Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:16:35 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tản mạn chuyện binh nghiệp  (Đọc 13592 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2021, 07:19:53 pm »

Người giữ kho vàng của Chính phủ


Chuẩn bị kháng chiến toàn quốc, Đảng và Chính phủ ta chủ trương sơ tán các cơ quan lên chiến khu. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao phụ trách công tác di chuyển. Ông báo cáo với Trung ương đề nghị giao cho bà Lê Thị Thanh cất giấu số vàng của Chính phủ, thu được một phần từ nhân dân đóng góp và các nguồn khác. Số vàng tuy nhỏ nhưng là tài sản quốc gia, lại không phải dễ dàng cất giấu trong điều kiện mật thám, Việt gian nhan nhản khắp nơi. Được giao nhiệm vụ, bà Lê Thị Thanh tính toán các phương án, sau đó báo cáo với đồng chí Nguyễn Lương Bằng cụ thể về địa điểm cất giấu, kế hoạch bảo vệ, cách nguỵ trang sao cho ngay cả những người thực hiện cũng không biết... Suốt quá trình kháng chiến, số tài sản đó vẫn được cất giấu an toàn. Và bà đã trao lại cho Chính phủ sau ngày kháng chiến thắng lợi. Để ghi nhớ sự việc này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã gọi bà là "Con người kim cương".

Văn Bái (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2021, 07:20:21 pm »

Nhà xuất bản Quân du kích


Nhà xuất bản Quân du kích thuộc Cục Dân quân hoạt động từ cuối năm 1948 đến cuối năm 1950.

Nhà xuất bản Quân du kích đã xuất bản hàng trăm đầu sách tổng cộng 61.265 bản với 2.687.700 trang sách gồm hai loại:

- Loại nghiên cứu huấn luyện.

- Loại truyện và bài hát phổ thộng về dân quân.

Năm 1950, Nhà xuất bản Quân du kích đã xuất bản một ấn phẩm đặc biệt: Tuyển tập Sức mạnh dân quân dày 277 trang, 2.100 bản trên giấy dó lụa và 400 bản in trên giấy trắng đặc biệt. Bìa do hoạ sĩ Trần Văn Cẩn trình bày. Mục đích của việc xuất bản ấn phẩm đặc biệt này là để đánh dấu giai đoạn tích cực chuyển mạnh sang tổng phản công. Lí do ra đời của cuốn sách còn là "kể từ tiếng súng kháng chiến nổ ở Nam Bộ, rồi vang khắp toàn quốc, phong trào dân quân ngày càng mạnh mẽ rộng lớn. Người dân võ trang chống giặc đã đóng một vai trò quan trọng và trở nên hình ảnh chiến đấu vĩ đại. Song chúng ta chưa có dịp nào ghi lại hình ảnh thần thánh ấy một cách đầy đủ với muôn vàn màu sắc và tất cả bề cao và chiều rộng của nó”. Tuyển tập Sức mạnh dân quân do nhà in Quân du kích in xong ngày 19 tháng 5 năm 1950 để kỉ niệm lần thứ 60 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Số lượng in có hạn và phát hành các đầu sách của Nhà xuất bản Quân du kích ít nhất là 400 bản như cuốn Dân quân đánh giặc, nhiều nhất là 8000 bản như cuốn Dân quân làm địch vận. So vớ yêu cầu của phong trào thì số lượng đó chưa phải là nhiều, nhưng sự cố gắng của những người viết, soạn, vẽ và cán bộ nhân viên nhà in là rất lớn. Máy in, mực in, chữ chì... phải hàng tạ, được "móc" ra từ trong Hà Nội bị địch chiếm đóng và kiểm soát gắt gao, nhờ hệ thống tiếp liệu, phát hành của Nhà xuất bản Quân du kích và sự hỗ trợ của anh chị em du kích từ vùng địch ra.


Lê Chung (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2021, 07:20:53 pm »

Nhịn cho Tây ăn


Cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Chủ nhiệm chính trị mặt trận không đi đâu được. Các đơn vị gọi điện thoại đến thỉnh thị luôn. Có một lần, đồng chí nghe giọng nói quen quen và nhận ra tiếng đồng chí Chính uỷ Đại đoàn 312:

- Báo cáo anh, tù binh đông quá. Gạo dự trữ của Đại đoàn không đủ cho bộ đội ta và cho tù binh mỗi suất 100 gam.

- Cứ nấu hết gạo cho tù binh ăn no.

- Còn bộ đội?

- Động viên anh em nhịn ăn một bữa. Những người chiến thắng chúng ta hãy tỏ ra nhân đạo đối với các tù binh. Tôi sẽ ra lệnh điều gạo lên chỗ các anh ngay.


Văn Tâm (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2021, 07:21:18 pm »

Những nắm cơm tình nghĩa của người dân bản Pài


Để chuẩn bị lực lượng cán bộ lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thắng lợi, Đảng ta chủ trương tổ chức cho các đồng chí cán bộ cách mạng đang bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc vượt ngục. Đoàn cán bộ cách mạng ở nhà ngục Sơn La, sau khi vượt ngục thành công, nhận được lệnh trên phải về ngay căn cứ nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi, Đoàn bị kẻ địch truy lùng gắt gao. Đến Thái Nguyên, Đoàn phải lánh lên một nương xa của nhân dân bản Pài để tránh giặc. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày trôi qua, lương thực và nước uống đã cạn mà địch vẫn bổ vây tứ phía. Đói khát hành hạ, Chi uỷ hội ý để cho cán bộ trong Đoàn được sử dụng những quả dưa Mán trên nương, mà đồng bào bản Pài khi dẫn Đoàn đi tạm lánh đã đồng ý cho. Đến đêm ngày thứ năm, đồng chí nhận nhiệm vụ canh gác dẫn về một chị người Mán. Cả đoàn mừng rỡ xô lại hỏi thăm tin tức. Chị người Mán mệt mỏi, ngồi xuống nói trong hơi thở:

- Các đồng chí ơi, dân làng lo cho các đồng chí quá!

Hai tay run run, chị lấy trong cái túi lưới sau lưng ra nắm cơm lạnh ngắt, khô cứng và nói:

- Các đồng chí ơi, quan châu, quan đồn nó lấy hết gạo rồi, nhưng người làng vẫn bảo nhau giấu đi một ít để mang cho các đồng chí ăn. Chắc các đồng chí đói lắm rồi.

Chia nhau những nắm cơm tình nghĩa của bà con bản Pài gửi cho, Đoàn cán bộ cách mạng hết sức cảm động. Họ thầm hứa sẽ tìm mọi cách nhanh chóng về đến căn cứ nhận nhiệm vụ, rồi lãnh đạo, tổ chức toàn dân đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi.


T.v. (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2021, 07:28:13 pm »

   
Ông già cũng sẵn sàng quyết... tử


Tại mặt trận Hà Nội một thời gian sau ngày 19-12-1946, địch chiếm các nhà máy nước cắt luôn nước vào khu vực chiến đấu; đồng thời có tin tất cả các giếng nước đã bị chúng cho tay sai bỏ thuốc độc. Tổ chiến đấu của bác sĩ Nguyễn Văn Thuyết nhận được chỉ thị phải kiểm tra lại nước giếng. Thật là nan giải, bởi vì việc kiểm tra nước phải có chuyên môn, phải có thuốc phản ứng, chí ít cũng phải có động vật như chó hoặc mèo để thử nghiệm nhưng lúc này không thể tìm được. Biết chuyện này, một ông già tìm đến và nói: "Các anh không phải lo nghĩ gì cả. Các anh cần phải sống để đánh đuổi thằng Tây, còn tôi, tôi già rồi, tôi không cầm được súng nữa, nhưng tôi sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tôi xin tình nguyện uống nước giếng trước xem lành dữ thế nào...". Không đợi anh em có ý kiến gì thêm, ông múc ngay một gầu nước lên, uống liển một hơi dài. Ông già lại nói tiếp: "Nếu tôi có mệnh hệ nào, tôi cũng hết sức mãn nguyện..". Ông trở lại với tổ tự vệ hơn 24 giờ sau vẫn không có triệu chứng ngộ độc. Một đồng chí tự vệ đã ôm chầm lấy ông, nói với ông giọng cảm động: "Bố ơi, bố đã giúp chúng con yên tâm... Bố cho chúng con biết tên và nhà ở để sau này, chúng con tìm thăm bố...". Ông già cười nói: "Các anh không mất công tìm gặp tôi làm gì, tôi ngụ ở đền Bạch Mã đấy. Thỉnh thoảng tôi sẽ đến thăm các anh. Bây giờ các anh cũng phải chú ý cho người gác giếng nước, phải đề phòng bọn chúng làm điều ác thực sự đấy...".

Tâm Đắc (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2021, 07:28:30 pm »

   Pháo binh muôn năm


   Không phải là lời động viên, cổ vũ có tính cách xã giao của một số ít người, mà trong chiến dịch Điện Biên Phủ nó đã trở thành tình cảm gắn bó thực sự, bằng máu thịt giữa bộ binh và pháo binh; cái cảnh trước đây "pháo đấm lưng bộ binh" không còn nữa, pháo binh chi viện bộ binh rất đúng lúc, kịp thời, chính xác nên nhiều đợt xung phong, bộ binh đã hô to khẩu hiệu: "Pháo binh muôn năm! Pháo binh vạn tuế".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2021, 07:29:09 pm »

   
Quân nhạc phục vụ Quốc khánh 2-9-1945


Ngày trọng đại nhất, ngày 2 tháng 9 lịch sử đã đến! Chúng tôi được vinh dự trực tiếp phục vụ buổi lễ trang trọng và thiêng liêng này. Ai cũng hồi hộp. Từ sáng sớm, cả đơn vị đã tề chỉnh trong trang phục soóc kaki vàng, đi giầy da, mũ calô có đính quân hiệu đi đều giữa dòng người, cờ hoa đổ về quảng trường Ba Đình. Đội hình dàn nhạc gồm 75 nhạc công chia làm 4 hàng ngang, kèn đồng sáng loáng, đứng cách nhau 15 mét đối diện với lễ đài, cùng rừng người, rừng cờ náo nức đón chào nhà nước công nông đầu tiên. Anh Đinh Ngọc Liên chỉ huy dàn nhạc tấu các bài ca cách mạng, mỗi bài được tấu lên lần đầu bằng kèn, đến lần thứ hai, các bè giai điệu bỏ kèn xuống, đồng thanh hát lời ca, làm cho không khí buổi lễ thêm sinh động. Đồng bào rất tán thưởng, nhiều người nhẩm miệng hát theo.


Khi Bác Hồ cùng Đoàn chủ tịch cuộc mít tinh tiến lên lễ đài, những chiếc kèn đồng dựng lên, tấu nhạc chào. Đã được nghe nói và ngưỡng mộ từ lâu, nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên chúng tôi được thấy Bác, đứng gần nên nhìn rất rõ. Bác gầy, quần áo kaki giản dị, đôi mắt sáng, vầng trán mênh mông và chòm râu hiền từ. Mọi người đều xúc động. Khi lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên, niềm xúc động của chúng tôi dồn hết vào âm thanh bài Quốc ca, âm vang khắp Quảng trường. Tất cả đểu ngưng đọng lại trong âm thanh hào hùng, trang nghiêm. Nghe như có tiếng gọi của hồn nước, tiếng thôi thúc những bước chân dồn dập của Xô viết Nghệ Tĩnh, của khởi nghĩa Bắc Sơn, của Cách mạng Tháng Tám oai hùng... Tiến lên! Cùng tiến lên! Nhịp điệu dồn lên cao trào, chúng tôi cảm thấy nhịp đập trái tim mình hoà vào nhịp đập của trái tim Tổ quốc.


   Đinh Ngọc Liên và Đinh Công Thuân
(Trích từ Hồi ký "Ra đời cùng Cách mạng tháng Tám ")
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2021, 07:29:30 pm »

   
Sáng kiến nhỏ, giá trị thực tiễn lớn


Câu thơ "Có những phút làm nên lịch sử" của nhà thơ Tố Hữu đúng với nhiều người có chung một ý thức tận tuỵ với công việc, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, đất nước. Riêng với trường hợp của người Tiểu đội trưởng nuôi quân Hoàng Cầm, ở đội điều trị thương binh Sư đoàn 308 trong chiến dịch Hoà Bình (10/12/1951 - 5/2/1952) thì phút "làm nên lịch sử" chính là cái phút anh nung nấu. Ý nghĩ phải làm ra một cái bếp sao cho không để có một chút khói, lửa, tránh máy bay địch phát hiện giúp chiến sĩ ta (trực tiếp là các đồng chí thương binh, bệnh binh) có thể ăn nóng uống nóng và được tắm nước nóng ngay trong quá trìn diễn ra chiến dịch. Thế là với nhiều buổi trưa không nghỉ, Hoàng Cầm một mình một xẻng trong khu rừng vắng, đào đào, xúc xúc làm ra cái bếp theo đúng ý nguyện của mình. Anh đâu có ngờ, sáng kiến tưởng như nhỏ bé của mình lại có giá trị thực tiễn lớn, đi vào lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của dân tộc. Nó trở thành bất tử khi "đi vào" Từ điển Bách khoa Quân sư Viêt Nam với mục từ: "Bếp Hoàng cầm. Bếp dã chiến đào dưới đất, đun bằng củi, không bị lộ lửa, tránh địch phát hiện, do Tiểu đội điều trị Sư đoàn 308 sáng tạo ra... Bếp Hoàng cầm được sử dụng trong chiến dịch Hoà Bình (1951-1952). Được cải tiến hoàn thiện và sử dụng rộng rãi trong kháng chiến chống Mĩ".

TV (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #38 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2021, 07:29:50 pm »

   
Suýt bị "xử lý"


Ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo sáng suôt của Đảng và Bác Hồ, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác nhanh chóng giành được chính quyền, song riêng ở thị xã Hà Đông thì gặp nhiều khó khăn, vì bọn địch chống trả quyết liệt. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Trọng Tấn (sau này là Đại tướng - khi ấy là Uỷ viên quân sự Hà Đông, được giao nhiệm vụ ra Hà Nội thỉnh thị và xin thêm lực lượng. Vào thành phố giữa ngày này, thật khó tìm ra cấp chỉ đạo trực tiếp của mình, qua trại Bảo an binh, nghe nói ta đã chiếm được, đồng chí liến chạy tuột vào hỏi thăm. Không quen biết ai, không giấy tờ uỷ nhiệm; lúc ấy, Nhật lại đang kéo tới bao vây định chiếm lại trại, trên thì lệnh xuống thấy người nào khả nghi, có hành động chống đối, cứ "xử lí" ngay, nên đồng chí Lê Trọng Tấn vừa vào tới nơi, các chiến sĩ ta bắt giam luôn, vì bị nghi là ''mật thám vào trinh sát để dẫn đường cho Nhật"...


Rất may, chiều hôm đó, một chiến sĩ - anh Nguyễn Thanh Nghị, đi công tác về, nhận ra đồng chí Lê Trọng Tấn là người quen, thế là ông chẳng những không bị "xử lí", mà còn được các chiến sĩ ta giúp đỡ hoàn thành nhiệm vụ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #39 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2021, 07:30:25 pm »

Tấm bằng... lửa

Những năm 1947-1948, trên chiến trường Nam Trung Bộ, quân Pháp ra sức khủng bố, vây ráp, hòng cô lập bộ đội với nhân dân địa phương. Tuy vậy, bộ đội và cán bộ ta vẫn toả ra hoạt động trong đồng bào, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với kháng chiến. Cuộc sống của bộ đội vô cùng gian khổ. Chiến khu đóng trong rừng cạnh một bàu nước nhỏ. Về mùa khô trời nóng gay gắt, các suối đều khô cạn, mọi việc nấu nướng, ăn uống hàng ngày đều nhờ vào bàu nước duy nhất ấy. Địch cũng biết điều đó nên thường tổ chức đánh phá ta khi đi lấy nước. Do đó, nước đem về chiến khu rất ít, chủ yếu dùng để ăn uống, nhiều lúc nước uống cũng không đủ. Trong khi đó, trời miền Trung nắng chang chang, làm việc chân tay, mồ hôi chảy đầm đìa, sờ vào nhớp nháp nhưng không có nước để tắm. Trong cái khó ló cái khôn, anh em sáng tạo ra cách tắm bằng lửa. Lúc nào muốn tắm, anh em gọi nhau 5-7 người, chặt cây, cành khô lớn dồn lại, đợi đến đêm đốt lửa trại. Trong ánh lửa bùng cháy, mọi người nắm tay nhau nhảy múa xung quanh. Người càng nóng, mồ hôi ra càng nhiều, nhễ nhại. Mọi người kì cọ cho mình và cho nhau, rồi lấy khăn mặt hay mảnh áo lau toàn thân. Làm đi làm lại mấy lần là xong một buổi tắm tập thể bằng lửa. "Tắm" xong, ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái.

Khánh Thu (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM