Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:50:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Giải phóng quân Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hoà Chi đội 12 Trung đoàn 312  (Đọc 3458 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 08:14:53 pm »

SẢN XUẤT TỰ TÚC NUÔI QUÂN


VÕ VĂN HOA


Tháng 7 năm 1946, anh Ba Tô Ký bảo tôi làm sản xuất.

Lúc đó tôi rất thắc mắc tại sao không cho tôi chiến đấu mà bắt tôi phải làm sản xuất. Anh Ba Tô Ký nói là trong lúc nầy có chỉ thị 40 của Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ, mỗi chi đội phải thành lập đoàn sản xuất tự túc (có nghĩa là tự lực cánh sinh tự cung tự cấp). Anh bảo tôi cố gắng, vì trong lúc nầy anh không thấy có ai mà chỉ có tôi làm được. Tôi nói: làm thì tôi có thể làm được, người có, ruộng có, nhưng trâu bò, phương tiện giống má đâu mà làm? Anh Ba Tô Ký nói với tôi là anh đã có bàn bạc với Hoàng Duy Khương rồi, tất cả thứ đó điều có phân công cho anh Lê Minh Định lo, còn cái “mộc” của Đoàn sản xuất, tôi đã lo xong rồi. Tôi đến gặp anh Lê Minh Định bàn về tiền bạc để mua sắm trâu, bò, dụng cụ và mọi thứ để dùng cho sản xuất, thì anh Lê Minh Định giao cho tôi 3000 đồng (tiền IDeo tức là thời Nhật Bản cai trị). Tôi thấy số tiền đó không đủ để mua sắm trâu, bò và dụng cụ cho sản xuất. Tôi trở về ghé qua anh Ba Tô Ký báo cho anh biết là tôi không thể làm được, không có trâu, bò không thể bắt anh em mình kéo cày, kéo bừa được. Tôi xin phép cáo từ ra về. Anh Ba Tô Ký nắm vai kéo tôi ngồi xuống, nói bây giờ ý của Sáu Hoa như thế nào? Tôi trả lời với anh là nếu tôi làm thì phải thành lập Đoàn kinh tế sản xuất thì tôi làm. Anh Ba Tô Ký nói là chỉ thị 40 là thành lập sanh sản tự túc, bây giờ anh bảo phải có thêm chữ kinh tế thì sai với chỉ thị 40. Tôi nói với anh Ba Tô Ký rằng, tiếng đời người ta thường nói “phi thương bất phú”, chỉ có đi buôn mới mau làm giàu. Anh Tô Ký hỏi: anh nói sản xuất không tiền, bây giờ đi buôn lấy đâu ra tiền mà buôn. Tôi trả lời là tôi có cách làm ra tiền, tôi cho anh em đón xe vận tải, kêu gọi họ đóng góp cho kháng chiến, chừng đó có vốn đi buôn, từng bước mua sắm trâu, bò, và tất cả phương tiện và đồ dùng cho sản xuất. Anh Ba Tô Ký nghe tôi xây dựng kế hoạch để làm ra tiền, thấy đúng nên anh bảo tôi về nghiên cứu kế hoạch làm cho tốt, tôi sẽ cho khắc cái mộc khác cho anh là: “Đoàn kinh tế sản xuất”. Làm xong tôi cho liên lạc mang xuống anh.


Tôi về suy nghĩ một đêm để thảo ra lời kêu gọi các đoàn xe vận tải chuyên chở trên tuyến đường Sài Gòn - Tây Ninh - Nam Vang phải đóng góp tiền bạc hàng tháng ủng hộ kháng chiến của Chính phủ Hồ Chí Minh. Viết xong, tôi mang đến anh Ba Tô Ký xin ý kiến để hoàn thành bản Lời kêu gọi rồi đưa anh em ấn loát in ra trên 100 bản.


Ngày hôm sau tôi đi tìm anh Hai Bứa, đại trưởng đại đội 2, nhờ anh ngày chủ nhật đem quân ém hai bên đường số 1, gần sở cao su Phan Văn Tư. Khi xe chở hàng từ Nam Vang về, tôi yêu cầu xe dừng lại, rồi cho xe quẹo vào sở cao su từ 50 đến 70 chiếc, mời tất cả tài xế ngồi lại một chỗ để nghe tôi đọc lời kêu gọi vận động và giải thích sự đóng góp ủng hộ cho kháng chiến hằng tháng mỗi xe 100 đồng. Trong lúc chúng tôi đang thực hiện công tác, mặc cho trời nắng gắt gay, heo gà kêu la inh ỏi, khi tài xế đã đồng ý đóng tiền thì anh em ghi biên nhận số xe đã đóng tiền rồi, cho xe đố chạy về Sài Gòn.


Chúng tôi đón xe lấy tiền ủng hộ kháng chiến chỉ có 1 tuần lễ, thì số tiền đã lên 7.000 - 8.000 đồng (tiền Đông Dương). Lấy được số tiền đó cho anh em bung ra buôn bán trâu, bò, heo. Lần hồi số tiền lời nhiều nên vốn lớn dần ra.


Khi tổ chức Đoàn kinh tế sản xuất tự túc xong rồi, tôi đặt văn phòng làm việc tại Xóm Trại xã An Nhơn Tây. Nhân sự trong văn phòng gồm có: 1 anh trưởng văn phòng, 1 anh thơ ký kiêm kế toán, 1 anh thủ quỹ, 1 anh lo quân nhu và trang bị cấp dưỡng, 1 anh phụ trách giao liên, 1 thơ ký đánh máy và 1 anh quản lý lo ăn uống cho anh em trong văn phòng. Có khoảng 30 người chuyên lo buôn bán trâu, bò, heo và các loại nông sản khác hoạt động trên địa bàn 2 quận Đức Hòa và Hóc Môn. Sau một thời gian buôn bán số tiền lời đã mua sắm được 4 cặp trâu, bò và 1 số dụng cụ, giống má để sản xuất.


Thấy rằng ông Ba Mộc có khả năng lo được sản xuất nên tôi phân công ông làm trưởng ban sản xuất khai thác tại Láng Đỉa 4 mẫu, rồi chuyển ông Ba Mộc qua làm ở Bến Mương vì ruộng ở đây tốt hơn, và gần nhà ông cho nên gia đình giúp đỡ luôn cả việc chăm lo đời sống cho anh em. Ông Mộc còn quản lý luôn cả trại sản xuất tại Nhuận Đức.


Còn phần làm ruộng ở Trung Lập, tôi đến bàn với ông Mười Xây (tức là Mười Trên), vợ chồng ông đồng tình ủng hộ, và sẵn sàng giao ruộng cho làm. Tôi phân công luôn cho ông làm trưởng trại. Ông giúp đỡ luôn cả giống và tất cả dụng cụ để sản xuất, đồng thời vợ ông là người chăm lo đời sống cho anh em thật chu đáo.


Trong lúc này mía của nhân dân Tân An Tây đã trổ cờ nên họ yêu cầu phải ép đường. Tôi đứng ra nhận làm và đến nhờ anh Hai Cảm phụ trách, thiếu phương tiện làm thì qua mượn của Hai Khứ, sản xuất ra được bao nhiêu đường đều bán cho nhân dân trong vùng.


Đến mùa đậu phộng, vì tiêu thụ không kịp, nhân dân yêu cầu ép dầu để tiêu thụ, tôi cho thu mua tất cả đậu của nhân dân, đồng thời dẫn theo một số anh em ra chợ Tân Phú Trung kéo 3 bọng dầu và tất cả dụng cụ cần thiết đế ép dầu rồi cho xe chở về sở cao su ở Bàu Xiêm, cho anh em làm lán trại, phơi đậu, sau khi đậu khô thì bắt đầu cho ép dầu. Có dầu rồi, tôi nhờ một Hoa kiều ở ấp Thượng xã Tân An Hội mang đi tiêu thụ và bán cho nhân dân trong vùng gồm dầu và bánh dầu.


Việc buôn bán đem lại lợi nhuận rất nhiều, và rất chạy hàng, lúc đó có rất ít người buôn bán.

Việc mua bán trâu, bò ở Căm-pu-chia thì phân công cho hai anh phụ trách là anh Tư Lố và anh Tư Dậy.

Khoảng tháng 6 năm 1947, anh Bảy Chiêu, Chủ tịch tỉnh Gia Định có gọi anh Ba Tô Ký và bảo rằng, hiện nay sở trà Bình Mỹ và sở trà Bình Lý do anh em thanh niên tỉnh đảm trách mà làm chẳng được gì. Vậy ban sản xuất của anh có nhận không? Sau đó anh Ba Tô Ký về bàn với tôi. Tôi đến xem và nhận luôn, anh Cang, Bí thư Tỉnh đoàn thanh niên lập biên bản bàn giao cho tôi.


Muốn sản xuất được trà bông lài phải là người có chuyên môn mới làm được, tôi phải cho người vào chợ Hóc Môn tìm người biết sản xuất trà bông lài. Tìm được một Hoa kiều, tôi mướn họ đứng ra lo sản xuất, cùng lúc đó tôi cho người về xã Tân Thới Hiệp thu mua bông lài, khi sản xuất được rồi, phải đem đi tiêu thụ. Nhưng những vùng ở trên này tiêu thụ không hết, cho nên lúc đó phải cho người mang về Khu 8 và Khu 9 để tiêu thụ mới hết được.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 08:15:27 pm »

Việc mua trâu bò, heo các vùng phụ cận cũng chuyển hướng hoạt động, xuống tỉnh Mỹ Tho và đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đầu cho anh em đến huyện Cái Bè, Long Mỹ, Cai Lậy, đưa đường xuống để tiêu thụ, và thu mua trâu, bò, heo. Đồng bào ở vùng này nghe anh em ở miền Đông xuống họ thương yêu và tận tình giúp đỡ từ ăn, ở cũng như chỉ dẫn thu mua từ nơi này đến nơi khác. Tôi phải thường xuyên kiểm tra và chỉ bảo cách giao tiếp, làm ăn phải thật thà, khi mình đi người ta nhớ, lúc ở phải cho người ta thương, nghĩa là thực hiện chính sách ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) cho nên được lòng dân mà ăn nên làm ra. Lúc bắt đầu chúng ta chỉ có một đoàn đi buôn bán, sau đó có được 2, 3 đoàn đi buôn bán, tất cả đều được lòng dân. Ví dụ mình chuyến đường xuống chợ Mỹ An, chợ này mấy chủ vựa nằm ở ven sông khi đưa hàng lên xuống dễ dàng như đường, trà, các loại dậu có bao nhiêu thì các chủ vựa cùng nhau mua hết không bao giờ ế hàng.


Khi tôi đến Đức Hòa để kiểm tra cơ sở của mình và xem xét tình hình, thì nhân dân ở đây bảo là mía của họ đã trổ cờ mà không có ai đến mua. Tôi đi một vòng ra bìa sông xem kỹ thì thấy mía còn rất nhiều mà đã trổ cờ hết. Nhân dân nói trước đây hãng đường Hiệp Hòa mua hết mía theo hợp đồng vụ mùa, nhưng hôm nay không có ai mua vì hãng đóng cửa, chủ hãng đã bỏ chạy sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 nổ ra, mía không bán được. Với tinh thần trách nhiệm vì dân phục vụ, tôi mạnh dạn hứa với nhân dân sẽ lo tất cả số mía đang bị trổ cờ. Sau đó tôi đi khắp vùng chuyên môn ép mía nấu đường để hợp đồng với các chủ lò đường đưa mía về lò để làm. Rất may mắn tôi gặp được chị chủ lò đường tên là Mai Thị Chuyện. Chị góa chồng, chồng chị bị giết, chị có một đứa con gái 5 tuổi, có 2 lò đường, 8 con trâu và 3 mẫu mía mà không có người phụ lo giúp. Tôi đem chuyện ép mía nấu đường bàn vớị chị. Nghe qua chị rất vui mừng và phấn khởi, sẵn sàng giao hết cho tôi quản lý để xây dựng kế hoạch sản xuất, trong đó gồm có: 2 lò đường, 8 con trâu, 3 mẫu mía, 1 nhà kho chứa các hóa chất để nấu đường và tất cả dụng cụ phục vụ cho việc sản xuất. Chị dẫn tôi đến gặp ông trưởng ấp xin phép sản xuất, ông đồng ý và rất vui mừng. Ông nói nếu tôi lo làm được việc này thì nhân dân ở đây mừng lắm. Ông trưởng ấp nói với tôi cứ tiến hành bố trí kế hoạch thực hiện đi, còn chuyện lên ủy ban xin phép, để ông nói chuyện với ủy ban. Hiện nay ủy ban đang lo lắm, rất sốt ruột vì mía của nhân dân trong xã đang trổ cờ mà không có kế hoạch giải quyết được cho nhân dân. Mình là chính quyền lo lắng cho dân mà lo không được thì mất ảnh hưởng lắm. Cho nên nếu anh đứng ra lo được thì Ủy ban rất đồng tình vậ ủng hộ đủ mọi phương diện để cho anh làm hoàn thành nhiệm vụ. Tôi trở về cơ quan của tôi ở giồng Ông Hòa thuộc xã Mỹ Hạnh, báo cho anh em biết tình hình sản xuất đường để anh em chuẩn bị phương tiện chở đường xuống chợ Mỹ An bán. Tôi cũng bảo Kê, cháu của tôi đi theo tôi xuống Hòa Khánh để gặp Mai Thị Chuyện chủ lò đường. Chị Chuyện cho làm gà, vịt, nấu xôi, nhang đèn đem đến lò vái cúng ông lò để khai trương. Tôi ở lại đó ba ngày xem công việc có trôi chảy không. Thấy anh em mình làm việc rất hăng hái đạt kết quả khá, tôi giao hẳn cho cháu Kê ở đó quản lý và lo đôn đốc anh em lo làm việc tốt, còn tiền bạc tôi chỉ để lại 200 đồng (tiền Cụ Hồ), rồi trở về cơ quan bố trí thêm ba người xuống phụ vận chuyển mía đem về lò. Khi sản xuất ra được đường thì cho người đưa xuống chợ Mỹ An bán, đem tiền về trả cho công nhân. Điều cần nói rõ là chị Chuyện chủ lò đường giao hết quyền cho tôi, tiền mướn lò, tiền mướn 8 con trâu, tiền mua 3 mẫu mía, và mướn tất cả dụng cụ phương tiện để sản xuất chị không lấy một đồng nào, cho nên công nhân làm ở lò đường coi như tôi là ông chủ lò chớ không phải là bà Chuyện. Sau khi thanh toán tiền cho công nhân xong, còn lại bao nhiêu thì tôi gởi hết về văn phòng ở An Nhơn Tây.


Lúc này công việc quá nhiều, một mình tôi phải giải quyết 5, 7 cơ sở, nơi này xong đến nơi khác, từ Tháp Mười về đến căn cứ An Nhơn Tây. Thấy tôi quá nhiều việc nên anh Ba Tô Ký mới bổ nhiệm thêm anh Phạm Đăng Lâm về làm phó đoàn kinh tế sinh sản tự túc. Tôi rất mừng vì có người gánh vác bớt công việc. Anh Phạm Đăng Lâm trước đã làm trưởng văn phòng chi đội, trung đoàn, nên giao cho anh trực ngồi tại văn phòng để giải quyết các vấn đề và giải quyết đời sống (cơm, áo, gạo, tiền), còn chi tiêu bất thường thì anh không quyết định chi. Công việc của Đoàn kinh tế sản xuất tự túc lắm chuyện theo từng ngành khác nhau, giải quyết việc này xong, vài ngày sau phát sinh chuyện khác, từ cơ sở sản xuất trà ở Bình Lý, qua lò đường ông Hai Cảm ở An Nhơn Tây rồi qua trại sản xuất của ông Mười Xây ở Trung Lập, trại sản xuất ông Ba Mộc ở Nhuận Đức... Tất cả những cơ sở này, anh em tận tâm tận lực cùng nhau lo lắng nên tôi cũng rất yên tâm. Vì lúc này có anh Phạm Đăng Lâm trực ở nhà giải quyết tất cả mọi sự việc, chỉ có trường hợp nào mới nảy sinh ra khó giải quyết anh mới chờ tôi về hoặc cho liên lạc đến tôi xin ý kiến giải quyết. Sau khi lo xong và phân công trách nhiệm xong cho các đơn vị rồi, tôi bắt đầu đi xuống giồng Ông Hòa ở Đức Hòa lo giải quyết các đội mua bán. Tôi cho họp tất cả anh em lại tổ chức thành 2 đội bổ sung thêm cho đủ người để lo việc mua bán. Vốn liếng và chỉ tiêu mọi việc đều đưa ra công khai bàn bạc dân chủ, anh em tự lựa chọn người mà anh em đã tín nhiệm bầu lên để giữ tài chính và giải quyết đời sống ăn, ở của anh em. Trong số anh em có người rành việc này, người biết chuyện nọ, anh em mình thì đông nhưng tập trung chỉ có 4 người am hiểu được công việc là: anh Bảy Sến, anh Minh, chị Năm Chói, và chị Là.


Tôi đến lò đường chỗ chị Chuyên, nơi cháu tôi là Kê quản lý để xem coi việc làm của nó lúc này ra sao, vì lúc đầu tôi chỉ đưa cho nó có 200 đồng. Chỉ có 15 ngày mà nó đã phục hồi thêm một lò đường nữa, và mượn một căn nhà của dân để làm bột mì, vì bên kia bờ sông dân trồng rất nhiều khoai mì phải làm bột mới tiêu thụ hết được. Bên đó họ đồng ý bán khoai mì cho mình để làm bột. Có một số người biết cách làm bột tình nguyện giúp đỡ chỉ dẫn mình cách thức làm, đồng thời ủng hộ cho mượn các thứ đồ dùng để làm ra bột như lu, hũ, khạp, và nia hay đệm để phơi bột, còn bao đựng bột khô thì mình cho người xuống mua ở Chợ Lớn. Khi bột đã được phơi khô và vô bao rồi thì cho người chở xuống Chợ Lớn bán. Hai chuyến hàng đầu mình bán giá quá rẻ, nên con buôn họ tranh nhau lên đến tận nơi sản xuất để mua hàng, cần nói thêm là chị Mai Thị Chuyên biết thằng Kê là cháu tôi, nên tất cả tiền bán đường chị đều lo tập trung cho nó để có vốn phát triển sản xuất. Chị Chuyên cũng lo hết mình cho việc chung. Chị lặn lội tìm mua mía khắp làng này qua làng khác để có đủ mía phục vụ cho sản xuất, không lúc nào lò đường bị ngưng trệ, còn phần đường và trà chở xuống chợ Mỹ An bán lúc đầu bán hơi chậm, nhưng nhờ anh em mình khôn khéo giao tiếp chào hàng, nên sau đó khách hàng luôn luôn chờ sẵn. Khi ghe hàng mình đến là có khách mua ngay. Bán xong lấy tiền đó thu mua heo trong vài ngày thì đầy ghe, vì ghe nhỏ nên chứa khoảng 50 con là đầy, khi trở về gần đến lộ số 10 về Đức Hòa thì ghe không thể đi được mà phải lùa heo đi bộ băng qua con lộ số 10, vòng qua Mỹ Hạnh, giồng Ông Hòa thì có thương lái heo chực sẵn ở đó tranh nhau mua. Số lượng mỗi người có thể mua từ 30 con đến 50 con tùy theo phương tiện chuyên chở của họ, họ giao cho các lò mổ ở Sài Gòn, nhất là giao cho lò mổ ở Hóc Môn và lò mổ ở Gò Vấp. Yêu cầu tiêu thụ cao, nhưng các đoàn thu mua của ta không đủ heo cung cấp cho họ. Do đó mà nhân dân đồn rằng quân của Sáu Hoa làm ăn có thời, bán hàng chạy như tôm tươi, mà số tiền lời cũng nhiều, có khi lời 20% và có khi lời đến 40% tùy theo chuyến hàng về mà giá cả thị trường quyết định lời nhiều hay ít. Tiếng lành đồn xa. Một hôm tôi ra Đức Hòa đi trên đường Hòa Khánh, gặp anh Năm Truyện, Chính trị viên Trung đoàn 308. Bắt tay chào hỏi rồi đi, nhưng tôi đi được khoảng chừng 15m, thì anh Năm Truyện gọi tôi lại. Anh Năm Truyện bảo rằng: Ban kinh tế của Trung đoàn 312 lúc này hoạt động lấn qua vùng hoạt động của Trung đoàn 308. Tôi thưa với anh Năm Truyện: “Anh thông cảm vì nhân dân ở đây kêu ca mía họ đã trổ cờ hết rồi mà không giải quyết tiêu thụ số mía này thì nhân dân phải chịu chết đói vì cuộc sống của họ chỉ trông vào số mía nói trên, cho nên tôi thực hiện tạm thời để giải quyết cho dân”. Anh Năm Truyện nghe tôi trình bày rõ ràng như vậy, anh mới đồng ý mà còn động viên tôi cố gắng giải quyết cho tốt mía của đồng bào, anh vỗ vai chúc sức khỏe tôi, chúc tôi hoàn thành tốt công việc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 08:16:09 pm »

Một lần anh Tám Cảnh (là anh của Huỳnh Văn Một) làm trưởng công an huyện Đức Hòa, than phiền tôi: Ban đêm cho nhân viên lùa heo qua đường số 10 dùng đèn pin rọi theo đường làm cho dân lo sợ, họ tưởng là giặc vào, chú Hoa phải bảo anh em đừng rọi đèn khi qua đường nữa, vì ý kiến phản ảnh của dân nên công an huyện báo lại anh em mình để thực hiện tốt hơn. Nếu ban đêm mình không thấy để heo đi lạc thì sáng mai mình đi tìm, ở đó không có ai bắt heo của mình đâu mà lo, còn một việc nữa là các trạm gác họ báo cáo lên cấp trên là vùng Đồng Tháp là vùng giải phóng, khu vực cấm địa mà các nhân viên kinh tế sinh sản của Trung đoàn 312 đi lại quá đông, các trạm gác xét giấy tờ toàn là giấy tờ của Đoàn kinh tế sinh sản tự túc của Trung đoàn 312 mà người ký tên là trưởng đoàn Võ Văn Hoa.


Trong quá trình hoạt động cách mạng tôi có bị địch bắt giam cầm ở bót Catina, dưới những chiếc sa-lan ở bên xóm Chiếu quận 4 bây giờ (nhân dân lúc đó họ gọi là salan cộng sản) rồi về khám lớn chờ ngày xét xử. Do tôi quen biết nhiều đồng chí ở các tỉnh cũng bị bắt giam chung với mình nên tên họ của mình các đồng chí đó biết rất rõ. Vấn đề thứ hai là nhờ chị Mười Thập, nếu ai đứng ra ngăn cản mà chị biết thì chị nói một tiếng là tất cả đều phải êm re chấp hành lệnh của chị. Vì thật ra mà nói miền Đông rất gian khổ, thiếu ăn thiếu đủ mọi phương diện, cho nên Đoàn kinh tế sinh sản tự túc giải quyết được những khó khăn cho nhân dân, làm kinh tế nuôi bộ đội để đánh giặc là một việc làm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng.


Tiếng là mua heo, trâu, bò tiếp tế, nhưng thực chất là mua bán kiếm lời để sử dụng vào nhiều việc nuôi dưỡng bộ đội. Cho nên anh em trong các đơn vị từ cán bộ đến chiến sĩ chưa hề ăn được một miếng thịt, chỉ trừ những ngày lễ hoặc ngày Tết nguyên đán, còn quanh năm suốt tháng ngày này sang ngày nọ thỉnh thoảng mới được ăn khô cá sặt, khô cá kèo, hoặc mắm ruốc, còn nói chung là ăn “thịt cọp” (thịt cọp là muối đâm với ớt nghe “cọp cọp”, gọi là ăn thịt cọp cho vui để ấn cho ngon cơm).


Trâu, bò ở Hóc Môn, Củ Chi, Đức Hòa lần lần cạn kiệt không đủ cung cấp cho thương lái. Tôi nghe anh em báo là ở bên Cam-pu-chia có chợ chuyên môn bán trâu, bò. Nhưng họ nhóm chợ vào ngày thứ năm và ngày chủ nhật. Tôi liền đi qua đó để thăm dò trước rồi về bố trí 1 tiểu đội có vũ trang theo tôi qua Cam-pu-chia mua bán với anh em Khơ-me. Việc mua bán giữa mình và anh em Khơ-me cũng dễ dàng. Bắt đầu từ đó tôi mua trâu, bò đem về rất nhiều. Trâu thì cho ăn đồng bưng có nước, còn bò thì cho ăn những cánh đồng gò ở xã Tân Phú Trung, cho nên nhân dân thấy bầy trâu, bò nào mà nhiều thì họ nói là trâu, bò của Đoàn kinh tế của ông Sáu Hoa. Trâu, bò thả như vậy nhưng thương lái muốn mua thì cứ đến ấp Đồn xã Tân Thới Nhì thì biết rõ trâu, bò về chưa và nhiều hay ít cứ liên lạc nơi đây là rõ. Mỗi kỳ trâu bò về tôi cho anh em chọn loại tốt để mình sử dụng. Qua nhiều đợt, chúng tôi chọn được 18 con trâu và 4 con bò tốt, khỏe để làm ruộng. Số ruộng ở Giồng Lớn, làm ruộng nước kết quả không nhiều. Nhờ qua lại buôn bán ở Cam-pu-chia, tôi được tin là ở Ba Thu có một sở ruộng rất lớn của một chủ đồn điền, sau Cách mạng Tháng Tám bỏ chạy về Sài Gòn. Tôi tìm đến xem, đúng là đất màu mỡ, chia thành từng ô thẳng tắp, mỗi ô 1 mẫu. Tôi đến gặp chính quyền xin nhận số đất ruộng trên để sản xuất nuôi bộ đội. Địa phương đồng ý và làm giấy bàn giao, tôi ký nhận. Tôi về tổ chức đưa anh em lên ngay chuẩn bị trang trại để ở và triển khai sản xuất.


Vào tháng 3 năm 1948, tôi nhận được thư của anh Ba Tô Ký mời về gấp để dự hội nghị cán bộ Trung đoàn 312. Hội nghị bàn 2 vấn đề lớn:

1. Lo cung cấp tiền bạc theo đúng yêu cầu của các ban ngành và bộ đội.

2. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho đại hội “rèn cán chỉnh quân”.


Về yêu cầu cung cấp, hàng tháng phải cung cấp cho các bộ phận như: Bộ phận vũ khí của ông Chín Nghé 10.000 đồng để tìm mua nguyên vật liệu... để chữa vũ khí và “rờ-sạt” đạn dược, còn phần nào chuyển lên binh công xưởng ở Tây Ninh. Bộ phận quân y xá để mua thuốc men, bông băng, nhất là thuốc Ampi 3.000 đồng. Tiền mua gạo của đồng bào Phú Hòa Đông 3.000 đồng. Tiền mua vải 2.000 đồng. (Số tiền trên là tiền Đông Dương dùng ở vùng địch kiểm soát). Việc quan hệ mua bán trong nội thành do 2 bộ phận đường dây lo: Đường Thủ Dầu Một do anh Út Minh và chị Năm Mễ. Đường Sài Gòn do chị Năm Kỉnh và anh Đầy. Ngoài việc mua bán còn có nhiệm vụ giao nhận tin tức thư từ... của gia đình cán bộ chiến sĩ và nhận sự ủng hộ của đồng bào gởi ra chiến khu như vải, thuốc men...


Về chuẩn bị cho đại hội rèn cán chỉnh quân, phải có gạo và thức ăn cho độ 1.000 quân, về gạo giao cho anh Mười Đức lo. Tiền ăn: mỗi người 1 ngày ăn 8 đồng thì đến văn phòng Đoàn kinh tế sinh sản nhận. Theo anh Tô Ký trình bày trước cuộc họp là luyện tập, thảo luận quân sự và chính trị. Qua cuộc thi đua rèn luyện đế chuẩn bị thành lập 8 đại đội, tinh chế và chỉnh đốn tổ chức. Thành lập lại 2 tiểu đoàn 934, 935 hết 6 đại đội. Còn 2 đại đội: 1 đại đội do anh Bảy Tuội đại đội trưởng, nhiệm vụ đưa đường và ủng hộ đoàn áp tải gạo từ kinh 3 về, 1 đại đội do anh Năm Hương đại đội trưởng, nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa hộ tông đưa đoàn xe chở lương thực, thực phẩm từ căn cứ lên bình công xưởng ở Tây Ninh.


Trong cuộc họp, nhiều ý kiến phát biểu, tình hình ngày càng khó khăn hơn. Quân số đông, độ 1.200 người gồm các đơn vị chiến đấu và các ban ngành, hai trường đào tạo là Trường thiếu sinh quân và lớp huấn luyện đào tạo cán bộ do anh Thung làm chủ nhiệm. Ngoài ra quân số còn rất đông mà không có công tác gì cả, nhưng cũng phải cung cấp hàng tháng. Anh Ba Tô Ký hứa là sẽ giải quyết, anh chị em muốn về thì giới thiệu về địa phương, còn ai muốn ở lại công tác gì giao cho Đoàn sinh sản.


Xong cuộc họp tôi về bàn với anh Phạm Đăng Lâm, phân công anh trông coi cơ sở sản xuất trà, lò đường, 2 trại sản xuất (làm ruộng). Còn tôi phải xuống Đức Hòa, Đồng Tháp để lo công việc sản xuất, mua bán và giải quyết một số công việc như trâu bò ăn lúa của dân, nhân dân kêu ca bờ ruộng bị sạt lở, chính quyền địa phương có ý kiên tìm cách khắc phục. Lúc bây giờ trong đoàn của tôi có 3 đại đội trưởng, ngoài tôi còn có anh Võ Văn Năm (thường gọi là Năm Già), anh Hứa Văn Minh. Ba chúng tôi rất lo, tìm cách giải quyết việc trâu bò ăn lúa và đi làm sạt lở bờ ruộng. Chúng tôi đặt dân làm một số giỏ để chụp vào mồm trâu, bò để khi lùa đi ngang qua những ruộng lúa thì không còn ăn lúa được nữa. Từ đó trở đi khi đi mua trâu phải mang theo giỏ buộc mồm trâu, bò để khỏi ăn lúa làm hư hại mùa màng của dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 08:16:43 pm »

Khi chúng tôi mua được nhiều trâu, bò đưa về, trâu thì thả rong dưới đồng bưng ở xã Tân Phú Trung, còn bò thì bán tại Giồng Ông Hòa xã Mỹ Hạnh. Thương lái thường qua lại tại ấp Đồn thuộc xã Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn và một số thương lái người Hoa ở lò mổ Gò Vấp cũng thường đến. Tôi làm ăn quan hệ rất tốt với nhân dân địa phương, nên dân ở ấp Đồn rất ủng hộ và giữ bí mật để bảo vệ tài sản của cách mạng, nếu địch biết được thì sẽ bị mất trắng. Tôi cũng thường xuyên úy lạo cho anh em và cũng đóng thuế cho địa phương một số ít để tượng trưng. Có lần tôi gặp chị Năm Bi, chị bảo sao làm công tác lấy tiền nuôi quân mà lại đóng thuế? Tôi cười và nói với chị Năm Bi rằng: Một vài chục đồng mà xong việc, hơn là không? Lúc này có anh Thanh ở trong đơn vị, người quê tỉnh Rạch Giá, nghe tin và báo cho tôi biết là lúa trong nhân dân tỉnh Rạch Giá còn rất nhiều mà không có nơi tiêu thụ. Tôi bàn với anh Thanh, chị Năm Chói tổ chức thu mua rồi cho chở về tiêu thụ ở nhà máy xay lúa của Nam Long ở Chợ Lớn. Anh Thanh, chị Chói đồng ý và chị Năm Chói quyết tâm đi làm việc này mặc dù việc làm này đầy khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng. Bàn xong, sẵn trong cặp có giấy giới thiệu mà anh Ba Tô Ký đã ký sẵn, tôi điền vào giấy giới thiệu anh Thanh và chị Chói để đi đến Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Rạch Giá xin liên hệ mua lúa trong nhân dân. Tỉnh đồng ý cho dân bán để tiếp tế cho miền Đông. Mọi việc đều xong, tiền “xanh” ngoài thành có bao nhiêu thì trả, còn thiếu lại bao nhiêu thì trả “đỏ” là tiền Cụ Hồ xài trong vùng kháng chiến. Anh Thanh và chị Năm Chói đi tìm đến chủ tàu Nguyễn Văn Kiệu để làm bình phong chuyên chở lúa đem về bán cho nhà máy lúa của Nam Long. Ông chủ tàu biết chở lúa cho Việt Minh nhưng vẫn làm, tàu của ông chuyên chở hàng mướn cho nên công việc cũng trôi chảy. Đây là công lao của chị Năm Chói. Chị Năm Chói làm ra tiền rất nhiều cho Đoàn kinh tế sản xuất để lo cho Trung đoàn 312.


Xuống Đức Hòa, Đồng Tháp để lo giải quyết việc buôn bán, lò đường, và vấn đề mua mía của nhân dân xong rồi, tôi trở lên Ba Thu khảo sát kiểm tra kỹ lại ruộng xem nơi nào tốt xấu. Tôi lựa được khoảng 40 mẫu ruộng tốt bàn giao cho anh em lo chuẩn bị giống má, phương tiện chuẩn bị làm mùa. Tiếp đó, tôi dẫn một đoàn sang Cam-pu-chia mua trâu, bò đem về bán cho Hóc Môn và Gò Vấp.


Đến khoảng năm 1951, ở Khu 5 An Nhơn Tây tình hình không được ổn định. Lúc bấy giờ có sự chỉ đạo ở trên là thành lập liên tỉnh lấy tên là “Gia Định Ninh”. Anh Ba Tô Ký làm tỉnh đội trưởng, anh Đào Sơn Tây làm tỉnh đội phó, anh Năm Truyện làm chính trị viên, anh Nguyễn Chí Sinh làm tham mưu trưởng, anh Phạm Đăng Lâm về làm trưởng văn phòng tỉnh đội. Một thời gian sau đó, do yêu cầu tình hình mới, cấp trên bố trí lại, anh Ba Tô Ký làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh đội Gia Định Ninh. Lúc đó Tỉnh ủy và các ban ngành của tỉnh được lệnh rút về đóng quân tại xã Long Nguyên thuộc huyện Bến Cát. Khi đến Long Nguyên, tôi được anh Ba Tô Ký quyết định tôi làm trưởng tiểu ban quân nhu tài chính, anh Nguyễn Văn Giáo ở Trung đoàn 308 được phân công về làm phó ban, bộ phận II của quân nhu và tài chính về đóng ở Đức Hòa Thành, cho nên quyết định tôi kiêm luôn trưởng ban quản trị của nông trường B. Anh Hai Bào làm huyện đội trưởng huyện Đức Hòa. Hai Bào có khả năng lãnh đạo quân đội và dân quân Đức Hòa, rất có lợi cho việc vận chuyển áp tải lương thực, thực phẩm lên tận Long Nguyên. Lúc bấy giờ không chỉ lo cho quân đội mà là cho dân quân chính, vì Tỉnh ủy cũng lên đó.


Lúc này tôi xuống Đức Hòa, phân công anh Nguyễn Văn Giáo, phó ban làm nhiệm vụ thu thuế nông nghiệp và lo xay lúa cấp cho các đơn vị. Đơn vị đại đội cũ của trung đoàn thì ở lại địa phương để hoạt động, đại đội thương bệnh binh thì tập trung về ở Đức Hòa. Còn binh công xưởng thì do anh Tư Nhân và anh Tám Tác phụ trách đóng ở tại Giồng Nhỏ, quân số lúc đó khoảng 40 đến 50 người chuyên lo sản xuất súng và đạn dược, chuẩn bị gạo để áp tải lên Long Nguyên... Tôi còn tiếp nhận một số anh em nhân viên trước công tác ở Ban quân nhu và sản xuất của Trung đoàn 308 chuyển qua. Lúc này quân số của đơn vị tôi lên đến khoảng 350 người, nên tôi bố trí cho tất cả những anh em này về sản xuất tại nông trường. Bộ phận của anh Nguyễn Văn Giáo, phó ban đóng trụ sở tại Kênh Ba Ren, còn bộ phận của tôi lên đóng trụ sở tại Ba Thu. Anh Giáo làm việc rất siêng năng, rất tôn trọng nguyên tắc cấp phát tiền bạc, lương thực, thực phẩm và mọi thứ cần thiết mà Ban quân nhu và tài chính lo được. Hàng tuần anh đều đến gặp tôi để báo cáo và xin ý kiến giải quyết những vấn đề khó khăn. Ví dụ như những anh em huyện ủy viên của huyện Hóc Môn và một số chị em phụ nữ của tỉnh họ bám trụ sống ở nhà dân nhưng dân lúc đó quá nghèo chỉ giúp đỡ một phần nào, anh chị em bị thiếu thốn không đủ sống, nên thường xuyên anh chị em có đến Ban quân nhu, Ban tài chính xin cung cấp. Tôi bảo anh Giáo rằng tuy anh chị em đó không phải là bộ đội, nhưng anh cứ cung cấp cho họ, rồi anh nhớ ghi họ, tên, chức vụ của họ thuộc đơn vị nào là được rồi.


Thỉnh thoảng có một đoàn cán bộ Nam tiến, anh Nguyễn Chí Sinh tham mưu trưởng Gia Định Ninh giới thiệu qua tôi giải quyết cung cấp nóp, chăn mền, gạo, thực phẩm và cả tiền bạc nữa, rồi bố trí người đưa anh em đi các tỉnh miền Tây, vì anh em cán bộ ở miền Bắc mới vào không biết đường.


Tỉnh đội rút đi nhưng còn một bộ phận ở lại xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng. Số anh em trụ lại đó gồm có anh Đào Sơn Tây, Tỉnh đội phó, anh Nguyễn Chí Sinh, Tham mưu trưởng và một số anh em cán bộ Ban tham mưu. Anh Nguyễn Chí Sinh làm việc rất tích cực và luôn luôn vui vẻ. Anh thường xuống các huyện Trảng Bàng, Hóc Môn và Đức Hòa để gặp ban chỉ huy của huyện làm việc. Mỗi lần đi xuống các huyện làm việc anh đều ghé qua tôi hỏi thăm công việc làm ăn của Ban quân nhu tài chính lúc này ra sao? Công tác có trôi chảy không và làm ăn buôn bán có hiệu quả không?


Công việc ngày càng nhiều, nào lo quân nhu, sản xuất, mua bán trâu, bò, heo... Việc nào tôi cũng đều phải ráng lo cho chu toàn, và thường xuyên đi kiểm tra tiền bạc lời lỗ bao nhiêu, giải quyết các việc phát sinh mới. Lúc bấy giờ các bộ phận cũ ở An Nhơn Tây không còn nữa mà phân tán. Công việc sản xuất đường vẫn tiếp tục trôi chảy không có gì thay đổi, lúc này có thêm các anh Võ Văn Năm và Hứa Văn Minh cũng đều là đại đội trưởng cùng lo mọi việc với tôi. Tôi trở về Ba Thu để chuẩn bị phân công sắp xếp lại, phân ra làm 3 trại sản xuất, mỗi trại có 8 người lo ruộng rẫy, và bộ phận 15 người xay lúa gạo chuẩn bị gạo sẵn sàng đưa về căn cứ tỉnh đội ở Long Nguyên. Bộ phận công tác tại Ban quân nhu gồm có 30 người, làm mọi việc vận chuyển lúa gạo thực phẩm và cất giấu từ Ba Thu về xã Long Nguyên. Bộ phận này do quân nhu cung cấp nuôi dưỡng. Ngoài ra các ban ngành khác đều phải tự túc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2021, 08:17:12 pm »

Có những việc cần nói thêm:

Có một người lớn tuổi đến xin làm việc phục vụ cách mạng anh tên là Mười Đối ở xã Bà Điểm huyện Hóc Môn. Anh nghe tôi về sản xuất ở vùng này, đi tìm mấy ngày nay mới gặp được. Khi đi anh chỉ mang theo cái túi quần áo, một cây gậy với cái nón lá. Tôi nói với anh Mười Đối là anh lớn tuổi rồi, ở đây với anh em, cách mạng nuôi anh cũng được, nhưng anh lại trả lời lớn tuổi thì mình làm những công việc nhẹ nhàng hơn, các em còn trai tráng, làm việc gì góp công góp sức phục vụ cho kháng chiến chống giặc ngoại xâm thì cũng tốt thôi. Anh tận tụy làm việc, ăn nói mực thước đàng hoàng, cho nên tất cả anh em đều cảm mến anh. Năm bảy ngày sau, anh em hỏi thăm anh thời gian trước anh có tham gia kháng chiến không? Rất chân thành anh nói là anh đã làm bí thư đầu tiên hồi năm 1930 ở xã Tân Thới Nhứt huyện Hóc Môn, đến năm 1948-1950 tình hình quá căng cơ sở của anh bị mất, phải tạm nghỉ. Được tin có bộ phận sản xuất ở đây, anh tìm đến xin việc.


Một hôm trời trưa nắng chói chang mà có một người lội từ Cóc Rinh, Tho Mo đến Ba Thu gặp tôi. Ai ngờ người đó là anh Phạm Ngọc Thạch. Anh đi từ sáng sớm bây giờ mới đến. Anh bảo rằng: các bác sĩ ở nội thành Sài Gòn có đóng góp tiền ủng hộ cho kháng chiến được 3.000 đồng (tiền Đông Dương), anh đưa cho tôi bảo tôi nhận số tiền ủng hộ này. Thật là một việc làm rất hiếm có. Rồi anh ở lại trại sản xuất ăn cơm trưa với anh em, thức ăn lúc đó chỉ có bông súng, rau lá hẹ ngoài ruộng và mắm kho. Cơm nước xong, anh nằm nghỉ đến 1 giờ 30 rồi về. Trong chuyến vận chuyền lương thực, thực phẩm lần này có cả anh Hai Bào và tôi cùng đi với lực lượng áp tải đưa hàng từ Đức Hòa lên căn cứ xã Long Nguyên, tôi mang theo 3.000 đồng của anh Phạm Ngọc Thạch giao lại cho anh Ba Tô Ký.


Việc cày cấy 40 mẫu lúa ở Đức Hòa đã xong, tôi nghe anh em báo cho biết vùng đất ở Tân Lập làm lúa sạ chạy nước rất tốt, nên tôi đi cùng hai cán bộ qua đó xem, thấy đất đai rất màu mỡ có thể làm ăn tốt. Nhưng đã có nhiều bộ phận sanh sản tự túc của các tỉnh đội miền Tây làm rồi. Nên tôi cùng anh em đo đạc được 40 mẫu, cắm nọc làm ranh giới và ghi bản nhận số đất này là đất của Tỉnh đội Gia Định Ninh. Khi thu hoạch vụ mùa xong, vào khoảng tháng 12 tôi cho tập trung một số anh em lùa trâu di chuyển lên Tân Lập cày đất mới, đến tháng 3 trời đổ mưa tôi cho bừa sạch trở lại. Khi bừa xong thì trời bắt đầu mưa hơi khá nước, tôi cho sạ lúa, gọi là “sạ lúa chạy nước” nghĩa là nước lên cao bao nhiêu thì lúa cũng phát triển theo nước bấy nhiêu. Nơi đây, chuột quá nhiều, nên tôi phải ở lại đó tổ chức bắt diệt chuột. Ban đêm anh em đi ruộng đập chuột mang về ăn không hết rồi bỏ, thấy tiếc quá. Tôi bảo anh em cứ chặt đầu, lột da, ngâm muối rồi đem phơi khô, làm lương khô ăn rất ngon.


Công việc nhiều, các bộ phận rải rác nhiều nơi rất khó khăn trong việc điều chỉnh quân số, có nơi thì thiếu người làm, có nơi thì thừa người, số chị em phụ nữ rất đông mà rút đi thì gặp khó khăn nên phải làm công tác tư tưởng từng người. Tôi tìm mọi cách vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.


Đến tháng 2 năm 1952, anh Ba Tô Ký được lệnh của Trung ương gọi đi ra Bắc. Anh có gọi tôi và anh Hai Bào về gặp để bàn công việc và giao nhiệm vụ trong thời gian anh đi vắng. Anh nói lên những câu tạm từ giã để ra đi mang theo bao nhiêu thương nhớ trong lúc chia tay.


Tôi lo việc cấp phát lương thực, thực phẩm cho các ban ngành đóng ở Long Nguyên, Đức Hòa, việc sản xuất và các cơ sở sản xuất đường cũng như mua bán trâu, bò, heo. Nói chung công việc lúc này đã được sắp xếp đi vào nề nếp, mua bán hoàn toàn tự lực, về ruộng đồng thì vụ mùa nào làm theo vụ mùa đó. Khó khăn nhất là lúc đến mùa lúa chín phải cho người về huyện Đức Hòa tìm bà con nghèo chuyên gặt lúa mướn lên gặt. Còn lúa sạ cắt bó thành từng bó chất đống rồi cho xe trâu đến kéo đem về bãi để đạp ra lúa. Lúa phải phơi thật khô rồi đem cất giấu thật kỹ. Việc cất giấu lúa không phải là dễ dàng, tìm cách chống ẩm mốc, chống tai mắt của địch... Ngoài ra anh em còn phải trồng thêm rau để cải thiện.


Đến mùa khô, mùa đìa, ngòi rạch, tổ chức anh em tát nước, bắt cá làm mắm, làm khô để ăn quanh năm, và một phần cá khô sặt gởi về căn cứ ở Long Nguyên.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định đình chiến được ký, lực lượng ta tập kết ra Bắc. Lệnh trên bảo tôi phải giao hết tài sản, trâu, bò, ruộng cấy (40 mẫu) và lúa sạ (40 mẫu) lúa tốt. Lúa gạo và hàng chục máy may, đèn măng-sông giao cho địa phương xã, huyện. Còn trâu bò (13 con trâu và 4 con bò rất đẹp), xe cộ giao lại cho hội nông dân xã Ba Thu. Tôi mời ủy ban xã, hội nông dân làm biên bản bàn giao. Giao xong, tôi lo chuyển anh em tập trung xuống Cao Lãnh để đi tập kết ra miền Bắc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM