Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:09:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007  (Đọc 5395 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2021, 04:48:38 pm »

3. Nhân dân Lào cùng Việt kiều đấu tranh chống chế độ thuộc địa, phối hợp và ủng hộ cách mạng Việt Nam (1930 - 1939)

a) Xây dựng và khôi phục phong trào cách mạng, ủng hộ phong trào cách mạng Việt Nam (1930 - 1935)


Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Viêng Chăn, các chi bộ Đảng Tân Việt ở Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê lần lượt chuyển đổi thành chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy Quảng Trị tiến hành bắt mối, xây dựng một số chi bộ đảng trong Việt kiều ở địa bàn Trung Lào; đường dây liên lạc giữa các chi bộ đảng ở đây với Tỉnh ủy Quảng Trị được thiết lập. Sự ra đời của các chi bộ đảng trên thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Lào cũng như vai trò rất lớn của Việt kiều.

Bên cạnh đó, các tổ chức quần chúng như Liên minh chống chủ nghĩa đế quốc, Tổ chức thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Cứu tế, Hội Bóng đá..., bắt đầu được gây dựng và phát triển trong các đô thị ở Lào. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3 năm 1931, về việc thành lập Công hội vận tải Lào, tổ chức công hội bắt đầu thành lập ở Viêng Chăn.

Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, sự vận động của các đoàn thể quần chúng, những hoạt động chống Pháp có tính chất lẻ tẻ trong phạm vi bộ tộc, bộ lạc, mang tính chất địa phương và tự phát ở Lào dần dần chuyển lên mang tính tổ chức, hoà nhịp với phong trào đấu tranh của ba nước Đông Dương. Những hoạt động yêu nước và cách mạng ở Việt Nam và Lào có sự phối hợp và ngày càng gắn kết chặt chẽ, bổ sung, hỗ trợ nhau.

Từ giữa năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam bùng lan trong cả nước, diễn ra mạnh mẽ ở Trung Kỳ, nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi cuộc nổi dậy của nhân dân Nghệ An diễn ra, tuy không đồng ý với chủ trương “bạo động địa phương, bạo động non, sớm” mang tính chất “manh động” của các cấp uỷ đảng ở Trung Kỳ, song trước sự đánh phá, khủng bố dã man của kẻ thù, Trung ương Đảng ra thông cáo cho các cấp bộ đảng trong toàn xứ “hết sức bênh vực Nghệ An đỏ, mở rộng phong trào thị uy biểu tình phản kháng lại thủ đoạn gian ác của đế quốc chủ nghĩa” . Tiếp đó, Trung ương lâm thời ra lời kêu gọi thợ thuyền, dân cày, binh lính liên hiệp đấu tranh bảo vệ công nông Nghệ An với khẩu hiệu “Không được động tới công nông Nghệ An”.

Do sự cận kề về mặt địa lý, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhất là ở Trung Kỳ, đã nhanh chóng tác động và ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Lào.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, do sự thôi thúc của phong trào đấu tranh ở Nghệ - Tĩnh, cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng và tổ chức đảng ở các địa phương Việt Nam, các chi bộ đảng và đoàn thể quần chúng ở Lào đã tiến hành một số cuộc đấu tranh với những hình thức từ công khai, hợp pháp đến bán công khai, bán hợp pháp. Tháng 12 năm 1930, công nhân bến tàu Viêng Chăn, công nhân mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu (tỉnh Khăm Muộn) đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và phản đối chủ mỏ sa thải công nhân. Cũng trong thời gian cuối năm 1930, chị em buôn bán nhỏ ở chợ Viêng Chăn tiến hành bãi thị, đòi giảm thuế và chống chính sách ngược đãi của nhà cầm quyền.

Đặc biệt, trước tình hình cao trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhất là ở Trung Kỳ, bị thực dân Pháp và tay sai dìm trong máu, mặc dù bị bộ máy cai trị hà khắc của Pháp kìm kẹp, mạng lưới mật vụ, cảnh sát, chỉ điểm ngày đêm lùng sục, bắt bớ, khủng bố, nhưng phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Lào vẫn liên tiếp nổ ra trong các tháng 4 và 5 năm 1931. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (ngày 1 tháng 5), công nhân Lào làm đường Lắc Xao đấu tranh, đình công, đòi tăng lương và ủng hộ phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh (Việt Nam). Các tổ chức cách mạng ở Viêng Chăn, ở các đô thị gần trục giao thông quốc lộ 13 ven sông Mê Công đã rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm hưởng ứng cuộc đấu tranh.

Với những hành động ngày càng mạnh mẽ, phong trào đấu tranh ở Việt Nam và Lào đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế, giành được sự ủng hộ to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trước sự trưởng thành của giai cấp công nhân, trước sức đấu tranh cách mạng của nhân dân Đông Dương, nhất là của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, Hội nghị Quốc tế Cộng sản tháng 4 năm 1931 ra Nghị quyết công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là “chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản” . Đây là điều kiện quan trọng để Quốc tế Cộng sản tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương cả trên phương diện xây dựng và thực hiện đường lối chiến lược, sách lược; xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức, các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhất là ở Pháp, diễn ra mạnh mẽ, phản đối chính sách khủng bố trắng của chính quyền thực dân đối với cách mạng Đông Dương. Đó là niềm cổ vũ lớn lao cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.

Hoảng sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Dương, nhất là phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh, thực dân Pháp và chính quyền thuộc địa Đông Dương đã câu kết với các thế lực phản động quốc tế và trong khu vực đàn áp cách mạng hai nước Việt Nam và Lào.

Trước sức khủng bố và đánh phá ác liệt của đối phương, phong trào cách mạng ở Việt Nam và Lào chịu nhiều tổn thất. Trong hai năm 1930 - 1931, toàn Đông Dương có tới hơn 15.000 chiến sĩ cách mạng bị tù đày . Trong thời gian sáu tháng cuối năm 1931 và cả năm 1932, trong các nhà tù ở Đông Dương có gần 16.000 tù chính trị . Trong ba năm 1931 - 1933, có tới 164 bản án tử hình, trong đó có 88 bản án đã được thi hành , những người bị kết án chủ yếu là các chiến sĩ yêu nước và cách mạng.

Hệ thống tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương bị phá vỡ. Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt vào tháng 4 năm 1931 ở Sài Gòn và hy sinh ngày 6 tháng 9 năm 1931. Ngày 1 tháng 6 năm 1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Công. Nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng bị bắt. Ban Trung ương Đảng không còn.

Tại Lào, ngày 19 tháng 4 năm 1931, các chi bộ đảng ở Xavẳnnakhệt, Pạc Xê, Thà Khẹc bị địch phát hiện. Hơn 10 đảng viên bị bắt. Một số đảng viên người Việt Nam hoạt động tại các đô thị ở Lào lần lượt bị địch bắt hoặc bị trục xuất về nước. Riêng chi bộ ở mỏ thiếc (Thà Khẹc) và ở Viêng Chăn không bị lộ, song mất liên lạc với Trung ương. Cũng như các địa phương ở Việt Nam, phong trào cách mạng ở Lào gặp rất nhiều khó khăn và tạm thời lắng xuống.

Cuối năm 1931, trong hoàn cảnh bị địch khủng bố, ba đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh là Lê Lộc (tức Hiền), Trần Xu (tức Thành), Bùi Khương (tức Liễu Hán, tức Khương) cùng một số đảng viên của Đảng bộ Hà Tĩnh, cán bộ của Xứ uỷ Trung Kỳ lánh sang Xiêm bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng của người Việt ở Xiêm và Đảng Cộng sản Xiêm để hoạt động. Tháng 2 năm 1932, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Xiêm, các đồng chí đã thành lập Ban Chấp uỷ Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau một thời gian ngắn, các đồng chí nhận thấy Ban Chấp uỷ Trung ương không thể tồn tại ở ngoài nước, nên đã tổ chức lại thành Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Xiêm. Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ đặt trụ sở tại Uđon (Xiêm).

Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ chủ trương đưa người từ trong xứ sang Xiêm huấn luyện rồi cử về xứ hoạt động; kết nạp những phần tử tiên tiến vào Đảng Cộng sản ; đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm giúp đỡ bắt liên lạc với Quốc tế Cộng sản.

Trong những năm 1932 - 1933, Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ thực hiện các công tác bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ và giúp đỡ người Việt Nam sang lánh nạn, liên tiếp cử nhiều cán bộ về nước chắp nối lại cơ sở, gây dựng lại phong trào. Dưới sự giúp đỡ của Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, nhiều lớp huấn luyện về tình hình, nhiệm vụ, về công tác xây dựng đảng, xây dựng đoàn thể quần chúng, về hình thức tổ chức và phương thức lãnh đạo đấu tranh được mở ở Nakhon Phạnôm, Noỏng Khai (Đông Bắc Xiêm) cho các đảng viên và quần chúng cốt cán ở Lào . Tại những lớp huấn luyện này, các đồng chí Lào được nghiên cứu “Luận cương chánh trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ các tổ chức quần chúng; các tài liệu: “Nhân loại tiến hoá sử”, “Nhật ký chìm tàu” (do Nguyễn Ái Quốc viết), “Cách mạng nhập môn”, “Gương Nga”. Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ còn sáng tác các bài hát cách mạng theo lối Ả đào, Xẩm xoan, Sa mạc... để phổ biến trong Việt kiều ở Lào; tiến hành rải truyền đơn, treo cờ ở Lào; đặt các nhân mối ở Lào để giúp đỡ những người hoạt động cách mạng ở Việt Nam mới sang và chọn lọc đưa họ sang Xiêm huấn luyện . Đầu năm 1934, qua Ban Trung ương Chấp uỷ Đảng Cộng sản Xiêm, Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ bắt liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương. Hoạt động của Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ góp phần khôi phục tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và ở Lào.

Bên cạnh Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, Xứ uỷ Nam Kỳ sau khi được lập lại cũng rất quan tâm đến công tác gây dựng tổ chức đảng và phát triển phong trào cách mạng Lào. Trong Thông cáo cho các đồng chí, ngày 4 tháng 7 năm 1933, Xứ uỷ Nam Kỳ nêu rõ: “ảnh hưởng của Đảng đã đâm sâu lan rộng tới Cao Miên và Ai Lao” . Tháng 8 năm 1933, Xứ uỷ Nam Kỳ mở hội nghị bàn về công tác phát triển phong trào cách mạng trong xứ. Trước tình hình Trung ương Đảng chưa được lập lại, Xứ uỷ Nam Kỳ chủ trương: “Xứ uỷ phải tìm mối liên lạc với Cao Miên, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Ai Lao đặng hợp nhất các xứ bộ, tổ chức (lại) Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Được sự giúp đỡ của Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, đến năm 1933, ở Lào có một số đảng viên người Việt hoạt động3; phong trào đấu tranh cách mạng ở Lào đã dần dần được nhen nhóm và phát triển.

Năm 1933, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên, chị em buôn bán nhỏ ở chợ Viêng Chăn bãi thị đòi giảm thuế và phản đối sự ngược đãi của nhà chức trách đối với những người buôn bán nhỏ ở chợ. Tháng 11 năm 1933, Chi bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Viêng Chăn lãnh đạo 50 học sinh lớp nhất đến văn phòng đốc học người Pháp đấu tranh phản đối việc nhà trường đuổi một số học sinh. Kết quả viên đốc học phải nhận lại số học sinh trên.

Bước vào năm 1934, phong trào đấu tranh của nhân dân Lào có bước phát triển mới. Đầu năm 1934, công nhân mỏ Phôn Tịu tiến hành ba cuộc bãi công. Ngày 2 tháng 5 năm 1934, 60 công nhân (đại đa số là người Lào) của Trường Kỹ nghệ thực hành Viêng Chăn tiến hành bãi công, tuần hành bằng xe đạp chống giảm tiền công. Tuy không đạt được kết quả, song cuộc đấu tranh đã gây tiếng vang lớn ở Viêng Chăn . Ngày 22 tháng 6 năm 1934, 40 người làm nghề kéo xe bò tiến hành bãi công đòi tăng tiền lương thắng lợi. Các cuộc đấu tranh của công nhân Xưởng dệt Kapphạ ở Viêng Chăn, công nhân làm đường 13, đường 9, công nhân vận tải thuỷ chống sa thải thợ, chống cúp lương nổ ra liên tiếp. Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3 năm 1935) viết: “Vô sản kỹ nghệ Lào (...) đã biết nhiều phen bãi công bênh vực quyền lợi thiết thực hằng ngày của mình”.
 
Tiếp nối các cuộc đấu tranh trong năm 1933, ngày 3 tháng 6 năm 1934, các thương nhân ở Viêng Chăn tổ chức bãi thị chống tăng thuế thành công.

Bên cạnh các cuộc đấu tranh của công nhân, tiểu thương, năm 1934, nông dân trong nhiều tỉnh của Lào đã tiến hành đấu tranh chống sưu; đòi chính quyền thuộc địa ở Lào thu thuế bằng đồng bạc cũ và đồng bạc mới. Điều đặc biệt là, tuy còn nhiều hạn chế, như chưa lôi kéo được đông đảo nông dân, nhất là thanh niên, phụ nữ tham gia..., song các cuộc đấu tranh của nông dân Lào trên thực tế đã “đồng liên hợp với nông dân Việt Nam chống kẻ thù chung, cố trừ diệt lòng ác cảm của đế quốc” ; đồng thời, góp phần thúc đẩy các tổ chức đảng trong xứ đẩy mạnh công tác vận động nông dân.

 Nhận xét về phong trào đấu tranh ở Lào, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 20 tháng 12 năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài viết: “Các đồng chí ở Ai Lao tính chiến đấu cao”, “Đảng đã biết lôi cuốn những người Lào (...) vào phong trào” . Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra tại Ma Cao từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 1935 cũng nhận xét: “Trong khoảng hai năm sau này [1933-1934 - BBS] công nhân vận động phát triển ở Lào (bãi công thợ mỏ trường bách công, culi xe bò) (...) các cuộc tranh đấu của công nhân ở Lào, Bắc Kỳ do Đảng Cộng sản tổ chức và chỉ huy (...) nhiều nơi đem các nguyên nhân thắng lợi và thất bại giảng giải cho quần chúng hiểu (Lào, Bắc Kỳ). Cao trào cách mạng mới đã lan khắp các miền hậu tiến (Lào, Cao Miên, thượng du Bắc Kỳ, các địa phương Thượng), các lớp hậu tiến và quần chúng lao động trong các miền dân tộc thiểu số chẳng phải chỉ vào hàng ngũ cách mạng mà thôi mà lại còn tham gia trong công tác chỉ đạo trong công cuộc tranh đấu (Lào, Bắc Kỳ)”.

Trong khi các đảng viên cộng sản, các tổ chức đảng ở Việt Nam và Lào chủ động liên hệ giúp nhau khôi phục tổ chức và các phong trào cách mạng, Quốc tế Cộng sản rất quan tâm đến việc phục hồi cách mạng Đông Dương.

Từ sau khi ra nghị quyết công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là “chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản” (tháng 4 năm 1931)4, Quốc tế Cộng sản tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương cả trên phương diện xây dựng và thực hiện đường lối chiến lược, sách lược. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương bị đánh phá ác liệt, Trung ương Đảng không còn, Quốc tế Cộng sản tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương khôi phục và phát triển phong trào cách mạng, hệ thống tổ chức, các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Ngày 5 tháng 6 năm 1931, Ban Chấp hành Quốc tế Công hội đỏ ban hành tài liệu “Những nhiệm vụ của cuộc Công hội cách mệnh ở Đông Dương”, trong đó kêu gọi những người cộng sản Đông Dương tranh đấu lập “mặt trận thống nhất của thợ thuyền các dân tộc (...) giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho những người thợ Trung Hoa, Lào, Cao Miên, v.v., tham dự trong cuộc tranh đấu” . Tiếp đó, ngày 27 tháng 6 năm 1931, Ban Bí thư Chính trị Quốc tế Cộng sản gửi thư cho Đảng Cộng sản Đông Dương, chỉ thị: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của thời cục là mở rộng phong trào cách mạng ra tất cả mọi miền - Cao Miên, Lào”.
 
Để khôi phục hệ thống tổ chức đảng, các cơ quan lãnh đạo và phong trào cách mạng Đông Dương, Quốc tế Cộng sản tổ chức cho những sinh viên tốt nghiệp Đại học phương Đông lần lượt trở về xứ hoạt động, gây dựng lại tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Từ năm 1932 đến 1935, Quốc tế Cộng sản đã cử về Đông Dương 35 học viên tốt nghiệp các trường đào tạo tại Liên Xô.
 
Tháng 11 năm 1931, Lê Hồng Phong và Trần Đình Long nhận nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản trở về Đông Dương tham gia Ban Chấp uỷ Trung ương Đảng . Đầu năm 1932, sau khi biết Ban Chấp uỷ Trung ương không còn, đồng chí Lê Hồng Phong từ Pháp đến Trung Quốc chắp nối liên lạc với các nơi trong xứ, chuẩn bị điều kiện tái lập Ban Chấp uỷ Trung ương Đảng. Từ tháng 4 năm 1932, tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong bắt liên lạc với các nơi trong xứ; bắt liên lạc với các đồng chí hoạt động ở Xiêm để tìm hiểu tình hình Ai Lao và Trung Kỳ. Năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong biên soạn tài liệu “Tình hình và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương”, trong đó nêu rõ Đảng phải có trách nhiệm tuyên truyền, cổ động đấu tranh chống đế quốc Pháp “đem lính chỗ này sang chỗ nọ hoặc Lào và Cao Miên sang Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và ngược lại”  để đàn áp phong trào cách mạng. Cũng trong năm 1932, những người cộng sản Đông Dương ban hành tài liệu “Đảng Cộng sản Đông Dương và những yêu sách chung cho các giai cấp và dân tộc ở Đông Dương”, trong đó chỉ rõ giai cấp vô sản Đông Dương phải “tìm kiếm bạn đồng minh” trong các dân tộc ở Đông Dương, trong đó có dân tộc Lào; thành lập “mặt trận thống nhất của mọi dân tộc Đông Dương” nhằm lật đổ chủ nghĩa đế quốc và tất cả bọn phong kiến, giải phóng hoàn toàn các dân tộc, bảo đảm cho họ một sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá, thực hiện “Bình đẳng tuyệt đối giữa tất cả các dân tộc Đông Dương”. Năm 1933, những người cộng sản Đông Dương ban hành tài liệu “Những nhiệm vụ hiện nay của Đảng Cộng sản Đông Dương” đề ra những nhiệm vụ xây dựng lại bộ máy tổ chức đảng và tổ chức quần chúng. Tài liệu có đoạn viết: “Ở Cao Miên và ở Ai Lao, phải làm cho những người dân bản xứ tham gia vào bộ máy của Đảng. Công tác chuẩn bị các cán bộ bản xứ phải thu hút được sự chú ý của tất cả những người cộng sản của các xứ đó” .

Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập vào tháng 3 năm 1934 để tiến hành các công tác của Đảng. Ban Chỉ huy ở ngoài gồm ba người, do đồng chí Lê Hồng Phong làm bí thư.

Sau khi thành lập, Ban Chỉ huy ở ngoài rất quan tâm lãnh đạo phong trào cách mạng ở Lào. Ban Chỉ huy ở ngoài xuất bản tạp chí Bônsơvích rồi gửi tới Xiêm để nhân bản gửi sang Lào, mỗi số khoảng 50 bản2; tiến hành bắt liên lạc với Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ.
Ngày 1 tháng 5 năm 1934, sau khi bắt được liên lạc với Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, Ban Chỉ huy ở ngoài đã chỉ thị cho đầu mối này giúp đỡ khôi phục phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và Ai Lao, trong đó có việc xúc tiến thành lập Xứ bộ Ai Lao của Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập Xứ uỷ lâm thời Ai Lao.

Từ ngày 16 đến 21 tháng 6 năm 1934, tại Ma Cao, Ban Chỉ huy ở ngoài và đại diện của Ban Chấp uỷ Xiêm3 tiến hành hội nghị để kiểm điểm việc thực hiện Chương trình hành động của Đảng ở trong xứ. Hội nghị nhận định rằng cùng với các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, các cuộc đình công của công nhân Lào ở Viêng Chăn, Bò Nèng,...; các cuộc bãi khoá của học sinh Lào ở Viêng Chăn; các cuộc bãi thị ở Viêng Chăn, đã góp phần làm cho cuộc đấu tranh cách mạng ở Đông Dương “tiếp diễn và được mở rộng (...) Ảnh hưởng và tổ chức đảng đang lan rộng đến Ai Lao”.

Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế của phong trào đấu tranh ở Lào, như: ở Viêng Chăn cuộc đấu tranh không được tổ chức; trong cuộc bãi khoá của học sinh ở Viêng Chăn tổ chức đảng không lôi kéo được người Lào tham gia.

Hội nghị ra Nghị quyết nêu rõ: “Trong trường hợp Trung ương Đảng bị vỡ và mất liên lạc và để tránh mất sự lãnh đạo thường xuyên, các Xứ uỷ Đảng (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Cao Miên) phải liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài. Trong trường hợp Trung ương bị vỡ, Ban Chỉ huy ở ngoài có thể thay thế Trung ương lãnh đạo trực tiếp tất cả các tổ chức đảng trong nước”3. Do trên thực tế Ban Chấp uỷ Trung ương chưa được lập lại nên Ban Chỉ huy ở ngoài “đóng vai trò Ban Trung ương Chấp uỷ lâm thời và tập hợp dưới sự lãnh đạo của mình tất cả các tổ chức của Đảng ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên và Ai Lao”.

 Hội nghị quyết định đến tháng 1 năm 1935 phải thành lập xong tất cả các xứ uỷ và các xứ uỷ sẽ cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng vào mùa Xuân 1935; sau khi thành lập Xứ uỷ Trung Kỳ và Xứ uỷ Ai Lao sẽ giải tán Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ thuộc Đảng Cộng sản Xiêm, lập một cơ quan liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản Xiêm. Ban Chỉ huy ở ngoài đã thông qua đại diện của Ban Chấp uỷ Xiêm giao cho Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ nhiệm vụ khôi phục tổ chức đảng ở Bắc Trung Kỳ, lập Xứ uỷ Ai Lao; gửi cho đầu mối này một số tài liệu: tạp chí Bônsơvích, mẫu truyền đơn kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh (ngày 12 tháng 9)...

Sau khi chắp nối được liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài qua Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, cơ sở đảng ở Lào có bước phát triển mới. Đến giữa năm 1934, ở Lào có 16 đảng viên (7 đồng chí là thợ mỏ, 6 đồng chí ở Viêng Chăn, 3 đồng chí ở Xavẳnnakhệt), 3 đoàn viên Thanh niên cộng sản Đoàn; có một chi bộ Thanh niên cộng sản Đoàn; 109 đoàn viên công hội, có các công hội thợ mỏ, thợ mộc, phu xe . Bên cạnh các đảng viên là người Việt sinh sống ở Lào, các đồng chí người Lào xuất thân từ thành phần công nhân, tổ chức đảng ở Lào kết nạp nhiều đảng viên xuất thân từ thành phần học sinh, công chức cấp thấp... như các đồng chí Xávắt Phỉu Khảo (Xú lin), Thít Phủi Bănchông, Khăm Xẻng, Phănđi... .

Trên cơ sở sự phát triển của tổ chức đảng ở Lào, thực hiện chủ trương của Ban Chỉ huy ở ngoài, từ ngày 6 đến 9 tháng 9 năm 1934, đại biểu của các chi bộ, cơ sở đảng Viêng Chăn, Bò Nèng, Phôn Tịu, Thà Khẹc, Xalavăn, Pạc Xê đã họp Đại hội tại cù lao Xiêng Xụ giữa sông Mê Công, trước làng Xỉ Khây thuộc tỉnh Viêng Chăn, đề ra chủ trương lãnh đạo phong trào cách mạng trong xứ, thành lập Xứ Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào. Tham dự Đại hội có đồng chí Tiến Già (Lê Mạnh Trinh), đồng chí Phây (Nguyễn Chính Giao) là đại biểu Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ.

Đại hội thảo luận và quyết định:

- Kiện toàn, mở rộng các tổ chức đảng, đoàn thanh niên cộng sản và các tổ chức quần chúng.
- Đẩy mạnh hoạt động bằng các hình thức có tính chất quần chúng.
- Tích cực vận động quần chúng người Lào .

Đại hội thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) gồm bảy uỷ viên. Ban Thường vụ gồm có ba uỷ viên.
Đại hội quyết định thành lập các tỉnh uỷ ở Pạc Xê, Xavẳnnakhệt và củng cố lại Thành uỷ Viêng Chăn; chỉ định một Ban Chấp hành lâm thời Thanh niên cộng sản Đoàn Ai Lao gồm ba đồng chí. Các đồng chí đã tuyên truyền vận động nhiều thanh niên Lào, thanh niên Việt kiều gia nhập các tổ chức cách mạng ở Viêng Chăn, ở vùng mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu.

Đại hội còn quyết định củng cố các công hội và Hội phản đế liên minh và tổ chức các ngày kỷ niệm lớn bằng cách rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm khắp nơi trên đất nước Lào như ngày Quốc tế Lao động (ngày 1 tháng 5), ngày kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh.

Xứ uỷ Ai Lao xuất bản tờ báo Gương chung làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Lào, mỗi kỳ ra 100 số. Địa điểm ấn loát báo đặt tại cơ quan đóng ở cây số 5 trên đường đi Xỉ Khây; đây đồng thời là cơ sở làm kinh tế và là nơi liên lạc của Xứ uỷ . Báo Gương chung được chuyển từ Viêng Chăn đến Pạc Xê, Xavẳnnakhệt, Thà Khẹc bằng đường giao thông thuỷ dọc sông Mê Công và đã có tác dụng rất lớn trong phong trào cách mạng ở Lào lúc bấy giờ. Ngoài ra, Xứ uỷ còn sử dụng các tài liệu để tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, như cuốn “Đường cách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát hành năm 1927, “Duy vật sử quan sơ học” do Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm ấn hành .

Ngay sau khi ra đời, thực hiện chủ trương đã đề ra tại Đại hội tháng 9 năm 1934, Xứ uỷ lâm thời Ai Lao họp bàn chủ trương phối hợp với tổ chức đảng ở Trung Kỳ, Đảng Cộng sản Xiêm phát động một đợt đấu tranh kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh (ngày 12 tháng 9), đòi quyền tự do dân chủ. Xứ uỷ quyết định tổ chức kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh thật rầm rộ, với các hình thức tổ chức mít tinh ở Viêng Chăn, ở vùng mỏ, ở Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt; treo cờ, rải truyền đơn dọc theo sông Mê Công, v.v.. Các đồng chí trong Xứ uỷ được phân công về các địa phương tổ chức và lãnh đạo phong trào.

 Thực hiện chủ trương của Xứ uỷ, ngày 12 tháng 9 năm 1934, các chi bộ cộng sản Viêng Chăn, khu mỏ Hỉn Bun (Thà Khẹc Xavẳnnakhệt, Pạc Xê... đã lãnh đạo quần chúng treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn để kỷ niệm bốn năm ngày Xôviết Nghệ - Tĩnh. Tại Viêng Chăn, chị em tiểu thương chợ Viêng Chăn tiến hành bãi thị với các khẩu hiệu đòi giảm thuế, không được vứt quang gánh. Trước sức đấu tranh của chị em, bọn thống trị phải chấp nhận yêu sách. Sau cuộc đấu tranh này, 30 công nhân làm nghề xe bò tổ chức bãi công đòi tăng lương, trả lương sòng phẳng, chống quỵt tiền công. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, cuộc bãi công đã giành thắng lợi. Thắng lợi của hai cuộc đấu tranh trên đã cổ vũ học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành tiến hành bãi khoá. Dưới sự tổ chức của Xứ uỷ Thanh niên cộng sản Đoàn đang học tại đây, học sinh đã đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc đấu tranh tuy bị thất bại, một số học sinh bị đuổi học, song đã góp phần tạo nên không khí đấu tranh sôi động ở Viêng Chăn trong ngày kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh.

 Trong các hoạt động kỷ niệm, lực lượng Thanh niên cộng sản Đoàn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt. Lực lượng tham gia đấu tranh phần lớn là anh chị em Việt kiều làm trong các công sở, một vài nơi đã có một số đồng chí Lào tham gia. Đợt đấu tranh này là một hoạt động phối hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (Việt Nam).

 Cùng với các hoạt động trên đây, các tổ chức quần chúng cách mạng: phụ nữ, công hội đỏ, cứu tế đỏ, hội bồi bếp, hội xe bò, hội thợ may, hội học sinh, v.v. được tổ chức và phát triển ở nhiều nơi, nhất là ở Viêng Chăn. Các chi bộ Thanh niên cộng sản Đoàn phát triển ở Trường Kỹ nghệ thực hành, trường tiểu học và tại các phố. Các đoàn thể, như Công hội, Hội phản đế đồng minh được củng cố, thu hút nhiều người Lào yêu nước và tiến bộ.

Phát hiện thấy sự phát triển của phong trào cách mạng, chính quyền thuộc địa tiến hành khủng bố, gây cho Đảng bộ Lào nhiều tổn thất.
Xứ uỷ được thành lập hoạt động không đầy một tháng thì hầu hết xứ uỷ viên đều bị bắt, chỉ còn lại một đồng chí. Nhiều đảng viên và quần chúng người Việt tham gia các hoạt động trong đợt đấu tranh ngày 12 tháng 9 năm 1934 bị bắt và trục xuất về nước. Tuy nhiên, các chi bộ đảng ở Viêng Chăn, Pạc Xê, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt không bị lộ.

Theo chỉ thị của Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, tháng 10 năm 1934, đồng chí xứ uỷ viên còn lại và các đảng viên cốt cán của Đảng bộ Lào họp ở Uđon (Xiêm), có đồng chí Lê Mạnh Trinh đại diện cho Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ dự, để kiểm điểm lại tình hình và tổ chức lại Xứ uỷ. Hội nghị cho rằng tuy bị khủng bố nhưng đợt đấu tranh kỷ niệm Xôviết Nghệ - Tĩnh đã thể hiện rõ sự tiến bộ đáng kể trong công tác tuyên truyền vận động của các tổ chức cơ sở đảng. Hội nghị đã bổ sung và củng cố Xứ uỷ. Đồng chí Phan Đình Hy (tức Quế) được cử làm bí thư. Xứ uỷ phân công các xứ uỷ viên phụ trách công vận, binh vận, báo chí.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2021, 04:50:51 pm »

Sau khi Xứ uỷ được củng cố, phong trào cách mạng được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền dân chủ phát triển rộng rãi ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt. Để đảm bảo an toàn, cơ quan báo Gương chung của Xứ uỷ chuyển sang Xiêm. Ngoài tờ báo Gương chung của Xứ uỷ, Đảng bộ Lào chỉ đạo xuất bản thêm tờ Bạn trẻ  của Thanh niên cộng sản Đoàn, phát hành chủ yếu ở Viêng Chăn, tờ Trẻ Lênin phát hành ở Xavẳnnakhệt; tờ Bạn thợ của công nhân; tờ Học sinh của Hội Học sinh để tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân lao động đứng lên làm cách mạng tự giải phóng. Các báo và truyền đơn đều in hai mặt, một mặt bằng tiếng Lào, mặt còn lại bằng tiếng Việt.

Công tác xây dựng tổ chức đảng ở Ai Lao được đẩy mạnh. Đến cuối năm 1934, ở Lào có bốn chi bộ ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹc và Phôn Tịu với 18 đảng viên . Theo báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong gửi Quốc tế Cộng sản ngày 15 tháng 1 năm 1935, thời điểm này ở Lào có 16 đảng viên (7 đồng chí là thợ mỏ, 6 đồng chí ở Viêng Chăn, 3 đồng chí ở Xavẳnnakhệt), 3 đoàn viên Thanh niên cộng sản Đoàn. Tính đến ngày 15 tháng 2 năm 1935, Đảng bộ Lào có 32 đảng viên, trong đó có 28 đồng chí thuộc thành phần công nhân. Đảng bộ đã tổ chức được Thị uỷ Viêng Chăn (5 chi bộ), 2 Tỉnh uỷ Xavẳnnakhệt và Thà Khẹc; các chi bộ đảng ở các mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu, Thà Khẹc .

Các tổ chức quần chúng cũng có bước phát triển. Đoàn Thanh niên cộng sản phát triển từ 15 đồng chí cuối năm 1934  lên 25 đồng chí tính đến ngày 15 tháng 2 năm 19353. Ban Chấp hành lâm thời Thanh niên cộng sản Đoàn Ai Lao và các chi bộ trực thuộc được tổ chức lại. Tổ chức Thanh niên cộng sản giữ vai trò chỉ huy các cuộc đấu tranh của thanh niên lao động tại Lào trong những năm 1934 - 19354.

Liên đoàn Công hội đỏ xứ Ai Lao được thành lập với hệ thống ngang và dọc thống nhất đến cấp xứ. Tuy số lượng hội viên Công hội đỏ giảm từ 60 hội viên vào cuối năm 19345 xuống còn 55 hội viên tính đến ngày 15 tháng 2 năm 19356, song, so với toàn xứ Đông Dương thì Ai Lao vẫn là xứ có hệ thống tổ chức của Công hội đỏ phát triển nhất. Tại Viêng Chăn, các hội viên Công hội đỏ đã thâm nhập vào các hội ái hữu để hoạt động. Nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I ghi rõ: “Ở Lào công hội vận động có phát triển”, “chỉ có đảng bộ Ai Lao biết chỉ đạo Công hội đỏ, lập ra tờ báo Bạn thợ riêng cho công hội” .

Ngoài ra, các tổ chức nhân dân khác cũng phát triển rất nhanh. Phân bộ Liên minh phản đế ở Lào hoạt động rất mạnh, thu hút được nhiều quần chúng Lào hăng hái tham gia. Cuối năm 1934, Phân bộ Liên minh phản đế Ai Lao có 12 người (ở Viêng Chăn) , đến ngày 15 tháng 2 năm 1935 tăng lên 69 người3. Phân bộ ra báo riêng làm cơ quan tuyên truyền, phối hợp cùng các chi bộ đảng và các đoàn thể quần chúng khác tổ chức những cuộc vận động chống khủng bố trắng ở Đông Dương, ở Việt Nam, bênh vực phong trào cách mạng Xiêm.

Vào cuối năm 1934, Hội Cứu tế đỏ Ai Lao có 29 hội viên. Cùng với Hội Cứu tế đỏ ở Nam Kỳ, Hội Cứu tế đỏ Ai Lao là một trong hai hội “có thế lực” khá hơn cả so với các nơi khác ở Đông Dương4. Hội đã góp phần đấu tranh đòi thả tù chính trị ở Đông Dương, trong đó có các tù chính trị ở nhà đày Lao Bảo, Khám lớn Sài Gòn, nhà tù Côn Đảo..., giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng thoát khỏi nhà tù đế quốc trở về tham gia phong trào cách mạng.
 
Hội Thể thao Ai Lao cũng tăng từ 12 người lên 18 người tính đến ngày 15 tháng 2 năm 1935. Bên cạnh đó, đến đầu năm 1935, ở Lào còn có các hội phụ nữ (5 hội viên), sinh viên (20 người), binh sĩ (9 người).

Do chính quyền thuộc địa kiểm soát rất gắt gao, đề phòng bị khủng bố nên Đảng bộ Lào chủ trương “bí mật lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh của quần chúng (Lào)” . Trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương , các chi bộ đảng ở Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Thà Khẹc tiến hành nhiều hoạt động treo cờ Đảng, rải truyền đơn, treo khẩu hiệu... tuyên truyền về Đảng. Ngày 9 tháng 1 năm 1935, truyền đơn viết bằng chữ Việt và chữ Lào cùng nhiều khẩu hiệu cách mạng xuất hiện ở Trường Trung học Pavie, sân bóng đá và tại một số ngôi chùa ở Viêng Chăn. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn, một thanh niên cộng sản bị bắt.

Trước tình hình đó, Xứ uỷ Ai Lao họp tại Thà Boốc (Xiêm) quyết định tổ chức cuộc mít tinh tại chùa Cấm (Viêng Chăn) vào ngày mùng 2 Tết âm lịch Ất Mùi của người Việt, tức ngày 5 tháng 2 năm 1935, để phản đối sự khủng bố phong trào cách mạng của nhà cầm quyền thực dân Pháp, hô hào chống âm mưu địch gây thù hằn và kỳ thị giữa người Việt và người Lào. Đồng chí Phạm Văn Xô được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc mít tinh. Lực lượng tham gia tổ chức cuộc mít tinh có các đoàn thể Công hội đỏ ở Viêng Chăn, Hội Phản đế liên minh và Đoàn Thanh niên cộng sản đóng vai trò nòng cốt. Đúng thời gian đã định, nhân lúc bà con người Việt đi lễ, cuộc mít tinh diễn ra với khoảng 400 người tham dự, trong đó có một số người Lào. Cuộc mít tinh sau đó trở thành cuộc biểu tình qua các phố rồi kéo đến đập phá nhà tên mật thám, yêu cầu trả tự do cho người bị bắt.

Sau cuộc đấu tranh này, thực dân Pháp tiến hành khủng bố, nhiều đảng viên cộng sản bị bắt.

Từ giữa tháng 12 năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài tiến hành triệu tập đại biểu các xứ tham dự Đại hội. Ban Chỉ huy ở ngoài gửi thư nhờ Đảng Cộng sản Xiêm qua Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ thông báo đến tổ chức đảng ở Lào và ở Bắc Trung Kỳ, yêu cầu cử đại biểu tham dự Đại hội.

Nhận được chỉ thị của Ban Chỉ huy ở ngoài, từ ngày 21 đến 25 tháng 2 năm 1935, Xứ uỷ Ai Lao tiến hành hội nghị ở Uđon (Xiêm) bổ sung xứ uỷ viên , bàn các nhiệm vụ củng cố tổ chức đảng cấp dưới và thúc đẩy liên lạc giữa Xứ uỷ với các cấp; tổ chức Công hội đỏ toàn thành phố Viêng Chăn và triệu tập hội nghị bàn vấn đề phát triển hội viên mới, bầu Ban Chấp hành Liên hiệp Công hội đỏ Viêng Chăn; cử hai đồng chí Phan Đình Hy - Bí thư Xứ ủy và Phạm Văn Xô đại diện cho Đảng bộ Lào đi dự Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma Cao. Sau đó, do yêu cầu chỉ đạo công tác nên đồng chí Phan Đình Hy ở lại, không đi dự Đại hội Đảng như đã định.

Trong hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ trong vòng sáu tháng từ khi Xứ bộ Ai Lao được thành lập, Xứ uỷ Ai Lao bị khủng bố, bị vỡ phải lập đi lập lại ba lần, song các đảng viên cộng sản ở Lào vẫn hoạt động, tích cực lãnh đạo phong trào trong xứ, đồng thời làm tốt nhiệm vụ do Ban Chỉ huy ở ngoài giao phó trong việc chuẩn bị Đại hội lần thứ I của Đảng. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ I của Đảng đã được các chi bộ đảng ở Lào nghiên cứu. Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 31 tháng 3 năm 1935, Ban Chỉ huy ở ngoài đề nghị biểu dương những người cộng sản hoạt động ở Lào. Ban Chỉ huy ở ngoài viết: “Về chuẩn bị Đại hội của Đảng (...) Ở Lào, công việc này khá tốt, do nói chung các đồng chí ở Lào đã thực hiện các công việc do Ban Chỉ huy ở ngoài đề ra (...) Cần biểu dương tổ chức ở Lào, vì trong sáu tháng, khủng bố trắng đã làm đảo lộn gần toàn bộ xứ uỷ ba lần, nhưng xứ uỷ vẫn được khôi phục” .

Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 1935, tại một địa điểm ở phố Quan Công (Ma Cao, Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 13 đại biểu; đại biểu của Đảng bộ Lào là Phạm Văn Xô - Uỷ viên Xứ uỷ Ai Lao. Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện do Ban Chỉ huy ở ngoài soạn thảo, như Báo cáo chính trị, báo cáo về công tác đã qua của Ban Chỉ huy ở ngoài; về nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài và các quan hệ của Ban với Ban Trung ương Đảng; về Điều lệ của Đảng.

Đại hội nhận định, cùng với Nam Kỳ, phong trào công nhân ở Lào là một trong hai khu vực có phong trào mạnh nhất Đông Dương với những cuộc đấu tranh “đặc sắc” của thợ mỏ, culi xe bò, của công nhân bồi bếp... đã lôi kéo được cả người dân tộc thiểu số và người ngoại quốc tham gia. Nghị quyết Đại hội viết: “Một điều đặc sắc là đại đa số cuộc bãi công, biểu tình do Đảng ta chỉ đạo trong khoảng hai năm nay (như ở Lào, Bắc Kỳ và nhiều chỗ ở Nam Kỳ) đều được thắng lợi hoặc hoàn toàn, hoặc từng phần, khiến cho quần chúng thêm hăng hái tranh đấu”.

 Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tình hình khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào quần chúng qua gần năm năm đấu tranh, Đại hội đã xác định toàn Đảng phải tập trung thực hiện ba nhiệm vụ chính: Một là, củng cố và phát triển Đảng; Hai là, thâu phục quảng đại quần chúng lao động; Ba là, chống chiến tranh đế quốc.

Đại hội ra nhiều nghị quyết về Công nhân vận động, Nông dân vận động, Phụ nữ vận động, Thanh niên vận động, Cứu tế đỏ Đông Dương vận động, về Công tác trong các dân tộc thiểu số, về Công tác Phản đế liên minh, về Vận động binh lính, về Đội tự vệ..., trong đó chỉ rõ những nhiệm vụ của Đảng đối với phong trào cách mạng ở Lào cũng như mối liên kết giữa phong trào đấu tranh ở Lào và phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nghị quyết Đại hội ghi rõ “Đảng cần phải phát triển và củng cố Công hội đỏ đã có”  ở Lào.

Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên hợp mật thiết các dân tộc Đông Dương để chống kẻ thù chung trên cơ sở lấy nguyên tắc chân thật, tự do và bình đẳng cách mạng làm căn bản. Đại hội nhấn mạnh khẩu hiệu “Cho các dân tộc được quyền tự quyết” đã được nêu trong chương trình hành động của Đảng năm 1932. Nghị quyết viết: “Đảng Cộng sản thừa nhận cho các dân tộc được quyền tự do hoàn toàn (...) Sau khi đánh đổ được ách đế quốc Pháp ra khỏi xứ Đông Dương rồi, các dân tộc có quyền tự quyết, nghĩa là tuỳ theo ý chí của họ, họ muốn theo Liên bang Cộng hoà Xôviết Đông Dương, hoặc muốn lập ra nhà nước độc lập, muốn theo chính thể nào cũng được, chính phủ Xôviết công nông binh Đông Dương quyết không can thiệp và ngăn trở”2. Trên cơ sở đó, Đại hội chủ trương phải kiên quyết đưa các phần tử tích cực người Lào vào chiếm đa số trong các cơ quan chỉ đạo của Đảng, của các đoàn thể cách mạng ở Lào; Xứ uỷ Ai Lao phải sử dụng đủ phương pháp xuất bản báo chương, truyền đơn và các tài liệu bằng chữ dân tộc; kịch liệt đấu tranh chống áp bức, bóc lột; củng cố tình cảm và sợi dây liên lạc với nhân dân lao động Việt Nam; chống địa phương chủ nghĩa đồng thời chống xu hướng vị chủng, chủ nghĩa sôvanh của các cán bộ người Việt Nam đối với người lao động Lào.

Đại hội bầu Ban Trung ương Chấp uỷ gồm 13 đồng chí, trong đó, Đảng bộ Ai Lao vinh dự có hai đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành là đồng chí Phan Đình Hy (tức Quế) và đồng chí Phạm Văn Xô.

Sau Đại hội Đảng, các văn kiện Đại hội được phân phát tới Lào  và thổi vào phong trào cách mạng Lào một sinh khí đấu tranh mới.

Ngày 1 tháng 5 năm 1935, bất chấp lệnh giới nghiêm của Toàn quyền Đông Dương cùng việc chính quyền thuộc địa tăng cường các biện pháp trấn áp, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, công nhân mỏ người Lào và người Việt Nam tiến hành bãi công . Học sinh người Việt và người Lào ở Trường Kỹ nghệ thực hành Viêng Chăn tiến hành một cuộc bãi công lớn trong vòng một tuần lễ. Năm công nhân người Việt bị đuổi về nước và 30 công nhân Lào bị sa thải. Nhiều nơi ở Lào rải truyền đơn và treo cờ đỏ búa liềm . Trong tháng 5 năm 1935, Xứ uỷ Ai Lao lãnh đạo các cuộc biểu tình kéo dài ba tuần lễ nổ ra ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Phôn Tịu. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1936, Ban Chỉ huy ở ngoài viết: “Mặc dầu có nạn khủng bố, Đảng đã có thể tổ chức hai cuộc đình công chính trị ở Lào trong ba tuần lễ vào dịp 1-5-1935” .

Chính quyền thuộc địa tiến hành khủng bố phong trào cách mạng Ai Lao. Tháng 5 năm 1935, đồng chí Phan Đình Hy, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Ai Lao cùng ba xứ uỷ viên bị bắt. Ngày 6 tháng 6 năm 1935, đồng chí Phạm Văn Xô vừa dự Đại hội Đảng về đến bản Noỏng Bua (tỉnh Uđon - Xiêm) thì bị bắt. Tuy nhiên, các chi bộ đảng và tổ chức quần chúng vẫn tồn tại.

Giữa năm 1935, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương viết thư cho Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ, chỉ rõ: Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, sau Đại hội Ma Cao đã có Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo phong trào cách mạng nên những người trong Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ sẽ trở thành thông tin viên của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ở nước ngoài. Thực hiện chỉ thị trên đây, Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ giải thể vào tháng 6 năm 1935. Từ đây, Đảng bộ Lào nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng.

Để tăng cường sự lãnh đạo phong trào cách mạng Lào, tháng 7 năm 1935, Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Trung ương phân công một đồng chí tới Lào, song đồng chí này bị bắt tại Xiêm tháng 8 năm 1935.

Từ tháng 9 năm 1935, do điều kiện khó khăn, nhiều uỷ viên Trung ương lần lượt sa lưới mật thám, Ban Trung ương Đảng không còn nên phong trào cách mạng ở Lào đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy ở ngoài. Do Xứ uỷ Ai Lao bị vỡ nên Ban Chỉ huy ở ngoài gấp rút chỉ đạo tái lập Xứ uỷ để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Xiêm, Xứ uỷ Ai Lao được tái lập vào tháng 9 năm 1935 , gồm ba uỷ viên. Xứ uỷ lãnh đạo hai Tỉnh uỷ Viêng Chăn và Xavẳnnakhệt; các tổ chức đảng ở Bò Nèng, Phôn Tịu, Thà Khẹc, Pạc Xê, Xiêng Khoảng2. Tháng 11 năm 1935, Xứ uỷ Ai Lao tổ chức hội nghị tại Na Kè thuộc huyện Phạnôm tỉnh Nakhon Phạnôm (Xiêm) để củng cố Xứ uỷ.
Các tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ, Hội Sinh viên, Cứu tế đỏ và Liên minh phản đế tiếp tục được củng cố. Bên cạnh đó, Hội Nông dân ở Lào bắt đầu được tổ chức. Các tổ chức đảng và quần chúng ở Lào đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xuất bản đều đặn bảy tờ báo bất hợp pháp. Cùng với sự khôi phục của Xứ uỷ, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, binh lính nổ ra ở Phôn Tịu, Thà Khẹc, Viêng Chăn... Đáng chú ý là cuộc bãi thao của 62 binh lính khố xanh người Việt và người Lào diễn ra ở Thà Khẹc phản đối sự ngược đãi của chỉ huy Pháp, buộc chúng phải nhượng bộ. Phong trào đấu tranh vũ trang của các bộ tộc Lào cũng diễn ra ở các tỉnh Xalavăn, Áttapư, Chămpaxắc, trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động của nghĩa quân do ông Kẹo và ông Cômmađăm đứng đầu, có sự tham gia của dân tộc Xơđăng ở Tây Nguyên - Việt Nam. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1936, Ban Chỉ huy ở ngoài viết: “Phải nói rằng các đồng chí ở Lào hoạt động tốt. Các tổ chức quần chúng rất tích cực”.

Trong những năm 1930 - 1935, trong khi phong trào cách mạng ở Việt Nam bị khủng bố, gặp nhiều khó khăn, phong trào cách mạng ở Lào đạt nhiều bước tiến triển. Mặc dù chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng đều, song các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã ảnh hưởng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự ra đời của các đoàn thể yêu nước và cách mạng, các tổ chức đảng ở Lào; sự phát triển của phong trào cách mạng Lào, đặc biệt là các cuộc đấu tranh ủng hộ Xôviết Nghệ - Tĩnh đã góp phần khôi phục phong trào cách mạng và tổ chức đảng ở Việt Nam. Trong các cuộc đấu tranh ở các khu mỏ, ở công trường làm đường 9, đường 13, ở Trường Kỹ nghệ thực hành Viêng Chăn..., công nhân mỏ, học sinh và binh lính người Việt đã sát cánh cùng công nhân, học sinh và binh lính người Lào đấu tranh là những hình ảnh đẹp về mối liên hệ mật thiết giữa những người yêu nước của hai dân tộc.

Chính địa bàn và phong trào đấu tranh của nhân dân Lào đã làm xuất hiện và rèn luyện nhiều đảng viên ưu tú người Việt Nam, trong đó có những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Sự ra đời của Xứ uỷ Ai Lao (tháng 9 năm 1934) là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Lào đối với cách mạng Lào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 09:08:16 am »

b) Đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới (1936 - 1939)

Từ cuối năm 1935, đầu 1936, tình hình thế giới có những diễn biến ngày càng phức tạp với sự hình thành của Liên minh phát xít Đức - Italia - Nhật Bản. Nhật ráo riết chuẩn bị kế hoạch xâm lược Trung Quốc.

Trước tình hình chủ nghĩa phát xít ra đời, ráo riết chuẩn bị gây chiến tranh, với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân thế giới, phong trào cộng sản quốc tế đã chuyển hướng đấu tranh, nhằm mục tiêu chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh. Chủ trương thành lập Mặt trận công nhân thống nhất, Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi nhằm tập hợp quần chúng chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, cùng với những thay đổi trong quan điểm lãnh đạo của tổ chức này đã mang lại một sinh khí mới cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có tác động đặc biệt quan trọng đến cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Đông Dương.

Tại Pháp, Mặt trận Nhân dân Pháp hình thành từ tháng 7 năm 1934 với thoả ước thống nhất hành động giữa Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội về tổ chức mít tinh, biểu tình chống chủ nghĩa phát xít. Ngày 12 tháng 1 năm 1936, liên minh này công bố Chương trình của Mặt trận Nhân dân. Tháng 5 năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp tiếp tục giành thắng lợi trong vòng bầu cử thứ hai vào Quốc hội Pháp. Ngày 4 tháng 6 năm 1936, Chính phủ mới được thành lập trên cơ sở thắng lợi của Mặt trận Nhân dân do Léon Blum đứng đầu. Chính phủ mới tuyên bố thực hiện Chương trình của Mặt trận Nhân dân, tiến hành cải cách chính trị - xã hội, chống chủ nghĩa phát xít, ban hành một số chính sách tự do, dân chủ cho các thuộc địa. Sự kiện này đã tạo ra những thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có nhân dân Đông Dương.

Những thay đổi của tình hình quốc tế, đặc biệt là chủ trương mới của Quốc tế Cộng sản có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng Đông Dương. Thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp đã có những tác động tích cực đến các nước thuộc địa. Chính phủ Pháp buộc phải thực hiện những cải cách theo hướng nới rộng các quyền tự do, dân chủ ở Đông Dương. Đây chính là những điều kiện hết sức thuận lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đòi dân sinh, dân chủ.

Theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, trước những chuyển biến thuận lợi của tình hình thế giới và trong xứ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chuyển hướng đấu tranh nhằm mục tiêu chống phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh, đòi các quyền tự do, dân chủ. Đảng chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc phản đế là “nhiệm vụ trọng tâm”. Mặt trận dân tộc phản đế không phải là hình thức liên kết bí mật với các đảng cách mạng dân tộc trên cơ sở đòi lật đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến bản xứ, thành lập chính phủ dân chủ và độc lập hoàn toàn cho Đông Dương, mà là một “tổ chức công khai nhất của đông đảo quần chúng”, bao gồm tất cả các đảng phái, các tầng lớp nhân dân kể cả người nước ngoài, cùng nhau đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Chủ trương của Đảng đã mở ra cao trào đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo, hoà bình rộng khắp ở Đông Dương. Tại Việt Nam, hệ thống tổ chức đảng được khôi phục, phong trào đấu tranh đòi tự do, cơm áo diễn ra sôi nổi, rầm rộ khắp cả nước, tiêu biểu là các phong trào đấu tranh đòi triệu tập Đại hội Đông Dương diễn ra tại Việt Nam vào mùa Thu 1936; đón Gôđa và Brêviê đầu năm 1937; đấu tranh đòi tự do báo chí và tự do tuyển cử vào các cơ quan chính quyền do thực dân Pháp lập ra...

Trong khi phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm mục tiêu dân sinh, dân chủ bùng lan khắp nơi thì phong trào đấu tranh của nhân dân Lào lại gặp nhiều khó khăn.

Sau khi được lập lại vào tháng 9 năm 1935, được củng cố vào tháng 11 năm 1935, đến giữa năm 1936, tổ chức đảng ở Lào gồm xứ uỷ, các tỉnh uỷ Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt và các tổ chức địa phương ở Bò Nèng, Phôn Tịu, Thà Khẹc, Pạc Xê, Xiêng Khoảng2. Toàn Đảng bộ có 28 đảng viên, hơn 30 đoàn viên Thanh niên cộng sản3. Ngoài ra, còn có một số hiệp hội công đoàn, hội phụ nữ, hội sinh viên, một vài nhóm phản đế và năm tờ báo. Trong thư công khai của Trung ương gửi các đồng chí toàn Đảng, tháng 6 năm 1936, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá về phong trào đấu tranh ở Lào cuối năm 1935 đầu năm 1936 như sau: “Cao trào cách mạng vẫn kế tiếp lên, những cuộc bãi công chính trị ở Vientiane (Viêng Chăn), Boneng (Bò Nèng), Bontiou (Phôn Tịu), các cuộc bãi công của thợ nhà máy in, máy gạo, làm đồ sứ, vườn nuôi, culi xe kéo, các cuộc bãi khoá của học sinh, bãi thực của các chính trị phạm, bãi thị của các tiểu thương gia, tiêu biểu rằng quần chúng lao khổ càng ngày càng cách mạng hoá”.

Phát hiện thấy sự phát triển của phong trào cách mạng Ai Lao, chính quyền thuộc địa tiến hành một cuộc khủng bố lớn phong trào cách mạng trong xứ vào đầu năm 1936. Cuộc khủng bố của địch đã gây tổn thất lớn cho Đảng bộ và cho phong trào cách mạng ở Lào. Hơn 400 chiến sĩ cách mạng người Việt bị bắt và bị trục xuất. Phần lớn các uỷ viên Xứ uỷ Ai Lao bị bắt, chỉ còn hai đồng chí thoát được sang Xiêm. Xứ uỷ bị vỡ.

Từ sau Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương, trong Đảng Cộng sản Xiêm xuất hiện những mâu thuẫn nội bộ. Đến đầu năm 1936, cơ quan lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm nảy sinh hiện tượng bè phái, mất đoàn kết, chia thành hai nhóm “phê phán nhau kịch liệt và vô nguyên tắc và làm việc tách rời nhau”, “Vấn đề bè phái ở Xiêm đã gây ra ảnh hưởng rất xấu đến Lào” . Giữa năm 1936, Đảng Cộng sản Xiêm bị khủng bố, nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt bị chính quyền Xiêm bắt giam. Mối liên lạc giữa Ban Chỉ huy ở ngoài với Lào vốn thông qua Đảng Cộng sản Xiêm bị gián đoạn. Trong báo cáo của Ban Trung ương gửi Quốc tế Cộng sản (ngày 10 tháng 9 năm 1937), viết: “Trước đây, Ban Chỉ huy ở ngoài có những liên lạc với các tổ chức của Lào qua trung gian của Đảng Cộng sản Xiêm. Từ lúc Đảng này bị cuộc đại khủng bố trắng đánh phá, các tổ chức của Lào cũng chịu cực về các vấn đề liên lạc của họ”.

Mặt khác, trong thời gian đầu năm 1936, do gặp nhiều khó khăn, sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài đối với Lào cũng không được liên tục và sâu sát. Công cuộc xây dựng tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Lào bước vào giai đoạn khó khăn.

 Ngày 17 tháng 7 năm 1936, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho Xứ uỷ Ai Lao thông báo đã chỉ định hai hoặc ba đồng chí đến Lào để “tạo được một sự thúc đẩy mới cho những hoạt động ở Lào” và giúp đỡ phân bộ của Lào và Đông Bắc Xiêm. Tuy nhiên, do Xứ uỷ Ai Lao đã bị vỡ nên việc liên hệ trên không đạt kết quả.

Ngày 26 tháng 7 năm 1936, các đồng chí Ban Chỉ huy ở ngoài và Trung ương tiến hành hội nghị bàn công tác khôi phục Đảng và phong trào cách mạng, lãnh đạo các cuộc đấu tranh theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Hội nghị thông qua chỉ thị yêu cầu các cấp bộ đảng chủ động thành lập Mặt trận dân tộc phản đế nhằm tập hợp tất cả các đảng phái, các tầng lớp nhân dân đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ. Đối với Lào, Hội nghị cho rằng phải có yêu sách đấu tranh riêng phù hợp với điều kiện của xứ. Theo đó, Lào có thể nêu yêu sách đòi xoá bỏ các luật lệ bản xứ, cải cách các cơ quan đại diện, hội đồng hàng tỉnh, biến chúng thành những cơ quan đại diện cho nhân dân. Nghị quyết Hội nghị viết: “Mặt trận dân tộc phản đế bao gồm tất cả các đảng phái và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phụ thuộc vào dân tộc nào - dù là người Pháp, người Việt, người Lào hay các dân tộc thiểu số khác, miễn là họ nhất trí tranh đấu để thực hiện những yêu sách đã nêu ra”.

Hội nghị cũng cho rằng để thích hợp với các điều kiện đấu tranh giải phóng dân tộc, đối với các nơi giai cấp vô sản hãy còn ít như ở Lào, “cần phải thành lập các đảng cách mạng dân tộc cho dân bản xứ (...) như vậy không có nghĩa là chúng ta phải thủ tiêu các tổ chức Đảng Cộng sản ở những xứ này. Để lãnh đạo tốt các đảng dân tộc chủ nghĩa ấy và phong trào giải phóng dân tộc ở những xứ này, chúng ta phải tổ chức và tăng cường các chi bộ cộng sản”.

Từ tháng 10 năm 1936, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển về đóng cơ quan tại Nam Kỳ (Việt Nam) để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh trong xứ và đã có nhiều chỉ đạo đối với phong trào cách mạng của nhân dân Lào.

Trong các ngày 13, 14 tháng 3 năm 1937, Ban Trung ương họp Hội nghị mở rộng tại Nam Kỳ. Hội nghị đã bàn những biện pháp lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương, phương pháp đấu tranh, tuyên truyền, cổ động... trong tình hình mới.

Tiếp đó, từ ngày 25 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 1937, Ban Trung ương tiến hành Hội nghị mở rộng tại Nam Kỳ. Đối với phong trào cách mạng Lào, Hội nghị nhận định: “Các đảng bộ ở Lào vẫn còn chưa khôi phục đảng bộ” . Do đó, cùng với việc đặt công tác xây dựng đảng là công tác quan trọng hàng đầu trong những nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Hội nghị đề ra nhiệm vụ “mở rộng và củng cố các đảng bộ đã có, kế tiếp khôi phục cơ sở cũ của Đảng ở Ai Lao”.

Sau một thời gian chỉ đạo toàn Đảng đẩy mạnh lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức, các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Hội nghị toàn thể vào các ngày 29, 30 tháng 3 năm 1938, tại Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.

Kiểm điểm “công tác nội bộ” của Đảng, Hội nghị nhận định: số lượng đảng viên tăng 60%; ảnh hưởng của Đảng lan rộng trong quần chúng, Đảng chỉ đạo được công tác công khai, Ban Trung ương và các Xứ uỷ đã chỉ đạo được các đồng chí công khai tương đương... Tuy nhiên, cơ sở đảng chưa khôi phục được ở Lào, còn yếu ở Cao Miên, ở thành thị, tỉnh lỵ yếu hơn ở nông thôn; một bộ phận đảng viên nhiễm thói cô độc... Nghị quyết Hội nghị viết: “Điều khuyết điểm lớn là Đảng chưa có cơ sở ở Lào, ở Cao Miên thì rất yếu và thế lực ở tỉnh thành và tỉnh lỵ yếu hơn ở thôn quê”.

Hội nghị đã quyết định những vấn đề xây dựng đảng về mặt tổ chức, như củng cố những cơ sở đã có, lập cơ sở mới, chú trọng phát triển ở các thành phố, đồn điền, vùng công nghiệp tập trung; tăng cường công tác giao thông liên lạc giữa các cơ quan lãnh đạo các cấp, các xứ uỷ phải tổ chức các cơ quan giao thông chuyên môn...

 Trước tình hình tổ chức đảng ở Trung Kỳ đã phát triển và liên lạc được với nhau, Hội nghị quyết định tổ chức lại Xứ uỷ Trung Kỳ và “giao cho Xứ ủy Trung Kỳ tìm mối liên lạc với Ai Lao” . Tuy nhiên, do Xứ uỷ Trung Kỳ mới lập lại, cơ sở đảng ở Lào bị đánh phá và gặp những khó khăn nên chủ trương khôi phục tổ chức đảng ở Lào không thực hiện được.

Trong khi sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương với cách mạng Lào gặp khó khăn, các đảng viên người Việt hoạt động trên địa bàn Lào, Xiêm đã chủ động công tác, lập lại các chi bộ đảng để lãnh đạo phong trào nhân dân Lào nhằm các mục tiêu dân sinh, dân chủ. Một năm sau khi Cơ quan Đông Dương viện trợ bộ của Đảng Cộng sản Xiêm giải thể theo quyết định của Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3 năm 1935), vào đầu năm 1937, Ban Trung - Lào viện trợ  thuộc Đảng Cộng sản Xiêm được thành lập để giúp đỡ công tác gây dựng cơ sở đảng ở Trung Kỳ và Lào.

Dưới sự giúp đỡ của Ban Trung - Lào viện trợ, một số chi bộ đảng được thành lập ở Lào và nhận chủ trương mới của Đảng về chuyển hướng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tuy nhiên, các chi bộ đảng ở Lào không bắt được liên lạc trực tiếp với Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Trung ương Đảng nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là từ tháng 6 năm 1938, khi người phụ trách Ban Trung - Lào viện trợ là Nguyễn Chính Giao, Ủy viên người Việt duy nhất trong Ban Trung ương Đảng Cộng sản Xiêm - Bí thư Xứ uỷ Đông Bắc Xiêm bị bắt.

Trong thời gian này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài, sau đó là của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đối với Lào không được liên tục và sâu sát, tổ chức đảng bị tổn thất, song những đảng viên cốt cán trung kiên đã tổ chức quần chúng công nhân, giới buôn bán, học sinh người Việt và người Lào ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xiêng Khoảng... đứng lên đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Ngày 25 tháng 10 năm 1936, 60 công nhân người Việt và người Lào ở mỏ thiếc Phôn Tịu đình công đòi bỏ việc một giờ để phản đối chủ mỏ không trả lương. Ngày 22 tháng 2 năm 1937, thợ may ở Viêng Chăn đấu tranh đòi tăng giá công may lên 10% và đòi được lập nghiệp đoàn thợ may. Tháng 3 năm 1937, công nhân nhà máy điện Viêng Chăn đấu tranh đòi tăng lương, đòi tiền thuốc chữa bệnh cho công nhân. Ngày 2 tháng 2 năm 1939, công nhân làm đường 13 ở bắc Thà Khẹc thuộc hãng Compagnie Coloniale đấu tranh đòi chủ hãng thi hành điều ước khoán việc theo hợp đồng và thanh toán tiền để công nhân nghỉ Tết.

Trước tình hình phong trào Lào không còn đầu mối lãnh đạo, sau khi bắt được liên lạc với Xứ uỷ Bắc Kỳ vào cuối năm 1938, một bộ phận đảng viên người Việt hoạt động trong Đảng Cộng sản Xiêm chủ trương chuyển sang hoạt động trong Đảng Cộng sản Đông Dương, chia nhau đi bắt mối, lập các chi bộ đảng ở Lào và xúc tiến lập lại Xứ uỷ Ai Lao.

Thực hiện chủ trương đó, trong hai ngày 7 và 8 tháng 2 năm 1939, một số đồng chí đảng viên của Đảng Cộng sản Xiêm cùng một số đảng viên của Thà Khẹc và khu mỏ tổ chức hội nghị tại trại cưa Xála Hỉn Khăn (Thà Khẹc), đề ra các biện pháp phát triển cơ sở ở khu mỏ, thị xã Thà Khẹc, khu vực công nhân làm đường ở Pạc Xan; đồng thời xúc tiến công tác trong hai tỉnh Viêng Chăn và Xavẳnnakhệt. Hội nghị đã bầu Xứ uỷ lâm thời Ai Lao gồm ba đồng chí.

Tuy nhiên, Xứ uỷ vừa thành lập được một ngày thì tất cả các xứ uỷ viên bị địch bắt. Tiếp đó, ngày 20 tháng 3 năm 1939, chính quyền thực dân tiến hành một cuộc khủng bố, bắt các đảng viên cộng sản Đông Dương tại các địa phương Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt, Pạc Xê và khu mỏ Bò Nèng, Phôn Tịu.

Tuy các chi bộ đảng bị đánh phá, phong trào cách mạng Lào gặp rất nhiều khó khăn và tạm lắng xuống, song ở một vài nơi vẫn nổ ra một số cuộc đấu tranh, như: cuộc biểu tình của 40 công nhân người Lào và người Việt ở Thà Khẹc (ngày 1 tháng 5 năm 1939) ; cuộc đấu tranh bãi thị của những người bán củi ở Viêng Chăn phản đối việc tăng thuế của cảnh sát (ngày 25 tháng 9 năm 1939). Công nhân ở Lào còn gửi tiền ủng hộ báo Đời nay của những người cộng sản ở Bắc Kỳ Việt Nam3. Theo văn bản “Tình hình Đông Dương từ 1938 đến 1939”, thì ở Lào có hai cuộc đấu tranh của quần chúng.

Trong khi phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam lên cao với các mục tiêu dân sinh, dân chủ thì do những điều kiện khách quan, nhất là sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc bị gián đoạn, phong trào ở Lào bị giảm sút. Nếu trong giai đoạn 1930 - 1935, các cuộc đấu tranh ở Lào sôi động và gây ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam thì trong giai đoạn 1936 - 1939, phong trào đấu tranh sôi động ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến Lào, thúc đẩy các đảng viên ở Lào khôi phục tổ chức và lãnh đạo một số cuộc đấu tranh của nhân dân Lào đòi các quyền lợi hằng ngày. Phong trào đấu tranh tuy không mạnh, song đã giữ vững được ảnh hưởng của Đảng trong nhân dân Lào. Trong bài “Mười lăm năm vận động cộng sản và chín năm thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương”, báo Dân chúng, số 41, 42 ngày 3 và 7 tháng 1 năm 1939 viết: “Sau lúc phong trào cách mạng sụt xuống (...) Đảng Cộng sản luôn luôn tồn tại trong quần chúng, một phần cơ sở ở các vùng trung tâm tuy bị tạm thời mất liên lạc và yếu đuối, song ảnh hưởng và tổ chức của Đảng lại lan rộng tới các vùng thượng du Bắc Kỳ, tới Ai Lao, Cao Miên”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 10:19:48 am »

II. NHÂN DÂN VIỆT NAM - LÀO GIÚP NHAU TIẾN HÀNH CUỘC VẬN ĐỘNG KHỞI NGHĨA VŨ TRANG GIÀNH CHÍNH QUYỀN THẮNG LỢI (1939 - 1945)



1. Phối hợp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (từ năm 1939 đến tháng 3 năm 1945)

Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa thi hành chính sách phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong xứ; ban bố lệnh tổng động viên, thực hiện chính sách kinh tế thời chiến nhằm tăng cường vơ vét sức người sức của ở Đông Dương phục vụ cho chiến tranh đế quốc.

Trước sự tồn vong của vận mệnh các dân tộc trong xứ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra và thực hiện quyết sách: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên.

Ngày 29 tháng 9 năm 1939, Trung ương Đảng gửi thông báo cho các cấp bộ đảng nói rõ hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến lên giải phóng dân tộc.

Hai tháng sau ngày Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Trung ương Đảng đã diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 11 năm 1939, tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) để quyết định chủ trương mới đáp ứng những yêu cầu của cách mạng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đưa ra nhận định cực kỳ quan trọng: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập (...) Sự bóc lột tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh sẽ làm cho dân Đông Dương ngày càng cách mệnh hoá. Cuộc cách mệnh đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ nổ bùng”.

Từ nhận định đó, Hội nghị quyết định “đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác”, kể cả vấn đề ruộng đất cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết. Hội nghị chủ trương: phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để “tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, chống xâm lược phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc đòi hoà bình cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương với quyền dân tộc tự quyết”.

Lực lượng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đoàn kết trong Mặt trận bao gồm tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng dân tộc, thực hiện Đông Dương hoàn toàn độc lập với quyền dân tộc tự quyết, trong đó công nông là lực lượng chính, đặt dưới quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Về vấn đề dân tộc, Nghị quyết Hội nghị viết: “Xứ Đông Dương gồm có nhiều dân tộc (...) trong đó có ba dân tộc Việt Nam, Lào, Miên ở riêng ba xứ khác nhau và đã từng có một lịch sử, một văn hoá riêng (...). Tuy bị đế quốc tìm cách chia rẽ cho dễ cai trị, tuy có nhiều điều kiện lịch sử và văn hoá khác nhau, các dân tộc Việt Nam, Miên, Lào và các dân tộc thiểu số khác cùng sinh hoạt trên dải đất chữ S, đều có liên quan về kinh tế và chính trị, tất cả đều bị đế quốc áp bức, tất cả đều bị bóc lột bởi những độc quyền tư bản tài chánh, tất cả đều nằm dưới một bộ máy đàn áp thống nhất về chính trị, và quân sự của đế quốc Pháp. Phong trào giải phóng các dân tộc vì vậy có mật thiết quan hệ với nhau và phải dựa lẫn nhau”.

Nghị quyết viết: “Phong trào dân tộc ở Đông Dương từ khi bị đế quốc Pháp cai trị đã trải qua nhiều đoạn tranh đấu vẻ vang. Khi ôn hoà, khi đổ máu, tất cả các dân tộc Đông Dương, từ Việt Nam, Miên, Lào đến các dân tộc thiểu số Thổ, Thượng, v.v., đã nhiều lần nổi dậy chống chính sách cướp bóc tàn ác và ách thống trị nặng nề của đế quốc”.

Từ những nhận thức mang tính đột biến về vấn đề dân tộc chân chính, Hội nghị đi đến chủ trương: Đông Dương hoàn toàn độc lập (thi hành quyền dân tộc tự quyết). Không một dân tộc nào có thể giải phóng riêng rẽ vì Đông Dương ở dưới quyền thống trị duy nhất của đế quốc Pháp về mặt chính trị, kinh tế và quân sự. Nhưng sự liên hiệp các dân tộc Đông Dương không nhất thiết bắt buộc các dân tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất vì các dân tộc Việt Nam, Miên, Lào xưa nay vẫn có sự độc lập. Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình, song sự tự quyết cũng không nhất định là rời hẳn nhau ra.

Hội nghị chỉ rõ trong lúc cần phải làm thức dậy và đề cao tinh thần dân tộc chính đáng, trong lúc nhiệm vụ trung tâm là thống nhất tất cả các lực lượng dân tộc để đấu tranh giành độc lập, người cộng sản có thể và cần tổ chức ra “Liên đoàn giải phóng dân tộc Việt Nam phản đế hội”, “Việt Nam thống nhất dân tộc hội” để làm nền tảng cho việc thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. “Mở rộng và nâng cao tinh thần dân tộc, làm cho mỗi người trong các giai cấp có ý thức về sự tồn vong của dân tộc và sự liên quan mật thiết của vận mạng dân tộc với lợi ích cá nhân mình; đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác, thống nhất lực lượng dân tộc là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc Pháp”.

Hội nghị nhất trí rằng trong tình hình mới, nhiệm vụ của Đảng rất nặng nề, Đảng phải “giác ngộ rõ cái sứ mệnh lớn lao ấy và đủ can đảm, đủ nghị lực, đủ sáng suốt để gánh vác nó”. Trên tinh thần đó, Hội nghị đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đảng về mọi mặt.

Đối với Miên, Lào, Hội nghị đề ra nhiệm vụ: “Phải chú ý gây dựng cơ sở Miên, Lào và tổ chức những Đảng bộ tự trị của các dân tộc thiểu số”.

Hội nghị khẳng định vận mạng và sự giải phóng của các dân tộc Đông Dương có liên quan mật thiết với nhau thì “ta phải đặc biệt chú ý sự vận động các dân tộc Miên, Lào và các dân tộc thiểu số; phải nghiên cứu những phương pháp cụ thể để thực hành nhiệm vụ ấy (...) phải tìm đủ mọi cách tìm mối liên lạc và gây cơ sở ở Miên, Lào và các dân tộc thiểu số như Thổ, Thượng, v.v.. Dù cho sự rút bớt cán bộ để phụ trách công tác này mà đình trệ công tác ít nhiều ở địa phương thì cũng phải làm. Phải tổ chức cho được những phần tử hăng hái của các dân tộc thiểu số vào Đảng và các Đảng bộ Miên, Lào cũng như Thổ, Thượng, v.v., vẫn nằm trong hệ thống duy nhất toàn Đảng, dưới một trung tâm chỉ huy duy nhất, vẫn theo đúng tinh thần chủ nghĩa quốc tế, nhưng được tổ chức thành những Đảng bộ tự trị để chỉ huy cho sát với những điều kiện đặc biệt của các dân tộc họ và lôi kéo được quảng đại quần chúng trong các dân tộc ấy tranh đấu đánh đổ đế quốc Pháp, giải phóng dân tộc”.

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939 có một ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới về năng lực tư duy, sáng tạo và sự nhạy bén chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. Với sự khẳng định tính chất và nhiệm vụ cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc và với chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, mọi xu hướng chính trị có thể tập hợp được, Hội nghị tháng 11 năm 1939 của Trung ương Đảng đã mở ra một thời kỳ đấu tranh mới: thời kỳ trực tiếp chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn Đông Dương khi có thời cơ.

Tháng 12 năm 1939, Ban Trung ương ban hành tài liệu “Chủ trương của người cộng sản đối với vụ bắt lính”, có đoạn viết: “Phải tuyên truyền người Đông Dương đừng bắn giết người Đông Dương, đừng để cho đế quốc lợi dụng kích thích những thù oán dân tộc giữa người Nam, người Miên, người Lào, Thổ, Mọi, v.v., mà đem lính dân tộc này bắn giết dân tộc khác”.

Tháng 11 năm 1940, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp hội nghị để bàn về các nhiệm vụ cách mạng trong hoàn cảnh phát xít Nhật đã vào Đông Dương, cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên đã nổ ra ở Bắc Sơn (Lạng Sơn, Việt Nam). Hội nghị chỉ rõ kẻ thù của các dân tộc Đông Dương lúc này là phát xít Nhật và thực dân Pháp. Nhiệm vụ của Đảng là phải chuẩn bị lãnh đạo nhân dân ba nước Đông Dương nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân.

Tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, diễn ra tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam). Từ những phân tích về tình hình, sự thay đổi thái độ của các giai cấp, tầng lớp và nguyện vọng của toàn thể nhân dân, Hội nghị quyết định “Cần phải thay đổi chiến lược”  phải xem nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một “nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương”3. Hội nghị khẳng định: “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”.

Đối với vấn đề dân tộc, Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước, cốt làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân. Do đó, Hội nghị quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi với những tên dễ hiểu, có ý nghĩa cho từng dân tộc. Ở Việt Nam, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Việt Nam độc lập đồng minh lấy lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm biểu tượng. Các đoàn thể quần chúng yêu nước chống đế quốc đều thống nhất lấy tên là “hội cứu quốc” như Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thanh niên cứu quốc hội, Phụ nữ cứu quốc hội, Phụ lão cứu quốc hội, Quân nhân cứu quốc hội, Nhi đồng cứu vong đoàn... Đối với Lào và Cao Miên, Hội nghị chủ trương sẽ giúp đỡ nhân dân hai nước thành lập Cao Miên độc lập đồng minh và Ai Lao độc lập đồng minh. Trên cơ sở sự ra đời của mặt trận ở mỗi nước, sẽ tiến tới thành lập mặt trận chung của ba nước là Đông Dương độc lập đồng minh.

Hội nghị cho rằng các dân tộc Đông Dương đều chịu chung một ách thống trị của phát xít Pháp - Nhật cho nên phải đoàn kết lại đánh đuổi kẻ thù chung. Song nói đến vấn đề dân tộc, nói đến đoàn kết các dân tộc lúc này là nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc tuỳ theo ý muốn của mỗi dân tộc. Do vậy, Đảng phải hết sức tôn trọng và thi hành đúng quyền “dân tộc tự quyết” đối với các nước ở Đông Dương. Sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật thì các dân tộc sẽ tuỳ theo ý muốn mà tổ chức thành liên bang cộng hoà dân chủ hay đứng riêng thành một quốc gia dân tộc. “Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng” . Riêng đối với Việt Nam, sau khi đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ lập nước Việt Nam dân chủ mới. Chính quyền cách mạng của nước Việt Nam dân chủ mới là một chính quyền cộng hoà “là của chung cả toàn thể dân tộc” .

Hội nghị quyết định xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân trong giai đoạn hiện tại.

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5 năm 1941 có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang của cả Việt Nam và Lào. Chủ trương khởi nghĩa từng phần giành chính quyền địa phương tiến lên tổng khởi nghĩa là sự phát triển sáng tạo về phương thức khởi nghĩa vũ trang cách mạng trong điều kiện cụ thể của cách mạng ở nước thuộc địa. Những quyết sách rất đúng đắn, sáng tạo đó là nguồn sáng dẫn đường cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ, chủ động khơi dậy và nhân lên sức mạnh tự thân của mỗi dân tộc, đồng thời tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước cùng tiến lên trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật, giành thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào.

Sau Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng, ở Việt Nam phong trào Việt Minh lan rộng từ miền núi phía Bắc về đồng bằng, đô thị, từ miền Bắc vào miền Nam.

Ở Lào, sau khi Mặt trận Bình dân Pháp bị thất bại (năm 1940), chính quyền thuộc địa tiến hành đợt khủng bố ác liệt.

Đầu năm 1941, thực dân Pháp thành lập Sở Tuyên truyền Lào do Giám đốc Nha học chính ở Lào cầm đầu, ráo riết tuyên truyền cho chủ nghĩa Đại Lào nhằm kích động đầu óc dân tộc hẹp hòi, gây kỳ thị giữa Lào với các dân tộc láng giềng.

Tháng 3 năm 1941, Toàn quyền Đờcu đề ra “chương trình cải cách” ở Lào để “Lào được tự do, dân chủ” về chính trị. Trong đó có một số điểm đáng chú ý như: tăng thêm ngân sách cho địa phương, tăng thêm người Lào vào bộ máy cai trị, tăng phụ cấp cho công chức Lào, đặt chức “châu khoảnh” (tỉnh trưởng) cho người Lào đảm nhiệm. Gần bốn tháng sau ngày ký hiệp ước cắt một phần đất của tỉnh Xaynhabuli, Chămpaxắc (Lào)1 cho Thái Lan (ngày 9 tháng 5 năm 1941), để xoa dịu sự phản ứng trong tầng lớp phong kiến Lào, ngày 29 tháng 8 năm 1941, thực dân Pháp đã ký một hiệp ước bảo hộ với Lào. Theo đó, thực dân Pháp đã thực hiện một số biện pháp mà suốt nửa thế kỷ thống trị Lào cũng không hề đề cập như: thành lập một nội các Lào gồm bốn bộ (Nội vụ, Công chính và Y tế, Tài chính, Lễ nghi), do Hoàng thân Phếtxarạt đứng đầu; mở rộng quyền hành chính cho triều đình Luổng Phạbang và năm tỉnh ở Bắc Lào: Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Phôngxalỳ, Sầm Nưa, Hủa Khoổng; đặt quốc ca Lào; mở rộng ngành quan lại người bản xứ... Trong quân đội, người Lào được đề bạt lên đến chức “chánh quản” (tương đương chuẩn uý). Những tháng đầu năm 1941, Pháp cho xuất bản tờ báo Lào Nhay (Đại Lào)2 để tuyên truyền cho chủ nghĩa thực dân, gieo ảo tưởng trong nhân dân Lào về tình “hữu nghị” Lào - Pháp.

Do chính sách khủng bố của chính quyền thuộc địa ở Lào, nhiều đảng viên người Việt bị bắt, bị trục xuất về Việt Nam, một số lánh sang Thái Lan3; các tổ chức cách mạng phải rút vào bí mật.

Trong hoàn cảnh phong trào cách mạng ở Lào gặp khó khăn, một số sĩ quan, cảnh sát, trí thức và công chức Lào có tinh thần dân tộc chạy sang Thái Lan để tìm đường liên lạc với đồng minh chống Nhật, Pháp. Họ liên lạc với tổ chức Việt kiều ở Thái Lan và được Đảng Thái tự do (Thái Sêri)4 giúp đỡ đấu tranh chống Nhật.

Từ năm 1942, một số đảng viên thoát khỏi nhà tù hoặc tạm lánh trở về hoạt động tại các địa phương của Lào. Tháng 1 năm 1943, Ban Vận động Việt kiều Lào - Thái được thành lập tại Bạn Mầy, tỉnh Nakhon Phạnôm (Đông Bắc Thái Lan). Tiếp đó các tổ chức hội Việt kiều được thành lập rộng rãi ở các địa phương có Việt kiều cư trú trên đất Thái - Lào. Ban Vận động bắt đầu xúc tiến gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào, thu hút các đảng viên cũ còn lại và những Việt kiều tích cực, nhằm mục đích tương trợ nhau trong cuộc sống. Một số cơ sở đảng được gây dựng lại ở Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt, Viêng Chăn.

Ngày 28 tháng 2 năm 1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 25 đến 28 tháng 2 năm 1943 ra nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh việc tổ chức Ai Lao độc lập đồng minhCao Miên độc lập đồng minh. Nghị quyết giao nhiệm vụ cho Xứ uỷ Trung Kỳ và Xứ uỷ Nam Kỳ phải đặc biệt giúp đỡ nhân dân Lào và Cao Miên phát triển những tổ chức nói trên. Tuy nhiên, do hoàn cảnh địch khủng bố, các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ và Nam Kỳ đang trong quá trình khôi phục, nên chủ trương trên của Trung ương không thực hiện được.

Cuối năm 1943 đầu 1944, một số đảng viên người Việt trước đây bị quân phiệt Thái Lan cầm tù được trả tự do đã chắp nối liên lạc với các cơ sở đảng và quần chúng yêu nước ở Lào, hợp sức gây dựng lại phong trào. Năm 1944, sau khi nhận được chủ trương của Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do một số đảng viên ở Quảng Bình sang Lào lánh địch truyền đạt, Ban Vận động Việt kiều tại Lào - Thái tiến hành chuyển hướng hoạt động và đấu tranh theo chủ trương và phương thức hoạt động mới. Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc.

Tranh thủ sự chuyển hướng về chính trị của Chính phủ Thái Lan, tổ chức Việt kiều ở Thái Lan đẩy mạnh hoạt động, thành lập các hội cứu quốc của Việt kiều, khôi phục lại các tổ chức đảng. Các đảng viên người Việt trước đây tham gia Đảng Cộng sản Xiêm nay được đưa về Lào hoạt động.

Để thống nhất việc chỉ đạo phong trào cách mạng và khôi phục tổ chức cơ sở đảng, xúc tiến việc củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, những đồng chí trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc đã thành lập Đội Tiên phong để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lào. Đội hoạt động bí mật, do đồng chí Nguyễn Chấn làm bí thư. Trên thực tế, Đội Tiên phong đã làm nhiệm vụ và đóng vai trò của Xứ uỷ lâm thời Ai Lao.
Dưới sự lãnh đạo của Đội Tiên phong, các chi bộ đảng ở Uđon, Nakhon, Mụcđahán (trên đất Thái Lan) đã cử cán bộ về Lào hoạt động. Các chi bộ đảng ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt lần lượt được củng cố. Phong trào yêu nước trong học sinh, viên chức Lào được nhen nhóm, phong trào yêu nước của Việt kiều ở hai bên bờ sông Mê Công phát triển mạnh.

Tháng 2 năm 1945, tại một địa điểm trên hữu ngạn sông Mê Công đối diện với Viêng Chăn, Đội Tiên phong tổ chức hội nghị mở rộng với sự tham gia của đại diện một số tổ chức quần chúng. Hội nghị nhất trí đề ra một số chủ trương quan trọng: “Đẩy mạnh việc vận động quần chúng, phát triển hội viên cứu quốc vào các tầng lớp nhân dân, nông dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, binh lính, cảnh sát có tinh thần yêu nước và tiến bộ, cùng nhau đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật. Liên hệ với tổ chức “Sêrithai” (Thái tự do) để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ trong việc xây dựng căn cứ bí mật trên đất Thái Lan, tranh thủ số người Lào di tản sang Thái Lan tham gia vào hàng ngũ cứu quốc”.

Cũng trong tháng 2 năm 1945, vào dịp Tết Nguyên đán Ất Dậu, theo chủ trương của Đội Tiên phong, Đại hội đại biểu Việt kiều cứu quốc ở cả Thái Lan và Lào được tổ chức. Đại hội quyết định thành lập Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào - một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh, nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập của xứ sở. Đại hội nhận định: “Bọn phát xít Đức - Ý - Nhật đã đến giờ cáo chung; đế quốc Pháp ở Đông Dương đổ nát; Mặt trận Dân chủ thế giới đã đến ngày thắng lợi. Các nước bị xâm lăng ở châu Âu đã lần lượt cướp chính quyền tự chủ, kiều dân của những dân tộc bị xâm lăng đã lập thành những đội quân giải phóng hăng hái từ nước ngoài kéo về để cùng với đồng bào họ giành lại quyền tự do, độc lập. Thời cơ có lợi cho cuộc vận động độc lập nước nhà không bao giờ tốt đẹp bằng ngày nay...” . Với mục tiêu đó, Đại hội chủ trương xuất bản báo Độc lập, lập chiến khu, tổ chức quân giải phóng, liên lạc với Hội Lào Tự do để phối hợp đấu tranh chống phát xít, giành độc lập cho mỗi nước.

Có thể thấy, từ năm 1939, quan hệ Việt Nam - Lào đã có những chuyển biến mới. Tuy phong trào cách mạng hai nước đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, song chủ trương thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất đã phát huy được tính chủ động của cách mạng mỗi nước trong chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở hai nước Việt Nam, Lào.




------------------------------------------------------------------
1. Đầu năm 1940, Thái Lan lên tiếng đòi Pháp phải trả lại các tỉnh nằm trên lãnh thổ Lào, Campuchia thuộc Pháp theo hiệp định được ký kết giữa Xiêm và Pháp từ năm 1903. Ngày 8 tháng 11 năm 1940, Thái Lan dùng cả lục quân và không quân vượt biên giới tấn công quân Pháp. Chiến sự diễn ra không đầy một tháng, quân đội Thái Lan đã chiếm đóng các vùng đòi Pháp trao trả. Ngày 27 tháng 11 năm 1941, hai tỉnh Xaynhabuli và Chămpaxắc được chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Thái Lan.

2. Trong suốt quá trình xâm lược và thống trị Lào, do thực hiện “chính sách ngu dân”, thực dân Pháp hầu như không xuất bản các ấn phẩm, báo chí phục vụ người Lào. Không tính các tờ báo cách mạng, tờ Lào Nhay là tờ báo đầu tiên của chính quyền thuộc địa ở Lào, sau đó có thêm tờ Lào Nọi.

3. Ngày 11 tháng 11 năm 1940, trung đội lính khố xanh người Việt Nam đóng ở Viêng Chăn do ông Vũ Hữu Bỉnh (quản Bỉnh) chỉ huy đã bí mật rút sang Thái Lan, có ý định liên lạc với tổ chức cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan và dựa vào Thái Lan để chống Pháp.

4. “Thái Sêri” hay “Sêrithai”là tổ chức chính trị ở Đông Bắc Thái chủ trương chống Nhật; được Mỹ, Anh giúp đỡ. Tổ chức “Thái Sêri” đã giúp đỡ một số thanh niên trí thức Lào chạy sang Thái từ năm 1941 để liên lạc với Đồng minh nhờ giúp đỡ chống lại Nhật. Tổ chức này về sau còn giúp đỡ thành lập tổ chức “Lào Sêri”.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 10:30:46 am »

2. Phối hợp đấu tranh chống phát xít Nhật, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, thành lập chính phủ độc lập ở mỗi nước (từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1945)

Cuối năm 1944 đầu năm 1945, tình hình thế giới và Đông Dương có nhiều biến đổi, đe doạ trực tiếp quyền lực và lợi ích của phát xít Nhật ở Đông Dương. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai tàn khốc bước vào giai đoạn kết thúc với những thắng lợi liên tiếp của quân đội Liên Xô và các nước Đồng minh cùng các lực lượng dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội trên thế giới. Ngày 30 tháng 4 năm 1945, quân đội Liên Xô cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức. Hítle tự sát. Ngày 8 tháng 5 năm 1945, Đức ký văn bản đầu hàng không điều kiện Liên Xô và các nước Đồng minh. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc ở châu Âu.

Trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, quân đội phát xít Nhật bị bao vây, uy hiếp từ bốn phía. Cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật bước vào giai đoạn phản công, đẩy quân Nhật vào thế bị sa lầy, khốn đốn trong cuộc xâm lược đại lục Trung Hoa rộng lớn. Trên mặt trận Thái Bình Dương, các căn cứ của quân đội Nhật liên tiếp bị thất thủ trước những đòn tấn công của quân đội Mỹ. Trước những thắng lợi của quân Đồng minh và những thất bại của phát xít Nhật, chính quyền Đờcu “như rắn mất đầu”, một mặt tiếp tục quỵ luỵ Nhật, mặt khác ráo riết hoạt động chuẩn bị đón thời cơ khôi phục các quyền lợi đã mất.

Trước tình thế đó, để “tránh bị kẹp giữa hai lưới lửa”, quân đội Nhật quyết định thực hiện đảo chính Pháp ở Đông Dương vào ngày 9 tháng 3 năm 1945. Cuộc đảo chính của Nhật đã gây ra những thay đổi lớn ở Đông Dương, tạo ra những thách thức mới cũng như những điều kiện thuận lợi mới cho việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.

Tại Lào, đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật từ Thái Lan bí mật kéo vào Lào tước khí giới quân đội Pháp. Trừ trại lính khố xanh ở Thà Khẹc chống cự yếu ớt, còn hầu hết các đơn vị, đồn binh của quân đội Pháp tại Lào nhanh chóng tan rã, một số đầu hàng, một số chạy trốn vào rừng và chạy sang Vân Nam (Trung Quốc). Trong tháng 3 năm 1945, quân phát xít Nhật bắt giữ và giết 52 tên Pháp, hầu hết là những tên cầm đầu các ngành trong bộ máy cái trị ở hai tỉnh Thà Khẹc và Viêng Chăn. Ngày 14 tháng 4 năm 1945, quân đội Nhật tiến vào Sầm Nưa.

Sau khi lật đổ Pháp, phát xít Nhật thực thi một chính sách cai trị thâm độc và tàn bạo ở Đông Dương. Về mặt chính trị, Nhật vẫn giữ nguyên bộ máy chính quyền tay sai của thực dân Pháp trong các xứ , đồng thời chồng lên trên bộ máy cai trị tay sai một cơ cấu quyền lực gồm toàn các quan chức quân sự và chính khách người Nhật. Ngày 16 tháng 3 năm 1945, hãng tin Đômây (Domei) của Nhật công bố: “Theo chính sách mới thì các chính phủ Nam Triều, Cao - Miên và Luăng Pờrabăng (Luổng Phạbang)1 vẫn giữ nguyên hình thức chính phủ hiện thời. Còn Nam Kỳ tới nay vẫn là thuộc địa của Pháp và Bắc Kỳ cùng với Ai Lao tới nay vẫn là nửa thuộc địa nửa bảo hộ, thì tạm thời cử các quan thống đốc, thống sứ, khâm sai để quyền nhiếp chính sự vụ cho tới khi lập được các chính phủ bản quốc” .

Để tạo cơ sở xã hội, chính trị, Nhật còn cho lập mới hoặc hà hơi tiếp sức cho hàng loạt tổ chức chính trị thân Nhật đã có từ trước. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật và bọn tay sai trong tổ chức Thanh niên Đại Việt đã tổ chức các cuộc mít tinh ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xalavăn hô hào về việc Nhật trao trả “nền độc lập” cho Việt Nam và Lào.

Nhằm che đậy âm mưu xâm lược đối với Lào, sau khi lật Pháp, ngày 15 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật “công nhận” Vương quốc Lào và ngày 8 tháng 4 năm 1945, Vua Lào Xỉxávàngvông tuyên bố Vương quốc Lào Luổng Phạbang là một quốc gia “độc lập” (!) trong khối Đại Đông Á 2.

Cũng như ở Việt Nam, tại Lào, bên cạnh việc ban phát nền “độc lập bánh vẽ” cho người Lào, phát xít Nhật duy trì bộ máy thống trị cũ của thực dân Pháp, chỉ thay thế vị trí các quan chức người Pháp trước đây bằng các võ quan Nhật. Chúng giật dây cho một số người Lào ra báo Lào Chălơn (Lào thịnh vượng) để tuyên truyền cho thuyết Đại Đông Á của Nhật. Chúng tiến hành vơ vét nhân, tài, vật lực của nhân dân Lào, như: tăng cường bắt phu, tăng thuế, thu vét thiếc, cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sa nhân, da thú, lương thực, thực phẩm... để phục vụ cho việc kéo dài chiến tranh xâm lược. Các tầng lớp nhân dân Lào ngày càng nhận rõ bộ mặt thật của phát xít Nhật, muốn vùng lên đánh đổ chúng, giành lại độc lập cho dân tộc.

Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3 năm 1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp đề ra chủ trương phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Toàn bộ chủ trương của Hội nghị được thể hiện trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do Ban Thường vụ Trung ương ban hành vào ngày 12 tháng 3 năm 1945. Một cao trào kháng Nhật, cứu nước bùng lan tại Việt Nam. Cao trào kháng Nhật, cứu nước ở Việt Nam đã tác động và hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ các lực lượng yêu nước Lào đấu tranh giành độc lập.

 Sau ngày Nhật đảo chính, thực hiện chủ trương của Đội Tiên phong và của Đại hội thành lập Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào, ngày 28 tháng 3 năm 1945, tại tỉnh Xakô Nakhon (Đông Bắc Thái Lan), các lực lượng Việt kiều yêu nước đã thành lập chiến khu Na Kè. Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào còn tiến hành bắt mối với tổ chức Thái Sêri để tranh thủ sự ủng hộ của họ 3 nhanh chóng xây dựng và củng cố các chiến khu ở các tỉnh Nakhon Phạnôm, Noỏng Khai, Xakôn Nakhon, Mụcđahán... để huấn luyện quân sự cho nam nữ thanh niên, cấp tốc xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào. Ngày 11 tháng 5 năm 1945, tại chiến khu Na Kè (Nakhon Phạnôm), lực lượng vũ trang cách mạng của Việt kiều được thành lập lấy tên là Việt Nam độc lập quân 4.

Tại Viêng Chăn, vào cuối tháng 4 năm 1945, một chi bộ đảng được thành lập gồm bốn đồng chí; các đoàn thể Việt kiều cứu quốc cũng được tổ chức, thu hút khoảng 40 hội viên.

Sau ngày Nhật đảo chính, những trí thức, nhân sĩ, binh lính yêu nước và tiến bộ Lào đã hình thành các tổ chức chính trị khác nhau để mưu cầu nền độc lập cho dân tộc Lào.

Vào tháng 4 năm 1945, tại Thái Lan, nhóm người Lào lưu vong thành lập tổ chức Lào Ítxalạ (Lào tự do) do ông Thạo Ùn Xánánicon đứng đầu. Tổ chức này tập hợp các công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chủ trương dựa vào phe Đồng minh chống Nhật để giành độc lập.

Tháng 5 năm 1945, một tổ chức yêu nước khác của người Lào cũng ra đời là Lào pên Lào (Nước Lào của người Lào), gọi tắt là Lo Po Lo, gồm những công chức, trí thức, sĩ quan người Lào tập hợp nhau để đấu tranh giành độc lập cho Lào. Tổ chức chính trị này đã lập ra Uỷ ban chấp hành Lào pên Lào do ông Bông Xỉlạttạna Kun (sau đổi họ Xuvannavông) làm chủ tịch.

Ủy ban Lào pên Lào còn chỉ định một số Uỷ ban Lào pên Lào ở các địa phương: thành phố Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Luổng Phạbang, tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Xavẳnnakhệt...

Trước sự ra đời của các tổ chức chính trị trên đây, Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào đã tiến hành liên hệ để bàn việc phối hợp hoạt động nhằm thu hút và tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho thanh niên Lào - Việt.

Tháng 7 năm 1945, qua đồng chí Nguyễn Chính Giao, Đội Tiên phong chắp nối và nhận chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về việc công nhận Xứ uỷ lâm thời Ai Lao, cử đại biểu dự Hội nghị đại biểu toàn Đảng tại Tân Trào - Tuyên Quang (Việt Nam). Thi hành chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương, Đội Tiên phong chính thức chuyển thành Xứ uỷ lâm thời Ai Lao, do đồng chí Nguyễn Chấn làm bí thư. Xứ uỷ phân công các xứ uỷ viên phụ trách những khu vực quan trọng: Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt....; cử hai đồng chí Trần Đức Vịnh và Dương Chí Trung đại diện cho Đặc chi Lào - Thái đi dự Hội nghị đại biểu toàn Đảng ở Tân Trào vào tháng 8 năm 1945.






------------------------------------------------------------------
1. Luổng Phạbang: phiên âm theo tiếng Pháp là Luăng Pờrabăng, thường đọc Luông Phabăng. Luổng Phạbang là kinh đô (mương luổng) có tượng Phật Phạbang (đúc bằng vàng), là kinh đô của Vương quốc Lào trước đây, nay là tỉnh lỵ của tỉnh Luổng Phạbang. Luổng Phạbang được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

2. Vua Lào tuyên bố “độc lập” với nội dung như sau: Căn cứ vào diễn biến của tình hình thế giới, nhất là các nước ở khu vực Đông Nam Á thời gian qua, tôi công khai tuyên bố Vương quốc Lào thuộc Pháp trước đây bắt đầu từ hôm nay trở thành một nước độc lập. Vương quốc Lào Luổng Phạbang sẽ bảo vệ nền độc lập của mình như các nước khác ở Đông Nam Á và cùng với các nước bầu bạn xây dựng sự phồn vinh tiến bộ, như tuyên bố xây dựng thịnh vượng chung của khối Đại Đông Á. Vương quốc chúng ta quyết định cộng tác với nước Nhật trong mọi lĩnh vực để xây dựng mục tiêu nói trên.

3. Trong thời gian này, tổ chức “Thái Sêri” muốn sử dụng lực lượng ngày càng lớn mạnh của Việt kiều ở Thái Lan để chống Nhật nên đã đặt mối liên hệ và tích cực giúp đỡ Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào.

4. Đến tháng 7 năm 1945, chiến khu này giải thể, lực lượng vũ trang chiến khu phân tán trong Việt kiều trở về Lào gây dựng cơ sở.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 10:39:40 am »

Giữa lúc cao trào kháng Nhật của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đang phát triển vô cùng mạnh mẽ thì một sự kiện quan trọng diễn ra: Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirôsima và ba ngày sau, ngày 9 tháng 8 năm 1945, ném quả thứ hai xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản làm chết hàng chục vạn người. Thực hiện cam kết tại Hội nghị Pốtxđam (họp từ ngày 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945), rạng sáng ngày 9 tháng 8 năm 1945, quân đội Liên Xô từ bốn hướng ồ ạt tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu (Đông Bắc Trung Quốc). Bằng những đòn tấn công như vũ bão, chỉ trong vòng một tuần lễ, quân đội Liên Xô đã đập tan hoàn toàn đạo quân Quan Đông với 1 triệu lính thiện chiến của Nhật, giải phóng toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc, miền Bắc Triều Tiên. Đây là đòn cân não buộc Nhật Bản phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đài Phát thanh Tôkyô phát đi lời tuyên bố của Nhật hoàng Hirôhito “chấp nhận bản Tuyên bố chung của các cường quốc”.

Việc Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện khiến phát xít Nhật ở Đông Dương mất tinh thần, hoang mang, rệu rã, các chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật ở Việt Nam, Lào và Cao Miên hoàn toàn bị tê liệt. Tình hình diễn biến rất nhanh, cơ hội ngàn năm có một của nhân dân Đông Dương giành độc lập đã tới.

Trong thời điểm lịch sử đó, Hội nghị đại biểu toàn Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1945 đã nhận định: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi” và đưa ra quyết sách kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp sau Hội nghị, Đại hội Quốc dân cũng họp và chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước khí giới của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai Nhật, đứng ở vị trí làm chủ nước mình mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương.

Tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp hai đại biểu của Xứ uỷ Ai Lao là đồng chí Trần Đức Vịnh và Nguyễn Hữu Khiếu (Dương Chí Trung). Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, đại ý: “Thời cơ rất thuận lợi cho cách mạng Đông Dương. Kẻ địch sau này không phải là Nhật mà Pháp, Pháp nhất định núp sau Đồng minh để trở lại xâm lược. Ở Việt Nam cũng thế và ở Lào cũng vậy. Bây giờ không chờ cho khắp nơi chuẩn bị đầy đủ, mà không kể địa phương nào, hễ có điều kiện thì cùng với người Lào cướp chính quyền rồi giao lại cho họ” . Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cũng căn dặn: “Các đồng chí về đưa lực lượng kiều bào hợp tác với người Lào để cướp chính quyền. Hợp tác thế nào, ở đây không nói được, tuỳ anh em bên ấy. Phải nắm vững tinh thần Lào - Việt Nam hợp tác. Phải tôn trọng người ta. Dù mình có khả năng làm được cũng phải coi người ta là chủ. Không phải chờ cướp chính quyền ở thủ đô đâu, nếu ở một vài nơi làm được thì cứ làm”.

Thực hiện chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước trong vòng 15 ngày. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào.

Tuy nhiên, ở Lào tình hình diễn biến rất phức tạp. Các lực lượng cách mạng yêu nước chủ yếu mới được xây dựng và phát triển ở một số thành phố, thị trấn dọc sông Mê Công.

Sáng ngày 12 tháng 8 năm 1945, trong khi đang mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt kiều ở Phôn Vixầy (Thái Lan), Xứ uỷ Ai Lao nhận được tin Nhật hoàng đã chấp nhận đầu hàng qua truyền đơn từ trên máy bay của Đồng minh thả xuống. Trong tình hình khẩn trương, Xứ uỷ Ai Lao không có điều kiện họp bàn kế hoạch khởi nghĩa, nhưng các đồng chí cán bộ lãnh đạo đã nhanh chóng nhất trí rằng phải hết sức khẩn trương, tranh thủ thời gian huy động nhân dân nổi dậy cướp chính quyền trong tay Nhật, trước khi chúng hạ vũ khí; ngăn chặn không cho Pháp trở lại cai trị Lào. Chủ trương trước hết phải vũ trang cho Việt kiều để có đủ sức mạnh đối phó với địch, rồi cùng toàn thể nhân dân Lào vùng dậy đánh đuổi Nhật và cả Pháp nếu chúng trở lại.

Mặc dù chưa học hết chương trình, lớp học vẫn bế mạc và ngay đêm 12 tháng 8 năm 1945, tất cả các đồng chí dự lớp huấn luyện lên đường về Viêng Chăn để lãnh đạo phong trào khởi nghĩa.

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, trong lúc tin Nhật đầu hàng đã lan khắp trong nhân dân, binh lính Nhật ra sức vơ vét của cải để chuẩn bị rút, Ban Chỉ đạo khởi nghĩa Viêng Chăn được thành lập gồm ba đồng chí: Nguyễn Chấn, Bí thư Xứ uỷ, trưởng ban phụ trách chung; Vũ Hữu Bỉnh phụ trách quân sự, ngoại giao và quan hệ Lào - Việt; Nguyễn Đình Hin giúp đồng chí Nguyễn Chấn chỉ đạo các lực lượng Việt kiều . Ban Chỉ đạo lấy nhà đồng chí Hin ở ngoại ô Viêng Chăn làm cơ quan chỉ huy, gấp rút tiến hành triệu tập cuộc họp có các đồng chí trong Chi bộ Viêng Chăn tham gia để nắm tình hình, bàn kế hoạch khởi nghĩa.

Ban Chỉ đạo chủ trương phải tranh thủ cho được chính giới Lào, nhất là những người tiến bộ trong chính quyền, cảnh sát, bảo an; xúc tiến vận động Hoàng thân Phếtxarạt, làm cho họ thấy rõ không có con đường nào khác là phải đấu tranh vũ trang giải phóng đất nước 1.

Thực hiện chủ trương của cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã tiến hành vận động Hoàng thân Phếtxarạt cho phép Việt kiều được tổ chức lại nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mình; đồng thời góp sức cùng nhân dân Lào đứng dậy giành độc lập, chống xâm lăng. Lúc này thực dân Pháp hiện diện trên đất Lào đang ráo riết chuẩn bị lực lượng trở lại thay thế Nhật. Núp dưới danh nghĩa Đồng minh, thực dân Pháp còn cho người liên lạc với Hoàng thân Phếtxarạt để thương lượng cho chúng được tiến vào Viêng Chăn.

Ban Chỉ đạo còn tập hợp Đoàn Thanh niên Việt kiều cứu quốc do đồng chí Phan Linh phụ trách làm lực lượng xung kích, tổ chức động viên các tầng lớp Việt kiều cùng với những người yêu nước Lào hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng. Tiến hành tiếp xúc với Uỷ ban Lào pên Lào ở Viêng Chăn để thống nhất hành động.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo gặp rất nhiều khó khăn vì trước khí thế cách mạng sôi sục của Việt kiều, một số thành viên chính phủ bù nhìn Lào và một bộ phận chính giới Lào có phần lo ngại, nghi ngờ Việt kiều có ý đồ thôn tính Lào nên tìm cách ngăn cản các tổ chức Việt kiều hành động.

Trong thời điểm khó khăn đó, vào ngày 16 tháng 8 năm 1945, nhận được tin hơn 500 công nhân Xưởng dệt Kapphạ (một xưởng dệt của tư bản Pháp ở Viêng Chăn, đa số công nhân là người Việt, có một số ít người Lào và người Hoa) đấu tranh đòi Nhật giao nhà máy cho Lào và trả nợ lương cho công nhân, Ban Chỉ đạo và Chi bộ đảng ở Viêng Chăn đã cử người vào lãnh đạo cuộc đấu tranh. Sau ba ngày đấu tranh rất quyết liệt, được sự ủng hộ hết lòng của Việt kiều và nhân dân Viêng Chăn, bọn Nhật buộc phải trả tự do cho đại biểu công nhân và trao trả nhà máy cho chính quyền Viêng Chăn.

Trước sự kiện đó, các chính giới Lào nhận rõ thật tâm đoàn kết của Việt kiều đối với Lào. Uỷ ban Lào pên Lào và Tỉnh trưởng Viêng Chăn Khăm Mạo rất tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo khởi nghĩa, vận động lực lượng quân đội, cảnh sát, bảo an đi theo cách mạng, tổ chức đội bảo an hỗn hợp Lào - Việt để tự vệ. Nhờ sự vận động tích cực của Tỉnh trưởng Khăm Mạo và Ban Chỉ đạo khởi nghĩa Viêng Chăn, Phó vương Phếtxarạt, nguyên Thủ tướng Chính phủ ở Luổng Phạbang đã đồng ý cho Việt kiều được tổ chức các đội tự vệ để giữ gìn trật tự trị an; cho phép Hội Việt kiều cứu quốc được hoạt động công khai.

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ban Chỉ đạo khởi nghĩa cùng với Tỉnh trưởng Khăm Mạo tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại khu vực chợ Mới có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia. Một số nhân vật trong Chính phủ Vương quốc cũng đến dự. Trong cuộc mít tinh, đại biểu Việt kiều nói rõ chủ trương đoàn kết Lào - Việt chống thực dân Pháp, không để cho Pháp trở lại cai trị Lào lần thứ hai, ủng hộ và tuân theo pháp luật của Chính phủ Lào. Tỉnh trưởng Khăm Mạo thay mặt cho Chính phủ Vương quốc và Uỷ ban Lào pên Lào Viêng Chăn tuyên bố Việt kiều được quyền tổ chức các đội tự vệ; kêu gọi Việt kiều đoàn kết với nhân dân Lào, giúp đỡ Chính phủ Lào, cùng nhau chống Pháp, giành độc lập dân tộc cho hai nước. Cuộc mít tinh đã tăng cường lòng tin và tình đoàn kết Lào - Việt Nam, làm cho các lực lượng Việt kiều và lực lượng Lào yêu nước thêm gắn bó.

Cuộc khởi nghĩa Viêng Chăn ngày 23 tháng 8 năm 1945 giành được thắng lợi mà không tốn xương máu. Đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và khôn khéo của Xứ uỷ Ai Lao, mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo khởi nghĩa đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của các lực lượng yêu nước Lào - Việt, đặc biệt là đông đảo Việt kiều ở Viêng Chăn; tranh thủ được sự ủng hộ của chính giới Lào, kể cả những người trong chính quyền Vương quốc.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Viêng Chăn đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.

Tại Thà Khẹc, Xứ uỷ cử hai đồng chí xứ uỷ viên là Đinh Văn Khanh và Nguyễn Văn Long (tức Lý Bạch Sơn) cùng với Chi bộ Thà Khẹc thành lập Ban Chỉ đạo khởi nghĩa, thành lập đơn vị Việt kiều giải phóng quân, phối hợp với Uỷ ban Lào pên Lào và đơn vị Lào Ítxalạ lãnh đạo Việt kiều và nhân dân Lào khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi một cách nhanh gọn vào ngày 25 tháng 8 năm 1945.

Tại Xavẳnnakhệt, từ ngày 21 đến 30 tháng 8 năm 1945, các đồng chí Trần Đức Vịnh (xứ uỷ viên), Lê Mạnh Trinh cùng với chi bộ đảng lãnh đạo Việt kiều và các lực lượng Lào yêu nước ở đây (đặc biệt là Uỷ ban Lào pên Lào và Tỉnh trưởng Xavẳnnakhệt) khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Tại Sầm Nưa, ngày 26 tháng 8 năm 1945, tàn binh Pháp quay lại chiếm tỉnh lỵ Sầm Nưa. Tháng 10 năm 1945, được sự giúp đỡ của đơn vị bộ đội Việt Nam, nhân dân Sầm Nưa đã đánh đuổi quân Pháp, giải phóng thị xã Sầm Nưa.

Tại Luổng Phạbang, lực lượng nổi dậy chiếm thành phố vào ngày 18 tháng 10 năm 1945.

Đầu tháng 11 năm 1945, tỉnh Xiêng Khoảng được giải phóng.

Có thể nói, thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam và khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Lào diễn ra gần như đồng thời và đều ít đổ máu. Thắng lợi đó minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, thể hiện rõ tính hiệu quả của tình đoàn kết đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Cùng với cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Lào đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Lào đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản viết: “Đây là thắng lợi đầu tiên của nhân dân ta trở lại làm chủ đất nước và vận mệnh của mình sau hơn một trăm năm sống dưới ách nô lệ và bị chia cắt. Thắng lợi đó đã mở đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà nhân dân ta được huy động và tự giác tham gia vào cuộc chiến đấu sống còn với kẻ thù để cứu nhà, cứu nước” . Đồng thời cũng mở ra kỷ nguyên mới về quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam cùng đoàn kết giúp đỡ nhau vì những mục tiêu chung của cả hai dân tộc.

Sau khi khởi nghĩa ở Lào giành thắng lợi, hầu hết Việt kiều ở Viêng Chăn tham gia Hội Việt kiều cứu quốc. Nam nữ thanh niên hăng hái tham gia tự vệ chiến đấu, những người cao tuổi cũng xin gia nhập đội tự vệ chiến đấu. Tiếp đó, Việt kiều và nhân dân Lào ở Viêng Chăn phát động phong trào quyên góp, mua sắm vũ khí, rèn giáo mác, với khí thế bừng bừng cách mạng. Dân quân, tự vệ tổ chức tuần tra canh gác các ngả đường, khu phố, làng bản, giữ gìn trật tự, trị an, ngăn ngừa trộm cướp, cảnh giới đối với quân Pháp đang lăm le tấn công vào thành phố.
Thực hiện chủ trương và những lời căn dặn của đồng chí Hồ Chí Minh tại Hội nghị Tân Trào, Ban Chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chăn (do các đảng viên cộng sản làm nòng cốt) đã vận động các lực lượng yêu nước và tiến bộ Lào xúc tiến lập Chính phủ Lào. Trong thời gian gấp rút thành lập Chính phủ Lào, soạn thảo Hiến pháp, tình hình ở Viêng Chăn và ở Lào có những phức tạp mới do quân Pháp đang ráo riết hoạt động để quay trở lại Lào. Chúng tiến hành xây dựng những căn cứ ở các vùng nông thôn, xung quanh Viêng Chăn để tìm cách đánh vào thành phố. Ngày 1 tháng 9 năm 1945, Hoàng thân Phếtxarạt nhân danh Phó vương và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc ở Luổng Phạbang tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Pháp, cấm người Pháp can thiệp vào nội trị của Lào.

Bên cạnh sự hiện diện của quân Pháp, ngày 29 tháng 9 năm 1945, các đơn vị đầu tiên của quân Tưởng Giới Thạch đến Viêng Chăn để giải giáp quân đội Nhật.

Trước đòi hỏi của quần chúng cách mạng, nhằm tạo nên sức mạnh thống nhất để bảo vệ chính quyền cách mạng, mà trước mắt là chống lại các cuộc tấn công quy mô của bọn xâm lược Pháp vào các đô thị, tháng 9 năm 1945, sau khi hiệp thương, tổ chức Lào Ítxalạ và Việt kiều yêu nước đã nhất trí thành lập đội quân lấy tên là Liên quân Lào - Việt đặt dưới sự chỉ huy của một bộ tham mưu chung, do quản Xỉng (người Lào) và Vũ Hữu Bỉnh (người Việt) đứng đầu.

Sau khi thành lập liên quân Lào - Việt, các Uỷ ban phòng thủ chung Lào - Việt ở các địa phương được tổ chức.

Tuy mới được thành lập, lại gặp nhiều khó khăn về tổ chức huấn luyện, trang bị, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần căm thù bọn xâm lược, các chiến sĩ trong liên quân Lào - Việt đã chiến đấu rất dũng cảm, gây cho quân địch nhiều thiệt hại trong các trận đánh lớn như Nhômmalạt, Phôn Tịu, Hỉn Bun, Kẹng Koọc, Xoỏng Khon, Thà Đừa, Ylay, Na Khằng, Bạn Cơn...

Được sự giúp đỡ của Ban Chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chăn, ngày 8 tháng 10 năm 1945, tổ chức Lào pên Lào và tổ chức Lào Ítxalạ cử đại biểu về dự Đại hội đại biểu Uỷ ban Dân chúng Lào tại Viêng Chăn với mục đích hợp nhất hai tổ chức, thành lập Uỷ ban Khởi sự (Kháná Phù Còcan), bàn việc thành lập Chính phủ Trung ương và dự thảo Hiến pháp tạm thời.

Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Đại hội đại biểu Uỷ ban Dân chúng họp lần thứ hai quyết định thành lập Chính phủ Lào Ítxalạ do Hoàng thân Phếtxarạt đứng đầu, ông Khăm Mạo Vilay làm thủ tướng; thông qua Hiến pháp tạm thời, quyết định quốc kỳ, quốc ca.

Chính phủ Lào cũng gửi điện lên Nhà vua yêu cầu vua thừa nhận Hiến pháp mới, giải tán Chính phủ Luổng Phạbang, công nhận chính phủ mới và mời Xỉxávàngvông tiếp tục làm vua theo Hiến pháp 2.

Sáng ngày 12 tháng 10 năm 1945, Uỷ ban Dân chúng Lào và Chính phủ Lào Ítxalạ tổ chức cuộc mít tinh lớn tại tại sân vận động Viêng Chăn để làm lễ tuyên bố nền độc lập của quốc gia Lào và ban bố bản Hiếp pháp tạm thời. Hàng vạn nhân dân Lào, gồm công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, viên chức, người buôn bán và Việt kiều tham gia cuộc mít tinh đã phấn khởi hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh nền độc lập của Lào, hoan nghênh Chính phủ mới, cổ súy tinh thần đoàn kết Lào - Việt. Đúng 8 giờ sáng ngày 12 tháng 10 năm 1945, ông Khăm Mạo thay mặt Uỷ ban Lào Ítxalạ tuyên bố khai mạc cuộc mít tinh và tuyên đọc các văn kiện quan trọng như: Tuyên ngôn độc lập; Quyết nghị thành lập chính phủ; Công bố bản hiến pháp lâm thời; Tuyên bố bổ nhiệm các thành viên trong Chính phủ. Cuộc mít tinh sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy nhằm biểu dương lực lượng và thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập của nhân dân Lào.

 Sau khi thành lập, Chính phủ Lào chủ trương: “1. Nhân dân Lào quyết tâm đoàn kết chống mọi mưu mô lập lại ách đô hộ của thực dân Pháp ở Lào; 2. Nhân dân Lào đã chán ghét bọn vua quan, tay sai của thực dân Pháp; 3. Nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương” . Thủ tướng Khăm Mạo nhân dịp này đã tuyên bố với Việt kiều: “mong rằng ba nước Việt, Miên, Lào bắt tay nhau để kiến thiết quốc gia”.

Nhận rõ tầm quan trọng của mối quan hệ hai dân tộc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phái hai đồng chí Trần Đức Vịnh và Dương Chí Trung, đại biểu Việt kiều yêu nước Lào - Thái sau thời gian về nước dự Hội nghị Tân Trào trở lại Lào với danh nghĩa là phái viên của Tổng bộ Việt Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trên đường đi từ Trung Bộ Việt Nam đến Viêng Chăn, hai đồng chí đã đến Xavẳnnakhệt (ngày 26 tháng 8 năm 1945), Thà Khẹc (ngày 1 tháng 9 năm 1945), đến đâu đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng được Việt kiều và nhân dân Lào tổ chức mít tinh trọng thể chào mừng Đoàn.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4 tháng 9 năm 1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng, cũng như mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Lào trong bối cảnh mới. Sau khi tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia Chính phủ Lào. Ngày 3 tháng 10 năm 1945, hàng vạn nhân dân ở Xavẳnnakhệt họp mít tinh chào mừng Hoàng thân Xuphanuvông ghé qua Xavẳnnakhệt. Tại cuộc mít tinh, Hoàng thân Xuphanuvông tuyên bố: “Từ nay nước Lào là quốc gia độc lập có chủ quyền ngang hàng với tất cả các dân tộc trên thế giới”. Hoàng thân nhấn mạnh: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”. Trên đường đi Viêng Chăn, Hoàng thân Xuphanuvông ghé thăm Thà Khẹc, chính quyền địa phương tổ chức mít tinh chào mừng. Cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động thị xã Thà Khẹc gồm đông đủ các tầng lớp nhân dân Lào và Việt kiều yêu nước tham gia. Việt kiều ở các vùng biên giới Thái Lan dọc sông Mê Công cũng vượt sông sang tham gia mít tinh. Tại đây, vào ngày 8 tháng 10 năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông khai mạc và chủ trì Hội nghị cán bộ Lào Ítxalạ. Hình ảnh, uy tín, quyết tâm làm cách mạng, cứu nước và những lời nói tốt đẹp của Hoàng thân về quan hệ Lào - Việt Nam đã tác động lớn lao đến sự hưởng ứng, tham gia cách mạng của các tầng lớp nhân dân Lào, càng tạo thêm chất keo gắn kết tình cảm của nhân dân Lào với Việt kiều cũng như với Việt Nam.




------------------------------------------------------------------
1. Đầu những năm 40 thế kỷ XX, do những chuyển biến nhanh chóng của tình hình chính trị thế giới và khu vực, nhất là sự tuyên truyền, kích động chủ nghĩa dân tộc “Đại Lào” của thực dân Pháp, trong nhân dân Lào, nhất là tầng lớp trên, xuất hiện sự phân hoá tư tưởng về con đường giành độc lập cho đất nước Lào. Ngoài phong trào chủ trương giành độc lập dân tộc của lực lượng cách mạng, còn có xu hướng muốn giành độc lập bằng con đường tranh thủ sự ủng hộ của Đồng minh (trong số này có Hoàng thân Phếtxarạt), thậm chí có một bộ phận muốn Pháp quay trở lại và công nhận nền độc lập của Lào trong Khối Liên hiệp Pháp.

2. Tuy nhiên Vua Lào đã từ chối. Sau đó, quân đội Chính phủ đã giải phóng Luổng Phạbang, lập chính quyền mới.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 10:42:50 am »

*
*     *

Quãng thời gian 1930 - 1945 là thời kỳ nhân dân Việt Nam và Lào nương tựa lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mối quan hệ đó đó xuất phát từ những điều kiện về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá, đặc biệt từ yêu cầu khách quan của công cuộc đấu tranh tự giải phóng, mang bản chất quốc tế vô sản, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xác định về mặt lý luận và chính Người hiện thực hoá bằng việc chủ trì việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành chính đảng vô sản đầu tiên ở Đông Dương là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 10 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đảng Cộng sản Đông Dương có vai trò rất to lớn trong việc xây đắp mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Đảng Cộng sản Đông Dương đã khơi dậy và thức tỉnh tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Lào; xây dựng được những cơ sở và phong trào cách mạng đầu tiên của nhân dân Lào để từ đó nhân dân Lào chớp thời cơ giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945, thành lập Chính phủ độc lập Lào, mở ra một thời kỳ mới thiết lập liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam. Sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau được duy trì, ngày càng phát triển do nỗ lực phấn đấu của các đảng viên cộng sản, của nhân dân hai nước.

Bộ phận nhân sĩ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào có vai trò quyết định trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng Lào cũng như trong thành công của cuộc nổi dậy giành độc lập ở Lào vào tháng 8 năm 1945. Cưu mang, giúp đỡ, ủng hộ những người Việt đến sinh sống, tham gia các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhằm mục tiêu giải phóng, giành độc lập và xây dựng quốc gia Lào phồn thịnh, những nhân sĩ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào cũng đồng thời có nhiều đóng góp lớn lao trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Trong quá trình đoàn kết đấu tranh chống thực dân xâm lược của nhân dân hai nước Việt - Lào, bộ phận người Việt ở Lào có vai trò rất quan trọng. Do điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử, nhất là chính sách đàn áp phong trào cách mạng và khai thác thuộc địa ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, một số lượng lớn người Việt đến định cư và sinh sống ở Lào. Người Việt ở Lào tham gia vào hầu hết các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của Lào, trở thành một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân cư Lào, cùng chung thân phận, cảnh ngộ bị mất nước, bị áp bức bóc lột bởi thực dân Pháp như nhân dân Lào và có nhiều đóng góp trong việc phát triển xã hội Lào, nhất là trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của đất nước Lào.

Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, phong trào đấu tranh của người Việt ở Lào đã góp sức cùng nhân dân Lào khởi nghĩa giành thắng lợi. Đây là một trong những nguyên nhân thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào trong hoàn cảnh vùng nông thôn rộng lớn còn sự hiện diện của một lực lượng lớn quân Pháp, lực lượng cách mạng phải đối mặt với quân Anh, quân Trung Hoa dân quốc mang danh nghĩa Đồng minh tràn vào Lào, nội bộ quý tộc Lào bị phân hoá với những quan điểm khác nhau về con đường giành độc lập, tự do cho đất nước Lào.

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2 tháng 9 năm 1945) và Chính phủ Lào Ítxalạ (ngày 12 tháng 10 năm 1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một bước ngoặt đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 10:52:01 am »

PHẦN THỨ HAI

LIÊN MINH VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM CHIẾN ĐẤU
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC
(1945 - 1975)



 

 
Chương III
HỢP TÁC, GIÚP NHAU KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(từ ngày 16 tháng 10 năm 1945 đến tháng 12 năm 1950)



I. BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN LIÊN MINH CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (TỪ NGÀY 16 THÁNG 10 NĂM 1945 ĐẾN THÁNG 12 NĂM 1948)


1. Bối cảnh lịch sử


Sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (ngày 2 tháng 9 năm 1945) và nước Lào tuyên bố độc lập (ngày 12 tháng 10 năm 1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, hai nước Việt Nam và Lào đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong bối cảnh, tình hình quốc tế và hai nước có nhiều biến động với nhiều thuận lợi và khó khăn.

Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) kết thúc, nhân loại bước vào thời kỳ mới. Về chính trị, quan hệ quốc tế có những thay đổi lớn, quan trọng như sự hình thành hai hệ thống xã hội (tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa) đối lập; Chiến tranh lạnh khởi phát và lan rộng toàn cầu.

Sự hình thành và lớn mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa, mà Liên Xô là trung tâm, ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển của các trào lưu cách mạng, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Trong các nước tư bản chủ nghĩa, Mỹ là đế quốc duy nhất giàu và mạnh lên bởi Chiến tranh thế giới thứ hai, trở thành kẻ đầu sỏ, chi phối chính sách các nước trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, ráo riết theo đuổi chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Trước năm 1945, Mỹ luôn tìm cách gạt Pháp ra khỏi Đông Dương, nhưng sau khi Tổng thống Rudơven qua đời (tháng 4 năm 1945), quan điểm của Mỹ về Đông Dương có sự thay đổi, tạo cơ hội cho Pháp trở lại Đông Dương.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố thành lập (ngày 2 tháng 9 năm 1945), đánh dấu sự kết thúc chế độ thực dân phong kiến, mở đầu thời đại mới vẻ vang, huy hoàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh. Về phương diện quốc tế, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đánh dấu bước đột phá vào dinh luỹ, hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, mở đầu cuộc tiến công mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Thắng lợi của khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Lào và việc nước Lào tuyên bố độc lập (ngày 12 tháng 10 năm 1945) là những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong quá trình phát triển của cách mạng Lào.

Chính ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc lớn lao của những sự kiện lịch sử trọng đại nói trên cũng như vị trí địa - chính trị, địa - quân sự, địa - kinh tế của Việt Nam, Lào đối với khu vực và thế giới đã khiến cho các kẻ thù của ba nước Đông Dương, của nhân loại tiến bộ nói chung phải cấu kết lại nhằm thực hiện âm mưu xoá bỏ thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam và Lào, ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam, Lào trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, khôi phục ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Lào tuyên bố độc lập, nhưng về phương diện quốc tế, chưa có một nước nào công nhận 1. Không những thế, với quyết định của Hội nghị Pốtxđam 2, việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương được giao cho quân Trung Hoa dân quốc và quân Anh, phân cách bởi vĩ tuyến 16, đã tạo cơ sở, điều kiện để kẻ thù của cách mạng Đông Dương đưa quân vào bán đảo này, thực hiện dã tâm xâm lược của chúng.

Cuối tháng 8 năm 1945, gần 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc chia thành nhiều hướng tiến vào bắc vĩ tuyến 16 Việt Nam, Lào. Sau khi đưa quân chiếm đóng các thành phố, thị xã và các địa bàn trọng yếu, những kẻ cầm đầu quân Trung Hoa dân quốc tuyên bố thời gian có mặt của chúng tại bắc vĩ tuyến 16 là không hạn định và ráo riết thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, giúp bọn tay sai chống phá cách mạng Việt Nam, Lào.

Theo quyết định của Hội nghị Pốtxđam, Pháp bị gạt ra ngoài lề trong vấn đề Đông Dương, nhưng thực tế việc để quân Anh vào giải giáp quân Nhật ở nam vĩ tuyến 16, vô hình trung đã tạo điều kiện cho Pháp trở lại xâm lược bán đảo này. Mặt khác, lợi dụng tình thế lúc bấy giờ, số quân Pháp dạt khỏi Đông Dương trong cuộc đảo chính của quân Nhật (ngày 9 tháng 3 năm 1945), cũng bí mật tìm đường trở lại bắc vĩ tuyến 16 Việt Nam, Lào.

Được sự đồng loã của quân Anh, đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm một số công sở trong thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Tiếp đó, chúng mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ, sang Campuchia. Đầu tháng 9 năm 1945, Pháp đưa quân vào nam vĩ tuyến 16 của Lào, thành lập Bộ Tham mưu quân Pháp ở Lào. Trong khi đó, Sư đoàn 23 thuộc Quân đoàn 60 quân Trung Hoa dân quốc tiến vào phía bắc vĩ tuyến 16 của Lào chiếm đóng các thị xã, thị trấn lớn dọc sông Mê Công, từ Phôngxalỳ đến Xavẳnnakhệt.

Trước âm mưu từng bước mở rộng chiến tranh, dùng lãnh thổ nước này để xâm chiếm nước kia, biến Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới của thực dân Pháp đòi hỏi Việt Nam, Lào và Campuchia phải liên minh, đoàn kết với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc.




-----------------------------------------------------------------
1. Đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và một số nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

2. Hội nghị giữa những người đứng đầu chính phủ các nước lớn chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) là Liên Xô, Mỹ, Anh, diễn ra từ ngày 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945, tại Pốtxđam, ngoại vi Béclin (Đức).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 04:35:51 pm »

 2. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương và các lãnh tụ về kháng chiến, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào chống thực dân Pháp xâm lược

Nhu cầu hợp tác, giúp đỡ nhau kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược xuất phát từ hai phía. Lào cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng vậy. Đó là sự hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vì mục tiêu chung và riêng, đôi bên cùng có lợi, nhằm đưa sự nghiệp cách mạng vững bước tiến lên.

Ngày 14 tháng 10 năm 1945, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức công nhận Chính phủ độc lập Lào. Tiếp đó, đại diện hai chính phủ ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt  và Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt  nhằm giúp đỡ nhau về mọi mặt trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Đó là những văn kiện chính thức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ độc lập Lào, tạo cơ sở pháp lý để hai dân tộc hợp tác, liên minh chiến đấu chống Pháp xâm lược.

Thấy rõ tầm quan trọng của liên minh Việt Nam - Lào, tháng 10 năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông tuyên bố: “Lào và Việt Nam cùng chung một nguyện vọng duy nhất là có nền độc lập dân tộc và quyền dân chủ thực sự, cùng chung kẻ thù là thực dân Pháp muốn trở lại thống trị hai nước chúng ta. Do đó, nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam anh em phải đoàn kết nhau lại tiếp tục chiến đấu. Nền độc lập của Lào muôn năm! Tình đoàn kết Lào - Việt muôn năm!” .

Ngày 15 tháng 11 năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông thay mặt Chính phủ độc lập Lào gửi điện đến Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tinh thần đoàn kết gắn bó của nhân dân Lào đối với nhân dân Việt Nam, khẳng định quân và dân hai nước sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lào và Việt là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết. Đối với kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đất nước Lào thì Lào lại như là một Tổ quốc thứ hai. Tục ngữ có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần” ý nghĩa là như thế.

Vậy nên sự đoàn kết chẳng những bao gồm đồng bào Việt, mà bao gồm cả đồng bào Việt với đồng bào Lào. Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi.

Bây giờ, hai dân tộc ta tuy còn phải khó nhọc, nhưng tương lai của chúng ta rất là vẻ vang. Đến ngày Việt - Lào được quyền hoàn toàn độc lập, anh em ta sẽ cùng hưởng phúc thái bình.

Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào trong nước, gửi lời chào thân ái cho toàn thể kiều bào, chúc các kiều bào gắng sức và thắng lợi” .

Tháng 11 năm 1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, nêu rõ cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong, kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng; cần phải lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp; thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào . Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc thực sự là cương lĩnh hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương trước tình hình mới.

Thực hiện chủ trương của Đảng, với ý chí sắt đá vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã dũng cảm đứng lên chiến đấu ngăn chặn bước tiến quân của kẻ thù, nhưng do lực lượng quân sự chênh lệch nên đầu năm 1946, quân Pháp đã từng bước đánh chiếm, mở rộng chiến tranh ra toàn vùng nam vĩ tuyến 16.

Cuối tháng 2 năm 1946, Anh bắt đầu rút quân khỏi nam vĩ tuyến 16; tàn quân Nhật bị tước vũ khí, lần lượt hồi hương. Pháp thoả thuận với Trung Hoa dân quốc ký bản Hiệp ước Pháp - Hoa , tạo điều kiện cho Pháp thực hiện âm mưu chiếm lại toàn bộ Đông Dương. Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Tình hình và chủ trương (ngày 3 tháng 3 năm 1946), chỉ rõ: “muốn cứu vãn quyền lợi chung của đế quốc, chống phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa, Anh, Pháp và Mỹ - Tàu đã tạm dẹp mâu thuẫn bộ phận ở Đông Dương. Coi đó thì Hiệp ước Hoa - Pháp không phải là chuyện riêng của Tàu và Pháp. Nó là chuyện chung của phe đế quốc và bọn tay sai của chúng ở thuộc địa... Nhưng chúng vẫn gờm cách mạng Đông Dương và dư luận quốc tế, nên cả Tàu lẫn Pháp cũng muốn dàn xếp với ta về việc quân Pháp kéo vào Bắc nước ta” . Chỉ thị phân tích: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”. Thường vụ Trung ương Đảng cho rằng hoà với Pháp có thể phá tan âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động, bảo toàn lực lượng, có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, tiến tới giành độc lập hoàn toàn. “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”. “Đối với Lào, Mên cùng với ta có chung một kẻ địch ta đòi Pháp phải thừa nhận quyền tự chủ hay ít nhất quyền tự trị rộng rãi về chính trị cho họ”.

Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhất trí chủ trương Hoà để tiến (ngày 5 tháng 3 năm 1946), quyết định tạm thời hoà hoãn với thực dân Pháp, nhằm đẩy nhanh quân Trung Hoa dân quốc về nước, tránh nguy cơ cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù.

Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, với thiện chí hoà bình, Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán với Pháp ; Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp bản Thoả ước tạm thời  nhằm tăng thêm thời gian hoà hoãn, tiếp tục chuẩn bị thêm về mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến.

Đến giữa tháng 12 năm 1946, khả năng hoà hoãn không còn, nguy cơ chiến tranh phát triển tới đỉnh điểm, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (ngày 12 tháng 12 năm 1946), nêu rõ mục đích đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập và thống nhất; xác định đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh; chủ trương đoàn kết toàn dân, đoàn kết với nhân dân hai nước Lào và Campuchia, nhân dân Pháp và các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới, v.v.. Với Chỉ thị này, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã hạ quyết tâm phát động toàn dân kháng chiến và quyết định đánh trước để giành thế chủ động. Theo đó, đêm 19 tháng 12 năm 1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng các thành phố, thị xã bắc vĩ tuyến 16, đồng loạt tiến công địch, mở đầu cuộc kháng chiến trên quy mô toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tại Lào, sau Hiệp định Pháp - Hoa (ngày 28 tháng 2 năm 1946), quân Trung Hoa dân quốc lần lượt rút khỏi bắc vĩ tuyến 16, quân Pháp vào thay thế, thực chất là để Pháp xâm chiếm Lào. Từ giữa năm 1946, sau khi căn bản chiếm được toàn bộ lãnh thổ Lào, thực dân Pháp ra sức củng cố, phục hồi chính quyền tay sai các cấp; tăng cường bắt lính, đôn quân, xây dựng và phát triển lực lượng dân vệ, thiết lập hệ thống đồn bốt ở những vị trí quan trọng nhằm kiểm soát tình hình. Đi đôi với việc kìm kẹp, khống chế về quân sự, thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp về chính trị, như ký Hiệp định ngày 28 tháng 7 năm 1946, cho Lào “độc lập thống nhất và tự trị trong khối Liên hiệp Pháp”, lập Chính phủ và bầu Quốc hội Viêng Chăn (tháng 5 năm 1946); thành lập các đảng phái chính trị làm công cụ chia rẽ nội bộ, phá phong trào cách mạng Lào, chia rẽ mối quan hệ láng giềng thân thiện, tình đoàn kết chiến đấu chống thực dân phong kiến giữa Việt Nam và Lào. Đồng thời, chúng ra sức vơ vét của cải, tăng thuế má, bắt phu phen tạp dịch, v.v., thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Lào đánh người Lào”, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”.

Bằng sức mạnh quân sự và thủ đoạn chính trị thâm độc, thực dân Pháp từng bước ổn định tình hình, thiết lập bộ máy chính trị các cấp ở Lào, gây cho phong trào kháng chiến của Lào nhiều khó khăn, phức tạp.

Về phía cách mạng Lào, phong trào đấu tranh còn yếu, cơ sở chính trị, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi hầu như chưa có gì. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào nhỏ bé, với vũ khí hết sức thô sơ, hoạt động phân tán, thiếu sự chỉ huy, chỉ đạo thống nhất. Lào tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều. Chính phủ độc lập Lào, sau hơn tám tháng hoạt động đã phải lánh sang Thái Lan (tháng 6 năm 1946).

Ngày 29 tháng 12 năm 1946, Pháp tuyên bố bình định xong Lào.

Như vậy, đến cuối năm 1946, chiến tranh đã lan rộng trên khắp bán đảo Đông Dương, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Lào đang gặp rất nhiều khó khăn về mọi phương diện, trong đó, nổi lên là phải “chiến đấu trong vòng vây” bốn bề của chủ nghĩa đế quốc, thực dân và thiếu sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế. Đông Dương trở thành một chiến trường. Việt Nam là chiến trường chính, nơi tập trung nhất về lực lượng và phương tiện chiến tranh của quân Pháp.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2021, 04:42:14 pm »

3. Hai nước Việt Nam - Lào bước đầu thực hiện liên minh, đoàn kết chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1948)

 Phối hợp chiến đấu chống Pháp chiếm đóng các thành phố, thị xã của Lào. Trước hành động trắng trợn xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, của các lãnh tụ cách mạng Việt Nam và Lào, thực hiện Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt, còn được gọi là Hiệp định thành lập liên quân Lào - Việt, quân và dân các địa phương Việt Nam, nhất là vùng giáp biên giới Việt Nam - Lào, tiến hành phối hợp tác chiến. Liên quân Lào - Việt Nam kiên cường, dũng cảm chiến đấu, chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ uỷ Lào đã kịp thời lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào và Việt kiều đứng lên chống thực dân Pháp. Hội Việt kiều cứu quốc ở các tỉnh, thành phố đã động viên và kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên, viên chức yêu nước tham gia lực lượng vũ trang, gia nhập lực lượng liên quân Lào - Việt. Ngoài lực lượng tự vệ ở các khu phố và các cơ quan, các chi hội, phân hội Việt kiều cứu quốc, các ban chỉ huy liên quân Lào - Việt ở các thành phố, thị xã đã tập hợp được một số lượng lớn thanh niên, học sinh. Thủ đô Viêng Chăn tập hợp được hơn 600 người và tổ chức thành 6 đại đội chiến đấu, gồm 3 đại đội Việt kiều và 3 đại đội Lào Ítxalạ, trong đó có đại đội Lào từ Thái Lan về, do ông Thạo Xột Phệtlaxỉ làm đại đội trưởng. Xavẳnnakhệt tập hợp được 200 người, tổ chức thành 2 đại đội chiến đấu. Thị xã Thà Khẹc tổ chức 4 đại đội gồm 2 đại đội Lào Ítxalạ và 2 đại đội Việt kiều giải phóng quân với số lượng 800 người. Ban Chỉ huy liên quân Lào - Việt ở mặt trận Thà Khẹc do Hoàng thân Xuphanuvông chỉ huy chung, ông Xỉngcapô phụ trách lực lượng vũ trang Lào; đồng chí Nguyễn Chánh phụ trách lực lượng vũ trang Việt kiều. Tại khu vực mường Xê Pôn và Mương Phin, nam - bắc đường 9, nối liền với thị trấn Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam), các lực lượng yêu nước Lào do ông Thạo Ô, Thạo Kê phụ trách, thành lập đại đội mường Xê Pôn. Tại khu vực Lắc Xao, Khăm Cợt, Na Pê (thuộc tỉnh Khăm Muộn), các lực lượng vũ trang yêu nước Lào do các ông Thạo Xây, Thạo Xổm phụ trách, thành lập một trung đội Lào Ítxalạ.

Ban Chỉ huy liên quân Lào - Việt ở thành phố Viêng Chăn và các thị xã Thà Khẹc, Xavẳnnakhệt, mở các lớp huấn luyện quân sự cho dân quân tự vệ và các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về nhiệm vụ công tác cho cán bộ trung đội, tiểu đội. Tính đến tháng 2 năm 1946, mỗi nơi đã mở được hai đến ba lớp, giúp cho đội ngũ cán bộ chỉ huy trung đội, tiểu đội có thêm kiến thức về quân sự cũng như về chỉ huy, lãnh đạo.
Về trang bị vũ khí và hậu cần, các đơn vị liên quân Lào - Việt đều dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân Lào và bà con Việt kiều. Liên quân Lào - Việt phân tán thành từng bộ phận nhỏ, thực hiện cùng ăn, ở và làm việc với dân; lúc tập trung huấn luyện chiến đấu thì nhờ các mẹ, chị em phụ nữ nấu cơm ăn tập thể. Quần áo, giày dép, ..., chủ yếu là do anh em tự túc và gia đình trợ giúp. Trang bị vũ khí chủ yếu là một vài loại súng bộ binh như súng trường, tiểu liên, trung liên, cả súng kíp, lựu đạn, giáo mác và cung tên. Mỗi trung đội có vài ba khẩu súng tiểu liên. Các đại đội tập trung có một đến hai khẩu súng trung liên.

Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến, Ủy ban kháng chiến - hành chính và Bộ Chỉ huy Chiến khu 41  đã đưa lực lượng lên phía tây, sang Lào phối hợp chiến đấu. Khi Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng một số vị trí trên đường 9, 12, 8, Chiến khu 4 quyết định thành lập Ban Chỉ huy mặt trận đường 9, đường 8 và đưa một số đơn vị lên sát biên giới Việt Nam - Lào sẵn sàng đánh địch.

Trên mặt trận đường 9, Chiến khu 4 điều hai phân đội (tương đương trung đội) của tỉnh Quảng Bình, một phân đội của thành phố Huế, một đại đội của tỉnh Quảng Nam, cùng với chi đội giải phóng quân tỉnh Quảng Trị, do đồng chí Nguyễn Thụ (Ba Thụ) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Trần Thanh Lạc (Chu Huy Mân) làm chính uỷ, tiến lên biên giới Việt Nam - Lào, phối hợp đánh địch. Từ đầu tháng 11 năm 1945, các đơn vị thuộc mặt trận đường 9, tổ chức đánh địch ở bản Nặm Cha Lộ (tây bắc Xê Pôn), buộc địch phải rút về phía tây nam. Liên quân Lào - Việt phối hợp chiến đấu, kiểm soát Mương Phin (ngày 21 tháng 12 năm 1945).

Ở mặt trận đường 8, Chi đội Phan Đình Phùng (sau đổi thành Trung đoàn 103) tổ chức một đơn vị, phối hợp với lực lượng liên quân Lào - Việt, đánh địch ở gần Na Pê (giáp huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), buộc địch phải lui về bản Na Xalim. Sau khi được thành lập, tiểu đoàn của đồng chí Nguyễn Trường Sinh  bố trí một đại đội chốt giữ Na Pê, số còn lại phân tán làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân, gây dựng cơ sở, lực lượng kháng chiến. Cuối tháng 9 năm 1945, đơn vị của đồng chí Sinh tiến công địch khi chúng đang từ bản Na Xalim về ngã ba Lắc Xao, diệt một số tên, buộc địch phải rút về Khăm Cợt, phá tan âm mưu chiếm giữ Na Pê, tạo bàn đạp tiến công vào phía tây Hà Tĩnh theo đường 8. Đơn vị của đồng chí Sinh tích cực giúp Lào gây dựng cơ sở, tổ chức một trung đội Lào Ítxalạ với đầy đủ vũ khí.

Tại tỉnh Khăm Muộn, ngày 27 tháng 11 năm 1945, một lực lượng liên quân Lào - Việt do Hoàng thân Xuphanuvông chỉ huy chia thành hai mũi đánh vào Nặm Malạt, buộc địch phải rút khỏi vị trí. Mười ngày sau đó, liên quân Lào - Việt tổ chức đánh chặn, đẩy lùi cuộc tiến công của địch ở Thà Đừa và truy kích địch ở Mương Cầu, Na Mương, Bạn Đôn, Cốc Đôn.

Tỉnh Thanh Hoá cũng điều lực lượng lên phía tây, hoạt động ở vùng biên giới Việt - Lào.

Trong các tháng cuối năm 1945 đầu năm 1946, tại Viêng Chăn, liên quân Lào - Việt tổ chức đánh địch ở bản Na Khằng (ngày 10 tháng 10), trên đường 13 đoạn Ylay - Na Khằng (ngày 14 tháng 10), Bạn Cơn (ngày 19 tháng 11 năm 1945 và 22 tháng 1 năm 1946), Thà Đừa (ngày 8 tháng 1 năm 1946), v.v..

Từ tháng 2 năm 1946, sau khi được tăng cường thêm binh lực, quân Pháp ở Lào mở các cuộc tiến công lớn vào khu vực Đồng Hến, Mương Phin, Xê Pôn. Liên quân Lào - Việt tổ chức nhiều trận đánh để ngăn chặn các cuộc tiến công của địch. Do bị tổn thất, liên quân Lào - Việt chủ động rút khỏi Mương Phin, Xê Pôn về vùng biên giới Việt - Lào. Đầu tháng 3 năm 1946, tiểu đoàn bộ đội địa phương Hà Tĩnh do đồng chí Trường Sinh chỉ huy, rút khỏi Khăm Cợt về vùng biên giới Lào - Việt. Các ông Thạo Xây, Thạo Xổm cùng một trung đội Lào Ítxalạ rút sang khu vực Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) xây dựng lực lượng, chờ thời cơ trở về nước tiếp tục chiến đấu.

Nhằm ngăn chặn địch đánh chiếm thị xã Xavẳnnakhệt, từ ngày 21 đến 24 tháng 2 năm 1946, liên quân Lào - Việt tổ chức phục kích, tập kích địch ở Km 160, 185 trên đường 13, ở bản Noỏng Đơn, Na Xeng, v.v..

Chi bộ Đảng Cộng sản ở Thà Khẹc chủ trương động viên nhân dân Lào và Việt kiều cùng lực lượng vũ trang liên quân Lào - Việt đánh địch, bảo vệ Thà Khẹc. Nhân dân Lào và Việt kiều cùng bộ đội xây dựng công sự, trận địa ở các vị trí quan trọng trong và ngoài thị xã. Lực lượng vũ trang cách mạng ở Thà Khẹc có hai đại đội bộ đội Lào, hai đại đội Việt kiều cứu quốc, quân số khoảng 800 người, được trang bị các loại vũ khí bộ binh. Ngoài ra, còn có đông đảo du kích, tự vệ chiến đấu.

Ngày 21 tháng 3 năm 1946, khi Pháp mở cuộc tiến công vào thị xã Thà Khẹc, liên quân Lào - Việt đã chiến đấu rất quyết liệt, kéo dài nhiều giờ đồng hồ, gây cho địch một số tổn thất. Nhưng, so sánh lực lượng bất lợi nên liên quân Lào - Việt vừa đánh vừa rút dần về phía tây thị xã, sang Thái Lan. Phát hiện liên quân Lào - Việt đang vượt sông Mê Công sang Nakhon Phạnôm (Thái Lan), quân Pháp huy động máy bay ném bom, bắn phá. Chiếc thuyền chở Hoàng thân Xuphanuvông bị bắn dữ dội, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam - Lào đã dũng cảm che chở, bảo vệ an toàn cho Hoàng thân Xuphanuvông, song đồng chí Lê Thiệu Huy, một cán bộ chỉ huy người Việt Nam, bị trúng đạn hy sinh. Sau này, trong bức thư gửi cụ Lê Thước (thân sinh của Lê Thiệu Huy), Hoàng thân Xuphanuvông viết: “Thưa Ngài, anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý vào bậc nhất của Ngài, mất đi, không những riêng trong gia quyến mất một người con yêu dấu mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất một chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Riêng tôi, cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm cho tôi bùi ngùi và thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho nước Lào, cho dân tộc Lào. Tinh thần hy sinh cao cả ấy đã nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho nhân dân Lào, luôn luôn bền bỉ chiến đấu để diệt đế quốc xâm lăng và giành độc lập thực sự cho đất nước”.

Chiến đấu bảo vệ Thà Khẹc là trận đánh lớn nhất của liên quân Lào - Việt kể từ ngày thành lập, nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần dũng cảm và tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Lào - Việt; trở thành một biểu tượng cao đẹp về liên minh chiến đấu giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào.

Từ sau khi thực dân Pháp đưa quân lên bắc vĩ tuyến 16 (tháng 3 năm 1946), một bộ phận lực lượng cách mạng Lào ở các tỉnh Xavẳnnakhệt, Khăm Muộn, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, chuyển sang Khu 4 (Việt Nam), được Khu uỷ và Uỷ ban kháng chiến - hành chính tận tình giúp đỡ. Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trở thành căn cứ địa, đất đứng chân của lực lượng cách mạng vùng Đông Lào. Năm 1946, các lực lượng phía Đông Lào rút sang Việt Nam gồm có 160 người từ tỉnh Xavẳnnakhệt sang tỉnh Quảng Bình; một trung đội từ tỉnh Khăm Muộn sang huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; hơn 100 người từ tỉnh Xiêng Khoảng sang huyện Mường Xén, tỉnh Nghệ An và khoảng 30 người từ tỉnh Hủa Phăn sang vùng Cửa Rào, Nghệ An.

Cuối tháng 3 năm 1946, hàng trăm gia đình người Mông (Lào), từng chiến đấu chống Pháp và tay sai, dưới sự chỉ huy của ông Thạo Tu đã bí mật chuyển sang vùng Mường Xén (Nghệ An). Tiếp đó, 30 thanh niên con em các bộ tộc Lào ở vùng Sằm Tớ, do ông Xiêng Xinh (tức Phia Hõm) phụ trách tới vùng Cửa Rào, Mường Xén (Nghệ An). Một bộ phận khác khoảng 160 người là công nhân, viên chức, binh lính yêu nước mang theo vũ khí vượt sông Xê Pôn (Lào) sang Quảng Bình và Hà Tĩnh . Tỉnh Nghệ An cử đồng chí Lê Văn Bính, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông và đồng chí Lê Văn Diễm, Ủy viên tuyên truyền phủ Anh Sơn, tổ chức tiếp đón lực lượng yêu nước các bộ tộc Lào sang củng cố và trang bị thêm vũ khí. Nhiều vùng ở Khu 4 trở thành hậu phương, chỗ đứng chân của các lực lượng kháng chiến, yêu nước Lào. Các khu vực biên giới ở Nặm Cắn đường 7, Lắc Xao đường 8, Lao Bảo đường 9, là những mặt trận quan trọng, do Khu 4 đảm nhiệm phòng thủ. Phòng Ngoại vụ Khu 4 chịu trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ các lực lượng cách mạng Lào. Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Khu 4 và Uỷ ban kháng chiến - hành chính tỉnh Nghệ An được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương giao nhiệm vụ chỉ đạo việc giúp đỡ, giải quyết các vấn đề theo yêu cầu của lực lượng kháng chiến Đông Lào.



------------------------------------------------------------------
1. Từ năm 1948, đổi thành Liên khu 4.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM