Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:20:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc vượt ngục kỳ diệu  (Đọc 3357 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2021, 07:33:05 pm »

Theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu và Cục Nghiên cứu, tôi ở lại trở vào nội thành Viên Chăn tiếp tục giúp bạn nắm tình hình, nắm cơ sở. Đoàn đồng chí Quý xuyên qua các vùng cơ sở lên đất Luông Pha Băng, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, qua Mường Khoa đến sát biên giới Việt - Lào ở Mường Thanh. Thời kỳ này ta đã giải phóng nhiều chỗ, địch đã rút những đồn lẻ. Đoàn đi xa địch, lấy danh nghĩa quân đội ở Hạ Lào lên khu tập kết, dân ra đón nhưng chưa cho dân biết đấy là đoàn lãnh tụ trong đó có Chủ tịch Xuphanuvông. Bà con dọc đường chỉ biết có một cán bộ già gọi là ông Phồ Xỉ. Anh em cảnh vệ vương quốc thấy đồng chí Quý, đồng chí Vinh báo vụ thì cũng tưởng là những nhân viên cán bộ người Lào thuộc lực lượng bảo vệ. Tất cả rất ít khi nói chuyện cùng nhau, chuyến đi theo trật tự, mềm mại, uyển chuyển và bí mật, tuyệt đối không ai nói lộ ra là có anh em bộ đội Việt Nam đi cùng đoàn. Đi đến đâu dân làng cũng hồ hỏi ra đón. Đến vùng cơ sở đã được giải phóng thì bạn công khai hoá ông Phò Xỉ là Chủ tịch Xuphanuvông. Nhân dân vô cùng sung sướng, anh em cảnh vệ Vương quốc tận mắt thấy quần chúng ở nông thôn nhiệt tình ủng hộ các nhà lãnh đạo, anh em hiểu đó là một sức mạnh hùng hậu. Chính sức mạnh của quần chúng trên đường đi đã củng cố thêm niềm tin của anh em lính Vương quốc đối với cách mạng. Trước đây ít nhiều qua sự "nhồi sọ" của phái hữu, tuyên truyền chống cộng sản của bọn phản động, tuy họ biết cách mạng là chính nghĩa nhưng vẫn bán tín bán nghi. Họ không biết cách thức làm như thế nào để chống lại chính quyền vương quốc vốn có từ lâu đời, chống lại Pháp, Mỹ. Qua thực tiễn phong trào dần dần họ ý thức được nhân dân chính là sức mạnh. Anh Quý trong hành trình đó được lãnh đạo bạn yêu mến, thường xuyên tiếp xúc hỏi han động viên, sau này gặp nhau bạn vẫn cứ nhắc đến Buncoong là tên Lào của anh. Điều đó rất gây ấn tượng đối với tôi.


Thực ra quá trình sống và làm việc bên cạnh nhau chỉ có khoảng thời gian ngắn trong đợt giải cứu, từ lúc chia tay, tôi ở lại với nhiệm vụ khác, anh Quý đưa các vị lãnh đạo về đến Điện Biên, vòng qua Hà Nội lên đến Sầm Nưa. Năm 1963, đồng chí được lệnh quay lại căn cứ Loong Tòn để tiếp tục nhiệm vụ giúp bạn ở cơ sở. Nhưng không may, năm 1964 đồng chí bị một trận tai biến mạch máu não khi đang nằm ở giữa rừng thì mồm méo xệch, mắt trợn ngược rồi ngã lăn từ trên võng xuống đất. Bạn và ta hết lòng cứu chữa, họ cứu đồng chí tỉnh lại nhưng đã liệt một nửa người, mắt lác xệch đi.


Khi đó nhân có những chuyến tàu hồi hương cho Việt kiều Thái Lan, theo thoả thuận giữa hai hội Hồng thập tự hai nước, chúng tôi cùng bạn tổ chức dùng võng khiêng đồng chí đi xuyên rừng Lào ra sông Mê Kông, chở thuyền máy sang Thái Lan. Khi về đến Tha bo, chúng tôi tìm cách hợp thức hoá giấy tờ cho đồng chí trở thành Việt kiều mang bệnh rồi đưa vào danh sách hồi hương. Cứ thế vào Băng Cốc, bố trí người khiêng cáng đưa đồng chí về theo tàu biển từ cảng Băng Cốc về cảng Hải Phòng, về nước đồng chí được đưa vào bệnh viện điều trị, sau một thời gian, đồng chí chỉ thoát cơn hiểm nghèo, còn đi lại vẫn rất khó khăn. Dù liệt một tay một chân nhưng đồng chí vẫn tập luyện cùng cây nạng để cố đi, vẫn xin tiếp tục ở lại cơ quan công tác. Song chỉ sau 1 năm, do sức khoẻ giảm sút không thể làm việc được ở cơ quan, đồng chí được cơ quan bố trí về ở hẳn cùng gia đình nhưng vẫn hưởng lương.


Từ năm 1964 đến năm 1970 đồng chí liên tục công tác tại địa phương, nào là tham gia chi ủy, tổ trưởng tổ bình dân học vụ... Sức khoẻ dần hồi phục, đồng lương đại úy cùng phụ cấp thương binh loại 3/8, sống cùng người vợ đảm đang là chị Ái làm ở nhà máy dệt ở Nam Định, đồng chí còn đảm nhiệm đi phát lương hưu ở khu phố để tăng thu nhập. Nhìn chung thu nhập như vậy cũng đủ sống cuộc đời thanh đạm và lo cho con cái học hành. Đến năm 1970, Bộ Quốc phòng quyết định cho đồng chí nghỉ hưu. Từ năm 1970 đến năm 1991, với cây nạng của mình, đồng chí tiếp tục công tác tại địa phương. Ai cũng biết đồng chí rất hăng hái và nhiệt tình tham gia công tác xây dựng cơ sở ở khu phố.


Trong khoảng 20 năm đấy, tôi có đôi dịp về thăm đồng chí cùng gia đình. Một lần tôi gặp đồng chí đi phát lương hưu trở về vẫn còn chống nạng, cười nói rất lạc quan. Lần thứ hai vào cuối thập niên 80 thì đồng chí đã nằm một chỗ, tôi và một đồng chí nữa mang quà về thăm, đồng chí chỉ nói được thều thào. Lần thứ ba đồng chí chỉ đưa được cánh tay về phía tôi, vì bị cấm khẩu nên đồng chí chỉ khóc chứ không nói được nữa. Được một thời gian, khi tôi đang còn công tác ở Lào thì được tin đồng chí đã mất vào năm 1991.


Nhiều khi nhớ đến anh, tôi không khỏi bồi hồi. Một cuộc đời 25 năm trong quân ngũ, tham gia nhiều trận đánh, mang trên mình hai vết thương do đạn xuyên qua từ thời chống Pháp và một bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến trường làm anh liệt nửa người; một người ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đã từng chỉ huy trung đội giao thông quốc tế, thường xuyên đưa đón cán bộ cao cấp của Đảng ta, Đảng bạn vượt qua biên giới Việt - Lào, biên giới Lào - Thái. Đặc biệt anh đã tham gia với vai trò quan trọng trong cuộc giải thoát Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo Lào. Con người ấy luôn được anh em cán bộ và nhân dân hai nước yêu mến. Hơn 20 năm quân ngũ, trở về với chiếc nạng kéo lê chân, đi khắp xóm làng tham gia công tác xã hội cho đến khi bị liệt giường vẫn luôn tâm niệm, nuôi niềm tin vào cách mạng cho đến giờ phút cuối cùng.


Sau ngày về hưu tôi có đến thăm gia đình anh. Nhờ sự đảm đang của chị Ái vợ anh, hiện nay con anh trưởng thành, có người đã thành kĩ sư. Tôi mừng nhất là trên tường nhà đã có bằng Tổ quốc ghi công. Tôi cũng yên tâm phần nào. Mỗi lần đến thăm gia đình và thắp hương cho anh, tôi không khỏi bâng khuâng, nhưng với riêng tôi, anh Quý đã và luôn là một người anh hùng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2021, 06:03:02 pm »

2. Đồng chí Trần Văn Điển

Đồng chí Điển biết lái xe, trước đây là Việt kiều Thái Lan đã từng lái xe chở thuê ở Thái, sau đó mới đi bộ đội. Đồng chí sinh năm 1923, nhập ngũ năm 1947. Trước đây, trong kháng chiến chống Pháp đồng chí đã ở mặt trận Tây Lào, là bộ đội tình nguyện Việt Nam và rất thạo tiếng Lào. Với ngoại hình lực lưỡng và nước da ngăm ngăm đen nên trông đồng chí rất giống người Lào. Do yêu cầu của tổ công tác đặc biệt, tôi đề nghị cấp trên cho tôi một lái xe, để phòng khi cần đưa các vị lãnh tụ bạn thoát khỏi thành phố bằng xe. Xe thì tôi có thể kiếm được nhưng người lái phải là người tin cậy của mình để đưa ra vùng căn cứ. Anh Trần Hiệu giới thiệu đồng chí Trần Điển. Anh Điển gia nhập tổ công tác đặc biệt là do vậy.


Đó là một đồng chí rất gan dạ và xông xáo, biết lái xe từ trước khi đi bộ đội. Từ khi vào quân báo chuyên môn trinh sát ở chiến trường Lào, sau đó là về tiểu đoàn trinh sát cơ động của Cục Nghiên cứu (tiểu đoàn trinh sát duy nhất lúc bấy giờ, chưa có binh chủng đặc công). Trong chuyến công tác đặc biệt này, đồng chí hành quân đợt sau theo sự chỉ huy của anh Trương Văn Quý, tổ phó. Đi đường đồng chí bám sát anh em giao liên Lào trong đoàn để cùng hoặc có khi thay giao liên vào làng liên lạc hoặc xin lương thực, thức ăn, tham gia vào việc mang vác giúp các đồng chí thông tin, điện đài. Đồng chí luôn kiên trì chịu đựng gian khổ, không bao giờ kêu ca phàn nàn khi đi cũng như lúc về. Khi vào đến căn cứ Viên Chăn ở Loong Tòn, đồng chí là người duy nhất được anh Quý cử vào liên lạc với tôi ở nội thành, cũng là người duy nhất trong tổ ở căn cứ ra vào thành phố Viên Chăn mỗi khi có việc (căn cứ Loong Tòn cách Viên Chăn chừng 80km). Đồng chí như con thoi liên lạc một cách an toàn, bí mật, cùng hỗ trợ tôi trong việc nắm tin tức tình hình địch trong nội thành.


Đến khi phương án đặc công tập kích không phù hợp hoàn cảnh mới, theo đề xuất của chúng tôi, cấp trên chuẩn y để anh em tổ này rút về nước cho đỡ cồng kềnh. Trong số đó có đồng chí Trần Văn Điển. Song vừa về đến nơi đồng chí lập tức được cử trở lại Viên Chăn ngay, dẫn đường cho đồng chí Phan Văn Đa và đồng chí Vụ vào bổ sung cho tôi. Như vậy là về nước chưa được bao lâu thì lại trở lại Lào lần 2. Lúc bấy giờ quãng tháng 8 mùa mưa tầm tã, hành trình trèo đèo vượt sông, suối, núi rừng càng thêm gian khổ. Đồng chí Điển vào giúp tôi giữ liên lạc với vùng căn cứ, thường xuyên đột nhập vào thành cùng giao liên Lào.


Sau đảo chính Koongle, khi cầu hàng không đã được lập, số lượng anh em tình nguyện Việt Nam ở lại chiến trường được giảm thiểu đến mức thấp nhất. Do đó đồng chí Điển lại được trở về nước ngay trước khi diễn ra cuộc chiến đấu 7 ngày đêm ở thành Viên Chăn. Đồng chí Đa và đồng chí Vụ ở lại với tôi, còn anh Trần Ngọc Kính và đồng chí Huỳnh mới sang sau thì ở căn cứ. Các anh Quý và Vinh đã đi theo đoàn Chủ tịch Xuphanuvông hành quân lên căn cứ phía bắc. Sau khi đồng chí Điển về Hà Nội, tôi chỉ biết đồng chí vẫn tiếp tục công tác ở đội giao thông và phục vụ nước bạn. Năm 1967, trong một chuyến đi công tác đưa đoàn bạn đến biên giới Xâynhabuli, ban đêm khi mắc võng nằm ở rừng, đồng chí bị một cành cây to gãy, rơi vào người và hi sinh ngay tại chỗ. Đồng chí đã được bạn chôn cất cẩn thận. Sau khi Việt Nam và Lào được hoàn toàn giải phóng, hài cốt của đồng chí đã được quy tập về nghĩa trang Điện Biên Phủ. Năm 1995, chị Điển lên bốc mộ và đón anh về "nhà mới" ở nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi - Hà Nội. Hai năm sau, dường như đã thanh thản vì làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ, chị mất khi thọ 70 tuổi. Bốn người con của anh chị lúc đó đã yên bề gia thất.


Khi tôi đến thăm gia đình vào cuối thập niên 90, con cái anh chị đều đã trưởng thành. Trên bàn thờ đã có bằng Tổ quốc ghi công. Khi thắp hương viếng đồng chí, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động nhớ về một đồng đội đã chiến đấu kiên cường bền bỉ và đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp cách mạng quốc tế của Đảng, của dân tộc ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2021, 06:04:03 pm »

3. Đồng chí Trần Thanh Khiết

Đồng chí là nhân viên cơ yếu của tổ công tác đặc biệt, mang trong mình nhiều điều cơ mật thuộc loại tối thượng của quốc gia, của quân đội. Đồng chí sinh năm 1930 tại Phú Vang (Huế), nhập ngũ năm 1959, phục vụ hơn 20 năm, về hưu năm 1982, lập gia đình ở quê, có 5 người con (3 trai, 2 gái). Trong hơn 20 năm quân ngũ, đồng chí thường xuyên công tác ở mặt trận B, C, thường xuyên hoạt động, chiến đấu trong lòng địch với bộ mật mã gắn liền với điện đài của các cơ quan thuộc Cục Nghiên cứu và Bộ Tổng Tham mưu.


Trong chuyến công tác đặc biệt này, khi hành quân đến chặng nghỉ, trong khi anh em chuẩn bị nơi ăn chốn ở, lo mắc võng, nấu nước thổi xôi, hun muỗi thì đồng chí bao giờ cũng lẳng lặng mắc mùng, che chăn, ngồi xa anh em một chút để làm việc ngay cùng đồng chí Vinh là báo vụ điện đài. Mỗi lần tôi và anh Quý đưa điện đều giao cho đồng chí Khiết mã rồi đồng chí Vinh đánh moóc đi. Khi nhà có chỉ thị hoặc thông báo tin tức tình hình địch hoặc chỉ thị công tác thì đồng chí Vinh lại đưa cho đồng chí Khiết dịch ngay lập tức để đưa cho chúng tôi. Phần lớn đều là điện khẩn hoặc hỏa tốc cho nên làm việc hết sức căng thẳng vất vả. Có khi anh em đều đã được đi ngủ rồi nhưng đồng chí Khiết phải bật dậy ngay nếu có điện đến. Đồng chí luôn sẵn sàng tiếp nhận những bức điện dù ngắn dù dài để làm cho kịp. Với một công tác như thế, ai đã từng sử dụng điện đài mới biết được nỗi gian khổ của những người cơ yếu đi theo điện đài.


Đồng chí đã về hưu năm 1982 với quân, hàm thiếu tá. Sau khi về hưu đồng chí lại tiếp tục công tác ở địa phương. Khi mất do tai biến mạch máu não thì đồng chí đương chức Chủ tịch ủy ban nhân dân thị trấn Phú Vang. Đồng chí mất đi nhân dân Phú Vang hết sức tiếc thương một người cán bộ tận tụy, vô tư.


Với tư cách nguyên Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, tôi đã đề nghị cơ quan chính sách Tổng cục 2 gửi quà tới đồng chí. Năm 1997, tôi về Phú Vang mang theo quà tặng của Tổng cục 2 (500 ngàn đồng) biếu đồng chí cùng gia đình. Tôi được đồng chí Dực (Yến) phụ trách ban liên lạc tình nghĩa của các đồng chí cùng ngành tại Phú Vang dẫn đường đến nhà anh. Tôi sững sờ khi nghe anh Yến cho biết đồng chí Khiết đã mất cách đó 2 tháng. Thật đáng tiếc, như vậy do những hoàn cảnh và lý do khác nhau mà tôi đã đến chậm. Chỉ 2 tháng mà âm dương cách trở, không gặp được đồng chí là điều day dứt, ân hận lớn trong tôi. Hôm tôi đến, chị Lệ - vợ anh lại không có nhà. Tôi đành thắp hương và thông qua anh Yến gửi quà và số tiền tới chị Lệ. Khi về chị ấy đã nhận được và có thư hồi âm cho tôi. Sau này tôi vẫn thư từ hỏi thăm chị và các cháu. Tôi đã xin chị được một tấm ảnh chân dung của anh để gửi vào treo trong Bảo tàng truyền thống của Tổng cục 2 - Bộ Quốc Phòng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2021, 06:05:33 pm »

4. Những đồng chí khác

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi, đặc biệt đối với chuyên đi công tác này, tôi còn một nỗi ân hận nữa. Đó là việc tôi và anh Nguyễn Ngôn (ở Plâycu) đã cố công gắng sức cùng những đồng chí khác tìm kiếm 3 anh em đặc công trong tất cả những danh mục đi tìm đồng đội ở Liên khu V và các đội đặc công trinh sát nhưng đều không có kết quả.


Đó là đồng chí Kiều Xuân Đăng, còn gọi là Đeng, quê gốc ở Quảng Nam nhưng không rõ làng xã. Khi được cử vào công tác trong đội do tôi phụ trách thì đồng chí đang là thiếu úy đặc công. Sau khi cùng với đồng chí Ngôn là nhóm trưởng huấn luyện cho bạn một lớp đặc công cùng hành quân vào căn cứ và tham gia huấn luyện cho đội đặc công đầu tiên của bạn ở Viên Chăn, các đồng chí được lệnh rút về, rồi lại tiếp tục đi chiến đấu lúc ở chiến trường B, khi ở chiến trường C. Tôi nghe anh Ngôn nói đồng chí đã hy sinh trong một chuyên công tác năm 1968, có thể trong Mậu Thân? Tuy nhiên thông tin đó không có cơ quan tổ chức nào xác nhận. Tôi cũng không tìm ra được quê hương bản quán của đồng chí ở đâu.


Ngoài ra còn đồng chí Du (người Phú Yên) và đồng chí Lầu (người Khánh Hoà), đều là đặc công trong tổ công tác của tôi. Sau khi rút về nước trước, các đồng chí làm việc gì, đi đâu, đến nay cũng không còn tổ chức nào biết. Riêng tôi và anh Ngôn cũng hết sức tìm hiểu nhưng không thể biết các đồng chí còn hay mất, còn thì ở đâu và nếu mất thì mất lúc nào. Tôi vô cùng day dứt và tiếc nuối về sự thiếu sót đó. Trong các bạn độc giả đang đọc đến những dòng chữ này, có lẽ những đồng chí đã từng mày mò, cất công khắp các chiến trường, vùng quê và những người có trách nhiệm xác nhận lý lịch cho đồng đội đã khuất ở chiến trường B, C, K trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mới thấu hiểu hết nỗi khổ tâm của người đi tìm tin đồng đội mà không có hiệu quả.


Sẽ là thiếu sót lớn nếu tôi chỉ nói đến những anh em đã khuất của riêng Tổ công tác đặc biệt do tôi trực tiếp chỉ huy mà không nhớ đến những đồng chí từng là cơ sở mật của Cục Nghiên cứu thuộc Bộ Tổng Tham mưu nằm vùng ở Viên Chăn hay những cộng tác viên vốn là giao thông viên của Tỉnh ủy Viên Chăn nằm ở bên kia sông Mê Kông (trên đất Thái Lan). Dù họ không còn nữa song cũng không thể quên đóng góp của họ, dù người ít kẻ nhiều, vào việc hoàn thành nhiệm vụ của tổ công tác giúp bạn giải thoát các lãnh tụ yêu nước Lào. Bản thân họ lúc đó không hề hay biết gì về nhiệm vụ đặc biệt này.


Trong số đó người để lại ấn tượng rõ nhất trong tôi là đồng chí Trần Viết Long (bí danh là Biên). Đồng chí sinh năm 1912, làm giáo học ở tỉnh Xiêng Khoảng rồi về Viên Chăn tham gia hội Việt kiều cứu quốc, tham gia Việt Minh ngay từ đầu Cách mạng tháng Tám. Sau đó đồng chí Long tản cư sang Thái và là cán bộ của Tổng hội Việt kiều cứu quốc. Đến năm 1953, đồng chí sang mặt trận Tây Lào tức Đoàn 83. Ở đó đồng chí làm cán bộ dân vận của đoàn. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí theo đoàn quân tình nguyện trở về tập kết ở Mộc Châu nằm trong Sư đoàn 335. Cục Nghiên cứu - Bộ Tổng Tham mưu đã về Mộc Châu và tuyển trong sư đoàn một số đồng chí về Cục, trong đó có đồng chí Long. Sau khi được huấn luyện cấp tốc, đồng chí được phái vào miền Nam theo chuyến tàu di cư của đồng bào ta từ Hải Phòng vào Sài Gòn trước khi Pháp rút khỏi Hải Phòng. Đồng chí mang bí số NI 14. Cư trú tại Sài Gòn được một thời gian, đồng chí liên hệ với các quan chức của chính phủ Vương quốc Lào mà trước đây là học trò của mình. Trong đó có học trò thân thiết như Katày Đonsasolit, sau khi Mỹ vào năm 1955, ông ta đã làm thủ tướng của chính phủ Vương quốc Lào. Đồng chí viết thư liên hệ để ông ta can thiệp giúp để được sang cư trú ở Viên Chăn như cũ (đồng chí Long vốn là Việt kiều ở Viên Chăn). Cuối cùng, với sự đỡ đầu của Thủ tướng Vương quốc Lào, đồng chí đã sang Viên Chăn một cách hợp pháp. Tiếp sau đó tổ chức cho vợ đồng chí cũng là đảng viên cán bộ Việt kiều tỉnh Noỏng Khai - Thái Lan sang ở cùng để thêm tính hợp pháp, hợp lý cho vỏ bọc hoạt động bí mật ở đó.


Khi sang làm nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt, người đầu tiên tôi nối liên lạc là đồng chí Long. Bởi khi đồng chí công tác ở Đoàn 83 thì tôi là chính trị viên đại đội ở cơ quan văn phòng chỉ huy đoàn, chúng tôi quen biết nhau từ đó. Hai gia đình vốn có mối thâm giao: ông cụ tôi, bà chị cả Phan Thị Vân và ông anh rể Nguyễn Đỉnh Hin đều quen biết vợ chồng anh, kể cả khi sang Thái Lan cùng hoạt động ở Tổng hội Việt kiều cứu quốc. Tôi móc nối với anh theo quy ước liên lạc của Cục Nghiên cứu - Bộ Tổng Tham mưu. Lúc đó anh là viên chức của một hãng hàng không, cùng mấy người anh em được chia nhau hưởng phần ruộng vườn hương hoả mà cha ông để lại, tính ra cả nhiều trảm hecta đất vườn và nhiều nhà cửa, trong đó có một toà nhà ngay phố Pang Khăm làm cửa hàng rất tốt. Anh mở cửa hàng buôn bán những đồ dụng cụ thời trang ở đó. Cuộc sống như vậy cũng tương đối đàng hoàng sung túc làm cách mạng hơn 20 năm ở đó mà cơ quan ở bên nhà không phải cung cấp bất cứ đồng kinh phí hoạt động nào.


Khi móc nối gặp anh, tôi mới biết thông tin về việc bắt giam, cũng như trại giam Chủ tịch Xuphanuvông và các vị lãnh đạo ở trại lính Phôn Khên. Sự đóng góp này vô cùng quan trọng, giúp tôi nhanh chóng có hướng điều tra tìm hiểu. Tôi nhờ anh cho mượn chiếc xe đạp, đóng giả người Lào thường xuyên đạp xe theo con đường mòn gần trại lính, từ đó nhận biết vị trí, địa điểm, quy mô trại giam, cách bố phòng và hàng rào bên ngoài cũng như sơ đồ buồng, ngăn ngách bên trong. Do chơi thân với gia đình Sananikon nên anh cung cấp những thông tin rất cụ thể về mâu thuẫn nội bộ giữa các phe nhóm Sananikon và Katày Đonsasolit, Xuvana Phuma, quan hệ với Mỹ hay số cố vấn của Mỹ và Thái Lan ra vào trại của Kupaxit ở Chinaimô. Ngay trong cuộc đảo chính giữa Koongle, phía Kupaxít án binh bất động chống lại Koongle hay việc bố trí lực lượng ra sao tôi cũng được rõ hơn nhờ tin tức của anh. Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước từ những thập niên 60 kéo dài đến khi hoàn toàn giải phóng, thành lập nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào thì anh Long đều có mặt ở Viên Chăn để phục vụ cách mạng. Anh Long một lòng đi theo cách mạng, còn có công nuôi giấu, bố trí công ăn việc làm cho 2 cán bộ mật của Cục Nghiên cứu, mang cả điện đài vào nhà, vào vườn cho anh em ta liên lạc. Trong hoàn cảnh sau khi phái hữu xoá bỏ Hiệp định Giơnevơ năm 1954, năm 1962 thì mối quan hệ giữa hai nước vô cùng căng thẳng. Mọi liên hệ của Việt kiều với Itasala Lào hay Việt Minh, miền Bắc Việt Nam đều bị theo dõi chặt chẽ. Bất cứ người nào bị Kupaxit tình nghi đều bị chúng bắt về Chinaimô cho vào bao tải và quăng xuống sông Mê Kông ở chỗ Kẹng Nhang (một ghềnh nước ở cách Chinaimô khoảng 2km).


Cho đến sau khi Việt Nam và Lào được hoàn toàn giải phóng, anh làm đơn xin về nước để chữa trị đau dạ dày vì triệu chứng ngày một tăng nặng. Trong khi tổ chức chưa kịp giải quyết, chưa hồi âm do công việc bề bộn thì anh Long bị chảy máu dạ dày, phải vào bệnh viện Lào để mổ. Anh đã mất trên bàn mổ. Theo lời vợ anh là chị Nguyệt, anh đã có thể được cứu sống nếu kịp về Việt Nam. Do được đưa vào quá chậm, bác sĩ của bệnh viện Viên Chăn mới chỉ rạch bụng anh thì máu đã tuôn chảy ào ra không kìm nổi. Sau khi an táng cho chồng, chị có đưa các con về quê hương đất nước và được giải quyết một số chính sách.


Nhớ đến chuyện của vợ chồng đồng chí Long tôi lại thấy lòng mình mang nỗi buồn nặng trĩu. Đó là những con người âm thầm phục vụ và công hiến cho cách mạng mà chưa có điều kiện làm thủ tục để hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2021, 06:06:11 pm »

Ngoài ra cũng còn một số đồng chí khác, như đồng chí Phước vốn là Việt kiều cũ ở Thái Lan (sang Thái từ trước Cách mạng tháng Tám). Đồng chí vốn là cán bộ cơ sở của hội Việt kiều cứu quốc từ hồi bí mật cho đến khi ra công khai, rồi lại rút vào bí mật khi chính quyền quân phiệt đảo chính lên nắm quyền. Anh thường xuyên phục vụ công tác cho Tổng hội Việt kiều cứu quốc và phụ trách đường dây tiếp tế ở Tha Bo, Xixiêngmạy (Noỏng Khai) phục vụ cho mặt trận Tây Lào sau này là Đoàn 83 Viên Chăn. Khi tôi ở lại nằm vùng (ở tỉnh ủy Viên chăn), thì đồng chí Phước phụ trách liên lạc giữa đặc ủy Việt kiều Thái Lan với Tỉnh ủy viên Chăn. Khi tôi trở lại để làm nhiệm vụ đặc biệt cùng tổ công tác thì chính đồng chí là giao liên phụ trách đưa tôi sang căn cứ Loong Tòn và đón tôi về khi cần thiết. Đồng chí đưa người của Tổ công tác đặc biệt Việt và Lào ra vào nội thành Viên Chăn thông qua con đường giao liên vòng sang Thái Lan. Điều đó đảm bảo an toàn cho đến khi nhiệm vụ thành công, không hề xảy ra sơ xuất, lộ bí mật chút nào.


Sau này, khi tôi tiếp tục công tác tại Lào thì đồng chí được về nước học tập và làm những nhiệm vụ khác. Đồng chí đã ra khỏi ngành rồi mất tại Thái Lan.


Tôi còn nhớ anh Phát trước đây ở Xixiêngmạy là người chuyên lo giấy thông hành xuất nhập cảnh cho tôi qua lại giữa Lào và Thái Lan. Anh về nước thăm quê hương 1 lần và cũng đã mất. Anh còn có người anh ruột là Phạm Văn Minh đi bộ đội tại mặt trận Thượng Lào từ hồi kháng chiến chống Pháp (tức là một trong những người tham gia cách mạng sớm) rồi hy sinh và không còn tin tức gì. Anh Phát về nước làm đơn xin xác nhận gia đình liệt sĩ nhưng gặp nhiều khó khăn nên không được chấp nhận do thiếu điều kiện thẩm tra thẩm định.


Bên cạnh đó còn có anh Vận từng lái ca nô cho tôi và nhiều cán bộ qua lại từ Thái sang Làọ cả ngày, đêm trong điều kiện bất hợp pháp, không giấy tờ hoặc giấy tờ giả để thi hành nhiệm vụ đặc biệt tại Lào. Bao nhiêu năm từ kháng chiến chống Pháp anh là giao liên của ban chỉ huy Đoàn 83 của ban tiếp tế dưới sự chỉ huy của đồng chí Phước. Cho đến nay tôi cũng không còn tin tức gì của anh.


Các gia đình ông bà Bui, ông bà Pho đã từng cưu mang cán bộ ta trong nội thành Viên Chăn trong vòng kiểm soát ngặt ngèo của đối phương, nay họ cũng đã mất.


Trong đường dây giao liên của anh Phước còn có anh Tân là một giao thông viên tận tụy, giỏi tiếng Thái, quen nhiều cảnh sát Thái ở bờ sông Mê Kông thuận lợi cho việc đưa đón cán bộ ta. Chính anh là người đưa tôi từ Thái Lan qua lại Lào hoặc trên đất Thái, từ Phônvisẩy lên Noọng Khai nhiều lần đi bằng ca nô, tàu thuỷ. Tôi từng chứng kiến và ngồi cạnh để cùng anh chơi bài với cảnh sát Thái trên ca nô đang chạy. Anh chơi một cách thành thạo và chuyện trò đùa cợt với cảnh sát Thái một cách tự nhiên. Sau giải phóng anh được về nước, nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá. Anh đã mất ở trong nước.


Ngoài ra còn ông bà Phan Hữu Đương ở Tha Bo, cũng là cơ sở ăn ở, giao thông đưa tôi đi lại từ Tha Bo xuống Noong Khai hay từ Tha Bo lên Xixiêngmạy. Ông cũng là thành viên trong tổ tiếp tế do anh Phước chỉ huy và đã hồi hương về nước. Ông về làm cán bộ nhân viên của CP31 cho đến khi nghỉ hưu. Ông bà chính là thân sinh của Phan Hà Thành (đạo diễn của xưởng phim tài liệu Việt Nam) và Phan Hữu Việt là cán bộ ở Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Ông bà đều đã mất.


Ngoài đường dây giao liên Việt kiều dọc sông Mê Kông nói trên còn có những cơ sở yêu nước mà tôi quen biết trước đây hoặc cùng hoạt động, làm việc cho Tổng hội Cứu quốc thời gian tôi còn là Khu ủy viên Đảng bộ Việt kiều tỉnh Uđon (thời kỳ trước năm 1950). Đến khi trở lại làm nhiệm vụ đặc biệt (1959-1960) thì tôi đã xa bà con gần chục năm trời. Song họ vẫn nhiệt tình giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Trên hành trình vòng qua nội địa Thái Lan để làm nhiệm vụ đặc biệt này, lúc bí mật vượt qua sông Mê Kông từ đất Lào sang Thái trong đêm tôi đã được giao liên đưa đến gặp đồng chí Lê Văn Đại - Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Việt kiều toàn Thái ở một địa điểm bí mật bên thành phố Nakhon. Đồng chí cho biết tình hình các cơ sở mà tôi sẽ đi qua. Hôm sau tôi ăn mặc như người Thái Lan lên xe khách đi Sacôn rồi đi Uđon. Đến Ưđon tôi xuống xe ỏ gần ga rồi băng qua đường sắt theo đường mòn vào làng Nỏngbua, ngoại ô tỉnh Uđon, nơi trước đây tôi đã từng sống và làm việc. Tôi đã dễ dàng vào được nhà ông Cu Mộc, ngày xưa là bí thư chi bộ Nỏngbua. Gia đình đồng chí là Việt kiều cũ, có thể nói là gần như "Thái hoá", mấy người con nói tiếng Việt không sõi. Gặp tôi, bác ấy và con cái rất hoan hỉ tỏ ra nhớ tôi nhưng không có vẻ gì là ngạc nhiên mà người ngỡ ngàng nhất lại chính là tôi. Đêm đến ngồi chuyện trò tâm sự mới biết là đồng chí Lê Văn Đại đã cho người liên lạc đến báo trước cho bác ấy biết là tôi sẽ đến. Những gia đình chân chất, lao động làm vườn và chăn nuôi lợn để sinh sống từ thời Bác Hồ sang hoạt động ở Thái Lan đã cư trú và hoạt động cách mạng ở đất Nỏngbua này nay chắc không còn nữa. Đồng chí Nguyễn Như Văn cũng đã ra đi từ mảnh đất này để trở về miền Nam chiến đấu chống Pháp rồi chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng, sau này đã trở thành Trung tướng Cục trưởng Cục 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Tôi vẫn còn nhớ vùng Xixiêngmạy - Tha Bo - Noong Khai (đối diện với thành phố Viên Chăn) là nơi tôi có nhiều trạm trú chân đùm bọc, che trở cho bản thân tôi cũng như giao liên Lào và cán bộ lãnh đạo Lào qua lại từ căn cứ của Loong Tòn tỉnh Viên Chăn để vòng qua Thái Lan rồi đột nhập, ra vào thành phố Viên Chăn mà đối phương không hề hay biết.


Ngoài những đồng chí có tên trong ban tiếp tế, tổ chức giao liên tôi đã nói trên còn có nhiều gia đình Việt Kiều yêu nước khác được ban tiếp tế xây dựng thành cơ sở nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật. Ở huyện lỵ Tha Bo có gia đình bà Lan là nơi tiếp nhận giao liên Lào từ Viên Chăn sang. Cụ ông mất sớm, bà ở vậy nuôi 2 người con, khi họ trưởng thành đều đi bộ đội sang mặt trận Lào. Trong đó có chị Lan là đảng viên, cán bộ của huyện Tha Bo, sau này lấy chồng là đồng chí Phạm Kỷ, nguyên Phó chính ủy Đoàn 83 - Bí thư Ban Cán sự đảng bộ Viên Chăn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ CP31 (sau là CP38). Mỗi khi qua lại công tác trong hoàn cảnh bí mật cũng như sau này được về nước hồi hương, bà và gia đình vẫn luôn coi tôi như ruột thịt. Hiện nay gia đình con cháu bà đang ở tại 93 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Gia đình ông bà Nghị làm thợ mộc ỏ Tha Bo, có người em là Thanh và gia đình bà Gái, gia đình cụ Điển là những nơi tạm trú khi qua lại căn cứ bên Lào trở về hoặc từ đó xuất phát sang nội thành Viên Chăn. Bên cạnh đó còn có các gia đình ông Thi, ông Giáp, ông Sinh ở Xixiêngmạy là những cơ sở tạm trú từng nuôi giấu cán bộ của tổ công tác. Họ được hồi hương về nước cuối năm 1960. Cụ Điển, ông bà Nghị, ông Sinh, ông Giáp nay đều đã mất.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2021, 02:15:04 pm »

II. NHỮNG NGƯỜI CÒN SỐNG

Do hoàn cảnh chiến tranh cứu nước, nay đây mai đó trên các chiến trường B, C, K, cán bộ thì luôn luôn thuyên chuyển từ cơ quan này đến đơn vị, cơ quan khác, từ chiến trường của vùng này đến chiến trường vùng kia, thêm vào đó là hoàn cảnh chiến đấu khốc liệt nên thông tin về những người ở xa là hầu như rất hiếm.


Vì vậy tôi cũng như nhiều người, chỉ sau khi về hưu mới tự đặt thành vấn đề đi tìm bạn bè, thăm thú lẫn nhau. Ngoài những người đã khuất, trong số các bạn bè còn sống - phần lớn cũng đã về hưu trước tôi, thật may là tôi còn tìm được 2 đồng chí trong Tổ công tác đặc biệt đi Lào giúp bạn năm ấy.


1. Đồng chí Nguyến Văn Vinh

Là báo vụ kiêm cơ công của tổ chúng tôi. Đồng chí sinh năm 1922, nhập ngũ năm 1948, quê ở xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương - nơi đồng chí nghỉ hưu với 30 năm tuổi quân. Thời gian đi làm nhiệm vụ đặc biệt, đồng chí một mình vác bộ điện đài GRC9 (do Mỹ sản xuất) nặng 18kg. Bộ điện đài quá nặng, anh em muốn thay nhau vác giúp nhưng đồng chí Vinh không chịu, sợ anh em vấp ngã làm hỏng máy. Dọc đường hành quân, hễ anh em dừng chân nghỉ là đồng chí hạ máy xuống làm việc ngay. Ngoài ra mỗi đồng chí còn vác theo 3kg gạo dự trữ đề phòng khi bị lạc, túi thuốc cứu thương, phao bơi, một còi sắt để đuổi voi phòng khi gặp nó ở đường rừng. Ba lô quần áo tư trang khác thì anh em chia nhau mang hộ đồng chí Vinh.


Đồng chí kể chuyện thời đó đang cùng đơn vị tham gia công trường hồ Bảy Mẫu để xây dựng công viên Thống Nhất ở Hà Nội thì được gọi về giao nhiệm vụ đi công tác đặc biệt bên Lào, không biết đến địa phương nào hay mục tiêu cụ thể là thế nào. Lúc đầu tiên định cử đồng chí Phan Văn Đa đi nhưng đồng chí Đa mới học báo vụ xong, lại chưa biết chữa máy, không thể đi độc lập, trong khi đồng chí Vinh có thể đồng thời làm báo vụ và cơ công nên cấp trên cử đi thay vào đó.


Suốt cả hành trình hành quân đi và về hàng ngàn cây số đường rừng cũng như lúc ở căn cứ Loong Tòn trong hơn 1 năm trời, đồng chí luôn luôn đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt với Trung ương. Nhiều lúc khối lượng các bức điện khẩn và hoả tốc quá nhiều, đồng chí làm việc suốt đêm không nghỉ, ấy vậy mà liên lạc không bao giờ bị gián đoạn. Đúng như đồng chí Hoàng - trưởng phòng thông tin liên lạc của Cục Nghiên cứu thời bấy giờ nói: "Giao máy, điện đài cho đồng chí Vinh đi chuyên công tác đặc biệt này, tôi mới yên tâm". Ngoài công việc báo vụ, những lúc rỗi rãi đồng chí còn tranh thủ huấn luyện các đồng chí nước bạn là Thoongsỉ và Bunmi làm báo vụ cho tỉnh ủy Lào. Anh Vinh còn sửa chữa một số máy GRC9 của tỉnh bạn để bạn liên lạc trực tiếp với Trung ương và giúp đồng chí Bunmi về Việt Nam học rồi quay lại Lào hoạt động bí mật trong nội thành Pakxê (Hạ Lào). Khi Lào được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Bunmi trở thành bí thư huyện ủy ở đó và vẫn thường xuyên nhắc đến đồng chí Vinh.


Sau chuyến đi công tác đặc biệt, năm 1961 đến năm 1963 đồng chí lại được cử sang Lào phục vụ tổ công tác mật của Cục Nghiên cứu do đồng chí Nguyễn Viết Thìn phụ trách ở Sêpôn - Mường Phin (đường 9 Nam Lào) rồi xuống hoạt động ở Pakxê.


Năm 1976 đến 1978 đồng chí lại được cử sang làm chuyên gia trong Đoàn 176 để giúp xây dựng ngành thông tin liên lạc của Cục 49 Bộ Quốc phòng Lào, được bạn hết sức quý mến. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí nghỉ hưu năm 1979 với quân hàm đại úy, về sống cùng gia đình, bà con xóm làng tại quê nhà. Đồng chí là một người đảng viên, Bộ đội Cụ Hồ tận tụy với dân, với nước, chiến đấu công tác ở chiến trường Lào gian khổ, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2021, 02:15:53 pm »

2. Đồng chí Nguyễn Ngôn

Đồng chí cũng sinh năm 1922, bằng tuổi đồng chí Vinh, sinh tại Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí Ngôn nhập ngũ tháng 8 năm 1945, đã lĩnh huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 2007.

Năm 1953-1954, đồng chí làm đại đội phó rồi đại đội trưởng của Tiểu đoàn 323 trinh sát đặc công Liên khu V, từng là chiến sĩ du kích Ba Tơ tập kích vào thị xã Áttapư (Hạ Lào) hoạt động đánh biệt kích địch nhiều trận ở Pạc Xoòng (cao nguyên Bôlôven). Năm 1958, cấp trên điều anh Ngôn về làm huấn luyện trinh sát của Quân khu 4. Đến đầu năm 1959, anh được giao nhiệm vụ phụ trách nhóm 4 anh em đặc công trong Tổ công tác đặc biệt sang Lào giúp bạn. Trước đó anh chưa biết nhiệm vụ cụ thể sẽ làm gì và tại địa phương nào, chỉ biết đây là nhiệm vụ đặc biệt. Khi tuyển anh, phòng 71 tổ chức thực tập tiềm nhập đồn địch để kiểm tra trình độ kỹ chiến thuật đặc công. Mục tiêu đột nhập là cổng gác cửa Nam của thành Hà Nội. Kế hoạch giao cho nhóm đồng chí Ngôn chuẩn bị phương án là 20 ngày. Đến ngày thực hiện, đúng 12 giờ đêm, anh Ngôn phân công các đồng chí Đăng và Du đột nhập bệnh viện 354 (thời đó ở sát cạnh tường thành), chọn điểm, đúng giờ hẹn vượt qua tường bệnh viện cũng là tường thành; đồng chí Lầu đột nhập nhà bảo tàng quân đội, nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (cũng có tường giáp thành) từ chập tối, lợi dụng bóng cây to trèo tường vào thành. Riêng anh Ngôn đã nắm được quy luật giờ đổi gác, quy luật xe quân sự ra vào thành là xe có số biển trong thành, số xe đó lính gác đã quen thuộc nên không hỏi giấy tờ. Đúng 11 giờ đêm, có xe vào, đồng chí nấp ở sau thân cây to cạnh cổng, khi lính gác mở cổng thì nhanh chóng đi theo bên sườn xe và thản nhiên đi theo vào thành. Người trên xe nghĩ anh là người của trạm gác, lính gác lại nhầm anh với người trên xe xuống. Cuối cùng, cả 4 đồng chí đã tập trung đúng hẹn tại một điểm trong thành. Buổi đột nhập đó có trưởng phòng 71 và trưởng phòng huấn luyện giám sát cuộc thực tập kiểm tra và đánh giá đạt yêu cầu.


Trên đường hành quân xuyên rừng vượt núi từ biên giới Mường Xén qua đất Thaviêng, Thà Thôm (Xiêng Khoảng), các đồng chí trinh sát - đặc công còn có nhiệm vụ bảo vệ điện đài và cơ yếu, nhất là giúp đồng chí Vinh mang vác tư trang và bộ Ragônô (máy phát điện quay tay dã chiến của quân đội Mỹ). Dọc đường hành quân, đồng chí Ngôn và cả nhóm đặc công thay nhau quay máy Ragônô cho đồng chí Vinh lên đài làm việc ở mỗi chặng dừng chân. Tuy nhiên khi đến căn cứ Loong Tòn, tình hình đã thay đổi. Vì là tổ trưởng, tôi vào nội thành trước, qua các nguồn tin tôi được biết đối phương không còn giam lỏng các lãnh tụ Lào yêu nước mà đã cho lính đến nhà bắt các vị đưa vào giam chặt trong trại lính Phôn Khênh, ở đó chúng đã cấp tốc cải tạo chuồng ngựa thành trại giam có bố phòng nghiêm ngặt. Vì vậy tôi đã đề xuất ý kiến với bạn không dùng phương án bạo lực (dùng đặc công tập kích vào nơi giam giữ) được nữa mà chuyển sang phương án xây dựng cơ sở nội ứng, phối hợp trong ngoài, chọn thời cơ bí mật, bất ngờ đưa các vị thoát ra và về căn cứ của tỉnh ủy. Còn đặc công của ta thì chuyển sang giúp bạn mở một lớp huấn luyện đặc công để chuẩn bị lực lượng bảo vệ của bạn khi có thời cơ bí mật đưa các đồng chí bị giam thoát ra ngoài, đồng thời để làm nòng cốt phát động chiến tranh du kích trở lại theo nghị quyết chuyển hướng chiến lược của Trung ương. Ý kiến trên được Ban chỉ đạo bạn tán thành và Trung ương Đảng chuẩn y. Vì vậy sau lớp huấn luyện cấp tốc 1 tháng, lãnh đạo và Quân ủy ta đồng ý cho nhóm đặc công rút về nước. Anh em đội đặc công của đồng chí Ngôn lại trèo núi vượt sông hành quân trở về theo đường giao liên, qua các vùng cơ sở cách mạng trên đất Borikhâmxay về Nghệ An. Tại đây có xe của Cục Nghiên cứu đón các đồng chí ra Hà Nội.


Sau khi về nước, đồng chí Nguyễn Ngôn làm chính trị viên phó trường trinh sát của Cục Nghiên cứu, các đồng chí khác trở về đơn vị cũ ở Quân khu 5. Tháng 12 năm 1974, anh Ngôn về hưu với quân hàm đại úy. Sau khi miền Nam giải phóng, anh đưa vợ con lên Pleiku (Tây Nguyên) lập nghiệp. Con trai tốt nghiệp trường kiến trúc, năm 1982 đã nhận được giải thưởng quốc tế ở Cuba. Trong bài "Anh bộ đội Cụ Hồ tham gia giải thoát hoàng thân Xuphanuvông" đã đăng trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần số ra ngày 28 tháng 11 năm 2004 có đoạn viết: "Đồng bào các dân tộc ở phường Hoa Lư thành phố Plâycu ai cũng quen biết ông Nguyễn Ngôn, tổ trưởng tổ hòa giải kiêm trưởng thanh tra nhân dân. Mặc dù đã 83 tuổi, ông vẫn tích cực tham gia công tác xây dựng địa bàn và các hoạt động xã hội, sống gương mẫu, đoàn kết, được mọi người kính phục".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2021, 02:16:49 pm »

Ở đoạn trên, khi kể về những người đã khuất, tôi đã viết: "Không thể chỉ kể đến những đồng chí có trong danh sách 9 anh em thuộc Tổ công tác đặc biệt". Đúng như thế, sẽ là thiếu sót lớn nếu nói về đồng đội còn sống mà tôi không nhắc đến những đồng chí ở các đơn vị phối hợp, những cộng tác viên, những cơ sở yêu nước đã hỗ trợ đắc lực cho tổ công tác chúng tôi. Mặc dù lúc đó họ chỉ biết chúng tôi đang làm công tác của trên giao, chứ không hề hay biết rằng đó là nhiệm vụ đặc biệt cụ thể như thế nào. Nhưng có thể nói, anh em trong tổ chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu thiếu đi sự giúp sức của họ. Trong đó, tôi còn nhớ những người còn sống, trước tiên là các đồng chí, các cơ sở đã phối hợp giúp đỡ tổ công tác đặc biệt chúng tôi, đó là các đồng chí:

- Đồng chí Tống Văn Trinh: sinh năm 1923 tại Châu Phú, thị xã Châu Đốc - An Giang, nhập ngũ ngày 2 tháng 10 năm 1946, vào Đảng ngày 6 tháng 1 năm 1948, là một đại đội trưởng nổi tiếng của Sư đoàn 330 - sư đoàn chủ lực tại mặt trận Hậu Giang của Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Tháng 4 năm 1957, đồng chí thuyên chuyển về làm cán bộ của Cục Nghiên cứu. Tháng 10 năm 1958, với bí số N113, anh được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng cơ sở mật xuyên rừng theo đường giao liên vượt biên giới vào nội thành Viên Chăn. Khi tôi vào Viên Chăn làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, đồng thời là phái viên của Cục Nghiên cứu, tôi móc nối liên lạc với N113 để nắm nguồn tin. Những thông tin đồng chí cung cấp phục vụ trước mắt cho nhiệm vụ đặc biệt giúp bạn, ngoài ra còn theo yêu cầu nắm tình hình địch ở Lào của cấp trên. NI 13 cũng như N114 (anh Long) đã tích cực hoạt động và giữ liên lạc thường xuyên với tôi qua hộp thư chết và mực hoá học. Cũng có khi chúng tôi gặp nhau chớp nhoáng để trao tay những tài liệu, báo cáo hay chỉ thị đã được ngụy trang. Nhờ nhiều tin tức đóng góp của các đồng chí, Tổ công tác đặc biệt đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau đó đồng chí Trinh tiếp tục âm thầm công tác bí mật, bất hợp pháp, sông trong gian nan nguy hiểm liên tục gần 20 năm ở vùng địch hậu Viên Chăn. Đến khi Việt Nam và Lào được hoàn toàn giải phóng đồng chí và vợ con mới được về nước. Tháng 11 năm 1977, đồng chí Trinh được chuyển ngành về công tác tại Cần Thơ với quân hàm đại úy. Đồng chí được lãnh đạo địa phương cử làm Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang cho đến khi bị tai biến mạch máu não năm 1989 mới về hưu.

Anh Trinh là một cán bộ, đảng viên và quân nhân cách mạng có hơn 40 năm chiến đấu và công tác, trong đó gần nửa thời gian hoạt động ở chiến trường địch hậu Lào. Trải qua những thử thách lớn lao, anh vẫn giữ được phẩm chất đạo đức, tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường, còn lập được chiến công trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum phá kế hoạch Kukiệt của địch, được Bằng khen của Cục Nghiên cứu. Những điều đó quả là đáng khâm phục.


- Đồng chí Phan Văn Đa: sinh năm 1932 tại Thakhek, nhập ngũ năm 1950, là báo vụ viên vô tuyến điện. Đồng chí vừa là đồng hương với tôi, vừa ỏ cùng cơ quan Ban chỉ huy Đoàn 83 thời kháng chiến chống Pháp. Đồng chí không ở trong biên chế Tổ công tác đặc biệt sang giúp bạn cùng với tôi từ đầu, nhưng sau khi cuộc giải thoát Chủ tịch Xuphanuvông đã thành công trót lọt, tiếp đến cuộc đảo chính của Koongle, mặt trận Viên Chăn diễn biến khẩn trương phức tạp, cấp trên đã kịp thời cử đồng chí Đa mang điện đài sang tăng cường cho bộ phận của tôi lúc ấy nằm trong nội thành Viên Chăn. Đồng chí cùng đồng chí Vụ cơ yếu, đồng chí Bùi Sĩ Vỹ, có đồng chí Trần Văn Điển dẫn đường đã trèo đèo vượt núi băng qua ghềnh thác, sông suối muôn vàn gian khổ để sang đến căn cứ chúng tôi ở ngoại thành. Trong lúc điện đài của đồng chí Vinh đã đi theo phục vụ cuộc hành quân của Chủ tịch Xuphanuvông lên phía bắc, thì điện đài của đồng chí Đa đã trở thành mạch máu thông tin duy nhất nổi liền Viên Chăn với Hà Nội. Đồng chí đã cùng tôi vào sinh ra tử, làm việc bất kể ngày đêm giữa chiến trường nóng bỏng và đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu 7 ngày đêm ở nội thành Viên Chăn thời đó. Sau này đồng chí còn liên tục sang công tác làm chuyên gia giúp bạn nhiều đợt. Năm 1995 đồng chí đã được nghỉ hưu với quân hàm đại tá.


- Bác Dương Đình Thuần: giao thông viên phụ trách đường dây ven sông Mê Kông từ Bạn Pheng - Bùng Khà - Phôn Vi Xảy - Nỏng Khai. Bác đã tận tụy phục vụ đường dây này từ kháng chiến chông Pháp đến hết kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mới nghỉ hưu, rồi tiếp tục sinh sống với vợ con tại Thái Lan, 2 người con trai của bác về nước học tập và công tác tại Hà Nội, đều đã lập gia đình. Năm 2007, bác về nước (lúc này bác đã 87 tuổi) trong đoàn đại biểu Việt kiều Thái Lan nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9. Đoàn đại biểu gồm 30 người đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp đón rất ân cần.


- Bà Lý Thị Nụ: Bà sinh năm 1925, là cán bộ của hội Việt kiều cứu quốc ở Thái Lan, vào Đảng năm 1948, Bí thư chi bộ ở huyện lỵ Xixiêngmạy, tỉnh Noong Khai (đối diện thành phố Viên Chăn) từ năm 1954 đến năm 1960. Bà đã từng chủ trì việc bố trí cơ sở ăn, ở tạm trú cho cán bộ Tổ công tác đặc biệt qua lại biên giới Lào - Thái Lan. Cuối năm 1960, bà được về nước, tiếp tục tham gia công tác địa phương, làm Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Từ năm 1968 đến năm 1976, bà là huyện ủy viên, Trưởng phòng tổ chức của huyện. Bà về hưu năm 1981.


- Bà Lý Thị Sửu: Bà sinh năm 1937, là giáo viên tiểu học, hội viên hội Việt kiều cứu quốc ở Thái Lan. Năm 1959 đến năm 1960, bà làm giao liên phục vụ Tổ công tác đặc biệt Việt Nam vào Lào qua lại từ Xixiêngmạy (Thái Lan) sang Viên Chăn, đã nhiều lần đột nhập thành phố Viên Chăn để móc nối chuyển giao tài liệu, đưa đón cán bộ Việt và Lào đi công tác vượt sông Mê Kông. Năm 1961, bà về nước, làm công nhân Nhà máy xe điện Hà Nội, sau đó tham gia công tác ở cơ sở, làm Phó chủ tịch xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội từ năm 1968 đến năm 1977. Bà nghỉ hưu năm 1984.


- Gia đình bà Gái (nay đã ngoài 70 tuổi) cùng gia đình ông Thanh nay sinh sống ở thành phố Sơn Tây, vốn là những gia đình cơ sở tạm trú tại huyện Tha Bo của Tổ công tác đặc biệt khi qua lại Thái Lan những năm 1959 đến năm 1960.


Sau một thời gian mày mò tìm kiếm, khi bắt được liên lạc với đồng chí Nguyễn Văn Vinh (Hải Dương) và đồng chí Nguyễn Ngôn (Pleiku), tôi đã hẹn các đồng chí về gặp mặt tại gia đình tôi. Ngày 25 tháng 8 năm 2003, ba người lính trong Tổ công tác đặc biệt năm xưa mang theo một bức trướng đến mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân ngày sinh nhật của ông. Dù đã chuẩn bị kỹ càng cùng những bộ complê, thắt ca ra vát chỉnh tề và đến sóm, nhưng ba anh em đều băn khoăn không biết liệu Đại tướng còn nhớ đến chúng tôi? Sau lời phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình - Giám đốc, đồng thời là đại diện cho đoàn cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, đến lượt ba anh em chúng tôi chúc thọ Đại tướng. Chúng tôi thật vui sướng và ngỡ ngàng khi ở tuổi 93 mà Đại tướng vẫn nói chuyện hoạt bát vui vẻ đến thế. Người nhớ rành rọt từng câu chuyện năm xưa khi giao nhiệm vụ đặc biệt cho tổ chúng tôi đi giúp bạn Lào. Khi nhắc đến câu chuyện cách đây gần nửa thế kỷ, tôi không khỏi bồi hồi và nói: "Khi Đại tướng giao nhiệm vụ, chúng tôi đều mới trên dưới 30 tuổi, đều còn trẻ măng, bây giờ đã...". Đại tướng cười rất tươi và đón lời ngay: "Bây giờ anh vẫn còn trẻ...". Gian phòng vốn chật ních người rộn lên tiếng cười và vỗ tay của mọi người. Tôi phấn khởi tiếp lời: "Vâng, ở tuổi 73 tôi vẫn thuộc hàng con cháu của Đại tướng". Đại tướng cười vui vẻ, không khí căn phòng thêm rộn ràng vì chúng tôi thấy rõ Đại tướng thật tinh tường và minh mẫn, phản ứng thật nhanh nhạy trong câu chuyện. Sau cuộc chuyện trò, từng đoàn khách được chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng. Riêng tấm ảnh chụp cùng ba anh em trong tổ công tác đặc biệt, Đại tướng đã tự tay để tặng những dòng sau đây:

"Cuộc giải thoát Chủ tịch Xuphanuvông là một chiến công đặc biệt tiêu biểu cho tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Chúng ta hãy giữ vững và phát triển tình hữu nghị đặc biệt ấy. Chúc các đồng chí mọi sự tốt lành và nhớ mãi công lao của các đồng chí, trong đó có các đồng chí đã không còn...
Thân, 3-9-2003
Võ Nguyên Giáp

Ba chúng tôi phấn khởi nói với nhau rằng "đây là vinh dự, là phần thưởng cao quý nhất đối với Tổ công tác đặc biệt chúng ta và toàn thể các đồng chí kẻ còn người đã mất, các anh em bà con đã tham gia vào công cuộc giúp bạn góp phần giải cứu Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo Mặt trận yêu nước Lào năm xưa" - một sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Lào và của quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai nước anh em Lào - Việt".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM