Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:52:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đông Dương ngày ấy - 1898-1908  (Đọc 3568 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2021, 08:17:18 pm »

Khi mùa biểu diễn sân khấu kết thúc, cuộc sống ở Hải Phòng chẳng có gì vui thú nhưng vẫn dễ chịu hơn bây giờ nhiều vì lúc đó cái thành phố buồn tẻ này không có những thứ câu thúc đầy giả tạo của giới thượng lưu, thứ đàn bà Pháp thường đẻ ra mỗi khi họ đông lên. Những câu thúc này chỉ ăn vào những ai tìm thấy niềm vui trong chúng hoặc những ai sợ sự tiến triển của chúng bị phương hại nếu mình không cần mẫn lui tới nhà vợ sếp. Không còn gì tự nhiên hơn việc các bà không bỏ qua những dịp như thế để quần tam tụ ngũ nói nhảm vì phụ nữ Pháp thường mang theo những thói tủn mủn tỉnh lẻ đồng thời với những truyền thống quý báu của gia đình; hình như họ không thể nghĩ ra được cách hành xử tốt hơn phù hợp với cuộc sống mới ở nơi xa lạ. Cánh đàn ông cũng vậy. Theo tôi, ở Đông Dương người đàn ông nào không vượt qua được những trò hề được gọi bằng từ ngữ "viếng thăm" thì không đáng được hưởng một chuyến lãng du đẹp như thế này.


Đối với những thanh niên nào tình cờ đọc cuốn sách này, tôi mạnh dạn khuyên họ hãy phản ứng nhẹ nhàng chống lại sự tàn bạo của những cuộc viếng thăm vào những ngày lễ. Không việc gì phải lúng túng vì miệng lưỡi thiên hạ. Tất nhiên là tôi đang nói với những người có thể chứng minh được thu nhập bằng cách khác với cách lươn lẹo và hèn hạ trong phòng khách giám đốc. Tôi cũng xin nói về các đồng bào đặc biệt. Tham biện quan thuế hoặc tham biện bưu chính, thảo chương viên hoặc quan chức dân sự, họ có thể bị vợ của sếp lớn không biết tới mà vẫn thấy thoải mái và thấy như thế lại có lợi. Ngược lại, trong nội bộ một sở, tuyệt đối cần biết mình là ai để tạo thuận lợi cho các quan hệ không sao bỏ được giữa những người châu Âu với nhau.


Điều lý tưởng để tồn tại một cách thoải mái ở thuộc địa, trong đó một bên là cuộc sống cộng đồng, một bên là cuộc sống riêng tư, là phải vun trồng tình bạn trong một nhóm nhỏ sau khi đã biểu lộ sự dũng cảm và bảo vệ cá tính. Đối với những người ngoài nhóm hãy cư xử với hình thức bề ngoài chuẩn mực nhất, nói khác đi phải biết cách cô lập mình giữa đám đông nhàm chán của xã hội thuộc địa.


Tôi sẽ trở lại vấn đề khi xã hội này hình thành, còn vào thời điểm tôi đang nói các yếu tố của xã hội đó, ở Bắc Kỳ ít nhiều vẫn chưa đủ và chỉ có những ngày tươi đẹp của cuộc sống tối đơn giản của những người đầu tiên đến đây.


Thật là một ngày hội ở Hải Phòng khi hàng năm, người ta thấy xuất hiện gánh xiếc lốớn Harrisson. Các bích chương bằng đủ thứ tiếng nước ngoài phủ khắp các bức tường. Cạnh kênh Bonnal (nay là hồ Tam Bạc - ND) người ta thấy dựng lên một chiếc vòm cổ điển của rạp xiếc với sàn diễn có đường kính thay đổi được. Vậy mà không có một chiếc tàu nào cập cảng mang theo diễn viên xiếc và thú, xe xiếc cũng không thể tới được bằng đường bộ vì chỉ có một con đường duy nhất từ Hải Phòng đi Đồ Sơn. Cứ cho rằng người và các đạo cụ không từ trên trời rơi xuống, vậy thì đám ngựa làm thế nào mà tới được đây nhởn nhơ? Đó là vì gánh xiếc tìm nguồn tài lực ngay tại Hải Phòng và Harrisson chẳng phải ai khác là anh chàng Edouard Chodjko, con trai chỉ huy trưởng cảng. Trong một chuyến đi Mỹ, anh mang theo về sự thán phục những buổi trình diễn của Barnum (nhà dàn dựng người Mỹ - ND). Là người năng động lại được người khác lắng nghe, Chodjko quy tụ xung quanh mình những thanh niên Pháp có ý chí và dần dần dàn dựng được một chương trình khá thú vị.


Ba hoa không biết mỏi, Chodjko trình diễn những tiết mục thú thuộc loại hiếm như diều hâu Đông Triều hoặc thỏ trắng có vằn. Giống thỏ này có vằn xanh lơ và đỏ mà theo lời dèm là do vẽ vào. Có đi thăng bằng trên dây, đánh xà, tung hứng, leo xà đứng. Có cả hề. Chodjko, trông rất giống Alphonse 13 (vua Tây Ban Nha (1886-1941) cho tới năm 1931 - ND), đứng giữa sàn diễn giới thiệu những con ngựa từ An Nam được ăn mặc khá đẹp.


Một hôm, trước tiết mục kịch câm kết thúc chương trình, người ta thấy một dàn diễn viên sừng sỏ với ông Hyghes, trưởng trú sứ Hải Phòng, trong bộ y phục kỵ sĩ lịch sự và Victor Chodjko, em chủ gánh xiếc, trong bộ y phục nữ ky sĩ không thể chê được với áo vét đỏ và mũ cao.


Ngày nay ở Hải Phòng nam thanh niên (hiểu là người Pháp - ND) đã nhiều gấp hai mươi lần và nữ thanh niên có hàng trăm so với con số hàng đơn vị hồi đó. Tất cả đều chơi thể thao và có người nổi tiếng vì chơi thể thao nhưng hãy thử yêu cầu họ làm lại những gì gánh xiếc Harrisson làm, bạn sẽ thấy về mặt tinh thần cũng như về thể chất không ai làm được.


Ở Hải Phòng còn có đua ngựa và đua xe đạp. Đó là những bộ môn công chúng rat say me thời bấy giờ. Trường đua ngựa luôn luôn lôi cuốn rất nhiều công chúng và trong nhiều năm con Aérier trứ danh đều chiếm giải mặc dù mang trên lưng một tay đua khá nặng ký. Con này của ông Bauron, một nhân viên thu ngân đáng mến thuộc Sở Bưu chính - Điện báo với bộ râu đen huyền rậm rạp. 


Các tay đua xe đạp nghiệp dư chia thành hai phe giữa thủy thủ trưởng Dernancourt, vô địch điền kinh Hải Phòng, và nhà vô địch Hà Nội Dubois, một tham tá bưu chính có đôi chân khéo léo. Hai bên cứ thay nhau vô địch cho tới khi có một người mới tới ngáng chân hai nhà độc thắng. Anh này được huấn luyện có bài bản ở Pháp và ở một số thuộc địa của Anh. Anh tên là Guillaume Crétin; những người hay lui tới trường đua ngựa Sàigòn hiện nay có thể thấy sáng chủ nhật nào anh cũng làm giám khảo cho các cuộc đua ở Chợ Lớn. Ở Hải Phòng, Crétin vẫn chưa quen ra mắt với vành tóc trắng rất hợp với dáng người đẹp của anh. Anh đã làm chúng tôi rất lo lắng hôm anh va đầu vào sàn xi măng của đường chạy.


Cá nhân tôi, tôi rất ghét các môn thể thao ngoài môn ngồi xe kéo nhưng lại được chỉ định làm thư ký Câu lạc bộ xe đạp Hải Phòng. Giới chức hội muốn dùng tôi làm cái thời kế để nâng cao trình độ các tay đua. Có lẽ những tay đua giỏi nhất thời đó, tiếc là tôi không còn giữ được kỷ niệm nào, phải làm các vận động viên olimpic hiện đại mỉm cười thương hại.


Nhiệt tình, đó là thứ ngày nay không còn nữa. Thời đó, người ta nhiệt tình thậm chí chẳng vì một nguyên cớ rõ rệt nào, đơn giản chỉ vì người ta trẻ và có một tình bạn thực sự. Đôi khi đám trẻ chúng tôi tụ tập nhau chỉ để la hét dưới trăng rồi sau đó kéo nhau đi uống. Vào những lúc khuya khoắt, thích nhất là kéo nhau tới hiệu Cà phê Vũ trụ (Café de Univers), ở đó, bà chủ tốt bụng Callet tỏ ra độ lượng trước sự ầm ỹ của chúng tôi nhưng lại bắt mọi người im lặng nghe tôi hát gần như chuẩn cả một hồi của các vở Sigurd, Salammbô, Samson và Dalila.


Những thay đổi đột ngột của nhiệt độ ở Bắc Kỳ đôi khi có biên độ rất lớn.

Cuối năm 1899, người ta có thể thấy trên báo chí một cuộc tranh luận lớn có sự tham gia của giới bác học về vấn đề phải chăng thế kỷ XIX kết thúc vào nửa đêm 31-12 năm đó hay 31-12 năm 1900. Tôi không còn nhớ những lập luận đã đưa những ý tưởng ngông cuồng vượt lên trước dư luận. Những ý tưởng đó được mấy tay ngông ở Hải Phòng chộp lấy và đưa ra ý kiến tổ chức bữa ăn giữa hai thế kỷ. Nên nhớ ràng thời đó người ta vẫn chưa tổ chức bữa ăn tất niên. Mấy anh định mười một giờ đêm kéo nhau ngồi vào bàn an của Khách sạn Thương mại rồi sẽ đi ngủ vài giờ sau đó mang thêm một thế kỷ nữa trên mình. Đúng ngày giờ đã định, trời nóng bức đến nỗi mọi người phải cởi bỏ hết áo dài, smocking hoặc áo vét... khi ngồi vào bàn ăn. Nhưng khoảng một giờ sáng, đột nhiên gió lạnh nổi lên, khách ra về lạnh cóng và ai cũng thích thú kêu lên: "Vấn đề đã được giải quyết. Sự chuyển thế kỷ đã diễn ra trong khi chúng ta uống chúc mừng sự thịnh vượng của kỷ nguyên mới".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2021, 08:18:52 pm »

1900

THÀNH LẬP BẾP ĂN - NHỮNG NGƯỜI THAM GIA BẾP ĂN - TÁC GIẢ ĐÃ HAY RƯỢU NHƯ THẾ NÀO - VÀI NÉT CỦA CUỘC SỐNG Ở BẮC KỲ: VẤN ĐỀ NHÀ TRƯỜNG, CÁC QUAN HỆ VỚI DÂN BẢN XỨ, MÙA CA KỊCH - BỘ SƯU TẬP ĐỜI SỐNG ĐÔNG DƯƠNG CỦA HỌA SĨ CÉJARD VÀ LE LAN - TÁC GIẢ PHẢI LÊ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - ĐÓN TIẾP Ở ĐỒNG ĐĂNG - NHỮNG TRÁI PHÁO CỦA THÁNH SYLVESTRE.
   

Ngày tháng trôi đi, cuộc sống tập sự của chúng tôi khá lên dần. Tháng 2-1899 tôi là tham tá phụ. Mặc dù suất ăn của nhà hàng Guichat vẫn đầy đặn và có chất lượng nhưng chúng tôi bắt đầu thấy chán. Cùng với mấy người bạn, chúng tôi quyêt định thành lập một bếp ăn riêng. Đó là cả một vấn đề đối với những thanh niên chẳng có gì trong tay vì phải đi kiếm bát đĩa, khăn giẻ, đồ nấu nướng. Chúng tôi chỉ mua những thứ cần thiết nhất vì thế khi có khách, người bồi của chúng tôi phải chạy đi mượn của những người hầu hàng xóm. Có lần Edouard Chodjko (lúc đó anh là một trong những người Hải Phòng kỳ cựu nhất) nhận ra bộ đồ ăn của anh trên bàn ăn của chúng tôi. Lần khác, chúng tôi bắt anh mang suất ăn của anh sang ăn với chúng tôi và mọi người ngạc nhiên thấy thức ăn của hai bên hoàn toàn giống nhau. Sau khi điều tra, chúng tôi mới biết mỗi người bếp cứ hai ngày mới làm việc một ngày, họ thay phiên nhau nghỉ để bạn mình nấu cho cả hai nơi.


Trong số những người ăn cùng bếp với chúng tôi có một nhân viên quan thuế tên là Paul Garnier ở cùng nhà với tôi. Garnier là một típ người ích kỷ và tâm tính đó biểu hiện thành những hành vi buồn cười. Vào buổi tối, chúng tôi thường ở trong phòng riêng viết lách dưới ánh đèn dầu hỏa. Tôi để ý thấy Garnier thường lấy lý do nào đó tới chỗ tôi và mỗi lần như vậy anh ta vừa nói chuyện với tôi vừa châm thuốc lá trên miệng ống thông phong, thậm chí có lần anh ta cũng chẳng thèm nói với tôi một câu. Một tối, tôi hỏi anh tại sao không châm thuốc bằng đèn của anh, anh thản nhiên trả lời là sợ tàn thuốc rơi xuống làm hỏng bấc đèn!


Garnier háu ăn đến nỗi chúng tôi phải dặn người bồi không dọn ăn cho anh trước mặc dù anh là người nhiều tuổi nhất. Bù lại, anh là người rất lịch thiệp và nếu có phản đối điều gì cũng rất từ tốn. Có một lần không hiểu sao một đĩa thức ăn vẫn còn, một người hỏi Garnier: "Anh không muốn ăn nữa à?". Con người lịch sự lắc đầu để tạo thoải mái cho người hỏi chắc còn đang muốn ăn. Anh này liền bảo người bồi dọn đi. Garnier muốn phản đối nhưng sợ làm trái với điều mình nói trước đây nên anh đành rụt rè nhìn đĩa thức ăn được dọn đi với vẻ tiếc ra mặt. Tuy nhiên, cuối cùng anh cũng hiểu ra ý tứ của người hỏi và từ đó mỗi lần ai hỏi anh như vậy anh đều trả lời: "Nếu anh không ăn nữa, anh để cho tôi xin".


Garnier là người quản lý tiền nong của bếp ăn. Rất tiêt kiệm và ngăn nắp, anh dùng bút chì vạch trên nhãn các chai rượu vì anh cho rằng rượu vang bị tiêu thụ quá nhiều. Nhìn thấy anh làm, người bồi vội thanh minh mình vô tội. Cách làm của Garnier làm tôi bực mình, vì tôi là người duy nhất cùng với Garnier ở nhà bếp, chẳng phải tôi thì ai hàng đêm dốc cạn chai. Một buổi tối, người bồi xuất hiện trong bữa ăn với đôi môi sưng vều đến nỗi nói không nổi. Garnier nói với chúng tôi rằng anh đã bôi một loại hóa chất đặc biệt vào miệng chai rượu uống đỏ để lột mặt nạ người uống. Người bồi bị trừ lương ngay tại trận, về phần tôi, tôi nghĩ không hiểu mình sẽ như thế nào nếu xuất hiện trước các bạn cùng ăn với đôi môi sưng vều.


Sự khốn khổ của bếp ăn là ở chỗ cứ phải thường xuyên theo dõi để không chi tiêu vượt quá phần đóng góp. Về lý thuyết có thể thực hiện được điều đó nhưng thực tế có những khoản tiêu quá không đừng được. Ngay tháng đầu tiên mới tới ngày hai mươi chúng tôi đã cạn hết tiền không còn đồng nào đi chợ. Chẳng lẽ phải từ bỏ cuộc sống độc lập vừa mới bắt đầu được hưởng? Tôi lấy hết can đảm đi tìm Guichat. Anh ta hỏi tôi: "Thế nào, cái bếp tốt chứ?". Tôi trả lời: "Không tốt, nếu ông không cho tôi vay hai mươi đồng, chúng tôi phải quay về ăn tháng ở chỗ ông thôi'’. Guichat cười thật thà và đưa tôi khoản tiền vay không đợi tôi phải nói thêm. Không cần phải kể thêm là tháng nào anh ta cũng tới tìm tôi vào quãng giữa 20 tới 25. Mỗi lần như thế, tôi chưa nói gì anh đã chìa ra hai mươi đồng. Phải nói thêm rằng chúng tôi không ăn tháng ở chỗ anh nữa thì lại trở thành khách hàng trung thành của gian cà phê trong Du Commerce.


Một người nữa trong bếp ăn của chúng tôi là Paul Daurelle làm thuê cho Ngân hàng Đông Dương (Banque de L'Indo - Chine). Anh là con một nhà thầu khoán cực giàu ở Hà Nội và là anh của Réne Daurelle, chủ nhiệm báo France Indochine chết mấy năm trước đây.


Do ý của bố, Paul Daurelle hàng tháng chỉ nhận được một khoản trợ cấp rất ít ỏi. Anh nói với chúng tôi là không bao giờ đủ tiền mua một chiếc mũ cát trắng. Khi chúng tôi quá ngượng vì bộ cánh và đôi giầy lụa bẩn thỉu của anh, chúng tôi liền bảo người bồi mang đi giặt trước bữa ăn trưa để sau bữa ăn tối sẽ khô. Nhưng khi biết mình sẽ phải đi thăm cha ở Hà Nội, Paul Daurelle nhất định giữ cho quần áo bẩn thỉu để trưng sự khốn khổ của mình ra với tác giả của sự khốn khổ đó.


Người cuối cùng trong bếp ăn của chúng tôi là Henri Varin. Tôi sẽ có dịp nói thêm về con người rất gắn bó với tôi này. Anh là người rất thông minh và đi nhiều. Làm thuê cho nhà Pellet, Varin vừa là kế toán, vừa là người bán hàng, vừa là người phụ trách cửa hàng. Khi gặp ai lần đầu anh thường tự giới thiệu một cách hài hước mình là "người ăn chịu phomát". Khi Garnier đi nghỉ phép, Varin tới thay chỗ anh ta trong nhà bếp. Có máu di-gan không sao chữa được, anh chỉ có độc một chiếc giường gỗ (trong khi chúng tôi ai cũng có giường Hồng Kông mua tạm giống như bây giờ người ta mua xe hơi), một thứ như hòm dùng làm bàn, một chiếc ghế mây cũ, một giá treo áo, một bàn rửa mặt, một cái chậu và một cái rương thay cho tủ đựng quần áo. Varin không biết tới sự xa xỉ của màn. Tôi cho anh mượn một chiếc. Sáng hôm sau khi tôi tới hỏi xem anh ngủ thế nào, anh trả lời: "Tôi không sao ngủ được"; thì ra màn ngắn quá không thể gài xuống dưới chiếu được và tôi nhìn thấy rất nhiều muỗi mọng máu trong màn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2021, 08:20:13 pm »

Trong thời gian ăn chung bếp, thỉnh thoảng tôi uống rượu. Chuyện như sau:   

Ở văn phòng quan thuế, theo luật tiêu thụ, tôi phải tiếp nhận và ghi vào sổ tờ khai của các nhà nhập khẩu người châu Âu trong đó có rượu mạnh, rượu nhẹ. Luật sẽ chiết khấu cho các lô hàng có số lượng thiếu, các thùng bị hao, các chai bị vỡ... Khi người làm công của nhà nhập khẩu báo cho kiểm hóa viên biết là các thùng đã mở, kiểm hóa viên sẽ cùng với đại diện của hãng bảo hiểm tới chứng thực là từng này từng này chai.


Công việc diễn ra dưới mái tôn của kho hàng nóng như thiêu như đốt và thế là một chai "bị vỡ" một cách thần tình để giải khát cho ba người có văn hóa cao tới mức chạm cốc nhau mà không mời tham tá là tôi. Họ uống vào chín giờ, lúc thì Dubonnet, lúc thì Vermouth (vang trắng pha thêm cồn - ND), còn đá không bao giờ thiếu do sự cần mẫn của người tùy phái. Chín giờ rưỡi, đại diện của hãng khác lặp lại quy trình với Picon, mười giờ tới lượt vang Madère hoặc vang Alicante và mười giờ rưỡi kết thúc bằng Pernod.


Người các hãng thương mại cũng như đại diện hãng bảo hiểm thay phiên nhau còn kiểm hóa viên không phải lúc nào cũng là một người. Chỉ có tôi ngớ ngẩn cho rằng mình buộc phải đáp lễ. Sau mấy tháng theo chế độ đó, tôi ăn không thấy ngon miệng và có lẽ sẽ thân tàn ma dại nếu Varin không chân tình khuyên chỉ uống nước khi ăn cơm trong một tháng và không uống gì ngoài bữa cơm. Mười lăm ngày sau, tôi không thấy thèm rượu nữa và có thể lỉnh trốn lời mời của các nhà nhập khẩu. Từ đó, tôi cảnh giác để không rơi vào thói cũ. Ít lâu sau tôi quay lại uống vang Pháp và chỉ quá chén trong trong những dịp lễ hội.


Năm 1900 ở Hải Phòng, số người châu Âu không vượt quá con số 1000 so với con số 1088 ở Hà Nội, người An Nam 10000 so với 100000 của Hà Nội, người Tàu 5000 so với 2000 của Hà Nội.


Tỉ lệ người Pháp độc thân khá cao nhưng lại có hàng trăm trẻ em da trắng ở Hải Phòng. Thế nhưng anh bạn Lavedan của tôi chỉ đếm được sáu em trai và ba mươi em gái trong ngôi trường đẹp do anh phụ trách ở phố Henri Rivière (nay là trường Nguyễn Tri Phương ở Hải Phòng - ND). Tại sao ít con trai như vậy? Có thể do cha mẹ các em thích gửi các em về học trung học ở Pháp hơn. Ở Hà Nội, trường Pháp tổng cộng có ba mươi lăm học sinh trong đó có hai mươi bảy nữ. Ở Nam Định, mười bảy nữ và không có một học sinh nam nào.


Những con số trên chưa tính tới các trường công giáo do các cha giảng dạy. Số học sinh học các trường này cũng ang áng như số học sinh trường công.


Về phần các trường Pháp - Nam, sĩ số năm 1899 trên toàn Bắc Kỳ là 1064 nam và 30 nữ. Trưởng Nha Học chính, ông Gustave Dumoutier, có phong cách của nhà bác học vì ông đã xuất bản một số ghi chép về phong tục của người An Nam.


Phải thừa nhận rằng bốn mươi năm trước đây người châu Âu sống mà không hề có một chút quan tâm nào tới người bản xứ. Giống như ở các tỉnh, ở Hải Phòng chỉ có các quan chức cai trị người Pháp, không có nhà cầm quyền bản xứ để thấy những oán hận, ước vọng và yêu cầu của dân chúng. Phải nói thực là ý kiến của người An Nam không bao giờ được để ý. Nói chính xác hơn, người ta cho rằng dân bản xứ không có ý kiến và trong bất cứ trường hợp nào người Pháp cũng không thể hỏi ý kiến những người mình tới khai hóa và tổ chức.


Từ đó đi tới chỗ không quan tâm tới cách sống của dân bản xứ chỉ là một khoảng cách rất ngắn. Ngoài ra, phải thừa nhận rằng xã hội An Nam hồi đó không như bây giờ. Ngoài một vài nhân vật hiếm hoi như ông già Joseph Sanh, nhà thầu khoán Nam - Sinh và hai ba người khác, giới ưu tú của thành phố chỉ gồm có mấy ông thư ký già người Nam Kỳ và một số người Bắc Kỳ trẻ hơn được đào tạo sau chiếm đóng. Những người thư ký này, lúc đó thường gọi là "thông ngôn", có thể nói là những người duy nhất ít nhiều có phong cách sống đàng hoàng vì cai-ao (cái áo) lụa đen, dấu hiệu sang trọng của tầng lớp họ, cùng với chiếc ô gọng sắt cho biết họ không ở trong những căn nhà tồi tàn.


Về mặt vật chất, đương nhiên nước Pháp chưa làm hết sức mình cho dân bản xứ bằng các biện pháp hành chính và nhất là bằng một chế độ chính trị ổn định hơn. Tuy nhiên nếu có một chiếc đũa thần tài tạo lại những gì của năm 1900 thì những người Bắc Kỳ hiện nay, mặc dù chưa phải ai cũng giàu, không thể nào tin rằng ông cha mình lại có thể sống như vậy. Chỗ nào cũng bệ rạc.


Những người Pháp bị óc tò mò về tập tục châu Á thôi thúc thường đi thăm các khu phố Tàu. Ở đó người ta có thể xem những cửa hàng đẹp, những ngôi chùa giàu có, đôi khi có những đoàn hát lộng lẫy từ Quảng Đông sang. Tai các khu dân cư An Nam, chẳng có gì ngoài chấy rận và sự bẩn thỉu; sự cao nhã nhất chỉ thấy trong rạp, nơi mấy ngài thông ngôn ngồi thư giãn giữa các loại xương vương vãi dưới đất.


Thực tế trong những điều kiện như vậy không gì có thể thúc đẩy người da trắng nhích lại phía người da vàng và dân bản xứ chỉ được coi trọng đôi chút tùy theo công việc họ làm với chúng ta: nấu bếp, đánh xe, làm bồi hay bán hàng, thợ lành nghề trong công, thương nghiệp. Còn những người khác sống khốn khổ bằng cách câu tôm trong các vùng cửa sông đào Bonnal hoặc làm phu mướn công nhật ở bất cứ nơi đâu.


Tình hình có khá hơn ở Hà Nội và ở các trung tâm dân cư lâu đời như Nam Định và Bắc Ninh. Ở các nơi đó có những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công như thợ khảm, thợ thêu, thợ kim hoàn, thợ gốm, thợ gò đồng v.v... Những người này có cuộc sống đỡ vất vả hơn, có hàng ngàn người có máu mặt.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2021, 08:21:15 pm »

Để cụ thể hóa cái hố ngăn cách người Pháp với đám dân nghèo mạt, tôi nhớ rõ lúc đó cảnh sát bắt giữ bất cứ người An Nam nào tìm trong nhà có các đồ vật làm ở châu Âu như thìa, dĩa, đèn, khăn ăn, đòng hò quả lắc, quần áo v.v... Nếu cho người bồi một cái đồng hồ để đi làm đúng giờ người chủ phải cho anh ta một giấy chứng nhận. Thậm chí một đôi giầy kiểu châu Âu cũng là một thứ xa xỉ người An Nam không thể nào có được. Khi Paul Doumer lần đầu tiên tới Bắc Kỳ, một họa sĩ biếm họa đã vẽ ông ta đi giữa hai hàng lính rách rưới người bản xứ và phụ chú: "Nhất thiết phải cấp giầy cho những người này".


Ngày nay người nha-que (nhà quê - ND) nghèo nhất cũng sắm được chiếc ô, thứ ngày xưa tượng trưng cho sự sang trọng dành riêng cho các chức sắc, nhưng cái mốt dùng ô chỉ là kết quả của sự quảng cáo mạnh mẽ của các hãng chế tạo ô ở Lion. Mặc dù chẳng ai cấm đoán nhưng chẳng người An Nam nào dại gì mặc quần áo kiểu châu Âu. Họ không dám, hơn nữa những thứ đó rất đắt.


Người An Nam đầu tiên mặc quần áo kiểu Âu châu năm 1900 là một người bồi trên tàu thủy từ Pháp về. Khi xuống tàu, những người đồng hương của anh ta tụ tập lại xem. Họ trầm trồ và chờ cảnh sát tới bắt anh ta.


Lẽ dĩ nhiên các cửa hàng không thể cấm người xứ vào vì họ vào để lấy hàng theo phiếu của chủ người châu Âu nhưng nếu có người bản xứ vào mua cho chính họ nếu không bị mời ra một cách kiên quyết thì cũng gây khó chịu cho chủ người Pháp. Phải mất hàng tiếng đồng hồ líu la líu lo để bán cho họ một cái khóa móc, một cái ô hoặc mấy cây nến. Rồi lại còn thanh toán ở quầy kế toán cứ lộn tùng phèo cả lên. Tóm lại người ta không khuyến khích dân bản xứ mua trực tiếp của nhà nhập cảng. Mọi chuyện cứ như vậy cho tới khi nhà Leduc ở Hải Phòng, nhà Demange ở Hà Nội và sau này là hãng Grands Magasins hợp nhất (sau khi nhà Godard ra đi) nhận ra rằng làm ăn với đám dân bản xứ trả tiền mặt còn hơn làm ăn với khoảng vài nghìn công chức không những chỉ dùng mà còn lạm vào thẻ tín dụng.


Nếu ai đó nhất định cho rằng tôi bị bệnh khi nói hơi nhiều về sân khấu trong các bài viết của mình về Bắc Kỳ thời xưa thì tôi xin được phản đối. Từ xưa, sân khấu thực sự chiếm một vị trí quan trọng trong các loại hình giải trí của dân chúng. Điều đó có thể hiểu được vì đó là thú tiêu khiển duy nhất vào mùa đông với một vài vũ hội từ thiện. Có thể người ta không thích cả một vở kịch bằng những trích đoạn hoặc đoạn tấu vừa phải ít nhiều hóm hỉnh. Ít ra cũng có được một số khán giả trong những lần như vậy. Tuy nhiên vào tháng năm, tháng sáu, khán giả có ít đi một chút. Đa số khán giả là những người độc thân, họ tới vì các nữ diễn viên và trong một mùa diễn có thể xem đi xem lại nhiều lần một vở tiểu ca kịch chỉ vì đôi mắt của một nữ diễn viên nào đó. Các nữ khán giả, tăng lên nhanh chóng qua từng năm, tới chỉ để trưng bộ cánh. Và thế là cánh nhà buôn hoan hỉ thấy các đoàn diễn tới. Quả thực các đoàn làm các phòng cà phê đầy người, thổi sinh khí vào các khách sạn, làm các loại đồ trang sức và kim hoàn bán chạy.


Có một sự ganh đua giữa các tay tổ chức mỗi khi có đoàn nào tới. Họ chỉ muốn độc quyền. Người ta kể có những anh chàng ở Sàigòn sang tận Singapo đón lõng một đoàn sang Nam Kỳ.


Ở Bắc Kỳ, dân Hà Nội "xuống" Hải Phòng thắt chặt những cuộc đàm phán khi mùa diễn bắt đầu. Ngược lại, dân Hải Phòng lại "lên" thủ đô chọn vở.


Thường thường, những cánh chim lạc đàn làm tổ vững chắc ở chí tuyến của chúng ta (chỉ Đông Dương - ND). Một vài cô trong số những nữ diễn viên xinh đẹp nhất đã xây dựng cho mình một phòng khách đàng hoàng cho tới tận giai đoạn hiện đại. Các cô này không bao giờ mang tai mang tiếng.


Tôi nhớ là Nhà Hát lớn Hải Phòng được khánh thành vào tháng 9 năm 1900 bằng một tối hòa nhạc sau đó có khiêu vũ. Khoảng hai giờ sáng, người ta mở cửa căng tin. Thế là một đám chết đói hóa trang thành quý tộc vội vàng ăn lấy ăn để vì đồ ăn miễn phí. Thật là một sự kiện: chúng tôi là hai người Pháp duy nhất đứng từ xa ngó đám đông, sẵn sàng thoát thân nếu đồ ăn trong đĩa hết sạch và đám đói khát này nhảy vào xơi tái đám bồi để làm biến mất những nhân chứng phát hoảng vì thói phàm ăn bỉ ổi.


Tủ đồ ăn đầy ắp biến mất trong có hai mươi phút. Tới món súp dân dã, đám vô công rồi nghề tỏ ra có chừng mực và thanh tao hơn. Đám này là dân chuyên nghiệp nên sau đó người ta không đưa gan béo và bánh bao nhân thịt ra nữa.


Tôi đã bỏ lỡ một khoản tiền lớn khi các bích chương quảng cáo tiết mục mới đánh thức cơn ngủ say của thành phố Hải Phòng. 

Để cảm ơn tôi đã chăm chỉ viết tin cho tờ Tương lai Bắc Kỳ (l'A venir du Tonkin) và luôn thể khuyến khích tôi tiếp tục cộng tác, ông già F.H.Schneider, chủ nhà in, đã gửi cho tôi một tặng phẩm quý: bộ sưu tập đầy đủ tuần báo Đời sống Đông Dương (La vie indochinoise). Đây là một tuần báo trào phúng có nhiều tranh ảnh nhưng không may là đã bị đình bản đúng vào lúc tôi tới Bắc Kỳ hai năm trước. Vào năm 1900 bộ sưu tập gồm 75 số báo đẹp này không thể tìm thấy được và bây giờ thì vô giá.


Bác sĩ Victor Le Lan phụ trách bài vở và họa sĩ Albert Céjard phụ trách hình ảnh là những người thổi sức sống cho ấn bản rất sắc sảo thấm đẫm tính hài Pháp này.

Những trang như trang táo bạo về chuối và những cách ăn chuối khác nhau, hay như trang về sự chinh phục cao quý nhất của con người (cu li xe kéo), về cuộc sống của một học giả (Dumoutier), về các băng buôn lậu thuốc phiện (bị truy đuổi tới tận lò nấu)... mãi mãi là những tác phẩm về tính hài hước của chúng ta. Phải đợi tới tận ngày nay chúng ta mới lại tìm thấy mạch văn sảng khoái đó ở mục Colline thú vị của tờ Dư luận (Opinion). Buồn cái là Colline không có minh họa mà trong ký ức của người đặt báo thì một bức tranh hay sẽ làm mẩu tin sống mãi.


Le Lan là bác sĩ trù bị của Bộ Hải quân. Ông viết các bản tin thời sự sốt dẻo theo gu thời đó, những truyện ngắn lôi cuốn, những vần thơ đảo điên nhưng không ám chỉ ai.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2021, 08:21:52 pm »

Về Albert Cejard, tài năng của ông cho thấy ông là người duy nhất làm cho tờ báo trở thành thịnh hành, mang lại niềm vui cho những anh chàng ăn bếp chung, làm những người lính đóng trong rừng ở các tỉnh xa khoái trá. Céjard hiểu Đông Dương tới mức không một họa sĩ biếm họa nào hiện nay có thể bằng ông. Nét bút của ông đôi khi gợi lại những nét đẹp nhất của Caran d'Ache. Nếu không hài hước, tranh của Céjard mất hẳn tính chinh phục. Chứng cớ là trong bức Người đàn bà bán tình yêu, một bức thực sự bậc thầy khiến những thanh niên qua hết tuổi thanh xuân ở Bắc Kỳ không thể không xúc động khi nhớ lại, tư thế duyên dáng của cô gái An Nam là sự rõ ràng của sự thật.


Tờ Đời sống Đông Dương được trình bày rất tốt về mặt hình thức cũng như chất liệu giấy mặc dù người đặt chỉ mất có 12 đồng một năm.

Các họa sĩ vẽ cho Đời sống Đông Dương rất mạnh tay. Nếu những nét vẽ của họ luôn luôn chứa đựng ẩn ý thì chúng lại không bao giờ khoan nhượng khi bêu riếu các nhân vật cao cấp. Những tranh loại này tăng được hiệu quả nhờ bài viết kèm theo.


Không bao giờ, rất không bao giờ, sự trả đũa tinh thần đối với những hành động độc đoán của nhà cầm quyền lại mạnh mẽ như ở Đông Dương qua những trang báo của tờ Đời sông Đông Đương bất tử.

Sau hai mùa diễn thành công của đoàn Giquet, một người hào hoa cuối cùng đổ sụp vì điên, đầu mùa đông 1900-1901, đoàn hát của ông Alix tới Hải Phòng. Chưa bao giờ bếp ăn của chúng tôi lại thâm thủng như giai đoạn này phải đón tiếp những cuộc viếng thăm của các cô bạn gái xinh đẹp trong đoàn hát. Thực đơn có nhiều món hơn, đắt hơn. Về phần tôi, tôi phải chịu trách nhiệm xác định một cô gái là đàn bà hay nghệ sĩ. Vì thế mặc dù tốt bụng, tôi vẫn tự hào là không bị lừa bởi những giọng ca quá rõ là chưa đủ tính chuyên nghiệp. Điều này làm tôi một hôm viết trên báo rằng cô tóc nâu yêu kiều X... (cô này tôi quên mất tên rồi) hát như một cái kim tiêm.


Ngay sau hôm bài báo ra, tôi được ông cục trưởng Boundal gọi lên. Vuốt chòm râu đẹp, vị sếp hỏi tôi: "Anh bạn thân mến, anh ở Hải Phòng bao lâu rồi?" - "Hơn hai năm" - "Anh có muốn thay đổi vị trí công tác không?" - "Tôi sẵn sàng theo điều động" - "Thế nếu tôi phái anh đi Đồng Đăng? Như thế anh sẽ gần cha anh hơn, ý anh thế nào?" - "Thưa ông giám đốc, ý của tôi sẽ như ông muốn".


Như vậy là để làm vừa lòng cô gái - ống tiêm có cảm tình với mình, ông Boundal đã phái một nhân viên trẻ lên làm nhiệm vụ ở biên giới giáp Trung Quốc. Đó là cách kết thúc đẹp cho cuộc chiến: vào thời đó các công chức bị cấm cộng tác với các báo và ông Boundal đã xử sự tốt bằng cách làm như không biết việc tôi gửi bài cho tờ Tương lai Bắc Kỳ.


Thế là tôi phải chào từ biệt các bạn trong bếp ăn và buổi tối hôm trước hôm lên đường được đánh dấu bằng một bữa tiệc chúng tôi gọi là "calalou". Tôi cho rằng chúng ta không nên phân tích từ này; nó ít nhiều bao hàm sự ồn ào theo kiểu những bữa tiệc lớn ở châu Phi và tôi thành thực xin linh hồn bà Thénevin đáng kính tha lỗi cho tôi. Hồi đó bà ở đối diện với nhà tôi và vừa mới đây chết ở nhà con rể Alexandre Granval ở Sàigòn. Tuy vậy, tối hôm đó không phải không có chút buồn vì sáng hôm sau tôi đã phải xuống tàu thủy đi Phủ Lạng Thương để từ đó đi tàu hỏa lên Lạng Sơn. Từ lâu tôi đã yêu mến vùng này. Mỗi cái tên của nó tôi đã quen thuộc từ hồi còn niên thiếu. Tôi đọc nghiến ngấu những chuyện kể về các trận đánh, tìm thấy trong đó giai đoạn hào hùng của vùng đất chính quyền do giới quân sự quản lý.


Tới Lạng Sơn, theo nghi lễ, trước tiên tôi tới thăm đại tá Amar chỉ huy trưởng lãnh thổ. Mấy năm trước đây, tôi đã gặp đại tá Gallieni (sau này là thống chế - ND) ở vùng này. Sau đại tá Amar, tôi tới thăm đại đội trưởng Porion, chỉ huv trưởng chi khu. Khi tới nơi, tôi thấy ông ta ở trong căn phòng, trước đây sáu năm, chỉ huy trưởng trung đội kỵ binh Lyautey (sau này là thống chế - ND) vẫn ngồi.


Joffre (sau này là thống chế - ND), đại úy công binh, đã ở Hà Nội vào năm 1886, nhưng chính vùng biên cương Trung Quốc - Bắc Kỳ mới là nơi nhiều nhà quân sự lớn của chúng ta trong tương lai học cách cầm quân. Còn tôi? Tôi chẳng đã có lần phiêu lưu trên đoàn tàu Decauville với trung đội trưởng Charles Mangin (sau này là thống chế Pháp - ND), người lúc đó là chỉ huy trưởng chi khu Bảo Lạc, đó sao?


Đương nhiên vào năm 1900 những người đó còn chưa phủ hào quang của vinh quang. Sự nghiệp tỏa sáng của họ còn bị che phủ trong khi chờ đợi cơ hội cho bước nhảy vọt của thiên tài. Trong các vùng quân quản, người ta hít thở một bầu không khí đặc biệt, hoàn toàn trong sạch cho việc chuẩn bị những nhiệm vụ lớn của binh nghiệp.


Khi tới Đồng Đăng vào một tối tháng mười hai, tôi gặp toàn bộ giới dân sự người Âu tụ tập quanh lò sưởi trong phòng ăn của trạm quan thuế. Có thu ngân viên Jean Duelos, hiện nay là quản trị trưởng của đại lý Hiệp hội Vận tải Đông Dương ở Sàigòn; có Frécaut, người sắp được nghỉ phép tôi phải lên thay; có Moulin, phụ trách xây dựng đường sắt. Mặt vàng vì ký ninh và co mình trong chăn, cả ba thiêm thiếp và run cầm cập. Tôi là khách không mời nên tối đó cả bếp phải ăn tiết kiệm. Trong một góc phòng, mấy con-gai (con gái) của các ngài ngồi bất động, người kín mít. Jean Duelos nói với tôi: "Không đến ba tháng rồi anh sẽ như chúng tôi thôi". Một cô gái bổ sung: "Ở đây nước nó rất xấu" (Ici l'eau lui beaucoup mauvais). Vậy ra tôi sẽ không bao giờ uống nước? Phải nói rằng tôi đã không nghe theo lời khuyên của cô gái và tôi ở Đồng Đăng một năm mà không bị một trận sốt nào mặc dù chẳng đụng tới một viên ký ninh. Người ta xem tôi như một trường hợp miễn dịch đặc biệt vì cứ ba năm một, sĩ quan của đồn binh lại phải chuyển đi.


Sáng hôm sau, tôi đi Lạng Sơn trong lòng cảm động về cuộc đón tiếp buồn thảm dành cho tôi tối hôm trước. Lạng Sơn cách Đồng Đăng 14km. Tôi đón Noel ở đó với cha tôi. Khi quay lại Đồng Đăng tôi phải chứng kiến cảnh Frécaut đi nghỉ phép và Moulin đi bệnh viện. Bù lại đã có Duclos quay lại và tối 31-12 hai chúng tôi ngồi ngật ngưỡng cho khuây nỗi buồn chán và tới nửa đêm thì không biết mình ở đâu nữa. Khi đốt pháo chúc mừng năm mới, do ngoài hiên rất lạnh chúng tôi ném cả băng pháo qua phòng ăn. Khi pháo nổ hêt, giống như trẻ em An Nam, chúng tôi quỳ xuống tìm trong đám giấy đỏ tơi tả những chiếc pháo chưa nổ để sau đó đốt từng chiếc một. Sáng hôm sau, gian phòng trông phát sợ với những mảnh giấy cháy nham nhở và tường ám đen.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2021, 07:28:00 pm »

1901

KHO THUỐC PHIỆN THÔ - MỘT CHUYẾN MẠO HIỂM BẮT BUÔN LẬU - ĐỘI TRƯỞNG ROBERT - BỮA TIỆC GẦN MẪU SƠN - NHỮNG VỤ LẠM QUYỀN CỦA GIRODOLLE Ở CHI MA - MỘT VỤ BUÔN RƯỢU Ở THAM LUNG - TÁC GIẢ BẮT MỘT LÚC SÁU MƯƠI LĂM TÊN BUÔN LẬU - JEAN DUCLOS BỊ CHÓ CAN - HAI CƯ DÂN MỚI Ở ĐỒNG ĐĂNG: DONCKER VÀ GRIESMAR - TƯỚNG BERTRAND.


Một hôm, không hiểu sao tôi có mặt ở văn phòng vào giờ nghỉ trưa và thấy một dãy dài phu khuân vác người Thổ xếp hàng chờ dọc tòa nhà trong khi mọi người nghỉ trưa. Tôi nhìn xem những chiếc thúng nặng họ đeo chứa gì. Đó là những bánh màu xám gói bằng lá dong, khá giống với những bánh phân bò khô nhưng dẻo và có mùi thoang thoảng.


Khi Jean Duclos đi xuống, tôi hỏi anh thứ hàng kỳ lạ này là gì. Duclos cười nói: "Thuốc phiện đấy!". Tại sao những người phu khuân vác này lại ngây thơ đến nỗi trình mặt ra ở văn phòng chúng tôi trong khi thừa biết rằng mua bán thuốc phiện ở dạng này bị cấm? Duclos giải thích rằng chuyến thuốc phiện này được chuyển từ Trung Quốc sang để cho quan thuế bắt, sau đó được chuyển vào tổng kho của xưởng chế biến thuốc phiện ở Sàigòn.


Tôi tức điên người. Như vậy là người ta đã phái một nhân viên quan thuế thâm niên hơn hai năm là tôi ra biên giới bắt buôn lậu mà không hề cho biết thứ nhựa cấm đó hình thù ra sao. Tôi có thể tìm trong thắt lưng của "đệ tử" phù dung tiên tử một khâu thuốc phiện đã qua chế biến vì đã nhìn thấy thứ nhựa đen đen này trong những chiếc lọ nho nhỏ ở các tiệm hút ở Hải Phòng nhưng có lẽ tôi đã để cho hàng xe chở những bánh bí ẩn như thế này đi qua...


Tôi cho rằng Jean Duclos đã biết chuyện này nhưng vẫn cố trêu chọc sự bất bình của tôi bằng cách ra vẻ ngây thơ cho rằng như thế là bình thường và chính quyền không thể lựa chọn những phương cách thông minh khác để bình đẳng trong cuộc đua với tư nhân.


Vài năm sau, khi soạn bộ Biên niên Quan thuế (Les Annales des Douanes et Régies), tôi không quên đặt lại vấn đề. Tôi đề xuất ý kiến buộc các nhân viên mới, từ Pháp sang hoặc chuyển vào Sàigòn lần đầu, phải thăm các xưởng chế biến thuốc phiện; tại đó, họ phải theo dõi các công đoạn chế biến. Nhưng ý kiến của tôi cũng chỉ cuốn theo chiều gió. Sau bốn mươi năm, giới cầm quyền chẳng thèm để ý tới vấn đề. Cùng ý kiến với tôi, các thanh tra có kinh nghiệm trong ngành quan thuế thừa nhận rằng ít ra là một nửa kiểm hóa viên, tham biện và thậm chí cả nhân viên săn lùng cũng không biết xác định thế nào là thuốc phiện thô. Các bạn hãy tin rằng bốn mươi năm nữa tình hình vẫn như vậy thôi, trừ phi giám đốc hiện nay, ông Ginestou, muốn chơi trội bằng cách áp dụng những biện pháp đơn giản, hợp lý, ít tốn kém. Như thế ít nhất cũng có lợi rõ ràng cho ngân sách.


Đối với những ai ngoài ngành, tôi xin nói rõ, trong nhiệm vụ chủ yếu của mình, các nhân viên quan thuế có nhiệm vụ bắt giữ hàng lậu và một bánh thuốc phiện nhỏ xíu cũng có một giá trị đáng kể.


Ngoài ra, trong nhiều lĩnh vực, nhân viên quan thuế phải phải thi hành nhiệm vụ mà phẳng có ai quan tâm chỉ bảo cho. Họ phải tự mình xoay sở trên lưng đám nhân viên thuộc địa khốn khổ.


Những ngày ở Đồng Đăng trôi qua chẳng ngày nào giống ngày nào. Sau hai tuần yên tĩnh và buồn chán, chúng tôi gặp những ngày bi thảm.


Hai hay ba tuần lễ sau khi tới, tôi muốn lập chiến công đầu bằng cách cùng với khoảng một chục tuân-dinh (tuần đinh) và lính đoan đi bắt một chuyến rượu lậu từ Trung Quốc sang. Thế là chiều nào chúng tôi cũng chơi trò mèo đuổi chuột với bọn buôn lậu sau những đồi núi và vách đá ở biên giới. Đám phu khuân vác có một đoàn hộ tống vũ trang người Trung Quốc. Đêm xuống, đoàn buôn lậu tưởng đường đã thông, thế là chúng gặp toán mai phục của chúng tôi tại chỗ mà theo lý thuyết chúng tôi không thể có mặt vào lúc đó. Tôi lớn tiếng ra lệnh, thế là những tên hộ tống xả đạn về phía chúng tôi. Chúng tôi đáp lại đúng như dự đoán và chỉ thu được những chum đựng chum - chum" (rượu) lậu do đám phu khuân vác bỏ lại. Cuộc chạm súng làm náo động các làng Thổ quanh vùng và tôi nghe thấy tiếng trống báo động cho các hương dũng (partisan). Tôi vội phái mấy người vào các làng báo tin mình đang làm nhiệm vụ để tránh hiểu lầm là cướp. Cuối cùng chúng tôi trở về Đồng Đăng với hai mươi vò rượu và năm mươi khẩu súng. Trên đường về chúng tôi phải đề phòng bọn buôn lậu có thể bất thình lình tấn công lại ở một khe núi nào đó.


Các tuần đinh là những người Trung Quốc làm thuê cho các đại lý bán rượu và thuốc phiện trong tỉnh. Họ có nhiệm vụ phối hợp với quan thuế chống buôn lậu, chúng tôi phải nhờ họ cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Nhưng họ không phải không chịu những nguy hiểm. Vài ngày sau vụ bắt đoàn rượu lậu, người ta tìm thấy bên đường xác hai tuần đinh tham gia vụ bắt rượu lậu. Cả hai cái xác đều bị xẻ ra.


Một lần khác, tôi đi ủng định lên ngựa đi tuần với một người lính cũng đi ngựa qua những con đường gần biên giới. Khi tôi chuẩn bị đi thì Jean Duclos yêu cầu tôi không đi nữa để giúp anh hoàn thành một số báo cáo kết toán ông chi cục trưởng vừa đòi nộp. Thế là hai người lính cưỡi ngựa lên đường thực hiện chuyến đi tuần dự kiến trước.


Đêm xuống, chúng tôi thấy một con ngựa phi về miệng hí vang vẻ đau đốn. Con vật bất hạnh bị chém ngang chém dọc ở phần mông. Ngay lập tức chúng tôi báo động với đại úy chỉ huy chi khu. Ông này liền phái ngay binh sĩ ra phía biên giới. Trên đường đi người ta tìm thấy một người lính bị thương nặng ở đầu, đi thêm vài cây số nữa là xác của người thứ hai.


Khi hỏi người lính bị thương, chúng tôi biết câu chuyện xảy ra như sau: khi tới gần biên giới, hai người lính bắt được nhiều người Thổ vận chuyển một lượng thuốc phiện mua ở Trung Quốc; khi giải những tên phạm tội đi qua một ngôi làng thì có những tiếng gào thét thù địch. Khi còn cách Đồng Đăng không xa thì họ bị một nhóm người vũ trang từ các khe núi hai bên đường xông ra tấn công. Trước hết chúng tấn công ngựa để chắc chắn bắt được người. Một con ngựa đau quá lồng lên bỏ chạy mang theo chủ bị thương. Người lính mất máu ngất đi và ngã xuống tại chỗ may là đã khá xa bọn giết người. Người thứ hai ngã ngựa bị giết ngay tại chỗ. Con ngựa của anh ta mấy tháng sau được tìm thấy gần Nacham trong một cái hang bọn hung thủ dấu hàng.


Có lẽ tôi sẽ không kể lại câu chuyện trên nếu không có bức điện tín từ Hải Phòng yêu cầu gửi ngay các báo cáo kế toán. Người ta tin rằng nếu người Thổ có vấn đề với một người da trắng họ cũng không dám chăng bẫy.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2021, 07:28:48 pm »

Tiếp theo tai nạn đẫm máu trên và nhiều tai nạn khác xảy ra trong các chi khu lân cận, chỉ huy trưởng vùng lãnh thổ 1 tuyên bố sẽ không đáp ứng các yêu cầu về an ninh của nhân viên quan thuế nếu họ thi hành nhiệm vụ mà không có các đội hộ tống quân sự. Kiểm hóa viên ở Lạng Sơn lúc đó là ông Voreaux báo cáo với chi cục trưởng, ông này trả lời phải theo quan điểm của đại tá chỉ huy. Đương nhiên điều này có nghĩa là phải bỏ những cuộc chặn bắt bọn buôn lậu vì chừng nào các toán lính hành quân còn tự khai báo mình bằng những tiếng lưỡi lê lách cách và tiếng giầy đinh lạo xạo trên đá thì chẳng có cơ may nào bắt được bọn buôn lậu. Nhiều cuộc phục kích đêm dọc biên giới giữa Đồng Đăng và Nacham chỉ làm mồi cho muỗi tấn công vì làm thế nào ngăn cản được những người lính lê dương quá thèm châm lửa hút thuốc?


Để trốn cô vợ chua ngoa, Voreaux thường tham gia vào các chuyến đi bắt buôn lâu và nhiều lần trở về tay không, ông nhanh chóng nhận ra sự vô ích của các toán lính. Tuy nhiên mỗi khi có tin báo quý giá chúng tôi vẫn phải lên đường xem thế nào. Một lần, sau một đêm ròng đi bộ, tôi sang chúng tôi cũng tìm thấy rất nhiều thuốc phiện thô treo trên cột cái của một nhà sàn kiểu Nùng cách Đồng Đăng khoảng bốn mươi cây số. Phụ nữ và trẻ em chạy tán loạn. Khi chúng tôi vào bản thì lũ chó được thả ra lao vào tấn công chúng tôi dữ dội. Chúng tôi hiểu rằng những người nước ngoài quỷ quyệt (chỉ buôn lậu người Trung Quốc - ND) không thể nào làm như vậy nếu chưa bao giờ tới cái vùng cheo leo này. Tôi bắt giữ chủ nhà. Đó là một người Nùng còn trẻ, trông khôi ngô, anh ta tỏ vẻ hoảng hốt sợ bị bắt khỏi làng. Tôi giao người tù cho viên đội lê dương chỉ huy toán bốn người lính và ra lệnh trói lại. Viên đội vừa nói không cần vừa chĩa súng dư dứ vào người tù như có ý nói chạy sẽ chết. Hành động đó vẫn không ngăn cản được người tù, sau khi đi được mười hai cây số, nhảy một cú nhảy tuyệt vời vào khe suối và biến mất trong bụi rậm trước khi các lính lê dương đặt súng lên vai. Thế là viên đội cùng với hai người lính lại phải vất vả quay lại tìm đứa con trai lớn của người tù chạy trốn. Đó là cách duy nhất buộc người tù phải ra trình diện mấy ngày sau đó để được khoan hồng.


Hai người lê dương ở lại với tôi chờ đồng đội quay lại, một nguyên là quản lý văn khế người Bỉ (các quản lý văn khế Pháp bỏ học thường sang Bỉ và ngược lại), một là người Đức nguyên là mục sư. Người này, do tuổi tác, có vẻ là một tu sĩ hay thầy tu phá giới hơn là mục sư. Trong khi chia nhau con gà nguội trên đỉnh một ngọn núi nhìn xuống biển mây, chúng tôi trao đổi không đến nỗi nhàm chán lắm về các chủ đề triết học.


Một hôm, theo lệnh của ông Voreaux, tôi có mặt ở Lạng Sơn để tham gia vào một đoàn lên vùng núi Mẫu Sơn. Đoàn gồm hai nhân viên người châu Âu, hai mươi bốn lê dương đi hộ tống dưới sự chỉ huy của một viên quản, hơn hai mươi tuần đinh. Tất cả phải theo lệnh của một đội trưởng quan thuế tên là Robert.


Robert là một anh chàng bạt mạng dễ mến. Tôi biết gia đình Robert ở Nantes có một cửa hàng bán ô rất to. Trước đây anh là thu ngân viên ở một trạm thuế thuộc Cao Bằng và vừa mới bị chuyển khỏi đó do quá nhiệt tình.


Nghiện nặng thuốc phiện, Robert bê trễ trong việc lập các báo cáo kết toán hàng tháng. Cuối cùng anh bị va vấp đi tới hết quỹ, không muốn lập báo cáo nữa. Tất nhiên giám đốc phải gửi điện tín đòi báo cáo. Robert đánh hơi được nội dung bức điện nên không mở ra. Anh cứ làm như thế với ba hay bốn bức điện khẩn nữa cũng như các bức thư gửi từ Hải Phòng lên mà nội dung bên trong nhất định phải chất đầy sự ngạc nhiên và tức giận của giám đốc. Được báo động, tới lượt chính quyền quân sự phải ra tay can thiệp. Robert trả lời anh vừa làm xong những việc cần làm và sự cố đã chấm dứt. Giám đốc bực mình phái khẩn cấp một thanh tra lên xem nội vụ ra sao. Thanh tra lại chính là bố già Bounemaille. Ông tới nơi sau khi dừng lại ở nhiều trạm nghỉ cùng với đoàn quân xa.


Thanh tra được Robert đón ở cửa văn phòng với nụ cười tươi tắn. Ông hỏi: "Ê này Robert! Anh không ốm đấy chứ?" - "Ông thanh tra, tôi ấy à? Tôi chưa bao giờ khỏe như lúc này" - "Vậy sao anh không trả lời điện tín và thư của ông giám đốc? Ông ấy yêu cầu anh nộp kết toán từ hai thằng này" - "Tôi có biết ông ấy yêu cầu tôi đâu" - "Sao lại như vậy?" - "Tôi bận đến nỗi chẳng có thì giờ mở thư từ ra nữa" - "Anh nói sao?" - "Ông thấy đấy, tất cả các thư tín còn nguyên trong phòng làm việc" - "Nhưng ít ra thì bản kết toán anh đã gửi đi chưa?" - "Thưa ông thanh tra, tôi không gửi" - "Tại sao?" - "Tôi thấy người ta không yêu cầu tôi, tôi nghĩ rằng bản kết toán không cần nữa nên tôi không lập" - "Nhưng nếu anh mở điện tín hay thư ra anh sẽ thấy người ta yêu cầu anh. Chắc anh biết ông giám đốc không hài lòng như thế nào" - "Vậy tôi không mở chúng ra lại hay vì không gì làm tôi mệt bằng việc thấy ông giám đốc không hài lòng".


Một hôm tôi ngây thơ hỏi Robert về chủ đích của câu chuyện trên mà có lần ông Bonnemaille đi qua chỗ chúng tôi kể lại: "Ý đồ của anh thế nào mà anh lại làm như vậy?" - "Tôi làm đúng như những gì tôi muốn. Tôi đã nhiều lần nói muốn chuyển vị trí công tác, không muốn ở Ta - Lung nhưng ông giám đốc cứ làm ngơ. Thế là vì chuyện đó ông ta nghĩ rằng đã phạt được tôi bằng cách chuyển tôi tới Lạng Sơn, nơi tôi rất thích".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2021, 07:29:29 pm »

Đoàn chúng tôi lên đường đi Mẫu Sơn vào khoảng bảy giờ tôi. Chúng tôi phải đi suốt đêm để rạng sáng hôm sau, theo tin báo, bắt một đoàn chở thuốc phiện và rượu. Robert, đã no thuốc, dẫn đầu đoàn quân và thoăn thoắt đi bộ trong nhiều giờ không thèm để ý tới con ngựa đã đóng yên cương sẵn cho anh.


Tiếng đồn có một đơn vị lớn đi qua làm xao động cả đồn binh Lộc - Bình. Viên trung úy chỉ huy đồn liền phái một viên đội và lính tới chỗ chúng tôi tìm hiểu. Khi nghe thấy tiếng hô lớn: "Ai?", Robert liền giải thích cho viên đội và chúng tôi tiếp tục lên đường tới khu vực dự kiến. Nhưng không hiểu do đoàn quân triển khai ầm ĩ hay do các chỉ điểm viên lừa toàn bộ lực lượng quan thuế tới đây để bọn buôn lậu ung dung qua lối khác, cuộc phục kích của chúng tôi bị thất bại.


Sau vài giờ nghỉ ngơi, chúng tôi lên đường quay lại Lạng Sơn. Vào khoảng xế chiều, chúng tôi gặp viên chỉ huy đồn Lộc Bình, ông ta đi ngựa tới mời chúng tôi tới ăn tối và nghỉ lại. Robert từ chối: "Thưa trung úy, chúng tôi không thể nhận lời mời vì chúng tôi phải đưa đội lê dương về" - "Thì có đủ suất ăn cho họ" - "Thế ông có biết rằng họ có hai mươi bốn người không?" - "Không sao" - "Lại còn tuần đinh và lính gác" - "Cũng chẳng sao. Tóm lại là anh không được từ chối. Thứ nhất, vì bữa ăn đang được chuẩn bị cho tất cả mọi người. Thứ hai, nêu anh không nhận lời, anh sẽ làm tôi rất buồn. Tôi đã ở đây gần hai năm. Hàng tháng tôi vẫn nhận phụ cấp để đãi khách qua đồn, nhưng rất hiếm người qua lại mà nếu có qua thì cũng chẳng bao giờ ở lại lâu để tôi có thể đãi những thứ khác ngoài những thứ vặt cà phê hay bia. Việc các ông đến đây là một sự kiện trời cho để khôi phục cho tôi cái tiếng là người đàng hoàng hiếu khách".


Trước những lời lẽ ân cần tử tế như vậy thật khó mà từ chối. Hơn nữa, mệt nhoài ra như chúng tôi lúc đó thì việc dừng lại dự một bữa ăn ngon không phải là dở. Tuy nhiên chúng tôi vẫn nghi ngờ về chất lượng cũng như số lượng của bữa tiệc chỉ được chuẩn bị sau khi viên đội báo cáo về chúng tôi trong đêm.


Tới đồn nằm trên đỉnh một ngọn đồi, trước hết chúng tôi được mời uống khai vị trong khi các tân binh dựng bàn ghế tạm. Trong phòng ăn của viên trung úy chỉ có bốn người trong đó có viên quản lê dương; binh lính và những người An Nam ngồi ở ngoài hiên. Thực đơn như nhau cho cả ba loại thực khách, trừ rượu không có cho người An Nam. Ôi! Một bữa ăn xứng đáng với sự thèm ăn sau khai vị của những người lê dương: có gà, vịt, đậu, rau tươi, một phần tư con mang; bánh bích quy và vang dùng thoải mái. Sự vui vẻ tràn ngập đồn và chủ nhà như ở trên thiên đường.


Khi tráng miệng, một người lính lê dương đứng lên thay mặt các bạn cám ơn viên trung úy. Viên quản, biết rõ nguồn lực của đơn vị, gợi ý người lính tổ chức một buổi hòa tấu. Gợi ý này được mọi người hoan nghênh và chúng tôi được một bữa thưởng ngoạn. Trong số hai mươi bốn người mặt sạm nắng, có mười hai người có thể tấu, hát, làm trò tung hứng hoặc nhào lộn. Họ thay phiên nhau diễn như bất tận và một màn tấu hài làm các khán giả An Nam phải kinh hoàng. Suốt đêm chúng tôi nghe họ nói và xem họ làm trò, chẳng ai nghĩ tới mệt. Tuy nhiên lúc lên đường vào ba giờ sáng, chân ai cũng hơi loạc choạc vì hạnh phúc được nghỉ trong tòa lâu đài của ông tiên trong truyện thần thoại.


Ngày nay, đường đi Mẫu Sơn đã có nhiều người qua lại hơn từ khi có một khu nghỉ mát ở trên đỉnh dãy núi này. Tuy nhiên tôi nghĩ chưa bao giờ vùng này lại vang lên những âm thanh vui vẻ ầm ĩ như buổi tối tháng 5-1901 đó.


Đối với những độc giả nhất định cho rằng chẳng qua đó chỉ là một buổi nhậu nhẹt thông thường của lính tráng, tôi xin các độc giả đó cố lùi sự tưởng tượng về bốn mươi năm trước đây để thấy một đồn binh hoàn toàn cách biệt với các trục lộ giao thông lớn.


Cuối năm 1900, chính quyền lập một trạm quan thuế ở Chi-Ma trong vùng Mẫu Sơn và phái tới đó một viên tham biện làm thu ngân viên. Anh này thông thạo khắp vùng nên có thể tuần tra khắp nơi như một hạ sĩ quan.


Không may là thu ngân viên mới này có rắc rối ngay từ đầu với viên trung úy chỉ huy đồn binh và anh này nảy ra ý thức chống đối: "Nếu chúng ta chỉ có thể ra ngoài dưới sự hộ tống, vậy thì tối nào tôi cũng sẽ ra ngoài để gây rắc rối cho viên trung úy này". Nói là làm. Thế là viên trung úy nhận được hết yêu cầu hộ tống này tới yêu cầu hộ tống khác. Sau mấy ngày, viên trưng úy tuyên bố rằng các đòi hỏi liên tục như vậy là quá đáng và không muốn đáp ứng vì làm mệt lính. Anh nhân viên quan thuế đáp lại là sẽ đơn thương độc mã lên đường. Trong khi hạ sĩ quan và binh lính chỉ có thể ba ngày mới đi tuần một lần thì anh nhân viên quan thuế nọ giữ nguyên yêu cầu và nhất quyết lên đường một mình nếu bị từ chối. Trước tình hình đó, viên trung úy đành tạm thời nhượng bộ nhưng báo cáo với bộ chỉ huy ở Lạng Sơn. Trong khi chờ đợi quyết định và cũng để cho các phó của mình nghỉ, viên trung úy tham gia vào đoàn hộ tống. Ông ta đi theo anh nhân viên quan thuế hàng giờ mà không hé miệng lấy một lời và càng lúc càng nhận ra rằng những chuyến đi tuần như vậy chẳng có lợi gì ngoài việc làm ông mất kiên nhẫn. Cuối cùng có quyết định: giám đốc quan thuế, sau khi tham khảo ý kiến đại tá, cho rằng cách thức làm việc của nhân viên mình là lạm quyền. Ông ra lệnh cho anh chàng thu ngân viên ngừng trò hề. Chẳng phải cầu, anh quan thuế viên cũng thôi ngay vì chính anh cũng không chịu nổi nữa. Tôi tin rằng sau đó viên trung úy và anh sẽ thành một đôi bạn. Anh thu ngân viên hay yêu sách là một người rất tốt. Rất nhiều người Hải Phòng biết anh là thành viên hội đồng tham vấn của thành phố và là chủ của nhiều cửa hàng lớn mua lại của Công ty Alexandre Granval Bordeaux, anh tên là Joseph Girodolle.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2021, 08:01:07 pm »

Anh bạn thu ngân viên Jean Duclos của tôi xuống Hà Nội điều trị bệnh lở mồm long móng. Có tin báo ở Tham Lung, nằm giữa Đồng Đăng và Lạng Sơn, có một lượng rượu rất lớn trong nhà một người Thổ đang tổ chức đám cưới lốn. Rất muốn trở về mà không bị tay không, tôi quyết định lên đường thử không có lính đi theo xem sao. Tôi lên đường với tám nhân viên quan thuế và chỉ điểm viên. Rạng sáng, sau khi chỉ ngôi nhà cho chúng tôi chỉ điểm viên vội vã biến mất vì chó sủa ầm lên mà anh ta thì không muốn để cho ai biết để giữ an toàn. Ngay sau khi anh ta đã đi xa, chúng tôi dễ dàng nhận ra ngôi nhà có đám cưới. Trong khi cả bản vẫn còn chìm trong bóng tối và yên lặng thì ba bốn nhà đã có đèn và phát ra nhiều tiếng ầm ĩ.


Tôi cho rằng tốt nhất là cứ tiến hành công việc mà không cần quan tâm làm như thế lúc đó có hợp pháp hay không vì lũ chó quỷ quái sắp phát hiện ra và làm hỏng việc của chúng tôi. Tôi bố trí người quanh các ngôi nhà để canh những người đi ra và tự mình cùng với hai nhân viên nói được tiếng Thổ tiến tới cửa chính. Chúng tôi đập mạnh cửa và nói to: "Mở ra" - "Ai đấy, muốn gì đấy?” - "Quan thuế đây. Mở cửa ra! Không được chống lại!". Có tiếng ồn ào ở bên trong đáp lại. Tôi bắt đầu tin rằng mình đã không thận trọng khi không mang theo lính. Tôi ra lệnh cho người thông ngôn: "Nói với họ rằng chống cự chỉ vô ích vì lính đang bố trí trên đường. Phải mở cửa ra". Lại có tiếng ồn ào như đe dọa. Phải liều thôi, tôi dùng kiếm buộc cánh cửa tre phải mở. Cuối cùng người bên trong cũng rút then cửa ra.


Trong gian thứ nhất, khoảng năm mươi người mặt mũi đỏ gay vì rượu, vẻ dữ tợn. Vẫy tay cho hai đồng đội đi theo, tôi bước nhanh sang gian thứ hai. Ở đây lại có khoảng mười lăm người nữa ngồi quanh bàn trước những chén rượu. Tôi đi tiếp sang gian chính. Tại đây một cảnh tượng bất ngờ hiện ra trước mắt tôi: ở giữa phòng, trên một tấm vải tựa như võng, một ông già râu trắng nằm thanh thản trong một chiếc quan tài. Quanh quan tài với khoảng hai chục ngọn nến đỏ lớn cắm trong các giá là phụ nữ và thiếu nữ quỳ quanh. Tất cả đều mặc đồ trắng, tóc xõa xuống vai. Như bị thôi miên, tôi ngắm nhìn bức tranh hoành tráng đó. Đám phụ nữ cầu kinh như không bận tâm tới sự xuất hiện bất ngờ của tôi. Những người quay lưng lại tôi cũng chẳng thèm quay lại xem người là sỗ sàng là ai. Những người quay về phía tôi, có lẽ đã nhìn thấy tôi cầm thõng kiếm trong tay nhưng vẫn cúi mặt xuống trong sự im lặng thành kính. Tất cả theo đúng những nghi lễ cổ, không ai bận tâm tới sự có mặt của một người lạ tới làm gián đoạn buổi lễ một cách thô bạo.


Lấy lại được bình tĩnh, tôi trở về với thực tại. Tôi tìm người chủ gia đình và nói với ông ta rằng chúng tôi bị nhầm do nhận được báo cáo sai và chúng tôi sẽ rút ngay. Mọi người nghe có vẻ như tán thành và có nhiều người tới trước tôi cúi mình cảm ơn.


Tôi vừa bực vừa vui. Trở về Đồng Đăng, tôi đọc cho thông ngôn, ông già Mau, một bức thư để chuyển thành chữ nho. Trong thư tôi giải thích ràng một chỉ điểm viên đã báo ngôi nhà đó nấu một lượng rượu lớn nhân dịp đám cưới, rằng người Pháp tôn trọng tang lễ và sự đau buồn của gia đình, tôi xin nhận lỗi bằng cách bỏ qua xuất xứ của số rượu đã uống và trong tương lai mọi người cần phải tránh vi pham các quy định. Một nhân viên cưỡi ngựa mang bức thư tới Tham Lung. Vài ngày sau, người đại diện của bản cùng với chủ gia đình tới thăm tôi để tỏ tình thân thiện.


Người thông ngôn, ông Mau, bằng cách phối hợp chữ Pháp, chữ An Nam và chữ Hán làm cho bức thư rất dễ hiểu. Vào thời đó, các thông ngôn có vị trí không như bây giờ. Từ khi các trường tiểu học của chúng ta thay thế các lớp dạy chữ nho, các nhân viên bản xứ có thể làm sổ sách kế toán rất tốt. Ở các vùng biên giới dân chúng ít nhiều coi thông ngôn như những người da trắng nước ngoài.


Thành tích nghề nghiệp sáng chói nhất của tôi ở Đồng Đăng là điệu được sáu mươi lăm tên buôn lậu về đồn quan thuế mà chỉ cần bốn lính quan thuế người bản xứ.


Sáng hôm đó, tôi và toán hộ tống nhỏ đi theo đường sắt tới Nam Quan. Điểm kết thúc của con đường sắt này lúc đó còn cách Trung Hoa Môn (porte de Chine) 100m để chờ Từ Hi thái hậu chấp nhận nối vào lãnh thổ của bà ta. Ở chỗ ngoẹo của con đường từ Trung Quốc sang, chúng tôi thấy hai người đàn bà Thổ quay lại khi nhìn thấy chúng tôi. Lính của tôi vội vàng đuổi theo và tới sau một khe núi thì bắt được hai người cùng với gạo. Tôi để nửa số lính ở lại canh hai người đàn bà rồi cùng số lính còn lại tiếp tục đi tiếp theo con đường. Từng lúc từng lúc, tôi lại gặp thêm người chuyển hàng, đàn ông có, đàn bà có, thậm chí cả trẻ. Tất cả đều hoảng hốt khi thấy chúng tôi nhưng ngạc nhiên khi chúng tôi để cho đi qua. Họ không ngờ rằng ở 100m phía trước họ sẽ bị đón bắt cùng với hai tù nhân đầu tiên. Khi thấy không còn ai diễu qua nữa, chúng tôi quay lại chỗ tâp trung và đếm được sáu mươi lăm người, đa số là dân ở ngay Đồng Đăng.


Kết quả cuộc vây bắt rất tốt: tất cả số gạo khoảng bốn tấn chuyển từ Trung Quốc sang Bắc Kỳ mà không đóng một đồng thuế nhập khẩu nào, một số tên gánh tới 100kg. Khi thấy bị bắt chung với nhau, các tù nhân đón nhận biến cố ngoài mong đợi một cách vui vẻ, biết rằng sẽ chẳng có gì quan trong.


Chúng tôi sắp xếp đoàn người có trật tự và đối xứng: trẻ em đi đầu, tiếp theo là phụ nữ, cuối cùng là đàn ông.


Việc phải đi qua Đồng Đăng, một việc không thể tránh được, làm tôi lo ngại. Tôi nghĩ thầm miễn là gia đình những người bị bắt không được báo trước để đánh tháo người và hàng. Trái hẳn với chờ đợi của tôi, việc áp giải toán buôn lậu qua Đồng Đăng lại gây ra sự vui vẻ cho cả phố. Trước cửa nhà, các bà ngồi lê mách lẻo nói năng ầm ĩ, cười như không ngừng lại được, nói đùa với trẻ con y như trẻ con. Không một tên bị bắt nào dám trốn và chúng tôi chiến thắng kéo vào đồn quan thuế. Chúng tôi cho gạo vào kho và nhận biên lai. So gạo này chiều hôm đó chủ chúng tới nhận lại sau khi đã đóng thuế gấp tám lần.


Số người bị bắt cười nói vang vang trên đường về làng. Họ có thể nói với nhau rằng một lần nữa họ lại bị bắt, rằng đã bao nhiêu lần lừa quan chức thuế mà không bị trừng phạt.


Điều chắc chắn là hồi đó có những trục trặc trong công việc canh bắt, một công việc thu hút gần hết hoạt động của nhân viên quan thuế người Pháp. Lần đó, chắc người canh chừng của toán buôn lậu đã không nhìn thấy tôi đi qua vào lúc rạng sáng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2021, 08:02:01 pm »

Như đã nói, Jean Duelos phải đi Hà Nội điều trị bệnh lở mồm long móng. Jean rất thích săn bắn, anh có một con chó lai rất đẹp được anh đặt tên là Ba-gia (Bà Già? - ND). Ba-gia đẻ được hai con chó con. Một con được hai tháng tuổi thi ốm mấy ngày rồi chết. Một hôm, hai chúng tôi lên một ngọn đồi thăm đại úy Blanc, chỉ huy trưởng chi khu Đồng Đăng. Ông ta hỏi thăm hai con chó. Jean Duelos trả lời: "Chỉ còn một con. Nó đang ốm không chịu ăn. Tôi cố bắt nó ăn nhưng nó đã cào sước ngón tay tôi" - "Hãy coi chừng, nếu nó điên anh sẽ nguy đấy" - "Nguy với con chó con như thế à?" - "Chính chó con nguy hiểm hơn các chó khác vì ai cũng coi thường nó. Có một loại bệnh dại đặc biệt ở chó con rất nguy hiểm gọi là bệnh dại ẩn. Nếu tôi là anh, tôi sẽ phòng trước". Lúc đó, Jean Duelos không để ý tới lời cảnh báo, nhưng chiều hôm đó con chó sùi bọt mép thở hắt ra, anh mới nói với tôi trong bữa ăn: "Ông đại úy nói rất đúng. Tôi sẽ đi Hà Nội theo dõi bệnh dại nhân tiện làm một chuyến tìm hiểu Babylone* (Tác giả ví Hà Nội như thành phố Babylone cổ đại, nơi đô hội có nhiều dân tộc khác nhau - ND) của Đông Dương". Được Jean Duelos cho biết quyết định, viên đại úy không những tán thành mà còn khuyên nên mang theo óc con chó trong một cái liễn.


Tại Hà Nội, Jean Duelos chỉ được phép kéo dài số ngày lưu trú với điều kiện phải điều trị khá mệt mỏi.

Điều này anh không thích chút nào nhưng đành chấp nhận và nhởn nhơ hàng tuần cho tới khi kết quả xét nghiệm cho thấy não con chó bị nhiễm dại. Nếu không có chuyến viếng thăm đại úy Blanc, anh bạn của tôi chắc chắn đã ngủ yên dưới một nấm đất ở Đồng Đăng hay Lạng Sơn sau khi bị nghẹt thở giữa hai tấm chăn bó chặt theo quy định thời đó.


Về chuyện này, có một chi tiết buồn cười: Jean Duelos đã tặng con chó thứ hai, con còn sống, cho một "con-gai", một trong số những bạn anh ở Hà Nội. Khi biết con chết nhiễm bệnh dại, anh muốn báo tin cho cô bạn gái biết để theo dõi. Thế là anh vội vàng tới nhà cô gái nhưng ngươi nhà nói: "Bà chủ đi Bách thảo (jardin botanique) với con chó nhỏ". Jean Duelos lại tới Bách thảo: từ xa anh thấy người đẹp ngồi trong xe tay quang dầu bóng loáng vội giơ tay ra hiệu. Không nhận ra anh trong bộ com lê anh đặt may khi tới Hà Nội cộng với việc không muốn bị nhìn thấy nói chuyện với một người châu Âu không quen biết, cô "con-gaỉ" ra lệnh cho phu xe chạy thẳng. Jean Duelos gọi với theo: "Con chó, con chó!" Nhưng con ngựa - người trong anh không hăng bằng con của cô bé xinh đẹp. Cuối cùng, Jean Duelos lại phải tới tận nhà giải thích trong những tiếng cười như phá nhà.


Có một người Bỉ tới định cư ở Đồng Đăng. Đó là ông De Doncker làm cho xí nghiệp vận tải của anh bạn Guigal của tôi. De Doncker là một người có tuổi lúc nào cũng vùi đầu vào tìm hiểu những quy tắc xử thế và những người có hành xử phụ thuộc vào những nghi thức lịch sự ban đầu. Mỗi khi bị ai đó coi thường, ngay lập tức sự nhạy cảm của ông ta trỗi dậy. Ông ta nhanh chóng vo tròn lại và trong trạng thái mọc gai ra như vậy, con người lịch lãm, chừng mực, tinh tế, hay ghen tức với cung cách lễ độ tinh tế hơn, trở nên thô lỗ và vô học. Tất nhiên tôi và Jean Duclos thường biết cách dàn xếp cho êm xuôi câu chuyện. Jean là người biết cái lẫy làm cho bộ máy chuyển động ở chỗ nào cũng như biết cách choàng vòng hoa vào cổ người khác.


Doncker không chịu nổi khí hậu Đồng Đăng quá hai tháng. Chính em Jean tôi, do cha tôi đưa từ Pháp sang ít lâu sau tôi, đã phải thay thế ông ta. Chỉ mớối mười bốn tuổi rưỡi nhưng sớm có nghị lực, Jean đã biết cách cầm roi điều khiển những chiếc xe trâu của người Thổ. Những chiếc xe này không hiểu sao xí nghiệp cứ khăng khăng một cách ngu xuẩn bắt qua đêm ở giữa đường chẳng thèm để ý tới những người trong xe. Một hôm trâu kéo xe bị ăn trộm. Jean một mình ra đi với khẩu súng và sáng hôm sau dẫn trâu về. Không những thế em tôi còn bắt những tên bị nghi là trộm dong trâu về tận chỗ mình từ một làng khá xa. Giống như Doncker, em tôi nhanh chóng bị sốt rét. Nó chiến đấu với những cơn sốt bằng nửa chai rượu sâm banh, cuối cùng phải quay về Lạng Sơn. Quy luật ba tháng cho thấy là ngoài tôi ra mọi người đều bị sốt rét.


Khi đường sắt Phủ Lạng Thương - Lạng Sơn được đưa vào khai thác, còn có một người nữa tới ở Đồng Đăng. Đó là Viên sếp ga người Alsace (Vùng ở Pháp giáp với Đức - ND) tên là Griesmar và vợ. Hoàn toàn mù chữ nhưng tự cho là thi sĩ lớn, sáng nào ông sếp ga cũng thả hồn vào thơ và liên tục viết những câu thơ con cóc vô duyên đọc cho bà vợ Caroline say sưa nghe y như Molière đọc cho tên hầu mình nghe.


Khi Griesmar tối vùng châu thổ Bắc Kỳ dự các cuộc họp về bầu cử, người ta thúc ông ta lên phát biểu, thế là ông ta say sưa tuôn ra những câu thơ cho các ứng cử viên nghe.

Tôi nhớ trong bữa tiệc làm lễ đặt tên cho một cháu bé ở Lạng Sơn, tôi đã được nghe ông ta nhấn mạnh vào một số âm tiết của bài thơ luẩn quẩn vô tận mà tôi chỉ còn nhớ đoạn cuối như sau:

Nếu său nầy (blus dard - đúng ra phải là plus tard)

Buổi chiều,

Trên tại độ (poulevard - đúng ra phải là boulevard)

Một người già

Lói nghiễng mộ em (tisait qu’il t'atore - đúng ra phải là disait qu'il t'adore)

vẫn cuỗng lại (résite engore - đúng ra phải là résite encore)

Và khôn quêng bức trênh pa mầu (et n’ouplie bas le trabeau dricolore - đúng ra phải là et n'oublie pas le tableau tricolore).


Ôi, các nhà thơ! Nhân vật này làm tôi nhớ tới một viên tham biện quan thuế ở Sàigòn. Một lần ông ta đọc cho tôi nghe đoạn đoản thi ông ta làm tặng một người đàn bà rất dữ dằn với ông ta. Bài đoản thi đó kết thúc như sau:

"Ta cần gì lăng mộ nếu em không tới khóc".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM