Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:55:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mưu lược quân sự  (Đọc 4503 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #30 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2021, 10:07:26 am »

4. Tào Tháo đốt lương, Viên Thiệu thảm bại

Trong khi hai bên đang ở thế giằng co, có thể liên tục cung cấp quân lương cho quân đội hay không là một trong những nguyên nhân trực tiếp liên quan đến thắng bại của cuộc chiến. Một hôm, lính trinh sát của Tào Tháo thám thính biết được rằng, có vài ngàn chiếc xe chở lương của quân đội Viên Thiệu đang tiến về phía Quan Độ. Viên quan áp tải lương thực của phía quân đội Viên Thiệu là Hàn Mãnh - một viên tướng hữu dũng vô mưu, khi đánh trận luôn chủ quan khinh địch. Nghe được tin đó, Tuân Du bèn đề nghị Tào Tháo cho quân đi cướp lương của Viên Thiệu.


Tào Tháo cử bộ tướng của mình là Từ Hoảng và Sử Hoán dẫn quân đi, giữa đường gặp đoàn xe tải lương của Hàn Mãnh bèn đánh cho tan tác và đốt cháy toàn bộ đoàn xe tải lương.

Đến tháng mười, Viên Thiệu lại sai người vận chuyển từ Hà Bắc hơn một vạn xe quân lương, đến tích trữ tại Cố Thị, Ô Sào, cách đại bản doanh của Viên Thiệu 40 dặm về phía bắc (nay thuộc huyện Diên Tân, Hà Nam, Trung Quốc). Viên Thiệu còn sai đại tướng Thuần Vu Quỳnh mang một vạn quân đến đồn trú để canh giữ lương thực. Do trước đó đoàn xe chở quân lương đã bị quân của Tào Tháo đốt cháy nên Thư Thụ đã nhắc nhở Viên Thiệu cần phải đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ quân lương, phải cử thêm một viên võ tướng khác mang quân đóng gần địa điểm của Thuần Vu Quỳnh để giữ lương, đề phòng Tào Tháo mang quân tập kích. Viên Thiệu lại một lần nữa không nghe theo lời của Thư Thụ.


Một mưu sĩ khác của Viên Thiệu là Hứa Du đã nhận định rằng, phía Tào Tháo binh lực ít, quân chủ lực lại đã đều tập trung tại Quan Độ, hậu phương sẽ bị bỏ trống, Hứa Du kiến nghị Viên Thiệu nên cho một cánh quân khinh kỵ binh, nhân lúc trời tối đến tập kích Hứa Đô. Viên Thiệu chủ quan võ đoán, lại hay tính toán đa nghi nên không nghe theo ý kiến của Hứa Du, ngược lại còn nói rằng:

"Không cần, ta nhất định bắt sống được Tào Tháo ngay tại đây!".

Hứa Du thấy Viên Thiệu kiêu ngạo khinh địch như vậy, cuối cùng chắc chắn sẽ bị thất bại trong tay Tào Tháo, vì vậy tư tưởng bắt đầu dao động. Cũng đúng lúc đó, trong gia tộc của Hứa Du sống tại Nghiệp Thành có người phạm pháp, bị bắt giam xử tội. Trong cơn tức giận, Hứa Du bèn phản bội Viên Thiệu, quay sang đầu quân cho Tào Tháo.


Tào Tháo và Hứa Du vốn là chỗ quen biết cũ, nay được tin Hứa Du quay sang cộng tác với mình thì vô cùng phấn khởi, chân không kịp xỏ giày, vội chạy ra cổng doanh trại nghênh đón bạn cũ. Tào Tháo vỗ tay nói:

"Tử Viễn (tên tự của Hứa Du) đường sá xa xôi đến đây thì đại sự của ta nhất định có thể thành công rồi!".

Hứa Du vừa ngồi xuống, đã hỏi ngay Tào Tháo:

"Thế lực của quân đội Viên Thiệu rất mạnh, ngài định đối phó lại như thế nào? Trước mắt còn bao nhiêu quân lương?".

Tào Tháo đáp: "Còn có thể kéo dài được một năm!".

Hứa Du biết Tào Tháo nói dối, bèn nói:

"Không thể còn nhiều như thế được, hãy nói lại đi xem nào”.

Tào Tháo lại đáp: "Còn có thể kéo dài được nửa năm!".

Hứa Du biết Tào Tháo vẫn nói dối, bèn nói:

"Ngài có định đánh bại Viên Thiệu không? Tại sao lại không nói sự thật?".

Tào Tháo biết không thể giấu được Hứa Du, bèn cười, nói:

"Vừa rồi đều chỉ là nói đùa mà thôi, thực ra, lương chỉ còn đủ ăn một tháng, Tử Viễn xem có cách nào giải quyết được không?".

Hứa Du biết Tào Tháo đã nói thật, bèn đem toàn bộ tình hình tích trữ quân lương của Viên Thiệu ở Ô Sào nói hết cho Tào Tháo biết, đồng thời bày cách cho Tào Tháo cử quân khinh kỵ binh đến tập kích kho quân lương của Viên Thiệu, đốt sạch kho tàng dự trữ lương thảo. Làm như vậy thì chỉ trong vòng ba ngày là có thể đánh bại được Viên Thiệu.


Kế sách của Hứa Du khiến cho Tào Tháo vô cùng vui mừng. Đêm hôm đó, bầu trời đầy sao, Tào Tháo chỉ để lại Tào Hồng và Tuân Du ở lại phòng thủ đại doanh của mình ở Quan Độ, đích thân dẫn 5.000 bộ binh và kỵ binh, mang cờ của Viên Thiệu, quân lính miệng ngậm que gỗ (ngày xưa đi hành quân đêm hoặc tập kích doanh trại địch, để tránh nói chuyện hoặc phát ra tiếng động thì miệng mỗi người ngậm một que gỗ, hai đầu buộc dây choàng về phía sau cổ), tay cầm một thanh củi khô, toàn bộ vó ngựa và mõm ngựa được bọc giẻ, lặng lẽ theo đường nhỏ tiến về Ô Sào. Trên đường đi, quân của Tào Tháo mấy lần gặp quân của Viên Thiệu đều giả danh là quân đến chi viện cho Ô Sào, cứ như vậy vượt qua phòng tuyến của quân Viên Thiệu tiến đến Ô Sào mà không gặp phải trở ngại gì. Trời chưa sáng thì quân của Tào Tháo đã có mặt tại Ô Sào, bao vây chặt căn cứ quân lương của Viên Thiệu. Tào Tháo ra lệnh cho quân sĩ dùng củi khô mang theo nổi lửa đốt kho quân lương của Viên Thiệu. Trong chớp mắt, bốn phía xung quanh trở thành biển lửa, lửa cháy rực trời đất, quân lính của Viên Thiệu đang còn say sưa trong giấc ngủ, bị ánh lửa đánh thức, vô cùng hoảng hốt, lúng túng, không biết đối phó ra sao cả. Tướng giữ kho lương Thuần Vu Quỳnh vội vàng ra ứng chiến, nhưng không chống cự lại được với sức tấn công dũng mãnh của quân Tào Tháo, đành phải rút về cố thủ ở cửa doanh trại.


Viên Thiệu cũng rất nhanh biết được ý định tập kích Ô Sào của Tào Tháo, nhưng vẫn chủ quan nói với con trai cả của mình là Viên Đàm rằng:

"Cho dù quân của Tào Tháo có đánh bại Thuần Vu Quỳnh, nhưng chỉ cần chúng ta tấn công đại doanh của hắn thì Tào Tháo sẽ không còn chỗ mà về nữa”.

Thế là Viên Thiệu bèn ra lệnh cho đại tướng Trương Hợp và Cao Lãm mang quân đi đánh đại doanh của Tào Tháo ở Quan Độ. Trương Hợp cho rằng, Tào Tháo đã đích thân mang tinh binh đi đánh Ô Sào thì sợ rằng Thuần Vu Quỳnh không thể địch lại nổi, nếu như mất Ô Sào thì việc lớn coi như đã thất bại hoàn toàn. Vì thế Trương Hợp xin Viên Thiệu điều quân đi cứu Ô Sào trước, nhưng Viên Thiệu lại nghe theo lời Quách Đồ, vẫn kiên quyết cử quân chủ lực đi đánh doanh trại của Tào Tháo ở Quan Độ, còn chỉ phái một cánh quân kỵ nhỏ đi cứu Ô Sào. Doanh trại thành lũy của Tào Tháo ở Quan Độ rất kiên cố, binh sĩ gan dạ cố thủ, quân của Viên Thiệu đánh mãi mà không hạ được, càng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Tào Tháo đánh Ô Sào.


Lại nói đến tình hình ở Ô Sào. Khi quân tăng viện của Viên Thiệu tiến đến Ô Sào, lính của Tào Tháo cũng tỏ vẻ hoang mang, đến báo với Tào Tháo rằng:

"Kỵ binh của quân địch sắp tới nơi rồi, chúng ta phải mau chóng chia một bộ phận ra để chống cự lại!".

Tào Tháo nghiêm mặt ra lệnh cho bộ hạ của mình rằng:

"Đợi đến khi quân địch đến ngay sau lưng ta mới được báo cáo!".

Dưới sự chỉ huy kiên quyết, quả đoán của Tào Tháo, binh sĩ ai cũng liều mạng quyết chiến, thế mạnh như chẻ tre, giết chết chủ tướng Thuần Vu Quỳnh, đốt cháy hoàn toàn hơn một vạn xe quân lương của Viên Thiệu cất giữ ở Ô Sào.


Tin tức Thuần Vu Quỳnh thua trận bị giết chết đã truyền về đến tiền tuyến Quan Độ, Trương Hợp thấy đại thế đã mất, lại nghe nói Quách Đồ vu cáo nói xấu mình trước mặt Viên Thiệu thì vừa tức giận lại vừa sợ hãi, bèn cùng Cao Lãm đốt hết toàn bộ khí giới tấn công thành, đến đầu hàng Tào Tháo.


Quân lính của Viên Thiệu trong lòng vốn đã sẵn có dao động, thấy chủ tướng đầu hàng liền lập tức rối loạn, tự tan vỡ. Tào Tháo thừa thế phản kích, quân của Viên Thiệu đại bại, hầu hết quân chủ lực của Viên Thiệu đều bị tiêu diệt. Viên Thiệu và Viên Đàm chỉ còn có 800 thân binh hộ vệ, kéo nhau chạy về phía bắc Hoàng Hà.


Sau thất bại thảm hại lần này, Viên Thiệu không thể khôi phục lại được lực lượng nữa, cuối cùng do ưu phiền mà mang bệnh. Tháng 5 năm 202, Viên Thiệu phát bệnh chết. Các con trai của Viên Thiệu do tranh đoạt ngôi vị, tàn sát lẫn nhau, cuối cùng đều bị Tào Tháo đánh bại. Chế độ thống trị tàn bạo của cha con nhà họ Viên đã kết thúc trong thảm bại, cục diện thống nhất ở miền bắc Trung Quốc đã được hình thành bởi tập đoàn chính trị của Tào Tháo.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #31 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2021, 10:07:50 am »

5. Kết luận

Trận chiến Quan Độ là một cuộc chiến nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thời cổ đại với phương châm "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh".

Sở dĩ Tào Tháo có thể giành được thắng lợi là do đã thực hiện nguyên tắc tác chiến một cách chính xác và linh hoạt. Ví dụ: Trước tiên quét sạch các thế lực cát cứ tương đối yếu ở xung quanh mình, sau đó tập trung lực lượng đối phó với kẻ địch mạnh ở phía chính diện, dùng chiến lược trước nhượng bộ, sau khống chế, dương đông kích tây, bất ngờ giành thắng lợi, đốt phá lương thảo, làm dao động tư tưởng binh lính trong quân đội địch... để giành được thắng lợi cuối cùng.


Nguyên nhân thất bại của quân đội Viên Thiệu cũng đã được thể hiện một cách khá rõ, đó là do chế độ chính trị hủ bại, thói kiêu ngạo, chủ quan khinh địch, chỉ biết tấn công một cách cứng nhắc, không biết dùng kế sách, mưu mẹo...


Tào Tháo là người luôn biết khiêm tốn tiếp thu ý kiến của cấp dưới, Viên Thiệu thì chỉ một mực làm theo ý kiến cá nhân mình, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho Tào Tháo thắng lợi, Viên Thiệu thất bại.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #32 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 10:01:14 am »

TRẬN CHIẾN XÍCH BÍCH GIỮA HAI THẾ LỰC NGÔ - NGỤY


Trong bài từ "Niệm Nô kiều” của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc thời Tống là Tô Thức có bày tỏ nỗi lòng của nhà văn hoài niệm về trận Xích Bích, viết rằng:

"Trận Xích Bích, Chu Du và Gia Cát Lượng ung dung nói cười, đốt sạch thiến thuyền của Tào Tháo thành tro bụi".

Tất nhiên, trong tác phẩm văn học không khỏi có sự khoa trương, nhưng nó cũng đã phản ánh một cách chân thực những tình huống có thật trong trận chiến Xích Bích.

Xích Bích là một chiến dịch quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thời cổ đại, câu chuyện về trận chiến Xích Bích được lưu truyền một cách rộng rãi, trở thành đề tài của các nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch trong lịch sử Trung Quốc bao nhiêu đời nay. Đã từng có rất nhiều bài thơ, bài từ, vở kịch nổi tiếng của Trung Quốc viết về đề tài này. Bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng Trung Quốc "Tam quốc diễn nghĩa" có 124 hồi, cũng dành đến 8 hồi để viết về trận chiến Xích Bích.


1. Tranh đoạt Giang Lăng

Sau trận chiến ở Quan Độ, Tào Tháo thống nhất miền Bắc, trong quá trình chiến tranh để tranh giành Trung Nguyên, Tào Tháo đã thực hiện một số chính sách như: củng cố việc đóng quân làm kinh tế của quân đội, tu sửa hệ thống thủy lợi, đánh đổ các thế lực cường hào, giảm nhẹ tô thuế cho nhân dân, tuyển dụng nhân tài cho các chức quan địa phương, chỉnh đốn và cải biến quân đội... Chính nhờ vậy, cả khu vực miền Bắc Trung Quốc sau khi bị chiến tranh tàn phá đã được khôi phục lại ở một mức độ nhất định nào đó, thế lực của Tào Tháo theo đó cũng lớn mạnh dần lên, hùng tâm của Tào Tháo lại càng thêm lớn. Tào Tháo dự định tiến quân về phương Nam, tiêu diệt thế lực của Lưu Biểu tại Kinh Châu (nay là dải đất thuộc hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc của Trung Quốc) và Tôn Quyền ở Giang Đông (nay là các tỉnh thuộc hạ du sông Trường Giang của Trung Quốc) nhằm đạt mục đích thống nhất toàn quốc của mình.


Tháng 7 năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Tào Tháo thống lĩnh đại quân tấn công Kinh Châu, khi đi đến nửa đường, được tin Lưu Biểu bị bệnh chết, con trai thứ hai của Lưu Biểu là Lưu Tông kế vị cha lên làm đầu mục ở Kinh Châu.


Tháng 9, quân của Tào Tháo ầm ầm kéo đến Tân Dã (nay là huyện Tân Dã, Hà Nam, Trung Quốc). Lưu Tông khiếp sợ, phản bội lại người anh em của Lưu Biểu là Lưu Bị, ngầm sai người đến gặp Tào Tháo xin đầu hàng.


Lúc đó, Lưu Bị đang đóng quân ở Phàn Thành, (nay thuộc vùng đất phía bắc huyện Tương Dương, Hồ Bắc, Trung Quốc) nên không hề biết tin Lưu Tông đã phản bội, đầu hàng Tào Tháo. Khi biết được tình hình đó thì đã muộn, không kịp tổ chức lực lượng chống lại quân của Tào Tháo nữa. Lưu Bị chỉ đành vội vàng rút quân về Giang Lăng (nay là huyện Giang Lăng, Hồ Bắc, Trung Quốc). Trên đường rút quân, Lưu Bị còn thu nạp thêm không ít quân lính và dân chúng dưới quyền Lưu Biểu cũ, vì vậy, tốc độ rút quân lại càng chậm chạp hơn. Gia Cát Lượng thấy tình hình khẩn cấp, bèn quyết định cử đại tướng quân Quan Vũ thống lĩnh một vạn quân thủy đi theo đường thủy rút về Giang Lăng trước, đợi ở đó để hội quân.


Giang Lăng là một trọng điểm quân sự của Kinh Châu, là căn cứ địa cung cấp binh lực và vật lực trọng yếu của quân đội. Tào Tháo sợ Giang Lăng bị Lưu Bị chiếm cứ nên đích thân thống lĩnh 5.000 kỵ binh tinh nhuệ, không kể ngày đêm gấp rút truy đuổi theo Lưu Bị. Quân của Tào Tháo trong một ngày một đêm đã tiến được hơn 300 dặm, cuối cùng đuổi kịp quân của Lưu Bị tại Trường Bản - một địa điểm ở phía đông bắc Đương Dương (nay thuộc phía đông huyện Đương Dương, Hồ Bắc, Trung Quốc).


Lưu Bị đành phải bỏ lại toàn bộ binh lính, dân chúng và tất cả quân lương, cùng với Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân và vài chục thân binh tách sang một hướng khác, rút chạy về hướng đông bắc theo dòng sông Hán Thủy. Trên đường đi, quân Tào thu nhặt được rất đông người ngựa, của cải và chiếm được Giang Lăng mà gần như chẳng phải hao phí một chút sức lực nào cả. Lưu Bị và bộ hạ rút về bến Hán Tân, hội quân với quân thủy do Quan Vũ chỉ huy cùng vượt sông Hán Thủy. Con trai cả của Lưu Biểu và Thái thú Giang Hạ là Lưu Kỳ cũng mang quân đến tiếp ứng. Thế là các cánh quân quy tụ lại với nhau, cùng kéo về Hạ Khẩu (nay là Hán Khẩu, Hồ Bắc, Trung Quốc). Sau đó, lại lui tiếp về Phàn Khẩu, bờ nam của Trường Giang (nay là phía tây bắc huyện Ngạc Thành, Hồ Bắc, Trung Quốc) và đóng quân tại đó.


Sau khi chiếm lĩnh Giang Lăng, Tào Tháo dự định xuôi dòng về phía đông, thừa thế đánh bại Tôn Quyền. Bộ hạ của Tào Tháo là Giả Hử nói với Tào Tháo rằng: cần phải lợi dụng tài nguyên phong phú của Kinh Châu, nghỉ ngơi và chỉnh đốn lại quân đội, vỗ về dân chúng, ổn định nội bộ đã, sau đó mới ép Tôn Quyền phải đầu hàng.


Xuất phát tình hình thực tế lúc đó, những kiến nghị của Giả Hử là rất hợp tình hợp lý, nhưng Tào Tháo do chiếm được Giang Lăng một cách quá dễ dàng, lại thu phục được toàn bộ bộ hạ của Lưu Biểu, có được một số lượng lớn chiến lợi phẩm là quân dụng, nên sinh ra tư tưởng chủ quan khinh địch. Tào Tháo chủ quan cho rằng, dựa vào ưu thế chính trị và sức mạnh quân sự của mình lúc bấy giờ, thì có thể ép Tôn Quyền phải đầu hàng, vì vậy Tào Tháo đã không đếm xỉa đến kiến nghị đúng đắn của Giả Hử, quyết định thừa thắng thôn tính Giang Đông.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #33 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 10:02:06 am »

2. Chuẩn bị liên kết

Trước khi Tào Tháo tiến hành tấn công Kinh Châu, Tôn Quyền đã có ý định cướp đoạt đất Kinh Châu để chống lại Tào Tháo. Sau khi Lưu Biểu chết, mưu sĩ quan trọng của Tôn Quyền là Lỗ Túc đã đề nghị với Tôn Quyền để mình lấy danh nghĩa đến viếng Lưu Biểu, nhân cơ hội đó thăm dò tình hình và thừa cơ thuyết phục Lưu Bị kết thành liên minh Tôn - Lưu, cùng nhau chống lại Tào Tháo. Nào ngờ, khi Lỗ Túc vừa mới đến địa giới Giang Lăng đã nghe tin Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo, còn Lưu Bị đang từ Phàn Thành rút lui về phía nam. Lỗ Túc đã gặp gỡ với Lưu Bị và Gia Cát Lượng tại dốc Trường Bản (Đương Dương), cùng nhau thảo luận về tình thế đương thời và cùng nhất trí nhận định rằng: hai nhà Tôn - Lưu chỉ có liên minh với nhau, cùng hợp lực chống lại Tào Tháo thì mới tránh được thảm họa từng nhà bị diệt vong. Lưu Bị quyết định phái Gia Cát Lượng cùng đi với Lỗ Túc đến Sài Tang (nay thuộc phía tây nam thành phô Cửu Giang, Giang Tây, Trung Quốc) để gặp Tôn Quyền bàn bạc kế hoạch liên minh chống lại Tào Tháo.


Gia Cát Lượng là một chính trị gia đại tài của Trung Quốc thời Tam quốc. Khi gặp Tôn Quyền, Gia Cát Lượng trước tiên nhằm vào tâm lý do dự không quyết đoán của Tôn Quyền, tiến hành phân tích một cách thấu đáo tình thế đương thời cho Tôn Quyền thấy. Gia Cát Lượng nói:

"Toàn quốc đại loạn, tướng quân khởi binh ở Giang Đông, Lưu Dự Châu (chỉ Lưu Bị, vì Lưu Bị đã từng làm chức quan Thích sử ở Dự Châu) chiêu tập binh mã ở Hán Nam, cùng nhau tranh đoạt thiên hạ với Tào Tháo. Hiện nay Tào Tháo đã tiêu diệt được kẻ địch chính là Viên Thiệu, bình định xong phương Bắc, lại kéo quân xuống phương Nam tấn công Kinh Châu, tiếng tăm chấn động thiên hạ. Lưu Dự Châu trở thành anh hùng không có đất dụng võ, vì vậy phải chạy đến đây. Mong ngài có thể căn cứ vào lực lượng của mình mà quyết định. Nếu như ngài cho rằng có thể lợi dụng sức người sức của của Giang Đông để chống lại Tào Tháo thì hãy sớm cắt đứt quan hệ với ông ta. Còn nếu như ngài nhận thấy không thể địch lại được với Tào Tháo thì hãy mau giải tán quân đội, thu vũ khí, đầu hàng Tào Tháo. Nay, ngài bề ngoài thì giả bộ thần phục Tào Tháo, trong lòng thì không có quyết định dứt khoát, tình thế đã đến lúc cấp bách mà ngài vẫn còn chưa có quyết định, sợ rằng tai họa sẽ rơi xuống đầu ngay bây giờ đó".

(Theo "Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện")

Những lời của Gia Cát Lượng đã nhằm đúng vào mâu thuẫn nội tâm của Tôn Quyền. Tôn Quyền trầm tư một hồi, rồi hỏi lại Gia Cát Lượng:

"Cứ theo như lời ngài nói, Lưu Dự Châu đã bị đánh bại, thế thì tại sao còn chưa đầu hàng Tào Tháo?".

Gia Cát Lượng nghe thấy Tôn Quyền hỏi như vậy thì không nén nổi sự vui mừng thầm trong bụng, bèn nắm lấy cơ hội đó mà trả lời ngay rằng:

"Lưu Dự Châu là bậc anh hùng của thời nay, được rất nhiều người ngưỡng mộ, lòng người đều quy phục, giống như những dòng sông đổ ra biển lớn. Lưu Dự Châu đã quyết định chống lại Tào Tháo đến cùng, nếu như không thắng được thì cũng quyết không đầu hàng!".


Câu nói của Gia Cát Lượng quả nhiên đã kích thích Tôn Quyền. Tôn Quyền kích động nói:

"Ta không thể để 10 vạn binh giáp và toàn bộ Giang Đông này để cho người khác sai khiến được. Chủ ý của ta đã định! Hiện nay không có Lưu Dự Châu thì khó có thể chống lại được Tào Tháo".

Tuy nói như vậy, nhưng Tôn Quyền vẫn có sự hoài nghi về lực lượng của Lưu Bị, vẫn lo lắng về uy lực quân sự của Tào Tháo. Vì vậy, tiếp theo đó, Tôn Quyền lại hỏi Gia Cát Lượng:

"Có điều, Lưu Dự Châu đã bị Tào Tháo đánh bại, làm sao có thể có lực lượng để xoay chuyển tình thế này được?".


Để xoá hết băn khoăn trong lòng Tôn Quyền, làm kiên định lại quyết tâm chống Tào Tháo của ông ta, Gia Cát Lượng bèn đi sâu phân tích hơn về tình hình thực tế của lực lượng hai bên. Gia Cát Lượng chỉ ra rằng, khi Tôn - Lưu hai nhà liên minh với nhau để chống Tào thì hoàn toàn có thể đánh bại Tào Tháo. Gia Cát Lượng nói:

"Lưu Dự Châu tuy vừa mới thua trận ở Trường Bản, nhưng lực lượng quân đội đã tập hợp lại được, lại thêm cánh quân thủy do Quan Vũ chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn, hợp lại với nhau thì vẫn còn được hơn một vạn tinh binh. Quân đội do Lưu Kỳ thống lĩnh ở vùng Giang Hạ cũng không ít hơn một vạn. Quân đội của Tào Tháo từ phương Bắc xa xôi kéo đến đây, đã rất mệt mỏi. Nghe nói, để truy đuổi Lưu Dự Châu, Tào Tháo đã cưỡi ngựa suốt cả ngày đêm, mỗi ngày đi được tới hơn 300 dặm. Hiện nay có thể nói rằng quân của Tào Tháo giống như ngựa thồ cuối ngày, đến một sợi tơ cũng không thể chất thêm lên được nữa. Hơn nữa, tướng sĩ phương Bắc không quen thủy chiến, số quân mà Tào Tháo thu phục được ở Kinh Châu cũng đều là do tình thế bức bách mà phải đầu hàng, họ không thể vì Tào Tháo mà hy sinh tính mạng một cách dễ dàng được”.


Cuối cùng, Gia Cát Lượng nói với Tôn Quyền:

"Nếu như quả thực ngài có thể điều vài viên mãnh tướng, chỉ huy vài vạn tinh binh cùng đồng tâm hiệp lực với Lưu Dự Châu, liên hiệp tác chiến thì nhất định sẽ giành thắng lợi! Sau khi Tào Tháo thất bại, tất nhiên sẽ phải quay về phương Bắc, như vậy thì thế cục ở Kinh Châu và Giang Đông sẽ ổn định trở lại, thế thiên hạ chia ba sẽ xuất hiện. Thành công hay thất bại đều còn phải chờ xem quyết sách của ngài ngày hôm nay thế nào đã".


Tôn Quyền nghe Gia Cát Lượng nói vậy thì rất vui mừng, lập tức triệu tập bộ hạ tới bàn bạc kế hoạch liên minh với Lưu Bị chống Tào Tháo.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #34 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 10:03:08 am »

3. Chém bàn quyết định

Đúng vào lúc Tôn Quyền triệu tập bộ hạ tới họp hội nghị bàn bạc kế hoạch liên minh với Lưu Bị chống Tào Tháo thì Tào Tháo lại sai người mang đến cho Tôn Quyền một bức thư, trong thư dùng lời lẽ uy hiếp nói rằng:

"Ta phụng mệnh thiên tử tiến hành chinh phạt, sau khi tiến về phương Nam, Lưu Tông đã phải đầu hàng. Hiện nay ta thống lĩnh 80 vạn đại quân, định sẽ cùng tướng quân so tài cao thấp tại đất Giang Đông này!".


Ý đồ của Tào Tháo là buộc Tôn Quyền không đánh mà phải đầu hàng. Tôn Quyền đưa bức thư cho các tướng lĩnh dưới quyền chuyền tay nhau xem, rất nhiều người tỏ ra kinh hoàng. Trong số đó, có một người tên là Trương Chiêu nói:

"Tào Tháo thống lĩnh quân trăm vạn, mượn tiếng thiên tử, đánh dẹp bốn phương. Nay chúng ta muốn chống lại ông ta thì là ngược với đạo vua tôi. Vả lại, chỗ dựa của chúng ta để chống lại Tào Tháo là nhờ vào địa thế hiểm yếu của Trường Giang. Nay, Tào Tháo đã chiếm lĩnh Kinh Châu, đã chiếm được hàng ngàn chiến thuyên của Lưu Biểu và phần lớn thủy quân, đem bố trí trên mặt sông. Ông ta thống lĩnh toàn bộ thủy, lục quân xuôi dòng tiến xuống Giang Đông. Trên thực tế, địa thế hiểm yếu của Trường Giang ông ta đã chiếm được một nửa. Về mặt số lượng quân mà nói, chúng ta lại càng không thể so sánh được với quân đội của Tào Tháo. Vì vậy, thượng sách trước mắt e rằng hòa hảo với Tào Tháo là kế tốt nhất".


Các tướng lĩnh quần thần của Tôn Quyền, người thì tán thành theo ý kiến của Trương Chiêu, người thì không đồng ý, nhất thời thảo luận rất sôi nổi. Duy chỉ có Lỗ Túc ngồi bên cạnh là không nói không rằng một câu. Khi Tôn Quyền đứng dậy ra ngoài đi vệ sinh, Lỗ Túc cũng giũ áo đứng đậy đi ra theo. Tôn Quyền biết ý Lỗ Túc có điều muốn nói riêng với mình, sau khi đi vệ sinh xong bèn đứng lại đợi dưới hiên nhà. Tôn Quyền nắm tay Lỗ Túc hỏi:

"Tử Kính (tên tự của Lỗ Túc) có điều gì muốn nói phải không?".

Lỗ Túc thẳng thắn nói:

"Tôi cho rằng ý kiến của những người như Trương Chiêu chỉ làm hỏng sự nghiệp của ngài mà thôi, không thể dựa vào đó để mà định ra quyết sách được! Giảng hòa có nghĩa là đầu hàng. Nếu muốn đầu hàng Tào Tháo thì Lỗ Túc tôi có thể làm như vậy được, ngài thì bất luận thế nào cũng không thể làm theo ý kiến đó được. Tôi mà đầu hàng Tào Tháo thì chí ít có thể nhận một chức quan nhỏ như huyện lệnh, nếu ngài đầu hàng Tào Tháo thì hắn sẽ cho làm cái gì đây? Mong rằng ngài hãy thận trọng suy nghĩ, mau chóng đưa ra quyết định, đừng bao giờ tin theo những lời bàn luận của bọn Trương Chiêu!".


Nghe xong những lời nói thắng thắn chân thành của Lỗ Túc, Tôn Quyền không nén nổi cảm xúc, bèn than rằng:

"Chủ trương của bọn Trương Chiêu làm ta vô cùng thất vọng, những lời phân tích tình hình vừa rồi của ông hoàn toàn thống nhất với ý kiến của ta!”.

Mặc dù Tôn Quyền hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Lỗ Túc, nhưng vấn đề hòa hay chiến có liên quan rất lớn đến sự an nguy của cả vùng Giang Đông, khiến cho Tôn Quyền không khỏi phải đắn đo suy nghĩ trong lòng: Nếu đánh nhau với Tào Tháo, lại sợ binh lực quá lớn mạnh của Tào Tháo, không nắm chắc được thắng lợi. Nếu đầu hàng Tào Tháo, trong lòng Tôn Quyền không cam tâm tình nguyện. Vì vậy, trong chốc lát Tôn Quyền chưa thể có ngay được quyết định.


Lỗ Túc đoán được tâm tư đó của Tôn Quyền bèn đề nghị mời Chu Du - viên tướng có quyền hành lớn nhất vùng Giang Đông từ Phồn Dương (nay là huyện Ba Dương, Sơn Tây, Trung Quốc) về để cùng nhau bàn bạc.


Chu Du vừa về đến nơi, gặp mặt Tôn Quyền liền đề nghị triệu tập hội nghị các đại thần, một lần nữa cùng nhau xem xét tình hình và bàn bạc xem nên hòa hay chiến. Trong hội nghị, Chu Du phân tích đầy đủ tình hình cụ thể về tình thế địch ta lúc đó và khả năng chiến thắng Tào Tháo. Chu Du chỉ rõ, lần dùng binh này của Tào Tháo có bốn điều đại bất lợi:

Thứ nhất, miền Bắc chưa hoàn toàn thống nhất, Mã Siêu và Hàn Toại vẫn còn đang cát cứ vùng Lương Châu (nay là dải đất thuộc tỉnh Cam Túc), uy hiếp hậu phương của Tào Tháo.

Thứ hai, quân của Tào Tháo đa số là người miền Bắc, không giỏi đánh đường thủy; bọn họ bỏ mất thế mạnh dùng quân kỵ đánh đường bộ mà lại chuyển sang dùng thuyền để so tài cao thấp với quân Giang Đông thì làm sao có thể giành thắng lợi được.

Thứ ba, hiện tại đang là mùa đông, trời đất còn đang giá lạnh, quân mã thiếu lương thảo.

Thứ tư, đem quân lính ở vùng lục địa tiến sâu vào chỗ sông hồ, nơi bọn họ không quen thủy thổ khiến nhiều người sinh bệnh tật ốm đau.

Cuối cùng, Chu Du kết luận rằng:

"Bốn điều nói trên đều là chỗ đại kỵ trong việc dụng binh, thế nhưng Tào Tháo cứ một mực mạo hiểm, nếu muốn bắt sống được Tào Tháo thì nay chính là cơ hội tốt nhất!".

Chu Du cho rằng, chỉ cần Tôn Quyền cấp cho mình vài vạn tinh binh, đến đóng ở Hạ Khẩu, Chu Du bảo đảm sẽ đánh bại được Tào Tháo.

Nghe lời phân tích của Chu Du, cuối cùng Tôn Quyền cũng có được quyết định dứt khoát. Tôn Quyền đứng dậy, rút thanh gươm đeo ở bên mình, chém một nhát đứt góc chiếc bàn trước mặt, nghiêm giọng tuyên bố rằng:

"Bắt đầu từ ngày hôm nay, ai còn dám nói đến chuyện đầu hàng Tào Tháo thì sẽ giống như chiếc bàn này!".

Kế hoạch lớn liên minh với Lưu Bị để chống lại Tào Tháo đã được quyết định như vậy.

Để xác định lòng tin cho Tôn Quyền, giải tỏa nỗi lo trong lòng của ông ta, ngay tôi hôm đó, Chu Du lại đến gặp riêng, nói với Tôn Quyền rằng:

"Tào Tháo trong thư nói khoác lên rằng mình có 80 vạn quân, trên thực tế, số quân ông ta mang từ phương Bắc đến chỉ khoảng 15 đến 16 vạn là cùng. Hơn nữa, trải qua một thời gian dài tác chiến, quân đội của Tào Tháo đã trở nên mệt mỏi quá sức. Số quân mới thu thập được của Lưu Biểu, quá lắm cũng chỉ khoảng 7 đến 8 vạn người, số này luôn mang lòng thù ghét Tào Tháo, tư tưởng bất ổn. Ngài hãy nghĩ mà xem, với một đội quân mệt mỏi bệnh tật như vậy, lại thêm một số lượng lớn quân lính ăn ở hai lòng như thế thì số lượng có đông cũng có gì đáng sợ đâu!"

(Theo "Tam quốc chí - Chu Du truyện" phần chú dẫn "Giang Đông truyện")


Những lời nói của Chu Du quả nhiên đã giúp Tôn Quyền loại bỏ được nỗi lo sợ về số lượng quân của Tào Tháo vẫn còn đang đè nặng trong lòng. Tôn Quyền lập tức tuyển chọn ba vạn binh lính và chiến thuyền, lương thảo cùng các quân trang vật dụng khác giao cho Chu Du chỉ huy. Tôn Quyền bổ nhiệm Chu Du, Trình Phổ làm tả, hữu Đô đốc; Lỗ Túc làm Tán quân Hiệu úy, mang quân đến hợp lực cùng quân của Lưu Bị, tiến lên phía tây, chống lại Tào Tháo.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #35 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 10:03:39 am »

4. Hiến kế trá hàng

Tháng 10, năm Kiến An thứ 13 (năm 208) liên quân của Chu Du và Lưu Bị đụng đầu với cánh quân tiên phong của Tào Tháo tại Xích Bích (nay là bờ nam của sông Trường Giang, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Quân sĩ của Tào Tháo do không quen cuộc sống trên sông nước, nên rất nhiều người bị mắc bệnh tật, sĩ khí rất thấp. Khi hai quân vừa chạm trán với nhau, quân của Tào Tháo đã bị ngay một trận thất bại nhỏ. Tào Tháo buộc phải lui quân về bờ bắc Trường Giang, đóng quân tại Ô Lâm (nay thuộc địa giới huyện Hồng Hồ, Hồ Bắc, Trung Quốc), giữ thế đối đầu hai bên bờ sông với liên quân hai nhà Tôn - Lưu.


Để thuyền bè bớt sự tròng trành nghiêng ngả, Tào Tháo ra lệnh cho thợ thủ công dùng xích sắt để buộc vài chiến thuyền hoặc vài chục chiến thuyền lại với nhau, bên trên phủ ván gỗ. Như vậy, thuyền trở nên vững chãi hơn, không những tạo điều kiện cho người ở trên thuyền có thể đi lại giữa các thuyền một cách dễ dàng mà thậm chí còn có thể cưỡi ngựa di chuyển từ thuyền nọ sang thuyền kia được. Làm như vậy gọi là "thuyền chiến liên hoàn". Tào Tháo cho rằng, đó là một biện pháp rất tốt.


Bộ hạ của Chu Du là Hoàng Cái - một lão tướng rất có kinh nghiệm quân sự. Hoàng Cái ngay lập tức đã nhìn ra nhược điểm rất lớn của "thuyền chiến liên hoàn”, bèn hiến kế với Chu Du rằng:

"Kiểu bố trí "thuyền chiến liên hoàn" này mục tiêu lớn, khó hành động, chúng ta có thể dùng kế hỏa công để tấn công đánh phá".

Tấn công băng hỏa công thông thường phải mượn sức gió, thế nhưng lúc đó đã bước vào mùa đông, thường chỉ có gió tây bắc. Quân Tào Tháo ở phía tây bắc, liên quân Tôn - Lưu ở phía đông nam, nếu có nổi lửa trên sông thì rất dễ là tự thiêu cháy chiến thuyên của mình trước, vì vậy kế hoạch hỏa công của Hoàng Cái rất khó thực hiện.


Chu Du và Gia Cát Lượng căn cứ vào sự thay đổi của thời tiết ở địa phương trong thời điểm đó, tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ, dự đoán rằng trước và sau ngày Đông chí có thể có gió đông nam, thế là phía liên quân liền gấp rút chuẩn bị chiến thuyền cho kế hoạch tấn công bằng hỏa công, chỉ đợi đến khi có gió đông nam nổi lên là sẽ phát lệnh tấn công.


Để có thể lừa lấy được sự tin cậy của Tào Tháo, tạo điều kiện cho các chiến thuyền tấn công tiến sát thủy trại của quân địch, Hoàng Cái bèn viết một bức thư, sai người mang đến cho Tào Tháo. Trong thư viết rằng:

"Binh lực ở sáu quận trên đất Giang Đông không thể chống lại với đội quân trăm vạn người của ngài, thế thất bại của Tôn Quyền đã rõ ràng, để thuận theo đại sự trong thiên hạ, tôi tình nguyện đầu hàng ngài. Quân đội do Chu Du thống lĩnh quân số chỉ có hạn, không khó tấn công tiêu diệt, đợi đến khi quân đội hai bên giao chiến với nhau, tôi có thể lợi dụng điều kiện có lợi, tìm cơ hội lập công với ngài”.


Tào Tháo xem thư, mới đầu còn có chút hoài nghi, nhưng lại nghĩ rằng, với ưu thế tuyệt đối của mình trên các mặt chính trị và quân sự lúc đó thì việc trong nội bộ chính quyền của tập đoàn chính trị Tôn Quyền có nảy sinh sự phân hóa, Hoàng Cái đến đầu hàng mình cũng là việc hoàn toàn có khả năng. Do tư tưởng kiêu ngạo khinh địch nên Tào Tháo không hề nghi ngờ, hoàn toàn tin tưởng vào việc trá hàng của Hoàng Cái. 
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #36 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 10:04:17 am »

5. Hỏa thiêu chiến thuyền

Vào một đêm tháng 11 năm Kiến An thứ 13 (năm 208), quả nhiên có gió đông nam nổi lên, gió thổi rất mạnh. Chu Du lập tức ra lệnh cho Hoàng Cái xuất phát theo kế hoạch. Hoàng Cái chỉ huy một đội chiến thuyền hỏa công, chèo lướt trên sóng nước, phi như bay về phía thủy doanh trại của quân Tào Tháo, trên các chiến thuyền đều chất đầy dầu mỡ, cỏ khô và củi đuốc, bên ngoài dùng vải buồm che đậy; ngoài ra, còn chuẩn bị một số thuyền nhỏ và nhẹ, giấu ở đuôi các chiến thuyền để sau khi nổi lửa đốt thuyền thì sẽ dùng thuyền nhẹ rút quân. Dẫn đầu đoàn thuyền chiến đó là 10 chiến thuyền lớn. Khi 10 chiến thuyền đó đi đến giữa sông, Hoàng Cái ra lệnh cho các chiến thuyền giương buồm, tốc độ của các chiến thuyền lại càng được nâng lên, đã dần áp sát thủy trại của quân Tào Tháo. Đến một khoảng cách thích hợp, Hoàng Cái lệnh cho binh sĩ đồng thanh hô to:

"Hoàng Cái đến hàng!".

Các tướng lĩnh trong doanh trại của Tào Tháo nghe thấy tiếng hô "Hoàng Cái đến hàng” thì đều bước ra ngoài, thò cổ ra xem. Khi các chiến thuyền của Hoàng Cái chỉ còn cách thủy doanh của Tào Tháo khoảng hai dặm nữa, Hoàng Cái liền ra lệnh: "Phóng hỏa!”.


Hiệu lệnh vừa mới phát ra, tất cả các chiến thuyền của Hoàng Cái nhất tề nổi lửa đốt thuyền. Các chiến thuyền giống như những con rồng lửa nhằm thẳng về phía thủy doanh của quân Tào Tháo xông tới. Gió đông nam càng lúc càng thổi mạnh, lửa mượn sức gió, gió trợ sức cho lửa, toàn bộ doanh trại của quân Tào bị bốc cháy, "thuyền chiến liên hoàn" trong chốc lát không thể gỡ rời ra được, lửa không những không dập tắt được mà càng cháy càng mạnh, lan dần mãi đến tận bờ sông. Chỉ thấy lửa cháy ngút tròi, ánh lửa chiếu sáng rực cả một vùng rộng lớn, doanh trại trên sông và trên bờ của quân Tào Tháo chìm ngập trong biển lửa. Quân sĩ của Tào Tháo bị lửa thiêu chết, bị chết đuối không biết bao nhiêu mà kể.


Chu Du từ bờ nam nhìn thấy ngọn lửa, biết rằng Hoàng Cái đã ra tay thuận lợi, lập tức chỉ huy các chiến thuyền tấn công như vũ bão vào quân Tào. Trong trận Xích Bích, liên quân Tôn - Lưu đã tiêu diệt đại bộ phận binh lực của Tào Tháo, thiêu hủy toàn bộ số chiến thuyền của quân Tào Tháo.


Trong khói lửa ngút tròi, Tào Tháo chỉ huy một nhóm tàn binh bại tướng theo đường nhỏ rút chạy về Hoa Dung (nay là phía tây bắc huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Không ngờ, đi đến giữa đường lại gặp mưa to gió lớn, đường đi lầy lội, dường như không còn đường để mà đi tiếp được nữa. Tào Tháo ra lệnh cho tất cả đám tàn quân tìm chặt cành cây, cắt cỏ lá đắp một con đường xanh phủ lên trên lớp bùn lầy để lấy đường tiến cho kỵ binh. Thế nhưng sau đó, đám tàn binh lại bị chính kỵ binh dẫm đạp giày xéo lên làm cho họ bị chết và bị thương rất nhiều. Liên quân Chu Du - Lưu Bị hai đường thủy bộ cùng tiến, truy đuổi tàn quân của Tào Tháo đến tận Nam Quận (nay thuộc địa phận huyện Giang Lăng, Hồ Bắc, Trung Quốc).


Trải qua cuộc đại chiến này, nguyên khí của Tào Tháo đại thương, quân bị tổn thất mất quá nửa. Tào Tháo đành lưu lại một bộ phận quân đội của mình để phòng thủ Giang Lăng và Tương Dương, còn bản thân mình chỉ huy số tàn quân còn lại rút về phương Bắc.


Trận chiến Xích Bích là chiến dịch quân sự mang tính quyết định trong việc thành lập nên thế chân vạc trong cục diện Trung Quốc thời Tam quốc. Sau thất bại lần này, thế lực của Tào Tháo bị giới hạn ở miền Bắc Trung Quốc, không còn sức để kéo xuống phương Nam nữa. Sau chiến tranh, Tôn Quyền củng cố chính quyền thống trị của mình ở vùng đất Giang Đông. Lưu Bị thừa cơ chiếm lấy Kinh Châu, về sau phát triển về phía tây, chiếm lĩnh Ích Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).


Năm Kiến An thứ 25 (năm 220), sau khi Tào Tháo chết, con trai của Tàe Tháo là Tào Phi phế truất hoàng đế nhà Hán là Hán Hiến đế, tự lập mình làm hoàng đế, lấy quốc hiệu là Ngụy, xây dựng kinh đô ở Lạc Dương.


Năm sau đó, Lưu Bị cũng xưng đê ở Thành Đô. Lấy quốc hiệu là Thục Hán.

Tám năm sau, Tôn Quyền xưng đế ở Kiến Nghiệp (nay là thành phố Nam Kinh, Trung Quốc), lấy quốc hiệu là Ngô.

Như vậy là thế chân vạc Ngụy - Thục - Ngô được thành lập.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #37 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2021, 10:04:43 am »

6. Kết luận

Tào Tháo là một nhà chính trị - quân sự lớn của Trung Quốc thời Tam quốc. Tào Tháo rất có tài dụng binh, khi đánh trận thường là thắng nhiều thua ít. Thế nhưng, trong trận Xích Bích, Tào Tháo lại phải nếm một thất bại cực kỳ nặng nề, đó là do nguyên nhân nào?


Trước khi trận chiến Xích Bích diễn ra, Tào Tháo liên tục nhiều năm giành được thắng lợi trên chiến trường, tiêu diệt được rất nhiều thế lực cát cứ ở các địa phương trên khắp đất nước Trung Quốc hồi đó. Trong tình hình thuận lợi như vậy, Tào Tháo đã có sự đánh giá quá cao về sức mạnh quân sự cũng như tài năng quân sự của mình, đồng thời lại đánh giá quá thấp nhược điểm của bản thân mình và quân đội mình cũng như đánh giá quá thấp sức mạnh và dũng khí của liên quân hai thế lực chính trị Tôn - Lưu. Chính tư tưởng kiêu ngạo chủ quan khinh địch này của Tào Tháo đã trở thành nguyên nhân chính của thất bại trong trận chiến Xích Bích.


Về mặt bố trí tác chiến, Tào Tháo đã không dựa vào điều kiện thuận lợi của địa thế và thời gian mà lại dựa vào sở đoản của mình để tấn công vào sở trường của quân địch, bộc lộ điểm yếu của mình ra cho đối phương nhận thấy, như vậy khác nào tự vươn cổ ra cho đối phương nắm lấy mà diệt. Đó cùng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của Tào Tháo.


Về phía liên quân Tôn Quyền - Lưu Bị, do Chu Du, Gia Cát Lượng có thể phân tích được một cách chính xác tình thế địch - ta, quyết định liên minh với nhau tác chiến, cùng tiêu diệt địch, đây là một quyết định rất sáng suốt.


Trong chỉ huy quân sự, Chu Du và Gia Cát Lượng lại có thể dự đoán được sức mạnh của liên quân, nhược điểm của quân Tào, dựa vào sở trường của mình để tấn công vào sở đoản của địch, từ đó giành được thắng lợi cuối cùng.


Trong lịch sử chiến tranh quân sự Trung Quốc thời cổ đại, trận chiến Xích Bích được coi là một trang sử huy hoàng được truyền tụng suốt hàng ngàn năm qua.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #38 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2021, 07:32:59 am »

TRẬN CHIẾN PHÌ THỦY GIỮA TẦN - TẤN


Nếu như có người vì một nguyên nhân nào đó mà thể hiện sự hoài nghi, kinh hoàng và sợ hãi một cách cực độ thì người Trung Quốc sẽ dùng câu thành ngữ "Thảo mộc giai binh" (cỏ cây đều là lính) để hình dung.

Câu thành ngữ "Thảo mộc giai binh" được ra đời chính trong trận chiến Phì Thủy giữa hai nước Tần - Tấn. Vậy trận chiến Phì Thủy rốt cuộc diễn ra như thế nào? Nguyên nhân, diễn biến và kết quả ra sao?


1. Hội nghị ở điện Thái Cực

Năm 316, vương triều Tây Tấn (Trung Quốc) diệt vong. Năm sau đó, một người trong hoàng tộc của Tây Tấn là Tư Mã Nhuệ xây dựng lại chính quyền của giai cấp địa chủ Hán tộc ở Giang Nam, định đô ở Kiến Khang (nay là thành phố Nam Kinh, Trung Quốc), lịch sử Trung Quốc gọi là Đông Tấn.


Khi vương triều Đông Tấn định cư ở phương Nam, thì ở biên giới tây bắc Trung Quốc, rất nhiều các dân tộc thiểu số thừa cơ tiến vào lưu vực Hoàng Hà, chủ yếu gồm có 5 tộc người là Hung Nô, Tiên Ti, Kiệt, Đê, Khương. Tầng lớp quí tộc thống trị trong các tộc người thiểu số đó lại cắn xé lẫn nhau, gây chiến tranh liên miên trong nhiều năm liền. Trong vòng 130 năm đó, lần lượt mười mấy chính quyền thống trị lớn nhỏ đã được lập nên. Lịch sử Trung Quốc gọi giai đoạn này là thời kì "thập lục quốc" (16 nước).


Trong các cuộc hỗn chiến chia cắt đất đai, tranh giành quyền lực đó, đến giữa thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, có một Quốc gia do người dân tộc Đê dựng nên và ngày một lớn mạnh, đó là Tiền Tần.

Năm 357, hoàng đế của Tiền Tần là Phù Kiên đã sử dụng một mưu sĩ là người dân tộc Hán là Vương Mãnh. Trải qua hơn 20 năm nỗ lực xây dựng, vương triều Tiền Tần đã lần lượt tiêu diệt vương quốc Tiền Yến hùng mạnh do người Tiên Ti xây dựng nên và vương quốc Đại ở ngoài Ưng Môn Quan, chính quyền Tiền Lương của họ Trương (người Hán) ở khu vực Cam Túc, thống nhất toàn bộ khu vực lưu vực sông Hoàng Hà, trở thành một quôc gia lớn nhất trong các quốc gia ở phương Bắc lúc bấy giờ.


Như vậy là, nếu lấy sông Hoài làm giới tuyến thì ở Trung Quốc lúc đó hình thành một cục diện đối đầu Nam - Bắc giữa Tiền Tần và Đông Tấn.

Mâu thuẫn giữa Tần - Tấn ngày càng gay gắt.

Tháng 10 năm thứ 7 (năm 382) thuộc niên hiệu Thái Nguyên của Hiếu Vũ đế nhà Đông Tấn, vào một buổi sáng sốm, trời mới mờ mờ sáng, các văn võ đại thần của vương triều Tiền Tần trong thành Trường An đang tập trung trước điện Thái Cực đợi Tần vương Phù Kiên lâm triều, triệu tập hội nghị ngự tiền.


Phù Kiên uy nghiêm bước vào, nhìn khắp bốn phía một lượt rồi cất giọng nói:

"Ta kế thừa vương vị đến nay đã gần 30 năm rồi, khắp bốn phương tám hướng đại thể đã bình định xong, chỉ còn có nước Tấn là vẫn chiếm cứ một góc phía đông nam, không chịu hàng phục, thật khiến cho ta tức giận. Nay trong tay ta có 97 vạn hùng binh, ta dự định đích thân thống lĩnh quân đội đi phạt Tấn, các ngươi thấy có được không?".


Trong số các đại thần, chỉ có một người tên là Chu Dung nịnh bợ phụ họa theo ý kiến của Phù Kiên, còn tất cả các đại thần khác đều cho rằng thời cơ vẫn chưa chín muồi, nếu tấn công Đông Tấn thì vẫn chưa nắm chắc được thắng lợi. Đại thần Quyền Dực nói rằng:

"Bệ hạ, hiện nay tuy nước Tấn yếu, nhưng nội bộ vẫn chưa phân tán, quốc vương của họ cũng chẳng phạm phải tội ác nào đáng phải trừng phạt; huống hồ các đại thần Tạ An, Hoàn Xung của họ đều là nhân tài kiệt xuất của Giang Nam, rất biết cách làm việc. Theo như thần nhận thấy, việc tiêu diệt Tấn hãy đợi để sau hẵng hay".


Đại thần Thạch Việt cũng nói rằng:

"Nước Tấn không chỉ trên dưới một lòng, mà còn có sông Trường Giang làm lá chắn thiên nhiên, lại được dân chúng trăm họ ủng hộ, xem ra không thể coi khinh họ được".


Nghe những lời phản đôi của Quyền Dực và Thạch Việt, Phù Kiên cảm thấy trong lòng rất không vui. Ông ta nghiêm mặt lại, nói một cách vô cùng tự tin rằng:

"Người, ngựa của ta nhiều như vậy, chỉ cần ra lệnh một tiếng, mọi người quẳng roi ngựa xuống sông Trường Giang thì có thể chặn được cả dòng nước sông lại. Trường Giang thì có gì là ghê gớm đâu!".


Hội nghị họp bàn rất lâu, quần thần đểu lần lượt phát biểu, hầu như tất cả quần thần đều đứng vê phía Quyền Dực và Thạch Việt, kiên quyết phản đối việc mang quân đi đánh Đông Tấn. Phù Kiên rất tức giận, ra lệnh cho quần thần bãi triều, chỉ giữ lại em trai của mình là Phù Dung. Phù Kiên nói với Phù Dung rằng:

"Từ xưa đến nay, mọi việc quốc gia đại sự đều do một hai người quyết định, vừa rồi, tại hội nghị của triều đình mỗi người một ý, chỉ khiến lòng người thêm rối loạn mà chẳng mang lại được kết quả gì cả, bây giờ ngươi hãy nói ý kiến của ngươi cho ta biết đi!".


Phù Dung ngồi im lặng một lúc lâu bên bàn, không nói năng gì cả; Phù Kiên lại một lần nữa thúc giục, Phù Dung mới chậm rãi nói:

"Theo ý kiến của thần, trước mắt, việc tấn công nước Tấn có ba khó khăn lớn: Trước tiên, rất nhiều người ở phương Bắc trong lòng còn hướng về nhà Tấn, bây giờ xuất binh thời cơ bất lợi; thứ hai, nội bộ nước Tấn vẫn đang đoàn kết, không có bất kỳ cơ hội nào để có thể lợi dụng được; thứ ba, quân đội của chúng ta chinh chiến liên miên đã nhiều năm nay, binh sĩ đều đã vô cùng mệt mỏi và chán ghét chiến tranh, vì vậy, trong hội nghị hôm nay mọi người phản đối xuất binh là có lý, mong bệ hạ hãy chấp nhận ý kiến của mọi người".


Tiếp theo, Phù Dung còn phân tích thêm:

"Hiện nay, người Tiên Ti, người Khương và người Kiệt có ở khắp nơi quanh kinh thành, bọn họ đều có thâm thù với chúng ta. Nếu như bệ hạ mang quân nam chinh, chỉ để lại Thái tử và một số ít binh sĩ già nua yếu đuối lại trấn thủ kinh thành, thật lòng là thần rất lo lắng họ sẽ dấy lên làm phản, đến lúc đó, có hối hận cũng không kịp nữa. Mong bệ hạ suy xét kỹ rồi hãy hành động".


Phù Kiên không ngờ rằng ngay cả Phù Dung cũng phản đối ý định mang quân đi đánh nước Tấn của mình, ông ta đứng đậy, bừng bừng tức giận, nói:

"Hừ! Đến nhà ngươi mà cũng nói như vậy thì ta còn biết bàn bạc với ai đây? Bây giờ ta có trăm vạn binh hùng, của cải và vũ khí chất cao như núi, chẳng lẽ lo không tiêu diệt nổi nước Tấn hay sao? Ta quyết không để cho nước Tấn ở Giang Nam đe dọa ta lâu hơn nữa, việc tấn công nước Tấn, ý ta đã quyết!".


Phù Dung nhiều lần khuyên ngăn Phù Kiên không nên dụng binh, nhưng Phù Kiên không hề nghe theo. Thế là, cuối cùng Phù Kiên đã quyết định thống lĩnh quân đội phát động cuộc chiến tranh tấn công nước Tấn.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #39 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2021, 07:35:42 am »

2. Tiền Tần phát binh tấn công nước Tấn

Tháng 7 năm Thái Nguyên thứ 8 (năm 383), Phù Kiên ban bố mệnh lệnh tấn công Đông Tấn. Mệnh lệnh quy định: Trong dân chúng, cứ 10 nam giới thì rút ra một người đi lính; phàm là con em các gia đình quý tộc, tuổi dưới 20 mà có võ nghệ thì đều được phong là Vũ Lâm lang, biên chế vào quân cấm vệ, cùng với quân đội đi đánh trận. 


Ngựa công, tư của các châu nhất loạt đều bị trưng thu để phục vụ cho quân đội.

Các quan lại của chính quyền Tiền Tần lúc đó khi nhận được mệnh lệnh trên, đều bất kể đến sự sống chết của nhân dân, chỉ ra sức đi bắt người cướp ngựa ở khắp mọi nơi, hơn nữa, chúng lại còn nhân cơ hội này lừa dối để cướp bóc thêm của cải của nhân dân, khiến cho dân chúng phải chịu cảnh gia đình cha mẹ vợ con ly tán, nhà tan cửa nát.


Tháng 8 năm đó, Phù Kiên trưng tập binh mã của các châu, tổng cộng được hơn 60 vạn lính bộ binh, 27 vạn kị binh và 3 vạn Vũ Lâm quân, gọi là "bách vạn đại quân”. Phù Kiên giao cho Phù Dung làm Chinh nam Đại tướng quân, cùng với nhà quý tộc của dân tộc Tiên Ti là Mộ Dung Thùy thống lĩnh 25 vạn quân bộ binh và quân kỵ binh làm đội quân tiên phong, bắt đầu xuất phát từ Trường An.


Phù Kiên còn phong cho một tướng quân người dân tộc Khương là Diêu Trường làm Long tương Tướng quân, thống lĩnh quân đội ở Tứ Xuyên, men theo dòng chảy của sông Trường Giang mà tiến quân.

Phù Kiên đích thân thống lĩnh quân chủ lực xuất phát từ Trường An. Trên đường đi, đội quân chủ lực của Phù Kiên khí thế rất mạnh mẽ: ngựa hí, người hô, cò xí rợp trời, quân đi chật đường, ngựa xe, lương thảo, vũ khí trang bị rầm rầm không ngớt, kéo dài đến mấy trăm dặm.


Số quân lính bị trưng tập đi chiến đấu lần này thì lại chỉ luôn nhớ về gia đình, không muốn đi đánh trận. Một bộ phận binh lính trong quân đội trên đường đi còn cướp đoạt tài sản của dân chúng, khiến cho cuộc sống của dân đã khổ sở lại càng thêm điêu đứng. Quân đội của Tiền Tần tuy rằng rất đông, nhưng tính kỷ luật rất kém, sĩ khí rất thấp, thiếu sức chiến đấu.


Tháng 9, đội quân chủ lực do Phù Kiên thống lĩnh đã tấn công hạ Hạng Thành của Đông Tấn (nay là huyện Hạng Thành, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) và đóng quân lại tại đó.

Đội quân tiên phong do Phù Dung chỉ huy sau một tháng liền hành quân cũng đã tới được Dĩnh Khẩu ở bờ bắc sông Hoài (nay thị trấn Chính Dương, phía đông nam huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy, Trung Quốc) và triển khai tấn công theo hướng bờ tây Phì Thủy (một nhánh của sông Hoài, nay thuộc huyện Thọ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM