Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:12:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử khai phá và bảo vệ chủ quyền vùng đất Châu Đốc thời Nguyễn  (Đọc 3693 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2021, 10:07:35 pm »

Ở Nam Kỳ, theo thư tịch triều Nguyễn, thấy có 4 bang người Hoa là Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu và Hải Nam [88, tr.88]. Cuối thế kỷ XIX, số lượng người Hoa của bang Quảng Đông có tới 80.000 người, chiếm 40% tổng số người Hoa, bang Phúc Kiến có 33.000 người chiếm 17%, bang Triều Châu 30.000 người chiếm 15% tổng số người Hoa ở Nam Kỳ [26, tr.71].


Theo quy định của triều Nguyễn, trong một vùng nếu có những người Thanh thuộc về một bang và những người cư ngụ thuộc về Minh Hương xã, con cháu của họ nếu hơn 18 tuổi phải ghi tên vào sổ bộ Minh Hương xã, nếu hơn 5 người thì được phép lập ra một xã Minh Hương [102, tr.358]. Những nơi người Hoa ở rải rác trong các xã thôn khác thì họ được ghi vào theo sau sổ hộ khẩu của xã thôn đó và phải theo lệ nộp thuế cho lý trưởng sở tại [63, tr.310]. Vì vậy, có lẽ những người Hoa Châu Đốc sống rải rác ở vùng Thất Sơn, Bình Di,... đều ghép theo các thôn xã Việt. Năm 1842, sau khi triều Nguyễn dẹp yên được khởi nghĩa Thất Sơn, người Thanh, người Thổ ra đầu thú tới hàng nghìn người. Họ được sắp xếp, chia đặt thôn ấp để định cư ở vùng Thất Sơn [102, tr.181]. Từ thời Minh Mệnh vùng Châu Đốc có những phố buôn bán người Hoa như: Vĩnh Hội, Vĩnh Hội Đông [64, tr.349]. Người Hoa ở Châu Đốc chủ yếu là người các bang Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, số lượng các bang xấp xỉ nhau. Người ta quen gọi người Tiều tức là Triều Châu, người Quảng tức Quảng Đông. Đó là do căn cứ vào nguồn gốc xuất phát từ cố quốc. Người Hoa có 3 nghĩa trang rất lớn của vùng này từ xưa đến nay tại núi Sam.


Vào thời Nguyễn, người Hoa Châu Đốc chủ yếu từ Chân Lạp về. Mở đầu, từ thời Gia Long có Diệp Hội từ Chân Lạp về làm cai phủ Châu Đốc, đến đòi Tự Đức ở Châu Đốc có 3 bang người Hoa cũng từ Chân Lạp về [105, tr.168]. Những biến cố chính trị trong khu vực và ở Chân Lạp trong thế kỷ XIX - XX thường làm cho người Hoa ở Chân Lạp phải chuyển cư về Châu Đốc sinh sống.


Như trên đã nói, Thanh Hà xã và Minh Hương xã là một tổ chức tự trị, tự quản của người Hoa đã hiện hữu từ lâu ở Viêt Nam. Sau đó, những tổ chức của những người cùng miền, cùng ngôn ngữ bang xuất hiện. Tổ chức bang thực sự là một tổ chức xã hội biệt lập, nó tồn tại như một mô hình xã hội Trung Hoa truyền thống thu nhỏ, như một bộ phận ổn định trong cơ cấu cư dân Châu Đốc và Việt Nam. Ngoài ra, trong xã hội người Hoa còn có hội quán. Hội quán đầu tiên ra đời từ thế kỷ XVII ở Hội An. Về sau, trong các bang người Hoa ở các miền đều có hội quán. Các hội quán thực chất là các "hội quán đồng hương", là một trụ sở để bàn việc hội đồng, đồng thời "là một cơ quan để trau dồi lễ nghĩa" [31, tr.37], như Trung Hoa hội quán, Phúc Kiến hội quán, Triều Châu hội quán, Quảng Triệu hội quán, Quỳnh Phủ hội quán,... Trong các hội quán "Sùng phụng Thiên Hậu, xuân thu sóc vọng, khi cúng khi cầu, coi muôn người như một nhà, kinh doanh tính toán chẳng nài, chẳng nạnh, cùng nhau hết sức đồng lòng, đau ốm cứu nhau, hoạn nạn giúp nhau, trái phúc mầm lành chẳng khá kể xiết" [31, tr.58]. Ngoài ra, trong sinh hoạt cộng đồng Hoa, Quan Công miếu giữ một địa vị trọng yếu hơn cả, là một trung tâm điếm của xã hội người Hoa ở Châu Đốc.


Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XVIII - XIX, ở Châu Đốc đã hình thành 4 tộc người chủ yếu: Việt, Khmer, Chăm, Hoa. Tuy có nhiều nguồn gốc khác nhau tìm đến Châu Đốc để xây dựng cuộc sống, nhưng phần lớn họ đều là những người dân nghèo, bị áp bức bóc lột... nên họ đều có chung một số phận lịch sử. Đến vùng đất mới, họ phải nương tựa vào nhau để khai phá thiên nhiên hoang sơ đầy khó khăn buổi đầu, chung sức chống thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt và chống ngoại xâm để bảo vệ vùng đất mà mình đã đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, kể cả xương máu để tạo nên ở vùng biên thuỳ hẻo lánh miền Tây Nam Bộ.


Mặc dù có những nét riêng, biệt tộc người trong ngôn ngữ, phong tục tập quán, đời sống tín ngưỡng, tâm linh... nhưng đến vùng đất mới, qua quá trình khai phá, lao động sản xuất và sinh hoạt, do điều kiện địa lý, lịch sử và xã hội... người dân Châu Đốc đã hình thành nên những đặc tính chung, đặc biệt trên phương diện tâm lý xã hội. Đó là những tình cảm coi nhau như anh em, người thân, không phân biệt nguồn gốc, tâm lý quý khách, trọng tình nghĩa, có cung cách ứng xử bộc trực, thẳng thắn, dễ dãi, chí tình nhưng nóng nảy, không chịu khuất phục trước sự áp bức bất công, tinh thần bảo vệ người thân và lẽ phải...


Sự hỗn hợp dân cư từ nhiều nguồn gốc, nhiều tộc người, nhiều tín ngưỡng khác nhau không hề là yếu tố cản trở đoàn kết, gắn bó giữa các tộc người. Giữa các dân tộc đã diễn ra sự bao dung về mặt tín ngưỡng, văn hoá. Người Việt và các tộc người khác có cơ hội thâu thái những nét ưu tú của văn hoá các cư dân khác cùng cộng cư vào bản lĩnh văn hoá của mình, từ việc sử dụng công cụ lao động cho đến phong tục, tín ngưỡng... Sự giao lưu văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần nơi đây rất đậm đà, nhưng thể hiện bản lĩnh văn hoá, sức sống văn hoá của người Việt là chủ đạo.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2021, 09:54:05 pm »

Chương 2
TÌNH HÌNH KINH TẾ Ở CHÂU ĐỐC THỜI NGUYỄN


1. KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

Về kinh tế nông nghiệp, ta có thể chia vùng Châu Đốc thành hai vùng: vùng đồng bằng thấp và vùng núi.

Điển hình của vùng đồng bằng thấp là khu "Tứ giác Long Xuyên", một khu đất trũng. Nhìn một cách đại cương có thể coi 4 đỉnh của khu tứ giác này là Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá và Hà Tiên. Trừ những "giồng" đất tương đối cao ven bờ sông Hậu, thì cốt đất ở đây thấp, hiện nay chỉ từ 0,8 đến 1,0m so với mặt biển, cách nay hàng trăm năm chắc hẳn cốt đất còn thấp hơn nhiều. Vì vậy, nửa cuối thế kỷ XVII, vùng đất này hầu như chưa có người Việt đến ở.


Vùng đồng bằng giữa sông Tiền và sông Hậu cốt đất cao hơn, phù sa màu mỡ, cuối thế kỷ XVIII đã có một số người Việt đến khai phá. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, người Việt đến đây đông hơn, khai phá rừng làm ruộng, lập thôn ấp. Ngoài một số gia binh cư ngụ xung quanh các đồn, bảo Tân Châu, Châu Đốc, Hùng Ngự, từ năm 1757, có một số lưu dân Việt lánh nạn chiến tranh, như dòng họ Nguyễn của ông Nguyễn Văn Lân [41, tr.320] hoặc những kẻ bỏ ngũ, trốn tránh quân dịch, những kẻ phiêu lưu đi tìm đất mới,...


Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, kinh tế nông nghiệp Châu Đốc dù diện tích còn ít ỏi nhưng khá phồn thịnh. Vùng đất cù lao thời kỳ này đã trồng được rất nhiều cau [82, tr.31], vùng Tân Châu đã có nghề đóng thuyền phát triển [82, tr.31]. Vào năm 1778 trở đi, những tín đồ Công giáo lánh nạn đàn áp của chúa Nguyễn lần lượt đến sinh sống ở vùng Cái Đôi, cù lao Giêng, Bò Ót,... phá rừng, vỡ ruộng, lập làng. Năm 1750, những người Chàm ở Chân Lạp bị ngược đãi cũng về định cư ở làng Châu Giang, bên bờ sông Hậu. Nửa đầu thế kỷ XIX, vào những năm 1841 và 1859, những người Chàm ở Chân Lạp tiếp tục kéo về làm nghề "ngư điếu và khẩn hoang" tại vùng Châu Giang, Bình Di, ven bờ sông Hậu... Những phum, sóc Khmer trải dài vòng quanh sườn núi Thất Sơn theo hình "vành khăn" làm ruộng, rẫy đã làm cho bản đồ kinh tế Châu Đốc thời kỳ này dù còn ít ỏi nhưng hầu như đã có mặt khắp vùng. Những cư dân Châu Đốc thời kỳ này khai phá, làm ruộng rẫy, trồng lúa, hoa màu và khai thác nguồn lợi dồi dào từ tự nhiên để duy trì cuộc sống.


Đầu thế kỷ XIX, để phát triển kinh tế, xã hội và quản lý chủ quyền vùng đất biên thuỳ quan trọng Châu Đốc và Tây Nam, vua Gia Long cho chiêu tập các sắc dân Việt, Khmer, Hoa, Chăm,... đến đây để làm ruộng, trồng cây, nuôi súc vật, buôn bán, làm nghề gốm để phát triển kinh tế [84, tr.311] và phủ dụ quan trấn làm mọi cách để dân yên nghiệp làm ăn [84, tr.311].


Cùng với chính sách trên, triều Nguyễn cho xây dựng kiên cố hơn các đồn, bảo Châu Đốc, Tân Châu, Châu Giang, Chiến Sai và khơi thông các con kênh quan trọng Thoại Hà, Vĩnh Tế, đắp đường, làm cầu,... Vì vậy, dân số vùng Châu Đốc phát triển khá nhanh. Viên trấn thủ Thoại Ngọc Hầu đã lập được 20 thôn mới, vay của nhà nước 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân để làm ăn [88, tr.180]. Đến năm 1831, Châu Đốc có 56 xã thôn và 1.400 đinh,...


Tuy nhiên, triều Nguyễn cho Châu Đốc là vùng biên cương quan trọng mà xa xôi, nên nhà nước chỉ muốn cho dân cư đến ở và phát triển kinh tế để quản lý, bảo vệ chủ quyền là chính chứ không phải vì thuế khoá. Vì vậy, nhà nước đã nhiều lần triển hạn, tha giảm thuế thân và thuế điền thổ [111, tr.300]. Thời kỳ khẩn hoang, nguồn thực phểm từ sông rạch, vùng núi Thất Sơn dồi dào, ăn dùng không hết, người Việt khai thác những nguồn lợi tự nhiên hầu như vô tận đó. Còn lương thực nhiều lúc khó khăn, lưu dân phải lấy bông súng phơi khô, bỏ hạt vào bao tải đập cho tách vỏ ra, lấy hạt nấu ăn cho đỡ đói. Vì hạt bông súng hơi chát, người ta phải độn với gạo, ngô, khoai,...


Vùng đất Tây Xuyên phần lớn là đất thấp trũng phèn (nay là vùng Tứ giác Long Xuyên) nên nông dân Châu Đốc có phương thức làm ruộng trồng lúa nổi, loại lúa mà Châu Đạt Quan đã nói đến ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIII: "có một loại lúa bãi không gieo mà tự mọc, nước cao đến một trượng thì lúa cũng cao cùng" [78, tr.16]. Đó là những giống lúa Tàu, lúa Sạ, giống Tàu Bình, giống Tàu Nút. Nông dân vùng Châu Đốc vẫn có câu: "Cạn thì Tây, sâu thì Tàu" (nơi nước ngập vừa phải thì trồng các giống Nàng Tây Đùm, Nàng Tây,...; nơi nước ngập sâu thì trồng các giông Tàu Bình, Tàu Nút,...) [29, tr.51]. Vào đầu thế kỷ XX, lúa nổi được trồng tập trung nhiều nhất ở vùng Châu Đốc, với 154.460 ha trong tổng số 217.550 ha của toàn vùng Nam Kỳ và với năng suất trung bình 13,4 tạ/ha trong một năm bình thường, không bị thiên tai [29, tr.52].


Vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nếu mưa muộn, đất khô dùng cày hoặc bừa lấp hạt giống. Mức gieo khoảng 40- 50kg một mẫu (80-100 kg/ha) thóc giống. Người làm lúa sạ (lúa nổi) phải tính toán sao cho đến khoảng ngày 5 tháng 5 âm lịch, lúc nước bắt đầu về, thì cây lúa đã lên cao dưới 1m, đủ sức vượt nước. Sau khi sạ xong, hoàn toàn không cần chăm sóc gì cho lúa, "mặc lúa với trời”. Khi lũ về, nước càng lên, thân cây càng vươn dài, ra nhiều rễ phụ. Lúc nước lên, lúa phải chạy đua với nước, cây không đẻ nữa. Gặp năm nước rút chậm, lúa nổi có thể trổ bông trước khi nước xuống.


Bình thường lúa nổi cho năng suất thấp, chỉ 50-60 giạ (10-12 tạ) một hécta, có khi thấp hơn. Năm trúng vụ lúa nổi, năng suất có thể đạt 100-150 giạ (20-30 tạ) một hécta, thậm chí đến 200 giạ (40 tạ/ha). Tuy năng suất thóc thấp nhưng năng suất lao động lúa nổi lại vào loại cao nhất. Nếu làm một hécta lúa nổi chỉ cần 25-30 công lao động, tính ra chỉ cần 2-3,5 công để thu hoạch một tạ lúa nổi [29, tr.53, 54]. Xưa nay ở vùng Châu Đốc thích hợp trồng các loại lúa nổi Ba Sào, Nàng Đùm, Nàng Đùm to, Nàng Qướt, Sông Lớn, Trường Hưng, Đuôi Trâu,... Thời gian sinh trưởng của các giống lúa nổi đều khoảng 200 ngày, có khi 230 ngày, thậm chí đến 250 ngày. Phần lớn các giống lúa nổi đều có gạo đỏ. Lúa nổi có cả nếp lẫn tẻ. Nếp có các giống mù u, nếp đỏ... Phẩm chất gạo thường kém, cơm cứng, xấu mã nên hầu như chỉ tiêu thụ trong vùng [29, tr.54]. Thời kỳ khẩn hoang, lúa nổi có lẽ là nguồn sống của một số lớn cư dân Việt và Khmer vùng trũng phèn Châu Đốc. Đây là hình thức sản xuất lúa khá thích hợp môi trường sinh thái địa phương, khi vùng đất này hầu như bị ngập lụt khá lâu.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2021, 09:54:45 pm »

Vào thế kỷ XVIII - XIX, ngoài các giống lúa nổi nói trên, vùng đất Châu Đốc cũng như Nam Bộ còn có nhiều lúa trời (lúa ma). Lúa trời thường mọc lẫn với cỏ năn, cỏ lác. Bông lúa trời ngắn, hạt nhỏ có râu dài, mỗi gié chỉ chừng 3, 4 hạt, hạt dễ rụng, vỏ trấu màu vàng nhạt khá mỏng, nên khi xay lượng gạo có thể chiếm trên 80% trọng lượng thóc. Khi chín, hạt rụng xuống nước, bị vùi xuống lớp phù sa rồi nằm đó đợi đến mùa mưa năm sau gặp nước, gặp ẩm sẽ lại nảy mộng, đâm rễ, ra lá, vượt lên khỏi nước. Người dân vùng Châu Đốc và Nam Bộ vẫn thường đi thu hoạch lúa trời, một nguồn lương thực rất quan trọng thời kỳ này. Người ta đi "đập lúa trời" bằng xuồng, khi lúa chín rộ trên đồng. Mỗi xuồng cần hai ngươi, có thể đập được 50-60 kg/ngày [29, tr.155].


Thời kỳ khẩn hoang, người dân làm đất phát cỏ bằng phảng. Lúc phát cỏ dưới nước, người ta lấy cù nèo gom cỏ lại, đưa cỏ vào bờ, rồi hót lên, chờ cỏ thối, đem trâu trục đất cấy lúa. Đồng ruộng thời đó đỉa rất nhiều, người ta bắt đỉa bỏ vào "cà om" trong đó bỏ thuốc lào cho đỉa chết. Mỗi ngày bắt được nửa cà om đỉa (khoảng 1kg). Những mùa đầu làm lúa, thường bị hươu nai phá, người ta lấy hũ quét vôi trắng vào, mỗi đoạn cắm 1 cái hũ quét vôi, hươu thấy trắng sợ không dám đến phá ruộng. Để bắt cua, khỏi bị chúng phá lúa, ngươi ta phải gói xác mắm treo vào một cái cọc, khi cua tụ lại nhiều thì lấy nơm để bắt cua;... nếu không, tháo nước cho ruộng khô để tránh cua phá lúa. Ở gần người Khmer, người Việt sử dụng cày dơi của họ để cày ruộng, khi đi ra đồng cũng cúng bái "Ông Tà" như người Khmer.


Đến đời Minh Mệnh, để phát triển nông nghiệp "chỗ địa đầu xung yếu", vua xuống chiếu cho chiêu tập dân đi buôn các làng, khai vỡ ruộng đất, làm nhà ở cho thành thôn ấp, nếu có ai vay mượn bạc tiền, thóc gạo để làm vốn sắm đồ làm ruộng thì cấp phát [63, tr.154]. Cho đến cuối năm 1832, quan thành Gia Định tâu: đất Châu Đốc, đã nhiều lần chiêu tập dân cư khai khẩn ruộng đất hơn 20 năm nay, chưa định ngạch thuế. Năm nay quan thành Gia Định sai người đi xem xét thì 41 xã thôn phường phố lý đã lập từ trước, đinh số được hơn 1.100 người, ruộng đất được 9 thửa và 15 thôn phố mới lập, đinh số được hơn 300 người, ruộng chân núi được 5 thửa. Xin châm chước để đặt ngạch thuế. Vua cho những thôn phố mới lập "sinh sống chưa được thừa thãi", cho miễn tô thuế thêm 3 năm, còn những thôn xã lập từ trước thì bắt đầu từ sang năm phải nộp thuế thân, nhưng cho hoãn tô ruộng 1 năm nữa [90, tr.136].


Để phát triển kinh tế vùng biên thuỳ Tây Nam, triều Nguyễn đưa những tù phạm bị sung quân, phát lưu, tội đồ, cho đến những người phải an trí đưa đến làm nô, sung làm việc khổ sai,... ở những nơi bỏ hoang thuộc Lục tỉnh, giao cho lính đồn điền sở tại quản thúc, bắt làm ruộng. Những tù xử tội sung quân, phát lưu, tội đồ thì cứ để nguyên xiềng xích bắt làm việc [99, tr.184]. Tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), triều đình cho giải trên 130 tù phạm bị sung quân và bị lưu ở Bắc thành đi Gia Định. Khi đến thành thì bỏ xiềng khoá rồi phát đi Châu Đốc để sai phái, làm việc [85, tr.277]. Năm 1845, những người "vì việc công mà mắc lỗi" ở trong Kinh và ngoài các tỉnh được tha vài chục đều phát đi làm việc ở quân thứ An Giang, "để nhân việc ấy mà lập công" [103, tr.303].


Triều Nguyễn đồng ý theo lời tâu của Nguyễn Tri Phương, tỉnh An Giang tiếp giáp cõi nước Miên, đất bỏ hoang còn nhiều, từ năm 1852 trở đi, đưa những tên tội phạm, trộm cắp... ở 6 tỉnh Nam Kỳ phát giao cho các đồn bảo tỉnh An Giang sai phái. Tên nào dân xã nhận lãnh về thì hết hạn (tội mãn đồ 3 năm) tư giao các tỉnh sức nhận; tên nào dân xã không muốn nhận lãnh, thì lưu lại đồn làm lính, tuỳ tiện cho khai khẩn để cày cấy. Số ruộng khai khẩn được bao nhiêu cho giữ làm sản nghiệp đời đời [105, tr.352].


Như vậy, ở vùng đất Châu Đốc và tuyến Tây Nam, những tù phạm, tội đồ,... là một lực lượng mà triều Nguyễn sử dụng để khai phá.

Để phát triển vùng đất này, triều Nguyễn khuyến khích việc "chiêu dân lập ấp". Vua Thiệu Trị nói rằng: "những đất ở suốt dọc biên giới, phần nhiều bỏ không nếu tùy từng chỗ để cho dân ở, khiến ruộng nương ngày một mở mang, người ở ngày một đông đúc, cũng là một chước hay bền vững cho biên cương". Vua chuẩn cho tỉnh thần An Giang chiếu theo địa thế suốt dọc biên giới trong hạt chỗ nào có thể chiêu dân lập ấp hoặc đặt trường sở giao dịch thì tâu báo, rồi thực hiện [102, tr.356].


Để khuyến khích việc dồn dân lập ấp, triều đình nhiều lần định lệ thưởng phạt việc khai khẩn ruộng hoang cho xã thôn vào năm 1839 [111, tr.73], năm 1841 [101, tr.288], năm 1845 [103, tr.402] và năm 1864 [108, tr.137],... Minh Mệnh ban chiếu rằng: Căn bản của thiên hạ việc nông là quan trọng hơn cả; các viên phủ châu huyện nào có lòng chăm lo cần mẫn về việc cày cấy, trồng tỉa về căn bản (tức nghề nông) mà ra sức làm, thời các quan địa phương nên thường thường khen thưởng để khuyến khích [110, tr.28]. Trong một lần khác, vua dụ bộ Lễ (1835): "việc đầu tiên của chính sự vương giả không gì lớn bằng việc làm cho dân được no đủ" [94, tr.89]. Năm 1839, Minh Mệnh định lệ thương phạt khai khẩn ruộng hoang xứ Nam Kỳ. Hạt nào khai khẩn thêm từ 800 mẫu trở lên thì quan tỉnh được gia lên 1 cấp, từ 600 mẫu trở lên thì thưởng kỷ lục 2 lần và 3 tháng tiền lương, từ 200 mẫu trở lên, được kỷ lục 1 lần. Phủ huyện khai khẩn được 300 mẫu trở lên được thưởng kỷ lục 1 lần, từ 150 mẫu trở lên được thưởng phi long ngân tiền lớn nhỏ đều 4 chiếc, từ 100 mẫu trở lên được thưởng lớn nhỏ 3 chiếc; cai phó tổng từ 100 mẫu trở lên được thưởng tiền 15 quan, 50 mẫu trở lên được thưởng 8 quan, xã thôn trưởng từ 200 mẫu trở lên được thưởng 20 quan, 100 mẫu trở lên được thưởng 18 quan, 50 mẫu trở lên thưởng 10 quan, 20 mẫu trở lên thưởng 4 quan. Nếu địa phương nào bỏ hoang nhiều cũng bị phạt theo thứ bậc [111, tr.73].


Vùng biên thuỳ Châu Đốc thường là nơi chiến trường chính của những cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Sau cơn binh hoả, nông dân phiêu tán, mùa màng thiệt hại, ruộng đất bỏ hoang nhiều, vì vậy, nhiều lần nhà nước phải gia tâm, chiêu dụ vỗ về dân chúng. Sau cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi năm 1833, Minh Mệnh dụ rằng: đối với những người buôn bán quanh phố sợ hãi tản đi, thì hợp lại cho yên, đối với tiểu dân ở chỗ xóm làng phiêu bạt, thì gọi về cho yên ở, cốt sao cho chợ không đổi cửa hàng, người đều ở yên. Còn ruộng nương có chỗ bỏ hoang, nên kịp thời khuyến khích cày cấy. Phàm ruộng nào nên cấy thì bảo cấy thêm. Đến như khoai, đậu, rau và lúa mạch có thể ăn cho khỏi đói thì bảo dân trồng, khiến cho đất không có chỗ bỏ không, dân có chỗ nhờ sống thì sau khi được yên có thể mong lại đủ trọn vẹn được. Đấy là một nỗi khổ tâm của ta lo lắng cho dân, chưa từng lúc nào nằm được yên gối [91, tr.44].


Nhà nước đã nhiều lần giảm miễn thuế cho dân vùng Châu Đốc. Gia Long cho rằng, châm chước ngạch thuế, đổi định lại thuế nhẹ "để khỏi đau khổ cho dân" [83, tr.95]. Minh Mệnh thì nói: "phàm những ruộng đất, sản vật có tương quan mật thiết với sức người, sức của của nhân dân, phải được giảm nhẹ sắc thuế để biểu thị một nền chính trị khoan hồng, quảng đại của triều đình" và vấn để trước hết là "phủ dụ, nâng niu vùng biên thuỳ" [111, tr.350, 351]. Vì vậy, năm 1817, Gia Long miễn thuế thân và lao dịch 1 năm cho dân xiêu dạt 14 thôn ở Vĩnh Thanh và hạ lệnh cho trấn thần gọi trở về [84, tr.328]. Đối với người Khmer, năm Tự Đức thứ 2, hạn cho 5 năm mới thu thuế, đến năm Tự Đức thứ 3 lại hoãn thêm cho 3 năm, năm Tự Đức thứ 10 lại hoãn thêm cho 1 năm, tổng cộng miễn thuế là 9 năm, số ruộng mới khẩn thì cho vào hạng ruộng núi, đất cho vào hạng đất trồng khoai đậu [106, tr.356]. Triều đình giảm miễn thuế cho các bang người Hoa năm cuối đời Minh Mệnh và 2 năm đầu thời Thiệu Trị vì chiến tranh phải xiêu tán.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2021, 09:55:44 pm »

Với sự quan tâm, khuyến khích của nhà nước, từ sau 1802 cho đến cuối thời Minh Mệnh, kinh tế nông nghiệp vùng Châu Đốc đã có những biến chuyển căn bản. Trong tổng diện tích đất canh tác 33.396 mẫu 3 sào có 616 mẫu 3 sào 2 thước đất trồng cau, 5.421 mẫu 4 sào 1 thước đất trồng khoai đậu, 628 mẫu 5 sào đất trồng dâu, 2.408 mẫu 3 sào đất vườn... Bởi vậy, nông nghiệp Châu Đốc hằng năm đã sản xuất ra một khối lượng khá lớn thóc gạo, nông phẩm để nuôi sống cư dân, bán ra thị trường trong vùng và Chân Lạp, bán cho "kho Thường bình" ở Tĩnh Biên [106, tr.52]. Là vùng biên khổn quan trọng, lương quân Hà Tiên và Nam Vang hằng năm đều do An Giang cấp, vì vậy, những kho đụn, lương thảo ở Châu Đốc phải luôn được tích trữ nhiều. Ngoài ra, quân Nguyễn đóng ở Châu Đốc rất nhiều, "đông như mây họp", để khi cần trưng điệu cho gần. Bởi vậy, ngoài lương quân đưa từ tỉnh khác đến, hằng năm An Giang phải mua rất nhiều thóc gạo của dân để làm lương quân [97, tr.60]. Ngoài việc quân nhu tốn kém, các công trình kinh tế - xã hội khác ở Châu Đốc cũng tiêu tốn một lượng lương thực lớn. Hàng nghìn binh dân đào kênh Thoại Hà (1817), hơn 80.000 người đào kênh Vĩnh Tế từ năm 1820-1824, mỗi người mỗi tháng 1 phương gạo, cũng như việc chi 21.021 phương gạo cho 12.000 dân đào kênh Vĩnh An (1843-1844)..., không lấy đâu khác ngoài nông phẩm của dân Châu Đốc và Nam Kỳ.


Vì vậy, nông nghiệp Châu Đốc thời kỳ này đã có những vai trò nhất định trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tây Nam.

Để phát triển kinh tế nông nghiệp, ngoài việc đưa lực lượng tù phạm... đến Châu Đốc để khai phá, ngoài chính sách chiêu dân lập ấp, khuyến khích khai khẩn đất hoang như nói trên, triều Nguyễn còn thực hiện chính sách đồn điền ở vùng Tây Nam. Việc làm đồn điền ra đời đã từ lâu trong lịch sử và cũng có từ thời Nguyễn Ánh. Đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn nhận thức rất rõ vai trò và vị trí của nó, "đồn điền là phép hay thời xưa" nên triều Nguyễn tiếp tục thực hiện trong cả nước, đặc biệt là vùng biên thuỳ Tây Nam, mà trọng điểm là vùng Châu Đốc - Hà Tiên.


Bởi vì, biên thuỳ Tây Nam đất rộng người ít, "người lo việc nước xướng lên nghị này để chiêu tập dân lưu vong, dồn làm cơ đội. Nay tuy ruộng ấy gọi là đồn điền, nhưng về sau để làm sản nghiệp của dân lâu dài. Thực là một kế hay" [166, tr.43]. Vì vậy, khi mang cờ tiết đến miền Nam làm Kinh lược sứ, một trong 13 việc được Nguyễn Tri Phương dâng sớ tâu bày là họp những dân nghèo túng cho đi làm đồn điền để giúp kế sinh sống [105, tr.253]. Minh Mệnh cũng dụ rằng: "Mộ dân làm đồn điền có lợi rất nhiều. Lúc vô sự thì ở yên cày cấy, quân thừa lương, dân thừa ăn, lúc có việc thì bảo vệ cho nhau, dân đều là quân, giữ thì vững, đánh thì thắng. Đó là mưu kế tốt nhất để đủ lương, đủ quân, có thể giữ vững bờ cõi và phòng bị giặc ngoài" [95, tr.28].


Do đó, trước thời Nguyễn Tri Phương làm đồn điền ở Nam Kỳ, năm 1822 Minh Mệnh đã đổi danh hiệu đồn điền bốn phủ ở Gia Định cho theo ngạch lính [112, tr.120] và đến năm 1832, ở An Giang đã dồn bổ các lính ở đồn điền cũ vào 4 cơ thuộc tỉnh là An Nghị Tả, An Nghị Hữu, An Nghị Tiền và An Nghị Hậu, sau đó những biền binh đồn điền khai khẩn được hơn 700 mẫu ruộng [102, tr.358]. Năm 1836, Minh Mệnh quy định chỉ bắt trả thóc giống khi thu hoạch còn bao nhiêu lính đồn điền được hưởng [96, tr.78]. Năm 1839, triều đình quy định, mùa thu hoạch ruộng đồn điền lấy một nửa bỏ vào kho, còn một nửa cấp cho người làm đồn điền và đình chỉ việc cấp khẩu lương [110, tr.87]. Cho đến tháng Giêng năm Quý Sửu (1853), chuẩn cho xứ Nam Kỳ làm phép đồn điền lập ấp. Triều đình thông sức cho cả nước, cho tình nguyện ứng mộ, mộ được bao nhiêu, giao cho 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên, còn dư cho qua Vĩnh Tế, Ba Xuyên, Tĩnh Biên, chỗ nào đất hoang thời cứ ở mà cày. Như mộ người đồn điền thời thúc làm lính đồn điền, chia 50 người Kinh làm 1 đội, 500 người làm 1 cơ, nhưng mộ người lập ấp thì phải được 10 người trở lên, mới cho tuỳ chỗ khai khẩn lập bộ, người Thanh mộ cũng cho. Người nào mộ lính đồn điền được một đội cho bổ suất đội, được 1 cơ cho bổ chánh đội thứ sai phó quản cơ. Ngày sau thành căn cước, một đội làm 1 ấp, 1 cơ làm 1 tổng, còn quản cơ, suất đội đều lãnh chức tổng trưởng, ấp trưởng. Người nào mộ dân lập ấp được 30 người tha xâu thuế trọn đời, được 50 người được thưởng chánh bát phẩm nhưng lãnh chức tổng lý. Còn thuê ruộng đất hiện khẩn và thuê đinh đều cho khoan hạn 10 năm mới bắt đầu thu để tỏ sự khuyến khích cho người ứng mộ [105, tr.372].


Chính sách lập đồn điền của nhà Nguyễn ở Tây Nam nhằm thực hiện theo kế hoạch "tĩnh vi nông, động vi binh" ở vùng biên thuỳ. Vì vậy, triều đình đồng ý theo lời Phạm Thế Hiển (tuần phủ Gia Định). Phàm con đường quan yếu giáp nước Miên, thì mộ dân dời đến đấy, đóng đồn luyện võ, chia làm làng ấp, dồn thành đội ngũ, khi vô sự thì tản cư khai khẩn, lúc có việc thì đoàn kết canh giữ. Đến vài năm, dân tự đông, đất mở rộng, binh giỏi mạnh, lương thực nhiều, giải hoà thì giữ bền, chiến tranh thì tất phải thắng [105, tr.403].


Cũng cuối năm 1853, triều đình đồng ý cho thực hiện theo kế hoạch của Nguyễn Tri Phương. Ở Hà Tiên, An Giang chia ghép đất ở cho bọn tù được tha hoặc 300 hoặc 700 tên, dồn làm đội ngũ Hướng Thiện, Quy Thiện, cấp vốn cho khẩn ruộng, hạn cho 10 năm phải nộp giả đủ [105, tr.418]. Cùng thời gian đó, biên dân Hà Tiên ứng mộ khai khẩn ở Tiền Giang tất cả 500 người, ở Hậu Giang 435 người, Nguyễn Tri Phương đã dồn làm cơ Ninh Biên nhất, nhị, tam [105, tr.418].


Một năm sau Nguyễn Tri Phương tâu về: Hiện nay đã dồn thành cơ đội được 21 cơ, lập thành làng mạc trên dưới 100 ấp, chia đặt cho đóng đồn sự thể đã nghiêm, hình thức đã thành, không đến nỗi dân dễ tán đi nữa. Bấy giờ lập ra cơ đội thì An Giang có 2 cơ An Vũ, An Dũng. Lại còn những người ứng mộ đi sông Vĩnh Tế thì ở An Giang dồn riêng làm 4 cơ Ninh Biên nhất, nhị, tam, tứ. Lập thành làng ấp thì Nam Kỳ có 124, An Giang có 23 ấp [106, tr.48]. Năm 1854, tỉnh An Giang cũng tâu phủ huyện ở hạt ấy khuyên bảo người dân trong hạt dự chứa được 48.000 phương thóc, lại trồng được khoai, củ và ngô so với năm ngoái gấp 3, 4 lần. Phủ Tuy Biên trồng hơn 6.006 mẫu ngô [106, tr.52]. Đến năm 1856, tỉnh An Giang và Hà Tiên đều báo cáo chiêu mộ được 1.646 dân đinh, lập 159 thôn ấp, khẩn 8.333 mẫu ruộng. Tháng 5 nhuận năm Đinh Tỵ (1857), Nguyễn Tri Phương về kinh tâu, hiện nay 6 tỉnh được mùa, thóc gạo thừa ăn [106, tr.338]. Tuy nhiên, việc đồn điền "lợi nước, lợi dân mà không lợi cho tổng lý, vậy nên tổng lý đặt điều" [112, tr.297] và binh ở đồn điền phần nhiều là "dân không có căn cứ" làm bậy, bỏ trốn... Mặc dù việc đồn điền có những hạn chế, nhưng hiệu quả thì thấy rõ, nên về sau năm 1867 triều Nguyễn vẫn tiếp tục đặt ra đồn điền ở nơi khác (Bắc Ninh).


Như vậy, dù còn có những hạn chế, nhưng biện pháp đồn điền đã có những tác dụng tích cực, phát triển diện tích canh tác, mở rộng các điểm định cư của người Việt, "tịch thổ tráng biên" (mở rộng đất đai, làm mạnh biên giới), tăng cường khả năng phòng thủ biên thuỳ. Thực tế là khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, lo sợ quân đồn điền, nên giải tán các đồn điền do triều Nguyễn lập ra.


Chính sách đồn điền của triều Nguyễn thực sự là biện pháp "tĩnh vi nông, động vi binh" tích cực, cùng với chính sách khẩn hoang, chiêu dân lập ấp... ở vùng Châu Đốc và Tây Nam đã làm kinh tế nông nghiệp phát triển, mở rộng các vùng định cư người Việt, góp phần củng cố ổn định kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng ở vùng biên thuỳ quan trọng này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2021, 09:57:15 pm »

2. TÌNH HÌNH RUỘNG ĐẤT CHÂU ĐỐC THEO ĐỊA BẠ NĂM 1836

Ở nước ta xưa, các triều đại phong kiến đã thực hiện đạc điền và phân hạng đất nhằm nắm đất đai cả về số lượng và chất lượng. Năm 1092, nhà Lý lần đầu tiên ra lệnh đo đạc ruộng đất, lập điền bạ để đánh thuế theo diện tích. Thời nhà Lê thế kỷ XV, ruộng đất đã được phân ra các hạng nhất, nhị, tam nhằm phục vụ cho chính sách quân điền và định mức tô thuế.


Các năm 1805, 1810, 1836, 1840, nhà Nguyễn đã tiến hành làm địa bạ thống nhất cho các xã thôn, tiến hành phân đẳng định hạng ruộng đất thành tứ đẳng điền (ruộng lúa), lục hạng thổ (ruộng trồng màu), làm cơ sở cho chính sách tô thuế, mua bán ruộng đất và quân cấp đất công cho dân chúng.


Dưới thời phong kiến, khi mà sản phẩm sản xuất nông nghiệp nuôi sống toàn bộ xã hội thì đất đai có vai trò quan trọng đặc biệt. Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của nông nghiệp.


Sau khi đạc điền thổ và lập địa bạ ở miền Bắc, miền Trung, năm 1836 triều Nguyễn sai Binh bộ Thượng thư Trương Đăng Quế và Lại bộ Thượng thư Nguyễn Kim Bảng sung làm Kinh lược đại sứ cầm phù tiết thay vua kinh lý Nam Kỳ [96, tr.51], trong đó việc đo đạc điển thổ, lập địa bạ là trọng yếu. Cho đến tháng 5, việc đạc điền, lập sổ địa bạ 2 tỉnh Biên Hoà, Gia Định đã xong, còn lại Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cũng hoàn tất vào ngày 3 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 17. Vì vậy, tư liệu chủ yếu để khôi phục bức tranh toàn cảnh về tình hình ruộng đất Châu Đốc thời Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX là các địa bạ có niên hiệu năm Minh Mệnh thứ 17 nói trên. Các địa bạ này đều là bản gốc hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Hà Nội.


Việc đạc điền thổ ở Nam Kỳ lục tỉnh được coi là một thành công lớn của triều Nguyễn. Tuy nhiên, một công việc lớn lao và khó khăn như thế mà chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn nên không thể đầy đủ và chính xác. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng người có ruộng nhiều thì ghi vào sổ ít, người có ruộng ít thì ghi vào sổ nhiều, ruộng hoang lại ghi là ruộng thực canh, ruộng của người này ghi thành ruộng của kẻ khác. Vì thế, các quan để nghị khám chữa lại cho đúng. Triều đình đã hai lần sức khắp các xã thôn lục tỉnh nếu có sai, nhầm thì kêu bày để khám lại và sửa chữa [56, tr.36]; [89, tr.127]. Tuy nhiên, về sau không thấy sử triều Nguyễn nói tới việc này, nên không rõ kết quả ra sao.

a- Tình hình ruộng đất Châu Đốc

Đất Châu Đốc vào thời kỳ này là phủ Tuy Biên thuộc tỉnh An Giang của Nam Kỳ lục tỉnh, gồm có 2 huyện Đông Xuyên và Tây Xuyên. Phủ Tuy Biên gồm có 91 thôn thì chỉ còn 77 thôn có địa bạ (chiếm 84,62%), còn 14 thôn bị mất địa bạ (chiếm 15,38%). Trong 77 thôn còn địa bạ, có 53 thôn có kê khai ruộng đất (68,9%), còn 24 thôn mới lập, chưa kê khai ruộng đất (31,1%).


Ruộng đất phủ Tuy Biên không phân phối đồng đều cho các huyện, tổng và xã thôn, vì lịch sử khai phá sớm muộn và điều kiện tự nhiên khác nhau.

Hai huyện chia nhau: Đông Xuyên: tổng diện tích canh tác 24.785 mẫu 5 sào 2 thước (viết tắt là 24785.5.2), chiếm 74,2%. Tây Xuyên: tổng diện tích canh tác 8610.8.7 thước, chiếm 25,8%.

Huyện Tây Xuyên ở phía tây sông Hậu, có vùng đồi núi hoang vắng và vùng Tứ giác Long Xuyên trũng phèn, sát biên giới hầu như chưa được khai phá, phần lớn ruộng đất nằm ở huyện Đông Xuyên, là vùng cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu, đồng bằng phù sa màu mỡ.

Như vậy, tỷ lệ diện tích của 2 huyện:

1. Huyện Đông Xuyên chiếm 74,20%.

2. Huyện Tây Xuyên chiếm 25,80%.


Sơ đồ tổng diện tích của 7 tổng:

1. Tổng Chu Phú - TX, có 102.2.3, chiếm 0,3%

2. Tổng Định Thành - TX, có 1625.6.8, chiếm 4,9%

3. Tổng An Thành - ĐX, có 1966.3.9, chiếm 5,9%

4. Tổng An Lương - ĐX, có 2417.7.3, chiếm 7,2%

5. Tổng An Toàn - ĐX, có 5904.3.14, chiếm 17,67%

6. Tổng Định Phước - TX, có 6882.9.11, chiếm 20,6%

7. Tổng An Phú - ĐX, có 14497.0.6, chiếm 43,4%.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2021, 08:53:37 pm gửi bởi quansuvn » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2021, 10:02:07 pm »

Bảng 1. Thống kê Địa bạ năm 1836

Đơn vị tính: mẫu.sào.thước.tấc





Trong tổng số 91 thôn vùng Châu Đốc, thì có 14 thôn bị mất địa bạ, chiếm 15,38%, còn 77 thôn có địa bạ (chiếm 84 62%), có 24 thôn mới lập không có ruộng đất hoặc chưa kê khai ruộng đất. Còn lại 53 thôn có ruộng đất, nhưng có sự chênh lệch khác biệt rất lớn về diện tích.

- 24 thôn mới lập, chưa khai ruộng đất thực canh
- 8 thôn có từ 2.5.3 đến dưới 10.0.0
- 9 thôn có từ 10-0.0 đến dưới 50.0.0
- 1 thôn có từ 50.0.0 đến dưới 100.0.0
- 9 thôn có từ 100.0.0 đến dưới 300.0.0
- 4 thôn có từ 300.0.0 đến dưới 400.0.0
- 5 thôn có từ 400.0.0 đến dưới 700.0.0
- 6 thôn có từ 700.0.0 đến dưới 1500.0.0
- 1 thôn có từ 1500.0.0 đến dưới 2000.0.0
- 2 thôn có từ 2000.0.0 đến dưới 3000.0.0
- 2 thôn có từ 3000.0.0 đến dưới 4000.0.0
- 1 thôn có từ 4000.0.0 đến dưới 4.090.6.4.

Như vậy, có 24 thôn chưa có ruộng đất = 12,98% tổng số thôn.

42 thôn sở hữu dưới 1000.0.0 = 79,2% tổng số thôn.

11 thôn sở hữu từ 1000.0.0 đến 4090.6.4 = 20,8% tổng số thôn.

Nhưng tính theo tuyệt đối thì:

24 thôn hoàn toàn không có ruộng đất.

42 thôn chiếm 10.847.7.12 = 32,5% số ruộng đất.

11 thôn chiếm 22.547.5.12 = 67,5% số ruộng đất.

Tuy nhiên, vùng Châu Đốc có diện tích ruộng đất bình quân trên 630.0.0/thôn là cao nhất lục tỉnh Nam Kỳ và là cao nhất cả nước vào năm 1836.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2021, 08:53:25 pm »

b- Ruộng đất thuộc sở hữu công

Địa bạ năm 1836 không đo đạc và ghi chép đất đai thuộc quốc gia công thổ như rừng, núi, đường đá, hào luỹ, duy nhất chỉ ghi ở vùng Châu Đốc có 2 sở đồn, bảo thuộc địa phận thôn Long Sơn. Địa bạ chỉ đo đạc và ghi chép cẩn thận các loại hạng ruộng đất để tính quyền sở hữu và để tính thuế.


Ruộng đất thuộc sở hữu công, tức sở hữu nhà nước tại Nam Kỳ lục tỉnh xưa chia làm 2 loại:

- Dân cư thổ, là đất để cho dân chia nhau làm nhà ở, chia một lần rồi thôi, không phải chia lại. Như Trương Đăng Quế đã nói: "những đất dân cư ở vùng đất hoang và gò đống, trong sổ trước không ghi tên người nộp thuế, thì liệt vào hạng dân cư thổ, miễn thuế; nếu có chủ khai nhận, thì cho dân đánh giá, nộp thuế theo hạng công thô [134, tr.211].

Dân cư thổ ở vùng Châu Đốc không nhiêu, chỉ có 104.6.3.


- Công điền công thổ, là ruộng đất thuộc sở hữu công, tức thuộc sở hữu quốc gia, dành để cho dân làng chia nhau canh tác theo những "khẩu phần" và định kỳ (3 năm hoặc 6 năm chia lại) do triều đình ban hành.


Công điền công thổ ở vùng Châu Đốc không nhiều lắm, chỉ có 2691.1.10 và việc phân chia cũng không phức tạp. Công điền công thổ của thôn nào thì do thôn nấy chia nhau canh tác mà trong địa bạ ghi là bản thôn đồng canh.


Tuy nhiên, nguồn gốc ruộng đất công ở Châu Đốc ra đời từ nhiều lý do:

+ Có nguồn gốc từ ruộng đất tù phạm canh tác. Triều Nguyễn quy định, những nơi nào có đồn điền, đều lượng trích những ruộng đã thành điển cho tù phạm quản nhận cày cấy,... Những ruộng tù phạm làm không hết, cho dân nào cận tiện đấy cày cấy nộp thuế sung làm công điền [100, tr.51].

+ Từ nguồn gốc, có người ruộng nhiều cày cấy không hết báo lên quan, phát giao cho người trong thôn xã nhận cày cấy, được sung làm ruộng công [111, tr.74].

Tính chung công điền công thổ vùng Châu Đốc có 2795.4.10, chiếm 8,4% tổng diện tích ruộng đất.

Công điền công thổ phân phối không đều, nơi nhiều nơi ít, như huyện Đông Xuyên có 8,3% (2056.0.8/24785.5.2), trong khi huyện Tây Xuyên lại có 8,5% (739.4.2/8610.8.7) và riêng tổng Chu Phú - huyện Tây Xuyên có tới hơn một nửa diện tích ruộng đất (56%), là công điền công thổ (57.2.3/102.2.3). Thậm chí, có thôn công điền công thổ chiếm 100% tổng diện tích ruộng đất: Vĩnh Thịnh Trung (Định Thành), Vĩnh Lạc (Chu Phú), An Nông (Chu Phú), Vĩnh Tế Sơn (Chu Phú), Vĩnh Thông (Chu Phú), Vĩnh Điểu (Chu Phú), Vĩnh Lộc (An Lương), Vĩnh Thọ (Chu Phú). Tuy nhiên, đây là những thôn có ruộng đất rất ít, thôn cao nhất chỉ có 18.1.0.


Thống kê ruộng đất ở vùng Châu Đốc cho thấy: Trong 53 thôn có ruộng đất thì 41 thôn có ruộng đất tư (chiếm 77,3%). Số lượng diện tích ruộng đất công chiếm 2795.4.10/33396.3.9 (chiem 8,4%).


Như vậy, so với diện tích ruộng đất công ở miền Bắc, miền Trung thì diện tích ruộng đất công ở Châu Đốc rất thấp: 8,4% trong tổng diện tích, so với Nam Bộ (7,57%) thì tỷ lệ ruộng công Châu Đốc thuộc loại cao hơn mức trung bình.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2021, 08:55:12 pm »

c- Ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân (phán canh)

Ruộng đất của từng chủ canh tác trên một diện tích hay của hai ba chủ canh tác trên một diện tích hoặc ruộng họ đều được coi là tư điền tư thổ.

Ruộng đất tư ở vùng Châu Đốc có mấy đặc điểm sau:

+ Vừa là phân canh, vừa là phụ canh: Trên một diện tích canh tác có khi có 2 chủ cùng sở hữu, trong đó một chủ là người của bản thôn còn chủ kia là người khác thôn, thậm chí khác tổng, huyện. Chúng tôi tạm xếp những trường hợp này thuộc sở hữu phụ canh để tiện cho phân loại ruộng đất. Như trường hợp địa bạ thôn Thịnh Hoà Trung, tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên ghi 1 ngươi trong thôn là Võ Văn Bảo, đồng sở hữu một diện tích 17.3.0 với Văn Phú Thuận ở thôn Thái Thuận cùng tổng [200, tập I].

+ Vừa là ruộng đất của bình dân vừa là ruộng đất của chức dịch: Trên một diện tích phân canh, có khi có hai hoặc ba chủ cùng phân canh, nhưng có trường hợp một người cùng thôn là dân thường còn người kia là chức dịch trong thôn. Vì vậy, việc xếp loại thửa ruộng đất đó thuộc ruộng đất chức dịch hay không đã trở nên phức tạp hơn. Chúng tôi tạm xếp diện tích ruộng đất đó vào sở hữu chức dịch cho dễ xử lý trong phân loại sở hữu và trên thực tế canh tác. Như trường hợp viên dịch mục thôn Bình Đức (tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên) cùng sở hữu với 2 người khác trong thôn là Thái Văn Tâm và Lê Văn Minh một thửa ruộng 9.0.0 [206, tập I].

+ Trong một diện tích có nhiều người sở hữu (đồng sở hữu) như:

* Đỗ Văn, Nguyễn Văn Nhiên và Nguyễn Văn Tự (thôn Thịnh Hoà Trung) cùng phân canh một số diện tích 12.5.8 và một số diện tích khác 2.0.0 [200, tập I].

* Địa bạ thôn Mỹ Phước ghi 2 chủ: Đặng Thị An và Phan Thị Tuế đồng phân canh 6.0.0 [197, tập I].

* Địa bạ thôn Bình Đức ghi 3 chủ Nguyễn Văn Hoà, Lê Văn Thắng và Vũ Văn Yến phân canh một diện tích 8.0.0 [206, tập B9].

* Lê Văn An và Nguyễn Văn Bình (thôn Bình Hoà Trung), cùng sở hữu 15.5.0 [207, tập B9].

* Mai Thị Hương và Mai Thị Bình cùng sở hữu 2 thửa 13.9.6 thước và 1.4.4 (thôn Mỹ Hưng) [182, tập A4].


Tổng diện tích ruộng đất tư vùng Châu Đốc có 30600.8.14, chiếm 91,6% tổng diện tích ruộng đất, thấp hơn trung bình diện tích lục tỉnh Nam Kỳ (92,43%).

Trong đó, diện tích ruộng đất tư từng huyện như sau:

1. Huyện Đông Xuyên có 22729.4.9, chiếm 91,7% ruộng đất tư toàn huyện.

2. Huyện Tây Xuyên có 7871.4.5, chiếm 91,5% ruộng đất tư toàn huyện.


Ruộng đất tư các tổng:

1. An Lương: 2267.6.10 = 93,8% tổng diện tích.

2. An Toàn: 5174.2.6 = 87,6% tổng diện tích.

3. An Phú: 13358.8.8 = 92,2% tổng diện tích.

4. An Thành: 1928.7.0 = 98,1% tổng diện tích.

5. Định Thành: 1363.9.3 = 83,9% tổng diện tích.

6. Định Phước: 6462.5.2 = 93,9% tổng diện tích.

7. Chu Phú: 45.0.0 = 44% tổng diện tích.


Nhìn vào diện tích sở hữu tư nhân ở Châu Đốc ta thấy:

Các tổng của huyện Đông Xuyên, vùng cù lao giữa hai sông ruộng đất phù sa màu mỡ, được khai khẩn sớm nên diện tích khá nhiều. Còn hai tổng Định Thành, Định Phước của huyện Tây Xuyên, là vùng đồng bằng phía nội địa được khai khẩn sớm, diện tích ruộng đất khá lớn.


Riêng tổng Chu Phú nằm dọc theo đường biên giới, mặc dù có số thôn nhiều nhất trong vùng (25 thôn) nhưng diện tích ruộng đất ít nhất trong vùng (45.0.0), do phần lớn là thôn mới lập (15 thôn) chưa kể khai ruộng đất; có 3 thôn có ruộng đất tư nhưng ít, thôn Vĩnh Ngươn nằm sát ngay trấn lỵ Châu Đốc nhưng chỉ có 23.7.0, còn thôn Vĩnh Thành thì ít nhất 9.9.0.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2021, 08:56:22 pm »

d. Ruộng đất tư nhân phụ canh

Ruộng đất của người trong thôn canh tác gọi là phân canh, ruộng đất của thôn mà do người ngoài thôn (tổng, huyện, phủ, tỉnh) canh tác gọi là phụ canh. Thuế ruộng đất không phân biệt phân canh hay phụ canh. Có thôn nhiều ruộng đất phụ canh, có thôn ít phụ canh.

Diện tích phụ canh toàn vùng Châu Đốc gồm 2396.9.14, chiếm 7,2% tổng diện tích toàn vùng.

Diện tích phụ canh từng tổng như sau:

1. An Lương: 108.0.0 = 4,5% diện tích toán tổng.

2. An Toàn: 340.8.3 = 5,8% diện tích toàn tổng.

3. An Phú: 782.2.9 = 5,4% diện tích toàn tổng.

4. An Thành: 53.7.8 = 2,7% diện tích toàn tổng.

5. Định Thành: 283.14 = 17,4% diện tích toàn tổng.

6. Định Phước: 825.7.9 = 12,0% diện tích toàn tổng.

7. Chu Phú: 3.5.0 = 3,4% diện tích toàn tổng.

Ruộng đất phụ canh của Châu Đốc có trường hợp trên một diện tích có người trong thôn và người khác thôn cùng sở hữu, như đã nói ở phần phân canh. Tuy nhiên trường hợp này ít xảy ra. Tình hình phụ canh phổ biến hơn là người khác thôn, tông và huyện đến phụ canh. Tuy nhiên, hầu hết người phụ canh ở thôn kế cận, tổng kế cận hay huyện kế cận. Địa bạ cũng có nhiều trường hợp người phụ canh ở tỉnh khác (Định Trường). Tuy nhiên, các trường hợp phụ canh ở gần với đất Châu Đốc (phía bắc sông Tiền), không thấy có trường hợp nào phụ canh ở địa phương quá xa vùng Châu Đốc.


So với tình hình sở hữu phụ canh ở miền Bắc, miền Trung thì tỷ lệ ruộng đất phụ canh ở Châu Đốc nhiều hơn, song là đặc điểm chung giống các vùng khác ở Nam Kỳ, phản ánh tình hình giao lưu ruộng đất và đặc điểm khai phá của vùng Nam Kỳ thế kỷ XIX.


e- Tỷ lệ sở hữu của phụ nữ

Tổng số diện tích sở hữu của phụ nữ 4.826.6, chiếm 16,1% tổng diện tích ruộng đất, với 673 thửa. Trung bình thửa 7.1.7.

Diện tích sở hữu của phụ nữ ở từng tổng:

1. An Lương: 364.8.1 = 16,0% tổng diện tích.

2. An Toàn: 698.6.7 = 13,5% tổng diện tích.
   
3. An Thành: 143.7.13 = 7,5% tổng diện tích.

4. An Phú: 2572.5.9 = 19,3% tổng diện tích.

5. Định Thành: 123.2.2 = 9,0% tổng diện tích.

6. Định Phước: 923.7.6 = 14,3% tổng diện tích.

Như trên trình bày, sở hữu của phụ nữ chiêm 16,1% diện tích ruộng đất, phản ánh trong chế độ phong kiến Việt Nam mặc dù tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại khá nặng nề, nhưng về quyền lợi kinh tế người phụ nữ vẫn được xã hội thừa nhận và ở vùng Châu Đốc tỷ lệ sở hữu ruộng đất của phụ nữ khá cao.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2021, 08:57:28 pm »

g- Sở hữu của chức dịch

Diện tích của chức dịch có: 1604.8.10, chiếm 4,8% tổng diện tích toàn vùng. Trong đó, diện tích của các tổng gồm:

1. Tổng An Lương: 127.3.5 = 5,6% tổng diện tích.

2. Tổng An Toàn: 176.8.14 = 3,4% tổng diện tích.

3. Tổng An Phú: 449.5.13 = 3,4% tổng diện tích.

4. Tổng An Thành: 314.1.0 = 16,3% tổng diện tích.

5. Tổng Định Thành: 200.9.2 = 14,7% tổng diện tích.

6. Tổng Định Phước: 329.7.6 = 5,1% tổng diện tích.

7. Tổng Chu Phú: 6.0.0 = 13,0% tổng diện tích.


Ở Châu Đốc, ruộng đất của chức dịch được tính cho những người có tên trong địa bạ gồm quan lại cấp tổng, cai tổng, phó tổng, thôn trưởng, lý trưởng, dịch mục, người bản thôn làm "tả bạ".

Tổng số thửa ruộng đất 176. Tổng diện tích 1604.8.10. Trung bình thửa 9.7.0.

Người có diện tích nhiều nhất: 158.4.0 (Nguyễn Văn Hiền, thôn Tiến An).

Ngươi có diện tích ít nhất: 1.0.0 (2 người, Nguyễn Văn An, thôn Long Sơn và Lê Văn Tuyên, thôn Thái Thuận). Tổng số 78 người. Trung bình sở hữu 20.5.7.

Thôn có diện tích nhiều nhất: Tân Lộc (An Phú): 314.8.8.

Thôn có diện tích ít nhất: Nhân Hoặ (An Phú): 2.1.10.

Diện tích trung bình: 41.1.0/thôn.

Tuy nhiên, trong số sở hữu chức dịch có trường hợp một diện tích có 2, 3 chủ sở hữu, trong đó một người là chức dịch còn người khác chỉ là người trong thôn. Như trường hợp viên dịch mục thôn Bình Đức đồng sở hữu với 2 "bản thôn nhân" Thái Văn Tâm và Lê Văn Minh một thửa ruộng 9.0.0 [206, tập B9]. Trong những trường hợp này để dễ cho việc tính sở hữu chúng tôi tạm xếp vào sở hữu chức dịch.


Dưới chế độ phong kiến thế kỷ XIX, nhiều người lên án nạn bao chiếm ruộng đất của tầng lớp quan lại và chức dịch, có chủ đất diện tích lên đến hàng nghìn mẫu, trong đó có nhiều người quan lại, chức dịch có quyền thế. Nhưng khi nghiên cứu địa bạ Châu Đốc, từ cai tổng cho đến chức dịch ở xã thôn không thấy có hiện tượng này, tỷ lệ ruộng đất chức dịch chiếm 4,8% tổng diện tích, nói lên một phần điều đó.


Nhận xét:

Mặc dù vùng đất Châu Đốc được thành lập muộn hơn so với nhiều vùng đất khác ở Nam Bộ, nhưng đến thế kỷ XIX, với chính sách của nhà nước, tốc độ khai phá ruộng đất ở đây khá nhanh.

Cho đến khi thực dân Pháp xâm lược, cư dân Châu Đốc đã lập được nhiều thôn ấp, khai khẩn, canh tác trên hàng chục nghìn mẫu, thúc đẩy tiến trình khai phá tân cương Tây Nam. Tình hình ruộng đất Châu Đốc theo địa bạ năm 1836 cho thấy, tuy hình thành chậm, nhiều thôn chưa kê khai ruộng đất, nhiều thôn có ruộng đất rất ít, nhưng diện tích trung bình của một thôn ở vào loại cao nhất của cả nước nửa đầu thế kỷ XIX. Ở đây cũng xảy ra hiện tượng phụ canh phổ biến, phản ánh đặc điểm khai phá vùng đất mới và giao lưu sở hữu ruộng đất khá phổ biến ở Nam Kỳ. Ruộng đất chức dịch dù không nhiều, tỷ lệ so với diện tích không cao, phản ánh đặc điểm nạn bao chiếm ruộng đất trong tầng lớp tổng lý chức dịch chưa thấy xảy ra ở Châu Đốc, tỷ lệ ruộng đất của phụ nữ khá cao, thể hiện vai trò kinh tế của họ và phản ánh vị trí của người phụ nữ trong xã hội không phải quá thấp kém. Tỷ lệ ruộng đất công thấp, tương tự các vùng khác của Nam Kỳ cũng thể hiện điều kiện khai phá, điều kiện tự nhiên và lịch sử của vùng đất này so với miền Bắc, miền Trung.


Như ta biết, địa bạ Châu Đốc được lập năm 1836, nhưng phủ Tĩnh Biên - trung tâm cư trú của người Khmer đến năm 1839 mới được triều Nguyễn thành lập, nên đó là lý do trong địa bạ Châu Đốc năm 1836 không thấy ghi ruộng đất của người Khmer. Còn người Hoa ở Châu Đốc có lẽ tập trung buôn bán ở các phố chợ Châu Đốc, còn người Chăm thời này rất ít, chủ yếu là buôn bán nhỏ và đánh cá. Vì vậy, địa bạ Châu Đốc năm 1836 không thấy ghi ruộng đất của người Khmer và người Chăm.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM