Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:57:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lửa của đất  (Đọc 5972 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2021, 08:08:00 pm »

7

Từ sau Tết Mậu Thân vài tháng, Mỹ - ngụy điên cuồng phản kích. Chiến đấu liên tục, không được nghỉ ngơi và bổ sung lực lượng, sức chiến đấu của bộ đội địa phương và du kích đuối dần.

Tết Mậu Thân du kích xã Mỹ Lâm đã có gần một đại đội. Xã được giải phóng, ngày đêm ta đi lại tự do trên dòng kinh Mớp Giăng. Đến nay hầu như ấp nào cũng có đồn địch. Tàu FOCA Mỹ ngày đêm chạy trên kinh Mớp Giăng như chạy chỗ không người. Du kích xã chỉ còn lại không đầy một tiểu đội, vũ khí thiếu thốn, nhìn hành động hung hăng của địch, ức nghẹn tới cổ mà không làm gì được.


Đôi lúc họ chụm đầu lại ôn những ngày Mậu Thân sục sôi với bao nhiêu hành động ngây thơ mà cười ra nước mắt. Nghe lệnh tổng công kích và tổng khởi nghĩa cứ tưởng sẽ giải phóng miên Nam ngon lành trong một vài ngày. Khi rời căn cứ họ bảo nhau vứt hết nồi soong, mùng mền, thậm chí còn vài giạ gạo dự trữ cũng trút luôn xuống đìa cho cá. "Giải phóng đến nơi rồi mang theo của quỷ ấy làm gì cho nặng". Bây giờ mới thấy cái máu "bốc đồng" trong Tết Mậu Thân đã đem lại hậu quả gì.


Lệnh của cấp trên vẫn ban xuống "tiếp tục tổng tấn công và tổng khởi nghĩa". Chẳng còn sức đâu mà bao vây đồn bốt, cắt đường giao thông nhưng cũng phải làm một việc gì đó, vừa với sức mình để giữ nghiêm kỷ luật. Nhiều lần du kích Mỹ Lâm đã bàn cách đánh tàu FOCA để cảnh cáo bọn Mỹ hạn chế bớt sự hung hãn của chúng. Bàn bạc cũng giống như sự ước ao mà thôi, chẳng đi tới hiện thực nào cả. Giá như có lấy một hai khẩu B40, B41 và một cơ số đạn. Giá như có một khẩu ĐKZ 57... Giá như... Nhưng làm gì còn điều kiện như Mậu Thân, súng đạn cần là có, đạn bắn thả cửa.


Bí thư Sáu Hòa và xã đội trưởng Ba Hanh không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào, khi gặp các đơn vị bộ đội trên tuyến đường 1C là ngỏ lời xin những của quý hiếm đó. Có ngươi lịch sự từ chối, có người nói chua chát "được như hồi tết thì chẳng phải để các đồng chí đề nghị". Nhưng cuối cùng sự kiên trì của họ cũng được đền bù, T80 (đơn vị bảo vệ tuyến 1C) đã cho một khẩu AT với một cơ số đạn.


Ẩn được giao khẩu súng đó, cả tiểu đội du kích coi khẩu AT như một bảo vật. Thì giờ rảnh là tranh nhau thử tập ngắm, tập bắn.

Một hôm tổ du kích tới chơi nhà ông Sáu Chồn. Vừa bước vào cửa Ẩn đã khoe:

- Chú Sáu... chú có biết loại súng nàv không, - Ông Sáu chưa kịp trả lời Ẩn đã gạ. - Chú Sáu còn gà không? Cháu mua một lít rượu. Chú cháu ta ăn mừng trước. Dứt khoát kỳ này cháu sẽ bắn chìm FOCA.

Trong huyết quản Sáu Chồn còn sôi sục dòng máu chiến sĩ, tuy sức lực đã cằn cỗi, nhưng nói tới chiến đấu ông vẫn giữ nguyên lòng hăng hái như xưa. Ông yêu mến những chiến sĩ du kích và ngược lại họ cũng yêu mến trân trọng ông như người chỉ huy cao nhất của mình. Thấy Ẩn khoe khẩu súng mới, ông cầm lấy rồi nói:

- Loại súng này thì ngon rồi. Đạn ít. Mỗi quả đạn mày phải đổi lấy một cái tàu của nó. Bọn Mỹ đang chủ quan lắm. Phải cho chúng một đòn, để cho chúng biết du kích Mỹ Lâm thế nào. Tao đồng ý cho bọn bây ăn mừng trước, nhà tao còn một con gà thịt được rồi, bây ra đằng sau mà bắt.

- Hoan hô chú Sáu, chiến công đầu thuộc về chú.

- Hoan hô. Có mồi rồi nhậu xong chưa biết chừng chúng đến.

- Mày làm thịt gà, tao đi lấy rượu.

Thấy bọn trẻ la hét đuổi gà vui vẻ, ông Sáu vui lây. Ông ngồi bắt chân chữ ngũ, mắt nhìn ra dòng kinh, suy nghĩ về lớp trẻ kế tiếp mình. Không đầy mười năm mà biết bao đổi thay, kể từ năm 1962 có lúc ta làm chủ toàn xã vào ban đêm, có lúc ta hoàn toàn làm chủ cả ngày lẫn đêm, đến nay ta làm chủ từng "lõm". Sự thay đổi ấy trong xã luôn luôn gắn liền với phong trào chiến tranh du kích. Ông không đủ trình độ để phân tích tại sao có sự thay đổi ấy. Nhưng ông biết rất rõ lớp trẻ trong đội du kích, các cán bộ xã đội như Nguyễn Thị Hoa, Lương Văn Hón, Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Ngọc Anh và các chiến sĩ như Ó, Ẩn, Út Lì, Mười Châu, Ly (người Khơ-me) thì dù có thay đổi như thế nào, họ vẫn là niềm tin của nhân dân, niềm tin của ông. Họ luôn luôn đưa tới ông những tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bao nhiêu hình ảnh còn như đang sống động trước mắt. Cũng ở trong cái nhà này, cách đây không lâu thằng Ly đặt bàn tay vào hai quả lựu đạn da láng đeo ở lưng rồi nói với ông: "Hai trái này nếu cháu bị chúng vây, cháu còn ngáp thì dứt khoát phải cưa hai". Vài ngày sau đội du kích vào trong ấp công tác, gần sáng trở về "cứ", Ly mệt mỏi nằm nghỉ ở bờ kinh, ý định nghỉ một lát đỡ mệt rồi đi tiếp, chẳng dè ngủ một mạch cho tới sáng.


Sáng hôm ấy ông Sáu nghe thấy tiếng lựu đạn và tiếng súng nổ ở phía bờ kinh cách nhà mình vài trăm mét, ông băn khoăn lo lắng, "du kích đã về "cứ" rồi, ai đụng độ với địch ở đó. Tiếng súng nổ khoảng hơn mười phút rồi có một máy bay lên thẳng tới hạ cánh. Chúng xuống lấy xác nhau. Ông Sáu phán đoán chắc là một tên chỉ huy quan trọng hoặc biệt kích Mỹ nó mới dùng đến trực thăng. Chiều hôm đó anh em du kích đến nhà ông Sáu tìm Ly, ông nói với họ về tiếng súng nổ buổi sớm. Họ cùng đến hiện trường của trận đánh. Nơi máy bay đậu còn để lại nhiều vũng máu và bông băng vứt bừa bãi. Rẽ xuống ruộng lúa, đi theo một vệt máu kéo dài đã thâm đen và vạt lúa nhầu nát đến chỗ một xác người nằm sấp ông Sáu khựng lại, kêu khe khẽ: "đúng mày rồi Ly ơi! Mày đã thực hiện đúng lời hứa".


... Mãi cho đến lúc này, ông Sáu vẫn như thấy Ly đứng trước mặt mình nói những lời tiên đoán về số phận của mình. Nghĩ về Ly, ông lại càng thương yêu những chiến sĩ du kích trẻ đang quây quần quanh ông. Họ đang cười nói đó, nhưng có thể lát nữa thôi, có đứa sẽ ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Chúng chẳng tiếc gì cuộc đời mình. Ông là người đi trước đâu dám nghĩ đến cái riêng cho mình.


Bữa tiệc nghèo chỉ có thịt gà luộc, vài con cá lóc nấu canh chua và mớ rau cải sông bày biện đã xong.

Xã đội phó Ngọc Anh cười nói:

- Chú Sáu mở tiệc mừng chúng ta sắp sửa lập chiến công. - Ngọc Anh nâng cốc rượu đưa về phía ông Sáu rồi nói tiếp. - Mời chú Sáu là người cao tuổi nhất làm chủ xị.

Ông Sáu nhấp một ngụm nhỏ rồi đưa lại Ngọc Anh. Ngọc Anh chuyển cho Ẩn:

- Sao lại thế. - Ẩn xua tay. - Anh uống trước đi.

- Sau chú Sáu đến cậu, trận đánh này có lập được công hay không cậu quyết định vì cậu giữ hỏa lực.

Mọi người cười nói gần như đồng thanh:

- Đồng ý.

Mấy người cùng gắp thức nhắm bỏ vào bát của Ẩn. Ẩn gắp bỏ ra dĩa, ngươi khác lại gắp bỏ vào cho Ẩn, đưa đẩy cùng với tiếng cười ồn ào vui vẻ.

- Bồi dưỡng xạ thủ.

- Chúc cậu chỉ một phát chìm FOCA.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2021, 08:08:48 pm »

Cốc rượu được chuyền tay mỗi người một ngụm. Hơi men nâng không khí phấn chấn của mọi người lên như cờ gặp gió.

Có ai đó nhắc đến chuyện cô Bảy Sen vừa ở nhà tù của ngụy ra. Câu chuyện lập tức được hưởng ứng rộng rãi.

- Nghe đâu nó định bắt chị Sáu "Bãi Lửa", nhưng nó bắt lầm.

- Nói đúng hơn là chúng bị mắc lừa.

- Chú Sáu biết rõ chuyện thế nào chú kể nghe.

- Hôm đó cô Sáu về thăm nhà.

Nói tới đó ông Sáu nhấp một ngụm rượu, rồi im lặng.

Từ lâu nay trong xã Mỹ Lâm lưu truyền nhiều chuyện gần như huyền thoại về bí thư kiêm chính trị viên xã đội Nguyễn Thị Hoa (tên thường gọi là Sáu Bắc, du kích gọi chị là Sáu Bãi Lửa là cái tên vui đùa vì bốn lần yêu, người yêu đều chết trận), chị là một cực có sức hấp dẫn nhân dân trong xã. Mỹ - ngụy hoảng sợ người con gái ấy, chúng đặt giá cái đầu Sáu Bắc hàng triệu đồng. Vì vậy anh em du kích rất quan tâm chuyện gì vừa xảy ra đối với người chỉ huy của họ.

An giục ông Sáu:

- Kìa chú kể tiếp đi.

- Hôm ấy. - Sáu Chồn nói nhẩn nha. - Bọn lính đến thẳng xóm Bắc rất sớm. Khi chị em cô Sáu nhìn thấy thì chúng đã tới gần. Bảy Sen chỉ kịp nói: "Chị chạy ra cửa sau, nhanh lên". Ba phút sau bọn lính kêu mở cửa. Hai thằng chĩa súng vào Bảy Sen, hỏi: "Mày là Sáu Hoa" "Đúng. Các ông hỏi gì". Mấy thằng lính cười hô hô: "Phen này mày hết đường chạy". Lúc đó Bảy cũng mừng đã lừa được địch, để chị Sáu chạy thoát. Chúng đưa Bảy đến Sóc Xoài rồi cho gọi một thằng chiêu hồi ra nhận diện. Tới lúc đó chúng nó mới ngã ngửa ra là bị mắc lừa.

- Cô Bảy lanh thiệt. Mưu mẹo có nòi.

Những câu chuyện được nối tiếp, hết người này tới người khác kể tưởng không bao giờ hết. Chị Sáu Bắc chỉ huy chống càn. Chị Sáu Bắc chỉ huy diệt ác ôn. Chị Sáu Bắc cứu chị Bảy Cao. Chị Sáu Bắc thoát chết trong trận địch phục kích...

Tàn bữa rượu họ tán chuyện bù khú với nhau, đủ loại nghiêm chỉnh và không nghiêm chỉnh cho tới xế chiều.

Đang tán chuyện, có người ngoài cửa nhắc:

- Có tiếng động cơ.

Họ xách súng chạy ra cửa. Ngọc Anh hỏi anh em:

- Tính sao bây?

- Chơi. - Ẩn trả lời gọn lỏn.

- Nghe tiếng máy còn xa, đủ thời gian chúng ta có thể tới xóm Bắc. Ở đó có địa hình tốt. Nhanh lên!

Ân, Út Lì, Mười chạy theo Ngọc Anh, họ vội vã không kịp chào tạm biệt ông Sáu

Ánh nắng chiều nhạt dần. Bóng những bụi cây sậy ngả dài, đu đưa trên mặt nước. Đàn trâu lững thững về chuồng. Tiếng quang quác của đàn chim ăn đêm bay xa dần về phía biển. Tiếng bom ầm ì từ xa xôi dội lại. Sáu Chồn không rời mắt khỏi dòng kinh, các giác quan của ông cố lọc ra tất cả mọi hình ảnh, âm thanh chỉ hướng vào con tàu.


Tiếng máy nổ và hình dáng con tàu tuần tiễu của bọn Mỹ rõ dần. Một chiếc hình con thoi màu xanh sẫm lao nhanh để lại phía sau nó một vệt bọt trắng xóa trước mắt ông. Một chiếc nữa, rồi một chiếc nữa. Chiếc cuối cùng vừa mất hút sau những lùm cây. Không phải chờ lâu, ông Sáu đã nghe thấy một tiếng nổ lớn và tiếp theo là tiếng đạn tiểu liên nổ, cùng lúc đó ánh lửa bùng lên chừng vài phút.


Hai chiếc FOCA quay trở lại, bật pha sáng, phóng như bay qua trước mặt ông ra biển. Sáu Chồn rất khoái, ném theo chúng một câu chửi: "Đ.má! Chúng bây chết một thằng rồi".

Chợt nhớ tới một tình huống có thể xảy ra sau trận đánh, ông vội vàng vào trong nhà thúc vợ con xuống hầm tránh pháo. Ngay lúc đó ông đã nghe tiếng máy bay lên thẳng xoáy trên đầu. Nghĩ đến đàn trâu của mấy gia đình buộc chung quanh trên nền đất gần nhà mình, ông cầm dao chạy ra, giơ cao con dao định chặt thừng trâu. Ông hàng xóm ngồi ở đầu nhà nhìn thấy hét:

- Chặt thừng trâu chạy ra ngoài đồng chúng bắn chết hết.

- Tập trung thế này nó bắn là chết hết.

Vừa nói ông Sáu vừa bổ từng nhát mạnh xuống. Thấy tiếng nổ của loạt đạn rốc-két từ máy bay vừa bắn xuống, đàn trâu chạy tung tóe mỗi con một hướng.


Máy bay địch bắn phá dữ dội khoảng mười phút rồi bay đi. Những đám cháy trong xóm, nơi máy bay bắn, ngọn lửa bốc lên cao soi sáng cả một vùng. Tiếng kêu la hoảng hốt chìm vào tiếng tre nứa cháy nổ. Người từ nhà này chạy sang nhà kia giúp nhau chữa cháy. Ông Sáu dập xong đám cháy trên chiếc ghe bầu của T80 ở trước cửa nhà mình, xong, ông lao tới đám cháy lớn ở xóm bên.


Mấy người đàn ông, người nào người nấy tay xách thùng, xách chậu đứng nhìn ngọn lửa rừng rực đang liếm trên cái khung nhà. Họ bậm môi giận dữ bất lực.

Sáu Chồn vừa tới, nghe có tiếng người than thở:

- Chết hết rồi!

- Nhà chị Tiết không chạy được người nào?

- Tất cả năm mẹ con.

Suốt đêm đó cả ấp xôn xao mất ngủ. Tin du kích bắn chìm tại chỗ một chiếc FOCA và cái tin mẹ con chị Tiết bị máy bay Mỹ bắn chết cháy trong nhà mình, truyền từ nhà này sang nhà khác, thấm vào mỗi người niềm vui và nỗi căm giận.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2021, 08:09:43 pm »

8

Đêm 5 tháng 5 năm 1968, mưa đầu mùa kéo dài mấy giờ liền. Mưa xối xả như tát nước vào mặt mọi người. Đội du kích Sóc Sơn, do xã đội trưởng Ba Non dẫn đầu vẫn mò mẫm trên đoạn đường gần cầu số 9. Cùng đi với họ có tổ công binh của huyện.


Đáng ra đêm nay, theo lệnh cấp trên, bước vào đợt hai tổng tiến công tổng khởi nghĩa, họ phải pháo kích vào chi khu Tri Tôn, nhưng lệnh xuống chậm không kịp chuẩn bị, họ phải thay thế bằng đánh giao thông. Chỉ tính vài tháng vừa qua trên đoạn đường này du kích Sóc Sơn và công binh huyện đã từng phá hủy hàng chục xe quân sự và diệt bàng trăm tên địch. Để thông đường, Mỹ - ngụy đã dùng mọi biện pháp đối phó. Dọc đường khoảng năm trăm đến một nghìn mét đóng một cái đồn cỡ một tiểu đội đến một trung đội; giữa đồn này với đồn khác thường xuyên tuần tiễu kết hợp phục kích. Mỗi lần có đoàn xe qua, chúng rải quân canh gác và cho rà mìn trước... nhưng mìn của du kích vẫn liên tục hất tung các loại xe của chúng xuống lề đường.


Gần sáng mới chôn mìn xong, trời vừa tạnh mưa. Ba Non đi kiểm tra lại đoạn đường vừa chôn mìn còn để lại nhiều dấu chân. Không còn đủ thời gian để ngụy trang nữa, Ba Non quyết định moi hai quả mìn mang về, để đêm khác đánh cho chắc ăn.


Về tới bờ dừa, nơi trú quân của đơn vị, anh em ngồi xúm lại bàn tán tiếc rẻ một đêm vất vả "công cốc".

Huyện đội phó Năm Thắng giải thích:

- Độ này thiếu thuốc nổ, anh em công trường phải nhặt từng quả bom bi lép, mỗi hòm mìn này là hai mươi quả bom bi đó. Mình đánh phải chắc ăn cho bõ cái công của anh em công trường bỏ ra.

Các cậu Thủ, Hồng, Kiên, Nam... đang mồi thuốc cho nhau, thì thầm gì đó rồi cười khúc khích. Năm Thắng tưởng mấy cậu du kích có ý "kê" điều mình vừa nói. Anh nói tiếp:

- Cơm không ăn còn đó lo gì. Đánh ẩu rồi không còn gì để mà đánh.

- Rút về là phải, anh em có than phiền gì đâu thủ trưởng.

Ánh sáng từ ngoài biển đã tràn vào soi rõ từng cọng cỏ. Bụng đói cồn cào, có nằm cũng chẳng ngủ được, Ba Non vùng dậy, đi lững thững ra bờ kinh. Anh tính ra đứng chơi ở bờ kinh chờ ghe xịp ở ngoài biển về, xin bà con một ít cá.


Mới đi cách xa chỗ đơn vị khoảng hơn một trăm mét, Ba Non yên chí vùng đất này của mình kiểm soát, anh không để ý đến xung quanh. Bất ngờ có một tên lính ngụy bước ở trong bụi ra, chĩa súng vào anh, nó hô "giơ tay lên". Nhanh như cắt, Ba Non gạt văng nòng súng của địch sang một bên, đồng thời rút khẩu súng ru-lô cho nổ liên tục năm phát, tên lính ngụy đổ gục xuống. Một tên lính khác cầm khẩu ga-răng cách anh vài bước, hoảng sợ đứng như trời trồng. Thấy súng mình hết đạn, Ba Non vội vàng chạy về nơi đóng quân. Chạy độ mươi bước anh mới thấy đạn rít bên mang tai. Anh kêu to: "Có địch... báo động chiến đấu".


Anh em chủ quan không đặt cảnh giới chu đáo, khi nghe súng nổ gần quá rồi, mắt nhắm mắt mở, vơ vội hành lý rồi chạy.

Riêng Thủ và Hồng đang ngồi chuyện trò, khi nghe súng nổ đã kịp thời vào vị trí chiến đấu.

Nhìn thấy một tên lính ngụy vừa bắn vừa đuổi theo Ba Non chỉ cách mươi mét, nếu nổ súng sẽ chết cả đồng đội mình, họ đành chờ Ba Non tới chỗ không còn cản trở, mới níu cò. Hai loạt đạn AK của Hồng và Thủ quật tên biệt kích ngã xấp xuống, khẩu ga-răng văng sang một bên cách chỗ họ một với tay. Bọn địch phía sau đã kịp dồn lên, chúng hò hét và bắn như đổ đạn vào cứ của du kích.

Thấy không đủ sức chống cự lại địch, Ba Non cho đơn vị rút lui.

Tiểu đội du kích Sóc Sơn cùng một số anh em trên huyện đội xuống công tác đã rút lui về nơi an toàn. Họ điểm lại không thiếu một ai, nhưng trong lúc vội vã không kịp chuẩn bị, họ đã bỏ lại nhiều thứ. Người mang nhiều nỗi lo buồn nhất là Năm Rự. Anh vừa nhờ cơ sở của xã mua từ trong vùng địch ra được một trăm hộp sữa, hộp thịt và hai mươi giạ gạo về nuôi thương binh, đến bây giờ thì trắng tay. Tiền hết rồi biết làm sao đây.


Bụng dạ mọi người đã đói mềm, nhưng sờ túi nắn bòng chẳng có gì có thể ăn được. Thay thế cho bữa ăn, họ xúm lại bình luận trận đánh tao ngộ vừa xảy ra, rồi cười (cười ra nước mắt).

Bỗng có một tiếng nổ như tiếng bom ở phía cửa vàm biến, chỉ độc có một tiếng thôi.

Anh em đứng bật dậy nhìn về phía tiếng nổ. Không còn âm thanh gì khác ngoài tiếng sóng biển ồn ào muôn thuở. Cột khói đen đang tan loãng vào không trung. Không có máy bay, tại sao có tiếng bom nổ? Họ hỏi nhau, nhưng chẳng ai đoán ra được một điều gì khả dĩ được coi là hợp lý.


Buổi chiều tổ trinh sát về đưa một tin phấn khởi. Dân đi đánh cá về cho biết: đại đội biệt kích ác ôn khét tiếng do thằng Hà chỉ huy, có sĩ quan Mỹ đi theo, trong lúc chờ tàu để rút về Rạch Giá, đã bị bom nổ ở cửa vàm, khoảng ba mươi tên chết tan xác và một số bị thương.


Ai đặt bom ở đấy? Anh em xôn xao hỏi nhau. Tổ trinh sát cũng không trả lời được. Mọi ngươi vui mừng hả hê, Ba Non cười nói to: "Bom của ai nổ ta cũng thắng. Chúng ta tới tận nơi xem".


Họ đến bãi cát ở cửa vàm biển. Những dấu vết còn lại đã nói với họ nhiều điều. Một cái hố bom còn ám khói. Từ hố bom hất tung ra đủ thứ. Những mảnh quần áo rằn ri, những mảng da thịt, ruột gan; những mảnh gỗ thùng, gỗ báng súng và rất nhiều vũng máu.


Mọi người thận trọng xem xét phán đoán theo nhận thức của mình. Thỉnh thoảng lại có tiếng reo lên thích thú:

- Ôi! Mảng da này đúng là da Mỹ rồi, lông nó vàng như lông bò.

- Đây có mảng da đen sì, như vậy là có cả thằng Mỹ đen nữa.

- Anh Ba xem này, đúng là vỏ thùng mìn của ta.

- Gạo, sữa, thịt còn nguyên chúng chưa kịp mang đi một tí nào...

Mọi thứ anh em nhìn thấy ở hiện trường nơi quả bom nổ, được coi là vĩ thanh của trận đánh "tao ngộ". Họ kết luận: Sau khi anh em rút, bọn biệt kích Mỹ đã thu được một số chiến lợi phẩm, trong đó có hai hòm bom bi (mìn), mỗi hòm hai mươi quả. Đến bờ biển, trong khi chờ tàu, một tên lính nào đó tỏ lòng tôn kính các ngài sĩ quan Mỹ, nó đã mang hai cái hòm gỗ để cho các ngài ngồi cho sạch sẽ. Cái xác nặng hàng tạ của ngài sĩ quan Mỹ đè lên hòm mìn. Mìn nổ tung.

Mãi tới hôm nay khi kể chuyện truyền thống, du kích Sóc Sơn vẫn cười thú vị về "hai quả mìn tao ngộ".
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2021, 08:19:50 pm »

Chương bảy
78 NGÀY ĐÊM TRONG VÒNG VÂY

1

Năm 1969. Tình hình chiến sự diễn ra ở Quân khu miền Tây rất phức tạp và ngày một xấu đi. Địch thực hiện bình định cấp tốc, lấn hầu hết vùng giải phóng rộng lớn mà trước Mậu Thân ta đã giành được. Lực lượng vũ trang của ta chống đỡ không đáng kể. Bộ đội chủ lực quân khu chiến đấu liên tục từ Tết Mậu Thân tới nay, quân số vũ khí trang bị hao hụt không được bổ sung.


Hai sư đoàn chủ lực ngụy (21 và 9), cùng với hỏa lực Mỹ chi viện tối đa, thay nhau hoặc cùng một lúc đẩy chủ lực quân khu từng bước lui về căn cứ U Minh.

U Minh - căn cứ truyền thống của bộ đội chủ lực và cơ quan lãnh đạo miền Tây bị địch uy hiếp nặng nề. Chiến dịch "nhổ cỏ U Minh" của Mỹ - ngụy nâng tới đỉnh cao nhất về sử dụng lực lượng của chúng ở miền Tây từ trước tới nay. Có lúc chúng dốc toàn bộ hai sư đoàn chủ lực cùng với lực lượng cơ động của các tỉnh, có các loại máy bay (cả B52) và pháo của hạm đội 7 yểm trợ, để càn quét đóng đồn. Địch đã chiếm được một phần đất quan trọng của U Minh Thượng và dồn ta về U Minh Hạ...


Miền Tây đang trong tình thế báo động khẩn cấp. Quân ủy Trung ương đã quyết định đại tá Lê Đức Anh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Miên, tới thay tư lệnh Quân khu 9, đồng thời tăng viện nhanh cơ sở vật chất và ba trung đoàn chủ lực cho quân khu.


Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 9 (chủ lực Miền) được lệnh tách ra khỏi sư đoàn từ miền Đông mượn đường biên giới nước bạn hành quân về miền Tây.

Tháng 1 năm 1969 Trung đoàn 3 đã vượt qua sông Vĩnh Tế. Đặt chân lên đất miền Tây, Trung đoàn 3 đã liên tiếp lập chiến công.

- Tiêu diệt trận địa pháo Núi Sam.

- Tấn công vào căn cứ huấn luyện Chi Lăng, tiêu diệt sở chỉ huy và khoảng 1.000 tên, giải phóng số người bị bắt quân dịch.

- Tiêu diệt một tiểu đoàn biệt động quân ở chùa Tà Miết.

- Tiêu diệt và bức rút một số đồn bót xung quanh Bảy Núi (Tri Tôn, An Giang)...

Đầu tháng 8 năm 1969, theo lệnh Bộ tư lệnh Miền, Trung đoàn 3 rời vùng Bảy Núi tiếp tục hành quân về U Minh.

Những trận đánh vừa diễn ra ở vùng đất từ lâu địch coi như yên tĩnh, làm đảo lộn nếp suy nghĩ của các tướng ngụy Vùng 4 chiến thuật. Lực lượng "dép râu, nón cối"1 (Dép râu, nón cối, ý nói bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào) xuất hiện ở vùng đất này, sẽ làm cho chúng không dễ dàng gì trong việc "nhổ cỏ U Minh", và chưa biết chừng còn là mối hậu họa của chúng.


Chúng vội vã bứt một phần lực lượng của chiến dịch "nhổ cỏ U Minh" điều động bằng mọi phương tiện tới vùng Hòn Đất làm nhiệm vụ bóp nghẹt tuyến đường 1C, ngăn chặn không cho quân tăng viện của "R"1 ("R": Bộ tư lệnh Miền) tới Quân khu 9. Đầu tiên chúng ném một liên đoàn biệt động tới đánh vào các chốt bảo đảm hành quân của ta từ Bảy Núi (An Giang) tới Ba Hòn.


Mỗi cái chốt của ta từ một tiểu đội đến một trung đội, nhưng bọn biệt động ngụy húc không bật nổi những thành lũy bé nhỏ đó. Các tiểu đoàn trong Trung đoàn 3 vừa hành quân vừa chiến đấu về Ba Hòn. Địch lại tung thêm một tiểu đoàn bộ binh nữa vào lực lượng ngăn chặn, nhưng vẫn chưa làm nên cơm cháo gì.


Lực lượng "bóp nghẹt" tuyến đường 1C tăng lên rất nhanh. Chúng ồ ạt đưa thêm một trung đoàn thuộc Sư đoàn 9 và chiến đoàn 50 xe bọc thép. Ít ngày sau chúng đưa thêm một tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 21, hai giang đoàn cùng một bộ phận tàu biệt kích hải quân Mỹ, dưới sự chi viện hỏa lực của pháo hạm đội 7, máy bay B52 và nhiều trận địa pháo mặt đất. Chúng khép chặt vòng vây xung quanh "Ba Hòn".


Trung đoàn 3 được đảng bộ và nhân dân Hòn Đất giúp đỡ đã vượt qua được nhiều tuyến ngăn chặn của địch và vượt qua lộ Cái Sắn được ba tiểu đoàn. Còn lại ở "Ba Hòn" một tiểu đoàn, một bộ phận nhẹ của trung đoàn bộ và khoảng một trăm thương binh, bệnh binh.


Ngay từ ngày đầu, các lực lượng của ta chiến đấu trong "Ba Hòn" đã gặp rất nhiều khó khăn. Số người kể cả dân và quân đội có khoảng hơn một nghìn người. Số lương thực dự trữ đã cạn từ 30 tháng 8 (khi địch còn chưa tấn công ào ạt vào Ba Hòn). Thiếu đạn dược và chất nổ, phải vượt qua kinh Vĩnh Tế sang Cam-pu-chia lĩnh.


Địch chuẩn bị tấn công, không kể hàng chục nòng pháo cỡ lớn bắn phá ngày đêm, riêng B52 mỗi ngày mười bốn lần tốp tới rải bom. Chỉ riêng ba ngày bom, pháo bắn phá chuẩn bị, vùng đất trên "Ba Hòn" đã bị lột đi từng mảng lớn màu xanh, núi non tưởng như muốn đổ sập xuống. Trước vài giờ địch tấn công, các đơn vị trong "Hòn" nhận được tin "Bác Hồ đã từ trần...", tin đó ập đến một luồng gió tiếc thương xao xuyến.


Lễ truy điệu Bác dưới làn khói bom đạn, không có hương trầm, không một vòng hoa, nhưng trang nghiêm và tràn ngập xúc động. Mọi người đứng một phút yên lặng, nước mắt chảy tràn, hướng về phương Bắc vĩnh biệt người lãnh tụ anh minh. Thay lời điếu, bằng lời hứa trước anh linh của Người "... Chúng ta nguyện trung thành với lý tưởng của Người, dù có phải chịu đựng hy sinh gian khổ đến thế nào, cũng kiên quyết giải phóng miền Nam thống nhất đất nước..."


Loạt đạn cuối cùng của đợt pháo địch bắn chuẩn bị, khói như một màn sương mù, cay sè lùa vào cửa hang. Tổ cảnh giới báo cáo "Chúng nó đổ bộ". Hàng chục chiếc máy bay lên thẳng, kéo đàn kéo lũ lần lượt hạ cánh ở nhiều điểm khác nhau.

Một tiểu đoàn bộ binh địch từ suối lớn, đi hàng dọc chậm chạp như một con sâu khổng lồ đang tiến về hướng hang Bà Luốc, nơi đại đội địa phương huyện giữ.

Trung đội (thực ra chỉ còn có chín người) do đại đội phó Đỗ Đức Trọng (tên thường gọi Sáu Thố) trực tiếp chỉ huy, đã ra vị trí chiến đấu ở trước cửa hang.

Bọn địch vẫn tiến dè dặt, thỉnh thoảng dừng lại bắn mấy loạt đạn thăm dò.

Tiếng súng liên thanh, tiếng lựu đạn như một làn sóng nổ lan rộng trên "Hòn", không ngừng vang rền. Sáu Thố suy nghĩ đến việc đỡ một đòn mạnh đầu tiên của địch với lực lượng mỏng manh của mình. Anh nhắc lại mệnh lệnh đã được phổ biến "phải hết sức bình tĩnh, có lệnh của tôi mới được nổ súng".

Anh chị em im lặng rê mũi súng theo mục tiêu mình lựa chọn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #44 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2021, 08:20:45 pm »

Toán quân đi đầu chừng một đại đội đã lọt sâu vào trong tầm lựu đạn. Lệnh bắn của Sáu Thố vừa phát ra, lập tức đồng loạt cả trung đội phóng ra những loạt đạn tiểu liên, những trái lựu đạn chụp chính xác vào đội hình địch.

Bị đánh bất ngờ chưa kịp ẩn nấp, ngay từ loạt đạn đầu toán quân đi đầu của địch đã bị đánh tan tác.

Anh em chuyển làn hỏa lực xuống bộ phận địch ở phía sau.

Địch đã phát hiện được trận địa của ta, chúng lui xuống ở cự ly an toàn rồi gọi pháo.

Hàng chục viên đạn pháo nổ trước mặt và sau lưng trận địa ta, khói bụi mù mịt không còn nhìn thấy gì xung quanh. Sáu Thố cho đơn vị tạm rút vào trong hang.

Địch tiếp tục tiến, chiếm được đỉnh Hòn Me.

Đêm hôm đó anh em phân công nhau đặt mìn vào các lối mòn, nơi địch có thể đến tấn công vào cửa hang của mình.

Sáng sớm hôm sau, Sáu Thố ra chỗ vọng gác quan sát. Một toán địch chừng tiểu đội, chúng không theo lối mòn, nơi anh em đặt mìn, mà bò qua những tảng đá khấp khểnh. Sáu Thố rê mũi súng của mình vào tên lính gần nhất. Anh níu cò, súng nổ một loạt ngắn. Tên lính mất hút sau tảng đá. Để tiết kiệm đạn, anh gạt lại khóa hãm bắn phát một. Chờ tên địch ló đầu ra anh lại tỉa một phát. Nó cũng bắn tỉa lại anh. Đôi bên cù cưa, bên này "đùng" bên kia đáp "đoàng" một hồi lâu. Bọn biệt động quân ngụy khá xảo quyệt. Trong lúc chúng để mấy tên bắn nhau với Sáu Thố, một mũi chủ yếu của chúng lại tiến theo một hướng khác. Nghe thấy tiếng nói rì rầm ở sườn thấp, Sáu Thố nhìn xuống đã thấy bọn chúng đang tiến vào bãi mìn của mình. Anh hạ lệnh nổ mìn. Một tiếng nổ xé không khí, tung theo một trận mưa đất đá. Nghe tiếng nổ, tất cả bọn địch còn sống xô nhau lui xuống sườn núi, để lại những xác chết và một tên bị thương kêu khóc. Sáu Thố cùng một chiến sĩ xung phong lên thu được một khẩu AR15. Sau gần hai ngày chiến đâu, lần đầu thu được chiến lợi phẩm anh em vui mừng phấn khởi.


Ngay từ lúc mìn nổ Sáu Thố đã tự hỏi: "Mình chôn mười quả mìn, tại sao nổ có một quả". Đi kiểm tra lại anh thấy những quả không nổ đều bị cắt đứt dây điện, anh cho anh em nối lại và ngụy trang kín đáo hơn.


Đêm hôm ấy mưa lớn, trời tối đen như mực. Cả đại đội địa phương quân kéo nhau đi tìm địch. Mò mẫm tới nửa đêm không tìm ra nơi trú quân của địch. Ý định đánh một trận tập kích không thành, họ đành phải lặn lội trở về.


Mọi người vừa chợp mắt được hơn một giờ đồng hồ, đã bị những tiếng nổ ở cửa hang đánh thức dậy. Sáu Thố dụi mắt nhìn ra cửa thấy chớp lóe liên tục. "Chúng nó tập kích đơn vị mình". Nhận ra được điều nghiêm trọng đang xảy ra, Sáu Thổ quát to "cho nổ mìn". Một lúc lâu không thấy tiếng mìn nổ, anh bước vội mấy bước về phía chiến sĩ phụ trách điểm hỏa.

- Tại sao mìn không nổ?

- Chúng cắt hết dây rồi.

Một quả lựu đạn nổ gần, át tiếng trao đổi của họ. Sáu Thố nép vội vào cạnh tảng đá. Bên cạnh anh, hai ba chiến sĩ bị thương rên rỉ, lúc này anh mới biết mình cũng bị dính mảnh lựu đạn, vết thương ở sau lưng và ở đầu ngón chân đang nóng bỏng.


Ngoài cửa hang có tiếng còi toe toe kéo dài, từ lúc đó ngừng bặt không còn một tiếng động. Trong hang tối đen, ngột ngạt hơi thuốc nổ và mùi máu tanh lợm. Kẻ địch còn làm gì nữa, không lẽ chúng chỉ ném mươi quả lựu đạn rồi rút. Sáu Thố vẫn nắm chặt khẩu tiểu liên đã lên đạn, chờ đợi, nếu có địch xông vào là anh bóp cò. Các chiến sĩ cùng hành động như anh nhưng vẫn không có động tĩnh gì khác. Tiếng con nhái kêu kéc kéc đều đều, giữa nơi chết chóc này, nghe sao rờn rợn. Bỗng có một lóe chớp, đồng thời một tiếng nổ tưởng xé rách màng nhĩ. Một làn hơi thúc mạnh vào ngực, mọi người có cảm giác tức thở. Vị khói đắng ngắt lùa vào trong hang.


Chúng vừa cho bộc phá nổ hòng phá sập cửa hang. Lúc này Sáu Thố thấy nguy cơ đơn vị mình bị tiêu diệt. Nếu xông ra cửa sẽ bị tiêu diệt nhanh hơn, nhưng chẳng lẽ ngồi chờ chết.

Tiếng loa sột soạt ở cửa hang, rồi một lát sau tiếng nói rành rọt: "Hỡi anh em địa phương quân huyện Châu Thành. Cụ Hồ, vị lãnh tụ anh minh của các bạn đã mất rồi. Các bạn như rắn không đầu, còn hy vọng gì nữa. Ngoan cố chỉ uổng mạng vô ích. Hồi chánh quốc gia sẽ được về sum họp với gia đình. Các anh Sáu Thố, Tài, Hoành...".


Thằng Tống là cán bộ trung đội, vừa ra đầu hàng địch mấy hôm trước, nó đang đọc vanh vách tên từng người trong đơn vị, kêu gọi mọi người theo con đường ô nhục như nó.

Không khí trong hang im lặng, lạnh lẽo.

Sáu Thố cảm thấy mình phạm lỗi nếu để kéo dài tình trạng này, anh vùng đứng dậy đến động viên từng cán bộ chiến sĩ, hãy thể hiện lòng trung thành với lý tưởng của Bác Hồ bằng hành động kiên cường giữ vững trận địa, giữ vững vị trí chiến đấu của người cách mạng.


Không ai đáp lại lời kêu gọi của Sáu Thố, dù chỉ là một cử chỉ nhỏ. Những chiến sĩ ngồi ôm súng, cúi đầu câm lặng như đã hóa đá. Sáu Thố cảm thấy chân tóc mình đang dựng đứng lên. Không thể như thế được. Chẳng lẽ chỉ còn mình đang suy nghĩ, còn mọi người bạc nhược rồi sao. Một lần nữa Sáu Thố lại nhỏ nhẹ nhắc lại điều mình vừa nói:


- Vì tấm lòng kính yêu và nhớ thương Bác Hồ, chúng ta hãy kiên quyết dũng cảm làm theo lời dạy của Người. Từ lâu rồi chúng ta đã xác định với nhau: vì giải phóng miền Nam, giải phóng quê hương mình dù có phải hy sinh tính mạng vẫn không lui bước. Chính lúc khó khăn này mới chứng tỏ ai là người trung thành với lý tưởng cao cả của Bác. Chúng ta cần đánh dạt địch ra khỏi cửa hang, đề nghị đồng chí nào xung phong.


Những tiếng lựu đạn nổ ở cửa hang lấp tiếng Sáu Thố. Vài giây sau có tiếng đằng hắng, rồi có tiếng rắn rỏi: "Tôi xin xung phong". Nghe giọng miền Bắc hơi khàn, Sáu Thố nhận ra trung đội phó Ấm là người của đơn vị chủ lực tới phối hợp. Anh toan nhắc "ai nữa?" thì nghe thấy tiếng trung đội phó Hoành và tiếp theo là một số chiến sĩ của đơn vị mình tình nguyện xông ra cửa hang.


Số anh em xung phong, Sáu Thố tổ chức thành một tiểu đội, giao nhiệm vụ phản kích đánh bật địch ra khỏi trận địa.

Họ lặng lẽ đi theo đội hình hàng dọc hướng ra cửa.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2021, 08:21:54 pm »

Địch ném lựu đạn cầm canh. Một quả lựu đạn nổ chưa kịp tan khói, trung đội phó Ấm đã lao vút ra cửa. Anh quẳng ra ngoài một quả lựu đạn, rồi đứng trên bậc lên xuống hang quan sát. Chưa kịp bước ra khỏi hang Ấm đã bị địch bắn trúng. Ấm vừa hy sinh, Hoành tiến lên bám được thành cửa hang. Một viên đạn M79 của địch nổ gần, hất anh xuống hang.


Địch ở ngoài có ánh sáng dễ quan sát, ta ở trong bóng tối ra chưa kịp tiếp nhận cảnh vật xung quanh đã bị chúng đánh trước. Sáu Thố thấy đơn vị mình ở thế bất lợi, lực lượng còn rất mỏng, không đủ sức thực hiện quyết tâm, anh cho anh em rút lui.


Trời hừng đông, ánh sáng lờ mờ soi vào trong hang. Bộ phận ra phản kích không thành công, trở vào trong hang thiếu mất hai cán bộ. Một số người dao động từ hôm trước, thấy tình thế xấu đi, đầu têu là đại đội phó Ch đã cuống cuồng tìm lối chạy sang đơn vị bạn.


Sự rút chạy vô tổ chức của nhóm Ch tác động rất xấu tới tinh thần của đơn vị, làm cho cả những chiến sĩ vốn dũng cảm cũng trở nên hoảng hốt. Họ bất chấp mệnh lệnh, vội vàng mê muội như bị ma ám.


Là người chỉ huy, Sáu Thố chưa bao giờ gặp cảnh ngộ như thế này. Trước mặt mình còn ba tử sĩ nằm đó, bốn thương binh đang rên rỉ và chính anh cũng là thương binh. Chỉ còn y tá Cường là người khỏe mạnh vẫn giữ được bình tĩnh. Sáu Thố cố dằn nỗi sợ hãi đang len lỏi vào đầu mình. Anh nói với thương binh: Cường dìu người bị thương nặng nhất. Còn tất cả ai còn sức đi, nếu không đi được thì bò theo đường hang sang trung đội hai. Địch không dám vào hang đâu. Các đồng chí cứ yên tâm. Tôi đi sau bảo vệ.


Mấy thương binh còn đứng dậy được, run rẩy lần theo vách đá. Y tá Cường dìu một thương binh nặng, tiếp đến Sáu Thố vai khoác hai khẩu súng lần từng bước một. Trong hang sâu trời tối như có người lấy khăn đen bịt lấy mắt mọi người. Sáu Thố vừa bước đi vừa suy tưởng tới những việc vừa xảy ra và hồi tưởng tất cả những gì vui buồn cay đắng mà cuộc đời chiến sĩ của anh đã nếm trải. Anh đã đi lạc anh em lúc nào không biết.


Khoảng cách với trung đội bạn trong vòng ba trăm mét, Sáu Thố đã đi mất năm tiếng đồng hồ. Đến nơi anh hỏi thăm anh em, vẫn chưa thấy y tá Cường và thương binh tới.

Mệt mỏi, mất ngủ và căng thẳng vì những trận chiến đấu liên tục, Sáu Thố vừa ngả lưng xuống sàn đá, chưa đầy một phút, anh đã chìm vào trong giấc ngủ.

Nghe mơ hồ có ai đó nhắc đến tên mình, anh chồm dậy mỏ to mắt nhìn xung quanh. Trong ánh sáng lờ mờ, anh nhận ra y tá Cường. Ôi! Cường đã đưa thương binh đến rồi. Sáu Thố vui mừng hỏi dồn:

- Các cậu đi lối nào. Tại sao lại đi chậm như vậy?

Cường kể lại. Anh em đã đi men theo hang sát vỏ đồi, gặp một cửa hang có địch chốt, trong tay anh có hai quả lựu đạn và khẩu tiểu liên chỉ còn một băng đạn. Cường phát hiện địch trước. Chúng có năm sáu tên đang ngồi hút thuốc và tán gẫu. Phải cho anh em lui lại, ngồi bàn bạc với nhau khá lâu. Nếu không đánh nó thì không vượt qua được. Một mình Cường bí mật bò tới. Cường vụt liên tiếp hai quả lựu đạn và bắn quét vào chúng cho tới viên đạn cuối cùng. Bị đánh bất ngờ, tiểu đội cảnh giới của chúng bị tiêu diệt sạch. 


Giấc ngủ và câu chuyện của Cường trở thành liều thuốc an thần tuyệt vời, anh thấy trong người dễ chịu và nhìn nhận mọi vấn đề xung quanh sáng sủa hơn.

Có một việc cần phải đi ngay, Sáu Thố xách khẩu "AR15" và xốc lại cái bao đầy ắp đạn chiến lợi phẩm rồi ra cửa, tìm gặp cán bộ trung đội 2 để bàn việc lấy thi hài liệt sĩ.

Trung đội hai gom lại cũng chỉ có chín mười người cộng với khẩu cối "sáu", mấy ngày hôm nay anh em chiến đấu liên tục và đói ăn, muốn đánh bật địch ra là không thực tế, chỉ có khả năng mở một trận tập kích xua địch giãn ra một chút, nhưng cũng không phải là công việc làm ngay trong đêm được. Sáu Thố đang trao đối với cán bộ trung đội, chưa đi tới kết luận gì, đã nghe bộ phận cảnh giới báo cáo địch đang hành quân tới. Anh xách súng ra cửa hang cùng trung đội 2 chặn địch.


Với khẩu AR15 còn giàu đạn, anh sử dụng một cách hào phóng, cùng đồng đội đẩy lui nhiều cuộc xung phong của địch. Trận đánh kéo dài cho tới khi mặt trời lặn.

Ăn vội ăn vàng ba lưng bát cháo nấu với khoai dại, không kịp nghỉ ngơi Sáu Thố tổ chức ngay việc lấy tử sĩ.

Mặc dầu vết thương còn đau nhức, nhưng Sáu Thố vẫn trực tiếp chỉ huy việc thực hiện chính sách. Anh lại dẫn anh em đi ngược chiều cái "địa đạo" tối om ban sáng anh đã đi qua...

Buổi sớm. Khi mặt trời đã ban phát ánh sáng một cách thừa thãi lên cánh đồng núi non, trong hang đá nơi ở của trung đội công binh đặc công huyện ở vẫn còn mờ mờ ảo ảo như dưới ánh trăng. Nếu nhìn ra phía cửa hang còn thấy những mạch của những tảng đá chồng lên nhau nhìn về phía sau chỉ thấy hình thù cổ quái và những mảng đen ngòm.


Anh em trong trung đội đã thức dậy từ lâu, họ vừa ăn xong bữa sáng. Gọi là "bữa ăn" bởi chưa có từ ngữ nào thay thế, thực ra nó chỉ là cái giống giống như vậy. Đêm qua lấy được ít khoai dại, cả đọt cho đến rễ rửa sạch, rồi thái tuốt tuột vào nồi, với một lon gạo, nấu thành nồi cháo, đúng hơn là nồi cám lợn. Cán bộ trung đội đứng ra chia cho mỗi người được ba lưng bát. Đưa bát cháo lên miệng thấy mùi nồng nồng, nhưng húp đến miếng cuối cùng vẫn thấy thòm thèm, chẳng phải vì nó ngon lành gì mà vì đói. Dù sao nó cũng đánh lừa được cái bao tử, yên ổn được đến bữa chiều.


Ăn xong mỗi người tìm một chỗ, ngồi ôm súng tựa vào vách đá, ước ao một bữa cơm thực sự. Nhựa khoai bắt đầu ngấm, ai cũng thấy ngứa ngáy như kiến bò trong cổ họng, nhưng mỗi người chống ngứa một kiểu khác nhau. Người đưa tay gãi gãi nơi yết hầu, người ngồi khoanh tay cắn chặt môi, người nuốt nước miếng liên tục... Ngứa họng muốn kêu trời lên, nhưng họ vẫn lặng im không ai than vãn nửa lời. Kêu ca phỏng có ích gì. Còn hàng trăm nỗi khổ, khổ hơn ngứa họng, nếu chịu không nổi, có cách gì khác hơn là bỏ cuộc. Ai đó vừa đốt thuốc lá, thứ thuốc hạ đẳng khét như mùi khói phân bò, nhưng mũi của những chàng nghiện lập tức phát hiện ra thứ hương vị dễ chịu mà con tì con vị trong cơ thể mình đang thiếu.

- Thằng Hồng ăn mảnh heng?

- Anh Thủ cho em một hơi.

- Từ từ thôi làm gì mà đỏ nòng lên thế.

- A ha... có thuốc chống ngứa họng đây rồi.

Từ lúc có mùi thuốc lá, không khí trong hang bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Những câu chuyện vui vẻ được nhen nhóm.

- Nhớ hồi Tết Mậu Thân, chị em phụ nữ mang tới cho cả cây Ru-by, thằng nào nghiện là có một bao trong túi.

- Mình đã biên thư cho má mình, không biết mấy thằng đi lấy gạo có đến được không, nếu đến được thế nào cũng có thuốc hút...
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #46 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2021, 08:22:26 pm »

Điếu thuốc chuyền tới tay trung đội trưởng Hà Xuân Thịnh thì đã gần tàn. Anh tham lam rít tới nóng bỏng môi, mới búng cái tàn rụng xuống, rồi ngửa mặt xả lên không một cuộn khói trắng. Hơi thuốc cho Thịnh cảm giác khoan khoái. Anh nghĩ tới cách đánh địch. Theo quy luật hoạt động của địch trong khoảng một tháng nay, chúng thường kéo đến đánh phá vào các cửa hang từ lúc sáng sớm chưa tan sương, tới hai ba giờ mới rút. Mấy hôm vừa rồi chúng tập trung đánh vào trung đội 1 và trung đội 2 nhiều hơn. Chỗ Sáu Thố ở cách đây chẳng bao xa nhưng không thể liên lạc được. Thịnh không được thông tin gì về đơn vị bạn, chỉ qua những tiếng nổ để phán đoán và biết các bạn vẫn giữ vững trận địa. Địch bắn đạn hóa học hơi cay vào cửa hang làm chảy nước mắt. Nghe cảnh giới báo động đạn hóa học, anh em nhanh chóng chui vào những cái màn đã nhúng nước. Hơi độc vào hang được ít, không gây ảnh hưởng gì.

Thịnh nhắc:

- Nó bắn đạn hóa học. Coi chừng nó sắp sửa tấn công.

Những loạt đạn súng cối vừa ngừng, anh em gọi nhau chạy ra chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng chiến đấu.

Khoảng một đại đội địch lợi dụng những tảng đá tiến thận trọng. Những tay súng bắn tỉa của công binh bắt đầu hoạt động. Anh em nhằm những mục tiêu ngon lành nhất, "nẻ" từng phát một.


Thấy trong đội hình của mình thỉnh thoảng lại lăn đùng ra một tên, mà không phát hiện thấy đối thủ, chúng điên khùng bắn như đổ đạn vào trận địa của trung đội công binh, vào bất kỳ tảng đá nào chúng nghi ngờ. Các đầu đạn đồng thi nhau đập chát chát vào đá bung lên những cụm bụi trắng. Trận đánh nhùng nhằng kéo dài mấy giờ liền. Địch "dũi" đầu lên, chen chúc gần trái bê-ta. Xuân Thịnh ấn nút điện cho bê-ta nổ. Quả bê-ta nổ như một tiếng bom. Khói bụi trùm lên đội hình quân địch. Im lặng vài giây, bọn chúng tiếp tục bắn yểm hộ cho nhau kéo xác đồng bọn rồi rút lui.


Đêm hôm ấy Thịnh, Hồng và Bé Hai đi nghiên cứu lại địa hình để đối phó với cuộc tấn công của địch ngày mai. Huyện đội đã cho phép trung đội "dốc túi" số mìn còn lại. Họ bố trí thành một trận địa mìn liên hoàn ngăn chặn tất cả các hướng, mà khả năng địch có thể tiến quân được.


Như thường lệ, sáng sớm tiếng đạn pháo địch nổ như sấm sét ở trên, dưới cửa hang. Dứt tiếng đạn pháo nổ, anh em tiến ra trận địa sẵn sàng chiến đấu.

Tiểu đội đi đầu của địch tiến vào trận địa mìn, anh em "thả" cho chúng đi về phía trung đội Sáu Thố. Giàn lưới giăng sẵn của họ chờ mẻ cá lớn hơn. Đội hình địch đi tiếp sau, khoảng một đại đội, chúng yên trí có tiểu đội trinh sát đi đầu không vướng gì, ung dung đi vào bãi mìn. Vừa chạm đầu vào một lối ngoặt, đội hình đang dồn lại, thì quả mìn định hướng mười ký lên tiếng, quét một nhát đổ hàng chục tên. Nghe tiếng nổ bọn chúng lui lại, túm tụm đúng vào "cái túi". Lập tức gần chục quả mìn nổ liên hồi. Gần như cùng một lúc, anh em công binh bồi thêm một loạt lựu đạn vào trong đám khói bụi mịt mù đó.


Trận đánh mìn diễn ra như một ánh chớp, không đầy ba phút đã tiêu hao nặng một đại đội địch. Từ lúc đó đến tối khu vực trận địa của trung đội công binh vắng lặng, không còn tiếng súng nổ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2021, 08:24:07 pm »

3

Gạo! Tiếng kêu cứu ngay từ ngày đầu địch vây "Hòn”. Huyện ủy, Huyện đội đã tổ chức nhiều chuyến vượt vòng vây về đồng bằng lấy gạo. Chuyến được, chuyến mất. Quân số hy sinh và bị thương khi đi lấy gạo nhiều hơn quân số chiến đấu. Nhưng bộ đội chiến đấu trong "Hòn" vẫn không đủ cháo ăn.


Đêm 18 tháng 9 Huyện đội lại tổ chức một bộ phận do Bảy Tị chỉ huy, gồm Bảy Thuận, Bảy Đát, Cường, Ru.., về xã Bình Sơn lấy gạo. Huyện đội coi anh em đi lấy gạo như những chiến sĩ cảm tử. Trước lúc lên đường, anh em được ăn một bữa cháo no nê. Huyện đội phó Quân Nam và số anh em ở nhà tiễn chân ra tận cửa hang, động viên dặn dò, chúc tụng.


Đêm sáng trăng suông, đủ cho mọi người nhận ra cái lối đi vắt qua hố bom và cây đổ. Họ vượt nhanh qua khu vực tọa độ của máy bay B57 và đạn pháo. Vừa tới cánh đồng nước, họ bị địch ở trên núi phát hiện. Nước ngập tới bụng, chạy cũng dở, bơi cũng dở. Các loại trung liên, đại liên, súng cối của địch thi nhau bắn chặn phía trước, chặn phía sau. Đạn miết vào không khí víu víu liên tiếp bên tai. Đạn phóng túc túc xuống nước, nước bắn tung tóe lên mặt mọi người. Anh em cố bước thật nhanh ra khỏi chỗ đất chết này, nhưng mỗi lần cố họ lại ngã bổ nháo bổ nhào, không sao vượt nhanh hơn được. Những ngày đói khổ đã làm cho cơ thể họ suy nhược. Mệt mỏi quá, có người liều lĩnh mặc kệ, cứ thủng thỉnh bước một, chờ đợi sự may rủi của số phận.


Bảy Tị cố gắng bước thật nhanh, nhưng không quên chú ý tới đồng đội xung quanh. Nhìn thấy Cường ngã không dậy nữa, anh chạy lại đỡ bạn đứng dậy.

- Có bị thương không?

- Tôi mệt quá không thể nhấc chân nổi.

- Cố lên. Chậm chạp ở chỗ này nguy lắm. Đi... mình dìu... thế thế... Cố lên chút nữa.

Pháo sáng lơ lửng trên không, soi rõ từng cọng cỏ. Tiếng đạn quất xuống mặt nước púc púc và từng làn đạn lửa đỏ lừ nối đuôi nhau vút bay trên đầu.

Họ đã dìu nhau đến bờ kinh Lình Quỳnh, vượt qua khu vực hỏa lực dày đặc của địch. Bảy Tị nói:

- Các cậu ở đây chuẩn bị làm phao bơi, mình lên một đoạn xem có địch không. Hai chiếc tàu nhỏ FOCA của Mỹ - ngụy trang kỹ, chúng giấu mình vào dưới một lùm cây. Bảy Tị không nhìn thấy. Anh quay trở về báo cho anh em "Không có gì, ta đi thôi". Mọi người vừa bơi ra đến giữa kinh, các loại súng liên thanh trên tàu địch bắn quét trên mặt nước, đồng thời đèn pha bật lên sáng chói. Họ chắc mẩm phen này chết chìm ở dưới dòng kinh. Không ai bảo ai, mọi người đồng loạt bỏ phao lặn xuống đáy nước, rồi bơi ngầm vào phía bờ bên kia.

Bọn Mỹ gà mờ cứ nhè những chiếc phao bằng vải mủ1 (Vải mủ: vải cao su), trôi bồng bềnh, bắn mãi không thôi.

Họ lên bờ, Bảy Tị điểm lại quân số, thấy không thiếu một người nào. Vậy là đã hai lần họ thoát chết.

Tiếng gà thôi thúc báo canh ba. Tiếng nổ ầm ì ở phía "Hòn" thôi thúc họ phải cố gắng hơn nữa, mới có thể tới căn cứ trước khi trời sáng.

Không thể tả nổi cuộc hành quân của những chiến sĩ đã bị kiệt sức vì đói khổ vượt qua vòng vây phải trải qua gian nguy như thế nào.

Khi tới căn cứ, Bảy Tị vừa xuống lên "đến nơi rồi", mọi người trút hơi thở ra thật dài, rồi buông cái thân thể gầy khô của mình xuống thảm cỏ; có người cứ như thế chìm luôn vào giấc ngủ cho tới sáng.

Cả tháng nay Tư Ngần, Hai Phèn, Bảy Mốc... dồn sức vào việc củng cố cơ sở và vận động quyên góp gạo.

Việc quyên góp từng "táo" gạo của nhân dân trong ấp chiến lược, rồi vận chuyển ra cất giấu ở ngoài cứ là một việc không ít công phu và nguy hiểm, nhưng họ hiểu công việc họ làm sao có thể so sánh với những gì mà anh em ở trong "Hòn" đang phải chịu đựng. Thấy anh em bộ đội ở trong "Hòn" ra nhận gạo, họ rất mừng.

Ba Phèn nói với Bảy Tị:

- Gạo có rồi. Cứ ngủ đi cho lại sức, mai sẽ tính.

- Đói thấy ông nội rồi, nấu cho anh em một bữa cơm.

- Được rồi. Cứ đi nghỉ đi, việc đó cánh mình lo.

Trời vừa sáng, anh em du kích đã nấu xong cơm nước tinh tươm. Họ tới vực từng anh bộ đội dậy.

Cả tháng nay mới nhìn thấy cơm, hơi cơm gạo mới bay lên thơm phức. Có cả cá kho nữa. Đối với người đói dài, thì bữa ăn này được coi như đại tiệc. Bưng bát cơm lên là ăn nghiến ngấu.

Lưng lửng dạ rồi mới có anh vui vẻ phàn nàn:

- Ông nội nào kho cá bằng gì mà tanh không thể nuốt được.

Hai Phèn nói nhỏ như chính mình mắc lỗi: 

- Mấy hôm nay hết sạch muối, lấy nước biển kho đại.

Bảy Thuận và Bảy Tị ở lại cùng cán bộ xã tiếp tục vận động quyên góp gạo và chuyển vận những cung ngắn. Anh em khác vận tải gạo về trước.

Bảy Tị nguyên là bí thư chi bộ xã này, anh nắm khá kỹ tình hình cơ sở và địa hình, không phải mất nhiều thì giờ để trinh sát, móc nối. Ngay đêm sau họ vào liên lạc với số bà con cơ sở cũ của Tị.

Gia đình ông Tư Đá và bà Ba Cù nhận làm đầu mối vận động, và hằng đêm đặt ám hiệu báo an toàn hoặc không an toàn cho họ vào ấp.

Ban ngày hai anh em ẩn trong bụi đưng, bụi sậy kín đáo, cách ấp vài trăm mét. Ngày nào có bà con cắt đưng gần đó, họ ra cùng làm, nếu có gì nghi ngờ họ lại lánh vào trong bụi rậm.

Một hôm ngồi trong bụi sậy có lẫn dây bòng bong rất kín, hai anh em ngồi tựa lưng vào nhau, mỗi người nhìn một hướng. Gần trưa Thuận thiu thiu ngủ. Thấy có tiếng động lạ, Tị thúc cùi chỏ vào sườn Thuận để báo động. Thuận bừng tỉnh, nghe tiếng chó sủa đang tiến lại phía mình, không hiểu cái gì đang diễn ra ở phía ngoài đó. Anh hồi hộp kéo cần khóa nòng, lên đạn chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. 


Cố tập trung tinh lực, Thuận nhìn qua kẽ lá thấy loáng thoáng bóng một người theo sau một con chó, không rõ dân hay lính. Con chó lao thắng gần đến chỗ họ đang ngồi, nó dừng lại lấv chân bới đất rồi sủa nhặng xị ra điều rằng trong cái bụi nàv có cái chủ nó đang cần. Chết đến nơi rồi, nếu là bọn lính thì chỉ có một cách nổ súng và nổ súng thì không thể thoát khỏi chết hoặc bị bắt sống. Họ thấy người gây gây như sắp lên cơn sốt rét. Làm sao bắt con chó câm họng, nếu không, thế nào chủ của nó cũng mò vào đây. Tị khe khẽ chặc lưỡi. Con chó gâu gâu càng hăng hơn. Thôi đành nín thở xem chủ nó thuộc loại người nào.


Một lát sau có tiếng chân người "xạp xạp" bước trên cỏ. Những cây sậy rung động mạnh, rồi xuất hiện khuôn mặt một ông già có nước da hồ bóng. Tị ngoắc tay ra hiệu cho ông già "vào đây". Mặt ông già bỗng đông cứng lại, mắt trợn tròn, miệng há ra kêu "ơ" một tiếng rồi không đóng lại được. Giây lâu ông mới nói được một câu "Tôi không biết”.

Tị nói với ông già:

- Chúng tôi không làm gi hại đến ông đâu, nhưng ông phải ngồi xuống đây giữ con chó lại đến tối mới được về.

Hiểu ý của Tị, ông già nắm sợi dây ở cổ con chó rồi ngồi xuống.

Họ ngồi bên nhau như thế, không ai nói với ai nửa lời. Trời sẩm tối, Tị ra hiệu cho ông già được tự do nhưng về phải giữ bí mật.

Cũng như mọi buổi tối, khi đàn chim ăn đêm quang quác gọi nhau bay về phía biển, mắt họ lại dán vào bờ rào ấp chiến lược, tìm ngọn đèn tín hiệu ấm áp. Một chấm sáng nhỏ như hạt đậu ở phía nhà bà Ba Cù hiện lên trong màn đêm. Họ khoan khoái đứng dậy vươn vai thở một hơi dài. Vừa bước đi Bảy Thuận vừa suy nghĩ về công việc của mấy ngày vừa qua, lòng anh thấy tràn ngập niềm tin yêu quần chúng cách mạng. Bà Ba Cù, một người đàn bà giá1 (Đàn bà giá: người đàn bà góa chồng), ở cách đồn địch khoảng nửa cây số, gia đình có ba mẹ con. Hằng ngày bà tới các gia đình quen thân vận động quyên góp gạo nuôi bộ đội. Hai cô gái thay nhau theo dõi tình hình địch và vận chuyển gạo tới những điểm hẹn. Việc làm của cả gia đình bà là công việc hết sức khó khăn nguy hiểm, nhưng bà không nề hà. Nhờ có nhiều người nhiệt tình ủng hộ cách mạng như gia đình bà Ba Cù, cách mạng mới có gạo nuôi quân.


Gần tới ấp, họ đi chậm lại, vừa đi vừa nghe ngóng. Ngọn đèn trước cửa sổ nhà bà Ba vẫn cháy leo lét báo cho họ biết mọi sự êm thấm.

Bảy Tị gõ nhè nhẹ vào cửa theo ám hiệu. Cô Nhung mở cửa. Hai người vừa bước vào, cô cười nói thì thầm:

- Hôm nay các anh chắc đói mềm ra rồi.

Tị hỏi:

- Có chuyện chi mà cô lên đèn chậm vậy.

- Buổi tối có mấy thằng lính và thằng đồn phó ra nhậu ở nhà ấp trưởng, chúng nó về muộn, em phải theo dõi xem chúng có đi đâu không?

Hai anh em ngồi xuống giường bên cạnh mâm cơm đã dọn sẵn, họ xới cơm ăn tự nhiên như về gia đình mình. Bà Ba như người mẹ đứng bên cạnh họ, nói nhỏ:

- Bọn bây xem số gạo ở điểm X nhiều quá rồi đó, chuyển thế nào?

- Tôi định nói với dì giúp. Làm sao chuyển công khai như các ghe xuồng khác của dân qua vàm Rày, như thế mới nhanh được.

- Ở cửa vàm độ này chúng nó xét kỹ lắm... Nhưng thôi... cũng được. Tao gửi phân tán các ghe câu, mỗi người chuyển một ít. Mầy định đặt điểm hẹn ở chỗ nào cho dễ nhận.

- Dì dặn kỹ mọi người cứ đưa tới cây tràm lớn cụt ngọn xòa xuống mặt nước cách vàm Rày khoảng hai cây số, ở sau cái cây tràm đó có cái mộ xây, cứ giấu vào những bụi cỏ quanh cái mộ đó.

- Được... Ngày mai tao cho con Mai đi thăm đường đất trước.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #48 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2021, 08:05:51 pm »

4

Kể từ khi địch tấn công vào "Hòn", số thương binh trong trạm phẫu tăng nhanh, trong vòng nửa tháng đã lên tới một trăm người. Tổng số y sĩ, y tá của trạm chỉ có mười hai người, phải làm rất nhiều việc quan trọng ngang nhau. Không thể để chậm chạp trong việc cứu chữa thương bệnh binh. Không được để thương bệnh binh nhịn đói. Không được để địch xông vào trạm bắn giết thương bệnh binh và còn nhiều việc khác như kiếm củi, kiếm rau, kiếm nước...


Y sĩ Út Sơn là trưởng trạm, nhiều ngày đêm liền (24/24 giò) đứng trước bàn mổ, có lúc không còn đủ sức, anh phải nằm ngay bên cạnh bàn nổ hướng dẫn y tá làm thay mình. Cùng trong thời gian ấy, có một việc khẩn cấp và đáng sợ hơn cả kẻ địch ở bên cạnh là nạn hết gạo. Từ đầu tháng tới giờ, mỗi bữa ăn anh đã phải đứng ra chia từng bát cháo cho anh em. Nếu để anh em thương bệnh binh nhịn đói dăm bảy ngày, thì việc cứu chữa sẽ trở thành con số không.


Hôm Út Sơn nghe y tá (kiêm quản lý) Năm Rự báo cáo hết gạo, anh nổi nóng biên ngay một bức thư gửi cho Hai Hiểu, bí thư Huyện ủy, với một cầu hỏi cộc lốc: "Chúng tôi đã hết sạch gạo, lấy gì nuôi thương binh. Anh cho cách giải quyết". Biên thư xong anh gọi Năm Nhỏ, một cô cứu thương nhỏ loắt choắt mới mười bốn mười lăm tuổi.

- Cháu mang thư này ngay bây giờ đưa đến cho chú Hai Hiểu, bảo chú ấy trả lời ngay.

Út Kiến còn ít hơn Năm Nhỏ tới hai tuổi, đứng gần đó năn nỉ:

- Chị Năm cho em đi với.

- Mầy hỏi chú Út cho phép thì đi.

Út Sơn cười độ lượng như người cha đối với con cái:

- Được. Các con đi cẩn thận đó. Đường từ đây sang hang Huyện ủy rất nguy hiểm. Khi chú Hai trả lời phải về ngay heng.

Út Kiến gầy tóp như cây sậy khô nhưng nhanh nhẹn như con sóc. Nhỏ và Kiến là hai đứa nhỏ tuổi nhất trạm phẫu, được các anh các chú rất cưng, thường giao cho những công việc nhẹ, nhưng các em không chịu, mà muốn được giao những việc như những người lớn.

Hai em hăm hở len lỏi qua con đường "lò ảng", ngóc ngách tối đen như mực, rồi ra tới cửa hang. Phía ngoài trăng tháng tám sáng vằng vặc, đạn pháo của địch thỉnh thoảng lại gầm thét đây đó.

Các em nhắm hướng chạy một mạch tới chân Hòn Me, rồi lại như hai con dúi chui tụt vào "lò ảng".

Bí thư Huyện ủy đang ngồi bó gối suy nghĩ trước ngọn đèn dầu hỏa. Anh vừa ngửng lên, thấy hai đưa nhỏ đứng trước mặt mình, đứa nào đứa nấy mồ hôi ướt đẫm quần áo thở hổn hển.

- Công chuyện gì thế Năm?

- Chúng con đưa thư của chú Út đến cho chú.

Hai Hiểu mở tờ giấy liếc qua, rồi đứng dậy đi vào phía trong, nói gì đó với bảo vệ. Lát sau anh trở lại ngồi xuống chỗ cũ, mắt đăm chiêu nhìn hai đứa trẻ.

- Cứ ngồi nghỉ hoặc ngủ một giấc cũng được. - Hai Hiểu nói với hai đưa nhỏ nhưng bàn tay anh vẫn vuốt phẳng bức thư của Út Sơn trên nền đá. - Các cháu ăn cơm rồi mới mang thơ về.

- Chúng cháu không ăn cơm đâu.

Nói đến cơm, bụng dạ các em cồn cào, rất thèm, dù chỉ được một bát cũng sướng, nhưng Năm Nhỏ nói "không ăn đâu" cũng là thật lòng, vì các em nghĩ đến người ở nhà, gần tháng nay thương binh phải ăn cháo, mình còn khỏe mạnh thế này mà ăn cơm có vẻ xa xỉ thế nào ấy.

Hai Hiểu cười nói:

- Chú cho nấu cơm rồi.

Vài chục phút sau, anh bảo vệ bưng nồi cơm và một bát cá kho đặt trước mặt các em, rồi mời khẩn khoản mấy lần các em vẫn im lặng. Mãi tới khi Hai Hiểu nói "cơm nấu cho hai cháu đó, ăn đi" các em mới cầm đũa.

Nhận được thư của bí thư Huyện ủy, các em lại nhanh chóng chạy về đơn vị.

Út Sơn nhận được thư từ tay Năm Nhỏ, anh nói luôn:

- Các con đã hoàn thành nhiệm vụ. Chú thưởng mỗi đứa một cốc sữa.

Năm Nhỏ khoe:

- Chúng con vừa được chú Hai cho ăn cơm no rồi.

Út Sơn xòe bàn tay rồi suỵt suỵt:

- Nói nhỏ thôi, anh em thương binh đang thèm cơm, nói thế anh em tưởng cấp trên còn gạo mà để anh em đói.

Theo chỉ thị của Huyện ủy, Huyện đội cấp tốc tổ chức một lực lượng đi về Nam Thái lấy gạo, số người do các đơn vị góp lại. Trạm phẫu của Huyện đội cử hai người là y tá Năm Rự và y tá Tài.

Mấy ngày trước khi bộ phận lấy gạo của Huyện đội đến, xã Nam Thái đã chủ động tổ chức vận tải gạo cho "Hòn" ba chuyến, đi lọt được một chuyến mười xuồng. Chuyến thứ hai gặp địch ngăn chặn phải quay lại. Chuyến thứ ba đưa đi tám xuồng, gặp địch bắn chìm sáu xuồng, hy sinh hai người, số còn lại cũng phải quay về. Địch phát hiện luồng gạo đưa vào "Hòn" chủ yếu xuất phát từ xã Nam Thái, từ đó chúng ngăn chặn tuyến đường từ Nam Thái Sơn vào "Hòn" nghiêm ngặt hơn.


Nam Thái Sơn là một xã đứng đầu toàn huyện về nhiều mặt, riêng về việc nuôi quân đánh giặc Nam Thái cũng là tấm gương sáng. Khi được tin có bộ đội ở "Hòn" về lấy gạo, nhân dân chủ động báo cho nhau mang gạo tới địa điểm tập trung, mặc dầu việc đi lại từ kinh này sang kinh khác rất nguy hiểm, nhưng chỉ trong hai đêm đã xong mọi việc.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #49 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2021, 08:06:50 pm »

Trên đường trở về "Hòn", đi qua Tà Lốc, Quyền và Tài bò qua đường 80 trinh sát, thấy phía đó ruộng khô không thể kéo xuồng được. Họ bàn với nhau phải đi dịch về phía chi khu Tri Tôn khoảng một trăm mét nữa. Vừa kéo xuồng men theo bờ kinh được một đoạn, Quyền nhắc "coi chừng đoạn này". Chưa nói dứt, địch đã nổ súng. Ngay loạt đạn đầu, địch đã giết một người và bắn chìm một xuồng. Những chiếc xuồng khác, trong lúc anh em mải tránh đạn, đã để trôi theo dòng kinh. Khi định thần lại thấy mất xuồng, Rự, Chiên, Quyền bơi theo xuồng dưới làn đạn địch. Bám được xuồng, các anh lấy súng bắn trả địch, đồng thời đẩy xuồng sang bờ kinh bên kia.


Vào được trong cánh đồng, nước ngập tới cổ, họ muôn đẩy xuồng vẫn phải bơi rất chậm chạp. Đạn liên thanh của địch vẫn tiếp tục lia theo họ. Một lát, một lát lại có tiếng hô "B40 tiến lên!" (theo quy ước mật có nghĩa là : tôi đã bị thương). Nghe tiếng kêu của bạn, họ lao tới cứu nhau. Chiến cứu được Cách. Rự cứu được Quyền. Riêng Trí vừa kêu "B40 tiến lên", do vết thương quá nặng, anh đã bị nhận chìm xuống dòng sông.


Khi vượt qua vùng chết do đạn địch gây ra, họ lạc nhau mỗi người một hướng. Chiến dìu Cách về tới Kinh Ba, không còn sức dìu bạn đi tiếp nữa. Trời gần sáng rồi, nếu chậm sẽ gặp nhiều khó khăn, trước hết là tính mạng của Cách khó bề qua khỏi. Chiến lo lắng gần như tuyệt vọng, chưa biết mình phải làm gì, trông cậy vào cái gì để cứu bạn thoát chết và mình ra khỏi cánh đồng nước mênh mông này. Anh chợt nhìn thấy ở phía trước có bóng người đang đẩy xuồng. Chiến ẩn vào một chỗ chờ đợi, với hy vọng nếu là thuyền của dân, dân sẽ giúp mình và bất đắc dĩ là địch thì anh có thời gian chủ động xử trí.


Chiếc xuồng mỗi lúc một gần, Chiến đã nhìn rõ bóng một cô gái mềm mại đang đưa đẩy mái chèo. Chiến bước ra chắn đường, nắm chặt một mạn xuồng. Cô gái hoảng hôt kêu "trời" một tiếng rồi ngồi thụp xuống. Chiếc xuồng quay tại chỗ nửa vòng. Chiến nói với cô gái tình cảnh của mình và nhờ cô giúp đỡ. Cô gái nhận ra tiếng nói của Chiến và Chiến cũng nhận ra chị Ba Bần người Kinh Ba.


Chị Ba vui lòng bỏ buổi đi kiếm củi, cho quay mũi xuồng lại, chở họ đến nhà y tá xã.

Sáng hôm sau, Cách chết. Năm Rự được giao nhiệm vụ mai táng, còn số anh em khác lao vào tổ chức lại chuyến về.

Mai táng bạn xong, Năm Rự tạt về thăm mẹ. Bà già vẫn ở một mình trong cái lều, không hơn cái lều của những người chăn vịt bao nhiêu, đi vào phải cúi, đi ra phải khom lưng. Có lần Năm Rự nói với mẹ "con tranh thủ về làm lại cái nhà này", bà kiên quyết gạt đi "con không phải lo chuyện ấy. Làm nhà chúng lại đốt. Mấy năm qua có tới hàng chục lần làm nhà mà có được ở lâu đâu. Mẹ ở thế này cũng được. Sau này yên hàn sẽ hay". Lòng thương mẹ, mỗi lần về nhìn thấy cái "lều vịt" ấy là nước mắt anh muốn trào ra. Nhưng biết làm sao được. Anh tự an ủi: cảnh sống khổ cực ở trong xã này, đâu chỉ có riêng mẹ mình.


Không có nhiều thì giờ, Năm Rự có ý tạt qua thăm mẹ một lát, cốt là nhìn thấy bà già mạnh giỏi là yên tâm rồi, anh chưa kịp nói cho gãy gọn một chuyện gì, đã chuẩn bị khăn gói.

Trăng rằm trung thu sáng như ban ngày. Nhìn về phía "Hòn" không mấy lúc vắng những ánh chớp của bom đạn nổ. Bà mẹ tỏ ra lo lắng nhiều điều nhưng bà im lặng không nói, mãi tới lúc tiễn chân con ra ngõ bà mới căn dặn con vài lời ngắn ngủi: "Trăng sáng lắm, khi vượt qua lộ con phải canh chừng cẩn thận".


Rự về tới đơn vị. Anh em đã mượn của dân được thêm hai chiếc xuồng nữa. Mọi thứ gạo muối, nồi soong đã xếp lên xuồng đầy đủ, chỉ còn chờ giờ nhổ sào.

Chiến đứng ở dưới xuồng nói trống không "Tao đi đồng một lát", rồi chống sào đẩy xuồng về phía bụi tràm.

Không ngờ Chiến đã lọt vào ổ phục kích. Những luồng đạn rất căng, không ngớt. Số anh em còn lại có ba người với một khẩu cạc-bin, thấy không đủ sức chống lại địch, họ vội vã rút chạy sang Kinh Năm.

Bà Tân nghe họ kể chuyện lại những gì vừa xảy ra, với tâm trạng lo âu hốt hoảng. Bà động viên:

- Thua keo này ta bày keo khác. Các con phải cố gắng, không thì anh em ở trong "Hòn" chết đói.

Bà Tân và bà con ấp Kinh Năm chủ động giúp đỡ họ mỗi người một việc. Người huy động tập trung gạo, người cho mượn xuồng, người đi trinh sát nắm tình hình địch trên tuyến lộ. Đêm sau họ đã có hai xuồng gạo. Chuyến về lần này chuẩn bị kỹ hơn. Lợi dụng lúc chập tối, trăng chưa mọc, họ vượt qua lộ 80. Vượt qua được tuyến ngăn chặn cứng nhất của địch, anh em rất mừng.


Những con xuồng nhỏ len lỏi vượt qua một cánh đồng cỏ dại rộng hàng chục cây số, đến con đường vào Hòn Sóc. Đây cũng là một tuyến ngăn chặn của địch. Anh em tạm núp vào bờ cỏ. Thìn và Tân là giao liên của huyện được cử lên mặt đường trinh sát. Trăng sáng như ban ngày. Hai người vừa bám được mặt đường đã bị địch phát hiện, chúng thi nhau xả đạn vào các bụi cỏ. Những chuỗi đạn lửa đan chéo nhau liên tục tuôn chảy trên bầu trời.


Trong lúc địch tập trung ngăn chặn đường kinh vào Hòn Sóc, anh em nhanh chóng bơi xuồng theo một nhánh kinh khác ra biển, rồi vòng trở vào Hòn Đất an toàn.

 Trước đây ít lâu, không ít người có cách nhìn mấy anh lính quân y là loại "lính cậu". Kể từ trận đánh ngày 5 tháng 5 năm 1969, mọi người đã có cách nhìn khác. "Chẳng qua cũng là do cách mạng phân công, nếu giao nhiệm vụ chiến đấu, họ có kém cạnh chi các đơn vị khác". Hôm đó hàng chục chiếc máy bay lên thẳng địch đổ quân xuống Hòn Đất, gần hang quân y, không đầy một tiểu đội y tá, cứu thương đã diệt bốn mươi tên địch, tiêu hao nặng một đại đội địch, buộc chúng phải rút chạy.


Bây giờ (kể từ khi địch bao vây "Hòn" ngày 3 tháng 9), anh em trong trạm phẫu được trang bị vũ khí tốt hơn, đầy đủ hơn, họ càng tin tưởng mình có thể đánh thắng địch, giữ vững trận địa.


Hàng ngày số người "giữ mũi" (vừa cảnh giới vừa chiến đấu) chỉ có ba bốn người. Những đêm bình thường họ cử hai người giữ cửa hang, còn một hai người khác ra ngoài trinh sát và hái rau, kiếm củi cho đơn vị.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM