Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:44:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tản mạn chuyện binh nghiệp  (Đọc 13186 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2021, 07:06:35 pm »

Cha con và... cái nồi đồng điếu

Năm 1950, Võ Viết An làm lính trinh sát ở Thất Khê, tham gia Chiến dịch Biên giới. Một lần, An lên cơn sốt dữ dội nằm li bì dưới gốc cây trám của một gia đình người dân tộc. Chủ nhà là chị Ma Thị Nua, đã dìu An vào nhà, nấu cháo bằng cái nồi đồng điếu cho ăn và chữa cho dứt cơn sốt.

Bốn mươi năm sau, An trở thành giám đốc Xí nghiệp ép dầu Việt Yên, có con trai là Võ Việt Sơn đóng quân trên biên giới Lạng Sơn. Một hôm, Sơn phải vào nghỉ ở nhà dân vì cũng lên cơn sốt. Cô gái nhà chủ lấy nồi đồng điếu nấu cháo cho Sơn. Hỏi rõ sự tình Sơn mới hay là mình đang ở vào đúng gia đình mà bố anh đã ở mây chục năm trước đó. Vẫn cái nồi đồng điếu cũ và cô gái này lại chính là con gái cụ Ma Thị Nua, dân tộc Tày, huyện Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn.


Vinh Quốc (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2021, 07:06:55 pm »

   Cho cả hai loại kẹo


Đạn pháo 105 của ta ở chiến dịch Điện Biên Phủ có thể nói hầu hết là lấy đạn địch đánh địch. Nhiều lúc Bộ chỉ huy chiến dịch phải chỉ định bắn từng viên theo mệnh lệnh. Nhưng từ khi quân ta cắt được sân bay Mường Thanh, "cái dạ dày của Điện Biên Phủ" bộ binh ta tìm mọi cách đoạt dù lấy đạn pháo chuyển về cho pháo binh, và mỗi lần giao đạn, các anh cũng không quên kèm theo những hộp kẹo sôcôla, khẩu phần của địch mà các anh đã đoạt được để dành làm quà cho pháo binh, và tất nhiên cũng có điều kiện với pháo binh "Khi bộ binh gọi, pháo binh phải đáp lời ngay".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2021, 01:53:46 pm »

Có một người lính Nga trong tiểu đoàn 307 - Nam Bộ


Tên của anh là Sơcren Vadinxki, quê ở Ưcraina.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, S. Vadinxki bị phát xít Đức bắt làm tù binh và đưa sang Pháp. Khi Đức đầu hàng Đồng minh, thực dân Pháp đã xung anh vào đội quân Lê dương sang đánh Việt Nam.


Năm 1946, anh bị thực dân Pháp đưa vào chiến trường Nam Bộ. Tới Sài Gòn được 3 tháng, người lính Nga này lại bị điều về Bến Tre và chỉ sau đó ít lâu, S.Vadinxki đã bỏ hàng ngũ quân đội viễn chinh Pháp chạy sang hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam và được bổ sung vào tiểu đoàn 307. S. Vadinxki được mang tên Việt Nam: Dương Văn Thành.


Từ năm 1946, trên nhiều chiến trường Nam Bộ, Dương Văn Thành chiến đấu ngoan cường, dũng cảm bên các bạn Việt Nam thân yêu của anh, đồng cam cộng khổ, vui buồn có nhau. Anh đã làm đến chức trung đội trưởng, chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt và đươc tăng thưởng Huân chương Chiến công. Anh đã được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).


Những năm tháng chiến đấu trên mảnh đất Nam Bộ thân yêu của Việt Nam, Dương Văn Thành đã làm bạn với một cô gái Việt Nam quê ở Bến Tre. Hai anh chị sinh được một cháu gái đặt tên là Irina.


Sau 8 năm kháng chiến, đến ngày hoà bình lập lại (1954), S. Vadinxki làm phiên dịch cho việc chuyển quân tập kết ra miền Bắc của quân và dân Nam Bộ.


Cuối năm 1955, Dương Văn Thành được hồi hương cùng con gái Irina, lúc đó vừa tròn 6 tuổi. Cô gái Bến Tre, người bạn đời của S. Vadinxki, ở lại quê nhà.


Ở Liên Xô, Dương Văn Thành tức S. Vadinxki làm việc tại Khoa tiếng Việt, trường đào tạo Cán bộ Trung ương các Công đoàn Liên Xô.

Trần Tấn Cường (st)
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2021, 01:54:13 pm »

Cơm ở trong dân


17h00 chiều 2-6-1951, Tiểu đoàn 195 bộ đội địa phương Thái Bình nhận được lệnh sau 30 phút phải hành quân gấp về Tiền Hải phục kích đánh bọn nguỵ đi tuần đường 39 tại thôn Thượng, xã Hưng Đạo. Làm sao trong 30 phút có thể vừa phổ biến nhiệm vụ cho cán bộ đại đội, vừa tổ chức cho bộ đội ăn cơm xong? Đó là vấn đề Ban chỉ huy Tiểu đoàn 195 lo lắng nhất. Tất cả mọi việc, Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã thảo luận phân công nhiệm vụ xong, duy có việc "cơm" cho cả Tiểu đoàn ăn xong trong 30 phút là kẹt. Tại sở chỉ huy Tiểu đoàn đóng ở nhà dân lúc ấy đang có cán bộ xã đội, thôn đội và cả dân quân du kích đến báo cáo tình hình. Cán bộ Tiểu đoàn đem ra trao đổi với anh em thôn, xã giải quyết vấn đề "cơm”, nhiều ý kiến đã được đưa ra bàn bạc. Đột nhiên, một đồng chí dân quân du kích phát biểu: "Khó quái gì, đưa hết bộ đội vào nhà dân mà ăn, giờ này nhiều nhà dân đã nấu cơm xong". Vì vội, chẳng ai để ý gì đến tên người nói. Tất cả như chợt hiểu ra, mọi người lao ngay vào việc chuẩn bị: Phát lệnh cho bộ đội hành quân, hợp đồng và giao nhiệm vụ cho cán bộ xã đội, thôn đội cử dân quân, du kích đi nắm tình hình, liên hệ với gia đình dân nhường bộ đội ăn cơm trước đi làm nhiệm vụ, gia đình nấu cơm tiếp ăn sau, xã trả gạo và đón dẫn bộ đội vào từng nhà.


Bộ đội của Tiểu đoàn được lệnh hành quân, nhưng trên đường đi anh em đã được anh chị em dân quân, du kích đón dẫn vào các gia đình dân bên đường ăn cơm, nhà 3 người, nhà 5 người, nhà 7 người. Nhân dân được đón bộ đội về nhà mình ăn cơm rất phấn khởi, nhiều nhà đã lấỵ thêm mắm dự trữ, lấy trứng gà kho mặn bổ sung vào phần thức ăn đạm bạc của gia đình để bộ đội ăn cho nhiều, cho no. Có anh em may mắn còn được ăn cơm có thịt, có cá. Sau 30 phút, cả Tiểu đoàn hơn 300 người đã ăn cơm xong, nghỉ ngơi 10 phút tiếp tục hành quân đúng lệnh.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2021, 01:54:46 pm »

Cụ dân công


Thấy người tứ xứ và dân làng nườm nượp đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Lã Thị Nhài năm đó đã 73 tuổi ở xã Vinh Quang, huyện Thanh Thủy, tỉnh Vĩnh Phú cũng đòi uỷ ban cho đi dân công bằng được.


Cụ vật nài: "Tôi già rồi nhưng chân vẫn dẻo, các ông thông cảm thì cho tôi mang ít quà nhẹ lên tặng chiến sĩ Điện Biên là được. Tôi phải đi để tận mắt xem cái đời bây giờ con cháu "ghê gớm" như thế nào và động viên chúng nó làm tròn lời Cụ Hồ dạy".


Trên đường đi cụ thường hát hò, kể chuyện khích lệ mọi người, nhiều người đã cất công đi tìm đến thăm cụ bà dân công già nhất chiến trường.

Có lần trong đêm, thấy có tiếng người hỏi thăm, cụ liền vui vẻ ứng khẩu:

"Trời tối ai chẳng biết ai, chính tôi là Lê Thị Nhài, ở xã Vinh Quang... đây!".

Có lẽ cụ Nhài là người cao tuổi nhất trong đội ngũ chiến sĩ Điện Biên trùng điệp năm ấy.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2021, 01:55:03 pm »

Củ khoai Khai


Cái tên đọc lên nghe ngồ ngộ song đó lại là tên thật chỉ một loại lương thực chủ yếu của bộ đội Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Khoai Khai là một loại củ rừng ở vùng núi cao Phú Yên, củ nhỏ bằng bắp tay, củ to nhất cũng bằng bắp chân, vỏ màu đất, luộc lên có vị khai... nên gọi là khoai Khai. Muốn lấy được nó phải đào sâu xuống lớp đất rừng. Đây không chỉ là lương thực đối với bộ đội mà còn cả nhân dân Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp, nhất là năm 1952, nạn đói xảy ra khi thực dân Pháp cho máy bay bắn phá cầu Máng của hệ thống thuỷ lợi Đồng Cam, ngăn dòng nước tưới cho cánh đồng Tuy Hoà trù phú. Thiếu lúa gạo, bộ đội và nhân dân Phú Yên phải tìm đào và ăn củ khoai Khai để lấy sức chiến đấu. Thời gian trôi qua, cuộc kháng chiến đã lùi xa song với những cựu chiến binh và nhân dân đã sống trong những ngày tháng ấy, kí ức về củ khoai Khai vẫn còn in đậm.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2021, 05:40:00 pm »

   
Cùng làm chung một nhiệm vụ nhưng qua 44 năm mới biết tên nhau


Họ là hai người phụ nữ. Một chị là đại biểu của Giải phóng quân. Một chị là đại biểu của nhân dân Hà Nội. Họ không làm nhiệm vụ tình báo mà cùng làm chung một nhiệm vụ: được vinh dự kéo lá cờ "in màu chiến thắng mang hồn nước" lên ngọn cột cờ uy nghi trên lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình lộng gió và rực rỡ ánh mặt trời trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 2 tháng 9 năm 1945.


Mãi đến sáng ngày 19 tháng 12 năm 1989, trong buổi họp mặt các chiến sĩ cũ của Trung đoàn Thủ đô tại Bảo tàng Quân đội, hai chị phụ nữ đó mới có dịp gặp lại nhau. Người phụ nữ đại biểu của Giải phóng quân là chị Đàm Thị Loan, còn người phụ nữ đại biểu của nhân dân Hà Nội là chị Lê Thi, cán bộ Viện Triết học thuộc Viện Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia.


Qua 44 năm và 108 ngày, kể từ lúc cùng làm chung một nhiệm vụ, họ mới biết rõ về nhau trong ngày gặp mặt cảm động của các cựu chiến binh đã từng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2021, 05:40:43 pm »

   
Cuộc "tái ngộ" vợ chồng đầy kịch tính trên đường chiến dịch


Trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên, chuyện "duyên kì ngộ" giữa bộ đội và dân công phục vụ hoả tuyến vô cùng phong phú. Đặc biệt nhất là phải kể đến cuộc "tái ngộ" vợ chồng đầy kịch tính của đôi vợ chồng trẻ.


Chuyện rằng, vào một đêm hành quân của bộ đội và dân công, trời mưa, ướt và lạnh đến thấu xương, nhưng mọi người vẫn hăng hái tiến lên. Để động viên chiến sĩ, cô dân công Lê Thị Lý hướng về hàng quân cất giọng hò:

"-Ơ hò...
Trời mưa cho ướt lá bàng
Ướt em em chịu, ướt anh Vệ quốc đoàn em thương".

Bên đơn vị bộ đội, chiến sĩ Nguyễn Văn Thanh liền hò đáp lại:

"-Ơ hò...
Hỡi con bướm đậu cành hồng (tính tình tang)
Hỡi cô có muốn lấy chồng tòng quân (tang tính tình)".

Vừa hò, Thanh vừa tò mò dấn bước ngó vào đội hình đoàn dân công xem cô nào hò, giọng nghe hay đến vậy.

Chờ anh bộ đội bước lên, cô dân công Lý ra lệnh vui: Chị em nghe lệnh tôi! Ai lạc vào hàng thì bắt sống!".

Tiếng cười hưởng ứng rộ lên. Thanh ngờ ngợ giọng "lanh lảnh" của cô gái. Bỗng Lý tròn xoe mắt reo lên:

- Ôi giời ơi! Anh Thanh!

Thanh bước vội lên nắm chặt lấy tay Lý. Cả đơn vị bộ đội và đoàn dân công lặng đi xúc động vì cuộc gặp gỡ bất ngờ của đôi vợ chồng trẻ trên đường ra trận.

Bỗng một cô dân công hét toáng lên: "Chúng mày ơi, cái Lý bắt sống được... chồng mình".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2021, 09:30:17 am »

Dầu máy khâu... xào giá


Tết kháng chiến đầu tiên trong vòng vây kẻ thù, Trung đội tự vệ Hàng Thiếc (Liên khu 1) đã chiến đấu suốt 40 ngày đêm, đang cắm chốt bảo vệ lưng cho trung đoàn đóng ở phố Hàng Bạc, thì tết đã kề. Trung đội trưởng Hàm giao cho chị Cốm người Nam Định, cố gắng chuẩn bị cho anh em một cái tết tươm tất. Lúc này, trung đội thiếu thốn đủ bề... Vốn là người làm công cho nhà buôn ở phố Hàng Nón, chị Cốm ở lại nấu cơm phục vụ anh em. Được giao chuẩn bị tết, chị chui qua tường đến lục bếp khắp các nhà kiếm được ít đỗ xanh ngâm giá rồi đem về để xào cho anh em ăn Tết. Nhưng sau bữa "giá xào béo ngậy" đó thì anh em ôm bụng thi nhau chạy... Mãi sau mới tìm ra "thủ phạm": thì ra khi sục vào nhà dân tìm thực phẩm, chị Cốm nhặt được chai dầu, mừng quá đem về xào giá, nào ngờ đó là loại dầu nhờn dùng tra máy khâu. Anh em được bữa ôm bụng cười chảy cả nước mắt.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2021, 09:30:33 am »

Đám cưới "hai người đàn ông"


Chuyện xảy ra những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Rạch Giá. Đó là đám cưới của Mười Mẫn và Bé Quang - hai chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Trước mặt mọi người, cô dâu, chú rể đều là "đàn ông", đều mặc quân phục, đầu đội mũ calô. Trẻ con reo hò: "Đàn ông đi cưới đàn ông, tụi bay ơi!", người lớn thì thắc mắc: "Cưới gì mà chỉ có hai chú rể, cô dâu không thấy...". Hai người chỉ cười mà không nói gì bởi có thanh minh thì cũng ít người tin.


Hai năm trước đó, cô bé Mười Mẫn trốn nhà, cắt tóc giả trai, lên cứ xin vào bộ đội; Thời gian trong quân ngũ, Mười Mẫn cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu, cùng sinh hoạt trong một đơn vị toàn nam giới. Không một ai phát hiện ra Mười Mẫn "giả trai". Thậm chí, có một vài cô gái địa phương đem lòng yêu Mười Mẫn nhưng cô đều khéo léo chối từ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM