Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:41:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lửa của đất  (Đọc 5969 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2021, 08:06:50 pm »

Người khách đang chờ chị là anh bộ đội có vóc người cao lớn đang đứng ở hàng hiên. Chị nhận ra anh bộ đội đó là Tám Dũng quê ở Sóc Sơn.

- Chị Sáu. - Dũng chào rồi nói vui. - Anh em địa phương quân chúng tôi tới đây chờ lệnh của chị.

Sáu Bắc nói niềm nở chân tình:

Các anh đến giúp cho xã chúng tôi rất mừng. Độ này rất sẵn "con mồi" nhưng anh em du kích chúng tôi chưa đủ sức, sức của các anh thì có thể thắng ngon lành.

- Thôi xin bà đừng khích chúng tôi vào chỗ chết.

- Anh không tin tôi ha... Các anh đánh chỗ nào cho tôi cùng tham gia, như thế đã yên tâm chưa nào. Tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Anh ngồi xuống đây tôi nói cụ thể...


Sáu Bắc lấy ngón tay kẻ một đường thẳng xuống mặt đất. Nghe thấy tiếng du kích reo cười râm ran, chị đoán Hai Hoóng đang kể câu chuyện "bắt gián điệp”, bỗng chị bật cười thành tiếng. Tám Dũng ngơ ngác không hiểu tại sao Sáu Bắc lại bật cười lên như vậy.

Sáu Bắc nói tiếp nhưng tiếng cười thỉnh thoảng lại "khục khục” trong cổ họng:

- Đây là Ba Thê. - Sáu Bắc chỉ tay vào đường kẻ lờ mờ trên mặt đất. - Nó thường xuống kinh Hội Đồng khoảng một trung đội đến một đại đội, đi bằng xuồng... tới đoạn này có một bộ phận dẫn bộ... tới đây có một cái cầu khỉ, tới cầu khỉ chúng thường ùn lại. Nếu phục kích thì phục chỗ này. Ở phía trong này nhà dân ở thưa thớt.

Tám Dũng hỏi:

- Ở gần cầu khỉ có chỗ bố trí kín đáo không?

- Trời! Đến cả tiểu đoàn vô đây cũng có chỗ giấu. Tối nay các anh có thể đi xem địa hình rồi ém lại. Đã hai ngày hôm nay chúng không xuống, ngày mai có thể chúng kéo nhau xuống. 

- Tôi cũng nghĩ như vậy, rút ngắn thời gian chuẩn bị càng thuận lợi cho việc giữ gìn yếu tố bí mật bất ngờ. Tôi đề nghị chị giúp cho công tác hậu cần.

- Các anh khỏi lo. Đơn vị các anh có bao nhiêu người?

- Mười bảy người.

- Anh em du kích xã tôi đang dở chương trình huấn luyện, anh cho tôi cùng dự trận này để rút kinh nghiệm.

Tám Dũng nhìn thẳng vào đôi mắt đen cương nghị của Sáu Bắc, như tìm ở trong đó những điều mà bấy lâu nay trong dư luận ca ngợi về người con gái đẹp người đẹp nết này.

Tám Dũng cười nói:

- Được chị cùng chiến đấu chỉ tăng thêm sức mạnh, nhưng tôi đề nghị với chị, chị giúp chúng tôi bộ phận tải thương, chưa có người lo việc đó.

Tối hôm đó Tám Dũng dẫn trung đội vào trận địa. Sáu Bác và Bảy Cao đưa xuồng tới ém ở sau bụi tre, cách trận địa phục kích gần một cây số.

Trời sáng rõ dần, Tám Dũng căng mắt nhìn con đường và cánh đồng từ Vọng Thê xuống, vắng ngắt không một bóng người. Khi mặt trời lên vượt một con sào, mới xuất hiện một toán người, Tám Dũng đoán đó là bọn lính ngụy, từ dưới kinh bước lên. Chúng đi lộn xộn, tỏ ra chủ quan. Anh nhìn rõ dần cả trang phục của chúng. Vào cách trận địa phục kích của ta chừng một trăm mét, chúng ngồi túm tụm lại, hút thuốc và chuyện trò một hồi lâu. Hai tên lính đứng dậy đi trước vài chục mét rồi cả bọn tiến theo. Đến cầu khỉ hai tên đi trước dừng lại. Một tên nhìn xuống rạch nước, nói với tên đi sau:

- Đêm qua ai lội ở đây mà nổi sình thế này.

Tên đi sau nói:

- Chắc có người đi kiếm cá.

Tám Dũng vẫn bám chặt không bỏ qua một hành động nhỏ nào của hai tên lính ngụy. Một tên vừa bước chân ra khỏi đầu cầu, hắn nhìn thấy Tám Dũng. Ngay lập tức Tám Dũng ra lệnh, anh nói vừa đủ cho hai thằng lính ngụy nghe thấy:

- Muốn sống đi như bình thường, cử động gì khác tao bắn chết ngay.

Hai tên lính thực hiện đúng như lệnh của Dũng.

Bọn lính đi sau đã tới, dồn lại chen chúc ở đầu cầu. Dũng hạ lệnh nổ súng. Tiếng súng tiểu liên, tiếng lựu đạn của trung đội địa phương quân như giông bão bất ngờ quét vào bọn lính ngụy, chúng không kịp trở tay. Bộ phận đi đầu của địch bị tê liệt hoàn toàn. Hưng Tải như con sóc vượt qua đường mương, Tám Dũng vọt theo, họ xông vào đám lính ngụy vừa bị đánh tơi tả, thu súng và bắn chế áp vào bọn ở phía sau.


Thấy quân địch từ Vọng Thê xuống mỗi lúc một đông, Tám Dũng hạ lệnh cho đơn vị rút, anh trực tiếp chỉ huy một tổ cản hậu.

Sáu Bắc và Bảy Cao núp sau bờ tre hồi hộp theo dõi toàn bộ trận đánh. Khi nhìn thấy quân ta rút, các chị cho xuồng mở máy, phóng lên trận địa. Còn cách hơn một trăm thước đã nghe thấy tiếng anh em reo:

- Thắng to rồi... thắng rồi...

Không thấy Tám Dũng trong đội hình, Sáu Bắc lo lắng, hỏi:

- Anh Tám đâu các đồng chí?

- Ảnh còn chặn địch cho đơn vị rút.

Sáu Bắc nói với Bảy Cao đưa anh em về trước, còn mình cho xuồng vọt lên phía trước.

Bộ phận tiếp viện của địch vòng một cung rộng ra cánh đồng có ý chặn đầu quân ta, vừa tiến chúng vừa bắn rất rát.

Bộ phận cản hậu của Tám Dũng đang bị đe dọa nặng nề. Khanh bị trúng đạn vào đầu gối. Dũng phải cõng Khanh. Trong tổ chỉ còn khẩu ga-răng của Tám Dũng chống lại hàng trăm họng súng của địch.

Xuồng của Sáu Bắc vẫn lao ngược chiều với tiếng rú của làn đạn địch. Tới sát bộ phận cản hậu, chị cho dừng lại.

- Chị Sáu. - Tám Dũng quát to, nửa ra lệnh nửa reo mừng. - Chị cho thương binh về trước, để tôi cản chúng.

Tiếng máy nổ, tiếng đạn nổ ồn ào, khiến Sáu Bắc phải gào lên để đáp Tám Dũng:

- Anh lên xuồng ngay, không cần cản hậu. Nước ròng, cho chạy sát mé bờ nó có bắn cũng không trúng được đâu.

Thấy Sáu Bắc nói có lý, Tám Dũng xách súng trèo lên xuồng. Sáu Bắc hạ cái "đuôi tôm" của máy đẩy xuống nước, con xuồng khéo léo bám sát bờ kinh vọt lên phía trước. Những đường đạn địch bắn rất căng, liên tục "ví ví" trên đầu họ. Quả đúng như Sáu Bắc nói, cái bờ kinh là vật chắn kiên cố mà các loại đạn bắn thẳng của địch trượt qua một cách vô ích. Tám Dũng thầm phục con mắt quân sự của Sáu Bắc.

Tới ngã ba kinh, con xuồng cắt một đường gấp thước thợ vào kinh Hội Đồng, vừa tới chỗ an toàn, đã nghe thấy tiếng reo mừng chiến thắng của nhân dân vọng tới.

Tám Dũng cười nói với Sáu Bắc:

- Nếu xã nào cũng có đồng chí bí thư chi bộ như chị, thì bộ đội tới tham gia chiến đấu cùng địa phương sẽ nắm chắc phần thắng.

- Anh đừng khen quá lời...
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2021, 02:48:25 pm »

Chương bốn
THỜI KỲ VỮNG MẠNH

1


Năm 1964. Huyện Hòn Đất như một chàng trai cường tráng, từng trải đủ sức lực xông pha trước mọi bão tố. Lực lượng vũ trang đã trở thành lực lượng chủ yếu, song song với lực lượng chính trị làm chuyển biến nhanh mạnh tình hình của toàn huyện. Hầu hết các ấp "chiến lược" của địch đã bị phá, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, nối liền từ Mỹ Lâm, Nam Thái, Bình Sơn tới Thổ Sơn. Tổ chức chỉ huy và tổ chức hậu cần từ huyện tới các xã, các ấp đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Đại đội địa phương quân có một trung đội công binh - đặc công, và hai trung đội bộ binh với quân số đầy đủ. Huyện đội có công trường sản xuất vũ khí thô sơ như mìn, thủ pháo... Các xã Nam Thái, Mỹ Lâm có trung đội du kích tập trung, các xã khác đều có một tiểu đội; nhiều ấp số lượng du kích phát triển tới hai mươi ba mươi người. Trình độ tác chiến, bộ đội địa phương đã sử dụng khá thành thạo cách đánh: phục kích, tập kích, chống càn và đánh đồn bốt có công sự tương đối vững chắc; du kích ở nhiều xã đủ sức độc lập chống càn với lực lượng địch ở cấp đại đội, tiểu đoàn, và biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí thô sơ như chông mìn, cạm bẫy...


Toàn huyện hình thành trận địa chiến tranh liên hoàn khiến kẻ địch ở đâu cũng không yên, đi đâu cũng bị đánh. Địa phương quân đã đánh nhiều trận phục kích thắng lợi; nổi bật là trận ngã ba bến đò gần "Hòn", được nhân dân Thổ Sơn rất thán phục: "Chỉ có bộ đội cách mạng mới làm được như vậy".


Hôm đó đại đội trưởng Ba Trung vừa đi học trường quân chính quân khu về, thấy đơn vị mình vắng vẻ, chỉ còn có ba người ở nhà. Anh hỏi:

- Anh em đi đâu cả rồi.

Một chiến sĩ trả lời:

- Có tin nhân dân báo, thằng Tây đồn trưởng sẽ đưa quân qua bến đò, theo lệnh của anh Chín Đen, cả đơn vị vừa ra ngoải. Anh Chín cùng đi với đơn vị.

Được tin đơn vị chuẩn bị chiến đấu, Ba Trung lột nhanh cái bòng trên vai, vất xuống giường, rồi tất tả chạy ra bến đò.

Huyện đội trưởng Chín Đen đang đứng chỉ huy việc dàn quân, bên cạnh cái lò gốm. Thấy Ba Trung tới, Chín Đen reo lên:

- Ba Trung mày về rồi hen. Thiệt may! - Chín Đen siết chặt bàn tay Ba Trung, rồi nói tiếp. - Dân vừa báo cho biết, hôm nay thằng Tây, thằng Khen sẽ đưa một trung đội qua đây. Ta "phục" ở chỗ này nhất định sẽ diệt gọn chúng nó. Mày chỉ huy luôn trận này.


Nghe nhắc tới mấy tên ác ôn, Ba Trung sôi máu, nhận nhiệm vụ liền, và bắt tay ngay vào công việc. Anh vận dụng kinh nghiệm của mình và những bài học vừa học được ở trường quân chính. Ba Trung thay đổi toàn bộ đội hình của Chín Đen vừa bố trí. Anh kéo bớt một trung đội ở phía trước cho ém ở phía sau làm lực lượng dự bị và đề phòng phía sau. Lực lượng tham chiến ban đầu chỉ để lại một trung đội được "độn thổ" dưới những chồng nồi đất.


Gần trưa mới thấy có hai ba chiếc "tắc ráng" của dân ở phía Tri Tôn đang tới. Bọn lính ngồi xen kẽ với dân. Hai chiếc vừa cặp bến. Bọn lính nhìn lên thấy bến vắng tanh không một bóng người, chúng yên trí bước lên. Thằng Ba "thầy chùa" cũng là một tên ác ôn, đang ngân nga câu vọng cổ "Nếu mộng không thành thì sao...", chân hắn bước tới gần chỗ Ba Trung đang ém. Ba Trung níu cò. Loạt đạn nổ. Tên Ba "thầy chùa" đổ vật xuống cách Ba Trung khoảng bốn năm mét. Ngay lúc đó toàn bộ trận địa của đại đội địa phương quân nhất loạt nổ súng, những mũi súng gần như nhằm vào từng tên một. Cả bọn chúng cả thảy có năm tên, loạt đạn đầu đã giết năm tên. Anh em trong đống nồi đất nhảy ra trước mặt chúng, những tên còn sống sót vội vàng giơ tay xin hàng.


Bà con ngồi dưới xuồng, mất vài phút hồn vía lên mây. Trận đánh kết thúc rất nhanh, bà con được tận mắt nhìn thấy quân cách mạng đánh giặc, ai cũng khen "mấy anh địa phương quân đánh giặc thiệt giỏi". Trận đánh bắt tù binh, thu vũ khí mà không ai sứt một mảnh da, dân ngồi ngay trong khu vực trận đánh không một người nào bị thương.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2021, 02:49:44 pm »

2

Từ lâu, đồn bốt địch là những mục tiêu chướng tai gai mắt nhất, và cũng là những mục tiêu mà địa phương quân không dễ gì "nuốt" nổi. Thường vụ Huyện ủy đã trực tiếp chỉ đạo, cho đại đội địa phương quân tập dượt thử sức. Lần thứ nhất đánh vào đồn Đập Đá do ban chỉ huy huyện đội xây dựng phương án và trực tiếp chỉ huy. Trận đánh kéo dài đến sáng không mở được cửa, phải rút lui. Về kiểm điểm rút kinh nghiệm, người đổ tội cho "phương án dở òm", người đổ tội cho bộ đội "quyết tâm chưa cao"... Ý kiến qua lại, có người đã nóng tai đỏ mặt, không chịu nhau. Bí thư Huyện ủy phải đứng ra dàn hòa: "Hỏng trận này ta bày trận khác, không việc gì phải cay cú".


Trận thứ hai đánh vào đồn Tà Lốc. Công tác chuẩn bị lần này khá kỹ, tinh thần quyết tâm cao. Anh em vào tiếp cận hàng rào địch bị lộ, địch bắn ra bị thương mất vài người. Trận đánh bị bỏ dở, anh em khênh cáng nhau về. Từ lần đó trở đi nói tới đánh đồn, anh em địa phương quân thấy không còn hứng thú để bàn tới.


Một lần trong cuộc hội ý của cán bộ, một cán bộ trung đội hỏi đại đội trưởng Ba Trung:

- Anh đi học trên quân khu có được học cách đánh đồn không?

Ba Trung trả lời đầy tự tin:

- Có chớ... tao mà được giao nhiệm vụ chỉ huy đánh đồn thì đỡ lắm.

Mấy cán bộ trung đội xúm vào nói với Ba Trung:

- Kỳ này khỏi cho Huyện ủy, Huyện đội biết, chúng ta cứ tự làm lấy...


Thấy các cán bộ đều tỏ ra tin tưởng ở sự chỉ huy của mình, Ba Trung suy nghĩ đối chiếu hai trận đánh chưa thành công với bài bản mình đã học, xem thiếu sót cái gì. Anh nghĩ thầm: mình có thể làm được.

Ba Trung nói với cấp dưới của mình:

- Phương án đánh của tao khác với của Huyện đội, chắc sẽ không được Thường vụ thông qua.

- Chúng ta làm lén.

Nghe anh em nói "làm lén" Ba Trung thấy bùi tai. Ngay hôm sau anh đã lựa chọn được một mục tiêu thích hợp với sự thử sức của mình, đó là đồn Chòm Chuối trên đường "Hòn" về Tri Tôn, có một trung đội địch đóng.


Ba Trung cùng một tổ trinh sát đã bò vào trong hàng rào đồn Chòm Chuối điều nghiên xong, chỉ còn việc dựng phương án tác chiến, thì Thường vụ Huyện ủy thông báo: địa phương quân tỉnh chuẩn bị đánh Chòm Chuối, yêu cầu đại đội của huyện cho phối thuộc một trung đội. Ba Trung nổi nóng, không cho mượn quân. Thường vụ phải gọi Ba Trung tới giải thích "... Đánh địch ở đây không chỉ là trách nhiệm của họ, mà vì lợi ích của huyện ta..." lúc đó Ba Trung mới miễn cưỡng đồng ý.


Trận đánh của địa phương quân tỉnh vì nguyên nhân gì đó, không thành công, càng kích động tính hiếu thắng của những cán bộ trẻ trong địa phương quân huyện. Họ hăng máu tuyên bố công khai rằng: "Tỉnh không đánh được, để chúng tôi đánh". Ba Trung đến đại đội địa phương quân An Giang (đang trú quân nhờ đất của huyện mình) mượn khẩu ĐKZ 57, mặt khác cho anh em đắp sa bàn để huấn luyện đơn vị đánh theo phương án.


Huấn luyện xong, Ba Trung cho ĐKZ bắn thử. Việc tổ chức trường bắn luộm thuộm đã thiệt mạng hai người. Mặc dù có trục trặc trong công tác chuẩn bị như vậy, nhưng thời gian tiến hành theo kế hoạch trận đánh không thay đổi. Đêm hành quân vào trận địa lại gặp điều không may, khi qua cầu khỉ, xạ thủ đại liên bị ngã què chân. Trận đánh đành phải hoãn lại. Ngay sáng hôm sau, Ba Ca, bí thư Huyện ủy tới đơn vị, gặp Ba Trung. Ba Ca nói nhẹ nhàng nhưng có ý trách:

- Lần chuẩn bị các đồng chí không báo cáo đã chết mất hai người, lần này gần chết một người. Thôi không đi nữa nghen. Định đánh ở đâu phải báo cáo Thường vụ.

Bí thư Huyện ủy vừa ra khỏi đơn vị, Bé Hai - một chiến sĩ trẻ rất ham đánh, hỏi Ba Trung:

- Ta lại đi điều nghiên lần nữa chú Ba.

- Ừa... ta đánh lén không cho Thường vụ biết.

Đồn Chòm Chuối, đối với Ba Trung lúc này như một mối hận sâu sắc phải được rửa sạch, dù có bị kỷ luật cũng phải đánh.

Ba Trung cùng hai chiến sĩ đi trinh sát đồn Chòm Chuối một lần nữa. Bọn địch ở trong đồn tỏ ra chủ quan, chúng đã đẩy được địa phương quân tỉnh lui, thì ở đây không có lực lượng nào gặm nổi.


Trinh sát về, Ba Trung tổ chức họp hội đồng quân nhân, dân chủ thảo luận kế hoạch và xây dựng quyết tâm. Số người tham gia trận đánh tuyển chọn được mười bảy người gan góc linh hoạt nhất trong đơn vị.

Trước lúc hành quân vào trận, Ba Trung nhắc lại một điểm trong kế hoạch:

- Nếu ĐKZ bắn không trúng, tụi bay cứ đạp rào xông vào ném lựu đạn.

Đêm hôm ấy, trời đầy sao. Tới gần nửa đêm, anh em đã bí mật mở xong cửa mở, chỉ còn một hàng rào đơn sát đồn. Trong đồn địch vẫn vắng lặng như chết. Phát đạn thứ hai bùng lên một quầng lửa giữa lô cốt của địch. Ngay lập tức tiếng thét "Xung phong!" tràn ngập vào trong đồn địch cùng với tiếng nổ của lựu đạn. Trận đánh diễn ra trong vòng sáu, bảy phút. Anh em địa phương hoàn toàn làm chủ trận địa, thu toàn bộ vũ khí chiến lợi phẩm. Khi rút khỏi trận đánh họ chạy ngược về phía Tri Tôn, cách chi khu chừng một cây số, họ dừng lại nghỉ ngơi.


Ba Trung đã phán đoán trước: khi biết quân ta tấn công vào Chòm Chuối các trận địa pháo của địch xung quanh nhất định sẽ yểm hộ cho bọn ở đó và ngăn chặn lối rút ra của ta. Diễn biến đúng như vậy. Khi địa phương quân huyện vừa rút ra khỏi đồn vài trăm mét, trận địa pháo Tri Tôn, Lình Quỳnh đã rải đạn xung quanh đồn Chòm Chuối và dọc theo bờ kinh về phía "Hòn". Chờ cho địch bắn chán rồi, Ba Trung mới cho đơn vị men theo bờ kinh Lình Quỳnh trở về căn cứ.


Sau trận đánh Chòm Chuối, trinh sát của Huyện đội báo cáo lên Thường vụ Huyện ủy, cuối báo cáo là một câu hỏi: "Không hiểu đơn vị nào nửa đêm qua đã đánh đồn Chòm Chuối?". Ba Ca cười bất lực: "Lại cái thằng Ba Trung, chứ không còn ai vào đó".


Chỉ sau một ngày, tin chiến thắng Chòm Chuối đã chắp cánh bay tối các cơ quan Huyện ủy, Huyện đội và các đơn vị bạn đóng quân trong huyện, với mọi chi tiết đáng kinh ngạc.

Mấy anh em địa phương quân tỉnh tỏ ra ngượng ngùng khâm phục:

- Đ.má... mình cả hai cây ĐK 75 mà bị chúng đẩy ra, nó chỉ có một ĐK 57 mà quất chỉ mất năm phút.

Chiến thắng Chòm Chuối đưa khí thế chiến đấu của địa phương quân huyện lên như diều gặp gió. Anh em rất tin tưởng chiến thuật đánh địch trong công sự của đơn vị mình, thậm chí còn có người coi việc "đánh đồn còn khỏe hơn đánh bằng các hình thức khác".


Sau vài ngày nghỉ ngơi và rút kinh nghiệm, Ba Trung lại tổ chức điều nghiên Chòm Sao. Trận đánh địch trong công sự dã chiến ở Chòm Sao, diễn ra còn đẹp hơn trận đánh Chòm Chuối. Đại đội địa phương quân huyện đã tiêu diệt gọn một trung đội địch, bắt tù binh, thu vũ khí, và lần đầu thu được cả máy bộ đàm PRC25. Không đầy một tuần lễ sau trận Chòm Sao, địa phương quân lại tiêu diệt bốt một tiểu đội địch, thu toàn bộ vũ khí.


Số vũ khí thu được trong mấy trận đánh thắng liên tục, gần đủ để trang bị cho một đại đội. Ba Trung lựa những khẩu súng tốt nhất trang bị cho đơn vị mình, còn lại giao cho du kích các xã.

Không chịu thỏa mãn dừng lại năm 1967 đại đội địa phương quân huyện đã nhanh chóng mở rộng chiến thắng của mình bằng nhiều trận thắng liên tiếp. Trận đánh chiếm công sở địch ở Sóc Xoài. Đánh chiếm hội đồng xã Sóc Sơn. Đánh chiếm đồn Lình Quỳnh và đồn Ranh Hạt. Đánh chiếm hội đồng xã Nam Thái. Đánh chiếm và bắt sống tên đồn trưởng Kinh Hãng. Đánh chiếm đồn Mười Thập. Bắt sống tên Ngâu, một tên gián điệp lợi hại của Rạch Giá... Chỉ trong vòng hai mươi ngày địa phương quân đã đánh chiếm gần mười đồn tam giác.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2021, 01:59:49 pm »

3

Sau những ngày tháng liên tục chiến đấu thắng lợi, đại đội địa phương quân được lệnh lui về căn cứ để học tập. Một hôm anh em đang nghe giảng chính trị, chiến sĩ cảnh giới báo cáo:

- Có địch càn, chúng đang đuổi theo du kích Nam Thái.

Có ý kiến trong lóp đề nghị với giảng viên:

- Đề nghị chiến đấu đã, trở về sẽ học tiếp.

Đơn vị vừa phát động căm thù địch đã giết ba đồng chí Công, Tứ, và Sĩ là những chiến sĩ đặc công dũng cảm. Anh em đang khao khát đánh đổi nỗi hận thù đang dâng trào trong lòng mình lấy chiến thắng, mọi người đều đồng ý với ý kiến "chiến đấu đã...".


Không kịp phổ biến kế hoạch tác chiến, nhiều tiểu đội đã chủ động tập hợp chạy ra cửa rừng. Anh em nhìn thấy lính địch vẫn bám theo sau du kích. Với tinh thần hoàn toàn chủ động, không chờ lệnh, từng trung đội bám theo bờ kinh tiến lên. Khi tới tầm bắn có hiệu quả các hỏa lực trung liên đại liên của đại đội đã phát hỏa. Địch bất ngờ bị đại liên bắn lướt sườn, chúng nằm mọp xuống bờ kinh không dám ngẩng đầu lên. Các trung đội tiếp tục tiến vòng qua cánh đồng hình thành thế bao vây đại đội đi đầu của tiểu đoàn địch. Thấy bị bao vây, chúng nhốn nháo, rồi vỡ bung ra từng mảng, chạy tung toé ra cánh đồng nước, không còn sức chống đỡ. Các loại súng trường, tiểu liên của địa phương quân thả sức quét vào từng nhóm địch đang chạy hoảng hốt.


Phía Kinh Năm không còn địch, anh em nghe thấy tiếng súng phía Kinh Tư còn nổ nhiều, họ đã chủ động chuyển hướng. Sáu Thố, tiểu đội trưởng quân báo, từ lúc xuất kích chỉ có một quả lựu đạn cầm tay, anh thèm được làm xạ thủ trung liên đánh trận này. Sáu Thố nêu nguyện vọng của mình với cán bộ trung đội, được cán bộ trung đội đồng ý, anh xốc vội khẩu trung liên lên vai. Đôi chân sếu của Sáu Thố chạy như bay trên cánh đồng xăm xắp nước, tới bờ Kinh Tư, anh đặt súng và nhằm thẳng vào những toán lính đang chạy trên cánh đồng. Thấy địch không còn sức đề kháng, có ai đó hô "xung phong" lập tức mọi người vừa hò hét vừa xông ra cánh đồng đuổi bắt tù binh và thu chiến lợi phẩm.


Kết quả trận đánh, địch đã phải bỏ lại năm xác chết và nhiều vũ khí. Riêng Sáu Thố thu được hai khẩu trung liên, ba khẩu ga-răng và nhiều chiến sĩ khác mỗi người thu được một khẩu.

Kể từ ngày đồng khởi tới giờ, ở đất Châu Thành này chưa hề có trận đánh nào tinh thần chủ động tấn công, chủ động hợp đồng rất cao và diễn ra tuyệt đẹp như vậy. Nhân dân xã Nam Thái tận mắt thấy con em mình bày binh bố trận thật tài tình và dũng cảm. Khói đạn chưa kịp tan đông đảo bà con đã chạy ào ra chào mừng chiến công của bộ đội.


Ngày hôm sau bọn sĩ quan ngụy ở chi khu Tri Tôn ra chợ nhắn mấy bà quê ở Nam Thái: "Xin các ông giải phóng cho phép tới cánh đồng Nam Thái để nhặt xác đồng đội". Ba Trung viết thư trả lời chúng: "Chúng tôi đồng ý để các anh tới thu xác chết, với điều kiện: từ hôm nay trở đi không được đưa quân tới ruồng bố ở xã Nam Thái nữa”. Thằng thiếu tá chỉ huy trưởng chi khu viết thư đáp lại Ba Trung: "xin nhận điều kiện đó".


Từ đó cho tới vài tháng sau, bọn lính ngụy không dám ló mặt tới xã Nam Thái.

Từ ngày đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam nước ta (1965), mật độ bom đạn ngày càng dày đặc hơn, bộ mặt chiến tranh tàn khốc hơn, sự hy sinh chết chóc của nhân dân ta lớn hơn, lòng căm thù đế quốc Mỹ trong nhân dân ta càng sâu sắc và tinh thần đoàn kết đánh giặc của nhân dân ta càng siết chặt hơn. Hòn Đất cũng ở trong bối cảnh chung ấy. Lực lượng vũ trang của huyện càng được tôi luyện càng tỏ ra vững chắc. Những trận đánh, những đợt diệt ác phá kềm vẫn diễn ra đều đặn và mạnh mẽ hơn trước. Hầu như không có tháng nào, không có một vài lần những đoàn xe của Mỹ - ngụy bị nổ tung trên lộ 80 vì trúng mìn của du kích và bộ đội. Hầu như tất cả những cuộc càn quét của chúng vào các xã trong huyện đều bị trừng trị thích đáng. Bom đạn lửa khói triền miên, không ai có thể nhớ hết từng việc làm, từng trận đánh của đơn vị mình, địa phương mình. Nhưng cũng có việc làm, một trận đánh, thậm chí một hành động của một người nào đó lại như đóng cột mốc trong trí nhớ. Xã đội trưởng Ba Non xã Sóc Sơn, không thể quên được hành động yêu nước của ông già Hai Thạnh, đã lập mưu giúp đơn vị anh giết được 17 tên Mỹ. Những chiến sĩ địa phương quân (1967) không bao giờ quên trận luồn càn ở Nam Thái, khi rút ra khỏi vòng vây an toàn, vẫn tiêu diệt gọn một trung đội địch, trận phục kích tiêu diệt gọn một trung đội địch ngay bên cạnh đồn Vàm Rầy... Nhưng đỉnh cao đáng ghi nhớ của toàn huyện là trận đánh đại đội biệt kích áo đen nằm cạnh chi khu Tri Tôn.


Chủ trương của Tỉnh ủy Rạch Giá: phải phá tan kế hoạch bình định của địch ở khu vực Châu Thành A (Hòn Đất). Hai đại đội địa phương quân của tỉnh đã được điều động tới đóng ở rừng Nam Thái.

Gần một tháng trời, đại đội địa phương quân huyện đã cho quân báo bám sát bọn cán bộ bình định.

Khi chuẩn bị lên phương án tác chiến, ban chỉ đạo của tỉnh mới phát hiện, địch vừa tăng cường một đại đội biệt kích áo đen ác ôn, đóng sát cạnh chi khu.

Ban chỉ đạo quyết định sử dụng hai đại đội, một đại đội của tỉnh và một đại đội của huyện, cùng một thời gian tiêu diệt cả hai mục tiêu trong đợt mở màn. Ngay từ lúc phân công mục tiêu tấn công cho các đơn vị, ban chỉ đạo đã gặp nhiều điều khó xử. Cả hai đại đội đều đòi đánh mục tiêu "cán bộ bình định". Gặp trường hợp này nếu là người chỉ huy có bản lĩnh phải xem xét nghiêm túc, khả năng, sở trường và tình hình lúc đó để trao nhiệm vụ cho từng đơn vị một cách thỏa đáng. Anh Ba Th, tham mưu trưởng tỉnh đội phụ trách về quân sự đã không làm như vậy. Anh đã thay động tác chỉ huy bằng cách cho hai đơn vị gắp thăm tìm sự may rủi (!?).


Địa phương quân huyện gắp trúng vào mục tiêu: bọn biệt động quân, một mục tiêu cứng quá với sức của mình. Anh em bàn luận xôn xao:

- Xem lại xem, nếu mình không đủ sức đánh thì báo cáo lên cấp trên, không nên liều...

- Không cần đề nghị, dù chết cũng đánh.

- Keo này ăn đứng thua nằm... phải đánh cho ra trò, cho mấy thằng địa phương quân tỉnh biết chúng ta là người như thế nào...


Nhiều anh em dự cảm thấy trận đánh này rất nguy hiểm, khó có thể thoát chết. Một số anh em đã viết sẵn những bức thư vĩnh biệt người thân, giấu trong ba lô. Có ngươi "di chúc" chia cái tài sản nghèo của mình cho bạn. Tinh thần của toàn đơn vị trong trận đánh này là "ra đi không về".


... Địa phương quân huyện hành quân vào cách trận địa khoảng 100 mét, bị địch phát hiện. Đại đội trưởng Ba Trung ra lệnh: "Xung phong!". Toàn đại đội chạy ngược làn hỏa lực của địch, họ liều chết xông vào chiếm những công sự dã chiến của địch còn nóng bỏng khói lựu đạn. Tư Danh nhanh nhẹn dũng mãnh như con mèo rừng vồ mồi, anh vừa hất quả lựu đạn vào ổ súng của địch, khi tiếng nổ vừa bùng lên là anh đã có mặt trong công sự. Trong vòng mười phút đầu riêng Tư Danh đã chiếm được sáu công sự của địch. Các mũi tiến khá sâu vào trong trận địa địch. Bọn địch chỉ còn trụ giữ được một số ít công sự, nhiều tên nhào xuống sông chạy trốn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2021, 02:01:04 pm »

Trận đánh ở đoạn kết thúc thắng lợi, bỗng kho xăng bên cạnh bị trúng đạn bốc cháy. Viên đạn ĐKZ của địa phương quân tỉnh, đã gây ra một tai họa lớn. Ánh sáng soi rõ từng lá cây ngọn cỏ. Toàn bộ địa hình của đại đội địa phương huyện nằm phơi ra trước những cặp mắt thù địch của bọn lính trong chi khu. Chúng hạ thấp nòng pháo 105 ly để bắn trực xạ, cộng với hỏa lực khác trong chi khu dội lên đội hình của họ. Số thương vong của ta tăng lên hàng chục người. Anh em phải rút lui một cách hỗn loạn, bỏ lại nhiều xác đồng đội...


Trận đánh bọn biệt động áo đen, địa phương quân huyện đã thắng nhưng phải trả giá quá đắt. Số cán bộ và chiến sĩ cốt cán đã hy sinh gần hết. Anh em tỏ ra rất bi quan và tức bực với sự chỉ huy của tỉnh. Trong cuộc họp rút kinh nghiệm, có đông đủ cán bộ tỉnh, huyện đại đội trưởng Ba Trung không tự kiềm chế được đã nói nặng lời: "Các ông bất tài về mẹ nó đi".


Từ sau trận đánh bọn biệt động áo đen, địa phương quân huyện phải ngừng mọi hoạt động để củng cố, tối gần nửa năm vẫn chưa hồi phục được như cũ.

Đêm hôm ấy, từ lúc nghe tiếng súng nổ nhiều ở phía Tri Tôn, hầu hết các gia đình dân Nam Thái khó ngủ, nhiều người mẹ, người vợ có con trong bộ đội, đã chong đèn, lo lắng tới số phận người thân của mình.


Mờ sáng hôm sau đã có tin đưa tới các dòng kinh: Quân ta chiến thắng to. Địa phương quân huyện và tỉnh đã đánh tiêu hao nặng đại đội biệt động áo đen và hai đoàn "cán bộ bình định" của địch. Nhà này truyền tin cho nhà khác, không khí vui vẻ náo nức. Trong niềm vui, các gia đình bộ đội còn phập phồng lo âu, không hiểu người thân của mình trong trận đánh đêm qua, may rủi thế nào. Đoàn thể phụ nữ phân công các mẹ chiến sĩ và một số chị em đi đón thương binh và mai táng các tử sĩ. Nhiều chị em không chờ đoàn thể phân công, đã chủ động bơi xuồng về phía Tri Tôn. Trịnh Thị Nụ là một trong số chị em đó.


... Đôi tay Nụ vẫn khua mạnh mái chèo để theo kịp chị em, nhưng trong đầu chị vẫn triền miên suy nghĩ: "Anh ấy không hiểu có làm sao không?". "Trong xã ta không hiểu có ai làm sao không?". Mấy năm nay, mỗi lần nghe tiếng súng nổ nhiều ở đây đó, trong huyện, những câu hỏi đó thường day dứt trong đầu Nụ, và mỗi lần như thế là Nụ lại khóc thầm. Một lần Nụ đang gặt lúa, nhận được tin bộ đội chiến đấu ở Kinh Hai, còn sót thương binh chưa lấy về được. Kinh Hai còn đồn địch đóng, chỉ người nào còn thế hợp pháp đi lại ban ngày mới không bị địch bắt giữ. Nụ bỏ liềm trên đám lúa đang cắt dở, rồi bơi thẳng xuồng tới nơi vừa xảy ra trận đánh.


Nụ tìm được anh Nguyễn Văn Lúa bị gãy một bên chân. Nụ cõng Lúa đặt xuống xuồng của mình, rồi kiếm chà xếp lên trên, giả như người đi kiếm củi.

Lúa đau quá, khẽ rên rỉ. Nụ động viên:

- Từ bây giờ trở đi có đau cũng phải cắn răng lại, kêu rên lộ ra là chết cả.

Nụ bơi xuồng tới gần đồn địch, mấy tên lính đang chĩa cá bên bờ kinh, nhìn thấy Nụ trắng trẻo xinh xắn, chúng buông lời chọc ghẹo:

- Ồ... người đẹp ở đâu mà hôm nay mới xuất hiện.

- Cô em đi đâu đó?

Nụ trả lời đường hoàng:

- Lấy củi, mắt không nhìn thấy sao.

- Liệu trong củi có nhân không... cô em?

- Mắt mở to như thế kia, có hay không mà không thấy sao.

- Chỉ thấy em thôi.

Được một câu đùa ý nhị, cả bọn lính cười "hố hố". Nụ vẫn đều tay đẩy xuồng đi qua trước mặt chúng.

Nụ đưa thương binh thẳng tới nơi cơ quan Huyện ủy đang ở. Ba Ca, bí thư Huyện ủy tỏ ra vui mừng khen ngợi:

- Em đã làm một việc tốt mà nhiều đảng viên chưa chắc đã làm nổi.

Từ ngày ấy đến nay, rất nhiều lần Nụ cùng chị em làm nhiệm vụ tải thương và chăm sóc thương binh không nề hà khó khăn nguy hiểm.


... Dọc đường kinh lác đác một vài chiếc xuồng, đã đón được thương binh tử sĩ trở về, các chị em chở xuồng người nào cũng khóc như đám tang. Chẳng còn hiểu đầu đuôi ra sao nữa. Nụ cũng thấy mình xúc động, nước mắt cứ tràn ra.


Có hai anh bộ đội bơi xuồng từ phía trước về, Nụ hỏi tin tức trận đánh. Các anh tỏ ra rất lạc quan:

- Thắng to lắm. Địch chết rất nhiều. Kế hoạch bình định của chúng chắc chắn bị phá tan tành rồi.

Chỉ có một trận đánh thôi, mà mỗi người một thái độ khác nhau, người thì buồn rười rượi, người thì tươi roi rói. Nụ mỉm cười và lẩm bẩm một mình. "Có lẽ cánh phụ nữ mau nước mắt, khi thấy một vài ngươi bị thương bị chết...".


Đến cánh đồng trống, Nụ thấy thấp thoáng có người dìu nhau ở phía trước, chị đẩy mau mái chèo.

Nhìn thấy Nụ, một anh bộ đội gọi to:

- Chị Năm!

Nụ cho xuồng chậm lại, có ý định đón hai người lên. Hai anh bộ đội một lành một bị thương trao đối với nhau gì đó. Anh bộ đội người cùng xã với Nụ nói:

- Chúng tôi kè nhau về được, chị đi nhanh lên, đẳng còn thương binh nặng. Ngừng một lát anh bộ đội nói có vẻ thanh minh. - Chị Năm à... đánh trận này tức muốn điên lên được. Rõ ràng là mình thắng rồi, có người thu năm, sáu khẩu súng ra khỏi trận địa mấy trăm mét rồi mà đành bỏ lại... Mấy thằng cha địa phương quân tỉnh, bắn một phát ĐKZ trúng kho xăng cháy sáng như ban ngày. Thế là đạn của bọn chi khu cứ việc nhằm vào lưng quân mình, ức hộc máu ra được... Thôi chị đi nhanh lên.


Mỗi lúc một nhiều xuồng bơi ngược chiều với Nụ, các má, các chị ngồi trên xuồng, người nào cũng nước mắt ngắn, nước mắt dài. Nhiều người đã đi sớm hơn Nụ, chị em xông thẳng vào gần nơi xảy ra chiến sự để tìm thương binh bị lạc. Cô Lụa gặp Danh - người dũng sĩ xông xáo nhất trong trận đánh đã bị thương cả hai chân nhưng vẫn cố gắng bò tới một gò đất cao chờ người tới cứu.


Bây giờ Nụ mới hiểu: Tại sao ta chiến thắng lớn mà chị em phụ nữ Nam Thái buồn như vậy. Thanh niên Nam Thái chiếm số đông trong bộ đội huyện, vì vậy chiến thắng này nhân dân Nam Thái phải đóng góp phần nặng nề nhất.


Hoàn thành nhiệm vụ đón thương binh, và biết chắc chắn chồng mình còn sống, nhưng đi qua kinh nào cũng thấy tiếng khóc hờ chồng hờ con, Nụ thấy bàng hoàng xót xa. Nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình trong chiến tranh lửa đạn này, sao nó mỏng manh quá, thế là Nụ lại khóc thầm.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2021, 02:02:31 pm »

Chương năm
TẾT MẬU THÂN

1


Gần tới giờ giao thừa, khu rừng tràm Nam Thái càng trở nên tĩnh mịch, nghe rõ từng cành cây cựa mình và tiếng gió lá thì thầm. Ở đâu đó rất xa, rất xa mơ hồ như ảo giác có tiếng gà gáy đang đổ hồi chen lẫn tiếng súng cầm canh. Trong văn phòng Huyện ủy chỉ còn vài ba người thao thức chờ đón giao thừa. Có tiếng của ai đó từ trong bóng tối vẳng tới:

- Có cậu nào đó còn thức, thắp đèn mang lên hội trường nghen.

Trong nhóm người còn thức có tiếng hỏi nhau:

- Hình như tiếng anh Ba, chắc có cuộc họp gì khẩn cấp.

- Cậu lấy đèn mang lên đi.

Lát sau trong cái hội trường nhỏ xíu, có vách lá che kín xung quanh, ánh đèn măng xông sáng rực, các ủy viên thường vụ và một vài cán bộ đầu ngành có mặt ở nhà lục tục kéo nhau tới hội trường. Những bộ mặt ngái ngủ cau có nhìn nhau, chưa hiểu có chuyện gì mà họp hành vào nửa đêm như thế này. Trong chiến tranh việc dựng nhau dậy lúc đêm khuya, chẳng có gì là đặc biệt, nhưng đối với ngày tết "ngừng bắn" việc đó lại trở nên không bình thường, nhiều người đã chuẩn bị cho một vài đêm ngủ ngon lành nên khi bị dựng dậy, họ cảm nhận thấy có gì khác thường trong cuộc họp này.


Trên khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng đầy tự tin của bí thư Huyện ủy không che giấu niềm vui mới. Anh đưa bàn tav về phía Hai Thiết:

- Đồng chí Hai Thiết, Tỉnh ủy viên, kỳ này về tăng cường cho huyện ta, theo sự phân công của Thường vụ tỉnh, đồng chí Hai Thiết sẽ là bí thư Huyện ủy, tôi và đồng chí Hai Hiếu là phó. Đồng chí Hai Thiết thay mặt Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho đảng bộ ta.

Các cử tọa vỗ tay, xen lẫn tiếng ồn ào bàn luận.

- Thưa các đồng chí! Hai Thiết vừa nói dứt câu, mọi người trở lại trật tự, anh nói tiếp. - Cuộc chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ cố giấu mặt để thực hiện chính sách thực dân kiểu mới, nhưng khi thấy bọn ngụy có nguy cơ thua cuộc, buộc chúng phải lộ nguyên hình là một tên xâm lược thực dân kiểu cũ. Chúng ồ ạt đưa quân và vũ khí vào miền Nam, chúng đưa không quân ra đánh phá miền Bắc, mở rộng cuộc chiến tranh với mức độ ác liệt chưa từng có. Chúng đã đưa vào miền Nam hơn bốn mươi vạn quân Mỹ và chư hầu, cộng với hơn nửa triệu quân ngụy mở hai cuộc phản công lớn, nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế trên chiến trường, mà ngày càng lún sâu vào thế bị động lúng túng. Ngược lại, phía cách mạng đã tiến lên những bước vững chắc, giữ vững thế tiến công, phối hợp với các lực lượng đấu tranh nhịp nhàng, nhiều vùng nông thôn được giải phóng áp sát các đô thị, trong các đô thị phong trào công nhân, học sinh, sinh viên liên tục nổ ra với khí thế ngày càng mạnh mẽ... Nhận rõ thời cơ đã đến, Bộ Chính trị và Trung ương ra lệnh phát động toàn Đảng toàn dân ta thực hành tổng công kích và tổng khởi nghĩa, bắt đầu thực hiện đồng loạt vào đêm 30 Tết Mậu Thân này.


Nghe tới đó tất cả các cử tọa dường như nín thở. Hàng chục cặp mắt mở to không chớp, nhìn như thôi miên vào khuôn mặt khắc khổ của Hai Thiết. Họ sung sướng nhận thức trong tiếng nói của người lãnh đạo cao nhất huyện chứa đựng niềm hy vọng lớn lao đã nung nấu trong máu lửa, nay sắp trở thành hiện thực.

- Các lực lượng bộ đội chủ lực sẽ tiến vô giải phóng các thành phố đô thị. - Hai Thiết tiếp tục nói với niềm phấn khởi tin tưởng như gần tuyệt đối. - Nhiệm vụ của huyện ta, sẽ huy động tất cả các lực lượng bao vây và đánh chiếm các đồn bốt, chiếm lộ 80. Đại đội địa phương quân, rút ra một trung đội tăng cường cho tỉnh đánh vô thị xã, còn hai trung đội đứng ở Nam Thái sẽ tổ chức pháo kích vô Tri Tôn, nếu thị xã Rạch Giá được giải phóng, đó là thời cơ chúng ta sử dụng hai trung đội địa phương quân phối hợp với du kích Nam Thái cùng với lực lượng chính trị vào chiếm Tri Tôn...


Hai Thiết phổ biến nhiệm vụ xong, Ba Ca và Hai Hiểu mỗi người phát biểu thêm về biện pháp tổ chức tiến hành và phân công các cán bộ xuống phổ biến cho các xã, rồi cuộc họp giải tán.


Thời gian tổng tấn công và tổng khởi nghĩa đúng vào giờ giao thừa mà đã quá giờ giao thừa rồi, mới ra khỏi cuộc họp. Mọi người phải "vắt chân lên cổ" chạy, vẫn cảm thấy mình còn chậm chạp.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2021, 02:03:15 pm »

2

Cơ quan Huyện ủy đóng trên đất Nam Thái, nên Nam Thái là xã nhận nhiệm vụ sớm nhất. Sáng ngày mồng một Tết, xã đã tập hợp được du kích và tự vệ của các ấp gồm 206 người, tổ chức ra thành ba đại đội, do xã đội trưởng Tư Quang và xã đội phó Riểu chỉ huy. Hai đại đội được điều ngay đến bao vây đồn khu 3. Còn một đại đội du kích xã được giao nhiệm vụ ngăn chặn địch ở Kinh Năm.


Các đơn vị vừa vào vị trí chiến đấu xong xuôi, đã nghe thấy tiếng tù và, thùng thiếc, thau chậu ồn ào như bão tố nổi lên từ Kinh Tư lan dần sang các kinh khác, một lát sau rộ lên tiếng lựu đạn nổ ở Kinh Tư.


Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ kéo dài khoảng hơn một tiếng đồng hồ mối dứt. Tư Quang nhận được tin địch có khoảng một đại đội tăng cường do thằng đại úy Mọi chỉ huy, chúng vô Kinh Tư đã gặp địa phương quân và một bộ phận của T80. Hiện nay địa phương quân và anh em T80 đã rút, địch đang tiến về phía Kinh Năm.


Du kích đã nhiều lần chạm trán với bọn bảo an do thằng đại úy Mọi chỉ huy. Chúng thường hay giở trò cho một bộ phận nhỏ vòng vào sườn ta, nằm lại ở một vị trí nhất định, gây tiếng nổ thu hút sự chú ý có tính chất nghi binh; lực lượng chủ yếu thường dàn ra đánh thẳng vào chính diện trận địa của ta. Nếu ta bắn chúng chết một vài tên, cả bọn còn lại nằm luôn tại chỗ bắn chán rồi rút. Nếu trận địa của ta bị thủng, thì mấy thằng nghi binh kia cũng lập tức xông tới.


... Bọn địch đã vượt qua những đám cỏ rậm, cách trận địa của du kích khoảng hai trăm mét, đứa nào cũng đề phòng, tay nâng súng, lưng khom thấp mặc dầu cái lưng khom của chúng cũng chẳng có tác dụng gì trên cánh đồng trống trải này.


Các chiến sĩ du kích đã gắn chặt đường ngắm của mình vào các mục tiêu di động trước mặt, chờ lệnh.

Những tên lính ngụy vẫn nhấc từng bước nặng nề, đầy lo sợ, nhích dần vào tử địa.

"Bắn"! Một tiếng thét ngắn ngủi khô khốc từ miệng Tư Quang phát ra, lập tức những nòng súng của du kích giật lên, khạc lửa. Khoảng hơn một chục tên lính ngụy gục ngã trên ruộng cỏ. Những tên còn sống vội vàng nằm tại chỗ bắn vô tội vạ, rồi xê dịch chiếm địa hình che khuất.


Du kích chuyển sang bắn tỉa, nổ từng phát để tiết kiệm đạn.

Bọn địch ở phía sườn ta vẫn nổ từng loạt dài đạn liên thanh, nhưng tổ du kích bảo vệ phía đó vẫn chưa phải động tay.

Thế trận vẫn nhùng nhằng, nằm bắn nhau tại chỗ. Xem ra tên Mọi ác ôn lần này tỏ ra ngoan cố hơn, nó điều chỉnh lại đội hình, rồi lại thúc bọn lính xông vào lần nữa.

Bọn lính ngụy cắp súng vào nách vừa bắn vừa chạy được khoảng mươi mét đã gặp phải hỏa lực liên thanh, súng trường của du kích quật ngã hàng chục tên, chúng hoảng sợ quay đằng sau cắm đầu chạy.

Thấy đội hình địch rối loạn, nắm thời cơ Tư Quang hạ lệnh toàn đơn vị xuất kích. Anh em du kích vọt ra khỏi công sự, hô xung phong vang trời.

Trận chống càn kết thúc tốt đẹp. Du kích đã tiêu hao nặng một đại đội địch (giết 20, bị thương 30), bắt sống tên trung sĩ ban hai, thu một số vũ khí.

Bọn chỉ huy chi khu Tri Tôn tỏ ra cay cú. Ngay ngày hôm sau chúng vét hết số quân có thể cơ động được, gồm năm trung đội bảo an, dân vệ được đưa vào cuộc trả đũa, vẫn do tên Mọi chỉ huy. Chúng tiến vào Kinh Năm, với hành động thận trọng nhưng ngoan cố hơn.


Lực lượng ta vẫn không thay đổi, nhưng công sự được củng cố vững chắc, và thêm bí thư Huyện ủy trực tiếp chỉ huy.

Trận đánh diễn ra từ mờ sáng đến gần tối, du kích đã đánh lui nhiều đợt xung phong của địch, loại ra khỏi vòng chiến 41 tên.

Từ ngày mồng ba Tết trở đi du kích Nam Thái ngày nào cũng phải chống càn. Số thương vong của du kích không đáng kể, nhưng nguồn tiếp tế đạn dược khan hiếm, không đủ bổ sung hao hụt sau mỗi trận đánh. Khoảng một tuần lễ sau, trận địa của du kích bị thủng. Địch trong đồn "khu 3" nống ra. Chiến trường trên đất Nam Thái lại trở về tình trạng như ngày trước tết.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2021, 02:04:09 pm »

3

Ba Non chuẩn bị cho du kích và nhân dân đón cái tết "ngừng bắn", đến tối mồng một anh mới có thì giờ xả hơi. Anh về một gia đình cơ sở ở đầu doi, đến nơi vừa đúng lúc mâm cơm bày lên bàn.

Nhìn thấy Ba Non tới mọi người reo lên:

- Anh Ba đến đúng lúc.

- Ôi anh Ba! Anh thiêng quá, mọi người vừa nhắc đến...

Chủ nhà và mấy anh bộ đội kéo Ba Non vào bàn tiệc. Không khí bình yên hiếm hoi này khiến mọi ngươi vui vẻ hơi ồn ào. Trên mâm cỗ đầy món ăn điểm thêm một đĩa bánh tét màu xanh lá làm cho hương vị tết tăng thêm. Ba Non vừa ngồi xuống ghế, Sáu Hạnh đã rỉ tai "Thiệt hên... anh đến, tôi định cử người đi tìm". Nghe cách nói của Sáu Hạnh có chứa sự quan trọng, nhưng trong không khí tết nhất đang vui vẻ, Ba Non không hỏi lại.


Mọi người nâng cốc chúc mừng nhau. Có chất men vào, mọi câu chuyện trở nên hồn nhiên hơn. Nhiều câu chuyện của họ gợi đến những kỷ niệm thời thơ ấu, những niềm vui trong chiến trận. Ba Non chỉ góp vui với các bạn bằng tiếng cười. Trong chiến tranh ít có ngày nào đáng tin cậy vào sự bình yên bằng ngày Tết ngừng bắn. Ăn xong, Ba Non nằm ngả lưng xuống giường, với hy vọng ngủ bù cho bỏ những đêm thức trắng. Giấc ngủ đang sâu, không hiểu ai phát mạnh vào vai mình, Ba Non dụi mắt xem ai gọi mình.


Sáu Hạnh cười, hỏi:

- Tỉnh chưa nào?

Sáu Hạnh kéo tay Ba Non, ý nói ra ngoài kia. Theo thói quen của ngươi đã dày dạn với chiến trận, Ba Non đứng bật dậy theo bạn. Hai người ra đứng cạnh cây vú sữa. Sáu Hạnh nói vẻ xúc động:

- Có lệnh của Trung ương: Toàn miền Nam tổng tiến công và tổng khởi nghĩa, tất cả các nơi đúng 12 giờ đêm 30 Tết Mậu Thân này sẽ vào đánh thành phố, đô thị, từng địa phương phải chủ động phát động quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang tự giải phóng địa phương mình.

- Chúng tôi chưa nhận được lệnh gì của huyện.

- Tôi nhận được lệnh của tỉnh, ai ở địa phương nào sẽ phổ biến luôn cho địa phương đó. Vì lệnh này xuống khẩn cấp và yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối. Tôi phải đưa đơn vị ra thị xã đây.

Có cái gì đó thật to lớn mà bấy lâu chồng chất trong hoài bão, bây giờ sắp bùng ra để trở thành hiện thực, làm cho Ba Non thấy choáng ngợp, sung sướng. Anh đứng lặng giây lâu, nhìn theo những chiến sĩ biệt động của thị xã mất hút vào bóng đêm, rồi mới chợt nhớ ra mình có bao nhiêu công việc phải làm gấp.


Cuộc họp của cán bộ và du kích xã được triệu tập khẩn cấp. Ba Non phổ biến kế hoạch phát động quần chúng, huy động lực lượng bao vây đồn bốt, công tác binh vận. Cuộc họp sắp sửa kết thúc, Ba Hanh cùng một số cán bộ của xã Mỹ Lâm đến. Ba Hanh nói chen vào cuộc họp:

- Theo lệnh của huyện, chúng tôi phối hợp cùng các đồng chí đánh chiếm Sóc Xoài. Ban chỉ huy chung của khu vực hai xã ta gồm anh Ba làm trưởng, tôi và anh Tư, trung đội trưởng "T80" làm phó. Toàn huyện sẽ thực hiện nhiệm vụ tổng công kích và tổng khởi nghĩa trước khi trời sáng.

Thời gian quá gấp gáp, nhiều người còn chưa thật rõ nhiệm vụ, đã phải tỏa xuống cơ sở. Ba Non và Ba Hanh đưa lực lượng du kích sang thị tứ Sóc Xoài. Họ vừa bố trí đội hình xong đã nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng tù và, tiếng trống, mõ từ khắp nơi dội đến.


Sáng mồng hai Tết, từ khắp các ngả bà con xếp thành đội ngũ kéo nhau tới chợ Sóc Xoài. Cờ đỏ rợp trời. Tiếng hô khẩu hiệu như sấm ran. Những đoàn người bủa vây xung quanh những bốt nhỏ và hội đồng xã. Tiếng loa kêu gọi, hù dọa binh lính địch. Bọn chúng hoảng sợ trước khí thế xung thiên của quần chúng. Hầu hết các đồn lẻ đóng chừng một tiểu đội đều bỏ chạy. Bọn lính ngụy đang đi phép tết, vội vàng cởi áo lính trốn lủi không dám về đơn vị. Quân và dân hai xã vây trụ sở hội đồng xã Sóc Sơn đến hai giờ chiều thì đồn hội đồng bỏ chạy.


Không khí tổng công kích và tổng khởi nghĩa như trào xô bão cuốn. Lớp lớp thanh niên hai xã Mỹ Lâm và Sóc Sơn kéo nhau tối gặp ban chỉ huy, xin nhập lực lượng vũ trang. Du kích hai xã đã có ba mươi tay súng, số thanh niên mới tình nguyện đã bổ sung cho bộ đội huyện tỉnh được hơn ba mươi người.


Ngày mồng ba Tết. Sau khi địch đẩy lực lượng ta ra khỏi thị xã Rạch Giá chúng rảnh tay dùng hỏa lực phản kích ra xung quanh. Đạn pháo địch từ Rạch Giá bắn dữ dội vào thị tứ Sóc Xoài, đã gây ra nhiều đám cháy. Nhân dân trong thị tứ phải sơ tán ra các ấp xung quanh. Các đội du kích phải dựa vào những nhà gạch và đào công sự để đề phòng địch phản kích.


Khoảng mồng năm, mồng sáu, địch đưa lực lượng bộ binh ra phản kích. Từ đó trở đi, hàng ngày liên tục xảy ra những trận đánh giằng co quyết liệt, nhưng du kích vẫn giữ vững trận địa, làm chủ Sóc Xoài được mười sáu ngày đêm mối rút.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2021, 06:55:55 pm »

4

Chiến trận diễn biến ở phía xã Bình Sơn. Ngày mồng một Tết, dưới sự chỉ huy của xã đội trưởng Tư Chiến và bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội Bảy Tị, các lực lượng vũ trang và quần chúng đã tràn lên lộ 80 bao vây đồn Vàm Rầy, đồn Ranh Hạt và đồn Kinh Tư. Qua một ngày đêm không lúc nào ngớt tiếng tù và, tiếng trống, mõ, tiếng loa kêu gọi đã uy hiếp tinh thần địch. Tối ngày thứ hai đồn Ranh Hạt và đồn Kinh Tư phải bỏ chạy. Du kích thu được một trung liên và nhiều súng tự động.


Ngày mồng ba, khoảng một đại đội địch từ Kiên Lương (Hà Tiên) theo đường bộ tới hòng giải tỏa cho bọn lính ở đồn Ranh Hạt, nhưng chúng đến quá muộn. Du kích đã chiếm đồn, bố trí sẵn trong công sự. Du kích bất ngờ nổ súng. Chúng chưa kịp nhìn thấy đối phương, đã bị chết hàng chục tên. Trận đánh kéo dài cho tới chiều, địch vẫn không tiến thêm được một bước. Phía ta quân số có một trung đội, số thương vong đã lên tới bảy người, nhưng khí thế chiến đấu không hề giảm sút. Địch thấy không đủ sức kéo dài trận đánh, buộc phải khênh cáng nhau rút chạy.


Từ hôm đó không còn lực lượng nào đến chi viện cho bọn bị vây. Du kích hoàn toàn làm chủ đoạn đường từ Vàm Rầy đến Ranh Hạt kéo dài hai tháng trời, cả xã Bình Sơn lúc này địch chỉ còn lại đồn Vàm Rầy đang bị trong vòng vây rất chặt. Bọn địch trong đồn đã hết gạo, chúng phải dùng mũ sắt để giã thóc lấy gạo nấu cháo sống cầm hơi.


Các nơi lực lượng tiến công của ta đã rút khỏi các thị tứ, thị xã. Địch rảnh tay mở rộng các cuộc phản kích ra những vùng nông thôn. Du kích Bình Sơn không còn đủ sức trụ giữ trên tuyến lộ 80, phải rút lực lượng ra mé biển.


Hai tháng tổng tiến công và tổng khởi nghĩa, toàn huyện Hòn Đất đã quét hàng chục đồn bốt nhỏ (cấp tiểu đội, trung đội), cắt đứt tuyến lộ Rạch Giá - Hà Tiên, mở rộng vùng giải phóng. Các xã Nam Thái, Mỹ Lâm, Bình Sơn mỗi xã chỉ còn một đồn địch. Xã Sóc Sơn và Thổ Sơn đã mở rộng thêm vùng làm chủ.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2021, 06:56:55 pm »

5

Những ngày tổng công kích và tổng khởi nghĩa lực lượng vũ trang của huyện Hòn Đất đã dốc sức vào những trận đánh kéo dài liên tục, chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức và nhất là chưa kịp bổ sung số vũ khí đã hao hụt. Khi địch điên cuồng phản kích, lực lượng vũ trang không còn đủ sức ngăn chặn địch lan tràn vào các ấp xã đã được giải phóng. Cuộc sống của nhân dân ở vùng giải phóng bị đảo lộn, không có mấy ngày được yên ổn. Địch đưa quân tới càn quét bắt bớ cán bộ, phá cơ sở cách mạng. Máy bay Mỹ tới rải thuốc hóa học phá rừng tràm, phá hoa màu. Trực thăng Mỹ, tàu "FOCA" Mỹ đổ bộ đánh phá căn cứ... gây thiệt hại lớn cho phong trào cách mạng. Nhân dân, những gia đình cách mạng luôn luôn phải đối phó với những tình huống nghiệt ngã. Thời kỳ này chỉ riêng xã Nam Thái, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương các mẹ, các chị dám xả thân để bảo vệ cán bộ và bộ đội.


Mặc dầu sự khủng bố của địch luôn luôn đè nặng, nhưng nhiều gia đình vẫn có hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ, bộ đội. Gia đình bà Phạm Thị Nguyệt là một trong những tấm gương đó. Bà Nguyệt anh em thường gọi là má Phụng. Từ sau ngày đồng khởi, mỗi lần đi công tác lẻ qua xã Nam Thái anh em bộ đội huyện, tỉnh thường tới nghỉ ở nhà má Phụng. Họ tin cậy má Phụng như mẹ đẻ của mình. Má cũng có bốn người con trai là bộ đội, hai trong số đó là liệt sĩ. Má chuyển tình thương yêu những giọt máu của mình thành tình cảm cách mạng. Nuôi chứa cán bộ, bộ đội ở thời điểm này hoàn toàn khác những ngày trước Tết Mậu Thân. Địch sục vào ấp như cơm bữa, không có lực lượng nào ngăn cản chúng. Một lần có năm anh cán bộ và bộ đội ở hầm bí mật trong nhà má. Em Trung - thằng bé hàng xóm lên mươi tuổi tới phiên gác. Ngồi trên cây cao, Trung vừa ăn xôi, vừa nhìn bốn phía. Đúng vào lúc miệng em đầy xôi, địch tới gần. Em ú ớ không phát được ám hiệu báo động.


Nghe thấy tiếng ú ớ của Trung như người bị bóp cổ, mọi người biết địh đến gần. Hai anh bộ đội thiếu bình tĩnh chạy ra ngoài đồng, đã bị chúng bắn chết. Còn lại hai anh ở trong nhà, chưa kịp xuống hầm bí mật, các anh đã lợi dụng vỉa hè làm công sự chống lại chúng. Bọn địch chết và bị thương ba tên. Chúng phải rút lui. Địch chạy xa rồi, mọi người mới tin rằng mình còn sống. Thật hú vía. Chỉ chậm một chút xíu nữa là chết hết với chúng nó.


Giữa thời kỳ này xã phát động mỗi gia đình có từ một tới ba hầm bí mật để nuôi chứa bộ đội và thương binh. Nhà má mới có một cái hầm, má nhất quyết phải đào thêm hai cái nữa. Ở nhà với má chỉ còn Bé Năm mới mười lăm tuổi và Út Tuân là con trai út mười tuổi. Ban ngày bé (gái) Năm với út Tuân cuốc xới đám đất ở đầu nhà để có đất mới, tối đến ba mẹ con thay nhau đào hầm bưng đất tới đổ lên đám đất mới cuốc để xóa dấu vết. Từ ngày có ba cái hầm bí mật, trong nhà má không mấy ngày vắng khách. Có chỗ ở lại nghĩ tới cái ăn. Chỉ có ba mẹ con chân yếu tay mềm, nhưng má cấy tới mười công đất, có vụ được ba trăm giạ lúa. Phần lớn số lúa dành cho việc nuôi chứa cán bộ và bộ đội. Sau này khi kể chuyện lại những ngày gian khổ ấy, má thường nói: "ở xã Nam Thái cứ 100 bà má thì có tới 99 bà má làm như vậy. Có bà má nhà hết gạo, phải đi vay chịu đến mùa trả, để nuôi cán bộ, bộ đội...". Má Phụng thấy việc nuôi chứa những người cách mạng như một nghĩa vụ thiêng liêng, giống như con mình đẻ dứt ruột ra mình phải yêu thương chăm sóc vậy. Má không còn nhớ bao nhiêu lần vì việc nuôi chứa cán bộ, bộ đội mà tính mạng gia đình má bị đe dọa. Hai lần địch bắt đưa má vào nhà tù tra tấn, gần một năm trời má không hề khai báo một lời. Khi ở nhà tù về, má lại bắt tay ngay vào những công việc âm thầm của một bà mẹ chân chính trong chiến tranh, lại lam làm nuôi con, nuôi bộ đội.


Một lần nữa vào giữa năm 1968, đêm đã khuya chị Sáu Tháo, bí thư chi bộ đưa hai anh bộ đội đến nhà má. Trong nhà má lúc này có một thương binh do quân y huyện đội gửi. Anh thương binh ấy là con trai của má. Sáu Tháo vừa nói:

- Chúng con tới nhờ má vài bữa...

Không chờ Sáu Tháo nói dứt câu, má đã hỏi:

- Bọn bây đã ăn cơm chưa, để má bảo em nó đi nấu.

- Chúng con ăn hồi tối còn no.

- Nếu vậy thu xếp chỗ ngủ đi. Bọn bây cứ ngủ trên nhà, đã có tao gác cho. Cửa hầm ngay dưới gầm giường này.


Bọn trẻ vừa đặt lưng, đã có tiếng ngáy. Má ngồi ghé vào thành giường nhìn vào khoảng không đen tối. Tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng chó sủa từ xa văng vẳng đưa vào tâm trạng của má nỗi buồn lo mênh mông. Chiến tranh không biết kéo dài đến bao giờ. Mỗi lần gác đêm cho cán bộ, bộ đội ngủ là hình ảnh đứa con xa lại hiện về. Thằng Hai Lượng đẹp trai, hiền hậu ít nói, là đoàn viên thanh niên lao động tự nhiên bỏ ấp vào lính ngụy. Trong ấp nhiều người chê bai má không biết dạy con. Đúng là thằng Hai đã vào lính ngụy, nhưng má vẫn không tin nó sẽ hư hỏng, má đau khổ âm thầm chẳng biết thanh minh với ai. Hơn một năm sau Hai Lượng đeo cái lon trung sĩ ngụy về thăm má, nhìn thấy con má vừa thương vừa giận. Hai Lượng biết tâm trạng của mẹ, anh rỉ tai mẹ: "Con không bao giờ phản bội Tổ quốc đâu. Má cứ an tâm". Từ đó má gặp mọi người trong ấp không bị mặc cảm giày vò. Ít lâu sau Hai Lượng bắt sống tên Cuông, đồn trưởng mang theo súng về với cách mạng, bà con trong ấp mới vỡ lẽ "à, ra là như thế". Hoàn thành nhiệm vụ công tác nội tuyến, Hai Lượng xin vào đơn vị đặc công của quân khu. Má nhiều lần nhận được tin con lập chiến công, và cách đây vài ngày má nhận được tin Hai Lượng đã hy sinh trong dịp Tết Mậu Thân, rồi tiếp đến đứa con trai thứ hai... Má nhận đủ tất cả nỗi lo âu cay đắng của người mẹ chiến sĩ trong chiến tranh.


... Mờ sáng má ra đứng ở chái nhà, nhìn ra cánh đồng, thấy xe tăng của địch bò lổm cổm như cua. Chết rồi! Chúng nó đi ngược chiều gió nên không nghe thấy tiếng động cơ. Má vội vàng quát tháo om sòm:

- Sáng bảnh mắt ra rồi, không đứa nào chịu dậy xem lợn gà.

Nghe tiếng má nói to mọi người bật dậy, biết có địch tới gần, họ nhanh nhẹn chui xuống hầm bí mật.

Xe M113 dừng lại ở ngoài đồng, bọn lính ngồi trên xe nhảy xuống, xách súng kéo nhau vào nhà má Phụng. Một thằng hạ sĩ nói với má:

- Bà cho chúng tôi nấu nhờ một bữa cơm. - Chẳng chờ má trả lời được hay không được, tên hạ sĩ nói tiếp. - Nhà bà có gà hay có chó thì càng tốt, cho chúng tôi một con.

- Nhà tôi có mấy con gà nhép đó. - Má Phụng chỉ mấy con gà đang bới ở bờ rào trước cửa, rồi nói tiếp. - Có rau mùng tơi đó, các anh hái mà ăn tạm vậy.

Con chó tỏ ra không ưa gì bọn lính ngụy, nó lui ra một góc vườn rồi gầm gừ thỉnh thoảng lại sủa gâu gâu vài tiếng.

Thằng hạ sĩ vẫn lải nhải:

- Đi đêm hôm mệt mỏi, canh mùng tơi sao lại sức bà ơi.

Má Phụng nghĩ tới mấy đứa con mình đang ở dưới hầm bí mật, chỉ có một cái lỗ thông hơi bằng cái ống tre, nếu kéo dài thời gian chúng có thể bị ngạt. Làm sao đẩy nhanh bọn khốn nạn này đi càng nhanh càng tốt. Má nói với thằng hạ sĩ:

- Con chó nó dữ lắm, nếu các anh bắt được nó, tôi cho các anh.

Cả bọn lính reo hò đuổi theo con chó, tội nghiệp con chó, nó làm sao thoát khỏi bàn tay lũ ma quỷ ấy.

Bốn người ở dưới hầm bí mật, người nào người nấy mồ hôi đầm đìa, ai cũng có cảm giác ngạt thở. Họ phải chia nhau lần lượt, mỗi người ra ngồi cạnh lỗ thông hơi một lát. Họ nghe rất rõ tiếng cười nói của bọn lính ngụy.

Ở dưới hầm mỗi lúc thêm ngột ngạt, nếu kéo dài sẽ khó tránh khỏi cảnh chết ngạt. Họ thì thầm bàn với nhau:

- Chị Sáu... hay là ta liều... bật nắp hầm, ném lựu đạn rồi chạy.

-Không được. Có người nhà. 

- Thằng Tư xỉu rồi.

- Cho nó ra lỗ thông hơi.

Ở trên nhà, má Phụng vẫn đi lại giúp bọn lính việc này việc kia, trong bụng má như có lửa đốt, má chỉ mong bọn chúng nhanh chóng cuốn xéo đi. Bọn lính ăn uống xong. Một thằng lính tỏ ra tử tế, lấy mấy hộp thịt dúi vào tay út Tuân. Má Phụng gạt tay thằng lính và nói:

- Các anh đi trận mạc vất vả, mang theo mà ăn.

Thấy xe nổ máy, bọn lính vội vàng chạy ra cánh đồng. Má Phụng đi kiểm tra xung quanh nhà, thấy bọn lính đã rút hết, má bảo út Tuân mở nắp hầm.

Ba người sắp ngất xỉu, chỉ còn Sáu Thảo đủ sức ra khỏi hầm. Mẹ con má Phụng xúm lại kéo từng người bị đuối sức ra ngoài. Tư Nhuần trong tình trạng bất tỉnh, mặt trắng bệch như sáp, mắt nhắm nghiền, làm cho má Phụng lo sợ. Mọi người lay gọi hồi lâu Nhuần mới hồi tỉnh.

Nỗi lo sợ nhanh chóng qua đi. Sáu Tháo cười nói với má Phụng:

- Chỉ mươi phút nữa thôi thì chúng con vĩnh biệt má rồi. Lần trước con với Út Dơi, Út Gói cũng bị ngạt nhưng không đến mức như thế này.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM