Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:35:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mưu lược quân sự  (Đọc 4499 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #40 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2021, 07:37:08 am »

3. Quyết sách của Tạ An

Tin tức về cuộc tấn công trên quy mô lớn của Tiền Tần đã truyền về đến Kiến Khang, Tấn Hiếu Vũ đế và rất nhiều văn võ trong triều đình Đông Tấn đều tỏ ra vô cùng sợ hãi. Phần lớn dân chúng đều sợ phải chịu đựng ách thống trị tàn bạo của các quý tộc người dân tộc Đê, kiên quyết yêu cầu chống lại. Giai cấp thống trị nhà Đông Tấn một mặt muốn bảo vệ và duy trì sự thống trị ổn định và lợi ích của mình; mặt khác, rút kinh nghiệm xương máu của triều đình nhà Tây Tấn trước đó, do không chống lại ngoại xâm mà mất nước, nên cũng cảm thấy rằng ngoài việc quyết tâm chống lại sự tấn công của Tiền Tần thì không còn con đường lựa chọn khác. Dưới sự chủ trì của Tể tướng Tạ An, chính quyền Đông Tấn quyết định phát binh chống lại cuộc tấn công của quân đội Tiền Tần.


Tạ An, tự An Thạch là một nhà chính trị thuộc giai cấp địa chủ có kinh nghiệm chính trị phong phú và con mắt chính trị nhìn xa trông rộng. Tổ tiên của Tạ An vốn xuất thân từ giai cấp địa chủ ở phương Bắc, về sau toàn bộ gia đình chuyển xuống Giang Nam. Khi còn trẻ, Tạ An đã được triều đình vời vào làm quan, nhưng ông từ chối. Sau đó, ông ẩn cư tại Cối Kê, Đông Sơn (nay là Đông Sơn, phía tây nam huyện Thượng Ngu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc). Năm 373, Tạ An cuối cùng đã nhận lời triều đình ra nhậm chức Tể tướng, lo việc triều chính. Sau khi Tạ An nắm việc triều chính, ông hợp tác mật thiết với một nhân vật quan trọng khác trong triều đình Đông Tấn lúc bấy giờ là tướng quân Hoàn Xung, đồng thời trọng dụng một số người tài đã từng bị thất thế trên trường chính trị, để cho họ thi thố tài năng giúp ích cho đất nước, về mặt quân sự, sử dụng Tạ Thạch, Tạ Huyền... làm tướng lĩnh, tăng cường phòng ngự đối với Tiền Tần. Vì vậy, trước khi trận chiến Phì Thủy xảy ra, nội bộ giai cấp thống trị của triều đình Đông Tấn là tương đối ổn định và đoàn kết, xã hội tương đối yên bình, chính quyền vững chắc, về mặt quân sự đã có sự chuẩn bị trước.


Trong lần tấn công của đại quân Tiền Tần này, Tạ An được Hiếu Vũ đế giao đảm nhận chức thống soái cao nhất trong thời chiến là Chinh thảo Đại đô đốc. Đầu tiên, Tạ An ra lệnh cho nhân dân ở phía bắc sông Hoài chuyển đến phía nam sông Hoài, thực hiện "vườn không nhà trống" để đề phòng Tiền Tần cướp đoạt sức lao động của Đông Tấn, đồng thời lấy số dân chúng đó bổ sung nguồn lực cho quân đội của mình.


Vê quân sự, Tạ An nhận định rằng, Hoài Hà sẽ là phương diện tấn công chủ yếu của quân đội Tiền Tần, vì vậy, trước tiên phải bố trí binh lực phòng ngự tại trận tuyến sông Hoài. Tạ An điều động em trai mình là Tạ Thạch thay mặt Chinh thảo Đại đô đốc chỉ huy toàn quân; tuyển chọn viên tướng xuất sắc Tạ Huyền làm Tiên phong Đô đốc, cùng với các tướng lĩnh trẻ tuổi khác như Tạ Viêm và Hằng Doãn... thống lĩnh 8 vạn quân tinh nhuệ "Bắc phủ binh" đi nghênh kích quân Tần. Ngoài ra, Tạ An còn giao cho tướng quân Hồ Bân mang 5.000 thủy quân đi tăng viện cho Thọ Dương.


Trước khi thống lĩnh "Bắc phủ binh” xuất phát, Tạ Huyền đến gặp Tạ An, hỏi cách làm thế nào để đánh bại được quân Tần. Tạ An ung dung trả lời rằng:

"Triều định đã sắp xếp xong cả rồi, ngài cứ việc đi là được".

Nói xong, Tạ An im lặng, không nói gì thêm nữa. Tạ Huyền thấy vậy hơi lo lắng và khó hiểu, nhưng không dám hỏi thêm, bèn nhờ một đồng sự tên là Trương Huyền đến hỏi lại Tạ An một lần nữa. Tạ An không những không trả lời, lại còn cùng Trương Huyền ngồi xe đi đến ngôi biệt thự của mình bên ngoài thành để chơi. Tạ An mời Trương Huyền cùng mình đánh cờ vây. Tài nghệ cờ vây của Trương Huyền vốn rất cao minh, thông thường khi đánh cờ cùng Tạ An, bao giờ Trương Huyền cũng thắng, vậy mà lần đó, do trong lòng mang nặng mối lo về quân sự, nên kết quả là Trương Huyền không thể thắng nổi Tạ An, đành chịu hòa cờ. Tạ An ở chơi trong núi đúng một ngày, mãi tận khuya mới trở về nhà.


Quân địch lớn đã đến trước mặt, Tạ An không những rất bình tĩnh, ung dung không hề lo sợ mà còn tràn đầy tin tưởng vào thắng lợi. Thấy thái độ của Tể tướng như vậy, toàn thể văn võ bá quan trong triều đình Đông Tấn cũng đã trấn tĩnh lại được phần nào, không còn quá khiếp sợ trước kẻ địch mạnh nữa.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #41 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2021, 07:37:59 am »

4. Chiến dịch Lạc Giản

Phù Kiên dựa vào binh lực hùng hậu, không đợi các cánh quân tập trung lại đầy đủ đã ra lệnh cho Phù Dung tiến hành tấn công mãnh liệt vào Đông Tấn.

Tháng 10, Phù Dung tấn công hạ thành Thọ Dương. Khi ấy, thủy quân do Hồ Bân chỉ huy chưa kịp đến nơi tăng viện, đi đến giữa đường nghe được tin thành Thọ Dương bị hạ, đành phải rút quân về Hiệp Thạch (nay là phía tây nam huyện Phượng Đài, An Huy, Trung Quốc) - một địa điểm kẹp giữa một bên là sông, một bên là núi cao. Hồ Bân cho quân lính của mình đóng quân tại địa điểm hiểm yếu đó, chờ đợi đại quân của Tạ Thạch tới.


Sau khi Phù Dung đánh chiếm Thọ Dương, một mặt cử quân đi bao vây tấn công Hiệp Thạch, một mặt cử Lương Thành mang năm vạn quân đi khống chế Lạc Giản (là nơi Lạc Thủy chảy vào Hoài Thủy, nay là phía tây nam huyện Định Viễn, tỉnh An Huy, Trung Quốc), ngăn chặn quân Tấn của Hồ Bân từ phía đông đến cứu viện. Tạ Thạch ra lệnh cho quân Tấn đóng quân tại một địa điểm cách Lạc Giản 25 dặm.


Đại quân của Tạ Thạch không thể tiến về phía trước được, quân của Hồ Bân bị bao vây cô lập ở Hiệp Thạch, lương thực sắp cạn, tình hình vô cùng khẩn cấp. Để đánh lừa kẻ địch, Hồ Bân ra lệnh cho quân sĩ mang rá vo gạo, hàng ngày ra bờ sông xóc đá sỏi, để cho quân Tần từ xa trông lại tưởng là quân Tấn đang vo gạo, nghĩ rằng lương thực của quân Tấn rất dồi dào. Đồng thời, Hồ Bân cũng gửi thư khẩn cấp báo cho Tạ Thạch biết:

"Hiện tại thế lực của quân địch rất lớn, quân lương ở đây đã ăn hết, tình hình vô cùng khẩn cấp, sợ rằng không thể còn có cơ hội hợp quân với đại quân được".


Bức thư mật được Hồ Bân sai một tên lính thân cận cưỡi ngựa ngay trong đêm vượt vòng vây mang đến cho Tạ Thạch. Không may, tên lính đưa thư giữa đường bị quân lính của Tiền Tần bắt được, bức thư mật cũng bị quân Tần thu được.


Phù Dung có được tin tức đó, lập tức cử người ngay trong đêm mang về Hạng Thành báo cáo với Phù Kiên:

’’Hiện tại quân Tấn người ít, lương thiếu, chính là cơ hội tốt để tấn công tiêu diệt bọn họ, hãy mau phát động tấn công, không nên để cho quân Tấn chạy thoát".


Phù Kiên là một kẻ tự cao tự đại, đang dương dương tự đắc về thắng lợi của mình ở Hạng Thành, khi nhận được tin mật báo của Phù Dung lại càng thêm đắc ý. Ngay trong đêm hôm đó, Phù Kiên để lại đại quân ở Hạng Thành, chỉ lẳng lặng tuyển chọn 8.000 quân khinh kị, đích thân do mình chỉ huy, không kể ngày đêm tiến thẳng về Thọ Dương, định bất ngờ bắt sống Tạ Thạch, một đòn là đánh tan quân Tấn. Khi rời khỏi Hạng Thành, ông ta còn nghiêm khắc ra lệnh cho các tướng sĩ:

"Nếu có ai tiết lộ tin tức ta đi Thọ Dương, ta sẽ cắt lưỡi kẻ đó!”.

Phù Kiên đến Thọ Dương, bàn bạc với Phù Dung, cho rằng có thể bắt quân đội Đông Tấn không đánh mà phải đầu hàng, cho nên quyết định cử Chu Tự đến thuyết hàng quân Tấn.

Chu Tự vốn là người Hán, từng làm Thích sử Lương Châu của triều đình Đông Tấn, do bị thất bại trong trận chiến phòng thủ Tương Dương nên bị bắt làm tù binh. Chu Tự "thân tại Tần doanh, tâm tại Tấn", vẫn mang lòng muốn báo đền nợ nước. Khi đến doanh trại của quân Tấn, Chu Tự không những không khuyên Tấn đầu hàng, ngược lại còn đem tất cả tin tức mà mình biết được về tình hình quân Tần bí mật báo cho Tạ Thạch, Tạ Huyền và bày cách cho Tạ Thạch, Tạ Huyền tấn công quân Tần. Chu Tự nói:

"Lần này Phù Kiên tận dụng toàn bộ binh lực của cả nước, tổng cộng có 90 vạn quân. Nếu như toàn bộ số quân này kéo tới hết thì quả thực rất khó đối phó. Nhưng trước mắt, đại bộ phận quân Tần còn đang trên đường hành quân, quân lính ở Lương Châu chỉ mới vừa qua khỏi Hàm Dương; binh lực của quân Tần ở tiền tuyến không có gì là hùng hậu cả. Nếu quân Tấn phát động tấn công, thì bây gì chính là thời cơ tốt nhất. Các ngài chỉ cần cử một cánh quân tinh nhuệ đánh bại quân tiên phong của Tần, làm tổn thương nhuệ khí của quân đội, thì quân Tần trên toàn trận tuyến sẽ sụp đổ".


Nói rồi, Chu Tự lại vội vội vàng vàng quay trở về doanh trại của quân Tần ở Thọ Dương.

Mới đầu Tạ Thạch tưởng rằng toàn bộ quân chủ lực của Phù Kiên đã kéo đến Thọ Dương, định chọn cách cố thủ khiến cho quân Tần mệt mỏi. Về sau, khi cùng Tạ Huyền, Tạ Viêm nghiên cứu kỹ những tin tức bí mật do Chu Tự cung cấp, quyết định nhân lúc quân chủ lực của Phù Kiên chưa đến, sẽ tiêu diệt quân Lương Thành, quét sạch trở ngại trên đường tiến quân, cứu viện giải vây cho quân Tấn ở Hiệp Thạch. Tạ Thạch bèn cử dũng tướng Lưu Lao Chi mang 5.000 quân "Bắc phủ binh” đi tập kích quân của Lương Thành đang đóng ở Lạc Giản.


Nhận được mệnh lệnh, Lưu Lao Chi bèn ngay trong đêm hôm đó mang 5.000 quân "Bắc phủ binh” xuất phát đến Lạc Giản. Nghe nói sẽ được tấn công quân Tần, quân lính "Bắc phủ binh" đều hăm hở, khí thế chiến đấu lên cao ở mức khác thường.


Quân Tấn đến cách Lạc Thủy 10 dặm thì Lưu Lao Chi nhận được báo cáo từ tuyến trinh sát rằng, quân của Lương Thành đóng trại ở bờ sông Lạc Thủy phía đối diện thành một dải đen ngòm nhưng không có động tĩnh gì cả, dường như đều đã ngủ say. Lưu Lao Chi lập tức ra lệnh cho quân lính khẩn trương hành quân. 5.000 quân "Bắc phủ binh" như mãnh hổ lội qua sông, xông vào trận tuyến của quân Tần, gào thét, chém giết quân địch. Quân Tần đang trong giấc ngủ say, còn chưa kịp rõ tình hình thì đã bị quân Tấn tấn công vào doanh trại chém giết, chết nhiều như ngả rạ. Lương Thành đang ngủ say, bỗng nghe tiếng gào thét bên ngoài, giật mình hoảng hốt bò dậy, khoác giáp trụ nhảy lên ngựa định chống cự. Chỉ thấy Lưu Lao Chi xông lên, tay cầm giáo dài lao thẳng đến trại của Lương Thành. Vừa hay Lương Thành xông ra, hai bên đánh nhau mười mấy hiệp. Lương Thành khiếp đảm run tay, lát sau không tiếp chiêu nổi, bị giáo của Lưu Lao Chi đâm trúng, ngã ngựa.


Quân Tần mất chủ tướng, càng không có lòng dạ nào để chống cự lại, lũ lượt kéo nhau rút chạy về phía sau. Quân Tấn thừa thắng truy đuổi theo quân Tần đến tận bên bờ sông Hoài. Lưu Lao Chi lập tức bố trí quân mình cắt đứt đường rút lui của quân Tần. Quân Tần bị đuổi đến cùng đường, tranh nhau nhảy xuống sông tháo chạy, rất nhiều binh lính Tần bị chết đuối. Sau một đêm chiến đấu ác liệt, số lính chết và bị thương bên quân đội Tiền Tần lên tới 15.000 người, Lạc Giản bị "Bắc phủ binh" của Lưu Lao Chi thu phục, trận tuyến trên sông Hoài của quân đội Tiền Tần bị phá vỡ.


Tạ Thạch, Tạ Huyền nghe được tin thắng trận từ Lạc Giản báo về, một mặt ra lệnh cho Lưu Lao Chi tiếp tục men theo Hoài Hà tiến vế phía tây, giải cứu vòng vây ở Hiệp Thạch; một mặt đích thân chỉ huy các lộ binh mã thừa thẳng tiến đến bờ đông Phì Thủy, đóng quân tại đó, đối mặt với quân đội của Phù Kiên ở phía bên kia sông. Được tin chiến thắng cổ vũ, sĩ khí của quân đội Đông Tấn càng lên cao, một trận chiến quyết liệt lại sắp sửa nổ ra.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #42 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2021, 07:38:37 am »

5. Trên núi Bát Công, cỏ cây như lính

Nghe tin Lạc Giản thất thủ, Lương Thành bị giết, lại nghe báo cáo là đại quân của Đông Tấn đã đến bờ đông Phì Thủy thì Phù Kiên cũng bắt đầu cảm thấy tình hình có sự bất ổn. Phù Kiên vội cùng Phù Dung trèo lên lầu thành Thọ Dương, quan sát động tĩnh bên phía bờ đông Phì Thủy. Nhìn sang phía bờ đông, chỉ thấy thế trận của quân Tấn rất nghiêm chỉnh, cờ hiệu phấp phới, các doanh trại sắp đặt thành hàng lối ngay ngắn trên bờ sông Phì Thủy. Dưới chân núi Bát Công, thỉnh thoảng lại vọng tới tiếng reo hò của binh lính đang thao luyện. Phù Kiên bất giác ngầm kinh ngạc. Một trận gió bắc thổi tới, Phù Kiên nhìn theo hướng gió về phía bắc, trong lúc hoảng hốt, chỉ thấy khắp nơi trên núi Bát Công đâu đâu cũng đầy quân lính Đông Tấn. Phù Kiên cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, nói với Phù Dung:

"Nhà ngươi hãy nhìn xem, quân Tấn đông binh mã như vậy, rõ ràng là cường địch, sao lại nói rằng quân đội Tấn yếu được?".


Thực ra, trên núi Bát Công làm gì có binh lính Đông Tấn! Chỉ là cỏ cây trên núi lay động theo gió mà thôi! Phù Kiên do trong lòng đang lo lắng, lại vì ảo giác nên nghĩ rằng khắp nơi đều có quân Tấn. Về sau, người Trung Quốc dùng câu thành ngữ "Thảo mộc giai binh" để ví với sự sợ hãi quá độ của một người nào đó.


Phù Kiên không dám coi thường quân Tấn nữa. Ông ta đi xuống thành, truyền lệnh cho tướng sĩ của mình phòng thủ nghiêm mật phòng tuyến Phì Thủy, không có mệnh lệnh của Phù Kiên, không ai được qua sông tấn công.


Trận địa của quân Tần bố trí dày đặc, tầng tầng lớp lớp trên bờ Phì Thủy, nếu quân Tấn muốn qua sông sẽ vấp phải khó khăn rất lớn. Mặc dù quân Tần bị thất bại ở Lạc Giản, sĩ khí có bị giảm xuống phần nào, nhưng quân số vẫn còn đông gấp mấy lần quân Tấn. Tạ Thạch, Tạ Huyền nhận định rằng: Hiện tại quân Tấn chỉ có thể nắm chắc thời gian, tranh thủ chủ động, tiến hành thần tốc tấn công thì mới có thể có khả năng giành được thắng lợi. Nếu không như vậy, một khi mà quân chủ lực của Phù Kiên đã tề tựu đông đủ, sự thắng thua khó mà lường trước được.


Tiến thêm một bước, họ nhử quân Tần tiến hành quyết chiến, đồng thời vạch ra kế hoạch tác chiến nhằm chỉ một trận phá tan quân Tần.

Tạ Huyền phái một sứ giả nhà Tấn đến Thọ Dương, nói với Phù Dung rằng:

"Tướng quân mang quân thâm nhập vào biên giới nước chúng tôi, lại lập trận án binh bất động trên bờ Phì Thủy, như vậy là muốn kéo dài thời gian, sao không cùng chúng tôi quyết chiến một trận? Nếu như tướng quân lùi quân lại một chút, chừa ra một khoảng trống làm chiến trường, để chúng tôi vượt sông rồi hai bên quyết một trận thắng thua, chẳng phải là tốt hơn sao?"


Phù Dung báo cáo ngay yêu cầu của phía quân Tấn cho Phù Kiên biết.

Phù Kiên nghĩ: Quân Tấn tuy có giành thắng lợi ở Lạc Giản, nhưng lực lượng cũng chỉ có hạn, lẽ nào ta lại sợ không dám quyết chiến một trận với chúng? Nếu không đáp ứng yêu cầu của quân Tấn, có nghĩa là thể hiện sự run sợ của ta. Thế là Phù Kiên bèn triệu tập hội nghị các tướng lĩnh dưới quyền để cùng bàn bạc về vấn đề này.

Các tướng lĩnh của Phù Kiên đều nói:

"Chúng ta quân đông, phía Tấn quân ít, chẳng thà cứ phòng thủ chắc ở bờ Phì Thủy, không cho quân Tấn vượt sông, sau đó tìm cơ hội tấn công tiêu diệt chúng, đấy mới là kế sách vẹn toàn!".

Nhưng Phù Kiên lại có sự tính toán khác, ông ta muốn tương kế tựu kế, đợi đến khi quân Tấn đến giữa dòng Phì Thủy sẽ bất ngờ tấn công, áp dụng chiến thuật bất ngờ tập kích, một trận tiêu diệt sạch quân Tấn. Vì vậy, Phù Kiên không chịu nghe theo ý kiến bàn bạc của các tướng lĩnh. Phù Kiên bảo Phù Dung thông báo với sứ giả quân Tấn, đồng ý lui quân, còn hẹn thời gian cho Tạ Huyền dẫn quân vượt sông sang quyết chiến.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #43 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2021, 07:39:28 am »

6. Đại chiến Phì Thủy

Nhận được tin trả lời của phía quân Tần, quân Tấn lập tức khẩn trương hành động.

Tạ Huyền thống lĩnh 8 vạn quân Tấn, sắp đặt trận thế ở bờ đông Phì Thủy: phía trước là kị binh, phía sau là bộ binh, quân dung vô cùng chỉnh tề.

Thời khắc quyết chiến đã đến!

Phù Kiên ngồi trên chiến xa có vẽ hình vân mây rất đẹp, được mấy chiến tướng hộ vệ xuất hiện trên thành Thọ Dương. Phù Dung và đại tướng Trương Hào, mang giáp trụ, cưỡi ngựa đến trước trận tiền. Phù Kiên nhìn trận địa phía đối diện một lượt rồi gọi Phù Dung đến truyền mệnh lệnh, ra lệnh cho toàn quân lui lại phía sau, để lại một khoảng trống làm chiến trường, cho quân Tấn vượt sông lên quyết chiến.


Đại bộ phận quân Tần là do bị Phù Kiên cưỡng bức vào lính, trong số đó có nhiều người Hán và cả những nô lệ thuộc các dân tộc khác, họ đều chán ghét chiến tranh, lại càng không muốn chết thay cho giai cấp quý tộc dân tộc Đê. Thấy Phù Dung phát lệnh lui binh, tất cả quân Tần đều nhân cơ hội tranh nhau lui vê phía sau, dẫm đạp lên nhau để rút chạy khỏi chiến trường, vỡ thế trận không thể nào ngăn cản nổi. Lúc đó, Chu Tự từ phía sau hô lớn: "Quân Tần thua rồi! Quân Tần thua rồi!".


Nghe thấy vậy, quân sĩ nhà Tần lại càng hô nhau chạy cho nhanh, toàn bộ hàng ngũ quân Tần rối loạn. Các tướng Tần dùng biện pháp chém đầu quân lính rút chạy để ngăn chặn, nhưng không sao ngăn nổi. Ngay cả bản thân các tướng lĩnh cũng bị dòng người cuốn trôi về phía sau. Đúng lúc đó, Tạ Huyền cùng Tạ Viêm, Hằng Doãn thống lĩnh 8.000 kị binh, nhảy xuống sông Phì Thủy, đại quân Tấn ở phía sau cũng theo sát phía sau vượt sông, Sắp xếp thế trận tấn công.


Phù Kiên thấy tình thế bất lợi, bèn bảo Phù Dung nhanh chóng ra lệnh cho quân Tần ngừng lui quân, quay lại nghênh chiến với quân Tấn. Thế nhưng quân Tần đang ở thế vỡ trận, không thể nào ngăn cản được.


Tạ Huyền bèn nắm lấy thời cơ có lợi đó, chỉ huy quân Tấn ở phía sau gấp rút truy kích. Chủ tướng của quân Tần là Phù Dung còn muốn mình đích thân áp trận để ngăn chặn sự sụp đổ của quân đội. Nào ngờ, một đám loạn quân xông tới đẩy Phù Dung ngã lăn xuống ngựa, bị đám binh sĩ của quân Tấn chém chết. Quân Tần mất chủ tướng lại càng thêm hỗn loạn, người ngựa quân Tần số thì tự dẫm đạp lên nhau mà chết, số thì bị quân Tấn giết chết, nhiều không đếm xuể. Cảnh tượng trên chiến trường lúc đó đúng là "thây rơi đầy nội, máu chảy thành sông", vô cùng kinh hãi!


Những tướng sĩ Tiền Tần còn may mắn giữ được tính mạng đều hồn bay phách lạc, bỏ chạy một mạch về hướng tây bắc Thọ Dương. Sợ bị quân Tấn truy đuổi, trên đương rút chạy, không dám đi đường lớn, chỉ dám đạp bừa vào các con đường nhỏ để mà rút, tối đến cũng không dám vào trú trong nhà dân, đành phơi thân ngoài đồng nội. Dân hai bên đường cũng rủ nhau mang vũ khí ra tiêu diệt, khiến cho quân Tần lại càng khiếp sợ, không dám quay đầu lại xem có quân đội Tấn truy đuổi phía sau không, thậm chí, nghe tiếng gió thổi phía sau cũng đạp lên nhau mà chạy. Lúc đó là vào tháng 11, thời tiết rất lạnh, đám tàn binh bại tướng nhà Tần vừa đói vừa rét, cuối cùng mười phần cũng đã chết mất bảy, tám phần.


Lại nói đến Phù Kiên, khi thấy cảnh đại bại ở ngoài trận tuyến Thọ Dương như vậy, cũng sợ đến mức hồn vía lên mây, vội chạy khỏi xe, nhảy lên ngựa lẫn vào đám loạn quân chạy trốn. Khi chạy được chẳng bao xa, Phù Kiên bị trúng tên vào vai, máu tươi chảy đầm đìa, cuống cuồng chạy trốn. May mắn cho Phù Kiên, cuối cùng cũng đã vượt được sông Hoài, theo sau chỉ còn lại vài tên lính thân cận. Phù Kiên dừng lại Hoài Bắc thu thập tàn binh, chỉ còn được có hơn 1.000 kỵ binh. Quân lính dưới quyền của Phù Kiên chỉ còn có 3 vạn quân dưới sự chỉ huy của viên tướng quý tộc người Tiên Ti là Mộ Dung Thùy thì chưa bị tổn thất gì cả. Phù Kiên bèn mang hơn 1.000 quân kỵ đó đến chỗ Mộ Dung Thùy, cùng rút lui về Lạc Dương. Trên đường đi, Phù Kiên lại thu thập thêm được một số tàn quân khác nữa, khi về đến Lạc Dương thì quân số là mười mấy vạn. Phù Kiên rất đau lòng, nói với người vợ yêu của mình rằng:

"Lần này thất bại thảm hại đến như thê này, ta còn mặt mũi nào mà thống trị thiên hạ được nữa!".


Tin thắng lợi từ trận chiến Phì Thủy báo về Kiến Khang, lúc đó, Tể tướng Tạ An đang ngồi ở nhà đánh cờ với một người bạn. Sau khi xem hết tin chiến trận của Tạ Thạch báo về, biết là quân Tần đã thất bại, bèn tiện tay để thư xuống giường, tiếp tục đánh cờ, dường như không có chuyện gì xảy ra cả. Người bạn của Tạ An không nén nổi tò mò, hỏi Tạ An:

"Tình hình trên chiến trường thế nào rồi?".

Lúc đó Tạ An mới ung dung trả lời:

"Không có gì đâu, bọn trẻ đã đánh bại quân của Phù Kiên rồi!".


Người bạn của Tạ An nghe thấy vậy, bèn hất đổ bàn cờ, vội vàng chạy đi báo tin thắng trận với các bạn đồng liêu. Một lát sau, Tạ An đứng dậy đi vào nhà trong, tới lúc đó thì không thể nén nổi vui mừng được nữa, đến nỗi vấp vào bậc cửa tung cả đế guốc mà không hay.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #44 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2021, 07:40:08 am »

7. Kết luận

Trận chiến Phì Thủy là một cuộc chiến tranh lớn nhất trong thời kỳ Đông Tấn và thập lục quốc ở Trung Quốc. Từ lúc xuất phát mang đại quân sang tiến công nước Tấn cho đến lúc trận Phì Thủy xảy ra, Tiền Tần bị tan vỡ hoàn toàn trong thời gian chỉ có bốn tháng. Qua trận chiến này, cục diện tương đối ổn định của Đông Tấn lại được củng cố thêm, kinh tế, văn hóa vùng Giang Nam được phát triển thêm một bước. Ngược lại, do thất bại của Phù Kiên, chính quyển của Tiền Tần cũng theo đó mà sụp đổ, các nước trước đây bị Phù Kiên đánh bại liên tiếp nổi lên phục quốc, những dân tộc thiểu số trước đây chưa thành lập nhà nước cũng nôi dậy thành lập nhà nước riêng của mình, miền Bắc Trung Quốc lại một lần nữa rơi vào cục diện chia cắt phân tranh cực kỳ hỗn loạn.


Trong cuộc chiến tranh Tần - Tấn này, quân đội của Tiền Tần có hơn 90 vạn, Đông Tấn chỉ có 8 vạn quân. Kết quả của cuộc chiến lại là Tấn thắng, Tần bại. Nguyên nhân căn bản ở đây là cuộc chiến do Phù Kiên phát động chỉ nhằm mục đích mở rộng bờ cõi, bành trướng sự thống trị, cướp đoạt sản vật của miền Giang Nam trù phú. Đây là một cuộc chiến tranh hoàn toàn phi nghĩa. Ngược lại, Đông Tấn chiến đấu để bảo vệ đất đai quê hương, chống lại sự xâm lược của kẻ ác, là cuộc chiến chính nghĩa.


Tuy quân đội của Tiền Tần chiếm ưu thế cả về kinh tế lẫn quân sự, nhưng trong nội bộ rất nhiều mâu thuẫn, nhân dân chán ghét chiến tranh, ngoài mặt thì thanh thế rất lớn, nhưng thực chất bên trong thì lại chẳng có sức mạnh gì. Hơn nữa, lúc đó ở Trung Quốc vẫn chưa đủ điều kiện để có thể thống nhất được hai miền Nam - Bắc. Đông Tấn tuy kinh tế không mạnh, quân đội cũng không lớn, nhưng nội bộ tương đối đoàn kết, hậu phương tương đối ổn định, nhân dân tích cực ủng hộ, trải qua nỗ lực chủ quan, cuối cùng Đông Tấn đã giành được thắng lợi huy hoàng.


Thắng lợi của Đông Tấn trong trận chiến Phì Thủy chủ yếu do công lao của binh sĩ và nhân dân cùng với sự đóng góp rất lớn của Tể tướng Tạ An, đã bình tĩnh có quyết sách đúng đắn. Các tướng lĩnh nhà Đông Tấn như Tạ Huyền đều đã căn cứ vào tình hình cụ thể trên chiến trường để có được sự vận dụng linh hoạt chiến lược, chiến thuật trong chiến tranh, đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của Đông Tấn.


Phù Kiên đã chủ quan khinh địch, bất chấp tình thế khách quan, không nghe theo những ý kiến đúng đắn, một mình một ý hành động, kết quả là đã dẫn đến thất bại thảm hại của quân Tần.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #45 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2021, 08:06:48 pm »

TRẬN CHIẾN LÝ TỐ PHÁ SÁI


Đại tướng Lý Tố của triều đình nhà Đường (Trung Quốc), trong một đêm tuyết rơi đầy trời đất, đã chỉ huy quân lính một trận đánh tan thành Sái Châu quan trọng ở phía tây sông Hoài, làm nên một kỳ tích về một cuộc chiến nổi tiếng giành chiến thắng bất ngờ trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.


1. Ngô Nguyên Tế cát cứ Hoài Tây

Giữa thời nhà Đường, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh phát động cuộc chiến tranh chia cắt đất đai chống lại triều đình, lịch sử Trung Quốc cổ đại gọi là "loạn An Sử". Sau "loạn An Sử", sự thống trị của vương triều nhà Đường suy yếu hẳn đi, khắp các địa phương trên đất nước Trung Quốc nổi lên rất nhiều phiên trấn. Bọn họ về danh nghĩa thì là các Tiết độ sứ của Đường triều, nhưng về căn bản thì không hề phục tùng mệnh lệnh của vương triều nhà Đường, về kinh tế, chính trị, quân sự, các phiên trấn đều tự ý hành động. Về sau, ngay cả chức vị Tiết độ sứ cũng truyền theo các đời, trở thành chế độ thế tập (chế độ cha truyền con nối). Trên thực tế, các phiên trấn đã trở thành các vương quốc độc lập. Tại các khu vực do bọn họ thống trị, sản xuất xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc sống của nhân dân không được ổn định, vì vậy dân chúng rất phản đối và chán ghét sự cát cứ phân chia của các phiên trấn.


Vào các triều đại của Đường Đức tông, Đường Thuận tông, Đường Hiến tông, Hoài Tây Tiết độ sứ Ngô Nguyên Tế cùng với cha đẻ và bác ruột lấy Sái Châu (nay là huyện Nhữ Nam, Hà Nam, Trung Quốc) làm căn cứ địa, bàn cứ trên khu vực Hoài Tây hơn 30 năm. Bọn họ thường xuyên cử quân lính đến cướp của giết người, đốt phá ở các châu huyện xung quanh, khiến cho cuộc sống của nhân dân càng thêm khốn khổ.


Vương triều nhà Đường cũng nhận thức được mối họa trong lòng đó, từng phái quân đi đánh dẹp Ngô Nguyên Tế, thế nhưng do triều đình bổ nhiệm các tướng lĩnh không có năng lực, nên đánh đã hơn một năm mà không có tiến triển. Đến tháng 12 năm thứ 11 niên hiệu Nguyên Hòa đời Đường Hiến tông (năm 816), triều đình nhà Đường cử Lí Tố làm Tiết độ sứ của ba châu Đường (nay là huyện Đường Hà, Hà Nam, Trung Quốc) - Tùy (nay là huyện Tùy, Hồ Bắc, Trung Quốc) - Đặng (nay là huyện Đặng, Hà Nam, Trung Quốc), tổ chức một đội quân phía tây, tiếp tục thảo phạt Ngô Nguyên Tế.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #46 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2021, 08:07:35 pm »

2. Quyết sách ngầm của Lý Tố

Tháng giêng năm Nguyên Hòa thứ 12 (năm 817), Lí Tố đến Đường Châu nhậm chức. Khi đó chính là lúc quan quân Đường triều liên tục nếm mùi thất bại, sĩ khí xuống rất thấp, quân lính đểu sợ phải đánh nhau.

Để ổn định lòng quân sĩ, vỗ về dân chúng Hoài Tây, Lí Tố cố tình nói với những người ra đón ông rằng:

"Hoàng thượng biết ta yếu đuối, sợ phiền phức, có thể chịu đựng được sự nhục nhã, vì vậy cử ta đến đây để an ủi các ngươi. Ngay cả việc đánh trận tấn công thành, cũng chẳng phải việc của ta".


Quân sĩ nghe trước mặt Lí Tố nói không phải đánh nhau thì trong lòng mới yên tâm. Lí Tố đích thân tới tận doanh trại để thăm hỏi sĩ tốt, hỏi han các thương bệnh binh, cấp ăn, cấp uống mà không hề tỏ vẻ hống hách của một vị đại quan. Những giải pháp đó của Lí Tố đã nhanh chóng truyền khắp vùng Hoài Tây. Ngô Nguyên Tế tự cho rằng mình đã từng đánh bại mấy tướng lĩnh giỏi của Đường triều, thêm vào đó, danh vọng địa vị của Lí Tố không cao nên không bận tâm lắm và cũng chẳng chú ý phòng bị Lí Tố tấn công.


Lúc đó, cánh quân phía đông của Đường triều tấn công Hoài Tây đang ở tại trận tuyến Cố Thủy (nay thuộc phía đông huyện Cố thủy, Hà Nam, Trung Quốc), tình hình không có tiến triển gì lớn. Cánh quân phía nam tấn công Thân Châu (nay là huyện Tín Dương, Hà Nam, Trung Quốc) thì trước thắng, sau bại. Chỉ có cánh quân phía bắc do Lý Quang Nhan chỉ huy là đang giành được thắng lợi trên chiến trường. Thế là Ngô Nguyên Tế chỉ tập trung chú ý vào chiến tuyến ở phía bắc. Ngô Nguyên Tế ra lệnh cho Hoài Tây Đại tướng quân Đổng Trọng Chất chỉ huy quân chủ lực Hoài Tây đóng quân cố thủ ở Hồi Khúc (nay là phía đông bắc huyện Yến Thành, Hà Nam, Trung Quốc) để chống lại sự tấn công của quan quân triều đình nhà Đường. Còn sào huyệt cũ của mình là Sái Châu, Ngô Nguyên Tế cũng không chú ý phòng ngự, chỉ để lại một lực lượng rất mỏng ở đó vì hắn cho rằng quan quân nhà Đường đã hơn 30 năm qua không xâm phạm được đến đó thì từ nay về sau cũng không thể đến đó được. Nắm được tình hình đó, Lý Tố âm thầm quyết định bất ngờ tấn công vào Sái Châu và bắt tay vào công tác chuẩn bị.


Lý Tố cho rằng, nếu muốn lấy được Sái Châu, nhất định phải có một đội quân có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Lý Tố một mặt rút một bộ phận quân tinh nhuệ ở cánh quân phía đông Sơn Nam (nay là dải đất thuộc vùng đông bắc tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam tỉnh Hà Nam và phía tây bắc của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), đồng thời động viên chiêu mộ các tráng sĩ khỏe mạnh, có võ nghệ, gan dạ ở các châu Đường, Đặng bổ sung vào quân đội; mặt khác, ông dâng sớ lên hoàng đế nhà Đường, xin cử quân đến tăng viện cho mình. Đường Hiến tông bèn điều hơn 2.000 kị binh và bộ binh ở các nơi khác đến tăng viện cho Lý Tố. Lực lượng cánh quân phía tây do Lý Tố chỉ huy đã dần dần được tăng cường, sức chiến đấu mạnh dần lên.


Quân Hoài Tây tuy đã có được sức chiến đấu nhất định, nhưng bọn họ đều là những người dân bị cha con nhà họ Ngô dùng các thủ đoạn dụ dỗ hoặc uy hiếp, cưỡng bức buộc phải vào quân đội, thực chất họ đều chán ghét chiến tranh và không cam tâm tình nguyện chết thay cho các thế lực quân phiệt cát cứ. Tâm lý của tướng sĩ Hoài Tây đều không tán thành việc chia cắt cát cứ mà chỉ mong muốn vương triều nhà Đường có thể thống nhất đất nước. Nắm được đặc điểm đó, Lý Tố đã áp dụng chính sách ưu đãi trọng dụng tù binh để phân hóa làm tan rã hàng ngũ quân địch. Khoảng tháng hai, đội tuần tra của quân đội nhà Đường bắt được Hoài Tây dũng sĩ Đinh Sĩ Lương, Lý Tố không giết anh ta, ngược lại, cho anh ta một chức quan, dựa vào anh ta để bắt sống Trần Quang Hiệp - tham mưu Thủ quân của Văn Thành Bằng (một cứ điểm ở phía tây Sái Châu), buộc viên tướng trấn thủ ở Văn Thành Bằng là Ngô Tú Lâm mang theo 3.000 quân về quy hàng. Thế là Lý Tố đã chặt đứt "cánh tay trái" của Hoài Tây.


Tháng 5, Lý Tố lại làm theo đề xuất của Ngô Tú Lâm, dùng kế bắt sống viên tướng trấn thủ Hưng Kiều Bằng - một viên tướng kỵ binh nổi tiếng ở Hoài Tây tên là Lý Hựu. Lý Tố đích thân đến cởi trói cho Lý Hựu, đối đãi với Lý Hựu như với khách. Lúc đó, nha môn Tiết độ sứ của Lý Tố ở Hoài Tây có 3.000 vệ quân, đều là lính tinh nhuệ được rút về từ Sơn Nam, gọi là "Lục viện binh mã". Lý Tố giao cho Lý Hựu làm chức ”Lục viện binh mã sứ", chỉ huy đội quân này. Cảm kích trước sự ưu đãi và tín nhiệm của Lý Tố, Lý Hựu đã hiến nhiều kế sách cho kế hoạch đánh chiếm Sái Châu.


Đối với gia thuộc của các tù binh, hàng binh, Lý Tố cũng rất quan tâm và thường xuyên chiếu cố đến cuộc sống của bọn họ. Nghe nói có một số hàng binh ở nhà vẫn còn cha mẹ già, bèn ra lệnh cấp phát vải vóc, lương thực, cho phép họ về nhà. Lý Tố nói với bọn họ rằng:

"Các người đều là những người dân tốt, hãy mau quay về quê hương đoàn tụ cùng người thân và gia đình đi".

Những người hàng binh đều cảm động đến rơi nước mắt. Với những binh sĩ và dân chúng chạy trốn khỏi Sái Châu, Lý Tố cũng bố trí cho nơi ăn chốn ở thỏa đáng và cung cấp lương thực đầy đủ, vì vậy, số người chạy trốn khỏi Sái Châu đến đầu hàng quân của Đường triều ngày càng đông, lực lượng của quân địch ngày càng mỏng yếu, ảnh hưởng của quân đội Đường triều ngày càng mở rộng.


Lý Tố đặc biệt coi trọng việc tìm hiểu tình hình các hướng của Hoài Tây, mỗi khi có người từ Hoài Tây đến đầu hàng, nhất định Lý Tố phải đích thân đến hỏi han tỉ mỉ về tình hình quân địch, vì vậy, những vấn đề có liên quan đến phòng ngự ở Hoài Tây, Lý Tố đều nắm rất chắc. Đó chính là căn cứ để Lý Tố xây dựng kế hoạch tấn công Sái Châu một cách cụ thể và đầy đủ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #47 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2021, 08:08:18 pm »

3. Hai trận chiến vòng ngoài

Vương triều nhà Đường bắt đầu chinh thảo Hoài Tây từ năm Nguyên Hòa thứ 9 (năm 814) đến thời điểm đó đã là ba năm, thế nhưng vẫn không có tiến triển gì đáng kể, thế là trong triều có đại thần đã chủ trương ngừng việc đó lại. Tể tướng Bùi Độ lại kiên quyết chủ trương tiếp tục bình định Hoài Tây, còn xin với triều đình cho mình đích thân ra tiền tuyến để thị sát chiến trường. Đường Hiến tông đồng ý, còn bổ nhiệm Bùi Độ làm Tể tướng kiêm Hoài Tây tuyên úy chiêu thảo xử trí sứ - trên thực tế là Nguyên soái, chỉ huy toàn bộ quân đội chinh thảo Hoài Tây. Do chủ lực của đại quân chinh thảo Hoài Tây là cánh quân phía bắc, nên Bộ tổng chỉ huy của Bùi Độ được đặt ở Yển Thành (nay là huyện Yển Thành, Hà Nam, Trung Quốc).


Lý Tố biết được sứ mệnh của Bùi Độ, dự đoán rằng kế hoạch tấn công Sái Châu của mình có thể được Bùi Độ ủng hộ, nên lại càng tin tưởng hơn vào việc dụng binh của mình. Trong tháng 9, Lý Tố chọn một ngày xấu, gọi là ngày "hắc đạo hung nhật" (theo quan điểm mê tín, ngày tốt gọi là "hoàng đạo cát nhật") để bất ngờ tấn công chiếm ngoại thành Ngô Phòng (nay là huyện Toại Bình, Hà Nam, Trung Quốc), giết chết hơn 1.000 binh lính của Hoài Tây, số tàn binh rút chạy vào trong thành cố thủ, không dám đi ra khỏi thành. Lý Tố cố ý ra lệnh cho quân lính rút lui để nhử quân địch ra khỏi thành, quả nhiên tướng địch là Tôn Hiến Trung mang 500 kỵ binh từ phía sau đuổi đến. Quan quân Đường triều vô cùng hoảng sợ, định tháo chạy, Lý Tố lập tức xuống ngựa ra lệnh:

"Kẻ nào dám chạy trốn sẽ bị chém đầu!".

Lý Tố chỉ huy quân lính triều đình đánh nhau với địch, chém chết tướng địch Tôn Hiến Trung, quân địch bèn co lại, rút về trong thành. Các tướng lĩnh kiến nghị thừa thắng tấn công vào trong thành Ngô Phòng. Lý Tố nói:

"Đó chưa phải là mục đích của chúng ta".

Lý Tố không đồng ý, bèn dẫn quân quay về đại doanh. Trước khi tấn công chiếm Ngô Phòng khoảng ba tháng, Lý Tố đã từng cử một cánh quân đi tấn công Lang Sơn. Quân Hoài Tây tiến hành đánh trả, quan quân của triều đình bị thất bại. Tướng sĩ trong quân đội của triều đình đều cho rằng trận đánh đó vốn không đáng thất bại, vì vậy rất không phục. Lý Tố ngược lại, tỏ ra vui mừng, nói:

"Lần đánh nhau này, không thể để cho các ngươi chiến thắng được, phải để cho các ngươi nếm mùi thất bại một chút! .

Nghe vậy, các tướng sĩ đều lấy làm lạ, Lý Tố nói:

"Đó chính là kế sách!".

Tháng 10 năm đó, kế hoạch đánh vòng ngoài Sái Châu đã hoàn thành đúng theo dự định, điều kiện tấn công Sái Châu đã chín muồi. Hàng tướng Lý Hựu đề xuất phương án tác chiến cụ thể tấn công thành Sái Châu được Lý Tố chấp nhận, sai người đến Yển Thành báo cáo với Bùi Độ. Bùi Độ cũng cho rằng cần phải bất ngờ tấn công mới có thể giành được thắng lợi, thế là phương án tác chiến của Lý Tố được phê chuẩn.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #48 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2021, 08:09:07 pm »

4. Đêm tuyết phá Sái Châu

Mùa đông ở vùng Hoài Bắc đến tương đối sớm, trung tuần tháng 10 đã rất lạnh. Liên tục mấy ngày liền, bầu trời dày đặc mây, đến ngày 15 tháng 10 thì trời nổi gió, tuyết rơi đầy trời. Lý Tố bước ra cửa doanh trại nhìn trời, thấy rằng thời cơ tập kích Sái Châu đã đến. Ngay lập tức, Lý Tố truyền lệnh cử Lý Hữu chỉ huy đội quân tiên phong gồm 3.000 lính, bản thân Lý Tố chỉ huy một đội 3.000 lính trung quân còn Bộ tướng Lý Tiến Thành thì chỉ huy đội hậu quân cũng gồm 3.000 lính, tất cả xuất phát từ Văn Thành Bằng. Các bộ tướng không biết phải tiến quân về hướng nào, Lý Tố nói:

"Quân đội tiến về hướng đông!".

Tuyết vẫn không ngừng rơi, đến lúc hoàng hôn thì quân đội của Lý Tố hành quân đến thôn Trương Sài, cách thành Sái Châu 70 dặm. Quân đội của Lý Tố lập tức tiêu diệt toàn bộ số quân Hoài Tây phòng thủ và đài báo tin của chúng, chiếm lĩnh thôn Trương Sài. Lý Tố ra lệnh cho quân lính của mình nghỉ ngơi một lúc, ăn lương khô, kiểm tra lại vũ khí trang bị, sau đó chỉ để lại 500 quân trấn thủ thôn Trương Sài, còn tất cả đại quân lại tiếp tục lên đường, vượt tuyết rơi tiến vê phía đông. Tướng sĩ Đường triều càng ngày càng thêm lo lắng, hỏi Lý Tố rằng rốt cục thì họ đang đi về đâu? Lý Tố nói:

"Đến thành Sái Châu, bắt sống Ngô Nguyên Tế!".

Các tướng lĩnh nghe nói vậy đều ngạc nhiên, nhưng không ai dám nói không theo, chỉ đành phục tùng mệnh lệnh, dẫn quân tiến về phía trước.

Gió càng thổi càng lớn, tuyết càng rơi càng dày, thời tiết ngày càng thêm lạnh. Những cơn gió mang tuyết quất vào mặt tướng sĩ nhà Đường khiến cho da mặt họ tê buốt, rét thấu xương. Cờ xí cũng đông cứng cả lại. Chiến mã lạnh đến mức không dám kêu, chỉ mải miết đạp trên tuyết dày, khó nhọc tiến từng bước về phía trước. Lúc đầu, đội ngũ còn tranh nhau lấn bước hành quân, chỉ có một bộ phận lính già yếu bị chết cóng, về sau, đến cả những người lính khỏe mạnh cũng chết cóng không ít, ngựa chiến cũng chết mất khá nhiều. Do gió tuyết lạnh lẽo, lại phải hành quân xa, nên các tướng sĩ của nhà Đường đều chắc mẩm là mình sẽ không thoát nổi cái chết, song không ai dám chống lệnh. Họ đều cố gắng hết sức để chiến đấu với giá lạnh, giành giật lấy mạng sống cho mình. Cứ như vậy, trước khi trời sáng, quân đội của Lý Tố cuối cùng cũng đến được bên ngoài thành Sái Châu. Bên ngoài thành Sái Châu có một hồ nuôi vịt, ngỗng, Lý Tố ra lệnh cho quân sĩ khua cho vịt, ngỗng kêu loạn lên để che lấp tiếng người ngựa.


Từ khi cha con nhà họ Ngô cát cứ Hoài Tây cho đến lúc đó là hơn 30 năm, quan quân Đường triều đã không thể đến được thành Sái Châu, không ai có thể ngờ rằng trong đêm gió to tuyết lớn như vậy, quan quân lại có thể tiến áp sát thành được. Chính vì vậy, quân đội của Lý Tố đến sát thành mà không hề bị quân địch phát giác. Tướng tiên phong Lý Hựu chỉ huy một số ít quân lính trèo vào thành, giết chết toàn bộ số lính gác đang say sưa trong giấc ngủ, chỉ để lại một tên lính làm nhiệm vụ đánh trống canh, bảo hắn đánh trống canh như thường lệ, sau đó mở cổng thành cho đại quân Đường triều tiến vào bên trong.

Lúc đó, Ngô Nguyên Tế vẫn còn say sưa trong giấc ngủ, có người vào báo rằng:

"Quan quân của triều đình đến rồi!".

Ngô Nguyên Tế cười, nói:

"Chắc lại mấy tên trộm vào phá quấy chứ gì, đợi khi trời sáng sẽ đem chúng ra chém hết!".

Một lát sau, lại có người vào báo cáo:

"Thành đã bị mất rồi!".

Ngô Nguyên Tế nói:

"Đây nhất định là con em ởỏ Hồi Khúc đến xin áo rét đây mà!".

Sau đó, hắn nghe thấy tiếng truyền hiệu lệnh của quan quân, mới hoảng hốt chồm dậy khỏi giường, mang theo mấy tên tùy tùng trèo lên tường trong thành nội để kháng cự. Lý Tố ra lệnh quân lính Đường triều bao vây chặt thành nội. Nhân dân trong thành Sái Châu đã phải chịu đựng sự áp bức bóc lột của cha con nhà họ Ngô suốt mấy chục năm trời, đều căm hận chúng, nay thấy quan quân Đường triều đã công phá thành ngoại, bao vây thành nội, đều tranh thủ giúp quan quân chở củi, cỏ khô đến thiêu cháy cửa phía nam của thành nội. Cổng thành bị thiêu cháy, quan quân tràn vào bên trong thành. Ngô Nguyên Tế tuyệt vọng đành đứng ở trên thành xin đầu hàng. Lý Tiến Thành phải dùng thang đưa hắn xuống. Đó là ngày 17 tháng 10.


Ngày hôm sau, Lý Tố một mặt dùng xe tù áp giải Ngô Nguyên Tế về kinh thành Trường An, mặt khác, sai người báo tin thắng lợi cho Tể tướng Bùi Độ.


Bộ tướng của Ngô Nguyên Tế là Đổng Trọng Chất đang còn thống lĩnh 10.000 quân tinh nhuệ trấn thủ tại Hồi Khúc. Để kêu gọi đám quân này đầu hàng, Lý Tố đích thân đến thăm nhà Đổng Trọng Chất ở bên trong thành Sái Châu, động viên những người trong gia đình của Đổng Trọng Chất và đưa thư cho con trai Đổng Trọng Chất mang đến chỗ cha mình đóng quân, kêu gọi ông ta về đầu hàng triều đình. Sau khi đọc thư của Lý Tố, Đổng Trọng Chất một mình cưỡi ngựa đến chỗ Lý Tố xin đầu hàng. Hai cánh quân của Ngô Nguyên Tế đóng ở hai châu Thân và Quang nghe nói thành Sái Châu bị hạ, Ngô Nguyên Tế đã bị bắt làm tù binh cũng lần lượt kéo nhau về đầu hàng Lý Tố. Cả vùng Hoài Tây được bình định, cuộc chiến ở Hoài Tây đến đó là kết thúc. Tháng 11, Đường Hiến tông hạ lệnh giết Ngô Nguyên Tế.


Lý Tố đón Tể tướng Bùi Độ về Sái Châu, bản thân mình chỉ huy quân lính rút về Văn Thành Bằng. Tướng sĩ hỏi ông:

"Tại sao lúc đầu ngài bị bại trận ở Lang Sơn mà không thấy ngài lo lắng gì cả, ngược lại còn tỏ ra vui mừng? Tại sao đánh thắng Ngô Phòng mà không thừa thắng đánh chiếm luôn nơi đó? Vượt qua bão to tuyết lớn, đêm ngày cấp tốc hành quân, một mình một cánh quân đi sâu vào đất địch mà không hề sợ hãi, cuối cùng chỉ một trận đánh là giành thắng lợi, hạ được thành Sái Châu, đó là vì sao vậy?".

Lý Tố giải thích rằng:

"Chúng ta cố ý thua trận ở Lang Sơn để kẻ địch coi thường chúng ta, không để ý phòng bị chúng ta. Nếu chúng ta chiếm Ngô Phòng, quân địch ở đó sẽ chạy về Sái Châu, hợp sức phòng thủ. Để lại Ngô Phòng là để phân tán lực lượng của quân địch, có lợi cho việc chúng ta tấn công tập kích Sái Châu. Trong gió to tuyết lớn, thời tiết âm u, kẻ địch nhìn không rõ tin tức báo trên các đài quan sát phong hỏa, không có cách nào để biết được quân ta lại đột ngột tập kích. Một mình một cánh quân đi sâu vào đất địch, mọi người đều hiểu đó là sự nguy hiểm, nên mỗi người đều phải gắng sức mà chiến đấu, vì vậy có cơ sở để nắm chắc thắng lợi".
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #49 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2021, 08:09:31 pm »

5. Kết luận

Những phân tích của Lý Tố là rất có lý, ông có thể che mắt kẻ địch, lợi dụng thiên thời. Tuy nhiên, vẫn còn một điểm rất quan trọng nữa mà Lý Tố chưa nói ra, đó là từ đầu đến cuối, Lý Tố đã rất thành công trong thực hiện chính sách ưu đãi tù binh và trọng dụng các tướng lĩnh hàng binh, từ đó mà có thể phân hóa làm tan rã hàng ngũ quân địch, tăng cường sức mạnh của mình, cuối cùng chỉ một trận đánh là giành thắng lợi hoàn toàn.


Sau khi Hoài Tây được bình định, rất nhiều phiên trấn khác thấy triều đình nhà Đường có quyết tâm và có thực lực để trấn áp phản loạn, bèn buộc phải thu hẹp ảnh hưởng, phục tùng triều đình. Vì vậy, từ đó về sau, trong suốt một quãng thời gian tương đối dài, hình thức chính trị của vương triều nhà Đường được cải thiện, xuất hiện cục diện chính trị tương đối tập trung và thống nhất, điều đó đã mang lại lợi ích cho cuộc sống của nhân dân lao động Trung Quốc thời bấy giờ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM