Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:42:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mưu lược quân sự  (Đọc 4357 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #50 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2021, 07:03:30 am »

TRẬN CHIẾN YỂN THÀNH GIỮA TỐNG - KIM


Mùa thu năm Thiệu Hưng thứ 11 triều Nam Tống (năm 1140), Nhạc Phi đóng quân tại Yển Thành (Hà Nam, Trung Quốc) xây dựng phòng tuyến giao chiến với thống soái của quân Kim là Ngột Truật, đại phá quân kị binh thiết giáp của nhà Kim, đánh cho tướng Kim là Ngột Truật phải ôm đầu tháo chạy về Biện Kinh. Tướng Kim Ngột Truật phải đau đớn kêu lên rằng: "Ta khởi binh từ trên biển giành được thắng lợi hoàn toàn dựa vào Thiết phù đồ và Quải tử mã, nay thì đã hết rồi!".

Đó là câu chuyện về trận chiến giữa danh tướng nhà Nam Tống Nhạc Phi giao chiến với quân Kim ở Yển Thành và giành được thắng lợi.


1. Người Kim phá bỏ hiệp ước, xâm lược phía Nam

Năm 1127, quân Kim bắt hoàng đế nhà Bắc Tống là Tông Huy tông và con trai là Tống Khâm tông, vương triều Bắc Tống chấm dứt. Cũng vào năm đó tại phủ Ứng Thiên (nay là Thương Khâu, Hà Nam, Trung Quốc), một số quan văn võ trong triều đình nhà Tống đã lập em trai của Khâm tông là Triệu Cấu làm hoàng đế, đó chính là Tống Cao tông.


Triều đình nhà Tống được gây dựng lại, lịch sử Trung Quốc gọi đó là triều Nam Tống. Tống Cao tông sợ người Kim, không dám chống lại, chỉ chạy dài về phía nam, cuối cùng xây dựng thủ đô ở Hàng Châu, đổi tên là Lâm An. Từ đó triều đình nhỏ bé nhà Nam Tống chỉ sống một cách thầm lặng vụng trộm ở phương Nam, bỏ mặc dân chúng ở Trung Nguyên.


Để bảo vệ vương vị của mình, Tống Cao tông không hề cảm thấy nhục nhã khi cầu hòa với vương triều nhà Kim, lại còn đặc cách dùng Tần Cối - một tù binh được người Kim tha cho về nước làm Tể tướng, giao cho chủ trì việc hòa nghị với người Kim. Sợ đắc tội với người Kim, Triệu Cấu, Tần Cối thường xuyên trấn áp những tướng lĩnh yêu nước, chống lại người Kim. Có một lần, Nhạc Phi thắng lớn trên chiến trường, Triệu Cấu vội vàng ra lệnh cho Nhạc Phi không được truy kích quân địch, khiến Nhạc Phi không khỏi căm phẫn.


Không lâu sau đó, triều đình nhà Kim cử người sang "nghị hòa", bắt Triệu Cấu phải quỳ bái để nhận "chiếu dụ" của hoàng đế nhà Kim. Tất cả những quan văn võ theo phái chủ trương kháng chiên trong triều đình đều nhìn thấy rõ, việc "nghị hòa" của Tần Cối thực chất chính là muốn Nam Tống đầu hàng nhà Kim. Các quan trong triều có người dâng thư đòi chém đầu Tần Cối, bêu đầu thị chúng. Nhạc Phi cũng gửi thư lên cho Cao tông kể tội Tần Cối:

"Tướng thần làm việc quốc gia đại sự không thỏa đáng, sợ rằng sẽ bị hậu thế chê cười".

(Theo sách "Tống sử - Nhạc Phi truyện")

Về sau, Tần Cối còn thay mặt Triệu Cấu quỳ lạy nhận chiếu thư của triều đình nhà Kim, cùng nhà Kim ký hòa ước, nội dung là: Tống triều sẽ thần phục triều đình nhà Kim; mỗi năm cống nạp 25 vạn lượng bạc, nộp 25 vạn súc lụa; nhà Kim cam kết trả lại hai tỉnh Thiểm Tây và Hà Nam cho Tống triều.

Đó là vào tháng giêng, năm Thiệu Hưng thứ 9 (năm 1139).

Cái gọi là nghị hòa của tập đoàn thống trị nhà Kim vốn chỉ là kế sách tạm thời. Mùa thu năm Thiệu Hưng thứ 9 (năm 1139), nội bộ nước Kim xảy ra biến loạn, Hoàn Nhan Ngột Truật (Tông Bật) lên nắm quyền chấp chính, phản đối việc trả lại hai tỉnh Thiểm Tây và Hà Nam cho Tống triều, phá bỏ hòa ước mà hai nước Tống - Kim đã ký kết hồi tháng giêng năm đó. Tháng 5 năm sau, quân Kim chia làm bốn đường kéo vào tấn công Nam Tống, chiến tuyến bắt đầu từ Hoài Hà ở phía đông, phía tây bắt đầu từ Thiểm Tây. Ngột Truật đích thân giữ chức Đô nguyên soái, thống lĩnh hơn 10 vạn quân chủ lực nhà Kim tấn công Khai Phong. Trường An và Lạc Dương cũng lần lượt bị quân Kim tấn công vây hãm. Ngột Truật chỉ huy quân chủ lực tấn công vào Khai Phong Đông Kinh, tiếp theo đó lại tấn công chiếm Thương Khâu Nam Kinh, sau đó lại thừa thắng tấn công lên Hoài Tây.


Lúc đó, Tống Cao tông đang ăn mừng việc nghị hòa thành công, mở tiệc phong quan tiến chức, không hề phòng bị gì trước sự tấn công của nhà Kim. Vì vậy, khí thế tấn công của quân Kim lúc ban đầu vô cùng mạnh mẽ, nhưng không lâu sau vấp phải sự chống cự ngoan cương của quân và dân nhà Nam Tống dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh Nam Tống như Nhạc Phi, Lưu Kỳ, Hàn Thế Trung... nên đã bị chững lại. Trong các trận đánh đó, trận phản kích tại Yển Thành (nay là Yển Thành, Hà Nam, Trung Quốc) của Nhạc Phi là trận đánh xuất sắc nhất.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #51 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2021, 07:04:19 am »

2. Quân Tống đại thắng ở Yển Thành

Tin tức về việc Ngột Truật của nhà Kim phá bỏ hòa ước, chuẩn bị mang quân xâm lược Nam Tống đã truyền đến triều đình Nam Tống làm Tống Cao tông có phần hoảng hốt. Cao tông vội vàng truyền lệnh cho các tướng lĩnh như Nhạc Phi phải phòng vệ cẩn mật. Tống Cao tông cử Nhạc Phi giữ chức Chiêu Thảo sứ ở các lộ Hà Nam và Hà Bắc, phụ trách việc bố trí quân sự ở các châu: Quang (nay là Hoàng Xuyên, Hà Nam, Trung Quốc), Sái (nay là Nhữ Nam, Hà Nam, Trung Quốc), Trần (nay là Hoài Dương, Hà Nam, Trung Quốc), Hứa (nay là nay là Hứa Xương, Hà Nam, Trung Quốc). Sau khi nhận được mệnh lệnh, Nhạc Phi lập tức dẫn đại quân tiến về phía bắc.


Trước khi tiến hành phản công, Nhạc Phi một mặt phái các bộ tướng của mình là Ngưu Cao, Trương Hiến chia nhau đi thu phục lại các vùng đất ở Hà Nam; mặt khác, cử thủ lĩnh nghĩa quân là Lương Hưng quay trở lại vùng Thái Hành sơn, liên kết với các cánh quân khởi nghĩa khác triển khai hoạt động ở vùng địch hậu để hưởng ứng quân đội ở phía bắc. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, quân đội nhà Tống đã thu phục lại các vùng đất Dĩnh Xương (nay là Hứa Xương, Hà Nam, Trung Quốc), Trần Châu (nay là Hoài Dương, Hà Nam, Trung Quốc), Trịnh Châu, Lạc Dương... Nhạc Phi đích thân chỉ huy khinh kỵ binh đóng quân tại Yển Thành, chỉ huy toàn bộ cục diện quân sự.


Trung Nguyên là khu vực tranh chấp của Tống và Kim. Ai khống chế được Trung Nguyên, người đó có thể từ trung ương đột phá trận tuyến của đối phương, tạo thành địa thế chiến lược có lợi cho việc phân chia kẻ địch. Vì vậy, Nhạc Phi dẫn quân thẳng tiến Trung Nguyên khiến cho viên tướng của nhà Kim đóng tại Đông Kinh là Ngột Truật cảm thấy vô cùng kinh hoàng. Hắn vội vàng triệu tập các tướng lĩnh dưới quyển đến họp để bàn kế sách đối phó. Ngột Truật cho rằng, các lộ quân của Nam Tống đều dễ dàng đối phó, duy chỉ có đội quân do Nhạc Phi chỉ huy là "tướng dũng binh tinh, lại có quân trung nghĩa ở Hà Bắc hưởng ứng chi viện, khí thế khó mà ngăn nổi". Vì vậy, Ngột Truật quyết định dẫn dụ cánh quân của Nhạc Phi một mình tiến sâu vào đến ngoại vi của Khai Phong, sau đó tập trung quân chủ lực giáng một đòn chí tử vào đối phương.


Nhạc Phi đã nhìn thấu âm mưu của kẻ địch, bèn tương kế tựu kế, mỗi ngày phái một cánh quân đến khiêu chiến quân địch. Ngột Truật tưởng rằng Nhạc Phi đã bị trúng kế, bèn đích thân chỉ huy các cánh quân: Long Hổ đại vương, Cái Thiên đại vương và Ngụy Chiêu Vũ đại tướng quân Hàn Thường tiến thẳng đến Yển Thành, chuẩn bị quyết chiến với Nhạc Phi.


Nhạc Phi trước tiên ra lệnh cho con trai mình là Nhạc Vân chỉ huy "Bội nguy quân" (thân quân thị vệ) tiến thẳng đến trận địa quân địch, đánh trả một đòn thật nặng nể. Trước khi xuất kích, Nhạc Phi nghiêm khắc nói với Nhạc Vân rằng:

"Lần này con nhất định phải giành được thắng lợi, sau đó mới có thể quay trở về. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ này, ta sẽ chém đầu con trước đó!".

Nhạc Vân ghi nhớ lời dặn dò của cha, hành động vô cùng cẩn thận, khi tác chiến với quân địch thì dũng cảm phi thường, lấy một địch mười, giết được rất nhiều quân địch, thu được hàng vạn con ngựa.


Quân Kim trong lần xâm lược phương Nam này, Ngột Truật đã đích thân thống lĩnh hơn 15.000 quân tinh nhuệ "Thiết phù đồ" và "Quải tử mã", chuẩn bị tập kích vào đại bản doanh của Nhạc gia quân, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân chủ lực của Nhạc gia quân. "Thiết phù đồ" là đội quân kỵ binh đặc chủng của Ngột Truật, cả người và ngựa đều được mang một thứ giáp dày và nặng, cứ ba kỵ binh thành một đội, làm thành quân tiên phong ở mặt trận chính diện. Mỗi khi tiến công, đội quân này đều dùng các vật chướng ngại để chặn đường phía sau, chỉ cho phép tiến chứ không cho phép lùi. "Quải tử mã" là hai cánh quân kỵ binh bên trái và bên phải. Trong khi tác chiến, phối hợp với "Thiết phù đồ” bao vây tấn công ở hai bên. Loại quân kỵ binh này đều do người Nữ Chân tổ chức thành. Khi vào trận, đội hình này giống như một bức tường sắt bao vây quanh trận địa, rất khó đối phó.


Nhạc Phi nhận thấy "Thiết phù đồ" và "Quải tử mã" tuy rất lợi hại, nhưng vẫn có thể lợi dụng được nhược điểm của nó để tìm ra biện pháp đối phó. Ông đã phát hiện thấy chân ngựa của đội quân "Thiết phù đồ" không thể lắp giáp che được, chỉ cần chặt đứt chân ngựa, cả ngựa và kỵ sĩ trên lưng ngựa đều bị đốn ngã. Vì vậy, Nhạc Phi đã mưu trí chỉ huy các tướng sĩ cầm chắc mã đao, trường phủ đối đầu với quân địch. Quân Tống trên thì chém đầu quân địch, dưới thì chém chân ngựa. Quân Kim ngựa ngã, người cũng ngã, người ngựa đại loạn. Nhạc Phi giương cung, phi ngựa, đích thân lao vào trận tiền, tả xung hữu đột, tướng sĩ thấy vậy, dũng khí càng lên cao. Viên bộ tướng được Nhạc Phi yêu quý là Dương Tái Hưng một mình một ngựa xông vào trận tuyến của quân địch, khí thế vô cùng dũng mãnh, suýt nữa thì bắt được Ngột Truật. Trong trận đại chiến kéo dài từ giờ thân (khoảng 4 giờ chiều) đến hoàng hôn, quân Kim đại bại, kẻ bị bắt sống, kẻ bị chết, bị ngựa giày xéo, thây phơi đầy nội. Âm mưu hợp vây quân Tống của tướng Kim Ngột Truật đã bị phá sản hoàn toàn. Ngột Truật thấy đội quân giáp kỵ binh tinh nhuệ của mình bị quân Tống tiêu diệt thì vô cùng đau đớn. Hai hôm sau lại tăng cường thêm binh lực đến tập trung ở cách Yển Thành 5 dặm, chuẩn bị tái chiến.


Thủ hạ của Nhạc Phi là Vương Cương mang 50 lính kỵ binh đi trinh sát địch tình, dũng cảm xông vào trận địa của quân địch chém chết được một số tướng cấp thấp của quân địch. Nhạc Phi thừa cơ dẫn lính khinh kỵ xuất kích, đại bộ phận binh lính theo sau từ hai bên tả hữu bắn vào quân địch, lại một lần nữa đánh bại quân của Ngột Truật. Trải qua 3 ngày kịch chiến, quân của Ngột Truật phải chịu thất bại thảm hại, Nhạc gia quân giành được thắng lợi to lớn ở Yển Thành.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #52 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2021, 07:04:49 am »

3. Lại đánh bại quân Kim ở Lâm Dĩnh

Ngột Truật thua trận, càng thêm phẫn chí, thế là tập trung 12 vạn binh lực tiến đến Lâm Dĩnh (nay là Lâm Dĩnh, Hà Nam, Trung Quốc). Nhạc Phi phái binh nghênh chiến, cử bộ tướng của mình là Dương Tái Hưng mang 300 kỵ binh đảm nhận mũi tiên phong. Trong trận Tiểu Thương Kiểu (ở phía nam, cách Lâm Dĩnh 25 dặm), quân Tống giết chết hơn 2.000 quân Kim, thế nhưng do quân số ít, Dương Tái Hưng đã hy sinh trong chiến đấu. Ngày hôm sau, quân của hai bên lại giao chiến hai lần, quân Kim đại bại, phải tháo chạy.


Nhạc Phi phán đoán quân Kim nhất định sẽ mang quân tấn công Dĩnh Xương nên bèn ra lệnh cho Nhạc Vân chỉ huy kỵ binh nhanh chóng cứu viện cho quân của Vương Quý đang đóng ở Dĩnh Xương. Khi Nhạc Vân đến Dĩnh Xương, quả nhiên Ngột Truật cũng đích thân mang quân đến tấn công Dĩnh Xương. Nhạc Vân và Vương Quý hợp lực tấn công, quân phòng thủ trong thành cũng mang quân dự bị ra chiến đấu, chí khí của Nhạc gia quân càng lên cao. 800 lính kỵ binh của Nhạc gia quân đảm nhiệm mũi chính diện, bộ binh sắp xếp ở hai bên cánh tả hữu để đối phó với kỵ binh của quân Kim. Hai bên đánh nhau từ sáng cho đến trưa, tướng sĩ của Nhạc gia quân không một ai lui bước. Nhạc Vân tay nắm song chùy, tả xung hữu đột trong trận địa quân địch, tuy người bị trọng thương, máu ướt đẫm chiến bào, nhưng vẫn hăng hái chiến đấu. Tiếp đó, Đổng Tiên, Hồ Thanh mang quân bộ binh kéo đến, xông vào trận chiến, cuối cùng đánh bại quân Kim, tiêu diệt hơn 5.000 quân địch. Chỉ huy quân Kim là thượng tướng Hạ Kim Ngô (con rể của Ngột Truật) cũng bị Nhạc Vân dùng đại thiết chùy đánh chết tại trận. Ngột Truật thấy thế trận đã mất, đành phải ngay trong đêm đó ra lệnh rút quân về Khai Phong.


Bộ tướng của Nhạc Phi là Trương Hiến cũng mang quân đánh quân Kim ở phía đông bắc Lâm Dĩnh, đánh tan 6.000 quân Kim, thu được hàng trăm con ngựa chiến. Toàn bộ trận tuyến của quân Kim sụp đổ, thần thoại "bất khả chiến bại" của "Thiết phù đồ" và "Quải tử mã" đã bị tan vỡ hoàn toàn. Nhạc Phi thừa thắng dẫn quân truy kích quân Kim đến tận Chu Tiên trấn cách Khai Phong Đông Kinh 45 dặm. Quân Kim thua trận, rút về Khai Phong, chuẩn bị tháo chạy về phương bắc.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #53 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2021, 07:05:21 am »

4. Nhac Phi nén đau rút quân quay về

Thắng lợi ở Yển Thành, Dĩnh Xương đã động viên tinh thần kháng chiến chống quân xâm lược Kim của quân dân miền Bắc nước Tống. Thủ lĩnh của "Trung nghĩa bảo xã" ở Thái Hành sơn là Lương Hưng và viên tướng của "Hà Đông trung nghĩa quân" là Triệu Vân cùng thu phục lại Viên Khúc ở Sơn Tây đồng thời tiến đến sát hai huyện Vương Ốc (nay là phía tây nam Dương Thành, Sơn Tây, Trung Quốc), Tế Nguyên (nay là Tế Nguyên, Hà Nam, Trung Quốc), giết và bắt sống rất nhiều quân địch, thu được nhiều vũ khí chiến lợi phẩm, ngựa xe. Nhạc Phi cử Lương Hưng đi đến chỗ các vị hào kiệt trung nghĩa ở Lưỡng Hà, tuyên bố ý chỉ của triều đình, mời họ cùng hợp sức chống địch. Nghĩa quân ở các châu phủ vùng Sơn Tây đều giương cao ngọn cờ có chữ ’’Nhạc", hẹn nhau ngày tiến quân. Nghe tin Nhạc gia quân đóng quân ở Chu Tiên trấn, nghĩa quân ở vùng Lưỡng Hà đều rất hân hoan, chuẩn bị đón tiếp Nhạc gia quân sang sông. Nhân dân hai vùng nam, bắc Đại Hà cũng công khai chuẩn bị hương án, lương thực để đón mừng đại quân. Quan lại của quân địch ở địa phương chỉ giương mắt ngồi nhìn mà không dám can thiệp. Từ Yển Kinh trở xuống phía nam, hiệu lệnh của chính quyền nhà Kim hoàn toàn vô hiệu lực.


Chính vào lúc Nhạc Phi liên tục giành được thắng lợi lớn trên tiền tuyến, chuẩn bị kế sách vượt sông thì lại vấp phải sự phản bội đê hèn của bọn Triệu Cấu, Tần Cối. Bọn chúng lo sợ thắng lợi của Nhạc Phi sẽ phá vỡ kế hoạch đầu hàng của chúng, lại lo sợ Nhạc Phi sau khi thắng lợi sẽ uy hiếp địa vị của bọn chúng, nên giữa lúc quân đội của Nhạc Phi đang trên đà thắng lớn thì vội vàng ra lệnh cho Nhạc Phi phải đình chỉ kế hoạch tấn công trên các trận tuyến. Tiếp sau đó, lấy cớ "cô quân bất khả cửu lưu" (quân đơn độc không nên lưu lại lâu trên đất địch), chỉ trong một ngày đã hạ 12 đạo "kim tự bài” (một thứ thẻ gỗ sơn trên khắc chữ vàng, dùng để ra lệnh trong những trường hợp việc quân khẩn cấp, do nhà vua trực tiếp ban lệnh, một ngày phải đi 400 đến 500 dặm) buộc Nhạc Phi phải rút quân.


Trong tình cảnh đó, Nhạc Phi buộc phải đau đớn rút quân về Tương Dương. Trên đường rút quân, nhân dân Trung Nguyên ngăn Nhạc gia quân lại mà kêu khóc, tiếng khóc than vang dậy trời đất. Nhân dân vùng Hà Nam cũng lũ lượt kéo nhau rút theo quân đội. Sau khi Nhạc Phi rút quân đi, vùng Hà Nam lại rơi vào tay người Kim.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #54 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2021, 07:05:38 am »

5. Kết luận

Sau hoà ước Thiệu Hưng (tháng 11 năm Thiệu Hưng thứ 11) được ký kết không lâu, Tần Cối làm theo ý chỉ của Tống Cao tông, gấp rút tiến hành hoạt động hãm hại Nhạc Phi. Ngày 29 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11, cha con danh tướng họ Nhạc đã bị ghép vào tội mưu phản, khi đó Nhạc Phi mới chỉ 39 tuổi, Nhạc Vân mới 23 tuổi.


Trận chiến giữa Tống và Kim xảy ra vào thế kỷ 12 là cuộc chiến tranh dân tộc có phạm vi lớn và thời gian khá dài trong lịch sử Trung Quốc. Khi Nhạc Phi còn sống, thảm hoạ của cuộc chiến tranh khốc liệt đã lan tràn trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, phá hoại nặng nề kinh tế. Hơn nữa cục diện đối đầu chia cắt nam bắc giữa Tống và Kim cũng làm ảnh hưỏng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội, gây nên bao nỗi thống khổ cho nhân dân các dân tộc trên cả nước Trung Quốc. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống nhà Kim mà người đại diện là Nhạc Phi không chỉ phục vụ cho chính quyền nhà Tống, mà thực chất đã thể hiện lợi ích và mong muốn của nhân dân các dân tộc, là cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại sự chia cắt, đòi sự tiến bộ của nhân dân lao động đối với triều đình lúc bấy giờ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #55 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 07:42:27 am »

TRẬN CHIẾN HỒ PHỒN DƯƠNG GIỮA CHU - TRẦN


Vào những năm cuối thời Nguyên (1271-1368), ở Trung Quốc nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân với quy mô lớn. Khắp các địa phương trên đất Trung Quốc nổi lên các cuộc đấu tranh vũ trang chống lại sự thống trị tàn bạo của giai cấp quý tộc Mông Cổ và bọn địa chủ. Trải qua nhiều năm chiến tranh, các cuộc khởi nghĩa có cuộc thất bại, có cuộc phát triển lớn mạnh, trở thành thế lực cát cứ địa phương. Tại khu vực trung hạ du của lưu vực sông Trường Giang, có hai cánh quân vũ trang mạnh nhất, một là của Trần Hữu Lượng, một là của Chu Nguyên Chương. Hai cánh quân này một mặt tự tiến hành cuộc chiến đấu chống lại quân Nguyên Mông, mặt khác lại mâu thuẫn với nhau. Trần Hữu Lượng vốn là bộ hạ của lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Từ Thọ Huy, nhưng lại âm mưu sát hại lãnh tụ, cướp quyền lãnh đạo, tự lập vương quốc, lấy quốc hiệu là Đại Hán. Để độc chiếm quyền bá chủ Giang Nam, Trần Hữu Lượng luôn muốn tiêu diệt Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương cũng nhận thấy rằng, nếu như không tiêu diệt Trần Hữu Lượng và các thế lực cát cứ thù địch khác ở phương Nam thì sẽ không củng cố được căn cứ địa của mình, không tập trung được lực lượng để tiến lên phía Bắc tiêu diệt quân Nguyên Mông, cuộc chiến tranh chống nhà Nguyên cũng sẽ không tiến hành được một cách triệt để và không xây dựng được chính quyền thống nhất trên toàn đất nước Trung Quốc được. Vì vậy, hai cánh quân này không ngừng tấn công tiêu diệt lẫn nhau. Trận đánh dưới đây chính là một trận đại chiến giữa hai đội quân của Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng - trận đánh ở hồ Phồn Dương.


1. Lưu Cơ định kế

Trần Hữu Lượng chiếm cứ một vùng đất rộng thuộc địa phận ba tỉnh Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc Trung Quốc. Hắn ỷ thế quân đông, tướng nhiều, lực lượng hùng hậu, quyết định men theo Trường Giang về phía đông và hẹn với Trương Sĩ Thành đang chiếm cứ vùng đông nam Giang Tô cùng nhau phối hợp tấn công Ứng Thiên (nay là Nam Kinh, Trung Quốc), hòng một trận tiêu diệt Chu Nguyên Chương.


Chu Nguyên Chương lấy Ứng Thiên làm căn cứ địa, chiếm cứ một phần đất đai thuộc ba tỉnh Giang Tô, An Huy, Triết Giang ngày nay, lực lượng cũng ngày một phát triển lớn mạnh.

Tin tức Trần Hữu Lượng sẽ tấn công truyền đến Ứng Thiên. Chu Nguyên Chương triệu tập quần thần đến họp bàn kế sách đối phó. Lưu Cơ đưa ra phương châm chiến lược là: "Dĩ dật đãi lao, hậu phát chế nhân" (lấy quân nhàn rỗi khỏe mạnh để đối phó với quân phải vất vả từ nơi khác đến, nhường thế chủ động rồi sau mới nắm lấy quyền khống chế kẻ địch). Lưu Cơ cho rằng, trước tiên phải làm tốt công tác cổ vũ động viên sĩ khí, chỉ cần sĩ khí hưng thịnh, sau đó sắp đặt phục binh, dùng kế phá địch thì hoàn toàn có thể giành được thắng lợi. Chu Nguyên Chương hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Lưu Cơ. Để tránh bị Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành từ hai phía tấn công, Chu Nguyên Chương cho rằng phải nhân lúc bọn họ chưa kịp hợp quân, bằng mọi cách nhử cho Trần Hữu Lượng tấn công trước, chỉ cần đánh tan quân của Trần Hữu Lượng thì quân của Trương Sĩ Thành ắt sẽ không dám tấn công nữa.


Bộ tướng của Chu Nguyên Chương là Khang Mậu Tài vốn có quen biết từ trước với Trần Hữu Lượng. Chu Nguyên Chương bèn nói với Khang Mậu Tài:

"Ông hãy viết một bức thư sai người mang tới cho Trần Hữu Lượng, giả bộ muốn đầu hàng hắn, tỏ ý muốn cùng với hắn hợp tác trong đánh ra, ngoài đánh vào, dụ hắn mau chóng tấn công. Để không gây sự nghi ngờ, ông có thể tiết lộ cho hắn một số bí mật quân sự giả, khuyên hắn chia làm ba đường đến tấn công Ứng Thiên".

Khang Mậu Tài đồng ý, nói:

"Được, nhà tôi có một người hầu già, trước đây đã từng làm việc cho Trần Hữu Lượng, để hắn mang thư của tôi đi thì Trần Hữu Lượng nhất định sẽ không nghi ngờ gì hết!".
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #56 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 07:42:50 am »

2. Khang Mâu Tài hạ thư

Vào một đêm tối yên tĩnh, người hầu già của Khang Mậu Tài chèo một chiếc thuyền nan nhỏ, lén sang phía kia sông, mang thư của Khang Mậu Tài đến gặp Trần Hữu Lượng. Trần Hữu Lượng mừng lắm, hỏi Khang Mậu Tài đang đóng quân ở đâu? Người hầu già nói Khang Mậu Tài đóng ở cầu Giang Đông. Trần Hữu Lượng lại hỏi: cầu gỗ hay cầu đá? Người hầu già nói: cầu gỗ. Trần Hữu Lượng thưởng cơm rượu cho người hầu già, trước khi về còn dặn dò:

"Khi ta xuất quân đánh cầu Giang Đông, sẽ gọi "lão Khang” làm ám hiệu, lúc đó Khang tướng quân hãy đến tiếp ứng".

Người hầu già trở về nơi đóng quân của Chu Nguyên Chương, báo cáo lại toàn bộ tình hình với Chu Nguyên Chương. Ngày hôm sau, có một người lính trốn từ chỗ của Trần Hữu Lượng sang báo cáo với Chu Nguyên Chương rằng:

"Trần Hữu Lượng đã thăm dò cách đi đến cửa sông, xem ra hắn có khả năng sẽ tấn công nơi đây".

Chu Nguyên Chương căn cứ vào tình hình này để tiến hành bố trí chiến đấu. Trên các cứ điểm quan trọng thuộc tuyến đường Trần Hữu Lượng tiến công đều bố trí các đại tướng và cho quân mai phục. Chu Nguyên Chương đích thân đốc chiến ở núi Lư Long, đồng thời cho người ngày đêm sửa cầu Giang Đông thành cầu đá. Tất cả công việc chuẩn bị đều đã hoàn tất, chỉ còn chờ Trần Hữu Lượng chui vào bẫy.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #57 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 07:43:16 am »

3. Trần Hữu Lượng tự chui vào lưới

Trần Hữu Lượng quả nhiên đích thân chỉ huy thủy quân thuận theo dòng nước tiến về phía đông, trước tiên cập cảng Đại Thắng, dự định sẽ đổ bộ ở đây. Thế nhưng, cửa sông ở đây rất hẹp, hơn nữa hắn lại phát hiện ra Chu Nguyên Chương đã có sự chuẩn bị trước, bèn vội vàng quay mũi thuyền tiến thẳng tới cầu Giang Đông. Khi đến gần mói phát hiện ra là cầu đá chứ không phải cầu gỗ, hắn đã không nén nổi kinh ngạc. Tiếp đó, theo ám hiệu đã hẹn trước, hắn cho người gọi to: "Lão Khang!", nhưng không thấy có ai đáp lại. Trần Hữu Lượng lúc này mới bừng tỉnh, nhận ra rằng mình đã mắc mưu Khang Mậu Tài nên vội vàng chỉ huy quân rút chạy.


Đúng vào lúc đó, đột nhiên trống trận nổi lên, phục binh của Chu Nguyên Chương nhất tề xông ra, từ hai phía thủy bộ kẹp chặt quân của Trần Hữu Lượng vào giữa mà đánh. Quân của Trần Hữu Lượng bị đánh bất ngờ, muốn đánh lại không được, muốn tháo chạy cũng không xong, bị giết, bị chết đuối nhiều không kể xiết. Số bị bắt làm tù binh đến 7.000 người, hơn 100 chiến thuyền lớn bị đánh chìm và bị bắt giữ, các loại chiến thuyền hạng nhỏ và vừa thì nhiều không kể xiết. Trần Hữu Lượng được các bộ tướng bảo vệ, cướp được một chiếc thuyền nhỏ trốn thoát.


Chu Nguyên Chương chỉ huy đại quân thừa thắng truy kích, thu phục lại các vùng đất như: Thái Bình (nay thuộc huyện Đương Đồ, An Huy, Trung Quốc), tiếp đến lại tấn công hạ được An Khánh (nay thuộc thành phố An Khánh, An Huy, Trung Quốc), Viên Châu (nay là huyện Nghi Xuân, Giang Tây, Trung Quốc) và Giang Châu (nay là thành phố Cửu Giang, Giang Tây, Trung Quốc)..., chiếm lại rất nhiều châu huyện của Giang Tây và vùng đất phía đông nam Hồ Bắc.

Trần Hữu Lượng tháo chạy về Vũ Xương.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #58 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 07:43:58 am »

4. Đại chiến ở hồ Phồn Dương

Địa bàn của Chu Nguyên Chương ngày càng mỏ rộng, địa bàn của Trần Hữu Lượng ngày càng bị thu hẹp, sự phát triển của tình thế ngày càng có lợi cho Chu Nguyên Chương và bất lợi cho Trần Hữu Lượng. Trần Hữu Lượng lại càng tức giận, càng quyết tâm phải tiêu diệt Chu Nguyên Chương. Hắn điều động một lực lượng lớn thợ mộc đến đóng hàng trăm chiến thuyền cỡ lớn, chiều cao nhiều trượng, chia thành ba tầng: thượng, trung, hạ, mỗi tầng đều có đường đi cho ngựa, thân thuyền quét sơn đỏ. Chiến thuyền lớn nhất có thể chứa được đến hơn 1.000 người, thuyền cỡ nhỏ cũng phải chở được vài trăm người.


Tháng 4 năm 1363, Trần Hữu Lượng huy động toàn bộ quân đội của hắn, gọi là "60 vạn”, mang theo cả gia thuộc và văn võ bá quan, ầm ầm tiến vào Hồng Đô (nay là thành phố Nam Xương, Giang Tây, Trung Quốc).


Khi Trần Hữu Lượng tiến đến Hồng Đô, lên bờ vây thành, tướng trấn thủ thành Hồng Đô là Chu Văn Chính ra lệnh cho quân lính chia nhau ra cố thủ các cổng thành. Trần Hữu Lượng ra lệnh cho quân sĩ liều mạng tấn công, phá được một lỗ hổng lớn dài đến hơn 20 trượng trên tường thành. Viên tướng thủ thành là Đặng Dũ ra lệnh cho quân lính dùng súng hoả mai bắn lui quân địch, ngay trong đêm đó dựng một tường rào bằng gỗ chắn ngang lỗ thủng ở tường thành, yểm hộ cho quân lính xây lại tường thành. Chỉ trong một đêm, tường thành đã lại được xây xong. Quân của Trần Hữu Lượng dùng đủ mọi cách để tấn công thành, quân của Chu Văn Chính cũng dùng đủ mọi cách để giữ thành. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, quân đội của cả hai bên đều bị thương vong rất nặng nề.


Cuộc chiến ở Hồng Đô kéo dài đến 85 ngày đêm, cho mãi đến tháng 7 năm đó, Chu Nguyên Chương đích thân mang 20 vạn quân cứu viện, tiến đến Hồ Khẩu, Trần Hữu Lượng mới buộc phải rút quân bao vây Hồng Đô về, đưa đại quân đến hồ Phồn Dương để nghênh chiến.


Quân đội của Trần Hữu Lượng có quân số đông, chiến thuyền của thủy quân vừa cao vừa to, về mặt binh lực thì chiếm ưu thế hơn quân đội của Chu Nguyên Chương. Trước một kẻ địch mạnh như vậy, Chu Nguyên Chương chia thủy quân thành 11 đội, mỗi đội đều trang bị súng hoả mai, trường cung, đại nỏ, mỗi khi tác chiến trước tiên dùng súng hoả mai, sau đến bắn tên, cuối cùng thì dùng dao găm để giết giặc.


Bộ tướng của Chu Nguyên Chương là đại tướng Từ Đạt đã mang quân xuất trận trước, đánh bại quân tiên phong của Trần Hữu Lượng, giết chết 1.500 địch, thu về một chiến thuyền lớn. Sĩ khí của quân đội Chu Nguyên Chương ngày càng dâng cao.


Trong một lần chiến đấu, dũng tướng của Trần Hữu Lượng là Trương Định Biên xông vào trước chiến thuyền của Chu Nguyên Chương, vì nước nông, chiến thuyền của Chu Nguyên Chương mắc cạn, không nhúc nhích được. Để giúp Chu Nguyên Chương thoát hiểm, Nha Tương Hàn bèn khoác mũ áo của Chu Nguyên Chương, nhảy xuống nước. Quân địch trông thấy vậy lại tưởng rằng Chu Nguyên Chương đã nhảy xuống nước trốn chạy nên đã nới lỏng vòng vây. Một bộ tướng khác của Chu Nguyên Chương là Thường Ngộ Xuân bắn một mũi tên trúng vào Trương Định Biên, lúc này thuyền chiến của quân địch mới chịu rút lui về phía sau. Nhân lúc nước sông dâng cao, chiến thuyền của Chu Nguyên Chương mới thoát được khỏi khu vực nguy hiểm.


Trong tiến hành chiến đấu, Chu Nguyên Chương nhận thấy nhược điểm của phía quân Trần Hữu Lượng là bố trí trận địa theo kiểu liên kết các chiến thuyền, động tác không thật linh hoạt vì vậy Chu Nguyên Chướng quyết định áp dụng ý kiến của bộ tướng Quách Hưng, dùng hỏa công để tấn công quân địch.


Chu Nguyên Chương ra lệnh cho quân lính chuẩn bị hỏa pháo, hỏa tiễn, súng hoả mai và các loại hỏa khí khác, đợi đến khi phát động tấn công sẽ đồng loạt sử dụng các loại vũ khí đó bắn về phía quân địch, đốt cháy chiến thuyền của chúng. Chu Nguyên Chương còn ra lệnh chuẩn bị một số thuyền nhỏ dùng cho hỏa công, phía trên chất lau sậy, phía dưới giấu thuốc pháo, xung quanh thuyền dựng hình người bằng cỏ mình khoác giáp trụ, tay cầm vũ khí để ngụy trang. Trên các thuyền này đều chuẩn bị sẵn những thuyền thúng nhỏ để sau khi phát hỏa đốt thuyền, quân lính có thể rút chạy bằng các thuyền thúng đó.


Tất cả đều đã được chuẩn bị đầy đủ, đợi đến lúc hoàng hôn có gió đông nổi lên, Chu Nguyên Chương bèn phát lệnh cho quân lính cảm tử trên 7 chiếc thuyền hỏa công xông vào giữa đội thuyền chiến của quân đội Trần Hữu Lượng thừa gió đốt thuyền, bắt đầu tấn công. Bảy chiếc thuyền giống như bảy con rồng lửa xuyên vào giữa đội hình chiến thuyền của quân địch, đồng thời cùng lúc đó, Chu Nguyên Chương ra lệnh cho quân lính sử dụng các loại hoả khí, đốt cháy các loại chiến thuyền lớn nhỏ của địch. Gió càng to, lửa càng lớn, lửa cháy ngút tròi, biến cả vùng hồ Phồn Dương thành một đám cháy khổng lồ. Vô số quân lính của Trần Hữu Lượng bị chết đạn, chết cháy, chết đuối, số quân lính ra đầu hàng lại càng nhiều hơn. Chu Nguyên Chương lệnh cho binh sĩ của mình không được giết hại tù binh, cứu chữa cho người bị thương, sau đó lại thả cho họ trở về với gia đình. Làm như vậy, Chu Nguyên Chương tranh thủ được cảm tình của quân sĩ trong quân đội của Trần Hữu Lượng, vì thế rất đông binh lính, trong đó có cả các tướng lĩnh của Trần Hữu Lượng ra đầu hàng quân đội của Chu Nguyên Chương.


Từ khi bắt đầu cuộc chiến cho đến khi kết thúc, Chu Nguyên Chương luôn đích thân chỉ huy binh sĩ, kiên trì chiến đấu. Mặc dù các vệ sĩ bên mình đều bị tử chiến, Chu Nguyên Chương vẫn không chịu lui về phía sau một bước.


Sau đó trải qua vài cuộc chiến đấu ác liệt nữa, cuối cùng quân của Chu Nguyên Chương đã khống chế được cửa hồ, quân của Trần Hữu Lượng hoàn toàn thất bại, thêm nữa lương thực cũng đã cạn, không thể tiếp tục cầm cự được nữa. Trần Hữu Lượng thấy thế lớn đã mất, đành phá vây rút quân về. Không ngờ, trên đường rút lui, Trần Hữu Lượng bị tên lạc bắn trúng mà chết. Trương Định Biên dùng chiến thuyền đưa thi hài của Trần Hữu Lượng và thái tử Trần Lý chạy suốt đêm về đến Vũ Xương. Ngày hôm sau, phó tướng của Trần Hữu Lượng là Trần Vinh kiểm điểm lại quân số của mình, thu thập được hơn 50.000 tàn quân, bèn kéo nhau đến đầu hàng Chu Nguyên Chương. Trận chiến ở hồ Phồn Dương đã kết thúc với sự thất bại của quân Trần và sự thắng lợi hoàn toàn của quân Chu.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #59 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 07:44:21 am »

5. Kết luận

Trận chiến ỏ hồ Phồn Dương là một cuộc đại chiến mang tính sống còn giữa hai cánh quân của Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên Chương. Cuối cùng quân của Chu Nguyên Chương hoàn toàn thắng lợi, đặt cơ sở cho việc bình định Giang Nam của ông ta về sau. Đây cũng là một bước chuẩn bị trong công cuộc tiến lên phía Bắc tiêu diệt quân Nguyên, thống nhất Trung Quốc của Chu Nguyên Chương.


Sau cuộc chiến này, trong một hội nghị quân sự, Chu Nguyên Chương đã tiến hạnh phân tích nguyên nhân thắng bại của hai bên rằng:

"Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa, suy cho cùng, đánh trận là phải dựa vào lòng người. Trần Hữu Lượng tuy có thuyền to người đông, nhưng nội bộ không đoàn kết, mỗi người một ý, trên dưới nghi kỵ lẫn nhau, hơn nữa lại chiến tranh liên miên, luôn luôn bại trận, không tích trữ được lực lượng, không biết nắm lấy thời cơ có lợi, vì vậy cuối cùng đã thất bại. Quân ta sở dĩ có thể giành được thắng lợi là bởi vì có thể nắm chắc thời cơ, tướng sĩ trên dưới một lòng, có được nhân hòa, vì vậy mà trong trận hồ Phồn Dương đã khiến cho quân của Trần Hữu Lượng phải tơi bời, tan tác".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM