quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #10 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2021, 02:12:17 pm » |
|
Để nhanh chóng phát triển vùng đất tân cương, Gia Long đã cho thi hành nhiều việc làm quan trọng, có tác dụng lớn lao, tích cực đối với tiến trình khai phá thành lập thôn ấp vùng Châu Đốc. Sau khi đắp xong đồn Châu Đốc, để phát triển kinh tế và dân cư phía tây sông Hậu cũng như vấn đề an ninh, quốc phòng, Gia Long cho đào kênh Thoại Hà, đắp bảo Tân Châu, Châu Giang và Chiến Sai để quản lý bảo vệ tốt hơn vùng biên thuỳ. Đồng thời, xúc tiến kế hoạch đào sông Vĩnh Tế mà Gia Long từng ước muốn: "Đất này nếu mở đường sông để đi thẳng đến đất Hà Tiên, làm ruộng, đi buôn đều được lợi cả. Sau này, dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể trở thành một trấn to lớn" [84, tr.308].
Trước khi khai thông kênh Vĩnh Tế, ở vùng phía tây sông Hậu đã có những nhóm lưu dân Việt, Khmer, Hoa ở rải rác. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định viết đầu thế kỷ XIX nói rằng: Rạch Trà Thôn hai bên đều có dân cư và ruộng vườn. Rạch này rộng 4 tầm, sâu 3 thước, phía bên trái thông với rạch Ông Chưởng, rạch này cạn và hẹp, mùa thu - đông nước đầy nên thuyền buôn đi lại rất đông, hai bên bờ phía trước thì dân cư, phía sau là rừng chằm, đến mùa xuân - hè nước cạn nên có nhiều người đắp đập để bắt cá; ở rạch Ông Chưởng thượng đến rạch Ông Chưởng hạ "hai bên bờ đều có dân cư", ở cù lao Vàm Nao và cù lao Tây "ở đó có dân cư và ruộng vườn"; ở rạch Cái Dầu có "dân cư đắp bờ bắt cá"; rạch Vàm Nao hạ "hai bên bờ đều có dân cư". Sách Gia Định thành thông chí cũng đã ghi rõ khá nhiều điểm dân cư ở vùng này. Ở núi Ca Âm có người Kinh, người Thượng cày cấy, chăn nuôi và câu chài ở quanh chân núi. Núi Khê Lạp [21, tr.50], núi Ba Xùi, núi Nam Vi [21, tr.51] đều có người Khmer ở theo "triền núi và đường rừng". Tuy nhiên, phía tây sông Hậu có lẽ dân cư còn lẻ tẻ, từng xóm nhỏ nên không thấy sử cũ ghi thành từng thôn rõ ràng như vùng cù lao giữa hai sông. Sách Gia Định thành thông chí viết đầu đời Minh Mệnh ghi, Châu Đốc có 14 thôn ở giữa sông Tiền và sông Hậu như sau: ở cù lao Dinh có 4 thôn Toàn Đức, Mỹ Hưng, Toàn Đức Đông, Phú Hưng; cù lao nhỏ Tây Nam có 3 thôn Tân Phước, Phú An Đông, Tân Tịch; cù lao nhỏ Đông Nam có thôn Tân Thối; cù lao Ngưu có 2 thôn Tân Hoà, Tân Thuận; cù lao Tòng Sơn có thôn Tòng Sơn; cù lao Tê có thôn Tân Hưng; cù lao Long Sơn có thôn Tân Phú Lâm; cù lao Năng Gù có thôn Bình Lâm [21, tr.63, 64].
Vùng đất Châu Đốc giữa hai sông thời kỳ này nằm một phần trên đất tổng Vĩnh Trinh mói lập của huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Đất tổng Vĩnh Trinh chạy dài từ biên giới gần Cao Miên, đến sông Cái Tàu Thượng, có 29 thôn [21, tr.114]. Đất Châu Đốc ở phía tây sõng Hậu nằm trên địa phận huyện Vĩnh Định. Huyện này kéo dài từ biên giới Việt - Miên đến biển, đất đai, địa giới tuy rộng nhưng dân cư chưa đông, khó khẩn hoang, nên chưa chia thành tổng, có tất cả 37 thôn điếm [21, tr.116]. Dưới triều Nguyễn, vì nhà nước cần nhân lực để khai phá những vùng đất mới, nên đã đưa đến Châu Đốc nhiều lực lượng khác nhau. Châu Đốc trở thành nơi tụ họp của dân "tứ chiếng". Trong đó, nhiều người có nguồn gốc bất hảo, những tù phạm sung quân, những kẻ bị tội lưu, đồ,... làm cho thành phần xã hội ở đây khá phức tạp.
Vì Châu Đốc là vùng đất mới chưa được khai khẩn nhiều, lại là vùng biên giới hiểm trở về địa hình, phức tạp về xã hội, quan trọng về quốc phòng..., vua Minh Mệnh nhắc nhở biên thần Thoại Ngọc Hầu: "Châu Đốc là một vùng xung yếu, nhà ngươi phải hết sức khéo léo trong mọi trường hợp trấn an, phủ dụ nhân dân địa phương. Trước hết phải chiêu mộ những dân buôn xây dựng xóm làng, làm cho số hộ khẩu ngày càng tăng, ruộng đất ngày càng được khai khẩn thêm. Vấn đề biên phòng cũng cần được trù liệu chu đáo" [111, tr.279].
Tuy vậy, cho đến năm 1830, Châu Đốc mới chỉ lập được có 41 xã thôn, phường và dân mới hơn 800 đinh, địa lợi chưa được khai khẩn nhiều, dân cư chưa đông đúc. Triều đình cho đây là vùng biên cương mới mẻ, muốn cho có dân ở và khai phá đã triển hoãn việc thu thuế thân và thuế điền thổ nhiều năm. Minh Mệnh dụ rằng: "Đất đó là vùng biên giới quan trọng của quốc gia, trẫm vì muốn nhân dân bảo thủ, cho nên phải đặc biệt chú ý tới việc cai trị. Đó chính là chính sách kế hoạch biên phòng. Còn vấn đề thuế khoá đinh điền, đâu phải là việc cần phải toan tính trước" [111, tr.300].
Sau cuộc cải cách hành chính ở phía Bắc (1831), năm sau Minh Mệnh "chia định địa phận" ở Nam Kỳ, bảo Châu Đốc được gộp với đất hai huyện Vĩnh An và Vĩnh Định của trấn Vĩnh Thanh, lập nên tỉnh An Giang. Tỉnh lỵ đóng ở đồn Châu Đốc. Đất An Giang thời mới lập (1832) được chia thành 2 phủ: Tuy Biên và Tân Thành. Vào cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp lấy đất phủ Tuy Biên lập nên tỉnh Châu Đốc. Phủ Tuy Biên hồi năm 1832 có hai huyện: Đông Xuyên và Tây Xuyên. Huyện Đông Xuyên vốn là đất huyện Vĩnh An, là vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu. Huyện Tây Xuyên nằm ở phía tây sông Hậu, kéo dài từ biên giới đến giáp tỉnh Hà Tiên. Huyện Đông Xuyên có 4 tổng: An phú, An Lương, An Thành và An Toàn. Huyện Tây Xuyên có 3 tổng: Chu Phú, Định Thành, Định Phước. Vào năm 1832, số dân đinh toàn tỉnh An Giang là 25.645 người [80, tr.187].
Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi binh chống triều Nguyễn ở Gia Định, quân Xiêm theo ước hẹn với Khôi, đem binh đánh sang Nam Kỳ. Châu Đốc bị thất thủ (12-1833). Đầu năm 1934, bị quân Nguyễn đánh bại ở Vàm Nao và Châu Đốc, quân Xiêm phải kéo nhau rút chạy về nước. Sau trận nay, làng mạc Châu Đốc bị tàn phá nặng, dân cư xiêu tán, ruộng đất bị bỏ hoang. Mãi đến năm 1836 mà dân vẫn chưa trở lại. Địa bạ thôn Mỹ Phú ghi: "dân làng xiêu tán hết" không ai trở về cày cấy [184].
Tuy nhiên, thời kỳ này thôn ấp ở Châu Đốc phát triển khá nhanh. Từ 56 thôn năm 1831, đến năm 1836 đã lập thêm được 35 thôn, đưa tổng số thôn người Việt vùng này lên 91. Năm 1839, diện tích đất đai và dân cư vùng Châu Đốc lại được tăng thêm, do lập thêm hai huyện Hà Âm và Hà Dương. Huyện Hà Dương có 4 tổng; huyện Hà Âm có 4 tổng [99, tr.275]. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi huyện Hà Dương có 40 xã thôn phường phố, huyện Hà Âm có 40 xã và thôn [80, tr. 160-161].
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #11 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2021, 02:12:52 pm » |
|
- Người Khmer
Như vậy, đến năm 1839 đất Châu Đốc có 4 huyện: Đông Xuyên, Tây Xuyên, Hà Âm, Hà Dương. Tuy nhiên, ở hai huyện Hà Âm và Hà Dương, các thôn ấp của người Việt ở xen lẫn với các "súc sách" của người Khmer. Khách quan mà nói, một số nhóm lẻ tẻ người Khmer nghèo khổ đã đến sinh sống rải rác nhiều nơi ở Châu Đốc từ trước.
Những dấu vết cư trú, hoặc chùa Phật còn lại đến nay ở xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, ven bờ kênh Vĩnh Tế, vùng Tịnh Biên cho thấy khá rõ điều đó. Thư tịch triều Nguyễn cũng ghi, ở sông Tân Giang "nơi đây dân Kinh và dân Cao Miên ở chung với nhau"; dọc theo bờ sông (Ưu Đàm) là ruộng vườn người Kinh, ở phía sau là chỗ người Cao Miên ở lẫn lộn cùng nhau [21, tr.57]. Tuy nhiên, hiện tại người Khmer hầu hết cư trú quây quần ở vùng núi Ba Thê và Thất Sơn thuộc các huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên và Tri Tôn. Theo chúng tôi, khi người Việt đến khai phá vùng Châu Đốc, người Khmer thấy tộc người khác mình về văn hoá, họ tự mình lặng lẽ rút về vùng núi sống cùng đồng tộc, vốn cùng thói quen canh tác và cư trú ở vùng cao. Dù không thật chính xác nhưng sách Monographie de la proưince de Chaudoc đã phản ánh hiện tượng đó: "Người Khmer bị người An Nam dồn vào vùng núi" (Cambodgiens- Relégués par les Annamites dans la région montagneuse) [156, tr.47].
Đến đầu thế kỷ XIX, những "súc sách" Khmer ở Thất Sơn sống xen lẫn với thôn ấp người Việt và người Hoa, được Trịnh Hoài Đức nêu nhiều lần trong Gia Định thành thông chí [21, tr.50, 51]; Đại Nam nhất thống chí [80, tr.170] và Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định. Tuy nhiên, thời kỳ này, người Khmer vùng Thất Sơn có thể chỉ mới là những "súc sách" nhỏ, chưa có những phum, sóc đông đúc như thôn ấp người Việt, nên có lẽ chưa thấy Trịnh Hoài Đức ghi chép được các đơn vị cư trú của họ ở vùng này. Địa bàn cư trú chủ yếu của người Khmer tập trung quanh triền núi Thất Sơn theo hình "vành khăn", sinh nghiệp về săn bắt và thả lưới, bủa câu trong ao chằm [21, tr.50], [80, tr.170].
Với chính sách chiêu tập các sắc dân đến khai khẩn, lập làng, phát triển kinh tế, xã hội ở Châu Đốc từ năm 1817 trở đi, người Khmer đến Châu Đốc nhiều hơn và dần dần tập trung đông hơn ở Thất Sơn, nơi có những đồng tộc của họ đã định cư từ trước. Tuy nhiên, những trung tâm người Khmer ở Hà Tiên, Thất Sơn (Châu Đốc) là những nơi biên giới hiểm trở, vấn đề an ninh không được đảm bảo, điều làm cho triều Nguyễn phải thường lưu tâm. Người Khmer ở Thất Sơn thường liên lạc với người Khmer Hà Tiên và Chân Lạp, những trung tâm Khmer này thường bị người Xiêm lợi dụng cho mưu đồ chính trị xâm lược Chân Lạp và Nam Kỳ, chống lại quốc gia Đại Nam. Dưới triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, người Khmer vùng này đã nhiều lần nổi dậy chống lại triều Nguyễn.
Triều Nguyễn đã cho người Khmer vùng Tây Nam được hưởng quy chế khá rộng rãi, cấm dân Việt tranh chiếm điền thổ và các sở thuỷ lợi với người Khmer, ruộng của người Khmer 9 năm mới thu thuế [105, tr.356].
Năm 1839, khi thành lập hai huyện Hà Âm, Hà Dương, số dân đinh của hai huyện là 2.520 người. Trong số này hẳn có không ít người Khmer [99, tr.275]. Đến năm 1879, theo thống kê của chính quyền thực dân Pháp, tổng số người Khmer Châu Đốc có 15.281 người, trong số 98.124 người toàn tỉnh [155, tr.201], chiếm khoảng 15% tỷ lệ dân cư. Còn theo Baurac năm 1894, dân số Khmer Châu Đốc có 18.500 người trong tổng số 95.811 người toàn tỉnh [154, tr.314]. Đến năm 1901, sách Monographie de la province de Chaudoc ghi người Khmer có 28.847 người trong tổng số 145.819 dân cư toàn tỉnh [156, tr.46].
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #12 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2021, 02:13:45 pm » |
|
- Người Chăm
Cũng từ thế kỷ XV trở đi, những biến động lịch sử đã dồn ép một bộ phận người Chàm từ miền Trung đến sinh sống ở Chân Lạp. Tại Chân Lạp, do bị hiểu nhầm, bị kỳ thị, người Khmer đã xua đuổi người Chàm (1750) [81, tr.212]. Có lẽ vì nguyên nhân này, mà một số người Chàm đã chạy đến cư trú tại vùng Châu Giang. Chứng tích duy nhất còn lại có thể chứng minh cho điều đó là phiến đá đặt ở thánh đường Mubarăk của người Chàm ghi niên đại 1750.
Hội điển có ghi, năm 1807 vua Gia Long dụ cho quan An phủ sứ đồn Châu Đốc chiêu tập các sắc dân đến Châu Đốc làm ăn, trong đó có người Chăm và Mã Lai [63, tr.107]. Đến năm 1820, theo Monographie de la province de Chaudoc thì một tổng người Chàm ở Cao Miên, Saet Abubaca bị buộc tội phản nghịch, bị gọi đến triều đình, lúc đó vì bị ốm, ông đã không thể đến đó được. Vua Cao Miên cho rằng ông này không muốn tuân lệnh mình, đã cho bắt và xử trảm ông ở Ou Đông. Nhiều người trong số họ đã bỏ trốn và đến sống dưới sự che chở của những ngươi Mã Lai ở Châu Đốc. Vị quan đứng đầu Châu Đốc đã cho họ ở làng Châu Giang, về sau những người Chăm đã bí mật về Chân Lạp và đưa tất cả cha mẹ họ đang bị tống giam ở Kompongluông vượt ngục [156, tr.48].
Vào tháng 9 năm Tân Sửu (1841), quan quân Nguyễn do Trương Minh Giảng chỉ huy ở Trấn Tây rút về An Giang [101, tr.352], những người Chàm và Mã Lai cũng theo về để tránh sự trả thù của ngươi Khmer [154, tr.316]. Điều này được Hội điển xác nhận, vào năm 1843: Người Chà Và và người Chàm, nguyên trước ở Trấn Tây đổi về An Giang, đàn ông, đàn bà, già trẻ tất cả là 2.383 người, đã xếp cho ở tại cửa sông Châu Giang. Tuy nhiên, vì bờ sông Châu Giang phần nhiều là bùn lầy, cày cấy khó khăn, nên vua Thiệu Trị sai cho đến phủ Ba Xuyên để họ cày cấy sinh sống, nếu ai tình nguyện đi Tây Ninh thì cũng cho [63, tr.109]. Tuy vậy, có lẽ số người Chăm này không rời đến ở Ba Xuyên hoặc Tây Ninh, vì ở Ba Xuyên về sau không có người Chăm, còn ở Tây Ninh thì số người Chăm đã có 5.000 người đến từ năm 1755 và về sau còn lại rất ít. Theo chúng tôi thì ý kiến của Baurau đáng lưu ý hơn, khi ông cho những người Chăm này được ổn định nơi ở mới, mà nơi đầu tiên là búng Bình Thiên trên bờ rạch Bình Di [154, tr.316] (nay là xã Nhơn Hội và Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang, hiện có nhiều người Chăm sinh sống).
Những người Chăm và Mã Lai này theo Thực lục vốn là lính thuộc 3 cơ An man của triều Nguyễn ở Chân Lạp [98, tr.264]. về sau, do tình hình ở Chân Lạp khó khăn, những người Mã Lai và người Chăm lại tiếp tục di cư về sông tại Châu Đốc. Theo sử triều Nguyễn, vào năm 1859 có 1.000 người Chàm và Chà Và từ Chân Lạp về ở Châu Đốc [107, tr.85]. Trong những đợt di cư của người Chăm nói trên, triều Nguyễn cho họ định cư thành bảy làng: Châu Giang, Kô Tam Bong, Phủng Soài, La Ma, Ka Côi, Ka Cô Ky, Sbau [154, tr.316-317]. Tình trạng này tồn tại cho đến năm 1867, khi thực dân Pháp đến xâm chiếm Châu Đốc. Năm 1879, thực dân Pháp gọi những người Chăm và Mã Lai là người Mã Lai, có 9.228 người [155, tr.201]. Vào năm 1880, Labussière ước lượng ở Châu Đốc có chừng 1.100 gia đình Chàm. Nếu trung bình mỗi gia đình có 12 người, thì tổng số dân Chàm lúc đó là 13.200 người [157, tr.226].
Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XIX người Chàm ở Châu Đốc có xu hướng giảm dần, Loui Mérard cho rằng nguyên nhân của tình trạng đó là do họ trở về với vùng mà nơi gốc gác sinh ra của họ, nơi vẫn còn nhiều đồng hương của họ sinh sống, đó là Chân Lạp [156, tr.52]. Vì vậy, năm 1893 số dân này được ghi thành người Mã Lai là 5.212 người [154, tr.314]. Năm 1899, số người Chăm và Mã Lai đóng thuế thân cho chính quyển thực dân Pháp là 1.173 người và đến năm 1901 có 5.085 người [156, tr.17, 20]. Tỷ lệ người Mã Lai chiếm một phần mười, còn người Chàm chiếm chín phần mười. Vào năm 1936, người Chăm ở Châu Đốc có 6.000 người, đến năm 1963 là 12.700 ngươi, năm 1964 chỉ có 10.000 người [16, tr.127], năm 1972 có 1.336 gia đình với 8.582 người [153, tr.14]. Vào tháng 2-1976, người Chăm vùng này có 8.656 người, tháng 10-1979 là 11.995 người, đến 1989 là 11.585 người [16, tr.127].
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #13 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2021, 02:14:15 pm » |
|
- Người Hoa
Vào năm 1699, trong đoàn quân Nguyễn Hữu Cảnh đi đánh Chân Lạp có quân Long môn Trần Thắng Tài (người Hoa) đóng ở cù lao Giêng cùng hành quân [81, tr.154], sau khi thắng giặc, dừng lại ở đất Cái Sao. Trận dịch lớn ở đây, có thể một số binh lính phải ở lại, vì ốm đau, vì đào ngũ, trong trận rút quân vội vã của Nguyễn Hữu Cảnh (1700). Nếu đúng như vậy, thì đây có thể là những người Hoa đầu tiên xuất hiện ở vùng Châu Đốc.
Sang đầu thế kỷ XIX, sau chiếu dụ của vua Gia Long các năm 1807 và 1817, người Hoa cùng với các sắc dân khác như Việt, Khmer, Chăm đã đến Châu Đốc khai khẩn, buôn bán, làm ăn. Diệp Hội được cử làm cai phủ Châu Đốc, là người Hoa đầu tiên đến Châu Đốc được chính thức nhắc đến trong thư tịch triều Nguyễn [84, tr.310, 311]. Người Hoa đến Châu Đốc phần lớn làm nghề buôn bán ở tỉnh lỵ Châu Đốc, Tân Châu..., một số khác làm ruộng rẫy ở vùng Thất Sơn [80, tr.170] và nơi khác [80, tr.172]. Năm 1834, trong 41 xã thôn phường phố ở Châu Đốc có 3 phương 2 phố đều là người Hoa. Tổng đốc An - Hà Trương Minh Giảng xin đánh thuế theo lệ người Thanh biệt nạp, mỗi người mỗi năm phải nộp tiền dung dịch là 6 quan 5 tiền [92, tr.276]. Tuy nhiên, số người Hoa sống ở Thất Sơn làm ruộng rẫy có lẽ khá ít trong nửa đầu thế kỷ XIX, bởi vậy trong địa bạ năm 1836 chỉ ghi có một người tên Trác Vũ (thôn Thoại Sơn, tổng Định Phước) có 5 mẫu đất trồng dâu [201]. Năm 1842, sau khi triều Nguyễn dẹp xong khởi nghĩa Thất Sơn, trong số người ra hàng có nhiều người Khmer và người Thanh. Sách Thực lục ghi rõ số lượng là 9.500 người. Vua Thiệu Trị sai Nguyễn Công Trứ và Phùng Nghĩa Phương thay nhau đi sắp đặt, lựa chia lập thôn ấp, đặt người trông coi giúp đỡ để họ khai khẩn ruộng đất và ở yên [10, tr.181]. Có lẽ sau sự kiện trên thì số người Hoa ở Thất Sơn đông hơn trước.
Cuối đời Minh Mệnh sang đầu thời Thiệu Trị, ở vùng Châu Đốc có hai phố buôn bán của người Hoa là Vĩnh Hội và Vĩnh Hội Đông, thuộc huyện Tây Xuyên [64, tr.349]. Cho đến năm 1849, sử triều Nguyễn nói ở An Giang có 3 bang người Hoa, 2 bang Triều Châu và 1 bang Phúc Kiến. Những ngươi Hoa này nguyên trước từ Trấn Tây về đây sinh sống [105, tr.168].
Nhìn chung, số người Hoa ở Châu Đốc thế kỷ XIX có nguồn gốc ở từ Chân Lạp về, do các nguyên nhân từ chính sách chiêu mộ cư dân đến khai khẩn, buôn bán phát triển kinh tế Châu Đốc, từ con đường giao thương Gia Định - Nam Vang có thể một số người Hoa dừng chân lại sinh sống ở Châu Đốc. Một lý do khác rất quan trọng là tình hình chính trị Chân Lạp thường không ổn định, hay bị Xiêm xâm lược... làm cho người Hoa không yên ổn làm ăn. Mỗi khi ở Chân Lạp có biến động người Hoa thường chạy về Nam Kỳ sinh sống, trong đó đặc biệt có Châu Đốc thuận tiện và gần [107, tr.241]. Ngay cả thế kỷ XX cũng vậy, Châu Đốc là nơi đi về của người Hoa ở Cao Miên trong những lúc hữu sự.
So với người Khmer và người Chăm thì ở Châu Đốc số người Hoa ít hơn. Vào năm 1876, Châu Đốc có 807 nhân đinh người Hoa; theo sách Les frontières du Cambodge, năm 1879 ở Châu Đốc có 1.386 người Hoa và Long Xuyên có 605 người Hoa sinh sống [155, tr.201]. Năm 1893, vùng Châu Đốc có 1.100 người Hoa [154, tr.314], đến năm 1901 có 1.816 người Hoa và 1.944 người Minh Hương [156, tr.46], năm 1926 có 158 người Hoa và 1.578 người Minh Hương. Cho đến trước năm 1975, số người Hoa hay gốc Hoa chiếm khoảng 1,5% dân số của vùng này.
Sau khi lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, năm 1851 Đoàn Minh Huyên phái đệ tử đi khai hoang lập trại ruộng ở nhiều nơi, trong đó có những địa điểm quan trọng là vùng Thới Sơn và Láng Linh, ở Thới Sơn, tín đồ phá lau sậy, đầm lầy hoang vu, sau lập nên hai làng Hưng Thới, Xuân Sơn (nay ở huyện Tịnh Biên). Tại Láng Linh, sau khi Pháp xâm lược (1867) lãnh tụ Trần Văn Thành lãnh đạo tín đồ vừa sản xuất, làm ruộng lúa, trồng dâu, dệt vải vừa rèn đúc vũ khí, chờ cơ hội chống Pháp. Ở căn cứ Láng Linh (sau thành thôn Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú), có lúc đã lên đến 1.200 người. Ngoài ra, ở cồn Nhỏ có đồn binh của nghĩa quân, về sau trở thành làng Bình Thạnh Đông (nay là xă Phú Bình, huyện Phú Tân) và ở Cái Dầu, một đệ tử khác của Đoàn Minh Huyên là cụ Nguyễn Văn Xuyến cũng đến khai phá (nay là thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú). Năm 1867, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được nhen nhóm ở vùng núi Tượng, các thôn An Định, Lương Phi, Ba Chúc,... dần dần được hình thành.
Cho đến giữa thế kỷ XIX, thôn ấp ở vùng Châu Đốc mọc lên rất nhiều. Năm 1853, đất Châu Đốc có bốn huyện: huyện Tây Xuyên có 3 tổng gồm 38 xã, thôn, phố, bang; huyện Hà Dương có 4 tổng, 40 xã, thôn, phường, phố; huyện Hà Am có 2 tổng, 40 xã, thôn; huyện Đông Xuyên có 4 tổng, 33 xã, thôn [80, tr.159, 162].
Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây (1867), Pháp chia Nam Kỳ thành 24 sở Tham biện (Inspection). Tỉnh An Giang cũ được chia thành 3 sở Tham biện: Châu Đốc, Sa Đéc và Ba Xuyên. Hạt tham biện Châu Đốc vốn là đất phủ Tuy Biên cũ. Sau Hiệp ước Giáp Tuất (15-3-1874) giữa triều Nguyễn và thực dân Pháp, vùng đất Châu Đốc (phủ Tuy Biên cũ) trở thành đất hai tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và tồn tại đến năm 1975. Năm 1893, tỉnh Châu Đốc mới có tổng số dân cư là 95.811 người, trong đó có 70.579 người Việt, 18.500 người Khmer, 5.212 người Chăm - Mã Lai, 1.100 người Hoa [154, tr.314]. Đến cuối thế kỷ XIX, vùng đất Châu Đốc (phủ Tuy Biên) có 16 tổng và 143 làng [15, tr. 290-291, 315-316].
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2021, 10:03:09 pm » |
|
3. TỔ CHỨC XÃ HỘI CÁC TỘC NGƯỜI Ở VÙNG CHÂU ĐỐC
a- Tổ chức xã hội người Việt
Tổ chức xã hội của người Việt ở Bắc Bộ và Trung Bộ với tư cách là một đơn vị hành chính, một đơn vị xã hội của xã hội Việt Nam cổ truyền - một đơn vị căn bản của quốc gia - đã được nhiều người nói đến. Đó là các xã thôn và các cộng đồng dân cư sinh sống trong xã thôn. Tuy nhiên, tổ chức xã hội của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Châu Đốc nói riêng lại chưa được chú ý đúng mức, đặc biệt là dưới thời Nguyễn để tìm hiểu xã hội của người Việt, trước khi thực dân Pháp đặt ách nô lệ trên toàn cõi Việt Nam.
Một điều khá rõ ràng là, trước năm 1802 có một số thôn ấp người Việt đã hình thành ở vùng cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu và việc hình thành nên các thôn ấp nơi đây đều xuất phát từ động lực kinh tế và mang tính tự quản.
Trước năm 1802, tổ chức xã thôn ở Châu Đốc mang các tên xã, phường, trang, ấp, trại, thôn... và đứng đầu có cai trại, cai lân, cai ấp... Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có nói đến ở Đàng Trong thời kỳ này chúa Nguyễn đặt các chức xã trưởng và tướng thần. Tướng thần giống như khán thủ, là người trông coi trật tự trị an trong xã. Về sau, công việc của khán thủ được truyền cho trương tuần, một phần do phó lý trưởng đảm trách để quản lý xã thôn, thu thuế phú dịch [57, tr.21].
Thời kỳ Nguyễn Ánh khôi phục Gia Định, bộ máy chính quyền cơ sở được tăng cường, phân công nhiệm vụ khá rõ ràng. Các chức vụ trong tổ chức thôn ấp ở Châu Đốc, có lẽ không khác thôn ấp các vùng khác ở Nam Kỳ. Đó là, các chức vụ: trùm cả, trùm chủ, trùm nghị, xã trưởng (thôn trưởng, ấp trưởng), thủ khoán, câu đương, tri thâu,... Nhiệm vụ các chức vụ trên do Nguyễn Ánh quy định như sau: trùm cả là chức vụ đứng đầu làng, cai quản chung; trùm chủ làm phụ tá cho trùm cả; trùm nghị là chức vụ có quyền tham gia đóng góp ý kiến; xã trưởng (thôn trưởng, ấp trưởng) làm trung gian giữa dân và cấp trên, lo việc thuế khoá, hành chánh; thủ khoán quản lý tài sản công quỹ; câu đương là người biết luật pháp, làm chức năng hoà giải các vụ xích mích nhỏ; tri thâu là phụ tá xã trưởng về mặt thuế khoá [143, tr.28].
Từ năm 1802 trở đi, cũng giống như các làng Việt ở Bắc, Trung, Nam, làng Việt vốn là đơn vị tụ cư của người nông dân, dần dần được nhà nước biến thành đơn vị hành chính cấp cơ sở. Để đảm bảo bộ máy làng xã vận hành tốt, làng Việt nào cũng có bộ máy quản lý xã hội và phong tục làng xã. Làng Việt ở Châu Đốc cũng giống như làng Việt ở những nơi khác về mặt thiết chế quản lý cơ bản ở thế kỷ XIX là vẫn song song tồn tại hai cơ cấu: cơ cấu hành chính nhà nước và cơ cấu tự trị - tự quản làng xã, vì vậy có tác giả gọi là cơ chế quản lý kép [57, tr.116].
Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, các điểm cư trú của người Việt ở Châu Đốc đã mang trong nó những đặc điểm khá khác biệt không chỉ với làng Việt ở Bắc Bộ, Trung Bộ mà còn khác cả với làng Việt ở Nam Bộ. Điểm giống các làng Việt ở Nam Bộ có thể thấy là sự hình thành những làng Việt một cách tự phát do lưu dân lập nên từ năm 1699 đến năm 1757 và sau đó là những làng khai phá do chính sách đồn điền của nhà nước phong kiến Nguyễn. Mặt khác, điều đặc biệt cho những thôn ấp Việt ở Châu Đốc là vùng đất khá quan trọng nơi "cửa ngõ" phía tây của Gia Định trong chính sách bảo vệ biên thuỳ Tây Nam. Vì vậy, triều Nguyễn đã có chính sách quan tâm khá đặc biệt. Ngoài mục đích kinh tế - xã hội, các điểm dân cư Châu Đốc còn là những căn cứ quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng biên ải Tây Nam [105, tr.371]. Ngoài ra, một số thôn ấp Việt ở Châu Đốc được hình thành nên từ những trại ruộng của tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ở Hưng Thới, Xuân Sơn, Láng Linh. Đây là những trại ruộng, những căn cứ kháng Pháp núp dưới danh nghĩa tôn giáo. Bởi vậy, tổ chức xã hội của người Việt nơi đây có những đặc điểm không giống tổ chức xã hội người Việt các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Đứng đầu các "trại ruộng" là những "ông Đạo", "tăng chủ”, chứ không phải là những lý trưởng, trưởng thôn và một tập thể những hương dịch. Cũng như vậy, ở vùng núi Tượng thuộc Thất Sơn các thôn Lương Phi, Tú Tề, Ba Chúc, được hình thành từ những căn cứ chống Pháp của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nửa cuối thế kỷ XIX, mà bộ máy quản lý xã hội ở vùng Tứ Ân Hiếu Nghĩa là những "ông Gánh"... Đây cũng là một nét khác biệt của làng xã Châu Đốc so với làng xã Việt ở Nam Kỳ thời Nguyễn.
Ngoài ra, ngay từ nửa cuối thế kỷ XVIII, để duy trì tín ngưỡng của mình, những giáo dân Thiên Chúa tỵ nạn đã đến đất Châu Đốc cư ngụ. Họ mở đất lập thôn ấp, dựng giáo đường tạo thành một cơ sở của giáo hội. Địa bàn của một giáo xứ thường là một thôn, quản lý xã hội của những vùng giáo dân chắc hẳn là các giáo sĩ. Các giáo sĩ, cha xứ ở Châu Đốc thời kỳ này không chỉ là những người kiểm soát, lãnh đạo tinh thần tín đồ mà còn là những địa chủ.
Đối với Công giáo, tính cách cộng đồng là một nét đặc trưng tính cách của tôn giáo, mà nhà thờ chính là nơi thực hiện một cách rõ nét và cụ thể nhất tính cộng đồng này. Nhà thờ đối với người Công giáo vừa là nơi thờ tự, vừa là một trung tâm sinh hoạt của họ. Nhà thờ không chỉ là nơi quy tụ người Công giáo trong một làng mà còn chính là nơi tạo ra và duy trì tính cộng đồng của tín đồ người Công giáo.
Nhà thờ là một trung tâm thu hút và sinh hoạt mới của làng Việt, những người Công giáo, do đó không phải không có ảnh hương đến cơ cấu tổ chức của làng Việt. Ví như, có lúc đã tạo ra không ít mâu thuẫn trong tổ chức làng và cũng đã từng là một thách thức đối với khả năng cởi mở và đón nhận những cái mới của làng Việt [55, tr.170].
Cũng từ thế kỷ XVIII - XIX, những người Chàm theo tín ngưỡng Hồi giáo từ Chân Lạp trước sau kéo về hai bên bờ sông Hậu, sống rải rác trên các vùng hoang vắng, màu mỡ lập nên những "palay" - làng Chàm ở Châu Đốc, cùng với những phum, sóc Khmer ở vùng Thất Sơn, những phố buôn bán kinh doanh của người Hoa ở vùng Châu Đốc, Tân Châu... đã làm cho bức tranh làng xã ở Châu Đốc lung linh đậm màu sắc mà không một tỉnh nào ở đồng bằng sông Cửu Long có được.
Trở lại vấn đề tổ chức xã hội của người Việt ở Châu Đốc trong thế kỷ XIX ta thấy: Sau năm 1802, khi mới lên ngôi vua, Gia Long rất quan tâm đến vấn đề làng xã, đề cao vai trò của làng xã và coi việc đối xử với nó như là quốc sách của đường lối trị nước: "Nước là họp các làng mà thành..., vương chính là lấy làng làm trước” [83, tr.102]. Chính vì vậy, vua Gia Long đã có nhiều cố gắng để cải tổ bộ máy hương chính. Không chỉ thể hiện bằng điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà, triều Nguyễn còn tìm mọi cách để quản lý xã thôn Trung Kỳ và Nam Kỳ. Đời Minh Mệnh, năm 1828, vua xuống chiếu quy định mỗi xã thôn phường chỉ đặt một lý trưởng, nếu số đinh trên 50 người thì đặt một phó lý, trên 150 người thì đặt hai phó lý. Chế độ bầu lý trưởng được thực hiện có tính chất "dân chủ" nhưng phải được phủ huyện xét kỹ, sau đó được đưa lên quan trấn tỉnh để cấp văn bằng và làm mộc triện [89, tr.85]. Việc đặt chức lý trưởng là biện pháp của nhà nước nhằm thực hiện sự tập trung quyền lực hành chính ở xã thôn, nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm của cá nhân. Mọi quy định thưởng phạt đều tập trung chủ yếu vào nhân vật này.
Trước năm 1852, giai đoạn lưu dân phải nỗ lực vào việc khai hoang lập ấp, triều đình hỗ trợ bằng cách cho họ quyền tự trị, tự quản. Cho đến thời Tự Đức, công việc khai hoang đã đạt được những thành quả quan trọng, triều Nguyễn thấy cần từng bước thể chế hoá bộ máy hành chính địa phương, sắp xếp lại bộ máy quản lý xã thôn Nam Kỳ. Vì vậy, Tự Đức ban hành "Minh điều hương ước" năm 1852. Đây là một văn bản pháp lý quan trọng làm căn cứ tư liệu để nghiên cứu thôn ấp Nam Kỳ thế kỷ XIX. Theo quy định này, tổ chức xã thôn Nam Kỳ cũng mô phỏng theo bộ máy hành chính của miền Bắc. Trong mỗi làng xã có khoảng từ hai đến ba chục hương chức [132, tr.90]. Theo "Minh điều hương ước", mỗi xã thôn Nam Kỳ đều có năm loại chức dịch: một loại, có thề xuất phát từ tầng lớp nghèo nàn, chỉ biết lấy công lao làm thành tích thì được cử vào các chức vụ thừa hành, giám sát, tuần tra... mang tính năng động; một loại, xuất thân từ tầng lớp phú hào có thể cử vào các chức vụ quản lý tiền bạc, tài sản; một loại, căn cứ vào lý lịch (con cháu các bậc có công khai hoang lập làng) có thể được cử vào các chức vụ giữ gìn truyền thống địa phương; một loại, xuất thân từ tầng lớp có học hành, có thể được cử vào các chức vụ như giấy tờ, bút mực, giáo dục, văn hoá...; các quan văn võ khi hưu trí về làng được cử chức "hương quan", cố vấn các mặt [143, tr.26].
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2021, 10:03:41 pm » |
|
Theo Đỗ Hữu Nghiêm thì hội đồng hương thôn đầy đủ nhất gồm có khoảng 22 hương chức lớn, 16 dịch mục phụ tá. Nếu làng xã nhỏ nhất cũng phải có ít nhất 3 hương chức chính thức giao dịch với cấp trên là xã trưởng, hương thân và hương hào [56, tr.162]. Theo Trương Ngọc Tương thì trong một xã có khoảng 30 nhiệm vụ [143, tr.26]. Còn theo Ngô Văn Hoà thì những làng lớn, số hương chức, dịch mục... còn lớn hơn nhiều [34, tr.44, 46]. Tuy nhiên, để tránh sự rườm rà thời đó cho phép mỗi người kiêm năm ba chức vụ hoặc các thôn ấp (nhỏ hơn xã) được tuỳ nghi lược giản [143, tr.26].
Cư dân trong làng ở Nam Kỳ có thể chia thành hai hạng người: dân bộ, những người dân đinh đóng thuế và những người dân ngoài hay dân lậu, không có tên trong sổ nộp thuế. Dân bộ lại được chia làm hai hạng: những người có quyền định đoạt công việc trong làng xã; những dân đinh và gia đình dân đinh, về hạng người thứ nhất, dù có những tên gọi khác với miền Bắc và miền Trung, song đại thể bộ máy quản lý xã hội người Việt ở Nam Kỳ vẫn không khác biệt so với Trung và Bắc.
Làng xã được cai quản và đại diện bởi một tập thể những hương dịch. Hội đồng hương chức được chia làm hai nhóm: hương chức và dịch mục. Hương chức thảo luận và biểu quyết mọi việc trong làng, dịch mục chỉ biết thi hành lệnh trên. Theo phong tục, những hương chức được lựa chọn trong số những người nhiều ruộng đất, có uy tín, đức hạnh, cao niên. Lệ năm Tự Đức thứ 10 định rằng: Phải từ 30 tuổi trở lên mới được bầu làm chánh phó lý trưởng [23, tr.47]. Nhiệm kỳ của hương chức không được ấn định, trừ thôn trưởng hay xã trưởng có hạn định một năm, nhưng nhiệm kỳ này có thể kéo dài vô hạn định. Chỉ khi có một thành viên của hội đồng hương chức bị khuyết thì hội đồng mới tìm người khác thay vào theo nguyên tắc: Hội đồng lựa chọn lấy người thay thế. Nguyên tắc này không được áp dụng với xã trưởng, hương thân và hương hào, những người được trên bổ nhiệm theo sự giới thiệu của hội đồng hương chức [34, tr.44].
Theo lệ thường, những phiên họp theo thường lệ hay bất thường ở làng đều do hương cả triệu tập họp công khai ở đình làng, có tất cả những hương chức và dịch mục tham dự. Tuy dự họp nhưng dịch mục không có quyền biểu quyết hoặc quyết định. Đứng đầu các hương chức là hương cả và hương chủ, tương đương với tiên chỉ và thứ chỉ ở miền Bắc. Kết cấu của bộ máy tổ chức xã thôn Nam Kỳ gồm có những thành viên như sau: hương cả (hay ông Cả) và hương chủ, hương sư, hương trưởng, tham trưởng, hương nhứt, hương nhì, hương chánh, hương lễ, hương văn, hương quan, hương ẩm, thủ bộ, thủ chỉ, thủ bổn, câu đương, thủ khoán, cai đình.
Hội đồng hương chức gồm hai loại người. Loại người cao nhất gồm một loại những hương chức có chức năng nhiệm vụ rõ ràng, có hương chức chỉ có tính chất danh dự. Nhưng loại hương chức này lại là những người có uy tín và có quyền quyết định mọi việc trong làng. Họ giao việc thừa hành những quyết định của họ cho loại hương chức thứ hai gồm có 3 người là: xã trưởng hay thôn trưởng, hương thân và hương hào [34, tr.44, 45].
Lý trưởng chịu trách nhiệm trước nhà nước về sưu thuế, binh dịch... do nhà nước bổ nhiệm, là người liên lạc chính thức giữa làng và nhà nước. Ví như, năm 1865 nhà nước định rõ lệnh trừng phạt các tổng lý về việc gọi binh thu lương [108, tr.264]. Các hương chức như xã trưởng (hay thôn trưởng), hương thân, hương hào đứng vào hạng cuối cùng trong hàng ngũ các hương chức. Nhưng để hoàn thành những nhiệm vụ của mình, họ lại chỉ huy và được một số dịch mục giúp đỡ như: lý trưởng, ấp trưởng, trùm dịch (hay còn gọi là trùm việc, cai tuần, cai thị, cai binh, cai thôn...). Ngoài ra, để giúp việc cho hương lễ còn có: tri lễ, học trò lễ hay lễ sanh. Những người giúp việc cho cai đình thì có biện đình, tư văn, ông từ, tri sự, tri khách và cuối cùng là biện lại, người phải biết chữ để làm thư ký cho làng [34, tr.45, 46].
Như vậy, có thể thấy, thôn ấp ở Nam Kỳ cũng không khác mô hình xã thôn miền Bắc, vẫn mang đầy đủ tính chất tự trị và tự quản của làng Việt, về đại thể, cơ cấu và chức năng của bộ máy tổ chức xã hội Nam Kỳ cũng thống nhất với bộ máy này ở người Việt vùng khác. Các hương chức có quyền tự do hành động rất lớn kể cả một số quyền lực tư pháp và hành chính. Họ hành động mà không bị các cấp chính quyền từ cấp phủ, huyện trở lên kiểm soát, miễn là những luật pháp và mệnh lệnh của nhà nước trung ương về các mặt thuế, sưu dịch, binh dịch được các hương chức truyền đạt cho các làng xã và thi hành.
Cơ cấu chính trị này làm thành một tổng thể với nển tảng kinh tế, xã hội nhưng vẫn chưa phản ánh đầy đủ khuôn mặt của nó, nếu không nói đến cơ cấu tinh thần làng xã. Bởi vì, tham gia vào tổ chức quản lý xã thôn còn có đình. Đình làng chính là biểu tượng của cuộc sống tinh thần và vật chất của làng. Ngôi thứ của từng người đều thể hiện ở vị trí của họ ở đình làng. Chế độ đắng cấp ở xã thôn còn thể hiện trong chỗ ngồi và hương ẩm. Người ta coi trọng miếng ăn ở chốn đình trung không phải vì tham ăn uống mà là vì ngôi thứ, đẳng cấp xã hội. Ngôi đình đồng nghĩa với sự sắp xếp trật tự xã hội của làng [57, tr.231]. Về ngôi thứ chỗ ngồi ở chốn đình trung, trong "hương ẩm tửu" được triều Nguyễn quy định khá rõ vào năm Tự Đức thứ 8 [106, tr.135], theo quy định với Bắc Hà. Hầu như mỗi thôn làng ở Châu Đốc và Nam Bộ đều có một cái đình, điều này được Trịnh Hoài Đức xác nhận: "Mỗi làng đều làm một cái đình" [21, tr.146]. Khi đề cập đến đình về mặt tác động đến tổ chức xã hội của người Việt, thấy rằng: Trước tiên, đình có chức năng khá rõ ràng về tôn giáo và tín ngưỡng, nơi thờ cúng Thành hoàng làng và các thần linh, những vị thần che chở cho dân làng. Nhưng bên cạnh chức năng tôn giáo, đình còn có chức năng quan trọng khác. Đình là khu vực chủ yếu để hội họp, sinh hoạt cộng đồng, việc thuế má, phu phen tạp dịch cho nhà nước, việc tế tự, làm đình, sửa miếu,... Nhà vuông (nhà việc) ở đình còn là nơi hội họp của các chức sắc, của hội đồng hương chức,... để xét xử và phạt vạ những người vi phạm luật lệ của làng, là nơi để ăn uống, hương ẩm tửu,...
Như vậy, đình làng có tính chất như là nơi sinh hoạt của cộng đồng, nơi ăn uống chung của thôn ấp và còn như là một pháp đình của hương thôn. Ngoài ra, khi khuyết lý trưởng hay phó lý, đình là nơi bầu cử các chức đó... Nhà nước phong kiến cũng đã thông qua việc nắm các thành hoàng để nắm lấy xã thôn, để củng cố quyền uy, quyền lợi của mình và thông qua việc thần phục được các thành hoàng mà điều khiển các làng xã.
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2021, 10:05:09 pm » |
|
b- Tổ chức xã hội người Khmer
Những dấu vết mờ nhạt của tổ chức xã hội và bộ máy quản lý cổ truyền phum, sóc hiện tại khó có thể tái hiện một cách rõ nét thực tế lịch sử xã hội người Khmer đã diễn ra. Tuy nhiên, những biến động lịch sử mang tính bước ngoặt đã để lại những dấu ấn khá quan trọng trong đời sống xã hội người Khmer Châu Đốc từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt, khi vùng đất Tầm Phong Long thuộc chủ quyến chúa Nguyễn (1757) và rõ ràng hơn là việc vùng Khmer Thất Sơn nằm trong tổ chức hành chính phủ Tĩnh Biên năm 1839, làm cho sự quản lý của nhà nước phong kiến đối với xã hội người Khmer ở đây được rõ rệt hơn. Khi người Pháp xâm lược Châu Đốc, sự biến đổi trong đời sống xã hội người Khmer một lần nữa lại diễn ra. Mặc dù vậy, những cơ cấu cổ truyền của họ vẫn còn bảo tồn trong một số phạm vi và có những ảnh hưởng nhất định trong xã hội và văn hoá ở vùng này.
* Phum: Tổ chức xã hội nhỏ truyền thống của người Khmer là phum. Phum là đớn vị cư trú của người Khmer bao gồm một số gia đình quần tụ trong một khoảnh đất nhất định. Đây không phải là đơn vị hành chính mà là một đơn vị cư trú mang tính chất truyền thống. Phum tiếng Khmer có nghĩa là "đất", "thổ cư" hay "vườn" [130, tr.73].
Giáo sư Som Sun Un trong "Lịch sử Campuchia" cho biết: Phum có từ thờii vương quốc Phù Nam còn lưu truyền cho đến bây giờ. Thậm chí còn trước thời kỳ đó nữa [51, tr.29]. Thời đó, cư dân ở đây đã sống tập trung thành phum, không còn du canh du cư. Họ đã có tiếng nói, sống trong những ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa nước, dùng búa để đốn gỗ, dùng đá mài để cọ lửa, dùng hũ đựng lúa, dùng chậu đựng nước và rượu. Họ trồng lúa nước, dùng lưỡi hái bằng đồng hoặc xương sườn thú để gặt lúa [51, tr.26]. Cũng theo Som Sun Un thì ở Campuchia không có dạng phum như vậy, người ta cất nhà rải rác khắp nơi, nếu nơi nào có dạng phum như thế ấy chính là do người Khmer gốc từ đồng bằng sông Cửu Long đến làm ăn sinh sống lập ra [51, tr.27]. Nhà trong phum làm bằng gỗ và mái được lợp bằng lá dừa nước. Lá dừa nước là một đặc trưng củạ đồng bằng sông Cửu Long mà Campuchia không có. Ở Campuchia lợp nhà bằng lá thốt nốt hoặc cỏ tranh [51, tr.29].
Đặc điểm cư trú của người Khmer Châu Đốc khác với người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Nếu phum, sóc của người Khmer Trà Vinh, Sóc Trăng được xây dựng trải dài theo các dải đất "giồng" thì phum, sóc của người Khmer Châu Đốc được lập quanh các chân núi, sườn đồi theo hình "vành khăn" ở Ba Thê, Thất Sơn.
Cơ cấu của phum thường gồm hàng rào tre xung quanh cổng phum, khu dân cư, chuồng gia súc, đất vườn hay rẫy. Mỗi phum có tên gọi riêng, thường là tên vị tổ sáng lập ra phum. Quy mô từng phum có thể một nhà hay 5-10 nhà hoặc nhiều hơn. Sự phát triển dân cư trong phum bắt nguồn từ một gia đình, các thành viên trong phum là con cháu của gia đình đó. Đặc điểm phổ biến của người Khmer trong hôn nhân là cư trú phía vợ, đặc điểm đó nổi lên đậm nét trong từng phum. Nghĩa là, các đôi vợ chồng mới cưới khi ra ở riêng thì cất nhà ngay bên cạnh nhà bố mẹ vợ trong cùng một phum. Vì vậy, thành viên trong phum thường có quan hệ huyết thống hay quan hệ hôn nhân với nhau tính theo dòng nữ. Người đứng đầu phum không có ý nghĩa về mặt hành chính mà chỉ có ý nghĩa thân tộc.
Việc quản lý phum do một "mê-phum" đứng ra đảm nhiệm. Mê-phum có thể là một người đàn bà hoặc một người đàn ông có tuổi tác, có uy tín và thuộc thế hệ trên hoặc đóng vai trò lớn trong dòng họ. Mê-phum có nhiệm vụ thay mặt cho các thành viên của phum về mọi công việc trong phum và mối quan hệ giữa các phum trong sóc. Những công việc đó thường nặng về các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng như cúng neak tà, arak của phum (cúng thần dòng họ phum), tổ chức việc lên chùa trong các ngày lễ (Wêl), vận động các gia đình trong phum giúp đỡ lẫn nhau, việc hiếu, hỷ,... Sinh hoạt của phum mang tính chất cộng đồng và tự quản của một tập thể người vừa có quan hệ huyết thống, vừa có quan hệ của những ngươi láng giềng trong một khu vực cư trú.
Tuy nhiên từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, trong quá trình khai phá đất Châu Đốc, một bộ phận cư dân Việt, Hoa, Chăm đến sinh sống xen kẽ với người Khmer. Trịnh Hoài Đức đã viết trong Gia Định thành thông chí, người Việt, người Tàu và người Cao Miên "nhà ở kế cận nhau, kết thành thôn lạc, chợ quán để thu lấy nguồn lợi ở chằm rừng, sông núi" [21, tr.51]. Cùng với các bộ phận cư dân Việt, Hoa, sự tác động của bộ máy chính quyền Nguyễn khi can dự vào bộ máy quản lý xã hội ở đây đã làm cho kết cấu tổ chức phum, sóc trong xã hội truyền thống của người Khmer có những biến đổi.
Tóm lại, phum của người Khmer ở Châu Đốc không phải là một đơn vị hành chính mà là một đơn vị cư trú nhỏ của những người có cùng quan hệ huyết thống. Tính cộng đồng của các thành viên trong cùng một phum khá chặt chẽ, không chỉ biểu hiện về huyết thống, về đất đai, về thờ cúng,... mà còn thấy rõ trong quan hệ tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và sinh hoạt.
* Sóc: Sóc là một tổ chức xã hội bao gồm nhiều phum. Sóc vốn tiếng Khmer là "srok". Trong tiếng Khmer Nam Bộ, sóc có nhiều nghĩa "một khu vực cư trú", "quê hương", "xứ sở", "địa phương", ở Campuchia, từ "srok" có nghĩa là một khu vực hành chính tương đương một huyện, ở Nam Bộ, người Việt đã Việt hoá từ "phum, srok" thành "phum, sóc" để chỉ những khu vực cư trú của người Khmer tương tự như các làng của người Việt.
Tính cộng đồng của sóc thể hiện rõ trên lĩnh vực cư trú và tôn giáo. Giữa các sóc có ranh giới theo quy ước. Ranh giới đó có thể là luỹ tre, gốc cây cổ thụ, lối mòn,... Dân sóc canh tác đất rẫy ngay trong sóc và đất ruộng chung quanh sóc. Không có chế độ ruộng công của sóc như làng xã người Việt, cho nên sóc hầu như không có tính cộng đồng dựa trên chế độ ruộng công [130, tr.36]. Nhưng không phải vì vậy mà cho sóc là một tập hợp dân cư gần nhau về địa lý mà không được tổ chức, không có quan hệ hữu cơ. Sóc có tính cộng đồng khá chặt chẽ của nó, thể hiện đậm nét nhất ở mặt tôn giáo, đó là nhà chùa. Ngôi chùa là nơi tiêu biểu cho bộ mặt phum, sóc, là nơi thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Nó không chỉ là trung tâm tôn giáo, văn hoá và trường học... của người Khmer, mà còn là nơi tiêu biểu cho bộ mặt của phum, sóc. Có thể nói, đời sống tinh thần của người Khmer là ở chùa, chùa là sợi dây liên kết cư dân trong sóc không chỉ về mặt tư tưởng mà còn về mặt tổ chức. Từ chùa đến người dân trong sóc có một hệ thống tổ chức khá chặt chẽ và có hiệu lực.
Quản lý sóc, có một tổ chức nhân sự gồm một người đứng đầu gọi là "mê sork", có nghĩa là "mẹ sóc", "chủ sóc” và các cộng sự viên chuyên trách các công việc công cộng. Chủ sóc và các thành viên quản trị sóc thường là những người có tuổi, có kinh nghiệm và uy tín được dân chúng tín nhiệm bầu lên để quản lý phum, sóc. Theo truyền thống tự quản, các mê phum, mê sóc chăm lo những công việc chung như giữ gìn trật tự an ninh trong sóc, giải quyết mọi tranh tụng giữa các gia đình thành viên, vấn đề nhân sự, ruộng đất, quản lý sử dụng tài sản công như nguồn nước, bãi đất công, khu rừng... tổ chức lễ hội, các cuộc vui trong sóc và trong vùng. Thông qua "mê-sork" các mệnh lệnh, quy định, chính sách của nhà nước được truyền đến các thành viên và ngược lại.
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2021, 10:05:40 pm » |
|
Một trong những trách nhiệm của quản trị sóc là duy trì thường xuyên mối quan hệ giữa nhà chùa và các thành viên trong sóc. Mê-sóc và các thành viên sẽ gặp gỡ và bàn bạc với các sư cả (luk-krou) và ban quản trị chùa (nhom-wat) về những việc có liên quan đến hoạt động của nhà chùa, cũng như các nghĩa vụ tôn giáo của các thành viên trong sóc. Các mê-phum, mê-sóc sẽ tham gia các buổi lễ cúng tế làm phước của tín đồ hiến dâng lễ vật cho chùa, cũng như việc quyên góp để tự tạo cho chùa. Điều này cũng thể hiện sự tác động của nhà chùa trong việc quản lý xã hội người Khmer, thể hiện mối quan hệ giữa nhà chùa, sư sãi với các thành viên của phum, sóc.
Duy trì sự tồn tại và vận hành của phum, sóc còn là trách nhiệm chung của các thành viên phum, sóc (kon-sork). Mối quan hệ giữa các thành viên trong sóc mang tính chất bình đẳng, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Trách nhiệm của các thành viên là nghiêm túc chấp hành các quy định tập tục truyền thống của phum, sóc, giữ gìn đoàn kết và an ninh trong sóc, thực hiện một cách tự giác các nghĩa vụ đóng góp, phục vụ đối với nhà chùa.
Sóc là một đơn vị kinh tế riêng biệt gần như đóng kín. Hoạt động kinh tế của sóc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và mang tính chất tự cấp tự túc. Sóc còn là một đơn vị tín ngưỡng. Trong sóc thường có một chùa, hoặc nhiều hơn để thò Phật (năm 1889 ở Châu Đốc có 27 sóc nhưng có đến 44 chùa [156, tr.53]) có sãi trụ trì. Sãi cả là người có quyền lực cao nhất trong vùng có cảnh chùa. Tất cả cư dân trong sóc đều chịu sự điều khiển của nhà chùa về cả việc đạo lẫn việc đời. Thông qua hoạt động của nhà chùa, người dân duy trì được các phong tục tập quán, những truyền thống văn hoá của dân tộc. Mỗi chùa đều có ban quản trị chùa (nhom-wat) lo về mặt quản lý những hoạt động tôn giáo của cư dân trong phum, sóc. Đạo Phật Tiểu thừa có vai trò độc tôn trong sinh hoạt xã hội của người Khmer, do đó sư sãi được đặc biệt kính trọng. Dù các sư sãi không trực tiếp tham gia quản lý phum, sóc nhưng những ý kiến của họ vẫn được mọi người coi trọng [146, tr.70] trong sự vận hành các hoạt động của phum, sóc.
Kể từ nửa cuối thế kỷ XVIII, khi thành lập đạo Châu Đốc, những người Khmer vùng này vẫn còn sinh sống tự do ở vùng núi Thất Sơn. Sang thế kỷ XIX, trước nhu cầu quản lý lãnh thổ và phát triển kinh tế, xã hội ở một vùng biên thuỳ phức tạp, nhà Nguyễn cho thành lập phủ Tĩnh Biên (1839). Những người Khmer Châu Đốc vốn tồn tại với những thiết chế xã hội truyền thống tự quản của các phum, sóc, đến đây phải chấp nhận một cơ cấu hành chính phong kiến của nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn phong chức tước cho những người đứng đầu địa phương các "châu-wai", "mê-sork" để họ trở thành quan chức của triều đình [1, tr.159]. Tháng 3 năm Mậu Tuất (1838), triều đình chuẩn cho các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên bảo ban dân trong hạt cho con em học tập chữ Kinh. Những người Khmer biết được nghĩa sách chữ Hán thì được đặt làm tổng trưởng, lý mục để khuyến khích [98, tr.78]. Triều Nguyễn thông qua những người này và hệ thống quản lý xã hội truyền thống của họ để quản lý cư dân Khmer.
Là vùng biên giới thường xuyên xảy ra chiến tranh xâm lược, tranh chấp lãnh thổ và tộc người, triều Nguyễn đã có những chính sách văn hoá, xã hội, nhằm làm cho những yếu tố Việt được giữ tính cách chủ thể. Ở đây, triều Nguyễn cũng đã noi theo kinh nghiệm quản lý xã hội của người Trung Hoa, tư tưởng "Thư đồng văn, xa đồng quỹ, hạnh đồng luân" của Nho giáo, tư tưởng thống nhất lãnh thổ văn hoá. Cho đến năm 1828, lời tâu của quan cai cơ Tĩnh Biên về "Người Man Lão đã thấm nhuần giáo hoá, đồ ăn mặc của dân gian phần nhiều theo người Hán (Việt)" [89, tr.87] thể hiện rõ điều trên. Triều Nguyễn ra lệnh người Khmer "lần lượt học tập, tiếng nói, áo mặc, ăn uống của người Kinh" để theo giáo hoá. Đồng thời, cũng sai người Kinh học chữ Khmer để cho "tình ý thông nhau", "cho phong tục có khác nhau mà dần dần làm văn tự và luân lý cùng giống nhau tốt đẹp" [98, tr.78]. Năm 1839, triều Nguyễn đặt tên họ cho người Khmer ở vùng An Giang, Hà Tiên và cho người Việt và người Khmer ở xen kẽ nhau để "làm ăn cùng xen lẫn, trông nhau mà bắt chước lẫn nhau” [110, tr.268]. Nhà Nguyễn sử dụng chính sách "lưu quan" bằng người Việt và tổ chức bộ máy hành chính xuống tận cơ sở tổng xã [1, tr.162]. Cùng với bộ máy hành chính phong kiến, bộ phận người Việt, Hoa đến sinh sống, lập làng xen kẽ các phum, sóc đã dần dần làm thay đổi bước đầu bộ mặt xã hội truyền thống của người Khmer Châu Đốc.
Cũng trong thế kỷ XIX, cùng với những ảnh hưởng chính trị từ bên ngoài vào, chiến tranh biên giới xảy ra, một bộ phận người Khmer Châu Đốc bị lôi kéo, cùng với sự phản ứng lại chính sách của nhà Nguyễn đã đứng lên chống lại triều đình. Trước âm mưu của Xiêm La và tình hình rối ren phức tạp của Chân Lạp, xã hội Khmer Châu Đốc bị xáo động liên tục từ đời Minh Mệnh đến đời Tự Đức. Tuy nhiên, cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược, những cơ cấu của xã hội cổ truyền của người Khmer vẫn được bảo tồn trong một số phạm vi và mức độ nhất định.
Dưới chế độ thực dân cuối thế kỷ XIX, để phục vụ cho lợi ích khai thác thuộc địa, kiểm kê dân số, thu thuế khoá, lao dịch... thực dân Pháp bắt người Khmer phải mang hai họ Chau (chàng) cho nam và Neáng (nàng) cho nữ. Từ đó, những họ trên trở thành họ chính thức của người Khmer cho đến nay.
Tóm lại: Người Khmer Châu Đốc là những cư dân nông nghiệp, cấu trúc xã hội của họ là những tổ chức truyền thống dựa trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp. Phum, sóc là những cấu trúc cơ bản tiêu biểu cho những đặc điểm xã hội cổ truyền của người Khmer Châu Đốc. Tính cộng đồng của phum, sóc khá chặt chẽ, ở phum, tính cộng đồng chủ yếu về mặt huyết thống, cư dân trong phum hầu hết họ hàng với nhau. Còn sóc thì mang tính chất một công xã láng giềng, trong đó nhà chùa với giáo lý, hệ thổng tổ chức và ảnh hưởng chi phối của nó giữ một vai trò quan trọng gắn bó các cư dân. Cơ cấu xã hội của phum, sóc Khmer được vận hành dựa trên những tập tục truyền thống và mang đậm dấu ấn của Phật giáo Tiểu thừa. Sự đan xen hoà hợp giữa truyền thống dân tộc và tôn giáo ở vùng biên giới thường xảy ra trong tranh chấp lãnh thổ và tộc người khiên cho phum, sóc Khmer phải trải qua nhiều biến động. Thế kỷ XIX, bộ máy hành chính phong kiến của triều Nguyễn đã tham dự vào quản lý phum, sóc và cùng với quá trình chung sống với các tộc người khác Việt, Hoa, Chăm,... đã làm thay đối một số nét cấu trúc. Những nguyên tắc vận hành và quản lý phum, sóc theo truyền thống đã bị lôi cuốn theo cơ cấu hành chính của chính quyền phong kiến. Xã hội phum, sóc được quản lý bởi hai cơ chế song song với nhau, sự quản lý hành chính của nhà nước và sự tự quản lý của phum, sóc. Mặc dù đã ít nhiều làm quen với những tác động khách quan từ bên ngoài du nhập vào phum, sóc, những người Khmer Châu Đốc vẫn căn bản giữ lại bên trong không gian phum, sóc, cách ly phần nào với những chuyển động của xã hội bên ngoài, bảo tồn, duy trì tình trạng ngưng đọng, chậm tiến. Những thiết chế xã hội truyền thống này vẫn còn bảo lưu, tác động lâu dài và chi phối không ít cuộc sống của người Khmer.
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #18 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2021, 10:06:30 pm » |
|
c- Tổ chức xã hội người Chăm
Xã hội người Chăm ở Châu Đốc là một xã hội khép kín và riêng biệt hắn giữa các sắc dân ở đây. Người Chăm sống trong những làng riêng biệt của mình, gọi là palay. Mỗi palay thường có nhiều xóm gọi là "puk". Mỗi thôn xóm được tổ chức như một đơn vị hành chính. Đó là những tổ chức xã hội cổ truyền của người Chăm.
Để quản lý xã hội, trong hệ thống quản lý cổ truyền của từng palay có một số chức vụ: mỗi palay có một vị hakim, một vị naếp và một sei ahly (trưởng xóm). Số ahly tuỳ theo quy mô của làng, có nhiều hay ít xóm, ít hay nhiều các surao. Có thể xem đây là một bộ máy tự quản của các palay trong xã hội cổ truyền của người Chăm ở đồng bằng sông Cửu Long và tiêu biểu nhất trong xã hội người Chăm ở Nam Bộ nói chung.
Người lãnh đạo tôn giáo và quản lý xã hội cao nhất palay, cả "thần quyền" và "thế quyền" trên hết là một vị "hakim". Hakim thường là một vị bô lão gương mẫu, có uy tín, có kiến thức đạo giáo sâu rộng và thông hiểu tập quán của dân tộc. Ông được dân chúng bầu lên và đảm nhận trách vụ mãn đời. Hakim có nhiệm vụ quản lý thánh đường, các surao (thông qua ahly) theo dõi việc thực hiện các bổn phận của tín đồ Hồi giáo và tổ chức các ngày lễ tôn giáo, dựa vào giáo luật giải quyết các vụ tranh tụng giữa các thành viên palay [15, tr.312j. Bên cạnh hakim, trong thôn ấp còn có vị phụ tá gọi là naếp do hakim chỉ định, với sự đồng ý của thành viên, trong số những người thông hiểu giáo lý để giải quyết giữa các thành viên trong thôn ấp, cùng chăm sóc theo dõi mọi việc liên quan đến sự hành đạo của tập thể. Ngoài ra, ở mỗi puk (xóm) còn bầu một vị trưởng xóm (ahly). Ahly có nhiệm vụ trông nom surao (nhà nguyện), giúp đỡ tín đồ thực hiện các nhiệm vụ tôn giáo trong phạm vi xóm. Trong những trường hợp quan trọng ahly sẽ nhờ đến hakim giải quyết.
Theo tục lệ, vị ahly được mọi người xem như là anh cả (ngay-ta-ha = người già cả) đứng đầu xóm, cộng sự với hakim, họp thành một cơ quan, có thể coi như là cơ quan quản trị thôn xã trong nội bộ cũng như trong tương quan của tập thể này đối với tập thể khác. Trong những ngày thường, vị ahly phải coi việc quản trị tiểu thánh đường (surao), nơi đây cũng được xem là nhà hội của một xóm. Hằng ngày dân trong xóm đến hành lễ (săm bah yăng) tại surao. Chỉ đến ngày thứ 6 và những ngày thánh lễ, tín đồ mới tụ họp tại thánh đường chính gọi là masdjid, được xây cất đồ sộ theo kiến trúc các thánh đường Hồi giáo khác. Masdjid khác surao ở điểm, surao chỉ là một ngôi nhà nhỏ, của một xóm dùng làm nơi hành lễ và đồng thời là nơi họp bàn các vấn đề có tính chất lợi ích chung và nhân đó người ta có thể ăn uống tại đấy. Trái lại, masdjid là một nơi trang nghiêm tuyệt đối, khi bước vào người ta không được nói gì, làm gì ngoài việc đọc thánh kinh.
Do chức năng của mình, hakim có thể bãi chức naếp và các ahly. Đồng thời vị hakim có thể bị dân chúng bãi nhiệm nếu ông vi phạm các điều nghiêm cấm của giáo luật đạo Hồi. Tiêu chuẩn chọn các vị hakim, naếp và ahly nói chung là những người am hiểu giáo lý Hồi giáo, tập quán vá là tín đồ gương mẫu. Cố vấn cho các hakim, naếp và ahly còn có các vị bô lão vốn có một kinh nghiệm sống và am hiểu tập tục Hồi giáo. Nhất là các vị imâm, các ông tuôn (thầy dạy), những người được mang danh hiệu hadji (người từng đi hành hương tại Thánh địa La Mecque), là những người có kiến thức và uy tín nhất định.
Bộ máy tự quản của từng palay hoạt động chủ yếu dựa trên giáo luật Hồi giáo, mà nền tảng pháp lý của nó chính là thánh kinh Coran. Chính vì vậy mà nó vừa phải chăm lo giải quyết việc đòi lẫn việc đạo. Mỗi thành viên của palay đồng thời là một tín đồ Hồi giáo sống trong cộng đồng Hồi giáo của mình. Cơ sở quyền lực của bộ máy ấy vừa là thần quyền vừa là thế quyền và nó được mọi thành viên trong palay tín nhiệm một cách dân chủ. Vị hakim do đó còn là "giáo cả" trực tiếp trông nom thánh đường. Mặc dù không hưởng một quyền lợi vật chất nào, nhưng về mặt tinh thần thì đó là một vinh dự lớn lao mà mọi thành viên dành cho họ.
Tầng lớp lãnh đạo tinh thần: Bên cạnh tầng lớp quản trị xóm ấp của người Chăm, ở vùng Châu Đốc còn có hệ thống quản lý xã hội palay dựa trên cơ sở giáo luật Hồi giáo và tập trung quyến lực xã hội vào thánh đường. Đó là tầng lớp lãnh đạo tôn giáo thuần tuý gọi là halâu tnưng akkama. Họ là những vị hadji, imâm, khotib, bilăl trong từng palay: bilăl (muszin) người làm nhiệm vụ kêu gọi tín đồ làm lễ vào trưa ngày thánh lễ (thứ 6 hằng tuần); khotib: người giảng giải giáo lý kinh Coran cho tín đồ tại thánh đường vào ngày thánh lễ; imâm: người hướng dẫn tín đồ thực hiện nghi thức cầu nguyện vào ngày thánh lễ,...
Các chức vụ trên do dân cử trong những người có đạo đức, uy tín, được tín đồ tín nhiệm. Tuy nhiên, họ không phải là một chức sắc của tôn giáo mà được cắt đặt luân phiên giữa các vị có khả năng có thể cáng đáng công việc.
Khi hành lễ họ phải mặc những chiếc áo dài chấm gót, đầu vấn khăn. Dù không phải là giới tăng lữ nhưng họ vẫn được tín đồ trọng vọng, vị nể [14, tr.19].
Đối với người Chăm Châu Đốc, kinh Coran là tất cả. Đó là lẽ sống, là đạo đức của con người, là cách ứng xử và pháp luật quản lý xã hội palay. Người Chăm có đức tin khá mạnh vào thánh Allah, tin vào ngày tận thế, vào ngày phán xử cuối cùng và họ mong được sống cõi tâm linh trên thiên đường sau khi từ trần. Người đàn ông Chăm chịu ảnh hưởng giáo lý Hồi giáo sâu sắc hơn nữ giới, bởi vì chính họ, theo giáo luật hằng ngày phải đến thánh đường để nghe giảng kinh, còn nữ giới thì không bắt buộc. Mỗi ngày người Chăm phải cầu nguyện ở thánh đường hay ở surao hoặc nơi khác 5 lần. Trưa thứ 6 hằng tuần là ngày lễ thánh bắt buộc nam giới tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục cổ truyền nghiêm chỉnh để đến thánh đường nghe giảng kinh Coran [7, tr.236].
Điểm đặc biệt là khác với gia đình mẫu hệ của người Chăm miền Trung, ở người Chăm Châu Đốc chế độ gia đình phụ hệ đã được xác lập. Do ảnh hưởng của giáo luật và tập tục đạo Hồi, địa vị phụ nữ trong xã hội bị liệt vào hàng thứ yếu. Họ không được đến thánh đường và nghĩa địa, là những không gian linh thiêng. Vai trò chủ thể trong kinh tế - xã hội thuộc về đàn ông đã góp phần xoá bỏ dần tàn dư chế độ mẫu hệ của người Chăm. Quyền thừa kế tài sản phần lớn thuộc về con trai, đàn ông, dù vẫn còn bảo lưu một vài yếu tố tàn dư mẫu hệ (tục đưa rể, con gái vẫn được hưởng một phần tài sản...) [146, tr.259].
Như vậy, ở người Chăm Châu Đốc bộ máy quản lý xã hội với hệ thống hakim, hadji tổ chức chặt chẽ và có nhiệm vụ xã hội rõ rệt. Ngoài ra, do sự ràng buộc của tập tục... gắn liền với tôn giáo và những chế tài, kỷ cương khá khắt khe, nó có đủ uy lực chế ngự khiến con người phải kiêng dè. Đời sống cộng đồng và xã hội dường như gắn liền với đời sống tôn giáo. Xã hội người Chăm Châu Đốc là một xã hội khép kín, những xóm làng biệt lập và không cách xa xóm làng người Việt nhưng nếp sống của họ có những đặc điểm riêng, tập tục riêng. Mỗi surao hay mỗi cụm làng là một giáo khu có một thánh thất (surao). Cả vùng có một thánh đường (mosqué), mỗi khu có một trưởng giáo khu (hakim), có một số vị tư tê (imâm) và một số vị phó tư tế (katib) là những ngươi trông coi tín đồ. Trong phạm vi hẹp hơn còn có bilăl, có chức năng như giám thị và thường giữ vai trò phụ lễ. Nói chung, imâm là những người có vai trò quan trọng và thiết thực hơn cả, là những người phụ trách cả phần đạo và phần đời của mỗi đơn vị dân cư - tín đồ [61, tr.57]. Xã hội ở đây dường như là xã hội phụ hệ, xã hội của đàn ông con trai, giới phụ nữ bị xem nhẹ, bị lùi về sau bức màn, sống trong sự kín đáo, ít giao tiếp với bên ngoài.
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
quansuvn
Moderator

Bài viết: 6229
|
 |
« Trả lời #19 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2021, 10:07:08 pm » |
|
d- Tổ chức xã hội người Hoa
Sự hình thành và phát triển cộng đồng người Hoa ở Việt Nam là một quá trình lâu dài, liên tục, gắn liền với những biến động lịch sử trong đời sống chính trị hai nước. Những biến động đó đã đẩy một bộ phận người Hoa rời khỏi Tổ quốc của mình ra nước ngoài sinh sống, trong đó có một bộ phận người Hoa đã đến Việt Nam. Quá trình đó bắt đầu diễn ra mãnh liệt vào cuối thế kỷ XVII, kể từ khi người Mãn Thanh đánh bại triều Minh lên cầm quyền ở Trung Quốc. Những cư dân "Minh mạt Thanh sơ" lánh ra nước ngoài, chờ thời cơ về chống Thanh và khôi phục cơ đồ nhà Minh.
Do những điều kiện chính trị và kinh tế thuận lợi, với chính sách khá cởi mở, chúa Nguyễn lại đang cần nhân lực để khai phá vùng đất phía Nam, nên năm 1679 đã cho nhóm người Hoa là Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho, nhóm Trần Thượng Xuyên ở Biên Hoà, ở Hà Tiên cũng có Mạc Cửu. Họ đã phá rừng, làm ruộng, lập nên xóm thôn, mở chợ buôn bán và thu hút đến đây nhiều kiều dân Trung Hoa di cư khác nữa. Đến năm Mậu Dần (1698), khi tổ chức hành chính vùng Nam Kỳ, chúa Nguyễn cho người Hoa ở Đông Phố và Đồng Nai lập thành thôn xã riêng. Nên lần đầu tiên ở Nam Kỳ có tổ chức Thanh Hà xã và Minh Hương xã của người Hoa. Tuy nhiên, tổ chức xã hội Thanh Hà xã và Minh Hương xã đã ra đời ở miền Trung ít nhất đã từ giữa thế kỷ XVII [31, tr.18]. Điều này được Chen Ching Ho dẫn chứng bằng tấm biển sắc phong ghi "Khánh đức Quý Tỵ niên cốc đán thư" treo ở Quan Công miếu Hội An. Khánh Đức là niên hiệu Lê Thần Tông và Quý Tỵ niên là năm 1653. Vì vậy, Chen Ching Ho khẳng định: ít nhất là năm 1653, Hội An Minh Hương xã, tức Minh Hương xã đầu tiên của Việt Nam đã được sáng lập [31, tr.18].
Theo những tư liệu lịch sử, Chen Ching Ho cho rằng: ngay từ đầu các Minh Hương xã thực chất là những đơn vị hành chính tự quản như làng xã Việt và có bộ máy hương chức như cai xã, hương quan, hương lão và hương trưởng [32 tr.10]. Cai xã là ngươi đứng đầu của Minh Hương xã, hương lão là trưởng lão của xã, là người đại diện của làng, đồng thời là người chủ toạ của hương hội. Hương lão do mấy vị tiến bối trong hương trưởng đảm nhận. Đến thế kỷ XIX, hương lão cũng gọi là hương thân hoặc hương mục, thường có 2 viên, chức vụ của một viên là thủ sắc (coi giữ các sắc lệnh), còn một viên khác là thủ bộ (giữ các giấy tờ công văn). Hương trưởng là những nhân sĩ danh giá và có thể lực trong làng, cũng là đại diện của dân xã. Theo thường lệ, người nào làm hương trưởng phải có "bút toán sao thông, gia tư vật lực" (nghĩa là phải thông chữ nghĩa và phải có tài sản) mới được đảm nhận.
Căn cứ vào tình hình trên thì, Minh Hương xã cũng như các làng khác, là một đoàn thể tự trị, tất cả công việc trong xã đều theo hợp nghị mà định đoạt. Quy chế này đại khái được duy trì cho đến đầu thế kỷ XIX, nhưng do sự gia tăng dân số và phát triển hành chính nên đến đời Minh Mệnh, thấy có thêm mấy chức vụ mới trong hương chức: chính trưởng, là người đứng đầu một lân; phụ trưởng là phụ tá cho chính trưởng; giáp thủ, chuyển đạt chính lệnh của quan nha hoặc coi việc liên lạc giữa các hương chức và dân xã (chức này đã có xuất hiện từ năm 1750) [32, tr.14].
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng từ "xã" trong "Minh Hương xã" không phải dùng để chỉ một đơn vị hành chính như xã thôn, mà chỉ mang ý nghĩa là một tổ chức "về mặt cai trị", vì xã của Minh Hương không có đất đai, ranh giới và người trong "xã" ấy cư ngụ ngay trên đất của làng xã người Việt [149, tr.22]. Ý kiến này rất đáng được lưu ý. Tuy nhiên, theo Chen Ching Ho thì Minh Hương xã Hội An có lãnh thổ hẳn hoi, đến năm 1878 có chừng 22 mẫu 1 sào 3 thước và 10 lân phụ thuộc [32, tr.9]. Về sau, trong các tỉnh đều có nhiều xóm người Minh Hương ở và họ được gọi là "người Minh Hương”. Lâu ngày thành lệ, tiếng Minh Hương trước kia để chỉ một thôn, một xã của người Minh Hương, sau lại dùng để gọi những người lai cha Tàu mẹ Việt [149, tr.22].
Phải nói rằng, ở Đàng Trong thời kỳ trước năm 1802, các chúa Nguyễn đã thi hành một "chính sách thân thiện" với người Hoa. Năm 1780, Nguyễn Ánh tiếp tục chính sách với người Hoa như những đời chúa trước. Năm 1790, Nguyễn Ánh ban hành một chỉ dụ, xếp Hoa kiều theo quê quán, chẳng hạn Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu,... và cho cai phủ (tổng thư ký) và ký phủ (thư ký) điều khiển họ. Nguyễn Ánh cũng ban hành một sắc luật, theo đó mỗi người Hoa phải đóng thuế và phục vụ cho quốc gia với tư cách là một người lính hoặc một người dân [22, tr.163]. Những người Hoa được xếp loại bởi quê quán và ghi vào sổ bộ trong năm 1790, là nguồn gốc của hệ thống "bang" (tổ hợp của những người cùng miền) của ngươi Hoa về sau. Tuy nhiên, ngày tháng chính xác về sự khai sinh thật sự của hệ thống này ta không được biết, bởi mãi tới năm 1810 chữ "bang" mới lần đầu tiên xuất hiện trong sử liệu Việt Nam. Sách Thực lục ghi: "Năm Canh Ngọ, tháng 11, sai bang trưởng Quảng Đông là Hà Đạt Hoà thuê ba người thợ làm ngói ở Quảng Đông khiến nung ngói lưu ly các sắc xanh vàng lục ở Khố Thượng (nay là gò Long Thọ), để cho công tượng học chế đúng theo như kiểu, xong rồi hậu thưởng cho về" [84, tr.97].
Như vậy, ít nhất đến năm 1810 hệ thống bang đã hiện diện ở Việt Nam. Vậy nhưng, Đào Trinh Nhất lại cho hệ thống bang ngươi Hoa được thành lập vào năm Gia Long thứ 3 (năm 1814) [59, tr.14]. Châu Thị Hải trong khi nghiên cứu về người Hoa cũng nói năm Gia Long thứ 3 (1814) là năm chế độ bang của người Hoa được thể chế hoá [26, tr.71], không rõ hai tác giả đã dựa vào tư liệu nào?
Sự phân chia Hoa kiểu ra từng bang theo đặc điểm đồng hương và đồng tiếng một phần nào đó giúp nhà nước tiếp xúc kiểm tra hoạt động của người Hoa. Thế nhưng, tổ chức bang ra đời trước hết đại diện quyền lợi của chính người Hoa, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc và xã hội cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Chúng ta không biết được chính xác thời gian ra đời chính thức của bang và thời gian người Hoa bầu ra bang trưởng. Đào Trinh Nhất có nói thời điểm ra đời bang trưởng người Hoa là năm 1824 [59, tr.14], cũng thiếu chính xác cả về niên đại lẫn sự kiện.
|
|
|
Logged
|
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
|
|
|
|