Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:34:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mưu lược quân sự  (Đọc 4496 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« vào lúc: 07 Tháng Tám, 2021, 06:59:16 am »

Tên sách: Mưu lược quân sự
Tác giả: Nguyễn Thanh Hà
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2009
Số hoá: ptlinh, nhinrathegioi


Sưu tầm - biên soạn:
   NGUYỄN THANH HÀ



LỜI GIỚI THIỆU


Trong lịch sử phát triển của mình, các dân tộc trên đất nước Trung Hoa đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh. Đã có không ít những giai đoạn lịch sử ngập tràn trong máu lửa liên miên. Có thể nói, lịch sử Trung Quốc luôn gắn liền với những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, thôn tính lẫn nhau như vậy. Mỗi trận chiến là một dấu ấn không thể quên như: trận Thành Bộc giữa hai nước Tấn - Sở, trận Hàn Tín phá Triệu, trận Xích Bích giữa Ngô - Ngụy...


Cuốn sách "Mưu lược quân sự" lựa chọn giới thiệu với bạn đọc một số trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, mỗi trận đánh gắn liền với tên tuổi của một vị tướng lĩnh, chỉ huy cùng với những mưu lược quân sự tài tình. Trong mỗi một trận chiến đều có giới thiệu về bối cảnh lịch sử giai đoạn đó, nguyên nhân chính, tình hình diễn biến của trận chiến và đặc biệt phần kết luận là những bài học kinh nghiệm rút ra từ trận đánh. Qua đó chúng ta có thể học hỏi được một số kinh nghiệm về tính toán kế sách, vận dụng binh pháp, lợi dụng thiên thời địa lợi của người xưa để phục vụ cho chiến đấu giành thắng lợi.


Cuốn sách được tác giả Nguyễn Thanh Hà sưu tầm biên soạn công phu dựa trên nhiều nguồn tài liệu lịch sử đáng tin cậy. Tuy nhiên trong quá trình sưu tầm và biên soạn không tránh khỏi những điểm còn thiếu sót, hạn chế, rất mong sự đóng góp ý kiến của quý độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn.

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


NHÀ XUẤT BẢN
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2021, 07:00:29 am »

TRẬN THÀNH BỘC GIỮA HAI NƯỚC TẤN - SỞ


Trận Thành Bộc là trận chiến có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh tranh giành quyền bá chủ diễn ra nhiều năm giữa hai nước Tấn - Sở trong thời kỳ Xuân Thu (năm 770-476 trước Công nguyên). Đây là một ví dụ điển hình về sự phát huy đầy đủ tính năng động chủ quan, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh trong chiến tranh quân sự. Thành ngữ "thoái tỵ tam xá” (thoái lui 90 dặm) của Trung Quốc được ra đời chính từ trận chiến này. Người nói câu này chính là Công tử Trùng Nhĩ của nước Tấn thời Xuân Thu.


1. Trùng Nhĩ lưu vong về nước

Trùng Nhĩ là con trai của Tấn Hiến công. Tấn Hiến công có một phi tử rất được sủng ái tên là Li Cơ. Li Cơ muốn con trai của mình là Hề Tề được lập làm Thái tử, đã sắp đặt âm mưu sát hại Thái tử đương triều là Thân Sinh, lại tiếp tục nghĩ kế để loại trừ công tử Trùng Nhĩ và một người con trai khác của Tấn Hiến công là công tử Di Ngô. Trùng Nhĩ và Di Ngô sau khi nghe phong thanh biết được âm mưu của Li Cơ bèn vội vàng trốn sang nước ngoài tỵ nạn. Trong thời gian lưu vong, Trùng Nhĩ đã đi qua rất nhiều nước. Khi đến nước Sở, Sở Thành vương đã tiếp đón Trùng Nhĩ như một khách quý. Trong một buổi yến tiệc, Sở Thành vương hỏi Tấn công tử Trùng Nhĩ:


"Nếu như công tử trở về làm vua nước Tấn, ngài sẽ báo đáp lại ta như thế nào?".

Tấn công tử Trùng Nhĩ trầm ngâm một lát rồi trả lời:

"Tôi nghĩ, nếu như tôi có thể quay trở về nước Tấn, làm vua của nước Tấn, sau này chẳng may hai nước Tấn - Sở có xảy ra chiến tranh, tôi nhất định sẽ cho quân đội nước Tấn "thoái tỵ tam xá" (thời xưa một xá bằng 30 dặm, ba xá bằng 90 dặm, ở đây Tấn công tử Trùng Nhĩ có ý muốn nói sẽ nhượng bộ, lui quân 90 dặm). Nếu như quân đội nước Sở vẫn không muốn lui binh thì tôi chỉ còn mỗi một cách là tay trái cầm roi và cung, vai phải đeo túi tên, cùng ngài đọ sức một phen".

(Nguyên văn trong "Tả truyện - Hy công năm thứ 23")

Tấn công tử Trùng Nhĩ lưu vong 19 năm, cuối cùng đã trở về nước Tấn, lên làm vua lấy hiệu là Tấn Văn công.

Tấn Văn công đã được tôi luyện bằng cuộc sống lưu vong gian khổ, cực nhục trong suốt một thời gian dài, là người có kiến thức và tài năng, sau khi lên ngôi, ông rất để tâm vào công việc cai trị đất nước, vì vậy nước Tấn nhanh chóng trở thành một quốc gia cường thịnh thời Xuân Thu. Tấn Văn công quyết tâm mở rộng thế lực ra bên ngoài, tranh giành ngôi bá chủ với các nước chư hầu khác. Tấn Văn công muốn làm bá chủ thì trước tiên phải so tài với nước Sở - một quốc gia có thực lực rất lớn mạnh thời đó, bởi vì Sở Thành vương cũng muốn bành trướng thế lực, tranh ngôi bá chủ thiên hạ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2021, 07:01:55 am »

2. Quân Tấn tấn công Tào cứu Tống

Mùa đông năm Chu Tương vương thứ 18 (năm 634 trước Công nguyên), để tranh đoạt quyền bá chủ đất Trung Nguyên, mượn lý do nước Tống trước kia vốn thần phục nước Sở, nay lại sang thần phục nước Tấn, Sở Thành vương đích thân thống lĩnh quân đội nước Sở và các nước thần phục Sở như Trịnh, Trần, Thái, Hứa... đi tấn công nước Tống (nay thuộc vùng đất phía đông tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), bao vây kinh đô của nước Tống là Thương Khâu (nay là thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).


Tống Thành công bèn sai quan Đại tư mã của nước Tống là Công Tôn Cố đến nước Tấn cầu cứu. Các quan đại phu của nước Tấn là Tiên Chẩm và Hồ Diễn đều chủ trương xuất binh cứu Tống. Thế nhưng, về thực lực mà nói, nước Sở mạnh hơn nước Tấn, hơn nữa, nước Sở còn có rất nhiều quốc gia đồng minh, thanh thế rất lớn. Về vị trí địa lý mà nói, nước Tống lại không nằm ở vị trí sát với nước Tấn, nếu đem quân đi một quãng đường xa để cứu viện thì việc cung cấp lương thực và vật dụng rất khó khăn. Vì vậy, Tấn Văn công không thể quyết định việc này ngay trong chốc lát được.


Để đối phó với tình huống này, Hồ Diễn đưa ra sách lược tấn công Tào, Vệ để giải vây cho nước Tống. Nước Vệ và nước Tào là hai nước có vị trí đất đai nằm giữa nước Tấn và nước Tống.

Hồ Diễn nói với Tấn Văn công rằng:

"Nghe nói gần đây nước Sở mới hàng phục được nước Tào, lại kết thân với nước Vệ, hai nước đó đều là đồng minh của nước Sở. Nếu như chúng ta tấn công hai nước này, nước Sở ắt sẽ phải đến cứu viện. Như vậy, vòng vây ở Tống sẽ không phải cứu mà tự tan vỡ".


Tấn Văn công tiếp thu ý kiến của Hồ Diễn, nhận lời thỉnh cầu của Công Tôn Cố, bảo ông ta hãy trở về nước trước, nói với Tống Thành công hãy cố thủ ở đô thành, đại quân nước Tấn sẽ đến cứu viện sau.


Tấn Văn công lập tức bổ sung biên chế quân đội nước Tấn, từ chỗ chỉ có hai cánh quân là thượng quân và hạ quân thành ba cánh quân là thượng quân, trung quân và hạ quân. Mỗi cánh quân có khoảng 12.500 người, cấp tốc tổ chức thành một đội quân chiến đấu hùng mạnh.


Tháng giêng năm Chu Tương vương thứ 20 (năm 632 trước Công nguyên), Tấn Văn công tập trung quân đội của mình tại vùng biên giới giữa hai nước Tấn và Vệ. Lấy cớ khi xưa trên đường lưu vong qua nước Tào, Tào Cộng công đối xử với mình vô lễ, nên Tấn Văn công yêu cầu nước Vệ cho mượn đường để mang quân đi đánh Tào. Nước Vệ không đồng ý, Tấn Văn công liền sai quân tấn công nước Vệ trước, chiếm đánh thành Ngũ Lộc của nước Vệ (nay thuộc huyện Bộc Dương, Hà Nam, Trung Quốc).


Hành động đó của Tấn Văn công đã làm Vệ Thành công hoảng sợ. Ông ta liên tục cử ngươi đến cầu hòa với Tấn Văn công, nhưng bị Tấn Văn công cự tuyệt. Vệ Thành công lại phải nghĩ đến chuyện sang cầu cứu viện binh của nước Sở. Dân chúng nước Vệ bất mãn với Vệ Thành công, bèn đuổi Vệ Thành công ra khỏi Sở Khâu - kinh đô của nước Vệ (nay thuộc huyện Hoạt, Hà Nam, Trung Quốc).


Tấn Văn công tiếp tục dẫn quân đội tấn công xuống phía nam, bao vây tấn công Đào Khâu - kinh đô của nước Tào (nay thuộc vùng đất phía tây nam huyện Định Đào, Hà Nam, Trung Quốc). Tháng ba năm đó công hạ Đào Khâu, bắt sống quốc vương của nước Tào là Tào Cộng công. Để có được sự ủng hộ của nhân dân nước Tào, Tấn Văn công tuyên bố tội trạng của Tào Cộng công trước công chúng, nói rằng ông ta không trọng dụng bậc hiền thần là Hi Phụ Ki. Tấn Văn công còn ra lệnh cho quân Tấn không được xâm phạm đất đai nhà cửa của Hi Phụ Ki, bảo vệ an toàn cho Hi Phụ Ki và cả gia tộc để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với bậc hiền thần.


Để giữ nghiêm quân kỷ, Tấn Văn công đã ra lệnh chém đầu viên võ tướng của mình là Điên Kiệt vì tội dám trái lệnh vua và thông báo đến toàn quân đội. Quân đội nước Tấn vì thế mà có kỷ luật nghiêm minh, sức chiến đấu được nâng cao.


Để khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa hai nước Tống - Sở, Tấn Văn công còn ra lệnh giao tù binh Tào Cộng công cho quân Tống trông coi.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2021, 07:03:25 am »

3. Quân Tấn "thoái tỵ tam xá"

Mặc dù quân Tấn đã đánh hạ được hai nước Tào và Vệ, nhưng quân đội nước Sở vẫn bao vây chặt kinh thành Thương Khâu của nước Tống, nước Tống lại sai người đến cầu cứu nước Tấn.

Lúc đó, hai cường quốc khác của thời ấy là nước Tần và nước Tề vẫn khoanh tay đứng ngoài. Tấn Văn công vẫn không thể biết được ý đồ của họ, vì vậy vẫn chưa có quyết định dứt khoát trong việc có tiếp tục tiến quân giao chiến với nước Sở hay không. Viên tướng chỉ huy trung quân của nước Tấn là Tiên Chẩm hiến kế rằng:

"Biện pháp tốt nhất là xui nước Tống mang của cải châu báu sang hối lộ cho hai nước Tề và Tần, nhờ bọn họ can thiệp, khuyên nước Sở rút quân. Chúng ta thì giữ Tào Cộng công tại đây, lại đem một phần đất đai của hai nước Tào và Vệ chia cho nước Tống. Nước Sở với nước Tào và nước Vệ là đồng minh, thấy đất đai của Tào và Vệ bị Tống chiếm, nhất định sẽ không nghe theo lời khuyên của hai nước Tề, Tần. Như thế thì Tề và Tần sẽ không nuốt trôi của hối lộ của Tống, sẽ oán ghét nước Sở không chịu nghe lời và sẽ không thể không xuất binh tham chiến".

(Theo "Tả truyện - Hy công năm thứ 28")

Sách lược xuất phát từ tình thế khách quan, tạo ra mâu thuẫn, lợi dụng mâu thuẫn của Tiên Chẩm đã được Tấn Văn công tán thành. Tấn Văn công lập tức làm theo kế đó. Quả nhiên, hai nước Tề, Tần đều xuất binh tham chiến. Thế là, so sánh về lực lượng tương quan giữa đôi bên, lợi thế dần dần nghiêng về phía Tấn.


Sở Thành vương nghe được tin nước Tấn và nước Tề, nước Tần kết thành liên minh, cảm thấy rằng tình thế trở nên bất lợi đối với phía mình, đồng thời ông ta cũng biết rõ là Tấn Văn công sau nhiều năm lưu vong ở nước ngoài, nếm trải nhiều gian khổ, thông thuộc tình hình các nước, hơn nữa lại luôn có những thủ đoạn chính trị linh hoạt, là một đối thủ rất khó khuất phục. Vì vậy, Sở Thành vương chỉ thị cho viên tướng chỉ huy quân đội nước Sở là Tử Ngọc rằng, nếu thấy khó khăn thì phải tạm lui quân, tránh phải quyết chiến với quân đội nước Tấn. Thế nhưng Tử Ngọc lại là một viên tướng kiêu ngạo, chủ quan khinh địch, không nhìn thấy hết được sự thay đổi của tình thế nên vẫn cứ mù quáng đòi quyết chiến với quân đội nước Tấn. Tử Ngọc nói với Sở Thành vương rằng:

"Thần không dám khẳng định là sẽ chiến thắng quân Tấn, nhưng muốn được quyết một trận thắng bại cùng quân Tấn để bịt miệng những kẻ hèn nhát, nói xấu thần trước mặt đại vương".

Nghe lời yêu cầu của Tử Ngọc, Sở Thành vương có thái độ không dứt khoát, không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Tử Ngọc, nhưng lại cũng không kiên quyết phản đối. Với tâm lý cầu may, Sở Thành vương bèn cấp cho Tử Ngọc một cánh quân không nhiều, coi đó làm lực lượng tăng viện.


Sau khi có thểm viện binh, Tử Ngọc bèn suy nghĩ cách tác chiến với quân Tấn. Tử Ngọc bày ra một chiêu thức nghi binh, sai sứ giả Uyển Xuân đến đề nghị một điều kiện "hòa giải" với Tấn Văn công: Nếu như quân Tấn đồng ý để cho Tào, Vệ khôi phục lại đất nước, thì nước Sở cũng có thể rút quân khỏi nước Tống. Điều kiện "hòa giải" này cũng khiến cho Tấn Văn công cảm thấy rất khó nghĩ. Hồ Diễn cho rằng, điều kiện của Tử Ngọc quá khắt khe, không thể chấp nhận được nên vẫn giữ chủ trương xuất binh tấn công nước Sở. Tiên Chẩm lại không đồng ý làm như vậy, nói rằng:

"Chúng ta đến đây với danh nghĩa cứu Tống, nếu như chúng ta công khai phản đối điều kiện đó của nước Sở, để cho nước Tống vì thế mà gặp phải họa diệt vong thì các nước chư hầu khác sẽ có cớ để trách móc chúng ta. Như vậy, sẽ khiến cho nước Sở trở thành ân nhân của ba nước Tào, Vệ và Tống, trong khi đó nước Tấn lại trở thành kẻ thù với ba nước đó. Quân địch đông, còn có thể nói đến chuyện thắng trận được hay không?".

Tiên Chẩm lại kiến nghị với Tấn Văn công rằng:

”Chúng ta chi bằng ngầm đồng ý để cho hai nước Tào, Vệ khôi phục lại, điều kiện là bắt hai nước đó phải cắt đứt quan hệ với nước Sở; đồng thời bắt giữ Uyển Xuân lại, khiến cho Tử Ngọc nổi giận để khiêu chiến với hắn, như vậy quyền chủ động sẽ nằm trong tay chúng ta".

Sách lược của Tiên Chẩm đúng là vô cùng cao minh. Bằng cách đó, vừa có thể giải thoát cho nước Tấn khỏi thế bất lợi về ngoại giao trong cuộc giao tranh rất phức tạp, lại vừa không đắc tội với nước Tống, lại vừa phá vỡ liên minh giữa nước Sở và hai nước Tào, Vệ, khiến cho nước Sở rơi vào thế cô lập.


Tấn Văn công mừng rõ, chấp thuận làm theo kiến nghị của Tiên Chẩm. Ngay lập tức, Tấn Văn công ra lệnh bắt giữ sứ giả Uyển Xuân của Tử Ngọc lại, đồng thời đồng ý để hai nước Tào, Vệ khôi phục lại đất nước. Hai nước Tào, Vệ vô cùng cảm kích, đều cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước Sở.


Quả nhiên, Tử Ngọc vô cùng tức giận, lập tức thống lĩnh quân đội nước Sở và quân đội các nước đồng minh khác tiến quân đến kinh đô Đào Khâu của nước Tào để tấn công quân đội nước Tấn.

Tấn Văn công thấy quân đội nước Sở tấn công áp sát thì không những không xuất quân nghênh chiến, ngược lại còn ra lệnh cho quân Tấn lui khỏi biên giới của nước Vệ. Một số tướng sĩ trong quân đội nước Tấn không hiểu vì sao Tấn Văn công lại hành động như vậy, cảm thấy rất kỳ lạ. Hồ Diễn giải thích rằng:

"Xuất binh đánh trận, bên nào có lý lẽ ngay thẳng thì sĩ khí sẽ bừng bừng; bên nào đuối lý thì sĩ khí sẽ suy sụp. Quốc vương của chúng ta trong khi lưu vong đã từng được hưởng ân huệ của Sở vương, đã từng hứa với Sở vương rằng: Nếu hai nước Tấn - Sở xảy ra chiến tranh, nhất định sẽ cho quân đội "thoái tỵ tam xá". Ngày nay, chúng ta lui quân, chính là để báo đáp ân nghĩa của Sở vương. Nếu như chúng ta nói lời không biết giữ lời, thì cái lý sẽ thuộc về quân Sở mà quân Tấn sẽ đuối lý. Nếu như quân Tấn đã lui rồi mà quân Sở vẫn cứ một mực không chịu bãi binh, như vậy là quân Sở đến xâm phạm quân Tấn, kẻ đuối lý sẽ là quân Sở, chúng ta sẽ có đầy đủ lý do để đánh họ”.


Quân Tấn theo đúng kế hoạch rút lui 90 dặm, rút đến Thành Bộc ở trong lãnh thổ của nước Vệ. Sau khi quân Tấn rút lui, tướng sĩ nước Sở đều thấy rằng, nước Sở đã giữ được thể diện, nên không còn muốn tiếp tục truy kích quân Tấn nữa. Thế nhưng, tướng Sở là Tử Ngọc lại quá ư kiêu ngạo, vẫn không chịu dừng bước tại đó, vẫn ra lệnh cho quân Sở tiếp tục tiến đánh, đuổi theo quân Tấn đến tận Thành Bộc, hạ trại đóng quân, chuẩn bị quyết chiến với quân đội nước Tấn.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2021, 07:04:05 am »

4. Quyết chiến ở Thành Bộc

Sau khi quân Tấn rút về Thành Bộc, quân đội của các nước Tề, Tấn và Tống cũng lần lượt tụ hội tại đó. Tấn Văn công kiểm duyệt lại quân đội, nhận thấy quân dung đã chỉnh tề, sĩ khí dâng cao, có thể cùng quân Sở giao chiến. Vì vậy, khi Tử Ngọc phái Đậu Bột đến thỉnh chiến, Tấn Văn công bèn sai Loan Chi viết thư trả lời, đại ý nói rằng: Quốc vương của chúng tôi chỉ là vì không dám quên ơn của Sở vương khi xưa, cho nên mới lui quân đến đây. Bây giờ, nêu như ngài đã hiếu chiến như vậy thì ngày mai sẽ gặp nhau ở chiến trường.


Ngày 4 tháng 4 năm đó, quân đội hai nước Tấn - Sở bày binh bố trận quyết chiến với nhau ở Tân Bắc phía nam Thành Bộc.

Tử Ngọc bố trí quân đội nước Sở thành ba đội quân: trung quân, tả quân và hữu quân; trong đó, trung quân là đội quân tinh nhuệ nhất, do Tử Ngọc trực tiếp chỉ huy; hữu quân là do quân đội các nước Trần, Sái tổ chức thành, có sức chiến đấu kém nhất.


Trận chiến bắt đầu. Viên phó tướng chỉ huy hạ quân của nước Tấn là Tư Thần phủ da hổ lên mình ngựa kéo xa giá, bất ngờ phát lệnh tấn công vào hữu quân của nước Sở. Các đội quân hỗn hợp của các nước Trần, Sái bị tập kích bất ngờ, lập tức tan vỡ trong sự hoảng loạn kinh hoàng, tranh nhau rút chạy ra khỏi trận tuyến. Thế là hữu quân của Sở tan vỡ.


Đúng lúc đó, chủ tướng thượng quân của quân đội nước Tấn là Hồ Mao đã cố ý dựng hai lá cờ đại trên chiến xa, dẫn quân lui về phía sau, giả bộ như đang lui quân.

Chủ tướng Loan Chi của hạ quân nước Tấn thì lại ra lệnh dùng chiến xa kéo theo những cành cây mà chạy để cho bụi bốc lên mù mịt, cũng giả bộ như đang rút quân.

Tử Ngọc không biết đó là mưu kế của quân Tấn, hạ lệnh tả quân tấn công truy kích.

Chủ tướng của trung quân nước Tấn là Tiên Chẩm, phó tướng là Hý Chân chỉ huy trung quân nắm lấy thắt lưng quân Sở mà đánh. Hồ Mao chỉ huy thượng quân cũng quay trở lại phản kích. Tả quân của Sỏ trước sau đều bị bao vây, đường lui cũng bị cắt đứt, phần lớn tướng sĩ đều bị quân Tấn tiêu diệt, chỉ có một bộ phận nhỏ là chạy thoát được, cánh quân này hầu như tan rã hết.


Tử Ngọc thấy hai cánh quân tả, hữu của mình đều đã thất bại, vội vàng thu quân, rút lui khỏi chiến trường mới may mắn tránh được cái họa bị tiêu diệt toàn bộ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2021, 07:05:24 am »

5. Kết luận

Trận chiến Thành Bộc giữa hai nước Tấn - Sở là một trận chiến quan trọng trong cuộc chiến tranh tranh giành quyền bá chủ ở thời kỳ Xuân Thu. Quân Sở có lực lượng hùng mạnh, thực lực của quân Tấn tương đối yếu, nhưng kết quả lại ngược lại: quân Tấn đánh bại quân Sở. Vậy nguyên nhân là do đâu?


Thứ nhất, nước Tấn bên trong thì đã áp dụng một loạt các biện pháp chỉnh đốn chính quyển, phát triển sản xuất, huấn luyện quân đội để tăng cường sức mạnh của nhà nước, chuẩn bị một cơ sở vững chắc cho thắng lợi của cuộc chiến.


Thứ hai, về mặt ngoại giao, nước Tấn đã triển khai một loạt các cuộc đấu tranh linh hoạt và khéo léo, mở rộng đồng minh của mình, cô lập nước Sở; thực hiện sách lược "thoái tỵ tam xá" để mình đứng vào vị trí có lợi.


Thứ ba, trong khi tác chiến, quân Tấn đã chọn khâu yếu nhất trong liên quân nước Sở để tiến hành đột phá, dùng kế dụ địch truy đuổi sau đó chia cắt quân đội Sở ra để mà tiêu diệt, cuối cùng đã thu được toàn thắng.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2021, 04:11:13 pm »

TRẬN TRƯỜNG BÌNH GIỮA TẦN - TRIỆU


Trong lịch sử Trung Quốc, tiếp ngay sau thời Xuân Thu là thời Chiến quốc. Trải qua thời kỳ chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các nước chư hầu của vương triều nhà Chu thời Xuân Thu, đến thời Chiến quốc, chỉ còn lại bảy nước chư hầu lớn và một số ít các nước nhỏ. Bảy nước chư hầu lớn đó được lịch sử Trung Quốc gọi là "Chiến quốc thất hùng".


Để tranh giành đất đai, nhân khẩu và tô thuế, giữa bảy nước lớn thời Chiến quốc liên tục xảy ra chiến tranh. So với thời Xuân Thu, các cuộc chiến tranh xảy ra trong thời kỳ Chiến quốc có quy mô lớn hơn, mức độ ác liệt hơn, phương pháp tác chiến cũng có sự thay đổi và phát triển.


Chiến tranh thời Xuân Thu chủ yếu dựa vào chiến xa để tác chiến. Đến thời Chiến quốc, do sự tiến bộ của vũ khí đặc biệt là đã phát minh ra nỏ bắn tên tầm xa có cò bắn, loại vũ khí này có thể bắn trúng mục tiêu cách xa ngoài trăm bước, khiến cho các chiến xa không thể nào phát huy được uy lực. Vì vậy hình thức tác chiến dần chuyển từ xa chiến sang dã chiến giữa bộ binh và kỵ binh.


Năm thứ sáu đời vua Hiếu Thành vương nước Triệu (năm 260 trước Công nguyên), giữa nước Tần và nước Triệu xảy ra trận chiến Trường Bình, đó là một trận đánh tiêu diệt có quy mô lớn nhất trong thời Chiến quốc của Trung Quốc.


1. Triệu vương tham lợi nhận đất

Nước Tần thời Chiến quốc vốn nằm ở dải đất thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) ngày nay, là một quốc gia tương đối lạc hậu. Giữa thế kỷ 4 trước Công nguyên, Tần Hiếu công đã bổ nhiệm Thương Ưởng thực hiện biện pháp, làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Sau đó, nước Tần thường xuyên cất quân tấn công các nước phía đông, đến cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên, nước Tần đã trở thành một quốc gia phong kiến mạnh nhất trong số "Chiến quốc thất hùng”.


Năm 262 trước Công nguyên, Tần Chiêu vương sử dụng sách lược "viễn giao cận công" (giao hảo với các nước ở xa, tấn công các nước ở gần) của Phạm Tuy, phái binh đi tấn công tiêu diệt Dã Vương nước Hàn (nay là huyện Tẩm Dương, Hà Nam, Trung Quốc), cắt đôi nước Hàn thành hai nửa. Hàn Hoàn vương lo sợ nước Tần tấn công thêm một bước nữa nên dự định đem quận Thượng Đảng (nay thuộc vùng đất thành phố Trường Trị, Sơn Tây, Trung Quốc) dâng cho nước Tần để cầu hòa. Thế nhưng, Quận thú Thượng Đảng là Phùng Đình lại có một kế sách khác. Ông chủ trương dâng vùng đất Thượng Đảng cho nước Triệu, như vậy là có thể hướng mũi nhọn tấn công của quân đội nước Tần về phía nước Triệu, nhằm giảm bớt áp lực quân sự của nước Tần đối với nước Hàn; mặt khác, có thể mượn việc đó để kết giao với nước Triệu. Hai nước Hàn, Triệu liên hợp lại với nhau sẽ có thể chống lại được cuộc tấn công của nước Tần.


Thế là Phùng Đình phái người đến nước Triệu. Triệu Hiếu Thành vương thấy rằng, mình chẳng hề phải hao phí chút công sức nào mà lại được thêm quân Thượng Đảng của nước Hàn thì rất vui mừng cử người đến nhận đất.


Tần Chiêu vương thấy miếng thịt béo bở đã đưa đến miệng mình rồi còn bị kẻ khác cướp mất thì đương nhiên là không cam tâm, bèn phái Vương Hà dẫn quân đến tấn công Thượng Đảng. Quân đội nước Triệu đóng ở Thượng Đảng binh lực rất ít, không chống lại được với sức tấn công của quân Tần, buộc phải rút quân về Trường Bình (nay thuộc vùng đất phía tây bắc huyện Cao Bình, Sơn Tây, Trung Quốc) phòng thủ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2021, 04:12:06 pm »

2. Quân Tần tấn công, Triệu vương thay tướng

Triệu vương nghe tin quân Tần tấn công Thượng Đảng, liền cử danh tướng nước Triệu là tướng quân Liêm Pha dẫn đại quân đến Trường Bình để chống lại sự tấn công của quân Tần.

Tần mạnh, Triệu yếu. Quân đội nước Tần có lợi thế trong các trận đánh nhanh, quân đội nước Triệu lại có lợi thế trong các trận đánh kéo dài. Liêm Pha căn cứ vào đặc điểm này quyết định dựa vào địa thế hiểm trở để cố thủ, cương quyết không chịu xuất quân giao chiến với quân Tần. Quân Tần khiêu chiến, Liêm Pha cũng không chịu ứng chiến. Liêm Pha toan tính đẩy quân Tần vào một cuộc chiến lâu dài, khiến cho quân lính mệt mỏi, cung cấp lương thực khó khăn thì sẽ tìm đánh vào điểm yếu của quân Tần. Chủ trương này của Liêm Pha là rất đúng đắn, cho nên Liêm Pha giữ vững được phòng thủ ở Trường Bình trong suốt ba năm.


Thế nhưng, Triệu vương lại cho rằng Liêm Pha nhát gan sợ chết, không dám ứng chiến, cứ liên tục trách cứ Liêm Pha. Tần vương thấy chiến tranh kéo dài đã lâu mà vẫn không hạ được Trường Bình bèn thi hành kế li gián của Phạm Tuy, sai người mang vàng bạc châu báu đến Hàm Đan (kinh đô nước Triệu, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) để hối lộ bọn quan lại xung quanh vua Triệu, đồng thời cho người đi rêu rao ở khắp mọi nơi rằng:

"Liêm Pha đã già, rất dễ đối phó, hơn nữa ông ta cũng sắp đầu hàng đến nơi rồi! Nước Tần sợ nhất là Triệu Quát!”.

Triệu vương nghe được những lời đồn đại ấy, quyết định triệu hồi Liêm Pha về, cử Triệu Quát thay Liêm Pha đến thống lĩnh quân đội ở Trường Bình.

Triệu Quát là con trai của danh tướng Triệu Xa nước Triệu. Từ nhỏ, Triệu Quát đã được cha dạy cho rất nhiều binh thư, học được trọn bộ binh pháp, có kiến thức quân sự nên luôn tự cho mình là người đứng đầu trong thiên hạ. Thậm chí, có lần bàn luận về binh pháp với cha, danh tướng Triệu Xa cũng phải chịu thua con trai mình. Triệu Xa cũng rất hiểu Triệu Quát: con trai của mình chỉ biết nói miệng chứ chưa có bản lĩnh thực sự. Triệu Xa đã có lần nói với vợ mình về Triệu Quát rằng:

"Đánh trận là một việc lớn có liên quan đến sự sống chết tồn vong, thế mà Triệu Quát lại nói năng một cách quá dễ dàng như vậy. Từ nay về sau, nếu như nước Triệu không trao quyền cầm quân cho Triệu Quát thì thôi cũng đành vậy. Nếu như cho nó làm đại tướng thì người kết liễu quân đội nước Triệu chính là nó".


Triệu Quát là một viên tướng như vậy, thế mà lần này Triệu vương lại sử dụng Triệu Quát làm đại tướng. Thừa tướng nước Triệu đương triều là Lạn Tương Như cực lực phản đối quyết định này của Triệu vương. Lạn Tương Như nói với Triệu vương rằng:

"Triệu Quát chỉ biết đọc binh thư của cha, không hề biết cách vận dụng một cách linh hoạt vào thực tế, như vậy thì sao có thể làm đại tướng được?".

(Theo "Sử ký - Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện")

Triệu vương vẫn không nghe theo lời can ngăn của Lạn Tương Như. Mẹ đẻ của Triệu Quát cũng gửi thư cho Triệu vương, khuyên Triệu vương không nên giao cho Triệu Quát làm đại tướng để khỏi làm hỏng việc quốc gia đại sự. Bà còn nói thẳng với Triệu vương rằng:

"Triệu Xa làm đại tướng, luôn gần gũi thân thiết với bộ hạ, khi được thưởng luôn chia đều cho tất cả quan lại binh lính, sau khi nhận nhiệm vụ thì không nghĩ gì đến việc nhà nữa. Còn Triệu Quát bây giờ thì sao? Vừa mới nhận lệnh đã nghênh ngang kiêu ngạo, khi hội kiến với tướng lĩnh, mọi người không ai dám ngẩng đầu lên nhìn nó nữa. Đại vương ban thưởng châu báu tiền của, nó đều mang hết về nhà để mua ruộng đất nhà cửa. Nó làm sao có thể sánh với cha nó được? Đại vương ngàn vạn lần đừng cho nó cầm quân đi đánh trận".

(Theo "Sử ký - Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện")

Triệu vương vốn dốt nát, không có một chút hiểu biết gì về việc dụng binh đánh trận, bèn nói với mẹ của Triệu Quát rằng:

"Ngươi đừng có can thiệp, ta đã có chủ ý của ta rồi".

Triệu Quát nhận ấn tín đại tướng, thống lĩnh viện binh nước Triệu, rầm rộ tiến đến Trường Bình, thay Liêm Pha làm chủ tướng quân đội nước Triệu.

Vừa mới đến tiền tuyến, Triệu Quát liền lập tức thay đổi toàn bộ các quy định kỷ luật trong quân đội của Liêm Pha, thay đổi tướng lĩnh, rút tất cả các điểm đóng quân phòng thủ của Liêm Pha về, ra lệnh cho toàn quân chuẩn bị tiến hành xuất kích, định rằng sẽ một trận đánh bại quân Tần, thu về đất Thượng Đảng.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2021, 04:13:02 pm »

3. Quyết chiến Trường Bình

Tần vương nghe tin quân Triệu đã thay chủ tướng mới là Triệu Quát, trong lòng vui mừng khôn tả, cho rằng cơ hội tốt để đánh bại nước Triệu đã đến. Tần vương giao cho danh tướng nước Tần là Bạch Khởi làm thượng tướng quân, đổi Vương Hà làm thiên tướng (tướng chỉ huy cánh quân bên sườn), tăng cường thêm một số lượng lớn quân đội đến, xây dựng phương án tác chiến tấn công nước Triệu. Tần vương còn ra lệnh cho toàn bộ tướng sĩ trong quân đội giữ bí mật tuyệt đối, không ai được phép tiết lộ tin Bạch Khởi được cử làm chủ tướng để tránh gây sự chú ý của quân Triệu.


Bạch Khởi nhằm thẳng vào nhược điểm của Triệu Quát là chưa có kinh nghiệm tác chiến, lỗ mãng khinh địch để quyết định lựa chọn chiến thuật vu hồi đánh bọc sườn và tiến hành phân công bố trí một cách cụ thể như sau:

Thứ nhất, tạo thành một trận địa hình túi tại Trường Bích, dùng quân chủ lực cố thủ doanh trại, ngăn chặn sự tấn công của quân Triệu.

Thứ hai, dùng đội quân vốn ở trận tuyến hàng đầu thành đội quân lừa địch, lệnh cho đội quân này khi bị quân Triệu tấn công phải rút chạy về phía Trường Bích, nhử quân Triệu vào vòng vây của quân Tần.

Thứ ba, tại hai cánh ở Trường Bích bố trí 22.000 tinh binh, chuẩn bị bất ngờ thọc sâu vào hậu phương quân Triệu, cắt đứt con đường tiếp lương của quân Triệu và hiệp đồng hỗ trợ với quân ở Trường Bích bao vây quân Triệu đến đánh.

Thứ tư, phái thêm 5.000 kỵ binh thọc sâu vào giữa dinh lũy của quân Triệu, chia cắt quân Triệu thành hai phần, khiến cho đầu và đuôi quân Triệu không liên hệ phối hợp được với nhau.


Tháng 8 năm 206 trước Công nguyên, viên tướng kiêu ngạo mù quáng Triệu Quát của nước Triệu quả nhiên chỉ huy quân Triệu tấn công quân Tần trên quy mô lớn. Bộ phận quân tiên phong của quân Tần giả bộ thua chạy, rút lui. Triệu Quát không điều tra hư thực, bèn ra lệnh quân Triệu truy kích. Quân Triệu truy kích đến Trường Bích thì vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân Tần. Lúc này, 22.000 quân Tần được bố trí sẵn ở hai cánh lập tức xuất quân, đánh vào hậu phương quân Triệu, chiếm hai đồn lũy ở phía tây (nay thuộc vùng cao Hàn Ngọc Sơn ở phía bắc huyện Cao Bình, Sơn Tây, Trung Quốc), tạo thành thế trận bao vây. Sau đó 5.000 kỵ binh cũng thần tốc thọc sâu vào đột kích quân Triệu.


Quân Triệu đã mấy lần phát động tấn công, đều không thành công, đành dừng lại xây dựng đồn lũy tại chỗ, biến thế tấn công thành phòng ngự, đợi viện binh đến cứu.

Tin thắng trận từ đội quân Tần bao vây Triệu được báo về kinh đô Hàm Dương của nước Tần (nay thuộc phía tây bắc thành phố Hàm Dương, Thiểm Tây, Trung Quốc). Tần vương liền đích thân đến Hà Nội (nay thuộc huyện Tẩm Dương, Hà Nam, Trung Quốc) tổ chức tất cả các nam thanh niên ở địa phương tuổi từ 15 trở lên thành một đội quân, điều đến chiến trường Trường Bình, chiếm cứ điểm cao ở phía đông bắc Trường Bình, cắt đứt đường viện binh và vận chuyển lương thực của quân phía Triệu Quát. Nằm trong vòng vây tứ phía của quân Tần, quân tăng viện của nước Triệu không thể vượt qua vòng vây, việc cung cấp lương thực cho quân đội cũng bị cắt đứt.


Đến tháng 9 năm đó, quân Triệu thiếu lương ăn đã 46 ngày, quân sĩ bị đói khát đến mức phải chém giết ăn thịt lẫn nhau, tình hình vô cùng nghiêm trọng. Triệu Quát tổ chức bốn cánh quân đột phá vòng vây, cùng nhất tề xung phong, hòng mở một con đường thoát, thế nhưng liên tục bốn năm lần đột phá đều không thành công.


Trong cơn tuyệt vọng, Triệu Quát quyết định lựa chọn một đội quân tinh nhuệ, trực tiếp chỉ huy, mang giáp dày, cưỡi chiến mã, quyết tâm phá vây.

Không ngờ, khi Triệu Quát vừa mới xuất hiện trên trận tiền, liền bị loạn tên của quân Tần bắn chết. Quân Triệu mất chủ tướng, không có người chỉ huy, lập tức rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Quân Tần nhân cơ hội phát động tấn công mãnh liệt, quân Triệu chịu thất bại thảm hại.

Trong trận Trường Bình này, quân Tần đại thắng, quân Triệu thảm bại, hơn 40 vạn tù binh nước Triệu bị Bạch Khởi chôn sống toàn bộ. Đây là một sự kiện điển hình về việc sát hại tù binh chiến tranh cực kỳ tàn bạo trong lịch sử Trung Quốc.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2021, 04:15:18 pm »

4. Kết luận

Trong trận Trường Bình, quân Tần tổng cộng đã giết chết 45 vạn quân Triệu, giành được thắng lợi lớn về mặt quân sự. Đây là một trận đánh không những tiêu hao phần lớn binh lực nước Triệu mà còn trấn áp được các nước chư hầu ở phía đông, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp thống nhất Trung Quốc của nước Tần về sau. Kết quả của trận chiến Trường Bình là Tần thắng, Triệu thua, vì sao lại như vậy?


Từ phía nước Tần mà nói, nước Tần đã khéo léo áp dụng một loạt chiến lược, chiến thuật rất chuẩn xác như: thực hiện "viễn giao cận công” cô lập nước Triệu; vận dụng kế phản gián để nước Triệu thay tướng giữa chừng; lại áp dụng các chiến thuật lui quân dụ địch, chia cắt bao vây để diệt địch... Tất cả những việc đó tất nhiên đã góp phần rất lớn cho thắng lợi của quân Tần.


Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất lại thuộc về phía nước Triệu. Vua tôi nước Triệu chủ quan khinh địch, không biết tự lượng sức mình, trong lúc bản thân mình hoàn toàn không nắm được tình hình, lại mạo hiểm tiến hành quyết chiến với một đội quân rất mạnh. Triệu Quát chỉ là một kẻ "đánh trận trên giấy", một nhà quân sự chỉ biết nói những điều lý thuyết trống rỗng mà không chú trọng thực tế, vì vậy đã chuốc phải thất bại thảm hại. Đây chính là một bài học lịch sử cực kỳ quan trọng.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM