Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:04:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đông Dương ngày ấy - 1898-1908  (Đọc 3567 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2021, 07:20:50 pm »

Bây giờ tôi xin quay lại Hội Hiếu nhạc.

Từ khi các vở của chúng tôi được khẳng định, số hội viên tăng lên gần gấp đôi. Tuy nhiên, có điều kỳ lạ là sự thịnh vượng đó lại tạo chỗ đưa cho những bất mãn và thị phi, những tính cách thường thấy trong nhóm người Pháp ở Đông Dương.


Phải nói rằng ngày xưa các buổi dạ hội do hội tổ chức thường có hai loại hình giải trí phân biệt rõ ràng: một bên là cánh phụ nữ (các bà mẹ và các cô gái) chiếm các hàng ghế băng hoặc ghế phô-tơi trong phòng khiêu vũ để chờ đợi xem có anh chàng nào hạ cố nhảy với mình không, mỗi lần như vậy người được ưu tiên phải là bà hay cô dễ xúc cảm nhất; một bên là cánh đàn ông, các ông bố và chủ yếu là những anh không thích nhẩy, tụ tập nhau trong phòng chơi bài. Buổi dạ hội cứ diễn ra như vậy không hề có một sự giao lưu một - một nào giữa hai nhóm. Cứ thế cho tới khoảng bốn giờ sáng có một bà mẹ nào đó nói với con gái: "Ra nói với bố về". Thế là "chuyến xe bão táp" tiếp tục hành trình quanh chảo lửa ở địa ngục cho tới khi bà vợ thích nhảy đi ngủ... Một lần tôi dời Hội Hiếu nhạc vào lúc tang tảng sáng, buổi trưa quay lại vẫn thấy một nhóm đang chơi, quần áo nhàu nát, tóc tai bơ phờ, trừ tay thương gia Kalischer hói trụi đầu. Chắc chắn có người thua lớn và vẫn còn mong gỡ... Nếu các bà đủ kiên nhẫn chờ đợi nhảy bản van-xơ đầu tiên sau những lời giới thiệu rườm rà thì các ông, loại người không được giới văn chương và sân khấu có cảm tình lắm, lại nổi cáu vì không được lột nhau bằng bài bạc ngay từ sớm.


Có lẽ nhóm kịch chúng tôi vẫn yên ổn nếu cứ diễn những tiểu phẩm thời lượng co dãn được. Nhưng thảm họa giáng xuống đầu chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu có tham vọng dựng các vở hàng bốn năm màn. Các hội viên mới, những người tới hội chỉ vì các ca cảnh (tiết mục chính để hội tồn tại), có số lượng khá đông và không muốn thay đổi tiết mục. Việc chúng tôi dàn dựng các vở mới đã làm xáo trộn thói quen thưởng thức của một số sáng lập viên kỳ cựu có tiếng nói đáng kể trong ủy ban. Cứ mỗi lần chúng tôi đề nghị một vở mới nào là những người chống đối lại phê phán nào là chi phí tốn kém cho trang trí, nào là vở quá dài khán giả phải về muộn... Chúng tôi trả lời rằng chương trình nghệ thuật khó nuốt của chúng tôi sẽ đánh thức sự u mê của hội, rằng hội đang đè nén chúng tôi, rằng nhờ sự hỗ trợ của các hội viên mới nên thâm thủng tài chính trước đây đã được lấp kín mặc dù có những chi phí mới, rằng các diễn viên nghiệp dư có thể thực hiện các dạ hội riêng không có bi kịch. Nhưng nói thế nào thì nói, chẳng có cách nào vượt qua sự ương bướng đến kỳ quái của những người chống đối.


Có một sự cố bất ngờ được khai thác một cách ranh ma cho thấy cương lĩnh chống hài kịch rất có hệ thống. Chuyện như sau:

Đại úy Sénèque, chồng của cô bạn chủ chốt trong nhóm kịch của chúng tôi, không lên sàn diễn mặc dù anh là tác giả của bài hát nổi tiếng Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ (La petite tonkionoise - chú ý rằng tonkionoise chỉ phụ nữ Pháp ở Bắc Kỳ khác với congai chỉ phụ nữ Việt Nam - ND). Tuy không lên sân khấu nhưng con người hào hoa này lại có chân trong ủy ban lễ hội. Anh được trao nhiệm vụ kiểm soát vé ở cửa rạp sau khi những người lãnh đạo hội nhận thấy anh không dính dáng gì với các khán giả không được mời cũng như không đăng ký với hội. Thế là đại úy Sénèque, với vẻ rất lịch duyệt, đứng ở cửa rạp làm nhiệm vụ. Anh để những người xuất trình giấy mời hoặc những người anh biết là hội viên vào. Đối với những người khác anh xin lỗi được kiểm tra giấy mời. Mọi người biết rõ phù hiệu mới phát của ủy ban nên thực hiện yêu cầu của Sénèque rất tốt trừ một tay ba toác tên là Jail phá anh một cách trịch thượng: "Tôi là hội viên từ mười năm nay. Ai cũng biết tôi” - "Thưa ông, đúng vậy nhưng cá nhân tôi, tôi không có vinh dự đó. Tôi chỉ là một tên nô lệ của chiếc phù hiệu tôi đang đeo. Xin ông hãy mời một thành viên của ủy ban xác nhận tư cách hội viên của ông. Lúc đó tôi sẽ chịu ông. Thôi được, hay là xin ông cho biết tên" - "Tôi không cần phải ai xác nhận cũng không phải khai tên với ai".


Nói xong, người gọi là Jail cố vượt qua cửa bằng cách đẩy Sénèque. Viên đại úy cũng không vừa, anh đứng chắn ngang ra. Tay thô lỗ đành rút lui sau khi đe dọa sẽ làm rõ chuyện. Sự cố, rõ ràng có chủ ý trước, đã dẫn tới hậu quả không thể lường được. Phải chăng "ông" Jail đã nuôi ác cảm với đại úy Sénèque? Phải chăng đó là hành động chống sự áp đặt mang tính quân phiệt? Tôi không biết. Chỉ biết rằng tay đầu óc ngu xuẩn tối tăm đó đã làm náo động cả thành phố: thư độc giả, thông báo... kín các cột báo; ủy ban họp liên tục. Người ta thấy vụ việc thật đáng tiếc: bỏ qua sự đoàn kết vẫn có, một số thành viên ban lãnh đạo hội tỏ thái độ bất tín nhiệm Sénèque trong khi viên đại úy này chỉ có khuyết điểm là thực hiện nhiệm vụ được giao một cách mẫn cán.


Phải triệu tập một phiên họp toàn thể và cuộc họp diễn ra cực kỳ sôi động. Các diễn viên hài, được đa số các hội viên yêu sân khấu ủng hộ, dĩ nhiên đoàn kết với đại úy Sénèque. Chúng tôi cũng nói thẳng với ủy ban chúng tôi sẽ ngừng hoạt động nếu ủy ban buộc Sénèque phải xin lỗi ông Jail. Chỉ tội nghiệp cho vị chủ tịch tốt bụng Blanc. Ông liên tiếp đưa ra những ý kiến ôn hòa nhưng không dứt khoát đứng về phía nào do có một số quan hệ ràng buộc. Tóm lại, mặc dù có nguy cơ về sự rút ra của nhóm sân khấu, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy một bộ phận lớn của hội đồng quy tụ quanh ông chủ hiệu sách Schneider trưởng (con trưởng của Scheneider, chủ hiệu in đầu tiên ở Bắc Kỳ - ND) nhất định báo thù cho cái họ gọi là sự sỉ nhục một hội viên kỳ cựu. Tôi lao vào tranh cãi, nhấn mạnh rằng ông Schneider và nhiều người vây quanh ông ta nhận là hội viên kỳ cựu do sự đóng góp nhưng tôi chẳng bao giờ thấy họ có mặt trong các buổi dạ hội của chúng tôi và sự đột nhiên tích cực quá mức của họ thật lạ lùng. Không biết tôi nói có đúng không nhưng vô hình chung đại úy Sénèque đã tạo ra những tuyên bố hoặc tuyên bố ngầm của một số nhóm chính trị, xã hội đòi giải quyết vấn đề theo ý của họ để vuốt mặt cho một người của họ. Y như một phiên tòa thô bạo trong đó những câu đao to búa lớn ngớ ngẩn phát ra từ những chiếc miệng méo mó vì thù hằn. Tuy nhiên, những ý đồ đó chỉ vô vọng vì đa số đều bỏ phiếu tán thành đại úy Sénèque đã hành động phù hợp với chỉ dẫn của ủy ban lãnh đạo. Cái đau của vấn đề là nếu vụ việc không được đưa ra hội nghị toàn thể với sự ủng hộ của nhiều diễn viên sân khấu nghiệp dư có lẽ chính cái ủy ban ra chỉ thị cho Sénèque sẽ mang Sénèque ra tế cho lòng thù hận của những tay bài bạc.

Sau vụ này, tôi không còn dịp nào tiếp xúc với các "hội viên bí mật" nữa.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2021, 07:22:49 pm »

Sự cố xảy ra với đại úy Sénèque làm tôi nhớ tới một sự cố xảy ra mấy chục năm trước đây được báo chí làm ầm ỹ, liên quan tới một đại úy pháo binh thuộc địa tôi xin được dấu tên. Viên sĩ quan lịch sự hơi thái quá này có vợ rất đẹp và cũng khá lập dị. Chắc chắn đôi vợ chồng này sống ở Hà Nội khá chật vật so với đồng lương của họ vì người ta thấy họ nợ nhiều đến nỗi các cửa hàng của người châu Âu không cho mua theo thẻ tín dụng nữa. Sau khoảng thời gian này ít lâu có một vũ hội lớn ở Phòng Thương mại (Chambre de Commerce) lúc đó tọa lạc tại chỗ nay là ngôi nhà chính của sở Lưu trữ và Thư viện (Direction des Archives et Bibliothèque - nay là Thư viện quốc gia - ND) ở phố Borgnis Desbordes (nay là phố Tràng Thi - ND).


Mặc dù không có giấy mời nhưng đôi vợ chồng vẫn tới vũ hội. Khi họ bắt đầu nhảy thì có tiếng xì xầm trong giới thương gia chủ nợ của cặp vợ chồng. Họ hội ý nhau trong phòng chơi bài và, được sự đồng ý của văn phòng Phòng Thương mại, đề nghị một nhân viên tới báo cho cặp vợ chồng nếu không xuất trình giấy mời sẽ không thể ở lại trong phòng vũ hội. Để thực hiện nhiệm vụ tế nhị này, người thay mặt văn phòng phải chờ đức vua Thành Thái, có mặt trong vũ hội, nhảy xong với người vợ bốc lửa và ngát hương của viên sĩ quan. Viên sĩ quan tái người; anh ta phản đối cách xử lý mang tính xúc phạm nhưng nhân viên thay mặt Phòng Thương mại tỏ ra kiên quyết, cho biết sự nhất trí của các thương gia ủy quyền cho mình; viên đại úy gọi vợ và cả hai nhẫn nhục đi ra dưới những ánh mắt chế nhạo và dữ dằn của cử tọa đã được báo trước sự việc sẽ xảy ra.


Ông Danloux du Mesnil, một dân di thực chuyên chăn nuôi ở Bắc Trung Kỳ, có những tính cách rất xấu trong quan hệ với giới cầm quyền.

Nhận thấy mỗi khi tàu đến hoặc tàu đi (từ 1904 có tàu hỏa nối Hà Nội với Hải Phòng) số người đi trên sân ga rất đông, ban giám đốc đường sắt quyết định thu bốn xu cho một lần ra sân ga.

Thoạt đầu những người châu Âu chống đối lại chút ít nhưng rồi cũng thực hiện trừ ông Danloux. Hôm đầu, ông ta gạt người soát vé An Nam ra để vào, nói rằng mình không biết cái quy định bất hợp pháp mới ban hành này. Người soát vé báo cáo sự vi phạm nhưng mọi người không muốn gây sự với ông Danloux. Tuy nhiên, kỹ sư trưởng lại cho treo một thông báo ở một nơi rất dễ thấy như sau: "Những người đi đón hoặc tiễn khách đi tàu muốn vào sân ga phải mua một vé đặc biệt giá 0$04 (nghị định của Toàn quyền ngày....)". Khi ông Danloux tới, người soát vé chỉ cho ông thấy bản thông báo. Nhân vật của chúng ta chăm chú đọc, mắt sáng lên, sau đó vào sân ga không thèm để ý tới đoạn thông báo. Lần này, người soát vé gọi trưởng ga. Ông trưởng ga đi tới lễ độ nói với kẻ phạm tội: "Thưa ông, ông đã không mua vé vào sân ga, tôi buộc phải viết một bản báo cáo và ông có thể bị truy cứu..." - "Thưa ông trưởng ga, tôi sẽ không bị truy cứu hoặc nếu có bị truy cứu thì cũng không thể bị kết tội. Có lẽ ông đã làm tôi mất thời gian và cũng làm mất luôn thời gian của ông" - "Tại sao vậy ông Danloux? Tại sao lại có ngoại lệ cho riêng ông như vây?" - "Thưa ông trưởng ga, tôi có lý do chính đáng. Theo những gì tôi đọc trên thông báo thì chỉ những ai đi tiễn hay đón khách đi tàu mới phải mua vé qua cửa. Vậy mà, thưa ông, ông thấy tôi chỉ đi có một mình...".


Khi Danloux tới ga lần thứ ba, trong khi đang đọc bản thông báo thì ông trưởng ga đi tới nhẹ nhàng nói: "Thưa ông Danloux, lần này thì ông phải mua vé. Bản thông báo của chúng tôi lần trước viết không được rõ nên chúng tôi đã thay. Ông phải xem cho rõ - "Thưa ông trưởng ga, tôi đọc thấy những người lưu hành trên sân ga phải trả bốn xu" - "Thưa ông, đúng vậy" - "Vậy ý ông thế nào?" - "Ông phải trả tiền thôi, ông Danloux a". - "Không, tôi chẳng chi trả gì hết... vì tôi có lưu hành đâu. Từ lúc vào đây, tôi chỉ đứng dựa vào chiếc cột đúc này, chẳng động đậy nữa. Tôi không phải là đối tượng cho nghị định áp dụng".


Thế là Danloux thắng lần thứ ba.

Mấy ngày sau, Danloux không vào sân ga sau khi biết nội dung mới của banr thông báo: "Mỗi người vào sân ga phải trả 0$04 (nghị định...)".

Lần này thì tên cướp Danloux du Mesnil, ngươi đáng được xếp chung với bọn ương bướng của Courteline (nhà văn Pháp (1858-1929), tác giả nhiều vở hài kịch - ND), phải chịu thua; nhưng anh vẫn vênh vang: "Tôi phải vất vả lắm mới làm họ cho ra được bảng thông báo hoàn chỉnh như thế" và nhắc đi nhắc lại: "Nếu mấy thằng kỹ sư đó không phải là công chức chắc sẽ thông minh hơn chúng ta".


Danloux du Mesnil không chịu được Henri de Monpezat; anh tránh gặp và tuyên bố rằng mình không muốn có quan hệ tí nào với de Monpezat. Là cựu sĩ quan kỵ binh, Danloux có, giống như de Monpezat, một chuồng khoảng bốn mươi tới năm mươi con ngựa đua ở Bắc Trung Kỳ. Mỗi tuần, ngựa lại đi xe lửa tới các trường đua khác nhau ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh...


Trong số các ngựa đua của mình, Danloux tự hào về con Auguste có thể bỏ xa mọi đối thủ, nhưng con này, mỗi khi đã ở quá xa trên đầu, thường chạy chậm lại để nhập đàn với đồng đội và mười phần thì chắc đến tám là thế nào cũng chiếm vị trí thứ nhì, không bao giờ thứ ba hoặc thứ tư.


Một chủ nhật, bực mình với cái tật chỉ chịu chiếm vị trí thứ nhì của con Auguste, Danloux cho nó dự năm cuộc đua liền trong một ngày (vì điều lệ hồi đó cho phép như vậy) và báo trước nếu nó không quỵ trước khi họp đàn thì cũng sẽ bị bắn hạ ngay tại chỗ nếu không mang về giải nhất. Súng đặt trong xe cho con ngựa trông thấy. Nhưng con ngựa, có lẽ do muốn chết, nên trong cuộc đua nào cũng chạy chậm dần lại trước đích để chiếm vị trí thứ hai sau khi dẫn đầu rõ rệt trong các vòng trước đó. Con ngựa đặc biệt này hình như chế nhạo chủ nó: "Ông xem, tôi thừa sức chiếm vị trí thứ nhất nhưng tôi đã nhường để ông chỉ được giải nhì, nhưng như thế cũng đủ để ông nuôi tôi". Danloux nổi điên nói với mọi người: "Các anh thấy đấy, nó thắng năm lần liền một cách dễ dàng. Chẳng cần cố nó cũng năm lần về thứ nhì. Nó không cần tôi. Tôi sẽ giết nó". Nhưng mọi người can và khi Danloux rút súng ra, anh thấy súng đã bị tháo đạn. Chắc một người nào đó thương con Auguste đã tháo ra.

Cần phải mất nhiều trang để kể về con Auguste và những cuộc quyết đấu giữa chủ nó với Monpezat và các đối thủ khác.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2021, 08:10:57 pm »

Ông Edouard Picanon ngồi vào ghế tổng giám đốc quan thuế thay ông Jules Morel về Pháp vĩnh viễn. Trước khi thay ông Morel, ông Picanon đã qua các chức vụ thống đốc Nam Kỳ, thanh tra thuộc địa. Mặc dù có những xáo trộn thường diễn ra trong cơ quan công cử sau mỗi lần thay sếp, tôi vẫn được giữ lại trong văn phòng của tổng giám đốc mới và được đi nghỉ phép.


Các tòa nhà của ban giám đốc hồi đó nằm ở phố Balny (nay là phố Trần Nguyên Hãn - ND) gặp đại lộ Francis Garnier (nay là Đinh Tiên Hoàng - ND), chỗ ngày nay đang mở rộng nhà máy điện. Do các tòa nhà cũ kỹ này không thể chứa hết tất cả các phòng ban, nên người ta phải xếp một số phòng ban vào các ngôi nhà phụ trong khu nhà cũ của tổng đại lý rượu của ông Râoul Debeaux. Phòng nhân sự bản xứ, được phân kém nhất, đặt trong một chuồng ngựa cũ vẫn còn nguyên những máng cỏ khô. Chính bên những máng cỏ khô này, hàng ngày chúng tôi ngồi bình luận các sự kiện trong ngày. Có Pinder tinh tế trong nghệ thuật bếp núc, có Gabriel Caffaréna sắc sảo, thường đọc những áng văn đẹp, có Sénès hòa nhã đoán trước bệnh tật cho mọi người không cần chờ qua tuổi lên sởi, có Raoul Virgitti hay cười hiện nay là chánh thanh tra quan thuế ở Vạn Tượng (Vientiane)... và nhiều người khác nữa.


Còn có anh bạn thân mến Nguyễn Phan Long, hiện là một chính khách quan trọng. Anh lúc nào cũng ngồi suy nghĩ trong một góc của căn phòng nhỏ bé và kỳ lạ vì mùi phân ngựa, cố gắng hoàn chỉnh ngôn ngữ tráng lệ của chúng ta với các quy tắc tinh tế mà chính bạn, các bạn đọc, phải tuân thủ một cách dễ dàng.


Anh bạn đáng yêu Pinder, sinh ra và lớn lên ở đảo Martinique (thuộc địa của Pháp trong vùng biển Caribê ở Trung Mỹ - ND) dưới gấu váy của những người phụ nữ nên đã học được cách nấu nướng của họ và vượt qua được các ông thầy về nghệ thuật sống hàng đầu này. Khi chúng tôi tổ chức bếp ăn trong đó có Vatel, một người không thể thay thế được, chính Pinder là người nấu và bất kỳ món gì anh nấu chúng tôi cũng nuốt nước bọt ngồi chờ. Duy có điều Pinder là người lai (créole - người Pháp lai da den, khác với mulat, người Bồ Đào Nha lai da den - ND) nên chóng chán. Chỉ sau một giấc ngủ trưa là hứng thú nấu nướng của anh giảm xuống thành con số không.


Cha của Pinder là tổng ủy viên trưởng cơ quan hành chính quản trị quân sự và hàng hải. Chính ông là người, trong một văn bản, đề xuất ra những nguyên tắc cho sự quản trị tốt và khôn ngoan bằng câu sau đây: "về phương diện hành chính quản trị, cũng như trong tình yêu, phải đi tới cùng và không được ngại khổ.


Bếp ăn của chúng tôi nằm trên bến Thương mại (quai du Commerce), ngày nay đổi tên là bến Clemenceau (nay là đường Trần Nhật Duật, Hà Nội - ND), ở chỗ gặp phố Hàng Vôi (rue de la Chaux). Trong căn phòng chúng tôi gọi là "tủ áo" có bốn ông cơ quan thuế: Lorin, Lafargue, Babonneix và tôi. Babonneix là người Auvergne không nói ngọng. Anh có cảm tình đặc biệt với những ai có chút sạn điên rồ trong đầu. Con người độc đáo này luôn luôn phú cho các đồ vật một tính cách nào đó của người và có lần tôi đã nghe anh phàn nàn mãi về đôi giầy của mình chỉ vì có một cái lỗ hoặc phàn nàn về cái quản bút không dùng được ở văn phòng... Một lần, chiếc xe máy của anh nhất định không chịu nổ máy. Tôi ngạc nhiên thấy anh cầm búa đập như điên vào chiếc xe máy miệng hò hét: "Con bẩn thỉu! Mày nhất định không chịu mở miệng à!". Chiếc xe máy này là một chiếc xe cổ nằm trong số những xe đầu tiên nhập khẩu vào Bắc Kỳ mấy năm trước đó. Đó là chiếc Herstal, chủ sở hữu đầu tiên là ông Muraire, thu ngân viên ngành quan thuế. Tôi trở thành sở hữu chủ của nó với cái giá một trăm đồng khi Babonneix về Pháp. Đối với tôi, một người chẳng biết gì về máy móc, "con vật bẩn thỉu” này chơi khá đẹp vì không bao giờ tôi đối xử tệ với nó khi nó bất ngờ bỏ tôi bên Hồ Gươm hay trên đê Parreau (nay là đường Hoàng Hoa Thám - ND). Những lúc như thế, tôi đẩy nó tới nhà quen gần nhất, sau đó đi xe kéo về "chiếc tủ". Tôi nói qua cho người bồi xe ở đâu để anh ta đi tìm, thế là một giờ sau anh bồi cưỡi xe phóng về, hãnh diện bóp còi từ xa như để báo cho cả phố biết sự kém cỏi của tôi.


Ba mươi năm trước đây ở Bắc Kỳ, các nhân viên quan thuế rất có ảnh hưởng bởi số lượng đông đảo cũng như chất lượng khi tuyển dụng, nhất là có tác dụng tích cực của Hội Ái hữu do một số người trong chúng tôi thành lập. Hàng năm, ở Hà Nội và Hải Phòng, hội tổ chức một bữa tiệc lớn có sự tham dự của tổng giám đốc (phụ trách toàn Đông Dương - ND), giám đốc xứ Bắc Kỳ và tất cả các thanh tra. Theo sau bữa tiệc bao giờ cũng có trình diễn kịch của các nhân viên bộ phận hành chính. Buổi lễ kết thúc bằng một vũ hội mang tính chất nghề nghiệp: đó là cuộc họp mặt giữa các nhân viên với thủ trưởng. Tổng giám doc, dù là ông Morel hay ông Picanon, phát biểu ý kiến vào lúc ăn tráng miệng, biểu thị sự hài lòng đối với nhân viên hoặc đáp lại diễn văn của những người lãnh đạo Hội Ái hữu trong có nêu một số yêu cầu cá nhân. Cuộc họp cứ thế diễn ra không một khúc mắc và cuốn sổ ghi ước vọng cá nhân hàng năm, trang nhã với những khung có riềm ôm quanh một chiếc bàn đầy hoa, không hề có những câu thô cứng như những yêu sách hiện nay của các hiệp hội mang tính công đoàn.


Chính trị lúc đó còn chưa bị đầu độc bởi những báo cáo của công dan này về công dân khác, của chủ về thợ của minh, của nhân viên cho sếp. Mỗi người cố gắng tối đa thể hiện ý chí tùy theo vị trí, tính cách và năng lực của mình. Sự hòa hợp tốt cũng tạo điều kiện cho mọi người bởi vì trước đại chiến (hiểu là đại chiến thế giới lần thứ nhất - ND) các nhân viên chính quyền do nhu cầu không nhiều nên đòi hỏi ít hơn và các quan chức cao cấp trong sạch hơn. Tóm lại, những cuộc tiếp xúc thực sự thân ái, những bữa tiệc như thế đã thắt chặt các nhân viên quan thuế bất kể thứ hạng với nhau. Mô hình tốt đẹp này được ngành công chính ở Hà Nôi noi theo. Ngành này có nhiêu nhà văn và nghệ sĩ giỏi; họ có tờ Đồ bản (tạm dịch từ Le Topo - ND), một tạp chí đẹp theo mọi nghĩa.


Những điều trên hết làm chúng tôi tự hào là buổi dạ hội có sự tham dự của ngành quan thuế toàn Hà Nội và toàn Hải Phòng: có hài kịch, có hòa nhạc, trong đó chúng tôi đua nhau tỏ ra biết chơi như thế nào, đua nhau không đưa người ngoài ngành vào chương trình của mình. Đó chính là những lý do làm các buổi dạ hội của chúng tôi vui nhất, đông người tới xem nhất. Các lễ hội của chúng tôi cho thấy trình độ cao về chất lượng trí thức, xã hội và đầu óc tinh tế của ngành chúng tôi, một ngành bảo đảm thu 90% tổng ngân sách lúc đó tức là bảy mươi triệu đồng một tài khóa.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2021, 08:11:38 pm »

Ở Hải Phòng có một đám cưới khá đặc biệt. Anh Chérot, con trai một thanh tra quan thuế, cưới cô Milliet Bau de, con gái một thanh tra cũng ngành quan thuế. Bốn người làm chứng có cùng ngạch bậc và người đeo dải băng ba sắc xanh trắng đỏ thay cho chủ tịch ủy ban thị chính công nhận đôi vợ chồng chẳng phải ai khác ngoài ông Spas.


Một đám cưới độc đáo nữa nhưng ở Hà Nội: đám cưới của một kỹ sư trường Bách khoa (hiểu là ở Pháp - ND) với con gái của một kỹ sư cũng trường đó. Những người làm chứng cho chú rể cũng xuất thân từ trường Pipo (có lẽ tên lóng của trường Polytechnique - ND). Những người dự có đốc lý thành phố, ông Jules Morel, cha xứ, cựu đại úy pháo binh Lecornu.


Một lần nữa, tôi lại phải dời xứ này, nơi tôi thấy diễn ra sự biến đổi từng ngày. Khắp nơi ở Bắc Kỳ, nhiều ngôi nhà lớn được xây dựng, nhiều cơ quan hành chính mới được thiết lập, nhiều cơ sở thương mại, công nghiệp, nông nghiệp mọc lên. Tuy nhiên những biến, đổi về con người đáng quan tâm hơn những biến đổi về cơ sở vật chất.


Giờ đây người Pháp tới Bắc Kỳ không còn như những người tới trong thời kỳ chinh phục, những tay tìm kiếm mạo hiểm, những tay được ăn cả ngã về không, hay những cái đầu bốc lửa; chính quyền không tuyển đột xuất các binh sĩ giải ngũ hay các ca sĩ đồng ca trong nhà hát làm nhân viên nữa; các quan chức cao cấp không xuất thân từ quân đội hay hải quân nữa. Sau thời kỳ cai trị của Paul Doumer và triển lãm 1902 có một phong trào dự kiến đưa sang Đông Dương những thanh niên phải có hành trang trí thức hoàn chỉnh. Trường Thuộc địa (École Coloniale) bắt đầu sắp đặt các sản phẩm của nó vào các chức vụ cao cấp ở phần nước Pháp tại châu Á này, tạo cho các công bộc còn lại của các thuộc địa cảm giác họ chỉ có quyền nhặt những mẩu vụn của chiếc bánh dành cho đẳng cấp cao.    Đồng thời, thế chân cho dân di thực là những người làm nông nghiệp hoặc chăn nuôi, đa số xuất thân từ tầng lớp quý tộc muốn đem tài sản của mình đầu tư tại các thuộc địa Pháp. Tôi đã kể tên nhiều người thuộc loại này nhưng cần phải thêm tên các ông Piolant, anh em nhà Michels, de Lafaulotte, de Houdetot, hầu tước Pérignon v.v... vào danh sách những người mới tới hay gây khó chịu cho các chủ tỉnh vì nói chung các chủ tỉnh không những không tạo thuận lợi cho sự lập nghiệp của người da trắng mà còn tạo cho họ vô số khó khăn.


Khi tới thuộc địa, những người mới nhập tịch này, bất kể thuộc hàng ngũ cai trị hay kinh doanh, đều có gốc gác tinh thần tốt và trình độ được hoàn thiện một cách đáng kể. Điều đó dẫn tới việc dân bản xứ không còn được xem như những người đáng sợ nữa.


Phải nói rằng chất lượng xã hội và tính xã hội của dân chúng An Nam cũng được cải thiện nhờ tiếp xúc với chúng ta.

Ngoài thành phần ưu tú luôn luôn là giới nho sĩ trước đây và từ đó tuyển ra tầng lớp quan lại thù địch với lý tưởng của người Pháp, người ta bắt đầu thấy trong các trường chúng ta những thanh niên thèm khát tìm hiểu cuộc sống sáng sủa hơn cuộc sống gắn với những luật lệ của tổ tiên. Lòng yêu thích tự do sẽ thắng trong dân chúng khi đụng độ với những gò bó phức tạp của tập tục và lễ nghi nhưng cũng gây ra những đổ vỡ lớn lao trong gia đình... Vì tự do là thứ rượu mạnh, những cái đầu yếu đuối chỉ quen uống nước không thể nào chịu được. Để giúp cho những con người mới này tự vượt qua được cần phải thêm vào, ngoài việc giảng dạy chính thức ở trường học, sự giáo dục đạo đức nhằm thay thế nền giáo dục hạn chê họ không còn nhận được nữa từ truyền thông châu Á.


Trong thực tế, những người An Nam đến với nước Pháp để được đào tạo thành những con người có thể kiếm sống được và trở thành người chủ gia đình hạnh phúc thường chỉ muốn nhận từ người Pháp những định hướng cần cho họ. Tính cách ấu trĩ, thiếu sáng kiến, thiếu tinh thần phê phán của người An Nam buộc họ phải dựa vào người giám hộ và phải bắt chước khuôn mẫu trên cơ sở được hưóng dẫn. Sự bất lực của chính quyền Pháp trong việc phân bổ các nhà giáo dục, những người chính quyền tưởng có thể dễ dàng dời bỏ đất mẹ, cho các thuộc địa luôn luôn gây cản trở ghê gớm cho thiện ý của nước Pháp trong sự nghiệp chung. Đối với khiếm khuyết của nền giáo dục cơ đốc nói trên, có lẽ cần phải xây dựng một hệ chủ thuyết đóng vai trò như một cỗ máy điều chỉnh.


Đối với sự bất nhất về mặt tư tưởng của nước Pháp, hay đúng hơn của nền Cộng hòa, có lẽ chúng ta có thể loại bỏ được những điểm không phù hợp của nó mà không cần chổng lại những tín điều thần thánh của giới thế tục. Việc tách Nhà thờ khỏi Nhà nước không nhằm thay đổi quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo ỏ các lãnh thổ hải ngoại như Gambetta từng nói "chủ nghĩa chống tăng lữ không phải là món hàng xuất khẩu", nó chỉ là thứ để thiết lập ở An Nam hệ thống trường học trong các chùa vốn rất tuyệt vời ở Cao Miên, nơi việc dạy dỗ được trao cho các nhà sư. Như vậy, không cần phải dùng tới bạo lực, chúng ta có thể cơ đốc hóa tức là Pháp hóa số dân chúng mỗi năm một thèm khát đoạn tuyệt với nếp sống của quá khứ Á châu.


Nếu cuốn sách này không được để ý tới, tôi cũng không quan tâm lắm tới những dư luận ầm ĩ có thể tạo ra những quan điểm ngược với suy nghĩ thông thường.

Không phải chỉ bằng mấy trang lụn vụn những kỷ niệm trẻ con này mà có thể trình bày và giải quvết một vấn đề chắc chắn là quan trọng nhất trong những vấn đề đè nặng lên tâm tư của những người cầm lái xứ này, nhưng tôi có thể hình dung ra, mà không sợ sai lắm, những lập luận có thể ngược với quan niệm của tôi về vấn đề đã được giải quyết.


Về những lập luận người ta viện ra để chứng minh cho đường lối trung lập của nền Cộng hòa đối với giáo dục đạo đức, tôi xin trả lời rằng, trong con mắt của người An Nam, người Pháp đã mang lại một hệ thống những tư tưởng, ý nghĩ, lòng hướng tới Chúa, vị ngọt cuộc sống, các nhu cầu, sự trinh nguyên, và cả những khiếm khuyết, trong đó không một yếu tố nào tách khỏi những yếu tố còn lại.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2021, 08:13:41 pm »

Thực tế, người An Nam có thể mặc, ăn uống, cắt tóc theo kiểu châu Âu; họ có thể cải thiện tiện nghi trong nhà, có những bộ bàn ghế kiểu Henri II hay kiểu Đế chế, đi lại trên những chiếc xe do những bậc thầy của chúng ta đóng, đi du lịch trên tàu hỏa và tàu thủy của chúng ta, đọc sách báo của chúng ta, chơi các môn thể thao của chúng ta, ra vào các nhà hát của chúng ta, chơi các bản nhạc của chúng ta, thích các vũ điệu của chúng ta, hỏi ý kiến các kỹ thuật viên của chúng ta và thích nghi với thuốc của chúng ta; tóm lại, người An Nam có thể tự Pháp hóa từ đầu tới chân, từ trong ra ngoài mà không làm bực mình "người chinh phục". Việc người An Nam tự làm cho giống chúng ta cho thấy họ thừa nhận tính hơn của chúng ta. Điều đó làm chúng ta tự hào.


Nhưng khi bị đẩy đi quá xa, cái tính hay bắt chước đó không phải không dẫn tới những lệch lạc. Tôi nhớ là đã thấy ở Hà Nội năm 1909 đám ma của một người thư ký. Người ta đã gọi tới một dàn kèn châu Âu khá chỉnh. Thế nhưng phía sau xe tang lại có hàng chục nhạc công chơi bài Hành khúc tang lễ (Marche funèbre) của Chopin cứ như chiếc xe tang đang chở một ông đại sứ có tên tuổi, một thống chế nổi tiếng hay một viện sĩ hàn lâm. Ở đây nữa, người ta lại được dịp cười cách phô trương quá đáng của sự hãnh diện chưa được hiểu đến nơi đến chốn.


Ngay từ hồi đó, tại sao chính quyền Pháp vẫn có cái nhìn ác cảm với người An Nam, những người trong khi vay mượn nền văn minh của chúng ta còn muốn biến đổi cả tâm tính theo hình ảnh của chúng ta bằng cách đồng hóa theo tín điều và đạo đức của nhà thờ cơ đốc?


Vì chính quyền Pháp không muốn là một chính quyền cơ đốc nên cũng không muốn người An Nam trở thành cơ đốc và khi không ngăn cản được thì nó liền co lại mặc dân An Nam. Mặt khác, nước Pháp chẳng đề ra được điều gì thay thế cho chủ nghĩa cơ đốc trong khi các khuôn phép Á châu cổ lỗ, ngay cả trong triều đình Huế, cứ chết dần chết mòn năm này qua năm khác nên những tư tưởng truyền bá dễ dàng là những tư tưởng quyết định luận như chủ nghĩa cộng sản chứ không phải những tôn giáo mới rất đáng nghi hiện nay như Cao Đài, một tôn giáo kỳ quái có thể nguy hiểm hơn mọi hành động gây rối trước đó.


Tôi có thể nhầm và không phải chỉ với vốn liếng bốn mươi năm ở Đông Dương mà người ta có thể mạo hiểm định ra những khuyến cáo chắc như đinh đóng cột về chính sách cho nước Pháp theo đuổi ở xứ này. Tôi không sợ kém cỏi nhận mình có thể nhầm nhưng nếu chính phủ chúng ta ở Paris cho rằng các phong trào chống Pháp ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ từ gần năm mươi năm qua (Cuộc nổi dậy của Kỳ Đồng ở Hải Phòng năm 1897, vụ đầu độc quân đội ở Hà Nội năm 1908, vụ khủng bố bằng bom ở Hà Nội năm 1913, vụ nổi loạn ở Yên Bái năm 1930, cuộc nổi dậy ở Vinh năm 1931, tổng khuấy động của cộng sản từ 1936) chỉ dẫn tới sự củng cố ảnh hưởng và uy tín của chúng ta ở Đông Dương, rằng những vụ gây rối này tạo thuận lợi cho việc tiêu hóa một cách hài hoà xứ An Nam già cỗi, có lẽ chính phủ chúng ta có lý. Tôi vẫn theo đuổi ý tưởng cho rằng chỉ riêng biện pháp giáo dục của các đoàn truyền giáo, một biện pháp khuyến khích việc tạo ra những điểm dân cư nằm trong ảnh hưởng mạnh của Pháp, đã tạo ra những cản trở cho các sự kiện không sao sửa chữa được, những sự kiện nếu không loại bỏ nước Pháp khỏi xứ này thì ít ra cũng đào một cái hố đẫm máu không bao giờ có thể vượt qua được giữa chúng ta và người bản xứ.


Trong số những nhân vật kỳ lạ ở thuộc địa có Dénoc, một người nấu rượu ở Hà Nội. Dénoc cho rằng mình có thể giao tiếp thường xuyên với các linh hồn. Bạn bè của anh, trong đó có kiến trúc sư Henri Berruer, ngăn không cho anh đi vào thứ tín ngưỡng nguy hiểm đó.


Khi Dénoc bước vào một hiệu cà phê thường có một trận mưa tiền xu rơi xuống sân và chẳng ai cần biết trận mưa tiền xu đó đã vãi ra như thế nào. Mấy cậu bồi nhặt - vào chiếc giỏ hai quai đưa cho Dénoc.


Tôi không bao giờ thân mật với con người này, một con người rất lung tung nhưng điều hành khá tốt xưởng cất rượu của mình ở Hà Nội. Tôi biết Dénoc như mọi người biết anh và có một lần anh làm tôi tin rằng anh có sức mạnh siêu nhiên.


Lần đó, Dénoc phải ở Hải Phòng mấy ngày như toi. Tôi nới với một người hay đồng cốt: "Ngày mai, anh nói cho Dénoc biết là tôi không tin anh ta có bùa phép gì cả và xui anh ta cho tôi một bài học. Chẳng hạn xui anh ta sẽ giữ không cho tôi xuống xe kéo khi tôi tới Du Commerce uống rượu. Nhưng nhớ là hày tìm chỗ đứng để ra hiệu cho tôi nếu anh đã sui được".


Đúng giờ hẹn, tôi bảo người phu xe dừng trước Du Commerce và nhận được hiệu của bạn. Thế là tôi thử bước xuống. Tôi đặt được một chân xuống đất nhưng không làm thế nào nhấc được chân sau khỏi xe. Tôi đổi chân nhiều lần nhưng vẫn không xuống được. Người phu xe nhìn tôi vẻ lạ lùng không biết rằng tôi đã say trước khi vào hiệu cà phê. Anh muốn giúp tôi; tôi giả vờ dựa vào vai anh ta và cố bước xuống hè đường nhưng vẫn không xuống được. Khách uống lo lắng nhìn tôi, tưởng tôi ốm đau làm sao; một người hỏi tôi có chuyện gì không. Tôi trả lời: "Tôi không thể xuống được" trong khi người cứ lúng ta lúng túng. Dénoc rất vui. Nhiều người tụ tập lại xem vì tình trạng khốn khổ của tôi kéo dài ít nhất cũng ba bốn phút. Sau đó theo yêu cầu của người bày ra trò vui, Dénoc đồng ý giải phóng cho tôi vận động. Từ trên thềm cao, anh làm vài động tác như phóng từ trường về phía tôi. Tôi như thoát khỏi sự đè nén nặng nề và nặng nhọc bước lên bậc thềm...


Khi tôi lại gần anh bạn đồng cốt nổi tiếng, người bạn trung gian nghiêm giọng nói: "Anh hãy cảm ơn ông Dénoc. Nhờ có ông đó, anh mới thắng được các hồn ma giữ chân anh". Tôi lúng búng cảm ơn và nhân thể xin lỗi đã nghi ngờ quyền lực của người cứu mình khỏi thế giới vô hình. Câu chuyện truyền từ bàn này sang bàn khác và theo sau một câu thần chú, một trận mưa tiền rơi xuống quanh Dénoc dày đặc chưa bao giờ thấy như một lần nữa chứng thực ảnh hưởng của nhà chưng cất rượu đối với thế giới siêu hình.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2021, 08:14:17 pm »

Ngày hôm sau nữa của ngày diễn ra sự kiện trên, tội gặp anh bạn Alexandre Granval, giám đốc hội La Bordelaise, đang hớn hở từ Ngân hàng Đông Dương đi ra. Tôi nói: "Chắc anh vừa mới mua bán được cái gì nên cười vội trước khi nó làm anh khóc" - "Không phải vậy. Tôi vừa kể cho Bazin một chuyện rất hay, anh cũng sẽ được nghe. Thế này: Chắc anh biết ông Rouelle, đại diện của hãng tàu Chargeurs Réunis. Sáng nay ông ta ra kho cảng bằng xe tay của công ty rồi, theo như lệ thường, dời kho quay về văn phòng vào lúc mười giờ và ngồi lì ở văn phòng; người phu xe tưởng mình hết việc như mọi sáng, nhưng về tới văn phòng, ông Rouelle thấy trên bàn mình có một số giấy tờ phải chuyển ngay nên ông gọi người phu: "cầm ngay càng xe, mau len (mau lên), chúng ta quay lại quan thuế”. Người phu xe chưa kịp lỉnh lại phải cầm càng kéo. Ông Rouelle rất vội vì muốn tới văn phòng quan thuế trước giờ đóng cửa nhưng con ngựa người trước đây quen rẽ gió thì nay cứ như dậm chân tại chỗ dường như muốn biểu thị sự bất mãn phải chạy hai cuốc mà không được một lúc để thở. Mặc cho ông chủ mắng thế nào thì mắng, người phu càng ngày càng chạy chậm lại. Cuối cùng anh ta dừng lại, bỏ hai cái càng xe xuống, ôm bụng rầu rĩ: "Thưa ông tôi đau lắm" (Moi, monsieur, beaucoup malasse). Ông Rouelle là một người tốt, dễ dàng chấp nhận cái khiếm khuyết của cỗ máy người. Tuy nhiên ông nhận thấy thái độ lạ lùng của người phu xe. Anh ta, sau khi dừng lại, hình như không đau nữa và, trái với chờ đợi của ông, không chạy vội ra sau hàng cọc công trường cảng của nhà thầu Porchet. "Mày đau ở đâu?" (où çà toi mal) - "Đau cái bụng" (Mal cai- bung). Nói rồi người phu xe xoa bụng với vẻ buồn bã. Ông Rouelle đánh hơi thấy người phu xe nói dối khi nhìn thấy một chỗ nhô ra bất bình thường ở cai quân (cái quần) người phu xe. Ông nắm thắt lưng người phu và thấy hai chai vang đỏ to may làm sao lại không tuột ra lúc người phu chạy. Ông Rouelle để hai chai vang trong xe và, chẳng thèm ngạc nhiên, bắt người phu chạy thật nhanh tới văn phòng quan thuế.


Ông Rouelle gặp tôi trong văn phòng quan thuế và kể cho tôi nghe chuyện ăn cắp rượu vang. Sau khi chuyển giấy tờ cho văn phòng ông ta lại đi ngay.

Khoảng 11 giờ 15, khi quay lại cửa hàng, tôi thấy một người phu tới xin vào làm. Vì cần gấp người đóng rượu vào chai nên tôi hỏi: "Mày biết đóng vang vào chai không?" (Toi connaît' mettre vin bouteilles?) - "Thưa ông tôi biết tốt" (Oui monsieur, moi bien connaît') - "Mày làm việc ở đâu trước đây?" (Où ça toi travailler avant). Người phu lưỡng lự, tôi liền hỏi tiếp: "Trước đây mày làm ở cửa hàng nào?" (Quel magasin toi travailler avant) - "Tôi không làm việc ở cửa hàng" (Moi pas travailler magasin) - "Mày làm ở đâu?” (Où çà toi travailler). Người phu lại lưỡng lự sau đó ngập ngừng: "Tôi làm việc ở hãng Chargeurs"... (moi travailler chargeurs...) - "Tại sao mày bỏ Chargeurs?" - "Tôi muốn đi vì ông Rouelle ông ấy rất ác” (Moi content ì parti, monsieur Rouelle lui beaucoup méchant). Trong óc nảy ra ý, tôi nói: "Có thể ông Rouelle ác do mày làm việc không tốt. Ở đây tao không ác, nhưng nếu mày làm việc không tốt thì tao đuổi ra khỏi cửa" (Ici moi pảs méchant, I si toi pas bon travail moi fout la porte) - "Tôi luôn luôn làm việc tốt" (Moi toujours bon travail) - "Mày có bao giờ ăn cắp không?" (toi jamais faire filou) - "Thưa ông không, tôi không biết ăn cắp" (Non Monsieur, moi pas connaît' Ị‘ faire filou) - "Tốt, mày đưa tay tao xem”.


Người phu chìa hai bàn tay cho tôi. Trước hết tôi nhìn rất lâu cả gan lẫn mu bàn tay phải, tôi nói: "Tốt". Tiếp theo tôi xem xét bàn tay trái: mu bàn tay không có dấu hiệu gì bất bình thường nhưng tới gan bàn tay thì... tôi nói: "Ồ, mày nói dối. Tao nhìn tay mày thấy ông Rouelle ông ấy đuổi mày. Mày bị đuổi khi nào?" - "Rất lâu rồi" - "Mày nói dối. Tao nhìn tay mày thấy ông ấy vừa đuổi mày sáng nay. Tại sao ông ấy đuổi mày?" - "Ông ấy không nói với tôi” (Lui pas dire moi).


Tôi lại chăm chú nhìn bàn tay người phu, sau đó nói: "A, mày hay nói dối. Tao nhìn tay thấy mày lấy của ông Rouelle hai thùng rượu vang... không... chờ đã... hai cốc rượu vang. À đây rồi, hai chai rượu vang. Đúng, hai chai. Mày là thằng ăn cắp, không làm ở đây được. Thôi, xéo đi!".


Người phu không nói năng gì, nhìn tôi với con mắt thán phục. Khi anh đã ở ngoài phố tôi thấy anh ta vừa đi vừa ngắm phía bàn tay, tìm trên đó đường vân ăn cắp...".


Đầu năm 1908, ở Hà Nội có 2300 người châu Âu, 23000 người Tàu và 56000 người An Nam. Các con số tương ứng của Hải Phòng là: 1158, 6940 và 12560 người.


Ở Sàigòn, nơi nước Pháp đặt chân tới sớm hơn 50 năm, vào năm 1908 có 3900 người châu Âu và chỉ có 31500 người An Nam.


Để tạm biệt khán giả Hà Nội, chúng tôi dựng ba màn hay nhất của vở Mơ mộng (Romanesques) của Rostand. Tiền thu được tặng cho hội Hồng Thập Tự. Bà Tisseyre cùng với tôi trong cặp vai Sylvette - Percinet, nhưng thành công nhất là em Jean tôi với vẻ rất uy nghi trong vai Straforel quá đáng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2021, 08:14:50 pm »

Đầu năm 1908, tôi đếm từng ngày chờ ngày xuống tàu. Lúc này giám đốc nhà hát thành phố, bà Kenn, muốn thỏa mãn một số đông dân di thực gốc Corse thường lui tới nhà hát nên tuyên bố sẽ dàn dựng một chùm vở về Napoléon như Napoléon, bi kịch của Charles Grandmougin, Quý bà vô tư (Madame sans gêne), hài kịch của Victorien Jardou, Tiểu bằng (L'aiglon) của Edmond Rostand.


Để dựng hai vở đầu, bà Kenn chỉ cần chọn người trong số các diễn viên ăn lương cũng đủ, nhưng vở Tiểu bằng thì có vấn đề: ngay cả khi phải loại bớt một số nhân vật trong kịch bản và giảm tối đa một số cảnh, đồng thời tăng gấp đôi số diễn viên hài tham gia, vở diễn vẫn thiếu rất nhiều diễn viên cho các vai quan trọng. Thế là bà Kenn phải gọi tới các diễn viên nghiệp dư. André Ducamp, chủ khách sạn Métropole có biệt danh chủ quán - quân tử, nhận lòi đóng vai tùy viên sứ quán Pháp, anh chàng tốt bụng Faueillers được phân vai hoàng đế Franz v.v... Chỉ còn lại vai Flambeau! Bà Kenn, người sẽ phải đóng vai công tước Reichstadt, tới tìm tôi vẻ lo lắng: "Người ta nói anh sắp về Pháp, nhưng không cần nói anh cũng biết lúc nào tôi cũng trông vào anh ở vai này. Anh không được để tôi hỏng việc" - "Tôi không thể nào làm khác được vì chuyến đi của tôi đã được chính phủ ấn định" - "Thế còn cậu em Jean của anh?” - "Nó sẽ là Flambeau lý tưởng với giọng trầm rất hay. Hiện nó đang phục vụ trong quân đội ở Đáp Cầu. Bà hãy nói với sếp của nó". Than ôi! Đại tá trả lời rằng anh lính Jean Bourrin đã được cho phép tham gia diễn vở Mơ mộng và việc tham gia một lần nữa sẽ phá vỡ điều lệnh quân đội.


Bà Kenn lại tới kéo chuông nhà tôi, bà nói: "Anh thấy đấy, anh không thể đi được". Cuối cùng tôi phải nhượng bộ nhưng lại nói dối rằng thực tình tôi không thích nhân vật hay "làu bàu" nàv. Qua đoạn kịch tôi biết đây là một "vai vàng" (role en or - thuật ngữ sân khấu chỉ vai diễn chuyển tải ý của tác giả kịch bản. Khi "vai vàng" xuất hiện, công chúng sẽ hoan hô. Diễn viên ngây thơ sẽ tưởng sự hoan hô đó dành cho mình), tôi tự nhủ sẽ rất rắc rối nếu mình không rút được khỏi vai này. Sau đó sự băn khoăn càng được củng cố: đóng vai Flambeau vào tuổi hai mươi tám thì thật là hơi liều và chắc chắn sẽ đi tới thảm họa. Anh bạn Duvalles đang nghiền ngẫm vai người thợ may ở màn thứ nhất đã thổi vào tôi niềm tin bằng cách giải tỏa hết các ưu tư của tôi. Cuối cùng chúng tôi tập khoảng sáu ngày trong khi ở Paris một vở như thế phải tập suốt ngày trong hàng tháng trời...


Tôi yêu cầu bà Kenn cho tôi quần áo của vai Flam - beau để luyện dần những cảnh phức tạp của vai viên đội kiêm ảo thuật gia. Vai này phải lôi từ túi áo rộng ra những đồ vật theo đúng thứ tự: một giây đeo quần ba sắc, một hộp thuốc lá, một khăn tay, một bức ảnh của Épinal, một cái tẩu, một chiếc nơ cài đầu, một huy chương nhỏ, một cốc, một con dao, một khăn ăn, một chén nhỏ dùng để ăn trứng luộc lòng đào, mấy chiếc ca vát, một bộ bài, mấy cuốn niên lịch...


Tôi nghe thấy mấy diễn viên hài chuyên nghiệp cười ranh mãnh ở hậu trường. "Nhìn hộ tôi này! Người ta đang mặc trang phục với bao nhiêu thứ đồ đây này. Người ta thành nghệ sĩ rồi". Trong số những anh bạn xấu chơi, tôi nhận ra giọng châm chọc của người hăng hái nhất là giọng một diễn viên hài tiểu nhạc kịch tên là Delange. Buổi tập kết thúc, tôi tuyên bố với bà Kenn vai của tôi quá nặng và có lẽ Delange có khả năng hơn cả để thể hiện vai Flambeau. Anh chàng xấu chơi, người chẳng bao giờ thuộc nổi bốn câu thơ, vội phản đối: "Với đoạn được phân hiện nay, lúc nào tôi cũng phải chúi mũi vào tập". Bà Kenn xoáy ngay vào thú nhận yếu kém đó: "Chính vì thế tôi mới không đề nghị anh. Nếu không có lẽ anh đã là một Flambeau tuyệt vời". Delange im lặng. Từ lúc đó, anh ta ngừng thiếu tin tưởng vào sự thành công của tôi.


Đêm diễn đầu tiên, Duvalles hóa trang cho tôi rất tuyệt. Mãi tới hai giờ rưỡi sáng buổi diễn mới kết thúc do có nhiều cảnh trang trí rất phức tạp mặc dù đã được cắt bớt. Công chúng rất tán thưởng vở diễn. Bà Kenn (vai công tước), Hermes (vai Metternich) và tôi được đặc biệt hoan nghênh và chúng tôi phải diễn năm tôi ở Hải Phòng cũng như Hà Nội...


Giống như vở Người Arles, niềm vui của tôi trước thành công của vai mình đóng bị giảm đi một nửa bởi nhận xét ngu ngốc của một cộng tác viên. Cộng tác viên này viết trên báo rằng nếu tôi ở trong quân đội, tôi phải biết rõ, trong quân đội Pháp, khi gác súng phải được dựng ở bên phải. Nhận xét này nhắm vào màn thứ ba, khi gác tôi đã dựng súng thẳng đứng dọc theo người ở bên trái. Cộng tác viên còn trách tôi đã nghĩ hộ sở Pháo binh một cái lưỡi lê không có ở Bắc Kỳ. Sự thực là ở thời Napoleon khi gác người ta dựng súng ở bên trái. Ngoài ra, các phông vẽ thời đó, nhất là phông của Raffet, là những thứ để các bậc tiên tri thêm thắt vào các khiếm khuyết của điều lệnh quân đội mà chỉ các chuyên gia mới biết rõ.


Đi xa hơn nữa, cộng tác viên dốt nát này, người định cho tôi một bài học, còn chế diễu tấm màn của nhà hát Hà Nội (chưa phải là Nhà Hát lớn ở đầu phố Tràng Tiền hiện nay - ND) vẽ một người lính ngự lâm đeo kiếm ở bên phải. Hình này thì đúng là hình của người lính dị giáo không thể cãi được.


Các buổi biểu diễn làm tôi về Pháp chậm mất một tháng rưỡi. Để tiết kiệm, mãi khi tới Port Said tôi mới đánh điện tín cho cha tôi: "Con bị chậm". Cha tôi rất sốt ruột, tưởng tôi bị ốm, nên đánh điện hỏi hãng Messageries Maritimes và điện trả lời của hãng cho biết tên tôi đã bị gạch khỏi danh sách hành khách do một sự cố ngẫu nhiên bị rơi xuống biển.


Cha tôi hoảng hốt. Khi chiếc tàu đáng ra có tôi phải đi cập cảng Masseille, cha tôi chờ trên bến, người như lửa đốt, cố tìm một người quen để biết chính xác tôi như thế nào.


Khi tàu cập cảng, cha tôi nhìn thấy một đồng nghiệp trong ngành đường sắt, ông Gayet Laroche. Cha tôi kêu toáng lên: "Gayet, thằng con tôi thế nào? có phải nó chết rồi không?". Ông Gay et nói to: "Con anh ấy à? Hiện nay nó đang chết trong đám trang trí của Wagram” - "Trang trí nào? Wagram nào?" - "Con anh còn ở lại bên đó để đóng vai Flambeau...". Cha tôi kêu lên: "Chà! Cái con lừa...!".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM