Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:00:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử khai phá và bảo vệ chủ quyền vùng đất Châu Đốc thời Nguyễn  (Đọc 3699 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2021, 10:24:58 am »

3. VẤN ĐỀ SỬ DỤNG QUAN LẠI Ở CHÂU ĐỐC CỦA TRIỀU NGUYỄN

Việc đặt quan chia chức "phương bá châu mục" ở các địa phương vốn ra đời từ lâu trong lịch sử và ở mỗi thời kỳ, mỗi triều đại có sự xếp đặt khác nhau. Tuy nhiên, thời nào cũng vậy, Nhà nước đặt quan ở các địa phương luôn đều có mục đích dùng các quan thay mặt triều đình để giữ nước, trị dân.
Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, các triều đại luôn lấy việc phong tước dựng quan chức là một chính thể lớn của nhà nước. Đặc biệt, đến thời Nguyễn, khi tình hình đối nội, đối ngoại trở nên khó khăn: tình trạng bất an trong xã hội, những cuộc náo động của nông dân, chiến tranh thường xuyên ở vùng Tây Nam, âm mưu cướp nước của chủ nghĩa thực dân phương Tây... đã đặt lên vai nhà Nguyễn một lúc nhiều gánh nặng.


Sau năm 1802, những lực "ly tâm", "cát cứ", địa phương tự trị, "chứng bệnh kinh niên" của lịch sử, đang là một trở ngại lớn cho triều Nguyễn, mâu thuẫn với ý muốn tập trung quyền lực vào tay chính quyền Trung ương.


Đối với các trấn tỉnh, những phên che "quan trọng" ở biên thuỳ, triều Nguyễn bằng nhiều đợt tuyển cử, nhiệm cử, khoa cử... để "tuyển hiền" (tuyển chọn người hiền tài) vào đảm đương chức thú mục ở các địa phương. Bởi vì, triều Nguyễn coi các viên tổng đốc, tuần phủ "là những bậc trọng thần ở nơi biển khổ" [108, tr.43].


Các vua Nguyễn đã rất nhiều lần răn dạy các quan trong ngoài. Vua Tự Đức nói: "Quan giữ việc ngoài biên khổn, họ cho là cửa quan ở xa muôn dặm, cái tệ ấy quá lắm. May mà có người giác ra. Tìm cách trị dần, cũng chẳng qua đáng một hai phần mười thôi. Còn những việc trong lúc tối tăm lại khéo che đậy thì lại chẳng biết gấp bao nhiêu lần nữa" [106, tr.333].


Vì vậy, dưới thời Nguyễn, triều đình rất thận trọng khi kén quan lựa tướng đi làm các chức "thú mục" ở các tỉnh hạt, biên cương. Vua Minh Mệnh từng có lời dụ: "chức đại thần nơi biên cương, kén chọn không thể không cẩn thận". "Trẫm vì kế hay cho tôn miếu xã tắc, muốn được người giỏi nên gia tâm kén chọn, không dám khinh suất làm bậy" [86, tr. 59]. Tuy nhiên, việc kén quan chọn tướng xếp đặt ở từng tỉnh hạt cụ thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đức độ, tài năng... và tình hình cụ thể ở từng địa phương để xếp đặt. Sau đây, thử tìm hiểu việc sử dụng quan lại ở một vùng đất cụ thể, tỉnh An Giang nhà Nguyễn.


Năm 1832, triều Nguyễn xếp đặt lại tổ chức hành chính các tỉnh phía Nam, lập nên tỉnh mới An Giang. Tuy đến năm 1832, Châu Đốc mới là "tỉnh lỵ", nhưng thực tế từ năm 1812 đất Châu Đốc đã thành trấn lỵ khi viên trấn thủ Lưu Phước Tường không còn ở trấn lỵ Vĩnh Thanh, mà theo lệnh triều đình phải đến "án thủ" đồn Châu Đốc, lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn và kiêm quản việc Hà Tiên trấn biên vụ. Từ đó về sau, trên thực tế đồn Châu Đốc trở thành nơi trấn nhận của viên trấn thủ và là dinh của quan bảo hộ Chân Lạp.


Nhà Nguyễn nhận thức rõ vị trí "hiểm yếu" của đất Châu Đốc, phía Nam giữ yên Chân Lạp, phía Tây khống chế Xiêm La, là phên che lớn của nước. Thiệu Trị đã nói: "tỉnh An Giang là nơi trọng yếu ở biên thuỳ, lại giáp giới nước Xiêm La, công việc điều độ quan hệ không phải là nhỏ" [103, tr. 81]. Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt cũng cho: "Châu Đốc là nơi địa đầu biên viễn, mà Chân Lạp lại là nước phiên phụ, dùng người hay hay dở có quan hệ cho việc biên giới" [89, tr. 255].


Ở vào vị trí "trọng trấn" cõi biên thuỳ, vì vậy dưới triều Nguyễn, Châu Đốc - Hà Tiên là chiến trường chính của các cuộc xâm lược từ phía Xiêm, Chân Lạp. Hơn nữa, là vùng đất mới ở Tây Nam, nhu cầu khẩn hoang mở rộng diện tích canh tác, đẩy mạnh lập thôn ấp, chiêu mộ dân cư, phát triển cơ sở xã hội cho chính quyền phong kiến ở đây luôn được gắn liền với vấn đề quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. So với các vùng khác ở đất Nam Kỳ vấn đề khai phá và bảo vệ Châu Đốc từ năm 1757 đến năm 1867 là thời kỳ bản lề rất quan trọng đối với sự thống nhất quốc gia dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, ở tuyến biên giới Tây Nam.


Vì vậy, khi kén tướng cho đi trấn nhậm vùng đất An Giang, triều Nguyễn rất thận trọng. Dư âm nặng nề về vụ việc trấn thủ Lưu Phước Tường cùng cai bạ Lê Đắc Tần, ký lục Trần Bá Bảo trong thời kỳ "án thủ" ở đồn Châu Đốc (1812-1816) nhũng lạm dân, đã để lại những hậu quả tai hại. Về sau, cuối đời Minh Mệnh, viên thự án sát Nguyễn Nhật Thạnh vì "trị dân phòng giặc không đúng phương pháp" đến nỗi Thổ dân không yên tĩnh, người Thổ ở biên giới nổi lên chống lại triều Nguyễn, triều đình phải rất vất vả mới dẹp yên được. Cho nên, việc đặt quan ở An Giang hay hay dở có quan hệ rất lớn đến tình hình trị loạn ở biên giới. Vua Thiệu Trị nói: "chức đại thần ở nơi biên cương, kén chọn không thể không cẩn thận" [101, tr.285]. Những viên quan chọn bố ở An Giang phải được kén chọn không chỉ có tài làm tướng mà còn phải là người có kinh nghiệm và từng trải. Như năm 1817, đình thần chọn cử ký lục Quảng Đức là Nguyễn Văn Hưng đi làm ký lục trấn Vĩnh Thanh, vua Gia Long không cho vì cho rằng: "Hưng tuổi còn ít, huyết khí đương hăng, nên để ở kinh kỳ không nên đi biên cương xa xôi" sợ không đương nổi chức [84, tr.333].


Năm 1840, khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, người Khmer ở Thất Sơn và ở Chân Lạp bị Xiêm ngầm xúi giục chống lại sự bảo hộ của nhà Nguyễn. Triều đình kén tướng, viên Tả đô ngự sử ở Viện Đô sát là Nguyễn Công Trứ xin đi. Xét thấy Nguyễn Công Trứ là bậc văn võ toàn tài, là một con người "danh bất hủ" [126, tr.3] "người trác lạc, khí hào mại" [114, tr.376], không chỉ quen thạo việc khẩn hoang ở Nam Định, Ninh Bình, "Lĩnh chức điền sứ một năm mà mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành mối lợi vĩnh viễn", mà còn đã từng đánh dẹp cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành ở Nam Định (1826), dẹp "giặc" ở Quảng Yên (1838), đánh Nông Văn Vân ở Tuyên Quang (1833), là một vị tướng thạo việc quân cơ nên triều đình cử Nguyễn Công Trứ đi đánh giặc ở Tây Nam [100, tr.345]. Ông được giữ chức Tán lý cơ vụ, sau lại được nhận chức Tham tán đại thần, rồi làm Tuần phủ An Giang. Dù ông có tài "kinh bang tế thế", "vua biết mặt, chúa biết tên" nhưng vì sự thế khó khăn ở biên giới phía Tây, rồi bị viên tổng đôc An - Hà là Nguyễn Công Nhàn bày mưu hãm hại 2 lần, dù vô tội nhưng ông vẫn bị vua cách tuột sung lính thú ở Quảng Ngãi. Ông nếm mùi vinh lẫn nhục, "lên voi xuống chó" ở mặt trận Tây Nam mấy lần trong ba năm. Đúng là thời đại tạo nên ông và ông cũng chính là nạn nhân của thời đại.


Chiến tranh biên giới Tây Nam kéo dài mãi, binh sĩ "gối giáo nằm mác" nhiều năm mà chưa thôi, nhiều binh tài tướng giỏi triều Nguyễn đều cử đến đây. Ngoài Nguyễn Công Trứ, có Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Văn Điển, Vũ Văn Giải, Lê Văn Đức, "những danh thần túc tướng, trong đám học vấn biết cả văn lẫn võ", đều được sai đi đánh giặc ở Tây Nam.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2021, 10:25:44 am »

Trong số đó, đặc biệt có Nguyễn Tri Phương - Thượng thư Bộ binh, vốn là một văn quan nhưng dũng cảm, khí lược, thạo việc hàng trận. Triều Nguyễn thường cử ông đi những chiến trường nóng bỏng, vì ông được coi là viên đại tướng nổi danh nhất thời bấy giờ, "vị tướng số 1 của nước Việt Nam thế kỷ XIX" [145, tr.113] dũng mãnh và lắm mưu chước, vua Tự Đức cho là "khó kiếm được người như thế". Khi vào từ biệt bệ rồng đi biên giới Tây Nam, vua yên ủi, nói rằng: ngày xưa có câu "không gặp được chỗ gốc vặn thớ quánh, thì không phân biệt đồ dùng sắc bén" [101, tr.154]. Khi đối trận, Nguyễn Tri Phương lấy mưu mà đánh địch, dùng trí lực mà phục được người Ba Đà (phong tục ký người Chân Lạp gọi người Thổ là người Ba Đà), được vua sắc cho "An Tây trí dũng tướng". Năm 1847, khi nghị công các tướng về việc biên thuỳ Tây Nam, vua dụ rằng: An Tây trí dũng tướng Nguyễn Tri Phương mới nhận trách nhiệm ký thác biên khổn, lịch duyệt nơi cương trường, một lần cất quân (mà bình được giặc); hai lần khiến cho tù trưởng Man mất vía, cõi xa quy thành. Thực là văn thần mạnh thay công võ" [104, tr.325]. Vì công huân đó, Nguyễn Tri Phương được phong tước Tráng liệt tử. Sau đó, được cùng cô mệnh lương thần Trương Đăng Quế và đại thần Vũ Văn Giải làm phụ chính đại thần [104, tr.392].


Trong thời kỳ làm tổng đốc An - Hà (1844-1845), sau đi đánh giặc ở Trấn Tây (1845), cũng như mang cờ tiết đến miền Nam làm Kinh lược sứ Nam Kỳ (1853-1858), là người đức độ tài trí, Nguyễn Tri Phương đã "hưng việc lợi trừ việc hại", chỉnh đốn quan lại, họp yên nhân dân, chiêu tập dân làm đồn điền được 24 cơ, An Giang có 4 cơ, lập 124 làng ấp, trong đó An Giang có 23 làng ấp, làm cho biên giới đủ lương thực, khoan dung cho kẻ phạm trốn ra thú, để hết giặc cướp, xử việc hình ngục, xét hỏi kẻ gian, khoan ngạch thuyền, hoãn điều lính, gồm 13 việc, được vua cho là bề tôi giỏi kỳ cựu vốn tỏ ra trung thành thưởng cho gia nhị cấp. Làm cho 6 tỉnh được mùa thóc gạo đầy đủ [104, tr.437].


Năm 1858, khi Pháp đánh Đà Nẵng quyết liệt, Nguyễn Tri Phương được điều ra mặt trận Đà Nẵng. Năm 1861, khi Pháp đánh Nam Kỳ, vua cho là làm tướng cai quản Nam Kỳ không ai bằng Nguyễn Tri Phương, lại sai ông đi. Sau lại đến mặt trận Biên Hoà, Bình Thuận, Tuyên Quang, Tây Bắc, đánh thắng giặc biển ở Cát Bà, Phù Long,...


Nguyễn Tri Phương không chỉ là một đại tướng có tài đánh dẹp và vỗ yên, mà còn là một văn quan, "thuần thần, túc tướng". Năm 1865, khi ông trấn nhậm Hải Yên, nơi đây bị hạn nặng. Nguyễn Tri Phương "đảo vũ" ở Đường Sơn được mưa lớn mấy ngày, khi dâng trình văn khấn, vua nói rằng: "Đọc văn khấn của khanh thấy lòng thành chan chứa, mà ta không ngờ rỏ nước mắt tràn xuống mặt mà khóc nức nở" [104-449].


Vì vậy, năm 1866 xét công vua cho Nguyễn Tri Phương có nhiều công lao gánh vác việc nặng nề, khó kiếm được người như thế, thăng thụ cho điện hàm Vũ hiển điện đại học sĩ và nói rằng, viên ấy là đại thần có công khó nhọc, quân công rõ rệt cho nên đặc biệt ưu đãi [104, tr.452]. Ông được tước thái tử thái bảo Võ hiển điện đại học sĩ, Trí dũng tướng, Tráng liệt bá..., được ban gươm vàng cung ngọc. Tự Đức nói rằng: "khanh là bậc công thần túc tướng, uy phong lừng lẫy, trải thờ 3 triều, đánh hơn trăm trận, trước dẹp phương Nam, nay yên đất Bắc, một lòng yêu nước thương dân, chẳng nài khó nhọc" [145, tr.151]. Tên thật ông là Nguyễn Văn Chương, năm 1850 vua Tự Đức đặt cho tên là Nguyễn Tri Phương, lấy ý theo câu "Dũng thả tri phương", nghĩa là dũng mãnh mà lắm mưu chước [145, tr.73]. Năm 1873, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội, ông đã tuẫn tiết bỏ mình vì nước.


Trong việc đánh giặc ở biên giới Tây Nam, ngoài Nguyễn Tri Phương, còn có viên tỉnh thần An Giang Hữu tham tri Bộ hô - Doãn Uẩn, được bổ làm Tuần phủ An Giang (1844), năm sau được thăng Thượng thư Bộ binh và năm 1847 được thăng Tổng đốc An - Hà. Khi chọn các tướng Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Nguyễn Văn Hoàng nhận lãnh trách nhiệm biên giới An Giang, vua Thiệu Trị nói rằng: Ba người này "tất cả đều là danh thân túc tướng, trẫm đã biết rõ nên mới lựa chọn đặc phái" [103, tr.331]. Vua Thiệu Trị rất khen tài đánh giặc của Doãn Uẩn "cất ngay quân đi làm vang dậy tiếng tăm quân sĩ", "mình ở đội trước lập được công đầu... đều ra lắm mưu lạ, nắm phần thắng, vỗ về biên cảnh, bình định nơi xa".


Trong việc biên giới Tây Nam, Doãn Uẩn là người có bản lĩnh, có công trạng, biết cả văn lẫn võ, nên được triều đình ban tước vinh phong "Tuy tĩnh tử", rồi "Tráng liệt tử", "Mưu lược tướng", được khắc tên vào bia đá, dựng bia vũ miếu, vũ công. Ông cũng là người lập nên chùa Tây An ở núi Sam, Châu Đốc.


Tháng 11 năm Kỷ Dậu (1849), Doãn Uẩn mất ở nơi làm quan. Ông là người lúc còn sống vì nước hết sức khó nhọc, có tiếng là liêm chính và tài năng nên được triều đình truy tặng hàm Hiệp biện đại học sĩ, hậu cấp thêm tiền tuất ngoài lệ là 300 quan, sai vát thuyền hộ đưa linh cữu về nguyên quán ở Nam Định và sai tỉnh thần đến tế. Rồi sau đó, viên tổng đốc An - Hà mới là Cao Hữu Bằng tâu rằng: Doãn Uẩn là người công bằng, trung trực, thanh liêm, cẩn thận, sau khi chết không có một chút tài sản gì, xin đặc cách ra ơn cho. Vua bèn cho thêm 500 quan tiền, 100 phương gạo để chi dùng về việc đưa đám và cho vợ con no đủ hằng ngày, "để khuyến khích người làm quan thanh liêm, nêu lên người làm tôi tài năng" [105, tr.204].


Quan tỉnh An Giang còn có Đề đốc Nguyễn Văn Hoàng, xuất thân từ chôn quân ngũ, thường đi đánh dẹp, "sức mạnh như gấu", "mình đi trước quân hùng" lập công binh nhung. Được vua khen là "thân trải nơi hàng trận, buộc vết thương để giết giặc, cất nhắc cho người thuộc quyền, đi đầu quân sĩ ra sức đánh khoẻ" được vua phong tước Vũ xá tử [104, tr.307].


Trong số các tỉnh thần An Giang, Trương Minh Giảng cũng là một trường hợp khá đặc biệt. Ông là người lãnh chức tổng đốc An - Hà lâu nhất (1833-1841), mang ấn bảo hộ Cao Miên và tướng quân ở Trấn Tây 8 năm trời, thời kỳ vất vả gian lao vào bậc nhất ở biên giới Tây Nam. Năm 1833, từ Hộ bộ Thượng thư ông được cử làm Binh bộ Thượng thư, lãnh Tổng đốc An - Hà và ấn Bảo hộ Chân Lạp (việc dùng văn thần làm chủ tướng bắt đầu từ Trấn Tây tướng quân Trương Minh Giảng). Cuối năm ấy, quân Xiêm xâm lược Chân Lạp và Nam Kỳ, đồn Châu Đốc bị thất thủ. Trương Minh Giảng cùng tướng Nguyễn Xuân đánh bại quân Xiêm một trận vang dội ở Thuận Cảng - tức Vàm Nao (huyện Đông Xuyên) phải bỏ chạy về nước. Do công lao này, ông được tấn phong tước Nam và được thưởng tiền vàng để biểu dương chiến công [91, tr.376].


Năm sau ông được phong tước Bình thành tử, lại thăng thụ Hiệp biện đại học sĩ. Ông là người "gối giáo nằm mác" cùng binh sĩ nơi chiến trường lâu năm, có nhiều công lao đặc biệt, nên được vua tỏ ân vinh đặc biệt, cho về Kinh làm lễ ôm gối (lễ bão tất), để tỏ ra thân ái tin dùng và lễ số khác thường đãi đại thần có công. Vua dụ rằng: Trương Minh Giảng trước đây đi đánh giặc Khôi (Lê Văn Khôi), sau lại dẹp yên giặc Xiêm,... Khi ấy đi đánh chính là lúc khí giặc đương thịnh, thế mà một trận đánh ở biên Hoà, Vĩnh Long, đầu tiên nén được sức mạnh của giặc, đề nghịch tặc từ đó sợ hãi mất vía, giữ cô thành khôn đốn để dễ cho ta đánh giữ. Việc ấy thực là quân công thứ nhất. Sau khi giặc Xiêm đem quân cả nước đến xâm chiếm... Giảng lại đem số quân mấy nghìn, dùng cách lấy ít chống nhiều, ứng biến nghĩ ra mưu lạ, nhiều lần đại thắng trận, bọn giặc sợ trốn, biên giới vỗ yên, thì so với các quan ta đem quân khi trước thực có phần hơn. Vua đặc cách ban cho "con hổ vàng" lấy nghĩa hổ thần mạnh mẽ [98, tr.236]. Sau tấn phong cho Trương Minh Giảng thự Đông các đại học sĩ, gia hàm Thái tử thái bảo và tước Bình thành bá [99, tr.5]. Ngươi đời sau khen ông "tài kiêm văn võ", khi ở quận (ông đỗ cử nhân 1819, người huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định) thì đem thiện chính giúp dân, đến khi tại triều thì mưu mô giúp chúa. Khi làm chủ khảo để kén người tài, khi tu Liệt truyện (làm sách Đại Nam liệt truyện) để cho mai hậu, rồi lại đem tài thao lược, dẹp loạn yên dân, bảo hộ nước ngoài, mở mang bờ cõi, công nghiệp ghi tại sử xanh, tên tuổi đứng đầu bia đá [113, tr.381]. Ông là người lao nhọc bao nhiêu năm ở biên ải, sau đau buồn vì chuyện Trấn Tây nên đổ bệnh mà chết. Xét ra trong việc kinh lý biên giới Tây Nam, Trương Minh Giảng là người có công hàng nhất. Sau ông được nghị miễn truy nghị tội, tên được khắc vào bia đá và thờ ở đền Hiển lương [114, tr.385].
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2021, 10:26:47 am »

Trường hợp tướng Phạm Văn Điển, khi biên thùy Tây Nam không yên, ông hăng hái xin đi, vua cử làm Tổng đốc An - Hà (1841, tr.1842). Ông là người trung dũng, đi trận có nhiều công, xông pha trận mạc, lập công ở biên thùy. Năm 1842, khi đang đánh giặc ở quân thứ Thất Sơn thì bị bệnh, chết ở An Giang. Vua thương tiếc nói rằng: "Phạm Văn Điển đánh giặc rất giỏi... đang đợi ghi công ăn mừng, ơn vinh còn mãi, ngờ đâu một căn bệnh nặng đã vội từ trần, khiến người thương xót không nguôi". Vua Tự Đức cho gia tặng Tả quân Đô thống phủ đô thống chưởng phủ sự, sai thuyền hộ tống và cho con là Phạm Văn Huy đi phù cữu về chỗ ở trong Kinh, ban tế 2 đàn "đê thương tiếc người huân cựu" [102, tr.117].


Một trong những viên tỉnh thần có công lớn nhất đối với vùng Châu Đốc. An Giang là quan Thống chế Thoại Ngọc Hầu. Ông sinh năm 1761, là công thần Vọng Các, theo chúa Nguyễn Ánh từ lúc 16 tuổi. Cuộc đời làm quan 52 năm (1777-1829) của ông trải 7 lần sang Xiêm, 2 lần sang Lào, nhiều lần đánh dẹp, quen làm tướng chốn biên thuỳ Lạng Sơn, Định Tường, Chân Lạp, An Giang... Trải 2 triều vua Gia Long, Minh Mệnh, số phận ông gắn chặt với biên thuỳ Tây Nam. Vì thế, năm 1812 khi Gia Long sai ông đi bảo hộ Chân Lạp dụ rằng: "vỗ về phiên thuộc trị yên nơi biên cương, cần phải được người mới có thể tuyên bố oai đức của triều đình để giữ vững bờ cõi của ta, ngươi đối với nước man Xiêm, Lạp nhân vật, phong tục, núi sông chỗ hiểm, chỗ bằng đã quen thuộc lắm, cho nên giao cho ấn Bảo hộ Chân Lạp, coi việc ngoài biên từ lâu đến nay thực cũng xứng chức" [86, tr.75]. Với vùng đất An Giang, khi ông 2 lần làm trấn thủ, 3 lần án thủ đồn Châu Đốc, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, ông đã làm thay đổi lớn lao vùng đất này: Đào kênh Thoại Hà (1817), khơi kênh Vĩnh Tế (1820-1824), lập 5 làng ở cù lao Dài (Vĩnh Long), lập 20 thôn ở vùng Châu Đốc, đắp 2 con đường từ Châu Đốc lên Lò Gò, sốc Vinh, Chân Lạp, một đường từ Châu Đốc đến núi Sam, làm cầu, khẩn hoang, chiêu tập dân cư, khuyến khích khai phá, giúp đỡ lưu dân, xây lăng, tô tượng, dựng chùa, lập đền, làm miếu thờ tiền nhân Nguyễn Hữu Cảnh, mượn thóc công cho dân vay rồi lấy của nhà đem trả nợ công, bố ân thí đức... làm cho đất biên thuỳ ngày một mở mang, phát triển,...


Do công lao, đức độ của vợ chồng ông, nên triều đình lấy tên ông đặt cho con kênh ông đào là kênh Thoại Hà, núi Sập bên kênh được mang tên ông là Thoại Sơn. Kênh Tuấn ông đốc suất đào được lấy tên vợ ông Châu Thị Vĩnh Tế để đặt tên kênh "Vĩnh Tế", núi Sam ở Châu Đốc được đặt là Vĩnh Tế Sơn, làng bên kênh được đặt là Vĩnh Tế Sơn thôn. Nhân dân Châu Đốc tri ân, tôn ông là Thành hoàng của làng và nhiều nơi đặt bài vị thờ ông: đình thôn Vĩnh Tế, Chu Phú, Vĩnh Ngươn, núi Sập (Thoại Sơn). Vì ơn ông Bảo Hộ, vua Chân Lạp cắt đất ba phủ Chân Sâm, Mật Luật và Lợi Y Bát tặng cho ông... Thành tích kiến quốc, công lao "khai sơn phá thạch" của ông thật lớn đối với nhân dân Châu Đốc, như câu đối ghi ở lăng Thoại Ngọc Hầu "ơn Nam đầy núi sông". Triều đình ban sắc phong cho ông làm Thành hoàng làng Vĩnh Tế. Ông thực sự là người "Sinh vi tướng, tử vi thần" (Sống làm tướng, thác làm thần) như bức liễn ở đình Chu Phú cùng thờ ông và Nguyễn Hữu Cảnh đã ghi. Lịch sử đã và sẽ ghi công ông cũng như nhân dân cũng luôn dành cho ông một niềm tôn kính.


Như vậy, là vùng đất mới ở biên giới Tây Nam, Châu Đốc có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội và quốc phòng..., cho nên yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn gắn liền sự phát triển kinh tế, xã hội, phát triển khẩn hoang, lập làng, củng cố cơ sở xã hội của Nhà nước phong kiến. Vì thế, ngoài những tướng tài đánh giặc, những võ quan, triều Nguyễn luôn cử đến An Giang các vị văn quan có tài "kinh bang tế thế" để giữ nước trị dân, phát triển kinh tế - xã hội như Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Trứ... Trong những thời kỳ các vị quan này trấn nhậm 1817-1829, 1830-1840, 1744-1845, 1850-1859... bộ mặt vùng đất Châu Đốc đã có những thay đổi lớn lao, kênh đào được mở mang làm cho tốc độ hình thành thôn ấp, khẩn hoang phát triển mạnh mẽ, dân cư tăng lên nhanh chóng, tạo nên cơ sở xã hội và kinh tế cho chính quyền phong kiến Nguyễn, làm cơ sở nền tảng cho sự củng cố, ổn định xã hội, tác động mạnh mẽ đến chính sách quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ vùng biên thuỳ Tây Nam, góp phần an dân, hạn chế những cuộc bạo động chống nhà Nguyễn trong những dịp đói kém, mất mùa, dịch bệnh, tai ương,...


Từ năm 1757 đến năm 1867, An Giang - Hà Tiên cũng như Nam Kỳ, là vùng đất mới của triều Nguyễn, lại ở gần Cao Miên và Xiêm La. Các nước này, lúc cần thì họ cầu cứu triều Nguyễn, nhờ triều Nguyễn giúp đỡ, nhưng lúc họ được yên hoặc bị nước khác xúi giục thì họ kiếm cách phá rối biên thuỳ, gây tình trạng bất ổn định ở Tây Nam, thậm chí làm cho chiến tranh biên giới nhiều lần xảy ra. Vùng dân tộc ít người ở Thất Sơn và các nơi khác ở Nam Kỳ "thiếu tổ chức nhưng không thiếu lòng hiếu chiến", nên cũng thường quấy rối ở vùng biên giới. Thêm vào đó, quan quân triều Nguyễn ở xa có người lạm quyền, tham nhũng, quấy nhiễu nhân dân làm cho lòng dân không yên và dễ cho dân nổi dậy chống lại triều Nguyễn hay làm cớ cho giặc ngoài đến dụ hoặc [145, tr.227]. Vì thế, vùng đất An Giang - Hà Tiên là nơi luôn phải đương đầu với những cuộc chiến liên miên, chủ quyền lãnh thổ quốc gia luôn bị uy hiếp.


Cho nên, triều Nguyễn luôn chọn đến đây những binh hùng tướng mạnh: Doãn Uẩn, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Trứ, Phạm Văn Điển,... để không chỉ chống giặc ngoại xâm, giữ cho được "cổ họng", "cửa ngõ" phía tây của Nam Bộ. Nếu không, một khi hàng rào Hà Tiên, Châu Đốc bị mất, thì nguy cơ cũng sẽ đe dọa đến cả miền Gia Định.


Trong đầu thời Nguyễn, Gia Long khi mới lên ngôi, tạm thời thu dùng những người vũ dũng để giúp nghiệp lớn, làm quan cai trị một thời. Nhưng đến Minh Mệnh, khi thiên hạ đã "bình định" rồi thì tất nhiên không thể tiếp tục giao quyền cho họ, mà nhất thiết phải dùng đến các văn quan (đặc biệt từ thời Minh Mệnh trở đi, chế độ thi cử, tuyển lựa nhân tài đã đi vào quy củ) các vua Nguyễn mới "gối cao nằm yên", vô lo được. Tuy nhiên, đối với vùng đất như biên giới Tây Nam, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội luôn gắn chặt với chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì triều Nguyễn phải chọn cử những viên quan biết cả văn lẫn võ như Doãn Uẩn, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Công Trứ là những Nho tướng, "thuần thần túc tướng" được chọn mặt gửi vàng cho đi An Giang để gánh vác những trọng trách.


Cho đến năm 1867, dù có những toan tính của ngoại bang, nhưng triều Nguyễn vẫn đã bảo toàn được chủ quyền lãnh thổ của mình ở đất Tây Nam. Vấn đề này liên quan đến sự hy sinh chiến đấu, sự xả thân vì lợi ích quốc gia của những viên tỉnh thần Tây Nam cũng như chính sách sử dụng quan lại của triều Nguyễn thời kỳ này.


Tuy nhiên, sự tập trung quyền lực cao độ vào tay một ông vua, cực quyền, dù được mệnh danh là người "cầm cân nẩy mực", thưởng phạt để đảm bảo sự nghiêm minh của phép nước... tất cả đều phụ thuộc vào một tính cách của một ông vua. Lòng đố kỵ, quá nghiêm khắc và việc giết hại các công thần nguyên huân lập quốc vì những chuyện nhỏ cũng như việc "ân mọn uy to",... đối với những người có công, thân trải tràm trận, đền nợ nước nơi biên cương như Thoại Ngọc Hầu, Trương Minh Giảng... hoặc bị vu oan nhiều lần nhưng vô tội như Nguyễn Công Trứ vẫn bị cách tuột đi thú ở Quảng Ngãi, bị giáng truất như Nguyễn Tri Phương..., dù lúc cụ 74 tuổi vẫn phải đem thân mình ra ngoài trận mạc, cụ đã bị thương, đã chết vì không chịu được cái nhục bại trận mất thành, cụ đã nhịn ăn bỏ thuốc và tuẫn tiết. Những sự đối xử đó của vua Nguyễn cùng với chính sách đãi ngộ, sử dụng quan lại của các địa phương còn nhiều bất cập, gây nên cho xã hội Việt Nam lúc đó cũng như về sau những hậu quả khôn lường.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2021, 08:25:52 pm »

4. CHÍNH SÁCH KINH TẾ - QUỐC PHÒNG Ở VÙNG ĐẤT BIÊN GIỚI

Đến thời Nguyễn, nền kinh tế Việt Nam vẫn là kinh tế nông nghiệp truyền thống mà lúa nước vẫn là cây lương thực chủ yếu. Nhà Nguyễn vì vậy vẫn phải lấy "dĩ nông vi bản", vẫn duy trì "chính sách trọng nông", cho nên các mặt khai hoang, lập đồn điền và đi đôi với nó là việc đào sông, khơi ngòi, làm thuỷ lợi để phát triển nông nghiệp được chú ý.


Đến thời Nguyễn, nhà nước phong kiến cũng đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong công tác trị thủy, trình độ nhận thức các mặt về trị thuỷ đã được nâng cao. Nhiều kinh nghiệm quý báu về quản lý công tác thuỷ lợi của các triều đại trước đã truyền kế lại, đất nước hoàn toàn thống nhất, nhà Nguyễn có đủ thuận lợi để thể hiện những công cuộc thuỷ lợi to lớn và toàn diện hơn. Trên phương diện nào đó, vương triều Nguyễn, nhất là Gia Long và Minh Mệnh đã đắp một khối lượng đê nhiều nhất và cũng đã đào một lượng sông đê thoát lũ to lớn nhất. Nói cách khác là vương triều Nguyễn đã có những cố gắng cao nhất cho công cuộc trị thuỷ trên cả nước [44, tr. 267],


Khi mới lên ngôi, Gia Long đã chú trọng phát triển nông nghiệp. Trong 20 năm trị vì của ông vua này, lịch sử đã ghi nhận biết bao nhiêu nỗ lực của nhân dân ta đôi với hai vấn đề lớn quyết định nông nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội. Đó là trị thuỷ ở Bắc Hà và đào kênh rạch khai khẩn đồng bằng Nam Bộ. Nghĩa là, đi đôi với công tác trị thuỷ, bảo vệ sản xuất và đời sống ở Bắc Bộ, công tác đào kênh rạch, phát triển dân cư, mở mang nông nghiệp ở Nam Bộ cũng được tập trung cao. Đó là việc đào kênh Bảo Định (1705), kênh Ruột Ngựa (1779), kênh Cái Cỏ (1815), kênh Thụy Hà (1817), kênh Vĩnh Tế (1820-1824), kênh Trà Cú (1829), kênh Vĩnh An (1843-1844),... [77, tr.99].


Công tác đào kênh ở Nam Kỳ được đặc biệt quan tâm ở vùng đất Châu Đốc. Trong đó, công trình trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược cũng như có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt nhất là kênh Vĩnh Tế ở vùng Châu Đốc. Kênh này dài gần 100km, nối liền sông Hậu ở đồn binh Châu Đốc với Hà Tiên, dọc theo chính diện biên giới.


Mặc dù, đến đầu năm 1820 kênh Vĩnh Tế mới được khai đào, nhưng công tác chuẩn bị trước đó đã 4 năm. Thể hiện sự quan tâm khá đặc biệt của vua Gia Long. Ngay từ đầu năm 1816, Gia Long có kế hoạch đào kênh này dài hơn nhiều.


Tháng 4 Bính Tý (1816), triều đình nghị bàn việc đào sông Châu Đốc, Gia Long sai Lưu Phước Tường, Nguyễn Đức Sĩ đo đường đất từ Châu Đốc đến Hà Tiên rồi vẽ bản đồ dâng lên [84, tr.286]. Tháng 12 năm Bính Tý (1816); khi xem bản đồ Châu Đốc, Gia Long nói với các thị thần: "Đất này mở đường sông để đi thẳng đến Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều được lợi cả. Sau này dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể thành một trấn to lớn" [112, tr.96].


Theo số liệu đo đạc của triều Nguyễn cho thấy, trên thực tế, kế hoạch đào sông của vua Gia Long không phải chỉ giới hạn từ Hà Tiên đến Châu Đốc mà còn có thêm một đoạn từ sông Hậu (Châu Đốc) kéo dài đến sông Tiền nữa.


Bảng số liệu đo đạc từ sông Tiền - Châu Đốc - Hà Tiên năm 1816 của nhà Nguyễn thể hiện rõ điều này.



Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #74 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2021, 08:26:56 pm »

Việc dự định kế hoạch đào sông Vĩnh Tế còn được thể hiện trong chiếu của vua Gia Long ban vào năm 1816, khi xây đắp đồn binh Châu Đốc: "Vua nước Cao Man đời đời giữ phong tước Phiên vương, được triều đình giữ cho yên ổn. Nay sửa sang đồn Châu Đốc, một là để tiếp ứng ủng hộ thành Nam Vang, hai là để giữ mặt sau trấn Hà Tiên. Nhưng từ đồn Châu Đốc đến Hà Tiên đường sông trở tắc. Vậy đặc biệt dụ cho vua nước ấy, liệu bắt quân dân giao cho viên quan Phiên giỏi giang đốc suất. Hẹn tháng này họp đủ ở Châu Đốc. Cứ theo quan giám thành trấn thủ Vĩnh Long1 (Thực tế lúc này tên trấn là Vĩnh Thành, đây ghi theo tên trấn mới đổi thành là Vĩnh Long từ năm 1832) chỉ bảo mà cho chặt đẵn gai góc khai thông dòng kênh. Việc chi cấp tiền gạo, cứ theo thành Gia Định chở đến Châu Đốc mà cấp phát". Sau lại ban sắc rằng: lần này khai thông đường sông, từ đồn Châu Đốc đến cửa Trác Ý Hâm chưa từng đo đạc. Trước đã bắt 1.000 quân Cao Man đến làm. Nên đình bãi cho về làm ăn. Chờ khi đo xong, lại bắt đến đủ để khai đào [68, tr.21]. Đến tháng Giêng Đinh Sửu (1817). Vua bàn muốn lấy quân dân Chân Lạp đào vét đường sông Châu Đốc. Nguyễn Văn Nhân can rằng: Nay dân nước Phiên mới phụ, nếu lấy việc thổ mộc phiền nhọc, thần sợ họ kinh động mà công việc khó thành. Xin hãy tạm thôi. Vua theo lời [84, tr.309].


Thời gian này vua Gia Long nói với thành thần Gia Định: nếu vua Phiên đến thành thì nên lấy điều lợi về đào sông Châu Đốc mà bảo, khiến quy hoạch trước, đợi ngày chiếu văn đến thì phát ngay quân dân ra góp sức đào để chóng xong việc [84, tr.324]. Khi vua Chân Lạp sai sứ sang chầu (1817), Gia Long truyền dụ: "Ta sẽ đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, tuy là lợi cho nước mày, nhưng cũng lợi chung cho mấy người đi cày và mấy người đi buôn nữa. Về nói với vua mày phải hiểu ý ấy mới được" [112-99].


Năm 1818, để công tác đào sông này được chu đáo vua ban sắc cho trấn Vĩnh Thanh phát giao bản đồ, sai làm việc cắt phát cỏ rả, cho đào thí điểm một khúc sông dài 150 trượng, rộng 3 trượng, sâu 4 thước để chiết toán nhân công xem mỗi người mỗi ngày đào được bao nhiêu trượng thước [68, tr.209]. Trong thời gian chuẩn bị, triều đình lại sai trấn thủ Hà Tiên là Mạc Công Du đi đo đường sông Châu Đốc một lần nữa và vẽ bản đồ dâng lên [84, tr.386]. Khi Chiêu thùy (một chức quan của Chân Lạp) là Đồng Phù sang chầu, vua Gia Long triệu vào hỏi việc đào sông. Đồng Phù nói: "Khai sông ấy thì dân Chân Lạp được nhờ lợi, vua Phiên cũng muốn như thế" [112, tr.104].


Gia Long chiếu dụ dân Vĩnh Thanh (1819) rằng: "Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thuỳ đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi dẫu ngày nay khó nhọc mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc", lại dụ vua Chân Lạp rằng: "Nước ngươi giáp giới với Vĩnh Thanh. Nay đào sông này không những lợi cho người Hán (Việt) mà còn lợi cho nước ngươi vô cùng. Vương nên họp nhân dân, bảo cho biết ý nhọc một lần mà nhàn mãi mãi, khiến dân vui làm việc, cho chóng thành công. Quan phiên trở xuống, ai không theo lệnh, cho Đồng Phù trị theo quân pháp" [84, tr.390].


Như vậy, song song với việc xây đắp đồn binh Châu Đốc, Gia Long đã có kế hoạch đào sông Vĩnh Tế từ đầu năm 1816. Tuy nhiên, đây là một công trình lớn, quan trọng, có ý nghĩa chiến lược nhiều mặt, cho nên ngoài chuẩn bị nhân công, vật chất, kế hoạch, Gia Long còn chuẩn bị dư luận và tranh thủ tình hình một cách chu đáo, cặn kẽ. Trong thời kỳ này, có thể để làm thí điểm, rút kinh nghiệm cho công việc đầy quan trọng này Gia Long đã cho khởi công đào kênh Thoại Hà trước.


Tháng 11 Đinh Sửu (1817), Gia Long cho đào sông Tam Khê (Thoại Hà). Sông này bắt đầu từ sông Hậu (Long Xuyên) kéo dài đến Rạch Giá. Sách Thực lục ghi: Sông cách trấn lỵ Vĩnh Thanh (thị xã Vĩnh Long nay) 214 dặm. Phía tây 4 dặm rưỡi đến ngã ba hợp với sông Cần Đăng, phía tây nam 59 dặm đến sông Lạc Dục, từ đấy về nam 57 dặm rưỡi đến Song Khê... Vua sai trấn thủ Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu sửa sang đường sông, điều động dân Hán (Việt), dân Di (Miên) 1.500 người để vét. Hơn một tháng làm xong chiều rộng hơn 10 trượng, chiều sâu 18 thước [84, tr.335].


Tuy nhiên, theo số liệu đo đạc thì có những đoạn "noi theo lối cũ", cho nên đỡ phải đào sửa nhiều. Nơi thực sự phải đào được biết: Từ lạch Lạc Duyên ở Thanh Lung đến lạch Song ở Thanh Lung dài 6.247,5 trượng chia làm hai phần. Một phần từ lạch Lạc Duyên ở Thanh Lung trở vào trong lấy 1.000 dân trấn Vĩnh Thanh để làm. Một phần từ lạch Song ở Thanh Lung trở vào trong bắt dân Kiên Giang và Cao Man 500 người để làm [68, tr.209].


Sau khi khơi xong kênh Tam Khê, vì thấy hiệu ích to lớn của dòng kênh "buôn bán lưu thông mà có thể khống chế được những chỗ hiểm yếu, công tư đều lợi, dân Hán (Việt) và dân Di (Chân Lạp) đều được nhờ, vua khen sông của viên trấn thủ Thoại Ngọc Hầu và đặt tên sông là Thoại Hà để tưởng thương cho công lao của ông. Ở phía đông sông có núi Lạp Sơn (tục danh núi Sập) cũng được đặt tên là Thoại Sơn, cấm dân không được chặt phá cây cối [84, tr.335].


Sau khi đào xong Thoại Hà, thấy rõ lợi ích to lớn của việc đào kênh, cùng với sự chuẩn bị khá đầy đủ cho việc khơi sông Tuấn (Vĩnh Tế), ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Mão (đầu 1819) Gia Long cho khởi công chính thức đào sông Châu Đốc. Triều Nguyễn lấy 5.000 quân dân trấn Vĩnh Thanh chia bổ cho mỗi phiên, theo kỳ khai đào, từ đồn Châu Đốc đến cửa trác Ý Hâm. Hằng tháng thay đổi, hạn cho 3 tháng. Lấy 500 quân đồn Uy Viễn đóng giữ ở đồn Châu Đốc, để cùng đào sông. Vua Gia Long lại ban chiếu cho vua nước Cao Man, lấy 5.000 dân nước ấy, ủy cho số quan phiên 100 người trở lên, chia nhau đốc suất dân Phiên khai đào từ Cây Cờ đến cửa trác Trà Bát. Binh dân Việt được cấp mỗi người mỗi tháng 6 quan 5 tiền và một phương gạo. Binh dân Cao Man mỗi người được cấp 4 quan 5 tiền và một phương gạo.


Như vậy, đợt 1 triều Nguyễn huy động tông cộng 10.500 lượt người thay nhau đào kênh, từ ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Mão (đầu 1819) đến ngày 15 tháng 3 năm Canh Thìn (1820) thì nghỉ [85, tr.83]. Lúc đầu dự định 3 tháng thì xong, nhưng do công việc "thô mộc" vất vả nên chưa thể hoàn thành. Đợt 1 đào được 3.224 trượng, chưa thành sông 9.992 trượng. Những chỗ chưa kịp đào thì mở lạch nhỏ tạm cho thông thương các thuyền con, đợi đến sang năm đào tiếp.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #75 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2021, 08:28:24 pm »

Thời kỳ này, ở Nam Kỳ bị dịch lệ nặng nền triều đình cho hoãn việc đào sông đợt 1 [85, tr.83]. Tháng 1 năm Nhâm Ngọ (1822) nhân việc quốc vương Chân Lạp đưa thư đến xin đem binh dân hợp sức tiếp tục đào sông. Vua sai tổng trấn Lê Văn Duyệt lập kế hoạch huy động binh dân chia làm 3 phiên, định đầu mùa xuân năm sau làm để đến đầu hè thì xong. Minh Mệnh dụ Lê Văn Duyệt rằng: "Đường sông Vĩnh Tế liền với một lộ Tân cương, xe thuyền được lợi rất nhiêu, Hoàng khảo thế tổ Cao Hoàng đế ta mưu sâu tính kỹ, để ý đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần đào, công việc chưa xong. Trẫm noi theo chí trước dốc lo làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài, khanh nên tính toán thế nào, hẹn ngày tâu công, đế xứng với ý trẫm. Vả sông ấy không phải lợi cho Chân Lạp. Vua Phiên xin thế vị tất là do thực tình. Ngày nào dụ đến nơi, họ tất sẽ có lời ngăn trở. Song việc làm quả quyết thì nên, dùng dằng thì hỏng. Trẫm đã định trước họ không đáng kể" [86, tr.107].


Cho đến tháng 4 Quý Mùi (1823) lại đào sông Vĩnh Tế, vua sai tổng trấn Lê Văn Duyệt trông coi công việc. Trước định khởi công từ tháng Giêng, tuy nhiên khi Lê Văn Duyệt nghe tin Hưng Hoá có "giặc nổi" liền dâng sớ xin hoãn. Nhưng Minh Mệnh khuyên không phải lo và dụ: "Khanh nên phát binh dân vét đào sông ấy để xong công việc. Nếu để mất công việc ấy thì khó bảo đảm kỳ sau mà nước Chân Lạp có thể dòm ngó chính lệnh của ta. Trẫm chuyên trông ngóng tâu về mới ăn ngon ngủ yên được". Vì vậy, đến tháng 2 năm Quý Mùi (1823) triều Nguyễn lại điều động binh lính các "cơ quê" ở thành, binh lính đồn Uy Viễn, dân phu các hiệu đồn điên, dân phu 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên chia làm 3 phiên, một tháng đổi một lần. Nhân công bao gồm 35.000 binh dân Việt và 10.000 binh dân nước Chân Lạp, binh dân Việt cứ 5.000 người đặt 150 người chức dịch, binh dân Chân Lạp cứ 5.000 người đặt 100 người đầu mục, ốc-nha, bồn-nha [86, tr.143]. Tổng cộng nhân công đợt 2 này huy động 45.000 người để khơi sông [68, tr.211].


Triều Nguyễn thấy rõ, địa đầu trấn Vĩnh Thanh, giáp giới với nước Cao Man từ Châu Đốc đến Hà Tiên đường sá khó khăn trở ngại cần phải có con đường thuỷ chuyển vận thông thương, thời lợi cả đôi đường quốc kế dân sinh. Đó cũng là ý nghĩ về "trẫm lo việc biên giới", "lưu tâm đến kế trị an lâu dài" [64, tr.550].


Sử cũ truyền rằng, việc đào con kênh rất là vất vả, người chết, kẻ bị tai nạn, bệnh tật khá nhiều, người ta đã nói tới 7.000 binh dân đã nằm xuống vĩnh viễn khi đào con sông này [79, tr.16]. Tuy nhiên, vì mục đích to lớn của con kênh, binh dân Việt - Chân Lạp đều đồng tình và tích cực trong việc khai đào, lời dụ của Minh Mệnh (1823) thể hiện một phần điều đó: "Mùa xuân năm nay xuống chỉ cho viên tổng trấn Gia Định đổng lý việc đấy. Vừa nhân được quốc vương Cao Man xin điều động dân nước cố sức cung ứng vào công việc, cho nên mới khởi công khai đào sông ấy từ tuần tháng 2, mà viên tổng trấn ấy khéo vì điều khiển, dưới đến các viên giám tu chuyên biện ở giữa chỗ lội lầy thấp trũng, không từ sự vất vả. Lính và dân làm việc vui vẻ do được sử dụng, kéo đến công trường như con em trở lại nhà. Cho đến cả bọn bồi thần, đầu mục đốc áp ở nước Cao Miên cũng đều cố gắng thực sự tới tấp đến làm việc" [63, tr.321].


Đến tháng 4 năm Quý Mùi (1823), vì đến thời tiết mùa hạ Minh Mệnh sai đình việc đào sông cho binh dân về. Công việc đào chỉ còn 1.700 trượng. Dòng sông đã hiện thành 10.500 trượng, chi tiền hơn 515.200 quan, gạo hơn 99.400 phương. Vua thưởng kỷ lục, bạc lụa cho Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu cùng những người giám tu và vua Chân Lạp. Những người Phiên liêu đốc làm ở đấy cũng cho quần áo, vua lại thưởng cho Lê Văn Duyệt một cái đai ngọc [86, tr.179].


Từ tháng 2 đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824) triều Nguyễn cho đào tiếp kênh Vĩnh Tế. Lần này lấy binh dân các trấn thuộc thành và nước Chân Lạp hơn 24.700 người để làm việc, chi cấp lương tiền như những lần trước. Minh Mệnh dụ rằng: "Việc đào sông Vĩnh Tế là vâng theo thánh toàn của Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng đế ta mà làm, thực là quan yếu cho quốc kế biên trù. Nhưng khai đào mới bắt đầu công việc còn khó, trẫm vâng theo chí trước, năm ngoái đã đào còn lại hơn 1.700 trượng, ấy là còn thiếu cái công một sọt đất. Nay nước nhà nhàn rỗi, chính nên kịp thời làm tiếp cho xong, để làm kế nhọc một lần được rỗi mãi. Khi này, phó tổng trấn Trần Văn Năng, xin để quân dân 2 trấn Phiên An và Biên Hoà lại để đào đá xây thành. Minh Mệnh dụ rằng: "Việc xây thành năm nay chưa tiện, đợi sẽ sang năm còn như sông này, liền với tân cương rất quan hệ đến việc biên phòng so với việc xây thành đằng nào cần hơn? Vua chê kiến thức hẹp hòi. Sai đem cả quân dân đến đào sông. Triều đình phát tiền kho hơn 1.000 quan mua trâu, rượu khao những người làm việc" [87, tr.11]. Đợt trước lòng sông đào rộng 6 trượng, lần này cho đào mở rộng lòng sông đủ 15 trượng [68, tr.212].


Cho đến tháng 5 Giáp Thân (1824), kênh Vĩnh Tế được đào xong. Kênh được bắt đầu đào từ phía sau bên hữu đồn Châu Đốc lên phía Tây qua náo khẩu Ca Âm đến Kỳ Thọ (tục danh Cây Cầy) dài 44.412 tầm1 (Một tầm = 2,12m, dặm = 763,2m), thành 205 dặm rưỡi. Trừ đoạn náo khẩu 4.075 tầm không đào đến, còn thực sự đào là 26.279 tầm, chước lượng thi công khó dễ, nhân lực nặng nhẹ, bắt đầu từ miệng hào đến náo khẩu đất khô ráo có 7.575 tầm là phần việc của dân Kinh, còn đất bùn lầy có 18.740 tầm là phần việc của dân Cao Miên.


Để cho dòng kênh được thẳng, ban đêm người ta đã đốt đuốc trên đầu những con sào rồi ngắm cho thắng mà cắm. Để điều khiển những sào lửa, người ta cầm một "cây rọi" to đứng trên cao phất qua phất lại, ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí [28].


Bằng những dụng cụ thô sơ cuốc thuổng, sào tre, dây thừng,... và sức mạnh cơ bắp (đào tay), hơn tám vạn binh dân Việt - Chân Lạp đã hoàn thành một công việc to lớn, khai thông dòng kênh Vĩnh Tế dài gần 100km. Lợi ích hiện thực của con kênh làm cho triều đình, quan biên và nhân dân phấn khởi, bởi trước khi khai mở kênh Thoại Hà (Long Xuyên - Rạch Giá) và Vĩnh Tế, việc công tư từ Châu Đốc đi Hà Tiên rất chậm trễ. Từ nay việc cơ động lực lượng, chuyển vận binh mã, lương thảo từ Châu Đốc đến vịnh Xiêm La không phải đi vòng ra biển mỗi khi Hà Tiên, Rạch Giá bị xâm lăng bất ngờ. Việc khai thông kênh Vĩnh Tế làm cho tình hình an ninh biên giới giảm thiểu, các quan biên như cất được gánh nặng. Vua Minh Mệnh vô cùng mãn nguyện nói rằng: "Đào con sông ấy thực là để trọn công trước" và "thực là lợi ích muôn năm vô cùng về sau" [87, tr.43]. Sách Đại Nam nhất thống chí nhận xét: "từ đấy đường sông lưu thông, từ kế sách trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng" [80, tr.178].
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #76 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2021, 08:30:10 pm »

Kênh Vĩnh Tế không chỉ góp phần thau chua rửa phèn, đưa nước ngọt vào cho ruộng vườn tươi tốt mà sau khi khai thông kênh, tạo nên một làn sóng di dân lập làng hai bên bờ kênh ngày một nhiều. Thoại Ngọc Hầu đã lập nên hơn 20 làng nơi đây, làn sóng khai hoang phát triển đã mở rộng diện tích canh tác, làm cho vùng Châu Đốc trở thành nơi biên địa vững vàng ở cực Tây Nam Kỳ.


Với công lao to lớn của vợ chồng viên trấn thủ Thoại Ngọc Hầu, vua Minh Mệnh đã lấy tên vợ ông Châu Thị Vĩnh Tế để đặt tên cho dòng kênh là Vĩnh Tế Hà, lại lấy núi Sam ở Châu Đốc đổi là Vĩnh Tế Sơn và làng bên bờ sông gọi là Vĩnh Tế Sơn thôn. Vua Minh Mệnh sắc dựng bia ở bờ kênh để ghi nhớ. Từ năm 1835 đến năm 1836, triều đình đúc cửu đỉnh, hình ảnh con kênh được đúc nổi vào Cao đỉnh để ở sân Thế miếu, triều đình Huế.


Kênh Vĩnh Tế thực sự đã trở thành một hào luỹ phân ranh biên giới rất đắc dụng cho triều Nguyễn trong việc quản lý chủ quyền lãnh thổ Tây Nam và đánh giặc ngoại xâm từ phía Tây.

Ngoài 2 kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế, triều Nguyễn còn cho khai đào con kênh thứ ba ở vùng Châu Đốc dưới thời Thiệu Trị đó là kênh Vĩnh An.

Trong thời Nguyễn, hầu hết các cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, việc chuyển vận binh mã lương thảo ở vùng sông rạch chủ yếu được cơ động bằng thuyền. Vì vậy, từ Châu Đốc đến Tân Châu tuy đường bộ rất gần (3.695 trượng) mà mỗi lần đi đường thuỷ phải mất 3, 4 ngày đi quanh co, vừa chậm vừa khó. Bởi phải ở Châu Đốc, từ sông Hậu xuống tới sông Vàm Nao mới ra được sông Tiền, rồi lại ngược lên Tân Châu, thật là bất tiện. Vì vậy, để dễ cho "sự khống chế tiếp ứng và mưu tính việc biên phòng", triều Nguyễn đã có kế hoạch đào sông Vĩnh An từ Tân Châu đến Châu Đốc. Triều đình giao cho tổng đốc An Giang Nguyễn Công Nhàn và tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ trù tính được công làm như sau: Nhân công 72.522 công, thuê 1.000 dân phu ở 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Định Tường và vát 2.000 biền binh các hạng, để làm trong 2 tháng. [102, tr.149].


Sau đó, tháng 11 Quý Mão (1843), triều Nguyễn đã huy động 5.000 dân đào trước một đoạn 550 trượng trong 1 tháng rồi cho về. Đến đầu năm 1844, lại huy động binh dân làm tiếp một tháng nữa thì xong, dùng hết 33.200 đoạn cọc tre, thuê hết 63.021 quan tiền, 21.021 phương gạo [103, tr.51].


Sau khi đào xong kênh Vĩnh An, trên rộng 6 trượng, dưới 3 trượng, sâu trên dưới 9 thước, dài 3.695 trượng. Lúc đầu Thiệu Trị đặt tên kênh là Long An, sau năm 1845 cho đổi là Vĩnh An [68, tr.213] và cho dựng 1 tấm bia thân cao 2 thước 2 phân, rộng 9 tấc 4 phân, dày 2 tấc 7 phân, chân dài 1 thước 6 tấc 1 phân, rộng 1 thước, dày 4 tấc 4 phân, khắc dòng chữ "Sông Vĩnh An" [68, tr.447].


Như vậy, trong nửa đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã đào được 3 con kênh rất quan trọng Thoại Hà, Vĩnh Tế và Vĩnh An ở vùng Châu Đốc. Đây là những công trình thuỷ lợi có ý nghĩa quyết định trong "quốc kế dân sinh" để khai khẩn, phát triển đất đai, lập thôn ấp, tăng thêm dân số, tạo cơ sở xã hội cho nhà nước và tăng tô thuế cho chính quyển. Đồng thời, những con kênh này cũng là những đường giao thông vận tải thuỷ giúp cho việc giao thương, buôn bán. Đặc biệt, các con kênh này là những thủy đạo quan trọng phục vụ chiến lược an ninh, quốc phòng, phân ranh lãnh thổ khắng định chủ quyền, liên kết và hỗ trợ cho Rạch Giá, Hà Tiên, ngăn ngừa xâm lăng, quản lý bảo vệ vùng biên thuỳ, "cửa ngõ" quan trọng phía tây Gia Định, một vùng đất luôn ẩn chứa những phức tạp về lãnh thổ, tộc người và những vấn đề nhạy cảm về chính trị và đối ngoại, ơ đây thuỷ lợi đã gắn liền với giao thông và quốc phòng.


Giá trị to lớn của các con kênh trên không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh khai thác vùng "tân cương" Tây Nam và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như vua Gia Long, Minh Mệnh từng nói và thực tế lịch sử gần 200 năm qua chứng minh, mà tương lai còn ngày càng tỏ rõ giá trị to lớn, hữu ích của nó trong đời sống mọi mặt của vùng đất Tây Nam.


Vào thế kỷ XIX, chính sách đồn điền được nhà Nguyễn quan tâm ở vùng Nam Bộ vì lý do kinh tế, xã hội, nhưng được đặc biệt quan tâm ở vùng Châu Đốc - Hà Tiên vì yêu cầu kinh tế - quốc phòng, quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.


Đồn điền phát triển mạnh ở Châu Đốc - Hà Tiên từ năm 1853 đến năm 1857. An Giang lập được 4 cơ đồn điền và 23 làng, chủ yếu ở vùng Thất Sơn, kênh Vĩnh Tế. Mặc dù, việc phát triển đồn điền khó khăn, quan lại phản đối, lính đồn điền bỏ trốn, hiệu quả kinh tế, xã hội còn hạn chế... Nhưng kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng: Tăng diện tích canh tác, tăng số dân cư, phát triển thôn xã, tăng cường hiệu quả quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.


Nhìn chung lại, từ năm 1802 đến năm 1867, ở vùng đất Châu Đốc, triều Nguyễn đã thường xuyên quan tâm phát triển kinh tế, xã hội, kết hợp củng cố quốc phòng (chính sách đồn điền, giao thông - thuỷ lợi, thiết lập hệ thống đồn, bảo, có chính sách sử dụng quan lại...) đã hỗ trợ tạo điều kiện cho nhau phát triển.


Nhà Nguyễn thực hiện chính sách xã hội, chiêu mộ, khuyến khích, ưu tiên các sắc dân đến vùng biên thuỳ Châu Đốc - Hà Tiên, khẩn hoang, lập thôn ấp, giảm miễn thuế nhiều lần cho người Việt, miễn thuế ruộng đất thời gian dài cho người Khmer, sử dụng lực lượng tại chỗ người Chăm rất hiệu quả... nhằm đẩy nhanh tốc độ khai phá vùng "tân cương" Tây Nam. Mặc dù còn một số hạn chế, tuy nhiên những chính sách của triều Nguyễn như nói trên đã dần dần thay đổi cơ bản bộ mặt vùng đất mới Châu Đốc, mở mang kinh tế, xã hội, văn hoá, tăng cường hiệu lực bộ máy chính quyền, làm cho đất Châu Đốc phát triển khá vững chắc trở thành một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời quốc gia Đại Nam trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị khu vực.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #77 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2021, 07:37:59 pm »

LỜI KẾT


Một bức tranh toàn cảnh về vùng đất Châu Đốc đã phần nào hiện lên tương đối rõ nét trước mắt chúng ta qua toàn bộ nội dung của cuốn sách. Tuy nhiên, nguồn sử liệu hiện tại khó có thể đủ ánh sáng để soi tỏ tất cả bức tranh chân thực của quá khứ. Vì vậy, Lịch sử khai phá và bảo vệ chủ quyền vùng đất Châu Đốc thời Nguyễn không thể tránh khỏi những chỗ đậm nhạt khác nhau. Mặc dù vậy, tất cả mọi nỗ lực của tác giả khi trình bày công trình này nhằm giải quyết những vấn đề chủ yếu sau đây:

1. Lịch sử vùng đất Châu Đốc thể hiện rằng, môi trường địa lý là điều kiện tất yếu và thường xuyên, là chỗ dựa không thể thiếu được cho quá trình hoạt động của cư dân. Trong đó, yếu tố địa hình, vị trí địa lý và khí hậu thời tiết đã ảnh hưởng sâu sắc và thường xuyên đến đời sống kinh tế, xã hội và văn hoá của con người, góp phần quyết định tính cách, lối sống, tín ngưỡng và sinh hoạt tâm linh của cư dân nơi đây.


Là địa bàn biên giới của vùng đất Tây Nam, Châu Đốc trở thành nơi tụ cư không chỉ của lưu dân Việt, mà còn là khu vực cư trú của người Khmer, Chăm, Hoa và sự thiên di của các tộc người này qua nhiều giai đoạn lịch sử do những biến động chính trị, xã hội trong các thế kỷ từ XVII đến XIX. Làm cho đất Châu Đốc trở thành nơi cộng cư tiêu biểu, duy nhất của các tộc người Việt, Khmer, Chăm, Hoa ở Nam Bộ.


Để duy trì sinh hoạt cộng đồng, mỗi tộc người đều có bộ máy tổ chức xã hội truyền thống khác nhau. Các phum, sóc của người Khmer quây quần theo hình "vành khăn" quanh chân núi Thất Sơn, có các mê-phum, mê-sóc; các pa-lay Chăm ven bờ sông Hậu với những vị Ha-kim, Ha-dji; cùng các bang nhóm người Hoa là những tổ chức xã hội tự quản, tự trị của họ. Đến vùng đất mới Châu Đốc, thôn ấp của người Việt vẫn tiếp tục duy trì các tổ chức xã hội truyền thống của mình đã được định hình từ miền Trung, miền Bắc. Làng xã được cai quản và đại diện bởi một tập thể những hương dịch - hương chức và dịch mục. Tuy nhiên, làng Việt Châu Đốc cũng giống như làng Việt ở nơi khác về mặt thiết chế quản lý cơ bản ở thế kỷ XIX là vẫn song song tồn tại hai cơ cấu: cơ cấu hành chính Nhà nước và tự trị, tự quản làng xã. Để đảm bảo bộ máy làng xã vận hành tốt, ngoài bộ máy quản lý xã hội, còn có cơ cấu tinh thần làng xã. Ví như, tham gia vào quản lý xã thôn còn có đình. Đình và hệ thống làng xã tượng trưng cho sức mạnh nội tại của xã hội truyền thống Việt, nó góp phần tạo nên một nét sinh hoạt văn hoá, xã hội riêng của người Việt so với các tộc người khác như Khmer, Chăm, Hoa cùng cộng cư ở khu vực này.


Dù thôn ấp người Việt hình thành chậm, tuy nhiên ảnh hưởng hệ tư tưởng Nho giáo đối với nó tương đối rõ nét và mạnh mẽ, có tác dụng tổ chức xã hội khá chặt chẽ so với ảnh hưởng hệ tư tưởng khác. Lần về lịch sử ta thấy, bước sang thời Lý, Nho giáo và giới Nho sĩ ở nước ta mới bắt đầu xuất hiện. Thế nhưng, do nhu cầu của thực tiễn đất nước, của quản lý và tổ chức xã hội người Việt mà dần dần Nhà nước phong kiến đã chọn hệ tư tưởng Nho giáo để làm vũ khí tư tưởng của mình. Vì họ không tìm thấy cơ sở lý luận và kinh nghiệm quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội trong giáo lý Phật giáo. Trái lại, Nho giáo đã đem lại cho người Việt những kinh nghiệm chính trị quý báu và cách tổ chức quản lý xã hội khá hiệu quả. Cho nên, Nho giáo dần dần chiếm lĩnh trên vũ đài chính trị Việt Nam.


Tổ chức xã hội người Việt mang đậm dấu ấn tư tưởng Nho giáo đã chứng tỏ sức sống của nó trước tổ chức xã hội theo tư tưởng Phật giáo Tiểu thừa. Nói cách khác, người Việt - một tộc người ảnh hưởng văn hoá Hán đã nắm được cách tổ chức hành chính, một dân tộc nông nghiệp có cơ cấu xã hội chặt chẽ hơn các lân bang phía Nam. Đó là một minh chứng về sự ưu thắng của nền văn minh ảnh hưởng Nho giáo trên văn minh ảnh hưởng Phật giáo Tiểu thừa ở vùng đất phía Nam.


2. Làng xã Việt là những cộng đồng tụ cư tỏ ra thích hợp đối với những người tiểu nông trồng lúa nước. Khác với những người Khmer - quê hương của họ vốn ở vùng trung lưu sông Mê Kông, là những cư dân có tập quán làm ruộng rẫy trên thềm đất cao. Họ cũng là những người săn bắn và là những cư dân gần gũi với rừng hơn với biển. Sự khác biệt về sinh hoạt kinh tế với người Việt đã giải thích một phần lý do tại sao sau khi thôn tính được Phù Nam, nhưng người Khmer không có xu hướng khai khẩn vùng đất phía dưới mà phải quay trở về vùng đất truyền thống của mình ở phía trên và cuối cùng lại lập kinh đô tại vùng rừng núi Đông - Bắc Campuchia xa xôi. Trái lại, người Việt là một tộc người có truyền thống canh tác lúa nước ở vùng đồng bằng thấp và hiểu biết kỹ thuật làm ruộng nước. Vì vậy, khi chiếm lĩnh được vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, người Việt nhanh chóng phát huy tập quán canh tác của mình.


Tuy nhiên, chiếm lĩnh được đất là một việc, còn làm chủ được nó là một việc khác, đó là cả một vấn đề, một chính sách thuộc về khả năng của một dân tộc. Đến Nam Bộ, người Việt đã đem đến đây một hệ thống làng xã - sức mạnh nội tại của tổ chức xã hội truyền thống và cùng với nó là cả một nền kinh tế ưu việt hơn các tộc người khác. Vì vậy, người Việt đã nhanh chóng trở thành chủ nhân thực sự của miền đất này.


Như vậy, cùng với hệ tư tưởng chính trị và tổ chức xã hội, cả về mặt tổ chức hành chính và thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, ngươi Việt còn có cả một truyền thống kinh tế ưu việt hơn hẳn so với các tộc người có tập quán canh tác vùng đất cao, chài lưới và săn bắn. Vì thế, người Việt Châu Đốc nói riêng và người Việt Nam Bộ nói chung đã trở thành yếu tố quyết định phát triển kinh tế vùng đồng bằng phù sa thấp ở hạ lưu sông Mê Kông ngay từ những thế kỷ XVII-XIX, khi mới đặt chân đến vùng này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #78 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2021, 07:38:40 pm »

3. Di cư đến phương Nam, người Việt mang theo nền văn hoá đã định hình từ lâu ở vùng đất cội nguồn, vẫn duy trì cách ăn mặc, ở, đi lại, cách tư duy, tín ngưỡng, lễ hội, có ngôn ngữ, phong tục lễ nghi thống nhất, là sự phát triển và kế thừa truyền thống văn hoá cổ xưa của một dân tộc có bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm.


Ở vùng đất mới, trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, người Việt đã không ngừng thích nghi, thích ứng một cách chủ động với môi trường tự nhiên để sinh tồn và phát triển. Sự mềm dẻo, linh động, uyển chuyển của người Việt là một trong những sức mạnh của văn hoá Việt Nam, là phương thức ứng xử đặc biệt của người Việt trước hiện thực, thích nghi, thích ứng nhanh với hoàn cảnh đã được ngươi Việt xưa đúc kết "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Mặt khác, vùng đất mới cũng là nơi tụ cư của nhiều tộc người Việt, Khmer, Chăm, Hoa. Vì vậy, trong mọi quan hệ, cuộc sống vùng đất mới cũng diễn ra quá trình thích nghi giữa người và người, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Mối quan hệ giữa người với người liên quan chặt chẽ với mối quan hệ giữa người và tự nhiên. Quá trình khai phá vùng đất mới trong thời gian dài đã thúc đẩy quá trình giao lưu, các quan hệ kinh tế, xã hội và văn hoá giữa các tộc người. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, văn hoá và đặc thù tộc người, tiến trình ấy có những nét đặc thù tạo ra sự khác biệt giữa dân tộc này và dân tộc khác trên con đường tiến lên phía trước.


Sự mở rộng không gian và cường độ giao lưu dĩ nhiên đòi hỏi năng lực thích nghi ngày càng lớn, sự hoà nhập và phát triển bền vững trên cơ sở bảo lưu được căn tính của tộc người Việt, một cản tính nguồn gốc của nền văn hoá dân tộc.


Là những lưu dân đi khai phá miền đất mới, buổi đầu người dân không chỉ mang theo mình vốn liếng tư liệu sản xuất, vật dụng, vợ con..., mà còn mang theo cả vốn liếng văn hoá, cả tổ tiên và thần thánh của mình, cả trong ý thức và tiềm thức, đến vùng đất mới, ý thức và tiềm thức văn hoá ấy cùng với sự giao lưu với các tộc người đã phát triển thành vốn văn hoá Việt trên đất Châu Đốc. Tuy nhiên, điều kiện lịch sử, xã hội và khung cảnh địa lý ở Châu Đốc có những nét khác biệt so với vùng đất cội nguồn. Vì vậy, sinh hoạt văn hóa của những người dân Việt nơi đây phải chịu tác động của những điều kiện trên, Người Việt Châu Đốc vừa phải tái tạo vừa sáng tạo vốn văn hoá truyền thống. Bản sắc văn hoá của người Việt dần dần được định hình qua tiếp xúc, giao lưu văn hóa với động thái chủ động tiếp nhận, tương tác, thụ ứng, khoan dung, xử lý cái nội sinh và cái ngoại nhập..., phải có lối ứng xử thông minh và khôn khéo tới mức nào để có thể tiếp thu được những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa ngoại sinh. Bởi vì, ở vùng đất nàv trong quá trình tiếp biến văn hoá (acculturation) cũng đã xảy ra không ít tình huống đan xen phức tạp, không ít chiều hướng chống đối nhau, cưỡng bức nhau, thích nghi hoặc tự nguyện tiếp nhận nhau... Vì vậy, xã hội Châu Đốc nói riêng và xã hội đồng bằng sông Cửu Long nói chung là kết quả của một quá trình pha trộn văn hoá, tập quán, tính cách giữa các cộng đồng, giữa các vùng miền, giữa các nền văn hóa.


Với người Việt, dù những sinh hoạt văn hóa về mặt vật chất cũng như văn hoá tinh thần không còn nguyên mẫu của cố hương nhưng vẫn mang bản sắc của cư dân Việt, không xa rời cội nguồn. Tuy nhiên, điều kiện mới đã tạo ra những nét riêng, tạo ra đặc thù của văn hoá Việt ở vùng Châu Đốc. Điều đó như là một cống hiến văn hóa của vùng đất vào văn hóa Việt Nam, làm đa dạng, phong phú văn hóa truyền thống, vừa biểu hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt ở vùng đất mới, vượt lên, trội hơn các tộc người láng giềng không những về kinh tế, tổ chức xã hội mà cả về bản sắc văn hóa.


4. Do điều kiện địa lý, lịch sử, Châu Đốc trở thành nơi "cửa ngõ" biên giới quan trọng phía Tây của Nam Bộ, có vị trí chiến lược về quốc phòng, kinh tế, văn hóa, tôn giáo và tộc người... Vì vậy, vấn đề quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng "tân cương" luôn gắn chặt với việc phát triển toàn diện, đồng bộ vùng đất này, nhà Nguyễn đã sử dụng các biện pháp: xây dựng hệ thống đồn, bảo, xây dựng các phòng tuyến chống xâm lược bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biện pháp sử dụng quan lại, chính sách văn hóa, chính sách tôn giáo, tộc người, chính sách phát triển kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển đồn điền - dinh điền lập ấp, di dân khai phá, tạo cơ sở xã hội cho chính quyên nhà nước... Các chính sách, biện pháp có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, vừa là nên tảng, mục tiêu của sự phát triển, vừa là động lực thúc đẩy lẫn nhau phát triển, làm cơ sở cho việc củng cố, ổn định xã hội, tác động mạnh mẽ đến chính sách phòng thủ, quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ vùng đất biên thuỳ.


Những biện pháp, chính sách trên của triều Nguyễn đã đạt được những thành công, làm cho vùng đất Châu Đốc phát triển khá nhanh, trở thành nơi biên địa vững vàng, dù có những toan tính của ngoại bang nhưng triều Nguyễn đã bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của mình ở vùng đất Tây Nam. Cho đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, Châu Đốc đã trở thành chủ quyền từ lâu của người Việt, khiến cho khi phân ranh biên giới, vùng đất này không thể tách rời khỏi nước Đại Nam và mãi mãi trở thành một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của nước Việt.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #79 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2021, 07:40:23 pm »

TÀI LIỆU THAM KHẢO


TÀI LIỆU CHỮ VIỆT
   1. Phan An (1991), "Một số vấn đề kinh tế xã hội của vùng nông thôn Khmer đồng bằng sông Cửu Long", vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, Mạc Đường (chủ biên), KHXH, Hà Nội.
   2. Toan Ánh (1999), "Ca dao Châu Đốc", Xưa và Nay, (68b).
   3. Toan Ánh (1996), Phong tục thờ cúng trong gia đình người Việt, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
   4. Ph. Ăng-ghen (1971), Chống Đuy-rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội.
   5. Nguyễn Chí Bền (1994), "Mấy vấn đề lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam", Dân tộc học, (20).
   6. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dôp (1991), Văn hoá Chăm, Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh, Nxb KHXH.
   7. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb KHXH, Hà Nội.
   8. Trương Bá Cần (1999), "Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam", Công giáo và dân tộc, (60).
   9. Nguyễn Đổng Chi (1998), "Sự tồn tại quan hệ thân tộc trong lòng xã hội Việt Nam", Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Nxb KHXH, Hà Nội. 
   10. Võ Văn Chi (1998), Cây rau làm thuốc (tái bản), Nxb Tổng hợp, Đồng Tháp.
   11. Huỳnh Tịnh Của (1998) Đại Nam quốc âm tự vị, Nxb Trẻ.
   12. Dépierre (1999), "Tình hình Giáo hội Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX", Công giáo và dân tộc, (60).
   13. Nguyễn Đình Diệm (1961), "Trương Minh Giảng", Văn hoá nguyệt san, (58).
   14. Dohamide (1962), "Người Chàm Châu Đốc", Bách Khoa, (140).
   15. Phan Văn Dốp, Nguyễn Việt Cường (1991), "Người Chăm ở đồng bằng sông Cửu Long", vấn đề dân tộc học ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb KHXH, Hà Nội.
   16. Phan Văn Dốp (1993), Tôn giáo của người Chăm ở Việt Nam, Luận án Phó tiến sĩ khoa học Lịch sử, Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh.
   17. Nguyễn Đăng Duy (1997), Văn hoá tâm linh Nam Bộ, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
   18. Địa phương chí tỉnh Châu Đốc (1968), (bản in rô-nê-o).
   19. Lê Quý Đôn (1973), Phủ biên tạp lục, tập 2, Lê Xuân Giáo (dịch), Ủy ban dịch thuật Nha Văn hoá Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn.
   20. Lê Quý Đôn (1973), Phủ biên tạp lục, toàn tập, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội.
   21. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tĩnh (dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
   22. Fujiwara Riichirô (1974), "Chính sách đối với dân Trung Hoa di cư của các triều đại Việt Nam", Thiềm Cung (dịch), Việt Nam khảo cổ tập san (Cool. 
   23. Nguyễn Sĩ Giác (dịch) (1993), Đại Nam điển lệ toát yếu, Nxb TP Hồ Chí Minh.
   24. Nguyễn Kiến Giang (1996), "Thờ cúng tổ tiên trong tâm linh người Việt", Xưa và Nay, (23).
   25. Trần Văn Giàu (chủ biên) (1987), Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP Hồ Chí Minh.
   26. Châu Thị Hải (1993), Các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
   27. Nguyễn Văn Hầu (1970), "Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long", Sử - Địa, (19-20).
   28. Nguyễn Văn Hầu (1972), Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Hương Sen, Sài Gòn.
   29. Nguyễn Xuân Hiển (1980), "Lúa nổi ở vùng các dân tộc Tây Bắc đồng bằng sông Cửu Long", Dân tộc học, (1).
   30. Nguyễn Hữu Hiệp (1997), "Tết xưa ở nông thôn Nam Bộ", Xưa và Nay, (số chuyên đề cuối tháng 1).
   31. Chen-chinh-ho (1962), "Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An", Việt Nam khảo cổ tập san, (1).
   32. Chen-chinh-ho (1962), "Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An", Việt Nam khảo cổ tập san, (3).
   33. Trần Kinh Hoà (1962), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Viện Đại học Huê - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam.
   34. Ngô Văn Hoà (1983), "Tổ chức quản lý xã thôn và cộng đồng làng xã ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc", Nghiên cứu lịch sử, 5 (212).
   35. Nhật Hồ (2000), "Đẹp xinh chiếc áo bà ba", báo Trà Vinh, Xuân Canh Thìn.
   36. Võ Thị Hồng (1997), Tình hình kinh tế An Giang thời Pháp thuộc (1867-1929), Luận án Phó tiên sĩ khoa học lịch sử, Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh.
   37. Nguyễn Văn Huyên (1996), Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, tập 1, Hà Văn Tấn (chủ biên), Nxb KHXH, Hà Nội.
   38. Nguyễn Văn Huyên (1996), Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, tập 2, Hà Văn Tấn (chủ biên), Nxb KHXH, Hà Nội.
   39. Nhiêu Huyền (2000), "Mắm, món ăn đặc sản của đồng bào Nam Bộ", báo An Giang, ngày 15-2.
   40. Lê Hương (1969) Người Việt gốc Miên, tác giả tự xuất bản.
   41. Lê Hương (1970), "Những người Việt tiên phong trên bước đường Nam tiến tại Cao Lãnh, Kiến phong", Sử - Địa, (19-20).
   42. Lê Hương (1970), sử Cao Miên, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn.
   43. In Sun Yu (1994), Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, người dịch: Nguyễn Quang Ngọc, Nxb KHXH, Hà Nội.
   44. Phan Khánh (chủ biên) (1981), Sơ thảo lịch sử thuỷ lợi Việt Nam, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội.
   45. Nguyễn Bách Khoa (1951), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nxb Thế giới, Hà Nội.
   46. Trần Trọng Kim (1951), Việt Nam sử lược, Tân Việt, Hà Nội.
   47. Dương Ky (1949), Việt sử khảo lược, Tiên Hoa xuất bản, Thuận Hoá.
   48. Vũ Tự Lập (1978), Địa lý tự nhiên Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội,
   49. Trần Hồng Liên (1993), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb KHXH, Hà Nội.
   50. Nguyễn Văn Luận (1974), Người Chàm Hồi giáo ở miền Tây Nam phần Việt Nam, Bộ Văn hoá giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn.
   51. Trường Lưu (chủ biên) (1993), Văn hoá Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
   52. Trần Thị Thu Lương, Võ Thành Phương (1991), Khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873), Nxb TP Hồ Chí Minh.
   53. Một số vấn đề về khảo cổ học miền Nam Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
   54. Mah Mod (1975), "Bước đầu tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng của người Chàm ở Việt Nam", Dân tộc học (4).
   55. Nguyễn Nghị (1995), "Nhà thờ trong làng Việt Nam", Làng xã ở châu A và ở Việt Nam, Mạc Đường - chủ biên, Nxb TP Hồ Chí Minh.
   56. Đỗ Hữu Nghiêm (1995), "Quá trình hình thành làng xã tại đồng bằng sông Cửu Long từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX", Làng xã ở châu A và ở Việt Nam, Mạc Đường - chủ biên, Nxb TP Hồ Chí Minh.
   57. Nguyễn Quang Ngọc... (1994), Kinh nghiệm tổ chức quản lý nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia.
   58. Hãn Nguyên (1970), Hà Tiên, chìa khoá Nam tiến của dân tộc Việt Nam xuống đồng bằng sông Cửu Long, sử - Địa, (19-20).
   59. Đào Trinh Nhất (1924), Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ, Hà Nội.
   60. Lương Ninh (1984), "Văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long trong quan hệ khu vực tộc người", Văn hoá Óc Eo và các văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long, sở Văn hoá thông tin An Giang xuất bản, Long Xuyên.
   61. Lương Ninh (1999), "Đạo Hồi và người Chăm ở Việt Nam", Nghiên cứu lịch sử, (1).
   62. Nội các triều Nguyễn (NCTN) - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 2 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   63. NCTN - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   64. NCTN - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 5 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   65. NCTN - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   66. NCTN - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 10 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   67. NCTN - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 11 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   68. NCTN - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 13 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   69. NCTN - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 15 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   70. Tố Oanh (1992), "Lễ phục của các dân tộc Việt Nam", Dân tộc học, (3).
   71. Đinh Công Phong... (1936), Quan hôn tang tế thường dụng, Sai Gon, Imprimerie J. Nguyễn Văn Việt.
   72. Bùi Hải Phong (1998), "Tập tục thờ cúng tổ tiên", Xưa và Nay, (47B).
   73. Cao Xuân Phổ (1984), "Óc Eo trong sự phát triển thương mại ở Đông Nam A”, Văn hoá Óc Eo và các văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hoá thông tin An Giang xuất bản, Long Xuyên.
   74. Trần Thanh Phương (1984), Những trang về An Giang, Văn nghệ An Giang xuất bản.
   75. Thạch Phương... (1992), Văn hoá dân gian người Việt Nam Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội.
   76. Thạch Phương, Đoàn Tứ chủ biên (1991), Địa chí Bến Tre, Nxb KHXH, Hà Nội.
   77. Thạch Phương - Lưu Quang Tuyến chủ biên (1989) Địa chí Long An, Nxb Long An - KHXH.
   78. Châu Đạt Quan (1973), Chân Lạp phong thô ký, Lê Hương dịch, Kỷ nguyên mới xuất bản lần thứ nhất, Sài Gòn.
   79. Nguyễn Phan Quang, Đặng Huy Vận (1975), "Tìm hiểu chế độ lao dịch và binh dịch dưới triều Gia Long (1802-1819)", Nghiên cứu lịch sử, (80).
   80. Quốc sử quán triều Nguyễn (QSQTN) - Đại Nam nhất thống chí, tập 5 (1997), Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Thuận Hoá, Huế.
   81. QSQTN - Thực lục, tập 1 (1962), Nxb Sử học, Hà Nội.
   82. QSQTN - Thực lục, tập 2 (1963), Nxb Sử học, Hà Nội.
   83. QSQTN - Thực lục, tập 3 (1963), Nxb Sử học, Hà Nội.
   84. QSQTN - Thực lục, tập 4 (1963), Nxb Sử học, Hà Nội.
   85. QSQTN - Thực lục, tập 5 (1963), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   86. QSQTN - Thực lục, tập 6 (1963), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   87. QSQTN - Thực lục, tập 7 (1964), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   88. QSQTN - Thực lục, tập 8 (1964), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   89. QSQTN - Thực lục, tập 9 (1964), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   90. QSQTN - Thực lục, tập 10 (1964), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   91. QSQTN - Thực lục, tập 13 (1965), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   92. QSQTN - Thực lục, tập 14 (1965), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   93. QSQTN - Thực lục, tập 15 (1965), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   94. QSQTN - Thực lục, tập 16 (1966), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   95. QSQTN - Thực lục, tập 17 (1966), Nxb Khoa học, Hà Nội.
   96. QSQTN - Thực lục, tạp 18 (1967), Nxb KHXH, Hà Nội.
   97. QSQTN - Thực lục, tập 19 (1968), Nxb KHXH, Hà Nội.
   98. QSQTN - Thực lục, tập 20 (1968), Nxb KHXH, Hà Nội.
   99. QSQTN - Thực lục, tập 21 (1968), Nxb KHXH Hà Nội.
   100. QSQTN - Thực lục, tập 22 (1969), Nxb KHXH, Hà Nội.
   101. QSQTN - Thực lục, tập 23 (1970), Nxb KHXH, Hà Nội.
   102. QSQTN - Thực lục, tập 24 (1970), Nxb KHXH, Hà Nội.
   103. QSQTN - Thực lục, tập 25 (1971), Nxb KHXH, Hà Nội.
   104. QSQTN - Thực lục, tập 26 (1972), Nxb KHXH, Hà Nội.
   105. QSQTN - Thực lục, tập 27 (1973), Nxb KHXH Hà Nội.
   106. QSQTN - Thực lục, tập 28 (1973), Nxb KHXH, Hà Nội
   107. QSQTN - Thực lục, tập 29 (1974), Nxb KHXH Hà Nội.
   108. QSQTN - Thực lục, tập 30 (1974), Nxb KHXH Hà Nội
   109. QSQTN - Minh Mệnh chính biên, tập 1 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   110. QSQTN - Minh Mệnh chính biên, tập 2 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huê.
   111. QSQTN - Minh Mệnh chính biên, tập 3 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   112. Quốc triều chính biên toát yếu (1971), Nhóm nghiên cứu Sử - Địa xuất bản, Sài Gòn.
   113. Đại Nam liệt truyện, tập 2 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   114. Đại Nam liệt truyện, tập 3 (1993), Nxb Thuận Hoá, Huế.
   115. Nguyễn Văn Siêu (1997), Đại Việt địa dư toàn biên, Viện Sử học và Nxb Văn hoá, Hà Nội.
   116. Sở Văn hoá thông tin - TDTT An Giang - Hội khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh (1994), Kỷ yếu hội thảo khoa học: Thân thế và sự nghiệp của chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
   117. Sở Văn hoá thông tin An Giang - Bảo tàng An Giang (1999), Hồ sơ di tích đình Bình Mỹ.
   118. Sở Văn hoá thông tin An Giang (1990), Di tích lịch sử văn hoá ở An Giang, An Giang.
   119. Phạm Côn Sơn (1996), Gm lễ xưa nay, Nxb Đồng Tháp.
   120. Lê Thanh Sử (1994), "Các lễ tục truyền thống trong chu kỳ đời sống của người Khmer ở Cam-pu-chia", Dân tộc học, (3).
   121. Lâm Tâm (1994), Một số tập tục người Chăm An Giang, Chi hội văn nghệ dân gian An Giang - Hội văn nghệ Châu Đốc - In lần thứ hai.
   122. Nguyễn Phương Thảo (1994), Văn hoá dân gian người Việt Nam Bộ (những phác thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
   123. Đỗ Thận (1925), "Quan hôn tang tế", Nam Phong (94).
   124. Ngô Đức Thịnh (1994), Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
   125. Ngô Đức Thịnh (1999), "Về nếp nghĩ và lối sống của người Việt cổ truyền ở châu thổ Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ", Văn hoá nghệ thuật, 4 (178).
   126. Lê Thước (1928), Sự nghiệp và thi văn của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, In lần thứ hai, Hà Nội.
   127. Phạm Ngọc Toàn, Phan Tất Đắc (1978), Khí hậu Việt Nam, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
   128. Phạm Ngọc Toàn, (1976), Khí hậu nước ta, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
   129. Huỳnh Văn Tới (1996), Những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian của cư dân Việt ở Đồng Nai, Luận án Phó tiến sĩ khoa học Lịch sử, Viện Văn hoá và Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.
   130. Lâm Thanh Tòng (1997), "Một số đặc điểm cư trú của người Khmer ở Sóc Trăng, Dân tộc học, (4).
   131.   Lãn Ông Lê Hữu Trác (1992), Hải thượng y tông tâm lĩnh quyển nhất, Hoàng Văn Hoà - Hoàng Đình Khoa (dịch), Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.
   132. Huỳnh Ngọc Trảng... (1993), Đình Nam Bộ, tín ngưỡng và nghi lễ, Nxb TP Hồ Chí Minh.
   133. Bùi Đạt Trâm (1985), Đặc điểm thuỷ văn tỉnh An Giang, Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật An Giang xuất bản.
   134. Lê Ngọc Trụ và Phạm Văn Luật (1951), Nguyễn Cư Trinh với quyển Sãi vải, Tân Việt, Hà Nội.
   135. Lê Hữu Tuấn (1999), "Họ đạo Châu Đốc men trong bột", Công giáo và dân tộc, (1200).
   136. Lục Tùng (1999), "Mắm ruột", Văn hoá nghệ thuật ăn uống, (124).
   137. Đỗ Khắc Tùng (1978), "Vài đặc điểm của thân tộc, hôn nhân và gia đình người Khmer đồng bằng sông Cửu Long", Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam, tập 2, Viện KHXH tại TP Ho Chí Minh
   138. Khổng Tử (1969), Xuân - Thu tam truyện tập 1, Hoàng Khôi (dịch), Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục, Sài Gòn.
   139. Phan Lạc Tuyên (1991), "Ảnh hưởng của một số đạo giáo trong nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long", Dân tộc học, (2).
   140. Phan Thị Yến Tuyết (1993), Nhà ở, trang phục, ăn uống của các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb KHXH, Hà Nội.
   141. Phan Thị Yến Tuyết (1999), "Ngày xuân nói chuyện tín ngưỡng ở Nam Bộ", Xưa và Nay, (59B+ 60B).
   142.   Lê Thị Nhâm Tuyết (1976), "Vị trí lịch sử của hội làng", Dân tộc học, (1).
   143.   Trương Ngọc Tường (1998), "Làng xã Nam Bộ qua Minh hương điều ước", Xưa và Nay (58B).
   144.   Đặng Nghiêm Vạn (1996), về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb KHXH, Hà Nội.
   145.   Đào Đăng Vĩ (1974), Nguyễn Tri Phương, Nha Văn hoá, Bộ Văn hoá giáo dục và thanh niên, Sài Gòn.
   146. Viện Dân tộc học, ủy ban KHXH Việt Nam (1984), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb KHXH, Hà Nội.
   147.   Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh, ủy ban KHXH Việt Nam (1978), Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam, tập 2 (bản in rô-nê-ô).
   148.   Việt Nam đất nước giàu đẹp, tập 2 (1998), Nxb Sự thật, Hà Nội.
   149.   Khuông Việt (1843), "Lược khảo về chế độ cai trị người Minh hương ở Nam Kỳ", Đại Việt tạp chí, (Cool.
   150.   Thạch Voi, Hoàng Túc (1998), "Phong tục lễ nghi của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long", Tìm hiểu văn hoá dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Tổng hợp Hậu Giang.
   151.   Mã Xái (1974), Giáo phái miền Tây, Long Xuyên.
   152.   Võ Tòng Xuân (1974), Phát triển tổng hợp kinh tế - xã hội nông thôn qua 7 năm xây dựng và phát triển tỉnh An Giang - Đề tài cấp Nhà nước KX-08-011, Chương trình phát triển nông thôn An Giang.
   153.   YAPHA (1972), Sinh hoạt đồng bào Chàm và những chính sách liên hệ, Luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chính khoá 1969-1972.


   TÀI LIỆU CHỮ PHÁP
   154. Bau rac, J.C (1894), La Cochinchine et ses habitants (Provinces de Louest, Sai Gon, Imprimerie Commerciale Rey, Curiol &ce.
   155. Chhak, Sarin (1966), Les Frontierses du Cambodge, tome 1, Librairie Dalloz, Paris.
   156. Loui Mérard (1901), Monographie de la province de Chaudoc, Sài Gòn.
   157. Labussìere, M. (1880), Rapport sur les Chams et les Malais de l arrondisment de Chau doc, Excursion et Reconnaissances, N°3, Sai Gon.


   TÀI LIỆU CHỮ HÁN
   Địa bạ tỉnh An Giang - Ký hiệu: DN1 - V59 - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Hà Nội.
   158. Bình Thịnh đông thôn - Tập số A2.
   159. Hoà Lạc thôn - Tập số A1.
   160. Mỹ Hội đông thôn - Tập số A3.
   161. Nhân An thôn - Tập số A6.
   162. Nhân Lương thôn - Tập số A1.
   163. Tân Hưng thôn - Tập số A6.
   164. Vĩnh Lộc thôn - Tập số A10.
   165. Vĩnh Toàn thôn - Tập số A1.
   166. An Hoà thôn - Tập số A11.
   167. Bình Thành Tây thôn - Tập số A10.
   168. Định An thôn - Tập số A2.
   169. Long Hậu thôn - Tập số A3.
   170. Nhân Hoà thôn - Tập số A10.
   171. Tân Bình thôn - Tập số A5.
   172. Tân Lộc thôn - Tập số A8.
   173. Long Khánh thôn - Tập số A4.
   174. Long Sơn thôn - Tập số A11.
   175. Phú Lâm thôn - Tập số A6.
   176. Tiến An thôn - Tập số A7.
   177. Tiến Thuận thôn - Tập số A10.
   178. Vĩnh Lạc thôn - Tập số A5.
   179. Kiến Long thôn - Tập số A2.
   180. Kiến Thịnh thôn - Tập số A5.
   181. Mỹ Chính thôn - Tập số A11.
   182. Mỹ Hưng thôn - Tập số A4.
   183. Mỹ Long thôn - Tập số A5.
   184. Mỹ Phú thôn - Tập số A4.
   185. Mỹ Đức thôn - Tập số A9.
   186. Toàn Đức Đông thôn - Tập số A1.
   187. Tú Điền thôn - Tập số A3.
   188. An Nông thôn - Tập số B4.
   189. Nhân Hoà thôn - Tập số A10.
   190. Vĩnh Điều thôn - Tập số B8.
   191. Vĩnh Lạc thôn - Tập số B8.
   192. Vĩnh Nguyên thôn - Tập số B6.
   193. Vĩnh Tế thôn - Tập số B7.
   194. Vĩnh Thành thôn - Tập số B1.
   195. Vĩnh Thọ thôn - Tập số B5.
   196. Vĩnh Thông thôn - Tập số B9.
   197. Mỹ Phước thôn - Tập số B7.
   198. Mỹ Thịnh thôn - Tập số B4.
   199. Tân Thuận Đông thôn - Tập số B8.
   200. Thịnh Hoà Trung thôn - Tập số B3.
   201. Thoại Sơn thôn - Tập số B5.
   202. Thái Thuận thôn - Tập số B3.
   203. Vĩnh Chính thôn - Tập số B6.
   204. Vĩnh Phú thôn - Tập số B7.
   205. Vĩnh Trinh thôn - Tập số B1.
   206. Bình Đức thôn - Tập số B9.
   207. Bình Hòa Trung thôn - Tập số B1.
   208. Bình Lâm thôn - Tập số B1.
   209. Bình Mỹ thôn - Tập số B9.
   210. Vĩnh Thịnh Trung thôn - Tập số B7.
   211. Vĩnh Thuận thôn - Tập số B7.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM