1947, được nhân dân Lào nhiệt tình giúp đỡ, đơn vị này đã mở thông con đường giao liên quốc tế từ Bưng Càn (Thái Lan) qua Bolịkhăn, Mương Mộc, Mương Ngan (Lào) về Liên khu 4 (Việt Nam), góp phần quan trọng bảo đảm cho sự liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương với chiến trường Lào qua Thái Lan ra các nước khác.

Tại khu vực nam Thà Khẹc và bắc Xavẳnnakhệt, phía tây Lào, có một lực lượng gọi là Phân khu 6, tổ chức thành ba đội công tác (số 13, 14, 15). Đây là số anh chị em Việt kiều, thông thạo tiếng và phong tục, tập quán địa phương Lào, làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng.

Hoạt động của các đơn vị Nặm Tòn - Phôn Hoộng và Thà Boốc - Pạc Xan cùng với hoạt động của đơn vị Koong Phạ Ngừm Lào Ítxalạ ở địa phương và các đơn vị nói trên đã gây được ảnh hưởng lớn đến nhân dân ở vùng địch tạm chiếm, tạo được lòng tin đối với nhân dân, gây dựng được những cơ sở kháng chiến ban đầu ở mặt trận Viêng Chăn và một số vùng phía tây Lào.

Do hoạt động gian khổ, điều kiện sinh hoạt khó khăn, bệnh tật phát sinh, một số đồng chí đã hy sinh, nên đến cuối năm 1947, phần lớn lực lượng của hai đơn vị Việt kiều hoạt động ở vùng Viêng Chăn được lệnh rút sang Thái Lan củng cố. Chỉ còn một tổ công tác ở lại vùng Nặm Tòn, liên hệ phối hợp với đơn vị Lào Ítxalạ do ông Thạo Mừn Xổmvichít chỉ huy, dựa vào dân tiếp tục hoạt động.




-----------------------------------------------------------------
1. Tây Lào, khái niệm này có nhiều nguồn tài liệu giải thích khác nhau, theo nguồn tài liệu này là vùng dọc theo sông Mê Công, từ phía bắc tỉnh Huội Xài đến phía tây tỉnh Khăm Muộn, gồm toàn bộ tỉnh Huội Xài, phía tây Luổng Phạbang, toàn bộ Viêng Chăn và một phần nam Khăm Muộn.

2. Đến tháng 4 năm 1949 lập thêm đặc khu ở vùng Huội Xài - Luổng Phạbang - Xaynhabuli.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 04:57:48 pm »

Tại vùng Đông Lào 1, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam và theo yêu cầu của cách mạng Lào, Bộ Tư lệnh Chiến khu 4 giao nhiệm vụ cho các tỉnh cử một số cán bộ và đơn vị sang phối hợp, giúp đỡ các địa phương lân cận phía Đông Lào xây dựng cơ sở kháng chiến. Đầu năm 1947, Khu ủy và Ủy ban kháng chiến - hành chính Khu 4 quyết định thành lập Phòng Biên chính trên cơ sở Phòng Ngoại vụ, chuyên trách giúp các lực lượng kháng chiến Lào, do đồng chí Trần Đức Vịnh phụ trách  đóng ở vùng Đô Lương, Con Cuông (tỉnh Nghệ An). Phòng Biên chính có nhiệm vụ giúp Ủy ban giải phóng Đông Lào củng cố và phát triển các lực lượng cách mạng, yêu nước Lào và tổ chức đón tiếp các lực lượng từ Thái Lan qua Lào sang Việt Nam và ngược lại; phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn 265 địa phương tỉnh Nghệ An phụ trách biên giới phía tây, tổ chức hoạt động gây cơ sở trong các vùng người dân tộc Việt Nam và Lào, tạo chỗ đứng chân để tiến sâu vào đất Lào; chắp nối liên lạc với cán bộ cốt cán còn lại trong các thị xã, thị trấn, và các vùng địch tạm chiếm, xây dựng cơ sở chính trị, hoạt động vũ trang tuyên truyền, trọng tâm là vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, tập trung xây dựng căn cứ du kích làm chỗ đứng chân ở vùng Xảm Chè (người Mông), Mương Nham và ngược lên phía bắc, hai bên đường 7, thuộc vùng Noỏng Hét, Bạn Ban, Mương Pẹc.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tổ chức Ban Biên chính, gồm 2 đến 4 cán bộ để liên hệ giúp Lào. Ban Biên chính Hà Tĩnh gồm có 4 người, đóng ở huyện Hương Sơn. Cán bộ của ban này thường xuyên sang hoạt động, giúp Lào ở các vùng Na Vang, Na Háo, thuộc tàxẻng (tổng) Nặm Vẹo sát với huyện Hương Sơn và tàxẻng Thạp Hay sát với huyện Hương Khê. Tỉnh Quảng Bình cử một tổ công tác sang gây cơ sở ở vùng Bualapha, sát biên giới với huyện Bố Trạch. Ban Biên chính tỉnh Quảng Trị đóng ở huyện Hương Hoá, sang giúp Lào xây dựng cơ sở, phát động phong trào ở vùng Tà Ôi, Mương Noòng, tiếp giáp tỉnh Quảng Trị. Mặt khác, các tỉnh thuộc Liên khu 4 còn cử một số đơn vị bộ đội sang vùng lân cận của Lào phối hợp hoạt động, gây dựng cơ sở.

 Tỉnh Quảng Trị cử Đại đội 55 bộ đội địa phương sang phối hợp, hoạt động, giúp đỡ cách mạng Lào ở mường Xê Pôn , Mương Phin, trên trục đường 9 và khu vực phía đông nam tỉnh Xavẳnnakhệt. Tỉnh Quảng Bình cử Đại đội 6 bộ đội địa phương sang hoạt động ở khu vực đường 12 vùng mường Bualapha, Ang Khăm, Bạn Naphào, tỉnh Khăm Muộn. Một đại đội của Tiểu đoàn Trường Sinh, thuộc Trung đoàn 103, phối hợp hoạt động ở khu vực đường 8 vùng Na Pê, Lắc Xao, Bạn Tồn đến Nhômmalạt.

Cuối năm 1947, đầu năm 1948, các đơn vị của các tỉnh thuộc Khu 4 (Việt Nam) gồm Đại đội 55 ở Xavẳnnakhệt, Đại đội 6 ở Khăm Muộn, đại đội thuộc Tiểu đoàn Trường Sinh của Trung đoàn 103, ở Na Pê, Khăm Cợt được tổ chức thành các đội vũ trang tuyên truyền, sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng Lào vào từng bản, làng, tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng bán vũ trang. Tháng 10 năm 1948, Đại đội 55 phối hợp với lực lượng vũ trang mường Xê Pôn, đánh địch ở Samuội, sau đó tập kích đồn Mương Noòng, giải phóng huyện Tà Ôi, Mương Noòng.

Để tăng cường sự chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung Lào và thống nhất việc giúp đỡ, phối hợp hoạt động với lực lượng vũ trang cách mạng Lào, đầu tháng 8 năm 1948, Liên khu uỷ 4 quyết định thành lập Ban Cán sự Trung Lào  gồm bảy người, do đồng chí Nguyễn Minh Châu, Khu ủy viên phụ trách.

Sau một thời gian củng cố và huấn luyện ở Khu 4 (Việt Nam), các lực lượng vũ trang yêu nước Lào đã lần lượt trở lại các khu vực trên chiến trường Đông Lào, tiến hành hoạt động vũ trang, gây cơ sở, tổ chức phát động chiến tranh du kích chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai. Tháng 3 năm 1947, ông Thạo Kê tổ chức một trung đội Lào - Việt trở về Xiêng Khoảng, hoạt động ở vùng Mương Mộc, Mương Nham. Ông Xiêng Xinh (Phia Hõm) đưa một trung đội vào khu vực Mương Dương, Bò Nhia, Sằm Tớ hoạt động.

Cũng trong tháng 3 năm 1947, khoảng 200 Việt kiều từ Thái Lan chuyển về bổ sung cho Phòng Biên chính Khu 4 (Việt Nam). Với quân số được tăng cường, Phòng Biên chính thành lập hai đội vũ trang tuyên truyền (219 và 210). Đội 219 có nhiệm vụ bảo vệ con đường giao liên quốc tế bí mật từ Việt Nam qua Lào sang Thái Lan. Đội 210 hoạt động gây cơ sở chính trị ở vùng Xảm Chè - Long Mộ (huyện Mương Mộc) tạo bàn đạp phát triển vào Thà Thôm, Thà Viêng, nối liền cơ sở của Lào ở Bolịkhăn, phía đông Viêng Chăn.

Theo chủ trương của Bộ Tư lệnh Khu 4 và sự thống nhất của Uỷ ban giải phóng Đông Lào, các lực lượng Việt - Lào mở đợt hoạt động quân sự, chính trị ở vùng Mương Ngan, phía đông thị xã Xiêng Khoảng, nhằm mở rộng vùng căn cứ du kích của Lào ở Mương Mộc, giáp tỉnh Nghệ An và phát triển cơ sở chính trị vào sâu trong vùng địch tạm chiếm. Về phía Việt Nam, lực lượng tham gia đợt hoạt động này có Tiểu đoàn 265, Đội 219, Đội 210. Phía Lào có đội vũ trang do ông Thạo Kê chỉ huy, đội du kích người Mông do ông Thạo Tu phụ trách. Ban Chỉ huy phối hợp chung của Lào - Việt gồm ông Thạo Xột, Thạo Kê, các đồng chí Nguyễn Quới, Phạm Bảo, Đặng Bá Thi.

Tiểu đoàn 265 của Khu 4 hoạt động ở đường 7, khu vực biên giới Việt - Lào, được giao nhiệm vụ phối hợp, giúp đỡ đơn vị vũ trang tuyên truyền của Lào do các ông Thạo Bun, Thạo Phăn chỉ huy trở lại hoạt động ở khu vực Mương Mộc, Mương Ngan.

Tại khu vực bắc Xiêng Khoảng, nam Hủa Phăn, đội vũ trang công tác gồm số cán bộ, chiến sĩ vốn là “Biệt động đội đường 9”, đã từng hoạt động ở hai huyện Mương Noòng, Tà Ôi (Nam Lào) và một tổ dân vận, trong đó có hai người Lào là Cà Tè, Cà Tằng (dân tộc Tà Ôi), được điều ra hoạt động ở đường 7 phía tây Nghệ An. Đội được giao nhiệm vụ phối hợp giúp đỡ đội vũ trang tuyên truyền “Tây tiến 1” do ông Thạo Ma phụ trách và đơn vị do ông Phìa Hóm chỉ huy, trở lại hoạt động ở tây nam Hủa Phăn, bao gồm các tàxẻng của huyện Sằm Tớ, phát triển lên vùng phía nam huyện Hủa Mường và phía tây huyện Mương Xăm (gồm cả thị xã Sầm Nưa).

Trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở phía đông Lào, giao thông liên lạc cách trở, đời sống rất thiếu thốn, song các lực lượng vũ trang Việt kiều và các đơn vị bộ đội địa phương, chủ lực Khu 4 được phái sang hoạt động ở Đông Lào đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, mất mát, kề vai sát cánh công tác, chiến đấu với lực lượng vũ trang yêu nước và nhân dân Lào, từng bước xây dựng được địa bàn đứng chân ở một số vùng, làm cho nhân dân các bộ tộc Lào hiểu, tin tưởng hơn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt của các lực lượng vũ trang, nhân dân hai nước Việt - Lào.
   
Tháng 3 năm 1948, Phòng Biên chính Liên khu 4 và Uỷ ban giải phóng Đông Lào, tổ chức cuộc họp xác định nhiệm vụ củng cố về chính trị, tổ chức các đội vũ trang, bán vũ trang Lào; đồng thời quyết định thành lập Uỷ ban kháng chiến tỉnh Xiêng Khoảng. Theo đó, ngày 4 tháng 4 năm 1948, Uỷ ban kháng chiến tỉnh Xiêng Khoảng được thành lập.

Theo sự phân công của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, từ tháng 5 năm 1948, Liên khu 3 và Liên khu 4 có nhiệm vụ trực tiếp phối hợp, giúp đỡ mặt trận Đông Lào.

Nhằm giúp Lào đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở Xiêng Khoảng, Liên khu 4 quyết định thành lập hai đại đội vũ trang tuyên truyền (210 và 219, trên cơ sở đội vũ trang tuyên truyền 210, 219). Mỗi đại đội có 100 người, đa số là Việt kiều, phần khác là thanh niên miền tây Thanh Hoá, Nghệ An, biên chế thành ba trung đội. Sau khi được thành lập, các đại đội khẩn trương ổn định tổ chức biên chế, bổ sung trang bị vũ khí, huấn luyện quân sự, học tập chính trị, quân sự và tìm hiểu phong tục tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào, rồi hành quân sang Lào.

Tại Xiêng Khoảng, Đại đội 219 tiếp tục làm nhiệm vụ bảo đảm đường giao liên quốc tế bí mật, đưa đón, bảo vệ các đoàn cán bộ từ Liên khu 4 qua Lào sang Thái Lan, tham gia xây dựng căn cứ địa ở đông nam Xiêng Khoảng, đồng thời bố trí một đội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở Mương Mộc.

Đại đội 210 làm nhiệm vụ giúp Lào xây dựng cơ sở ở vùng căn cứ Lào Xủng, trọng điểm là vùng Xảm Chè - Noỏng Hét, đồng thời phát triển sang bắc Xiêng Khoảng, khu vực Mương Dương, Mương Bò, Mương Nhia, trọng điểm là Bò Nhia.

Tháng 10 năm 1948, Đại đội 210 chia làm hai bộ phận, tiến vào vùng địch tạm chiếm. Bộ phận thứ nhất gồm hai trung đội (1 và 2), chia thành các tổ nhỏ, vào vùng Xảm Chè - một vùng núi cao sát biên giới Việt Nam - Lào. Mặc dù chưa biết tiếng và chưa am hiểu phong tục tập quán của người Mông ở vùng này, nhưng được sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị vũ trang Lào, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã dần khắc phục những khó khăn, gian khổ để tiếp xúc với dân, tuyên truyền, giác ngộ, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia kháng chiến. Phụ nữ Mông ở đây thường không biết tiếng Lào phổ thông, không hề biết bộ đội Việt Nam tốt hay xấu nên thường tìm cách xa lánh. Anh em phải đến từng nhà, ra tận nương rẫy, làm quen, giúp dân, tặng muối và thuốc chữa bệnh, qua đó từng bước chiếm được cảm tình của dân, rồi tuyên truyền vận động nhân dân tham gia, ủng hộ kháng chiến. Nhờ vậy, Xảm Chè được xây dựng thành một khu căn cứ kháng chiến. Và, từ Xảm Chè phát triển rộng ra các vùng xung quanh. Đến tháng 12 năm 1948, khi địch tăng cường lực lượng xây dựng ba đồn Mương Ngan, Mương Ngạt, Phu Cầy Khẳn, tổ chức càn quét liên tục, nên các Trung đội 1 và 2 và lực lượng của Lào rút về bảo vệ căn cứ Xảm Chè - Noỏng Hét. Sau một thời gian củng cố, Trung đội 1 và Trung đội 2 cùng với lực lượng của Lào tổ chức các cuộc bao vây, tiến công đồn địch, buộc chúng phải rút khỏi một số vị trí.

Trong khi đó, bộ phận thứ hai là Trung đội 3 tiến vào khu vực Mường Lống, Mỷ Lý (Nghệ An), rồi từ đó theo dọc sông, đi sâu vào vùng bắc Xiêng Khoảng, làm công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở. Lực lượng của đồng chí Việt Sơn Hùng và đội vũ trang công tác của Lào được tổ chức thành Đội vũ trang tuyên truyền Lào Bắc (còn gọi là Đội vũ trang tuyên truyền Sằm Tớ), do ông Xiêng Xinh (tức Phia Hõm) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Việt Sơn Hùng làm chỉ huy phó và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc làm bí thư. Sau khi ổn định tổ chức, toàn đội tiến vào các khu vực Mương Dương, Mương Bò, Mương Nhia tuyên truyền, xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng. Đây là vùng mà đội “Xiêng Xinh” của Lào, đã từng hoạt động, nhân dân rất có cảm tình với kháng chiến, nên khi bộ đội Việt Nam và lực lượng Lào Ítxalạ trở lại, nhân dân địa phương tiếp đón nồng hậu và sẵn sàng che chở, giúp đỡ. Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 3 đã cùng dân phát nương, làm rẫy, trồng sắn, trỉa ngô, lên rừng đào củ mài, tiết kiệm từng nắm cơm, hạt muối để giúp đỡ dân. Nhờ quan hệ tốt với dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến, giúp đỡ, Trung đội 3 đã xây dựng được cơ sở quần chúng ở nhiều nơi, mở rộng hoạt động ra các bản Xam Kháng, Cò Khương và tàxẻng Xốp Na, huyện Mương Khăm, sang tàxẻng Thặm La, Na Khằng (giáp huyện Hủa Mường, tỉnh Hủa Phăn). Cuối năm 1948, Trung đội 3 tổ chức phục kích địch ở sát đồn Mương Ngạt.

Theo yêu cầu của Lào, tháng 11 năm 1948, Liên khu 4 cử thêm Đại đội 215, với quân số ban đầu là 60 người, sang giúp Lào xây dựng cơ sở kháng chiến ở Thà Viêng (nam thị xã Xiêng Khoảng). Đại đội phân chia lực lượng thành từng tổ, nhóm nhỏ luồn sâu vào vùng tạm chiếm, bắt mối liên lạc với quần chúng. Với tinh thần dũng cảm, kiên trì bám dân và thực hiện hoạt động theo phương thức thích hợp, Đại đội 215 đã tranh thủ được lòng nhiệt tình của nhân dân, xây dựng được cơ sở trung kiên ở nhiều nơi thuộc vùng Thà Viêng, Mương Om và Phả Son.
Nhằm phối hợp và giúp đỡ Đông Lào, tháng 4 năm 1948, Liên khu 3 thành lập Đoàn vũ trang công tác miền Tây, với nhiệm vụ hoạt động vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở ở phía tây biên giới Việt - Lào, tạo điều kiện để phát triển sang Lào làm nhiệm vụ giúp cách mạng Lào ở khu vực phía nam tỉnh Hủa Phăn và phía bắc tỉnh Xiêng Khoảng. Đoàn gồm 15 cán bộ tỉnh uỷ, huyện uỷ, do đồng chí Nguyễn Thế Tùng, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn Tây, đồng chí Nguyễn Hồng, Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Hà Đông và đồng chí Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến - hành chính tỉnh Hoà Bình, lãnh đạo, cùng một đội vũ trang tuyên truyền hơn 20 người (rút từ Trung đoàn 52), trong đó có nhiều anh em là người địa phương.

Đoàn chủ trương tập trung lực lượng xây dựng cơ sở ở khu vực Phú Lệ trước, sau đó tiến lên Sơn La, Lai Châu, xuống Hồi Xuân (Thanh Hoá) và sang phía tây đến khu vực nam Sầm Nưa, bắc Xiêng Khoảng. Tháng 9 năm 1948, Đoàn vũ trang công tác miền Tây được Liên khu 3 bổ sung thêm lực lượng (Đại đội 74) và tiếp tế về muối, gạo, v.v, nên cán bộ, chiến sĩ thêm yên tâm hoạt động gây dựng cơ sở. Chấp hành chỉ thị của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 3, Đoàn vũ trang công tác miền Tây quyết định kết hợp quân sự với chính trị, đập tan thế lực của bọn đầu sỏ lang đạo phản động, giải phóng nhân dân, mở rộng phạm vi hoạt động, xây dựng cơ sở kháng chiến, địa bàn đứng chân vững chắc ở vùng biên giới, từ đó tiến sang Lào thực hiện nhiệm vụ phối hợp tác chiến, giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào.

Có thể nói, trong những năm 1945 - 1948, lực lượng vũ trang các tỉnh Liên khu 4, Liên khu 3 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng vùng Đông Lào chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng, giúp đỡ các địa phương Lào xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ kháng chiến và xây dựng lực lượng vũ trang. Nhờ đó, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Lào đã có những bước phát triển mới, làm cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ngày càng gặp nhiều khó khăn.




-----------------------------------------------------------------
1. Đông Lào, khái niệm này có nhiều  nguồn tài liệu giải thích khác nhau, theo nguồn tài liệu này là vùng phía đông các tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt (thuộc Trung Lào), Xiêng Khoảng và Hủa Phăn (Bắc Lào).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2021, 10:47:37 am »

Tại Lào Bắc 1, quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mở rộng (tháng 1 năm 1948) về những chủ trương mới và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng Lào, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam quyết định tăng cường lực lượng giúp cho Mặt trận Lào Bắc. Ban Cán sự Đảng Lào Bắc do đồng chí Lê Thế Sơn làm bí thư được thành lập. Tổng Quân uỷ chỉ thị cho Liên khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 10 thành lập Ban xung phong Lào Bắc hoạt động ở phía đông của vùng Bắc Lào để xây dựng căn cứ địa, đào tạo cán bộ và phát động chiến tranh du kích.

Trong Chỉ thị Về phương châm, phương hướng hoạt động cho cấp chỉ huy và bộ đội hoạt động trên mặt trận Lào - Miên (tháng 3 năm 1948), Bộ Tổng chỉ huy chỉ rõ: khâu then chốt trong việc giúp Lào là xây dựng cơ sở chính trị, phát động chiến tranh du kích; là phải đi đến chỗ để anh em cán bộ Lào tự phụ trách. Việc đào tạo cán bộ phải đi đôi với phát triển cơ sở đảng ở Lào. Bộ Tổng chỉ huy nhấn mạnh nhiệm vụ giúp đỡ Lào lập ra quân đội giải phóng bên cạnh liên quân Lào - Việt.

 Để giúp Lào có được căn cứ địa kháng chiến của trung ương làm chỗ dựa lâu dài cho cơ quan lãnh đạo công cuộc kháng chiến cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nghiên cứu xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ chiến lược cho cách mạng Lào. Theo đó, công việc đầu tiên của đồng chí Võ Nguyên Giáp là phải tìm cho được một số anh em Lào có tinh thần yêu nước, hình thành một đội công tác xung phong để đưa về hoạt động ở Sầm Nưa. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tìm cách bắt liên lạc được với đồng chí Cayxỏn Phômvihản và bàn bạc, trao đổi ý kiến về việc xây dựng Khu căn cứ kháng chiến trung ương Lào cùng việc cử cán bộ, bộ đội Việt Nam sang phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân Lào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Lào. Sau đó, đồng chí Cayxỏn Phômvihản rời Thái Nguyên đi đến đơn vị của đồng chí Bế Sơn Cương ở Mộc Châu (Sơn La), để phối hợp chỉ đạo việc xây dựng lực lượng sang Bắc Lào hoạt động. Tiếp đó, ngày 16 tháng 5 năm 1948, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Ban xung phong Lào Bắc được thành lập 2, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm chỉ huy trưởng, đồng chí Đông Tùng làm chính trị viên. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban xung phong Lào Bắc là gây dựng cơ sở quần chúng nhân dân, xây dựng căn cứ địa Lào Bắc vững chắc, làm chỗ dựa cho việc xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ban xung phong Lào Bắc, nêu rõ: “Thiết lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp, Ban xung phong Lào Bắc phải ra sức xây dựng cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban xung phong Lào Bắc nhanh chóng thành công, khu giải phóng Lào độc lập nhanh chóng thành lập” .

 Lúc mới thành lập, Ban xung phong Lào Bắc có 19 người, gồm cả người Lào và người Việt. Ngày 20 tháng 5, một bộ phận của Ban xung phong Lào Bắc cùng một trung đội vũ trang tuyên truyền, xuất phát tại xã Hà Lương (Phú Thọ) tiến lên Sơn La, lấy Mộc Châu làm bàn đạp phát triển sang hữu ngạn Sông Mã vào Pa Háng tiến lên Xiêng Khọ. Từ đây, đội xung phong công tác Lào Bắc móc nối với dân để xây dựng cơ sở trong người Mông, người Puộc ở tàxẻng Phiêng Xa (còn gọi Lào Húng, có nghĩa là Bình Minh) sau đó phát triển sang các tàxẻng Moong Nặm và Phiêng Xá. Đến tháng 10 năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc đã xây dựng được cơ sở tại 44 bản gồm 333 gia đình với số dân trên 1.500 người. Vùng này được xây dựng thành căn cứ kháng chiến đầu tiên ở huyện Xiêng Khọ, tỉnh Hủa Phăn.

Cuối năm 1948, Liên khu 10 tăng cường Tiểu đoàn chủ lực 910 sang Bắc Lào, giúp xây dựng cơ sở và mở rộng căn cứ kháng chiến xuống vùng đồng bằng ven sông Mã, từ Xiêng Khọ, Xốp Xan, Mương Ét, v.v., đến sát biên giới Lào - Việt.

Theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đầu năm 1948, Đặc uỷ Lào - Thái thành lập Mặt trận Tây Bắc Lào 3 nhằm xúc tiến việc xây dựng vùng Tây Bắc Lào thành căn cứ địa vững chắc, nối liền với khu Tây Bắc của Việt Nam.

Sau khi ổn định tổ chức, mở lớp huấn luyện, Đặc uỷ Lào quyết định đưa lực lượng về Lào hoạt động ở vùng Mương Xỉnh (Phân khu A, sau đổi tên là Khu 1) và vùng Hoộng Xả, Xaynhabuli (Phân khu B, sau đổi tên là Khu 2). Đặc uỷ Lào cũng quyết định phải xây dựng Luổng Phạbang thành trung tâm căn cứ ở Bắc Lào.

Thực hiện chủ trương trên, mặt trận Tây Bắc Lào chọn địa bàn hoạt động ban đầu là Mương Xỉnh. Đây là một huyện biên giới của Huội Xài, có đường biên giới giáp với Miến Điện, Trung Quốc và Thái Lan, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Các bộ tộc Lào ở Mương Xỉnh chỉ có người Lự sống bằng nghề trồng lúa nước, còn lại chủ yếu phát nương làm rẫy, săn bắn, trình độ dân trí thấp, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu.

Trước đó, từ giữa năm 1947 đến đầu năm 1948, theo chỉ thị của Đặc uỷ Lào, một số cán bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ lên vùng biên giới Lào - Miến Điện (Mianma) - Thái Lan, xây dựng lực lượng và chỉ đạo các đơn vị Việt kiều giải phóng quân hoạt động ở Tây Bắc Lào, từ đó, phát triển sang phía đông, hội quân với các đơn vị từ Việt Nam sang, giúp Lào xây dựng căn cứ địa ở Bắc Lào nối liền với Tây Bắc Việt Nam.

Dựa vào sự giúp đỡ của bà con Việt kiều ở Đông Bắc Thái Lan và Miến Điện giáp biên giới Lào, được Chính phủ Miến Điện viện trợ một số vũ khí, đạn dược, cơ quan lãnh đạo và chỉ huy Mặt trận Tây Bắc Lào khẩn trương xúc tiến việc tuyển lực lượng, chọn lựa thanh niên Việt kiều từ Đông Bắc Thái Lan đưa sang, mở trại huấn luyện kiến thức quân sự, chính trị tại một khu rừng cạnh làng Pa Leo, tổng Xiêng Lạp (gần sông Mê Công), trên đất Miến Điện. Ngày 23 tháng 9 năm 1948, một đoàn chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam gồm 92 người, trong đó có 8 đảng viên, tổ chức thành 3 trung đội, mang phiên hiệu Ban Chỉ huy Khu 1, rời trại huấn luyện Pa Leo, tiến về Tây Bắc Lào, đặt trụ sở tại bản Mương Xạ, tàxẻng Mương Xạ, huyện Mương Xỉnh, tỉnh Huội Xài.

Ban Chỉ huy Khu 1 bố trí một trung đội hoạt động ở tàxẻng Mương Xạ và bảo vệ cơ quan chỉ huy Khu 1; một trung đội phát triển về hướng Mương Long, Mương Năng; một trung đội phát triển về Bạn Bò, Bạn Toọng (huyện Mương Xỉnh). Các trung đội phân chia thành các tổ từ ba đến năm người, thâm nhập vào các bản làng, thực hiện “ba cùng” với nhân dân địa phương, tuyên truyền vận động làm cho nhân dân nhận rõ bạn thù, hiểu rõ chủ trương kháng chiến, động viên nhân dân tham gia và ủng hộ bộ đội cách mạng. Nhiều anh em đã nhận mẹ, chị nuôi với người Lào. Hàng ngày, bộ đội làm vệ sinh làng bản, tổ chức dạy chữ, dạy các bài hát cách mạng cho thanh, thiếu niên, khám chữa bệnh cho nhân dân, v.v.. Nhờ vậy, quan hệ giữa bộ đội và nhân dân ngày càng gắn bó, nhân dân Lào gọi các chiến sĩ Việt kiều là “bộ đội bạn”, “bộ đội Việt Nam anh em”.

Ngoài việc tuyên truyền vận động nhân dân, các đơn vị bộ đội Việt Nam còn rất quan tâm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tù trưởng, tộc trưởng và chức dịch của chính quyền cũ ở địa phương, nhờ vậy nên đã vận động được nhiều người đi theo cách mạng, ủng hộ kháng chiến.
Trên cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng, các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam chú trọng giúp Lào tổ chức “hội Ítxalạ bản”, thu hút nhiều người Lào yêu nước tham gia. Ở những nơi phong trào phát triển, bộ đội tổ chức các đoàn thể quần chúng (Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, v.v.) và thành lập đội “dân quân du kích bản” để canh gác, bảo vệ bản làng.

Tóm lại, trong những năm 1945 - 1948, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đã từng bước được hình thành, phát triển toàn diện, cả chiều rộng và chiều sâu, đã thu được nhiều thành quả hết sức quan trọng, đưa sự nghiệp kháng chiến ở mỗi nước vững bước tiến lên. Và chính sự lớn mạnh của sự nghiệp kháng chiến ở mỗi nước lại thúc đẩy quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào thêm gắn bó mật thiết hơn.




------------------------------------------------------------------
1. Vùng Lào Bắc (còn gọi Bắc Lào hay Thượng Lào), khái niệm này có nhiều nguồn tài liệu giải thích khác nhau, theo nguồn tài liệu này bao gồm các tỉnh Phôngxalỳ, Luổng Phạbang, Sầm Nưa (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng, Huội Xài và Viêng Chăn. Bắc Lào được phân thành hai vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Tây Bắc gồm các tỉnh Huội Xài, phần phía tây tỉnh Luổng Phạbang và Viêng Chăn. Đông Bắc gồm tỉnh Phôngxalỳ, phần phía đông tỉnh Luổng Phạbang, Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, là vùng rừng núi hiểm trở, nối liền với khu Tây Bắc Việt Nam. Trong những năm 1946 - 1947, khu Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam bị thực dân Pháp chiếm đóng, ở nhiều vùng dọc biên giới Lào - Việt, bọn phản động nổi lên chống phá cách mạng, phong trào kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn.

2. Về ngày thành lập Ban xung phong Lào Bắc, nhiều tài liệu viết không thống nhất. Theo đồng chí Huỳnh Đắc Hương viết trong bài “Sau thắng lợi giải phóng dân tộc nhìn lại Sầm Nưa”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Căn cứ địa Sầm Nưa - biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.67, thì Ban xung phong Lào Bắc được thành lập ngày 24 tháng 8 năm 1948.

3. Tây Bắc Lào - vùng phía tây của Bắc Lào - gồm tỉnh Huội Xài và phần phía tây tỉnh Luổng Phạbang (sau tách thành tỉnh Xaynhabuli). Đây là vùng rừng núi điệp trùng, nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, có biên giới giáp với Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Dân cư trong vùng phần lớn là các bộ tộc thiểu số như Lự, Cọ, Muxơ, Lan Ten, Cùi, Nghiệu,... sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, chăn nuôi, tự cấp, tự túc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2021, 10:54:13 am »

II. TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (TỪ THÁNG 1 NĂM 1949 ĐẾN THÁNG 12 NĂM 1950)


1. Tình hình mới và chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương về liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam


Trong những năm 1949 - 1950, Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục liên minh, đoàn kết chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và ở hai nước có những biến đổi so với những năm 1945 - 1948.

Trên trường quốc tế, Chiến tranh lạnh tiếp diễn bao trùm toàn cầu. Sự ra đời của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (ngày 1 tháng 10 năm 1949) gây ảnh hưởng lớn lao trong quan hệ quốc tế, có lợi cho phe hoà bình, dân chủ, chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là đối với cách mạng ba nước Đông Dương. Đến đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đó là thắng lợi chính trị to lớn, rất quan trọng của Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ, Anh, v.v., công nhận chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Đông Dương, ép Pháp ký Hiệp ước phòng thủ năm bên gồm Pháp, Mỹ và “ba quốc gia liên kết” là quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, Khơme và Lào (ngày 23 tháng 2 năm 1950). Trên bán đảo Triều Tiên, tháng 6 năm 1950, nổ ra chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc 1.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong các năm 1945 - 1948 và đang ở trong giai đoạn đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, phát triển chiến tranh du kích, từng bước tiến lên vận động chiến làm thất bại âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh và chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào chống thực dân Pháp và bọn tay sai còn rất gay go, quyết liệt do Mỹ can thiệp, tiếp tay cho Pháp. Cuộc chiến ở Đông Dương mang tính chất chiến tranh giữa hai phe (chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản) càng thể hiện rõ nét, song khả năng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và của cách mạng Lào ngày càng sáng tỏ.

Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương và các lãnh tụ hai nước tiếp tục đề ra các chủ trương lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước đoàn kết liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Đầu năm 1949, căn cứ vào sự phát triển của cách mạng ba nước Đông Dương, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (tháng 1 năm 1949), quyết định: “mở rộng mặt trận Lào - Miên”.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến của nhân dân Đông Dương và tăng cường vai trò nòng cốt của Việt Nam trong khối liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Miên, ngày 15 tháng 2 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức cuộc hội nghị quán triệt Đề cương cách mạng Lào - Miên, kiểm điểm việc giúp đỡ Lào, Miên trong các năm vừa qua; khẳng định việc giúp đỡ cách mạng Lào - Miên là vì lợi ích chung; xác định những nguyên tắc trong công tác giúp Lào, Miên là: không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào - Miên; nắm chắc các nguyên tắc dân tộc tự quyết, nhiệm vụ cách mạng Lào, Miên phải do Lào, Miên tự quyết định lấy; không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy; cần giúp đỡ Lào, Miên để Lào, Miên tự làm lấy.

Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ cần kíp trước mắt là giúp Lào, Miên xây dựng và củng cố căn cứ địa, xây dựng quân đội, chính quyền cách mạng ở căn cứ địa. Hội nghị chủ trương lập Ban Lào, Miên, có nhiệm vụ nắm tình hình, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hội nghị quyết định thành lập các ban cán sự Đảng để phụ trách công tác giúp cách mạng Lào. Theo đó, Ban Cán sự Lào Bắc (trực thuộc Trung ương Đảng) phụ trách khu vực Bắc Lào; Ban Cán sự Lào Trung do Liên khu uỷ 4 lãnh đạo, phụ trách khu vực Trung Lào; Ban Cán sự Hạ Lào do Liên khu uỷ 5 lãnh đạo phụ trách khu vực Hạ Lào; ...

Từ ngày 8 đến 10 tháng 5 năm 1949, Hội nghị cán bộ Việt - Lào họp, kiểm điểm lại công tác phối hợp hoạt động Việt - Lào tại Đông Lào, xác định mục đích công tác Việt - Lào, nguyên tắc, phương pháp tổ chức và phối hợp, thể lệ của sự phối hợp công tác tại Đông Lào.

Sau khi Chính phủ độc lập Lào do các phần tử thiếu kiên định chi phối đã tuyên bố tự giải thể (ngày 26 tháng 10 năm 1949), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xác định quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Lào - Miên, giúp Lào - Miên xây dựng căn cứ địa chính, xây dựng quân đội quốc gia và đào tạo cán bộ. Hoàng thân Xuphanuvông và các cộng sự tuyên bố tiếp tục kháng chiến.

Trước những biến chuyển mới của cách mạng hai nước, ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử sang chiến đấu giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện. Đây là mốc lịch sử trọng đại đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam giúp Lào trên chiến trường Lào; đồng thời thể hiện quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương trong quan hệ Việt Nam - Lào, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển lên tầm cao mới vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân hai nước, cũng như cả ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.

Báo cáo Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba (tháng 1 năm 1950) của Đảng Cộng sản Đông Dương xác định: “Trong cuộc chiến tranh chống Pháp này, Đông Dương chỉ là một chiến trường duy nhất. Chiến lược tổng phản công bao trùm tất cả Đông Dương. Nhiệm vụ tổng phản công không phải là chỉ quét sạch địch ra khỏi Việt Nam, mà phải nhằm giải phóng cho cả Ai Lao và Cao Mên . Vì, do quan hệ địa thế, vận mệnh ba quốc gia Việt, Mên, Lào gắn bó với nhau rất khăng khít. Độc lập Việt Nam không được bảo đảm, nếu Ai Lao, Cao Mên chưa được giải phóng. Ai Lao, Cao Mên khó giành được độc lập hoàn toàn nếu kháng chiến Việt Nam chưa thành công.

Cao Mên và Ai Lao lúc này là kho dự trữ về người, lương thực và nguyên liệu của địch, sẽ là nơi địch rút lui khi nào thất bại ở Việt Nam, nhưng lại là hai mặt trận sơ hở nhất của địch. Cho nên, việc mở mặt trận Ai Lao và Cao Mên ngày một rộng để phá sức dự trữ của địch lúc này, để kiềm chế quân đội địch và phối hợp với mặt trận chính ở Việt Nam, để chặt đường rút lui của địch sau này là việc rất cần.

Trong giai đoạn tổng phản công, ta không thể giải quyết xong chiến trường Việt Nam rồi nghỉ mà phải tiếp tục nhiệm vụ giải phóng toàn Đông Dương. Có khi chưa giải quyết xong toàn bộ chiến trường Việt Nam, nhưng theo một kế hoạch phản công chung cho chiến trường Đông Dương, ta đã phải giải quyết một phần chiến trường Ai Lao hay Cao Mên.

Một điểm ngay từ giờ, cần nhận định rõ là: khi nào thực dân Pháp núng thế, chúng có thể bỏ miền Bắc Đông Dương mà thu quân củng cố miền Nam, chặt Đông Dương ra làm hai khúc. Cũng có thể lúc đó, chúng giảng hoà riêng với Việt Nam, công nhận điều kiện do Việt Nam đề ra rồi đem quân sang Ai Lao, Cao Mên, băng bó thương tích và chuẩn bị lực lượng hòng đánh lại Việt Nam. Trong trường hợp đó, chiến tranh giải phóng ở Đông Dương chưa dứt. Nay người cộng sản Đông Dương chúng ta vẫn phải tiếp tục lãnh đạo các dân tộc Lào, Mên kháng chiến. Khi đó, Chính phủ Việt Nam cần giải thích rõ ràng thái độ của mình cho các bạn kháng chiến Lào, Mên biết và các chiến sĩ quốc gia Việt Nam vẫn phải tiếp tục giúp hai dân tộc Mên, Lào chiến đấu đến cùng.

Một điểm nữa cần chú ý là: khi Pháp bị bại ở Việt Nam hoặc chưa bại hẳn ở Việt Nam nhưng không đủ sức đương đầu với quân ta ở Ai Lao, Cao Mên, thì tuân theo mệnh lệnh của Mỹ - Anh, bọn phản động Xiêm có thể xâm lấn Ai Lao, Cao Mên, biến hai nước này thành những vị trí chiến lược trong phòng tuyến chống cộng của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Cho nên muốn giải phóng cho dân tộc Đông Dương và góp phần bảo vệ hoà bình thế giới ở Đông Dương, ở Đông Nam châu Á, Đảng ta phải nhằm mục đích giải quyết cả chiến trường Đông Dương.

Việc mở mặt trận Ai Lao, Cao Mên và tăng cường cho mặt trận đó, phải là một điểm trọng yếu trong kế hoạch chuẩn bị tổng phản công của ta”.

Báo cáo Nhiệm vụ quân sự trước mắt chuyển sang tổng phản công tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba (tháng 1 năm 1950) của Đảng Cộng sản Đông Dương xác định: tích cực mở rộng các khu giải phóng Miên, Lào có căn cứ địa chính khá vững chắc để đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng; thống nhất sự chỉ đạo về quân sự ở Lào và Miên, đồng thời với sự thống nhất chỉ đạo về chính trị; tích cực xây dựng quân đội Lào và quân đội Miên độc lập, giúp cho quân đội Lào, Miên trở thành lực lượng trụ cột lôi cuốn quảng đại nhân dân Lào - Miên vào cuộc chiến tranh giải phóng; đào tạo cán bộ quân sự Miên, Lào; về tác chiến, vì điều kiện đặc biệt của chiến trường, bộ đội chủ lực có thể phối hợp phương thức hoạt động, tập trung lực lượng tiêu diệt địch, giành thắng lợi lớn sau đó phân tán thành từng đơn vị nhỏ tiến hành vũ trang tuyên truyền, gây cơ sở chính trị rộng rãi; mở rộng khu giải phóng.

Báo cáo Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba (tháng 1 năm 1950) của Đảng Cộng sản Đông Dương còn nêu rõ vấn đề: “Xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở Mên, Lào, tiến tới lập Mặt trận các dân tộc thống nhất Đông Dương”.

Chú trọng xây dựng căn cứ địa chính cho Miên, Lào và mở rộng cơ sở quần chúng, gắn liền các căn cứ địa với nhau. Tích cực xây dựng quân đội quốc gia và đào tạo cán bộ cho Miên, Lào. Phát triển mạnh mẽ Hội Ítxara Miên và Hội Ítxarắc Lào, để xúc tiến xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở Miên và Lào, tiến tới lập Mặt trận các dân tộc thống nhất Đông Dương.

Nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến tới, Hội nghị cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ ba (ngày 21 tháng 1 năm 1950) xác định những vấn đề cơ bản lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương. Với cách mạng Lào, Hội nghị chỉ rõ cần xây dựng căn cứ địa trung ương và nối liền các căn cứ địa với nhau, tiến tới thống nhất sự chỉ đạo về quân sự, chính trị trên toàn Lào; tích cực xây dựng quân đội và chú trọng công tác đào tạo cán bộ; khẩn trương xây dựng các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến, thành lập chính phủ, mặt trận ở trung ương và xây dựng chính quyền nhân dân trong các khu giải phóng; mở rộng cơ sở quần chúng, khẩn trương xây dựng mặt trận thống nhất ở Lào, tiến tới chính thức thành lập Mặt trận các dân tộc thống nhất Đông Dương. Hội nghị coi việc xây dựng mặt trận thống nhất là yêu cầu cấp thiết để thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết ba nước Đông Dương, đẩy mạnh kháng chiến tiến tới.

Kiểm điểm tình hình thực hiện Đề cương cách mạng Lào - Miên và bàn kế hoạch mới, ngày 29 tháng 6 năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị cán bộ toàn Lào. Hội nghị xác định trong những năm 1950 - 1951 phải giành lợi thế về chính trị ở Lào, phối hợp chặt chẽ với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Hội nghị đề ra nhiệm vụ triệu tập Hội nghị quốc dân Lào.
Thực hiện chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Đông Dương và các lãnh tụ của hai nước Việt Nam - Lào, trong các năm 1949 - 1950, quân dân Việt Nam và quân dân Lào ở các địa phương tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp, giúp đỡ nhau, liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp cùng bọn tay sai và can thiệp Mỹ.




-------------------------------------------------------------------
1. Chiến tranh Triều Tiên diễn ra từ ngày 25 tháng 6 năm 1950 và kết thúc ngày 27 tháng 7 năm 1953, bằng Hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm. Thực hiện chủ trương “kháng Mỹ viện Triều”, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cùng quân đội Bắc Triều Tiên chiến đấu. Chiến tranh đã gây tổn thất lớn cho các bên tham chiến với hơn 1 triệu người chết và 115.000 người bị thương.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2021, 11:00:53 am »

2. Quân dân hai nước Việt Nam, Lào tăng cường phát triển liên minh chiến đấu

 Phối hợp xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào. Đầu tháng 2 năm 1949, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon cùng ông Xỉthôn Cômmađăm dẫn một đơn vị tới vùng căn cứ kháng chiến Liên khu 5 (Việt Nam). Đoàn gồm 60 cán bộ, chiến sĩ người Lào và một trung đội Việt kiều do đồng chí Nguyễn Đình Hin phụ trách. Trên cương vị đại diện Chính phủ độc lập Lào, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon đã chuyển công văn của Chính phủ Lào do Hoàng thân Xuphanuvông ký, tới đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đang ở Nam Trung Bộ. Công văn của Chính phủ Lào đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào và giới thiệu ông Xỉthôn Cômmađăm là khu trưởng, ông Xổm Manôviêng là chủ tịch Uỷ ban chính quyền khu.

Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Thế Lâm, quyền Tư lệnh Liên khu 5 đã trao đổi ý kiến và thống nhất về hình thức tổ chức cùng các biện pháp cụ thể giúp đỡ nhau đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hạ Lào. Tại cuộc trao đổi đó, phía Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ Lào thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào và nhất trí giải thể Khu đặc biệt do Việt Nam lập trước đó; tán đồng tích cực giúp đỡ phong trào kháng chiến Hạ Lào; đưa bộ đội tình nguyện sang phối hợp, giúp đỡ cùng chiến đấu, sẵn sàng chi viện lương thực, vũ khí cho lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Việt Nam cử một phái đoàn thuộc Uỷ ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ do đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm đoàn trưởng, đồng chí Đoàn Huyên phụ trách quân sự, đồng chí Đoàn Kim phụ trách chính quyền, sang làm nhiệm vụ bên cạnh cơ quan Khu kháng chiến Hạ Lào. Lào và Việt Nam thống nhất lập Ban Chỉ huy quân sự hỗn hợp để chỉ huy lực lượng Việt - Lào, nhưng vẫn duy trì tổ chức và quản lý riêng lực lượng mỗi bên. Ban Chỉ huy quân sự hỗn hợp do ông Xỉthôn Cômmađăm làm chỉ huy trưởng, đồng chí Đoàn Huyên làm chỉ huy phó, đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm chính uỷ.

Khu Hạ Lào chính thức thành lập tháng 2 năm 1949, do ông Xỉthôn Cômmađăm làm khu trưởng kiêm chỉ huy quân sự; ông Xổm Manôviêng làm chủ tịch chính quyền khu, dưới sự lãnh đạo chung của đại diện Chính phủ Lào Ítxalạ là đồng chí Khăm Tày Xiphănđon.

 Để giúp đỡ Lào xây dựng Khu kháng chiến Hạ Lào, phía Việt Nam chỉ định Ban Cán sự Hạ Lào do đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm bí thư và uỷ viên là các đồng chí Đoàn Huyên, Đoàn Kim và Nguyễn Đình Hin. Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chỉ định Ban Chỉ huy bộ đội Việt Nam tại Hạ Lào do đồng chí Đoàn Huyên làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm chính uỷ.

Cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, theo sự uỷ quyền của Hoàng thân Xuphanuvông, với đồng chí Phạm Văn Đồng và những thoả thuận hai bên đã đạt được cùng sự giúp đỡ nhiệt tình, tích cực, có hiệu quả của Việt Nam ngay sau đó là một trong những dấu mốc quan trọng của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến của Lào nói chung, ở Hạ Lào nói riêng có bước phát triển mới.

Sau khi thành lập, Bộ Chỉ huy Khu kháng chiến Hạ Lào đã triển khai lực lượng Lào - Việt ở vùng biên giới phía đông hai tỉnh Xalavăn và Áttapư, chia thành ba bộ phận hoạt động ở ba vùng.

Bộ phận thứ nhất gồm hai trung đội và 12 cán bộ dân vận, theo lưu vực sông Xê Camản, từ Koongna, Đắc Mong tiến xuống vùng Kẹng Xây, Xákhẹ dọc hữu ngạn Xê Coong (đông bắc thị xã Mương Mày, Áttapư).

Bộ phận thứ hai gồm hai trung đội và tám cán bộ dân vận hoạt động ở vùng biên giới phía đông Xalavăn, vùng Đắc Chưng, Măng Hà, Mang Dơn, Đắc Blê sang phía bắc gồm Tăng Mi, Adun, Tăng Lu.

Bộ phận thứ ba gồm hai trung đội và hai cán bộ dân vận hoạt động ở vùng Đắc Ranh - Đắc Ray, là vùng gây cơ sở cũ, để củng cố đường liên lạc về Liên khu 5 và cảnh giới đề phòng địch từ hướng Đắc Pung sang.

Mỗi vùng đều gồm lực lượng Lào - Việt, có nhiệm vụ tìm hiểu dân cư, địa thế, địch tình và gây cơ sở trong nhân dân để hoạt động lâu dài. Chỉ sau một thời gian ngắn của đợt hoạt động này, khu vực miền núi vùng Tà Riêu, Đắc Chưng, Đắc Pằm, Măng Hà, Đắc Blê đã hình thành được một số cơ sở kháng chiến. Phát huy thành quả đã đạt được, các bộ phận tiến hành mở rộng địa bàn hoạt động. Đến cuối tháng 4 năm 1949, đã thành lập được một số uỷ ban tổng, làng, xã, tổ chức lực lượng tự vệ, v.v.. Song, do không nắm được tình hình địch và dân cư, cán bộ, chiến sĩ người Lào thiếu kinh nghiệm hoạt động trên địa bàn dân cư mới lạ, nhiều cán bộ, chiến sĩ người Việt không biết tiếng Lào, nên mục tiêu của đợt hoạt động còn có nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon nêu ý kiến đề nghị phái đoàn Việt Nam tìm biện pháp khắc phục. Nhận thấy cần phải huấn luyện thêm cho bộ đội về chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật cũng như phương pháp vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, các đồng chí lãnh đạo Khu kháng chiến Hạ Lào và Ban Cán sự Hạ Lào thống nhất rút phần lớn lực lượng về vùng tự do ở tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) tiến hành đợt học tập quân sự, chính trị. Lực lượng ở lại hoạt động ở vùng Áttapư chỉ còn lại hai trung đội vũ trang tuyên truyền, trong đó có hai tiểu đội là Việt kiều.

Sau một thời gian hoạt động ở vùng phía đông hai tỉnh Xalavăn và Áttapư, thấy rõ những thuận lợi, khó khăn ở vùng này và để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng, xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài ở Hạ Lào nên Ban lãnh đạo Khu kháng chiến Hạ Lào quyết định chuyển căn cứ xuống vùng tây nam Áttapư.

Cuối tháng 4 năm 1949, Ban Cán sự Hạ Lào tổ chức Hội nghị sơ kết công tác và quyết định đưa lực lượng tiến sâu vào vùng sau lưng địch, chuyển trọng điểm hoạt động về các vùng đông dân ở phía tây sông Xê Coong, nhằm phát triển cơ sở cách mạng, mở rộng và đẩy mạnh kháng chiến ở cả ba tỉnh Hạ Lào, giành lại thế chủ động, tránh nguy cơ bị địch chặn lại ở biên giới Việt Nam - Lào.

Như vậy, giữa hai bên Lào - Việt có sự giống nhau về việc chuyển căn cứ, lực lượng xuống vùng tây nam Áttapư. Theo đó, các Bạn Mầy, Hỉn Lạt, Bạn Chiêng, Bạn Inthi, Bạn Pú, Bạn Úc, Bạn The và Bạn Xổm Pòi bên bờ sông Xê Piên được xây dựng thành vùng căn cứ.

Thường vụ Liên khu uỷ 5 và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 nhất trí với quyết định của Hội nghị sơ kết của Ban Cán sự Hạ Lào và quyết định tăng cường cho Hạ Lào hai đại đội (200, 44) cùng một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần. Đây là hai đại đội được chuẩn bị đầy đủ về vật chất, tinh thần, có kinh nghiệm hoạt động ở vùng địch hậu. Khu kháng chiến Hạ Lào còn tổ chức một bộ phận hậu cần, có nhiệm vụ vận tải, xây dựng hệ thống kho, trạm vận chuyển, đáp ứng quân nhu, vật dụng cho bộ đội Việt Nam và Lào tiến quân vào vùng sau lưng địch.

Mặt khác Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định đưa các lực lượng đã hoạt động trước đó ở vùng Hạ Lào tạm lui về vùng hậu cứ để củng cố tổ chức, lực lượng, tránh mùa mưa lũ ở rừng núi, trước khi tiến quân vào hoạt động trong vùng địch hậu trên đất Lào. Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1949, chỉ để lại một đơn vị vũ trang tuyên truyền và một tổ cán bộ dân vận làm nhiệm vụ theo dõi tình hình địch và gây dựng cơ sở, còn phần lớn lực lượng được tập trung về vùng tự do Tam Dân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tiến hành chỉnh huấn về quân sự và chính trị. Các nội dung chính về chỉnh huấn quân sự là rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật cá nhân và tiểu, trung, đại đội chiến đấu; chú trọng lối đánh phục kích, tập kích, đánh phá giao thông, v.v., và kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường Liên khu 5. Về chính trị, tập trung bồi dưỡng tinh thần, ý chí chiến đấu, quán triệt nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ cách mạng Lào, theo tinh thần “giúp bạn là mình tự giúp mình”. Cán bộ, chiến sĩ được giới thiệu về phong tục tập quán của các bộ tộc Lào, học tiếng và chữ viết của Lào. Cán bộ dân vận học các bước công tác vận động quần chúng. Cán bộ phụ trách các đơn vị nghiên cứu phương thức hoạt động ở chiến trường địch hậu. Ban cán sự và cán bộ phụ trách công tác dân vận tập trung nghiên cứu hình thức tập hợp quần chúng, công tác tổ chức đảng ở Lào.

Trong thời gian bộ đội tập trung chỉnh huấn, bộ phận hậu cần đã tăng cường xây dựng, củng cố cơ quan, lập đội vận tải, xây dựng các kho trạm, thực hiện kế hoạch bổ sung, trang bị cho bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng của Lào.

Sau đợt chỉnh huấn, vào khoảng hạ tuần tháng 10 năm 1949, các đơn vị hành quân sang vùng phía đông hai tỉnh Xalavăn, Áttapư, rồi từ đó cùng lực lượng của Lào tiến sang phía tây sông Xê Coong theo hai hướng. Hướng thứ nhất gồm Uỷ ban kháng chiến khu Hạ Lào và toàn bộ lực lượng của Lào cùng phần lớn lực lượng của Đại đội 200, Đại đội 44 (Liên khu 5), hai đội vũ trang tuyên truyền, các tổ cán bộ dân vận, tiến vào khu vực Bạn Mầy, Hỉn Lạt, nằm giữa hai tỉnh Áttapư và Chămpaxắc. Đêm 24 tháng 10 năm 1949, sau khi luồn qua hệ thống đồn bốt địch, các đơn vị Việt Nam, Lào vượt sông Xê Coong ở phía bắc thị xã Áttapư, tiến đến vị trí tập kết ở Bạn Chiêng và Bạn Inthi (cách thị xã Áttapư khoảng 15 km về phía tây nam) an toàn. Ngày 25 tháng 10, cả đoàn tiếp tục tiến sâu về phía tây và dừng chân ở khu vực Bạn Mầy, bản Hỉn Lạt, Bạn The hai bên bờ sông Xê Piên để củng cố lực lượng, xây dựng căn cứ, vận động nhân dân, triển khai hoạt động ra các vùng xung quanh.

Hướng thứ hai tiến vào vùng địch hậu tỉnh Xalavăn, gồm một đội vũ trang tuyên truyền, một tổ cán bộ dân vận Việt Nam và một số cán bộ của đơn vị Xaychắccaphắt (Lào). Sau khi vượt biên giới, lực lượng này sang vùng bản Kó, cách thị trấn Thà Teng khoảng 20 km về phía đông bắc.

 Chuyển về phía tây nam Áttapư, triển khai lực lượng, hoạt động trong vùng địch hậu, xây dựng căn cứ kháng chiến là việc làm mang ý nghĩa chiến lược, tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Hạ Lào có bước phát triển mới.

Sau khi đưa lực lượng vào vùng tây nam Áttapư, các đơn vị vũ trang Việt Nam, Lào triển khai hoạt động rộng trên nhiều hướng để có thể chiến đấu và xây dựng được cơ sở ở nhiều nơi, lập chỗ đứng chân nhằm mở rộng phong trào kháng chiến ở ba tỉnh Hạ Lào, trọng tâm là ở khu vực Đầm Phạ Phô, cao nguyên Bôlavên, tây nam Áttapư và biên giới Lào - Campuchia.

Tại vùng Đầm Phạ Phô, lực lượng của Lào gồm hầu hết số cán bộ, chiến sĩ đại đội Xaychắccaphắt và bộ phận mạnh nhất của quân tình nguyện Việt Nam. Nhiệm vụ của các lực lượng ở vùng này là xây dựng cơ sở chính trị ở khu vực phía đông đường 13 và thị trấn Phia Phay, tạo bàn đạp để vượt sông Mê Công tiến vào các huyện phía tây của tỉnh Chămpaxắc - vùng đông dân nhất của Hạ Lào, đồng thời tạo thế đánh địch trên đường 13. Sau một thời gian, các đội công tác Lào - Việt đã gây dựng được cơ sở ở nhiều bản, đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền vào sát thị xã Pạc Xê, gây ảnh hưởng chính trị rộng rãi ở nhiều nơi trong tỉnh Chămpaxắc.

 Được tin các đội vũ trang của Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã tiến sâu vào vùng sau lưng địch cả ở bên bờ sông Mê Công, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định tăng cường Đại đội 44 cơ động sang khu Hạ Lào hoạt động ở vùng hữu ngạn sông Mê Công. Ban Chỉ huy quân sự hỗn hợp phân công đại đội này mở rộng địa bàn hoạt động sang hữu ngạn sông Mê Công, buộc địch phải đối phó trong thế lúng túng, bị động.
 
Ở vùng cao nguyên Bôlavên, Việt Nam và Lào đưa hai đội vũ trang tuyên truyền và một số đội công tác vào phía nam thị trấn Pạc Xoòng và Huội Coòng. Đội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở phía nam thị trấn Pạc Xoòng nhanh chóng lập được địa bàn đứng chân và phát triển ra vùng phụ cận thị trấn. Ở phía nam Huội Coòng, do địch nắm được tù trưởng địa phương nên hoạt động của đoàn công tác gặp nhiều khó khăn, tổn thất, việc gây dựng cơ sở trắc trở trong một thời gian dài.

Vùng tây nam Áttapư có địa thế thuận lợi, dân cư tương đối đông. Việt Nam và Lào có ý định xây dựng nơi đây thành căn cứ địa của Hạ Lào. Hai trung đội của Đại đội 44 (Việt Nam) cùng tổ dân vận và các đội vũ trang, đội công tác (Lào) triển khai hoạt động gây dựng cơ sở, vận động quần chúng nhân dân ở vùng dọc bờ sông Xê Coong và vùng chân núi Phu Luổng, khu vực sông Xê Piên, Hỉn Lạt, Bạn The, v.v..

Ở vùng biên giới Lào - Campuchia, đội vũ trang tuyên truyền vừa hỗ trợ cho bộ phận ở tây nam Áttapư, vừa hoạt động gây dựng cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho Liên khu 5 đưa lực lượng sang hoạt động ở Đông Bắc Campuchia.

Ngoài các bộ phận hoạt động vũ trang tuyên truyền ở các vùng trên, Ban Chỉ huy Khu kháng chiến Hạ Lào thống nhất với quân tình nguyện Việt Nam tổ chức một bộ phận xây dựng hành lang từ huyện Giằng, tây Quảng Nam sang để đảm bảo tiếp tế cho Hạ Lào; lập một bộ phận công tác để theo dõi hoạt động của địch và gây cơ sở trong quần chúng Việt kiều ở thị xã Pạc Xê và thị trấn Pạc Xoòng.

Nhờ bố trí lực lượng hoạt động như trên, các đơn vị Việt Nam và Lào đã tạo lập được địa bàn đứng chân, gây dựng và mở rộng cơ sở kháng chiến trong nhân dân, làm cho phong trào kháng chiến phát triển ở hầu khắp các tỉnh Hạ Lào.

Tính đến đầu năm 1950, với sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam, Hạ Lào đã hoàn thành việc di chuyển căn cứ, hoạt động tập trung ở phía tây sông Xê Coong, bố trí lực lượng ở những địa bàn quan trọng và chiếm lĩnh nhiều vùng đông dân cư, phát triển cơ sở chính trị và tổ chức đánh địch ở cả ba tỉnh.

Hoạt động của các đội vũ trang tuyên truyền, các đội công tác có nhiều tiến bộ. Các đội vũ trang tuyên truyền và đội công tác Lào - Việt được chia thành các tổ, tiểu đội đến các bản làng vận động nhân dân. Nơi nào địch yếu thì tổ chức đánh địch, hạn chế các hành động cướp bóc, cao hơn là buộc chúng rút khỏi vị trí đóng quân. Để vận động được nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong các tổ, đội công tác Lào - Việt luôn bám sát cơ sở, thực hiện cùng sinh hoạt, ăn uống, làm nương, phá rẫy với nhân dân, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi tuyên truyền vận động nhân dân. Thời gian đầu, trình độ hiểu biết và uy tín của anh em trong các đội công tác còn hạn chế, nhưng với lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược và với tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, tình đoàn kết chiến đấu, láng giềng thân thiện Việt Nam - Lào, nên dần dần đã khắc phục được khó khăn, trở ngại, được nhân dân tin yêu, mến phục coi như con em, người thân trong gia đình và hết lòng thương yêu, giúp đỡ, bảo vệ. Nhiều bản làng, nhân dân quý mến, chọn dịp tập trung làm lễ buộc chỉ cổ tay cho bộ đội. Tại buổi lễ, bộ đội cùng nhân dân uống nước ăn thề, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Bộ đội hứa với dân kiên quyết chiến đấu, hy sinh vì dân, trung thành sống chết với dân, nhân dân Lào nói với bộ đội rằng tất cả mọi người, già trẻ, gái trai sẽ đoàn kết một lòng, không phản lại nhau, không làm tay sai cho giặc Pháp, ủng hộ bộ đội Ítxalạ, ủng hộ bộ đội Việt Nam, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều cán bộ, chiến sĩ cả Lào và Việt cùng dân kết nghĩa bố mẹ, anh, chị, em, bạn thân, nhờ vậy đã tạo nên được những mối quan hệ tình cảm gắn bó vô cùng thân thiết, chân thành.

Nhờ phương thức hoạt động đúng đắn và sự kiên trì bám dân để tuyên truyền vận động, nên quân tình nguyện Việt Nam đã làm nhân dân các bộ tộc Lào ở Hạ Lào từ chỗ còn e ngại, xa lánh đến chỗ tin yêu bộ đội Ítxalạ và bộ đội Việt Nam, nhận thức được rằng bộ đội Ítxalạ và bộ đội Việt Nam là bộ đội của nhân dân, làm nhiệm vụ cách mạng, cứu nước, cứu dân, khác hẳn với quân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai bán nước hại dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Ban Chỉ huy Khu kháng chiến Hạ Lào xác định nhiệm vụ chủ yếu của những tháng đầu năm 1950 là tập trung vào việc gây dựng cơ sở chính trị.

Nhằm đối phó với các âm mưu, thủ đoạn mới của thực dân Pháp và bọn tay sai, lực lượng vũ trang cách mạng Hạ Lào và quân tình nguyện Việt Nam kiên cường bám địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ căn cứ, thực hiện tiêu hao sinh lực địch.

Đầu năm 1950, Đại đội 44 (Việt Nam) tổ chức quấy rối địch ở Mương Mày (ngày 6 tháng 2), phục kích trên đường 23 (ngày 17 tháng 2), v.v.. Đại đội 200 (Việt Nam) hoạt động ở khu vực phụ cận Áttapư, từ Bạn Hôm lên Kẹng Khảm, Thà Hỉn Tẹc vừa tổ chức huấn luyện cho dân quân vừa phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Áttapư tổ chức chiến đấu, tiêu hao sinh lực địch (phục kích ở Inthi, tây nam Mương Mày, ngày 19 tháng 3), diệt và làm bị thương 16 tên), bảo vệ căn cứ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tháng 7 năm 1950, Ban Cán sự Hạ Lào và Khu kháng chiến Hạ Lào mở Hội nghị sơ kết công tác và bàn phương hướng, biện pháp hoạt động nhằm củng cố cơ sở, xây dựng bàn đạp, đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến ở Hạ Lào. Về phương hướng nhiệm vụ hoạt động, Hội nghị chỉ rõ cần ra sức củng cố căn cứ địa tây nam Áttapư, nối liền với Bôlavên thành một bàn đạp vững chắc; tiến tới đánh mạnh ở Áttapư, Phia Phay, đường 13, đường 23, Pạc Xê, Pạc Xoòng, Xalavăn, Thà Teng bằng cách củng cố cơ sở kháng chiến trong nhân dân, cơ sở du kích; phát triển cơ sở quần chúng ở vùng Phia Phay, Xalavăn, trên dọc đường 23, 13 từ Pạc Xê trở xuống, chuẩn bị chiến trường để lực lượng chủ lực tiến vào tiêu diệt sinh lực địch, xây dựng căn cứ địa tả ngạn sông Xê Coong đến biên giới Lào - Việt; phát triển và củng cố cơ sở vùng Chămpaxắc, gây cơ sở bí mật trong nội thị Pạc Xê và các thị xã khác; gây dựng và phát triển du kích chiến tranh ở các vùng phụ cận Áttapư, Xalavăn, trên đường 23, 13, cao nguyên Bôlavên và căn cứ địa 5 (miền Đông Hạ Lào); bảo toàn và tích cực bồi dưỡng lực lượng bằng cách tích cực đánh phá các hoạt động, tiêu diệt các đội quân tuần tiễu, lùng quét, đánh phá các vị trí địch; bảo vệ và mở rộng căn cứ địa Hạ Lào nối liền với căn cứ địa Trung Lào; kiện toàn bộ đội tình nguyện Việt Nam, phát triển bộ đội Lào; phát triển vùng giải phóng cả về hình thức và nội dung; tích cực gây dựng kinh tế   tự túc, bảo vệ mùa màng; phá hoại giao thông, bao vây kinh tế địch, đặc biệt là cắt tiếp tế của địch cho Áttapư, Xalavăn .

Theo tinh thần của hội nghị nói trên, Ban Chỉ huy Mặt trận và Ban Cán sự của từng vùng, khu vực được thành lập nhằm thống nhất chỉ đạo lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Hạ Lào và giúp đỡ hỗ trợ cán bộ Lào ở các vùng. Cụ thể:

- Mặt trận Tây Nam, gồm tỉnh Chămpaxắc (trừ khu vực Pạc Xoòng, Pạc Xê), có sáu mường ở phía tây và đông sông Mê Công. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam có Đại đội 44. Lào có đại đội Xaychắccaphắt, lực lượng chủ lực Khu kháng chiến Hạ Lào, trung đội địa phương Chăntha-uđôm và dân quân du kích các bản. Mặt trận Tây Nam có nhiệm vụ củng cố cơ sở vùng Đầm Phạ Phô làm chỗ đứng chân để chỉ đạo hoạt động toàn tỉnh Chămpaxắc, giữ vững và phát triển cơ sở ở vùng hữu ngạn sông Mê Công, tích cực chống âm mưu bình định của địch.

- Mặt trận Xala - Bôla (Xalavăn - Bôlavên), gồm các mường Uđômxỉn, Lao Ngam, Thà Teng, Xalavăn, Khôngxêđôn, Vapikhămthoong. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam có một đại đội hoạt động ở Lao Ngam. Lực lượng Lào có Trung đội Cômmađăm ở Uđômxỉn, một trung đội ở Lao Ngam cùng du kích các bản. Mặt trận này có nhiệm vụ thống nhất chỉ đạo các lực lượng cao nguyên Bôlavên, tích cực chống càn ở Lao Ngam, mở rộng cơ sở ra toàn vùng phía bắc cao nguyên, cả Thà Teng, tiến tới nối liền cơ sở với các vùng ở phía nam Bôlavên.

- Mặt trận Xê Coong, gồm khu vực xung quanh thị xã Áttapư và Xánẳmxay, Xayxệtthả, Phu Vông. Quân tình nguyện Việt Nam có Đại đội 200. Lực lượng Lào có các trung đội địa phương ở các châu và dân quân du kích ở các bản. Mặt trận này có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động ở cả hai phía đông và tây thị xã Áttapư, bao vây kiềm chế địch ở thị trấn Mương Mày, giữ vững hành lang tiếp vận từ Liên khu 5 (Việt Nam) sang, từng bước xây dựng vùng tây nam Áttapư thành căn cứ địa kháng chiến của toàn khu Hạ Lào.

Nhằm đối phó với âm mưu càn quét đánh phá của địch, đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở Hạ Lào, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 (Việt Nam) quyết định điều động lực lượng từ mặt trận Quảng Nam sang tăng cường cho Hạ Lào gồm Tiểu đoàn 49 cùng một số cán bộ các ngành tham mưu, hậu cần. Uỷ ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ điều động một số cán bộ, nhân viên có chuyên môn thuộc các ngành nghề như: làm giấy theo phương pháp thủ công, dệt vải bằng khung cửi cải tiến, rèn nông cụ, nấu muối mỏ và văn hoá, giáo dục sang giúp nhân dân các vùng căn cứ Hạ Lào.

Đầu năm 1950, có thêm 100 Việt kiều từ Thái Lan được bổ sung cho các đại đội độc lập, chủ yếu để làm công tác dân vận ở Hạ Lào. Trong các tháng cuối năm 1950, do bộ đội tình nguyện Việt Nam tập trung vào việc phân tán lực lượng để kèm cặp, huấn luyện bộ đội địa phương, dân quân du kích Lào, nên về tác chiến đánh địch không nhiều. Tuy nhiên, cũng đã tổ chức được một số trận, đáng kể là trận tao ngộ chiến ở khu vực Đon Tálạt (ngày 3 tháng 9 năm 1950), Na Khăm (ngày 26 tháng 10 năm 1950), trận phục kích ở Km 15, đường 23, Bạn Phôn đi Áttapư.

Đến cuối năm 1950, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Hạ Lào đã thực sự phối, kết hợp công tác chặt chẽ, hiệu quả, biết khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh của nhau. Quân tình nguyện Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với lực lượng cách mạng Lào, giúp đỡ tận tình về mọi phương diện, chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tạo niềm tin vững chắc trong cả lực lượng vũ trang và nhân dân các bộ tộc ở Hạ Lào.

Với sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau, đến cuối năm 1950, phong trào kháng chiến ở Hạ Lào đã có bước phát triển vượt bậc: cơ sở được xây dựng ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở hướng Páxắc, tây nam Áttapư và Bôlavên; căn cứ địa kháng chiến được mở rộng, hình thành bốn vùng căn cứ; hành lang hậu phương từ biên giới Việt - Lào đến tây nam Áttapư được xây dựng, củng cố, phát huy hiệu quả; Mặt trận Lào Cụ Xạt, hội mẹ, chị chiến sĩ được tổ chức; tổ chức dân quân tự vệ, hệ thống chính quyền được hình thành.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2021, 11:07:25 am »

Tại vùng Trung Lào, đầu tháng 12 năm 1949, Liên khu 4 điều thêm Tiểu đoàn 64 cho mặt trận đường 9. Việt Nam và Lào phối hợp xây dựng huyện Tà Ôi, Mương Noòng thành hai căn cứ vững chắc ở nam đường 9, nối liền căn cứ kháng chiến của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên (Việt Nam).

 Ngày 26 tháng 2 năm 1950, Liên khu 4 ra nghị quyết chuyên đề về công tác giúp Lào, nêu rõ chủ trương mở rộng và đẩy mạnh hoạt động ở Trung Lào, hướng chính là đường 9; vận dụng phương thức “đại đội độc lập, trung đội phân tán”, giúp Lào đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức chính quyền để củng cố mở rộng khu căn cứ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về chấn chỉnh tổ chức và phát triển lực lượng kháng chiến, Trung ương Mặt trận Lào Ítxalạ có những thay đổi. Các uỷ ban Tây Lào, Đông Lào đóng ở huyện Con Cuông, Nghệ An (Việt Nam) giải thể để thành lập các uỷ ban Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào được phân công hoạt động theo từng khu vực.

Thực hiện nghị quyết của Liên khu uỷ 4 về công tác giúp Trung Lào, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 quyết định thành lập Đoàn 120 hoạt động bên cạnh Uỷ ban Trung Lào, do ông Thạo Lấu làm chủ tịch , ông Khăm Chăn làm phó chủ tịch và ba uỷ viên, đóng ở các huyện Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Ban Cán sự Trung Lào và Đoàn 120 thống nhất tổ chức lại lực lượng vũ trang công tác, mỗi đội gồm 25 đến 30 người, làm nhiệm vụ phối hợp và giúp Lào hoạt động ở mỗi hướng, lấy tên các trục đường đặt tên cho các đội. Bao gồm Đội 813 (đường 8 và 13), Đội 812 (đường 8 và đường 12), Đội 912 (đường 9 và đường 12), Đội 923 (đường 9 và đường 23).

 Liên khu 4 còn điều động hơn 100 cán bộ xã, huyện của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bổ sung cho các đội vũ trang công tác giúp Trung Lào. Chấp hành chỉ thị của Liên khu 4, tỉnh Quảng Bình điều động một đại đội thuộc Trung đoàn 18 sang hoạt động ở Bạn Naphào; tỉnh Hà Tĩnh điều một trung đội bổ sung cho Đoàn 120 để kiện toàn cơ quan đoàn bộ; mặt trận Bình - Trị - Thiên cử Tiểu đoàn 364 sang Trung Lào hoạt động dưới sự chỉ huy lãnh đạo của Đoàn 120.

Đồng thời với việc chấn chỉnh tổ chức, phát triển lực lượng, Ban Cán sự Đoàn 120 trực tiếp giúp Uỷ ban Trung Lào mở hai lớp đào tạo cán bộ cho các tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt và Liên huyện 90, góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ cho Lào về xây dựng cơ sở cách mạng ở Trung Lào. Trong thời gian Uỷ ban Trung Lào đóng ở Hà Tĩnh, Ban Cán sự Đoàn 120 đã chăm lo giúp Lào chuẩn bị các mặt công tác, bảo đảm cơ sở vật chất, ổn định nơi ăn chốn ở cho sáu gia đình của cán bộ Uỷ ban Trung Lào.

Sự ra đời của Đoàn 120 và các đội vũ trang công tác hoạt động ở các tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt là một trong những biểu hiện của sự phối hợp, giúp đỡ của Liên khu 4 đối với Trung Lào.

Phương châm của Đoàn 120 và các đội vũ trang công tác giúp Lào trong xây dựng cơ sở là vừa bí mật vừa công khai; thực hiện các hình thức đấu tranh hợp pháp như chống bắt phu, bắt lính, chống lấy lúa gạo, vận động binh lính nguỵ Lào trở về với gia đình, đồng thời tổ chức phục kích, tập kích, cài chông mìn, cạm bẫy, tiêu hao sinh lực địch.

Đoàn 120 thực hiện triệt để “ba cùng” với đồng bào và các lực lượng vũ trang Trung Lào. Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, Đoàn 120 và các lực lượng vũ trang Việt Nam sang giúp Trung Lào đã xây dựng được nhiều cơ sở ở các vùng tranh chấp và những vùng sâu trong hậu phương địch. Các tổ chức kháng chiến bí mật của Lào đã từng bước tổ chức đấu tranh, yêu cầu bãi bỏ các chức dịch cũ, thành lập chính quyền mới. Đồng thời, Đoàn 120 đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Trung Lào chống phá các cuộc càn quét, cướp phá của địch, tiêu hao sinh lực địch. Cụ thể là Tiểu đoàn 364 đã tiến hành bao vây đồn Mương Noòng, phục kích đoàn xe cơ giới địch ở dốc Cha Ky, phục kích trên đường 23. Đội 812 đánh phục kích địch trên sông Nặm Thơn.

Đoàn 120 và các đội vũ trang công tác từ Liên khu 4 sang giúp các đơn vị Lào Ítxalạ đã hoạt động, công tác, chiến đấu quên mình, góp phần xây dựng và củng cố bốn vùng căn cứ lớn liên hoàn, gồm 600 bản với khoảng 3 vạn dân ở vùng biên giới Việt - Lào. Trong các khu căn cứ đó, chính quyền cách mạng, các tổ chức, đoàn thể quần chúng và lực lượng vũ trang được xây dựng khá vững mạnh. Các lực lượng vũ trang Việt Nam, Lào đã phối hợp chiến đấu đập tan nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch, buộc chúng phải rút bỏ gần một chục vị trí nhỏ, gây ảnh hưởng chính trị tốt đối với đồng bào Lào. Từ các căn cứ đã được xây dựng dọc phía đông Trung Lào, các đội vũ trang công tác, đơn vị vũ trang tuyên truyền Lào - Việt tiến vào các vùng sau lưng địch, phát động, tổ chức nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang bí mật ở các khu vực Huội Mừn, Lahảnặm, Kẹng Koọc, Nặm Cha Lộ, Na Nhôm, Nhômmalạt và Hỉn Bun bắt liên lạc với vùng Bolịkhăn (đông Viêng Chăn). Những tháng đầu năm 1950, sau nhiều thất bại ở chiến trường Bình - Trị - Thiên và do phong trào kháng chiến ở Trung Lào phát triển mạnh, thực dân Pháp rút bỏ một số vị trí nhỏ lẻ, tập trung lực lượng xây dựng các đồn bốt án ngữ dọc biên giới Việt - Lào, ở Na Pê, Bạn Naphào, Mahả Xây, Pạc Cuội, Nặm Cha Lộ, Kẹng Koọc và trên các trục đường 8, 9, 12. Mặt khác, địch tăng cường củng cố hệ thống chính quyền tay sai, tổ chức các toán gián điệp để thăm dò lực lượng kháng chiến. Địch còn tổ chức lực lượng vũ trang phản động ở các bản, trang bị súng trường, lựu đạn.

Tình hình tuy khó khăn, nhưng quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Trung Lào luôn đoàn kết với nhau, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gây dựng cơ sở kháng chiến, gây niềm tin trong nhân dân. Nhờ vậy, ở nhiều vùng, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã tranh thủ được nguỵ quân, nguỵ quyền. Tại tỉnh lỵ Thà Khẹc và các đồn chung quanh, đã tổ chức được một số cơ sở trong hàng ngũ địch. Trong quá trình hoạt động công tác, một số cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống.

Thực hiện chủ trương mở rộng mặt trận Trung Lào của Liên khu uỷ 4 1, đầu năm 1950, tại chùa Đá, Linh Cảm (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Ban Cán sự Trung Lào và Trung đoàn 120 tổ chức Đại hội đại biểu các lực lượng giúp Lào ở Trung Lào. Đại hội đánh giá tình hình địch, ta trên chiến trường Trung Lào, đề ra phương hướng giúp Trung Lào tiến mạnh về hoạt động ở vùng đồng bằng, đẩy mạnh các hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, đưa phong trào Trung Lào phát triển, phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam ở các tỉnh Bình - Trị - Thiên.

Đoàn 120 chấn chỉnh, tổ chức lại lực lượng, đổi phiên hiệu thành Đoàn 280 (ngày 19 tháng 5 năm 1950). Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào có hai tiểu đoàn (1 và 2). Tiểu đoàn 1 vốn là Tiểu đoàn 364 hoạt động ở vùng phía nam đường 9. Từ cuối năm 1950, Tiểu đoàn 1 tiến vào vùng Lahảnặm, vừa chiến đấu vừa làm công tác xây dựng cơ sở trên trục đường 23. Tiểu đoàn 2 gồm các đại độc lập số 6, 75 và 77, hoạt động ở khu vực đường 12, tiến vào vùng đồng bằng Mahả Xây vừa đánh địch vừa làm công tác cơ sở ở vùng giáp ranh tỉnh Khăm Muộn và Xavẳnnakhệt.

Ngoài ra, Ban Cán sự Trung Lào còn thành lập ba phân đoàn (9, 13, 812), mỗi phân đoàn gồm một số cán bộ Ban Cán sự và một đội cơ sở làm công tác dân vận. Nhiệm vụ của các phân đoàn là chuyển vào hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở ở vùng địch hậu. Phân đoàn 9 có bốn đội cơ sở (306, 307, 308, 309), hoạt động ở vùng nam và bắc đường 9. Đội 306 ở huyện Mương Noòng. Đội 307 ở huyện Tà Ôi. Đội 308 ở tây đường 23. Đội 309 ở vùng Xê Săngxoi - Kẹng Koọc. Phân đoàn 13 có ba đội (101, 102, 103) hoạt động từ mường Mahả Xây đến Đồng Hến (bắc đường 9). Đội 101 ở vùng Mahả Xây. Đội 102 ở khu vực Cầu Sắt trên đường 13. Đội 103 ở khu vực Đồng Hến. Phân đoàn 812 hoạt động từ khu vực Khăm Cợt, Lắc Xao đến Nhômmalạt.

Nhờ có chủ trương đúng đắn, kịp thời và hoạt động tích cực của quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng cách mạng vũ trang Lào, đến cuối năm 1950, hoạt động kháng chiến ở Trung Lào đã có bước phát triển mới. Vùng giải phóng và các khu căn cứ của các tỉnh Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt được củng cố và mở rộng, nhân dân các địa phương ngày càng hăng hái tham gia, ủng hộ kháng chiến, tạo điều kiện cho quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào tăng cường hoạt động phát triển chiến tranh nhân dân xuống các vùng đồng bằng, gây cho địch nhiều khó khăn, lúng túng. Phong trào kháng chiến ở Trung Lào phát triển mạnh và đồng đều, đã góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các chiến trường ở miền Trung Đông Dương, làm cho các vùng chiếm đóng của giặc Pháp không còn là hậu phương an toàn của chúng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Lào Ítxalạ (ngày 13 tháng 8 năm 1950), Trung Lào thành lập Mặt trận Lào Ítxalạ và Uỷ ban kháng chiến khu. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon được cử giữ chức chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu và là đại diện của Chính phủ và Mặt trận Trung ương ở khu Trung Lào. Ban Cán sự và Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam có nhiệm vụ tiếp tục giúp đỡ Trung Lào thực hiện các chủ trương, kế hoạch xây dựng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.




------------------------------------------------------------------
1. Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 4 họp giữa năm 1948 đã chỉ rõ âm mưu thủ đoạn của địch, nhiệm vụ của các chiến trường trong Liên khu 4 và đề ra chủ trương: đánh mạnh ở Bình - Trị - Thiên; thúc đẩy phong trào kháng chiến, đề phòng địch đánh ra Thanh - Nghệ - Tĩnh; mở rộng mặt trận Trung Lào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2021, 11:11:42 am »

Tại mặt trận Thượng Lào, sau ngày đồng chí Cayxỏn Phômvihản tuyên bố thành lập đội Látxavông - Quân đội Lào Ítxalạ - ở khu căn cứ Xiêng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (ngày 20 tháng 1 năm 1949), Liên khu 10 đã cử đồng chí Tắc Tịnh giúp đội Látxavông về quân sự, đồng chí Xà Man (Sơn La) giúp về chính trị; cùng cán bộ, chiến sĩ Lào tiến hành huấn luyện quân sự, học tập chính trị. Nhờ vậy, đơn vị Látxavông ở Xiêng Khọ có điều kiện đi sâu hơn vào vùng địch hậu, phát triển kháng chiến trên toàn tỉnh Hủa Phăn.

Đầu năm 1949, Đoàn vũ trang công tác miền Tây tổ chức hội nghị cán bộ đảng, xác định quyết tâm, kế hoạch tiến quân sang vùng nam Sầm Nưa, bắc Xiêng Khoảng. Đoàn quyết định lấy Đại đội 74 làm lực lượng nòng cốt, thành lập 5 đội vũ trang công tác, trong đó có 2 đội củng cố cơ sở (đội Đ và I), 2 đội phát triển cơ sở (đội O và P), một đội cơ động đánh địch, hỗ trợ cho công tác cơ sở (đội K). Ngoài ra, còn có một đội làm công tác giao thông (đội J) và một đội làm công tác vận tải (đội Q). Trong mỗi đội công tác đều có một số chiến sĩ cùng một cán bộ người Lào. Tham gia Ban Chỉ huy Đoàn vũ trang công tác miền Tây, phía Lào có ông Thạo Ký . Địa bàn hoạt động của các đội được phân công như sau: đội Đ xây dựng cơ sở ở Phú Lệ; đội I xây dựng cơ sở ở huyện Mương Xôi, tỉnh Hủa Phăn; đội P hoạt động ở khu vực Mương Lý, Mương Lạp, Xốp Nao (giáp huyện Xiêng Khọ, tỉnh Hủa Phăn). Đội O hoạt động ở vùng Xiêng Luồng, Xiêng Mèn (giáp huyện Mương Xăm, tỉnh Hủa Phăn).

Trên các khu vực hoạt động, các đội liên tiếp tổ chức phục kích địch, có tháng đánh 17 trận, buộc địch phải co cụm lực lượng, không dám tự do lùng sục như trước. Kết hợp công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, Đoàn vũ trang công tác miền Tây tập trung lực lượng tiêu diệt một số đồn nhỏ lẻ trên đường giao thông dọc sông Mã, mở đường cho các đội đi sâu làm công tác cơ sở trong vùng địch kiểm soát. Tháng 12 năm 1949, đội I và đội O diệt đồn Pọng Nha, đồn Mương Pao rồi tiến sâu vào đất Lào hoạt động. Đội O bí mật thọc sâu vào khu vực Xiêng Mèn, Xiêng Luồng, Mương Pua. Đoàn đã giúp Lào đẩy mạnh gây dựng cơ sở, tích cực củng cố hệ thống chính quyền từ tàxẻng (tổng) đến huyện và phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ tập kích, phục kích, giành nhiều thắng lợi.

Cùng với những hoạt động của Đoàn vũ trang công tác miền Tây của Liên khu 3, Tiểu Ban biên chính của tỉnh Thanh Hoá tổ chức một đội vũ trang tuyên truyền gồm một số cán bộ dân vận và một đơn vị bộ đội (rút từ đại đội độc lập của tỉnh Thanh Hoá) gồm 70 người chuyển sang hoạt động ở huyện Sằm Tớ, đông nam tỉnh Hủa Phăn. Thời kỳ đầu khi các đội vũ trang công tác của Việt Nam sang vùng này hoạt động, nhân dân Lào ở trong vùng sợ hãi, một số người bỏ chạy khỏi bản làng, số khác không tiếp xúc. Anh em trong đội công tác đã kiên trì bám trụ, vận động, giác ngộ nhân dân, giúp đỡ nhân dân các công việc cụ thể như làm vệ sinh làng bản, chăm sóc sức khoẻ, giúp dân sản xuất, hướng dẫn dân sang Việt Nam mua công cụ sản xuất, vải, muối nhằm cải thiện đời sống. Đồng thời, các đơn vị vũ trang công tác thực hiện nghiêm kỷ luật dân vận, chia sẻ với dân từng bát cơm, tấm áo, viên thuốc chữa bệnh. Nhờ vậy, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của dân, từng bước đưa dân vào các hội quần chúng, thành lập chính quyền kháng chiến, xây dựng dân quân du kích, tổ chức canh gác, bảo vệ bản làng, đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức, từ thấp đến cao. Trên cơ sở đó, các đội vũ trang công tác Việt Nam đẩy mạnh việc giúp Lào xây dựng cơ sở, tiến sát các khu vực gần huyện lỵ Sằm Tớ. Xây dựng củng cố hệ thống chính quyền từ các uỷ ban tổng đến huyện. Các bản, tàxẻng ở gần biên giới Việt Nam có cơ sở quần chúng mạnh và có tổ chức dân quân, du kích, đã hăng hái cùng bộ đội tổ chức phục kích, tập kích địch, giành một số thắng lợi.

Từ năm 1949, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp tỉnh Xiêng Khoảng xây dựng lực lượng, hoạt động theo phương thức đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, xây dựng cơ sở quần chúng, xây dựng căn cứ du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, liên minh chiến đấu Việt - Lào tại Xiêng Khoảng ngày càng được củng cố vững chắc thêm. Tại vùng Long Mộ, anh em Việt Nam được “Lào hoá”, luôn bám sát dân, nên đã xây dựng, phát triển được nhiều cán bộ địa phương, tổ chức được một số đơn vị vũ trang như đơn vị dân quân Koong Thạo Tu, 34 người ở vùng Xảm Chè và đội vũ trang khoảng 20 người do ông Xiêng Xinh chỉ huy ở vùng Nặm Nơn, v.v.. Các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa, động viên nhân dân tham gia kháng chiến, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn trật tự làng bản, ổn định đời sống của nhân dân.
Tháng 10 năm 1949, khi địch tập trung lực lượng mở các cuộc càn quét, đánh phá cơ sở ở các bản Kỵ Ninh, Pa Kha, Phay Đang, v.v, Đại đội 210 phối hợp với du kích các bản thuộc vùng Xảm Chè đánh địch, loại khỏi vòng chiến đấu một số tên, điều quan trọng hơn là gây được thanh thế và niềm tin đối với nhân dân. Đến tháng 12 năm 1949, đội du kích tập trung người Mông mang tên “Koong Pắtchây” gồm 30 người được thành lập, do ông Thạo Tu chỉ huy.

Đại đội 219 vừa gây dựng cơ sở chính trị, vừa đưa đón bảo vệ nhiều đoàn cán bộ, bảo đảm an toàn. Trong một chuyến dẫn đường, bảo vệ đoàn đại biểu quốc tế từ Bưng Càn (Thái Lan), qua Pạc Káđin đến Mương Mộc, vượt núi Phu Luổng, cao 2.811 m, đến đỉnh đèo gần biên giới Lào - Việt, một chiến sĩ dẫn đường người Việt đã hy sinh anh dũng.

Nhằm xây dựng một tổ chức lãnh đạo kháng chiến đại diện cho các bộ tộc Lào, tháng 11 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông từ Thái Lan sang căn cứ địa Việt Bắc để bàn bạc và thống nhất chủ trương. Đại đội 219 đã đón Hoàng thân Xuphanuvông và gia đình cùng Hoàng thân Xúttivan và bác sĩ Đặng Văn Ngữ (Hưng), từ Thái Lan qua đường Viêng Chăn - Khăm Muộn - Bolikhămxay sang Đô Lương (Nghệ An). Phòng Biên chính Liên khu 4 đón đoàn từ làng Như Xuân, tổng Đăng Sơn rồi đi thuyền sang Đô Lương. Chủ tịch Uỷ ban giải phóng Đông Lào, Nủhắc Phumxavẳn và các uỷ viên Xỉngcapô, Thạo Xột Phệtlaxỉ, Thạo Lấu cùng lãnh đạo Phòng Biên chính Liên khu 4 đã đón tiếp, gặp gỡ đoàn của Hoàng thân Xuphanuvông tại Đô Lương.

Trước khi đoàn cán bộ cấp cao Lào ra Việt Bắc, ông Thạo Lấu được cử ở lại Đô Lương đảm nhiệm quyền chủ tịch Uỷ ban giải phóng Đông Lào và đồng chí Lê Văn Diễm đại diện cho Phòng biên chính bên cạnh Uỷ ban giải phóng Đông Lào. Khi đến Việt Bắc, ông Xỉngcapô được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tính đến cuối năm 1949, Đại đội 219 đã đưa, đón an toàn 28 đoàn cán bộ của Việt Nam và Lào đi qua tuyến giao liên này. Trong quá trình làm nhiệm vụ đó, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 219 luôn được nhân dân Lào đùm bọc, chở che, giúp đỡ, cung cấp, tiếp tế lương thực - thực phẩm, thông báo mọi tình hình, đồng thời được sự phối hợp hỗ trợ của đội du kích Koong Thạo Tu và đơn vị của ông Thạo Kê.

Tháng 12 năm 1949, đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh Thanh Hoá hoạt động trên đất Lào, sáp nhập với đội Đ của Đoàn vũ trang công tác miền Tây của Liên khu 3, thành đội Đ.S, tiếp tục hoạt động ở huyện Sằm Tớ.

Thực dân Pháp đóng đồn bốt dọc tuyến biên giới nhằm ngăn cản sự tiếp tế của hậu phương Thanh Hoá cho căn cứ địa Việt Bắc và lực lượng kháng chiến Bắc Lào. Để bảo vệ miền tây Thanh Hoá, bảo vệ hành lang chiến lược Việt - Lào, quân và dân Thanh Hoá đã tổ chức tiến công địch, phá phòng tuyến sông Mã.

Nhằm giúp Lào xây dựng căn cứ kháng chiến Bắc Lào, Đoàn vũ trang công tác miền Tây kết hợp với đơn vị vũ trang địa phương Thanh Hoá (Trung đoàn 77, các đại đội Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước) “nhảy dù” xuống các huyện Mương Xôi, Sằm Tớ, Xiêng Khọ, xây dựng cơ sở cách mạng và kết hợp với lực lượng Pathết Lào tiến công giải phóng ba huyện nói trên, hình thành căn cứ địa kháng chiến Bắc Lào.

Để chỉ đạo kháng chiến thuận lợi, cuối năm 1950, Chính phủ kháng chiến Lào chuyển sang Thanh Hoá. Bên cạnh Chính phủ kháng chiến Lào còn có Ban Cán sự Thượng Lào (đoàn chuyên gia Việt Nam). Ban đầu Chính phủ kháng chiến Lào đóng tại khu vực Đầm (Thọ Xuân), sau đó chuyển về vùng Cha Lo - Sằm Bứa (Ngọc Lặc) 1. Trong thời gian Chính phủ kháng chiến Lào ở Thanh Hoá, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá đã tận tình giúp đỡ, bảo vệ và cung cấp lương thực, thực phẩm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt.

Sau gần hai năm hoạt động (từ tháng 6 năm 1948 đến đầu năm 1950), Đoàn vũ trang công tác miền Tây, từ lực lượng ban đầu gồm một số cán bộ chính trị, dân vận, một đội võ trang tuyên truyền đã phát triển thành sáu đội vũ trang công tác và các bộ phận chuyên môn phục vụ, với quân số khoảng 400 - 450 người. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 (Việt Nam), Đoàn đã vượt qua nhiều thử thách, gian khổ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác được giao, phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào diệt, bức rút tám đồn địch, xây dựng cơ sở kháng chiến ở hai huyện Mương Xôi, Sằm Tớ và khu vực hạ lưu sông Mã thuộc Lào; tiến sâu vào khu vực Xiêng Luồng, Xiêng Mèn, Mương Liệt, Mương Pua, Xốp Hào, chuyển một vùng rộng lớn trước là hậu phương của địch thành khu du kích của Lào. Đoàn vũ trang công tác miền Tây đã nối được liên lạc với các lực lượng của Phòng Biên chính Liên khu 4, nhận và bàn giao cơ sở huyện Sằm Tớ và nối liên lạc với Ban xung phong Lào Bắc do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chỉ huy, cùng các đơn vị chủ lực Liên khu 10 đang hoạt động ở Bắc Lào.

Trong khi đó, khoảng giữa năm 1949, nhằm khuếch trương thanh thế và mở rộng khu căn cứ, Ban xung phong Lào Bắc chủ trương đi sâu vào vùng địch hậu, xây dựng cơ sở kháng chiến xung quanh khu vực thị xã Sầm Nưa. Để giúp Lào thực hiện chủ trương trên, Liên khu 10 Việt Nam bổ sung thêm Đại đội 844, tổ chức thành đội vũ trang tuyên truyền số 77 phối hợp hoạt động cùng các lực lượng của Lào. Tháng 7 năm 1949, các lực lượng vũ trang của Lào và Việt Nam được nhân dân giúp đỡ đã tổ chức vây ép, buộc toàn bộ binh lính đồn Xiêng Khọ mang theo vũ khí về với kháng chiến. Chiến thắng Xiêng Khọ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến của nhân dân trong vùng, đồng thời củng cố khu căn cứ Xiêng Khọ thêm một bước vững chắc hơn.

Đầu tháng 11 năm 1949, Ban xung phong Lào Bắc thống nhất với Bộ Tư lệnh Liên khu 10 (Việt Nam) mở Chiến dịch Sông Mã, nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Mã của địch, mở thông biên giới Việt - Lào ở hướng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa trung ương của cách mạng Lào. Lực lượng tham gia chiến dịch, về phía Việt Nam có Trung đoàn 138 (Tiểu đoàn 532, Tiểu đoàn 35), Tiểu đoàn 910; về phía Lào có đại đội Látxavông, đội vũ trang tuyên truyền số 80 cùng lực lượng dân quân du kích ở địa phương.

 Mở màn chiến dịch (ngày 2 tháng 11 năm 1949), đội vũ trang tuyên truyền số 80 phối hợp với chủ lực Việt Nam nổ súng tiến công, chiếm đồn Xiêng Khọ, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội địch, bắt sống 35 tên, trong đó có ba tên Pháp, thu toàn bộ vũ khí. Tiếp đó, ngày 3 tháng 11, lực lượng vũ trang Lào - Việt triển khai lực lượng tiến công, địch hoảng loạn, rút chạy khỏi chín vị trí dọc sông Mã từ Xiêng Khọ đến Xốp Hào. Phòng tuyến sông Mã của địch bị phá vỡ một đoạn dài từ Mương Lầm đến Xốp Hào. Vùng cơ sở của Lào được mở rộng trên 2.000 km2 với hơn 1 vạn dân.

Sau chiến dịch Sông Mã, ngày 4 tháng 12 năm 1949, lực lượng vũ trang Lào cùng Đại đội 930 của Tiểu đoàn 532 (Trung đoàn 138) quân tình nguyện Việt Nam tập kích đồn Noỏng Khạng (phía tây bắc cách thị xã Sầm Nưa 25 km), diệt 3 tên, thu 10 súng và 3.000 viên đạn, buộc địch rút khỏi khu vực.

Sau một loạt chiến thắng vang dội đó, Uỷ ban kháng chiến tỉnh Hủa Phăn được thành lập để thống nhất chỉ đạo các hoạt động kháng chiến trong tỉnh. Lo sợ trước sự phát triển của các lực lượng cách mạng ở tỉnh Hủa Phăn, cuối tháng 12 năm 1949, thực dân Pháp đã tập trung một tiểu đoàn của Tiểu khu Sầm Nưa và hai đại đội từ Mộc Châu (Việt Nam) sang, mở cuộc càn quét hòng chiếm lại Xiêng Khọ và các khu vực đã mất. Các lực lượng vũ trang Lào phối hợp chặt chẽ cùng hai tiểu đoàn (532, 910) quân tình nguyện Việt Nam vừa đánh chặn, vừa tổ chức phục kích, gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc chúng phải rút khỏi khu vực Xiêng Khọ - Nặm Mã.

Nhằm củng cố thắng lợi, theo yêu cầu của Ban xung phong Lào Bắc, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 Việt Nam đã quyết định để Trung đoàn 138 ở lại và điều Tiểu đoàn 940 (Điện Biên) hỗ trợ chiến đấu, xây dựng cơ sở, đẩy mạnh phong trào kháng chiến khu vực đông bắc Thượng Lào. Ban xung phong Lào Bắc tổ chức huấn luyện, đào tạo được gần 100 cán bộ, bổ sung cho các địa phương trong khu vực.

Như vậy, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, các lực lượng cách mạng Lào ở khu vực phía Đông Bắc Lào (đặc biệt là Hủa Phăn), trong các năm 1949 - 1950 đã vượt mọi khó khăn, giành được những thắng lợi cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để cách mạng Lào có bước phát triển mới.




------------------------------------------------------------------
1. Đầu năm 1952, Chính phủ kháng chiến Lào chuyển về Phủ Quỳ, Nghệ An.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 04:45:02 pm »

Ở vùng Tây Bắc Lào, từ đầu năm 1949, trên cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng, các cán bộ, chiến sĩ Việt kiều đã tổ chức “Hội Ítxalạ bản”, kết nạp tất cả những người Lào yêu nước. Nhiều nơi đã tổ chức được Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên Ítxalạ và thành lập “đội dân quân du kích bản” để canh gác, bảo vệ bản làng. Tháng 2 năm 1949, đội du kích đầu tiên ở vùng Kọ Chà Kủa thuộc tàxẻng Mương Xạ được thành lập, tiếp đó nhiều bản ở vùng lân cận cũng lập ra đội du kích hoặc tổ du kích.

Để có vũ khí trang bị cho dân quân du kích, tháng 4 năm 1949, Ban Chỉ huy Khu 1 đã lập một công binh xưởng nhỏ ở vùng bộ tộc người Mu Xơ thuộc tàxẻng Mương Xạ. Xưởng có 5 cán bộ và 14 chiến sĩ. Mặc dù trang bị còn thô sơ nhưng xưởng đã sản xuất được lựu đạn, địa lôi và sửa chữa được nhiều loại súng. Riêng năm 1950, xưởng sản xuất trên 800 quả lựu đạn, hơn 500 quả địa lôi và sửa chữa 50 khẩu súng. Ngoài nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, anh em còn làm công tác vận động tuyên truyền, tổ chức “Hội Ítxalạ” để thu hút nhân dân các bản gần xưởng tham gia kháng chiến, lập ba đội du kích và kết nạp năm đảng viên người Mu Xơ. Do làm tốt công tác xây dựng cơ sở, vận động nhân dân nên cán bộ, chiến sĩ trong xưởng được nhân dân và dân quân du kích trong vùng ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt và cùng tham gia chiến đấu bảo vệ xưởng. Trong sáu trận chiến đấu bảo vệ công binh xưởng, bộ đội đã phối hợp chặt chẽ với du kích, diệt được sáu tên địch, làm bị thương 15 tên, bảo vệ xưởng và tính mạng, tài sản của nhân dân. Đây là những chiến công thầm lặng rất đáng tự hào của tập thể thợ - chiến sĩ của bộ đội Việt kiều giải phóng quân.

Giữa năm 1949, nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào kháng chiến, Đặc uỷ Lào đã cử đồng chí Khăm Xẻng1 và một số cán bộ Lào về tăng cường cho Khu 1. Các cán bộ Lào và Việt Nam trong Ban Chỉ huy Khu đã phối hợp chặt chẽ, phát hiện, tuyển chọn, tổ chức nhiều lớp học ngắn ngày nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ Lào có thể chỉ đạo các ngành, các địa phương kháng chiến. Ban Chỉ huy Khu đề ra phương châm: địa phương nào cũng phải có cán bộ địa phương đó, mỗi bộ tộc phải có cán bộ của bộ tộc mình. Nhờ đó, đến tháng 9 năm 1949, Khu 1 đã có một đội ngũ cán bộ địa phương, bao gồm những người từ các bộ tộc khác nhau trong vùng như Chà Ạt (người Mu Xơ), Mạy Chom Peng, Mạy Khăm Khẳn, Xẻng Y Nam (Mương Xạ), Nản In Bun, Nản Chom (Bạn Mo), Phạnha Luổng, Cha Pi, Mạy Khăm Đi, Ại Chòi (Mương Long), Un Luổng (Mương Năng), Bun Lắt (Mương Mưng), Pha Nha (Mương Cang).

Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân vùng Tây Bắc Lào có nhiều thuận lợi mới. Tháng 2 năm 1950, Uỷ ban kháng chiến Khu 1 được thành lập, do chánh tổng (nai tàxẻng) Mương Long cũ làm chủ tịch. Mặt trận Ítxalạ Khu 1 do ông Khăm Đi làm chủ tịch. Tiếp đó, tháng 3 năm 1950, trung đội bộ đội địa phương thoát ly đầu tiên của huyện Mương Xỉnh được tổ chức, bao gồm con em các bộ tộc Lự, Cọ, Đoi của các tàxẻng Mương Xạ, Mương Long, Mương Năng, Xiêng Cốc, Bạn Mo.

Như vậy, sau hơn hai năm xây dựng và chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Khu 1 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ ở vùng biên giới xa xôi, tích cực xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng, giành được nhiều kết quả quan trọng. Cơ sở chính trị, các tổ chức quần chúng, hệ thống chính quyền mới đã hình thành. Các đội dân quân du kích và đơn vị vũ trang tập trung lần lượt được thành lập. Khu đã xây dựng được khu du kích liên hoàn, bao gồm 9 tàxẻng: Mương Xạ, Bạn Mo, Mương Cang, Mương Long, Mương Năng, Xiêng Cốc tới Xốp Lôi, Xiêng Khêng, bản Sài thuộc huyện Mương Xỉnh, tỉnh Huội Xài. Khu căn cứ du kích này trở thành khu giải phóng nằm sâu trong vùng địch hậu ở Bắc Lào, là chỗ dựa cho phong trào cách mạng ở vùng Tây Bắc Lào phát triển.

Các đơn vị Việt kiều giải phóng quân ở Khu 1 thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, giúp Tây Bắc Lào xây dựng được phong trào kháng chiến. Từ năm 1950, lực lượng Việt kiều giải phóng quân ở Khu 1 được củng cố, có thêm điều kiện phát triển về phía đông.

Theo chỉ đạo của Đặc uỷ Lào, Ban Chỉ huy Khu 1 cử một trung đội gồm 28 đồng chí tiến về khu vực Bò Tên, Na Le, Na Lơi (tây nam Mương Xỉnh) và một đại đội gồm 80 người, do đồng chí Thông chỉ huy, tiến về Nặm Bạc (Luổng Phạbang) để xây dựng hai khu căn cứ mới. Sau bốn tháng vừa mở đường, vừa điều tra nắm địch và làm công tác quần chúng, đơn vị mới tới được Nặm Bạc, nhưng vì đây là vùng địch chiếm đóng, nên lúc đầu anh em phải ở trên núi, ban đêm vào các bản nắm tình hình, tiếp xúc với nhân dân gây cơ sở, sau đó tổ chức thành nhóm, tổ nhỏ, thực hiện “ba cùng” với dân. Sau gần một năm hoạt động, đơn vị đã xây dựng được nhiều cơ sở kháng chiến, giác ngộ, kết nạp năm đảng viên và thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Nặm Bạc do đồng chí Khăm Mun Ti làm bí thư. Trên cơ sở lực lượng quần chúng kháng chiến phát triển, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng kháng chiến địa phương thành lập chính quyền các cấp. Đồng chí Khăm Mun Ti được cử làm “chạu khệt” (khu trưởng) Nặm Bạc. Tiếp đó, đơn vị của đồng chí Thông tổ chức lực lượng đi xây dựng cơ sở kháng chiến ở vùng Nặm Ngà, Mương Ngà, Mương Pạc Beng, Mương Ngòi, sang Xốp Xàng. Đến cuối năm 1950, đại đội của đồng chí Thông đã liên lạc được với Tiểu đoàn 940 mới từ Tây Bắc (Việt Nam) sang và sau đó cũng bắt liên lạc được với Đại đội 160 từ Mương Xon (Hủa Phăn) phát triển sang.

Đồng thời với việc triển khai xây dựng, mở rộng căn cứ Khu 1, Đặc uỷ Lào cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng căn cứ ở Khu 2. Địa bàn Khu 2 bao gồm hai huyện Xaynhabuli  và Pạc Lai ở phía tây tỉnh Luổng Phạbang, tiếp giáp với tỉnh Chiềng Mai (Thái Lan). Đây là vùng đất nằm phía tây (hữu ngạn) sông Mê Công, đất đai bằng phẳng, làng mạc, dân cư đông đúc, có nhiều tài nguyên, giao thông phát triển. Khu 2 có nhiều bộ tộc sinh sống, nhưng chiếm tỷ lệ lớn là người dân tộc Lào, Lự, Nhuôn (thuộc dân tộc Lào Lùm). Tại vùng này, thực dân Pháp cho quân đóng đồn ở Xaynhabuli, Pạc Lai, Pạc Khọp.

Trên cơ sở đơn vị Việt kiều ban đầu đã về Lào, ông Phumi Vôngvichít, đại diện Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ cùng đồng chí Mai Văn Quang (cán bộ mặt trận Tây Bắc Lào) và một số cán bộ Lào, Việt tổ chức một cuộc họp tại tàxẻng Pạc Khọp, bàn kế hoạch xây dựng khu căn cứ Khu 2, quyết định thành lập Khu kháng chiến 2 và cử ông Phumi Vôngvichít làm khu trưởng; đồng chí Mai Văn Quang làm chỉ huy trưởng bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Khu 2. Trong Ban Chỉ huy Khu 2, phía Lào còn có các ông Mahả Khăm Phăn Vilachít, Uttamạ, Phạu Phimphachăn, v.v..

Sau khi thành lập, Ban Chỉ huy Khu 2 triển khai việc huấn luyện cho bộ đội các kiến thức quân sự cơ bản, chủ trương, đường lối kháng chiến và về công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, v.v.. Ông Phumi Vôngvichít cùng một số cán bộ Lào cũng tích cực tham gia giảng dạy một số bài về chính trị, đạo đức cách mạng.

Ban Chỉ huy Khu phân chia lực lượng thành các tổ nhỏ gồm cả cán bộ Lào và Việt, đến từng bản làng để tuyên truyền xây dựng cơ sở, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia kháng chiến. Từ chỗ đứng chân ban đầu ở các bản Huội Lau, Nặm Khả, các lực lượng Lào - Việt phát triển theo hai hướng, một hướng tiến về Pạc Khọp, cạnh sông Mê Công, một hướng tiến xuống các tàxẻng Xiêng Lôm, Xiêng Hòn. Cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã bám sát cơ sở, thực hiện “ba cùng” với dân.

Nhờ sự nỗ lực và hoạt động với phương thức thích hợp, đến giữa năm 1949, các lực lượng Lào - Việt ở Khu 2 đã xây dựng được cơ sở chính trị ở các tàxẻng Pạc Khọp, Xiêng Lôm, Xiêng Hòn và Xaynhabuli. Các đội dân quân du kích cũng được thành lập ở nhiều bản làng. Các tù trưởng, tộc trưởng, chức dịch cũ có tinh thần yêu nước, được nhân dân tin cậy được lựa chọn giao trách nhiệm lãnh đạo chính quyền mới.
Vào tháng 10 năm 1949, khi Chính phủ độc lập Lào Ítxalạ lưu vong ở Thái Lan do ông Khăm Mạo làm thủ tướng tuyên bố giải thể, một số thành viên Chính phủ này về Viêng Chăn theo Pháp. Do nội bộ cán bộ Lào ở Khu 2 có kẻ phản bội nên cuối năm 1949, ông Phumi Vôngvichít phải di chuyển lên biên giới Lào - Thái, sau đó ở lại chỉ đạo phong trào kháng chiến ở Khu 1. Các đồng chí Khăm Xẻng, Phạu Phimphachăn cùng một số cán bộ chính trị, quân sự Lào được cử về củng cố phong trào kháng chiến Khu 2.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động về phía đông, đầu năm 1950, Đặc uỷ Lào chỉ thị cho các đơn vị Việt kiều giải phóng quân của Khu 2 vượt sông Mê Công tiến sang khu vực Mương Mẹt huyện Ka Xỷ (Viêng Chăn). Một số cán bộ về nhận công tác ở Ban Cán sự tỉnh Viêng Chăn. Lực lượng còn lại hoạt động ở phía tây tỉnh Viêng Chăn, móc nối cơ sở trở lại hoạt động ở vùng Pạc Lai, Xaynhabuli bên hữu ngạn sông Mê Công.



------------------------------------------------------------------
1. Đồng chí Khăm Xẻng là một trong hai đảng viên cộng sản đầu tiên của Lào, sau này đồng chí là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Nhân dân Lào và là Ủy viên Trung ương Đảng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 04:48:06 pm »

Trong những tháng đầu năm 1950, địa bàn hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam chưa phân theo địa giới hành chính tỉnh, huyện của Lào, mà phân chia theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như tình hình thực tế và khả năng thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của phong trào kháng chiến trên chiến trường Lào, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tăng cường cán bộ giúp cách mạng Lào, đồng thời thay đổi phương thức tổ chức cho phù hợp với tình hình mới.

Chấp hành chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3 năm 1950, Ban Cán sự hải ngoại quyết định thành lập Ban Cán sự và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Lào để lãnh đạo, chỉ đạo Tây Lào đẩy mạnh phong trào kháng chiến. Đồng chí Mai Côn làm bí thư Ban Cán sự Đảng. Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Lào do đồng chí Nguyễn Hoà làm chỉ huy trưởng; đồng chí An Giao làm chính uỷ; đồng chí Mừn Xổmvichít, đại diện Chính phủ Kháng chiến ở Tây Lào, làm chỉ huy phó kiêm tham mưu trưởng.

Mặt trận Tây Lào được tổ chức lại thành hai khu và một tỉnh (Viêng Chăn). Khu 1 gồm Huội Xài, Luổng Nặm Thà, tây Luổng Phạbang. Khu 2 gồm Hoổng Xả, Xaynhabuli, Pạc Lai. Tỉnh Viêng Chăn chia thành bốn phân khu là Nặm Tòn, Phu Khun, Bolịkhăn, Thulakhôm. Mỗi khu có một đơn vị Việt kiều giải phóng quân và một trung đội địa phương Lào. Ngoài ra, còn có một đơn vị khác hoạt động trên đường 13.

Giữa năm 1950, có rất đông thanh niên Việt kiều ở Thà Bò, Noỏng Khai, Uđon, Xakôn gia nhập các đơn vị Việt kiều sang Tây Lào hoạt động. Số này sau khi được học tập chính trị đã được phân công về nhận công tác ở các địa phương.

Trong số thanh niên Việt kiều từ Thái Lan gia nhập Việt kiều giải phóng quân sang Tây Lào hoạt động có nhiều chị em phụ nữ. Họ đảm nhiệm các công việc y tá, cứu thương, phục vụ bệnh xá, dân vận, xây dựng cơ sở.

 Cuối năm 1950, địch mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào các vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Viêng Chăn. Tuy vậy, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và Lào vẫn kiên cường bám trụ địa bàn, đánh trả, bảo vệ cơ sở. Phong trào kháng chiến ở Viêng Chăn, quan trọng là vùng Nặm Tòn, Thulakhôm, đường 13, Mương Phương, Ka Xỷ, Na Khưa, Na Lưởng, Bolịkhăn, v.v., vẫn không ngừng được củng cố và mở rộng, trở thành các căn cứ kháng chiến cho cách mạng vùng Tây Lào những năm tiếp theo.

Cuối tháng 2 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết về việc thành lập Ban Cán sự lâm thời Thượng Lào, do đồng chí Song Hào (Chính uỷ Liên khu 10) làm bí thư. Ban Cán sự lâm thời Thượng Lào đặt dưới quyền chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã tăng cường lực lượng giúp Lào, đặc biệt là tập trung giúp Thượng Lào.

 Tháng 4 năm 1950, với sự thống nhất của Lào, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định tổ chức lại các lực lượng hoạt động giúp Lào ở Thượng Lào (các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Luổng Phạbang, Phôngxalỳ). Theo đó, Thượng Lào được tổ chức thành ba phân khu (A, B, C). Mỗi phân khu có Ban Cán sự và Ban Chỉ huy Phân khu, chịu trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy cả về quân sự và xây dựng cơ sở. Các đơn vị bộ đội tình nguyện, khi có giặc thì tập trung vào chiến đấu, lúc thường thì phân tán làm nhiệm vụ dân vận, xây dựng cơ sở quần chúng.

Phân khu A phụ trách hai tỉnh Hủa Phăn và Phôngxalỳ. Lực lượng gồm có hai tiểu đoàn (532 và 35) của Trung đoàn 138; sáu đội vũ trang của Đoàn vũ trang công tác miền Tây (các đội I, O, K, P, J và Q) và Đại đội 230 của Liên khu 10. Ban Chỉ huy Phân khu A, do đồng chí Bế Sơn Cương làm phân khu trưởng, đồng chí Phạm Nghiêm làm chính uỷ kiêm bí thư Ban Cán sự. Về phía Lào có đội vũ trang tuyên truyền số 80 và hai đội công tác Nặm Săm, Nặm Mã.

Sau khi được hình thành, Ban Chỉ huy Phân khu A đã tiến hành sắp xếp lại lực lượng. Tiểu đoàn 532 trở thành đơn vị chủ lực của Phân khu, mang phiên hiệu mới là Tiểu đoàn 70. Đại đội 162 của Tiểu đoàn 35 được tăng cường cho Tiểu đoàn 70 làm đại đội trợ chiến. Giải thể Tiểu đoàn 35 và đội P, xây dựng thành ba đại đội độc lập (104, 160, 320). Đại đội 104 hoạt động ở huyện Mương Xăm. Đại đội 160 hoạt động ở huyện Mương Xon. Đại đội 320 hoạt động ở huyện Xiêng Khọ. Đại đội 610 (đội O cũ) hoạt động ở huyện Hủa Mường. Đại đội 620 (đội K cũ) hoạt động ở huyện Sằm Tớ. Đại đội 615 (đội I cũ) hoạt động ở huyện Mương Xôi.

Khoảng giữa năm 1950, Phân khu A và Tiểu đoàn 70 đóng quân ở miền tây tỉnh Thanh Hoá để củng cố và huấn luyện. Bộ đội Việt Nam được học tập về đường lối, chính sách của cách mạng Lào, xác định nhiệm vụ, phương châm hoạt động của các đại đội độc lập, v.v.. Nửa cuối năm 1950, các đơn vị của Phân khu A phối hợp với đội vũ trang tuyên truyền số 80 và các đội công tác Nặm Săm, Nặm Mã của Lào, đi xuống các địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng và phát triển cơ sở quần chúng. Đến cuối năm 1950, hai phần ba các huyện ở tỉnh Hủa Phăn đã có cơ sở quần chúng hoạt động và phát triển sang huyện Pạc Xeng (tỉnh Luổng Phạbang). Phần lớn các tàxẻng đã tổ chức được mặt trận Ítxalạ, hội mẹ chiến sĩ, hội thanh niên và phụ nữ; 26 trong số 42 tàxẻng đã có chính quyền cách mạng. Các huyện Xiêng Khọ, Sằm Tớ, Pạc Xeng tổ chức được mặt trận Ítxalạ và Ủy ban kháng chiến. Cùng với xây dựng cơ sở, sáu tháng cuối năm 1950, các đơn vị của Phân khu A đã tổ chức 37 trận phục kích, loại khỏi vòng chiến đấu 131 tên, hạn chế được hoạt động phá hoại của địch.

 Phân khu B phụ trách địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng, gồm có đội ĐS (thuộc Đoàn vũ trang công tác miền Tây cũ hợp nhất với đội vũ trang Sằm Tớ); Đại đội 210 hoạt động ở vùng Xảm Chè, Mương Mộ cũ; Tiểu đoàn 204 mới được tăng cường; đội vũ trang Lào Bắc hoạt động ở nam Sầm Nưa cũ. Ban Chỉ huy Phân khu B do đồng chí Lê Thanh làm phân khu trưởng, đồng chí Nguyễn Tài làm chính uỷ và bí thư Ban Cán sự, đồng chí Đặng Bá Phi làm phân khu phó. Việc thành lập Phân khu B diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Trong các tháng cuối năm 1950, Phân khu B tập trung ổn định tổ chức, huấn luyện, học tập, bồi dưỡng kiến thức, phương thức hoạt động, công tác. Lực lượng của Phân khu B được sắp xếp lại như sau: giải thể Tiểu đoàn 204, thành lập hai đội (217, 219). Đội 217 là chủ lực của Phân khu B và Đội 219 phụ trách các khu vực Mương Ngan, Mương Ngạt và Mương Mộc. Đội 213 (gồm Đại đội 210 và một trung đội của đội ĐS cũ) phụ trách khu vực Mương Khun. Đội 216 (đội vũ trang tuyên truyền Lào Bắc cũ) phụ trách khu vực Mương Dương, Bò Nhia.

 Phân khu C phụ trách địa bàn tỉnh Luổng Phạbang, gồm các đơn vị đại đội độc lập ở Khu 1 từ Mương Xỉnh chuyển sang hoạt động ở khu vực Nặm Bạc, Nặm Ngòi; Đại đội độc lập 160 từ huyện Mương Xon, tỉnh Hủa Phăn chuyển sang hoạt động ở huyện Pạc Xeng; Tiểu đoàn 940 của Liên khu 10 mới tăng cường cho Mặt trận Thượng Lào.

Do tổ chức Phân khu C chưa hình thành, nên trong năm 1950, các đơn vị hoạt động độc lập. Đến tháng 10 năm 1950, Tiểu đoàn 940 mới đến Mương Ngòi và tổ chức hội nghị đại diện ba đơn vị. Hội nghị nhất trí phân công Đại đội 160 tiếp tục hoạt động tại huyện Pạc Xeng, phát triển dần lên huyện Xiêng Ngơn, giáp kinh đô Luổng Phạbang; lực lượng của Khu 1 (Mương Xỉnh) phụ trách xây dựng cơ sở ở Nặm Bạc, Mương Ngòi, Mương Beng rồi phát triển lên khu vực Xốp Xàng, Na Luông, tiếp giáp vùng Mường Lói, Xốp Cộp, Mường Va của huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La, Việt Nam), xây dựng vùng này thành hậu cứ của tỉnh Luổng Phạbang. Tiểu đoàn 940 cơ động đánh địch trên địa bàn và cử một số đơn vị làm công tác cơ sở các khu vực Mương Khỏa, Hạt Ngo, La Khon.

Phát hiện thấy phong trào kháng chiến phát triển và sự hoạt động mạnh của quân tình nguyện Việt Nam ở tỉnh Luổng Phạbang, cuối năm 1950, địch mở cuộc càn lớn vào khu vực Pạc Xeng, Bạn Xẻ, Xốp Xàng và Mương Ngòi. Bị quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào chặn đánh và thiệt hại đáng kể, nhưng sau đó chúng tăng cường lực lượng đóng thêm đồn bốt ở Na Tở (Mương Ngòi), Bạn Xẻ, Nặm Bạc, Mương Hợp, Pạc Xeng, Pạc Beng và Mương Ngà.

Do tình hình phát triển không thuận lợi nên để bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho hoạt động lâu dài ở Luổng Phạbang, Tiểu đoàn 940 và một số đơn vị được lệnh rút khỏi Luổng Phạbang. Chỉ còn Đại đội 160 hoạt động tại huyện Pạc Xeng và Đại đội 926 của Tiểu đoàn 940 được biên chế lại gồm một số cán bộ, chiến sĩ Khu 1 cũ và một số anh em người dân tộc Thái từ Tây Bắc (Việt Nam) sang, ở lại tiếp tục bám trụ địa bàn, giúp Lào xây dựng củng cố cơ sở kháng chiến.

Gần một năm tổ chức lại lực lượng giúp Lào, ở vùng Thượng Lào đã hình thành tổ chức mới, dưới sự lãnh đạo chung của Ban Cán sự lâm thời Thượng Lào. Các phân khu, nhất là Phân khu A (phụ trách tỉnh Hủa Phăn) đã giúp Lào đẩy mạnh hoạt động đánh địch và xây dựng cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào kháng chiến ở Thượng Lào, tạo cơ sở, điều kiện để tiến tới thống nhất tổ chức, chỉ đạo quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào trên toàn mặt trận Thượng Lào.

Không chỉ đưa quân tình nguyện sang giúp đỡ, phối hợp chiến đấu với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào trên khắp các chiến trường Hạ Lào, Trung Lào và Thượng Lào, Việt Nam còn là hậu phương vững chắc, đất đứng chân của các lực lượng kháng chiến và cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Lào. Biểu hiện rõ nhất là vào đầu năm 1950, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông cùng một phái đoàn đã sang vùng căn cứ địa Việt Bắc. Để tạo điều kiện cho đoàn cán bộ cách mạng Lào trong thời gian ở tại Việt Nam, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất cho đoàn. Một quả đồi thấp, tương đối rộng và bằng phẳng của thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Lâm (nay là xã Mỹ Bằng), huyện Yên Sơn được chọn làm nơi xây dựng bản doanh cho đoàn cán bộ cách mạng Lào gồm hơn 200 người, bao gồm nhà ở, nơi làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông, đồng chí Cayxỏn Phômvihản; hội trường 12 gian với đủ bàn, ghế bằng tre nứa; nhà bếp, nhà kho, v.v.. Nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ, che chở, đùm bọc đoàn cán bộ cách mạng Lào. Đại đội bộ đội Lào làm nhiệm vụ bảo vệ vòng trong, bộ đội Việt Nam và dân quân, du kích xã Mỹ Lâm bảo vệ vòng ngoài, nhân dân trong vùng triệt để thực hiện ba không: “không nghe, không biết, không nói”. Nhân dân địa phương không chỉ tự nguyện đem giường, tủ, bàn ghế, đồ dùng sinh hoạt gia đình cho các đồng chí Lào mượn, mà còn cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho đoàn cán bộ Lào.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM